Nguyễn Hộ sinh ngày 1 tháng 5, năm 1916 mất ngày 2 tháng 7, năm 2009 là một cựu chiến binh
trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, lãnh đạo Câu lạc bộ Những
Người Kháng chiến cũ, và người được tặng giải thưởng Hellman-Hammett của Tổ chức
Theo dõi Nhân quyền.
Hoạt động xã hội và chính trị
Ông sinh tại Gò Vấp, Sài Gòn và gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1937. Năm
1940 bị chính quyền Đông Dương thuộc Pháp ghép tội kích động đình công ở xưởng
đóng tàu Ba Son, ông bị tuyên án tù 5 năm ở Côn Đảo.
Sau khi được thả, ông chuyển sang hoạt động chống chính quyền Việt Nam Cộng
hòa, nắm chức Ủy viên Thường trực của Ban Thường vụ Ủy ban Kháng chiến Sài Gòn
- Chợ Lớn (1950-1952). Sau năm 1975 ông làm Phó Chủ tịch Tổng công đoàn Việt
Nam, Thư ký Liên hiệp Công đoàn thành phố Hồ Chí Minh, rồi Chủ tịch Uỷ ban Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 1986 ông là một trong những người thành lập Câu lạc bộ Những Người Kháng
chiến cũ cùng các ông La Văn Lâm, Đỗ Trung Hiếu, Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng,
Tạ Bá Tòng và thượng tướng Trần Nam Trung. Tờ báo Truyền thống Kháng chiến của
nhóm này ra mắt số đầu tiên vào tháng 9 năm 1988 nhưng sau đó vì quan điểm bị
cho là chỉ trích chính quyền nên báo buộc phải đình bản. Tổ chức này năm 1989
cũng bị chính quyền giải tán.
Bất bình, ông từ bỏ Đảng năm 1991 sau hơn 53 năm trong đảng. Sau đó ông bị bắt
và quản thúc tại gia vì tội "chống Đảng".
Từ đó ông càng phản đối mãnh liệt hơn qua những văn bản như bài luận "Giải
pháp Hòa hợp Hòa giải" và cuốn sách Quan điểm và cuộc sống. Sách của ông
kêu gọi Đảng Cộng sản Việt Nam hãy từ bỏ Chủ nghĩa Marx-Lenin. Cũng vì quan điểm
của ông mà ông bị nhà chức trách bắt lần thứ hai năm 1994. Theo ông Việt Nam ở
thời điểm năm 2008 chỉ có độc lập chứ không có tự do.
Vì hoạt động của ông, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) đã trao
ông giải thưởng Hammett-Hellman (Giải Tự do Phát biểu).
Ông mất ngày 2 tháng 7 năm 2009, thọ 93 tuổi.
Mấy lời của tác giả
Tôi tên Nguyễn (Âm) Hộ,
sanh ngày 01 tháng 5 năm 1916 (77 tuổi), tại xã Hạnh Thông (tức phường 10),
quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh. Lúc còn nhỏ, tôi chỉ học hết cấp 2 (sơ học
yếu lược) thời Pháp thuộc năm 1933. Vì gia đình nghèo, tôi không thể tiếp tục
đến trường mà phải đi học nghề, làm thợ tại xưởng đóng tàu Ba Son (1935) vào
lúc 19 tuổi. Tại đây từ năm 1936 (20 tuổi), tôi bắt đầu tham gia cách mạng,
tham gia phong trào đấu tranh dân sinh dân chủ và được kết nạp vào đảng cộng
sản Đông Dương (tức đảng cộng sản Việt Nam sau nầy) năm 1937 (tức 21 tuổi). Sau
5 năm hoạt động, tôi bị bắt vào tháng 4 năm 1940 trên đường đi vào nhà máy và
bị tù 5 năm ở Côn Đảo. Đến cuối năm 1945, tôi được cách mạng tháng 8 giải phóng
về và tiếp tục hoạt động đến sau nầy. Suốt quá trình cách mạng ấy tôi đã kinh
qua các trách nhiệm như sau:
a/ Thời kỳ đấu tranh
dân sinh dân chủ (1936-1940). • Chi ủy chi bộ Ba Son (đảng cộng sản Đông Dương)
• Bị tù đày ở Côn Đảo (1940-1945). b/ Thời kỳ kháng chiến chống Pháp
(1946-1954). • Phó thư ký kiêm bí thư đảng đoàn liên hiệp công đoàn Nam Bộ, phụ
trách công đoàn Sài Gòn – Chợ Lớn. • Ủy viên ban kháng chiến hành chánh đặc khu
Sài Gòn – Chợ Lớn, phụ trách dân quân; Trưởng ban dân quân Sài Gòn – Chợ Lớn. •
Thành đội trưởng dân quân Sài Gòn – Chợ Lớn. • Phụ trách thành đảng bộ Sài Gòn
– Chợ Lớn (cuối năm 1948 đến cuối năm 1950), kiêm phó chủ tịch ủy ban hành
chánh Sài Gòn – Chợ Lớn. • Ủy viên thường vụ đặc khu ủy Sài Gòn – Chợ Lớn, phụ
trách cán sự 2 đặc khu, kiêm phó chủ tịch ủy ban hành chánh Sài Gòn – Chợ Lớn,
kiêm chỉ huy phó ban chỉ huy quân sự đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn (cuối năm 1950
đến cuối năm 1952). • Đau nặng, nằm bệnh viện (cuối năm 1952 đến cuối năm
1954).
c/ Thời kỳ kháng chiến
chống Mỹ (lúc đất nước chia cắt hai miền Nam Bắc). • Ra Bắc, đau nặng, nằm bệnh
viện (1955-1956). • Ủy viên ban chấp hành, ban thường vụ tổng liên đoàn lao
động Việt Nam (1957- 1960). • Ủy viên ban thơ ký, ủy viên đoàn chủ tịch tổng
công đoàn Việt Nam: đảng đoàn tổng công nhân Việt Nam (1961-1963). d/ Về miền
Nam công tác (1964-1975) vận.
e/ Thời kỳ sau
30/04/75 trở đi (1975-1987)
• Ủy viên thường vụ
thành ủy thành phố Hồ Chí Minh phụ trách dân vận.
• Chủ tịch liên hiệp
công đoàn thành phố Hồ Chí Minh kiêm phó chủ tịch tổng công đoàn Việt Nam.
• Chủ tịch mặt trận Tổ
Quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh kiêm ủy viên đoàn chủ tịch ủy ban trung
ương mặt trận Tổ Quốc Việt Nam.
• Chủ tịch hội Việt –
Xô hữu nghị thành phố Hồ Chí Minh kiêm phó chủ tịch ban chấp hành trung ương
hội Việt-Xô hữu nghị. • Chủ tịch ủy ban đoàn kết và hữu nghị với nhân dân thế
giới thành phố Hồ Chí Minh.
• Chủ tịch ban thiếu
niên nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh.
• Trưởng ban vận động
đồng bào thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ xây dựng công trình thuỷ điện Trị An, xây
dựng con đường Nhà Bè – Duyên Hải và xây dựng kinh Đông – Củ Chi.
• Giữa năm 1987, tôi
được cơ quan cho nghĩ hưu lúc tôi 71 tuổi.
Liền sau đó Câu lạc bộ
kháng chiến thành phố ra đời. Tôi tham gia hoạt động với tư cách Chủ nhiệm câu
lạc bộ. Kể ra, ngay từ đầu, anh em kháng chiến thiết tha xin lập hội những
người kháng chiến thì bị thành ủy và UBND thành phố từ chối và chỉ cho phép
thành lập Câu lạc bộ những người kháng chiến mà thôi, mặc dù điều 67 của hiến
pháp còn ghi rành rành các quyền tự do của công dân: tự do hội họp, tự do lập
hội….Tất nhiên, tổ chức hội và tổ chức Câu lạc bộ có thực sự khác nhau về nội
dung, quyền hạn và phạm vi hoạt động. Tuy vậy, dựa vào nội dung quyết định của
ủy ban nhân dân thành phố về nhiệm vụ, quyền hạn của Câu lạc bộ kháng chiến:
• Tập họp những người
kháng chiến trong hai thời kỳ (chống Pháp và chống Mỹ) nhằm phát huy truyền
thống yêu nước trong nhân dân ta.
• Đóng góp vào công
cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam XHCN.
• Đoàn kết tương trợ
giúp đở lẫn nhau trong cuộc sống. Những người tham gia câu lạc bộ kháng chiến
đã tiến hành hoạt động bằng các hình thức: hội thảo, mít tinh, kiến nghị, viết
báo, ra báo nhằm các mục tiêu cụ thể chống tiêu cực, quan liêu, cửa quyền, ức
hiếp trù dập quần chúng, tham nhũng, bè phái, bao che lẫn nhau vì đặc quyền,
đặc lợi trong hàng ngũ cán bộ đảng và nhà nước, ngoài ra xây dựng tổ chức, phát
triển hội viên, thực hiện đoàn kết tương trợ, thăm hỏi chăm sóc gia đình kháng
chiến, thương binh liệt sĩ. Với tinh thần đấu tranh chống trì trệ, tiêu cực nói
trên, câu lạc bộ kháng chiến thành phố đã kiến nghị:
• Bộ chính trị và Ban
bí thư trung ương đảng cần có sự kiểm điểm định kỳ, phê tự phê về sự lãnh đạo
của mình trước ban chấp hành trung ương để qua đó điều chỉnh, kiện toàn cơ quan
lãnh đạo: ai có đủ đức, tài thì tiếp tục phát huy, còn ai không đủ đức, tài thì
cần cho rút lui để đưa người có đức có tài thay thế, chứ không thể cứ “sống lâu
lên lão làng”.
• Không nên ‘độc diễn’
khi quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (1988) mà nên có một số người ra
ứng cử chức vụ nói trên với chương trình hành động cụ thể của mình.
Quốc hội sẽ chọn một
chủ tịch hội đồng bộ trưởng trong số các ứng viên ấy bằng lá phiếu kín của
mình.
• Quốc hội cần cách
chức một số bộ, thứ trưởng có liên quan không làm tròn trách nhiệm, dẫn đến hậu
quả là có trên 10 triệu người ở miền Bắc bị đói năm 1987, và nhân dân cả nước
sống cơ cực kéo dài…
Thế nhưng đối với lãnh
đạo (đảng và nhà nước) các cuộc đấu tranh bằng hình thức nói trên của câu lạc
bộ kháng chiến thành phố là một sự đe dọa. Do đó, lãnh đạo đã tìm mọi cách hạn
chế, ngăn chặn các hoạt động của câu lạc bộ như: không cho hội thảo, mít tinh
hoặc có hội thảo, mít tinh nhưng số người dự ít thôi; tịch thu ấn bản để câu
lạc bộ không ra báo được. Trước khó khăn đó, với tinh thần bám chặt các quyền
tự do dân chủ của công dân đã ghi rõ trong hiến pháp như: tự do ngôn luận, tự
do báo chí… anh em câu lạc bộ phải cấp tốc đem bài vở chạy xuống Mỹ Tho – Tiền
Giang để nhờ giúp đở. Tại đây, anh em địa phương rất nhiệt tình, hì hục suốt
ngày đêm làm xong ấn bản lần thứ hai thì lại được lệnh của ban tuyên huấn tỉnh
uỷ là không được in báo cho câu lạc bộ kháng chiến thành phố. Thế là anh em câu
lạc bộ phải chạy xuống Cần Thơ – Hậu Giang cầu cứu với ấn bản có sẳn. Nhờ sự
thông cảm và tận tình của anh em địa phương, chỉ trong vài ngày, 20 ngàn tờ báo
‘truyền thống kháng chiến’ đã được in ra. Sở văn hóa thông tin ra lệnh tịch thu
tờ báo số 03 nầy đang được phát hành và sau cùng cơ quan chính quyền đóng của
vĩnh viễn báo ‘truyền thống kháng chiến’. Tờ báo được nhiều cảm tình của đông
đảo bạn đọc luôn luôn chờ đón.
Ngay lúc ấy, trung
ương đảng cộng sản Việt Nam đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và bí thư
thành uỷ Võ Trần Chí cùng nhiều cán bộ khác kể cả Trần Văn Trà, Trần Bạch Đằng
đã họp bàn kế hoạch tỉ mỉ nhằm đàn áp câu lạc bộ kháng chiến thành phố và nhiều
nơi khác. Ý kiến phát biểu, lên án, buộc tội câu lạc bộ kháng chiến thành phố
của Trần Văn Trà, Trần Bạch Đằng trong cuộc họp nói trên được in ra và phát
hành khắp cả nước. Thế là, liền sau đó CLBKC/TP bị cấm hoạt động. Một câu lạc
bộ kháng chiến mới với ban chủ nhiệm mới – như một thứ ‘kiểng’ trang trí, hình
thành nhằm vô hiệu hóa, tê liệt hóa phong trào đấu tranh chống tiêu cực, suy
thóai trong hàng ngũ đảng và nhà nước vừa mới dâng lên và cũng nhằm củng cố chế
độ độc tài, phản dân chủ.
Trước không khí ngột
ngạt ấy, tôi đã quyết định rời bỏ thành phố về sống ở nông thôn để tiếp tục
cuộc đấu tranh vì dân chủ tự do, vì ấm no hạnh phúc của nhân dân đến hơi thở
cuối cùng. Ngày 21/03/1990, tôi rời khỏi Sài Gòn cũng là ngày tôi ly khai đảng
cộng sản Việt Nam. Đảng mà sau 54 năm đeo đuổi cách mạng (với tư cách đảng
viên) của tôi, nay đã trở thành vô nghĩa. Sau cái ngày đáng ghi nhớ ấy khoảng
hơn một tháng, một số anh em CLBKC/TP gồm: Tạ Bá Tòng (Tám Cần), Hồ Văn Hiếu
(Hồ Hiếu), Đổ Trung Hiếu (Mười Anh) bị bắt, cả Lê Đình Mạnh – người ủng hộ tích
cực CLBKCTP cũng bị bắt sau đó.
Vào cuối tháng 08/90,
Phó chủ tịch hội đồng bộ trưởng Võ Văn Kiệt đi gặp tôi ở vùng Phú Giáo – miền
Đông Nam Bộ, cách Sài Gòn khoảng 60 cây số, tại cái chòi sản suất của nông dân.
Ông Kiệt hỏi tôi: “Thế nầy là sao? “. Tôi trả lời: “Thành phố ngột ngạt quá,
tôi về nông thôn ở cho khỏe”. Ông Kiệt nói: “Anh cứ về thành phố ai làm gì
anh”. Tôi đáp: “Rất tiếc, phải chi anh gặp tôi sớm hơn độ hai tháng thì tốt
quá, tôi trở về thành phố ngay. Còn bây giờ thì đã muộn rồi, bởi vì dưới sự
lãnh đạo của trung ương ĐCSVN lúc bấy giờ đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Văn
Linh cùng các ông: Mai Chí Thọ, Võ Trần Chí, Trần Trọng Tân, Trần Văn Trà, Trần
Bạch Đằng… cả nước được chỉ đạo, phổ biến rằng tôi (Nguyễn Hộ) là tên phản
động, gián điệp, móc nối với CIA, nối giáo cho giặc, tiếp tay báo chí nước
ngoài tuyên truyền chống đảng, chống nhà nước. Lập tổ chức quần chúng (CLBKCTP)
chống đảng, lật đổ chính quyền, ăn tiền của Mỹ, chủ trương đa nguyên, đa đảng
nhằm lật đổ đảng cộng sản Việt Nam. Tất cả sự quy chụp ấy nói lên rằng đảng
cộng sản Việt Nam đã đạp tôi xuống tận bùn đen, chôn vùi cả cuộc đời cách mạng
của tôi trong nhơ nhuốc để tôi không làm sao ngóc đầu dậy được. Tình hình như
vậy tôi trở về thành phố làm gì trừ khi đất nước Việt Nam có dân chủ tự do thật
sự. Do đó tôi quyết sống ở thôn quê cho đến ngày cuối cùng của đời tôi.”
Cuộc gặp gỡ giữa tôi
và ông Kiệt diễn ra từ 7 giờ 30 phút sáng đến 11 giờ trưa thì kết thúc và chia
tay. Được biết là từ sau lần gặp gỡ đó, ông Kiệt tỏ ra phấn khởi và nhắn muốn
gặp tôi lần thứ hai ở một địa điễm nào đó gần Sài Gòn để tiện việc đi lại. Khi
được tin nầy, tôi có viết thư trả lời cho ông Kiệt rằng cuộc gặp gở lần thứ hai
không cần thiết.
Sau đó, khoảng nửa
tháng thì tôi bị bắt (07/09/90) trên sông Sài Gòn vào lúc 7 giờ sáng khi tôi
bơi xuồng vừa cặp vào bờ, định bước lên vào đám ruộng cạnh đó để hái rau má,
rau đắng về ăn. Đúng vào thời điểm ấy, một chiếc ghe lớn đang chạy trên sông
lại cặp sát xuồng tôi, trong đó có 6-7 thanh niên khỏe mạnh. Bỗng có tiếng hỏi
to:”Bác ơi! bác có thấy một chiếc ghe nhỏ chạy ngang qua đây không?” “Không!”
tôi trả lời. Liền đó có tiếng hét to: “Đúng nó rồi!”.
Lúc bấy giờ, tôi mới
biết là ghe của công an và nghe tiếng súng lên cò rốp rốp. Tức thời có hai công
an cường tráng, tay cầm súng đã nạp đạn nhảy xuống mũi xuồng nơi tôi đang đứng.
Tôi bình tĩnh hỏi:”Mấy chú muốn gì?”. “Muốn gì về sở thì biết” tiếng trả lời xấc
xược của một công an. Hai công an đồng loạt nắm tay tôi, kéo mạnh ra phía sau
rồi còng ngay. Họ điều động tôi sát chiếc ghe lớn có tấm ván dài bắt từ mũi ghe
xuống đáy. Họ xô mạnh tôi chúi mũi và tuột xuống đáy ghe. Ghe nổ máy chạy dọc
con sông lên hướng Tây Bắc độ 15 phút thì rẽ vào rạch nhỏ đi sâu đến bến. Tại
đây có chiếc xe hơi nhỏ đậu sẳn. Tôi được điều lên xe và đổi còng từ phía sau
ra phía trước, với bộ y phục: quần xà lỏn đen và cái áo đen ngắn tay đã xuống
màu, hai bên có hai công an ngồi sát và một công an khác ngồi phía trước. Sau
nửa giờ xe chạy thì đến nơi. Người ta đưa tôi vào một nhà lá trống trãi, không
có cửa. Tôi được ngồi nghỉ trên cái gường gỗ nhỏ có trải chiếc chiếu cũ. Lúc
bấy giờ tôi mới nhận ra rằng chính lực lượng công an huyện Củ Chi đã săn bắt
tôi (tất nhiên theo lệnh của sở công an thành phố và Bộ nội vụ).
Củ Chi tôi rất quen
thuộc và thân thiết – đã gợi lên trong đầu óc tôi biết bao cảm nghĩ: Củ Chi địa
đạo, bom đìa, pháo bầy, Củ Chi tan nát, anh dũng, chịu đựng, gian khổ, hy sinh,
nước mắt đau thương xen lẫn với nụ cười chiến thắng mà bản thân tôi trong một
số năm chia xẻ đắng cay, ngọt bùi cùng đồng bào Củ Chi trong cuộc chiến tranh
không cân xứng, vô cùng ác liệt giữa Mỹ và Việt Nam; hoặc nó gợi nhớ cho tôi
bao nhiêu những kỷ niệm tốt đẹp trong hoà bình (1975-1989): đi thăm và uỷ lạo
anh em thanh niên xung phong đang lao động xây dựng công trình thuỷ lợi Kênh
Đông Củ Chi để đưa nước từ hồ Dầu Tiếng về tưới cho hàng ngàn héc ta ruộng lâu
nay thiếu nước của huyện; đi thăm và uỷ lạo các gia đình có công với cách mạng,
gia đình thương binh liệt sĩ trong những ngày kỷ niệm lịch sử; hoặc đi thăm và
tặng quà cho các thiếu nhi, học sinh nghèo của huyện; đi dự lễ trao tặng nhà
tình nghĩa của ban, ngành, đoàn thể, cơ sở kinh doanh, sản suất cho gia đình
đối tượng chính sách trong huyện. Ôi! Ý nghĩ sao mà miên man.
Đúng 4 giờ rưỡi chiều
hôm đó, tôi được đưa lên ô tô để về Sài Gòn. Trước và sau xe tôi còn có mấy xe
khác đầy nhân viên công an. Khi đèn đường thành phố rực sáng thì xe tôi đến cơ
quan Bộ nội vụ (tức Tổng Nha Cảnh Sát cũ trước đây). Tôi ngồi ở cơ quan nội vụ
hơn 1 giờ thì được đưa thẳng lên Xuân Lộc (Đồng Nai), có nhiều xe công an hộ
tống. Hơn 10 giờ đêm thì tới Xuân Lộc, tôi được đưa đến một nhà trống (nhà
tròn) của k4 với một bán đội công an võ trang đầy đủ. Được một tuần, người ta
đưa tôi trở về thành phố quản thúc tại Bình Triệu, ở một địa điểm đối diện với
cư xá Thanh Đa. Sau hơn bốn tháng sống biệt lập luôn luôn có một tiểu đội công
an canh giữ, tôi được đưa về quản thúc tại gia vào đúng ngày 30 tết nguyên đán
(đầu năm 1991) từ đó về sau nầy. Khi gặp tôi tại 3 địa điểm nói trên, các ông:
Võ Văn Kiệt (Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng), Mai Chí Thọ (Bộ trưởng bộ nội
vụ), Võ Trần Chí (Bí thư thanh uỷ), Võ Viết Thanh (Thứ trưởng bộ nội vụ),
Nguyễn Võ Danh (Phó bí thư thành uỷ), Trần Văn Thanh (Thành uỷ viên) … đều bảo
tôi phải làm kiểm điểm (để qua đó lãnh đạo sẽ xem xét và giải quyết vấn đề của
tôi theo cách giải quyết nội bộ). Nhưng tôi nghĩ: tôi không có tội lỗi gì trong
hành động của mình – hoạt động câu lạc bộ kháng chiến, không lẽ đấu tranh chống
tiêu cực (theo chủ trương, nghị quyết của ĐCSVN): chống tham nhũng, chống quan
liêu cửa quyền, ức hiếp, trù dập, hãm hại quần chúng; chống tư tưởng bè phái,
bao che cho nhau, những người đã gây biết bao tác hại cho nhân dân, đất nước,
không đức, không tài mà cứ ngồi lì ở cương vị lãnh đạo; đấu tranh chống tiêu
cực, suy thoái như vậy là hành động phản cách mạng, phản động, nối giáo cho
giặc sao? Do đó, tôi không làm kiểm điểm mà chỉ phát biểu quan điểm của mình về
tình hình chung trong nước và sự lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam. (trên 20
trang)
Kiểm điểm là mang tính
chất nội bộ. Còn đây là việc hoàn toàn khác hẳn: người ta chỉa súng vào tôi,
bắt còng tôi, đem giam và quản thúc. Như vậy, vấn đề đã đi quá xa, còn đâu là
nội bộ nữa, vì tôi bị coi là kẻ thù của ĐCSVN rồi kia mà. Cho nên điều chủ yếu
của tôi là chờ được đưa ra tòa xét xử, xem tôi đã phạm tội gì, nặng cỡ nào với
những chứng cớ chính xác của nó. Khi tôi bị bắt không hề có lệnh của tòa án hay
Viện kiểm sát. Hơn nữa, đã trên 2 năm bị quản thúc, vấn đề của tôi chưa được
phơi bày trước ánh sáng công lý. Điều đó cho thấy ở Việt Nam hiến pháp, luật
pháp bị chà đạp cở nào.
Câu lạc bộ kháng chiến
thành phố bị đàn áp, tôi bị bắt cũng như một số anh em khác trước đó. Chúng tôi
được nếm mùi còng sắt của ĐCSVN – cũng giống như còng sắt của đế quốc ngày xưa
– rồi bị giam, bị quản thúc, trở thành người hoàn toàn mất tự do, cách ly với
thế giới bên ngoài. Đó là điều bất hạnh.
Tuy nhiên, vì tôi đã
ly khai ĐCSVN lúc tôi rời thành phố về sống ở nông thôn (21/03/90), nên hơn lúc
nào hết, về tinh thần và tư tưởng, tôi thấy mình hoàn toàn tự do, hoàn toàn
được giải phóng. Bây giờ, trên đầu tôi không còn bị kẹp chặt bởi cái “kềm sắt”
của chủ nghĩa Mác – Lê Nin, của đảng cộng sản nữa. Do đó, nó cho phép tôi dám
nhìn thẳng vào sự thật và dám chỉ ra sự thật, đặc biệt trong tình hình sụp đổ
của Đông Ấu và sự tan rã của Liên Xô. Khác với trước đây, khi còn là đảng viên
của đảng cộng sản Việt Nam – một thứ tù binh của đảng – tôi chỉ biết nói và suy
nghĩ theo những gì mà cấp trên nói và suy nghĩ. Còn hiện nay, tôi suy nghĩ rất
thoải mái, không bị một sự hạn chế nào khi tư tưởng của tôi đã thực sự được
giải phóng – tư tưởng đã bay bỗng. Bởi vậy, tôi tự phát hiện cho mình nhiều
điều lý thú mà bạn đọc sẽ có dịp tìm thấy trong bài viết nầy của tôi.
Tôi làm cách mạng trên
56 năm, gia đình tôi có 2 liệt sĩ: Nguyễn Văn Đảo (anh ruột) – Đại tá quân đội
nhân dân Việt Nam – hy sinh ngày 09/01/66 trong trận ném bom tấn công đầu tiên
của quân xâm lược Mỹ vào Việt Nam (vào Cũ Chi); Trần Thị Thiệt (vợ tôi) – cán
bộ phụ nữ Sài Gòn – bị bắt và bị đánh chết tại Tổng Nha Cảnh Sát hồi tết Mậu
Thân (1968), nhưng phải thú nhận rằng, chúng tôi đã chọn sai lý tưởng: cộng sản
chủ nghĩa. Bởi vì suốt hơn 60 năm trên con đường cách mạng cộng sản ấy, nhân
dân Việt Nam đã chịu sự hy sinh quá lớn lao, nhưng cuối cùng chẳng được gì, đất
nước vẫn nghèo nàn, lạc hậu, nhân dân không có ấm no hạnh phúc, không có dân
chủ tự do. Đó là điều sỉ nhục.
Giữa tôi và bài viết
của tôi là một thể thống nhất dựa trên nền tảng của cuộc cách mạng “lột xác” đã
diễn ra trong đầu óc tôi. Vậy xin mời bạn hãy đọc tiếp. Cám ơn.
Nguyễn Hộ
Quan Điểm và Cuộc Sống – Phần 1
A. Trái Đất Đảo Lộn.
Chịu sự tác động của công cuộc cải tổ toàn diện đất nước Xô Viết vĩ đại bắt đầu
từ tháng 04 năm 1985, thế giới đã bước vào một thời kỳ chuyển động khác thường,
có thể nói là “chóng mặt” và vô cùng phức tạp.
Phải thừa nhận rằng trong công cuộc cải tổ ở Liên Xô (cũ), dân chủ – công khai
là động lực mang tính chất áp đảo đã tạo ra những chuyển biến có tầm vóc quốc
tế đáng kinh ngạc.
Những hiện tượng nổi bật của nó là :
- Cuộc đấu tranh đồng loạt cho dân chủ – tự do, chống chuyên chế độc tài, chống
tham nhũng, đòi thành lập một nhà nước pháp quyền của hàng triệu sinh viên, học
sinh, trí thức và các tầng lớp nhân dân thủ đô Bắc Kinh cùng với các thành phố
khác của Trung Quốc hồi tháng 05 đã bị tàn sát đẩm máu tại Thiên An Môn và bị
dập tắt ngay sáng ngày 04 tháng 06 năm 1989.
- Trận cuồng phong dân chủ – công khai ở Liên Xô (cũ) tràn vào Đông Ấu đã xoáy
mạnh và làm tan rã các nước xã hội chủ nghĩa ở khu vực này kể từ tháng 10 năm
1989. Các đảng Mác- Xít cầm quyền bị sụp đổ, các lãnh tụ bị bắt, đưa ra tòa xét
xử hoặc bị giết: Honecker (Cộng Hòa Dân Chủ Đức), Tô-to-gíp-cốp (Bungari),
Ceaucescou (Rumani), bức tường Bá Linh cắt đôi nước Đức suốt mấy mươi năm đã bị
đạp bằng, Đông Đức sát nhập vào Tây Đức thànhnước Đức thống nhất.
- Khối Vác-sa-va (Khối quân sự các nước xã hội chủ nghĩa Đông Ấu kể cả Liên Xô
cũ) và hội đồng tương trợ kinh tế Châu Ấu (tổ chức kinh tế của các nước xã hội
chủ nghĩa) đều giải thể (1990-1991).
- Theo sự cam kết của chính phủ Liên Xô (cải tổ) là không can thiệp vào công
việc nội bộ của các nước, hồng quân Liên Xô lần lược rút khỏi các nước Đông Ấu
(từ năm 1990 trở đi) sau 45 năm chiếm đóng các nước này.
- Do sức ép mạnh mẽ của phong trào dân chủ, đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô
(1990) đã thông qua quyết định hủy bỏ điều 6 của hiến pháp Liên Xô (cũ) về vai
trò độc quyền lãnh đạo của đảng cộng sản Liên Xô đối với đất nước Xô Viết hơn
70 năm trước đó.
- Cuộc đảo chánh nhằm lật đổ Tổng Thống Liên Xô M.Gorbachov của lực lượng bảo
thủ chống cải tổ trong đảng cộng sản và nhà nước Liên Xô (cũ) nổ ra ngày 19/08/1991,
song nó đã thất bại ngay sau đó (21/08/1991) bởi chiến thắng ngoan cường của
của lực lượng dân chủMockba và Lê-nin-grát.
- Đảo chánh bị thất bại, M.Gorbachov trở lại vị trí Tổng Thống của mình
(21/08/1991), sau đó tuyên bố từ chức Tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô và yêu
cầu Uỷ ban trung ương đảng nên tự giải thể, đồng thời Tổng Thống Liên Xô đã ký
sắc lệnh buộc đảng cộng sản Liên Xô ngưng
hoạt động. Ở một số nước Cộng Hòa, đảng cộng sản bị cấm hoạt động (Cộng Hòa
Liên Bang Nga), có nơi đảng cộng sản đã giải thể hoặc đổi tên khác để tiếp tục
hoạt động.
- Chủ nghĩa dân tộc cực đoan bộc phát dữ dội, chưa từng thấy ở các nước Cộng
Hòa thuộc Liên Xô (cũ): tuyên bố độc lập và ly khai với Mockba (Liên Bang Xô
Viết) đã làm rung chuyển đến cội rễ bộ máy nhà nước Liên Xô, cắt xén và làm suy
yếu nó một cách nghiêm trọng đến độ nó chỉ còn là một Liên Bang lỏng lẻo, tự do
và rất yếu đuối.
Tuy nhiên sự kiện làm chấn động dư luận thế
giới là “cộng đồng các quốc gia độc lập” gồm 3 nước : CHLB Nga, U-cơ-ren-na
Bê-la-rút ra đời (08/12/1991) đã thu hút hầu hết các nước Cộng Hòa thuộc Liên
Xô (cũ) còn lại than gia vào cộng đồng nói trên.
Mặc dù, M.Gorbachov thấy rõ trách nhiệm nặng nề của mình là phải đưa đất nước
Liên Xô vượt qua thảm họa của cuộc khủng hoảng sâu sắc và toàn diện về chính
trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, sắc tộc, thậm chí đang có nguy cơ
đảo chánh, nội chiến với quyết tâm kiên trì chủ trương ký kết hiệp ước Liên
Bang mới (Liên Bang lỏng lẻo, tự do), nhưng tất cả tình hình diễn biến dồn dập,
đột ngột, nhanh chóng kể trên đã tạo nên sức ép nặng nề đến độ buộc M.Gorbachov
phải tuyên bố từ chức Tổng Thống Liên Xô đêm 25/12/1991 khi ông phát biểu ý
kiến với nhân dân Liên Xô trên đài truyền hình Mockba về tổ chức “cộng đồng các
quốc gia độc lập”.
Thế là Liên Bang Xô Viết chấm dứt tồn tại và Tổng Thống Liên Xô M.Gorbachov
cũng không còn, đi liền với sự ra đời của 15 nước Cộng Hòa độc lập, tự do trên
mãnh đất Xô Viết cũ- 15 thành viên của Liên Hiệp Quốc. Vì vậy nhiều câu hỏi đã
được đặt ra: “thế giới sẽ đi về đâu ? Chuyển động theo xu thế nào ? Trước đây
hùng mạnh như Phát Xít Hitler mà không làm gì nổi Liên Xô, còn ngày nay tại
Liên Bang Xô Viết và đảng cộng sản Liên Xô lại dễ dàng tan rã như vậy ?”.
Đúng! Chỉ trong mấy năm gần đây (1989-1991), thế giới biến đổi kỳ lạ và chưa
từng có trong lịch sử. Sau năm 1945, cuộc chiến tranh lạnh với trên 40 năm tồn
tại đã không ngừng thúc đẩy nhịp độ căng thẳng trên thế giới giữa Đông (xã hội
chủ nghĩa) và Tây (TBCN) đến bờ vực thẳm của cuộc chiến tranh nóng thật sự, với
qui mô toàn cầu đã vĩnh viễn chấm dứt (1990- 1991), mở ra một kỷ nguyên mới
trong xã hội loài người- chuyển đối đầu sang đối thoại, hợp tác, hòa bình, dân
chủ và phát triển.
Loài người đã thở phào nhẹ nhõm vì đã vượt qua được cơn ác mộng triền miên nguy
cơ chiến tranh thế giới thứ 3, chiến tranh hạt nhân hủy diệt, chiến tranh không
có kẻ thắng người bại khi nó kết thúc chỉ có loài người (người nghèo khổ, vua
chúa, quan lại, triệu phú, tỉ phú, quân
đội, tướng lĩnh, công nhân, tư sản, người có đạo hay không có đạo…) sẽ bị tiêu
diệt sạch sành sanh trên trái đất.
Hãy nghe Tướng Colin Powell – Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hoa
Kỳ- khi đến thăm Liên Xô (cũ) hồi tháng 7 năm 1991 đã tuyên bố tại Mockba rằng:
“Trong điều kiện có hiệp ước Start- ký kết giữa Liên Xô và Mỹ trước đó: hai bên
cam kết cắt giảm 30% vũ khí hạt nhân chiến lược- Liên Xô vẫn có khả năng tiêu
diệt nước Mỹ chúng tôi trong vòng 30 phút” (Liên Xô cũ có tất cả 11.000 vũ khí
hạt nhân chiến lược được bố trí ở mọi hướng, nhắm thẳng vào mọi kẻ thù của mình
và trong tư thế sẵn sàng tiêu diệt chúng) và ngược lại, với sự cân bằng chiến
lược cân bằng lực lượng quân sự giữa đôi bên (Liên Xô – Mỹ), Mỹ cũng có đủ khả
năng tiêu diệt Liên Xô và đồng minh của Liên Xô (các nước xã hội chủ nghĩa) trong
vòng 30 phút. Cho nên mọi chiến tranh thế giới 3- chiến tranh hạt nhân huỷ
diệt- nổ ra và kết thúc sẽ không có kẻ thắng người bại như mọi cuộc chiến tranh
thông thường khác là trong ý nghĩa khủng khiếp đó.
Mặc dù thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp sau khi Liên Xô (cũ) tan rã:
xung đột võ trang, chiến tranh sắc tộc, tôn giáo, phe phái đối nghịch nhau
giành quyền lãnh đạo (ở Nam Tư cũ, giữa A-déc-bai-gian và Ác-mê-ni, ở
Gờ-ruđi-a, ở Ác-ga-ni-xtan, Ắ-gô-la, Xô-ma-li…v…v..),
cả sự nổi dậy của bọn tân phát xít ở Đức, Ý, Tây Ban Nha… vẫn không thể làm đảo
ngược được xu thế lớn, dòng chảy của thời đại: đối thoại hợp tác, hòa bình, dân
chủ và phát triển. Cụ thể là trong thời gian xảy ra những cuộc xung đột kéo dài
nói trên, Trung Quốc với dân số 1 tỷ người, từng giành thắng lợi lớn trong 14
năm cải cách kinh tế và mở cửa, đã tích cực đẩy mạnh hoạt động ngoại giao nhằm
tạo ra một môi trường thế giới thuận lợi cho yêu cầu phát triển toàn diện đất
nước Trung Hoa- đất nước có vị trí, vai trò to lớn góp phần ổn định hòa bình ở
Châu Á và thế giới.
Do đó, từng những năm 1990 đến 1992, các đoàn
đại biểu cao cấp của Trung Quốc đã có nhiều cuộc đi thăm hữu nghị các nước Đông
Nam Á (Asean), Đông Ấu cũ, Châu Phi, Tây Ấu, Châu Mỹ la tinh, thăm Cộng Hòa
Liên Bang Nga và một số nước thuộc Cộng Hòa Liên Xô cũ, thăm Ần Độ, Nhật Bản,
mời vua Nhật sang thăm hữu nghị Trung Quốc (cuối năm 1992) đặc biệt đã thiết
lập quan hệ ngoại giao với Cộng Hòa Triều Tiên (Nam Triều Tiên) hồi tháng
08/1992 điều tối kỵ đối với nước Trung Quốc xã hội chủ nghĩa đã từng hy sinh
hàng triệu người trong cuộc chiến tranh kháng Mỹ viện Triều năm 1951, và hiện
nay đã và đang phát triển quan hệ buôn bán với Nam Triều Tiên gấp bội so với
Bắc Triều Tiên xã hội chủ nghĩa : ngoài ra, Trung Quốc cũng đã thiết lập quan
hệ ngoại giao với Cộng Hòa I-xra-en từ lâu được coi là “kẻ thù không đội trời
chung”.
Theo xu thế đó, Trung Quốc cũng đã khôi phục
lại quan hệ với nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN đã từng là kẻ thù của chính
họ, vào cuối năm 1991.
Ngoài ra những cuộc xung đột võ trang, chiến tranh sắc tộc, tôn giáo, phe phái
thù địch giành quyền lãnh đạo diễn ra nơi này, nơi khác trên thế giới cũng
không thể ngăn cản được nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN hòa nhập vào cộng
đồng các nước trên thế giới nói chung và khu vực Châu Á Thái Bình Dương nói
riêng. Nhiều đoàn đại biểu cấp cao của VN đã đi thăm hữu nghị các nước Asean-
vùng cấm kỵ lâu nay đối với VN, và theo yêu cầu của mình, VN đã được tham gia
hiệp ước Ba-li, trở thành thành viên (dự bị- quan sát viên) của hiệp hội các
nước Asean (Đông Nam Á), đi thăm Ần Độ, Cộng Hòa Liên Bang Nga và một số nước
Cộng Hòa thuộc Liên Xô cũ, thăm một số nước Tây Ấu, Bắc Ấu, cải thiện quan hệ
với Nhật, thiết lập quan hệ ngoại giao với Nam Triều Tiên (12/1992), đặc biệt
đã cố gắng quên đi dĩ vãng không mấy tốt đẹp, khôi phục lại quan hệ láng giềng
thân thiện với nước Cộng Hòa nhân dân Trung Hoa thông qua chuyến đi thăm hữu
nghị nước này của đoàn đại biểu cấp cao của đảng và chính phủ VN do các ông Đỗ
Mười và ông Võ Văn Kiệt hồi đầu cuối năm 1991. Quan hệ bình thường giữa Trung
Quốc và VN được khôi phục lại đã góp phần quan trọng vào việc ổn định tình hình
khu vực Châu Á Thái Bình Dương và thế giới.
Qua các chuyến thăm hữu nghị các nước nói trên
của VN, các hiệp định tay đôi về kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật đã được ký
kết; đó là những điều kiện tối cần thiết cho sự phát triển toàn diện của đất
nước VN.
Hơn một năm qua, hội nghị hòa bình Trung Đông đã gặp nhiều khó khăn, tiến triển
rất chậm nhưng phải thừa nhận rằng nó có những tiến bộ nhất định kinh qua 8
vòng đàm phán (thảo luận về khu vực tự trị của người dân Palestine ở vùng bị
chiếm đóng). Công cuộc thương lượng hòa bình giữa Nam và Bắc Triều Tiên tuy có
nhiều trở ngại, khó khăn lớn thậm chí có lúc bế tắc nhưng nó cũng đã đạt được
những kết quả quan trọng: 2 miền Nam, Bắc triều Tiên cùng một lúc đã là thành
viên của Liên Hiệp Quốc, hai bên đã ký kết hiệp ước bất tương xâm lược và thống
nhất chủ trương phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Công cuộc thanh sát cơ sở
hạt nhân giữa hai miền đã và đang trở ngại lớn của tiến trình hòa đàm và thống
nhất đất nước Triều Tiên. Song sự nghiệp hòa bình thống nhất Triều Tiên và
nguyện vọng sâu xa và là mục tiêu cấp bách không thể đảo ngược được của nhân
dân ở hai miền Nam Bắc.
Mặc dù Khơ-me-đỏ ra sức phá hoại hiệp định hòa bình Pari về Cam-pu-chia, trắng
trợn thách thức với Liên Hiệp Quốc và dư luận thế giới, nhưng bọn chúng nhất
định sẽ thất bại, không thể đảo ngược được xu thế đi lên của đất nước
Cam-pu-chia: chấm dứt chiến tranh, hòa bình, hòa hợp dân tộc, kiến thiết đất
nước, thực hiện kinh tế thị trường và dân chủ đa nguyên. Công cuộc giải trừ
quân bị nói chung và giải trừ vũ khí hạt nhân chiến lược nói riêng vẫn được
tiếp tục thương lượng để thi hành giữa Nga và Mỹ (đầu năm 1993) và cả thế giới
đã nhất trí thủ tiêu vũ khí hóa học (12/1992) mặc dù đang có tình hình chuyển
động mới về mua bán vũ khí các loại kể cả chất Pluto-nium trên thế giới gần đây
vì lợi ích củng cố quốc phòng, phát triển kinh tế của mỗi nước.
Mỹ bắt đầu đóng cửa nhiều căn cứ quân sự ở Châu Ấu, rút hết quân khỏi căn cứ
hải quân Subic lớn nhất ở Châu Á Thái Bình Dương (12/1992) sau khi bỏ căn cứ
không quân Clark khổng lồ ở Pli-líp-pin (do tác động của núi lửa Pinatubo). Tất
cả tình hình diễn biến phức tạp trên vẫn là nổi bật lên xu thế của thời đại,
dòng thác chính của thế giới ngày nay sau khi chiến tranh lạnh đã chấm dứt: đối
thoại, hợp tác, hòa bình, dân chủ và phát triển.
(Còn tiếp)
B. Con Người
của lịch sử
Có được một bước ngoặc
lịch sử vĩ đại của thế giới như vậy, đối với những người có hiểu biết,
phải công tâm mà nói: đó là cống hiến lớn lao của cựu Tổng thống Liên Xô (cũ)
M.Gorbachov người đã dám vượt lên bức trường thành của ý thức hệ cộng sản, làm
cho toàn thế giới hòa nhập vào nhau để tiến lên, chứ không phải bám chặt quan
điểm và hành động đối đầu nhau, thậm chí sẵn sàng tiêu diệt lẫn nhau bằng chiến
tranh hạt nhân hủy diệt.
Cho nên khi sang thăm nước Mỹ vào đầu năm 1992 sau lúc từ chức Tổng Thống Liên
Xô rồi M.Gorbachov đã nói ở Chicago rằng: ” Tôi đi đến đâu người ta cũng hỏi kỷ
nguyên Gorbachov đã chấm dứt chưa ? – và tôi trả lời: kỷ nguyên Gorbachov mới
bắt đầu.”
Đúng vậy, sự diễn biến của thế giới sau khi Liên Xô tan rã như kể trên đã khẳng
định câu trả lời của M.Gorbachov là rất chính xác, vì kỷ nguyên Gorbachov: hòa
bình, đối thoại, hòa giải, hợp tác, dân chủ và phát triển đã và đang không
ngừng tiến triển rất khả quan. Do đó, người ta không thể cường điệu (thổi
phồng) các cuộc xung đột võ trang, chiến tranh sắc tộc, tôn giáo, phe phái thù
địch trong một nước hoặc giữa hai nước láng giềng nào đó trên thế giới giống
như cuộc xung đột võ trang hoặc chiến tranh về ý thức hệ với qui mô toàn thế
giới giữa Đông và Tây (giữa xã hội chủ nghĩa), giữa Liên Xô (cũ) và Mỹ, giữa
phe đế quốc chủ nghĩa và phe xã hội chủ nghĩa như trước đây, đặc biệt trong
điều kiện Liên Hiệp Quốc ngày nay lại có ý thức và tiềm lực cho phép có thể dập
tắt các cuộc xung đột cục bộ, địa phương nói trên.
Từ ý nghĩa đó, chúng ta cần chú ý đến sự đánh giá của dư luận thế giới đối với
M.Gorbachov:
- Cựu bộ trưởng ngoại giao Liên Xô (cũ) E. Shevardnaze nói: “M.Gorbachov đã làm
một số việc đi vào lịch sử như là một sự nghiệp vĩ đại, là một người đổi mới và
một nhà cách mạng”.
- Báo Express News (18/12/1991) viết: ” Nếu Abraham Lincoln được nhớ ơn bởi
việc giải phóng nô lệ thì M. Gorbachov cần được ghi công bởi người dân Liên Xô
và Đông Ấu bị xiềng xích. Cả hai nhân vật này đều đã làm thay đổi số phận hàng
triệu người. Cả hai đều phải được
công nhận là những nhà giải phóng vĩ đại.”
- Trong thông điệp Giáng Sinh (24/12/1991), Tổng thống Mỹ G.Bush tuyên bố:
“Nhân danh quốc dân Mỹ, tôi xin tỏ lòng tri ân của tôi tới Tổng thống Gorbachov
vì trong bao nhiêu năm qua ông đã kiên quyết bảo vệ hòa bình thế giới, và ông
là bậc thức giả rất dũng cảm và nhìn xa trông rộng. Các chánh sách của ông đã
cho phép nhân dân Nga và các nước Cộng Hòa khác xóa bỏ hàng thập kỷ bị đàn áp
và thiết lập nền tảng tự do. Di sản của ông đảm bảo cho ông một chỗ đứng danh
dự trong lịch sử và tạo nền tảng chắc chắn cho Mỹ cộng tác một cách xây dựng
với những người thừa kế ông.”
- Ngoại trưởng Đài Loan F. Chien nói: “Những nổ lực của M. Gorbachov nhằm thúc
đẩy Đông Ấu và Liên Xô tiến tới sự nghiệp giải phóng đã mang lại cho ông một
chỗ đứng thích hợp trong lịch sử.”
- Paul Keating – Thủ tướng Úc- đã nhận xét : “Vai trò của Gorbachov trong những
năm cuối thế kỷ 20 là có tính chất quyết định và không nghi ngờ gì nữa ông sẽ
được là một trong những nhân vật vĩ đại của thời hiện đại.”
- Charles Fiterman – đứng đầu phái cải tổ trong đảng cộng sản Pháp – đã ca ngợi
sự sáng suốt và dũng cảm của Gorbachov và nhận xét rằng: “ông (Gorbachov) sẽ
được lưu danh trong lịch sử thời đại chúng ta một thời gian dài.”
- Tổng thống Pháp- F.Mitteranđ đã dành những lời ca ngợi nồng nhiệt nhất cho
M.Gorbachov và đánh giá Gorbachov là một trong những nhân vật quan trọng nhất
của thế kỷ này”.
- Thủ tướng Anh J.Major nói với các phóng viên rằng: “Có rất ít người có thể
thay đổi được xu thế lịch sử. Nhưng Gorbachov làm được , cho dù điều gì đang
xảy ra hiện nay, nhưng vị trí của ông trong lịch sử đã được khẳng định”.
- Bà Thatcher- cựu thủ tướng Anh- đã khẳng định: “Gorbachov là một vĩ nhân”.
- Một nhà nghiên cứu về Liên Xô (cũ) tại Sơ-un (thủ đô Nam Triều Tiên) nói
rằng: “Gorbachov có thể đi vào lịch sử như một con người vĩ đại, người đã
chuyển sự đối đầu thế giới thành hòa giải.”
- Ông Đớp-Đắc-Chaim- chuyên viên của quỹ “di sản” (Mỹ) đã nhận xét : “Gorbachov
không thất bại mà là bị nhận chìm trong thành công của chính mình… về 7 năm cầm
quyền của ông, người ta sẽ viết và phân tích suốt nhiều thế kỷ.”
Trong lịch sử đối với các bậc vĩ nhân, không chỉ có sùng bái, ca ngợi một chiều
mà có cả phản bác, phản đối, lên án, thậm chí đòi đưa ra xử tội. Có bậc vĩ nhân
được phụng thờ trong nhiều thập kỷ nhưng càng về sau càng bị quần chúng nhân
dân phải đối mạnh mẽ dẫn đến hành động đập phá tượng đài, lăng tẩm, di chuyển
hài cốt vĩ nhân, đóng cửa thư viện, nhà bảo tàng… vì các học thuyết, quan điểm,
giáo huấn của vĩ nhân trong thực tiễn đã gieo rắc biết bao nhiêu thảm họa cho
nhân dân.
Độ dài và chiều sâu của sự tôn sùng của đông đảo quần chúng nhân dân đối với
các bậc vĩ nhân hoàn toàn lệ thuộc vào sự kiểm nghiệm của thực tiễn lịch sử. Vả
lại, sự kiểm nghiệm ấy có khi phải kéo dài 50-70 năm thì mới khẳng định được
đúng, sai. Vì vậy khi chưa thông qua quá trình kiểm nghiệm cần thiết, nghiêm
túc nói trên, nếu có ý kiến tán thành hoặc phản đối đối với các vĩ nhân thì vẫn
chưa có cơ sở để coi đó là những ý kiến chính xác, có giá trị được. Giải đáp
cho câu hỏi thứ nhất có thể tạm ngưng ở đây.
Bây giờ chúng ta hãy
chuyển sang thảo luận, trao đổi với nhau về câu hỏi thứ hai đã nêu trên.
C. Lòng Dân Quyết Định
Tất Cả.
Rất đúng, trước đây Hitler đã từng tung ra trên 200 sư đoàn quân tinh nhuệ của
chủ nghĩa phát xít Đức bất ngờ tấn công đất nước Xô Viết vĩ đại nhằm tiêu diệt
Liên Xô (cũ)- thành trì của chủ nghĩa cộng sản thế giới- trong một thời gian
chớp nhoáng; nhưng nó đã thất bại hoàn toàn vì những người cộng sản và nhân dân
Xô Viết anh hùng bao gồm các dân tộc trong Liên Bang đã đứng lên bảo vệ nó với
bất cứ giá nào (đã phải hy sinh trên 27 triệu người); còn ngày nay, chính những
người cộng sản từ Tổng bí thư, các uỷ viên trung ương, uỷ viên bộ chính trị đến
các uỷ viên tỉnh uỷ, thành uỷ về những đảng viên cộng sản trung thực khác cùng
với nhân dân Xô Viết, các dân tộc trong Liên Bang đã đứng lên thực hiện sự phủ
định đối với đảng cộng sản và Liên Bang Xô Viết thì không có sức mạnh nào có
thể ngăn cản nổi. Dòng thác cách mạng dữ dội ấy của quần chúng nhân dân mạnh
gấp trăm, ngàn lần so với sức mạnh quân sự của Hitler trước đây.
Liên Xô (cũ)- trung tâm của phong trào cộng sản thế giới- bị sụp đổ không phải
do sức tấn công từ bên ngoài mà chính là do sức mạnh nổi dậy từ trung tâm ấy
sản sinh ra. Cuộc đảo chánh lật đổ Tổng thống Liên Xô M.Gorbachov (đồng thời l2
tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô) nổ ra ngày 19/08/1991 là sự phản ứng tột
đỉnh của bọn bảo thủ, ngoan cố, phiêu lưu trong đảng cộng sản và nhà nước Liên
Xô, muốn chấm dứt công cuộc cải tổ, trào lưu dân chủ – công khai, sự chuyển
hướng theo kinh tế thị trường, sự hòa hoãn giữa Đông và Tây (giữa xã hội chủ
nghĩa và tư bản chủ nghĩa) nhằm kéo Liên Xô trở về con đường cũ Xtalin; nhưng
đảo chánh thất bại đã đưa đến hậu quả tất nhiên: hồi chuông kết thúc vai trò
lãnh đạo của đảng cộng sản và sự tồn tại của Liên Bang Xô Viết – Liêng Bang áp
bức đối với các dân tộc Xô Viết hơn 70 năm qua và các dân tộc khác ở Đông Ấu.
Thật ra đã hiểu khi nói rằng cái gì không hợp với lòng dân, với trào lưu lịch
sử thì cái đó không thể tồn tại được dù đó là đảng cộng sản Liên Xô, là Liên
Bang Xô Viết đã từng giữ vai trò lớn lao trong lịch sử đất nước Xô Viết và thế
giới, đã từng lãnh đạo nhân dân quần chúng các dân tộc Liên Xô làm cách mạng,
đánh bại phát xít Hitler, giải phóng đất nước Xô Viết và nhiều dân tộc khác
trên thế giới: nhưng ngày nay lại trở thành đối tượng cách mạng mà quần chúng
nhân dân phải vùng lên lật đổ.
Điều này càng cắt nghĩa rõ bài học ở Đông Ấu vừa qua: không phải quân đội Mỹ
kéo vào để lật đổ các nước xã hội chủ nghĩa và các nước đảng cộng sản tại đây
mà chính là nhân dân – những người đã từng chịu sự lãnh đạo của các đảng cộng
sản suốt 45 nằm dài đã qua, trong tay không có một thứ vũ khí nào, đã đứng lên
thực hiện sự lật đổ ấy, do lòng căm phẩn cao độ của họ đối với chế độ và sự
lãnh đạo của các đảng cộng sản đã trở nên lỗi thời, không còn phùhợp nữa.
Nguyên nhân cơ bản của tình hình trên là vì các đảng cộng sản, sau khi giành
được chính quyền rồi thì ngày càng quan liêu, xa rời quần chúng, độc đoán
chuyên quyền, độc tài tàn bạo, coi thường tâm tư, nguyện vọng và yêu cầu của
quần chúng, thậm chí chà đạp lợi ích của họ, đã phạm nhiều sai lầm nghiêm
trọng, liên tục, kéo dài, rất bảo thủ, ngoan cố nên không thể không bị quần
chúng lật đổ.
Rõ ràng, các đảng cộng sản tuy có vai trò lãnh đạo, nhưng lại không tiến kịp
với đà phát triển của lịch sử và nghiễm nhiên trở thành chướng ngại đối với sự
tiến hóa của xã hội. Do đó, đến lượt các đảng cộng sản không thể tránh khỏi qui
luật đào thải – bị quần chúng gạt ra bên lề lịch sử. Bài học đắt giá của các
đảng cộng sản Đông Ấu, Liên Xô là như thế đó.
D. Bám Chặt Cái Đã Lỗi
Thời : Chủ Nghĩa Xã Hội Đói Nghèo, Lạc Hậu Và Đẫm Máu.
Nó hoàn toàn đúng khi có người nói: ” Sau hơn 70 năm thể nghiệm ở Liên Xô (cũ),
chủ nghĩa cộng sản đã hoàn toàn thất bại” “chủ nghĩa cộng sản là một lý tưởng
cao đẹp nhưng khi thực hành thì đầy thảm họa”.
Chủ nghĩa xã hội ở Đông Ấu, Liên Xô sụp đổ (1990-1991) sau hơn 70 năm thực
nghiệm cho phép người ta khẳng định chủ nghĩa Mác – Lenin, chủ nghĩa cộng sản
đã lỗi thời, phá sản, không còn là niềm tin, hy vọng đông đảo của quần chúng
nhân dân nữa. Chủ nghĩa xã hội trong thực tiễn của nhiều thập kỷ đã phơi bày
đầy đủ bản chất của nó : độc tài về kinh tế và độc tài về chính trị – bằng độc
quyền lãnh đạo của đảng cộng sản, tước đoạt tất cả sở hữu về tư liệu sản xuất
của cá thể, tư nhân. tư bản chủ nghĩa và tước đoạt mọi quyền dân chủ tự do của
nhân dân như: tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội, tự
do biểu tình, đình công.
Từ đó, chế độ xã hội
chủ nghĩa tồn tại chủ yếu dựa trên cơ sở bạo lực (công an, quân đội và công cụ
của đảng cộng sản, chứ không phải là công cụ của nhân dân), để đàn áp, bắt bớ
giam cầm những ai không “ăn cánh” với đảng, thậm chí bắn giết tàn bạo, diệt
chủng dã man (ở Liên Xô cũ trước đây, trong những thập kỷ 30-40-50, Xtalin đã
từng giết hại, tra tấn tù đầy hàng triệu người dân Xô Viết và cán bộ đảng viên
vô tội; ở Trung Quốc trong những năm 50-60, khi tiến hành công cuộc cải tạo xã
hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, công thương nghiệp tư bản tư doanh, thành
lập xã hội nhân dân ( đại nhảy vọt), cách mạng văn hóa vô sản. Mao Trạch Đông –
Giang Thanh và lũ tay sai khát máu đã giết hại, tra tấn, tù đày hàng chục triệu
người dân Trung Quốc lương thiện và cán bộ đảng viên vô tội.
Đặc biệt càng kinh
ngạc là nhiều nhà lãnh đạo kỳ cựu của đảng cộng sản Trung Quốc, cùng hoạt động
cách mạng một thời với Mao Trạch Đông như : Lưu Thiếu Kỳ, Bành Đức Hoài, La
Thụy Khanh, Hạ Long… cũng bị hành hình, giết hại một cách thê thảm, và càng
kinh khủng hơn nữa là cuộc tàn sát đẫm máu đối với cuộc biểu tình đòi dân chủ,
chống tham nhũng của hàng ngàn, hàng vạn sinh viên, trí thức và các tầng lớp
nhân dân Trung Quốc ngày 04/06/1989 tại Thiên An Môn (Bắc Kinh);đó là điển hình
của một chế độ Phát-xít tàn bạo.
Cũng như ở Campuchia trong những năm 70, Pôn-Pốt, Iêng-Sarry nhân danh những
người lãnh đạo đảng cộng và nhà nước Campuchia đã bắt bớ, giam cầm, tra tấn, giết
hại bằng nhiều cách rất dã man hàng triệu người dân Campuchia và cán bộ đảng
viên vô tội.
Rõ ràng, chính bản chất độc tài cả về kinh tế và chính trị, đi ngược qui luật
khách quan mà chế độ xã hội chủ nghĩa tự bản thân nó tất nhiên đã giam hãm đất
nước, nhân dân trong cảnh đói nghèo, lạc hậu triền miên, do đó không tạo ra
được một năng xuất lao động cao, một sự phồn vinh sống động và ấm no hạnh phúc
cho nhân dân (thu nhập bình quân đầu người rất thấp :Việt Nam 200 đôla, Trung
Quốc 360 đôla… trong khi ở các nước tư bản chủ nghĩa :Nam Triều Tiên 5.500
đôla, Đài Loan trên 10.000 đôla, Singapo 12.000 đôla, Nhật Bản 23.000
đôla, Thủy Sĩ 27.000 đôla…)
Do đó, người ta không thể kinh ngạc khi nghe nói rằng phương thức sản xuất xã
hội chủ nghĩa “ưu việt”- thực tế thì yếu kém, trì trệ – lại sẽ “thay thế”
phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa rất hoàn thiện, có đầy đủ sức mạnh áp đảo
cả về kinh tế và chính trị hiện nay trên thế giới.
Sở dĩ có chuyện ngược đời như vậy là vì trong chủ nghĩa xã hội, lợi nhuận được
hiểu một cách lệch lạc, trở thành đối tượng bị lên án và tiêu diệt; trong khi
đó lịch sử thực tiễn đã cho thấy rằng lợi nhuận chính là động lực vô cùng quan
trọng, nó thúc đẩy sản xuất, kinh tế phát triển phi mã, xã hội không ngừng phát
triển toàn diện và thực tế chính lợi nhuận đã đưa đến xã hội loài người đạt đến
trình độ văn minh ở đỉnh cao ngày nay.
Khác với thuyết “thặng
dư giá trị” và ” đấu tranh giai cấp”, lợi nhuận đã tạo dựng nên sự nghiệp lớn
lao, chói lọi cho loài người ngày nay. Điều đó có nghĩa là không có nó sẽ không
có tất cả.
Tóm lại chủ nghĩa xã hội trên hai mặt có tính chất quyết định – kinh tế và
chính trị – là một chế độ xã hội không hợp lòng dân và trào lưu tiến hóa của
lịch sử, nên nó đã bị bác bỏ ở khắp mọi nơi.
Tuy nhiên, hiện đang có nhiều ý kiến khẳng định rằng “chủ nghĩa Mác Lenin – chủ
nghĩa cộng sản – không thể phá sản, lỗi thời mà nó đang phát triển mạnh ở Trung
Quốc và VN. Sự sụp đổ ở Đông Ấu và Liên Xô chẳng qua là những hiện tượng khó
khăn tạm thời trong quá trình phát triển của xã hội loài người. Trong tương lai xã hội chủ nghĩa sẽ được khôi phục
ở các nước nói trên vì chủ nghĩa xã hội là nguyện vọng thiết tha của quần chúng
nhân dân các dân tộc”.
Do đó, đối với những ý kiến quan điểm nêu trên không thể khác được là cần phải
trao đổi, thảo luận, phân tích một cách nghiêm túc: “Chủ nghĩa xã hội đang được
xây dựng, phát triển ở Trung Quốc và Việt Nam ra sao ?
E. Chủ Nghĩa Xã Hội Hay Là Chủ Nghĩa Tư Bản ? Khôn Ngoan Và Trung Thực.
Trung Quốc và VN – hai nước xã hội chủ nghĩa ở Châu Á- đã có nhận thức sớm là
phải cải cách, đổi mới kinh tế, vì nếu cứ làm ăn theo lối cũ mãi thì sẽ không
bao giờ có chủ nghĩa xã hội – một xã hội phồn vinh, giầu có, ấm no hạnh phúc.
Cải cách ở Trung Quốc và đổi mới ở VN nói chung có nhiều điểm giống nhau: phục
hồi kinh tế cá thể, kinh tế tư nhân (tư bản trong nước) thậm chí mở cửa cho
phép các nhà tư bản nước ngoài đầu tư, khai thác, kinh doanh tại nước mình tuy
vẫn duy trì chế độ công hữu về tư liệu sản xuất (sơ hữu toàn dân, tập thể- xí
nghiệp quốc doanh, nông trang tập thể); thực hiện một nền kinh tế thị trường có
nhiều thành phần, có lợi nhuận, có cạnh tranh.
Điều có ý nghĩa quan trọng là kinh tế cá thể, tư nhân (tư bản trong nước) được
phục hồi cùng với những hoạt động, kinh doanh của các công ty tư bản nước ngoài
thì nền kinh tế ở mỗi nước (Trung Quốc, Việt Nam) trở nên sôi động với nhịp độ
phát triển nhanh và cao, có một bộ mặt mới hẳn về kinh tế và đời sống, được dư
luận rộng rãi trên thế giới hoan nghinh- điềumà trước đây chưa hề xảy ra.
Từ thực tiễn đó đã bắt đầu có ý kiến trong cơ quan lãnh đạo của đảng cộng sản
Trung Quốc rằng: “có thể sử dụng những yết tố, hình thức, khía cạnh của chủ
nghĩa tư bản để phục vụ cho chủ nghĩa xã hội” và đến năm 1992 nhà lãnh đạo kỳ
cựu của đảng cộng sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình lại nhấn mạnh: “Trung Quốc cần
học tập chủ nghĩa tư bản,làm theo mô hình tư bản chủ nghĩa”, “không nên câu nệ
mèo đen hay mèo trắng miễn là nó bắt được chuột”.
Tuyên bố này được phổ biến rộng rãi khi Tổng bí thư Giang Trạch Dân phát biểu ý
kiến với sinh viên Bắc Kinh giữa năm 1992.
Lời tuyên bố ấy của
ông Đặng Tiểu Bình có ý nghĩa rất quan trọng ở chỗ là từ trước tới nay, trong
phong trào cộng sản quốc tế chưa hề có những ý kiến phát biểu như vậy, vì nó
trái hẳn với chủ nghĩa Mác Lenin và tất nhiên nó sẽ được coi là “hành vi phản
bội” chủ nghĩa Mác Lenin. Bởi lẽ, theo tư tưởng Mác Xít, Lê-Nin-Nit, chủ nghĩa
xã hội có thể tồn tại trên cơ sở phải tiêu diệt chế độ tư hữu về tư liệu sản
xuất (sở hữu cá thể, tư nhân) – môi trường sản sinh ra chủ nghĩa tư bản, ra
giai cấp người bóc lột người, đểthiết lập một chế độ công hữu về tư liệu sản
xuất (sở hữu toàn dân, tập thể)- “nền tảng vững chắc của chủ nghĩa xã hội”. Cho
nên sự tồn tại và phát triển của kinh tế cá thể, tư nhân, tư bản chủ nghĩa với
lợi nhuận, cạnh tranh và giai cấp người bóc lột người – đối kháng của chủ nghĩa
xã hội thì không thể gọi là chủ nghĩa xã hội được.
Sở dĩ Trung Quốc đạt được thành quả lớn lao về kinh tế như ngày nay sau 14 năm
cải cách và mở cửa là nhờ có trên 80 tỉ đôla đồng vốn của tư bản nước ngoài đổ
vào Trung Quốc và hàng năm (1991-1992) Trung Quốc có được số vốn nước ngoài 10
tỉ đôla – điều mà trước đây đảng cộng sản Trung Quốc nằm mơ cũng không hề có.
Thị trường chứng khoán cổ máy cái của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa – được mở ra
và phát triển mạnh mẽ ở Thẩm Quyến rồi lần lượt ở nhiều nơi khác của Trung
Quốc; những đặc khu kinh tế được xây dựng ở Quảng Đông, các vùng ven biển càng
làm cho nền kinh tế Trung Quốc mang đậm dấu ấn của chủ nghĩa tư bản. “Chủ nghĩa
xã hội mang màu sắc Trung Quốc” là “chủ nghĩa xã hội” không theo tư tưởng Mác
Lenin, đảo ngược hoàn toàn chủ nghĩa Mác Lenin. “Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc
Trung Quốc” là chủ nghĩa tư bản đích thực ở Trung Quốc. Như vậy chủ nghĩa tư
bản được xây dựng ở Trung Quốc chính là thông qua sự lãnh đạo vòng vèo đầy mưu
lược của đảng cộng sản Trung Quốc – đảng của chủ nghĩa Mác Lenin(?). Phải chăng
đây là nghịch lý, ngược đời ?
Tuyên bố:
“Học tập chủ nghĩa tư bản Làm theo mô hình tư bản chủ nghĩa” là lời tuyên bố
dũng cảm, đầy tinh thần cách mạng sáng tạo cầu thị của nhà lãnh đạo cao niên
(88 tuổi) Đặng Tiểu Bình. Lời tuyên bố ấy bao hàm ý thức thừa nhận rằng phương
thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là phương thức sản xuất hoàn thiện nhất của xã
hội loài người ngày nay; nó có sức thu hút, quyết rũ lạ thường và đáp ứng kịp
thời mọi yêu cầu của nhân dân, của xã hội.
Cho nên nói chung phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa “ưu việt”(?) “sẽ thay
thế” phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa ” đã lỗi thời”(?) là điều rất ảo
tưởng. Nó “ưu việt” nhưng đã tan rã đồng loạt kể cả Trung Quốc và VN thì lấy gì
để thay thế cái “đã lỗi thời” đang rất hùng mạnh kia ?
Đại hội lần thứ 14 của đảng cộng sản Trung Quốc (12-18/10/1992) vừa qua đã mở
ra chân trời sáng lạn cho sự phát triển tư bản chủ nghĩa của Trung Quốc mà
không sợ bị cản ngăn, làm đảo ngược bởi lực lượng bảo thủ, vì nó được nhân dân
Trung Quốc trên 1 tỉ người ủng hộ, bảo vệ. Trong một tương lai không xa, Trung
Quốc sẽ trở thành một trong những nước tư bản chủ nghĩa hùng mạnh nhất ở Châu Á
Thái Bình Dương.
Còn đối với Việt Nam thì sao ? quyết tâm vẫn là “con đường xã hội chủ nghĩa”.
Vậy nội dung, thực chất của định hướng xã hội chủ nghĩa ở VN cụ thể là như thế
nào ? Từ phương thức sản xuất chủ nghĩa xã hội giáo điều: tập trung, quan liêu,
bao cấp dẫn đến hậu quả đói nghèo, lạc hậu triền miên, VN buộc phải đổi mới :
xây dựng một nền kinh tế thị trường với nhiều thành phần khác nhau trong đó
điều quan trọng là khôi phục kinh tế cá thể, kinh tế tư nhân (tư bản trong
nước) và mở cửa cho tư bản nước ngoài vào đầu tư, kinh doanh, khai thác.
Đối với kinh tế tập
thể, quốc doanh, cái nào làm ăn thừa lỗ (phần nhiều thừa lỗ), khó tồn tại được
thì cho phá sản, giải thể. Cạnh tranh là thách thức lớn đối với hai loại hình
kinh tế này.
Trong mấy năm gần đây (90-91-92), hàng năm có trên 3.000 đoàn nước ngoài (năm
sau cao hơn năm trước) mà đại bộ phận là các nhà kinh doanh tư sản vào thăm VN.
Ngược lại, với hoạt động ngoại giao nhằm mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế
của đất nước, các đoàn đại biểu chính thức của nhà nước VN đã đi thăm chủ
yếu các nước tư bản ở Châu Á, Châu Ấu, Châu Úc, Châu Mỹ cụ thể các nước như :
Thái Lan, Ma-lai-si-a, Xin-ga-po, Phi-lippin. Indonesia, Bơ-ru-nây, Ần Độ,…
Pháp, Đức, Thụy Điển, Hà Lan,… Mỹ, Úc…
Trong 5 năm từ khi có luật đầu tư của người nước ngoài tại VN (1988-1992), nhà
nước đã cấp 555 giấy phép cho các công ty với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 4
tỷ 527 triệu USD gồm :
- 500 xí nghiệp liên doanh.
- 66 xí nghiệp 100% vốn nước ngoài.
- 59 hợp đồng hợp tác kinh doanh.
- 23 dự án dầu khí theo hình thức phân chia sản phẩm.
Các tổ chức kinh doanh, doanh nghiệp từ 40 nước đã tham gia đầu tư tại VN vào
các ngành như :công nghiệp dầu khí, nông lâm nghiệp, ngư nghiệp, giao thông vận
tải và bưu điện, khách sạn, du lịch, dịch vụ, tài chánh, ngân hàng,… Có trên 15
công ty nước ngoài đang thăm dò, khai thác dầu mỏ ở thềm lục địa Việt Nam.
Công cuộc xây dựng đất nước VN ngày nay, qua đổi mới, chủ yếu dựa vào các yếu
tố như sau:
- Đồng vốn của tư bản nước ngoài (gần 5 tỷ đôla Mỹ)
- Công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại của các nước tư bản tiên tiến.
- Kinh nghiệm quản lý kinh tế tiên tiến của các nước tư bản.
- Công tác đào tạo cán bộ toàn diện rất hoàn thiện của các nước tư bản tiên
tiến.
Tất cả tình hình nói trên cho thấy định hướng chiến lược của VN không phải là
định hướng xã hội chủ nghĩa mà thực chất là định hướng tư bản chủ nghĩa :không
phải là cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt nhằm tiêu diệt chủ nghĩa tư bản mà
là sự thỏa hiệp, đề huề, hợp tác giai cấp thậm chí liên minh giai cấp được thể
hiện khi VN xin tham gia hiệp ước Ba-li và hiệp hội Asean – một tổ chức trước
kia được coi là “công cụ xâm lược của Mỹ” ở Đông Nam Á Châuvà được Asean chấp
thuận với tư cách quan sát viên. Sở dĩ có được kết quả tốt đẹp như vậy không
phải chỉ do sự khéo léo trong hoạt động ngoại giao của phía VN mà điều quan
trọng có tính quyết định là Asean nhận thấy sự diễn biến ở VN, đặc biệt là về
kinh tế trong vài ba năm gần đây (90-91-92) đi ngoài dự đoán của họ, nghĩa là
về tính chất, nó có cái gì đó giống nền kinh tế của họ, nếu chưa phải 100%, thì
cũng đã đạt tới 85-90% rồi, và nó sẽ không thể nào đảo ngược được mặc dù VN vẫn
tuyên bố mình là “nước xã hội chủ nghĩa”. Chớ có lẽ Asean lại kết nạp một nước
kẻ thù đích thực muốn tiêu diệt họ như trước đây vào tổ chức hiệp hội Đông Nam
Á của họ sao?
Rõ ràng thuyết đấu
tranh giai cấp và ý thức hệ Mác Xít trong điều kiện kể trên của ngày nay từ đó
đã lỗi thời và phá sản. Hiện nay đang diễn ra hiện tượng quốc tế hóa nền kinh
tế thế giới tức giữa nền kinh tế các nước có sự tác động xen kẻ lẫn nhau: nền
kinh tế của một nước chịu sự tác động của nhiều nước ngược lại, một nước có thể
tác động vào nền kinh tế của nhiều nước (nước Mỹ, nước Nhật tác động vào nền
kinh tế của nhiều nước, ngược lại, nhiều nước khác lại tác động vào nền kinh tế
của nước Mỹ, nước Nhật.)
Hiện tượng quốc tế hóa nền kinh tế thế giới ấy xuất hiện từ sau chiến tranh thế
giới thứ 2 (1945-1946) và phát triển chủ yếu trong phạn vi từng khối riêng biệt
:tư bản chủ nghĩa, xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt
(1990-1991) hiện tượng quốc tế hóa nền kinh tế thế giới mang tính chất tư bản
hóa, thực dân hóa càng có điều kiện phát triển rộng khắp và mạnh mẽ hơn, vì
vậy, cải cách và mở cửa một nước xã hội chủ nghĩa nào đó là điều kiện tất yếu
dẫn đến quốc tế hóa tức tư bản hóa, thực dân hóa nền kinh tế của nước đó.
Nếu trước đây VN đã từng đấu tranh chống thực dân cũ và thực dân mới bằng võ
trang suốt mấy mươi năm để bảo vệ độc lập, tự do và chủ quyền toàn vẹn của đất
nước mình thì ngày nay, VN với chính sách đổi mới và mở cửa lại sẵn sàng đón
nhận hàng chục (hiện đã có 40 quốc gia) thậm chí hàng trăm nước tư bản, thực
dân (sau khi Mỹ bỏ cấm vận) vào nước mình để khai thác, kinh doanh kiếm lời. Vả
lại, khi nền kinh tế của VN được quốc tế hóa tức tư bản hóa, thực dân hóa thì
hai chữ độc lập của VN cũng cần được hiểu khác đi, linh hoạt hơn so với trước
đây (ngay với nền độc lập của nước Mỹ cũng phải hiểu như vậy).
Tất nhiên, “định hướng xã hội chủ nghĩa ” của VN lúc bấy giờ được ví như cái mũ
mà người ta đội lên đầu đất nước mình; còn thực tế toàn bộ sự vận hành của nền
kinh tế thị trường VN vẫn phát triển theo qui luật của nó theo con đường tư bản
chủ nghĩa hay còn được gọi là mô hình tư bản chủ nghĩa – dẫn đến phồn vinh,
giàu có, ấm no, hạnh phúc, dân chủ tự do, vănminh hiện đại.
Điều mà ai nấy cũng có thể thấy rõ là sau khi Mỹ hủy bỏ cấm vận đối với VN thì
sẽ có hàng trăm, hàng ngàn công ty nước ngoài kéo vào làm ăn với VN. Các đặc
khu kinh tế tự do, các thị trường chứng khoán, các chi nhánh ngân hàng các nước,
các xí nghiệp 100% vốn nước ngoài, các xí nghiệp liên doanh trên các lĩnh vực :
công nghiệp, nông lâm nghiệp, thủy sản, giao thông, vận tải và bưu điện..v..v..
sẽ được mở ra hoạt động kinh doanh xây dựng và phát triển mạnh mẽ. Hoạt động
của các công ty xí nghiệp nói trên sẽ góp phần quan trọng làm biến đổi nhanh
chóng bộ mặt kinh tế và đời sống VN, đưa VN mau lẹ thoát khỏi đói nghèo, lạc
hậu kéo dài, đạt đến phồn vinh, giàu có, thậm chí có thể trở thành một trong
những con rồng thần kỳ của Châu Á: nhưng những kết quả hoạt động ấy tất nhiên
không phải là để củng cố phát triển chủ nghĩa xã hội mà chính là để củng cố
phát triển chủ nghĩa tư bản ở VN.
Chớ không lẽ, bằng chính sách đổi mới và mở cửa, đảng cộng sản VN lại có thể
lãnh đạo cả thế giới tư bản (gồm hàng trăm nước) như: Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý,
Nhật, Canada (G7- giàu nhất), Nam Triều Tiên, Đài Loan, Malaisia, Xingapo, Hồng
Kông, Indonesia, Thái Lan, Úc, Hà Lan, Thụy Điện, Ần Độ, Mehico,… đến VN xây
dựng chủ nghĩa xã hội cho mình sao ? Như vậy có ngược đời không ?
Phải chăng đảng cộng sản VN lại có ý định cho các nước tư bản vào làm ăn một
thời gian có tính chất “vỗ béo” để rồi sau đó, với chiến lược “xã hội chủ
nghĩa”- đấu tranh giai cấp quyết liệt ai thắng ai giữa hai con đường :tư bản
chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa- của mình sẽ tiến hành cải tạo, tước đoạt tất cả
tài sản của “bọn họ” (bọn tư bản) và đuổi họ về nước như đã từng làm trước đây
? Nhưng liệu đảng cộng sản VN có khả năng làm nổi công việc đầy tính mạo hiểm
ấy không ? Bài học: ngạo nghễ, thách thức, phiêu lưu của Sađam Hussein đã buộc
nhân dân Iraq phải trả một giá quá đắt cho cuộc chiến tranh vùng vịnh : đất
nước đẩm máu, tan tành, hy sinh quá lớn lao và vô nghĩa, đói khổ, chết chóc và
tủi nhục kéo dài.
Hay phải trung thực nhìn nhận rằng chính chánh sách đổi
mới và mở cửa của đảng cộng sản VN đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho chủ nghĩa
tư bản giành toàn thắng trên đất nước mình; đồng thời phủ định cái “chủ nghĩa
xã hội” nghèo đói, lạc hậu và lỗi thời mà lâu nay vẫn được ấp ủ tại đây.
Trước tình hình cả thế giới xã hội chủ nghĩa (Liên Xô, Đông Ấu, Mông Cổ) sụp
đổ, bên cạnh thế giới tư bản chủ nghĩa hùng mạnh đang tồn tại và quay tít về
phía trước, VN tình nguyện “hòa nhập” vào cộng đồng thế giới tức cộng đồng tư
bản chủ nghĩa thì VN cũng phải quay tít theo guồng máy tư bản chủ nghĩa nói
trên, tuy VN còn thích đội cái mũ “xã hội chủ nghĩa”. Ngoài ra không có sự chọn
lựa nào khác cả.
Rõ ràng hiện nay, VN thực tế đang chuyển từ chủ nghĩa xã hội
sang chủ nghĩa tư bản- tự quay 180 độ. Đó là điều không thể đảo ngược được. Vấn
đề còn lại là phải có một tinh thần thật sự cầu thị, dám nói thẳng, nói thật.
Đáng lẽ phải nói: Thưa các ngài tư bản, Từ lâu, đi theo chủ nghĩa Mác Lenin,
chúng tôi đã tiến hành cuộc đấu tranh quyết liệt nhằm tiêu diệt chủ nghĩa tư
bản của các ngài và thật sự, chúng tôi – phe xã hội chủ nghĩa – đã tiêu diệt
được chủ nghĩa tư bản của các ngài trên qui mô rộng lớn của thế giới trong một
thời gian khá dài.
Thế nhưng chúng tôi đã thất bại do không tuân thủ qui luật khách
quan trong việc xây dựng một phương thức sản xuất mới nhưng rất yếu đuối, trì
trệ, không đem lại một năng suất lao động cao, một sự phồn vinh và cuộc sống tự
do, ấm no hạnh phúc cho nhân dân, xã hội và do đó, nó không có khả năng gì để
thay thế phương thức hấp dẫn, thu hút mạnh mẽ của các ngài, và nó đã sụp đổ. Vì
vậy, giờ đây chúng tôi thấy phải học tập các ngài, học tập chủ nghĩa tư bản, mà
theo mô hình tư bản chủ nghĩa của các ngài và tất nhiên phải từ bỏ chủ nghĩa
Mác Lenin – chủ nghĩa cộng sản – đã quá lỗi thời để tiến kịp theo các ngài trên
con đường tiến hóacủa lịch sử.
Đối với VN chúng tôi hiện nay: Tổ Quốc giàu có, hùng mạnh, nhân dân tự do, ấm
no hạnh phúc là trên tất cả.
(viết xong ngày 19/01/1993 lúc còn đang bị quản thúc tại gia từ 07/09/1993 đến
19/01/93 ở TP Hồ Chí Minh)
Phần 2
Tư Bản Chủ Nghĩa Con Đường Không Thể Đảo Ngược Được
A.- Mác-Lênin Với Chủ Nghĩa Tư Bản.
Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa ra đời cách đây khoảng trên 300 năm (thế
kỷ 17) là đối tượng nghiên cứu của Các-Mác và Ắn-ghen – hai nhà thủy tổ của chủ
nghĩa cộng sản. Do đó bản tuyên ngôn của Đảng cộng sản mà Mác và Ắn-ghen là
đồng tác giả đã được ông bố vào năm 1848, cách nay 145 năm, phân tích những mâu
thuẩn, những mặt tiêu cực, yêú kém của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và
bản chất áp bức, bóc lột thậm tệ của giai cấp tư sản lúc bấy giờ. Mác và
Ắn-ghen đã đi đến kết luận xã hội rằng chũ nghĩa tư bản nhất định diệt vong,
phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa sẽ thay thế phương thức sản xuất tư bản
chủ nghĩa, cản ngại lớn của lịch sử tiến hoá của xã hội loài người.
Vả lại, trên thực tế, chủ nghĩa tư bản đã bị
tiêu diệt ở nhiều nước mà nên kinh tế còn rất lạc hậu, nghèo nàn (kinh tế tư
bản chưa phát triển cao) như các nước Nga, Trung Quốc, Việt Nam, Mông Cổ,
An-ba-ni, Ru-mani, Hung-ga-ri,…Đến khi Lê Nin với thắng lợi của cuộc cách mạng
Tháng 10 Nga năm 1917, càng khẳng định chủ nghĩa tư bản phát triển đến thời kỳ
đế quốc chủ nghĩa là đêm trước của cách mạng vô sản và xã hội chủ nghĩa trên
phạm vi toàn thế giới.
Thế nhưng kể từ khi có Tuyên Ngôn của đảng cộng
sản (của Mác, Ắm-ghen) và quan điểm của Lê Nin về chủ nghĩa đế quốc đến nay
(145năm) lại chưa hề có cuộc cách mạng vô sản bằng bạo lực nào xảy ra ở các
nước tư bản phát triển nhất (thành đế quốc chủ nghĩa) như: Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý,
Nhật, Canada…bởi vì tại đây, các Đảng cộng sản đều không tán thành cách mạng vô
sản – cách mạng bạo lực – và chuyên chính vô sản, độc quyền lãnh đạo của Đảng
cộng sản, mà chủ trương đấu tranh bằng phương thức hoà bình: đấu tranh nghị
trường với sự liên minh của nhiều đảng phái, lực lượng cấp tiến, đấu tranh bằng
đình công, biểu tình… cho lợi ích dân sinh, dân chủ của nhân dân lao động; cho
hoà bình hữu nghị giữa các dân tộc, cho tiến bộ xã hội: và cũng vì tính chất ấy
mà Đảng cộng sản Anh đổi tên thành Đảng dân chủ xã hội; Đảng cộng sản Ý đổi
thành Đảng dân chủ cánh tả vào những năm 1990 – 1991,…
B.- Tại Sao Chủ Nghĩa Xã Hội Hiện Thực “Tan Rã” ?
Còn chủ nghĩa xã hội được xây dựng ở các nước nông nghiệp, phong kiến lạc hậu
như đã nói trên trong suốt 45 năm hoặc trên 70 năm tuy có đạt được những thành
quả nhất định về các mặt: kinh tế, chính trị, quân sự, văn hoá, giáo dục, ý tế,
đời sống vẫn lâm vào tình trạng trì trệ.
Khủng hoảng kéo dài thậm chí đưa đến sự sụp đổ của “chủ nghĩa xã hội hiện thực”
hồi năm 1990-1991 (Đông Ấu, Liên Xô, Mông Cổ…) do sự vận động của nó trái với
qui luật khách quan (chuyên chế toàn diện: độc tài về kinh tế, độc tài về chính
trị và các mặt khác; tiêu diệt kinh tế cá thể, tư nhân, bóp nghẹt dân chủ tự do
là nguyên nhân chính yếu của sự sụp đổ ấy. “Chủ nghĩa xã hội hiện thực” tan rã
và việc không hề xảy ra cách mạng vô sản, xã hội chủ nghĩa ở các nước tư bản
tiên tiến nhất theo như dự đoán của Mác, Ắn-ghen, Lê Nin; đồng thời kinh tế cá
thể tư nhân (tư bản) được phục hồi ở các nước XHCN đã tan rã và chưa tan rã,
thì lấy phương thức sản xuất nào để thay thế phương thức sản xuất tư bản chủ
nghĩa đang là phương thức sản xuất hoàn chỉnh nhất, hùng mạnh nhất của xã hội
loài người ngày nay ? và dựa vào cơ sở thực tiễn nào để nói rằng chủ nghĩa tư
bản nhất định diệt vong ? (nếu nói theo cảm tính, quán tính hoặc theo sách vở,
giáo điều thì có giá trị gì ?)
C.- Chủ Nghĩa Tư Bản Tồn Tại Như Thế Nào ?
Người ta biết rằng trên 300 năm tồn tại và phát triển của phương thức sản xuất
tư bản chủ nghĩa là một quá trình đầy thử thách; khủng hoảng kinh tế định kỳ
rất trầm trọng (hàng hoá dư thừa, ế ẩm do bán không được phải đem ra biển đổ
hoặc đốt đi), nhân dân lao động sống lầm than, đói rách do bị áp bức bóc lột
nặng nề phải vùng lên đấu tranh tự cứu lấy mình bằng đình công, biểu tình nhiều
lúc có cả bạo lực; hai lần chiến tranh thế giới (1914-1918 và 1940-1945) bùng
nổ giữa các nước tư bản mất đi một số nước (trở thành nước xã hội chủ nghĩa).
tất cả tình hình ấy làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa xã hội- chủ nghĩa
cộng sản càng có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với nhân dân lao động và các dân tộc
trên thế giới.
Tuy nhiên, các nhà thủy tổ của chủ nghĩa cộng sản chỉ thấy chủ nghĩa tư bản ở
giai đoạn máy hơi nước (thế kỷ 19) và máy điện (đầu thế kỷ 20-hồi Lê Nin), chớ
không hề thấy chủ nghĩa tư bản ở giai đoạn của vũ khí hạt nhân, nguyên tử, của
tin học, máy vi tính, rô-bốt (người máy), vệ tinh nhân tạo, con tàu vũ trụ bay
vào không gian và lắp ghép với nhau, con người lên mặt trăng thám hiểm và dự
định sẽ sinh sống tại đó,…Các nhà kinh điển của chủ nghĩa cộng sản chủ yếu nhìn
thấy sâu sắc những mặt tiêu cực, khuyết tật của chủ nghĩa tư bản để từ đó rút
ra kết luận và không bao giờ nghĩ rằng chủ nghĩa tư bản trong quá trình phát
triển đầy thử thách ấy, nó lại có nhiều khả năng tự điều chỉnh mình, tự cải
tạo, thậm chí “lột xác” để tiến lên bằng tiềm năng kho học kỹ thuật, bằng trình
độ tổ chức quản lý, bằng sức sáng tạo và nhiều chính sách xã hội hợp lý khác.
Cho nên, trái hẳn với dự đoán của Mác-Lênin,
chủ nghĩa tư bản đã tồn tại cho đến ngày nay (1993) trên 300 năm và chưa bao
giờ chủ nghĩa tư bản phát triển hùng mạnh như bây giờ, và nhờ vậy nó đã đưa xã
hội loài người đến đỉnh cao của nền văn minh. Với tuổi tác đó, phương thức sản
xuất tư bản chủ nghĩa không những không già nua mà trái lại, nó giống như một
lực sĩ còn rất sung sức với đầy đủ khả năng đáp ứng các nhu cầu toàn diện và
phức tạp của loài người. Như vậy, chủ nghĩa tư bản, trên cơ sở hùng mạnh có một
không hai và chưa từng có trong lịch sử, có thể tiếp tục tồn tại và phát triển
lâu dài hơn so với thời gian tồn tại và phát triển đã qua. (trên 3 thế kỷ) của
nó.
D.- Chủ Nghĩa Tư Bản Đi Đến Diệt Vong Dưới Dạng
Nào ?
Câu hỏi được đặt ra là chủ nghĩa tư bản có diệt vong không và bao giờ? Như mọi
sự vật trong thế giới tự nhiên, chủ nghĩa tư bản cũng không thể đứng ngoài qui
luật của nó: có sanh, có tử, có phát sinh, phát triển và tiêu vong. Nhưng có
điều có thể khẳng định là chủ nghĩa tư bản sẽ không diệt vong bởi cuộc cách
mạng vô sản- bạo lực của Đảng cộng sản, vì điều đó đã từng diễn ra và đã thất
bại rồi (“chủ nghĩa xã hội hiện thực” sụp đổ trên phạm vi thế giới năm
1990-1991). Tuy nhiên đến lúc nào đó, chủ nghĩa tư bản cũng sẽ tiêu vong bởi
những mâu thuẩn nội tại do phương thưc sản xuất của nó tạo ra, chứ không phải
bằng một áp lực từ bên ngoài, giống như khi trái chín, nó rụng, chứ không phải
nó bị người ta hái đi trước thời gian nó chín.
Sự phát triển của xã hội loài người đã trãi qua nhiều giai đoạn với những thay
đổi lớn lao: “văn minh nông nghiệp (làng, xã), “văn minh công nghiệp” (thành
phố và hiện nay đang bước vào giai đoạn của “văn minh trí tuệ” (chất xám) ” –
theo nhận định của nhà tương lai học người Mỹ Alvin Toffler. Do đó những năm
cuối của thế kỷ 20 này và đầu thế kỷ 21 tới đây, mọi vấn đề trong xã hội sẽ
được giải quyết bằng máy tính điện tử, máy vi tính. Không nhữngtrong lĩnh vực
sản xuất mà cả trong lĩnh vực kinh doanh, công tác, phục vụ, dịch vụ cũng đều
sử dụng máy tính điện tử, máy vi tính. Chính thời đại bùng nổ thông tin – thời
đại của máy tính điện tử, máy vi tính – đã giúp chúng ta (người Việt Nam) có
thể ngồi tại nhà mình và thông qua vệ tinh nhân tạo và máy truyền hình màu mà
xem được “Thế vận hội” ở Mockba, Mehico, Bắc Kinh, Xê-un, Bác-xê-lô-na… và các
trận đá bóng ở thủ đô các nước trên thế giới, hoặc như người dân Nga ngồi tại
Mockba có thể đối thoại với người dân Mỹ đang ngồi tại Hoa-Thạnh-Đốn cũng thông
qua các phương tiện thông tin nói trên. Thật là kỳ diệu nền “văn minh trí tuệ”
(chất xám,khoa học kỹ thuật).
Với nền văn minh ấy, nhà máy, xí nghiệp không tổ chức đại qui mô như trước đây
mà tổ chức theo qui mô vừa và nhỏ trong đó máy móc điện tử, máy vi tính giữ vai
trò quyết định. Những xí nghiệp được rô-bốt hoá (toàn người máy) là những xí
nghiệp sản xuất ra hàng hóa dồi dào chủ yếu do máy móc, chớ không có người lao
động (công nhân). Như vậy, vấn đề mới đã phát sinh, xí nghiệp vẫn sản xuất
nhưng lại không có công nhân – một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử.
Tin học hoá, rô-bốt hoá dần dần sẽ trở thành phổ biến trong hoạt động sản xuất
kinh doanh, công tác, phục vụ (dịch vụ) của xã hội loài người với nền “văn minh
trí tuệ” ngày nay. Theo tin tức được biết: Nhật Bản chiếm 70% người máy
(rô-bốt) trên thế giới, là nước đi đầu trong lĩnh vực rô-bốt hoá.
Từ “văn minh trí tuệ”, những thay đổi lớn lao
ấy không thể không ảnh hưởng đến các quan hệ xã hội, quan hệ giai cấp, quan hệ
giữa giai cấp tư sản và giai cấp công nhân, giữa chủ và thợ. Chắc chắn quan hệ
giữa giai cấp tư sản và giai cấp công nhân, giữa chủ và thợ sẽ dần dần lu mờ đi
bởi những hiện tượng mới kể trên. Vì vậy, học thuyết về “thặng dư giá trị”, về
“đấu tranh giai cấp” của Các-Mác tất nhiên không thể không rơi vào tình trạng lãng
quên.
Nhưng sự tiêu vong của quan hệ giai cấp người
bóc lột người, quan hệ chủ, thợ là một quá trình diễn biến lâu dài dưới nhiều
dạng cụ thể khác nhau đến khi không còn giai cấp nữa. Sự tiêu vong của quan hệ
giai cấp ấy không phải được giải quyết bằng một cuộc cách mạng vô sản – bạo lực
đẫm máu của Đảng cộng sản, mà bằng một cuộc cách mạng khoa học, kỹ thuật – cách
mạng của “văn minh trí tuệ” – rất hoà bình, nhân hậu, không hề đổ máu. Hoà bình
và khoa học kỹ thuật – “văn minh trí tuệ” – nhất định sẽ đưa cả loài người đi
đến một thế giới văn minh tột đỉnh: phồn vinh, tự do, ấm no hạnh phúc, công
bằng xã hội và đầy tình người.
E.- Những Điều Nghịch Lý.
Như mọi người đều biết, khi trên thế giới xuất
hiện hai hệ thống kinh tế, chính trị, xã hội: tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ
nghĩa song song tồn tại và đối đầu nhau quyết liệt thì đồng thời cũng bộc lộ
khá rõ nét những hiện tượng nghịch lý:
- Chủ nghĩa tư bản xuất phát từ của riêng, lợi ích cá nhân, lợi nhuận – từng bị
lên án là “thối nát”, phản động và “phải bị tiêu diệt” – nhưng trong tác động
thực tiễn của nó lại dẫn đến những hậu qủa kinh tế, xã hội kỳ diệu, không lường
trước được: năng suất lao động cao, hàng hóa dồi dào có thể thỏa mãn mọi nhu
cầu của xã hội, làm cho đất nước phồn vinh, giàu có, hùng mạnh, nhân dân ấm no
hạnh phúc, xã hội phát triển đạt đến đỉnh cao của nền văn minh hiện đại ngày
nay.
- Ngược lại chủ nghĩa xã hội được coi là “ưu việt”, xuất phát từ của chung (sở
hữu công cộng), luôn luôn vì lợi ích của xã hội (tức không có của riêng, không
có lợi nhuận, không có giai cấp người bóc lột người) nhưng trong tác động thực
tiễn lại dẫn đến những hậu quả hoàn toàn khác hẳn: kinh tế bị phá hoại nghiêm
trọng bởi chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa, năng suất lao động thấp kém,
hàng hoá đơn điệu, thiếu thốn không đáp ứng nổi các yêu cầu cấp bách của xã hội
(tem phiếu, xếp hàng,quầy hàng trống rỗng…), đất nước lâm vào cảnh nghèo nàn
lạc hậu triền miên, nhân dân sống cơ cực, lầm than, đói rách và không hề có dân
chủ tự do.
- Rõ ràng, các mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, dân chủ tự do, ấm no, hạnh phúc,
văn minh, hiện đại lại không được tạo ra bởi chính phương thức sản xuất của nó
mà ngược lại được tạo ra bằng phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Do đó, các
nước xã hội chủ nghĩa như Việt Nam, Trung Quốc ngày nay phải thực hiện cải
cách, đổi mới, tức là thông qua phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa – tức
kinh tế thị trường – để đem lại phồn vinh, giàu có, ấm no hạnh phúc cho nhân
dân.
G.- Hiểu đúng kinh tế hàng hoá.
Rất đúng khi nói rằng kinh tế hàng hoá ra đời
trước chủ nghĩa tư bản tức kinh tế hàng hoá có trước, kinh tế tư bản có sau.
Tuy nhiên nó không mâu thuẫn khi nói rằng kinh tế hàng hoá – kinh tế thị trường
– là kinh tế tư bản chủ nghĩa. Bởi vì kinh tế tư bản phát sinh trên cơ sở của
kinh tế hàng hoá. Vả lại, kinh tế hàng hoá trong chủ nghĩa tư bản mang những
nét đặc thù (riêng biệt) của nó: phát triển vượt bực về qui mô, số lượng và
chất lượng so với kinh tế hàng hoá trong điều kiện của chế độ nô lệ và chế độ
phong kiến (kinh tế hàng hoá tư bản chủ nghĩa có thể giúp con người đi nửa vòng
quả đất với thời gian khoảng 24 giờ (1 ngày 1 đêm); có thể ngồi tại nhà và xem
ca nhạc, thể thao diễn ra ở bất cứ nơi nào trên thế giới,…- điều mà kinh tế
hàng hóa của chế độ nô lệ và phong kiến không thể làm được.
Cho nên nói kinh tế hàng hoá là kinh tế tư bản
trong ý nghĩa đó. Vậy hiện nay, Việt Nam, Trung Quốc thực hiện thứ kinh tế hàng
hoá nào ? Kinh tế hàng hoá của chế độ nô lệ, phong kiến hay tư bản ? Không lẽ
vì sĩ diện, muốn tránh né để không dính líu đến chủ nghĩa tư bản mà hai nước
này lại áp dụng kinh tế hàng hoá của thời nô lệ, phong kiến sao ? Thị trường
chứng khoán thuộc kinh tế hàng hoá nào ?
H.- Sự lựa chọn dứt khoát.
Xã hội tư bản – xã hội thừa nhận của riêng, lợi
nhuận, có giai cấp, cạnh tranh gay gắt – là một xã hội năng động đáp ứng tất cả
những gì mà nhân dân mong muốn, yêu cầu. Trong chủ nghĩa tư bản với năng suất
lao động cao, hàng hoá dồi dào, đời sống cao, dân chủ tự do cao, nhân dân trở
thành người chủ đích thực của xã hội. Tất cả điều đó đã cắt nghĩa việc hai
triệu người Việt Nam sau năm 1975 đã di tản sang 70 nước tư bản chủ nghĩa trên
thế giới, đặc biệt tập trung ở các nước phương tây (Mỹ, Canada, Pháp, Anh, Đức,
Ý, Nhật, Hà Lan, Thụy Sĩ,…). Đó là sự lựa chọn dứt khoát và khá chính xác của những
người dân bình thường mà có khi người cách mạng chân chính khó hiểu nổi, nghĩ
không ra.
Hơn nữa những điều kể trên cũng cắt nghĩa được
rằng các đoàn đại biểu của chính phủ CHXHCN Việt Nam vừa qua đã sang thăm hữu
nghị các nước Đông Nam Á (ASEAN) bao gồm Thái lan, Malaixia, Indonexia,
Philipin, Bơ-ru-nây, Singapo,…; thăm Nhật Bản, Nam Triều Tiên,…và các nước
phương tây (Mỹ,Anh,Pháp,Hà Lan,Đức,Thụy Sĩ,…) đã bị thu hút bởi những thành tựu
kỳ diệu trong công cuộc xây dựng kinh tế,văn hoá,xã hội,môi sinh,…của các nước
tư bản chủ nghĩa kể trên và ao ước sao Việt Nam cũng làm được như vậy.
Từ thực tiễn đó, ta thấy rằng không phải là vấn đề tiêu diệt chủ nghĩa tư bản
như Đảng cộng sản từng khẳng định mà chính là vấn đề học tập và làm theo mô
hình tư bản chủ nghĩa như thế nào cho tốt; cho nên cần khiêm tốn một chút vì
thực tiễn luôn luôn là chân lý sáng ngời.
I.- Tư bản hoá – Toàn cầu hoá nền kinh tế thế
giới.
Chủ nghĩa Mác-Lênin thường lên án chủ nghĩa tư
bản là ích kỹ, tham lam, phản động, nhưng chính sự tồn tại và phát triển của nó
trong mấy thế kỷ qua cho thấy khá đầy đủ toàn bộ tính chất xã hội của nó trong
sản xuất, lưu thông, phục vụ (văn hoá, giáo dục, ý tế, môi sinh…ở từng nước).
Như người ta thường nói đến hàng ngàn, hàng vạn công ty siêu quốc gia – công ty
đa quốc gia tức nói đến những thứ hàng hoá nào đó của các công ty nói trên
không những được sản xuất ngay trong nước mà còn được sản xuất ở nhiều nước
khác và đồng thời được lưu thông tiêu thụ ở hằng trăm nước trên thế giới. Chính
tính chất xã hội ấy đòi hỏi phải thúc đẩy công cuộc khu vực hoá, toàn cầu hóa
nền kinh tế thế giới và nhiều lĩnh vực khác nữa.
Hàng ngàn, hàng vạn công ty các nước đổ xô vào làm ăn ở một nước nào đó và
ngược lại, hàng trăm, hàng ngàn công ty của một nước đến làm ăn ở hàng trăm
nước khác trên thế giới đã nói lên tính chất phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước,
kể cả nước Mỹ bởi hiện tượng toàn cầu hóa nói trên.
Trong điều kiện đó, khu vực hoá kinh tế như Cộng đồng kinh tế Ấu Châu (EEC gồm
12 nước) và khu kinh tế tự do Bắc Mỹ (NAFTA gồm Hoa Kỳ, Canada, Mê-hi-co) là
những bước tiến cao hơn trong xu thế toàn cầu hoá nền kinh tế thế giới. Khu vực
hoá nền kinh tế các nước là sự thai nghén đầy khó khăn gian khổ, phức tạp,
nhưng chính nó đã nói lên khát vọng muốn tiến mãi không ngừng của con người.
Từ tháng giêng năm 1993, kế hoạch giai đoạn đầu của Cộng đồng kinh tế Ấu Châu
là thực hiện ba không:
- Việc đi lại của công dân ở 12 nước thuộc cộng đồng không cần hộ chiếu.
- Đi lại mua bán xuất nhập khẩu hàng hóa giữa 12 nước không qua hải quan.
- Tiền của một nước không bị cấm tiêu xài ở 11 nước khác của cộng đồng.
Nếu đến cuối năm 1993, Quôc Hội các nước trong cộng đồng đều thông qua hiệp ước
Mastritch thì đầu năm 1994 sẽ bắt đầu thực hiện Liên Minh kinh tế và tiền tệ
của giai đoạn hai.
Thật là kỳ lạ, chủ nghĩa tư bản không hề chủ trương “thế giới đại đồng” nhưng
lại thực hiện “thế giới đại đồng”. Còn CNCS thì chủ trương, hô hào tiến tới một
“thế giới đại đồng” nhưng lại thực hành một quốc gia khép kín, tự cung, tự cấp
(ích kỷ), bế môn tỏa cảng (Bắc Tiên,Cuba,Việt Nam,Trung Quốc trước đây cũng vậy
tuy hiện nay có khác rồi).
Tất nhiên sau cộng đồng kinh tế Ấu Châu và khu vực kinh tế do Bắc Mỹ như đã nói
trên sẽ lần lượt hình thành các khu vực kinh tế tự do của Châu Á, Châu Phi,
Châu Mỹ la tinh,…
Chủ nghĩa tư bản năng động, luôn luôn tìm mọi cách để tự hoàn thiện mình, do đó
nó chưa phải hoàn hảo và còn những khuyết tật nhất định. Tuy nhiên chủ nghĩa tư
bản đã vượt qua những cơn bão tố dữ dội suốt quá trình tồn tại và phát triển
của nó trên 3 thế kỷ qua; điều đó cho phép nó có thể tiếp tục tiến lên một cách
thuận lợi theo xu thế của thời đại ngày nay sau khi chấm dứt chiến tranh lạnh
(giữa phe tư bản, đế quốc chủ nghĩa và phe xã hội chủ nghĩa trên phạm vi thế
giới) – hoà bình, đối thoại, hợp tác – từ trên cơ sở đã tốt đến chỗ ngày càng
tốt hơn nhiều. Với xu thế mới của thời đại (hoà bình, hợp tác) nêu trên, chủ
nghĩa tư bản lại có thị trường rộng lớn để tiêu thụ hàng hoá và mua nguyên vật
liệu và đưa vốn ra đầu tư đã đẩy chủ nghĩa tư bản lâm vào các cuộc khủng hoảng
trầm trọng đầy tác hại và nguy hiểm suốt thế kỷ qua.
Ngoài ra, ngày nay chủ nghĩa tư bản lại có thêm những công cụ đắc lực như: Qũy
tiền tệ quốc tế (IMF), ngân hàng thế giới (WB), ngân hàng phát triển châu Á, Tổ
chức “Hiệp định về thuế quan và mậu dịch” (GATT) – những tổ chức trụ cột – nhằm
bảo vệ sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, giúp nó vượt qua những cơn suy thoái hoặc khủng hoảng kinh tế nếu có.
Khác với sự suy nghĩ, tưởng tượng trong đầu óc của con người, cuộc sống thực
tiễn bao giờ cũng mang ý nghĩa tương đối thôi. Cái gì được tuyệt đối hoá, thần
tượng hoá hay bị sụp đổ. Đó là bài học qúi giá giúp con người phải biết thức
tỉnh nếu không muốn bị lịch sử gạt qua bên lề. Vấn đề ở đây không phải là đã có
bao nhiêu năm thâm niên cách mạng, kinh qua bao nhiêu chức vụ, mấy mùa kháng
chiến hoặc mấy khóa tù mà vấn đề chính là có đuổi kịp và nhận thức được sự
chuyển động của qủa đất, của cuộc sống ngày nay không ? và từ đó rút ra được
kết luận gì làm kim chỉ nam cho hành động cách mạng liên tục vì dân, vì nước
của mình ?
(Còn tiếp)
PHẦN BA
A.- Dân Chủ Tự Do Là Thước Đo Chính Xác Về Lòng
Trung Thành Của Đảng Cộng Sản Việt Nam Đối Với Dân Tộc Mình.
Xã hội văn minh là xã hội dân chủ tự do. Ngược lại chính dân chủ tự do càng
thúc đẩy nền văn minh phát triển. Vì vậy dân chủ tự do trở thành xu thế tất yếu
của thời đại và là yêu cầu không thể thiếu được của xã hội loài người. Do đó,
đối với dân tộc Việt Nam hiện nay, dân chủ tự do càng cấp bách hơn bất cứ lúc
nào hết. Dân chủ tự do là một trong những yếu tố căn bản nhất tạo nên định
hướng chiến lược của Việt Nam. Vậy vấn đề dân chủ tự do từ trước tới nay ở Việt
Nam ra sao ?
Từ khi ra đời năm 1930 đến năm 1945 (cách mạng tháng 8), Đảng cộng sản Việt Nam
hoạt động chủ yếu trong điều kiện bí mật, bất hợp pháp mặc dù trong hoàn cảnh
thời gian nào đó, có một bộ phận của Đảng hoạt động công khai, bán công khai.
Nhưng có điều xuyên suốt trong quá trình dài đó, Đảng cộng sản Việt Nam – người
biết rõ khát vọng lớn lao về độc lập và dân chủ tự do của dân tộc Việt Nam trên
một thế kỷ làm nô lệ cho chủ nghĩa đế quốc (Pháp, Nhật, Mỹ) – đã luôn luôn phát
động phong trào đấu tranh rộng rãi của các tầng lớp nhân dân từ thành thị đến
nông thôn đòi dân chủ tự do gắn liền với cuộc đấu tranh đòi và bảo vệ lợi ích
của quần chúng; cụ thể là đấu tranh đòi tự do ngôn luận, tự do báo chí, xuất
bản, tự do hội họp, tự do lập hội, lập nghiệp đoàn, tự do đi lại, xuất dương
(ra nước ngoài), tự do kết hôn, nam nữ bình đẳng, tự do biểu tình, tự do đình
công… coi dân chủ tự do là vũ khí sắc bén để bảo vệ lợi ích quần chúng; đồng
thời là động lực phát triển phong trào đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng chống
áp bức bóc lột, bất công. Ngay trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp
(1945-1954) và chống Mỹ (1955-1975), ở các cùng tạm chiếm (địch hậu) như Sài
Gòn, Huế, Đà Nẵng v.v..,
Đảng cộng sản Việt Nam luôn luôn phát động quần
chúng đấu tranh chống kềm kẹp, áp bức, đòi dân chủ, dân sinh kết hợp với đấu
tranh võ trang cho đến khi kháng chiến thắng lợi. Tại Sài Gòn – trung tâm đầu
não của các cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam trước đây – bất chấp khủng bố,
đàn áp dã man, quần chúng nhân dân thành phố liên tục vùng lên đấu tranh chống
các chính quyền độc tài, phát xít, tay sai của đế quốc, đòi dân chủ tự do bằng
hội thảo, báo chí bán công khai, bằng mít tinh biểu tình, đình công thậm chí
bằng tự thiêu (của tín đồ Phật giáo). Do đó, đối với nhân dân Việt Nam nói
chung đặc biệt với nhân dân Miền Nam (bao gồm thanh niên, phụ nữ, sinh viên,
học sinh, trí thức, văn nghệ sĩ, công nhân lao động, nông dân, tín đồ Phật
giáo, Công giáo và các từng lớp khác) nói riêng, vấn đề tự do dân chủ không
phải là điều gì xa lạ đối với họ; mà ngược lại chính dân chủ tự do đã thấm vào
xương, vào máu của nhân dân Việt Nam, đã trở thành giá trị thực sự được tạo ra
bằng sự hy sinh lớn lao, dai dẳng thông qua thực tiễn đấu tranh ngoan cường,
mặt giáp mặt với quân thù của dân tộc Việt Nam suốt 45 năm chiến đấu cách mạng.
Đó là cái giá rất đắt phải trả cho mộtgiá trị – giá trị dân chủ tự do. Điều đó
có nghĩa là giá trị ấy tuyệt đối không thể biến thành đặc ân của bất cứ ai.
Thế nhưng, từ sau thắng lợi lẫy lừng Điện Biên Phủ (1954) và chiến dịch Hồ Chí
Minh lịch sử (30/4/1975), đất nước Việt Nam đi vào con đường xã hội chủ nghĩa
dưới sự độc quyền lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam thì bốn chữ: Dân chủ-Tự
do và cuộc đấu tranh cho dân chủ tự do dần dần bị lu mờ và tắt lịm; vì lúc bấy
giờ, mọi người đều được giáo dục rằng: trong chủ nghĩa xã hội, mọi vấn đề đều
có sự lãnh đạo của Đảng, mọi thứ đều tốt cả, nên không cần có đấu tranh của quần
chúng. Đấu tranh của quần chúng chỉ tồn tại trong xã hội cũ – xã hội thuộc địa.
Trong chủ nghĩa xã hội, Đảng và nhân dân là một; giữa Đảng và nhân dân không
thể có ý kiến, quan điểm khác nhau, không có đối lập, đối kháng, nên không thể
có đấu tranh, đình công, biểu tình. Do đó, trong chủ nghĩa xã hội không có vấn
đề đấu tranh cho dân chủ tự do vì chế độ xã hội chủ nghĩa (chuyên chính vô sản)
là chế độ “dân chủ một triệu lần hơn chủ nghĩa tư bản ” (?)
B.- Chủ Nghĩa Xã Hội Không Thể Công Nhận Có Đấu
Tranh Của Quần Chúng.
Song, thực tiễn thì rất phức tạp, luôn luôn vận động theo qui luật và không hề diễn biến theo xét đoán chủ quan của con người. Vả lại, trong chủ nghĩa xã hội, thực tế thì có biết bao nhiêu vấn đề không tốt, không kém gì những vấn đề không tốt trong xã hội thực dân, đế quốc trước đây. thậm chí có những mặt còn nghiêm trọng, tồi tệ hơn nhiều; cụ thể là trong chủ nghĩa xã hội vẫn có những kẻ dựa vào địa vị, quyền lực mà áp bức, bóc lột quần chúng,cướp đất, cướp nhà, trấn áp, uy hiếp, trù dập quần chúng, bắt bớ giam cầm họ một cách phi pháp; xã hội dẫy đầy bất công tham nhũng, ăn hối lộ “tràn đồng”; thất nghiệp, ăn mày, làm đĩ nhan nhãn; giết người cướp của lộng hành; đồng lương chết đói kéo dài 15-20 năm không được cải thiện trong khi giá cả cứ tăng vùn vụt 10 lần, 20 lần…(năm 1975: 1 tô phở chỉ có 5 đồng nhưng đến năm 91-92 là 2000 đồng trở lên và mọi thứ hàng hóa khác đều tăng giá giống như vậy).
Song, thực tiễn thì rất phức tạp, luôn luôn vận động theo qui luật và không hề diễn biến theo xét đoán chủ quan của con người. Vả lại, trong chủ nghĩa xã hội, thực tế thì có biết bao nhiêu vấn đề không tốt, không kém gì những vấn đề không tốt trong xã hội thực dân, đế quốc trước đây. thậm chí có những mặt còn nghiêm trọng, tồi tệ hơn nhiều; cụ thể là trong chủ nghĩa xã hội vẫn có những kẻ dựa vào địa vị, quyền lực mà áp bức, bóc lột quần chúng,cướp đất, cướp nhà, trấn áp, uy hiếp, trù dập quần chúng, bắt bớ giam cầm họ một cách phi pháp; xã hội dẫy đầy bất công tham nhũng, ăn hối lộ “tràn đồng”; thất nghiệp, ăn mày, làm đĩ nhan nhãn; giết người cướp của lộng hành; đồng lương chết đói kéo dài 15-20 năm không được cải thiện trong khi giá cả cứ tăng vùn vụt 10 lần, 20 lần…(năm 1975: 1 tô phở chỉ có 5 đồng nhưng đến năm 91-92 là 2000 đồng trở lên và mọi thứ hàng hóa khác đều tăng giá giống như vậy).
Do chính sách độc tài, do bị kiềm kẹp nặng nề và sợ bị “chụp mũ”, bị trấn áp
nên quần chúng nhân dân ngán ngại đấu tranh đòi và bảo vệ quyền lợi bức bách
của mình như vấn đề tiền lương, giá cả, thuế khoá, nhà ở, ruộng đất, sa thải,
thất nghiệp, tham nhũng, hối lộ, bắt bớ giam cầm trái phép, v.v… và đành phải
im hơi lặng tiếng, cam chịu lầm than cơ cực, sống cuộc đời nô lệ như xưa kia
mặc dù vẫn mang danh là công dân của nước Việt Nam “xã hội chủ nghĩa”.
Rõ ràng ở Việt Nam – đất nước của một dân tộc anh hùng – chỉ có độc lập (không
còn bị nước ngoài thống trị), chớ không hề có dân chủ tự do, đặc biệt về chính
trị, tư tưởng, mặc dù nhân dân Việt Nam đã chịu hy sinh hàng triệu người cho
cuộc đấu tranh lâu dài vì độc lập dân tộc, vì dân chủ tự do và vì ấm no hạnh
phúc (tuy về kinh tế với chính sách đổi mới gần đây, người nông dân được tự do
canh tác trên mãnh đất của mình và người sản xuất kinh doanh được tự do hoạt
động theo ngành nghề của họ).
C.- Hậu Quả Gì Khi Các Quyền Dân Chủ Tự Do Của Nhân Dân Bị
Tước Đoạt.
Ai cũng biết rằng độc lập dân tộc, dân chủ tự do, ấm no hạnh phúc là những nội
dung, yêu cầu rất quan trọng mang tính chất chiến lược tuy nó có khác nhau
nhưng lại quyện chặt vào nhau trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại của nhân dân
Việt nam – cuộc kháng chiến cứu nước trường kỳ và toàn thắng. Chính vì lẽ đó mà
Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra lời giáo huấn sâu sắc là:” Không có gì quí hơn
độc lập tự do”, có độc lập mà không có tự do ấm no hạnh phúc thì độc lập cũng
vô nghĩa. Nhưng điều khó hiểu là những người kế tục sự nghiệp cao cả của cụ Hồ,
một mặt luôn luôn đề cao tư tưởng Hồ Chí minh, mặt khác thì lại vô hiệu hóa lời
dạy ấy của Cụ, đã tách dân chủ tự do khỏi nội dung độc lập dân tộc. Cho nên ở
Việt Nam, như đã nói trên chỉ có độc lập dân tộc chứ không có dân chủ tự do là
như thế đó.
Chính Đảng cộng sản Việt Nam đã tước đoạt của nhân dân các quyền tự do mà nhân
dân đã từng trả giá quá đắt – thứ vũ khí mà nhân dân phải có để bảo vệ lợi ích
của mình khi nó bị vi phạm bất cứ trong hoàn cảnh nào. Dân chủ tự do bị chà
đạp, vũ khí tự vệ bị tước đoạt thì nhân dân giống như những người bị xiềng
xích, bị bịt tai, bịt mắt, khớp miệng và tất nhiên gần 70 triệu người Việt Nam
không thể không biến thành tù binh của Đảng cộng sản Việt Nam.
Trên khắp thế giới sau thắng lợi của cách mạng và khi đã cầm quyền rồi, các
Đảng cộng sản (Liên xô, Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên, Đông Ấu cũ,
Cuba,…) đều trở thành các đảng độc tài, chuyên chế, phản dân chủ. Cho nên, các
Đảng nói trên rất sợ dân chủ tự do, sợ nói đến dân chủ, sợ đối thoại với quần
chúng và luôn luôn sẵn sàng đàn áp những quan điểm tư tưởng trái với mình, đàn áp
những yêu sách về dân chủ của quần chúng mặc dù hằng ngày trên miệng của người
lãnh đạo đảng luôn nói về “quyền làm chủ của nhân dân”, trong khi trên thực tế,
các quyền dân chủ tự do của công dân như hiến pháp qui định đã bị chà đạp trắng
trợn thì lấy gì để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình đối với đất nước
xã hội (làm chủ khác hẳn với làm theo lịnh của cấp trên).
Khi nói đến nhân dân quần chúng là phải nói đến vấn đề dân chủ. Chỉ có thông
qua việc thực hiện nghiêm chỉnh các quyền dân chủ tự do của nhân dân thì người
lãnh đạo mới thiết lập được mối liên hệ chân chính giữa mình với nhân dân quần
chúng. Nhân dân bị kiềm kẹp, không được quyền tự do bộc lộ ý kiến tư tưởng,
quan điểm, tâm tư nguyện vọng của mình mặc dù có thể nó không phù hợp với quan điểm
của lãnh đạo thì làm sao giải thích được rằng đất nước này đã có dân chủ tự do
?
D.- Ai Khác Ý Kiến Quan Điểm Thì Bị Qui Chụp
Trấn Áp.
Phải chăng Việt Nam đã có “dân chủ tự do” khi mà một uỷ viên Bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam (khoá 6) Trần Xuân Bách chỉ vì phát biểu ý kiến về vấn đề đa nguyên chính trị (dân chủ-công khai-đa đảng) thì lập tức bị lên án, bị cách chức ngay ? hay như ông Bùi Tín – Phó tổng biên tập báo Nhân Dân (cơ quan trung ương của ĐCSVN) phải tìm cách ra nước ngoài để được tự do phát biểu ý kiến của mình về chuyên chính độc tài của Đảng cộng sản Việt Nam với nhân dân cả nước và thế giới ?
Phải chăng Việt Nam đã có “dân chủ tự do” khi mà một uỷ viên Bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam (khoá 6) Trần Xuân Bách chỉ vì phát biểu ý kiến về vấn đề đa nguyên chính trị (dân chủ-công khai-đa đảng) thì lập tức bị lên án, bị cách chức ngay ? hay như ông Bùi Tín – Phó tổng biên tập báo Nhân Dân (cơ quan trung ương của ĐCSVN) phải tìm cách ra nước ngoài để được tự do phát biểu ý kiến của mình về chuyên chính độc tài của Đảng cộng sản Việt Nam với nhân dân cả nước và thế giới ?
Phải chăng đó là dân chủ tự do khi nữ văn sĩ Dương Thu Hương phát biểu ý kiến
phản đối chuyên chính vô sản, độc quyền lãnh đạo của ĐCSVN, đòi thi hành dân
chủ tự do thì bị qui là “phản động” và bị khai trừ khỏi Đảng, bị bắt, bị giam
(sau một thời gian thì được trả tự do nhờ có sự can thiệp của tổ chức nhân
quyền quốc tế) ? hoặc như Ông Nguyễn Thành Thơ ( Mười Thơ) – nguyên chủ tịch
hội nông dân tập thể Việt Nam – bị quản thúc mấy năm liền chỉ vì Ông quyết tâm
đấu tranh đòi Đảng và nhà nước trả lại ruộng đất (đã hợp tác hóa) cho người
nông dân để họ được tự do canh tác trên mãnh đất của mình và được cơm no áo ấm
? Phải chăng đó là dân chủ tự do khi Đảng cộng sản Việt Nam làm áp lực buộc hai
Đảng Dân Chủ và Xã Hội – bạn đường kháng chiến mấy mươi năm của mình phải tuyên
bố tự giải tán “vì đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử” trong lúc nhân dân khắp thế
giới đang vùng lên đấu tranh phá tan các chuyên chế độc tài và thành lập nền
chính trị đa nguyên – dân chủ đa đảng ? hay như trường hợp của Ông Bảy Triển –
Phó giám đốc đài truyền hình Cần Thơ – bị cách chức và cho nghỉ hưu chỉ vì ông
đã làm tốt chức năng thông tin của mình, tường thuật đầy đủ trong 7 đêm liền diễn
biến của phiên toà xét xử Dương văn Ba (cán bộ kinh tế của tỉnh) tại tỉnh Minh
Hải (đầu năm 1990) và phiên toà được lãnh đạo đánh giá là “xét xử đúng đắn” ?
(vì lãnh đạo chỉ cho phép đưa tin về kết qủa xét xử, tuyên án chớ không cho
phép tường thuật toàn bộ diễn biến của phiên toà. Vả lại, đông đảo nhân dân và
cán bộ nghỉ hưu Đồng bằng Cửu Long phản đối phiên tòa và đã có đơn tập thể
khiếu nại, đòi xét xử lại).
Phải chăng đó là dân chủ tự do khi những người
kháng chiến thời kỳ ở Sài Gòn không được quyền lập Hội những người kháng chiến
mà chỉ được phép lập Câu lạc bộ thôi, không được quyền hội thảo chống tiêu cực,
không được quyền làm mít tinh kỷ niệm ngày truyền thống (Nam Bộ kháng chiến),
báo “Truyền thống kháng chiến” bị tịch thu và bị đình bản, Câu lạc bộ những
người kháng chiến thành phố Hồ Chí Minh bị cấm hoạt động và cuối cùng nhiều cán
bộ của Câu lạc bộ những người kháng chiến TP kể cả chủ nhiệm bị bắt, bị giam,
bị quản thúc (từ đầu năm 1990) thậm chí nhiều người có quan hệ tốt với CLB
những người kháng chiến thành phố (đọc báo “truyền thống kháng chiến”, dự hội
thảo…) ở các tỉnh Sông Bé, Tiền Giang, Cửu Long, Hậu Giang,…cũng bị khủng bố,
đàn áp ?
E.- Đảng Cộng Sản Việt Nam Phát Động Đấu Tranh
“Chống Đa Nguyên, Đa Đảng”.
Không phải vì dân tộc, đất nước mà chính vì sợ mất vai trò lãnh đạo và đặc quyền, đặc lợi của cá nhân hoặc một nhóm người lãnh đạo mà Đảng cộng sản Việt Nam đã chà đạp thô bạo hiến pháp của nước CHXHCN Việt nam, biến nó thành một thứ trang trí, không có giá trị thực tiễn trong việc bảo vệ dân chủ tự do và lợi ích của công dân; ra sức chống lại quyết liệt những đòi hỏi về các quyền dân chủ tự do của nhân dân dưới chiêu bài “chống đa nguyên, đa đảng” để hù họa trước hết trong nội bộ Đảng và sau đó trong đông đảo quần chúng rằng “đa nguyên, đa đảng là một quan điểm rất nguy hiểm, chống Đảng, chống cách mạng, chống chủ nghĩa xã hội của bọn phản động “nhằm siết chặt đội ngũ cán bộ, đảng viên tạo thêm sức mạnh để chống “đa nguyên, đa đảng” và làm cho quần chúng ngán ngại quan điểm nói trên.
Không phải vì dân tộc, đất nước mà chính vì sợ mất vai trò lãnh đạo và đặc quyền, đặc lợi của cá nhân hoặc một nhóm người lãnh đạo mà Đảng cộng sản Việt Nam đã chà đạp thô bạo hiến pháp của nước CHXHCN Việt nam, biến nó thành một thứ trang trí, không có giá trị thực tiễn trong việc bảo vệ dân chủ tự do và lợi ích của công dân; ra sức chống lại quyết liệt những đòi hỏi về các quyền dân chủ tự do của nhân dân dưới chiêu bài “chống đa nguyên, đa đảng” để hù họa trước hết trong nội bộ Đảng và sau đó trong đông đảo quần chúng rằng “đa nguyên, đa đảng là một quan điểm rất nguy hiểm, chống Đảng, chống cách mạng, chống chủ nghĩa xã hội của bọn phản động “nhằm siết chặt đội ngũ cán bộ, đảng viên tạo thêm sức mạnh để chống “đa nguyên, đa đảng” và làm cho quần chúng ngán ngại quan điểm nói trên.
Việc làm đó nhắm vào 2 mục tiêu : một mặt, nó
cô lập cao độ và làm suy yếu lực lượng đấu tranh cho dân chủ tự do của cả nước;
mặt khác nó che đậy khéo léo bản chất độc tài phản dân chủ của Đảng cộng sản.
Tất nhiên, sự hù họa ấy có tác dụng lôi kéo những người nhẹ dạ, khiếp đảm, kém
hiểu biết, ngã về phía độc tài chuyên chế, phản dân chủ, nhưng nó không thể
lung lạc được những người trung thực, hiểu biết, có đầu óc dân chủ.
Để bảo vệ chế độ độc tài, chuyên chế, phản dân chủ ấy trong nền kinh tế thị
trường phồn vinh (kinh tế tư bản mà Đảng cộng sản Việt Nam buộc phải chấp
nhận để cứu lấy mình), người ta đưa ra lập luận để thực hành rằng Việt Nam có
đặc điểm riêng là một nước nghèo nàn, lạc hậu, trình độ dân trí kém nên không
thể thiết lập một chế độ dân chủ tự do rập khuôn như ở các nước phương Tây. Do
đó Đảng cộng sản Việt Nam thông qua Ông Võ Văn Kiệt – đang là chủ tịch Hội đồng
bộ trưởng – chánh thức mời Ông Lý Quang Diệu (cựu thủ tướng Xinh-gapo) sang làm
cố vấn cho Việt Nam (gần cuối năm 1992) không những về kinh tế mà cả về chính
trị. Điều đó có nghĩa là Việt Nam sẽ làm theo mô hình Xinh-ga-po: thiết lập nền
kinh tế thị trường phồn vinh nền chính trị chuyên chế độc tài, phản dân chủ.
Thật là đáng tủi nhục cho dân tộc Việt Nam với
gần 70 triệu người và với một lịch sử chiến đấu oai hùng mà thế giới đều biết
và khâm phục, ngày nay lại được so sánh và xếp hạng về chính trị nganh hàng với
Xinh-ga-po (với non 3 triệu dân và với một lịch sử bình thường). Từ đó cho thấy
rằng xuyên qua tầm nhìn của Đảng cộng sản Việt Nam, dân tộc Việt Nam lại chưa
có trình độ và chưa xứng đáng được quyền hưởng một chế độ dân chủ tự do đúng
nghĩa đầy đủ của nó, mặc dù họ đã hy sinh qúa lớn lao, máu chảy, đầu rơi,núi
xương, sông máu cũng chính là vì dân chủ, tự do.
Quyết định một vấn đề rất quan trọng liên hệ đến vận mạng của dân tộc, đất nước
như nói trên mà không cần trưng cầu ý dân lại chủ yếu vẫn làm theo phương thức
độc đoán, độc tài; rõ rằng Đảng cộng sản Việt Nam ngày nay khinh rẽ dân tộc
Việt Nam cỡ nào ? Nhưng cả nước lại im lặng, có phải là đồng tình không ? Hay
vì bị kiềm kẹp quá nặng nề mà không thể cất tiếng lên được ? Cho nên, trước
tình hình phức tạp nầy, có nhiều người đặt ra câu hỏi: Dân chủ đa nguyên là gì?
G.- Đa Nguyên: Biểu Tượng Muôn Màu Muôn Vẻ Của Mọi Sự Vật.
Chúng ta biết rằng tạo hóa, thiên nhiên vạn
vật, xã hội loài người, tất cả điều là biểu tượng của đa nguyên – tổng hợp
những cái khác nhau của mọi sự vật và thúc đẩy sự tác động, ảnh hưởng lẫn nhau
của chúng.
Khi nói đến vũ trụ, người ta nghĩ trong đó không những có mặt trời, mặt trăng,
trái đất, sao hỏa, sao kim mà còn có hàng triệu, hàng tỷ thiên hà và mỗi thiên
hà có hàng triệu hàng tỷ vì sao (hành tinh) mà mắt thường của chúng ta không
thể nhìn thấy rõ.
Còn nói đến sự vận động của trái đất, nó không những tạo ra ban ngày ban đêm,
mặt trời mọc, mặt trời lặn, đêm sáng trăng, đêm tối như mực, bốn muà: xuân, hạ,
thu, đông; mưa nắng mà cả bão lụt dông tố, hạn hán, động đất, hoạt động của núi
lửa, dòng chảy dữ dội và tàn phá của dung nham; những cơn lốc rất tai hại;
những đợt nước biển dâng cao kéo theo nhiều thảm họa, đất sụp, núi sụp…
Rừng không những ở núi cao mà còn có rừng ở thung lũng, đồng bằng và dưới nước
(rừng sát). Điều chắc chắn là sự cấu tạo của rừng sát hoàn toàn khác với rừng
trên núi cao. Rừng không những có nhiều loại cây rất phong phú mà còn có nhiều
loại thú, loài chim khác nhau thậm chí có những loại hoa hương sắc kỳ diệu và
các loại cây thuốc trị bịnh quí giá. Có vườn hoa nào mà chỉ có một loại hoa, ít
nhất phải có hàng chục, thậm chí hàng trăm loại với hàng trăm màu sắc lộng lẫy
và hương thơm đậm đà quyến rũ. Trong văn học nghệ thuật, tự do cá nhân của con
người được nẫy nở bao nhiêu thì văn học nghệ thuật được nẫy nở bấy nhiêu. Chính
sự nẫy nở tự do ấy tạo nên sự khác nhau – muôn màu, muôn vẻ – trong văn học
nghệ thuật mà người ta thường gọi đó là sự sáng tạo đầy cá tính. Có vậy, văn
học nghệ thuật mới có ý nghĩa lớn lao và không ngừng phát triển. Nếu ca hát
giống nhau, âm nhạc giống nhau, viết văn giống nhau thì văn học nghệ thuật còn
có ýnghĩa gì?
Nói “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng” là thừa nhận tính chất đa nguyên của
mọi sự vật, của mọi lãnh vực. Trong xã hội loài người gồm nhiều màu da, sắc tộc
ở nhiều nước khác nhau trên nhiều Châu và đại dương khác nhau (Châu Á, Châu Ấu,
Châu Phi, Châu Mỹ, Châu Úc; Thái bình dương, Đại tây dương, Ần độ dương, Bắc
băng dương); và trong một nước cũng có nhiều dân tộc, sắc tộc, nhiều tiếng nói,
chữ viết, phong tục, tập quán khác nhau: nhiều giai cấp, giai tầng, tôn giáo
tín ngưỡng khác nhau và nhiều Đảng phái, tổ chức chính trị khác nhau.
Vậy tại sao ở Việt Nam cũng có nhiều dân tộc, nhiều giai cấp, giai tầng, nhiều
tín ngưỡng tôn giáo, nhiều trình độ học vấn và môi trường đào tạo khác
nhau,…lại chỉ được quyền tồn tại một quan điểm, một tư tưởng, một Đảng thôi ?
Trong khi đó ở khắp thế giới – 5 châu, 4 biển – đâu đâu cũng thấy có sự tồn tại
và phát triển của nền chính trị đa nguyên, dân chủ đa đảng (ở Mỹ, Anh, Pháp,
Đức, Ý, Nhật, Canada, Ần độ, Ang-giê-ri, Nam Triều Tiên, Thái Lan, Nam Phi, các
nước Bắc Ấu, Châu Mỹ la-tinh,…), đặc biệt ở Cam-pu-chia – nước láng giềng mà
Việt Nam với tinh thần “quốc tế vô sản” đã hy
sinh biết bao xương máu tại đây để giúp bạn “bảo vệ độc lập” và “xây dựng chủ
nghĩa xã hội” – vào cuối năm 1991 đã tuyên bố từ bỏ chủ nghĩa Mác- Lênin, chủ
nghĩa xã hội, từ bỏ chủ nghĩa độc nguyên – độc quyền lãnh đạo của Đảng – biến
Đảng nhân dân cách mạng Cam-puchia (tức đảng cộng sản) thành đảng của nhân dân
Cam-pu-chia; chủ trương thi hành chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc, chấm dứt
chiến tranh, thực hiện dân chủ – đa nguyên, đa đảng và xây dựng một nền kinh tế
thị trường sống động (kinh tế tư bản) ở Cam-pu-chia.
H.- Người Bảo Vệ Độc Tài Trở Thành Người Bảo Vệ
Đa Nguyên.
Nhưng một thực tế trớ trêu khác lại đồng thời diễn ra trên thế giới ngày nay:
những người cộng sản trong Đảng cộng sản Liên Xô (cũ) và các Đảng cộng sản Đông
Ấu (cũ), nếu trước đây họ tán thành và ra sức bảo vệ chủ nghĩa độc nguyên, độc
tài vô sản, độc tài của Đảng cộng sản – chống quyết liệt chủ nghĩa đa nguyên
chính trị (dân chủ đa đảng), chống việc hình thành lực lượng đối lập trong
chánh quyền Xô Viết, xã hội chủ nghĩa thì ngày nay, sau khi Liên Bang Xô Viết
và Đảng cộng sản Liên Xô (cũ), các nước xã hội chủ nghĩa và các đảng cầm quyền
ở Đông Ấu (cũ) tan rã, những người cộng sản nói trên lại nhiệt liệt hoan nghinh
và ra sức bảo vệ chủ nghĩa đa nguyên chính trị vì chính họ phải được tiếp tục
tồn tại trên cơ sở môi trường mới này.
Do đó, hiện nay, khoảng 20 triệu Đảng viên của
Đảng cộng sản Liên Xô (cũ) đang tích cực tham gia không phải một Đảng mà tham
gia vào hàng trăm Đảng phái và tổ chức chính trị khác nhau trong đó đa số có
khuynh hướng mác-xít ở các nước cộng hòa thuộc Liên Xô (cũ) kể cả nước Nga, do
họ có nhiều quan điểm, tư tưởng bất đồng, không dễ dàng thống nhất được, nhưng
tất cả họ đều nổ lực hoạt động để trở thành lực lượng đối lập với chính quyền
hiện hữu để góp phần thúc đẩy tiến trình phát triển toàn diện đất nước và xã
hội.
Điều đó xác nhận rằng việc họ bảo vệ chủ nghĩa
độc nguyên, độc tài của Đảng cộng sản trước đây, chẳng qua vì họ phải chịu một
áp lực quá nặng nề của Đảng cộng sản Liên Xô và các Đảng cộng sản Đông Ấu (cũ).
Họ là “tù binh”, là nô lệ về tư tưởng trong chế độ Xô Viết, xã hội chủ nghĩa mà
họ không hề biết. Nhưng chính thực tiễn cuộc sống ngày nay đã làm thay đổi sâu
xa nhận thức của họ về quyền con người, về dân chủ tự do và độc tài chuyên chế,
về động lực thúc đẩy xã hội đi đến phồn vinh, ấm no, hạnh phúc, văn minh hiện
đại và giúp họ tránh được mù quáng trong niềm tin.
I.- Giữa Thay Đổi Chính Trị và Thay Đổi Kinh Tế Có Sự Khác Biệt Lớn.
Tuy nhiên đối với các nước cộng hoà Liên Xô cũ và các nước Đông Ấu cũ hiện nay,
điều quan trọng là không nên lẫn lộn giữa sự thay đổi của cục diện chính trị và
sự thay đổi của cũc diện kinh tế. Hai lĩnh vực này hoàn toàn khác nhau và mỗi
lĩnh vực có qui luật vận động riêng của nó, tuy nó có liên quan chặt chẽ và tác
động, ảnh hưởng lẫn nhau. Thay đổi cục diện chính trị của một nước có khi chỉ
diễn ra trong một vài năm thậm chí năm, ba tháng; còn thay đổi cục diện kinh tế
của một đất nước sẽ khó khăn gấp trăm lần.
Từ chủ nghĩa xã hội tập trung, quan liêu, bao
cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường (kinh tế tư bản chủ nghĩa) – tự quay 180
độ – các nước cộng hoà thuộc Liên Xô cũ và các nước thuộc Đông Ấu cũ nếu không
đòi hỏi 70-80 năm thì ít nhất cũng phải mất 20-30 năm để đạt sự phồn vinh, giàu
có, ấm no hạnh phúc, văn minh hiện đại. Nếu bằng tình cảm và ước vọng, thiếu
căn cứ khoa học, người ta định áp đặt thời gian để xây dựng nền kinh tế thị
trường đạt tới trình độ phát triển cao của thế giới ngày nay chỉ trong thời hạn
5-7 năm. Đó là điều ảo tưởng nếu không nói là “bốc đồng”.
K.- Chế Độ Phát-Xít: Không
Hề Có Đa Nguyên Đa Đảng.
Như trên đã nói, Đảng cộng sản Việt Nam phát động chống đa nguyên, đa đảng là
chống lại sự nghiệp dân chủ tự do của dân tộc Việt Nam, chống lại văn minh tiến
bộ của đất nước tức muốn kiềm hãm dân tộc Việt Nam trong mê muội tối tăm, mù
quáng. Bởi vì không có một nước nào trên thế giới có một chế độ đa nguyên, đa
đảng mà lại không có một nền dân chủ rộng lớn. Đa nguyên, đa đảng gắn liền với
dân chủ tự do là nền tảng đã sản sinh ra đa nguyên đa đảng. Chỉ có ở những nước
chuyên chế độc tài, phát xít tàn bạo thì không bao giờ có sự tồn tại của đa
nguyên đa đảng. Bằng chuyên chế độc tài được sơn phết bóng loáng, Đảng cộng sản
Việt Nam quyết chống lại các quyền dân chủ tự do của nhân dân quần chúng, nhưng
lại không dám nói thẳng điều đó mà phải mượn cái chiêu bài “chống đa nguyên, đa
đảng”; vì nếu tuyên bố thẳng thừng rằng: Đảng cộng sản Việt Nam không chấp nhận
mà bác bỏ dân chủ tự do, hoá ra Đảng đã tự phơi trần bản chất độc tài, phản dân
chủ của mình trước nhân dân cả nước và thế giới sao ?
Chiêu bài “chống đa nguyên, đa đảng” có thể lường gạt được những kẻ nhẹ dạ, yếu
bóng vía, kém hiểu biết, mù quáng; ngoài ra nó không thể lừa gạt được ai. Để
chống lại dân chủ tự do của nhân dân có hiệu lực, ngoài việc kêu gọi “chống đa
nguyên, đa đảng”, Đảng cộng sản Việt nam còn phát động trong nội bộ Đảng và
ngoài quần chúng đấu tranh “chống tư tưởng tự do tư sản hoá”, “chống diễn biến
hoà bình”.
(Còn tiếp)
L.- Tư Tưởng “Tự Do Tư
Sản Hoá” Là Gì ? – Tư Tưởng Muốn Có Tự Do 100%.
Tư tưởng “tự do tư sản hoá” là tư tưởng của nhiều người Việt Nam muốn ở nước
mình có một nền dân chủ thực sự như ở các nước tư bản tiên tiến phương Tây để
thay thế nền dân chủ giả hiệu của Việt Nam hiện nay – dân chủ trên lời nói, dân
chủ hình thức. Hiến pháp của nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn luôn
có ghi đủ các quyền tự do của công dân như: quyền tự do ngôn luận, tự do báo
chí, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do mít tinh, tự do biểu tình,…nhưng trên
thực tế thì không hề có những thứ tự do đó. Bởi vì bộ máy kềm kẹp, kiểm soát
chặt chẽ của Đảng cộng sản và chánh quyền, kể cả các cơ quan thông tin tuyên
truyền (quốc doanh) đều làm cho đông đảo quần chúng ngán ngại, không dám hành
động để đạt được các quyền tự do dân chủ nói trên của mình.
Vì vậy, đối với các quyền dân chủ tự do của
công dân, hiến pháp chỉ là một mãnh giấy lộn, không có giá trị thực tiễn gì cả.
Nhưng điều đáng kinh ngạc là trước tình hình vi phạm nghiêm trọng các quyền dân
chủ tự do của công dân trong nhiều năm qua và cho đến bây giờ, không hề có sự
lên tiếng đấu tranh phản đối của Quốc hội – được coi là “cơ quan quyền lực nhà
nước cao nhất” hoặc Quốc hội chất vấn chính phủ về những vi phạm ấy và đề ra
những biện pháp cụ thể nhằm thực hiện nghiêm chỉnh các quyền dân chủ tự do của
công dân đã ghi trong hiến pháp.
Vì sự độc quyền lãnh đạo của Đảng cộng sản nên Quốc hội chỉ biết làm theo chỉ
thị của Đảng. Vả lại, hầu hết đại biểu quốc hội là cán bộ đảng viên của đảng,
do đó trước khi khai mạc quốc hội, những đảng viên, cán bộ ấy được một đại diện
của bộ chính trị đến để huấn thị là Quốc hội cần phải làm như thế này, như thế này…Số người ngoài Đảng trong Quốc hội
không đáng kể, hơn nữa, nếu có thì chính họ cũng đã được đảng hóa (mác-xít hóa)
mất rồi.
Cho nên có thể nói: Quốc hội là Đảng, Đảng là Quốc hội – Nhà nước là Đảng, Đảng
là Nhà nước. Với tính chất ấy đại biểu Quốc hội không phải là người nói tiếng
nói trung thực của nhân dân (cử tri) mà chính là người chỉ nói tiếng nói của
Đảng thôi. Do đó, Đảng cộng sản Việt Nam cũng như các đảng cộng sản ở các nước
xã hội chủ nghĩa còn lại (Trung Quốc, Cuba, Bắc Triều Tiên) đều rất sợ “tự do
tư sản hoá” – thứ tự do đúng nghĩa của nó 100% tức là các quyền dân chủ tự do
của công dân như: tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do lập hội, lập đảng phái,
tự do đình công, biểu tình,…đã ghi trong Hiếp Pháp đều được thể hiện đầy đủ
trong thực tiễn sinh động của xã hội.
Vì vậy khi quần chúng nhân dân có các quyền dân
chủ tự do – thứ vũ khí tự vệ và tấn công rất sắc bén – thì bất cứ đảng phái cầm
quyền nào không thể dễ dàng thực hiện chuyên chế độc tài, đặc quyền, đặc lợi,
áp bức, trù dập quần chúng nhân dân được. Cụ thể là: Khi quyền lợi bị vi phạm
và trước những bất công, hàng ngàn, hàng vạn, hàng chục vạn thậm chí hàng triệu
người bao gồm các tầng lớp nhân dân: nhân sĩ trí thức, thầy cô giáo, ý tá bác
sĩ, công nhân lái xe, bốc vác, thợ mỏ, công nhân đường sắt, cơ khí, luyện kim, đóng
tàu,…viên chức ngành hàng không, bưu điện viễn thông, sinh viên, học sinh, nông
dân trang trại ở các nước: Anh, Pháo, Mỹ, Đức, Ý, Nhựt, Ần độ, Bra-xin, Nam
Triều Tiên, Thái Lan,…đã vùng lên đấu tranh liên tục bằng các hình thức: đính
công, tổng đình công, bãi khóa, tổng bãi khóa thậm chí xuống đường biểu tình
đói tăng lương, cải thiện điều kiện lao động và đời sống, đói tăng ngân sách
giáo dục, y tế, đòi bảo đảm tiếp tục tài trợ cho nông nghiệp, bảo vệ nông sản
trong nước, đòi Quốc hội cách chức và đưa Tổng Thống ra xét xử (Bra-xin) vì có
dính líu đến tham nhũng nghiêm trọng; biểu tình phản đối phiên toà xét xử bất
công (vụ 4 cảnh sát da trắng đánh chết một lái xe da đen ở LosAngeles – 1992);
biểu tình hoan hô các quan tòa có sáng kiến phát động mạnh mẽ phong trào chống
tham nhũng – “Bàn tay trong sạch” – trong cả nước (Ý); và cả những cuộc biểu
tình chống quân phiệt, độc tài, đòi dân chủ tự do bị đàn áp dữ dội (ở Thái Lan
tháng 5/1992)..v..v..Tất nhiên, trước sức đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng,
chính quyền các nước có liên quan phải nhượng bộ và giải quyết thỏa đáng các
yêu sách của quần chúng.
Ở các nước dân chủ, người được bầu làm tổng thống, thủ tướng là người được đa
số nhân dân tín nhiệm trong việc điểu khiển đất nước theo một nhiệm kỳ nhất
định. Tuy nhiên người ta không coi những vị ấy là những ông thánh sống. Do đó,
họ tự đặt cho mình có nhiệm vụ giám sát những hoạt động của tổng thống, thủ
tướng và trong từng lúc họ đều có phản ứng kịp thời.
Những cuộc thăm dó dư luận thường xuyên ở các
nước dân chủ là cách tốt nhất cho mọi người dân biết rõ từng lúc vị tổng thống,
thủ tướng nào cón giữ được sự tín nhiệm của nhân dân hay sự tín nhiệm ấy đã bị
giảm sút nhiều (với tỷ lệ phần trăm rất cụ thể) thậm chí tín nhiệm không còn.
Có như vậy tổng thống và thủ tướng mới biết rõ mình hiện giờ ra sao trước con
mắt giám sát của đông đảo quần chúng nhân dân để phấn đấu, tiếp tục vươn lên
phía trước hoặc để khắc phục những sai lầm thiếu sót về đạo đức, tác phong và
tinh thần tráchnhiệm của mình.
Chớ không phải như ở Việt Nam, một vài ông Ủy
viên bộ chính trị đồng thời là thành viên của Hội đồng bộ trưởng (từ năm 1990
trở về trước) có vợ đi buôn lậu, dựa vào thế lực của chống tha hồ sử dụng các
phương tiện giao thông của nhà nước như máy bay, ô-tô,…cho hoạt động vụ lợi bất
chính của mình suốt hàng chục năm mà vẫn bình yên vô sự; cũng như có ông đã
biến công việc của nhà nước thành công việc riêng của gia đình mình, tha hồ
hoạt động kiếm đô la (ở nước ngoài) một cách dễ dàng suốt trên hai thập kỷ mà
vẫn phơi phới vững như bàn thạch: trong khi cả xã hội từ Bắc chí Nam, nhân dân,
đặc biệt là công nhân viên chức, gia đình cán bộ bàn tán xôn xao tình hình nói
trên.
Nhưng tuyệt đối không hề được các phương tiện
thông tin đại chúng như báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình (tất cả là của
Đảng và nhà nước) nêu lên. Hơn nữa cơ quan lãnh đạo của Đảng cũng không hề tỏ
rõ thái độ của mình một cách công khai trước nhân dân cả nước đối với tình hình
suy thoái nghiêm trọng nói trên ngay tại cơ quan đầu não mà vẫn cứ coi như
trong lãnh đạo không có việc gì xảy ra và rất êm thắm. Rõ ràng, đây là một sự
bao che đấy quyền lực đối với những hành vi tiêu cực kéo dài ở tận chóp bu.
Ở Việt Nam tham nhũng đã trở thành quốc nạn,
nhưng Việt Nam lại là nước không có dân chủ tự do – dân không có quyền – thì
làm sao chống tham nhũng có hiệu quả ? Cho nên, điều trớ trêu thường xuất hiện
là người hô hào chống tham nhũng chính lại là kẻ tham nhũng rất tệ hại.
Tất cả tình hình nói trên cho thấy dân chủ tự
do là rất bức bách đối với mọi dân tộc, là vũ khí sắc bén được nhân dân sử dụng
để thực hiện quyền làm chủ thực sự của mình đối với đất nước, xã hội; chớ không
phải như ở Việt nam, “làm chủ” chỉ là khẩu hiệu suông, trống rỗng vì nhân dân
không hề có quyền dân chủ tự do thật sự bao giờ. Phải dám nhìn thẳng vào sự
thật và không được quyền bóp méo nó qua cặp kính “ý thức hệ mác-xít”; chúng ta
phải thừa nhận rằng dân chủ tư sản (dân chủ ở các nước tư bản) là chế độ dân
chủ thực sự được xây dựng hơn hai thế kỷ qua bằng cuộc đấu tranh trường kỳ bền
bỉ thậm chí đổ máu của nhân dân các nước, chớ dân chủ không hề là một thứ đặc
ân của giai cấp thống trị.
Chúng ta đều biết ở nhiều nước tư bản đã từng
trải qua những thời kỳ mà chế độ độc tài phátxít được thiết lập; đồng thời nền
dân chủ tự do ở đây bị thủ tiêu như: chế độ Phát-xít Hittle ở Đức, Mussolini ở
Ý, Thiên Hoàng ở Nhật, Franco ở Tây Ban Nha, Tưởng Giới Thạch ở Trung Quốc
(trước 1949), Lý Thừa Vãng ở Nam Triều Tiên, Ngô Đình Diệm ở Miền Nam ViệtNam,
Pinochet ở Chi Lê,..v.v…
Do đó, nhân dân các nước nói trên không thể không vùng lên đấu tranh quyết liệt
kể cả đổ xương, đổ máu để giành giựt lấy nó, bảo vệ và phát triển nền dân chủ
tự do của mình.
M.- Dân Chủ Tự Do Phải Trả Giá.
Dân chủ tự do là một sự nghiệp cách mạng lớn lao nên không thể không có hy
sinh, và chính nền dân chủ phải trả gía đắt ấy là nền dân chủ thật sự, chân
chính. Cuộc đấu tranh vì dân chủ tự do của nhân dân Trung Quốc ở Thiên An Môn
(Bắc Kinh) hồi tháng 05 và tháng 06/1987 và của nhân dân Thái Lan, Nam Phi gần
đây (1992), bất chấp súng đạn, xe tăng của bọn phát xít diệt chủng, bọn phân
biệt chủng tộc đã nói lên tình chất quyết liệt, đầy hy sinh gian khổ của cuộc
đấu tranh vì dân chủ tự do. Còn dân chủ do lãnh đạo ban cho – dân chủ không
phải trả gía gì cả – là thứ “dân chủ giả hiệu” nhằm đánh lừa thiên hạ và để tạo
ra trong xã hội nhiều thứ bù nhìn, nhiều kẻ nịnh bợ và bọn tham nhũng mà thôi.
Nói tóm lại, Đảng cộng sản Việt Nam phát động “chống đa nguyên, đa đảng”,
“chống tự do tư sản hoá”, “chống diễn biến hòa bình” (tức chống phong trào đấu
tranh đòi dân sinh dân chủ), chống đàn áp, khủng bố, chống tham nhũng của quần
chúng bằng báo chí, hội thảo, mít tinh, biểu tình, đình công – đấu tranh ôn hoà, không có võ trang – là đi ngược dòng
lịch sử, không tuân thủ qui luật phát triển khách quan của xã hội, đã ra mặt
độc tài chống lại yêu cầu, nguyện vọng về dân chủ tự do của quần chúng nhân
dân, của dân tộc.
N.- Chuyên Chế Độc Tài: Thách Thức Nghiêm Trọng Đối Với Dân Tộc
ViệtNam.
Chính Đảng cộng sản Việt Nam ngày nay đã biến mình trở thành một cản ngại lớn
trên con đường phát triển đi đến văn minh của dân tộc Việt Nam, bất chấp sự
phản kháng của quần chúng, quyết duy trì chuyên chế, độc tài, dựa vào bạo lực
(quân đội, công an) như tất cả các chế độ độc tài trên thế giới để chà đạp lên
nguyện vọng về dân chủ tự do của nhân dân và gây cho nhân dân biết bao tai họa
khác.
Nhưng những bài học của lịch sử luôn luôn sáng
ngời: tất cả các thế lực độc tài, phát xít tàn bạo trên thế giới đều bị phủ
định bởi sức mạnh áp đảo của nhân dân. Cuộc đấu tranh anh hùng đã đánh bại bọn
độc tài quân phiệt khát máu của nhân dân Thái Lan hồi tháng 5/1992 vừa qua là
một tấm gương sáng chói cho các dân tộc trên thế giới kể cả dân tộc Việt Nam.
Không phải đi ăn xin mà có dân chủ tự do được. Muốn có nó phải dám đấu tranh
ngoan cường, bền bỉ, trừ phi cam tâm làm nô lệ.
Cả thế giới đều biết rằng quá trình kháng chiến giành độc lập dân tộc cũng là
qúa trình đấu tranh chống độc tài chuyên chế, phát xít tàn bạo, giành dân chủ
tự do của nhân dân Việt Nam.
Do đó sau thắng lợi của cách mạng (hơn 30 năm liên tục đấu tranh chính trị và
võ trang), Đảng cộng sản Việt Nam lại thiếp lập, duy trì, củng cố chế độ chuyên
chế, độc tài ở Việt Nam; đó là sự thách thức rất nghiêm trọng của Đảng cộng sản
đối với nhân dân Việt Nam. Về những thách thức tương tự đó, trên thế giới đã có
nhiều bài học: Chính vì dựa vào bạo lực để tồn tại mà chính quyền mác-xít –
chuyên chế độc tài phủ định tất cả ý kiến, quan điểm đối lập, lực lượng đối lập
– ở Áp-ga-ni-xtan và Ê-ti-ô-pi đã gây ra cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài ở hai
nước này dẫn đến hậu qủa cuối cùng là lực lượng võ trang của các đảng phái đối
lập đã tấn công đến sào huyệt (thủ đô) của chánh quyền mác-xít độc tài ở hai
nước nói trên và đã chiến thắng. Tổng thống mác-xít Áp-ga-ni-xtan – Na-gi-pu-la
phải chạy vào cơ quan Liên Hiệp Quốc tại Ca-bun (thủ đô) để ẩn náu; còn Tổng
thống mác-xít Êti- ô-pi – M.H. Mariam thì chạy trốn sang phương Tây. Rõ ràng,
số phận bi đát luôn luôn dành sẵn cho bọn ngoan cố độc tài, tham quyền cố vị,
đi ngược qui luật tiến hóa của lịch sử.
Nhìn theo vhiều dài của lịch sử, khác với sự đắc chí kiêu ngạo, không biết giựt
mình và tự sám hối của Đảng cộng sản Việt Nam, người ta không thể không kinh
ngạc khi biết rằng chính chuyên chính độc tài của Đảng cộng sản Việt Nam đã gây
nên biết bao thảm họa, tội ác đối với nhân dân Việt Nam suốt một quá trình cách
mạng lâu dài của đất nước, dân tộc. Khi cầm quyền, Đảng cộng sản Việt Nam coi
công an, quân đội là công cụ riêng của Đảng dùng để đàn áp những ai có ý kiến,
quan điểm khác với Đảng, được xem là “chống Đảng, chống cộng sản”. Chớ công an,
quân đội không phải là công cụ của chánh quyền cách mạng -chánh quyền của dân,
vì dân, do dân.
O.- Ý Thức Hệ Cộng Sản Dẫn Đến Các Cuộc Đàn Áp Tôn Giáo.
Với ý thức hệ Mác-xít: duy vật chống duy tâm, vô thần chống hữu thần, Đảng cộng
sản Việt Nam đã thi hành chánh sách khống chế, kềm kẹp thậm chí khủng bố đàn áp
đẫm máu đối với các tôn giáo ở Việt Nam như : Cao Đài, Hòa Hảo, Công Giáo,
Thiên Chúa Giáo, Tin Lành, Phật Giáo,…với lý do tôn giáo là “hữu thần chống vô
thần’, “chống cộng sản”, là những kẻ “phản động”, “làm tay sai cho đế quốc”.
Bằng lực lượng võ trang nắm trong tay, Đảng cộng sản Việt Nam đã tiến hành
những cuộc tảo thanh Cao đài, Hòa Hảo tức tấn công, giết hại hàng loạt tín đồ
và hàng giáo phẩm của hai đạo này trong những năm đầu của cuộc kháng chiến
chống đế quốc Pháp xâm lược (1945,46,47,48,49). Đối tượng tảo thanh lúc bấy giờ
ở Miền Đông Nam bộ bao gồm các tỉnh: Tây Ninh, Gia Định (nay là TP Hồ Chí
Minh), Thủ dầu một (Sông Bé), Biên Hoà (Đồng Nai), Bà Rịa (Bà Rịa-Vũng tàu),
Chợ Lớn (Long An) là đồng bào tín đồ Cao Đài. Còn đối tượng tảo thanh ở Miền
tây Nam Bộ bao gồm các tỉnh: Long Xuyên, Châu Đốc (nay là tỉnh An Giang), Tạch
Giá (Kiên Giang), Bạc Liêu (Minh Hải), Cần Thơ,…làđồng bào tín đồ Hòa hảo.
Mặt trận liên quân B – mặt trận tảo thanh Cao
đài – ở Miền Đông Nam Bộ được thành lập (1946) với các lực lượng võ trang bao
gồm các cho đội: 12, 13, 15, 22, 6, bộ đội Hoàng Thọ…lấy tòa thánh Tây Ninh –
trung tâm đầu não của lực lượng Cao Đài – làm mục tiêu tấn công. Chiến trận
diễn ra ác liệt năm này sang năm nọ giữa lực lượng võ trang nói trên của Đảng
cộng sản Việt Nam và lực lượng võ trang cao Đài có sự yểm trợ của quân đội
Pháp;đồng thời cũng diễn ra các cuộc “tảo thanh” tín đồ Cao Đài ở khắp các ấp, xã
thuộc các tỉnh Miền Đông Nam Bộ như: Tây Ninh, Gia Định (TP HCM), Thủ Dầu Một
(Sông bé)… Bằng cách tập hợp đồng bào đi phá hoại đường để bảo vệ vùng giải
phóng thuộc Củ Chi – gọi là “khu 5″ – Ban chỉ huy ra lịnh: ai có đạo đứng một
bên, ai không có đạo đứng một bên; ai có đạo ở lại, ai không có đạo đi phá
đường. Do vậy, hàng trăm người có đạo – toàn là tín đồ Cao Đài gồm nam, nữ, ông
già, bà cả, thanh niên, trung niên – được điều động đến mé rừng rậm. Sau đó
nhiều loạt súng liên thanh nổ liên tiếp với tiếng người kêu la gào thét kinh
khủng. Thế là số phận bi thảm của đồng bào Cao Đài nói trên đã kết liễu. Thi
hài của họ được vùi dập xuống các hầm đào sẵn ở rừng Làng và Sở cao su Me-sắc
(thuộc xã Phú Mỹ Hưng, Củ Chi).
Vào năm 1950, người ta đã phát hiện ở rừng Bời Lời (Trảng Bàng – Tây Ninh) có
5-7 hầm toàn sọ người. Hay như ở xã Vĩnh Lộc (thuộc Gò Vấp, Gia Định cũ),
về sau này, hàng năm đều có ngày giỗ thống nhứt – giỗ những đồng bào tín đồ Cao
Đài trong xã, ấp bị giết hàng loạt cùng một ngày bới các cuộc tảo thanh tàn bạo
nói trên của Đảng cộng sản Việt Nam. Suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp
(1945-1954) và 20 năm kháng chiến chống Mỹ xâm lược (1955-1975) bao gồm cả thời
kỳ đất nước chia cắt thành 2 miền: Nam, Bắc (miền Bắc xã hội chủ nghĩa, miền
Nam thuộc địa củ Mỹ), đồng bào tín đồ Công Giáo, Thiên Chúa Giáo, Tin Lành ở
miền bắc xã hội chủ nghĩa là đối tượng đàn áp quyết liệt của chánh quyền cộng
sản; đặc biệt lúc Hiệp định đình chiến Giơ-ne-vơ (tháng 07/1954) qui định chia
cắt tạm thời đất nước thành hai miền, được ký kết thì lập tức có hai triệu đồng
bào tín đồ Công Giáo, Thiên Chúa Giáo, Tin Lành ồ ạt di cư vào Nam sinh sống và
để thoát khỏi “tai họa cộng sản”.
Do đó, đối với số đồng bào và hàng giáo phẩm
của các tôn giáo nói trên còn ở lại miền Bắc xã hội chủ nghĩa suốt 20 năm
(1955-1975) qủa là rất nặng nề, không khác gì cuộc sống ở một trại giam lớn.
Phật giáo Việt Nam với truyền thống yêu nước là tôn giáo có nhiều cống hiến cho
sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, chống độc tài, tham nhũng, đòi dân chủ
tự do và hoà bình (đặc biệt ở Miền Nam Việt Nam) trong suốt thời kỳ Đế quốc Mỹ
và tay sai thống trị. Nhưng sau khi Miền nam được giải phóng, đất nước thống
nhất, Phật Giáo lại trở thành đối tượng kềm kẹp, khống chế, trấn áp của Đảng
cộng sản Việt Nam. Nhiều người thuộc hàng giáo phẩm và tín đồ phật giáo bị qui
chụp là “phản động”, “chống cách mạng” và bị bắt bớ, giam cầm, quản thúc chỉ vì
họ muốn được tự do trong cuộc sống, tự do tín ngưỡng, hành đạo, tự do nói lên
quan điểm tư tưởng riêng của mình.
Với “ý thức hệ mác-xít, lập trường giai cấp vô sản”, Đảng cộng sản Việt nam
không những đố kỵ và áp bức các tôn giáo mà còn đố kỵ áp bức các dân tộc ít
người: dân tộc người Hoa, người Khơ-me và nhiều sắc tộc khác.
Vào những năm 1956-1957, sau sai lầm cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức –
chiến dịch tấn công vào nhân dân, nông dân và bản thân nội bộ Đảng – với chuyên
chính độc tài dựa vào bạo lực, Đảng cộng sản Việt Nam lại lao vào tội lỗi khác
là đàn áp, bắt bớ, tù đày hàng chục năm một số trí thức, văn nghệ sĩ, cán bộ
đảng viên dám phát biểu ý kiến, quan điểm của mình, phê phán những sai trái
trong sự lãnh đạo của Đảng cộng sản bằng văn học, nghệ thuật, bằng bài nói, bài
viết của bản thân. “Vụ án nhân văn giai phẩm” 1956-1957 chính là sự đàn áp
củaĐảng cộng sản Việt Nam đối với những ai có quan điểm, tư tưởng khác với
Đảng.
Những văn nghệ sĩ, trí thức, cán bộ đảng viên
có liên quan đến vụ án khi vào tù tuổi còn thanh xuân, nhưng đến khi ra tù thì
tóc đã bạc phơ, già yếu. Rõ ràng, đối với Đảng cộng sản Việt Nam thấm nhuần ý
thức hệ Mác-Lênin, ai ai cũng dễ dàng bị qui chụp là “kẻ chống Đảng, kẻ thù của
Đảng” và tất nhiên, điều đó không thể không dẫn đến hậu qủa là ai ai cũng coi
Đảng cộng sản Việt Nam là kẻ thù của chính họ.
(Còn tiếp)
P.- Trong Chiến Tranh: Rất Hiếm Cấp Tướng Hy
Sinh; Trong Hoà Bình: Đại Tướng, Trung Tướng Hy Sinh Dễ Dàng. Do Đâu?
Điều đặc biệt quan trọng xảy ra trước và sau Đại hội lần thứ 6 của Đảng cộng
sản VN (tháng 12/1986) là một loạt cấp tướng ( đại tướng, trung tướng) bị giết
hại một cách bí mật và nhiều câu hỏi được đặt ra trong dư luận xã hội lúc bấy
giờ, nhất là ở Thủ đô Hà Nội: kẻ sát nhân là kẻ nào ? bàn tay bí mật giết người
từ đâu ? Bởi vì, chỉ trong một thời gian rất ngắn, liên tiếp cá hai đại tướng:
Hoàng Văn Thái và Lê Trọng Tấn cùng ở vào một tình huống giống nhau – chuẩn bị
nhận chức vụ mới (Bộ trưởng Quốc phòng) – cũng đều bị chết bất ngờ (ngộ độc).
Trường hợp của Đại tướng Hoàng Văn Thái trước khi trút hơi thở cuối cùng đã nói
với vợ ông rằng: “Người ta đã giết tôi”, và vợ ông trước những người đến viếng
thăm đã khóc thê thảm và kêu to lên rằng: “Người ta đã giết chồng tôi”. Cái
chết đột ngột của Đại tướng Lê Trọng Tấn cũng tương tự như trên (theo lời kể tỉ
mỉ của hai vợ chồng ông Trung tướng đương chức ở Hà Nội – năm 1987).
Dĩ nhiên trước đó không lâu, một Đại hội đảng bộ toàn quân đã diễn ra trong bầu
không khí căng thẳng của cuộc đấu tranh nội bộ chưa từng có đưa đến kết quả là
hai ủy viên Bộ chính trị Đảng cộng sản Việt nam: Đại tướng Văn Tiến Dũng
– Bộ trưởng quốc phòng và Đại tướng Chu Huy Mân – phó bí thư quân uỷ trung
ương, đều thất cử, không được bầu vào cấp ủy Đảng và đoàn đại biểu Đảng bộ toàn
quân đi dự đại hội lần thứ 6 của Đảng cộng sản Việt Nam. Do đó, Đại tướng Hoàng
Văn Thái được trung ương chỉ định làm Bộ trưởng Quốc phòng thay thế Văn Tiến
Dũng (bị mất tín nhiệm nhiều) không may bị chết bất đắt kỳ tử và người được chỉ
định lên thay ông là Đại tướng Lê Trọng Tấn, cũng chịu số phận bi thảm liền sau
đó. Thật khủng khiếp và đáng kinh ngạc.
Sau 2 sự kiện đau buồn nói trên (tức sau đại hội 6 ĐCSVN) khoảng mấy tháng lại
có thêm hai trung tướng: Đinh Đức Thiện và Trần Bình bị giết hại. Theo tin loan
truyền thì Trung tướng Đinh Đức Thiện bị tai nạn ô tô mà chết, còn dư luận xã
hội, kể cả gia đình, cán bộ quân sự thì cho rằng ông Đinh Đức Thiện không bị
tai nạn ô tô mà bị bắn chết tại rừng Cúc Phương (Ninh Bình) khi ông đi săn thú.
Dư luận còn nhấn mạnh: Ông Thiện chắc chắn bị một người bà con có quyền thế sát
hại. Còn Trung tướng Trần Bình – Cục trưởng cục tình báo quân đội nhân dân Việt
Nam bị bắn chết ngay trên đường phố thuộc quận 3 – thành phố Hồ Chí Minh; và
sau đó độ mấy ngày, người con trai của ông cũng bị bắn chết tại khu vực nói
trên.
Trước những sự kiện nghiêm trọng đó của đất nước, dư luận xã hội rất xôn xao,
ầm ỉ; còn các cơ quan thông tin đại chúng: báo chí, đài phát thanh,… thì im hơi
lặng tiếng, kể cả báo “Quânđội”, “Hội cựu chiến binh Việt Nam” là cơ quan tổ
chức có mối liên hệ trực tiếp với các nạn nhân nói trên. Bởi vì sự độc quyền
lãnh đạo – độc tài – của Đảng cộng sản Việt Nam đòi hỏi tất cả phải được giữ
kín, không được bình luận, bàn tán ồn ào. Tuy nhiên, áp lực đó không ngăn cản
nổi sự quan tâm bức xúc của dư luận xã hội đi đến khẳng định rằng những sự kiện
kể trên (2 ủy viên bộ chính trị bị đánh rớt khỏi cương vị lãnh đạo và 2 đại
tướng bị chết đột ngột, 2 trung tướng bị sát hại) là những sự kiện rất nghiêm
trọng, chưa từng có trong lịch sử quân đội và ĐCSVN; nó có quan hệ hữu cơ bắt
nguồn từ những mâu thuẩn sâu sắc trong nội bộ Đảng, toàn quân ở độ chín muồi
dẫn đến làm nổ tung các mặt trong cuộc sống và hoạt động ít nhất ở một bộ phận
đầu não của quân đội Việt Nam.
Sở dĩ không có thông tin đầy đủ và không thể có
sự phân tích sâu sắc, công khai các sự kiện nói trên nhằm vạch trần bộ mặt của
những tên khát máu, giết người trước ánh sáng dư luận là do trong thực tiễn ở
Việt Nam không hề có dân chủ tự do (tự do ngôn luận, tự do báo chí,…); nó chỉ
có trên giấy trắng mực đen (bản hiến pháp) thôi. Sự độc quyền lãnh đạo của Đảng
cộng sản Việt Nam được ghi trong Hiếp Pháp nước CHXHCN Việt Nam đã đặt Đảng
cộng sản đứng trên Quốc Hội và Hiến Pháp, cho phép Đảng phủ định các quyền tự
do ấy của công dân trong thực tiễn và tự do chà đạp Hiến Pháp được xây dựng lên
bằng xương máu của nhân dân Việt Nam; vô hiệu hoá Quốc Hội, biến Quốc Hội thành
một tổ chức bù nhìn, thành bộ máy bỏ phiếu cho Đảng cộng sản.
Nhìn chung, các cơ quan, tổ chức khác như:
chánh phủ, tòa án, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể quần chúng chỉ là công cụ,
tay sai của Đảng mà thôi (bất cứ việc xét xử nào của toà án ở từng cấp đều phải
làm đúng theo sự xét xử trước đó của cấp ủy Đảng tức tuyên án công khai đúng
như cấp ủy Đảng đã tuyên án trước trong nội bộ).
Gần đây, điều đáng chú ý là nhà nước Việt Nam đã quan tâm nhiều hơn đến vấn đề
người Việt Nam ở nước ngoài. Do đó, tại Hội nghị Việt kiều hồi tháng 2/1993,
Thủ Tướng Võ Văn Kiệt – trước hàng trăm đại biểu đại diện cho khoảng 2 triệu
người Việt kiều cư ngụ ở 70 nước trên thế giới mà đa số tập trung ở các nước tư bản phát triển nhất (G7 – nhóm các
nước giàu), trong đó có trên 300.000 ngàn trí thức có trình độ đại học và trên
đại học – đã nhấn mạnh: “Đoàn kết hòa hợp dân tộc là động lực phát triển đất
nước”.
Q.- Trên Cơ Sở Dân Chủ Bình Đẳng, Thực Hiện Hòa
Giải Hòa Hợp Dân Tộc.
Rõ ràng lực lượng Việt kiều là tiềm lực lớn lao, là tài sản trí tuệ quí báu của
dân tộc Việt Nam cần phải được phát huy cao độ vì sự phồn vinh, giàu có của Tổ
quốc, vì ấm no hạnh phúc của nhân dân, vì một nước Việt Nam dân chủ, tự do,
bình đẳng, bác ái, hiện đại, văn minh. Vì vậy có vấn đề đặt ra là làm sao tạo
được một môi trường tốt, phù hợp và bền vững cho đồng bào Việt kiều – những
người đã từng sống và hoạt động ở môi trường tự do hóa về kinh tế và chính trị;
môi trường của nền kinh tế thị trường (tư bản chủ nghĩa) và nền chính trị dân
chủ, đa nguyên – tham gia vào công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh.
Do đó, nhà nước Việt Nam không thể dừng lại ở việc ban hành một số chánh sách
mang tính chất chiến thuật như: nhập cảnh, cư trú, đi lại, hoạt động kiều hối,
xuất nhập khẩu, ngân hàng, tín dụng,… mà còn phải dám đi xa hơn nữa vào chiến
lược lâu dài: cải cách kinh tế đi liền với cải cách chính trị, không những phải
xây dựng một nền kinh tế thị trường và mở cửa mà còn phải xây dựng một nền
chính trị đa nguyên – dân chủ – đa đảng.
Đó là cơ sở, nền tảng vững chắc để thực hiện
một cách đồng bộ, hài hòa, sự hòa giải, hòa hợp, đoàn kết dân tộc, tạo nên tính
tự giác cao và tấm lòng hồ hởi, cởi mở của đông đảo đồng bào Việt kiều hướng về
Tổ Quốc thân yêu, hội nhập thực sự với quê hương, dân tộc. Mặt khác, điều đó
cũng nói lên rằng Việt Nam hội nhập vào thế giới, tiếp thu những giá trị của xã
hội loài người không chỉ thuần túy về mặt kinh tế mà tiếp thu hoà nhập toàn
diện (cả về kinh tế và chính trị). Sự hài hòa giữa môi trường thế giới (tự do
hóa cả về kinh tế và chính trị) và môi trường trong nước (Việt Nam – tự do hoá
không những về kinh tế mà cả về mặt chính trị) chắc chắn sẽ tạo ra sự an tâm
phấn khởi không những trong đồng bào Việt kiều mà cả gần 70 triệu đồng bào
trong nước (bao gồm nhiều giai cấp, tầng lớp, nhiều sắc tộc, tôn giáo, nhiều
khuynh hướng, quan điểm,…) khiến tất cả mọi người Việt Nam ở trong và ngoài
nước đều cảm thấy bức bách phải dốc toàn lực tham gia xây dựng quê hương, Tổ
quốc giàu mạnh, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Nếu Việt nam chỉ mở cửa kinh tế và đóng kín cửa chính trị, chỉ đi có một chân
(kinh tế), chớ không phải đi hai chân (kinh tế và chính trị) thì càng làm bộc
lộ nổi cộm sự lạc hậu về chính trị của Việt Nam trước thế giới – lạc hậu không
những so với các nước Châu Ấu, Châu Mỹ, Châu Á (kể cả các nước láng giềng như:
Thái Lan, Cam-pu-chia) mà còn lạc hậu so với nhiều nước Châu Phi: An-giê-ri,
Tu-ni-si, Ma-da-grát-xca, Nam Phi,…Tất nhiên cái gì lạc hậu, đi ngược qui luật
tiến hóa thì chắc chắn sẽ bị đào thải, sụp đổ.
Hiện nay, không những 2 triệu đồng bào Việt kiều và gần 70 triệu đồng bào Việt
Nam mà cả thế giới văn minh đều đòi hỏi Việt Nam phải cải cách toàn diện: cả
kinh tế và chính trị. Đó là điều kiện không thể thiếu được cho sự hội nhập thực
sự của Việt nam vào cộng đồng thế giới (tư bản chủ nghĩa) ngày nay; đồng thời
đó cũng là điều kiện phải có để đồng bào Việt kiều, đồng bào cả nước hòa nhập
thực sự với dân tộc, đất nước.
Chúng ta biết rằng: sở dĩ Trung Quốc đạt được những thành quả lớn lao suốt 14
năm cải cách kinh tế và mở cửa là nhờ có được một trong những yếu tố quan trọng
– một đội ngũ chuyên gia giỏi từ các nước tiên tiến nhất: Mỹ, Nhật, Đức,…gồm
khoảng 300-400 ngàn người cho một đất nước có khoảng 1,2 tỉ dân, có nghĩa là cứ
khoảng 3000 người dân Trung Quốc thì có một chuyên gia giỏi nước ngoài phục vụ.
Tất nhiên nhà nước TRung Quốc phải chi một số tiền thích đáng cho yêu cầu quan
trọng nói trên.
Trong khi đó, tại sao Việt Nam chúng ta với dân
số 70 triệu người, lại không biết sử dụng trên 3000,000 trí thức Việt kiều của
mình cũng gồm giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực cho lợi ích
dân tộc mình ? Đảng cộng sản Việt nam có dám làm một cuộc cách mạng về tư tưởng
của bản thân mình, có dám “lột xác” không ? có dám vứt bỏ ý thức hệ mác-xít
giáo điều, lỗi thời không ? có dám vứt bỏ tư tưởng quan điểm, thành kiến cũ
rích đối với đồng bào Việt kiều (“theo tư bản chủ nghĩa”) không ?
R.- Hiện Giờ, Ai Theo Tư Bản?
Với đầu óc khách quan, dám nhìn thẳng vào thực tế, Đảng cộng sản Việt Nam phải
thừa nhận rằng bằng chính sách đổi mới, hàng ngày, hàng giờ Việt Nam luôn luôn
hướng về chủ nghĩa tư bản (Mỹ, Nhật, Đức, Pháp, Ý, Canada, Nam Triều Tiên, Đài
Loan, Thụy Điển, Ần Độ, Hồng Kông, Indonexia,…), chứ không phải hướng về Bắc
Triều Tiên, Cuba của chủ nghĩa xã hội; có nghĩa là trên thực tế, Đảng cộng sản
Việt Nam đã đồng hoá về quan điểm, tư tưởng với đồng bào Việt kiều đang sinh
sống ở 70 nước tư bản chủ nghĩa trong nhiều thập kỷ qua.
Từ thực tế đó cho thấy giữa Đảng cộng sản Việt Nam và đồng bào Việt kiều đã
không còn tồn tại cơ sở của sự đối đầu, chia rẽ, ngăn cách nữa mà nó đang
chuyển sang một cơ sở mới để đôi bênhoà nhập vào nhau; thật sự hòa giải và chân
thành đoàn kết với nhau vì lợi ích tối cao của dân tộc, đất nước. Vì vậy, khi
kêu gọi đồng bào Việt kiều :”xóa bỏ mặc cảm, xóa bỏ hận thù, hướng tới tương
lai”, Đảng cộng sản Việt Nam phải là người trước tiên thực hiện điều đó, mở
rộng vòng tay để đoàn kết, hòa giải, hòa hợp dân tộc trên cơ sở thực sự dân chủ
tự do và bình đẳng – hoà hợp có nội dung, có điều kiện chớ không thể là khẩu
hiệu suông.
Thật là khó hiểu khi ở nước sở tại, đồng bào Việt kiều không những tự do hoạt
động kinh tế mà còn tự do hoạt động chính trị, tự do tham gia các đảng phái, tổ
chức chính trị, xã hội, tự do viết báo, hội thảo, mít tinh, biểu tình, tự do
nói lên ý kiến, tư tưởng, quan điểm riêng của mìnhđối với mọi vấn đề trong xã
hội; nhưng khi về nước mình (Việt Nam) thì có thể được tự do hoạt động kinh tế
ở chừng mực nhất định nào đó; còn về chính trị thì hoàn toàn không có tự do kể
cả phát biểu ý kiến, quan điểm riêng của mình có thể trái với lãnh đạo.
Bởi vì, ở Việt Nam, những ý kiến, quan điểm của
bất cứ người nào ngược với quan điểm lập trường của Đảng cộng sản Việt Nam thì
nhất định sẽ bị lên án và bị trấn áp ngay do sự độc quyền lãnh đạo của Đảng tức
nền chuyên chế độc tài đã được khẳng định ở đây từ hơn 60 năm qua (1930- 1993).
Chuyên chế độc tài đã từng bị lịch sử lên án,
hoàn toàn không hề là ước mơ, niềm hy vọng của nhân dân quần chúng và tất nhiên
nó không có sức thuyết phục; nhưng tại sao lại dựa vào nó để thực hiện hòa
giải, hoà hợp và đoàn kết dân tộc ? Cơ sở cốt lõi của vấn đề phải là : dân chủ,
tự do và bình đẳng thật sự. Vì vậy, chừng nào còn chưa thiết lập được nền dân
chủ tự do đúng nghĩa của nó ở Việt nam thì chừng ấy vẫn chưa xóa được mặc cảm,
thành kiến,…chưa có thể hòa giải, hoà hợp dân tộc được. Nếu chỉ bằng những khẩu
hiệu suông hay bằng những chiến thuật kinh tế cụ thể thì sứ mạng hoà giải, hoà
hợp và đoàn kết dân tộc sẽ khó hoàn thành.
Môi trường sinh sống và hoạt động hàng ngày đã giúp đồng bào Việt kiều hiểu rõ
thế nào là một nước văn minh, hiện đại. Một nước không thiết lập được một nền
dân chủ tự do và bình đẳng thật sự thì làm sao có thể gọi đó là nước văn minh,
hiện đại, tiên tiến ?Việt Nam rất muốn hội nhập vào thế giới văn minh, nhưng
đồng thời cũng rất không muốn trở thành một nước văn minh – nước có nền dân chủ
đa nguyên – và quyết duy trì chế độ chuyên chế độc tài dựa vào vũ lực, bạo lực.
Thật là nghịch lý và khó hiểu. Tóm lại, Liên Xô cũ và Đông Ấu cũ – được xây
dựng bởi chủ nghĩa Mác-Lênin – đã tan rã; đó là sự khuyến cáo đang thép về sự
phá sản của chủ nghĩa Mác-Lênin. Bởi vì đây không phải là một sự thất bại tạm
thời của một cuộc cách mạng mà là sự sụp đổ của một “học thuyết cách mạng” đã
từng là “ngọn đèn pha” soi đường đi lên CNXH và CNCS. Cái chính là “đèn pha”đã
tắt lịm.
Sự sụp đổ của một chế độ độc tài về chính trị và kinh tế nói trên đã mở ra kỷ
nguyên cả thế giới bao gồm Liên Xô cũ, Đông Ấu cũ, Mông Cổ, Cam-pu-chia và
nhiều nước khác đi vào con đường tự do hóa về kinh tế và tự do hóa về chính trị
– thực hiện nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và nền chính trị đa nguyên
– dân chủ đa đảng – theo đúng qui luật vận động của thế giới đương thời. Đó
chính là những giá trị phổ cập nhất của xã hội loài người ngày nay.
S.- Thập Kỷ 60-70 Đến
Cuối 80 – Chủ Nghĩa Xã Hội Đích Thực; Cuối Thập Kỷ 80
Và Đầu Thập Kỷ 90 – Chủ Nghĩa Tư Bản Đích Thực.
Trước sự chuyển động lớn lao ấy của thế giới, Việt Nam thực hành chính sách đổi
mới qùe quặt: chỉ đổi mới kinh tế, phản đối đổi mới chính trị: lấy tự do hoá
kinh tế để củng cố độc tài chuyên chế, khẳng định độc tài, phản dân chủ là
“đúng đắn”, “hợp lòng dân”; lấy sự phát triển và phồn vinh của kinh tế thị
trường làm thành quả của chủ nghĩa xã hội, coi đó mặc nhiên là chủ nghĩa xã
hội. Điều đó có nghĩa là chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, của những thập kỷ
60,70,80 là đấu tranh giai cấp quyết liệt nhằm tiêu diệt chủ nghĩa tư bản, tiêu
diệt kinh tế cá thể, tư nhân, tiêu diệt giai cấp người bóc lột người; còn chủ
nghĩa xã hội ở Việt Nam của thập kỷ cuối 80 và đầu 90 hiện nay là đuề huề, thoả
hiệp, hợp tác, thậm chí liên minh giai cấp nhằm phục hồi chủ nghĩa tư bản –
phục hồi kinh tế cá thể, tư nhân, tư bản chủ nghĩa trong nước và cho tư bản nước
ngoài vào đầu tư kinh doanh kiếm lời; đặc biệt đã dựa hẳn vào các nước tư bản
phát triển nhất để “xây dựng chủ nghĩa xã hội” ?.
Do đó, Việt Nam giống như cá đã “mắc câu”, càng
vùng vẫy thì “mắc câu” càng sâu tức càng khẳng định “kiên trì chủ nghĩa xã hội”
thì càng đi sâu vào qũy đạo của chủ nghĩa tư bản mà không có sức mạnh nào cưỡng
lại được.
Tất nhiên, chấp nhận và phát triển kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa của Việt
Nam đã tạo điều kiện thúc đẩy sự hình thành và phát triển của nền chính trị đa
nguyên – dân chủ đa đảng. Bởi vì qui luật vận động khách quan vẫn là: kinh tế
nào, chính trị ấy – kinh tế độc tài đi liền với chính trị độc tài; kinh tế tự
do đi liền với chính trị tự do; chớ không thể kinh tế tự do tư bản chủ nghĩa
lại đi liền với chuyên chính độc tài vô sản được.
Cả thế giới tư bản chủ nghĩa nhiệt liệt hoan nghinh Việt Nam đổi mới và mở cửa
vì Việt Nam đang tiến mạnh vào qũy đạo kinh tế tư bản chủ nghĩa. Do đó, nhiều
nước tư bản sẵn sàng viện trợ, cung cấp tín dụng cho Việt nam, đầu tư vào Việt
nam để cho Việt Nam tiến bước vững chắc trên con đường tư bản chủ nghĩa không
những về kinh tế mà cả về chính trị. Bởi vì các nước tư bản nói trên đi vào
Việt Nam bằng hai chân: kinh tế và chính trị, không những bằng đô la, máy móc
thiết bị tối tân, hàng hóa, chuyên gia giỏi,…mà có cả vấn đề dân chủ,
nhânquyền.
Cho nên đừng có ai đó ngây thơ nghĩ rằng “họ”
chỉ được quyền đến Việt Nam bằng kinh tế thôi. Kinh tế luôn luôn là tiền đề của
chính trị. Sức mạnh toàn diện về kinh tế, chính trị và quân sự của thế giới tư
bản cũng sẽ tác động rộng khắp trên các lĩnh vực của Việt nam, thúc đẩy Việt
nam đổi mới triệt để, sâu sắc, chớ không phải đổi mới nửa vời như hiện nay. Dựa
vào vũ lực để củng cố chuyên chế độc tài đồng thời uy hiếp một dân tộc suốt 30
năm cầm súng chống ngoại xâm, sự thách thức ấy liệu sẽ dẫn đến hậu quả gì ? Các
chế độ độc tài thường xô đẩy đất nước vào thảm họa nội chiến. Gương
Áp-ga-ni-xtan, Ê-ti-ô-pi, Nam Phi,…vẫn còn sờ sờ đó.
Điều tủi nhục cho dân tộc Việt Nam – dân tộc anh hùng lừng danh khắp thế giới –
cuối cùng lại là dân tộc bị kềm kẹp nặng nề nhất, không có được một chút quyền
dân chủ tự do (ngôn luận, báo chí, tư tưởng, quan điểm, mít tinh, biểu tình,
đình công,…) Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên của Liên Hiệp
Quốc, là nước đã ký vào bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Nhưng Việt Nam không
thực hiện bản tuyên ngôn ấy và không hề cho nhân dân Việt Nam biết rõ Bản Tuyên
Ngôn, bưng bít suốt mấy mươi năm. Điều đó chỉ ra rằng Đảng cộng sản và chánh
phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam đã biểu thị sự khinh thường của mình đối
với Liên Hiệp Quốc và với cả dân tộc Việt Nam, với nhân dân thế giới. Vậy Cộng
hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có xứng đáng là thành viên của Liên Hiệp Quốc
không?
Mặc dù luôn luôn tự xưng là “Đảng tiền phong, giải phóng dân tộc”, nhưng suốt
mấy mươi năm cầm quyền của Đảng là mấy mươi năm Đảng đã tước đoạt các quyền dân
chủ tự do cơ bản của nhân dân, giam hãm nhân dân trong mê muội, tối tăm; từ đó
đã mặc nhiên tạo nên sự khiếp sợ Đảng rộng khắp cả nước kể cả trong cán bộ đảng
viên lâu năm, không khác gì sự khiếp sợ của nhân dân đối với các triều đại vua
chúa ngày xưa. Cho nên trước những sai trái của Đảng, nhiều người lặng thinh
không dám có ý kiến vì quá sợ Đảng. Đó là hậu quả tai hại nhất, nghiêm trọng nhất
của chế độ độc tài, độc đảng ở Việt Nam. Rõ ràng, Đảng cộng sản Việt Nam với
hơn 60 năm lãnh đạo cách mạng và do không biết tự sám hối, nhạy cảm trước biến
đổi của lịch sử, ngày nay đã tự biến mình trở thành chướng ngại lớn trên con
đường phát triển đi đến văn minh của dân tộc Việt Nam.
Dân chủ tự do đối với loài người, mọi dân tộc trên thế giới như cơm ăn, nước
uống, không khí để thở, tức con người muốn sống phải có dân chủ tự do; chớ
không phải chỉ có những người ở phương Tây (Anh, Pháp, Đức,…) mơí cần có dân
chủ tự do. Nhân dân Châu Ấu, Châu Mỹ, Châu Phi, Châu Á, Châu Úc đều bức bách
đòi hỏi phải có dân chủ tự do vì đó là sự sống. Chỉ có ở nước nào mà chế độ độc
tài, phát xít được thiết lập thì ở đó mới không có dân chủ tự do và nhân dân
phải sống lầm than, tủi nhục, đầy lo âu, sợ hãi. Phải chăng Đảng cộng sản Việt
nam đả kích mạnh dân chủ phương Tây để tiếp tục tước đoạt quyền dân chủ tự do
của nhân dân Việt Nam hay đã đến lúc phải kịp thời thức tỉnh, sám hối và mau
chóng hoàn trả lại cho nhân dân các quyền dân chủ tự do thật sự của họ ?
HẾT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét