Kim Thanh/Người Lính Già Oregon
1. Đầu năm 1976, từ trại Long
Giao, Nguyễn bị đưa ra Bắc, cùng với các thành phần “ác ôn, có nợ máu” gồm
An Ninh, Tình Báo, Chiến Tranh Chính Trị (CTCT), Cảnh Sát, Tuyên Úy, có cả Tổng Giám Mục
Nguyễn Văn Thuận –toàn là hàng độc, dữ dằn, cấm kỵ, dưới mắt Việt Cộng. Gần ba
ngàn người bị xếp như cá hộp dưới hai khoang hầm tàu chở than, nguyên của Việt
Nam Thương Tín được cải danh Sông Hương. Ai ở đâu là chết dí chỗ đấy, tiểu tiện
phải bước qua những thân người nằm rũ liệt, nghe chửi thề inh ỏi khi lỡ đạp lên
bụng một ông khó tính, mới đến được hai cái thùng gỗ nhỏ đặt ở cầu thang, lúc
nào cũng đầy ứ. Nước uống và lương khô được thòng dây xuống, y như cảnh trong
một phim buôn bán nô lệ đã xem đâu rồi.
Hai ngày sau cập bến Hải Phòng. Ở đó một đêm, nghỉ lấy sức. Ăn uống và
tắm rửa bằng nước đọng, đục ngầu, trong một hố bom B52, lâu ngày, lềnh bềnh
những lá mục và con lăng quăng. Tối hôm sau, được xe lửa dàn chào sẵn, rước về
các vùng biên giới, qua ngã Hà Nội và cầu Long Biên. Ra khỏi Hà Nội, trời vừa
sáng tờ mờ. Cả đám được xe lửa, hoặc xe molotova phủ mui, nơi nào hết đường ray,
chở tiếp về Yên Bái, Lao Cai, Quảng Ninh... Bạn bè lạc nhau từ đây. Nguyễn đi
Hoàng Liên Sơn. Cửa toa đóng kín, mà trời nóng như thiêu, khiến hai ông trung
tá chết ngộp, xác vứt xuống bên đường. Ngồi xe hơi, thoáng hơn, thì bị trẻ con
ném đá (có anh bị bể kính cận), và những bà già Bắc kỳ răng đen mã tấu tốc váy,
vung tay, hét lên, xỉa xói, chửi rủa tục tằn, với sự làm ngơ đồng lõa của lũ
cán bộ: “Giết hết bọn ngụy chúng mày! Tiên sư bố chúng mày, chuyên hiếp dâm,
cắt cổ người, cướp của, ăn thịt trẻ con… Đồ ngụy ăn cứt Mỹ…”
Trại Hoàng Liên Sơn, với rặng Fansipan trùng điệp, do bộ đội đảm trách.
Những ngày vào rừng hoặc lên núi đốn tre, chặt gỗ, giơ tay vóc từng nắm sương
la đà dày đục, nếm thử thấy tê buốt –như môi hôn phút chia lìa vội vã. Những
đêm lạnh cóng phải đứng ngủ cho bớt run rẩy trong chiếc chăn đơn cũ nát. Trên
đường lao động, Nguyễn gặp lại bằng hữu thất tán từ các chiến trường xưa, không
hẹn mà được “gom bi” đầy đủ. Nhìn nhau cười như mếu, thấm thía lời huênh hoang
của một tên cán bộ: “Các anh có mà chạy đằng giời!” Thỉnh thoảng lên núi, Nguyễn
và đồng tổ đội gặp một nhóm Biệt kích, bị bắt từ thời Tổng thống Ngô Đình Diệm,
đang lao động tự giác, không có vệ binh canh giữ. Họ nhìn đám tân tù binh, vẻ
thương hại, lắc đầu thông cảm, nhưng cũng có anh không dằn được bực tức, lớn giọng:
“ĐM, các anh làm ăn, đánh đấm thế nào mà bây giờ kéo nhau ra đây cả lũ?” Cả lũ xấu
hổ, im lặng, không biết trả lời sao, chỉ nghe lòng xót xa bởi câu trách móc không
sai chút nào. Nói thế, nhưng khi thấy bọn Nguyễn lóng cóng không buộc chặt nổi
bó nứa, họ ùa đến ân cần phụ giúp, hướng dẫn tận tình, hoặc chia cho sắn luộc và
bánh in khô Trung Cộng.
Sức khỏe suy sụp dần. Sau một lần khiêng gỗ té xỉu giữa đường, Nguyễn
được chuyển vào đội Rau Xanh, gồm toàn bô lão –còn gọi là đội “sứt cán gãy gọng.”
Vì còn trẻ hơn và tạm lành lặn, chàng bị nhường ngay chức trưởng tổ phân, gồm bốn
tên, chia thành hai cặp, ngày ngày phải luân phiên, lội xuống bên hố tiêu lộ
thiên khổng lồ, múc bằng xẻng, cho đủ mười chuyến xe “kút kít”, tức xe “cải tiến”,
có chất lượng, giao cho một tổ khác đem ủ thẳng dưới các luống khoai, hoặc chế
biến thành nước tưới rau. Lúc đầu Nguyễn thấy hãi hùng, muốn nôn oẹ, rồi ráng
nhập thiền mất đi cảm giác, ý niệm, nhìn nhưng chẳng biết đó là cái gì nữa. Ngày
đầu, trước khi đám tù “xuất quân” thi hành nhiệm vụ, tên quản giáo lên lớp, giải
thích cặn kẽ:
- Có bốn thứ phân: phân bắc, phân chuồng,
phân xanh. Các anh phải lấy ba thứ này cho đảm bảo chất lượng. Còn phân đạm,
hay u-rê, là phân cao cấp, được nhà nước Liên Xô anh em viện trợ, ta để dành, chưa
dùng đến.
Phân chuồng
(trâu bò) và phân xanh (lá cây ngâm mục) thì ai cũng hiểu. Riêng phân bắc tên
quản giáo không cắt nghĩa. Một anh tổ viên, gốc Quảng, có lẽ đã biết, nhưng muốn
câu giờ, giơ tay hỏi:
- Thưa coóng bộ, còn pheng béc là pheng chi
rứa?
Tên quản giáo nhìn anh chàng chằm chằm, rồi
dằn từng tiếng:
- Có thế mà không hiểu. Phân bắc là phân
tươi...
- Chớ rứa pheng tươi là pheng chi, coóng
bộ ?
- Là cứt chứ còn gì nữa. Hỏi mãi.
Sau khi tên quản giáo bỏ đi, một anh già
trong đội, di cư năm 54, chuyên hỏi những câu móc họng:
- Mấy cha biết tại sao tụi nó gọi cứt là phân
bắc, mà không là phân nam, phân trung không?
- ?
- Tại
vì ở ngoài Bắc của chúng tớ, cứt quý như vàng, cho nên tụi nó giành lấy hết, cả
trong chữ nghĩa tụi nó cũng không chừa cho ai.
Mới đầu, đa số còn phát biểu linh tinh. Hệ thống ăng ten chưa được thiết
lập qui mô. Trong đội Rau Xanh có ông Đại úy Cảnh sát già gân, tên Linh, họ Hoàng.
Ông là người Quảng Bình, trực tánh, cả hàm răng chỉ còn dăm ba chiếc, ưa kể
chuyện tiếu lâm và chuyện chế độ cũ, nói năng rất “phản động”, thuộc loại điếc
không sợ súng. Trong một buổi học tập của đội, ông đã phát biểu, lên án “bọn
CTCT ngụy”, vừa nói vừa kín đáo nháy mắt với Nguyễn, như sau: “Bọn ngụy tuyên
truyền rất bố láo bố lếu về Bác Hồ vĩ đại, vô vàn kính yêu của ta, ví dụ họ nói
nguyên văn như ri, tổ cha thằng già Hồ Chí Minh là tên giết người bán nước, làm
tay sai cho thằng Xịt Ta Lin và thằng Mao Xếnh Xáng... Họ xuyên tạc bộ đội anh
hùng của ta nguyên văn như ri, là chúng nó ốm đói quá, bảy thằng Việt Cộng đu
một cọng đu đủ mà không gãy... Thật là mất dạy hết sức!” v.v... Và cứ thế ông
nói dai, nói dài, nói lớn “nguyên văn như ri, như ri”, nước bọt văng tứ phía, với
giọng nặng trịch, nhừa nhựa thuốc lào. Tất cả sĩ quan cải tạo xanh mặt, cản
không được, ngồi im, lo lắng cho ông. Phải hơn hai phút sau thằng cán bộ quản
giáo mới hiểu ra, lên tiếng cắt ngang, hầm hầm quát bảo ông im ngay. Nó ức lắm,
nhưng lúc ấy vì quá bất ngờ chưa biết kết ông vào tội gì. Hôm sau, ông bị dẫn
đi “làm việc” khá lâu, rồi bị biệt giam một tháng. Được tha về, ông thấy Nguyễn,
đến vỗ vai chàng, tiếp tục mở máy, như cũ, cười hề hề: “Tui đâu ngán thằng mô”.
Sau
tám tháng, cả trại bị “biên chế” đi Sơn La, dưới quyền quản lý của Công an
chánh hiệu, chuyên nghiệp. Ở chung với tù hình sự, loại “đầu gấu” chuyên giết
người, hiếp dâm, trộm cướp. Một vùng đèo heo hút gió, nước độc rừng thiêng, gần
Điện Biên Phủ, qua hết dãy núi cao là sang đất Lào. Quanh năm chỉ thấy mây trời
lơ lửng và đám người Mán, người Mèo tiếng nói líu lo, mỗi lần xuống núi mặc áo
quần sặc sỡ, đàn ông chỉ có việc thổi kèn mở đường, đàn bà phải gồng gánh theo
sau.
Cùng trại có các linh mục, cảnh sát, sĩ quan đủ binh chủng, vài nhà văn quân
đội như Thảo Trường, Văn Quang, Phan Lạc Phúc, và một số người khác, mà Nguyễn
không biết hay không nhớ tên, thường sinh hoạt chung với nhau như một club
riêng. Có nhị vị cựu và đương kim Đại tá Linh mục Tuyên úy Lê Trung Thịnh và
Đinh Cao Thuấn. Nguyễn nằm kế bên Trung tá Đặng Bình Minh, phi đoàn trưởng phi
đoàn trực thăng của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, mùa đông được anh cho một áo jacket
nhà binh rằn ri cũ. Cách Nguyễn hai người là Trung tá Vũ Hoài Đức, chỉ huy phó
trường ĐH/CTCT, người hiền lành, đạo đức y như Đại tá Chỉ huy trưởng Nguyễn
Quốc Quỳnh. Ở một đội khác có một cựu tùy viên của Tổng thống Ngô Đình Diệm,
hình như là Lê Tử Hùng (?), đeo kính trắng gọng đen, bự. Ai nấy thiếu ăn, xác
xơ, yếu đến nỗi, Nguyễn nghĩ, rủi đi vấp viên sỏi, hay ngọn cỏ, cũng có thể té quay
lơ. Và bắt đầu thấm đòn độc của Việt Cộng: chủ trương cải tạo bao tử, nghĩa là
bắt đói triền miên, để chế ngự ý chí, và cả tư cách nữa! Lao động vinh quang là
trồng lúa, sắn, ngô, khoai trên những thửa đất hoang, khô cằn sỏi đá.
2. Hơn
hai năm sau, Trung Cộng uy hiếp biên giới, Việt Cộng lo sợ, vội vàng chuyển tất
cả về Vĩnh Phú mà chúng gọi là miền trung du, đất tổ Hùng Vương. Hùng Vương ở đâu
chả biết, chỉ thấy toàn núi rừng thâm u và bộ mặt kinh niên hắc ám của các cai
tù, và những tên Ăng Ten, Trật Tự, Thi Đua ngu ngốc làm khổ đồng đội còn hơn
chính kẻ thù. Trại rộng thênh thang chia làm bảy khu, gọi là K, cách nhau trung
bình năm, sáu cây số, nằm tít phía sau thung lũng sông Hồng. Từ Sài Gòn ra Vĩnh
Phú thăm chồng, các bà “vợ ngụy” xem như chặng đường thánh giá mới, phải vượt
rừng băng sông, đi đủ các loại xe, kể cả xe trâu và xe đạp ôm. K7 gần nhất,
giam riêng các biệt kích. Ở giữa, một K dành cho các thiếu niên phạm pháp, đa
số về tội ăn cắp –có đứa chỉ mới tám tuổi. Nguyễn ở K1, xa nhất, tuốt sâu trong
núi.
Tại
Vĩnh Phú, có anh bạn đồng nghiệp trường Đại Học CTCT Đà Lạt, Nguyễn Ngọc Nhung,
Đại úy phòng Khảo Hạch, kiếm đâu ra được chức thủ kho dụng cụ lao động, cũng ấm
thân. Một hôm, Nhung kể, một tên công an vẻ phách lối đến mượn cái xẻng. Theo
thủ tục phải ghi tên vào sổ. Thủ kho, người Bắc, lịch sự hỏi:
- Xin cán bộ cho biết quý danh.
Thằng
nọ không hiểu “quý danh”, há mồm, ngơ ngác, suy nghĩ một hồi, rồi đột nhiên
sừng sộ:
- Anh
vi phạm lội qui. Ai cho anh lói tiếng lước ngoài hử?
Nhung sửng sốt, á khẩu. May phước, nhờ các bạn tù xúm vào thông dịch
giùm, anh mới thoát nạn, sau khi bị xỉ vả tận tình:
- Giờ lày mà còn ôm chân đế quốc, lói tiếng nóng...
Nguyễn Ngọc Nhung không phải là trường hợp duy nhất. Bọn cai tù Việt
Cộng là chúa nghi ngờ, nhậy cảm và mặc cảm. Một câu nói vô tình, vô tội, đùa
vui cũng bị “nâng cao quan đỉểm” và những phát biểu viên linh tinh đều bị gọi lên
“làm việc” tận tình. Một thiếu úy trẻ, một bữa trưa Chúa Nhật nghỉ lao động,
vừa phơi chiếu bắt rệp vừa cao hứng hát bài “Giết người trong mộng” và gào lên
thống thiết, giết người đi, giết người đi, bị ăng ten báo cáo và tên quản giáo
xuống điều tra, qui tội phản động, âm mưu sát hại Cách mạng, và xách đi biệt
giam một tuần lễ. Hay một anh khác, không hiểu sao, bực mình chuyện gì, một hôm,
lớn tiếng chửi đổng: “ĐM thằng Mỹ thằngThiệu”, cũng bị buộc tội “tư tưởng còn
lấn cấn, anh tức giận bọn Mỹ-Thiệu là vì chúng nó bỏ rơi anh, chứ gì, đúng
không?” Hay các linh mục tuyên úy trồng cây cột, đóng với một thanh gỗ ngang,
để căng dây phơi quần áo, cũng bị kết án cố tình dựng cây thánh giá và bị bắt
tháo xuống và viết tờ kiểm điểm.
Ở trại mới, Nguyễn “được” chỉ định về đội Nông Nghiệp. Phải lội vào một
thửa ruộng bỏ hoang từ bao đời để theo phiên kéo cày thay cho trâu bò. Nước bùn
đen đặc quánh, đỉa bơi lổn ngổn, thò chân xuống thấy lạnh buốt và ghê rợn –làm
chàng nhớ các đầm lầy cũng kinh khiếp dưới những tầng cuối địa ngục mà thi hào
Ý Dante Alighieri phải vượt qua với Virgile, trong Inferno. Ba hôm sau, một số
đội viên –có Ðại úy Cảnh sát Phạm Bá Ðiềm, bạn thân từ trại Sơn La– lên cơn sốt
cấp tính, chỉ hai ngày là hôn mê, rồi chết. Người sống sót rụng dần lông chân,
không bao giờ mọc lại được nữa. Phải mất thêm vài mạng, đội mới có lệnh “giải
thể.”
Thửa
ruộng lại bị bỏ hoang, Nguyễn trở về đội Rau Xanh, như hồi ở Hoàng Liên Sơn,
lại vào tổ múc phân, lần này giao cho thợ bón kiêm tưới viên là phi công Air
Vietnam Trí (Nguyễn Hữu?), trung tá biệt phái. Nói chuyện mới biết Trí bay
đường Hồng Kông và Tokyo, có chuyến với Bội Trân, em gái Nguyễn, mà anh tả đúng
hình dáng, nên chàng tin lắm. Chim bằng gãy cánh, Trí tiếc nhớ trời xanh, giờ
giải lao ngước nhìn lên cao, uất ức, thở dài...
3.
Tết đầu tiên tại Vĩnh Phú, trại được nghỉ lao động ba ngày, và tự do đi lại các
khu vực. Nguyễn tìm đến dãy nhà giam riêng “bò lục” (tiếng lóng chỉ đại tá) để
thăm Ðại tá Nguyễn Quốc Quỳnh, vị chỉ huy trưởng kính thương của trường Ðại Học
CTCT Ðà Lạt –nơi mà chàng được phục vụ gần ba năm trong chức vụ Trưởng
khoa Nhân Văn Xã Hội và Sĩ quan Phụ khảo cho đến ngày tan hàng. Nguyễn thấy ông
cũng vừa bước ra sân, nơi đang diễn nhiều trò vui do tù bày ra để giết thời
gian và nỗi nhớ nhà. Ông nhận ra chàng ngay. Chung quanh rất đông người, và dĩ
nhiên ăng-ten được rải đầy. Gặp ông, chàng mừng quá, nói lớn:
-
Chào bác, bác vẫn khỏe chứ ạ?
Ông
nắm tay chàng một lúc lâu, và chậm rãi nói, giọng xúc
động:
-
Cám ơn anh, tôi vẫn khỏe. Còn anh thế nào, có bệnh hoạn gì không? Tôi biết anh
ở đây lâu rồi, mà không gặp được.
Nguyễn cố nuốt những giọt lệ làm nghẹn cổ họng, xót thương cho phận vàng phai đá nát. Cho đất nước bất hạnh. Cho cả chính
mình. Hồn bỗng rưng rưng, thầm gọi tên một thời yêu thương, và thù hận, tưởng
đã chết theo cùng với mùa xuân tang tóc và những giấc mơ phai. Một thời vì ông
chợt hiện về nguyên vẹn. Như mới hôm qua...
Sài
Gòn, đầu tháng 5, 1975. Hai ngày sau khi đứng nhìn từ một góc đường Lê Văn
Duyệt, uất giận, và nước mắt lưng tròng, những chiếc xe tăng chở đầy Cộng quân
vào thủ đô, nghe tên nằm vùng Trịnh Công Sơn hớn hở ca mừng chiến thắng, kêu
gọi nối vòng tay lớn, và chạy tới chạy lui dò la tin tức người thân, bạn bè ai
còn ai thoát, Nguyễn tìm được địa chỉ của ông và đạp xe đến thăm cùng với hai
cựu SVSQ khóa 4, Nguyễn Gia Hưng và Nguyễn Dự, tình cờ gặp lại trên đường. Phu
nhân và cô con gái, vì quen mặt hồi ở Ðà Lạt, tiếp ba người không e dè. Ðại tá
Quỳnh ra phòng khách, áo sơ mi bỏ trong quần tây, chân đi săng đan. Trông ông
mệt mỏi, có vẻ chán nản, dù bề ngoài vẫn giữ phong cách nho nhã, lịch sự cố
hữu. Cả khách lẫn chủ không nói gì nhiều. Có lẽ trước thảm họa chung ai cũng có
nỗi ưu tư riêng, cùng nặng nề như nhau. Suốt ba hôm liền, Nguyễn bị hối hận dày
vò, tự trách đã vụng suy, khí khái hão, không nghe lời cô em tiếp viên hàng không
đưa gia đình lên chuyến Air Vietnam cuối cùng, và sau đó, chuyến Galaxy của một
viên phi công Mỹ bất ngờ gặp em tại Tân Sơn Nhất, và có cảm tình với em. Khiến
tất cả đành phải ở lại, dắt díu nhau trở về Nha Trang để thấy cửa nhà, tài sản
rơi vào tay bọn cách mạng 30 –hạng khố rách áo ôm trước kia đã chịu ơn ba mẹ,
nay trở mặt, gán lên đầu đủ thứ tội. Còn Ðại tá Quỳnh, chàng không biết ông
đang cảm gì, nghĩ gì, vì suốt buổi chỉ nghe ông lặp đi lặp lại:
- Không thể ngờ nhanh như thế!
Ðâu
phải mình ông. Không ai ngờ, kể cả Dương Văn Minh, viên tướng thiếu tài, khờ
dại, được sinh ra chỉ để phản bội và bọn “hàng thần lơ láo” tại dinh Ðộc Lập
trưa ngày 30/4. Kể cả lũ vượn người khoác lác ở Bắc bộ phủ. Kể cả tên đồng minh
Kissinger xảo quyệt, tác giả của cái gọi là hiệp định Paris quái gở bán đứng Miền
Nam, người được báo chí Mỹ bơm lên như nhà ngoại giao vĩ đại, nhưng thực chất
chỉ là một anh trí thức cơ hội chủ nghĩa và đầy ảo tưởng, chưa tiêu hóa kịp
những bài học bang giao quốc tế ở trường Harvard. Kể cả anh tướng hai sao và ba
hoa nọ đã thề thốt ở lại để ăn mắm tôm cà pháo với đồng bào (di cư Tân Sa Châu),
vậy mà vào phút chót nhờ có trực thăng riêng mới vọt ra được hạm đội Mỹ. Không
thể ngờ nhanh như thế! Chàng chỉ biết gật đầu, đồng ý với ông. Cuối cùng,
cất tiếng hỏi:
-
Ðại tá có ý định sẽ làm gì
?
Ông
lưỡng lự vài giây, rồi trả lời:
- Tôi chưa biết sẽ phải làm gì. Nhưng ở hoàn cảnh nào tôi cũng chấp nhận những
gì tệ hại nhất sẽ xảy đến cho tôi.
Như
là mặt trái của bổn phận và vinh quang, chàng hiểu như thế qua những lời chậm
rãi, đắn đo của ông. Những lời chàng nghe quen từ đâu rồi bỗng mang một ý nghĩa
cao đẹp, phi thường trong bối cảnh bấy giờ. Những lời đã theo chàng suốt tám
năm đày ải, và cùng với hình ảnh của Guillaumet, viên phi công lâm nạn lầm lũi
bước lê trên cát sa mạc, không chịu ngồi chờ chết, trong Terre des hommes của
Saint-Exupéry, đã khích lệ, vực chàng đứng dậy để tiếp tục sống còn. Nguyễn cảm
động, và khi từ biệt, siết chặt tay ông, nói nhỏ:
-
Có một điều Ðại tá nên chắc chắn là dù ngày mai ra sao tôi sẽ không bao giờ
quên Ðại tá và những gì Ðại tá đã làm cho tất cả chúng tôi.
Và cho riêng chàng. Ông là một chỉ huy trưởng nhân hậu, có đức có tài,
hơn ai hết, đã làm tôi thấy yêu thích và kiêu hãnh với đời quân ngũ không chọn
lựa. Một chỉ huy trưởng quả cảm và xứng đáng, có tinh thần trách nhiệm cao độ –quyết
ở lại với thuộc cấp cho đến phút cuối, mặc dù nghe nói ông có một người con rể
là đại tá không quân Mỹ và có dư phương tiện để tẩu thoát một mình như đám tướng
lãnh tham sinh úy tử kia –đã nhanh chân đào ngũ trước khi tai họa giáng xuống.
Quả vậy, chín giờ sáng 30/4, tại Tiểu đoàn 50 CTCT, đường Phan Ðình Phùng, bấy
giờ là bộ chỉ huy tiền phương của trường Ðại Học CTCT, ông vẫn chỉ thị các sĩ
quan hiện diện và sinh viên sĩ quan các khóa tiếp tục chiến đấu và phòng thủ,
để rồi, cuối cùng, phải buông súng, bất lực trước mệnh nước. Chàng không bao
giờ quên được khẩu lệnh cuối cùng, ngắn ngủi, thật buồn bã của ông cho ban tham
mưu, sau khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng:
-
Phát hết lương khô và cho anh em tan hàng!
Hơn
hai năm phục vụ trường Ðại học CTCT, không biết bởi chủ quan chăng mà Nguyễn có
cảm tưởng được ông biệt đãi. Cả Alain Bichet, giáo sư Lycée Yersin, mà chàng
giới thiệu như một người bạn quý, cũng được ông dành cho cảm tình nồng hậu, và
ngược lại. Ngoài ra, ông chẳng những chấp thuận, mà còn khuyến khích, chàng dạy
vài lớp Pháp văn tại Viện Ðại Học Ðà Lạt, do lời mời của Phó Khoa trưởng Văn Khoa,
Tiến sĩ Sử Nguyễn Hồng Giáp –một bạn học cũ– mới từ Paris về, và sau này, qua
trung gian của chàng, nhận dạy một lớp cho trường CTCT. Rồi đến mùa văn hóa
chàng được ông mời dự tiệc với các giáo sư tại tư thất và thỉnh thoảng nhờ đưa
đón họ bằng chíếc Peugeot 203 bụi đời của chàng. Khi giáo sư Xã hội học Phạm
Thị Tự bận, không lên Đà Lạt nữa, ông bổ nhiệm chàng dạy thay bà, bắt đầu năm
cuối của khóa 4. Những sự việc trên, chàng xem như vinh dự, nếu không nói đặc
ân, nhận được từ Ðại tá Quỳnh, dù chàng biết ông đối xử công bằng, tử tế, dễ
thương với tất cả mọi người, không riêng ai... Và một chuyện, rất cá nhân, chàng
còn nhớ mãi.
Hè
1974, trường mở cuộc thi tuyển khóa 6. Nguyễn được cử làm trưởng trung tâm Nha
Trang. Các bài thi được mang từ các trung tâm về trường để các sĩ quan Văn Hóa Vụ
chấm. Mẹ chàng gửi gắm con bà sui gia, tức em chồng của một cô em chàng, Thể
Trân, kèm theo nửa mảnh giấy nháp do anh ta viết để chàng thuộc nét chữ. Chàng “dạ”
cho qua chuyện, vì biết trước sẽ chẳng làm gì cả. Xưa nay chàng vốn ghét việc
ăn gian với chữ nghĩa, nhất là “quay phim” trong trường thi, hoặc cuỗm bài
người khác, xào nấu lại thành của mình, để in báo hay đọc trên đài phát thanh,
như một số “văn sĩ” hải ngoại đang làm. Kết quả, con bà sui gia rớt, chàng đoán
thế, vì không thấy tên trên bảng. Mẹ và em gái lúc đó có mặt tại Ðà Lạt, ở nhà
chàng, chắc cũng biết, nhưng không nói năng gì. Hôm sau, Ðại tá Quỳnh cho gọi chàng
lên. Ông đưa chàng xem ba bài Pháp văn rọc phách, không đề tên, đều bị hai con
số không to tướng. Và nhỏ nhẹ bảo:
- Mẹ và em của Ðại úy sáng nay có đến gặp tôi, xin vớt một người bà con được đỗ
kỳ này. Tôi xem lại điểm thì thấy anh ấy và hai người nữa bị loại vì bài Pháp
văn. Ðại úy chấm rất đúng, vì họ trả lời kém thật. Tuy nhiên, Ðại úy xem có thể
nâng điểm lên cho thân nhân của Ðại úy, và vì anh này, cho hai người kia nữa
được đỗ không?
Sự
việc quá bất ngờ, chàng chưa biết trả lời sao, thì ông vội tiếp, vẫn nhỏ nhẹ:
- Nhưng điều ấy cũng tùy Ðại úy thôi. Tôi
không có quyền gì.
Suy nghĩ vài giây, chàng mới lên tiếng hỏi:
- Ðại tá thấy họ cần bao nhiêu điểm
nữa?
Ông nói từ 3 đến 4. Chàng bèn sửa, và ký tên
trước mặt ông. Sự tế nhị và lòng độ lượng của Ðại tá Quỳnh làm mẹ và em chàng
cảm phục, hân hoan. Riêng chàng thầm cám ơn ông đã khéo léo giải quyết mọi
chuyện êm đẹp, nếu không chắc phen này chàng “khó sống” với mẹ, bà sui gia, em
gái. Tại bến xe đi Nha Trang, khi hôn từ giã chàng, Thể Trân bỏ nhỏ vào tai:
- May phước còn có ông Ðại tá chỉ huy trưởng của anh... Anh lý tưởng vừa
chứ. Mẹ giận anh lắm đó, nói sẽ cúp viện trợ cho anh... Anh liệu lời xin lỗi mẹ
đi!
... Thế rồi, mỗi người chia một nẻo. Ông cũng
đi trình diện “cải tạo” ở một nơi nào đó. Chàng bị tống vào Long Giao để gặp
lại gần toàn bộ sĩ quan Ðại Học CTCT, trong số có người bạn thân, Đại úy Đỗ Huy
Hoàng, chủ bút tờ Ức Trai của trường. Những chiều lao động về rảnh rỗi, chàng
mò sang đội của Hoàng, hoặc ngược lại, để tâm sự vụn cho bớt nhớ nhà. Nhất là
bớt tức. Có cái gì uẩn ức, hằn học nằm trong tiềm thức của mỗi tên tù. Đau xót
và căm giận còn hơn bị tình phụ. Nhưng không biết tức ai. Lãnh đạo hèn nhát đã
cao bay xa chạy. Thù hận Cộng Sản thì chẳng ai dám hé môi nói với ai. Cuối
cùng, chỉ có Thượng Đế lãnh đủ những lời ta thán, chửi thề bâng quơ. Trong câu
chuyện, chúng tôi điểm mặt từng người quen, và khi biết toàn trường vào tù, cả
hai cùng thở dài, ngán ngẩm. Nguyễn còn gượng chọc Hoàng:
- Ức Trai hay Ức Gái gì rồi cũng chui vô rọ
hết!
Tại Long Giao, chàng ở cùng đội, cùng tổ với Đặng Phùng Hậu, bác sĩ
trưởng bệnh xá trường Đại Học CTCT, và một nhóm quân y. Cả tổ, vì tự ái, tự
trọng, không ai than vãn về chuyện ăn uống, đói khát trong tù, kể cả sau này
khi viết hồi ký. Hậu vui tính, kể đủ chuyện, nhờ vậy những ngày ảm đạm, bực bội
qua khá nhanh. Mỗi tối, Hậu thì thầm nói chuyện với chàng về thời cuộc, và lần
nào anh cũng lẩm bẩm kết thúc bằng câu:
- Địt cụ, đau như hoạn, tức như bò đá!
Bên dãy cấp tá có Lê Ân, thiếu tá
Văn Hóa Vụ trưởng của trường. Những lần thấy nhau qua hàng rào kẽm gai, ông lộ
vẻ mừng rỡ, rồi lắc đầu nói, giọng Quảng lai Huế rất trademark của ông:
- Cháng gướm (chán gớm)!
Trong câu chuyện, anh em thường hỏi nhau về
Ðại tá Chỉ huy trưởng. Không ai biết chính xác ông ở đâu. Có tin ông đã chết.
Hoặc đang ở ngoại quốc. Hoặc trốn trong một khu rừng. Nhiều đêm trằn trọc, Nguyễn
khổ tâm vì dĩ vãng, cứ ám ảnh mãi, như cuốn phim quay lại, tự động, chậm chạp,
lê thê. Nhớ không sót từng khuôn mặt, từng buổi giảng dạy, từng dịp lễ. Nhớ
từng đêm Giáng sinh giá buốt và tiếng chuông nhà thờ ngân nga, từng buổi dạ vũ
tưng bừng, mệt nhoài, từng con phố chìm trong sương mờ che khuất nẻo đường về...
Bây giờ Đại tá Quỳnh đứng đó, bên Nguyễn, giữa
một ngày xuân héo hon. Người gầy nhom, gương mặt hốc hác, má trũng sâu. Nhìn
lại hình hài mình, chàng thấy đâu hơn gì. Chỉ một thoáng mơ, bỗng hiện về trong
đáy hồn rời rã cả khung trời yêu thương Ðà Lạt và kỷ niệm rực rỡ của tháng ngày
cũ có hạnh phúc còn thơm hương mimosa, có tình yêu chưa biết nói lời phản trắc,
có một Ðại tá Quỳnh uy nghi trong quân phục đại lễ gắn cấp hiệu cho sinh viên
các khóa, nay còn đâu! Mới có bốn năm vật đổi sao dời mà cả hai đã trở thành
thảm hại đến thế ư? Ông mặc bộ treillis bạc màu, chân đi dép râu, sau lưng viết
chữ Quỳnh thật to bằng mực tím. Thấy không ai để ý, Nguyễn bèn hỏi rất khẽ:
-
Ðại tá nghĩ sẽ có ngày về không?
Ông
lấy tay che một bên tai, có vẻ chú ý lắm mới nghe lọt hết. Và trả lời nhanh,
chắc ngại đám ăng-ten cứ lượn qua lượn lại trước mặt:
-
Tôi nghĩ là rất khó lòng, mặc dù vẫn cố hy vọng. Ðiều quan trọng là anh gắng
giữ gìn sức khỏe tốt để có sức chịu đựng. Gặp anh em khác cho tôi gửi lời thăm!
Một
thằng sà tới. Nguyễn vội nói lớn:
-
Bác được thư gia đình thường chứ ạ?
Ðại
tá Quỳnh chưa kịp đáp thì hắn đã gay gắt bảo Nguyễn, giọng trọ
trẹ:
-
Tôi lưu ý anh, không được quan hệ với các anh đại
tá.
Chàng
phản pháo liền:
-
Nhưng anh là ai? Hôm nay ngày Tết được miễn!
Thằng
nọ mặt hầm hầm, lớn tiếng:
-
Tôi ở trong ban Trật Tự. Ðề nghị (tiếng Việt Cộng có nghĩa “yêu cầu”) anh chấm
dứt quan hệ linh tinh.
Chàng
quay sang Ðại tá Quỳnh :
-
Thôi, xin từ giã bác, chúc bác mạnh khỏe, bình an trong năm mới.
Rồi
nhìn thẳng mặt thằng Trật Tự, giận dữ bỏ đi. Nguyễn gặp Ðại tá Quỳnh được một
tháng thì hai đội bò lục –đội trưởng là Lê Ðình Luân và Dương Hiếu Nghĩa– chuyển
xuống K5, cách đó độ sáu cây số, cùng với các linh mục tuyên úy mà bọn Công an
đặc biệt căm thù.
4. Rồi
một hôm, mẹ chàng lặn lội đến thăm, có Bội Trân hộ tống. Lần đầu được phép, sau
năm năm nộp đơn và chờ đợi. Mất ba ngày đường trên hai chuyến xe lửa từ Nha
Trang ra Hà Nội, từ Hà Nội lên Ấm Thượng. Qua sông Hồng bằng phà máy, tới K1
bằng xe trâu. Tại nhà tiếp tân, lúc đó khá đông người, ba mẹ con ôm nhau khóc,
rồi nói cười, mừng mừng tủi tủi, trước những cặp mắt cú vọ của lũ vệ binh và
quản giáo. Mẹ thút thít, xoa nắn hai cánh tay và ngực chàng, như lúc nhỏ chàng
từ Sài Gòn về quê Nha Trang nghỉ hè, chê con gầy quá, tội con quá! Tóc mẹ bạc hơn
nửa mái đầu, da sạm nắng, tay nổi gân xanh. Suốt năm, Bội Trân nói, mẹ đi thăm
nuôi “mệt nghỉ” rồi lo tìm đường cho con vượt biên, làm sao mà không già yếu
cho được. Ba ông con trai lớn và một chàng rể tương lai đi cải tạo bốn nơi khác
nhau, cô con gái áp út, Huyền Trân, bị bắt ngay trên ghe nhỏ, giam tại A30. Cả
nhà bị chúng nó theo dõi sát nút. Chỉ có ba đứa thoát được, mẹ cho biết, gồm Thể
Trân đi với gia đình chồng, và sau đó, hai thằng út, còn nhỏ, được một người
quen trong xóm cho quá giang ghe, và đang ở Mỹ.
Bội
Trân đẹp như trước kia, nổi bật giữa phòng tiếp, dù thôi trang điểm. Nhưng tóc
cài hờ hững, mắt buồn vời vợi, mất hết vẻ hồn nhiên, tinh nghịch cố hữu, khiến
chàng ngậm ngùi tưởng đến những mỹ nhân tự thuở xưa hương sắc không phai giữa
gió đời vùi dập, kiêu sa trước nghịch cảnh, như các nhân vật nữ trong những vở bi
kịch Hy Lạp cổ. Em kể, và mẹ lắng nghe, thỉnh thoảng gật gật đầu, đồng ý:
- Nhà
mình bị tịch thu được chúng nó trả một nửa, nửa kia làm trụ sở thanh niên
phường. Ba làm rẫy, mẹ lén nấu rượu chuối cho ba uống, thay Martel. Em phụ
bán nước mía với em Huyền Trân. Chị Thể Trân được tàu Pháp vớt, gần Mã Lai, hiện
định cư tại Nanterre với chồng con. Chị vẫn nhắc chuyện anh cho cậu em chồng
hai quả trứng vịt lộn trong kỳ thi ở trường Chiến Tranh Chính Trị và ông Ðại tá
chỉ huy trưởng hiền từ của anh. Chị nói anh ngang tàng, đôi lúc chị tức anh
lắm, nhưng vẫn thương anh, hơn bất cứ ai, bởi anh là mẫu người của đàn ông, có
chết cũng không than van, xin xỏ, lúc nào cũng bất cần, kiêu hãnh, giống như
con chó sói bị thương trong bài “La mort du loup” của Vigny mình học năm nào
đó... Anh nhớ không, hồi nhỏ, một lần anh đánh lộn với mấy thằng lối xóm chuyên
chận đường chọc ghẹo tụi em, bị chảy máu mũi, mắt sưng vù, mà anh vẫn cắn răng
chịu đau, không khóc, lại còn bị ba mắng cho nữa...
Chàng
lắc đầu, cười buồn. Ôi, xa rồi kỷ niệm, nhắc làm chi hỡi em? Và đổi đề tài:
-
Em đã đi thăm Kha chưa? Anh không biết Kha hiện ở trại nào.
Kha
là hôn phu của Bội Trân, phi công A37, dưới chàng hai lớp ở Jean-Jacques
Rousseau. Sắp cưới thì mất nước. Vì Bội Trân ở lại, Kha cũng không đi.
Nghe
chàng hỏi, Bội Trân chớp mắt, buồn rầu nhìn ra sân. Bầu trời thấp, đục, giăng
mây xám, như sắp đổ mưa. Gió rừng tuôn qua vách nứa ngập gian nhà trống trải,
không liếp che, lạnh từng cơn. Em thì thầm:
-
Mẹ và em đã ghé thăm Kha ở Hà Nam Ninh trên đường lên anh đây. Cũng tàn úa, như
anh, như mọi người, sức khỏe giảm sút nhiều... Em sẽ chờ Kha, bao lâu cũng
được.
Chàng
quay sang mẹ, bùi ngùi nói:
-
Tất cả đều do lỗi của con. Phải chi ngày đó con biết nghe lời em đưa gia
đình...
Mẹ
ngắt lời:
- Cả
nước đều lầm, đâu phải mình con. Chuyện cũ, thôi đừng nghĩ đến
nữa.
Bội
Trân tiếp:
- Nhưng có thế này em mới được thất
nghiệp, về ở hẳn với ba mẹ chứ! Em vẫn thương anh và hãnh diện vì
anh.
Mẹ và em nói đủ thứ chuyện, nhưng không đề cập
đến một tin chàng mong chờ mà ngại ngùng không dám hỏi. Dường như hiểu ý, lúc
mẹ quay qua tiếp một bà đồng hành ngồi cùng bàn, Bội Trân nắm bàn tay chàng,
siết chặt, và khẽ nói:
- Lệ
Ngà đã lấy chồng. Hai năm sau khi anh ra đi. Em đâu
ngờ!
Tự
dưng chàng buột miệng, không chút mỉa mai:
- Hai năm là còn khá thủy chung đấy chứ em!
Nguyễn tưởng sẽ phải đứng tim, ngất xỉu.
Nhưng lạ quá, chỉ thấy buốt nhói một chút như kim châm. Có lẽ vì đã chuẩn bị
đón nhận sự thật từ quá lâu, từ năm năm rồi. Một thiên thu. Chợt nhớ một anh
bạn Thiết giáp vừa vào Long Giao mấy tháng đã nhận được thư vợ xin anh cho phép
“bước thêm bước nữa” và ký vào tờ đơn ly dị và giấy nhường tài sản kèm theo, và
cả đời chàng không quên được giọng cười khinh bạc của anh sau khi viết trả lời:
“Nhất trí. Cho cô hết. Nhưng khuyên cô không nên bước, mà nên chạy cho nó
nhanh.”
Chàng không phản ứng lanh lẹ được như anh ta. Bởi vô vàn kỷ niệm ngát
hương ngày mới yêu ùa về, thay nhau vỡ như bong bóng. Lệ Ngà. Bạn học thân
thiết của Bội Trân. Tà áo thiên thanh và dòng tóc buông lơi trong nắng sớm phi
trường Liên Khương, những lần em bay lên gặp anh. Lệ Ngà. Những chiều đi dưới
mưa lất phất qua những đồi thông, em hát nho nhỏ bài “Le jour où la pluie
viendra... Ngày mà mưa đến, sẽ có bao nhiêu là giọt kim cương cho tình ta...”
Những ly rượu Bordeaux sóng sánh ngọt lịm môi em, trong quán L’eau Vive, và bản
sonate 23 của Beethoven, Appassionata, trên phím dương cầm, thánh thót như từng
giọt lệ rơi, thiết tha như lời tuyệt vọng gọi người tình về. Những vòng tay
cuống quýt tìm nhau trong hoàng hôn tím trên đồi Cù. Những lời thề nguyền yêu
đương cho đến lúc đầu bạc răng long. Lệ Ngà. Hạnh phúc dối gian và ảo vọng phù
du. Nguyễn nhắm mắt giây lâu, nghe vị đắng và cơn giận thấm dần xương tủy. Và
thở dài nhè nhẹ, nhìn Bội Trân, không nói. Ðâu phải tình cờ em nhắc đến con chó
sói bị thương, cùng đường, của
Vigny.
Em
tiếp, giọng trầm buồn:
- Không hiểu sao Ngà biết em sắp đi thăm anh. Ðến gặp em, lần đầu tiên sau mấy
năm biệt tích. Em không nỡ đuổi. Khóc suốt buổi, nhưng không nói một lời gì về
anh. Khi chia tay, Ngà nhờ em trao hộ cho anh những phong chocolat Meunier mà
chị ta nói ngày xưa anh rất thích, và cho em một số tiền làm lộ phí, nhưng, dĩ
nhiên, em đã không nhận gì hết... Em biết tính anh quá mà!
Chàng
nói cám ơn em. Rồi cả hai im lặng, đuổi theo những ý nghĩ
riêng...
Hai
giờ trôi qua mau. Tên cán bộ vén tay áo xem đồng hồ, bảo tất cả chuẩn bị ra về,
vác quà vào trại. Khi ôm hôn từ biệt chàng, lợi dụng tiếng ồn ào, Bội Trân nói
nhỏ, một hơi, thật nhanh, qua màn lệ, bằng tiếng Pháp:
- Ba dặn anh đừng tin bọn Cộng sản, đừng khai thật, khai sao lặp lại y
như vậy, đừng tin các phong trào phục quốc, tất cả đều là cạm bẫy của Việt
Cộng. Em nghe đài VOA và BBC nói các nghị sĩ, dân biểu Mỹ, và cả thế giới đang
quan tâm đến số phận của các anh. Ðừng tuyệt vọng nghe anh. Nhớ đọc kinh, cầu
nguyện xin Chúa và Ðức Mẹ che chở. Cả nhà chờ anh đó. Em thương anh. Je t’aime
toujours. Toujours.
5.
Mẹ và em về hơn hai tháng, Nguyễn được
chỉ định vào đội Xây Dựng, có nhiệm vụ cất nhà ở cho tù, cán bộ, và heo, và bắc
cầu qua suối cho dân. Lúc đầu chàng phụ tá cho Thiếu tá Lưu Ninh, dễ thương,
vui tính, trong tổ vữa (trộn hồ), và sau khi Ninh qua “khâu” lợp chàng được
thăng chức tổ trưởng, và tổ phó là Ðào Văn Bảnh, Trung tá Bộ Tổng Tham Mưu. Bảnh
tính tình điềm đạm, cởi mở, sau trở thành một trong những bạn tù thân thiết
nhất. Không có tổ viên. Suốt ngày hai tên hì hục trộn hàng đống vữa lớn, nhỏ,
để sẵn, chờ một toán đem xe cải tiến, do ông nhà báo Việt Tấn Xã Đinh Phụng
Tiến chỉ huy, đến xúc giao cho các thợ xây. Trong đội, nằm cạnh chàng, có Ðại
đức Nguyễn Long, đứng tuổi, quê Quảng Ngãi, lo nấu nước, làm tạp dịch. Ông hiền
lành, thật thà, ưa giúp đỡ mọi người. Nhiều đêm, vài anh nổi hứng, oang oang kể
chuyện đàn bà con gái, chơi bời trước kia. Ông cũng bị nghe, và lần nào cũng
lầm rầm bên tai Nguyễn:
-
Mô Phật! Chơi chi mà chơi dữ rứa hè!
Bữa
nọ, một bà già khu gia binh cho đội một con chó con vừa chết. Một anh Đại úy Cảnh
sát Đặc biệt, gốc Hố Nai, xung phong trổ tài nấu rựa mận với muối, rau muống,
và củ riềng –mọc đầy hai bên đường. Mỗi
người được chia hai miếng to bằng ngón chân cái. Ai cũng “hồ hởi” ăn, trừ Ðại
đức Long. Ông đi tìm Nguyễn, cho phần của ông, mặc dù quanh năm, cũng như ai, ông
thiếu chất thịt và chưa được thăm nuôi. Ông nói:
- Tui còn tu. Anh ăn giùm cho!
Đổi lại, Nguyễn tặng ông phần sắn, nhưng ông nhất quyết không nhận.
Một hôm, đội được điều động làm công tác “đột xuất” (bất ngờ) là ra “nghĩa
địa”, tức một bãi đất trống sát chân núi, làm cỏ và cắm mộ bia cho các anh em
đã nằm xuống. Nguyễn đếm gần hai trăm mộ –kỳ thực chỉ là những nấm đất
vùi sơ với mảnh gỗ nhỏ ghi vội tên người chết. Trong số có vài ông tỉnh trưởng,
trung đoàn trưởng. Có Trung tá Nguyễn Văn Năm, thuộc trường Ðại học CTCT, người
hiền như Bụt, nổi tiếng về khoa bói toán, bấm độn, và một người quen biết từ
Sơn La, Trung tá Ðặng Bình Minh –cả hai trúng nắng cùng một lúc ngoài hiện
trường lao động, được chở về trại cùng trong một chiếc xe trâu, hôn mê và qua
đời cùng một giờ. Anh em kể, vợ phi công Minh, một dược sĩ trẻ đẹp, từ Hà Nội
trở lại thăm nuôi tiếp, đúng lúc anh vừa mất, được dẫn ra nghĩa địa, khóc như
mưa, rồi cắt tóc để lại trên mộ cùng với một bài thơ. Nguyễn vừa dọn cỏ vừa
thầm khấn các anh phù trợ cho tất cả tai qua nạn khỏi và mau về sum họp với gia
đình. Và thắc mắc không hiểu sao bữa nay bọn cai ngục lại tử tế đối với tù binh
quá cố như vậy. Thì ra, về sau mới biết, có một phái đoàn cao cấp Bộ Nội Vụ đến
thăm trại.
Cuối năm 1980, cả đội của Nguyễn được điều động đến K5 xây hội trường và khu
gia binh cho công an. Tại đây, Nguyễn vui mừng được thấy lại Ðại tá Nguyễn Quốc
Quỳnh, mỗi buổi sáng tập họp. Kỳ này, trông ông đỡ tiều tụy. Tết 1981, mẹ chàng
và Bội Trân ra Vĩnh Phú lần thứ hai, với Huyền Trân, cô em út xinh đẹp vừa tròn
mười tám. Chàng soạn bánh mì khô, đường và mì gói, mấy viên thuốc cảm, bỏ vào
một bọc ni-lông, chờ buổi chiều các đội đi tắm suối chung lẻn đến phía các bò
lục, gặp Ðại tá Quỳnh trao cho ông, nói:
-
Tôi mới được thăm, xin biếu Ðại tá.
Hai
tháng sau, đến lượt ông được thăm, và một buổi sáng Nguyễn đang đánh vữa thì
đội của ông đi ngang. Ông gật đầu ra dấu cho chàng đến sát hàng rào kẽm gai và
dúi vào tay một gói lương thực khô đủ loại. Thằng vệ binh thấy được, chạy tới
khám. Không có thư từ, mật hiệu, nó trả lại, mồm càu nhàu:
- Quà với cáp linh tinh!
Lúc
này, tổ vữa làm việc gần bếp và giếng nước cơ quan. Một hôm, một trung sĩ công
an còn trẻ, lạ hoắc, lén vệ binh, đến gần, run run hỏi nhỏ:
-
Các anh có B6, cho tôi xin một ít. Vợ tôi mới sinh bị phù (thủng) nặng.
Việc
xảy ra đột ngột, Nguyễn và Bảnh đưa mắt nhìn nhau, không đáp, sợ bị gài bẫy.
Anh ta vội tiếp:
-
Nói thật đấy mà! Không tin, các anh cứ vào đây xem.
Suy
nghĩ một hồi, Nguyễn đánh liều đi theo anh ta, còn Bảnh ở lại canh chừng đống
vữa và tên vệ binh. Vào nhà, thấy chị vợ da mét xanh, mặt mày, tay chân sưng
húp, nằm bên đứa con đỏ hỏn, bé hơn con chuột nhắt. Chị ta nói thuốc bệnh xá
cấp thiếu, và không có thức ăn bổ dưỡng.
Hai đứa phân vân mãi. Ðối tượng giúp đỡ phải là bạn tù chứ, của đâu mà
lo cho Công an! Nhưng hầu hết anh em đều đã được thăm nuôi, hoặc nếu chưa, đã
được Bảnh, Nguyễn và bạn bè chia sẻ phần nào rồi. Cuối cùng, động lòng trắc ẩn,
cả hai góp lại được chừng năm mươi viên B6 để dành từ các lần tiếp tế, đã quá
hạn, nhưng không còn gì hơn, và một hộp sữa bột cho đứa bé, đem giấu dưới một
gốc cây, làm hiệu cho anh ta đến lấy. Ba tuần sau, một buổi trưa, chị vợ đang
nấu bếp cơ quan thấy hai chàng thợ vữa đến, vội bước ra, nhìn trước nhìn sau,
bảo:
-
Cảm ơn hai anh, hôm nay em đã đỡ nhiều. Có xuất cơm trắng và miếng thịt trâu
bồi dưỡng em mang cho hai anh giấu ở gốc cây kia. Nhớ xem chừng cán bộ bảo vệ,
kẻo em bị kiểm điểm...
Rồi từ đội Xây Dựng, Nguyễn được Linh mục
Trần Thanh Cao, giỏi nhạc, đẹp trai, vui vẻ, có quen biết ngoài đời, bốc về đội
văn nghệ mới thành lập do ông làm đội trưởng, để tỵ nạn lao động vài tháng, mặc
dù chàng dốt đặc về ca vũ nhạc kịch. Nhân tài, cũng cỡ chàng, biệt phái từ các
đội. Có ba anh giả ba sơn nữ Phà Ca mang gùi, đeo vòng, lắc lư múa theo bài “Tiếng
chày trên sóc Bom Bo”, trông xa, và vì vắng đàn bà lâu ngày, thấy cũng hấp dẫn
không thua Thanh Nga. Có tổ cải lương với đầy đủ vai hề, đào thương, kép độc.
Ðội được lệnh trình diễn giúp vui một phái đoàn thanh tra trung ương. Cha Cao
cho Nguyễn vào ban hợp xướng, bè alto ngang phè phè. Ông khuyến khích các ca
viên:
-
Ăn sắn và hút thuốc lào mà hát như vậy là được rồi!
Một
hôm, trại phó đến thăm. Ban hát đang tập một bài có nhắc tên Hồ Chí Minh và
hang Pắc Pó, hay ao sen, ao cá gì đó, do cha Cao đặt hòa âm thành bốn bè, mỗi
bè tập riêng. Hắn chăm chú nghe, vui vẻ, rồi bỗng nhăn mặt, gọi cha Cao lại, giận
dữ quát:
-
Anh bôi bác Cách mạng đấy phỏng? Tên Bác kính yêu như thế mà... mà anh dám đổi
nà Hô, Hố, Hộ, Hổ như thế thì... thì nà… thì nà anh nếu náo thật!
Cha
phân trần, nhưng hắn gạt đi:
-
Bỏ, bỏ tất! Bè với không bè!
Lần
khác, hắn đến xem tập kịch. Hắn lại nhăn mặt, lại gọi cha Cao, chỉ tay về
phía ông trung tá nhà văn trọng tuổi, bút
danh Ký Giả Lô Răng, đang đóng vai một cán bộ huyện. Nguyễn đứng gần cha Cao,
nghe hắn bảo:
- Thay anh kia cho tôi! Cán bộ cách mạng chúng tôi không bao giờ đi chân
thọt! Anh có ý đồ phải không?
Cha
Cao ngẩn người ra, cứng họng. Bấy giờ, Nguyễn mới nhìn kỹ ông diễn viên xui
xẻo. Quả thật, chân bước của ông hơi khập khiễng.
Văn
nghệ xong, đội giải tán trong sự tiếc nuối của các nghệ sĩ bất đắc dĩ. Cha Cao đi
trồng mía. Nguyễn bị hoàn trả về đội xây, đánh vữa trở lại với Ðào văn Bảnh.
6. Bất ngờ, lại bị “biên chế” nữa. Các sĩ quan cấp tá và tuyên úy một
sáng sớm phải lên đường di chuyển về một nơi nào không rõ. Nguyễn ngồi trong
hàng nhìn theo bóng Ðại tá Quỳnh và bạn bè, có cả Ðại đức Long và cha Cao, lầm
lũi bước lên xe, mang theo những túi tư trang gọn nhẹ, như chính cuộc đời trống
vắng, buồn tênh của đám tù nhân. Lần đó, chàng nghĩ khó còn gặp lại nhau, và tự
dưng lòng nao nao như mất người thân thuộc.
Năm
sau, đội Xây Dựng được trở về K1. Mỗi tối, khi cửa buồng giam đóng lại, từng
nhóm tụm năm tụm ba nhỏ to nói chuyện, đánh cờ, uống nước trà, hoặc bàn luận
thời cuộc từ những tin tức hiếm hoi, thường phóng đại, do các bà thăm nuôi cung
cấp. Thời gian này, Nguyễn được nhóm thân hữu đặt biệt danh “bình luận gia tin
tức quốc tế”. Một cách thành thật, tự tin, chàng phân tích theo chiều hướng có
lợi, hợp với ước vọng của mọi người, trong khi thực tế có lẽ khác xa. Bọn cán
bộ hình như, về sau, cũng muốn thả lỏng, miễn đừng ai phá phách, trốn trại,
trốn lao động, hoặc công khai “phản động”. Những giàn ăng-ten bị bứng
hết, và tù binh có thể phát biểu vung vít, thoải mái, trong nội bộ từng nhóm.
Bảy năm rồi còn gì! Ðau khổ đã thành thói quen. Nhớ vợ thương con cũng đã chìm
sâu vào tận cuối hồn. Không còn những anh đêm khuya khóc rưng rức trong chăn
của thời gian đầu xa gia đình êm ấm. Trái tim đã hóa thành đá hết rồi. Giờ đây,
phản kháng, dưới hình thức nào đó, bùng lên từ sự chịu đựng câm nín dồn ép qua
nhiều năm. Có người khai bệnh nghỉ lao động dài dài. Hoặc giả khùng chửi xéo
chế độ. Hoặc còn đập cả vệ binh hỗn láo để rồi, dĩ nhiên, bị biệt giam và hành
hạ dã man. Nguyễn bắt đầu để râu, làm tên quản giáo Vinh –nói ngọng, chữ tr
thành t, l thành n– rất ngứa mắt, bắt kiểm điểm, nên thấy hắn lỏn vỏn từ xa,
chàng bèn lánh mặt.
Trong buồng giam, có một anh, tên Nguyễn Xuân Trung (mà sau này, qua Mỹ,
Nguyễn mới biết là cựu SVSQ khoá 1 trường Đại Học CTCT, ra trường khá lâu trước
khi chàng được thuyên chuyển về Đà Lạt), chuyên chiếu phim, tức kể chuyện, thật
hay và duyên dáng. Thay phiên với một chiếu phim viên tài ba khác, Thiếu tá Thiết
giáp Đỗ Cao Thượng (chú của Tướng Đỗ Cao Trí). Tối đến, đám tù nhân bu quanh hoặc
Trung, hoặc Thượng, người rót trà, mời kẹo, kẻ đấm lưng cho hai anh, để được
nghe kể đủ thứ chuyện, từ Cô gái Ðồ Long đến La valse dans l’ombre qua Thần
điêu đại hiệp. Một anh nữa, Trung úy Phạm Hữu Lý, khóa 2, cũng trường CTCT, bạn
đồng tù rất tư cách của Nguyễn, hát nhạc vàng rất mùi. Suốt một đêm giao thừa,
Lý ca một hơi hơn một chục bản tình lâm ly, như Chiều mưa biên giới anh đi về
đâu hoặc Xuân này nếu con không về, chắc mẹ buồn lắm, làm ai nấy mắt cay sè,
muốn khóc. Bọn vệ binh gác cửa, đa số là thanh niên mới lớn, nghệt cổ ra nghe, thậm
chí còn bảo “anh lào đó hát nại” vài câu.
7. Ðại tá Nguyễn Quốc Quỳnh và hầu hết các
nhân vật trong “truyện” này kẻ trước người sau đã đến bến bờ tự do, trăm người
trăm cảnh khác nhau. Từ Portland, thỉnh thoảng Nguyễn gọi ông hay viết thư thăm
hỏi. Chàng cũng được tin Đại úy “điếc không sợ súng” Hoàng Bá Linh, Đại úy “quý
danh” Nguyễn Ngọc Nhung, Thiếu tá “cháng gướm” Lê Ân, và Trung tá “phụ tá tổ trưởng
vữa” Ðào Văn Bảnh… kẻ trước người sau đã ra đi, bỏ cuộc chơi và khổ nạn. Cha
Trần Thanh Cao, nghe ai nói, đang là cha xứ, quốc doanh, giàu có, của một họ
đạo Sài Gòn. Bác sĩ Đặng Phùng Hậu và nhà báo Ức Trai Đỗ Huy Hoàng định cư tại
Texas. Còn phi công Nguyễn Hữu Trí không rõ trôi dạt phương nào, cũng như thầy
Nguyễn Long.
Mẹ chàng, đã ngoài tám mươi, vẫn còn ở quê nhà, với Huyền Trân và chồng con. Ba
mất, không được gặp mặt. Những người em “cải tạo” lần lượt định cư tại các
nước, trừ Kha chết trong tù. Cựu tiếp viên Air Vietnam Bội Trân ở vậy, không
yêu ai nữa, đúng theo lời thề hứa, trước khi trở thành một nữ tu dòng kín
Carmel, giữa tuổi thanh xuân, làm bao nhiêu con tim tan nát. Lệ Ngà yên ngủ
giấc ngàn thu, sau một cơn bạo bệnh, trả hết cho dương gian những si mê và tình
yêu mật đắng. Còn chàng, sau bao năm vật vã để vá lại mảnh đời rách nát, đã bắt
tay được với hạnh phúc –nhỏ nhoi so với nỗi đau ngút ngàn phải trải qua. Nhưng
hồn vẫn chơi vơi theo kỷ niệm chỉ chực òa vỡ mỗi năm vào cuối tháng 4, hoặc mỗi
lần nhớ đến mẹ và em từ bên trời cũ, và ở đầu dây tiếng Ðại tá Quỳnh, từ Orlando,
vang lên trong điện thoại.
Nữ tu Marie-Amélie Bội Trân luôn nhắc Nguyễn hãy quên, hãy tha thứ, tha thứ, tha
thứ và nói tất cả chỉ là thử thách Chúa gửi đến. Nhưng đối với bạo quyền Việt
Cộng, chàng nói, làm sao tha thứ cho được? Ðó là một bọn người tàn ác, phi nhân,
đã dìm cả đất nước vào cảnh lầm than, đói khổ, qua ba mươi năm, và bây giờ lại
còn đốn mạt bán đất, bán biển cho quan thầy Trung Cộng, kẻ thù và mối họa muôn
đời của dân tộc. Hận thù, Nguyễn sẽ không bao giờ quên, mặc ai phỉnh gạt, kêu
gào hòa giải hòa hợp. Vì chàng vẫn tin lời viên tổng tài (consul) La Mã, Quintus
Arrius, nói với Juda Ben Hur lúc còn là một tù nhân chèo thuyền (galérien)
trong cuốn phim cùng tên, Ben Hur– rằng hận thù cho sức mạnh, làm ta luôn tỉnh
táo, đề phòng.
Portland, 13 tháng 4 năm 2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét