Thứ Năm, 28 tháng 3, 2013

HỒI KÝ BÊN GIÒNG LỊCH SỬ - KỲ 10


1.    2.   3.    4.    5.    6.    7.    8.    9.    

10.    11.    12.    13.    14.    15.  


BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965
Linh Mục Cao Văn Luận

33. Ông Diệm trở về nước lập chính phủ: 7.7.1954
34. Công đầu của Tổng Thống Diệm: Định cư 1.000.000 người

33. Ông Diệm trở về nước lập chính phủ: 7.7.1954

Tôi lại tiếp tục dạy học.
Cuối năm 1953, đầu 1954 tại miền Trung, Pháp tung ra cuộc hành quân Atlante từ bốn mặt đánh vào chiến khu 5, tức vùng Nam Ngãi-Bình-Phú. Tết năm đó một bộ lạc Batna trong vùng rừng núi Quảng Ngãi nổi loạn tàn sát một đơn vị Việt Minh đang dưỡng quân. Xác chết lính Việt Minh theo dòng sông trôi ra tận biển. Cuộc nổi loạn do gia đình họ Đinh khởi xướng, và hình như được Phòng Nhì xúi giục, để tạo ra hỗn loạn bên trong.
Từ ngoài một cánh quân từ Nha Trang kéo ra, một cánh quân khác từ Lào tràn xuống, còn phía biển và Đà Nẵng cũng có một cánh quân đánh thốc lên. Quân Việt Minh trong trận này bị thiệt hại nhiều. Tướng Navarre coi chiến thắng này tương tự chiến thắng vùng châu thổ sông Hồng của De Lattre năm 1950-1951. Ông thêm tự tin và tung ra hành quân Castor, đổ quân nhảy dù và quân bộ xuống thung lũng Điện Biên Phủ, ngày 20.11.1953, Điện Biên Phủ được Tướng Navarre coi như một tiền đồn chiến lược chận ngang đường tiếp tế và chuyển quân Việt Minh từ Lào về, từ Trung Cộng xuống.
Điện Biên Phủ có hai mục đích chiến lược là chận đường tiếp tế và chuyển quân của Việt Minh đồng thời các đơn vị xung kích từ đó tỏa ra quanh vùng rừng núi Việt Bắc, thọc vào lòng địch. Lịch sử đã cho biết những tính toán của Tướng Navarre đã sai lầm như thế nào tôi tưởng không cần nói nhiều làm gì.
Vào đầu năm 1954 lúc tình hình chiến sự biến chuyển mạnh, và thời gian đầu có vẻ thuận lợi cho Pháp thì về phía chính trị, Bửu Lộc được trao nhiệm vụ thành lập một chính phủ liên hiệp chuyển tiếp nhưng tính cách liên hiệp chỉ có danh vô thực.
Ông Bửu Lộc đem theo những bạn thân du học với ông ở Pháp cũng là những người tôi có quen biết như Nguyễn Đắc Khê, Nguyễn Quốc Định. Tôi không thấy có một nhân vật quốc gia tiếng tăm nào tham gia vào chính phủ Bửu Lộc. Nguyễn Văn Tâm không còn làm Thủ Tướng nữa, nhưng Nguyễn Văn Hinh vẫn nắm Quân Đội và Công An nghĩa là nắm hết thực quyền.
Tình hình biến chuyển nhanh chóng. Ngày 29.11.53 Tướng Castries được chỉ định làm Chỉ Huy Trưởng Điện Biên Phủ.
Ngày 14.12, cụ Hồ lên tiếng trên đài phát thanh bí mật của Việt Minh đề nghị thương thuyết, Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm bác bỏ. Ngày 3.2.1954, cũng nhằm ngày Tết âm lịch trận đánh Điện Biên Phủ mở màn. Việt Minh bắn trên 100 đạn đại bác 75 ly xuống Điện Biên Phủ trong vòng không đầy 1 giờ. Từ ngày đó trận đánh càng ngày càng khốc liệt, càng thất thế đối với Pháp. Nhưng trận đánh lớn chỉ thực sự bắt đầu từ ngày 11.3.
Lúc đầu Việt Minh chính thức đọc lời hiệu triệu của Hồ chí Minh và Võ nguyên Giáp gửi chiến sĩ và nhân dân toàn quốc. Ngày 12.3, nửa đêm, phi trường chính của Điện Biên Phủ bị quân Việt Minh đánh tràn vào, đặt mìn phá phi đạo, để lại những truyền đơn cảnh cáo, Điện Biên Phủ sẽ là mồ chôn quân Pháp, và đế quốc Pháp. Đêm 13, đồn Beatrice thất thủ, Đại Tá Gauchet, Chỉ Huy Trưởng pháo binh Pháp tại Điện Biên Phủ bị đạn pháo binh Việt Minh bắn bị thương cụt cả hai tay, hai chân, và chết ít phút sau đó. Đêm 15, đồn Gabriélle Anne Marie thất thủ. Sáng 7.5 Điện Biên Phủ đầu hàng 10.000 quân Pháp bị bắt làm tù binh.
Những chi tiết lịch sử này, tôi chỉ nhắc lại để làm hậu cảnh cho câu chuyện nhỏ tôi đang kể mà thôi, 25 tháng tư, một ngày thứ hai, Hội Nghị Genève khai mạc trước đó, qua trung gian Nga nhiều cuộc thăm dò giữa Pháp và Việt Minh đã được mở ra. Trong phiên họp sáng hôm sau ngày Điện Biên Phủ thất thủ, Ngoại Trưởng Pháp Georges Bidault đưa đề nghị ngưng bắn có giám sát quốc tế. Trong hành lang, vĩ tuyến 18, tức Đèo Ngang trong vùng Quảng Bình, hay sông Gianh ranh chia phân Nam Bắc thời Trịnh Nguyễn được phe Đồng Minh nhắc đến, phía cộng sản thì hình như chọn vĩ tuyến 16, ngang Đèo Hải Vân. Việt Minh muốn chiếm Huế, vì đối với dân Việt Nam, Huế vốn là kinh đô, có Huế tức là còn giữ được kinh đô.
Trong tình trạng suy sụp của phe Pháp, Bảo Đại đã nằm lì ở Cannes, và tên ông Diệm càng lúc càng được nhắc đến. Một đại diện của Bảo Đại đến gặp ông Diệm ở Pháp, và chính thức yêu cầu ông về lập nội các. Những cuộc tiếp xúc và thăm dò kéo dài đến tháng 7, và ngày 7.7.1954, ông Diệm về nước làm Thủ Tướng.
Những chuyện này thuộc lịch sử, tôi không muốn nói đến nhiều.
Theo những nhận định của người am hiểu thời bấy giờ thì tình hình đen tối đến cái độ không một phép lạ náo có thể cứu vãn được, và ông Diệm về nước khó mà thành công, trái lại rất dễ tiêu tan uy tín và sự nghiệp chính trị. Có thể trong thâm ý của Bảo Đại và người Pháp việc đưa ông Diệm về là để đốt cháy tương lai chính trị của ông mà thôi.
Ngày 26 tháng 4, nghĩa là mấy hôm sau khi Hội Nghị Genève đã chính thức khai mạc, Thứ Trưởng Ngoại Giao Pháp đặc trách vấn đề Đông Dương là ông Marc Jacquet đến Cannes viếng thăm Bảo Đại và thông tri cho Bảo Đại rõ ý định của các quốc gia Đồng Minh muốn chính phủ quốc gia Việt Nam cử một phái đoàn đại diện tham dự Hội Nghị Genève với tư cách quan sát viên. Vào ngày 30 Bảo Đại nhận được một văn thư chính thức của các Ngoại Trưởng Pháp, Anh, Mỹ bày tỏ ý muốn tham khảo về vấn đề Việt Nam với một đại diện của Bảo Đại. Báo Pháp tố cáo rằng sở dĩ Việt Minh chần chừ trong việc thỏa thuận cho phép di tản thương binh khỏi Điện Biên Phủ là vì sự do dự của Bảo Đại trong việc tham dự hội nghị Genève, làm cho phe Đồng Minh gặp khó khăn, mất chính nghĩa.
Trước áp lực của Pháp, của dư luận Pháp và quốc tế, Bảo Đại chấp nhận cử một phái đoàn quan sát do Nguyễn Quốc Định cầm đầu tham dự Hội Nghị Genève. Phái đoàn này không có tính cách độc lập, mà chỉ là một phái đoàn nằm trong bộ phận thương thuyết của Pháp, nó cũng chẳng có quyền hành gì và chỉ là một phái đoàn quan sát và cố vấn cạnh phái đoàn Pháp.
Lúc bấy giờ hình như Bảo Đại tin tưởng rằng nhờ áp lực của Đồng Minh, nhất là của Mỹ, một giải pháp cho Việt Nam sẽ không hoàn toàn thất lợi cho phe quốc gia.
Nguyễn Quốc Định trong thời gian làm Trưởng phái đoàn Việt Nam tỏ ra khôn khéo, cứng rắn đúng mức, không đến nỗi làm nhục quốc thể. Ông đồng ý việc phái đoàn Việt Minh tham dự Hội Nghị Genève cạnh một phái đoàn quốc gia, nhưng trong các lời tuyên bố và diễn văn ông luôn nhấn mạnh rằng sự đồng ý này không có nghĩa là thừa nhận chính phủ Việt Minh là chính phủ hợp pháp.
Sáng ngày 3.5, một văn thư mời chính thức được gởi đến Bảo Đại và chính phủ Việt Nam. Ngày 9.5 phiên họp có thể coi là khoáng đại và chính thức của Hội Nghị Genève khai mạc. Như chúng ta biết, ngày 8.5 là ngày Điện Biên Phủ thất thủ, 10.000 quân Pháp bị bắt làm tù binh. Báo chí, dư luận Pháp đòi hỏi chính phủ phải làm mọi cách để thanh toán vấn đề Đông Dương. Phía Việt Minh, Phạm văn Đồng cầm đầu phái đoàn cộng sản. Mỹ không chính thức tham gia Hội Nghị mặc dù Pháp khẩn khoản yêu cầu Mỹ nên cử một Ngoại Trưởng tham dự, để làm mạnh thế phe Đồng Minh.
Lúc bấy giờ Ngoại Trưởng Mỹ là ông Foster Dulles đã được Ngoại Trưởng Pháp là ông Bidault và Anh là Anthony Eden tiếp xúc nhiều lần, nhưng ông Dulles từ chối. Cuối cùng Mỹ chỉ cử một Thứ Trưởng Ngoại Giao là ông Bedell Smith cầm đầu phái đoàn Mỹ. Lúc bấy giờ Mỹ cũng đã đưa ra đề nghị chấm dứt các cuộc đàm phán riêng và cạnh Hội Nghị Genève, nhưng Anh và Pháp cho rằng nhờ các cuộc đàm phán riêng và mật mà Hội Nghị mới có được những kết quả khả quan. Điểm đáng lưu ý là trong các phiên họp khoáng đại phái đoàn Nga tỏ ra cứng rắn bao nhiêu, thì trong các phiên họp riêng, họ lại tỏ ra mềm dẻo và nhượng bộ bấy nhiêu.
Phái đoàn Việt Minh đòi hỏi cho hai phái đoàn Lào Cộng và Miên Cộng tham dự hội nghị với tư cách đại diện thẩm quyền cho dân tộc Lào và Cam-Bốt. Phe Đồng Minh bác bỏ. Nga đưa giải pháp dung hòa là hai phái đoàn Lào và Miên được tham dự với tư cách quan sát viên mà thôi. Cũng trong các phiên họp kín này hai phe đã đồng ý về việc ấn định các thể thức ngưng bắn giữa Pháp và Việt Minh bằng các phiên họp riêng của hai bộ phận quân sự Pháp và Việt Minh, cạnh Hội Nghị Genève.
Ngày 10.6 trong một phiên họp khác, Tạ Quang Bửu, bộ trưởng quốc phòng Việt Minh đề nghị một giải pháp ngưng bắn và tập kết lấy vĩ tuyến 16 làm ranh phân chia. Hội Nghị Genève kéo dài không kết quả, chính phủ Pháp càng bị dư luận dân chúng và Quốc Hội chỉ trích nặng nề. Ngày 13.6 Quốc Hội biểu quyết bất tín nhiệm chính phủ Laniel và theo hiến pháp phe đối lập do Mendes France cầm đầu được đề cử thành lập tân nội các. Ngày 17.6 nội các Mendes France được tấn phong. Ông Mendes France hứa sẽ giải quyết vấn đề Đông Dương nội trong vòng một tháng.
Chính lời hứa này của ông đã làm cho chính phủ ông phải thất thế nhượng bộ nhiều, và khi đó nếu cộng sản không lo sợ Mỹ can thiệp trực tiếp vào Việt Nam thì Việt Minh có thể được thỏa mãn trong yêu sách phân chia từ vĩ tuyến 16. Vào cuối tháng 6, Thủ Tướng Anh Winston Churchill và Ngoại Trưởng Anthony Eden đi Mỹ, với mục đích thuyết phục Mỹ về phe Anh Pháp một cách rõ rệt và công khai hơn. Lúc bấy giờ Ngoại Trưởng Mỹ Foster Dulles trong chính quyền Eisenhower có vẻ sẵn sàng chấp nhận giải pháp chia đôi Việt Nam thành hai vùng, với điều kiện là vùng thuộc phe Đồng Minh sẽ thực sự được độc lập, và Pháp từ bỏ những nỗ lực khống chế chính trị và kinh tế tại vùng quốc gia. Vấn đề còn lại chỉ còn là chọn một ranh phân chia, và lập những thủ tục rút quân.
Vào giai đoạn cuối của Hội Nghị Genève, phái đoàn Mỹ không có một nhân vật thượng hạng nào cầm đầu. Ngoại Trưởng Dulles hay Thứ Trưởng Smith đều không tham dự, vì ý Mỹ muốn đứng ngoài, không trực tiếp chịu trách nhiệm phê chuẩn hiệp ước.
Pháp muốn kéo Mỹ vào phe họ, nghĩ ra một cách là mời Ngoại Trưởng Mỹ Foster Dulles viếng thăm Ba Lê ngày 12 tháng bảy, và họp hội nghị tay ba Pháp Anh Mỹ tại đây. Thủ Tướng Mendes France cam kết rằng Pháp sẽ từ bỏ mọi hành động khống chế và chi phối chính trị kinh tế tại vùng phía Nam ranh phân chia và trao trả độc lập thực sự cho phần đất quốc gia này. Cái vẻ đoàn kết của ba cường quốc Đồng Minh đã làm cho tư thế của Pháp khá hơn đôi chút tại Hội Nghị Genève. Phe cộng sản lo sợ rằng nếu họ gắng quá có thể đẩy phe Đồng Minh đến cái thế phải can thiệp bằng quân sự trở lại ở Đông Dương dưới một danh nghĩa quốc tế, như họ đã làm ở Cao Ly.
Lúc này ông Diệm đã bổ nhiệm Ngoại Trưởng Trần Văn Đỗ trong chính phủ ông thay thế Nguyễn Quốc Định cầm đầu phái đoàn Việt Nam. Trần Văn Đỗ từng quen biết với Phạm văn Đồng, ngay sau lúc đến Genève tìm cách gặp riêng Đồng, nhưng Đồng đã chấp nhận việc phân chia Việt Nam làm hai miền, không đề cập đến một giải pháp nào khác, và chỉ nói những câu chuyện đại cương trong cuộc gặp gỡ riêng giữa hai người bạn cũ theo hai phe thù nghịch này.
Trần Văn Đỗ phản kháng chính phủ Pháp đã có những hành động nguy hại cho sự tồn vong của Việt Nam mà không hề tham khảo với chính phủ Việt Nam. Sự cứng rắn của ông Đỗ đã làm cho Pháp lúng túng, ông Đỗ cũng tố cáo rằng Pháp đã chấp nhận vĩ tuyến 18 tức là Đèo Ngang làm ranh phân chia. Pháp lại phải nhờ Anh và Mỹ trấn an Việt Nam.
Ngày 18.7 trong một phiên họp khoáng đại, ông Đỗ theo lệnh ông Diệm đọc diễn văn từ khước ký kết vào bất cứ thỏa ước ngưng bắn nào được ký đến giữa Pháp và Việt Minh.
Chính phủ Mendes France đã đạt cái thời hạn hứa hẹn với Quốc Hội là giải quyết vấn đề Đông Dương nội trong một tháng. Quốc Hội Pháp rục rịch biếu quyết bất tín nhiệm chính phủ Mendes France.
Quá nửa đêm ngày 20.7 vào những giờ đầu ngày 21.7 thỏa ước ngưng bắn được ký kết giữa từng phe liên hệ, như thỏa ước ngưng bắn tại Việt Nam được ký kết giữa Tướng Pháp Délteil thay mặt Tham Mưu Trưởng là Tướng Ely và Tạ quang Bửu, bộ trưởng quốc phòng Việt Minh. Chiều ngày 21.7 một phiên họp khoáng đại được triệu tập, và các trưởng phái đoàn tham dự của 9 quốc gia chấp nhận bằng lời bản Tuyên Bố Chung Kết của Hội Nghị Genève.
Trong lúc đó, tại Việt Nam, ông Diệm cố gắng cải tổ guồng máy chính quyền, tập trung quyền hành vào tay ông nhưng gặp sự chống đối mạnh mẽ của phe Nguyễn Văn Hinh và Bình Xuyên. Sau khi về nước được vài hôm, vào giữa tháng bảy ông Diệm ra Huế. Lúc bấy giờ Phan Văn Giáo vẫn còn làm Thủ Hiến Trung Việt, ý chừng muốn được ông Diệm thu dụng, đã tổ chức một cuộc đón tiếp linh đình từ sân bay Phú Bài về đến Phú Vân Lâu. Tại đây dân chúng tụ tập hàng vạn người, đã hân hoan chào mừng ông Diệm. Ông Diệm lên đọc diễn thuyết nói quyết tâm của ông muốn dành lại độc lập thực sự và hoàn toàn cho Việt Nam, kêu gọi đoàn kết.
Tôi có ghé qua cuộc mít tinh tại Phú Vân Lâu, và tôi nhận thấy cảm tình của dân chúng miền Trung đối với ông Diệm thật là chân thành và nồng nhiệt. Ngay sau đó ông Diệm về ở lại trong nhà ông Cẩn, và tôi gặp ông ở đây. Ông Diệm niềm nở chào tôi, lúc đó nét mặt ông có vẻ lo lắng, tư lự, nhưng cố gắng tươi cười với tôi. Tôi chào mừng ông và trong câu chuyện riêng chỉ có ông Diệm, ông Cẩn, và tôi, tôi nói cảm nghĩ của tôi về việc ông về nước.
- Thưa Cụ, tôi sợ rằng người Pháp và Bảo Đại đã không thành thực khi mời Cụ về chấp chánh lúc này. Tình thế khó khăn lắm ngoại trừ một phép lạ khó có thể thành công được. Tôi lo rằng nếu thất bại Cụ sẽ khó có cơ hội thứ hai.
Ông Diệm gật gù:
- Cha nói đúng. Nhiều người bạn ở Pháp cũng nói như vậy. Tôi cũng biết điều đó, nhưng tôi cho rằng lúc này không thể chờ đợi lâu hơn được nữa, vì theo tôi đây là cơ hội cuối cùng, không còn cơ hội thứ hai nào khác nữa. Nếu bây giờ tôi không về vì ngại khó khăn và thất bại thì không bao giờ về được nữa. Thành công hay thất bại tôi cũng phải về. Tôi lo cho số phận Giáo Hội Công Giáo, và phe quốc gia Việt Nam nên tôi phải cố gắng cứu vãn những gì còn hy vọng cứu vãn được. Tôi tin rằng chúng ta sẽ thành công.
Tôi đành đồng ý với ông Diệm về cái lý luận đường cùng này và xoay qua câu chuyện khác:
- Thưa Cụ, những anh em trí thức ở ngoại quốc có những ai về hợp tác với Cụ?
Mặt ông Diệm có vẻ tươi vui hơn đôi chút:
- Hầu hết những người anh em trí thức mà Cha đã biết đều về hợp tác với tôi như các anh Nguyễn Văn Thoại, Trần Hữu Phương, Trương Công Cừu ở Pháp. Những anh em ở Mỹ thì có các anh Đỗ Vạn Lý, Đỗ Trọng Chu, Bùi Kiến Thành v.v…
Tôi nhớ đến Bửu Hội, một người trong Hoàng Phái nhưng không hợp tác với Bảo Đại:
- Cụ có mời Giáo Sư Bửu Hội không?
Ông Diệm cau mày, ngập ngừng một lúc, rồi nói:
- Tôi chưa biết lập trường, thái độ của ông Bửu Hội như thế nào nên chưa tiện mời, nhưng có lẽ sau này tôi sẽ cho người tiếp xúc và mời ông về.
Ông Diệm ở Huế vài hôm rồi vào lại Sài Gòn. Trước khi ông đi, tôi có đến gặp ông thêm một lần tại nhà ông Cẩn. Câu chuyện trao đổi lần này không có gì đặc biệt. Tôi đến gặp ông chỉ để bày tỏ thiện cảm của tôi đối với ông và mong ông nỗ lực, chúc ông thành công.
Thời gian từ ngày về nước đến ngày ký kết Hiệp Định Genève là những ngày dài nhất, đau khổ nhất của ông Diệm. Ông theo dõi từng ngày các báo cáo của Ngoại Trưởng Trần Văn Đỗ từ Genève gởi về. Ngày 20.7, Hiệp Định đình chiến được ký kết, và ngày 21 những bản phụ đính Hội Nghị Genève được các phe tham dự đồng ý chấp thuận bằng miệng.
Có lẽ lúc đó ông Diệm thấy nhẹ người hơn, vì dù sao Hiệp Định Genève cũng không hoàn toàn thất lợi cho phe quốc gia. Ranh phân chia được ấn định là vĩ tuyến 17, dọc theo sông Bến Hải. Như vậy miền Nam còn giữ được Cao Nguyên và đồng bằng Cửu Long. Huế tuy không quan trọng về phương diện kinh tế, chiến lược, nhưng lại quan trọng về phương diện lịch sử và uy tín. Miền Nam giữ được Huế thì cũng coi như giữ được kinh đô.

34. Công đầu của Tổng Thống Diệm: Định cư 1.000.000 người

Ngay sau khi Hiệp Định Genève được ký kết, các đoàn người di cư từ Bắc và Trung vào bằng đường Hàng Không, đường thủy và đường bộ bắt đầu lục tục kéo vào các Tỉnh miền Trung và Sài Gòn. Cảnh những dân di cư lếch thếch trên đường chạy trốn cộng sản thật là thương tâm. Tôi theo dõi từng ngày, và hễ mỗi khi có đoàn di cư nào từ Nghệ Tĩnh Bình vào, thì tôi lại tìm cách đến thăm viếng, an ủi, và thúc giục chính quyền địa phương tìm mọi cách giúp đỡ họ. Lúc bấy giờ chưa có một tổ chức nào chịu trách nhiệm về dân di cư.
Vào cuối năm 1954 Phủ Đặc Ủy Di Cư mới được thành lập. Nhưng nhờ thiện chí của chính quyền địa phương, sự quan tâm đặc biệt của ông Diệm đối với dân di cư, cho nên các chính quyền địa phương đã cố gắng hết sức giải quyết vấn đề di cư.
Vào khoảng tháng 10, bà Nhu tổ chức một cuộc biểu tình lớn để ủng hộ ông Diệm, đả đảo Pháp. Đoàn biểu tình bị công an xung phong Bình Xuyên chận ngay bùng binh chợ Bến Thành bắn chết 6 người, làm bị thương hàng chục người. Cảnh hỗn loạn diễn ra nhiều nơi trên các đường phố lớn ở Sài Gòn. Ông Diệm chán nản mất tin tưởng, vì từ ngày về nước đến nay, ông đã cố gắng nhiều nhưng vẫn không nắm được Công An và Quân Đội. Công An thì trong tay Bình Xuyên, Quân Đội thì trong tay Nguyễn Văn Hinh. Vài giờ sau khi tin này được loan đi thì ông Cẩn cho người tìm tôi tin cho tôi biết rằng ông Diệm đã thất vọng và chán nản cực độ, có ý định bỏ nước ra đi, ông Cẩn không khuyên tôi làm điều gì nhưng tôi đã hiểu ý ông khi ông báo tin này cho tôi biết. Tôi lập tức lấy máy bay vào Sài Gòn. Tôn Thất Trạch, Chánh Văn Phòng ông Diệm đón tôi ở Phi Trường Tân Sơn Nhất và trên đường vào Sai Gòn ông Trạch cho tôi biết rằng Cụ Diệm đang sửa soạn va li để rời Việt Nam trong vài ngày tới đây.
Tôi không kịp thay áo, vào ngay Dinh Thủ Tướng lúc đó vẫn còn được gọi là Dinh Norodom. Lúc đó khoảng 6 giờ chiều. Tôi vào ngay văn phòng ông Diệm và thấy Đức Cha Ngô Đình Thục và ông Ngô Đình Nhu đang ngồi với ông Diệm. Ba người im lặng trong cái không khí buồn thảm của một nhà có tang. Văn phòng của ông Diệm vẫn tranh sáng tranh tối.
Ngoài trời vẫn còn tỏ, nhưng trong nhà ánh sáng đã mờ. Đèn chưa được bật lên. Đức Cha Thục và ông Nhu thấy tôi vào lặng lẽ đi sang phòng bên cạnh. Khi cửa phòng đó hé mở, tôi thoáng thấy bóng vài người như là các ông Trần Chánh Thành, Trần Văn Lắm, Trần Trung Dung. Đức Cha Thục và ông Nhu không nhìn tôi, không chào hỏi cúi đầu bước qua cửa phòng bên cạnh.
Ông Diệm ngồi trong ghế bành lớn, thấy tôi vào, vẫn ngồi yên, chậm chạp đưa tay sửa lại hai cái đai quần rồi cầm chiếc áo vét máng ở lưng ghế khoác vào người. Nét mặt ông Diệm trông thật buồn thảm thiểu não, như một người đã hết sinh lực, mất chí phấn đấu. Tôi cúi đầu chào ông Diệm.
Ông chẳng nói gì, chỉ chiếc ghế đối diện ra hiệu mời tôi ngồi. Tôi ngồi xuống chờ đợi ông lên tiếng trước. Một chặp sau, ông Diệm mới cất tiếng, giọng đều đều, chán nản:
- Thưa Cha, tình hình này, tôi không thể ở lại được nữa. Tôi ở nán thêm chẳng ích lợi gì mà còn gây hỗn loạn và đổ máu cho đất nước mình thôi.
Người Pháp không thành thực. Họ vẫn dựa vào bọn Bình Xuyên và Tâm-Hinh mà phá tôi. Cha không thể tưởng tượng được các khó khăn mà người Pháp và bọn đó gây ra cho tôi. Tôi không thể làm được một việc gì hết, vì mọi mấu chốt quyền hành đều nằm trong bọn này hết. Tình thế này tôi không thể ở lại được!
Tôi im lặng một lúc, rồi nhìn thẳng vào mắt ông Diệm:
- Thưa Cụ, cách đây vài tháng, tôi đã thưa với Cụ là Cụ không nên về, vì về trong tình thế này không thể thành công được, nhưng Cụ đã hăng hái nói rằng Cụ tin tưởng ở một phép lạ của Chúa. Thưa Cụ, tuy tôi là Linh Mục, nhưng tôi không chờ đợi ở phép lạ mà chỉ trông vào cố gắng của mình trước. Cụ đã nhận lời về nước, Cụ chịu trách nhiệm không phải là Bảo Đại, người Pháp hay với bọn Bình Xuyên, bọn Tâm Hinh, mà với quốc gia Việt Nam, dân tộc Việt Nam và bây giờ đặc biệt Cụ phải nhận trách nhiệm với hàng trăm ngàn dân di cư đã tin tưởng nơi Cụ mà kéo vào đây. Dù Chúa không ban phép lạ Cụ cũng không có quyền đào ngũ lúc này. Vả lại phép lạ của Chúa chỉ xảy ra khi con người đã làm hết sức mình. Cụ thử xét lại xem Cụ và những người quanh Cụ đã làm hết sức mình để đối phó với tình thế chưa? Đồng bào di cư Bắc và Nghệ Tĩnh Bình là một gánh nặng, nhưng cũng có thể là một sức mạnh, Cụ đã nghĩ đến chuyện nhờ đến sức mạnh đó chưa? Những đồng bào di cư hiện đang sống khốn khổ, bấp bênh trong các trại tạm cư chen chúc nhau hàng chục người trong một căn phòng vài thước vuông vức, Cụ có thể nỡ lòng bỏ họ trong tình trạng đó sao?
Ngoài Cụ không có ai nghĩ đến chuyện lo cho đồng bào di cư cả. Cụ ra đi lúc này, họ sẽ chết, vì về Bắc thì không thể được nữa rồi mà ở lại không có người lãnh đạo giúp đỡ thì làm sao sống được nơi đất lạ? Mọi người đều biết không phải Bảo Đại hay Nguyễn Văn Hinh muốn và có thể giúp đỡ dân di cư được.
Ông Diệm im lặng và chăm chú nghe tôi càng lúc mặt Ông Cụ càng có vẻ quyết liệt hơn. Tôi nói tiếp:
- Cụ nên ở lại thêm vài tháng nữa, hãy cố gắng hết sức mình. Thành công thì khó chớ dọn va li ra đi khi nào cũng được. Cụ nên cố gắng thêm vài tháng rồi lúc đó nếu hết cách thì dọn va li cũng chưa muộn gì. Cụ nên tập trung mọi phương diện, mọi nỗ lực giải quyết vấn đề đồng bào di cư trước. Một khi Cụ định cư họ được thì chính họ sẽ là lực lượng hậu thuẫn nòng cốt cho Cụ.
Cụ Diệm vẫn còn phân vân:
- Nếu bây giờ tôi ở lại, thì Cha thấy rằng thái độ của quốc dân sẽ ra sao?
Tôi trả lời ông không chút do dự:
- Trừ một số nhỏ theo Tây, theo Bình Xuyên, toàn dân vẫn tin tưởng nơi Cụ. Phần lớn các Tỉnh Trưởng nhất là ở miền Trung, đều ủng hộ Cụ. Vả lại họ là những kẻ thuộc cấp, họ chỉ tuân lệnh, những kẻ có danh nghĩa, danh nghĩa ở nơi Cụ. Cụ là Thủ Tướng chính phủ, Bảo Đại thì ở Cannes, vậy chỉ có Cụ có tư cách ra lệnh và lệnh của Cụ chắc chắn sẽ được tuân hành. Cụ có thể ra chỉ thị cho họ tổ chức những cuộc biểu tình khắp nơi trên toàn quốc, lần lượt, và cuối cùng phối hợp thành một ngày tổng biểu tình. Sự biểu dương lực lượng quần chúng này chắc chắn sẽ làm cho Pháp và bọn Bình Xuyên, Tâm Hinh phải nể nang mà không dám lộng hành nữa.
Hơn nữa Cụ đi lúc này tức là mắc mưu người Pháp, Bảo Đại, bọn Tâm-Hinh họ muốn Cụ về để tự đốt cháy uy tín và sự nghiệp chính trị. Cụ đi thì khác nào thú nhận sự bất lực với họ, chịu thua họ.
Ông Diệm vui nét mặt, đứng thẳng người:
- Cha nói đúng. Nếu tôi đi lúc này thì đúng là mắc mưu người Pháp. Họ đem tôi về rồi làm mọi cách để cho tôi thất bại, để cho tôi phải tự ý bỏ đi. Vậy bây giờ theo ý Cha, tôi quyết ở lại, không phải vài tháng mà cho đến bao giờ hoàn tất sứ mạng.
Có điều lạ là những người quanh tôi không một ai khuyên tôi ở lại. Họ đều đồng ý rằng ở lại không thể làm gì được và tôi nên ra đi để tránh cảnh hỗn loạn đổ máu cho đất nước. Tôi sẽ nghe lời Cha, dồn mọi nỗ lực vào việc giúp dân di cư, không phải mai sau, mà ngay bây giờ. Tôi đã nghĩ ra một cách để đối phó với bọn Bình Xuyên, Tâm-Hinh.
Ông Diệm ngắt lời, và không nói gì thêm. Tôi yên tâm ra về ngày hôm sau trở lại Huế. Vài hôm sau tôi hiểu ra cái cách ông Diệm nói úp mở trong đoạn cuối câu chuyện là cách gì. Cụ dùng mọi cách chuyển các Tiểu Đoàn Bảo Chính Đoàn, Bảo An Đoàn, các lực lượng quân sự Việt Nam từ Bắc và Trung vào Sài Gòn bằng những phương tiện nhanh nhất.
Mặt khác ông Diệm cho thay thế một số Chỉ Huy Trưởng, Đơn Vị Trưởng mà không qua hệ thống của Nguyễn Văn Hinh, cũng không tham khảo với người Pháp. Mặt khác có lẽ ông đã chỉ thị mật cho các Tỉnh Quận Trưởng khắp nơi, cho nên lục tục có những cuộc biểu tình nổi lên khắp nơi ủng hộ ông. Những khẩu hiệu đả đảo Bảo Đại bắt đầu được tung ra.
Ông Diệm cũng thành lập một hệ thống Công An Cảnh Sát riêng không nằm trong tay Bình Xuyên. Hình như ông Mai Hữu Xuân cầm đầu hệ thống này. Tại Huế, Sài Gòn, Nha Trang nhiều cuộc biểu tình lớn được tổ chức liên tiếp, và lần này công an xung phong Bình Xuyên đã không ngăn trở gì có lẽ vì họ thấy phong trào ủng hộ ông Diệm quá mạnh.
Ông Diệm cũng khéo léo điều đình với các giáo phái và cả Bình Xuyên để họ ở yên cho ông củng cố quyền hành và xây dựng lực lượng.
Số người di cư càng ngày càng đông, và đúng như tôi đã nói với ông Diệm, chính họ, hay con cái họ trong các lực lượng quân sự, đã hậu thuẫn mạnh mẽ cho ông Diệm, giúp ông thành công.
Tôi về Huế ngày hôm sau, nghĩa là tôi chỉ ở lại Sài Gòn một đêm mà thôi. Tình hình ở Sài Gòn lúc bấy giờ hết sức căng thẳng. Bảy Viễn và Nguyễn Văn Hinh đã tỏ ra quá kiêu căng vì tự tin, và đó là lỗi lầm lớn nhất của họ. Lỗi lầm thứ hai, là họ chỉ có một số thuộc hạ tuy khá đông, nhưng không được cảm tình và sự ủng hộ của quần chúng.
Quan niệm chính trị của bọn này là cái quan niệm chính trị hẹp hòi, tưởng rằng nắm được những mấu chốt triều đình hay thâm cung là nắm được hết, tưởng rằng được quan thầy Pháp và Bảo Đại thương là đủ. Họ không ý thức được sức mạnh của quần chúng, chỉ biết sức mạnh của võ lực, súng đạn.
Lúc bấy giờ quần chúng Việt Nam có nhiều thiện cảm với ông Diệm. Cả những người không phục ông Diệm khi so sánh ông Diệm với bọn Tâm-Hinh, Bảy Viễn thì cũng phải chấp nhận ông Diệm. Thực ra thì tôi chẳng đóng góp được gì nhiều vào các quyết định, mưu kế, chính sách của ông Diệm, trong thời kỳ này, hay về sau, nhưng tôi đã gợi ý cho ông Diệm nhớ đến một sức mạnh chưa được sử dụng, hàng chục vạn dân di cư và gia đình họ. Số người đông đảo này đang ở trong một thế kẹt, đang bị dồn vào đường cùng, và sẵn sàng liều mạng để chiếm một đất sống.
Tôi về Huế, ngoài việc dạy học, rãnh rỗi lúc nào là tôi tôi đi thăm các trại tạm cư của đồng bào di cư Nghệ Tĩnh Bình ở Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng. Các Tỉnh Trưởng biết tôi quen thân gia đình ông Diệm, vả lại những đề nghị của tôi hoàn toàn vô tư và vô vị lợi, nên nhiều người nghe lời tôi nói mà đặc biệt chú ý đến dân di cư.
Các trường học được dành làm nơi tạm trú cho dân di cư. Mọi phương tiện địa phương được đề ra để giúp đỡ dân di cư. Con số dân di cư càng ngày càng đông, có những gia đình chỉ trốn vào được với một tay nải, tiền bạc không có bao nhiêu, nhưng nhờ sự giúp đỡ tận tình và mau chóng của chính quyền địa phương nên không xảy ra một trường hợp nào dân di cư phải chết đói.
Những nhà hảo tâm nhiều người cũng hết lòng giúp đỡ một cách thực tế. Tôi nghĩ rằng chính số người di cư lúc bấy giờ đã làm sống bừng dậy tinh thần dân tộc, lòng thương yêu rộng lớn, tình đoàn kết chân thật, và tạo được một khối quần chúng thuần nhất ủng hộ ông Diệm.
Trong thời gian này, có lẽ nhớ lại vài lời nói của tôi, ông Diệm tìm mọi cách đem vào Sài Gòn và Nam phần nhiều tiểu đoàn quân Việt Nam từ phía Bắc vĩ tuyến 17. Trước hết một đơn vị thiện chiến và trung thành được thành lập để bảo vệ phủ Thủ Tướng, sau này thành Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống. Phần lớn binh sĩ và sĩ quan trong đơn vị này đều là người Thanh Nghệ Tĩnh Bình, và lính Bắc phần. Nguyễn Văn Hinh, với chức vị Tư Lệnh Quân Đội Việt Nam, lại được người Pháp ủng hộ, tưởng rằng nắm được mọi sức mạnh quân sự, nhưng thực tế đã ngược lại.
Hinh chỉ nắm được một vài đơn vị nhỏ, một vài cấp chỉ huy do Cha con Tâm-Hinh đặt để, nhưng số người này, cũng như chính cá nhân của Tướng Hinh, không được các binh sĩ kính phục thật tình, cho nên không chắc họ đã mù quáng tuân lệnh Hinh để đàn áp dân chúng hay chống lại ông Diệm.
Suốt thời gian cuối năm 1954, tôi vào Sài Gòn vài lần khi thì tự ý tôi bay vào, khi thì chính ông Diệm cho mời vào. Mỗi lần làm được một việc gì vừa ý, nhất là trong địa hạt giúp đỡ dân di cư, ông Diệm lại đem kể với tôi, như để khoe, như để phân bua.
Ông Diệm có thiện cảm nhiều với dân di cư Thanh Nghệ Tĩnh Bình. Có lần ông nói với tôi:
- Giả sử tôi đem vào Nam được vài chục ngàn dân Nghệ Tĩnh Bình và có mươi cán bộ giỏi như Cha thì mọi việc chắc chắn sẽ thành công.
Tôi cười trả lời:
- Hiện nay Cụ đang có một con số dân di cư Nghệ Tĩnh Bình đông đảo hơn con số mà Cụ vừa nói ra. Cũng xin Cụ lưu ý rằng tất cả dân di cư bất cứ vùng nào đến cũng đang ở trong một ngõ cùng, và chỉ có lối thoát duy nhất là theo Cụ chiến thắng mọi trở ngại, mọi lực lượng phản dân phản nước.
Ông Diệm cũng cho tôi biết đã đem vào Sài Gòn và Nam phần một số đơn vị quân đội từ ngoài vĩ tuyến 17 vào. Ông cũng cho tôi biết khái niệm của ông về các định cư. Ông chú ý đặc biệt đến giá trị chiến lược và kinh tế của vùng cao nguyên, và đặt kế hoạch định cư đồng bào di cư Nghệ Tĩnh Bình tại các vùng Ban Mê Thuột, Tuyên Đức, Đà Lạt. Số người di cư này được định cư khá sớm tại các trại như Hà Lan A, và B, Đức Lập, Bình Giả, Phan Thiết, Tân Bình (Khánh Hòa, Cam Ranh). Tôi có nghĩ đến cách hòa đồng dân di cư vào dân địa phương nhưng không có dịp nói ra, và tôi cũng nhận thấy sự khó khăn quá lớn trong việc đó. Mọi việc là phải chạy đua với thời gian. Dân di cư lại không chịu rời nhau, đến đâu cũng muốn tập trung vào một vùng, do đó lắm lúc đã tạo ra một tình trạng biệt lập, kỳ thị.
Một mặt giải quyết vấn đề di cư, củng cố lực lượng tổ chức bộ máy chính quyền, mặt khác ông Diệm và các cán bộ của ông bắt đầu phát động phong trào chống Pháp và chống Bảo Đại. Thời gian cuối năm 1954 là thời gian thanh toán bọn Bảy Viễn và Tâm-Hinh.
Thoạt đầu ông Diệm cố gắng tiến hành công việc theo các cách thức hợp pháp, ôn hòa bằng cách cử người thay thế những thuộc hạ của Tâm-Hinh trong các cơ quan hành chánh cũng như quân sự. Tại miền Trung ông Diệm đã thành công dễ dàng, không gây nên sự xáo trộn nào nhưng tại Nam phần nhiều trường hợp các lệnh của ông Diệm đã không được tuân theo. Nhiều sĩ quan được ông Diệm bổ nhậm đã không thể tiếp nhận chức vụ mới được.



1.    2.   3.    4.    5.    6.    7.    8.    9.    

10.    11.    12.    13.    14.    15.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét