GIẢI PHÁP CUỐI CÙNG
Ông Thiệu từ chức ngày 21-4-1975, khoảng bốn năm ngày sau báo
chí Sài Gòn đăng tin hai ông Thiệu, Khiêm ra đi tại phi trường Tân Sơn Nhất trước
sự căm phẫn của mọi người.
Phó Tổng thống Trần Văn Hương lên thay TT Thiệu được bốn, năm
ngày bèn ngỏ lời với đồng bào về hiện tình đất nước trên đài phát thanh Sài
Gòn, bằng giọng sướt mướt, thở than, đau khổ, ông vừa nói vừa khóc.
“Tôi xin nói thiệt với đồng bào, tình hình hiện nay vô cùng bi
đát… Đồng bào cũng đã biết các vùng Một vùng Hai miền Trung đã hoàn toàn
tan rã, vùng Ba, vùng Bốn cũng nay cũng đã bị nhiều sứt mẻ. Rồi nay mai đây những
trận đánh sấm sét sẽ đổ xuống đây và rồi Thủ đô Sài Gòn này sẽ thành cái núi
xương sông máu. Tôi đã nghĩ đến cái cảnh núi xương sống máu ấy và đã bàn với
anh Dương văn Minh, tôi có nói với ảnh như vầy “Bây giờ tôi bàn giao chính quyền
cho anh, nhưng bàn giao để anh tìm cái giải pháp hòa bình cho đất nước chứ bàn
giao cho anh để anh đầu hàng thì bàn giao làm gì. Hở trời!”
Giọng ông già run run, thảm não, ông khóc thiệt tình khi nghĩ đến
cái viễn tượng núi xương sông máu của Sài Gòn, những tiếng khóc não nùng của
ông đã gieo kinh hoàng vào lòng mọi người. Bàn dân thiên hạ ai nấy hồn lạc
phách siêu, họ không khỏi giật mình khiếp đảm khi thấy mọi bí mật quốc gia đã
được nói huỵch toẹt trên làn sóng điện. Đối với người Sài Gòn nay chỉ có thể
xác là còn sống, tâm hồn coi như đã chết.
Tin ông Dương Văn Minh sẽ được cử lên làm Tổng Thống thay thế
ông Trần Văn Hương không còn là những lời đồn đãi nữa, chính ông Hương đã nói
thẳng ra trên đài phát thanh.
Chiều ngày 28-4-1975, đài phát thanh Sài Gòn tường trình
buổi lễ bàn giao chức vụ Tổng thống giữa hai ông Trần Văn Hương và Dương Văn
Minh tại dinh Độc Lập, người xướng ngôn viên bằng một giọng bi quan não nề nói:
- Thưa quí vị, chúng tôi đang theo dõi để tường thuật cùng quí vị
buổi lễ bàn giao lịch sử ngày hôm nay. Thưa quí vị, bầu trời hôm nay rất là u
ám, y như hoàn cảnh đất nước của chúng ta hiện nay. Trong lúc này đang có những
tiếng sấm sét nổ rền trên không, bầu trời hôm nay thật thê lương, thưa quí vị
tình hình đất nước chúng ta cũng vô cùng ảm đạm.
Một lúc sau lễ bàn giao diễn ra trong bầu không khí buồn tẻ gượng
gạo, ông Dương Văn Minh bằng giọng chậm rãi gọi ông Trần Văn Hương bằng thầy. Đối
với phía Cộng Hòa Miền Nam ông kêu gọi tinh thần hòa giải dân tộc, và bằng giọng
ôn tồn, từ tốn ông khuyên nhủ nhân dân.
“- Xin đồng bào đừng vội bỏ nước ra đi mà hãy ở lại với quê cha
đất tổ của mình.”
Báo chí xuất bản chiều nay đăng hình ông Dương Văn Minh mặc áo
vét, thắt ca vát, tươi cười với hàng chữ lớn “Đại Tướng Dương Văn Minh Cứu Quốc,
ông Dương Văn Minh luôn tỏ ra là người của dân tộc”. Những trang báo cố gắng trấn
an, lên giây cót tinh thần người dân Thủ đô vào giờ phút chót, nhưng một lúc
sau nhiều tiếng nổ kinh thiên động địa từ phía phi trường Tân Sơn Nhất rung
chuyển cả thành phố Sài Gòn, mấy chiếc phản lực cơ A-37 đang chúi xuống ném bom
phi trường Tân Sơn Nhất, tại Phú Nhuận người ta nhìn thấy cả hình những trái
bom y như những hạt đậu đang rơi xuống.
Chừng hai mươi phút sau, một chiếc quay về phía dinh Độïc Lập vừa
bay vừa nhào lộn để tránh đạn, phía dinh có tiếng súng bắn lên dữ dội. Ngoài phố
những người hiếu kỳ đứng coi bỗng dưng hết hồn bỏ chạy tán loạn. Mấy chiếc khác
lừng lững bay về phía tây bắc trong khi cao xạ ở bến Bạch Đằng bắn nổ lên nổ lụp
bụp bên dưới máy bay.
Phía đài phát thanh có nhiều tiếng súng và những tiếng nổ như lựu
đạn. Khi ấy ông Dương Văn Minh lên tiếng trên radio cho biết năm phi cơ lạ ném
bom phi trường Tân Sơn Nhất. Đúng bẩy giờ đài BBC đọc bản tin tóm tắt về tình
hình Việt Nam, người xướng ngôn viên nhấn mạnh từng câu từng chữ.
“- Hôm nay tại Sài Gòn ông Dương Văn Minh được cử lên giữ chức vụ
quyền Tổng thống thay thế ông Trần Văn Hương để chuẩn bị cho một cuộc đầu hàng.
- Năm phi cơ lạ ném bom phi trường Tân Sơn Nhất.
- Nhiều loạt súng nổ tại Sài Gòn không biết thuộc bên nào.”
Qua phần bình luận và nhận định người xướng ngôn cho biết lễ bàn
giao chức vụ Tổng thống tại Dinh Độc lập chứng tỏ cho thấy sự tan rã của chính
quyền Sài Gòn, người dân Thủ đô đang từ chỗ lo sợ đến chỗ hốt hoảng. Một
lúc sau trong phần bình luận người xướng ngôn viên nói bằng một giọng mỉa mai
cay đắng.
“Người Mỹ đang chuẩn bị rút lui êm thắm, họ cố gắng bằng mọi
cách để giữ gìn thể diện dù phải tháo chạy nhưng Hà Nội lại ra sức làm cho người
Mỹ phải bị bẽ mặt đến cùng để còn rêu rao cho cả Á châu được thấy…”
Diễn tiến của tình hình
Cũng vào khoảng thời gian này mười năm về trước người Mỹ bắt đầu
đổ quân vào nam Việt Nam. Tháng tư 1969, Wesmoreland tại Hoa Kỳ cho biết nếu Mỹ
không đổ quân vào miền Nam Việt Nam giữa 1965 thì sẽ mất trong 6 tháng. Quân số
Mỹ tại Việt Nam tăng nhanh từ 184,300 người năm 1965 lên 385,300 người năm
1966… và cao điểm là 536,100 năm 1968. Bắc Việt cùng lúc gia tăng xâm nhập. Họ
tăng nhân lực từ 180 ngàn năm 1964 lên tới 261 ngàn trong năm 1967. Kế hoạch
“đánh cầm chừng, đánh cho nó sợ” để hăm dọa BV phải vào bàn hội nghị của
McNamara-Johnson đã không đạt mục đích mà trái lại còn thúc đẩy phong trào phản
chiến lên cao, nhất là sau Tết Mậu thân 1968.
Năm 1969 Nixon lên làm tổng thống thừa hưởng gia tài đổ nát do
Johnson và McNamara để lại khi mà phong trào phản chiến đã lên rất cao. Mặc dù
hứa hẹn trong khi tranh cử sẽ rút quân về nước trong danh dự nhưng Nixon vẫn nỗ
lực tìm mọi cách bảo vệ Việt Nam chống lại sự gia tăng cường độ chiến tranh xâm
lược của BV. Khác với Johnson trước đây vào những năm đầu cuộc chiến 1964, 1965
được quốc hội ủng hộ, Nixon ngày càng bị Quốc hội gây khó khăn trở ngại vì cuộc
chiến tại đất nhà lên cao dữ dội. Mặc dù giúp VNCH đánh qua các căn cứ hậu cần
BV tại Mên Lào nhưng bị chống đối dữ dội tại Mỹ nên không đatï được kết quả
mong muốn tại mặt trận Hạ Lào.
Năm 1972 Nixon giúp VNCH đẩy lui cuộc xâm lăng ồ ạt của BV trong
trận mùa hè đỏ lửa để lấy ưu thế trên bàn hội nghị và ký kết Hiệp định Paris
ngày 27-1-1973, rút quân và đem 587 tù binh về nước.
Sau Hiệp định Paris, quân viện cho VNCH bị cắt giảm dần như sau:
- Sau khi Mỹ rút, viện trợ quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa:
-Tài khóa 1973: hai tỷ mốt (2,1 tỷ)
-Tài khóa 1974: một tỷ tư (1,4 tỷ)
-Tài khóa 1975: bẩy trăm triệu (0,7 tỷ).
Năm 1975, giá dầu lên tiền mất giá, đạn tăng giá 27% nên tiền viện
trợ chẳng mua được bao nhiêu. Theo ông Cao Văn Viên từ tháng 7-1974 cho tới
tháng 4-1975 hỏa lực quân đội VNCH giảm hơn 70%, Trong khi viện trợ quân sự của
Cộng Sản quốc tế cho Bắc việt giai đoạn 1973-1975 vẫn không thay đổi mấy so với
giai đoạn 1969-1972 .
Lực lượng chính qui BV giai đoạn 1975 (20 sư đoàn) gấp hai lần hồi
1972 (10 sư đoàn), vũ khí đạn dược năm 1975 cũng gấp hai, ba lần 1972.
Ngày 10-3-1975, 3 sư đoàn CSBV tấn công chiếm Ban Mê Thuột. Ngày
11-3-1975 TT Thiệu họp tham mưu cao cấp tại Dinh Độc Lậïp quyết định tái phối
trí lực lượng bỏ các vùng cao nguyên để giữ các vùng đông dân cư. Ngày 13-3-75
Quốc Hội Mỹ bác bỏ 300 triệu quân viện bổ túc. Hôm sau ngày 14-3-1975 ông ra lệnh
rút bỏ Pleiku, Kontum về Qui nhơn đã dẫn đến thảm bại.
Tại quân khu 1 ông Thiệu cho rút sư đoàn Dù về đưa đi phòng thủ
nhiều nơi khác. Ngày 25-3 mất Huế và Chu Lai. Ngày 27-3 phòng thủ Đà Nẵng
trở lên vô hiệu trước sự hỗn loạn của thành phố. Ngày 28-3 Cộng quân pháo vào
thành phố gây nhiều thiệt hại nhân mạng, ngày 29-3 Tướng Trưởng xin lệnh
bỏ Đà Nẵng, thành phố lớn thứ hai của Việt Nam coi như thất thủ. Cuối tháng
3-1975 quân khu 1 và 2 coi như lọt vào tay CSBV.
Trước khi phát động cuộc tổng tấn công Hà Nội lên kế hoạch
hai năm 1975 và 1976 để chiếm miền Nam nhưng sau cuộc triệt thoái Cao nguyên và
tình hình các quân khu 1 và 2 của VNCH đang trên đà tan rã, Bộ Chính trị BV đã
họp ngày 25-3-1975 và khẳng định thời cơ chiến lược mới đã đến, Hà Nội có điều
kiện sớm hoàn thành cuộc tổng tiến công xâm lược, tập trung các lực lượng binh
khí kỹ thuật giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa.
Theo tài liệu phía CS (hồi ký Văn Tiến Dũng trang 141, 142), BV
hối hả chuyên chở bằng cả ba phương tiện thủy, bộ và hàng không để để chuyển vận
vũ khí, quân nhu, nhân lực đánh xả láng một ván bài chót. Quân khu 5 của BV tổ
chức một đoàn xe chở thẳng vào Nam Bộ tiếp liệu cũng như chiến lợi phẩm vừa lấy
được của VNCH, đoàn xe do Thiếu Tướng Võ Thứ, phó Tư lệnh Quân khu 5 chỉ huy.
Trong khi ấy các sân bay Gia Lâm, Vĩnh Phú, Đồng Hới, Phú Bài, Đà Nẵng, Kontum
nhộn nhịp khác thường, các loại máy bay lên thẳng, vận tải, chở khách đều được
huy động để chở người, súng đạn, vũ khí, chở sách báo phim ảnh, tranh, nhạc mà
còn chở hàng tấn bản đồ Sài Gòn – Gia Định vừa in xong ở xưởng in Bộ Tổng tham
mưu tại Hà Nội.
Các bến sông Hồng, sông Gianh, sông Mã, sông Hàn và các bến cảng
Hải Phòng, Cửa Hội, Thuận An, Đà Nẵng ngày đêm nhộn nhịp. Các mặt hàng quân sự
được bốc xếp kịp thời lên các đoàn tầu vận tải của Bộ Giao Thông vận tải và tầu
Hải Quân nhân dân để đưa vào Nam. Hà Nội huy động hết mọi phương tiện thủy bộ,
hàng không để chuyển ra mặt trận một số lượng quân đội và vũ khí lớn chưa từng
có.
Ngày 4-4-1975 Phan Rang và Phan Thiết được sáp nhập vào Quân khu
3.
Từ ngày 8-4 -1975 Lê Đức Thọ, trùm CS Bắc Việt chủ tọa phiên họp
tại Lộc Ninh với các cán bộ thuộc Trung ương Cục miền Nam và Bộ Tổng tham mưu
CS. Thọ tuyên bố thành lập Bộ Tư lệnh chiến dịch giải phóng Sài Gòn Chợ Lớn đặt
tên là Chiến Dịch Hồ Chí Minh, Tư lệnh Đại Tướng Văn Tiến Dũng, Chính ủy Phạm
Hùng, Phó Tư Lệïnh Thượng Tướng Trần Văn Trà.
BV tấn công Phan Rang ngày 14-4-75 tới ngày 16 thì chiếm được thị
xã, hai ngày sau 18-4 Phan Thiết cũng lọt vào tay BV.
Từ ngày 9-4-75 đến 15-4 sư đoàn 18 BB cầm cự anh dũng đẩy lui
các đợt tấn công của BV tại Xuân Lộc, Long Khánh, năm ngày sau có lệnh lui
binh.
Ngày 18-4 Quốc Hội Mỹ bác bỏ 722 triệu quân viện khẩn cấp do Tổng
thống Ford đưa ra. Giới chức ngoại giao quốc tế vận động BV thương thuyết nhưng
họ chỉ đòi nói chuyện với ông Dương Văn Minh, yêu cầu TT Nguyễn Văn Thiệu phải
từ chức. Ngày 21-4 ông Thiệu từ chức, phó Tổng thống Trần văn Hương lên thay.
Ngày 24-4 ông Thiệu và Thủ tướng Khiêm bỏ nước ra đi.
CSBV đã đưa các quân đoàn vào sát vòng đai phòng thủ Sài Gòn chuẩn
bị tấn công, cán cân quân sự nghiêng về phía Bắc Việt. Theo tài liệu phía
CS lực lượng của họ gồm: 4 quân đoàn 1, 2, 3, 4, và đoàn 232, bao gồm 15
sư đoàn bộ binh, 5 lữ đoàn bộ binh biệt lập, 4 trung đoàn tăng, thiết giáp và 6
trung đoàn đặc công. Quân số tổng cộng khoảng 280 ngàn với 400 xe tăng và 420
pháo. Lực lượng tấn công của BV tương đương với 20 sư đoàn.
Lực lượng VNCH gồm các sư đoàn 25, sư đoàn 5, sư đoàn 18 (bị thiệt
hại nhiều sau trận Long Khánh), sư đoàn Biệt động quân 106 mới thành lập, sư
đoàn 22 di tản, các lữ đoàn Dù và TQLC di tản, địa phương quân nghĩa quân, toàn
bộ tương đương với 5 hoặc 6 Sư đoàn quân với số thiếu hụt. Theo ông Cao văn
Viên đạn dược tại Quân khu 3 chỉ còn đủ xài trong khoảng hai tuần lễ (Những
Ngày Cuối Của VNCH, trang 92)
Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn Tư lệnh Quân đoàn 3 VNCH khi ấy đã tổ
chức phòng thủ Sài Gòn trên 5 tuyến chính với khoảng cách tới trung tâm thành
phố xa hơn tầm pháo của đại bác 130 ly của BV đồng thời bảo vệ các căn cứ quan
trọng tại Biên Hòa, Củ chi, Lai Khê, Long Bình.
Phía Tây Bắc là Tuyến Củ Chi với Sư đoàn 25 bộ binh (BB) và hai
Liên đoàn 8, 9 Biệt động quân. Tuyến Bình Dương ở phía Bắc với Sư đoàn 5 BB.
Tuyến Biên Hòa phía Đông Bắc với Sư đoàn 18 BB và lực lượng Xung kích Quân đoàn
3. Tuyến Vũng Tầu và Quốc lộ 15 do Lữ đoàn 1 Dù cùng với một Tiểu đoàn thuộc Sư
đoàn 3 BB và các đơn vị Thiết giáp, ĐPQ, Nghĩa quân của Tiểu khu Phước Tuy phụ
trách. Tuyến Long An phía Nam ngoài lực lượng ĐPQ, Nghĩa quân cơ hữu còn
có Sư đoàn 22 BB phụ trách cộng với sự tăng cường của Trung đoàn 12 thuộc Sư
đoàn 7 BB, Trung đoàn 14 thuộc Sư đoàn 9 BB và Liên đoàn 6 BĐQ.
Năm tuyến phòng thủ chính của VNCH cũng trùng với 5 hướng tấn
công của năm Quân đoàn CSBV.
Ngày 26-4-1975 CSBV đã bắt đầu tấn công vào Trường Thiết Giáp
Long Thành, căn cứ Nước Trong, đặc công tấn công Tân cảng , cầu xa lộ, đài ra
đa Phú Lâm nhưng họ thất bại, bị đẩy lui. Bắc Việt đã cho mở chiến dịch Hồ Chí
Minh từ 26-4, hai ngày trước khi ông Dương Văn Minh lên làm Tổng Thống chứng tỏ
họ không đếm xỉa gì tới việc thương thuyết.
Ngày 27-4 tại nghị trường Diên Hồng lưỡng viện quốc hội họp bỏ
phiếu thuận trao quyền Tổng thống cho Tướng Dương Văn Minh. Sáng ngày 27-4 Sư
đoàn 3 BV tấn công chiếm Phước Lễ, Lữ đoàn Dù rút về Vũng Tầu, Sư đoàn 18 được
lệnh lui về giữ Trảng Bom. Phía Tây các căn cứ dọc theo Vàm Cỏ Đông lần lượt bị
Cộng quân chiếm. BV pháo phi trường Biên Hòa dữ dội, Sư đoàn 3 Không quân phải
di tản về Tân Sơn Nhất và Cần thơ. Phía Tây Nam Đoàn 232 CS (gồm 3 Sư đoàn) cắt
Quốc lộ 4 nhiều nơi để chận viện binh từ Quân khu 4, phía Bắc Quân đoàn 1 CSBV
tiến về Thủ Đầu Một, phía Tây Bắc Quân đoàn 3 BV cắt Quốc lộï 1 và 21 để chặn
đường rút của Sư đoàn 25 BB.
Chiều ngày 28-4 -1975 Đại Tướng Dương Văn Minh tuyên thệ nhậm chức
Tổng thống tại dinh Độc Lập. Chừng một tiếng sau, trung úy phi công nằm vùng
Nguyễn Thành Trung hướng dẫn năm phi cơ A-37 của VNCH do BV chiếm được ném bom
phi trường Tân Sơn Nhất rung chuyển cả trời đất khiến dân chúng Đô Thành hốt hoảng.
Từ 4 giờ sáng ngày 29-4 Bộ TTM, phi trường Tân Sơn nhất, BTL Hải
quân bị pháo kích nhiều. Cộng quân chiếm được Nhơn Trạch đặt hai khẩu 130 ly
pháo 300 quả vào Tân Sơn Nhất gây nhiều thiệt hại. Các bãi đậu phi cơ, bồn chứa
nhiên liệu, kho đạn bị trúng pháo kích gây nhiều đám cháy lớn. Sư đoàn 325 BV
chiếm Nhơn Trạch, thành Tuy Hạ, tiến về Cát Lái. Sư đoàn 304 chiếm căn cứ Nước
Trong.
Trong khi ấy ông Dương văn Minh cử ba người sứ giả đến trại
David tại Tân Sơn Nhất để thương thuyết ngưng bắn với phái đoàn Quân sự VC
nhưng bị Đại tá Võ Đông Giang bác bỏ.
Sáng ngày 29-4 Thủ tướng Vũ Văn Mẫu đọc Văn thư của Tổng thống
Dương Văn Minh yêu cầu cơ quan Tùy viên quân sự DAO phải rút lui trong vòng 24
giờ đồng hồ. Ngay sau đó đoàn trực thăng gồm 81 chiếc từ hạm đội vào phi trường
Tân Sơn Nhất, tòa Đại Sứ Mỹ, một số cao ốc… để di tản hơn 1,000 người Mỹ
và khoảng 6,000 người Việt ra ngoài hạm đội sau 19 giờ bay liên tục.
Trưa ngày 29-4 các vị Tướng lãnh có thẩm quyền tại Bộ Tổng tham
mưu và Biệt khu Thủ đô đều đã “tẩu vi thượng sách”. Khoảng 3 giờ chiều, ông
Dương Văn Minh cử một số Tướng lãnh và cựu Tướng lãnh vào làm việc tại BTTM:
Trung tướng Vĩnh Lộc Tổng tham mưu trưởng, Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh phụ tá,
Lâm Văn Phát Tư Lệnh Biệt Khu Thủ đô. Chiều 29-4 Trung Tướng Vĩnh Lộc họp các
Tướng lãnh, sĩ quan cao cấp còn sót lại và kêu gọi mọi người cố gắng hoàn tất
trách nhiệm. Tối 29-4 ông Dương Văn Minh vẫn kêu gọi các lực lượng Quân đội
VNCH trên đài phát thanh, lời kêu gọi lập đi lập lại suốt đêm.
“Các vị Tư lệnh Quân đoàn, Sư đoàn hãy giữ vững vị trí và chờ lệnh
mới”
Tân Tổng Tham mưu trưởng Vĩnh Lộc lớn tiếng chỉ trích TT Thiệu
và kêu gọi anh em binh sĩ giữ vững phòng tuyến.
“…Hắn đã để cho cả một đạo quân tháo chạy như một lũ chuột,
chính y gây ra thảm trạng này và bây giờ cũng chính y là người bỏ trốn.”
Theo lời kể của Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi, Tư lệnh lực lượng
xung kích Quân đoàn 3, vào lúc 12 giờ trưa ngày 29-4-1975, Trung tướng Nguyễn
Văn Toàn triệu tập một phiên họp khẩn cấp tại Bộ Tư lệnh Sư đoàn 18 tại Long
Bình, chỉ có ba ông: Tướng Toàn, Tướng Khôi và Tướng Lê Minh Đảo (Tư lệnh sư
đoàn 18). Tướng Toàn ban lệnh cho Tướng Đảo bảo vệ Long Bình, Tướng Khôi bảo vệ
Biên Hòa. Khi ấy Sư đoàn 25 BB tại Củ Chi đã bị đánh tan, Chuẩn Tướng Lý Tòng
Bá bị bắt nhưng Tướng Toàn dấu không cho Tướng Khôi và Tướng Đảo biết. Sau đó
Tướng Toàn sắp xếp để bỏ trốn bằng trực thăng ra Vũng Tầu cùng các Tướng Lãm,
Tướng Hiệp lên tầu đánh cá ra khơi
Buổi chiều 29-4 Bộ Tư lệnh Hải quân và Không quân di tản. Một
Liên đoàn BĐQ tại Bến Tranh Bắc Mỹ Tho được lệnh trực thăng vận về Cần Đước
ngăn chận Việt Cộng trên liên tỉnh lộ 5A nhưng không có trực thăng, do đó Chợ Lớn
được coi như bỏ ngỏ.
Mười giờ tối 29-4 Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi liên lạc với Bộ Tổng
Tham mưu, Trung tướng Nguyễn Hữu Có trả lời cho biết ông đang ở bên cạnh Đại tướng
Dương Văn Minh (tại dinh Độc Lập)
“Đến 22 giờ 10 có chuông điện thoại reo Trung Tướng Nguyễn Hữu
Có gọi tôi ở đầu giây:
- Tôi là Trung Tướng Có đây, tôi đang ở bên cạnh Đại Tướng, anh
cho chúng tôi biết tình hình ở Biên Hòa như thế nào?
- Thưa Trung tướng tôi giữ thị xã Biên Hòa, Đảo giữ Long Bình,
Toàn đã bỏ chạy, phi trường Biên Hòa bị địch chiếm, áp lực địch rất nặng ở hướng
Bắc và Đông Biên Hòa.
1, 2, 3 phút trôi qua, ở đầu giây Tướng Có nói tiếp:
- Đại Tướng hỏi anh có thể giữ vững Biên Hòa đến 8 giờ sáng mai,
để Đại Tướng nói chuyện với bên kia được không?
Tôi trả lời không do dự.
- Được, tôi có thể giữ vững Biên Hòa đến 08 giờ sáng mai”
Trong máy điện thoại, tôi nghe văng vẳng tiếng nói của Tướng Có
báo cáo lại với Đại Tướng Minh. Cuối cùng Tướng Có nói:
- Lệnh của Đại Tướng cho anh: Chỉ huy phòng thủ bảo vệ Biên Hòa
đến 08 giờ sáng ngày 30-4-1975. Chúc anh thành công
Tôi đáp nhận.
Trích trong Chiến Đấu Đến Cùng: Vai Trò Của Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh…
Khoảng gần 2 giờ sáng 30-4 BV pháo kích thị xã Biên Hòa dữ dội rồi
tập trung một lực lượng hỗn hợp bộ binh chiến xa cấp trung đoàn từ Ngã ba Hố
Nai-Xa Lộ tấn công về hướng Bộ Tư Lệnh Quân đoàn 3. Khi ấy Chiến đoàn 315 VNCH
của trung tá Đỗ Đức Thảo xông ra chận địch, hỏa lực chiến xa M-48 áp đảo Cộng
quân, giao tranh quyết liệt, một số T-54 bị bắn cháy, địch phải rút. Lúc 2 giờ
sáng Tướng Lê Minh Đảo cho biết
Long Bình đã bị tràn ngập phải rút về nghĩa trang quân đội rồi về
hướng Thủ Đức.
Khoảng 3 giờ sáng BV lại pháo kích Biên Hòa rất mạnh và
chính xác, Tướng Khôi đoán Cộng quân sẽ tấn công dứt điểm Biên Hòa và ông đã
chuẩn bị tung cả ba chiến đoàn Thiết giáp vào trận đánh quyết định. Thật bất ngờ
Cộng quân đưa chiến xa dẫn đầu, bộ binh theo sau liền bị Chiến đoàn 315 đánh chận
đầu và bọc sườn khiến họ phải rút chạy ngược ra xa lộ, từ đó Biên Hòa yên tĩnh.
Phía Bắc, căn cứ Lai Khê của Sư đoàn 5 bị địch pháo kích dữ dội,
quận Bến Cát bị tấn công.
Phía Tây hai Liên đoàn 8, 9 BĐQ bị thiệt hại nặng, VC bỏ
xác cả trăm người cùng 18 xe tăng bị bắn cháy, Quốc lộ 1 giữa Sài Gòn và Củ Chi
bị gián đoạn.
Sư đoàn 22 BB vẫn làm chủ được tình hình phía Nam mặc dù bị tấn
công.
Ngày 30-4 Trung đoàn 24 BV (SĐ 10) giao tranh ác liệt với quân
Dù tại Ngã Tư Bẩy Hiền và Lăng Cha Cả, Cộng quân bị thiệt hại nặng tới
50% quân số. BV tấn công trại Hoàng Hoa Thám, BTL không quân. BV xâm nhập
Ngã Tư Bẩy Hiền, trong vòng 15 phút có 6 chiến xa bị Liên đoàn 81 Biệt
Cách Dù bắn hạ, họ bị chận đánh tơi bời phải rút khỏi ngã tư Bẩy Hiền.
Theo Tướng Hoàng Lạc, ông Dương Văn Minh lại cử người tới trại David
Tân Sơn Nhất để thương thuyết với CS thuộc phái đoàn bốn bên xem có vớt
vát được tí nào không nhưng họ vẫn một mực đòi phải buông súng đầu hàng nếu
không sẽ pháo kích tan nát thành phố. Sài Gòn bây giờ đang nằm trong tầm pháo của
Cộng quân. Phòng tuyến đã dần dần sụp đổ dưới các đợt tấn công, pháo kích của
BV, họ đã vào sát thành phố.
Theo lời Tướng Khôi, 8 giờ sáng ngày 30-4-1975 tại Biên Hòa,
liên lạc với BTTM nhưng không được, ông bèn họp các lữ đoàn trưởng, liên đoàn
trưởng, chiến đoàn trưởng để trao đổi tin tức, thảo luận tình hình mặt trận,
tinh thần binh sĩ rất tốt, không có ai đào ngũ, các sĩ quan thi hành quân lệnh
nghiêm chỉnh. Nửa giờ sau, Tướng Khôi kết luận buổi họp, ông cho rằng Biên Hòa
không còn là mục tiêu tấn công của CSBV, họ bỏ Biên Hòa tập trung lực lượng tấn
công Sài Gòn. Tướng Khôi bèn ban lệnh hành quân điều động các đơn vị của Lực Lượng
Xung Kích như Biệt Cách Dù, tiểu đoàn Dù, Lữ đoàn TQLC, lữ đoàn kỵ binh, các
chiến đoàn 315, 322, 318 tiến về Sài Gòn theo đường xe lửa Biên Hòa-SàiGòn và
xa lộ Đại Hàn để cứu nguy Thủ đô.
Tướng Khôi duyệt đoàn quân lần cuối, các đơn vị VNCH rời Biên
Hòa trong trật tự, trang phục chỉnh tề, tác phong nghiêm chỉnh, không hề nao
núng, giống y như những lần hành quân trước đây khi còn Đại Tướng Đỗ Cao Trí chỉ
huy xông trận trên chiến trường Campuchia. Sau đó ông lên trực thăng quan sát
thấy tình hình yên tĩnh, các cánh quân ta tiến đều đặn về hướng về Sài Gòn, những
ổ kháng cự của địch bên trục tiến quân bị đè bẹp ngay, khi ấy là 9 giờ sáng
ngày 30-4-1975. Tướng Khôi bay về hướng Gò vấp, từ trên cao nhìn xuống thấy những
đoàn quân xa chở đầy lính, những xe tăng, xe kéo pháo của CSBV như những con rắn
dài trên xa lộ Biên Hòa và trên Quốc lộ 13 bò vào Sài Gòn. Tướng Khôi đáp trực
thăng xuống trại Phù Đổng để liên lạc với BTTM, các cánh quân thiết giáp của
ông vừa đến cầu Bình Triệu gần khu nhà thờ Fatima. Khi nghe máy thu thanh phát
ra lời kêu gọi ngưng chiến đấu của Tổng thống Dương Văn Minh, ông để cho các
đơn vị tự động buông vũ khí và chấm dứt quyền chỉ huy của mình.
Lúc 10 giờ 30, TT Dương Văn Minh trên radio lệnh cho sĩ quan các
cấp hãy liên lạc với các đơn vị Cộng Hòa Miền Nam nơi gần nhất để giao nạp vũ
khí, thực hiện ngưng bắn tại chỗ trong khi ông và chính phủ đang chờ các nhà
lãnh đạo Cộng Hòa Miền Nam tới để bàn giao quyền hành tránh đổ máu vô ích. Chuẩn
Tướng Nguyễn hữu Hạnh phó Tổng tham mưu trưởng cũng kêu gọi các cấp sĩ quan
liên lạc các đơn vị CHMN nơi gần nhất để giao nạp vũ khí. Một giờ sau xe tăng
BV vào dinh Độc Lập, họ buộc ông Dương Văn Minh phải lên đài phát thanh Sài Gòn
tuyên bố đầu hàng.
Các tài liệu Mỹ (Vietnam, A History; The World Almanac Of The
Vietnam War) đều nói Bùi Tín là người đại diện CSBV vào tiếp thu dinh Độc Lập.
Nay phía CS đưa ra rất nhiều nguồn tin khác nhau về cuộc tiếp thu này, có người
nói Bùi Văn Tùng chính uỷ thiết giáp là người đã tiếp thu, có người nói Cao
Đăng Chiếm, có người nói Đại tá Nam Long…. Đối với chúng ta những nguồn tin ấy
cũng chẳng có gì đáng bàn.
Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân khu 2 sau khi nghe tin đầu
hàng bèn uống thuốc độc tự sát. Tại Căn cứ Lai Khê, Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ,
Tư lệnh Sư đoàn 5 tự sát.
Quân khu 4 vẫn còn nguyên vẹn 3 Sư đoàn bộ binh 7, 9, 21 và gần
200,000 Địa phương quân, Nghĩa quân. Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam Tư lệnh Quân
Khu 4 không cho giật sập cầu Long An như Tỉnh trưởng đề nghị.
Theo lời kể của Trung uý Lê Ngọc Danh, tùy viên của Tướng Nam
thì ông là người nhân ái, sùng đạo Phật không muốn đổ máu thêm.
“Là một tư lệnh Quân đoàn, đã nắm trong tay nhiều đơn vị trung
thành, tướng Nguyễn Khoa Nam có thể ra lệnh tiếp tục chiến đấu, nhưng là vị tướng
có lòng nhân ái, không muốn binh sĩ và đồng bào đổ máu vô ích, ông không cho
phá cầu, ông không muốn có người chết thêm”
Trích trong “Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam”, Bút ký của Trung úy
Lê Ngọc Danh.
Thiếu Tướng Lê Văn Hưng, Tư lệnh phó tự sát chiều tối 30-4, hôm
sau 1-5 Tướng Nam cũng tự sát lúc 7 giờ 30 sáng, Chuẩn tướng Trần Văn Hai Tư lệnh
Sư đoàn 7 cũng tuẫn tiết.
Ngày 30-4-1975 kết thúc cuộc chiến tranh dài nhất thế kỷ khởi đầu
từ nửa đêm 19-12-1946 khi Võ Nguyên Giáp ra lệnh tấn công quân Pháp tại Hà Nội.
Trước đây tại các nước phương Tây cũng như tại Mỹ, những cuộc biểu tình rầm rộ
chống chiến tranh, kết án chính sách xâm lược của Mỹ, đòi hòa bình cho Việt Nam
nhưng không thấy ai đòi CSVN rút quân về Bắc thực hiện đình chiến. Nay CSBV xé
bỏ Hiệp Định Paris mới ký chưa ráo mực, xua đại binh công khai xâm lược miền
Nam trước mắt quốc tế, trước mắt những nước đã ký kết và công nhận Hiệp định
Paris. Nay thì cả thế giới cứ trơ mắt ếch ra mà nhìn chẳng thấy ai nói đến công
bằng hợp tình hợp lý, như thế thì công bằng ở chỗ nào?
Mười năm sau chiến tranh, năm 1985 cựu Đại Sứ Mỹ Martin đã cho
Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng coi bức thư của Tổng thống Dương Văn Minh gửi Martin
do một sĩ quan trẻ từ Dinh Độc Lập mang qua sáng ngày 29-4-1975. Bức thư yêu cầu
cơ quan DAO rút lui trong vòng 24 giờ đồng. Ông NT Hưng cho rằng đây là một tài
liệu lịch sử, văn kiện cuối cùng của VNCH gửi Mỹ, bức thư được in lại trong cuốn
Khi Đồng Minh Tháo Chạy trang 393 như sau:
Góc bên trái đề: VNCH, Phủ TT, Số 033-TT/VT
Giữa văn thư ghi:
Mật Hỏa Tốc.
Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa
Kính Gủi Ông Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Thưa ông Đại Sứ.
Tôi trân trọng yêu cầu ông Đại Sứ vui lòng ra chỉ thị cho các
nhân viên của Cơ quan Tùy Viên Quốc Phòng DAO rời khỏi Việt nam trong vòng 24
giờ đồng hồ kể từ ngày 29-4-1975 để vấn đề hòa bình Việt Nam sớm được giải quyết.
Trân trọng kính chào ông Đại Sứ.
Sài Gòn ngày 28-4-1975
Đại Tướng Dương Văn Minh
Mật
GS Nguyễn Tiến Hưng có nói thêm:
“Bình luận về thư này Kissinger nói thẳng ra: Vì lịch trình này
trùng hợp với lịch trình rút lui của chúng tôi, nó đã thực sự giúp cho
chúng tôi tháo ra mà không bị chỉ trích là Mỹ đã bỏ rơi đồng minh của mình”
(Trang 394)
Khi Martin nhận thư của ông Dương Văn Minh, ông sai cô Eva Kim
đánh thư trả lời Tổng thống Dương Văn Minh.
“Kính Thưa Tổng Thống.
Tôi vừa nhận đượïc thư của Ngài đề ngày 28-4 yêu cầu tôi ra chỉ
thị ngay cho các nhân viên của Cơ quan Tùy Viên Quốc Phòng DAO rời khỏi Việt
Nam trong 24 giờ đồng hồ.
Tôi xin thông báo để Ngài hay là tôi đã ra chỉ thị như Ngài yêu
cầu. Tôi tin rằng Ngài sẽ ra lệnh cho quân đội của chính phủ Ngài cộng tác bằng
mọi cách để làm dễ dàng cho việc di chuyển các nhân viên DAO.
Tôi cũng hy vọng Ngài sẽ can thiệp với phía bên kia (phía Bắc Việt)
để Tùy Viên Quốc Phòng và nhân viên của ông ta được ra đi an toàn và trật tự”
Trân trọng
Graham Martin, Đại sứ Hoa Kỳ.
(Trang 394)
Cũng về giai thoại ông Dương Văn Minh yêu cầu Mỹ rời Việt Nam
trong vòng 24 giờ, cựu Đại Tá Phạm Bá Hoa có kể lại trong bài Giờ Thứ 25: theo
đó cựïu Đại Tá Nguyễn Linh Chiêu, bạn cũ của ông Dương Văn Minh đã kể lại ngày
15-11-1991 tại nhà riêng của ông Chiêu ở Orange County, ông cho biết đã có dịp
tiếp xúc với ông Dương Văn Minh tại Paris đầu năm 1991.
“Toàn bộ câu chuyện ngắn đó có đoạn cựu Đại tá Chiêu hỏi cựu Tổng
Thống Dương Văn Minh.
- Tại sao anh mới nhận chức Tổng Thống mà anh ra lệnh đuổi Mỹ về
nước?
- ‘Moa’ không đuổi Mỹ. Bản văn đuổi Mỹ là do Đại Sứ Martin (Hoa
Kỳ) đưa cho ‘Moa’ và yêu cầu ‘Moa’ phổ biến.
Phần cuối câu chuyện chỉ có thế nhưng nó cho thấy Hoa Kỳ đã an
bài chiến tranh chống Cộng của Việt Nam Cộng Hòa chúng ta đến tận cùng chi tiết.
Vì vậy mà chúng ta không ngạc nhiên khi bản văn “đuổi Mỹ” vừa phát đi trên làn
sóng đài phát thanh Sài Gòn thì từng đoàn trực thăng Hoa Kỳ thuộc Hạm Đội 7 của
họ từ ngoài khơi Thái Bình Dương ào ào vào sài Gòn, cứ như các trực thăng đó
túc trực ứng chiến trên đường bay của của Hàng Không Mẫu Hạm vậy”
Trích trong Đôi Giòng Ghi Nhớ, Hồi ký của cựu Đại Tá Phạm Bá
Hoa.
Nay dần dần nhiều bí mật quốc gia đã được tiết lộ, nhờ đó chúng
ta mới thấy tất cả chỉ là một tấn tuồng hề lịch sử, thật hết nước nói.
Ngoài ra, sau ngày 30-4-1975, ông Nguyễn Văn Thành cựu Tổng thư
ký phủ Phó Tổng thống tiết lộ khoảng hạ tuần tháng 4-1975, Ông Trần Văn Hương gặp
ông Thiệu ở dinh Độc Lập về nói cho ông Thành biết là ông Đại sứ Mỹ nhờ Đại Sứ
Anh nói với ông Thiệu hãy bàn giao chức Tổng thống cho ông Hương để ông
Hương bàn giao cho ông Dương Văn Minh. Ông Hương rất bực tức nhưng không từ chối
được.
Theo GS Nguyễn Tiến Hưng người Mỹ tin là Hà Nội mới đầu có ý
thương thuyết sau lại thôi.
“Bắc Việt đổi ý đêm 27-4.
Tại Sài Gòn theo Đại Sứ Martin, tuy là hồi tháng ba ông đã có
tin tình báo là Hà Nội đã quyết định đi tới một chiến thắng hoàn toàn quân sự ,
nhưng cả ông và Polgar không đặt nặng sự chính xác của bản tin này.Theo ông lý
do là vì cùng một lúc đó lại có thông tin từ phía đại diện của Mặt Trận Giải
Phóng bên Âu châu, một từ Stocholm (Thụy Điển) và một từ Paris, cả hai đều
cho biết rằng họ cũng muốn có một giải pháp chính trị. Ngoài ra Martin còn suy
luận như đã trình bầy ở trên, là chính Hà Nội cũng muốn một giải pháp chính
trị để kết thúc một cách êm đẹp vì họ còn muốn nhận được viện trợ của quốc tế
sau này.
Thế nhưng theo ông “Không hiểu vì một lý do nào đó, đêm ngày
27-4, Bắc Việt đã bất chợt thay đổi tín hiệu, quyết định chọn giải pháp hoàn
toàn quân sự và như vậy giải pháp chính trị đã không còn nữa” về điểm này
chính Kissinger cũng đã xác nhận trong một cuộc họp báo ngày 5 tháng 5, 1975 rằng
cho tới ngày 27-4, Hoa Kỳ vẫn có nhiều hy vọng Hà Nội không định đi tới một chiến
thắng hoàn toàn quân sự và còn muốn điều đình với ông Dương Văn Minh .
Khi Đồng Minh Tháo Chạy trang 390-391.
Người Mỹ giả bộ ngây thơ khéo lắm, với cán cân lực lượng quân sự
vào những ngày 26 và 27-4-1975 nghiêng hẳn về phía Bắc Việt, họ lại muốn thương
thuyết với ông Dương Văn Minh và trong khi VNCH chỉ còn đạn đủ đánh trong mười
mấy ngày? Khi cơm đã tới miệng rồi CS lại không chịu xơi? Lịch sử đã cho thấy
CS chỉ chịu thương thuyết khi họ đang ở thế yếu thí dụ tại Hà Nội 1945.
Từ sau ngày ký Hiệp Định Ba Lê đến tháng 10-1973 tình hình tương
đối yên tĩnh. Tháng 6-1973 Quốc hội Mỹ biểu quyết cắt ngân khoản cho tất cả các
họạt động quân sự Mỹ tại Đông Dương Việt, Miên, Lào. Tháng 10-1973 Quốc Hội ra
đạo luật hạn chế quyền Tổng Thống về chiến tranh (War Powers Act), Tổng Thống
phải tham khảo ý kiến Quốc Hội trước khi gửi quân đi tham chiến.
Đánh hơi thấy Mỹ bỏ Đông Dương, Bắc Việt bèn thay đổi đường lối
đấu tranh từ chính trị sang quân sự bạo lực. Đại Hội 21 của Bộ Chính Trị tại Hà
Nội trong tháng 10 quyết định đấu tranh quân sự, trước hết tiến đánh các đồn
bót lẻ tẻ, phát triển tuyến đường xa lộ Đông Trường Sơn.
Sau khi ký Hiệp định Paris, Hà Nội cho khởi công xây tuyến đường
xa lộ Đông Trường Sơn hay hành lang 613, song song với đường mòn Hồ Chí Minh
nhưng nằm trong địa phận Việt Nam Cộng Hòa từ Đồng Hới cho tới Lộc Ninh, đến đầu
1975 thì công trình hoàn thành dài 1,200 km. Dọc theo Đông Trường Sơn là hệ thống
dẫn dầu từ Quảng Trị qua Tây Nguyên tới Lộc Ninh.
Họ đã xử dụng 16 ngàn xe vận tải để chuyên chở binh khí, kỹ thuật,
đạn dược, lương thực chuẩn bị cho chiến trường miền Nam trong hai năm 1973 và
1974. Chiều dài toàn bộ hệ thống chiến lược Trường Sơn tới 1975 là 16,000 km gồm
5 hệ thống đường trục dài 5,500 km, 21 đường trục ngang dài 1,020 km, một đường
hệ thống dẫn dầu dài 5,000 km.
Như thế BV đã chuẩn bị cho kế hoạch đánh chiếm miền Nam bằng
quân sự từ sau Hiệp định Paris, khó có thể tin rằng họ muốn thương thuyết bằng
giải pháp chính trị như người Mỹ lầm tưởng hoặc giả vờ lầm tưởng
Do sai lầm trong kế hoạch tái phối trí lực lượng của TT Thiệu, Quân
khu 1 và 2 đã lọt vào tay CS nhanh chóng cuối tháng 3-1975, miền Nam mất khoảng
hơn 40% vũ khí đạn dược, mất 40% các đơn vị tinh nhuệ, thiện chiến, thiệt hại
khoảng trên 700 khẩu pháo, trên 800 thiết giáp, các kho đạn, tiếp liệu tại miền
Trung mất hết, một phần lớn lọt vào tay BV. Trước tình hình này, trong tháng
4-1975 miền Nam không còn một tia hy vọng tồn tại ngoại trừ sự yểm trợ của
B-52.
Hạ tuần tháng 4-1975, BV đưa nốt 3 Sư đoàn tổng trừ bị thuộc
quân đoàn 1 vào Nam nâng tổng số lên gần 20 Sư đoàn với quân số bổ sung đầy
đủ bao vây Sài Gòn chặt chẽ (Toàn bộ lực lượng BV gồm 4 quân đoàn 1, 2,
3, 4, và đoàn 232 tổng cộng 15 Sư đoàn bộ binh, 6 trung đoàn đặc công,
trên mười trung đoàn độc lập) trong khi phòng tuyến bảo vệ VNCH chỉ có
khoảng chưa tới 6 Sư đoàn với quân số thiếu hụt. Trước sự chênh lệch quá nhiều
cả về vũ khí đạn dược và quân số như vậy tại sao BV lại phải thương thuyết với
Dương Văn Minh? Theo ông Trần Văn Đôn trong hồi ký Việt Nam Nhân Chứng, Đại
Sứ Martin cho biết Hà Nội chỉ muốn nói chuyện với ông Dương Văn Minh mà thôi.
Khoảng 22, 23 – 4-1975, Cộng quân pháo kích 4 hỏa tiễn 120
ly nổ long trời vào Khánh Hội gây nhiều đám cháy lớn, đài BBC cho biết họ cảnh
cáo chính phủ Sài Gòn phải bàn giao cho một chính quyền do họ chỉ định. BV
cương quyết đòi ông Nguyễn Văn Thiệu và Trần Văn Hương phải từ chức bàn giao
cho Dương Văn Minh để đánh lạc hướng, họ không muốn chính quyền Sài Gòn trong
tay những người có lập trường cứng rắn như các ông Thiệu, Hương vì BV sẽ phải tổn
thất nhiều mới chiếm được một thành phố Sài Gòn tan nát. Với chính phủ ôn hòa
Dương Văn Minh, cường độ chiến tranh sẽ nhẹ hơn, họ sẽ dễ dàng chiến thắng,
chúng ta đã thấy từ ngày 26-4-1975, trước khi Dương Văn Minh lên làm Tổng Thống,
Cộng quân đã bắt đầu mở chiến dịch Hồ chí Minh, họ không đếm xỉa gì tới thương
thuyết.
Người Mỹ cũng vờ vĩnh giàn xếp tìm giải pháp thỏa hiệp để ru ngủ
dân Sài Gòn ngõ hầu ra đi êm thắm, họ cũng vờ nói vài câu nhân nghĩa, sự thực
có mất gì một lời nói.
Ông Trần Bình Nam đã tóm tắt một tài liệu của CIA giải mật ngày
19-2-2009, dài 243 trang (CIA and the generals: Covert Support to the military
government in South Vietnam) đăng trên báo điện tử Danchimviet.com, tuy nhiên
Trần Bình Nam cũng cho biết, các tài liệu nhất là tình báo không hoàn toàn
trung thực, chúng tôi xin trích một số đoạn dưới đây từ bài CIA Và Các Ông Tướng,
Chương 9 – Tìm Lối Đầu Hàng Và Di Tản.
Dưới đây là đoạn nói về BV quyết định dùng quân sự.
“Ngày 16-4 quân đội Bắc Việt chiếm Phan Rang…….. Tin tình báo của
CIA từ Hà Nội xác nhận tin đã biết rằng Hà Nội quyết định chiếm Sài Gòn bằng
vũ lực càng sớm càng tốt, chậm lắm là trước ngày sinh nhật của ông Hồ Chí Minh
19-6“
Nói về việc bàn giao Tổng thống 28-4 dưới đây.
“Sự nhậm chức của Minh không thay đổi gì kế hoạch của Hà Nội kết
thức chiến tranh bằng vũ lực như nguồn tin tình báo từ Hà Nội đã cho biết”
Đoạn nói về Tướng Minh cử người ra Hà Nội thương thuyết khoảng
24, 25, 26-4, về điểm này có khác với nguồn tin báo chí Sài Gòn hồi ấy (4-1975)
cho biết miền Nam (ông Minh) đề nghị cử một bộ trưởng ra Bắc nhưng bị Hà Nội
bác bỏ.
“Phe tướng Minh cũng ráo riết chuẩn bị. Minh gửi hai phụ tá sang
Paris gặp phái đoàn Bắc Việt và xin gửi một phái đoàn ra Hà Nội. Đại diện Hà Nội
trong Uỷ ban Quân sự bốn bên đề nghị phương tiện di chuyển với phái đoàn Hoa Kỳ,
và Hoa Kỳ cho một máy bay đặc biệt đưa phái đoàn của Minh ra Bắc”
Đoạn dưới đây cho thấy Mỹ sắp xếp để Sài Gòn đầu hàng, chẳng thế
mà khi ông Dương Văn Minh vừa lên làm Tổng thống, đài BBC đã nói trắng ra là để
đầu hàng.
“Ngày 18-4 Hanos G Toth, một đại tá người Hungary trong phái
đoàn quốc tế kiểm soát đình chiến gặp Polgar (CIA) và cho biết qua các cuộc nói
chuyện với phái đoàn Hà Nội ông ghi nhận rằng Hà Nội chỉ muốn tăng sức ép để
Sài Gòn sụp dần chứ không muốn có một cuộc tấn công quân sự để kềt thúc
chế độ. . . . Toth nói Hungary từng nếm mùi thất trận và tàn phá nên không muốn
thấy Sài Gòn bị tàn phá như Berlin năm 1945. Polgar hiểu đây là lời nhắn của Hà
Nội nên bên cạnh việc di tản, Polgar và đại sứ Martin lo tìm cách thuyết phục
Thiệu từ chức và thành lập một chính phủ liên hiệp gồm các thành phần thiên Cộng
để đầu hàng “
Nói chung hồ sơ giải mật trên cũng không mới lạ gì cho lắm, qua
một số đoạn trích dẫn chúng ta thấy BV giả vờ thương thuyết để làm cho chính
quyền Sài Gòn sớm tan rã. Còn phía Hoa Kỳ thì rõ ràng là họ sắp xếp đưa Dương
Văn Minh lên để đầu hàng cho được việc nhà nước. Chẳng qua Dương Văn Minh cũng
chỉ là quân cờ của Mỹ như Nguyễn Văn Thiệu mà thôi.
Kết Luận
Trong phần kết luận cuốn Những Ngày Cuối Của VNCH, cựu Tổng Tham
mưu trưởng Cao Văn Viên cho rằng cấp lãnh đạo VNCH không nhận thấy rõ sự
thay đổi chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ khi họ chuyển sang thỏa hiệp hòa hoãn
với Trung Cộng, Nga Sô. Vì vậy lãnh đạo VNCH đã không uyển chuyển thay đổi
chính sách quốc gia cho phù hợp với tình thế mà vẫn tin tưởng vào những lời hứa
hẹn xa vời của người Mỹ.
Cựu Tướng Viên cho thấy ông Thiệu sai lầm ở chỗ vẫn theo đuổi kế
hoạch quân sự cứng rắn mà theo ông nó đã lỗi thời vì Hoa Kỳ đã thay đổi chính
sách, thỏa hiệp với Cộng Sản quốc tế. Theo Tướng Viên ông Thiệu đúng ra phải uyển
chuyển thay đổi kế hoạch quốc gia có nghĩa là nên thương thuyết với BV sau khi
ký hiệp định Paris. Ông Thiệu đã sai lầm về chính trị mà cả về quân sự, như
chúng ta đều đã biết kế hoạch tái phối trí lực lượng của ông để rút bỏ Quân khu
1 và 2 đã đưa tới sụp đổ tan tành.
Ông Cao Văn Viên cho rằng sau Hiệp định Paris 27-1-1973, VNCH cần
phải uyển chuyển thay đổi kế hoạch quốc gia, như vậy con đường thương thuyết,
hòa giải của ông Dương Văn Minh được coi như phù hợp với thực trạng và tình thế
nhưng chua chát thay ông ta lại không đủ khả năng để làm chuyện ấy. Hẳn ai
cũng đều đã biết sau ngày 1-11-1963, Dương Văn Minh đã nắm quyền Quốc trưởng,
cờ đến tay mà còn chẳng phất được thì thử hỏi với tình hình bấp bênh như “trứng
đứng đầu gậy” tháng 4-1975, ông có thể làm gì hơn được?
Nhiều người cho rằng Tổng thống Nixon và phụ tá Kissinger ép buộc
VNCH ký kết hiệp định Paris đưa tới sụp đổ miền Nam, nay nhiều bí mật đã được
tiết lộ, việc cắt giảm quân viện tới xương tuỷ mới là nguyên nhân chính. Bản
tin Việt Ngữ đài VOA ngày 2-7-2007 nói cựu bộ trưởng quốc phòng Laird thời
Nixon lên tiếng cho biết VNCH thua trận vì bị Mỹ cắt viện trợ.
CSVN đã tiết lộ trong một buổi hội thảo qui mô tại Sài Gòn ngày
14-4 và 15-4-2006 (theo BBC.com) trong giai đoạn 1961-1964 CS quốc tế viện trợ
cho miền Bắc 70,295 tấn hàng quân sự, mười năm sau giai đoạn 1973-1975 viện trợ
ấy đã tăng lên 724,512 tấn, gấp hơn 10 lần.
Trong khi ấy tiền quân viện của Mỹ cho miền Nam giảm dần
- Tài khóa 1973: hai tỷ mốt (2,1 tỷ)
- Tài khóa 1974: một tỷ tư (1,4 tỷ)
- Tài khóa 1975: bẩy trăm triệu (0,7 tỷ).
Trong khi đó thì cuộc khủng hoảng dầu lửa đã làm giá săng nhớt
tăng gấp bốn. Bởi vậy mãi lực thật của ngân khoản ấy chỉ là trên dưới 350 triệu.
Khoản quân viện 350 triệu hồi 1975 còn thua kém quân viện 1963
(384 triệu) chút đỉnh. So sánh viện trợ quân sự cho miền Bắc và miền Nam ta có
thể đoán đã có sự xếp đặt ngầm của các siêu cường.
Nay người ta nhìn nhận phản chiến hay cuộc chiến tại đất nhà là
nguyên do chính đưa tới cắt giảm viện trợ bỏ Đông Dương vì nó đã thúc đẩy Quốc
hội trói tay chính phủ. Lập pháp Hoa Kỳ dựa vào lá phiếu của người dân, nay
phong trào phản chiến đã nắm được Quốc hội, chúng ta không lấy làm lạ việc lập
pháp cắt viện trợ bỏ rơi Đông Dương không thương tiếc. Người Mỹ chỉ trích Nixon
đã kéo dài chiến tranh thêm 4 năm nữa (1969-1972) làm thiệt mạng thêm hơn
20,000 quân Mỹ, thiệt hại vô ích. Nhiều người Việt quốc gia đổ trách nhiệm cho
Nixon, Kissinger làm sụp đổ miền Nam. Sự thực lên làm Tổng thống đầu năm 1969
Nixon đã hứa chấm dứt chiến tranh trong danh dự, đưa quân về nước, ông vẫn cố
níu kéo miền Nam nhưng cuộc chiến tại đất nhà lên quá cao khiến ông đành bó tay
không làm gì được.
Nhiều người tin tưởng nếu Nixon còn làm Tổng thống thì miền Nam
chưa chắc đã mất, sự thực dù ông có còn tại chức thì cũng bị Quốc hội trói tay
vì không còn ngân khoản để dùng sức mạnh của pháo đài bay B-52 trừng trị CSBV
vi phạm, và vì đạo luật mới War Powers Act (10-1973) hạn chế quyền Tổng thống về
chiến tranh. Khi BV xua quân chiếm miền Nam, ông cũng sẽ chỉ phản đối xuông cho
có hình thức chứ cũng chẳng làm gì hơn được.
Cựu Đại Tá Phạm Bá Hoa nói:
“Trong lúc trên dưới 200,000 quân của Quân đoàn IV, chưa một trận
đánh quan trọng nào, cũng chưa một vị Tư lệnh nào bỏ chạy, đã phải buông súng đầu
hàng theo lệnh của Tổng thống Dương Văn Minh!
Giờ Thứ 25.
Ông Phạm Bá Hoa tỏ vẻ tiếc vì quân khu 4 vẫn còn nguyên vẹn 3 sư
đoàn chính qui (SĐ7, SĐ9, SĐ21) và gần 200,000 Địa phương quân, Nghĩa quân mà
phải đầu hàng. Mặc dù có thể rút về Vùng 4 cầm cự thêm được một, hai tuần lễ,
nhưng ông Dương Văn Minh đã quá chán nản tuyệt vọng tuyên bố đầu hàng để tránh
đổ máu vô ích, ông không muốn có người chết thêm. Cũng có thể ông làm theo ý muốn
của người Mỹ, họ muốn Miền Nam thua nhanh gọn để ra đi êm thắm không còn ưu tư
khắc khỏai.
Trả lời một cuộc phỏng vấn ở Hải Ngoại, Dương Văn Minh nói:
“Tôi không cứu được nước nhưng tôi phải cứu dân”.
Có người kết án ông đầu hàng giặc, có người khen ông đã cứu được
Sài Gòn khỏi cơn binh đao, khói lửa nhưng dù ông Dương Văn Minh hay một nhà
lãnh đạo nào khác trong giai đoạn này cũng chỉ làm được đến thế thôi. Mặc dù
không phải chính trị gia lỗi lạc, ông cũng đã có lòng ở lại với đất nước đang
trong cơn nguy khốn để hy vọng tìm được một lối thoát cầu may.
Mấy năm trước nhân ngày kỷ niệm Quốc hận 30-4-2006 tại hải ngoại,
một nhà báo có nói Sài Gòn cuối tháng 4-1975 có nhiều thứ rác, trong đó có cả
rác chính quyền, ông Dương Văn Minh đã đi lượm cái danh chính quyền mà người ta
vứt bỏ vào đống rác. Câu nói thật chua chát nhưng cũng rất chân thực, chính quyền
vào giờ thứ 25 như một ngọn đèn cạn dầu cháy leo lét chỉ một cơn gió thoảng là
phụt tắt, người ta đã vứt nó vào đống rác nhưng ông Dương Văn Minh vẫn còn tiếc
rẻ lượm lên cái hư danh ấy.
Chiều ngày 29-4, Tướng Dương Văn Minh cử ba người sứ giả vào trại
David Tân Sơn Nhất để thương thuyết và xin phía CS đừng pháo kích thành phố
Sài Gòn, phía CS yêu cầu tân Tổng thống phải đầu hàng sớm để tránh đổ
máu.
Dương văn Minh dù không có tài nhưng ông đã tỏ ra có nhiều tình
thương và thiện chí với dân chúng Thủ đô, đã làm hết sức mình để tránh thảm cảnh
núi xương sông máu cho nhân dân. Nhiều người lên án ông là kẻ đầu hàng quân xâm
lược, dù ông Dương Văn Minh có lên thay thế ông Trần Văn Hương hay không thì miền
Nam cũng vẫn sụp đổ, cũng vẫn phải đầu hàng vì như đã nói ở trên, sau khi ông
Thiệu ra đi, đạn dược tiếp liệu của quân đội hầu như kiệt quệ, chính quyền miền
Nam y như một ngọn đèn cạn dầu chỉ cần một cơn gió thoảng là phụt tắt.
Cựu TT Nixon nói:
“Ngày 21 tháng 4, Tổng thống Thiệu từ chức hy vọng rằng người kế
vị ông có thể tránh cho Sài Gòn khỏi bị tan nát vì trận đánh cuối cùng. Một
thời gian sau Tướng Dương Văn Minh lên thay, ông Minh định thương thuyết với đối
phương, nhưng chẳng có hy vọng gì. Sài Gòn chẳng còn gì để thương thuyết. Hà Nội
thấy thắng lợi đã gần kề nên không thích thương thuyết mà chỉ muốn nuốt trọn.
Ngày 30-4 năm 1975, xe tăng của BV nghiến xích sắt trên đường phố
Sài Gòn, quân đội VNCH mất hết tinh thần . Lúc này chống cự với quân xâm lược
chỉ là vô ích”
No More Vietnams, trang 200
Sau ngày miền Nam sụp đổ, được CS phục hồi quyền công dân, ông
Dương Văn Minh đã phát biểu nhiều câu có lợi cho quân chiếm đóng, ông đã tự hại
ông, đã tự chôn vùi danh dự của mình. Khi sơn hà nguy biến ông đã có can đảm đứng
ra gánh vác việc quốc gia đại sự, sao lại không giữ khí phách đến cùng để lưu
danh muôn thuở?
Người ta thường nói cháy nhà ra mặt chuột, nước rặt mới biết cá
thối, vào Giờ thứ 25 của miền Nam, trong khi nhiều vị Tướng lãnh từ một
sao cho tới bốn sao đã lên kế hoạch “Tẩu vi thượng sách”, vẫn có những vị anh
hùng khác với lòng quả cảm và tinh thần trách nhiệm cao đã chiến đấu anh dũng,
gan dạ cho đến giờ phút cuối cùng của cuộc chiến như các Tướng Trần Quang Khôi,
Lê Minh Đảo, Lý Tòng Bá, Lê Nguyên Vỹ…
Mặc dù không thấy một tia ánh sáng cuối đường hầm, họ vẫn can đảm,
chiến đấu hết lòng cho đất nước tới giờ phút chót, nhưng tiếc thay số người
trọng danh dự như thế xem ra quá ít. Mặc dù ít, nhưng các vị này
cũng đã giúp giữ được danh dự cho Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa.
Trọng Đạt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét