Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

HỒI KÝ CỦA ĐẠI TÁ PHẠM BÁ HOA: BIỂU DƯƠNG LỰC LƯỢNG NGÀY 13 THÁNG 9 NĂM 1964


1      2      3      4      5      6      7      8      9      10

Sự "mâu thuẫn một chiều" từ phía Trung Tướng Nguyễn Khánh đối với Đại Tướng Trần Thiện Khiêm, như cái hố ngày càng rộng và sâu thêm, cơ hồ khó mà hàn gắn lại nếu không nói là không thể hàn gắn được. Hai vị không có những cuộc tiếp xúc trực tiếp nhau nữa, trong khi những hình thức chống đối Trung Tướng Khánh từ các tổ chức chính trị không ngưng nghỉ, càng làm cho Trung Tướng Khánh tức tối thêm và mục tiêu chính mà ông cần triệt hạ vẫn là Đại Tướng Khiêm. Rất có thể những sự kiện chính trị nội tình Việt Nam Cộng Hòa xảy ra trong tháng 07 và 08/1964, chưa đủ để ông thẳng tay với Đại Tướng Khiêm, vì dù sao Đại Tướng Khiêm cũng là người chính yếu đưa ông đến tột đỉnh vinh quang hiện nay.
Và rồi Trung Tướng Nguyễn Khánh có cái cớ mà tôi nghĩ là nguyên nhân của Trung Tướng Khánh, để ông xuống tay với người bạn đồng khóa và rất thân của ông. Và nếu nhìn theo góc cạnh tình cảm, Đại Tướng Khiêm cũng là ân nhân của Trung Tướng Khánh nữa.
Ngày 13/09/1964, 07 giờ sáng, tôi đưa Đại Tướng Trần Thiện Khiêm và gia đình gồm vợ và hai con của ông, cùng với Đại Úy Nguyễn Trọng Hồng -sĩ quan tùy viên- lên phi cơ đi Đà Lạt, và dự trù trở về Sài Gòn vào buổi chiều cùng ngày. Đại Úy Hồng thay thế Đại Úy Nguyễn Hữu Có đã thuyên chuyển sang Lữ Đoàn Nhẩy Dù, làm sĩ quan tùy viên cho Thiếu Tướng Cao Văn Viên. Phi cơ rời phi trường Tân Sơn Nhất, và khi mất hút trong những đám mây lang thang trên không phận Gia Định, tôi lên xe quay về nhà với dự định đưa gia đình dạo phố vì lâu lắm mới có một ngày chủ nhật rảnh rang như hôm nay.
Nhưng không. Vì khi về đến nhà là nghe tiếng súng ròn rã ở hướng Bộ Tổng Tư Lệnh, và hướng Bộ Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô. Tôi chạy sang Bộ Tổng Tư Lệnh. Đang mở cửa văn phòng thì gặp ngay Đại Tá Huỳnh Văn Tồn, Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh (đồn trú ở Mỹ Tho) cũng vừa đến. Với nụ cười cố hữu trước khi vào chuyện, ông hỏi:
“Đại Tướng đâu rồi anh Hoa?
“Đại Tướng và gia đình đi Đà Lạt, nhưng khoảng 8 giờ mới đến trên đó. Có chuyện gì vậy Đại Tá?
“Chúng tôi "Biểu Dương Lực Lượng" để cảnh cáo ông Khánh. Có cách nào anh liên lạc được với Đại Tướng sớm hơn không?
“Chỉ có cách là nhờ hệ thống Bộ Chỉ Huy Không Chiến của Không Quân thì may ra, nhưng tôi nghĩ là mình không nên để bên đó biết cuộc nói chuyện như vậy, thưa Đại Tá. Với lại khoảng 20 phút nữa thì mình liên lạc được thôi mà”.
Ngay lúc đó điện thoại reo:
“Thiếu Tá Hoa tôi nghe”.
“Trung Tướng Khánh đây. Đại Tướng Khiêm đâu rồi?
“Thưa Trung Tướng, Đại Tướng Khiêm đang trên không trình Sài Gòn-Đà Lạt. Trung Tướng có cần liên lạc ngay bây giờ không, thưa Trung Tướng? 
“Khi đến nơi, anh nói Đại Tướng Khiêm điện thoại ngay cho tôi”.
“Vâng. Nhưng điện thoại Trung Tướng ở tư dinh hay ở Phủ Thủ Tướng, thưa Trung Tướng? 
“Phủ Thủ Tướng”.
Tôi liền gọi lên Đà Lạt, dặn trên đó trình với Đại Tướng Khiêm liên lạc ngay với Trung Tướng Khánh khi đến nơi. Vừa gác ống nói vừa xoay qua Đại Tá Tồn:
“Trung Tướng Khánh cần nói chuyện với Đại Tướng đó Đại Tá”.
“Ổng ở đâu vậy?
“Dạ ở Phủ Thủ Tướng. Vị lãnh đạo hôm nay là ai vậy Đại Tá?
“Trung Tướng Đức với tôi”.
Trung Tướng Dương Văn Đức là Tư Lệnh Quân Đoàn IV/Vùng IV Chiến Thuật. Bộ Tư Lệnh đồn trú tại Cần Thơ.

Đại Tướng Trần Thiện Khiêm bị quản thúc.
Vài phút sau, điện thoại reo:
“Thiếu Tá Hoa tôi nghe”.
“Hồng đây anh. Anh gọi Đại Tướng có việc gì vậy?
“Sài Gòn đang có biến động do Trung Tướng Đức với Đại Tá Tồn lãnh đạo. Trung Tướng Khánh dặn Đại Tướng khi đến Đà Lạt là gọi về ổng ở Phủ Thủ Tướng đó. Anh trình Đại Tướng ngay đi. Có tin gì thì cho tôi biết với nghe”.
Mấy phút sau đó, Đại Úy Hồng gọi tôi:
“Trung Tướng Khánh bảo Đại Tướng ở lại Đà Lạt cho đến khi nào ổng cho về mới được về. Đại Tướng bảo anh đến nhà lấy một ít áo quần và đồ dùng cần thiết, cho phi cơ mang lên Đà Lạt ngay hôm nay. Nhờ anh ghé nhà tôi lấy túi áo quần gởi lên giùm tôi luôn. Vợ tôi đang chuẩn bị đó. (Trong những năm 1970-1975, Đại Tướng Khiêm giữ chức Thủ Tướng, Đại Tá Hồng là chánh văn phòng. Hiện anh định cư tại Houston). 
“Chiếc (phi cơ) C47 còn trên đó không?
“Sau khi nói chuyện với Trung Tướng Khánh, Đại Tướng cho phi hành đoàn lái về Sài Gòn rồi”.
“Vậy tôi sẽ yêu cầu chiếc đó trở lên Đà Lạt ngay chiều hoặc tối nay. Nhớ, có tin gì thêm thì gọi tôi ngay nhé. Ngược lại, tôi cũng gọi anh khi có tin tức mới nhất”.
Cuộc "Biểu Dương Lực Lượng" của Trung Tướng Dương Văn Đức đến buổi trưa là xẹp xuống sau mấy tiếng đồng hồ ồn ào, tự lui quân về Mỹ Tho và Cần Thơ. Tình hình thủ đô cũng như những vùng lân cận trở lại yên tỉnh. Nhưng đó chỉ là bề mặt thôi.
Và đây là lời của Đại Tá Tạ Thành Long, thuật tóm tắt cho chúng tôi nghe khi cùng bị giam tại trại tập trung tù chính trị ở Nam Hà (miền bắc) năm 1981, về cuộc "Biểu Dương Lực Lượng" nói trên. Lúc bấy giờ anh Long là Trung Tá Tham Mưu Phó hành quân Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn IV tại Cần Thơ:
"Giữa đêm 12 rạng 13/09/1964, Trung Tướng Đức ra lệnh tổ chức bộ chỉ huy hành quân và cấp tốc di chuyển sang Sư Đoàn 7 Bộ Binh ở Mỹ Tho, và chuyển quân lên Sài Gòn vào sáng sớm. Làm việc suốt đêm và di chuyển trên chặng đường Cần Thơ-Mỹ Tho trong đêm tối mà không được bảo vệ an ninh lộ trình, một cuộc vận chuyển rất nguy hiểm trong tình hình lúc bấy giờ, nhưng cũng may là đến nơi bình yên. Sau khi phối hợp với Sư Đoàn 7 Bộ Binh, tất cả cùng chuyển quân lên Sài Gòn".
"Theo kế hoạch, các đơn vị phải dừng lại ở Bình Chánh (một quận của tỉnh Gia Định ven ngoại ô thủ đô), chỉ có Trung Tướng Đức và các sĩ quan cần thiết mới được vào Sài Gòn. Nhưng Trung Tướng Đức cho lực lượng tiến đến Phú Lâm, ngưỡng cửa phía tây của thủ đô. Trung Tướng Đức giao cho tôi (tức Trung Tá Long) đến tòa đại sứ Hoa Kỳ liên lạc với bộ phận tình báo ở đó xem tình hình sắp tới ra sao. Đến nơi, chờ một lúc mới tiếp xúc được với nhân viên tình báo. Ông ta lên tiếng:
“Các ông đã không thực hiện đúng lời hứa. Tại sao các ông đưa lực lượng vào Sài Gòn? Hành động của các ông gây khó khăn cho chúng tôi và cho cả các ông nữa. Ông chờ tôi liên lạc về Hoa Kỳ nhận lệnh”.
“Khoảng nửa tiếng đồng hồ sau đó: Hoa Thịnh Đốn quyết định các ông phải rút quân về vị trí ngay, nếu không, các ông hoàn toàn chịu trách nhiệm về cuộc biến động hôm nay.
"Tôi quay về Bộ Tổng Tư Lệnh trình cho Trung Tướng Đức về kết quả cuộc tiếp xúc đó thì ông cho lệnh rút quân. Và chuyện kể chỉ có thế".
Cuộc Biểu Dương Lực Lượng" ngày 13/09/1964, chỉ diễn ra trong khoảng mười tiếng đồng hồ thì lặng lẽ rút lui. Ngay sau đó, Trung Tướng Đức bị bắt tại Cần Thơ đưa lên phi cơ về Sài Gòn, ông đã nóng giận to tiếng khoa tay múa chân tại phi trường Tân Sơn Nhất khi Quân Cảnh và An Ninh Quân Đội "dìu" lên xe đưa về cơ quan an ninh.
Chắc là Hoa Kỳ khó chịu về cái hơi hám "độc tài" của Trung Tướng Khánh nhưng chưa đến mức đảo chánh lật đổ, nên "nhờ" Trung Tướng Đức ra oai cảnh cáo dưới tên gọi "Biểu Dương Lực Lượng", và  lực lượng cảnh cáo hăng quá nên đưa quân áp sát thủ đô suýt nữa là chiếm luôn các cơ sở trọng yếu như các cuộc đảo chánh trước đây đã làm. Thế là bộ phận tình báo tại tòa đại sứ Hoa Kỳ giáng cho một lệnh xuất phát từ Hoa Thịnh Đốn, và lực lượng biểu dương vội vàng rút lui có phần mất trật tự một chút. Rõ ràng là Mỹ chưa bật đèn xanh hoặc đèn xanh giới hạn thì cái ghế Chủ Tịch Hội Đồng Quân Lực không phải dễ.

Đại Tướng Khiêm bị cách một chức.
Xin mời trở lại với Đại Tướng Trần Thiện Khiêm. Sau một tuần bị quản thúc trong một dinh thự tại Đà Lạt, ông và gia đình được Trung Tướng Khánh cho về Sài Gòn. Những ngày tiếp theo, Đại Tướng Khiêm rất buồn và không vào văn phòng làm việc. Buổi sáng và chiều, tôi mang hồ sơ về nhà trình ông giải quyết.
Trung Tướng Khánh ra lệnh Đại Tướng Khiêm bàn giao chức vụ Tổng Trưởng Quốc Phòng cho ông, và tôi thì bàn giao hồ sơ của văn phòng Bộ Quốc Phòng cho Trung Tá Nguyễn Khắc Bình (về sau, Trung Tá Bình là Chuẩn Tướng, Đặc Uỷ Trưởng Trung Ương Tình Báo, và Tư Lệnh Cảnh Sát). Trong hồ sơ này có cả hồ sơ 10 kí lô vàng thoi mà tôi nói ở phần cuối của cuộc Chỉnh Lý ngày 30/01/1964.
Như vậy, Trung Tướng Khánh, Chủ Tịch Hội Đồng Quân Lực, Thủ Tướng, nay kiêm thêm chức Tổng Trưởng Quốc Phòng. Một mình ông nắm giữ các chức vụ tối quan trọng giống như trường hợp Tổng Thống Ngô Đình Diệm trước ngày bị lật đổ và bị giết chết vậy. 
Vào ngày cuối tháng 09/1964, Trung Tướng Khánh điện thoại tôi:
“Anh trình với Đại Tướng Khiêm, 12 giờ trưa nay tôi đến ăn cơm tại nhà Đại Tướng Khiêm”.
“Xin Trung Tướng vui lòng điện thoại với Đại Tướng Khiêm đang có mặt tại nhà, thưa Trung Tướng”.
“Không. Anh về trình đi”. Ra lệnh xong là ông gác ống nói.
Thật khó nghĩ cho tôi, vì hai gia đình đang hờn giận nhau nếu không nói là Trung Tướng Khánh đang "ghìm" Đại Tướng Khiêm, và trường hợp này chẳng khác nào Trung Tướng Khánh lôi tôi vào thế trận giống như tôi đang trở thành thành viên trong nhóm sĩ quan dưới quyền ông vậy. 
Tôi đến tư dinh Đại Tướng Khiêm, trình xong, Đại Tướng Khiêm im lặng trong khi bà Khiêm tức giận:
“Tại sao ổng không điện thoại đến đây mà lại nói chuyện với chú? 
“Bà phải hỏi ông Khánh sao lại hỏi chú Hoa? Thôi, bà lo cơm cho kịp”.
Đại Tướng Khiêm đỡ lời cho tôi. Nếu Đại Tướng Khiêm không đỡ lời thì tôi chỉ biết trả lời là "Tôi cũng không biết tại sao nữa".
Phần tôi, mỗi khi có khách đến nhà Đại Tướng Khiêm dùng cơm, tôi lo sắp xếp bàn ăn, tổ chức an ninh, và những gì cần thiết liên quan đến bữa ăn đó. Hôm nay cũng vậy, cộng thêm sự thận trọng cần thiết. Sau khi chỉ định công việc và cách thức xếp bàn ăn cho mấy anh làm việc tại nhà Đại Tướng Khiêm, tôi về văn phòng.
Mưu sát Trung Tướng Khánh.
Khoảng nửa giờ trước giờ ăn, tôi trở lại tư dinh Đại Tướng Khiêm. Như thường lệ, kiểm soát công tác chuẩn bị trong phòng ăn, tôi sang bên cạnh kiểm soát các nhân viên an ninh để biết chắc là công tác đang diễn tiến như dự định. Chợt thấy Trung Tá Luông đi tới đi lui mấy lần, điều mà chưa bao giờ xảy ra vì không liên quan gì đến chức vụ Chỉ Huy Trưởng Tổng Hành Dinh/Tổng Tư Lệnh của ông cả.
Trung Tá Nguyễn Văn Luông, năm 1958 là Thiếu Tá Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 35 Bộ Binh thuộc Sư Đoàn 12 Khinh Chiến, đồn trú tại Kon Tum. Lúc ấy tôi là Trung Úy, Trưởng ban 3 kiêm Ban 5 bộ chỉ huy Trung Đoàn này. Trong cuộc đảo chánh 01/11/1963, ông là Thiếu Tá Chỉ Huy Phó Tổng Hành Dinh/Tổng Tham Mưu (lúc chưa cải danh Bộ Tổng Tư Lệnh), ngay sau đó thăng cấp Trung Tá và giữ chức Chỉ Huy Trưởng thay thế Trung Tá Lê Soạn về hưu.
Tôi đến cạnh ông:
“Ô! Trung Tá. Trung Tá có gì cần gặp Đại Tướng hả?
“Không. Không có gì”.
“Không có gì sao Trung Tá đi qua đi lại với vẻ suy tư vậy?
Trung Tá Luông kề tai tôi với giọng ngập ngừng:
“Hôm nay tụi tôi ám sát ông Khánh”.
Tôi rất kinh ngạc về câu nói của ông: “Bằng cách nào?
Ngưng một lúc, ông tiếp:
“Vào bàn ăn độ 5 phút, ông Anh từ trên lầu gọi điện thoại xuống đây (vừa nói ông vừa chỉ điện thoại trên bàn cạnh cửa, sát phòng ăn), lúc đó tôi sang mời ông Khánh qua nghe điện thoại và nói là của Phủ Thủ Tướng gọi. Khi ông ta vừa qua khỏi khung cửa thì anh Yểm câu cổ và đâm chết”.
“Đại Tướng có biết việc này không Trung Tá?
“Không”.
“Vậy là không được. Tôi muốn Trung Tá hủy bỏ dự định này, nếu không, tôi sẽ trình Đại Tướng ngay. Tôi chắc rằng, Đại Tướng không bao giờ đồng ý về một hành động như vậy đâu. Xin Trung Tá hãy hình dung việc gì xảy ra tiếp đó, vì cả tháng nay mỗi khi Trung Tướng Khánh đến đây là y như rằng, tiểu đội cận vệ của Trung Tướng Khánh với vũ khí cầm tay gần như bao quanh nhà này. Chỉ cần tiếng động lạ nào đó trong phòng ăn, là tiểu đội đó nhào vô tức thì, và liệu sự kiện xảy ra có phải là những xác chết -kể cả chúng mình- nằm la liệt ở đây không? Lịch sử sẽ lưu lại những gì cho mai sau, nếu không phải là "tiếng xấu muôn đời" chỉ vì tranh giành quyền lợi mà giết chết lẫn nhau! Hủy bỏ đi Trung Tá”
Trầm ngâm một lúc: “Anh chờ tôi một chút”.
Trung Tá Luông lên lầu và khoảng 5 phút sau, ông lại kề tai tôi với giọng tự nhiên: “Được rồi. Ông Anh đồng ý hủy bỏ việc đó”.
Tư dinh Đại Tướng Khiêm gồm 3 căn nhà số 1, số 2, và số 3 có cửa thông nhau, trong dãy số 4 (của nhiều dãy) trong cư xá trại Trần Hưng Đạo, tức khuôn viên Bộ Tổng Tư Lệnh. Nhà 2 tầng, vách gạch, lầu đúc bê tông, kiến trúc mang dáng vấp Châu Âu, vì do quân đội Pháp xây dựng dùng làm bản doanh bộ tư lệnh quân viễn chinh của họ. Phòng ăn ở căn số 1, ngay cạnh phòng ăn có cửa thông qua căn số 2, nơi có cái bàn dành cho sĩ quan tùy viên  trực tại nhà. Trên bàn có máy điện thoại và những vật dụng cần thiết của một văn phòng thu hẹp. Tầng trệt căn này không có người ở. Căn số 3 là gia đình của vợ chồng người em gái của bà Khiêm ở. Em rể của bà là luật sư Bùi Văn Anh, chính là người mà Trung Tá Luông nhận chỉ thị sau khi tôi phản đối vụ mưu sát nói trên. Tôi không trực tiếp nghe luật sư Anh nói về vụ này, mà những gì tôi ghi lại ở đây là do Trung Tá Luông nói với tôi. (Đầu năm 1975, Trung Tá Luông là Đại Tá, Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát Khu 3 tại Biên Hòa, và anh Lưu Yểm là Đại Tá Tỉnh Trưởng tỉnh Biên Hòa)
Trước 12 giờ một chút, Trung Tướng Khánh đến cùng với 2 xe Jeep chở đầy nhân viên cận vệ với vũ khí trong tay. Vẫn như hành động trong thời gian gần đây, toán cận vệ có mặt quanh nhà nhưng không anh nào ngồi hay đứng yên một chổ mà luân chuyển nhau từ vị trí này đến vị trí khác, miễn sao các anh ấy trông thấy được bàn ăn bên trong.
Vì là bữa ăn rất căng thẳng nên tôi không ra vào như lệ thường. Khoảng 10 phút đầu tiên, không khí trong phòng ăn thật yên lặng nếu có đôi mắt bàng quan nào đó nhìn vào. Nhưng, sau đó, lời qua tiếng lại tuy không đến nỗi ồn ào nhưng rõ ràng là bữa ăn đầy sóng gió. Lời lẽ gay gắt qua lại giữa bà Khiêm với Trung Tướng Khánh, cho tôi nhận xét "không cân sức" về phía bà Khiêm trong khi Đại Tướng Khiêm đăm chiêu suy nghĩ hơn là tranh cãi, vì Trung Tướng Khánh đang có trong tay tất cả quyền lực quốc gia, đâu dễ dàng bị thuyết phục cho dù ông bà Khiêm là bạn thân với gia đình ông. Chữ "bạn thân" chẳng qua là thuở chưa có quyền lực đấy thôi, chớ bây giờ thì khác. Khác xa lắm rồi!
Đại Tướng Trần Thiện Khiêm lưu vong
Khi Trung Tướng Khánh rời phòng ăn với thái độ gần như bình thường, cứ như không có chuyện gì xảy ra cả. Đó là cái lạnh lùng của người có quyền lực đối với "kẻ thù"! Mà liệu Đại Tướng Trần Thiện Khiêm có phải là kẻ thù của Trung Tướng Nguyễn Khánh hay không? Chính trị, biết đâu mà lường phải không quí vị? Tôi vào phòng ăn:
“Thưa Đại Tướng, điều gì xảy ra mà Trung Tướng Khánh to tiếng vậy Đại Tướng?  
“Ông Khánh "muốn" (hàm chứa ý nghĩa một mệnh lệnh) tôi phải ra ngoại quốc, nếu không thì tánh mạng tôi khó an toàn”. 
“Đại Tướng nghĩ sao?
“Tôi quyết định đi. Chú lo thủ tục cho tôi và gia đình tôi càng sớm càng tốt. Chú với chú Châu, nếu được thì cùng đi với gia đình tôi”.
“Tôi sẽ theo Đại Tướng. Còn anh Châu thì tôi sẽ hỏi ý kiến anh ấy và trình Đại Tướng sau, thưa Đại Tướng”.
"Chú Châu" mà Đại Tướng Khiêm nói ở đây là Đại Úy Đặng Văn Châu. Năm 1963, anh là chánh văn phòng tỉnh Vĩnh Long, lúc ấy Trung Tá Lê Văn Phước là Tỉnh Trưởng. Sau cuộc đảo chánh 01/11/1963, Trung Tá Phước bị cách chức và anh Châu cũng mất chức luôn. Sau cuộc đảo chánh 30/01/1964, Đại Tướng Khiêm bảo tôi liên lạc phòng Tổng Quản Trị/Bộ Tổng Tư Lệnh thuyên chuyển anh Châu về văn phòng chúng tôi để thông dịch Anh ngữ cho Đại Tướng Khiêm khi có phóng viên báo chí ngoại quốc phỏng vấn. Đại Tướng Khiêm nói tiếng Anh rất khá, nhưng với báo chí quốc tế nên có thông dịch để có thì giờ suy nghĩ cho câu trả lời.  
Khi hỏi ý kiến, anh Châu đồng ý đi. Vậy là số người "lưu vong" có Đại Tướng Khiêm, vợ và hai con ông, tôi, và Đại Úy Châu. Anh Châu sang Bộ Quốc Phòng xin "sự vụ lệnh", đến Sở Hành Chánh Tài Chánh số 6 lãnh phụ cấp xuất ngoại vì "sự vụ lệnh" ghi "thay mặt chánh phủ sang Anh quốc và Cộng Hòa Liên Bang Đức, cám ơn hai quốc gia này đã giúp đỡ Việt Nam Cộng Hòa chống cộng sản". Lại đến Bộ Ngoại Giao xin “thông hành ngoại giao" và chiếu khán ở tòa đại sứ Anh quốc và Cộng Hòa Liên Bang Đức. Xong, xuống Tổng Nha Hối Đoái và Ngân Hàng để đổi ngoại tệ. Phần phụ cấp bằng tiền Việt Nam đổi được 10 ngàn mỹ kim, và phần tiền Việt Nam mà tôi giữ trong tủ sắt của văn phòng đổi được 10 ngàn mỹ kim nữa. Đó là số tiền dự trữ trong tủ sắt để Đại Tướng cấp phát cho các đơn vị tình báo sử dụng. Trong cuộc "Biểu Dương Lực Lượng" ngày 13/9/1964, tôi mang về nhà và Đại Tướng Khiêm bảo tôi cứ giữ đó. Nay, tôi đưa Đại Úy Châu đi đổi luôn. Đúng lúc mọi thủ tục sẳn sàng thì Trung Tướng Khánh điện thoại tôi:
“Anh không được đi mà chỉ một mình Đại Úy Châu theo Đại Tướng Khiêm”.
Ra lệnh xong là ông gác ống nói ngay. Tôi điện thoại lại thì Thiếu Tá Thịnh, bí thư, anh Thịnh cho biết Thủ Tướng không tiếp chuyện. Thế là tôi không trình bày được gì cả.
Tôi đến trình Đại Tướng Khiêm, Đại Tướng không nói gì nhưng rõ ràng là bà Khiêm không hài lòng. Tôi nhận ra rằng, bà Khiêm không hài lòng không phải vì tôi không được đi, mà không hài lòng chỉ vì bà ngờ tôi "chưa chi đã trở mặt" đây. Tôi áp dụng câu của Đại Tướng Khiêm có lần nói với tôi rằng: "Sự trong sáng không cần phải đính chánh mà thời gian sẽ chứng minh cho mình, tuy có chậm nhưng rất hiệu quả". Tôi trở về văn phòng.
Hôm sau tôi đến Phủ Thủ Tướng xin gặp Thủ Tướng Khánh, và ông tiếp: “Anh có chuyện gì?
“Thưa Thủ Tướng, tôi không được đi theo Đại Tướng Khiêm trong chuyến đi chưa biết ngày nào trở về. Vậy, tôi xin Thủ Tướng vui lòng cho tôi một số tiền đủ đổi 10 ngàn mỹ kim và một giấy phép để đổi số tiền đó. Số tiền này tôi sẽ trao Đại Tướng Khiêm như là món quà nhỏ để Đại Tướng và gia đình có thêm khoản tiền chi tiêu ở ngoại quốc trong thời gian đầu. Xin thưa với Thủ Tướng rằng, tôi đến đây là tự tôi chớ Đại Tướng Khiêm không hay biết gì về hành động này, thưa Thủ Tướng”.
Không cần suy nghĩ, ông trả lời ngay:
“Được. Tôi cho anh”.
“Xin cám ơn Thủ Tướng”.
Chính tôi đi đổi tiền, và tôi thuật lại Đại Tướng Khiêm nghe khi tôi trao tiền cho ông. Ông rất cảm động:
“Tôi cám ơn chú”.
Chiều ngày 06/10/1964, Đại Tướng Khiêm gọi tôi đến tư dinh của ông. Vào phòng khách, ông mời tôi ngồi, điều mà chưa bao giờ xảy ra mỗi khi tôi đến nhận lệnh ngoại trừ hai lần ra lệnh về đảo chánh. Tự ông, đem bánh ngọt với nước trà ra mời tôi. Tôi hiểu rằng, "sếp" của tôi sắp tâm sự chia tay đây rồi vì ngày mai ông và gia đình rời Việt Nam lưu vong. Năm năm làm việc trực tiếp dưới quyền ông trong trách nhiệm một sĩ quan tham mưu đặc biệt, trong một chừng mực nào đó, tôi hiểu được những cử chỉ cùng những thái độ của ông thể hiện điều ông muốn hoặc ông sắp  làm. Xong miếng bánh với hớp trà, ông vào chuyện:    
“Tôi cám ơn chú, trong mấy năm qua chú đã làm việc với tất cả nhiệt tình và trung thực. Giờ đây, trước khi rời Việt Nam lưu vong không biết ngày về, tôi muốn nói với chú rằng, nếu chú và những chú khác, còn nhớ đến tôi thì đừng bao giờ làm chính trị, vì làm chính trị ít khi người ta dành lại tình cảm cho bạn bè và đôi khi cũng không còn tình cảm cho thân nhân của họ nữa”.
Tay phải ông gỡ kiến cận xuống và tay trái ông cầm miếng nỉ lau, đó là thói quen mỗi khi ông suy nghĩ. Mang kiến vào, ông lại mời tôi:
“Chú ăn bánh uống trà đi”. 
“Vâng. Xin mời Đại Tướng”.
Thái độ của ông làm tôi lúng túng. Tôi nghĩ, không phải ông ngưng lại để mời tôi ăn bánh uống trà, mà là chính ông đang nén lại nỗi xúc động của ông khi ông đang sống trong  góc cạnh tình cảm. Đại Tướng Khiêm là mẫu người giàu tình cảm, rất có tình có nghĩa với những quân nhân mà trước kia cùng đơn vị với ông cho dù người đó hiện là sĩ quan hay hạ sĩ quan cũng vậy. Tôi đã nhiều lần chứng kiến hình ảnh lúc ông niềm nở bắt tay những anh hạ sĩ quan cùng phục vụ tại Tiểu Đoàn 3 Việt Nam hằng chục năm trước đó.
Đại Tướng Khiêm tiếp lời:
“Trung Tướng Khánh đã xử sự với tôi như chú thấy đó, thật là không còn chút tình nghĩa gì hết”.   
“Có vài vị Tướng Lãnh nêu thắc mắc với tôi rằng: "Tại sao Đại Tướng lại im lìm để Trung Tướng Khánh dùng cả thủ đoạn không tốt với Đại Tướng". Riêng tôi, tôi thấy Trung Tướng Khánh là mẫu người nhiều tham vọng chính trị, chính với Đại Tướng là người đã góp phần quan trọng đưa Trung Tướng Khánh lên đến tột đỉnh địa vị ngày nay, nhưng Trung Tướng Khánh cứ quả quyết Đại Tướng là người đang tìm cách đẩy ổng ra khỏi những chiếc ghế mà ổng đang ngồi, thưa Đại Tướng”.    
“Tôi biết chớ chú. Nhưng tranh giành làm gì!
Trong phòng trở nên yên lặng. Một lúc sau:
“Các sĩ quan do tôi đào tạo là người có khả năng và là người tốt nữa. Chắc chắn chú sẽ được các vị khác sử dụng, và tôi tin là không có gì khó khăn cho chú đâu. Thôi, ngày mai tôi đi, chú ở lại mạnh giỏi. Cho tôi gởi lời thăm thiếm”.
“Thưa Đại Tướng, tôi chân thành cám ơn Đại Tướng đã dìu dắt tôi trong 5 năm qua. Tôi kính chúc Đại Tướng và gia đình được mạnh khỏe và luôn gặp điều may trên đường lưu vong. Kính chào Đại Tướng”.
Tôi đứng thẳng người và chào ông một cách trân trọng như khi tôi chào ông để nhận chức chánh văn phòng Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh năm 1961 vậy. Đại Tướng Khiêm siết chặt tay tôi thật lâu, và cả hai đều bùi ngùi trong cuộc chia tay này!
Ngày 07/10/1964, Đại Tướng Trần Thiện Khiêm và gia đình rời Việt Nam Cộng Hòa trên chuyến bay của Air France đi Paris để "lưu vong" dưới danh nghĩa thật là vinh dự (!): "Thay mặt chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa sang Anh quốc và Đức quốc, cám ơn hai quốc gia đồng minh đã và đang giúp Việt Nam Cộng Hòa chống cộng sản".
Ngay chiều hôm đó, tôi và gia đình dọn ra khỏi cư xá trong khuôn viên bộ Tổng Tư Lệnh, và sẳn sàng nhận lệnh thuyên chuyển đến đơn vị hay cơ quan nào đó, vì có bao giờ một chánh văn phòng của ông Tướng thất sũng lại tiếp tục phục vụ tại đơn vị cũ đâu, nhất là đơn vị cũ lại là văn phòng Tổng Tư Lệnh.
Trung Tướng Nguyễn Khánh thêm chức Tổng Tư Lệnh Quân Lực.
Đại Tướng Trần Thiện Khiêm ra đi không bàn giao chức vụ Tổng Tư Lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ngày hôm sau, Trung Tướng Nguyễn Khánh vào nhận thêm chức đó. Có nghĩa là Trung Tướng Khánh nắm giữ cả 4 chức vụ cao nhất nước: Chủ Tịch Hội Đồng Quân Lực, Quốc Trưởng bao gồm Tổng Tư Lệnh Tối Cao, Thủ Tướng, Tổng Trưởng Quốc Phòng, và Tổng Tư Lệnh Quân Lực.
Ngay hôm đầu tiên Trung Tướng Khánh nhận chức, tôi viết "Phiếu Trình" trình vào Trung Tướng Khánh, xin chỉ định đơn vị tôi trình diện. Ông phê 3 chữ: "Ở tại chỗ". Thế là tôi vẫn ngồi lại văn phòng này nhưng chưa rõ chức vụ. Xin nói thêm, “Phiếu Trình” là một loại văn kiện trong hồ sơ tham mưu, sử dụng khi cần trình một vấn đề gì để xin chỉ thị của cấp trên.
Cũng ngày hôm ấy, tôi thấy thêm một thủ đoạn của Trung Tướng Khánh. Đó là hai ngày trước khi Đại Tướng Khiêm lưu vong, văn phòng tôi có nhận được một "Nghị Định" thiết lập "quỹ mật" cho ông Tổng Tư Lệnh với số tiền đầu tiên là 20 triệu đồng (Việt Nam). Phía dưới Nghị Định có ghi chú "chờ lệnh". Giới chức thiết lập quỹ là Trung Tướng Khánh nhân danh Thủ Tướng cấp cho Tổng Tư Lệnh, và bây giờ chức Tổng Tư Lệnh cũng trong tay Trung Tướng Khánh. Vậy là, giới chức cấp quỹ với giới chức sử dụng quỹ, đều là ông. Lúc ấy, hối suất chánh thức là 35 đồng Việt Nam bằng 1 mỹ kim.
Xin giải thích đôi nét về "quỹ mật" này. Nguyên tắc của quỹ mật là chi tiêu không cần chứng minh, nhưng giới chức sử dụng phải chịu trách nhiệm trực tiếp với giới chức cấp quỹ khi giới chức cấp quỹ yêu cầu chứng minh, nhưng thực tế thì trong những năm qua tôi chưa thấy yêu cầu này xảy ra lần nào. Xem chừng lấy tiền trong ngân khố của chánh phủ quá dễ chăng?
Nhưng còn ghê gớm hơn nữa kìa. Theo lời bà Khiêm nói với tôi rằng, khi mà gia đình Đại Tướng Khiêm với gia đình Trung Tướng Khánh không còn coi nhau là bạn bè thân thiết như trước nữa, bà biết bà Khánh đã hai lần đưa cho người em làm Tổng Lãnh Sự Việt Nam Cộng Hòa tại Hong Kong, mỗi lần 500 triệu đồng Việt Nam Cộng Hòa để bán lấy đồng mỹ kim. Ai mua tiền Việt Nam đó nếu không phải là quân cộng sản của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, để mang trở về mua hàng trên thị trường Việt Nam Cộng Hòa tiếp tế cho quân của chúng đánh lại quân ta? Sự thật đến mức nào tôi không rõ, nhưng những thông tin này là từ bà Khiêm đến tôi và tôi ghi lại đây là chính xác.
Xin mở ngoặc để nối tiếp phần trên. Trong tạp chí Thế Kỷ 21, số 147 tháng 07 năm 2001 phát hành tại Nam California, có loạt bài "Công Cuộc Nghiên Cứu Việt Sử Tại Bắc Mỹ" (1975-2000), và bài số 10 với tựa: "Nhóm Viết Hồi Ký" của tác giả Trần Anh Tuấn, nói về "Sĩ quan cấp Tá viết hồi ký". Dưới đây là vài đoạn trích từ trong bài này.
"Cấp Tá viết hồi ký khoảng 18 người, theo thứ tự tên gọi là: Trương Dưỡng, Trần Kim Định, Vương Văn Đông, Phạm Bá Hoa, Đặng Trần Huân, Đỗ Kiểm, Trần Khắc Kính, Hoàng Ngọc Liên, Vũ Văn Lộc, Phan Nhật Nam, Trần Ngọc Nhuận, Phan Lạc Phúc, Phan Lạc Tiếp, Trịnh Tiếu, Võ Đại Tôn, Trần Đình Trụ, Tạ Tỵ, và Ngô Văn Xuân".
"Nói một cách tổng quát, khi chúng ta rời bỏ thế giới hồi ký của cấp Tướng để đọc hồi ký của cấp Tá là chúng ta sang một thế giới khác. Một thế giới của văn nhân. Một đàng là  quyền lực quốc gia, và một đàng là văn chương nhân bản".
" ... Về hình thức, nhiều hồi ký cấp Tá với những áng văn chương trong sáng,  chữ dùng nhiều khi đắc địa, có thể trích làm bài giảng văn mẫu trong các trung tâm Việt ngữ tại hải ngoại. Điển hình của hồi ký loại này là tác phẩm của Phan Lạc Phúc, Phan Lạc Tiếp, Phạm Bá Hoa, Đặng Trần Huân, Vũ Văn Lộc, ......."
Sau khi tác giả điểm qua hồi ký của hai nhà văn Phan Lạc Phúc và Phan Lạc Tiếp, đến quyển Đôi Dòng Ghi Nhớ của tôi (Phạm Bá Hoa), tác giả Trần Anh Tuấn viết:
" ..... Hồi ký của cựu Đại Tá Phạm Bá Hoa có nội dung khác hẳn những hồi ký vừa kể". ".......... Đây là một hồi ký chính trị, ghi lại những biến cố trên chính trường Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1963 cho đến ngày 30/4/1975. Giai đoạn lịch sử này tương ứng với thời gian tác giả  đóng vai trò tuy không có hào quang của một nhân vật trên mặt nổi, nhưng lại là người sắp xếp và do đó thấu hiểu những uẩn khúc của hậu trường, cùng diễn trình của nhiều biến cố có tầm mức lịch sử ngay từ lúc khởi thủy. Việc ghi nhận này rất thẳng thắn và thành thật. Ngòi bút Phạm Bá Hoa can đảm, trung thực, bất vị thân... "
"Đặc biệt, Đôi Dòng Ghi Nhớ" ghi nhận sự kiện kinh khủng trong chiến tranh Việt Nam. Đó là việc, lấy nguồn tin từ bà Trần Thiện Khiêm, tác giả cho biết bà Nguyễn Khánh đã hai lần đưa cho người em làm Tổng Lãnh Sự Việt Nam Cộng Hòa tại Hong Kong, mỗi lần 500 triệu, tổng cộng một tỷ bạc Việt Nam Cộng Hòa để đổi lấy đô la. Sau tiết lộ kinh khủng đó, tác giả Phạm Bá Hoa đặt một câu hỏi chắc như đinh đóng cột, rằng, "Ai mua tiền Việt Nam trên đất Hong Kong nếu không phải là Cộng Sản Việt Nam?". Câu nghi vấn đó của tác giả Phạm Bá Hoa, nay đã được phía bên kia kiểm chứng là xác thực. Nếu muốn, xin độc giả tìm đọc "Đồng Đô La Trong Cuộc Kháng Chiến Chống Mỹ Cứu Nước" dựa theo hồi ký của Thăng Long Huỳnh Bá Việt và những người làm công tác  tài chánh đặc biệt trong chiến tranh với sự cộng tác của các nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Hiền Phương, Thanh Giang, và Hoàng Xuân Huy, để biết Ban Kinh Tài Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam (của cộng sản) đã mua tiền Việt Nam Cộng Hòa từ đâu để đem về chi phí cho chiến trường miền Nam..... "
Sau đoạn nhận xét rất tinh tế của tác giả về cách dùng chữ của người miền Nam trong khi có vài chữ tôi dùng chữ của người miền Bắc để giảm nhẹ ý nghĩa sự tức giận của Trung Tướng Trần Thiện Khiêm đối với Trung Tướng Dương Văn Minh, tác giả Trần Anh Tuấn kết luận:
"Điều tác giả Phạm Bá Hoa có thể yên tâm là, ít nhất có một độc giả tin ông, tin ở tấm lòng trung cang nghĩa khí của ông. Đôi Dòng Ghi Nhớ, vì thế, là một trong rất ít hồi ký chính trị hoàn tất sau biến cố 30/4/1975 có cơ tồn tại với thời gian. Ông là một sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa có tư cách".
Xin đóng ngoặc, và trở lại văn phòng Tổng Tư Lệnh.
Trung Tướng Khánh cho giải tán văn phòng Tổng Tư Lệnh, và tổ chức thành "Nha Đổng Lý Văn Phòng Tổng Tư Lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa". Thiếu Tướng Nguyễn Văn Vỹ, được Trung Tướng Khánh cử giữ chức Đổng Lý Văn Phòng. Lớn ơi là lớn, nhưng kỳ ơi là kỳ! Dưới quyền Thiếu Tướng Vỹ có: (1) Thiếu Tá Thịnh, bí thư. (2) Tôi, Trưởng Phòng Quân Sự Vụ, với toàn bộ nhân viên và trách nhiệm của văn phòng Tổng Tư Lệnh trước đây, ngoại trừ những vấn đề riêng tư của ông Tổng Tư Lệnh. (3) Thiếu Tá Hoàng Ngọc Tiêu -tức nhà thơ Cao Tiêu- Trưởng Phòng Dân Sự Vụ. (4) Thiếu Tá Tâm (tôi không nhớ họ), Trưởng Phòng Báo Chí.
Công tác kế tiếp là Trung Tướng Khánh giao cho Chuẩn Tướng Phạm Đăng Lân, Chỉ  Huy Trưởng binh chủng Công Binh, đúc bê tông tầng trên phòng họp số 1 trong tòa nhà chánh (nơi tạm giữ những vị bị Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng xem là trung thành với Tổng Thống Diệm trong cuộc đảo chánh 01/11/1963) để làm văn phòng mới của Tổng Tư Lệnh. Đồng thời xây cái hầm ngầm ngay phía dưới phòng họp số 1 để làm hầm trú ẩn với tiện nghi cần thiết cho bộ chỉ huy hành quân khoảng 30 người. Từ bàn viết của ông Tổng Tư Lệnh nhìn đến cuối phòng trước mặt, sát góc bên trái có cầu thang xoáy ốc xuống hầm. Nếu không phải nhân viên phục vụ nơi đây, phải để ý lắm mới trông thấy được cái quan trọng của cầu thang xoáy ốc này. Hầm làm xong từ mặt đất lên đến nóc là 2.2 thước, chung quanh và cả nóc hầm được tấn bằng những tấm kim khí thật dày, lớp đất trên nóc hầm dày đến 1.5 thước. Ngay trên hầm là một đoạn của con đường vòng đai bên trong hàng rào kẽm gai ngăn cách giữa Bộ Tổng Tư Lệnh với một góc của phi trường Tân Sơn Nhất. Trong lúc đơn vị Công Binh đang đổ đất lấp nóc hầm thì Trung Tướng Khánh nói với Chuẩn Tướng Phạm Đăng Lân, lúc ấy tôi đứng cạnh chờ trình công văn gấp của Phòng 3:
“Làm xong hầm này tôi chấp tất cả phi cơ của "thằng" Kỳ đó”. Thằng Kỳ mà Trung Tướng Khánh nói  là  Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ , Tư  Lệnh Không Quâ n.
Nói xong ông cười khoái chí, chừng như ông không còn lo ngại Thiếu Tướng Kỳ đảo chánh ông bằng Không Quân vậy. Tôi không hiểu câu nói của ông là thật hay đùa, nhưng cho dù là đùa hay thật thì tự ông nói lên nỗi lo của ông về sự chống đối của những đồng đội quanh ông. Nhưng tại sao Trung Tướng Khánh lại sợ như vậy? Mẫu người nhiều tham vọng với một bụng thủ đoạn như ông, phải tự hiểu tại sao ông bị cô lập giữa đồng đội và lúc nào cũng sợ đồng đội của ông. Qua những hành động của ông từ trong cuộc đảo chánh ngày 30/01/1964 đến bấy giờ, theo tôi, ông là vị Tướng có vẻ như mang tham vọng vượt lên trên tất cả mọi người để trở thành vị lãnh đạo bậc nhất của Việt Nam Cộng Hòa trong nét nhìn thán phục của các quốc gia lân bang trong vùng, và cả Hoa Kỳ nữa. Cái tham vọng của Trung Tướng Khánh dễ dàng nhận thấy qua 4 chức vụ cao nhất nước đang trong tay ông: "Quốc Trưởng + Thủ Tướng + Tổng Trưởng Quốc Phòng +  Tổng Tư Lệnh Quân Lực". Với 4 chức vụ đó, làm sao biện minh là ông không có tham vọng? Làm sao biện minh là ông không độc tài? 
Thêm nữa, Trung Tướng Khánh còn cấp cho Công Binh 10 triệu đồng để xây cái hầm sâu trong lòng núi đá ngay sau lưng Trường Thiếu Sinh Quân/Vũng Tàu nữa. Tôi không rõ những chi tiết về cái hầm này, chỉ được nghe ông nói trong buổi họp tham mưu của Bộ Tổng Tư Lệnh rằng:
"Trường hợp cuộc chiến dẫn đến sự xâm nhập của không quân địch thì hầm này là nơi đặt bản doanh hành quân của Bộ Tổng Tư Lệnh".
Đến khi trường này chuẩn bị di chuyển để bắt đầu phá núi xây hầm, cũng là lúc Trung Tướng Khánh lưu vong nên kế hoạch bị hủy bỏ.
Ngay trước ngày Quốc Khánh đầu tiên 01/11/1964 -kể từ sau cuộc lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm- Trung Tướng Khánh tấn phong chánh phủ dân sự do giáo sư Trần Văn Hương làm Thủ Tướng, và kỹ sư Phan Khắc Sửu làm Quốc Trưởng. Quốc Trưởng là nhà cách mạng quốc gia lão thành, hoạt động không mệt mỏi, từng vào tù ra khám vì hoạt động cách mạng, nổi tiếng là trong sạch, và chống cộng sản một cách triệt để. Thủ Tướng là nhà giáo kỳ cựu, có tiếng là thanh liêm, nhiệt tình, chống cộng sản không khoan nhượng, nhưng có dáng vẻ và phong cách của một công chức cần mẫn hơn là nhà hoạt động chính trị. Cả hai vị đều do Trung Tướng Khánh nhân danh Chủ Tịch Hội Đồng Quân Đội (Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng đã đổi danh xưng là Hội Đồng Quân Đội) đề cử sau khi tham khảo cơ quan do ông thành lập có tên gọi "Hội Đồng Dân Quân".
Dưới nét nhìn nào đó cho thấy Trung Tướng Khánh muốn dư luận thấy ông giảm bớt cái hơi hám "độc tài" mà ông luôn bị cáo giác trong các cuộc mít tinh biểu tình, và nhất là trong những vị hoạt động chính trị, nên ông nhường chức Quốc Trưởng và Thủ Tướng cho hai vị dân sự. Nhưng thật ra, với chức Chủ Tịch Hội Đồng Quân Đội, ông vẫn tự cho mình cái chức năng trên Quốc Trưởng chẳng khác dưới  chế độ cộng sản độc tài bao nhiêu. 
Dù sao thì chánh phủ dân sự cũng tô điểm đôi chút cho hình ảnh chính trị Việt Nam Cộng Hòa chúng ta, bớt tính cách năng nổ đầy u ám của một vị võ tướng cầm quyền có  pha chút "hơi hám quân phiệt" lãnh đạo.
Ngày 01/01/1965, Trung Tướng Khánh xuống Cần Thơ chủ tọa lễ kỷ niệm "Ngày Quân Đoàn IV hai tuổi". Ông nhân danh Chủ Tịch Hội Đồng Quân Đội thăng cấp Trung Tướng cho Thiếu Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Tư Lệnh Quân Đoàn này.
Trong cuộc đảo chánh 01/11/1963, Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu là Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh tham gia tích cực. Đảo chánh thành công, ngày hôm sau ông được thăng cấp Thiếu Tướng, giữ chức Tham Mưu Trưởng Liên Quân. Chẳng bao lâu sau đó, ông bàn giao cho Thiếu Tướng Cao Văn Viên để nhận chức Tư Lệnh Quân Đoàn IV/Vùng IV Chiến Thuật cách nay vài tháng. Nay, ông được thêm một ngôi sao mỗi bên cầu vai.  
Trung Tướng Khánh là người rất xông xáo, nay đơn vị này mai đơn vị khác. Ông thường thăm và khen thưởng tại chỗ về những thành tích cá nhân cũng như tập thể đơn vị. Mỗi lần đi bằng phi cơ, tôi được lệnh mang theo tất cả hồ sơ công văn của các phòng trình lên để ông làm việc ngay trên phi cơ. Chiếc phi cơ C47 mà Không Quân dành cho ông, có trang bị bàn viết, giường nằm, tủ lạnh nhỏ, và vài tiện nghi lặt vặt khác. Thường khi như vậy, ngoài Trung Tướng Khánh ra, còn có sĩ quan tùy viên, cận vệ, vài nhân viên an ninh, vài nhân viên truyền tin, và tôi. Đến thành phố nào đó là tôi tìm phi cơ khác của Không Quân Việt Nam, Không Quân Hoa Kỳ, hoặc Hàng Không dân sự, để mang công văn trở về Bộ Tổng Tư Lệnh  hoàn lại các Phòng Sở. Việc bảo vệ số công văn này luôn được quan tâm đúng mức. Đây là nét đặc biệt của Trung Tướng Nguyễn Khánh mà vị Tổng Tư Lệnh trước ông là Đại Tướng Trần Thiện Khiêm, và những vị sau ông là Trung Tướng Trần Văn Minh, Trung Tướng Nguyễn Hữu Có, và Đại Tướng Cao Văn Viên, không có. Tôi không dám đoan chắc đó là điều tốt, nhưng rõ ràng là ông không để thời gian trống trong nhiệm vụ của ông. 
Tôi không biết có phải là do vụ "Biểu Dương Lực Lượng" ngày 13/09/1964 hoặc vụ đó chỉ là "giọt nước làm tràn ly nước" hay không, nhưng từ sau vụ ấy thì Trung Tướng Khánh với Đại sứ Hoa Kỳ -cựu Tướng Maxwell Taylor- đã bất hòa nhau, và Trung Tướng Khánh đặt bản doanh Bộ Tổng Tư Lệnh ở tòa nhà trắng Vũng Tàu. Tòa nhà này, người dân địa phương thường gọi là "bạch dinh". Hằng ngày, tôi dùng phi cơ nhỏ mang công văn của Bộ Tổng Tư Lệnh từ Sài Gòn ra Vũng Tàu trình ông, xong là quay về Sài Gòn. Ngày hai buổi sáng chiều, tôi đi đều đều như vậy. Đôi khi có công văn gấp, tôi phải đi ngay dù là ngày chủ nhật hay nghỉ lễ. Thường thì tôi sử dụng chiếc phi cơ L20 do anh bạn cùng khóa với tôi lái. Anh Nguyễn Xuân Lễ, sau khi ra trường thời gian ngắn thì anh chuyển sang Không Quân. Hiện (2006) anh định cư tại Houston. 
Trong một chuyến bay trên chiếc vận tải C7 (Caribou) từ Vũng Tàu về Sài Gòn, bị quân cộng sản bắn lên và Đại Úy Long ngồi cạnh tôi bị trúng đạn xuyên từ dưới mông lên vai, và chết liền. Không biết chúng bắn bao nhiêu viên đạn nhưng chỉ có 1 viên trúng phi cơ và đã gây tử thương một sĩ quan mới tái ngũ vài tháng trước đó, và đang phục vụ tại Bộ Tổng Tư Lệnh. Hôm ấy, chiếc L20 tu bổ, tôi ôm công văn quá giang chiếc L19 ra Vũng Tàu, và lại quá giang chiếc C7 nói trên trở về Sài Gòn.
Quí vị nghĩ xem, ông Tổng Tư Lệnh giận ông Đại Sứ của nước "chi tiền", dời văn phòng xa hơn trăm cây số, để lại đằng sau cả một bộ tham mưu đầu não của quân đội hơn 600 ngàn người đang từng giờ chiến đấu chống cộng sản. Cho nên có những việc mà vị Trưởng Phòng cần trình bày trực tiếp với vị Tổng Tư Lệnh cũng chỉ dùng điện thoại mà điện thoại thì không hoàn toàn bảo mật được! Phải chăng Trung Tướng Khánh là vị lãnh đạo quốc gia xem chính trường như sân khấu? Đồng ý chính trường cũng là một loại sân khấu, nhưng nền tảng của sân khấu là nghệ thuật dựng lại những góc cạnh của cuộc sống, trong khi chính trường là nơi thể hiện tài năng, kinh nghiệm, bản lãnh, của người lãnh đạo xây dựng cuộc sống đó. Sở dĩ tôi nói đến "sân khấu" là vì trong năm 1964, nhiều báo chí tại Sài Gòn nói Trung Tướng Khánh có giòng máu nghệ sĩ.
Xin mở ngoặc. Trong cuộc đàm thoại tối ngày 21/10/2003, cựu Đại Tướng Trần Thiện Khiêm từ Virginia nói với tôi liên quan đến đoạn trên đây, như sau:
“Chú có biết tại sao ông Khánh với ông Taylor giận nhau hông?
“Dạ không”.   
“Tại vì ông Khánh chửi ông Taylor (Đại Sứ Hoa Kỳ) về vụ ông Đức (Trung Tướng Dương Văn Đức) biểu dương lực lượng đó. Ông Khánh nói với tôi như vậy sau khi ổng bị đuổi khỏi Việt Nam qua Hoa Kỳ ở với tôi mấy ngày”.
Xin đóng ngoặc.
Ngày 16/02/1965, Trung Tướng Khánh ra phi trường chậm hơn nửa tiếng đồng hồ, điều mà ít khi xảy ra. Sau khi phi cơ lên đến độ cao để trực chỉ Qui Nhơn, ông ngưng tay duyệt công văn và quay sang tôi:
“Tôi vừa thành lập xong chánh phủ”.
“Thủ Tướng Trần Văn Hương còn không, thưa Trung Tướng?
“Bác sĩ Phan Huy Quát thay ông Hương rồi. Với tôi thì mọi việc chẳng có gì khó khăn cả”.
Nụ cười của ông lúc bấy giờ nếu cựu Thủ Tướng Hương trông thấy chắc là dễ tức lắm cho dù giáo sư Hương có tiếng là người trầm tỉnh. Tôi không rõ nguyên nhân thay đổi Thủ Tướng, chỉ nghe Trung Tướng Khánh nói rằng:
“Trong giai đoạn này mà làm mất lòng tôn giáo thì không thể chấp nhận được”.
Ông là Trung Tướng, với chức Chủ Tịch Hội Đồng Quân Đội, "đã" ngang nhiên chỉ định Thủ Tướng trong khi Quốc Trưởng vẫn tại chức, lại còn tự cho mình là người giải quyết công việc quốc gia nhanh chóng nữa!
Đến Qui Nhơn, không có phi cơ về Sài Gòn nên tôi phải ở lại. Tình hình quân sự tại tỉnh Bình Định ngày càng xấu đi, đến nỗi đêm hôm đó mọi người phải ngủ tại hầm chiến đấu. Tôi sang Bộ Chỉ Huy 2 Tiếp Vận ngủ nhờ hầm chiến đấu của Bộ Chỉ Huy này. Lúc ấy, Tỉnh Trưởng Bình Định là Trung Tá Lê Trung Tường. Thiếu Tá Trương Bảy là Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy 2 Tiếp Vận. (Về sau, Trung Tá Tường là Chuẩn Tướng quân đội, Thiếu Tá Bảy là Chuẩn Tướng Cảnh Sát).
Sáng hôm sau, cả đoàn dùng trực thăng bay vào Nha Trang. Sau khi thăm Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt mà Chuẩn Tướng Đoàn Văn Quảng là Tư Lệnh, Trung Tướng Khánh bay ngược ra Vũng Rô, nơi mà hôm trước Hải Quân và Không Quân Việt Nam Cộng Hòa đã bắn chìm chiếc tàu của quân cộng sản chở vũ khí từ ngoài bắc xâm nhập vào. Nói cho đúng, chiếc tàu này bị Hạm Đội 7 Hoa Kỳ phát hiện và liên tục theo dõi, đến khi vào duyên hải Việt Nam Cộng Hòa thì họ báo cho Bộ Tổng Tư Lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa biết. Kết quả là tàu địch bị đánh chìm. Khi trực thăng lượn nhiều vòng trên không phận Vũng Rô, tôi nhìn thấy dòng chảy của nhiên liệu từ chiếc tàu chìm phía dưới loang dài trên mặt biển. Lực lượng Người Nhái của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đang trục vớt vũ khí lên tàu, trong khi lực lượng của Quân Đoàn II đang hành quân lục soát trong khu vực núi Đá Bia, lân cận Vũng Rô. Thiếu Tướng Nguyễn Hữu Có, Tư Lệnh Quân Đoàn II tin rằng, trong khu vực này có thể có kho tồn trữ của quân cộng sản. Chỉ trong ngày 17/2/1965, cả hai lực lượng thu được hơn 1000 khẩu súng đủ loại, tất cả hoàn toàn mới nguyên được bao bọc trong giấy dầu cẩn thận.  
Theo nhận định của Phòng Nhì/Bộ Tổng Tư Lệnh, hơn một năm qua, với những bất ổn chính trị trong nội tình Việt Nam Cộng Hòa chúng ta, quân cộng sản miền bắc đã lợi dụng "khoảng trống an toàn" đó để gia tăng vận chuyển đơn vị chính qui và vũ khí đạn dược vào lãnh thổ chúng ta bằng đường bộ dọc dãy Trường Sơn và đường thủy dọc duyên hải từ bắc vào. Những lần trước, số vũ khí đạn dược tịch thu được ở cửa sông Bồ Đề tỉnh An Xuyên (Cà Mau), bờ biển Ba Động tỉnh Vỉnh Bình (Trà Vinh). Vụ Vũng Rô này là lần thứ 3 tịch thu được số lượng vũ khí quan trọng.
Khi chánh thức cầm quyền sau cuộc đảo chánh thành công, với một Thông Điệp quan trọng, Trung Tướng Khánh chánh thức lên tiếng kêu gọi các quốc gia đồng minh giúp Việt Nam Cộng Hòa chống lại cuộc xâm lăng của cộng sản, điều mà Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã không làm theo ý muốn của Hoa Kỳ. Nhưng liệu có phải Thông Điệp mà Trung Tướng Khánh tuyên đọc là do Hoa Kỳ trao cho ông hay chánh phủ của ông chủ động viết bản văn đó? Nhìn theo góc độ quân sự, cho dù Hoa Kỳ có cần thực hiện "chiến lược Domino" bằng cách thiết lập các căn cứ quân sự trên đất nước chúng ta hay không thì sự hiện diện của quân bộ chiến Hoa Kỳ, trong một mức độ nào đó thật sự là cần thiết. 
Trong khi áp lực quân sự từ phía quân cộng sản ngày càng xấu đi thì tình tình chính trị tại thủ đô Sài Gòn vẫn trong tình trạng rối ren. Tuy là Quốc Trưởng với Thủ Tướng đều là dân sự, nhưng thực chất thì quyền hành vẫn trong tay Trung Tướng Khánh. Các nhà chính trị vẫn thường tổ chức những cuộc hội họp mít tinh nhằm tạo áp lực đòi Trung Tướng Khánh rút lui thật sự, vì vậy mà Trung Tướng Khánh luôn luôn lo sợ một ngày "xấu trời" nào đó ông sẽ bị đảo chánh bởi lực lượng quân sự. Đại Tướng Trần Thiện Khiêm đã lưu vong từ tháng 10/1964, và Trung Tướng Dương Văn Minh cũng lên đường lưu vong 2 tháng sau đó, nhưng điều đó không có nghĩa là "họa đảo chánh" không còn.

1      2      3      4      5      6      7      8      9      10

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét