Luật sư Nguyễn Anh Vân
Trên cơ sở những thông tin thu thập được trên các phương tiện thông tin đại chúng trong vụ án Tiên lãng, tôi đưa ra ý kiến, quan điểm pháp lý của riêng mình để các độc giả tham khảo, đồng thời cũng mong muốn các cơ quan có thẩm quyền xem xét, sớm làm sáng tỏ để giải quyết những vấn đề pháp lý còn tồn đọng, chưa được cơ quan cơ quan tham gia tố tụng quan tâm trong vụ án.
1.Những phát biểu “lạ” của ông Giám đốc công an TP Hải Phòng
Sau khi hoàn tất việc cưỡng chế đầm nhà ông Vươn, với chiến công hiển hách và sự “hiệp đồng tác chiến” kỳ tài của các lực lượng tham gia cưỡng chế, ông Giám đốc công an đầy hứng khởi phát biểu trước báo giới: “Nhận định những kẻ trong ngôi nhà2 tầng chống đối bằng cáh trải rơm dọc hai bên đường rồi tẩm xăng, lãnh đạo công an TP đã lên phương án đốt cháy toàn bộ. Song trên thực tế chưa dùng đến. Sau hàng loạt lượt nhả đạn, khói bay mù mịt, lực lượng chức năng đã tiếp cận được ngôi nhà2 tầng. Tuy nhiên 3 người đàn ông trong ngôi nhà đã biến mất từ lúc nào (?!)”. Qua lời phát biều này, tôi thấy ông Giám đốc nhắc đi nhắc lại từ “ ngôi nhà” tới 3 lần.Thế nhưng, sau khi dư luận không đồng tình với việc cưỡng chế và việc phá nhà của đoàn cưỡng chế thì ông đã thay đổi “nhận thức”, ông chuyển “ngôi nhà” thành cái “ chòi canh cá”. “ Khu vực 40,3 ha của Đoàn Văn Vươn không được xây nhà ở cho nên dựng lên bất cứ thứ gì thì đấy cũng chỉ là chòi trông cá … Việc thay đổi tên gọi ngôi nhà thành chòi canh cá của ông Giám đốc nhằm mục đích gì không cần nói ra thì ai cũng biết.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 nghị định 56/2010/NĐ –CP ngày 24/05/2010 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2007 ngày 24/06/2007 của chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật cư trú thì “ Nơi cư trú hợp pháp của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dần là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú”. Gia đình ông Vươn, ông Quý sinh sống ở đây hàng chục năm trời, mọi người trong xã đều biết, chính quyền xã cũng biết, thế mà ông Giám đốc lại bảo đó là cái “chòi canh cá”. Cũng theo Nghị định này, tại mục b, khoản 2 Điều 3 thì họ vẫn được cấp sổ tạm trú mặc dù nhà của họ xây dựng trên đất nuôi trồng thủy sản, không phải đất xây dựng nhà, khi họ chỉ cần có “ Văn bản cam kết của công dân về việc có chỗ ở thuộc quyền sử dụng của mình và không có tranh chấp về quyền sử dụng …”. Quyền này cũng được cũng được ghi nhận tại Điều 58 Bộ luật dân sự 2005. Cũng trong Bộ luật này, theo Điều 163, 169, 170 thì tài sản và quyền sở hữu của họ tại nơi cư trú cũng được pháp luật thừa nhận, bảo vệ.
Như vậy gia đình ông Vươn, ông Quý dù có xây dựng nhà trái phép, không phép trên mảnh đất đó thì luật pháp vẫn thừa nhận nơi cư trú là chỗ ở hợp pháp của họ và tài sản của họ được pháp luật bảo hộ. Và dù ông Giám đốc công an Hải phòng có thể thay đổi cách gọi “ngôi nhà” là gì đi nữa thì nó vẫn được coi là nơi cư trú, là chỗ ở hợp pháp của gia đình ông Quý, ông Vươn và được pháp luật bảo vệ.
Quyền được cư trú còn được quy định rất rõ tại Điều 73 Hiến pháp 1992 của nhà nước CHXHCN Việt nam:“ Công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu người đó không đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép”. Bộ luật hình sự cũng quy định rất rõ vấn đề này tại Điều 124 về tội: “Xâm phạm chỗ ở của công dân”. Như vậy, đoàn cưỡng chế xông vào nơi cư trú, chỗ ở của ông Quý (nằm ngoài khu vực cưỡng chế) khi không được pháp luật cho phép, không được gia đình ông Quý cho phép là vi phạm Điều 73 Hiến pháp 1992 và Điều 124 Bộ luật hình sự nhà nước CHXHCN Việt nam.
Mặt khác, việc xử lý phá dỡ các công trình xây dựng trái phép, không phép phải tuân thủ theo trình tự thủ tục được quy định trong các văn bản pháp luật về hành chính chứ không phải khi người dân xây dựng vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng ..... thì chính quyền thích thì phá, không thích thì thôi như cách nói của ông giám đốc “ Khu vực 40,3 ha của Đoàn Văn Vươn không được xây nhà ở cho nên dựng lên bất cứ thứ gì thì đấy cũng chỉ là chòi trông cá … Chòi trông cá xây dựng trên diện tích đất bị thu hồi thì việc phá hay không phá không thành vấn đề” (theo Petrotime). Với cách lập luận như thế này của ông Giám đốc công an thành phố Hải phòng thì ông đã “quên” quá nhiều kiến thức luật và coi thường tài sản của dân.
2. Chính quyết định khởi tố vụ án “Hủy hoại tài sản” của ông Giám đốc công an đã tố cáo sự thiếu trung thực của ông Giám đốc
Cuối cùng thì ông Giám đốc công an thành phố Hải phòng cũng phải ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Hủy hoại tài sản”. Dù có hơi muộn nhưng cũng xóa đi được những vết dơ bẩn do ông Giám đốc phết lên trên mặt những người dân hiền lành, vô tội của vùng duyên hải đầy sóng dữ.
Lẽ ra, khi ông Giám đốc nhận được đơn tố cáo của gia đình ông Vươn, ông Quý hoặc qua các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh việc một số đối tượng phá hủy nhà của họ, lấy đi một số tài sản và trộm cắp cua, cá trong đầm thì ông phải cho thẩm tra, xác minh để khởi tố vụ án “ Hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản và Tội trộm cắp tài sản” theo Điều 143, 138 Bộ luật hình sự của nhà nước CHXHCN Việt nam. Có như vậy ông Giám đốc mới làm tròn trách nhiệm và khách quan trong vụ án. Đằng này ông lại cho rằng: “ … việc cưỡng chế này được sự đồng tình rất cao của người dân trong khu vực. Hàng trăm người ra đó chứng kiến sự việc này đều rất ủng hộ lực lượng công an. Cho nên khi khám nghiệm hiện trường xong, giao lại cho địa phương thì chính những người dân xung quanh người ta vào đạp đổ phá đổ. Cho nên việc phá cái chòi ấy chúng tôi cho kiểm tra lại thì không ai ra lệnh phá và cũng không biết ai làm bởi nhân dân lúc ấy người ta tràn xuống rất đông” (theo Petrotime). Thật nực cười trong lời phát biểu này. Nó nực cười ở chỗ người dân dùng chân, tay không mà đạp đổ, phá đổ được “ngôi nhà 2 tầng” được xây dựng kiên cố bằng bê tông, cốt thép (chắc dân vùng biển ăn nhiều đặc hải sản nên chân tay cứng như sắt, như thép). Nó nực cười ở chỗ nhiều người phá nhà như thế, trước mắt chính quyền địa phương, giữa thanh thiên bạch nhật như thế mà ông Giám đốc không điều tra được ai là thủ phạm thì quả thật chuyện chỉ có ở công an Hải phòng thời ông đương nhiệm. Trong nội dung lời phát biểu này có nhiều vấn đề phải làm rõ. Tuy nhiên tôi chỉ đề cập tới 3 vấn đề mà tôi quan tâm. Vấn đề thứ nhất, ông Giám đốc cho rằng việc cưỡng chế là đúng và được người dân ủng hộ. Nếu đúng như vậy thì việc làm của các ông thật đáng quý, đáng hoan nghênh. Thế nhưng sự thật không như ông Giám đốc nói. Sau khi dư luận, người dân lên tiếng, các ông đã không thể bưng bít những việc làm sai trái của mình. Các ông đã bị lộ. Sự thật đã được lột trần. Sự giả dối, thiếu trung thực đã bị phơi bày. Và chính quyết định khởi tố vụ án “Hủy hoại tài sản”của ông Giám đốc đã tố cáo những lời ông nói không đúng tới 0,000…1% sự thật. Vấn đề thứ hai, là việc đổ lỗi cho dân phá nhà. Thật đáng hổ thẹn về việc này. Theo phát biểu của ông Giám đốc thì người dân họ tin tưởng vào ông, ủng hộ ông trong việc cưỡng chế. Thế mà ông lại quay lưng lại với họ, phụ bạc họ. Ông cho rằng “chính những người dân xung quanh người ta vào đạp đổ phá đổ”. Nếu những lời ông phát biểu là đúng sự thật thì sau Quyết định khởi tố vụ án “Hủy hoại tài sản” của ông, họ sẽ trở thành tội phạm, trở thành các bị can trong vụ án. Họ phải đối mặt với ông, đối mặt với những bản án phạt tù theo luật định. Thật may mắn là sự thật không như ông nói. Nhưng ông sẽ phải đối mặt với những vấn đề hóc búa khác khi phải thực hiện các Quyết định khởi tố bị can trong vụ án. Và với cương vị (Giám đốc công an TP Hải phòng) và kinh nghiệm (trên 10 năm làm công tác điều tra) của ông, ông thừa biết hành vi của ông có dấu hiệu vi phạm tội “Vu khống” theo Điều 122 Bộ luật hình sự. Nếu vụ án được khởi tố và đưa ra xét xử thì với chức vụ, quyền hạn của ông như hiện nay, khung hình phạt tù dành cho ông từ một năm đến bảy năm theo khoản 2 của tội này. Vấn đề thứ ba, là tôi muốn đề cập đến nghiệp vụ của ông. Hàng trăm người dân có mặt tại hiện trường chứng kiến những kẻ phá nhà mà ông “không biết ai làm bởi nhân dân lúc ấy người ta tràn xuống rất đông” và ông không điều tra được một kẻ nào. Như vậy nghiệp vụ của ông có vấn đề. Giả sử có hàng trăm tên cướp xông vào cướp bóc chính ngôi nhà của ông, ông cũng chịu bó tay, không điều tra ra chúng vì chúng đông quá, không biết thằng nào với thằng nào.
3. Một sai phạm khác của ông Giám đốc công an Hải phòng
Tội giết người là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng theo quy định tại Điều 8 và Điều 93 Bộ luật hình sự. Với tội danh này thì người phạm tội có khung hình phạt cao nhất là tử hình. Do vậy theo khoản 2 Điều 57 Bộ luật tố tụng hình sự thì Cơ quan điều tra phải có nghĩa vụ yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ nếu họ và người đại diện hợp pháp không mời người nào bào chữa. Thế nhưng ông đã không thực hiện quy định này để các Văn phòng luật sư phải lên tiếng xin được bào chữa miễn phí. Và mãi tới một tháng sau Cơ quan điều tra mới cấp Giấy chứng nhận bào chữa cho người bào chữa. Như vậy ông Giám đốc công an đã vi phạm Bộ luật tố tụng hình sự.
4. Những vấn đề pháp lý của vụ án cần được xem xét
Như chúng ta đã biết, Thủ tướng chính phủ đã có kết luận sơ bộ về vụ án Tiên lãng. Theo đó, việc ra Quyết định thu hồi đất, Quyết định cưỡng chế, tổ chức cưỡng chế của UBND huyện Tiên lãng là trái với các quy định của pháp luật hiện hành. Từ những việc sai trái này họ đã để lại khá nhiều hậu quả pháp lý. Ngoài những hậu quả pháp lý đã được cơ quan tham gia tố tụng xem xét thì các cơ quan này cần phải xem xét thêm những vấn đề pháp lý dưới đây.
Cần phải xác minh có hay không có một số đối tượng tham gia đoàn cưỡng chế đã lấy đi một số tài sản của gia đình ông Vươn, ông Quý và có hay không có việc mất cua, cá, hoa mầu trong đầm ông Vươn để xem xét, làm cơ sở khởi tố vụ án “ Trộm cắp tài sản” theo Điều 138 Bộ luật hình sự.
Xem xét việc khởi tố bị can về tội “ Xâm phạm chỗ ở của công dân” theo Điều 124 Bộ luật hình sự đối với những người đã ra lệnh cho đoàn cưỡng chế xông vào nhà ông Vươn, ông Quý.
Xem xét việc khởi tố bị can về tội “ Vu khống” theo Điều 122 Bộ luật hình sự đối với những cán bộ đã đổ tội cho người dân phá nhà ông Vươn, ông Quý.
Xem xét việc thay đổi tội danh đối với các bị can trong vụ án“Giết người và chống người thi hành công vụ”. Theo quan điểm pháp lý của cá nhân tôi thì hành vi của họ không cấu thành tội Giết người và tộiChống người thi hành công vụ. Vì rất đơn giản, nếu đoàn cưỡng chế không xâm phạm bất hợp pháp vào nơi cư trú, chỗ ở hợp pháp của họ khi không được pháp luật cho phép (nhà ông Quý nằm ngoài khu vực cưỡng chế), không được gia đình ông Quý cho phép thì đã không xảy ra vụ việc đáng tiếc này. Ngoài ra họ không phạm tội Giết người và tội Chống người thi hành công vụ còn bởi các lý do sau:
- Địa điểm gây án (tại nhà ông Quý), nằm ngoài phạm vi cưỡng chế.
- Họ gài mìn tự tạo để bảo vệ nơi cư trú, chỗ ở hợp pháp và tài sản của họ.
- Họ bắn súng hoa cải vào đoàn cưỡng chế vì đoàn cưỡng chế xâm nhập bất hợp pháp vào nơi cư trú, chỗ ở hợp pháp để bảo vệ tính mạng tài sản của họ.
- Họ được pháp luật bảo vệ quyền bất khả xâm phạm nơi cư trú, chỗ ở hợp pháp và tài sản ghi tại Điều 73 Hiến pháp 1992, Điều 124 Bộ luật hình sự và Điều 163, 169, 170 Bộ luật dân sự của nhà nước CHXHCN Việt nam.
Trong vụ án này, nếu họ có phạm tội thì họ chỉ phạm tội “ Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ” theo Điều 232 Bộ luật hình sự.
Từ những ý kiến nêu trên, tôi thiết nghĩ, nếu trên đây thực sự là những lời phát biểu của ông Giám đốc công an Hải phòng thì Bộ công an cần sớm vào cuộc đối với vụ án Tiên lãng để việc điều tra vụ án được khách quan, đồng thời làm rõ trách nhiệm của ông Giám đốc công an thành phố Hải phòng về những sai phạm của ông trong vụ án.
Hà Nội ngày 11 tháng 02 năm 2012
Luật sư Nguyễn Anh Vân (Đoàn Luật sư Hà Nội)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét