CHƯƠNG 40
Ngọc bảo hắn:
- Sắp dán túi ni-lông rồi. Em đã làm đơn xin
công ty. Nhà mình được một suất. Nhưng lần này không nhận cá nhân mà phải tổ
chức thành một tổ, do ông Quỳnh, phòng kỹ thuật, đứng ra chịu trách nhiệm trước
công ty. Hắn phấn khởi. Chờ. Phải chờ. Hắn đã quen chờ. Hắn đã học được bài
học: Phải biết chờ đợi. Cuộc đời là một sự chờ đợi. Cao hơn chờ đợi, cuộc đời
còn là hy vọng nữa. Hoàn cảnh dù khốn nạn đến đâu, cũng cứ hy vọng. Đó là cái
phao bám vào để đủ sức trôi dạt giữa đại dương số phận. Trong khi chờ đợi.
trong khi hi vọng thì tất nhiên là sống trong thực tại tối tăm.
Cứ mỗi sáng Ngọc đi làm hắn lại cảm thấy mình
là người có lỗi. Còn hơn thế. Đó là cảm giác của người ở nhà nhìn người khác vì
mình mà đi ra mặt trận. Thật đau khổ và nhục nhã. Sau khi Ngọc vác xe đạp khuất
hẳn xuống thang, hắn đi ra đi vào, hút thuốc lào, gấp máy bay cho thằng Dương,
làm ngựa cho nó cưỡi, nằm sấp cho nó tẩm quất. Hắn muốn sống lại những ngày lũ
con còn bé. Rồi hắn xem sách học của hai đứa lớn. Và giục con đi nấu cơm. Đến
lúc sắp tan tầm, mấy bố con mê mẩn dọn dẹp, lau nhà cho bóng nữa để làm vui
lòng Ngọc.
Những hôm mậu dịch bán thịt, bán gạo sang
kỳ... những hôm ấy hắn mới lập được tý chút công lao với vợ với con. Hắn mong
đến những ngày ấy, vì mấy lạng thịt phiếu, mấy cân gạo hút, mấy cân ngô... mang
từ cửa hàng về là một sự kiện trong cuộc sống của nhà hắn, thổi vào mỗi người
một luồng sinh khí, vì nó là cái để mọi người bàn tán chuyện trò. Đó là sự kiện
xáo động cả số nhà hắn ở. Họ chuyện về những miếng thịt họ mua, ngon hay không,
cân thiếu hay đủ nhiều mỡ hay nhiều nạc, ba chỉ hay mông sấn, lợn to hay lợn
nhỏ, có bà còn vớ phải cả miếng thịt lợn hoi nữa. Thật đau khổ. Họ bình luận về
cô bán thịt, về cái sự xếp hàng, về dự định chế biến mấy lạng thịt này. Người
lọc hết mỡ rán ăn dần, người bảo có ít thịt nạc giã ruốc cho cháu, người tuyên
bố sẽ luộc hết cho mấy bố con nó một bữa. Thèm nhạt đến khổ. Rồi ăn rau cả
tháng cũng được. Ngày ấy nhà nào cũng có mùi. thịt thơm lừng. Họ chuyện về chỗ
gạo đong ngon hay không, xúc ngay dưới đất hay dốc từ bao nguyên ra, hột vàng
nhiều hay ít, gạo tấm hay gạo dẻo. Có bà còn xúc lẻ gạo trên lòng bàn tay đi so
đọ với các nhà, mặt mũi hớn hở vì được mẻ gạo ngon hơn các nhà khác. Cũng gạo
“mậu” cả đấy, nhưng bao nhiêu loại. Mình không quen, ăn may thôi. Có một ông
quen mậu dịch viên, được họ chỉ cho bao ngon, nhưng ông ta không lấy hết cả
bao, mình lấy sau vớ được chỗ mấy cân thừa ấy. Sự may mắn ấy không xảy ra hai
lần trong một đời người. (Ngọc đã một lần được may mắn như vậy. Nửa đêm thức
dậy, nàng cứ thấy vui. Nghĩ mãi mới nhớ ra rằng nàng đong được 20 ký gạo ngon.
Niềm vui thấm vào giấc ngủ). Rồi đến khoản độn. Nếu là ngô thì đơn giản thôi.
Nếu là mì, thật cả một vấn đề. Ai bị mì vụn, mì gia công chua lòm. Ai được mì
đóm, mì sò, mì trắng... Những câu chuyện phấn khích nói đến tận tối mịt chưa
hết.
Những ngày được mua ấy (mậu dịch có lên lịch
cẩn thận) cả nhà hắn gọi là “ngày cá mè ô 5”, chẳng riêng xóm hắn, cả khu phố
đều tất bật, vất vả, lo lắng, bận rộn, âm sâm: rộn ràng, ríu rít, rôm rả, râm
ran.
Những ngày ấy, hắn dậy từ lúc còn tối đất.
Chiến công bao giờ cũng được bắt đầu một cách thầm lặng như vậy. Hắn cùng Ngọc
đã tính toán từ tối hôm trước lượng gạo, lượng độn, hay lượng thịt được mua hết
bao nhiêu tiền để khỏi nhầm lẫn. Nhưng hắn chỉ ra đi người không. Còn lâu mới
bán. Khi đi làm Ngọc sẽ cầm ra cho hắn tiền, phiếu và đồ đựng. Cửa hàng mậu
dịch lúc hắn đến còn vắng tanh. Nhưng ngoài khung cửa đóng im ỉm, những khuôn
cửa bảo vệ kho tàng của cải, niềm vui hạnh phúc mà mỗi người sẽ được chia theo
khẩu phần và thang bậc xã hội đã được tiêu chuẩn hoá bằng các loại phiếu bao
giờ cũng có sẵn những cái lốt: Gạch vỡ, mũ nón rách, bát mẻ, ống bơ gỉ, mảnh
cạp rá gẫy, niêu đất thủng, mảnh giấy xi-măng, đá củ đậu, cán ô gẫy... Mỗi thứ
ấy là một sổ, một hộ, một người. Có khi là hai ba sổ, hai ba người. Nhấc cái
nón mê. bên trong bốn hòn gạch vỡ. Vậy là năm người tất cả.
Đấy là những lốt người ta xếp từ tối hôm
trước. Hắn tìm nhặt một hòn gạch để vào cuối hàng rồi đứng sát cục gạch đó. Và
thật sung sướng nếu có ai đến đá tung tất cả những cái lốt ấy đi và quyết định
một trật tự mới, công bằng hơn:
- Xếp người. Ai có mặt thì xếp. Không có cái
trò này.
Thật là một người dám chịu trách nhiệm, một
anh hùng.
Những người đang lục tục tới cũng ủng hộ giải
pháp công bằng ấy. Hắn đứng vào hàng. Dòng người cứ dài ra, dài mãi, ngoằn
ngoèo. Và vẫn cứ dài thêm mãi. Hắn đứng chờ. Uất ức nhìn những người đến sau,
nhưng thản nhiên, vênh váo ném vào cửa quầy cái sổ ưu tiên. Rồi ngẫm ngợi. Thấy
mình đã giúp được vợ con tý chút. Không có hắn, Ngọc, con Thương phải làm việc
này. Chờ. Lâu. Lâu lắm. Trời rạng dần. Rồi sáng bạch. Rồi mặt trời lên. Rồi
người đi làm. Đường đông. Rồi vắng. Mới thấy những người mình mong đợi đến. ôi!
Những thiên thần. Những cô gái, có cả những bà đã đứng tuổi, ý thức được tầm
quan trọng của mình, phẩm giá đức hạnh cao quí của mình, vị trí chót vót trong
xã hội của mình, nghiêm nghị dắt xe lên hè, mở khoá. Không thèm nhìn ai, họ gọi
nhau, họ dựng xe, họ đi mua nước uống, họ bật quạt, họ cười nói oang oang.
Thấy họ đến đám đông đang bồn chồn nôn nóng,
sốt ruột, cau có, làu bàu trong miệng tự nhiên thay đổi hẳn. Họ chỉnh đốn lại
hàng ngũ. Họ giấu biệt vẻ mạt lúc nãy, làm ra vui vẻ tươi tắn, thú vị vì được
xếp hàng để “các cô mậu”khỏi phật ý. Dừng để các cô ấy mếch lòng. Đừng để các
cô ấy thấy mình sốt ruột. Cũng có người không kìm được, ngọt ngào:
- Tới giờ rồi, bán thôi chị ơi...
Thật là một sai lầm tai hại. Không ai thèm trả
lời kẻ hỗn xược ấy. Người ta lại giờ sổ ra,cộng trừ. Người ta lại ra uống nước
và cười nói to hơn. Cứ phải nén cái gì từ cổ xuống. Cứ chờ. Mãi cũng phải được
chứ.
Thế rồi tất cả mở cờ trong bụng, reo lên từ
đáy lòng khi thiên thần bước ra ghế ngồi trước bàn ngay chỗ cửa ghi-sê. Tiếng
reo ấy làm thiên thần khó chịu. Bằng chứng là thiên thần lại quay vào phía
trong một lúc rồi mới ra, lật sổ xem xét, im lặng, chăm chú hệ trọng, trang
nghiêm. Thiên thần ngẩng lên nhìn vào đám đông vô liêm sỉ, hay quấy rầy, không
để ai yên nhưng đã biết lỗi và đứng im phăng phắc:
- Lào! Đưa sổ đây! Lăm người một. Từ từ chứ
lào. Đã bảo lăm sổ một. Ai là Tẩm!
Một ông già móm mém bật trả lời không chậm một
giây:
- Em đây! Dạ! Em là Tẩm đây.
Tất cả nhìn cô mậu dịch viên. Cô lật sổ gốc.
Cô ghi định lượng. Cô ký vào sổ gạo của ông già. Cô không nói một câu. Ông già
khe khẽ:
- Cô cho em đong 6 ký được không? Em vay nhiều
quá rồi. Tháng vừa rồi 1ắ m khách quá. Có chú em ở Hà Nội về chơi, lại có mấy
đứa cháu từ quê ra.
- Sang kỳ chỉ bán mỗi sổ một phần ba định
lượng.
Ông im lặng. Sổ của ông, hộ độc thân có 13 ký
ríỡi (các con ông đã đi chiến trường cả). Được đong bốn ký rưỡi. Một phần ba
ngô là ký rưỡi. Ba ký gạo. Cô mậu nhìn vào ba rem tính tiền và nói: l đồng 47.
Ông già đưa ra hai tờ giấy một đồng.
- Có tiền nẻ không?
- Dạ. Em không ạ. - Ông già nói như người có
lỗi.
Ba bốn người chạy từ dưới lên:
- Tiền lẻ đây ạ.
Một em bé trạc tuổi con Thương nhanh chân đến
trước tiên. Nó đưa cho cô mậu dịch viên những đồng một xu hai xu năm xu bằng
nhôm và những đồng tiền giấy một hào. Tiền lẻ hơn thẻ thương binh. Nó sẽ được
đong trước. Chẳng ai dám ghen tỵ với nó. Hắn sợ nhất những sổ ưu tiên, những
bao tải có buộc túi ni-lông đựng sổ gạo kèm theo tiền. Hắn sợ nhất những cái
túi vải có đựng phiếu thịt và tờ giấy xin mua bao nhiêu thịt. Những suất ấy
được cắt trước. Lại toàn chỗ ngon. Có khi đến lượt mình chỉ còn ít bạc nhạc.
Một lần hắn đến cửa hàng từ sớm để mua thịt mà không mua được. Phiếu TR của
thằng Dương ctĩng không mua được. Phiến BĐ cũng không mua được. Hôm ấy cửa hàng
chỉ về có mấy cân thịt mà có đến ba người cầm phiếu bán máu đứng chờ. Thịt bà
đẻ không bán. Thị trẻ em không bán.
Thịt chỉ bán cho những người bán máu. Hắn về
tay không và nghĩ đến Vũ Mạc. Thịt hiếm thế này Vũ Mạc kiếm được đây. Vũ Mạc
bán máu và bao giờ cũng bán nốt mọi thứ phiếu bồi dưỡng.
CHƯƠNG 41
Vạn vật biến chuyển. Đúng như vậy. Năm năm tù
trở về, hắn ngạc nhiên nhất là bể nước của số nhà hắn ở đã cạn khô. Một cái bể
ngầm gần mười khối, ống chì, lúc nào nước cùng đầy tràn mà nay chẳng còn một
giọt. Người bảo tại cây bạch đàn của ông Tri giồng ngay trên đường ống. Rễ nó
vặn vẹo ống chì làm tắc ống. Rễ nó đâm thủng ống chì và thút nút ở trong ấy. Đó
là ý kiến của bà Bượng. Cũng có thể thế. Dọc từ tường hoa vỉa hè vào đến bể
nước, ông Tri, một ông làm ở viện kiểm sát đã giồng một rặng bạch đàn từ ngày
hắn chưa đi tù. Giờ đây những cây bạch đàn ấy chọc thẳng lên trời xanh. Có lẽ
đúng tại dãy bạch đàn ấy thật. Chứ không làm sao ống nước lại hỏng?
Nhưng ông Tri thì lại bảo tại bà Bượng giồng
rau, giồng chuối, cuốc vào đường ống đặt ngầm dưới đất. Không còn biết đâu mà
lần nữa. Chỉ biết rằng tự nhiên bể nước cạn khô. Cái bể nước khi trước lúc nào
cũng đầy, trong vắt.
Không có nước cả xóm phải đi gánh. Ngọc đặt
một cái thùng chứa con con trong bếp, nguyên là thùng đựng đất đèn, quà tặng
của Thao và Bình. Nước thì xách ở ngoài máy công cộng, cũng gần thôi. Khi máy
khoá phải đi sang phố khác, xa hơn. Ngọc trích trong khoản tiền hắn được anh em
bạn bè cho, mua một đôi thùng tôn đen, quét sơn hắc ín. Hắn hai tay hai thùng
xách băng băng. Chỉ có giặt là hơi phiền. Phải mang ra vỉa hè, giặt ngay ở vòi
nước. Năm năm đi xa về, hắn thấy trong số nhà của hắn một thanh niên lạ mặt, da
thiết bì, tiếng oang oang như lệnh vỡ, con rể gia đình ông bà Bượng, công an
bên dưới. Anh ta cũng là công an. Hắn rất sợ chất giọng nam trung sang sảng của
anh ta, nhất là tiếng anh ta quát:
- Trên gác lại giội nước đấy hở? Ai giội đấy?
Hắn giội nước vào cái hố tiểu trên gác. Từ cái
hố tiểu ấy, nước xuống một đường ống đặt sát tường phía trong nhà xí bên dưới.
Anh thiếu uý công an thét làm hắn rụt tay lại.
- Đang ngồi ỉa thì giội nước, bắn hét cả người
đây này.
Hắn thò đầu ra cửa sổ xin lỗi:
- Vâng, vâng, tôi không biết.
- Chết thật, các bố...
Bà Bượng, bà mẹ vợ anh thiếu uý thấy cần phải
chen vào cuộc đối thoại:
- ống nó bục đấy, chú ạ.
Thế là lại phải thuê người đục tường, gắn lại
cái ống. Hắn cũng chẳng hiểu tại sao cái ống lại bục, nếu không có người đập.
Hắn sợ nhà ông Bượng. Ông Bượng là công an.
Con gái là công an. Con rể là công an. Nhưng chính ông Bượng lại thông cảm với
hắn. Trong một lần gặp nhau ở cầu rửa, nơi hắn đã nghe lời tuyên bố lịch sử
“Hôm nay chúng tôi đến bắt anh đây”, ông Bượng bảo hắn:
- Tôi đã đọc hồ sơ của chú. Bây giờ chúng nó
khốn nạn thế đấy. Đảng viên cũng còn hại nhau đến nơi.
Ông Bượng làm ở phòng hồ sơ. Hắn nghe ấm cả
lòng. Nhưng ông Bượng chẳng có tác dụng gì ở số nhà này. Mọi công việc, mọi tác
động đều ở bà Bượng. Bà là người ghê gớm. Một cái bóng bao trùm lên tất cả. Bà
không biết chữ, chỉ ở nhà cơm nước. Một công việc vất vả, khó khăn, vì đồng
lương của ông có hạn. Bà phải đảm bảo cho cả gia đình tám người. Sáu đứa con và
hai ông bà. Cuộc sống của gia đình bà cực kỳ eo hẹp. Lũ con bà chưa đứa nào học
hết cấp hai. Sáu đứa con gái. Đứa lớn, xinh đẹp, đứa làm khổ hai ông bà nhiều
nhất, cái đứa bây giờ là vợ anh thiếu uý công an ấy. Nó sống với những bản
năng, không ai có thể ngăn cản được. Bố đánh, mẹ khuyên, nó nghe, nhưng đâu vẫn
đóng đấy. Nó đi chơi, cả ngày lẫn đêm. Có khi nó về nhà, nhưng sợ bố mẹ, định
đi nữa. Thương nó nhịn đói, Ngọc gọi lên, cho nó ăn cơm nguội. ăn xong, nó lại
đi.
Có nhiều chàng trai đến nhà ông bà Bượng, nửa
như con nhận nửa như cháu họ xa, ý định lăm le làm rể ông bà. Nhưng rồi chính
chàng rể tương lai lại phải cùng với ông bố đi lùng sục cô con gái cả đêm (có
khi cả hắn cũng được ông Bượng huy động vào việc ấy)
Dáng người thon thả, eo nhỏ ngực nở, da trắng,
má non bễu, mắt đen long lanh, nó có vẻ đẹp của tuổi trẻ tuyệt vời, tuổi trẻ
không gì sánh được.
Bây giờ hẳn ông bà đã yên tâm về nó. Cả nhà
chỉ có cô gái lớn ấy ít nói. Ông Bượng cũng đã xin cho nó làm công an.
Còn năm cô gái sau, cô nào cũng học được tính
chua ngoa của bà. Mẹ con bà chỉ chua ngoa với những người dám chống lại bà
thôi. Chứ với hắn thì không. Hắn và Ngọc vốn biết điều. Tránh mọi va chạm. Có
miếng ăn cũng ý tứ, biết kín đáo. Hắn không nấu ở bếp chung dưới nhà. Bếp của
hắn là cái lò sưởi, ngay trong buồng. Hắn vừa nấu vừa viết, nói chuyện với
Bình: cùng với Ngọc tiếp Phượng. Sau này hắn nấu trong cái xép đựng rượu của
Tây ngay trên gác. Lũ trẻ đã lớn, phải nấu nồi to, lò sưởi bị chật. Thi thoảng
Ngọc lại cho lũ trẻ nhà bà quả chuối, quả ổi... Nhiều tối bà lên gác chuyện với
Ngọc về cuộc đời gian lao của bà, vất vả từ bé, gánh vã, buôn rau, đánh nhau
với cảnh binh... Bà còn dạy lũ trẻ nhà hắn một bài hát chơi đi trốn đi tìm. Cả
nhà nhập tâm ngay vì nó rất lạ: Xi bà loong toong cà. Xi bà các tùng bê. A lê
đi ra. Búp-bê đi ra. Con kiến đi ra. Con ma bắn bùm. Cào cào bám đít. Bọ xít
thối tai. Mời anh đi ra!
Công bằng mà nói, bà cũng có vài tác dụng tích
cực trong cuộc sống của số nhà đông hộ này: Như sáng chủ nhật, đôn đốc vệ sinh.
Chỉ đích danh những người đi ỉa mà không chịu giội nước (hệ thống giật nước
thời Tây để lại không dùng nữa, vì không có máy bơm, bơm lên bể trên sân
thượng). Tiếng bà sang sảng, như tiếng anh con rể, cả khi dạy dỗ con cái, nói
cạnh nói khoé, hay chửi nhau tay đôi. Hắn trước đây chỉ nghiên cứu bà một cách
không tự giác, theo cái vô thức của người viết, mà không bao giờ nghĩ rằng sẽ
có lúc viết về bà, vì điều đó sẽ là bôi đen chế độ, bịa ra những nhân vật xa lạ
với hiện thực.
Giờ đây hắn sợ bà. Như sợ ông an, nh sợ những
người cần phải sợ, phải giữ gìn cẩn thận.
Ngoài một hộ độc thân, một công nhân lái cần
cẩu chân đế ở cảng đi làm ca kíp như một cái bóng, dưới nhà có ba gia đình, và
cả ba gia đình luôn bất hoà, luôn cãi nhau. Hắn cũng chẳng nhớ được vì sao họ
cãi nhau. Có thể vì con ngan của bà Tri ỉa một bãi ngay cửa nhà bà Bượng. Hay
vì nấu chung bếp, nắm mùn bị mất. Vì nồi cá đang kho bị vẹt di. Vì mùi xào nấu
của một nhà nào đấy thơm quá. Hình thành một thế chân vạc. Như Ngụy, Thục, Ngô.
Khi Nguỵ, Thục liên kết. Khi Thục, Ngô liên kết. Khi Ngụy, Ngô cùng chống Thục.
Nhưng bà Bượng dù có liên minh hay không, bao giờ cũng vững như bàn thạch.
Cái nhà ở gần bể nước, nhà ông Tăng, cán bộ
liên hiệp xã, một gia đình thuộc loại có máu mặt, thế đang lên (cán bộ thủ công
nghiệp cả một khu phố cơ mà) cũng đã tưởng có thể coi thường bà như coi thường
những người khác, như coi thường hắn. Và ông ta đã phải nhận một bài học. Một
bài học nhớ đời.
Ông Tăng là người chiếm đất làm căn nhà đầu
tiên ở khu vườn mênh mông của cái biẹt thự này. Ngôi nhà xinh xinh gần hai mươi
mét vuông thôi. Ông chẳng nói với ai, nhưng phải nói với bà Bượng, vì bà giồng
ở đó mấy khóm chuối. Ông Tăng phải đền tiền và chị chị em em ngọt xớt với bà.
Rõ ràng cái nhà ấy làm được là do của đút lót.
Thế, một người quen hắn, viết lách tạm tạm
cũng muốn đi vào sự nghiệp văn chương, sau phát hiện ra mình nhầm lẫn, bèn
chuyển hẳn sang làm nhựa, một ngành nghề mới mẻ, dễ phất. Thế đã biếu ông Tăng
toàn bộ chỗ ngói lợp, lại còn thuê xe bò chở đến tận nhà cho ông. Mỗi người,
mỗi tổ hợp tác lo một tý. Còn bao nhiêu người làm thủ công khác nữa.
Dạo ấy Thế bắt đầu giàu. Từ một máy đùn nhựa,
Thế dựng thêm một máy đùn nữa. Chuyên sản xuất guốc nhựa, dép nhựa. Thế có một
bọn lau nhau làm thuê. Hắn ngỏ ý xin làm ở chỗ Thế, nửa đùa, nửa thật:
- Mình với cậu đều đã học Mác. Hiện nay mình
đang không có ai bóc lột. Cậu bóc lột mình đi.
Nói có vẻ đùa thế thôi, chứ trong bụng hắn rất
muốn Thế nhận lời. Giá Thế thuê hắn. Giá Thế bóc lột hắn. Sung sướng biết bao.
Nhưng Thế bảo: “Thợ thừa rồi”. Chỉ có điên mới nhận một người bạn hơn tuổi, vốn
là bậc đàn anh vào làm công cho mình. Thế không điên. Dạo ấy Thế đã biết phải
tránh những người nào và giao dịch với những người nào. Ông Tăng là một nhân
vật quan trọng, phải mời đi ăn, phải nhớ những ngày rằm tháng Tám mà đem bánh
nướng bánh dẻo đến, Tết phải có gà thiến, gạo nếp (dạo ấy chưa sính rượu ngoại,
thuốc lá ba số biếu ông...
Nhà ông Tăng lúc nào cũng đông người lui tới.
Sau khi xây nhà xong, ông Tăng tổ chức gả
chồng cho con gái. Khách khứa nườm nượp. Xe đạp chật vườn. Mượn cả nhà cô đồng
hồ trên gác để khách lên ăn uống. Ông mời tất cả hàng xóm. Trừ nhà hắn.
Pháo nổ mù mịt. Thuốc lá thơm lừng. Giày bóng
loáng lên xuống thang rầm rập. Ông Tăng đưa đón khách, luôn miệng cám ơn. Khách
say sưa. Cười ha hả. Nói to tát. Ông Tăng nhận tiền mừng. Toàn những món sụ.
Những dân thủ công coi dây là dịp may để lấy lòng ông Tăng. Những cán bộ khu
phố, thành phố, công an, những bạn nhậu với ông, những hàng chức sắc, hái ra
tiền...
Hắn đóng chặt cửa. ở trong nhà, hút thuốc lào
khan. Cảm thấy nhục. Hắn và vợ con hắn không thể quên được nỗi nhục trong ngày
hôm đó.
Cũng như hắn không thể quên được sáng hôm sau.
Cả nhà ông Bượng, nói đúng hơn là bà Bượng, các cô con gái và anh con rể là
người đàn ông duy nhất trong số đó, khiêng cái chuồng gà to, lợp lá từ phía
trong chạy ra. Người khiêng, người đỡ mái, đỡ cột cho nó khỏi đổ, vừa chạy, vừa
í ới “hai ba nào”, “đỡ đỡ cái cửa... “và đặt ngay cạnh căn nhà mới xây của ông
Tăng, nơi cô dâu chú rể còn đang thiêm thiếp. Đó là một hình thức khẳng định
chủ quyền đất đai, vùng biên giới”.
Bà Bượng giồng chuối, rau dền, rau cải, dây
khoai lang ở mọi chỗ. Phải đến vài trăm mét vuông. Ông Tri chiém được một ô con
và trồng một dãy bạch đàn sát tường. Về sau ông còn quây sân lại. Bà Bượng đã
nhiều đất. Bà đành phải nhìn phần đất ngon lành rơi vào tay người khác. Mọi
người đều ghét bà Bượng. Ghét nhưng sợ. Đã có nhiều cuộc vùng lên chống lại bà,
nhưng đều thất bại. Bà kể vanh vách những chuyện trong gia đình người khác. Bà
lôi cả danh hiệu đảng viên của ông bà Tri ra chửi.
Bà chửi ông Tăng. Chửi hiện đại. Bà không dùng
những câu kinh điển, chửi thằng rải chiếu ngang, thằng sang chiếu dọc, thằng
đọc văn tế nhà mày. Hay con gà nhà bà là con gà, về nhà mày nó là con hùm tinh
đỏ mỏ.
Bà có cách chửi của bà. Vừa hiện đại vừa mang
tính thời sự nóng bỏng. Bọn sâu mọt. Bọn đục khoét. Bọn ăn đút lót. Bọn khốn
nạn rồi sẽ bị truy tố. Tưởng rằng vơ vét được mà khinh bà ư? Bà nghèo, nhưng bà
trong sạch. Xã hội chủ nghĩa mà khốn nạn (ôi! Hắn chưa bao giờ nói nàng bậy bạ
như vậy mà đã vào tù rồi. Có lẽ vì hắn là người có học. Làm sao có bọn khốn nạn
trong xã hội xã hội chủ nghĩa được).
Trong đầu ỏc đã mụ mị đi của hắn vẫn còn văng
vẳng tiếng chửi của bà. Có lẽ vì nó đã làm hắn vui lên một chút trong những năm
tháng cùng cực ấy.
- Cha tiên nhân nhà mày. Bà giồng hai cây
chuối ở đây thì có động mồ động mả nhà mày không, mà mày xui con xui bố mày ra
vặn cho nó chết. Cái cây nó có tội tình gì. Thằng cha mà bẻ cây chuối của bà
thì cũng như vặn cổ thằng con. Thằng con vặn cây chuối của bà thì cũng như vặn
cổ thằng cha nhà chúng mày. Bà ở nhà, không có việc làm thì bà giồng cây chuối
để cho con bà thêm miếng ăn, mà có bao giờ bà ăn một mình bà đâu. Đất của nhà
nước bà giồng. Đến khi nào chính phủ đòi thì bà giả. Có phải đất từ đường hương
hỏa nhà mày không, mà mày làm như vậy. Cứ bảo làm sao lắm mồm. ở với cái quân
khốn nạn thế làm sao mà không nói được. Nó lại bảo như ở đây bao nhiêu năm, ai
thế nào thì người ta biết. Bà báo cho thằng già, thằng trẻ, con trai, con gái
nhà mày biết, bà không ăn cắp, không ăn hối lộ của ai, bà làm còm cọm bà nuôi
con, hai cây chuối này mà chết thì bà bắc ghế chửi ba tháng mười ngày. Bà nói
trước cho mà biết. Sáng ra bà chưa súc mồm súc miệng bà đã chửi cho nó độc.
Chửi đủ ba tháng mười ngày. Ai lại cái cây như. thế mà nó làm chết, có khác gì
Mỹ - Thiệu không” Hôm nay là ngày mồng bốn tháng sáu năm Bính Thìn . Tao còn
chửi đủ ba tháng mười ngày. Sáng ra chưa súc mồm súc miệng tao chửi một chập.
Trưa tao chửi một chập. Tối về tao chửi một chập. Thằng già bẻ của tao là nó bẻ
cổ con, cổ cái nó, thằng trẻ bẻ của tao là nó bẻ cổ cha nhà nó. Tao nghèo, tao
tăng gia tao ăn. Bác Hồ dạy như thế tao làm. Tao không ăn hối lộ. Tao không bòn
rút mà chúng nó phải ghen ghét.
Bà thực hiện đúng những lời mà có lẽ trong lúc
hăng lên, ngẫu hứng bà tuyên bố. Chửi liền ba tháng mười ngày. Sáng ra chưa súc
mồm, súc miệng đã chửi cho nó độc. Nhưng bà chỉ chửi có một chập buổi sáng, bớt
đi hai chập trưa và tối. Bà không chửi đứng. Bà xách cái ghế đẩu ra, ngồi cho
nó đàng hoàng. Có lẽ bà nghĩ thế cũng đủ vì buổi sớm mai bao giờ cũng là quan
trọng nhất. Chửi vào buổi sớm mai lời rủa của bà sẽ ám suốt cả một ngày.
Sáng sớm từ trên giường xuống bà đã xách chiếc
ghế đẩu ra ngồi chỗ gần cửa sổ nhà ông Tăng, bắt đầu những lời kể tội và những
câu nguyền rủa:
- Cha tổ thằng chồng không biết dạy con vợ,
con vợ không biết dạy thằng chồng. Thằng con không biết bảo thằng bố. Thằng bố
không biết bảo thằng con. Nhân dân lao động còn khổ vì chúng mày. Bao nhiêu
chiến sỹ hy sinh ở Trường Sơn để chúng mày như thế à? ăn ngập mồm ngập miệng.
Bòn rút của nhân dân. Dân chủ mà lại khốn nạn.
Cả nhà hắn nín thở lắng nghe, không dám gây ra
một tiếng động mạnh, không dám thò đầu ra cửa sổ lấy khăn mặt, không dám xuống
nhà đánh răng rửa mặt, nhịn cả ỉa vì sợ bà trông thấy, bà lôi vào cuộc. Trong
xà lim hắn phải luyện mãi mới có thói quen đi đồng buổi sáng trước khi đổ bô để
đỡ mùi hôi thối ướp vào xà lim, vào người, vào nội vụ. Trong đợt ba tháng mười
ngày này hắn đã điều chỉnh ngay tắp lự thói quen ấy vào buổi chiều. Chả cứ gì
hắn. Cả số nhà lúc ấy đều lặng ngắt như tờ, như còn đang ngủ mê ngủ mệt.
- Cha tiên nhân thằng già thằng trẻ nhà mày.
Bà nghèo bà lao động nuôi con nuôi cái bà. Bà không ăn hối lộ. Mày như con bọ
hung thấy đống phân là rúc vào. Nào. Cả nhà ra đây xem cây chuối này bị bẻ hay
là nắng nó chết. Bà giồng mày bẻ thì bà phải chửi. Mày không bẻ thì làm gì mày
động lòng. Mày ăn hết cả phần phúc đức của bố mẹ mày. Mở miệng thì toàn là cách
mạng đạo đức, mà việc làm là bòn rút hại người. Tuần rằm nào cũng hương khói
nguyện cầu, mà lòng dạ mày toàn rong rêu. Hay là bà giồng ở đây là giồng vào mả
tổ mẫ tiên mả cụ mả kỵ nhà mày. Thì mày cũng bảo với bà một câu. Rằng đây là mả
tổ nhà tôi...
Liền ba tháng mười ngày như vậy. Mỗi ngày được
tái bản, câu chửi đều có bổ sung và phát triển. Sáng sớm, chửi liền nửa tiếng
xong bà về. Rót nước súc miệng. (Bà không đánh răng. Chỉ súc miệng). Gọi con
cái bằng một giọng khác hẳn, “Hà ơi”. “Loan ơi”. “Dậy. Dậy”. Rồi ra quét sân.
Giục lũ con ăn cơm nguội đi học. Bình thường như đã quên hẳn chuyện chửi nhau.
Chủ nhật bà đi người không. Không cầm ghế. Bà đủng đỉnh lẹp kẹp đến chỗ bà vẫn
đến, chõ vào cửa sổ nhà ông Tăng, dõng dạc tuyên bố..
- Hôm nay ngày 14 tháng 6 năm Bính Thìn, chủ
nhật. Bà nghỉ.
Rồi lẹp kẹp đi vào. Hắn chỉ chờ tiếng dép ấy
để sinh hoạt trở lại bình thường, chấm dứt cảnh nín thở toạ sơn quan hổ đấu.
Có một lần Bình sang nhà hắn sớm vì một việc
gì đó đúng vào thời gian bách nhật, Bình đã nghe thấy bà Bượng chửi. Bình cười:
- ái chà. Lại chửi cả làng Vũ Đại.
Hắn phải giơ tay ra hiệu cho Bình nói khẽ.
Bình thì thào:
- Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng tự nhủ: Chắc nó
chừa mình ra.
Và Bình đánh giá tương quan lực lượng nếu Bình
thi đấu với bà Bượng. Anh nói chỉ vừa đủ nghe:
- Tao thua. Tao hàng. Tiết mục “ngày hôm nay
mười bốn tháng sáu năm Bính Thìn, chủ nhật, bà nghỉ” thì vô địch rồi. Võ sĩ
hạng nặng. Poids lourd. Mình chỉ loại ruồi thôi. Địch sao được.
Nhà hắn bây giờ chỉ còn Bình lui tới. Đúng
thôi. Không phải người ta sợ đâu mà vì hình như tất cả đều đã đọc Nítsơ: “Thật
khủng khiếp khi nhìn thấy kẻ không mang gánh nặng nào khác ngoài sự bất công họ
phải chịu”. Hắn nhếch mép cười khi nhớ lại những ngày rầm rập bạn bè. Bao nhiêu
người đến với hắn.
Người ta đến vì hắn là một người đang nổi lên.
Đến với hắn, để nhờ hắn đọc cho một truyện ngắn. Để hắn giới thiệu với một
người bạn hắn ở nhà xuất bản. Đến với hắn để có thể nhìn thấy Nguyên Hồng đang
nằm phe phẩy cái quạt nan, hoặc uống rượu với lạc rang ở sàn nhà hắn. Để có thể
nói với cô bạn gái mới quen rằng đã gặp Quang Dũng đang ngồi vẽ ở cửa sổ nhà
hắn. Để có những thông báo dí dỏm, nhưng chính xác và nhất là độc đáo về lớp
viết văn trẻ...
Nghĩa là đến nhà hắn để được kích thích làm
việc, được sống trong không khí văn chương và lấp lánh đồ trang sức làm bằng
văn nghệ. Trong số những người thành thật quý mến, tin tưởng và phục tài năng
của hắn, có một thông tin viên trạc tuổi hắn. Đó là một người bạn tốt, trăn trở
với nghề viết và đang hoàn thành một tập truyện ngắn. Nhiều chủ nhật, hai người
ngồi với nhau, kể cho nhau nghe những dự định, những chi tiết...
Khi hắn về đã được vài tháng, nghĩa là chuyện
được tha của hắn không còn là thời sự nữa và những người hăng hái, sĩ diện cao
nhất, đều đã đến thăm hắn một lần lấy lệ để sau đó có chạm trán ngoài đường
cũng giả cách không trông thấy, hắn gặp anh thông tin viên ham viết lách, quý
mến hắn, đang sửa đồng hồ ở cửa hàng cô đồng hồ đầu ngõ. Lúc ấy anh ta đang
đứng ở một tư thế làm hai người nhìn thẳng vào nhau. Anh ta luống cuống:
- Tuấn! Về bao giờ?
Và giơ tay định bắt tay hắn.
Hắn nhếch mép, nhìn anh ta, khinh bỉ và hét
lên:
- Vâng! Chào anh!
Anh thanh niên càng luống cuống hơn:
- Sao? Khoẻ chứ? Mình không biết cậu về...
Hắn nhắc lại câu nói với đầy đủ sắc độ như
người bật lại máy ghi âm:
- Vâng! Chào anh!
Và hắn đi lên gác. Hắn cảm thấy nghẹt thở. Cái
câu chào như chửi vào mặt người ta ấy hắn không chỉ nói với anh ta. Đó là những
gì dồn nén lại trong lòng hắn đối với cuộc sống tráo trở và bẩn thỉu. Là sự lợm
giọng đối với chất người sa sút mà anh thông tin viên kia chỉ là đại diện.
Bình là những gì tốt đẹp nhất cuộc đời vẫn
dành cho hắn. Bè bạn có ai lên thăm hắn, ngoài Bình. Hắn chuyển trại nào, Bình
lên trại ấy trong hoàn cảnh chính Bình cũng đang khốn nạn. Điều đó là khiêu
khích nền chuyên chính. Là thách thức về lập trường quan điểm. Là coi thường
nguyên tắc. Là đem sinh mạng chính trị của chính mình ra đùa cợt. Là một cách
lên án đám đông bè bạn. v. v... và v. v...
ở thành phố này hắn vẫn còn một nơi để đến:
Nhà Bình. Sau này khi Bình đã chuyển về Hà Nội, hắn hiểu được cái khủng khiếp
có thật của nhân vật trong Đostoiepski khi con người không có nơi nào để đi đến
nữa. Không có ai để than thở về nỗi khủng khiếp ấy, hắn lại lẩm bẩm một mình
như gần đây hắn hay lẩm bẩm một mình:
- Không còn nơi nào để đến thì khủng khiếp
thật! Không ai hiểu được điều ấy đâu.
Hắn lắc đầu khiến Ngọc ngơ ngác nhìn hắn. Ngọc
xót xa thấy rõ con đường hắn đang đi, cái đích hắn sẽ đến. Nàng đau khổ hiểu
rằng: Cả hắn, cả nàng không có cách gì thoát khỏi cái mà cuộc đời đã dành cho
hai người. Nàng thương chồng, nàng thương nàng. Nàng cam chịu. Nàng tìm nguồn
an ủi ở những nơi thờ cúng, ở khói hương...
Nàng lập bàn thờ ở nhà. Và nàng đi lễ...
CHƯƠNG 42
Không ai hiểu được như hắn về nỗi mệt mỏi, ê
ẩm của sự không được làm việc. Đó chính là tra tấn. Cứ lờ vờ, chờ đợi. Nhen lên
trong mình hi vọng. Rồi lại tự mình gạt đi. Xác nhận hiện tại đáng buồn. Rồi
sống bằng thì tương lai. Temps futur. Je vivrai. Tu vivras. Il vivra. Như hắn
đã học ngày xưa. Cái temps présent của hắn bao giờ cũng u ám. Điều sung sướng
trong thì hiện tại của hắn là được nghĩ đến thì tương lai. Không ai cấm được
hắn mơ mộng. Cũng như không ai cấm được hắn nhớ lại những thầy giáo Thứ , những
nhân vật của Nguyên Hồng, thất nghiệp, đi rạc cả cẳng xin việc mà không để mất
đi trong lòng mình tia hi vọng cuối cùng.
Dần, anh lái xe kẹp chết người được giảm án ba
tháng nên đã được về, cho hắn cái mỏ hàn điện có buộc vào đầu một mảnh đồng làm
dụng cụ dán túi ni-lông. Bí quyết dán túi ni-lông là: Đặt tờ giấy bóng kính đè lên
túi nhựa, ở giữa đệm một miếng vải mỏng. Miết miếng đồng nóng lên trên giấy
bóng là được. Nhiệt phải vừa đủ. Thiếu nhiệt túi sẽ bị bong. Nóng quá túi cháy
quăn lại.
Có cái mỏ hàn của Dần hắn tập dán. Đưa thẳng
một nhát, với tốc độ vừa phải. Nhanh quá cũng không dính.
Nhưng mỏ hàn truyền nhiệt sang miếng đồng đỏ
rất kém. Vì nó không được hàn liền mà chỉ buộc bằng mấy vòng dây đồng xuyên qua
những cái lỗ phía trên. Dần hứa sẽ xoay cho hắn một mỏ hàn dán túi ni-lông thật
sự. Và Dần đã giữ lời hứa.
Hắn đã đến nhà Dần. Dần cũng chưa biết làm gì.
Định đi bốc vác, nhưng ngại chứng sút lưng sau kỳ nhổ sắn năm nọ ở trại Q. N.
Thỉnh thoảng giờ giời nó vẫn hơi nhoi nhói. Có lẽ đi đạp xích-lô. Hai người
ngồi hút thuốc lào. Vợ Dần đi làm chưa về. Chỉ có hai đứa con quanh quẩn trong
nhà. Mà nhà Dần cũng còn tuềnh toàng lắm. Chưa đâu vào đâu. Cả dãy người ta đều
làm lại rồi, chỉ còn nhà Dần và hai hộ nữa.
Hai người ngồi xa-lông, bộ xa-lông Đức sang
trọng hồi đó. Dần bảo:
- Vừa đóng xong bộ này thì đi Hintơn đấy. Ngồi
xa-lông nhìn vào gầm giường, lủng củng những chậu men, chậu nhôm, phần thưởng
của nhà máy sắt tráng men, nơi vợ Dần “công tác”. Hắn nhìn tấm ảnh đôi trên
tường: Dần và vợ Dần còn rất trẻ... ánh đèn của ông thợ chụp ảnh làm mái tóc
hai người có những chỗ trắng ra, đôi môi của vợ Dần mọng lên hạnh phúc. Dần
trong ảnh là một thanh niên bụ bẫm, có đôi mắt sáng, tin tưởng ở bản thân, ở
cuộc sống.
Dần cười:
- ảnh chụp sau khi cưới đấy. Mười năm rồi.
Hắn cầm lấy cái điếu, hút thuốc. Dần hỏi:
- A Tuấn không mang được cái điếu nào về à?
Hắn lắc đầu.
Dần vẫn gọi hắn bằng “A”. Là kiểu gọi trong
tù. Gọi theo cách gọi của những người tù dân tộc. A có nghĩa là anh. A Tuấn. A
Phủ. A Thềnh. Thềnh Pác... Hắn chỉ có cái lược. Cái lược hắn giắt trong bụng và
đưa cho vợ hắn, khi còn ở trại Q. N, trong lần được gặp mặt hai bốn tiếng. Khi
hắn về vẫn thấy còn, nhưng rồi không hiểu dứa nào lấy trộm mất. Chắc là lũ trẻ
dưới nhà.
Hắn không sưu tầm lược, sưu tầm điếu như Dần.
Dần say mê với những báu vật ấy. Cái điếu của Dần là cái điếu được làm ra với
một tâm hồn. Một quyết tâm đạt tới sự hoàn thiện. Thân điếu là một gióng dùng
già đã được chuốt bóng tới mức không chê vào đâu được. Không một vết xước.
Không một vết lồi lõm. Tuy vẫn có cả hai đầu mặt phía trên, phía dưới, nhưng ở
đó là hai vòng nhôm đai lại sáng bóng. Lại không phải vòng trơn. Nó có hoa văn.
Một dây hoa như hoa cúc nổi ở hai cái đai, kiểu “mình khô hoa ướt”. Và tấm lá
đề úp vào chỗ cắm nõ điếu không phải bằng nhôm đâu nhé. I -nốc chính hiệu dấy.
Ngay hình cái lá đề cũng đã điệu. Không phải hình bầu dục, hình thoi thông
thường. Đoạn giữa có những nếp uốn lượn vì đó là những khúc uốn lượn của hai
con rồng, hai con rồng cách điệu, đuôi rồng quẫy lên phía trên, xoè ra hai bên,
và ở phía dưới cái nõ một quãng cân đối, vừa phải, đầu rồng chụm lại, với những
mắt rồng đổ nhựa long lanh, những vây rồng, những vuốt rồng, những mây, những
râu, những răng... dữ dội trên một nền i-nốc sáng loáng. Cái nõ nữa. Bằng nhôm
thôi. Nhưng không tròn như bình thường. Nó được đúc mặt gồ mâm xôi và có hình
ngũ giác.
Vừa trông thấy cái điếu ấy trong tay Ba Đen,
Dần đã mê tít. Dần mân mê ngăm nghía. Giá bốn “biêu” hơi căng. Chưa có cái điếu
nào quá ba “biêu”. Nhưng đến khi thử cái nõ, Dần không suy nghĩ gì nữa. Cái nõ
này có thể thay đổi âm điệu. Khi là “chuột rúc bồ thóc”. Khi là “sơn ca ngang
trời”.
Bốn biên. Dần nổi tiếng vì cái điếu. Vì dám bỏ
ra bốn biêu cho Minh Ba Đen lấy cái điếu. (Chác ngay hôm gần tết khi hắn sang
toán lâm sản, gọi già Đô về ăn xôi lạc với Giang.)
Dạo ấy vợ Dần mới lên tắc cho Dần một tút Tam
Thanh. Dần đang rằm. Và những chủ nhật. những ngày nghỉ, để quên đi nỗi nhớ vợ,
nhớ con, Dần đem điếu ra súc, đánh rửa lau bóng từ ống điếu bằng dùng, tới các
bộ phận bằng kim loại. Dần lấy ngón tay cái bịt nõ điếu và móp má hít: không lọt
tí hơi nào. Lỗ khoét ở đốt dùng rất khéo, cắm nõ rất khít. Tuy vậy Dần vẫn xòe
các ngón tay ra, lấy lòng bàn tay ấn ấn, day day vào nõ cho nó khít thêm. Dần
lại xùn nước ra. Rồi Dần đặt chếch vào một bên mép, hít những hơi ngắn. Pơ róp.
Pơ róp. Róp. Róp. Dần xùn nước. Nước trào xuống lá đề uốn cong, ốp vào thân
điếu. Dần lại lấy giẻ lau. Rồi Dần cầm cái lông gà ấn vào nõ. Dần xoay xoay cái
lông gà, xoắn nó kéo nó ra, ấn nó vào...
Và Dần xách cái điếu sáng bóng, tiêu chuẩn hoá
ấy đi các toán, la cà, trò chuyện. Dần hút bằng điếu của Dần. Ai muốn hút Dần
cũng cho. Cú kéo cuối ctìng ở cái điếu ấy nghe thật sướng. Đúng là “hoạ mi
ngang trời”. Giòn tan. Trong lanh lảnh. Trại cũng có từng phong trào, như ta
bây giờ gọi là cơn sốt. Cơn sốt điếu. Ai cũng phải có một cái. Những cuộc triển
lã m tự phát về điếu. Những hội chợ điếu. Đủ các loại. Rồi đến cơn sốt lược.
Lược cong. Lược hình chữ nhật. Lược i-nốc. Lược đuya -ra. Lược nhôm có đổ nhựa
v. v...
Phải nói đó là những sản phẩm tuyệt diệu, kết
quả của một quá trình phân công lao động, từ khâu khai thác vật tư, tới khâu
thiết kế gia công. Cuối cùng là khâu lưu thông phân phối. Nghĩa là chác.
Chạy vật tư là các toán tự giác, chủ yếu là
các toán chăn nuôi, lâm sản. Nhôm các loại: vụn, thỏi, lá đều được. Đuya ra
dày, mỏng đều được. Nguyên vật liệu được bí mật đưa vào cho toán quản chế. Có
nhiều phương thức trao đổi nguyên vật liệu: Đặt hàng gia công. Mua đứt, bán
đoạn. Bán nguyên liệu, mua thành phẩm. Trong khu hàng rào vây kín, ba toán quản
chế với xưởng may, xưởng mộc, xưởng rèn kia có đến ba ông áo vàng, ba ông áo
xanh đi lại quan sát. Nhưng mọi việc vẫn cứ diễn ra. Nấu lại, đổ lại nhôm. Cán
lại nhôm. Xẻ đuya-ra cho mỏng. Cưa cắt hình theo thiết kế. Cắt răng lược. Khoan
nõ điếu. Đánh bóng. Dũi hoa. Đổ nhựa trang trí.
Có khi làm giấu các ông công an. Có khi làm
ngay trước đôi mắt tò mò thích thú thèm thuồng của các ông ấy. Nếu các ông ấy
cho phép làm là phải trả giá đấy. Hoặc “làm hộ cái lược, được không?”. Hoặc
“làm lại cho cái lá đề nhé”. (Khi các ông ấy nhờ thì có tiếng được không, tiếng
nhé ở cuối câu. Tiếng ấy làm mình thấy trở lại là người trong chốc lát). Có ông
không có đuya-ra những vẫn phải có lược cho ông áy. Thế là mất cả chì lẫn chài.
Có ông đưa một nguyên liệu lấy một sản phẩm (chỉ mất chài thôi, không mất chì).
Tốt lắm thì đưa hai nguyên liệu lấy một sản phẩm (coi như được trả công đàng
hoàng). Lắm khi cả toán còn được nhờ vào một sản phẩm. Tỷ như nhận một cái lược
vừa ý và cảm thấy hài lòng, cán bộ cho toán tắm lâu hơn một tý. ở đây các ông
công an cũng phải theo chế độ đổi chác nguyên thuỷ. Và hoá ra các ông ấy cũng
giống bọn hắn. Cũng lây nhiễm bọn hắn. Cũng cảm thấy mình đang ở một nơi chốn
mịt mù. Cũng nhớ gia đình. Cũng muốn có một món quà gửi về cho người phương xa.
Tuy nhiên bọn hắn đã tổng kết: Cán bộ áo xanh bao giờ cũng thông cảm với bọn
hắn hơn cán bộ áo vàng, tuy không nói ra miệng. Nhưng đâu cứ phải nói thành
lời. Chỉ nhìn kiểu ngồi ôm súng dài dưới gốc cây của ông áo xanh suốt thời gian
bọn hắn lao động, cách phẩy tay của các ông. ấy khi bọn hắn khúm núm lễ phép
đến báo cáo đi ỉa và cặp mắt vời vợi của cán bộ áo xanh là bọn hắn hiểu các ông
ấy chẳng thú vị gì sống ở cái lòng chảo này. Có ông còn nói hẳn với phạm nhân:.
- Tôi có khác các anh là mấy đâu.
Bởi thế nên các ông áo xanh rất thích làm
lược, không nhờ làm điếu, làm lồng chim như các ông áo vàng. Làm lược gửi về
cho người mình thương nhớ là vấn đề tình cảm. Làm lồng chim, làm điếu đã thuộc
phạm trù hưởng thụ rồi.
Trong khu tù quản chế lao động có đủ dụng cụ.
Cưa. Giũa. Lò. Bễ. Khuôn đúc. Khoan. Và những cái dũi chuyên dùng. Đó là dụng
cụ để khắc vào nhôm, vào đuya-ra, to hơn que diêm, dài hai mươi phân, một đầu
bẹt và sắc, làm bằng thép cứng. Cầm cái dũi ấy nghệ nhân tỳ ấn xuống, chuyển
trọng tâm sang trái, rồi sang bên phải dũi. Mặt miếng kim loại đã được đánh
bóng bị bóc lên thành những đường gờn gợn và những hình vẽ nổi lên. Nếu là
đuya-ra thì phải lấy hết sức dồn xuơng dũi. Đuya-ra cứng như thép. Nhưng dù
nhôm, đuya-ra hay i-nốc, cái dũi thể hiện được tất cả. Từ một mặt hồ với con
thiên nga đang bơi. Một cây trúc quân tử. Hay một cánh cò cô đơn lặng lẽ bay về
phía mặt trời lặn.
Nội quy trại tạm giam hay trại cải tạo nào
cũng có câu: “Cấm mua bán đổi chác!” nhưng không ở đâu thực hiện được điều đó.
Vì nó trái tự nhiên. Dù ở trại tù, nhưng trái tự nhiên cũng vân không thực hiện
được. Trong cơn sốt lược, cơn sốt điếu, trại như một xã hội đặc biệt có phân
công. Anh em quản chế, cánh đói nhất, nay là lực lượng sản xuất quyết định,
cũng cải thiện được vị trí về cả chính trị lẫn kinh tế. Được coi trọng, được
săn đón, được no. Có sữa. Có thuốc. Có chè. Có cả rau.
Giang vào loại nghệ nhân điêu luyện. Giang làm
cho hắn cái lược, do một anh tù án hai năm, vẽ mẫu. Anh này cũng ở toán quản
chế, chuyên vẽ các loại điếu, lược, lồng chim, hộp thuốc lá, là người vẽ mẫu
đẹp nhất trong những người vẽ mẫu của các “tờ-rớt” công nghệ.
Hắn quý anh ta vì anh ta vẽ cho hắn một cái
mẫu tuyệt vời. Nắm lược là một con sư tử phực trước một quyển sách để mở, một
cây nến đang cháy, sáp chảy thành một đường viền gồ ghề cuối chỗ tay cầm. Lược
thẳng, tạo dáng khoẻ. Phải hiểu hắn lắm mới vẽ được mẫu ấy.
Giang đã chác được một miếng đuya-ra to bằng
hai cái quạt. Của Cương bên toán lâm sản, người sĩ quan Đà Lạt có hai má hóp
giống sọ đầu lâu trên bảng “Nguy hiểm chết người”. Cương đã bồng về buồng lâm
sản. Cuộc mặc cả diễn ra đơn giản. Cương bảo Giang: “Tuỳ mày, giả anh bao nhiêu
thì giả. Ai chứ mày, anh không nghĩ ngợi gì”. Cương vốn là người thoải mái,
phóng khoáng, lại có cảm tình với hội của hắn và Giang. Giang chỉ hỏi: “Anh
thích gì? Ken hay chè?”. “Ken. Thích ken. Thèm lắm rồi!”. Giang đưa Cương ba
bao Tam Thanh, một bao Nhị Thanh. Trả như vậy là phẫi chăng. Không rẻ, không
đắt. Dạo ấy Giang nhiều thuốc. Thuốc chác được, không nghiện, nhưng cũng phì
phèo. Có ken là có tất cả. Nếu chè là dollar thì ken là sterling hay mark.
Giang đã đưa được mảnh đuya-ra từ buồng lâm sản về buồng toán mộc. Giang bảo
hắn: “Em đánh gập nó để quấn được vào người. Mảnh đuya-ra dày lắm. Hình như là
một miếng cánh máy bay. Mai em bồng ra chỗ làm. Lúc uốn nhiều thằng biết quá.
Em chỉ sợ có thằng bẩm, bị thu mất thì “điếng”.
Bồng vào. Bồng ra. Thật đến khổ. Rồi cưa. Mảnh
đuya-ra quá dày. Phải bóc vát đi. Chỗ bóc ấy cũng làm được một cái lược nữa.
Tóm lại toàn những việc cần đến sự kiên nhẫn của những người tù khổ sai. Thật
may, chính họ là những người như thế. “Mảnh máy bay ấy quá rắn. Gia công cực
khó”. “Em cắt xong rồi. Giũa cứ lỳ ra. Trời, chỗ mấy giọt sáp làm mới chết
người chứ. Mai em đánh bóng, rồi cưa răng”. “Em đánh bóng rồi. Hết hai tờ giấy
nháp. Tưởng đánh bóng nhanh, hoá ra lâu quá. Chưa cưa được. Cưa xong còn phải
đánh lại. Bóng lắm. Soi gương được. Đẹp lắm. Đuya-ra sáng chói mắt”. “Em cưa
rồi. Đuya-ra vừa rắn vừa giòn. Phải cẩn thận từng tý một. Gãy một răng là thôi
đấy. Thay mấy lưỡi cưa. Em chác một nửa miếng to cho thằng. Lập ba-tai rồi. Con
ấy thích lắm. Coi như chỉ mất một biêu mà được nửa mảnh”. “Em chưa thấy cái
lược nào như thế. Đánh bóng lại rồi. Công nhận hắn Ninh hắn ấy vẽ cho anh cái
mẫu mô-đen thật đấy. Em đã định mô-đi-phê khắc một dây hoa chìm dọc sống lược,
nhưng lại thôi. Để trơn đẹp hơn”.
Suốt một tuần, cứ chiều chiều đi làm về trại
hai anh em gạp nhau trước lúc khoá buồng, Giang lại thông báo cho hắn diễn biến
của quá trình làm lược, mà chẳng thấy lược đâu.
Cho đến một hôm Giang bảo:
- Còn đổ nhựa nữa là xong. Em phải kiếm bằng
được cái nhựa màu đỏ tươi này đổ vào mắt con sư tử. Anh xem màu nào đẹp?.
Giang chìa ra một mẩu cán bàn chải đánh răng
và một cái cúc áo nhựa bé xíu chắc là ở một cái áo hoa trẻ con nào, như áo con
Thương, con Nguyệt nhà hắn. Cũng màu đỏ tuy sắc độ có chênh nhau một tý. Hôm
Giang hẹn sẽ mang lược về, gặp Giang sau buổi làm chiều, mỗi người một hàng
trước cổng trại, trước mặt ông Quân, hắn nhìn Giang dò hỏi, nhưng Giang như
không nom thấy hắn. Hay có trục trặc gì. Cho đến khi vào trại, lấy nước xong,
Giang mới sang, bám sàn nhảy lên chỗ hắn:
- Pít-xơ-mô!
Đó là lời chào của Giang trong những lúc phấn
khởi. Kể cả chào gặp gỡ, chào từ biệt. Nó còn là lời dặn bí mật nữa. Thực ra
pixmô theo tiếng Nga có nghĩa là bức thư, nhưng Giang dùng với nghĩa như vậy
Giang nằm sấp xuống cạnh hắn, quay đầu ra cửa sổ. Chỗ ấy nhìn ra bờ rào cao,
không ai đi lại. Chỉ sáng sáng có con chim báo bình minh kêu lên như tiếng lợn
bị chọc tiết vút qua phía ngoài hàng rào thôi. Giang rút từ bụng ra cái lược.
Hắn hoa mắt trước miếng kim loại đã được gia công sáng loá ấy. Và vồ lấy. Dày.
Nặng. Như một thứ hàng mỹ nghệ đẹp nhất. Không ai có thể chê nó một điều gì.
Đạt tới trình độ tuyệt mỹ. Còn hơn cả hàng mỹ nghệ. Đó là một tác phẩm nghệ
thuật. Cái bản vẽ trên giấy không thể so sánh được với tác phẩm của Giang. Nó
sống. Nó có hồn. Có chiều sâu. Có ánh lửa của ngọn nến. Có bóng tối mà con mắt
đỏ độc nhất của con sư tử dữ dội và buồn rầu nhìn vào đăm đăm bất động. Phần
sống lược dày trên mức bình thường, không uốn cong mà thẳng như một đường kẻ.
Bóng. Bóng lừ. Bóng đến mức không tin được. Càng về phía đầu răng càng mỏng đi.
Những chiếc răng đều tăm tắp. Hắn gại thử răng lược. Kêu như chuông ngân nga.
Già Đô cũng phải trầm trồ, xuýt xoa. Giang bảo:
- Phải làm giấu. Sợ mấy ông quản giáo thấy,
xin. Không cho, họ tịch thu. Làm gì được họ. Anh chải thử xem răng có nhọn quá
không. Có đau không? Không hở? Làm lược khó nhất là cái ấy. ăn da đầu, nhưng
lại không đau.
Báu vật ấy hắn không dùng. Hắn cho vào đáy
hòm. Sợ quản giáo biết, các ông ấy tịch thu. Sợ mất cắp. Sợ không gửi ra được
cho Ngọc. Cái lược, cái điếu, quả là đẹp, dường như là tất cả cuộc sống của
những người tù, được làm ra bằng lòng kiên nhẫn, ý chí, tình cảm và đôi tay của
những nghệ nhân ra đến ngoài đời có thể trở thành lạc lõng, hoạc ít ra nó không
hiểu được đúng mức. ít người hiểu được những gì người tù gửi gắm vào trong đó.
Như cái điếu của Dần. Như cái lược của hắn.
Khi về nhà, nhìn thấy cái lược ấy, hắn như gặp
lại người bạn cũ. Ngọc, con Thương vẫn dùng. Chải xong để trên nóc tủ, cái tủ
nửa tủ nửa quan tài. Thế mà bỗng nhiên không cánh mà bay. Có thể những lần mẹ
con xuống nhà gội đầu, nhà dưới họ biết. Hắn nghĩ đến lũ con gái ông Bượng.
Chuyên ăn cắp guốc, dép..
Mất cái lược, hắn tiếc ngẩn ngơ. Cho đến hôm
Giang về, Giang hỏi hắn:
- Cái lược còn không anh?
Giang cũng buồn khi biết cái lược Giang làm để
hắn gửi về cho Ngọc đã mất.
Giang về, đến thăm hắn không chỉ một mình.
Giang đi với bà Phê Đô Thớt. Hắn đang lúi húi dán túi, thì Giang hiện ra ở cửa,
kêu to:
- Pít-xơ-mô!
Hắn vứt mỏ hàn, chạy ra. Hai anh em ôm chầm
lấy nhau. Một cô gái trẻ đứng nép ngoài cửa, lí nhí “Em chào anh”. Giang bảo:
“Bà Phê Đô Thớt đấy”. Rồi Giang cười sung sướng, dụi dụi đầu vào vai hắn.
Không. Lúc này hắn không quan tâm đến bà Phê
Đô Thớt. Hắn không quan tâm đến một ai. Hắn chỉ biết một người bạn thân thiết
quý mến của hắn vừa thoát khỏi tù ngục. Vừa trở về với cuộc sống con người. Một
người bạn nhỏ, nhưng đau khổ lớn lao, sánh ngang với những người đau khổ nhất
trên cuộc đời này. Một người bạn sinh ra để đau khổ. Để đi tù. Đi tù từ bé. Một
người sa ngã đáng thương xót, khiến mỗi người phải tự hỏi mình đã làm gì cho
những người như vậy vợi bớt khổ đau. Mình có trách nhiệm gì với sự đau khổ ấy.
Một người bạn mà nhân cách sống trong tù thật đáng kính trọng. Đã cùng nhau
chia sẻ đến giọt tận khổ cuối cùng. Và đã cùng nhau thoát nạn.
- Về bao giờ?
- Em về hôm qua. Cứ tưởng anh chưa được về.
- Anh về mấy tháng rồi!
- Bọn bọp ở Q. N, cả số chẵn, số lẻ đã ai được
về đâu. Em tưởng đến đây gặp chị. Hoá ra gặp anh.
Giang cười sung sướng.
Đến lúc ấy hắn mới để ý đến bà Phê Đô Thớt.
Hắn không ngờ bà Phê Đô Thớt đẹp thế. Như trong mơ. Cao vừa phải. Nở nang. Da
trắng mịn. Trong tù Giang đã đưa cho hắn xem ảnh cô gái này. Cái hình cắt ra từ
tấm ảnh chụp chung nào đó. Bé xíu. Chỉ thấy một khuôn mặt đầy đặn đang cười
giữa một làn tóc xoã.
Len - tên thật của cô gái - chuyện với hắn như
với một người trong nhà. (Hẳn là Giang đã nói về hắn với Len). Hắn hơi ái ngại
cho Len. Vì khuôn mặt cô phúc hậu, đầy đặn và xinh đẹp. Đó là khuôn mặt của
những người xứng đáng được hưởng hạnh phúc, yên ổn. Mà Giang thì sóng gió.
Giang hồ. Dữ dội. Và cho đến bây giờ vẫn hoàn toàn là con số âm. Rồi hắn lại
mong Len, chính Len, chính nhờ có len mà số phận Giang sẽ được đổi khác. Trong
tù hắn đã nghe bao chuyện Giang kể. Giang không giấu hắn những chuyện chơi bời.
Giang sống rất bụi. Có biết điều gì Giang chưa trải qua. ăn cắp. ăn trộm. Đánh
nhau. Cở bạc. Trai gái. Có lần Giang ghé sát tai hắn, thì thầm, mặt đỏ lên vì
xấu hổ:
Thằng Thông cháy ấy mà. Anh có biết không, mẹ
nó bán chè chai. Em đã ngủ với mẹ nó. Hôm em, đến nhà, nó đi vắng. Thế là mẹ nó
cứ kéo em lên giưởng.
Thông cháy cùng một bang với Giang. Đánh cờ
rất giỏi. Khi sắp hết án sinh ốm. ốm thật vì lo. Cơm tù quý thế mà nó không ăn
được. Mồm miệng đắng ngắt. Mất cả ngủ nữa. Càng gần đến ngày mãn án càng lo.
Rộc đi. Quị hẳn. Đi khám, ông Chắn cho nó nghỉ thật, không phải “ấm vồ “(ốm
vờ). Nó sợ không được về. Nó thấy nhiều bạn nó bị bắt, tập trung cải tạo lên
đây. Nó sợ bị gí thêm cái bọp nữa thì tàn đời. Cái thằng này rất buồn cười. Một
hôm quản giáo vào buồng gọi:
- Lê Đình Thông. Ra gặp mặt.
Quá phấn khởi, sung sướng, Thông cháy đang
nằm, bật dậy kêu lên:
- Bố chờ con mãi!
Quản giáo giận tím mặt, quát:
- Anh bố con với ai thế? Anh kia?
Cả buồng cười rộ. Thông sợ hãi:
- Dạ, thưa ông, không, tôi quen miệng ạ. Xin
ông tha lỗi cho ạ. Tôi đội ơn ông lắm ạ.
- Mẹ anh lên tiếp tế cho anh. Tôi vào báo cho
anh, anh bố con với ai?
Ông giận dữ đi ra. Và tất nhiên Thông bị cắt
gặp mặt, cắt tiếp tế. Nhưng Thông không chịu thua.
Ngay lập tức Thông phác một kế hoạch: Nhắn bà
mẹ chè chai gửi đồ tiếp tế cho những người nhà bạn tù nhận hộ mỗi người một ít.
Kết quả Thông cháy có đủ quả tắc tuy không được gặp mặt. Bạn bè của Giang là
như vậy. Phương ngôn Pháp có câu “Hãy cho tôi biết bạn của anh, tôi sẽ nói anh
là người thế nào”. Bởi thế hắn lo cho Len và lo cho Giang.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét