“Nói là duyệt lại tình hình chớ thật ra là tìm cách giải quyết
những bất đồng giữa Thiếu Tướng Kỳ với Trung Tướng Thi về một số vấn đề, nhưng
cuối cùng vẫn không giải quyết được gì hết. Trước khi lên phi cơ rời Đà Nẳng trở
về Sài Gòn, Trung Tướng Thi đến bắt tay rồi vòng tay ôm Trung Tướng Viên, mà
không hề nói gì với Thiếu Tướng Kỳ, làm như chỉ có Trung Tướng Viên trong chuyến
đi này. Thiếu Tướng Kỳ là người dễ nóng giận, nhưng lúc bấy giờ ông im lặng, đứng
nhìn, xem như không nghe không thấy Trung Tướng Thi”.
Một số vấn đề mà bà Viên nói đến, báo chí tại Sài Gòn cũng đã
nói đến, và trong một chừng mực nào đó, được xem là Trung Tướng Thi chống đối
Chánh Phủ.
Với thái độ im lặng của Thiếu Tướng Kỳ tại phi trường Đà Nẳng,
không có nghĩa là ông chịu thua Trung Tướng Thi đâu! Và đây là hành động thể hiện
thái độ đó của Thiếu Tướng Kỳ. . .
Cách chức Trung Tướng Thi.
Ngày 08/03/1966, buổi họp thu hẹp của Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia gồm
Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Trung Tướng Nguyễn Hữu
Có, Trung Tướng Cao Văn Viên, và Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi. Buổi họp có mục
đích giải quyết trực tiếp vụ Trung Tướng Thi đã nhiều lần tỏ ra chống lại lệnh
của trung ương.
Tôi nói thu hẹp, vì Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia đầy đủ gồm 11 vị,
nhưng buổi họp hôm nay chỉ có 4 vị thuộc trung ương nhưng lại không có vị Tổng
Thư Ký, mà lại có vị Tư Lệnh Quân Đoàn I kiêm Đại Biểu Chánh Phủ Miền Trung. Có
thể nói đây là buổi họp thu hẹp đặc biệt.
Địa điểm họp là văn phòng cũ dành cho vị Tổng Tham Mưu Trưởng,
hiện đang trống. Trung Tướng Viên dặn tôi trước khi ông vào phòng họp:
“Đây là họp tối mật, chỉ khi nào cần thì tôi gọi chú. Bất cứ ai
khác đều không được vào”.
“Vâng, tôi hiểu”.
Đúng là tôi hiểu mục đích của buổi họp, vì chiều hôm qua, Trung
Tướng Viên có nói với tôi tuy là không nói rõ. Đến 1 giờ trưa, Trung Tướng Viên
bước ra với nét mặt đầy ưu tư:
“Chú lo ăn trưa ngay và mang vào ăn tại chỗ”.
“Sớm lắm cũng phải 40 phút, vì phải xuống nhà hàng Thanh Thế
thưa Trung Tướng”.
“Thì xong lúc nào mang vào lúc ấy”.
“Vâng”.
Tôi nhờ Đại Úy Có xuống nhà hàng Thanh Thế (gần chợ Sài Gòn) mua
ngay 15 phần ăn trưa đựng trong hộp, chỉ có vậy mới nhanh thôi. Tuy có 5 vị họp
nhưng tôi phải mua 15 phần, vì mỗi vị Tướng đều có sĩ quan tùy viên và cận vệ
đi theo.
Khi mang thức ăn vào, tôi trông thấy không một vị nào có nét mặt
cũng như dáng vẻ bình thường hay vui tươi như những buổi họp quan trọng trước
đó, điều này cho phép tôi suy đoán là vấn đề cần giải quyết, chẳng những chưa đạt
được mà trái lại có thể càng trở nên rắc rối hơn.
Từ lúc bắt đầu họp cho đến lúc chấm dứt khi trời tối hẳn, không
một vị nào bước ra ngoài, ngoại trừ trường hợp Trung Tướng Viên bảo tôi lo ăn
trưa. Với nét mặt đăm chiêu qua những nếp nhăn trên vầng trán của các vị, tôi
đoán là cả ngày họp chẳng đạt được kết quả nào. Riêng Trung Tướng Thi có vẻ như
tức giận thì phải.
Trước khi ra về, Trung Tướng Viên hỏi tôi về công tác chuẩn bị
cho ông thăm Sư Đoàn 2 Bộ Binh tại Quảng Ngãi và Sư Đoàn 23 Bộ Binh tại Ban Mê
Thuột vào ngày mai 9 tháng 3 năm 1966.
“Thưa Trung Tướng, mọi việc tôi đã chuẩn bị xong”.
Chuyện thế này. Buổi sáng, ngay khi đến văn phòng, ông gọi tôi:
“Ngày mai, chú tổ chức cho tôi ra Quảng Ngãi gắn huy chương cho
Sư Đoàn 2. Sau đó lên Ban Mê Thuột gắn huy chương cho Sư Đoàn 23. Cơm trưa tại
đây. Lúc 1 giờ trưa, rời Ban Mê Thuột về Sài Gòn. Có gì trở ngại chú trình tôi
ngay”.
“Có cần sĩ quan Tổng Quản Trị tháp tùng không, thưa Trung Tướng?
“Không cần. Chú giao cho chú Có là được”.
Chương trình của Trung Tướng Viên, tôi đã liên lạc với Không
Quân cung cấp phi cơ, cất cánh lúc 7 giờ sáng tại bãi đậu VIP, theo không trình
Sài Gòn-Quảng Ngãi-Ban Mê Thuột-Sài Gòn. Cũng đã thu xếp chương trình với Sư
Đoàn 2 và Sư Đoàn 23 Bộ Binh xong lúc sáng. Bây giờ chỉ cần xác nhận giờ là
xong. Tôi điện thoại ra Quảng Ngãi xin tiếp chuyện với Chuẩn Tướng Hoàng Xuân
Lãm:
“Tôi Phạm Bá Hoa, thưa Chuẩn Tướng. Ngày mai, Trung Tướng Tổng
Tham Mưu Trưởng sẽ đến phi trường Quảng Ngãi khoảng 8 giờ 45. Không có sĩ quan
cao cấp nào tháp tùng. Sau khi dự thuyết trình tại bộ tham Sư Đoàn và trao gắn
huy chương xong, Trung Tướng sẽ rời Quảng Ngãi lên Ban Mê Thuột chớ không dùng
cơm trưa theo ý kiến của Chuẩn Tướng. Xin được xác nhận điều này với Chuẩn Tướng”.
“Anh trình với Trung Tướng, Sư Đoàn có tiệc trà sau khi gắn huy
chương, nếu vậy tôi sẽ mời Trung Tướng dùng tiệc trà trong khi thuyết trình. Nếu
có gì khác, anh cho ông Tham Mưu Trưởng của tôi biết hỉ”.
“Nếu tôi không điện thoại lại có nghĩa là Trung Tướng đồng ý,
thưa Chuẩn Tướng”.
Tôi điện thoại lên Ban Mê Thuột gặp ngay Chuẩn Tướng Võ Văn Cảnh,
Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh:
“Thưa Chuẩn Tướng, xin xác nhận về chương trình ngày mai. Trung
Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng sẽ từ Quảng Ngãi đến Ban Mê Thuột khoảng 11 giờ. Giờ
chính xác tôi sẽ xác nhận kịp thời. Sau lễ gắn huy chương và dùng cơm trưa tại
Sư Đoàn, Trung Tướng sẽ rời Ban Mê Thuột lúc 1 giờ để về Sài Gòn kịp buổi họp với
MACV, thưa Chuẩn Tướng”. (MACV, dịch sang Việt ngữ là Bộ Tư Lệnh Viện Trợ Quân
Sự Hoa Kỳ tại Việt Nam Cộng Hòa).
“Nếu có gì khác, anh gọi tôi ngay nghe anh Hoa. Này, có
bao nhiêu sĩ quan tháp tùng với Trung Tướng?
“Dạ không có vị nào cả, ngoài sĩ quan tùy viên của Trung
Tướng, thưa Chuẩn Tướng”.
Sau khi công tác chuẩn bị chuyến đi ngày mai của Trung Tướng
Tổng Tham Mưu Trưởng được xác nhận với các nơi liên hệ, tôi ra về. Lúc ấy chẳng
còn ai trong tòa nhà chánh ngoài sĩ quan trực và nhân viên an ninh. Vừa về đến
nhà thì chuông điện thoại reo:
“Trung Tá Hoa tôi nghe”.
“Chú liên lạc tìm Trung Tướng Thi (Nguyễn Chánh Thi) và mời
ông ấy ngày mai cùng đi chung phi cơ với tôi ra Quảng Ngãi, còn phi cơ của
Trung Tướng Thi chờ tại Quảng Ngãi để đón ông Thi ra Đà Nẳng sau khi lễ xong.
Phi cơ cất cánh tại Sài Gòn lúc 6 giờ sáng chớ không phải 7 giờ. Chú rõ
chưa?
“Thưa Trung Tướng, tôi nghe rõ”.
Tôi liên lạc và chuyển được lời mời của Trung Tướng Viên đến
Trung Tướng Thi đang có mặt tại nhà ông ở đường Gia Long, và được Trung Tướng
Thi chấp nhận dễ dàng. Tiếp đến là liên lạc với Bộ Tư Lệnh Không Quân xác
nhận lại giờ cất cánh và không trình chuyến bay. Lại phải cấp tốc liên lạc xác
nhận với Chuẩn Tướng Lãm (Quảng Ngãi) và Chuẩn Tướng Cảnh (Ban Mê Thuột).
Lúc 5 giờ sáng ngày 9/3/1966, điện thoại reo vang:
“Trung Tá Hoa tôi nghe”.
“Chú tìm xem Trung Tướng Có ở đâu và cho tôi biết ngay”.
“Vâng”.
Đó là lệnh của Trung Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng. Tôi điện thoại
đến tư dinh Trung Tướng Có trong cư xá Bộ Tổng Tham Mưu, nghe tiếng phụ nữ:
“Chào bà. Tôi là Trung Tá Hoa. Xin bà vui lòng cho tôi tiếp chuyện
với Trung Tướng”.
“Nhà tôi lên xe đi rồi anh Hoa”.
“Dạ, cám ơn bà”.
Tôi điện thoại đến toán gác cổng số 1 Bộ Tổng Tham Mưu, được biết
xe của Trung Tướng Có đã ra cổng và quẹo lên hướng phi trường Tân Sơn Nhất. Tôi
gọi lên phòng VIP trong phi trường:
“Tôi, Trung Tá Hoa. Xin lỗi có Trung Tướng Tổng Trưởng Quốc
Phòng ở đó không à?
“Tôi đây anh Hoa. Có việc gì không?
“Dạ, Trung Tướng Viên bảo tôi tìm biết Trung Tướng ở đâu
thì trình lại Trung Tướng Viên chớ không có gì, thưa Trung Tướng”.
Sau đó tôi trình Trung Tướng Viên. Và ông ra lệnh:
“Chú vào văn phòng ngay, báo cho các nơi hủy bỏ chuyến đi của
tôi ra Quảng Ngãi với Ban Mê Thuột. Yêu cầu hai vị Tư Lệnh trao gắn huy chương
cho các quân nhân trực thuộc, vì tôi bận vào giờ chót”.
“Vâng. Chào Trung Tướng”.
Trời hãy còn tối. Sĩ quan trực cũng như các nhân viên an ninh
tòa nhà chánh, trong mấy năm gần đây đã quen với những trường hợp đèn đuốc sáng
choang trong văn phòng Tổng Tham Mưu Trưởng, nên không ai tò mò lên văn phòng
tôi. Tôi gọi Đại Úy Có và chính anh gọi các nhân viên trực thuộc vào văn phòng
làm việc. Sau khi liên lạc xong với Bộ Chỉ Huy Không Chiến, với Chuẩn Tướng
Hoàng Xuân Lãm và Chuẩn Tướng Võ Văn Cảnh xác nhận lệnh của Trung Tướng Viên,
nghe tiếng xe bên dưới tôi đến cửa sổ nhìn xuống lầu thấy xe Trung Tướng
Viên vừa ngừng ở thềm tầng trệt. Trung Tướng Viên vào một lúc thì xe của Thiếu
Tướng Nguyễn Cao Kỳ, rồi xe của Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu đến. Cả hai vị, một
cách im lặng, lần lượt vào phòng Trung Tướng Viên. Rồi Trung Tướng Viên vào
phòng tôi ra lệnh có vẻ vội vàng:
“Chú xuống lầu đón Trung Tướng Có và Trung Tướng Thi, hướng
dẫn vào phòng họp hôm qua. Chỉ một mình Trung Tướng Thi vào đó thôi, sĩ quan
tùy viên và cận vệ của Trung Tướng Thi ngồi ở phòng chú và chú trách nhiệm”.
Tôi xuống lầu. Trời vẫn chưa sáng. Xe Trung Tướng Nguyễn Hữu Có
dừng trên thềm tầng trệt, trong khi sĩ quan tùy viên chưa mở cửa xe thì toán cận
vệ của Trung Tướng Có từ xe Jeep phía sau nhảy xuống, súng cầm tay trong tư thế
sẳn sàng sử dụng. Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi xuống xe, toán cận vệ kèm hai
bên, và sau lưng Trung Tướng Thi một khoảng ngắn là Trung Tướng Có.
Đến đây thì tôi hiểu việc gì đang xảy ra. Trung Tướng Có bảo tôi
đi trước, như là dẫn đường lên phòng họp hôm qua. Ông nói khẽ:
“Vào xong, anh khóa cửa lại và cho Quân Cảnh gác cẩn thận”.
“Vâng”.
Tôi nói riêng với Đại Úy Có:
“Anh thay tôi trách nhiệm canh giữ anh tùy viên với cận vệ của
Trung Tướng Thi nghe. Lệnh của Trung Tướng đó. Tốt hơn hết là mình "ngăn cản
khéo" không cho các anh ấy đi đâu hết, ngoại trừ vào phòng vệ sinh thì bảo
Quân Cảnh theo giữ”.
Đại Úy Có hơi ngập ngừng một chút vì chưa biết nguyên nhân nhưng
anh không hỏi, vì chúng tôi đã qui ước với nhau rằng, nếu một bên không nói thì
bên kia không hỏi và hiểu rằng đó là lệnh mật.
Vẫn chưa đến giờ làm việc. Trung Tướng Thiệu, Thiếu Tướng Kỳ, và
Trung Tướng Viên, cùng vào phòng họp, mà trong đó đã có Trung Tướng Thi, cũng
là Đại Biểu Chánh Phủ tại Miền Trung.
Khoảng 1 tiếng đồng hồ sau đó, tôi vào trình Trung Tướng Viên về
vấn đề ăn sáng. Đây là tôi cố tình vào và sự cố tình này cũng có lý của nó, vì
lúc ấy gần 9 giờ (sáng) mà các vị chưa ăn sáng. Trước đây, thỉnh thoảng có những
buổi họp đặc biệt trước giờ điểm tâm, các vị thường gọi tôi vào lo các phần ăn
sáng. Tôi nghe các vị nói chen kẻ và qua đó tôi hiểu phần nào mục đích của các
vị thuộc trung ương, nhằm thuyết phục Trung Tướng Thi chấp nhận giải pháp sang
Hoa Kỳ chữa bệnh một thời gian, nhưng Trung Tướng Thi không đồng ý. Âm thanh của
Trung Tướng Thi rất rõ ràng và không kém phần mạnh mẽ, cho phép suy đoán là ông
không dễ dàng chịu áp lực của bốn vị Tướng đứng đầu chánh phủ và quân đội.
Trong khi các vị ăn trưa ngay trong phòng họp, tất cả các sĩ
quan tùy viên và cận vệ của các vị cũng đang dùng bữa tại phòng tôi. Sĩ quan
tùy viên của Trung Tướng Thi nói với tôi là anh cần về nhà Trung Tướng Thi có
việc cần, tôi mời anh ngồi xuống và tiếp tục ăn trưa:
“Anh thông cảm cho tôi nghe. Cái nghiệp chánh văn phòng và tùy
viên của tụi mình là không có quyền ra lệnh cho ai hết, mà chỉ có nhận lệnh và
chuyển lệnh thôi. Trung Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng dặn tôi là tất cả các bạn
không nên rời khỏi đây cho đến khi các vị họp xong. Vậy, mời anh hãy tự nhiên với
chúng tôi như lúc nào. Thông cảm nghe anh”.
Tôi nghĩ, anh tùy viên muốn ra khỏi đây để báo về nhà Trung Tướng
Thi và báo ra Đà Nẳng cho Quân Đoàn biết tình trạng của Trung Tướng Thi, vì rõ
ràng là Trung Tướng Thi "bị cưỡng bách" trước mắt anh chớ không phải
đến đây để họp như ngày hôm qua.
Cuối cùng cũng không đạt kết quả, nên Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia
thu hẹp quyết định "quản thúc" Trung Tướng Thi, lúc đầu dự trù tại
câu lạc bộ Bộ Tổng Tham Mưu, nhưng sau đó đưa về quản thúc tại nhà ông với sự
canh giữ của An Ninh Quân Đội và Quân Cảnh.
Lúc bấy giờ là buổi chiều, trong phòng làm việc của Trung Tướng
Viên, cả 4 vị Tướng đều mệt mỏi với nét mặt đăm chiêu, và trong nhiều phút
không vị nào lên tiếng, chừng như mỗi vị có cách nghĩ riêng của mình thì phải?
Riêng Trung Tướng Thiệu, mặt ông hơi đỏ lên với những giọt mồ hôi lấm tấm hai
bên thái dương mặc dù ông vừa từ phòng lạnh bên kia sang phòng lạnh này, chứng
tỏ là không khí buổi họp rất căng thẳng. Trước khi ra về, Trung Tướng Viên tạt
vào phòng tôi:
“Chú mời "Đại Hội Đồng Quân Lực" họp lúc 10 giờ sáng
mai (10/3/1966). Không mời Tư Lệnh Sư Đoàn 1 (Thiếu Tướng Nguyễn Văn Chuân, tại
Huế) và Sư Đoàn 2 (Chuẩn Tướng Hoàng Xuân Lãm, tại Quảng Ngãi). Lý do sẽ cho biết
khi họp”.
“Phòng họp nào, thưa Trung Tướng?
“Bên phòng họp số 2”.
“Vâng”.
Đại Hội Đồng Quân Lực có 36 vị, gồm: Tất cả các vị trong Ủy Ban
Lãnh Đạo Quốc Gia. Các vị Tướng Lãnh. Chỉ Huy Trưởng binh chủng Thiết Giáp,
Pháo Binh, Công Binh, Truyền Tin, Quân Vận, và Biệt Động Quân. Các vị Tư Lệnh
Quân Chủng, Tư Lệnh Nhẩy Dù, Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến, Tư Lệnh Lực Lượng Đặc
Biệt, đều là Tướng Lãnh, đương nhiên trong thành phần trên rồi. Mỗi lần mời họp
đều sử dụng điện thoại, và phải mời các vị ở xa trước để quí vị ấy kịp chuẩn bị
phương tiện về Sài Gòn, sau đó mới mời các vị trong Quân Trấn Sài Gòn và lân cận.
Mời xong, chưa kịp thu xếp ra về. Lúc ấy màn đêm xuống khá lâu,
điện thoại lại reo:
“Trung Tá Hoa tôi nghe”.
“Chú mời xong chưa?
“Dạ vừa xong, thưa Trung Tướng”.
“Chú xác nhận lại với các vị là họp lúc 8 giờ sáng, tức sớm hơn
2 tiếng đồng hồ. Chú ráng làm ngay trong đêm nay”.
“Vâng. Tôi sẽ lần lượt xác nhận lại, thưa Trung Tướng”.
Khi trả lời câu hỏi đầu tiên của Trung Tướng Viên, tôi cứ tưởng
sẽ nhận được lời khen của ông, nào ngờ chẳng khen mà lại nhận thêm công tác. Vậy
là bắt đầu làm lại. Và cứ theo "bổn cũ" mà làm. Mãi đến gần nửa đêm mới
rời văn phòng!
Ngày 10 tháng 3 năm 1966. Tại phòng họp số 2, còn có tên là
"Tân Sinh Nông Thôn" trong tòa nhà trệt bên kia đường, xéo về bên phải
của tòa nhà chánh, Đại Hội Đồng Quân Lực họp dưới sự chủ tọa của Trung Tướng
Nguyễn Văn Thiệu, Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia.
Vào phòng họp, tôi cảm nhận ngay bầu không khí căng thẳng, ngột
ngạt, vì tất cả các vị đều im lặng. Tuy khi mời không nêu lý do nhưng giữa các
vị chắc đã có liên lạc nhau trước nên cũng hiểu được tại sao có buổi họp đặc biệt
này. Tôi nhận ra điều này là do vài vị nói chuyện với nhau trước khi vào phòng
họp.
Mở đầu, Trung Tướng Thiệu tuyên bố lý do. Tiếp đến là Thiếu Tướng
Kỳ, rồi Trung Tướng Có, liên tục nêu những lời phát biểu cũng như những hành động
của Trung Tướng Thi trong thời gian qua, đã lạm quyền trung ương và chống lại
trung ương chẳng khác tình trạng "một sứ quân" hay là "một chánh
phủ trong một chánh phủ". Thiếu Tướng Kỳ và Trung Tướng Có nói nhiều nhất,
nói hăng nhất. Đúng ra là hai vị luân phiên "hài tội" Trung Tướng Thi
nhưng Trung Tướng Thi đang bị quản thúc tại nhà ông, nghĩa là không có mặt
trong phòng họp. Những điều mà các vị nêu lên về lời tuyên bố cũng như hành động
của Trung Tướng Thi, trước đây báo chí đã đăng tải khi những sự kiện đó xảy ra.
Chẳng hạn như Trung Tướng Thi nhân danh Đại Biểu Chánh Phủ, đã ấn định giá biểu
từ Huế vào Sài Gòn cho chi nhánh Hàng Không Việt Nam tại Huế và Đà Nẳng.
Theo giá biểu này thì thấp nhiều so với giá biểu do Tổng Nha Hàng Không Việt
Nam qui định. Đến chuyện Trung Tướng Thi tự ý bổ nhiệm Thiếu Tá Nghĩa (dường
như là họ Nguyễn) vào chức vụ Tỉnh Trưởng tỉnh Quảng Tín, sau khi trung ương
không chấp nhận đề nghị này. Dĩ nhiên là Thủ Tướng Kỳ vẫn bác bỏ quyết định đó
của Trung Tướng Thi. Và v.. v..
Phải thừa nhận rằng, Thiếu Tướng Kỳ cũng như Trung Tướng Thi, mỗi
vị đều có những cái đúng và những điều sai, vì cả hai đều có tiếng là nóng
tính, dễ giận, nghĩ sao nói vậy, nói tuốt luột những điều mình nghĩ đến mức gọi
là "nói thẳng ruột ngựa". Nhưng trường hợp này, theo tôi, Trung Tướng
Thi hoàn toàn sai. Quyết định bổ nhiệm Tỉnh Trưởng là quyền của Thủ Tướng tức
Thiếu Tướng Kỳ, Đại Biểu Chánh Phủ chỉ có quyền đề nghị mà thôi. Trung Tướng
Thi đôi lần đã tuyên bố với báo chí rằng, "các Tướng Lãnh cầm quyền ở
trung ương có hành động tham những".
Sự kiện đúng hay sai cần phải viện dẫn đầy đủ bằng cớ, chớ Trung
Tướng Thi không thể căn cứ vào điều ông nghĩ mà ông tự ý hành động vượt quyền
như vậy được. Nếu Trung Tướng Thi cho là các vị Tướng cầm quyền tham nhũng, ông
cứ đưa ra tòa với những bằng cớ rành rành thì quan tòa làm sao bao che được. Với
lại nếu lời tố cáo của Trung Tướng Thi được minh chứng xác thật với bằng cớ, chắc
chắn dư luận -nhất là các cơ quan truyền thông- chẳng ngại ngùng gì mà không
lên tiếng ủng hộ, như vậy là sự kiện này càng thêm thuận lợi cho Trung Tướng
Thi cũng như thuận lợi cho phiên tòa xét xử.
Hoặc Trung Tướng Thi phản đối trung ương bằng cách từ chức là
cách hay nhất mà ông có thể làm được. Thậm chí, Trung Tướng Thi có thể đứng ra
lãnh đạo cuộc đảo chánh để thành lập một chánh phủ trong sạch lãnh đạo quốc
gia, vì đảo chánh không phải là điều xa lạ cũng không phải là điều khó khăn đối
với Trung Tướng Thi. Còn trong khi đang tại chức với cấp bậc Trung Tướng, mà
ông tự tách mình ra khỏi trung ương để chống đối trung ương thì còn gì là kỹ luật
quân đội, còn gì là một chánh quyền thống nhất để bảo vệ quốc gia dân tộc đang
bị cộng sản xâm lăng!
Sau nhiều tiếng đồng hồ thảo luận gay gắt, đến phần bỏ phiếu
kín: "Thuận hay không thuận cách chức Trung Tướng Thi?". Khi kiểm phiếu
có 1 phiếu trắng, còn lại đều thuận. Trung Tướng Có, đẩy ghế ra sau, đứng dậy,
và lên tiếng:
“Trong phòng họp này, chúng ta là những người có trách nhiệm
trong Đại Hội Đồng với tư cách thay mặt toàn quân, bỏ phiếu thuận hoặc không,
còn phiếu trắng trong trường hợp này là "lưng chừng", không dứt khoát
lập trường. Vậy, ai là người bỏ phiếu trắng nên giải thích cho anh em rõ?
Vừa dứt câu, có tiếng ghế đẩy thật mạnh, tất cả cặp mắt của những
vị có mặt gần như đồng loạt quay nhìn, và một người dỏng dạc đứng lên. Đó là
Chuẩn Tướng Dư Quốc Đống, Tư Lệnh Nhẩy Dù:
“Kính thưa Trung Tướng Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, kính
thưa quí vị. Tôi là người bỏ phiếu trắng. Trung Tướng Thi đã một thời là cấp chỉ
huy của tôi trong binh chủng Nhẩy Dù, nên tôi không thể hành động chống Trung
Tướng Thi cho dù Trung Tướng Thi có sai trái với quân đội. Tôi vẫn biết rằng,
hành động của tôi không làm thay đổi được quyết định chung cuộc, nhưng tôi vẫn
làm vì lẽ đó. Và nếu sau này, có điều gì xảy ra với Trung Tướng Viên, tôi vẫn
hành động như tôi vừa làm. Và bây giờ, quí vị toàn quyền quyết định về tôi:
"Ở lại hay ra khỏi Nhẩy Dù, tôi thi hành ngay". Xin cám
ơn”.
Cả phòng họp im phăng phắc. Cuối cùng cũng không có quyết định
gì về Chuẩn Tướng Đống, có lẽ các vị thừa nhận tính khẳng khái của vị Tướng Tư
Lệnh Nhẩy Dù mà không bàn gì về ông chăng?
Tôi rất khâm phục nghĩa khí và lòng dũng cảm của Chuẩn Tướng Dư
Quốc Đống, ông xứng đáng là vị Tư Lệnh binh chủng Nhẩy Dù. Đành rằng, nếu Đại Hội
Đồng Quân Lực có cách chức ông và để ông "ngồi chơi xơi nước" đi nữa,
ông vẫn là Tướng Lãnh, nhưng thử hỏi có được bao nhiêu vị Tướng khẳng khái như
ông. Sau buổi họp, tôi đến chào Chuẩn Tướng Đống và xin được bắt tay ông, chỉ
vì hành động vừa rồi của ông.
Thế là quyết định cách chức Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư Lệnh
Quân Đoàn I/Quân Khu I và Đại Biểu Chánh Phủ tại miền Trung của Ủy Ban Lãnh Đạo
Quốc Gia thu hẹp ngày hôm qua, trở thành quyết định chung cuộc của Đại Hội Đồng
Quân Lực hôm nay, mà Đại Hội Đồng Quân Lực trên nguyên tắc là thay mặt toàn
quân.
Ngay lúc buổi họp vừa chấm dứt, đa số quí vị thành viên Đại Hội
Đồng Quân Lực vừa từ từ ra cửa vừa bàn luận tình hình chiến sự gần như là chuyện
bên lề, không biết có phải quí vị muốn chuyển sang bầu không khí trách nhiệm
thường xuyên để làm nhẹ đi hoặc quên đi cái không khí căng thẳng trong tình đồng
đội chen lẫn trong lãnh vực chính trị vừa rồi hay không, nhưng rõ ràng là không
khí rộn ràng vui vẻ hẳn lên chớ không nặng nề như lúc ngồi trong phòng họp.
Trung Tướng Viên gọi tôi về văn phòng gặp ông:
“Chú tìm Chuẩn Tướng Nhuận và mời đến gặp tôi
ngay”.
“Hy vọng là tôi tìm được vì nhà Chuẩn Tướng Nhuận ở trong khuôn
viên Bộ Tổng Tham Mưu, thưa Trung Tướng”.
Đó là Chuẩn Tướng Phan Xuân Nhuận, là một trong chín Đại Tá được
thăng cấp Chuẩn Tướng hồi tháng 7/1964 ngay khi Trung Tướng Nguyễn Khánh vừa
thiết lập cấp bậc Chuẩn Tướng. Ông đang là Chỉ Huy Trưởng binh chủng Biệt Động
Quân.
Rất may, Chuẩn Tướng Nhuận có mặt tại nhà. Vào văn phòng Trung
Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng một lúc, khi trở ra ông tạt vào phòng tôi và nói là
ông hy vọng tôi giúp ông cho kịp. Nói xong, ông vội vàng đi ngay chừng như thời
gian gấp rút lắm. Tôi nói vói theo là tôi "sẽ cố gắng", nhưng thật ra
tôi chưa hiểu việc gì tôi phải làm liên quan đến "hy vọng" mà Chuẩn
Tướng Nhuận vừa nói, cho đến khi Trung Tướng Viên bấm chuông gọi tôi:
“Chú làm ngay mấy việc. Thứ nhất, chú thu xếp lấy chiếc C47 đưa
Chuẩn Tướng Nhuận và các sĩ quan tháp tùng ông ra Huế ngay chiều nay
(10/3/1966). Thứ hai, điện thoại ra Huế yêu cầu Thiếu Tướng Chuân (Nguyễn Văn
Chuân) chuẩn bị và thực hiện công tác bàn giao chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh
cho Chuẩn Tướng Nhuận ngay khi ông Nhuận đến Huế. Sáng ngày mai (11/3/1966),
Thiếu Tướng Chuân vào Đà Nẳng nhận chức Tư Lệnh Quân Đoàn I/Quân Khu I. Thứ ba,
điện thoại Đại Tá Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn I, đón Thiếu Tướng Chuân và trình
bày tình hình mới nhất để ông Chuân nắm vững tình hình. Và thứ tư, gởi công điện
"hỏa tốc" xác nhận lệnh đó với Quân Đoàn I/Quân Khu I và Sư Đoàn 1 Bộ
Binh. Chú có gì cần hỏi thêm không?
“Dạ không, thưa Trung Tướng”.
Một Thông Cáo của Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia được phổ biến trên
các làn sóng phát thanh vào buổi tối, theo đó, Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia đã chấp
thuận cho Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư Lệnh Quân Đoàn I/Quân Khu I, xuất
ngoại chữa bệnh mũi một thời gian. Thông Cáo đơn giản chỉ có thế, nhưng đoạn
văn này lại là khởi đầu cho một cuộc khủng hoảng chính trị trong nội tình Việt
Nam chúng ta. Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia xem như giải quyết được sự chống đối của
Trung Tướng Thi, nhưng lại phát sinh vấn đề khác, giống như nhiều loại thuốc trị
bệnh có kèm theo tác dụng phụ của nó vậy. Vấn đề của Trung Tướng Thi là vấn đề
lớn, vì nếu không lớn hà tất phải triệu tập Đại Hội Đồng Quân Lực, nhưng vấn đề
phát sinh thì lớn hơn nhiều và lâu hơn nhiều.
Khủng hoảng bắt đầu.
Sự kiện Thủ Tướng là Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ với Đại Biểu
Chánh Phủ tại miền Trung là Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi bất đồng nhau trầm trọng,
không giới nào trong xã hội là không biết. Ấy vậy mà nội dung Thông Cáo như thế
thì làm sao che được mặt bên kia của vấn đề.
Xin nhớ rằng, Trung Tướng Thi rất được lòng của khối Phật Giáo
miền Trung, trong đó có cả sinh viên, quân nhân Phật tử, và giới chính trị nữa.
Cho nên có tệ lắm thì người ta cũng nhận thức được sự kiện Trung Tướng Thi bị
trung ương cách chức và đưa đi lưu vong. Thêm nữa, nếu thật sự Trung Tướng Thi
đi ngoại quốc chữa bệnh thì cần gì phải Thông Cáo cho toàn dân biết, chỉ cần
cái sắc lệnh của Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc
Gia, cho phép Trung Tướng Thi xuất ngoại, đồng thời cử vị Tướng khác thay thế
trong thời gian ông ấy vắng mặt là đủ. Chính sự có mặt của bản Thông Cáo ở cấp
lãnh đạo quốc gia là điều không bình thường chút nào.
Thế là Phật Giáo có phản ứng. Và phản ứng đầu tiên bằng cuộc mít
tinh biểu tình tại Đà Nẳng, đòi chánh phủ phục chức cho Trung Tướng Thi. Đòi hỏi
này nhanh chóng lan ra Huế và vào vài tỉnh lân cận phía nam Đà Nẳng. Khí thế của
các cuộc mít tinh biểu tình ngày càng mạnh mẽ với số người tham gia ngày càng
đông, đông đến độ khó ước lượng được là bao nhiêu.
Trước tình hình này, tôi cảm thấy các vị lãnh đạo trung ương dường
như không tiên liệu đến, hoặc có tiên liệu nhưng tiên liệu không đến mức báo động
cao như vậy. Ngay ngày phản ứng đầu tiên của khối người đông đảo tại Đà Nẳng,
Trung Tướng Thiệu, Thiếu Tướng Kỳ, Trung Tướng Có, với Trung Tướng Viên, họp
trong phòng Trung Tướng Viên. Rồi những ngày sau đó là họp liên miên, không giờ
giấc gì cả. Chúng tôi lo ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều, và ăn tối luôn. Với thành
phần như vậy, có thể gọi là "Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia thu hẹp của thu hẹp",
vì không có mặt Trung Tướng Tổng Thư Ký, và hai vị Tướng Tư Lệnh Không Quân với
Tư Lệnh Hải Quân. Phải có 3 vị này mới đủ thành phần thu hẹp của Ủy Ban Lãnh Đạo
Quốc Gia.
Chuẩn Tướng Phan Xuân Nhuận, được Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia cử
vào chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh, đồn trú tại Huế và Quảng Trị, rất có thể
vì ông là người sinh trưởng tại miền Trung và là một Phật tử, hy vọng ông có thể
thuyết phục được những thành phần chống đối. Nhưng ngay khi nhận chức Tư Lệnh
Sư Đoàn 1, ông đã tuyên bố đứng vào "hàng ngũ lực lượng tại Huế chống lại
trung ương". Do đó mà ông được xem là Tư Lệnh của lực lượng chống đối tại
đây. Sự kiện này cho thấy quí vị trong Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia đã quá đơn giản
khi bổ nhiệm một Tướng Lãnh vào một chức vụ rất cần uy tín, bản lãnh, với một
phong cách vừa thuyết phục vừa cương quyết, mà theo tôi, Chuẩn Tướng Nhuận
không có những yếu tố đó.
Tôi không rõ là Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi có đề nghị hay
không, mà các vị lãnh đạo quyết định cho ông trở ra Đà Nẳng gọi là để giải
thích sự việc với đồng bào, yêu cầu đồng bào chấm dứt những xáo trộn trong khi
chánh phủ cần tập trung nỗ lực vào tình hình quân sự. Ngày 17/3/1966, chiếc C47
của Không Quân đưa Trung Tướng Thi ra Đà Nẳng. Trước khi lên phi cơ tại phi trường
Tân Sơn Nhất, ông tuyên bố với báo chí rằng:
“Tôi chẳng có bệnh mũi gì cả, mà cho dù có bệnh đi nữa thì tôi
cũng điều trị tại Việt Nam chớ không đi nước nào hết. Sự thật là như vậy”
Lời tuyên bố này chính là sự xác nhận rõ ràng và dứt khoát. Cũng
có nghĩa là ông đã vạch trần nội dung bản Thông Cáo ngày 10/3/1966 của Ủy Ban
Lãnh Đạo Quốc Gia nói về ông. Tôi nghĩ, các vị trung ương chắc đã phải cảm nhận
"cái tát" khi xem câu trả lời ngắn ngủi đó trên các báo tại thủ đô
Sài Gòn.
Rồi sau đó. Cứ mỗi lần Trung Tướng Thi xuất hiện ở Đà Nẳng, Huế,
hay Quảng Nam, đều được sự ủng hộ nồng nhiệt của đám đông mít tinh biểu tình.
Và những lời tuyên bố của ông đều chung một ý là ông cùng với đồng bào nơi đây
chống lại các Tướng Lãnh cầm quyền tại trung ương.
Thế là cuộc "khủng hoảng miền Trung" -báo chí thường gọi
như vậy- tự dưng được "trung ương" tăng cường thêm hai Tướng Lãnh, do
đó mà khí thế càng thêm mạnh! Sai lầm nghiêm trọng của trung ương trong quyết định
chọn người vào chức vụ quan trọng, hy vọng sẽ là một trong những bài học lãnh đạo
trong tương lai đối với những thế hệ tiếp sau.
Tiếp đến, Trung Tướng Phạm Xuân Chiểu, Tổng Thư Ký Ủy Ban Lãnh Đạo
Quốc Gia bay ra Huế, cũng với hy vọng trong một chừng mực nào đó, ông có thể
thuyết phục được Trung Tướng Thi. Ông đến tòa đại biểu chánh phủ (Huế) cùng với
Trung Tướng Thi, trong khi bên ngoài đông nghẹt thanh niên sinh viên. Từ trong
đám đông đó có người bước ra hỏi Trung Tướng Chiểu:
“Trung Tướng có công nhận hành động của chúng tôi là đúng không?
“Đúng”. Trung Tướng Chiểu trả lời.
“Trung Tướng công nhận là đúng. Vậy Trung Tướng có ở lại Huế với
chúng tôi không?
“Có”.
Lập tức, một nhóm thanh niên ùa vào hoan hô Trung Tướng
Chiểu và công kênh ông ra xe đưa đến khách sạn bên khu chợ Đông Ba. Nhóm thanh
niên này nói là luôn luôn túc trực bên cạnh Trung Tướng Chiểu và ông cần gì cứ
gọi họ. Chữ "túc trực" ở đây được hiểu là "canh giữ" Trung
Tướng Chiểu.
Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan -cánh tay phải của Thủ Tướng Kỳ- Tổng
Giám Đốc Cảnh Sát kiêm Cục Trưởng Cục An Ninh Quân Đội, cử nhiều toán Cảnh Sát,
An Ninh, Tình Báo dưới quyền ông ra Huế và Đà Nẳng, bám sát tình hình. Mỗi ngày
báo cáo hai lần về Phủ Thủ Tướng và thông báo văn phòng Tổng Tham Mưu Trưởng.
Còn chính ông, sự đi lại giữa Đà Nẳng với Sài Gòn bất cứ lúc nào mà ông cho là
cần thiết.
Ngoài ra, tổng đài điện thoại Cộng Hòa trong khuôn viên Bộ Tổng
Tham Mưu, được lệnh thu băng toàn bộ các cuộc nói chuyện bất cứ là ai, bất cứ từ
đâu đến, mà ngang qua hệ thống viễn liên này và trình lên văn phòng Tổng Tham
Mưu Trưởng vào đầu giờ buổi sáng, và cuối giờ buổi chiều. Đây là nguồn cung cấp
thông tin xác thật nhất về những lời đối thoại giữa các tỉnh miền Trung với Sài
Gòn, bất luận người nói chuyện là ai cũng đều thu vào và trình lên tất cả. Nhờ
đó mà tôi biết được những lời đối thoại giữa các vị Tướng từ trung ương với vị
Tư Lệnh Quân Đoàn I cũng như với các vị Tư Lệnh
khác.
Tuy có được những công điện mật mã thường xuyên của nhóm an ninh
tình báo, cùng với những tờ trình của tổng đài điện thoại Cộng Hòa, nhưng trong
những cuộc đàm thoại giữa Trung Tướng Thiệu, Thiếu Tướng Kỳ, Trung Tướng Có từ
Sài Gòn với Thiếu Tướng Chuân tại Đà Nẳng, thì không thể nào hiểu được tình
hình thật sự khi nhìn từ Bộ Tổng Tham Mưu. Trung Tướng Thiệu gọi tôi:
“Chú liên lạc với Thiếu Tướng Chuân, hỏi tình hình hôm nay ra
sao rồi cho tôi biết”.
“Vâng. Tôi gọi ngay, thưa Trung Tướng”.
Tôi điện thoại ra Đà Nẳng và Thiếu Tướng Chuân đang có mặt tại
văn phòng:
“Tôi Hoa đây thưa Thiếu Tướng. Trung Tướng Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh
Đạo Quốc Gia muốn biết sự thật của tình hình bây giờ ra sao. Hoặc là Thiếu Tướng
tiếp chuyện trực tiếp với Trung Tướng, hoặc tôi sẽ chuyển trình lại Trung Tướng,
thưa Thiếu Tướng”.
“Anh trình với Trung Tướng Chủ Tịch là tình hình không có gì
đáng ngại đâu. Như thế là được rồi, tôi khỏi phải trình nữa”.
Thiếu Tướng Nguyễn Văn Chuân, những tháng cuối năm 1954 là Trung
Tá, Chỉ Huy Trưởng Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, lúc ấy tôi là sinh viên sĩ quan
trừ bị của Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức trong số hơn 200 sinh viên gởi lên đây
học, vì Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức không đủ cơ sở. Từ đó, tôi thường liên lạc
với ông trong tình thầy trò.
Tôi trình lại Trung Tướng Thiệu thì Trung Tướng Có bảo tôi gọi cho
ông nói chuyện trực tiếp với Thiếu Tướng Chuân. Kết quả cuộc đàm thoại đó cũng
là những thông tin mà tôi nhận lúc nảy thôi.
Một tháng sau ngày cách chức Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi, hầu
như tất cả sinh hoạt tại Đà Nẳng, Huế, và vài tỉnh lân cận, nói chung là
rất xáo trộn, đôi lúc được xem là hỗn loạn nữa. Vì vậy mà phòng làm việc của
Trung Tướng Viên trở thành nơi làm việc hằng ngày của Trung Tướng Thiệu, Thiếu
Tướng Kỳ, và Trung Tướng Có. Hội họp liên tục và những quyết định về tình hình
miền Trung cũng như liên quan đến các đại đơn vị khác, đều xuất phát từ đây.
Trung Tướng Có quyết định, chính ông phải ra Đà Nẳng để biết rõ
tình hình, chớ mờ mờ ảo ảo như thế này thì không thể giải quyết được mà có thể
ngày càng trầm trọng đến mức nguy hiểm. Trung Tướng Thiệu và Trung Tướng Viên,
khuyên Trung Tướng Có không nên mạo hiểm, vì rất có thể là Thiếu Tướng Chuân đã
bị phía chống đối quản thúc canh giữ nên Thiếu Tướng Chuân không thể trình bày
sự thật được. Nếu sự thể xảy ra như vậy thì Trung Tướng Có sẽ tự mình dấn thân
vào thế bị động của Thiếu Tướng Chuân luôn. Nhưng Trung Tướng Có vẫn giữ nguyên
quyết định, và ông đi Đà Nẳng.
Đến căn cứ Không Quân Đà Nẳng, Trung Tướng Có gọi về cho biết,
con đường từ căn cứ Không Quân đến bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I đầy chướng ngại vật,
nhưng phía chống đối mở lối cho xe của Quân Đoàn đến đón ông. Rồi cũng không
khác Thiếu Tướng Chuân về cách trình bày tình hình, và Trung Tướng Thiệu tin là
Trung Tướng Có đã bị quản thúc cùng với Thiếu Tướng Chuân. Thế là trung ương tiếp
tục lún sâu vào thế bị động.
Biện pháp quân sự.
Ngày 14/4/1966, trung ương quyết định chuyển quân ra Đà Nẳng để
giải quyết tình hình. Nói cho thật đúng là Thiếu Tướng Kỳ quyết định sử dụng biện
pháp mạnh. Trung Tướng Thiệu không phản đối nhưng cũng không hẳn là đồng ý,
Trung Tướng Viên vẫn như từ ngày đầu đến giờ là không tham gia quyết định nào cả
vì ông cho rằng đây là vấn đề chính trị, vấn đề của chánh phủ mà ông chỉ thi
hành lệnh thôi. Trước khi ra về, Trung Tướng Viên gọi tôi vào phòng:
“Sáng sớm mai tôi và bộ chỉ huy hành quân ra Đà Nẳng, chú lo mấy
việc sau đây: Chuẩn bị giường xếp và lương thực 7 ngày cho 10 người ăn. Chú Có
và vài chú trong toán an ninh theo tôi. Chú tìm ngay Trung Tá Mã Sanh Nhơn cùng
đi với tôi. Trung Tá Nhơn sẽ là Thị Trưởng Đà Nẳng thay cho Bác Sĩ Mẫn đã theo
phía chống đối. Chú liên lạc với văn phòng Thiếu Tướng Kỳ để biết giờ phi cơ
Caravelle cất cánh. Chú lo ngay cho kịp”.
Giao công tác lo gường xếp với lãnh lương khô cho Đại úy Có
xong, tôi liên lạc với chánh văn phòng của Thủ Tướng Kỳ được biết, bộ chỉ huy
hành quân sẽ đi bằng phi cơ Caravelle của Hàng Không Việt Nam và cất cánh lúc 3
giờ sáng trước phòng VIP. Điều tôi lo nhất là không biết có tìm được Trung Tá
Mã Sanh Nhơn hay không vì gần đây tôi ít có dịp liên lạc với anh, nhưng cuối
cùng tôi cũng tìm được. Khi ra sân bay, tôi thấy có một cô gái người Huế cùng
đi với Trung Tá Nhơn, và theo lời Trung Tá Nhơn thì cô này có khả năng giúp anh
thuyết phục thanh niên học sinh Đà Nẳng.
Trong cuộc chuyển quân này, Không Quân Hoa Kỳ dứt khoát không
cho mượn phi cơ vận tải hạng nặng C130 để chở chiến xa, họ nêu lý do phương tiện
chiến đấu chỉ sử dụng trong chiến tranh chớ không can dự vào cuộc khủng hoảng
chính trị nội bộ, nhất là đàn áp đồng bào. Họ nói rất đúng, nhưng liệu lý do đó
còn có mặt trái của nó hay không? Hãy chờ.
Tại phi trường, tôi được biết Chuẩn Tướng Trần Thanh Phong, Trưởng
Phòng 3/Tổng Tham Mưu, đã điều động Thủy Quân Lục Chiến và Nhẩy Dù vào cuộc
hành quân này. Ngoài Thủ Tướng Kỳ, Trung Tướng Viên, còn có Thiếu Tướng Lê
Nguyên Khang, Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến và Chuẩn Tướng Dư Quốc Đống, Tư Lệnh
Nhẩy Dù.
Từ căn cứ Không Quân Đà Nẳng, Đại Úy Nguyễn Hữu Có, sĩ quan tùy
viên của Trung Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng, điện thoại về tôi:
“Trung Tướng và bộ chỉ huy đã đến nơi và trú đóng trong căn cứ
Không Quân. Theo tin tức thì ngoài đường phố đầy nghẹt bàn thờ và người của
phía chống đối khi họ biết lực lượng tổng trừ bị ra đây giải quyết tình hình.
Có vẻ rắc rối lắm. Trung Tướng Có (tại bộ tư lệnh Quân Đoàn I) tức giận về việc
Nhẩy Dù với Thủy Quân Lục Chiến có mặt ngoài này đó anh. Có gì lạ tôi sẽ gọi về
anh”.
Vậy là "không khí chiến tranh" giữa trung ương với địa
phương rất sẳn sàng xảy ra, nếu như phía trung ương có một hành động nào đó mà
phía chống đối cho là khiêu khích. Trong ngày đầu tiên, lực lượng trung ương án
binh bất động, phía chống đối củng cố công tác bố trí lực lượng trên đường phố
trong tư thế "nghênh chiến". Cái đau ở chổ "cả hai phía đều là
phe ta cả!"
Trung Tướng Có điện thoại về phòng Tổng Tham Mưu Trưởng nói chuyện
với Trung Tướng Thiệu:
“Tại sao trong khi tôi đang dàn xếp với bên kia thì anh lại đưa
quân ra thế này? Bây giờ không còn cách nào nói chuyện với họ được vì họ không
tin tôi nữa!
“Ông Kỳ đó”.
“Anh cho rút về ngay đi. Nếu không thì tình hình sẽ nguy hiểm lắm”.
“Được. Tôi sẽ cho lệnh rút về”.
Trung Tướng Thiệu ngồi tại bàn viết của Trung Tướng Viên, tự ông
viết công điện ra lệnh chuyển lực lượng tổng trừ bị về Sài Gòn và ký ngay trên
bản thảo đó. Ông gọi tôi:
“Chú đánh máy xong, trình Trung Tướng Viên ký và gởi đi ngay cho
tôi. Xong, trình lại tôi”.
“Vâng, tôi làm ngay thưa Trung Tướng”.
Ngay đêm hôm đó (15/4/1966), Thủ Tướng Kỳ và Trung Tướng Viên về
lại Sài Gòn, giao cho Chuẩn Tướng Trần Thanh Phong chỉ huy. Lệnh này gây rắc rối,
vì Chuẩn Tướng Phong kém cấp bậc và kém thâm niên, nên Thiếu Tướng Khang và Chuẩn
Tướng Đống cũng trở về Sài Gòn và trao quyền chỉ huy cho hai vị Tư Lệnh Phó của
hai ông.
Tôi thuật lại cuộc nói chuyện giữa Trung Tướng Thiệu với Trung
Tướng Có, đồng thời trình công điện "hỏa tốc" (có nghĩa là phải gởi
ngay) cho Trung Tướng Viên mà tôi đã đánh máy xong. Ông không nhìn vào mà nói:
“Chú để trên bàn cho tôi”.
Sáng hôm sau, Trung Tướng Thiệu đến sớm trong khi Trung Tướng
Viên chưa đến, khi đi ngang bàn tôi ông ra hiệu tôi theo ông vào
phòng:
“Chú làm xong chưa?
“Thưa Trung Tướng, xong rồi, nhưng Trung Tướng Viên chưa
ký”.
“Tại sao?
“Tôi không rõ, thưa Trung Tướng”.-
“Khi Trung Tướng Viên tới là chú trình ngay cho tôi”.
“Vâng”.
Trung Tướng Viên đến, và sau khi ông điện thoại với Thiếu Tướng
Kỳ, tôi không rõ là Thiếu Tướng Kỳ nói gì mà Trung Tướng Viên duyệt ký công điện
đó.
Lực lượng rút về xong thì Trung Tướng Có cũng được phía chống đối
cho “tự do” sang căn cứ Không Quân về Sài Gòn. Trung Tướng Chiểu từ Huế cũng vậy.
Trung Tướng Tôn Thất Đính, một trong năm vị Tướng bị ba vị trong
nhóm lãnh đạo “Chỉnh lý ngày 30/1/1964” quản thúc tại Đà Nẳng rồi chuyển lên quản
thúc ở Đà Lạt, 3 tháng sau đó được tự do nhưng không được giữ các chức vụ có
quân có quyền. Trường hợp như vậy báo chí thường gọi là “Tướng không quân”.
Trung Tướng Đính ngỏ ý với bà Cao Văn Viên mà ông tin chắc là đến tai Trung Tướng
Viên, và rồi Trung Tướng Thiệu với Thiếu Tướng Kỳ cũng biết. Theo đó, Trung Tướng
Đính bắn tiếng rằng: “Nếu được tín nhiệm vào chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn I, ông
có khả năng giải quyết được tình hình một cách êm dịu”. Bà Viên nói cho tôi
nghe như vậy.
Và chắc là nghe xuôi tai, với lại trong khi chưa chọn được vị
nào khác, Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia thu hẹp, quyết định cử Trung Tướng Tôn Thất
Đính vào chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn I thay Thiếu Tướng Nguyễn Văn Chuân,
và tôi được lệnh lo phi cơ đưa ông và các sĩ quan tháp tùng ra Đà Nẳng. Ngày
hôm sau, một mẫu tin trên nhiều nhật báo tại thủ đô Sài Gòn có nội dung vắn tắt
như thế này:
“Trước khi lên phi cơ, Trung Tướng Đính tuyên bố là cọp về rừng”.
Đúng là “cọp lại về rừng”, vì sau khi Trung Tướng Đính nhận chức
Tư Lệnh Quân Đoàn I thì ông tuyên bố tại Đà Nẳng cũng như sau đó tại Huế, là
ông chờ ngày này đã lâu lắm rồi. Đồng thời ông nói thẳng ra rằng ông đứng về
phía lực lượng chống đối trung ương. Thế là không khí đấu tranh trong hàng ngũ
chống đối chánh phủ càng thêm hăng hái, vì có thêm một Tướng lãnh vừa từ trung
ương ra là chống lại trung ương ngay.
Lúc này hầu hết vũ khí dự trữ trong các kho Tiếp Vận tại Huế và
Đà Nẳng, đều bị phía chống đối lấy trang bị cho lực lượng của họ. Tư Lệnh lực
lượng chống đối tại Huế là Chuẩn Tướng Phan Xuân Nhuận. Tại Đà Nẳng, phía chống
đối tổ chức một Quân Đoàn lấy tên là “Quân Đoàn Trần Hưng Đạo” do Đại Tá Đàm
Quang Yêu giữ chức Tư lệnh. Có một số Cảnh Sát và quân nhân Phật tử tham gia.
Nói là Quân Đoàn nhưng thật ra chỉ là một số quân nhân và cảnh sát Phật tử tập
hợp lại thôi, chớ có tổ chức Sư Đoàn Trung Đoàn gì đâu. Còn Đại Tá Đàm Quang
Yêu, đang là Chỉ Huy Trưởng Đặc Khu Quảng Đà (tức Quảng Nam Đà Nẳng), được phía
chống đối đưa ông vào chức Tư Lệnh Quân Đoàn Trần hưng Đạo.
Theo đề nghị của Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan, Cục Trưởng Cục An Ninh
Quân Đội, đang có mặt tại Đà Nẳng, Trung Tướng Viên bảo tôi liên lạc với Cục
Quân Cụ (quản trị các loại dụng cụ chiến tranh) đưa lên căn cứ Không Quân 500
khẩu súng trường loại MAS 36 (do Pháp sản xuất từ đệ nhị thế chiến) mà Cục
không cần biết lý do. Không Quân chuyển số súng này ra Đà Nẳng và dùng trực
thăng đưa đến hai Quận phía bắc thành phố Huế, trang bị cho các đảng viên Việt
Nam Quốc Dân Đảng. Lực lượng tình nguyện sẽ chống cộng sản và chống cả lực lượng
đang chống đối trung ương.
Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia thu hẹp, đã lần lượt thất bại trong việc
chọn người giữ chức Tư Lệnh Quân Đoàn I sau khi cách chức Trung Tướng Thi, ngay
việc hai vị Tướng lãnh từ trung ương ra Huế và Đà Nẳng tìm hiểu và giải quyết
tình hình tại chỗ, cũng đều thất bại. Từ những thất bại đó, những va chạm qua lại
đã xảy ra là điều không tránh khỏi, và trong nội bộ đã hình thành hai nhóm:
Nhóm thứ nhất gồm: Trung Tướng Thiệu, Trung Tướng Có, và Trung
Tướng Đặng văn Quang, Tư Lệnh Quân Đoàn IV.
Và nhóm thứ hai gồm: Thiếu Tướng Kỳ, Trung Tướng Viên, Thiếu Tướng
Khang, và Chuẩn Tướng Đống.
Sở dĩ tôi dùng chữ “Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia thu hẹp” vì những
quyết định đều do những vị trong số 4 vị trên đây đưa ra chớ không phải đầy đủ
trong thành phần Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia 11 người. Trình bày như vậy, tôi có ý
lách phần trách nhiệm của 7 vị còn lại trong Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia không có
mặt trong những quyết định liên quan trực tiếp đến tình hình xáo trộn gần hai
tháng qua. Với lại chữ “thu hẹp” mà tôi dùng ở đây cũng không hoàn toàn đúng
nghĩa nữa, mà phải gọi là “thu hẹp của thu hẹp”'.
Trong khi đó, các vị lãnh đạo phía chống đối chuyển mục tiêu đấu
tranh sang đòi xây dựng một chế độ dân cử. Mục tiêu của phía chống đối, bước đầu
là phục chức cho Trung Tướng Thi, khi Trung Tướng Thi về lại Đà Nẳng thì chuyển
sang bước thứ hai là đấu tranh đòi Trung Tướng Thiệu, Thiếu Tướng Kỳ, và Trung
Tướng Có từ chức, và bây giờ là bước thứ ba hoàn toàn về chính trị.
Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, rõ ràng là từ lúc khởi đầu đến bây giờ
đều trong thế bị động, tuy đã có nhiều cố gắng để tái lập ổn định tình hình
nhưng tất cả đều không thành công. Từ đó dẫn đến rạn nứt trong nội bộ thành hai
nhóm, và nếu tình trạng này không sớm chấm dứt thì rồi đây đất nước sẽ như thế
nào? Danh dự và trách nhiệm đối với quốc gia dân tộc, quí vị quên rồi sao? Lẽ
nào lại thế!
Dù thế nào đi nữa thì Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, cũng phải tìm một
vị Tướng khác ra thay Trung Tướng Đính, và vị đó là Thiếu Tướng Huỳnh Văn Cao.
Thiếu Tướng Cao từ sau cuộc đảo chánh ngày 1/11/1963, chỉ giữ những chức vụ
không có quân trong tay và những chức vụ cũng chẳng có gì quan trọng theo đúng
nghĩa của nó. Các vị chọn Thiếu Tướng Cao cũng là điều khó hiểu, vì Thiếu Tướng
Cao là tín đồ Thiên Chúa Giáo. Thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm cầm quyền, ông rất
được tín cẩn. Bây giờ được cử vào chức vụ có trách nhiệm giải quyết cuộc khủng
hoảng với Phật Giáo, thì liệu mức độ thành công có được bao nhiêu! Lại thêm một
chọn lựa liều lỉnh nữa chăng?
Khi Thiếu Tướng Cao từ phòng Trung Tướng Viên bước ra, chẳng những
ông không có được nụ cười như lệ thường mà trái lại nét mặt của ông chứng tỏ rằng
ông rất lo âu về chức vụ mà Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia vừa giao cho ông. Nếu nhận
xét cho thật đúng thì Thiếu Tướng Cao sợ hãi!
Đây là lần thứ tư tôi được lệnh lo phi cơ đưa vị Tướng ra Đà Nẳng
nhận chức Tư Lệnh Quân Đoàn I trong một tình hình rối ren nội bộ.
Chỉ vài ngày sau khi Thiếu Tướng Cao có mặt tại Bộ Tư Lệnh Quân
Đoàn I, sau giờ làm việc chiều trở về, điện thoại nhà tôi reo:
“Trung Tá Hoa tôi nghe”.
“Chú liên lạc tìm sĩ quan tùy viên của Thống Tướng Westmoreland
hỏi xem giờ nào phi cơ cất cánh và bãi đậu ở đâu?
“Thưa Trung Tướng, tôi chưa rõ việc này, xin Trung Tướng cho lệnh
rõ hơn”.
“Tôi cần đi Đà Nẳng ngay bây giờ. Ông Westmoreland cho tôi mượn
chiếc phi cơ U 21 của ổng. Chú hỏi rồi cho tôi biết ngay”.
Thống Tướng William C. Westmoreland, đang là Tư lệnh Quân Lực
Hoa Kỳ tại Việt Nam. U 21 là chiếc phi cơ phản lực, dường như 8 chỗ ngồi mà
Không Lực Hoa Kỳ dành riêng cho ông. Mọi thu xếp xong xuôi, và phi cơ cất cánh
lúc 8 giờ tối tại bãi đậu của Không Quân Hoa Kỳ, và trên phi cơ chỉ một hành
khách duy nhất là Trung Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng. Trung Tướng
Viên 3 ngôi sao, Thống Tướng Westmoreland 4 ngôi sao, phối hợp nhau trong mọi vấn
đề rất chặt chẻ. Mỗi tuần vào đầu giờ làm việc chiều thứ hai đều họp cấp cao tại
văn phòng Trung Tướng Viên, giải quyết những vấn đề vượt quá trách nhiệm của
hai bộ tham mưu, hoặc vì hai bộ tham mưu không đồng quan điểm nên chưa giải quyết
được. Ngoài ra, Thống Tướng Westmoreland còn cử một Đại Tá (lúc đó là Đại Tá
Freund, ông này thường nói tiếng Pháp), làm sĩ quan liên lạc của ông và có văn
phòng tại Bộ Tổng Tham Mưu (ở tầng trệt tòa nhà chánh).
Trước khi lên phi cơ, Trung Tướng Viên dặn tôi:
“Chú chờ tôi ở đây và rất có thể là tôi về khuya lắm”.
Tôi muốn biết chuyện gì xảy ra, nên điện thoại hỏi bà Viên vì
tôi tin là bà biết. Và đúng như vậy, bà Viên cho biết:
“Thiếu Tướng Cao nói ổng bị ông Loan (Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan)
cho người mưu sát ổng ngay tại văn phòng, nên ổng đã bỏ Quân Đoàn chạy sang tị
nạn bên Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Đệ Tam Thủy Bộ Hoa Kỳ. Trung Tướng ra đó giải quyết
ngay trong đêm”.
Bỗng dưng tôi có dịp quan sát căn cứ Không Quân về đêm. Dưới ánh
sáng như ban ngày do hệ thống đèn pha cực mạnh, những bộ phận chuyên viên bảo
trì phi cơ và chuẩn bị bom đạn với hỏa tiển để phi cơ sẳn sàng cất cánh lên đường
ra trận. Những toán quân nhân làm đêm, không phân biệt Việt Nam hay Hoa Kỳ, đều
hoạt động liên tục. Cứ độ nửa tiếng đồng hồ là chiếc xe bán thức ăn nước uống của
Hoa Kỳ đến để bán cho các quân nhân Việt Mỹ. Làm việc ban đêm là một nhiệm vụ cấp
trên giao phó, nhưng nhìn vào cung cách và thái độ của những quân nhân chuyên
viên đó, tôi nhận thấy tấm lòng của họ, tấm lòng của “Người Lính Không Quân” đối
với “Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm”. Xứng đáng biết bao hỡi những chiến sĩ Không
Quân âm thầm trong đêm tối.
Trung Tướng Viên về đến lúc 3 giờ sáng. Trước khi lên xe, ông
đưa tôi cái thơ không niêm, và nói:
“Tôi về nhà luôn. Chú ghé đưa thư này cho bà Cao và nói rằng,
Thiếu Tướng Cao nhờ trao tận tay. Ngoài ra ông Cao không có dặn gì thêm”.
Nhà Thiếu Tướng Huỳnh Văn Cao trong cư xá Bộ Tổng Tham Mưu,
nhưng tôi không ghé ngay mà tôi vào luôn văn phòng. Tôi muốn biết tình hình xảy
ra như thế nào và tôi nghĩ là thư của Thiếu Tướng Cao có thể có những thông tin
liên quan đến. Thế là tôi sao chụp một bản trước khi ghé nhà Thiếu Tướng Cao
trao cho bà ấy. Sỡ dĩ tôi hành động như vậy là vì từ cái đêm Tổng Thống Diệm ra
lệnh thiết quân luật 20/8/1963 để lùng bắt Thượng Tọa Thích Trí Quang cho đến
nay, tôi ghi chép những sự kiện xảy ra, và đồng thời sao chụp các bản tài liệu
kèm theo bản văn ghi chép theo câu “nói có sách mách có chứng”, để sau này cung
cấp cho những sử gia hoặc giả tôi sẽ đăng báo hoặc viết thành sách. Một phần những
bản văn ghi chép cùng những bản sao chụp có được, tôi đã thiêu hủy trước khi
vào tù tháng 6/1975, chỉ còn lại “tài sản” lưu giữ trong ký ức và một bao đựng
những trang giấy viết tay do quân cộng sản lục soát khám xét và xé bỏ tung tóe
trước khi bọn họ rời khỏi nhà tôi.
Năm 1986, tôi thuật lại cho các bạn trong phòng giam số 1 trại
tù Nam Hà nghe trong 9 đêm liền. Thuật lại như vậy, tôi nghĩ, sự lưu giữ trong
ký ức sẽ được dài lâu vì phát ra cũng có nghĩa là thu lại, và mặt khác, trong số
các bạn trong phòng giam có những bạn chứng kiến tận mắt hoặc đã tham gia một số
sự kiện tại địa phương trong thời ấy như Đại Tá Đàm Quang Yêu chẳng hạn, xác nhận
những gì tôi thuật. Có lẽ nhờ vậy mà những gì “tồn trữ trong ký ức” của tôi đã
giúp tôi hoàn thành quyển “Đôi Dòng Ghi Nhớ”, góp mặt trong hằng loạt sách hồi
ký xuất bản tại hải ngoại.
Trở lại thư của Thiếu Tướng Cao. Tôi biết hành động như vậy là
không đúng, nhưng tôi muốn có dữ kiện ghi chép chính xác. Tôi không biện minh
cho việc tôi làm, nhưng rõ ràng là tôi không hề có ý định gì ngoài điều tôi vừa
trình bày. Thư ông chưa đầy trang giấy, chỉ vắn tắt rằng :
“..... Vì có người ám hại nên ông phải ra ngoại quốc tìm kế mưu
sinh và sẽ gởi tiền về giúp đỡ gia đình. Cuối cùng, ông cầu xin Đức Mẹ che chở
cho vợ con ông”.
Ngày hôm sau, tôi được bà Viên cho biết thêm như thế này:
“Nhận chức xong, Thiếu Tướng Cao duyệt lại tình hình từng nơi, đặc
biệt là ông chú trọng đến Đà Nẳng và Huế. Ông thấy cần ra Huế để nắm vững tình
hình tại đây về lực lượng dưới quyền ông cũng như lực lượng của phía chống đối.
Thiếu Tướng Cao đến Huế bằng trực thăng của Hoa Kỳ, khi chuẩn bị đáp thì từ đám
đông phía dưới có người bắn lên và xạ thủ trên trực thăng đã bắn chết người đó.
Ông quay về Đà Nẳng. Rồi ngay trong phòng làm việc của ông tại Bộ Tư Lệnh Quân
Đoàn, bất ngờ ông phát hiện kịp thời một sĩ quan của ông Loan (Đại Tá Nguyễn Ngọc
Loan) dí súng vào đầu ông từ phía sau, nhưng đúng lúc có một sĩ quan Hoa Kỳ bước
vào nên hắn không hành động được. Ông Cao quá tức giận và nói cho ông Loan biết
là ông sẽ rời bỏ Quân Đoàn. Ông Loan quì xuống ôm chân Thiếu Tướng Cao và nói
trong vội vàng: 'Thiếu Tướng hiểu lầm rồi, không có chuyện mưu sát gì đâu. Tôi
lạy Thiếu Tướng, xin Thiếu Tướng đừng bỏ Quân Đoàn. Ngay sau đó, ông Cao sang Bộ
Tư Lệnh Lực Lượng Đệ Tam Thủy Bộ Hoa Kỳ xin Tướng Waltz -Tư Lệnh- giúp cho ông
sang Hoa Kỳ tị nạn chính trị. Thiếu Tướng Cao viết thư đó tại văn phòng Tướng
Waltz”.
Lại biện pháp quân sự.
Trở lại văn phòng của Trung Tướng Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng. Từ
sau ngày Thiếu Tướng Cao bỏ Quân Đoàn I, các vị Tướng lãnh đạo quốc gia và quân
đội, gần như làm việc bất kể ngày đêm tại phòng làm việc của Trung Tướng Viên,
có hôm đến nửa đêm mới rời nơi đây. Trong một buổi tối, vẫn là Trung Tướng Thiệu,
Thiếu Tướng Kỳ, Trung Tướng Có, và Trung Tướng Viên, và đây là lần đầu tiên
Trung Tướng Viên trình bày quan điểm của ông một cách mạnh mẽ, ông nhân danh Tổng
Tham Mưu Trưởng, ông không chấp nhận một quân đội trong một quân đội như tình
trạng hiện nay. Và ông đề nghị với các vị có mặt là phải dùng biện pháp quân sự
để giải quyết dứt khoát tình hình.
Buổi họp đi đến quyết định là chấp thuận kế hoạch của Trung Tướng
Viên, và ngày 15/5/1966 là ngày chuyển quân ra Đà Nẳng. Lần chuyển quân này được
phía Hoa Kỳ trực tiếp cung cấp vận tải cơ hạng nặng C130 và vận tải hạm chở chiến
xa từ Sài Gòn ra phi cảng và hải cảng Đà Nẳng. Vẫn Thủy Quân Lục Chiến và Nhẩy
Dù như lần trước, cộng thêm lực lượng Thiết Giáp. Và rồi diễn tiến cuộc “hành
quân” giải tỏa tình hình hỗn loạn tại Đà Nẳng được thực hiện rất thuận lợi,
không một cuộc nổ súng nào xảy ra giữa lực lượng chánh phủ với lực lượng chống
đối, ngoại trừ tại một ngôi chùa nhỏ có vài phát súng bắn ra nhưng không gây
thiệt hại nào. Tại Huế cũng trong một tình hình tương tự như vậy. Đại Tá Ngô
Quang Trưởng, Tư Lệnh Phó Nhẩy Dù, được cử ra phía bắc Huế tiếp xúc với một
Trung Đoàn của Sư Đoàn 1 Bộ Binh ủng hộ trung ương, tiến vào thành phố Huế với
nhiệm vụ giải tỏa lực lượng chống đối. Nhiệm vụ hoàn thành trong yên tịnh.
Sự kiện gần như trái ngược với dự đoán của giới truyền thông
cũng như của nhiều thành phần khác trong xã hội khi được biết trung ương lại
đưa quân ra Đà Nẳng. Bởi vì trước đó một tháng, trung ương đã chuyển quân ra Đà
Nẳng, và đã thất bại nên rút quân về. Rõ ràng là có một điều gì khó hiểu, vì lực
lượng chống đối đang bừng bừng khí thế, bỗng dưng tịt mất hoàn toàn như ngọn
đèn đang sáng thì tắt phụt khi có người ngắt dòng điện vậy. Phải chăng khi
không khí mít tinh biểu tình lên đến cường độ nào đó thì có thêm ngọn đèn xanh,
và đến lúc này thì đèn xanh tắt và đèn đỏ được “ai đó” bật lên hay không? Xin
quí vị nhớ lại cuộc chuyển quân ngày 15/4/1966, Hoa Kỳ khước từ yểm trợ phương
tiện vận tải hàng không với lý do không bàn cãi vào đâu được, thế nhưng cuộc
chuyển quân lần này cũng cùng mục tiêu như lần trước, lại được yểm trợ đầy đủ
theo nhu cầu. Liệu quyết định như vậy có liên quan đến “ai đó” nói trên hay
không?
Xin lược lại vài sự kiện gần như có mối liên hệ với nhau để dẫn
đến tình hình vừa nêu.
Thứ nhất, là sau ngày lực lượng chống đối nêu yêu sách đòi tiến
đến sinh hoạt dân chủ mà bước đầu là bầu cử Quốc Hội Lập Hiến để soạn thảo Hiến
Pháp, thì Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia tuyên bố chấp nhận tổ chức bầu cử quốc hội
vào tháng 9/1966. Tôi nghĩ, chắc là Hoa Kỳ có ảnh hưởng nếu không nghĩ là họ áp
lực đến quyết định này.
Thứ hai, là Trung Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng
Hòa, trước đó ông không có ý kiến gì về những quyết định của những vị lãnh đạo
quốc gia, nhưng bất ngờ ông đưa đề nghị biện pháp quân sự và cuộc hành quân đã
diễn ra thật tốt đẹp. Đúng ra khi nói đến hành quân phải nói đến chiến thắng,
nhưng tôi thấy không ổn nếu dùng chiến thắng để chỉ cuộc hành quân này, vì “phe
ta đánh phe mình” với lại “bất chiến tự nhiên thành”. Về đề nghị của Trung Tướng
Viên, liệu ông có biết là đèn xanh cho phía chống đối đã tắt và đèn đỏ đã bật
lên chăng? Cho dù các câu hỏi có đặt ra hay không thì những sự kiện cùng những
quyết định nói trên đã diễn tiến rất nhịp nhàng, và những ai quan tâm đến đất
nước, có thể đã tự hỏi như vậy, hay hơn thế nữa.
Và thứ ba, cũng có thể là vị nào đó, khi thấy Trung Tướng Thi bị
cách chức liền nhập cuộc với những thành phần ủng hộ Trung Tướng Thi, và dần dần
nắm quyền lãnh đạo cuộc chống đối trung ương, từng bước đòi hỏi tiến đến xây dựng
cơ cấu dân chủ trong sinh hoạt quốc gia, khi được trung ương chấp nhận bầu cử
Quốc Hội Lập Hiến thì xem như mục tiêu đấu tranh đạt được nên ra lệnh chấm dứt
chăng? Nhưng trong trường hợp này, có phải là Trung Tướng Viên đã mạo hiểm trở
lại quyết định của Thủ Tướng Kỳ đã không thành công cách đó một tháng không? Nếu
đúng như vậy, quả là Trung Tướng Viên rất dũng cảm cho cuộc mạo hiểm của ông
nhưng tình cờ lại đúng thời cơ.
Nhìn lại chuỗi biến cố.
Và tôi cũng tự hỏi: “Liệu từ cuộc đảo chánh lật đổ Tổng Thống
Ngô Đình Diệm ngày 1/11/1963 của Trung Tướng Dương Văn Minh, cuộc Chỉnh Lý ngày
30/1/1964 của Trung Tướng Nguyễn Khánh với Trung Tướng Trần Thiện Khiêm, rồi cuộc
Biểu Dương Lực Lượng ngày 13/9/1964 của Trung Tướng Dương Văn Đức, đến Thiếu Tướng
Lâm Văn Phát đảo chánh Trung Tướng Nguyễn Khánh ngày 19/2/1965, rồi quân đội nhận
trách nhiệm lãnh đạo quốc gia ngày 19/6/1965, và cuộc khủng hoảng này từ ngày
9/3/1966, có liên quan với nhau trong một chuỗi biến cố chính trị, hay chỉ là
những sự kiện riêng lẽ?
Nếu riêng lẽ, thì tại sao trong cuộc “Đảo Chánh” Tổng Thống Ngô
Đình Diệm có một người Mỹ (Trung Tá Conein) trong phòng Thiếu Tướng Trần Thiện
Khiêm, bản doanh của Hội Đồng Quân Nhân lãnh đạo đảo chánh từ lúc bắt đầu đến
khi Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu bị giết chết? Tại sao trong cuộc “Chỉnh
Lý” của Trung Tướng Nguyễn Khánh, Trung Tướng Trần Thiện Khiêm, và Đại Tá Cao
Văn Viên, cũng có một người Mỹ tại bản doanh ngay trong tư dinh của Trung Tướng
Nguyễn Khánh từ đầu đến cuối? Tại sao viên chức tình báo tại tòa đại sứ Hoa Kỳ
ra lệnh cho Trung Tướng Dương Văn Đức (ngang qua Trung Tá Tạ thành Long), người
đứng đầu cuộc “Biểu Dương Lực Lượng” phải rút quân về vị trí? Tại sao Trung Tướng
Nguyễn Khánh yêu cầu ông Đại Sứ Taylor giúp đỡ khi bị Thiếu Tướng Lâm Văn Phát
“Đảo Chánh” thì ông trả lời là không can thiệp vào nội bộ chính trị của Việt
Nam Cộng Hòa, đồng thời khuyên Trung Tướng Nguyễn Khánh nên ra ngoại quốc? Rồi
tại sao Hoa Kỳ chuẩn y không văn bản cho Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ sau khi Tướng
Tư Lệnh Không Lực Hoa Kỳ có lời ủng hộ? Và tại sao Hoa Kỳ không giúp không vận
và hải vận chuyển quân và chiến cụ ra Đà Nẳng lần thứ nhất trong khi lực lượng
chống đối trung ương với khí thế rất mạnh, đến cuộc chuyển quân và chiến cụ lần
thứ nhì chỉ cách đó một tháng thì Hoa Kỳ yểm trợ hoàn toàn, cùng lúc với sự tê
liệt (hoặc hiểu theo cách nào đó cũng tương đương như vậy) của lực lượng chống
đối tại Đà Nẳng cũng như tại Huế?
Hoặc tất cả những sự kiện đó là một chuỗi biến cố chính trị liên
quan với nhau? Vì Tổng Thống Ngô Đình Diệm không đồng ý để Hoa Kỳ thiết lập căn
cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam theo chiến lược Domino của họ, nên ông bị các
Tướng Lãnh của ông lật đổ với ngọn đèn xanh của ông Đại Sứ Hoa Kỳ, nhân chính
sách không bình đẳng tôn giáo lên cao điểm. Rồi họ không muốn vương vấn chút ảnh
hưởng nào của Pháp trong giới Tướng Lãnh Việt Nam nên nhóm Tướng thân Pháp
(Trung Tướng Minh, Trung Tướng Đôn, ...) bị hạ bệ, đồng thời gầy dựng nhóm Tướng
cầm quyền thân Mỹ (Trung Tướng Khánh, Trung Tướng Khiêm). Khi Trung Tướng Khánh
“lên ngôi”, chỉ thỏa mãn nhu cầu chiến lược Domino mà không thực hiện chế độ
dân cử, để rồi cuộc biểu dương lực lượng của Trung Tướng Đức là một cảnh cáo của
Hoa Kỳ đối với Trung Tướng Khánh phảng phất tính độc tài.
Tiếp đến là Thiếu Tướng Phát với Sư Đoàn 25 Bộ Binh trong tay
nhưng không đủ bản lãnh lật đổ, lại là cơ hội tốt giúp cho Trung Tướng Nguyễn
Văn Thiệu, Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi, và Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, đẩy luôn
Trung Tướng Nguyễn Khánh lưu vong. Vài tháng sau đó, Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu,
Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, và Trung Tướng Nguyễn Hữu Có, nhân danh quân đội nhận
trách nhiệm lãnh đạo quốc gia theo yêu cầu của chánh phủ dân sự Phan Huy Quát.
Đây là lời yêu cầu trên văn bản, nhưng văn bản còn có mặt trái hay không thì
tôi không rõ. Nhưng vẫn chưa thực hiện chế độ dân cử (theo tôi, là do yếu tố an
ninh hơn là yếu tố độc tài quân phiệt) cho đến khi cuộc “Khủng Hoảng Miền
Trung” đòi hỏi mới chấp nhận. Liệu sự chấp nhận bầu cử Quốc Hội Lập Hiến có phải
là sự thúc giục của Hoa Kỳ từ phía sau, hay thật sự là do phía chống đối đòi hỏi?
Nhưng rõ ràng là đến lúc này thì Hoa Kỳ hài lòng và kết thúc chuỗi biến cố
chính trị mà họ điều hướng trong 3 năm qua.
Nếu đúng như vậy thì tại sao Hoa Kỳ phải kiên nhẫn trong một thời
gian khá dài với một thái độ âm thầm nhưng rất hiệu quả để hướng đến một chế độ
dân cử? Ta biết rằng, cơ chế thượng tầng kiến trúc của Hoa Kỳ gồm Lập Pháp,
Hành Pháp, và Tư Pháp, được tổ chức và điều hành theo quan niệm “Kiểm Soát và
Cân Bằng”, nhưng Quốc Hội có tiếng nói mạnh hơn về chính sách viện trợ ngoại quốc.
Trong chính sách này, tiêu chuẩn có tính cách quyết định viện trợ hay không viện
trợ là chế độ “dân chủ hay không dân chủ” tại quốc gia mà họ cứu xét viện trợ.
Vì vậy mà Hành Pháp Hoa Kỳ khi thực hiện chiến lược quân sự tại Việt Nam Cộng
Hòa, vẫn phải trong khuôn khổ chính sách viện trợ của Lập Pháp. Điều đó có
nghĩa là, khi Hành Pháp sử dụng các Tướng Lãnh lật đổ chế độ dân cử Việt Nam Cộng
Hòa, thì họ phải bằng mọi cách xây dựng lại chế độ dân cử để tránh áp lực của Lập
Pháp, ảnh hưởng đến chiến lược quân sự tại Á Châu của họ. Và họ đã thành công,
tuy cũng gần 3 năm sau kể từ ngày lật đổ Tổng Thống Ngô đình Diệm.
Trở lại tình hình Miền Trung.
Dưới quyền của Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan, các thành phần Cảnh Sát
và An Ninh Quân Đội lần lượt bắt giữ Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi, Trung Tướng
Tôn Thất Đính, Thiếu Tướng Huỳnh Văn Cao, và Chuẩn Tướng Phan Xuân Nhuận. Riêng
Thiếu Tướng Nguyễn Văn Chuân đã theo lệnh về Sài Gòn họp và bị giữ từ hạ tuần
tháng 4/1966. Ngoài ra, lực lượng an ninh còn bắt giữ nhiều người nữa, trong số
đó có Đại Tá Đàm Quang Yêu, Tư Lệnh Quân Đoàn Trần Hưng Đạo của phía chống đối,
và bác sĩ Mẫn, Thị trưởng Đà Nẳng.
Song song với công tác bắt giữ một số nhân vật, là công tác bổ
nhiệm các nhân vật khác thay thế: (1) Thiếu Tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư Lệnh Sư
Đoàn 2 Bộ Binh, nhận chức Tư Lệnh Quân Đoàn I/Quân Khu I. (2) Đại Tá Ngô Quang
Trưởng, nhận chức Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh. (3) Đại Tá Phan Hòa Hiệp, nhận chức
Tư Lệnh Sư Đoàn 2 Bộ Binh. (4) Trung Tá Lê Chí Cường, đang là Chỉ Huy Trưởng Tổng
Hành Dinh/Tổng Tham Mưu, nhận chức Thị Trưởng Đà Nẳng.
Tiếp đó là nhiều chức vụ trưởng cơ quan đơn vị tại Đà Nẳng và Huế
đã tích cực tham gia lực lượng chống đối trung ương, đều bị thay thế.
Một quyết định đãi ngộ dành cho những sĩ quan được xem là có
công được ban hành không văn bản, mà chỉ bằng điện thoại do văn phòng tôi phụ
trách chuyển đến vị Tư Lệnh Nhẩy Dù, Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến, và Chỉ Huy
Trưởng binh chủng Thiết Giáp. Rằng, những sĩ quan do các vị Tư Lệnh và Chỉ Huy
Trưởng chọn và đề nghị lên Tổng Tham mưu Trưởng, sẽ được du lịch Hong Kong một
tuần lễ. “Sự vụ lệnh” do Bộ Quốc Phòng cấp với lý do “công vụ đặc biệt”. Với lý
do như vậy, các sĩ quan sẽ được ngân sách quốc phòng đài thọ tiền vé phi cơ khứ
hồi cùng với khoản tiền trên căn bản tiền công tác ngoại quốc mỗi ngày nhân lên
cho 7 ngày. Ngoài ra, vị trưởng đoàn được cấp thêm một khoản nữa gọi là phụ cấp
ngoại giao.
Có tất cả 4 danh sách và mỗi danh sách gồm 7 sĩ quan. Được quyền
đưa vợ tháp tùng và trường hợp này thì Bộ Quốc Phòng chỉ đài thọ tiền vé phi cơ
mà thôi. Danh sách khi được Trung Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng duyệt y (thật ra
Trung Tướng Viên không thêm bớt một sĩ quan nào) thì văn phòng chúng tôi làm mọi
việc và mang tay lên Bộ Quốc Phòng trao cho chánh văn phòng. Tiếp đó là ông Tổng
Trưởng ra lệnh cho Tổng Giám Đốc Tài Chánh và Thanh Tra Quân Phí làm thủ tục
ngay. Nghĩa là thủ tục rất nhanh chóng. Hai vị Tư Lệnh Nhẩy Dù và Thủy Quân Lục
Chiến đứng đầu danh sách của binh chủng.
Đầu tháng 7 năm 1966, Trung Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu
Trưởng, gọi tôi vào văn phòng và ra lệnh:
“Chú mời các vị trong Hội Đồng Kỷ Luật Đặc Biệt về họp trong hai
ngày 8 và 9 (7/1966) tại phòng họp số 2 (tức phòng họp Tân Sinh Nông Thôn). Chú
liên lạc với An Ninh Quân Đội tổ chức thu băng để làm biên bản. Không một ai được
vào phòng khi đang họp. Chú lo thức ăn trưa tại chỗ”.
“Thưa Trung Tướng, về an ninh phòng họp có cần tổ chức đặc biệt
hay như thường lệ?
“Không cần đặc biệt lắm đâu, tùy chú xem tình hình mà thích ứng.
Chú mời các vị Tướng bị giữ vào phòng bên cạnh, chú phải luôn luôn có mặt tại
chỗ và lo ăn sáng ăn trưa cho các ổng. Chú lần lượt mời từng vị vào phòng họp của
Hội Đồng mỗi khi tôi thông báo”.
Thành phần Hội Đồng Kỷ Luật Đặc Biệt, không phải là thành phần của
Hội Đồng Quân Lực, vì chỉ gồm các Tướng Lãnh mà thôi.
Ngày họp. Bàn ghế trong phòng họp được xếp theo hình chữ
U, đáy chữ U là bàn của chủ tọa đoàn, gồm: Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Thiếu Tướng
Nguyễn Cao Kỳ, Trung Tướng Nguyễn Hữu Có, Trung Tướng Cao Văn Viên, và Trung Tướng
Linh quang Viên trong chức vụ Thư Ký của Hội Đồng, phụ trách đọc các bản cáo trạng.
Còn trên đầu chữ U có bục gỗ dành cho vị Tướng “bị cáo”, tạm gọi là “vành móng
ngựa”. Bên góc trái cuối phòng họp có cái phòng nhỏ được thiết trí máy thu băng
và máy khuếch đại âm thanh. Chỉ có chuyên viên truyền tin và sĩ quan An Ninh được
ra vào phòng này. Trước cửa có Quân Cảnh gác. Phía sau lưng phòng họp là một
phòng khá rộng dành cho 5 vị Tướng “bị cáo” ngồi chờ đến lượt, đồng thời cũng
là nơi mà văn phòng tôi lo ăn sáng ăn trưa cho quí vị ấy. Tôi được ra vào phòng
họp lẫn phòng thu băng.
Buổi họp bắt đầu. Trung Tướng Thiệu, rồi Thiếu Tướng Kỳ, trình
bày lý do với các vị Tướng Lãnh thành viên của Hội Đồng, cũng là cách cung cấp
cho các thành viên nắm được nguyên nhân và sẳn sàng thực hiện nhiệm vụ đặc biệt
trong hai ngày họp này. Khi phòng họp sẳn sàng, theo lệnh Trung Tướng Viên, tôi
mời Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi vào trước và hướng dẫn đến bục gỗ. Ông bước
vào “vành móng ngựa” với thái độ thản nhiên như một vị chủ tọa đã từng đứng lên
bục gỗ này để ban huấn thị vậy. Trung Tướng Thiệu:
“Hôm nay, Hội Đồng Kỷ Luật Đặc Biệt họp để nghe Trung Tướng
trình bày về những việc làm của Trung Tướng trong thời gian xáo trộn chính trị
tại Miền Trung, vì có những điều mà Hội Đồng chưa biết chắc là Trung Tướng có
phải đã hành động như thế hay không, để Hội Đồng có quyết định không nhầm lẫn.
Mong rằng, Trung Tướng cho biết sự thật”.
Sau đó, Trung Tướng Linh Quang Viên, với tư cách Thư Ký của Hội
Đồng đã đọc bản cáo trạng với từng lời tuyên bố cũng như những hành động của
Trung Tướng Thi trong thời gian nói trên. Đọc xong, Trung Tướng Thiệu mời Trung
Tướng Thi biện minh về những lời cáo trạng vừa nêu.
Trung Tướng Thi, vẫn bình thản tự nhiên, và nói một cách mạnh mẽ
rằng:
“Bây giờ tôi có nói như thế nào đi nữa thì quí vị cũng
không tin tôi, do đó mà tôi không có điều gì để trình bày với quí vị. Quí vị
quyết định như thế nào thì tùy quí vị”.
Trung Tướng Thi dùng chữ rất hay. Ông nói “quí vị quyết định thế
nào là tùy quí vị” chớ ông không nói “quí vị quyết định thế nào thì tôi thi
hành thế ấy”.
Thiếu Tướng Vĩnh Lộc -Tư Lệnh Quân Đoàn II- nói gần như tha thiết
với Trung Tướng Thi là nên trình bày sự thật để anh em trong Hội Đồng hiểu rõ
được sự việc. Trung Tướng Thi vẫn giữ nguyên câu nói của ông vừa rồi, và ông
xin ra khỏi phòng họp.
Có thể thừa nhận là Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi có dũng khí của
người làm Tướng, điều mà không phải vị Tướng nào cũng có được như ông. Nhưng
cũng có thể là ông thấy không có cách nào để biện minh nên thà tỏ ra cứng rắn vẫn
hơn chăng? Theo tôi, Trung Tướng Thi quả là có dũng khí của vị Tướng.
Vị kế tiếp là Trung Tướng Tôn Thất Đính. Rất dễ dàng trông thấy
Trung Tướng Đính có cố gắng bình tỉnh nhưng ông đã không nén được nỗi lo âu
trên nét mặt khi bước vào “vành móng ngựa”. Trung Tướng Thiệu cũng nói những lời
như đã nói với Trung Tướng Thi, và rồi Trung Tướng Viên đọc cáo trạng của ông.
Trung Tướng Đính dần dần lấy lại sự bình tỉnh, rồi bắt đầu ồn ào với những lời
biện minh, nhưng là biện minh một cách gượng gạo nên không đủ lý lẽ để xóa bỏ
được câu cáo trạng nào cả.
Thiếu Tướng Huỳnh Văn Cao là vị thứ ba vào “vành móng ngựa”. Tiếp
đến Thiếu Tướng Nguyễn Văn Chuân, và sau cùng là Chuẩn Tướng Phan Xuân Nhuận.
Trung Tướng Thiệu và Trung Tướng Viên (Linh Quang Viên), theo điệp khúc như đã
đối với Trung Tướng Thi, Trung Tướng Đính, nghĩa là một vị giới thiệu mục đích
buổi họp và vị kia thì kê khai những “tội” của từng vị bị cáo. Bản cáo trạng của
Trung Tướng Thi, Trung Tướng Đính, và Chuẩn Tướng Nhuận rất dài, vì các vị này
chống đối trung ương từ đầu, còn cáo trạng của Thiếu Tướng Cao với Thiếu Tướng
Chuân thì ngắn thôi, vì không chống nhưng cũng không làm tròn nhiệm vụ trong chức
vụ Tư Lệnh Quân Đoàn I. Thiếu Tướng Cao với Thiếu Tướng Chuân khá bình tỉnh khi
biện minh và biện minh ngắn gọn, trong khi Chuẩn Tướng Nhuận khóc sướt mướt với
những lời trình bày toàn kêu oan, chỉ vì ông một lòng lo giải quyết tình hình
xáo trộn tại Huế.
Lúc bấy giờ tôi được lệnh cho phát lại đoạn băng thu cuộc đàm
thoại giữa Chuẩn Tướng Nhuận (tại Huế) với vị Thượng Tọa tại chùa Ấn Quang (Sài
Gòn). Trong đoạn băng đó có lời của Chuẩn Tướng Nhuận rằng: “..... Thưa Thầy,
con quyết tâm đấu tranh đến khi nào ba tên Thiệu, Kỳ, Có từ chức mới thôi
.....”. Nghe xong, Chuẩn Tướng Nhuận òa khóc.
Thật lòng mà nói, tôi không hiểu tiếng khóc của ông có nghĩa là
thú nhận lời của ông, hay đó lại là nước mắt kêu oan chỉ vì ông muốn lợi dụng
những vị lãnh đạo Phật Giáo để giải quyết tình hình, chớ những lời đó không phải
là thật lòng? Cho dù là như thế nào đi nữa, rõ ràng là phong cách của Chuẩn Tướng
Nhuận không xứng đáng với cấp bậc mà Trung Tướng Nguyễn Khánh, với chức năng Quốc
Trưởng trao gắn cho ông một năm trước đó.
Ngày hôm sau, Hội Đồng Kỷ Luật thảo luận gần như suốt ngày để đạt
đến một kết luận thống nhất, kết luận đó trở thành “bản án” và bản án này làm
cho “một loạt những vì sao rơi rụng”. Bản án trừng phạt mỗi vị “60 ngày trọng cấm”
và giải ngũ bắt buộc. Riêng Chuẩn Tướng Phan Xuân Nhuận bị giáng xuống cấp Đại
Tá, và giải ngũ. Trong khi thảo luận, Trung Tướng Cao văn Viên và Thiếu Tướng
Nguyễn Cao Kỳ, có nhắc lại lời viết của Thiếu Tướng Huỳnh Văn Cao trong một
phúc trình trình lên Tổng Thống Ngô Đình Diệm sau vụ thất bại trận Ấp Bắc (Mỹ
Tho) đầu năm 1963. Lời viết đó là “....... Khi tôi (tức Thiếu Tướng Cao) giữ chức
Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh, tôi đã từng trăm trận trăm thắng ......” Và đối với
Chuẩn Tướng Nhuận, Thiếu Tướng Kỳ cho là chỉ xứng đáng làm một Thượng Sĩ
thôi.
Hình phạt “trọng cấm” là hình phạt cao nhất đối với sĩ quan mà
quy chế qui định. Thông thường một sĩ quan khi bị phạt một lần hay nhiều lần cộng
lại lên đến 60 ngày trọng cấm thì bị giải ngũ, vì xem như sĩ quan đó có
thành tích xấu, không xứng đáng là sĩ quan nữa. Hình phạt nhẹ hơn là hình phạt
“khinh cấm”.
Một tuần sau ngày họp nói trên, một biên bản được hoàn thành với
157 trang đánh máy quay ronéo một mặt, cở 21x27 phân, bìa màu xanh, được mang
tay đến các vị thành viên của Hội Đồng Kỷ Luật Đặc Biệt. Xem xong, phải hoàn lại
Cục An Ninh Quân Đội. Riêng tôi được “tặng” một bản ngoài số bản quay ronéo,
nhưng cuối cùng tôi phải đốt một phần cùng với nhiều tập tài liệu mà tôi đã ghi
chép từ tháng 8 năm 1963. Khi tôi vào tù, nhà tôi bị lục soát một tuần lễ nên
ban đêm vợ tôi đã lén đốt một phần nữa. Và phần còn lại thì bị quân cộng sản lục
soát khám xét, chúng xé từng mảnh hoặc vứt từng trang tung toé khắp nhà. Sau cuộc
lục soát này, vợ tôi lượm lại từng trang từng mảnh cho vào bao, đến khi tôi ra
tù mới góp nhặt dán lại, cũng bổ túc được một số chi tiết khi tôi lén lút viết
lại và lần lượt nhờ người mang qua Mỹ. Phần viết lại này được 1600 trang giấy học
trò.
“Cuộc khủng hoảng miền Trung” kết thúc bằng bản án nói trên,
nhưng với nét nhìn chung cuộc thì các vị Tướng Lãnh lãnh đạo quốc gia đã phải
chấp nhận tiến đến xây dựng cơ cấu dân chủ, mà bước đầu là bầu cử Quốc Hội Lập
Hiến vào hạ tuần tháng 9/1966, Như vậy:
Theo quí vị quí bạn, “ai thắng và ai thua” trong cuộc khủng hoảng
này?
Và cuộc khủng hoảng gần 3 tháng qua, phải chăng là một thử thách
khả năng và bản lãnh của các vị Tướng Lãnh trong trách nhiệm lãnh đạo quốc gia
thời chiến? Nếu là thử thách, theo quí vị quí bạn, thì các vị ấy như thế
nào?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét