Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

KÝ SỰ TRONG TÙ CỦA ĐẠI TÁ PHẠM BÁ HOA - KỲ CUỐI

1      2      3      4      5      6      7      8
CHƯƠNG 10 XUẤT NGOẠI TỊ NẠN TẠI HOA KỲ
Hai chữ HO.

Trước khi theo dõi hệ thống thủ tục mà chúng tôi phải hoàn tất, mời quí vị quí bạn xem qua nguyên văn bức thư của cựu Đại Tướng John  W. Vessey, đặc phái viên của Tổng Thống Hoa Kỳ Ronald Reagan, gởi anh Hội Trưởng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Minnesota khi ông được mời tham dự đại hội H.O. tại địa phương ông cư ngụ. Trong thư, ông giải thích rõ về nguồn gốc hai chữ H.O.
Cũng qua thư của cựu Đại Tướng Vessey, chúng ta càng hiểu sâu thêm về điều mà lãnh đạo cộng sản Việt Nam gọi là khoan hồng nhân đạo đối với quân nhân, viên chức, cán bộ, Việt Nam Cộng Hòa cũ ra khỏi các trại tập trung từ năm 1987. Thật ra, chúng tôi ra khỏi trại tập trung là do sự trao đổi giữa Hoa Kỳ với Việt Nam cộng sản. Tuy trong thư cựu Đại Tướng Vessey không nói trao đổi như thế nào, nhưng rõ ràng là từ đó, cộng sản Việt Nam từng bước đến gần, và cuối cùng là bắt tay được với Hoa Kỳ,  và từng bước hội nhập vào cộng đồng thế giới.
General USA (retired)
June 10, 1997
To Mr. Nguyen xuan Huan
President, Association of Former Political Detainees in Minnesota.
1030 University Avenue
ST. Paul, MN 55104.
Dear Mr. Huan.
Because I am unable to attend your important meeting on Saturday, June 21, I ask that this letter be read on my behalf to your members and guests.
It is important to honor all those who served the cause of freedom in Vietnam and Indochina. It is also important to recognize and assist those who suffered under Communist rule for their prior service to the Republic of Vietnam. Political detainees under the Communist regime after 1975 had served their country and their people in the honorable and esteemed tradition of parriotism, putting service to country above self during a long and arduous war.
The sacrifices of all who served and fought in the Vietnam war, Vietnam, Americans, and other Allies, made a difference for the important human ideals of freedom and personal dignity. The world was changed through a collective effort. The spread of Communist in Asia was harted by the sacrifices in Vietnam, Laos, and Cambodia, and with the help of other nations of Southeast Asia. All who participated in that effort can be proud of their contributions.
When President Reagan call me back from military retirement in 1987 to be his Presidential Emissary to Hanoi, one of the highest priority tasked he assigned me was to seek  the release of our former South Vietnamese comrades who had been detained in the, so-called, "reeducation camps". I was authorized to assure the Hanoi government that the United States would accept and welcome those detainees and their families in this country.
Because, at the time of the original negotiations, there was no hope of any immediate political resolution between the two nations, all actions taken  in furtherance of the agreements reached were termed "Humannitarian Operations". Consequently, the term H.O. has been used within the Vietnamese-American community to refer to former political detainees who are now resident in the United States.
To me, the term H.O. is a badge of courage, service and sacrifice, and all those who fall within that context of the term are the among the true heroes of our time.
My very best wishes to all attending your event.
Sincerely yours.
John W. Vessey.
Người dịch bản văn nói trên là Ông/Bà Nguyễn T. Ngọc Châu. Trước khi vào bản Việt ngữ, dịch giả viết đôi dòng như sau: “Trong mục đích phổ biến để quí vị chung vui niềm vinh dự của các H.O. vì đây là vinh dự không phải của riêng các anh H.O. tại Minnesota, mà là của tất cả các H.O. định cư tại Hoa Kỳ”.
 “Vinh danh những người đã phụng sự cho chính nghĩa tự do ở Việt Nam và Đông Dương là một điều quan trọng. Việc công nhận và trợ giúp những người đã bị chế độ cộng sản ngược đãi vì đã phục vụ cho Việt Nam Cộng Hòa, cũng không kém phần quan trọng. Những tù nhân chính trị dưới chế độ cộng sản sau năm 1975, là những người đã từng phục vụ quê hương và đồng bào với truyền thống yêu nước cao cả và đáng kính, đã vì nước quên mình trong suốt cuộc chiến tranh lâu dài và ác liệt.
“Lòng hi sinh của tất cả những ai đã từng phục vụ và chiến đấu trong chiến tranh Việt Nam, người Việt, người Mỹ, và những Đồng Minh khác, đã đem lại một ý nghĩa đặc biệt hơn cho lý tưởng của con người về tự do và nhân vị. Thế giới đã thay đổi nhờ một nỗ lực tập thể. Sự bành trướng của cộng sản ở Á Châu đã bị ngăn chận bởi những sự hi sinh  ở Việt Nam, Lào, và Cam Bốt, cùng với sự hỗ trợ của các nước Đông Nam Á. Tất cả những ai đã tham gia vào nỗ lực đó, có thể tự hào về những đóng góp của mình.
“Năm 1987, khi đang hồi hưu, tôi được Tổng Thống Reagan cử làm Đặc Phái Viên đi Hà Nội thương thuyết. Một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu mà tôi được Tổng Thống giao phó là phải tìm cách giải thoát những cựu chiến hữu Việt Nam đang bị giam giữ trong những cái gọi là “trại cải tạo”. Tôi cũng được quyền bảo đảm với chánh phủ Hà Nội rằng, Hoa Kỳ sẳn sàng chấp nhận và đón tiếp những người tù cải tạo cùng gia đình họ sang Hoa Kỳ”.
“Trong những cuộc thương thuyết sơ khởi, chúng tôi không hi vọng hai bên sẽ có ngay những giải pháp chính trị, cho nên tất cả những hành động mở đường cho những thỏa ước tương lai đều mang danh “chiến dịch nhân đạo” (Humanitarian Operations), gọi tắt Anh ngữ là H.O. Do vậy mà danh từ H.O. được Cộng Đồng Việt  Mỹ sử dụng, để nói về những cựu tù nhân chính trị Việt Nam đang sinh sống trên đất Hoa Kỳ.  
“Riêng với tôi, danh từ H.O. là biểu tượng của lòng dũng cảm, tinh thần phục vụ, và lòng hi sinh. Tất cả những ai được gọi là H.O. đều là những anh hùng thực sự trong thời đại chúng ta”.                      
Thủ tục rời Việt Nam.
Thưa quí vị quí bạn,
Chương trình HO dành cho những cựu tù chính trị trong các trại tập trung mà họ gọi là trại cải tạo với thời gian bị cộng sản giam giữ từ 3 năm trở lên. Trong chương trình này có hai thành phần:
Thứ nhất là cựu tù chính trị không có thân nhân từ Hoa Kỳ bảo lãnh. Thành phần này được cơ quan IOM ứng trước mọi chi phí để đến Hoa Kỳ, và khi đến Hoa Kỳ được hưởng tiền trợ cấp sinh sống trong thời gian đầu tiên do chánh phủ Hoa Kỳ cấp ngang qua tổ chức thiện nguyện nào đó. Một năm sau mới có thẻ thường trú thường gọi là “thẻ xanh”. Số tiền ứng trước sẽ trả góp hằng tháng cho cơ quan nói trên.
Thứ hai là cựu tù chính trị có thân nhân tại Hoa Kỳ bảo lãnh. Thành phần này do thân nhân trách nhiệm mọi chi phí từ lúc làm thủ tục tại Việt Nam đến khi đặt chân trên đất Mỹ, đồng thời phụ trách nơi ăn chốn ở và mọi chi phí khác. Thẻ thường trú (thẻ xanh) làm ngay tại phi trường đầu tiên khi đến Mỹ, vài tuần sau là nhận được.   
Vợ chồng tôi thuộc thành phần thứ hai do con chúng tôi từ Houston, Hoa Kỳ,  bảo lãnh. Đây là diễn tiến:
- Tháng 03/1988, tại Hoa Kỳ, con chúng tôi nộp mẫu I-130 bảo lãnh. Ba tháng sau nhận được giấy báo chấp nhận hồ sơ. Con tôi gởi giấy này cùng với mẫu I-130 về Sài Gòn, chúng tôi kèm trong hồ sơ xin xuất ngoại mà họ gọi là xuất cảnh nộp cho Quận 10 vào tháng 08/1988. Đầu năm 1989, Công An Quận 10 cho biết hồ sơ đã chuyển lên Sở Công An.
- Tháng 11/1989, ký hợp đồng với dịch vụ xin passport. Cơ quan dịch vụ này toàn là Công An phụ trách, chúng tôi phải trả cho toán Công An dường như 540.000 đồng (tương đương với 4 chỉ vàng) dưới tên gọi “lệ phí”. Nhiệm vụ của họ ngồi trong cơ quan Công An hay ngồi trong cơ quan có cái tên “Dịch Vụ Xuất Cảnh” ngay trước cổng bên kia đường, không có gì khác nhau, nhưng ngồi trong cơ quan này thì nhận khoản tiền theo từng hồ sơ do chính họ qui định. Vắn tắt là Công An nhận tiền của người có nhu cầu mà theo họ là “danh chánh ngôn thuận” chớ không phải hối lộ, nhưng thật sự là “hối lộ công khai”. Xã hội xã hội chủ nghĩa không giống ai hết quí vị quí bạn à!
- Cuối tháng 02/1990, vợ chồng tôi nhận passport. Cũng hôm ấy, chúng tôi nhận được danh sách phỏng vấn HO5 với số thứ tự 742. Hai tháng sau đó, chúng tôi nhận giấy thông báo của cơ quan ODP tại Bangkok (Thái Lan) cho biết chuẩn bị phỏng vấn.
- Cuối tháng 07/1990, đến Sở Ngoại Vụ để phía Việt Nam sơ vấn. Cách hỏi của họ chẳng khác một hình thức thẩm vấn, vì họ hỏi tôi những câu thế này: Họ tên, cấp (bậc) chức (vụ)? Ở tù mà họ gọi là cải tạo bao lâu? Có vi phạm nội qui trong trại không? Ai bảo lãnh? Sang Mỹ  ở đâu? Tài sản ở Việt Nam có những gì? Ước lượng trị giá bao nhiêu tiền? Sang Mỹ mỗi tháng lãnh bao nhiêu tiền? Có chống lại cộng sản mà họ gọi là “cách mạng” không? Và vân vân … Thật lòng là tôi không hiểu họ sử dụng những thông tin đó vào việc gì, vì gộp những câu đó lại không nói lên được mục đích gì rõ rệt cả, ngoại trừ họ hỏi vòng vo nhưng thật ra họ muốn biết tôi để lại tài sản gì khi tôi rời Việt Nam? Trấn lột là một thủ đoạn gian manh của cộng sản mà.
- Giữa tháng 08/1990, vợ chồng tôi cũng đến Sở Ngoại Vụ gặp viên chức Hoa Kỳ. Tôi với viên chức này nói với nhau vài câu chuyện trước khi chánh thức phỏng vấn. Khi biết vợ chồng tôi sẽ định cư tại Houston, anh ta cho biết gia đình anh ta cũng đang ở đó, và nói thêm Houston vừa lớn vừa đẹp so với những thành phố lớn khác của Hoa Kỳ. Vào phỏng vấn, anh ta chỉ hỏi tôi ở tù bao lâu, và bây giờ sẳn sàng để sang Hoa Kỳ chưa? Thế là xong buổi phỏng vấn. Sau đó là khám sức khỏe và chích ngừa.
- Hạ tuần tháng 10/1990, con chúng tôi nộp cho cơ quan IOM 1.834 mỹ kim, chi phí cho hành trình của vợ chồng tôi từ Sài Gòn-Bangkok-Houston (Hoa Kỳ).
- Thượng tuần tháng 02/1991, họ bảo chúng tôi đến ghi chuyến bay mà họ gọi là đăng ký chuyến bay.
- Ngày 28/02/1991, tôi đến công ty dịch vụ tư nhân ký hợp đồng để họ lo mọi thủ tục linh tinh liên quan đến Công An, Quan Thuế, phi trường. Giữa cơ quan dịch vụ với các cơ quan liên hệ có những “qua lại” với nhau nên họ liên lạc hoàn tất suông sẻ, chớ tự mình mà “lội” vào khu rừng thủ tục giấy tờ đó chỉ riêng địa điểm các cơ quan không thôi cũng đủ lạc rồi. Hợp đồng này giá 381.000 đồng, gồm: (1) Gia hạn passport 6.000 đồng. (2) Thị thực xuất ngoại 2.000. (3) Lệ phí phi trường 30.000. (4) Lệ phí quan thuế 10.000. (5) Hồ sơ hợp lệ nhà đất 18.000. (6) Cân hành lý 35.000. (7) Lấy vé phi cơ 80.000. (8) Xe đưa ra phi trường 100.000. Và tiền công dịch vụ 100.000 đồng.  
- Ngày 26/03/1991 chúng tôi mang hành lý đem gởi theo bắt buộc của họ. Tôi phải bày ra tất cả giống hệt như khi tôi chuyển từ trại tập trung Yên Bái xuống trại tập trung Nam Hà vậy. Họ căn cứ vào danh sách tôi đưa, họ xem từng món theo từng số lượng mà lục lọi từng ly từng tí xem tôi có mang theo giấy tờ hay bất cứ thứ gì mà họ cho là nguy hại cho họ không. Do kinh nghiệm qua nhiều lần bị Công An lục soát trong các trại tập trung, nên tôi chuẩn bị tư tưởng như vậy khi mang hành lý đến một nhà kho trong khu vực Tân Sơn Nhất để họ xét. Hơn 1.600 trang giấy viết tay trong 7 tập thu nhỏ với chữ viết thật nhỏ mà tôi lén lút ghi nhận những sự kiện trong các trại tập trung, cùng với những sự kiện trong xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam khi tôi ra khỏi trại tập trung, tôi đóng gói cẩn thận và giấu lại nhà bà nhạc tôi. (Sau này trong những lần về thăm bà con xóm làng, Ba tôi đem qua cho tôi tất cả). Do vậy mà tôi rất tỉnh khi họ lục soát toàn bộ những gì vợ chồng tôi mang theo trên đường xa xứ.  
Trong vài ngày còn lại Sài Gòn, chúng tôi đến thăm người bạn ở Tân Định, tình cờ gặp anh Lê Hữu Tiền (Đại Tá Truyền Tin). Anh Tiền cũng là bạn tù với tôi, anh kể tôi nghe về chuyện cái nhà mà gia đình anh đang ở, và đang lo vấn đề “hợp lệ nhà đất” để rời Sài Gòn nhưng tôi không hỏi anh đi trong đợt HO mấy. Do môi giới của Sở Quản Lý Nhà Đất, anh đến gặp tên Giám Đốc, tên này bảo anh gặp Phó Giám Đốc. Chỉ vài ba câu chuyện, tên Phó Giám Đốc hướng dẫn như một phán quyết:
“Cái nhà của Anh trị giá 60 lượng vàng mà họ gọi là 60 cây. Anh có hai người anh ở nước ngoài cho nên anh chia làm 3 phần. Anh phải nộp 40 lượng vàng của hai người ở nước ngoài cho nhà nước giữ. Còn 20 lượng về phần anh, anh phải nộp lệ phí 20% cho Sở Quản Lý Nhà Đất”.
Sau khi nghe “phán xong vụ chia chác” mà họ tính toán rất “bài bản”, từ 60 lượng vàng chỉ còn 16 lượng nên anh Tiền và gia đình quyết định không bán nhà, và mang theo giấy tờ khi rời Sài Gòn, còn cái nhà chúng làm gì thì làm.
Đến lượt nhà tôi. Do chỉ dẫn từ con của bạn chúng tôi mà một tên cộng sản nghe nói là chánh văn phòng của cái gọi là Ủy Ban Nhân Dân thành phố, sẽ chiếm ngụ nhà tôi khi chúng tôi rời Sài Gòn. Cũng qua con của người bạn, hắn ngỏ ý muốn dùng xe của hắn đưa vợ chồng tôi ra phi trường. Cùng lúc hắn nói muốn đưa vợ chồng tôi 5 lượng vàng với điều kiện chúng tôi đưa giấy chủ quyền nhà cho hắn. Nói cách khác, hắn muốn mua giấy chủ quyền nhà chúng tôi với giá 5 lượng vàng. Chúng tôi trả lời không cần xe của hắn, cũng không cần 5 lượng vàng của hắn, và dứt khoát không có việc mua bán gì cả. Thật ra, hồ sơ chủ quyền ngôi nhà này và chủ quyền mẫu vườn ở Vĩnh Long, em trai tôi đã đem sang Hoa Kỳ đầu năm 1990 nhân chuyến về thăm Ba tôi với bà con xóm làng, trước khi Ba tôi sang định cư Hoa Kỳ vào những tháng cuối năm 1990 do các em tôi bảo lãnh.
Quí vị quí bạn hình dung bây giờ là chiều 28 tháng 03 năm 1991, các em tôi từ Vĩnh Long lên chật nhà. Cùng lúc tên sắp chiếm nhà tôi dẫn 4 thanh niên đến. Hắn nói:
“Vì sợ sáng mai anh chị đi sớm có người vào tranh đoạt hoặc đập phá, xin anh cho mấy người này ngủ đây đêm nay”.
“Tôi đồng ý, nhưng các anh chỉ được ngủ ở tầng trệt này. Tôi không muốn thấy bất cứ anh nào lên lầu. Chúng tôi cần được tự do trong ngày cuối cùng trước khi chúng tôi rời Việt Nam ”.
Hắn xoay qua mấy người của hắn:
“Các đồng chí ngủ ở đây, đừng quấy rầy anh chị và mọi người trong nhà. Sáng mai tôi đến”.
Kể ra hắn có lý khi hắn sợ có người vào tranh đoạt lúc vợ chồng tôi ra khỏi nhà, vì trong xã hội xã hội chủ nghĩa, người cộng sản nào cũng có sẳn những cách trấn lột cướp đoạt tài sản của người khác làm tài sản của mình. Cùng là cộng sản, nên hắn đề phòng là phải.  
Ngày 29 tháng 03 năm 1991, vợ chồng tôi ra phi trường Tân Sơn Nhất, với đông đảo các em và bà con bè bạn tiễn đưa.
Ngay trước khi phi cơ lăn bánh ra phi đạo, tôi quá đổi ngạc nhiên khi thấy hai hành khách không còn ghế ngồi và cô tiếp viên phi hành dẫn họ đến ngồi bệt trên lối đi ở cuối hàng ghế sau cùng. Hỏi ra mới biết là trên các chuyến bay của hàng không Việt Nam cộng sản, thường khi có số hành khách nhiều hơn số ghế. Nhìn cảnh này giống như hành khách đi xe đò vậy quí vị quí bạn à!
Đến phi trường dường như là Don Muang (Bangkok), lên xe bus về tạm trú trong khu trại nghe nói trước kia là nhà tù.
Những ngày ở đây, chúng tôi được hướng dẫn về cuộc sống trên đất Mỹ. Về thực đơn hằng ngày của chúng tôi, ngoài cơm ra thì trứng luộc là món ăn chánh. Sáng trứng luộc chiều trứng luộc. Nếu nhìn theo góc độ chính trị, cái trứng luộc trong những ngày tạm trú nơi đây rất có ý nghĩa, trong khi cái trứng luộc xã hội chủ nghĩa Việt Nam đơn thuần chỉ là kinh tế, mà là kinh tế nghèo nàn kiệt quệ! Cũng những ngày ở đây, người Thái Lan đến gạ mua vàng và trả bằng mỹ kim. Anh em chúng tôi bán từng chỉ vàng, dùng tiền đó mua trái cây và vài thức ăn khác do người Thái mang đến bán bên ngoài trại. Phải công nhận nhiều loại trái cây ở đây ngon hơn Việt Nam mình, nhất là nhản.   
Chúng tôi rời Bangkok bằng phi cơ của Japan Airlines vào nửa đêm ngày 04 rạng 5/4/1991. Tại Tokyo, chúng tôi chuyển sang phi cơ của Northwest Airlines đến Seattle (Washington State). Chúng tôi lại chuyển phi cơ cũng của NA và đến Houston lúc 6 giờ chiều ngày 5 tháng 4 năm 1991, được con chúng tôi, em chúng tôi, và bạn chúng tôi đón.   
LỜI NÓI CUỐI
Thưa quí vị quí bạn,
Vậy là quí vị quí bạn vừa xem Mười Chương về chuyện mà tôi kể từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 -ngày mà chế độ tự do Việt Nam Cộng Hòa chúng ta sụp đổ- sau đó tôi bị giam trong các trại tập trung Long Giao (Long Khánh) Tam Hiệp (Biên Hòa), Yên Bái (Hoàng Liên Sơn), Nam Hà (Hà Nam Ninh), cộng chung là 12 năm 2 tháng 27 ngày và 18 tiếng đồng hồ trong nhà tù nhỏ, cộng với 3 năm 6 tháng 15 ngày sống trong nhà tù lớn, đến ngày 29/3/1991 rời Việt Nam vàngày 5 tháng 4 năm 1991, vợ chồng tôi đặt chân trên đất Hoa Kỳ trong đợt HO 5.
Tôi nhận thức được gì trong 5.818 ngày kể từ ngày 30 tháng 4 năm 1975:
Giai đoạn một: 46 ngày kể từ 30/04/1975, giai đoạn trước ngày vào trại tập trung, tôi nhận thức rằng:
- Qua một số hành động trong sinh hoạt thường ngày của cộng sản Việt Nam từ Hà Nội và từ rừng núi vào Sài Gòn, cho phép suy đoán sinh hoạt trong xã hội xã hội chủ nghĩa 20 năm của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (lãnh thổ miền bắc) kém Việt Nam Cộng Hòa chúng ta ít nhất từ 25 đến 30 năm.     
- Với thái độ của một số đồng bào nhất là đồng bào chạy nạn cộng sản từ năm 1954-1955 từ bắc vào nam, cho thấy đồng bào vẫn không chấp nhận chế độ cộng sản.
- Với một số hành động chận bắt cũng như tìm bắt một số sĩ quan viên chức Việt Nam Cộng Hòa cũ, trong khi hệ thống truyền thông của họ ngày đêm ra rả về điều mà họ gọi là khoan hồng nhân đạo. Nói vậy mà không phải vậy.
- Họ tìm mọi cách mà họ gọi là vận động kết hợp với cưỡng bách, chiếm đoạt nhà cửa của những chủ nhân di tản hoặc nhà rộng, để làm tài sản riêng của họ.
Giai đoạn hai: 4.479 ngày kể từ 14/6/1975, tức giai đoạn bị giam trong các trại tập trung từ nam ra bắc, tôi nhận thức sự gian trá của họ trong cai trị:
- Không qua một cơ quan tư pháp nào, họ đã bắt giam ít nhất là 222.809 sĩ quan viên chức và cán bộ Việt Nam Cộng Hòa cũ đem giam giữ trong các trại tập trung mà họ gọi là khoan hồng nhân đạo cho đi học tập cải tạo, trong khi ông Phạm Văn Đồng, Thủ Tướng cộng sản gọi tù chính trị chúng tôi là những kẻ tội ác tày trời không thể tha thứ. .       
- Đày đọa tù chính trị trong những cánh rừng già tây bắc Hà Nội. Đánh lừa các phái đoàn ngoại quốc dù là cộng sản hay tư bản về mọi góc cạnh sinh hoạt trong các trại tập trung, như thể họ giam giữ chúng tôi chỉ để học về lịch sử Việt Nam trong khi họ bắt buộc chúng tôi khai báo chi tiết từng người trong dòng họ ba đời ông bà, cha mẹ, bản thân và gia đình, kể cả nguyên nhân tại sao chết dù đã chết hằng năm bảy chục năm về trước. Hằng chục ngàn tù chính trị chúng tôi bị chết do kiệt sức vì thiếu dinh dưỡng, do hành hạ đọa đày, do bị bức tử, nhưng gia đình không được thông báo.  
- Người dân xã hội chủ nghĩa 20 năm trên đất nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thật sự là nghèo khổ, mức sống xã hội thật sự thua kém Việt Nam Cộng Hòa rất xa, xa đến hai ba chục năm hoặc hơn nữa. 
- Đánh quỵ toàn bộ sinh hoạt xã hội Việt Nam Cộng Hòa cũ xuống ngang bằng xã hội nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa nghèo khổ, qua khẩu hiệu ăn cướp “nhân dân làm chủ, đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý”, chung qui tất cả tài sản của dân lẫn của quốc gia đều trong tay đảng cộng sản ngang qua bộ máy nhà nước. Mức sống người dân nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ngày càng suy sụp, so với mức sống người dân Việt Nam Cộng Hòa năm 1975, nhất là quyền con người hoàn toàn bị tước đoạt.
- Tập trung mọi phương tiện trong hệ thống truyền thông vào tay đảng, quân đội, Công An, những tổ chức ngoại vi, đến những người gọi là phóng viên truyền thông báo chí đều trong tổ chức của đảng. Nói chung là bộ máy đảng với bộ máy nhà nước nắm giữ toàn bộ từ phương tiện đến não bộ con người, trong khi họ tự cho là dân chủ gấp ngàn lần dân chủ tư bản. 
- Phá nát những tinh hoa văn hoá dân tộc để thay vào đó cái gọi là văn hoá mới con người mới xã hội nghĩa, chỉ biết nghe theo đảng, làm theo đảng, và chết cho đảng, mà đảng chỉ là một nhóm người trong Bộ Chính Trị.  
- Bộ Chính Trị lãnh đạo đất nước chỉ do một nhóm hơn 100 đảng viên đã được chọn lọc đảm nhiệm vai trò cử tri bầu lên. Ra cái điều dân chủ khi huênh hoang Quốc Hội là cơ quan quyền lực cao nhất, nhưng lại do đảng cộng sản chọn trước rồi qui định danh sách “ứng viên” mới đến dân bầu. Khi trở thành “đại biểu Quốc Hội” mọi biểu quyết theo lệnh của Bộ Chính Trị, các tòa án nhất là những vụ án mà họ cho là nguy hại chế độ, cũng phải nhận lệnh Bộ Chính Trị trước khi xử, chánh phủ cũng nhận lệnh từ Bộ Chính Trị về mọi vấn đề quan trọng. Bộ Chính Trị là cơ quan quyền lực tuyệt đối, toàn quyền hoạch định mọi đường lối chính sách và điều khiễn bộ máy mà nhà nước với bộ máy Công An thực hiện, nhưng không có bất kỳ cơ quan nào giám sát họ. Những đảng viên được chọn vào Bộ Chính Trị phải tuyệt đối trung thành với đảng cộng sản độc tài.      
Do vậy mà họ đẩy toàn bộ sinh hoạt xã hội Việt Nam đến sát bờ vực thẳm chỉ sau 10 năm (từ năm 1975) cai trị toàn cõi Việt Nam dưới tên gọi nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, và phải gục đầu quy lụy các nước tư bản, nhất là Hoa Kỳ mà họ từng “chửi rủa Mỹ là tên đế quốc đang dẫy chết tại dinh lũy cuối cùng của chủ nghĩa tư bản” để mong được cứu vớt tồn tại.
Giai đoạn ba: 1.293 ngày kể từ 12 tháng 9 năm 1987,  tức giai đoạn chờ sang Hoa Kỳ tị nạn, tôi nhận thức rằng:
- Những gian trá trấn lột đất đai cướp đoạt nhà cửa, gian trá trong kinh doanh thương mãi dịch vụ, tham ô nhũng lạm len lỏi vào mọi ngóc ngách xã hội, từ hạ tầng cơ sở đến thượng tầng cấu trúc lãnh đạo, tất cả trở thành “một nếp” trong văn hoá xã hội chủ nghĩa ngày nay. Đây là nỗi đau cao nhất trong dòng lịch sử Việt Nam từ thời xa xưa đến thời đương đại. Và nỗi đau này của lịch sử, chính là tội ác của cộng sản Việt Nam.    
- Tội ác của cộng sản Việt Nam không sao kể xiết, từ chính sách cai trị bằng bao tử, cướp đoạt nhà cửa ruộng vườn cơ sở kinh doanh sản xuất thương mãi dịch vụ, đến đày đọa những ai không cùng quan điểm chính trị độc tài với họ trong hệ thống nhà tù khắc nghiệt, đến bịt mắt bịt tai bịt miệng tất cả mọi người kể cả hàng ngũ đảng viên cộng sản. Nhưng tội ác nặng nhất, tàn bạo nhất, dã man nhất với lịch sử, với dân tộc,  là tội ác về giáo dục. Bởi chính sách giáo dục của lãnh đạo cộng sản Việt Nam chỉ đào tạo những thế hệ “thần dân” để tuân phục họ chẳng khác những triều đại vua quan phong kiến hằng trăm hằng ngàn năm trước! Giáo dục đã tạo cho người dân trước uy lực của những người công sản nhân danh lãnh đạo, trở thành một loại phương tiện đa dụng của họ  trong khi ông Hồ và “từng đàn cháu ngoan của ông” luôn miệng rao giảng “con người là vốn quí”.
- Hậu quả suy đồi đạo đức, giáo dục một chiều, nói chung là một  xã hội thảm hại hiện nay sẽ còn còn kéo dài cho đến ngày mà chế độ cộng sản độc tài sụp đổ, ít nhất phải hai thế hệ sau đó mới hi vọng khôi phục lại được những tinh hoa trong đời sống văn hoá dân tộc. Do chính sách giáo dục thần dân của cộng sản để phá nát xã hội, cho nên Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ qua không có những công dân để xây dựng một xã hội tử tế, để phát triển một quốc gia tử tế trong một thế giới văn minh, hợp tác, và phát triển bền vững. Nhưng suy cho cùng, đã là cộng sản, làm gì có con người tử tế, làm gì có xã hội tử tế, nếu tử tế thì làm gì có đất cho cộng sản dung thân mà tàn phá con người, tàn phá xã hội.
Vậy, chỉ có con đường duy nhất là triệt tiêu chế độ cộng sản độc tài, từ đó đào tạo những thế hệ tử tế để xây dựng một xã hội tử tế trên quê hương Việt Nam ngày mai.        
Nhìn chung trong 5.818 ngày kể từ ngày 30 tháng 04 năm 1975 đến ngày cuối tháng 03 năm 1991, cộng thêm thời gian đến nay là tháng 11 năm 2010, dưới nét nhìn của tôi, các nhóm lãnh đạo nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là những nhóm người không phục vụ tổ quốc dân tộc, họ chỉ phục vụ quyền lợi của đảng cộng sản mà quyền lợi của đảng cộng sản chính là quyền lợi của nhóm nhân danh lãnh đạo. Sự kiện điển hình tồi tệ và là tội ác đối với tổ quốc dân tộc là cuối năm 1999 lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã cắt 789 cây số vuông dọc biên giới Việt-Trung, và cuối năm 2000 lại xén 11.362 cây số vuông trong vịnh Bắc Việt dâng tặng lãnh đạo Trung Hoa cộng sản để được tiếp tục lãnh đạo đất nước, chẳng khác những thế kỷ trước, vua quan Việt Nam triều cống vua quan Trung Hoa để được phong vương trên ngôi vị, trong khi họ vẫn bịt mắt bịt tai bịt miệng 86.000.000 (86 triệu) người trên toàn cõi Việt Nam, mà tấm ảnh Công An bịt miệng Linh mục Nguyễn Văn Lý ngay trong phiên tòa tại Huế hồi tháng 03/2007 hoàn toàn theo nghĩa đen của ngôn ngữ, là một chứng minh cho toàn thế giới nhận rõ thêm bản chất của lãnh đạo cộng sản Việt Nam.
Hơn thế nữa, cộng sản là thảm họa của nhân loại mà biểu tượng của thảm họa này là Tượng Đài Nạn Nhân Cộng Sản Thế Giới đã được khánh thành ngày 12 tháng 06 năm 2007 tại Washington DC do Tổng Thống Hoa Kỳ chủ tọa, với sự tham dự của các phái đoàn từ 25 quốc gia đã và đang là nạn nhân của cộng sản. 
Thưa quí vị quí bạn,
Những gì tôi cần kể lại với quí vị quí bạn về bản thân và gia đình tôi, mà tôi nghĩ là hằng trăm ngàn gia đình đồng môn đồng đội của tôi cũng trong hoàn cảnh tương tự, trong những ngàn ngày sống với xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam, từ trong nhà tù nhỏ -các trại tập trung- và trong nhà tù lớn -xã hội xã hội chủ nghĩa- tôi đã viết vào quyển ký sự này. Thật ra còn nhiều vấn đề khác nhưng tôi không viết vào đây, vì trước khi bắt đầu gõ vào phiếm chữ trên máy computer, tôi xác định một lằn ranh thật đậm nét “dân chủ tự do không thể hòa giải và hòa hợp với cộng sản độc tài bất cứ hình thức nào trừ khi có một Gorbatchev Việt Nam, nhưng điều này chưa nhìn thấy bóng dáng Gorbatchev nào trong hàng ngũ xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay”.    
Đến đây tôi xin hết lời, và kính chào quí vị quí bạn.

                                                Houston, Texas, Hoa Kỳ.
Viết xong ngày 19 tháng 6 năm 2007.
                                                Duyệt lại ngày 23/11/2010
                                                Đại Tá Phạm Bá Hoa      
                                                Cựu tù nhân chính trị
                                                H.O. 5
TÁC GIẢ
Phạm Bá Hoa, sinh năm 1930 tại làng Đại Ngãi, quận Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Nhập ngũ ngày 12 tháng 5 năm 1954 vào Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, thuộc tài nguyên sĩ quan trừ bị khóa 5. Vì không đủ cơ sở, được gởi lên học Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt. Trở về Thủ Đức dự lễ tốt nghiệp khóa Vì Dân cuối tháng 1 năm 1955, với cấp bậc Thiếu Úy.
Lần lượt giữ các chức vụ: 
Trung Đội Trưởng/Tiểu Đoàn 510 Khinh Quân.
Đại Đội Trưởng/Tiểu Đoàn 510 Khinh Quân.
Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 2/Trung Đoàn 35/Sư Đoàn 12 Khinh Chiến.
Trưởng Ban 3 Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 35/Sư Đoàn 12 Khinh Chiến.
Trưởng Ban Hành Quân, rồi Phó Phòng 3/Sư Đoàn 21 Bộ Binh.
Chánh Văn Phòng Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh.
Chánh Văn Phòng Tham Mưu Trưởng Liên Quân/Bộ Tổng Tham Mưu.
Chánh Văn Phòng Tư Lệnh Quân Đoàn III.
Chánh Văn Phòng Tổng Trưởng Quốc Phòng.
Chánh Văn Phòng Tổng Tham Mưu Trưởng.
Tỉnh Trưởng/Tiểu Khu Trưởng Phong Dinh (Cần Thơ).
Chánh Sở Kế Hoạch/Tổng Cục Tiếp Vận/Bộ Tổng Tham Mưu .
Chỉ Huy Phó Bộ Chỉ Huy 4 Tiếp Vận.
Cục Trưởng Cục Mãi Dịch.
Tham Mưu Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận/Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH.

Thăng cấp:
Trung Úy, tháng 2 năm 1957.
Đại Úy, tháng 11 năm 1961.
Thiếu Tá, tháng 11 năm 1963.
Trung Tá, tháng 12 năm 1965.
Đại Tá, tháng 9 năm 1969.

Theo học:
Khóa Đại Đội Trưởng, chi nhánh Trường Võ Bị Liên Quân/Đà Lạt 1956.

Khóa Tham Mưu, Trường Đại Học Quân Sự/Sài Gòn 1960.

Khóa Chỉ Huy&Tham Mưu Cao Cấp, Trường Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp/Đà Lạt 1970.

Tham dự các khóa hội thảo:
Tiếp Vận Miền Tây Thái Bình Dương 1971, Okinawa, Nhật Bản.

Quản Trị Quốc Phòng 1971, Trường Cao Đẳng Quốc Phòng, Sài Gòn.

Phát Triển Quốc Gia 1973, Trường  Cao Đẳng Quốc Phòng, Sài Gòn.

Công du:
Nhật Bản và Đại Hàn 1963, Thái Lan 1966, Đài Loan 1970, Okinawa 1971, và Singapore 1973.

Tù chính trị:
Từ tháng 6 năm 1975 đến tháng 9 năm 1987, trong các trại tù Long Giao tỉnh Long Khánh, Tam Hiệp tỉnh Biên Hòa, Yên Bái tỉnh Hoàng Liên Sơn, và Nam Hà tỉnh Hà Nam Ninh.

Định cư.
Tại thành phố Houston, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ, từ tháng 4 năm 1991 trong đợt HO 5.
    
Sinh hoạt Cộng Đồng:
Tham gia Hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức tại Houston từ năm 1995 đến năm 2000.

Tham gia Tổng Hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức Hải Ngoại: Nhiệm kỳ 1 (2000-2002) họp tại Houston, Hoa Kỳ. Nhiệm kỳ 2 (2002-2004) họp tại Toronto, Canada. Nhiệm kỳ 3 (2004-2006) họp tại Brisbane, Australia. Và nhiệm kỳ 4 (2006-2008+2009) họp tại San Jose, Hoa Kỳ.

Tham gia nhóm phát thưởng học sinh giỏi từ lớp 5 đến lớp 12 từ năm học 1997-1998 đến năm học 2003-2004.

Tham gia ban phát thanh Phật Giáo/Houston từ tháng 4 năm 1998 đến hết tháng 1 năm 2008, trong thời gian đó đã đọc trên làn sóng đài phát thanh Tiếng Nói Việt Nam (VOVN) hơn 80 bài của các tác giả viết về Phật Giáo trong đời sống.

Phụ trách chương trình thời sự “Những Vấn Đề Hôm Nay” trên làn sóng đài TNT/Houston từ tháng 9 năm 2001 đến cuối tháng 1 năm 2006, đã viết và đọc trong 349 bài phát thanh với chủ đề hỗ trợ công cuộc dân chủ hóa chế độ chính trị trên quê hương Việt Nam. 

Tham gia sinh hoạt trên NET với 75 bài viết về lập trường chính trị đối nghịch với chế độ cộng sản độc tài đã và đang cai trị Việt Nam.

Tham gia hội Ái Hữu Vĩnh Long, Vĩnh Bình, Sa Đéc tại Houston, từ năm 2005 .....

Tham gia chương trình “Tản Mạn Lịch Sử 1960-1975” trên đài truyền hình VAN TV 55.2 Houston từ tháng 07/2009 đến tháng 02/2011. 

Từ tháng 1/2010, bắt đầu chuyển những bài thời sự về trong nước ngang qua Diễn Đàn Nước Việt Quốc Nội.

Tác phẩm:
“Đôi Dòng Ghi Nhớ”, hồi ký chính trị Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1963 đến năm 1975. Nhà xuất bản Ngày Nay ấn hành lần 1 năm 1994, lần hai năm 1995, lần 3 năm 1998, và lần 4 năm 2007. Dài 386 trang (cở chữ 11).
“Ký Sự Trong Tù”, tâm sự và nhận thức của Một Tù Nhân Chính Trị trong các trại tập trung Long Giao tỉnh Long Khánh, Tam Hiệp tỉnh Biên Hòa, Yên Bái tỉnh Hoàng Liên Sơn, Nam Hà tỉnh Hà Nam Ninh, từ tháng 6 năm 1975 đến tháng 9 năm 1987, và trong thời gian ở Sài Gòn chờ xuất ngoại. Ấn hành tháng 7 năm 2008, dài 534 trang (cở chữ 11). 
“Tôi là Một H.O.”, tâm sự của Một H.O. và đóng góp nhỏ nhoi vào sinh hoạt Cộng Đồng tị nạn cộng sản từ tháng 4 năm 1991 đến tháng 5 năm 2010, dài 679 trang (cở chữ 10). Ấn loát lưu giữ trong gia đình. Chưa ấn hành.
“Quê Hương & Quân Ngũ”, tâm sự Người Lính gắn liền với quê hương & quân ngũ trong giai đoạn chiến tranh giữ nước từ năm 1954 đến năm 1975. Dài 463 trang (cở chữ 10). Ấn loát lưu giữ trong gia đình. Chưa ấn hành. 

“Thời Sự Việt Nam 2001-2006”, nỗi lòng của người H.O. chưa tròn trách nhiệm với dân với nước, nhờ làn sóng phát thanh tại Houston từ tháng 9/2001 đến tháng 1/2006 chuyển tải chủ đề hỗ trợ dân chủ hóa Việt Nam. Sách dài 627 trang (cở chữ 10). Ấn loát lưu giữ trong gia đình. Chưa ấn hành.
Tình trạng gia đình đến cuối năm 2010: Vợ và năm con (4 trai 1 gái) có gia đình, với chín cháu Nội Ngoại (5 cháu gái và 4 cháu trai). Đầu năm 2010, kỷ niệm 52 năm hôn lễ.

1      2      3      4      5      6      7      8

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét