Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013

THIẾU-TÁ VÕ ÐẰNG PHƯƠNG: BIỂU-TƯỢNG BẤT-KHUẤT VÀ KIÊU-HÙNG CỦA MỘT SĨ-QUAN QUÂN-LỰC VNCH

Nói đến cuộc bạo-động trong tù, chúng ta không thể quên được vụ 20 tháng 04 năm 1979 .xảy ra tại phân trại 04 thuộc trung-tâm trại cải-tạo Bình-Ðiền tại tỉnh Thừa-Thiên. Vụ này do một ban tham-mưu gồm 9 Sĩ-quan của QLVNCH chỉ-huy toàn thể 500 tù-nhân trong trại vùng dậy đòi cải-tổ chế-độ lao-tù. 
9 sĩ-quan trong ban-tham-mưu đo là: 
-Trung-tá Nguyễn tri Tấn: Trung-đoàn phó trung đoàn 2/SÐ3BB 
-Thiếu-tá Vũ ngọc Tụng: Quân-Trấn Ðà-lạt  
-Thiếu-tá Phạm-Cang: Tiểu đoàn trưởng TQLC 
-Thiếu-tá Lê quang Liển: Sĩ-quan TQLC 
-Thiếu-tá Hoàng Hưng: Sĩ-quan Bộ- Binh 
-Thiếu-tá Phan văn Lập: Chi-đoàn trưởng Thiết-giáp. 
-Ðại-uý Trần-Biên : Sĩ-quan truyền-tin SÐ5/BB 
-Ðại-uý Nguyễn thuận Cát : Sĩ- quan Biệt-động quân 
-Ðại-uý Nguyễn đình Khương :Tiểu đoàn phóTÐ120 Ðịa pương quân, tiểu-khu Quảng-trị.. 
Sau vụ này nhiều anh em tù nhân đã bị bọn công an đánh đập một cách bạo-tàn đến gãy xương,trào máu,bầm gan tím ruột. Nhiều sĩ-quan đã bị chết trong tù sau những trận đòn dã-man vô nhân đạo như Ðại-uý Nguyễn văn Báu, Ðại-uý Nguyễn thuận Cát, Thiếu-uý Trần hữu Sơn . Còn tất cả 9 sĩ-quan trong ban tham-mưu nói trên đều bị cùm tay,cùm chân gần năm năm trời trong nhà biệt giam. Nếu ai có ở tù tại phân trại 4 thuộc trung -tâm trại cải - tạo Bình-Ðiền lúc bấy giờ (20 tháng 04 năm 1979 ) mới chứng kiến được cảnh công-an từ dưới ty công an thuộc tỉnh Bình trị Thiên lên tàn sát tù-nhân bất chấp cả bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. 
Chúng đã dã-man,bạo-tàn đánh đấm liên-tục không biết mệt. Sau khi hành nghề đánh,đấm,đá,đạp 3 tiếng đồng hồ,bọn công-an thợ đấm bắt đầu rút khỏi trại để lại trong trại 50 tù nhân nằm la-liệt,rên la quằn-quại trên những vũng máu như anh Nguyễn văn Thiện,anh Nguyễn văn Vy,anh Nguyễn hữu Ai, anh Ðôn,anh Nguyễn trung-Việt ,anh Nguyễn hữu Tứ v.v giống như cảnh ở ngoài chiến -điạ hoang tàn chờ trực-thăng đến bốc xác chết và những người bị-thương vậy. 
Chứng kiến cảnh đánh đập một cách man rợ như vậy tất cả tù-nhân trong trại đều căm thù đến uất-nghẹn.Có một sĩ-quan trong phân trại 4 lúc bấy giờ cảm thấy hận thù thêm chất ngất. Mang sẵn trong người giòng máu bất-khuất và anh-hùng của Lê-Lợi, Quang-Trung, giòng máu kiên-cường và dũng-cảm của Trần hưng Ðạo,Trần bình Trọng cũng như ý-thức được Trách-nhiệm, Danh-dự và Tổ-quốc, anh nguyện dấn thân lao vào cuộc chiến mới ngay trong ngục-tù Cộng-sản; Tiếp-tục nuôi-dưỡng ý-chí đấu-tranh đến giọt máu cuối cùng ,ngõ hầu mang vinh-quang về bồi-đắp cho quê mẹ,tô-thắm cho non sông. Bởi vì anh ta biết rằng, chân-lý dù có bị đè bẹp xuống dưới bùn lầy nước đọng rồi cũng sẽ ngóc đầu dậy mĩm cười với trời xanh bất chấp cả thời-gian lẫn không gian. Cho dù anh có thể bị đoạ-đày trong kiếp tù tội thêm 10 hay 20 năm nưã,cho dù anh có thể bị xử bắn theo luật rừng, anh vẫn hiên-ngang bảo-vệ chân-lý đến cùng không một chút nao-núng trong lòng: đó là Thiếu-tá VÕ ÐẰNG PHƯƠNG thuộc Lữ-đoàn 258 TQLC / QLVNCH.
Nhận thấy Cộng-sản đã đối xử quá tàn-nhẫn vơí tù-nhân qua chế-độ lao-tù trong các trại “cải-tạo” nhận thấy Cộng-sản đối xử tàn-tệ vơí vợ con cuả tất cả các sĩ-quan cũng như cuả các viên chức thuộc chính-phủ Việt nam Cọng hoà trước đây, nhận thấy Cộng-sản sau khi chiếm được miền Nam vẫn cổ-xuý chiến-tranh gây hấn Kampuchia làm con dân nước Việt chết thêm hàng chục nghìn người,nhận thấy Cộng- sản không chịu thực thi những lời cam-kết mà vẫn làm cho nhân-dân Việt-nam đói khổ sau hơn 10 năm chiếm được miền Nam,Thiếu-tá VÕ ÐẰNG PHƯƠNG mặc dầu đang ở trong ngục tù Cộng-sản ,quyết-định viết một bức thư gởi cho tên thủ-tướng Phạm văn Ðồng để yêu-cầu tên thủ-tướng nầy giải-toả những vấn đề nêu trên. 
Anh VÕ ÐẰNG PHƯƠNG ở tù lúc bấy giờ đã hơn 10 năm rồi, nhưng anh vẫn dứt-khoát viết một bức thư gởi tên thủ-tướng Phạm văn Ðồng để đại diện cho nhân-dân Việt-nam yêu-cầu chính-phủ Hà-nội xét lại chính-sách cai trị nhân-dân cuả đảng Cộng-sản Việt-nam. Chính Ðại-uý Nguyễn đình Khương , Tiểu-đòan phó TÐ 120 Ðiạ-phương quân, người đã tham gia vụ 20 tháng 04, bị Cộng-sản cùm gần 5 năm mới được thả ra,đã được anh Phương móc nối để cùng nhau thảo nên bức thư đó. Lúc anh Khương được đưa từ phân trại 2 về phân trạí 1 thuộc trung tâm trại Bình-Ðiền, anh Khuơng ngủ sát chỗ nằm với anh VÕ ÐẰNG PHƯƠNG. Lúc bấy giờ, mỗi người chỉ được 45cm chiều ngang để nằm và phải nằm nghiêng mới đủ chỗ nên theo lời thuật lại cuả anh Khương , hai người đã cùng nhau nằm ngủ trong mền để thảo ra bức thư đó. Nội dung bức thư mà anh VÕ ÐẰNG PHƯƠNG gởi lên tên thủ tướng Phạm văn Ðồng như sau: 
 
 
Xét rằng : 
Sau khi Cộng-sản chiếm miền Nam Việt-nam vào ngày 30 tháng 04 năm 1975, tất cả sĩ-quan QLVNCH đều bị bắt giam trong các trại cải-tạo mà không xét xử, không tuyên án.. Ðây là một hành-động vi-phạm trắng trợn hiệp-định Paris năm 1973 mà chính các ông đã ký kết. 
Tất cả sĩ-quan QLVNCH trong những trại cải-tạo trên khắp lảnh thổ Việt-nam đều bị đối xử quá tồi-tệ,vô nhân-đạo. Ðó là một sự trả thù hèn-hạ,thấp kém,điên-cuồng,mất cả tình người,không đếm xỉa gì đến bản tuyên- ngôn quốc tế nhân -quyền. 
Gia-đình vợ con của tất cả sĩ-quan QLVNCH cũng bị đối xử quá tồi-tệ : 
-Họ bị đày lên rừng thiêng nước độc để sống trong các vùng mệnh danh là kinh-tế mới. 
Tất cả những nhà cửa, tài-sản của nhân- dân miền Nam bị tứơc đoạt một cách công khai,trắng trợn . 
Con cái của các sĩ-quan trong chế-độ cũ đều bị cấm vào học ở tất cả các trường vì bị coi là con của Nguỵ. Lý-lịch 3 đời bị gán cho những thành phần này khiến con cháu họ không thể làm bất cứ việc gì để sinh-sống được. 
Sau hơn 10 năm đất nước Việt-nam đã thống nhất, nhân-dân Việt-nam vẫn còn đói rách, cơm không đủ ăn áo không đủ mặc . Chiến-tranh vẫn chưa chấm dứt,hoà-bình vẫn chưa xuất hiện trên đất nước Việt-nam.Sự tự-do dân chủ vẫn chưa được thực-thi. Nhân-dân Việt-nam vẫn sống trong lo-âu sợ-hãi. Ðiều này chứng tỏ Ðảng và nhà nước đang thi-hành một chính sách sai lầm hoàn toàn. 
Nay yêu cầu Ðảng và Nhà nước : 
Thả ngay lập-tức tất cả sĩ-quan và những nhân-viên của chế-độ cũ đang bị giam cầm trái phép và phải đối xử nhân-đạo theo bản tuyên- ngôn nhân-quyền quốc-tế. 
Hãy đối xử nhân-đạo và bình-đẳng với vợ con , gia-đình của tất cả sĩ-quan và những viên-chức trong chế-độ cũ trước đây. 
Xét lại toàn bộ đường lối và chính sách của Ðảng và Nhà nước để toàn dân được no cơm ấm áo và được sống trong một nước hoà-bình,độc-lập,tự-do, dân-chủ thực sự : 
- Thực thi hoà-giải hoà- hợp dân-tộc. 
- Phục hồi lại nền kinh-tế 
- Chấm dứt chiến-tranh 
- Giải toả lệnh bế-quan toả- cảng để thông thương với nước ngoài. 
Làm tại Bình-Ðiền ngày 19 tháng 6 năm 1985 
 
Ký tên VÕ ÐẰNG PHƯƠNG 
Chủ-Tịch Lâm-Thời Phong-Trào Thiết-Lập 
Nền Ðệ-Tam Cộng-Hòa. 
Sau khi viết xong bức thư, anh VÕ ÐẰNG PHƯƠNG có mời một số sĩ-quan đã tham-gia vụ 20 tháng 04 cùng ký vào bức thư trên. Nhưng sau đó anh nghĩ rằng các anh nầy vừa tham-dự một trận chiến trong ngục-tù quá khốc-liệt nên để cho các anh ấy nghỉ dưỡng quân một thời gian đã. Thế rồi anh VÕ ÐẰNG PHƯƠNG quyết định ký tên một mình. Sau đó anh ghi lại thành 3 bản, một bản anh gởi cho tên thủ-tướng Phạm văn Ðồng nhờ trưởng trại chuyển giao, một bản gởi cho tên trưởng trại cải-tạo Bình-Ðiền nhờ cán bộ trực trại chuyển giao, và một bản lưu . 
Sau khi tên trại trưởng trung-tâm trại cải-tạo Bình-Ðiền là trung-tá Trần văn Truyền nhận được bức thư nói trên , anh VÕ ÐẰNG PHƯƠNG liền bị cùm ngay rồi bị đưa vào ở trong nhà kỷ-luật khoảng 3 tháng trước khi đưa ra toà xét xử. Dĩ-nhiên bức thư của anh PHƯƠNG là một bản án chống lại chế-độ Cộng-sản Hà-nội một cách rõ-rệt nên ban tham mưu cán-bộ trại cải- tạo sau nhiều ngày họp với ty công-an Bình trị Thiên đã quyết định đưa anh ra toà án nhân-dân để xét-xử . 
Ðứng trước vành móng ngưạ, thiếu- tá TQLC VÕ ÐẰNG PHƯƠNG đã trả lời một cách khẳng-khái và hùng hồn khiến ai nấy đều cảm phục. Một số nhân-viên làm việc trong toà án đã bỏ dở công việc để chạy vào xem vì thấy bị-cáo là một mẫu người thật khí-khái. Cứ mỗi lần quan toà hỏi câu nào, anh VÕ ÐẰNG PHƯƠNG không trả lời trực-tiếp,anh giả-bộ nói loanh-quanh để chưởi chế- độ độc-tài đang tác-oai tác quái trên đất nước Việt-nam. Có đoạn anh PHƯƠNG đã nói: 
_ Tôi nói đây với tư-cách của người dân thường, nói lên tiếng nói mà những người chung quanh tôi, bạn bè tôi, nhân-dân Việt- nam, không dám nói. Tôi nói có tình có lý, chứ không phải xử-dụng biện-pháp quân sự để đàn-áp. 
Nghe anh PHƯƠNG nói vậy, tên quan tòa nói ngay: 
_Anh là một thằng sĩ-quan nguỵ không hơn không kém, anh là cái thá gì ? Một triệu nguỵ-quân và chư hầu còn thất- bại nói gì một mình anh. 
Nhưng rồi qua một đoạn khác anh PHƯƠNG vẫn hiên-ngang : 
_ Các ông làm gì có luật-pháp. Luật-pháp của các ông là luật rừng. Tôi đã ở trong tay các ông thì do các ông quyết-định. 
Thấy những lời nói hùng-hồn của bị-cáo bất lợi cho phiên-toà, tên quan-toà liền chỉ-thị cho bị-cáo nói câu cuối cùng. Biết chúng cố-ý không cho nói nhiều, anh VÕ ÐẰNG PHƯƠNG quyết-định cô-đọng lại nhữnh tư-tưởng quan-trọng rồi tiếp-tục ngẩng đầu cao và dõng-dạc trước toà: 
_ Ai là kẻ vi-phạm hiệp-định Paris 1973 ? 
_ Ai là kẻ đã gây ra chiến-tranh và nghèo đói ? 
_ Phạm văn Ðồng phải chịu trách -nhiệm hoàn-toàn về việc xé bỏ hiệp-định Paris. Rồi đây nhân-dân Việt-nam cũng như nhân-dân thế-giới đều được biết lời nói cuả tôi trước toà-án này. 
Anh VÕ ÐẰNG PHƯƠNG đang nói thao-thao bất-tuyệt thì tên quan toà đứng lên tuyên-bố chấm dứt phiên-toà để vào nghị-án. Sau khi nghị án , toà tuyên-án anh PHƯƠNG 10 năm tù ở sau khi thi-hành xong án tù cải-tạo vì phạm tội âm-mưu lật đổ chính-quyền dân-chủ nhân-dân.. Theo anh Nguyễn kim Chung( đại-uý TQLC ,cũng đã xuất-hiện trong phiên-toà này như một bị-cáo vì bị nghi-ngờ có liên-hệ đến vụ này ) , khi nghe đọc bản án , anh Chung nghĩ rằng đây là một bài luận văn viết đâu sẵn từ trước vì nó giống như một bài luận văn trong Quốc văn giáo-khoa thư của chương trình Bộ giáo-dục cho học-sinh học. Còn việc đưa anh VÕ ÐẰNG PHƯƠNG ra toà xét xử chẳng qua chỉ là một việc làm có tính cách hình-thức để đánh lừa quần chúng mà thôi .Như vậy từ năm 1975 đến năm bị đưa ra toà, anh PHƯƠNG đã ở tù được 10 năm. Bây giờ theo lệnh toà-án anh PHƯƠNG tiếp-tục ở tù thêm 10 năm nữa là 20 năm . Sau khi rời toà-án và bị còng tay đưa lên lại trại cải-tạo Bình- Ðiền để ở tù tiếp, tên trại trưởng trung-tá Trần văn Truyền lúc bấy giờ có khuyên anh PHƯƠNG nên nhún-nhường và phải biết điều hơn ,anh PHƯƠNG đã quát vào mặt tên trại trưởng : 
_ Ông đừng có dạy đời tôi nữa, ông biết Trần bình Trọng trong lịch-sử Việt-nam chứ ! Tôi muốn sống như Trần bình Trọng. ! 
Dĩ-nhiên sau đó thiếu-tá VÕ ÐẰNG PHƯƠNG tiếp-tục ở tù thêm 10 năm nữa trong sự uất-ức và hận thù triền-miên . 
Mãi đến năm 1995, anh VÕ ÐẰNG PHƯƠNG mới được Cộng-sản trả tự do khỏi trại cải-tạo Hàm-tân. Lúc trở lại quê nhà, anh bị bạo bệnh kéo dài và hành-hạ do những trận đòn tra tấn dã-man và ác-độc qua những năm tháng quằn-quại trong ngục-tù Cộng-sản để rồi sau đó, anh đã vĩnh-biệt cõi đời trong tức-tưởi và uất- nghẹn vì thù nhà chưa trả, nợ nước chưa đền . 
Qua những hành-động đầy kiên-cường và bất-khuất của Thiếu-tá VÕ ÐẰNG PHƯƠNG nói trên, ta thấy rằng Sĩ-quan của QLVNCH là thành phần ưu-tú của dân-tộc Việt-nam. Ngay trong ngục-tù Cộng-sản, họ vẫn luôn luôn biểu-lộ tinh-thần Danh-dự, Tổ-quốc,Trách-nhiệm. Anh VÕ ÐẰNG PHƯƠNG đúng là một Sĩ-quan gương -mẫu đã vị quốc vong thân. 
Tổ-quốc và Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hoà vinh-danh anh. 
 
DƯƠNG VIẾT ÐIỀN


Võ Đằng Phương
Năm 1985, trong tù cải tạo Bình Ðiền, Thừa Thiên, Thiếu tá Võ Đằng Phương viết thư cho Thủ tướng CSBV Phạm Văn Đồng đòi được xét xử theo luật tù binh quốc tế, bị chúng đưa ra tòa và kết án thêm 1O năm tù, là người tù lâu năm nhất của binh chủng TQLC.

Sau ngày chiếm đóng miền Nam, CSBV cho thiết lập trên toàn quốc hơn 80 trại tù lao động khổ sai để giam giữ tù binh, quân nhân, công chức, văn nghệ sĩ… thời VNCH và những người chống đối chế độ. Chính quyền Cộng sản gọi các trại tù này với cái tên mỹ miều là trại “học tập cải tạo”, trên thực tế là những địa ngục trần gian cưỡng bách lao động và cải tạo tư tưởng. Lao động trong tình cảnh khắc nghiệt mà tiêu chuẩn ăn bị cắt giảm, chỉ gồm khoai, sắn, bo bo, gạo hẩm, khiến người tù đói triền miên, không còn nghĩ đến gì ngoài miếng ăn. Ước tính có hơn một triệu người bị đưa đi cải tạo và gần 170000 người đã chết trong thời gian giam cầm.
Theo lệnh của Ủy ban Quân quản Sài Gòn, sĩ quan cấp trung tá phải trình diện tại trường Don Bosco, Gò Vấp, từ ngày 13 đến 15 tháng 6/1975. Cấp đại tá trình diện tại Ðại học xá Minh Mạng, Chợ Lớn. Cấp tướng đã trình diện trước đó vào ngày 8 tháng 5/1975 tại Viện Dự bị Ðại học Sài Gòn, bị giữ lại để bắt đầu chương trình “học tập cải tạo” tại Ðại học xá Minh Mạng. Ngày 16 tháng 6/1975, các cấp tướng và đại tá được di chuyển về TTHL Quang Trung và sau đó ra miền Bắc.
Một số trại lớn thường được biết đến là:
- Trại Sơn La, những dãy nhà tranh xây dựng trên nền xi măng đổ nát của những nhà tù xa xưa thời Pháp thuộc trong vùng rừng núi âm u Sơn La, Hoàng Liên Sơn.
- Trại Yên Bái (số 5), cũng là những dãy nhà mái tranh, vách che bằng những tấm phên tre trong vùng rừng núi Yên Bái, Hoàng Liên Sơn.
- Trại Hồng Ca, Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, do Công an quản lý. Trại trưởng là Đại úy Trần Văn Sơn. Nằm trong dãy núi rừng Hoàng Liên Sơn nên trại thường bị sương mù bao phủ từ 3 giờ chiều đến 10 giờ sáng hôm sau, mùa hè nắng chết cỏ, mùa đông rét cắt da.
- Trại Thanh Cẩm, Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Một cựu tù thuộc trại này, Ðại úy Bùi Ðình Thi đã bị Sở Di Trú Hoa Kỳ trục xuất vì tội hợp tác với chính quyền Cộng sản, ngược đãi các bạn tù trong những năm 1978 và 1979.
- Trại Thanh Lâm, Thanh Hóa, là khu sản xuất nông nghiệp dành cho tù nhân mãn hạn tù ở các trại giam khác đến để khai hoang.
- Trại Tân Lập, Vĩnh Phú, là một trại đã có từ năm 1954, giam giữ gần 4000 tù nhân. Trại nằm dọc theo dòng Ngòi Lao, trong thung lũng sát mạn Yên Bái, tứ phía là núi. Vào mùa mưa, nước từ thượng nguồn dòng Ngòi Lao đổ về quét sạch mọi vật trên đường đi.
- Trại Hà Tây.
- Trại Nam Hà.
- Trại Hàm Tân (Z30C và Z30D), Bình Thuận, trước là căn cứ số 6 của QLVNCH, nay được biến cải thành những nhà tù kiên cố.
- Trại Long Giao (số 11), Long Khánh, nguyên là hậu cứ của Trung đoàn 52 Bộ Binh, gồm nhiều dãy nhà, nhốt khoảng 1200 tù cải tạo.
- Trại Suối Máu, Tân Hiệp, tỉnh Biên Hoà, nguyên là nơi giam giữ tù binh Cộng sản. Trong trại trước đây có đủ nhà thờ, chùa, câu lạc bộ nhưng nay đã bị đập phá tan nát, hoặc dùng làm kho chứa hàng. Tại trại Suối Máu một biến cố rất đặc biệt chưa từng xảy ra trong các trại tù CSBV là cuộc biểu tình bất bạo động của hơn 10 ngàn người diễn ra trong đêm Giáng Sinh 24 tháng 12/1978.
Các trại tù nổi tiếng khắc nghiệt (theo thứ tự từ Bắc chí Nam) như:
● Trại Cổng Trời
Trại Cổng Trời (Quyết Tiến), Hà Giang, có lẽ là một trại tù ít người biết đến. Đây là nơi giam giữ các trọng tội hình sự, gián điệp, biệt kích và tù nhân tôn giáo. Trại tù nhỏ bé này nằm gần khu rừng núi biên giới Việt-Hoa, trên cao độ khoảng 2500 mét. Đường lên trại Cổng Trời do đó quanh năm bao phủ sương mù. Đời sống trong trại khắc nghiệt đến nổi có truyền thuyết là “vào thì không ra”, đến đây là phải bỏ xác chớ không hy vọng để trở về với gia đình.
● Trại Kỳ Sơn
Xã Kỳ Sơn thuộc quận Tam Kỳ, tỉnh Quảng Tín, cách mỏ vàng Bông Miêu chừng 3km, quanh là rừng già âm u nên thời tiết rất lạnh. Tổng trại Kỳ Sơn (Tổng trại 2) hình thành tháng 7/1975 do một trung đoàn Bộ đội thuộc Quân khu 5 Cộng sản quản lý có 4 trại tù giam giữ sĩ quan từ cấp chuẩn úy đến đại tá, đa số trước đây phục vụ tại Quân khu 1. Tổng trại trưởng là Trung tá Ngô Câu. Sau ngày 28 tháng 9/1978 khi chiến tranh xảy ra giữa CSBV và Khmer Ðỏ, các tù cải tạo bị chuyển về hai trại Tiên Lãnh và An Ðiềm.
● Trại Tiên Lãnh
Tiên Lãnh (Phước Lãnh) là một xã thuộc quận Tiên Phước, tỉnh Quảng Tín. Trại tù Tiên Lãnh do Công an quản lý nằm cạnh ngã ba sông Tranh, cách Tam Kỳ 50km. Ngoài trại chính Tiên Lãnh còn có các trại trực thuộc như Thôn Tư, Thôn Năm, Na Sơn, Ðồng Mộ và một trại giam nữ tù nhân. Khác với trại Kỳ Sơn chỉ giam cầm sĩ quan chế độ cũ, trại Tiên Lãnh còn có các thành phần nhân viên hành chánh, cảnh sát, đảng phái chính trị, văn nghệ sĩ, tù hình sự Cộng sản… Các nhà giam có cửa sắt, xây bằng gạch bao bọc bởi nhiều rào kẽm gai kiên cố. Ðặc biệt cán bộ quản lý trại đều là cán binh, bộ đội từng hoạt động tại Quân khu 5 trước tháng 4/1975. Ðây là cơ hội để bọn chúng trả thù cá nhân.
● Trại An Ðiềm
Trại An Ðiềm nằm bên bờ sông Vàng trong lãnh thổ quận Thường Ðức, tỉnh Quảng Nam, cách Ðà Nẵng 50 km. Trại được xây dựng kiên cố với hai dãy nhà tường xi măng ngăn cách bởi những lớp hàng rào. Trại giam giữ trên 2000 tù nhân.
● Trại A.20
Trại A.20 (Xuân Phước), tỉnh Phú Yên, nguyên là mật khu an dưỡng của Cộng quân. Sau tháng 4/1975, nơi này biến thành một trại tù lớn. Toàn bộ đàn ông di tản qua Mỹ trở về bằng chiếc tàu Việt Nam Thương Tín đã bị nhốt tại đây. Sau đó họ được sử dụng để xây dựng những nhà giam bằng xi măng cốt sắt hầu giam giữ quân cán chính VNCH bị liệt vào thành phần bất trị, tù chính trị và tù hình sự mang án chung thân. Với một quy chế đối xử tù nhân vô cùng khắt khe, bọn cai tù tuyên bố rằng đây là nơi “sắt biến thành bùn”, với hàm ý là bất cứ tù nhân nào dù ngoan cố tới đâu đến A.20 cũng sẽ bị khuất phục.
● Trại Xuyên Mộc
Trại được thiết lập giữa một khu rừng già, gần Bà Rịa, tỉnh Phước Tuy, là nơi giam giữ nhiều tù nhân chính trị nổi tiếng như dân biểu Nguyễn Bá Lương, học giả Hồ Hữu Tường, nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, Duyên Anh...
● Trại Vườn Đào
Trại Vườn Đào, Cai Lậy, tỉnh Định Tường, bốn phía bao bọc bởi những cánh đồng đất trũng bất tận của vùng Đồng Tháp Mười. Vào mùa mưa nước từ trên thượng nguồn sông Cửu Long đổ xuống ào ạt, các cửa sông thoát nước không kịp, do đó thường bị ngập lụt. Trại do Quân khu 9 Cộng sản quản lý, là nơi giam giữ sĩ quan từ cấp trung Tá trở xuống trước đây phục vụ tại Quân khu 4, đa số là sĩ quan Hòa Hảo đồng hóa. Trưởng trại là Thiếu tá Trần Thâu.
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét