Thứ Ba, 12 tháng 2, 2013

CÁC DANH TƯỚNG VÀ LOẠN TƯỚNG CỦA QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA

ĐẠI TƯỚNG CAO VĂN VIÊN

Trần Đông Phong

Đại tướng CAO VĂN VIÊN (1921-2008)
Kể từ khi Quân Đội Quốc Gia Việt Nam, tiền thân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, được thành lập dưới thời Quốc Trưởng Bảo Đại cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, người nắm giữ chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng Bộ Tổng Tham Mưu lâu đời nhất, từ 1965 đến 1975, tưc là gần 10 năm, là Đại Tướng Cao Văn Viên, kế đó là Thống Tướng Lê Văn Tỵ, gần 8 năm, từ 1955 đến 1963, còn những vị khác thì thời gian họ nắm giữ chức vụ này rất ngắn ngủi, có người chỉ chừng vài năm, có người chỉ chừng vài tháng mà thôi. Tuy nhiên trong số những vị này, Đại Tướng Cao Văn Viên là người duy nhất đã nắm quyền Tổng Tham Mưu Trưởng khi quân số của Quân Lực VNCH lên đến trên 1 triệu người cả nam lẫn nữ và vào những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa, ông đã được Tổng Thống Trần Văn Hương bổ nhiệm làm Tổng Tư Lệnh QLVNCH, một chức vụ mà trong suốt thời Đệ Nhị Cộng Hòa do chính Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nắm giữ.



Theo bản tiểu sử chính thức của Việt Tấn Xã (Who’s Who in Vietnam,VNTTX Saigon, 1974) ông Cao Văn Viên sinh tại Vientiane (Vạn Tượng,) thủ đô nước Lào ngày 11 tháng 12 năm 1921. Ông theo học trường trung học của người Pháp ở Vientiane và sau khi tốt nghiệp bằng Diplome (trung học Đệ Nhất cấp), ông đi làm công chức trong ngành Kho Bạc (ngân khố) tại thủ đô nước Lào. Ông không phải là một người tình nguyện gia nhập vào quân đội, khi còn ở tuổi đôi mươi như những vị sĩ quan khác mà chỉ gia nhập vào quân đội một cách bất đắc dĩ sau khi bị bắt cầm tù. Có nhiều người từng quen biết với Đại Tướng Cao VănViên cho biết rằng ông Cao Văn Viên trở về Việt Nam với ý định tham gia kháng chiến chống Pháp nhưng lại bị quân đội Pháp bắt khi ông trên đường trở về Việt Nam vào khoảng cuối thập niên 1940. Thấy ông nói tiếng Pháp thông thạo, quân Pháp bắt ông phải đi theo họ để làm thông ngôn (thông dịch viên) cho đến khi người Pháp mở lớp huấn luyện sĩ quan để phục vụ cho Vệ Binh Cộng Hòa ở Nam Việt (Gardes Républicaines du Sud Vietnam,) ông đã được gửi đi thụ huấn khóa này. Ông tốt nghiệp lớp Huấn Luyện Sĩ Quan tại Cap St Jacques (Vũng Tàu) vào năm 1949, lúc bấy giờ đã gần 30 tuổi, cùng một khóa với các ông Nguyễn Chánh Thi, sau này là Trung Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn I, ông Nguyễn Hữu Hạnh, sau này là Chuẩn Tướng, được ông Dương Văn Minh bổ nhiệm làm Tổng Tham Mưu Phó QLVNCH vào ngày 29 tháng 4 năm 1975 và sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 thì mọi người mới biết Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh đã theo Cộng sản từ trước.



Theo ông Phạm Văn Liễu thì Tướng Cao Văn Viên đã từng giữ chức vụ chỉ huy những đơn vị tác chiến từ đầu thập niên 1950 tại Bắc Việt cùng với các sĩ quan sau này nắm giữ những chức vụ lãnh đạo trong guồng máy chính trị và quân sự của Việt Nam Cộng Hòa như Trung úy Nguyễn Văn Thiệu, Trung úy Trần Thiện Khiêm, Trung úy Tôn Thất Đính, Trung úy Đặng Văn Quang v.v. Tướng Cao Văn Viên đã từng làm tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 10 ở Tiểu Khu Hưng Yên, (Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cũng có một thời phục vụ tại tiểu khu này với ông Cao Văn Viên,) tiểu đoàn trưởng Tiểu Đòan 56, Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhảy Dù, Tư Lệnh Quân Đoàn III trước khi được đề cử giữ chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1965.



Ông cũng đã từng giữ chức vụ Tùy Viên Quân Sự tại Tòa Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa ở Washington trong hai năm rồi sau đó được cử theo học khóa Chỉ Huy và Tham Mưu (CGS) của quân đội Hoa Kỳ tại Fort Leavenworth vào năm 1956-1957. Một trong những người bạn cùng khóa với ông tại Ft Leavenworth là Trung Tướng Harold G. Moore, người đã chỉ huy trận đánh Ia Drang vào năm 1965. Tướng Moore sau này là tác giả cuốn sách “We’re Soldier Once…and Young” và cuốn sách này đã được quay thành phim rất ăn khách với tài tử nổi tiếng Mel Gibson đóng vai tướng Harold Moore, với sự cộng tác của tài tử Đơn Dương ở Việt Nam. Cũng vì đóng phim này mà Đơn Dương bị chính quyền Cộng sảnViệt Nam gây ra rất nhiều khó khăn nhưng nhờ có sự can thiệp tích cực của giới nghệ sĩ Hollywood cho nên Đơn Dương sau cùng mới được di dân sang sinh sống ở Hoa Kỳ.



Sau khi trở về nước, Trung Tá Cao Văn Viên được Tổng Thống Ngô Đình Diệm cử làm Tham Mưu Trưởng Tham Mưu Biệt Bộ tại Phủ Tổng Thống và sau cuộc đảo chánh ngày 11 tháng 11 năm 1960, Trung Tá Cao Văn Viên được cử giữ chức Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhảy Dù.



Ngày 3 tháng 3 năm 1964, Đại Tá Cao Văn Viên được vinh thăng Thiếu Tướng sau khi bị thương trong lúc đang chỉ huy Lữ Đoàn Nhảy Dù hành quân trong vùng biên giới Việt-Miên. Ông là người sĩ quan cấp đại tá sau cùng được thăng lên chức vụ thiếu tướng 2-sao vì sau đó thì Thủ Tướng Nguyễn Khánh đã sửa đổi lại quy chế và cấp bậc trong quân đội, cho thiết lập thêm cấp bậc chuẩn tướng 1-sao giống như là Brigadier General trong quân đội Hoa Kỳ.



Sau khi được thăng lên thiếu tướng, Tướng Cao Văn Viên được cử giữ chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn III kiêm Đại Biểu Chính Phủ tại Vùng 3 Chiến Thuật ở Biên Hòa vào năm 1964. Một năm sau đó, vào ngày 14 tháng 10 năm 1965, ông lại được cử làm Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Sang năm 1966, ông được bổ nhiệm làm Tổng Trưởng Quốc Phòng kiêm Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội nhưng sau khi Hiến Pháp VNCH được ban hành vào ngày 1 tháng 4 năm 1967 thì ông từ chức Tổng Trưởng Quốc Phòng, chỉ còn giữ chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng cho đến tháng 4 năm 1975.



Tướng Cao Văn Viên là người rất hiếu học. Trong thời gian phục vụ tại Phủ Tổng Thống, ông đã tự học và thi đậu cả hai bằng tú tài I và II, sau đó ông lại còn tiếp thục theo đuổi việc học tại trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn và đã lấy được văn bằng Cử Nhân Văn Chương Pháp.



Sau năm 1975, ông Cao Văn Viên cùng một số sĩ quan Việt Nam, Cam-Bốt và Lào được Trung Tâm Quân Sử của Lục Quân Hoa Kỳ mời cộng tác để viết lại về kinh nghiệm của họ trong cuộc chiến tranh Đông Dương và hai tác phẩm của ông đã được trung tâm này xuất bản trong bộ sách Indochina Monographs vào thập niên 1980, đó là cuốn “Leadership” xuất bản vào năm 1981 và “The Final Collapse” xuất bản vào năm 1983. Cuốn The Final Collapse đã được Nguyễn Kỳ Phong dịch ra Việt ngữ dưới tựa đề “Những Ngày Cuối Cùng của Việt Nam Cộng Hòa” xuất bản vào năm 2003. Ngoài ra ông đã cùng với cựu Trung Tướng Đồng Văn Khuyên viết cuốn “Reflections on the Vietnam War” được xuất bản vào năm 1980.



Sau ngày di tản sang Hoa Kỳ, cựu Đại Tướng Cao Văn Viên cư ngụ tại tiểu bang Virginia và ông sống một cuộc đời rất thầm lặng, ít liên lạc với bên ngoài cũng như là rất ít xuất hiện trước đám đông, kể cả những buổi họp mặt của các hội đoàn cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa. Bà Cao Văn Viên đã từ trần cách đây ít lâu và vì tình trạng sức khỏe trở nên rất suy yếu, trong những năm gần đây, ông Cao Văn Viên được đưa vào sống trong một nhà an dưỡng cho người cao niên tại niên tại Arlington thuộc vùng ngoại ô thủ đô Washington D.C.



Suýt Bị Phe Đảo Chánh 1-11-1963 Thủ Tiêu



Vào buổi trưa ngày 1 tháng 11 năm 1963, Đại Tá Cao Văn Viên không theo phe đảo chánh và “chỉ thoát chết trong đường tơ kẻ tóc” nhưng có một số sĩ quan khác lại không được may mắn như vậy.



Sáng ngày hôm đó, Đại Tá Cao Văn Viên cũng như tất cả các vị tư lệnh mọi quân binh chủng và giám đốc nha sở tại Sài Gòn đều được lệnh cuả Trung Tướng Trần Văn Đôn, Quyền Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội VNCH, mời về họp tại Bộ Tổng Tham Mưu.



Đúng 1 giờ 30 chiều, Trung Tướng Dương Văn Minh, nhân danh Chủ Tịch Hội Đồng Cách Mạng tuyên bố với tất cả sĩ quan hiện diện rằng Quân Đội đã đứng lên làm đảo chánh chế độ Ngô Đình Diệm. Tướng Minh hỏi từng người ai không theo “cách mạïng.” Đại Tá Cao Văn Viên và Đại Tá Lê Quang Tung, Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt từ chối không theo và cả hai ông đều bị quân cảnh còng tay rồi nhốt trong một căn phòng tại Bộ Tổng Tham Mưu. Cùng bị nhốt chung với hai vị đại tá nói trên còn có Trung Tá Nguyễn Ngọc Khôi, Tư Lệnh Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống, Đại tá Huỳnh Hữu Hiền, Tư Lệnh Không Quân, Trung Tá Nguyễn Văn Thiện, Chỉ Huy trưởng Thiết Giáp và Đại Tá Trần Văn Trung, Tùy viên Quân sự tại tòa Đại sứ Việt Nam tại Paris vưà mới về nuớc v.v.



Tối hôm đó, Đại úy Nguyễn Văn Nhung, sĩ quan tùy viên của Dương Văn Minh, mang Đại Tá Lê Quang Tung và em trai cuả ông là Thiếu Tá Lê Quang Triệu, Tham Mưu Trưởng Lực Lượng Đặc Biệt sang nghiã địa cuả Hội Bắc Việt Tương Tế cạnh Bộ Tổng Tham Mưu bắn chết. Không ai được biết một cách chính xác người nào đã ra lệnh xử tử hai vị sĩ quan này, nhưng chỉ trong vòng một ngày 2 tháng 11, viên sĩ quan tùy viên này của Tướng Dương Văn Minh đã giết chết 4 mạng người, nếu kể thêm cái chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu. Cho đến bây giờ, thân nhân cuả hai ông Lê Quang Tung và Lê Quang Triệu cũng không thể nào tìm được di hài cuả họ mặc dù đã cố cất công hỏi thăm tìm kiếm từ năm 1963. Người duy nhất biết đích xác nơi chôn vùi hai vị sĩ quan này là Đại úy Nhung, nhưng ông này đã “dùng dây giày tự tử” sau cuộc chỉnh lý ngày 30 tháng 1 năm 1964.
Một vị sĩ quan khác cũng cùng chung số phận với hai vị sĩ quan Lực Lượng Đặc Biệt này, đó là Đại Tá Hồ Tấn Quyền, Tư Lệnh Hải Quân.



Sáng ngày 1 tháng 11, Đại Tá Hồ Tấn Quyền được một sĩ quan Hải Quân cũng là bạn cuả ông là Thiếu Tá Nguyễn Văn Lực mời đi Thủ Đức để ăn mừng sinh nhật cuả ông Quyền. Sau này có nhiều người thắc mắc tại sao Đại Tá Quyền lại đi Thủ Đức ăn sinh nhật vào buổi sáng ngày 1-11 vì trên nguyên tắc, ông là tư lệnh một quân chủng thì đã phải nhận được lệnh về dự phiên họp đặc biệt tại Bộ Tổng Tham Mưu vào trưa hôm đó, tại sao ông lại đi Thủ Đức vì một việc riêng cuả ông?



Một nguồn tin từ trước năm 1975 nói rằng theo cuộc điều tra của An Ninh Hải Quân sau này thì người tài xế lái chiếc xe traction cuả Đại Tá Quyền kể lại rằng dường như Đại Tá Quyền có vẻ không muốn đi nhưng hai người sĩ quan kia đi hai bên có vẻ như là ông bị kèm ở giưã. Trên xe, Đại Tá Quyền ngồi ở giưã, Thiếu Tá Nguyễn Văn Lực ngồi bên phải và Đại Úy Nguyễn Kim H.G. ngồi bên trái ở băng sau. Điều này cho thấy là ông Quyền bị áp lực cuả hai ông sĩ quan thuộc cấp vì theo lễ nghi quân cách thì vị tư lệnh bao giờ cũng phải ngồi ở vị trí bên phải chứ không ngồi ở giưã. Khi xe chạy qua vườn cao su Thủ Đức (lúc bấy giờ Xa lộ Biên Hoà đang được xây cất), người tài xế nghe có tiếng cãi cọ ở phía sau, rồi có tiếng súng nổ. Đại Tá Quyền là người khá to lớn, ông lại có võ nên cả hai vị sĩ quan kia phải khó khăn lắm mới hạ nỗi ông Quyền. Người tài xế được lệnh ngừng xe lại, hai người kia đẩy xác Đại Tá Quyền xuống rừng cao su rồi sau đó xe lại chạy về Bộ Tổng Tham Mưu. Đại Tá Hồ Tấn Quyền bị đâm chết bằng nhiều lát dao, không biết rõ ai là thủ phạm, tuy nhiên cả hai ông sĩ quan ngồi cùng ông Quyền ở sau chiếc xe traction đó sau này đều được thăng chức và không hề bị truy tố về tội sát nhân. Trung Tá Lực đã qua đời tại Pháp cách đây ít lâu, còn ông Nguyễn Kim H. G, thì vẫn còn sống tại Hoa Kỳ. Đại Tá Hồ Tấn Quyền nhất quyết không chịu theo phe đảo chánh do đó mà ông đã bị hạ sát.



Người viết được may mắn có quen biết với một vị sĩ quan hải quân, người này là bạn của Thiếu Tá Nguyễn Văn Lực. Trong một cuộc gặp gỡ gần đây tại Westminster, California, vị cựu đại tá Hải Quân này có kể cho người viết nghe những chi tiết về việc Tư Lệnh Hải Quân Hồ Tấn Quyền bị giết vào năm 1963 theo lời tường thuật của chính Trung Tá Lực (mới được thăng chức sau ngày đảo chánh) và những chi tiết này hoàn toàn không giống như nguồi tin vưà nói ở trên.



Trung Tá Lực cho biết rằng ông đã được “móc nối” về vụ đảo chánh và được lệnh phải tìm cách cô lập hoặc đưa Đại Tá Hồ Tấn Quyền ra khỏi Bộ Tư Lệnh Hải Quân vào ngày 1 tháng 11 năm 1963 vì phe đảo chánh không muốn các đơn vị hải quân chống lại đảo chánh.



Sáng ngày hôm đó là ngày lễ Toussaint (Các Thánh) cho nên công chức và quân nhân được nghỉ nưả ngày, Đại Tá Quyền cùng Thiếu Tá Lực đi đánh quần vợt. Sau đó, Thiếu Tá Lực mời Đại Tá Quyền đi lên Thủ Đức nhậu để mừng sinh nhật của ông Quyền. Ông Quyền không muốn đi vì ông nói rằng chiều hôm đó ông phải vào trình diện Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Ông Quyền vẫn không chịu đi nhưng vì ông Lực năn nỉ hết lời cho nên cuối cùng thì ông nhượng bộ nhưng đòi ông Lực phải về sớm. Ông Lực thường lái xe riêng, một chiếc xe hiệu Vauxhall của Anh, tuy nhiên lúc đó ông bảo người tài xế của Đại tá Quyền sang lái chiếc xe của ông và chính ông Lực thì lái chiếc xe “Traction” của ông Quyền. Đại Tá Quyền ngồi cạnh Thiếu Tá Lực ở băng trước, Đại úy Nguyễn Kim Hương Giang ngồi đằng sau. Khi xe chạy lên tới vườn cao su Thủ Đức, Thiếu Tá Lực mới nói cho Đại tá Quyền rằng các tướng lãnh đang đảo chánh tại Sài Gòn và yêu cầu ông Quyền theo phe đảo chánh. Ông Quyền nghe nói như vậy thì giận lắm, ông từ chối không chịu theo đảo chánh, mặt ông đỏ rần lên và ra lệnh cho Thiếu Tá Lực phải quay xe trở lại Sài Gòn. Ông Lực không nghe lời, cứ lái xe chạy thẳng và lúc đó thì Đại Tá Quyền rút một con dao găm trong người đâm vào tay phải của ông Lực mấy nhát. Ông Lực phải cố gắng lắm mới giữ được chiếc xe khỏi bị lật và trong lúc đó thì Đại úy Nguyễn Kim Hương Giang ở đằng sau rút khẩu súng lục Colt-12 bắn một phát vào sau gáy ông Quyền. Đại Tá Hồ Tấn Quyền chết ngay trên chiếc xe traction của ông. Sau đó hai ông Lực và Hương Giang ngừng xe trong rừng cao su, khiêng xác ông Quyền dấu vào sau cốp xe rồi lái thẳng về Bộ Tổng Tham Mưu trình diện các tướng lãnh.



Vị sĩ quan hải quân này cho người viết biết rằng ông gặp Trung Tá Nguyễn Văn Lực chỉ mấy ngày sau cuộc đảo chánh và thấy tay phải của ông Lực vẫn còn bị băng bó. Ông còn cho biết thêm rằng Trung Tá Lực có nói với ông nguyên văn như sau: “cả hai thằng chỉ được có ba trăm ngàn chứ mấy!” Sau đó ông Lực được thăng lên trung tá và được Hội Đồng Cách Mạng cử đi làm Tùy Viên Quân Lực tại Đại Hàn. Sang năm 1964, sau cuộc chỉnh lý thì ông Lực được lệnh phải về Sài Gòn trình diện. Khi ông Lực về đến Sài Gòn thì có người mách ông ta rằng có thể ông sẽ bị bắt, do đó ông đã đào ngũ và chạy sang Nam Vang rồi sang sinh sống ở Pháp. Cố Hải Quân Đại Tá Phạm Gia Luật có thời làm Tùy viên Hải Quân tại London có cho người viết biết rằng hồi đó ông vẫn thường sang Pháp chơi và vẫn đến thăm bạn cũ là cựu Trung Tá Nguyễn Văn Lực đang làm chủ một tiệm ăn nhỏ ở Paris. Ông Nguyễn Văn Lực đã qua đời tại Pháp.



Vị cựu đại tá hải quân này cũng cho biết Đại Úy Nguyễn Kim Hương Giang sau đó được thuyên chuyển về Thủy Quân Lục Chiến và có người kể lại rằng trong nhà ông ta có chưng hình của cố Đại tá Hồ Tấn Quyền trên bàn thờ vì ông bị hồn ma của Đại Tá Quyền về “phá” hoài. Cựu Đại Tá Nguyễn Kim Hương Giang hiện vẫn còn sống tại Hoa Kỳ. Người viết hỏi vị đại tá này có nên viết tắt tên của Đại úy H.G. hay không thì ông trả lời rằng không cần thiết vì trong Hải Quân ai cũng đều biết chuyện này.



Cựu Đại tá Nguyễn Hữu Duệ lúc đó là Tham Mưu Trưởng Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống chống lại phe đảo chánh có nói về hai viên sĩ quan Hải Quân này như sau:
“…Sau đó, Đại đội 3 đóng ở Sở Thú báo cáo bắt được một thiếu tá Hải Quân tên là Lực và một đại úy tên là Giang, họ tưởng quân của Lữ Đoàn là quân của phe đảo chánh nên nhờ báo cáo lên Tổng Tham Mưu là họ đã giết được Đại Tá Quyền, Tư Lệnh Hải Quân rồi. Đại đội 3 xin tôi quyết định về hai ông này. Tôi ra lệnh phải giam giữ hai ông cẩn thận để sau này Tổng Thống quyết định….
“Sau cách mạng, Thiếu Tá Lực được lên trung tá. Đại úy Giang, người cùng Thiếu tá Lực giết Đại Tá Quyền, sau cũng lên trung tá và anh cũng sang Mỹ tỵ nạn, cùng ở San Diego như tôi. Chúng tôi cũng đôi khi gặp nhau…”



Trung Tướng Trần Văn Đôn cũng có nhắc đến chuyên Đại Tá Hồ tấn Quyền bị giết: “tại câu lạc bộ Tổng Tham Mưu, Trung Tướng Dương Văn Minh cho tôi biết tin Trung Tướng đã ra lệnh quân sĩ về thủ đô sớm hơn trù liệu vì Đại Tá Hồ Tấn Quyền đã bị giết sợ e đổ bể… Từ đó tôi ra lệnh không được cho bất cứ ai ra khỏi cổng Bộ Tổng Tham Mưu vì tôi sợ bị tiết lộ…”



Trong ngày hôm đó, Đại Tá Cao Văn Viên may mắn chỉ bị còng tay nhưng không bị giết.
Sự may mắn đó có lẽ là nhờ ở sự can thiệp của một người bạn cũ thời cùng phục vụ tại Tiểu khu Hưng Yên ở Bắc Việt, lúc đó đang giữ chức vụ Tham Mưu Trưởng Liên Quân tại Bộ Tổng Tham Mưu: Thiếu Tướng Trần Thiện Khiêm. Cựu Đại Tá Phạm Bá Hoa, chánh văn phòng của Thiếu Tướng Trần Thiện Khiêm, một trong những người đã được chứng kiến từ đầu đến cuối mọi diễn tiến của cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963 vì khi đó văn phòng của tướng Trần Thiện Khiêm là bản doanh của Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, có nói đến việc Đại Tá Cao Văn Viên bị bắt giữ như sau:
“Một lúc sau đó, tôi vào trình Thiếu Tướng Khiêm:
- Thưa Thiếu Tướng, tôi thấy giữ Đại Tá Viên (Đại Tá Cao Văn Viên, Tư lệnh Lữ Đoàn Nhảy Dù), dưới phòng họp không tiện lắm. Xin Thiếu Tướng cho phép đưa Đại Tá Viên lên ngồi ở văn phòng tôi và tôi chịu trách nhiệm.
- Được rồi, chú đưa Đại Tá Viên lên phòng chú đi.”
Như vậy có lẽ nhờ được ngồi trong văn phòng của Đại úy Phạm Bá Hoa ở ngay bên ngoài văn phòng của Thiếu Tướng Trần Thiện Khiêm và cũng nhờ tình bạn giữa Đại Tá Cao Văn Viên với Tướng Khiêm mà những tướng khác trong phe đảo chánh đã không giết ông như trường hợp Đại tá Lê Quang Tung. Về sau, khi Tướng Cao Văn Viên trở thành Tổng Tham Mưu Trưởng, ông Phạm Bá Hoa được Tướng Viên giữ lại làm Chánh Văn phòng của ông cho đến khi được bổ nhiệm làm Tỉnh Trưởng Cần Thơ.



Một nhân vật nữa cũng bị còng tay nhưng may mắn không bị giết là Trung Tá Nguyễn Ngọc Khôi, Tư Lệnh Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống. Theo cựu Đại Tá Nguyễn Hữu Duệ, tham mưu trưởng của ông cho biết như sau: “Trung Tá Nguyễn Ngọc Khôi, Tư Lệnh Lữ Đoàn Phòng Vệ Phủ Tổng Thống kể với tôi rằng khi ông đi họp ở Tổng Tham Mưu vào ngày 1 tháng 11 năm 1963 thì bị Thiếu Tá Thiệt, Quân Cảnh, còng tay với nhiều sĩ quan cao cấp mà phía đảo chánh gọi là “người tin cậy của Tổng Thống Diệm.” Ông cằn nhằn Thiếu tá Thiệt: “Sao kỳ vậy anh Thiệt? Tôi là sĩ quan cao cấp được Tổng Tham Mưu mời họp mà anh lại còng tôi?” Thiếu tá Thiệt trả lời: “Thưa Trung Tá, tôi không dám, nhưng đây là lệnh của Đại Tá Quan.” Thật vậy, sau này tôi mới biết địa vị quan trọng của Đại Tá Nguyễn Văn Quan từ lúc tổ chức đảo chánh, rồi ông được coi như là phụ tá của Trung Tướng Dương Văn Minh, người cầm đầu đảo chánh sau trở thành quốc trưởng.”



Đại Tá Nguyễn Ngọc Khôi sau này có cho người viết biết rằng vào ngày hôm sau, 2 tháng 11 năm 1963, mấy vị sĩ quan bị bắt đước gặp Trung Tướng Dương Văn Minh và Trung Tá Khôi đã nói với Tướng Minh rằng các ông chỉ là những sĩ quan trong quân đội, mỗi người đảm trách một chức vu nào đó để thi hành nhiệm vụ mà Bộ Quốc Phòng giao phó chứ không có quyền chọn lựa gì cả. Ông hỏi Tướng Minh tại sao mà những sĩ quan phục vụ cho quân đội chứ không phải là Việt Cộng mà lại bị quân đội dưới quyền lãnh đạo của ông Minh còng tay? Ông Khôi cho biết thêm rằng sau đó ông Dương Văn Minh ra lệnh mở còng cho các sĩ quan đang bị giam giữ tại Bộ Tổng Tham Mưu như Đại Tá Huỳnh Ngọc Hiền, Đại tá Trần Văn Trung, Trung Tá Nguyễn Văn Thiện v.v. Tuy nhiên theo Đại Tá Nguyễn Hữu Duệ thì sau ngày đảo chánh, Trung Tá Nguyễn Ngọc Khôi lại bị nhóm tướng lãnh “cách mạng” giam ở khám Chí Hòa (173).
Trong một cuộc tiếp xúc dành cho người viết tại tư gia của ông tại thành phố Garden Grove, California, cựu Đại tá Nguyễn Ngọc Khôi cho biết rằng ông được Đại Úy Phạm Bá Hoa, Chánh Văn Phòng của Thiếu Tướng Trần Thiện Khiêm gọi điện thoại mời lên họp tại Bộ TTM vào buổi trưa ngày 1 tháng 11 và sau khi ăn trưa tại câu lạc bộ sĩ quan thì tất cả các sĩ quan được mời sang Phòng Họp tại Tòa Nhà Chánh tức là Văn Phòng của Tổng Tham Mưu Trưởng. Vào khoảng hai ba giờ chiều gì đó thì Thiếu tá Thiệt đến gặp nhửng sĩ quan mà ông có tên trong một danh sách và còng tay họ lại. Đại Tá Khôi cho biết ông Thiệt căn cứ vào danh sách và có người thì bị còng riêng, có người thì bị còng chung với người khác. Đại tá Khôi phản đối và đòi được nói chuyên với Trung Tướng Dương Văn Minh. Đến chiều tối thì Tướng Minh vào phòng và khi thấy Đại Tá Khôi đang bị còng thì ông ra lệnh cho Thiếu tá Thiệt mở còng cho ông.


Đại Tá Khôi hỏi Tướng Minh là ông ta có nói chuyện với Tổng Thống Diệm hay không thì ông Minh nói rằng ông Diệm có nói chuyện với Thiếu Tướng Khiêm. Ông Minh nói thêm rằng “Tôi không có mang ơn nghĩa gì với gia đình họ Ngô và tôi sẵn lòng để cho họ ra đi. Nhưng mà họ còn ngoan cố, trốn ra khỏi Dinh Gia Long rồi tìm cách liên lạc với chỗ này chỗ nọ…Tôi sợ rằng tôi không còn có thể bảo đảm an ninh cho họ được nữa…”



Ông Khôi nói rằng tối hôm đó những sĩ quan bị bắt được ăn cơm mang cơm từ Câu Lạc bộ Sĩ quan sang rồi khoảng chừng lối 11 giờ thì ông Khôi cùng một số sĩ quan được đưa sang phòng khác và anh em Đại Tá Lê Quang Tung thì lại được đưa sang một phòng khác nữa. Đó là lần cuối cùng ông nhìn thấy hai vị sĩ quan này…Ngày hôm sau ông bị các tướng lãnh cách mạng nhốt vào khám Chí Hòa.



Cựu Đại Tá Nguyễn Ngọc Khôi có tiết lộ cho người viết một chi tiết quan trọng có liên quan đến kế hoạch chống đảo chánh của ông Ngô Đình Nhu. Ông Khôi nói với người viết rằng khoảng một vài hôm trước ngày cuộc đảo chánh diễn ra, ông Ngô Đình Nhu đã đưa ra một kế hoạch nhằm bắt giữ một số tướng lãnh và sĩ quan bị nghi ngờ là có thể đang âm mưu đảo chánh. Theo kế hoạch này thì nếu có lệnh của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, đơn vị được giao phó cho việc đi bắt này sẽ là Lực Lượng Đặc Biệt dưới quyền chỉ huy của Đại tá Lê Quang Tung, một vị sĩ quan được xem như là người trung thành nhất với chế độ Ngô Đình Diệm. Ông Khôi nói rằng em trai của ông là Đại úy Nguyễn Ngọc Hạp, lúc bấy giờ là sĩ quan tùy viên của ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu đã kể lại với ông rằng vào khoảng ngày 31 tháng 10 năm 1963, ông Nhu đã trình với Tổng Thống Ngô Đình Diệm yêu cầu thi hành kế hoạch bắt giữ các tướng lãnh nhưng Tổng Thống Diệm đã bác bỏ sự yêu cầu này vì ông cho rằng ông là vị Tổng Tư Lệnh Tối Cao Quân Đội thì không thể nào ra lệnh bắt giữ các sĩ quan khi mà họ chưa có làm điều gì phạm pháp.



Tổng Thống Diệm Có Ý Định “Ẩn Trốn” Trong Nhà Đại Tá Viên?



Khi xảy ra vụ đảo chánh 1-11-63, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng còn ở Hoa Kỳ, tuy nhiên trong cuốn “The Palace File,” ông có đề cập đến chuyện Đại Tá Cao Văn Viên hồi đó, vì theo ông thì cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã kể lại cho ông nghe khi ông phỏng vấn ông Thiệu ở Luân Đôn hồi năm 1976.



TS Hưng viết rằng:
“Theo Tướng Tôn Thất Đính thì khi Đại Tá Cao Văn Viên từ chối không ủng hộ “cách mạng,” Tướng Dương Văn Minh ra lệnh thủ tiêu ông Viên, nhưng Tướng Đính đã cứu mạng ông Viên và nói với ông Minh rằng Đại Tá Viên sẽ không chống lại cuộc đảo chánh, nhờ vậy mà ông Viên chỉ bị nhốt tại Bộ Tổng Tham Mưu chứ không bị thủ tiêu. Ông Viên đã đồng ý để cho hai ông Diệm và Nhu đến ẩn trốn trong nhà ông, tuy nhiên, bà Cao Văn Viên, người vẫn thường đánh mạt chược với tướng Tôn Thất Đính, đã tiết lộ rằng chiều ngày 1-11-63, khi trong Dinh Gia Long gọi điện thoại cho bà thì bà cho họ biết rằng ông Viên đã bị bắt và nhà cuả bà đang bị canh chừng. Do đó, TT Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu đã đến nhà Mã Tuyên trong Chợ Lớn để tá túc.”



Người viết có phối kiểm với Đại Tá Trần Văn Thăng, cựu Cục trưởng Cục An Ninh Quân Đội, cựu Phó Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc gia về chuyện Đại Tá Cao Văn Viên bị nhốt ở Tổng Tham Mưu vào ngày đảo chánh 1-11-1963, Đại Tá Thăng lúc đó là Chánh Sở 3 An ninh Quân Đội dưới quyền của Thiếu Tướng Tôn Thất Đính, Tư Lệnh Quân Đoàn III. Ông Thăng cho biết rằng người đã can thiệp với Trung Tướng Dương Văn Minh không nên thủ tiêu Đại Tá Cao Văn Viên hồi đảo chánh năm 1963 không phải là Trung Tướng Tôn Thất Đính vì lúc bấy giờ Tướng Đính đang chỉ huy và điều động các đơn vị đảo chánh tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III ở đại lộ Lê Văn Duyệt. Người đã can thiệp cho Đại tá Cao Văn Viên chính là Đại Tướng Trần Thiện Khiêm, lúc bấy giờ đang giữ chức Tham Mưu Trưởng Liên Quân/ Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà và ngày hôm đó ông đang ngồi ở Bộ Tổng Tham Mưu bên cạnh Trung Tướng Dương Văn Minh. Đại Tá Thăng nói thêm rằng: “Hơn nưã, Tướng Khiêm là bạn thân của Đại tá Cao Văn Viên.”



Điều này rất đáng tin vì theo Đại Tá Phạm Bá Hoa thì “tôi quen biết chưa nhiều với Đại Tá Viên, nhưng theo bà Khiêm nói lại, theo đó thì Thiếu Tướng Khiêm, Thiếu Tướng Khánh và Đại tá Viên rất thân nhau, nhất là từ khi ba vị này còn là sĩ quan cấp úy và cùng chiến đấu ở mặt trận Na Sản trên đất Lào trong hàng ngũ quân đội Liên Hiệp Pháp. Và ba gia đình này cũng thân nhau vì có nhiều thời gian sống chung nhau ở Hà Nội trong khi các ông cùng ở mặt trận. Đó là nguyên nhân.”



Tướng Cao Văn Viên cũng phủ nhận chuyện Tổng Thống Ngô Đình Diệm dự định đến “ẩn trốn” trong nhà của ông vào chiều ngày 1 tháng 11 năm 1963 theo như lời ông Nguyễn Tiến Hưng thuật lại trong cuốn sách của ông. Một người bạn của Đại Tướng Cao Văn Viên có cho người viết biết về nội dung của cuộc điện đàm giưã Tổng Thống Ngô Đình Diệm và bà Cao Văn Viên vào chiều ngày 1 tháng 11 năm 1963 do chính Tướng Cao Văn Viên kể lại như sau:
“Khi nghe tiếng điện thoại reo, bà Cao Văn Viên nhắc điện thoại và nói “a-lô” thì từ đường dây bên kia có tiếng nói giọng Huế “Mụ Viên đó hỉ !” Nhận ra đó là giọng của ông Ngô Đình Diệm, bà Viên bèn chào: “kính chào Tổng Thống.” Ông Diệm hỏi: “Có Đại tá Viên ở nhà không?” Bà Viên nói rằng “Thưa Tổng Thống, nhà con đi họp trên Tổng Tham Mưu từ hồi sáng, hiện vẫn còn bị giữ trên đó chưa có về nhà.” Tổng Thống Ngô Đình Diệm nói với bà Viên: “Nói với ông Viên tôi gởi lời thăm. Thôi chào Mụ Viên hỉ !”



Đại tướng Cao Văn Viên kể lại như thế và nói rằng nội dung cuộc điện đàm cuối cùng giưã Tổng Thống Ngô Đình Diệm và bà Cao Văn Viên vào chiều 1 tháng 11 năm 1963 chỉ có như vậy, Tổng Thống Ngô Đình Diệm không hề nhờ bà Cao Văn Viên cho đến nhà ẩn náu như có người đã đồn đại hoặc đã viết vào sách báo. Đại Tướng Cao văn Viên nói với người bạn này rằng ông rất kính trọng và kính phục tư cách của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, khi còn tại chức cũng như là trước khi từ giã cõi đời.



Cuốn “The Final Collapse” do cựu Đại Tướng Cao Văn Viên viết từ thời 1976-1977 và đã được xuất bản vào năm 1983, tuy nhiên đến 20 năm sau cuốn sách này mới được Nguyễn Kỳ Phong dịch ra tiếng Việt với sự cho phép của tác giả. Trong bản dịch tiếng Việt nhan đề “Những Ngày Cuối của Việt Nam Cộng Hòa,” tác giả có viết thêm phần “lời bạt” vì tác giả “muốn có đôi lời để giải thích về một hai chú thích ở bản Anh ngữ…”
Về chuyện cuộc đảo chánh 1-11-1963, cựu Đại Tướng Cao Văn Viên cho biết:
“Tiện đây, có mấy việc cũ cần được nêu lên cho chính xác:
“Trưa ngày 1-11-1963, khi trình diện Bộ Tổng Tham Mưu để nhận lệnh hành quân (lúc đó tác giả là đại tá tư lệnh Lữ Đoàn Nhảy Dù,) tác giả được đưa lên gặp Tướng Dương Văn Minh thay vì Tướng Trần Thiện Khiêm, Tham Mưu trưởng Liên Quân như thường lệ.
“Tướng Minh hỏi: “Tụi “moi” đảo chánh, toa nghĩ sao?”
“Tác giả trả lời: “Đảo chánh là một quốc gia đại sự, sao tới giờ phút này trung tướng mới cho tôi hay?”
“Đó là nguyên văn câu hỏi và trả lời, không hơn không kém. Trong khi đó, một sĩ quan tùy viên của Tướng Minh chỉa súng “carbine” vào lưng tác giả. Vài phút sau, Đại Tá Đỗ Mậu, Giám Đốc An Ninh Quân Đội, kêu tác giả lên đài phát thanh tuyên bố theo phe đảo chánh. Tác giả trả lời là không có gì để tuyên bố cả. Tác giả bị giam giữ tại Bộ Tổng Tham Mưu và chỉ thoát chết trong đường tơ kẻ tóc nhờ cảm tình của một số tướng tá theo phe đảo chánh và sự can thiệp của vợ mình.



“Sáng ngày 2 tháng 11, 1963, tác giả được trả tự do ra về. Vợ tác giả thuật lại: sau khi cuộc đảo chánh bùng nổ, Tổng Thống Diệm điện thoại hỏi tác giả ở đâu. Sau khi biết tác giả lên Bộ Tổng Tham Mưu họp và có lẽ bị giam giữ ở đó, TT Diệm dặn người nhà liên lạc với tác giả và nói tác giả điện thoại thẳng cho ông. Chừng một tiếng sau, TT Diệm điện thoại một lần nưã. Khi được biết không còn hy vọng, TT Diệm không nói gì thêm và cũng không khi nào ngỏ ý đến nhà tác giả. Ngoài ra cũng không có ai mời TT Diệm đến nhà tác giả như tin đồn.”



Trong một đoạn khác, cũng trong phần “Lời Bạt,” ông Cao Văn Viên nói rõ hơn là trong cuộc đảo chánh 1963, Tướng Dương Văn Minh có ý định giết ông: “Tác giả không hợp tác với Tướng Dương Văn Minh vì ông ta có ý định giết tác giả trong cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963…”



Ông Cao Văn Viên sau đó có nói thêm rằng ông “thoát chết trong đường tơ kẻ tóc” vì vào ngày 1 tháng 11 năm 1963, ông đã bị còng tay tại Bộ Tổng Tham Mưu vì không chịu tham gia với phe đảo chánh.



Ba tháng sau, vào ngày 30 tháng 1 năm 1964, Tướng Nguyễn Khánh lãnh đạo một cuộc đảo chánh không đổ máu lật đổ Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng của các tướng lãnh đạo cuộc đảo chánh TT Ngô Đình Diệm là Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim v.v. để lên cầm quyền. Lực lượng nòng cốt được sử dụng trong cuộc đảo chánh này, được mệnh danh là “Chỉnh Lý” là Lữ Đoàn Nhảy Dù vẫn do Đại Tá Cao Văn Viên làm tư lệnh.



Không Ủng Hộ Đảo Chánh, Dù Là Đảo Chánh Ôn Hòa



Theo Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng thì sau khi chứng kiến hai tử thi cuả anh em cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm nằm trong chiếc thiết vận xa ở Bộ Tổng Tham Mưu năm 1963, cơn ác mộng triền miên cuả Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu sau này là nguy cơ bị ám sát hay đảo chánh. Ông Thiệu đã cho TS Nguyễn Tiến Hưng biết rằng khi từ Dinh Gia Long về đến Bộ Tổng Tham Mưu, ông ta thấy chiếc thiết vận xa đi đón TT Ngô Đình Diệm đang đậu ở trước sân và ông đã ra lệnh cho người tài xế mở cửa sau chiếc xe này. Khi được nhìn thấy xác cuả cố TT Diệm và ông Nhu đầy vết dao đâm chém và vết đạn nằm trên sàn xe đẩm máu, ông kinh hoàng và muốn xỉu. Ông giở nón và nghiêng mình trướùc hai xác chết. Tổng Thống Thiệu sau này nói rằng “nếu tôi tìm được Tổng Thống và bào đệ của ông ta trong Dinh Gia Long thì tôi đã có thể đưa hai ông về Bộ Tổng Tham Mưu trên một chiếc xe Jeep mui trần. Không có ai dám giết hai người đó giưã thanh thiên bạch nhật như vậy được.”



Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng nói rằng cuộc đảo chánh 1963 cũng là một bài học thật đắng cay cho TT Nguyễn Văn Thiệu về tầm quan trọng của sự trung thành của giới sĩ quan dưới quyền ông. Có nhiều người đã phê bình gay gắt TT Thiệu cho rằng căn bản mà ông đã dựa vào đó để chọn Tướng Cao Văn Viên làm Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội chỉ vì ông đánh giá cao sự trung thành của ông Cao Văn Viên đối với TT Ngô Đình Diệm trong cuộc đảo chánh 1963. Khi Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng phỏng vấn ông Thiệu tại London vào năm 1976, ông Thiệu đã bày tỏ với ông Hưng nỗi lo sợ của ông đối với việc người Mỹ có thể ám sát ông rồi đổ thưà cho Việt Cộng hoặc đảo chánh ông. Ông Thiệu biết rằng văn phòng của ông bị người Mỹ nghe lén và sống trong một tình trạng luôn luôn âu lo cho sinh mạng của ông. Ông Thiệu nói với ông Hưng rằng “ tôi chỉ có an tâm trên sân quần vợt, ngay khi mà tôi bỏ chiếc vợt xuống thì cái bóng ma đảo chánh lại trở về với tôi.”



Chính vì vậy mà TT Thiệu đã chọn một vị tướng lãnh không có tham vọng chính trị, một vị tướng lãnh thuần tuý quân sự chỉ biết phục vụ cho quân đội mà thôi để đặt vào địa vị lãnh đạo quân đội. Người đó là Tướng Cao Văn Viên.



Trong hàng ngũ tướng lãnh Việt Nam, Đại Tướng Cao Văn Viên là người đã từng sống tại Hoa Kỳ lâu năm nhất, khoảng gần 4 năm kể cả thời gian làm tùy viên quân sự và theo học khoá CGS tại Fort Leavenworth. Có lẽ đó là một trong những nguyên nhân mà dường như ông có vẻ bị ảnh hưởng bởi truyền thống về vai trò cuả quân đội cuả người Mỹ, đó là quân đội chỉ có nhiệm vụ duy nhất là phục vụ quốc gia. Do đó, không những ông không ủng hộ cuộc đảo chánh khi còn là đại tá chỉ huy Lữ Đoàn Nhảy Dù mà sau này khi nắm giữ vai trò lãnh đạo toàn thể quân đội trên một triệu người, Đại Tướng Cao Văn Viên từ chối không chịu tham gia một âm mưu đảo chánh nào, dường như là đã có 3 lần âm mưu đảo chánh như vậy.



Đầu năm 1975, nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến có tiết lộ vói người viết về một trong những âm mưu đảo chánh nhưng bất thành vì Đại Tướng Cao Văn Viên không chấp thuận tham gia. Theo nhà báo Như Phong thì cuối năm 1974 đầu năm 1975, tình hình chính trị và quân sự tại Việt Nam đang trên đà suy sụp, nhất là sau khi Quốc Hội Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ quân sự cho VNCH, một số người đã quy trách TT Nguyễn Văn Thiệu phải chịu trách nhiệm về nguy cơ Miền Nam có thể đi đến chỗ sụp đổ và họ dự định làm một cuộc “đảo chánh ôn hòa” để lật đổ ông Thiệu rồi đưa Phó Tổng Thống Trần Văn Hương lên thay thế. Theo nhóm người này thì nếu cuộc đảo chánh thành công, chế độ hợp hiến VNCH vẫn tồn tại, Hiến pháp vẫn tồn tại, tuy nhiên với Cụ Trần Văn Hương làm tổng thống thì Cụ sẽ đứng trên chính trị, giao quyền cho một chính phủ chịu trách nhiệm trước quốc hội, có nghiã là chịu trách nhiệm trước quốc dân và Cụ sẽ giao cho quân đội hoàn toàn trách nhiệm trong công cuộc chiến đấu chống Cộng sản.



Nhà báo Như Phong nói rằng hồi đó, tất cả bốn vị tư lệnh quân đoàn và vị Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực VNCH đều xuất thân từ binh chủng Nhảy Dù, đó là Đại Tướng CaoVăn Viên, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh QĐI, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh QĐII, Trung Tướng Dư Quốc Đống, Tư Lệnh QĐ III và Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh QĐ IV và những người âm mưu tổ chức đảo chánh đã thuyết phục được đa số trong 4 vị tướng lãnh này. Theo kế hoạch cuả những người này thì 4 vị tư lệnh quân đoàn sẽ họp tại Bộ Tổng Tham Mưu dưới quyền chủ toạ cuả Đại Tướng Cao Văn Viên và họ sẽ mời TT Nguyễn văn Thiệu đến họp về tình hình quân sự rồi trong phiên họp này họ sẽ tuyên bố bất tín nhiệm ông Thiệu, đòi ông Thiệu từ chức hoặc là ép buộc ông Thiệu phải từ chức và sẽ mời Phó TT Trần Văn Hương lên thay thế.



Nhà báo Như Phong nói với người viết rằng kế hoạch này đã thất bại vì Đại Tướng Cao Văn Viên chủ trương quân đội không làm chính trị, ông từ chối không chịu tham gia đảo chánh, dù là đảo chánh “ôn hoà.”



Không Có Tham Vọng Chính Trị



Đối với Đại Tướng Cao Văn Viên, quân đội chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là bảo vệ hiến pháp và bảo vệ quốc gia. Đại sứ Bunker cho biết rằng “một bằng chứng cho hành động xây dựng của phiá quân đội đối với chính phủ mới là việc Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH đã ra lệnh cho Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị in cuốn Hiến Pháp 1967 với phần giải thích và phân phát cho mọi quân nhân các cấp trong quân đội với mục đích để cho mọi quân nhân có ý thức rộng rãi về bản Hiến pháp cũng như là các nghiã vụ của công dân, kể cả quân nhân trong quân lực.”



Đại Tướng William C. Westmoreland, Tổng Tư Lệnh Quân Lực Hoa Kỳ tại Việt Nam đã nói về Đại Tướng Cao Văn Viên như sau : “tôi rất thán phục Đại Tướng Cao Văn Viên vì tính tình chân thật, trung tín, ít nói, thông minh, lịch duyệt như là một nhà ngoại giao… Lúc ông Diệm bị lật đổ, ông Viên là tư lệnh Nhảy Dù. Mặc dù bị đe doạ đến tính mạng, ông Viên vẫn một lòng trung thành với tổng thống nên không chịu tham gia đảo chánh. Do đó sau khi đảo chánh, ông bị cầm tù và lên án tử hình. Nhưng vì ảnh hưởng cuả ông quá mạnh nên cuối cùng được trả tự do và được trở lại nắm quyền…”



Đại Tướng Cao Văn Viên không hề có tham vọng chính trị, tuy nhiên vào năm 1967 thì suýt nưã ông đã trở thành Quốc Trưởng nước Việt Nam Cộng Hòa. Theo cựu Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ kể lại trong cuốn hồi ký của ông thì:
“ Vào năm 1967, sau khi ông Thiệu tuyên bố ông dự định sẽ ra tranh cử Tổng thống, nhiều tướng lãnh trong Quân ủy (tạm dịch chữ “politburo”của ông Kỳ) đã đến gặp riêng ông Thiệu và đòi ông ta đừng ra tranh cử. Họ nói với ông Thiệu rằng tôi đã giữ chức vụ tối cao đó trong một thời gian quá lâu để chứng tỏ rằng tôi biết làm việc và tôi có được sự hậu thuẫn sâu rộng trong Quân Lực VNCH.
“Các tướng lãnh nói với ông Thiệu rằng:
-Ông hảy để cho ông Kỳ ra ứng cử tổng thống, lo làm chính trị và đương đầu với người Mỹ còn ông thì hảy về làm Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội.”
“ Ông Thiệu đã trả lời với các tướng lãnh rằng:
-Không! Nếu các anh không muốn cho tôi làm ứng cử viên đại diện cho quân đội thì tôi cũng chẳng cần đến quân đội nưã, tôi sẽ ra tranh cử một mình.”
“… Khi gần ngày hết hạn ghi danh ứng cử và công bố liên danh đại diện cho quân đội, tôi mời các tướng lãnh trong “quân ủy” họp lại. Tôi hỏi các tướng lãnh:
-Thời gian mà chúng ta cần để thuyết phục ông Thiệu đừng ra ứng cử đã qua rồi. Các anh muốn ai, ông Thiệu hay là tôi?”
-Chúng tôi muốn ông” các tướng đồng thanh trả lời.
-Được rồi, tôi chấp nhận,” tôi nói.
“Các tướng hỏi lại tôi:
-Ông làm thế nào để thực hiện việc đó?”
“Tôi trả lời:
-Dễ dàng thôi! Nếu mà ông Thiệu muốn có một cơ may hy vọng nào thì ông ta cần phải có sự ủng hộ của quân đội. Vậy thì chúng ta hảy cho ông ấy về hưu. Hảy để cho ông ta ra ứng cử với tư cách dân sự nếu ông ta muốn.”
“Tất cả mọi người gật đầu đồng ý.
“Tôi nói tiếp:
-Như vậy thì chức vụ quốc trưởng sẽ bỏ trống. Sự lưạ chọn hay nhất là Tướng Cao Văn Viên, ông Viên là người có cấp bậc cao và thâm niên nhất. Các anh có đồng ý không?”
“ Tướng Viên là Tổng Tham Mưu Trưởng và tất cả các vị Tư lệnh Vùng đều ủng hộ ông ta. Ông ta là người tốt, một quân nhân giỏi và ông ta là một trong những người ủng hộ tôi mạnh mẽ nhất…”



Như vậy, theo sự tiết lộ của ông Kỳ thì hồi năm 1967, nếu mọi sự xảy ra đúng như cái “quân ủy” của ông đã quyết định với nhau, có lẽ ông Thiệu đã bị cho về hưu và ông Cao Văn Viên đã trở thành quốc trưởng và khi đã làm đến chức vụ quốc trưởng thì không ít thì nhiều, đó là một chức vụ chính trị. Ông Cao Văn Viên không thích làm chính trị và may thay mọi sự đã không xảy ra như ông Kỳ và phe của ông dự định, ông Nguyễn Văn Thiệu trở thành tổng thống và Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã giữ Đại Tướng Cao Văn Viên ở lại chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH dù rằng theo ông Kỳ thì ông Viên là một trong những tướng lãnh ủng hộ ông mạnh nhất.


Một Số Loạn Tướng

Theo cựu Đại Tá Phạm Bá Hoa, cựu chánh văn phòng cuả Tướng Cao Văn Viên đã viết trong cuốn Đôi Dòng Ghi Nhớ thì Tướng Cao Văn Viên thân với Tướng Nguyễn Cao Kỳ hơn Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu vì ông đã được Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ bổ nhiệm vào chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH khi ông làm Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương tức là thủ tướng. Ít lâu sau đó, vào năm 1966, ông lại được Tướng Kỳ cử làm Tổng Tưởng Quốc Phòng thay thế Trung Tướng Nguyễn Hữu Có và kiêm luôn chức Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCHù, tuy nhiên sau khi Hiến pháp được ban hành thì việc kiêm nhiệm đó không hợp hiến do đó ông rời Bộ Quốc Phòng chỉ giữ chức Tổng Tham Mưu Trưởng Bộ Tổng Tham Mưu và ở lại chức vụ đó cho đến năm 1975.


Tướng Cao Văn Viên Đã Xin Từ Chức Năm, Sáu Lần



Có nhiều người chê trách Đại Tướng Cao Văn Viên khi ông giữ chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH, họ nói rằng ông chỉ ngồi đó làm “hộp thơ” còn tất cả mọi sự điều động về quân sự đều do TT Nguyễn Văn Thiệu quyết định. Họ nói rằng ngay cả hai vụ triệt thoái Cao nguyên và Vùng I đều do ông Thiệu ra lệnh, Đại Tướng Cao Văn Viên không biết gì cả.



Qua lời kể lại cuả cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng cho biết rằng “trên thực tế, mỗi vị tư lệnh quân đoàn là một “hòn đảo độc lập” và TT Nguyễn Văn Thiệu luôn luôn liên lạc trực tiếp với họ. Không có một guồng máy trung ương nào về việc dự thảo các kế hoạch chiến tranh một cách hữu hiệu tại Bộ Quốc Phòng.”



Trong cuốn “The Final Collapse” cuả ông, Đại Tướng Cao Văn Viên nói rằng “tất cả những quyết định về quân sự đều do TT Thiệu quyết định, Bộ Tổng Tham Mưu là hoàn toàn chỉ có tính cách cố vấn mà thôi.”



Có lẽ vì cảm thấy bất lực không thể làm gì khác hơn để cải thiện guồng máy quân đội, Đại Tướng Cao VănViên đã xin từ chức mấy lần:
“Trong những năm 1970 và 1971, tác giả đã đệ đơn xin TT Thiệu cho về hưu ít nhất là 3 lần. Lý do là vì tác giả đã ở chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng quá lâu (trên 5 năm,) đã đủ thâm niên quân vụ cùng sức khoẻ kém (có kèm theo giấy bác sĩ chứng nhận.) Lý do tác giả hành động như vậy vì vào khoảng giưã năm 1970, sau một buổi họp với Đại Tướng Creighton Abrams (Tư Lệnh MACV,) ông ta cho biết theo tin tòa đại sứ Hoa Kỳ, TT Thiệu có ý định cho Trung tướng Đỗ Cao Trí thay thế tác giả. Chờ đợi mãi không thấy lệnh thay thế, tác giả cảm thấy mình không còn được “sủng ái” nên đã xin về hưu.”

ĐT Cao Văn Viên
Đại Tá Phạm Bá Hoa, cựu chánh văn phòng cuả ĐT Cao Văn Viên cho biết rằng “Đại tướng xin từ chức mấy lần rồi mà Tổng Thống không chấp thuận, cho nên Đại tướng nói là Đại tướng không làm việc nưã cho đến khi được từ chức…” Đại Tá Hoa nói rằng đó là lời cuả bà Cao Văn Viên nói với ông ta nhân hôm sinh nhật cuả bà. Ông cũng cho biết thêm là từ năm 1972, Đại tướng Cao Văn Viên đã đệ đơn xin từ chức lên Tổng thống Thiệu tất cả là 4 lần nhưng đều bị ông Thiệu bác bỏ, do đó hàng ngày ông lái trực thăng từ tư dinh trong Chợ lớn lên Bộ Tổng Tham Mưu “làm việc tại văn phòng nhưng cũng không làm hết việc cuả văn phòng nưã chứ vì những nhu cầu quan trọng do các vị tư lệnh trình xin Tổng Tham Mưu theo hệ thống quân giai thì Đại Tướùng Viên bảo các vị đó xin lên tổng thống…”

Ông Trần Văn Đôn cũng cho biết như vậy. Theo ông Đôn thì “đã nhiều lần ông Viên bày tỏ ý không muốn giữ chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng nữa, xin từ chức hoài nhưng ông Thiệu không chấp nhận.”

Trong một cuộc phỏng vấn thu hình dành cho Tiến Sĩ Lâm Lễ Trinh tại Virginia vào năm 2006, cựu Đại Tướng cao Văn Viên cho biết ông đã xin từ chức tất cả là 6 lần: “Trước khi cuộc hội đàm tại Paris tiến đến giai đoạn kết thúc vào năm 1973, tình hình quân sự càng thêm căng thẳng. Tổng Thống Thiệu, với tư cách là Tổng Tư Lệnh Tối Cao quân đội, tập trung hết quyền bính trong tay, cho đặt một hệ thống máy truyền tin tại Dinh Độc Lập để liên lạc thẳng với các quân khu, điều động các đơn vị, bổ nhiệm tư lệnh vùng và ra lệnh trực tiếp về hành quân. Bộ Tổng Tham Mưu lần hồi bị dồn vào vai trò tuân hành và thị chứng. Bộ Quốc Phòng chỉ còn là “hộp thơ” giữa tổng thống và Bộ Tổng Tham Mưu. Vì không có điều kiện làm việc được như trước, tôi đã năm, sáu lần xin từ chức. Ông Thiệu yêu cầu tôi nán lại đợi người thay thế nhưng ông lại không có quyết định, Tôi không có quyền bỏ ra đi một cách vô trách nhiệm…”

Như vậy, theo Đại Tướng Cao Văn Viên thì tuy giữ chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội nhưng quyền bính thì do Tổng Thống Thiệu hoàn toàn nắm giữ. Điều này cũng không có gì lạ vì ngay cả thượng cấp của ông là Đại Tướng Trần Thiện Khiêm, Thủ Tướng Chính Phủ kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng và Bác sĩ Nguyễn Lưu Viên, Phó Thủ Tướng cũng không hề được biết gì nhiều hơn ông.

Trong bài “Mạn Đàm Với Bác Sĩ Nguyễn Lưu Viên” cuả Tiến Sĩ Lâm Lễ Trinh ngày 1 tháng 9 năm 2001 tại California, Bác sĩ Viên, cựu Phó Thủ Tướng trong chính phủ cuả Đại Tưóng Trần Thiện Khiêm đã kể lại rằng:
“Vụ Ban Mê Thuột làm tan hoang hết. Nội các không hề được hỏi ý kiến. Pas un mot (không mội lời.) Một ngày sau khi bỏ Pleiku, có nhóm hội đồng nội các. Sau chương trình nghị sự, Tổng trưởng Ngô Khắc Tĩnh dơ tay lên nói “thưa Thủ Tướng, tôi xin Thủ Tướng một đặc ân. Dầu sao chúng tôi cũng là nhân viên nội các, bà xã tôi vừa nghe tin mất Pleiku trên đài BBC và đài VOA mới nói lại cho tôi biết. Vậy xin Thủ Tướng nếu có tin gì thì xin thông báo cho chúng tôi, chớ không thì kỳ quá!” Lúc đó trên bàn chủ tọa, Thủ Tướng Khiêm quay qua tôi ngồi phiá bên trái, nó nhỏ “moa cũng vậy.” Tôi ngạc nhiên hỏi lại “Bộ nói giả ngộ hay sao? Anh là Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng, đại tướng 4 sao mà!.” Ông Khiêm gật đầu “thật chớ!” (nguyên văn.)

TS Lâm Lễ Trinh hỏi: “Không lẽ ông Thiệu lại quyết định một mình chuyện quá nghiêm trọng như vậy?” và BS Nguyễn Lưu Viên trả lời: “Tôi có nghe “hình như” Tổng Thống Thiệu có hội ý với hai tướng Cao Văn Viên và Phạm Văn Phú. Tuy nhiên sau tháng 4 năm 1975, tôi thoát được qua đảo Guam, có gặp một số sĩ quan cao cấp trong Bộ Tổng Tham Mưu, họ quả quyết ông Viên chỉ biết sau khi việc này xảy ra. Phủ Tổng Thống ra lệnh thẳng cho các tư lệnh vùng, không qua Tổng Tham Mưu, bằng một hệ thống trực tiếp. Vậy, ông Thiệu đã chỉ thị ngay cho Tướng Phú? Điểm này, nghĩ nên duyệt lại.” TS Trinh hỏi: “Tại sao Thủ Tướng Khiêm và anh không phản đối?” và BS Viên trả lời: “Phản đối cách nào và vì sao? Có biết đâu mà phản đối? Đây là vấn đề quân sự..”

Trong cuộc tiếp xúc với Đại Úy Nguyễn Văn Nhựt, cựu sĩ quan tuỳ viên và là người thân tín cuả Cố TT Trần Văn Hương trong những ngày cuối cùng, ông Nhựt cho biết là khoảng ngày 25 tháng 4 năm 1975, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú có cho người mang đến trình lên cho TT Hương một lá thư dày cộm. Ông Nhựt nói rằng TT Hương đã ra lệnh cất ngay lá thư này vào tủ sắt và trước khi bàn giao cho Dương Văn Minh, Cụ Hương đã ra lệnh đốt lá thư này đi. Đại úy Nhựt hỏi Cụ Hương sao Cụ không mở lá thơ xem Tưóng Phú nói gì về vụ triệt thoái Cao Nguyên nhưng Cụ Hương nhất định không đọc vì Cụ nói rằng Tướng Phạm văn Phú đang ở trong tình trạng bị điều tra về trách nhiệm cuả ông trong việc di tản Quân Đoàn II và Cụ đã bắt phải đốt lá thư cuối cùng cuả tướng Phú trước mặt Cụ. Đại Úy Nhựt nói rằng có lẽ trong lá thơ đó, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú có thể giải thích cho Cụ Hương về những lệnh mà ông nhận được từ TT Nguyễn Văn Thiệu và như vậy thì có thể làm sáng tỏ được nhiều ẩn khuất, tuy nhiên Cụ Trần Văn Hương ra lệnh đốt đi mà không đọc, do đó cho đến giờ này chỉ còn có Đại Tướng Cao Văn Viên là người duy nhất còn sống và một ngày nào đó, có thể Đại Tướng sẽ bạch hoá vấn đề này.

Vai Trò Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH

Khi nghe nói rằng một ông đại tướng giữ chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng một quân đội trên một triệu người mà những chuyện đại sự như là di tản Quân Đoàn II từ vùng Cao Nguyên vể miền đồng bằng hoặc Quân Đoàn I có giữ Huế hay không mà ông Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng không biết gì hết về kế họch triệt thoái và chuyện Bác Sĩ Nguyễn Lưu Viên, Phó Thủ tướng cũng cho biết rằng rằng chính cấp trên của Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng là Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng cũng là một đại tướng 4-sao mà cũng không biết gì nốt thì điều kỳ quái đó không ai có thể tin được.

Trong suốt hơn 30 năm qua, cựu Đại Tướng Trần Thiện Khiêm sống rất thầm lặng tại Hoa Kỳ, ông không hề tiếp xúc với bất cứ cơ quan truyền thông nào và cũng không hề trả lời một cuộc phỏng vấn nào trên báo chí. Một vài chi tiết về ông là do một số người khác kể lại, chẳng hạn như Bác Sĩ Nguyễn Lưu Viên, một người bạn và cũng là phó thủ tướng trong nội các của ông một thời gian khá dài đã kể lại câu chuyện được ghi lại trong bài mạn đàm của Tiến sĩ Lâm Lễ Trinh.

Cựu Đại Tướng Cao Văn Viên cũng giữ thái độ im lặng, tuy nhiên khi cuốn The Final Collapse của ông được Nguyễn Kỳ Phong dịch ra tiếng Việt và xuất bản vào năm 2003 thì ông Cao Văn Viên có viết thêm một đoạn gọi là “Lời Bạt” từ trang 255 đến trang 268 trong đó ông có tiết lộ một số chi tiết có liên quan đến một vài vấn đề chính trị và quân sự hồi trước năm 1975 và cũng có thêm một đôi điều để đính chính một vài điểm không đúng với sự thật về cá nhân ông và quân đội trong cuốn sách “The Palace File” của Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng. Một trong những điều quan trọng trong phần này là vai trò của Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa từ tháng 7 năm 1970 cho đến tháng 4 năm 1975.

Trong phần “Lời Bạt” cũng như là Phụ Bản A về “Vai Trò của Bộ Tổng Tham Mưu,” cựu Đại Tướng Cao Văn Viên cho biết rằng vào tháng 7 năm 1970, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã ban hành một sắc luật cải tổ các cơ cấu quốc phòng và quy định vai trò cùng trách nhiệm của Bộ Tổng Tham Mưu.

Theo Tướng Cao Văn Viên thì “Bộ Tổng Tham Mưu được định nghĩa là một ban tham mưu của liên quân chủng, tạm thời có cơ cấu giống như một bộ tư lệnh Lục Quân. Không Quân và Hải Quân có bộ tham mưu riêng của các quân chủng đó…Trên thực tế và bản chất, Bộ Tổng Tham Mưu là một bộ tham mưu của Lục Quân với thẩm quyền trên hai quân chủng kia…, chịu trách nhiệm trực tiếp với tổng trưởng quốc phòng về vấn đề huấn luyện, tổ chức và sử dụng quân đội trong đường hướng do tổng thống định liệu.
“Nhiệm vụ của Bộ Tổng Tham Mưu bao gồm:
-Tổ chức và phát triển quân lực. Sử dụng quân đội để bảo vệ quốc gia và bình định lãnh thổ.
-Thu thập, khai thác tin tứùc tình báo, phản gián có tích cách chiến lược và chiến thuật.
-Phát triển, bổ dụng, bảo trì và quản trị quân đội.
-Thiết lập cấp số quân đội quân đội và nhân viên dân chính cần thiết cho Bộ Tổng Tham Mưu Thiết lập kế hoạch tiếp vận, theo dõi và cung cấp vũ khí, quân nhu và quân dụng cho quân đội.
-Huấn luyện binh sĩ, nâng cao tinh thần và đời sống vật chất cho quân nhân các cấp.
-Nghiên cứu và phát triển khả năng tác chiến. Khi được chỉ định, soạn thảo kế hoạch hành quân hỗn hợp với các quốc gia đồng minh đang chiến đấu tại Việt Nam.
-Soạn thảo và ban hành luật pháp căn bản về vấn đề giam giữ và đối xử với tù binh chiến tranh.
“Với vai trò và nhiệm vụ được viết ra thành từng chi tiết nhỏ, chúng ta nhận thấy nhiệm vụ của Bộ TTM không liên quan gì đến những quyết định tối hậu của cuộc chiến, đó là trách nhiệm của tổng thống…Bốn quân đoàn, trên lý thuyết, nằm dưới quyền điều khiển của Bộ TTM, tuy nhiên về bản chất của cuộc chiến và cấp số của các cuộc hành quân cho nên trách nhiệm về hành quân được hoàn toàn ủy thác cho tư lệnh các quân đoàn/quân khu. Tư lệnh các quân khu có trách nhiệm về hành chánh, tư lệnh các quân đoàn/quân khu có quyền hành và trách nhiệm trong một khu vực rộng lớn, Bộ TTM ít khi xen vào kế hoạch hành quân hay quyết định của các quân đoàn, trừ trường hợp có hành quân hay thám thính vượt qua biên giới hay quân đoàn yêu cầu cho tăng viện các đơn vị tổng trừ bị dưới quyền của Bộ TTM. Vị tư lệnh quân đoàn là người cớ luôn thẩm quyền về kế hoạch bình định và phát triển ở trong vùng trách nhiệm nên họ có thẩm quyền sử dụng tài nguyên quốc gia được chỉ định phân phối cho vùng và đặt các tỉnh trưởng dưới quyền kiểm soát của họ. Đây là một quyền hạn mà Bộ TTM không bao giờ có được. Quyền hạn của các tư lệnh quân đoàn rất lớn. Họ thường liên lạc thẳng với tổng thống để nhận và thi hành quân lệnh. Và họ cũng là người chịu trách nhiệm trực tiếp với tổng thống…”

Như vậy, theo tinh thần của sắc luật về vai trò của Bộ TTM được Tổng Thống Thiệu ban hành vào tháng 7 năm 1970 thì không thấy nói gì đến quyền điều động các đại đơn vị tức là 4 quân đoàn. Đại Tướng Viên cho biết rằng: “Khi Hiệp định Paris 1973 được ký kết, quốc sách “4 Không” ra đời, lúc mà tất cả mọi hoat động quân sự có ảnh hưởng đến chính trị thì các buổi họp bất thường hay hàng tháng với các tư lệnh quân đoàn, quân khu cùng các tư lệnh quân binh chủng như Hải Quân, Không Quân v.v. được diễn ra trong Dinh Độc Lập thay vì ở Bộ TTM như thường lệ. Những buổi họp này được đặt dưới quyền chủ tọa của Tổng Thống Thiệu với tư cách là Tổng Tư Lệnh Tối Cao của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Từ đó, Tổng Thống Thiệu hoàn toàn lấy mọi quyết định và ra lệnh thẳng cho các nơi. Như vậy, Tổng Thống Thiệu đã đạt được quyền hành tuyệt đối, tập trung mọi quyền hành pháp, lập pháp và quân đội vào một mối duy nhất…”
“…Khi Tổng Thống Thiệu thực sự là Tổng Tư Lệnh Tối Cao Quân Lực VNCH thì Bộ TTM trở thành Bộ Tham Mưu của Tổng Thống. Ông Thiệu ra lệnh thẳng cho các tư lệnh quân đoàn, Không quân và Hải Quân cũng như là liên lạc thẳng với Tham Mưu Trưởng Liên quân của Bộ TTM. Hoa Kỳ biết chuyện này nên trưởng phái đoàn Hoa Kỳ, Đại Tướng Weyand, đã khuyến cáo chính phủ (Việt Nam) nên dành nhiều quyền hành cho Bộ TTM hơn.”

Để chứng minh cho những điều nói trên, Tướng Cao Văn Viên cho biết tại Cam Ranh, chính Tổng Thống Thiệu quyết định và ra lệnh trực tiếp cho Thiếu Tướng Phạm Văn Phú “tái phối trí lực lượng”:
“Đây là lệnh trực tiếp của Tổng Thống Thiệu ra lệnh cho Tướng Phú tái phối trí lực lượng cơ hữu (lực lượng của quân đoàn) để tái chiếm Ban Mê Thuột. Do đó không có lý do gì Bộ TTM gọi gọi Tướng Phú về Sài Gòn để thiết kế việc rút lui. Tuy lệnh quân đoàn và bộ tham mưu phải có khả năng làm việc đó. Trong kế hoạch rút lui, chính Tướng Phú chọn đường Liên Tỉnh lộ 7B để có yếu tố bất ngờ vì các trục lộ khác đã bị địch quân chiếm giữ…”

Về tình hình tại Quân Đoàn I ở miền Trung, Tướng Cao Văn Viên cho biết rằng Quân Đoàn I không báo cáo cho Bộ TTM biết về việc Sư Đoàn 1 Bộ Binh rút ra khỏi Huế về phía nam. Chuẩn Tướng Trần Đình Thọ, Trưởng Phòng 3 Bộ TTM biết được việc này qua một giới chức khác. Ông cũng cho biết thêm rằng việc các tướng lãnh thuộc Quân Đoàn I rút lui trên chiến hạm HQ-4 cũng không được báo cáo về Bộ TTM. Chuẩn Tướng Thọ biết được việc này là qua báo cáo của hệ thống truyền tin Hải Quân…

Cựu Đại Tướng Cao Văn Viên không phải là một vị tướng lãnh bỏ chạy hay đào ngũ như dư luận đồn đại.

Theo ông Trần Văn Đôn trong cuốn “Việt Nam Nhân Chứng” thì ngày 23 tháng 4, sau khi nội các Nguyễn Bá Cẩn từ chức, ông gặp Dương Văn Minh và ông Minh yêu cầu ông Đôn nói với Đại tướng Cao Văn Viên nên ngồi lại ghế Tổng Tham Mưu Trưởng. Ông Đôn đề nghị ông Minh đến thăm ĐT Cao Văn Viên để nói chuyện đó vì có lần ông Viên dọa “....T ôi sẽ từ chức ngay. Tôi không thể nào làm việc với ông Dương Văn Minh.”

Chiều ngày 24 tháng 4 năm 1975, ông và Đại Tướng Cao Văn Viên vào gặp TT Trần Văn Hương để phúc trình về tình hình quân sự, TT Trần Văn Hương nói với hai ông là Cụ chia xẻ với số phận cuả anh em quân nhân tại chiến trường và sẵn sàng cùng chết với anh em chiến sĩ. Sau đó, TT Trần Văn Hương chỉ định Đại Tướng Cao Văn Viên làm Tổng Tư Lệnh Quân Lực VNCH. Đại Tướng Cao Văn Viên nhận lời tuy nhiên ông đã khẩn khoản xin với TT Trần Văn Hương cho phép ông được giải ngũ hay nghỉ giả hạn không lương nếu Cụ Hương phải bàn giao quyền hành lại cho Dương Văn Minh và lời yêu cầu của Đại Tướng Viên đã được TT Trần Văn Hương chấp thuận.

Trưa ngày 27 tháng 4, sau khi Cụ Hương họp để bàn về việc đề nghị với quốc hội giao quyền lại cho cựu Đại Tướng Dương Văn Minh và cũng theo ông Trần Văn Đôn thì “buổi họp chấm dứt lúc 12 giờ trưa. Sẵn dịp đó ông Viên xin ông Hương ký sắc lệnh cho mình được nghỉ dài hạn không lương kể từ ngày đó với lý do “không thể làm việc dưới quyền ông Minh.” Ông Hương chấp thuận lời yêu cầu của ông Viên.”

Cựu Đại Tướng Cao Văn Viên cho biết: “Tối chủ nhật 27 tháng 4 năm 1975, sau khi Quốc Hội biểu quyết trao quyền lại cho ông Dương Văn Minh, vì thời gian quá gấp rút, theo hệ thống quân giai, tác giả “trình miệng” với Trung Tướng Trần Văn Đôn đang là Tổng Trưởng Quốc Phòng trong nội các của Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn, trình lên TT Trần Văn Hương nguyện vọng được về hưu của tác giả đã xin từ 5 năm về trước. Tổng Thống Trần văn Hương biết rõ chuyện này nên đã ký sắc lệnh cho tác giả về hưu. Ông Nguyễn Thạch Vân, Phụ tá của Tổng Thống Hương, hiện đang sống bên Pháp, biết rõ chuyện này.”

Đại Tướng Cao Văn Viên xác nhận chuyện này trong cuộc phỏng vấn dành cho Tiến sĩ Lâm Lễ Trinh vào năm 2006: “Tuy nhiên khi Tổng Thống Trần Văn Hương nhường ghế cho Tướng Dương Văn Minh tháng 4 năm 1975, tôi cương quyết xin giải ngũ vì tôi không phục ông Minh từ lâu, tôi từng là nạn nhân của ông Minh. Tổng Thống Hương chấp nhận đơn của tôi. Ngày 27 tháng 4 năm 1975, tôi rời Việt Nam trong tình trạng hợp lệ.”

Cựu Đại úy Nguyễn Văn Nhựt, tuỳ viên của TT Trần Văn Hương, cho người viết biết rằng TT Trần Văn Hương đã ký sắc lệnh này tối ngày 27 tháng 4 năm 1975 và đã cho nhân viên thuộc Phủ Tổng Thống mang tay vào Bộ Tổng Tham Mưu trao cho Đại Tướng Cao Văn Viên ngay trong đêm hôm đó.

Sáng ngày 28 tháng 4, trước khi TT Trần Văn Hương trao quyền cho Dương Văn Minh vào buổi chiều, ông Đôn đến văn phòng Tổng Tham Mưu Trưởng và gặp ông Cao Văn Viên để theo dõi tình hình quân sự. Ông Cao Văn Viên nhắc ông Đôn rằng ông đã được TT Trần Văn Hương cho nghỉ dài hạn và yêu cầu ông Đôn, với tư cách là Tổng Trưởng Quốc Phòng, chỉ định người thay thế. Ông Đôn nói rằng ngay lúc đó thì ông Minh gọi điện thoại đến và dặn ông Đôn cố giữ ông Viên ở lại chức Tổng Tham Mưu trưởng, đừng để cho ông Viên đi. Ông Đôn nói ông không biết xử sự ra sao vì nếu ông Tổng Tham Mưu trưởng chỉ đi vắng một thời gian thì ông có thể chỉ định một tướng lãnh khác xử lý thường vụ, tuy nhiên đằng này ông Viên nghỉ luôn thì việc đó phải do tổng thống, tổng tư lệnh tối cao quân đội chỉ định. Ông Đôn còn cho biết thêm rằng chiều hôm đó, ông Dương Văn Minh lại gọi cho ông ở Bộ Quốc Phòng và dặn ông hủy bỏ sắc lệnh mà TT Trần Văn Hương đã ký cho phép ông Cao Văn Viên được nghỉ dài hạn: “về lại văn phòng, tôi nhận được điện thoại của ông Minh dặn hủy bỏ sắc lệnh mà ông Hương đã ký cho phép ông Viên nghỉ dài hạn không lương, nhưng sắc lệnh đó ông Hương đã gởi thẳng cho ông Viên rồi, lúc đó ông Hương chưa trao lại quyền tổng thống cho ông Minh.”

Đây là một chuyện thật khôi hài vì ông Trần Văn Đôn chỉ là Xử lý Thường vụ Tổng trưởng Quốc Phòng thì làm sao mà ông ta lại có đủ thẩm quyền để huỷ bỏ một sắc lệnh do tổng thống đã ký? Lúc đó thì Cụ Hương chưa bàn giao và ông Minh cũng chưa có trở thành tổng thống cho nên cái sắc lệnh do Cụ ký vẫn có giá trị. TT Trần Văn Hương là người luôn luôn giữ chữ tín, trọng nguyên tắc và cẩn thận, Cụ biết rằng việc Đại Tướng Cao Văn Viên xin Cụ nghỉ dài hạn vì không thể phục vụ dưới quyền Dương Văn Minh là chính đáng và đã được Cụ chấp thuận, do đó Cụ đã ký sắc lệnh và cho người mang trao tận tay cho ông Viên trước khi bàn giao cho Dương Văn Minh vào buổi tối ngày 27 tháng 4 năm 1975. Nhờ sự thông cảm của Cụ Trần Văn Hương, Đại Tướng Cao Văn Viên đã được mãn nguyện vì ông không thể nào phục vụ dưới quyền một người đã từng ra lệnh còng tay ông, đã từng nhốt ông và đã từng có ý định muốn thủ tiêu ông chỉ vì ông là một quân nhân, một quân nhân thuần tuý chỉ biết trung thành với “Quốc Gia, Danh Dự và Trách Nhiệm” chỉ biết phục vụ Quốc Gia, phục vụ chính phủ hợp hiến hợp pháp, chứ không phục vụ cho một cá nhân hay một phe phái nào. Ông Cao Văn Viên đã giải thích nguyên nhân tại sao ông nhất quyết không phục vụ dưới quyền Dương Văn Minh như sau: “Tác giả không hợp tác với Tướng Minh vì ông ta có ý định giết tác giả trong cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963. Tác giả cũng không thể phục vụ cho một chính phủ liên hiệp và lý do quyết định nhất là đã ở chức vụ này quá lâu (gần 10 năm,) sức khoẻ kém và đã xin về hưu 3 lần rồi…”

Đại úy Nguyễn Văn Nhựt, cựu tuỳ viên cuả TT Trần Văn Hương tiết lộ với người viết rằng khi Cụ Hương chỉ định ĐT Cao Văn Viên làm Tổng Tư Lệnh thì ĐT Viên có ngỏ lời yêu cầu với Cụ Hương xin cho Trung Tướng Ngô Quang Trưởng làm Phó Tổng Tư Lệnh nhưng TT Trần Văn Hương không trả lời. Ông Nhựt nói rằng sau đó, ĐT Cao Văn Viên có gởi đến Phủ Tổng Thống một văn thư chính thức đề nghị cho Trung Tướng Ngô Quang Trưởng làm Phó Tổng Tư Lệnh Quân Lực VNCH nhưng TT Trần Văn Hương cũng lại để sang một bên trên bàn viết. Ông Nhựt cho biết sau khi Cụ Hương ký sắc lệnh cho phép ĐT Cao Văn Viên được nghỉ giải hạn không lương vào ngày 27 tháng 4 năm 1975, ông đã lấy hồ sơ về đề nghị của Tổng Tư Lệnh xin bổ nhiệm Trung Tướng Ngô Quang Trưởng làm Phó Tổng Tư Lệnh QLVNCH đặt ngay ngắn trước mặt Cụ Hương nhưng Cụ Hương nói với ông Nhựt rằng Tướng Ngô Quang Trưởng đang ở trong tình trạng bị điều tra về trách nhiệm cuả ông ta ở Quân Đoàn I, do đó dù rằng Cụ rất có cảm tình với TT Ngô Quang Trưởng nhưng Cụ không thể nào bổ nhiệm ông Trưởng thay thế cho ĐT Cao Văn Viên được.

Sau khi Đại Tướng Cao Văn Viên được TT Trần Văn Hương ký sắc lệnh cho phép được nghỉ dài hạn không lương ngày 27 tháng 4 năm 1975, vị tướng lãnh cao cấp nhất tại Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH là Trung Tướng Đồng Văn Khuyên, Tham Mưu Trưởng Liên Quân, do đó trên nguyên tắc Tướng Khuyên là Xử Lý Thường Vụ chức vụ này. Theo Frank Snepp thì vào ngày 29 tháng 4 năm 1975, “Tướng Nguyễn Cao Kỳ đi lang thang trong hành lang vắng vẻ của Bộ Tổng Tham Mưu để tìm tướng Đồng Văn Khuyên nhưng ông Khuyên đã biến mất.”

Đại Tá Phạm Bá Hoa, cựu Tham Mưu Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận dưới quyền Trung tướng Đồng Văn Khuyên, đã kể lại sự ra đi không một lời giả biệt với ông như sau:
“…Trung Tướng Khuyên đi thẳng lên xe Jeep, ông nhìn thẳng phía trước và im lặng trong khoảng 5 phút. Chưa bao giờ tôi thấy thái độ của ông như vậy, và tôi nghĩ: “phải chăng giờ thứ 25 bắt đầu từ đây?” Ông không nói một tiếng nào trong khoảng thời gian đó, sau cùng ông ra hiệu bằng tay và anh hạ sĩ quan tài xế cho xe lăn bánh. Tôi đứng thẳng người đưa tay lên trán chào ông, rồi khoa tay từ biệt để ông hiểu rằng tôi biết chuyện gì đang xảy ra…Tôi không chút phiền muộn nào đối với Trung Tướng Đồng Văn Khuyên cho dù ông đã không một lời từ biệt tôi, một lần từ biệt với biết bao hiểm nguy cho kẻ ở lẫn người đi! Lúc đó là 11 giờ 30 phút sáng ngày 29 tháng 4 năm 1975…”

Theo ông Trần Văn Đôn thì “8 giờ 15 sáng ngày 29-4-1975, tôi đến Tổng Tham Mưu, nhưng vừa tới cổng thì viên sĩ quan ở cổng chận tôi lại không cho vô vì bên trong đang bị pháo kích. Gần 20 phút sau, tôi vô văn phòng Trung tướng Đồng Văn Khuyên mà Đại Tướng Cao Văn Viên đề cử Xử lý Thường Vụ Tổng Tham Mưu Trưởng kiêm Tham Mưu Trưởng Liên Quân, tôi mới biết ông Viên đã ra khỏi nước bằng chiếc trực thăng riêng đến cơ quan DAO là cơ quan lo việc tản cư của Mỹ, từ đó chở qua Bangkok, xong lấy phi cơ bay thẳng qua Mỹ. Ông Viên đi ngày 28 tháng 4 sau khi đã sắp xếp nội bộ Tổng Tham Mưu xong. Họ có sắp xếp trước, nếu không thì đâu có đi dễ dàng như vậy. Lúc đi ra khỏi nước ông Viên mặc quần jeans, sơ mi thường. Đến Bangkok, ông lấy vé phi cơ dân sự bay thẳng đến Hoa Thịnh Đốn như một du khách chứ không qua các thủ tục như các người tỵ nạn khác.”

Cũng theo lời ông Đôn, ngay sau đó ông gọi điện thoại để báo cáo tình hình bi đát cho Dương Văn Minh và yêu cầu ông Minh chỉ định gấp cho một Tổng Tham Mưu trưởng mới và đề nghị nên cử Trung Tướng Vĩnh Lộc hay Trung Tướng Ngô Quang Trưởng. Ông Minh đã chỉ định Trung Tướng Vĩnh Lộc vào chức vụ này. Như vậy, Trung Tướng Vĩnh Lộc là vị Tổng Tham Mưu Trưởng cuối cùng của QLVNCH nhưng ông cũng đã rời khỏi Việt Nam vào tối 29 rạng ngày 30 tháng 4 năm 1975. Thực ra thì dù ông Minh có muốn bổ nhiệm Trung tướng Trưởng làm Tổng Tham Mưu Trưởng thì cũng đã quá trể vì ông Trưởng đã rời Việt Nam theo trực thăng cuả Tướng Nguyễn Cao Kỳ, phi cơ này đáp xuống hàng không mẫu hạm Midway cuả Hải Quân Hoa Kỳ vào lúc 1 giờ 12 chiều ngày 29 tháng 4 năm 1975 và sau đó hai ông được đưa sang chiến hạm Blue Ridge.

Ngày 28 tháng 4 năm 1975, ông Cao Văn Viên đã không dự lễ “trao quyền tổng thống” cho cựu Đại Tướng Dương Văn Minh tại Dinh Độc Lập vì vào buổi chiều ngày hôm đó ông không còn là Tổng Tư Lệnh hay là Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH nưã, ông chỉ là một thường dân mà thôi. Theo ông Trần Văn Đôn thì người đại diện cho Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH tại lễ nhậm chức của ông Dương Văn Minh là Trung Tướng Đồng Văn Khuyên, Tham Mưu Trưởng Liên Quân.

Có nhiều người mến phục Đại Tướng Dương Văn Minh và họ xem ông ta như là một bậc anh hùng. Ông Minh đã được ca tụng là anh hùng đến hai lần trong đời của ông: lần đầu tiên ông được xưng tụng là “Anh hùng Rừng Sát” sau khi ông chỉ huy cuộc hành quân tiêu diệt Bình Xuyên tại Rừng Sát vào năm 1955 và lần thứ hai ông được xưng tụng là “Anh hùng Cách Mạng” sau khi ông lãnh đạo cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963, đã giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm và lật đổ chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa. Tuy nhiên cũng có một số người không những không xem ông Dương Văn Minh như là một bậc anh hùng, trái lại họ không phục ông Minh dù rằng ông Minh đã từng giữ những chức vụ như Chủ Tịch Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, Quốc Trưởng và… Tổng Thống “trao quyền.” Một trong những người đó là Đại Tướng Cao Văn Viên.

Cựu Đại Tướng Cao Văn Viên nhất quyết không chịu phục vụ dưới quyền cựu Đại Tướng Dương Văn Minh, người lãnh đạo cuộc đảo chánh năm 1963, người đã ra lệnh còng tay ông và suýt nưã thì ông cũng bị thủ tiêu và khi ông Dương Văn Minh nhậm chức “tổng thống” vào giờ chót, ngày chót của nền Đệ Nhị Cộng Hòa, ông đã không phải mặc quân phục trình diện trước ông tân tổng thống mà ông không phục vì ông cương quyết không nhận bất cứ chức vụ nào dưới quyền ông Dương Văn Minh. Theo ông Trần Văn Đôn thì cũng vào ngày ông Dương Văn Minh được TT Trần Văn Hương “trao quyền” tổng thống tại Dinh Độc Lập thì ông Cao Văn Viên đã để lại bản sao sắc lệnh cuả Tổng Thống VNCH Trần Văn Hương, cho phép ông được nghỉ dài hạn không lương kể từ ngày 27 tháng 4 năm 1975 trên bàn giấy của ông rồi ra phi trường bay sang Bangkok, từ đó ông lên phi cơ thương mại bay thẳng sang Hoa Kỳ.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, có một số dư luận đưa ra những sự đồn đại không những chẳng có mấy tốt đẹp mà lại còn có tính cách nhục mạ vị tướng lãnh cựu Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Họ nói rằng Đại Tướng Cao Văn Viên đã “hèn nhát bỏ chạy ra ngoại quốc sau khi để lại trên bàn giấy lá đơn xin từ chức dưới tấm bảng 4-sao của ông.” Điều này hoàn toàn không đúng sự thật.

Cựu Đại Tướng Cao Văn Viên không phải là một vị tướng lãnh bỏ chạy hay đào ngũ như dư luận đồn đại.
Ngược lại, vào cuối tháng 4 năm 1975, mọi quân nhân từ cấp tướng lãnh, các sĩ quan cấp tá, cấp úy, các hạ sĩ quan và anh chị em chiến sĩ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã di tản trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 (trong số đó có cả người viết bài này đã may mắn nhảy lên được một chiếc xà lan của Hoa Kỳ rời khỏi Kho 5 ở Khánh Hội vào lúc 4 giờ sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975,) tức là trước ngày Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng, tất cả những người đó đều đã rời bỏ nhiệm sở một cách “bất hợp pháp” vì họ không hề nhận được lệnh hay sự cho phép của cấp chỉ huy trực tiếp để rời khỏi đơn vị, chỉ riêng có một mình cựu Đai Tướng Cao Văn Viên là đã ra đi một cách hợp pháp vì ông là người quân nhân duy nhất, vị tướng lãnh duy nhất đã được chính vị Tổng Tư Lệnh Tối Cao của Quân Lực tức là Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà ký sắc lệnh chính thức cho phép nghỉ dài hạn không lương (một hình thức gần như được giải ngũ trong quân đội) và do đó, không còn có trách nhiệm gì nưã trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà khi ông rời Việt Nam vào ngày 27 tháng 4 năm 1975, không đầy một ngày trước khi “Tổng Thống” Dương Văn Minh ra lệnh cho toàn thể các đơn vị trong QLVNCH buông súng đầu hàng quân đội Cộng sản Bắc Việt.

*
* *

Trong phần kết luận của bài phỏng vấn vị Đại Tướng khả kính của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cách đây gần hai năm trước khi ông từ giã cõi đời, Tiến sĩ Lâm Lễ Trinh có nói:
“Đại Tướng Cao Văn Viên sẽ lưu lại trong ký ức những người từng biết đến ông- thân hữu, bạn đồng đội cũng như những kẻ bất đồng ý kiến với ông- hình ảnh của lòng chung thủy, “trước sau như một,” không a dua, không phản trắc, từ tốn khi phê bình, chủ trương đoàn kết trong tình huynh đệ chi binh. Ông không bon chen trên chính trường, không đạp lên xác đồng đội để tiến thân. Ông là một vị tướng lãnh phi chính trị bị thời thế cuốn hút vào chính trường gió tanh mưa máu…”

Đại Tướng CaoVăn Viên, vị tướng lãnh đã từng lãnh đạo Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong gần 10 năm sau cùng trong cuộc chiến tranh bảo vệ tự do, dân chủ và no ấm cho mấy chục triệu nhân dân miền Nam để chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của Cộng sản Bắc Việt đã từ giã đồng đội, từ giã cõi đời vào hồi 6 giờ 15 sáng ngày thứ ba 22 tháng 1 năm 2008 tại Fairfax, tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ, hưởng thọ 87 tuổi..
Đại Tướng Cao Văn Viên đã ra người thiên cổ.

Khi nói về những người chiến sĩ già đã ra đi về miền miên viễn, Thống Tướng Douglas MacArthur, một đại danh tướng của quân đội Hoa Kỳ từng nói một câu bất hủ:
“Những người lính gìà không bao giờ chết, họ chỉ tàn úa mà thôi!”

Tất cả mọi cựu quân nhân trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa xin thành kính nghiêng mình trước sự ra đi của vị anh cả một thời của họ trong quân đội.
Đại Tướng Cao Văn Viên không chết, ông chỉ tàn úa với thời gian.

Trần Đông Phong


Đại tướng Cao Văn Viên nhận định về chính sách của 5 Tổng thống Hoa Kỳ đối với cuộc chiến Việt Nam
Thứ sáu - 21/09/2012 14:42

LTS. Tiếp theo loạt bài về những năm tháng đầu tiên của Chính phủ Ngô Đình Diệm, phần mục Sự kiện Lịch sử VNCH sẽ lần lượt trình bày đến bạn đọc những sự kiện trọng yếu của nền Đệ Nhất và Đệ nhị VNCH. Loạt bài này được biên soạn dựa theo các tài liệu sau đây: Quân lực trong giai đoạn 1946-1955 ( Khối Quân sử/Phòng 5/Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH); Việc từng ngày 1945-1969 của nhà nghiên cứu Đoàn Thêm, hồi ký của cựu Trung tướng Trần Văn Đôn, của cựu Thiếu tướng Đỗ Mậu,và tài liệu của nhiều tác giả khác.

Tổng thống Eisenhower đón Tổng thống
Ngô Đình Diệm thăm Hoa Kỳ năm 1957

Đai tướng Cao Văn Viên kể về các cuộc hội đàm ngưng bắntrong số báo vừa qua, VS đã tổng lược những ghi nhận và phân tích của Đại tướng Cao Văn Viên về các sự kiện đã quyết định tình hình cuộc chiến Việt Nam vào giai đoạn cuối cùng.

Về chính sách Hoa Kỳ đối với cuộc chiến Việt Nam, Đại tướng Cao Văn Viên đã nhắc đến các chiến lược của 5 vị Tổng thống Hoa Kỳ: Tổng thống Truman, Tổng thống Eisenhower, Tổng thống Kennedy, Tổng thống Johnson, Tổng thống Nixon. Sau đây là phần tổng lược những ghi nhận của Đại tướng Cao Văn Viên về chính sách Hoa Kỳ đối với VN qua 5 chính quyền Tổng Thống Mỹ. Phần này được biên soạn dựa theo hồi ký của Đại tướng Cao Văn Viên do Trung tâm Quân sử Lục quân Hoa Kỳ xuất bản, dịch giả Duy Nguyên chuyển sang Việt ngữ.

* Tổng thống Truman, Tổng thống Eisenhower và cuộc chiến VN

Theo Đại tướng Cao Văn Viên, ngoài những nguyên nhân chính vừa nêu trên, dĩ nhiên còn vô số những lý do chằng chịt khác tác dụng vào tạo nên sự suy sụp này. Vào cuối thế chiến thứ hai, sự lãnh đạo của Hoa Kỳ đối với Thế giới Tự do không ai mà không nhìn nhận. Nhưng chừng như khi có cuộc chiến tại Việt Nam và nhất là tại khu vực Đông Nam Á nói chung, chính sách Hoa Kỳ đã thay đổi nhiều lần, mà thoạt đầu là chính sách phi chính sách. Rồi đến khi cuộc can thiệp để chống Cộng sản lên đến giai quyết liệt thì lại nhượng bộ và hòa hoãn. Sự thay đổi này làm ảnh hưởng một cách nặng nề đến chính sách viện trợ và cung cách tiến hành chiến tranh tại phần đất này của thế giới.

Đại tướng Cao Văn Viên cũng nhắc lại một số sự kiện như sau: Tổng thống Franklin D.Roosevelt không bao giờ có quyết định là có nên giúp cho Pháp trở lại tái lập chế độ thuộc địa tại Đông Dương hay không. Chính quyền Truman thì có một phản ứng rõ ràng về trước cuộc xung đột giữa Việt Minh và Pháp trong khoảng 1945-1946. Chính quyền Mỹ từ khước việc Pháp yêu cầu phi cơ và tàu chiến Hoa Kỳ giúp chuyên chở quân lính Pháp đến Đông Dương và đồng thời cũng từ khước việc Pháp yêu cầu trang bị vũ khí cho quân đội Pháp đánh nhau với Việt Minh. Đồng thời chính quyền Truman cũng từ khước lời kêu gọi của Hồ Chí Minh. Tháng 8 và 9 năm 1945, trong khi Việt Minh đang kiểm soát Hà Nội, Hồ Chí Minh, qua trung gian của Văn phòng Cơ quan Chiến lược Hoa Kỳ, đã gửi yêu cầu lên Tổng thống Truman xin cho Việt Nam được hưởng quy chế "như của Phi Luật Tân để được bảo hộ trong thời gian giành độc lập." Từ tháng 10/1945 cho đến tháng Hai năm 1946, Hồ Chí Minh viết cho Tổng thống Truman ít nhất 8 lá thư, chính thức kêu gọi Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc can thiệp để ngăn chận chính sách thuộc địa của Pháp. Không có bằng chứng nào cho thấy các lá thư này được trả lời. Việc Hoa Kỳ không can thiệp chẳng khác gì là không chấp nhận cho Pháp vào vậy. (Bản tóm lược chính sách Hoa Kỳ dựa trên tập "Tài liệu Ngũ Giác Đài" của New York Times xuất bản năm 1971.)

-Tổng thống Johnson khen thưởng chiến binh
Hoa Kỳ tại Cam Ranh (tháng 10-1966)
Nhưng khi Việt Nam được công nhận độc lập một phần trong Liên Hiệp Pháp vào tháng Ba năm 1949 do Vua Bảo Đại đứng đầu thì chính quyền Tổng thống Truman lại không hậu thuẫn cho ông, viện cớ là Vua Bảo Đại là do Pháp đặt ra. Chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam bắt đầu ló dạng từ khi Mao Trạch Đông bắt đầu nắm vận mệnh Trung Hoa vào cuối năm 1949. Mục đích của Hoa Kỳ là chận đứng sự bành trướng của Cộng sản tại châu Á. Vì vậy khi Nga và Trung Cộng công nhận Hồ Chí Minh vào tháng 1/1950 thì Mỹ liền công nhận Vua Bảo Đại trong chức danh Quốc trưởng Quốc gia VN vào tháng 2/1950 và chỉ ba tháng sau Mỹ tuyên bố sẽ viện trợ kinh tế cho Pháp để Pháp trở lại Đông Dương. Từ một khoản viện trợ khiêm tốn 10 triệu Mỹ kim, số tiền viện trợ này vọt lên đến 1 tỉ (ngàn triệu) Mỹ kim vào năm 1954. Cuộc chiến tranh Đông Dương diễn ra bằng tiền của Mỹ tiếp tế qua tay người Pháp.

Khi Pháp bị thất trận Điện Biên Phủ và buộc phải ký hiệp định Genève năm 1954, Hội đồng An ninh Quốc gia của chính quyền Tổng thống Eisenhower thấy rằng hiệp định này rất thất lợi cho Mỹ nên đã tìm cách chận đựng sự bành trướng thêm nữa của Cộng sản tại VN. Mục tiêu được đặt ra là duy trì "tình thân hữu với những người không Cộng sản tại miền Nam", tức chính phủ Ngô Đình Diệm, và để ngăn chận Cộng sản chiến thắng tại miền Nam bằng một cuộc tổng tuyển cử. Từ đó, Việt Nam Cộng Hòa nhận viện trợ trực tiếp từ Mỹ. Quân đội Quốc gia Việt Nam, do Pháp huấn luyện và trang bị, được cải tổ toàn diện. Những binh sĩ chuyên nghiệp có nhiều kinh nghiệm chiến đấu nhưng mang nặng tư tưởng và hành vi theo Pháp liền được cho giải ngũ. Một thế hệ mới được thu nhận vào và theo cấp bậc mà thăng tiến trong quân đội mới mang tên là Quân lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH-tiếng Anh gọi tắt là ARVN).

Mục tiêu của QLVNCH là khai triển quân đội theo cách tổ chức của Hoa Kỳ, được Hoa Kỳ huấn luyện, trang bị và kỹ thuật chiến đấu từ đầu đến cuối. Để làm quen với cơ cấu tổ chức theo kiểu Hoa Kỳ, nhiều sĩ quan QLVNCH theo học khóa Lãnh đạo Chỉ huy. Về sau nhiều sĩ quan còn được cử đi Hoa Kỳ để học thêm về các ngành chuyên môn của mình.

* Các quyết định của Tổng thống Kennedy, Tổng thống Johnson, và kế hoạch Việt Nam hóa của Tổng thống Nixon

Khi được đắc cử, Tổng thống Kennedy đã chuyển kế hoạch có giới hạn của chính quyền Tổng thống Eisenhower thành một cuộc can thiệp rộng lớn để ngăn chận sự thống trị của CS tại miền Nam. Nhưng sự can thiệp này, mặc dù rộng lớn, không bao giờ thực hiện đúng mức của nó. Phải đợi đến khi chính quyền của Tổng thống Johnson tham gia quyết liệt vào bằng cả Không quân và lực lượng bộ chiến, và giai đoạn gay cấn nhất là quân số Hoa Kỳ lên đến 543,500 người vào đầu năm 1969. Người kế vị Tổng thống Johnson là Tổng thống Nixon. Vị Tổng thống này lập tức đảo ngược phương cách can thiệp bằng kế hoạch Việt Nam hóa, một phó sản khá thuận lợi của học thuyết do ông đưa ra. Thay vì phải trực diện đối đầu, Tổng thống Nixon chủ trương thương thuyết và chiến lược mưu tìm hòa bình của ông được đặt trên "ba cây cột: thiện chí, sức mạnh và tình tương nhiệm". Đó là cách Tổng thống Nixon thường nói. Nhưng nếu có một điểm khác biệt chính yếu duy nhất giữa chủ thuyết Nixon và chính sách của Hoa Kỳ về VN từ năm 1954 là ở chỗ Tổng thống Nixon muốn "phía tương nhiệm gánh vác công việc phòng thủ". Hãy xem bộ trưởng Quốc phòng Melvin R.Laird kịch liệt đả kích chính sách của chính quyền cũ thì thấy rõ.

"Từ quan điểm của chính sách phòng thủ của Hoa Kỳ, thảm trạng Việt Nam là kế hoạch Việt Nam hóa không được thực hiện sớm hơn, trước 1969, bằng phương thức huấn luyện và trang bị cho Quân lực VNCH để họ chiến đấu chống lại Bắc Việt một cách hữu hiệu cũng như đối phó với vấn đề mất an ninh trong nước do Việt Cộng gây ra. Rõ ràng, những cơ hội đó đã bị bỏ qua để thay vào đó những quyết định can thiệp một cách đáng kể của Hoa Kỳ vào mọi giai đoạn của cuộc chiến" (trích Chủ thuyết Nixon: "Từ sự thất vọng ngấm ngầm đến những cơ hội mới" do bộ trưởng Quốc phòng Melvin R. Laird đọc).

* Những thí dụ về trang bị vũ khí

Để giải thích thêm cho sự phân tích của bộ trưởng Quốc phòng Melvin R. Laird, Đại tướng Cao Văn Viên đã nêu ra 1 trường hợp và ghi nhận như sau: Loại súng cá nhân AR-15 mà sau được cải danh thành M-16 là một thí dụ cần nêu rõ. Loại súng này được thí nghiệm tại Việt Nam từ đầu năm 1964. Đây là loại súng rất tuyệt hảo nhờ các đặc điểm: nhẹ, dễ bảo trì và chính xác. Viên đạn nhỏ nên người lính bộ chiến có thể mang theo nhiều cấp số, sức công phá của đầu đạn rất mạnh khả năng xuyên phá sâu nhờ vào tốc độ viên đạn bắn đi nhanh. Nói tóm lại, loại súng này chế tạo cho người lính Việt Nam và cho chiến trường Việt Nam. Tuy nhiên chỉ có khoảng 200 khẩu súng này được đưa ra sử dụng thật sự. Mấy năm say loại súng này mới được chọn làm vũ khí căn bản cho người lính bộ chiến Việt Nam Cộng Hòa, nhưng chỉ sau khi Cộng sản được trang bị loại súng AK-47 có nhiều ưu thế hơn. Đại tướng Cao Văn Viên cũng nhắc đến việc trang bị loại ống phóng hỏa tiễn M-72 chống xe tăng và sau là loại phi đạn TOW chỉ được thực hiện sau khi Cộng quân đã có loại B-40 và B-41.



Tác giả bài viết: Đặng Quang


ĐẠI TƯỚNG CAO VĂN VIÊN
Sự Bất Lực Của Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH

Tướng Viên là Tổng Tham Mưu Trưởng, nhưng ông lại tránh né mọi quyết định trọng yếu. Ông không vấn hỏi MACV vì sợ gây xung đột. Viên cũng rất ít khi góp ý với Thiệu để tránh các quyết định khó khăn và mối ngờ vực từ phía Thiệu. Ông lập luận là chính sách quốc phòng đã được Tổng Thống ấn định (lẽ đương nhiên là với ý kiến vay mượn từ phía Mỹ), phương tiện và kế hoạch đã được khai triển bởi MACV. Các Tư Lệnh Quân Đoàn, Sư Đoàn và Quân Khu phải thi hành chính sách và kế hoạch đã được quyết định mà không được hạch hỏi lôi thôi.

Khi cuộc đảo chánh 1963 xảy ra, với tư cách chỉ huy trưởng Lữ Đoàn Dù, Viên đã tỏ ra bình tĩnh và quyết chí. Thái độ này khiến nhiều người kính nể ông. Sau cuộc chỉnh lý, Viên lấy quyết định tách xa ra khỏi các biến động chính trị tai hại. Ông thường than phiền với bạn bè, "Tôi không muốn biến bạn thành thù trong thời gian ngắn ngủi như vậy."

Biết rõ con người của Thiệu từ hồi xa xưa, Viên không chấp nhận hành vi bảo vệ lấy quyền lợi riêng tư của Thiệu. Đối với Kỳ, Viên cảm thấy gần gũi hơn vì giống ở trực tính và cùng xác tín. Đối với Quang, Viên rất ghét tính bất trung nghĩa của Quang. (Khi Ngô Đình Cẩn bị xử, Quang dự vào ghế bồi thẩm đoàn, mặc dù Cẩn là bố đỡ đầu của Quang). Quang cũng có thói đê tiện là đâm sau lưng. Viên biết Thiệu muốn bổ nhiệm Quang vào chức Tổng Tham Mưu Trưởng từ năm 1965, nhưng không làm vậy vì gặp sự chống đối của Mỹ và quần chúng. Biết là Thiệu tìm mọi dịp để loại mình, Viên làm hết sức để Thiệu hiểu là sẽ không có hiểm họa tới từ phiá Tổng Tham Mưu.

Lệnh đã được ban bố để Viên trở thành Tổng Tham Mưu Trưởng thay vì Quang tại vì: Mỹ thiên về Viên; Thiệu biết là có thể xoay sở với Viên; Viên sẽ không tham dự vào bất cứ cuộc đảo chánh chính trị nào.

Mặc dù có vẻ viển vông nhưng còn có một lý do khác, dị đoan. Số tử vi của Viên cho thấy ông là "sức mạnh" khả dĩ kiềm chế chống lại Võ Nguyên Giáp. Thiệu hay bàn luận điểm này cách lý thú với bạn bè. (Không chừng đây có thể là mánh khoé của CIA hay thuộc hạ của Viên). Cũng giống như các viên chức cao cấp khác thời đó, Viên thường không tí do dự làm mọi điều do MACV mớm ý để chiều lòng Mỹ. Kết quả là Viên chiếm được sự tin cậy và ủng hộ của Mỹ. Càng nhiều quân lính Mỹ đổ vào Việt Nam, ghế ngồi của Viên càng thêm vững chắc.

Từ xa và trên bề mặt, Viên tỏ vẻ không màng tới công danh và tiến chức. Ông tập Yoga hằng ngày và đệ đơn từ chức bốn lần. Tuy nhiên, Viên rất khôn khéo xây đắp lòng tin của chủ mình và củng cố địa vị. Chẳng hạn, với tư cách Tổng Tư Lệnh Quân Đội, Thiệu thường hay ra lệnh trực tiếp cho các Tư Lệnh Quân Đoàn mà không hội ý trước với Viên. Tướng lão làng Nguyễn Văn Là, Phụ Tá của Viên, cảm thấy khó chịu với sự vi phạm hệ thống quân giai này và hỏi Viên, "Họ coi Tổng Tham Mưu như đồ kiểng, Đại Tướng có thấy vậy không?" Viên trả lời, "Kệ họ, như vậy mình càng ít việc."

Để củng cố địa vị, Viên để Tướng Vỹ nắm quyền Bộ Quốc Phòng và bổ nhiệm Thiếu Tướng Đồng Văn Khuyên làm Trưởng Ban Tiếp Vận và Tham Mưu Trưởng tại Tổng Tham Mưu. Từ ngày ra trường Võ Bị đến khi trở thành Trung Tướng, Khuyên chưa hề chỉ huy một tiểu đội tác chiến. Vì lòng trung kiên, thói cần mẫn, và biết chiều ý cấp trên, Khuyên được thăng chức mau chóng. Trong thời Đệ Nhất Cộng Hòa, Khuyên bị bỏ tù vì mang tài liệu mật về nhà và bị ông anh cộng sản cuỗm mất. Sau 1963, sự kiện này được bỏ qua và cho vào quên lãng.

Sau khi Khuyên được bổ nhiệm vào chức vụ mới, không một viên chức, kể cả từ Bộ Quốc Phòng, bén mảng tới Tổng Tham Mưu nữa. Bây giờ Tổng Tham Mưu tập chung vào các sinh hoạt Mua và Cung Cấp và ít chú tâm tới các vấn đề hành quân. Đôi khi, khi cần phải xuất hiện với Tổng Thống trong những nghi lễ, Viên chỉ định phụ tá đại diện thay thế mình. Thiệu hiểu rõ cảm nghĩ của Viên và không nói gì. Cả hai người phải nhân nhượng lẫn nhau để tồn tại. Sau khi trúng cử lên làm Phó Tổng Thống, Trần Văn Hương đề nghị đưa Trung Tướng Đỗ Cao Trí về giữ một chức tư lệnh tại Quân Khu 3. Thiệu ngại ngùng không muốn nghe theo. Thiệu biết Tướng Trí đánh giặc giỏi với nhiều năm kinh nghiệm trên chiến trường. Trí còn thâm niên hơn Viên và Thiệu. Không ai biết Trí nghĩ gì trong đầu óc. Hương cũng góp ý kiến đưa Trí thay Viên.. Nhưng Hương không hiểu mối liên hệ kỳ cục giữa Viên và Thiệu cũng như ông không hiểu tí gì về người Mỹ.

Khi Hương được bổ nhiệm Chủ Tịch Ủy Ban Bài Từ Tham Nhũng, với sự phụ tá của Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Hiếu, Thiệu đồng ý cho Hương duyệt xét hồ sơ của Viên. Trong một bữa cơm gia đình ở Vĩnh Long, Hương nói với tôi là ông đề nghị với Thiệu duyệt xét hồ sơ của Viên, và sau này hồ sơ của Quang nữa. Tôi giải thích cho Hương là cho dù Viên có bị loại, thì Viên cũng được thay thế bởi Quang, chứ không phải bởi Trí. Hơn nữa, rất khó cho Thiệu và Hương cách chức Viên. Vì lẽ không đủ bằng chứng Viên hành sự thiếu sót hay bất trung, và Viên khôn ngoan đủ để cho Thiệu có lấy được bằng chứng. Dưới sự bao che của Viên, Khuyên sẵn sàng hy sinh cho Viên. Khuyên, mặt khác, được sự hỗ trợ của MACV vì ông luôn đồng ý với cố vấn trong việc chu toàn bổn phận quản trị tiếp tế, chuyên chở, tồn kho, và các dịch vụ tiếp vận khác cung ứng cho các cuộc hành quân được thành công.

Hương bắt đầu tập chung điều tra vào Quang nhưng Thiệu tìm đủ mọi cách bao che cho Quang vì bảo vệ Quang tức là bảo vệ mình vì các dịch vụ của Quang và của Thiệu là một. Tướng Hiếu thu thập và hoàn tất hồ sơ về Quang và trở nên bất mãn. Ông xin trở lại Quân Đội.

Hương thất vọng và thôi không đeo đuổi các viên chức cao cấp, và thay vào đó, ông chú tâm vào những viên chức thấp bé hơn.

Hoàng Văn Lạc và Hà Mai Việt


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét