Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2016

TRÍCH HỒI KÝ LÝ QUANG DIỆU - PHẦN VIỆT NAM


…Tôi lặng người bởi thái độ ngạo mạn và hung hăng của Phạm Văn Đồng….
Vào ngày 29/10/1977, một chiếc DC3 của Việt Nam, loại Dakota cũ, bị cưỡng đoạt trong một chuyến bay nội địa và bị buộc bay đến Singapore. Chúng tôi không thể ngăn nó hạ cánh xuống căn cứ không quân Seletar. Chúng tôi cho phép phía Việt Nam gởi một phi hành đoàn mới đến lái máy bay về cùng với phi hành đoàn cũ và những hành khách khác sau khi chúng tôi đã đổ nhiên liệu và tân trang lại. Chúng tôi truy tố bọn không tặc và đã kết án chúng 14 năm tù giam.
Việt Nam đã không trả chi phí cung ứng này, thay vào đó họ gởi cho chúng tôi một loạt những cảnh cáo yêu cầu trao trả những tên không tặc hoặc đối mặt với những hậu quả. Chúng tôi phải vững vàng và không cho phép bản thân bị sợ hãi nếu không sẽ có nhiều vấn đề xảy ra. Quan hệ giữa Singapore và Việt Nam vừa được nối lại năm 1975 đã bắt đầu chững lại..

Người Việt Nam đã khai thác một cách khéo léo những nỗi sợ hãi và khát khao của các nước Asean muốn làm bạn với họ. Họ nói chuyện cứng rắn trên sóng phát thanh và báo chí. Tôi thấy những nhà lãnh đạo của họ thật khó chịu. Họ rất tự cao tự đại và tự hào về bản thân như là người Phổ của Đông Nam Á. Thật ra, họ đã gánh chịu sự trừng phạt mà công nghệ Mỹ đã đổ xuống và qua tính chịu đựng tuyệt đối cộng với sự tuyên truyền đầy khéo léo, bằng cách khai thác các phương tiện truyền thông của Mỹ, họ đã đánh bại người Mỹ. Họ tự tin rằng họ có thể đánh bại bất kỳ thế lực nào trên thế giới, kể cả Trung Quốc nếu nước này can thiệp vào Việt Nam. Đối với chúng tôi, những tiểu bang bé nhỏ của Đông Nam Á, họ không có gì ngoài sự khinh thường. Họ tuyên bố sẽ thiết lập các quan hệ ngoại giao với từng thành viên riêng lẻ trong Asean và từ chối giao dịch với Asean với tư cách một khối. Báo chí của họ chỉ trích sự có mặt của các căn cứ quân sự Mỹ ở Philipin và Thái Lan và nói về các quan hệ cấu kết giữa Trung Quốc và Singapore.
Đến năm 1976, các bất đồng ngày càng sâu sắc với Trung Quốc đã làm họ khẩn trương gởi các đoàn ngoại giao đến Asean. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phan Hiền đã mang theo một thông điệp hòa bình khi ông ấy thăm các nước trong khu vực. Đầu tiên ông gạt Singapore ra khỏi các chuyến viếng thăm nhưng ông thay đổi kế hoạch và đến Singapore vào tháng 7/1976. Ông nói Việt Nam là nước chủ trương không can thiệp vào công việc của các nước khác. Ông đưa ra điểm khác biệt giữa người dân và chính phủ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Người dân Việt Nam thì ủng hộ chính nghĩa của cuộc đấu tranh giành độc lập của các dân tộc Đông Nam Á, có nghĩa là ủng hộ cuộc nổi dậy của chủ nghĩa cộng sản. Còn chính phủ Việt Nam muốn thiết lập các mối quan hệ song phương với các nước này. Tôi đã chỉ ra rằng lời lẽ ngụy biện ngoại giao này không thể xóa bỏ sự nghi ngờ trong đầu chúng tôi rằng cách nói nước đôi này là sự can thiệp. Đề cập đến sự ủng hộ của Liên Xô đối với Việt Nam, tôi nói các cường quốc biết rằng mâu thuẫn trực tiếp với nhau là việc nguy hiểm vì vậy họ sử dụng các nước thứ ba để mở rộng ảnh hưởng của họ. Những bất đồng giữa các nước Asean được giải quyết trong nội bộ Asean vì thế cả Mỹ và Liên Xô đều không thể khai thác chúng.
Một năm sau, Thủ tướng Phạm Văn Đồng theo kế hoạch lúc đầu cũng không tính đến Singapore trong các chuyến viếng thăm khu vực có thể để làm cho chúng tôi cảm thấy bấp bênh. Chúng tôi vẫn vững vàng, cho đến bây giờ họ không thể làm tổn hại chúng tôi. Phạm Văn Đồng đến Singapore vào ngày 16/10/1978. Tôi cảm thấy ông kiêu ngạo và khó ưa. Người Việt Nam là những nhà đạo diễn sân khấu xuất sắc. Đầu tiên là Phan Hiền đến phô diễn một khuôn mặt tươi cười ngọt ngào của Việt Nam cộng sản. Giờ đây Phạm Văn Đồng, một ông già 72 tuổi, cho thấy ông cứng rắn như đinh. Trong các cuộc thảo luận kéo dài 2 tiếng rưỡi, chúng tôi bỏ qua những nhận xét lịch sự và uyển ngữ. Thật ra cuộc đối thoại thẳng thắn của chúng tôi đã bắt đầu trong chuyến đi trên xe hơi từ sân bay.
Tôi khởi đầu bằng sự đón chào ước vọng của Việt Nam muốn hợp tác cùng chúng tôi vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng nhưng khi nghe đài phát thanh Hà Nội và đọc báo Nhân dân tôi trở nên dè dặt. Họ không thân thiện, thậm chí còn đe dọa. Ông Đồng tuyên bố Việt Nam là một nước xã hội chủ nghĩa và ông là một người cộng sản. Học thuyết của ông là chủ nghĩa Mác–Lênin. Ông đến Singapore để nói chuyện với tư cách Thủ tướng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việt Nam phải đóng góp vào sự nghiệp cách mạng và hòa bình của Đông Nam Á và thế giới. Điều này không liên quan gì đến Singapore. Việt Nam là một đất nước 50 triệu dân, một quốc gia kiên cường, thông minh và giàu tài nguyên thiên nhiên. Cả Mỹ và Nhật đều bảo Việt Nam sẽ trở thành một nước mạnh về kinh tế; Mỹ và Nhật, sẽ cần các mối quan hệ thương mại và kinh tế với họ.
Sau mở đầu tự tin này, để trả lời cho câu hỏi của tôi, ông cho rằng Bắc Kinh đã xúi giục từ 140.000 đến 150.000 người Hoa ở miền Bắc rời Việt Nam và trở về Trung Quốc qua đường biên giới. Họ không thể hiểu tại sao. Nguyên nhân sâu xa là chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam sau chiến thắng của Việt Nam đối với người Mỹ. Trung Quốc tiếp tục chính sách bành trướng chống Việt Nam. Bắc Kinh đã lợi dụng các thủ lĩnh Khmer mở các cuộc tấn công vào lãnh thổ Việt Nam gây ra những tội ác tàn bạo. Trung Quốc làm cho người Hoa ra đi qua một chiến dịch do đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội phát động để huấn luyện những ai trở về để gửi họ trở lại Việt Nam. Những người Trung Quốc ở hải ngoại luôn luôn gắn bó với quê cha đất tổ, cảm thấy điều đó là đáng trân trọng và chân thật. Bắc Kinh đã khai thác những tình cảm đó.
Tôi hỏi liệu Trung Quốc sẽ thi hành chính sách như thế ở Singapore hay không nếu Trung Quốc có một đại sứ quán ở đây. Ông nghĩ rằng điều đó không xảy ra bởi Trung Quốc không muốn mang tất cả người Hoa ở hải ngoại trở về. Việc để họ ở nơi họ đang ở và sử dụng họ như những công cụ thì tốt hơn. Nhìn thẳng vào tôi, ông nói rằng người Hoa ở mọi nơi đều ủng hộ Trung Quốc, giống như người Việt ở nước ngoài ủng hộ Việt Nam.
Sau đó ông quay sang các quan hệ kinh tế với một đề nghị gây bất ngờ là Singapore có thể đóng góp vào việc tái xây dựng Việt Nam. Tôi phản đối một cách lịch sự rằng chúng tôi phải có được sự đáp trả cho hàng hóa và dịch vụ của mình, ông nói thẳng thừng rằng nền kinh tế Việt Nam không phát triển và các khả năng thương mại bị giới hạn. Đêm đó trong khi tôi đi bộ với ông đến tiệc chiêu đãi, ông lại nói một lần nữa rằng Việt Nam không thể trao đổi mậu dịch nhưng cần giúp đỡ; Singapore đã thu lợi từ chiến tranh Việt Nam, bán vật liệu chiến tranh cho người Mỹ, do đó trách nhiệm của chúng tôi là phải giúp đỡ họ. Tôi lặng người bởi thái độ ngạo mạn và hung hăng này.
Khi chúng tôi trên xe chạy dọc khu cảng vào ngày hôm sau, ông thấy nhiều tàu bỏ neo. Một lần nữa ông buộc tội chúng tôi đã thu lợi vô cùng lớn từ chiến tranh Việt Nam và phát triển Singapore trên sự mất mát của họ vì thế trách nhiệm của chúng tôi là giúp đỡ họ. Tôi hoài nghi. Tôi không thể hiểu tại sao chúng tôi lại buộc phải giúp đỡ họ trong khi họ bị kiệt quệ bởi một cuộc chiến mà chúng tôi không gây ra và chúng tôi không hề đóng bất cứ vai trò nào trong cuộc chiến ấy. Tôi nói những nguyên liệu chiến tranh chính yếu chúng tôi cung cấp cho các lực lượng Mỹ ở Việt Nam là POL (xăng, dầu và chất bôi trơn) xuất phát từ các công ty dầu của Anh và Mỹ. Lợi nhuận cho Singapore là không đáng kể. Trông ông có vẻ ngờ vực. Tôi nói chúng tôi chuẩn bị để giao dịch kinh tế chứ không phải để viện trợ không hoàn lại. Ông không hài lòng. Chúng tôi chia tay lịch sự nhưng lạnh lùng.
Vào năm 1990, trong hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Võ Vãn Kiệt, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam đòi gặp tôi. Ông hy vọng chúng tôi sẽ gạt qua những bất đồng còn tồn đọng và hợp tác. Tội tiếc là quá nhiều thời gian đã bị mất vào sự chiếm đóng Campuchia của họ từ tháng 12/1978. Cho đến khi nào xung đột đó được giải quyết thì mới có thể có các quan hệ giữa chính phủ với chính phủ. Võ Văn Kiệt cho biết có rất nhiều cơ hội to lớn và ông đã cấp trên 100 giấy phép đầu tư cho các công ty nước ngoài. Tôi đáp lại là cho dù có 100 hay 1000 giấy phép, kinh tế Việt Nam cũng không thể cất cánh cho đến khi nào Mỹ ra hiệu cho Ngân hàng Thế giới mở các khoản cho vay mềm để phục hồi kinh tế Việt Nam và các nhà băng lớn của Mỹ quyết định Việt Nam là một rủi ro có thể chấp nhận được.
Tháng 10/1991, Việt Nam và tất cả các phe ký kết các hiệp định ở Paris về một thỏa thuận chính trị toàn diện tại Campuchia. Một tuần sau, Võ Văn Kiệt, lúc bấy giờ là thủ tướng, đến thăm Singapore. Mặc dù tôi không còn là thủ tướng, chúng tôi gặp nhau khi tôi tham dự buổi chiêu đãi mừng ông do người kế nhiệm tôi, Thủ tướng Goh Chok Tong, tổ chức. Khi bữa tiệc đang tàn, ông đứng dậy tiến đến phía tôi, nắm tay tôi trong cái ôm nửa cộng sản và hỏi liệu tôi có giúp Việt Nam không. Tôi hỏi, bằng cách nào? Bằng cách trở thành cố vấn kinh tế cho họ. Tôi không nói nên lời. Tôi đã là mục tiêu của những cuộc công kích độc địa của họ từ khi họ chiếm đóng Campuchia. Bình tĩnh lại sau khi ngạc nhiên, tôi cho biết kinh nghiệm của tôi chỉ giới hạn ở một nhà nước thành bang18, tôi không có kinh nghiệm về một đất nước lớn như Việt Nam với dân số 60 triệu người, một đất nước bị tàn phá bởi nhiều năm chiến tranh và vận hành theo một hệ thống mang tính cộng sản mà hệ thống này phải được chuyển đổi sang hệ thống thị trường. Ông vẫn bền bỉ và theo đuổi ý định này trong hai lá thư gởi cho tôi.
Sau cuộc trao đổi thư, tôi đồng ý viếng thăm họ, không phải với tư cách là một cố vấn, mà chỉ là để khơi những ý tưởng về sự thay đổi sang một nền kinh tế thị trường tự do. Tôi đến Hà Nội vào tháng 4/1992 với mối quan hệ hoàn toàn khác. Trong một phòng hội nghị được trang trí hoa mỹ công phu, với tượng bán thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm trung tâm, tôi trải qua một ngày với Võ Văn Kiệt và đội ngũ những bộ trưởng và quan chức cao cấp của ông. Họ có năm vấn đề, bắt đầu với việc Việt Nam nên tập trung vào mặt hàng nào trong việc hiện đại hóa, ở những thị trường nào và với những đối tác nào. Tôi đáp rằng những vấn đề họ đưa ra tự chúng đã phơi bày một hệ tư duy có được từ nhiều năm kế hoạch hóa từ Trung ương, bởi họ cho rằng sẽ có những mặt hàng, thị trường, đối tác rõ ràng cụ thể mà có thể mang lại sự chuyển đổi cho họ. Tôi đề nghị họ học tập quá trình của Đài Loan và Hàn Quốc tự chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp hóa gần đây. Tôi cho biết, một chiến lược tốt là sẽ sử dụng miền Nam Việt Nam, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh làm động lực thúc đẩy sự phát triển của cả nước. Chủ nghĩa cộng sản phổ biến ở miền Bắc trong suốt 40 năm nhưng chỉ 16 năm ở miền Nam. Người dân miền Nam quen với một nền kinh tế thị trường tự do và có thể dễ dàng đảo ngược để tiến hành hệ thống cũ (thị trường tự do – ND). Chất xúc tác tốt nhất là những người di cư của họ  những người Việt ra đi sau năm 1975 và kinh doanh thành công ở Mỹ, Tây Âu, Úc, New Zealand và các đảo lân cận ở Nam Thái Bình Dương. Mời họ trở về và khởi động nền kinh tế ở miền Nam bởi vì họ sẽ muốn giúp đỡ gia đình và bạn bè họ.
Võ Văn Kiệt dường như bị lôi cuốn trước đề nghị này. Bản thân ông xuất thân từ miền Nam nhưng những người khác, những nhà lãnh đạo cấp cao hơn muốn sự phát triển phải lan rộng đều khắp cả miền Bắc và miền Nam. Tuy không nói ra nhưng họ lo sợ những người di cư sẽ trở về với tư tưởng lật đổ hay liên quan đến các tổ chức nước ngoài như CIA. Sau nhiều thập kỷ chiến tranh du kích, họ nghi ngờ tất cả mọi người.
Võ Văn Kiệt bay từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh để gặp tôi lần cuối. Ông yêu cầu tôi quay lại mỗi năm, nói rằng tôi là một người bạn thật sự bởi tôi đã đưa ra lời khuyên chân tình và trung thực mặc dù đôi khi thật khó nghe. Tôi hứa sẽ quay lại trong 2 năm nữa. Trong thời gian đó tôi sẽ gửi một lực lượng thi hành nhiệm vụ nghiên cứu các khuyết điểm về cơ sở hạ tầng của họ và đưa ra lời khuyên về các hải cảng, sân bay, đường sá, cầu cống, thông tin liên lạc và điện lực.
Các quan chức của chúng tôi tin tưởng Việt Nam muốn chúng tôi liên kết với họ để gần gũi hơn với Asean và an toàn hơn với Trung Quốc. Singapore đã từng là đối thủ lớn tiếng nhất của Việt Nam. Nếu họ bình thường hóa các quan hệ với chúng tôi, những nhà đầu tư nước ngoài sẽ có nhiều tự tin hơn. Chúng tôi quyết định để quá khứ lại sau lưng và giúp đỡ họ hết sức mình để họ hòa nhập với nền kinh tế thị trường và trở thành những đối tác tương hợp trong khối Asean.
Ở Hà Nội, tôi yêu cầu đến thăm Phạm Văn Đồng. Mặc dù đã về hưu, ông vẫn tiếp tôi ở trụ sở của chính phủ, một tòa nhà bằng đá từ những năm 1920, mà trước đây là văn phòng của các toàn quyền Pháp. Ông đón tôi ở cửa chính trên bậc tam cấp cao nhất. Trông ông đã yếu rõ rệt, nhưng ông rất cố gắng để đứng thẳng, rồi bước đi run rẩy đến chiếc ghế cách không xa. Họ tắt máy điều hòa bởi ông không thể chịu được lạnh. Ông yếu nhưng nói với sự cứng rắn và quyết đoán. Ông nhắc lại cuộc gặp gỡ của chúng tôi ở Singapore và nói rằng quá khứ đã qua, Việt Nam đang mở ra một trang sử mới. Ông cảm ơn tôi về tình hữu nghị khi đến giúp đỡ Việt Nam.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam là một tập thể gây nhiều ấn tượng. Võ Văn Kiệt nói năng mềm mỏng, nhưng lý lịch là một chiến sĩ cộng sản nằm vùng, trái với những phương cách mềm dẻo của ông. Họ là những đối thủ ghê gớm có quyết tâm và tinh thần chiến đấu cao độ.
Trong công hàm gửi cho nội các, tôi đã miêu tả tình trạng tệ hại của Việt Nam mặc dù đã là 6 năm sau khi mở cửa. Vào năm 1975, thành phố Hồ Chí Minh có thể ganh đua với Bangkok, giờ đây (1992), thành phố này tụt lại về sau hơn 20 năm. Tôi cảm thấy trong thời gian này người dân mất niềm tin vào những nhà lãnh đạo của họ và những nhà lãnh đạo mất niềm tin vào hệ thống. Tuy nhiên, họ là một dân tộc thông minh và đầy nghị lực, tận gốc rễ đó là những đồ đệ của Khổng Phu Tử. Tôi tin họ sẽ bật lên trở lại trong 20 đến 30 năm nữa. Mọi cuộc họp đều bắt đầu và kết thúc đúng giờ. Những nhà lãnh đạo của họ đều là những người nghiêm túc.
Cả Võ Văn Kiệt và cựu Tổng bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Văn Linh, người mà tôi đã gặp ở thành phố Hồ Chí Minh, từng người đều nói là họ phải đào tạo lại cán bộ của họ về nền kinh tế thị trường. Một chủ ngân hàng nước ngoài ở thành phố Hồ Chí Minh nói cho tôi biết họ phải chịu đựng một sự khan hiếm tài năng được đào tạo bởi nạn chảy máu chất xám trầm trọng.
Họ vẫn rất cộng sản theo cách của họ. Võ Văn Kiệt không cam kết hứa hẹn gì sau các cuộc thảo luận mà chúng tôi tổ chức vào buổi sáng và trưa ngày đầu tiên. Ngay sau hai buổi họp này, tôi được đưa đến gặp Tổng bí thư Đảng Cộng sản Đỗ Mười, người đã được báo cáo tóm tắt về nội dung hai cuộc thảo luận trong 20 phút kể từ cuộc chia tay của tôi với thủ tướng Võ Văn Kiệt. Võ Văn Kiệt ắt hẳn đã được sự chấp thuận sau khi tôi gặp Đỗ Mười bởi vì đêm đó, trong bài diễn văn ở buổi tiệc chiêu đãi, ông đã đưa ra vấn đề mà tôi đã nói, vấn đề mà trước đây ông đã không tỏ bất cứ thái độ nào, đó là Việt Nam không nên có quá nhiều sân bay và hải cảng quốc tế mà nên tập trung xây dựng một sân bay quốc tế lớn và một hải cảng quốc tế lớn để chúng có thể hòa nhập vào mạng lưới sân bay và hải cảng thế giới.
Chúng tôi thảo luận về các xí nghiệp quốc doanh (State–Owned Enterprises – SOE) đang gánh chịu thua lỗ. Họ muốn tư hữu hóa hoặc bán chúng cho người Lao động và các thành phần khác. Tôi giải thích phương thức này sẽ không cung cấp cho họ điều then chốt – sự quản lý có hiệu quả. Hãng hàng không Singapore thuộc sở hữu nhà nước 100% nhưng nó hiệu quả và có khả năng sinh lãi bởi nó phải cạnh tranh với các hãng hàng không quốc tế. Chúng tôi không trợ cấp cho nó; nếu nó không có lãi thì nó sẽ bị đóng cửa. Tôi đề nghị họ tư hữu hóa các SOE bằng cách đưa vào các tập đoàn nước ngoài để tiếp nhận những kiến thức chuyên môn về quản lý và vốn nước ngoài vào để có công nghệ mới. Một sự thay đổi trong hệ thống quản lý là thiết yếu. Họ cần phải làm việc với người nước ngoài để hiểu biết học hỏi qua công việc. Tư hữu hóa trong nội bộ đất nước bằng cách bán cho dân chúng của mình không thể đem lại kết quả này.
Lực lượng thi hành nhiệm vụ nghiên cứu cơ sở hạ tầng mà chúng tôi gửi đi vào tháng 9/1992 đã đệ trình một bản báo cáo được chính phủ Việt Nam thông qua. Chúng tôi dành 10 triệu đôla Mỹ trong quỹ Hỗ trợ các nước Đông Dương cho việc đào tạo chuyên môn cho các quan chức của Việt Nam.
Đỗ Mười viếng thăm Singapore vào tháng 10/1993. Ông sửng sốt trước những tòa nhà và cơ sở hạ tầng chất lượng cao. Khi ông tham quan các siêu thị giá phải chăng của NTUC, ông bị ấn tượng bởi sự đa dạng và phong phú của các mặt hàng tiêu dùng bày bán cho những công nhân của chúng tôi, giống như Thủ tướng Nga Ryzkov đã từng bị ấn tượng vào năm 1990. Khi tôi đáp lại chuyến thăm của ông một tháng sau, tôi khám phá được từ các quan chức của ông rằng ông đã chỉ đạo cho các tổ chức Việt Nam học tập Singapore và dành sự ưu đãi cho các đề án do các nhà đầu tư Singapore đề xướng ở bất kỳ nơi nào có thể. Tuy nhiên, mặc dù nhiều hợp đồng đã được ký kết, các nhà đầu tư của chúng tôi phát hiện chúng không được thực hiện. Các quan chức cấp dưới đã sử dụng các hợp đồng này để làm giá thu hút những hợp đồng hấp dẫn hơn từ những thương nhân khác.
Đỗ Mười là nhân vật quan trọng nhất Việt Nam. Tầm vóc nặng nề với khuôn mặt to, mũi rộng, nước da ngăm đen và mái tóc thẳng chẻ ngôi hai bên, trông ông giản dị và gọn gàng. Ông mặc trang phục Mao theo kiểu Việt Nam, không như Võ Văn Kiệt mặc lễ phục của Tây phương, ông là người cân bằng giữa chủ trương cải cách và chủ trương Bảo thủ.
Ông nói với tôi ông được đưa hai quyển sách của tôi khi ông ở Singapore. Ông đã cho dịch những bài diễn văn của tôi từ tiếng Hoa sang tiếng Việt, đọc tất cả chúng và gạch dưới các phần chính yếu về kinh tế và gửi chúng cho tất cả cán bộ quan trọng và bộ trưởng của ông đọc. Ông ngủ rất ít từ nửa đêm đến 3 giờ sáng, tập thể dục nửa tiếng và đọc đến 7 giờ 30 trước khi bắt đầu công việc. Nhân viên đại sứ quán chúng tôi báo cáo quyển sách về các bài diễn văn của tôi đã được dịch sang tiếng Việt và đang được bày bán.
Khi ông hỏi làm thế nào để có thể tăng lượng đầu tư, thì tôi đề nghị họ nên bỏ những thói quen họ đã học tập được trong chiến tranh du kích. Các đề án phát triển của phía Nam đã được chính quyền thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận phải được các quan chức Hà Nội, những người biết rất ít về tình hình ở thành phố Hồ Chí Minh đồng ý một lần nữa ở phía Bắc. Thật là mất thời gian. Kế đến, các dự án đã được chính phủ Hà Nội phê duyệt thường bị các chính quyền địa phương chặn lại bởi uy thế của chỉ huy địa phương chịu trách nhiệm, một di sản từ những ngày kháng chiến du kích.
Ông nói với một nỗi buồn về quá khứ bi thương của Việt Nam – 1.000 năm chống giặc Tàu, 100 năm chiến đấu chống trả chủ nghĩa đế quốc và thực dân Pháp, rồi lại tranh đấu cho nền độc lập sau Thế chiến thứ hai. Họ đã phải đánh quân Nhật, Pháp, Mỹ và sau đó là bè lũ Pol Pot. Ông không đề cập đến cuộc tấn công của Trung Quốc năm 1979. Trong suốt 140 năm, người Việt Nam đã tiến hành thành công các cuộc chiến giải phóng đất nước. Những vết thương chiến tranh của họ quá nặng, nền công nghiệp yếu ớt, kỹ thuật lạc hậu, cơ sở hạ tầng tồi tệ. Tôi thông cảm với ông, khẳng định cuộc chiến là một bi kịch cho cả nước Mỹ và Việt Nam. Ông thở dài và cho rằng Việt Nam có thể sẽ trở thành một quốc gia hiện đại phát triển như Singapore nếu không có chiến tranh.
Tôi khẳng định với ông lần nữa rằng cuối cùng rồi Việt Nam có thể sẽ còn làm tốt hơn Singapore. Không có lý do nào giải thích tại sao hòa bình và ổn định hiện nay lại không tồn tại được trong một thời gian dài, vì bài học mà Đông Á rút ra từ 40 năm qua là chiến tranh không sinh lợi. Trong hai cuộc chiến lớn ở Triều Tiên và Việt Nam và cuộc chiến tranh du kích ở Campuchia không có kẻ chiến thắng, chỉ có những nạn nhân.
Thực sự, Việt Nam đã có tiến bộ. Do kết quả của các cuộc gặp gỡ tiếp xúc với phía nước ngoài và các thông tin to lớn hơn về nền kinh tế thị trường, các bộ trưởng và quan chức có sự hiểu biết hơn về các hoạt động của thị trường tự do. Nhiều hoạt động đường phố hơn, nhiều cửa hàng hơn, nhiều thương nhân nước ngoài, nhiều khách sạn hơn – tất cả đều là những dấu hiệu của sự thịnh vượng ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Trong một chuyến thăm khác vào tháng 3/1995, Phó thủ tướng thứ nhất Phan Văn Khải dẫn dắt các cuộc thảo luận về cải cách kinh tế. Ông bị coi là muốn cải cách nhanh hơn. Các nhà đầu tư của chúng tôi đã gặp phải nhiều vấn đề. Tôi nói với Phan Văn Khải là nếu ông muốn thu hút đầu tư, ông phải chào đón những người đến sớm. Họ nên được giúp đỡ để đạt được thành công sau khi họ đã dồn tài sản vào đất nước Việt Nam. Đối xử với các nhà đầu tư có tài sản cố định ở Việt Nam như những tù nhân là cách chắc chắn nhất để xua đuổi những người khác. Các quan chức của họ đối xử với các nhà đầu tư như cách họ đã đối xử với lính Mỹ, như kẻ thù bị dồn vào trận địa phục kích và bị tiêu diệt. Thay vào đó, các nhà đầu tư nên được đối xử như những người bạn quý, những người cần sự hướng dẫn để thoát khỏi sự rối rắm của bộ máy quan liêu đầy rẫy bom mìn và các bẫy khác của họ.
Tôi đưa ra vài ví dụ về những khó khăn mà các nhà đầu tư đã phải đối mặt. Một nhà thầu Singapore đang xây dựng một khách sạn ở Hà Nội. Khoảng 30 hộ dân quanh khu vực thi công phàn nàn về tiếng ồn và sự rung động, ông ta đã đồng ý trả mỗi nhà một khoản đền bù 48 đôla một tháng. Khi điều này được chấp nhận, 200 hộ dân khác yêu cầu khoản tiền ấy. Nhà thầu này quyết định sử dụng một phương pháp khác để khoan cọc mà không gây tiếng ồn hay rung động. Nhưng nhà thầu không được phép làm điều đó bởi giấy phép của ông đăng ký sử dụng thiết bị cũ.
Một ví dụ tiếp theo, Singapore Telecom hợp đồng liên doanh về dịch vụ nhắn tin với Bưu chính Viễn thông Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở một năm thử thách, sau đó họ có thể xin một giấy phép 10 năm. Sau khi Singapore Telecom tiêu tốn 1 triệu Mỹ kim để đưa hệ thống đi vào hoạt động thì Bưu chính Viễn thông TP. Hồ Chí Minh đề nghị mua lại hệ thống. Tôi nói với Thủ tướng Võ Văn Kiệt rằng số tiền liên quan chỉ là 1 triệu đôla nhưng nguyên tắc là vấn đề quan trọng. Nếu họ không giữ hợp đồng họ sẽ làm giới kinh doanh Singapore mất niềm tin. Võ Văn Kiệt phải can thiệp để đưa đề án tiến hành trôi chảy nhưng có sự sửa đổi đối với hợp đồng ban đầu và một vài vấn đề nổi cộm vẫn chưa được giải quyết.
Ý kiến phản hồi từ các nhà đầu tư nước ngoài cho thấy thông điệp của tôi đã có tác dụng vì các quan chức Việt Nam đã trở nên sẵn sàng giúp đỡ hơn. Tổng giám đốc điều hành của một công ty lớn của Đức thăm Singapore sau khi đến Việt Nam đã nói với tôi rằng họ đã cung cấp cho ông một tài liệu hướng dẫn. Tôi mỉm cười hài lòng.
Các nhà lãnh đạo cao cấp vẫn còn sợ các tệ nạn xã hội theo sự mở cửa tràn vào Việt Nam, và cũng sợ mất đi sự kiểm soát chính trị nên đã làm chậm lại sự tự do hóa. Không như Trung Quốc, nơi hầu hết các thị trưởng và tỉnh trưởng đều trẻ tuổi, được đào tạo nghiêm túc, những vị đứng đầu chịu trách nhiệm trong các tỉnh, thành phố ở Việt Nam đều là các chỉ huy du kích quân ngày trước. Họ kinh hoàng trước những gì đã xảy ra ở Mat–xcơ–va và ở Liên bang Xô Viết và họ không tán thành việc các tệ nạn xã hội đã lây lan trong các thành phố duyên hải của Trung Quốc. Đó không phải là cái mà họ đã đấu tranh để giành lấy.
Năm 1993 tôi đã đề nghị Võ Văn Kiệt và đội ngũ của ông nên cất nhắc các cựu chiến binh du kích này vào những vị trí cố vấn quan trọng và cho phép những người trẻ hơn, ưu tiên những ai hướng đến phương Tây, gánh trách nhiệm hàng ngày. Họ cần những con người hiểu biết về nền kinh tế thị trường và có thể liên hệ với các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng những cựu binh đã tham chiến và chiến thắng đang tại chức và muốn xây dựng đất nước theo cách của họ. Khi một thế hệ trẻ kế thừa sự nghiệp, tôi tin nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển nhanh hơn. Tháng 9/1997, có những thay đổi quan trọng về sự lãnh đạo, đó là Phó Thủ tướng Phan Văn Khải trở thành Thủ tướng thay thế Võ Văn Kiệt và Phó Thủ tướng Trần Đức Lương thay thế Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Đây là những bước tiến đến một thế hệ trẻ hơn, đi xa hơn và có tiếp xúc với thế giới thực, những người biết rất rõ Việt Nam đang bị bỏ lùi bao xa so với các nước láng giềng.
Tháng 11/1997, tôi thăm Thành phố Hồ Chí Minh và gặp Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Trương Tấn Sang. Cả đất nước đang trong tình trạng “đóng băng”. Các nhà đầu tư của chúng tôi ở Thành phố Hồ Chí Minh và các chủ ngân hàng nước ngoài lo sợ về lệnh cấm mới được ban hành: Không được đổi từ tiền đồng Việt Nam sang ngoại tệ để thanh toán. Làm thế nào để các nhà đầu tư và chủ ngân hàng nước ngoài trả các khoản nợ nước ngoài? Làm thế nào họ tiếp tục kinh doanh buôn bán? Bộ Thương mại và Công nghiệp đã chống đối mạnh mẽ biện pháp này, biện pháp mà họ biết sẽ làm nản lòng các nhà đầu tư nhưng họ không thể làm được gì. Ngân hàng Trung ương Việt Nam và Bộ Tài chính đã hoảng hốt trước cuộc khủng hoảng tiền tệ đã lan tới khu vực và lo lắng về các dự trữ ngoại hối thấp của họ.
Ở Hà Nội, tôi đã giải thích với Phan Văn Khải tại sao những thay đổi đột ngột như vậy sẽ gây tổn thất. Nhiều vấn đề khác cũng đã sai lầm. Singapore Telecom đã dàn xếp việc kinh doanh nhắn tin để rồi sau đó gặp rắc rối về việc kinh doanh điện thoại di động. Công ty viễn thông ở Việt Nam không muốn cấp giấy phép mặc dù họ đã hứa. Người Việt Nam muốn tự mình quản lý nó. Tôi chỉ ra rằng Singapore phải theo xu hướng của thế giới phát triển về việc tư nhân hóa công ty viễn thông của nó, và công ty này phải đương đầu với sự cạnh tranh quốc tế. Cách duy nhất để đương đầu với sự cạnh tranh khốc liệt này là phải hoạt động như một công ty tư nhân với các đối tác nước ngoài đem đến công nghệ tiên tiến nhất. Ông đã hiểu cũng như Trần Đức Lương, người mà tôi đề cập đến cùng vấn đề đã hiểu.
Một lần nữa tôi được đưa đến gặp Đỗ Mười. Đó là một cuộc thảo luận tốt đẹp, giống như những lần trước. Nhưng tôi sợ sự ảnh hưởng của nó sẽ bị giới hạn một lần nữa. Người Việt Nam sẽ mất nhiều thời gian cho việc loại bỏ các trói buộc để hoạt động thoải mái linh hoạt. Một khi họ làm được điều này, tôi ít nghi ngờ việc họ có thể thành công. Kỹ năng họ sử dụng vũ khí của Liên Xô và ứng biến để khắc phục những thiếu sót nguy kịch suốt cuộc chiến và những thành tựu đạt được của những người Việt tị nạn ở Mỹ và Pháp là những nhắc nhở về phẩm chất ghê gớm của họ.

Trích Hồi Ký Lý Quang Diệu


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét