Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

HỒI KÝ CỦA ĐẠI TÁ PHẠM BÁ HOA: NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG - NGÀY 21/4 ĐẾN 28/4/1975

1      2      3      4      5      6      7      8      9      10

Tổng Thống Thiệu từ chức.
Trong chính trị, không thiếu những cái khôi hài, nhưng khôi hài trong cái gọi là Hoa Kỳ vẫn tiếp tục viện trợ quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa vào cái lúc mà chính Hoa Kỳ
muốn “con bệnh Việt Nam mau được tẩn liệm”, quả là khôi hài đến rơi nước mắt!  

Đó là những ngày hạ tuần tháng 4 năm 1975, có những chuyến phi cơ vận tải C.130 và C.141 lác đác đáp phi trường Tân Sơn Nhất, mang theo một số đại bác 105 ly đã dùng rồi, một số mũ sắt không đồng bộ, nghĩa là chỉ có mũ nhựa bên trong mà không có mũ sắt bên ngoài, vài trăm túi cứu thương cá nhân,..... mà báo chí gọi là Hoa Kỳ vẫn viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa!
Thật là tội nghiệp cho chữ nghĩa! Thật ra, đó chỉ là những chuyến phi cơ đến Sài Gòn với nhiệm vụ chính là chuyên chở những tài liệu và máy móc quan trọng của Hoa Kỳ rời khỏi Việt Nam.

Trong khi Việt Nam cần ngay trước mắt 300.000.000,00 mỹ kim bổ sung nhu cầu duy trì khả năng chiến đấu, thì phái đoàn này rồi phái đoàn khác của Hoa Kỳ lần lượt đến Việt Nam gọi là cứu xét để viện trợ, nhưng dường như họ muốn đến tận xứ sở bất hạnh này để xem chương chiến tranh ý thức hệ giữa cộng sản với tự do bao giờ thì bắt đầu xếp vào quá khứ, khi họ đặt những câu hỏi chẳng thiện cảm chút nào trong lúc họ xem "trưng bày" tại võ đình trường Bộ Tổng Tham Mưu, một số vũ khí tịch thu của quân cộng sản. Mà thật ra các giới chức Việt Nam cũng thừa hiểu là họ không có ý tích cực nào trong mục đích nghiên cứu thời sự cho vấn đề viện trợ bổ sung cả, nên Bộ Tổng Tham Mưu cũng chỉ trưng bày một số vũ khí tịch thu của quân cộng sản từ những chiến trường trước chớ không phải từ chiến trường nóng hổi mới đây. Xin nói  thêm rằng, trong tài khóa 1974-1975, Hoa Kỳ viện trợ quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa 700.000.000,00  mỹ kim, và đây là lần đầu tiên họ cho biết số ngân khoản viện trợ cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đồng thời họ yêu cầu cung cấp cho họ kế hoạch nhận viện, gồm những loại quân dụng nào? Loại đạn nào? Bao nhiêu? ..v..v..  Và Tổng Cục Tiếp Vận đã cung cấp kế hoạch đó cho họ.
Sau khi Phước Long vào tay quân cộng sản, một phiên họp mật được tổ chức tại phòng họp số 2 của Bộ Tổng Tham Mưu, thường gọi là phòng họp "Tân Sinh Nông Thôn".
Tham dự, về phía Việt Nam có: (1) Trung Tướng Đồng Văn Khuyên, Tham Mưu Trưởng/Bộ Tổng Tham Mưu, kiêm Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận. (2) Chuẩn Tướng Trần Đình Thọ, Trưởng Phòng 3/Bộ Tổng Tham Mưu, với 5 sĩ quan tham mưu của Phòng 3. (3) Đại Tá Phạm Kỳ Loan, Tổng Cục Phó Tổng Cục Tiếp Vận. (4) Tôi, Đại Tá Phạm Bá Hoa, Tham Mưu Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận, và 3 sĩ quan nữa của bộ tham mưu chúng tôi.
Phía Hoa Kỳ tham dự, có: (1) Thiếu Tướng Smith, Trưởng Văn Phòng Tùy Viên Quốc Phòng Hoa Kỳ tại Việt Nam. (2) Đại Tá Pelosky, Phụ Tá Thiếu Tướng Smith về Tiếp Vận, và 2 sĩ quan tham mưu của họ.
Mục đích buổi họp là Văn phòng Tùy Viên Quốc Phòng Hoa Kỳ -chớ không phải do Bộ Tổng Tham Mưu- trình bày kế hoạch tái tổ chức Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (!) với quân số 472.000 người, và Hoa Kỳ dự trù viện trợ duy trì đội quân này mỗi năm là 600.000.000,00 mỹ kim. Họ yêu cầu Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa nghiên cứu lại các bảng cấp số của từng loại đơn vị để quân số tham gia tác chiến được 65%. Tất nhiên là buổi họp còn thảo luận nhiều chi tiết nữa.
Xin được nhấn mạnh là họ đã có kế hoạch rút chân ra khỏi Việt Nam trước một tình hình cực kỳ nguy hiểm -bằng chứng là lời của Thiếu Tướng Smith đã nói trong bữa ăn tối nhân Giáng Sinh năm 1974- mà họ lại ra cái điều vẫn quan tâm đến tương lai Việt Nam khi họ đưa ra kế hoạch tái tổ chức quân đội, nghiên cứu kế hoạch viện trợ bổ sung. Ngôn ngữ chính trị là như vậy đó! Nói vậy, nhưng không nhất thiết là như vậy đâu, mà tùy thuộc nhiều yếu tố khác nhau để hiểu loại ngôn ngữ này.
Đành rằng, những đòi hỏi cấp bách trong nội bộ Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ kết thúc sự can dự của Hoa Kỳ vào chiến tranh chống cộng sản tại Việt Nam, cho nên từ lời nói ngoại giao đến hành động cũng ngoại giao của Hoa Kỳ, chỉ là chuyện đầu môi chót lưỡi của những nhà chính trị cũng như quân sự thôi. Thủ đoạn của những nhà chính trị là điều cần thiết trong phòng thủ hay tấn công đối phương, thậm chí sử dụng ngay cả các quốc gia đồng minh nữa, nhưng thủ đoạn mà Hoa Kỳ sử dụng đối với Việt Nam Cộng Hòa chúng ta, một quốc gia mà Hoa Kỳ thừa nhận là tuyến đầu chống cộng sản quốc tế tại Đông Nam Á Châu, quả là thiếu liêm sĩ trong lãnh đạo!
Tôi nghĩ, đây là bài học lãnh đạo mà thế hệ chúng ta không bao giờ quên, bởi vì nó cay đắng quá, bi thảm quá! Và những thế hệ sau chúng ta, nên gìn giữ bài học chứa đựng quá nhiều xương máu của dân tộc trong hành trang vào đời, để nghiền ngẫm mà phục vụ nguyện vọng toàn dân dù ở bất cứ cương vị nào trong xã hội.     
Xin mời quí vị quí bạn rời khỏi cái phòng họp gần suốt buổi sáng, nơi ẩn chứa một không khí đầy dối trá trong chính trị lẫn quân sự từ một cường quốc “đồng minh”, để nhìn vào một thực tại bi thảm của chúng ta!
Với những cuộc rút lui hỗn loạn của Quân Đoàn I, Quân Đoàn II, và phần lớn của Quân Đoàn III, trong khi toàn lãnh thổ Quân Đoàn IV gồm 16 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, chưa có những trận đánh quan trọng nào, và Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư Lệnh Quân Đoàn IV, đã ra lệnh báo động cho Sư Đoàn 7 Bộ Binh, Sư Đoàn 9 Bộ Binh, Sư Đoàn 21 Bộ Binh, Sư Đoàn 4 Không Quân, cùng với Hải Quân, và các đơn vị tác chiến khác -kể cả Địa Phương Quân Nghĩa Quân- sẳn sàng chống trả các cuộc tấn công của quân cộng sản. Và cũng đến lúc này (20/4/1975), chưa thấy chỉ dấu nào về một thảm trạng rút lui hay bỏ chạy trong phạm vi Quân Đoàn IV cả. Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, vốn dĩ là mẫu người hiền hòa nhưng rất cương quyết. Ông rất quan tâm và chăm sóc đời sống của quân nhân thuộc quyền. Tư cách và uy tín của ông, hoàn toàn chinh phục được những vị Tướng Lãnh và quân nhân  thuộc quyền.
Tổ Quốc đang trong cảnh mất mát suy tàn, với vô vàn đau thương cho tất cả các tầng lớp trong xã hội, nhất là đối với những gia đình từ các tỉnh Cao Nguyên và Duyên Hải miền Trung, đã bỏ của chạy lấy người vào sống nhờ sống tạm trên phần đất mong manh còn lại này, thì tình hình chính trị nội bộ lại lung lay tận gốc rễ. Những tin đồn đoán nào là Đại Tướng Dương Văn Minh đảo chánh, Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ đảo chánh, nào là Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bị áp lực từ chức, ..v..v.. được truyền đi từ người này sang người khác, nhưng thật sự thì chẳng mấy ai biết những tin đó xuất phát từ đâu cả. Thông thường thì những loại tin như vậy cũng không phải hoàn toàn vô căn cứ, nếu nó xảy ra thì trở thành sự thật nhưng nếu nó không xảy ra thì xếp vào loại câu chuyện làm quà hoặc câu chuyện lúc trà dư tửu hậu để tỏ ra mình nắm vững thời cuộc.
Trong loạt tin đồn đoán lần này, có một tin xảy ra đúng như vậy, đó là Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, vị Tổng Thống thứ nhì của Việt Nam Cộng Hòa và là Tổng Thống thứ nhất của nền đệ nhị Cộng Hòa, tuyên bố từ chức vào tối 21 tháng 4 năm 1975, sau khi ông mạnh mẽ cáo giác Hoa Kỳ bỏ rơi đồng minh Việt Nam (!) Và ông cũng tuyên bố rằng, "Mất một Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu, quân đội còn Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, đồng bào còn một chiến sĩ Nguyễn Văn Thiệu. Tôi nguyện sẽ chiến đấu bên cạnh anh em chiến sĩ”.  Ý nói là Trung Tướng (Thiệu) sẽ tiếp tục phục vụ trong hàng ngũ quân đội. Trước đó, ngày 4/4/1975, Đại Tướng Trần Thiện Khiêm đã từ chức và bàn giao chức vụ Thủ Tướng cho Dân Biểu Nguyễn Bá Cẩn, đương nhiệm Chủ Tịch Hạ Nghị Viện.
Lúc bấy giờ có dư luận cho rằng, Đại Tướng Trần Thiện Khiêm đang được quân đội ủng hộ để trong một tình huống nào đó sẽ thay thế Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, vì quân đội đang bị Tổng Thống Thiệu đưa chính trị vào “cướp quyền” lãnh đạo của các cấp chỉ huy, và đó là lý do Tổng Thống Thiệu cách chức Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm dưới hình thức từ chức. Về phần tôi, tôi không thu thập được gì trong các cơ quan sở tại Bộ Tổng Tham Mưu về điều đồn đoán này, nhưng tôi tin là có điều gì đó tựa như “cơm không lành canh không ngọt” giữa Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu với Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm.
Xin nhắc lại. Đại Tướng Trần Thiện Khiêm lưu vong từ ngày 7 tháng 10 năm 1964, sau đó giữ chức Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Kỳ. Chuyển sang nhiệm sở tại Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) từ tháng 10 năm 1965. Đến tháng 5 năm 1968, về Việt Nam giữ chức Tổng Trưởng Nội Vụ. Đầu năm 1969, giữ chức Phó Thủ Tướng. Và đến đầu tháng 9 năm 1969, thay giáo sư Trần Văn Hương trong chức vụ Thủ Tướng. Rồi khi Thiếu Tướng Nguyễn Văn Vỹ bị cách chức Tổng Trưởng Quốc Phòng năm 1972 vì vụ Quỹ Tương Trợ và Tiết Kiệm Quân Nhân, Đại Tướng Trần Thiện Khiêm kiêm nhiệm thêm chức vụ này.
Trong những năm chiến tranh chưa đến hồi khốc liệt và được viện trợ đầy đủ, Tổng Thống, Thủ Tướng, sát cánh với quân đội và toàn dân chiến đấu chống cộng sản, nhưng khi tổ quốc thật sự lâm nguy thì hai vị lãnh đạo cao nhất nước, đã kế tiếp nhau chuyển giao chức vụ cho hai vị khác trước cơn dầu sôi lửa bỏng của đất nước nhỏ bé và bất hạnh triền miên này! Sau đó, hai vị đã âm thầm bỏ tổ quốc Việt Nam, nơi mà quí vị được sinh ra và lớn lên. Quí vị bỏ quân lực Việt Nam Cộng Hòa, một quân đội đã từng đưa quí vị lên tột đỉnh quyền uy danh vọng. Và quí vị bỏ gần 20 triệu đồng bào mà chính Họ đã từng bỏ phiếu bầu một trong hai vị vào chức vụ Tổng Thống trong hai nhiệm kỳ để lo bảo vệ đất nước, lo chăm sóc người dân. Nói chung là quí vị bỏ lại đằng sau tất cả, để rồi quí vị lặng lẽ rời khỏi Việt Nam trong đêm tối trước ngày dân tộc Việt Nam bị cộng sản độc tài cai trị! Còn gì để nói đây!
Nếu sau này quí vị có nói gì với dân tộc Viêt Nam khốn khổ này, xin quí vị đừng nói rằng quí vị từ chức chỉ vì Hoa Kỳ không còn viện trợ nên không đủ phương tiện để tiếp tục chống cộng sản nữa! Tôi nghĩ, quí vị đừng nói gì cả thì vấn đề sẽ không tệ thêm, vì quí vị là những người lãnh đạo quốc gia! 
Theo đúng Hiến Pháp, Phó Tổng Thống Trần Văn Hương đã tuyên thệ nhậm chức Tổng Thống hai ngày sau đó. Và trên làn sóng đài phát thanh Hà Nội, cộng sản nêu yêu sách và có vẻ như Hoa Kỳ đồng lỏa với họ để gây áp lực buộc tân Tổng Thống Trần Văn Hương giao chức vụ này cho nhân vật không dự liệu trong Hiến Pháp 1967. Đó là Đại Tướng Dương Văn Minh. Và điều lạ là Đại Tướng Minh sẳn sàng nhận chức Tổng Thống không hợp hiến từ tay Tổng Thống hợp hiến Trần Văn Hương.
Tân Tổng Thống Trần Văn Hương là một nhà giáo mẫu mực, liêm khiết, một nhà chính trị với tất cả nhiệt tình vì quốc gia dân tộc, và là một nhà lãnh đạo rất bình tỉnh thận trọng. Ông yêu cầu triệu tập Quốc Hội để có quyết định và ông sẽ tôn trọng quyết định đó. Điều này cho thấy Tổng Thống Trần Văn Hương không tham quyền cố vị, nhưng ông không thể tự mình chuyển giao chức vụ như vậy được, vì Hiến Pháp không dự liệu điều khoản nào cho trường hợp tương tự.

                                                *****

Tổng Thống Hương bàn giao cho Đại Tướng Minh.

Đêm 28 tháng 4 năm 1975, trong khi đường phố thủ đô đông nghẹt đồng bào bồng bế di tản về đây từ các tỉnh đã vào tay cộng sản, Quốc Hội lưỡng viện đã họp và quyết định Tổng Thống Trần Văn Hương bàn giao chức vụ này cho Đại Tướng Dương Văn Minh. Quyết định này hẳn là hợp "khẩu vị chính trị" nên các vị lãnh đạo quyền uy thi hành ngay. Hoa Kỳ cũng không có ý kiến gì khác.
Nước Pháp đã thua trận trước đối thủ Việt Minh cộng sản được đánh dấu bởi Hiệp Định Đình Chiến ký ngày 20 tháng 7 năm 1954 tại thành phố Genève, Thụy Sĩ. Sau đó đoàn cố vấn Hoa Kỳ vào Việt Nam thì quân đội Pháp triệt thoái toàn bộ khỏi Việt Nam trong những tháng đầu năm 1956. Đến đầu năm 1964, quí vị Tướng Lãnh Việt Nam có khuynh hướng thân Pháp đều bị gạt khỏi vai trò lãnh đạo quân đội từ sau cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963 thành công. Và bây giờ, trong tình thế Hoa Kỳ đang như "thua trận" trước đối thủ Việt Nam cộng sản, nước Pháp muốn đưa ảnh hưởng của họ trở lại chính trường Việt Nam với bước đầu là đảm nhiệm "vai trò con thoi" giữa  tân Tổng Thống sắp nhận chức Dương Văn Minh với cộng sản Hà Nội. Người thay mặt nước Pháp tại Việt Nam Cộng Hoà trong vai trò đi tìm một giải pháp chính trị khả dĩ hai bên có thể chấp nhận được là Ông Đại sứ Mérillon. Nhưng đến sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, mới vở lẽ rằng, nước Pháp đã bị cộng sản Hà Nội lừa, vì họ nhất quyết đánh chiếm Việt Nam Cộng Hòa chớ không nhằm mục đích tìm giải pháp gì cả. Những toan tính đầu môi của Hà Nội là loại chính sách "ngoại giao hàng tôm hàng cá" mà họ thường áp dụng trong bang giao quốc tế, ấy vậy mà nước Pháp -một trong những cường quốc Âu Châu- bị họ qua mặt dễ dàng. Đó là "một cái tát đau" mà cộng sản Việt Nam tặng Pháp quốc. Liệu có nên chia xẻ "cái đau" ấy với cường quốc Âu Châu này đã hơn 80 năm đô hộ Việt Nam mình hay không?
Chiều 28 tháng 4 năm 1975, buổi lễ giao và nhận chức Tổng Thống giữa  Giáo sư và là nhà chính trị lão thành Trần Văn Hương với Đại Tướng Dương Văn Minh, diễn ra trong không khí hỗn loạn trên đường phố thủ đô và không khí trầm lắng ngay trong Phủ Tổng Thống. Vị Tổng Thống 7 ngày Trần Văn Hương giới thiệu tân Tổng Thống Dương Văn Minh như là một người rất can đảm khi nhận chức vụ này, trong khi tân Tổng Thống Dương Văn Minh rất thận trọng chưa dám hứa là sẽ làm được gì, nhưng ông tin là ông có khả năng thương thuyết với Chánh Phủ Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam để thành lập chánh phủ liên hiệp, đem lại hòa bình cho quốc gia dân tộc. "Chánh phủ liên hiệp" được hiểu là chánh phủ quốc gia và cộng sản. Tổng Thống Dương Văn Minh không nói đến nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội, mà ông chỉ nói là sẽ thương thuyết với Mặt trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam do luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ Tịch. Tôi nghĩ, đó là cách dùng chữ của Tổng Thống Dương Văn Minh, nhưng bất cứ người dân nào cũng hiểu rằng, ông Chủ Tịch Nguyễn Hữu Thọ hay Thủ Tướng Huỳnh Tấn Phát của cái Mặt Trận đó cũng chỉ là những cái loa của cộng sản Hà Nội thôi. Cho nên Cộng Hòa Miền Nam hay Cộng Sản Miền Bắc, cũng là cộng sản.    
Cũng trong lễ bàn giao này, cựu Tổng Thống Trần Văn Hương đã nói một cách dõng dạc và rõ ràng rằng:
"Tôi xin hứa với tất cả anh em ở trong trong quân đội là ngày nào anh em còn chiến đấu, tôi luôn luôn đứng bên cạnh anh em và ngày nào, chẳng may, mà đất nước không còn thì cái nắm xương khô của tôi sẽ nằm bên cạnh đống xương của tất cả anh em chiến sĩ. Đó là cái nguyện vọng tha thiết của tôi, suốt cả đời tôi…”
Vị giáo sư mẫu mực và là nhà chính trị lão thành  Trần Văn Hương, đã giữ đúng lời nói của mình. Vì sau cùng, ông đã chết ngay trên quê hương Việt Nam giữa muôn vàn đau khổ của đồng bào dưới chế dộ cộng sản độc tài nghiệt ngã! Vị giáo sư già đó: ông Trần Văn Hương, xứng đáng được chúng ta ngã mũ cúi chào một cách trân trọng. Từ nơi hải ngoại nửa vòng trái đất xa xôi, xin gởi về một nén hương nhờ cắm trước mộ Giáo Sư Trần Văn Hương, với lời nguyện hương linh Ông siêu thoát nhẹ nhàng . . .
Về lời nói đầu tiên của tân Tổng Thống Dương Văn Minh, thì bất cứ người dân bình thường nào cũng hiểu rằng, kế hoạch hòa bình của ông nếu được cộng sản Hà Nội chấp nhận, chẳng qua là họ chấp nhận đầu hàng theo từng bước. Bước đầu là hòa giải hòa hợp và chỉ cần bước kế tiếp là toàn cõi Việt Nam trở thành cộng sản thôi. Nhưng nói đi cũng nên nghĩ lại, là biết đâu, nếu như "thời cơ" của ông đến thì ông cũng làm nên chuyện vĩ đại lắm chớ.
Nhận xét và suy nghĩ của tôi, Đại Tướng Dương Văn Minh là một nhân vật dễ tạo cảm tình với nhiều người nhiều giới, nhưng là nhân vật không thích hợp với vai trò lãnh đạo chính trị, lại càng không thích hợp với một tình thế như vậy, vì ông không phải là người tháo vát, nhanh nhẹn, và dũng lược.

*****
Di tản!

Tối 23 tháng 4 năm 1975, Đại Tá Phạm Kỳ Loan, Tổng Cục Phó Tổng Cục Tiếp Vận,  điện thoại đến nhà tôi, ông nói:
“Đại Tá Pelosky, yêu cầu các sĩ quan Tổng Cục đưa tên gia đình sang bên đó (tức Văn Phòng Tùy Viên Quốc Phòng Hoa Kỳ=DAO) để ghi vào danh sách chuyến bay, và gia đình có thể rời Việt Nam vào tối mai hoặc đêm sau đó. Sĩ quan sẽ đi sau. Vậy anh liên lạc đưa danh sách gia đình ngay trong đêm nay cho tôi hoặc đưa thẳng cho Đại Tá Pelosky cũng được”.
Tuy đã biết về lời của Tướng Smith, cùng theo dõi chặt chẻ tình hình chiến sự và tình hình chính trị quốc nội quốc ngoại, nhưng tôi vẫn cảm thấy tin này quá đột ngột, tôi đáp:
“Đây là vấn đề rất quan trọng đối với cuộc sống gia đình tôi và ảnh hưởng đến thân quyến tôi nữa, nên tôi cần thảo luận với gia đình mới quyết định được anh à. Nghĩa là tôi chưa thể  trả lời trong đêm nay, và dù sao thì tôi cũng cám ơn anh”.
Thế là từ đêm hôm sau, những gia đình của các sĩ quan trong ngành lần lượt lên phi cơ Hoa Kỳ rời Sài Gòn để đến đảo Guam tạm trú, chờ làm thủ tục và cũng là chờ người thân đến trước khi vào lục địa Hoa Kỳ định cư. Tôi xin nói thêm rằng, không phải gia đình của tất cả sĩ quan trong ngành Tiếp Vận đều ra đi, vì lệnh này không được phổ biến cho nên sĩ quan nào biết thì liên lạc với các sĩ quan trách nhiệm của Tổng Cục Tiếp Vận, các vị này giới thiệu với Đại Tá Pelosky và được ghi vào danh sách lên phi cơ rời Việt Nam  vào đêm sau đó.
Sáng 24 tháng 4 năm 1975, tôi lên văn phòng Trung Tướng Đồng Văn Khuyên, ông nói:
“Gia đình tôi không đi mặc dù danh sách đã đưa cho Đại Tá Pelosky rồi”.
“Sao vậy Trung Tướng?
“Anh nghĩ coi, gia đình tôi đâu có tiền, sang bên đó làm sao mà sống. Với lại tình hình quốc gia như thế này mà lại tính chuyện ra đi thì còn mặt mũi gì nữa!
Ngưng một lúc, ông tiếp:
“Mất nước đến nơi mà các ông cứ tranh nhau chức vụ quyền hành (ý nói đến chức vụ Tổng Thống!) Buồn quá!
“Tôi thì chưa tính gì, nhưng nếu Trung Tướng có tính đi thì nên cho gia đình đi ngay kẻo muộn, vì gia đình các anh  đơn vị trưởng và các anh Chánh Sở tại Tổng Cục Tiếp Vận mình đã đi rồi”.
“Tôi cũng chưa dứt khoát”. Lời của Trung Tướng Khuyên.
Nói thì nói vậy, nhưng đêm sau đó -25 tháng 4 năm 1975-  gia đình của Trung Tướng Đồng Văn Khuyên cũng lên đường đi Guam. Theo lời Trung Tướng Khuyên thì Thiếu Tướng Smith thúc giục ông đưa gia đình đi càng sớm càng tốt.   
Thật ra thì hành khách trên các phi cơ C130 và C141 rời phi trường Tân Sơn Nhất vào mỗi tối kể từ 24 tháng 4 năm 1975, không phải chỉ có gia đình sĩ quan mà còn có mặt của nhiều người nhiều giới trong xã hội nữa, vì bất cứ ai có bạn bè quen biết với Đại Tá Pelosky, thì họ giới thiệu hay gởi gắm không có gì khó khăn cả.
Từ ngày bắt đầu di tản với những chuyến bay đêm, thì mỗi sáng tôi đều lên văn phòng Trung Tướng Đồng Văn Khuyên, thảo luận về chiến sự và thời sự trong tính cách tâm tình hơn là ra lệnh và nhận lệnh giữa Tổng Cục Trưởng với Tham Mưu Trưởng Tổng Cục. Tấm bản đồ trên vách trái bàn giấy của ông, những ước hiệu hình dáng như cái phong bì màu đỏ tượng trưng đơn vị cộng sản bao quanh Sài Gòn, và tương tự như vậy nhưng màu xanh lá cây tượng trưng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa phòng thủ thủ đô, thì màu đỏ nhiều hơn màu xanh. Thật ra đó chưa chắc là thực lực của quân cộng sản đến như thế, bởi chúng thường ngụy tạo bằng các sóng truyền tin loại trang bị cho đại đơn vị đặt ở đâu đó, để các sóng tình báo kỹ thuật của mình ghi nhận và ghi lên bản đồ vị trí các đại đơn vị của chúng. Trong số lực lượng cộng sản do Phòng 2/Bộ Tổng Tham Mưu ghi nhận trên bản đồ, có thể một số là có thật, số khác rất có thể là chúng ngụy tạo thêm. Tôi nhận định như vậy, vì phi đoàn tình báo kỹ thuật của Phòng 7/Bộ Tổng Tham Mưu đã từng ghi nhận và phát giác sự kiện này.             
Lệnh di tản không cho phổ biến đã gây nhiều phẫn nộ ngay trong hàng sĩ quan cao cấp đang phục vụ trong Quân Trấn Sài Gòn, và nhiều vị trong số này đều cho là Bộ Tổng Tham Mưu tắc trách, hoặc có ý gì khác. Tắc trách thì chắc chắn là không, nhưng có ý gì khác hay không thì tôi không rõ, nhưng hiển nhiên là có lời nặng tiếng nhẹ đối với Tổng Cục Tiếp Vận. Chẳng hạn như Y Sĩ Đại Tá Hoàng Cơ Lân, Chỉ Huy Trưởng Trường Quân Y là trường hợp điển hình khi ông đẩy cửa thật mạnh và sừng sững trước mặt tôi:
“Tại sao Đại Tá không thông báo cho chúng tôi biết kế hoạch di tản? Như vậy là ý gì?
“Anh đừng nóng, tôi trả lời anh đây. Chúng tôi không thông báo cho bất cứ ai, vì đó là lệnh mà chúng tôi cũng chỉ là cấp thừa hành thôi. Ngoài ra, không có ý gì hết. Bây giờ xin anh cho biết là anh cần gì?
“Tôi cần đưa gia đình di tản”.
“Có gì khó đâu mà anh phải to tiếng. Mời anh sang gặp Đại Tá Tổng Cục Phó để cung cấp danh sách, và tối mai là gia đình anh đi thôi”.
Trong tuần lễ cuối cùng của tháng 4 năm 1975, trên đường về nhà dùng cơm chiều để rồi vào ngủ đêm trong Tổng Cục Tiếp Vận, tôi sử dụng đường Cách Mạng 1/11, chuyển sang đường Hiền Vương và thẳng đường Trần Quốc Toản về cư xá Bắc Hải (cũng gọi là cư xá sĩ quan Chí Hòa). Nhìn đường phố thủ đô chưa đến nỗi gọi là hỗn loạn nhưng cũng không xa ý nghĩa đó bao nhiêu. Tiếng động cơ và tiếng còi inh ỏi của các loại xe, chen lẫn trong âm thanh của những đoàn người ngược xuôi giữa khói mù thải ra từ các xe lớn nhỏ,  hòa vào bụi bậm phố phường, đã tạo nên một hình ảnh bi thảm của chiến tranh! Trong những đoàn người từ các tỉnh chạy về đây, người thì tìm nơi cư trú, kẻ tìm phương tiện chạy xa thêm nữa. Các đơn vị quân đội cũng tán loạn, dân không hẳn là dân mà lính cũng không hoàn toàn là lính. Quân phục không nghiêm chỉnh, súng đạn thì kẻ còn người mất, không biết cấp chỉ huy ở đâu mà tìm. Mặt khác, còn phải tìm thân nhân thất lạc sau cuộc di tản đầy hiểm nguy gian khổ! Trông nét thảm thương của các đồng đội, tôi mới thấy tôi còn nhiều may mắn hơn các bạn ấy. Nhưng tôi không làm được gì cả!      
Vào phi trường Tân Sơn Nhất để tìm giúp gia đình người bạn và trao bức thư vì anh ấy không vào được, tôi lại chứng kiến cảnh tượng chia tay chưa biết ngày gặp lại thật là xót xa thương cảm! Đó là những người chờ lên phi cơ mà hầu hết là phụ nữ và trẻ con. Tiếng trẻ con khóc đòi ăn, la đòi bú, những đứa khác thì chạy nhảy rất ngây thơ đến tội nghiệp! Người lớn thì kẻ ngồi người đứng, ưu tư, lo lắng, thậm chí đôi mắt đỏ hoe, và chốc chốc nhìn ra hướng cổng phi trường như mong ngóng người thân trong những giờ còn lại trên phần đất quê hương trước khi "di tản" sang Hoa Kỳ, một đất nước xa xôi đến nửa vòng trái đất!
Bên cạnh hình ảnh đau thương đó, nhiều xe du lịch đậu sát lề đường hay trên sân cỏ, và trong số đó có những chiếc xe có sẳn chìa khoá cùng với thẻ chủ quyền có kèm theo mảnh giấy của chủ nhân: "Tặng xe này cho bạn nào ngồi vào tay lái. Xin chào". Tôi đã nhìn vào một chiếc xe như vậy. Trong khi bên ngoài cổng, một dòng xe xếp hàng từ cổng phi trường dài gần đến cổng Bộ Tổng Tham Mưu. Từng gia đình tụm năm tụm bảy trên chiếc chiếu nhỏ hoặc tấm vải trắng dưới cái nắng gay gắt của Sài Gòn tháng tư, và bên cạnh là những thức ăn nước uống ngổn nga, đó là cảnh chạy trốn thảm họa cộng sản!
Xuống bến Bạch Đằng, nơi có những thương thuyền ngoại quốc lẫn thương thuyền Việt Nam sắp sửa kéo neo, cũng cái cảnh nhốn nháo, vội vã, tiếng gọi ơi ới với tiếng la tiếng khóc của trẻ con, và cả tiếng gào thét giữa người đi kẻ ở, ai ai cũng vội vã, cũng hấp tấp, sao mà bi thảm đến như vậy!
Trong thế kỷ 20 này, người dân sinh sống miền Bắc đã một lần chạy trốn thảm họa cộng sản hồi năm 1954-1955. Giờ đây -20 năm sau- lại một lần nữa, hằng chục ngàn người trong số đó cùng với nhiều chục ngàn người sinh sống miền Nam, đã và đang tìm cách chạy khỏi vòng tay cai trị của cộng sản. Nhưng lần này, họ phải chạy đến một nơi ngôn ngữ bất đồng, văn hoá khác biệt, phong tục tập quán hoàn toàn xa lạ. Nói chung là rất nhiều nỗi lo chồng chất phía trước, nhưng vấn đề cấp bách là phải chạy khỏi nơi đây rồi mọi việc sẽ bắt đầu . . .     

Tổ quốc tôi, đất nước tôi, dân tộc tôi, đến thời mạt vận rồi sao!
Sau  ngày cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và cựu Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm lên phi cơ sang Đài Bắc (Đài Loan), đến Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng một quân đội hơn 1.000.000 người, cũng lên phi cơ rời bỏ Việt Nam! Ông ra đi trong khi Chuẩn Tướng Lê Minh Đảo, Tư Lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh, đang quần thảo với khoảng 2 Sư Đoàn quân cộng sản tại Xuân Lộc và chung quanh. Với những tổn thất nặng nề nhưng quân cộng sản không hạ nỗi Sư Đoàn 18, nên chúng rời chiến trường Xuân Lộc để chuyển quân xuống tấn công căn cứ Sư Đoàn 3 Không Quân tại Biên Hòa. Các đơn vị thuộc Sư Đoàn 1 Không Quân từ Đà Nẳng, Sư Đoàn 2 Không Quân từ Plei Ku, Sư Đoàn 6 Không Quân từ Qui Nhơn và Nha Trang, tập trung về căn cứ Không Quân Biên Hòa, lại chuyển xuống Sư Đoàn 4 Không Quân ở Cần Thơ, sau khi tham gia đánh chận  lực lượng bộ binh và phòng không của địch.
Chiều 28 tháng 4 năm 1975. Từ cửa sổ văn phòng Trung Tướng Đồng Văn Khuyên, tôi đứng nhìn toàn cảnh khuôn viên Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, theo con đường chánh về phía phải là ra cổng số 1 tại giao lộ Võ Tánh nối dài với đường Cách Mạng 1/11, về phía trái là cổng số 3 ra đường Võ Di Nguy. Ngay trước tòa nhà chánh là võ đình trường rộng lớn, uy nghi, chính giữa là cột cờ cao vời vợi với lá quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ đang tung bay trong gió. Vẫn những tòa nhà 2 tầng khang trang với dáng vấp kiến trúc Châu Âu, dùng làm văn phòng cho các Tổng Cục và Phòng Sở của Bộ Tổng Tham Mưu. Vẫn những hàng cây trang điểm màu xanh, cũng là buồng phổi của căn cứ quân sự đầu não mà tôi nhìn thấy gần như liên tục hơn 12 năm qua. Vẫn những chiếc quân xa trên những con đường ngang dọc đầy bóng mát. Và vẫn thấp thoáng những quân nhân qua lại giữa các tòa nhà, nhưng tôi tưởng như mình đang trơ trọi giữa khoảng trống mênh mông của một nghĩa trang chiến tranh nào đó! Vì rằng những vị Tướng Lãnh cùng nhiều sĩ quan cao cấp của cơ quan đầu não này đã ra đi, số còn lại cũng đang nói chuyện ra đi, chẳng còn ai nói đến chuyện chiến đấu nữa! Cho đến lúc này thì hầu hết những vị đầy quyền lực của chúng tôi nơi đây, đã cao bay (trực thăng) xa chạy (ra Hạm Đội 7 Hoa Kỳ) hết rồi!
Phải chăng, đây là giờ hấp hối của Bộ Tổng Tham Mưu, cơ quan đầu não của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa?
Ôi! Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, một quân lực vì lý tưởng tự do mà chiến đấu, nhưng lại bất hạnh bởi những vị lãnh đạo quyền lực đã không thi hành trách nhiệm khi tổ quốc thật sự lâm nguy!

                                              *****
Trước giờ thứ 25.

Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, ngay trước khi tuyên bố từ chức Tổng Thống vào đêm 21 tháng 4 năm 1975, đã “cáo buộc” Hoa Kỳ phản bội đồng minh Việt Nam, bỏ rơi Việt Nam, ... và ông hy vọng sự từ chức của ông, Việt Nam Cộng Hòa sẽ được Hoa Kỳ tái viện trợ quân sự ... Qua hệ thống truyền thông công cộng trong nước cũng như trên thế giới trong những tháng đầu năm 1975, và đặc biệt là trong 2 tháng cuối cùng của cuộc chiến, họ cung cấp cho khán thính giả trên toàn thế giới -trong đó có chúng ta- hiểu rằng, Hoa Kỳ đang lật trang cuối cùng về sự can dự của họ vào cuộc chiến tranh giữa tự do với độc tài trên lãnh thổ Việt Nam, trong ý nghĩa bại trận về phía Việt Nam Cộng Hòa chúng ta. Thế mà Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lại “hy vọng” Mỹ sẽ vẫn tiếp tục viện trợ quân sự sau khi ông từ chức! Chắc chắn là Tổng Thống Thiệu thừa hiểu điều đó hơn ai hết, vì ông là Tổng Thống cho dù Tổng Thống cũng chỉ là một con người, nhưng nhất thiết con người Tổng Thống phải hơn hẳn những người khác chớ, nếu không như vậy thì hóa ra “đồng hạng” sao!
Vậy, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã vì lý do gì đó như bị một áp lực từ hậu trường chính trị chẳng hạn, nên ông đưa ra lời cáo buộc để sang tay cho vị kế nhiệm khi thấy con đường chiến đấu phía trước đầy chông gai nguy hiểm, rồi ung dung bỏ chạy và lại là chạy sớm ra ngoại quốc nữa chớ! Chẳng lẽ Tổng Thống Thiệu nói là bị Mỹ áp lực mà ông phải từ chức thì nghe không ổn, vì ông là Tổng Thống, là vị lãnh đạo quyền lực và quyền uy nhất nước! Nhưng nếu thật sự ông nghĩ hay ông tuyên bố như vậy, thì liệu trong 10 năm trên ngôi vị lãnh đạo quốc gia, có phải thật sự ông người lãnh đạo đất nước Việt Nam hay Hoa Kỳ là người lãnh đạo? Hay là ông chạy trốn trách nhiệm? Vì 10 năm trị vì với đầy đủ quyền lực và quyền uy của một Tổng Thống, chính Tổng Thống chớ không phải Hoa Kỳ đã bao lần ra lệnh cho đơn vị này, chỉ thị đơn vị kia, cổ vũ tại các quân trường, hô hào tại các diễn đàn quan trọng, đều trong nỗ lực khuyến khích thúc đẩy mọi người -nhất là quân nhân- hãy hi sinh thân mình bảo vệ tổ quốc. Vậy mà, khi tổ quốc thật sự lâm nguy thì ông quên hết các mệnh lệnh của ông, của vị Tổng Tư Lệnh Tối Cao Quân Đội mà ông đã từng dõng dạc tuyên bố, để rồi ông lặng lẽ để lại đằng sau tất cả những gì không phải của ông và gia đình ông!
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cũng từng tuyên bố rằng: “Đất nước còn thì còn tất cả, đất nước mất thì mất tất cả”. Lời của Tổng Thống rất đúng, và đúng với tất cả công dân Việt Nam Cộng Hòa, ngoại trừ ông và những vị lãnh đạo đầy quyền lực cùng những vị có quân có quyền đã bỏ chạy là không đúng.
Vì các vị có mất gì đâu dù rằng đất nước mất! Nhà ở của quí vị là các dinh thự thuộc tài sản quốc gia, xe đi của quí vị hằng ngày cũng là tài sản quốc gia, cơ sở kinh doanh của quí vị cầm chắc là không do đồng lương thật sự của quí vị tạo nên, vườn tược đất đai đồn điền cũng thế, gia đình và thân nhân cùng chạy theo quí vị, thậm chí có thân nhân của ít nhất là một trong số quí vị chạy ra ngoại quốc bằng Hàng Không Việt Nam do ngân sách quốc gia đài thọ nữa chớ!
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, trong phiên lưỡng viện Quốc Hội ngay trong cuộc tổng công kích của quân cộng sản vào dịp Tết Mậu Thân đầu năm 1968, đã tuyên bố: “Đồng bào đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn kỷ những gì cộng sản làm”. Lời của Tổng Thống hoàn toàn đúng. Vì một trong những bản chất của cộng sản là dối trá, họ chỉ có tuyên truyền chớ không có thông tin, thành ra những gì cộng sản nói đều là tuyên truyền cả, mà đã là tuyên truyền thì có gì là thật đâu. Nhưng tối 21 tháng 4 năm 1975, ngay sau khi tuyên bố từ chức Tổng Thống, Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu có nói với đồng bào với quân đội rằng “ .Mất một Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu, quân đội còn Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, đồng bào còn một chiến sĩ Nguyễn Văn Thiệu. Tôi nguyện sẽ chiến đấu kế bên anh em chiến sĩ”. Được hiểu là Trung Tướng sẽ trở về hàng ngũ quân đội chiến đấu. Nhưng mấy ngày sau đó, Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu đã bỏ chạy! Vậy, riêng trường hợp này thôi, liệu đồng bào và quân đội có nên nhìn kỷ hành động của Trung Tướng hơn là nghe Trung Tướng nói không?  
Đến vị lãnh đạo quốc gia hàng thứ hai là Đại Tướng Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm. Vị Thủ Tướng 5 năm rưỡi, đó là thời gian chỉ đứng sau thời gian của Tổng Thống Ngô Đình Diệm kiêm nhiệm. Cả hai thời gian này cộng lại là 15 năm, và hơn 5 năm còn lại lần lượt chuyền tay nhau giữa 9 vị. Nếu chia đều thì mỗi vị chỉ có mấy tháng cầm quyền chơi! Tôi nói “cầm quyền chơi” là vì chỉ có mấy tháng thì mỗi vị Thủ Tướng chỉ kịp duyệt qua công tác của các Bộ trong chánh phủ là hết thời gian rồi, đâu còn thì giờ để soạn thảo những kế hoạch, những dự án, những mục tiêu quốc gia, nói chung là sách lược quốc gia để phục vụ dân tộc. 
Đầu năm 1970, bà Trần Thiện Khiêm, trong cuộc đàm thoại hơn nửa tiếng đồng hồ, bà thuật cho tôi nghe câu chuyện thật ngắn với nội dung như sau:
“.. Trên chuyến bay Sài Gòn-Đà Lạt mà trên phi cơ chỉ có gia đình Tổng Thống Thiệu và gia đình Đại Tướng Khiêm. Tổng Thống Thiệu mời Đại Tướng Khiêm giữ chức Thủ Tướng, bà Khiêm hơi to tiếng khi hỏi lại Tổng Thống Thiệu rằng: Tổng Thống biết anh Khiêm không thích làm chính trị mà còn kêu làm Thủ Tướng, có phải là Tổng Thống muốn anh Khiêm ngồi đó để Tổng Thống làm gì thì làm không? Tổng Thống Thiệu gạt ngang: Chuyện của đàn ông, bà biết gì mà nói”.
Riêng về chuyện kể ngắn ngủi này chỉ có thế, nhưng tôi muốn lặp lại ở đây để có thêm một chứng minh về con người của Đại Tướng Trần Thiện Khiêm như tôi đã nhận định hồi năm 1964 trước khi ông cùng gia đình lưu vong. Theo lời bà Khiêm trên đây thì Đại Tướng Khiêm vẫn là con người không thích dấn thân vào chính trị, mà Thủ Tướng là chức vụ chính trị cấp quốc gia. Điều này lại nhắc tôi liên tưởng đến vụ đảo chánh ngày 19 tháng 2 năm 1965 do Thiếu Tướng Lâm Văn Phát lãnh đạo, và Trung Tá Lê Hoàng Thao chỉ huy một Trung Đoàn của Sư Đoàn 25 Bộ Binh vào chiếm Bộ Tổng Tham Mưu, ông nói với tôi là có Trung Tá Phạm Ngọc Thảo (cộng sản hồi chánh, nhưng không rõ là hồi chánh giả hay hồi chánh thiệt) từ tòa đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Kỳ -lúc đó đại sứ là Đại Tướng Trần Thiện Khiêm- về tham gia, nếu thành công thì Đại Tướng Khiêm trở về cầm quyền. Tôi rất nghi ngờ lời nói của Trung Tá Lê Hoàng Thao. Cũng có thể là tôi chủ quan chăng, nhưng tôi vẫn giữ nguyên cách nhìn của tôi như vậy.    
Với nét nhìn của tôi, Đại Tướng Trần Thiện Khiêm không phải là con người chính trị, cũng không thích dấn thân vào chính trị, nhưng lại giữ chức vụ chính trị mà là chức vụ trên nguyên tắc chỉ dưới quyền Tổng Thống thôi, cho nên hơn 5 năm trong ngôi vị Thủ Tướng, ông không có gì xuất sắc về mặt lãnh đạo với chức vụ khá nhiều quyền lực trong tay, dù rằng về phong cách và cá tính thì ông vẫn là người chinh phục được cảm tình của nhiều giới trong xã hội. Nhưng chẳng lẽ con người chính trị trong chức Thủ Tướng chỉ cần trang bị ngần đó thôi sao! Và rồi ông cũng đi ngoại quốc cùng chuyến phi cơ với Trung Tướng Thiệu, cũng là chuyện bình thường, vì ông đã bàn giao chức Thủ Tướng 3 tuần trước đó.   
Thưa quí vị quí bạn,
Xin mở ngoặc. Tháng 7 năm 2009, tôi nhận được bản sao hai thư viết tay dưới đây do người bạn trẻ Chấn Võ, từ New York gởi tặng trên e-mail. Nội dung thư viết tay được viết lại dưới đây cho dễ đọc:
Quyết định: (1) Nay đề cử cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và cựu Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm đại diện Tổng Thống VNCH (Việt Nam Cộng Hòa) đến Đài Bắc để phân ưu cùng Chánh Phủ và Nhân Dân THDQ (Trung Hoa Dân Quốc) nhân dịp Tổng Thống Tưởng Giới Thạch tạ thế. (2) Sau đó, hai vị trên được đề cử tiếp tục viếng thăm các quốc gia trên thế giới xét cần thiết trong vòng 6 tháng để làm sáng tỏ thiện chí hòa bình của VNCH, đồng thời vận động các Chánh Phủ và Nhân Dân các Quốc Gia để hỗ trợ lập trường hòa bình của Chánh Phủ và Nhân Dân ta. Chương trình thăm viếng sẽ do hai vị tùy nghi quyết định thể theo sự thuận lợi của tình hình đối với các quốc gia đó. (3) Yêu cầu Bộ Ngoại Giao chỉ thị các Tòa Đại Sứ VNCH yểm trợ cần thiết để nguyên Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và nguyên Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm cùng phái đoàn chu toàn nhiệm vụ giao phó. (4) Chi phí công tác do Bộ Ngoại Giao và Bộ Quốc Phòng đài thọ (Quyết định đến chữ thọ là hết bản văn, nhưng lại có nét chữ khác thêm vào ..)trong khuôn khổ được luật lệ ấn định. (Suy đoán 8 chữ thêm vào với nét đậm là của Tổng Thống Hương).Sài Gòn, ngày 25 tháng 4, 1975.
Dưới đây là viết lại thư viết tay của nguyên Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cho dễ đọc:
Sài Gòn, 25/4/75.
Kính trình Tổng Thống Trần Văn Hương.
 Thưa Cụ, Để thực hiện công tác Cụ giao phó, tôi kính xin Cụ chấp thuận cho những sĩ quan sau đây gọi là thành phần tối thiểu cần thiết để giúp tôi, đi theo tôi trong suốt thời gian công du: (1) Đại Tá Võ Văn Cầm. (2) Đại Tá  Nguyễn Văn Đức. (3) Đại Tá Nhan Văn Thiệt. (4) Đại Tá Trần Thanh Điền. (5) Trung Tá Tôn Thất Ái Chiêu. (6) Bác sĩ Thiếu Tá Hồ Vương Minh. (7) Đại Úy Nguyễn Phú Hải. (8) Và phục dịch viên (tên) Nghị.
Ngoài ra, cựu Thủ Tướng Đại Tướng Trần Thiện Khiêm cũng cần đem theo những sĩ quan và dân sự sau đây: (1) Trung Tá Đặng Văn Châu. (2) Thiếu Tá Đinh Sơn Thông. (3) Thiếu Tá Nguyễn Tấn Phận. (4) Và ông Đặng Vũ. Đại Tướng Trần Thiện Khiêm nhờ tôi trình Cụ chấp thuận.
Kính chào Tổng Thống. (ký tên Thiệu)

Xin nhấn mạnh. Cả hai văn kiện đều viết tay, trên cùng một mẫu giấy trên bàn viết của Tổng Thống Thiệu, trong cùng ngày 25/04/1975. Theo nội dung trong e-mail cho biết thì văn kiện quyết định của Tổng Thống Hương do Đại Tá Võ Văn Cầm viết và Tổng Thống Hương chỉ ghi thêm dòng chữ “trong khuôn khổ được luật lệ ấn định” ngay sau chữ đài thọ. Đại Tá Võ Văn Cầm là chánh văn phòng của Tổng Thống Thiệu, Anh định cư ở San Francisco (California) và đã từ trần tại đó. Văn kiện đơn xin của nguyên Tổng Thống Thiệu viết trên giấy in sẳn có tiêu đề “Nguyễn Văn Thiệu, Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa” ngay dưới quốc huy có quốc kỳ VNCH. Có thêm chữ “Cựu” viết tay ngay trước chữ “Tổng Thống ...” Có lẽ giấy in sẳn tiêu đề loại khổ nhỏ nên dưới tên “Bác sĩ Thiếu Tá Hồ Vương Minh ..” có viết tay “-2-“ tức là sang trang 2. 
Với hai văn kiện viết tay trên đây, quí vị có nhận ra hai vị nguyên Tổng Thống và nguyên Thủ Tướng muốn “chứng minh” là hai vị đi công tác ngoại quốc chớ không phải bỏ nước bỏ dân bỏ quân để chạy! Thêm nữa, theo văn kiện của Tổng Thống Hương thì phái đoàn 14 người đều do ngân sách Quốc Phòng và Ngoại Giao đài thọ, nhưng không biết quí vị có kịp lãnh phụ cấp công du hay không vì lúc ấy quân cộng sản áp sát sài Gòn rồi!     
Xin đóng ngoặc và tiếp tục đến vị lãnh đạo quân đội.
Khi Đại Tướng Cao Văn Viên rời Việt Nam, trên bàn giấy của Ông tại Bộ Tổng Tham Mưu có văn kiện do Tổng Thống Trần Văn Hương ký cho Ông giải ngũ. Điều này được hiểu là Đại Tướng Viên rời khỏi Việt Nam với tư cách một cựu Tướng Lãnh chớ không phải một Tướng Lãnh đương nhiệm chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Xin mở ngoặc. Ngày 18 tháng 5 năm 2005, tôi có dịp dùng cơm với cựu Trung Tá (?) Trịnh Bá Lộc, sĩ quan tùy viên của Đại Tướng Dương Văn Minh đến giờ phút đầu hàng, anh Lộc thuật cho tôi và các bạn tại bàn ăn cùng nghe. “Đơn xin giải ngũ của Đại Tướng Cao Văn Viên viết bằng tay, không hiểu vì sao mà đơn đó được chuyển từ văn phòng Tổng Thống Trần Văn Hương sang văn phòng Đại Tướng Dương Văn Minh để hỏi ý kiến. Và bút phê của Đại Tướng Minh: Thuận”.
Vào đầu tháng 3 năm 2006, ông Lâm Lễ Trinh (LLT)-Bộ Trưởng Nội Vụ thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm- phổ biến trên NET bài mạn đàm có thu thanh với cựu Đại Tướng Cao Văn Viên từ hạ tuần tháng 12 năm 2004. Trong đó có đoạn liên quan đến trường hợp ông rời khỏi Việt Nam mà ông cho là tôi viết không đúng. Năm 2004, cựu Đại Tướng Viên có tặng tôi quyển sách để tôi theo đó mà sửa lại,  nhưng tôi không làm theo ý của Ông vì tôi không đồng ý cách biện minh của ông. Đây là một đoạn trích nguyên văn và nguyên chữ trong bài viết của ông Lâm Lễ Trinh, liên quan đến cựu Đại Tướng Cao Văn Viên và tôi:
Ông LLT. “Nơi trang 428-429 của hồi ký “Việt Nam Nhân Chứng” (nxb Xuân Thu,1989), tướng Trần Văn Đôn viết: “Có lần ông Thiệu than phiền ông Cao Văn Viên không làm việc nhiều .. .Ông Thiệu nhờ tôi nói với Đại tướng Viên, Tổng Tham Mưu trưởng, về việc ông này cứ ở mãi Tổng Tham mưu làm việc, không chịu đi ra ngoài, ông Viên trả lời: Tôi đã xin từ chức mấy lần mà ông Thiệu không chấp nhận nên tôi cứ ở văn phòng làm việc mà thôi!”
“Mặt khác, trong quyển hồi ký “Đôi dòng ghi nhớ “ nêu trên, cựu đại tá Phạm Bá Hoa cũng có nhận xét rằng trong gần 9 năm rưỡi giữ chức Tổng Tham Mưu trưởng - chức vụ quan trọng bậc nhất trong Quân đội - anh đã nhiệt tình hoạt động 7 năm đầu nhưng hai năm sau cùng, vị “Nguyên soái” của Quân đội Miền Nam không cáng đáng hết trách nhiệm, đến văn phòng cho có lệ, tập luyện yoga và đi học lấy bằng cử nhân văn khoa ngoài giờ làm việc. Mong anh đại tướng vui lòng, nếu tiện, giải thích thái độ.
Ông CVV. “ Tôi sẵn sàng trả lời. Trước khi cuộc đàm phán tại Paris tiến đến giai đoạn kết thúc năm 1973, tình hình quân sự thêm căng thẳng. Tổng thống Thiệu, với tư cách Tổng tư lệnh Quân đội, tập trung hết quyền bính trong tay, cho đặt một hệ thống máy truyền tin tại Dinh Độc lập để liên lạc thẳng với các quân khu, điều động các đơn vị, bổ nhiệm tư lệnh vùng và ra lệnh trực tiếp hành quân. Bộ Tổng Tham Mưu lần hồi bị dồn vào vai trò tuân hành và thị chứng. Bộ Quốc phòng chỉ còn là hộp thơ giữa Tổng thống và Bộ Tổng tham mưu. Vì không có điều kiện làm việc được như trước, tôi đã năm, sáu lần vô đơn xin từ chức. Ông Thiệu yêu cầu tôi nán lại, đợi người thay thế nhưng ông không quyết định. Tôi không có quyền bỏ ra đi một cách vô trách nhiệm.
Tuy nhiên khi Tổng thống Trần Văn Hương nhường ghế cho tướng Dương Văn Minh tháng 4.1975, tôi cương quyết xin giải ngũ vì tôi không phục ông Minh từ lâu, tôi từng là nạn nhân của ông Minh. TT Hương chấp nhận đơn của tôi. Ngày 27.4.1975, tôi rời Sài Gòn trong tình trạng cựu Tướng Lãnh.
Ông LLT: Việc Tổng thống Thiệu tóm hết quyền bính trong tay, qua mặt Quốc hội và Tối cao Pháp viện, một mình quyết định bỏ Cao Nguyên và Miền Trung là điều có lợi hay hại? Trong quyển hồi ký “Đôi dòng ghi nhớ “ (1994, trang 191-215), cựu Chánh văn phòng của anh là đại tá Phạm Bá Hoa có kể lại cuộc rút quân bi thảm của tướng Phạm Văn Phú theo đường số 7 và nhắc lại hai khẩu lệnh của anh bằng điện thoại cho đương sự ngàỵ 15 và 18.3.1975 bảo gởi phi cơ vận tải C130 cho Quân đoàn 2 và chở các quân dụng đắt tiền khỏi Pleiku “mà không cho biết lý do”. Ông Hoa than phiền Tổng Cục Tiếp vận, thuộc bộ Tổng Tham mưu, không hề được thông báo về tình hình suy sụp ở Cao Nguyên. Anh nghĩ sao về lời than phiền này?
Ông CVV: Tất nhiên không có lợi. Một cá nhân không thể quyết định đơn phương vận mạng của Đất nước. Ông Phạm Bá Hoa trình bày không đúng về một số sự kiện trong quyển hồi ký mà tôi đã nhận được. Tôi có gởi cho y một bổn The Final Collapse được bổ túc để làm sáng tỏ vấn đề nhưng không thấy y nói gì. Phạm vi cuộc mạn đàm hôm nay không cho phép đi sâu vào chi tiết. Xin để dịp khác.
Hết phần trích dẫn và đóng ngoặc.
Cựu Đại Tướng Viên trả lời không đúng câu hỏi của ông Lâm Lễ Trinh riêng về phần tôi.
Thưa quí vị quí bạn,
Khi đứng trước cựu Đại Tướng Cao Văn Viên, về tình cảm riêng tư, tôi giữ đúng vị trí một “sĩ quan đàn em” như trong thời gian Đại Tướng cử tôi giữ chức chánh văn phòng, nhưng về trách nhiệm trong quân đội thì tôi nhìn vị Tổng Tham Mưu Trưởng của tôi theo cách khác. Thật sự thì năm 2003, cựu Đại Tướng Viên có nói với người bạn thân của tôi như là cách ông nhắn gởi đến tôi, theo đó Ông muốn tôi viết lại nội dung “Ông rời khỏi Việt Nam với tư cách một cựu Tướng Lãnh” chớ không như tôi đã viết là “Ông bỏ lại đằng sau tất cả để ra đi”. Tôi không đồng ý, vì nhìn sâu vào sự kiện tôi thấy đó không phải là nguyên nhân của sự thật.
Đại Tướng Viên nhận chức Tổng Tham Mưu Trưởng ngày 15 tháng 10 năm 1965, đến ngày 27 tháng 4 năm 1975 Ông rời khỏi Việt Nam. Trong hai năm sau cùng của hơn 9 năm rưỡi trong chức vụ đứng đầu quân đội, Đại Tướng tự lái trực thăng đi làm. Tôi muốn nhấn mạnh điểm này để thấy quyền lực của vị Tổng Tham Mưu Trưởng. Nhưng khi đất nước thật sự lâm nguy thì Ông xin giải ngũ, với lý do đơn giản là Ông không phục Đại Tướng Dương Văn Minh sắp sửa nhận chức Tổng Thống. Giữa trách nhiệm lãnh đạo quân đội đang chiến đấu chống quân cộng sản ngay trong sân nhà, với lý do không phục vị Tổng Thống tương lai. Một bên là quốc gia đại sự, một bên là chuyện cá nhân,  xin hỏi “bên nào là cốt lõi của lựa chọn?”
Mà nghĩ cho cùng, giả như Đại Tướng Minh có nói bóng gió xa xôi là ông sẽ ám hại Đại Tướng Viên đi nữa, tôi nghĩ, Đại Tướng Viên cũng không thể vì đó mà xin giải ngũ, bởi Ông đang là Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng của một quân đội hơn một triệu quân, mà lúc ấy quân cộng sản đang sát nách thủ đô Sài Gòn. Cái lý do đơn giản mà cựu Đại Tướng Viên trả lời ông Lâm Lễ Trinh trong đơn xin giải ngũ, thật sự không có khả năng thuyết phục được độc giả nói chung, và Người Lính Việt Nam Cộng Hòa nói riêng. 
Tôi lại nhớ đến ngày 30 tháng 4 năm 1999, trong cuộc phỏng vấn của đài phát thanh Little Saigon (Nam California) do xướng ngôn viên Việt Dũng phụ trách hôm ấy, khi hỏi cảm nghĩ về ngày 30 tháng 4 thì cựu Đại Tướng Viên trả lời, tôi không nhớ nguyên văn nhưng ý như thế này:
“Khi dự đại hội cựu quân nhân tại Dallas, Đại Tướng Viên có nói  với cử tọa rằng, quốc gia hưng vong thất phu hữu trách. Mất nước là trách nhiệm chung của mọi người mà Ông  là một trong số đó, sao lại đổ trách nhiệm cho Ông?”
Nghe xong tôi quá đổi ngạc nhiên. Ngạc nhiên, vì đâu có người dân nào có quyền hạn như Đại Tướng, cũng không có vị Tướng nào đương nhiệm trong quân đội mà có quyền hạn như Đại Tướng cả, ..v..v.. nhưng trách nhiệm sao lại chia đều như vậy! Quí vị quí bạn nghĩ sao?

1      2      3      4      5      6      7      8      9      10

1 nhận xét:

  1. Vừa mới nghe Đại Tá trên đài AB/TV là đang lo cho vấn đề Cancer bên VN. Có ai biết làm sao liên lạc với ngài hay không- Xin làm ơn cho hay với - Khẩn cấp Fev.26- 2017. Xin báo về Email tayanhoi@gmail.com Đa tạ!

    Trả lờiXóa