TÔI PHẢI SỐNG - PHẦN 5
Bút Ký của Lm. Nguyễn Hữu Lễ
Bút Ký của Lm. Nguyễn Hữu Lễ
Vị Giám Mục Phó
Chúng tôi đi xuống trở lại ngang nhà ăn và qua dãy nhà kế bên để tới phòng Giám mục Nguyễn Văn Sang nằm ngay ở đầu nhà. Tôi cũng chỉ nghe nói tới Giám mục Nguyễn Văn Sang, nhưng chưa gặp bao giờ. Lúc còn trong tù tôi nghe Linh mục Lê Đức Triệu, tức nhạc sĩ Hoài Đức, cũng là người gốc Giáo phận Hà Nội kể chuyện. Năm 1954, Linh mục Nguyễn Văn Sang đã di cư vào Nam rồi, nhưng sau đó lại trở lộn ra Bắc, không hiểu vì lý do gì.
Nghe như thế tôi đã có sự khâm phục tinh thần của vị Linh mục chấp nhận trở lại miền Bắc dưới chế độ cộng-sản trong khi một số đông Linh mục đã di cư vào Nam. Sau đó cha Sang được chọn làm Giám mục phó Tổng Giáo phận Hà Nội một vài năm gì đó trước khi chúng tôi tới thăm.
Chúng tôi gõ cửa khi Giám mục Sang đang ngồi tại bàn làm việc. Ngài vẫn ngồi yên tại chỗ khi ba anh em chúng tôi bước vào. Tôi lên tiếng khi thấy ngài:
- Chào Đức cha, con là cha Lễ ở Vĩnh Long cùng với hai anh em, thầy Kỳ và anh Khuân là một giáo dân ở miền Nam. Chúng con vừa mới ra khỏi tù hôm nay và tới chào Đức cha.
Giám mục Sang vẫn ngồi yên sau bàn làm việc, ngẩng đầu lên và quay ngang nhìn nhóm chúng tôi:
- Thế à, cám ơn, cám ơn! Mấy anh em ngồi đi.
Vừa nói vị chức sắc tôn giáo ngoài 50 tuổi này chỉ tay về hàng ghế đai sát trong vách. Tôi vừa ngồi vừa quan sát rất nhanh Giám mục Sang. Người ngài hơi thấp, da mặt bóng láng, mập béo và trắng trẻo. Tướng mạo ngài biểu hiện một sự sung mãn khá toàn diện. Ngài mặc áo dòng đen, không có cổ trắng.
Ngài không đứng lên nên tôi không biết mang giày dép gì. Phòng làm việc của Giám mục Sang khá nhỏ, chỉ bằng phân nữa phòng Đức Hồng y. Trong phòng bề bộn những sách vở và đồ đạc nằm bề bộn, ngổn ngang. Sự tương phản quá bất ngờ trong thái độ đón tiếp giữa Đức Hồng y và Giám mục Sang làm tôi sượng sùng.
Thấy bầu khí quá tẻ nhạt, tôi cố ý kéo dài việc xê dịch ghế và xoay đi sửa lại mấy lần trước khi ngồi yên, ra điều tôi chưa sẵn sàng để bắt đầu câu chuyện mà tôi đoán biết trước là sẽ rất nhạt nhẽo. Nhưng cuối cùng rồi tôi và hai anh bạn cũng đã ngồi yên đối diện với vị Giám mục phó Tổng Giáo phận Hà Nội. Ngài ngồi khoanh hai tay lại chống lên mặt bàn, cổ rụt xuống làm đôi vai nhô cao. Trong cách ngồi này tôi thấy hình dạng ngài trở nên thấp bé trong căn phòng bé nhỏ và bề bộn của ngài.
Giám mục Sang ngồi yên nhìn chúng tôi không nói không rằng, gây cho tôi cảm tưởng là chúng tôi xuất hiện không đúng lúc. Trong giây phút đó tôi không biết tâm trạng thầy Kỳ và Khuân ra sao. Tôi đoán là họ cũng thấy đớ ra và thừa thãi như tâm trạng của tôi, nhưng dù sao họ cũng nhẹ nhàng hơn vì tôi là người phải đóng vai trò đại diện ăn nói. Trong một giây, tôi tự nói với mình: “Trời! Nếu biết như thế này thì vào đây để mà làm gì?!”
Thấy tình thế kỳ dị quá, không lẽ cứ ngồi đây mà nhìn nhau cho tới giờ cơm chiều, tôi bèn hỏi một câu thừa thãi và rất ư là vô duyên:
- Đức cha có khỏe không ạ?
Vị chức sắc tôn giáo có thân hình tròn trịa ngồi yên một chút mới bắt đầu nói như rên:
- Mới đi nghỉ mát ở Đồ Sơn về hôm qua, nghe sao trong người không được khỏe, có lẽ nắng ngoài đó to quá!
Tôi không biết Giám mục Sang nói những lời nói giọng rè rè đó với chúng tôi hay tự than thở với chính mình. Dù vậy tôi buộc lòng phải hỏi thêm cho có chuyện nói:
- Thế Đức cha mới đi tắm biển Đồ Sơn về à?
- Mình mới về hôm qua.
- Con nghe nói Địa phận Hải Phòng có nhà nghỉ mát ở Đồ Sơn, có phải Đức cha ra đó không?
- Đâu có! Mình ở nhà nghỉ mát chính phủ. Mình đi là bên Mặt Trận Tổ Quốc tổ chức mời mình đi mà!
Sau đó Giám mục Sang độc thoại một thôi một hồi về cuộc du hí vừa rồi, ăn làm sao, ở làm sao trong nhà khách chính phủ. Ngài ngon đà kể dài dòng về việc đó mà không một chút thương hại cho 6 cái lỗ tai của 3 tên tù khốn khổ mới được tha sáng nay và tới chào ngài. Chúng tôi tới đây không có ý để nghe chuyện du hí Đồ Sơn của vị Giám mục.
Sau đó không biết tại sao và vào lúc nào ngài lại chuyển đề tài qua xe đạp Peugeot của Pháp. Vị Giám mục phó Hà Nội lại độc thoại một tràng về tính “ưu việt” của loại xe đạp này vì có người bên Pháp, hình như nói là cha Thiết, mới gởi về cho ngài 10 chiếc.
Lúc đó tôi đã muốn kiếu từ nhưng không biết làm sao. Tôi mong cho có tiếng gõ cửa hay tiếng động gì để Giám mục Sang cắt đứt câu chuyện về xe đạp Peugeot, nhưng vẫn không có tiếng gõ cửa tôi mong đợi. Được một lúc, có thể vì nhận thấy chúng tôi không phải thuộc loại thính giả tốt, Giám mục Sang bèn ban cho chúng tôi một ân huệ. Đang nói nửa chừng, ngài vụt ngừng lại nhìn đồng hồ tay và nói: “Tôi phải có cái hẹn”. Câu nói ngắn gọn đó đã giải thoát cho cả hai phía. Phía ba anh em tôi khỏi phải tiếp tục ngồi nghe những chuyện chúng tôi không muốn nghe, và phía ngài cũng khỏi phải tiếp tục ngồi đối diện với 3 người khách bất đắc dĩ trên trời rơi xuống.
Ba anh em tôi đứng lên rời khỏi phòng Giám mục Sang và đi nhanh như bị ma đuổi, trong lúc ngài vẫn ngồi tại bàn ngoái đầu ra cửa nhìn theo. Lúc đi ngang nhà ăn, tôi coi đồng hồ, thấy đã 4 giờ 15, như vậy Giám mục Sang đã mất cho chúng tôi 15 phút, và tôi cũng thấy mình đã đánh mất chừng ấy thời gian một cách vô nghĩa! Tôi cảm thấy một nỗi chán chường làm nặng trĩu tâm can khi cả ba anh em yên lặng bước đi bên nhau trong hành lang cổ kính của Nhà Chung Hà Nội, được coi là con tim của Giáo hội Miền Bắc này.
Thấy còn sớm, vì mãi 6 giờ chiều mới tới giờ ăn, tôi muốn lên phòng nằm nghỉ chốc lát nên tạm chia tay anh em lên buồng. Thầy Kỳ dặn với theo: “Cha nhớ xuống nhà cơm trước năm mười phút, đừng để Đức Hồng Y đợi, thầy Trạc dặn con như vậy, vì đức Hồng Y không bao giờ đọc kinh ăn cơm trước lúc có mặt đầy đủ mọi người.”
Tôi lần theo cầu thang lên phòng. Vừa bước vào tôi thấy trên bàn có cái phong bì màu trắng đề tên tôi. Mở phong bì ra thấy có một số tiền, kèm theo mảnh giấy nhỏ với huy hiệu của Đức Hồng y nằm bên góc trái ghi mấy chữ:
“Cha Lễ, cầm ít tiền tiêu. Sau cơm chiều, mời cha đi bách bộ trên sân thượng. TVC.”
Đọc xong tôi đưa tờ giấy lên môi hôn. Ý tôi muốn hôn lên bàn tay của người viết mấy hàng chữ đó. Thì ra Đức Hồng y đã chu đáo và quan tâm tới người khác hơn tôi tưởng. Số tiền ngài cho tương đương với một vé xe lửa từ Hà Nội vô Sài Gòn.
Nét Truyền Thống
Còn 10 phút nữa tới 6 giờ, tôi đã có mặt ở phòng ăn. Lúc sắp bước vào phòng tôi cứ ngỡ là mình tới sớm, nhưng khi vào phòng đã thấy khá đông các cha các thầy, những người tôi chưa được gặp. Thầy Kỳ cũng đang đứng đó. Khi thấy tôi bước vào, thầy làm công việc giới thiệu tôi với những người khác. Có khoảng chừng 10 người vừa cha vừa thầy. Một vài cha rất lớn tuổi. Đa số các cha đều mặc áo chùng thâm, các thầy mặc đồ bình thường.
Khi gần tới 6 giờ, có thêm mấy người nữa bước vào. Tôi có ý tìm Khuân nhưng không thấy đâu. Tôi e ngại anh tới nhà cơm muộn sẽ rất bất tiện nên hỏi Kỳ, vì hai người ở chung khu nhà bên kia. Hỏi ra mới biết vì là giáo dân nên Khuân không được ngồi chung với các cha các thầy, phải ngồi ăn riêng một mình một mâm dưới nhà bếp, mặc dù thức ăn y như nhau. Sự hiểu biết này làm tôi ngạc nhiên và nhận rõ hơn sự cổ kính của Nhà Chung Hà Nội ngay trong các chi tiết nhỏ như thế đó. Việc ba anh em chúng tôi được chia làm hai khu vực nhà khách khác nhau đã làm tôi ngạc nhiên rồi; bây giờ tới việc “giai cấp” trong phòng ăn lại càng làm tôi lạ lùng hơn, nhất là trong khi nhà ăn còn thừa rất nhiều chỗ.
Chừng vài phút trước 6 giờ, tất cả đứng vào chỗ của mình chờ đợi. Có khoảng năm Linh mục đứng vào sau các ghế đai của chiếc bàn dài đủ chỗ cho mười người. Các thầy đứng vào hai bàn tròn kế bên. Tôi được xếp ngồi trên, vì mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng chịu chức trước, các cha khác tuy già nhưng chịu chức sau tôi nên ngồi dưới. Đúng 6 giờ Đức Hồng Y xuống và đi thẳng vào chỗ của ngài giữa đầu bàn phía trong cùng, nhưng ngài chưa bắt đầu đọc kinh ăn cơm vì còn một chỗ trống bên tay phải của ngài mà tôi biết là chỗ của Đức cha Sang. Tất cả đứng chờ, kể cả Đức Hồng y cũng đứng yên tại chỗ và chờ đợi trong yên lặng.
Chừng vài phút sau, tôi nghe tiếng dép lẹp xẹp trong hành lang từ đầu nhà phía bên cánh trái đi lại. Tiếng dép càng lúc càng rõ hơn. Khi gần tới, tôi nghe tiếng bước chân khá vội vã như của người đang cố đi nhanh kẻo nhỡ chuyến tàu. Mọi người đứng yên chờ đợi và chắc hẳn cũng biết chủ nhân của những tiếng dép đó là ai. Giám mục Sang bước vào nhà cơm với vẻ nhanh nhẹn khác thường, đi thẳng tới và đứng vào chỗ bên tay phải của Đức Hồng y. Vị Giáo Chủ nhân từ ngước mắt lên nhìn khắp lượt như để chắc chắn là không còn thiếu ai, lúc đó ngài mới bắt đầu.
Trước khi làm dấu đọc kinh, Đức Hồng y thay mặt cho tất cả chào mừng tôi và thầy Kỳ cùng với anh Khuân vừa được ra khỏi tù sáng hôm nay và ngài nói Nhà Chung Hà Nội rất vui khi được chúng tôi ghé thăm. Thái độ này của vị Giáo Chủ càng làm tôi cảm động và biết ơn. Trong khi đọc kinh, đứng bên này nhìn qua người đối diện tôi thấy được toàn diện con người Giám mục Sang lần đầu tiên. Trông ngài thấp và bé nhỏ hơn tôi tưởng. Nhất là lúc đứng cạnh bên Hồng y Trịnh Văn Căn, trông giống như một đôi đũa lệch.
Vết Tích Thời Gian
Sau bữa ăn, tôi theo Đức Hồng y lên sân thượng của tòa nhà lớn. Sân thượng này rất rộng, lát bằng gạch tàu, có lẽ to hơn sân quần vợt. Trời mùa hè nên giờ đó còn sáng, Đức Hồng y và tôi sánh vai đi bách bộ. Trong lúc đi ngài kể tôi nghe hoàn cảnh Giáo hội miền Bắc và hỏi thăm về gia đình, cha mẹ anh chị em tôi. Ngài quan tâm đặc biệt tới cuộc sống các Linh mục trong tù.
Đang đi, bất chợt ngài quay lại hỏi:
- Cha có để ý thấy cái gì khác lạ trên sân thượng này không?
Tôi ngạc nhiên trước câu hỏi đó, và nhìn quanh chẳng thấy gì nên nói:
- Con chẳng thấy gì lạ cả!
Ngài mỉm cười:
- Cha phải nhìn ra xa tới cuối sân mới nhận ra được. Nhìn xuống chân không thấy đâu!
Theo sự gợi ý của ngài tôi nhìn ra xa tới cuối sân. Chợt tôi để ý thấy một đường vòng hình quả trám khổng lồ nằm giáp bề mặt sân thượng. Con đường này có màu vàng nhạt khác với màu gạch lát trên sân như có ai mài rửa chà xát lên đó. Tôi nheo mắt đáp:
- Con thấy hình như có vòng tròn ai vẽ trên sân gạch.
Đức Hồng y cười:
- Như thế là cha đã nhận ra rồi. Đó không phải là đường vẽ nhưng là đường mòn trên gạch. Đó cũng là dấu tích của Đức cố Hồng y Trịnh Như Khuê. Trong hơn hai mươi năm bị quản chế, ngài đã đi bách bộ trên sân thượng này. Vì đi bộ nhiều năm nên những bước đi của ngài đã tạo thành đường mòn hình quả trám như cha thấy.
Nghe câu chuyện này tôi quá thương cho hoàn cảnh Đức Hồng y tiên khởi của Việt Nam và cho Giáo hội Công Giáo miền Bắc lúc bấy giờ.
Đêm đó, sau khi đọc kinh tối chung trong nhà nguyện, tôi ghé vào thăm cha Sinh là cha Bí thư Tòa Tổng Giám mục Hà Nội. Phòng cha Sinh cách văn phòng Đức Hồng y không xa. Cha Sinh lúc đó còn trẻ, quãng chừng vừa ngoài 30, trắng trẻo đẹp trai. Trong lúc đang ngồi chơi uống nước và quan sát nơi ăn chốn ở của vị Linh mục trẻ này, tôi lắc đầu nghĩ thầm: “Ngay cái thời cực thịnh của tôi và các Linh mục miền Nam trước kia, phòng ốc nơi tôi ở cũng không bằng một góc nhỏ của phòng cha Sinh”. Từ trước tôi vẫn có cảm nghĩ là các Linh mục miền Bắc sống nghèo nàn và thiếu thốn. Điều này có thể đúng đối với các Linh mục ở miền quê, nhưng không đúng chút nào với vị Linh mục trẻ giữ chức vụ quan trọng sống giữa Thủ đô Hà Nội này.
Cuốn Phim Quay Chậm
Tôi trở lên phòng. Lúc đó tuy đã muộn nhưng tôi chưa thấy buồn ngủ. Một phần vì tâm trạng choáng ngộp trước khung cảnh mới, phần khác trưa nay trước giờ cơm chiều tôi có nằm nghỉ được chút ít. Trời về đêm nghe vắng lặng, tôi ra hành lang tựa vào lan can nhìn qua bên kia đường. Không biết hôm đó là ngày gì mà có đông người tụ họp. Có ban nhạc sống và nhiều đôi ra khoảng sân trống khiêu vũ. Lớp trẻ tụ tập khá đông nhưng không ồn ào. Khi nhạc trỗi lên, từng cặp bước ra khiêu vũ, hết nhạc lại về chỗ ngồi yên. Tôi đứng coi mà có cảm tưởng đây là những người máy đang giải trí. Tôi không cảm nhận được “sức sống” trong đám đông khiêu vũ và có cảm tưởng là tay chân họ nhịp bước theo điệu nhạc, nhưng sao chẳng có “hồn”! Tự nhiên tôi cảm thấy thương cho lớp trẻ này. Họ vui chơi nhảy nhót theo mốt thời trang, nhưng tâm hồn như đang mang một nỗi u hoài khó tả.
Quay trở vào phòng, ngồi yên trên ghế một lúc như để xác định hiện tại và nhớ lại giờ này đêm qua diễn ra cảnh chia tay đầy nước mắt trong buồng giam ở trại Nam Hà. Tôi không muốn nghĩ tiếp nên lấy giấy ngồi viết vài thư ngắn cho chị tôi và những người thân ở miền Nam báo tin tôi được về, nhưng còn ở lại miền Bắc một thời gian. Nhìn đồng hồ trên tường đã gần 10 giờ đêm, tôi tắt đèn và lên giường nằm. Căn phòng vẫn mờ ánh sáng vàng nhẹ phản chiếu của đèn đường. Thỉnh thoảng cơn gió nhẹ làm cựa mình những nhành cây đang yên giấc. Tôi nhắm nghiền mắt lại và hồi tưởng những năm tháng qua. Đời người như một giấc chiêm bao. Mới đó mà đã mười mấy năm qua đi rồi, mười mấy năm buồn vui lẫn lộn trong kiếp sống của một Linh mục tù nhân. Tôi nhớ lại ngày nào từ giã mẹ già gạt nước mắt ra đi, nay mẹ chết đã mười một năm nhưng chưa lần nào được nhìn thấy mộ mẹ. Tôi nhớ lại chuyến xe lô Minh Chánh năm xưa trên quãng đường Ngã Ba Trung Lương đi Sài Gòn. Chiếc xe đã đưa tôi vào ngả rẽ cuộc đời. Lúc đó, ngồi trên xe trong tâm trạng rối bời, tôi tự nhủ: “Từ đây, mình bước vào một tương lai vô định. Chẳng biết cuộc đời rồi sẽ ra sao. Nhưng nếu định mệnh an bài và mình còn sống, chắc hẳn mình sẽ viết lại vở kịch đường đời mà mình trải qua và chiếc xe lô Minh Chánh hôm nay sẽ là màn đầu.”
Bút Ký của Lm. Nguyễn Hữu Lễ
1. Bước Ngoặt Cuộc Đời
Từ giã Thạnh, anh bạn Linh mục thân nhất, tôi bước lên chiếc xe lô Minh Chánh tại ngã ba Trung Lương để lên Sài Gòn. Trời đã về chiều.
Chiếc xe hôm đó chật như nêm. Hành khách phần đông là các chị em bạn hàng ngồi chen lẫn với các bao bị, túi cói căng phồng, cố nhét vào chỗ nào đó trong xe mà người ta có thể nhét được. Tôi được xếp ngồi chen vào giữa anh tài xế và một người đàn ông đứng tuổi, vì tôi chẳng có hành lý gì ngoài cái túi đeo vai nặng chừng hơn ký-lô. Trong vị trí đó, có lẽ tôi là hành khách chiếm ít khoảng trống nhất trên chuyến xe có giá vé đồng hạng này.
Chiếc xe tôi đang đi là loại xe Hoa Kỳ hình dáng rườm rà, to và dài như một con kình ngư bằng sắt. Hai cái đèn trước đầu xe như đôi mắt thật lớn và đuôi là cặp đèn lái rườm rà vểnh lên cao. Không kể băng tài xế, xe còn hai băng ngang phía sau, và một khoảng trống khá rộng dùng để chở hàng hóa và cuối xe là cái bửng cao độ 50 phân chặn ngang. Kiểu xe của thập niên 60 này được tung ra thị trường có lẽ để nhắm vào nhu cầu của các gia đình đông người.
Tuy nhiên, khi qua tới Việt Nam xe đã được cải biến lại cho phù hợp để chuyên chở hành khách nên được gọi là xe 'lô', bởi chữ 'location' trong tiếng Pháp. Loại xe lô này đưa rước khách trên những tuyến đường ngắn chừng trăm cây số đỗ lại để nhắm vào những người cần đi gấp. Xe chạy rất nhanh so với xe đò bình thường. Mặc dù giá vé đắt hơn xe lớn và trên xe phải chen lấn chật chội, nhưng xe lô rất tiện dụng và đúng giờ nên lúc nào cũng đông khách. Thông thường xe có đủ chỗ cho tám người, kể cả tài xế, nhưng khi biến thành xe lô, có thể “nhét” tới 15 người hoặc hơn nữa. Riêng khoảng trống phía sau, có thể chứa năm sáu người ngồi bệt xuống sàn xe quay mặt tứ phía. Khi cần, cái bửng ở cuối xe cũng được hạ xuống để có thể chở thêm vài ba người ngồi nhìn ngược về phía sau.
Nói tóm lại, hễ còn chỗ trống là cứ nhét, càng nhiều người càng tốt, có khi người này ngồi lên đùi người khác cũng không ai lấy thế làm phiền. Có điều hay là, khi xe đã chật ních cả người lẫn hành lý, nhưng hễ có khách đón, xe vẫn ngừng và còn đủ chỗ cho khách mới. Tôi phục tài thu xếp của mấy anh tài xế xe lô. Hầu như anh nào cũng trẻ trung vui tính, lúc nào cũng cười tươi khi xếp chỗ kèm theo câu nói: “Chịu khó ngồi chật chút nghe bà con, sắp tới nơi rồi!” Và lúc nào câu nói ấy cũng có hiệu nghiệm.
Đoàn xe lô Minh Chánh hoạt động song song với những hãng xe đò lớn khác trên tuyến đường Sài Gòn - Mỹ Tho, và cách mười phút là có một chuyến rời bến, trong khi xe lớn phải đợi tới nửa giờ hoặc hơn.
Trên quốc lộ 4 nối liền Sài Gòn và các tỉnh miền Tây vào buổi chiều tà này, đường bắt đầu vắng, xe cộ thưa thớt, nên xe tôi chạy rất nhanh. Ngồi yên trên xe một lúc, sự mệt nhọc và chán chường choáng ngộp, như biến tôi thành người mộng du. Tôi lặng nhìn về phía trước, cảnh vật vùn vụt chạy ngược chiều khi chiếc xe cứ ngon trớn nuốt ngắn đoạn đường. Tôi nhìn nhưng dường như chẳng thấy gì và cũng chẳng buồn để ý tới tiếng cười nói ồn ào từ phía sau.
Bất thần, tôi có cảm giác lừ đừ như người vừa uống ly rượu mạnh, nên tựa đầu vào thành ghế, xoay người tìm tư thế thoải mái, trong cái hốc nhỏ xíu giữa hai con người. Tôi nhắm mắt và cố gạt những ý tưởng vụn vặt rối bời đang lẩn quẩn trong đầu, nhưng nào có quên được dễ dàng. Quá khứ lại vồ lấy tôi. Những tháng ngày về làm nhiệm vụ Linh mục trong tỉnh Bến Tre chưa được bao lâu, nhưng sao có quá nhiều việc xảy ra, và dường như từ chuyện lớn tới chuyện nhỏ đều góp phần dẫn đưa tôi đến bước đường này.
Câu chuyện giữa anh tài xế và các cô các bà phía sau càng lúc càng náo nhiệt. Họ cười nói huyên thuyên, nhưng tôi chẳng chú ý nghe được chuyện gì ra chuyện gì. Người đàn ông ngồi cạnh tôi phía ngoài có dáng khắc khổ, gương mặt sạm nắng, ra dáng một người nông dân hơn là người làm việc trong bàn giấy. Nhận xét này làm tôi cảm thấy dễ chịu, vì thời buổi bấy giờ tôi rất dè dặt khi phải tiếp xúc với người lạ, nhất là những người nào có vẻ “cán bộ” thì càng phải giữ kẽ nhiều hơn. Người đàn ông này, không có vẻ gì là cán bộ và cũng tỏ ra không hào hứng góp chuyện với anh tài xế và bà con ở phía sau. Tôi ngồi lặng yên, mơ màng nhớ lại những ngày tháng qua...
Mười tháng trước đây, tháng 7 năm 1975, tôi được bổ nhiệm về làm cha sở họ đạo La Mã, thuộc huyện Giồng Trôm tỉnh Bến Tre. Vùng này, trước kia có tên là Bàu Dơi, một nơi nghèo nàn dân cư thưa thớt. Tới đầu thập niên 50, ở đây có xảy ra hiện tượng Đức Mẹ hiện ra, khiến nơi vắng vẻ này được nhiều người biết tới và dần dần trở nên một trung tâm hành hương khá sầm uất, sau đó được nâng lên thành giáo xứ.
Theo lời kể lại, một hôm có người đàn bà đi mò cá dưới sông, nhặt được một khung ảnh cỡ lớn nhưng không còn thấy hình ảnh gì. Có lẽ khung ảnh này chìm dưới nước đã lâu. Người có được khung ảnh cũng chẳng biết làm gì với nó, nên đưa về nhà chèn vào vách lá che mưa che gió.
Một hôm, tình cờ một người có đạo trong vùng tới chơi và thấy khung ảnh, nghĩ trước kia có thể là ảnh thờ phượng nên xin về để trên bàn thờ trong gia đình. Thời đó trong vùng có chiến tranh. Ngày nọ có cuộc hành quân trên sông của binh lính Pháp. Tàu Pháp bắn súng lớn, súng nhỏ, làm sập nhiều nhà cửa. Trong cơn lửa đạn, gia đình có khung ảnh lo sợ vội chui xuống dưới bàn thờ nấp và cầu nguyện xin Chúa và Đức Mẹ che chở.
Điều rất ngạc nhiên, là sau khi êm tiếng súng, người nhà bò ra và nhìn lên bàn thờ thì thấy khung ảnh mờ đục trước kia đã lộ ra hình Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp một cách khá tỏ tường! Sự kiện đó được trình cho giáo quyền đến chứng nhận và lập biên bản. Tin lành đồn ra, và càng ngày càng có nhiều người tin tưởng tới kính viếng và cầu nguyện với Đức Mẹ. Dĩ nhiên giáo quyền không chính thức công nhận, nhưng cũng không ngăn cấm lòng sùng kính của giáo dân. Có rất nhiều người cầu xin và được ơn. Chứng tích này còn lưu lại trong các bia đá “Tạ Ơn” gắn khá nhiều trong nhà thờ.
Vùng Bàu Dơi hẻo lánh trước kia, nay đã trở thành một trung tâm hành hương thu hút nhiều người từ phương xa tới kính viếng. Đường sá được sửa sang và một số dân các nơi khác về đây sinh sống. Tới năm 1953, khách hành hương dâng cúng tiền xây một ngôi nhà thờ, tuy nhỏ nhưng rất khang trang, có cả các dãy nhà cho khách hành hương tạm trú. Nơi này được Giám mục Ngô Đình Thục nâng lên thành họ đạo, tiếng miền Bắc là giáo xứ, lấy tên là họ đạo La Mã để kính nhớ giáo đô Rôma.
Năm 1960 Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGPMN) ra đời, đã tạo nên một giai đoạn mới trong lịch sử chính trị Miền Nam. Tình trạng an ninh người dân được hưởng những năm đầu của Chánh quyền Ngô Đình Diệm dần dần giảm đi, theo nhịp độ hoạt động và sự lớn mạnh của MTGPMN. Riêng tỉnh Bến Tre, có tên là “Quê Hương Đồng Khởi”, nơi mà MTGPMN hoạt động mạnh mẽ, làm cho tình hình càng ngày càng căng thẳng hơn. Những năm tiếp theo, cuộc giao tranh Quốc - Cộng càng lúc càng leo thang và bành trướng tới nhiều nơi, đặc biệt trong tỉnh Bến Tre nói chung và tại họ đạo La Mã này nói riêng.
Trong tình thế đó, một số đông giáo dân tản cư lánh nạn, khách hành hương cũng thưa thớt dần và họ đạo dần dần trở nên tiêu điều. Vì giáo dân tản cư lánh nạn gần hết, nên năm 1961 cha sở họ La Mã cũng rút đi, chỉ còn mấy Dì phước dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn và một số rất ít giáo dân ở lại trông coi nhà thờ và vườn tược. Từ đó, cha sở họ đạo Cái Bông nằm cách đó 6 cây số lên xuống dâng lễ và phụ trách mặt tinh thần cho giáo dân. Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp mà giáo dân các nơi thường về kính viếng cũng được đưa về nhà thờ Cái Bông cho an toàn hơn.
Trong thời chiến, Nhà thờ La Mã trở thành nơi trú ẩn và dung thân cho cán bộ cộng-sản trong vùng, vì ai cũng biết phía quốc-gia không bắn phá hoặc giội bom các cơ sở tôn giáo, nên các nơi đó là điểm trú ẩn an toàn cho dân chúng và cán bộ khi có cuộc hành quân. Để cho danh chính ngôn thuận, một số cán bộ MTGPMN cỡ lớn trong vùng, đã xin chịu phép Rửa tội và nấp dưới bóng áo dòng của các Linh mục và các Dì phước, để che mắt cơ quan an ninh phía quốc-gia. Nếu không tránh được mà phải bị bắt, thì cũng chính các Linh mục và các Dì phước là những người họ chạy tới trước tiên.
Tình trạng này kéo dài trong nhiều năm đã tạo nên sự gắn bó khá mật thiết giữa các Linh mục, các Dì phước với các cán bộ của MTGPMN trong vùng. Cho tới ngày 30 tháng Tư năm 1975, miền Nam rơi vào tay cộng-sản. Đối với nhiều người, đây là một cuộc đổi đời. Lúc bấy giờ, tôi đang phục vụ tại Nhà thờ Chánh tòa Vĩnh Long.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, cuộc chiến tranh bom đạn đã chấm dứt, nên ở khắp nơi, người dân tản cư lánh nạn trong thời kỳ chiến tranh bắt đầu thu xếp trở về sinh sống nơi chốn cũ. Tại họ đạo La Mã cũng vậy, số giáo dân tản cư lánh nạn trong thời kỳ chiến tranh nay cũng quay lại, nên số giáo dân càng ngày càng đông, có nhu cầu cần một Linh mục phụ trách. Tôi được chỉ định nhiệm vụ này, và đã dọn tới đây vào đầu tháng Bảy năm 1975.
Lúc bấy giờ, tình thế đã hoàn toàn thay đổi. Những người đã từng núp bóng các Linh mục và các Dì phước trước đây, bây giờ là những kẻ chiến thắng và một vài người đang nắm quyền ở địa phương này. Lúc tôi tới, họ đạo còn có hai Dì phước và một Ban quí chức, tiếng miền Bắc gọi là Hội đồng Giáo xứ, mà đa số trong đó là những cán bộ hoặc gia đình cán bộ.
Tôi là người từ tỉnh khác mới đổi về và là một gương mặt mới, hoàn toàn xa lạ với tất cả mọi người trong giáo xứ và trong vùng. Mặc dù cố gắng tối đa để sống hòa đồng với mọi người, nhưng dần dần tôi cũng trở thành người bị nghi kỵ và bị chú ý theo dõi, ngay cả trong số những người gần gũi nhất với tôi trong họ đạo.
Đàng khác, trong cương vị một cha sở, tôi không thể im lặng trước một thứ tà thuyết vô thần và thái độ chống báng tôn giáo một cách quá trắng trợn của họ. Tôi cũng không thể làm ngơ trước sự can thiệp vào nội bộ tôn giáo và áp bức tôn giáo một cách ngang ngược của hạng người đang bị lên cơn sốt thời cuộc. Họ đã gây nên không biết bao nhiêu đau khổ và uất ức cho những người thất thế vì thời cuộc đổi thay. Những kinh nghiệm đau lòng của buổi giao thời này tôi không bao giờ quean.
Trong bối cảnh đó, tôi có gặp khó khăn và áp lực từ nhiều phía và nhiều người cũng không phải là chuyện khó hiểu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét