LS Nguyễn Lệnh
Trước khi Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam ra đời năm 1946,
có gần 30 tổ chức có mục đích chính trị, hoạt động công khai hay bí mật tùy
theo đường lối, lập trường của tổ chức đó. Những tổ chức có mục đích chính trị
này (không phải là tổ chức có mục đích kinh tế, xã hội…) thường đặt tên cho
mình là hội, đảng, mặt trận, liên đoàn, liên minh, liên hiệp … Xin liệt kê tên
các liên minh và đảng phái chính trị Việt Nam vào thời kỳ trước khi có Hiến
pháp 1946 như sau: – Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội – Việt Nam Phục quốc Đồng
minh Hội – Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội – Việt Nam Quang phục Hội – Hội Việt
Nam Cách mạng Thanh niên – Hội Phục Việt – Đảng Lập hiến Đông Dương – Tân Việt
Cách mạng Đảng – Đảng Việt Nam Độc lập – Việt Nam Quốc dân Đảng – Đông Dương Cộng
sản Đảng – An Nam Cộng sản Đảng – Đảng Cộng sản Việt Nam – Việt Nam Quốc gia Độc
lập Đảng – Đại Việt Dân chính Đảng – Đại Việt Quốc dân Đảng – Đảng Dân chủ Đông
Dương – Việt Nam Cách mệnh Đảng – Đại Việt Quốc gia Xã hội Đảng – Đảng Xã hội
Việt Nam – Đại Việt Duy tân Cách mệnh Đảng – Đảng Dân chủ Việt Nam – Đông Dương
Cộng sản Liên đoàn – Việt Nam Dân chúng Liên đoàn – Mặt trận Quốc gia Thống nhất
– Mặt trận Quốc gia Liên hiệp – Đại Việt Quốc gia Liên minh …(*)
Như vậy, một “tổ chức chính trị” – tức là tổ chức có mục đích
chính trị, trước năm 1946 có thể mang những tên khác nhau như: Đảng, Hội, Mặt
trận, Liên đoàn, Liên minh, Liện hiệp … và để xác định xem hiện nay đã có đủ
căn cứ pháp lý hay chưa cho việc thành lập một đảng khác ngoài Đảng Cộng sản Việt
Nam chúng ta cần phải xem xét một cách đầy đủ các văn bản pháp luật đã được ban
hành từ trước đến nay và còn hiệu lực về vấn đề này như sau:
1/ Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày
9/11/1946:
Hiến pháp 1946 quy định tại Điều 10: “Công dân Việt Nam có quyền:
-Tự do ngôn luận – Tự do xuất bản – Tự do tổ chức và hội họp – Tự do tín ngưỡng
– Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài.”
Vì lúc bấy giờ chưa có Luật để giải thích “quyền tự do tổ chức”
trong Hiến pháp 1946 là như thế nào nhưng có thể hiểu là: quyền tự do thành lập
và tham gia những tổ chức hoạt động có mục đích chính trị, xã hội, kinh tế, nghề
nghiệp … Hiến pháp 1946 không có một dòng chữ nào đề cập đến vai trò của bất cứ
tổ chức chính trị nào đang hoạt động kể cả Đảng Cộng sản Việt Nam.
2/ Hiệp định Genève 1954 phân chia nước Việt Nam thành 2 quốc
gia với 2 chính thể khác nhau:
- Ở miền Nam: Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa (1954 – 1975) tiếp tục
áp dụng chế độ đa đảng trong 21 năm. Có tổng cộng 8 tổ chức chính trị, hợp pháp
lẫn không hợp pháp là: – Đảng Dân chủ Nam Việt Nam – Đảng Cần lao Nhân vị – Đảng
Dân chủ Xã hội Việt Nam – Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam – Đại
Việt Quốc dân Đảng – Đại Việt Cách mạng Đảng – Liên minh các Lực lượng Dân tộc,
Dân chủ và Hòa bình Việt Nam – Đảng Nhân dân Cách mạng Việt Nam (*).
- Ở miền Bắc: Quốc gia Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn tiếp tục
duy trì chế độ đa đảng cho đến khi ban hành Luật quy định quyền lập hội năm
1957, trong đó có quy định về việc “phải xin phép lại” đã làm giảm rất nhiều
các tổ chức chính trị thành lập trước ngày ban hành luật này.
3/ Sắc lệnh Luật số 102-SL/L-004 ngày 20/5/1957 Quy định quyền lập
hội:
“Quyền lập hội” là thuật ngữ được Luật ngày 20/5/1957 này sử dụng
chính thức thay cho “Quyền tổ chức” trong Hiến pháp 1946 với những điều quy định
quan trọng như sau:
- Điều 1: “Quyền lập hội của nhân dân được tôn trọng và bảo đảm.
Lập hội phải có mục đích chính đáng, phù hợp với lợi ích nhân dân, có tác dụng
đoàn kết nhân dân, để góp phần xây dựng chế độ dân chủ nhân dân của nước ta”.
Quy định tại Điều 1 này không giới hạn lĩnh vực hoạt động của hội:
chính trị, xã hội, nghề nghiệp …, miễn là “mục đích” phải “chính đáng, phù hợp
với lọi ích nhân dân …”. Tuy nhiên, “quyền tự do tổ chức” tại Điều 10 Hiến pháp
1946 đã bị thu hẹp rất nhiều bởi các quy định tại Điều 3 và 4 về việc “lập hội
phải xin phép” đối với hội mới và “phải xin phép lại” đối với hội cũ.
- Điều 3: “Để bảo đảm việc lập hội có mục đích chính đáng, bảo vệ
và củng cố chế độ dân chủ nhân dân, lập hội phải xin phép. Thể lệ lập hội sẽ do
Chính phủ quy định.”
Với quy định của Điều 3 này, những ai muốn lập hội mới đã phải
chờ đến 46 năm thì Chính phủ mới ban hành thể lệ lập hội (30/7/2003).
- Điều 4: “Những hội đã thành lập trước ngày ban hành luật này
và đã hoạt động trong vùng tạm chiếm trong thời kỳ kháng chiến, nay muốn tiếp tục
hoạt động, đều phải xin phép lại.”
Với quy định tại Điều 4 này, hầu hết những tổ chức chính trị cũ
đều không vượt qua được cửa quyền “cấp phép lại” này của Chính phủ.
- Điều 9: “Các đoàn thể dân chủ và các đoàn thể nhân dân đã tham
gia Mặt trận dân tộc thống nhất trong thời kỳ kháng chiến, được Quốc hội và
Chính phủ công nhận, không thuộc phạm vi quy định của luật này.”
Với quy định của Điều 9 này là nhằm dành quyền “không phải xin
phép lại” cho những tổ chức chính trị đã tham gia Mặt trận dân tộc thống nhất.
Mặt trận dân tộc thống nhất (1930 – 1945) do Đảng Cộng sản Việt
Nam chủ xướng hình thành và là thành viên tích cực với vai trò lãnh đạo.
- Điều 10: “Các hội có mục đích kinh tế không thuộc phạm vi quy
định của luật này.”
Với quy định của Điều 10 này có thể tạm định nghĩa hội theo Luật
năm 1957 là những tổ chức hoạt động có các mục đích chính trị, xã hội, nghề
nghiệp…nhưng không có mục đích kinh tế (vì lợi nhuận) và phải được Chính phủ cấp
phép hoạt động.
Trên thực tế, từ ngày Luật quy định quyền lập hội được ban hành
năm 1957 đến ngày Việt Nam thống nhất năm 1975, chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa vẫn duy trì chế độ đa đảng nhưng chỉ còn lại 3 tổ chức chính trị. Đó là: Đảng
Cộng sản Việt Nam, Đảng Xã hội Việt Nam và Đảng Dân chủ Việt Nam.
Có thể nhận thấy Luật quy định quyền lập hội năm 1957 này đã quy
định rất thoáng về điều kiện thành lập hội: Chỉ cần “có mục đích chính đáng,
phù hợp với lợi ích nhân dân, có tác dụng đoàn kết nhân dân, để góp phần xây dựng
chế độ dân chủ nhân dân của nước ta”. Nhưng cũng với quy định về việc “phải xin
phép lại” đối với hội đã thành lập và “lập hội phải xin phép” đối với hội mới –
mà Chính phủ lại không ban hành “thể lệ lập hội” mới, nên đến năm 1975 chỉ còn
lại có 3 đảng hoạt động hợp pháp nói trên.
4/ Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 31/12/1959:
Hiến pháp 1959 có nói đến vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam từ
năm 1930 ở phần Lời nói đầu.
Quyền lập hội được quy định tại Điều 25 của Hiến pháp: “Công dân
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp,
lập hội và biểu tình. Nhà nước đảm bảo những điều kiện vật chất cần thiết để
công dân được hưởng các quyền đó.”
Như vậy là cả Hiến pháp 1959 và Luật quy định quyền lập hội 1957
đều thừa nhận chế độ đa đảng.
5/ Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày
18/12/1980:
Điều 4 Hiến pháp 1980 quy định rằng: “Đảng cộng sản Việt Nam, đội
tiên phong và bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân Việt Nam, được vũ
trang bằng học thuyết Mác – Lênin, là lực lượng duy nhất lãnh đạo đất nước,
lãnh đạo xã hội; là nhân tố chủ yếu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt
Nam. Các tồ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp”.
Điều 67: “Công dân có các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí,
tự do hội họp, tự do lập lhội, tự do biểu tình, phù hợp với lợi ích của chủ
nghĩa xã hội và của nhân dân…”
Chính 2 từ “duy nhất” trong Điều 4 này đã tạo nên chế độ “độc đảng”.
Đảng Xã hội và đảng Dân chủ phải “tự giải thể” vào năm 1988. Còn lại duy nhất Đảng
Cộng sản Việt Nam.
6/ Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày
15/4/1992:
Điều 2: “Nhà nước CHXHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của
nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân…”
Nhà nước pháp quyền với định nghĩa căn bản nhất là không có ai ở
trên luật hay mọi người phải tuân theo pháp luật.
Điều 4: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp
công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân
dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí
Minh, là lực lượng (bỏ 2 từ duy nhất) lãnh đạo nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức
của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.”
Trong Điều 4 này đã bỏ đi 2 từ duy nhất. Điều này có nghĩa là Hiến
pháp 1992 đã hủy bỏ chế độ độc đảng mà Hiến pháp 1980 đã quy định dành cho Đảng
Công sản Việt Nam và khiến cho 2 đảng Xã hội và đảng Dân chủ phải tự giải thể
năm 1988.
Điều 4 này cũng bổ sung thêm 2 từ “pháp luật” trong cụm từ
“khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” nhằm tăng cường giám sát hoạt động của Đảng
CSVN bằng pháp luật cho phù hợp với Điều 2 và làm giảm quyền hành quá lớn của Đảng
CSVN theo Hiến pháp 1980.
7/ Tại sao Hiến pháp 1992 đã hủy bỏ chế độ độc đảng ?
Theo tôi, về mặt pháp lý, Hiến pháp 1992 phải sửa đổi, bỏ đi 2 từ
“duy nhất” trong Điều 4 của Hiến pháp 1980, mặc nhiên hủy bỏ chế độ độc đảng
dành cho Đảng CSVN là vì 2 lý do sau:
- Đã có mâu thuẫn pháp lý ngay trong 2 điều của bản Hiến pháp
năm 1980, đó là Điều 4 và Điều 67. Một khi Hiến pháp đã quy định là “Công dân
có quyền tự do lập hội” – trong hội có bao gồm cả đảng, thì làm sao có thể chỉ
có một đảng “duy nhất” được. Sự sai lầm của HIến pháp 1980 đã được Hiến pháp
1992 sửa sai.
- Ngày 24/9/1982 Việt Nam đã gia nhập “Công ước quốc tế về các
quyền dân sự và chính trị -1966″ nên phải thực hiện cam kết của mình bằng cách
hủy bỏ 2 từ “duy nhất” trong Điều 4 Hiến pháp 1980 nhằm thực hiện các quyền và
tự do của con người theo Hiến chương Liên Hợp Quốc, trong đó có quyền tự do lập
hội. Xin trích Điều 2 khoản 2 của Công ước quốc tế này như sau: “Trong trường hợp
quy định trên đây chưa được thể hiên bằng các biện pháp lập pháp hoặc các biện
pháp khác, thì mỗi quốc gia thành viên Công ước cam kết sẽ tiến hành các bước cần
thiết, phù hợp với trình tự pháp luật nước mình và những quy định của Công ước
này, để ban hành pháp luật và những biện pháp cần thiết khác nhằm thực hiện các
quyền được công nhận trong Công ước này” .
8/ Bộ luật dân sự đầu tiên năm 1995:
Bộ luật dân sự năm 1995 là văn bản pháp luật đầu tiên quy định về
pháp nhân. Bên cạnh các quy định về điều kiện để được công nhận là pháp nhân
(Điều 94) và pháp nhân được thành lập theo sáng kiến cá nhân, tổ chức hay theo
quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Điều 95) thì quy định của BLDS về
các loại pháp nhân tại Điều 110 là rất đáng chú ý:
“Điều 110. Các loại pháp nhân:
1. Pháp nhân bao gồm các loại sau đây:
a/ Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang;
b/ Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội;
c/ Tổ chức kinh tế;
d/ Tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp;
đ/ Quỹ xã hội, quỹ từ thiện;
e/ Các tổ chức khác có đủ điều kiện quy định tại Điều 94 của Bộ
luật này.
2. Quy chế tổ chức và hoạt động của các loại pháp nhân do pháp
luật quy định tùy thuộc vào mục đích hoạt động của mỗi loại pháp nhân.” Căn cứ
vào Điều 110 này của BLDS năm 1995 và căn cứ vào Điều 1 và Điều 10 của Luật quy
định quyền lập hội năm 1957 thì có 6 loại pháp nhân sau đây thuộc phạm vi điều
chỉnh của Luật quy định quyền lập hội năm 1957. Đó là: 1. Tổ chức chính trị,
2.Tổ chức chính tri – xã hội, 3.Tổ chức xã hội, 4.Tổ chức xã hội-nghề nghiệp,
5.Quỹ xã hội, 6.Quỹ từ thiện.
Như vậy, một pháp nhân được xác định là tổ chức chính trị khi có
mục đích hoạt động chính trị. Đảng là một tổ chức chính trị có tư cách pháp
nhân theo quy định của BLDS. Đảng là 1 trong 6 loại pháp nhân thuộc phạm vi điều
chỉnh của Luật quy định quyền lập hội năm 1957.
Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam có ghi: “Mục đích của Đảng là xây
dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh,
không còn người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối
cùng là chủ nghĩa cộng sản.”
“Mục đích hoạt động” chính là nội dung cơ bản để phân biệt các
loại pháp nhân được Luật quy định quyền lập hội năm 1957 điều chỉnh.
9/ Nghị định của Chính phủ số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 quy định
về tổ chức, hoạt động và quản lý hội:
Nghị định này căn cứ Sắc lệnh số 102/SL-L004 ngày 20/5/1957 ban
hành Luật quy định quyền lập hội.
Nghị định này chính là “thể lệ lập hội” mà Luật quy định quyền lập
hội năm 1957 có quy định tại Điều 3 là “sẽ do Chính phủ quy định”. Một từ “sẽ”
trong Luật quy định quyền lập hội 1957 lại bị Chính phủ kéo dài đến 46 năm (!).
Nghị định này của Chính phủ đã đưa ra một định nghĩa “khó hiểu”
về hội tại Điều 2. Thậm chí, có thể nói là Nghị định đã bóp méo, đã làm sai lệch
hoàn toàn ý nghĩa so với định nghĩa rất thoáng tại Điều 1 của Luật quy định quyền
lập hội 1957. Xin trích dẫn Điều 2 của Nghị định:
“Điều 2. Hội 1.
Hội được quy định trong Nghị định này được hiểu là tổ chức tự
nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới,
có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ
lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên; hổ trợ nhau hoạt động có
hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, được tổ
chức và hoạt động theo Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có
liên quan.
2. Hội có các tên gọi khác nhau: liên hiệp hội, tổng hội, liên
đoàn, hiệp hội, câu lạc bộ có tư cách pháp nhân và các tên gọi khác theo quy định
của pháp luật (sau đây gọi chung là hội)” .
Sự “khó hiểu” trong Nghị định chính là : – Điều 1 Luật quy định
quyền lập hội 1957: “Lập hội phải có mục đích chính đáng, phù hợp với lợi ích
nhân dân, có tác dụng đoàn kết nhân dân, để góp phần xây dựng chế độ dân chủ
nhân dân của nước ta” .
“Mục đích” trong Điều 1 Luật quy định quyền lập hội năm 1957 đã
bị diễn giải hoàn toàn khác hẳn trong Điều 2 Nghị định Chính phủ năm 2003.
- Điều 110 Bộ luật dân sự 1995 khi phân loại các pháp nhân cũng
quy định tại khoản 2 rằng: “Quy chế tổ chức và hoạt động của các loại pháp nhân
do pháp luật quy định và tùy thuộc vào mục đích hoạt động của mỗi loại pháp
nhân”.
“Mục đích hoạt động” bao gồm: chính trị, xã hội, kinh tế, nghề
nghiệp. Đó là tiêu chuẩn để phân loại tổ chức là pháp nhân theo BLDS.
Còn khoản 2 của Điều 2 Nghị định này lại cố ý chỉ định một số
tên gọi như là hội, liên hiệp hội, tổng hội, liên đoàn, hiệp hội, câu lạc bộ nhằm
loại khỏi Nghị định tên gọi đảng là tổ chức chính trị thường được sử dụng mà
chính Luật quy định quyền lập hội 1957 đã bao gồm trong đó. Điều quy định này của
Nghị định là “khó hiểu” và trái với nội dung thể hiện trong Luật quy định quyền
lập hội 1957.
Tuy nhiên, Nghị định này lại công nhận các “tổ chức chính trị –
xã hội, tổ chức chính trị – xã hội nghề nghiệp” cũng là hội, tại khoản 2 Điều
4.
Trong hệ cấp các văn bản pháp luật thì Luật cao hơn Nghị định.
Vì vậy, những điểm nào trong Nghị định không rõ ràng hoặc trái với Luật thì sẽ
áp dụng quy định trong Luật.
Như vậy, Nghị định Chính phủ số 88/2003NĐ-CP ngày 30/7/2003 quy
định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội đã ban hành “thể lệ lập hội” căn cứ
vào Luật quy định quyền lập hội năm 1957. Mà Luật quy định quyền lập hội năm
1957 lại tôn trọng và bảo đảm quyền lập hội của nhân dân. Người dân có quyền tự
do lập hội, miễn là lập hội phải có mục đích chính đáng, phù hợp với lợi ích
nhân dân, có tác dụng đoàn kết nhân dân, để góp phần xây dựng chế độ dân chủ
nhân dân của nước ta như đã quy định tại Điều 1 của Luật này. Vì vậy, Điều 1 của
Luật quy định quyền lập hội 1957 được áp dụng thay vì áp dụng Điều 2 Nghị định
Chính phủ 2003.
10/ Các căn cứ pháp lý để thành lập một đảng khác ngoài Đảng Cộng
sản Việt Nam:
Như trình bày nêu trên, đã có đủ căn cứ pháp lý để thành lập một
đảng khác ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam. Các căn cứ đó là:
- Các bản Hiến pháp năm 1946, năm 1959, năm 1980, năm 1992 (sửa
đổi bổ sung 2001) đều quy định quyền tự do lập hội của công dân.
- Sắc lệnh Luật số 102-SL/L-004 ngày 20/5/1957 quy định quyền lập
hội trong đó có tổ chức đảng. Luật này quy định rõ rằng: “Quyền lập hội của
nhân dân được tôn trọng và bảo đảm. Lập hội phải có mục đích chính đáng, phù hợp
với lợi ích nhân dân, có tác dụng đoàn kết nhân dân, để góp phần xây dựng chế độ
dân chủ nhân dân của nước ta”. Mọi quy định trong văn bản dưới luật của Chính
phủ khi ban hành “thể lệ lập hội” trái với Luật này đều bị coi là vi phạm Luật
và bị hủy bỏ.
- Bộ luật dân sự năm 1995 đã phân ra 9 loại pháp nhân, trong đó
có 6 loại pháp nhân được điều chỉnh bởi Luật quy định quyền lập hội là: – Tổ chức
chính tri, Tổ chức chính trị – xã hội, Tổ chức xã hội, Tổ chức xã hội – nghề
nghiệp, Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện. Bộ luật dân sự năm 2005 có bổ sung thêm một
loại pháp nhân nằm trong hội nữa là: Tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp.
- Nghị định của Chính phủ số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 quy định
về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Nghị định này căn cứ vào Luật quy định
quyền lập hội 1957 để ban hành “thể lệ lập hội”. Nghị định này được thay thế bởi
Nghị định Chính phủ số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 với chút ít điều chỉnh, bổ
sung.
- Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị 1966 mà nước
Việt Nam gia nhập ngày 24/9/1982, cam kết thực hiện các quyền được công nhận
trong Công ước này. Khoản 1 Điều 22 Công ước này quy định: “Mọi người có quyền
tự do lập hội với những người khác, kể cả quyền lập và gia nhập các công đòan để
bảo vệ lợi ích của mình”.
- Đặc biệt là quy định tại Điều 4 Hiến pháp 1980 rằng “Đảng CSVN
… là lực lượng duy nhất lãnh đạo đất nước, lãnh đạo xã hội…” đã bị Hiến pháp
năm 1992 hủy bỏ 2 từ “duy nhất” tại Điều 4. Tức là Hiến pháp 1992 đã không thừa
nhận chế độ “độc đảng” của Đảng Cộng sản VN trong Hiến pháp 1980.
Với những những điều trình bày trên cho thấy hệ thống pháp luật
Việt Nam và Công ước quốc tế mà VN tham gia đã có đủ căn cứ pháp lý để công dân
Việt nam thành lập một đảng khác ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là ý kiến cá
nhân. Tôi mong có một hội thảo chính thức về vấn đề pháp lý này để mọi công dân
Việt Nam được hiểu rõ hơn về một quyền chính trị rất quan trọng của mình.
———
(*) Theo Wikipedia tiếng Việt
Nguồn: Ba Sàm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét