Từ ngày lên cầm quyền, gần như chẳng mấy khi giữa Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu với Thủ Tướng Phan Huy Quát đồng quan điểm về chính sách quốc gia. Không biết trước kia giữa hai vị có điều gì bất hòa nhau hay không, mà trong giai đoạn hai vị là người lãnh đạo cao nhất nước, đang gánh vác trách nhiệm quản trị quốc gia trong thời chiến, nhưng có vẻ như đang quay lưng vào nhau. Thật là đáng buồn!
Bác sĩ Phan Huy Quát nhận chức Thủ Tướng ngày 16/02/1965. Hơn một
tuần sau đó, Đại Tướng Nguyễn Khánh rời Việt Nam (25/02/1965) lưu vong. Vào những
ngày đầu trung tuần tháng 06 năm 1965, Thủ Tướng Phan Huy Quát gởi đến Trung Tướng
Nguyễn Văn Thiệu, Tổng Trưởng Quốc Phòng, một văn thư quay roneo dài 2 trang giấy
dầy, khổ 21x33 phân tây, có đóng dấu của Thủ Tướng. Văn thư này có thông báo
Trung Tướng Trần Văn Minh, Quyền Tổng Tư Lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, và
tôi đã đọc nó. Lúc ấy tôi là Thiếu Tá, Trưởng Phòng Quân Sự Vụ/Nha Đổng Lý Bộ Tổng
Tư Lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Xin được nhắc lại rằng, sau cuộc Chỉnh Lý ngày 30/01/1964, Trung
Tướng Nguyễn Khánh trong chức vụ Chủ Tịch Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, hành sử
chức năng Quốc Trưởng, đã ban hành Sắc Lệnh vào đầu tháng 4 năm 1964, hệ thống
hóa tổ chức quân đội dưới danh xưng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, bao gồm:
Hải Quân, Lục Quân, Không Quân, và Địa Phương Quân Nghĩa Quân. Trong khi đó, Bộ
Tổng Tham Mưu trở thành Bộ Tổng Tư Lệnh, và văn phòng Tổng Tham Mưu Trưởng cũng
biến cải lại thành Nha Đổng Lý Bộ Tổng Tư Lệnh gồm: Phòng Quân Sự Vụ mà tôi là
Trưởng Phòng. Phòng Dân Sự Vụ do Thiếu Tá Hoàng Ngọc Tiêu -tức nhà thơ Cao
Tiêu- Trưởng Phòng. Và Phòng Báo Chí do Thiếu Tá Tâm làm Trưởng Phòng. Với tổ
chức và phương thức điều hành của Nha Đổng Lý, hầu như tất cả Văn Thư của các
Phòng Sở Bộ Tổng Tư Lệnh đều đến Phòng Quân Sự Vụ để trình vào Trung Tướng Tổng
Tư Lệnh. Về tổ chức Nha Đổng Lý, tôi nghĩ rằng, trong quân đội và ngay cả trong
phạm vi Bộ Tổng Tư Lệnh, rất ít sĩ quan biết đến, vì đây là một tổ chức rất xa
lạ với những sĩ quan tham mưu hiểu biết về tổ chức trong quân đội.
Xin trở lại Văn Thư của Thủ Tướng Phan Huy Quát. Nội dung nói
lên sự bất đồng quan điểm giữa Thủ Tướng với Quốc Trưởng về vấn đề thay đổi
nhân sự cấp Bộ trong chánh phủ. Vấn đề chưa kết thúc, bỗng dưng Quốc Trưởng cho
biết là ông từ chức. Như vậy, chánh phủ cũng phải từ chức theo. Sau cùng, Thủ
Tướng Quát yêu cầu Hội Đồng Quân Đội, hãy nhân danh quân đội mà nhận lãnh trách
nhiệm lãnh đạo quốc gia trong giai đoạn cực kỳ khó khăn hiện nay. Xin nói thêm
là ngay sau cuộc Chỉnh Lý, tổ chức đại diện quân đội vẫn sử dụng danh xưng là Hội
Đồng Quân Nhân Cách Mạng như trước đó. đến tháng 11 năm 1964 thì tổ chức này cải
danh là Hội Đồng Quân Đội.
Do văn thư đó, Hội Đồng Quân Đội họp liên tục trong căn cứ Không
Quân, và kết quả là Hội Đồng đồng ý nhận lời yêu cầu của Thủ Tướng Phan Huy
Quát. Để thực hiện trách nhiệm lãnh đạo quốc gia, Hội Đồng quyết định thành lập
một tổ chức với danh xưng “Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia” để lãnh đạo theo
nguyên tắc “Ủy Ban quyết định, những thành viên thi hành”. Thành viên Ủy Ban
Lãnh Đạo Quốc Gia trên căn bản theo chức vụ đương nhiệm trong quân đội là 11 vị,
gồm: Chủ Tịch. Tổng Thư Ký. Thủ Tướng. Tổng Trưởng Quốc Phòng. Tổng Tham
Mưu Trưởng. Tư Lệnh Hải Quân. Tư Lệnh Không Quân. Tư Lệnh Quân Đoàn I, Tư Lệnh
Quân Đoàn II, Tư Lệnh Quân Đoàn III, và Tư Lệnh Quân Đoàn IV.
Sau cuộc tham khảo bầu chọn, kết quả các chức vụ như sau: (1) Chủ
Tịch: Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu. (2) Tổng Thư Ký: Trung Tướng Phạm Xuân Chiểu.
(3) Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương, tức Thủ Tướng: Thiếu Tướng Nguyễn Cao
Kỳ. Thiếu Tướng Kỳ còn kiêm nhiệm chức vụ Tư Lệnh Không Quân. (4) Tổng Ủy Viên
Chiến Tranh tức Tổng Trưởng Quốc Phòng: Thiếu Tướng Nguyễn Hữu Có. Thiếu Tướng
Có còn kiêm nhiệm chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Các
thành viên: (5) Đề Đốc Trần Văn Chơn, Tư Lệnh Hải Quân. (6) Thiếu Tướng Nguyễn
Chánh Thi, Tư Lệnh Quân Đoàn I. (7) Thiếu Tướng Vĩnh Lộc, Tư Lệnh Quân Đoàn II.
(8) Thiếu Tướng Cao Văn Viên, Tư Lệnh Quân Đoàn III. (9) Thiếu Tướng Đặng Văn
Quang, Tư lệnh Quân Đoàn IV.
Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ gọi nội các của ông là “nội các chiến
tranh”. Trong nội các chiến tranh của ông có một Bộ mới thành lập, đó là Bộ Xây
Dựng Nông Thôn, và Thiếu Tướng Nguyễn Đức Thắng được cử giữ chức Tổng Trưởng. Bộ
này đáp ứng nhu cầu bình định nông thôn trong chiến lược tách dân ra khỏi sự kiểm
soát của cộng sản. Nhớ lại sau cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963, chánh
phủ Nguyễn Ngọc Thơ rất lúng túng với chính sách Ấp Chiến Lược thời Tổng Thống
Ngô Đình Diệm để lại. Với chánh phủ của Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ, chính sách Ấp
Chiến Lược được phát triển đến mức có một Bộ phụ trách, và Thiếu Tướng Nguyễn Đức
Thắng được đánh giá là một Tướng Lãnh có khả năng, nhiệt tâm, cương quyết, được
xem là trong sạch, lãnh đạo Bộ này (và những Đoàn Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn lần
lượt ra đời từ kế hoạch của Thiếu Tướng Thắng).
Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia theo thành phần nói trên là 11 vị,
nhưng vì Tổng Trưởng Quốc Phòng kiêm Tổng Tham Mưu Trưởng, và Thủ Tướng Kiêm Tư
Lệnh Không Quân, nên thực tế chỉ có 9 vị. Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia chọn
ngày 19 tháng 06 năm 1965 ra mắt tân chánh phủ, với danh xưng “Ủy Ban Hành
Pháp Trung Ương”. Đó cũng là ngày đánh dấu Quân Đội nhận trách nhiệm lãnh đạo
quốc gia. Cũng vì vậy mà ngày 19 tháng 6 được Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia chọn làm “Ngày
Quân Lực”. Còn “Quốc Khánh” vẫn giữ ngày 1 tháng 11 hằng năm. Sau khi bàn
giao chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn II xong, Thiếu Tướng Nguyễn Hữu Có điện thoại
cho tôi:
“Anh Hoa, anh ở lại đó phụ tá cho anh Tài nghe”.
“ Vâng. Cám ơn Thiếu Tướng”.
“Anh phụ trách về hồ sơ công văn của Bộ Tổng Tham Mưu, anh Tài
(Thiếu Tá Nguyễn Hữu Tài) sẽ là chánh văn phòng và có những công tác đặc biệt.
Bây giờ anh chuẩn bị lễ bàn giao giữa Trung Tướng Minh với tôi vào ngày 15
tháng 7 (năm 1965). Anh trình Trung Tướng Minh rồi điện thoại cho tôi biết
ngay”.
“Tôi nghĩ là Thiếu Tướng nên nói chuyện trực tiếp với Trung Tướng
Minh thảo luận nhanh hơn, thưa Thiếu Tướng”.
“Anh trình với Trung Tướng Minh là được rồi”.
“Vâng. Tôi trình Trung Tướng Minh và sẽ trình lại Thiếu Tướng
sau”.
Tôi vào trình cho chánh văn phòng là Trung Tá Trần Văn Quiền
(không phải tôi viết sai đâu mà tên của ông là như vậy đó), Trung Tá Quiền bảo
tôi vào trình trực tiếp với Trung Tướng Minh. Tôi thi hành:
“Thưa Trung Tướng, Thiếu Tướng Có từ Pleiku điện thoại về bảo
tôi trình Trung Tướng là ngày bàn giao chức vụ Tổng Tư Lệnh sẽ tổ chức vào ngày
15 tháng 07 thưa Trung Tướng”.
Xin giải thích. Bộ Tổng Tham Mưu do Trung Tướng Khánh cải danh
thành Bộ Tổng Tư Lệnh, khi Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia hình thành thì Ủy Ban quyết
định sử dụng lại danh xưng Bộ Tổng Tham Mưu, trong lúc giao thời này Thiếu Tướng
Có gọi là Bộ Tổng Tham Mưu nhưng Trung Tướng Minh vẫn gọi Bộ Tổng Tư Lệnh.
“Vous cứ nói với ông Có là ngày nào cũng được. Hôm đó tôi mặc
quân phục đại lễ”.
“Vâng. Tôi sẽ trình lại Thiếu Tướng Có như vậy”.
Trung Tướng Trần Văn Minh (không phải là Trung Tướng Trần Văn
Minh mà sau này là Tư Lệnh Không Quân, cũng không phải là Trung Tướng Nguyễn
Văn Minh, Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô), thường dùng tiếng chữ “vous” (Pháp ngữ) khi
tiếp chuyện hay khi ra lệnh, lời của ông chậm rãi, từ tốn, rõ ràng, chẳng mấy
khi tôi thấy ông nổi giận. Tôi điện thoại lên Pleiku:
“Thưa Thiếu Tướng, Trung Tướng Minh đồng ý ngày bàn giao 15
tháng 7, và buổi lễ hôm đó Trung Tướng Minh mặc quân phục đại lễ 4 túi”.
“Không được. Anh trình với Trung Tướng Minh là tôi mặc quân phục
tác chiến. Mình đang trong tình trạng chiến tranh mà”.
Tôi vào trình Trung Tá Quiền, ông vẫn bảo tôi vào trình Trung Tướng
Minh.
“Thưa Trung Tướng, Thiếu Tướng Có sẽ mặc quân phục tác chiến và
Thiếu Tướng Có xin Trung Tướng cũng mặc như vậy”.
“Vous nói với Thiếu Tướng Có mặc gì thì tùy ông ấy. Còn tôi, tôi
sẽ mặc 4 túi”.
Trình qua trình lại, cuối cùng thì hai vị mặc quân phục theo ý
riêng của mình. Một vị mặc quân phục tác chiến màu xanh lá cây, một vị mặc quân
phục đại lễ màu trắng. Phải chăng vì Trung Tướng Minh đang Quyền Tổng Tư Lệnh
(chữ “quyền” đồng nghĩa với tạm thời), một chức vụ mà ông thừa biết là Hội Đồng
Quân Đội dùng ông để tạm thời trám vào cái khoảng trống đó trong khi tìm người
chánh thức, nên ông không chấp nhận ảnh hưởng của vị Tướng nào cả? Cũng có thể
vì ông là vị Tướng thâm niên, mà ông không sẵn lòng chịu sự ngang hàng với vị
Tướng cấp nhỏ mà lại ít thâm niên, cho dù lời yêu cầu của Thiếu Tướng Có không
có gì là kém trang trọng?
Rồi những trục trặc trong lễ bàn giao ngày 15/07/1965 tại võ
đình trường Bộ Tổng Tư Lệnh do Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Chủ Tịch Ủy Ban
Lãnh Đạo Quốc Gia, chủ tọa. Theo lễ nghi quân cách, quan trọng nhất là lúc trao
quân kỳ Bộ Tổng Tư Lệnh theo tuần tự như sau:
Thủ quân kỳ trao cho Trung Tướng Trần Văn Minh.
Trung Tướng Minh trao cho Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, biểu tượng
cho trách nhiệm và quyền hạn Tổng Tư Lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chấm dứt từ
giờ phút này.
Trung Tướng Thiệu, với tư cách Tổng Tư Lệnh Tối Cao Quân Lực Việt
Nam Cộng Hòa, chủ tọa buổi lễ, sau khi dõng dạc tuyên bố trao trách nhiệm cho
Thiếu Tướng Nguyễn Hữu Có từ giờ phút này, là ông trao quân kỳ cho Thiếu Tướng Có,
biểu tượng trách nhiệm và quyền hạn của vị Tổng Tư Lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng
Hòa bắt đầu từ giờ phút này.
Thiếu Tướng Có với quân kỳ trong tay, ông tuyên bố nhận trách
nhiệm trước vị Tổng Tư Lệnh Tối Cao và hứa sẽ hoàn thành trách nhiệm, rồi trao
quân kỳ lại “thủ quân kỳ”.
Nhưng cái trục trặc rất ư là kỳ cục lại xảy ra, vì Trung Tướng
Minh không chịu nhận quân kỳ từ tay của quân nhân “thủ quân kỳ”, cho nên quân
nhân “thủ quân kỳ” phải ngập ngừng một lúc rồi bước đến trao thẳng cho Trung Tướng
Thiệu. Sự kiện này làm Trung Tướng Thiệu phải mất vài chục giây ngỡ ngàng mới
đưa tay nhận. Lại thêm vài chục giây ngỡ ngàng nữa trước khi ông tuyên bố trao
quân kỳ cho Thiếu Tướng Có. Rõ ràng là Trung Tướng Minh không tôn trọng lễ nghi
quân cách, dù rằng ông là vị Tướng rất thâm niên mà lại xuất thân từ trường sĩ
quan của quân đội Pháp. Quốc kỳ biểu tượng một quốc gia, quân kỳ biểu tượng một
đơn vị. Trong tất cả quân kỳ thì quân kỳ Bộ Tổng Tư Lệnh là cao nhất vì đó là
biểu tượng của một quân đội, nhưng hôm nay -ngày 15 tháng 7 năm 1965- quân kỳ Bộ
Tổng Tư Lệnh được bàn giao như vậy đó! Là một quân nhân, tôi cảm nhận một nỗi
buồn!
Giao nhận xong, Bộ Tổng Tư Lệnh trở lại với danh xưng “Bộ Tổng
Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa”. Giải tán Nha Đổng Lý và tổ chức lại “văn
phòng Tổng Tham Mưu Trưởng” như trước. Thiếu Tá Nguyễn Hữu Tài giữ chức Chánh
văn phòng, tôi phụ tá cho
anh.
Nhận chức xong, ngoài công tác ở bàn giấy và những lần đi thăm
các đại đơn vị, Thiếu Tướng Có cho xây tấm vách chắn ngang “cây đòn dông” của
Trung Tâm Hành Quân, theo đường thẳng tưởng tượng chỉa thẳng vào giữa văn phòng
ông Tổng Tham Mưu Trưởng. Cũng vì “cây đòn dông” này mà khi Trung Tướng Trần
Thiện Khiêm nhận chức Tổng Trưởng Quốc Phòng kiêm Tổng Tham Mưu Trưởng vào ngày
31 tháng 1 năm 1964, bà Khiêm bảo tôi nhờ người treo cái kính soi mặt thật lớn
dóng hướng và treo lên đó, nhằm làm cho “cây đòn dông” nếu kéo dài theo đường
thẳng tưởng tượng sẽ đụng vào tấm kiếng mà “không vào” bên trong được. Và việc
thứ hai là Thiếu Tướng Có cho dời hai ngôi mộ của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm
và ông cố vấn Ngô Đình Nhu ra nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi, nơi đã dự trù hạ huyệt
ngày 5 tháng 11 năm 1963 nhưng đã không thực hiện được. Thiếu Tướng Có cho rằng,
“cây đòn dông và hai ngôi mộ” đã là những điều không may cho Bộ Tổng Tham Mưu
trong thời gian qua. Đúng hay không thì sau đó mới rõ, nhưng có điều là thêm một
vị Tướng mang cả lòng tin về tướng số, tử vi, địa lý vào chức vụ cao nhất của
quân đội.
Thiếu Tướng Nguyễn Hữu Có kiêm nhiệm chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng
đúng 3 tháng. Ngày 15 tháng 10 năm 1965, Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu lại chủ tọa
buổi lễ Thiếu Tướng Nguyễn Hữu Có bàn giao chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng cho Thiếu
Tướng Cao Văn Viên.
Xin nhắc lại, Thiếu Tướng Viên sau khi bàn giao chức vụ Tham Mưu
Trưởng Liên Quân, lên Biên Hòa nhận chức Tư Lệnh Quân Đoàn III. Bộ Tư Lệnh Quân
Đoàn cùng các đơn vị trực thuộc, di chuyển từ trại Lê Văn Duyệt, Quận 3 Sài
Gòn, lên đồn trú ở Biên Hòa sau cuộc Chỉnh Lý ngày 30/01/1964. Nay, Thiếu Tướng
Viên trở lại Bộ Tổng Tham Mưu với chức vụ cao hơn trước.
Từ sau cuộc đảo chánh ngày 01/11/1963, chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng
đã lần lượt trong tay 6 vị “Nguyên Soái” mà trong đó 4 lần không có bàn giao, 1
lần bàn giao không đúng lễ nghi quân cách. Và ngày 15 tháng 10 năm 1965 là lần
bàn giao thứ 6. Lễ bàn giao tuy mức độ trang trọng không đạt đúng chức vụ đứng
đầu quân đội, nhưng giao nhận đàng hoàng. Lần thứ nhất, Trung Tướng Trần Văn
Đôn nhận chức ngày 02/11/1963 sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ và bị
giết chết. Lần thứ hai, Trung Tướng Trần Thiện Khiêm, nhận chức ngày 31/01/1964
sau khi Trung Tướng Trần Văn Đôn bị bắt. Lần thứ ba, Trung Tướng Nguyễn Khánh
nhận chức ngày 08/10/1964 sau khi Đại Tướng Trần Thiện Khiêm lưu vong ngày hôm
trước (07/10/1964). Lần thứ tư, Trung Tướng Trần Văn Minh, nhận chức ngày
26/02/1965 sau khi Đại Tướng Nguyễn Khánh lưu vong ngày hôm trước (25/02/1965).
Lần thứ năm (15/07/1965), Trung Tướng Minh bàn giao cho Thiếu Tướng Nguyễn Hữu
Có không đúng lễ nghi quân cách. Và lần thứ sáu là ngày 15/10/1965 này, bàn
giao giữa Thiếu Tướng Nguyễn Hữu Có với Thiếu Tướng Cao Văn Viên, đúng lễ nghi
quân cách.
Chưa tròn 2 năm mà thay đổi 5 vị Tổng Tham Mưu Trưởng, và Thiếu
Tướng Cao Văn Viên là vị Tổng Tham Mưu Trưởng thứ 6. Nếu đem thời gian chia đều
thì mỗi vị chỉ ngồi ghế Tổng Tham Mưu Trưởng có bốn tháng rưỡi, thử hỏi làm sao
xây dựng được chiến lược chiến thuật thích ứng với mọi biến chuyển của tình
hình để quân đội nắm quyền chủ động trên chiến trường, trong khi tình hình quân
sự ngày càng đẫm máu với những trận đánh cấp Trung Đoàn, Sư Đoàn. Từ ngày quân
bộ chiến Hoa Kỳ và Đại Hàn trực tiếp tham chiến, một số Sư Đoàn của Quân
Lực Việt Nam Cộng Hòa chúng ta gần như tập trung vào những cuộc hành quân yểm
trợ bình định nông thôn chung quanh các thành phố thị trấn, ngoại trừ lực lượng
của Quân Đoàn IV vùng đồng bằng Cửu Long là vẫn trong thế chủ động, vì vùng này
chỉ có căn cứ của Sư Đoàn 9 Bộ Binh Hoa Kỳ ở Mỹ Tho, và Sư Đoàn này chỉ giới hạn
hoạt động ở bờ bắc sông Tiền (hay Tiền Giang) thôi.
Nếu cứ cái đà tranh giành như thế này hoài thì bất cứ vị Tướng vị
Tá nào có tính liều mạng hay bốc đồng, cũng có thể lên cầm quyền chơi mỗi người
mấy tháng nếu được vài đơn vị ủng hộ. Để rồi khi bị đẩy ra khỏi chiếc ghế lãnh
đạo cũng còn hi vọng vớt vát cái chức “Đại Sứ tại chỗ” hoặc “Đại Sứ lưu động”
chớ có thua thiệt gì đâu. Sự thua thiệt là ở những ai tha thiết với tổ quốc dân
tộc, và hơn nửa triệu quân nhân dưới cờ là thua thiệt nhất, vì ngày đêm Họ miệt
mài với chiến trận để ngăn chận quân cộng sản xâm lăng, trong khi trung ương
thì thường xuyên trong tình trạng rối ren do giành giựt!
Nhận bàn giao xong, Thiếu Tướng Cao Văn Viên cho dọn sang văn
phòng mới vừa xây dựng xong, và kiến trúc này do Trung Tướng Khánh cho khởi
công từ tháng cuối năm 1964. Thiếu Tướng Viên có quyết định dọn ngay trong ngày
bàn giao, một phần cũng vì Thiếu Tướng Nguyễn Hữu Có không chịu dời văn phòng của
ông sang Bộ Quốc Phòng. Đây cũng là một hành động kỳ cục của Thiếu Tướng Có.
Ông có hai chức vụ mà cả hai chức vụ đều thuộc loại nhất nhì đối với quân
đội, và sau khi bàn giao cho Thiếu Tướng Viên chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng, ông
còn lại chức Tổng Trưởng Quốc Phòng chớ có phải “ngồi chơi xơi nước” đâu mà ông
lại tranh chỗ ngồi của ông Tổng Tham Mưu Trưởng mới nhận chức do chính ông bàn
giao. Điều kỳ cục này dẫn đến sự cãi cọ giữa hai phu nhân của hai vị Tướng. Tuy
chưa phải là lớn chuyện, nhưng cũng là “thành tích chẳng đáng khuyến khích”
chút nào trong ngũ lãnh đạo!
Tôi, với chức vụ phụ tá chánh văn phòng khi Thiếu Tướng Có là Tổng
Tham Mưu Trưởng, tôi chuẩn bị bàn giao cho Thiếu Tá Vĩnh Thái vì tôi phụ trách
toàn bộ hồ sơ văn phòng, còn Thiếu Tá Thái là chánh văn phòng Tư Lệnh Quân Đoàn
III, theo Thiếu Tướng Viên về Bộ Tổng Tham Mưu. Trong lúc chúng tôi giao nhận từng
thành phần hồ sơ nhất là hồ sơ xếp vào loại mật và tối mật mà tôi giữ trong tủ
sắt ngay sau lưng tôi, Thiếu Tướng Cao Văn Viên bước vào:
“Chú Hoa không bàn giao gì hết. Tôi cử chú vào chức vụ chánh văn
phòng. Còn chú Thái sẽ nhận nhiệm vụ khác”.
Thật ra thì hai ngày trước đó, bà Cao Văn Viên có điện thoại
tôi:
“Chú Hoa, Thiếu Tướng cử chú làm chánh văn phòng đó nghe”.
“Còn anh Vĩnh Thái thì sao Chị? Em ngại sẽ mích lòng với anh ấy”.
“Chú không lo. Thiếu Tướng nói chú Thái thuyên chuyển sang Bộ Quốc
Phòng”.
“Vậy thì em nhận, và cám ơn Chị”.
Sau đó, Thiếu Tá Vĩnh Thái được cử vào chức vụ Tùy Viên Quân Sự
tại tòa đại sứ Việt Nam Cộng Hòa ở Đại Hàn Dân Quốc.
Thiếu Tá Vĩnh Thái, năm 1960 đang dạy tại Trường Sinh Ngữ Quân
Quân Đội. Sau ngày 11/11/1960, thuyên chuyển sang Lữ Đoàn Nhẩy Dù, giữ chức
chánh văn phòng Tư Lệnh mà lúc đó Đại Tá Viên vừa nhận chức Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhẩy
Dù. Lần lượt theo Thiếu Tướng Viên về văn phòng Tham Mưu Trưởng Liên Quân, rồi
lên Quân Đoàn III. Vì gắn bó như vậy mà tôi rất thận trọng không dám nhận lời
khi Thiếu Tướng Viên điện thoại cho tôi trước khi bà Viên giải thích. Anh Thái
cũng là người thường đến Viện Đại Học nhận giùm bài học đem về cho Thiếu Tướng
Viên, đang là sinh viên của Đại Học Văn Khoa. Tôi nghĩ, việc Thiếu Tướng Viên cử
tôi vào chức vụ chánh văn phòng, rất có thể là do tôi quen việc nơi đây, cũng
có thể là ông nghĩ đến ngày 01/11/1963 khi tôi nhận trách nhiệm đưa ông từ
“phòng tạm giữ” lên ngồi trong văn phòng tôi. Thật ra thì lúc bấy giờ hành động
của tôi chỉ nhằm giúp Thiếu Tướng Trần Thiện Khiêm (cấp bậc đến ngày
01/11/1963), tránh được điều khó xử với bạn của ông thôi.
Vậy là tôi với Đại Úy Nguyễn Hữu Có, trước đây là chánh văn
phòng và tùy viên của Đại Tướng Trần Thiện Khiêm, nhưng giữa năm 1964 Đại Úy Có
thuyên chuyển sang Nhẩy Dù làm sĩ quan tùy viên cho Thiếu Tướng Cao Văn Viên.
Bây giờ, sau hơn một năm, hai chúng tôi ráp lại trong chức vụ chánh văn phòng
và tùy viên của Thiếu Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng.
Ngày 01/11/1965, Quốc Khánh Việt Nam Cộng Hòa, Thiếu Tướng Cao
Văn Viên được thăng cấp Trung Tướng. Cùng thăng cấp Trung Tướng với ông còn có
nhiều vị nữa, và trong số đó có Thiếu Tướng Nguyễn Hữu Có, Thiếu Tướng Nguyễn
Chánh Thi, Thiếu Tướng Đặng Văn Quang.
Tháng sau đó, tôi được thăng cấp Trung Tá.
Trung Tướng Cao Văn Viên có vóc dáng cao lớn, thường luyện tập
Yoga, với bộ quân phục nhẩy dù, trông ông rất khỏe mạnh. Ông có đủ dáng vẻ của
vị Tướng chiến trường. Trung Tướng Viên rất xông xáo, thường đến thăm các đơn vị
nhất là các đơn vị đồn trú và hoạt động Vùng I Chiến Thuật và Vùng II Chiến Thuật.
Từ giữa năm 1965 là thời gian bắt đầu và dồn dập có nhiều đơn vị
Đồng Minh -nhất là Hoa Kỳ- lần lượt đổ quân vào Việt Nam. Trung Tướng Viên thường
được cử thay mặt Chánh Phủ và nhân danh Tổng Tham Mưu Trưởng, có mặt tại các địa
điểm đổ bộ để chào đón quân bạn. Đơn vị đầu tiên mà Trung Tướng Viên chào đón kể
từ sau ngày nhận chức Tổng Tham Mưu Trưởng, là Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đổ bộ
lên Chu Lai, còn gọi là vịnh Dung Quất.
Vậy là Hoa Kỳ đã thực hiện được mục tiêu chiến lược của họ, “chiến
lược Domino” mà trong thực tế là những căn cứ quân bộ chiến của Hoa Kỳ trải dài
như những mắt xích nối liền nhau từ Đại Hàn xuống Nhật Bản, sang Đài Loan, Phi
Luật Tân, đến Việt Nam Cộng Hòa, và Thái Lan. Những căn cứ này là những nơi xuất
phát lực lượng Hải Quân, Lục Quân, Không Quân, có khả năng ngăn chận chiến
tranh xâm lược của cộng sản tấn công các quốc gia trong vùng Đông Nam và Đông Bắc
Á Châu. Quân Lực Hoa Kỳ trong vùng Thái Bình Dương, được trang bị nhiều loại vũ
khí tối tân mới được sử dụng lần đầu tiên trên chiến trường Việt Nam. Thời Tổng
Thống Ngô Đình Diệm, Hoa Kỳ đã nỗ lực thuyết phục Tổng Thống Diệm, nhưng đã bị
Tổng Thống Diệm khước từ một cách cứng rắn.
Xin mở ngoặc để nói đến cuộc phỏng vấn ngày 18/10/2003, giữa ông
Hồng Phúc của đài Tiếng Nói Việt Nam Hải Ngoại từ Washington DC, với ông Bùi
Tín cựu Đại Tá quân đội cộng sản từ Paris. Khi ông Hồng Phúc yêu cầu ông Bùi
Tín cho một quan điểm như là so sánh giữa Tổng T.....hống Ngô Đình Diệm với ông
Hồ Chí Minh. Ông Bùi Tín nói rằng, theo quan điểm của ông thì ông Ngô Đình Diệm
(ông Bùi Tín không dùng chữ chức vụ Tổng Thống) yêu nước thật sự vì sau khi nhận
chức Thượng Thư Bộ Lại khoảng 4 tháng thì từ chức vì Toàn Quyền Pháp tự ý sửa đổi
Hòa Ước 1884 đặt Trung Kỳ dưới quyền bảo hộ của Pháp như Bắc Kỳ. Ông Diệm thông
minh hơn ông Hồ, đạo đức hơn ông Hồ, trong sạch hơn ông Hồ, chỉ riêng cái quyết
định không bằng lòng cho Hoa Kỳ sử dụng cảng Cam Ranh, ông Diệm đã nói rằng “nếu
để một mảnh đất vào tay Hoa Kỳ, sau này khi có hiệp thương giữa hai miền Nam Bắc
thì ông phải giải thích như thế nào với đồng bào.” Câu này do Vũ Ngọc Nhạ
thuật lại cho ông Bùi Tín nghe sau ngày chế độ Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, và ông
ta gặp lại Bùi Tín ngay trong dinh Độc Lập. Vũ Ngọc Nhạ, là một cán bộ tình báo
cao cấp được lãnh đạo cộng sản Việt Nam cài vào Phủ Tổng Thống (Việt Nam Cộng
Hòa) với chức vụ cố vấn của Tổng Thống. Xin đóng ngoặc.
Nhân lễ Giáng Sinh 1965, Trung Tướng Viên chỉ thị tôi tổ chức buổi
tiếp tân trọng thể ngay tại võ đình trường trước tòa nhà chánh Bộ Tổng Tham
Mưu. Khách mời:
Ngoại quốc, gồm: Các vị trong Ngoại Giao đoàn, kể cả các vị Tùy
Viên quân sự. Các vị Tư Lệnh lực lượng Đồng Minh đang có mặt trên lãnh thổ Việt
Nam Cộng Hòa, các đơn vị trưởng cùng các sĩ quan tham mưu trực thuộc lực lượng
này.
Nội bộ, gồm: Các vị trong Chánh Phủ, trong Quốc Hội. Tất cả các
vị Tướng Lãnh đang phục vụ tại thủ đô và lân cận, các vị Chỉ Huy Trưởng binh chủng,
Tổng Cục Trưởng, Cục Trưởng, và các sĩ quan cao cấp phục vụ tại Bộ Tổng Tham
Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Tổng số gần 500 vị.
Đây là lần đầu tiên các cấp chỉ huy lực lượng Đồng Minh, gồm: Đại
Hàn, Phi Luật Tân, Tân Tây Lan, Úc Đại Lợi, Thái Lan, và Hoa Kỳ, với các cấp chỉ
huy của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, có cơ hội tiếp xúc tìm hiểu nhau về cá nhân
cũng như về kiến thức quân sự. Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu và Thiếu Tướng Nguyễn
Cao Kỳ đều có mặt. Chương trình tổng quát với lời chúc Giáng Sinh ngắn gọn của
Trung Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng, của Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu,
Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, và của Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Chủ Tịch Ủy
Ban Hành Pháp Trung Ương. Tiếp đó là chương trình văn nghệ với những bài hát
Giáng Sinh bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Buổi tiếp tân diễn ra trong bầu không
khí thân hữu và trang trọng.
Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu với Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, là
hai vị lãnh đạo cao nhất của đất nước. Trải qua thời gian cầm quyền, tôi nghĩ
là những ai quan tâm đến thời sự quốc gia quốc tế, dễ dàng nhận thấy rằng: về
chức vụ thì Trung Tướng Thiệu cao hơn nhưng Thiếu Tướng Kỳ lại được đồng bào
trong nước cũng như nhiều nhân vật quốc tế biết đến nhiều hơn. Trung Tướng Thiệu
thì trầm ngâm, sâu sắc, chỉ xuất hiện khi cần thiết. Thiếu Tướng Kỳ thường
tuyên bố điều này điều khác, đôi khi ông tuyên bố tùy hứng mà không cần biết điều
đó có thực hiện được hay không. Nói cách khác, Thiếu Tướng Kỳ không có cái sâu
sắc trong địa vị chính trị của ông, nhưng trong một chừng mực nào đó, ông lại
là nhân vật có vẻ thích ứng với vai trò của ông, vai trò một Thủ Tướng có cá
tính “bốc đồng” trong giai đoạn chiến tranh lúc ấy. Phải chăng đó là chính sách
của Hoa Kỳ? Nhìn chung thì Trung Tướng Thiệu với Thiếu Tướng Kỳ, không hợp nhau
từ bản chất cá nhân, nhưng lại là một cặp lãnh đạo đất nước! Thật ra trong thuật
lãnh đạo, trong hàng lãnh đạo rất cần những quan điểm trái ngược, nhưng là trái
ngược trong tinh thần thúc đẩy phát triển quốc gia chớ không phải trái ngược
trong mục đích đả phá nhau do tinh thần cá nhân hay phe nhóm. Vậy, quí vị quí bạn
nhìn Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu với Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ như thế nào?
Xin hiểu là nhìn lại để rút ra bài học kinh nghiệm cho mai sau, chớ không phải
nhìn lại để chỉ trích cá nhân, thậm chí là kết án.
Dư luận trong giới chính trị cũng như trên báo chí quốc nội quốc
tế, khi nói đến những vị lãnh đạo quốc gia của chúng ta thường nhắc đến “bộ ba”
gồm Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, và Trung Tướng
Nguyễn Hữu Có, tức Quốc Trưởng + Thủ Tướng + Tổng Trưởng Quốc Phòng. Theo
tôi, con người của Trung Tướng Có không có nét nào hợp với Thiếu Tướng Kỳ, cũng
không trầm ngâm như Trung Tướng Thiệu. Ông không có tính xốc nổi nhưng cũng
không sâu sắc, ông rất hăng say trong trách nhiệm lãnh đạo Quốc Phòng, nhưng dường
như kiến thức tổng quát cũng như kiến thức quân sự có những giới hạn, nên không
có gì đặc biệt ở cương vị của ông trong nội các chiến tranh. Tôi nghĩ, những
công việc có tính cách điều hành của Bộ Quốc Phòng cũng như Bộ Tổng Tham Mưu,
thích hợp với ông hơn là những vấn đề chiến lược chiến thuật.
Về cấp hiệu sĩ quan mà Tổng Thống Ngô Đình Diệm qui định từ đầu
năm 1956 (hay 1957?), thay thế cấp hiệu của Pháp (mà quân đội quốc Gia Việt Nam
áp dụng khi mới thành lập) là cấp Uý biểu tượng bằng bông mai vàng và cấp Tá là
bông mai trắng trên cổ áo hoặc trên mũ lưỡi trai. Nhưng vì kỹ thuật của các nhà
sản xuất chưa hoàn hảo nên màu sắc không chính xác giữa trắng với vàng, nhất là
thời gian sử dụng càng lâu thì màu sắc càng dễ gây lầm lẫn. Chẳng hạn như một Đại
Úy với cấp hiệu 3 bông mai vàng với một Thiếu Tá cấp hiệu một bông mai trắng đi
ngược chiều nhau, nhưng vì màu sắc trên bông mai vàng phai mờ nên ông Thiếu Tá
tưởng lầm ông Đại Úy đi ngược chiều là Đại Tá, bèn đưa tay chào cho dẫu có thắc
mắc không biết có phải Đại Tá hay không vì trông trẻ quá. Vì vậy mà Trung Tướng
Nguyễn Hữu Có quyết định cấp hiệu của sĩ quan cấp Tá được gắn thêm một vạch
ngang phía dưới bông mai trắng để dễ phân biệt giữa cấp Uý với cấp Tá. Thế
nhưng, lúc bấy giờ có dư luận cho rằng, Trung Tướng Có được các nhà sản xuất
các loại huy hiệu cấp hiệu quân đội, lo lót một khoản tiền để ông đưa ra quyết
định như vậy, vì tất cả sĩ quan cấp Tá đều phải mua cấp hiệu mới theo mẫu đó,
và dĩ nhiên là các nhà sản xuất thu được khoản tiền lời lớn. Đúng hay sai thì
tôi không rõ, nhưng có điều chắc chắn là qui định này đã giúp cho sự dễ nhận giữa
cấp Úy với cấp Tá. Tôi nghĩ, đây là một quyết định đúng.
Nhân vụ cấp hiệu này xin nói thêm về nhiều loại huy chương được
thiết lập trong thời gian Trung Tướng Nguyễn Khánh cầm quyền, trong mục đích tạo
điều kiện thuận lợi cho các sĩ quan tham mưu và sĩ quan chuyên môn, được tưởng
thưởng thích hợp và nhiều huy chương hơn để đeo trên ngực áo trong những lễ hội,
những lần đón tiếp các phái đoàn quân sự ngoại quốc, hoặc du học du hành ngoại
quốc. Trung Tướng Khánh có sáng kiến này là vì có một vị Tướng (dường như là
Thiếu Tướng Nguyễn Đức Thắng) khi xuất ngoại, trên ngực áo chỉ có 3 huy chương
cuống trông thật là “đơn côi” và làm cho vị Tướng có vẻ “yếu đi” mặc dù ông có
vóc dáng cao lớn và khỏe mạnh.
Về cách giải quyết công văn tại văn phòng, Đại Tướng Trần Thiện
Khiêm với Đại Tướng Cao Văn Viên có cùng thận trọng như nhau, nhưng Đại Tướng
Viên có phần nhanh hơn. Đại Tướng Nguyễn Khánh cũng nhanh nhưng mức độ thận trọng
không bằng hai vị Tướng nói trên. Trung Tướng Trần Văn Minh thì chỉ làm việc
cho hết giờ. Trung Tướng Nguyễn Hữu Có thì thận trọng quá đáng nên có phần chậm
chạp. Xông xáo đi thăm các đơn vị tại mặt trận hoặc các đơn vị đang công tác đặc
biệt, Đại Tướng Viên và Đại Tướng Khánh như nhau, Trung Tướng Có cũng gần như vậy,
Đại Tướng Khiêm thì thỉnh thoảng, còn Trung Tướng Minh thì không có gì để so
sánh. Đại Tướng Khánh, trong hơn một năm cầm đủ thứ quyền trong tay, là thời
gian nhiều xáo trộn chính trị, thế nhưng ông đã dành thì giờ để đến với nhiều
đơn vị, đó là điều ghi nhận tốt. Ông là vị Tổng Tư Lệnh duy nhất cho mang theo
công văn để ông làm việc trên phi cơ trong khi đi thăm đơn vị, nhưng ông cũng
là vị Tổng Tư Lệnh kỳ cục nhất khi bất đồng quan điểm với ông Đại Sứ Hoa Kỳ thì
tự dời văn phòng làm việc cách xa Bộ Tổng Tư Lệnh hằng trăm cây số (từ tháng 6
năm 1965, Bộ Tổng Tư lệnh mới trở lại danh xưng Bộ Tổng Tham Mưu).
Về mối liên hệ tình cảm trong công tác, Trung Tướng Viên nghiêng
về Thiếu Tướng Kỳ hơn là Trung Tướng Thiệu, dù rằng Trung Tướng Thiệu chức vụ
cao hơn Thiếu Tướng Kỳ. Phải nhận rằng, Thiếu Tướng Kỳ tuy cá tính xốc nổi
nhưng dám nói dám làm, dù là làm được lẫn làm không được, nhưng được sự ủng hộ
của số đông chiến hữu và đồng bào, nhưng những nhà hoạt động chính trị thì
không ủng hộ ông. Lực lượng có khả năng trực tiếp tham gia đảo chánh là Nhẩy Dù
và Thủy Quân Lục Chiến thì đứng về phía Thiếu Tướng Khang và Trung Tướng Viên,
nên Thiếu Tướng Kỳ có thế đứng vững hơn những Thủ Tướng trước ông. Trong những
lúc nói chuyện với tôi và sĩ quan tùy viên, Trung Tướng Viên thường tỏ ra ca ngợi
Thiếu Tướng Kỳ và không hề nhắc đến Trung Tướng Thiệu dù Trung Tướng Thiệu đang
là Quốc Trưởng. Trung Tướng Viên cho rằng, trong số những khuôn mặt hiện nay
(năm 1965-1966) thì Thiếu Tướng Kỳ là người thích hợp hơn hết.
Trong năm 1965 và đầu năm 1966, sinh hoạt ở trung ương tương đối
yên ắng, tuy phần lớn trong giới chính trị lão thành cũng như giới thân hào
nhân sĩ tỏ ra không ủng hộ Thiếu Tướng Kỳ. Tôi căn cứ vào những báo cáo mật của
Tổng Nha Cảnh Sát thông báo cho Tổng Tham Mưu Trưởng mà ghi nhận như vậy.
Trong hệ thống điều hành thông thường, chẳng có qui định nào buộc
Cảnh Sát phải thông báo những tin tức về các hoạt động chính trị cho Bộ Tổng
Tham Mưu cả, nhưng có thể là do mối liên hệ mật thiết giữa Thiếu Tướng Nguyễn
Cao Kỳ -Thủ Tướng- với Trung Tướng Cao Văn Viên -Tổng Tham Mưu Trưởng- mà hậu
thuẫn của Trung Tướng Viên là lực lượng Nhẩy Dù và Thủy Quân Lục Chiến để chống
đảo chánh, nên Tổng Giám Đốc Cảnh Sát -rất được Thiếu Tướng Kỳ tin cậy- mới có
những thông báo như vậy. Ngay sau ngày Thiếu Tướng Viên (hai tuần sau đó ông mới
thăng cấp Trung Tướng) nhận chức Tổng Tham Mưu Trưởng, Đại Tá Ngô Quang Trưởng
-dường như lúc bấy giờ ông là Tư lệnh Phó Nhẩy Dù- đến văn phòng tôi, ông nói:
“Anh Hoa, để kịp thời đối phó với những biến động quân sự về
phía nội bộ, bất cứ là giờ nào trong ngày nếu như anh thấy có điều gì nghi ngờ
về một cuộc đảo chánh hay tương tự như vậy, thì anh báo tin cho tôi ngay, vì
lúc nào tôi cũng có một đơn vị túc trực tại căn cứ Hoàng Hoa Thám (tên doanh trại
của Lữ Đoàn Nhẩy Dù, khỏi ngã tư Bảy Hiền, trên đường Sài Gòn-Tây Ninh)”
Khi tôi bổ túc đoạn ngắn này thì cựu Trung Tướng Ngô Quang Trưởng
đã từ trần. Xin cắm nén hương tưởng nhớ đến Ông, một Tướng Lãnh khi xuôi tay
yên nghỉ, nhận được lòng ngưỡng mộ và thương cảm của hầu hết các thành phần
trong Cộng Đồng Việt Nam Tị Nạn cộng sản tại hải ngoại!
Điều làm cho các vị Tướng lãnh đạo ở trung ương nói chung và Thiếu
Tướng Kỳ nói riêng, lo ngại là Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư Lệnh Quân Đoàn
I kiêm Đại Biểu Chánh Phủ tại Trung Phần, về những lời tuyên bố cùng một số
hành động của ông có tính cách trái ngược với trung ương nếu không nói là chống
lại trung ương.
Xin nhắc lại. Đại Tá Nguyễn Chánh Thi, sau hơn 2 năm lưu vong
trên vương quốc Cam-Bốt, được Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng sau cuộc lật đổ và
giết chết Tổng Thống Ngô Đình Diệm đón về, lần lượt thăng cấp Thiếu Tướng, rồi
Trung Tướng, và hai lần thăng cấp này hoàn toàn không do công trạng trong chiến
trận.
Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi là người có tính bộc trực, thẳng
tính, và nóng tính. Buổi sáng ngày 30 tháng 1 năm 1964, ngay trong sân nhà
Trung Tướng Khánh, trong lúc có nhiều sĩ quan quanh quẩn ở đó để theo dõi tin tức
về cuộc “Chỉnh Lý”, Trung Tướng Thi lúc đó là Đại Tá, đã bạt tai Thiếu Tá Nguyễn
Huy Lợi với tất cả sự nóng giận của ông. Hỏi ra tôi mới biết là trong thời gian
lưu vong, Thiếu Tá Lợi cũng như các bạn cùng lưu vong, đã khinh thường ông vì
ông không làm ra tiền mà trông chờ vào sự “chạy gạo” của các sĩ quan cấp nhỏ
hơn ông trong nhóm lưu vong. Chắc vì vậy mà ông bạt tai cho hả giận, và chắc
cũng để tỏ ra là ông đã qua thời xuống chó và đang thời lên voi chăng?
Trong thời gian Trung Tướng Khánh bắt đầu có khoảng cách với Đại
Tướng Khiêm, rồi khoảng cách đó ngày càng rộng và sâu thêm, cho đến một ngày
khoảng cách đó rộng bằng cả Đại Tây Dương thì Đại Tướng Khiêm bị đẩy sang bên
kia bờ phía tây gọi là thăm vài nước Châu Âu, thì những vị Tướng thân thiết
nhau như: Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Thiếu Tướng Cao Văn Viên, Thiếu Tướng Nguyễn
Chánh Thi, và Thiếu Tướng Lê Nguyên Khang (1964), có vẻ như không can dự gì vào
chuyện giữa Trung Tướng Nguyễn Khánh với Đại Tướng Trần Thiện Khiêm cả. Nhưng
tôi không rõ là bắt nguồn từ nguyên nhân nào mà Trung Tướng Thi (1966) lại tách
ra khỏi nhóm đó, và tách ra từ lúc nào nữa. Chỉ biết là khi Trung Tướng Thi chống
đối trung ương trở nên công khai đến mức báo chí đăng tải, thì lúc đó Trung Tướng
Thi đang là Tư Lệnh Quân Đoàn I tại Đà Nẳng. Xin giải thích: tôi chỉ nói đến những
vị Tư lệnh có quân có quyền trong tay và có khả năng đảo chánh lẫn chống đảo
chánh thôi.
Khi Hội Đồng Quân Đội nhận trách nhiệm Lãnh đạo quốc gia theo
yêu cầu của Thủ Tướng Phan Huy Quát, và thành lập Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia với Ủy
Ban Hành Pháp Trung Ương, và chọn ngày 19/06/1965 ra mắt quốc dân đồng bào và
ngoại giao đoàn. Từ đó, Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia quyết định chọn ngày 19
tháng 6 hằng năm làm Ngày Quân Lực. Và Ngày Quân Lực 19 tháng 6 đầu tiên
được tổ chức trọng thể vào ngày 19 tháng 6 năm 1966. Ngày Quân Lực đầu tiên nói
ở đây là Ngày Quân Lực 19 tháng 6, nhưng thật ra còn một Ngày Quân Lực đã được
chọn và tổ chức trước đó nữa.
Đó là Ngày Quân Lực 30 tháng 1. Chuyện như thế này. Xin nhắc đến
cuộc Chỉnh Lý ngày 30/01/1964 do Trung Tướng Nguyễn Khánh, Trung Tướng Trần Thiện
Khiêm, và Đại Tá Cao Văn Viên, lãnh đạo lật đổ Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng của
Trung Tướng Dương Văn Minh, và thành công. Nhưng sau khi Trung Tướng Khánh công
bố bản Hiến Chương tại Vũng Tàu, liên tiếp những cuộc mít tinh biểu tình cáo
giác Trung Tướng Nguyễn Khánh là độc tài, từ đó Trung Tướng Khánh cho rằng Đại
Tướng Khiêm đứng đằng sau những vụ đó. Thế là Trung Tướng Khánh đẩy Đại Tướng
Trần Thiện Khiêm lưu vong (07/10/1964). Và rồi Trung Tướng Khánh quyết định chọn
ngày 30 tháng 1 làm Ngày Quân Lực.
Ngày Quân Lực 30 tháng 1 được tổ chức vào tối 30 tháng 1 năm
1965, trên sân thượng câu lạc bộ Bộ Tổng Tư Lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Thiếu Tướng Nguyễn Văn Vỹ, Đổng Lý Văn Phòng Tổng Tư Lệnh, chỉ thị tôi Trưởng
Phòng Quân Sự Vụ, và Thiếu Tá Hoàng Ngọc Tiêu -tức nhà thơ Cao Tiêu- Trưởng
Phòng Dân Sự Vụ, trách nhiệm tổ chức.
Tham dự Ngày Quân Lực 30 tháng 1 năm 1965, gồm: quí vị trong
Chánh Phủ, quí vị Tướng Lãnh, quí vị trong Ngoại Giao đoàn, các đơn vị trưởng
trong Quân Trấn Sài Gòn, và sĩ quan cao cấp phục vụ tại Bộ Tổng Tư Lệnh. Ngày
Quân Lực 30 tháng 1 được tổ chức hôm ấy là lần đầu tiên, cũng là lần duy nhất.
Tôi nghĩ rằng, “Ngày Quân Lực tổ chức ngày 30 tháng 1 năm 1965”
rất ít người biết đến, vì không có văn kiện ban hành, cũng không phổ biến bất cứ
hình thức nào, Trung Tướng Khánh chỉ ra lệnh ngang qua Thiếu Tướng Vỹ, chúng
tôi gởi thư mời, và tiến hành tổ chức thôi. Chương trình buổi lễ rất đơn giản
như một buổi tiếp tân ngoài trời. Không diễn văn dài dòng, cũng không một ai
phát biểu. Chỉ sau một diễn văn ngắn gọn của Trung Tướng Khánh là vào tiệc, với
chương trình văn nghệ rất đông nghệ sĩ tân nhạc nổi tiếng của Sài Gòn lúc ấy
trình diễn.
Nhân đây cũng xin nói thêm về những ngày khác, nếu như trước
ngày 19 tháng 6 năm 1966 mà có cuộc thăm dò ý kiến trong quân đội thì tôi nghĩ,
những ngày sau đây có thể được chọn là Ngày Quân Lực, như: ngày 1 tháng 1, ngày
1 tháng 5, hay ngày 1 tháng 7.
Ngày 1 tháng 1. Trong cuộc chiến giữa thực dân Pháp với Việt
Minh cộng sản 1945-1954, chánh phủ Pháp ước tính không thể dẹp tan đối phương
trong thời gian 6 tháng như Cao Ủy Pháp tại Đông Dương đã từng tuyên bố, nên sử
dụng chính sách dùng người Việt không cộng sản đánh nhau với người Việt cộng sản,
bằng quyết định thành lập một số Tiểu Đoàn Việt Nam và những đơn vị nhỏ hơn, dưới
quyền chỉ huy của Pháp.
Đầu tiên là Chi Đội Thám Thính của binh chủng Thiết Giáp thành lập
ngày 1 tháng 1 năm 1951. Lần lượt sau đó, một vài đơn vị đầu tiên là:
Ngày 1 tháng 2 năm 1951: một đơn vị Truyền Tin.
Ngày 1 tháng 5 năm 1951: một đơn vị Không Quân.
Cùng ngày 1 tháng 5 năm 1951: một đơn vị Quân Vận.
Ngày 1 tháng 8 năm 1951: một đơn vị Nhẩy Dù.
Ngày 1 tháng 9 năm 1951: một đơn vị Công Binh.
Ngày 1 tháng 11 năm 1951: một đơn vị Pháo Binh.
Ngày 1 tháng 3 năm 1952: một đơn vị Hải Quân.
Trong nét nhìn nào đó, những đơn vị Việt Nam đủ tiêu biểu cho Hải
Lục Không Quân nhưng quá đổi khiêm nhường, ngoại trừ Lục Quân có một số đơn vị
khả dĩ có khả năng "đánh tay đôi" với quân Việt Minh cộng sản.
Như vậy, ngày 1 tháng 1, là ngày mà đơn vị đầu tiên của Việt Nam
được thành lập, dù rằng đơn vị này do Liên Hiệp Pháp chỉ huy và yểm trợ.
Ngày 1 tháng 5. Do Dụ số 43 ngày 23/05/1952 (sau này gọi là sắc
lệnh) của Quốc Trưởng Bảo Đại, thành lập Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Quốc Gia Việt
Nam từ ngày 01/05/1952. Vị Tổng Tham Mưu Trưởng đầu tiên là Thiếu Tướng Nguyễn
Văn Hinh. Ông là Trung Tá Không Quân Pháp chuyển sang. Tuy có cơ quan đầu não của
quân đội, nhưng thực chất các đơn vị Việt Nam đã thành lập trước đó vẫn
do sĩ quan Pháp chỉ huy và yểm trợ mọi nhu cầu của đơn vị. Bộ Tổng Tham Mưu non
trẻ này tập trung nỗ lực vào trách nhiệm tổ chức 60 Tiểu Đoàn tân lập bộ binh
do Pháp cung cấp dụng cụ chiến tranh. Bộ Tổng Tham Mưu thực hiện quan niệm tổ
chức hai loại Tiểu Đoàn mà cơ quan này cho là thích hợp với chiến trường hiện tại:
"Tiểu Đoàn Việt Nam" có trang bị súng cối và đại liên để đánh nhau với
cộng sản cấp Đại Đội, vì lúc ấy quân cộng sản trên chiến trường miền Nam cũng
chỉ tổ chức đến cấp Đại Đội. Và loại "Tiểu Đoàn Khinh Quân", quân số
ít và trang bị nhẹ so với Tiểu Đoàn Việt Nam, dễ luồn lách hoạt động trong vùng
địch.
Ngày 1 tháng 7. Căn cứ quân sự trong vùng lòng chảo Điện Biên Phủ
của Pháp bị thất thủ vào ngày 07/05/1954, trước những cuộc "tấn công biển
người" của quân Việt Minh cộng sản dưới sự yểm trợ mạnh mẽ của quân Trung
Hoa cộng sản, dẫn đến Hiệp Định Đình Chiến ký ngày 20/07/1954 tại Genève, Thụy
Sĩ. Lãnh thổ Việt Nam bị chia đôi thành hai quốc gia:
Vĩ tuyến 17 trở lên Bắc là nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, theo
chế độ cộng sản độc tài.
Vĩ tuyến 17 trở xuống Nam là Quốc Gia Việt Nam, theo chế độ tự
do.
Trên địa thế, tiêu biểu cho vĩ tuyến 17 là "sông Bến Hải với
cầu Hiền Lương", phía bắc thị trấn Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.
Trung tuần tháng 12 năm 1954, Tướng Collins của Hoa Kỳ và Tướng
Paul Ely của Pháp thỏa thuận, theo đó, Bộ Tư Lệnh Quân Viễn Chinh Pháp sẽ trao
toàn quyền chỉ huy quân sự cho quân đội Việt Nam từ ngày 01/07/1955. Sau thỏa
thuận này, một phái bộ hổn hợp Mỹ Pháp được thành lập từ ngày 20/01/1955, dưới
tên gọi "Phái Bộ Liên Lạc Và Huấn Luyện Tại Việt Nam" (tiếng Anh là
Training Relations Instruction Mission, gọi tắt là TRIM), với số sĩ quan gồm
200 của Pháp và 217 của Hoa Kỳ.
Từ sau thỏa ước trên, Bộ Tổng Tham Mưu gần như ào ạt tiếp
nhận quyền chỉ huy hệ thống tổ chức lãnh thổ, từ Chi Khu (quận), Tiểu Khu (tỉnh),
Phân Khu (2 hoặc 3 Tiểu Khu), đến Quân Khu (nhiều Phân Khu), và các đơn vị tác
chiến lẫn yểm trợ. Và thật sự là Bộ Tổng Tham Mưu nắm quyền chỉ huy quân đội quốc
gia Việt Nam từ ngày 1 tháng 7 năm 1955.
Vậy, ngày "1 tháng 1 năm 1951" là ngày thành
lập đơn vị Việt Nam đầu tiên nhưng do sĩ quan Pháp chỉ huy, ngày "1
tháng 5 năm 1952" là ngày thành lập Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Quốc
Gia Việt Nam, vàngày "1 tháng 7 năm 1955" là ngày Bộ Tổng Tham
Mưu chánh thức thật sự nắm quyền lãnh đạo chỉ huy quân đội quốc gia Việt Nam.
Tôi nghĩ, nếu phải chọn một ngày trong 3 ngày nói trên thì ngày 1 tháng 5 là
danh chánh ngôn thuận để kỷ niệm "Ngày Quân Lực" nếu so với
ngày 30/01 hay ngày 19/06, vì thông thường Ngày Quân Lực là ngày thành lập quân
đội.
Nhưng tôi cũng nghĩ rằng, rất có thể vì quân đội được khai sinh
từ quân đội Pháp trong hoàn cảnh chiến tranh giữa thực dân với cộng sản trong
khi người Việt không cộng sản chúng ta chưa có vị trí rõ ràng trên bàn cờ chính
trị, nên quí vị không chọn một trong những ngày đó mà chọn ngày quân lực
nhận trách nhiệm lãnh đạo quốc gia để kỷ niệm. Ngày này có ý nghĩa vai trò quân
đội trong chiến tranh ý thức hệ giữa “Tự Do với Độc Tài”, giữa cái Thiện với
cái Ác. Quyết định chọn ngày 19 tháng 6 làm "Ngày Quân Lực",
tiêu biểu nét đặc thù trong chiến tranh giữ nước của chúng ta trước làn sóng đỏ
tràn xuống phía nam trong những thập niên 50 đến 70, mà hiệp chủng quốc Hoa Kỳ
và nhiều quốc gia đồng minh đã đặt Việt Nam Cộng Hòa chúng ta vào vị trí
"quốc gia tiền đồn" trên mặt trận toàn cầu đương đầu với cuộc chiến ý
thức hệ cộng sản thế giới, mà cộng sản Việt Nam là cánh tay nối dài của cộng sản
thế giới.
Và kỷ niệm “Ngày Quân Lực 19 tháng 6” đã được Bộ Tổng Tham
Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tổ chức trọng thể hằng năm kể từ năm 1966. Trong
chốn riêng tư, ngày 19 tháng 6 năm 1966, còn tiềm ẩn ý nghĩa sự thành công của Ủy
Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, trong nỗ lực giải quyết vụ khủng hoảng chính trị mà báo
chí thường gọi là “khủng hoảng miền Trung” nữa. Nói là thành công, nhưng thật sự
có phải là thành công hay không, tùy sự đánh giá của quí vị quí bạn.
Từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến nay, người cựu quân nhân
chúng ta trong những hoàn cảnh thích hợp tại mỗi quốc gia hay thành phố định
cư, đã cùng nhau tổ chức kỷ niệm Ngày Quân Lực 19 tháng 06. Hành động như vậy,
tôi nghĩ là hoàn toàn đúng và nên tiếp tục.
Đúng, vì cho đến nay -đầu năm 2010-, trong Cộng Đồng Việt Nam
chúng ta tị nạn cộng sản tại hải ngoại, không một cá nhân hay một tổ chức nào
khả dĩ có đủ tư cách để thay đổi. Với lại chúng ta cần có -phải nói là rất
cần- một ngày trọng đại để vinh danh quân đội, vinh danh những đồng đội đã
hi sinh, vinh danh những đồng đội thương phế binh đã để lại một phần thân thể
trên khắp miền quê hương đất nước, và vinh danh những bà quả phụ đã tảo tần tạo
dựng thế hệ nối tiếp trách nhiệm của chúng ta. Đồng thời, cũng là ngày nhắc nhở
chúng ta -những người cựu quân nhân chưa tròn nhiệm vụ đang sống lưu vong khắp
chân trời góc biển- hãy tiếp tục nhiệm vụ còn dang dở trong cuộc chiến hôm nay,
góp phần vào công cuộc dân chủ hóa chế độ chính trị trên quê hương Việt Nam, và
cùng thế hệ hậu duệ nối tiếp xây dựng một chế độ dân chủ tự do thật sự trên quê
hương Việt Nam ngày mai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét