Mấy tháng
qua, một số bè bạn ở Paris và một số tỉnh ở Pháp cũng như một số nhà báo Anh,
ý,... hỏi tôi rằng: Sống dưới chế độ cộng sản, ông đã rút ra được những bài học
gì sâu sắc nhất? Quả vậy tôi đã gắn bó với chế độ chính trị do đảng cộng sản
lãnh đạo hơn 46 năm, tôi là đảng viên cộng sản từ tháng 3. 1946, đến nay vừa tròn
45 năm. Tôi ở trong quân đội do đảng cộng sản tổ chức và lãnh đạo từ tháng 9.
1945 đến tháng 10. 1982, tức là hơn 37 năm. Nhìn lại cả một quãng đời vừa trải
qua, quả thật có nhiều điều sâu sắc và thấm thía.
Từ khi trưởng thành,
tôi luôn đặt cho mình một thái độ ngay thật và thẳng thắn, không cúi đầu nịnh
bợ ai, cũng không muốn ai tán tụng tâng bốc mình. Điều này làdo sự giáo dục,
dạy dỗ của cha tôi từ khi tôi còn nhỏ. Tôi không thể nào quên, cha tôi luôn nằm
thẳng. Ngủ ban đêm hay ngủ trưa, đều một mực như thế. Hai tay chắp vào nhau đặt
trên bụng. Suốt cả một đời người, ông luôn ngủ với một tư thế không thay đổi.
Đi từ nhà trên xuống nhà dưới, đi bách bộ Ở hành lang, hay ở trong sân nhà, cha
tôi bao giờ cũng đi đến góc, rồi rẽ phải hay rẽ trái, không bao giờ đi tắt. Tất
cả đều thành nếp sống và nếp nghĩ. Cũng có thể có người cho là lẩm cẩm. Nhưng
cái ngay thẳng của người "quân tử" là như thế, phải như thế. Không
thể nhượng bộ cho chính mìmh. Tự đòi hỏi một cách khe khắt. Một cụ già hơn 90
tuổi gặp tôi ở huyện Xuân Thủy, Hà Nam Ninh, tháng 7. 1990, kể lại cho chúng
tôi rằng, hồi 1927, thầy tôi đến nhậm chức tri phủ Xuân Trường, cái bảng đầu
tiên yết ở cổng phủ là "Ai có việc hay đưa đơn, không được mang theo một
lễ vật gì qua cổng này". Cả cuộc đời xử án, làm 12 năm thượng thư (là bộ
trưởng) bộ tư pháp, xét duyệt cả chục ngàn vụ án lớn nhỏ, ông không hề nhận một
đồng xu nhỏ hay bất cứ thứ quà cáp gì kiểu đút lót của bất cứ ai. Sự thanh liêm
và thanh bạch thật là tuyệt đối.
Trên tinh thần ấy, tôi
không thể quay ngoắt lại chửi bới đảng cộng sản, nói xấu đủ điều, phóng đại
những sai lầm và tự phủ định chính mình về tất cả mọi mặt. Cho dù vừa qua, cơ
quan lãnh đạo của đảng cộng sản đã chụp mũ tôi là phản bội, là bị đế quốc mua
chuộc, lôi kéo và đã khai trừ tôi ra khỏi đảng, truất chức tôi... Tôi không tự
ái, bực bội hay phiền muộn gì về chuyện này cả. Họ luôn là như thế, luôn hành
động kiểu như thế dưới cái nhãn hiệu bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ, tôi chẳng mảy
may lấy làm lạ. Điều hệ trọng là chính họ cũng chẳng tin mấy ở những điều ấy,
và đông đảo đảng viên và nhất là nhân dân thì cũng chẳng tin gì ở những điều
xằng bậy, thiếu công bằng, thiếu công minh như thế.
Bài học tôi tự rút ra
sâu sắc nhất trong cuộc đời hoạt động gần 50 năm là: hãy luôn tự là mình! Xin
chớ bao giờ thôi là mình. Xin chớ bao giờ đánh rơi mất bản thân mình! Cần luôn
luôn tỉnh táo để suy nghĩ bằng cái đầu của mình. Chớ bao giờ bắt chước mù quáng
bất cứ ai. Điều này cũng thật là khó. Lười một chút, e ngại một chút, nể nang
một chút là đánh mất mình như chơi! Cái kiểu đua đòi chạy theo mốt thời thượng,
a dua theo số đông là như thế.
Tôi còn nhớ, cách đây
hơn 40 năm, từ những năm 1945 đến năm 1950, những năm đầu thật hào hùng và phấn
khởi. Đảng cộng sản tự rút vào bí mật. Tinh thần dân tộc được phát huy cao độ,
khi xây dựng chiến khu Việt Bắc và vùng giải phóng khu 4, khu 5, ý thức chiến
đấu bảo vệ nền độc lập của tổ quốc thật là sâu đậm. Tình cảm anh em gắn bó chặt
chẽ: Cán bộ và chiến sĩ, bộ đội và đồng bào. Đúng là truyền thống chống ngoại
xâm là một gia tài quý báu của dân tộc ta, bất kể giầu nghèo, dân tộc, tôn
giáo... Sau chiến dịch Biên giới cuối năm 1950, cuộc kháng chiến của nhân dân
Việt Nam nối liền được với nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa vừa được thành lập
tháng 10. 1949. Viện trợ quân sự và dân dụng từ Trung Quốc đưa vào Việt Nam
ngày càng nhiêu, tạo thêm điều kiện cho kháng chiến Việt Nam lớn mạnh. Thế
nhưng tình hình lại phức tạp hơn, có nhiều mặt căng thẳng hơn. Từng đoàn cố vấn
Trung Quốc sang, có mặt ở mọi ngành, mọi cấp. Lúc đó (1952), tôi làm giám đốc
của trường quân chính sư đoàn 304, cũng có 2 cố vấn Trung quốc đến làm việc. Họ
nói cái gì cũng lạ, cũng mới, cũng hay cả! Có thể nói từ đại tướng đến lính
trơn đều cắp sách đi học các ông cố vấn Tàu. Đảng cộng sản là gì, đảng cộng sản
lãnh đạo toàn diện, thường xuyên, trực tiếp và tuyệt đối là như thế nào... đấu
tranh giai cấp là khách quan, quyết liệt và tất yếu như thế nào. Thế nào là dân
chủ tập trung, là lãnh đạo tập thể... Thế nào là chiến thuật Lâm Bưu, là tổ
chức theo kiểu tam chế, là phương châm chiến thuật tứ khoái nhất mạn (4 nhanh,
một chậm), là chiến thuật công kiên.. Rồi phương châm: chính trị là thống soái,
chế độ chính ủy có quyền tối hậu quyết định... Công tác chi bộ và công tác đảng
ủy và nhất là nội dung tư tưởng Mao Trạch Đông. Rồi nông dân là lực lượng cách
mạng hùng hậu nhất ra sao. Và phương châm tổ chức lấy công nông làm cốt cán là
như thế nào...
Ngọn gió phương Bắc ào
ạt thổi xuống căn cứ địa Việt Bắc, rồi các vùng giải phóng trong cả nước. Sách
dịch Tàu, phim ảnh Tàu, bài hát tàu "Kết đoàn", nhảy ương ca tàu,
phong trào học chữ và học nói tiếng tàu lan ra rất rộng. Và từng đoàn cán bộ
nối tiếp nhau sang tàu, lên Bắc Kinh, Thượng Hải, Nam Kinh, Nam Ninh, Quảng
Châu để học. Bắc Dại (trường đại học Bắc kinh) mở rộng cửa đón hàng trăm cán bộ
Việt Nam ta. Trung Quốc là hậu phương rộng lớn, bao la và hào hiệp cho cuộc
kháng chiến Việt Nam, lợi thật là lớn và chúng ta phải trả giá cũng thật quá
đắt! Vừa thoát khỏi đêm dài nô lệ của thực dân Pháp, chúng ta lóa mắt trước một
nền văn minh mới của "cách mạng" Trung Quốc được ta suy tôn là đàn
anh, mở đường, mẫu mực.
Chúng tôi tiếp thu một
cách ào ạt, ngấu ngiến, không chút suy xét và càng không có một chút phê phán
nào cả! Bài hát ca ngợi Mao Trạch Đông "Đông phương hồng", được coi
là bài hát chính thức, cùng với "Tiến quân ca", bài suy tôn Hồ Chủ
Tịch và bài Quốc Tế Ca. Và thế là ở Đại hội lần thứ hai của đảng cộng sản Việt
Nam trên căn cứ địa Việt Bắc, trong cuốn Điều lệ đảng, ở ngay phần đầu được ghi
rõ: cơ sở lý luận và tư tưởng của đảng là chủ nghĩa Mác Lê Nin và tư tưởng Mao
Trạch Đông. Không một ai nghi ngờ, và tất nhiên không một ai phản đối cả. Nó tự
nhiên như ánh sáng, như hơi thở cần cho cuộc sống con người vậy! Cần nói thật
rằng những tư duy của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, của các vị Trường Chinh, Lê Duẩn,
Phạm văn Đồng, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp... , lúc ấy đều coi tư tưởng Mao là
mẫu mực, là chân lý. Thế mới biết khi đánh rơi mất bản thân mình, bản thân dân
tộc mình, quyền tư duy tỉnh táo của mình, mọi người đều có thể phạm sai lầm cực
lớn vậy! Gần như trên một trang giấy trắng, chúng ta đã đổ lên một lọ mực tầu
đen và ngộ nhận đó là ánh sáng! Tôi còn nhớ sau đó ít lâu, một nhà báo Pháp hỏi
Hồ Chủ Tịch: Sao cụ không viết các tác phẩm lý luận, thì được trả lời ngay
rằng: "Tôi có gì để viết nữa, tất cả lý luận cần thiết Mao Chủ Tịch đã
nghĩ đến và viết ra rồi!" Luồng suy nghĩ bao trùm lúc ấy là như thế.
Và tất cả những người
kháng chiến Việt Nam đều coi những tác phẩm: Bạch Mao nữ (trong chuyện và trong
phim), Thượng cam lĩnh, Ngu công dời núi, anh hùng Lôi Phong... là những tác
phẩm tuyệt đỉnh của loài người. Câu nói bất hủ của Mao: "Ba anh thợ da là
một Gia cát Lượng", được coi là một chân lý, nêu cao tác dụng tập thể đối
lập với cá nhân, phủ định sạch trơn khả năng và vai trò cá nhân đối với lịch sử
và nhận thức của loài người. Con người riêng rẽ là bèo bọt, là yếu hèn, là tội
lỗi, đó là hạt cát rời rạc, vô giá trị, giống nhau, để cho tập thể dậm chân lên
trên. Tập thể là tất cả!
Có những chuyến nhìn
lại vừa buồn cười, vừa xấu hổ vì quá ấu trĩ. Từ đầu năm 1952, tất cả các đơn
vị, tiểu đội đều lập tổ tam tam, tổ 3 người, còn gọi là tổ tâm giao. Cứ chiều
đến sau khi ăn cơm là tổ tâm giao sinh hoạt tư tưởng. Phải kiểm điểm công việc
trong ngày, tự khai ra những tư tưởng không lành mạnh: ngại khó, ngại khổ, sợ
chết, ghen tỵ, tư tưởng hưởng lạc, cầu an, địa vi... , nó có tác dụng giữ vững
tinh thần, giữ vững kỷ luật, nhưng mặt khác nó đè nặng lên nhân phẩm và nhân
cách, làm cho con người luôn mặc cảm tội lổi, phải ăn năn, hối cải.
Có thể nói thời kỳ lan
tràn tư tưởng Mao Trạch Đông, sùng bái tư tưởng Mao sau năm 1951 là sự mở đầu
của những mụ mẫm về nhận thức, và có những tác hại cho đến tận ngày nay. Chúng
ta quên mát những gíá trị cố hữu của dân tộc, đánh rơi niềm tự hào tự tin dân
tộc, chấm dứt thời kỳ phơi phới hồn nhiên đoàn kết quý trọng nhau trong cộng
đồng dân tộc đi kháng chiến chống Pháp, để choàng vào cổ một cái tròng nhận
thức và tư tưởng mang bản chất đặc nông dân. Một sự thụt lùi được ngộ nhận là
khai phá và tiến lên! Thế là cải cách ruộng đất đến sau khi nghe hàng trăm vị
cố vấn Tàu giới thiệu về quá trình" thủ ti cải cơ" (thổ địa cải cách)
và những kinh nghiệm còn nóng hổi của Trung Quốc. Tôi còn nhớ nội dung của 8
bài học chỉnh huấn cải cách ruộng đất cho cán bộ trung cao cấp. Không một cán
bộ nào được thoát khỏi cuộc chỉnh huấn này. Đây là một cửa ải, "vượt qua
thì mọi con người sẽ lớn lên, trưởng thành, thành người cách mạng chân chính.
" 8 buổi lên lớp, hàng chục buổi thảo luận tổ, tranh luận, giúp đỡ nhau để
phê phán tội lỗi. Những cuộc tố khổ của nông dân, những cuộc kể lể, triển lãm
về tội ác của địa chủ và đế quốc. Những buổi xem phim, xem kịch về địa chủ và
nông dân. Mọi sự suy luận dạo ấy đều dẫn đến cực đoan: đã là địa chủ, dù chỉ có
2 mẫu ruộng thì đều là xấu, là tham, là ác, là tay sai đế quốc cả. Đã là cố
nông thì đều là tốt, có tinh thần cách mạng, có kỷ luật, có tài năng cả. Sự suy
luận bất chấp sự thật nhan nhản. Địa chủ đi kháng chiến, thì chỉ là "giả
vờ kháng chiến" để phá hoại cách mạng. Tìm không ra trong một xã ít nhất
là hai tên địa chủ ác bá thì là phát động chưa lên, phát mà chưa động, phải làm
lại! Đã là học sinh tiểu tư sản thì bản chất luôn là bếp bênh, không vững chắc,
chúa là địa vị hưởng lạc, cầu an, bảo mạng, phải gần gũi bần cố nông để học tập
và tiến bộ.
Tôi có những anh bạn là
chính ủy trung đoàn, tiểu đoàn trưởng, hồi ấy cao hứng theo thời thượng, xúc
động tự thâm tâm, thán phục qua bắt rễ xâu chuỗi các anh chị bần cố nông
"trong sạch và tuyệt vời", để rồi tìm kiếm trong đó một cô vợ
"lý tưởng". Về sau sửa sai cải cách ruộng đất rồi, các chàng bị kẹt
cứng, không thể nào sửa được nữa, và thế là ngậm bồ hòn làm ngọt suốt cà đời vì
không sao hợp nổi về quan niệm, lối sống, về trí tuệ và tâm hồn với người bạn
đời đã kén.
Mỗi một thời có một
nhân vật là thời thượng. ê vào những năm 1954, 1955 ấy, giữa khi giông bảo cải
cách ruộng đất đang mở rộng, nhân vật thời thượng là các ông đoàn ủy và các ông
đội. Đội trưởng cải cách ruộng đất ở một xã thì là nhất thiên hạ rồi. Các vị
đoàn ủy chỉ đạo cả một vùng, một huyện. Quyền sinh, quyền sát là trong tay các
vị một cách tuyệt đối! Công cụ của các vị là điều lệ cải cách ruộng đất, là các
đội cải cách, là tòa án nhân dân, xử án bằng giơ tay, không có luật sư, chẳng
có luật pháp. Đội xử án là một tiểu đội súng trường được tuyển lựa trong du
kích thuộc thành phần cô nông, mà phải là cố nông không có họ hàng, dây mơ, rể
má gì với phú nông và địa chủ... Các vị đoàn ủy luôn giữ bộ mặt trang nghiêm,
luôn khoác đại cán xanh mùa hạ, đại cán dạ mùa đông, đi giầy da lộp cộp, tay
cắp cặp da đen bóng và đi xe com măng ca Bắc kinh của bác Mao. Tôi từng gặp một
vị Ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) hồi ấy chữ quốc ngữ viết chưa thạo, chỉ có chữ
ký nguệch ngoặc to tướng, từng ký duyệt y án xử tử hàng chục nhân mạng: kẻ thù
của giai cấp và kẻ thù của nhân dân...
Về sau này, khi vụ Mười
Vân, giám đốc Công An tỉnh, thường vụ tỉnh ủy Biên hòa bị vỡ lở về tội tham
nhũng, lừa bịp, cướp đoạt tài sản của công và hắn bị án tử hình năm 1982, tôi
tìm ra được một chi tiết là Mười Vân phát lên từ một anh đội trưởng đội cải
cách ở Hòa Bình hồi trước. Một chi tiết rất có ý nghĩa! Các ngành công an, tổ
chức cán bộ, tòa án, bảo vệ trong quân đội luôn được coi là những ngành quan
trọng nhất của chế độ, cần có lập trường vững vàng hơn cả. Theo phương châm
công nông là cốt cán, cán bộ chủ chốt trong các ngành đó ắt phải là công nông.
Công nhân thì ở nước ta không nhiều, phần không nhỏ lại là thợ thủ công, công
nhân tự do, nên thường những người xuất thân từ bần cố nông là được chọn vào
các chức vụ quan trọng nhất. Tôi không thể khẳng định tất cả những người ấy là
kém cõi, dốt nát và hư hõng, vì vẫn có một tỷ lệ nào đó chịu khó học tập, vươn
lên thành những cán bộ có khả năng. Thế nhưng tôi nghiệm thấy rằng, những cán
bộ sa đọa, biến chất và hư hỏng sau ngày toàn thắng, khi chạm đến chiến lợi
phẩm, tiền và gái thì phần lớn rơi vào những kẻ như Mười Vân. Khi là đội trưởng
cải cách, hắn mới học lớp 4, do trình độ văn hóa quá thấp, hiểu biết về xã hội
đơn thuần theo cảm tính, nên khi có quyền lực trong tay, hắn mặc sức tác yêu
tác quái, thu vén cho mình nào là nhà lầu, vàng bạc, kim cương, phân phát cho
họ hàng và bộ hạ, mặc sức rượu ngon và gái đẹp không còn có gì để tự kiềm chế
nữa. Chỉ có những người có trình độ văn hóa nhất định mới hiểu được sự cần
thiết phải xử sự Ở đời ra sao cho phải đạo, tránh những thái quá và cực đoan,
giữ được đức liêm sỉ. Kẻ vô văn hóa thường tự cho mình cái "phép" làm
được mọi việc xấu xa nhất. Chính hắn là tiêu biểu cho kẻ vô học mà thành đạt để
có quyền lực (giám đốc công an một tỉnh lớn). Khi bộ Nội Vụ bật đèn xanh cho
thi hành phương án 2 (tổ chức cho dân vượt biên để thu vàng cho ngân quỹ) mổi
người định giá từ 3 đến 5 lạng vàng, thì ở tỉnh Biên Hòa hắn cho phép bộ hạ
tăng lên đến 10, 12 lạng vàng một người, hắn còn tổ chức trấn lột thêm ở các
bãi xuất phát ven biển. Vàng bạc, qúy kim, đồ trang sức, đô la, xe cộ của khách
hàng vượt biên bọn chúng tước đoạt hết qua khám xét từng người để chia nhau.
Mười Vân đã bị xử tử hình, nhưng còn biết bao tên như hắn, có thể còn cao tay
hơn hắn, vẫn còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật...
Tôi cho rằng đó là cái
giá phải trả cho việc mù quáng du nhập một chủ nghĩa ngoại lai, tôn sùng nó lên
thành chân lý tuyệt đối. Cả một dân tộc đã đánh rơi mất những giá trị cố hữu và
hiện có của mình để vồ vập lấy một tư tưởng thuần túy nông dân, thì ắt phải trả
giá như vậy. Và trong cả khối dân tộc ấy quyền tự do, quyền dân chủ của mỗi
công dân bị loại bỏ, cấm chỉ mọi sự hoài nghĩ, mọi ý kiến trái ngược. Mọi người
phải cam chịu luật độc đoán vô hình ấy, không dám cãi lại, không dám nói lại
cái lý của mình. Cái giá mọi người phải trả càng thêm nghiệt ngã!
Sau việc du nhập tư
tưởng Mao là việc du nhập 9 quy luật phổ biến của chủ nghĩa xã hội hồi 1956,
việc du nhập phương thức kế hoạch hóa toàn bộ nền kinh tế kiểu Staline (đã có
lúc báo chí khoe rằng đã kế hoạch hóa con số sản xuất cụ thể hàng năm bao nhiêu
cái kim, bao nhiêu quần đùi, bao nhiêu bọc cao su tránh thai, bao nhiêu hộp tăm
tre và tăm gỗ... ), du nhập cả đường lối ưu tiên công nghiệp nặng, hợp tác hóa
toàn bộ. Tất cả đều được thực hiện với thái độ mù quáng dai dẳng, không chút
hoài nghi và cân nhắc về đường đi, nước bước.
Tôi thấy bài học lớn
nhất nên rút ra trong gần 50 năm nay là: Dân tộc Việt nam phải tự mình giải
quyết lấy công việc của đất nước mình, không thể mù quáng bắt chước ai, không
thể đánh rơi mất cái quyền tư duy và quyết định về số phận của nhân dân mình.
Mọi giá trị bên ngoài chỉ được coi là gợi ý và tham khảo, để bồi bổ cho chính
nhân dân và đất nước mình mà thôi. Và trong cộng đồng dân tộc phải chấp nhận đa
nguyên chính kiến, đề xướng việc dân chủ đối thoại, tôn trọng quyền của mọi
công dân được suy nghĩ và nhận thức theo cung cách và nội dung của riêng mình,
kiên quyết chống lại việc gò ép và ra mệnh lệnh. Theo tôi việc quan trọng nhất
là mỗi con người cần tự khẳng định mình: Không phải là một hạt cát vô tri,
giống như đúc với những hạt cát khác thụ động nằm dưới ánh mặt trời, cho người
ta dẫm đạp lên, mà phải là ngôi sao lấp lánh, với màu sắc khác nhau, tỏa ra
những ánh sáng lung linh khác nhau, góp phần riêng để tạo nên một bầu trời
chung đầy sao rực sáng...
Tôi có thể khái quát:
đây là nổi đau của chủ nghĩa đồng phục.
Vâng ở đất nước ta hồi
đó ai cũng mặc đồng phục- Nam là đại cán, nữ quần đen, áo đại cán. Tóc nữ để
dài và kẹp lại, uốn tóc phiđê là tư sản, học đòi đế quốc! Và đồng phục từ ngoài
vào trong. Tư duy, quan niệm cũng phải mặc đồng phục tuốt- Chủ nghĩa tập thể
trên hết mà! Ăn nói, đi đứng, xử sự, viết lách, suy nghĩ đều phải giống nhau.
Một trại lính: Một nhà tù tư tưởng? Khái quát là vậy. Đã đến lúc phải từ bỏ
đồng phục để trả lại cho dân tộc mình những giá trị cố hữu, được bồi bổ thêm
những giá trị mới của thời đại và trả lại cho mổi công dân mình cái quyền đơn
giản và thiêng liêng nhất: được là chính mình, chỉ có thế thôi!
Bài học thứ hai tôi
nghĩ đến, đó là trong cuộc sống của công đồng dân tộc cũng như cuộc sống riêng
của những công dân phải công bằng và chân thật. Sự bất công và lừa dối là những
tai ương khủng khiếp. Hai tội này gắn bó rất chặt chẽ với nhau. Do lừa dối nên
bất công và sự bất công lại nuôi dưởng căn bệnh dối trá. Đã mấy năm nay, tôi
thường dự những cuộc họp hàng tuần, hàng tháng của cơ quan, nghe những lời phát
biểu của mọi người và luôn đưa ra lời phán đoán thầm ở trong bụng: Những ý kiến
này là những ý kiến thật, những ý kiến kia là những ý kiến giả? Lúc này anh A
mang bộ mặt thật, nhưng lúc khác anh ta lại mang mặt nạ! Cái căn bệnh ađua nói
theo, nói hùa theo lãnh đạo luôn thành một cố tật trong một cơ chế khắt khe.
Không nói hùa theo thì anh chỉ có thiệt, anh sẽ mang vạ vào thân, cho anh và
cho cả gia đình cũng chưa biết chừng! Cho nên đã thành một thói chung trong xã
hội là người ta thường nói ra những điều không thật sự là của mình, không đúng
những điều mình nghĩ, mà chỉ đưa ra những cái điều mà chính mình không tin,
chính mình không nghĩ đó là của mình!
Những người có quyền
thế chi phối rất mạnh nhưng người thuộc quyền mình. Đó là quyền nhận xét hàng
năm, quyền phân loại là cán bộ tốt hay xấu, cán bộ có triển vọng hay không có
triển vọng, là cán bộ nguồn hay không là cán bộ nguồn (cán bộ nguồn có nghĩa là
nằm trong diện được chọn để đề bạt và cất nhăc), là cán bộ sẽ được đề bạt trong
đợt xét sắp đến hay chưa, là cán bộ dự định sẽ được đưa lên theo quy hoạch hay
không, là cán bộ có được xếp trong quy hoạch bồi dưỡng, được cử đi học trường
đảng sơ cấp hay cao cấp, đi học nước ngoài để có nhãn hiệu cần thiết cho đề
bạt, cất nhắc hay không...
Rồi việc xét để cập nhà
mới, tăng thêm diện tích nhà ở, từ 12 mét vuông lên 15 mét vuông, từ 16 mét
vuông lên 19 mét vuông hoặc 21 mét vuông... cũng đều dựa vào nhận xét theo tiêu
chuẩn định kỳ... Nếu chẳng may rơi vào số "cán bộ đang có vấn đề" là
kẹt cứng, là mang họa. Và cái gọi là "đang có vấn đề" thì thường rất
bâng quơ, cảm tính. Cậu này đang có vấn đề hình như đang ngủng ngoẳng với vợ,
cô kia dạo này hay làm dáng, thích quần ống loe, lại thường rủ bạn đi khiêu
vũ... Anh này dạo này uống bia hơi nhiều- Chú kia không hiểu tiền đâu chuyên
hút thuốc lá 3 số 5. Hoặc quan trọng hơn cả là: hòai nghi về chủ nghĩa xã hội,
có lần nói xấu lãnh tụ, nói xấu đồng chí Tổng bí thư... Rồi anh kia có vẻ thân
thiết với một số Việt kiều về nước từ các nước tư bản... Chị kia thường nhận
nhiều thư của bạn bè không rõ ràng từ thành phố Hồ Chí Minh... Tất cả đều có
thể coi như là "đang có vấn đề", để chú ý theo dõi, để hãm lại mọi
quyết định tăng lương, cân nhắc, đề bạt, cử đi học, để xếp ở bên rìa của những
cỗ xe cơ chế đang chạy.
Trong không khí sống dò
xét nhau: trên dòm xuống dưới bằng con mắt dọa nạt, ta đây có quyền, dưới nhìn
lên trên e dè lo ngại và phải đối phó, cam chịu, cuộc sống luôn căng thẳng,
phải dấu kín những điều tuy là ngay thật, chính đáng, nhưng có thể sinh hiểu
lầm có hại cho bản thân...
Đầu năm 1990, nghị
quyết Trung ương lần thứ 8 nhận định rằng sự sụp đổ của các nước xã hội chủ
nghĩa ở Đông Âu là do âm mưu lật đổ của chủ nghĩa đế quốc và bọn phản động
trong và ngoài nước, của bọn CIA và nhà thờ VATICAN... Khi phổ biến ở báo NHÂN
DÂN, mọi người đều im lặng tiếp thu... Thế nhưng khi gặp riêng, thì phần lớn
đều cho rằng nhận định như thế là chủ quan, láo khoét, chính nhân dân các nước
ắy đã vùng dậy, từ bỏ những chế độ quan liêu, thiếu dân chủ, độc đoán và tham
nhũng, đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân. Tác dụng bên ngoài dù quan trọng
không thể là quyết định. Trước đó tôi viết một bài trong số Nhân dân Tết âm
lịch đầu năm 1990 với đầu đề: "Sắc xuân của dòng chảy", nhận xét
rằng: Cái gì phải đến đã đến. Nhân dân Đông Âu đã phủ định những chế độ thiếu
dân chủ và công bằng xã hội, họ không thể nào cam chịu mãi với bất công và
nghèo đói, với chủ nghĩa xã hội hiện thực xa lạ với chủ nghĩa xã hội khoa
học... Bài báo này của tôi bị coi là viết trái với nghị quyết của trung ương
đảng. Nhiều anh chị em làm báo trẻ rất tán thành nhận định của tôi, bắt tay
khen ngợi và hoan nghênh tôi về bài báo trên. Nhưng khi phát biểu trong tổ
chức, khi những người trong tổ chức lên án tôi, thì họ ngồi yên lặng, không tán
thành, không phụ họa với ý kiến ấy, cũng không lên tiếng phản bác. Tôi biết
rằng với cơ chế này, anh chị em dù tốt cũng không thể làm gì hơn được. Con
người không còn được là chính mình. Sự dối trá đã ngự trị quá vững bền rồi. Sự
bất công là lẽ thường tình. Trừ khi phá bỏ được cơ chế quan liêu và độc đoán,
thủ phạm gốc của tất cả những tội lỗi.
Khi việc truy tìm nguồn
gốc của giai cấp, khi chủ nghĩa lý lịch công khai hoành hành, khi mọi
"liên quan" đều được ghi vào sổ sách, tất nhiên con người phải đối
phó để tránh mọi hiểm họa. Hơn 16 năm trước, có anh chị em ruột ở nước ngoài là
một điều nguy hiểm và sỉ nhục. Cũng vào thời gian ấy, có bà con anh chị em sống
trong Nam, nhất là làm việc trong cái gọi là bộ máy ngụy quân, ngụy quyền thì
thật là khốn khổ, vì cái dấu hỏi "liên quan về chính trị". Thế là chi
bằng dấu kín, không biết, không khai. Sau ngày thống nhất, cả một phong trào
"miền nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng", hòa cả làng, xí xóa cả làng.
Sự thật mới rõ ra là gần như gia đình nào cũng có người thân ở phía bên kia,
vậy mà trước đó cứ phải kín như bưng. Bà con anh chị em ở nước ngoài cũng vậy.
Sự dấu diếm một thời nói lên cả một cơ chế thành kiến, định kiến và suy diễn
kiểu quan liêu về chính trị, bắt tội và kết tội nhau một cách vô lý, tạo nên sự
xét nét, che dấu và dối trá lẫn nhau trên quy mô toàn xã hội.
Điềm tĩnh nhìn lại
những ngày tháng và những cơ quan tôi đã sống và trải qua, tôi bỗng thấy rợn cả
người. Biết bao giá trị chân chính, lương thiện của con người bị nhiễu loạn.
Những anh nào khéo che đậy những nhược điểm và kém cỏi, lại biết xu nịnh thì ắt
tiến thân được thuận lợi. Cả xã hội phải trả giá cho những sự tiến thân theo
cửa sau như thế. Vị trí xã hội không được xếp đúng theo tài năng và nhân cách
thật sự, mà theo sự lừa dối, nịnh hót và những thủ đoạn tiến thân...
Sau ngày miền Bắc giải
phóng năm 1954, hàng nghìn các em trai và gái thuộc các gia đình tư sản bị phân
biệt đối xử. Đó là những gia đình tư sản dân tộc, mức sống chẳng hơn gì loại
tiểu tư sản ở các nước phương Tây- Vậy mà bị coi thuộc thành phần xấu (bóc
lột), thành phần có tội! Thật khổ cho các em đó. Người ta nói: có thể chọn bạn
bè chứ ai có thể chọn được cha mẹ! Các em phải đi lao động ở các công trường,
nông trường. Thi vào đại học rất khó. Mặc dầu trong các em có rất nhiều người
có chí, có nghị lực, biết thân phận mình nên càng gia công học rất giỏi. Các em
thường đỗ với điểm cao, nhân cách tốt, thế nhưng cái thành phần giai cấp
"xấu" cứ như gông đeo mãi vào cổ, không sao ngóc đầu lên được. Số này
rất ít người được đi học ở nước ngoài, không được tin cậy giao công việc, luôn
ở vị trí điếu đóm, thừa hành... Những tài năng trẻ ấy cứ bị mai một mãi. Cho
đến sau thống nhất, tuổi trẻ ở miền nam cũng lại có một bộ phận gọi là thuộc
gia đình ngụy quân, ngụy quyền. Họ vấp phải tình trạng tương tự, làm hao phí
biết bao tài năng của đất nước! Sự bất công đối với con người, nhân danh một
kiểu đấu tranh giai cấp cực đoan và phi lý đã đưa đến biết bao đau khổ và bất
hạnh cho tuổi trẻ, và làm thiệt thòi không ít cho toàn xã hội.
Bất công và lừa dối gần
như thành nếp sống! Dở lại những chồng báo cũ, chúng tôi cảm thấy xấu hổ. Cả
một thời báo chí đăng tin năng xuất cực cao 1 hec- ta đến 100 tấn, rồi 200 tấn
của các thửa ruộng thí nghiệm ở Trung Quốc, đăng cả những tấm ảnh (bịp) các
diễn viên ương ca Trung Quốc nhảy múa trên những thảm lúa ken nhau chật cứng,
và lừa bịp đến mức độ ca ngợi lên tận mây xanh ý kiến của "Chủ tịch Mao
Trạch Đông vĩ đại" là nghề nông sẽ trở thành một nghề dể ợt kiểu làm vườn,
làm vườn mà chơi! Thật là một tấc đến trời! Mà vẫn không được phép hoài nghi và
phê phán.
Có những lầm lẫn to
lớn, mà lại lầm lẩn theo kiểu trịch thượng kia, phạm rồi không cần xin lỗi ai
cả! Đó là số báo Nhân dân kỷ niệm đặc biệt 600 năm ngày sinh của nhà văn hoá
lớn của dân tộc Nguyễn Trãi, ra cuối năm 1980, đăng lại Đại cáo bình Ngô và một
bức ảnh cực lớn đóng khung ở ngay trang 1. Thế mà cái ảnh ấy lại là sai! Không
phải ảnh cụ Nguyễn Trãi, mà là bức ảnh của cụ Dương Khuê mặc triều phục của
triều Nguyễn cuối thế kỷ 19, nghĩa là cách nhau đúng 5 thế kỷ! Vậy mà đến nay
vẫn không một lời xin lỗi bạn đọc!
Cứ như là không có gì
xẩy ra hết! Thật đáng sợ!
Khi những nhà cầm quyền
không còn khả năng xấu hổ nữa thì thật là đáng sợ. Một số người lãnh đạo và báo
chí kịch liệt lên án bí thư tỉnh ùy Vĩnh phúc Kim Ngọc một cách vũ đoán, thế
rồi sau đó cuộc sống chứng minh chính kiến của ông ta là đúng, nhưng không một
ai xin lỗi ông ta (đã mẫt trong tủi nhục)và gia đình ông ta cả!
Và có cả những sự lừa
dối đến độ trơ tráo. Mẹ và chị của nghệ sĩ Đặng Thái Sơn đã kể cho tôi nghe câu
chuyện về Đặng Thái Sơn thành tài. Cái chính là do bố mẹ khuyến khích, dạy dỗ Sơn
từ tấm bé. Vì bố Sơn là nhạc sĩ Đặng Đình Hưng bị định kiến nên Sơn cũng bị
kẹt, sang Liên Xô học cũng là nhờ thầy giáo Liên xô phát hiện và kèm cặp. Đi
thì ở Ba Lan cũng do Sơn và thầy giáo tự chạy, sứ quán Việt nam ở Matxcơva
chẳng giúp sức gì thêm cả, bỏ mặc Sơn tự lo lấy mọi chuyện. Đến khi giật giải
rồi thì khác hẳn. Sứ quán họp báo, Bộ Văn Hoá họp báo. ủy? ban liên hiệp văn
hóa nghệ thuật, hội nghệ sĩ âm nhạc họp báo, vơ vào một cách không chút ngượng
ngùng rằng: Đây là kết quả của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, phát hiện và vun
trồng những mầm non của đất nước từ nơi sơ tán dưới bom đạn Mỹ, được chủ nghĩa
xã hội ưu đãi chăm sóc, để thành tài ở Liên Xô và giật giải ở Vác Xô vi, vân
vân, và vân vân... Nói lấy được, cứ như sự thật quả là như vậy!
Đặc quyền, đặc lợi có
những biểu hiện lắm vẻ. Sau năm 1975, Văn phòng trung ương và Ban Tài chính
Quản trị trung ương (cũng là cơ quan tài chính của đảng) đi thống kê và phân
phối những công thự, biệt thự Ở các tỉnh phía nam. Bộ Chính trị được họ xí những
nhà sang trọng nhất. thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Vũng tàu, Nha Trang... họ
dành những biệt thự loại A1 cho Bộ Chính trị, thường là cho từng ủy viên Bộ
Chính trị. Đó là nhà của anh Ba, anh Năm, anh Sáu... thường là đóng im ỉm, có
người quét dọn, trông coi quanh năm, những "ông chủ" chỉ dạo qua vài
ngày trong cả năm!
ê vực Quảng Bá bên Hồ
Tây, nhà họp con Rùa (mái nhà hình mai rùa) với hơn một chục biệt thự vây quanh
là một khu cấm, canh gác cẩn mật. Nhà họp Con Rùa ấy trên công văn của văn
phòng Trung ương mang tên nhà họp của Bộ Chính trị. Mỗi biệt thự đều mang những
tên ông chủ của nó: 12 hay 14 Uy viên Bộ Chính trị đương chức. Từ năm 1988, nó
đã được chuyển thành cơ sở kinh doanh du lịch của Công ty Hồ Tây do Ban quản
trị Tài chính trung ương đảng quản để kiếm lời.
Phía Bắc thành phố Hồ
Chí Minh, vùng Tân Uyên thuộc tỉnh Sông Bé có một khu rừng cao su rộng xen với
những bãi đào lộn hột. Đậy là khu săn bắn rất được ưa thích của các quan chức
cơ quan thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Mổi khi có khách trung ương vào hay ở
thành phố lên là cả vùng nhộn nhịp hẳn lên. Giám đốc nông trường cao su phải
huy động từ hai đến bốn đội sản xuất bỏ công việc của mình đi lùa thú rừng vào
"bẫy"... cho các cụ bắn. Các quan chức cấp cao ngồi trong những ngôi
nhà nhỏ lợp tranh chống nắng, giương súng giữa những hớp rượu qúy và những làn
khói thuốc lá thơm để hạ thú: lợn rừng, nai, chồn, cầy hương, kỳ đà... Quanh
những ngồi nhà ấy là suối tự nhiên. Chiếc cầu gỗ nối liền căn nhà được kéo lên
để bảo đảm an toàn khi các nhà "thiện xạ" đã yên chỗ. Một kiểu đi săn
qúy tộc. Qúy vị đâu có cần biết anh chị em công nhân nông trường vất vả ra sao,
nông trường bị lỗ lãi thêm như thế nào do phải phục vụ những "đầy tớ của
nhân dân" theo kiểu như thế, giữa sự đói nghèo đến cùng cực của đồng chí,
đồng bào.
Lại có kiểu đặc quyền
đặc lợi do dưới thực hiện với trên đã thành nếp. Trước khi đoàn của Tổng bí thư
và gia đình rời Đà Lạt, tỉnh ủy Lâm Đồng tặng cho tất cả thành viên của đoàn
hơn 30 người, mỗi người một gói quà khá lớn, có chè Bảo Lộc, cà phê Buôn mê
Thuột, rượu bổ cùng mấy gói cao ác ti sô. Phu nhân, con trai, con gái, cho đến
cháu nội, cháu ngọai... mới 3, 4 tuổi của vị lãnh đạo đều có phần của mình như
nhau. Các cậu ấm, cô chiêu vừa ngỏ ý muốn nếm thịt rừng là ngay đêm ấy Văn phòng
tỉnh ủy cử ngay một số đi săn băng rừng lội suối cố lôi về một con hoẵng...
Cho đến gần đây, nhân
kỷ niệm ngày thành lập đảng cộng sản Việt nam 3. 2. 1930- 3. 2. 1991, người
lãnh đạo cao nhất của đảng vẫn còn nói: Cán bộ là người lãnh đạo, đồng thời là người
đầy tớ của nhân dân. Chắc chắn nhân dân nghe được phải lên cơn sốt vì dị ứng.
Thà không nói còn hơn vào lúc này, vì thực tế cuộc sống diễn ra khác hẳn. Cán
bộ càng ở trên cao càng có nhiều đặc quyền, đặc lợi lộ liễu và tinh vi, từ nhà
ở, xe cộ đến ăn uống, vợ con, dâu rể, cháu chắt đều được hưởng chính sách
"chiếu cố". Lại còn quà cáp, biếu xén, khen thưởng đủ loại, cộng với
lợi ích đặc biệt khi đi công tác nước ngoài. Thà đừng nói. Còn cứ nói bừa ra
thì thật coi thường dư luận và nhân dân, không còn biết liêm sỉ là gì nữa.
Nhân dân mĩa mai bằng
những câu thơ vỉa hè:
Tôn Đản là chợ vua quan
Nhà thờ là chợ trung
gian nịnh thần,
Đồng Xuân là chợ thương
nhân,
Vỉa hè là chợ nhân dân
anh hùng,
hay
Đầy tớ thì đi Vôn- ga
Bố con ông chủ ra ga đợi
tàu,
Đầy tớ thì ở nhà lầu,
Bố con ông chủ giấy đầu
che mưa
Đầy tớ tiệc rượu sớm
trưa,
Bố con ông chủ rau, dưa
qua ngày...
Vấn đề nhà cửa là vấn
đề gai góc và bất công bậc nhất còn tồn tại. Đã có hàng nghìn lá đơn kiện tụng,
hàng trăm bài báo yêu cầu phải làm rõ vấn đề này. Họ phát hiện những hộ cán bộ
chiếm lĩnh những 2, 3 biệt thự Ở thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Lạt, Vũng
Tàu... cho bà con, anh em, thân thuộc, bạn bè, dành cho dâu và con rể, cho cả
cháu chắt nữa. Bao nhiêu việc cấp, mua bán, nhượng lại kiểu móc ngoặc, đút lót
trong ngành nhà cửa, đất đai hay trong cơ quan chính quyền và cấp ùy đảng? Đây
là một nét bất công lớn, vì cũng ở một cấp như nhau, một hoàn cảnh tương tự, mà
người được cấp không nhà cao, cửa rộng, trị giá bằng tiền lương hàng trăm năm
làm việc, người thì không được gì cả! Các Hội đồng phân phối nhà, các công đoàn
bị qua mặt hết. Nhiều vị thủ lãnh ở trên rất lo sợ chuyện nhà cửa bị đổ bể, bị
đưa ra ánh sáng công luận và luật pháp, nên họ cùng nhau thỏa thuận ém nhẹm vấn
đề này, làm như trời yên, biển lặng. Họ lo sợ sự phẫn nộ của nhân dân sẽ chụp
lên đầu họ. Đây có thể là một điều thử thách cực lớn cho những ai nắm quyền sau
đại hội đảng 7.
Theo tôi được biết qua
những cán bộ công tác trong nghành nhà đất ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh,
việc cấp nhà, cấp đất suốt một thời gian dài hết sức tùy tiện. Vì chưa có luật
về bất động sản, về nhà đất và các văn bản pháp quy lại thay đổi luôn luôn nên
sự vận dụng rất lỏng lẻo. Có thể nói hàng nghìn vụ cấp nhà đất là vô nguyên
tắc, là không qua thủ tục nghiêm cách, mà chỉ là qua thư tay của những người có
quyền lực, của anh Hai này, ông Ba nọ, chị Tư kia, phần lớn là trong cấp ủy,
nhất là của các bí thư tình ủy, bí thư thành ủy... Đây là một kiểu chia chác
tài sản quốc gia một cách bí mật, âm thầm trong đêm tối. Hiện các vụ kiện cáo
về nhà cửa là vào loại lớn và nhiều nhất và bất công về mặt này cũng lớn nhất.
Có hộ người không ở hết được diện tích, rộng thênh thang, còn có nhà "dự
trữ". Có hộ chen chúc nhau một cách thảm hại!
Hồi tháng 8. 1990 tôi
gặp bà Trịnh Văn Bô tại nhà bà ở phố Nguyễn Gia Thiều. Bà là nhà tư sản yêu
nước đã góp cho cách mạng, cho "tuần lễ Vàng" hồi cuối năm 1945 hơn
3000 lạng vàng và cũng cho nhà nước mượn nhiều nhà cửa lớn (với cam kết khi cần
sẽ trả lại gia đình bà), trong đó có ngôi nhà 46 phố Hàng Ngang nơi chủ tịch Hồ
Chí Minh ở và viết Tuyên ngôn độc lập, nay trở thành nhà lưu niệm của nhà nước.
Do con cháu đông và sinh trưởng thêm, hiện bà và gia đình ở rất chật chội, rất
cần nhà, muốn "xin lại" một nhà với vài phòng ở, mà chạy hết nơi này
đến nơi khác, không ai giải quyết cả. Gần đây phải kêu với Chủ tịch Hội đồng nhà
nước, mà cũng mới chỉ được giải quyết trên nguyên tắc, trên giấy tờ. Nghe bà
kể, tôi nghĩ chính bà đã từng là bộ trưởng bộ tài chính" trên thực tế của
chính phù lâm thời hồi chính quyền còn trong trứng nước, công thật là lớn, thật
là một tấm lòng vàng. Đến nay, người ta không còn muốn nhớ đến đóng góp của bà
trong thời điểm hệ trọng ấy. Một sự vô ơn, bạc nghĩa, một thái độ bất công dai
dẳng, trong khi những người phát ngôn của chế độ luôn nói đến đạo đức, đến đạo
lý, đến lẽ công bằng, đến tình nghĩa của con người mới!
Lừa dối và bất công đã
mang lại biết bao nhiêu điều bất hạnh cho công dân trong xã hội. Ngay thật và
công bằng xã hội là yêu cầu khẩn thiết của nhân dân. Một thất bại cay đắng của
những người cầm quyền vừa qua là: Việc làm không đi với lời nói, nhân dân không
sao còn có thể gửi niềm tin ở những người nói một đằng, làm một nẽo, ngày càng
làm cho xã hội xơ xác, tiêu điều, những người lương thiện, ngay thẳng bị dồn
vào thế cùng cực của bất hạnh, nghèo khổ và tủi nhục. Tôi tự hào về cuộc sống
chiến đấu và làm việc hơn 40 năm qua. Tôi không chối bỏ quá khứ mình và yên
lòng là đả xử sự như mợt người yêu nước thực lòng, góp một phần nhỏ nhoi vào sự
nghiệp chống ngoại xâm. Trong cái cơ chế giáo điều, quan liêu, cố hủ, duy ý chí
ấy có phần đóng góp của tôi. Đó là tội lỗi, là sai lầm. Nhất là trong gần 10
năm nay, tôi đã từng lên lớp, viết bài, rao giảng những quan điểm giáo điều,
duy ý chí, có khi mang màu sắc cực đoan. Mặc dầu gần ba năm trở lại đây tôi đã
nhìn nhận lại những việc làm của mình, dám nói những tiếng nói mạnh bạo. Ở báo
Quân Đội nhân dân và báo Nhân Dân, tôi có chân trong cấp ủy, tham gia Ban Biên
tập, trên chiếc ghế ấy, tôi đã tham gia xét duyệt biết bao nhiêu trường hợp. Từ
khen thưởng, kỷ luật, kết nạp đảng viên, cất nhấc, đề bạt... đến chuyện xét cấp
nhà, nhận xét cán bộ và nhân viên cấp dưới.
Qua đó tôi góp phần vào
không ít những vụ vô lý, oan trái, kiểu thành kiến, định kiến, khuyết điểm nhỏ
xé ra to, phê phán, chụp mũ, thiếu công bằng và khách quan. Tôi đã xuôi chiều,
ađua theo số đông, nghĩ rằng, mình không sức nào chống chọi lại cái cơ chế này.
Một số anh em bị đối xử ác độc, bắt ngồi chơi xơi nước, không cho viết bài, bị
vô hiệu hóa chỉ vì có một số chính kiến riêng. Bản thân tôi trong thâm tâm
không đồng tình với cách đối xử ấy, rất thông cảm với anh em đó, nhưng mũ ni
che tai, không công khai bênh vực và đấu tranh cho lẽ phải. Đây là sự hèn nhát
của kẻ sống ích kỷ, có thể nói là của kẻ tòng phạm. Có những lần Ban biên tập
góp ý về những người trong cơ quan nên xét kết nạp vào đảng, tôi thấy rất rõ
đây là chuyện vớ vẩn, vô tích sự, vì những người tâm huyết tài năng, sống chân
thực thường bị định kiến và chụp mũ là sống không thuần, tự kiêu hoặc lập dị để
gác lại, còn những người dễ bảo, gọi dạ bảo vâng, tròn trịa không có chút góc
cạnh, theo tác phong công chức, lại biết lấy lòng các "quan trên"...
thì được khen là sống thuần!, có đạo đức!, có triển vọng và thường được chọn
vào đảng. Đưa toàn những người mờ nhạt, dể bảo kiểu công chức như thế thì đảng
đâu còn được tính tiền phong, đâu còn là đảng của trí tuệ và tài năng nữa! Tôi
biết vậy nhưng xuê xoa cho qua chuyện, cảm thấy mình không cưỡng lại nổi cơ
chế, cứ để mặc cho yên chuyện. Do cố thủ, xuê xoa, thỏa hiệp như thế, nên tôi
cũng góp phần làm cho cái cơ chế cổ hủ ấy có được sức sống chi phối một cách
tai hại tập thể hơn ba trăm con người. Cái phản ứng của tôi mấy năm sau này
phần lớn chỉ âm thầm phê phán, âm thầm chống đối, âm thầm phản kháng! hoặc chỉ
nói lên sự bực dọc của mình trong nhóm nhỏ, ở bên lề các cuộc họp chính thức.
Hồi năm 1961, tôi được
tất cả sĩ quan và quân nhân ở cơ quan khu bộ quân khu 4 đóng ở Vinh bầu làm Chủ
tịch Hội đồng quân nhân của cơ quan này. Chức trách của Hội đồng là đại diện
quyền lợi quân nhân trong các vấn đề: xét kỷ luật, xét khen thưởng, bảo vệ quyền
lợi vật chất của anh em, kiểm tra chi tiêu các khoản chi phí phụ cấp xã hội,
kiểm tra chi tiêu và vệ sinh các nhà bếp, nhà ăn tập thể... Suốt hai năm, tôi
thường làm Chủ tịch ủy ban bầu cử của cơ quan, khi bầu đại biểu quốc hội, hội
đồng nhân dân tỉnh Nghệ An và thị xã Vinh. Tôi được người của Ban bảo vệ quân
khu gài vào ban bầu cử cho biết "theo lệnh trên", một số phiếu bầu
được phân phát đã được đánh dấu riêng nhằm theo dõi một số người tình nghi là
không hài lòng với chế độ, bất mãn, họ gạch tuốt tất cả danh sách ứng cử trong
lần bầu trước. Tôi biết như vậy là trái với nguyên tắc bỏ phiếu kin, vi phạm
quyền lựa chọn của cử tri, nhưng cứ để cho họ làm, lại còn nghĩ rằng đây là một
việc cần thiết để bảo vệ trong sạch hàng ngũ quân đội!
Cũng trong thời gian
này, tôi được cử làm thẩm phán quân nhân tại tòa án quân sự của quân khu 4.
Chánh án thường là phó tư lệnh Quân khu, thẩm phán chuyên nghiệp là cán bộ của
Ban quân pháp. Các phiên tòa thường xử các tội biển thủ công quỹ, ngộ sát do
dùng vũ khí tùy tiện hoặc tai nạn của vận tải quân sự, tự sát thương để xuất
ngũ... Những vụ xét xử nói chung đều nghiêm, hợp luật. Chỉ có là tất cả các mức
tuyên án đều được định trước và báo cáo cho Quân khu ủy, theo nguyên tắc đảng
lãnh đạo thường xuyên, tuyệt đối và toàn diện! Hồi ấy tôi cho đó là đìều tất
nhiên. Nay nhìn lại, thì ra bản thân cũng góp phần làm cho vai trò của đảng
trùm lên vai trò của nhà nước, trái với hiến pháp và luật pháp, trái với nguyên
tắc của một chế độ dân chủ thật sự. Có nhìn lại mới thấy phải từ bỏ tất cả
những quan niệm cũ, đổi mới thật sự để thực hiện một nền dân chủ chân chính.
Nhìn lại cuộc
đời mình, sống trong
một chế độ quan liêu và hà khắc gần 50 năm, bài học lớn thứ ba của tôi có thể
rút ra là: Trí tuệ và tình thương là hai yếu tố gần bó những thành viên cuả xã
hội, thiếu hai điều ấy, xã hội ắt phải rã rời. Những người lãnh đạo của đảng và
nhà nước ngày càng tỏ ra kém hiểu biết so với yêu cầu của trách nhiệm. Họ chỉ
có trình độ học vấn ở mức trung bình, trong khi trong xã hội đã có hàng ngàn
tiến sĩ, hàng chục vạn cử nhân và hàng triệu tú tài... Người kém hiểu biết lại
thường hay chủ quan, không thấy cái dốt nát, kém cỏi của chính mình Cho nên cái
rất yếu của các vị ủy viên Bộ chính trị là rất ít lắng nghe, không chịu lắng
nghe! Đã thế, gặp vấn đề gì họ cũng nói, lại nói quá nhiều, nói thao thao, bất
tuyệt, họ quá quen ra mệnh lệnh, chỉ thị. Hồi giữa năm 1987, tôi thấy rất phấn
khởi thấy tại cuộc gặp gỡ các văn nghệ sĩ và trí thức suốt hai ngày Tổng bí thư
Nguyễn Văn Linh chỉ nói có 10 phút mở đầu và 40 phút kết luận, còn hơn 10 giờ
là lắng nghe. Nhưng đó là buổi duy nhất ông ta làm như thế. Càng về sau, rồi
gần đây, ông ta nói càng nhiều và không còn lắng nghe người khác! Tư duy con
người cũng như một bộ pin, phát ra mãi mà không nạp thêm năng lượng thì hiểu
biết ngày càng cạn, suy luận ngày càng cùn, sức hấp dẫn ngày càng kiệt. Càng
nói dai và nói dài thì chỉ phơi bày sự nghèo nàn về trí tuệ. Lắng nghe chính là
tích thêm năng lượng cho hiểu biết.
Coi thường kiến thức,
trí tuệ của người ngoài Đảng là một điều tệ hại của cơ quan lảnh đạo. Có nhiều
vị nhân sĩ, trí thức ngoài Đảng, có hiểu biết, có lương tâm, có phẩm chất chính
trị và đạo đức hơn hẳn nhiều người lãnh đạo đảng cộng sản. Đó là những ông Phan
Anh, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn
Văn Hiếu, Tôn Thất Tùng... Trong điều kiện sống khó khăn, nắm trong tay quyền
lực, họ đều giữ đức tính giản dị, liêm khiết. Chính cốt cách văn hóa đã kìm giữ
các vị khỏi những cám dỗ vật chất thấp hèn mà nhiều cán bộ cộng sản cao cấp
không vượt qua nỗi. Cũng có những trí thức đảng viên có tâm huyết, trong sạch
và hiểu biết. Họ đều ở những vị trí thấp kém vì không chịu hạ mình luồn cúi,
luôn giữ nếp sống thanh bạch. Đó là các ông Bùi Công Trừng, Chủ nhiệm ủy ban
khoa học nhà nước những năm 1950, nhà luật gia Trần Công Tường, ông Lê Văn Hiến
chẳng hạn. Nếu những kiến nghị của ông Bùi Công Trừng được lắng nghe: không
chạy theo sản xuất lúa gạo đơn thuần, tự túc lương thực một cách hình thức, cần
phải sản xuất nhiều lương thực hàng hóa, kết hợp thị trường trong nước với thị
trường nông sản thế giới, thì nông nghiệp ta đã khác hẳn. Vì lúc ấy hai chử
hàng hóa và thị trường là cấm kỵ. Hoặc như những đề nghị kiên trì của ông Trần
Công Tường từ những năm 1950, 1960 về xây dựng luật pháp và ngành tư pháp, lập
Bộ Tư Pháp, và trường Đại học luật khoa đã không được lắng nghe. Đất nước thiếu
luật pháp nặng nề, Bộ Tư Pháp mới được thành lập gần đây và hiện vẫn chưa có
trường Đại học luật (mới chỉ có một khoa đại học pháp lý).
Tôi đả nghe ông Lê Văn
Hiến kiến nghị về hệ thống thu thuế mới, cho phép tư nhân kinh doanh hợp lý vá
nộp thuế. Tổng bí thư Lê Duẩn bác bỏ thẳng thừng: "Không, không được,
không thể làm như bọn tư bản! Các đồng chí yên tâm, thuế nước ta sẽ lấy chính ở
nền sản xuất ưu việt của các cơ sở quốc doanh! Đó là nguồn thu chính, rất dồi
dào, rất vững chắc của các nước xã hội chủ nghĩa chúng ta!" Trên thực tế
thì hầu hết các ngành và các cơ sở quốc doanh đều thua lỗ dài dài. Đến nay mới
nhìn ra thì là quá chậm.
Giáo sư Tạ Quang Bửu bị
mất chức bộ trưởng Đại học chỉ vì ông tỏ ra không thông với kiểu "chủ
nghĩa lý lịch" được áp dụng trong công tác tuyển học sinh đại học và tuyển
đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Vị trí thức cỡ lớn này mất trong cảnh bần
hàn, nhưng được sự quý mến của đông đảo học sinh đại học, của tuổi trẻ, của
giáo giới cả nước. Những người lãnh đạo luôn tự cho rằng mình giữ độc quyền về
hiểu biết, không cần nghe ai khuyên bảo, đề đạt ý kiến!
Đã vậy tình thương lại
tỏ ra hiếm hoi! Người cầm quyền không thể độc ác được! Từ hồi năm 1975, tôi gặp
hơn 40 viên tướng Sài Gòn đi cải tạo, gặp gần 100 nhân viên cấp cao ra trình
diện, và sau đó tôi đi khắp các trại ở Long Thành, Thủ Đức, Bà Rịa, Long Khánh,
Tây Ninh, rồi ra Bắc đi lên tận vùng Tân Phú ở Tuyên Quang... Tôi băn khoăn
không thể lý giải được rằng: người cộng sản thường tự nhận là con người nhân
ái, sao lại có thể chủ trương đầy ải hàng loạt, hàng chục vạn con người trong
cảnh thật sự là tù đầy cực nhọc đến thế này? ở trại Thủ Đức, các chị em nữ sĩ
quan nằm la liệt trên săn xi măng, trải ni lông mỏng mà không có chiếu, có màn.
Ở Tuyên Quang có nhiều người bị giam tuổi 68, 70, 78 tuổi, ăn không đủ chất,
thiếu sinh tố, mù mắt, suy kiệt. Để làm gì? Họ có thật sự được cải tạo, hiểu ra
lý lẽ về cuộc chiến tranh này, hay họ thêm nản lòng và cay đắng với chế độ mới?
Tôi đã xem tài liệu học tập cho các viên tướng Sài Gòn và bài chuẩn bị lên lớp
của người quản giáo ít tuổi. Tôi thấy rõ việc dạy và học đều là miễn cưỡng,
hình thức, không tạo được kết quả mong muốn. Tôi đã nói lên chính kiến của mình
cho ông thứ trưởng Bộ Nội vụ Viễn Chi, đại diện của bộ Ở miền Nam. Ông ta chỉ
cười nhạt và im lặng. Tôi không thể hiểu đầy đủ chính sách trên đây là do ý
kiến của ai đề xuất, đã thảo luận, cân nhắc kỹ lợi hại, nên và không nên chưa?
Vì đây là một chính sách quốc gia, đụng chạm đến hàng chục vạn con người và gia
đình, đến hàng triệu thân thích và bạn bè, có tác dụng về tinh thần và tâm lý
đến toàn bộ xã hội, nhất là miền Nam. Gọi là trại học tập nhưng thật sự đó là
những trại giam. Do số lượng quá đông, nên tình hình các trại thật là tồi tệ.
Trong trại, việc quản lý rất yếu, có thể nói là cổ hủ, thường dùng người này để
kiểm soát người khác, trái hẳn với việc cải tạo ở những trại giam hiện đại, có
sư phạm hẳn hoi để giáo dục những trẻ em hư, những tội phạm giết người, những
người nghiền ma túy lâu năm... Có người sẽ cãi tôi đó là một việc làm cần
thiết, không đem đi bắn, không đánh đập chửi bới họ là tốt quá rồi, còn muốn gì
hơn nữa? Cũng có người sẽ nói rằng đó là những tên tội phạm chiến tranh, chịu
trách nhiệm về cái chết của hàng triệu đồng bào và đồng chí ta, đạo lý đâu dễ
mà thương xót chúng? chiến tranh là thế, đó là quy luật của người chiến thắng,
xót thương phải để giành cho phía ta, hơi đâu hoài phí cho kẻ thù, những kẻ ở
bên kia trận tuyến? Cũng lại có người cho tôi là kẻ lập trường không vững, nhìn
nhận không khách quan. Chẳng phải trong số trên dưới 1 triệu gọi là ngụy quân,
ngụy quyền thì số bị đi cải tạo dài hạn chỉ bao gồm trên 10 vạn người, nghĩa là
chừng 1 phần mười, còn 9 phần mười đã được hưởng quyền công dân ngay từ đầu rồi
là gì? Chẳng phải đã có ông chuẩn tướng Nguyễn Văn Hạnh tham gia mặt trận Tổ
quốc thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Xuân Oánh, quyền thủ tướng cũ được bầu
làm đại biểu quốc hội rồi là gì? Tôi vẫn nghĩ khác. Tất cả những nỗi đau khổ
của con người không đáng để cho ta quan tâm hay sao? Nỗi đau khổ của bên này
hay bên kia trận tuyến, nhất là một khi chiến tranh đã chấm dứt, có nên vẫn
thuộc những thang giá trị khác nhau chăng? Nỗi đau này thì đáng quan tâm, nỗi
đau kia thì không đáng quan tâm, cần dửng dưng ư? Có nên lấy những chuyện tàn
sát dã man ở nước này, nước khác ở những thời điểm đã qua để biện hộ cho chính
sách của mình là vừa phải, là độ lượng quá rồi, là khoan hồng quá rồi không?
Tôi vẫn giữ nguyên chính kiến là đã có chủ trương và hành động trừng phạt quá
nặng nề và kéo quá dài, không cần thiết đối với một số khá lớn người thuộc chế
độ cũ, trái với chủ trương hòa giải và hòa hợp dân tộc đã được công bố, trái
với chính sách độ lượng của người chiến thắng sau khi chấm dứt chiến tranh.
Điều này khơi sâu thêm những tỵ hiềm và thù hằn đáng lẽ cần làm dịu bớt để xóa
bỏ, làm cho nỗi đau của khá nhiều người, nhiều gia đình tăng thêm một cách rất
không cần thiết, hơn nữa, lại rầt có hại. Chính sách ấy là một chính sách thiếu
lòng nhân ái truyền thống của dân tộc, một chính sách thiếu sáng suốt và thiếu
khôn ngoan, làm lòng dân không yên, làm hao hụt và mất mát biết bao tài năng và
nghị lực để xây dựng lại đất nước sau chiến tranh, làm nãn chí và thất vọng bao
nhiêu người có thiện chí đối với đất nước và quê hương! Cách nhìn nhận và đề ra
chính sách kiểu lên gân, dựa trên quan điểm đấu tranh giai cấp thô sơ và cực
đoan kiểu ấu trĩ luôn tác hại đến cục diện chính trị và sức lực của dân tộc...
Sao người ta cứ hay nhìn xuống để so sánh với những việc làm xấu hơn, tồi tệ
hơn, ác độc hơn của những người khác, để bảo vệ những chủ trương thiếu nghiã
tình và thiếu khôn ngoan của mình, mà lại không chịu nhìn lên để học hỏi cách
làm có nhân, có nghĩa và trí tuệ hơn? Đời Trần thướ trước, cha ông ta sau khi
kết thúc chiến tranh đuổi quân giăc về thực hiện hòa hợp và hòa giải, công bố
đại ân xá cho những kẻ từng hợp tác với ngọai bang, đốt hết những giấy tờ cũ để
mở ra một thời kỳ hòa ái và thịnh trị. Bắt đầu tự đó ai phạm tội đều bị xét xử
công minh. Xét cho cùng tất cả đều là nạn nhân cả, nạn nhân của những điều kiện
lịch sử, địa lý, xã hội cụ thể.
Tôi nhớ đến một sự việc
diễn ra tháng 9. 1975. Bọn Khơ- me đỏ quấy phá ở vùng biên giới sát thị trấn Hà
Tiên, dọc kênh Vĩnh Tế. Chúng bị bộ đội Việt Nam đánh lui, cụm lại trong một
khu rừng nhỏ. Theo yêu cầu của quân khu 9, bộ tổng tham mưu ra lệnh cho không
quân ném bom xuống khu rừng ấy. Ba chiếc F5 được huy động. Do không quân thiếu
người chuyên môn về F5 nên 3 sĩ quan không quân Sài Gòn cũ được tìm đến để cùng
sĩ quan không quân của 3 chiếc F5 ra trận. Đó là một cơ giới, hai hoa tiêu kiêm
thả bom. Cuộc oanh tạc đạt kết quả- trở về Tân Sơn Nhất, một cuộc liên hoan vui
vẻ diễn ra. Ba anh em của không quân Sài Gòn cũ xiết bao vui mừng, vì được tín
nhiệm, cùng đi đánh kẻ thù. Một cuộc hòa hợp thú vị và xúc động. Đại tướng Võ
Nguyên Giáp rất hài lòng về việc này. Thế mà chỉ 3 tuần sau, có chỉ thị từ tổng
cục chính trị (cục bảo vệ) tuyệt đối cấm không được dùng lại bất cứ một nhân
viên quân sự "ngụy" nào, coi đó là nguy hiểm, mất cảnh giác nghiêm
trọng...
Tôi vừa gặp một ông
giáo sư người Việt dạy môn Hoá ở trường Đại học Sài Gòn trước kia. Ông chọn ở
lại Sài Gòn năm 1975, những mong được góp sức cho việc đào tạo nhân tài của đất
nước. Thế nhưng ông nản chí ngay sau đó, và đến năm 1980 thì chán ngán không
chịu đựng nỗi, xin trở về Pháp một cách hợp pháp. Việc giải phóng được thực
hiện gần như một sự chiếm đóng, một cuộc thôn tính! Các anh chị em ở miền Bắc vào
chẳng mấy quan tâm đến việc bảo quản, xử dụng những thiết bị để nâng cao chất
lượng giảng dạy sinh viên. Họ được giữ những quyền lực chủ chốt mà không có khả
năng điều hành, lại kèn cựa với nhau, bới móc, đấu tố nhau, còn chủ trương cho
tháo gỡ những thiết bị tốt đưa ra miền Bắc. Đây không phải là sự san xẻ hợp lý
khi một bên thừa, một bên thiếu mà thực chất là đập phá hết, lại còn mang đi
bán để lợi dụng cho cá nhân. Ông tâm sự cả một buổi với tôi: "Qua quan sát
ngẫm nghĩ hơn 5 năm sau giải phóng, tôi thấy cách mạng cũng có người cách mạng
thật và có người "ngụy cách mạng", và phía chúng tôi cũng có người
"ngụy thật" và người "cách mạng ngụy", cái sai của các ông
tự hồi ấy cho đến nay vẫn là không nhìn ra điều đó, nhìn theo lối chủ quan vơ
đũa cả nắm! đã là "ngụy" là kém hết, không tin được ai hết, bỏ đi cả.
Và đã là cách mạng thì ai cũng đều tốt hơn bất kỳ người nào thuộc chế độ cũ! Đã
thế còn nhìn con cháu họ với cái kiểu nhìn cứng nhắc đó. Thấm nhuần lập trường
giai cấp "vững vàng" như thế thì làm sao xã hội có thể ổn định, lòng
dân có thể yên và đất nước có thể phát triển được!"
Tôi đã dự hàng mấy
trăm, có thể nói đến cả ngàn cuộc phê bình và tự phê bình, được coi là sự phát
triển của con người và xã hội. Hồi những năm 1956 đến 1964, khi tư tưởng Mao
còn thịnh hành và ngự trị, trước khi có cuộc cách mạng văn hóa vô sản kỳ quặc,
ở tất cả mọi cơ sở đảng, cứ chiều thứ bảy là "đảng nhật", có nghĩa là
ngày của đảng, dành cho sinh hoạt đảng. Cả chi bộ hay tổ đảng họp lại, đọc báo
đảng, tự phê bình và phê bình người khác... Tư tưởng ra sao, nhận thức ra sao,
công việc ra sao, các mối quan hệ (trên dưới, đồng cấp, bạn bè, gia đình, quân
dân... ) ra sao, ưu khuyết điểm những gì, đều ghi vào sổ tu dưỡng. Nó có tác
dụng đề cao tinh thần, ý chí cách mạng, tất cả vì tập thể, vì nhân dân mình,
"mình vì mọi người". Trong chiến tranh, ý thức con người còn tốt. Và
người tốt rất nhiều, đức tính tốt nẩy nở cũng nhiều. Tôi còn nhớ hồi chiến
tranh phá hoại, hàng hóa để đầy các sân bãi, hai bên lề đường, ở cạnh các ga,
nào là gạo, thịt hộp, thuốc men, đường sữa... ấy vậy mà hầu như không hề suy
xuyển. Bà con đi sơ tán về nông thôn, có khi không khóa cửa, chỉ buộc sợi dây
thép đơn sơ mà không hề bị mất trộm. Chị em phụ nữ đi tiếp tế cho con ở nơi sơ
tán, cách xa 30, 50 km là thường, đi xe đạp ban đêm, tối mù mịt mà vẫn an toàn.
Ở nông thôn bà con quý mến, tận tình giúp đở mọi gia đình sơ tán đến tản cư.
Tôi cứ nghĩ nhân dân mình, chiến sĩ mình thật là tốt. Tấm lòng thương yêu, đùm
bọc nhau thật sâu đậm. Công bằng mà nói, đó là truyền thống, là bản chất, là
nghĩa tình và đạo lý vốn có, không phải Mác- Lê Nin, chủ nghĩa xã hội hay đấu
tranh giai cấp mang lại như người ta cố nói lấy được để vơ vào. Những cuộc phê
bình và tự phê bình dù sao cũng có góp một phần nuôi dưỡng những đức tính ấy.
Thế nhưng từ sau thống nhất, tình hình thay đổi rất nhanh. Con người sống thực
dụng hơn, vụ lợi hơn, ít tình nghĩa hơn. Phải chăng đó là do ý thức hệ cùa chế
độ miền Nam tràn ra miền Bắc cùng với hàng hóa của chủ nghĩa tư bản, theo
phương châm "miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng"?
Theo tôi, hoàn toàn
không như vậy. Điều cơ bản là sau ngày thống nhất sự lãnh đạo đã lỏng lẻo, say
sưa và ngây ngất với chiến thắng, thói tự mãn và kiêu ngạo lộng hành. Những
người lãnh đạo phần lớn đã ở tuổi lục tuần, bắt đầu nghĩ đến gia đình, tài sản,
nhà cửa con cái... Điều này cũng dễ hiểu vì tất cả đều là con người, không ai
là thần thánh. Thế nhưng cuộc khủng hoảng về văn hóa là ở đây. Ớt người cưỡng
lại được với những cám dỗ vật chất. Và do không có trình độ văn hóa làm cơ sở
cho nhân cách, nên họ tự cho phép buông thả, không có sức gì kiềm chế. Do thiếu
văn hóa theo nghĩa rộng, họ giữ một cách sống đạo đức giả. Nghĩa là vẫn nói
theo đạo lý, nhưng tự cho mình sống khác một chút. Vâng, chỉ một chút! Mỗi ngày
một chút, sự sa ngã không rõ làn ranh không gian và thời gian... Họ lập luận:
tù đầy còn không ngại, án tử hình còn không ngán, bom đạn còn không sợ, hy sinh
gần trọn cuộc đởi thì có hưởng một chút "lộc" cũng là phải, là thỏa
đáng thôi. Và họ nhìn nhau. Các vị žy viên bộ chính trị nhìn Tổng bí thư. Các
ỷy viên trung ương nhìn bộ Chính trị. Các đảng viên khác nhìn các vị Trung
ương, "nhìn" kiểu này rất nhanh, rất nhạy, chẳng phải mở lớp học phổ
biến gì cả! Qùa cáp biếu xén từ đó. Quan to gói nhỏ (tiền, đô la, vàng bạc: giá
trị lớn), quan nhỏ gói to (nhưng là hàng ít giá trị hơn), quan to xe nhỏ (xe du
lịch, xe riêng), quan nhỏ xe to (đi xe chung), cho đến: quan to ở nhà nhỏ (biệt
thự riêng), quan nhỏ ở nhà to (nhà tập thể)... được coi là nếp sống được chấp
nhận.
Tình nghĩa chẳng còn
mấy. Người ta bon chen, người ta hối hả kiếm chác, người ta vội vàng chụp giật.
Nhà cửa, biệt thự, vị trí cho con cái đi học, đi xuất khẩu lao động, đi Tây,
mua bán hàng hiếm, hàng phân phối, mọi cái có đi có lại, qua thư trao tay, qua
thư móc ngoặc, cứ thế thành luật pháp không thành văn. Trong khi luật pháp của
đất nước đang phải chờ đợi chán chê để "thành văn".
Nhà dột từ nóc trở
xuống là thế- Thượng bất chính, hạ tắc loạn là thế.
Các cuộc rửa mặt hàng
ngày, hàng tuần, hàng tháng, các cuộc phê bình và tự phê bình trở nên xa xí
phẩm, không cần thiết nữa cho các cơ quan ở bên trên. Trong khi ở bên dưới vẫn
phải tiến hành theo quán tính, để còn bầu cá nhân tiên tiến và cá nhân ưu tú
hàng năm và 6 tháng một. Điều này vẫn thành nếp, vì từ 1980 đã có quy định
thưởng cá nhân tiên tiến là 10. 000 (năm 1990) và cá nhân ưu tú là 20. 000 đồng
(1990), nghĩa là bằng 20, và 40 kg gạo cho cả năm hoặc nửa năm phấn đấu. Ai
cũng cho việc bình bằu tiên tiến và ưu tú là hình thức đến mức nhảm nhí, nhưng
nó vẫn tồn tại bền bỉ- Vì ở mọi nơi, trong thời đại mới này, đã có quy ước ngầm
là làm cho xong chuyện, và thế là cả làng đều là tiên tiến hết, 100 phần 100
tiên tiến là chuyện bình thường!
Phê bình và tự phê bình
còn lại chỉ là chuyện đối phó, hời hợt, chẳng còn chút thực tâm rèn luyện. Ông
phê tôi mạnh, thì tôi phê lại ông mạnh- Ông thể tẫt cho tôi, tôi thể tất cho
ông. Thành phe, thành phái- Vào hùa với nhau. Rồi gây dư luận, bới móc, tung
tin, dựng đứng, xuyên tạc, vu khống đủ mọi chuyện, ở mọi nơi. Nhưng khi ngồi
vào bàn thì nói dẻo kẹo: "Giúp đỡ nhau thân ái vì mục đích chung, xây dựng
cho nhau để tiến bộ, có thương yêu, quý trọng nhau mới góp ý thẳng thắn cho
nhau". Và đến khi gay gắt, không còn tình nghĩa gì nữa thì mới xoay ra gọi
nhau bằng "đồng chí". Tôi nghiệm ra một điều: Khi sự lãnh đạo không
còn được tín nhiệm, khi xã hội băng hoại trong sự sa sút về đạo đức của những
người cầm quyền, thì tất cả những chuyện bày đặt ra theo "đạo lý" như
trên chỉ còn là những trò đạo đức giả, xúc phạm nhân cách và lòng tư trọng của
con người, khuyến khích những kẻ tham quyền cố vị, ham danh lợi cô lập và sát
phạt những con người lương thiện, có công tâm và hiểu biết. Cái ác của con
người đối với nhau để sát phạt nhau đang lan rộng.
Ai cũng kêu nền giáo dục
xuống cấp quá thể nhưng anh làm gì để cứu vãn nó, thì chẳng có biện pháp nào
đạt hiệu quả. Thầy giáo, cô giáo sống khốn đốn, lương giáo viên chỉ đủ sống
trong một tuần. Trường học tiêu điều, học sinh chán học- Đức tính hiếu học
truyền thống tiêu tan nhanh. Một nguyên nhân chính là những người cầm quyền
không coi trọng trí thức- Những người tài giỏi không được quý trọng và sử dụng.
Đã vậy những kẻ nắm quyền lại làm những chuyện tệ hại. Cơ quan tổ chức cán bộ
đã cho bao nhiêu người "con ông cháu cha, còn gọi là các cậu 4c (con các
cụ cả), đi học chui, không qua quy chế của bộ Giáo dục và đào tạo? Và số đó khi
đi học thì làm gì? Đi buôn, đi ăn chơi, để rồi bỏ tiền ra thuê người thi hộ! Có
bao nhiêu kẻ sang Liên xô học, làm luận án hẳn hoi về nước mà vẫn không nói sõi
được tiếng Nga? Và rồi họ sẽ làm được gì khi nhận chức vụ và quyền hành? Tôi có
một mong muốn theo lương tâm công dân: Quốc hội sẽ giao cho một ủy ban điều tra
về việc đã tiến hành đào tạo nhân tài mờ ám và phi pháp ra sao trong vòng 15
năm qua. Có vô số trường hợp cơ quan tổ chức cán bộ thay thế kẻ này, đội danh
người khác cho đi học nước ngoài, đi làm nghiên cứu sinh. Và bao nhiêu trường
hợp học không ra học mà vẫn đỗ, có biết bao nhiêu "tiến sĩ giấy" như
thế nghiễm nhiên tồn tại và lộng hành, trong khi không ít trí thức có trình độ,
có công tâm, có lao động bền bỉ, có công trình nghiên cứu thật sự thì bị đặt ở
ngoài lề xã hội, bị coi thường, bị định kiến và còn bị trù dập để vô hiệu hỏa,
làm tổn thất ghê gớm cho toàn xã hội.
Và còn ai thật sự động
lòng trước thảm cảnh vô vàn của xã hội: trẻ em bị còi xương vì thiếu ăn hàng
loạt, càc bà mẹ mới sinh con mất sữa, hơn 1 triệu thương binh sống cơ cực,
người về hưu leo lắt tồn tại, có chị em lao động và cả phụ nữ trí thức phải bán
mình để sống tủi nhục qua ngày... Trí tuệ và tình thương đang kêu cứu!
Tôi đã đến trại anh chị
em bộ đội cũ bị tâm thần nặng ở Nghệ An và Hà Nam Ninh, thăm những gia đình
thương binh nặng ở Hải Hậu (Hà Nam Ninh), Nam Đàn (Nghệ An)... Rõ ràng đảng và
chính quyền còn một món nợ rất lớn đối vối gần 1 triệu anh chị em đã đổ xương
máu, hy sinh một phần cơ thể và cả cuộc đời thanh xuân của mình cho đất nước-
Thật là phẫn uất khi thấy những kẻ cầm quyền lợi dụng chức vụ trong đảng và nhà
nước để kiếm chác, phất lên, nhà cao, cửa rộng, con cái đề huề, sống quá ư là
sung túc, còn say sưa phè phởn tối ngày để mặc cho anh chị em thương binh sống
trong cảnh khốn cùng. Một sự vô ơn bạc nghĩa! Một tội ác lớn! Một món nợ xã hội
không thể chối bỏ!
Riêng những anh em
thương binh ở Cămpuchia về, tôi từng đi với một số anh em hầu hết là bị cụt
chân vì mìn, Máy bay Liên xô mỗi tuần hai lần cho họ về Sài Gòn. Thật là thương
tâm! Cứ mỗi ngày có từ 10 đến 30 trường hợp bị mìn như thế! Suốt gần 10 năm
ròng! Mà có ai là con cán bộ, đảng viên như hồi trước đâu! Toàn là những con
nông dân và thường dân ở thành thị, thấp cổ bé họng, bị bắt buộc đi theo luật
nghĩa vụ quân sự, trong khi các con ông cháu cha thì lo kiếm chỗ đi học, đi
xuất ngoại, chỗ làm việc dễ dàng và nhiều bổng lộc!... Đây là một món nợ xã hội
nữa. Tôi rất nóng lòng mong Quốc hội có một phiên họp về cuộc chiến tranh ở
Cămpuchia, công khai tổng kết về trách nhiệm cá nhân và tập thể về cuộc chiến
tranh này. Vì sao kéo dài lê thê đến vậy mà nhân dân và quốc hội không hề được
có ý kiến, gây những thế kẹt kéo dài về ngoại giao, làm mất biết bao bạn bè thế
giới và nhất là gây ra những tổn thất vô kể về xương máu, ngân sách, tài
nguyên, thời gian của xã hội. Hậu quả nghiêm trọng còn kéo dài đến nay và lâu
dài sau này- Một món nợ phải thanh toán sòng phẳng.
Ba bài học sâu sắc nhất
tôi rút ra được từ cuộc sống hơn 45 năm: hãy tỉnh táo để luôn là chính mình,
hãy ngay thật và chớ lừa dối, đạo đức giả, hãy sống có trí tuệ và tình nghĩa.
Một chế độ xã hội không
tôn trọng cá tính, quyền lợi chính đáng của cá nhân, coi thường nhân phẩm của
con người, hạ thấp con người thành một số đông hèn mọn, làm con người mất tự
tin, thì chế độ đó không thể mạnh, xã hội đó không thể phát triển bình thường.
Cái gốc của nó là từ đó con người không có tự do, xã hội không có dân chủ. Nhân
danh tập thể để phủ định cá nhân, không công nhận quyền lợi và những thuộc tính
cá nhân khác thì chính cái tập thể ấy cũng ốm yếu đến kiệt quệ.
Điều thứ hai là một chế
độ dựa trên sự dối, không ngay thật, trên nền tảng đạo đức giả, thì chế độ ấy
không thể được nhân dân chấp nhận. Cứ nói bừa rằng: chế độ ta là dân chủ nhất,
dân chủ gấp triệu lần các nước phương Tây, xã hội ta là ưu việt vô cùng, chủ
nghiã xã hội là hơn hẳn một cách tuyệt đối, không thể bàn cãi so với chủ nghĩa
tư bản, là coi thường quần chúng, coi khinh sự tự xét đoán công bằng của nhân
dân.
Điều thứ ba là một chế
độ coi thường chất xám, coi thường trí tuệ và những kinh nghiệm quý của thế
giới, tự cho là hiểu hết, biết hết rồi, lại không có tình nghĩa, không có lòng
yêu thương, thì chế độ ấy sẽ khô cứng dần, gây nên vô vàn bất công và đau khổ
cho con người.
Ngày nay, đi từ Bắc vào
Nam, từ đồng bằng lên miền núi, từ đơn vị bộ đội, an ninh, đến cơ sở kinh tế,
người dân bàn tán, kêu ca, phê phán đủ mọi thứ đều có thể quy về ba bài học lớn
trên đây.
Về cái tệ coi thường
trí thức, các sĩ phu Bắc hà thời nay sáng tác ra những câu chuyện tiếu lâm sâu
sắc, rất đáng để suy ngẫm- Họ truyền miệng về một cán bộ về hưu khổ đến cùng
cực, chỉ muốn vào tù để được ăn cơm hẩm. Anh ta ra ngoài đường, trước đám đông
chửi lớn: "Chế độ này là chế độ của những kẻ ngu và vô trách nhiệm!"
Anh ta lấy làm lạ là vẫn không bị bắt giam. Có người bảo anh: "Chế độ này
tuy hay nói đến tập thể, nhưng tập thể là không ai cả, chửi bới cá nhân mới ăn
thua!" Anh ta liền ra đường và thét lớn: "Tổng bí thư X là thằng
ngu!" Quả nhiên anh bị bắt, đưa ra toà xét xử- Toà tuyên án 6 năm tù:
"Sáu tháng tù về tội làm mất trật tự công cộng, và năm năm rưỡi về tội...
"tiết lộ bí mật quốc gia"!
Còn một câu chuyện nữa
không phải là tiếu lâm. Một vị chánh án tòa án Hà Nội, không phải là đảng viên,
nhưng có uy tín trong ngành tư pháp vì am hiểu luật và rất công tâm, nay đã gần
80 tuổi. Ông đậu cử nhân luật thời trước, và từng làm với cha tôi ở Huế. Ông
bảo tôi: "Cụ nhà đã truyền lại cho tôi và một số anh em khác sự liêm khiết
của người làm việc trong ngành luật". Ông tâm sự: "Tôi xét xử mà vấp
phải không biết bao nhiêu thư tay của các cụ lớn- Toàn là thư ở góc trên có
tiêu đề: Văn phòng anh Ba (ông Lê Duẩn), văn phòng anh Sáu Thọ (ông Lê Đức
Thọ), văn phòng anh Tô (ông Phạm Văn Đồng), văn phòng anh Năm (ông Trường
Chinh), văn phòng anh Mười Cúc (ông Nguyễn Văn Linh), văn phòng anh Sáu Dân
(ông Võ Văn Kiệt)... Không có dấu triện, chỉ có chữ ký "thừa lệnh"
của Chánh văn phòng hay thư ký của các cụ, nhưng bao giờ cũng được coi là có
giá trị và hiệu quả hơn các công văn chính thức của nhà nước... "Các việc
yêu cầu cấp nhà cửa, lên lương, lên chức, cho con cái đi học nước ngoài, giải
quyết các kiện tụng đều phải chấp hành theo những tờ giấy kỳ quặc một thời như
thế!...
Tôi kể thêm một chuyện
tiếu lâm hiện đại của thủ đô Hà Nội.
Một khách du lịch đến
Hà Nội thường thấy 3 người cảnh sát hay đi cùng nhau. Họ được người dân trên
đường phố giải thích: Ông không biết à? Một người biết đọc, một người biết viết
và người thứ ba không biết chữ nhưng là để kiểm soát hai người kia!"
" phía Nam, tôi
cũng thu được một số chuyện tiếu lâm "cười ra nước mắt" nhiều người
dân gọi chính phủ theo cách nói lái là "chú phỉnh", nghĩa là hay lừa
dối nhân dân, nói một đàng làm một nẻo! Hồi sau 1975, người ta hỏi nhau: sao,
dạo này làm gì? và thường được trả lời: dạo này chúng tôi chà đồ nhôm! nói lái
lại là : chôm đồ nhà, nghĩa là lấy đồ nhà bán dần đi hết! Rất nhiều đồ dùng
trong nhà của các gia đình "ngụy" bị đem ra vỉa hè để bán: tủ lạnh,
quạt máy, máy thu thanh, truyền hình, cho đến bàn ghế, tủ, giường, có nhà túng
bấn quá không còn gì nên bán cả đồ thờ bàn thờ để cho gia đình tạm sống!... Khá
nhiều người mua là cán bộ miền Bắc vào Nam. Sự đổi chủ của biết bao của cải,
nhà cửa, sau cái gọi là "giải phóng!". Đau đớn hơn là nhiều chị em vợ
sĩ quan và viên chức bị đi "cải tạo" "chà hết đồ nhôm" rồi
đành bán mình, và không ít khách làng chơi là cán bộ miền Bắc vào! Năm 1978,
tôi gặp một anh bác sĩ quân Y vừa đi cải tạo 2 năm về, anh kể rằng đã ném vào
mặt một anh cán bộ miền Bắc công tác ở ban tuyên huấn trung ương(!) đến xin
chữa bệnh một lời dạy: "ông đi chơi gái bị nổ ống khói, ông giải phóng
chúng tôi như vậy à! ông ôm vợ chúng tôi, vợ "ngụy" đó mà không biết
xấu à, không biết nhục à!?" Chính anh và mấy anh luật sư ngày 30. 4. 1975
đã mang cờ đi đón "quân giải phóng" với tất cả lòng chân thành, để
rồi ngay sau đó bị tống giam vì đã đi lính "ngụy", làm sĩ quan
"ngụy", chỉ vì các bác sĩ và luật sư này đã bị động viên một thời
gian ngắn!
Tôi xin kết thúc những
câu chuyện trên đây bằng một kỷ niệm riêng. Hồi, chỉnh huấn cãi cách ruộng đất
năm 1956 cho cán bộ trung cao cấp, tôi bị đưa ra tổ học tập để kiểm điểm. Những
cán bộ "trung kiên" xuất thân từ bần nông, cố nông phê phán tôi:
"Anh là một trường hợp tiêu biểu và điển hình- Anh học trường tây từ nhỏ,
anh tiêm nhiễm văn hóa thực dân như thuốc độc từ khi vỡ lòng, anh lại sinh ra
trong gia đình đại phong kiến. Thực dân và phong kiến là hai điều xấu xa nhất,
đồi bại nhất trên đời này. Có thể nói "cha" anh là thực dân
"mẹ" anh là phong kiến. Anh là đứa con hoang đồi bại nhất. Hiểu biết
của anh không bằng cục phân như Mao chủ tịch đã nói, vì phân còn có ích để bón
ruộng! Đảng đã cứu vớt anh để nên người hôm nay... "
Tôi chẳng mảy may căm
ghét những cá nhân đã chửi bới tôi. Họ là những nạn nhân của những tín điều mù
quáng kiểu tôn giáo mông muội. Có người về sau gặp xin lỗi tôi! Đó là vì ađua
thời thượng, trong cao trào của cải cách ruộng đất, và về sau là giai đoạn sửa
sai...
Khái quát ba bài học
lớn nhất, bao trùm nhất, thấm thía nhất đối với tôi trong hơn 45 năm qua tôi
vừa kể trên, có thể rút ra một nhận xét tổng quát nhất: Cái sai gốc của chế độ
cộng sản mang danh chủ nghĩa xã hội ở Việt nam là đã thiết lập một chính đảng
chính trị, một chế độ chính trị, một chế độ xã hội mang mầu sắc tôn giáo. Thà
là một tôn giáo đích thực thì còn có ý nghĩa và tác dụng nhất định: làm chỗ dựa
cho niềm tin, làm cơ sở cho việc làm điều thiện, tránh điều ác của những tín đồ
ngoan đạo. Đằng này là một tổ chức chính trị lại mang mầu sắc tôn giáo, còn
nặng nề hơn cả một tôn giáo, nó bắt buộc đảng viên phải tin ở những nguyên lý
và những tín điều, không được phép hoài nghi. Đó là những bàn thờ với tranh
ảnh, với hàng loạt khẩu hiệu, với các tập sách lý luận được đối xử như Kinh
thánh, nghĩa là bất di, bất dịch, theo kiểu tụng niệm thuộc lòng, nó làm những
đảng viên- tín đồ bé nhỏ lại, mất tự tin đi, vì mọi thứ đã có sẵn cả rồi, nói
đến cả rồi, chỉ có việc đem ra mà thi hành thôi! Cả nước đã có chừng 12 đến 14
cái đầu xuất chúng, nghĩ thay cho chúng ta rồi! ởbộ Chính trị, người ta nghe
Tổng bí thư trình bày xong rồi, có ai nói thêm gì chỉ là tán tụng và phụ họa
thêm thắt chút ít. Ở hội nghị Trung Ương người ta lại trình bày chính kiến của
bộ Chính trị và hơn 100 cái đầu lại chỉ làm cái việc thêm thắt, minh hoa, tán
tụng và thông qua, ở đại hội đảng cũng lại thế! còn tệ hơn thế! Mọi việc đã
được định- bàn bạc, lấy ý kiến chỉ là hình thức. Sự nghèo nàn của trí tuệ! Một
chế độ nể nang, xoa dịu, sợ sệt, e dè thì làm sao có dân chủ được? cứ như Chúa
đã phán, Trời đã định, ắt phải thế! Đã là con chiên thì phải ngoan đạo. Phải
giữ một niềm tin tuyệt đối.
Nói là một đảng mang bản
chất công nhân, nhưng trên thực tế nó nhuộm mầu sắc tôn giáo và mang rất đậm
bản chất của nông dân thời cũ pha trộn với bản chất phong kiến: hay xét nét vặt
vãnh, thù hiềm lâu, chia bè chia phái, về hùa với nhau, trả thù nhỏ nhen, bới
lông tìm vết...
Tôi còn nhớ hồi đầu năm
1955 ở Quỳnh Lưu (Nghệ An), một cán bộ thành phần trung nông lớp trên bị quy
sai là địa chủ, bị chụp mũ là chui vào đảng để chống phá cách mạng, bị đưa ra
chất vấn trước cuộc họp của nông dân. Các ông bà "nông dân cốt cán"
thi nhau hỏi tội:- "Này tên địa chủ Hải kia, sao mầy lại nhìn chăm chăm
vào chúng tao, mầy không sợ khí thế của nông dân à? Cúi mặt xuống!- "Này,
tên địa chủ Hải kia, sao mầy lại cúi đầu xuống lấm lét che dấu bộ mặt tội ác
của mầy à? Ngẩng mặt lên!"- "Thưa bà con, tên địa chủ Hải này rất
ngoan cố, nó dám ngẩng mặt lên khiêu khích bà con nông dân chúng ta...
"Thật là khả ố.
Do một chế độ còn duy
tâm hơn cả tín ngưỡng tôn giáo, nên chỉ có thể nhận những điều tốt về mình, còn
bao nhiêu thất bại, đổ vỡ thì đổ tại điều kiện khách quan hết! Có chí sĩ Bắc Hà
nào đó đã mỉa mai rằng:
Mất mùa là tại thiên
tai,
Được mùa là tự thiên
tài đảng ta...
Chính do mầu sắc tôn
giáo kiểu duy tâm áp dụng vào chính trị mà các đảng viên dần dần mất hết tự tin
và tư duy độc lập, luôn có mặc cảm tội lỗi, phải sám hối ăn năn qua những cuộc
kiểm thảo, kiểm điểm, tu dưỡng, học tập, tự nhận xét, tự phê và phê bình... Yêu
cầu sám hối ăn năn thú tội để cố tỏ ra là trung thành với đảng đã dẫn đến những
bi, hài kịch: tự bịa ra tội lỗi của bản thân, tự bôi nhọ mình để được đảng tắm
rửa, kỳ cọ, để được trở thành con cưng của đảng.
Bi kịch của các nước xã
hội chủ nghĩa, của các đảng cộng sản ở đó trong thời gian gần đây là có thể
giải thích được. Vì họ đã phạm sai lầm lớn quá, kéo dài quá. Họ không có nếp
sinh hoạt dân chủ thật sự nên lao sâu mãi vào sai lầm và tội lỗi. Vì họ không
chấp nhận đa nguyên, cổ súy sự thống nhất thành một kiểu gắn chặt nguyên khối
nên chỉ đạt sự thống nhất giả tạo. Ai khinh thị con người, hạn chế quyền tự do
của con người, lừa dối con người, không tôn trọng trí tuệ và không có tính
thương con người thì ắt bị sự trừng phạt cay đắng nhất của quần chúng nhân
dân.
V. NHÌN
NHẬN
Một hòn núi cao phải đứng cách xa một quãng mới nhìn rõ hình
thù, dáng vẻ của nó trong cảnh sắc chung quanh. Những sự kiện, những nhân vật
đã qua cũng cần một khoảng cách kiểm nghiệm của thời gian để nhìn cho đúng với
giá trị thật.
Chủ nghĩa xã hội về lý thuyết và hiện thực cần được đánh giá ra sao? Mác, Lê
Nin, chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa Lê- Nin cần được đánh giá đứng đắn ra sao?
Staline là con người thế nào, có công hay là có tội đối với đất nước Liên Xô và
các nước khác? Chủ tịch Hồ Chí Minh có thật vĩ đại và sáng suốt? Lịch sử đất nước
Việt Nam ta cần được viết như thế nào cho đứng đắn, khách quan và khoa học?
Trong lịch sử ấy, biết bao phong trào, nhân vật cần được đánh giá đầy đủ, không
bị định kiến, không thiên vị.
Đây là một việc hệ trọng của nhiều nhà sử học, nhà chính trị và lý luận, nhà tư
liệu và thống kê. Tất cả những nhân vật đương thời thường bị đánh giá sai lệch
do nhu cầu chính trị từng lúc, người thì được thổi phồng lên, thêu dệt thêm,
người bị thu hẹp lại, tô vẽ cho xấu xí thêm...Con cháu ta hiện nay rất băn
khoăn, không hiểu những nhân vật lịch sử hiện thời tốt xấu, công tội ra saọ..Tôi
chỉ xin nói lên vài ý kiến thô thiển của mình, cố gắng có một cách nhìn khách
quan và công bằng, tránh chủ quan và thiên lệch.
Về Các Mác và Lê Nin, tôi thấy đó là những nhà học gia uyên bác, những nhà lý
luận và tư tưởng có tầm cỡ. Trong 4 năm, từ năm 1958 đến 1962 tôi là giáo viên
lý luận chính trị của quân khu 4, phụ trách việc nghiên cứu và giảng dạy chính
trị cho cán bộ trung cấp và cao cấp trong toàn quân khu, bao gồm các tỉnh từ
Thanh Hóa vào đến Quảng Bình và Vĩnh Linh, trong đó có hai sư đoàn (sư đoàn 324
và sư đoàn 325), cùng với một lữ đoàn ở giới tuyến. Học viên bao gồm từ thiếu
tưóng tư lệnh Quân khu, thiếu tướng chính ủy Quân khu, hàng chục đại tá, thượng
tá và gần một trăm trung tá, thiếu tá, chung với hơn ba trăm đại úy và trung
úy. Đó là những bài cơ bản về duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Tôi đã để
hàng mấy năm đọc những tác phẩm của Mác, Ăng ghen, Lê Nin, Staline, Mao Trạch
Đông, Hồ Chí Minh...từ những nguyên bản hoặc bản dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp,
chữ Hán và tiếng Nga. Đó là những buổi học tại chức. Mỗi bài rải ra làm 2
tháng, có lên lớp giới thiệu nội dung, nghiên cứu tài liệu tại chức (mỗi tuần
hai buổi sáng và hai buổi tối), có thảo luận tổ (hai buổi) và giải đáp (thường
là một buổi sáng), do bộ phận chỉ đạo việc học tập lý luận của Tổng cục chính
trị trong quân đội nhân dân thuộc cục Tuyên Huấn xếp đặt chương trình rất chặt
chẽ. Cả Quân khu có 3 giáo viên lý luận, tôi là phụ trách chính. Đó là thời kỳ
tương đối hòa bình, việc chiến đấu ở miền Nam chỉ mới khởi đầu. Theo tôi, những
công trình nghiên cứu và tìm tòi của Các Mác và Ăng ghen là quan trọng, phong
phú, nhất là việc phân tích và mổ xẻ chủ nghĩa tư bản ở thời khởi thủy và ở dạng
thức tiêu biểu, nguyên mẫu. Việc khám phá ra lao động cũng là một loại hàng
hóa, ra giá trị thặng dư là rất có giá trị. Việc xây dựng nên biện chứng pháp
duy vật cũng là một bước sáng tạo lớn, tạo nên một nền tảng cho phương pháp tư
duy khoa học. Thế nhưng không thể coi chủ nghĩa Mác là sự phát triển đến tột
cùng rồi của trí tuệ, cùng không thể coi đó là giá trị duy nhất của trí tuệ.
Mác và Âng- ghen lúc sinh thời không hề có ý định coi mình là những nhà sáng tạo
nên một học thuyết, một chủ nghĩa tuyệt đỉnh, các vị chỉ có ý muốn đóng góp phần
của mình vào trong kho tàng trí thức chung, cùng với vô vàn phát kiến có giá trị
khác. Đấu tranh giai cấp và chuyên chính giai cấp là những nguyên lý quan trọng
nếu bật động lực của phát triển xã hội và bản chất của chính quyền trong xã hội,
cần vận dụng những nguyên lý ấy và nhiều nguyên lý khác để tím hiểu và lý giải
các hiện tượng xã hội. Cái sai là có người đã tuyệt đối hóa những nguyên lý ấy,
coi đó là những nguyên lý duy nhất tồn tại và lại còn vận dụng một cách máy
móc, giản đơn theo kiểu giáo điều và thô sơ, do đó chuốc lấy thất bại tất
nhiên...Cần nhận rõ tính chất hạn chế của những điều kiện lịch sử nhất định.
Mác sinh ra năm 1818 và mất năm 1883, khi khoa học và kỹ thuật còn chưa phát
triển như vũ bão trong thời đại ngày nay, khi các chế độ xã hội và chính trị
chưa có nhiều hình vẽ phong phú như hiện nay, mang nhiều tính đặc thù (các đảng
phái chính trị với những mầu sắc, khuynh hướng khác nhau đại diện cho những thế
lực chính trị, kinh tế, tài chính, tôn giáo, xã hội, dân tộc, văn hóa nhiều vẻ
khác nhau) như hiện nay. thời của Mác và Ăng ghen, chủ nghiã tư bản chưa phát triển
đến mức cao. Mối quan hệ quốc tế của nó chưa phát triển đến độ sâu sắc trên quy
mô toàn cầu. Sự tận dụng khoa học kỹ thuật cũng chưa đến mức độ cao và những biện
pháp thích ứng với tình hình, để điều chỉnh đường đi nuớc bước của nó cũng chưa
đạt đến mức có hiệu lực như ngày naỵ..Công nhân thời ấy mỗi ngày phải làm việc
từ 12 đến 16 giờ, còn ngày nay đã giành quyền làm 8 giờ, hoặc 7 giờ rưỡi và quyền
nghĩ 1 đến 2 ngày một tuần. Xưa tiền lương của công nhân là tiền lương đói khổ,
nay ở Pháp lương tối thiểu cho một công nhân làm việc cho nhà nước hoặc tư nhân
được ấn định là 5300 quan. Có cả một lọat luật pháp và quy định mang tính chất
luật nhằm bảo vệ quyền lợi mọi mặt của người lao động. Mác và Ăng ghen chỉ mới
thấy sự áp dụng của máy hơi nước và máy nổ, chưa chứng kiến sức mạnh của lò phản
ứng nguyên tử, những kỳ công trong chinh phục vũ trụ, những bước tiến lớn lao của
cuộc cách mạng thông tin viễn thông, trong sinh học, trong vật liệu mới, sự xuất
hiện đủ loại máy tính điện tử cực lớn với những nét đặc trưng của nền văn minh
tin học ngày nay. Nếu Mác và Ăng ghen còn sống ắt các vị sẽ bổ sung thêm nhiều
nhận thức và nhận định mới mẻ, cập nhật, phát triển và điều chỉnh những tư duy
lý luận của mình cho phù hợp với thực tiễn mới.
Coi chủ nghĩa Mác là chân lý tuyệt đới, chết cứng và bất biến, vận dụng nó một
cách máy móc là trái với tinh thần khoa học, trái với chỉnh tư duy biện chứng của
Mác.
Lê- Nin và chủ nghĩa Lê- Nin có vị trí to lởn trong cuộc cách mạng tháng Mười ở
nước Nga. Lê- Nin là nhà lý luận và là nhà hoạt động thực tiễn. Tôi cho rằng
nghiên cứu một số kinh nghiệm của Lê- Nin là cần thiết, nhưng dựng nên chủ
nghĩa Lê- nin là không thể được vì làm vậy dễ rơi vào bệnh giáo điều và bệnh
kinh viện nguy hiểm. Tất cả chỉ nên coi là gợi ý của người đi trước, là những
công cụ của nhận thức để sử dụng và tham khảo. Luận điểm chủ nghĩa đế quốc là
đêm trước của cách mạng vô sản và là giai đoạn tột cùng, giai đoạn rẫy chết của
chủ nghĩa tư bản cần được xem xét lại trọng những điều kiện mới, những điều kiện
chưa có khi Lê- Nin còn sống. Không có một nhà tiên tri thông thái nào có thể
chỉ ra con đường và biện pháp phải theo, cho gần 100 năm (như Lê- Nin) hoặc hơn
100 năm (như Mác) về sau cả. Chỉ có thế hệ đương thời với tất cả trí tuệ của
chính thế hệ mình mới có thể tìm ra con đưòng phải đi để xây dựng xã hội mới
cho đất nước và tham gia xây dựng thế giới mới ngày càng tốt đẹp hơn. Thế hệ
đương thời cần đem kinh nghiệm của người đi trước, cần tôn trọng những giá trị
lý luận và nhận thức của tiền nhân, nhưng không thể mù quáng và nô lệ mất sáng
tạo để trở thành bất lực đi đến mất tự tin.
Vị trí và vai trò của Staline đối với nước Nga, đối với Liên bang Xô viết và đối
với thế giới đã và đang được đánh giá lại một cách đầy đủ. Tháng 7 năm 1990,
ban Tư tưởng và Văn hóa của đảng cộng sản Việt Nam đã ra chỉ thị cấm các báo,
đài truyền hình đề cập dến Staline. Tôi cho rằng đây là một sự cấm đoán sai lầm.
Trong khi báo chí Liên Xô đưa ra liên tục những bài báo, tư liệu, sách,
phim...về Staline thì việc tránh né, bịt tai, nhắm mắt lại ở Việt Nam là điều
không bình thường. Tại sao người ta lại sợ sự thật đến thế? Đó là vì một thời
gian dài, Việt Nam đã theo Liên Xô và Trung Quốc ca ngợi một chiều và quá đáng
Staline. Sách báo phim ảnh tô vẽ nên một anh hùng kiệt xuất của nhân loại đã cứu
loài người khỏi tai họa phát xít và tạo điều kiện cho hơn một chục nước ổ Châu
Âu và Châu vùng dậy giành độc lập, trong đó có Việt Nam. Những câu thơ của Tố Hữu
còn đó, từ hồi tháng 5. 1953:
Thương cha, thương mẹ, thương chồng,
Thương mình thương một, thương ông thương mười Yêu con, yêu nước, yêu nòi, Yêu
bao nhiêu lại thương Người bấy nhiêu.
Ngày xưa khô héo quạnh hiu
Có Người mới có ít nhiều vui tươi,
Ngày xưa đói rách tơi bời,
Có Người mới có được nồi cơm nọ..
Các thầy cô giáo dạy văn đã được bồi dưỡng đặc biệt để giảng cho các em học
sinh rẳng ông Staline đã mang lại cơm, áo và nụ cười cho các em! Thời đó tôi cũng
xót xa, khóc thương Staline với tất cả tấm lòng thành thật của mình. Staline đã
được đánh giá lại từ Đại hội lần thứ 20 Đảng cộng sản Liên Xô nhất là qua tập
báo cáo mật của Krouchev. Gần đây trong thời kỳ Perestroika, nhiều điều có thật
về Staline lại được đưa ra trên báo chí Liên Xô. Từ những vụ án Hồng quân Liên
Xô trước chiến tranh thế giới lần thứ hai, vụ thủ tiêu hàng ngàn sĩ quan Ba Lan
ở một khu rừng biên giới đến các vụ ám sát Kirov, Trosky, vụ tàn sát Koulak (thực
chất là tầng lớp trung nông rất giỏi nghề nông) làm cho sức sản xuất xã hội bị
hủy hoại, tai hại cho nên nông nghiệp Liên Xô, tác hại kéo dài đến tận ngày
nay, ngoài ra là hàng trăm cuộc thanh trừng nội bộ khác. Đó còn là căn bệnh mệnh
lệnh, độc đoán, đàn áp mọi ỷ kiến khác biệt, trả thù một cách tàn bạo và diệt
những người không ăn cánh với mình. Không thể lấy công là đã chỉ huy kiên quyết
và tài giỏi cuộc chiến tranh chống phát xít (ngay cái công này cũng đã được thổi
phồng lên quá đáng) để che lấp biết bao tội ác liên quan đến hàng chục triệu
gia đình lương thiện. Trách nhiệm nặng nề hơn nữa của Staline là đã dắt dẫn dân
Liên Xô vào con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội một cách quan liêu, nóng vội và
độc đoán, dẫn đến sự đổ vở bi thảm gần đây. Tai họa này còn đè nặng lên một số
nước châu Âu, châu , châu Phi, châu Mỹ trong đó có Việt Nam đã nôi theo Liên Xô
để xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng các đảng cộng sản theo mô hình Staline.
Đây là tấm bi kịch mang tầm vóc thời đại, kéo dài hơn nửa thế kỷ, tàn phá biết
bao xã hội và con người! Thế mà ổ Việt Nam, người lãnh đạo lại chù trương nhắm
mắt làm ngơ! Họ cho rằng lờ vấn đề Staline đi mới là "khôn", là sáng
suốt, là giữ được ổn định! Lẽ ra họ phải nhanh nhậy rút ra bài học lịch sử, kiểm
điểm kỹ đã bị Staline ảnh hưởng ra sao, dẫn đến hậu quả thế nào để tạ tội với
nhân dân và bắt tay sữa chữa sai lầm thật sòng phẳng, ngay thật. Họ không thể
và không dám làm như thế. Họ sợ sự phẫn nộ của nhân dân và hơn nữa còn muốn giữ
một số cung cách cầm quyền của Staline, như luôn thổi phồng nguy cơ từ bên
ngoài của chủ nghĩa đế quốc cấu kết với phản động quốc tế và phản động trong nước
hòng lật đổ chính quyền. Họ kết tội những người ngay thật có ý kiến trái với
mình là phản động, là phản bội, là bị đế quốc mua chuộc, là tay sai của CIẠ..,
như chính họ đang đối xử với một số người và bản thân tôi hiện nay vậỵ..
Về ông Hồ Chí Minh, tôi dùng chử "ông" có hơi lạ với một số người, vì
ở Việt Nam ai cũng quen gọi là Bác Hồ, Bác Hồ Chí Minh, trong khi thường nói:
ông Lê Lợi, ông Quang Trung. Dân chủ và bình đẳng giữa các nhân vật lịch sử tôi
cũng xin gọi là ông Hồ. Bản thân tôi trước kia từng quý trọng ông Hồ, trước đây
tôi cho ông là người hy sinh cho đất nước, bôn ba ở nước ngoài, bị tù tội, là
người có công trong cuộc đấu tranh giành độc lập, trong hai cuộc kháng chiến chống
thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Ông sống giản dị, liêm khiết. Ông có lòng nhân
ái, quý mến trẻ em, cảm thông với phụ nữ, động lòng trước kẻ nghèo đói. Ông
ghét thói hư danh, phô trương, hình thức. Ông Hồ và cha tôi đã kết bạn thân
trong suốt thời gian cuộc kháng chiến chống Pháp ổ chiến khu Việt Bắc, tình bạn
dựa trên sự quý trọng nhau giữa một người cộng sản và một người không đảng
phái. Tháng 9. 1945, sau cách mạng tháng Tám, ông Hồ gửi cho cha tôi bức thư ngắn,
hiện gia đình tôi còn giữ, mời cha tôi tham gia công việc của đất nước, có câu:
Tôi được biết, cụ là người có tài đức, rất mực thanh liêm, nên mời cụ ra chung
sức, gánh vác việc nước...Thầy tôi từ chối, viện cớ tuổi cao (56 tuổi), sức yếu.
Đến lần thứ ba nhận thư ông Hồ (tháng 10. 1945) sau khi có sự đồng ý của hai
ông anh ruột: Bùi Bằng Phấn và Bùi Bằng Thuận đều là tuần phủ vừa về hưu, và
sau khi trao đổi với gia đình, cha tôi nhận lời. Từ cuối năm 1946, cha tôi là
Trưởng ban Thường trực quốc hội (như chức vụ Chủ tịch Quốc hội hiện nay) và thường
thay mặt quốc hội dự các cuộc họp của chính phủ kháng chiến. Như tôi đã từng kể,
ông Hồ và cha tôi đôi lúc đã cùng nhau họa thơ, kiểu thơ Đường. Bài "Tặng
Bùi Công" của ông Hồ gửi cha tôi cuối năm 1948 là một trong những bài thơ
hay nhất của ông, rất đẹp về hình ảnh, tôi còn nhớ như sau:
Khán thư sơn điểu thê song hãn
Phê trát xuân hoa chiếu nghiễn trì
Tiệp báo tần lai lao dịch mã
Tư công tức cảnh tặng tân thị..
dịch là:
Xem sách chim rừng ngoài cửa đậu
Phê văn hoa núi chiếu nghiên soi
Tin vui thắng trận dồn chân ngựa
Nhớ bạn thơ xuân tặng một bài
Cha tôi họa lại như sau:
Thiết thạch nhất tâm phù chủng tộc
Giang sơn vạn lý thủ thành trì
Tư công quốc sự vô dư hạ
Thao bút nhưng thành thoái lỗ thi
dịch là:
Một lòng sắt đá phò nòi giống
Vạn dặm giang sơn giữ thành trì
Chăm lo việc nước không hề rảnh
Vung bút thành thơ đuổi giặc thù
Lúc đó, tôi quý trọng ông Hồ, vì tôi vào bộ đội ở Chi đoàn Quang Trung, trung đội
tôi làm nhiệm vụ cảnh gác ở Bắc Bộ Phủ nơi ông Hồ làm việc, và tôi đứng gác ổ cổng
lớn với khẩu súng các- bin Mỹ trong hơn một tuần. Chính ông Hồ có ý kiến cử tôi
theo học lớp Quân Chính đầu tiên ở Hà Nội và sau đó tôi tham gia đoàn cán bộ
Nam Tiến 72 ngưòi được chọn từ lớp học Quân Chính Đỗ Hữu Vy này. Khi làm báo
tôi đã nhiều lần dự các cuộc gặp gỡ, tiếp khách quốc tế, tiếp các nhà báo Liên
Xô, Trung Quốc và nhiều nước khác của ông Hồ. Các buổi tiếp thân tình, cởi mở,
tự nhiên, không chút khách khí. Ông nhậy cảm, tinh tế trong quan hệ ứng xử, với
mọi người, tùy theo tuổi tác, nghề nghiệp, giới tính. Tôi hoàn toàn không cho rằng
ông Hồ khéo đóng kịch, phải công nhận đó là cách ứng xử có văn hóa, có tình cảm
thật ở một con người "rất người", lại lịch lãm.
Ông cũng "rất người" ở chổ không thể hoàn thiện như một ông thánh.
Đây là điều gần đây tôi hay suy nghĩ về ông. Tôi rất thích thú được nhà sử gia
Pháp D. Hemery cho biết ông Hồ đã có thể hai lần có vợ. Đó là cô đảng viên đảng
Xã hội Marie Brière ở Paris (vào cuối những năm 1920) và cô nữ hộ sinh Tăng Tuyết
Minh ỏ Quảng Châu Trung Quốc tháng 10 năm 1928.
Một con người tinh tế, giầu cảm xúc, rất "con người" ắt phải có những
mối tình đẹp, có thể hồn nhiên và xúc động. Có người lẩm cẩm lại khen Cụ Hồ sống
cao thượng, vì suốt đời không vướng nợ yêu đương, không mảy may nghĩ đến vợ
con, đến hưởng lạc thú gia đình..., sống như một ông thánh vậy.
Nhiều người phê phán rất nặng ông Hồ về chính sách đối với công chức cũ sau khi
miền Bắc được giải phóng, về những sai lầm trong cải cách ruộng đất, về những
oan trái trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm...
Theo tôi hồi ấy đã có chính sách lưu dung (giữ nguyên lương cho công chức cũ),
một chính sách thỏa đáng, từng gây xôn xao do ý thức ganh tỵ của anh chị em cán
bộ tham gia kháng chiến, đã có những lớp cải tạo chị em làm nghề mãi dâm, đào tạo
tay nghề rất có kết quả nhưng chính sách lưu dung chỉ tồn tại trong 2 năm 1954-
1955...Tôi được biết ông Hồ rất nghiêm túc trong việc đối xử với tù binh người
Việt, người Pháp (cũng như các quốc tịch khác trong các đơn vị lê dương), cấm
dùng chửi bới và đánh đập, cho họ ăn uống ngang với mức của bộ đội. Sai lầm cải
cách ruộng đất làm chết hơn 10 nghìn người (bị bắn trước các tòa án nhân dân)
là do áp dụng máy móc kinh nghiệm của Trung Quốc, do các cố vấn Trung Quốc trực
tiếp áp đặt, do ý thức sùng bái Trung Quốc rất phổ biến lúc bấy giờ, bởi thái độ
mù quáng, tự ti mà theo tôi ông Hồ cũng phạm phải. Cũng phải nói rằng cuộc cải
cách ấy, từ đợt hai sang đợt ba thì phát hiện ra sai lầm. Khi thấy sai lầm thì
đã có quyết tâm sửa, dù cho phía Trung Quốc còn rất ngoan cố và bảo thủ, nếu
không tai họa còn mở rộng hơn nhiều nữa! Các ông Trường Chinh mất chức Tổng bí
thư, các ông Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương mất chức ủy viên thường vụ trung
ương và chính ông Hồ đã tự phê bình về trách nhiệm của mình. Ông Hồ không trực
tiếp chỉ đạo công cuộc cải cách ruộng đất, mà trong lãnh đạo đã có phân công:
Ông Trường Chinh trực tiếp chỉ đạo chung, ông Hoàng Quốc Việt trực tiếp chỉ đạo
làm thử ở Thái Nguyên, ông Lê Văn Lương trực tiếp đảm nhận công tác chỉnh đốn tổ
chức, ông Hồ Việt Thắng trực tiếp làm công tác thường trực...Theo tôi, bài học
về sai lầm trong cải cách ruộng đất chưa được tổng kết nghiêm túc, triệt để.
Còn về vụ Nhân Văn Giai Phẩm, thì lúc ấy không gây được dư luận gì lớn trong xã
hội. Vì ý thức dân chủ và dân trí còn thấp, cả miền Bắc sống cô lập với thế giới
bên ngoài, chỉ biết có Liên Xô và Trung Quốc, hai "thiên đường" tuyệt
vời (ngày nay của Liên Xô và Trumg Quốc là ngày mai của Việt Nam!). Dân trong cả
huyện cơm đùm, cơm gói đi xem phim Bạch Mao Nữ của Trung Quốc và xem phim một
nông trường của Liên Xô dể rồi ca ngợi, bàn tán, "thu hoạch" về nhận
thức và tình cảm cách mạng suồt cả nửa năm trời sau đó. Gương anh hùng của ở
Thượng Cam lĩnh (Triều Tiên) là lẽ sống của tuổi trẻ Việt Nam. Một số văn nghệ
sĩ Nhân Văn Giai Phẩm bị phê phán, toàn xã hội hùa theo ý kiến của lãnh đạo, vì
thật tâm bị nhiễu loạn hơn là vì sợ sệt. Thêm nữa vấn đề cải tạo lao dộng lúc
đó lại được cổ súy và đề cao! Cán bộ các cơ quan náo nức đi đắp đê Mai Lâm, đào
đắp hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, mở mang các nông trường, nên các văn nghệ
sĩ bị đi cải tạo lao động ở nông thôn (khuân vác giấy ở nhà máy in, chuyên chở
các thùng sợi ở nhà máy dệt, đẩy xe gòng sắt thép ở nhà máy gang thép Thái
Nguyên...)không làm chấn động dư luận. Gọi là vụ án nhưng không hề được nêu
ngay trên báo chí. Một thời gian sau mới phê phán trên báo, nhưng theo kiểu
trích dẫn để kết tội một cách vũ đoán. Lúc ấy thì không ai còn tìm ra được tờ
Trăm Hoa và Nhân Văn để xét đoán. Tôi cố nhớ lại, hình dung lại tình hình lúc ấy
là như thế. Tất cả bực dọc, căm giận đều đổ lên đầu "Mỹ- Ngụy" đã
không chịu thực hiện Tổng tuyển cử như Hiệp định Geneve quy định, còn tố cộng,
diệt cộng, gây nên những vụ thảm sát ở Vĩnh Trinh, Phú Lợị..Các cuộc tuần hành
hừng hực khí thế diễn ra khắp nông thôn và thành thị, trước trụ sở các ủy ban
quốc tế...Trong điều kiện như thế, ông Hồ cũng thuận theo những đối xử của các
cơ quan tuyên huấn và an ninh của đảng và nhà nước. Đây là một thái độ thiếu
trách nhiệm, hơn nữa, lúc ấy những nhà văn Trần Dần, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Hữu
Loan đều nén phẩn uất phần nào khi được tin các văn nghệ sĩ cùng hội, cùng thuyền
với mình ở Trung Quốc bị đội mũ lừa, giải đi trên đường phố để cho quần chúng đả
đảo và nhỏ nước bọt, bị đưa ra xỉ vả, đấu tố trong các cuộc họp, bị đưa đi lao
động khổ sai thật sự (14 giờ một ngày, xúc và gánh phân người và phân súc vật,
ngủ trong chuồng bò) và bắt phải làm các cuộc phản tỉnh hàng chục đêm để thú tội
và tự mạt sát mình. Theo quan điểm của tôi hiện nay, sự xâm phạm vào quyền con
người dù nặng hay nhẹ đều là tội lỗi. Không thể viện cớ là tôi chưa ác độc bằng
những nhà cầm quyền Trung Quốc thời ấy, hay hãy xem bọn Pôn Pốt tàn sát con người
và hủy hoại xã hội ra sao để cho rằng mình xử sự như thế là nhân đạo chán rồi,
có gì phải nhận tộị..Ông Hồ đã quá tập trung vào công việc chỉ đạo đấu tranh ở
miền Nam mà quá coi nhẹ những vấn đề trong văn học, nghệ thuật và để mặc cho
người phụ trách làm sai mà không can thiệp? Hay ông có trực tiếp can dự vào những
chủ trương ấy? Đây còn là một câu hỏi khó phân xử rành mạch cho thấu tình, đạt
lý.
Sau này, những vụ chống "xét lại", những vụ án "phản động về
chính trị" cũng làm theo kiểu bưng bít. Không có xét xử, không đưa tin
trên báo, trên đài, chỉ thông báo nội bộ trong đảng, đến cấp tỉnh, các cơ quan
chuyên môn (cơ quan an ninh, bảo vệ nội bộ đảng, bảo vệ quân đội) tự tiến hành,
không qua thủ tục pháp lý...Tâm lý xã hội của tuyệt đại đã số người dân lúc ắy
là phó thác mọi việc cho đảng và nhà nước, chị ít ra không tán thành thì cũng
không có ý kiến, thế thôi. Tâm lý xuôi chiều và ađua hồi ấy rất nặng. Ngay những
người trong cuộc, cùng gia đình, bè bạn có khi cũng để xuôi tay, chẳng có phản
kháng hay phản ứng gì quyết liệt, vì tự nghĩ làm gì cũng vô ích chỉ tổ phức tạp
và tai hại thêm hay là chẳng phải đầu lại phải taị..Là người lãnh đạo cao nhất,
tất nhiên ông Hồ chịu trách nhiệm về những oan trái đã xây ra. Qua lời kể lại của
những người ở gần ông Hồ từ những năm 1964, 1965 sức khỏe ông Hồ suy giảm rõ, mọi
việc hàng ngày do Tổng bí thư Lê Duẩn và Ban bí thư giải quyết, ít khi xin ý kiến
ông Hồ. Họ viện cớ rằng "khỏi làm Bác bận tâm, khỏi làm phiền lòng lãnh tụ
tối caọ.."
Theo tôi, ông Hồ có ý thức độc lập khá rõ đối với Liên Xô và Trung Quốc. Cả hai
nước này đều không muốn và không tin Việt Nam thắng được Mỹ bằng biện pháp quân
sự. Liên Xô thì muốn giữ vững đường lối chung sống hòa bình, Trung Quốc thì
khuyên cứ chiến đấu trong khuôn khổ chiến tranh du kích, chỉ nên dùng đơn vị đến
cấp tiểu đoàn, nếu dùng quá cỡ đó sẽ dễ bị tiêu diệt bởi hỏa lực và phi pháo của
Mỹ...Cố gắng vận động để nhận được nhiều vũ khí hiện đại của hai nứơc lớn Liên
Xô và Trung Quốc, nhưng tự giải quyết lấy bầng chiến đấu kết hợp với đàm phán,
đó là nét chính trọng chủ trương của ông Hồ và ban lãnh đạo Đảng trong chiến
tranh. Tuy nhiên chính trong ưu điểm này, ông Hồ vẫn để lộ nhược điểm khi ông
viết khá nhiều bài báo ca ngợi những bước nhẩy vọt cuả Trung Quốc (sau được in
lại trong tập sách ký tên Trần Lực, một bút danh của ông Hồ). Những kinh nghiệm
mang dấu ấu trĩ tả khuynh: "bước nhảy vọt kỳ diệu", sản xuất
"nhiều nhanh, tốt, rẻ" (dịch của bốn chữ: "đa, khoái, hảo, tỉnh")
Ông ca ngợi tài năng kiệt xuất của "Mao chủ tịch vĩ đại, việc xây dựng
công xã nhân dân rồi nấu gang thép ở mỗi hộ nhân dân...cũng được ông Hồ phổ biến
và giới thiệu một cách nhiệt tình, theo lối viết phổ cập. Chính ở những chỗ đó,
ông Hồ Chí Minh không còn Chí Minh (rất sáng suốt). Tôi còn nhớ hồi nâm 1950
ông Hồ cũng viết bài lên án thậm tệ Titô, coi đó là tên trùm xét lại, kẻ phản bội,
theo nhận định của Liên Xô, , ở ông, tư duy tỉnh táo, độc lập về chính trị đã tỏ
ra không nhất quán.
Mặt khác, theo tôi, ông Hồ cũng không tỉnh táo khi viết hai cuốn sách kể chuyện
về cuộc đời của chính mình. Đó là cuốn "Những mẩu chuyện về đời hoạt động
của Hồ Chủ Tịch" ký tên Trần Dân Tiên và cuốn "Vừa đi đường vừa kể
chuyện" ký tên T. Lan, trong đó có nhiều đoạn tự khen mình với những lời
ca ngợi cao đẹp nhất. Tất nhiên tấm lòng cảm phục của nhân dân đối với
"Bác Hồ" là vô cùng sâu sắc, ông có thể coi đó là sự thật hiển nhiên
rồi, nói lên chỉ là phản ánh sự thật, thế nhưng tự mình viết ra để tự khen mình
thì có điều gì đó không đẹp, không hay và có thể nói là đã vô tình tự hạ thấp
mình vậy.
Tôi xin trích một câu của Trần Dân Tiên viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghĩa là
của một người viết về chính mình:
"Chủ tịch Hồ Chí Minh không muốn nhắc lại thân thế của mình".
(trang 7 cuốn sách trên. Nhà xuất bản Sự Thật- in lần thứ 2. 1976) vậy đây là
ai đang nhắc lại thân thế của ai?
"Một người như Hồ Chủ Tịch của chúng ta, với đạo đức khiệm tốn nhường ấy
và đang lúc bề bộn bao nhiêu công việc, làm sao có thể kể cho tôi nghe bình
sinh của Người được!" (trang 9- sđd.)
"Chúng ta còn những người yêu nước anh dũng và vĩ đại khác.
Chúng ta có Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, và những người khác nữa. Nhưng chỉ
có Hồ Chủ Tịch của chúng ta hoàn thành sự nghiệp mà các tiền bối chưa hoàn
thành..."- (trang 146. sđd)
"Nhân dân gọi Hồ Chủ Tịch là Cha già của dân tộc, vì Hồ Chủ Tịch là người
con trung thành nhất của Tổ Quốc Việt Nam...(trang 149- sđd). Theo tôi có điều
gì thật không ổn khi người viễt tự nói về mình như vậỵ..Ngay cả nhiều lúc ông Hồ
tự xưng là Bác với nhân dân cũng có gì đó không ổn- xưng Bác với thanh niên,
thiếu niên, nhi đồng thì có thể được- Những khi nói chuyện với nhân dân nói
chung mà tự xưng là Bác là không nên, vì trong nhân dân có cả những cụ già còn
lớn tuổi hơn. Năm 1945, ông Hồ mới 55 tuổi mà đã tự nhận là "cha già dân tộc"!
Năm 1989, nhân dịp 20 năm ngày mất của ông Hồ Chí Minh, ông Vũ Kỳ, nguyên thư
ký của ông Hồ Chí Minh đã cùng tôi bàn nhau phải đưa toàn bô Di Chúc ra ánh
sáng. Không thể mập mờ mãi được. Không thể quịt của người nông dân một năm thuế.
Ông Hồ Chí Minh bắt đầu viết Di chúc từ tháng 5. 1965, sau đó cứ vào tháng 5
hàng năm lại viết lại, viết thêm. Cho nên có tới bốn bản Di chúc bổ sung cho
nhau. Ông Vũ Kỳ kể chuyện là ngày 2. 9. 1969, sau khi ông Hồ Chí Minh mất, vào
buổi tối ông Phạm Văn Đồng đến nơi đặt thi hài ông Hồ. Ông Vũ Kỳ đưa ra chiếc
phong bì lớn đựng cả bốn bản Di Chúc. Ông Phạm Văn Đồng đưa cả hai tay ra ngăn
lại: "Không, tôi không nhận. Đây là chuyện hệ trọng, để sáng mai, có đầy đủ
Bộ Chính trị, đồng chí đưa ra. " Sáng 3. 9. 1969, có đầy đủ Bộ Chính trị,
ông Vũ Kỳ đưa ra chiếc phong bì lớn ấy. Ông Lê Duẩn liền cầm lấy rồi gọi ông
Hoàng Tùng, Tổng biên tập báo Nhân Dân vào phòng nhỏ bên cạnh. Ông Duẩn tự quyết
định chỉ đưa ra một bản, cắt bỏ, sửa chữa vài chỗ rồi giao cho ông Hoàng Tùng
công bố. Tất cả các bản còn lại ông Duẩn giao cho ông Trần Quốc Hoàn giữ như
văn kiện tuyệt đối bí mật. Cho đến khi ông Trần Quốc Hoàn thôi chức Bộ trưởng Bộ
Công An và chức ủy viên Bộ Chính trị (tháng 3. 1982), ông Vú Kỳ không tài nào lấy
lại được tập Di Chúc ấy. Chỉ đến khi ông Trần Quốc Hoàn ốm nặng, ông Vũ Kỳ mới
moi được bí mật qua lời hấp hối của ông Trần Quốc Hoàn: "...trong két sắt
đặt ở nhà riêng, ngăn thứ hai, tầng dưới cùng. " Thế là cả tập nguyên bản
di chúc được tìm thấy.
Tháng 5. 1989, tôi bàn với ông Vũ Kỳ, đặt ông viết một bài báo đặc biệt kể chủ
tịch Hồ Chí Minh viết Di Chúc như thế nào, đăng trên tuần báo Nhân Dân chủ nhật
do tôi trực tiếp biên tập. Phản ứng của lãnh đạo rất mạnh. Một số žy viên Bộ
Chính trị đã lên án hai chúng tôi là làm một việc tầy trời, dám công bố văn kiện
quan trọng bậc nhất của chủ tịch Hồ Chí Minh mà chưa được phép của Bộ Chính trị.
Trước những cặp mắt nghiêm nghị cuả bốn žy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thanh Bình,
Đào Duy Tùng, Nguyễn Đức Tâm, Đổng Sĩ Nguyên và trưởng ban Tư tưởng và Văn hóa
Trần Trọng Tân, ông Vũ Kỳ rất điềm tĩnh. Ông trả lời: "Tôi đâu có công bố
Di chúc, tôi chỉ viết theo yêu cầu của anh Thành Tín ở baó Nhân Dân. Nhân dây
tôi cũng xin báo cáo suốt hai mươi năm nay tôi ăn không ngon, ngủ không yên,
cho đến khi nào toàn bộ Di Chúc của Bác đến được với nhân dân. "
Sau đó Bộ Chính trị phải họp hai lần để bàn riêng về việc này và cuối cùng phải
đưa ra Quốc hội bàn về việc công bố toàn bộ các bản Di Chúc đồng thời quyết định
giảm thuế nông nghiệp trong hai năm, mỗi năm 50%. Ông Vũ Kỳ và tôi rất mừng,
cùng nhau cụng một cốc bia, nghĩ rằng thế là bà con nông dân ta bị hy sinh nhiều
nhất về người và của trong chiến tranh cũng đỡ khổ được đôi chút.
Riêng về việc xây lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, rất nhiều trí thức, cán bộ và đồng
bào cho rằng không nên làm điều trái ngược với nguyện vọng thiêng liêng của người
sắp từ giã cõi đời, nhất là khi nguyện vọng ấy lại cao đẹp. Chủ tịch Hồ Chí
Minh yêu cầu không nên phúng viếng linh đình, tốn kém, mong thi hài mình được hỏa
thiêu, vậy mà nguyện vọng ấy không được thực hiện. Thi hài ông không được nhập
vào đất đai của quê hương, vẫn nằm trong một chiếc lăng đồ sộ mà lạnh lẽo, tốn
kém biết bao nhiêu vật liệu và công sức của nhân dân...
Nhìn tổng quát lại hiện nay, tôi cho rằng ông Hồ Chí Minh khởi đầu là một người
yêu nước. Ông theo quốc tế cộng sản với ý nghĩ rằng đó là con đường đúng đắn để
giành lại độc lập dân tộc. Thế nhưng càng về sau ông càng bị chủ nghĩa cộng sản
"chinh phục", dẫn đến thái độ sùng bái kinh nghiệm Liên Xô và Trung
Quốc, áp dụng một cách máy móc chủ nghĩa Staline và chủ nghĩa Mao Trạch Đông, dẫn
đến chế độ độc đảng, độc đóan, đi ngược lại trào lưu dân chủ của thời đại. Do đề
cao nguyên lý đảng cộng sản lãnh đạo thường xuyên, toàn diện và tuyệt đối nên
pháp luật bị coi rất nhẹ, đảng trùm lên bộ maý nhà nước, quyền công dân bị vi
phạm rất nặng nề. Ông cũng chưa thoát khỏi ý thức hệ phong kiến, nên chế độ ở
miền Bắc mang tính chất bảo thủ, trì trệ, theo một kiểu quan liêu mang tính chất
đẳng cấp nặng nề.
Cùng với người lãnh đạo khác của đảng cộng sản, ông Hồ Chí Minh chịu phần trách
nhiệm không nhỏ đối với tình hình đất nước ta trong mấy chục năm qua, dẫn đến
cuộc khủng hoảng trầm trọng hiện nay, với biết bao thảm họa và bất hạnh cho các
tầng lớp nhân dân. Lịch sử rất công bằng. Thế hệ hiện nay và mai sau sẽ còn
đánh giá ông Hồ một cách đầy đủ hơn nữa. Dưới sự lãnh đạo của ông và đảng cộng
sản, nền độc lập đã phải trả giá quá đắt về sinh mạng, tài sản và thời gian. Và
sau đó, chủ nghĩa xã hội trên thực tế là một chế độ nghèo khổ, bất công và phi
lý cần phải gạt bỏ dứt khoát.
Ông Hồ Chí Minh là người cộng sản đóng vai trò chủ yếu đưa chủ nghĩa Mác, chủ
nghĩa Lenine đồng thời cũng đưa chủ nghĩa Staline chủ nghĩa Mao Trạch Đông vào
Việt Nam. Ông cũng đóng vai trò chủ yếu trong chủ trương xây dựng chủ nghĩa xã
hội hiện thực ở miền Bắc (sau 1954) với tất cả những sai lầm duy ý chí, nôn
nóng, giáo điều và tệ quan liêu, bao cấp, được thực hiện trong cả nước từ năm
1975. Có thể là ông có thiện chí, có ý định tốt? Nhưng ý định tốt không đủ. Chủ
nghĩa xã hội hiện thực ở Việt Nam cũng như ở các nước khác lâm vào khủng hoảng
trầm trọng, không tìm ra được sức sống, ngược lại với mục tiêu và lý luận sách
vở của nó. Nếu còn sống, tất nhiên ông Hồ cũng phải xem xét lại tất cả từ ngọn
nguồn, tận gốc. Cho nên Đại Hội 7 Đảng Cộng sản nhắc đi nhắc lại rằng "Con
đường xây dựng chủ nghĩa xã hội là duy nhất đứng đắn vì đã do Bác Hồ lựa chọn"
là nói lấy được, là áp đặt, không có lý và hoàn toàn không có sức thuyết phục.
Có một anh bạn khi trao đổi ý kiến với tôi nhận xét rằng:
Lúc khởi đầu ông Hồ đã coi tranh đấu giành độc lập cho đất nước là mục tiêu, sự
ủng hộ của đế tam quốc tế của các đảng cộng sản là biện pháp. Về sau ông lại
coi muc đích là chủ nghĩa cộng sản, sai lầm là ở đó. Đây là một vấn đề cần bàn
luận thêm cho kỹ lưỡng. Đã có nhiều bài viết nhận định: ông Hồ là người yêu nước
hay người cộng sản? hay cả hai? mỗi phần là bao nhiêu? Theo tôi, chủ trương xây
dựng chủ nghĩa xã hội không sai, mà sai ở chỗ chủ nghĩa xã hội nào? Đường đi nước
bước sao cho thích hợp? Vì nếu quan niệm chủ nghĩa xã hội thật sự là một nền
dân chủ cao, có công bằng xã hội, quyền tự quản của người lao động thật sự được
đảm bảo, năng xuất lao động ngày càng cao, sản phẩm làm ra ngày càng dồi dào,
được phân phối hợp lý, và có đủ biện pháp để thực hiện đúng như vậy thì tốt qúa
chứ! Trên thực tế chủ nghĩa xã hội ở trong tất cả các nước không thực hiện được
như thế, lại làm trái hẳn với những mục tiêu cao quý ấy, nên bị phá sản là lẽ
đương nhiên.
Còn những ông Lê Duẩn, Trường Chính, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Võ Nguyên
Giáp, Lê Đức Thọ...ra sao? Đánh giá cho đầy đủ và chính xác một con người thật
là khó. Tôi đã được tiếp xúc khá nhiều với các ông trên đây, trong một thời
gian dài. Tháng 2. 1983, ban Bí thư trung ương đảng cộng sản Việt Nam, quyết định
cử ông Thép Mới và tôi làm công việc viết hồi ký cho ông Lê Duẩn. Công việc dự
định trong vài năm. Trước hết là nghe ông Lê Duẩn tự kể, sau đó cùng nhau bàn về
nội dung, dàn bài, rồi phân công về lại những nơi ông từng hoạt động lấy thêm
tư liệu tại chỗ để viết được phong phú và sinh động. Chúng tôi mới làm được 4
buổi ở nhà nghỉ Quảng Bá, nghe ông Lê Duẩn kể. Về sau bị ngừng lại do nhiều
công việc khác cuốn hút, vì không ai chuyên làm công việc này cả. Mùa hè năm
1985, tôi lại được chỉ định tham gia ban viết hồi ký cho ông Trương Chinh bao gồm
các ông: Hoàng Tùng, Trần Quang Huy, Nguyễn Văn Phùng...Công việc đang triển
khai thì ông Trương Chinh mất. Tôi từng nhiều lần đi theo đại tướng Võ Nguyên
Giáp thăm các đơn vị quân đội, các địa phương và một số nước: Trung Quốc, Liên
Xô, CHDC Đức, Ba Lan, Hung ga rị..Tôi cũng làm việc gần ông Lê Đức Thọ, đặc biệt
là trong thời gian chiến dịch Hồ Chí Minh đầu năm 1975, và từ đầu năm 1979 đến
năm 1981 ở Cam pu chia, khi ông trực tiếp đảm nhận chỉ đạo việc giải phóng và
giúp xây dựng Cam pu chia.
Nét chung của các ông là tận tụy cho mục tiêu và sự nghiệp cách mạng, rất tin
tưởng và tự tin ở công việc minh làm, sống dản dị, có tấm lòng cởi mở thân tình
với xung quanh. Các ông đều tiếp thu phong cách sống của chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chính từ những nét ưu điểm ấy mà có những nét dở, những nhược điểm lớn dẫn đến
sai lầm. Vì quá tự tin và quá tin nên tinh thần phê phán rất yếu. Do niềm tin
còn phần chủ quan, mù quáng nên thái độ hoài nghi rất cần thiết cho nghiên cứu
khoa học- quá yếu. Do đó tệ duy ý chí phát triển mạnh, nhất là sau toàn thắng.
Khó nhất là đánh Mỹ mà đã đánh thắng thì không còn việc gì khó khăn nữa cả, dế ợt!
ý thức dân chủ rất yếu, có lẽ vì các ông đều chưa sống qua một xã hội dân chủ,
có ra nước ngoài thì phần lớn là các nước xã hội chủ nghĩa. Các ông lại thoát
thái từ xã hội phong kiến và thuộc địa nên đi làm cách mạng mà tác phong quan
liêu, quan dạng còn khá rõ. Do đó mà không khí gia đình, nể nang, gượng nhẹ với
nhau, dĩ hòa vi quý rất nặng nề. Có một câu chuyện khá kỳ lạ mà có thật. Năm
1987, đoàn cán bộ của Ban Tổ chức chính quyền đi tham quan Liên Xô và Cộng hòa
dân chủ Đức để nghiên cứu về cách làm việc của bộ máy nhà nước và bộ maý đảng ở
Moscou và Berlin. Khi trở về, đối chiếu với tình hình Việt Nam, thì té ra ở Hà
Nội, tất cả các ủy viên bộ Chính trị đều không hề làm việc ở cơ quan của trung
ương, mà mỗi vị đều làm việc tại gia!
Trụ sở của Trung ương đang đặt tại trường Albert Sarraut cũ. ở đó có phòng họp
lớn của Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Các vị ủy viên Bộ Chính trị đều làm việc tại
nhà riêng, trên các đường phố khác nhau, thường cách xa nhau. Mỗi nhà thường là
một biệt thự được sửa sang, mở rộng để có đủ chỗ ở cho gia đình, cho văn phòng,
thư ký, lái xe và đơn vị bảo vệ. Văn phòng thường có từ 6, 7 đến mười, mười hai
người. Có chánh văn phòng, phó văn phòng, thư ký hành chính, thư ký lo chương
trình hoạt động, trợ lý về văn thư, báo chí, kinh tế, ngoại giaọ..lại có cả
phòng viên chụp ảnh riêng. Ngoài ra còn tiếp phẩm (đi chợ mua bán), người nấucơm,
người phục vụ cơm nước... tản mát nên chỉ khổ cho Chánh văn phòng trung ương đảng.
Vì muốn xin ý kiến tập thể bộ Chính Trị, phải ghé đến lần lượt đủ 13 hay 14
ngôi nhà, ghi chép ý kiến đầy đủ, thông báo những ý kiến ấy, làm trung gian
trao đi đổi lại, thật nhiêu khê, vất vả...Gần đây mới có chấn chỉnh để mỗi ủy
viên bộ chính trị có một phòng làm việc ở gần nhau. Một cán bộ ở văn phòng
Trung ương đảng đang than vãn với tôi: Có lẽ trên thế giới không có một đảng cầm
quyền nào mà các ủy viên Bộ Chính trị lại chuyên làm việc tại gia và phân tán đến
như thế này! Nó tồn tại tự lâu mà không ai nhận ra sự vô lý, cái tác phong thủ
cựu quan liêu lại du kích, tản mạn và tùy tiện để sửa chữa cả!
Về ông Lê Duẩn, ông là một con người khá sắc sảo. Hồi kháng chiến chống Pháp
ông được mệnh danh là ông "cent bougies" (trăm nến) nghĩa là hiểu biết,
sáng suốt. Hồi đó với những ý kiến vận động trí thức, giải quyết vấn đề tôn
giáo một cách kiên trì và khôn khéo, không tả khuynh, vội vã...được anh em cán
bộ ở miền Nam rất chịu. Ông làm thư ký hỏa xa rồi đi hoạt động. Ông nắm những
khái niệm lý luận, triết học, chính trị kinh tế học bằng tiếng Pháp, từ nhà tù
Côn đảo, nhưng lại không giảng giải được bầng tiếng Pháp. Ông thường nhắc đến khái
niệm ấy như: quantité và qualité, contradiction, transformation, Paupérisation
relative và absolue, valeur marchandẹ..Ông rất tự tin và suy nghĩ bằng tư duy của
mình, có tinh thần độc lập và có sáng tạo. Ông sớm có ý định dùng bạo lực cách
mạng chống lại bạo lực đàn áp ở miền Nam sau Hiệp định Genève. Ông để xuất xây
dựng gấp các quả đấm thép lớn (các quân đoàn như 1, 2, 3, 4 lần lượt được xây dựng
những năm 1973, 1974) để chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công lớn. Ông có nhận thức
sắc sảo về thời cơ. Chiến dịch mùa xuân 1975 trước định nhằm mở ra một quá
trình kết thúc cuộc chiến tranh trong hai năm, sau rút lại để kết thúc cuộc chiến
tranh trong một năm, sau rút lại để kết thúc trong hai tháng, là do đề xuất của
ông. Từ cuối tháng 12. 1974, ông đã có ý kiến bên cạnh kế hoạch được bàn bạc và
quyết định, cần chuẩn bị thêm "kế hoạch thời cơ" để tận dụng điều kiện
thuận lợi mới, kết thúc thật nhanh cuộc chiến tranh.
Trong quan hệ với cán bộ, ông ít có những cuộc chuyện trò chân tình, tâm giao,
ông cũng ít quan tâm đến người khác. Có những nhà báo gặp ông nhiều lần, hỏi
chuyện vài lần, nhưng sau đó gặp lại ông cũng không nhận ra. Trong chuyến đi
thăm Ấn Độ năm 1985, ông chẳng để ý gì đến anh em phục vụ đi theo đoàn là những
ai, làm gì, công việc ra sao, ông chỉ quan hệ với mấy ủy viên bộ chính trị và
žy viên trung ương cùng đi, anh em chụp ảnh, quay phim, làm tin tức, bảo vệ,
lãnh sự, an ninh...không hề được ông hỏi han đến, khác hẳn với tác phong ông Hồ
Chí Minh và các vị khác. Cứ mỗi buổi sáng, ông chỉ ăn sáng với một trợ lý sắp xếp
chương trình, với tôi để nghe tổng hợp tin tức trong đêm qua và chị Tôn nữ thị
Ninh phiên dịch để trao đổi về nội dung sẽ làm việc trong ngày. Anh em cùng đi
đều chung một nhận xét: ông ít quan tâm đến người phục vụ bên dưới.
Ông gần như không bao giờ tự viết mà chỉ nói, nhưng nói theo luồng suy nghĩ tức
thời, giọng lại lắp bắp nên rất khó nghe. Đây là cảm tưởng chung của mọi người.
Ai cũng cảm thấy mệt khi cố tìm hiểu xem ông định nói gì. Một kiểu nói không cần
gì đến văn phạm cả!
ở ông, sự tự khẳng định mình có lúc đi đến chổ tự kiêu và chủ quan, ông vẫn
nghĩ rằng chủ trương dùng bạo lực được đưa vào nghị quyết Trung ương lần thứ 15
hồi đầu năm 1960 là do ông đề xuất ra trong thời gian hoạt động ở miền Nam, sau
Hiệp định Geneve, ông đã suy ngẫm về tình hình trong những tháng ở Rạch giá, U-
minh, Cà Mâu, Bạc Liêu và về ở Chợ Lớn trong nhà một cơ sở để thảo ra bản đề
cương cho cách mạng miền Nam. Những khái niệm đấu tranh vũ trang kết hợp đấu
tranh chính trị, đấu tranh trong cả ba vùng chiến lược: nông thôn, thành thị, rừng
núi, bằng ba mũi giáp công: chính trị, quân sự, binh vận, bằng ba thứ quân: chủ
lực, địa phương và du kích...đã được hình thành từ đó. Ông đã tổng kết các cuộc
đồng khới tự phát ở Trà Bồng, ớ Bác i (Nam trung bộ) và ở Mỏ Cầy (Bến tre) để
phát triển quan niệm khởi nghĩa của quần chúng. Thật ra sau này, ông Trường
Chinh cho biết và cũng theo Bản tổng kết lịch sử đảng, thì đã có sự trùng hợp ý
kiến của ông Lê Duẩn với những ý kiến của những người khác. Ông Trường Chinh đã
kể cho tôi hồi đầu năm 1985 rằng: "ý kiến anh Ba về bạo lực đấu tranh cách
mạng không phải là ý kiến duy nhất, cũng không phải là ý kiến sớm nhất".
Tự kiêu và chủ quan rõ hơn là khi ông kể về bản thân mình và lại so sánh với chủ
tịch Hồ Chí Minh. Tôi còn nhớ rất rõ, trong 4 buổi sáng, năm 1983 ở nhà nghỉ Quảng
Bá Hà Nội, có mặt ông Hoàng Tùng (lúc ấy là ủy viên ban bí thư, phụ trách công
tác tư tưởng), ông Đống Ngạc (trợ lý Tổng bí thư), ông Nguyễn Cận (người tham
gia sưu tầm và giới thiệu những bức thư gửi vào Nam), ông Thép Mới và tôi (đều ở
báo Nhân Dân), ông Lê Duẩn đã kể lại trên đại thể quá trình hoạt động của ông.
Có ba lần ông cao hứng, tự nói về những đóng góp xuất sắc của mình, và tự so
sánh với ông Hồ Chí Minh, ông nói: "Tôi à, tôi hơn bác Hồ chớ. Này nhé bác
Hồ mở mồm ra là nói nhân, nghĩa, lễ, trí, tín- Đó là gì? là phong kiến, là lạc
hậu rồi. Tôi à, tôi nói: làm chủ tập thể. Đó là lập trường công nhân, tư tưởng
công nhân..."
Một lần khác ông kể: "Sau Hiệp định Geneve, bác Hồ còn nghĩ tới tổng tuyển
cử. Đó là gì? Là ảo tưởng! Tôi à, tôi hơn bác Hồ chớ. Tôi nghĩ ngay đến bạo lực.
Tôi bảo anh em chôn súng. Tôi bàn với anh em để lại lực lượng ở miền Nam không
tập kết hết cả đâu nhé..."
Lại một buổi khác ông thích thú: "Tôi à, tôi hơn bác Hồ chớ!
Bác sang Liên Xô và Trung Quốc, nghe Staline và Mao bảo gì là vâng vâng hết!
Tôi à, tôi dám cãi lại với Krouchev, tôi dám cãi lại với Mao. "
Đó là căn bệnh chủ quan và kiêu ngạo không kiềm chế nổi. Nếu quả thật ông Lê Duẩn
hơn ông Hồ Chí Minh thì là điều đáng mừng, hậu sinh khả úy. Thế nhưng đấy đều
là những điều ông Lê Duẩn tự ngộ nhận (nhà báo Thép Mới ngay sau đó viết loạt
bài Thời thắng Mỹ, sau được in thành sách, bị phê phán là: bồi bút, xu nịnh, cơ
hội, tự sát về nhân cách...). Cái sáng tạo của ông về "làm chủ tập thể",
đã làm tốn không biết bao giấy mực bàn cãi, hội thảo!...mà không thấy có gì hay
hơn, cao hơn là khải niệm dân chủ, nên đã bị gác lại sau khi ông qua đời.
Trong suy nghĩ của ông Lê Duẩn, có điều gì đó cực đoan. Đó là từ hồi 1977 đến
1980, 1982, ông thường nhận xét: "Bọn bành trướng bá quyền Trung Quốc luôn
là kẻ thù của đất nước ta- Tôi thấy điều đó ngay từ hồi Nixon sang Trung Quốc,
và tôi đã nói ngay sau khi toàn thắng là phải rất cảnh giác, phải rất coi chừng
bọn bành trướng Trung Quốc- Chúng vốn thù địch với ta và chắc chắn còn thù địch
với ta hàng trăm năm nữa!"
Trong xây dựng đất nước ông ít có sáng kiến đáng kể. Đến nay người ta vẫn còn
kêu về ông, nhất là về hai chủ trương ghép một số tỉnh và lấy huyện làm đơn vị
chiến lược về kimh tế. Có người gọi đó là những cơn ngẫu hứng tai hại của Tổng
bí thư. Sau ngày Toàn Thấng, ông nghĩ rằng phải ghép tỉnh để mỗi tỉnh có từ
trên 1 triệu đến 2 triệu dân mới có thể thành một đơn vị để xây dựng. Việc này
không được Quốc hội bàn đến để cân nhấc lợi hại. Thế là ghép tỉnh, Hà Đông, Sơn
Tây với Hòa Bình thành Hà Sơn Bình, Hà nam, Nam Định với Ninh Bình thành Hà-
Nam- Ninh, Hải Dương và Hưng Yên thành Hải- Hưng, Quảng Bình, Quảng Trị với Thừa
Thiên thành Bình- Trị- Thiên, Quảng Ngãi với Bình Định thành Nghĩa- Bình, Phú
yên với Khánh Hòa thành Phú- Khánh...Việc hợp tỉnh rất tốn kém, lại gây nên mất
đoàn kết kéo dài. Bí thư với phó bí thứ tỉnh ủy, chủ tịch, phó chủ tịch žy ban
nhân dân, các giám đốc sở xếp rất gay go. Phải mặc cả tỉnh cũ này giữ ghế này,
tỉnh cũ kia giữ ghế kia cho thăng bằng! Rồi ông này bênh tỉnh cũ của mình, bà
kia "trù" cán bộ của tỉnh (cũ) kia cứ như thế công việc lằng nhằng,
chỉ đối phó nhau trong nội bộ đã mất thời gian và mất sức! Đã vậy lại có tỉnh
quá dài, đến mấy trăm km. Bình- trị- thiên, từ dèo Ngang vào đến dèo Hải Vân
dài hơn 200km, tỉnh không sao ôm xuể, năm 1990 lại phải chia lại làm ba tỉnh.
Phú Khánh cũng thế, lại phải chia lại làm hai: Khánh Hòa và Phú Yên.
Anh chị em cán bộ còn kháo nhau: ngoài cái vụ hợp nhất các tỉnh và các huyện
ra, tai hại hơn là hồi 1983, ông Duẩn cao hứng đề xuất việc đưa cấp huyện lên
trở thành cấp chiến lược, khác với xưa nay, huyện là cấp trung gian giữa xã và
tỉnh. Theo hướng ấy, 400 huyện sẽ là 400 đơn vị kinh tế cơ bản hoàn chỉnh. Thế
là cơ quan tất cả các huyện bành trướng rất nhanh, mỗi huyện có đến 30, 40 công
ty khác nhau, cùng với hơn 20 phòng chuyên môn! Biên chế tăng, ngân sách chi trả
về tiền lương tăng, mà hiệu quả thì không rõ! Sau gần ba năm triển khai, từ khi
ông Duẩn mất, chẳng còn ai mặn mà với cấp huyện nữa. Trong điều kiện kinh tế hiện
nay, bầy biện càng lắm mà không có đủ nguyên vật liệu, tài chính thì chỉ thêm lảng
phí và cách bức. Gần đây đã phải thu hẹp biến chế cấp huyện, chấm dứt một cuộc
phiêu lưu về tổ chức. Đất nước đã nghèo lại nghèo thêm là từ những chủ trương
ngẫu hứng của người lãnh đạo như vậy đó. Người ta than thở: "Cụ" mất
rồi mà nay việc dọn dẹp những bãi rác "cụ" để lại vẫn còn mất biết
bao công của và thời gian..."
Đây là những vấn đề cho chúng ta suy ngẫm để rút kinh nghiệm cho việc xây dựng
một chính quyền thật sự dân chủ, có hiểu biết sâu rộng và vững chắc.
Về ông Trường Chinh (Đặng Xuân Khu), điểm nổi bật là trình độ hiểu biết khá sâu
rộng. Ông chịu khó đọc sách và suy nghĩ. Trung văn và Pháp văn ông đều am hiểu
khá. Ông chăm chỉ và cẩn thận. Cho nên có lúc người ta đã đặt bí danh cho ông
là Thận, anh "Thận" bên cạnh bí danh cũ "anh Nhân". Ông cẩn
thận đến từng câu, từng chữ, từng dấu chấm, dấu phẩy. Khi nói cũng thế, ông nói
rõ, đúng văn phạm, từ tốn, chuẩn xác, từng câu, từng chữ một. Ông có làm thơ
(ký tên Sóng Hồng) nhưng thơ không thật là thơ, thiếu ý thơ, thiên về sáo ngữ
và có tính cách hô hào mà thiếu âm hướng sâu bền. Văn chính luận của ông rõ
ràng, khúc chiết, lập luận chặt chẽ- Sau sai lầm cải cách ruộng đất mà ông trực
tiếp chịu trách nhiệm, ông hầu như không muốn nhắc đến chuyện ấy nữa. Ông có
cái nhìn rất nghiêm khắc, đòi hỏi ở xung quanh nếp sống đúng giờ giấc, kỷ luật,
viết và nói đúng như nghị quyết, luôn luôn giữ đứng lập trường của đảng. Một
thiếu sót của ông về sau là thiếu hẳn sự tiếp xúc với nhân dân. Theo những lời
ông kể (ông Nguyễn Văn Phùng, phó Viên trưởng viện lịch sự đảng, và tôi là hai
người được nghe ông kể trong 6 buổi sáng ở Đà Lạt tháng 6 năm 1985) thì thời hoạt
động bí mật, ông có những chủ trương và phong cách khá đặc sắc. Ông hoạt động rất
khôn khéo, tháo vát, nhiều lần tránh được các cuộc vây bắt của mật thám. Khi
thì giả người dạy học, người đi buôn, khi thì giả lái đò, viên chức nhỏ. Hồi
trước Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, có người muốn đưa ATK (An toàn khu) của
trung ương đảng cộng sản lên vùng rừng núi, vùng biên giới Việt- Trung, nhưng
ông một mực giữ chủ trương ATK phải ở gần thủ đô Hà Nội, không quá một ngày đường
đi xe đạp để bắt mạch được tình hình trong nước và thế giới. Ông tạo được cơ sở
là một nhóm công nhân ở nhà in TAUPIN. Chiều nào Phủ toàn quyền Đông Dương cũng
cho một người Pháp đưa đến in một thông báo nội bộ về tình hình chiến sự, tình
hình thế giới và trong nước, in ra chừng 60 bản để phát cho quan chức Pháp cấp
cao. Hai anh công nhân bao giờ cũng in thử và giữ lại một bản mô- rát (bản mô-
rát chính thì người Pháp đốt trước khi rời nhà in). Ngay tối hôm ấy bản mô- rát
được đưa lên ATK ở vùng Đông Anh hoặc Bắc Ninh. Ông cũng có cơ sở trong một
viên chức ở Hà Nội, có đài thu thanh, ông này thường ghi lại những tin tức
chính, hàng ngày có người đến nhận để mang lên ATK. Ông Trường Chinh đã viết chỉ
thị "Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" trong điều kiện ấy.
Từ khi không làm Tổng bí thư nữa, vị trí của ông giảm hẳn. Khi ông là Chủ tịch
Quốc hội, tôi đã đi theo đòan của ông đi thăm các địa phương ở Bình trị Thiên
và Nam Bộ. Chẳng còn là ông Nhân xưa đi xe đạp trong kháng chiến, ghé các nhà
cơ sở ăn khoai luộc với muối, uống nước chè xanh...Lúc nào cũng là đoàn xe
Volga bóng lộn, người đưa kẻ đón, diễn văn, tiệc tùng...Sức khỏe cũng không cho
ông xông xáo như xưa. Những lời phát biểu của ông ngày càng hình thức, cứng nhắc.
Tôi thấy cần công bằng với ông ở hai điểm: Hồi 1960 khi có cuộc tranh luận lớn
trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế và do đó trong đảng cộng sản Việt
Nam có những khuynh hướng khác nhau. Ông lúc đầu đã có chủ trương tán thành nội
dung đại hội 20 đảng cộng sản Liên Xô, lên án tệ sùng bái cá nhân Staline và
tán thành đường lối chung sống hòa bình do Krouchev khởi xướng. Về sau chính
ông Lê Duẩn đã chủ trương ngả về phía Trung Quốc và lôi cuốn cả Bộ Chính trị và
Trung ương theo hướng đó. Những ai không tán thành đều bị chụp mũ là "xét
lại", là "chống đảng". Do bản tính dĩ hòa vi quý, lại ở trong thế
yếu, nên ông Trường Chinh không có phản ứng gì. Đến năm 1986, khi thấy ông Lê
Duẩn vừa mất, đảm nhận chức quyền Tổng bí thư, ông đã có ý thức trách nhiệm rõ
rệt, tiếp nhận xu hướng đổi mới dứt khoát của Liên Xô và phác họa ra cả một kế
hoạch đổi mới rất rõ nét, có bài bản cho Việt Nam. Uy tín ông dâng lên, cho nên
đến Đại hội 6, khá đông đoàn đại biểu (mà khởi đầu là đại hội đảng toàn quân đội)
đã đề xuất bộ ba mới sẽ là: ông Trường Chinh làm Tổng bí thư, ông Phạm Văn Đồng
làm chủ tịch Hội đồng nhà nước và đại tướng Võ Nguyên Giáp làm chủ tịch Hội đồng
bộ trưởng. Sự sắp xếp này đã bị ông Lê Đức Thọ phá vỡ bằng cách viết thư thuyết
phục (trên thực tế là ép) hai ông Trương Chinh và Phạm Văn Đồng cùng với chính
ông ta thôi không tham gia trung ương nữa, chỉ nhận chức cố vấn Ban chấp hành
trung ương đảng. Hiện nay vẫn còn khá nhiều đại biểu dự đại hội VI luyến tiếc sự
sắp xếp trên kia và nhận xét: Đại hội VI là đại hội của ông Sáu (tên thường gọi
của ông Lê Đức Thọ).
Vào lúc cuối đời, ông có một nét nhỏ làm tôi suy nghĩ và nhớ mãi. Hồi tháng 6.
1985 khi ông cùng gia đình đi nghỉ ba tuần ở Đà Lạt, ông yêu cầụ ông Nguyễn Văn
Phùng ở Viện nghiên cứu lịch sử đảng và tôi đi theo để làm việc. Một hôm sau
khi kể xong, nghỉ chờ ăn cơm, ông kéo riêng tôi vào buồng ngủ (đây là biệt dinh
1, nơi nghỉ của vua Bảo Đại và gia đình hồi xưa), chỉ chiếc giường có nệm gấm
vàng thêu rồng và chăn vàng thêu phựơng cùng với hai chiếc gối gấm vàng, chúm
miệng lại nói rất nhỏ như để khoe: Chú vào đây, chú biết không, đây là phòng ngủ,
kia là giường, nệm, chăn, gối của vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương đó! Lúc ấy
bà Trường Chinh ngồi ngay trên chiếc ghế ở trong phòng.
Tôi vừa buồn cười, vừa sửng sốt đến ngỡ ngàng. Hóa ra một vị lãnh đạo công sản
kỳ cựu, từng chủ trương lật đổ ngai vàng này lại tỏ ra thích thú và xúc động đến
thế, khi được ngủ trong phòng, đắp chăn và dùng gối nệm đầy những biểu tượng rồng
phượng của hoàng đế và hoàng hậu thời xưa!.
Khi bàn với chúng tôi về viết giúp ông cuốn hồi ký, ông Trường Chinh nhận xét:
"Chớ có viết như loạt bài Thời thắng Mỹ của Thép Mới. Nói không đúng sự thật.
Hay gì cái thói thổi phóng, thêu dệt! Đó là thái độ cuả kẻ cơ hội- Mà người ta
còn sống cả kia mà! Viết thế là hại cho anh Ba (ông Lê Duẩn). Cũng chớ có viết
như Đại Thắng mùa xuân (của tướng Văn Tiến Dũng, Hồng Hà ghi), nói không đúng sự
thật, các chú không biết sao! Khi in thành sách đã phải chữa đến hơn 30 chỗ, ai
biết người ta cười cho!"
Hai ngày trước khi ông mất đột ngột, ông đã gặp những người đang giúp ông viết
Hồi Ký. Ông ngã khi đang lên thang gác, đầu va phải bậc đá. Chiếc ảnh ông chụp
hôm ắy với chúng tôi là bức ảnh cuối cùng của ông.
Về ông Phạm Văn Đồng, tôi có một sự kính trọng và quý mến từ lâu. Ông đựơc cán
bộ và nhân dân quý trọng về cách sống dản dị, thái độ ngay thật, có văn hóa. Cuộc
đời riêng của ông buộc ông phải chịu đựng với nghị lực cao. Vợ ông, một người đẹp
ở hiệu kem Zephir trước cửa hàng Thủy tạ, bờ hồ Hoàn Kiếm, từng giúp đỡ các chiến
sĩ cách mạng thời kỳ bí mật, đã bị ốm khi ông cùng bà từ Liên khu năm lên Việt
Bắc năm 1949. Bà bị bệnh tâm thần ở thể u uất rất nặng, chỉ ngồi thừ một chỗ,
rũ rượi, u buồn. Hai ông bà có một con trai rất ngoan, học giỏi, một thời ở
trong quân đội, nay đã hơn 40 tuổi. Dương, tên anh_ là nguồn an ủi lớn của ông.
Thường cứ tối thứ bẩy ông đến ăn cơm với vợ, với cái nghĩa vợ chồng chung thủy.
Những ngày thường, ông sống một mình với công việc, đọc sách, nghe đài- Từ ba
năm nay mắt ông gần như lòa hẳn, không hồi phục được. Ông thường giải trí bằng
cách nghe đọc những đoạn văn hay của Victor Hugo và Anatole Francẹ..sau khi đi
bách bộ sáng và chiều, mối buổi cố đi được 2 đến 3 km.
Ông là một người trí thức chịu khó tìm hiểu tình hình và suy nghĩ, có tấm lòng
với đất nước. Ông rất dễ xúc động, có lúc rơi nước mắt trước những thân phận
xót xa của con người, nhất là cúa trẻ em và phụ nữ. Ông từng có những tác phẩm
khá tốt như bài viết dài in thành sách về Nguyễn Trãi, nhân kỷ niệm 600 năm
ngày sinh của nhân vật kiệt xuất của dân tộc được cả thế giới ngưỡng mộ như một
danh nhân.
Nhưng nhiều anh chị em trí thức vừa thương, lại vừa chê ông vì sự nhu nhược khi
làm trong cơ chế. Tôi đã nghe ông than vãn đến 6 lần: "Tôi là thủ tướng
nhiều tuổi nhất (ông làm thủ tướng đến tuổi hơn 70), nhưng cũng là thủ tướng bất
lực nhất!" Rồi ông trần tình: "Tôi không có quyền, tôi nói mà chẳng
ai nghe cả- Đến thay đổi một thứ trướng, tôi đề nghị thôi mà cũng không được,
chưa nói đến chọn bộ trưởng!"
Người ta trách ông: sao ông không đấu tranh, không đặt vấn đề trách nhiệm đi
đôi với quyền lực, ông không có quyền thì còn ai có quyền nữa. Thế nhưng rồi ai
cũng thông cảm với ông vì cái cơ chế này nó kỳ lắm, đảng tự đặt trên chính quyền,
dẫm chân lên chính quyền, dựa trên một nguyên tắc nhắc đi nhắc lại hoài như một
chân lý: đảng lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện và thường xuyên. Như về lựa chọn
cán bộ, thì Ban tổ chức trung ương đảng quyết định tất cả, chính phủ chỉ cúi đầu
chấp nhận. Ông là người ít nói nhất trong bộ Chính trị- Có lẽ vì ông nhẫn nhục,
ông dứng ngoài mọi sự cạnh tranh, đua tranh về quyền lực, về phe nhóm. Ông chỉ
phát biểu khi thật cần, và những câu thường có trọng lượng giầu suy nghĩ. Đó là
cuối năm 1974, khi thảo luận về quyết tâm trong mùa xuân 1975, ông phát biểu:
"Về khả năng phản ứng của chính phủ Mỹ, tôi đã suy nghĩ về vấn đề này hơn
tuần này và có thể khẳng định: chuyến này cho ăn kẹo chính phủ Mỹ cũng không
quay trở lại can thiệp đâu, ta cứ mạnh dạn mà làm ăn. Ta cứ đưa hết quân chiến
đấu vào miền Nam đi- Vâng, cho ăn kẹo Mỹ cũng không trở lại nữa!"- ông cười.
Thường là ông nói xong là cười rất hồn nhiên, sáng khoải, một tràng cưòi rộ ra
rất thoải máị..
Ông sống ngay thẳng có công tâm, trong sạch. Ông sống co lại, gần như cô độc.
Khi người thư ký riêng của ông- nhà khoa học cũng là nhà thơ VIT PHƯƠNG- bị đối
xử oan uổng, bị chụp mũ là "xét lại" chỉ vì vài câu thơ bộc trực, lên
án những thói xấu ở đời, ông cũng chỉ im lặng, không hùa theo để lên án, nhưng
cũng chẳng bênh vực. Cho đến khi sóng yên bể lặng, ông Việt Phương trở lại làm
việc ở viện Quản Lý kinh tế thì ông lại vời ông Phương đến để dùng tài vào việc
viết lách giúp ông...Con người ông là thế đó. Có lẽ kinh nghiệm lớn nhất về ông
Phạm Văn Đồng là: một con người có tâm huyết, có hiểu biết khá rộng, thông minh
và sắc sảo đã bị cơ chế cứng ngắc làm cho vô hiệu. Vấn đề quyết định là cơ chế,
một cơ chế hỏng sẽ cản trở mọi tài năng và tâm huyết.
Còn đại tướng Võ Nguyễn Giáp? Tôi từng biết ông từ rất lâu, tháng 9. 1945, khi
ông đến lớp Quân chính ở trường Đỗ Hữu Vỵ giảng về chiến tranh du kích, về vai
trò của đấu tranh vũ trang trong đấu tranh cách mạng. Tôi cũng gặp ông ở Hội
nghĩ về chiến tranh du kích ở Bình Trị Thiên. Sau đó là những cuộc Hội nghị
quân chính hàng năm. Năm 1975, ông vào Sài Gòn mấy ngày sau Toàn thắng. Tôi còn
nhớ hôm ấy, ngày 7. 5 thì phải, ông được đón từ sân bay Tân Sơn Nhất vê Đinh Độc
Lập mới trở thành "Nhà khách của chính phủ". Đêm đó một viên tướng
trong ủy ban quân quản ngỏ lời: "Thưa anh, chúng tôi có chiếc đàn dương cầm
loại tốt lấy được trong căn cứ quân sự, xin để gửi anh chơi thử. " Tôi thấy
đại tướng Giáp nổi giận quắc mắt: Sao lại vậy? Không được! Tôi mà nhận đàn
dương cầm thì anh em khác nhận gì? Không được. Kỷ luật chiến lợi phẩm phải
nghiêm từ trên xuống dưới". Tôi càng quý thêm ông Giáp hôm ấy. Về sau chiến
lợi phẩm bị chia chác bừa bãi, mạnh ai nấy lấy, vì sau Đại hội đảng lần thứ tư
cuối năm 1976, ông Văn Tiến Dũng trên thực tế đã thay ông Giáp làm Bộ trưởng Bộ
Quốc Phòng.
Từ một ông tú, rồi ông cử (ông tốt nghiệp cử nhân luật khoa trường Đại học Hà Nội
năm 1936) rồi làm giáo sư sử học rất có tín nhiệm với học sinh (có học sinh còn
nhớ rõ ông từng say sưa giảng dạy về cách mạng Pháp năm 1789 và ca ngợi nhiệt
thành Denton, Marat, Robespierre ra saọ..)
Ông thông minh, có trí nhớ tốt, luôn ham mê đọc sách báo, hiểu biết mới mẻ, cho
đến tận bay giờ. Đến phòng làm việc của ông, sách đặt ngổn ngang có trật tự,
nhiều cuốn đang đáng dấu bằng các mẩu bìa, nơi cần đọc và tra cứu. (Mỗi lần đến
gặp ông tôi lại nhớ phòng làm việc và nhà ở của một đại tướng khác, cùng žy
viên bộ Chính trị cho đến hết đại hội đảng 5, xuất thân từ một cố nông ở Nghệ
An, sách rất nhiều, nhưng luôn là sách trang trí, xếp rất đẹp thành hàng thẳng
tắp, trong hàng loạt tủ kính và bao giờ cũng đứng nghiêm không động đậy như để
chờ duyệt binh vậy! Hai phong cách, từ hai nguồn văn hóa và tập quán giai cấp!...
Cán bộ quý trọng và tin cậy ông. Ông đào tạo được một đội ngũ sĩ quan trẻ, có học
thức, tận tụy và theo gương ông dản dị và liêm khiết. Chính tư duy khoa học, giỏi
biên chứng pháp mác xít từ tuổi trẻ đã giúp ông chỉ huy và lãnh đạo quân đội rất
nhanh nhạy và sâu sắc, trong công tác tổng kết ông nắm bắt mọi tình hình mới,
hiện tượng mới để tìm hiểu và nâng cao lên trong nhận thức. Khoa học quân sự được
chính ông đích thân phát triển và ông coi trọng việc quảng bá cho lớp lớp cán bộ-
Có thể nói những chiến thắng quân sự đã bắt nguồn từ đường lối chính trị và đường
lối quân sự đúng dắn. cương vị Bộ trưởng quốc phòng và Tổng tư lệnh, ông đã để
lại một dấu ấn khá sâu.
Cũng có thể nói số phận ông quả là lận dận. Năm 1982, ông bị đưa ra khỏi bộ
Chính Trị, chỉ còn là žy viên trung ương đảng, được phân công là Phó chủ tịch Hội
đồng bộ trưởng phụ trách về công tác khoa học. Ông còn kiêm nhiệm một số vấn đề
khác có tính chất mặt trận, có khi hiếu hỷ (trong các cuộc kỷ niệm), hoặc như
chủ tịch ủy ban sinh đẻ có kế hoạch (để một nhà báo phương Tây nói vui rằng:
chiến trường của đại tướng Giáp ngày nay là chiếc giường của những cấp vợ chồng
trẻ), còn văn học dân gian trên đường phố thì cho rằng thời buổi này thật lạ
lùng:
• Nhà chính trị đi làm thơ
• Nhà thơ đi làm kinh tế
• Còn thống chế đi đặt vòng...
trong nước và ở nước ngoài, người ta băn khoan đặt nhiều câu hỏi về đại tướng
Giáp- Vì sao ông lại bị đưa ra khỏi bộ Chính trị năm 1982 tại Đại hội V? Lúc ấy
cơ quan lãnh đạo giải thích rằng vì tuổi tác và sức khoẻ, dể nhường cho những
người trẻ hơn! Thế nhưng sao lúc ấy các ông Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Trường
Chinh...cũng cao tuổi, sức yếu lại không nhường cho người khác? Giải thích thế
là không ổn.
Trong đảng, ông Giáp ở vị trí rất cao và rất sớm. Ngay sau cách mạng tháng Tám
1945, Ban thường vụ trung ương đảng (ngang với Bộ Chính trị sau đó) chỉ có chủ
tịch Hồ Chí Minh, ông Võ Nguyên Giáp, ông Lê Đức Thọ và ông Hoàng Quốc Việt- Về
sau có thêm ông Nguyễn Lương Bằng (Sao Đỏ)- Ông Phạm Văn Đồng đến năm 1947 mới
vào Trung ương, ông Lê Duẩn sau này mới vào Bộ Chính trị.
trong hàng ngũ những cán bộ cao cấp, nhiều người cho rằng ông Lê Duẩn luôn có
thái độ chê bai và muốn hạ thấp vai trò cũng như uy tín của ông Giáp. Tôi đã dự
nhiều cuộc nói chuyện của ông Lê Duẩn sau năm 1975. Rõ rệt nhất là ở Tòa soạn
báo NHÂN DÂN tháng 3. 1983 nói chuyện với cán bộ từ hàng vụ trưởng trở lên, ông
ngang nhiên nói: "Hồi đó (hồi đánh Mỹ), bộ trưởng quốc phòng nhát như thỏ
đế, vừa dánh Mỹ mà vừa run như vậy này (ông co người lại run rẩy). Do đớ chúng
tôi không để cho chỉ huy, chúng tôi phải trực tiếp nắm tình hình và chỉ đạo chiến
tranh, và trên thực tế đã thay người khác trong nhiệm vụ Bộ trưởng Quốc
phòng...". một số cuộc họp khác, ở Hà Nội và Sài Gòn, ông cũng nói như vậy,
đả kích rõ rệt đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Thật ra không phải chỉ gần đây, mà từ năm 1962, ông Giáp đã bị gián tiếp đụng
chạm khá mạnh. Đó là thời kỳ đấu tranh quan điểm chuẩn bị cho hội nghị trung
ương lần thứ 9 cuối năm 1963. Cuộc Hội nghị 81 đảng cộng sản và công nhân thế
giới hồi năm 1960 diễn ra rất gay gắt, chia làm hai phe: Liên Xô và Trung Quốc-
Ai đứng đầu phong trào? Phong trào có một đầu hay hai đầu? Bên này gọi bên kia
là giáo điều, bảo thủ. Bên kia gọi bên này là xét lại, phản bội chủ nghĩa Mác-
Lê Nin. Mao đả Krouchev khá gay gắt và Krouchev cũng lên án Mao khá mạnh. Bộ
Chính trị đảng cộng sản Việt Nam dần dần ngả hẳn về phiá Mao. Mỗi buổi sáng dài
Hà Nội phát tất cả những văn kiện dông dài của đảng cộng sản Trung Quốc công
khai tranh luận với đảng cộng sản Liên Xô, "bảo vệ đến cùng, không khoan
nhượng sự trong sáng của chủ nghĩa Mác- Lê Nin và chủ nghĩa quốc tế vô sản.
"
Ông Giáp bị ông Lê Duẩn và ông Lê Đức Thọ "chiếu tướng" từ dạo ấy.
Năm 1964, cùng một lúc các cục trưởng tác chiến Đỗ Đức Kiên, cục trưởng quân
báo Nguyễn Minh Nghĩa, chánh văn phòng Bộ Quốc phòng Lê Minh Nghĩa bị bắt giữ.
Đây là ba trí thức trẻ xuất sắc thời thuộc Pháp, có trí tuệ và tâm huyết, thân
thiết với đại tướng Giáp suốt trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, về sau sang
Liên Xô học rất giỏi. Ông Kiên nguyên là kỹ sư nông nghiệp tốt nghiệp học viện
Phrunze với bằng đỏ. Tiếp đó là hàng chục sĩ quan bị bắt giữ, phần lớn là trí
thức. Sau khi đại tá Lê Vinh Quốc, chính ủy quân khu ba và thượng tá Văn Doãn-
Tổng biên tập báo Quân đội nhân dân, ở lại Liên xô không trở về nước vì bất đồng
chính kiến hồi cuối năm 1964, hàng loạt cán bộ báo quân đội nhân dân bị bắt
như: Hoàng Thế Dũng tổng biên tập, Trần Thư, Mai Luân, Mai Hiến, Đinh Chân...và
nhiều người khác bị xét hỏi. Một số người bị Ban bảo vệ Quân đội thẩm vấn và
trong các cuộc thẩm vấn thường có câu hỏi: "Đối với đại tướng Võ Nguyên
Giáp ra sao?
Đã gặp ông Giáp ở đâu, lúc nào, bàn những chuyện gì"
Có một giả thuyết trong suy nghĩ của một số tướng lĩnh tôi quen. Những người
này đã viết sách chưa được in, kiên quyết bác bỏ những lời nói có tính chất bôi
đen và vu cáo của ông Duẩn đối với ông Giáp. Họ chứng minh rầng ông Giáp luôn
có tinh thần kiên quyết trong tiến công, và ông Giáp thực sự là người trực tiếp
chỉ huy toàn bộ cuộc Tổng tiến công đầu xuân 1975 cho đến Toàn thắng. Họ đưa ra
tất cả Nhật ký chỉ huy ở phòng Tác chiến Bộ tổng tham mưu, ghi rõ những mệnh lệnh
của đại tướng vào giờ phút nào, có ghi âm cẩn thận...Họ chỉ rõ những phương
châm: thần tốc, thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữạ..tranh thủ
thời gian từng giờ, từng phút, thời gian là lực lượng...đều do tướng Giáp đề xuất
ra, còn có bút tích của ông hồi ấy. Ông luôn có mặt trong chỉ huy sở đặt trong
thành Hà Nội để theo dõi, uốn nắn, ra lệnh kịp thời. Một viên tướng ở Cục tác
chiến nói với tôi: "Đó là sự thật, có chém đầu tao, tao cũng nói như vậy.
Tổng bí thư mà nói sai nói bậy tao cũng cãi lại chớ! Sự thật là sự thật..."Số
cán bộ ngay thẳng, có công tâm nay đặt giả thuyết rầng ông Duẩn ghét ông Giáp
là vì từ hồi năm 1945, 1946 ông Duẩn phải ở vị trí qúa thấp kém: trưởng phòng
dân quân Nam Bộ, dứơi trướng của trung tướng Nguyễn Bình, và còn dưới quyền của
nhìều người khác. (Ông Trần Văn Giầu, ông Phạm Văn Bạch cũng từng bị "trù
dễ sợ" do cái "tội" là trong dịp cách mạng tháng Tám đã bỏ quên
những đồng chí của mình trong đó có ông Lê Duẩn đang bị thực dân Pháp cầm tù ở
Côn Đảo, để một tuần sau mới nhớ ra và cho tầu đi dón về).
Sau khi phát hiện ra sai lầm của cải cách ruộng đất, việc thay thế Tổng bí thư
Trường Chinh được đật ra. Có một số cán bộ thân cận với chủ tịch Hồ Chí Minh kể
rằng lúc ấy chủ tịch nghĩ đến hai người: ông Giáp và ông Duẩn, và thậm chí còn
ngiêng về ông Giáp là người cộng tác gần gủi lâu năm với mình. Nhiều người còn
nhớ rằng, hồi năm 1955 khi mở ra chiến dịch sửa sai", cần giải thích cặn kẽ
cho những cán bộ và gia đình bị oan ức (có đến gần 10. 000 bị xử bắn mà hầu hết
bị quy oan và kết tội oan). Trong không khí bất bình và phẩn nộ, để ổn định
lòng dân, thì ai là người có thể thay mặt cho ban lãnh đạo của đảng làm được
cái việc khó khăn ấy? Cuối cùng Hồ chủ tịch chọn ông Giáp, ông ra trước sân vận
động Hàng Đẩy để "chịu trận", tiếp nhận tất cả sự bực bội của những đại
biểu các địa phương trải qua tàn phá của cải cách ruộng đất, nhận lỗi lầm và
xin lỗi nhân dân. Người chỉ huy chiến thắng ở Điện Biên Phủ quả nhiên đả xoa dịu
được phẫn nộ rộng lớn bởi sự thành thật đau xót và bằng cả hào quang của chiến
thắng lịch sử.
Thế nhưng ông Duẩn đã được đề cử làm Tổng bí thư, vì một tiêu chuẩn tất nhiên hồi
ấy, ở tù lâu năm, một bằng cấp cần thiết để được giao quyền cao chức trọng, vì
từ đó được coi là được thử thách nhiều hơn, đáng tin cậy hơn...ý kiến của ông
Lê Đức Thọ trong vấn đề này có ý nghĩa quyết định vì từ đó ông đảm nhận công
tác tổ chức. Hồi 1977, tôi theo đoàn đại biểu quân sự cấp cao sang Berlin và
Budapest. Một hôm tôi nói chuyện với ông Giáp.
Ông rất thích trò chuyện với nhà báo, anh em quay phim và chụp
ảnh. Ông cho rằng, một sai lầm lớn của ta về công tác tổ chức làkhông phân biệt
việc khen thưởng với việc giao chức vụ. Ông kể hồi phong kiến, công tác tổ chức
còn khá hơn ta, được ghi thành luật và điều lệ hẳn hoi. Thời đó phân biệt rất
rõ: chức, tước, phẩm, hàm, bổng, lộc. Chức là quan trọng nhất- Giao chức là cần
thận trọng nhất- Còn tước, phẩm, hàm, bổng, lộc là thứ yếu. Là để thưởng công,
khuyến khích, ghi nhận và tăng công quỹ- Ta thì không phân biệt gì cả, có khi
dùng chức để thưởng công, sinh ra rối loạn, bất lực và tai họa. Ông vốn là nhà
sử học, lại là luật gia, nên ông kể vanh vách về luật Hồng Đức, về đời Lê, đời Trần,
cả việc phong chức tước: công, hầu, bá, tử, nam ở bên Pháp, Anh, Đức thời trước.
Một số khá đông cán bộ và đảng viên nghĩ rằng: hồi đại hội V (cuối 1982), ông
Giáp bị đưa ra khỏi bộ chính trị là do "sáng kiến" của các ông Lê Duẩn
và Lê Đức Thọ, và để cho khỏi quá lộ liễu, ông Giáp bị đưa ra cùng với các vị
khác: Nguyễn Văn Linh, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Duy Trinh, Trần Quốc Hoàn...theo
cách dung dăng dung dẻ, chúng ta cùng nhảỵ..ra! Một số người vì động cơ riêng,
trước kia e ngại ánh hào quang của người chỉ huy chiến dịch Diện Biên Phủ thì
ngày nay lại e ngại ánh hào quang quá sáng của người chỉ huy chiến dịch HỒ CH
MINH.
Tôi đã trao đổi ý kiến với một số cán bộ ở Bộ Tổng tham mưu, về cái cớ ông Duẩn
rêu rao rằng ông Võ Nguyên Giáp nhát gan, sợ Mỹ. Hồi đầu năm 1975, ông Giáp có
phần lưỡng lự khi cân nhắc có nên đưa cả 15 sư đoàn bộ binh vào miền Nam không,
lúc đầu ý ông dự định để quân đoàn 1 ở lại giữ "gôn", có nghiã là giữ
nhà, giữ căn cứ địa lớn của cả nước. Về sau, trên thực tế thì chỉ có 1 sự đoàn
308 ở lại mà thôi. Thêm nữa hồi tháng 3. 1975 ông chỉ thị cho các đơn vị phòng
không và không quân chuẩn bị chu đáo đề phòng Mỹ dùng không quân dánh phá lại
miền Bắc (do có một tin tức nào đó từ bên Mỹ truyền về Cục quân báo rằng có khả
năng Mỹ sẽ phản ứng và ném bom trở laị)- Ông nêu lên khả năng ấy để cảnh giác
là cần thiết.
Tôi nghĩ dùng những sự việc trên đây để chụp mũ ông Giáp là vừa đánh vừa run,
là nhút nhát như thỏ đế là một thái độ chơi xấu, rất không đàng hoàng, lại từ
người lãnh đạo cao nhất hồi đó thì lại càng đáng trách.
Dù bị nhiều lần chơi xấu, ông Giáp vẫn tỏ ra không cay cú, không buồn nản. Tuy
nhiên ông cũng trở nên "cẩn thận" hơn, chặt chẽ với mình hơn, người
khác khó mượn cớ để vu cáo. Trong những chuyện đi nước ngoài cùng ông, khi tôi
làm tin vê hoạt động, bao giờ ông cũng không quên dặn ghi thêm những câu đại thể
là: đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chuyến lời chào mừng hữu nghị của đồng chí Tổng
bí thư Lê Duẩn, của chủ tịch Hội đồng nhà nước Trường Chinh, của Chủ tịch Hội động
Bộ trưởng Phạm Văn Đồng và các đồng chí lãnh đạo đảng và nhà nước khác đến...vân
vân và vân vân...Đây là một kiểu cẩn thận để giữ mình, tránh hở sườn để có thể
bị "nốc ao".
Có những chuyện khá lạ lùng. Trong cuộc bầu cử Quốc Hội gần đây nhất, ông Giáp
bị ban tổ chức trung ương do ông Nguyễn Đức Tâm trực tiếp làm trưởng ban
"bỏ quên" và ông là phó thủ tướng mà lại không đồng thời là đại biểu
quốc hội, khác với tất cả phó thủ tướng khác từ xưa đến nay.
Trước Đại hội VII có tin đồn rằng, ông sẽ trở lại Bộ Chính trị, sẽ đảm nhận chức
Chủ tịch Hội đồng nhà nước, do nguyện vọng của đông đảo cán bộ và nhân dân.
Theo tôi tin ấy vừa tốt như rượu ngọt nhưng lại pha chút cay đắng vì tuổi ông
đã cao (80), sức đã xuống. Ông là người trí thức có hiểu biết rộng, lại liêm
khiết (điều này ngày càng hiếm và do hiếm nên càng quý) có uy tín ở trong và
ngoài nước.
Thế nhưng đại hội VII vẫn chưa có dân chủ thật, chỉ có dân chủ hình thức, khó
có một bước đi rõ rệt hợp lòng dân như thế.
Tôi nhớ lại hồi năm 1989, nhân 35 năm kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi
yêu cầu ông viết cho tuần báo Nhân Dân chủ nhật một bài thật đầy đủ và trung thực
về chiến dịch Điện Biên Phủ- ông đã nhận lời và viết bài "Quyết định khó
khăn nhất" được dư luận cả nước chú ý, ông đã nhắc đến những nhân vật từ
trước đến nay không được nói vì dính vào những vụ án chính trị xét lại, chống đảng
như: tướng Đặng Kim Giang, tướng Lê Liêm, các sĩ quan cấp cao Đỗ Đức Kiên, Nguyễn
Minh Nghĩa, và nói đến trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc ở Điện Biên Phủ là
tướng Vi Quốc Thanh với tất cả sự thật khách quan.
Tính ông rất cẩn thận- Ông sửa đi sửa lại bài viết, ông gửi cho tôi đến năm bức
thư và trực tiếp gọi điện thoại cho tôi hơn một chục lần về bài báo này. Khi
thì thêm, khi thì bớt, khi thì sửa vài chữ, khi thì dùng những ảnh nào cho
thích hợp- Tất nhiên phải có ảnh Bác Hồ và có đoạn nói đến Bác Hồ với lời dặn
là:
"Tướng quân xuất trận được toàn quyền quyết định, nhưng đã đánh là phải chắc
thắng. "
Tôi còn giữ bức ảnh ông Giáp chụp ở Đại hội VI, ngay buổi bế mạc. Khi ý kiến
khá đông người muốn đưa ông vào vị trí cao nhất đã không thành, ông vẫn giữ một
thái độ vui vẻ, hòa nhã.
Tôi đã có lần gạn hỏi ông một điều mà khá nhiều người trách ông: Sao ông không
can thiệp để đòi công bằng cho những người làm việc dưới quyền ông bị oan ức
kéo dài, bị giam tù, bị mất tự do, thiệt thòi hàng chục năm? Ông trả lời đại ý:
có chứ, nhưng không thể làm gì nổi trong cái cơ chế kỳ lạ này, khi ngành tổ chức,
ngành an ninh là chúa tể, lộng hành. Nếu không cẩn thận thì tất cả còn bị trù nặng
nề và kéo dài hơn nữa, và bản thân ông cũng bị tai họa như chơi!
Về ông Nguyễn Văn Linh, tôi tiếp xúc với ông khá nhiều lần và có vài nhận định:
tận tụy với sự nghiệp, được rèn luyện trong nhà tù đế quốc, sống dản dị, bản
tính hiền lành, chân thật- Chỗ yếu rõ của ông là trình độ hiểu biết chưa tương
xứng, thiếu quả đoán, đơn giản, cả tin, luôn bị các trợ lý kém thao túng- Khi mới
trở lại Bộ Chính Trị, rồi đến Đại hội VI nhận chức Tổng bí thư, ông hăng hái,
phấn chấn trong đổi mới. Năm 1977, khi gặp các văn nghệ sĩ và trí thức, chính
ông đi xuống bắt tay ông Nguyễn Khắc Viện và khuyến khích nhà văn Dương Thu
Hương bầy tỏ hết ý kiến của mình. Chính ông khuyên văn nghệ sĩ không đựơc uốn
cong ngời bút, phải có khí phách sống, tự cứu lấy mình. Trong thử thách mới thấy
hết bản lĩnh của người lãnh đạo- ông Nguyễn Văn Linh đã không vượt được thử
thách. Cách phân tích tình hình ở Đông Âu và Liên Xô của ông vừa thiếu sâu sắc
khách quan, vừa biểu hiện sự lo sợ, giật mình- Làm sao đổ vấy cho đế quốc là tội
phạm chủ yếu của sự sụp đổ của các nước ấy, mà coi nhẹ sự phấn nộ và phủ định của
chính nhân dân! Thật đáng trách khi chính ông lại tin và lớn tiếng nói rằng
Viêt Nam đang trở thành đối tượng chủ yếu để dế quốc và CIA, cùng các thể lực
phản động khác lật đổ và gây bạo loạn. Tôi đã gặp nhiều nhà báo tiến bộ Mỹ và
Pháp. Không một ai đồng tình với nhận định này- Họ cho rằng chính phủ Mỹ, chính
phủ Pháp và ngay cả CIA đều mong muốn Việt Nam ổn định và phát triển- Gây hỗn lọan
để làm gì, có lợi gì cho Mỹ! Chính phủ Mỹ không yểm trợ cho Khơ me đỏ và không
yểm trợ cho cánh chủ trương bạo động là thế. Một điều rất dở nữa của ông Linh
là đã khẳng định một cách máy móc, như đinh đóng cột rằng: đảng cộng sản Việt
Nam một mình lãnh đạo đất nước là một tất yếu lịch sử, xưa kia là như thế, hiện
nay là như thế và mãi mãi sẽ là như thế. Một kiểu nói cứng nhắc khó nghe và
không còn đất để lui được nữa! Đăng đàn lớn tiếng nói lên điều đó, để ngay đó
toàn thế giới đều biết đến, cả kẻ thù và đông đảo bạn bè đều lắc đầu thì thật
là dở vô cùng vậy! Tất cả điều ấy là do ông Linh thiếu một tư duy tỉnh táo và độc
lập, rất hay phân vân và thường nghe theo các trợ lý. Ông lại ít đọc sách báo
nước ngoài, nhận ít thông tin, ít hiểu biết trực giác (vì ít đi ra nước ngoài
và khi đi lại đi theo kiểu hiếu hỷ, cữơi ngựa xem hoa). Nhiều người ở trong nước
và nước ngoài đặt kỳ vọng ở ông hồi 1986, 1987 bao nhiêu thì từ năm 1989 đến
nay càng thất vọng bấy nhiêu. Một số lần tôi gặp ông khi ông ở cương vị Chủ tịch
tổng Công đòan, ông đã tỏ ra hay phân vân, lưỡng lự, thiếu hẳn sự quyết đoán và
từ đó thiếu bản lĩnh của một người lãnh đạo, chưa nói đến người lãnh đạo cao nhất
của một đảng.
Về ông Lê Đức Thọ, tôi được gặp ông khá nhiều lần trong chiến dịch Hồ Chí Minh
năm 1975, cũng như ở Campuchia từ đầu năm 1979 đến năm 1983- Tôi vẫn cho rằng
việc ông từ chối giải thưởng Nobel Hòa Bình là một thái độ thiếu khôn khéo, quá
cứng rắn và dại dột, không tranh thủ được dư luận thế giới, nhất là dư luận tiến
bộ. Đó là do cả một căn bệnh tự phụ, trích thượng với kẻ thù cũ- Thái độ ấy
không làm cho ông và Việt Nam được quý trọng hơn, trái lại.
Ông là con người có vẻ mô phạm, nhưng lại cực đoan và lắm mưu. Khi sang Pháp
tham gia hòa đàm bí mật, ông không có đức tính tò mò của một người ham hiểu biết.
Ông hầu như không xem truyền hình, ít tham quan đây đó. Những anh chị em Việt
kiều ở Paris từng cộng tác hoặc có quan hệ với đoàn do ông cầm đầu đều có chung
cảm tưởng ấy. Rất nhiều người cho rằng ông sống dản dị, nhưng trong ý thức thì
quan cách và gia trưởng- Tôi từng nghe ông nhiều lần nói chuyện, khi thì phổ biến
nghị quyết trung ương, khi thì lên lớp về công tác tổ chức. Ông nói rất mạnh mẽ
say sưa, và một nét luôn luôn rõ, ấy là rất hay mắng mỏ và răn dạy người khác.
"Một ông thầy dạy đạo đức" như một số anh em học ở Trường Nguyễn ái
Quốc nói với tôi. Ông là người phụ trách chủ yếu về toàn bộ công tác tổ chức của
đảng và của cả chính quyền nhưng bao giờ nói chuyện hay lên lớp ông cũng chê
bai, phê phán công tác này một cách quyết liệt. Chưa một lần nào ông nhận lấy một
khuyết điểm nhỏ về mặt này của chính mình hay của Ban tổ chức trung ương mà ông
phụ trách! Ai nấy đều biết công tác tổ chức của đảng và nhà nước là công tác yếu
kém nhất, và sai lầm, gây tác hại vô cùng lớn lao. Những định kiến với trí thức,
việc đề ra tiêu chuẩn hồng và chuyên, thiếu chuẩn bị lớp kế tiếp, khinh thị cán
bộ trẻ...tồn tại keó dài. Ông là ngươì chịu trách nhiệm chính trong gần 30 năm,
nhưng ông lại tỏ ra mình là người vô can! Đây là sự thiếu sót, lỗi lầm, kém cỏi,
vô trách nhiệm của kẻ khác, "của các anh!"
Tôi từng nghe ông nói chuyện với cán bộ Campuchia, một lần ở Hoàng Cung Pnom
Penh hồi giữa năm 1981 và một lần ở Thủ Đức đầu nâm 1982- Tôi không thể tin
chuyện đó là có thật nếu không tự đích thân dự. Ông là người phụ trách chính
trong Bộ Chính trị chỉ đạo việc giải phóng Campuchia và giúp nước này xây dựng
Đảng và chính quyền. Ông cho triệu tập những cán bộ chủ chốt, từ chủ tịch nước,
tổng bí thư, thủ tướng, bộ trưởng, thứ trướng, những đảng viên vừa được vào đảng,
tất cả đều là những người Campuchiạ..Tôi nghe mà rợn cả người! Khi cao hứng ông
quở mắng những đảng viên và cán bộ đảng nước này như là con cháu trong nhà vậy!
Tôi ngồi nghe mà chỉ mong ông cán bộ phiên dịch dịch sai đi, nhẹ đi một chút, kẻo
nghe chối tai vô cùng: "Các đồng chí phải học cho chăm, phải làm việc cho
đứng đắn, phải trau dồi đạo đức của người cán bộ công sản để xứng đáng với sự
tin cậy của chúng tôi, của cách mạng. Cần hiểu rằng cán bộ luôn được sàng lộc,
ai lộ ra yếu kém thì phải thay! Rượu thì uống vừa vừa thôi! Nhiều đồng chí để vợ
dắt mũi, đi buôn kiếm lợi là không được!...". Tôi cứ nghĩ sao không để cho
người Campuchia làm lấy việc dạy bảo ấy! Việc bồi dưỡng là rất cần vì đó đều là
những cán bộ đảng viên mới, nhưng đó là quan hệ dân tộc với dân tộc, quốc gia với
quốc gia.
Tác phong gia trưởng kẻ cả ấy ảnh hưởng rất nặng đến tắc phong của các chuyên
gia Việt nam ở Campuchia- Thật là tai hại. Tôi ghé đến báo Campuchia hồi năm
1985, đang có môt chuyện gia báo Nhân Dân Hà Nội vào giúp đỡ- Ông đưa cho tôi một
bài xã luận do Tổng biên tập báo Campuchia viết, được dịch ra tiếng Việt để
chuyên gia ta góp ý, và khoe: "Anh thấy đấy, họ viết kém quá, tôi phải chữa
đến nát ra như thế này đây". Tôi cầm lấy bài khó chịu vô cùng và nói:
"Tốt nhất anh đừng nên chữa một chữ nào- Mà nên góp ý cho người viết tự sửa
khi thật sự cần thiết- Làm cách như của anh phải buộc họ nghe, vì nể, vì sợ
chuyên gia, nhưng trong bụng sé chửi mình đấy!" Một lát có một cậu đến xin
gặp, một cô đến rỉ tai chuyên gia, họ mời đi họp, họ hỏi ý kiến về kết nạp đoàn
cho anh này, về kỷ luật hai cô cậu viết thư tỏ tình với nhaụ..Tôi nghĩ căn bệnh
gia trưởng từ "cụ chuyên gia cao nhất" đã lây lan khá rộng và gây nên
tai hại vô cùng!
Vào những năm trước khi mất, ông đã mạnh dạn phát biểu ý kiến về một loạt vấn đề
lịch sử của đất nước- Ông khẳng định: trong ý đồ tổng tấn công và tổng khởi
nghĩa năm 1975 đã không có tổng khởi nghĩa, đã không có nổi dậy của quần chúng,
trong các cuộc tổng tấn công Tết Mậu thân 1968, đã chỉ đạo thiếu linh hoạt, cố
dám ăn xôi, đáng nhẽ đợt một vào dịp Tết tạo nên chấn động vào hậu phương của
nước Mỹ là đủ, các dợt sau, nhất là các dợt tháng năm và tháng chín năm 1968 chỉ
gây thêm tổn thất cho ta. Ông cho rằng: Việc đế quân ở Campuchia quá lâu đã bị
sa lầy. Nền công nghiệp nước ta đã bị chỉ đạo sai lầm đến nỗi như một con bò sữa
chỉ còn xương bọc da gầy ốm. Quân đội Việt Nam trở thành quân đội "Ba nhất",
nghĩa là: anh hùng nhất khổ sở nhất, vô kỷ luật nhất...Đây là những cuộc nói
chuyện hẹp ở Viện lịch sử quân đội, Nhà xuất bản Sự thật, ở cơ quan tỉnh ủy Lâm
Đồng (Đà Lạt)- Có một số cán bộ nghe, ghi chép, phổ biến lại thì bị cơ quan bảo
vệ quân đội gọi lên chất vấn, có người bị giữ lại gần 7 tháng để điều tra vì đã
phổ biến những "luận điệu của địch" (!)". Như đại tá Ngọc Bằng
phụ trách Ban lịch sử của quân khu Bảy, Anh đã chứng minh là mình không bịa đặt,
chỉ phổ biến trong một cuộc họp của cơ quan công an thành phố Hồ Chí Minh những
điều ông Lê Đức Thọ từng nói. Anh "được" về nhà mà không hề có một lời
xin lỗi, sau khi bị đưa ra khỏi đảng và cầm quyết định về hưu!
Về ông Đỗ Mười, người vừa được bầu làm Tổng bí thư đảng cộng sản Vịêt Nam thay
thế ông Nguyễn Văn Linh, tôi đã quen biết từ khi ông làm chính ủy quân khu tả
ngạn ở đồng bằng Bắc bộ trước thời kỳ Điện Biên Phủ. Ông xuất thân từ thợ thủ
công, làm nghề sơn cửa, hoạt động cách mạng từ 18 tuổi, chưa học hết cấp trung
học. Ông sống có nghị lực, sinh hoạt dản dị, không tham nhũng. Ông nổi tiếng là
cán bộ đốc chiến, có nghĩa là giỏi đôn đốc công việc, chuyên về thực hành. Ông
từng trực tiếp chỉ đạo cải tạo tư sản công thương nghiệp ở Hà Nội và Hải Phòng
vào những năm 1959, 1960 và sau năm 1975 ông cũng trực tiếp chỉ đạo cải tạo
công thương nghiệp ở miền Nam, đặc biệt là ỏ Sài Gòn và Chợ Lớn, một công việc
mang nặng tính chất duy ý chí, hiệu quả xã hội rất xấu và để lại một ấn tưởng tệ
hại do không có hiệu quả và tệ tham nhũng tràn lan. Ông cũng là người trực tiếp
đôn đốc xây dựng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng hai công trình cực lớn của
"thế kỷ": Cầu Thăng Long và Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Cả hai công
trình này đều là tiêu biểu cho tệ duy ý chí, phớt lờ ý kiến của giới khoa học kỹ
thuật, đã trót lao vào làm không sao sửa được nữa, tốn kém tiền của, thời gian
không sao tính hết- Tổng bí thư lẽ ra cần phải là một nhà lý luận sâu sắc, có
nhiều kiến thức vững vàng, am hiểu xã hội và thế giới ngày nay, có tư duy chính
trị và óc tưởng tượng phong phú, thì trên thực tế chỉ là một cán bộ rất hăng
hái hoạt động! Nhiều trí thức ở Hà Nội thường nói: kém hiểu biết + nhiệt tình =
hỏng việc, phá hoại và phản động. Rõ ràng ông Đỗ Mừơi không hề thiếu nhiệt tình
trong các chiến dịch cải tạo công thương nghiệp và trong việc đôn đốc xây dựng
các công trình cực lớn.
Phải nói rằng việc khoe rằng ông Đỗ Mười ít hơn ông Nguyễn Văn Linh hai tuổi là
nói lấy được! Khi ông Nguyễn Văn Linh nhận trọng trách Tổng bí thư gần năm năm
trước, ông hơn 71 tuổi, còn ông Đỗ Mười nhận chức khi đã hơn 74 tuổi! Qua đại hội
7, ông để lại hình ảnh của một vận động viên chạy tiếp sức, đến giới hạn vấn
không chịu chuyển "rơ- le" cho người kế tiếp, nhất định tự mìmh chạy
cho tới đích mặc dầu đã xuống sức quá rồi.
Ông Lê Đức Anh (bí danh là Sáu Nam) vừa được đưa vọt lên trong đại hội 7. Ông
quê ở Thừa Thiên- Huế, xuất thân từ trường kỹ nghệ thực hành thời Pháp. Người
cao lớn, ông bị bệnh đậu mùa từ nhỏ, hỏng một mắt, mặt hơi rỗ hoa. Thời kháng
chiến chống Pháp ông làm cán bộ tiểu đoàn, chỉ huy bộ đội địa phương. Từ năm
1962, ông là cục phó cục tác chiến bộ Tổng tham mưu. Sau đó đựơc cử vào Nam, ở
khu 9. Ông là từ lệnh Quân khu 9 từ năm 1967. Cuối năm 1974, ông được đề bạt vượt
cấp từ đại tá lên trung tướng do thành tích của khu 9, đã mở rộng vùng giải
phóng đáng kể sau Hiệp định Pa- ri. Ông là người dẫn đầu cuộc diển binh lớn ở
trứơc Dinh Độc lập đầu tháng 5. 1975. Đầu năm 1979, ông cùng đại tướng Lê Trọng
Tấn tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam chỉ huy cuộc hành quân vào
Campuchia. Sau đó ông được cử ở lại chỉ huy quân tình nguyện Việt Nam cho đến
năm 1985. - Hồi đó mỗi lần tôi sang Pnôm Pênh, ông cho mời sang ăn cơm để hỏi
chuyện về tình hình đất nước, tình hình quốc tế và hai lần yêu cầu tôi nói chuyện
thời sự cho các sĩ quan của Bộ chỉ huy. - Tính ông điềm đạm, ý thức tổ chức kỹ
luật cao, hiểu biết về chính trị, kinh tế, nhất là quốc tế còn hạn chễ. Ông
luôn ở chiến trường, sống dản dị. Ông được đưa vào Bộ Chính và nhận chức Bộ trưởng
Bộ quốc phòng hơi bất ngờ, sau khi ông Lê Trọng Tân bị đột tử trước khi khai mạc
Đại hội VI đúng 10 ngày, hồi tháng 12. 1986.
Ông Đào Duy Tùng quê ở Hải Hưng, vốn là Tổng biên tập tạp chí Học Tập (nay là tạp
chí Cộng sản). Hồi ấy ông thường yêu cầu tôi viết bài cho tạp chí- Tôi đã viết
tới hơn chục bài, có bài ông rất hài lòng và dánh giá khá cao như bài tôi viết
giới thiệu cuốn sách của Davis Hamberstam: "Những người tài giỏi và xuất sắc
nhất nước Mỹ". Ông sống dản dị, nhưng quan điểm chính trị thì cứng nhắc,
mang tính giáo điều. Qua các cuộc họp trung ương 7, 8, và 9 khoa 6 (cuối năm
1989 và đầu năm 1990), ông Đào Duy Tùng, ông Nguyễn Đức Bình (giám đốc trường đảng
cao cấp Nguyễn i Quốc), ông Nguyễn Hà Phan (bí thư tỉnh ủy Hậu Giang), ông Nông
Đức Mạnh (bí thư tỉnh ủy Bắc Thái) là những người có quan điểm cứng nhắc, mang
tính giáo điều cục đoan nhất và cũng là những người phê phán nặng nề nhất quan
điểm đa nguyên của ông Trần Xuân Bách, dẫn đến việc khai trừ ông Bách ra khỏi Bộ
Chính trị, Ban bí thư và Ban Chấp hành trung ương đảng.
Ông Hồng Hà, nguyên Tổng biên tập báo Nhân Dân từ năm 1982 đến năm 1986, sau đó
là Chánh Văn phòng Trung ương đảng, vừa được bầu vào ban bí thư, tôi quen và hiểu
rất rõ (xin chớ lầm với Hồng Hà ở Bộ Nội vụ và sau ở Bộ Thượng binh xã hội).
Nét nổi bật ở ông là bản chất của một viên chủ cần mẫn, chăm chỉ, kín đáo và tận
tâm, đúng như anh ruột ông là ông Thép Mới đánh giá về ông: Thằng em tao đúng
là đứng đầu ở hàng thư lạị..
Nhiều bạn ở Paris hỏi tôi về trường hợp ông Trần Xuân Bách.
Quan điểm chính trị của ông Bách là thế nào? Từ đâu mà một người như ông vốn có
tiếng là "bảo thủ" lại đổi mới được đến như vậy? Hiện ông làm gì?
Ông Bách quê ở Hà Nam Ninh, cùng tỉnh với ông Lê Đức Thọ, Nguyễn Cơ Thạch...hoạt
động sớm từ phong trào thanh niên học sinh ở Nam Định- Sau khi làm phó bí thư tỉnh
ủy, ông lên cơ quan trung ương làm Trưởng ban tôn giáo của chính phủ (vì khi ở
tỉnh, ông am hiểu khá tường tận vùng Bùi Chu, Phát Diệm, trung tâm công giáo lớn
nhất ở Việt Nam). Về sau, ông làm chánh văn phòng Trung ương đảng- Năm 1980,
ông được cử sang Campuchia làm Trưởng đoàn chuyên gia Việt Nam, bí thư đảng ủy
của đoàn. Đây là chức vụ rất quan trọng khi vấn đề xây dựng khối liên minh đặc
biệt ba nước Đông Dương được đặt ra. Chính nhiệm vụ này làm cho ông được ông Lê
Đức Thọ, người phụ trách công tác tổ chức (trong đó việc sắp xếp cán bộ là việc
lớn nhất), và cũng là người đảm nhận chính việc giúp đỡ Campuchia tín nhiệm
thêm. Ông được đưa vào Ban bí thư ở đại hội đảng lần thứ 5 và vào Ban Bí thư và
Bộ Chính trị ở đại hội đảng lần thứ 6 (12. 1986). Ông là ủy viên bộ Chính trị
trẻ nhất, ở tuổi 60 hồi ấy. Ngay sau đại hội 6 ông được phân công những phần việc
sau đây: quan hệ với hai nước Lào và Campuchia, quan hệ giữa đảng cộng sản Việt
Nam với các đảng cộng sản và công nhân chưa giành được chính quyền, chỉ đạo Ban
Đối ngoại trung ương và Ban Việt kiều trung ương.
Có một điều ít ai được biết là từ giữa năm 1987 ông được Bộ Chính trị giao thêm
một việc nữa: làm công tác thông tin cho Bộ Chính trị, nghĩa là thu thập tình
hình trong và ngoài nước, đọc các sách báo tin tức từ nước ngoài để tổng hợp và
báo cáo, thông báo cho các ủy viên Bộ Chính trị khác. Ông tập hợp một nhóm
nghiên cứu trong văn phòng làm việc của ông gồm có 6 cán bộ chuyên thu thập
sách báo các nước (Liên Xô, Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Thái Lan, Hồng Kông...), đọc,
lược dịch các sách báo tiếng Anh, Pháp, Nga, Hoạ..và làm các bản tóm tắt. Ông
cũng trực tiếp xử dụng các cơ quan thông tin của ủy ban Khoa học xã hội và của
thông tấn xã Việt Nam...Văn phòng của ông trở thành nơi có nhiều sách quý và sớm
nhất. Chính tôi đã mượn được cuốn The Brothers Enmemis của Nayan Chanda ở văn
phòng ông. Đây là cuốn sách trình bầy chân thực, sống động nhất những cuộc đảo
lộn liên minh diễn ra trong thế giới cộng sản và xã hội chủ nghĩa, với không ít
tư liệu hiếm và quý. Nhóm giúp ông làm việc thu lượm thông tin được ông gọi là
"nhóm tư vấn", từ cuối năm 1987, qua thông tin và xử lý thông tin
nhóm còn giúp ông đề xuất những ý kiến nhằm hình thành chính sách.
Do những nguồn thông tin phong phú, mới mẻ và kịp thời như thế, quan điểm của
ông Trần Xuân Bách thay đổi, "xanh lại, trẻ lại", theo tôi nghĩ. Tôi
được biết rất rõ, từ đầu năm 1989, khi chưa xẩy ra sự kiện Thiên An Môn (tháng
5. 1989) ông đã phát biểu trong một cuộc nói chuyện với cán bộ tuyên huấn và
cán bộ đối ngoại:
• Việc khôi phục quan hệ Trung- Xô là một bước ngoặt có ý nghĩa to lớn, với chu
kỳ hòa hoãn, đối thoại mới Xô- Mỹ, tính đa cực của thế giới đảng biểu hiện ngày
càng rõ, đồng thời tính đa nguyên trong phong trào cộng sản quốc tế là một điều
tất yếu.
• Cần chuyển quan hệ Việt Nam- Trung Quốc từ tính chất thù địch sang tính chất
bạn bè, coi Trung Quốc là bạn nhưng luôn luôn cảnh giác với bản chất bành trướng,
bá chủ biện Đông của họ.
• Nói về sự khủng hoảng trong các nước xã hội chủ nghĩa lúc ấy ông cho rằng: khủng
hoảng kinh tế tài chính là do thiếu hàng hóa, năng xuất quá thấp, khủng hoảng
xã hội là do thiếu lòng tin đến mất lòng tin ở chủ nghĩa xã hội, ở đảng lãnh đạo.
• Ông cho rằng trong xã hội có ba loại nhân vật: nhân vật chính trị, nhân vật
khoa học và nhân vật kinh doanh. Việt Nam hiện thiếu nhất nhân vật kinh doanh,
cần quan tâm bồi dưỡng. Cần khắc phục thái độ xã hội hiện nay là coi thường
nhân vật chính trị, kỳ thị nhân vật khoa học và định kiến với nghề quản lý kinh
doanh.
• Ông chủ trương đề xuất một hệ thống giải pháp tình thế vì khủng hoảng kinh tế,
xã hội đã đụng tới đáy và đang manh nha khủng hoảng chính trị. Đầu năm 1989, sức
mua của đồng tiền đã giãm 3. 300 lần so với năm 1976, tiền phát hành thêm để
lưu thông đã đưa khối lượng tiền trong xã hội năm 1988 gấp 175, 5 lần so với
năm 1980.
Ông kết luận: hai động lực, hai sức bật trong lịch sử nhân loại là hàng hóa thị
trường và dân chủ đa nguyên- ở Việt Nam cả hai mặt ấy đều chưa thành động lực.
Tuy nhiên trong phát triển kinh tế hàng hóa và thị trường không thể chấp nhận
thị trường đen và trong dân chủ đa nguyên không thể chấp nhận đa nguyên biến dạng
thành đối lập chính trị và lật đổ...
Cuối năm 1989, khi họp hội nghị Trung ương lần thứ 7, ông Trần Xuân Bách đọc
tham luận và nhấn mạnh: phải đi trên hai chân, chân kinh tế đi mạnh vào kinh tế
hàng hóa, phát triển thị trường và chân chính trị là đi mạnh vào áp dụng dân chủ
rộng rãi, chấp nhận đa nguyên. ý kiến của ông bị bác bỏ, bị coi là quá khích,
nguy hiểm. Ông đã tuyên bố bảo lưu ý kiến. Đầu năm 1990, ông viết báo, ông đi
nói chuyện giải thích về quan điểm của ông. Đài tiếng nói Việt Nam và đài truyền
hình trung ương phát lại bài báo của ông đăng trên báo Khoa học và Đời sống và
báo Tiền Phong. Ngay sau đó Ban Tư tưởng và văn hóa phê bình những phương tiện
thông tin đại chúng này đã tuyên truyền những quan điểm cá nhân, trái với quan
điểm cuả đảng. Trong một cuộc giao ban hàng tuần, trưởng ban tư tưởng và văn
hóa trung ương đã nhận xét trước những người làm công tác báo chí ở trung ương:
Cái sai lớn nhất của Trần Xuân Bách là đã xếp cùng một duộc chủ nghĩa Pôn Pốt,
chủ nghĩa Mao và chủ nghĩa Staline.
hội nghị trung ương lần thứ 8 ông Bách bị thi hành kỹ luật, đưa ra khỏi cả ba
chức vụ: ủy viên trung ương, ủy viên ban bí thư, ủy viên bộ Chính trị. Thật ra
lúc vào hội nghị, Bộ Chính trị chỉ dự kiến và đề nghị với trung ương đưa ông
Bách ra khỏi Ban bí thư và Bộ Chính trị, còn giữ lại trong ban chấp hành trung
ương. Thế nhưng khi thảo luận một số đại biểu nói rất găng (các bí thư tỉnh ủy
miền trung, miền núi và đại biểu trong quân đội) còn phê phán rằng không xứng
đáng là đảng viên, vô kỹ luật, vô tổ chức trong khi cần sự nhất trí, đoàn kết
và thống nhất nhất...Do đó khi bỏ phiếu thì ông Bách bị trên một nửa (hơn 70
người) số ủy viên chính thức đề nghị đưa ra khỏi trung ương. Ông Bách chấp nhận
kỷ luật nhưng yêu cầu trường hợp của ông sẽ được đưa ra bàn lại tại đại hội đảng
lần thứ VII. Yêu cầu này không bao giờ được đáp ứng vì ông không thể là đại biểu
đị dự đại hội và sẽ chẳng còn ai nhắc đến ông nữa.
Sau đó ông Nguyễn Cơ Thạch kéo ông về bộ ngoại giao, làm chuyên viên nghiên cứu
vừa do tình đồng hương, vừa muốn tận dụng sự nghiên cứu của ông. Đến hội nghị
trung ương lần thư 9 (tháng 8. 1990), nhiều đại biểu phê phán ông Thạch là hữu
khuynh, mất cảnh giác trong việc này. Ông Bách bị về hưu bắt buộc, về ở một xã ở
huyện Gia Lâm, quê vợ ông và không còn ai biết đến ông nữa.
Trường hợp ông Bách là một nét lý thú về tác động của công tác nghiên cứu và
thông tin, một mặt rất yếu của cơ quan lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam. Khi được
tiếp xúc với nhiều thực tế của thế giới qua thông tin, quan điểm của người ta
có thể thay đổi theo hướng tiến bộ- Mặt khác cũng cần thấy ông Bách không bao
giờ đề xướng đa đảng cả. Ông luôn rào đón, thanh minh là ông chủ trương đa
nguyên (nhiều thành phần kinh tế, nhiều phong cách và trường phái trong sáng tạo
văn học nghệ thuật, tôn trọng các tôn giáo với những nhân sinh quan khác nhau,
chấp nhận việc thảo luận về những chính kiến, quan điểm chính trị khác nhau),
nhưng đều dừng lại trước ngưỡng cửa đa đảng.
Trên đây là chân dung đại thể của một số người lãnh đạo đắt nước trong thời
gian qua mà tôi cố khắc họa một cách chủ quan, tất nhiên không thể đầy đủ và
đúng đắn, xin để bạn đọc tham khảo. Tôi quen biết ông Trần Văn Trà từ tháng 2.
1973 khi vào trại Davis, Tân Sơn Nhất làm việc. Ông Trà là trung tướng, Trưởng
đoàn chính phủ cách mạng lâm thời. Ông hoạt bát, thông minh. Vốn học trường kỹ
nghệ thực hành Huế thời Pháp. Ông biết kết hợp nguyên tắc với sự linh hoạt.
Chính tôi đã khuyến khích ông viết hồi ký, nhiều lần trao đổi trò chuyện với
ông về báo chí, về viết sách, về văn hóa văn nghệ và âm nhạc. Ông là viên tướng
có văn hóa- Cuốn Ba Mươi Năm Kết Thúc Chiến Tranh của ông ra hồi năm 1982 được
anh em bộ đội miền Nam rất ưa thích. Ngay sau đó Tổng Cục Chính trị ra chỉ thị
cấm lưu hành trong quân đội. Ông Lê Đức Thọ cũng chỉ trích cuốn sách này và phê
bình ông Hà Mậu Nhai, giám đốc nhà xuất bản thành Phố Hồ Chí Minh về việc ra cuốn
sách. Ông Thọ nhận xét trước các vị phụ trách báo chí và xuất bản: Cuốn sách ấy
sai từ đầu đến cuối! Thật ra nhược điểm chính của nó là coi nhẹ các "quả đấm"
chủ lực từ miền Bắc đưa vào. Theo tôi việc thu hồi, cấm lưu hành là không dúng-
có gì thiếu sót thì thảo luận, tranh luận, bổ xung. Cái kỳ cục là nhiều nhà
lãnh đạo cứ muốn mỗi cuốn hồi ký phải nói thật đúng, thật đủ! Lẽ ra phải thấy mỗi
cuốn hồi ký có một nét riêng, mới người viết có chỗ đứng riêng. Tất cả các hồi
ký góp lại mỗi phản ảnh được toàn cục của cuộc chiến tranh. Vẫn là căn bệnh chủ
quan, cầu tòan, không chấp nhận những nét riêng, đặc sắc của cá nhân...
Trong "Bản kiến nghị của một công dân" tôi đã nêu lên trách nhiệm đặc
biệt của 3 ngành: tuyên huấn, tổ chức và công an đối với hiện tình của đất nước.
Tôi có nhiều bạn bè ở 3 ngành này và cũng không ít người tốt, có lương tâm trong
đó. Thế nhưng những sai lầm của 3 ngành này vô cùng tai hại. Ngành tuyên huấn rất
lạc hậu so với sự phát triển của tình hình trong nước và thế giới. Những quan
điểm bảo thủ, giáo điều còn rất nặng. Họ lạc hậu đến 30, 40 năm. Tôi vừa được
biết khi cuộc đảo chánh của bọn bảo thủ, giáo điều ở Liên Xô khởi đầu ngày thứ
hai 19/08/1991, ở Hà Nội, ông THI NINH phó ban tư tưởng và văn hóa của trung
ương đảng vội vã hý hửng loan báo cho ngành tuyên huấn, báo chí rằng đây là
"những người cộng sản trung kiên" (!), rằng "cuộc lật đổ
GORBATCHEV là dấu hiệu rất đáng mừng, có thể cứu vãn chủ nghĩa xã hội, chủ
nghĩa Mác Lênin ở Liên Xô, và sẽ tác động rất thuận lợi đến Việt Nam!"
Theo tinh thần ấy, chiều thứ ba 20/08/1991, bà HỒ THỂ LAN, người phát ngôn của
bộ ngoại giao tại một cuộc họp báo cũng hý hửng rằng: "Cuộc đảo chánh là một
mối quan tâm lớn, một sự kiện rất có lợi cho chúng tôi (!) và hy vọng quan hệ
Việt Xô sẽ lại tốt đẹp như trước kia (!)" Một quan chức cao cấp ở Hà Nội
trả lời phỏng vấn của hãng REUTERS còn chấp hành sự hướng dẫn của ban tư tưởng
và văn hóa, đi xa hơn, kể "tội" của tổng thống GORBATCHEV là "đã
đi vào con đường của chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh..." Bây giờ họ ăn nói làm
sao, khi "các đồng chí trung kiên" ấy chỉ sau có 70 giờ đồng hồ đã bị
thất bại ê chề, chúng lộ nguyên hình là những tên tội phạm, phản bội, bị tóm cổ
và đưa ra xét xử theo luật pháp. Những tên phó tổng thống, bộ trưởng quốc
phòng, bộ trưởng an ninh...hèn hạ, thét ra lửa một thời đã bị đền tội theo pháp
luật.
Nhân dân đã vùng dậy, không còn biết sợ xe tăng, sợ quân đội, sở cảnh sát, mật
vụ và an ninh. Chính quyền bảo thủ bị mất niềm tin của nhân dân muốn tồn tại
thường dựa trên nỗi sợ của nhân dân, thì nhân dân cốc sợ chúng nữa! Điểm mấu chốt
là ở đó.
Tôi nhớ lại đầu năm 1990, khi cộng đoàn Đoàn kết lên nắm chính quyền ở Ba Lan
qua một cuộc bỏ phiếu dân chủ, ông Trần Trọng Tân, trưởng ban tư tưởng và văn
Hóa đã vội vã viết bài xã luận: "Tình hình BA Lan và thái độ của chúng
ta", nhận định rằng đây là một cuộc đảo chánh phản cách mạng (!), kêu gọi
nhân dân Ba Lan vùng dậy đạp tan bọn phản động (!) Ông còn ra chỉ thị cho các
ngành họp mít tinh ủng hộ nhân dân Ba Lan giáng trả công đoàn Đoàn kết. Bài xã
luận được gửi đến báo Nhân dân yêu cầu phải đăng ngay vì cấp trên đã duyệt. Tổng
biên tập báo Nhân dân là ông Hà Đăng, một công chức ngoan ngoãn gọi dạ bảo
vâng, liền chấp hành không chút do dự, mặc dầu trước đó đã có quy định rằng báo
phải có tinh thần độc lập tự chủ, tự chịu trách nhiệm về mỗi bài vở in trên
báo.
Bài xã luận kỳ quặc ấy bị cả thế giới chê cười, bị sứ quán Ba Lan ở Hà Nội phản
đối ngay chiều hôm đó, thế nhưng tổng biên tập và tác giả của nó là ông Trần Trọng
Tân vẫn dửng dưng như không! Đã thành lệ, những sai lầm tả khuynh luôn được thể
tất, còn được coi là có "thừa" tinh thần cách mạng! (Cần chỉ rõ ông
Tân là con người đạo đức giả. Ông chuyên lên lớp cho mọi người, nhưng bản thân
ông dấu rất kỹ quá khứ của mình- Ông từng cùng anh ruột là Trần Trọng Biền làm
phiên dịch tiếng Nhật, phục vụ và hợp tác với bọn phát xít Nhật ở Quảng Trị quê
ông. Việc này ông Trần Hữu Đức, chánh án tòa án tối cao đã về hưu, cùng quê
ông, hiểu rất rõ) Lần này ông Thái Ninh phó ban tư tưởng và văn hóa trung ương
vừa được bầu vào Ban chấp hành trung ương khóa VII, lại biểu hiện một tinh thần
sốt sắng hoan nghênh "các đồng chí trung kiên Liên Xô", và lại bị nhỡ
tàu! Ông ta thường hay chỉ đạo các cơ quan truyền thông: đài phát thanh, đài
truyền hình và báo chí. Các nhà báo có ít nhiều suy nghĩ độc lập đều lắc đầu
kinh hoàng về "cái lưỡi gỗ" tiêu biểu ấy! đến nay "cái lưỡi gỗ"
ấy vẫn còn lải nhải không chút ngượng nghịu về: 2 phe, 4 mâu thuẫn, sự rẫy chết
của chủ nghĩa tư bản...
Về ngành an ninh, những sai lầm nặng nề của ngành này đến nay vẫn chưa được chấm
dứt, lại còn chồng chất thêm. Có đến hàng trăm vụ án chính trị, , gọi là:
"chống đảng", "chống lãnh đạo", "chống chủ nghĩa xã hội".
"xét lại", "phản động", "bị thực dân và mật vụ đế quốc
mua chuộc"...vẫn không được thanh minh, đính chính và giải tỏa những nỗi
oan ức. Trong "bản kiến nghị của một công dân", tôi đã dấn ra một số
tên rất không đầy đủ của những người bị oan ức trong mấy chục năm qua. Họ bị
tù, có người đến hàng chục năm, bị ngược đãi, bị ép cứng, bị sỉ nhục. Gia đình
vợ con bạn bè của họ điêu đứng vì bị phân biệt đối xử. Có người đã chết trong
oán ức và tủi nhục. Có người khiếu nại đến hơn một trăm lần mà vẫn không nhận
được một câu trả lời! Qua cuốn sách này, tôi lại xin thét lên một tiếng nói đòi
công lý và công bằng xã hội, cho các vị sau đây: các tướng Đặng Kim Giang, Nguyễn
Vinh, Lê Liêm, các đại tá Đỗ Đức Kiên, Nguyễn Minh Nghĩa, Lê Minh Nghĩa, Nguyễn
Hiếu, Phan Hoàng, các giáo sư: Bùi Công Trừng, Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh,
các nhà báo: Hoàng Thế Dũng, Nguyến Kiên Giang, Quang Hân, Mai Luân, Mai Hiến,
Định Chân, Trân Thư, Khắc Tiếp, Hồng Văn..., các văn nghệ sĩ: Hoàng Cầm, Lê Đạt,
Trần Dần, Phùng Quán, Nguyễn Bính, Hữu Loan, Minh Giang, Quang Dũng, Trần Châu,
Trần Đĩnh, Hà Minh Tuân, Việt Phương, Anh Chính, Sỹ Ngọc, Văn Cao, Tử Phác, Đặng
Đình Hưng, Trần Lê Văn, Chu Ngọc, Hòang Tích Linh, bộ trưởng _ng Văn Khiêm, vụ
trưởng Vũ Đình Huỳnh, các đại tá Ngọc Bằng, Cao Nham, Đỗ Trường, Nguyễn Trần
Thiết bị giữ, bị xét hỏi sau đại hội đảng toàn quân năm 1986, vụ các vị tướng ở
Học viện quân sự cấp cao bị chất vấn, điều tra hồi đó (do cục bảo vệ quân đội
tiến hành) cũng cần được kết luận công khai, minh bạch, theo đúng thủ tục pháp
luật. Vụ ông Tạ Đình Đề nguyên chỉ huy các lực lượng biệt động nội thành, sau ở
Tổng cục Đường sắt bị giam giữ quá lâu, ra tòa không kết án được, đến nay vẫn không
được kết luận! Trên đây có một số người đã mất, họ nhắm mắt trong oan ức và uất
hận. Đây cần được coi là một nỗi đau của mỗi công dân lương thiện. Thật đáng buồn
là chưa có một đại biểu Quốc hội nào chất vấn nhà nước và đảng về những vụ vi
phạm pháp luật, ngang nhiên xâm phạm quyền công dân như trên. Vậy mà họ cứ nói
thao thao bất tuyệt về: lấy dân làm gốc! sống theo luật pháp! công bằng xã hội!
Con người mới! Con người mới thật sự không bao giờ vô trách nhiệm, mặc kệ những
nỗi oan trái và bất công của đồng bào mình. Vì lẽ phải có sự quan tâm chung và
cũng vì lẽ: hôm nay họ chà đạp lên quyền sống của anh thì ngày mai họ sẽ có thể
chà đạp lên quyền sống của tôi! Không ai cảm thấy an toàn cả!
Lại còn những vụ khác rất cần làm rõ trước công luận: việc bắt giữ xét hỏi, quản
thúc ông Tạ Bá Tòng, ông Nguyễn Hộ thuộc Câu Lạc Bộ những người kháng chiến cũ,
việc quản thúc linh mục Chân Tín và Nguyễn Ngọc Lan, việc bắt giữ bác sĩ Nguyễn
Đan Quế lần thứ hai mà không hề có xét xử, những vụ án liên quan đến nhà văn,
nhà báo Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Chí Thiện, Như Phong, Lê Văn Tiến, đến các đại đức
Phật giáo: Tâm Căn, Tuệ Sỹ, Trí Siêu, Đức Nhuận, đang bị giam, đều cần thực hiện
theo đúng thủ tục pháp lý, có tòa án, có luật sư bào chữa, có kết luận rõ ràng,
và công bố công khai để nhân dân đều biết.
Việc nhà văn nữ Dương Thu Hương bị bắt giữ từ tháng 4. 1991, không hề có xét xử,
chỉ được giải thích một cách chung chung là: vi phạm an ninh quốc gia, tiết lộ
bí mật quốc giạ..cũng cần được làm sáng tỏ trước công luận! "Hai tài liệu
bí mật định truyền ra nước ngoài" mà Tổng cục an ninh kết tội bà Dương Thu
Hương phải chăng đó là thư của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện gửi chủ tịch Mặt trận Tổ
quốc và bản kiến nghị của viện trưởng Hoàng Minh Chính, 2 văn kiện mà toàn thế
giới đã được biết từ tháng 3 năm 1991? Đã có hơn 1000 nhân vật nổi tiếng ở
phương Tây ký bản kêu gọi đòi trả lại tự do cho nữ văn sĩ gan góc này. Ngoài những
người bị oan trái "có tên tuổi" trên đây, còn hàng vạn trường hợp người
dân thường thấp cổ bé họng bị bắt oan, bị giam giữ, bị nhục hình, bị ép
cung...thì không sao kể xiết! Cả một hệ thống nhà tù chật cứng, không có điều
kiện vệ sinh, người tù bị giam trong điều kiện khủng khiếp, đọa đầỵ..Đã có một
đại biểu Quốc hội nào lên tiếng chất vấn nhà nước và đòi điều tra về tình trạng
bi thảm đó? Trách nhiệm thuộc về ai? Giải quyết ra sao đây? Vấn đề quyền con
người là chính ở đây. Hàng nghìn vụ kiện về nhà cửa, vườn và ruộng đất, trong
đó một số cán bộ đảng viên có chức có quyền ở địa phương cưỡng đoạt của người
dân, cũng cần được giải quyết minh bạch và công khaị..
Trong "Bản kiến nghị của một công dân", tôi đã chỉ rõ một chế độ
không có trách nhiệm cá nhân rõ ràng thì không thể có trật tự và luật pháp. . Ơ
Việt Nam, người ta đề cao lãnh đạo tập thể tới độ cực đoan nhất, đến mực cá
nhân không còn có ý nghĩa gì cả! Và thế là khi có sai lầm, tội lỗi, tập thể là
cái lá chăn để cá nhân tha hồ ẩn nấp, phủi sạch trách nhiệm! Hàng trăm vụ án
oan ức, vi phạm quyền công dân do đâu? Không ai biết cả! Không ai trả lời cả! Họp
đại hội đảng không một ai được nêu ra bất cứ vấn đề gì! Đã có chương trình sẵn,
chỉ có chấp hành! Như một lớp học vậy! Trong quốc hội cũng là của đảng tuốt! Mà
đảng có hai triệu người, số công dân ngoài đảng gần 40 triệu, gấp 20 lần số đảng
viên, nhưng chỉ có 2 đến 3% trong Quốc hội! Đã có một số đảng viên chán nản mất
niềm tin, xin ra đảng, có không ít thanh niên không thiết gì vào đảng khi đảng
chỉ biết chọn người biết cúi đầu vâng dạ, để tìm người đi bằng đầu gối để vào đảng!
Có những chuyện mỉa mai: Khi chi bộ đảng muốn kết nạp ai họ bầy trò lấy ý kiến
của đồng đáo cán bộ công nhân viên về người đó. Thế là anh chị em thanh niên bảo
nhau: "Thôi, cứ đồng ý cho những người đó vào đảng để hàng ngũ người ngoài
đảng được trong sạch!" Đó, tính chất tiền phong mà đảng vẫn rêu rao hóa ra
là thế!
Và suốt 4 kỳ đại hội đảng từ 1973, có ai giám nêu lên vấn đề chiến lợi phẩm,
giá trị 5 đến 6 tỷ đô- la, bị phân tán, bị rơi vãi, bị chiếm đoạt bởi các
ngành, các địa phương, vào cả túi cá nhân ra saọ..?
Vấn đề người di tản còn mắc kẹt ở các nước Đông Nam á, số người ra đi, theo
chương trình HO (gần nửa triệu người) cũng không ai bàn đến, chẳng ai bàn đến gần
hai triệu người Việt ở nước ngoài, với tất cả tiềm lực to lớn của họ đối với đất
nước! Cứ để mặc cho những vết thương chiến tranh chảy máu dài dàị..Đó là thái độ
vô trách nhiệm với nhân dân, với lịch sử, với biết bao chiến sĩ và đồng bào dã
hy sinh xương máu trong chiến tranh. Và gần đây khi Việt Nam xích lại gần Trung
Quốc, chẳng có ai dám lên tiếng báo động rằng rồi sẽ có sự bắt tay nguy hiểm với
Khmer Đỏ, rằng họ cũng lại có thể quay lại gọi bọn Pol Pốt- những tên đồ tể diệt
chủng là "đồng chí" nữa cho mà xem! Rồi Việt Nam sẽ lại bị cô lập với
cả khu vực Đông Nam á!
Đó là điều tất yếu! Vì đảng cộng sản Việt Nam du nhập chủ nghĩa Mác Lênin theo
một con đường tắt: qua những tác phẩm của Staline (nhất là cuốn Lịch sử đảng cộng
sản Liên Xô và cuốn Những quy luật cơ bản xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ
nghĩa công sản) và những tác phẩm của Mao Trạch Đông. Do đó cái còn lại rất
sâu, rất nặng là chủ nghĩa Staline và chủ nghĩa Mao, mang mầu sắc vừa phong kiến
vừa nông dân, duy tâm, gia trưởng và độc đoán, rất bảo thủ và trí trệ, hoàn
toàn xa lạ với tư tưởng dân chủ, với cơ chế dân chủ của thời đại mới.
Cuộc đảo chính phản động của bọn giáo điều, cục đoan ở Liên Xô là một tiếng
chuông cảnh tỉnh rất cần thiết! Những ai buồn rầu về số phận của "những đồng
chí trung kiến" ấy sau khi hí hửng chuẩn bị sẵn điện mừng, để rồi bị lỡ
tàu, cần xét kỹ lại mình.
Bám lấy những tín điều cổ lỗ, đi ngược lại nguyện vọng dân chủ
của nhân dân thì không thể có tương lai. ở đâu cũng vậy. Chớ có ảo tưởng rằng:
người châu á khác, phương thức sản xuất châu á cònnuôi dưỡng ý thức phong kiến
độc đoán và ý thức nông dân thụ động, nên khó bật dậy! Không! Người Châu á ngày
nay, người Việt Nam chúng ta ngày nay rất khác rồi. Dân chủ, tự do, phát triển
là hoài bão cháy bỏng của đông đáo nhân dân , không có sức nào ngăn chận, kìm
hãm nổi, chỉ chờ dịp là bùng dậy và tất thắng!
Cái ổn định được rêu rao hiện nay là ổn định chính trị giả tạo, không thực chất,
một thứ ổn định hình thức, che dấu sự không ổn định về tâm lý xã hội rất sâu sắc,
che dấu một sự trì trệ, quay về lối cũ. Chỉ có đi vào con đường dân tộc và dân
chủ đa nguyên một cách có bài bản, có đường đi nước bước hợp lý, mới đi đến ổn
định và phát triển thật sự. Đó là sự ổn định trong phát triển, ổn định động, ổn
định trong tiến lên, chứ không phải sự ngưng đọng và quay về lối cũ rất nguy hiểm
hiện nay.
Vấn đề này sẽ được nói rõ ở phần cuối, phần thứ 9 của cuốn sách này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét