Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

SƠ LƯỢC VỀ VỤ ÁN CHỐNG ĐẢNG

Vụ án Xét lại Chống Đảng có tên chính thức là "Vụ án Tổ chức chống Ðảng, chống Nhà nước ta, đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại và làm tình báo cho nước ngoài" do Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Công an Trần Quốc Hoàn trực tiếp chỉ đạo,là vụ bắt giam lâu năm không xét xử nhiều nhân vật quan trọng trong nội bộ Đảng và bộ máy chính quyền tại miền bắc Việt Nam từ năm 1967 và lần lượt thả từ năm 1973, với cáo buộc là đi theo Chủ nghĩa Xét lại.
Vào tháng 9 năm 1953, Khrushchyov được bầu làm bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Tại đại hội lần thứ 20 Đảng Cộng sản Liên Xô, ông đã đọc báo cáo về sự sùng bái cá nhân của I.V. Stalin. Ông chủ trương chung sống hòa bình với thế giới Tư bản ("Các nước không cùng lập trường chính trị có thể sống chung"). Đường lối của Khrushchyov bị Trung Quốc, dưới thời Mao Trạch Đông, chống lại và gọi là "Chủ nghĩa Xét lại".
Tại Việt Nam, những người cộng sản phân hóa thành hai nhóm, một nhóm chấp nhận chính sách xét lại của Khrushchev (chủ trương sống hòa bình với Việt Nam Cộng hòa), không muốn phát động chiến tranh vũ trang giải phóng miền Nam ngay, mà cho rằng phải xây dựng nền tảng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc trước khi nghĩ đến đấu tranh vũ trang ở miền Nam. Trong giai đoạn 1954-1959, Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp ủng hộ ý kiến này, vì cơ hội thi hành Hiệp định Genève vẫn còn. Họ hi vọng có thể thống nhất hòa bình như Hiệp định Genève quy định, trong khi nếu phát động đấu tranh vũ trang sẽ khiến Hoa Kỳ nhảy vào trực tiếp tham chiến, khi đó chẳng những sẽ thất bại mà còn làm mất lòng Liên Xô. Nhóm kia ủng hộ quan điểm của Trung Quốc, muốn theo đuổi chính sách cứng rắn của Mao Trạch Đông (tổ chức ngay chiến tranh giải phóng miền Nam). Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã từng phát biểu chỉ trích Liên Xô và nhóm "chủ hòa" rằng:“Chúng tôi không ảo tưởng và không đánh giá thấp Mỹ, có điều chúng tôi không sợ. Nếu ai đó cứ cho rằng kiên quyết chống Mỹ là sẽ thất bại và dẫn đến chiến tranh hạt nhân, thì chỉ còn có cách đầu hàng chủ nghĩa đế quốc”. Trong hồi ký “Tử tù tự xử lí” của Trần Thư, ông mô tả không khí lúc bấy giờ là “tâm lý chủ chiến bao trùm xã hội miền Bắc” và “nếu có ai chủ trương chung sống hòa bình và thi đua hòa bình giữa hai miền thì cũng chẳng dám nói ra.”
Đến năm 1960, Hiệp định Genève chắc chắn không còn có thể được thi hành. Hội nghị Trung Ương lần thứ 9 tháng 12 năm 1963 cuối cùng đã dẫn đến thỏa hiệp, chính thức thừa nhận đấu tranh vũ trang là hình thức đấu tranh chủ yếu, kêu gọi các lực lượng cách mạng miền Nam tìm cách giành thắng lợi trong thời gian ngắn nhất, nhưng không đưa quân chủ lực từ miền Bắc vào chi viện để không tạo cớ cho Mỹ nhảy vào.
Diễn biến
Tháng 9 năm 1963, ông Lê Đức Thọ, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, đăng một bài báo trên Báo Nhân Dân nói rằng một số đảng viên bị ảnh hưởng của "chủ nghĩa xét lại" vì thế nghi ngờ chiến lược thống nhất đất nước của đảng.
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ IX, các ông Lê Duẩn, Lê Đức Thọ và Phạm Hùng đã phê phán chủ trương chung sống hòa bình và hội nghị kết thúc với nghị quyết xác định lập trường đứng về phía Trung Quốc lên án "chủ nghĩa xét lại Khrushchyov", đẩy mạnh công cuộc đấu tranh bằng vũ lực ở miền Nam.
Sau Hội nghị Trung ương lần thứ IX, nhóm do ông Lê Duẩn đứng đầu tăng cường phê phán "chủ nghĩa xét lại hiện đại". Lê Đức Thọ cho đăng loạt bài "Tăng cường mặt trận tư tưởng để củng cố Đảng" nói rằng một thiểu số trong đảng không đi theo đường lối đã vạch ra và thông báo các đảng viên sẽ phải dự các lớp học tập và chỉnh huấn để thấm nhuần nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ IX.
Những bất đồng của hai nhóm trong nội bộ đảng không dừng lại ở năm 1963-64 mà kết thúc bằng đợt bắt giữ nhóm thân Liên Xô vào năm 1967.
Những nhân vật trong vụ án
Nghiên cứu gần đây nhất về sự kiện này, được Sophie Quinn-Judge công bố trên tạp chí Journal of Cold War History tháng 11 năm 2005, ước lượng trong Vụ án Xét lại Chống Đảng, khoảng 300 người bị bắt trong đó có 30 nhân vật cao cấp.
Những nhân vật bị bắt: gồm những nhân vật lão thành trong đảng, nhiều vị tướng cùng một số những nhà nghiên cứu và nhà báo như: Viện trưởng Viện Triết học Mác-Lênin Hoàng Minh Chính (bị bắt ngày 27-7-1967); Vụ trưởng Lễ tân Bộ Ngoaị giao Vũ Đình Huỳnh (bị bắt ngày 18-10-1967); Cục trưởng Cục 2 (Cục Tình báo quân đội) đại tá Lê Trọng Nghĩa ; Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng Đại tá Lê Minh Nghĩa; Cục trưởng Cục Tác chiến Đại tá Đỗ Đức Kiên ; Tổng Biên tập báo Quân đội Nhân dân Hoàng Thế Dũng; phó giám đốc nhà xuất bản Sự thật, nguyên tỉnh Ủy viên tỉnh Ủy Quảng Bình Nguyễn Kiến Giang; giám đốc nhà xuất bản Sự thật Minh Tranh[10]; phó bí thư thành ủy Hà Nội kiêm Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội Trần Minh Việt; phó tổng biên tập báo Hà Nội Mới Phạm Hữu Viết; phó tổng biên tập tạp chí Học Tập Phạm Kỳ Vân; Tổng thư kí toà báo Quân Đội Nhân Dân Trần Thư[13]; nhà báoVũ Thư Hiên... 
Những nhân vật không bị bắt nhưng bị khai trừ đảng: Ngoại trưởng Ung Văn Khiêm, thứ trưởng bộ văn hóa Lê Liêm; thiếu tướng Đặng Kim Giang(Theo Vũ Thư Hiên, ông này cũng bị bắt giam ở Hoả lò) ; thứ trưởng bộ quốc phòng Nguyễn Văn Vịnh; phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học nhà nước Bùi Công Trừng

Những nhân vật xin tị nạn tại Liên Xô: có khoảng 40 người lúc đó đang đi học hay đi công tác ở Liên Xô đã xin ở lại như Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội Nguyễn Minh Cần; Chính uỷ sư đoàn 308, Phó chính uỷ Quân khu khu III đại tá Lê Vinh Quốc; nguyên Tổng biên tập Báo Quân đội Nhân dân thượng tá Ðỗ Văn Doãn.
Hoàng Minh Chính và Vụ án Xét lại Chống Đảng. 
Ở cương vị Viện trưởng Viện Triết học, Hiệu phó trường đảng Nguyễn Ái Quốc, một trong những lý thuyết gia của đảng, ông Hoàng Minh Chính được Trường Chinh giao nhiệm vụ soạn thảo bản Báo cáo chính trị của Hội nghị TW9. Hoàng Minh Chính đã chọn lập trường Khrushchev và viết một bản báo cáo chính trị chủ trương sống chung hòa bình (với Miền Nam Việt Nam). 
Bản báo cáo ông Hoàng Minh Chính bị bác bỏ, nhưng ông đã tự ý phân phát bài viết mang tựa đề “Về chủ nghĩa giáo điều ở Việt Nam” cho một số đại biểu tham dự hội nghị. Một số các đại biểu đã hưởng ứng lập trường này như Bùi Công Trừng, Lê Liêm, Ung Văn Khiêm. Chính vì thế ông Hoàng Minh Chính bị coi là người đứng đầu nhóm Xét lại Chống Đảng.
Nguyên nhân của vụ án 
Nguyên nhân của vụ án đến nay vẫn chưa rõ ràng. Nhiều nhân vật bị bắt trong thời kỳ này cho rằng nguyên nhân của Vụ án Xét lại Chống Đảng là vì Lê Duẩn và Lê Đức Thọ muốn dùng "hiểm họa xét lại" để hạ bệ tướng Võ Nguyên Giáp. Đồng quan điểm này trong bài "Revisionism in Vietnam" (1995), Judith Stowe cũng nói ông Võ Nguyên Giáp "là đối tượng chính của chiến dịch bài trừ khuynh hướng xét lại." Pierre Asselin, trong tiểu luận “Lê Duẩn, the American War, and the Creation of an Independent Vietnamese State” nói rõ thêm rằng "do quá nguy hiểm nếu công kích cá nhân ông Giáp, nên ông Lê Duẩn nhắm đến đội ngũ ủng hộ vị tướng, đặc biệt những người thân cận và trung thành nhất trong hàng ngũ cấp cao của Đảng và chính phủ."
Tuy nhiên Sophie Quinn Judge lại cho rằng Vụ án Xét lại Chống Đảng thể hiện một cuộc đấu tranh tư tưởng, chứ không chỉ đơn thuần mang tính đấu đá cá nhân. 

“Đó là cuộc cạnh tranh giữa [một bên là nguyện vọng] thống nhất dân tộc (trong khuôn khổ liên minh yêu nước), phát triển khoa học và tiến bộ kĩ thuật với [phía bên kia là] khát vọng cách mạng của quần chúng và sức mạnh biến đổi của cách mạng bạo lực. Nhóm thứ nhất dựa trên quan điểm rằng trí thức có vai trò quan trọng trong xã hội cộng sản, trong khi nhóm kia đặt giá trị cộng sản lên trên tri thức.”
Nhóm bị cho là xét lại phần lớn là những nhà lý luận được đào tạo ở Liên Xô, họ tin vào Liên Xô hơn là tin vào khả năng chiến thắng khi đối đầu với Mỹ nên muốn một giải pháp hòa hoãn. Ngược lại, những nhân vật ủng hộ quan điểm Trung Quốc như Lê Duẩn, Lê Đức Thọ hay Nguyễn Chí Thanh phần lớn là những nhà cách mạng người miền Nam, họ nắm rõ thực tế cách mạng miền Nam, và cho rằng những đồng đội còn ở lại miền Nam của mình bị đàn áp nên không chấp nhận tư tưởng chủ hòa, bởi như vậy là bỏ mặc đồng đội. 
Hơn nữa sự bất đồng giữa 2 nhóm không sâu sắc như các nhà sử học phương Tây mô tả. Nhóm người bị bắt chỉ chiếm một bộ phận nhỏ trong bộ máy chính quyền và quân đội. Bản thân tướng Võ Nguyên Giáp (người bị xem là "mục tiêu hạ bệ" [cần dẫn nguồn]) thực tế vẫn được Lê Duẩn bầu giữ chức vụ chủ tịch Quân ủy Trung ương và tham gia và mọi quyết định lớn. Trong hồi ký ông cũng phủ nhận việc có bất đồng với Lê Duẩn, bản thân ông cũng ủng hộ quan điểm đấu tranh vũ trang giải phóng miền Nam. Ngoài ra, những nhà lãnh đạo Việt Nam chỉ ủng hộ quan điểm đấu tranh vũ trang của Trung Quốc, còn những vấn đề khác họ vẫn ủng hộ Liên Xô. Bởi thực tế họ cũng đã từ chối đề nghị của phó thủ tướng Đặng Tiểu Bình sẽ giúp đỡ mạnh mẽ hơn nữa nếu Việt Nam chấm dứt quan hệ với Liên Xô. Báo chí Việt Nam cũng bóng gió nói về "sự đe dọa từ phía Bắc" từ thời phong kiến. Trong một bài phát biểu tháng 5-1966, Lê Duẩn đã phản bác quan điểm của Trung Quốc, bảo vệ quyền được quan hệ với Liên Xô và đề nghị thái độ hòa giải với “các nước xét lại”.
Nhận định 
Tướng Đồng Sỹ Nguyên, uỷ viên Bộ Chính trị Khoá VI, nói: vụ "chống Đảng năm 1967 là một vụ án được dựng lên".
Trong bức thư gửi Ban chấp hành Trung ương Ðảng cộng sản Việt Nam khóa VII, ngày 18 tháng 7 năm 1995, ông Lê Hồng Hà, nguyên Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ tổng hợp Bộ Nội vụ viết về Vụ án Xét lại Chống Đảng:
"Có thể nói, sau những sai lầm, oan trái rộng rãi trong Cải cách ruộng đất và Chỉnh đốn tổ chức (1956), thì đây là vụ án oan sai lớn nhất trong lịch sử Ðảng ta, xét về quy mô, tính chất. Và, có thể nói không ngoa, đây là vụ án oan sai lớn nhất trong hàng ngũ những người yêu nước Việt Nam của thế kỷ XX".
Trả lời BBC về việc được cho là sai lầm của đảng trong Vụ án Xét lại Chống Đảng, Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết:
"Năm 1993 và 1994, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn kết luận sai phạm của những người trong nhóm đó là hoàn toàn đúng sự thật và phải xử lý như vậy thôi,"
Ông Nguyễn Kiến Giang nguyên Phó giám đốc Nhà xuất bản Sự thật, nguyên tỉnh ủy viên tỉnh Quảng Bình, người bị bắt giam 6 năm và quản chế 3 năm nói: “Cho đến bây giờ tôi cũng không biết là tôi có tội gì nữa cơ. Nghe người ta bảo là tôi phản động, tay sai nước ngoài, thì cũng nghe nói thế thôi, chứ còn trên thực tế từ giam ở xà lim mấy năm, thêm mấy năm quản chế, khoảng gần 10 năm. Khi tôi trở về Hà Nội với tư cách là một người công dân thì tôi cũng không biết là tôi có tội gì. Cho tới nay cũng không ai nói với tôi là tôi có tội gì nữa ”.
Năm 1981, Hoàng Minh Chính làm đơn kiện vụ bắt giam này và đòi giải oan cho những người bị bắt trong Vụ án Xét lại Chống Đảng. Kết quả là ông bị bắt giam sáu năm và ba năm quản chế.
"Đêm Giữa Ban Ngày" là cuốn hồi ký được nhà văn Vũ Thư Hiên viết sau 9 năm bị giam cầm không xét xử do hệ lụy từ Vụ án Xét lại Chống Đảng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét