Thậm chí, ngay cả con trùn cũng ăn nữa! “Con trùn hổ”
lớn bằng ngón tay út, dưới nắng trưa làm ánh lên những màu sắc trên lớp da nhơn
nhớt của nó, rạch một đường theo chiều dài con trùn, cạo bỏ tất cả bên trong chỉ
còn lại lớp da bầy nhầy đem rửa sạch phơi khô, cho vào bếp nướng. Các bạn ấy gọi
là “long đất nướng” và xem chừng ăn ngon lắm! Trong “bản ghi nhớ” của tôi có
ghi tên các bạn ấy, nhưng tôi nghĩ không nên ghi vào đây vì hoàn cảnh thiếu
ăn!
Theo qui định mà tên Công An “quản giáo” Đội nhà bếp cho biết,
“tiêu chuẩn mỗi người tù là 15 kí lô gạo một tháng”, nhưng khi họ cho tù ăn những
thứ không phải gạo thì họ vẫn tính theo trọng lượng của gạo mà thật ra cũng
chính họ cho biết, cứ 2.5 kí lô khoai mì hay khoai tây mới bằng 1 kí lô gạo.
Chúng tôi đâu có kêu với ai được, bởi vì họ chia chác với nhau và cùng che chắn
cho nhau mà!
Họ cấm tuyệt đối về nấu nướng. Nếu bị bắt, có thể bị họ đưa vào
khu biệt giam trong trại Nam Hà B mà chung quanh toàn núi rừng bao bọc. Nếu bị
biệt giam thì khẩu phần hằng ngày giảm xuống còn một nửa, khi hết hạn biệt giam
sẽ bị cấm thăm nuôi và có thể họ cấm luôn nhận quà thông thường là từ 3 đến 6
tháng. Cứ mỗi 3 tháng vợ tôi gởi cho 1 gói quà mà những món chánh là bơ thực vật,
đường cát, sữa bột, và lạp xưởng.
Tôi kể quí vị quí bạn nghe về cách tôi nướng lạp xưởng và sử dụng
lon sữa bột. Mỗi lần nướng một cái lạp xưởng, tôi dùng chiếc đủa lùa vào trong
để dễ cầm và dùng 3 tờ giấy báo kích thước của tạp chí, cuộn lại theo chiều
dài, mượn cái quẹt máy (bật lửa) cho vào túi. Ra cửa buồng giam, nhìn qua nhìn
lại không thấy tên Công An nào là tôi ba chân bốn cẳng chạy ra đằng sau buồng
giam và chui vào cầu tiêu. Bật lửa, châm vào giấy. Tay cầm tờ giấy đang cháy để
phía dưới chiếc đủa lạp xưởng. “Năng lượng” của 3 tờ giấy đủ chín cái lạp xưởng,
thế là tôi có bữa ăn ngon miệng và cơ thế tiếp nhận được một lượng ca-lô-ri nhỏ
nhoi mà cơ thể rất cần.
Có lần vợ tôi gởi cho một xâu lạp xưởng 12 cặp, phải cho vào hai
cái lon guigoze để dành ăn, nhưng nó dài quá phải cắt một đoạn mới đậy nắp được.
Tôi với anh Cao Văn Phước (Đại Tá Cục Quân Vận) muốn ăn nhưng không biết là nó
chín hay sống, vì thư vợ tôi còn bị Công An trực trại giữ để kiểm soát. Lúc ấy
chúng tôi bị nhốt vào buồng giam rồi đâu làm sao nướng được. Hai đứa tôi cứ ngắm
nghía suy già đoán non, lúc thì đã hấp rồi lúc thì chưa. Cuối cùng chúng tôi
xem như nó đã chín rồi và cứ thế mà ăn hết 24 đoạn cắt ngắn đó. Ngày hôm sau
nhóm trực trại trả thư. Xem thư mới biết là lạp xưởng sống, thế nhưng cái bụng
cũng hiền lành không gây khó khăn hay hoạnh hẹ gì tôi, mặc dù nó “bị bắt buộc”
phải tiếp nhận và thanh toán hơn mười khúc lạp xưởng sống! Kể cũng lạ.
Đến hộp sữa bột. Đó là sữa bột sản xuất từ Liên Xô, chung
quanh bằng giấy cứng, màu vàng, cái nắp của nó là miếng kim khí mỏng cũng màu
vàng, chỉ bằng một phần ba đường kính cái hộp, vì mặt trên có miếng kim khí mỏng
khác phủ kín hai phần ba miệng hộp. Tôi nhìn cái hộp và nghĩ rằng có thể sử
dụng được nó dù chưa biết sử dụng vào việc gì. Thế là tôi “nghiên cứu” cái hộp
mà “cái lợi” trên miệng sẽ che kín cái gì đó có thể giấu bên trong. Mãi một lúc
là tôi biết cách sử dụng nó. Đó là viết thư, quấn một vòng tròn cho nhỏ lại rồi
lùa vào trong hộp, ém dần cho những trang thư sát vào vách hộp. Nghĩ được là thực
hiện được. Sau khi nhận thấy những trang thư nằm “kín đáo” bên trong, tôi cho sữa
bột vào hộp, đậy nắp cẩn thận, trông không khác những cái hộp sữa mang từ nhà
thăm nuôi vào trại. Tôi phải trả 2 đồng Việt Nam cộng sản cho chú tù hình sự phụ
trách dọn dẹp nhà thăm nuôi, đem ra gởi cho mấy chị bạn của vợ tôi đến thăm chồng
nhờ mang về Sài Gòn trao lại vợ tôi. Có khi gởi cho anh bạn ra nhà
thăm nuôi gặp vợ và gởi chị ấy mang về giùm. Có lần bị hạch hỏi trước khi họ hướng
dẫn ra nhà thăm nuôi, anh bạn trả lời là đem sữa ra đó uống. Thế là thoát.
“Họ tuyệt đối cấm nấu” nhưng chúng tôi “không tuyệt đối tuân
hành”, nghĩa là chúng tôi vẫn nấu, và đây là cách nấu. Nói cho đúng là nấu nước
pha trà, pha cà phê, chớ chưa cả gan đến mức nấu cơm nấu cháo trong buồng giam.
Sữa bột guigoze sản xuất từ Hòa Lan đựng trong cái lon bằng nhôm, mỏng nhưng rất
cứng, đem cắt làm hai: Phần dưới làm nồi nấu, phần trên làm lò nấu. Phần trên
phải đục một hàng lỗ để có không khí vào và năng lượng là cây đèn cầy
(đèn sáp). Thường là xin người nhà cho đèn cầy loại lớn, cắt ra từng đoạn vừa với
độ cao của “cái lò” mini, loại này cung cấp năng lượng nhiều hơn.
Trường hợp không còn đèn cầy thì dùng củi thay thế. Củi là những
cây dại chết khô cở như chiếc đủa ăn. Trước khi từ chỗ lao động trở về, lượm những
cây dại chết khô đó, bẻ từng đoạn dài chừng gang tay, dùng giây cột quanh hai bắp
chân, ghim những que củi vào đó và mang về trại. Nếu bị Công An trực trại xét
thấy, họ giật ném bên ngoài kèm theo những lời chửi mắng. “Lời chửi của chúng
nó như nước đổ lá môn” thôi mà.
Cái bình trà rất nhỏ và uống trà thật đặc, chỉ cần một vài hớp
cũng đủ thấm giọng cả đêm, nhất là đêm đông. Nếu không quen uống trà đậm kiểu
này mà uống vào buổi tối, có khi cả đêm không ngủ được. Nhưng nếu không uống
trà đặc như thế này thì đâu có đủ nước pha trà loảng cho nhiều người uống.
Không biết có phải đây là “cái khó ló cái khôn” hay không, nhưng có điều là
thích hợp với hoàn cảnh.
Đến cái cảnh đổi áo quần lấy thức ăn mà tôi là trường hợp điển
hình. Công An “cai tù” thừa biết tù chính trị chúng tôi có nhiều áo quần dân sự
bằng hàng vải ngoại quốc rất tốt, trong khi chúng tôi rất cần chất bột, chất
béo, chất ngọt. Thế là đám “cai tù đực lẫn cái” bắt đầu cho “nhập cổng bất hợp
pháp” các món hàng sữa đặc có đường, sữa bột, đường cát, để gạ chúng tôi đổi lấy
áo quần, rồi “xuất cổng” cũng bất hợp pháp mang lên Hà Nội bán. Cái nghề “khốn
nạn” này đã giúp họ phát lên khá nhanh, bởi vì như cái quần tây của tôi bằng
vài nhập cảng từ Australia chỉ đổi được có 1 hộp sữa đặc và 1 kí lô sữa bột. Lần
khác một cái quần tây chỉ đổi được 1 hộp sữa đặc và thêm 1 đồng bạc. Chính cái
tình trạng thiếu ăn này, không chừng tù chính trị chúng tôi dần dần đến chỗ
không còn cái áo cái quần dân sự nào cả!
Một hôm, khi đổi được hộp sữa đặc trong tay và khi âm thanh ống
khóa cửa buồng giam crắc một tiếng, tôi khui hộp sữa đặc, mời anh Bùi Quang Hiền
với anh Cao Văn Phước nằm cạnh tôi, cả 3 chúng tôi luân phiên “tu” một lúc là hết
sạch. Thoạt nghe có vẻ ly kỳ rồi, nhưng chưa thấm thía gì so với anh bạn trẻ
Nguyễn Kim Tiếng (Thiếu Úy Cảnh Sát đặc biệt). Sau giờ lam lũ dưới
cánh đồng ngập nước, về đến cổng chờ kiểm soát mới được vào trại. Cả Đội ngồi
chồm hổm, đám Công An trực trại lục soát từng người từ trước ra sau. Anh Tiếng
có mua hộp sữa đặc đang giấu trong người, khi thấy khó thoát khỏi vì
chúng nó xét kỷ quá, anh ta bèn moi cục đá ngay chỗ ngồi rồi ngoáy mãi cũng được
hai lỗ trên miệng hộp, thế là anh “tu” hết sữa và liệng cái hộp vào
sát vách trại, lúc ấy tên Công An xét đến anh:
“Cái hộp này của ai?” Hắn quát với vẻ tức tối.
Ai dại gì mà lên tiếng. Hắn lại quát gay gắt hơn:
“Tôi hỏi cái hộp này của ai ném ra đây?”
Còn 3 Đội “xếp hàng như bầy vịt” đều nhìn vào cổng trại, cứ như
không nghe không thấy không biết việc gì kể cả lời quát của hắn. Hắn càu nhàu một
lúc mới cho vào.
Những Đội làm ruộng dưới đầm lầy mà họ gọi là “vụ chiêm”, thường
có những toán trẻ con lẫn người lớn, lén lút giấu gói đường với vài hộp sữa
trong người rồi giả dạng như đi bắt cá để đến gần chúng tôi bán vài món lặt vặt
ấy. Do vậy mà anh Tiếng mới có hộp sữa trong người, và thật tài tình khi “tu”
trọn hộp sữa trong nháy mắt.
Cầu cơ.
Nhóm anh em chúng tôi gồm các anh Cao Văn Phước, Ngô Văn Huế, Vũ
Tiến Phúc, Cao Nguyên Khoa, Phạm Duy Khang, anh Đàm Quang Yêu, và tôi, bắt đầu
chơi “cơ” sau khi vào buồng giam, thường gọi là “cầu cơ”. Thỉnh thoảng có thêm
anh Nguyễn Kỳ Nguyện và anh Đặng Văn Hậu. “Cầu cơ” cần có cái bàn và con cơ.
“Cơ” phải là mảnh ván hòm (quan tài) lấy từ cái huyệt mà thân nhân họ đã hốt cốt
mới “linh thiêng”. Một hôm anh Khang trong nhóm đào ao nuôi cá dưới đồng, lượm
được một mảnh ván mà anh nghĩ là “ván hòm”, đem về cắt gọt theo hình dáng cái
cơ. “Bàn cơ” là mảnh giấy có viết đủ các mẫu tự Việt Nam, một hàng số từ 0 đến
9. Ngoài ra còn viết nguyên chữ đúng/sai, có/không, tốt/xấu để đỡ phải ráp các
mẫu tự. Chúng tôi dùng hai cái mền treo lên để tạo thành cái phòng kín, tránh sự
rình rập của đám Công An tuần tiểu từ cửa sổ nhìn vào. Chúng nó bắt gặp cũng
phiền phức lắm.
Hôm đầu tiên, anh Khang “ngồi cơ”, anh Yêu khấn vái gọi hồn. Đại
khái thì anh giới thiệu với hồn ma hồn quỷ rằng:
“Chúng tôi là tù chính trị miền Nam, bị giam tại trại tập trung
Nam Hà này, xin thỉnh hồn các vị khuất mặt khuất mày nào đi ngang đây, vui lòng
nhập cơ để chúng tôi nhờ giúp đỡ độ trì”.
Anh Phước khều tôi: “Ê! Cơ chạy rồi kìa”.
Nhưng cơ lại ngừng. Một lúc sau thì cơ chạy lại, tức là có hồn
nào đó nhập vô rồi. Anh Yêu lại lâm râm khấn vái:
“Vị khuất mặt khuất mày nào đã nhập vô cơ xin nhập
luôn chớ đừng ngập ngừng, để anh em chúng tôi hỏi đôi điều”.
Tôi phụ trách ráp các mẫu tự mà cơ chỉ vào, và có câu sau đây:
“Tôi tên Thọ, Tiểu Thần phụ trách khu này. Trước kia tôi là công
nhân nhà máy dệt Nam Định, chết vì không có thuốc trị dạ dày (bao tử). Hiện tôi
còn một vợ và bốn con ở tại Nam Định” (có cho số nhà và tên đường).
“Chúng tôi có thể nhờ ông Thọ cho biết tin tức gia đình ở Sài
Gòn được không?”
“Được. Nhưng chờ tôi xin phép Thổ Thần trước”.
Cơ ngưng chạy. Trong tích tắc thì chạy lại, nhưng là hồn khác:
“Tôi tên Ban, tù hình sự, đã chết vì đói tại Trại Mễ ở Phủ Lý.
Hiện tôi là “ma đói”. Các ông có gì cho tôi ăn không”.
Tôi lấy cái bánh ngọt và tách nước trà để lên bàn cơ, anh Đàm
Quang Yêu mời:
“Chúng tôi mời ma đói ăn bánh uống nước”.
Cơ chạy tới đụng nhẹ vào cái bánh rồi đến chạm vào tách nước, cơ
lui lại vị trí chờ. Trong lúc anh Yêu hỏi thêm thì cơ chạy vội vào các mẫu tự,
tôi ráp lại:
“Xin phép các ông tôi đi, vì ông Tiểu Thần vừa đến ngoài cửa.
Ông ấy bắt gặp là tôi bị phạt”.
Trong chớp mắt cơ chạy lại, đó là ông Tiểu Thần:
“Tôi được phép rồi, các ông cần gì thì nói”.
Tôi hỏi trước: “Tôi tên là Hoa …”
Cơ cắt ngang bằng cách chạy vào các mẫu tự:
“Tôi biết tên ông rồi vì tôi nghe các ông bên cạnh gọi tên ông.
Ông nói tiếp”.
“… Tôi có bốn đứa con đi ngoại quốc bằng tàu đã hai tháng nay mà
tôi chưa có tin tức. Ông Thọ có thể vào Sài Gòn, đến nhà X12 cư xá Bắc Hải, Phường
25 Quận 10, xem giùm tình trạng ở nhà tôi và cho tôi biết tin tức được không?”
“Được. Ông Hoa chờ một chút”.
Khoảng 30 giây sau, cơ chạy lại:
“Không phải như ông nói đâu. Hiện ở nhà ông có bốn đứa con, còn
một đứa nữa thì ông Thổ Thần tại đó nói nó đi rồi nhưng chưa đến nơi”.
“Cám ơn Ông Thọ”.
Anh Yêu hỏi: “Làm sao mà ông đi mau vậy?”
“Tôi chỉ là luồng khói nhỏ, thoắt đây thoắt kia, nhưng phải có
phép của Thổ Thần mới đi được như vậy. Bây giờ tôi bận, tôi phải đi ngay. Chào
các ông”.
Thật lòng mà nói, tôi không tin vào cơ, nhưng những lời của hồn
từ bên kia thế giới xưng là Tiểu Thần đã nói trên bàn cơ vừa rồi làm tôi suy
nghĩ mãi: “Tin hay không tin?” Thôi thì chờ tin từ vợ tôi mới đánh giá lời cơ
đêm nay.
Tuần lễ sau, chiều thứ bảy, anh Lễ từ nhà thăm nuôi trở vào, đưa
cho tôi gói quà của vợ tôi gởi. Vội vàng mở ra, việc đầu tiên là xem thư mà tôi
tin là thể nào cũng có trong hộp sữa bột mà chúng tôi dùng để thư bên trong. Và
y như rằng, có bốn trang thư bằng giấy “pelure” mỏng. Xem xong, tôi ngẩn ngơ!
Vì trong thư có hai chuyện rất buồn: Chuyện thứ nhất. Khi vợ tôi xin giấy phép ở
Phường để ra Bắc thăm tôi hồi tháng 05/1979 thì họ không cấp, vợ tôi nhờ người
bạn mua cái giấy phép ở Phường khác. Khi vợ và con tôi từ Nam Định trở về Sài
Gòn thì nhà chúng tôi bị niêm phong, với dòng chữ “nhà vắng chủ”. Vợ tôi gục đầu
vào cửa nhà vì quá uất ức! Đêm đó, vợ con tôi ngủ bên ngoài cửa nhà. Hôm sau, vợ
tôi đến nhờ chị bạn (Chị D.V.D.) có người thân làm trong tòa án cộng sản can
thiệp. Cuối cùng, đám Công An Quận 10 phải gở niêm phong. Dĩ nhiên sự “giúp đỡ”
đó theo phương thức “có qua có lại mới toại lòng nhau”. Đến chuyện thứ hai. Bốn
con chúng tôi tưởng đã đi được rồi, nhưng chỉ mấy ngày sau khi tàu rời Vĩnh
Long (14/05/1979) là quay về bến. Lý do mà Sở Công An thông báo vì thời tiết xấu
nên tàu quay về, nhưng họ không nói bao giờ thì đi, cũng không nói gì đến số
vàng mà họ đã nhận của những người có giấy tờ “người Việt gốc Hoa ghi danh hồi
hương”. Từ đó đến nay đã hơn hai tháng, họ vẫn hoàn toàn im lặng, có ai đến hỏi
thì họ trả lời vắn tắt: “Chưa có lệnh cấp trên”. Mọi người biết mình bị
Công An cộng sản trấn lột nhưng đâu thể làm gì họ được.
Sau khi quay về, đứa con trai lớn chúng tôi vẫn phải “tị nạn” ở
quê Ngoại vì trước đó đã trốn trại lao động.
Vậy thì lời cơ hoàn toàn đúng nhưng tự thâm tâm tôi vẫn chưa thể
tin được, vì từ trước đến giờ tôi không tin vào tướng số tử vi, huống hồ gì lời
của “hồn ma bóng quế” từ thế giới vô hình nói về những sự kiện trong thế giới hữu
hình.
Về Công An tổ chức vượt biển, xin mở ngoặc. Năm 2004, trên trang
báo Dân Vận của đảng bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng tại Germany, có bài viết về tội ác
của cộng sản Việt Nam, trong đó có đoạn nói đến vấn đề vượt biển do Công An tổ
chức. Xin trích một đoạn:
“Theo tin tức tiết lộ từ Bộ Công An, chánh phủ cho phép các Sở
Công An tổ chức những chuyến vượt biển cho thành phần người Việt gốc Hoa từ
tháng 11 năm 1978 với mục đích, vừa đẩy thành phần đó ra khỏi Việt Nam, vừa thu
được 7 lượng vàng của mỗi người để bổ sung ngân sách nhà nước. Hành động như vậy,
Việt Nam không mang tiếng trục xuất một thành phần tai mắt của Trung Hoa cộng sản,
vì lúc ấy bang giao giữa hai nước cộng sản này đang căng thẳng. Về số vàng thu
được từ năm 1978 đến 1982 lên đến 700.000 lượng, nhưng có thật sự vào ngân sách
nhà nước hay vào túi riêng của những người quyền thế, chỉ có họ với Trời mới biết
thôi. Vàng thì họ thu khi ghi danh, còn bao nhiêu người thoát khỏi Việt Nam thì
không ai biết. Nguồn tin cũng cho biết, trung ương của họ ra lệnh thu mỗi người
3 lượng vàng chớ không phải 7”. Đóng ngoặc.
Tôi gởi hộp sữa bột về lại Sài Gòn với những trang thư bên
trong: “(1) An ủi vợ con tôi nên xem đó là bài học kinh nghiệm mà bài
học nào cũng có cái giá phải trả. Có điều là giá đó thuộc loại trấn lột. (2) Giữ
vững ý định tiếp tục đưa các con ra khỏi Việt Nam khi thấy có thể, vì không thể
để các con sống với cộng sản. (3) Nên chia ra từng một hoặc hai đứa
mà đi, để tránh trường hợp tất cả bị tai nạn cùng lúc. Và (4) Có
thể nhờ các em trợ giúp tài chánh cho con đi”.
Rồi những đêm sau đó, nhóm chúng tôi tiếp tục chơi cơ. Anh nào
cũng nhờ ông Tiểu Thần vào Sài Gòn xem giùm tin tức gia đình. Một đêm, anh Yêu
khấn thật lâu cơ mới chạy. Sau một lúc hỏi đáp, mới biết là ông Tiểu Thần bận
nên “ma đói” vào cơ:
“Hôm nay tôi ở đây được lâu, các ông có hỏi gì tôi không?”
Theo lời anh Yêu, không phải ai ngồi cơ cũng có hồn nhập vào đâu
mà phải như thế nào đó thường gọi là “cơ duyên”. Không biết đúng hay
không nhưng rõ ràng là anh Vũ Tiến Phúc (Đại Tá Pháo Binh) ngồi cơ thì nhiều hồn
nhập vào cơ. Tôi có thử một lần nhưng phải nửa tiếng đồng hồ mới có hồn nhập
vào cơ, lại là hồn ma thôi. Khi hồn nhập vào cơ thì tôi không thể giữ lại. Tôi
muốn thử cho biết bằng cách tôi cố ấn mạnh ngón tay giữa để giữ cơ lại,
nhưng cứ như có người đẩy cơ đi. Hai lần tôi cố tình kềm cơ lại nhưng không thể
được. Vì vậy mà tôi tin là có hồn nhập vào cơ, nhưng vẫn chưa tin hẳn vào lời
cơ.
Anh Khang nói:
“Nào, bạn lên nhà ông Xuyên (trại trưởng) xem tụi nó làm gì trên
đó mà đèn sáng choang vậy”.
“Không được ông Khang ơi. Tụi nó gác dữ lắm, nó không cho tôi
vào”.
“Lính cộng sản gác, ăn thua gì bạn mà bạn sợ”.
“Tôi nói lính của ông Tiểu Thần gác, chớ tôi đâu có
nói lính của ông Xuyên”.
“Vậy thì anh xuống nhà bếp xem mai chúng nó cho chúng tôi ăn gì?”
“Ngày mai các ông ăn bột mì luộc, vì trong kho chỉ có bột mì
thôi”.
“Hừm. Sao không coi luôn thức ăn?”
“Tôi thấy chỉ có bột mì với muối, ngoài ra không có gì khác nữa”.
Trong khi chưa có câu hỏi gì thêm thì cơ chạy vòng vòng, đột
nhiên cơ hỏi:
“Mấy ông có quen với phụ nữ ở đây sao?”
“Phụ nữ ở đâu mà quen? Chúng tôi là tù chính trị trong Nam ra
đây, đâu có quen với ai”.
“Tôi thấy có hai cô đang ngồi phía trước kìa”.
“Bạn ra hỏi giùm hai cô ấy là ai vậy? Và muốn gặp ai?”
“Không xong rồi. Ông Tiểu Thần đang đến, hai cô đó đứng dậy đi rồi.
Thôi, tôi đi nghe”.
Ngay sau đó ông Tiểu Thần nhập cơ, và anh Khang hỏi:
“Ông Thọ có biết có người Mỹ nào chết trong trại này không?”
“Có. Tôi biết có hai người”.
“Ông Thọ có thể cho biết vài chi tiết về hai người Mỹ đó không?”
“Không. Tôi chỉ biết hai người đó là sĩ quan”.
“Ông Thọ có thể mời họ đến đây được không?”
“Được. Ông chờ tôi”.
Sau đó cơ chạy lại, nhưng lúc ấy tôi phải chui vào mùng vì tôi bắt
đầu bị cúm, rất khó chịu. Sáng sớm hôm sau, anh Khang thuật tóm tắt như sau:
“Hai sĩ quan Mỹ, một là Thiếu Tá và một là Đại Úy. Cả hai chết tại
buồng giam số 1 này. Mồ của hai anh ấy ở sườn núi phía Tây cách trại khoảng
500m đường chim bay. Anh Thiếu Tá ở tiểu bang California, có cho địa chỉ đầy đủ
kể cả zipcode. Anh Đại Úy đang buồn vì vợ anh đã có chồng khác, hai con gái của
anh được tòa giao cho mẹ anh nuôi, vì vậy mà anh không muốn cho ai biết địa chỉ.
Cả hai sĩ quan này đều biết hút thuốc lào, và chết vì kiệt sức do không đủ dinh
dưỡng. Sở dĩ hai anh biết tiếng Việt, vì khi vào thế giới vô hình tại Việt Nam
bắt buộc phải học, và hai anh trả lời những câu hỏi cả Việt ngữ lẫn Anh ngữ”
Dần dần chỉ còn lại các anh Vũ Tiến Phúc, Cao Nguyên Khoa, với
anh Phạm Duy Khang tiếp tục chơi cơ một thời gian khá lâu sau đó. Có anh hỏi những
vấn đề chiến lược chiến thuật, về tương lai của Việt Nam, và “những
vị” trả lời có “vị” xưng là Bà Chúa Liễu Hạnh, Đức Thánh Trần, có khi là vị thần
này vị thánh kia, ..v..v…
Riêng tôi thì ngưng sau hai tuần tham gia, vì cảm thấy gai gai
trong người làm sao á! Tôi không giải thích được,nhưng rõ ràng có vài đêm trong
giấc ngủ cứ như có ai đó đến nói chuyện với tôi, vì phát âm không rõ nên tôi
không hiểu họ nói gì. Với lại tôi nghĩ rằng: “Chuyện người ở thế giới vô hình
nhập vào cơ của thế giới hữu hình là có thật, và trả lời những câu hỏi ngay
trong cuộc sống là tin được, nhưng về những câu hỏi có tính cách quan trọng dài
lâu trong tương lai, khó mà chấp nhận. Bởi lẽ, nếu cơ cung cấp chính xác về chiến
lược chiến thuật ở cấp bậc quốc gia quốc tế, thì ông Tổng Thống chỉ có việc rao
truyền trên toàn quốc để tìm mời người “có cơ duyên cao nhất” vào Phủ Tổng Thống
ngồi cơ, cầm chắc là Tổng Thống sẽ thành công xuất sắc trên mọi lãnh vực sinh
hoạt quốc gia, mà không cần đến năm bảy bộ tham mưu đồ sộ với máy móc tinh vi,
lúc ấy ngân sách quốc gia lúc nào cũng thặng dư . Vậy là “dân giàu nước mạnh” rồi.
Suy cho cùng, nếu sự thể diễn ra như vậy, hà tất phải tốn công tốn của chọn bầu
vị Tổng Thống.
Trong cuộc sống, mỗi người chúng ta có đức tin riêng, nhưng mỗi
người có cách riêng của mình khi nhìn về đức tin, trông chờ sự hiện hữu của đức
tin.
Vá đường.
Tháng 05/1980, vừa ra khỏi cổng trại thì tên võ trang bảo dừng lại:
“Anh Hoa. Anh cử người đến kho lãnh dụng cụ đi sửa đường. Từ hôm
nay, Đội phụ trách sửa đoạn đường từ nhà thăm nuôi ra đến nhà máy xi măng”.
“Cán bộ có cho xuống đồng mang dụng cụ về trả kho không?”
“Không cần. Cán bộ Vượng (quản giáo) bảo các anh cứ bỏ dưới đó,
để nhân viên kho đi tìm mang về”.
Tôi theo tên võ trang đến kho, hắn bảo tôi:
“Anh vào lãnh dụng cụ đi”.
Tôi vào kho, vừa nói mượn dụng cụ là tên giữ kho quát:
“Các anh phải mang số dụng cụ dưới đồng về trả mới được lãnh dụng
cụ mới”.
Tên võ trang bước vào:
“Đồng chí cho Đội mượn đi, đồng chí Vượng nói sẽ trả sau, vì hôm
nay phải sửa đường gấp, chậm trễ là có vấn đề đấy”.
Cuối cùng, chúng tôi cũng mượn được dụng dụ cần thiết. Một bên
đường là sườn núi với rất nhiều đá dăm, nên chúng tôi không phải khiêng đá từ
xa đến, còn bên kia là triền đồi xuống cánh đồng chiêm. Qua khỏi nhà thăm nuôi,
tên quản giáo bảo Đội dừng lại, hắn hỏi tôi:
“Anh muốn Đội bắt đầu từ nhà máy xi măng vào, hay từ đây ra?”
“Báo cáo cán bộ. Tôi nghĩ là nên bắt đầu từ đây ra, vì đoạn này
nhiều lỗ trũng mình sửa là thấy kết quả ngay”.
Tôi nêu ý kiến như vậy vì trước mắt, anh em chúng tôi có cơ hội
gặp những gia đình bạn bè có thể hỏi thăm tin tức. Thể nào hắn cũng ngăn cấm,
nhưng thể nào chúng tôi cũng có cách qua mặt hắn.
“Được. Anh cho Đội bắt đầu từ đây, nhưng nếu anh nào lén phén
chui vào nhà thăm nuôi là anh trách nhiệm. Tôi nói trước để mà tránh, tôi mà nổi
điên lên khi bắt gặp anh nào vào nhà thăm nuôi thì mấy anh cũng chẳng ra gì
đâu. Nghe chưa?”.
Hắn muốn nói là hắn sẽ chửi chúng tôi đó. Tên Vượng này nóng
tánh và thô lổ nữa, nhưng nghe chừng “bịt miệng” hắn cũng không khó.
“Vâng. Nhưng tôi xin cán bộ, khi giao trách nhiệm cho chúng tôi
cán bộ đừng bảo phải làm thế này thế khác, hãy để chúng tôi làm theo cách của
chúng tôi. Trước khi về tôi sẽ báo cáo và cán bộ kiểm soát công tác tại chỗ”.
Hắn im lặng một lúc:“Cứ làm đi”.
Nói xong, hắn lầm lủi vào dãy nhà dành cho tổ Công An điều hành
và canh giữ nhà thăm nuôi.
Chúng tôi chọn địa điểm nấu nước và ngồi nghỉ giải lao chỉ cách nhà
thăm nuôi khoảng 50 thước về phía ra Ba Sao. Trong nhà thăm nuôi khá đông thân
nhân của tù chính trị chúng tôi, trẻ con cũng khá nhiều. Có lẽ tôi cần giải
thích một chút về nấu nước. Mỗi Đội trên dưới 20 người được cử một người phụ
trách nấu nước cho Đội uống. Họ phát hai cái thùng loại 20 lít và một
đòn gánh. Đội chúng tôi có anh Nguyễn Kỳ Nguyện phụ trách nấu nước. Nước thì
anh Nguyện tự tìm chỗ lấy và gánh về, còn củi thì anh Nguyễn Xuân Hường phụ
trách lên núi kiếm mang xuống cho anh Nguyện. Một số trong số anh em chúng tôi
được gia đình tiếp tế gạo, nên cho nhúm gạo và nước vào lon guigoze có cái quai
móc, đem móc vào chung quanh miệng thùng nước, nhờ sức nóng của lửa do anh Nguyện
cố tình cho lửa thoát nhiều ra chung quanh, giúp chúng tôi có lon guigoze cơm
ngon miệng bụng no.
Tôi với anh Nguyễn Kim Tây trong một toán. Khi tên võ trang vào
nhà thăm nuôi ngồi nhìn ra, tôi đứng sát anh Tây:
“Tây ơi! Thư mới nhất của vợ “ta” cho biết trong tháng này Ba
“ta” sẽ ra thăm. Vì vậy mà “ta” hy vọng gặp Ba mình trong lúc tụi mình sửa đường”.
“Nhà ngươi” nhìn vô nhà thăm nuôi chưa?”
“Có nhìn nhưng không thấy, kể cả người quen”.
Tôi với anh Tây khi nói chuyện với nhau, thường dùng “ta” hay
“nhà ngươi” để chỉ ngôi thứ nhất với ngôi thứ hai của chúng tôi. Trong lúc giải
lao, tôi thuật lại lời của tên Vượng cấm vào nhà thăm nuôi, và có ý kiến:
“Tôi nghĩ, nếu bạn nào muốn liên lạc với các chị trong nhà thăm
nuôi, nên nhắn ra phía cầu vệ sinh. Nếu hắn có thấy thì nói là mình đi tiêu đi
tiểu gì đó cho khớp với nhau. Dần dần tôi sẽ cố gắng thử xem có “bịt miệng” hắn
được không rồi mình liệu cách”.
“Bịt miệng” có nghĩa là mua chuộc hắn bằng cà phê thuốc lá, thậm
chí là chút ít tiền cuối tuần cho hắn đi xe về nhà.
Mùa hè trên đất Bắc nóng và oi bức lắm, không như cái nóng hiền
hòa của miền Nam. Càng nóng chúng tôi càng mặc quần áo dài tay để giữ mồ hôi
bên trong làm giảm sức nóng từ bên ngoài. Lại còn cái khăn lông nhỏ thấm nước
phủ lên đầu trước khi đội nón, chốc chốc kéo xuống lau mặt cho mát.
Cứ như thường lệ, mỗi khi đến chỗ làm chúng tôi được nghỉ 10
phút để thu xếp đồ đạc cá nhân cũng như dụng cụ đi làm. Ba ngày sau đó, trong
lúc nghỉ ngơi chuẩn bị mang vác dụng cụ đào đất vá đường, tôi liếc nhìn vào nhà
thăm nuôi xem có Ba tôi không. Bỗng, tôi rất đổi ngạc nhiên, dụi mắt, nhìn lại.
Rõ ràng là vợ tôi ngồi dựa cột ở hàng hiên … nhìn tôi. Tay trái giở nón lên để
thấy rõ và tay phải tôi chỉ vào tôi. Vợ tôi liền đứng dậy, cũng dùng tay chỉ
vào vợ tôi. Vậy là chúng tôi nhận nhau rồi. Tôi khều anh Tây:
“Tây ơi, Tây”.
Vừa gọi, tôi vừa ngoắc anh Tây đang ngồi uống nước chỗ anh Nguyện,
vì còn mấy phút nữa mới bắt đầu lao động. Anh Tây đi nhanh lại:
“Bác đến hả nhà ngươi?”
“Đến rồi. Nhưng không phải Ba ta, mà là vợ ta”.
“Chị đâu?”
“Vợ ta mặc đồ tây kiểu đồ bộ, màu nâu, đứng dựa cột thứ ba từ
bên phải qua trái đó. Nhà ngươi thấy chưa?”.
“Ta thấy rồi. Có phải Chị hơi ốm một chút không?
“Đúng. Hơi ốm so với giữa năm ngoái. Nhà người đứng đây với anh
em giùm ta, ta kiếm thằng Vượng nhờ nó xin thằng Thụ -phụ trách nhà thăm nuôi-
cho ta gặp mấy phút được không?”
“Nhà ngươi đi đi. Hình như nó đang ngồi trong chòi của hình sự
kìa”.
Đúng là hắn ngồi trong đó. Tôi bước vào:
“Chào cán bộ. Vợ tôi từ Sài Gòn ra thăm, đang có mặt trong nhà
thăm nuôi. Cán bộ có thể giúp cho tôi gặp vợ tôi trong chốc lát được không?”
“Không được. Ông Thụ không cho đâu. Để mai gặp luôn”.
“Báo cáo cán bộ, nếu vậy thì có gì phải nói đâu. Sẳn Đội đang
lao động ở đây, tôi nghĩ là cán bộ có thể giúp tôi được, chớ chờ mai thì bình
thường thôi. Cán bộ gắng giúp tôi trong 10 phút thôi mà”.
“Anh lộn xộn quá. Để tôi vào gặp ông Thụ xem sao”.
Một lúc sao, hắn ngoắc tôi vào và nói với con Kim:
“Đồng chí Kim (cô này năm ngoái làm ở nhà trồng nấm), cho anh
này gặp vợ trong 10 phút. Tôi xin ông Thụ rồi”.
“Được”. Cô ta xoay qua tôi: “Anh vào trong”.
Hai cái bàn dài đông nghẹt người. Cô ta đưa tôi cái ghế của cô
ta:
“Đưa ghế này vợ anh ngồi, còn anh ngồi tạm cạnh vợ anh. Anh chị
nói chuyện nhanh lên, chỉ 10 phút thôi. Các ông trong trại ra trông thấy là phiền
lắm”.
“Cám ơn cán bộ”.
Vợ tôi vào chuyện ngay:
“Hai bên gia đình đều mạnh. Còn chuyện các con vượt biển dưới dạng
người Việt gốc Hoa, khi tàu rời Vĩnh Long chưa được một ngày thì tàu quay lại,
họ nói là biển động không đi được. Rồi từ đó, mỗi khi có người đến hỏi thì họ
trả lời là chưa biết chừng nào mới khởi hành được. Khi hỏi đến số vàng đã đóng
thì họ nói đó là chuyện của cấp trên chớ họ không biết, mặc dù vàng thì nộp cho
họ. Vậy là chúng nó trấn lột, chỉ kể trong chuyến đó cũng đến cả ngàn lượng
vàng chớ ít đâu Anh. Thôi thì các con còn đủ là được rồi. Em đưa các con về Sài
Gòn, riêng con Trung vì trước đó đã trốn trại tù nên ở lại Vĩnh Long lánh mặt tụi
Công An khu vực trong cư xá mình. Bây giờ thì con Trung với Tín đã đến Thái Lan
rồi Anh”.
“Em được điện tín hay thư của hai con chưa?”
“Có thư của hai con rồi. Hai con vượt biển từ Cà Mau và trốn đi
chớ không phải như lần đi năm ngoái. Lần thăm Anh năm ngoái trở về, nhà mình bị
tụi nó niêm phong, nó đòi tịch thu. Em liều mạng với tụi nói, cuối cùng nó mới
chịu trả. Lúc nào tụi nó cũng chực lấy nhà mình, cũng như nhà của các bạn trong
cư xá Bắc Hải mình. Chúng nó toàn cái bọn ăn cướp cả”.
“Em giỏi lắm”.
(Trong hình là Phạm Bá Trung & Phạm Bá Tín đang leo qua
tàu biển)
“À, có con gái với út Nghĩa theo Em thăm Anh nữa. Hai con với
các bạn nó đi tắm rồi, chắc cũng sắp về. Con Hùng đang ở Vũng Tàu, lúc nào đi
được là con sẽ đi với thằng Thành con anh Có (Đại Tá Nguyễn Hữu Có) và mấy bạn
nữa. Khi nào có tin, Em nhắn cho Anh hay”.
“Hùng gan quá hả Em, dám đi một mình. Có thằng Thành cũng đỡ đần
nhau được. À! Em có mang cho Anh hai chiếc nhẫn không?”
“Có. Nhưng bây giờ không tiện lấy ra, vì Em để người.
Ngày mai Em đưa Anh. Bây giờ Anh có thể đem con gà luộc này vào trại
được không? Em để trong bao ni-lông rồi”.
Tôi quay sang cô Kim:
“Báo cáo cán bộ, tôi có thể mang cái túi có đựng con gà luộc ra
khỏi đây không cán bộ? Cán bộ có thể xem trước, chỉ có con gà luộc thôi”.
“Anh đưa tôi xem….. Được, Anh mang ra khỏi đây, nhưng khi vào trại
đừng để mấy ông trực trại trông thấy là phiền phức lắm”.
“Cám ơn cán bộ. Giới thiệu với cán bộ, đây là vợ tôi, còn
hai con tôi đi tắm rồi”.
“Tôi biết rồi. Con gái của Anh Chị xinh lắm”.
“Vợ chồng tôi chỉ có mỗi đứa con gái, còn lại đều là trai, nên
cưng lắm”.
“Thôi. Anh ra Đội đi. Quá 10 phút rồi. Mai thăm chánh thức, tôi
để ngồi nói chuyện lâu hơn”.
Ra đến hàng hiên, vợ tôi chỉ phía dưới dốc:
“Tụi nhỏ đi tắm về kìa Anh. Con gái đi tận cùng bên phải đó”.
“Con gái mình cao lớn quá hả Em”
“Càng lớn, con gái càng xinh. Mấy chị bạn đều khen con mình”.
Thằng quản giáo Vượng gọi tôi sang bên kia đường, trong lúc hai
con tôi đi ngang tôi nhưng là bên này đường. Tôi với hai con tôi chỉ cách nhau
mấy thước tây mà chỉ được nhìn nhau qua ánh mắt, chớ không được hôn lên trán
con gái, hay ít nhất cũng vuốt được mái tóc dài của con gái tôi mà tôi thường
ao ước! Ngày trước, tôi thường khuyến khích con gái tôi để mái tóc dài như Mẹ
nó lúc còn đi học. Tên Vượng hỏi:
“Anh nói gì mà lâu thế?”
“Báo cáo cán bộ. Vợ chồng hằng năm trời gặp nhau chỉ 10 phút đồng
hồ, vợ tôi mới kể cho tôi nghe về sức khỏe và cuộc sống của hai bên gia đình
chúng tôi là hết giờ rồi, còn nói gì nữa đâu cán bộ”.
Tôi trở lại Đội, cùng anh Tây đứng nhìn vợ con tôi vẫn đứng ở
hàng hiên nhà thăm nuôi. Tôi gởi cái túi ni-lông cho anh Nguyện, để chốc nữa
cho vào cái thùng (nấu nước) mang vào trại. Anh Tây nói:
“Con gái nhà ngươi phúc hậu lắm”.
Sau giờ buồng giam bị khóa cửa, cũng có nghĩa là “giờ tự do” bắt
đầu. Tôi thực hiện ý định cất giấu hai chiếc nhẫn khi vợ tôi đưa tôi ở nhà thăm
nuôi để mang vào trại, vì hai chiếc này trong ý định táo bạo của một số anh em
chúng tôi sẽ chung góp để mua máy thu thanh đưa vào trại theo dõi tin tức trên
làn sóng đài phát thanh BBC Luân Đôn. Dạo này tụi nó cho chúng tôi mặc quần tây
áo sơ-mi mỗi khi được phép thăm nuôi, vì mặc đồ trại trông thảm hại lắm. Thế là
tôi moi cái túi quần bên trái ra, tháo một đoạn chỉ tận cùng phía dưới túi và
sát cạnh trước, đủ cho chiếc nhẫn lọt xuống cái túi nhỏ xíu nối dài đến gần đầu
gối. Tôi dự trù 2 chiếc nhẫn sẽ xuống nằm yên ở đó. Vì thông thường đám trực trại
khi khám xét người, bọn chúng vuốt hai bên túi quần, nhất là túi quần bên phải
xuống đến hết cái túi thôi, vì vậy mà tôi hi vọng 2 chiếc nhẫn sẽ qua được những
đôi mắt cú vọ với những bàn tay nhám nhúa của đám trực trại. Anh Hậu ngồi bên
trông thấy là hiểu ngay:
“Này, cậu nghiên cứu bao giờ mà có sáng kiến hay thế?”
“Qua nhiều lần nhập trại, mình quan sát cách khám xét của tụi
nó, nhất là xét mấy bạn thăm nuôi vào trại. Trong đám trực trại thì thằng Thịnh
khuỳnh là hắc ám nhất. Nó mằn từ lưng quần xuống tận .. “dế” nữa nghe. Hai hôm
trước, trong khi chờ xuất trại không biết Hậu có thấy không, thằng Thịnh nó mằn
cái chỗ.. í .. của một anh nào đó ra gặp người nhà, ảnh nhột quá nên nhảy dựng
lên làm anh em ngồi chờ xuất trại cười quá trời”.
“Anh hổng hay nó mằn ra cái thư à?”
“Không. Mà ai vậy?”
“Anh nào đó ở buồng (giam) 15. Nó mằn ra cái thư giấu trong quần
lót, nó đuổi vô luôn. Sau đó phải làm bản kiểm điểm nó mới cho ra gặp người
nhà”.
“Mình chuẩn bị bửu bối này, nhưng mình sẽ tùy cơ ứng biến lúc
mình ra cửa để vào trại, có thể trong tích tắc mình chuyền sang các bạn mang
vào trại giùm”.
“Theo tôi thì cách đó là ổn nhất, chứ bạn mà lọt vô tay thằng Thịnh
khuỳnh nó hành bạn là cái chắc”.
“Sáng mai, lúc nào Hậu cũng liếc mắt nhìn vào hàng hiên nhà thăm
nuôi, sẳn sàng để khi mình ra cửa là tùy cơ ứng biến à nghe”.
“Lúc Đội làm ở nhà nấm, con Kim thường hay rù rì với bạn, hi vọng
nó không hại bạn đâu”.
“Cái con khỉ. Nó là “cộng sản cái” chớ có phải nó là con gái
bình thường đâu. Đã là cộng sản thì “đực cái” cũng vậy thôi. Chúng nó là chúng
nó, chúng mình là chúng mình, đừng nói lôi thôi, Hậu phải cứu bồ đó”.
Sáng hôm nay nhà thăm nuôi đông người lắm. Vợ chồng tôi ngồi đối
diện nhau, hai con chúng tôi ngồi cạnh tôi, con gái bên phải và con trai bên
trái tôi. Con Kim ngồi đầu bàn, nó nói khẻ:
“Anh cho con gái anh sang ngồi với chị, chứ các ông trong trại
ra trông thấy là căng lắm”.
Ngay khi vào chuyện, vợ tôi vờ khòm xuống gầm bàn lượm cái khăn
mà vợ tôi cố tình làm rơi xuống, rồi nhanh chóng chuyền vào tay tôi hai chiếc
nhẫn bọc trong miếng giấy mỏng. Tôi đứng dậy sửa lại thế ngồi của đứa con trai,
nhưng thật ra là tôi cho hai chiếc nhẫn vào túi quần bên trái, và nó xuống thẳng
cái đáy túi nhỏ như tôi muốn. Xong, ngồi lại một cách tự nhiên:
“Em à! Anh muốn Em đưa các con còn lại cùng vượt biển với Em. Em
nghĩ sao?”
“Còn Anh?”
“Không sao đâu Em. Anh đã sống được 5 năm qua mà lại là 5 năm đầu
rất gian khổ, nên Anh có đủ nghị lực chịu đựng rồi. Nghị lực vững vàng, với lại
sức khỏe của Anh tốt. Mỗi sáng Anh đều tập thể dục đều đặn nữa Em”.
“Họ cho mấy anh ra ngoài tập hả?”
“Nó nhốt tụi anh kỹ lắm, làm gì có chuyện đó. Anh tập chạy và những
động tác tay chân thì bên ngoài mùng, nhưng tập những động tác khác thì trong
thế ngồi thiền ngay trong mùng”.
“Em với các con đi hết, đâu có ai lo cho Anh. Không được đâu”.
Nói đến đó là vợ tôi rơm rớm nước mắt, rồi tiếp:
“Lúc đó Em còn khổ hơn ở đây nữa. Không được đâu
Anh”.
“Em hãy tập trung lo cho các con có cơ hội xây dựng tương lai,
chớ để các con sống mà không có tương lai thì mình làm sao sống được Em”.
“Để Em tính lại rồi cho Anh biết”.
“Em nhớ là chúng mình đồng ý với nhau, tương lai các con là hạnh
phúc của chúng mình mà Em”.
“Em sẽ viết thư ra Anh sau”.
Chưa nói được bao nhiêu thì hết giờ. Tiếng con Kim:
“Các anh nhanh lên, hết giờ rồi, để đợt hai còn ra cho kịp”.
Tôi vói kéo tay con gái tôi sang đứng cạnh tôi. Tôi vuốt mái tóc
mượt mà của con gái tôi đến mấy lần:
“Con gái cao bằng Ba rồi. Cuối tháng 5 này con gái của Ba tròn
19 tuổi hén. Chúc mừng con gái nghe”.
Tôi nắm chặt tay vợ tôi và con gái tôi, từng bước ra cửa. Tôi
vòng tay ôm chặt vợ con tôi trong giây lát, rồi bước nhanh ra chỗ các bạn tôi
đang ngồi giải lao, cho tay vào túi quần bên trái giật nhẹ cái túi nhỏ có hai
chiếc nhẫn bên trong, buông thỏng cái túi theo ống quần rớt xuống đất cạnh anh
Nguyện. Anh Nguyện lượm chuyền liên tiếp sang hai bạn khác, trong khi tôi bước
đi ngay vì có vẻ như con Kim trông thấy. Phải chuyền như vậy đề phòng nếu con
Kim đến xét chẳng thấy gì hết.
Tôi và các bạn đẩy xe cải tiến theo con Kim vào trại. Đến đầu dốc
xuống, nó đi sát tôi:
“Anh đứng chỗ Đội anh làm gì vậy?”
“Có gì đâu cán bộ. Các bạn tôi trêu tôi nên tôi đáp lễ thôi”.
“Anh có mang tiền hay vàng vào trại phải cẩn thận. Tôi biết là
hôm nay ông Thịnh kiểm tra anh. Tôi nghe ông Thịnh nói nếu bắt được anh là anh
bị phạt cấm thăm nuôi đó”.
“Không. Tôi chẳng mang gì mà nội qui cấm đâu. Cám ơn cán bộ”.
Đúng là Thịnh “khuỳnh” đang nhắm vào tôi. Trong khi “Thịnh khuỳnh”
lục soát toàn bộ quà cáp của tôi, thằng “Thắng chuột” phụ trách an ninh (trước
đây phụ trách nhà thăm nuôi) hỏi tôi với cái giọng khá gay gắt kèm theo nụ cười
đểu của hắn:
“Hôm qua anh gặp vợ anh rồi, phải không?”
“Không cán bộ. Chúng tôi chỉ đứng nhìn nhau thôi”.
“Tôi nói là anh có gặp”.
“Đó là cán bộ nói thôi”.
“Anh có muốn gặp vợ anh thêm không?”
“Báo cáo cán bộ, đâu có người tù nào trả lời “không” với câu hỏi
của cán bộ”.
“Được. Anh sẽ không gặp thêm”.
Tôi xuống giọng một chút nhưng cũng có phần thách thức:
“Vâng. Tùy cán bộ”.
Hắn chắp tay sau mông theo tôi vào tận buồng giam, xem tôi sắp xếp
thức ăn với đồ dùng, mặc dù chính hắn với Thịnh khuỳnh lục soát trước nhà trực
trại rồi. Món nào nó cũng cầm lên ngắm nghía rồi mằn tới mằn lui, miệng hỏi đủ
thứ:
“Gói này là gói gì?”
“Lạp xưởng đó cán bộ”.
“Bao nhiêu tiền vậy?”
“Tôi không biết”.
“Vợ anh không nói với anh à?”
“Nói để làm gì cán bộ”.
“Tiền đâu vợ anh mua?”
“Tiền của chúng tôi”.
“Anh ăn bao lâu thì hết?”
“Có thể ngày mai, ngày mốt, tùy theo tôi mời các bạn tôi cùng
ăn”.
“Anh tốt vậy à?”
“Tôi chẳng tốt lành gì đâu. Anh em chúng tôi thường mời lẫn nhau
mỗi khi có quà từ gia đình. Bạn tôi mời tôi, bây giờ tôi mời bạn tôi cùng ăn”.
Cứ thế mà nó hỏi đến phát tức, nhưng nhất định tôi không tức. Vì
cái kiểu nó chọc cho mình tức để rồi sơ ý trong lời nói là chúng nó hoạnh hẹ,
thậm chí mắng chửi nữa.
Sáng hôm sau, đã quá giờ lao động mà cả trại im ỉm, tất cả các
buồng giam vẫn khóa chặt. Theo kinh nghiệm những lần tương tự như vậy trước
đây, nếu không có người trốn trại, thì tất cả tù chúng tôi cũng bị lục soát mọi
thứ để chúng nó kiếm tiền hay những thứ mà chúng nó cho là vi phạm nội qui để tịch
thu, hoặc luân chuyển tù hay luân chuyển buồng giam, vì chúng sợ lâu ngày chúng
tôi móc nối nhau rồi chống đối chúng nó.
Trong lúc chúng tôi nhốn nháo vì không biết nguyên nhân, thằng
“Chi mụn”, quản giáo buồng giam chúng tôi, mở cửa gọi tôi ra “cái chuồng cu” mà
thường ngày đám trực trại đứng trong đó kiểm soát xuất trại lao động. Hắn đứng
trong, tôi đứng ngoài:
“Chị đến phải không?”
“Vâng. Vợ con tôi đến thăm tôi hôm qua, cán bộ”.
“Anh có muốn thăm nữa không?”
“Có chớ cán bộ”.
“Anh làm bản kiểm điểm rồi Ban Giám Thị xét sau”.
“Tôi không vi phạm nội qui, tại sao tôi phải làm kiểm điểm?”
“Anh đừng vờ vịt nữa”.
“Tôi hoàn toàn không hiểu gì cả”.
“Anh biết anh D. bị mấy anh đánh không?”
“Có. Tôi có biết, vì anh ấy bị đánh ngay trong khuôn viên buồng
giam chúng tôi, nhưng sao lại dính dáng đến tôi?”
Hắn đứng im, nhìn ra cổng. Một lúc, hắn quay lại và gắt giọng:
“Anh vào buồng”.
Tôi ráng hỏi thêm:
“Liệu tôi có được ra gặp vợ con tôi lần nữa không, cán bộ?”
Hắn nạt tôi: “Anh vào buồng ngay”.
Chỉ mấy phút sau, Thắng chuột vào buồng giam hỏi tôi:
“Anh đã làm kiểm điểm chưa?”
“Báo cáo cán bộ, tôi không sai phạm gì, tại sao tôi phải làm kiểm
điểm?”
“Cán bộ Chi có nói gì với anh chưa?”
“Có. Nhưng tôi hỏi tại sao thì cán bộ Chi không nói mà lại bỏ đi
nên tôi không hiểu gì hết”.
Chẳng biết sao bỗng dưng hắn xuống giọng:
“Ít ra anh cũng phải làm đơn Ban Giám Thị mới xét chứ”.
“Vâng, tôi làm ngay. Thật ra thì thủ tục này tôi chưa từng biết”.
Đến quá trưa hôm ấy, con Kim theo thằng Lực trực trại vào buồng
giam, dắt tôi ra nhà thăm nuôi:
“Anh được gặp vợ con anh trong một tiếng đồng hồ. Anh biết tại
sao anh bị mấy ông ấy phạt không?”
“Không. Cán bộ có biết tại sao không?”
“Có phải anh chủ mưu đánh anh D. không?”
“Không. Hoàn toàn không. Lúc anh D. bị đánh thì tôi đang trong
buồng giam, nghe ồn ào tôi chạy ra mới biết có người đánh anh D. Thế
thôi”.
“Anh bị qui trách chủ mưu đánh anh D. vì có lần anh trông
thấy anh D. báo cáo hành động của anh với cán bộ an ninh. Thôi, bỏ qua chuyện
đó”.
“Cán bộ có biết tại sao hôm nay không mở cửa xuất trại lao động
không”.
“Có hai anh trốn trại đó”.
Ra đến nhà thăm nuôi, cô ta nói:
“ Anh vô gặp vợ con anh. Nhanh lên”.
Vợ tôi nói ngay:
“Chiều tối hôm qua, có hai thằng Công An nó bảo Em dặn
dò Anh phải bỏ cái thói ngang tàng bướng bỉnh mà lo học tập tốt để có ngày về.
Em ức quá, Em nói mấy anh không cho chồng tôi ra làm sao tôi nói cho chồng tôi
biết. Tôi biết tính chồng tôi không phải là người ngang tàng với bất cứ ai. Em
nói càng lúc càng lớn tiếng, chẳng ngờ hai đứa nó bỏ đi hà Anh”.
“Tụi nó ghìm Anh, cho là Anh tổ chức đánh anh D. vì con nhỏ Công
An này (tôi len lén chỉ con Kim) nói với Anh, tụi an ninh với tụi trực buồng
giam quả quyết là Anh, vì có lần Anh thấy anh D. viết báo cáo tố cáo
Anh dính líu đến những vụ lộn xộn trong trại. Sáng nay hai thằng Công An luân
phiên hạch hỏi Anh đủ điều. Có thể là hai thằng nói chuyện với Em chiều qua
cũng là hai thằng nạt nộ Anh sáng nay chăng”.
“Anh nói anh D. bị đánh là gì vậy?”
“Chuyện dài dòng lắm, bỏ qua đi Em. Mình chỉ còn hơn nửa tiếng đồng
hồ để nói chuyện của mình”.
Vợ tôi tiếp tục kể chuyện về Ba Má chúng tôi bị chúng nó cướp
nhà, cướp vườn, nhiều bạn bè trong cư xá cũng trong tình trạng như vậy. Vợ tôi
hứa sẽ cố gắng đưa hai con còn lại vượt biển, riêng vợ tôi có đi hay không còn
phải suy nghĩ lại. Thoáng một cái, vừa hơn một tiếng đồng hồ:
“Anh Hoa, thu xếp vào trại”.
Thật ra con bé Công An này nó không chanh chua đanh đá như mấy
con bé trước đây phụ trách hướng dẫn tù thăm gặp gia đình, nhưng nó rất sợ đám
Công An trực trại với đám an ninh nên nó canh chừng giờ giấc kỷ lắm. Tôi nắm
tay vợ tôi thật chặt, hôn mái tóc con gái tôi và hôn thằng trai út lia lịa. Tâm
hồn tôi rất thanh thản, vợ tôi quản trị gia đình vững vàng, nhất là có kinh
nghiệm đối phó với đám Công An Phường, Công An Quận, trong khi hai con trai lớn
đã đến trại tạm trú Thái Lan, con trai thứ ba đang sẳn sàng vượt biển, và hai
con còn lại sẽ đi tiếp.
Trước khi vào đến nhà trực trại là một sân trống trước khu nhà
dành cho Công An “cai tù” ở, khi đi ngang tôi thấy hai anh trốn trại bị bắt lại
đang nằm co quắp vì tay chân bị trói, trong khi con chó đi vòng vòng gầm gừ như
sẳn sàng cắn xé hai anh! Nhìn kỷ, áo quần hai anh tả tơi, nhưng không rõ là hai
anh đã bị chó cắn hay tả tơi lúc trốn trại? Bọn Công An cai tù chuyên nghiệp
này dã man lắm, chúng nó cột hai anh rồi cho chó canh giữ trong khi
một nhóm chúng nó ngồi trong nhà uống nước nhìn ra cười toe toét! Đến tối tôi mới
biết hai anh ấy bỏ trốn vào chiều qua khi từ dưới đồng leo dốc về trại. Không
biết vì sao mà cả đêm hai anh chưa băng qua được cánh đồng chiêm nên ẩn trú
trong núi đá ngay bên ngoài trại, để rồi chúng nó dùng chó lùng bắt.
Ngay tối hôm đó, anh Lê Minh Chúc, tù chính trị duy nhất phụ
trách phiên dịch các sách Anh ngữ do tụi cộng sản ở Bộ Quốc Phòng đưa, nên anh
được thăm gặp vợ anh lâu hơn mọi người khác. Sau khi từ nhà thăm nuôi trở về buồng
giam, anh nói với tôi:
“Khi cán bộ Chi dẫn tôi ra nhà thăm nuôi, nó nói với tôi là Ban
Giám Thị quả quyết anh tổ chức đánh anh D nhưng vì chưa có bằng cớ nên trại
chưa kỷ luật anh. Giữa anh em, tôi nói để anh đề phòng”.
“Cám ơn anh. Hồi sáng này, thằng Thắng chuột với thằng
Chi mụn quay tôi quá trời, cũng cái vụ ấy”.
Chuyển tiền vào trại.
Nói đến chuyển tiền vào trại, mời quí vị quí bạn quay trở lại thời
gian Đội chúng tôi làm công tác vệ sinh khu vực cơ quan của trại. Hết làm cỏ lại
sửa lối đi, xoay qua san bằng sân bóng chuyền. Làm cỏ xong đến cuối khu vực thì
đầu khu vực cỏ đã lên cao, và cứ như thế. Trong thời gian công tác linh tinh ở
đây mới biết thêm cách chuyển tiền từ nhà thăm nuôi vào trại tù. Chuyện như thế
này: Công An “cái” tên Thanh mà một số anh em chúng tôi gọi là “Thanh hai
hàng”, vì dáng đi của cô ta “không phải một hàng”. Cô ta phụ trách hướng dẫn
anh em chúng tôi thăm nuôi, là một trong những “cai tù” chuyển tiền vào cho
chúng tôi nhiều nhất. Khi mang vào trại, cô ta trao trực tiếp cho người nhận hoặc
ngang qua trung gian, nhưng nhất thiết người trung gian phải là tù chính trị chớ
tuyệt nhiên không dính dáng đến tên “cai tù” nào khác.
Một hôm, anh bạn trẻ tên Quế đến nhờ tôi:
“Anh ơi! Hôm nay con Thanh nó mang vô cho em 500 đồng. Nó lấy
10%, còn lại 450 đồng em có dặn nó trao cho anh đem về giùm em”.
Tôi hỏi: “Ai thăm chú vậy Quế?”
“Dạ vợ và con em”.
“Yên chí. Tôi mang về cho chú”.
Hôm ấy Đội chúng tôi làm cỏ quanh khu vực nhà ở của “cai tù”. Cô
ta đưa tù hình sự thăm nuôi về sớm, tất nhiên phải về sớm vì nếu về đúng giờ
thì Đội chúng tôi vào trại. Tôi đứng ở lối đi mà cô ta phải đi ngang. Tôi hỏi:
“Có tiền của Quế đó không cán bộ?”
“Có. Anh chờ một chút”.
Cô ta vào nhà một lúc, tôi nghe như có tiếng cục đá rơi bên cạnh,
quay nhìn, trông thấy cô ta đứng ở cửa sau. Rõ ràng là cô ta ngoắc tôi. Tôi lắc
đầu, và chỉ tay về hướng cửa sổ nhà trẻ vì ở đó có tên Công An đang đứng. Cô ta
lại ngoắc tôi lần nữa, tôi cũng lắc đầu. Thật ra nếu không có thằng Công An đứng
đó tôi cũng không dám vào nhà, vì hành động đó rất nguy hiểm nếu bị bắt gặp tù
trong nhà “Công An cái”. Con bé này được xem là đẹp trong số Công An “tóc dài”
nên đám Công An tóc ngắn thường tới tán tỉnh. Với lại cái vụ anh Nguyễn Kim Tây
làm cho chúng tôi ngại lắm. Khi em gái anh Tây nhờ cô ta mang tiền vào, cô ta gọi
anh Tây vào nhà và vào hẳn sau tấm màn cô ta mới trao tiền, anh Tây “lạnh cẳng”
lắm nên nắm được tiền trong tay là nhanh chân ra cửa sau. Không chuyện gì xảy
ra, nhưng không phải mọi lần đều may mắn như vậy.
Một lúc sau, tay cầm bàn chải tay ôm ôm chiếc chiếu ra giếng khỏi
chỗ tôi đứng khoảng 20 thước, cô ta đi sát vào tôi:
“Anh xuống giếng với tôi”.
“Cán bộ xuống trước, tôi xuống
sau”.
Tôi nhờ anh Tây gác giùm đám Công An, nếu thấy thì báo động bằng
tiếng gọi lớn hơn bình thường. Tôi xuống giếng, cô ta ngồi khuất tấm vách nhà tắm,
nhanh tay đưa tôi một xấp giấy bạc mà tờ trên cùng là giấy 50 đồng:
“Đủ rồi đó”. Trao xong, cô ta đứng dậy, bước đi.
“Không được. Cán bộ ngồi lại chờ tôi đếm. Cán bộ đưa tôi mấy tờ?”
Cô ta trả lời chỉ một tiếng. “Chín”.
“Đủ rồi. Cán bộ đi đi”.
Tôi bảo cô ta ngồi lại vì cô ta đã đánh lừa ba người bạn chúng
tôi, số tờ giấy bạc thì đúng nếu căn cứ tờ giấy bạc bên trên, nhưng mấy tấm dưới
là loại giấy bạc nhỏ.
Thêm một hành động “lừa đảo” của cô ta ngay tại nhà thăm nuôi.
Có dạo Ban Giám Thị trại tự phát hành loại giấy bạc 1 đồng và 2 đồng dùng để
mua hàng “căn tin” trong trại mà thôi. Chẳng hạn như vợ anh A đến thăm, gởi cho
anh A 200 đồng, cô ta đưa cho anh A 200 đồng bằng loại giấy 1 đồng và 2 đồng của
trại. Cách lừa đảo của cô ta là chờ đến hết giờ thăm nuôi, khi đứng lên vào trại
cô ta mới đưa. Đúng vào cái lúc anh A chia tay với vợ, cũng là lúc tay xách
nách mang bỏ vào xe cải tiến làm sao mà đếm được. Về buồng giam đếm lại, may lắm
chỉ đến 170 hay 180 đồng là cùng. Đâu có tố cáo hay thưa kiện gì được. Cũng có
trường hợp cô ta vào giao trực tiếp cho người nhận ngay trong trại, bằng cách
cô ta xin gác cổng cho vào gọi thăm nuôi hay vào bệnh xá xin thuốc chẳng hạn, rồi
trao tiền thường là ở hành lang nhỏ vào buồng giam 13 - 14. Trường hợp này cô
ta “ăn” đến
15%.
Cũng xin nói thêm về quyền hạn của mỗi loại Công An mà chúng tôi
buộc phải gọi là cán bộ. Bước vào trong trại thì thuộc quyền toán trực trại.
Đám Công An quản giáo, Công An võ trang, hay hướng dẫn thăm nuôi mỗi khi muốn
vào cổng trại phải xin phép tên gác cổng. Trước khi xuất trại đi lao động hay
thăm nuôi phải do “cai tù” quản giáo” hay “cai tù hướng dẫn”, nhận của
“cai tù trực trại”. Ngược lại, trước khi tù vào cổng phải do cai tù liên hệ trả
lại cai tù trực trại. Nhóm nào cũng có quyền với tù chính trị và tù hình sự cả.
Nhìn bên ngoài là vậy, thật sự thì giữa cai tù này với cai tù kia và giữa bộ phận
cai tù này với bộ phận cai tù kia, họ vừa rình rập nhau lại vừa lo sợ lẫn nhau.
Cái chính sách của cộng sản là không tin vào ai cả, thậm chí ngay trong gia
đình họ cũng vậy. Bởi vì cái chế độ này độc tài quá, tàn bạo quá, chỉ phục vụ đảng
mà không phục dân, cho nên lúc nào họ cũng sợ sự chống đối từ tất cả mọi người
mà họ cai trị, thậm chí họ cũng sợ cả những người mà họ gọi là “đồng chí” của họ
nữa.
Thế nhưng những cai tù liên quan trực tiếp với tù chính trị, có
những liên hệ về quyền lợi khá sòng phẳng với tù chính trị. Bên cai tù có “cái
thế” của cai tù là muốn bắt nạt tù thế nào cũng được, nhưng bên tù cũng có “cái
lực” của tù là tiền bạc và vật chất do gia đình gởi đến. Nhóm chữ khá sòng phẳng,
nói cho dễ hiểu là chúng tôi dùng “cái lực” của mình để đổi lấy sự dễ dãi chừng
mực, tùy theo “cái thế” của mỗi bộ phận cai tù. Nhìn chung, hầu hết cai tù bất
cứ thuộc bộ phận nào kể cả bộ phận giáo dục của trại, đều thèm thuồng “cái lực”
của tù chính trị, nhất là “cái lực” thuốc tây với cà phê. Tạm thời trừ nhóm
lãnh đạo trong cái cơ quan quyền lực có toàn quyền hoạch định và điều khiễn thực
hiện chế độ, còn tất cả công dân xã hội chủ nghĩa trên đất Bắc từ nhỏ đến lớn,
chỉ uống mỗi một thứ thuốc có tên là “xuyên tâm liên” cho tất cả các bệnh, nên
bây giờ được uống thuốc tây (âu dược) rất công hiệu và tác dụng rất nhanh.
“Biết địch biết ta” để có quan niệm thích ứng cho cuộc sống của
người tù chính trị trong xã hội xã hội chủ nghĩa trên đất Bắc này, và chúng tôi
đã thành công chừng mực.
Tên Đoàn, đến làm quản giáo Đội chúng tôi thay Thắng “mặt đỏ”
sang Đội khác. Tên này kiếm ăn dữ lắm. Dắt Đội đến chỗ làm là hắn thọc hai tay
vào túi long nhong sang các Đội kế cận kiếm ăn. Và chính cái hành động “kiếm thức
ăn thuốc hút” của đám quản giáo lẫn võ trang, đã thúc đẩy anh em chúng tôi sử dụng
một số trong số quà do gia đình gởi cho, để đổi lấy sự dễ dãi chừng mực nói
trên. Cách kiếm ăn của tên quản giáo làm cho tên võ trang ganh tức, cho đến một
hôm thì lòng ganh tức nổ ra. Khi đến địa điểm lao động, trong khi anh em chúng
tôi sắp xếp vật dụng thì anh Nguyễn Xuân Hường báo cáo đi lấy củi như thường
ngày. Tên võ trang:
“Hôm nay anh Hường không được đi”.
“Cán bộ quản giáo cho tôi đi rồi cán bộ”.
“Quyền của tôi. Tôi bảo anh không được đi là không được đi”.
“Cán bộ không cho tôi đi lấy củi thì anh em chúng tôi đâu có nước
chín uống”.
“Tôi ra lệnh quay lại. Anh bước thêm bước nữa là tôi bắn anh
đó”.
Vừa quát hắn vừa lên đạn. Tôi nói:
“Anh Hường. Anh trở lại Đội, mọi việc mình tính sau”.
Mấy thằng quản giáo với võ trang của các Đội lân cận tụ tập
trong gian nhà cô công nhân lò gạch, nghe ồn ào nên bước ra ngoài cùng nhìn
chúng tôi. Tên Đoàn bước đến mấy bước rồi nói với anh Hường:
“Cán bộ võ trang không đồng ý thì anh vào Đội đi”.
Nói xong, hắn lại chui vào gian nhà bé xíu của cô gái. Tôi quay
sang tên võ trang:
“Báo cáo cán bộ. Anh em chúng tôi không có nước chín để uống,
xin cán bộ cho Đội tôi không lao động hôm nay”.
“Chuyện các anh có lao động hay không, không liên hệ đến tôi.
Các anh muốn làm thì làm, muốn nghỉ thì nghỉ. Tôi chỉ cần các anh có mặt đủ là
được”.
Quyền hạn của mỗi bộ phận quản trị tù chính trị chúng tôi như vậy
đó.
Khi thấy anh em chúng tôi vác cuốc quay lại điểm tập trung của Đội,
tên quản giáo từ trong nhà nói vọng ra:
“Anh Hoa, cho Đội đi làm đi”.
“Báo cáo cán bộ, không cuốc nỗi đâu vì chúng tôi không có nước uống.
Chúng tôi lớn tuổi rồi, cuốc một lúc là xỉu hết thì nguy lắm. Cán bộ xin với
cán bộ võ trang cho anh Hường đi lấy củi thì Đội lao động ngay”.
Vẫn từ bên trong, hắn nói vói ra:
“Đồng chí cho anh Hường đi lấy củi để đội lao động”.
Tên võ trang gắt giọng:
“Tôi nói không, là không”.
Mọi việc ngưng ở đó. Chúng tôi quây quần bên nhau, không ai nói
với ai nhưng mỗi người chúng tôi có nụ cười khoái chí vì chúng nó “oánh” lẫn
nhau. Một lúc sau, tên võ trang ra lệnh:
“Anh Hoa, cho Đội về trại”.
Tôi nói to: “Các bạn ơi! Cán bộ võ trang bảo chúng ta về trại”.
Mấy tên quản giáo từ trong nhà cô gái trông thấy, nói to:
“Đoàn ơi! Đội của mầy về trại kìa”.
Hắn quýnh quá, chạy theo, và nói lớn:
“Anh Hoa, cho Đội quay lại ngay”.
Tôi cũng nói lớn:
“Trong lúc này chúng tôi phải nghe theo cán bộ võ trang, nếu
không thì chúng tôi bị bắn sao cán bộ”.
Hắn chạy lại tên võ trang xuống nước năn nỉ ỉ ôi sao đó mà tên
võ trang bảo chúng tôi trở lại lao động, dĩ nhiên là anh Hường lên núi lấy củi
nấu nước. Sở dĩ tên quản giáo phải năn nỉ tên võ trang, vì nếu Đội về trại
trong giờ lao động thì tên quản giáo bị kỷ luật. Theo tổ chức của trại tù
chuyên nghiệp, quản giáo trực thuộc bộ phận kế hoạch, còn võ trang thì thuộc đội
võ trang. Vì vậy mà Đội nào gặp phải tên quản giáo với tên võ trang
xung khắc nhau thì giữa hai đứa nó rắc rối hoài, chúng tôi thường khai thác và
đào sâu mối xung khắc đó, đem lại lợi ích cho chúng tôi dù chỉ là những lợi ích
nhỏ nhoi trong cấp thời.
Sau đó, không biết có phải vì sự kiếm ăn quá mức hay không mà
tên Đoàn cuốn gói lên trại tập trung nào đó ở mạn rừng núi phía Bắc Hà Nội. Lúc
ấy tên Vượng thay. Khi làm dưới đồng, trước khi về trại thì dụng cụ gom lại một
chỗ nào đó giấu, khỏi phải sáng lãnh vác đi chiều lại vác về trả kho, mặc dù
tên Công An giữ kho bắt buộc lãnh và trả hằng ngày. Thật ra tên quản giáo nào
cũng mong Đội về đến cổng trại là về nhà ngay, chớ đâu để mất thì giờ chờ Đội
trả dụng cụ. Nhờ vậy mà chúng tôi cũng đỡ phải mang vác lên dốc xuống đồi hằng
ngày. Thỉnh thoảng tên “Thịnh khuỳnh” cũng giở chứng, nếu Đội nào không có quản
giáo “trả” cho trực trại thì hắn bắt Đội đó ngồi tại cổng, cho đến khi tên quản
giáo đến trả mới cho vào trại. “Thịnh khuỳnh” là một trong những tên hung thần
của trại tập trung Nam Hà A.
Theo dõi đài BBC.
Cái việc mà người này nói người kia là “báo cáo” là “ăng-ten”
cũng có, nhưng cũng có những trường hợp do bọn Công An đưa tin để rồi anh em tù
ngờ vực nhau, cảnh cáo nhau, thậm chí đánh dằn mặt nữa, dĩ nhiên là đám Công An
có lợi vì chúng nó sợ tù chính trị kết thành một khối, rồi có những hành động
chống đối chúng nó. Trong trại tập trung Nam Hà A này, nghĩ cho cùng có hai loại
người báo cáo cho tụi Công An: Thứ nhất là báo cáo vặt như nấu nướng, mang thư
mang tiền vào trại, nói năng chống đối, …. loại báo cáo này không nguy hiểm lắm.
Thứ hai là loại báo cáo thật sự nguy hiểm, nhưng loại này không do anh em tù
chính trị chúng tôi, mà là “giả danh tù chính trị”. Chuyện tổng quát thế này:
“Anh Nguyễn Mây (Ty Cảnh Sát Quảng Tín) nhận sửa cái máy thu
thanh của tên Công An quản giáo. Sửa xong, anh nghe được làn sóng đài phát
thanh BBC Luân Đôn. Thế là tin tức đài BBC được ngấm ngầm chuyền thật nhanh
trong anh em chúng tôi, dần dần mới nhận ra nhu cầu theo dõi đài này. Anh Mây hỏi
hắn cho anh mướn để nghe, dĩ nhiên là không cho nó biết mình nghe đài BBC.
Ngoài anh Mây, còn có anh Trần Hàng (Trưởng Ty Cảnh Sát Quảng Tín), và anh Lê
Viết Hằng. Ban đêm nghe xong, ban ngày các anh kín đáo chuyền tin cho nhau rộng
rãi hơn. Bỗng tôi nhớ đến một giai đoạn trong đệ nhị thế chiến, tù binh Pháp bị
quân Đức giam giữ trên đất Pháp, nhờ cái máy thu thanh mà phá ngục kịp thời khi
theo dõi được quân Đồng Minh đổ bộ trên đất Pháp, và trên đà chiến thắng quân Đức.
Nhận ra tác dụng của cái máy thu thanh rất quan trọng đối với tù chính trị
chúng tôi, cũng là lúc tên quản giáo không cho anh Mây mướn nữa. Anh Mây đứng
ra trách nhiệm liên lạc với tên quản giáo nhờ hắn mua cái máy thu thanh, một số
anh em chúng tôi bí mật chung góp để anh Mây gởi mua.
“Phần tôi chung góp một nửa chiếc nhẫn trong số hai chiếc nhẫn vợ
tôi vừa cho. Thường ngày tôi cho một chiếc vào lai quần một chiếc vào cái túi
nhỏ xíu trong nách áo. Đúng là “tù đâu của đó”, nếu không cẩn thận dễ bị chúng
nó tịch thu lắm vì bất cứ lúc nào chúng nó cũng có thể lục soát cả. Tôi theo
anh Mây cứ như đi lang thang ngoài sân trại, nhưng thật ra chúng tôi dần dần cặp
theo sát tường rào, rồi nhanh chân men theo hành lang từ sân trại vào buồng
giam 15 và 16. Rảo mắt chung quanh:
“Anh có thấy thằng nào không Mây?”
“Yên chí. Tụi nó ra ngoài trại, còn đám hình sự cũng vào buồng
giam rồi anh”.
Tôi kéo ống quần lên và nhanh chóng lận ra chiếc nhẫn, trao ngay
cho anh Mây. Chiều hôm đó, anh Mây đưa lại tôi 35 đồng vì chiếc nhẫn đánh giá
70 đồng. Tên quản giáo buộc phải đưa cho nó một chiếc nhẫn chớ nó không nhận
tiền. Nó nói giá chiếc nhẫn là 70 đồng, nhưng nó bán cao hơn là cái chắc vì
nghe mấy người dân làm dưới đồng nói chiếc nhẫn một chỉ với giá 85 đồng lận.
Nghĩa là bán nhẫn đã có lời, khi mua cái máy nói giá cao, lại thêm cái khoản
thưởng cho hắn nữa. Mua cái máy thu thanh, hắn kiếm được ba khoản tiền, nhưng
cũng nguy hiểm cho hắn lắm. Thôi thì chẳng hơn thiệt làm chi vì cái máy thu
thanh là chính.
Không biết vô tình hay cố ý mà hắn mua cái máy thu thanh lớn
quá, ban đêm không đưa lọt qua khe cửa sổ, anh em chúng tôi phải chung góp thêm
50 đồng nữa để nó đem đi đổi cái nhỏ một chút. Ngoài ra lại phải thêm cái khoản
mua điện trì nữa, nó tính giá bằng hai, mà thật ra không biết giá bằng hai hay
bằng mấy lần giá thật chúng tôi đâu có biết. Nhưng chỉ vài tháng là cái máy thu
thanh bị hư, có lẽ hắn đưa chúng tôi cái máy “dỏm” thì phải.
Anh Lâm Minh Đức (Thiếu Tá An Ninh Quân Đội) nhờ tên quản giáo của
Đội ảnh mua cái máy thu thanh trong khi trong túi chưa có đồng nào cả. Tên quản
giáo nói hắn ứng tiền mua và giao cho anh Đức tại chỗ lao động. Anh Đức rất
bình tỉnh, cho cái máy vào thùng (nấu nước) và dường như chính anh gánh vào trại.
Cũng may là đám trực trại không xét cái thùng. Cái máy vào trại an toàn, anh Đức
mới liên lạc rỉ tai mấy anh em đã cộng tác trong vụ máy thu thanh. Anh Phạm Kim
Qui, anh Dương Công Liêm, tôi, anh Bằng (Quận Trưởng Quận 5 Sài Gòn), và hai
hay ba anh nữa cùng chung góp. Lúc ấy anh Bằng moi trong cái bao lấy ra cái
gói, mở cái gói ra rồi mở thêm một lần bao bọc nữa, và nói:
“Đây là một trăm đồng sanh tử của tôi, tôi chung góp với mấy anh
một nửa”.
Anh Đức điều hành công việc cất giấu, cũng như luân phiên các bạn
trẻ ban đêm thức nghe và ghi chép tin tức. Cái máy luân chuyển giữa các buồng
giam 3 (anh Trần Hàng), buồng giam 4 (anh Đức), buồng giam 13 (anh Lê Viết Hằng),
buồng giam 15 (anh Mây). Các anh không chuyển sang buồng giam cấp Đại Tá,
vì các anh lo ngại nếu cấp Đại Tá bị tụi nó bắt trong vụ này thì khó
sống lắm. Các anh ấy sẳn lòng nhận sự nguy hiểm thay chúng tôi. Tôi với anh
Qui, anh Liêm, và anh Bằng, rất cám ơn các anh ấy.
Mỗi trưa sau khi nhập trại (lúc lao động ngày hai buổi) là tất cả
các anh Đội Trưởng, nay cái góc này mai cái góc kia trong trại, chúng tôi ngồi
lại để nghe các bạn tường thuật tin tức nghe được đêm qua. Nghe xong lập tức giải
tán về buồng giam ăn cơm, chuẩn bị lao động buổi chiều. Đầu giờ lao động buổi
chiều, chúng tôi được nghỉ 10 phút ngay khi đến chỗ lao động, trong khi tên quản
giáo với tên võ trang cũng kiếm chỗ mát ngồi nghỉ. Tôi sử dụng trường hợp Đội
chúng tôi như trường hợp điển hình về phổ biến tin tức. Tôi ngồi giữa, các bạn
trong Đội gần như ngồi chung quanh. Chúng tôi không ai nhìn ai, cứ như lơ đãng
nhìn đâu đâu nhưng thật ra là đang chú ý theo dõi tin tức tôi chuyển lại. Lúc
tôi xoay bên trái lúc xoay bên phải để các bạn nghe rõ. Xong, chúng tôi vác dụng
cụ đi làm chớ không chờ tên quản giáo thúc giục. Đây cũng là cách chúng tôi giữ
lòng tin của hắn. “Mình gian phải ngoan” để đạt mục đích.
Công việc theo dõi tin tức đài BBC Luân Đôn diễn tiến tốt đẹp, hằng
ngày chúng tôi nghe tường thuật tin tức đều đặn. Cứ hết điện trì thì anh em
chung góp gấp đôi đưa “chui” cho tên quản giáo là hôm sau có ngay. Cho đến một
hôm, đó là ngày chủ nhật, thông thường khoảng 8 hay 9 giờ sáng thì đám trực trại
mở cửa buồng giam cho tù ra rửa mặt và chuẩn bị cơm nước. Nhưng hôm nay theo
bóng mặt trời ít ra cũng 10 giờ rồi mà không một buồng giam nào mở cửa. Ngay cả
mở cửa gọi tù thăm nuôi cũng không. Vậy, ắt phải có vấn đề quan trọng gì đó mới
có sự kiện khác thường này, hoặc giả là cả đám trực trại ngủ quên hết không chừng.
Một bạn đùa:
“Theo đài BBC thì xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên đường kiệt
quệ, hổng chừng tụi nó cuốn gói bỏ chạy hết rồi, anh em mình tìm cách mở cửa ra
để còn rượt theo chúng nó chớ”.
“Thôi đi bạn ơi!”
Tôi lên tiếng trong lúc tôi đang đứng ở đầu hồi buồng giam nhìn
ra sân trại, và tiếp:
“Tụi nó đi tới đi lui đầy ngoài sân trại kìa, có vẻ như không có
tên nào vào hướng các buồng giam khu mình cả. Tôi ngờ là có chuyện
không may cho anh em mình nhưng chưa đoán được là chuyện gì”.
Anh Bùi Quang Hiền:
“Anh Hoa, giống như tiếng anh Đức bên buồng 4 gọi anh kìa”.
Tôi trở về chỗ nằm, bên trên cửa sổ có lỗ thông hơi nhưng hơi
cao, tôi rướn người lên nhìn qua buồng 4, khoảng cách áng chừng 20 thước, dù
không thấy gì nhưng vẫn lên tiếng:
“Hoa đây Đức ơi! Có gì lạ không?”
“Dưới buồng (giam) 6 vừa chuyền lên là tụi nó đang lục soát ở buồng
(giam) 13, sau khi lục soát buồng 15”.
“Bên anh, anh cẩn thận nghe Đức. Nó nằm ở đâu?” Nó, tức là cái
máy thu thanh.
“Anh yên tâm, chuẩn bị rồi. Nó ở dưới 13 hay 15 gì đó”.
Chừng một tiếng đồng hồ sau đó, một đám Công An lên lục soát buồng
3 buồng 4, rồi sang buồng 1 chúng tôi cùng lúc với buồng giam số 2. Tại các buồng
1, 2, 3, và 4, chúng nó lục soát nhanh hơn buồng 13 và 15, vì chúng nó chỉ chú
trọng li ti đến đồ đạc của anh Trần Hàng (buồng 3), anh Lâm Minh Đức (buồng 4),
tôi (buồng 1), và anh Phạm Kim Qui với anh Phạm Kim Tấn (buồng 2).
Áng chừng 12 giờ trưa, đám trực trại mở cửa buồng giam. Chúng
tôi chạy đi chạy lại tìm các bạn ở các buồng nói trên hỏi thăm tin tức. Tuy
không bạn nào biết rõ chuyện gì xảy ra, nhưng nhóm chúng tôi ở buồng giam 1 và
2 nghi ngờ vụ này liên quan đến cái máy thu thanh, vì được các bạn trong buồng
giam 13 và 15 tường thuật thì chúng nó lục soát tỉ mỉ, không bỏ sót bất cứ
thùng gì gói gì để trong buồng giam, mà cái máy thu thanh hai đêm qua nó nằm ở
hai buồng này. Và anh Mây thuật lại hành động của tụi Công An lục soát buồng
giam 15 như sau:
“Trong số Công An lục soát, có hai đứa từ Bộ Công An ở Hà Nội xuống.
Cửa mở, chúng nó bắt mọi người đi tay không ra sân trong khuôn viên
buồng giam, ngồi xuống. Tuyệt đối không được đi lại nếu chưa có phép. Tuần tự từ
đầu buồng giam đến cuối buồng giam, mấy thằng lục soát sàn dưới, mấy thằng lục
soát sàn trên, không bỏ sót bất cứ món gì. Trong khi mấy tên lục soát chỗ nằm,
thì mấy tên khác lục soát đồ dùng mà ban đêm để ngay giữa lối đi trong buồng
giam. Đến đồ dùng của anh nào thì chúng nó gọi anh đó vào. Tuần tự từng món một,
bất cứ là lon, hộp, bao, gói, giỏ xách, nói chung là chúng nó đều mở ra xét. Từng
món khi xét xong, để ra sau lưng rồi tiếp tục những món trước mặt. Xét xong anh
nào thì chúng nó đuổi anh ấy ra ngoài sân ngồi.
Tại buồng giam 15, theo lời một bạn trẻ thuật lại xem như một
chuyện lạ. Tên Công An liên tục khám xét đến cái hộp hình chữ nhật đựng cái máy
thu thanh bên trong, nhưng thình lình mấy tên Công An trên sàn gác gọi mấy tên
này lên vì thấy tiền, anh bạn đang bị xét, lập tức để cái hộp đó vào đống đồ đã
xét xong.
Cứ như thế mà chúng nó tiếp tục xét cho đến hết toàn bộ vật dụng
và đồ dùng của tất cả các buồng giam mà chúng nhắm vào, nhưng chúng nó không
tìm được cái máy thu thanh. Tuy không tìm được bằng chứng, nhưng chúng cũng bắt
anh Lê Viết Hằng, anh Nguyễn Mây, với một anh phụ trách nghe radio, đưa đi đâu
đó. Anh Trần Hàng thì an ninh trại bắt nhốt vào chỗ biệt giam trong trại Nam Hà
B. Vài ngày sau đó, chúng nó loan tin anh Trần Hàng thắt cổ tự tử. Tin này làm
cho tù chính trị chúng tôi, nhất là “anh em chúng tôi trong nhóm radio” nghi ngờ
anh Hàng bị chúng nó giết. Một tuần sau nữa, tôi với anh Nguyễn Kim Tây trong một
buổi lao động gần trại Nam Hà B, có anh tù hình sự cho biết thi thể anh Trần
Hàng do anh ta với người bạn chôn cất. Tôi hẹn ngày mai làm ơn chỉ cái mộ anh
Hàng, tôi sẽ tặng anh ta 100 gram bột ngọt mà người dân xã hội chủ nghĩa miền Bắc
này gọi là “mì chính”.
Hôm sau khi đến chỗ lao động, như lời hứa, sau khi nhận quà của
tôi, anh ta đưa tôi với anh Tây xuống khu rừng ngay dưới chân đồi, chỉ cái mộ
còn rất mới ngay giữa đám cây rậm rạp, nếu anh ta không chỉ chưa chắc chúng tôi
tìm được. Có tảng đá xanh khá lớn mà anh ta nói là làm dấu để chỉ cho tù chính
trị chúng tôi. Đúng hay không thì không rõ, nhưng rõ ràng là có tảng đá bên cạnh.
Sau đó, anh Lâm Minh Đức cũng bị bắt đưa lên xe, nhưng không rõ chúng nó đưa
anh Đức đi đâu.
Xuất xứ của sự kiện chết người này là bản báo cáo viết tay của tên
tù hình sự loại trộm cướp, nhưng tụi Công An cho nó núp dưới danh nghĩa “tù
chính trị có án”. Hắn tên Chúc, nói là đưa từ trại khác đến trại Nam
Hà A này giam chung với tù chính trị chúng tôi. Cứ vài tuần là tên Thắng “chuột”
phụ trách An Ninh của trại, chuyển hắn sang buồng giam khác cũng là buồng giam
tù chính trị, với lý do “tên Chúc quậy phá quá”. Nhưng đêm thứ bảy thì tên Chúc
này bị chuyển đi trại khác hay đi đâu đó, rồi sáng chủ nhật là chúng nó lục
soát khám xét chúng tôi như tường thuật ở đoạn trên. Vậy là tên Chúc do Công An
đưa vào các buồng giam chúng tôi để tìm dấu vết cái máy thu thanh, báo cáo cho
tụi nó và tụi nó lục soát chúng tôi. Do vậy mà chúng bắt đúng những anh liên
quan trực tiếp trong vụ này. Thật ra chúng tôi không hiểu tên Chúc có phải là
tù hình sự hay tù chính trị có án, hay là một tên Công An trá hình dưới tên tù
chính trị có án. Nhưng cho dù tên Chúc có là loại gì đi nữa, thì hắn là loại
báo cáo thật sự nguy hiểm đối với chúng tôi.
Anh Lâm Minh Đức, mãi mấy năm sau mới được chuyển trở lại trại
Nam Hà A. Lúc ấy chúng tôi mới biết anh Đức bị chúng nó đưa lên giam ở trại
Thanh Lãng (ngoại ô Hà Nội). Anh Đức cho tôi biết, cứ mỗi lần anh bị thẩm vấn,
chúng nó đều hỏi tôi với anh Phạm Kim Qui có liên quan gì đến vụ này. Anh Đức một
mực trả lời “không liên quan gì”. Anh Đức kết luận:
“Nếu mà em chỉ gật đầu sau câu hỏi của chúng nó, anh với anh Qui
bị nó biệt giam tức khắc, và chưa biết chuyện gì xảy ra sau đó nữa”.
Trở lại chuyện nhờ đâu mà cái máy thu thanh thoát khỏi bàn tay vấy
máu của mấy tên Công An trong đường tơ kẽ tóc? Dưới đây là tóm tắt những lời của
nhiều anh em chúng tôi bàn luận rất sôi nổi, vì đã có một bạn bị giết chết và ba
bạn bị bắt đưa đi thẩm vấn ở trại khác:
“Các anh theo đạo Thiên Chúa thì cho rằng, nếu không có ơn Trên
ban phước lành, còn các anh theo Đạo Phật nói nếu không có Đức Phật độ trì, làm
sao chúng ta tránh được cái nạn tai hết sức nguy hiểm vừa rồi?
“Thằng Thịnh khuỳnh có đôi mắt cú vọ với cái đầu gian ác, chắc rằng
khi xuống sàn dưới hắn không quên cái hộp nhỏ mà trước khi leo lên sàn gác hắn
đã trông thấy. Bây giờ không thấy cái hộp, ắt hẳn hắn phải hiểu có cái gì bên
trong cái hộp nhưng hắn lờ đi. Chẳng phải hắn thương chúng tôi đâu, mà hắn
thương bản thân của hắn đó. Bởi vì nếu như cái máy thu thanh đó bị Công An Hà Nội
tịch thu, hắn phải hiểu là trách nhiệm thuộc về hắn vì hắn là Trưởng Toán trực
trại. Biện pháp kỷ luật một mình hắn lãnh đủ, thậm chí có thể ra tòa nữa”.
Còn cái máy thu thanh “sống sót” sau cuộc đại ruồng bố, các bạn
trẻ của chúng tôi đã “phân thây” và đem “an táng” biệt tông biệt tích.
Vài tháng sau đó, anh em chúng tôi được biết, tên quản giáo mua
giùm cái may thu thanh đã bị lột áo Công An, tức bị sa thải. Một hôm, hắn thất
tha thất thểu vào trại trong giờ trưa, các bạn trẻ gom góp một ít tiền và một bộ
đồ (quần tây áo sơ mi) tặng hắn, xem như an ủi hắn hắn về quê sinh sống.
Phần tôi, sau khi anh Đức bị bắt, tôi ước tính có thể sẽ bị
chúng nó bắt, nên viết sẳn hai cái thư và nhờ anh Nguyễn Tài Lâm:
“Nhờ anh giữ giùm để gởi về vợ tôi. Thư thứ nhất gởi sau khi tôi
bị bắt khoảng hai tuần, còn thư thứ hai gởi sau thư thứ nhất một tháng. Nhớ gởi
“chui” chớ đừng gởi theo kỳ thư sẽ bị lộ thì nguy. Sau đó tôi sẽ liệu”.
“Anh linh cảm gì mà chuẩn bị vậy?”
“Trong số các bạn bị bắt, chỉ cần một lời khai có tôi tham gia
là chúng nó chộp cổ tôi ngay. Anh thấy đó, anh Đức bị bắt là do lời khai mà”.
“Anh cẩn thận nghe. Tụi nó mà chộp anh là nguy lắm chớ hổng vừa
đâu”.
“Tôi tin là tụi trực trại với đám an ninh đang theo dõi tôi với
anh Qui chớ chưa yên đâu”.
“Thư anh đề ngày chưa”.
“Chưa. Khi gởi thì anh đề ngày giùm tôi. Anh ráng gò cho nét con
số giống nét chữ viết của tôi nghe. Tuyệt đối không để bạn nào biết nghe anh, kể
cả anh Phước”.
“Anh không lo việc đó, bí mật là nghề của tôi mà”.
Sau cùng, anh Lâm trả thư lại
tôi.
Trở lại công việc vá đường.
Sau ngày vợ con tôi rời nơi đây trở về Sài Gòn, Đội chúng tôi vẫn
còn quanh quẩn gần nhà thăm nuôi do chúng tôi cố ý chậm chạp để còn ở quanh đây
ngày nào tốt ngày ấy, vì các bạn tôi có thể gặp được vợ con như tôi vừa gặp. Vẫn
là cái nắng đổ lửa, tôi với anh Tây vừa ngưng tay cuốc đá để lau mồ hôi trán,
tôi nghe tiếng quen quen:
“Duy à Duy. Bác Hoa kìa con”.
Ngạc nhiên quá. Tôi quay nhìn, nhưng nắng chói chang mãi một lúc
mới nhận ra chị Trần Kinh Điển. Anh Điển là một trong bốn Thiếu Úy mới tốt nghiệp
khóa 5 Thủ Đức, chúng tôi cùng thuyên chuyển đến Tiểu Đoàn 510 Khinh Quân đồn
trú ngoại ô tỉnh lỵ Vĩnh Long hồi tháng 2 năm 1955. Tôi nói với anh Tây:
“Nhà ngươi trông chừng thằng quản giáo giùm ta nghe, chị ngồi
trên thềm nhà thăm nuôi là bạn rất thân với vợ chồng ta khi phục vụ Tiểu Đoàn rồi
Trung Đoàn đồn trú ở Kon Tum”.
Tôi cuốc dần sang lề đường bên phía nhà thăm nuôi:
“Chị Điển. Chị đến hồi nào vậy?”
“Tôi với thằng Duy đến đây hồi trưa”.
“Ảnh Điển ở trại nào vậy chị?”
“Trại B. Anh biết trại B ở đâu không?”
“Khỏi trại A khoảng vài cây số hà chị. Năm ngoái tôi có gặp anh
Chươu (Nguyễn Ngọc Chươu) ở đây, nhưng ảnh chuyển trại khác rồi. Thôi, tôi lại
đằng kia vì tên Công An đang nhìn tôi kìa. Chào chị”.
Tôi lại chỗ bếp của anh Nguyện giả vờ uống nước để hi vọng gặp
anh Điển, người bạn rất thân. Khi trông thấy anh ấy theo tên Công An hướng dẫn
thăm nuôi nhưng không cách nào đến gần được, chỉ vẫy tay vừa chào gặp gỡ vừa
chào chia tay, vì đôi mắt tên võ trang đang nhìn chúngtôi.
Những ngày sau đó, Đội chúng tôi chuyển dần ra hướng Ba Sao. Cái
hôm cách nhà thăm nuôi khoảng năm trăm thước, hai bên là rừng chồi, bên phải có
cái đường mương cạn, sâu khoảng ngang lưng quần, đám cỏ sát đường cao khuất đầu
người lại oằn xuống gần như phủ đường mương cạn, rất thuận lợi cho chúng tôi gởi
“thư chui”.
Hôm đó trong số các chị đang thăm thân nhân tù chính trị trong
nhà thăm nuôi, không có chị nào mà chúng tôi quen biết, nên chúng tôi sẽ gởi
cho bất cứ chị nào ra về. Chúng tôi “dàn trận” như sau: Anh Phụng cuốc sát lề
đường bên phía có đường mương cạn. Anh Tây, anh Huế, anh Phước, đứng cuốc hàng
ngang che tầm nhìn của tên quản giáo từ nhà của đám Công An phụ trách nhà
thăm nuôi. Anh Hậu và ba anh nữa đứng cuốc che tầm nhìn của tên võ trang từ cái
chòi của hình sự phụ trách dọn dẹp nhà thăm nuôi.Các bạn trong Đội còn lại, đứng
cuốc tản mác trên mặt đường, nhưng cùng quan sát xem có tên Công An nào trên đường
đi thì báo động bằng cách gọi tên tôi là tôi biết.
Khoảng 10 giờ, có hai chị trên tay xách giỏ rời nhà thăm nuôi đi
bộ ra hướng chợ Ba Sao, lúc ấy tôi đang ngồi dưới đường mương cạn:
“Anh Phụng ơi! Anh đến gần chị mặc áo xanh, nói với Chỉ làm ơn
chuyển cái giỏ sang tay phải và đi sát lề đường, tôi sẽ từ dưới đường mương chồm
lên để xấp thư đã cột lại cẩn thận, nhờ Chỉ mang về Sài Gòn bỏ thùng thư giùm
nghe anh Phụng”.
“Được rồi, Anh để tôi”.
Khi Chị ấy ngang vừa tầm tay, tôi vừa để xấp thư vừa nói:
“Chị làm ơn giúp giùm chúng tôi. Rất cám ơn Chị. Chúc Chị bình
an”.
Khỏi chúng tôi một quảng, Chị ấy vừa đi vừa lấy xấp thư nhét sâu
bên trong giỏ, và cuối cùng hai Chị khuất dưới dốc đường. Chúng tôi cùng cười
vì vừa thực hiện xong “một đoạn phim cảm giác mạnh”. Anh Cao Văn Phước:
”Thằng cha Hoa chơi trò ú tim nguy hiểm quá!”
Anh Đặng Văn Hậu:
“Ra tù, cử thằng cha Hoa làm đạo diễn phim được à!”
Thật ra chúng tôi chỉ là những người trong cùng hoàn cảnh, muốn
gởi thư về gia đình đế nói những việc ở trại tập trung cũng như bàn đến những
việc nhà mà thư gởi chánh thức ngang qua kiểm soát của đám Công An không
thể viết được. Đó là một trong những cách mà chúng tôi tùy lúc tùy nơi thực hiện.
Mỗi lần như vậy, thường là gởi được vài chục cái thư chớ đâu ít. Chúng tôi vừa
làm được việc cho mình, cho bạn, vì chuyển đạt tin tức về nhà cũng như nhận lại
tin tức từ gia đình là nhu cầu hết sức cần thiết đối với chúng tôi.
Rồi Đội chúng tôi sửa đường ra đến gần lò vôi của trại, trên đường
ra chợ Ba Sao. Điểm nấu nước của Đội, anh Nguyện chọn cạnh chân núi trên đầu dốc,
còn nhà hình sự làm lò vôi ở dưới đầu dốc.
Ngay ngày thứ nhì, xe của trại từ Phủ Lý trở về và vì lên dốc
nên xe chạy chậm lại, nhờ đó mà anh Nguyễn Bá Hưng (Đại Tá, Bộ Tổng Tham Mưu)
trông thấy vợ và con anh ngồi trên xe. Ngược lại, có lẽ chị Hưng thấy có Đội tù
đang sửa đường nên nhìn xuống và trông thấy anh Hưng. Thế là tối đến, nhiều bạn
viết thư để chiều mai khi chị Hưng đi bộ ra Ba Sao, chúng tôi sẽ tìm cách trao
xấp “thư chui” nhờ chị ấy mang về Sài Gòn gởi giùm. Tôi nói với anh Hưng:
“Sáng mai khi gặp chị, anh dặn chị sau khi thấy Đội đi lao động
buổi chiều ngang nhà thăm nuôi một lúc thì chị với cháu hãy ra về. Còn anh sau
khi thăm buổi sáng thì buổi chiều nên theo Đội đi làm để tìm cách anh chị gặp
nhau tại chỗ làm”.
“Anh liệu có được không?” Anh Hưng hỏi tôi.
“Tôi chưa biết bằng cách nào, nhưng tôi cố gắng thuyết phục thằng
võ trang thử xem. Anh cũng nên có tí quà cho nó, như gói thuốc đầu lọc hay thứ
gì đó gọn gọn một chút để nó cho vào túi, hi vọng là anh chị được gặp nhau. Tôi
nghĩ vậy là vì thằng Hải võ trang mới đến Đội, nhưng trước đây hắn là một trong
hai thằng gởi thư chui của chúng mình đó”.
Anh Hưng vẫn e ngại: “Mình cần xin thằng Vượng hông anh?”
“Tôi thấy xin hắn khó lắm. Anh có để ý là khi giao việc cho
chúng mình xong, hắn xuống nhà hình sự ở lò vôi uống trà, mà ở đó
không nhìn thấy Đội. Tôi nghĩ, xin thằng võ trang có thể dễ hơn”.
Như ước tính, sau khi thằng võ trang nhận gói thuốc lá đầu lọc
do con gái anh Hưng đưa, hắn đồng ý cho anh chị Hưng gặp nhau ở chân núi để
tránh những cặp mắt của những tên Công An đi trên đường. Con gái anh Hưng khoảng
10 tuổi, tôi bảo nó:
“Con đến bới đống tro bên cạnh bếp, lấy xấp thư mang về Sài Gòn
gởi giùm các bác các chú nghe con”.
“Dạ”.
Con bé nhanh tay cầm xấp thư và đang phủi tro bụi bên ngoài túi
ni-lông, tôi nói:
“Nhanh lên con. Có Công An đang lên dốc kìa”.
Trong một động tác thật nhanh, một tay giở cái nón rộng vành
lên, tay kia nhét xấp thư lên đầu, vội vàng chụp cái nón xuống. Con bé nhanh
chân mà lại nhanh tay nữa. Sau khi anh chị Hưng gặp nhau trong đám cây sát chân
núi, chị Hưng và con gái của chị thản nhiên tiếp tục đi bộ ra Ba Sao, đón xe ra
Phủ Lý, theo xe lửa lên Hà Nội, sau đó trở về Sài Gòn.
Sang ngày thứ ba, Đội dời xuống lò vôi. Đoạn đường này nhiều lỗ
trũng quá. Chúng tôi phải mượn quang gánh để gánh đá dăm từ trong núi ra lấp.
Trong giờ giải lao buổi sáng, thằng Vượng quản giáo ngồi trên miệng lò vôi:
“Anh Hoa, lên đây tôi hỏi”.
Anh Đặng Văn Hậu nói khẽ:
“Có chuyện đấy. Trông cái mặt nó hầm hầm kia kìa”.
Tôi leo lên lò vôi. Lò đang nun đá thành vôi, sức nóng thoát ra
các lỗ thông thoáng rất mạnh, tôi phải tránh né mãi mới đến chỗ hắn ngồi:
“Chào cán bộ”.
“Hôm nọ anh chống đối lệnh ông Huy (Trại Trưởng Nam Hà A) phải
không?”
“Ông trại trưởng bảo tôi đóng vai trại viên ngồi đọc sách ở
phòng văn hóa, nếu phái đoàn ngoại quốc có hỏi thì trả lời. Tôi trả lời ông Trại
Trưởng là tôi không làm được việc đó, vì tôi không quen nói dối, mà tôi nói thật
thì trại kỷ luật tôi. Cả hai điều, nói dối theo trại thì tôi không muốn mà nói
theo sự thật thì trại không muốn, tôi đều không làm được. Lúc ấy ông Huy đập mạnh
trên mặt bàn làm bình mực văng xuống nền gạch bể ra nhiều miềng, mực văng tung
tóe, rồi ổng hét to: “Đi ngay cho khuất mắt tôi”. Ổng liền gọi cán bộ Lực dắt
tôi ra Đội đi lao động ngay. Báo cáo cán bộ, chuyện chỉ có thế”.
“Anh có biết ông Huy làm căng với tôi thế nào không?”
“Chuyện của tôi sao lại liên quan đến cán bộ?”
“Ông ấy bảo tôi tại sao cho anh làm Đội Trưởng. Ông Phượng (cán
bộ kế hoạch) nói các anh trong Đội tín nhiệm anh. Tôi với ông Phượng nói mãi,
ông ấy mới im đấy”.
“Vậy thì cán bộ cho tôi làm đội viên đi. Ở vị trí Đội Trưởng,
tôi thường xuyên đương đầu với những việc phức tạp. Tôi vừa giữ tình anh em
chúng tôi, vừa giữ cách xử sự giữa chúng tôi với cán bộ, lẫn cán bộ trực trại.
Có lúc đau đầu lắm cán bộ”.
“Anh có thấy một số anh được về sớm là do không bao giờ chống lại
lệnh của trại không. Tuy có nhục giữa mấy anh với nhau, nhưng được về sớm. Anh
không muốn à?”
“Tôi không nghĩ như vậy cán bộ. Chúng tôi đã vào tù tập thể, thì
ra tù cũng có tính cách tập thể là tốt nhất. Về riêng lẽ, không phải là điều mà
tôi mong đợi”.
“Anh không thương vợ con anh à?”
“Thương hay không thương, tôi nghĩ là cán bộ đã nhận biết điều
đó khi tôi năn nỉ cán bộ cho tôi gặp vợ con tôi chỉ trong chốc lát. Chính vì rất
nặng tình gia đình nên tôi mới vào đây, và tôi nhất quyết, khi ra tù tôi vẫn là
tôi chớ không phải là ai khác”.
“Thôi, bỏ chuyện đó đi. Nói chuyện với anh một lúc tôi muốn nổi
nóng lên rồi, huống chi ông Huy là Trại Trưởng. Sang chuyện khác”.
Bỗng dưng hắn xuống giọng:
“Chuyện riêng tư thôi. Anh có đồ đăng ký không? Tôi có thể giúp
anh rút ra được”.
“Đang nói chuyện căng thẳng thần kinh, bỗng dưng cán bộ chuyển
sang chuyện này làm tôi hơi đột ngột. Vâng, tôi có cái đồng hồ hiệu Longines
(Thụy Sĩ), và chiếc nhẫn 1 chỉ. Nếu cán bộ rút được, cán bộ giữ lại cái đồng hồ,
tôi chỉ cần chiếc nhẫn thôi”.
“Để tôi gặp cán bộ đăng ký xem sao”.
Một tuần sau, hắn đưa tôi chiếc nhẫn. Thật ra thì cái đồng hồ bị
gãy cái chốt vặn nên nó lên meo xanh lè mà tôi đã thấy lúc bàn giao khi từ Yên
Bái chuyển đến trại này. Nhận lại chiếc nhẫn, tôi rạch một đường nhỏ bên trong
cái túi da dùng đựng kem đánh răng, bàn chải, và cạo râu, dùng giấy keo dán chiếc
nhẫn dính chặt vào đó, rồi dán lằn rạch đó lại. Tôi chọn ngay cái lằn xếp để
đám Công An khó phát giác. Còn tiền mang lén vào trại, tôi cuộn lại cho vào
vòng tròn cái hộp sữa bột do Nga sản xuất, có “cái lợi” trên miệng rồi cho sữa
bột vào nên có phần yên tâm với “mớ tài sản chìm” đó.
Xin nói thêm rằng, việc rút hai món đồ của tôi mà tôi không ký
giấy tờ gì cả, vậy liệu họ có muốn lấy món gì của ai thì họ có tự ý lấy theo
cách như vậy hay không?
Trong hai tuần lễ sau đó vẫn tiếp tục sửa đoạn đường này, có
thêm chị Đặng Văn Hậu và chị Ngô Văn Huế đến thăm hai anh. Vẫn gặp nhau lén lút
trên đường trở ra Ba Sao, ngoài buổi thăm chánh thức tại nhà thăm nuôi.
Chuyện thật tình cờ. Buổi chiều, Đội trên đường về trại. Khi gần
đến nhà thăm nuôi, một chị lảng vảng bên đường liền sáp vô Đội và thật nhanh
khi nhét vào tay anh Nguyễn Quang Chiễu chiếc nhẫn nhờ trao lại một vị linh mục,
nhưng anh Chiểu hoảng quá nên buông tay làm chiếc nhẫn rơi xuống đường, vì anh
sợ thằng võ trang thấy. Tôi nhìn thằng võ trang đi bên kia lề đường có vẻ như hắn
không hay biết gì hết, tôi móc khăn tay trong túi áo rồi buông xuống đường như
vô tình làm rớt. Tôi dừng lại, khom xuống lấy cái khăn và chụp lên chiếc nhẫn
mang vào trại đưa cho anh Chiễu. Nhanh tay lẹ mắt thường khi được việc. Có lẽ
tôi chưa bị bắt tại trận lần nào nên “chưa sợ lắm” thì phải.
Ba tôi đến thăm.
Từ đầu năm 1981, Đội chúng tôi lại xuống “cánh đồng chiêm”,
nhưng thay vì cuốc đất trồng lúa thì đánh luống trồng rau muống. Cũng từ thời
gian này, mỗi sáng các Đội không phải ra sân ngồi chồm hổm chờ lệnh xuất trại
lao động như trước, mà quản giáo vào nhận Đội ngay trong khuôn viên buồng giam
ra đến cổng mới báo cáo xuất trại. Nguyên nhân vì gần đây có những vụ lộn xộn
trong lúc ngồi chờ xuất trại, do một số bạn trẻ Đội 20 công khai chống đối trại,
đồng thời cũng chống lại những Đội không nghe theo các bạn ấy nữa. Trẻ là vậy
mà, chống mà không cần tính toán lúc nào nên lúc nào không nên, và chống đến mức
nào dừng lại để tránh biệt giam. Sau đó tất cả các bạn trẻ Đội 20 bị chúng nó
chuyển vô trại Nam Hà B, lại đưa ra Trại Mễ ngoài Phủ Lý biệt giam ở
đó. (Trong số đó có chú Thành, Thiếu Úy Biệt Động Quân, năm 2006 định cư tại
San Antonio, Texas. Thỉnh thoảng chúng tôi gặp nhau nhắc lại chuyện trong tù,
và nói chuyện hôm nay).
Một sáng, trong khi chờ quản giáo vào nhận xuất trại, con bé
Công An tên Hoa đã thay con bé Kim, vào gọi tôi thăm nuôi. Tôi áng
chừng Ba tôi ra thăm vì thư gần đây vợ tôi cho biết là Ba tôi sẽ ra. Con bé này
vừa hơn 20 tuổi, mới nhận công tác này vài tuần là có biệt danh “Hoa đanh”.
Theo lời thuật của một bạn chứng kiến tại nhà thăm nuôi, chuyện như thế này:
“Cô ta hối thúc tù hình sự thu xếp nhanh vào trại, bà mẹ của anh ta nài nỉ:
“Cô cho cháu nán lại ăn xong chén cơm là cháu vào ngay. Lâu lắm
cũng độ 10 phút thôi”.
“Tôi bảo đi vào là đi vào. Hết giờ rồi”.
“Thì tôi có nói còn giờ hết giờ gì đâu, chỉ xin cô cho cháu ăn
chén cơm thôi mà”.
“Tôi bảo vào là vào, không có cơm với nước gì cả”.
Bà già nổi sùng lên, đứng dạng hai chân ra, hai tay chống nạnh,
và nghênh chiến:
“Này. Bà nói cho mà biết. Đanh đá vừa vừa để còn kiếm chồng chứ
quá quắc cho lắm chẳng có thằng nào nó mó vào đâu, nghe chưa”.
Thấy bà già “phản công” dữ dội, con bé làm thinh luôn. Nhưng
trên đường vào trại, anh tù hình sự bị con bé “pháo kích tơi bời” giống như
“thua me gở bài cào” vậy. Từ đó, con bé hướng dẫn thăm nuôi được tù chính trị
chúng tôi lẫn tù hình sự tặng thưởng biệt danh “Hoa đanh (đá)”. Trên đường ra
nhà thăm nuôi, tôi hỏi con bé Hoa đanh:
“Ai thăm tôi vậy cán bộ?”
“Công An cái” trả lời cộc lốc: “Đến nơi thì biết”.
Đúng là con gái xã hội chủ nghĩa miền Bắc ăn nói cụt ngủn, thật
khó ưa. Mà nghĩ cho cùng, nếu nó dễ ưa thì nó đâu phải cộng sản phải không quí
vị quí bạn?
Lên quá đầu dốc, nhìn thấy Ba tôi đứng ở hàng hiên nhà thăm
nuôi. Vừa đến cửa là tôi chạy đến ôm Ba tôi:
“Má khỏe hả Ba?”
Tiếng con Hoa đanh:
“Anh làm cái gì thế? Tôi chưa cho phép mà. Tất cả vào trong nhà
ngay”.
Đúng là cái đám cộng sản “đực cái như nhau”, dường như chúng nó
từ dưới đất chun lên chớ không do cha mẹ chúng nó sanh ra, nên không hiểu thế
nào là tình cha con mẹ con gì hết. Tức lắm, nhưng vẫn phải nghe theo nó. Tôi nắm
tay Ba tôi cùng vào. Lại tiếng con Hoa đanh:
“Các anh được gặp gia đình trong hai tiếng đồng hồ. Nghe rõ
chưa?”
Có vài tiếng trả lời “rõ”. Ba tôi kề tai tôi:
“Má con khỏe. Má con đòi đi theo nhưng Ba hổng cho vì Má con
không khỏe bằng Ba”.
“Ba đến hồi nào vậy?”
“Ba theo xe của vợ chồng con bé Năm (bà con cô cậu với tôi) chở gạo
từ Sài Gòn ra Hà Nội. Nó đưa Ba đến đây hồi sáng, nhưng vì nó để tóc dài nên họ
không cho gặp con. Nó lên Hà Nội rồi, Ba hẹn địa điểm gặp nó ở Hà Nội chiều
ngày mốt. Con coi hình thằng Trung với thằng Tín đi, tụi nó tới Houston (Hoa Kỳ)
hồi tháng trước (12/1980). Đứa nào đứa nấy cao hơn hai chú nó rồi
con”.
Trung là con thứ nhất (1959) và Tín là con thứ ba (1963) của
chúng tôi, nay thì hai anh em nó cao bằng nhau.
“Chút nữa Ba quên. Thằng Hùng (1966) vượt biển đến Phi Luật Tân
rồi con. Tháng tới (02/1981) có thể nó đến Houston gặp hai anh nó. Kỳ này vợ
con không ra thăm con vì đang lo cho con Vân với thằng Nghĩa vượt biển. Thằng
Nghĩa mới 10 tuổi mà nó đòi đi theo con Vân (20 tuổi) để qua đó đi học, nên vợ
con mới bấm bụng cho nó đi”.
Tuyết Vân (1961) là con thứ nhì, Hùng là con thứ tư (1966), và
Nghĩa (1971) là con út. Vợ chồng tôi có bốn con trai và một con gái. Hai đứa vượt
biển đợt 1, một đứa vượt biển đợt 2, và sắp đến đây là hai đứa chót.
“Lần trước, Con có bảo vợ con thu xếp đi với con Vân và thằng
Nghĩa để chăm sóc mấy đứa nó. Thỉnh thoảng gởi quà trực tiếp về con được rồi.
Các con của con sang được Hoa Kỳ là con sung sướng lắm Ba. Con rất lo về học
hành và tương lai của mấy đứa nó, chớ bản thân con không sao đâu. Tuy con chưa
có tin tức gì, nhưng con rất tin vào sự can thiệp của Hoa Kỳ, có điều là con
chưa suy đoán được sẽ xảy ra vào thời gian nào”.
“Ba nghe vợ con có tính đi theo con Vân, nhưng lại sợ không ai
thăm nuôi con. Ba không chắc lắm, nhưng theo Ba thì vợ con không đi đâu, vì sợ
con bệnh hoạn không ai lo. Còn cái việc Mỹ có lãnh tụi con hay không thì ở Sài
Gòn, người này nói người kia nói. Ba nghe vậy hay vậy chớ không biết gì
thêm”.
“Mấy em con có gởi thư về hông Ba?” Các em tôi là vợ chồng Phạm
Thu Nguyệt di tản tháng 4 năm 1975, và vợ chồng Phạm Phi Long với Phạm Bá Sáng
vượt biển năm 1976.
“Có con. Nhưng tụi nó bận bịu với công ăn việc làm, thỉnh thoảng
có rảnh nó mới viết thư được”. Ngưng một lúc, Ba tôi nói tiếp:
“Hồi sáng, xe đậu ngay chỗ lính gác để xuống quà, Ba để cái áo ấm
dài tới đầu gối ngay chỗ chú Công An ngồi, vậy mà khi xuống quà xong thì cái áo
biến mất. Ba hỏi chú Công An thì chú đó nói không thấy. Ba tưởng chỉ có mấy chú
tù hình sự mới ăn cắp, ai dè Công An còn ăn cắp công khai nữa con. Tệ quá. Đúng
là quân cộng sản”.
Tôi nói để Ba tôi vừa đủ nghe:
“Thức ăn của anh em tù chính trị tụi con để bên ngoài buồng
giam, ban đêm cái đám Công An canh gác trại vào ăn cắp dữ lắm Ba. Bởi vì những
thứ đó họ không cho mang vào bên trong buồng giam”.
Sau đó, Ba tôi kể nhiều gia đình cho con vượt biển, mỗi gia đình
có mỗi hoàn cảnh bi đát khác nhau, chung qui chỉ vì sự cai trị tàn bạo của cộng
sản Việt Nam. Trong cùng cư xá Bắc Hải chúng tôi, có một gia đình 5 con cho vượt
biển một lần và hoàn toàn biệt tông biệt tích. Năm di ảnh xếp hàng ngang trên
bàn thờ! Chuyện kể đang diễn tiến thì giọng khó ưa của con Hoa đanh:
“Các anh chuẩn bị vào trại”.
“Báo cáo cán bộ, tôi muốn xin ra thăm Ba tôi lần nữa được không
cán bộ? Mai chủ nhật mà?”
“Thăm ông cụ chắc được, nhưng tôi phải trình lãnh đạo đã. Các
anh đi vào”.
Tại nhà trực trại, phải nộp hình nộp thư trước. Xem xong xấp
hình, Thịnh khuỳnh chìa ra nụ cười rất đểu:
“Ăn bơ sữa nhiều nên béo quá hả?”.
“Ở Mỹ bơ sữa dư dùng mà cán bộ”.
“Bỏ tổ quốc để bám đuôi Mỹ phải không?”
“Không phải bỏ tổ quốc đâu cán bộ, con tôi chỉ bỏ nơi cấm học
hành thôi cán bộ”.
“Anh xuyên tạc chế độ đấy hả?”
“Không phải đâu cán bộ. Tôi chỉ nói sự thật thôi. Bộ Giáo Dục
đâu có cho các con chúng tôi vào đại học”.
“Con các anh thi không đổ chứ nhà nước nào cấm”.
“Các con chúng tôi bị cấm thi bằng cách xếp loại về thành phần
chính trị. Con chúng tôi vào loại 12/13 để ngăn chận vào đại học, dù tất cả các
điểm khác rất cao”.
“Anh định nói xấu Bộ Giáo Dục phải không?”
“Không phải đâu cán bộ. Dựng chuyện để nói hoặc nói không đúng sự
thật mới là nói xấu, còn nảy giờ tôi nói thật thì đâu phải nói xấu cán bộ”.
Hai chữ cán bộ tôi nói chậm và kéo dài một
chút
“Anh lý sự lắm. Anh nhớ là tôi phụ trách trại này đấy nhé!”
“Báo cáo cán bộ. Đâu phải mình tôi nhớ, mà tôi nghĩ là cả ngàn
tù trong trại này đều biết cán bộ phụ trách trực trại mà cán bộ”.
Hắn không nói gì với tôi nữa, nhưng hắn lục toàn bộ những gì mà
Ba tôi vừa cho. Có thể nói hắn là tên Công An duy nhất trong đám trực trại là
chúng tôi chưa “xỏ mũi” được. Xin hiểu “xỏ mũi” có nghĩa là trong một mức độ
nào đó, họ không còn hoạnh hẹ chúng tôi như trước nữa.
Hôm sau tôi được gặp Ba tôi 2 tiếng đồng hồ nữa. Trong ngần ấy
thời gian, Ba tôi thuật lại cái chuyện chiều hôm qua Ba tôi xuống khu lò vôi tắm,
bị một tên tù hình sự ở đó chận cửa nhà tắm trong khi hai đứa khác lục soát tất
cả túi áo túi quần lấy hết tiền và cái đồng hồ đeo tay. Ngay sau đó, Ba tôi vào
lò vôi báo cho tên Công An ngồi bên trong. Tên này bảo tên Công An khác đưa Ba
tôi về nhà thăm nuôi và hứa sẽ truy tìm những gì mà Ba tôi báo là bị trấn lột.
Đến sáng nay, Công An chỉ đưa lại Ba tôi cái đồng hồ và 100 đồng. Thôi thì lấy
lại được ngần ấy cũng là may rồi.
Chiều hôm ấy, Ba tôi lên Hà Nội để về Sài Gòn.
Bốn vị cựu Tướng đến trại Nam Hà.
Thời tiết đang vào Đông. Bất ngờ có 4 vị cựu Tướng Lãnh từ trại
tập trung Hà Tây tỉnh Hà Sơn Bình chuyển đến trại Nam Hà, nhốt chung với chúng
tôi. Đó là Trung Tướng Nguyễn Hữu Có, Thiếu Tướng Lý Tòng Bá, Thiếu Tướng Lê
Minh Đảo, và Chuẩn Tướng Phạm Ngọc Sang. Thiếu Tướng Đảo và Chuẩn Tướng Sang
vào buồng giam số 1 (tôi ở đây) còn hai vị kia vào buồng giam số 2. Qua tin tức
của hai vị Tướng, chúng tôi mới biết 29 vị Tướng Lãnh từ Liên Trại 1 ở Yên Bái,
đã chuyển xuống trại tập trung Hà Tây cùng ngày với chúng tôi chuyển đến trại
Nam Hà này.
Từ hôm 4 trong số 29 vị cựu Tướng Lãnh chuyển đến trại này, lại
phát sinh một số thắc mắc từ các bạn tù trẻ. Xin nói qua một chút về các bạn trẻ
bị giam chung trong các buồng giam trại Nam Hà A. Đa số trong số các bạn này
trong tổ chức “Phục Quốc” sau ngày 30/4/1975. Tổ chức này do bọn tình báo cộng
sản tạo ra với cái tên có sức thu hút nhiều người không khuất phục kẻ thắng trận.
Họ phong cấp bậc chức vụ cho những người ghi tên tham gia, cấp phát thẻ của tổ
chức nữa. Sau khi nắm được đầy đủ họ tên và địa chỉ, thế là trong một đêm chúng
nó bắt tất cả những ai là thành viên của “Phục Quốc”. Đa số trong số thành viên
Phục Quốc bị bắt là các bạn trẻ, như: Nguyễn Minh Chí, Đinh Vượng, Đặng Hữu
Nam, Nguyễn văn Tiếng, Nguyễn Văn Thuận, ..v..v... Chính mấy chú trẻ này thắc mắc
“tại sao có gần 30 vị cựu Tướng Lãnh ở trại Hà Tây mà chỉ có 4 vị lại chuyển về
trại này?” Và “liệu mấy vị này có phải đến đây để làm cò mồi tiếp các phái đoàn
đến thăm trại tù không?”
Thấy cựu Chuẩn Tướng Sang có vẻ buồn dù vốn dĩ ông là người ít
nói, trầm tỉnh, tôi gợi chuyện:
“Thưa Anh, trong hoàn cảnh chúng mình, nhận thức của vài anh em
chưa được sắc bén về một số vấn đề trong cuộc sống, nên thường kết luận khi chưa
nắm được những yếu tố liên quan. Anh có thấy như vậy không?”
Ông chậm rãi:
“Tôi đồng ý với anh. Đánh giá con người mà chỉ nhìn bên ngoài,
quả là phiến diện”.
Lại có một số bạn cho là cựu Thiếu Tướng Lê Minh Đảo “ủng hộ” cộng
sản khi ông vừa đánh đàn vừa hát cho nhóm quay phim từ Bộ Công An ở Hà Nội đến
đây thu hình. Tất nhiên chúng nó thu hình đoạn phim này để “quảng cáo” về cái gọi
là “khoan hồng nhân đạo” của chúng, cho dù chẳng có giấy tờ gì nói như vậy
nhưng với cộng sản nhất là Công An sử dụng tất cả mọi hình thức để phục vụ mục
đích chính trị của chúng, Về trường hợp này, nhận xét của tôi có phần
khác. Tôi quen biết với anh Đảo từ năm 1962 khi tôi giữ chức Chánh Văn Phòng
Tham Mưu Trưởng Liên Quân, lúc ấy anh Đảo là Sĩ Quan Tùy Viên của Thiếu Tướng
Lê Văn Kim. Anh là người rất say mê âm nhạc. Khi anh đứng trên sân khấu với cây
guitare trong tay, trông anh chẳng khác người nghệ sĩ chuyên nghiệp bao nhiêu.
Lần sau cùng tôi được thưởng thức tiếng đàn của anh là hôm Sư Đoàn 25 Bộ Binh kỷ
niệm ngày thành lập Sư Đoàn tại căn cứ Củ Chi, anh đệm guitare cho ca sĩ Phương
Hồng Quế hát. Bây giờ, cũng dáng điệu như vậy ngay trong khuôn viên buồng giam
số 1 (trại Nam Hà) dưới ống kính của Bộ Công An, và một vài anh em chỉ trích
phong cách của anh như là sự ủng hộ cộng sản, nhưng tôi cho rằng niềm say mê âm
thanh nốt nhạc của anh vẫn như lúc nào thôi.
Một buổi chiều, anh Đảo xách cây đàn ra góc sân lớn gần cổng ra
vào trại dạo những khúc nhạc giật gân, khá đông anh em chúng tôi đứng bao
quanh, tên trực trại -Trung Sĩ Lực- trông thấy. Hắn chạy vào hét lớn:
“Các anh giải tán. Vào buồng ngay”.
Một anh lên tiếng:
“Anh em chúng tôi chơi một chút mà cán bộ”.
“Không được. Tôi nói giải tán là giải tán. Anh Đảo về buồng
ngay”.
“Giải tán thì giải tán chớ có gì mà cán bộ la dữ vậy”.
Hắn trở ra phòng trực trại, vội vàng đánh kẻng hiệu lệnh bảo tù
vào buồng giam khóa lại. Mỗi lần vào buồng giam thì chúng tôi ngồi hai hàng dọc,
hàng đầu ngay thềm cửa và hàng cuối tận tường rào, trông như “bầy vịt” mỗi chiều
chủ lùa vào chuồng, chỉ khác một chút là chúng tôi ngồi thẳng hàng ngang dọc.
Chiều nay, buồng giam số 1 chúng tôi đóng cửa sau cùng, cho nên ngồi chờ khá
lâu. Tên Lực bước vào khuôn viên buồng giam với cái mặt hầm hầm, hai tay chắp
sau lưng với xâu chìa khóa hằng mấy chục cái. Anh Buồng Trưởng chờ nó vào vị
trí để báo cáo như thường lệ. Nhưng không, hắn đứng giữa sân một lúc rồi phát lời
chửi mắng:
“Đừng có ương ngạnh mà chống cải tạo, đừng làm cái việc lấy nạng
chống trời. Thằng nào, thằng nào không chấp hành nội qui, thằng nào chống cải tạo,
giỏi thì đứng lên coi tao dám gông đầu cho rục xương không”.
Hắn im lặng nhưng đôi mắt cú vọ của hắn lướt từ trước đến sau rồi
từ sau đến trước, và ghìm vào anh Đảo (ngồi gần hàng đầu). Thời gian lúc ấy như
đọng lại, và khoảng không gian lúc ấy thật yên ắng, nhưng là cái yên ắng trong
nghẹt thở. Hắn gằn giọng:
“Sao. Không thằng nào dám đứng dậy à? Đứng dậy đi, tao trị cho
biết tay”.
Anh em chúng tôi vẫn im lặng. Cái không khí lắng đọng đó kéo dài
thêm một lúc, anh Buồng Trưởng nhìn sang hắn, nhỏ nhẹ:
“Báo cáo cán bộ, có thể cho anh em vào được không?”
“Được”.
Cái cung cách của Công An trại tập trung này ăn nói cụt ngủn vậy
đó. Anh Buồng Trưởng Nguyễn Đức Khoái:
“Các anh đứng dậy đi.”
Khi chúng tôi đứng dậy, cứ như bài bản mỗi chiều, anh Buồng Trưởng
dỏng dạc:
“Buồng 1… Nghiêm. Báo cáo cán bộ, Buồng 1 tổng số 51. Đủ. Chờ lệnh
cán bộ”.
“Được. Cho vào.”
“Đằng trước … Bước”.
Thế rồi sau lưng vẫn tiếng rít của thanh sắt khi kéo mạnh, vẫn
tiếng crắc của ống khóa khi bấm vào. Đó là những âm thanh mà chúng tôi không
bao giờ quên! Vào buồng giam, tôi nói trống không như để phá tan cái không khí
yên ắng một cách ngột ngạt:
“Các anh ơi! Từ giờ phút này đến sáng mai là chúng ta được tự do
trong cái cõi không gian bé tí của mình rồi”.
Tôi nghĩ: Lúc bị tên Lực quát mắng xỉa xói, anh Đảo nên đứng dậy
một cách mạnh mẽ nhận trách nhiệm cho phải lẽ với anh em. Đó cũng là cách chứng
tỏ khí khái của vị Tướng quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Có quá lắm thì tên Lực hằn
học chửi mắng anh chớ đâu phải nói gông là gông được.
Có phải bị mắng bị chửi riết rồi quen chăng? Không! Không bao giờ
quên chớ đừng nói gì quen quí vị quí bạn à! Cái đau cái uất ức do bị nhục mạ,
tuy không hằn lên cơ thể như cái đau khi bị hành hạ bằng tay chân gậy gộc,
nhưng nó hằn sâu trong khối óc con tim, mà khi đã hằn vào nơi đó thì không thể
nào quên và cũng không bao giờ quên được!
Trồng rau.
Đội chúng tôi xuống “cánh đồng chiêm” phụ trách trồng rau. Cũng
anh em chúng tôi đào ao nuôi cá, rồi dùng đất đào lên đấp thành một khu tương đối
cao và bằng phẳng để trồng rau. Ngày đi làm hai buổi sáng chiều chớ không đi
“thông tầm” từ sáng đến xế chiều mới về. Lúc ấy cũng giữa mùa rau muống nên
chúng tôi trồng bằng cọng rau muống chớ không trồng bằng hột, vì trồng bằng cọng
thì 4 tuần là ăn được trong khi trồng bằng hột phải 6 tuần. Phân bón gồm phân
người, nước tiểu, và phân chuồng (trâu bò). Mỗi khi cắt rau, gánh về giao cho bếp
của Công An và bếp trong trại. Rõ ràng là anh em tù chính trị chúng tôi, ăn những
cọng rau lá rau do phân và nước tiểu của chúng tôi mà vươn lên! Vì vậy mà mỗi
người chúng tôi tự trồng rau trên bất cứ khoảnh đất trống nào dù chỉ một hai
thước rộng mà Công An gọi là đầu thừa đuôi thẹo, và chúng tôi ăn những cọng rau
lá rau đó tuy ít nhưng sạch.
Lúc đầu chúng tôi cũng trồng những thứ rau đang trồng trong luống,
nhưng vì đám Công An biết là những đám rau bé tí do chúng tôi trồng là vệ sinh
nên chúng nó xin hoài. Anh Nguyễn Kim Tây xin hột “khổ qua” từ cô em gái của
anh để trồng, vì đám Công An không biết ăn “khổ qua”. Anh cho tôi một nhúm hột,
chúng tôi cùng trồng. Đúng là đám Công An không ăn được chất đắng của “khổ
qua”, đó là thòi gian đầu nhưng sau khi ăn thử vài lần, trời đất ơi chúng nó
xin hoài và khen “khổ qua” dồn thịt ngon lắm. Chúng tôi phải trồng đằng sau những
lùm bụi dọc bờ mương để che giấu chúng nó.
Hằng ngày Đội chúng tôi đi từ trại trên triền núi xuống cánh đồng
chiêm như cái hồ rộng lớn ra đến Ba Sao. Dọc triền núi toàn đá tảng có nhiều hốc
kín đáo, làm tôi chợt nhớ đến bài học về “hộp thư chết” trong trường hợp liên lạc
bí mật. Thế là tôi bàn với anh Dương Công Liêm về một “hộp thư chết” nối vào tù
hình sự chuyển ra nhà thăm nuôi nhờ các chị mang về Sài Gòn giùm. Vấn đề là phải
móc nối với tù hình sự phụ trách vệ sinh nhà thăm nuôi. Vụ này thì anh Liêm hay
lắm. Anh móc nối không khó khăn, nhưng dù sao chúng tôi phải thử một vài lần mới
khẳng định “nên hay không nên” thực hiện.
Do hẹn trước, chú tù hình sự (tên Thành) xuống cánh đồng trồng
rau, xin cán bộ quản giáo nắm rau ra nhà thăm nuôi ăn. Cũng không phải tốt lành
gì mà đám quản giáo cho ngay, vì thỉnh thoảng có được mấy chị thăm nuôi cho món
gì thì hắn cũng dâng một ít cho những tên quản giáo, nhất là tên Đại Đội Trưởng
võ trang, vì tên này có quyền đề nghị với Ban Giám Thị cử hình sự dọn dẹp sạch
sẽ nhà thăm nuôi, cũng là phục vụ cho toán Công An phụ trách nhà thăm nuôi. Nhờ
đó mà tôi với anh ta thỏa thuận những điều kiện về hộp thư chết. Tôi chọn địa
điểm rồi chỉ cho anh ta. Cứ mỗi thứ hai và thứ sáu, hắn đến hộp thư chết nhận
thư và tiền công. Trường hợp có thư hay tiền mà thân nhân cần hắn trao tận
tay, hắn sẽ xuống vườn rau chúng tôi, chỉ cần hắn nháy mắt là tôi với hắn giả bộ
như cắt rau. Lúc ấy hắn khom xuống, để tiền hoặc thư lên luống rau. Khi hắn lên
triền núi thì tôi xách thùng nước đến tưới, rồi cho những thứ ấy vào thùng. Khi
chuẩn bị về trại, tôi dùng giây quấn những thứ ấy vào ống chân. Cứ thế, tôi
theo Đội vào trại.
Sở dĩ chúng tôi phải nghĩ đến hộp thư chết, vì chúng
tôi thường gởi thư về gia đình nói những chuyện mà không thể nói trong thư gởi
chánh thức. Riêng tôi, từ năm 1979, bắt đầu viết vắn tắt những sự kiện xảy ra
trong trại dự trù sau này sử dụng, và nhờ đó tôi mới có tài liệu viết lại những
trang sách này. Khởi đầu tôi hỏi ý kiến Công An quản giáo Đội tôi tên Hèo, mang
thư chúng tôi ra bỏ thùng thư bưu điện cứ mỗi thư chúng tôi trả hắn một đồng
khi chiều thứ bảy hắn về thăm nhà. Hắn đồng ý. Hai lần đầu chúng tôi mở thư cho
hắn xem, toàn chuyện nhà chớ không liên quan gì đến trại để lấy lòng tin của hắn.
Từ đó về sau viết những chuyện mà mình thấy cần viết, riêng những thư của tôi
toàn là những chuyện mà đám Công An “cai tù” nơi đây không thể chấp nhận. Mỗi lần
trao thư cho tên Hèo, hắn cũng được từ 20 đến 30 đồng với 2 viên đường
hóa học, xem như về nghỉ cuối tuần không tốn tiền. Riêng hai viên đường hóa học
có lẽ hắn vui ngang bằng số tiền do mang thư đi gởi nữa. Lần đầu tiên nhận được
đường hóa học, hắn nói:
“Tôi đem về làm nước chanh cho bố tôi uống, chỉ bỏ một viên vô
ly nước là đủ và bố tôi ngạc nhiên vô cùng. Ông ấy coi như đó là điều
kỳ diệu trong xã hội miền Nam”.
Theo lời hắn nói, lúc đầu bỏ tất cả thư vào một thùng thư không
sao, nhưng mấy tuần sau đó, hắn phải bỏ vào 3 hay 4 thùng thư khác nhau vì hắn
nhận thấy có vẻ như nhân viên bưu điện theo dõi. Và rồi đến lúc hắn không dám
nhận gởi thư nữa, vì an ninh của trại nghi ngờ đám Công An của họ mang thư
chúng tôi ra ngoài gởi.
Không biết có phải vì tên Hèo bị nghi ngờ (theo lời hắn nói) hay
không mà tên Phụ đến thay tên Hèo. Tôi lại phải ướm thử với hắn về việc mang
thư chúng tôi ra bưu điện gởi, với giá tiền công cho hắn là một đồng/một cái
như đã trả cho tên Hèo. Hắn đồng ý. Bốn tuần qua, cứ tưởng là công việc lén lút
gởi thư đâu vào đó, nào ngờ trong nhóm gởi thư chui của chúng tôi tình cờ trông
thấy một xấp thư trong cái ụ chứa phân người mà họ gọi là “phân bắc” dưới triền
đồi. Cái ụ này dành cho các Đội trồng rau khiêng xuống cánh đồng chăm bón rau
xanh. Cố gắng bươi cái đống … ghê tởm hôi thúi mùi “phân bón xã hội chủ nghĩa
ưu việt” ấy ra có thêm mấy cái xem được những dòng chữ trên bao thư. Trời đất
ơi! Toàn là thư của chúng tôi gởi tên Phụ tuần trước. Đúng là tên trấn lột! Từ
đó, chúng tôi trừng phạt hắn bằng cách không cho hắn thuốc lá với trà uống mỗi
sáng nữa, và nghĩ cách khác để gởi thư.
Bỗng dưng tôi nhớ đến bài học tình báo dạy về cách sử dụng
“hộp thư chết”. Thế là tôi ứng dụng nó mà khởi đầu là anh Liêm liên lạc “móc nối”
với chú tù hình sự như nói trên. Nhưng sự việc cũng nhiêu khê lắm quí vị quí bạn
à! Lúc này tất cả anh em chúng tôi chuyển từ các trại tập trung ở Yên Bái đến
đây, đều đi lao động bên ngoài trại và làm “thông tầm”. Họ dùng chữ “thông tầm”
để chỉ cho thời gian đi lao động từ sáng đến chiều mới về, mang phần ăn trưa
theo ăn tại chỗ. Việc đầu tiên phải làm là tôi tìm cách liên lạc với tù hình sự
phụ trách dọn dẹp nhà thăm nuôi, cách trại khoảng hơn 1 cây số. Nhà thăm nuôi cất
đơn sơ bên cạnh triền núi, sát con đường trải đá từ trại tập trung này ra đến
chợ Ba Sao. Từ Ba Sao, cũng theo con đường trải đá ra đến thị xã Phủ Lý. Anh bạn
trẻ tù hình sự phụ trách dọn dẹp nhà thăm nuôi cũng ở trong trại với chúng tôi
nhưng bên khu hình sự. Tiếp xúc và thỏa thuận giá 1 đồng cho mỗi cái thư và 2 đồng
cho mỗi cái hộp.
“Hộp thư chết” mà tôi chọn là một tảng đá lớn có nhiều tảng đá
nhỏ chung quanh, trong đó có cái hộc đủ cho hai bàn tay chụm lại đưa vào. Chính
cái hộc này là “hộp thư chết”, cạnh lối đi quanh co khúc khuỷu từ trên trại
theo triền đồi xuống khu trồng rau dưới thung lũng. Cách trại chừng 200 thước,
và cách lối đi khoảng vài thước rất tiện để tôi tách ra khỏi Đội và nhanh tay
cho thư vào đó. Thông thường thì anh Nguyễn Thế Lưỡng giúp canh chừng hai tên
Công An đi đằng sau mỗi khi tôi vào “hộp thư chết” để nhận thư hay gởi thư.
Một hôm tới ngày hẹn anh tù hình sự lấy thư vì tại nhà thăm nuôi
đang có vợ của anh Vĩnh Thái thăm anh ấy, lại là ngày nhiệt độ xuống đến 10 độ
C nên trại cho nghỉ và sẽ đi làm bù vào ngày khác. Lúc ấy trong tay tôi có 18
cái thư. Quýnh quá. Tôi rũ anh Lưỡng (bạn cùng khóa 5 Thủ Đức với tôi):
“Lưỡng ơi! Tôi với anh thay thế hai anh vệ sinh của buồng (giam)
khiêng rác xuống đồi đổ, vì trưa nay thằng hình sự đến hộp thư chết lấy thư đem
ra cho chị Vĩnh Thái. Mấy anh trực vệ sinh đồng ý rồi”.
“Ớn quá Anh! Nó bắt được tụi mình bị kỹ luật là cái chắc”.
“Nếu bị bắt, tôi nhận hết và xem như anh không biết gì cả. Hai đứa
khiêng, anh đi trước tôi đi sau. Anh cứ tỉnh bơ, còn mọi việc tôi sẽ tùy cơ ứng
biến. Ráng bình tỉnh nghe Lưỡng”.
Thế rồi chúng tôi khiêng thùng rác lên vai, đứng lại một lúc để
anh Lưỡng bình tỉnh trước khi chường mặt ra cổng. Đến cổng, dừng lại, trong khi
anh Dương Công Liêm đứng nép sát bên trong cổng, ngay đầu hành lang vào buồng 1
buồng 2 quan sát tình hình. Theo đúng qui định, tôi báo cáo:
“Báo cáo cán bộ, buồng 4 xin ra cổng đổ rác”.
“Trực buồng đâu mà hai anh khiêng rác?”
Hắn quen mặt hai anh trực buồng 4 phụ trách đổ rác, nhưng nghe
giọng hắn không có vẻ nghi ngờ, tôi cười cười:
“Báo cáo cán bộ, chiều qua tôi để quên cái muỗng kim khí dưới
bãi, xin cán bộ cho ra để tìm vì tôi chỉ có cái muỗng duy nhất thôi cán bộ”.
Làm thinh một lúc:
“Được. Anh ra đi. Tìm được là về ngay”.
“Cám ơn cán bộ”.
Chúng tôi đi thật nhanh. Anh Lưỡng nói:
“Anh làm tôi hồi hộp quá trời!”
Xong việc. Trở lên đến cổng, tôi móc từ trong lưng quần ra cái
muỗng mang theo lúc chuẩn bị ra cổng:
“Báo cáo cán bộ. Xong công tác, và tôi tìm được cái muỗng rồi.
Cám ơn cán bộ”.
Được. Vào đi”.
Thế là xong một “phi vụ” cho hộp thư chết. Nhưng rồi một hôm,
anh Liêm hoảng hốt khi hay tin tên hình sự phụ trách dọn dẹp ở nhà thăm nuôi sắp
bị tên Thụ, Đại Đội Trưởng Đại Đội Võ Trang thay thế. Chúng tôi bàn nhau và cuối
cùng anh Liêm trách nhiệm dò tìm để biết tên hình sự nào được tên Thụ cử ra đó,
rồi tùy cơ ứng biến. Hóa ra có đến hai tên hình sự mà tên Thụ đang chọn. Anh
Liêm móc nối được anh hình sự mặt mày tương đối dễ cảm. Hắn yêu cầu cho hắn 200
đồng, để hắn vừa tổ chức bữa nhậu đãi Đại Úy Thụ, vừa “lót tay” anh ta 100 đồng,
hi vọng sẽ được chọn. Anh Liêm vừa có ý kiến cũng vừa hỏi tôi:
“Anh Hoa, tôi thấy mình nên cho hắn. Nhưng anh có nghĩ là liệu
thằng quỷ đó (thằng hình sự) có gạt mình không?”
“Có chớ anh. Nhưng hành động nào mang lại lợi ích cho mình cũng
có cái giá của nó mà anh. Có điều nếu chúng ta bị nó gạt, coi như cái giá đó đắt
hơn mình nghĩ. Thế thôi”.
“Anh 100 tôi 100 nhé! Nhiều anh em gởi thư nhưng tạo đường giây
chỉ có tôi với anh. Chẳng sao, miễn đường giây chuyển thư an toàn là được rồi,
chớ so đo quá e mình không tiếp tục được mục đích chuyển tin tức về gia đình
như những cơ hội trong hai năm qua”.
Số tiền 100 đồng là khá nặng, nhưng tôi đồng ý với anh Liêm:
“Được, mặc dù tôi phải vét hết số tiền đang có. Nghĩ cho cùng,
tôi với anh là gởi nhiều thư hơn bất cứ bạn nào khác. Riêng tôi mỗi tuần ít nhất
là một hộp đựng thư”.
Ngày anh tù hình sự nhận việc ở nhà thăm nuôi, anh ta xuống vườn
rau gặp tôi để xin rau cho toán Công An phụ trách thăm nuôi, tôi với anh ta thỏa
thuận những vấn đề liên quan đến nhân thư, chuyển thư, chuyển tiền, và giá của
mỗi “loại hàng dịch vụ” này. Tuy vậy, chúng tôi cũng đề phòng bằng cách trong
hai kỳ thư đầu tiên, mỗi kỳ chỉ 5 thư xoay quanh những chuyện gia đình, để xem
anh ta như thế nào rồi quyết định. Dù sao thì chúng tôi vẫn phải đề phòng vì
chung quanh anh ta toàn là Công An, trong khi chúng tôi chỉ biết anh ta một
cách khái quát về mặt nổi chớ có biết gì về lý lịch anh ta đâu. Nói chung là
không thể tin Công An và tù hình sự được, vì họ đều là công dân xã hội chủ
nghĩa mấy chục năm rồi.
Nhưng rồi công việc chuyển thư ra nhà thăm nuôi cũng như chuyển
thư và tiền vào trại cho nhóm chúng tôi, tốt đẹp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét