Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

HỒI KÝ CỦA ĐẠI TÁ PHẠM BÁ HOA: GIỜ THỨ 25


1      2      3      4      5      6      7      8      9      10

Từ sau ngày Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức, hằng ngày, trước đầu giờ và sau cuối giờ làm việc, tôi thường lên văn phòng Trung Tướng Đồng Văn Khuyên để theo dõi và trao đổi tình hình. Qua câu chuyện trao đổi mang tính cách tâm tình với nhau hơn là Tham Mưu Trưởng/Bộ Tổng Tham Mưu ra lệnh cho Tham Mưu Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận. 
Xin mời quí vị quí bạn vui lòng trở lại ngày 27 tháng 4 năm 1975 trước khi vào giờ thứ 25. Tại tòa nhà chánh Bộ Tổng Tham Mưu, đã hết giờ làm việc buổi chiều từ lâu, tôi vẫn còn ngồi trong văn phòng Trung Tướng Đồng Văn Khuyên, nghe ông tâm sự:
“Anh biết không, Thiếu Tướng Smith nói với tôi là cấp chỉ huy của ông ta từ Pentagon (lầu năm góc, tức Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ) nói ổng đang ủng hộ một Trung Tướng cộng sản ngay tại Sài Gòn”.
“Ông ta muốn ám chỉ Trung Tướng phải không?
“Tôi cũng nghĩ vậy”.
“Trung Tướng có nói gì không?
“Không”.
“Đến lúc này, Trung Tướng có quyết định ra đi chưa?
Tôi hỏi như vậy là vì lúc sáng, Y Sĩ Chuẩn Tướng Phạm Hà Thanh, Cục Trưởng Cục Quân Y, lên hỏi thăm tình hình, Trung Tướng Khuyên yêu cầu Chuẩn Tướng Thanh cho ông 2 chai thuốc độc, và tôi cũng xin 2 chai (1 chai để trong túi và 1 chai trong cặp xách tay). Khi ông xin thuốc độc, điều đó cho thấy có thể là ông không bỏ chạy, hoặc xin thì xin nhưng chạy vẫn chạy. Nhưng tôi nghĩ, ít ra thì Trung Tướng Khuyên đang có hai giải pháp trong đầu. Im lặng một lúc, chừng như ông đang xúc động nên lời nói của ông thật nhỏ:
“Tôi đã hứa với ổng (tức Thiếu Tướng Smith), vì tôi cảm thấy sẽ không an toàn nếu như tôi khước từ di tản”.
“Thiếu Tướng Smith có nói bao giờ thì đi không, thưa Trung Tướng?
“Ổng được lệnh từ Pentagon là sẽ đưa tôi đi”.
“Thiếu Tướng Smith có nói là sẽ đi vào lúc nào không Trung Tướng?
Trung Tướng Khuyên buông thỏng: “Giờ thứ 25”. 
“Ổng có nói với Trung Tướng giờ đó là giờ nào không?
“Giờ đó sẽ được quyết định từ Pentagon”.
Sáng ngày 29 tháng 4 năm 1975, Tổng Thống Dương Văn Minh cho phổ biến bản tuyên bố trên đài phát thanh Sài Gòn, theo đó thì Tổng Thống yêu cầu Hoa Kỳ lập tức rút toàn bộ các cơ quan và nhân viên Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam Cộng Hòa.
Ngay sau bản tin ngắn ngủi nhưng rất quan trọng đó, từng đoàn trực thăng của Hải Quân Hoa Kỳ vào Sài Gòn, chuyên chở những người "di tản" ra Hạm Đội 7 ngoài khơi Vũng Tàu. Bãi đáp chính của trực thăng là khu vực Văn Phòng Tùy Viên Quốc Phòng Hoa Kỳ ở Tân Sơn Nhất, và bãi đáp trên sân thượng tòa đại sứ Hoa Kỳ, tọa lạc bên trái đại lộ Thống Nhất (từ Dinh Độc Lập nhìn về hướng Thảo Cầm Viên).
Tôi xin dừng ở đây để thuật tiếp phần cuối của câu chuyện ngắn (phần đầu tôi đã thuật trong cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963) do cựu Đại Tá Nguyễn Linh Chiêu kể cho các bạn trong bữa ăn tại nhà ông ở Orange County, Nam California, vào ngày 15 tháng 11 năm 1991. Hôm ấy, tôi là một thực khách trong số đó. Chuyện mà cựu Đại Tá Chiêu kể lại là nhân chuyến ông sang Paris đầu năm 1991, ông có mời cựu Tổng Thống Dương Văn Minh và cựu Trung Tướng Trần Văn Đôn dùng cơm, để giúp giải tỏa mối bất hòa giữa hai vị mà cả hai vị đều là bạn thâm giao của cựu Đại Tá Chiêu. Trong toàn bộ câu chuyện ngắn đó có đoạn cựu Đại Tá Chiêu hỏi cựu Tổng Thống Dương Văn Minh:
“Tại sao anh mới nhận chức Tổng Thống mà anh ra lệnh đuổi Mỹ về nước?
"Moa" không đuổi Mỹ. Bản văn  đuổi Mỹ là do Đại Sứ Martin (Hoa Kỳ) đưa cho "Moi" và yêu cầu "Moi" phổ biến”. 

Phần cuối câu chuyện chỉ có thế, nhưng nó cho thấy Hoa Kỳ đã "an bài chiến tranh chống cộng của Việt Nam Cộng Hòa chúng ta" đến tận cùng chi tiết. Vì vậy mà chúng ta không ngạc nhiên khi bản văn "đuổi Mỹ" vừa phát đi trên làn sóng đài phát thanh Sài Gòn, thì từng đoàn trực thăng Hoa Kỳ thuộc Hạm Đội 7 của họ từ ngoài khơi Thái Bình Dương, ào ào vào Sài Gòn, cứ như các trực thăng đó túc trực ứng chiến trên đường bay của Hàng Không Mẫu Hạm vậy. Thậm chí đơn vị Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đã có mặt tại phi trường Tân Sơn Nhất và tòa đại sứ từ nửa đêm 28 rạng 29 tháng 4 năm 1975, để bảo vệ cuộc vận chuyển di tản. Các sự kiện đó đã xác định rõ ràng chớ không phải ngẫu nhiên. Ngôn ngữ chính trị là như vậy mà. Nghe vậy, nhưng không phải vậy, mà đôi khi cũng có thể là như vậy.   
Vẫn sáng ngày 29 tháng 4 năm 1975, như những ngày trước đó, tôi lên văn phòng Trung Tướng Đồng Văn Khuyên, để theo dõi tình hình, vẫn chưa nghe ông nói gì về giờ thứ 25 mặc dù Tổng Thống đã chánh thức yêu cầu Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam Cộng Hòa trong vòng 48 tiếng đồng hồ!
Trở về văn phòng, đứng ở lan can ngay trước văn phòng tôi, nhìn sang bãi đáp bên kia hàng rào kẽm gai ngăn cách giữa khuôn viên Bộ Tổng Tham Mưu với một góc của khuôn viên phi trường Tân Sơn Nhất. Từng chiếc trực thăng hạ cánh rồi cất cánh với đầy người chen chúc bên trong, một vài chiếc có cả người còn tòn teng ở càng chân trực thăng chớ chưa vào được bên trong. Lúc ấy tôi liên tưởng đến tấm ảnh với ghi chú ngắn trên những nhật báo phát hành tại Sài Gòn ngày 18 và 19 tháng 4 năm 1975. Tấm ảnh đó chụp lúc những giới chức của quốc gia Cam Bốt, đang chen lấn lên trực thăng Hoa Kỳ để di tản khỏi quê hương của họ, vì quân cộng sản đang tiến chiếm thủ đô Nam Vang (Phnom Penh). Nghĩa là họ thua trận trước Việt Nam Cộng Hòa, nhưng họ hơn ta ở điểm là họ còn chống giữ thủ đô Nam Vang được vài tuần. Câu ghi chú rằng: "Những người Cao Miên đứng bên ngoài rào, trông họ rất thản nhiên khi nhìn cái cảnh trốn chạy của những người từng lãnh đạo đất nước họ ...". Thật lòng mà nói, lúc ấy tôi không biết tôi đang nghĩ gì và phải làm gì khi trông thấy cảnh tượng như vậy diễn ra ngay trước mắt! Có vẻ như tôi chưa sẳn sàng chấp nhận hình ảnh đó là sự thật trong cuộc đời, mặc dù nó đang xảy ra trước mắt tôi!
Không biết có phải là khi một người có những suy tư lo nghĩ trong một mức độ nào đó thì họ còn kiểm soát được, có nghĩa là họ vẫn còn suy tư lo nghĩ, nhưng khi điều suy tư lo nghĩ vượt quá mức kiểm soát  thì họ trở nên bình thản trước sự việc chăng? Nếu trong khoa tâm lý và khoa dịch lý có nói đến trường hợp như vậy, thì tôi đang trong tình trạng vượt quá mức kiểm soát đó. Đứng nhìn cấp trên tôi và các đồng đội tôi đang bỏ chạy mà tôi không biết tôi đang nghĩ gì và phải làm gì nữa!    
 Trong khi cảnh di tản bằng trực thăng trong khuôn viên phi trường Tân Sơn Nhất ở phần đối diện với khuôn viên Bộ Tổng Tham Mưu vẫn diễn tiến, Trung Tướng Đồng Văn Khuyên đẩy cửa vào phòng tôi, nhưng tôi bận điện thoại cung cấp nhiên liệu cho Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh đã từ Biên Hòa rút về Gò Vấp. Thấy tôi bận, ông quay trở ra và sang phòng vệ sinh. Điện thoại xong, tôi ra đứng cạnh lan can chờ ông. Dĩ nhiên là khi trở ra, Trung Tướng Khuyên trông thấy tôi, ông đi ngang tôi, rồi đi thẳng đến xe Jeep cách tôi chừng 5 bước. Ông lên xe, nhìn thẳng phía trước, và im lặng. Chưa bao giờ tôi thấy thái độ của ông như vậy, do vậy mà tôi nghĩ: "Phải chăng giờ thứ 25 bắt đầu?".
Ông không nói một tiếng nào trong khoảng 5 phút. Ông ra hiệu bằng tay, anh Hạ Sĩ Quan tài xế cho xe lăn bánh. Tôi đứng thẳng người, đưa tay lên trán, chào ông, rồi khoa tay từ biệt để ông hiểu là tôi đoán được chuyện gì đang xảy ra. Nếu tôi không lầm, thì Trung Tướng Khuyên sẽ rất xúc động nếu như ông nói với tôi bất cứ lời nào, vì vậy mà tôi không chút phiền muộn đối với Trung Tướng Đồng Văn Khuyên cho dù ông đã không một lời từ biệt, một lời từ biệt với biết bao nguy hiểm cho người đi lẫn người chưa đi!
Lúc đó là 11 giờ 30 phút sáng ngày 29 tháng 4 năm 1975, và tôi xem đây là giây đầu tiên trong 3.600 giây của Giờ Thứ 25!
Khoảng hai tiếng đồng hồ sau đó, Thiếu Tá Tấn, sĩ quan tùy viên của Trung Tướng Đồng Văn Khuyên, điện thoại tôi:
“Trình Đại Tá, Trung Tướng đã vào gặp Thiếu Tướng Smith rồi”.
“Anh đang ở đâu vậy?
“Tôi đang ở nhà tôi”.
“Ủa, anh không đi sao?
“Dạ không Đại Tá”.
Description: http://www.vnbp.org/book/phambahoa/pix/image001.jpg
“Anh có thể  cho tôi biết là sau khi rời chỗ tôi thì Trung Tướng đi những đâu không?
“Rời văn phòng Đại Tá, Trung Tướng hướng dẫn tài xế lái xe trên nhiều con đường trong Tổng Tham Mưu, rồi ra cổng số 3 (cổng số 3 ra đường Võ di Nguy) và quanh vào cổng sau phi trường. Tại đây có sĩ quan tùy viên của Thiếu Tướng Smith đón và hướng dẫn vào. Đi được một khoảng thì lính gác Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ gọi tôi lại, bảo tôi tháo khẩu súng lục để lại cổng. Đi bộ vào đến Văn phòng Tùy Viên Quốc Phòng thì Thiếu Tướng Smith đứng chờ ở đó, cả hai ông vào văn phòng, tôi chào Trung Tướng rồi trở về nhà”.  
“Anh trông thấy nhiều người trong đó chớ?
“Đông lắm Đại Tá ơi! Đông nghẹt người lận”.
“Cám ơn anh, và mong là anh em mình còn liên lạc nhau được ngày nào mừng ngày ấy thôi. Chào anh nhé”. 
Vậy là, quí vị lãnh đạo đất nước Việt Mam vừa bàn giao chức vụ lãnh đạo quốc gia lẫn quí vị đương kiêm chức vụ lãnh đạo quân đội, đã lần lượt "rời bỏ Việt Nam" gần như theo hệ thống quân giai cho dù là hệ thống quân giai ngẫu nhiên cũng vậy:
Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, vị Tướng đã hai lần đặt tay lên Hiến Pháp tuyên thệ "bảo vệ quốc gia dân tộc, bảo vệ Hiến Pháp" khi nhận chức Tổng Thống và Tổng Tư Lệnh Tối Cao Quân Đội, lên phi cơ đi ngoại quốc!
 Description: http://www.vnbp.org/book/phambahoa/pix/image003.jpg
Đại Tướng Trần Thiện Khiêm, hơn 5 năm trong chức vụ Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng,  lên phi cơ đi ngoại quốc!
 Description: http://www.vnbp.org/book/phambahoa/pix/image005.jpg
Đại Tướng Cao Văn Viên, vị Tổng Tham Mưu Trưởng  Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa từ ngày 15 tháng 10 năm 1965, lên phi cơ đi ngoại quốc!
Đầu giờ thứ 25, Trung Tướng Đồng Văn Khuyên, Tham Mưu Trưởng/Bộ Tổng Tham Mưu kiêm Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận, cũng lên phi cơ đi ngoại quốc!
Và khi vị Tổng Tham Mưu Trưởng và Tham Mưu Trưởng/Bộ Tổng Tham Mưu, rời bỏ chức vụ để "đi ngoại quốc", thì quí vị Tướng Lãnh cùng nhiều vị Trưởng Phòng của Bộ Tổng Tham Mưu, cũng ra đi!  
Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa lúc 12 giờ trưa ngày 29 tháng 4 năm 1975, không còn một vị nào có thẩm quyền quyết định bất cứ vấn đề gì hết, ngay cả công tác phòng thủ trại Trần Hưng Đạo -tức Bộ Tổng Tham Mưu- cũng không ai trách nhiệm nữa. Quân nhân và công chức quốc phòng của Bộ Tổng Tham Mưu trên dưới 2.000 người, không còn cấp chỉ huy, nên họ đành phải quyết định: Tự động tan hàng!
Tôi điện thoại cho Đại Tá Nguyễn Hồng Đài (con rể của Tổng Thống Dương Văn Minh), nguyên là Chánh Sở Kế Hoạch/ Tổng Cục Tiếp Vận biệt phái về Phủ Tổng Thống:
“Anh Đài. Anh vui lòng trình với Tổng Thống là cho đến lúc này, trong Bộ Tổng Tham Mưu không còn vị Tướng Lãnh nào hết, cũng không ai trách nhiệm bảo vệ bản doanh Tổng Tham Mưu nữa. Tôi trình xin Tổng Thống cử người vào chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng và Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận. Nếu hôm nay không có vị nào vào đây thì bộ tham mưu nhẹ của Tổng Cục Tiếp Vận chúng tôi sẽ sang Biệt Khu Thủ Đô làm việc, vì khách hàng mà tôi yểm trợ chỉ còn Biệt Khu Thủ Đô và một phần lực lượng của Quân Đoàn III thôi”.
“Được rồi, tôi trình "Ông Già" ngay và sau đó sẽ điện thoại anh”.
Một lúc sau, Đại Tá Đài gọi tôi:
“Ông Già" cho biết, lúc 3 giờ chiều nay sẽ có phái đoàn Tướng Lãnh vào nhận chức trong Bộ Tổng Tham Mưu. Anh yên tâm”.
Lúc 2 giờ chiều 29 tháng 4 năm 1975, tôi mời các vị Cục Trưởng Cục Phó, Trung Tâm Tiếp Liệu Lục Quân, Trung Tâm Điện Toán Tiếp Vận, Chỉ Huy Trưởng Trường Tiếp Vận, đến họp gấp. Kiểm điểm lại chỉ còn Cục Trưởng Cục Quân Y (Chuẩn Tướng Phạm Hà Thanh), Cục Trưởng Cục Quân Vận (Đại Tá Nguyễn Tử Khanh), Cục Phó Cục Quân Nhu, Cục Phó Cục Công Binh, Cục Phó Cục Quân Cụ, Cục Phó Cục Truyền Tin, Cục Phó Cục Quân Tiếp Vụ, và Cục Phó Cục Mãi Dịch. Tôi vào đề ngay:
“Trong trách nhiệm Tham Mưu Trưởng/Tổng Cục Tiếp Vận, tôi xin thông báo đến quí vị và các bạn về tình hình chung và tình hình nội bộ Tiếp Vận của mình. Về tình hình chung, hiện nay theo Phòng 2/Bộ Tổng Tham Mưu thì có khoảng 10 sư đoàn quân cộng sản bao quanh Sài Gòn và chúng đang áp sát ven ngoại ô. Điều đó cho phép dự đoán là chúng có thể tấn công chúng ta bất cứ lúc nào mà chúng cho là thuận lợi. Về lực lượng phòng thủ của ta thì không có đơn vị nào nguyên vẹn, kể cả Nhẩy Dù và Thủy Quân Lục Chiến. Ngay cả Sư Đoàn 106 Biệt Động Quân mới thành lập với Đại Tá Nguyễn Văn Lộc giữ chức Tư Lệnh, Đại Tá Vũ Phi Hùng làm Tư Lệnh Phó, và Đại Tá Cao Văn Ủy làm Tham Mưu Trưởng, cũng chỉ là sự kết hợp gấp rút các Liên Đoàn Biệt Động Quân  cùng với vài đơn vị Pháo Binh và Thiết Giáp còn lại thôi. Về nội bộ Tiếp Vận, thì Trung Tướng Tổng Cục Trưởng và gần hết các sĩ quan cao cấp trong Tổng Cục Tiếp Vận, đã tự động rời khỏi nhiệm sở rồi. Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Tiếp Liệu Lục Quân và Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Điện Toán Tiếp Vận, cũng thế. Còn tại các Cục, tôi nghĩ là các bạn biết rõ hơn tôi. Thông báo một tình hình như vậy, tôi muốn quí vị và các bạn tùy nghi vì tôi không có thẩm quyền về bất cứ vấn đề gì vượt quá trách nhiệm và quyền hạn của người Tham Mưu Trưởng Tổng Cục. Tôi có bấy nhiêu lời, và nếu không có điều gì cần hỏi, tôi xin chào quí vị, chào các bạn, vì trong chúng ta không ai biết được những gì sẽ chợt đến với mình trong những ngày tháng sắp tới -  
Sở dĩ phải nói lời chào ngay vì tôi thấy Đại Tá Nguyễn Tử Khanh có vẻ như muốn rời phòng họp. Quả thật, hơn tiếng đồng hồ sau đó, Đại Tá Cao Văn Phước, Cục Phó Cục Quân Vận cho tôi biết là Đại Tá Khanh đã vội vã xuống Giang Đoàn Vận Tải và đi rồi.   
Lúc 3 giờ chiều ngày 29 tháng 4 năm 1975, Trung Tướng Vînh Lộc -đã một thời là Tư Lệnh Quân Đoàn II, rồi Chỉ Huy Trưởng Trường Cao Đẳng Quốc Phòng- vào nhận chức Tổng Tham Mưu Trưởng. Cùng lúc, Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh nhận chức Tham Mưu Trưởng/Bộ Tổng Tham Mưu. Và một vài Đại Tá nhận chức Trưởng Phòng. Đại Tá Nguyễn Khắc Tuân, chánh văn phòng Trung Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng.
Đại Tá Tuân gọi tôi lên trình diện Trung Tướng tân Tổng Tham Mưu Trưởng:
“Chào Trung Tướng”.    
“Chào anh. Những vị Tướng cầm quyền đã chạy hết rồi. Bây giờ chúng mình hãy cùng nhau cố gắng nhiệm vụ trọng đại của Quốc Gia. Vào giờ phút lâm nguy này mới thấy được giá trị của mỗi người như thế nào đối với Tổ Quốc”.
“Thưa Trung Tướng, giờ này tôi có mặt ở đây và đang trình diện Trung Tướng, trong khi các cấp chỉ huy trên tôi đã rời khỏi nhiệm sở, và các cấp chỉ huy dưới tôi cũng vậy, có nghĩa là tôi vẫn tiếp tục trách nhiệm của tôi, thưa Trung Tướng”.
“Nhiệm vụ yểm trợ Tiếp Vận cho các đơn vị phòng thủ Sài Gòn, tôi trông cậy vào anh”.
“Vâng. Tôi đã và đang làm tất cả những gì thuộc về trách nhiệm của tôi, và tôi vẫn tiếp tục như vậy. Và nếu không có vị nào khác thì xin Trung Tướng cử Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Chức vào chức vụ Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận, vì tôi được biết Chuẩn Tướng Chức sẳn sàng nhận chức vụ này, thưa Trung Tướng”. 
“Anh sẽ có vị Tổng Cục Trưởng ngay hôm nay”. 

“Vâng. Chào Trung Tướng”.
Lúc 5 giờ chiều 29 tháng 4 năm 1975, Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Chức, trước là Cục Trưởng Cục Công Binh, kế đến là biệt phái sang phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách khẩn hoang lập ấp, đến nhận chức Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận. Một chức vụ mà Chuẩn Tướng Chức đã hơn một lần tự ông đề nghị thẳng với Trung Tướng Khuyên đề nghị lên cấp trên bổ nhậm ông vào đó. Chuẩn Tướng Chức, trong thời gian sinh hoạt trong "Nhóm Đời Mới" -tôi cũng là một thành viên trong Nhóm- của cụ Trần Văn Ân, có lần nói với tôi rằng "lên đến Tướng là phải hoạt động chính trị và ông cũng nói thẳng là ông muốn nắm giữ chức vụ cao hơn là Cục Trưởng nếu vẫn phục vụ trong quân đội, vì ông tự thấy khả năng của ông như vậy, và đó mới là tương lai sự nghiệp của ông. Chuẩn Tướng Chức là người rất hoạt động, khi ông tham gia công tác với đơn vị Công Binh của ông thì ông làm nhiệt tình như bất cứ người lính Công Binh nào, và trong những trường hợp như vậy ông rất thích được  phóng viên báo chí tiếp xúc. Chuẩn Tướng Chức là mẫu người rất nhiệt tình trong trách nhiệm, và ông cũng rất muốn được xuất hiện trong sinh hoạt chính trường. 
Tôi trình bày tình hình chung và tình hình riêng của ngành Tiếp Vận như đã cung cấp  cho các vị chỉ huy Tiếp Vận trong buổi họp ngắn ngủi lúc 2 giờ, và tình hình yểm trợ Tiếp Vận cho các đơn vị chiến đấu. Chuẩn Tướng Chức viết tay lệnh bổ nhiệm Đại Tá Trần Văn Lễ (đang là Chỉ Huy Trưởng Trường Tiếp Vận) trở lại chức vụ Cục Trưởng Cục Quân Tiếp Vụ. Các vị Cục Trưởng đã bỏ nhiệm sở thì ông cử các vị Cục Phó giữ chức Quyền Cục Trưởng.
“Bây giờ xin phép anh tôi về nhà dùng cơm rồi trở lại ngay. Trong thời gian đó nếu có đơn vị nào xin yểm trợ thì anh bảo họ điện thoại cho tôi và tôi giải quyết”.  
“Được rồi, anh về đi.  Anh có cần xe mở đường không vì đường phố đông nghẹt người với xe cộ đó? 
“Cám ơn anh. Không cần đâu anh”.
Không chỉ là đường phố đông nghẹt người mà là hỗn loạn chưa từng thấy! Áng chừng 6 cây số mà phải gần 2 tiếng đồng hồ tôi mới về đến nhà. Dọc đường, tiếng gọi nhau chạy loạn vang vang cả một quảng dài, đúng là "loạn thì lạc!". Trời tối hẳn, những chiếc trực thăng Hoa Kỳ thả "hỏa châu" chiếu sáng liên tục, để từng đoàn trực thăng phụ trách "di tản" thi hành nhiệm vụ. Nhiều phi tuần khu trục phản lực cũng của Hoa Kỳ, gào thét trên không phận thủ đô để sẳn sàng tấn công các đơn vị cộng sản nếu như trực thăng vận tải của họ bị bắn hạ, trong khi đạn phòng không của cộng sản tua tủa vọt lên khoảng không gian bé nhỏ vừa tối lại vừa sáng!
Trong những năm chiến tranh dữ dội, nhất là trong trận chiến "mùa hè đỏ lửa năm 1972", ngày cũng như đêm, người dân Sài Gòn rất quen với tiếng động cơ phản lực chiến đấu, từng đôi từng đoàn, xé không gian lên đường đánh địch bằng hỏa lực mãnh liệt mà nó được các nhà chế tạo Hoa Kỳ nghiên cứu trang bị, và quen đến mức nếu như vắng âm thanh đó thì họ cho là chuyện không bình thường. Bẳng đi một thời gian khá lâu, đêm nay, âm thanh đó trở lại, nhưng là trở lại để đánh dấu một tình huống bi thảm của dân tộc Việt Nam sau hai thập niên chiến đấu vì Dân Chủ Tự Do!
Cơm xong tôi ra xe, nhưng đến 10 giờ đêm mà vẫn chưa ra đến đường Tô Hiến Thành mặc dù chỉ cách nhà tôi hơn 100 thước. Chừng như tất cả mọi người đều đổ xô ra khỏi nhà để tìm đường sống vậy! Tôi xuống xe và chen nhau từng bước giữa khối người là người mới trở vào được trong khu cư xá do các thanh niên trong cư xá canh gác bảo vệ, vì ngay ngoài cổng trước của cư xá đã có vài nhà bị cướp giật rồi. Tôi điện thoại sang Tổng Cục Tiếp Vận:  
“Chào anh Chức, Hoa đây anh. Bây giờ tôi không có cách nào ra ngoài cư xá được vì hỗn loạn đến mức không sao tưởng tượng nỗi. Anh cho phép tôi ở nhà, tất cả điện thoại về nhu cầu Tiếp Vận anh chuyển sang cho tôi và tôi giải quyết ngay. Công việc của Tổng Cục mình bây giờ thu gọn lắm rồi anh. Hàng tiếp liệu cho các đơn vị chỉ gồm nhiên liệu và đạn dược, tôi cho lên xe sẳn sàng tại các kho để cung cấp thật nhanh theo yêu cầu. Anh an tâm”.
“Được rồi. Có gì tôi gọi anh”.
Vài trái đạn đại bác của quân cộng sản đã nổ bên ngoài khuôn viên cư xá nhưng chưa gây thiệt hại quan trọng nào. Phi trường Tân Sơn Nhất chắc là bị pháo kích nhiều, vì tôi nghe tiếng đại bác nổ liên hồi ở hướng đó. Trong cư xá có 1 đại đội Nhẩy Dù từ trên căn cứ Hoàng Hoa Thám (đầu phi trường Tân Sơn Nhất phía Hóc Môn) rút về đây, và cư dân an lòng đôi chút vì có lực lượng phòng thủ.
Gần nửa đêm, Đại Tá Trương Đình Liệu, Chỉ Huy Trưởng Tổng Kho Long Bình, điện thoại tôi:
“Trình anh là tôi đã cho triệt thoái toàn bộ về đây rồi. Chờ lệnh Tổng Cục hoài không thấy, đến khi các đơn vị trong căn cứ Long Bình rút lui, tôi liền cho anh em theo họ”.
“Anh hành động đúng thôi. Chuẩn Tướng Chức nhận chức Tổng Cục Trưởng lúc chiều, ông ấy không ra lệnh thì tôi làm gì được. Về yểm trợ thì tôi lo được, nhưng ra lệnh rút lui thì tôi đâu có thẩm quyền. Anh hiểu tôi rồi hén”.
Khoảng 2 giờ 30 sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, điện thoại (nhà tôi) reo:
“Đại Tá Hoa tôi nghe”.
“Trung Tướng Lộc đây anh. Lúc nảy, Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh có xin tiếp tế xăng và đạn, không biết là họ liên lạc với anh chưa?
“Chuẩn Tướng (Lê Trung Tường) Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn III có gọi tôi, và tôi đã cung cấp rồi, thưa Trung Tướng”.
“Cố gắng nghe anh Hoa”.
“Vâng. Tôi đã trình bày với Trung Tướng chiều qua rồi, tôi vẫn thi hành nhiệm vụ của tôi cho đến khi nào tôi không thể tiếp tục được nữa, thưa Trung Tướng”.
Khoảng 3 giờ sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, Thiếu Tá Ông Kim Miêng, chánh văn phòng Tổng Cục Phó, và từ chiều qua là chánh văn phòng Tổng Cục Trưởng, từ văn phòng Tổng Cục Tiếp Vận điện thoại tôi:
“Thưa Đại Tá, Chuẩn Tướng Chức đã lên xe đi rồi”.
“Chuẩn Tướng đi một mình hay đi với ai vậy anh?
“Dạ đi một mình. Chuẩn Tướng đi mà không xách cái cặp theo, và cũng không cho xe hộ tống (xe có còi hụ mà chiều qua ông mang đến) theo nữa”.
“Thôi được. Sáng sáng một chút,  tôi tìm cách  đến Tổng Cục hẳn hay”
Tiếp đó điện thoại lại reo:
“Đại Tá Hoa tôi nghe”.
“Đài đây anh (Đại Tá Nguyễn Hồng Đài). Lúc 10 giờ sáng nay (tức 30/4/1975) "Ông Già" sẽ công bố giải pháp chính trị, anh theo dõi trên đài phát thanh Sài Gòn nghe”.   
“Nhưng mà nội dung giải pháp là gì?
“Trung lập, như tôi nói với anh đó”.
“Vậy là tôi chuẩn bị. Cám ơn anh”.
Đến đây tôi xin mở ngoặc để nói đến 2 điều cho vấn đề được rõ thêm.
Điều thứ nhất. Khoảng năm 1998, tôi có dịp gặp anh Nguyễn Hồng Đài tại thành phố Houston, tiểu bang Texas. Sau khi thăm hỏi nhau, anh xác nhận lời anh đã nói với tôi là đúng như trong quyển Đôi Dòng Ghi Nhớ, nhưng về thời gian thì sai. Anh nói không phải rạng sáng 30 tháng 4 mà là rạng sáng 29 tháng 4, vì tối 29 tháng 4 anh đang trên tàu ra biển. Trí nhớ của tôi vẫn ghi nhận lời anh nói vào rạng sáng 30 tháng 4, vì đây là đêm đầu tiên tôi “bị” ngủ tại nhà sau 3 tuần cắm trại ngủ tại văn phòng tôi (Tổng Cục Tiếp Vận) trong khuôn viên Bộ Tổng Tham Mưu, và tôi tiếp chuyện điện thoại với anh lúc tôi từ cửa sổ nhà tôi nhìn lên bầu trời với những âm thanh gào thét của những chiếc phản lực cơ Hoa Kỳ bao vùng yểm trợ cho trực thăng đưa người di tản. Vì vậy tôi vẫn viết lại đây theo trí nhớ của tôi.
Và điều thứ hai. Khi tôi nói "tôi chuẩn bị", tức là tôi chuẩn bị rời khỏi Việt Nam ngay sau khi Tổng Thống Minh tuyên bố trung lập. Nghĩa là tôi và gia đình dự trù rời khỏi Việt Nam nhưng không đi trước khi có giải pháp chính trị, mà ra đi trong lúc giao thời dù chỉ trong ngắn ngủi. Chúng tôi dự trù 6 gia đình, trong số này có 2 gia đình thuộc phi hành đoàn C130, dùng chiếc C130 sang Singapore để đi Australia, vì tôi được sự giúp đỡ của người bạn gốc Trung Hoa trong công ty INTRACO tại Singapore, nối liên lạc với cơ quan ngoại giao Australia tại đó và đã được đồng ý. Xin đóng ngoặc.          
Vừa mờ sáng là tôi lên xe. Hướng ngã tư Bảy Hiền -nơi trở thành tiền tuyến- có nhiều tiếng súng trường và tiểu liên, nên không có người đi lại bao nhiêu, và tôi cho xe chạy ngang chợ ông Tạ rồi rẽ sang Võ Tánh nối dài. Quân cộng sản chưa xuống đến ngã tư Bảy Hiền, và tôi an toàn đến Tổng Tham Mưu. Đến, nhưng không được phép vào.
Chuyện như thế này: Trung Tá Tòng, Chỉ Huy Trưởng Tổng Hành Dinh/Bộ Tổng Tham Mưu đã tháp tùng Đại Tướng Cao Văn Viên đi ngoại quốc từ mấy ngày trước, và Trung Tướng Vĩnh Lộc cử Đại Tá Trần Văn Thăng -sĩ quan An ninh quân đội- giữ chức Chỉ Huy Trưởng Tổng Hành Dinh/Tổng Tham Mưu đang khuyết. Đại Tá Thăng ra lệnh cho toán Quân Cảnh gác cổng số 1 Bộ Tổng Tham Mưu, không cho bất cứ ai vào nếu không có thẻ an ninh do Sĩ quan an ninh Tổng Hành Dinh/Tổng Tham Mưu đã cấp. Tôi có thẻ, nhưng không bao giờ mang trên túi áo mà là để trong cặp xách tay, và cái cặp thì tối qua tôi vẫn để trên bàn viết ở văn phòng. Tôi làm như vậy là vì tất cả những quân nhân trách nhiệm ở cổng gác này, không ai là xa lạ với tôi cả. Sĩ quan Quân Cảnh nói:
“Đại Tá thông cảm, vì lệnh của Đại Tá Thăng như vậy nên tôi phải thi hành”.
“Tôi hiểu. Bây giờ Đại Tá Thăng ở đâu vậy anh?
“Dạ Đại Tá Thăng dường như lên văn phòng Trung Tướng rồi Đại Tá”.
“Thôi được. Chốc nữa Đại Tá Thăng về lại văn phòng, anh nói là tôi không có mang theo thẻ an ninh nên không vào được, và tôi sang Biệt Khu Thủ Đô làm việc ở đó. Cám ơn anh nghe”.               
“Đại Tá thông cảm cho tôi nghe Đại Tá”.
“Nếu tôi là anh, tôi cũng vậy thôi mà. Anh đừng bận tâm. Tôi đi đây”.

Đạn đại bác của quân cộng sản nổ nhiều ở Tân Sơn Nhất và bắt đầu nổ trong khuôn viên Bộ Tổng Tham Mưu trong lúc tôi đang nói chuyện với anh sĩ quan Quân Cảnh. Chúng tôi phải nép vào thân cây trước văn phòng Tổng Hành Dinh.
Sang trại Lê văn Duyệt, tôi ngồi tạm trong văn phòng Đại Tá Ngô Văn Minh, Tham Mưu Trưởng Biệt Khu Thủ Đô. Tôi báo cho Thiếu Tá Ông Kim Miêng bên Tổng Cục Tiếp Vận biết vị trí của tôi và dặn anh chuyển tất cả điện thoại sang tôi nếu có ai gọi.
Trung Tướng Vĩnh Lộc điện thoại cho tôi, ông đồng ý tôi ngồi ở Biệt Khu Thủ Đô điều hành công tác yểm trợ Tiếp Vận. Và ông cho biết là ông phải xuống dinh Độc Lập để dự lễ ra mắt chánh phủ lúc 9 giờ (sáng). Sau đó tôi mới biết là Trung Tướng Vĩnh Lộc cũng bỏ chạy như những vị Tướng đã bỏ chạy, mà chiều hôm qua, khi ông ra lệnh cho tôi ráng lo về Tiếp Vận, ông đã khá nặng lời với các vị ấy. Nhưng nghĩ cho cùng, Trung Tướng Vĩnh Lộc chỉ ngồi ghế Tổng Tham Mưu Trưởng vỏn vẹn có 18 tiếng đồng hồ, và là 18 tiếng đồng hồ cuối cùng của cuộc chiến 20 năm 9 tháng 10 ngày -tôi nghĩ- ông không phải là vị Tổng Tham Mưu Trưởng góp phần trách nhiệm về cái chết tức tưởi của một quân đội hơn 1.000.000 người!   
Tại Bộ Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô. Trung Tướng Nguyễn Văn Minh (có biệt danh là Minh đờn), Tư Lệnh, đã bỏ chạy rồi. Thiếu Tướng Lâm Văn Phát -người đảo chánh Trung Tướng Khánh ngày 19 tháng 2 năm 1965 thất bại- được Tổng Thống Dương Văn Minh cử giữ chức Tư Lệnh Biệt Khu. Chuẩn Tướng Lê Văn Thân, giữ chức Tư Lệnh Phó. Thiếu Tướng Phát từ sáng sớm đã lên trực thăng quan sát tình hình, vừa đáp xuống là ông gọi Tư Lệnh Không Quân cho các phi tuần khu trục liên tục oanh kích quân cộng sản đang quanh quẩn dọc con đường từ phía trên ngã tư Bảy Hiền lên đến Hóc Môn. Vị Tư Lệnh Không Quân lúc bấy giờ là Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Tần, vì Trung Tướng Trần Văn Minh (không phải là Trung Tướng Minh đã giữ chức Quyền Tổng Tư Lệnh quân lực sau khi Đại Tướng Nguyễn Khánh lưu vong), Tư Lệnh Không Quân đã cao bay xa chạy rồi. Và Bộ Tư Lệnh Không Quân cùng các phi đoàn còn lại, từ căn cứ Sư Đoàn 5 Không Quân Tân Sơn Nhất và căn cứ Sư Đoàn 3 Không Quân Biên Hòa, rút xuống căn cứ Sư Đoàn 4 Không Quân tại Trà Nóc, cách Cần Thơ khoảng 7 cây số. Tôi nói "các phi đoàn còn lại", là vì đã có nhiều phi công lái hằng trăm phi cơ các loại bay qua căn cứ Utapao của không quân Hoa Kỳ, về phía đông nam thủ đô Bangkok của Vương quốc Thái Lan, di tản.          
Thiếu Tướng Lâm Văn Phát vừa đáp xuống sân Bộ Tư Lệnh, Chuẩn Tướng Lê Văn Thân bảo Đại Tá Ngô Văn Minh ghi lên bản đồ mà ông đang cầm trên tay, vị trí của các đơn vị bạn để ông bay quan sát và hướng dẫn các phi tuần khu trục tấn công các đơn vị địch. Khoảng một tiếng đồng hồ sau đó, chiếc trực thăng trở về nhưng không có Chuẩn Tướng Thân. Tôi hỏi ngay:
“Chuẩn Tướng Thân đâu rồi các bạn?-
“Chuẩn Tướng bảo tôi đáp xuống Cần Giờ, ổng xuống đó rồi bảo tôi về đi”.
“Vậy là Chuẩn Tướng Thân cũng chạy rồi”.
(Sáu tháng sau đó, tôi gặp lại Chuẩn Tướng Thân trong cùng trại tập trung Tam Hiệp, Biên Hòa, trại này người địa phương còn gọi là trại Suối Máu nữa)
Đại Tá Ngô Văn Minh từ trong Trung Tâm Hành Quân gọi tôi:
“Anh Hoa, anh nói chuyện với Lê Minh Đảo không? Hắn đang ở đầu máy bên kia nè”.
Đó là Thiếu Tướng (mới thăng cấp chưa kịp tổ chức lễ gắn cấp hiệu 2 sao) Lê Minh Đảo, Tư Lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh, đã quần thảo với 2 sư đoàn quân cộng sản ở Xuân Lộc và gây cho chúng tổn thất rất nặng. Vì áp lực của chúng quá mạnh, nên Quân Đoàn III cho lệnh lui về căn cứ Long Bình.
“Chào anh Đảo, Hoa đây.  Anh đang ở đâu vậy?
“Tôi ở chỗ "nhà máy xi măng Hà Tiên" và đang tìm xuồng qua sông. Tụi cộng sản nó đuổi theo sau lưng tôi nè. Hết rồi anh ơi!     
“Dù gì thì anh đã đánh nhau với tụi nó một trận ngon lành, anh oai hơn nhiều vị Tư Lệnh khác mà”.
“Sao anh ở chỗ anh Minh?
“(Tôi mượn câu của anh để trả lời anh) "Hết rồi anh ơi"! Vì chỉ còn yểm trợ cho Biệt Khu thôi, và giờ này thì còn đơn vị nào nữa đâu. Thôi, chúc anh may mắn nghe, và mong rằng chúng mình vẫn còn gặp lại nhau là mừng rồi”.
Sau đó -tức sau giờ Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố buông súng và bàn giao-  Thiếu Tướng Lê Minh Đảo dùng giấy tờ giả xuống Rạch Giá để hy vọng vượt thoát ra Hạm Đội 7 Hoa Kỳ, nhưng anh đã không thực hiện được và trở về nhà trong cùng cư xá với tôi. Sau này, có những năm chúng tôi ở tù chung trong một trại nhưng khác buồng giam.
Lúc 10 giờ 15 ngày 30 tháng 4 năm 1975, từ máy thu thanh trong phòng Đại Tá Ngô Văn Minh, có âm thanh "... ông nói đi...., nhanh lên,.... chờ gì nữa,....". Một giọng nói gần như quát: "Ông tuyên bố nhanh lên..." Và đại ý lời của Tổng Thống Dương Văn Minh như là một mệnh lệnh đối với quân đội ".... các đơn vị không được nổ súng, ở yên tại chỗ và bàn giao cho lực lượng giải phóng...". Đối với phía cộng sản, ông yêu cầu đừng nổ súng và ông hứa sẽ bàn giao chánh quyền trong vòng trật tự. 
Tôi xem đây là giây thứ 3.600, giây cuối cùng của giờ thứ 25, giờ cuối cùng của ngày thứ 7.583, và là ngày cuối cùng của một giai đoạn chiến đấu bảo vệ tự do dân chủ! 
Tôi lặng lẽ rời nơi đây, theo đường Lê Văn Duyệt, rẽ sang đường Trần Quốc Toản, ép bên phải để ghé vào Cục Mãi Dịch, chào các cộng sự viên cũ của tôi. Trung Tá Nguyễn Văn Thình, Cục Phó, hỏi tôi cách bàn giao ra sao? Tôi bảo:
“Không bàn giao gì cả, các bạn nào muốn lấy gì thì lấy rồi thản nhiên ra về, ai muốn vào đây làm gì mặc họ”. 
Dọc đường về nhà, những nơi mà  tôi vừa đi qua, có  biết bao bộ đồ trận -những bộ quân phục từng là biểu tượng quân phong quân kỷ của quân nhân- những mũ những giày, vất vưỡng ngỗn ngang trên đường phố. Trong dòng người ngược xuôi vội vã, có rất nhiều người quần đùi áo lót mà tôi tin đó là những đồng đội của tôi tạm thời lẩn tránh bọn cộng sản. (Hình ảnh này là một phần trong bản nhạc ''Như Lá Chết Cành Khô'' do cựu Đại Tá Phan Văn Minh -đã một thời là Đổng Lý Văn Phòng của Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ- sáng tác trong thời gian bị giam ở trại tập trung Hà Tây, tỉnh Hà Sơn Bình).
Quân cộng sản chưa thật sự có mặt trong thành phố, nhưng những tốp thanh niên nam nữ đeo băng tay đỏ với súng M16 trên tay và ngồi xe jeep chạy đó đây trong trên đường phố Sài Gòn. Đó là những bọn mà chúng tôi gọi là "cộng sản 30 tháng 4". Dù trong một tầm nhìn hạn hẹp đó, tưởng cũng đủ nói lên một cảnh tượng trong biết bao cảnh tượng đau thương ngập tràn trái tim Người Lính Việt Nam Cộng Hòa vì chưa tròn trách nhiệm với dân với nước!
Chốc chốc tôi sờ vào chai độc dược trong túi, dự định của tôi khi xin Y sĩ Chuẩn Tướng Phạm Hà Thanh là tôi sẽ sử dụng nếu như tôi bị cộng sản bắt hoặc chưa bắt nhưng chúng sỉ nhục tôi. Nhưng, chiều hôm ấy, tôi đã ném nó vào thùng rác và với khẩu súng lục 9 ly (do ông Johnson, trưởng toán tình báo vùng đồng bằng Cửu Long tặng tôi tại Cần Thơ năm 1968) vào cái giếng ngay sau nhà cô tôi ở đường Thành Thái, sau khi vợ tôi ngồi dưới chân tôi vừa khóc vừa nói như van lơn:
"Anh ơi, trong mọi trường hợp, anh đừng bỏ em và các con nghe anh!".
Tôi tin  là vợ tôi không biết gì về chai độc dược trong túi tôi, nhưng có lẽ do cảm tính đặc biệt của người vợ thấu hiểu tính chồng trong hoàn cảnh nghiệt ngã mà nói với chồng bằng cả tâm hồn người vợ người mẹ!
Hơn một tiếng đồng hồ sau lời tuyên bố đầu hàng (không nổ súng có nghĩa là đầu hàng rồi!) của Tổng Thống Dương Văn Minh, đơn vị Thiết Giáp đầu tiên của cộng sản mới vào dinh Độc Lập. Và từ giờ đó, Việt Nam Cộng Hòa chúng ta bị nhà cầm quyền nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cai trị!
Trong lúc trên dưới 200.000 quân của Quân Đoàn IV, chưa một trận đánh quan trọng nào, cũng chưa một vị Tư Lệnh nào bỏ chạy, đã phải buông súng đầu hàng theo lệnh của Tổng Thống Dương văn Minh!
Trước đó, khi cuộc chiến chưa ngừng tiếng súng, có những vị Tướng đầy quyền lực, đã thật sự bỏ chạy ra nước ngoài. Và giờ đây, cuộc chiến thật sự đã tàn, và tàn trong ý nghĩa thua trận, bại trận, hay đầu hàng, hiểu thế nào cũng thế thôi. Nhưng trong cảnh bại trận này, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chúng ta, xuất hiện Những Vị Tướng Thật Sự Là Những Anh Hùng không kém những vị Anh Hùng trong lịch sử đã tuẫn tiết khi thành thất thủ. Đó là hành động tự sát ngay nơi nhiệm sở chớ không chấp nhận đầu hàng, của:
Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư Lệnh Quân Đoàn IV. (Cần Thơ)

Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Phó Quân Đoàn IV. Chuẩn Tướng Hưng đã được vinh danh "Anh Hùng An Lộc" trong mùa hè đỏ lửa 1972 ở chiến trường An Lộc, tỉnh Bình Long. (Cần Thơ)
Chuẩn Tướng Trần Văn Hai, Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh. (Mỹ Tho)
Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ, Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh (Lai Khê, Bình Dương).
Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Đoàn II, tự tử tại nhà vì tên tuổi Quân Đoàn II đã bị chôn theo những nấm mồ vô danh trên đường liên tỉnh số 7 từ giữa tháng 3 năm 1975 rồi.

Ngoài ra, còn biết bao Quân Nhân thuộc các Quân Chủng, Binh Chủng, Binh Sở, Cảnh Sát, Viên Chức Hành Chánh các ngành, đã tuẫn tiết! Đó là "Những Anh Hùng Vô Danh" rất đáng cho chúng ta trân trọng.
Vào những ngày 30 tháng 4, tôi nghĩ, chúng ta nên dành vài chục giây đồng hồ, đứng hay ngồi ở đâu đó cũng được, cúi đầu, im lặng, để tưởng nhớ những vị Anh Hùng của chúng ta, những người đã cùng chúng ta cầm súng chống quân cộng sản xâm lược, nhưng vào giờ phút kết thúc bi thảm cuộc chiến đấu của chúng ta, thì những vị đó đã can đảm thực hiện tròn vẹn lời thề trước bàn thờ Tổ Quốc trong ngày tốt nghiệp trường võ bị: "... Quyết hy sinh thân mình để bảo vệ Tổ Quốc Dân Tộc ..."
Và theo tôi, Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, Tư Lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh, là người rất xứng đáng được vinh danh "Anh Hùng Xuân Lộc" trong trận đánh sau cùng. Thiếu Tướng Đảo, dù bản doanh kế cận thủ đô Sài Gòn nhưng không bỏ chạy, mà trái lại, ông là vị Tư Lệnh duy nhất trong 3 Quân Đoàn, đã chống trả mãnh liệt và gây tổn thất nặng nề cho 2 Sư Đoàn quân cộng sản tấn công Xuân Lộc (thuộc tỉnh Long Khánh). Và Sư Đoàn 18 Bộ Binh chỉ rút lui khi có lệnh của Quân Đoàn III.  
Một giai đoạn lịch sử do Tổng Thống Dương Văn Minh -vị Tổng Thống có nhiệm kỳ chỉ hơn 40 tiếng đồng hồ- vừa sang trang!
Dân Tộc Việt Nam, từ nay dưới sự thống trị của cộng sản độc tài nghiệt ngã!   

Quê hương Việt Nam chúng ta,

dân tộc Việt Nam chúng ta,

sao mà bi thảm đến như vậy! 

sao mà bất hạnh đến như vậy!



Những ngày cuối Tháng Tư, thường gợi lại trong mỗi người Việt Nam Cộng Hòa cũ, nhất là những cựu quân nhân chúng ta, dấu ấn sâu đậm nhất trong đời quân ngũ. Những ngày đó thật là ngắn ngủi đối với lịch sử, nhưng là những ngày mà thế hệ chúng ta đã để lại một vệt đen trong dòng lịch sử đương đại. “Vệt đen đó” có thật sự là do lỗi lầm của chúng ta hay không, còn phải chờ lịch sử phán xét, nhưng có điều chắc chắn là chúng ta phải chia phần gánh vác trách nhiệm chưa tròn của Người Lính Việt Nam Cộng Hòa!      
Cuộc chiến tranh chống cộng sản để bảo vệ tổ quốc Việt Nam, thật sự là tôi không rõ bắt đầu từ lúc nào. Tính từ ngày ngưng bắn theo Hiệp Định Đình Chiến ký tại Genève, Thụy Sĩ,  ngày 20 tháng 7 năm 1954, hay tính từ năm thứ 3 sau đó?
Sở dĩ tôi nêu câu tự hỏi “tính từ năm thứ ba”, là vì Hiệp Định dự liệu 2 năm sau đó sẽ tổ chức tổng tuyển cử toàn quốc. Với lại 2 năm dự liệu trong Hiệp Định, cộng sản chưa có hoạt động công khai nào nên xem như thanh bình. Do sự phản đối của chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa chống lại cuộc bầu cử đã nói trong Hiệp Định, vì chánh phủ không ký vào đó nên không chấp nhận sự ràng buộc phải thi hành. Thế là cộng sản công khai gây chiến ngay từ năm thứ ba, tức năm 1957.     
Năm 1964, Bộ Tổng Tham Mưu có ban hành một văn kiện, theo đó thì cuộc chiến tính từ ngày 1 tháng 1 năm 1960. Thật ra nội dung này không có tính cách xác định chiến tranh bắt đầu từ ngày đó, mà nhằm có một định điểm tương đối về thời gian để ấn định niên hiệu trên cuống huy chương “Chiến Dịch Bội Tinh”. Chiến Dịch Bội Tinh trên ngực áo của hầu hết quân nhân có một hoặc hai niên hiệu: Niên hiệu 1945-1954 đối với những quân nhân phục vụ từ trước đến khi kết thúc cuộc chiến đó. Và niên hiệu thứ hai mới có số “1960-.......” đối với những quân nhân mới vào quân đội sau ngày đình chiến tháng 7 năm 1954. Và niên hiệu thứ hai này mới có 4 số đầu. Tôi nghĩ, một triệu quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa có mặt trên quê hương Việt Nam đến lúc 10 giờ 15 ngày 30 tháng 4 năm 1975, chúng ta tự động ghi lên niên hiệu 4 số kế tiếp là “1975”. Không cần ghi lên cuống huy chương có nền xanh trắng, mà chúng ta chỉ cần ghi vào ký ức chúng ta là đủ. 
Tôi cũng nghĩ rằng, chúng ta nên thực hiện thêm niên hiệu thứ ba với 4 số đầu là “1976-......”, vì tuy chúng ta thua trận với ít chất là 222.809 người vào tù, hằng trăm ngàn đồng đội khác lẩn trốn hay đang sống khổ đau dưới chế độ độc tài của cộng sản ngay trên quê hương Việt Nam, và hằng triệu người gồm đồng bào đồng đội vượt thoát tìm tự do khắp năm châu bốn biển, ước lượng khoảng 3.000.000 người. Nhưng những hành động của tất cả chúng ta bằng cách này hay cách khác, đều thể hiện ý nghĩa của một cuộc chiến tranh khác trong mục đích tiếp tục chống nhóm lãnh đạo cộng sản độc tài cũng như chồng bất cứ chế độ độc tài nào khác trên đất nước Việt Nam. Tôi muốn nói đến năm 1975 một cuộc chiến kết thúc, năm 1976 một cuộc chiến khác bắt đầu. Và cuộc chiến đó đến nay là năm 2007, vẫn đang tiếp diễn và ngày càng quyết liệt. Chỉ khác cuộc chiến 1954-1975, thay vì vũ khí là súng đạn, thì cuộc chiến cho tự do dân chủ trên quê hương Việt Nam này với vũ khí chính trị, nhân quyền, kinh tế, giáo dục, nói chung vũ khí trong cuộc chiến hiện nay là một tổng hợp mọi sinh hoạt quốc gia.         
Vậy, chiến tranh bắt đầu từ ngày nào? Theo tôi, tôi tính từ ngày 20 tháng 7 năm 1954, là ngày ký Hiệp Định Đình Chiến tại Genève, vì cộng sản đã từ đó bắt đầu thực hiện kế hoạch để lại hằng chục ngàn cán bộ các loại của chúng ở lại nam vĩ tuyến 17 khi chúng “tập kết” (danh từ dùng trong Hiệp Định) ra bắc vĩ tuyến 17. Như vậy, về phía cộng sản thì họ bắt đầu ngay từ ngày ấy cho một cuộc chiến kế tiếp sau cuộc chiến 1945-1954. Và nếu tính từ đó, thì chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc của chúng ta đến ngày “thua trận cuối cùng trong một giai đoạn chiến đấu” từ ngày 20 tháng 7 năm 1954 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, là 20 năm 9 tháng 10 ngày, hay là 7.583 ngày!  
Chức vụ Tổng Thống. Với thời gian hơn 20 năm không phải là dài đối với lịch sử, nhưng trong thời gian đó, Việt Nam Cộng Hòa chúng ta lần lượt do 7 vị Tổng Thống hay Quốc Trưởng lãnh đạo, là: Tổng Thống Ngô Đình Diệm cũng là Thủ Tướng hơn 9 năm. Quốc Trưởng Dương Văn Minh 3 tháng. Quốc Trưởng Nguyễn Khánh 9 tháng. Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu 8 tháng. Quốc Trưởng rồi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu gần 10 năm. Tổng Thống Trần Văn Hương 7 ngày. Sau cùng là Tổng Thống Dương Văn Minh không do dân bầu, chưa được 2 ngày.
Tổng Thống Thiệu -tính cả thời gian giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia- gần 10 năm, là người trị vì lâu nhất, và vị có nhiệm kỳ ngắn nhất là Tổng Thống Dương Văn Minh chỉ vừa hơn 40 tiếng đồng hồ. Ông là vị Tướng can đảm nhất khi tình nguyện nhận chức Tổng Thống, nhưng ông cũng là vị Tướng nhục nhã nhất khi tuyên bố đầu hàng cộng sản. Nhưng không biết người dân Việt Nam Cộng Hòa chúng ta nói chung và thị dân Sài Gòn nói riêng, có nên cám ơn ông hay không, vì “nhờ” ông đầu hàng mà Sài Gòn không bị tàn phá bởi hỏa tiển và đạn đại bác của cộng sản? Nhưng chẳng lẽ ông “tình nguyện” giành chức Tổng Thống để đầu hàng sao? Nếu mục đích chỉ có như vậy thì đâu cần đến vị Tướng mà lại là Tướng 4 sao nữa chớ! Chắc không phải vậy. Nhưng điều nhục nhã đó đã xảy ra như vậy, biết giải thích sao đây!   
Chức vụ Thủ Tướng. Đây là cấp lãnh đạo quốc gia hàng thứ hai, đã lần lượt qua tay 11 vị, là: Thủ Tướng Ngô Đình Diệm. Thủ Tướng Nguyễn Ngọc Thơ. Thủ Tướng Nguyễn Khánh (kiêm nhiệm). Thủ Tướng Trần Văn Hương (lần 1). Thủ Tướng Phan Huy Quát. Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ. Thủ Tướng Nguyễn Văn Lộc. Thủ Tướng Trần Văn Hương (lần 2). Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm. Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn. Sau cùng là Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu chưa kịp trình diện chánh phủ thì Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng! Người “trị vì” lâu nhất là Thủ Tướng Ngô Đình Diệm hơn 9 năm, và vị có nhiệm kỳ ngắn nhất là Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu.
Chức vụ Tổng Trưởng Quốc Phòng. Với chức vụ này, lần lượt do 10 vị sau đây, là: Tổng Thống Ngô Đình Diệm kiêm nhiệm. Trung Tướng Trần Văn Đôn (lần 1). Trung Tướng rồi Đại Tướng Trần Thiện Khiêm (lần 1). Trung Tướng Nguyễn Khánh. Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu. Thiếu Tướng rồi Trung Tướng Nguyễn Hữu Có. Thiếu Tướng Nguyễn Văn Vỹ. Đại Tướng Trần Thiện Khiêm (lần 2) kiêm nhiệm. Trung Tướng Trần Văn Đôn (lần 2). Sau cùng là giáo sư Bùi Tường Huân trong nội các của Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu chưa kịp trình diện.  
Chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng. Có 9 vị lần lượt giữ chức Tổng Tham Mưu Trưởng hay tương đương, là: Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hinh. Thiếu Tướng rồi Trung Tướng rồi Đại Tướng Lê Văn Tỵ. Khi lâm trọng bệnh, Trung Tướng Khánh nhân danh Chủ Tịch Hội Đồng Quân Cách Mạng hành sử chức năng Quốc Trưởng, đã gắn cấp bậc Thống Tướng 5 sao tại giường bệnh trước khi ông từ trần. Trung Tướng Trần Văn Đôn kiêm nhiệm. Trung Tướng rồi Đại Tướng Trần Thiện Khiêm kiêm nhiệm. Trung Tướng rồi Đại Tướng Nguyễn Khánh kiêm nhiệm. Trung Tướng Trần Văn Minh. Thiếu Tướng rồi Trung Tướng Nguyễn Hữu Có kiêm nhiệm. Thiếu Tướng rồi Trung Tướng rồi Đại Tướng (4 sao) Cao Văn Viên. Sau cùng là Trung Tướng Vĩnh Lộc.
Chức “nguyên soái” này trong tay Đại Tướng Cao Văn Viên là lâu nhất, đến 9 năm rưỡi, và Trung Tướng Vĩnh Lộc là vị Tổng Tham Mưu Trưởng có thời gian ngắn nhất, chỉ 18 tiếng đồng hồ!
Hoạt động của quân cộng sản. Trong thời gian từ giữa năm 1954 đến cuối năm 1959 (4 năm rưởi), hoạt động của cộng sản chỉ trong phạm vi chính trị với những cuộc biểu tình quanh quẩn các thị trấn nhỏ, và hoạt động kinh tài vùng nông thôn (cưỡng bách dân đóng thuế), cứ xem như là thời gian hòa bình tương đối. Từ đầu năm 1960 đến cuối năm 1964 (5 năm), cộng sản mở rộng sang hoạt động quân sự từ cấp Tiểu Đội, dần lên cấp Trung Đội, Đại Đội, và lác đác có vài trận đánh đến cấp Tiểu Đoàn. Tất cả chỉ trong hình thái chiến tranh du kích. Từ đầu năm 1965, vừa áp dụng du kích chiến và vừa chuyển sang hình thái vận động chiến với cấp Trung Đoàn. Từ năm 1966, quân lực Việt Nam Cộng Hòa và quân lực Đồng Minh, bắt đầu đánh nhau với quân chính qui cộng sản cấp Sư Đoàn từ  lãnh thổ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa của họ xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa chúng ta theo hành lang dãy Trường Sơn. Và 2 tháng sau cùng của cuộc chiến hơn 20 năm, cộng sản đã điều động cấp Quân Đoàn tấn công vào thủ đô Sài Gòn, nơi tập trung toàn bộ cơ quan đầu não của Việt Nam Cộng Hòa chúng ta.
Có điều không rõ là tổ chức của quân cộng sản có đúng theo tổ chức cấp Quân Đoàn hay không, hay chỉ vài Trung Đoàn với một Sư Đoàn cũng thuộc loại gán ghép là họ gọi Quân Đoàn để “hù dọa” chúng ta chăng?     
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Từ 150.000 người vào năm 1956, với trang bị các loại vũ khí do Pháp và Mỹ sản xuất từ trước và trong thời gian chiến tranh thế giới lần thứ 2, với tổ chức đơn vị chỉ đến cấp Tiểu Đoàn. Mười năm sau đó -tức năm 1966- quân số tăng lên đến 733.252 người, không còn sử dụng các loại vũ khí do Pháp sản xuất nữa, nhưng nhìn chung thì trang bị cũng chưa được cải tiến bao nhiêu, vì mọi quân dụng đều do Hoa Kỳ sản xuất từ trong đệ nhị thế chiến. Theo đà bành trướng chiến tranh của quân cộng sản, quân đội phải phát triển lên đến 1.100.000 quân vào giữa năm 1974, và được trang bị các loại vũ khí do Hoa Kỳ sản xuất, trong đó có một số loại vũ khí thuộc thế hệ mới, thậm chí còn trong thời kỳ trắc nghiệm nữa. 
Về tổ chức. Các đơn vị từ cấp Tiểu Đoàn được phát triển lên cấp Trung Đoàn, Sư Đoàn, Quân Đoàn, với đầy đủ các quân chủng tác chiến, các binh chủng tác chiến lẫn yểm trợ tác chiến, và các binh sở chuyên môn yểm trợ hành chánh tài chánh, hành chánh nhân viên, hành chánh tiếp vận.
Về quản trị con người. Từ làm bằng tay xem từng hồ sơ phiếu, từng bước tiến lên quản trị bằng máy điện toán IBM 360/20 rồi 360/40, do Trung Tâm Điện Toán Nhân Viên trực thuộc Phòng Tổng Quản Trị/Bộ Tổng Tham Mưu trách nhiệm .
Về quản trị quân dụng. Cũng từ công tác làm bằng tay đã tiến lên sử dụng máy điện toán IBM 360/40 và sau cùng là máy IBM 360/50, do Trung Tâm Điện Toán Tiếp Vận trực thuộc Tổng Cục Tiếp Vận trách nhiệm. Đây là loại máy được xem là tối tấn nhất đối với quân đội các quốc gia vùng Đông Nam Á, mà hội nghị Tiếp Vận các quốc gia vùng tây Thái Bình Dương tại Okinawa vào tháng 10 năm 1971 đã đánh giá như vậy.        
Về huấn luyện. Một hệ thống quân trường gồm các Trung Tâm Huấn Luyện, các Trường Chuyên Môn, các Trường Võ Bị, Trường Chỉ Huy Tham Mưu, Trường Hải Quân, Trường Không Quân, và cao hơn hết là Trường Cao Đẳng Quốc Phòng, có nhiệm vụ huấn luyện căn bản, và từng bước nâng cao trình độ huấn luyện từ người quân nhân có cấp bậc thấp nhất đến sĩ quan các cấp và Tướng Lãnh. Nhiều vị Tướng và cấp Đại Tá đã theo học các lớp Quản Trị Quốc Phòng tại Mỹ. Nhiều sĩ quan tham mưu và sĩ quan các binh chủng binh sở, được đào tạo các trường tại Pháp và các quốc gia thuộc địa của Pháp từ trước năm 1954, về sau du học Hoa Kỳ. Đặc biệt là Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt với chương trình 4 năm, đào tạo đội ngũ sĩ quan có khả năng lãnh đạo các ngành sinh hoạt quốc gia trong tương lai, sau thời gian gạn lọc qua kinh nghiệm chiến trường, kinh nghiệm tham mưu, và nhất là kinh nghiệm lãnh đạo chỉ huy quân đội ở các cấp đơn vị.
Tuy chưa phải là hoàn hảo, nhưng tất cả những khả năng đó gộp lại, đã tạo cho quân đội một sức mạnh dũng mảnh về vật chất lẫn tinh thần, mà chính quân cộng sản -qua các tài liệu tịch thu được- phải thừa nhận là họ dễ dàng chấp nhận đánh nhau với quân đội Hoa Kỳ hơn là đương đầu với quân lực Việt Nam Cộng Hòa, dù rằng hỏa lực của Hoa Kỳ là cực kỳ mạnh.
Về phí tổn chiến tranh. Ngân sách quốc phòng tiêu tốn xấp xỉ con số 3.000 tỉ bạc Việt Nam, và phần Hoa Kỳ viện trợ quân sự tính thành tiền cũng khoảng 8 tỉ mỹ kim. Cũng nên nói thêm rằng, trong ngân sách quốc phòng Việt Nam, phần viện trợ của Hoa Kỳ chiếm 25% và được gọi là “viện trợ chung đậu”. Phần viện trợ này phân phối rải rác trong các chương của ngân sách, nghĩa là nó hòa trong các chi tiêu chớ không phải viện trợ chỉ để trả lương (vì không ít người lầm tưởng như vậy). Riêng phần quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam, Thái Lan, Phi Luật Tân, Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), con số chi tiêu lến đến 104 tỉ mỹ kim (theo tài liệu của Văn Phòng Tùy Viên Quốc Phòng Hoa Kỳ tại Việt Nam Cộng Hòa đầu năm 1973, nhưng họ nói là chưa chính xác).            
Một quân đội phát triển theo nhu cầu chiến trường. Với một hệ thống tổ chức chặt chẻ từ hạ tầng đến thượng tầng, và luôn có những biến cải thích nghi với tình thế, dù chưa phải là hoàn thiện. Với tài liệu và phương pháp huấn luyện dựa theo Hoa Kỳ nặng về kỹ thuật, theo kinh nghiệm chiến tranh du kích do Viện Nghiên Cứu Quân Sự Đông Dương của quân đội Pháp đúc kết, và tài liệu do Tổng Cục Quân Huấn/Bộ Tổng Tham Mưu cùng các quân trường sáng tạo qua kinh nghiệm thực tiển chiến trường. Với nổ lực áp dụng khoa học kỹ thuật và sử dụng phương tiện tân tiến vào công tác quản trị con người, quản trị quân dụng một cách nhanh chóng và chính xác. Với một phí tổn gồm của Việt Nam Cộng Hòa lẫn của Hoa Kỳ là hết sức lớn lao, và nhất là với một tinh thần phục vụ quân đội, một tinh thần chiến đấu dũng cảm của “Người Lính Việt Nam Cộng Hòa”, cùng với tinh thần chống cộng quyết liệt của các viên chức hành chánh, cán bộ, và nhân dân. Ấy vậy mà Việt Nam Cộng Hòa chúng ta thua trận sau hơn 20 năm chống giữ! 
Trách nhiệm mất nước do đâu? Do tập thể quân đội, do cấp lãnh đạo quốc gia, cấp lãnh đạo quân đội, hay là do tất cả gộp lại? Và liệu Hoa Kỳ có phần trách nhiệm trong này không?
Tôi nghĩ, rất có thể là quí vị quí bạn đồng ý với tôi rằng, chúng ta chiến đấu chống cộng sản là chiến đấu cho dân tộc Việt Nam chúng ta, chiến đấu để bảo vệ tổ quốc Việt Nam chúng ta, chớ không phải chúng ta chiến đấu cho Hoa Kỳ hay cho bất cứ quốc gia nào khác. Vì vậy mà tôi không nghĩ đến trách nhiệm của Hoa Kỳ trong sự thua trận của chúng ta. Khi khẳng định điều đó tôi vẫn hiểu rằng, quân đội Hoa Kỳ thiết lập căn cứ quân sự trên đất nước chúng ta và tham chiến bên cạnh chúng ta, là để chứng tỏ rằng họ chiến đấu ngăn chận sự bành trướng ý thức hệ cộng sản, đó là thế giới đối nghịch với thế giới tự do mà Hoa Kỳ là nước lãnh đạo, chớ không thuần nhất là họ chiến đấu cho riêng quốc gia chúng ta đâu. Xin nhớ rằng, trong bang giao quốc tế không có vấn đề tình cảm, mà tất cả vì quyền lợi của quốc gia, ngoại trừ các quốc gia cộng sản chỉ phục vụ cho  quyền lợi của đảng họ.    
Tôi vẫn hiểu rằng, thực trạng của Việt Nam chúng ta từ năm 1954, nếu không có viện trợ của Hoa Kỳ thì cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc của chúng ta chắc chắn là vô vàn khó khăn. Nhưng đã nói đi thì cũng nên nghĩ lại, đó là ở vào bối cảnh quốc tế lúc bấy giờ, một bối cảnh chia ra 2 khối trong một thế giới: một bên là dân chủ tự do do Hoa Kỳ lãnh đạo, và một bên là cộng sản độc tài do Nga Sô lãnh đạo. Cả hai cường quốc này đều sử dụng các quốc gia nhỏ chịu ảnh hưởng của họ vào mục tiêu chiến lược trải rộng tầm ảnh hưởng của họ bao trùm thế giới, hay ít ra cũng là phần lớn thế giới. Với bối cảnh như vậy, sự kiện quân lực Hoa Kỳ chiến đấu chống cộng sản trên đất nước Đại Hàn, trên eo biển Đài Loan, trên đất nước Việt Nam chúng ta, cũng là sự kiện mà Hoa Kỳ phải làm, vì tất cả đều nằm trong mục tiêu chiến lược của họ. Vì thế mà tôi vừa cảm ơn chánh phủ và nhân dân Hoa Kỳ, vừa rút lại lời cảm ơn đó chỉ riêng với các vị lãnh đạo Hoa Kỳ, vì các vị lãnh đạo hiệp chủng quốc đã khống chế quá mức các vị lãnh đạo của chúng ta.   
Vậy mà, quí vị lãnh đạo của chúng ta dắt díu nhau lên phi cơ bay ra ngoại quốc bỏ lại sau lưng một quê hương, một dân tộc, một quân đội mà quí vị đã bao nhiêu lần ra lệnh cho chúng tôi qua những cách khác nhau, tựu trung bảo Người Lính phải bảo vệ tổ quổc bảo vệ dân tộc cho dẫu phải hi sinh! Đại Tướng Trần Thiện Khiêm và Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu bỏ chạy ra ngoại quốc với tư cách hai vị đương  quyền đi công du trong 6 tháng tại bất cứ quốc gia nào, và mọi chi phí do ngân sách quốc gia đài thọ! Vậy là, cuối cùng của cuộc chiến 20 năm, quí vị vẫn hưởng bỗng lộc của quốc gia mặc cho 18 triệu dân chìm sâu trong sự cai trị nghiệt ngã của cộng sản, mà trong đó có 1.000.000 Quân Nhân đã góp phần đưa quí vị lên đỉnh cao của quyền lực một thời!             
Thật là đau lòng, đến nay đã 34 năm lưu vong, chưa một vị lãnh đạo đầy quyền lực nào của chúng ta thuở ấy, dám nhận trách nhiệm với lịch sử cả. Trái lại, vẫn cho rằng “mất nước là tại Mỹ bỏ rơi!” Tất nhiên là trong hoàn cảnh sống trên đất người, không ai có thẩm quyền gắn trách nhiệm sụp đổ ngày 30 tháng 4 năm 1975 cho vị này hay vị khác, vì trên vị quyền lực này có vị quyền lực khác, và cứ như thế. Nhưng chia đều trách nhiệm một cách bình quân như cựu Đại Tướng Cao Văn Viên, tôi e không hợp lẽ công bằng, bởi vì trách nhiệm phải cân bằng với quyền lực trong mọi chức vụ. Chữ “trách nhiệm” mà tôi dùng ở đây, là cột chặt trách nhiệm bảo vệ Tổ Quốc Dân Tộc trong lãnh vực quân sự mà Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chưa tròn.
Trong lịch sử, cũng có những tiền nhân bị mất nước, nhưng cái nhục của thế hệ chúng ta là mất nước không phải vì đánh nhau thua trận, mà vì lý do nào đó, hay vì trách nhiệm của giới chức nào, tập thể nào, hay là tất cả gộp lại, chúng ta phải chờ lịch sử soi sáng qua từng góc cạnh của những vị lãnh đạo, từng góc cạnh của bối cảnh quốc gia quốc tế liên quan. Nhưng nếu quí vị lãnh đạo nói rằng, “chế độ tự do của Việt Nam Cộng Hòa chúng ta sụp đổ là do Hoa Kỳ”, liệu chúng ta có còn nhân cách khi đứng trước quốc kỳ Việt Nam nền vàng ba sọc đỏ tung bay trong gió hay khi đứng trước bàn thờ tổ quốc dù chưa phải là trên quê hương Việt Nam không? Bởi vì, đất nước là đất nước Việt Nam, dân tộc là dân tộc Việt Nam, các vị lãnh đạo quốc gia và lãnh đạo quân đội đều là Việt Nam, tất cả quân nhân trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đều là Việt Nam, lúc hi sinh vì Tổ Quốc Việt Nam, vì Dân Tộc Việt Nam, được nằm trong quan tài Việt Nam, được nghe lời nguyện bằng tiếng Việt Nam, và ngàn đời được yên nghỉ trong lòng đất Việt Nam, thì đối với lịch sử, chúng ta không thể trốn tránh trách nhiệm đã để đất nước vào tay cộng sản độc tài! Chữ “trách nhiệm” mà tôi dùng ở đây, là trách nhiệm của tất cả những vị thuộc hàng lãnh đạo bất kỳ lãnh vực nào trong hệ thống tổ chức và quản trị xã hội, đặc biệt là lãnh vực chính trị và quân sự.
Trong bang giao quốc tế, không có vấn đề tình cảm mà chỉ có quyền lợi quốc gia. Hoa Kỳ giúp chúng ta là do quyền lợi của Hoa Kỳ, và Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam cũng do quyền lợi của họ, vấn đề là “khả năng và bản lãnh” của những vị lãnh đạo trong mọi hoàn cảnh đất nước, sẽ tạo thế đứng cho những vị đó trong lịch sử: Hoặc được người đời vinh danh hay bị người đời nguyền rủa, lưu mãi trong sử sách, truyền mãi trong dân gian! Bởi, khi quí vị lãnh đạo hiệu triệu đồng bào cũng như lúc quí vị ra lệnh cho cấp dưới, quí vị đều nhân danh chức vụ của quí vị chớ quí vị đâu có nói thay mặt cho Hoa Kỳ, đến khi thua trận thì quí vị lại nói là do Hoa Kỳ!  
Thế hệ chúng ta, đã thừa hưởng một giang sơn gấm vóc, một truyền thống hào hùng của những bậc tiền nhân lừng danh thế giới trong hành trình mở nước và giữ nước, một nền văn hoá dân tộc trải dài nhiều ngàn năm trong lịch sử, trong đó con người được trân trọng. Đến lượt chúng ta, chúng ta chiến đấu giữ nước và phát triển đất nước, nhưng đã để đất nước vào tay chế độ cộng sản độc tài, một chế độ tàn bạo nhất trong lịch sử nhân loại! Tuy nhóm lãnh đạo cộng sản cũng là người cùng chủng tộc, nhưng họ rập khuôn theo cộng sản quốc tế mà cai trị dân tộc với những chính sách độc tài nghiệt ngã! Và thật sự là họ đã tàn bạo hơn quân xâm lược Trung Hoa phong kiến, và nghiệt ngã hơn thời bị thực dân Pháp cai trị! 
Theo quí vị, thế hệ chúng ta vừa để lại những gì cho thế hệ tiếp nối chúng ta, và những thế hệ sau nữa? Phải chăng là “kinh nghiệm từ một chế độ tự do sụp đổ”, một kinh nghiệm luôn giằng xé chúng ta trong quảng đời còn lại!       
Từ góc độ đạo lý mà soi rọi vào thảm cảnh chúng ta, phải chăng là chúng ta bị trừng phạt “từ đâu đó”, vì chúng ta không thực hiện tròn vẹn lời thề trước bàn thờ Tổ Quốc trong những buổi lễ tốt nghiệp tại các trường quân sự! Bởi thế mà hằng trăm ngàn đồng đội khi đặt chân lên đất nước Hiệp Chủng Quôc Hoa Kỳ đã bị cái “sốc” khi bước vào một xã hội rất thực tế, thực tế đến độ tàn nhẫn của cuộc sống với biết bao gian truân của người lưu vong! Trong khi ít nhất cũng hơn hai trăm ngàn đồng đội chúng tôi, gồm: quân nhân, viên chức, cán bộ, các vị dân cử, các nhà kinh doanh sản xuất, các vị hoạt động chính trị, bị cộng sản lưu đày trong các nhà tù, vợ con bị đày đọa trong các khu kinh tế mới mà thực chất là những nơi lưu đày, tài sản thì bị chúng tịch thu.
Với quí vị lãnh đạo cũng như quí vị có quân có quyền đã bỏ chạy trước ngày sụp đổ, quí vị có biết là  “Những Người Lính Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi”, hằng mấy ngàn thương phế binh đã bị quân cộng sản quăng ra khỏi các Tổng Y Viện và quân y viện, hằng trăm ngàn nhà cửa bị cộng sản cướp, xe cộ bị cộng sản đoạt, nhiều chục ngàn gia đình trong số chúng tôi bị cộng sản lùa vợ con vào những nơi mà chúng gọi là “khu kinh tế mới”, hoặc đi lấy chồng vì không nơi nương tựa! Bản thân chúng tôi ít nhất cũng hơn 200.000 người bị lùa vào giam giữ nghiệt ngã trong hơn 200 trại tập trung của cộng sản, đã có nhiều ngàn đồng đội đồng tù của chúng tôi đã bỏ xác trong các vùng sình lầy sông rạch miền Nam, trong các vùng rừng núi hoang vu  miền Trung, miền Bắc, đến tận trại tập trung Cổng Trời sát biên giới Việt Nam-Trung Hoa cộng sản! Nghĩa là chúng tôi mất tất cả, đúng như Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã tiên liệu một cách chính xác “Đất nước mất là mất tất cả!”.
Xin thưa, đoạn trên đây tôi không có ý phiền trách bất cứ vị nào, mà tôi chỉ muốn nói đến một góc nhỏ của sự thật hòa trong nhận thức của một sĩ quan tham dự suốt chiều dài cuộc chiến tranh bảo vệ tự do dân chủ 1954-1975! Tôi quan niệm, nói sự thật không phải là nói xấu, cho dẫu sự thật đó có đắng cay đến mấy cũng vậy. Xin quí vị vui lòng chấp nhận, vì lịch sử phải trung thực, và lịch sử không thể thiếu trong hành trang vào đời của những thế hệ sau chúng ta trên đường phục vụ quê hương dân tộc.  
   *****
Thưa quí vị quí bạn,
Ký ức tôi còn lưu lại ngần ấy sự kiện cùng với nét nhìn của tôi trong những biến cố chính trị đã xảy ra từ đêm “thiết quân luật” 20 tháng 8 năm 1963, được gói ghém trong quyển sách này mà quí vị quí bạn vừa đọc qua. Tôi không có kết luận về trách nhiệm do đâu hay do ai mà chế độ tự do của Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, vì thiết nghĩ, phải trông chờ vào các sử gia mới có điều kiện thu thập tài liệu tạo thành dòng lịch sử đương đại, và dòng lịch sử đó có khả năng nói với thế hệ mai sau về những gì mà chúng ta đã nghĩ, đã làm, và kết quả.
Nhưng, trong khi chờ đợi sự phán xét của lịch sử, tôi nghĩ, tất cả chúng ta “Những Người Lính Việt Nam Cộng Hòa”, cho dù diễn giải như thế nào đi nữa, cũng phải thừa nhận là chúng ta có chung trách nhiệm về ngày 30 tháng 4 năm 1975, ngày mà tổ quốc Việt Nam chúng ta bị cộng sản đánh chiếm và dân tộc Việt Nam bị cai trị bởi chế độ độc tài tàn bạo, do chúng ta chưa tròn trách nhiệm! Chúng ta hãy can đảm mà nhận trách nhiệm đó, vì có như vậy, chúng ta mới vơi bớt nỗi giày vò trong trái tim “Người Lính thua trận cuối cùng!”
Nhận trách nhiệm không chỉ là lời nói suông, mà tùy mỗi hoàn cảnh của chúng ta và bằng cách này hay cách khác, góp phần xây dựng Cộng Đồng Việt Nam tị nạn chúng ta có một sức mạnh tập thể, và góp phần trực tiếp hay gián tiếp vào công cuộc dân chủ hóa chế độ chính trị trên quê hương Việt Nam. Phần quan trọng khác, là hỗ trợ và khuyến khích con cháu chúng ta trau dồi kiến thức khoa học kỹ thuật, và rèn luyện nghị lực với một tinh thần trách nhiệm cộng đồng. Từ sức mạnh đó, tuổi trẻ Việt Nam hải ngoại có khả năng góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng một xã hội dân chủ pháp trị trên quê hương Việt Nam bền vững trong mục tiêu phục vụ nguyện vọng toàn dân.
Và tôi xin hết lời.          

1      2      3      4      5      6      7      8      9      10

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét