Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

HỒI KÝ NGUYỄN HỮU HẠNH - PHẦN 2

II. Thời trung và đại học
1    2    3    4    5    6    7    8    9    10
Năm 1944, tôi tốt nghiệp trung học khi thi đậu bằng tú tài hai, thường được gọi là Bac II, với hạng Bình (Mention Bien). Điều này làm cho cha mẹ tôi rất đỗi vui lòng và tự hào vì hai người tuy rất nghèo nhưng đã ráng chịu thiếu thốn nhiều bề để cho tôi và em Minh tôi được học lên trung học. Có một chuyện vui là vào năm thi tú tài I, sau phần thi viết, tôi đang xem bảng thì có một cô giáo người Anh ra tìm tôi, tự giới thiệu là cô Wilkinson ở Hà Nội vào chấm thi. Cô cho tôi hay bài của tôi được điểm cao nhất, và cô muốn gặp người học sinh đạt được điểm cao nhất ấy… Sau đó, khi thi vấn đáp, cô lại khen tôi. Cô rất xinh đẹp nên tôi không khỏi đôi khi bâng khuâng nhớ nghĩ về cô. Dưới thời thuộc điạ, người da trắng hay khinh miệt người da vàng, mà có một câu chuyện như vậy, cũng là một điều rất lạ. 
Mẹ tôi đặc biệt sung sướng vì giữa gia đình bên nội và bên ngoại của tôi có một sự thi đua, có thể nói là ganh đua, rất dữ tuy vẫn thân tình, về chuyện học hành của con cái. Dĩ nhiên là mẹ đứng về phía chúng tôi vì là con ruột của bà. Tôi vốn học giỏi khi còn học trung học và cả sau này khi lên đại học, lúc nào tôi cũng xuất sắc hơn đám anh chị em bà con và cả mấy ông cậu của tôi. Cứ sau mỗi kỳ thi, một vài ông cậu của tôi lớn tiếng tuyên bố sẽ đậu cao, nhưng khi kết quả được công bố thì họ rớt đài, còn tôi thì không nói gì nhưng cuối cùng lại đậu cao. Điều này làm cho bọn thanh niên em út cười nói đã đời và cha mẹ tôi thì cứ mỉm cười thú vị. Chuyện tôi học giỏi và thi đâu đậu đó giúp cha mẹ tôi thêm can đảm, hy sinh thêm nhiều tiền của để cho tôi vào học ở trường đại học Hà Nội và sau này ở Pháp. Và cho tất cả các em trai và em gái tôi vào học ở các trường đại học châu Âu và Mỹ.

Thời bấy giờ chúng tôi đang sống dưới sự chiếm đóng của quân đội Nhật. Năm 1941 sau một cuộc chiến ngắn ngủi, quân Pháp thua trận một cách thảm hại ở biên giới phía Bắc và buông súng đầu hàng. Chính quyền thực dân Pháp phải chấp nhận cho quân đội Nhật Bản chiếm đóng toàn bộ bán đảo Đông Dương. Người Nhật vẫn để viên Toàn quyền Pháp cai quản việc hành chánh trong nước, nhưng trong tất cả mọi lãnh vực khác thì họ nắm lấy quyền chuyên chính của một đội quân chiếm đóng. Máy bay Đồng minh (gồm các nước Mỹ, Anh, Trung Hoa) dội bom mỗi ngày, nhất là tuyến đường sắt vốn là tuyến vận chuyển chính của quân đội Nhật. Xe lửa chỉ chạy ban đêm, ban ngày nghỉ. Hành khách thì ban ngày ngủ trên các toa xe, hay trong các nhà ga xe lửa, để đêm lại lên tàu tiếp tục cuộc hành trình. Đôi khi đang giữa đêm chúng tôi nghe tiếng bom nổ và con tàu dừng lại giữa đường và hành khách phóng xuống các đám ruộng chung quanh hay chạy nấp trong các bụi cây để tránh miểng bom đạn. Vì tất cả các cây cầu đều bị sập hoăc bị phá huỷ hoàn toàn nên người ta qua sông trên những chiếc phà cũ kĩ chạy bằng mô-tơ cũ hoặc kéo bằng tay để rồi lại leo lên một chiếc xe lửa khác ở bên kia sông. Chúng tôi phải mất ba ngày để đi từ Huế đến Hà Nội, cách nhau chừng 500 dặm.

Hà Nội là một thành phố rất đẹp, hoàn toàn khác Huế và các thị trấn quanh Huế. Thành phố cổ kính này, với những ngôi chùa và đền miếu xinh đẹp, đã gây một ấn tượng sâu sắc trong lòng một thanh niên nghèo đến từ một thị trấn xa xôi hẻo lánh. Tôi mua một chiếc xe đạp cũ và đạp lòng vòng khắp Hà Nội trong khi chờ năm học tới.

Vì đại học Hà Nội chỉ có ba phân khoa là Luật, Y và Khoa học, nên tôi ghi danh học Luật và Y khoa. Tôi học rất chăm và luôn luôn ở trong tốp sinh viên đứng đầu của trường Y. Lần đầu tiên trong đời, tôi để dành nhiêu thời giờ suy nghĩ về chính trị và tình yêu nước. Tôi dự các buổi mít-tinh của phong trào sinh viên và tham gia vào những vụ quấy rối đám sinh viên người Pháp và bọn mật vụ Pháp được gài vô để theo dõi sinh viên Việt Nam. Những trận đánh nhau giữa sinh viên Việt Nam và sinh viên Pháp xảy ra hầu như mỗi ngày sau giờ tan học và thường có tôi trong những vụ đánh nhau trên đường phố.

Người bảo trợ cho tôi đi học là cậu của mẹ tôi, ông là Tổng đốc của một tỉnh kế cận. Rõ ràng ông không thích thái độ chính trị của tôi. Cứ mỗi tháng, cùng với hai người cậu, tôi lại đạp xe vượt 40 cây số đường trường để về Hưng Yên thăm ông cậu và nghe ông quở trách. Hai cậu tôi thì không giống tôi, họ được coi là những sinh viên gương mẫu vì họ không tham dự vào các hoạt động chính trị. Bởi vì một phần học phí của tôi là do ông cậu chu cấp nên điều này là cả một vấn đề lớn cho tôi và cho mẹ tôi.

Thế rồi tất cả đều chấm dứt ngày 9 tháng Ba năm 1945, khi giữa đêm tối quân đội Nhật thình lình đảo chính và chiếm trọn bán đảo Đông Dương và bỏ tù tất cả các quan chức và nhân viên người Pháp, tước vũ khí quân đội Pháp. Tất cả mọi trường trung và đại học đều đóng cửa và sinh viên được khuyến cáo trở về nhà chờ chỉ thị của chính quyền quốc gia Việt Nam vừa mới được thành lập với sự giúp đỡ của quân đội Nhật. Dư luận râm ran về chuyện Kỳ Ngoại Hầu Cường Để sắp về nước, sau nhiều năm lưu vong ở Nhật Bản. Bởi vì ông là một người quốc gia đã chấp nhận từ chức chớ không chịu hợp tác với chính quyền Pháp, nên mọi người đều phấn khởi và tràn trề hy vọng, mong ông về sớm để thành lập chính phủ. Than ôi, điều ấy không bao giờ có. Không rõ chuyện gì đã xảy ra với ông.

Tôi về nhà.

Trong những tháng tiếp theo, đất nước trải qua một trận đói khủng khiếp. Người chết đói la liệt khắp mọi nơi. Từng đoàn, từng đoàn người đói lũ lượt kéo đi khắp làng, khắp phố kiếm ăn và xin cứu giúp. Gia đình tôi có truyền thống mở rộng cửa đón khách nên người ta kéo tới xin ăn, đôi khi giữa bữa ăn, họ đến tận bàn ăn, nhìn vào thức ăn nghèo nàn của chúng tôi với cặp mắt thèm thuồng và cái miệng chảy nước miếng. Chúng tôi cũng không đủ ăn, nhưng phải chia bớt cho họ. Tôi biết là trong trận đói này có hơn một triệu người chết đói. Vậy mà đất nước tôi lại là một trong những nước sản xuất lúa gạo nhiều nhất thế giới, mỗi năm xuất khẩu hơn một triệu tấn! Tôi nghe nói là người Nhật vì cũng thiếu gạo nên đã chở tất cả số gạo đang có về Nhật, làm cho Việt Nam lâm vào tình trạng thiếu gạo hết sức trầm trọng.

Cả nhà chúng tôi ai cũng thiếu ăn, nhưng cha mẹ tôi thiếu ăn hơn tất cả: trước hết vì phải ưu tiên dành cho con cái, và sau đó còn phải giúp đỡ người khác. Hơn bao giờ hết, căn nhà chúng tôi đông nghẹt những đứa trẻ được nhận nuôi, bạn bè và bà con đủ kiểu. Chúng tôi chỉ ăn một ngày hai bữa, mỗi người được hai chén chứa đủ các thứ rau nhặt nhạnh sau vườn, phía trên phủ vài hột cơm. Đôi khi hết gạo, chúng tôi phải thay bằng mấy lát sắn khô. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng được cung cấp ít chất đạm nhờ mấy con cá mà em Trí của tôi và tôi câu được ở con sông gần đó, hoặc một hai cái trứng mỗi tuần từ bầy gà vịt nuôi trong nhà. Đây quả là quãng thời gian của biết bao nhiêu đau khổ và hy sinh. Sau này, khi là Tổng giám đốc của hai ngân hàng, tôi thường đi lại Paris, New York, Washington nhiều lần và được các ngân hàng bạn chiêu đãi thịnh soạn. Khi ăn trứng cá, gan ngỗng và uống đủ thứ rượu khai vị, sâm banh, và hai hay ba ly rượu vang trong một bữa ăn, tôi không thể nào không nhớ lại những ngày tôi chỉ được một cái chén đựng đủ thứ rau khốn khổ sau vườn nhà.

Khi tôi còn nhỏ, chúng tôi sống ở Quảng Trị trong một ngôi nhà gạch do cha tôi xây, nằm trên con lộ chính của thị xã. Nhưng từ đó trở đi, vì cha tôi là một thầy giáo giỏi và năng nổ nên cứ được thăng chức đều đặn hai năm một lần, và chúng tôi phải di chuyển nhiều lần từ tỉnh này sang tỉnh khác. Ngoại trừ ở Quảng Nam, nơi cha tôi thuê được một ngôi nhà ngói, còn thì ở bất cứ nơi đâu ông chuyển tới, cha tôi cũng phải dựng một căn nhà mái tranh, nền đất nện và vách phên tre trét bùn. Thông thường chỉ có một phòng riêng có tấm ngăn dành cho cha mẹ tôi, còn cả bọn chúng tôi ngủ trên mấy chiếc giường gỗ hay bộ ngựa không đệm. Nhà lúc nào cũng đông cứng người vì cha tôi thường hay đưa về nhà những sinh viên nghèo hay những người bà con nghèo làm con nuôi. Ở bất cứ nơi đâu chúng tôi chuyển đến, tôi cũng có từ tám tới mười người anh em hay chị em nuôi, và ban đêm giường nào cũng chật cứng người nằm. Cha tôi lúc nào cũng đầy lòng thương người, tuy lúc nào ông cũng nghèo.

Tôi còn nhớ mãi nỗi sợ cháy nhà vào mùa hè, khi đợt gió Lào khô khốc, rất nóng và rất mạnh từ đất Lào thổi qua Việt Nam (tương tự gió Santa Ana ở vùng California) với vận tốc lên tới 50-60 km một giờ, làm ngọn lửa bốc cháy, lan hết dãy nhà tranh này tới dãy nhà tranh khác, đôi khi đốt trụi cả ngôi làng. Cha tôi leo lên nóc nhà, tưới nước lên mái tranh để ngăn lửa. Vì chúng tôi chẳng bao giờ có nước máy nên cả bọn chúng tôi chạy ùa tới giếng nước, dùng gàu kéo nước lên và chuyền tay tới cha tôi. Ngọn lửa bốc cao lên trời làm bầu trời đỏ rực và nóng hổi. Quang cảnh thật là đáng sợ và nếu ngọn lửa liếm tới nhà chúng tôi, chắc nó sẽ bị thiêu rụi trong vòng vài phút. May sao là chúng tôi chưa hề bị cháy nhà lần nào, mặc dù tất cả các ngôi nhà đều xây như nhau với mái tranh và phên tre.

Sau khi chính phủ Việt Nam đầu tiên của Trần Trọng Kim được thành lập dưới lá cờ độc lập quốc gia (trong khuôn khổ Khối Thịnh vượng Đại Á) thì một trường quân sự – trường Thanh niên Tiền tuyến – được thành lập tại Huế, và tôi cùng một số sinh viên từ Hà Nội và Sài Gòn đăng ký vào đây. Thầy dạy chúng tôi là những sĩ quan Việt Nam trong quân đội Pháp bỏ về. Tất cả chúng tôi đều rất tự hào được ở trong ngôi trường quân sự đầu tiên để phục vụ tổ quốc. Trang bị của chúng tôi rất ít, chỉ là những khẩu súng cũ kỹ từ thời thế chiến thứ nhất được quân đội Nhật bí mật trao cho. Và rất ít đạn dược. Chúng tôi hầu như không có tập bắn, nhằm dành đạn cho những trường hợp khẩn cấp.

Thời gian đó De Gaulle đã trở về nắm quyền ở Pháp sau khi Đức bại trận và nước Pháp đang tìm cách tái chiếm Đông Dương vốn được coi là “hòn ngọc của đế quốc Pháp.” Nền độc lập quốc gia dưới sự bảo trợ của Nhật Bản làm nhân dân phấn khởi rất nhiều. Nhưng sau khi Nhật thua trận, chúng tôi luôn lo lắng là Pháp sẽ xâm lược. Việc lính Anh vào miền Nam để giải giới quân Nhật càng làm tăng thêm nỗi lo này vì chúng tôi ngờ rằng nước Anh sẽ giúp Pháp tái chiếm Đông Dương. Những lời đồn đãi về việc lính nhảy dù Pháp đang được thả xuống những vùng xa lan toả khắp nơi và người dân bắt đầu chuẩn bị cho một thời kỳ bị vây hãm lâu dài và gian khổ, nhưng tất cả đều cương quyết giữ cho được nền độc lập mới mẻ và chống trả quân xâm lược Pháp.

Tại trường quân sự của chúng tôi, các sĩ quan cố hết sức kiếm thêm súng và đạn dược, nhưng dưới áp lực của chính phủ Pháp, quân đội Nhật từ chối không cho chúng tôi thêm súng nữa, ngoại trừ một vài khẩu súng rỉ sét có từ thời trước chiến tranh mà dân quân Việt Nam trước đây sử dụng.

Một ngày kia, chúng tôi được tin quân nhảy dù Pháp đã đổ bộ xuống Cửa Thuận, một cửa biển cách Huế chừng 12 cây số. Chúng tôi thuê hai chiếc xe tư nhân để di chuyển, rồi tiến về Cửa Thuận dưới quyền vị chỉ huy trưởng của chúng tôi là Phan Tử Lăng, và viên chỉ huy phó là Hà Văn Lâu, người sau này gia nhập lực lượng du kích cộng sản và trở thành đại sứ của Bắc Việt tại Liên Hiệp Quốc. Chúng tôi đến Cửa Thuận, và trong đêm tối bao vây căn nhà mà đám lính Pháp trú đóng. Đám lính này không hề chờ đợi cuộc thăm viếng của các chiến sĩ Việt Nam, và chúng tôi đã tóm hết cả đám một cách dễ dàng, không cần bắn một phát đạn. Về sau trong khi thẩm vấn, chúng tôi mới biết rằng bộ chỉ huy của chúng ở Ấn Độ – đám lính này đến từ Pondichery, một thuộc địa của Pháp ở Ấn Độ – đã nói với chúng là dân Việt Nam rất trung thành với nước Pháp và chúng sẽ được đón chào như “những người anh em”.

Trong thời gian này tôi gặp một tai nạn buồn cười: chúng tôi được học về súng và chiến lược quân sự nhưng không có đủ đạn để tập bắn. Trong khi bao vây căn nhà bọn Pháp đóng quân, tôi đã vô tình kéo cò súng, nhưng may lúc ấy mũi súng đang chĩa xuống đất và viên đạn chui xuống cát, cách ngón chân cái của tôi chỉ có vài phân.

Sau đó ít lâu, một buổi sáng chúng tôi thức dậy với cái tin Việt Minh dưới sự lãnh đạo của ông Hồ Chí Minh, đã chiếm tất cả mọi cơ sở chính phủ ở Hà Nội và đã giành lấy chính quyền trung ương với sự đồng tình ngấm ngầm của quân đội Nhật. Chúng tôi không biết nhiều về Việt Minh ngoại trừ đó là một lực lượng kháng chiến do Đảng Cộng sản Đông Dương tổ chức, dưới quyền lãnh đạo của ông Hồ Chí Minh; nhưng chúng tôi không thể cưỡng lại lời kêu gọi của Việt Minh khi mục đích chính của chúng tôi là chiến đấu chống quân Pháp và bảo vệ nền độc lập nước nhà. Chúng tôi chẳng biết gì nhiều về chủ nghĩa cộng sản và lúc ấy cũng chẳng quan tâm bao nhiêu tới những rối rắm chính trị.

Vài ngày sau chúng tôi đón viên chính uỷ đầu tiên của khu uỷ Huế, anh ta đi tới trường chúng tôi một mình, vũ khí trang bị chỉ là một con dao găm. Anh ta cho chúng tôi một bài diễn văn hùng hồn về phong trào Việt Minh và kêu gọi chúng tôi giúp anh giành chính quyền tỉnh và tổ chức quân đội cho khu trung bộ, vì Việt Minh chưa có tổ chức quân sự nào ở khu này. Chúng tôi đều nhất trí chấp nhận lời kêu gọi, giúp Việt Minh tổ chức một đội quân cho khu vực này, khi mà chính quyền mới ở Hà Nội chưa thể hỗ trợ cho lực lượng Việt Minh tại đây. Sau buổi họp chúng tôi mới biết được là giữa bọn chúng tôi có ba người cảm tình viên cộng sản, và họ chờ tới lúc này mới xuất hiện.

Và vậy là chúng tôi đây, sắp dấn thân vào một cuộc phiêu lưu mới, dưới một ngọn cờ mới, với một đề án đồ sộ là xây dựng cả một quân đội từ một tốp lính lộn xộn để chống lại quân đội hiện đại của Pháp, lúc này đang chuẩn bị đổ bộ xuống một nơi nào đó dọc theo hai ngàn rưỡi cây số của bờ biển Việt Nam.

Ít lâu sau, tại Nam bộ quân Pháp đã quay trở lại, nấp sau lưng quân Anh lúc ấy đã nhận lệnh của bộ tư lệnh Đồng minh là giải giới quân đội Nhật ở phía Nam vĩ tuyến 17. Được quân Anh ủng hộ hoàn toàn, dùng Sài Gòn làm bàn đạp, bọn Pháp bắt đầu tiến ra hướng Bắc bằng cả đường thuỷ lẫn đường bộ về nhiều địa điểm ở miền Trung. Vì thành phố lớn đầu tiên chúng định chiếm là Nha Trang, đội quân chúng tôi rút lui về Khánh Hoà ở mạn bắc Nha Trang và trấn giữ trận tuyến này một ít ngày. Tôi được phong làm chỉ huy phó khu vực với cấp bậc Trung tá, cùng với một trong ba người cảm tình viên cộng sản là đại tá Nguyễn Kèn, tổ chức cuộc kháng chiến ở Nha Trang. Chúng tôi là một đội quân áo vải nghèo nàn với những người lính vừa nhập ngũ mới toanh, vũ khí trang bị là những con dao róc mía, gậy tầm vông, vài khẩu súng cổ lỗ sĩ từ thời thế chiến thứ nhất và một hai khẩu tiểu liên loại nhỏ được mấy người lính Nhật có cảm tình với cuộc kháng chiến trao tặng.

Thay vì giải giới hoàn toàn quân Nhật, lính Anh chỉ tịch thu những vũ khí hạng nặng còn vũ khí nhẹ thì để lại cho quân Nhật và yêu cầu họ đánh chúng tôi để bình định khu vực, và lính Pháp tiến sau lưng quân Nhật. Đại tá Kèn và tôi chỉ huy quân lính kháng cự lại quân Nhật; chúng tôi cảm thấy buồn bã vì phải đánh Nhật thay vì đánh Pháp. Những khẩu đại bác hùng mạnh từ chiến hạm Richelieu của Pháp dội xuống đầu chúng tôi suốt ngày đêm và chúng tôi chẳng có gì để tự vệ ngoài một số súng nhỏ. Chúng tôi mất dần trận địa và bị thương vong khá nhiều. Chúng tôi rút lui về hướng Bắc, rồi khi đụng tuyến đường sắt cách thành phố khoảng 6 cây số, chúng tôi vào nấp trong một đường hầm xe lửa để nghỉ lấy sức vì chúng tôi đã chiến đấu liên tục suốt ba ngày ba đêm. Đêm hôm ấy, dò ra được chỗ chúng tôi, chiến hạm Pháp hướng những khẩu đại bác hùng mạnh của nó về cả hai đầu đường hầm. Quả là cả một địa ngục cho chúng tôi ở trong đó!

Tiếng đạn nổ dội trong đường hầm thực là khủng khiếp. Khi đạn ngừng nổ vì một lý do nào đó – chúng tôi không rõ – chúng tôi quyết định tháo chạy ra khỏi chỗ này và tập hợp lại ở một ngôi làng cách đó khoảng ba cây số. Dân làng đón tiếp chúng tôi hết sức nồng hậu và cho chúng tôi ăn uống, những thức nóng hổi mà suốt mấy ngày qua chúng tôi chẳng có được một tí nào. Rồi chúng tôi lại di chuyển lên các thôn xóm vùng sơn cước, trong khi lính Nhật và Pháp vẫn tiếp tục truy kích và gây cho chúng tôi một số thương vong nữa. Chúng tôi vừa thua kém quân số và vũ khí, vừa thiếu kinh nghiệm chiến đấu. Điều duy nhất chúng tôi có là lòng can đảm và ý chí kiên quyết chiến đấu cho đất nước.

Một ngày nọ trong khi đi tuần cùng sáu người lính trẻ, tôi bị thương và được đưa tới một ngôi làng nhỏ trong rừng. Họ cột tay chân tôi lại, dùng kéo để gắp đầu đạn ra khỏi đùi tôi mà không có lấy một tí thuốc tê. Bệnh viện dã chiến này được đặt trong một ngôi chùa, chúng tôi không có đủ trang bị y tế, và cũng không có đủ nhân viên; một bác sĩ và hai y tá đảm nhận tạm làm việc quần quật suốt đêm ngày, chăm sóc cho thương binh. Vết thương của tôi được coi là nhẹ, tôi phải rời giường bệnh để nhường chỗ cho một người lính khác bị thương nặng hơn. Tôi ở lại làng này thêm một ít hôm nữa với một gia đình nông dân, rồi sau đó được đưa về nhà. Một người đồng đội cùng học trường quân sự với tôi là đại tá Hoàng cũng đi về Huế. Trên chuyến tàu tôi gặp một người quen cũ, vốn là học trò của cha tôi trước kia, hồi ở Quảng Trị. Anh ta bị bắt và cứ bị hai người lính áp tải đánh đập mãi. Tôi hỏi hai người lính vì sao lại đánh anh ta, họ trả lời anh ta là một tên mật vụ của Pháp trước đây mà họ đã truy ra được ở Nha Trang. Tôi nói với đại tá Hoàng là tôi có quen biết với anh ta, chúng tôi phải làm sao cho anh ta đừng có bị đối xử quá tàn tệ như vậy. Hoàng cho hai người lính biết cấp bậc của anh, và nói họ để yên cho người tù. Nếu anh ta có tội, toà án sẽ trừng phạt đích đáng, nhưng hai người lính không có quyền hành hạ anh ta. Người tù nhìn tôi khẽ cười kín đáo để cám ơn. Anh ta sẽ còn nhớ sự cố nhỏ này và sau này sẽ giúp đỡ tôi khi tôi gặp khó khăn.

Khi tôi về tới gia đình, cha tôi quyết định tôi phải đi học trở lại, ngay cả khi chúng tôi đang ở trong một hoàn cảnh hết sức eo hẹp về tài chánh. Trong khi chờ ra Hà Nội, tôi ở lại chia sẻ với gia đình cuộc sống khổ cực của trận đói vẫn đang hoành hành trên cả nước lúc bấy giờ.

Chuyến đi Hà Nội hết sức khó nhọc, mọi cây cầu đều bị phá huỷ hoặc hư hỏng vì máy bay Đồng minh, và chúng vẫn tiếp tục bắn vào những cây cầu đã hỏng và vào cả đám đông tụ tập quanh bến phà hai bên sông. Cuộc hành trình qua 600 cây số mất tới ba ngày.

Tại Hà Nội tôi bắt đầu học y khoa và được chỉ định về phòng hoa liễu. Những gì tôi nhìn thấy tại đây sẽ còn đọng lại trong tâm trí tôi suốt đời. Tôi được nhiều điểm cao và hai vị giáo sư chính từ Huế ra đây dạy nói rằng nếu tôi cứ tiếp tục như vậy, sau này tôi sẽ trở thành một bác sĩ giỏi. Nhưng rồi tháng 12 năm 1946, sau thất bại của bản tạm ước (modus vivendi) giữa ông Hồ Chí Minh và chính phủ Pháp tại Paris, chiến tranh lại tái diễn, và một lần nữa trường bị đóng cửa. Tôi lại về nhà và một lần nữa chính quyền cộng sản địa phương lại yêu cầu tôi gia nhập quân đội và giúp họ tổ chức kháng chiến chống quân Pháp lúc này đang tiến tới sau khi đổ bộ xuống Cửa Thuận, cách Huế khoảng 16 cây số.

Tôi tái ngũ và đóng quân tại ngôi trường cũ của mình, trường trung học Khải Định, với một số lính và sĩ quan mới. Tôi góp phần huấn luyện đám tân binh, tổ chức việc vận chuyển và tìm kiếm thêm vũ khí từ những kho súng đạn cũ của quân Pháp bỏ lại.

Một ngày kia có hai người lính Nhật tới cổng trường xin gặp tôi. Tôi bước ra và trông thấy hai người lính mặc quân phục Nhật nhưng không mang vũ khí. Họ lịch sự cúi chào tôi, và tôi đáp lễ. Họ biết rất ít tiếng Việt còn tôi thì chỉ biết một hai tiếng Nhật. Họ bèn viết cho tôi bằng chữ Hán, nhưng mà kho tiếng Hán của tôi đã để quá lâu ngày nên tôi chỉ hiểu được một vài chữ, nhưng dù sao chúng tôi cũng hiểu nhau được phần nào. Tên hai người này là Yamashita và Narita. Họ không muốn đầu hàng quân Đồng minh nên quyết định gia nhập lực lượng chúng tôi, giúp chúng tôi chống lại quân Pháp, bảo vệ nền độc lập. Điều duy nhất họ mong muốn là cho họ được hướng về phía mặt trời vào lúc bình minh và lúc hoàng hôn để đảnh lễ hoàng đế của họ. Tôi chấp nhận và chúng tôi đã sắp xếp để chiều tối hôm sau tới đón họ tại đồn của họ. Từ đó trở đi hai người luôn theo tôi bất cứ nơi đâu giống như hai người cận vệ. Chúng tôi thân thiết với nhau tới mức sâu nhất có thể đạt được mà không cần trao đổi bằng ngôn ngữ. Họ viết tên và địa chỉ của họ trong một mẩu giấy cứng nhỏ màu đỏ, phòng trường hợp chúng tôi bị cách biệt nhau. Chúng tôi hứa sẽ tìm nhau một khi chiến tranh chấm dứt. Nhà của Narita ở Nagasaki, anh là một diễn viên điện ảnh, và em gái anh vẫn còn đóng phim cho quân đội ở quê nhà. Còn Yamashita thì ở thị trấn Sendaye, tỉnh Hokkaido, anh là y tá.

Vào cuối tuần, tôi được nghỉ phép và đưa hai anh về nhà ngoại tôi ở Nguyệt Biều trên bờ con sông Hương xinh đẹp. Họ nói chuyện với ông ngoại tôi bằng chữ Hán, thứ chữ mà cho tới năm 1930 là văn tự căn bản của người Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. Chúng tôi cùng nhau câu cá trên sông Hương, và vì không câu được cá, chúng tôi liệng xuống sông một bó nhỏ thuốc nổ, rồi chúng tôi bơi ra ngoài bắt những con cá ngất ngư vì vụ nổ; rồi mẹ tôi đem kho và chúng tôi có một buổi ăn tối hết sức ngon lành. Ăn xong chúng tôi lại tụ tập trên bờ sông, dưới một bầu trời không vẩn mây và một vành trăng tròn tuyệt đẹp. Mấy ông cậu tôi và đám anh em bà con cũng đem đàn sáo ra tham gia với chúng tôi, tất cả chúng tôi hát hò và cười giỡn rất vui. Narita và Yamashita cũng tham gia hát bằng tiếng Nhật. Narita hát rất hay. Cả bọn chúng tôi đều cảm thấy thích thú với các làn điệu và các bài ca này. Ông ngoại tôi lại cho chúng tôi một ít rượu nếp và điều này càng làm cho buổi tiệc thêm đậm đà. Khi mặt trăng lặn xuống sau rặng tre và mọi người chuẩn bị rút lui về ngủ thì Yamashita nói gì đó với Narita, rồi xin ông ngoại tôi nán lại thêm một vài phút nữa. Họ xin phép ông tôi vào trong phòng họ lấy một món đồ. Rồi họ trở ra với một mẩu giấy, một cây bút lông, và một lưỡi dao cạo. Một lần nữa họ lại viết bằng chữ Hán để nói với ông ngoại tôi là họ rất gắn bó với tôi, với đất nước chúng tôi và họ muốn bày tỏ lòng trung thành tuyệt đối của họ với tôi theo phong cách truyền thống của người Nhật. Họ lần lượt dùng dao rạch ngón tay út, để máu nhỏ vào đầu ngọn bút đoạn viết lên tấm giấy. Ông ngoại tôi giải thích cho tôi hay là họ xem tôi như một người anh em và thề hoàn toàn tận tuỵ với tôi. Rồi họ giao cho tôi miếng giấy có chữ viết bằng máu và biểu tôi cất đi cho tới khi chúng tôi có thể gặp lại nhau ở Việt Nam hay Nhật Bản, khi chiến tranh chấm dứt.

Yamashita và Narita ở bên tôi suốt thời gian, làm việc với tôi, đi tuần với tôi, ăn với tôi và luôn luôn nằm ngủ cạnh tôi. Nhưng rồi một ngày, viên chính uỷ tới gặp tôi thông báo là anh mới nhận được lệnh từ chính phủ trung ương đưa hai người ra Hà Nội. Đó là một tin rất buồn đối với tôi và đối với họ. Khi họ chào từ biệt thì mắt họ và mắt tôi đẫm lệ và họ nói họ sẽ trở về ngay khi nào về được. Không bao lâu tôi được tin họ đang ở Hà Nội cùng với một toán lính Nhật đã đứng về phía kháng chiến. Toán lính này được biên chế vào một đơn vị đặc biệt để cùng chiến đấu chống lại quân Pháp. Tôi đã giữ mảnh giấy màu đỏ với lời thề viết bằng máu của họ, nhưng sau khi tôi bị quân Pháp bắt rồi thả ra, bọn lính tuần và bọn mật vụ Pháp thường xuyên tới nhà chúng tôi sục sạo tìm du kích quân và tài liệu tuyên truyền. Tôi sợ chúng có thể tìm được tài liệu nên tôi đã đốt cả mảnh giấy ghi lời thề bằng chữ Nhật, chỉ giữ lại tấm cạc có địa chỉ của họ. Năm 1970, sau khi nghe mấy người bạn Nhật cho biết đơn vị lính Nhật đặc biệt đã được giải thể và các thành viên trong đó đã hồi hương trở về nước Nhật, tôi ghi lại địa chỉ của họ và nhờ mấy người bạn Nhật của tôi ở Tokyo tìm giúp, nhưng buồn thay không ai tìm thấy họ. Tôi rất buồn khi nghe tin này, và trong lòng tôi luôn luôn mang hình ảnh của họ. Sau này tôi nghe tin là tất cả những quân lính, sĩ quan Nhật bản, không chịu về xứ, ở lại giúp cho Việt Nam, được hội về một chỗ và tiêu diệt hết.

Sau khi Yamashita và Narita đi rồi, tôi vẫn tiếp tục hoạt động cho tổ chức Việt Minh ở địa phương, nhưng rõ ràng là lý lịch gia đình tôi không được đánh giá cao với các chính uỷ được biên chế ở mỗi đơn vị, những người chỉ huy thật sự. Tôi có thể nhìn thấy trong ánh mắt họ và cảm thấy trong thái độ của họ sự nghi ngại đối với đám bạn bè tôi và bản thân tôi; chúng tôi biết rằng họ chỉ giữ chúng tôi chừng nào họ còn cần đến chúng tôi. Nhưng lòng mong muốn phục vụ đất nước mạnh hơn sự thiếu thiện cảm của những người cộng sản nên chúng tôi vẫn tiếp tục ở lại giúp họ. Sau này tôi cũng được biết có tin đồn là những lính và sĩ quan Nhật đào ngũ và ở lại giúp cho Việt Nam đánh lại quân Pháp đều bị tình nghi và ám sát hết. Quả thật là quá thiển cận, quá độc ác và vô nhân đạo.

Trong thời gian này gia đình tôi đã đi tản cư để tránh bị kẹt trong chiến trận. Cha mẹ tôi cùng với các em tôi và người giúp việc đã bỏ nhà cửa để lên vùng rừng núi cùng một gia đình người bạn. Trên đường đi lánh nạn họ bị bọn lính Pháp chặn lại, chúng cướp con bò của chúng tôi và đánh đập em Đức của tôi. Việc này lại càng làm tôi thêm quyết tâm tống cổ bọn Pháp ra khỏi Việt Nam.

Một ngày kia trong khi đi tuần với năm người lính mới, tôi bị bắt làm tù binh và bị thẩm vấn suốt ngày đêm không nghỉ, giữa các lần thẩm vấn là lao động khổ sai. May thay, một viên cảnh sát chìm làm việc cho Pháp, và là một học trò cũ của cha tôi – cái người tôi đã giúp trên chuyến xe lửa từ chiến trường về, anh ta đã nhận ra tôi. Anh vội báo cho cha tôi hay, ông liền đi tới gặp vị Thống đốc Trung kỳ, Trần Văn Lý, ông này can thiệp với viên chỉ huy quân sự Pháp đề nghị thả tôi ra và đặt tôi dưới sự quản chế của ông. Tôi được dẫn tới văn phòng Thống đốc và được nghe một bài giảng về hiểm hoạ cộng sản. Cuối cùng ông ta nói vì tôi là một sinh viên rất giỏi ông sẽ cho tôi học bổng ở nước ngoài để tiếp tục việc học và trở về phục vụ chính phủ. Vậy là năm 1947 tôi vào Sài Gòn để đáp tàu qua Pháp. Nhưng tại Sài Gòn một tên mật vụ Pháp đã chờ sẵn tóm tôi về tra vấn thêm một đợt nữa; chỉ sau khi tôi báo động cho ông Thống đốc Trung kỳ, y mới thả tôi ra và không làm phiền tôi nữa. Tôi đáp tàu Felix Roussel, một chiếc tàu buôn cũ, ở đó tôi gặp khoảng mười hai sinh viên cũng đi Paris học. Nhưng tất cả bọn họ đều là con nhà giàu và không ai cần tới học bổng như tôi. Có hai người từ Huế, và tôi nhận ra họ là cháu của một vị giáo sư dòng dõi hoàng tộc đã dạy tôi ở trường Khải Định năm năm trước, ông Ưng Quả. Họ rủ tôi theo họ, vì họ được một người anh họ cũng trong hoàng tộc, đang hành nghề luật sư ở Paris bảo trợ, và họ biết rằng tôi nhà nghèo, lên đường tới Paris không một xu dính túi. Chuyến đi quả là vất vả ngay cả đối với một thanh niên như tôi. Bọn tôi ngủ võng và ăn toàn đậu lăng. Qua Địa Trung Hải, tàu bị những cơn bão lớn nhồi rất dữ suốt mấy ngày; làm tôi ngày nào cũng say sóng gần cả tuần lễ. Khi tàu cặp bến Marseilles, lại một tên cảnh sát chìm người Pháp lên tàu điệu tôi về bót thẩm vấn thêm một lần nữa! Hắn hỏi tôi tại sao tôi lại muốn qua Pháp trong khi tôi có thể ở lại phụng sự cho Việt Minh với một binh nghiệp sáng chói vì tôi mới có hai mươi hai tuổi mà đã mang cấp bậc trung tá. Khi tôi cho hắn biết tôi được Thống đốc Trung kỳ bảo trợ và tôi muốn qua Pháp học để về phục vụ chính nghĩa quốc gia, hắn mới thả cho tôi về.

Chúng tôi tới Paris bằng xe lửa. Ra đón chúng tôi tại sân ga là hoàng thân Bửu Lộc, anh em họ với hai người bạn đường của tôi là Bửu Hàm và Bửu Hào.

Cùng với người anh họ ông là Bửu Hội, một nhà khoa học về nguyên tử nổi tiếng, ông đãi chúng tôi một bữa tiệc cơm ra trò. Tôi học trường Lakanal ở thị trấn Bourg La Reine gần Paris để theo các khoá dự bị trước khi thi vào trường cao đẳng H.E.C. (Hautes Études Commerciales), trường thương mại ngân hàng danh tiếng nhất nước Pháp. Vì tiền học bổng của tôi chỉ đủ cho những bữa ăn sinh viên, nên mỗi cuối tuần tôi phải đi làm để kiếm thêm tiền trả học phí và nơi trọ. Cứ hai ngày mỗi tuần tôi phải cuốc bộ qua các con đường của Paris, khoảng 25 tới 30 dặm mỗi ngày, để mua kim may ở các cửa tiệm bách hoá gởi về cho mẹ tôi, vì suốt thời gian trong và sau chiến tranh, Việt Nam không nhập được loại hàng đó. Ngay cả tại Pháp lúc ấy, những sản phẩm như kim may chẳng hạn cũng phải phân phối theo tiêu chuẩn, và mỗi cửa tiệm mỗi tháng chỉ nhận được một lượng nhỏ. Mẹ tôi bán số kim may này rồi mua gạo, gởi từng gói nhỏ 3 ký qua cho tôi để tôi bán lại cho cộng đồng người Việt ở đây vì gạo lúc ấy ở Pháp cũng phân phối theo tiêu chuẩn. Công việc này khá nặng nhọc nhưng nó cho phép tôi vận động thay cho các môn thể thao vì thiếu thời gian. Đồng thời nó là một công việc kiếm được khá tiền.

Sau đó một năm tôi thi đậu vào trường H.E.C. lẫy lừng danh tiếng, ngôi trường hàng đầu trong lĩnh vực thương mại và tài chánh của Pháp. Thông thường sinh viên phải mất từ 2 tới 3 năm học các lớp dự bị trước mới hy vọng thi đậu vào H.E.C., nhưng tôi thì chỉ sau một năm là thi đậu vào trường. Trong số hơn 1000 thí sinh, chưa tới 200 người được thi đậu. Năm 1952 tôi tốt nghiệp với titre francais – thi đậu như một học sinh người Pháp. Trong 3 năm học ở H.E.C. mỗi tuần tôi cùng với nhóm anh em sinh viên chơi thân với nhau hay có cuộc thi đua từng môn một: chúng tôi có lệ ai được điểm cao nhất thì “bị phạt”, là phải mua một chai rượu vang để đãi cả nhóm. Tôi thường “bị phạt” cho nên phải hay mua rượu, do đó mà tôi biết đủ loại rượu của Pháp, một điều rất lợi cho cuộc đời tiếp tân của tôi sau này. Năm sau tôi được nhận vào trường École Nationale d’Administration (trường Quốc gia Hành chánh) là nơi đào tạo những công chức cao cấp nhất của Pháp. Đây cũng là lần đầu tiên trường ENA nhận sinh viên các nước thuộc địa; vì tôi không có quốc tịch Pháp, nên chỉ được học năm giảng bài, chứ không được tham dự hai năm tập sự vốn chỉ dành cho sinh viên dân Pháp.

Giáo sư Henri Fournier, người rất mến tôi, khuyên tôi trở về Việt Nam làm việc cho Ngân hàng Trung ương Đông Dương (Lào-Cao Miên-Việt Nam), lúc ấy hầu như chỉ do người Pháp điều hành. Ông Fournier giới thiệu tôi với René Frappart, Tổng Giám đốc Ngân hàng, một người có khuynh hướng xã hội và rất có cảm tình với Việt Nam.

Sau khi tốt nghiệp ở H.E.C., kỳ hè năm đó tôi được chọn đi Hoa Kỳ học “lối sống Mỹ” (the American way of life). Mỗi nước được chọn hai sinh viên đại diện sau một kỳ thi, và tôi được chọn cùng một sinh viên Pháp. Nhà chức trách Pháp không cho tôi đi vì tôi không phải dân Pháp, nhưng Hội International Fund ở New York, phụ trách việc này, không chịu cho thay sinh viên khác.

Cuộc hành trình bắt đầu từ Ba Lê, qua Amsterdam, Hà Lan, rồi qua Shannon ở Iceland, mới bay đến New York, tất cả hơn 36 tiếng đồng hồ bằng máy bay DC4. Khi đến New York, chúng tôi được Hội International Fund cho ngủ một đêm ở khách sạn. Đó là đêm duy nhất chúng tôi ở khách sạn trong suốt cuộc hành trình.

Sáng hôm sau, tôi đáp xe buýt đi Chicago, rồi Peoria, Illinois, để gặp ông Jordan, người bảo trợ của tôi, và tôi vào ở YMCA để chờ đến tối hôm sau ra nói chuyện trong buổi họp của hội Rotary. Sau buổi nói chuyện và trao đổi với hội viên về vấn đề Việt Nam và chuyện du học ở Ba Lê, một người hội viên kêu tên tôi và tình nguyện đem tôi về sống hai ngày với gia đình họ. Tôi được mời như vậy thêm hai lần nữa trước khi rời khỏi Peoria; và tôi đã sống với các gia đình Mỹ gốc Ý, gốc Anh và cả gốc da đen ở vùng chung quanh Chicago. Đây là điểm chánh trong chương trình học lối sống của dân Mỹ.

Sau Peoria, tôi lên đường đi các tỉnh khác, từ Chicago đến Galveston, Texas và từ đó trở về New York. Tôi đã sống với 28 gia đình Mỹ, trong đó có đủ dân gốc Ý, Đức, Mễ, Pháp v.v… Trong những ngày ở với các gia đình Mỹ như vậy, tôi có được cơ hội học hỏi rất nhiều về đời sống của họ, tập quán của họ, sự suy nghĩ, phân tách, nhận định của họ. Nhờ sự học hỏi trong các gia đình Mỹ và bao nhiêu năm lăn lộn trong xã hội Mỹ, chen chúc sống cạnh người dân Mỹ cùng giới trí thức của họ, tôi đã biết rất nhiều về tâm lý người Mỹ và nhất là sự suy nghĩ của họ trên phương diện chính trị. Vì vậy mà sau này, bắt đầu năm 69-70, khi phong trào chống chiến tranh Việt Nam khởi sự tại Mỹ, tôi hiểu ngay diễn biến của thời cuộc, tác động của cuộc chiến đối với quần chúng, quốc hội, và đường lối chính trị của các cơ quan chính phủ Mỹ. Bắt đầu là một số sinh viên chống chiến tranh, sau đó lan rộng ra quần chúng, dần dần quốc hội phải đứng về phía dân và buộc Tổng thống phải thay đổi chính sách. Bắt đầu từ năm 1969 và nhất là từ năm 1971 mỗi lần về Việt Nam tôi trao đổi nhiều lần với ông Thiệu và nhân viên chánh phủ, cùng với các lãnh đạo chính trị, nhận định của tôi về phong trào chống chiến tranh ở Mỹ, và tôi tiên đoán sẽ sớm có ngày Mỹ bỏ miền Nam Việt Nam. Ông Thiệu không tin vì chung quanh ông ta toàn là những cậu trẻ học ở Mỹ về không có kinh nghiệm về cơ cấu chính trị Mỹ, cho rằng Mỹ không bao giờ bỏ Việt Nam, và Tổng thống Mỹ Nixon không bao giờ bỏ rơi chính phủ miền Nam. Tiếc thay lãnh đạo miền Nam đã không nghe lời cảnh cáo của tôi. 

1    2    3    4    5    6    7    8    9    10

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét