Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

HỒI KÝ CỦA ĐẠI TÁ PHẠM BÁ HOA: VÀI SỰ KIỆN QUAN TRỌNG TRONG NHỮNG NĂM 1967-1974


1      2      3      4      5      6      7      8      9      10

Tôi rời chức vụ chánh văn phòng Tổng Tham Mưu Trưởng vào những ngày cuối năm 1966 để nhận chức tại tỉnh Phong Dinh (Cần Thơ), nên không có điều kiện theo dõi những sự kiện chính trị từ trong căn phòng nhỏ hẹp của Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (Trung Tướng Viên thăng cấp Đại Tướng nhân lễ Quốc Khánh năm 1967), nơi mà các vị lãnh đạo với tất cả quyền lực trong tay thường hội họp và quyết định những vấn đề trọng đại của quốc gia trong năm 1965 và 1966. Giữa năm 1968, tôi thuyên chuyển trở lại Bộ Tổng Tham Mưu, phục vụ trong bộ tham mưu Tổng Cục Tiếp Vận với chức vụ Chánh Sở Kế Hoạch Chương Trình. Năm 1972, nhận chức Cục Trưởng Cục Mãi Dịch. Năm 1974, nhận chức Tham Mưu Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận. Trong thời gian này cho đến giờ thứ 25 của cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc, tôi có cơ hội trực tiếp lẫn gián tiếp, theo dõi được tình hình quốc gia qua một số sự kiện quan trọng trong phần này và những phần tiếp sau.
Quỹ Tương Trợ & Tiết Kiệm Quân Nhân.      
Xin nhắc lại, đầu tháng 6/1965, Thủ Tướng Phan Huy Quát gởi văn thư mật, yêu cầu Hội Đồng Quân Lực nhận trách nhiệm lãnh đạo quốc gia, vì do bất đồng quan điểm với Quốc Trưởng khi thay đổi nhân sự trong nội các mà Quốc Trưởng từ chức, và Thủ Tướng phải từ chức theo. Văn thư nhấn mạnh, nếu Hội Đồng Quân Lực không nhận trách nhiệm này thì tình hình có thể sẽ trở nên rối loạn. Sau hai ngày họp, Hội Đồng Quân Lực quyết định chấp nhận lời yêu cầu của Thủ Tướng.
Để có khả năng đảm nhận trách nhiệm lãnh đạo quốc gia, Hội Đồng Quân Lực đã tổ chức hai cơ cấu: Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia do Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu giữ chức Chủ Tịch, và Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương do Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ giữ chức Chủ Tịch. Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia hành sử chức năng Quốc Trưởng, và Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương tức Thủ Tướng chánh phủ.
Ngày 19 tháng 6 năm 1965, tất cả thành viên của hai Ủy Ban này đã ra mắt quốc dân đồng bào và ngoại giao đoàn. Trong năm 1965 và 1966, Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia đã tổ chức hai lần "Đại Hội Toàn Quân", để quyết định đường lối hành động trong trách nhiệm quân đội lãnh đạo quốc gia. Thật ra những thành viên của hai lần Đại Hội này, tôi có tham dự cả hai đại hội, hằng ngàn quân nhân đại diện toàn quân về Sài Gòn tham dự để nghe quí vị thành viên của hai Ủy Ban trình bày về những chính sách của các ngành sinh hoạt quốc gia, và trong một chừng mực nào đó, có thể xem đây là một sách lược quốc gia. 
Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ với tư cách Thủ Tướng, đã tuyên bố nội các của ông là "nội các chiến tranh" và là "chánh phủ của người nghèo". Sau đó ông có thực hiện một số chính sách giúp đỡ người dân cải thiện đôi chút cuộc sống, như:
Bán xe Lambretta 3 bánh trả góp dùng chở khách trong thành phố. Đây cũng là cách gia tăng phương tiện chuyên chở công cộng trong thành phố.
Cất nhiều khu nhà liên kế, bán trả góp cho quân nhân viên chức.
Bán xe gắn máy 2 bánh cho quân nhân trả góp.
Tổ chức hệ thống Quân Tiếp Vụ, bán hàng tiêu dùng thông thường với giá miễn thuế cho quân nhân và gia đình.
Và vân ... vân . . .   
Năm 1967, Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia quyết định tăng lương đồng đều cho tất cả quân nhân các cấp thuộc chủ lực quân, mỗi quân nhân 100 đồng. Lúc bấy giờ, quân số chủ lực quân khoảng 450.000 người (chưa kể quân số Địa Phương Quân và Nghĩa Quân). Chỉ 100 đồng thôi vì ngân sách không thể chi trả nhiều hơn nữa, mà 100 đồng thời điểm ấy cũng chẳng mua sắm được gì. Cũng không rõ là Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia có chấp thuận cho Bộ Quốc Phòng hay không, về việc sử dụng 100 đồng đó để thành lập một quỹ gọi là "Quỹ Tương Trợ và Tiết Kiệm Quân Nhân", và chỉ áp dụng cho quân nhân chủ lực quân mà thôi. Mục đích của quỹ như tên gọi là "vừa tiết kiệm vừa tương trợ quân nhân và gia đình". Thiếu Tướng Nguyễn Văn Vỹ, Tổng Trưởng Quốc Phòng, giữ chức Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị. Tôi không nhớ hết các vị thành viên trong Hội Đồng Quản Trị, chỉ nhớ là có vị Tổng Giám Đốc Tài Chánh Thanh Tra Quân Phí/Bộ Quốc Phòng, và Thiếu Tướng Đồng Văn Khuyên (cấp bậc lúc bấy giờ) Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận/Bộ Tổng Tham Mưu.  
Tôi không rõ vị nào đã đưa ra đề nghị này, nhưng có điều là Quỹ này có hợp lệ hay không thì nhiều dư luận trái ngược nhau, mặc dù Quỹ đã được Bộ Nội Vụ cấp giấy phép hoạt động. Vì Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia quyết định tăng lương là trách nhiệm của cấp lãnh đạo đối với quân nhân, nhưng Bộ Quốc Phòng đã thay mặt quân nhân quyết định thành lập Quỹ. Ngay trong Bộ Tổng Tham Mưu, các quân nhân cũng phàn nàn quyết định này không ít, vì Họ là thành viên đương nhiên nhưng không hề được hỏi ý kiến về việc nên hay không nên thành lập Quỹ.
Với lại trên nguyên tắc, Quỹ này không phải của quân đội mà lại do vị Tổng Trưởng Quốc Phòng nắm chức Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị. Các thành viên trong Hội Đồng đều được lãnh phụ cấp. Các vị khác thì tôi không rõ, nhưng riêng Thiếu Tướng Đồng Văn Khuyên lãnh xong là ông hoàn vào quỹ. Chính mắt tôi thì không thấy, nhưng Thiếu Tướng Khuyên nói điều này trong những buổi họp tham mưu của Tổng Cục Tiếp Vận. Xin tạm gác sự kiện này sang một bên, để theo dõi dư luận đồn đoán xoay quanh nguyên nhân dẫn đến quyết định tăng lương mà là số tiền được tăng gần như chẳng đáng là bao so với vật giá thị trường.
Lúc bấy giờ, dư luận từ các nhà hoạt động chính trị cho rằng, Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia tăng lương chỉ nhằm mục đích lấy lòng quân nhân chuẩn bị cho liên danh quân đội ra ứng cử Tổng Thống-Phó Tổng Thống, chớ thật ra số tiền được tăng đó không có giá trị bao nhiêu về vật chất.
Và rồi quí vị Tướng Lãnh ra ứng cử thật. Không phải một liên danh mà đến hai liên danh: Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu một liên danh, và Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ một liên danh khác. Sự kiện này đã đưa quân đội, cho dù có thản nhiên đến mấy đi nữa, tự nó đã hình thành ba khuynh hướng: Một khuynh hướng ủng hộ Trung Tướng Thiệu, một khuynh hướng khác ủng hộ Thiếu Tướng Kỳ, và một khuynh hướng khác nữa thì không quan tâm mấy đến việc phải ủng hộ liên danh nào. Nếu tình trạng hai liên danh vẫn quyết tranh đua trong cuộc bầu cử này thì sự phân hóa trong quân đội là điều không tránh khỏi, và đó là điều tệ hại cho quân đội, cho quốc gia. Cũng may, các vị Tướng Lãnh đã vận động hai vị đứng đầu hai liên danh đến sát cạnh ngày hết hạn nộp đơn ứng cử, thì Thiếu Tướng Kỳ bằng lòng đứng chung liên danh với Trung Tướng Thiệu, sau cuộc họp khá gay gắt tại câu lạc bộ Bộ Tổng Tham Mưu. Cũng trong "sự thành công" đó, Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu có hứa nếu đắc cử Tổng Thống, ông sẽ tham khảo các vị như trong thành phần Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia về đường lối chính sách quốc gia. Đồng thời ông cũng thỏa thuận với Thiếu Tướng Kỳ là sẽ mời giáo sư Nguyễn Văn Lộc -người đứng chung liên danh với Thiếu Tướng Kỳ lúc 2 liên danh riêng rẽ- thành lập chánh phủ.
Trở lại Quỹ Tương Trợ và Tiết Kiệm Quân Nhân. Khi quân số chủ lực quân gia tăng thì số vốn hằng tháng cũng theo đó mà gia tăng. Khi quân lực lên đến hơn 1 triệu quân thì chủ lực quân xấp xỉ con số 600.000 người, và như vậy có nghĩa là số vốn hằng tháng của quỹ ngoài các khoản lời khác, được tăng thêm đến 60.000.000,00 đồng. Có thể nói mà không sợ lầm lẫn, lúc bấy giờ chưa có cơ sở tài chánh nào tại Việt Nam mà số vốn gia tăng nhiều đến như vậy cả. Điều này ít nhất cũng là một trong hai nguyên nhân dẫn đến việc Quỹ Tương Trợ và Tiết Kiệm Quân Nhân "bị đánh sập" sau 51 tháng hoạt động. Nguyên nhân thứ hai, tôi sẽ thuật tiếp ở phần sau.
Trong thời gian thành lập Quỹ Tương Trợ và Tiết Kiệm Quân Nhân, tôi đang phục vụ tại tỉnh Phong Dinh (Cần Thơ) nên không trực tiếp thấu hiểu, nhưng năm sau đó (1968) tôi thuyên chuyển về Tổng Cục Tiếp vận mới có cơ hội nghe Thiếu Tướng Đồng Văn Khuyên cho biết thêm về tổ chức và hoạt động của Quỹ này. Theo ông, số vốn ngày càng gia tăng nhanh chóng và Hội Đồng Quản Trị quyết định thành lập một số cơ sở dịch vụ và kinh doanh, song song với gia tăng số vốn đầu tư vào các công ty dệt sợi, đặc biệt là Vimytex (Việt Mỹ Dệt Sợi Công Ty). Đây là công ty dệt sợi lớn nhất lúc bấy giờ. Hằng năm, công ty này trúng thầu khoảng 50% đến 70% trong số 30 tỷ đồng (Việt Nam Cộng Hòa) cung cấp vải treillis thường và treillis ngụy trang dùng may quần áo trận cho quân nhân. Ngoài ra còn các nhu cầu vải sợi khác, như: vải may quân phục Không Quân, Hải Quân, vải may mùng, may võng, may mũ, vải che mưa, vải dùng lau chùi vũ khí, vải may quân phục đại lễ, quân phục mùa đông cho sinh viên Trường Võ Bị Quốc Gia, quân phục cho sinh viên Trường Bộ Binh Thủ Đức, vải may quân phục cho quân nhân công du hoặc du học ngoại quốc, ..v..v..
Theo thời gian, các cơ sở sau đây được thành lập: Kỹ thương ngân hàng. Công ty bốc dỡ hàng hóa tại cảng Sài Gòn. Công ty vận tải. Công ty sản xuất vật liệu xây dựng. Xây cất tòa nhà nhiều tầng tại số 8 đại lộ Nguyễn Huệ khu trung tâm thủ đô, dự trù sử dụng cho văn phòng ngân hàng, cho các công ty do Quỹ thành lập, và cho thuê. Tòa nhà này thường được gọi là "cao ốc số 8 Nguyễn Huệ".
Quan điểm táo bạo nhất là Hội Đồng Quản Trị sẽ tiến đến xây dựng nhà máy sản xuất đạn bắn thẳng mà khởi đầu là tân trang. Quan điểm này càng trở nên mạnh mẽ khi Trung Tướng (đã được thăng cấp) Đồng Văn Khuyên được cử giữ chức Tham Mưu Trưởng Bộ Tổng Tham Mưu kiêm Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận. Không biết do đâu mà quan điểm này lọt ra ngoài, và  phía Hoa Kỳ bắn tiếng xa gần là sẽ không hỗ trợ mục tiêu này nếu như Quân Lực Việt  Nam Cộng Hòa thực hiện.
Rất có thể đây là nguyên nhân thứ hai mà tôi vừa nói ở trên. Hoa Kỳ cho rằng, họ sẽ cung cấp đầy đủ đạn dược với phí tổn nhẹ hơn so với giá thành sản xuất tại Việt Nam. Đúng hay không thì chưa rõ, vì phải nắm được giá thành sản xuất tại Hoa Kỳ mới so sánh được, với lại trong nghiên cứu chiến lược lắm khi những vị lãnh đạo phải chấp nhận phí tổn cao về kinh tế để đạt được mục đích khác cao hơn như mục đích chính trị chẳng hạn. Giả thuyết rằng, một viên đạn sản xuất tại Việt Nam cùng phẩm chất mà giá thành cao hơn giá thành sản xuất tại Hoa Kỳ, chánh phủ vẫn chấp nhận được vì cái cốt lõi của mục đích là khả năng tự lực, còn giá thành không phải là yếu tố quyết định cho dù đó là yếu tố đáng quan tâm. Nhưng điều đó cho phép ta nhận định là Hoa Kỳ không muốn Việt Nam Cộng Hòa dần dần ra khỏi tầm kiểm soát của họ, mà đây là bước đầu Hội Đồng Quản Trị muốn thử nghiệm. Và theo tôi, đây là nguyên nhân thứ hai góp phần dẫn đến quyết định đánh sập Quỹ Tương Trợ và Tiết Kiệm Quân Nhân, mà lại là quyết định từ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu!
Số tiền thanh trả cho quân nhân và gia đình ra khỏi Quỹ, ngày được gia tăng nhiều hơn lúc đầu nhờ vào số lời thu được từ các nguồn đầu tư.
Đùng một cái, Tổng Thống chỉ thị Phó Tổng Thống Trần Văn Hương thành lập Ủy Ban Thanh Tra do Đại Tá Trương Bảy (về sau là Chuẩn Tướng ngành Cảnh Sát) trách nhiệm, và Cục Mãi Dịch là cơ quan được nhắm vào như là trọng tâm. Đại Tá Trương Bảy là sĩ quan ngành Tiếp Vận, và ông là vị Cục Trưởng thứ hai từ khi ngành Mãi Dịch trong quân đội thành lập năm 1964. Cơ quan này căn cứ vào thể lệ mãi ước hành chánh quốc gia, và căn cứ vào nhu cầu cùng những điều kiện kỹ thuật do các ngành liên hệ cung cấp, có trách nhiệm thiết lập hồ sơ đấu thầu và đệ trình Tổng Cục Trưởng Tiếp Vận (nếu khế ước có trị giá đến 80 triệu đồng lúc thành lập ngành, và năm 1973 tăng lên đến 200 triệu) và Tham Mưu Trưởng Bộ Tổng Tham Mưu quyết định (nếu khế ước trị giá 80.000.001 đồng trở lên, và năm 1973 thì từ 200.000.001 đồng trở lên).
Khi thành lập Quỹ Tương Trợ và Tiết Kiệm Quân Nhân, không ít sĩ quan ngay tại quân trấn Sài Gòn tỏ ý than phiền việc thành lập Quỹ cũng như Hội Đồng Quản Trị Quỹ này không nằm trong nguyên tắc hành chánh nào cả, vì tổ chức này không hoàn toàn quân sự cũng không hoàn toàn là dân sự. Nhưng khi Quỹ bị bắt buộc giải tán và chi trả tài sản cho quân nhân thì dư luận quay lại ủng hộ Quỹ, cho rằng Tổng Thống đã bị "tài phiệt Chợ Lớn" và Hoa Kỳ khống chế, đành tâm đánh sụp một cơ sở tài chánh mà "tài phiệt Chợ Lớn" rất sợ sẽ mất độc quyền về kinh tế tài chánh. Đúng hay không, tôi không có được những bằng chứng xác đáng về việc này nên không dám đánh giá, nhưng rõ ràng là sự sụp đổ của Quỹ Tương Trợ Và Tiết Kiệm Quân Nhân đã dẫn đến bữa tiệc rất trọng thể của nhiều nhà "tài phiệt Chợ Lớn".
Sở dĩ Cục Trưởng Cục Mãi Dịch bị Ủy Ban Thanh Tra nhắm vào vì Cục Trưởng là một thành viên trong Ủy Ban Thực Hiện cung cấp máy móc dụng cụ cho cao ốc số 8 đại lộ Nguyễn Huệ nói trên, đặc biệt là các thang máy chở đồ và chở người cho cao ốc này, trị giá chung là 60.000.000,00 đồng Việt Nam. Ủy Ban Thanh Tra kết luận, việc thực hiện hai loại thang máy nói trên là không đúng nguyên tắc, và hệ quả là vị Cục Trưởng bị phạt và bị cách chức. 
Ủy Ban Thanh Tra cho rằng, đáng lẽ Ủy ban Thực Hiện phải mở cuộc đấu thầu công khai với các nhà thầu quốc tế lẫn trong nước, đằng này Ủy Ban Thực Hiện chỉ "gọi thầu trực tiếp" dù là với nhà thầu quốc tế, nghĩa là mời các nhà thầu mà Ủy Ban Thực Hiện xét thấy có khả năng thi hành khế ước để khảo giá trực tiếp rồi trình lên Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị. Sở dĩ trình lên Hội Đồng Quản Trị vì ngân khoản này không thuộc ngân sách quốc gia, mà là ngân khoản của Quỹ. Thật ra theo nguyên tắc mãi ước hành chánh do chánh phủ Pháp ban hành năm 1899 (chính xác là vậy đó), mà nền hành chánh Việt Nam Cộng Hòa vẫn áp dụng không mảy may thay đổi điều khoản căn bản nào cả. Cũng theo đó, "đấu thầu công khai" hay "gọi thầu trực tiếp", đều đúng nguyên tắc cả, có điều là mỗi nhu cầu tùy theo trường hợp và thực hiện theo cách nào cho là thích hợp nhất mà áp dụng, nhưng nhất thiết phải có lợi cho ngân sách. Xét cho đúng thì không có gì trái nguyên tắc cả, với lại lần thực hiện đó giảm chi được khoản tiền đáng kể mà lại được món hàng tốt nữa. Nhưng khi cấp thẩm quyền muốn cho nó sập thì kết luận phải cho nó sập, vì đó là lệnh của Tổng Thống mà!          
Lúc ấy tôi đang phục vụ tại Bộ Chỉ Huy 4 Tiếp Vận (Cần Thơ), được cử thay thế vị Cục Trưởng nói trên. Bấy giờ là tháng 6 năm 1972. Tôi đương nhiên là thành viên trong Ủy Ban Thanh Lý tài sản của Quỹ Tương Trợ và Tiết Kiệm Quân Nhân. Ủy Ban Thanh Lý do Tổng Nha Tài Chánh và Thanh Tra Quân Phí/Bộ Quốc Phòng giữ chức Chủ Tịch, có nhiệm vụ thanh lý và hoàn trả những khoản còn lại trong thời gian thực hiện cao ốc số 8 đại lộ Nguyễn Huệ, mà trọng tâm là xác định mức độ công tác hoàn thành của nhà thầu Huỳnh Thi (?). Về họ thì tôi chắc chắn là đúng, nhưng về tên của nhà thầu thì tôi chưa dám xác định.
Trong thời gian tham gia Ủy Ban này, tôi được biết một số sự kiện, đồng thời Trung Tá Bùi Hy Trọng -Cục Phó Cục Mãi Dịch lúc thực hiện hàng cho cao ốc số 8 Nguyễn Huệ- cung cấp cho tôi những con số sau đây:
Đến khi bị cưỡng bách giải tán thì số vốn do đóng góp là 3.520.000.000,00 (3 tỷ 520 triệu) đồng Việt Nam.
Trước đó, số tiền chi trả cho quân nhân giải ngũ, về hưu, hi sinh, từ trần hay mất tích, là  460.000.000,00 (460 triệu) đồng.        
Khi thanh lý tài sản, đã chi trả cho toàn thể quân nhân hội viên (gồm cả tiền lời) lên đến 3.500.000.000,00 (3 tỷ 500 triệu) đồng.
Đã chi ra 360.000.000,00 (360 triệu) đồng vào công trình xây dựng cao ốc Nguyễn Huệ.
Số tiền còn lại trong ngân hàng là 500.000.000,00 (500 triệu) cùng với tài sản tại các công ty của Quỹ ước tính cũng đến vài chục triệu nữa. 
Cao ốc số 8 Nguyễn Huệ gồm 12 tầng, cộng với sân thượng dự trù sử dụng một nửa phía đại lộ Nguyễn Huệ để cho thuê khai thác nhà hàng có ca nhạc, và một tầng hầm làm chỗ đậu xe (parking) với lối ra vào dành cho xe chuyên chở hàng hóa sử dụng chuyển vận lên các tầng trên, và hai máy phát điện đủ cung cấp điện năng cho cao ốc khi bị cúp điện. Ngay tầng trệt dành cho Kỹ Thương Ngân Hàng và phòng khách chung cho cao ốc như tại các khách sạn lớn vậy. Bộ Tài Chánh có ý mua lại cao ốc số 8 Nguyễn Huệ với giá sơ khởi do Ủy Ban Thanh Lý ra giá là  1.000.000.000,00 (1 tỷ) đồng. Khi tôi được cử vào chức vụ Tham Mưu Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận, tôi không còn trong Ủy Ban Thanh Lý nữa nên không rõ diễn tiến như thế nào mà đến tháng 4 năm 1975, cao ốc vẫn chưa bán được.
Hãy để mục đích thành lập cũng như mục đích đánh sập Quỹ Tương Trợ và Tiết Kiệm Quân Nhân đúng hay sai qua một bên, chúng ta thử kết toán một cách tổng quát sau 51 tháng hoạt động: Số vốn 3 tỷ 520 triệu, đã lên đến 4 tỷ 460 triệu, cộng với cao ốc số 8 Nguyễn Huệ trị giá 1 tỷ, cộng với tài sản tại Kỹ Thương ngân hàng và các công ty. Nếu không bị đánh sập, rất có thể  Quỹ Tương Trợ và Tiết Kiệm Quân Nhân, có khả năng góp phần đáng kể vào mục tiêu phát triển kinh tế quốc gia, cũng có thể góp phần quan trọng vào mục tiêu của quân đội từng bước tiến đến tự lực trong nền kinh tế quốc gia, đang đặt trọng tâm vào khả năng và tiềm năng tìm kiếm khai thác dầu hỏa dưới thềm lục địa Việt Nam, mà Ủy Ban Quốc Gia Dầu Hỏa đặt nhiều tin tưởng vào đó, ước tính từ năm 2000.
Không phải là ảo tưởng khi Thiếu Tướng Đồng Văn Khuyên (cấp bậc lúc bấy giờ), Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận, năm 1969, giao cho tôi lúc tôi phụ trách Sở Kế Hoạch & Chương Trình/Tổng Cục Tiếp Vận, âm thầm nghiên cứu phác thảo một hướng đi cho ngành Tiếp Vận từng bước tiến đến tự lực các loại dụng cụ chiến tranh, mà một trong những nền tảng là khả năng và tiềm năng dầu hỏa. Trong năm 1970, Thiếu Tướng Khuyên đã chấp thuận dự thảo của tôi và ngay sau đó đã ban hành trong toàn ngành Tiếp Vận tập tài liệu nhỏ có tên là  Đường Lối Tiếp Vận 10 điểm với dự phóng từ năm 2000 có khả năng đạt đến nếu như những dự phóng phát triển của Ủy Ban Quốc Gia Dầu Hỏa không quá sai lệch. Sau đó, từng lãnh vực trách nhiệm  được nghiên cứu phác thảo tổng quát. Và rồi tháng 4 năm 1975 chợt đến, tất cả trở thành giấy vụn. 

*****

Chuẩn bị phát triển quốc gia.
Hiệp Định ngưng bắn trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa ký ngày 27 tháng 1 năm 1973, đến tháng 3 năm 1973 Hiệp Định có hiệu lực. Sau đó là trao đổi tù binh, gồm cả tù binh Hoa Kỳ và tù binh Việt Nam Cộng Hòa bị cộng sản giam giữ. Hiệp Định bị lãnh đạo cộng sản Việt Nam có tên là nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vi phạm ngay khi Hiệp Định tưởng chừng chưa ráo mực. Nhưng không vì vậy mà chánh phủ đặt nhẹ nhu cầu phát triển đất nước. Với những sinh hoạt khá rộn rịp, chuẩn bị các dự án phát triển quốc gia thời hậu chiến, như:
Tháng 6 năm 1973, một phái đoàn chánh phủ gồm quí vị: Tổng Trưởng Giao Thông Bưu Điện, Tổng Trưởng Tài Chánh, Tổng Giám Đốc Ngân Hàng Phát Triển Kỹ Nghệ cùng 3 vị Giám Đốc trực thuộc, Chủ Tịch Phòng Thương Mại Sài Gòn, và nhiều công kỹ nghệ gia thuộc Phòng Thương Mại Sài Gòn. Phía quân đội được Thủ Tướng chỉ định đích danh 4 sĩ quan của ngành Tiếp Vận liên quan đến các dự án của chánh phủ, tham dự: Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Chức, Cục Trưởng Cục Công Binh. Đại Tá Nguyễn Hữu Bầu, Cục Trưởng Cục Quân Nhu. Đại Tá Trần Văn Lễ, Cục Trưởng Cục Quân Tiếp Vụ. Và tôi, Đại Tá Phạm Bá Hoa, Cục Trưởng Cục Mãi Dịch.
Một nửa phái đoàn sang Hawaii hội thảo với các nhà đầu tư Hoa Kỳ, rồi sang Singapore ráp vào một nửa kia từ Sài Gòn sang Singapore trước vài ngày, cùng nghiên cứu về phát triển chiều cao, phát triển kỹ nghệ chế biến, và xây dựng hải cảng dành cho loại tàu chở container.
Trước đó, một khóa hội thảo về đầu tư phát triển được tổ chức tại Trường Cao Đẳng Quốc Phòng kéo dài trong 3 tuần lễ, với sự tham dự đông đảo của công thương kỹ nghệ gia Việt Nam, và phái đoàn kỹ nghệ gia Hoa Kỳ. Tôi được Tổng Cục Tiếp Vận chỉ định tham dự hội thảo. Tóm tắt tổng quát các dự án đã trình bày, gồm:
Dự án mở rộng Sài Gòn về phía Thủ Thiêm được xem như thủ đô chính trị.
Biến vùng Rừng Sát ngập nước, lọt thỏm giữa Sài Gòn-Biên Hòa-Vũng Tàu, thành khu chế xuất lớn nhất Việt Nam mang dáng vấp khu kỹ nghệ Jurong Town của đảo quốc Singapore.
Một phi trường quốc tế tọa lạc gần sông Đồng Nai, cũng gần xa lộ Sài Gòn-Biên Hòa. Phi trường Tân Sơn Nhất trở thành phi trường quốc tế thứ hai.
Hầu hết những cơ sở cấp trung ương của quân đội chuyển lên hướng xa lộ Sài Gòn-Biên Hòa, nhường chỗ cho những dự án canh tân thủ đô. 
Tất cả đều dự trù thực hiện trong khoảng 20 năm kể từ đầu thập niên 1980. Với những dự án này -trong một chừng mực nào đó- cho thấy chánh phủ vẫn tin tưởng vào Hiệp Định, dù rằng bị cộng sản vi phạm ngay sau khi Hiệp Định có hiệu lực.
Sở dĩ tôi được tham dự khoá hội thảo này vì tôi trách nhiệm liên lạc với Bộ Kế Hoạch lúc đầu, về sau là Ủy Ban Quốc Gia Dầu Hỏa, để nghiên cứu phác thảo một quan niệm  tổng quát về khả năng ngành Tiếp Vận có thể từng bước tiến đến tự lực về dụng cụ chiến tranh, căn cứ vào khả năng và tiềm năng quốc gia mà dầu hỏa được xem là nền tảng cho công cuộc phát triển đất nước. Công tác đang diễn tiến, thì lần lượt Phước Long rồi Ban Mê Thuột thất thủ, rút bỏ Cao Nguyên, rồi những cuộc lui binh hỗn loạn từ tuyến đầu Quảng Trị cho đến Cam Ranh, ..v..v.. thế là kết thúc.    
Ngay trong năm 1973, trong phạm vi Tổng Cục Tiếp Vận, gồm 8 ngành chuyên môn: Quân Nhu, Quân Cụ, Quân Y, Quân Vận, Quân Tiếp Vụ, Công Binh, Truyền Tin, và Mãi Dịch quân đội, thực hiện chương trình cải tổ để thích nghi với viện trợ quân sự Hoa Kỳ sẽ giảm nhiều. Trọng tâm của chương trình cải tổ là giản lược hệ thống tổ chức về tồn trữ và sửa chữa quân dụng theo quan niệm tập trung, để giảm bớt số lượng tồn trữ trải mỏng theo quan niệm diện địa, vì số lượng dụng cụ chiến tranh không nhiều như trong thời chiến. Đồng thời áp dụng khoa quản trị vào công tác quản trị toàn bộ dụng cụ chiến tranh bằng máy điện toán IBM 360/50, là loại máy có khả năng rất lớn so với quân đội của các quốc gia bạn trong khu vực Đông Nam Á lúc bấy giờ, để giải quyết nhu cầu tiếp liệu, tồn trữ, vận chuyển, sửa chữa và tân trang, vừa chính xác vừa nhanh chóng. Tách hẳn kế toán với tồn trữ, quan niệm này có nghĩa là bộ phận giữ kho không hề biết trong kho có những món hàng nào, số lượng bao nhiêu, hay vị trí món hàng ở đâu. Trung Tâm Điện Toán Tiếp Vận là cơ quan kế toán, và Trung Tâm Tiếp Liệu Lục Quân là cơ quan điều khiễn.
Tổng Cục Tiếp Vận sử dụng danh từ “khách hàng” để chỉ các đơn vị Tiếp Vận tại 5 Vùng Tiếp Vận, được chỉ định liên lạc trực tiếp với Trung Tâm Điện Toán Tiếp Vận ngang qua máy điện toán để xin tiếp liệu hay sửa chữa, nói chung là mọi nhu cầu về quản trị Tiếp Vận. Cũng xin giải thích thêm về 5 Vùng Tiếp Vận: Vùng 1 Tiếp Vận thuộc Quân Đoàn I/Quân Khu I, Vùng 2 Tiếp Vận và Vùng 5 Tiếp Vận thuộc Quân Đoàn II/Quân Khu II, vì lãnh thổ Vùng này trải dài theo ven biển và từ ven biển lên tận Cao Nguyên, Vùng 3 Tiếp Vận thuộc Quân Đoàn III/Quân Khu III, và Vùng 4 Tiếp Vận thuộc Quân Đoàn IV/Quân Khu IV.   
Kế hoạch cải tổ đã thực hiện xong phần căn bản về tổ chức, nhưng về máy điện toán của các khách hàng chưa thực hiện xong, thì chế độ dân chủ tự do chúng ta sụp đổ.

*****

Viện trợ quân sự.
Tháng 3 năm 1973, Hiệp Định Paris Ngưng Bắn Và Tái Lập Hòa Bình có hiệu lực, nhưng ngay sau đó quân cộng sản mở cuộc bao vây tấn công vào đồn Tống Lê Chân trong phạm vi Quân Đoàn III do Biệt Động Quân trú đóng. Lần lượt nhiều đơn vị khác cũng bị chúng tấn công. Đó là sự vi phạm Hiệp Định một cách trắng trợn mà Ban Quân Sự Liên Hợp 4 bên do Hiệp Định Paris qui định cũng không giải quyết được gì cả. Trong một tình hình ngưng bắn nhưng thật sự thì chiến tranh vẫn còn nguyên đó, súng vẫn nổ, người vẫn thương vong, nhưng mức độ viện trợ quân sự đã giảm nhiều. Từ 1.062.000.000 (1 tỷ lẻ 62 triệu) mỹ kim năm tài chánh 1972-1973 xuống còn 700 triệu cho năm tài chánh 1974-1975. Cũng trong năm tài chánh này, lần đầu tiên Cơ Quan Tùy Viên Quốc Phòng Hoa Kỳ (gọi tắt theo tiếng Mỹ là D.A.O.) cho biết ngân khoản viện trợ trong một năm, và là lần đầu tiên cũng là lần duy nhất, cơ quan DAO yêu cầu Tổng Cục Tiếp Vận cho biết quan niệm sử dụng cùng với một kế hoạch chi tiết sử dụng số tiền viện trợ đó.   
Trước khi đi sâu vào kế hoạch sử dụng 700 triệu mỹ kim viện trợ, tôi xin lướt qua đôi nét về thủ tục viện trợ quân sự để quí vị quí bạn có khái niệm về “đồng đô la viện trợ quân sự” của Hoa Kỳ như thế nào. Cũng xin trình bày rõ thêm, đây không phải là viết theo tài liệu của Hoa Kỳ hay của Việt Nam, mà là tôi căn cứ vào những buổi họp tham mưu của toàn ngành Tiếp Vận mà đúc kết vào đây.    
Từ khi Hoa Kỳ viện trợ quân sự trực tiếp cho Việt Nam Cộng Hòa chúng ta (1966-1967) đến cuối tài khóa 1973-1974, họ không cho chúng ta biết trước là họ viện trợ cho chúng ta bao nhiêu trong một tài khóa, mà họ căn cứ theo nhu cầu của chúng ta đưa sang và họ xét thấy phù hợp với chính sách của họ là họ cấp, dĩ nhiên là phải thông qua các buổi họp tham mưu chuyên môn giữa Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa với Bộ Tư Lệnh Viện Trợ Quân Sự Hoa Kỳ tại Việt Nam. Quân lực Việt Nam nhận viện trợ quân sự trực tiếp từ quân đội Hoa Kỳ chớ không bị ràng buộc bởi đạo luật năm 1961 về viện trợ quân sự ngoại quốc (theo chế độ MDAP), nghĩa là không theo hệ thống Bộ Tổng Tham Mưu lên Bộ Quốc Phòng, rồi sang Bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa. Từ Bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa chuyển sang Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, lần lượt đến Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, sau đó mới đến Quân chủng liên hệ của Hoa Kỳ. Tôi nói nhận viện trợ trực tiếp (theo chế độ MASF, dịch sang Việt ngữ là Quỹ Viện Trợ Dịch Vụ Quân Sự), có nghĩa là mỗi quân chủng Hải Lục Không Quân của Việt Nam Cộng Hòa, liên hệ trực tiếp với các quân chủng Hải Lục Không Quân của Hoa Kỳ, ngang qua các cố vấn tại các quân chủng để đưa yêu cầu viện trợ. Trong trường hợp này, Bộ Tổng Tham Mưu theo dõi chặt chẻ mọi diễn tiến, nhưng Bộ Quốc Phòng thì không nắm vững như vậy.   
Bây giờ là công tác tham mưu soạn thảo kế hoạch sử dụng 700 triệu mỹ kim viện trợ quân sự tài khóa 1974-1975. Căn cứ trên quan niệm của Phòng 3/Tổng Tham Mưu, quan niệm của Trung Tướng Đồng Văn Khuyên, Tham Mưu Trưởng Bộ Tổng Tham Mưu, kiêm Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận, là muốn duy trì một khả năng phòng thủ trong phạm vi viện trợ giới hạn, cần:
Phải có vũ khí, gồm cả phi cơ với chiến hạm, bom đạn và chất nổ.

Phải di động nhanh, tức là nói đến phương tiện vận chuyển đường bộ, đường thủy, và hàng không, cùng với các loại nhiên liệu thích hợp.   
Phải duy trì tốt hệ thống chỉ huy liên lạc, tức là máy móc truyền tin vô tuyến lẫn hữu tuyến, diện địa lẫn chiến thuật.
Và phải điều trị đúng mức cho thương bệnh binh, vì sau mỗi trận chiến thể nào cũng có tổn thất nhân mạng, cho nên chi tiêu cho các quân y viện cũng là nhu cầu thiết yếu.
Quan niệm cũng dứt khoát, không mua thêm bất cứ loại quân dụng chiến tranh nào, mà đặt trọng tâm vào kế hoạch săn nhặt cơ phận từ các quân dụng phế thải cùng chủng loại để tân trang sử dụng.
Từ quan niệm căn bản đó, bộ tham mưu Tổng Cục Tiếp Vận điều hợp với các Cục, soạn thảo kế hoạch như thế này:
Với nhu cầu thứ nhất là vũ khí thì không cần mua thêm bất cứ loại nào, cần sử dụng tân trang trong số 2 triệu khẩu súng các loại hiện có. Về bom đạn và chất nổ, bản thống kê trong 3 năm trước đó do Sở Đạn Dược của Cục Quân Cụ thiết lập, đã cung cấp một loạt thống kê về mức tiêu thụ trung bình của từng loại vũ khí, từng loại đạn nổ, đạn chiếu sáng, đạn khói, ..v..v.., từng loại bom, và từng loại chất nổ. Nhóm công tác tham mưu của Tổng Cục Tiếp Vận sử dụng những thống kê đó làm căn bản ước tính nhu cầu năm 1974-1975 theo tình hình chiến sự do Phòng Nhì và Phòng Ba/Tổng Tham Mưu ước tính. Xin nhớ rằng trong năm 1971 đến 1973, chiến sự dữ dội nhất là năm 1972, và mức tiêu thụ các loại quân dụng chiến tranh rất cao, với ngân khoản viện trợ quân sự năm đó lên đến 1.062.000.000 mỹ kim, và con số này là cao nhất trong suốt 20 năm Hoa Kỳ viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa.  Khi chiết tính nhu cầu đạn dược, các sĩ quan tham mưu ngành Tiếp Vận đã phải tính riêng cho loại đạn bắn thẳng như súng trường, súng M16, súng trung liên, đại liên, đến các loại đạn bắn vòng cầu của súng cối, súng đại bác 105 ly, 155 ly, 175 ly, hỏa tiển chống chiến xa, ..v..v...  Và rồi mỗi loại phải tính đến đạn chiếu sáng, đạn xuyên phá, đạn khói.
Tóm lại là phải tính đến từng chi tiết để mua đúng loại bom đạn thật sự cần thiết, đúng chủng loại vũ khí, đúng số lượng ước tính, và thích hợp với số tiền viện trợ. Đó cũng là phương châm của ngành Tiếp Vận: “Đúng lúc, đúng mức, và đúng chổ”.  Không có gì cao siêu trong cách tính này cả, vì nó tương tự những bà nội trợ trước khi đi chợ phải ước tính xem nấu những thức ăn gì, để từ đó mới tính ra là mua những cá những tôm những hành những tỏi, mỗi thứ bao nhiêu để nấu đúng món và đủ cho số khẩu phần trong gia đình  thích ứng với hoàn cảnh mới về “kinh tế” của gia đình. Tiếp Vận để duy trì cho một triệu quân nhân từ đỉnh đầu xuống đến gót chân, từ dạ dày đến thương tích hay bệnh hoạn, hy sinh hay từ trần, từ khẩu súng viên đạn, đến vận chuyển hay liên lạc, ..v..v.., trong một góc độ nào đó, tương tự như bà nội trợ bảo vệ hạnh phúc gia đình, dĩ nhiên là mức độ phức tạp khác nhau.         
Áp dụng cách tính như vậy cho nhu cầu duy trì khả năng di động với phương tiện của Lục Quân, là xe vận tải từ 2.5 tấn trở lên, phương tiện của Hải Quân là Giang Vận Đỉnh và Hải Vận Hạm, phương tiện của Không Quân là phi cơ vận tải C47, C130, ..v..v... Chỉ riêng nhu cầu các loại nhiên liệu cho Hải Lục Không Quân đã ngốn hết 80 triệu mỹ kim rồi, nhưng mức chi tiêu này chỉ mới bằng 2/3 chi phí nhiên liệu của tài khoá 1973-1974 thôi.
Đối với nhu cầu cơ phận sửa chữa các loại máy truyền tin trong hệ thống liên lạc diện địa cũng như hệ thống liên lạc chiến thuật, cũng theo cách tính trên. Nghĩa là loại nào cần thiết cho hai nhu cầu trên mới đưa vào kế hoạch sử dụng ngân khoản đó.
Cơ quan D.A.O. cũng thông báo chánh thức cho Tổng Cục Tiếp Vận biết rằng, chế độ viện trợ quân sự theo “Quỹ Viện Trợ Dịch Vụ Quân Sự” (MASF) sẽ chấm dứt vào cuối tài khóa 1974-1975, sau đó chuyển sang chế độ “Chương Trình Viện Trợ Quân Sự” (MDAP). Họ thông báo để Tổng Cục Tiếp Vận chuẩn bị cho kịp thời gian, vì hệ thống viện trợ này phải theo hệ thống vòng vo cần nhiều thời gian cho hành trình giấy tờ thủ tục, kèm theo một danh sách dài thật dài, ghi rõ từng loại quân dụng với từng số lượng đang sử dụng, tiếp đó là những danh sách cơ phận cần thực hiện cho từng loại quân dụng. Họ chấp nhận món quân dụng nào trong danh mục của Tiếp Vận quản trị, họ mới viện trợ “một đổi một” cũng như cơ phận thay thế nó. “Một đổi một” tức là “mất một cái hoặc phế thải một cái Hoa Kỳ viện trợ lại một cái”, không làm gia tăng thêm khối lượng dụng cụ chiến tranh.
Cũng nên nói thêm về sự kiện vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa có xin thêm ngân khoản 300.000.000,00 mỹ kim nhưng Quốc Hội Hoa Kỳ không chấp thuận, và có dư luận cho rằng vì không có 300.000.000,00 đó mà chúng ta thua trận! Tôi không rõ việc đó có đúng hay không, nhưng có điều tôi biết là đến tháng 4 năm 1975 thì tài khoá 1974-1975 vẫn còn giá trị. Điều đó có nghĩa là Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn nhận viện trợ theo chế độ “Quỹ Viện Trợ Dịch Vụ Quân Sự”, tức là ngân sách Quốc Phòng Hoa Kỳ vẫn viện trợ trực tiếp cho chúng ta nếu họ muốn. Khi Hành Pháp chuyển sang Lập Pháp, nếu chưa có đạo luật hay nguyên tắc nào khác thay đổi sự điều hành “Quỹ Viện Trợ Dịch Vụ Quân Sự” trong hoàn cảnh bất thường đối với Việt Nam Cộng Hòa chúng ta, tôi nghĩ, đó là cách “giã từ” của Hành Pháp Hoa Kỳ, chớ không phải Hành Pháp không có thẩm quyền viện  trợ. Nhắc lại để có thêm chút chuyện xưa thôi, chớ “khi muốn” thì cách nào cũng được, còn “khi không muốn” thì cách nào cũng xong. Chuyện đời thường đã thế, chuyện chính trị thường khi cũng thế, chỉ đôi khi chẳng thế! Ngôn ngữ chính trị là thế! 
Chẳng hạn như chương trình “Việt Nam Hóa Chiến Tranh” vậy thôi. Khi mắt xích tại Việt Nam chưa thực hiện được thì chiến lược Domino của Hoa Kỳ trong mục tiêu “be bờ” ngăn chận sự bành trướng của cộng sản quốc tế xuống khu vực Đông Nam Á Châu, từ Đại Hàn Dân Quốc, xuống Nhật Bản, vòng qua Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), Phi Luật Tân, ngang qua Việt Nam Cộng Hòa, và dừng lại Thái Lan, xem như chưa hoàn chỉnh. Thế rồi cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963 giết chết Tổng Thống Ngô Đình Diệm, không biết có phải vì Tổng Thống từ chối ý định của Hoa Kỳ thiết lập những căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa hay không, đến cuộc chỉnh lý ngày 30 tháng 1 năm 1964, dẫn đến Thông Điệp của Trung Tướng Nguyễn Khánh với chức năng Quốc Trưởng Việt Nam Cộng Hòa, yêu cầu các quốc gia đồng minh giúp đỡ Việt Nam Cộng Hòa chống quân cộng sản, mà thật ra Thông Điệp đó chẳng khác chiếc chìa khóa dành riêng cho Hoa Kỳ mở cửa Việt Nam thôi.
Từ đó, quân bộ chiến Hoa Kỳ lần lượt thiết lập các căn cứ Chu Lai, Cam Ranh, Plei Ku, An Khê, Đồng Tâm (Mỹ Tho), ..v..v..  cùng chúng ta chiến đấu chống quân cộng sản từ miền Bắc len lỏi xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa. Đến khi chính trị nội bộ Hoa Kỳ có những biến chuyển không thuận lợi cho chánh phủ liên bang, vì quân đội đã can dự sâu vào cuộc chiến tranh chống cộng sản trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa chúng ta, lúc bấy giờ Hoa Kỳ cho rằng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã đủ mạnh để đương đầu với quân cộng sản của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa miền Bắc, thế là Hoa Kỳ thực hiện chương trình rút quân có tên gọi là “Việt Nam Hóa Chiến Tranh”. Đích thực của Việt Nam Hóa Chiến Tranh là gì? Đơn giản mà nói, chẳng qua là Hoa Kỳ triệt thoái quân đội về nước mà Hoa Kỳ đã thu được trong thỏa hiệp ngưng bắn Paris ngày 27 tháng 1 năm 1973 là cái màn che chắn danh dự cho Hoa Kỳ rút quân về nước. Còn thật sự cái Hiệp Định đó có phải là danh dự cho cuộc triệt thoái quân đội Hoa Kỳ về nước hay không, lại là chuyện khác!
Khi rút quân, Hoa Kỳ để lại cho quân đội chúng ta một khối lượng dụng cụ chiến tranh gồm đại bác 175 ly nòng dài, đại bác phòng không, xe tăng M48, các loại giang tốc đỉnh sử dụng tuần duyên tuần giang, phi cơ vận tải C130, ..v..v.., là những loại thuộc vào hàng cũ kỹ kể cả số lượng nằm hư hỏng -đáng kể là phi cơ các loại- trong các cơ xưỡng chờ sửa chữa, mà nếu chuyển vận trở về Hoa Kỳ không chừng phải tốn một ngân khoản tương đương với trị giá khối dụng cụ này nữa đó.
Báo chí của những đồng minh chúng ta, đã thật tàn nhẫn khi nói Việt Nam Hóa Chiến Tranh chẳng qua là “thay đổi màu da trên xác chết!” Chừng như bạn chúng ta cho là Người Lính Việt Nam Cộng Hòa chúng ta chưa bao giờ chết trận, cho mãi đến khi quân đội Hoa Kỳ về nước chúng ta mới bắt đầu chết trận vậy!
Bài học cho chúng ta, tôi nghĩ: “Đồng minh là đồng minh, nhưng quyền lợi quốc gia vẫn là trên hết. Vì vậy mà những vị lãnh đạo các cấp từ lập pháp, hành pháp đến quân đội, hành sử chức năng của mình phải xuất phát từ tư tưởng quyền lợi quốc gia Việt Nam hài hòa với văn hoá Việt Nam.” Đó là bài học thật sự cay đắng cho mọi người Việt Nam trong thế hệ đương thời, và là bài học quí báu cho thế hệ mai sau trên chính trường!
1      2      3      4      5      6      7      8      9      10

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét