Phạm Trần – Đả Đảo Cộng Sản - Đảng và Nhà nước Cộng sản
Việt Nam đã tự tay bóp cò súng vào đầu khi mở tiệc liên hoan mừng “chiến thắng
Mậu Thân 50 năm” mà mồm vẫn bô bô kêu gọi người Việt bỏ nước ra đi từ sau
30/04/1975 hãy “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai vì mục
tiêu phát triển chung của cả dân tộc".
Đây là một bằng chứng nữa chứng minh người
Cộng sản luôn luôn nói một đảng làm một nẻo và lươn lẹo có truyền thống.
Họ cũng đã quên lời nói của nguyên Thủ tướng
Võ Văn Kiệt năm 2005 vào dịp kỷ niệm 30 năm kết thúc chiến tranh: "Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam rơi vào
hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng
tôi cũng như vậy. Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có
hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương
chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm nó thêm rỉ
máu." (Phỏng vấn của báo Quốc tế số ra ngày 31/3/2005)
Vậy thì khi có những cái đầu Lãnh đạo “sỏi đá
nhiều hơn óc thịt” muốn lấy máu xương Mậu Thân 1968 của đồng bào miền Nam để
sắp cỗ mừng Xuân Mậu Tuất 2018 thì họ có mục đích gì ngoài việc "lại tiếp
tục làm nó thêm rỉ máu"?
Miệng lưỡi hổ mang
Là người Việt Nam, ai cũng nhớ về cội nguồn
dân tộc, ông bà, tổ tiên, dòng họ, chòm xóm và bạn bè, thầy cô mỗi khi Tết về.
Nhưng ngoài những người còn sống, truyền thống dân tộc còn dạy chúng ta không
quên người chết vì trong số họ, có cả những người đã hy sinh cho ta được sống
sau 30 năm chiến tranh huynh đệ tương tàn do đảng Cộng sản Việt Nam chủ động và
nuôi dưỡng.
Trong số những nạn nhân của cuộc chiến, kinh
hoàng, bi thảm và tàn ác nhất là những người bị quân Cộng sản giết không nương
tay khi họ tấn công vào cố đô Huế Tết Mậu Thân năm 1968.
Số người này được ước tính từ 5,000 đến 6,000
người chết và mất tích trong 25 ngày đêm thành phố Huế nằm trong tay lực lượng
Cộng sản. Họ bị quân đội miền Bắc và tay sai nằm vùng coi là “kẻ thù của cách
mạng” và “có nợ máu với nhân dân” nên phải bị tiêu diệt gồm Quân nhân, Cảnh
sát, Công chức và đảng viên các đảng chính trị. Số còn lại là các Nhà tu hành,
viên chức làng xã, một số Bác sỹ Việt Nam và nước ngoài và dân thường chưa hề
ám hại ai.
Tất cả những người này đã bị quân Cộng sản
thảm sát bằng nhiều hình thức, kể cả chôn sống hay đập đầu cho chết vì muốn
tiết kiệm đạn để chiến đấu.
Phía Cộng sản miền Bắc chối biến không nhúng
tay vào máu người cố Đô Huế mà đổ tội cho máy bay, đại bác và Quân đội Việt Nam
Cộng hòa và Hoa Kỳ.
Bằng chứng trong cuốn phim tài liệu dài 12 tập
“Mậu Thân 1968”, được nhà nước đầu tư và đã chiếu trên đài Truyền hình Việt Nam
từ ngày 25 tháng 01 năm 2013, Nhà Đạo diễn (Bà) Lê Phong Lan (chủ Hãng phim Bản
sắc Việt) đã mồm loa mép giải rằng: "Cái gọi là "cuộc
thảm sát đẫm máu” chỉ là đòn tâm lý chiến mà Mỹ dựng lên, thực tế Huế đã bị bom
Mỹ phá hủy làm nhiều thường dân chết cùng với quân giải phóng và lính Mỹ.”
Nhưng điêu ngoa cách mấy cũng không thoát được
lưới Trời lồng lộng.
Đã có hằng hà sa số nhân chứng và tài liệu
chứng minh hành động sát nhân của quân Cộng sản ở Huế Mậu Thân và khắp miền Nam
trong chiến tranh. Nhưng Lê Phong Lan và những miệng lưỡi hổ mang của người
Cộng sản hãy banh tai ra mà nghe “Lời cuối cho câu chuyện quá
buồn”, của Hoàng Phủ Ngọc Tường, một người Huế có học chạy theo Cộng
sản, từng bị nhiều người nguyền rủa vai trò của anh ta trong vụ thảm sát Huế
Mậu Thân.
Thư này được Tường nhờ Nhà văn trong nước
Nguyễn Quang Lập phổ biến ngày 10/02/2018, trong đó có đoạn nói về thảm sát
Huế: "Điều quan trọng còn lại tôi xin ngỏ bầy ở đây, với tư cách
là một đứa con của Huế, đã ra đi và trở về, ấy là nỗi thống thiết tận đáy lòng
mỗi khi tôi nghĩ về những tang tóc thê thảm mà nhiều gia đình người Huế đã phải
gánh chịu, do hành động giết oan của quân nổi dậy trên mặt trận Huế năm Mậu
Thân. Đó là một sai lầm không thể nào biện bác được, nhìn từ lương tâm dân tộc,
và nhìn trên quan điểm chiến tranh cách mạng."
Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng nhìn nhận đã có
những sai lầm khi trả lời Burchett trong cuốn phim “Việt nam một thiên lịch sử truyền hình” (Vietnam:
A Television History; Tet, 1968; Interview with Hoang Phu Ngoc Tuong) năm 1981.
Tường nói trong "Lời cuối cho câu
chuyện quá buồn": "Khi nói về thảm sát Huế
tôi đã hăng hái bảo vệ cách mạng, đổ tội cho Mỹ. Đó là năm 1981, khi còn hăng
say cách mạng, tôi đã nghĩ đúng như vậy. Chỉ vài năm sau tôi đã nhận ra sai lầm
của mình. Đó là sự ngụy biện. Không thể lấy tội ác của Mỹ để che đậy những sai
lầm đã xảy ra ở Mậu thân 1968."
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng là thành
viên của Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc Dân Chủ Và Hòa Bình Thành Phố Huế đi
theo Cộng sản từ trước Mậu Thân. Vào năm 1981, khi cuộc phỏng vấn của Burchett
diễn ra là thời gian Tường xin vào đảng CSVN mà chưa được nên đã "hăng hái
bảo vệ cách mạng, đổ tội cho Mỹ " để lấy điểm chăng?
Nghi vấn này được Hoàng Hải Vân, một cựu Bộ
đội quân Cộng sản người Huế, viết trên Facebook ngày 11/02/2018.
Nguyên văn thế này: "Tôi không dám suy đoán về những gì mà tôi không biết. Tôi
chỉ nhớ lại một chi tiết mà bản thân tôi có “dính” một chút xíu vào thời điểm
nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường phát biểu “mạo nhận” và “lỡ lời” trên bộ phim nói
trên. Hồi ấy tôi vừa ở bộ đội về. Một hôm nhà thơ Phan Duy Nhân (người bị bắn
gãy chân và bị bắt trong sự kiện Mậu Thân ở Đà Nẵng, sau này làm Quyền Trưởng
ban Tôn giáo Chính phủ) mang một tờ giấy đến nhờ tôi đánh máy giúp (vì tôi biết
đánh máy chữ và đánh ít khi bị lỗi). Đó là bản Xác nhận quá trình tham gia cách
mạng của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, do anh Phan Duy Nhân “lôi kéo” và tổ
chức. Tôi hỏi anh Nhân, rằng anh Tường là nhà văn nổi tiếng, đã thoát ly tham
gia cách mạng rồi thì cần cái bản xác nhận này để làm gì, anh Nhân nói, ông ấy
đang xin vào Đảng, cần cái xác nhận này để bổ sung lý lịch. Tôi thắc mắc, ảnh
nổi tiếng thế sao giờ vẫn chưa vào Đảng, anh Nhân nói người ta phải xét tới xét
lui rất lằng nhằng."
Trong cuộc phỏng vấn của Thụy Khuê, Đài Phát
thanh Quốc tế
Pháp (Radio France International) vào dịp kỷ
niệm Mậu Thân 30 năm, Tường còn nhắc lại chuyện ông Lê Minh, một trong số các
tư lệnh của quân Cộng sản tại chiến trường Huế Mậu Thân đã nhìn nhận “có sai
lầm” và yêu cầu “minh oan” cho những nạn nhân.
Tường nói: "Lê Minh (lúc đó đã nghỉ
hưu), còn nhắc nhở rằng, điều quan trọng có thể làm, và phải làm bây giờ, là
những người lãnh đạo kế nhiệm ở Huế, phải thi hành chính sách minh oan cho
những gia đình nạn nhân Mậu Thân, trả lại công bằng trong sáng và những quyền
công dân chính đáng cho thân nhân của họ."
“Đồng chí” của Tường là Nguyễn Đắc Xuân, người
cũng bị nhiều nhân chứng Huế liệt kê vào hàng ngũ sát nhân cũng nhắc lại chuyện
Lê Minh với BBC ngày 12/02/2018: "Năm 1988, tôi giúp Thành
Ủy Huế làm một quyển sách về Huế Mậu Thân 1968. Khi đó, ông Lê Minh, người chỉ
huy hồi 1968 đó đã yêu cầu những người cách mạng bây giờ là phải tổ chức minh
oan cho những người đã chết. Rất tiếc, đến giờ này, chưa ai làm việc minh oan
này cả."
Gương bà Nguyễn Thị Năm
Làm gì có 2 chữ “minh oan” trong từ điển sắt
máu của người CSVN, như lịch sử đã chứng minh tội ác của đảng cầm quyền thời
ông Hồ Chí Minh trong bi kịch Cải cách Ruộng đất 1953-1956?
Tài liệu chính thức ghi: "Tổng số người bị quy trong Cải cách ruộng đất đã được thống
kê là 172.008 người; số người bị oan sai là 123.266 người, chiếm tỷ lệ
71,66%."
"Người đầu tiên bị dân chúng địa phương
buộc tội chết trong cải cách ruộng đất là bà Cát Hanh Long, tức Nguyễn Thị Năm ở Thái Nguyên; bà bị người dân địa phương
quy tội địa chủ gian ác, bị xử bắn mặc dù trong thời kháng chiến đã có nhiều
công lao lớn với cách mạng Việt Nam.” (theo Bách Khoa Toàn thư mở)
Tài liệu của báo Luật sư Việt Nam (LSVN) ngày
18/09/2017 viết về công lao của bà Năm thế này: "Trước
khi thành công, bà Năm đã ủng hộ Việt Minh 20.000 đồng tiền Đông Dương (giá trị
bằng 700 lượng vàng) không kể vải vóc, lương thực. Tại “Tuần lễ vàng” ở Hải
Phòng theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 9/1945, bà Năm cũng đã
ủng hộ 100 lạng vàng nữa. Bà được cử làm Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh
Thái Nguyên ba năm liền. Các ngôi biệt thự của bà ở Hà Nội, Hải Phòng, ở đồn
điền Đồng Bẩm đều là nơi qua lại, ăn ở, địa điểm liên lạc của cán bộ Việt Minh
cao cấp. Hai con trai bà là Nguyễn Văn Hanh, Nguyễn Văn Cát đều theo Việt Minh
đi bộ đội. Nguyễn Hanh từng tháp tùng đoàn đại biểu Chính phủ do các ông Nguyễn
Lương Bằng, Trần Huy Liệu, Cù Huy Cận... vào Huế nhận ấn kiếm khi vua Bảo Đại
thoái vị."
Trong số những người được bà Năm nuôi ăn, cho
chỗ ở và giúp đỡ trong nhiều năm có Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn
Đồng, Lê Đức Thọ, Lê Thanh Nghị, Lê Giản, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh v.v…
Người bị lên án vô ơn bạc nghĩa nặng nhất
trong vụ án bà Nguyễn Thị Năm là Hồ Chí Minh, người cầm quyền khi thi hành Cải
cách Ruộng đất. Ông Hồ đã không dám cứu bà Năm vì nhu nhược trước áp lực của cố
vấn Trung Hoa muốn đưa bà Năm ra xử làm gương.
Nhà báo Bùi Tín kể: "Ông
Hoàng Quốc Việt kể lại rằng hồi ấy ông chạy về Hà Nội, báo cáo việc hệ trọng
này với ông Hồ Chí Minh. Ông Hồ chăm chú nghe rồi phát biểu: "Không ổn!
Không thể mở đầu chiến dịch bằng cách nổ súng vào một phụ nữ, và lại là một
người từng nuôi cán bộ cộng sản và mẹ một chính uỷ trung đoàn Quân đội Nhân dân
đang tại chức."
Cũng có lời kể lại: "Hồ Chủ tịch đã nói với nhiều đồng chí Trung ương: “Người ta
không nên đánh phụ nữ dù bằng một cánh hoa hồng, huống hồ phát súng đầu tiên
của cải cách ruộng đất lại nhằm vào một phụ nữ, mà người ấy lại rất có công với
cách mạng".
Chuyện kể là như thế, nhưng thật hư khó chứng
minh. Chỉ có điều chắc chắn là ông Hồ, vì sợ mất lòng cố vấn Tầu Lã Quý Ba nên
đã “làm ngơ” để cho Bà Nguyễn Thị Năm bị đưa ra pháp trường thi hành án tử hình
tối ngày 29/5 năm Quý Tỵ (ngày 9/7/1953) tại Thái Nguyên khi 47 tuổi. (báo Luật
sư Việt Nam (LSVN), ngày 18/09/2017)
Phục hồi danh dự cho ai?
Vẫn theo báo LSVN, cho đến năm 1987, khi đất
nước bắt đầu đổi mới theo Nghị quyết Đại hội 6 của Đảng, bà Nguyễn Thị Năm mới
được minh oan, sửa lại thành phần giai cấp sau 1/3 thế kỷ bị oan sai.
“Theo sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức
Trung ương đã đề nghị Tỉnh ủy Bắc Thái (tháng 4/1987) sửa lại thành phần giai
cấp cho bà Năm do hai con trai bà đầu đơn, đến tháng 6/1987 UBND tỉnh Bắc Thái
đã quyết định ghi rõ: “Bà Nguyễn Thị Năm, tức Cát Hanh Long trước bị quy là “Tư
sản địa chủ cường hào gian ác” nay sửa lại thành phần giai cấp cho bà Năm là:
“Tư sản địa chủ kháng chiến”.
Đáng lẽ ra, sau khi đã sửa sai như thế thì bà
Năm phải được “Nhà nước khen thưởng (truy tặng) như ngàn,
vạn người có công với cách mạng theo Nghị định 28/CP ngày 29/4/1995 của Chính
phủ, mặc dầu con bà đã nhiều lần gửi đơn xin các cơ quan cứu xét, nhưng vẫn
chưa được một cơ quan nào trả lời”, báo LSVN đặt vấn đề.
Thắc mắc là chuyện của dân nhưng quan tâm hay
không là chuyện của đảng và nhà nước. Vì vậy “Dù đã nhiều lần lên tiếng yêu
cầu từ năm 1995 đến năm 2014 qua những lá thư gửi lên địa phương và trung ương
đòi phục hồi danh dự cho mẹ nhưng gia đình hoàn toàn không được hồi âm.”,
báo LSVN than vãn thay cho gia đình bà Năm.
Vu cáo máu tanh
Ngược dòng thời gian, để bào chữa cho việc xử
bắn bà Cát Hanh Long Nguyễn Thị Năm, báo Nhân Dân của đảng CSVN, vào ngày
21/07/1953 đã bịa đặt ra đủ thứ tội ác để buộc tội bà Cát Hanh Long Nguyễn Thị
Năm. Bài viết ký tên tắt C.B. mà sau này có nhiều người suy đoán là “Của Bác”
để ám chỉ Tác gỉa chính là ông Hồ Chí Minh.
Những vu oán cáo vạ đê hèn của bài viết nguyên
văn như sau:
“Mụ địa chủ Cát-hanh-Long cùng hai đứa con và
mấy tên lâu la đã:
- Giết chết 14 nông dân.
- Tra tấn đánh đập hằng chục nông dân, nay còn
tàn tật.
- Làm chết 32 gia đình gồm có 200 người - năm
1944, chúng đưa 37 gia đình về đồn điền phá rừng khai ruộng cho chúng. Chúng
bắt làm nhiều và cho ăn đói. Ít tháng sau, vì cực khổ quá, 32 gia đình đã chết
hết, không còn một người.
- Chúng đã hãm chết hơn 30 nông dân - Năm
1945, chúng đưa 65 nông dân bị nạn đói ở Thái Bình về làm đồn điền. Cũng vì
chúng cho ăn đói bắt làm nhiều. Ít hôm sau, hơn 30 người đã chết ở xóm Chùa
Hang.
- Năm 1944-45, chúng đưa 20 trẻ em mồ côi về
nuôi. Chúng bắt các em ở dưới hầm, cho ăn đói mặc rách, bắt làm quá sức lại
đánh đập không ngớt. Chỉ mấy tháng, 15 em đã bỏ mạng.
Thế là ba mẹ con địa chủ Cát-hanh-Long, đã
trực tiếp, gián tiếp giết ngót 260 đồng bào!
Còn những cảnh chúng tra tấn nông dân thiếu tô
thiếu nợ, thì tàn nhẫn không kém gì thực dân Pháp. Thí dụ:
- Trời rét, chúng bắt nông dân cởi trần, rồi
dội nước lạnh vào người. Hoặc bắt đội thùng nước lạnh có lỗ thủng, nước rỏ từng
giọt vào đầu, vào vai, đau buốt tận óc tận ruột.
- Chúng trói chặt nông dân, treo lên xà nhà,
kéo lên kéo xuống.
- Chúng đóng gióng trâu vào mồm nông dân, làm
cho gẫy răng hộc máu. Bơm nước vào bụng, rồi giẫm lên bụng cho hộc nước ra.
- Chúng đổ nước cà, nước mắm vào mũi nông dân,
làm cho nôn sặc lên.
- Chúng lấy nến đốt vào mình nông dân, làm cho
cháy da bỏng thịt.
- Đó là chưa kể tội phản cách mạng của chúng.
Trước kia mẹ con chúng đã thông đồng với Pháp và Nhật để bắt bớ cán bộ. Sau
Cách mạng tháng Tám, chúng đã thông đồng với giặc Pháp và Việt gian bù nhìn để
phá hoại kháng chiến.
Trong cuộc phát động quần chúng, đồng bào địa
phương đã đưa đủ chứng cớ rõ ràng ra tố cáo. Mẹ con Cát-hanh-Long không thể
chối cãi, đã thú nhận thật cả những tội ác hại nước hại dân. Thật là:
Viết không hết tội, dù chẻ hết tre rừng,
Rửa không sạch ác, dù tát cạn nước bể!
(21-7-1953)
C.B.
Như vậy thì ông Hồ và nhiều Lãnh đạo đảng
CSVN, những người đã được bà Cát Hanh Long Nguyễn Thị Năm cưu mang có “ăn cháo
đá bát” không?
Nhắc lại chuyện này để chúng ta thấy chuyện
phản bội trắng trợn xấu xa này tưởng như chỉ xẩy ra trong hàng ngũ đầu trộm
đuôi cướp vô học, ai ngờ cũng ăn sâu bám rễ ở cung đình đảng Cộng sản Việt Nam.
Đáng chú ý hơn là chuyện gia đình bà Năm
"hoàn toàn không được hồi âm" đã xẩy ra trong khoảng thời gian từ
1995 cho đến bây giờ (năm 2018), tổng cộng 23 năm qua 4 đời Tổng Bí thư Đỗ
Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng.
Những người này, trong chuỗi thời gian cầm
quyền, cũng đã ra rả khua môi gõ lưỡi kêu gọi hòa hợp, hòa giải dân tộc với
những người Việt Nam bỏ nước ra đi trong khi họ vẫn tổ chức liên hoan, ăn mừng
và “bới đống tro tàn tìm máu đổ” trước mắt các nạn nhân người miền Nam vào mỗi
dịp 30 tháng Tư hàng năm.
Từ Trọng đến Phúc
Giờ đây, sau 50 năm chưa nguôi uất hận, tang
thương và cay đắng của người dân Huế, đảng và nhà nước CSVN lại bỏ ra ba tháng
(từ 12/2017 đến 02/2018) với không biết bao nhiều tiền của để tổ chức tiệc tùng
và hội thảo để ca tụng chiến thắng Mậu Thân 1968.
Làm như vậy, không những người CSVN đã che
giấu đi tội ác Mậu Thân mà còn “tiếp tục làm nó thêm rỉ máu” như nguyên Thủ
tướng Võ Văn Kiệt đã cảnh giác năm 2005.
Vậy mà, tại Trụ sở Trung ương Đảng ngày 07/02
(2018), người cầm đấu đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng vẫn có thể hớn hở nói với số
Việt kiều thân Đảng từ nước ngoài về ăn Tết rằng: "Đảng và Nhà nước luôn trân trọng những đóng góp, tấm lòng
hướng về đất nước của bà con kiều bào ta trên toàn thế giới; Đảng và Nhà nước
luôn giang rộng cánh tay đón chào người Việt ở nước ngoài về với quê hương cội
nguồn."
Cũng với giọng lưỡi tát nước theo mưa để nịnh
Kiều bào, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: "Tổ quốc lắng nghe hơi thở
của bà con kiều bào, đặc biệt lắng nghe những nguyện vọng, những ý kiến đóng
góp quý báu của bà con dành cho đất nước” và “Chính phủ do dân, vì dân, trong
đó có bà con Việt kiều”… kỳ vọng kiều bào ta cùng người dân trong nước đoàn kết
một lòng, xây dựng đất nước ngày một phát triển hơn, thực hiện khát vọng “xây
dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn".
Nhưng những lời đầu môi chót lưỡi này có ý
nghĩa gì với những nạn nhân của Huế Mậu Thân khi mà vào ngày 30/01/2018, Nhật
báo Nhân Dân của đảng vẫn chạy tội với những lời lẽ trong bài viết tráo trở
"Sự dối trá và
lừa bịp".
Bài viết mở đầu bằng câu: "50 năm qua, rất nhiều bài báo, công trình nghiên cứu và cả
những người trong cuộc đã chứng minh, khẳng định sự việc “thảm sát ở Huế năm
1968” là sản phẩm của sự dối trá, bịp bợm."
Ai dối trá và bịp bợp thì người Cộng sản nên
hỏi thẳng nằm vùng Hoàng Phủ Ngọc Tường để biết ăn nói ngạo ngược như thế thì
hòa hợp-hòa giải dân tộc với ai?-/-
Tết Mậu Tuất (02/018)
Phạm Trần – Đả Đảo Cộng Sản
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét