Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

HỒI KÝ PHẠM DUY - TẬP III - PHẦN II

Chương Bảy
Bể sầu không nhiều Nhưng cũng đủ yêu... Chiều Về Trên Sông.
Trong khoảng 1955-56, anh bạn Hoàng Văn Chí (đang làm việc trong VĂN HOA VU) nhận được tài liệu báo chí ở Hà Nội đăng tải về vụ NHÂN VĂN GIAI PHẩM mà cơ quan tình báo trong Chính Phủ của Bác sĩ Trần Kim Tuyến, sở Thông Tin USIS của Mỹ ở Saigon, một tổ chức tuyên truyền ở Đài Loan do Linh mục Raymond De Jaegher chỉ huy và một ngoại kiều trong lãnh sự quán Ấn Độ trao cho để khai thác. Anh văn hoá vụ trưởng họ Hoàng đưa cho tôi coi để hỏi thêm tiểu sử của một số văn nghệ sĩ dính líu tới vụ NHÂN VĂN GIAI PHẨM. Do đó tôi được biết khá rõ ràng phong trào đòi tự do dân chủ của văn nghệ sĩ và trí thức miền Bắc trong đó có những người bạn cũ như Văn Cao, Hoàng Cầm, Nguyễn Hữu Đang, Trần Thiếu Bảo... Sau khi Kruschev hạ bệ Staline ở Đại Hội Đảng CS lần thứ XX, nhà cầm quyền Liên Xô tuyên bố áp dụng chính sách cởi mở, bãi bỏ quan niệm thần tượng hoá lãnh tụ. Bắc Kinh rập khuôn Liên Xô, đưa ra khẩu hiệu Trăm Hoa Đua Nởcho phép văn nghệ sĩ tự do sáng tác, phê phán lãnh đạo. Theo gót Bắc Kinh, Hà Nội cũng cởi trói văn nghệ: phong trào NHÂN VĂN GIAI PHẨM ra đời những năm 54, 55, 56 trong giai đoạn cuộc cải cách ruộng đất gây ra những sai lầm thảm khốc cho Việt Nam. NHÂN VĂN GIAI PHẨM là phong trào đầu tiên của văn nghệ sĩ và trí thức miền Bắc đòi tự do dân chủ cho đất nước. Họ bị thẳng tay đàn áp, kẻ đi tù, người bị bạc đãi. Trước sự kiện đó, tuy trong lòng thì xót thương các bạn cũ, tôi rất vui vì sự quá lỏng lẻo trong chính sách văn hoá, văn nghệ của chính phủ Ngô Đình Diệm (và của những chính quyền đi sau). Vui là vì nếu chính phủ Diệm chưa bao giờ được xưng tụng là một Nhà Nước tôn trọng tự do và dân chủ thực sự nhưng văn nghệ sĩ ít khi bị đàn áp, trừ trường hợp đó là nhà văn, nhà báo làm chính trị hẳn hòi, đi theo một đảng phái nào đó để chống chính quyền. So với miền Bắc, người làm văn học nghệ thuật thuần túy ở miền Nam có một sự tự do tương đối nào đó trong phạm vi sáng tác. Nhưng vui thì vui đấy, thực ra tôi cũng nên buồn một phát! Buồn vì phe quốc gia không có một chính sách văn nghệ nào cho ra trò, chính phủ chỉ dùng những công chức để làm việc một cách rất máy móc với văn nghệ sĩ. Tổ chức kiểm duyệt nằm trong bộ Thông Tin là rất cần thiết để ngăn ngừa những người -- được gọi là ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản -- có ý định dùng văn hoá phẩm để tuyên truyền cho chế độ miền Bắc. Nhưng khi cần kiểm soát ngành nhạc, chính quyền đã rất lẩm cẩm khi làm khó dễ chúng tôi trong việc sáng tác nhạc tình. Trong cơn say mê lành mạnh hoá quốc gia, bài trừ thuốc phiện, đóng cửa vũ trường, chính quyền đóng luôn vai trò kiểm soát con tim trong phạm vi âm nhạc. Tuy nhiên, chúng tôi đâu có chịu thua mụ kiểm duyệt. Vì sự lỏng tay của chính quyền, ngay trong thời ông Diệm, ngay khi phong trào Tố Cộng chưa dứt, ngoài loại nhạc tranh đấu mà chính quyền đề cao, chúng tôi vẫn rỉ rả đưa ra những bản nhạc tình. Rồi tới khi dòng nhạc tuyên truyền cho khu trù mật, ấp chiến lược... ra đời thì vẫn có những bản nhạc ướt át được phổ biến, tuy chẳng bao giờ được chính quyền ủng hộ nhưng cũng không bị ngăn cấm gắt gao và được tuổi trẻ hát như điên. Đó là loại nhạc với nội dung tình yêu của tuổi choai choai. Sau thời ông Diệm, nhạc ướt át ẩn thân vào những bài tôi gọi là lính ca. Khi các ông nhà binh lên cầm quyền và khi có tới ba bốn thế hệ thanh niên tiếp tục bị gọi lính -- khiến cho tôi cũng phải soạn ra một bản lính ca nhan đề Một Hai Ba Chúng Ta Đi Lính Cả Làng -- thì những ca khúc thiên về tình yêu với đề tài lính tiền tuyến và em gái hậu phương được tung ra và rất thành công. Khi các khiêu vũ trường bị đóng cửa, những người của đêm tối bèn kéo nhau đi chơi ở phòng trà có âm nhạc sống. Gia Đình Thăng Long và giới nghệ sĩ sinh sống bằng nghề nhạc ở Saigon giờ, ngoài địa bàn hoạt động là Đài Phát Thanh, Hãng Đĩa Hát, Đại Nhạc Hội, có thêm chỗ dụng võ là những phòng trà. Tôi thường đến giúp vui cho Phòng Trà Đức Quỳnh ở đường Cao Thắng là nơi đào tạo ra các ca sĩ Thu Hương, Lệ Thanh, Thanh Thúy... Thấy phòng trà ăn khách và với sự khuyến khích của tôi, nhà văn Mặc Thu mở phòng trà Trúc Lâm ở đường Ngô Tùng Châu. Rồi tới khi kiến trúc sư Võ Đức Diên mở phòng trà Anh Vũ ở đường Bùi Viện thì tôi là người điều khiển chương trình văn nghệ. Các khiêu vũ trường Văn Cảnh, Tabarin, Tự Do -- bây giờ đổi thành phòng trà -- cũng là nơi tôi lai vãng hằng đêm. Dù chính quyền đang chủ trương lành mạnh hoá xã hội, Saigon by night vẫn còn là không gian và thời gian để những người thích hủ hoá (!) như tôi đi tìm nguồn vui xác thịt. Phòng trà là nơi hò hẹn của những cuộc tình tạm bợ. Thế nhưng nhờ ở chủ trương lành mạnh hoá xã hội này mà có một số nữ ca sĩ trở thành những mệnh phụ phu nhân của nhiều vị quan to -- kể cả quan văn lẫn quan võ -- của hai thời Cộng Hoà. Khung cảnh ăn chơi ở phòng trà trong thời điểm này cũng giúp tôi có vài người tình xác thịt như thời 45, 46. Dăm ba mối tình tạm bợ này làm tôi nghĩ tới vũ nữ Định với bài Tình Kỹ Nữ và bài ca xã hội tôi soạn cho Hanoi by night khi xưa, bài Tiếng Bước Trên Đường Khuya. Tôi bèn soạn bài Phố Buồn với một thể nhạc phù hợp với thế giới hộp đêm (boite de nuit) là thể tango. Nhờ giọng hát ma quái của Thanh Thúy, nhờ nhà xuất bản ở chợ trời âm nhạc -- tái bản tới 8 lần -- bài ca xã hội này phổ biến ra dân chúng rất nhanh, rất rộng mà không cần phải nhờ tới đài phát thanh: Đường về đêm đêm mưa rơi ướt bước chân em Bùn lầy không quên bôi thêm lối ngõ không tên Qua mấy gian không đèn Những mái tranh im lìm Đường về nhà em tối đen Nhìn vào khe song trông anh ốm yếu ho hen Một ngày công lao không cho biết đến hương đêm Em bước chân qua thềm Mưa vẫn rơi êm đềm Và chỉ làm phố buồn thêm... Với bài này, tôi nghịch ngợm với chữ nghĩa và vần điệu như mưa rơi tí tách, mưa tuôn dưới vách, mưa qua mái rách, mưa như muốn trách, mưa yêu áo rách... và mơ màng hộ những đôi tình nhân nghèo, phải sống trong những ngôi nhà gỗ mái tôn trong hẻm tối phố buồn (khu Bàn Cờ ?) rồi nhìn ngôi nhà gạch mà họ mơ tưởng như chiếc bánh ngọt ngon ! Trong mấy năm liền, từ khi tôi bỏ vùng quê vào thành, được ra nước ngoài trong một thời gian rồi trở về nước, ở đâu tôi cũng phải sống quá nhiều với những đô thị. Nhất là bây giờ, vì việc công cũng như việc tư, tôi phải bó chân trong một Saigon với những đại lộ tuy rất vui nhưng cũng rất ồn ào, đầy khói xe và bụi bậm. Hay với những khu phố buồn, mùa mưa, ẩm ướt, lầy lội. Tôi nhớ đồng quê, tôi nhớ thiên nhiên vô cùng. Tôi tìm mọi cách để ra đi. Rồi tôi có những buổi chiều ngồi bên dòng sông Cửu Long: Chiều buông trên dòng sông Cửu Long Như một cơn ước mong ơi chiều... ... để mong được như hàng cây gỗ rong, nghiêng mình (trôi) trên sóng sông yêu kiều... Tôi còn muốn theo đò ngang quá giang, thương chiều... Rồi bởi vì tôi thương nhiều, nên tôi nhớ tình yêu. Vâng, tôi lại được lãng mạn như xưa rồi! Bài Chiều Về Trên Sông có lẽ là bài có nhiều tình cảm thiên nhiên nhất của tôi. Bài hát được soạn trên một âm giai mineure 6, coi như đó là sự thử thách của tôi trong việc dùng những âm giai khác với những âm giai tôi đã dùng từ trước tới nay. Trong thời gian này, cuộc sống gia đình của tôi rất là hạnh phúc. Ra ngoài xã hội, tôi cũng như hầu hết dân chúng miền Nam đều thấy trong lòng phấn khởi vì thấy mỗi ngày chế độ quốc gia càng như thêm vững chắc, chính phủ đang tiến hành những công trình xây dựng qui mô. Một triệu người di cư đã gây một tác động mạnh mẽ vào tinh thần những người còn có cảm tình với "ngoài kia". Phong trào Tố Cộng cố gắng làm sáng tỏ hơn chính nghĩa quốc gia. Hơn thế nữa những biến cố ở trong và ngoài nước như vụ nổi loạn ở Quỳnh Lưu, vụ Nhân Văn Giai Phẩm ở Hà Nội, vụ nổi dậy ở Balan, Hung Gia Lợi... càng cho mọi người có cảm tưởng rằng miền Bắc có nhiều vấn đề hơn miền Nam. Khiến ai cũng thấy hân hoan. Ai cũng muốn hát lên những lời ca vui vẻ, đằm thắm. Tôi cũng thấy như vậy. Và tôi soạn ra một số bài hát, có thể được gọi là những bản xuân ca. Khởi đầu là bài Hoa Xuân: Xuân vừa về trên bãi cỏ non Gió xuân đưa lá vàng xuôi nguồn Hoa cười cùng tia nắng vàng son Lũ ong lên đường cánh tung ròn... Bài Xuân Thì nói rõ hơn sự yêu mến hoà bình của người miền Nam: Tình Xuân chớm nở đêm qua Khi mùa chinh chiến đã lui ra ngoài đời Ngày Xuân con én đưa thoi Có người nhớ tới những lời yêu mến nha Xa xa có tiếng kinh cầu Chiều trên dương thế mang sầu mênh mông Người đi giữa độ Xuân nồng Nhìn nhau bỡ ngỡ rưng rưng lòng nhớ thương... . . . . . . . . . . . Tình thương nhân thế bao la Yêu người năm trước đã khiến cho ta giận hờn Và thương cây súng cô đơn Hoa đào đã nở trên vết mòn chiến xa... Bài Xuân Nồng sau đây ca tụng mùa Xuân ở miền Nam, nơi không gió lạnh mưa phùn như ở miền Bắc, chỉ có bụi và nắng, vậy mà vẫn nên thơ: Trời xanh xanh quá, sáng soi bên nhà Hương xuân la đà lọt cánh cửa qua. Ngoài trời tự do, lũ bướm quanh co Theo đường tơ, ra ngoài nẻo mơ. . . . . . . . . . Một mùa Xuân nóng giữa nơi kinh kỳ Mưa bay không về, chỉ có bụi xe Mặt trời phương Nam trong lúc Xuân sang Yêu người dân, Xuân nồng tình doan... Nhưng bài xuân ca mà tôi đắc ý nhất là... Xuân Ca ! Mùa Xuân của ta khởi nguồn từ khi cha mẹ ta gặp nhau : Xuân trong tôi đã khơi trong một đêm vui Một đêm, một đêm gối chăn phòng the đón cha mẹ về ! Xuân âm u, lắt leo trong nguồn suối mơ Bừng reo rồi theo nắng lên từ cha chói chan lòng mẹ... Xuân ta ra đời từ đêm động phòng của cha mẹ, rồi Xuân ta lẽo đẽo trên đường đời cho tới khi ta cũng như mọi ai, chết trong địa cầu. Nhưng đừng lo, vì ta cũng như Xuân, sẽ tái sinh, sẽ sống thêm vài lần, như trong bài Xuân Ca vậy! Tôi vốn là một kẻ tham lam. Cho nên soạn ra những bài hát mùa Xuân rồi thì tôi muốn trở thành một kẻ hát rong quanh năm ca hát. Tôi muốn soạn ra những "ca khúc bốn mùa". Vì sinh ra vào một mùa Thu nên tôi rất yêu mùa lá rụng. Trong kháng chiến tôi soạn bài hát về một mùa Thu chiến tranh nhưng đích thực ra tôi đã xưng tụng mùa Thu muôn năm hoà bình. Lúc này tôi đang tập toẹ đánh đàn tranh. Tôi bèn soạn một ca khúc hát với tiếng đệm đàn tranh lấy tên là Tơ Tình. Bởi vì bài hát nói tới mùa Thu, tôi đổi tên là Tình Ca Mùa Thu. Bài này, cũng như những xuân ca, là một bài hát trong xu hướng hoà mình vào thiên nhiên của tôi: Đêm nay sương mờ bao phủ u ú như lòng thương nữ Nhớ mấy cung đàn, thương đường tơ, mơ hiền hoà Đêm nay sương mờ bay toả a á như hồn câu thơ Ngát khúc tình ca, trong mùa Thu... Rồi trong không khí ca hát bốn mùa đó, tôi viết thêm những ca khúc mùa hè như Hạ Hồng : Mùa hè đi qua như làn gió Mùa hè trong ta đã đỏ hoe Mùa hè đôi ta bốc lửa cháy Lửa thiêu trái đất này Mùa hè thiên nhiên như tỉnh giấc Mùa hè đưa ta tới hồng hoang Trần truồng yêu nhau trong trời đất Mùa hè của uyên ương Đôi ta chỉ có một mùa mà thôi Đôi ta chỉ có một lần đời vui Mùa hè ngày tháng chưa già Mùa hè hạnh phúc đôi ta... Hạ Hồng là một bài ca đầy nhục tính. Đây là lúc tôi tới tuổi sung sức nhất của người đàn ông, tôi không giữ nổi tôi những khi trượt chân và ngã vào lòng những người nữ miền Nam nóng như lửa đốt. Rồi sau cuộc giao hoan, tôi lười biếng nằm chết trong giường tình và soạn bài Ngày Tháng Hạ: Ngày tháng Hạ, mênh mông buồn Lòng vắng vẻ như sân trường Hàng phượng vĩ cũng khác thường Nhỏ tia máu trên con đường... Bài Hạ Hồng rất nóng bỏng, bài Ngày Tháng Hạ thật là oi ả, bài Gió Thoảng Đêm Hè sau đây có vẻ mát mẻ hơn, nhưng cả ba bài hạ ca này đều xưng tụng dục tình: Gió thoảng đêm hè Gió thoảng về khuya Gió gặp cô bé Lúc tuổi xuân thì Giấc ngủ không mơ Cô bé học trò Đến tuổi học trò... Gió thổi căng tròn Dưới lồng ngực son Gió rồn tim xuống Gió lạnh tâm hồn Gió là nụ hôn Làm cho cô bé Nức nở nhiều hơn... Chủ trương soạnca khúc bốn mùa nhưng tôi không yêu mùa Đông cho lắm, nên ngoài bài Mùa Đông Chiến Sĩ soạn trong kháng chiến hay bài Mùa Đông Paris (tức Tiễn Em, thơ Cung Trầm Tưởng do tôi phổ nhạc), hồi tôi còn trẻ, tôi không soạn thêm một ca khúc mùa Đông nào khác. Về già, trong tổ khúc BẦY CHIM BỎ XƯ, tôi mới đả động tới mùa Đông xứ lạnh quê người, có những con chim phải thổ huyết và cấu cổ tự vẫn vì buồn! Cho tới năm 1956, nghĩa là gần hai năm sau thời gian đi học ở Pháp, những ngày tháng sống tại miền quốc gia đầy hứng khởi này là những ngày hoàn toàn hạnh phúc của tôi. Trong gia đình, tôi sống an nhiên bên vợ hiền con ngoan. Ngoài xã hội tôi là người được ưu đãi. Trong sáng tác, tôi tìm được đường đi. Rồi tôi buông thả tình cảm ra, trước hết với thiên nhiên, sau tới với xã hội và con người. Không bao giờ tôi nghĩ rằng sự buông thả không kìm chế của tôi sẽ đưa tôi đến những đổ vỡ không tránh được.
Chương Tám
Dìu nhau đi trên phố vắng Dìu nhau đi trong ánh sáng... Thương Tình Ca
Như đã tâm sự trong Chương 9 của cuốn Hồi Ký THƠI THƠ ẤU, tôi biết yêu rất sớm -- vào khoảng 12 tuổi -- chỉ vì tôi mê đọc truyện lãng mạn và thường được người lớn kể cho nghe những truyện tình. Dục tính trong tôi còn được khêu gợi sớm hơn nữa, ngay từ khi mới lên bẩy lên tám. Được biết những bài học về tình từ lúc còn thơ rồi lớn lên với những cuộc tình quá dễ dãi, tôi luôn luôn đi trên con đường tình ái rất đỗi bình yên. Trong cuộc nội tình đã trở thành duyên thành nghĩa với vợ hiền hay trong những cuộc ngoại tình hoa bướm nào đó, bão tố chưa bao giờ đến với tôi cả. Nhưng vào năm 1956 này, đổ vỡ đã đến qua một tai nạn ái tình xẩy ra giữa tôi và người vợ của em vợ. Đây là lúc chúng tôi bị lôi cuốn vào một ngành nghệ thuật rất mới mẻ là điện ảnh. Tôi vừa ở Pháp về và cộng tác chặt chẽ với anh bạn Đỗ Bá Thế mà tôi đã quen khi còn ở Paris và hứa sẽ cùng anh đi vào công việc thực hiện phim Việt Nam. Lúc đó hai hãng phim lớn ở Saigon là ĐÔNG PHƯƠNG của Đỗ Bá Thế và TÂN VIÊT của Bùi Diễm đang thi đua làm phim tố Cộng với hai cuốn phim Đất Lành và Chúng Tôi Muốn Sống. Đây cũng là lúc tôi rất hung hăng (!) với những thành công quá dễ dãi của mình -- trong cả hai địa hạt âm nhạc và điện ảnh -- quên hẳn bài học bị bắt giam ở bót Catinat và cái chết của Hồ Hán Sơn, tất cả những chuyện đó xẩy ra cũng vì cái tính háo thắng của tuổi trẻ. Sự buông thả không kìm chế trong sáng tác cũng như trong đời sống hàng ngày đẩy tôi vào một cuộc tình đáng lẽ tôi nên tránh. Thành thực mà nói, tôi muốn tránh cũng không được. Vì nhu cầu của công tác điện ảnh, tôi sống quá gần gũi với người vợ của em vợ, đôi khi còn phải sống chung ở Hồng Kông hay Manila để hoàn tất cuốn phim. Hơn nữa trong đời sống hằng ngày, lẽ ra vợ chồng tôi nên đi ở riêng sau ngày em vợ lấy vợ nhưng khi dọn tới căn nhà rất lớn đường Bà Huyện Thanh Quan, chúng tôi vẫn cứ ở gần nhau. Thế là vụ ngoại tình xẩy ra. Nếu tôi sống trong một xã hội Âu Mỹ thì tai nạn ái tình này cũng dễ giải quyết, nhưng vì gia đình nhà vợ -- trừ vợ tôi -- đã không bình tĩnh lại còn bị hai nhà văn (!) T.N. và T.K.N. xúi giục nên đem vụ này ra chốn công khai và vì tôi đã nổi tiếng rồi cho nên, khác với câu châm ngôn tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại, chuyện không đẹp này trở thành một sì căng đan rất lớn. Báo chí ở Saigon làm ầm lên đã đành, báo chí Hà Nội còn mỉa mai: Cam ở đất Bố Hạ mà đem vào trồng ở nơi không hợp với thủy thổ là hư ngay (!) Dù chưa đến độ lúc nào cũng đấm ngực thùm thụp để nhận cái tội gốc của những người mang số kiếp nòi tình, tôi luôn luôn buồn rầu khi phải nhắc lại mối tình cấm (amour défendu) mà tôi cả gan đi vào khi tôi mới ngoài 30 tuổi. Tôi chỉ buồn vì đã làm buồn lòng người vợ, người em. Buồn vì biết rằng những đổ vỡ này sẽ không bao giờ có thể hàn gắn được. Khác với người A Đông, thường cho rằng phước bất trùng lai hoạ vô đơn chí, người Pháp có câu à quelque chose malheur est bon, tai hoạ tôi gây nên và nhận lấy không ngờ đem về cho tôi hạnh phước. Cuộc tình không đẹp vừa kết thúc dẫn tôi tới một cuộc tình khác. Nhưng vì kinh qua việc gây khổ đau cho mình và cho người nên tôi rất thận trọng, tự nguyện phải nâng niu cuộc tình này. Trong Chương 25 của cuốn Hồi Ký THƠI VAO ĐƠI, tôi nói tới những ngày rất đẹp khi ghé lại tỉnh Phan Thiết vào năm 1944. Tại thành phố sáng sủa và ấm áp này, nhờ bài hát Buồn Tàn Thu của Văn Cao, tôi làm quen với một goá phụ rất trẻ có hai dòng máu Việt-Anh tên là Hélène. Nàng ở với mẹ già và hai đứa con, một gái là Alice, một trai là Roger, tại một đồn điền ở Suốt Kiết, cách tỉnh lỵ không xa. Giữa chàng du ca và người cô phụ trẻ tuổi có một cuộc tình rất nhẹ nhàng và trong sạch. Mối tình nửa kín nửa hở được hiểu ngầm là khá say sưa. Hai người đều biết có sự yêu mến lẫn nhau nhưng không ai dám lên tiếng yêu đương cả, chẳng khác chi trong những mối tình câm lặng khi tôi mới 16 tuổi. Mối tình thốt lên qua những lời ca tôi mượn của Đặng Thế Phong, Lê Thương, hay Văn Cao và qua những lời thơ nàng mượn của Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu hay Huy Cận. Rất có thể vào lúc đó, tôi mang mặc cảm tự ti của anh hát rong trong gánh Cải Lương và nàng chưa ra thoát lối sống goá phụ thầm lặng, chúng tôi chỉ được coi đang ở mấp mé một cuộc tình. Suốt một tháng trời, hai người dạo chơi trên phố xá đông đảo hay trên bãi cát vắng vẻ, nói với nhau những chuyện trên trời dưới bể, chuyện con dế con giun nhưng không bao giờ dám nắm tay nhau hay nói những lời ân ái như trong tiểu thuyết hay trên màn ảnh cinéma. Khi tôi giã từ Phan Thiết và Hélène để theo gánh hát vào Nam, nàng tiễn tôi trên sân ga xe lửa. Trên bước đường giang hồ, tôi nhận nhiều bức thư (và cả những bài thơ) của Hélène. Tôi cũng luôn luôn gửi thư cho nàng. Tất cả những chuyện gặp gỡ, gần nhau, hát và đọc cho nhau nghe những lời ca, lời thơ rồi chia tay nhau, gửi cho nhau những lá thư mầu xanh mầu tím... chao ôi, sao mà giống như những gì bao quanh một mối tình huyền diệu. Thực tế, đó chỉ là một mối tình suông! Cho nên khi xẩy ra Cách Mạng và kháng chiến ở miền Nam khiến tôi phải chạy khỏi Saigon, leo lên xe lửa trở về miền Bắc, tàu hoả ngừng tại ga Suốt Kiết mà tôi cũng không ghé thăm Hélène. Rồi kể từ đó, tôi quên nàng goá phụ trẻ tuổi. Trở lại Saigon vào năm 1951, tôi chẳng có lúc nào nhớ tới người đẹp Phan Thiết cả. Năm tháng trôi qua với những sinh động và xuẩn động trong nghề nghiệp cũng như trong đời tư, sau tai nạn ái tình kể trên, một hôm tôi đang lang thang trước chợ Bến Thành, đột nhiên Hélène hiện ra trước mắt. Mừng mừng, tủi tủi, chúng tôi đứng nói chuyện rất lâu, biết rằng đôi bên đã có gia đình, tôi đã có bốn đứa con, nàng có thêm ba đứa con nữa. Alice và Roger đã lớn... -- Nếu " ông" rảnh rỗi, xin mời lại chơi. Nhà ở ngay đầu đường Trần Hưng Đạo kia kià ! Tôi vội vàng đi theo Hélène về nhà. Hai cháu Alice và Roger chạy ra nắm tay chú. Tôi ngỡ ngàng khi thấy Alice. Cô bé giống mẹ như đúc. Cũng như các nữ sinh khác, cô bé đã biết tới những bài hát của tôi như Tình Kỹ Nữ, Bên Cầu Biên Giới, Tình Ca, Tình Hoài Hương... Có lẽ trong tiềm thức của cô thiếu nữ 16 tuổi này đã có dư hương vòng tay bế bồng của tôi lúc cô mới lên bốn cho nên cô quấn quít tôi như người quen biết từ lâu. Đang có một thảm kịch trong lòng sau vụ ái tình được cả nước biết, tôi đi tìm an ủi ở người bạn cũ Hélène. Nhất là ở người con gái giống mẹ như đúc. Trong lúc đang có cảm giác bị mọi người chung quanh khinh khi, ghét bỏ, tôi thấy nguôi ngoai trong lòng khi nghe cả hai mẹ con nói rằng tôi chẳng có tội gì cả! Họ nói thế vì họ muốn kéo tôi ra khỏi một sự nhục nhằn, tôi biết vậy! Để ghi lại cuộc gặp gỡ này, tôi phổ nhạc một câu ca dao thành một tình khúc nhan đề Nụ Tầm Xuân, khi in ra có đề tặng Hệ Liên (về sau nàng lấy tên là Huệ Liên, cũng do ở tên Hélène mà ra): Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc Em lấy chồng rồi anh tiếc lắm thay! Trong suốt một năm, hằng tuần, tôi lái xe hơi tới đón Alice đi chơi. Cô bé có vẻ không yêu người cha ghẻ. Hình như tất cả những cô bé sớm mồ côi cha đều không ưa người chồng mới của mẹ mình. Đã không ưa dượng thì chắc chắn cũng ít khi tâm sự với mẹ. Tôi là người có may mắn được nghe Alice trút bầu tâm sự của một thiếu nữ vào tuổi dậy thì. Càng nhìn mặt, càng nghe chuyện cô bé, tôi càng thấy Alice giống Hélène. Cũng vẫn giọng nói đó, cũng vẫn những chuyện tôi đã nghe nơi người mẹ, nói về cuộc đời, nói về mình, nói về người và nhất là nói về nền thi ca Việt Nam. Thế là cái lưới ái tình chật hẹp tung lên vào năm 1944 mà không chụp vào đầu tôi, hơn mười năm sau, vì không tránh né nên tôi chui tọt vào lưới. Một chiều mùa Thu 1957, tôi tỏ tình với Alice và được nàng ban cho một cái ừ lặng lẽ. Lúc đó, tôi có ngay quyết định là mối tình này cũng phải cao thượng như mối tình giữa tôi và Hélène. Tôi bỏ ra 10 năm để xây dựng một cuộc tình mà kết quả là một số bản tình ca soạn ra để riêng tặng nàng, từ Thương Tình Ca (1956) cho tới Chỉ Chừng Đó Thôi (1975). Nàng cũng viết ra khoảng 300 bài thơ để tặng tôi, trong đó có bài tôi phóng tác thành ca khúc: Tôi đang mơ giấc mộng dài Đừng lay tôi nhé cuộc đời chung quanh... Kể từ năm 1948 cho tới khi xẩy ra vụ sì căng đan về tình, tính ra đã gần một thập niên, sau khi lấy vợ và lánh xa chính trị để sống với bản thân và gia đình, rồi đi học xa, rồi trở về "phụng sự" (!) quốc gia, vì quá mải mê soạn nhạc xã hội, những bài tình tự quê hương, tôi không soạn một bản nhạc tình nào cả. Vả lại, trong 10 năm trời, tôi không gặp một cuộc tình nào gọi là đáng kể. Tới khi một chuyện tình không đẹp xẩy ra, trong muôn vàn đổ vỡ do tôi gây cho những người trong cuộc, có sự đổ vỡ của riêng tôi. Dù có người vợ hiền lành đại lượng, sẵn sàng tha thứ cho mình nhưng tôi vẫn chưa ngoi ra khỏi cái vực thẳm mà tôi đẩy tôi xuống. Nằm trong đáy cô đơn, tôi ngóc đầu vươn lên để soạn bài Tìm Nhau: Tìm nhau trong hoa nở, tìm nhau trong cơn gió Tìm nhau trong đêm khô hay mưa lũ Tìm nhau khi nắng đổ, tìm nhau khi trăng tỏ Tìm nhau như chim mộng tìm người mơ... Khi quá đau khổ, người ta dễ dàng đi vào Đạo: Gặp nhau trong hơi thở của cuộc đời, người ơi Gặp nhau, hãy nép hơi im trong hương mới Gặp nhau trong nhân tình đầy bác ái, ơi người Gặp nhau trong kinh cầu một hồi chuông... Tôi không ngờ trong một thời gian ngắn, tôi lại gặp được tình yêu. Tôi không lẩn tránh nó dù biết không giữ nó được suốt đời. Cuộc tình khởi sự bằng bài Thương Tình Ca: Dìu nhau đi trên phố vắng Dìu nhau đi trong ánh sáng Dắt hồn về giấc mơ vàng, nhẹ nhàng Dìu nhau đi chung một niềm thương... Biết rằng có ngày phải chia xa nhau nhưng vẫn hứa: Dìu nhau sang bên kia thế giới Dìu nhau nương thân ven chín suối Dắt dìu về tới xa vời, đời đời Dìu nhau đưa nhau vào ngàn thu... Vì vấn đề chênh lệch tuổi tác cũng như vì tôi không muốn làm phiền những người chung quanh một lần nữa, tôi quyết định ngay từ lúc đầu rằng đây chỉ là một mối tình giữa hai tâm hồn mà thôi. Tôi cố gắng tránh mọi đụng chạm về xác thịt và tôi hãnh diện để nói rằng nàng vẫn là một trinh nữ khi rời xa tôi để bước chân lên xe hoa về nhà chồng. Là một nghệ sĩ, tôi cần tình yêu để sáng tác, giống như con người cần khí trời để thở. Tôi không cần phải chiếm đoạt ai cả, nhất là chiếm đoạt một người con gái còn ít tuổi. Giữa chúng tôi, không có ràng buộc, trói chặt nhau. Mỗi cuối tuần gặp nhau, thế là quá đủ. Tôi nói lên điều này qua ca khúc Cho Nhau: Cho nhau chẳng tiếc gì nhau. Cho nhau gửi đã từ lâu Cho nhau cho lúc sơ sinh ngày đầu Cho những hoa niên nhịp cầu Đưa tuổi thơ đến về đâu... . . . . . . Cho nhau làn tóc làn tơ Cho nhau cả mắt trời cho Cho nhau tiếng khóc hay câu vui đùa Cho chiếc nôi, cho nấm mồ Cho rồi xin lại tự do... Vì yêu nhau nhưng không muốn chiếm đoạt nhau cho nên có thể cho nhau cả dãy Trường Sơn, cho nhau cả bốn trùng dương, quê hương xin vẫn cho nhau như thường... để rồi khi cần phải dứt tay chia đôi đường, đã giữ lại sự "tự do cho nhau" rồi thì sẽ chẳng còn gì để đôi người tình phải vương vấn hay oán trách nhau. Tôi muốn nói qua về những tính chất nhạc tình trong Tân Nhạc Việt Nam. Khi mới thành hình, nhạc tình trong âm nhạc cải cách mang nhiều tính chất lãng mạn với những tác phẩm của Đặng Thế Phong, Lê Thương, Thẩm Oánh, Dzoãn Mẫn v.v... Tình nhân trong những ca khúc đó bao giờ cũng phải có mùa Thu, gió heo may, sông nước, trời mây, hoa cỏ... đến để làm đẹp cho cuộc tình. Rồi theo với thời gian, nhạc tình tiến tới giai đoạn phát triển của Tân Nhạc, nó rời khỏi khung cảnh lãng mạn (romantique) để tiến tới nhạc tình cảm tính (sentimental). Bây giờ đôi lứa yêu nhau không còn cần đến bối cảnh chung quanh nữa. Trong loại nhạc tình này, chỉ có anh với em mà thôi, nghĩa là chỉ có người nam, người nữ dìu nhau đi trên đường tình. Rồi nhạc tình Việt Nam sẽ tiến tới giai đoạn não tính (cérébral) với Trịnh Công Sơn, nhục tính (sensuel) với Lê Uyên Phương, ảo tính (psychedelique) với Nguyễn Trung Cang... Nhạc tình của tôi ra đời trong giai đoạn 58-68 nằm trong loại nhạc tình cảm tính vậy. Sau khi dìu nhau trong Thương Tình Ca để đi vào tình tôi soạn những bài Ngày Đó Chúng Mình, Đừng Xa Nhau, Kiếp Nào Có Yêu Nhau, tất cả nhấn mạnh vào chữ "nhau": Ngày đó có em đi nhẹ vào đời Và mang theo trăng sao đến với lời thơ nuối. Ngày đó có anh mơ lại mộng ngời Và se tơ kết tóc giam em vào lòng thôi... Georges Etienne Gauthier, trong một bài báo đăng trên BACH KHOA vào năm 1972 đã ví giai điệu của những bài nhạc tình này như sự vươn lên của cánh thiên nga: Ngày đôi ta ca vui tiếng hát vói đường dài Ngâm khẽ tiếng thơ, khơi mạch sầu lơi ( ý y y ) Ngày đôi môi đôi môi đã quyết trói đời người Ôi những cánh tay đan vòng tình ái ( ớ ơ ờ ) Ngày đó có ta mơ được trọn đời Tình vươn vai lên khơi tới chín trời mây khói Ngày đó có say duyên vượt biển ngoài Trùng dương ơi ! Giữ kín cho lâu đài tình đôi... Nhưng dù nét nhạc, lời ca có đẹp đến mấy tôi cũng biết rằng không thể nào giữ được người tình suốt đời. Cho nên: Ngày đó có em ra khỏi đời rồi Và mang theo trăng sao chết cuối trời u tối Ngày đó có anh mê mải tìm lời Tìm trong đêm rách rưới cơn mơ nào lẻ loi ? Rồi tiên đoán ngày xa nhau: Ngày đó có bơ vơ lạc về trời Tìm trên mây xa khơi có áo dài khăn cưới Ngày đó có kêu lên gọi hồn người Trùng dương ơi ! Có sót sa cũng hoài mà thôi... Mới yêu nhau mà đã lo sợ ngày xa nhau. Chúng tôi đã khuyên nhau: Đừng xa nhau ! Đừng quên nhau Đừng rẽ khúc tình nghèo Đừng chia nhau nỗi vui, niềm đau Đừng buông mau Đừng dứt áo Đừng thoát giấc mộng đầu Dù cho đêm có không bền lâu Dù mai sau dắt nhau mà qua cầu Mồ chôn sâu ánh trăng vàng mái lầu Đừng xa nhau nhé Đừng quên nhau nhé Đừng chia nhau núi cao vực sâu Đừng xa nhau Đừng quên nhau Đừng dứt tiếng ngậm sầu Đừng im hơi đắng cay rời nhau Đừng đi mau, để mãi mãi Là chiếc bóng đậm mầu Còn theo nhau tới muôn đời sau... Trong lúc này, một người bạn gái cũ là Hoài Trinh ở Paris gửi về cho tôi nhiều bài thơ hay trong đó có bài Kiếp Nào Có Yêu Nhau mà tôi thấy rất phù hợp với thứ tình xanh vẫn còn lo sợ của tôi. Cho nên tôi vội vàng phổ nhạc ngay: Đừng nhìn em nữa anh ơi ! Hoa xanh đã phai rồi, hương trinh đã tan rồi Đừng nhìn em Đừng nhìn em nữa anh ơi Đôi mi đã buông suôi, môi nhăn đã quên cười Hẳn người thôi đã quên ta Trăng Thu gẫy đôi bờ, chim bay xứ xa mờ Gặp người chăng Gặp người chăng, nhắn cho ta Hoa xanh đã bơ vơ, đêm sâu gối ơ thờ Kiếp nào có yêu nhau, thì xin tìm đến mai sau Hoa xanh khi chưa nở, tình xanh khi chưa lo sợ Bao giờ có yêu nhau, thì xin gạt hết thương đau Anh đâu anh đâu rồi ? Anh đâu anh đâu rồi ? Đừng nhìn nhau nữa anh ơi Xa nhau đã xa rồi, quên nhau đã quên rồi Còn nhìn chi Còn nhìn chi nữa anh ơi Nước mắt đã buông suôi, theo tiếng hát qua đời Đừng nhìn nhau nữa... anh ơi... Những bạn bè yêu nhạc thường hỏi tôi về cái gọi là bí quyết phổ nhạc. Âu là tôi xin phép nữ sĩ Hoài Trinh cho tôi được in ra sau đây nguyên bản của bài thơ để bạn so sánh: Anh đừng nhìn em nữa Hoa xanh đã phai rồi Còn nhìn em chi nữa Sót lòng nhau mà thôi. Người đã quên ta rồi Quên ta rồi hẳn chứ ? Trăng mùa thu gẫy đôi Chim nào bay về xứ ? Chim ơi có gặp người Nhắn dùm ta vẫn nhớ Hoa đời phai sắc tươi Đêm gối sầu nức nở. Kiếp nào có yêu nhau Nhớ tìm khi chưa nở Hoa xanh tận nghìn sau Tình xanh không lo sợ. Lệ nhoà trên gối trắng Anh đâu, anh đâu rồi! Rượu yêu nồng cay đắng Sao cạn mình em thôi ! Chắc bạn đọc cũng thấy bài thơ phổ nhạc được tôi thêm câu, thêm chữ. Phổ nhạc là chắp cánh cho thơ bay cao. Bài thơ ngắn ngủi, cô đọng này, vì có thêm chữ nên không còn tiết vận đều đều, bằng phẳng nữa. Bây giờ nó quay cuồng theo nét nhạc, câu nhạc. Giai điệu của câu đừng nhìn em, nữa anh ơi chuyển rất đột ngột, đi từ nốt trầm lên nốt cao nhất với hai nhẩy bực quãng 5 để diễn tả sự tột độ của tình cảm. Cái syncope sau câu đừng nhìn em làm cho mọi người thấy được sự nghẹn ngào của bài thơ và bài hát. Đây cũng là lúc mà những bài thơ rất hay như Vần Thơ Sầu Rụng, Hoa Rụng Ven Sông, Thú Đau Thương của Lưu Trọng Lư, Ngậm Ngùi của Huy Cận, Mộ Khúc của Xuân Diệu, Tình Quê của Hàn Mặc Tử và Tỳ Bà của Bích Khê... được tôi biến thành những ca khúc để mỗi cuối tuần gặp người yêu-thi sĩ thì tôi hát tặng Nàng. Lại có thêm Cung Trầm Tưởng, một thi sĩ trẻ vừa ở Paris về, đưa cho tôi mấy bài thơ để phổ nhạc như Tiễn Em, Mùa Thu Paris, Chiều Đông, Kiếp Sau, Về Đây, Bên Ni Bên Nớ... trong đó, có hai bài hát về Paris do các nữ ca sĩ trẻ đẹp như Thanh Thúy, Thu Hương, Lệ Thanh trình bày hằng đêm tại các phòng trà và được khán giả hoan nghênh. Những bài thơ phổ nhạc đó trở thành những tình khúc của một thời, thi tứ chắc chắn là của các thi sĩ nhưng động lực khiến tôi phổ nhạc, chính là Nàng Thơ của tôi. Trong số bài thơ phổ nhạc vào lúc này, bài Ngậm Ngùi thành công nhất. Bài thơ của Huy Cận cũng đã được đàn anh Lê Thương phổ nhạc từ năm 1943 hay 44 gì đó. Tiếc thay, thiên hạ không có dịp hát nó. Tôi may mắn hơn chàng Lê, vừa tung bài thơ phổ nhạc ra là mọi người biết ngay. Được Anh Ngọc hát lần đầu tiên rồi được Lệ Thu làm nó trở thành bất hủ, bài thơ của Huy Cận do tôi phổ thành ca khúc là một thứ giao lưu văn nghệ xẩy ra ngay từ lúc này. Nguyên bài thơ đã là một giao lưu giữa thơ Đường và thơ lục bát Việt Nam rồi. Thơ hiện diện từ mấy chục năm trước, được trở thành nhạc vào lúc Việt Nam bị phân chia, ca khúc Ngậm Ngùi của Huy Cận-Phạm Duy giao tiếp hai thời thanh bình và khói lửa, giao hoà hai nghệ sĩ ở hai miền đối nghịch. Về phương diện thẩm âm, thẩm mỹ, bài đó xưng tụng một cái đẹp sắp sửa mất, đang mất hay sẽ mất, với lời thơ êm ả, bùi ngùi, thương tiếc, với nhạc điệu ôm ấp, vỗ về, an ủi. Hãy trả lại chúng tôi mộng bình thường mà có lẽ chúng tôi đã, đang hay sẽ mất. Tôi cố tình dùng hơi "oán" trong bài ca: Phải nhấn giọng ở chữ "bãi" trong câu nắng chia nửa bãi chiều rồi, như ta hát Vọng Cổ, nghe không ca sĩ... Suốt mấy chục năm liền, Ngậm Ngùi được hát liên miên. Ca sĩ mới ra lò ở Mỹ hiện nay (1991) dù đã ngọng tiếng Việt, cũng vẫn hát Ngậm Ngùi như thường. Dường như chưa hề ra thoát một u buồn triền miên, chúng ta không ngưng nghỉ ru nhau vào giấc mộng bình thường: Ngủ đi em mộng bình thường Ru em sẵn tiếng thùy dương đôi bờ Ngủ đi em ! Ngủ đi em!
Chương Chín
Mang ơn đời nâng đỡ, dâng nấm mồ thô sơ Với dâng hương hồn thương nhớ Còn vấn vương trong chiều tà... Ta Ơn Đời
Sau khi đất nước chia đôi, chỉ trong vòng vài ba năm, TÂN NHAC tiến từ thời thành lập tới thời phảt triển. Ơ' miền Bắc nó nằm trong tay Nhà Nước, nhạc sĩ, ca sĩ đều trở thành văn công. Ơ' miền Nam, nằm trong tay tư nhân, ngành nhạc đi tới chỗ loạn phát. Dưới thời thịnh của ông Diệm, trong phạm vi văn nghệ, xã hội miền Nam -- mệnh danh là tự do -- là một xã hội có kiểm duyệt, dù lỏng lẻo. Hệ thống thông tin quần chúng như nhật báo, radio phải qua kiểm duyệt. Âm nhạc, muốn phổ biến rộng rãi, phải qua Đài Phát Thanh và chịu sự kiểm soát của Phòng Văn Nghệ. Muốn phát hành bản nhạc, dĩa hát, băng nhạc cũng phải qua kiểm duyệt. Nhưng bên cạnh bộ máy kiểm duyệt này, Nhà Nước cũng có một hệ thống sản xuất riêng. Các Đài Phát Thanh Quốc Gia hay Quân Đội có hàng chục các ban nhạc và hàng trăm các bản nhạc phục vụ thông tin tuyên truyền. Trong sinh hoạt chung, có một nền nếp rõ ràng: Những bản nhạc đánh vào lý trí hay vào xúc cảm (một cách gượng ép) của dân chúng thì có guồng máy thông tin của Nhà Nước. Về phía tư nhân, nhạc sĩ độc lập cứ việc soạn nhạc tình cảm dù vẫn phải qua kiểm duyệt. Dần dần nó bị cơ cấu hoá và người ta cho rằng đánh vào lý trí, để Nhà Nước làm là đúng lắm. Vô hình trung có sự phân công rõ rệt giữa dân chúng và chính quyền. Nhà Nước làm chuyện thông tin tuyên truyền, tư nhân làm chuyện văn nghệ thuần túy, như thế là rất quân bình, đôi bên bổ túc cho nhau. Do đó, dù là cơ quan Nhà Nước, các Đài Phát Thanh cũng giúp nghệ sĩ tư nhân địa bàn hoạt động. Đó là lúc những Tổng Giám Đốc và Trưởng Phòng Chương Trình hay Phòng Văn Nghệ là những văn nghệ sĩ có tâm và có tài như Vũ Đức Vinh (văn sĩ Huy Quang), Phạm Hậu (thi sĩ Nhất Tuấn), Phạm Xuân Ninh (thi sĩ Hà Thượng Nhân), nhạc sĩ Vũ Thành, Nguyễn Hiền, văn sĩ Văn Quang. Vũ Thành còn lợi dụng phòng kiểm soát của Đài để bắt các trưởng ban nhạc phải soạn hoà âm đứng đắn cho từng bản nhạc trong chương trình. Đài Quốc Gia còn có hẳn những chương trình giúp cho tân nhạc phát huy một cách lộng lẫy do các nhà văn, nhà báo Phan Lạc Phúc, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Quang Hiện, Trần Dạ Từ phụ trách. Rồi có lúc loại nhạc vàng lên cao vùn vụt. Như đã nói ở trên, vì ngành nhạc ở miền Nam nằm trong tay tư nhân với những phương tiện phổ biến dồi dào như việc ấn hành những bản nhạc rời, việc lăng xê bài hát trên đài phát thanh, việc thu đĩa, thu băng nên nó trở thành món hàng tiêu thụ, tức là nhạc thương phẩm với những ca khúc rất dung tục, ít thi tứ vì chạy theo thị hiếu thấp của quần chúng (*). Nếu không có các nhà văn, nhà báo với những chương trình phát thanh kể trên hết lòng giới thiệu thì những nhạc phẩm đứng đắn không được dân chúng biết. Tôi mang ơn những người phụ trách các chương trình phát thanh đó. Họ giúp tôi trần tình với thính giả mỗi khi tôi tung ra một loại ca mới nào. Tôi luôn luôn được phỏng vấn. Trả lời câu hỏi của Nguyễn Đình Toàn trong chương trình nhạc chủ đề của Đài Saigon, tôi nói vào lúc đó -- khoảng cuối thập niên 50 -- đối với tôi, chỉ có ba điều quan trọng: tình yêu, sự đau khổ và cái chết. Với cuộc tình vừa kể ở chương trước, tôi đã soạn ra những bài hát xưng tụng tình yêu của chính tôi, trong đó biết bao nhiêu điều hạnh phúc được nói lên. Còn hạnh phúc nào hơn sự dìu nhau đi trên phố vắng nhỉ? Bạn đọc còn nhớ chứ, mỗi năm Saigon đều có những ngày mưa rất đẹp. Mưa ào ào trên đầu của những tình nhân rồi lại tạnh ngay. Mưa từng là vạn cổ sầu của Đặng Thế Phong, là sầu thiên thu nhưng cũng là mưa hạnh phúc của những tình nhân Saigon: Mưa đi từ tuổi thơ, Mưa theo cuộc tình tơ Mưa rơi bạc đầu ai mong nhớ mưa... . . . . . . . Mưa rơi vào lòng ta Mưa rơi vào tình ta Có hay chăng là mưa rơi vì chúng ta Mưa rơi, và còn rơi Không bao giờ mưa ngơi Không bao giờ ta nguôi yêu người ơi... Đã nhiều lần, như một sinh viên 18 tuổi, tôi đưa em về nhà em khi mưa rơi ngoài đường đêm (đường phố Saigon) và mưa vui mừng quấn quýt dưới chân êm... Mưa rơi lạnh trời đen Mưa trong lòng lên men Mưa cho lửa tình thêm chút yếu mềm... Đối với tôi, mưa rơi ngoài hè đêm, như đôi bàn tay tiên, ru nhe nhẹ một ca khúc không tên. Và tôi xin mưa cứ rơi đi, rơi mãi nhé, ôi những giọt mưa to nhỏ triền miên, mưa trên đầu vô biên, mưa ấp ủ tình duyên thêm vững bền. Xin mưa cứ rơi trên đầu những kẻ đang dìu nhau đi trên phố vắng! Xưng tụng bước đi trên phố mưa, phố vắng của người tình qua bài Mưa Rơi vưa rồi, tôi còn có thêm một bài hát Đường Em Đi: Đường em có đi Hằng đêm gót hoa Nở những đoá thơ ôi dị kỳ Đường êm có khi Chờ em bước qua Là nghiêng giấc mơ ước thề Ngàn sao sáng xa nhìn em thướt tha Rụng rơi vướng mây tóc ngà Đường thơm bóng gầy, nhạc run lá bay Hàng cây thiết tha đắm say... Đây cũng là lúc tôi hoàn tất trường ca CON ĐƯƠNG CAI QUAN. Trong khi tôi rảo bước trên con đường tử sinh của dân tộc, tôi cũng không quên con đường tình của mình: Đường em cứ đi Tình ta cứ xây Chờ em thoát thai quay đường về. Đường quanh khúc co Nhịp chân trói vo Đường duyên ấm vui, đường mơ... Hạnh phúc trong cuộc tình này khiến cho tôi như sống trong cơn Mộng Du: Đêm đêm người mở lòng ra Ôm ta trong cõi mơ hồ. Giã từ đời bằng hơi gió Hoá hồn theo cánh mây xa... . . . . . . . Êm êm người dệt bài thơ Nâng ta trong lưới mơ hồ Ta về lòng người bỡ ngỡ Khóc cười như bé bơ vơ Ta theo đường mộng còn lưa Hương đưa vào nẻo ngàn thu Người về tay ngà thương nhớ Kêu ta bẵng một lời ru... Nhưng trong hạnh phúc của cuộc tình đã thấy le lói sự khổ đau. Tôi tự biết không giữ được cuộc tình nên tôi than: Nếu một mai em sẽ qua đời Hoa phủ đầy người Xe nhịp đằm khơi, xa xôi... Với bài Nếu Một Mai Em Sẽ Qua Đời này, tôi nghĩ tới ngày xa nhau. Với hoa phủ đầy người, người yêu lên xe hoa. Xe hoa là xe tang hay xe cưới? Chỉ biết em sẽ qua cầu, em sẽ xa anh: Nếu một mai không còn ai Đứng bên kia đời trông vòi vói Không còn ai ! Đâu còn ai ? Trong ngày mai, có dư hương người Chỉ là giăng giối mà thôi Nếu về sau em có qua cầu Không chẳng vì sầu, thương chẳng còn đâu ? Mà nói chuyện quên nhau Nếu vì sao, quay gót cuốn mau Dấu chân sâu in vết không lâu Chẳng nợ gì nhau... Xa nhau rồi hết nợ nhau nhé! Rồi còn gì nữa đâu mà tưởng nhớ nhau? Mà oán trách nhau? Mà phải khóc nhau? Mà gọi mãi nhau? Bài Còn Gì Nữa Đâu được soạn ra ngay từ lúc này, nghĩa là sáu, bẩy năm trước khi xa nhau: Còn gì nữa đâu ? Mà kể với nhau Vết thương đầu ngày nào Có sống bao đời sau Thì đà mất nhau Còn gì nữa đâu ? . . . . . . . Còn gì nữa đâu ? Mà gọi mãi nhau... Hạnh phúc gắn liền với đau khổ trong vấn đề tình yêu được thể hiện trong một số bản nhạc tình, đúng như tôi trả lời người phỏng vấn Nguyễn Đình Toàn trong chương trình văn học nghệ thuật vào cuối năm 1959. Thế cái chết thì sao? Xin thưa ngay rằng tôi rất sợ chết. Luôn luôn bị ám ảnh bởi cái chết. Tôi từng chứng kiến, lúc còn bé hay khi bước vào đời những cái chết đáng sợ: xác người treo cổ hay trầm mình ở Hồ Gươm, cái chết của thằng bạn nhỏ phố Hàng Dầu, của chị Sâm, xác bạn đồng ngũ ở chiến khu Baria, của người dân quân ở huyện Gio Linh v.v... Tôi còn bị ám ảnh bởi cái chết của chính tôi nữa. Sinh ra khi người cha đã mang trọng bệnh, tôi là đứa bé không đến nỗi quá gầy ốm nhưng cũng chẳng béo tốt gì. Khi lớn lên, ham mê điền kinh rồi được làm nghề lao động chân tay, còn được về sống trong không khí đồng quê trong sạch nữa nên ít khi tôi bị đau ốm. Nhưng khi lâm bệnh thì toàn là bệnh nặng. Con người sống mạnh khoẻ là nhờ con tim và bộ phổi tốt. Trong chuyến vượt Trường Sơn vào Bình-Trị-Thiên, phải đi bộ và leo núi quá sức mình, quả tim của tôi bị nở ra khiến tôi khổ sở ở chiến khu Ba Lòng và phải trở ra Thanh Hoá bằng đường biển. Vào Saigon, thỉnh thoảng thấy có sự trục trặc trong quả tim hơi to của mình, cuối cùng tôi nhờ ông lang người Tầu Chợ Lớn bốc cho khoảng 100 thang thuốc trong đó có thứ quế Việt Nam (theo ông ta nói) có khả năng làm cho quả tim không nở to ra nữa. Những ngày làm thợ ở Moncay, phải sống quá nhiều với thán khí của lò rèn và của nhà máy phát điện, tôi bị đau phổi phải vào nhà thương để chữa bệnh thổ huyết. Từ đó, trên đầu cuống phổi của tôi, có một bướu nhỏ. Những khi làm việc quá sức, vết thương nhỏ lại ứa máu ra, thường thường là vào khoảng một hay hai giờ sáng. Tôi lo sợ vì trong gia đình tôi có hai người chết vì ung thư là mẹ tôi và anh Nhượng. Hơn nữa, ở chung với gia đình nhà vợ, tôi được một người thân tặng những vi trùng mang tên bacille de Kock nhờ tôi là công chức và phải khám sức khoẻ nên bệnh lao được phát giác và chữa chạy trong hai năm. Cũng may tôi không hút thuốc lá và uống rượu nên hai bệnh tim và phổi này không có cơ hội phát triển dù nhịp độ mệt tim và thổ huyết tăng lên với tháng năm. Chỉ mãi gần đây, sau một cơn thổ huyết quá nặng, được đưa vào bệnh viện Hoa Kỳ để đốt vết sẹo đó bằng tia laser rồi được phòng thí nghiệm cho biết tumeur không có ác tính. Từ đó (tháng 4 năm 1990) tôi mới hết sợ chết. Trước đó, quả rằng trong những ca khúc của tôi, cái chết luôn luôn được đề cập. Những cái chết trong kháng chiến tôi đã nói lên rồi. Bây giờ trong nhạc tình có phảng phất bóng dáng của Nữ Thần vác lưỡi liềm dài. Trong bài Nước Mắt Rơi soạn năm 1961 chẳng hạn, tôi nói tới cuộc đời ngắn ngủi của giọt lệ. Giọt nước mắt ra đi từ bờ mi rồi về chết trên bờ môi. Trong hành trình rất là ngắn ngủi đó, nước mắt là ngọt bùi của đôi lứa, là mặn đắng của khổ đau, là tình trinh nữ, là hồn thơ, là đời hoa sớm nở tối tàn, là suối lệ nhỏ nhoi hay là biển nước mắt bao la của chúng ta. Là nước mắt không mùi và còn là giọt nước mắt khô nữa: Nước mắt rơi cho tình ra đời Nước mắt theo duyên về xa vời Mùa Xuân ngời trôi dòng lệ vui nhỏ bé xanh tươi Nước mắt suôi cho người gặp người Nước mắt len sau từng nụ cười Lệ ngọt bùi say đời rủ nhau tìm lối ra khơi Nước mắt rơi trên đường đã dài Nước mắt đưa chân về cội đời Giọt lệ vàng không mùi ngược trôi về với đơn côi Nước mắt êm đi vào tuổi trời Nước mắt khô âm thầm không lời Vài giọt sầu lững lờ dựa nhau về chết trên môi.. Rồi tôi nói tới cái chết của chiếc lá trên đường chiều. Lá đang như chiếc thuyền rung rinh trong gió, bỗng nghe tiếng đất gọi về, lá rụng để trở thành những ngôi mộ úa trên đường chiều, nơi đó có tôi và người yêu đang đi trong cuộc tình: Chiều rơi trên đường vắng có ta rơi giữa chiều. Hồn ta theo vạt nắng, theo làn gió đìu hiu... Tôi nhìn chiếc lá vàng bay giống như dĩ vãng gầy, tóc buông dài, bước ra khỏi tình phai. Tôi nhìn chiếc lá vàng rơi giống như chút hơi người giã ơn đời trên nẻo đường hấp hối. Chiếc lá vàng êm, như mũi kim mềm sẽ khâu liền kín khung cửa tình duyên. Chiếc lá vàng khô, như nét môi già đã nhăn chờ lên nẻo đường băng giá. Để chiều không chiều nữa, và đêm lần lữa, chẳng thương chẳng nhớ. Để những lệ buồn cánh khô, rơi rớt từ một cõi mơ, nghe đất gọi về tiếng ru hững hờ... ... Còn rơi rụng nữa, Cành khô và lá Thành ngôi mộ úa Chờ đến một trận gió mưa Cho rũa tình già xác xơ Cho biến thành nhựa sống nuôi tình thơ . . . . . . . . Chiều tan trên đường tối, có ta như rã rời Hồn ta như gò mối đang chờ phút đầu thai.... Dù sao, vào lúc này -- đầu thập niên 1960 -- tôi đang sống một cuộc đời rất phỉ nguyện. Tôi có đầy đủ vinh quang và tủi nhục, hạnh phúc và khổ đau dù tôi luôn luôn bị ám ảnh bởi cái chết. Sống được quá nửa đời mình rồi, tôi gẫm thân: Ôi một lần nương náu ! Đi trên đời chẳng lâu Trong trăm mùa Xuân héo Tay hái biết bao niềm yêu Dăm eo sèo nhân thế Chưa phai lòng say mê Với đôi ba lần gian dối Đời vẫn ban cho ngọt bùi... Rồi nghĩ tới một ngày sẽ phải xa đời vĩnh viễn, tôi soạn bài Tạ Ơn Đời : Dâng cho người yêu goá Dâng cây đàn bơ vơ Dâng biết bao ân tình xưa Mang ơn đời nâng đỡ Dâng nấm mồ thô sơ Với dâng hương hồn thương nhớ Còn vấn vương trong chiều tà... Trong những Chương tới, bạn đọc thân mến sẽ còn thấy, trong những xu hướng khác với xu hướng nhạc tình của tôi, ba vấn đề Tình Yêu, Sự Đau Khổ và Cái Chết vẫn còn ám ảnh tôi hoài... _______________ (*) Có lẽ vì bài Tiễn Em được hoan nghênh nên đã có các bản nhạc khác ra đời cũng lấy chủ đề là sự tiễn đưa nhau ở sân ga như: Ga Chiều, Buồn Ga Nhỏ, Ga Chiều Phố Nhỏ, Tầu Đêm Năm Cũ, Hai Chuyến Tầu Đêm, Chuyến Tầu Hoàng Hôn, Chuyến Tầu Về Quê Ngoại, Chuyến Tầu Tiễn Biệt v.v... Nên biết rằng vào thời điểm này, chỉ còn rất ít nhà ga hoạt động vì đường xe lửa ở miền Nam luôn luôn bị Việt Cộng phá hoại.
Chương Mười
Cụ già châm điếu ngon trên sàn Kể truyện Cao Nguyên xưa, véo von... MÙA XUÂN TRÊN BUÔN
Tôi đã có dịp nói tới sự phân công ngầm giữa các chính quyền quốc gia và văn nghệ sĩ tự do ở miền Nam trong phạm vi văn hoá: chính quyền làm công việc thông tin tuyên truyền, tư nhân làm công việc phát huy văn học nghệ thuật. Trong thời gian mấy năm đầu của chính phủ Ngô Đình Diệm, với tinh thần hứng khởi của dân chúng trước những công trình xây dựng của Nhà Nước, phải công nhận là có một sự tưng bừng trong các hoạt động văn nghệ. Ngoài những tổ chức giúp đỡ cho sự phát triển của của văn nghệ tư nhân lẫn văn nghệ chính phủ như Văn Hoá Vụ, Đài Phát Thanh... Nhà Nước cho thành lập những trường đào tạo nhạc sĩ và hoạ sĩ là Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Trường Mỹ Thuật, không những ở Saigon mà còn ở những thành phố lớn khác nữa. Như đã nói ở trên, nếu chính phủ không giúp đỡ ngành nhạc một cách tích cực hơn thì trong ngành hoạ, sự thành lập các trường Mỹ Thuật và những cuộc Triển Lãm mùa Xuân do chính quyền tổ chức khiến cho khá nhiều hoạ sĩ trẻ có tài xuất hiện bên cạnh các hoạ sư đàn anh. Chính quyền cũng đặt phần quan trọng vào điện ảnh, một ngành rất lợi hại trong việc thông tin đại chúng. Một mặt Nhà Nước khuyến khích các hãng sản xuất phim tư nhân như ĐÔNG PHƯƠNG của Đỗ Bá Thế, TÂN VIÊT của Bùi Diễm, ALPHA của Thái Thúc Nha (làm phim chống Cộng). Mặt khác, TRUNG TÂM ĐIÊN ẢNH được xây dựng ở đường Thi Sách để đào tạo các chuyên viên. Vì mê điện ảnh từ nhỏ, bây giờ được Giám Đốc Trần Văn Bửu (mà tôi quen hồi còn du học ở Paris) mời cộng tác, tôi vào làm việc với Trung Tâm trong 10 năm, khởi đầu là người viết truyện phim rồi leo dần tới địa vị Phó Giám Đốc. Những hoạt động của Nhà Nước qua các cơ sở vừa kể cộng với những hoạt động chung của đông đảo văn nghệ sĩ Bắc Kỳ di cư và gốc địa phương làm cho bộ mặt văn học nghệ thuật miền Nam trong thời kỳ thịnh trị của nhà Ngô là một thứ trăm hoa đua nở thực sự. Văn học phát triển mạnh nhờ số người đọc tăng lên dữ dội. Trước đây, độc giả miền Nam là đối tượng khá lớn của nền văn học đến từ phương Bắc. Sau chuyến di cư của gần một triệu người, miền Nam chật chội những cây viết đã nổi danh hay sắp nổi danh. Con số độc giả đến từ hai miền ngoài cộng với số độc giả địa phương làm cho số người ưa đọc sách báo ở miền Nam nhân lên thành ba. Từ thời tiền chiến cho tới lúc này, nền văn học cận đại thường đi qua ngả báo chí trước khi xuất hiện bằng ấn phẩm. Hoặc nó mang tính chất canh cải phong hoá và thẩm quan của nhóm TƯ LƯC VĂN ĐOAN. Hoặc đó là thứ văn học xã hội của nhóm TÂN DÂN. Rồi có dòng thơ mới rất lãng mạn ra đời và phát triển mau lẹ ở bất cứ nhóm nào. Trong âm nhạc và kịch nghệ, có phong trào cải cách, cải lương. Thời Cách Mạng và Kháng Chiến, một dòng văn học nghệ thuật mang tính chất hiện thực xã hội xuất hiện. Sau 1954, những người từ chiến khu trở về như Nguyễn Văn Xuân, Đỗ Tấn, Võ Phiến -- trụ trì ở Huế -- thành lập một nhóm văn nghệ chủ trương hiện thực mới. Từ Hà Nội vào Saigon, Phạm Việt Tuyền, Hiếu Chân, Như Phong, Mặc Thu... qua báo TƯ DO, chủ trương văn hoá phương Nam đối đầu với văn hoá phương Bắc. Nhóm SANG TAO với Mai Thảo, coi mình là văn hoá vượt vĩ tuyến thì phải vượt luôn những xu hướng họ cho là không thuộc về hôm nay. Họ muốn khai tử nền văn nghệ tiền chiến, muốn phá vỡ văn học tả chân, lãng mạn, khái niệm hay luận đề của văn nghệ hôm qua. Nhóm QUAN ĐIỂM với Nghiêm Xuân Hồng, Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ... xuất hiện không qua ngả báo chí, với những tác phẩm nặng về chính trị, vì muốn chống lại văn chương miền Bắc nên đề cao giai cấp tiểu tư sản. Nhà văn kiêm chính trị gia Nhất Linh, linh hồn của TƯ LƯC VĂN ĐOAN, bây giờ xuống núi để gây dựng nhóm VĂN HOA NGAY NAY. Trong mọi xu hướng của văn học nghệ thuật miền Nam vào lúc của chính quyền lẫn tư nhân đều hoạt động tưng bừng như thế, có phong trào về nguồn. Rất có thể vì miền Nam đã khởi sự có sự hiện diện của người Mỹ và vì phong trào dịch thuật quá mạnh, ai cũng muốn quay về với tình tự dân tộc mà riêng trong ngành nhạc, tôi là người khởi sự đưa ra từ 1952. Đây cũng là lúc tôi nhận thấy thanh thiếu niên thời đó không biết gì về dân nhạc Việt Nam (dân ca cổ truyền hay cải tiến). Tôi thực hiện tại hai đài phát thanh QUC GIA (đài Saigon) và TƯ DO (đài Voice of Freedom) những chương trình nhan đề DÂN CA DẫN GIẢI. Tôi mời thính giả nghe mục Gia Tài Âm Nhạc (musical heritage) với các bài bản chọn lọc kèm lời bình luận của tôi. Muốn có tài liệu phát thanh, tôi đi Cao Nguyên để thu thanh nhạc Thượng, đi Phan Rang thu thanh nhạc Chàm, đi Huế thu thanh nhạc Triều tức nhạc cung đình (musique de Cour), đi Cần Thơ, Bến Tre... thu thanh các giọng Hò miền Nam. Đó là chưa kể đi tìm đồng bào di cư gốc Nghệ An, Hà Tĩnh để thu thanh Hát Giặm. Rồi tôi chọn một số bài dân ca cổ truyền để phóng tác thành những bài dân ca phục hồi theo kiểu bình cũ rượu mới như hồi đi kháng chiến. Tôi không ngần ngại thêm lời, thêm nét nhạc vào những bài dân ca cổ. Những bài dân ca miền suôi nằm trong các thể hát vặt, hát ví, hát quan họ, hát chèo, hát ả đào khi xưa như Lý Cây Đa, Qua Cầu Gió Bay, Cây Trúc Xinh, Chuốc Rượu, Se Chỉ Luồn Kim, Trấn Thủ Lưu Đồn... được tôi phục hồi và hiện đại hoá. Phục hồi có hai cách. Một là giữ nguyên điệu cũ nhưng thêm lời ca phù hợp. Hai là phải tạo lời ca mới. Chẳng hạn khi xưa, trong bài ca xưng tụng cô gái miền quê, có câu hát Trúc xinh trúc mọc bờ ao, chi Hai xinh, chị Hai đứng chỗ nào cũng xinh... thì bây giờ, vì chị Hai đã vào Saigon rồi, ta nên có lời ca phù hợp: Trúc xinh trúc mọc cạnh buy-in đinh Chi Hai xinh, chị Hai đứng trông tình lắm thay... Tôi cũng soạn thêm lời ca mới cho bài Lý Che Hường. Câu: Trồng hường phải khéo che hường Nắng che mưa đậy cho hường trổ bông... ...bây giờ có thêm hai câu hát: Trồng hường giở nón che hường Nhớ em không quản bước đường, đường xa. Trồng hường giở nón che hường Ngắt bông hoa đẹp tặng cho nường đẹp hơn... Bài Hái Hoa, nguyên văn chỉ có một đoạn: Hỡi bạn đường ta Hái hoa cho khéo Hoa nào heo héo Thì hái bỏ đi Chớ để làm chi Ư ư ư ừ hoa tàn... ... Tôi soạn thêm 3 đoạn nữa: Gió thổi từ xa Cánh hoa phơi phới Yêu làn hương mới Chẳng nỡ bẻ hoa Gió thổi từ xa, ứ ư ư ừ hoa cười... Bướm đẹp vờn hoa Bướm mơn đôi má Hoa nào thương nhớ Thì chóng già nua Bướm chỉ nhởn nhơ Ư ư ư ừ hoa sầu... Lũ trẻ đùa hoa Ngắt hoa không tiếc Hoa còn trinh tiết Còn thiếu tình duyên Chờ để vườn tiên Ư ư ư ừ hoang tàn... Sau khi Việt Nam Cộng Hoà được nhiều quốc gia trên thế giới công nhận, có nhiều vụ trao đổi văn hoá giữa nước ta và các nước bạn. Cùng với các bạn nghệ sĩ khác, tôi được cử đi Phi Luật Tân, Nhật Bản, Thái Lan để giới thiệu văn nghệ Việt Nam. Và với ít nhiều kinh nghiệm bang giao, tôi thường có mặt trong những buổi đón tiếp các phái đoàn văn nghệ nước ngoài, ví dụ đoàn vũ trống của Đại Hàn, đoàn MORAL REARMEMENT của Mỹ... Khi một số nhạc sĩ dân ca Hoa Kỳ tới Việt Nam để trình diễn, tôi luôn luôn là người được cơ quan văn hoá của Nhà Nước hoặc được Toà Đại Sứ Mỹ nhờ tiếp đón và hướng dẫn các sứ giả âm nhạc đó. Tôi lợi dụng những cuộc tiếp xúc như vậy để trao đổi tài liệu với các nhạc sĩ Mỹ. Do đó một số bài dân ca phục hồi được các bạn nhạc sĩ Mỹ soạn lời ca Anh ngữ khiến cho về sau, khi gia đình tôi di cư qua Mỹ, chúng tôi có sẵn một số dân ca Việt Nam để hát cho dân chúng Hoa Kỳ nghe như Full Moon Fair Song, The Wind On The Bridge, The Pretty Bamboo Tree, D'ont Pick The Flower When It's Blooming v.v... Kể của bài dân ca kháng chiến Nhớ Người Thương Binh của tôi cũng có lời ca Anh Ngữ với đầu đề The Wounded Soldier (do Steve Addiss soạn): One day, one day in the afternoon There's a girl on the land With sheaves of rice on her hand... Đi thu thanh nhạc Thượng tại Cao Nguyên để làm tài liệu cho chương trình radio kể trên, tôi khám phá ra một âm giai ngũ cung có bán-cung: DO MI FA SOL SI DO. Rồi khi sưu tập được một câu ca dao miền Nam: Nước chẩy bon bon Con vượn ôm con Lên non hái trái Anh cảm thương nàng Cô gái mồ côi... ...Tôi soạn một bài dân ca có âm hưởng Tây Nguyên với ngũ cung kể trên: Mưa nhỏ mênh mang Con nhện trong hang Tơ giăng bối rối Em cảm thương chàng Lạc lối đường đi. Gió thổi vang vang Con quạ kêu than Thâu đêm suốt sáng Ta cảm thương người Mang nặng hờn oan. Nắng đổ nghiêng nghiêng Con dế vô duyên Không lên tiếng hát Ta cảm thương người Phai nhạt tuổi xanh Hỡi người người ôi. Ta mở tay đầy Mau trở về đây... Khi tôi chủ trương về nguồn trong âm nhạc như vậy, tôi đang làm việc tại TRUNG TÂM ĐIÊN ẢNH thuộc bộ Thông Tin. Tôi được giao cho công tác thực hiện những cuốn phim tài liệu về nghệ thuật ca diễn ở Việt Nam như Các Điệu Múa Chàm, Hát Bộ Bình Định, Chiếc Nón Bài Thơ, Y Phục Phụ Nữ, Đời Người QuaTiếng Hát v.v.... Tôi lợi dụng công tác quay phim để làm công việc sưu tầm và phục hồi nhạc cổ truyền. Sau khi đi nhiều nơi tại vùng đồng bằng miền Trung, tôi lên Cao Nguyên để thu hình và phục hồi dân ca miền núi. Trước kia, tôi có dịp may được sống ở những vùng thượng du miền Bắc, được đắm mình vào không khí âm u và huyền bí trên nương chiều, được bơi lội trong dòng suối rừng tươi vui và hùng dũng. Bây giờ, tôi như con ngựa hồng phi thân trên những đồi cỏ bập bềnh và thăm thẳm trên cao nguyên Trung Phần. Quê hương ta đẹp quá. Tại sao ta phải bỏ quê hương ra đi? Vào những năm 60 này, đã có nhiều người phải xa quê hương rồi đó. Tại Dalat, nơi đồng bào vùng Sơn La, Lai Châu tới định cư, tôi quay phim những màn Vũ Xoè và tôi soạn lời Việt cho một bài dân ca Thái, đặt tên là Ngày Mùa. Tôi lại có những thi tứ của những ngày ở Việt Bắc: Ngày mùa lúa tốt tươi Chim ơi, lũ chim trời Tung cánh về đây coi Lúa chín vàng trên đồi, Nàng về nàng quẩy trên vai Lúa thơm của ta ơi... Dân ca của các sắc tộc Jarai, Bahnar, Rhađê, H'rê, Kuà... là nhạc bộ lạc (musique tribale) còn rơi rớt từ thời tiền sử, với cung bực đơn sơ và giai điệu âm u của thời hồng hoang. Tôi muốn hiện đại hoá nó, nghĩa là cho nó một nội dung mới. Với tinh thần của một cán bộ Thông Tin, tôi nhắn nhủ người Thượng không nên đốt rừng làm rẫy rồi bỏ rẫy ra đi: Chiêng trống cồng mừng anh trên rẫy Xuống đồi xuống nương đi cầy. Ôi rừng ơi Núi ơi Ôi thác suối ơi Rừng ơi Núi ơi... Tang tính tình đàn tre dây nứa Chúc mừng các anh đi bừa Ôi ruộng ơi Đất ơi Ôi thóc lúa ơi Ruộng ơi Đất ơi... Không đốt rừng làm đau hoa lá Sót lòng cái cây kơ-nìa. Ôi rừng yêu mến ơi Ôi gỗ qúy ơi Rừng yêu mến ơi... Truyền thuyết Một Mẹ Trăm Con cũng có trong vài bộ tộc miền núi. Tôi dùng chủ đề đó và một điệu dân ca Bahnar để gây tình đoàn kết giữa người Kinh, người Thượng: Anh em ta cùng mẹ cha Nhớ truyện cũ trong tích xưa Khi thế gian còn mù mờ Xưa khi xưa mẹ đẻ ra Trăm cái trứng, sinh lũ con Trăm đứa con cùng một dòng... Năm mươi con vượt đồi non Phá rừng núi, khai rẫy nương Xây đắp buôn, lập nhà sàn Năm mươi con dọc Trường Sơn Đi xứ Bắc, đi xứ Nam Xây núi sông, lập ruộng đồng.. Những ngày ở Cao Nguyên, tôi được nghe nhạc gồng và càng thấy thú vị khi được đi sâu vào gia tài âm nhạc vô cùng phong phú của nước ta. Tôi vui mừng và muốn được khua chiêng, đập cồng cùng với đồng bào miền núi: Khua chiêng lên, đập cồng lên Tiếng cồng đánh, qua mái tranh qua mái tre vào rừng già Cho con Hua, khỉ già Hua Cho ma quái, cho lũ nai ngơ ngác say vì nhạc gồng... Yêu cảnh vật và con người miền núi, tôi soạn những câu hát xưng tụng cô sơn nữ. Ở Việt Bắc, cô nàng về để suối tương tư chỉ khoả thân khi đi tắm. Ở Cao Nguyên này, lúc nào sơn nữ cũng hở vú: Này cô gái xinh Như đoá hoa tình Dệt vải một mình Ngực tròn rung rinh. Này cô gái ngoan Như lúa trên ngàn Đập gạo ngoài sàn Bụng nhỏ lưng thon. Tôi muốn cùng cô: Vui sống trên đời Đàn gẩy về trời Gồng chạy ra khơi... Xa quê hương đã hơn 15 năm, ngồi viết những trang Hồi Ký này, tôi bỗng nhớ đàn chim rừng già trong bài hát cũ: Nhiều rãy làm mùa Ruộng mới tốt lúa Bên thác reo vi vu. Đàn chim rừng già Bỏ vách núi đá Thương nhớ người tìm về... Đàn chim rừng già có thương nhớ tôi chăng? Tôi đang ngồi ở Thị Trấn Giữa Đàng để nhớ thương người Cao Nguyên vô kể: Kìa chàng trai bước vui trên đời Vào đồi nương thăm bông lúa tươi. . . . . . . . . Kìa nàng sơn nữ bên suối ngàn Gội đầu thơm ca vui véo von... . . . . . . Kìa là em bé ngoan chăn bò Thả diều theo tiếng sáo vi vu... . . . . . . Ngọn lửa thui miếng ngon chín ròn Rượu cần thơm, chung quanh cháu, con. Cụ già châm điếu ngon trên sàn Kể truyện Cao Nguyên xưa, véo von...
Chương Mười Một
Tôi đi từ A'i Nam Quan Sau vài ngàn năm lẻ... Con Đường Cái Quan
Một chút lược sử: 1954 : Ông Ngô Đình Diệm về nước. 1955 : Dẹp giáo phái, chống Hiệp Thương, truất phế Bảo Đại, thành lập nền Cộng Hoà. 1956 : Chống Tổng Tuyển Cử, củng cố dần chế độ. 1957 : Ông Diệm công du Thái Lan, Uc Châu, Nam Hàn, Ấn Độ, Phi Luật Tân; sau chuyến Mỹ du, chế độ tiến tới chỗ vững chãi nhất. 1958 : Định chế hoá tất của các cơ chế xã hội xong rồi, với chính sách độc tài, diệt trừ đối lập. 1959 : Dân chúng bắt đầu bất mãn, khởi sự chống lại; một nhóm trí thức họp tại Hôtel Caravelle ra tuyên ngôn đòi cải cách. 1960 : Chính phủ đe doạ bằng luật số 10; Nguyễn Chánh Thi, Vương Văn Đông đảo chánh hụt. 1961: Chính phủ khủng bố; đàn áp lần thứ nhất. 1962 : Phạm Phú Quốc, Nguyễn Văn Cử ném bom Dinh Độc Lập. Chính phủ đàn áp lần thứ hai. 1963 : Vụ Phật Giáo xẩy ra; 70 ngày sau, nhà Ngô sụp đổ. Mua được căn nhà nhỏ, vợ chồng tôi và bốn con thơ (Phạm Duy Cường đã ra đời) về ở trong khu cư xá mới được xây cất ở đầu đường Chi Lăng, Phú Nhuận, nơi có nhiều gia đình nghệ sĩ tới ở, như gia đình Nguyễn Mạnh Côn, Năm Châu, Duyên Anh, Hồ Anh, Anh Ngọc, Trần Ngọc, Hoàng Nguyên, Minh Trang, Kim Tước... Cư xá được xây trên mảnh đất trước kia là khu vườn hoang của Toà Bố Gia Định. Khi phu lục lộ đào đường trong cư xá để đặt ống nước thì họ tìm thấy những bộ xương người, những Việt Gian mà Cách Mạng đã thủ tiêu trong năm 45. Nhớ lại lời khoe khoang của trưởng ban Mật Vụ là Bửu Dương (*) tôi buồn bã trước những xác người vô danh và vô tội, nạn nhân trong những ngày khủng bố đó. Tôi sẽ mãi mãi căm phẫn trước hành động của những người nhân danh lòng yêu nước để giết hại đồng bào. Khởi sự từ hồi Cách Mạng, thời kỳ khủng bố nhau ít khi chấm dứt. Thời nào cũng có những người quá khích ở các phe, rồi đấu tranh với nhau và khủng bố lẫn nhau (**). Dưới thời Cộng Hoà thứ nhất, từ khi chế độ nhà Ngô thành lập và tiến dần tới thời thịnh trị rồi mạt vận, miền Nam nếu chưa được là thiên đường của đông đảo văn nghệ sĩ đi tìm tự do thì cũng là nơi đất lành cho chim đậu. Một thế hệ văn nghệ sĩ mới đã thành hình và hoạt động dữ dội bên những vị đàn anh di cư từ miền ngoài. Phòng trà, tiệm bánh, quán nước như Kim Sơn, Mai Hương, La Pagode, Givral, Brodard... là nơi không hẹn mà văn nghệ sĩ tới gặp nhau hằng ngày. Không còn hoạt động với ban Thăng Long nữa, tôi đáp ứng lời mời của Trần Văn Bửu vào làm việc với TRUNG TÂM ĐIÊN ẢNH. Làm việc thường xuyên trong cơ quan nằm sau lưng trụ sở Quốc Hội, tôi thường ra La Pagode đường Tự Do. Buổi sáng trước khi vào sở, tới ăn điểm tâm tại nhà hàng, là gặp Trần Lê Nguyễn, vừa viết xong vở kịch Bão Thời Đại nhưng không có dịp dựng kịch của mình trên sân khấu. Dân chúng miền Nam thích Cải Lương hơn nên dù Saigon có khá nhiều tài năng của ngành Kịch Nói như Tiền Phong, Thiếu Lang, Mỹ Tín, Hoàng Năm... mà không bao giờ thủ đô miền Nam có một ban kịch chuyên nghiệp. Tại La Pagode, tôi cũng hay gặp người có giọng ngâm thơ hay là Quách Đàm, vì quá đông con mà nhà quá chật chội nên ngâm sĩ phải ra đi từ tờ mờ sáng, chỉ trở về nhà khi mặt trời đã lặn. Vào giờ nghỉ trưa, ra quán Chùa, tôi gặp Mặc Thu, người bạn luôn luôn có nụ cười tươi tỉnh. Không biết sau biến cố tháng 4 năm 1975, bị Cộng Sản bỏ tù lâu năm, anh có còn nụ cười đó không? Đôi khi gặp Vũ Khắc Khoan, lúc nào cũng lừ đừ vì dùng khá nhiều rượu trong đời và trong tác phẩm. Tôi tò mò coi xem tác giả phải dùng bao nhiêu thùng rượu trong một cuốn truyện của họ Vũ là thấy cứ cách vài trang lại có cảnh nhân vật uống rượu, nếu đong số lượng rượu trong truyện thì tối thiểu cũng là mươi mười lăm thùng (tonneaux). Buổi chiều là lúc La Pagode nhộn nhịp nhất. Hồi đó, nhà hàng này chưa gắn kính và đặt máy lạnh, thực khách ngồi của bên trong lẫn ngoài vỉa hè trên những chiếc ghế da lớn. Ngồi bên ngoài nhà hàng có cái thú chọc ghẹo và nhìn các thiếu nữ đi qua. Thích ngồi ở bên ngoài nhà hàng là Hà Thúc Cần, phóng viên điện ảnh của Đài CBS, triệu phú hiện nay ở Singapore vì thành công trong nghề bán đồ cổ (***). Thích ngồi bên trong nhà hàng là nhà làm tự điển Hoàng Trọng Quỵ tức Thanh Nghị, chồng mới cưới của nữ ca sĩ Tâm Vấn nhưng khi trở thành bộ trưởng tương lai của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam thì lọt vào mắt xanh của "người đẹp Bình Dương" Thẩm Thúy Hằng. Tại La Pagode, tôi hay gặp Cung Trầm Tưởng và Ngy Cao Uyên, hai sĩ quan Không Quân làm thơ hay và vẽ giỏi, để sẽ làm chuyện ồn ào trong văn nghệ bằng tập Tình Ca với tranh Ngy Cao Uyên và thơ Cung Trầm Tưởng do tôi phổ nhạc. Nhà hàng La Pagode có bàn bi điện, chúng tôi tranh nhau đánh tilt. Nhờ quen chơi trò này từ ngày đi học ở Khu La-tinh trong thành phố Paris, tôi luôn luôn thắng các bạn trẻ. Buổi tối, La Pagode là nơi có mặt của một nhân vật nổi danh trong làng chơi của chúng tôi là Phương, vì béo tròn trùng trục nên được gọi là Phương "Bi Ve". Không phải làm một nghề gì ngoài nghề làm chồng đào hát nổi danh nhưng Phương Béo vất vả lắm. Mỗi tối, sau khi đưa vợ là Bích Hợp ra rạp ARISTO thì anh ta tới La Pagode, ngồi đợi khi tan hát sẽ đi đón vợ. Tôi và Trần Viết Long, chủ gánh KIM CHUNG thường tới ăn cơm với Phương rồi kéo nhau đi hút. Những bạn gặp gỡ ở nhà hàng La Pagode là niềm vui của tôi. Chúng tôi đuà nhau như một đám sinh viên. Mặc Thu mời tôi điều khiển phòng trà TRUC LÂM. Chủ nhân La Pagode, Nguyễn Văn Liêm, rất thích điện ảnh, nhờ tôi viết truyện phim. Tôi còn có thêm một số bạn thỉnh thoảng đặt chân tới quán này như Tạ Tỵ, Văn Thanh, Lê Ngộ Châu... để tôi nói chuyện tâm tình. Lê Ngộ Châu với toà soạn BACH KHOA còn là người và chỗ để giúp tôi hò hẹn với người tình. Nhưng phải thú thật, trong số bạn bè, chỉ có Nguyễn Đức Quỳnh và Võ Đức Diên giúp đỡ tôi nhiều. Hồi bấy giờ, Nguyễn Đức Quỳnh không hoạt động chính trị như trong thời Bảo Đại, Bẩy Viễn. Nhưng nhà anh là nơi hầu hết các nhà trí thức ở miền Nam thường lui tới. Nhân viên Công An, Mật Vụ của chính quyền cũng tới để nghe ngóng nữa. Anh Quỳnh muốn biến nhà anh thành một thứ đàm trường (anh đặt tên là VIỄN KIẾN, tức là nhìn xa) và có một cuốn sách lớn bià dày, giấy đỏ để ghi biên bản những cuộc họp. Cuốn sách này để trên một chiếc bàn đặt giữa nhà, ai đến chơi cũng giở sách ra coi. Anh Quỳnh muốn gieo vào đầu óc những người đến đàm trường một ý thức dân tộc, ý niệm này được anh nói tới từ thời hoạt động trong nhóm HAN THUYÊN. Theo anh, Đệ Tam, Đệ Tứ CS đã lạc hậu. Anh cho rằng phải thành lập Đệ Ngũ Quốc Tế với ý thức dân tộc và với thành phần cốt cán là văn nghệ sĩ, trí thức để vượt các nhóm đó. Đàm Trường VIỄN KIẾN là nơi điều hợp và tác động giới văn nghệ sĩ miền Nam. Do đó, anh không tiếc lời khen tất của mọi người, nhất là giới trẻ. Anh cho rằng ai cũng có một chỗ đứng trong việc gây ý thức dân tộc, vượt chủ nghĩa Mác. Tôi là người hiểu được việc làm cao của của anh Quỳnh. Tiếc rằng anh không còn sống để chứng kiến ngày tàn của chủ nghĩa Mác. Vào cuối thập niên 80, nó không còn là thứ chính trị học, kinh tế học và xã hội học vô địch nữa rồi. Được áp đặt vào Việt Nam, chủ nghĩa Mác-LêNin làm cho nước ta nghèo đói và sa đoạ. Tới đàm trường, tôi được làm quen với các bậc tu hành như Thích Tâm Châu, Thích Đức Nhuận và những bạn văn nghệ như Doãn Quốc Sĩ, Lý Đại Nguyên và Phạm Thiên Thư, người sẽ làm cho âm nhạc của tôi thêm phần phong phú. Tôi coi Nguyễn Đức Quỳnh như người anh ruột mà tôi tuy có nhưng không có. Hơn một lần, khi có chuyện gia đình hay xã hội làm tôi buồn nản -- chẳng hạn sau "sì-căng-đan" về tình -- tôi đều đến tâm sự với anh. Mỗi khi tôi soạn ra một bài hát nào thì anh Quỳnh là thính giả thứ hai, sau vợ tôi. Ngược lại, tôi cũng cố gắng giúp anh kết tình với một nữ ca sĩ, dù đó chỉ là một thứ tình platonique mà thôi. Trong thời thịnh trị của họ Ngô, ngoài anh Quỳnh ra, tôi có Võ Đức Diên là người giúp tôi rất nhiều. Là công chức cao cấp của Nha Kiến Thiết, vì được lòng ông bà Ngô Đình Nhu trong việc trang hoàng các dinh thự lớn, kiến trúc sư họ Võ được chế độ tin cậy. Anh Diên là người có thành tích văn nghệ với đoàn ca kịch ANH VŨ trước đây, đã từng dựng những vở ca kịch của Lưu Hữu Phước -- với libretto của Thế Lữ -- như Con Thỏ Ngọc hay Tục Lụy (đáng lẽ Thái Hằng đóng vai Nhã Tiên nhưng bố mẹ không cho phép). Cũng như anh Quỳnh, Võ Đức Diên được coi là lão tướng trong làng văn nghệ miền Nam nên khi anh vận động ông Nhu để làm một tập san và mở một phòng trà thì anh được thoả mãn ngay. Tờ báo được đặt tên là SANG DÔI MIỀN NAM, toà soạn là nhà của hoạ sĩ trang trí Văn Thanh. Được anh Diên mời viết về âm nhạc, tôi hay lui tới toà soạn và được hân hạnh "chơi" với các bậc đàn anh như Vi Huyền Đắc, Lê Văn Siêu, Vũ Hoàng Chương, Tam Ich... Tổ sư của Thoại Kịch họ Vi đã già rồi mà nói chuyện rất có duyên. Nhà văn hoá Lê Văn Siêu mua được mảnh vườn ở xa lộ Biên Hoà và về đó sống, được chúng tôi gọi là Lý Trưởng Đây là lúc tôi muốn hoàn tất trường ca Con Đường Cái Quan. Khi tôi ngỏ lời được giúp đỡ để có thể đi từ Saigon ra Quảng Trị, lấy cảm hứng soạn nốt phần còn lại của trường ca thì anh Diên đồng ý ngay. Và anh cùng đi với tôi, còn kéo thêm 5 người đi theo nữa. Thế là có ngay một chuyến đi xuyên Việt của bẩy lữ khách là: chủ báo Võ Đức Diên, hai hoạ sĩ của tờ báo Tạ Tỵ, Văn Thanh, nhiếp ảnh viên Phùng Trực, tôi và hai ngôi sao rực rỡ của Khoa Tử Vi, Địa Lý Dương Thái Ban và "Thầy" Diễn. Tại sao lại có hai nhà tiên tri này cùng đi xuyên Việt? Thưa đó là vì anh Diên muốn đãi ngộ hai ông thầy ạ. Anh Diên rất tin tướng số, và quen với các ông thầy nổi danh ở Saigon. Nghe lời Thầy Diễn, anh luôn luôn mặc áo mầu đen để đánh lừa Thần Chết. Vậy mà anh đột nhiên ra đi giữa lúc đang khoẻ mạnh. Khi nghe tin anh qua đời đột ngột, tôi hơi tin vào tử vi hay tướng số, chứ trong khi đi chơi trên đường cái quan này, tôi và Tạ Tỵ luôn luôn châm chọc hai vị mà chúng tôi gọi là "thầy bói sáng". Lần đi đường thiên lý này có vẻ thú vị hơn những lần trước. Tôi không còn là lữ khách lầm lũi trong thời nô lệ hay hấp tấp trong thời chiến tranh. Hai xe hơi đưa chúng tôi đi ven bờ biển Thái Bình, vượt qua những nơi đầy ắp kỷ niệm như Phan Thiết sáng sủa, Nha Trang ấm áp, Qui Nhơn lộng gió, Đà Nẵng ồn ào, Huế thơ mộng và Quảng Trị cằn khô. Khi ghé Quảng Ngãi, Hồng Vân (nữ ca sĩ ) lúc đó còn bé tí teo, leo lên bờ tường khách sạn, ngồi rình xem mặt Phạm Duy. Chúng tôi có những giây phút trầm ngâm trước cảnh tượng hùng vĩ của Đèo Cả, Đèo Hải Vân và cũng không quên nhào xuống biển để tắm táp và kỳ cọ (như hai ông thầy) ở bãi Lăng Cô. Bản Con Đường Cái Quan -- soạn xong phần đầu ở Paris năm 54 để phản đối ngay lập tức sự chia cắt đất nước -- sau sáu năm bỏ dở, bây giờ nhờ chuyến đi rất thanh bình này, được hoàn tất nhanh chóng. Trong khung cảnh trời cao biển rộng đường dài, trong hoàn cảnh chung của nước Việt trong thời kỳ đầu của nền độc lập, trong niềm hạnh phúc được tự do sáng tác của riêng mình... tôi có nhiều hứng khởi để diễn tả con đường mạch máu của đất nước và tấm lòng khao khát thống nhất của người dân Việt. Những ca khúc mạnh mẽ trong phần MIỀN BẮC diễn tả sự hào hùng của người đi khai sơn phá thạch. Trong phần MIỀN TRUNG, ca khúc trở nên ngọt ngào, đôi khi xót xa như bước chân Huyền Trân Công Chúa. Phần MIỀN NAM rất hoan lạc vì đó là những bước chân thành đạt của lữ khách để cùng toàn dân hoàn thành nước Việt. Trường ca ra đời xuôi xả vì còn có sự khuyến khích của bạn bè, nhất là có sự giúp đỡ thực tế của anh Võ Đức Diên. Chắc chắn bên trên anh Diên, có sự đồng ý của ông Ngô Đình Nhu (và Trần Kim Tuyến). Anh tôi là Phạm Duy Khiêm làm Bộ Trưởng và Đại Sứ cho ông Diệm, Võ Lăng là bạn thân của tôi, nhất là tôi đã khá nổi tiếng trong quần chúng rồi, hồi bấy giờ, tôi được nhà Ngô để ý. Đã có lần tôi được ông Diệm, ông Nhu thân mật hỏi han tôi trên sân cỏ của Dinh Độc Lập vào một buổi tiếp tân và sau đó, nếu "sì căng đan" về tình không xẩy ra, tôi có thể là người được chính quyền giao cho một chức vụ nào rồi. Tôi không dám nói là tôi sẽ nhận việc hay từ chối, nhưng vào thời Thanh Niên Cộng Hoà được thành lập, tôi được mời vào Dinh Độc Lập để dạy hát cho cô Ngô Đình Lệ Thủy, một đoàn viên của đoàn Thanh Nữ Cộng Hoà. Chao ôi, sao mà cô con gái của ông bà Nhu lại đẹp đến thế . Và than ôi, sao cô lại chết non như vậy. Chết vì nạn xe hơi ở Pháp sau 1963. Ngoài tờ báo ra, anh Diên được ông Nhu giúp đỡ để mở Quán ANH VŨ tại đường Bùi Viện. Tôi được giao việc điều khiển phần văn nghệ. Thế là mỗi tối, tôi được sống với không khí rạp hát và phòng trà, đôn đốc các nhạc sĩ, ca sĩ hay ra hát những bài vừa mới soạn ra. Sai khi hoàn thành, Con Đường Cái Quan được đăng trên SANG DÔI MIỀN NAM rồi được trình diễn tại quán ANH VŨ. Cố Vấn Ngô Đình Nhu đem của gia đình tới nghe. Sau đó, qua ông Ngô Trọng Hiếu, trường ca còn có một ngân sách để tái lập giàn nhạc hoà tấu và mời nhạc sĩ người Đức Otto Soellner làm hoà âm phối khí. Có thêm những buổi trình diễn tại Saigon, Dalat, Nha Trang. Tất của những giọng hát tốt nhất của Saigon được huy động để đi trình diễn trường ca này. Trong giàn nhạc hoà tấu, ngoài nhạc sĩ Việt Nam, có thêm vài nhạc sĩ Pháp trong đó có Annie Cochet kéo cello. Cô đầm 17 tuổi này bèn đi qua đời tôi vài ba lần, rồi sau khi hết duyên cầm sắt (đánh đàn?) thì chúng tôi đổi qua duyên cầm kỳ (đánh cờ?). Sau đó Annie về Pháp, có một cuộc đời khá sôi nổi rồi kết cục có một điạ vị cao trong xã hội. Nàng là một trong những người tình lâu bền nhất của tôi. Trước 1975 chúng tôi luôn luôn gặp nhau. Trong 15 năm qua, mỗi năm tôi đi Paris một vài lần và gặp lại Annie. Chúng tôi đều đi ăn cơm tiệm cùng với đức lang quân rất dễ thương của nàng. Vào năm 1960 này, Tân Nhạc ở miền Nam đã phát triển toàn diện. Đã có khá nhiều xu hướng như : * xu hướng nhạc theo trường phái cổ điển Tây Phương mà Nguyễn Xuân Khoát hay Võ Đức Thu khởi xướng với Vũ Thành soạn cầm tấu khúc, thụy khúc theo thể concerto, sonate. Nghiêm Phú Phi và Văn Giảng thì cho len vào âm sắc của nhạc giao hưởng những âm thanh của nhạc cổ truyền Việt Nam. Loại nhạc thuần túy đòi hỏi phải có những ban nhạc lớn để biểu dương, hơn nữa nhạc không lời chưa hợp với quần chúng nên những người theo xu hướng nhạc giao hưởng đưa ra những bài soạn theo lối nhạc nhẹ (musique légère), nghĩa là có lời ca, qua những bản Giấc Mơ Hồi Hương (Vũ Thành), Tơ Sầu (Lâm Tuyền), Tiếng Dương Cầm (Văn Phụng)... * xu hướng nhạc khiêu vũ phát triển mạnh vì có lợi điạ là những dancing với nhạc tango, pasodoble của Hoàng Trọng hay Đan Thọ, nhạc slow rock của Nguyễn Hiền hay Ngọc Bích, kích động nhạc của Khánh Băng và nhạc rumba, bolero của khá nhiều nhạc sĩ trẻ. Loại nhạc soạn theo điệu Nam Mỹ này dễ dàng đi đến loại nhạc có cái tên bất ổn là nhạc thời trang với nội dung quá thấp kém, người nghiêm khắc gọi là nhạc vàng nghĩa là nhạc ốm yếu, nhạc thương phẩm. * xu hướng nhạc hài hước với Trần Văn Trạch dẫn đầu, tiếp theo là ban AVT với những bài Mái Tóc Huyền, Hội Sợ Vợ, Ba Bà Mẹ Chồng, bài này soạn bởi Phạm Duy Nhượng. * xu hướng nhạc của các tôn giáo với tác phẩm của Hải Linh, Hùng Lân bên Công Giáo và của Lê Cao Phan, Phạm Thế Mỹ bên Phật Giáo. * xu hướng nhạc tình với hầu hết các nhạc sĩ già hay trẻ trong đó có những tình khúc cảm tính (sentimental) của tôi (soạn cho người tình thi sĩ), trước khi có những tình khúc Trịnh Công Sơn mang nhiều não tính (cérébral) và nhạc Lê Uyên Phương mang nhiều nhục tính (sensuel), nhạc trẻ của Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà mang nhiều ảo tính (psychedelique). * xu hướng nhạc dân ca với những bài hát tình tự dân tộc, tình ca quê hương thì có tôi chủ trương, cùng với Hoàng Thi Thơ hay Lam Phương trong một số bài. Với trường ca Con Đường Cái Quan, tôi tiếp nối dòng nhạc xưng tụng quê hương của tôi với một tầm vóc lớn hơn, giống như Văn Cao đã làm trong kháng chiến với bản Trường Ca Sông Lô. Sau tôi, Hoàng Thi Thơ cũng soạn một trường ca nhan đề Ngày Trọng Đại để xưng tụng chế độ Cộng Hoà do Ngô Tổng Thống lãnh đạo. Trường ca Con Đường Cái Quan là một bài hát lên đường. Trước đây, tôi đã chủ trương xưng tụng những cuộc lên đường rồi. Hoặc lên đường tâm tưởng như Lữ Hành, Viễn Du. Hoặc bước đi trên những nẻo đường kháng chiến như Khởi Hành, Đường Về Quê. còn phải đi trên con đường tình ái rất ướt át của mình nữa, với những bài dìu nhau đi trên phố vắng hay Đường Em Đi... Đi thêm trong mộng mị với Mộng Du ... Trường ca Con Đường Cái Quan có tới ba, bốn cuộc lên đường gom lại, vì lữ khách bây giờ đi trên con đường quê hương gấm vóc, đi trong lịch sử kiên cường, đi trong tình yêu, còn đi của trong lòng của nhân dân nữa. Về hình thức, qua trường ca này, loại dân ca cải tiến được tôi phát triển lên mức độ cao nhất. Trường ca gồm 19 đoản khúc, đại đa số bài nằm trong nhạc ngũ cung, có thêm nhạc thuật chuyển hệ khiến cho giai điệu được phong phú. Nhạc sĩ người Đức Otto Soellner, khi soạn hoà âm phối khí cho bản trường ca, nói rằng: có những đoạn trong trường ca giống như nhạc của Johann Sebastian Bach. Nhạc học gia người Gia Nã Đại Georges Etienne Gauthier, vì hiểu biết nhạc dân ca Việt Nam hơn, qua một bài viết đăng trên báo Bách Khoa vào năm 1970, cho rằng trường ca này dung hợp được tinh túy của của hai loại nhạc Đông Phương và Tây Phương. Khá nhiều người có uy tín trong giới nghệ sĩ như Trần Văn Khê, Nguyễn Đình Toàn, vì có lòng yêu nên đánh giá cao tác phẩm dài hơi của tôi. Và mỗi lần có đảo chính ở Saigon, trong khi nhân viên của Đài chờ người làm chủ tình thế tới tiếp thu cơ quan truyền thông quan trọng này thì bản trường ca được phát thanh suốt ngày khiến cho nó được phổ biến rất mạnh mẽ trong dân chúng. Ngoài ra, còn có nhiều sinh viên ở nhiều nơi đã dựng tác phẩm này thành một hoạt cảnh, đúng như lời tôi ghi trong đoạn giới thiệu. Tôi xin trân trọng cám ơn tất của những người hữu danh và vô danh kể ra trên đây. Tôi còn muốn nói thêm một điều: Trong bản trường ca, khi đi tới cuối con đường xuyên Việt rồi, ước vọng của lữ khách là có ngày đường tan ranh giới để lữ khách được đi xa hơn nữa trên con đường dài của tình yêu, ở nơi thế giới xa xôi, và trong lòng dân chúng muôn nơi... Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, gia đình tôi và một số rất lớn đồng hương đã thực hiện được ước vọng đó. Xin cám ơn cuộc đời . _________________________________ (*) Coi Hồi Ký Thời Cách Mạng Kháng Chiến, trang 37. (**) Ra hải ngoại rồi mà vẫn còn có người nhân danh sự yêu nước rồi khủng bố tinh thần những người không cùng lập trường chống Cộng như mình. (***) Nói đến chuyện đồ cổ ở Việt Nam, phải đau đớn thấy rằng trong cuộc chiến tranh dữ dội giữa lính Mỹ và Vi Xi, có những sĩ quan quốc gia đã không quản hiểm nguy, dùng xe tăng đi lấy tượng Chàm đem về bán cho người ngoại quốc. Kể cả nghị sĩ cũng làm việc phi pháp này.
Chương Mười Hai
Đừng lay tôi nhé cuộc đời Tôi còn trẻ dại cho tôi mơ mòng... Tôi Đang Mơ Giấc Mộng Dài
Từ ngày rời bỏ miền Bắc thân thương nhưng đầy bất trắc để di cư vào Nam, trong vòng mười năm, tôi được sống tại một phần đất nước tương đối vững chãi và thanh bình. Nhưng riêng tôi phải trải qua dăm ba cơn sóng gió dữ dội, bị tay sai của thực dân giam trong nhà tù hay tự dìm mình vào tù ngục của tình yêu rồi phải xa lánh mọi người vì e ngại dư luận. Nhưng kỳ diệu thay, dường như lúc nào cũng có đôi bàn tay tiên gỡ tôi ra, đưa tôi đi... khiến tôi đã hơn một lần thoát hiểm, từ từ vươn lên từ hố sâu hệ lụy để tiếp tục ca hát. Cũng giống như mọi người mà thôi, vào giữa đời mình, tôi nếm đủ mùi hạnh phúc và khổ đau, trong cuộc đời cũng như trong cuộc tình. Và tôi luôn luôn nghĩ tới cái chết... Đã có một lúc tôi quyết định không đem nghệ thuật của mình ra để chỉ nghe theo mệnh lệnh nào đó, xưng tụng một chiều. Bên cạnh vinh quang còn có nhục nhằn, nếu ở một nơi nào tôi không được nói tới của hai khía cạnh cuộc đời thì tôi ôm đàn ra đi. Đã chủ trương hai chiều trong nghệ thuật thì trong đời sống riêng tư, tôi cũng chấp nhận của vinh quang lẫn tủi nhục. Vào lúc tôi vừa ở Pháp về và đang dương dương tự đắc vì dăm ba cái thành công (!), muốn kiềm chế bớt tính kiêu căng, tôi cần phải uống một liều thuốc nhục. Rồi từ đó, trải qua nhiều năm, từ khi chế độ nhà Ngô vững chãi cho tới lúc sắp sửa sụp đổ, tôi được nếm thêm ít nhiều ngọt bùi và đắng cay. Là người muốn sống trung thực với mình, với người, tôi đem tất của cái buồn cái vui, cái sướng cái khổ, cái thực cái giả, cái xấu cái tốt, cái sống cái chết vào những bài hát của tôi. Tôi soạn những bài nói tới cuộc đời toàn diện chứ không phải chỉ là những mảnh đời vụn vặt. Một Bàn Tay là tất cả. Bàn tay đưa ta vào đời, dẫn dắt ta đi, đánh đập ta hay vỗ về ta, cuối cùng, bàn tay vuốt mắt ta: Bàn tay đưa anh ra khỏi lòng người Một đêm kêu lên hơi thở tuyệt vời. . . . . . . Bàn tay đưa anh đi gặp cuộc đời Một Xuân bao dung ai cũng là người. . . . . . . Trong cơn mưa hè Tay nào khô héo bắt anh về Bàn tay che mắt, ôi còn ngăn câu hát, Bàn tay ám khí u mê Nhưng tay em về thơm mùi gỗ quý, gỡ anh ra... . . . . . . . . . Bàn tay ôm anh trong cuộc tình đầy, Một Thu sang, tim anh nở tròn ngày... . . . . . . . Một mai đưa anh thăm thẳm lìa đời Mùa Đông khăn tang mây bỏ đường dài Bàn tay thương nhớ, một đêm băng giá Lạ lùng, tay khép làn mi... Tiếp theo là bài Những Bàn Chân. Bài này phát triển ý niệm lên đường mà tôi nuôi dưỡng. Tôi xưng tụng : Những bàn chân, trên ruộng cằn Dưới nắng hè lửa thiêu đất khan Vỡ đồi nương, cho máu đào rơi thắm cỏ hoang... . . . . Những bàn chân trên sa trường Những bước buồn đạp trên máu xương Vẫn hoài mong cho đất vàng hoa nở nhiều hơn... . . . . . Những bàn chân trong hoà bình Mang những lời yêu, trong gió xanh Bước hiền minh đi nối liền hai cõi tử sinh... Trước đây, tôi có bài Lữ Hành. Bây giờ tôi soạn một bài cũng nằm trong ý niệm lên đường là bài Xuân Hành. Bài Lữ Hành là một tuyên ngôn: Ta đi trên dương gian, đi trong thanh xuân, đi trong thiên nhiên, đi trong nhân gian, đi trong thời gian và bao giờ ta cũng phải bước nhanh vượt chân đời.Với bài Xuân Hành tôi muốn trả lời một câu hỏi muôn đời: qui es tu? d'où viens-tu? où vas-tu? : Người là ai ? Từ đâu đến ? Và người ơi, người sẽ bước chân về nơi nao ? Người vì sao mà chớm nở ? Rồi sớm tối, cánh hoa tươi tơi bời theo với những lá úa ? Người là chi ? Là cơn gió ? Là cát trắng hay bụi xanh lơ ? Có phải người từ xưa, thuyền theo lái về bến cũ ? Hay người lên xe đi từ hư vô qua hư vô? Câu trả lời trong Xuân Hành là: Người từ lòng người đi ra rồi sẽ trở về lòng người. Người vừa là người, vừa là thần thánh và ma quỷ, biết thương yêu dai và cũng biết hận thù dài, làm bất cứ điều gì thì cũng phải rất là đắm say. Nhưng trong khoảnh sống ngắn ngủi này, người phải biết nhìn toàn đời trong từng chớp mắt, người phải biết vui biết buồn ngay trong một cơn tim đập, tim ngưng. Cuối cùng, khi chết đi, người đời còn nhớ tới mình thì có nghĩa là mình ra đi từ lòng người rồi sẽ trở về lòng người : Người là TA, đường nhân ái còn đi mãi mãi Hết bước Xuân, TA gọi nhau về trong NGƯƠI... Trong thời gian này, tôi có cái nhìn bao la hơn trước. Được người tình vỗ về chăm sóc, trong một bài hát tình yêu, tôi cám ơn người tình đã đem vào đời tôi trăng sao vời vợi... Quả thật là như vậy! Những buổi gặp nhau nàng thường tặng tôi những câu ca dao, trong đó có một câu tôi yêu vô kể: Sao tua chín cái ối a nằm kề Thương em từ thuở mẹ về với cha... Người Việt Nam khi xưa đã cho của thời gian bất tận lẫn không gian vô tận vào một câu thơ tình lục bát. Tình yêu của người soạn câu ca dao thật vĩ đại bởi vì người này nhìn vào tinh tú vô biên để thương yêu một người từ thuở chưa có người đó. Tôi thêm lời vào câu ca dao bất diệt này để soạn thành Bài Ca Sao> nói lên tình yêu của tôi đối với người tình: Sao vua sáu cái nằm xa Thương em từ thuở người ra người vào Sao Khuê chín cái nằm dài Thương em từ thuở tình ngoài nghĩa trong Sao măng năm cái nằm ngang Thương em từ thuở mẹ mang đầy lòng. Sao đôi hai cái nằm chồng Thương em từ thuởmẹ bồng mát tay Sao hoa ba cái nằm xoay Thương em từ thuở được vay nụ cười Sao băng ngã xuống gầm trời Thương em từ thuở mẹ ngồi nghĩ xa. Sao sa, sa xuống vườn hoa Thương em từ thuở người ta lại gần. Sao hôm le lói đầu hè Thương em từ thuở em về với ai Sao mai le lói ngọn cây Thương em từ thuở về xây tình người... . . . . . Sao Vân muôn cái mịt mùng Thương em từ thuở nghìn trùng cách chia. Sao quanh theo gót người đi Thương em chỉ có trời khuya nhìn về Sao ơi, sao hỡi buồn gì ? Sao ơi, sao hỡi buồn chi ? Người tình còn đem tới của trăng non, trăng già thì tôi phải có Bài Ca Trăng. Bài này là một bài ca tình tự với trăng, tức là với người yêu: Trăng ơi, trăng ới kìa là trăng ơi Trăng lá trai trong chiều vơi Lưỡi trăng treo đầu trời, ngoài đồng hoang vắng rơi Trăng ơi, trăng ới tình còn nhỏ nhoi Theo gió đưa trăng về khơi Trăng ơi, trăng ới kìa là trăng xanh Trăng sáng soi trong vườn chanh Sáng luôn trong vườn đào, kià là soi trắng đêm Trăng ơi, trăng ới mặn nồng tình duyên Trăng thức lâu trên giường êm. Trăng ơi, trăng ới kìa là trăng đêm, Trăng đến khuya thăm người quen Gối chăn đã lạnh mềm, người về trong cõi duyên Trăng ơi, trăng ới tình già bình yên Trăng khuất mau sau màn đêm... Tình yêu đã đem trăng sao đến cho tôi rồi và qua một bài thơ của nàng do tôi phổ nhạc -- mà Tạ Tỵ, người viết chuyện đời tôi, cho rằng đó là bài tình ca hoan lạc nhất của tôi -- quả rằng vào lúc gần tàn của chế độ nhà Ngô, tôi... ... đang mơ giấc mộng dài Đừng lay tôi nhé cuộc đời chung quanh Tôi đang nhìn thấy mầu xanh Ở trên cây cành trôi xuống thân mình Tôi đang nhìn thấy mầu hồng Ở khắp nẻo đường nhẹ thấm vào hồn Từ bình minh tươi mát Về hoàng hôn thơm ngát Làn gió đưa hương trời Vào chứa chan lòng tôi... Đúng vậy! Tôi nghe từ cõi đời vui vượt qua đêm dài lên tới sao trời Tôi nghe từ cõi lòng người lời nói bồi hồi tìm kiếm ngọt bùi Và nhìn thấy trong tim, tình yêu nở những con chim tuyệt vời... Như bất cứ đôi người tình nào trên thế giới, chúng tôi van xin: Đừng lay tôi nhé cuộc đời Tôi còn trẻ dại cho tôi mơ mòng... Tuy nhiên, bây giờ ngồi nhớ lại cuộc tình xưa, tôi tự thấy vào lúc đó tôi chỉ mơ mòng có khoảng 50% của giấc mộng. Không những tôi cố gắng không biến cuộc tình của mình thành một sự chiếm đoạt, một cuộc đụng chạm xác thịt hay một cuộc hứa hẹn trăm năm gì đó, vào những lúc đằm thắm nhất hay chua sót nhất của tình yêu và vào lúc chúng tôi đều hiểu ngầm của đôi bên muốn đi đến chỗ "trói chặt nhau", tôi đều cố gắng thoát ra khỏi ràng buộc đó. Tôi không vì vợ hiền con ngoan mà bỏ mất cuộc tình thì tôi cũng không thể vì người tình mà bỏ bê vợ con. Có thể biết rõ như vậy cho nên vợ tôi -- có người gọi là á thánh (!) -- không bao giờ sợ mất tôi cả. Chắc chắn vợ tôi biết tôi có đủ những nết tốt của một người chồng và chỉ có một nết xấu của đàn ông mà thôi. Cái tật này thì hình như nhiều bậc nam nhi đều có hoặc muốn có, và được các bà vợ tha thứ hay nhất định không tha. Tôi vẫn thường khoe với bè bạn rằng dù là người thích bay bướm nhưng không bao giờ tôi vắng mặt trong bữa cơm hàng ngày. Rất ít khi đi ngủ đêm ở ngoài. Không bao giờ phản đối vợ dù trong những việc cỏn con nhất. Bên trên tất ca là vấn đề tiền tài. Từ khi lập gia đình cho tới bây giờ, làm được đồng nào là đưa cho vợ giữ, không bao giờ tôi biết tôi có bao nhiêu tiền trong túi, trong ngân hàng hay trong hầu bao của vợ. Chót là một nghệ sĩ chỉ biết xưng tụng tình yêu, không bao giờ tôi trốn tránh tình yêu cả. Nhưng vì tôi sống trong một xã hội không có sự tự do quá trớn (như xã hội Âu Mỹ chẳng hạn), tôi biết tôn thờ tình vợ chồng, tình cha con, nói tóm lại là tình gia đình. Lạy Phật lạy Chúa, gia đình chúng tôi luôn luôn bình an, chưa bao giờ biết tới bi kịch hay thảm kịch. Gia đình nào mà chẳng có những phút hiểm nguy, nhưng tôi xin phép được thưa rằng trong suốt một đời vợ chồng, chúng tôi không bao giờ to tiếng với nhau, ngay của vào lúc gay go nhất. Vì cầm tinh con bướm, tôi có thể là một người tình lang chạ, bao giờ cũng biết yêu, biết quý từng cuộc tình một, nhưng tôi không thờ chủ nghĩa đa thê. Cũng chẳng khác chi các văn nghệ sĩ khác, chưa bao giờ tôi hài lòng với tác phẩm của mình cả. Một bài hát, dù ngắn dù dài, nếu chưa được ấn hành và thu băng thì tôi cứ đem nó ra sửa chữa hoài hoài.Tôi đã từng bỏ ra 5 năm, 15 năm để hoàn tất một tác phẩm là thế đó. Có khi hoàn tất rồi mà vẫn thấy chưa như mình mong muốn. Đem so sánh, tôi thấy những cuộc tình của tôi cũng chỉ là những tác phẩm chưa thành. Chẳng bao giờ hoàn thành cả. Người tình nào tới với tôi cũng chỉ đem cho tôi một thứ gần như là tình yêu. Tôi yêu ai cũng thấy hoặc mình yêu chưa đủ hoặc người tình chưa hết mực yêu mình. Cho nên nếu tôi có thể đi vào đi ra khá nhiều cuộc tình, trong lòng có thể rất vui vẻ hay rất buồn thương nhưng chẳng bao giờ tôi phải khổ sở vì những tác phẩm nửa chừng (oeuvre inachevée) như vậy. Nói cho rõ hơn, chẳng có cuộc tình lẻ nào có thể hoàn thành được cả, khi tôi là kẻ rất "có hiếu" với vợ con. Tuy nhiên mỗi một mối tình không hoàn thành cũng đều là một phần hạnh phúc của đời tôi nên lúc nào tôi cũng mang một ơn sâu đối với tất của những người tình lang chạ. Để bênh vực thêm quan niệm (vơ vào) về tình yêu của một nghệ sĩ sống bằng con tim, xin thưa rằng: tôi chẳng bao giờ là một vị thánh hay một nhà đạo đức. Tôi luôn luôn đi tìm tình yêu nhưng chẳng bao giờ tôi muốn phá tan tổ ấm. Về vấn đề này, tôi học mót ở người xưa: người Việt Nam có một quan niệm khá rõ rệt về chữ tình nên đã phân chia ra ba thứ: tình yêu, tình duyên và tình nghĩa... Yêu nhau rồi có thể xa nhau, đó là tình Khi đã kết hôn với nhau, đó là duyên (và nợ). Khi con cái đầy đàn thì chuyển sang nghĩa. Tình có thể rất mỏng manh, còn đó, mất đó, nhưng đã là duyên và nợ, đã là ơn và nghĩa, thì phải ràng buộc lấy nhau. Giản dị là như vậy. Nhưng than ôi, cũng chẳng cần đến quan niệm về tình của người xưa hay đến tính sợ vợ muôn đời của đàn ông -- ha ha -- để giúp tôi ra khỏi cuộc tình mười năm mà kết quả là một số bản tình ca đôi lứa đi trước môt số bản tình ca một mình... Biến cố tháng 11 năm 1963 tới và nhất là biến cố Tết Mậu Thân giúp cho chúng tôi vĩnh viễn xa nhau.
Chương Mười Ba
Lũ con lạc lối đường xa Chiếc lá rơi theo heo may Có con nào nhớ Mẹ ta thì về... Mẹ Việt Nam
Ngày 11 tháng 11 năm1960, quân đội Nhẩy Dù bao vây Dinh Độc Lập, nổ súng vào chính quyền Ngô Đình Diệm. Cuộc đảo chính của Nguyễn Chánh Thi, Vương Văn Đông không thành công nhưng nó báo hiệu ngày tàn của chế độ. Dù đã có công trong việc di cư và định cư cho gần một triệu người miền Bắc đi tìm tự do và xây dựng một miền Nam trù phú và thanh bình, sau 7 năm cầm quyền, Nhà Ngô tỏ ra không có tinh thần dân chủ và đi tới chế độ gia đình độc trị, có thể cũng do tình hình trong nước tới lúc gay go hơn trước. Một mặt, sau khi miền Nam từ chối hiệp thương, Cộng Sản khởi sự đánh phá. Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam được thành lập (do Hà Nội tạo ra). Các cơ sở nằm vùng của Cộng Sản xuất hiện. Mới đầu còn là những hoạt động du kích, về sau là những trận đánh lớn của những đoàn quân chính quy sinh Bắc tử Nam. Nông thôn trở nên bất an. Mặt khác, trong hàng ngũ quốc gia, với sự đảng tranh phải xẩy ra, chính quyền Công Giáo với đảng Nhân Vị muốn độc tôn cai trị nên gây ra sự bất bình nơi các chính khách và sự hiềm khích nơi các tôn giáo, đặc biệt là Phật Giáo. Cuối cùng là sự không đồng ý Mỹ hoá chiến tranh Việt Nam nên ông Diệm, ông Nhu chống đồng minh Hoa Kỳ. Sau vụ nổ súng không thành của nhóm Nguyễn Chánh Thi, Vương Văn Đông, sau khi bỏ tù và đưa ra Côn Đảo những người dính dáng tới cuộc đảo chính, chính quyền nhà Ngô cũng chẳng bớt đi những hành động quá khích. Nhưng họ chú ý hơn tới công tác tuyên truyền. Bây giờ, vừa muốn chống Cộng vừa muốn lấy lại lòng dân, Bộ Công Dân Vụ do ông Ngô Trọng Hiếu điều khiển, tìm cách thu phục giới văn nghệ sĩ. Anh Nguyễn Đức Quỳnh được mời cộng tác với chính quyền. Anh lại lôi kéo tôi vào đấu trường. Vì đang là công chức của Trung Tâm Điện A'nh thuộc Nha Tổng Giám Đốc Thông Tin (lệ thuộc Công Dân Vụ), tôi không thể từ chối. Trong công tác nghệ sĩ vận và dân vận như vậy, chính phủ đã giao cho anh bạn cố tri của tôi là Phạm Xuân Thái điều hành Câu Lạc Bộ Văn Hoá ở đường Tự Do để có nơi cho văn nghệ sĩ tới gặp nhau hằng ngày, thay vì ra nhà hàng La Pagode gần đó. Bây giờ một đoàn ca vũ kịch lớn được thành lập tại Bộ Công Dân Vụ, tụ tập nhiều nghệ sĩ tên tuổi do Lê Văn Vũ Bắc Tiến chỉ huy. Tôi tới sinh hoạt thường xuyên với đoàn ca vũ kịch này. Nhưng ai cũng công nhận rằng làm công tác dân vận cho Công Dân Vụ lúc bấy giờ thật khó vì đa số dân chúng đã bất mãn với chính quyền, lại thêm phe Cộng Sản hoạt động tối đa trong việc phản tuyên truyền. Cái tên Công Dân Vụ được nói lái là vu dân Cộng, chắc do đối phương làm ra và rỉ tai quần chúng. Trong thời Cộng Hoà thứ nhất, dù tôi có đời sống riêng tư rất sôi nổi, nghĩa là sống hết mình cho nghề nhạc, sống trọn vẹn cho gia đình và sống nhẹ nhàng cho một cuộc tình thi vị, tôi vẫn không từ chối làm những việc ta có thể gọi là việc công. Cộng tác với Trung Tâm Điện A'nh, tôi đóng góp vào việc thực hiện những cuốn phim thông tin tuyên truyền. Liên hệ với những hãng phim tư nhân -- như hãng Đông Phương của Đỗ Bá Thế -- tôi đóng góp vào việc sản xuất những cuốn phim nghệ thuật, tuy vẫn phải mang tinh thần tố Cộng mà chính quyền miền Nam đề cao. Từ lâu tôi đã biết yêu ngành nghệ thuật được gọi là septième art (*) này. Tôi vừa làm việc, vừa học hỏi thêm về điện ảnh. Lénine đã từng coi điện ảnh rất quan trọng, đến độ phán rằng: Le cinéma, c'est de la culture. Thế hệ tôi được chứng kiến sự ra đời và phát triển của điện ảnh, từ phim câm tới phim nói, từ phim đen trắng màn ảnh hẹp tới phim mầu màn ảnh đại vĩ tuyến, từ một trò chơi giải trí tới một nghệ thuật phản ảnh sự sống một cách mãnh liệt. Trong những ngày học nhạc tại Pháp, tôi đã mê những phim tân tả thực xã hội của Y và đứng xếp hàng trên hè đường tuyết phủ trước rạp ciné để coi đi coi lại nhiều lần những phim Trẻ Đánh Giầy (Sciucia), Kẻ Cắp Xe Đạp (Le Voleur de Bicyclette) của Vittorio de Sica mà của thế giới phải khâm phục khi Thế Chiến Hai vừa chấm dứt. Lúc tôi làm việc tại Trung Tâm Điện Ảnh cũng là lúc phim Nhật đang được thế giới chú ý qua những phim Địa Ngục Môn (Rashomon Bẩy Người Hiệp Sĩ (Seven Samurais) của Akira Kurusawa. T ôi có may mắn được một người bạn là Nguyễn Đăng Xương, giám đốc nhà phát hành phim HOAN KIÊM, thuê làm phụ đề tiếng Việt cho những phim Nhật đó. Tôi tự hỏi tại sao phim Nhật chinh phục được hoàn cầu. Rồi tôi thấy từ cuối thế 19, người Nhật đã biết mở cửa tiếp thu những kỹ thuật Âu Tây vừa được phát minh khác với chính sách bế môn toả cảng của các vua ta. Gọi là nghệ thuật thứ bẩy nhưng điện ảnh là tổng hợp của sáu ngành nghệ thuật đã có, cộng thêm với những kỹ thuật tân kỳ. Biết chuyển sang xã hội kỹ thuật, Nhật Bản còn tiến xa về mọi phương diện, ngoài sự thành công trong điện ảnh. Một ví dụ khác về khả năng giúp ích cho việc phát triển nghệ thuật: khi người Mỹ đem tiền bạc và vũ khí đổ vào Việt Nam, họ còn đem theo một phần của một nền kỹ thuật mới mẻ tới nữa. Xã hội Việt Nam, từ trước tới nay, chưa hề là một xã hội kỹ thuật. Văn nghệ gây được chấn động trong dân chúng là văn nghệ có luận đề, trừu tượng, phù hợp với xã hội nông nghiệp, những thi phẩm Kim Vân Kiều, Chinh Phụ Ngâm, Lục Vân Tiên được phổ biến theo lối truyền khẩu. Người Pháp đem máy hát vào nước ta và thúc đẩy nhạc Việt tới thời cải cách. TÂN NHAC ra đời nhờ kỹ thuật mới mẻ là máy hát chạy bằng lò so, dĩa nhựa và kim sắt. Tới khi Hoa Kỳ đem vào Việt Nam những sản phẩm mới hơn như tape và cassette recorder thì những vật liệu không cồng kềnh này đóng góp vào việc đưa âm nhạc Việt Nam đi nhanh hơn nữa. Không có phong trào nghe băng cassette trong dân chúng, tân nhạc không thể nào phổ biến về đồng quê được. Ngành điện ảnh, với kỹ thuật cao và rắc rối hơn, cần thời gian để khắc phục nên điện ảnh Việt Nam chưa tiến nhanh tới thời kỳ trưởng thành, dù về diễn viên, chúng ta có những ngôi sao như Kiều Chinh, Đoàn Châu Mậu, Hoàng Vĩnh Lộc, Lê Quỳnh... Các nhà sản xuất thiếu vốn lớn để trang trải các món chi tiêu khổng lồ trong đó phần chi phí về phim liệu, máy quay hình, thu thanh, ánh sáng là tốn kém nhất. Tuy vậy, chúng ta cũng có những người hi sinh cho điện ảnh như Hoàng Anh Tuấn, Hoàng Vĩnh Lộc... để Điện Ảnh Miền Nam có mặt tại các Festivals lớn ở Đông Nam A'. Phải công nhận việc xây dựng Trung Tâm Điện Ảnh là một công lớn của chính quyền Ngô Đình Diệm vì đây là nơi đào tạo ra những chuyên viên điện ảnh đầu tiên. Là nhân viên của Trung Tâm Điện A'nh, phụ trách viết lời bình cho những cuốn phim thời sự, phim tài liệu hay viết truyện và đối thoại cho những phim truyện, tôi thường đi theo các phóng viên điện ảnh tháp tùng các phái đoàn Chánh Phủ đi thăm Ấp Chiến Lược. Là nhân viên của Bộ Công Dân Vụ, tôi tham dự những sinh hoạt của các đoàn thể do ông bà Ngô Đình Nhu tạo ra như THANH NIÊN CÔNG HOA, PHU NƯ LIÊN ĐƠI, PHU NỮ BAN QUÂN SƯ... chứng kiến những nỗ lực của chính quyền trong công tác thu phục thanh niên nam nữ. Như đã nói, tôi còn là huấn luyện viên hát và đóng kịch cho cô Ngô Đình Lệ Thủy nữa. Nhưng vì trót được tham gia nhiều chiến dịch và đích thân làm công tác dân vận, trí thức vận, địch vận trong thời kháng chiến chống Pháp, tôi nhận thấy những việc làm của chính quyền miền Nam hồi đó, tuy nhiều thiện chí nhưng chỉ có tính cách bề ngoài. Thấy ông Diệm hay ông Nhu ngồi bảnh choẹ trên thuyền để đi thăm ấp chiến lược trong vùng không có đường cho xe chạy, với dăm ba người dân quê lội nước đẩy thuyền đi, tôi không tin các vị ấy được lòng dân. Các thanh niên, thanh nữ Cộng Hoà dưới bộ quần áo mầu xanh trơn tru sạch sẽ, đi diễn hành nơi vận động trường, trông rất oai nhưng không có nhiều tinh thần chiến đấu như những lãnh tụ mong muốn. Hơn nữa, họ là con cháu của dân, mà dân có vẻ không ưa chế độ. Ngày ông Tổng Thống và lãnh tụ của Thanh Niên Cộng Hoà lâm nạn, dù có lời kêu gọi trên Đài Phát Thanh, không có thanh niên thanh nữ nào đi cứu các ông cả. Sau những hành động vụng về khác như bắt dân chúng đứng dậy chào quốc ca và suy tôn Tổng Thống tại rạp hát hay chiếu bóng, dựng tượng Hai Bà Trưng có dáng dấp bà Nhu, gian lận trong cuộc bầu cử Tổng Thống nhiệm kỳ hai, cộng với thêm nhiều lầm lỗi khác, một chính biến nữa lại xẩy ra với việc ném bom Dinh Độc Lập của hai phi công Phạm Phú Quốc, Nguyễn Văn Cử. Sự chống đối âm thầm của dân chúng và sự phản kháng bằng bom đạn của các quân nhân làm cho chế độ càng thêm cứng rắn. Thay vì nhìn thấy lòng dân, lắng nghe lời dân, chế độ gia đình độc trị thi hành chính sách bịt miệng báo chí, bắt bớ giam cầm bừa bãi, vu cáo những người phê bình hay chống đối là thân Cộng Sản. 1963. Ngày 7 tháng 5, ở Huế, tăng ni và Phật tử sửa soạn lễ Phật Đản, cảnh sát tới hạ cờ Phật Giáo. Ngày 8 tháng 5, lễ Phật Đản, buổi sáng có rước Phật từ chùa Từ Đàm tới chùa Diệu Đế, buổi chiều có chương trình phát thanh đặc biệt về buổi lễ ban sáng. Hàng ngàn Phật tử tụ tập trước Đài Phát Thanh bên bờ sông Hương để nghe những lời thuyết pháp với tinh thần chống đối chính quyền rất gay gắt của Thượng Toạ Thích Trí Quang. Cuộc tụ họp bị lực lượng an ninh tới giải tán. Xung đột xẩy ra, lựu đạn nổ và súng cũng nổ: bẩy thường dân chết, một thường dân và năm binh sĩ bị thương. Kết quả là tại Huế và tại Saigon, biến cố xẩy ra dồn dập. Bên Phật Giáo có những buổi lễ cầu siêu cho nạn nhân ở Huế, những vụ tuyệt thực, biểu tình của tăng ni và Phật tử. Bên chính phủ có lực lượng an ninh tới canh giữ chùa Từ Đàm, điện nước trong chùa bị cúp. Vụ Phật Giáo càng ngày càng trở nên trầm trọng. Ngày 11 tháng 6, Thượng Toạ Thích Quảng Đức tự thiêu, kéo theo bẩy vụ tự thiêu khác. Những cuộc hội họp giữa Ủy Ban Liên Phái và U'y Ban Liên Bộ do chính phủ thành lập, cũng như sự gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo Phật Giáo với Tổng Thống Ngô Đình Diệm không đi đến một hoà giải nào cả. Cuối cùng Lực Lượng Đặc Biệt tấn công chùa Xá Lợi. Thượng Toạ Thích Trí Quang lánh nạn tại Toà Đại Sứ Mỹ. Như tất của dân Saigon lúc đó, tuy không tham gia biến cố nhưng chứng kiến những sự việc xẩy ra, vụ Phật Giáo đấu tranh với chính quyền nhà Ngô làm tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì thấy một chính quyền độc tài có thể bị đánh đổ. Lo vì biết rằng vụ này có thể làm lợi cho chính quyền miền Bắc. Và cũng như mọi người dân trên thế giới, tôi bị rúng động trước cảnh tự thiêu của Thượng Toạ Thích Quảng Đức. Thấy cái chết đó đẹp quá nhưng vì tài hèn sức mọn nên không đưa được vào tác phẩm lớn như bài thơ LỬA TƯ BI của anh Vũ Hoàng Chương. Tuy nhiên ngọn lửa thiêng này cũng được tôi ghi lại trong đoản khúc VIÊT NAM VIÊT NAM. Là một nghệ sĩ, tôi còn phản ứng mạnh hơn khi thấy bạn đồng nghiệp bị dính líu vào biến cố chính trị này. Ngày 7 tháng 7, phản đối việc chế độ đưa ông ra xét xử về tội phản nghịch, nhà văn mà tôi rất kính phục là Nhất Linh, tự tử. Anh bạn rất thân Nguyễn Đức Quỳnh, dù đã từng giúp việc cho Công Dân Vụ và Lý Đại Nguyên, người của gan ra tranh cử Tổng Thống với ông Diệm, của hai đều bị bắt trong một ngày tháng 8 năm 63. Khi hai người bạn này được thả, họ cho biết tôi cũng bị chính quyền để ý vì năng lui tới đàm trường để gặp anh Quỳnh và Lý Đại Nguyên. Ngày 1 tháng 11 là ngày tàn của chế độ. Cuộc đảo chánh thành công. Cũng như mọi người, tôi thấy miền Nam trút được một gánh nặng nhưng khi nhìn thấy xác của ông Diệm, ông Nhu, tôi buồn. Rồi khi có giả thuyết Mai Hữu Xuân là người ra lệnh giết hai ông thì tôi không ngạc nhiên. Sau khi lật đổ chế độ nhà Ngô, các tướng lãnh đảo chánh thành lập HÔI ĐÔNG QUÂN NHÂN CACH MANG để điều khiển quốc gia. Từ lúc này cho tới ngày miền Nam rơi vào tay Cộng Sản, số mệnh nước ta nằm trong tay những quân nhân dù có hai lần chính phủ dân sự được thành lập rồi chết non vì không có thực lực trong tay. Người Mỹ khởi sự nhúng tay vào chính trường Việt Nam. Trong vòng 20 tháng sau khi ông Diệm chết, đã xẩy ra 13 cuộc chỉnh lý và tái chỉnh lý, đảo chánh và phản đảo chánh. Có tới chín chính phủ tranh nhau cầm quyền và có tới bốn bản hiến pháp được soạn ra. Những cuộc bãi khoá, biểu tình, xuống đường xẩy ra thường xuyên, mâu thuẫn giữa Phật Giáo và Công Giáo còn đi đến chỗ đổ máu nữa... Rồi từ đó trở đi, tất của những khuyết điểm của chế độ nhà Ngô như thiếu dân chủ, độc tài, tham nhũng, ngoan cố... lại hiện ra trong chính quyền. Cho tới ngày mất về tay Cộng Sản, miền Nam là nơi có đầy đủ những vụ mua quan bán tước, hụi sống hụi chết, lính ma lính kiểng, buôn gian bán lậu (có xe nhà binh hộ tống) do một số tướng lãnh đang nắm những chức vụ then chốt dung túng cho đàn em hoặc trực tiếp nhúng tay vào việc phi pháp. Tôi không còn làm việc với Trung Tâm Điện A'nh nữa. Nhưng lại được mời tới làm giáo sư trong Trường Quốc Gia Âm Nhạc ở đường Nguyễn Du, dạy môn NHAC NGỮ VIÊT NAM. Tôi vẫn không phải lo lắng về đời sống vật chất. Việc bán bản quyền tác phẩm của mình cho Ngọc Chánh ấn hành, thu thanh vào băng cassette và việc đi hát ở Đài Phát Thanh hay phòng trà cũng đủ để tôi nuôi vợ và năm đứa con. Thái Hiền vừa ra đời, vợ chồng tôi vui mừng hết sức. Sau khi có liên tục bốn đứa con trai, vì thèm con gái quá nên đã có lần vợ tôi mua quần áo con gái để cho con trai Hùng mặc. Vui lòng vì mới có con gái nhưng lại khổ tâm vì những vụ bãi khoá xẩy ra thường xuyên trong hai năm trời khiến cho mấy đứa con trai của chúng tôi phải bỏ bê học hành. Rồi tới tuổi quân dịch, ba đứa lớn phải bỏ học đi làm nghĩa vụ "chống Cộng", chỉ có Cường được theo đuổi học hành một cách đầy đủ hơn các anh. Tình hình náo loạn ở Saigon làm cho tôi không còn hứng thú đi chơi với người bạn nữ thi sĩ nữa. Nàng cũng đã rời mẹ để đi làm tại Biên Hoà. Tôi chỉ có thể thỉnh thoảng lái chiếc xe Hillman cũ kỹ đi thăm nàng. Trên xa lộ vừa mới được Hoa Kỳ làm xong, đi thăm người tình vào ban đêm, lắm khi có những trận mưa lũ làm tôi không nhìn thấy đường, may mà xa lộ lúc đó vắng tanh nên không xẩy ra tai nạn. Đây là lúc tôi có những tiếp xúc chặt chẽ với sinh viên. Nói về vai trò của sinh viên trước và sau cuộc Cách Mạng đánh đổ Ngô triều mà nhóm quân nhân tự nhận là có công, ta cần biết rằng vào cuối thời nhà Ngô, thành phần đấu tranh chính yếu là lực lượng tôn giáo, có sự đóng góp rất tính cực của sinh viên. Hai năm đầu cầm quyền của Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng là lúc xẩy ra nhiều xáo trộn trong giới trẻ, bởi vì có quá nhiều biến động và cứ mỗi lần biến động xẩy ra là nó lôi kéo sự tham dự hay phản kháng của sinh viên, học sinh. Cao điểm của phong trào sinh viên là vụ xé bản Hiến Chương Vũng Tầu, lật đổ Nguyễn Khánh. Sau đó, phong trào sinh viên chấm dứt, không tham gia trực tiếp vào những biến động lên xuống của các chính quyền nữa. Nhưng phong trào thanh niên nói chung không phải chấm dứt hẳn mà rẽ qua con đường khác, sau khi họ đã có non hai năm sống trong những biến động chính trị. Lúc đó, một số người trong phong trào thanh niên hiểu được sự giới hạn của đám trẻ. Nói một cách đẹp đẽ, họ chẳng qua chỉ là một thứ đơn vị tiền phong, còn nếu dùng danh từ khác thì họ là phương tiện của những phong trào quần chúng rộng lớn như tôn giáo, quân nhân, chính đảng. Biết vậy, cho nên thanh niên, sinh viên bớt chủ quan về sức mạnh của họ và họ muốn tìm những hoạt động thực tiễn hơn, lâu dài hơn, nghĩa là những hoạt động xã hội, văn hóa. Còn một động cơ thứ hai nữa khiến cho họ phải thay đổi là: chiến tranh lên cao nên sinh viên bị động viên. Số sinh viên đi lính càng nhiều thì hoạt động chính trị của sinh viên càng bị thu hẹp. Môi trường hoạt động trực tiếp bị giảm đi thì môi trường gián tiếp gia tăng, qua những hoạt động xã hội và văn hoá. Tình hình ở Việt Nam trong hai năm 63-65 còn là sự chia rẽ lớn lao với những cái trục người Nam-người Bắc, Công Giáo-Phật Giáo chưa kể cái trục dân sự-nhà binh. Rồi thêm cái trục sâu xa bên dưới nữa là quốc gia-cộng sản -- còn có của cái trục người già-người trẻ nữa -- cho nên ai cũng muốn đi tìm một mẫu số chung, ai cũng muốn mọi người ngồi lại với nhau với mong ước: Hãy là người Việt Nam đi đã. Ai cũng muốn đặt vấn đề Tổ Quốc, Đồng Bào, Con Người, Nhân Đạo lên trên. Vào lúc này, tôi còn nhận thấy tình hình âm nhạc nói chung có vẻ suy đồi với loại nhạc chỉ có tính cách biểu diễn cho mọi người ngồi nghe, dùng những ca sĩ mặt hoa da phấn với lời ca ngon ngọt để xoa dịu lòng người. Tôi bèn vác máy tape recorder có sẵn ampli, speaker hiệu AKAI (là loại tốt nhất lúc đó) và băng nhạc Con Đường Cái Quan tới sinh hoạt với sinh viên và thanh niên. Đây là lần đầu tiên giới trẻ được tham gia mạnh mẽ vào các cuộc ca hát. Khi chế độ cũ ra đi thì trong nước tương đối có tự do, sinh viên cũng như tất của mọi người bắt đầu có sự tự do sinh hoạt. Trước hết tuổi trẻ họp nhau lại, cùng hát chung những bản hùng ca cũ của ngày xưa. Bây giờ tôi đem tới cho họ bản trường ca Con Đường Cái Quan và cho in ronéo lời ca để phát cho các bạn trẻ, mời mọi người hát theo với ca sĩ trong băng nhạc. Dù sao thì những anh hùng ca hay bản trường ca này là những bài hát mà thanh niên đã biết tới rồi. Muốn lôi cuốn tuổi trẻ, tôi cần phải có cái gì mới để cung cấp cho họ. Như đã nói ở trên, trong tình trạng xáo động và chia rẽ của thời này, ai cũng muốn đi tìm mẫu số chung. Không cần tìm ở đâu xa xôi, tôi thấy ngay rằng: Mẫu số chung là Mẹ Việt Nam vậy. Muốn tìm lại tổ quốc, đồng bào, con người, nhân đạo, phải tìm đến Mẹ Việt Nam. Tôi bèn soạn trường ca ME VIÊT NAM. Sau khi thu thanh với giọng hát và với nhạc sĩ trong ban nhạc HOA XUÂN của tôi ở Đài Phát Thanh, tôi lại xách bộ máy AKAI đi phổ biến bản trường ca rất hợp thời này. Cũng nên nhắc lại sự ích lợi của kỹ thuật trong việc phổ biến âm nhạc vào thời này, nếu không có bộ máy AKAI, chưa chắc ME VIÊT NAM đã được nhiều người biết tới. Khi Bộ Chiêu Hồi in nhạc phẩm này ra, tôi có những lời mở đầu như sau: Nếu Con Đường Cái Quan là một hành ca ghi lại bước tiến của dân tộc ta trên một sinh lộ nhất quyết không chịu chia cắt thì ME VIÊT NAM là một âu ca, ca tụng Mẹ Tổ Quốc và những Mẹ điển hình trong truyền kỳ lịch sử nước nhà, đề tài và cảm hứng nhắm dựa vào Tình Thương Yêu và Tính Hiếu Hoà, tính tình này đã sinh tồn mạnh mẽ trên đất ta và phải được truyền đi trong thế giới tàn nhẫn hiện tại. Đây là một Trường Ca trong đó, lúc trẻ tuổi, ME VIÊT NAM được biểu tượng bằng ĐÂT MÂU tươi tốt, đa tình, nền tảng của gia đình, ruộng nương, làng nước. Khi đứng tuổi, ME hiện thân là NUI NON sắt đá, trong sự hi sinh ròng rã, vẫn bền bỉ đợi chờ và che chở người chinh phu chưa hết nợ đao binh. ME còn âm thầm xót thương lũ con SÔNG NGOI, có những đứa dại dột, hiếu thắng, phản bội ME vì sự tranh giành lẫn nhau, gây oán hận phân chia, làm nát tan lòng ME. Vào lúc tuổi già, ME trở thành BIÊN CA đại lượng bao dung, kêu gọi và ôm đón đàn con giang hồ, thành công hay thất bại. Nước mắt vui mừng của ME lúc gặp con bốc lên trời cao làm mây đầy đặn và ấm áp, bay đi rửa sạch địa cầu bằng ơn mưa móc, nối chặt chu kỳ trường ca ME VIÊT NAM. Mấy năm trứơc, vì Con Đường Cái Quan mang tính chất tả thực (réaliste) và được xây dựng trên âm giai LA MAJEUR nghĩa là với những nốt nhạc có dấu thăng (dièse). Tôi muốn MEVIÊT NAM mang tính chất tượng trưng (symbolique) nên bây giờ tôi dùng âm thể MIb với những nốt nhạc có dấu giảm (bémol). Tôi cũng làm cái trò đối thoại với huyền sử hay dã sử khi soi bóng người Thiếu Phụ Nam Xương trên bờ đê (hơn là trên tấm vách) và cho rằng sự hoá đá của Mẹ Việt Nam không do bởi Mẹ đứng đợi người tình. Mẹ hoá đá vì quá mong chờ ngày hạnh phúc của dân tộc. Tôi soạn trường ca này vào lúc mà nước Việt đang trong hoàn cảnh khốn khó nhất. Trong bất cứ giai đoạn gay go của một nước nào, người nghệ sĩ của nước đó thường cất cao tiếng nói của tâm thức dân tộc. Ở Việt Nam, vào thời gian mọi người sống trong chia rẽ, khinh thị và kinh hoàng, với trường ca này, tôi cho rằng chúng ta chỉ có thể được cứu rỗi bởi một Tình Yêu Chung, hướng về Mẹ Tổ Quốc. Trường Ca về ME được mọi người yêu mến vì ra đời đúng lúc. Rồi bởi cớ nước ta vẫn chưa ra khỏi số phận lạc loài, trường ca này lúc nào cũng có thể là bài hát hợp thời. Vào những năm cuối cùng của cuối thế kỷ, vẫn còn quá nhiều lũ con lạc lối đường xa, mà chưa hề có con nào nhớ Mẹ ta mà về... Đoạn kết của trường ca, đoản khúc VIÊT NAM VIÊT NAM là một bài ca hầu hết người Việt Nam thuộc lòng. Có những người yêu nó, muốn nó trở thành bài quốc ca. Tôi xin nhũn nhặn thưa rằng: một tác phẩm văn nghệ được tung ra quần chúng rồi là nótuột khỏi tầm tay của tác giả. Ai muốn dùng bài hát đó làm gì cũng được nhưng phải xin phép tác giả. Soạn xong và hát lên hai bài trường ca vào thập niên 50-60, vài chục năm sau, tôi rất lấy làm vui mừng vì những giấc mơ tôi vẽ ra trong hai tác phẩm đó đều đã được thực hiện: * Trong Con Đường Cái Quan, lữ khách mơ ước có ngày đường tan ranh giới để người được mãi mãi đi trong một duyên tình dài, trên con đường thế giới xa xôi, trong lòng dân chúng nơi nơi. * Trong ME VIÊT NAM, tôi ước mơ có ngày được đem ngọn lửa thiêng của Việt Nam đi soi toàn thế giới. Những giấc mơ đó đã thành sự thực. Hai triệu người Việt Nam đang có mặt trên gần 50 quốc gia trong hoàn cầu. * Đầu năm 1990, tôi hoàn tất một trường ca khác (mà tôi phải bỏ ra 15 năm để thai nghén, sáng tác và tu chỉnh): tổ khúc BÂY CHIM BO XƯ. Nửa phần đầu của Tổ Khúc này là một cơn ác mộng, nửa phần sau là một giấc mơ hồng. Giấc mơ cái tổ chim êm đềm (hay là tổ quốc cũng thế) đã có lúc bị vỡ tan khiến cho một bầy chim phải lìa tổ bay đi, đã tới lúc tất của loài chim phải đồng lòng với nhau để xây dựng lại tổ chim đó. Không biết giấc mơ này có thể trở thành sự thật như những giấc mơ trong hai bài trường ca trước hay không? ___________________________________________ (*) được gọi là nghệ thuật "thứ bẩy" vì ra đời sau văn chương, thi ca, âm nhạc, hội hoạ, điêu khắc và kiến trúc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét