(Bản thảo quyển này bị mất hồi
1975 tại Sàigòn
Xuân Vũ viết lại xong tháng 12-1989 tại Hoa Kỳ)
Đường đi nắng sớm mưa chiều
Bao nhiêu lá rụng bấy nhiêu mạng người
Vào đây thì chết ở đây,
Bao giờ mộ mọc xanh cây thì về.
Ca dao Trường Sơn
- 1 -
Nghe nước chảy như gần, nhưng
đi hoài, dốc đổ đứng mà nước vẫn còn xa. Thu kêu:
- Em mệt quá!
- Tí nữa thôi mà! Cố lên!
- Đi hoài không tới.
- Thì anh đã có lần bảo em con
đường này là con đường không đến mà.
Thu ngồi khụyu xuống một hòn đá.
Lâu nay tôi hầu như quên khuấy đi rằng Thu là một người con gái và là một vũ nữ
ba-lê đẹp có tiếng ở Hà Nội. Bỏi vì nàng chưa bao giờ cười tự nhiên. Nàng có
cười chăng nữa thì đó chỉ là những cái cười chua chát.
Tôi ngồi xuống bên nàng. Nàng
nhích ra:
- Có người ta đi lấy nước ở
dưới bên kia.
- Đâu có ai đâu !
Tôi nói liều chứ không xem tới
xem lui gì hết. Tôi ôm quàng ngang vai Thu. Thu gạt. Tôi ôm ngang lưng nàng và
hôn vào gáy nàng. Trời ơi, lâu quá cái cổ ngà ngọc này chưa đón nhận những cái
hôn. Đáng ra tôi phải hôn nàng hằng giờ hằng phút kiaa. Bây giờ hôn, tôi mới
thấy lâu nay mình đã quên một việc làm hết sức tự nhiên. Thu ngả người ra.
Gương mặt nàng ngửa lên. Mấy đốm nắng rơi trên tóc trên vai nàng rung rinh tan
vỡ. Hương tóc đẫm mồ hôi của nàng mặn nồng say đắm lạ thường. Tôi áp môi tôi
lên má nàng. Làn da như rực lên vì men tình đã dậy hay vì những đốm nắng thần
kỳ. Tôi ấn môi tôi vào môi nàng. Nàng nhắm nghiền đôi mắt và đưa tay ghì đầu
tôi xuống.
- Để anh làm cho chân em hết
đau.
- Anh… anh!
Tôi bỏ nàng ra, quì xuống áp
môi vào chân nàng, chỗ đau làm cho nàng rên siết hằng ngày. Nàng gập người
xuống áp mặt vào lưng vào cổ tôi và xoa đầu tôi lia lia.
- Anh ! Anh !
- Em đã bớt đau chưa ?
- Cảm ơn anh !
Tôi đã hiểu lầm tôi lâu nay.
Lâu nay tôi tưởng tới là sợi bún thiu. Nhưng hôm nay tôi mới biết tôi là lực
sĩ. Tôi khỏe lắm. Bao nhiêu bệnh tật như đều biến đi hết. Tôi bế xốc nàng vào
một lối mòn cách xa ven suối. Tôi đặt nàng lên những lớp lá vàng sắp lớp lên
nhau như một chiếc nệm thần tiên.
- Thu!
Thu không đáp.
Những chiếc lá như trở mình xào
xạc. Những ngọn cây như rung rinh. Những rễ cây như gồng lên như những bắp
thịt. Gió ngừng bay và chim cũng không còn hót. Tất cả đều im phắc hoặc lẩn
trốn để cho không khí tuyệt vời thuộc về của chúng tôi. Hơi thở Thu thơm nồng
làm tôi choáng váng. Tôi lại hôn đôi bàn chân nhỏ nhắn và tơi tả và đầy những
vết trầy xước của nàng.
Nàng nằm im lìm, mắt mở ra trân
trối nhìn lên vòm lá xao động mà tâm hồn lại như dõi theo những chiếc hôn rứt
thịt của tôi.
Cơn khát nỗi lên mãnh liệt.
Bỗng nàng chụp tay tôi lại và kêu khẽ mấy tiếng gì rồi trở mình nằm nghiêng.
Nhưng một chiếc lá khi đã rơi
xuống thì không bao giờ nằm nghiêng được trừ khi có một chỗ tựa. Chỗ tựa của
nàng hiện giờ chỉ có thể là tôi nhưng chính tôi lại không thể để cho chiếc lá
nằm nghiêng lâu hơn.
Thu bật khóc khi nàng buông tay
tôi ra vì nàng biết không thể chống cự được hay chính nàng không muốn chống cự.
Nàng khóc to lên…
… Bây giờ nàng đã nín, Nàng
ngồi dậy vuốt tóc, bình tĩnh nói:
- Cả anh lẫn em đều có tội !
- Với ai?
- Với chính mình. Ngoài ra, em
có tội với anh ấy. Còn anh thì có tội với Phương.
Tôi biết Thu hối hận. Nhưng tôi
nói ngay:
- Anh sẽ yêu em, yêu thêm nữa !
- Không bao giờ! Đây là lần
cuối cùng!
Tôi nói:
- Không phải tôi phản bội Phương
một cách nhanh chóng. Và Thu cũng thế. Chúng ta đều có một quả tim trong quả
tim chúng ta, nhưng em ạ, từ sau cơn sốt mà anh bi giao liên “chê,” anh thay
đổi hẳn quan niệm về cuộc sống và tình yêu. Chúng ta bị làm những con vật hi
sinh cho những tham vọng. Chúng ta có thể ăn cơm rồi chết, đêm ngủ rồi không
dậy nữa, hoặc một trận bom, một mũi tên độc. Thế là xong. Anh bi quan đến cùng
cực ! Tôi tiếp – Em cũng chẳng khác gì anh đâu. Lại còn rất may rủi hơn anh
nữa. Anh chàng của em, anh xin lỗi em nghe, biết đâu ở trong rừng hai năm nay
cũng đã thay đổi quan niệm về cuộc sống và tình yêu. Em vào đến nơi thì thấy
rằng sự trèo đèo lội suốì của em là vô ích.
Tôi chưa dứt lời thì nàng khóc
to lên. Bỏ mẹ rồi. Ai bảo triết lý nhảm. Người ta đang yêu đắm đuối lại chọc
gậy vào phá khuấy !
Tôi không nói nữa. Để cho nàng
tuôn hết suốì lệ đến giọt cuối cùng tôi khẽ đỡ nàng đứng dậy.
Bất giác tôi nhìn lên ngọn cây.
Một cặp khỉ đang ngồi lắc lẻo trên cành. Chứng đưa cho nhau những miếng mồi.
Chúng vừa ăn vừa kêu chí chóe.
Bỗng một tiếng “phích.” Tôi
nhìn xuống trước mặt tôi Một quả bứa chín bị cạp dở. Tôi nhặt lấy và trao cho
Thu: “Trái chín của tình yêu đây em?”
… Con đường chập chùng rừng núi
không tên đã dìm chết bao nhiêu người có tên, nhưng khi nằm xuống thì nấm mộ lại
không tên.
Con đường mà tôi đang dẫm lên
đây chỉ là một nhánh trong nhiều ngánh của con đường chính. Có lẽ là con đường
dễ dàng nhất dành cho dân chánh nên so với các con đường khác thì nó không đáng
kể là bao.
Sự thảm khốc của nó không phải
chỉ do thiên nhiên gây ra, nghĩa là rừng thiêng nước độc mà còn do sự vô trách
nhiệm của bọn lãnh đạo Hà Nội ham nghe báo cáo hồng và thích được vỗ tay.
Bộ Tổng tư lệnh được Tổng cục
Hậu cần báo cáo là đường đi tốt lắm, trang bị quân sĩ rất đầy đủ, chiến sĩ và
cán bộ rất phấn khởi khi được đi Giải phóng Miền Nam. Một cái báo cáo đã “láo”
xa vạn dậm so với sự thật như vậy, nhưng khi “Bác” hỏi về con đường mòn “được
vinh dự ” đội “tên Bác” như thế nào? thì Đại tướng Tổng tư lệnh tô thêm ít phấn
hồng của bà Đại tướng nữa. Thành ra bác ngồi trong Phủ toàn quyền thấy cái ngày
bác vô thăm thành phố rực rỡ tên vàng như gần gang tấc !
Cái gang tấc đó của giấc mơ Hồ
Chí Minh dài bằng cả dãy Trường Sơn lót bằng xương trắng. Nhiều anh bộ đội mười
sáu, mười bảy tuổi đã không kịp từ giã gia đình, chỉ được phát cho một hộp muối
và mươi viên kí nín, dăm thìa ruốc thịt, thế là đi. Họ đâu biết con đường này
dài bao nhiêu cây số và hiểm nguy, độc chướng như thế nào. Bác bảo đi là đi.
Sau cái chết của Trung đội phó
Thưởng, đoàn của tôi vô cùng chán nản. Một cán bộ trung đội phó bị chỉ trích
quá đáng, đúng ra là bị mạt sát, nhục nhã đã tự nổ AK vào đầu.
Sáng hôm sau, vẫn như lần
trước, tôi bị đơn vị bỏ lại cùng với một đám sứt tay gãy gọng, nam có nữ có,
họa sĩ có nhạc sĩ có. Và tôi là văn sĩ. Vậy là có thể thành lập một phân hội
Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Trường Sơn.
Sốt gì sốt vậy ? Tôi vượt được
đúng ba mươi ngày thì sốt ! Và từ đó hình như cơn sốt không rời tôi nữa. Và đứa
nào cung sốt không đứa nào nguyên lành. Vô sốt rét bất thành tráng sĩ Trường
Sơn.
Bạn đã từng thấy một người con
gái đẹp ở Hà Nội – một vũ nữ ba lê – chẳng hạn. Sau một tháng leo núi và sốt
rét, bây giờ nàng thê thảm đến mức độ bạn không còn muốn nhìn nữa. Tôi với nàng
– Thu – quen nhau từ trong trường đi B. Thu là bạn của Phương người yêu tôi.
Chúng tôi yêu nhau trong trường này…
Mỗi lần nhìn thấy Thu tôi lại
nhớ Phương. Chắc có lẽ Phương bây giờ cũng như thế này.
Tôi nằm trên võng, mơ màng nghe
tiếng nói của ai mà thức dậy. Tôi tự hỏi thầm: Sao mình côn sống? Mỗi lần mở
mắt ra, thì đó là câu hỏi như kinh nhật tụng của Hồ chủ tịch mà mỗi người cán
bộ đều xài trong kháng chiến.
Sao mình còn sống? Sao mình
chưa chết?
Giá có Phương ở bên cạnh thì đỡ
biết bao, mặc dù cả hai cùng sốt, nhưng đỡ cô đơn. Bạn đã từng biết cái cô đơn
của bệnh nhân khi tỉnh giấc mà không có một ai bên cạnh hết không, hoặc có
người mà người đó coi bạn như rác, hoặc không là gì cả. Người đó là giao liên.
Họ chán cán bộ chiến sĩ đến độ là xem cán bộ chiến sĩ như cái nợ đời nợ kiếp.
Nếu một người lỡ chết tại trạm cửa họ thì họ phải nhọc sức khiêng đi bỏ xa xa
chỗ đóng quân. Tội nghiệp, họ không có sức. Họ cũng đau ốm và thiếu thốn như
chúng tôi, chỉ khác là họ biết đường đi.
Họ là người ở đồng bằng không
quen thủy thổ ở đây cũng như dân Hà Nội chứng tôi vậy.
Trong lúc tôi không còn nhờ vả
được ai nữa thì một anh giao liên đến. Anh ta còn trẻ lắm, đâu hai mươi ngoài
gì đó. Má hóp răng vêu, tay chân lòng khòng như tay chân vượn.
Anh ta đến ngồi bên võng tôi.
Tôi không hiểu sao anh ta lại hỏi :
- Đồng chí có muốn ăn cháo hay
uống nước gì không, tôi nấu dùm cho.
- Tôi khát nước quá trời !
- Mấy cữ rồi ?
- Mấy chục cữ rồi thì có !
- Cách nhật hay cách hằng nhật?
- Liên miên trời đất, không còn
biết đầu đuôi gì nữa !
- Đi ông Cụ à?
- Ừ, ông Cụ.
- Thế thì còn khước !
- Cậu ở đâu ta thế? Tôi dở
giọng Bắc ra để bắt chuyện.
- Nghi Tầm Hà Nội !
- Hồ bơi Quảng Bá à?
- Vâng! . . . Sao anh trông
quen quen là !
- Nhà cậu ở góc nào nào ?
- Thì ở ven hồ, trên đường nhựa
ngó xuống.
- Vậy gần trại sản xuất của Hội
Nhà văn ?
- Đúng đấy. Nhà em có vườn mận.
- Tôi nhớ ra rồi !
Quả thật tôi đã nhớ ra. Ở cái
vườn mận đó, một người bạn tôi đã yêu một cô gái. Vườn mận nhiều bóng mát và
trái rất sai. Hoa mận có nhụy trắng và thơm như nhụy đào. Vì cái vụ đi Nam mà
mối tình này lỡ dở. Tôi có biết người con gái đó. Nàng đẹp chất phác nhưng là
một vẻ đẹp ít thấy. Ở cái nhìn đầu tiên lòng anh nhà văn kia đã nảy nở ngay mối
tình nửa chợ nửa quê.
Người giao liên lại hỏi tôi:
- Anh cần gì em giúp cho? – Anh
giao liên không gọi tôi là đồng chí nữa.
Tôi chẳng biết cần anh ta giúp
cái gì bây giờ. Cần thì rất cần nhưng cần nhất là ăn. Ăn gì ? Cháo ! Ai nấu ?
Ai cũng được, nhưng nấu thì không có ai.
Không mấy khi ai giúp ai nấu
cháo hay nấu gì trên đường này. Hoặc hơn thế nữa, không ai giúp ai trong bất cứ
việc gì đừng oán trách chi ai. Trước đây vài trạm tôi đã cùng nằm lại với ba
thằng khác. Lúc đó một nhà quay phim cửa xưởng phim Hà Nội, lại cùng học chung
một trường ngày xưa, đã không thèm ngó mặt tôi và đã không thèm tháp tùng vào
đoàn bệnh nhân bọc hậu của tôi. Anh ta cũng ốm nằm lại nhưng đã vươn lên nổi.
Khi gặp tôi và đám đồng hành bệnh lặc lè, anh đã làm mặt lạ và không đi chung.
Anh ta giải thích như sau: “Mình bi kẹt kinh tế với mấy đứa kia !”
Mấy “đứa kia” nào tôi không
biết, nhưng dù chúng nó là mấy đứa nào di nữa anh ta vẫn phải đi với chúng tôi
để giữ tính cách tập thể của đoàn mà lúc ra đi nhà trường đã dặn dò. Anh ta nói
vậy nhưng tôi hiểu rằng anh ta sợ đi chung với đám bệnh nhân yếu hơn anh ta rồi
sẽ phải cán đán nhiều việc. Bọn tôi cũng bất cần. Sự giúp đỡ của anh ta nếu có
thì cũng chẳng đi đến đâu mà phải cầu cạnh anh ta ráp vào với mình.
Trời còn có mắt, khi chúng tôi
ngóc dậy nổi và “hành quân” một cách oai hùng thì lại gặp hắn nằm bẹp dí ở trạm
trước mặt. Hắn có vẻ hối hận. Nhưng tôi đếch cần sự hối hận đó. Mày đã thế thì
tao đáp lại mày thế. Hắn nhờ một đứa trong bọn tôi lấy dùm một lon nước ở suối
dưới dốc. Hắn không bò nổi. Tôi đã từ chố thẳng thừng. Lại còn “cấm” không
thằng nào được giúp hắn. Tôi chỉ huy có ba thằng nhưng cũng oai. Vì cái lệnh
của tôi rất nhân hòa và địa lợi, có lẽ cả thiên thời nữa nên không đứa nào
chống lại.
Hắn rất biết điều. Hắn không
nài nỉ thêm. Mãi hôm sau, tôi ân hận – đến phiên tôi ân hận, nên đã lấy dùm hắn
một guy-gô nước để ở đầu võng hắn nhưng nhất định không nấu. Tình đồng chí đến
thế cũng đã là cao rồi.
Đó sự giúp đỡ, tình đồng chí
trên con đường này đại khái nó hiện nguyên hình như thế đó.
Cho nên tôi hết sức ngạc nhiên
khi nghe lời thăm hỏi của anh giao liên. Anh ta lấy lon đi múc nước và nấu dùm
tôi. Bất cứ lúc nào người Trường Sơn cũng cần nước nóng nước sôi – để uống, để
đổ vào bi đông mang theo dọc đường.
Uống nước sống là sốt ngay. Vì
đó là uống vi trùng.
- Bây giờ có được trái mận cậu
nhỉ ! – Tôi kiếm chuyện nói xã giao.
- Ý, em sắp có mận rồi đấy anh.
- Mận gì?
- Mận nhà em.
- Sao cậu có ở đây được, bộ cậu
phơi khô à?
- Không, em giồng lấy chứ!
- Làm sao trồng được, hạt đâu
mà trồng?
Cậu giao liên cười:
- Chuyện lạ anh nhỉ, nhưng mà
có thực.
Rồi cậu ta vui miệng tiếp:
- Em đã đọc một truyện dịch của
nước ngoài rất thú vị. Như thế này: Có một anh thợ săn đi săn thú rừng. Anh
chàng bắn suốt ngày, đã hết đạn nhưng không được con thú nào. Chiều đến, sắp đi
về thì lại gặp một con nai tơ rất dạn, tưởng có thể bắt bằng tay được. Bắn thì
chắc trúng trăm phần trăm rồi, nhưng không còn viên đạn nào. Chàng ta bèn nảy
ra sáng kiến là hái một trái mận ăn rồi lấy hạt lắp vào súng thay cho đạn.
Chàng ta nhắm đầu con nai mà đưa một phát. Con nai hoảng chạy mất tiêu. Mấy năm
sau chàng ta lại đi săn. Chàng ta bất ngờ gặp một con nai trên dầu có cây mận,
thay vì có bộ sừng chà gạc như những chú nai khác…
- Hay !thỉ ! – Tôi nói.
- Trí tưởng tượng của nhà văn
thật là kinh hồn. Chỉ đọc một truyện đó thôi em cũng thấy tinh thần sảng khoái
lạ thường. Đó là một sự tưởng tượng chứ nào có chuyện gì như vậy dược, nhưng
mỗi khi nói đến chuyện thiếu nhi thì em nhớ chuyện “Cây mận trên đầu con nai”
kể trên.
- Rồi cây mận của cậu có ăn
thua gì vô đó?
- Không ăn thua nhưng nó cũng
là cây mận mọc lên trong sự bất ngờ.
Cậu giao liên đứng dậy nói:
- Để em đi vào trong chòi của
em !ấy đem ra cho anh một ít củi.
- Ừ, tốt lắm. Củi ở đây còn khó
tìm hơn củi ở Hồ Hoàn Kiếm !
- Anh nghĩ coi ngày nào cũng cả
trăm người quơ củi nấu nướng như thế này, củi nào còn được.
- Cậu tên gì thế?
- Chính. – Chính vừa đáp vừa đi
nhanh vào trạm.
Tôi nghĩ thầm. Nó là em của
nàng Thơ vườn mận. Nó đâu đã đến hai mươi. Vậy mà trông như ông cụ non. Uổng
quá, thằng bạn tôi đã đi vào rồi. Nếu nó ốm mà nằm lại đây thì anh rể và em vợ
hụt đã gặp nhau. Con đường này ngoài cái chết thảm khốc, nó còn cho nhân loại
những áng văn chương biệt ly không ai biết để viết ra. Cậu thanh niên này ít ra
cũng mang một vết thương lòng trong khi trú ẩn tại cái hốc đá này. Và một cô
gái Nghi Tầm cũng đã khóc thầm trong những đêm mưa hay trong những lần đi sang
vườn mận.
Chính trở ra tay cầm mấy que
củi chắc. Có nghĩa là không phải nhánh cây khô mà là những thân cây tươi đốn
xuống rồi chẻ ra như củi bán ở mậu dịch củi Hà Nội.
- Cậu có cả củi ấy nữa cơ à?
- Đây là “thuốc” chống sốt đấy
anh ạ?
- Thuốc gì lạ vậy?
- Không phải thuốc nhưng cũng
như thuốc vậy. Anh biết sao không?
- Sao?
- Ở đây mà cứ treo mình trên
võng ngủ hoài thì dễ sốt lắm anh ạ. Anh có kinh nghiệm thế không?
- Không! Nhưng làm sao cấm con
người ta nằm võng được ?
- Tự cấm mình tốt hơn chớ không
ai cấm. Em nghiệm ra như thế cho nên tự bắt mình khổ sai. Ở đây đâu có việc gì
làm ngoài việc chặt cây, đốn củi và chẻ ra làm củi. Vừa có lợi cho nấu nướng
vừa có lợi cho sức khỏe. Con dao của em chắc cũng rèn ở một lò với dao anh chớ
gì. Đúng là con dao của phố hàng Mã. Vậy mà em ngả nổi nhung gốc cây to bằng
đùi mình. Thì chém bao nhiêu nhát? Phồng tay. Ba ngày. Bốn ngày. Anh biết
không. Ngày nay không dứt thì ngày mai. Ngày nào cũng chém. Như vây là mồ hôi
ra. Sốt rét không nhập vào người nổi. Ấy vậy mà cũng sốt. Còn bệnh mà nằm hoài
như các anh vậy thì không bao giờ dứt cơn sốt. Sốt kéo dây thêm sốt.
Chính đã nấu sôi lon nước. Còn
bao nhiêu thanh củi thừa hắn xếp lại một bên và bảo:
- Anh nấu cháo với mớ củi này.
Đủ đấy! Anh uống một miếng nước nóng đi. Anh có chuôm kí nín không? Kí nín đảng
bác phát không cắt cữ nổi. Anh đã mờ mắt chưa ?
- Chưa. Mới vàng mắt thôi ! –
Tôi vạch mí mắt cho hắn xem. .
Chính rót nước ra cái nắp gà
mèn, nhưng tôi kêu: “Để pha tí trà.” Rồi móc gói trà trong ba lô ra, bốc một
dúm bỏ vào lon nước, đậy nắp lại. Cái lon guy-gô (hộp sữa bột Hòa Lan) thế mà
được việc lắm. Lúc sắp đi Nam tôi phải chạy tận chợ trời mua mấy cái. Tự nhiên
loại hàng chiến lược này khan di. Dân đi B càng lúc càng đông. Nhà nước không
có nhôm chỉ gò hộp sắt vừa nặng lại vừa rĩ sét cho nên chúng tôi đã trút cả lon
muối và lon kho quẹt của đảng phát cho vào hai lon guy-gô. Còn hai ba cái khác
thi để dành nấu nước, chứa nước đeo trong lưng như một cái bi đông thứ hai. Bi
đông của Trung Quốc không đủ nước cho một chặng đường núi. Nhiều người phải
chặt ống nứa chứa nước để mang theo ở những chặng dài gấp đôi chặng thường lại
không có suối. Ống nứa tươi nặng bằng năm bi đông nước đầy. Đã yếu sức lại phải
tải thêm các thứ đồ lề trên lưng cụp cả xương sống.
Trà Chính Xuân, mỗi tháng đi
Nam được mua một gói “để về tặng bà con trong Nam uống cho biết mùi xã nghĩa
thơm tho.”
Tôi dùng một que nứa cặp quanh
thân guy-gô nghiêng rót trà ra nắp gà mèn và cái bát sắt tráng men made in
Hungari đã xếu mếu, tróc sơn vì rớt nhiều lần trên đá và bị dẫm lên như chính
chủ nó vậy.
Hai con ma sốt rét ngồi uống
trà giữa rừng. Tôi ngồi trên võng, còn Chính thì ngồi trên cái rễ cây gồ ghề.
Gói trà đã khui ra từ lâu, đã
mất nhiều hơi không được nguyên hương nữa nhưng rất tuyệt trần. .Tôi uống bằng
tư tưởng hơn là bằng môi. Tôi tưởng tượng tôi đang ngồi ở phòng trà Phố Huế Hà
Nội uống nước cau khô pha trà hay trà xác ngâm nước cau khô mà tưởng tượng rằng
mình uống trà “Trảm Mã” hoặc “Vũ di Sơn” cơ, nhưng bất cứ bằng tưởng tượng hay
bằng môi thịt thì cũng không ngon bằng trà Trường Sơn này. Cái gì hiếm đều quí
.
Nước ấm chạy vào từng mạch máu
li ti. Tôi thấy ấm cả người và tỉnh cả tinh thần. Tôi hỏi:
- Còn cây mận của cậu ở đâu?
- Em trồng trong trạm.
- Hạt đâu mà trồng?
- Đó là chuyện lạ, lạ như
truyện gã thợ sắn kia.
- Cậu kể còn thiếu. – Tôi rót
trà cho Chính và nói.
- Em tên là Phẩm. Không phải
Chính, nhưng vô đây em đã đổi tên Chính,
Tôi kể tiếp chuyện cây mận trên
đầu con nai:
- Mấy năm sau gã thợ săn vô
rừng. Lần này gã bắn được nhiều thú. Khi sắp sửa ra về, gã chợt thấy một chùm
mận ngay trước mắt. Nước trong bi đông cũng cạn như bọn vượt Trường Sơn tụi này
vậy. Gã bèn leo lên hái ăn. Nhưng gã chợt nghe cây mận di chuyển. Gã nhìn xuống
đất thì thấy mặt đất cứ lùi lại phía sau. Hắn lấy làm lạ, nhưng sau khi nhìn kỹ
thì thấy một con nai đang đội cây mận mà đi… Hóa ra cái hạt mận bi nhét vào sọ
con vật nay đã trở thành cây. Gã lật đật nhảy xuống đất.
- Đâu phải ! Khúc sau này là do
anh tưởng tượng thêm ra… Chuyện em biết không ly kỳ như vậy đâu!
Tôi .cười .
Bữa trà trở nên vui vẻ và thân
mật hơn. Tôi nhường lời cho Phẩm kể về cái hạt mận của cậu ta. Phẩm nói:
- Em đang học lớp mười một thì
bị động viên. Em được đưa vô thẳng trong này. Ở trên hứa sẽ cho về Hà Nội học
tiếp sau sáu tháng phục vụ ở Trường Sơn. Em vô đến đây một hôm nằm trên võng
mằn mằn trong túi quần tìm cái gì nó cấn cấn bên đùi. À này, anh có nhớ cái hạt
na của Văn Cao không?
- Hạt Na nào của Văn Cao?
- Cái hạt na “nằm lấp dưới
chiếu không chết ai nhưng mà cấn lưng khó chịu” ấy mà!
- Không phải Văn Cao mà là Nam
Cao, trong Sống Mòn, cậu muốn nói cái hạt na đó chớ gì !
- Vâng, em nhầm Nam ra Văn, vi
hai ông ấy cùng “Cao” cả.
- Rồi hạt mận nằm dưới chiếu
đâu ?
- Không, em mò trong túi quần,
bất đồ moi ra được cái hột mận nhà em. Em nảy ra ý nghĩ đem trồng nó và em đã
trồng nó ở bên lều em trong kia kìa. Anh có rỗi, ủa anh có khỏe không, vào xem
chơi cho đỡ nhớ Hà Nội.
- Không leo lên cây được chớ!
- Làm gì. Nó mới lên cao bằng
gang tay thôi mà.
- Ừ để chốc nữa, có khỏe thì
tôi vào. Mà không sợ lộ bí mật à?
- Không! Em có cái gì cần giữ
bí mật đâu mà sợ. Nhưng dù sợ, chắc đã giữ được bí mật? Cũng như con đường này
vậy, mình đã giữ được bí mật nó hay không? Mặc dù mình đã hết sức bí mật, đổi
cả tên tuổi mọi người nhưng cả Hà Nội đều hay. Như em đây, em giấu với người
yêu em nhưng cô nàng cũng biết.
- Đã có người yêu rồi cơ đấy à?
- Có lâu rồi chứ!
- Rồi sao ?
- Đi có sáu tháng phục vụ giải
phóng Miền Nam mà đâu có lâu. Bố em định em hết lớp mười hai mới làm lễ cưới
cho chúng em.
- Sớm thế. Mới có mười tám.
- Chỉ mình em là trai trong gia
đình nên bố em sốt ruột. Chị em đã nhở một lần. Thầy em hơi bất mãn.
- Nhỡ hồi nào?
- Với anh nhà văn ở Hà Nội,
người miền Nam.
- Theo tôi biết thì mới yêu
nhau sơ sơ thôi mà.
- Sơ sơ đâu mà sơ sơ. Chị em
yêu anh ấy sâu đậm rồi. Hai bên đã hứa với nhau.
- Đi vô đây còn hứa nỗi gì ?
- Nếu biết con đường như thế
này thì chắc ảnh không hứa đâu. Anh biết đấy, đến em đây em cũng không dám hứa
gì hết với người yêu của em kia mà.
- Thế ngộ ở ngoài đó người ta
lấy chồng thì sao ?
- Em mong thế.
- Cậu bi quan vậy.
- Anh lạc quan lắm hở?
- Lạc quan chứ !
- Anh lập trường vững nhỉ !
- Không vững mà lọt vô đây được
à. Cậu cũng vững chớ thua gì tôi đâu.
Phẩm đang vui vẻ bỗng trở buồn
dàu dàu:
- Vững gì em. Em muốn về đây
chứ mà không biết làm sao !
- Hết hạn đăng ký rồi hả?
- Trên một năm rồi.
- Ủa sao ở trên không cho cậu
về ?
- Ở đây chỉ còn biết kêu nài
với mấy cái đá tai mèo và mấy cây cổ thụ kia.
- Cậu thủ trại có một mình hay
sao ?
- Chứ anh nghĩ là mấy mình ?
- Trời đất, ở như vậy chịu sao
thấu?
- Không thấu cũng phải thấu chứ
không thì ai thấu cho mình.
- Có bề gì ai tiếp cứu, giúp đỡ
cho?
- Thì cũng chỉ có hai đồng chí
Cổ Thụ và Tai Mèo ! Chứ có ai đâu khác ? Nhưng mà được cái là lúc nào cũng có
khách nằm ở đây.
- Nhưng cậu coi họ là ma quỉ
còn họ coi cậu là kẻ thù hoặc là trời con mà. Họ đâu có giúp cậu nếu cậu cần.
Hơn nữa, cậu giữ bí mật chỗ ở của cậu, họ đâu có biết cậu ở đâu
Phẩm ngồi im. Có lẽ gã chợt
nhận ra cuộc sống quái gỡ của gã ở đây.
- Em cũng không biết sao nhưng
đã hơn một năm rồi, em sống như thế đó.
- Cậu không sốt à ?
- Sốt? Không mà được à! Em coi
kí nín là một trong mấy đồng chí gần gũi nhất của em.
- Xanh hay vàng?
- Vàng là đồng chí, xanh là đại
đồng chí ! Hồi mới vô bị cữ em cho một phát ba đồng chí vàng là cúp ngay. Nhưng
sau vài cữ, nó lờn mặt, vàng bất lực, uống vô nhậm nhầy, không đi tới đâu cả.
Một hôm một anh bộ đội cho ba viên xanh. Ôi chao, em bỏ hết vào mồm, tu ngụm
nước . . .
- Ấy chết ! Xanh mà cậu đi kiểu
đó thì chết !
- Để yên em kể cho nghe. Thứ
xanh ác thiệt anh ạ. Không biết của nước xã nghĩa anh em nào vậy. Tọng vô được
một chốc thì tai em bắt đầu nghe ù ù, mắt em bắt đầu mờ và chập sau là em nghe
như lửa cháy trong người. Cả người em nghe khô lên như rơm rạ giữa đồng. Em
tuột hết quần áo nhảy xuống suối. Em ngâm mình luôn một hồi rồi lên võng, thiếp
đi hồi nào không rõ. Đến chiều tối em giựt mình thức dậy thấy mình nằm bên bờ
suối! Em mang máng nhớ ra rằng lúc mê sảng, khát nước, em đã bò ra bờ suối uống
nước.
- Thế là đồng chí sốt rét không
đến nữa hả?
- Không đến sao được.. Chì cách
vài hôm là đến thăm em.
- Thế rồi cây mận làm sao ?
- À quên ! Em đem cái hạt mận
tìm chỗ có đất phân đào xới, nhặt hết đá và nhét xuống đó. Hằng ngày em tưới
cho nó tí nước. Em bảo nó: “Mận ơi ? Hãy đến với anh!” Nó như nghe rõ lời than
của em. Một hôm khi di chuyển về em ghé mắt thấy nó nứt mọng anh ạ ! Trời ơi !
Em mừng như đẻ được đứa con. Từ đó em thấy đỡ cô đơn. Lúc nào cũng dòm cũng
ngó. Muốn cho nó vụt cao lên và có trái ngay cho em hái. Đó sự tích .cây mận
của em không ly kỳ như cây mận đầu nai nhưng chắc chắn nó mang nặng tình hơn.
Anh có muốn xem không, em dắt anh đi xem.
- Để hôm nào đã, bây giờ chân
cẳng đâu có bước nổi.
Tôi hơi tiếc. Nếu biết thằng em
vợ hụt ở đây, chắc anh bạn tôi sẽ đổ nhiều tâm sự. Đoán chừng như thế, Phẩm nói
ngay:
- Em nhận ra anh ấy chứ!
- Anh nào ?
- Anh nhà văn người yêu của chị
em !
- Trời đất, sao cậu không nói
để anh em hàn huyên với nhau.
- Em nhận ra ảnh vì sao anh
biết không. Vì ảnh mới vô đây hình thể chưa thay đôi nhiều, nên trông thấy ảnh
là em biết ngay. Còn em ở đây hơn năm rồi, hình thù không còn ra cái giống gì
nữa cho nên ảnh đâu có thể nhận ra.
Chúng tôi uống cạn guy-gô nước.
Phẩm nấu thêm. Lại uống. Như rồng. Phẩm lại nói:
- Em không muốn ảnh nhận ra em
là vì em nghĩ: Để làm gì ? Con đường này, một khi đã dẫm lên là kể như phân nửa
đã hi sinh cho Tổ quốc. Nhắc cho anh ấy một mối tình không có hi vọng gì hết
thì để làm gì ? Chỉ làm ảnh thêm bận lòng khi ‘bước chân trên đường gập ghềnh
xa” thôi.
Lại uống hết guy-gô nước thứ
hai. Tâm sự làm cạn mất ít nhiều nước suối. Chúng tôi bỗng trở thành bạn tri âm
trong một điểm tình cảm: Hà Nội và tình yêu.
Hơn một tháng qua đi hơn hai
mươi trạm, tôi chưa gặp một anh giao liên nào dễ thương và đáng tội nghiệp như
Phẩm. Chẳng hiểu bao nhiêu học sinh đã “tình ‘ nguyện” đi vào con đường này để
giải phóng Miền Nam này.
Vừa sắp sửa tiêu diệt lon nước
thứ ba thì nhạc sĩ Hoàng Việt tới. Anh ta bị sái cái bánh chè, vì lội suối trợt
ngã vào đá đâu mấy ngày trước. Anh đi trước tôi nhưng nằm lại đây vì cái bánh
chè báo cô.
Trên đường này, ngoài “đồng chí
sốt rét” thường xuyên ngự trong tim bạn, còn không biết bao nhiêu thứ bịnh khác
có thể xì ra hoặc xảy tới bất cứ lúc nào. Nhất : là các ông bà có mầm mống thấp
khớp thì càng lãnh ân huệ sớm. Gương mặt Hoàng Việt trông thảm não nhất. Anh đi
Bungari mới về. Tốt nghiệp Nhạc viện Bê la Bát tốc, vừa hoàn thành bản giao hưởng
“Quê Hương” đã được giàn nhạc giao hưởng Hà Nội trình bày ở nhà hát Thành phố
như một sự tiễn chân nhạc sĩ. Hồi đó – cách không lâu -chừng hơn một tháng-
Hoàng Việt da dẻ hồng hào, gương mặt đỏ au, hai má phính bơ sữa nước bạn về Quê
Hương chưa có thì giờ tọp lại. Tóc đã hoa râm nhưng còn điển trai lắm. Các cô
văn công đáp tới anh Bảy liền xì, xin dĩa nhựa và xin luôn chữ ký và tặng lại
anh Bảy thứ nọ thứ kia để làm kỷ niệm… mang về Nam cho chi Bảy và các cháu.
Nhưng bây giờ thì ô hô ! Một
Hoàng Việt đầu bạc như lông chó cò -Anh tự vẽ chân dung ra như thế- ống quyển
như hai cây gậy, bánh chè lung lơ như bạc đạn xe ba gác còn trái tim thì tồng
phộc như một trái dừa chuột khoét. Tuy vậy Hoàng Việt không bi sốt rét hành hạ
nặng nề như mấy đứa tôi,.
- Uống miếng trà anh Bảy! – Tôi
mời một cách thiệt tình.
Hoàng Việt quơ mấy mớ xác trà
chúng tôi vừa đổ ra trên.một mẫu ni lông đợi khi uống xong cữ trà thì đem phơi
lại để uống keo thứ hai. Hoàng Việt bỏ vào mồm nhai ngấu nghiến và vui vẻ nói:
- Chủ tịch Kim Nhựt Thành gởi
cho tụi mình bốn mươi tấn sâm ở trạm tới. Ráng bò tới đó, mỗi đứa sẽ được lãnh
một c… ủ.
- Co… hả? – Tôi chêm vào.
- Ê chú em? Đây là xứ nào vậy?
– Hoàng Việt hỏi cậu giao liên.
- Dạ, em cũng không rõ là xứ
nào ! Em không còn nhớ em tên là gì nứa là ! Chính hay Phẩm ? Không biết cái
nào là của cha mẹ đặt, cái nào là của đảng ban cho, nói gì đến địa danh, địa
hình.
- Nếu bị địch tấn công bất tử
cậu chạy ra khỏi khu vực trách nhiệm của cậu thì làm sao biết đường?.
- Không rõ ! Vì chưa xảy ra !
Hoàng Việt về lều lấy trà thêm.
Cậu giao liên có lẽ lâu lắm mới được uống trà nên thấy có trà thêm thì hăm hở
đi múc nước suối. Lần này cậu ta gom tất cả được hai bi đông và ba hộp guy-gô.
Giờ này là giờ nào ? Có lẽ
trưa. Nhưng không ai còn đồng hồ nữa. Đồng hồ đã đi theo heo gà trong buôn hết
cả từ lâu: Tôi còn một cái Movado waterproof nhưng vô tới đây hơi nước len vô
bốc làm mờ mặt kiếng và cuối cùng là chết máy.
Mặc kệ, không cần giờ giấc. Có
giao liên ngồi chủ trì uống trà thì dù lửa khói mù mịt cũng chẳng ai rầy.
Nếu người khác nấu, có một tí
khói cũng bi la ó. Và nếu giao liên bắt gặp thì bị cảnh cáo nặng nề. Do đó một
“hội viên” uống trà khác thấy cuộc họp có vẻ êm ấm lại vác xác tới.
Đó là một họa sĩ trẻ. Anh ta
vừa tốt nghiệp trung cấp kỹ thuật thì “tình nguyện” đi Nam. Đáng lẽ để cho anh
ta học thêm hơn là bắt anh ta tình nguyện. Nét bút của anh ta còn non lắm.
Không biết đưa anh ta vào Nam để làm gì ?
Anh ta rề lại chìa cái chén
Hungari:
- Cho em xin tí uống thuốc.
- Tí thôi hả ?
- Vâng. Uống xong là cắt cữ,
mai đi.
Anh ta tên Trịnh Văn Núi quê ở
Ninh Bình đã hứa hôn với một cô gái ở quê tên là Lã Thị Đôi. Núi có cho tôi.xem
ảnh hai người chụp chung trước khi anh ta vô trường đi B. Vào trường, anh cũng
đổi tên như mọi người, anh bỏ Núi, lấy tên Đôi. Đôi ! Núi Đôi. Đầy ý nghĩa, một
cái tên. Nhưng bây giờ thì núi không đôi mà chỉ toàn núi chiếc hoặc núi chập
chùng núi trùng trùng điệp điệp núi không dứt, núi cao núi thấp núi dọc núi
ngang, mở mắt là thấy núi, lội suốt ngày vẫn còn núi, ngủ trên núi, uống nước
dưới chân núi, thì ra núi chỉ thơ mộng trong thơ nhưng trên mặt đất này thì núi
là cái đồ mắc dịch, càng thấy càng căm thù, càng leo càng to tiếng văng tục.
Tôi nhìn Núi, thấy cậu ta có vẻ
thất sắc khác thường như thế nào ấy. Tôi bảo:
- Ngồi đây uống vài chén đã. Ai
bắt đóng thuế Nông nghiệp đâu mà sợ!
- Cảm ơn anh, nhưng em thấy khó
chịu quá, để em về uống thuốc đã.
Tôi ngó theo, anh chàng đi xiêu
xiêu tay vịn vào thân cây sợ ngã.
Hoàng Việt nói:
- Thanh niên gì dở hơn ông già
vậy?
Tôi nới:
- Cái sốt của nó hơi lạ anh ạ!
- Lạ thế nào mà lạ ! Thì cứ ba
chú “đòn xốc” ghim là đủ liều vi trùng vô máu rồi chớ lạ gì !
Còn mấy đội viên trong cái đoàn
què quặt cửa tôi nữa là một họa sĩ trẻ khác tên Nguyễn Văn Ngữ. Ngữ có vợ có
con. Độc đáo của anh họa sĩ này là từ bốn năm trạm trở lại đây anh ta không bao
giờ dứt cữ sốt. Hết nóng tới lạnh. Hết lạnh tới nóng. Anh ta luôn luôn trùm phủ
đầu bằng một cái khăn rằn và chụp mủ tai bèo lên, trông hì hợm như người Ả Rập.
Đội viên cuối cùng là một minh
tinh đoàn vũ trung ương tên Thu. Thu bi trặc chân. Đi núi mà lại trặc chân ! Ca
múa mà lại trặc chân ! Cái sự trặc chân quả là đại phản động. Đúng ra nó không
nên đến mà nó lại đến và lại đến cho một vũ nữ trẻ đẹp, biến nàng thành cái nợ
cho tất cả mấy thằng bệnh chúng tôi. Khiêng không xuể một cái trọng lượng như
vậy thì đã đành rồi nhưng lại cũng không thể nằm lại đây mục võng chờ cho cô
hết cái bệnh trặc chân để đi chung. Bây giờ lại thêm một ông nhạc sĩ sồn sồn
lung lơ bánh chè ráp vào thêm cho chiếc xe giải phóng Miền Nam vốn đã ọc ạch
rồi lại càng rơ thêm nữa. Nào, giải phóng Miền Nam, ta cùng quyết tiến bước.
Thế là ngũ quỷ. Một con số mà
người Việt Nam đố kỵ cũng như người Pháp sợ con số mười ba, con số xui xẻo vô
cùng.Chập sau Phẩm trở về vai mang, tay ôm.
Đây, những người “yêu nước” tha
hồ yêu nước suối!. Các bố có muốn ăn thịt nai không?
Tất cả đều dựng đứng lên:
- Đâu nào nai đâu ?
- Cậu có cạc-bin không?
- Nai gì ? Thợ săn bắn bằng hạt
mận của cậu chắc !– Mỗi đứa một câu rộ lên.
- Nai thiệt mà!
- Ở đâu?
- Người Thượng họ lóc hết thịt
rồi còn cái bộ xương. Có đi thì em dẫn cho đi. Em cũng đi nữa!
- Ở đâu mới được, cái anh này
cứ giỏi đùa !
- Em không đùa. Người Thượng họ
đi săn về ngang qua suối em gặp mà.
- Rồi sao?
- Các anh có đi thì em dắt. Em
biết hướng. Họ đi săn được, lâu lâu qua đây họ đổi cho em một ít nhưng em đâu
có gì để đổi. Họ chỉ cho em cái bộ xương họ bỏ lại sau khi đã lóc hết thịt.
- Thì mau lên. Để trì hoãn
người ta quơ hết.
- Không có ai dâu, ngoài em và
các anh ! Vậy cái vụ uống trà này đình lại nghe.
- Thì đình đứt đuôi đi rồi. Mau
lên.
Cả tháng rồi đâu có được đi chợ
Cửa Nam Chợ Hôm mua cái “hai nạng dưỡi” của cô hàng thi… ịt!
- Cái anh này, hai lạng rưỡi
thịt “nợn” quốc doanh do cô hàng mậu dịch bán nhà dzăng phải nói cho chính xác,
không được nập nờ hay biểu tượng hai mặt. Nói như mày vậy (ông nhạc sĩ lớn tuổi
hơn tôi và quen biết nhau hồi kháng chiến chống Pháp nên gọi tôi như thế từ
lâu) người ta tưởng cô mậu dịch bán cái hai “nạng dưỡi” của cô ấy cho mày, hiểu
chưa ?
Những bộ mặt thiếu chất nhờn đã
lâu nghe câu đùa của ông nhạc sĩ đầu bạc cố cười cho vui cái không khí âm u
chết tiệt.
Phẩm chạy về trạm trong lúc bọn
tôi vẫn ngồi nhâm nhi trà dão vì không có ý đinh lãng phí thêm một bình trà
mới.
Hoàng Việt nói:
- Kiểu này khó tin lắm. Nai đâu
mà bỏ vậy. Tao đã từng ăn “nai” hai lần rồi. Lần thứ nhất một thằng cũng bảo
tao cái kiểu này. Tao theo gót nó tới một vùng cỏ rậm nó trỏ vào cái dấu nai
mới nằm bỏ đi, nó bảo “nhặt cỏ” đó về mà luộc ăn cũng có mùi nai vậy! Tao quạu
thấy bà, muốn tống cho nó một bạt tai. Nó cười hề hề: Thèm thịt quá mơ ước tầm
bậy vậy thôi ! Lần thứ hai cũng thằng đó. Nó trỏ cho tao một cái đầu nai ở ven
suốì ruồi bu xanh lè và bảo: Nếu mình đến sớm ba ngày có lẽ cái đầu nai này còn
làm được một nồi hầm vĩ đại. Đó là hai lần ăn thịt nai của tao. Và lần này nữa,
không biết nai ra sao.
Giao liên Phẩm trở ra với dao
găm giắt lưng và khẩu cạc bin trên vai. Không biết ai cho tin, nhưng khi chúng
tôi vừa “hành quân” diệt xương nai thì có cả chục vị dân quân chánh đảng đuổi
theo với khí thế hậm hực sát địch.
Phẩm chạy quanh chạy quẹo khi
bỏ đường mòn băng càn bụi rậm khi lướt trên đường mòn. Đến vùng được lngườl
Thượng chỉ định, Phẩm dừng lại tìm kiếm hồi lâu thì thấy cái xác con nai nằm
lút trong một bãi cỏ cao.
Phẩm vừa chạy tới thì nhiều
người lướt qua mặt Phẩm lao vào cái bộ xương đỏ loét của con thú ! Họ róc lấy
những mảng thịt lớn, còn giò, cổ, da thì bỏ lại cùng với cái bọng gồm hai bẹ
sườn và bộ đồ lòng bên trong.
Cốp cốp cạch cạch. Kẻ chặt
người lóc, người lại dùng tay bẻ lọi, dao chen tay, tay đan với dao. Ai ai cũng
cố chộp cho được cái của trời càng nhiều càng tốt. Cuộc giành giật ban đầu đã
xảy ra hăng hái cao độ và dần dần đi đến lấn lướt, người này hất người kia văng
ra, người kia chen người nọ không cho chen vào. Bộ xương của con vật bỗng chốc
trở nên bé nhỏ đối với các cái bao tử lép.
Hì hục, mải miết, ì ạch, quyết
liệt – bỗng một tiếng kêu lên:
- Ối giời ơi, đất ơi ! Nó chém
đứt tay tôi rồi.
- Mặc mẹ mày quân tham ăn !
Không ai tỏ vẻ thương xót người
vừa thốt ra tiếng kêu bi thương kia. Quả thật có người bị chém đứt tay. Nhưng
vẫn không lùi bước, anh “thương binh” chỉ ném con dao ra phía sau giơ cái tay
bị thương lên như để cho nó được ra ngoài vòng chiến, còn tay kia thì xòe ra
bịt chỗ cục xương mông gần cái đuôi nai mà anh ta chặt tự nãy giờ chưa lìa, mà
miệng thì la bài hải:
- Ê cục này cửa tôi nghe… Của
tôi nghe !
Nhưng những nhát dao cứ phầm
phập bổ bén cái bàn tay đang xòe ra cố giữ phần, làm anh ta kêu lên liên tục:
- Chặt xa ra! Trúng tay tôi…
trúng tay tôi!
Nhưng người người đang say mê
chém lia lịa đâu có kể gì khác ngoài miếng thịt. Sau cùng anh ta bị lấn văng
ra. Anh ta cố bươn vô tranh lấy cái mông nhưng bất ngờ bị một chàng nắm áo lôi
tuột anh ta ra. Anh ta thụi cho chàng kia một quả. Chàng kia bi đối xử kém tình
quốc tế vô sản bèn đáp lời sông núi cho đồng chí “thương binh” một phát vào
giữa trán. Vị thương binh đã mang vết thương chưa kịp băng bó, lại ăn một đấm
thiên lôi ngã ngửa ra, bên chộp lấy con dao lồm cồm ngồi dậy chực đâm một phát
trí mạng vào kẻ thù. Nhưng cũng may, anh giao liên quát như sấm: “Chết ! Đánh
nhau thế hả ? ” Tiếng quát có tác dụng cảnh tỉnh cả hai thằng đồng chí đang
tranh nhau một cục xương mông và cũng có tác đụng làm cho các người khác càng
hùng hục chiếm đoạt. Tôi và Hoàng Việt, hai đứa cũng đã xâu vô được tận bộ
xương, chém được vài nhát nhưng chẳng nạy được tí thịt xương nào thì bi lấn
văng ra, không chen vào được nữa. Cả hai đành đứng ngó.
Một anh rứt được một khúc xương
mông dài có đến năm bảy mắc xương sống còn nung núc những thịt đỏ loét ngon
lành đi ngang qua mặt hai đứa tôi. Tôi bạo dạn hỏi:
- Chia cho tí đi ta.
Hoàng Việt tiếp:
- Cái đuôi còn lông không hè,
đồng chí giao tôi làm dùm cho, mình chia hai.
Thằng đồng chí vô sản cùng lý
tướng giải phóng Miền Nam và giải phóng toàn nhân loại như Ostrowski tác giả
“Thép đã tôi thế ấy” nhắn nhủ – đã lạnh lùng quay mặt lại hất hàm:
- Còn bộ da đó. Có nhiều thịt
lắm đem về… thuộc mà làm thắt lưng!
Mỗi người mỗi cục chiến lợi
phẩm, kẻ vác cái giò trước, người xách giò sau, người một mảng bẹ sườn, kẻ lại
rinh cả cái thủ cấp có cặp sừng chà gạc. Và đây là phần to lớn nhất mà một
người có thể giật được từ bộ xương con vật.
Một người năn nỉ:
- Có đổi cho tôi cặp sừng lấy
một bộ đồ lụa không?
- Bậy, bố non ! Tôi sẽ nấu cao
ngay tối nay đấy.
Nhiều người được tin trễ tuy
xách dao chạy tới ngỡ ngàng khi thấy trận địa đã được dọn dẹp sạch sẽ không còn
lại gì ngoài cái đống da và những mớ bầy nhầy. Cả cái bao tử cũng bị chiếm lãnh
mất hồi nào.
Tôi và Hoàng Việt lẳng lặng trở
về. Đói vẫn hoàn đói. Lại có phần khát hơn lúc chưa đi. Thành thử ra phí cả mấy
lon trà giải khát.
Phẩm cũng không được tí thịt da
gì. Nó chỉ đứng ra làm trọng tài bất đắc chí:
- Tôi không chú ý đến vấn đề
đó! Tôi dẫn các bố đi để các bố kiếm ăn.
Không biết Phẩm nói thật lòng
hay vì không thể chen chúc vô đám bắt hôi quá nhiệt tình nên đành nói túng để
lướt qua sự bất lực của mình. Trên đường về, Phẩm dắt ông “kỹ sư linh hồn,”,
nhà “nghệ sĩ âm thanh” và ông “đạo diễn màu sắc” đi vào phía sau lưng lều của
anh ta. Có lẽ với ý định cho tôi xem cây mận của Nghi Tàm.
—>Chương 2
- 2 -
Phẩm có một mái lều cố định hẳn
hoi, lợp bằng ni-lông xanh nước biển, đứng co ro dưới một tàng cây to chắc chắn
máy bay không tìm thấy.
Cái lều này giăng cố định chứ
không hạ xuống hằng ngay như lều chúng tôi.
Phẩm không phải làm như chúng
tôi, tức là sáng cuốn đi chiều mắc lại, trưa chỉ được giăng võng nằm dưới nắng
hoặc trong vũng bóng mát luôn luôn di động theo góc độ mặt trời, ban ngày chỉ
được giăng khi trời mưa to.
Lều của Phẩm có vẻ một cái nhà
của kẻ “ăn lều” ở kiếp, không giống như bọn khách đi đường ăn xổi ở thì. Nó có
nền đất vun cao, có đường mương chung quanh nền. Từ sợi dây căng lều đến cọc
treo trên võng, nơi mắc ba-lô, thứ gì cũng tươm tất.
Phẩm có bếp với giàn củi sấy
trên giàn bếp. Cái bếp của Phẩm xây theo lò Hoàng Cầm hồi kháng chiến chống
Tây. Đào một lỗ tròn và một ống khói ngầm để dẫn khói thoát đi và tan trong
lòng đất. Đặc biệt Phẩm có một cái soong con có thể nấu được cho ba người ăn,
không biết Phẩm tìm ở đâu ra cái vật quý giá đó.
Trong lều có một hòn đá mặt
phẳng vuông vắn để mỗi lần ngủ thức dậy bước xuống ngay đó đề phòng rắn chàm
oạp. Chàm oạp ở đây khá đông. Chúng lẩn lút dưới lá khô. Mỗi một phát chàm oạp
tặng cho đồng chí Trường Son thì có giá trị một cái vé tàu suốt qua bên kia thế
giới Mác.
- Mận đâu? Mận Nghi Tàm đâu?
- Đây này! – Phẩm chỉ vào một
khoảng trống giữa hai gốc cây to.
Sau một cuộc chạy đua việt dã
mà kết quả là vác dao đi lại vác dao về, sức lực tiêu tan, hai đầu gối rã rời,
tôi ngồi xuống một rễ cây gần đó và đưa mắt ngó cây mận thần thoại còn Hoàng
Việt thì phát cáu, đòi trở về nằm nghỉ:
- Đường ra đâu?
- Anh cứ đi theo con đường mòn
này đến ngã ba có một nhánh cây kéo quặt che bít đường. Anh chui qua đó mà đi
thì ra đến nơi đóng quân. Nhớ đừng có rẽ qua lối không có cây che nghe. Đi theo
đó sẽ lạc không biết đường về – Phẩm giải thích thêm – Ở đây phải nghi trang
hết cả. Có làm ra không có, không có ra có anh ạ. Nếu để đường trống thì khách
họ mò vào bất cứ lúc nào, quấy nhiễu liên tục không nghỉ được.
Hoàng Việt bỏ đi thẳng. Tôi nói
vói theo:
- Anh về trước, tôi nghỉ chút
sẽ về sau. Anh coi chừng dùm đồ đạc của tôi nghe. Hồi nãy gấp đi không kịp nhờ
con bé giữ giùm
Phẩm hỏi tôi:
- Anh xem cây mận có đẹp không?
- Đẹp lắm!
- Độ vài năm thì em được ăn trái
!
- Trời đất, cậu đinh ở đời đây
sao?
- Em không có ý định đó, nhưng
rủi chuyện sẽ xảy ra như vậy thì khỏi phải bất mãn hay ngạc nhiên.
Tôi nhìn cây mận. Thân cây như
tăm hương, hai cái lá non, ba cái lá già mà một cái bị sâu ăn còn có một nửa.
Phẩm đã cẩn đá chung quanh gốc cây. Bộ phận phụ thuộc trông có vẻ phong phú hơn
cái cây, như con ngựa gầy đóng yên cương bằng vàng vậy.
Phẩm cho biết hắn đi moi phân
lá trong những bọng cây để vun cho nó, nhưng tôi xem ra nó rất yểu tướng – dù
lớn đã chắc có trái. Nhưng điều tôi nghĩ xa hơn là cái cây bị trồng ở đất lạ,
không phải đất của giống nó. Cũng như bọn Nam kỳ chúng tôi đây. Đi tập kết. Khi
ra đến đất Bắc vài tháng là đã thấy muốn về. Nhưng đường đâu nữa mà về. Phải
đợi đến nay mới phản hồi cố quốc được. Khi đi bằng tàu. Được đón rước huênh
hoang. Về thì lủi trốn như phường ăn trộm.
- Cậu ở đây có một mình à?
- Có một người bạn nữa chứ!
- Đâu nào ?
- Kia kìa ! – Phẩm trỏ một con
khỉ con ngồi trên thân cây ở phía trên nóc lều.
Tôi bật cười. Nước mắt suýt
trào ra. Con người bị đày đọa làm bạn với vật.
Phẩm nói:
- Em nhặt được nó trong một
trận giông lớn. Sập cả lều, suối lũ. Cây to gãy nhánh và bật gốc. -Phẩm tiếp-
loài vật này kể cũng hay anh ạ! Hồi còn đi học em có viết một bài chính tả tên
là “Tình mẹ con con vượn.” Bài
ấy có nội dung là con vượn mẹ bị thợ săn bắn bị thương nặng nhưng không buông
con. Đến chết mới thôi. Và trước khi buông con vượn mẹ kêu lên một tiếng bi
thương đến nỗi anh thợ săn trong lòng không bắt con nó… Con khỉ con này từ khi
bị bắt tới nay em không phải cho ăn. Hằng ngày mẹ nó đều đến mang trái cây cho
nó. Anh thấy đấy rừng bạt ngàn mà mình không tìm ra một thứ trái gì ăn được,
thế nhưng con mẹ nó luôn luôn có trái chín ngon lành cho nó. Lắm lúc nó đánh
rơi trên nóc lều em nhặt lấy nếm thử thì thấy rất ngon. Sau đó em quen đi, hễ
thấy loại trái đó rơi trên nóc lều thì nhặt lấy ăn, không sợ trúng độc gì cả.
- Cậu ăn như thế, coi chừng sẽ
mọc lông thành khỉ đó.
Phẩm cười:
- Em sống dưới sự bảo trợ của
khỉ đột.
Đột nhiên tôi hỏi:
- Nè, cậu có xem phim Bạch Mao
Nữ (của Trung Quốc) không?
- Có chứ. Hồi đó em chín mười
tuổi gì. Xã em đang ở bước ba cải cách ruộng đất. Tức là đấu địa chủ. Phim Bạch
Mao Nữ được chiếu cho đồng bào coi để nâng cao căm thù giai cấp địa chủ. Ý
nghĩa là địa chủ biến con người thành con thú còn Đảng biến thú thành người.
- Nay mai sẽ có một cuốn phim
Việt Nam tên là Bạch Mao Nam.
- Ở đâu chiếu vậy anh?
- Ở đây! Ở tại đường Trường
Sơn. Không phải một mà hằng ngàn Bạch Mao Nam.
Cậu thanh niên đứng ngớ ra. Tôi
thấy câu pha trò của tôi hơi ác nên cũng im luôn. Vừa đến đó thì có mấy nhánh
cây khô rơi xuống nóc lều. Tôi ngó lên. Phẩm nói ngay:
- Mẹ nó đến đó !
- Thế à?
- Anh cứ đứng đây xem.
Tôi thấy con khỉ ngồi trong một
đám lá rậm. Hình như tay nó ôm trước ngực mấy thứ gì. Phẩm thấy con vật không
xuống ngay với con nó như hằng ngày thì bảo tôi:
- Có lẽ nó thấy người lạ nên
sợ. Đâu anh trốn đi thử coi.
Tôi bước lùi vô bụi gần đó và
khẽ vạch lá nhìn lên. Một cái gai ác ó móc vào trán đau điếng. Nhưng không rên
la vì muốn xem màn kịch khỉ rừng.
Quả nhiên con khỉ tuột xuống
rất nhanh và cho con nó ăn rồi vọt đi nhanh. Tôi hết sức ngạc nhiên về mối tình
loài vật và quan hệ giữa Phẩm và hai con khỉ này. Phẩm vẫn đứng đó nhưng con
khỉ mẹ cứ tuột xuống rất tự nhiên, không sợ sệt.
- Vậy cậu cũng có bạn chứ nhỉ !
- Vâng, em cảm thấy đỡ buồn !
Mặc dù chúng không biết nói, em cũng vẫn nói chuyện với chúng hằng ngày. Một
ngày nào đó khi về Hà Nội, em sẽ đem nó theo như một kỷ niệm sống của những năm
tháng ở Trường Sơn.
- Ấy chết ! Tôi kêu lên – Cậu
có buộc nó không vậy ?
- Có chứ! Em đã nhặt được một
khúc dây kẽm làm vòng đeo quanh cổ nó và dừng hai cái quai ba lô để buộc nó vào
nhánh cây.
- Cậu xem kìa hình như dây đứt
rồi, toòng teng ở cổ nó đó.
Phẩm hốt hoảng leo lên cây chụp
con khỉ con. Tôi tưởng nó nhảy vọt theo mẹ nó ai dè nó vẫn ngồi im. Trong lúc
Phẩm leo lên nó có thừa thì giờ để theo mẹ nó nhưng nó lại không đi. Khi Phẩm
ôm con khỉ con xuống tới đất thì mẹ nó từ trên cao vun vút tuột xuống và kêu
lên tỏô vẻ như vừa căm thù cái con người đã đem con nó đi vừa mắng trách con nó
sao không chịu chạy thoát trong một cơ hội tốt như vậy.
Phẩm dùng dây mắc võng bằng
ni-lông buộc cổ con khỉ con vào cọc lều. Mặt mũi nó trông cũng dễ thương, không
có vẻ phá phách. Có lẽ nó cũng mến cái người đã cứu nó trong giông bão.
Con khỉ mẹ trên cây vẫn bò qua
lại nhưng không dám xuống gần nóc lều. Phẩm vác đá ném, nó nhảy lên cao rồi dòm
xuống chứ không chịu đi.
- Cậu để con khỉ mẹ đến có ngày
sẽ mất con khỉ con.
- Em biết không gì mặn nồng hơn
tình mẹ con. Nhất là loại khỉ rất gần với loài người. Nó cũng yêu mến và thù
oán y như chúng ta vậy. Nhưng nếu một ngày nào đó, nó có đem con nó đi được thì
cũng tốt thôi. Em sẽ buồn nhưng đặt ngược lại hoàn cảnh, nếu em là mẹ thì em
cũng phải cứu con em và nếu em là khỉ con thì em cũng trốn theo mẹ em.
- Cậu là triết nhân à? Cậu nên
nhớ rằng ở đây là Trường Sơn và chúng mình đói thịt đói cơm.
- Anh định quay con vật tí hon
này à?
- Không ! Tôi muốn bắt con mẹ
nó cơ.
Tôi hội ý với Phẩm và Phẩm đồng
ý.
Tôi nhanh chóng trở về lều.
Hoàng Việt đang nằm queo trên võng. Hai ông họa sĩ người thì đang đi sưu tầm
củi, kẻ lại đì lấy nước mới về sửa soạn nấu nướng. Cô vũ nữ thì lúc nào cũng
sắp đổ suốì nước mắt ra. Cho ngập lụt trần gian. Tôi tung tin lạc quan:
- Có thịt rồi !
Không một ai nhúc nhích. Vì tất
cả đều từ bộ xương con nai trở về. Nghệ sĩ chỉ khỏe cái tâm hồn còn thể xác
-yếu tố cần thiết nhất ở đây- thì lại chẳng đủ mạnh để giành giật những mẩu
xương. Nghe tôi nói không ai tin.
- Ai muốn có thịt ?
Vẫn không ai để ý. Tôi nói với
Hoàng Việt:
- Thịt khỉ ăn tốt chứ anh Bảy.
- Ở đâu mà có ? Há, cái lì ỉa lâu mà cố ? – Hoàng Việt đã nghỉ khỏe có sức pha
trò.
Tôi bật cười:
- Đến nước này rồi còn diễu !
Tôi bèn lôi Hoàng Việt đi. Hai
đứa đến lều một “nhà quân sự” bị tụt hậu có cây AK mà tôi gặp và đi chung hai
trạm vừa qua. Hắn cũng rất chán cái vũ khí của đảng này lắm rồi. Hắn dọa “Tôi
sẽ đem đổi đạn lấy gà lợn, nếu cần tẩy cả súng tôi cũng cho đi nốt!” Hắn chẳng
lau chùi . Hắn thường lót đít ngồi và treo cả ngoài lều mặc cho súng dầm mưa.
Bây giờ có cơ hội tốt cho hắn
ta.
- Trớn ! Đi với tôi ! Có thịt
ăn !
(Anh ta tên Trớn). Trớn ngồi
dậy và trỏ cái gà mèn đang sôi sùng sục. Mấy cục xương nai đang nằm chìm trong
bọt nước. Tôi lắc đầu.
- Ăn thua gì ! – Tôi nói – Xách
AK đi với tôi đi ! Con thịt này khá lắm !
- Nai hả? Cái kiểu hồi nãy tôi
chịu thôi. Suýt chém lộn, ớn quá !
- Không! Cứ đi rồi sẽ biết.
Không phải nai !
Thấy Trớn miễn cưỡng, tôi bảo:
- Vậy cho mượn AK đi !
- Đấy! – Trớn hất hàm về phía
gốc cây nơi khẩu súng đang nằm ngang dưới đất gác cái mõm đen ngòm trên rễ cây.
- Còn đạn không?
- Ba viên cuối cùng nằm trong
băng.
- Một viên đủ rồi, cần gì đến
ba? – Vừa nói tôi vừa chộp lấy cây súng và lôi Hoàng Việt đi.
- Có được gì, chia tớ tí nghe !
– Trớn nói với theo.
- Chia chớ! Tứ lục! – Tôi cười
vui vẻ.
Tôi vừa đi vừa kể cho Hoàng
Việt nghe về cái hi vọng bừng sáng sẽ có được thịt khỉ sau khi hụt bữa thịt
nai.
Khi vào đến sào huyệt của Phẩm
thì kế hoạch đã được thực hiện xong hai bước đầu. Chỉ còn bước cuối cùng nữa là
thu chiến lợi phẩm.
Phẩm đã buộc con khỉ vào chỗ
cũ. Con mẹ đang lần dò xuống với con. Tôi kéo Hoàng Việt lủi vào bụi để phục
kích.
- Thịt đó ! Tôi vừa chỉ con khỉ
đang tụt xuống gần con.
Số là Phẩm có khẩu các bin,
nhưng đạn chỉ còn có một băng rưỡi. Hai băng hắn buộc vào nhau trở đầu và so le
để lắp cho nhanh khỉ hữu sự. ‘ Phẩm không chịu chi một viên nào cho kế hoạch
bắn khỉ.
Lúc nãy Phẩm càu nhàu, Phẩm
không muốn thực hành cái kế hoạch tàn nhẫn mà chính y đã gợi ý (một cách vô
tình cho tôi) nhưng tôi bảo: Lấy vật đãi nhơn chớ ai lấy nhơn đãi vật! Nếu tôi
chết đói, cậu có vui lòng khi vui đùa với cặp khỉ đó không? Phẩm đau khổ ít
nhiều nhưng sau cùng cũng cho tôi thi hành kế hoạch. Phẩm đem chú khỉ con buộc
trên nóc lều để nhử khỉ mẹ. Tôi núp vào trong bụi rậm như phục kích Tây. Mũi
súng nghếch lên và khe khẽ nạp đạn.
Tôi cũng đau khổ như hắn, có lẽ
còn suy nghĩ nhiều hơn hắn. Tôi đã đọc một cái truyện của Maupassant hồi còn đi
học. Có lẽ suốt đời tôi không thể quên. Đó là truyện “Tình Yêu” (L’amour). Truyện
kể rằng một anh thợ săn vào rừng bắn được một con chim, con chim trống trong
cặp chim đậu trên cành: một đôi vợ chồng hoặc tình nhân hạnh phúc. Con chim bị
tử thương rơi xuống đất… Người thợ săn bước lại nhặt nó lên trong lúc con chim
mái bay quầng trên đầu anh ta mà kêu lên những tiếng thảm thiết. Rồi đậu trên
một nhánh cây thật thấp ngó xuống thi thể của tình nhân trên tay của kẻ thù.
Anh thợ săn định giương súng bắn phát nữa nhưng bỗng nhiên anh ta thay đổi ý
định. Anh ta bỏ dở cuộc săn và rời khu rừng không săn nữa.
Trời đất ! Câu chuyện ác quá.
Chỉ có ba trang sách. Thế mà đã gây cho tôi một vết thương lòng không lành
được.
Bây giờ tôi lại làm gã thợ săn
kia, có vẻ còn ác hơn. Vì tôi đã nhẫn tâm dùng con để nhử mẹ vào bẫy mà bắn.
Đây kia, nó đang từ trên cao tụt xuống.
Nó đến với con nó nhưng hình
như linh cảm nên không xuống gần như lúc nãy, chỉ ngồi ở giữa đường để nhìn
con.
Hoàng Việt không mấy hăng hái
lắm trước cái cảnh đó. Anh ta du học ở Bungari năm năm nên nhiễm cái tính yêu
loài vật của người Âu Châu chăng?
- Đoàng! – Tôi nhắm mắt bóp cò.
Khi khói tan ở mũi súng tôi
không còn thấy con khỉ nữa. Chỉ thấy con nó treo toòng teng ở đầu dây và la the
thé vì bị dây siết nghẹt họng. Con khỉ mẹ đã vọt tuốt lên cao ngó xuống. Tôi nã
luôn hai phát.
Con vật kêu lên. Tôi từ trong
bụi vọt ra. Tưởng nó rơi xuống đất. Ai dè chỉ có máu đổ lộp độp trên lá và trên
nóc lều. Thế là hết.
- Xui lắm. Bỏ đi ! -Hoàng Việt
nói- Đi về.
Không còn đạn. Cố nhiên là phải
về. Vì con vật bị thương đã chuyền lên mút ngọn cây và lần mất. Không biết nó
bị thương nặng nhẹ. Phẩm trèo lên gỡ chú khỉ con xuống đem buộc ở cọc lều mà
không nói gì. Có lẽ anh ta ân hận vì đã cấu kết với tôi trong một âm mưu đen
tối
Tôi và Hoàng Việt nhìn nhau.
Phẩm nói:
- Anh báo cho anh em ngoài đó
biết sáng mai tôi ra sớm. Hãy chuẩn bị kỹ lưỡng. Nhất là đem theo nhiều nước vì
đường dốc dữ lắm.
Vừa đi, Hoàng Việt nói:
- Còn tệ hơn cả cái đầu nai
thối hôm trước.
- Tôi bất tài nhưng lại ác hơn
anh thợ săn chim.
- Thợ săn chim nào?
- Ở bên Tây.
Cả hai cùng cười gượng sau hai
lần chộp hụt nai lẩn khỉ
—>Chương 3
- 3 -
- Thằng Núi lên cơn sốt ác quá
anh ạ ! – Họa sĩ Ngữ nói ngay khi tôi vừa về tới.
- Gì mà ác! – Tôi gắt rồi đi
trả súng. Xong, đến thẳng lều Núi.
Tôi chịu trách nhiệm đám bệnh,
không ai cử, nhưng tự nhiên cả ba bốn đứa đều coi như trưởng đoàn. Có chuyện gì
cũng gọi tôi, muốn làm gì cũng hỏi tôi. Tôi sờ đầu Núi và giật tay ra ngay. Nó
nóng thật, nóng hơn cơn sốt thường.
- Mẹ kiếp! Làm thế nào ?
- Em cũng chẳng biết làm thế
nào ! – Ngữ nản chí đáp
Tôi sực nhớ ra: Có bác sĩ Năm
Cà Dom. Anh ta tháp tùng với chúng tôi đi mấy trạm liền. Y rất có lương tâm.
Làm gì được để giúp bệnh nhân anh ta cũng làm với lương tâm nghề nghiệp, nhưng
bỗng nhiên anh ta biến đi đâu hồi nào tôi không rõ, vì anh ta chỉ là đồng hành
tạm bợ với chúng tôi thôi.
- Thế này thì mai không thể lên
đường, ngoại trừ có phép tiên.
Nguyên tắc bất thành văn trên
đường này là ai bệnh cứ nằm lại. Nặng hay nhẹ cũng vậy. Và “tự trị” lấy mà bò
lê theo sau. Không trị được thì chết chịu. Và xin nhớ rằng sau khi chết rồi hãy
khôn hồn dẫn xác mình đi “tự táng” lấy. Nếu nằm chình ình ra đó thì có hai cách
được giao liên đối xử. Một là giao liên dắt khách bỏ đi xa để khỏi bị mùi hôi
thối lây tới, hai là giao liên, với sự hợp tác bất đắc dĩ của bệnh-nhân-khách
khiêng đi ném một nơi nào đó mà họ có thể đủ sức khỏe mang tới.
Tuy đã có cái nguyên tắc đó
rồi, nhưng những thằng mạnh còn lại trong “đoàn bệnh” chúng tôi không nỡ. Nghệ
sĩ trót sinh giàu cảm lụy mà. Tôi dã bị bỏ ít nhất hai lần rồi, tôi từng biết
cái cảnh “dứt cơn sốt ngóc đầu dậy chẳng có ai” ngoài mấy cục đá và những cái
cây vô tri.
- Hay là vì nó uống quá liều
kí-nín?
- Nó uống có ba viên !
- Xanh hay vàng?
- Không rõ !
- Tẩm khăn ướt đắp trán nó thử
coi nhiệt độ có xuống không. Nóng thế này thì ít nhất cũng trên 40 độ. Ừ con
Thu có nhiệt kế. Cậu bảo nó đưa đây.
Ngữ chạy đi và trở lại. Tôi
chộp lấy cái ống thủy tinh vạch áo chọc vào nách Núi.
Núi nhắm nghiền đôi mắt, hai má
đỏ rực lên như lửa than.
Hoàng Việt coi như bậc lão
thành của đoàn nên được miễn cho mọi việc nhưng cũng đến góp ý kiến. Tôi rút
nhiệt kế ra đọc. Bốn mươi hai độ. Hoàng Việt nói:
- Nó sắp mê sảng rồi !
- Sắp gì nữa, bốn mươi hai là
điên rồi !
- Bệnh gì ác vậy ?
- Nếu không ác tính thì có một
bộ phận nào trong nó bị viêm nặng.
- Ruột thừa ?
- Không biết. Để tôi ấn thử
coi… Đau không Núi?
(Núi lặng thinh) Tôi ấn vào
hoành cách mạc… Đau không Núi ? (Núi vẫn lặng thinh) Hay là sưng màng óc. Bố
tôi cũng không biết được? Chán quá!! Phải có được một bà lang băm ở đây cũng
đỡ!
- Nấu cơm ăn đã ! Hoàng Việt
bảo.
Cơm xong tôi lại sờ Núi. Nó trở
thành cục than rồi. Và vẻ mặt đờ ra. Hỏi không đáp, ngắt không đau, giật tóc
mai cũng trơ trơ. Bệnh gì mau vậy? ác tính. Sốt ác tính. Fièvre galopante. Đảng
chẳng có “đả thông” cho cái chứng bịnh rất phổ biến này. Đảng chỉ nhấn mạnh
nhiệm vụ giải phóng Miền Nam lúc chúng tôi sắp lên đường thôi. Có lẽ vì thế
đảng quên cho chúng tôi thuốc mang theo. Mà phần chắc là đảng không biết có cái
chứng bịnh ác nghiệt đó trên đường này. Đáng lẽ người ta phải báo cáo rõ ràng
nhưng người ta lại bịt đi để cho trung ương ngồi ở Chủ tịch phủ cứ tưởng con
đường này vui vẻ vinh quang cực điểm mà ai vào đây cũng thấy mình trở thành anh
hùng giải phóng cả. Đây là một thứ cải cách ruộng đất dưới một hình thức khác
mà con số tổn thất cũng không thể ước tính nổi.
Chẳng có cách gì để cứu bạn thì
đành nhìn bạn rơi vào đêm đen.
Tôi và Hoàng Việt mắc võng gần
nhau, luôn mồm trò chuyện. Hết chuyện bên Tây đến chuyện bên ta. Nói mãi mấy
trăm cây số đường đèo mà vẫn chưa vơi.
Cái đám quơ được thịt nai nấu
nướng như đám giỗ. Ai bắt được nấy ăn. ăn không hết thì giấu trong ba lô mai ăn
tiếp. Không ai cho ai món gì. Không ai giúp ai điều gì. Đó lại cũng là nguyên
tắc bất thành văn trên đường này. Con người đã tự hạ mình đến mức thấp nhất, kỳ
cục nhất, bi thảm nhất.
Hoàng Việt lên võng buông màn
thò đầu ra hút thuốc lá. Trời đã hoàng hôn. Ruột lỏng bỏng với mấy hạt cháo
loãng. Nhưng lúc nào anh ta cũng rất lạc quan.
- Nè sao mày không xin đi Bác
Kế cho có cặp ?
- Xin mẹ gì thế mà xin ?
- Người ta có thể chiếu cố mày
chớ. Vì đây là một tên Nam kỳ tình nguyện đi Bác Kế. Thường tình, chỉ có dân đi
Bác Kế xin vô ông Cụ thôi.
- Bộ anh tưởng tôi coi quê
hương tôi là đồ bỏ hả. Tôi về chuyến này là vì tôi nhớ nhà quá sá…
- Chứ không phải để giải phóng
Miền Nam à?
- Còn anh thì chắc để giải
phóng Miền Nam?
- Hì hì… !
- Anh ở luôn bên Bungari vài
chục năm nữa thì giải phóng xong Miền Nam sẽ về có phải khoái tỉ hơn không?
Hoàng Việt bật cười to.
- Gì vậy cha nội ? – Tôi hỏi.
- Tao nhớ cái chuyện ngoáy
trầu.
- Ở đâu, hồi nào, ai ngoáy,
trầu gì, trầu xanh hay trầu xà lẹt… ? Tôi tuôn một hơi.
- Mày không ở trong Sư đoàn 330
của già Cống à?
- Có nhưng chỉ năm đầu thôi.
Tôi ở Phòng Chính trị có đi lên đi xuống đó chứ không phải là lính của giả.
- Vậy không có xem vở kịch của
lính diễn vào dịp Tết đầu tiên trên đất Bắc, mình đón ông già Rô à?
- Ông già Rô nào?
- Cái thằng. Viết văn gì dốt
quá vậy. Rồi Hoàng Việt kể luôn – Hồi đó tao còn ở đoàn Văn công Trung ương.
Đoàn được lệnh vô Thanh Hóa làm một buổi biểu diễn to để đón Bác vô thăm các
cháu “anh rũng” Thành Chì Tổ Quốc. Trời mưa phùn Tết rất nên thơ. Lính ta không
được người anh em Trung Quốc tặng áo đi mưa nên dầm mình đi đón Bác. Một số đơn
vị ở bên kia sông Mã phải bơi qua sông cho kịp giờ khai mạc. Thấy cảnh đó mới
biết dân Nam Bộ mê tín một cách ngu muội bác Hồ. Cái đéo gì mà ghê gớm thế.
Nghe đâu có hai ba chục thằng sưng phổi, và năm thằng đi theo ông theo bà vì
chuyến đón tiếp đó ! Dân Nam kỳ ưa nóng chứ không chịu lạnh mà !
- Sao kỳ thế hả?
- Có gì là kỳ đâu. Mình ở trong
Nam tin tưởng tuyệt đối ở Cụ Hồ nhưng khi ra đây mình học chủ nghĩa Mác khá hơn
ở trong đó nên mình đi theo qui luật của duy vật biện chứng pháp. Không có gì
tuyệt đối cả. Mọi việc đều tương đối tương… tàu tương.:. ta.
- Rồi buổi đón tiếp ra sao?
- Mưa phùn được biết thêm da
thịt một giống dân mới vừa ngu muội vừa thông minh.
- Ê cha ! Nói cái gì vậy ?
- Mày biết tao nói gì chớ! Mày
còn nhớ năm 46 có cái chánh phủ Nam kỳ Tự trị hay không? Bác sĩ Nguyễn Văn
Thinh làm Thủ tướng đó mà ! Tao bây giờ mới hiểu tại sao có chánh phủ đó và tại
sao dân Nam kỳ lại không lưu giữ được nó ? Để tất cả dân tập kết mình phải lệ
thuộc vào Bắc kỳ như thế này.
Tôi giật mình quát:
- Ông nội trở chứng cái kiểu gì
vậy hả?
- Mày thề với tao đi !
- Thề cái gì?
- Thề rằng mày không có những ý
nghĩ Nam kỳ Tự trị như tao. Dám thề không?
Tôi lặng thinh. Hoàng Việt hiểu
người qua chính mình. Không có tên Nam kỳ nào còn giữ lòng thần phục Bắc phương
sau một năm sống ở Miền Bắc của Bác Hồ nữa. Không một thằng dân Nam Bộ nào còn
thấy vinh quang của Thành Đồng Tổ Quốc. Không thằng dân Nam Bộ nào đi trên con
đường này với quyết tâm giải phóng Miền Nam. Họ càn rừng lội suối là để về hôn
mảnh đất nhau rốn của họ đó thôi.
Tôi lọng cọng không biết phải
trả lời sao thì Hoàng đã tiếp:
- Mày là nhà văn hẳn mày phải
có nhiều suy nghĩ hơn tao chứ. Mày suy nghĩ gì nào? Qua buổi đón tiếp của bọn
lính thất thổ Nam kỳ, tao thấy cụ Hồ chỉ lợi dụng lòng tin mù quáng của họ để
làm nên vương tướng thôi. Khi đạt mục đích rồi bèn quay lưng lại ngay. Cụ thể
là buổi đó, bọn lính Nam kỳ đón tiếp Phó Thủ tướng Phan Kế Toại . Tội nghiệp
ông đại thần triều Bảo Đại vừa được lãnh “cái ấn ốc bưu” cửa cụ Hồ ban, lại
phải vào thăm bọn “sớm đầu tối đánh” chúng mình. Lính Sư đoàn 330 đã không tặng
cho lão một tiếng vỗ tay. Nhưng lão phải bấm bụng đọc diễn văn của người ta
soạn sẵn và ngồi lại xem buổi diễn kịch chào mừng ngài Phó… Mày biết chúng nó
diễn vớ kịch gì không?
- Vở gì?
- Tao không nhớ tên nhưng muôn
đời không quên nội dung -Hoàng tiếp- Màn một đôi vợ chồng trẻ tiễn chân nhau.
Chồng đi tập kết, vợ ở lại. Chồng xuống tàu giơ hai ngón tay lên. Vợ đứng trên
bờ cũng giơ hai ngón tay đáp lại. Màn hai. Cũng bến tập kết, vợ đón chồng về.
Một ông già cúp bình thiếc chống gậy từ dưới tàu đi lên. Ở trên bờ một bà già
chỏi gậy đi xuống! Hai bên nhìn nhau hồi lâu mới nhận ra nhau. Ông già và bà
già đó chính là cặp vợ chồng trẻ năm xưa. Bà già móc trong lưng ra một cái ống
ngoáy trầu tặng cho đức lang quân.
- Bộ Ban Chính trị Sư đoàn
không có duyệt vở kịch sao?
- Kịch cương mà! Ai bụm họng
tụi nó được. Vả lại màn một coi bộ song toàn quá. Ai đâu có ngờ màn hai lại rất
kịch tính như thế đó.
- Đúng là kịch tính !
Hoàng tiếp:
- Từ đó chẳng thằng nào còn mơ
gặp Bác Hồ nữa !
- Còn anh ?
- Mày kiếm hết trong nhạc phẩm
của tao thử xem có hai tiếng “Bác Hồ” không? Tao toàn ca ngợi cuộc kháng chiến
thôi . Ra Bắc tao tịt mẹ nó luôn!
- Anh vẫn sáng tác mạnh chứ.
Khi cất lên tiếng ca gởi về
người yêu phương
Ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba
Đó là bài hát của ai ? Hà hà…
Vậy mà bảo tịt…!
- Của tao, nhưng mặc dù thanh
niên hát như điên, người ta bảo đó là “tiếng nấc tiểu tư sản” khi làm xong tao
đã đem lại cho mày ở ga-ra đường Lý Thường Kiệt nhờ mày gọt lại dùm lời. Và
mượn cái áo pa-li-tô câu tôm của mày bận đi ăn tiệc.
- Tôi chỉ chữa có một chữ,
- Ờ, đúng một chữ “đau khổ.”
Chữ đó trong bài Tình Ca tao là của mày. Nhưng mày có đau khổ thật không?
- Ai biết… Hề hề… Tôi chỉ đi
theo nốt nhạc của anh !
- Tao sang Bungari học nhạc
nhưng học cả chính trị nữa mày ạ !
- Ủa sao về nước anh không vô
Học viện Mác Lê?
- Học lóm, học lén mà vô cái gì
?
- Những gì ?
- Nói thì dài, cả tháng chưa
chắc hết. Nhưng tóm tắt là thế này. Staline là tên đồ tể.
- Cái gì cha nội ?
- Dân Đông Âu nói thế mà. Chúng
nó đăng cả báo nữa chứ đâu có nói lén lút thậm thụt như bọn mình. Vụ
Im-rê-Nát-gi mình coi là phiến loạn nhưng sự thực, dân Hung coi đó là cách mạng
dân tộc anh hùng đánh đuổi Hồng quân ra khỏi nước họ mà. Nát-gi bi xử bắn,
không được chôn cất đàng hoàng nhưng mồ anh hoa nở suốt từ đó đến nay.(Tình
cờ khi tôi viết đến đây, tôi nghỉ để đọc báo hằng ngày thì lại thấy tin Janos
Kadar bí thư Cộng sản Hung chết. Với lời bình luận: Dân Hungari tự do chúng tôi
đã chôn chế độ hắn khi hắn hãy còn sống. Những lãnh tụ tự do đã cải táng Imre
Nagy với tất cả danh dự và chỉ vài tiếng đồng hồ sau cái chết của Kadar, tòa án
tối cao đã xóa bỏ các tội mà Nagy đã bị buộc và đã bị xử bắn năm 1956).
Tiệp Khắc, Ba Lan, Nam Tư nữa, đâu có coi Staline là người thầy vĩ đại của cách
mạng thế giới như bọn mình đâu. Chỉ có bác Hồ mình là xoi lỗ trên đầu Trần Hưng
Đạo để cặm nhang thờ Mác Lê-nín và Staline thôi. Bên đó người ta vẫn nặn tượng
anh hùng dân tộc đặt ở các công viên. Mình đã làm chuyện bịt mắt bịt tai dân
quá kỹ mày ạ… Già Khơ đâu có ủng hộ con đường mòn này. Giả còn gạ cho hai ông
Thượng tá của mình sang đó học thành lập đảng Cộng sản việt Nam do giả đỡ đầu
nữa kia mà! Ối ồi ôi… Bết nhem hết cả mày ơi. Tao học bốn năm nhạc và kết quả
lớn nhất là tai tao đã thay hoàn toàn màng nhỉ mới. Những gì trước kia tao nghe
ở Việt Nam, qua cái màng nhì mới này đều biến thượng biến hạ hết chứ chẳng còn
nguyên âm nữa.
Hoàng nhạc sĩ nói hăng say.
Dường như sự tích lũy bao nhiêu năm bị dồn ép trong người không có dịp xì ra,
nay giữa hoang dại anh ta tha hồ xổ tưới mà không sợ ai báo cáo lên cấp trên.
Tôi hơi ớn nên nhắc nhở:
- Nè bố thằng Tương Phùng ơi !
Coi chừng nhé . Anh có nhớ câu chuyện một ông Nam kỳ nhà mình vừa đi qua ngọn
sông Bến Hải đã lột nón quay lại xá lia và nói: “Con xin vái cả mũ các cụ luôn,
con xin về nước tới chết con không trở lại không”? Sau đó vài hôm có công an
“mời” anh ta trở ra Bắc.
- Đầu cặc! Làm đéo gì có chuyện
đó. Thằng Bắc kỳ đủn được dân Nam kỳ mình vô lò sát sanh này mừng thấy mẹ. Vì
té nhà ra cho chúng nó ở, thêm gạo ra cho chúng nó ăn lại còn thừa ghế cho
chúng nó ngồi, việc gì chúng nó phải bắt anh ta trở ra? Như tụi mình đây mà ở
lại thì càng “hại” cho các em miền Bắc chứ làm gì. Để tao về gặp chị Bảy mày có
phải tốt hơn không? Hề hề ….về năm trước năm sau là cậu bé Lê Tương Phùng oe oe
chào đời nghe.
Anh lúc nào cũng tâm ngẩm cái
điều đó. Cái tên Tương phùng đó anh đã đinh từ lúc ở làng Ho, trạm 1.
Tuy nói mạnh miệng vậy, nhưng
khi bị tôi tốp, anh cũng bớt hăng nên nói khẽ hơn. Bỗng nghe tiếng Núi, Hoàng
ngưng chuyện. Tôi lắng tai.
Núi nói:
- Con cá này sao lại không có
đuôi mà con rồng những hai đuôi. Bà thủy mặt đỏ còn bà hỏa phải mặt xanh mới
hợp âm dương khí tiết…
- Ê, Núi khá chưa?
- Cái con cóc của Pi-cát-xô mọc
đuôi ở giữa rốn còn đầu lại ở dưới chân. Cái lão Văng-gốc thì xẻo lỗ mũi tặng
người yêu. Để tao xẻo dùm cho có được không?
Hoàng đập võng phành phạch hét:
- Núi ! Mày nói nhảm giống gì
thế hả?
- Hố hố hố! ông hàng thịt chó
chợ cửa Nam vừa qua đời để lại bao nhiêu là thương tiếc cho khán giả ở trần
gian. Anh đi hai mươi mốt năm đúng thì sẽ về làm đám cưới em nhé.. Anh vô xứ
rừng vàng bạc biển vẽ một tấm áp phích chống Mỹ chống Liên Xô Trung Quốc treo
trên đồi một ngàn lẻ một sụm bà chè.
Tôi nói với Hoàng:
- Nguy rồi anh Bảy ơi. -Rồi
gọi- Ngữ, Ngữ ơi !
- Anh vẫn còn thức đấy à? -Ngữ
hỏi lại tôi- Nó lên cơn nặng quá rồi anh ạ. Em sợ nó bị sốt ác tính…
- Nói gở! – Tôi quát – Nó sốt
thế rồi xuống nhiệt độ chứ ác tính gì. Một ngàn đứa sốt mới có được một cơn ác
tính thôi.
Đêm tối mịt mù. Làm gì ai có
đèn mà thắp lên. Mà thắp để làm gì kia chớ. Con ma sốt đâu thèm sợ ánh lửa. Nó
sợ kí-nin và âu-rề-ô-my-xin cơ! Nhưng bây giờ kí-nin đã lờn mặt nó rồi. Còn
âu-rề-ô thì họa chăng trời ném xuống cho một ống chứ ai có nổi. Chỉ thứ thuốc
này mới có thể hạ nhiệt độ xuống thôi. Mà dù có, thì làm sao tiêm? Đâu có ai
mang ống chích theo. Tôi có chừng chục ống kí-nin 0,40 trong ba lô do một thằng
bạn dược sĩ cố cựu hồi ở Cần Thơ tặng cho lúc tồi sắp rời Hà Nội. Đi dọc đường
làm vỡ mất sáu ống. Mấy ống còn lại tôi bỏ trong tất cả áo quần cuộn lại để
chống “vỡ.”
Những lần sốt vừa rồi tôi định
nhờ ông bác sĩ Cà Dom tiêm dùm nhưng thấy kí-nin viên còn đắc địa nên lại thôi.
Vì ông Cà Dom ông bảo rằng nếu dùng liều nặng thì sau này liều nhẹ không tác
dụng nữa, cho nên tôi không dám tiêm. Còn có mấy ống chả đi đến đâu.
- Anh Bảy ạ !
- Gì?
- Tôi có thuốc. Nhưng làm sao
tiêm cho thằng Núi ?
- Thuốc gì?
- Quinine 0,40.
- Không biết trong đám khách có
ai có ống chích không. Tao có mà không mang đi. Vì tao nghĩ là trong này có
bệnh viện. Trời đất !
Thăng Núi cứ lảm nhảm. Chốc
chốc lại im. Chốc chốc lại nói. Bọn tôi chẳng nhắm mắt được, chỉ nằm chờ sáng.
- Kỳ cục thật – Hoàng chắc lưỡi
kêu – Mổ ruột thừa bằng lưỡi cạo râu còn có thuốc thì lại không kim ống. Chỉ có
bọn mình mới biết nổi sự kỳ cục đó thôi.
Hoàng lấy đèn pin xẹt qua lều
Núi và quát:
- Núi, Núi ! Mày nói gì tùm lum
vậy?
- A a a… Núi ngóc đầu lên rồi
lại hụp xuống – E e e…
Im đi, sáng tao đưa cho mày coi
hình con gái Bung-ca-ri.
- Em không có thích con gái mũi
nhọn như mũi hia đâu ha ha…
- Vậy mày thích con gái mũi gì
?
- Em thích con gái mũi dẹp như
đít ghe bầu há há… á!!
Hoàng tắt đèn và quay sang tôi
:
- Nó đang mê sảng nhưng còn một
nửa tâm trí…
- Sao anh biết?
- Nó nói câu trật câu trúng và
còn hiểu câu hỏi để trả lời.
Tôi muốn chứng minh cho sự ức
đoán của Hoàng.
- Núi ! Núi !
Núi lại ngóc đầu lên trong ánh
đèn của Hoàng vừa vụt sang.
- Mày có khát nước không?
- Có khát!
- Có muốn uống không?
- Em đi mậu dịch giải khát bờ
hồ Thủy Tạ kem Bốn Mùa và uống luôn một chậu nước mía còn thừa bỏ túi đem về
trường.
- Trường nào ?
- Trường Cao đẳng Mỹ thuật Tô
Ngọc Vân em leo hoài chưa tới.
Hoàng tắt đèn, thở dài, cái
tiếng thở dài to đến mức tôi nghe rõ mồn một trong đêm vắng lặng như một làn
khói xám phù thủy phun qua suốt màn đen của núi rừng.
—>Chương 4
- 4 -
- Bà con mình thức dậy chuẩn bị
đi nghe !
Tiếng giao liên Phẩm đánh thức
tôi. Thì ra trời đã sáng. Chuyến di tiếp tục. Những ai đi cứ đi, những ai nằm
lại cứ nằm. Giao liên rất thích dắt người đi cho trống chỗ tốp mới sẽ tới trám
vào, nhưng họ không có quyền bắt người sốt phải bò dậy theo họ, cố nhiên rồi.
Dù vậy họ cũng không vui vì có những ông khách có thể chống gậy đi được mà
không chịu đi, cứ nằm ỳ hai ba ngày thậm chí hai ba tuần. Trong cái thời gian
vô tận mà khách tự cho phép này, khách sẽ quấy rầy giao liên vô kể. Nào đòi gạo
đòi muối, nào hạch hỏi chuyện này chuyện nọ v.v…
Tôi gọi Phẩm đến. Phẩm hỏi
ngay:
- Anh có đi không?
Tôi hỏi lại.
- Có bệnh xá gần đây không Phẩm
?
- Cái gì chớ cái đó thì không.
- Sao kỳ vậy?
- Em không bao giờ nghe nói
người bệnh ở đây được vô bệnh xá.
- Hoàn toàn không có à? – Tôi
gằn giọng.
- Bệnh nhân hoàn toàn tự lực
hết cả.
- Không cả bệnh xá cho giao
liên các cậu?
- Không. Thuốc cũng không có
cấp phát cho bọn em nữa anh ạ, nói chi bệnh xá. Cứ mỗi đoàn tới em năn nỉ xin
được một ít kí-nin để dành.
- Tôi có một cậu bịnh,… cái cậu
xin nước trà của mình hôm qua!
- Thấy ổng còn khoẻ quá mà!
- Ngó bề ngoài thì vậy, nhưng
bên trong thì rệu hết rồi. Nó đang mê sảng. Tôi nghi nó bị ác tính quá cậu ạ!
Phẩm nhảy dựng lên:
- Hả? Ác tính hả?
- Không, tôi nghi thôi ! Nó nói
nhảm từ khuya tới giờ.
Phẩm không nói không rằng. Y
như là chẳng quan trọng cái con mẹ gì một thằng cán bộ sốt ác tính. Mạng người
ở đây như lá rụng. Lá rụng chỉ bồi thêm cho những gốc cây rừng trở thành cổ
thụ. Cổ thụ lại rụng lá phủ gốc mình. Mỗi cái là rừng này là một mạng người,
một mạng người đổ xuống kê cho chân ghế lãnh tụ cao hơn. Lãnh tụ ngồi trên đó
đầu đội nón da loe chóp đỏ, vuốt râu le the nhìn những mạng người rụng quanh
chân ghế. Nước mẹ gì! Ta là thần thánh.
Phẩm lại nói to:
- Các ông các bà sẵn sàng cả
chưa nào ? Đi sớm tới sớm. Nhớ đem nước theo càng nhiều càng tốt. – Phẩm quay
lại tôi – Này anh, anh biết sau khi anh bắn mấy phát rồi đi có việc gì xảy ra
trong nhà em không? (Phẩm dùng riêng “nhà.”)
- Việc gì ?
- Con khỉ con kêu la quá tay.
Nó cứ nhảy choi choi. Có ý muốn theo mẹ nó.
- Còn con mẹ nó?
- Đi mất biệt. Máu đổ tùm lum
trên n6c lều. Nằm dưới võng ngó lên thấy như bản đồ năm châu méo mó.
- Bậy quá! Đáng lẽ tôi không
nên bắn mấy phát súng đó.
- Thật tình em cũng không muốn
nhưng… anh biết tại sao em để anh…
- Tại sao ?
- Để bù đắp cho cái bộ xương
nai hụt.
Tôi trở lại Núi:
- Này cậu, cậu cớ cách gì giúp
thằng bạn tôi không ?
- Cách gì bây giờ. Trời kêu ai
nấy dạ!
- Thứ sốt này trở nặng nhanh
như chớp. Mới qua một đêm mà thằng nhỏ đã mê sảng!
Rồi Phẩm dẫn khách đi, coi như
không có chuyện gì quan trọng.
Phải, không có chuyện gì quan
trọng cả. Những ..người đau ốm nằm như thế này đã thường xảy ra quá đỗi nên sự
bất thường đó đã trở nên bình thường.
Thu đã thức dậy từ lâu. Bộ mặt
Thu trông kinh hoàng hơn bao giờ hết. Thu giục tôi:
- Ta đi chiếm chỗ tốt đi anh !
- Chỗ tốt gì nữa ?
- Họ đi hết bỏ chỗ trống…
À, tôi nhớ ra rồi. Vì cơn sốt
của Núi mà tôi quên khuấy cái chiến thuật đó đi. Thường khi đoàn đến thì giao
liên chỉ trỏ tay bảo: “Đóng quân ở đây, mai đi sớm” hoặc “Nghỉ ba ngày” hoặc
“Đóng ở đây đến khi nào có lệnh mới thì đi.” Rồi mạnh ai nấy chạy đi tìm chỗ
lấy. Có chỗ tốt có chỗ xấu. Kẻ đi trước giành được chỗ như ý, thằng bết bát đi
sau thì đụng đâu xâu đó lắm khi đoàn quá đông không còn chỗ giăng mùng mắc
võng, phải lấn rừng “tậu’ nên chỗ mới cho mình.
Bây giờ Thu nhắc tôi mới nhớ
ra. Cả ba đứa: Hoàng, Ngữ và tôi chẫm rãi chia đồ đạc vai vác tay xách lôi thôi
lệch thếch đi tìm chỗ tốt và nhất là sát cánh bên nhau để giúp đỡ nhau và để
liên kết bảo vệ nhau chống nạn trộm cắp. Kẻ lạ người quen, cứ hễ đồ đạc hớ cái
là bay phéng đi như có cánh.
Riêng Núi thì chúng tôi phải
đem hết tàn lực ra khiêng tới địa điểm mới. chỉ có ba đứa thôi còn Thu thì quảy
đồ đạc cũng không nổi, nên tôi bảo không nên rớ tay vào. Rủi cô ta trợt té thì
hỏng cái cổ chân lại nằm báo cô cả tháng nữa là chết một cửa tứ. Cũng may có
sẵn cây đòn của ai dùng khiêng đồng đội vứt lại nên khỏi phải đi đốn cây mới.
Tôi và Hoàng một đầu võng, Ngữ khỏe trẻ nhất đoàn chịu một đầu. Cuối cùng cũng
xong. Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhơn mà.
Tôi chạy lăng xăng hỏi các ông
bệnh còn nằm rốn lại rải rác khắp vùng đóng quân chừng một cây số bề dài, để
hỏi xem có ông bà nào mang ống chích theo không.
Ai a cũng đều lắc đầu và mỗi
người pha trò mỗi kiểu.
- Ống nứa thì có, có mượn thì
tôi cho !
- Có, nhưng cái ống của tôi khi
to khi bé, gần đây thì teo mất rồi.
- Đập ra uống mau hơn chích, mà
khỏi đau, lại khỏi nấu nước luộc ống mất công!
Tôi cáu quá, nhưng nếu mình nổi
cáu thì mình lại càng lố bịch hơn những câu trả lời lố bịch kia. Thấy tôi hầm
hầm, Hoàng đã không vui vẻ lại còn càu nhàu:
- Tao đã bảo mày là xui lắm mà!
- Cái gì xui chớ ?
- Bắn con khỉ mẹ !
- Chậc! Cái ông này sao ông duy
tâm thế hả !
- Tao duy vật chớ đâu có duy
tâm mày. Bắt con khỉ con nhử con khỉ mẹ là duy tâm à? Khỉ là con vật chứ đâu
phải là mông lung không sờ mó được.
May quá, tiếng rên của Núi vọt
lên cắt đứt đối thoại suýt xảy ra thành khẩu chiến lãng nhách. Chúng tôi chạy
đến.
Mặt Núi đỏ như trái đào, mắt
nhắm tít. Tôi đưa tay trước mũi, nghe như hai ống khói nhà máy xi măng Hải
Phòng, “lỗ mũi của Tổ quốc” thở phì phò.
- Thế này thì nguy rồi anh ạ !
- Núi, Núi ? – Hoàng lay gọi.
Núi vẫn thở è è, không mở mắt
cũng không tỏ vẻ còn cảm giác. Mồm lại nói lảm nhảm nhưng không có câu dài (mặc
dù vô nghĩa hoặc phản nghĩa nhau) như hồi tối nữa. Bây giờ nó chỉ kêu lên hoặc
la hai ba tiếng “ối giời ơi! Bố mẹ ơi! Nào ta đi… ” rồi tắt lịm.
- Chắc là bị sốt rồi !
- Sốt ác tính ?
Ba thằng đàn ông nhìn nhau.
Chiều hôm đó Phẩm trở về, trên
vai quảy một đứa bé bọc ni lông. Tôi nghĩ thế khi nhác thấy Phẩm đi tới. Nhưng
không phải. Phẩm tới gần tôi, trút vật gì xuống đất: một con khỉ hấp hối. Phẩm
bọc nó bằng một tấm ni0 lông mà các ông giao liên thường xếp nhỏ lại đeo trong
lưng như một loại áo mưa bất ly thân vì ở đây mưa gió rất bất thường – để áo
quần khỏi dính máu. Con khỉ còn nháy mắt lia lia. Phẩm lột lấy tấm ni lông và
bảo tôi:
- Em giao cho anh đó, muốn làm
gì thì làm.
- Ở đâu vậy ? Cậu bắn hả ?
- Không! Của anh bắn hôm qua đó
chứ!
- Sao cậu lại nhặt nó được?
- Ở tuốt trong kia! Xa lắm !
Trên đường về đây.
- Thế à?
- Anh xem đấy. Hai vết thương
xuyên ngực mà nó chuyền cây đi…-Phẩm đá đá vào con khỉ- xa chừng ba bốn cây số
mới rơi xuống đất. Nó mạnh dạn thiệt! Trên đường về em thấy nó nằm ở gốc cây,
nhưng khi em đến gần thì nó vùng dậy chạy. Nhưng có lẽ máu chảy nhiều nên kiệt
sức. Nó không leo lên cây nổi, em đuổi theo phang cho mấy báng súng mới bắt
được.
Tôi thấy không ham ăn thịt nữa.
Miếng thịt khỉ trộn trong cả một bi kịch của chúng tôi và của cả tình mẹ con
hai con vật, ăn vô miệng chắc hết đầu thai. Tôi liếc mắt hỏi Hoàng. Nhạc sĩ nhà
ta không còn hứng khởi của Tempo di Marcia mà lại rất moderato.
Nhưng Ngữ nói:
- Để đấy em !
Phẩm mắc võng bên cạnh chúng
tôi. Có lẽ Phẩm tìm thấy sự ấm áp, thân ái nào khi trò chuyện với chúng tôi như
những người quen thân, nên Phẩm không vội về lều đắm mình trong cô đơn. Phẩm
nán ở lại với chúng tôi. Phẩm ngồi ở gốc cây cầm vạt áo quạt quạt:
- Có lẽ bữa nay đoàn ở ngoài
không vô kịp.
- Tại sao ?
- Vì đường dốc dữ lắm. Các anh
biết mà. Có khi phải dừng lại ở điểm hai phần ba đường. Sáng mai họ đến đây vào
giữa trưa.
Phẩm không hỏi tới bệnh nhân
Núi một tiếng nào, nhưng tôi thẳng thắn gợi ra:
- Thường thường nếu bệnh chết ở
đây thì làm sao cậu?
- Ối chao ! Cái đó chưa xảy ra
ở đây, nên em không phải giải quyết trường hợp nào như vậy cả.
- Nhưng nếu xảy ra thì làm sao?
- Em cũng không biết làm sao!
Tốt nhất là đừng xảy ra!
Phẩm rút nút bi đông ngửa cổ ra
ực nước và tiếp
- Ý mà có. Có một lần nhưng
không phải ở đây. Hồi đó em mới vô công tác được ba tháng. Em được một người
khác đi kèm, vì em chưa đủ kinh nghiệm dẫn khách. Vừa dẫn được dăm chuyến thì
bị một trận bom. Thiệt lãng nhách. Vừng này từ hồi nào tới bây giờ chưa bị bom
vì nó còn gần Miền Bắc. Phải vô xa tận trong kia mới có bom. Em dắt khách về
tới điểm nghỉ cho hạ trại chừng nửa giờ sau thì máy bay tới. Ba chiếc, dội liền
một tiếng đồng hồ. Hai mươi lăm người chết. Bốn mươi bị thương nhẹ, mười tám bị
nặng. Chả là nó dội trúng ngay chóc mà !
- Trời đất !
- Thì anh nghĩ coi, mình cứ ỷ y
là không có máy bay nên đâu có đào hầm hố gì. Mà đất núi này có đào cũng không
đào nổi. Lại nữa lấy gì mà đào? Trang bị của các đoàn dân chánh thì không có
cuốc xuổng gì hết chỉ có con dao găm thôi. Riêng bộ đội mới có cuốc để đào công
sự chiến đấu !
Đoàn này gồm trên một trăm,
toàn dân chánh. Bi loạt bom đầu mạnh ai nấy chạy, chạy đâu được cứ chạy. Lớp bị
bom lớp bị đạn lớp bị cây ngã đè, lớp bị đá phang. Trời ơi ! Hết biết nói sao.
Cũng may cho em là bữa đó đói quá nên vừa cho khách nghỉ em chuồn một hơi về
lều của em cách địa điểm đóng quân chừng hai cây số. Chứ nếu còn la cà nói
chuyện thì dính rồi.
- Sao ở xa dữ vậy? Rủi có việc
gì bất trắc khách biết đâu mà mò cho ra cậu?
- Em đã nói với anh rồi mà !
Phải ở cho xa mới an toàn vì một điểm mà khách cứ đến rồi đi, mãi như vậy nên
“hôi” mất. Các bố không hề có ý thức bảo mật. Cứ ngủ một đêm sáng ngày cuốn vó
đi chỗ khác nên mặc kệ cho kẻ đến sau.
- Rồi cậu làm sao?
- Còn biết làm sao nữa? Anh
nghĩ bằng ấy con người bị thương mà em không phải là cứu thương, một giọt thuốc
đỏ để quệt chỗ trầy cũng không có nữa là chữa trị bằng ấy vết thương. Dứt bom,
em mới lò dò ra chỗ đóng quân. Họ đòi bắn em. Kẻ đòi treo cổ em. Kẻ nhân đạo
hơn đòi xẻo thịt em.
- Tại sao?
- Họ bảo em là gián điệp kêu
máy bay tới bỏ bom.
- Sao lạ vậy?
- Thì đau chân há miệng chứ
sao.
- Rồi cậu làm sao?
- Em nói: Muốn bắn thì cứ bắn,
nhưng em bảo thẳng thừng cho các ông các bà biết là chỉnh các ông các bà gọi
máy bay tới bằng khói lửa bếp của các ông các bà đấy Một trăm cái bếp nấu nướng
mịt mù như vậy bảo sao nó không chiếu cố các ông các bà? Nghe vậy họ mới sáng
mắt ra. Em đã bảo họ trước rồi. Máy bay Mỹ không có phải là bọn mù, một cái bóng
nó cũng còn nhận ra huống nữa là một vùng cây bốc khói. Nhưng họ tưởng đây là
Hà Nội, họ đâu cố thêm đếm xỉa tới kỷ luật đường rừng. Sau đó họ im luôn.
Em bảo:
- Bây giờ phải dời địa điểm !
- Còn thương binh thì sao?
- “Để đó tôi giải quyết!” Thế
là những người sống sót ba chân bốn cẳng chạy theo em. Em bảo “Nó sẽ tới nữa
đây. Tôi không có trách nhiệm gì ngoài việc dắt mấy ông đi khỏi lạc đường thôi.
Máy bay có tới đợt hai tôi cũng không chịu trách nhiệm.” Quả tình, em vừa dắt
đoàn người đi khỏi chừng hơn một cây số thì máy bay lại đến. Chúng bỏ bom tiếp.
Đợt này ngắn hơn đợt trước.
Em dắt khách chạy bất kể trời
đất, càng xa cái tử địa càng tốt. Tới điểm mới em phải trở lại điểm cũ để quơ
đồ đạc và nằm đó chờ đoàn ngoài vô nối liên lạc.
- Không sợ máy bay tới đợt ba
à?
- Sợ chớ, nhưng nếu đoàn ngoài
vô mà không gặp em thì lơ láo biết đâu mà cho khách nghỉ. Lớ quớ lại ăn bom.
Bữa sau đoàn ngoài vô, em báo cáo cho biết thiệt hại do hai trận bom gây nên và
đề nghị cho ở trên hay để giải quyết số thương binh tử sĩ’ rồi em dắt đoàn
khách đi thẳng một lèo tới điểm mới. Nhiều người đã kiệt sức nhưng thấy hố bom,
tản thần luôn nên phải ráng lết theo, không dám nằm vạ giao liên. Vô tới nơi,
sáng hôm sau, mời các ông trưởng đoàn tới, em nói rõ cho cái kinh nghiệm nấu
bếp. Mấy ông đòi bắn, đòi treo cổ xẻo thịt hôm qua không dám ngó thắng mặt em
nữa. Vậy cho biết, để khinh thường giao liên.
- Rồi thương binh tử sĩ giải
quyết làm sao?
- Giải quyết cái dải gì. Riêng
em biết thì chẳng có ai chịu trách nhiệm cả! Giao liên bọn em đâu có phương
tiện gì ngoài cặp giò và cây các-bin rất “hẻo” đạn. Rủi có đụng trận thì đánh
bằng cùi chỏ chứ đạn đâu mà bắn. Cho nên chắc cấp trên của em cũng cứ để như
vậy cho qua luôn.
- Trời đất.
- Anh tưởng em nói chơi đó hả?
Anh vô vài trạm rồi sẽ biết thêm. Có cả Fulro, có cả biệt kích Kangoroo nữa chứ
không phải chỉ bom thôi đâu. -Phẩm lần mò trong túi quần lấy ra một cái hình cỡ
6 x 9 đưa cho tôi- Lúc trở về lần thứ hai, em lượm được tấm ảnh này. Nó cài
trong quyển sổ tay nhưng em gỡ ra và ném quyển sổ tay chỉ giữ tấm ảnh. Vì sau
lưng tấm ảnh có dòng chữ như trối trăn. Em muốn giữ nó để khi nào có ai biết
cái địa chỉ của anh ta thì trao lại, nhờ đem về giùm cho gia đình anh ta.
Tôi cầm lấy tấm ảnh, đọc mấy
dòng chữ sau lưng:
‘Nhà thơ Nguyễn Phục – Tiếng
Súng Kháng Địch. Quê ở xã Hồ Văn Tốt giữa Vàm Cái Nứa và Kinh Cậu 13. Nếu tôi
hi sinh dọc đường thì xin giao ảnh này cho hai anh ruột là Quang và Ẩn, em chú
bác ruột là Thu, con của cô là cô Nga có chồng là Bạch Lý. “
Chữ viết nhỏ rứt như đàn kiến
nhưng rõ ràng từng nét và bằng mực Parker permanent nên không nhòe.
Đọc xong nước mắt tôi ròng
ròng. Tôi không ngờ nó đã chết.
Nó là thằng Phục, bạn tôi và
cùng viết cho tờ Tiếng Súng Kháng Địch Miền Tây Nam Bộ, rồi về Cần Thơ làm ở
Ban Chính tri tỉnh đội chung với nhau
- Cậu giao cho tôi nhé!
- Bạn anh à?
- Vâng! Bạn thân và là đồng
nghiệp – Tôi xoay tấm ảnh xem mặt thằng bạn bất hạnh.
Không cần xem, chỉ đọc mấy dòng
chữ cũng có thể xác nhận nó rồi.
Nó với tôi như ruột thịt. Gia
đình nó tôi biết và mến tất cả. Cha mẹ già, em gái, anh trai, chị dâu, cháu
chắt, tôi quen tất cả không trừ một ai. Nhà có vườn cau mênh mông vườn trầu
xanh ngắt ở ven vịnh Trà Bay sông Cái Bé. Hồi kháng chiến tôi đến đây như về
nhà tôi vậy. Tôi gọi ba má Phục bằng ba má.
Đọc mấy dòng chữ, cả một khung
trời hiện lên trước mắt tôi. Ba má đã già yếu khi Phục xuống tàu tập kết. Có lẽ
vì vậy Phục đoán rằng ba má không còn tại đường nên chỉ ghi tên hai anh, em gái
và em rể…
Ra Hà Nội Phục làm ở Đài Phát
thanh phụ trách mục Văn học Cổ điển cùng với học giả Ngô Thành Tâm ,nhạc phụ
của thầy dạy Quốc văn cho tôi. Nó đi Nam trước tôi ít lâu, không nhớ là bao
lâu, không có tạm biệt chia .tay chia chưn gì cả, nhưng bây giờ thì chia cách
ngàn năm rồi. Phục đã chết. Nó đây chớ ai. Tôi cầm tấm ảnh trên tay mà tưởng
hồn bay tan tác. . (Tôi đã giữ tấm ảnh này đến lúc vè tới R, nhưng không có dịp
nhắn tin. Mãi khi tôi ra hồi chánh, tôi đã lên nói chuyện hằng tuần trên đài
Tiếng nói Quân đội của Trung Tá Văn Quang, nhờ đó tôi nhắn tin cho gia đình Phục.
Trước sau nó đến ba bốn lần. Không rõ anh Tư Quang anh Năm Ẩn có nghe không?
Bây giờ nếu Phục đã không về quê Hồ Văn Tốt – sau mười lăm năm giải phóng thì
xin hai anh hãy tin rằng giấy báo tử không bao giờ đến, mặc dù Phục đã không
còn sống trên đời. Vậy hai anh đừng nên hi vọng gì nữa. Và xin những ai đọc
được những dòng này, nếu có điều kiện xin hãy báo đùm hung tín cho anh em của
Phục theo địa chỉ trên).
- Nói vậy anh ấy là bạn anh à ?
- Vâng ! Ít nhất là ngót hai
mươi năm tính đến hôm nay.
- Trong những hố bom những cây
cối ngổn ngang, có những xác người nhưng em không biết quyển sổ này thuộc về
ai. Nhưng em biết chắc chắn người chủ của nó đã chết -Phẩm nói tiếp.
- Biết đâu nó sống sót trong
đoàn đi vào thì sao ?
- Điều đó không thể có.
- Sao không?
- Khi dắt đám người sống sót về
tới điểm mới, em giơ quyển sổ ra để mọi người nhìn, nhưng chẳng có ai nhận cả.
- Biết đâu nó chỉ bi thương
nặng nằm ở đâu đó và có tiên đến cứu đem về Hà Nội.
- Xong rồi anh !
Tôi quay lại . Hai tay Ngữ đỏ
lòm máu quơ lên:
- Em đã làm lông nó xong.
Tôi vọt miệng bảo:
- Thì nấu đi.
- Nấu gì. Thịt có vẻ tanh lắm !
- Chật khúc ninh rừ! -Hoàng
Việt ra lệnh- Cứ thế mà làm, không phải hỏi.
Ở đây không có gia vị. Chỉ
riêng Hoàng Việt có một gói muối tiêu mà anh giữ bí mật từ lâu không đưa ra
xài. Anh trút ra một ít trong nắp gà mèn cho Ngữ. Ngữ ướp xong, gom tất cả
những gà mèn xỏ vào một que gỗ dài gác lên hai nạng rồi đốt lửa như kiểu Nhật
Bổn nấu cơm mà tôi thấy ở Mỹ Tho trước ngày quân Nhật chiếm thành phố này.
Họa sĩ Núi vẫn nằm mê man, lâu
lâu lại la ré lên một tiếng hoặc ngóc đầu lên ngó dáo dác như muốn tìm kiếm.
Nếu Năm Cà Dom có mật ở đây thì đỡ khổ cho chúng tôi quá . Vì ở thành phố suốt
đời nên bọn tôi chẳng biết cả những điều sơ đẳng trong y học thường thức.
Núi càng ngóc dậy nhiều hơn và
dợm nhảy xuống đất. Tôi nhanh tay đè cậu ta xuống nhưng tôi vừa trở lại bếp thì
Núi vọt xuống vông và chạy bạt mạng.
Tôi đuổi theo. Ngữ cũng rượt
tiếp. Nhưng hắn chạy như ngựa bất kể bụi cây gộp đá, hắn cứ phóng bừa, vượt qua
tất cả, dường như có mắt dưới chân.
Hắn bỏ chúng tôi xa. Nhưng… may
quá hắn bước hụt chân vào một cái hố và ngã lăn kềnh. Tôi và Ngữ ào tới bắt hắn
đem trở về võng.
Hắn rũ người ra, thở hồng hộc.
Bỗng nhiên hắn ngóc lên quắc mắt:
- Đây là một bức tranh lập thể.
Pi-cát-xô vẽ con nhỏ người yêu tôi vào thời kỳ mầu Hồng. Tóc nó mọc dưng lên
như chổi xể, mồm nó như cái loa ở góc phố ong ỏng tối ngày. Ngủ không được. Ngủ
không được. Câm, câm, câm!
Hắn vừa nói vừa vả mồm chan
chát.
- Đè nó xuống! Tôi bảo Ngữ – Nó
mê saảng cùng cực rồi .
- Đúng là sốt ác tính rồi anh
ạ! – Ngữ lắc đầu nguầy nguậy.
- Chẳng có quân eo quân y gì
cả? Làm thế nào?.
Phẩm đến nơi:
- Em cũng không biết làm thế
nào?
Tôi nói:
- Ông Tôn Thất Tùng có phương
pháp hạ nhiệt độ bệnh nhân bằng cách ngâm bệnh nhân trong bồn nước đá trước khi
mổ. Tôi được ông mời xem tận mất hai ba lần mổ gan và tim ở nhà thương Phủ Doãn
để viết phóng sự. Bệnh nhân được đem lên bàn mổ giống như con mắm sống. Tôi có
hỏi ông thì ông nói: Nước mình không có phương tiện khoa học nên phải làm như
thế vừa giản tiện vừa tiết kiệm được tiền. Không biết mình có thể đem thằng Núi
ngâm dưới suối hay không? Nếu để như thế này thì nó chết mất. Nó đã hóa rồ rồi
đấy ! Tôi nói thiệt mà, tôi không có đùa đâu.
Phẩm nói:
- Trước đây cũng có một ông trẻ
lắm. Cỡ tuổi với ông này. Cũng chết ở trạm trước đây, vì bị ác tính. Nghe nói
con của một ông bà gì to lắm. À, bà Thập ủy viên Trung ương đảng.
- Tên gì ?
- Tên Quang. Tôi nhớ rõ lắm.
Anh ta người cao lớn đẹp trai. Sốt có ba ngày…
- Trời đất! Thằng Quang hả?
- Đúng là Quang mà ! Chết rồi
trong ba lô còn một bó sâm ‘Triều Tiên và hai trăm ống B12, em còn cất kia kìa.
Các anh có dùng thì em đưa, để lâu hư hết.
- Còn tốt không?
- Em đâu có biết. Em còn bỏ
trong lều của em hai ba củ sâm và mấy ống B12. Đâu có xài được. Mà em cũng
không dám xài. Nghe người ta nói sâm vừa bổ vừa độc. Cũng như lộc nhung, còn
trẻ mà dùng thì nứt da như heo quay.
Tôi bảo:
- Cậu về lấy đem ra một củ tôi
gọt cho thằng Núi uống, họa may nó xuống nhiệt độ.
Phẩm chạy đi ngay với nhiệt
tình không thấy có ở con đường này. ..
Sao tôi gặp toàn chuyện ác ôn
không vậy? Cách đây không lâu tưởng Thu đau thương hàn nhưng không phải. Nên
thay vì Thu nằm bệnh xá của bác si Cường thi lại đi tiếp với đoàn. Được ít hôm
thì ông Chín kiệt sức chết. Rồi Thưởng của đơn vi Mạnh Rùa bị chính Mạnh Rùa
đập bằng gậy, ức hiếp bò theo đơn vị cũng chết. Bây giờ tới thằng Núi nữa.
Trong khi thằng Núi hóa rồ thì lại ..nghe Phẩm kể về thằng Quang.
Tại sao ở cái trạm này có lắm
nhân vật ngã ngựa quá vậy? Về sau tôi mới nghiệm ra. Đó là vì từ Hà Nội vào tới
đây những người bình thường đã kiệt sức.
Từ trạm này lá bắt đầu rụng như
những mạng người ngã – như những chiếc xe hết xăng cạn nhớt. Cái nào giỏi thì
bưong tới, còn bao nhiêu thì chết máy nằm lại đây đút vô ga-ra để o bế thay thế
các bộ phận hỏng rồi chạy tới. Nhưng người của đảng thì không được như xe. Ngã
xuống thì ráng bò lên, không bò nổi thì nằm mẹp và xả rác như lá rụng.
Thằng Quang! Tôi biết nó. Nó
con bà Mười Thập. Đúng rồi ! Tôi mới sực nhớ ra rằng từ lâu nó không có mặt ở
Hà Nội, ngạc nhiên nhất là nó lại vô đây.
Không có con một ông lớn bà lớn
nào đi giải phóng Miền Nam cả. Chúng dành cái vinh quang cực kỳ cao vút đó cho
đám con cháu bần cố nông và lũ cán bộ Miền Nam sốt ruột muốn về quê. Chúng đi
giải phóng Miền Nam bên Đông Đức, Tiệp, Liên Xô, Trung Quốc có kết quả mau hơn.
Thằng thì chê Trung Quốc nghèo
đòi đi bằng được Liên Xô, thằng được đi Liên Xô lại đòi sang Ba Lan tự do hoặc
Đông Đức giàu hơn v.v…
Phẩm trở ra đưa cho tôi cái củ
sâm. Sự thực thì tôi cũng có vài củ phòng thân giấu dưới đáy ba lô. Nhưng nghe
Phẩm nói không dùng thì mới đề cập tới chứ nếu Phẩm không cho biết thì cuối
cùng tôi cũng xài sâm của tôi Nếu có tác dụng thì về sau tôi cũng có kinh
nghiệm dùng sâm hạ nhiệt độ cho bệnh nhân.
Tôi cạo gọt củ sâm bỏ vào nước
đun sôi và chờ nguội đem đổ cho Núi. Nó uống được vài lần coi có mòi khá. Tôi
sờ trán nó, thấy vẫn còn nóng hãi hùng như trước, nhưng hi vọng sâm Triều Tiên
là đào tiên của Thượng đế ban cho.
- Nào thịt cà khu chín chưa? –
Tôi quát một cách phấn khởi.
- Để tôi thử chút coi ! – Ngữ
nói rồi lấy thìa quệu lên một cục thịt, bốc lên tay thổi thổi rồi cắn thử. Ngữ
buông trả lại gà mèn và kêu:
- Hôi rình, chắc ăn không nổi
đâu anh. Thôi ăn món cổ điển của mình cho rồi. .
Phẩm đang ngồi ở gốc cây bèn
bước lại xem rồi nói với tôi:
- Tụi em có kinh nghiệm rồi.
Thịt khỉ tanh lắm. Phải nín mũi ăn bừa. Ăn lấy sống chớ không lấy ngon. Anh
chắt hết nước ra đi. Rồi đổ nước mới nấu một trận nữa. Xong vớt ra để cho ráo
nước rồi mới xé nhỏ ra lấy cái nạc kho quết với muối thật mặn cho bán mùi hôi
nuốt mới vô.
Hoàng Việt đang nằm trên võng
cũng bật dậy:
- Kệ nó, dù sao nó cũng là
thịt. Thịt khỉ bổ hơn thịt cọp đó !
Mọi người cùng cười. Tôi nói:
- Ừ, nay mai mình đi bắt cọp
làm tái nghe anh Bảy.
- Ở đây đâu có dấm mà làm tái.
Mượn nước mắt của con Thu kia kìa.
Thu cười tươi như mếu:
- Em khổ quá mà lúc nào các anh
cũng chế em !
Tuy chê thịt hôi nhưng rồi ai
cũng quơ một cục cạp gặm. Đói thịt mà. Hơn một tháng trời không có thịt
vôngười, bây giờ thứ gì lại không nuốt. Cả Phẩm cũng ngoạm một cục. Tội nghiệp
chỉ có họa sĩ Núi là nằm lịm không biết chuyện thế gian. Đứa nào cũng thấy khỏe
người quá. Bỗng Hoàng Việt gợi ý:
- Còn cái đầu đâu ? Để tao bổ
ra ăn cái óc.
- Ghê bỏ bố. -Ngữ nói- Anh nói
làm em phát lợm.
- Ở Chợ Lớn tụi Tàu cho óc khỉ
đi kèm với Nhất dạ đế vương đó nghe tụi bây ! Óc khỉ này? …Bậy quá phải hồi nãy
để tao xả cái óc nó trước. Tao cũng quên khuấy đi mất. Nhưng bây giờ cũng chưa
muộn. Cái đầu còn tươi. Mày ném nó đâu rồi. Nè, còn mấy cái xương tụi mày đã
gậm, đừng vứt nghe,
- Để làm gì ? – Ngữ hỏi.
- Để ổng gọt ống điếu ! -Tôi
nói- Cái bánh chè của ông chưa xài được.
- Đừng có trù mạt mày. Nè, gom
hết ba cái xương khỉ lại rồi tao nấu cao dừng. Cao khỉ ở Hà Nội đâu có phải nấu
bằng xương khỉ khỉ khô gì. Một bộ xương khỉ nấu chung với một gánh xương chó.
Phẩm kêu lên:
- Sao có chuyện kỳ vậy?
- Gì mà kỳ. Cao Bang Long cũng
nấu kiểu đó thôi. Một bộ sừng nai nấu lộn với một thúng xương chó. Vậy nó vô
chai dán nhãn Công ty Dược phẩm Hà Nội.
Tôi hỏi:
- Sao anh biết những chuyện đó?
- Sao mày không biết những
chuyện đó?
- Vì tôi không có điều kiện để
biết.
- Còn tao, tao có điều kiện để
biết, biết chắc ! -Hoàng Việt tiếp- Đảng và Chánh phủ mình mà, cái gì không làm
được mậy! Làm ẩu, làm bậy, làm lén là số dách. Như. con đường quái gỡ này là
cái gì? Có phải là một loại bịp kiểu cao khỉ Cao Bang Long không? Nói là đi
giải phóng Miền Nam kỳ thực là để thanh toán phần nào nạn đói Miền Bắc
- Nữa, cha nội nói không có giữ
mồm giữ miệng gì cả.
- Chẳng lẽ mày lại đi báo cáo
tao ư? Tao chán thấy mẹ rồi ! -Hoàng Việt ném cục xương khỉ vô gà men và nói-
Hình của Nguyễn Hữu Thọ mà treo ngang với hình Cụ trước cửa Nhà hát lớn thì quả
là một món Cao Bang Long tuyệt vời. Nè, đứa nào cạp xong, bỏ xương lại đây, rồi
đi quơ củi. Tao quyết đinh sẽ nấu một mẻ cao tẩm đầu gối tụi mình. – Hoàng trỏ
cái gà mèn không, bảo.
Tình hình bi đát càng trở nền
bi đát. Mới được một phần ba đường mà đứa nào cũng sụm cả rồi. Chống gậy đi
giải phóng Miền Nam thì chỉ có thời đại Hồ Chí Minh mới sáng tạo ra nổi thôi.
Tiệc thịt khỉ hầm suông rồi
cũng kết thúc mỹ mãn với sáu chiếc gà men đầy xương khỉ. Hoàng Việt không nói
đùa. Chúng tôi phải thi hành lệnh của đại ca mà đi quơ củi . Còn Hoàng Việt thì
di bổ cái đầu khỉ ra lấy cái óc. Với cái dao trành, anh phải khá vất vả mới đạt
được kết quả: Cái óc khỉ bằng quả bứa bị móc ra khỏi sọ đặt trên nắp gà mèn máu
me đỏ lòm, trông khiếp quá.
- Nó phải ăn với muối tiêu,
chanh và rượu mạnh rồi tới cái “vụ” kia.
- Vụ kia là vụ nào?
- Nhất dạ đế… be be ! -Hoàng
Việt lắc đầu- ở đây không có rượu, không xơi sống được, tớ phải chưng cách thủy
thôi.
Nói vậy rồi anh đi nấu nướng nọ
kia một cách tận tụy. Xong anh bảo:
- Cho thằng Núi nó ăn. Họa may
nó mạnh mày ạ ? Đau Nam chữa Bắc có khi cũng lành. Nếu nó có gì đi nữa mình
cũng không ân hận vì “Đảng và Chánh phủ đã hết lòng chạy chữa…” – Hoàng Việt
nhại lại câu cáo phó công thức chỉ dành cho các ông kẹ từ trần đăng trên báo
Nhân Dân.
- Còn ba củ sâm này, còn những
ống “Bê đui” này nữa. Sâm thì tao bỏ lộn vô Cao khỉ uống chắc ác lắm. Còn Bê
đui thì phải đập ra uống thôi. Chứ không có ống chích thì làm sao cho nó vô
mạch máu được ? Nằm đây chờ nấu xong mẻ cao khỉ để tẩm bổ?
Biết tôi băn khoăn Phẩm nói:
- Đường còn xa lắm anh ạ! Chẳng
vội gì mà đi. Vào các trạm trong cũng khó đi hơn ở ngoài này. Vô đó còn đụng
các thứ khác, như biệt kích, fulrô nhiều hơn. Nằm lại, chừng nào khỏe rồi hãy
đi.
Tôi không nói ra, nhưng biết đó
chỉ là lời khuyên suông thôi. Bịnh nằm lại ngày nào thì càng lún xuống ngày ấy
chứ khỏe gì được mà khỏe !
Phẩm từ giã bọn tôi đi về cái
lều cô đơn cửa nó. Nó không muốn đi, nó chùng chình như có chuyện gì muốn nói.
Và cuối cùng nó nói:
- Chắc mấy anh có mang máy ảnh
theo ! Vậy cho em xin một pô.
- Sao cậu biết tôi có máy ảnh?
- Thì anh nói anh là nhà văn
nhà báo nên em nghĩ như thế!
- Ở đây chụp ảnh làm gì ! Mặt
mũi như ma trơi ai coi cho !
- Kệ nó, anh cứ chụp cho em !
- Ừ, chụp thì tôi chụp cho. Tôi
có máy ảnh. Bây giờ còn chút nắng, mau lên !
Thấy tôi sốt sắng, Phẩm vội
trút nước trong bi đông ra tay vuốt vuốt lên tóc, bắt vạt áo lên lau mặt rồi
đến đứng giữa vệt nắng còn vàng ệnh trên mật đất lởm chởm.
Tôi nhanh nhẹn moi ba lô lấy
máy ảnh ra. Để làm quái gì, cái tấm ảnh?
Tôi vừa bước dấn trước mật Phẩm
vừa bảo:
- Cười tươi lên đi !
Phẩm nhếch mép.
- Muốn chụp từ vai lên, hay
nguyên người ?
Phẩm ngần ngừ một chút rồi hỏi:
- Anh cho em xin hai pô được
không?
- Được !
- Vậy anh chụp một cái bán thân
một cái nguyên người.
- Được rồi. Cười lại đi !
Phẩm lại run run nhếch môi. Tôi
bấm. Rồi bảo:
- Đứng cho oai đi . Chống nạnh
lên ! Có cần mang các-bin không?
- Thôi đừng cho cái của quỉ đó
vào.
Tôi lại bấm.
Thế là xong hai pa cho cậu bé.
- Chừng nào thì anh cho em xin
hình được ?
- Á à . ạ!
Đó là vấn đề. Ai cũng thích
chụp hình, kẻ xấu người đẹp đều thích cả. Chụp xong muốn xem mặt mình ngay.
Nhưng làm sao tôi có ảnh mà đưa cho nó.
Phẩm nói:
- Cái bán thân thì em gửi về bố
mẹ em, còn cái nguyên người thì em tặng cho cô bé của em.
- Vậy à ?
- Vâng. -Phẩm rơm rớm nước mắt-
Lâu quá rồi anh ạ, em không có thư từ gì cả. Em đã gửi đi hằng chục lbức thư
nhưng không có hồi âm. Em nghi người ta hủy bỏ hết chứ không cho đến tay người
nhận đâu !
Phẩm tiếp:
- Từ lúc cái anh gì bị bom
chết, cái hình ảnh em đưa cho anh đấy, em cứ bị ám ảnh bởi một trận bom khác. Ở
đây thưa bom nhưng vì khách làm lộ quá rồi, thế nào cũng phải ăn thêm. Nếu em
có bề nào thì ở nhà cũng còn tấm ảnh của em. Cũng như anh kia vậy, ảnh không đi
tới nơi, nhưng anh mang ảnh về tới gia đình thì cũng như ảnh về tới nhà vậy.
Tôi khẽ thở dài, cố không cho
Phẩm nghe. Rồi bảo:
- Chừng nào tôi rửa phim tôi
gởi ra cho. Bây giờ chưa hết cuộn, chưa rửa được. .
- Vâng, anh nhớ dùm em ! – Phẩm
bắt tay tôi thật chặt rồi quay lưng đi.
Tôi đoán thằng bé khóc.
Còn tôi, tôi chẳng biết nói
sao, vì thực tình thì cái máy ảnh đã hỏng từ lâu. Tôi tính vứt đi, nhưng Năm Cà
Dom bảo đưa cho y dùng làm dụng cụ “mần ăn,” khai thác… nọ kia.
Trên đường này cái gì cũng kỳ
cục. Cái máy này của một người con gái tặng tôi, và tôi mang nó như một kỷ vật
Trong ba lô tôi chẳng có món gì nặng đến thế ngoài quần áo chăn màn võng và
thức ăn. Lúc khởi hành tôi chụp hăng lắm. Với ý đinh là về tới trong Nam sê rửa
ra hình làm một cuốn album đặc biệt để ghi dấu một cuộc leo núi độc nhất trong
đời mình, có thể để lưu lại cho con cho cháu. Tôi đã chụp đến trên chục cuốn
phim, trong đó có những cảnh leo núi đêm, ngày, đít người trước ịnh trên mũi
người sau hoặc mồm người sau hôn gót người trước, cảnh nấu cơm dưới mưa, cảnh
quần áo bị chê nặng mắc trên nhánh cây hai bên đường, cảnh qua ngọn sông Bến
Hải, cảnh đi cầu dây lắc lẻo qua suối, những pô cuối cùng tôi chụp được trước
khi cái máy ảnh rã bành tô -(trong một lần giao liên dắt đoàn lội suốì ngâm
mình dưới nước suốt nửa ngày trời), những pô đó là hình ảnh một “tù binh” Mỹ bị
nhốt trong củi heo ngất ngư gần chết.
Cái buồng tối tróc keo dán, cái
nút bấm bị sét ống kính mờ và rễ tre, nên chỉ còn có cái hình thức. Thế nhưng
Năm Cà Dom dùng nó để gạ gầm đổi cái này cái nọ với những pô ảnh không bao giờ
rửa ra hình. Anh ta làm có vẻ tự nhiên, và chiếm được những chiến lợi phẩm một
cách dễ dàng. Một lần hạ trại mưa liên miên không moi đâu ra củi, Năm Cà Dom
“chụp” cho một đơn vị bộđội vài “pô” và gởi ba phần gạo của chúng tôi vào các
soong to của đơn vị. Anh nuôi có tăng che và bộ đội xốc vác đi tìm củi rất tài.
Do đó tụi tôi có cơm chín mà ăn.
Đại khái như vậy. Kể cũng không
phải là bất lương lắm. Khi Năm Cà Dom trả lại cho tôi, tôi cất trong ba lô,
không có ý định sẽ kế vị Năm Cà Dom nhưng lại cũng không chịu ném cái máy đi,
mang nó như một khối sắt nho nhỏ trên lưng, trong khi các mẩu giấy mang nét chữ
người yêu Hà Nội cũng đều bị tôi giản chính đến tàn nhẫn bằng cách làm đóm dóm
bếp.
Những cuộn phim tôi chụp được,
tôi cũng cho chung số phận với các mẩu giấy kia vào một chiều không tìm ra củi.
Thế nhưng cái máy thì lại yên thân. Chẳng ngờ bây giờ lại có tác dụng. Tôi moi
nó ra chụp cho Phẩm một cách tự nhiên, không có ý lợi dụng hoặc gạt gẫm gì cậu
ta. Tôi thấy tội nghiệp cậu thanh niên qua tâm trạng của tôi trong những ngày
gần đây, có lẽ cũng là tâm trạng của mọi người trên đường này: Sợ mình chết mà
gia đình không hay biết.
Do đó, thay vì hối hận, tôi lại
thấy vui. Tôi có lừa chăng nữa thì sự lừa bịp của tôi cũng chẳng chết ai. Có kẻ
lừa chúng tôi đến hai lần đi vào chỗ chết mà vẫn ung dung ngồi trên cao và được
ca ngợi là anh minh đó thì sao: một lần tập kết bằng tàu biển và lần này hồi
kết bằng trèo núi.
—>Chương 5
- 5 -
Đêm xuống nặng nề ảm đạm đến
chết người. Chúng tôi đã xa Hà Nội ngót bốn mươi ngày. Cứ hễ đêm đến là sự sợ
hãi tăng lên. Bởi vì đêm thường có chuyện bất ngờ mà chẳng làm sao đối phó
được.
Và đêm nay chúng tôi đụng phải
sự bất ngờ đó. Vào lúc gần nửa đêm, Họa sĩ Núi bỗng nhiên ngâm thơ:
Đường đá chập chồng đồi cao
thấp
Núi vẫn đôi mà anh thiếu… em!
Tôi đang thức trăn trở vì cái
dạ dày đồng khởi. Có lẽ vì mấy cục thịt khỉ ngoan cố chăng. Đau thì cắn răng
chịu chứ không kêu ai mà cúng không có thuốc. Còn mấy chục viên át-pi-rìn nhưng
không dám uống, sợ hết, khi cần chính nó thì lại không có. Tham thực cực thân,
quả có đúng !
Tôi đâm ra hối hận vì đã nuốt
càn ba cái thịt con khỉ chết oan. Nhưng ai lại có thể tự chế mình trong một
tình huống như vậy ? ..
Tôi nằm nhìn dãy gà mèn mập mờ
ngoài lều, trong đó nằm yên giấc ngàn thu những cái xương khi đã được cụ Hoàng
ta gọt rửa sạch những gân và thịt còn sót ở những đầu xương. Cụ ta hăng hái
tuyên bố nấu cao vậy thôi chứ thực cự thì chắc không ai có đủ kiên nhẫn và có
sức nấu. Phải hai ba ngày đêm liền chi đó thì mới có thể biến mớ xương này tan
ra nước chứ đâu phải như nấu cơm nấu cháo. Rồi còn phải pha chế nó mới thành
cao… khỉ!
Đang nằm suy tính tìm sáng kiến
giúp cụ Hoàng thì nghe ông họa sĩ trẻ ngâm thơ. Giọng ngâm khá hay, nó uốn éo
ngắt quang rất đúng điệu và lại đúng chữ nữa. Đặc biệt lại có một sự chơi chữ
đầy ý nghĩa trong câu cuối “Núi” vẫn “Đôi.” Đôi là người yêu của Núi. Có lẽ hai
câu thơ này chàng ta đã làm để tặng người yêu, nhưng sao lại “thiếu em?”
Như vậy chắc Núi ứng khẩu ngâm
lên.
Nghĩ đến đây, tôi rùng mình.
Thằng bé này sắp theo ông theo bà đây! Tôi nghĩ vậy vì lúc còn đi chung với Năm
Cà Dom, anh ta có nói cho tôi biết đại khái về sốt ác tính. Đặc tính của nó là
bệnh nhân nóng đến phát khùng và nói nhảm. Chỉ trong vòng từ ba đến năm ngày
thì ác bệnh nhân bị vi trùng đột nhập. Có khi nằm liệt câm luôn rồi chết nhưng
cũng có khi nói năng tỉnh táo như người thường. Tình trạng này rất ít xảy ra
nhưng hễ xảy ra thì chắc chết. Người bị sốt ác tính ít khi sống sót, nếu có thì
cũng trở thành phế nhân. Chứng bịnh ngặt nghèo này vừa mới thấy xuất hiện ở núi
rừng, hiện ở Hà Nội người ta đang nghiên cứu cho nên chưa có cách chữa trị hiệu
quả. Cách tốt nhất là làm cho bệnh nhân xuống nhiệt độ. Nhưng đó là nói chuyện
ở Hà Nội, trong các bệnh viện cơ, còn ở đây lấy gì ?
B12 của Phẩm đem ra cho tụi này
có thể giúp Núi khá lên lắm nhưng lại không có kim và ống chích. Chẳng lẽ lại
đập ra mà uống ư?
Bên lều của Núi, tiếng ngâm thơ
lại lè nhè:
Anh muốn đưa em đến cổng trường
Cho đời em hiểu nghĩa yêu đương
Ngờ đâu sóng gió đời tôi đã
Giam hãm thân trong bốn mảnh tường.
Trời đất, y như người khỏe. Nó còn
nhớ thơ Tố Hữu, bài Tặng Nàng Trinh Nữ. Trong đêm tối mịt mùng, giữa rừng sâu
câm lặng, tôi tưởng như nghe tiếng tình yêu. Tôi đập võng quát:
- Núi ! Núi !
-…
- Núi, Núi ! Ngủ đi ! Khát nước
không?
Biết chăng em hỡi lòng anh hận
Anh đã. . . chẳng đưa em đến cổng trường
Nó lại ngâm tiếp nhưng lần này
lại sai một chữ. Có lẽ vỏ não của nó bi vi trùng tấn công nên hư hỏng rồi. Nó
chỉ còn như cái máy ghi âm cũ được quay lại được khúc nào hay khúc ấy, cho nên
không phản ứng với những câu hỏi của tôi.
Tôi cố trắc nghiệm thêm:
- Mày có muốn uống cao khi
không Núi ? Mày có định sáng mai hành quân không Núi?
Lần này nó không ngâm thơ nữa,
cũng không ư e. Tôi sợ quá bèn đập võng kêu Hoàng nhạc sĩ.
- Anh Bảy ? Anh Bảy ! Anh có
nghe không ?
- Có, tao nghe tự nãy giờ.
- Làm sao anh?
- Còn biết làm sao ! -Một chốc-
Để sáng coi chứ bây giờ thì chịu thôi. Không có cách gì !
Cả hai nằm chờ sáng để xem cái
chết đến với bệnh nhân chứ chẳng phải để chữa chạy bệnh tật.
Tôi không có trách nhiệm gì với
Núi. Tôi cũng chỉ là một kẻ vượt Trường Sơn bi bỏ rơi như nó. Những thằng bi bỏ
rơi tự dán ghép lại với nhau bằng một thứ hồ đặc biệt muốn dính bao lâu thì
dính, muốn rã lúc nào thì rã như đối với một tên đồng hành tôi đã kể ở trên
kia.
Núi vẫn Đôi anh thiếu em !
Câu thơ đó có thể là lời trăn
trối của nó ! Tôi đang miên man suy nghĩ thì bỗng đâu trời gầm to làm tôi giật
mình suýt bật ra khỏi võng. .
Chớp nhoáng nhì nhằng một chập
rồi mưa đổ như trút ở vùng này mưa thường đến nhanh, to và kéo dài. Có lẽ hơi
nước từ biển Đông trôi lên đây bi núi chặn lại và rơi xuống thành mưa, không
phải châu du đi đâu, nên giọt mưa hơi mặn mặn.
Tôi ngồi bật dậy và bước xuống
đất giật ngay mấy sợi dây căng lều rồi ôm ba lô ngồi lên.võng trùm chiếc lều
lên. Đó là kinh nghiệm chống mưa đêm trên đường này. Nếu không mở lều thì gió
sẽ giật đứt hết các góc buộc dây căng, có thể nó bi xé toạc ra làm nhiều mảnh.
(Vài đứa trong đoàn đã bi rồi. Chúng nó phải dùng kim chỉ vá víu bậy bạ xài
đỡ). Cái kinh nghiệm này cũng đắt giá như kinh nghiệm chặt của người đi biển
khi gặp gió to có thể lật úp thuyền.
Nếu không mở lều cứ nằm võng
thì càng bị ướt và lều bị xé nát, còn trùm kiểu này thì cũng ướt nhưng ướt ít
hơn và chắc chắn không bi hư hao tài sản. Ngoài ra chiếc ba lô cũng như chủ nó
sẽ khỏi dầm mưa. Ba lô mà ướt thì sáng mai hành quân chủ nó sẽ mang nó như “đeo
đá” trên lưng vậy.
Tôi ngồi trên võng với chiếc
lều phủ kín mà nghe mưa nện trên đầu như những ngón tay gõ loạn trên phím dương
cầm. Nhưng sự hưởng lạc đó không kéo dài được bao lâu: Nước mưa từ hai đầu võng
trút xuống đáy võng. Vì võng kaki nên nước đọng lại và dâng lên dần, Số nước
chảy ra chậm hơn số nước xuống cho nên nửa người tôi bị ngâm trong nước. Lâu
lâu tôi phải đè mép võng nghiêng qua để trút nước ra. Đó là một cách chống úng
của dân Trường Sơn bắt chước theo kiểu hợp tác xã “nghiêng đồng đổ nước thay
trời làm mưa” do báo Đảng phổ biến.
Chống úng như vậy không nhớ
được mấy lần thì trời tạnh. Tôi mừng quá tốc tấm ni lông ra, bước xuống đất,
vừa mắc chiếc ba lô lên đầu võng vừa hỏi:
- Anh Bảy có ướt không? – Tôi
ngó bốn bề thì thấy nhiều chiếc lều bị gió lật, có cái bị tốc hẳn treo trên
nhánh cây, có chiếc một đầu thì chụp lên võng một đầu lại còn treo trên cành
cây giống như chiếc xuồng chìm còn nghếch mũi lên. Té ra không có mấy người rút
kinh nghiệm như tôi. Cũng có thể họ biết nhưng họ lười, cứ năm lỳ ra, tới đâu
hay đó. Nhất định là họ bị ngâm trong cái võng nước như con mắm sống. Tiếng
“mắm” trong ý nghĩ làm cho tôi nhớ đến cách làm hạ nhiệt độ của ông Tôn Thất
Tùng trước khi đưa bệnh nhân lên bàn mổ.
Và tôi nghĩ tới thằng Núi. Tôi
vội vàng bước sang với ý nghĩ hãi hùng: Nó đã chết trong cơn mưa đêm qua.
Tấm tư ni lông nâu của nó đứt
cả dây căng một bên che bít cả chiếc võng. Tôi buộc căng lại và nhìn nó. Các
bạn hãy tưởng tượng cảnh vật nào hiện ra trước mắt tôi. Thằng Núi nhắm tít đôi
mắt. Và cả người nó ngâm trong nước. Chiếc võng kaki hữu nghị không biết của
nước bạn nào tặng, vải thật tất. Nước mưa không rỉ ra được nhiều, cho nên nó
như nằm trong chiếc xuồng nước ngập lé đé đến be.
Tôi sờ đầu nó và kêu thét lên:
- Anh Bảy! Anh Bảy ! Thằng
Nú…úi!!
Ngữ tốc lều chạy sang, Hoàng
vọt tới. Thằng bé chỉ còn thoi thóp thở. Chúng tôi nhìn nhau. Tót sờ trán sờ
ngực nó lần nữa. Như tìm được một phát minh mới, tôi nói:
- Nhiệt độ nó xuống rồi. Sờ coi
!
Ba bàn tay chìa vào mình vào
đầu Núi:
- À à nó nguội bộn !
- Chắc bình thường rồi !
- Coi chừng nhiệt độ xuống quá
thấp lại phải hơ lửa cho coi!
Chúng tôi bàn luận oang oang
rồi đi đến kết luận khá rõ rệt là nhờ ơn Trời mưa móc nên thằng nhỏ đã xuống
nhiệt độ rất nhiều. Nhưng vẫn còn mê man, gọi không thưa, cũng không mở mắt.
Chúng tôi cứ để cho hắn tắm
biển nước mưa như thế.
Cái cục nợ thứ hai là Thu. Thu
trông bèo nhèo như cơn gà té mương. Lúc nào cũng rên rẩm xuýt xoa cái chân đau.
Bây giờ lại càng thê thảm.Lều của Thu rách toạc một góc. Đây là một vấn đề. Vá
thì không có chất liệu để vá, còn buộc túm góc thì cái lều không thành cái lều
như trước nữa.
Dù sao ban ngày thì phải cuốn
lều và võng. Bữa nay thì phải phơi võng cho khô để tối ngủ. Rồi còn cái ba lô
nữa. Tuy được bảo vệ kỹ lưỡng như thế nhưng không còn một vật gì khô. Áo quần,
chăn màn phải lôi ra cả tìm nơi kín đáo mà căng ra, trông như những cửa hàng
chợ trời trình bày của quí. Tất cả khách đều làm y một kiểu cho nên cái chợ
trời kéo dài cả cây số.
Ai có món gì muốn giấu cũng
phải xổ hết bầu tâm sự hết ra cho người khác xem. Nếu cái ba-lô là tâm tư của
mỗi người thì mỗi lần mưa trời đều bắt những người Trường Sơn này phản tỉnh,
phản tỉnh một cách thật thà, muốn che giấu cũng không che giấu được.
Không có món gì khô và không có
món gì còn nguyên, cũng như tư tưởng và tình cảm con người. Tất cả đều rã bèng
– từ những lưỡi dao cạo râu tới những trang ký sự viết lỡ dở, từ những mớ bông
gòn tới những viên ký-nín trong túi thuốc cá nhân được bọc ni lông hai lần. Tội
nghiệp chiếc máy ảnh mà tôi đã mang trên lưng lâu nay đã tróc hư, nay càng hư
tróc. Các thứ đều phải được phơi khô trước khi tôi dồn chúng trở vào cái “bao
tử trâu”.
Qua một đêm mưa, con người già
hẳn lên. Tôi nghe như có tóc bạc và nhìn Hoàng nhạc sĩ tôi thấy tóc anh ta như
bạc hơn nhiều.
Tôi nói:
- Thế này thì mai làm sao hành
quân anh Bảy!
Hoàng Việt hiểu tôi muốn nói
gì, nên lắc đầu:
- Cứ giữ “nguyên tắc” cũ thôi.
- Bỏ nó lại đây thì nó chết mất
!
- Vậy làm sao bây giờ ?
- Nó có mạnh thì cũng hai tuần
lễ mới leo núi dược, ấy là nói trường hợp nó được bồi dưỡng, còn như tình trạng
hiện giờ thì có hai tháng nó cũng chưa lại sức. Ngược lại càng sụp xuống thêm.
Nói tới đó, tôi thấy càng đau khổ.
Những đồ vật bi ướt không đáng
kể, cái vật đáng kể nhất là ruột tượng gạo. Gạo còn có một nửa ruột tượng bị
ngâm nước suốt đêm, bây giờ lấy tay bóp đã thành bột. Cố phơi nắng để cứu vãn
tình thế nhưng không kết quả.
Ngữ là tay hay chế biến thức
ăn, nên đề ra một kết hoạch cấp tốc để giải quyết mớ gạo mắc mưa kia. Bọc từng
nắm vào ni lông dùng đá đập cho nát ra rồi phơi để dự trữ. Chỉ có cách đó mới
giữ được lâu, băng không thì phải ăn cho hết ngay, nếu để tới ngày mai nó sẽ
sình và phải bỏ.
Thế là mỗi một người đều biến
thành một cái nhà máy xay bột mà số lượng bột được sản xuất chưa được hai cân.
Nhưng trong lúc thi hành ý kiến
của Ngữ thì có người gặp khó khăn. Ông nhạc sĩ đổ số một về dương cầm và sáng
tác ở Bungai tưởng hòn đá cũng nhẹ nhàng như ngón dương cầm của chàng nên bọc
gạo vào mảnh ni-lông dùng làm áo đi mưa rồi phệnh cật lực một nhát. Ni- lông
vỡ, gạo tóe ra. Ông nhạc sĩ nổi doá nói mát:
- Ê nè Ngữ, mày đem cái sáng
kiến của mày thi đua với các sáng kiến của nhà máy dệt kim 8 tháng 3 được đấy!
- Sao thế hả?
- Ngó đây nè, đổ mẹ nó cả chén
gạo lộn với đất, sỏi làm sao lượm lên ?
- Nện khẽ thôi bố!
- Nện khẽ cũng không được đâu.
Mày bọc gạo bằng cái giống gì đó?
- Bằng ống quần !
- Cái thằng! Sao không phổ biến
cho người ta với .
- Tự động thay đổi kế hoạch lấy
chứ ai biết ông cần gì.
- Thủng mẹ nó cái áo mưa của
tao rồi !
Thế là mọi người thất kinh, bên
bỏ ni lông xoay qua kế hoạch dùng ống quần làm “cối” để giã gạo.
Gạo giã nát xong rồi, tôi và
Hoàng vốn vụng về nên chỉ biết đem ra phơi khô, riêng Ngữ thì nhồi thành bánh
rồi thái ra như con phở, còn Thu thì tay mềm thân yếu lại khuấy hồ bỏ tí đường
cát, cái mớ đường mà mỗi đứa được phát cho hai lạng rưỡi khi xuất phát. Tôi và
Hoàng đã gần hết từ lâu, nhưng Thu thì còn đến những nửa hộp. Cũng may Thu đựng
nó trong hộp, nếu không thì cũng đã tiêu ra nước… đường rồi.
Thu hơi ngại vì mình còn được
cái của quý đó. Chẳng có lẽ tình đồng chí đồng đội đồng hành đồng bệnh ngọt
ngào trong các bài học ở trường đi B như vậy mà trong tình hình thiếu chất ngọt
này, nó lại đâm ra nhạt phèo. Thấy Thu không được tự nhiên khi giở nắp hộp ra
xúc tí đường cho vào nắp gà mèn khuấy khuấy, tôi nói:
- Thu cất cho kỹ để bồi dưỡng
cái chân. Tụi anh chân cẳng khỏe cả, không cần đường!
Kỳ thực thì nghe mùi đường
phảng phất tí ti trong không khí tôi thèm phát khóc lên được. Mấy hạt đường của
mẻ hồ làm ta nhớ đến cái ba lô của tháng họa sĩ trẻ.
Tôi nói với Ngữ:
- Cậu có rỗi phơi đồ đùm cho nó
chút !
- Vâng, để em xong việc của em
đã!
- Cậu xem nó còn đường khuấy
cho nó tí.
- Nó không có đường đâu anh ạ !
- Tại sao vậy?
- Khi lãnh xong nó gởi về cho
gia đình vợ chưa cưới của nó !
- Trời đất!
- Nó nghĩ và nó khỏe như vâm,
cày hợp tác xã nó kéo còn nổi mà anh. Em cũng vậy, em đâu có ngờ vô đây sức
khỏe tiêu tán nhanh đến thế!
Cái hiệu phở của Ngữ làm mọi
người tiếc ngẩn tiếc ngơ: Nếu còn tí nước hầm con khỉ gió thì hay quá. Hôm qua
lại chê đem đổ hết, chi ăn cái xác. Bây giờ cần để làm nước dùng nấu phở thì
không còn chút nào. Thế mới biết cái gì cũng có thời thế của nó, dùng sai chỗ
không bật giá trị lên được như cái anh nhạc sĩ tài hoa kia…
Đi vô con đường này anh ta chửi
đổng toàn gamme majeure với dấu biến thượng. Nhiều lúc leo mệt quá, anh quát:
- Ê, tụi bây nói với giao liên
đằng trước đi chậm chậm nghe. Con người không phải là máy, không phải là thú
vật ! Địt mẹ chứng nó, đi đứng gì như thế này !
Nhìn ông nhạc si ngồi bên gốc
cây cặm cụi vá tấm tămg bị gió giật rách đêm qua tôi hết biết nói sao. Tôi kiếm
chuyện đùa:
- Bây giờ mà rủi gặp chi Bảy ở
đây thì làm sao anh Bảy?
Hoàng nhạc sĩ cười giọng Tenor
một tràng dài tưởng chừng vô tận. Rồi nói:
- May chứ sao lại rủi, chú
e…em!
- Còn thấy đường xỏ chỉ không?
Hoàng nhạc sĩ giơ cây kim lên
rồi cười:
- Mới sốt dăm cơn mà nhìn cái
gì cũng vàng khè.
- Vấn đề không phải là vàng hay
trắng mà là có xe chỉ luồn kim được không?
- Cũng tạm được chớ! Hớ! Hớ hớ
ớ!
- Vá rồi đi ăn phở khi nghe !
Thằng Ngữ nấu gần xong rồi .
- Mẹ ! Cái món phở này, hiệu Tư
Lùn cá thể ở ga Hàng Cỏ nghe qua cũng chạy tét.
- Nè, rồi cái vụ nấu cao của
anh có tính thực hiện không? ?
- Thực hiện chớ! – Hoạng ngó về
phía mấy cái gà mèn còn treo đó – Để tao trút ra phơi rồi mang tới trạm tao nấu
cho mày coi.
- Ừ để rồi coi.
Bỗng thằng Núi rên lên làm mọi
người giật mình. Nó còn nói rõ từng tiếng:
- Khát nước !
Cả thằng Ngữ lẫn tôi đều đứng
bật lên và chạy lại. Trời đất ơi ! Thằng nhỏ đã mở mắt. Trời cứu nó rồi. Mi mắt
nó chớp chớp. Đôi môi nó mấp máy. Tiếng nó thều thào:
- Uống nước !
Ngữ chụp lấy chiếc bi đông trên
đầu võng lắc lắc, nghe còn tí nước, Ngữ mở nút kê miệng bi đông vào mồm Núi khe
khẽ rót.
Núi thở khì một tiếng rồi nhắm
mắt. Tôi hoảng vía, vì nghĩ là nó hồi dương một chút rồi đi luôn. Ngữ vừa đậy
nắp bi đông vừa hỏi:
- Mày uống nữa thôi Núi ?
Mi mắt Núi động đậy rất khẽ.
- Nè, nước nè, nghe không?
Mi mắt Núi lại động đậy như
trước. Môi nó hé mở.
Ngữ nghiêng bi đông rót nhẹ và
hỏi:
- Nữa thôi ?
Núi ngậm miệng lại. Ngữ lại
hỏi:
. Mày có lạnh không?
Núi không đáp.
- Mày biết ai đây không?
Núi cũng không đáp.
Chúng tôi bàn đến việc thay
quần áo cho Núi, nhưng câu chuyện không ngã ngũ. Tôi là kẻ đã từng trông thấy
tận mắt mấy bệnh nhân được Bác sĩ Tùng hạ nhiệt độ bằng cách cho vô bồn nước
đá, tôi cho là nhờ bi ngâm trong võng nước mưa mà Núi tỉnh dậy tí ti và nhiệt
độ thì không cao hãi hùng như hôm qua – Nhiệt độ vừa mới xuống, nếu bệnh nhân
thay đổi môi trường, nó có thể lên cao trở lại.
Nhưng Ngữ và Hoàng thì cho là
nếu để Núi nằm trong sự ướt át, cá võng lẫn quần áo, và dưới nắng như thế sẽ bi
cảm dễ dàng nhất là cơ thể của Núi đang kém sức đề kháng.
Cuối cùng phe Ngữ thắng thế.
Hai người thay quần áo cho Núi với sự vắng mật có hạn đinh của Thu.
Núi là người đã vẽ Thu nhiều
nhất trên đường này. Hai bên tỏ ra rất yêu nghệ thuật hội họa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét