Tập
hồi ký Hồi ức và Suy nghĩ của ông Trần Quang Cơ (1920–) lưu chuyển trong nước
từ đầu năm 2003. Tác giả nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng thứ nhất
Bộ Ngoại giao, thành viên Đoàn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại Hội nghị Paris
(68–73) về Việt Nam.
Trước
khi làm việc tại Bộ Ngoại Giao (1954), Trần Quang Cơ là sĩ quan quân đội nhân
dân giảng dạy tại trường Cao Đẳng Ngoại Giao. Ông là cán bộ ngoại giao suốt 44
năm (54–97) – 1964 làm bí thư thứ nhất ở Đại Sứ Quán Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa
tại Indonesia – 1966 Trần Quang Cơ trở lại Hà Nội, 1976 phụ trách Vụ Bắc Mỹ rồi
chuyển sang vụ Âu Châu trước khi sang làm Đại Sứ tại Thái Lan vào năm 1982.
Được đưa vào Trung ương đảng cộng sản Việt Nam từ 1986; ròng rã 12 năm kể từ
1979, ông Trần Quang Cơ tham gia các cuộc thương lượng nhằm giải quyết chiến
tranh tại Cambodia. Sau chiến tranh Việt Nam, ông tham gia cuộc đàm phán bình
thường hoá quan hệ với ba nước Hoa Kỳ, Liên Xô, và Trung Quốc. Tháng hai 1991,
ông xin rút ra khỏi danh sách đề cử vào Ban chấp hành Trung ương đảng cộng sản
Việt Nam khóa VII nhưng không được chấp thuận. Tháng bẩy cùng năm ông gặp Tổng
Bí Thư Đỗ Mười xin không nhận chức bộ trưởng ngoại giao thay thế ông Nguyễn Cơ
Thạch. Cuối năm 1993, ở Hội nghị giữa nhiệm kỳ, ông tự ý xin rút khỏi Ban chấp
hành Trung ương đảng cộng sản Việt Nam.
Trong
chiều hướng đi tìm những đối thoại thẳng thắn giữa cựu thù, McNamara đề nghị
những học giả và cựu lãnh đạo cuộc chiến hai bên cộng sản Việt Nam và Hoa Kỳ
cùng ngồi xuống duyệt lại những quyết định trong cuộc chiến nhằm hiểu rõ để khả
dĩ rút được những kinh nghiệm lịch sử, thực dụng cho toàn cầu qua “bài học Việt
Nam”. Sáu hội nghị như trên đã diễn ra tại Hà Nội từ tháng 11, 1995 đến tháng
2, 1998; Hội nghị thứ 7 thực hiện tại Viện Rockefeller ở Bellagio, Italy.
Ông
Trần Quang Cơ, Nguyễn Cơ Thạch và một số học giả, tướng lãnh và cựu lãnh đạo
CHXHCN Việt Nam đã tham dự chuỗi hội nghị này, quan trọng nhất là hai hội nghị
chính vào tháng 6, 1997 và tháng 2, 1998.
Tập
tài liệu này ghi lại nhiều dữ kiện quan trọng về quan hệ ngoại giao của Việt
Nam với các nước xã hội chủ nghĩa lớn nhỏ, với Hoa Kỳ và khối ASEAN cũng như
những tranh chấp trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam.
Ghi
lại những thông tin nổi cộm về các vấn đề của Việt Nam cận đại sau hơn bốn mươi
năm mắt thấy tai nghe – được giữ kín–mật, chưa bao giờ phổ biến – cùng với
những suy nghĩ của một cán bộ cộng sản trung kiên, tập hồi ký này sẽ phần nào
giúp các nhà quan sát, những người cầm bút, thêm tài liệu phân tích cục diện
Việt Nam những năm sau cuộc nội chiến và những tháng ngày trước mặt.
Dù
ở ngàn năm trước hay ngay thời đương đại, quan hệ Việt–Trung lúc nào cũng là
nỗi quan ngại của người Việt Nam, nhất là trước những mất mát, thiệt hại, đe
dọa lớn đến chủ quyền và tài nguyên Việt Nam trong những năm gần đây dọc đường
biên giới phía Bắc cũng như ở Vịnh Bắc Việt và cả vùng Biển Đông của Tổ Quốc;
tập tài liệu này chỉ rõ một số hệ quả của tư duy và cách ứng xử của những người
có trách nhiệm an dân bảo quốc trong những thập niên cận đại. Đấy là những bài
học quý giá cho tất cả mọi người Việt quan tâm đến vận mệnh dân tộc.
Phụ
đính, mục lục, tất cả những cước chú và chú thích ở tập tài liệu nhằm giúp
người đọc dễ hiểu hơn và để tra cứu thêm khi cần.
Trần Giao Thủy
Bối
cảnh quốc tế lúc này rất phức tạp, chiến tranh lạnh đã đi vào giai đoạn cuối.
Cả 3 nước lớn Liên Xô, Mỹ, Trung Quốc đều có những chuyển đổi về chiến
lược, từ chỗ đối đầu quyết liệt với nhau chuyển sang hoà hoãn tay đôi rồi tay
ba. Cục diện chính trị luôn biến đổi ở Châu Á Thái Bình Dương tác động trực
tiếp đến tiểu khu vực Đông Nam Á và nước Việt Nam ta. Khu vực Đông Nam Á lúc
này cũng đang trong quá trình chuyển đổi từ đối đầu sang quan hệ đối thoại giữa
hai nhóm nước Đông Dương và ASEAN. Hoàn cảnh này đúng ra đòi hỏi Việt Nam phải
mạnh dạn sớm đổi mới tư duy về đối ngoại để có được một đường lối phù hợp với
thực tiễn khách quan nhằm thoát ra khỏi thế cô lập, hoà nhập được với đà phát
triển chung của khu vực và thế giới. Nhưng không! Tư duy chính trị xơ cứng đã
giam giữ nước ta trong cảnh khó khăn một thời gian dài. Chính vì thế ngoại giao
quãng thời gian này đã để lại trong tôi nhiều băn khoăn suy nghĩ về cái đúng
cái sai, cái nên làm và cái không nên làm. Tôi nghĩ rằng nếu nghiên cứu một
cách trung thực và có trách nhiệm những sự kiện của giai đoạn lịch sử này thì
từ đây có thể rút ra những bài học bổ ích và đích đáng cho ngoại giao ta hiện
tại và tương lai với mục đích tôi cho là đảm bảo được lợi ích của dân tộc trong
mọi trường hợp.
Vì
vậy tài liệu này tôi viết làm 2 phần: Hồi ức và Suy nghĩ. Phần Hồi ức cố gắng
ghi lại một cách khách quan và trung thực diễn biến của các sự kiện trong thời
gian 1975–1993 trên cơ sở những tư liệu và nhật ký công tác còn lưu giữ được.
Còn phần Suy nghĩ dành cho những ý nghĩ của riêng tôi, những điều trăn trở của
tôi khi nghiền ngẫm lại các sự việc đã trải qua. Những ý nghĩ hoàn toàn theo
chủ quan, có thể sai có thể đúng.
23.1.2001
Bản
thảo này đã được bổ sung và hoàn chỉnh ngày 22.05.2003
Trần
Quang Cơ
Nước
Việt Nam ta trong những năm 70 của thế kỷ 20 đã trải qua những sự kiện to lớn:
Hiệp định Pa–ri[1] 1973
về Việt Nam kết thúc cuộc đàm phán “ma–ra–tông[2]”
1968–1973 giữa VN và Mỹ, toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 đã đưa
Việt Nam tới đỉnh cao của giải phóng dân tộc và uy tín của quốc tế. Thắng
lợi của Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ không chỉ là một tác nhân đưa đến
những thay đổi rất quan trọng trong chiến lược của các nước lớn mà còn làm
chuyển đổi cục diện chính trị khu vực Đông Nam Á. Nể sợ sức mạnh quân sự và ý
chí kiên cường của Việt Nam, mặt khác lo ngại mối đe dọa từ nước Trung Hoa
khổng lồ tăng lên một khi Mỹ rút khỏi Đông Nam Á, đồng thời lại có yêu cầu phát
triển kinh tế, các nước ASEAN[3] sốt
sắng bình thường hoá và cải thiện quan hệ với Việt Nam; tổ chức liên minh quân
sự SEATO[4] tan
rã; xu hướng hoà bình, ổn định ở Đông Nam Á phát triển. Sau khi bị “gáo nước
lạnh” ở Việt Nam, Mỹ lo tháo chạy khỏi Đông Nam Á, song lại sợ tạo ra một
“khoảng trống” có lợi cho các đối thủ của mình. Một mặt sợ Liên Xô thừa thế mở
rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á và thế giới, mặt khác lo Trung Quốc phát huy vai
trò nước lớn Châu Á để lấp chỗ “hổng” đó nên Mỹ vừa tìm cách khai thác mâu
thuẫn Xô–Trung vừa muốn có một nước Việt Nam độc lập cả với Trung Quốc lẫn Liên
Xô để duy trì thế cân bằng chiến lược giữa 3 nước lớn trong khu vực Châu Á–Thái
Bình Dương.
Trong
tập “Tài liệu Lầu Năm Góc” (Pentagone Papers[5])
của Mỹ có viết: “Báo cáo của đại sứ Mỹ tại Anh gửi Bộ Ngoại giao Mỹ ngày
1.3.1967 ghi lại một cuộc đối thoại ngắn giữa ngoại trưởng Anh Brown[6] và
ngoại trưởng Ba Lan Rapacki[7] tại
Luân đôn ngày 22.2.1967. Khi Brown hỏi nhận định của Rapacki về mức độ thế lực
của Kossyguine[8] (thủ
tướng Liên Xô lúc đó) đối với Hà Nội. Rapacki Trả lời: “Không
kém của ông đối với Hà Nội”. Và khi Brown hỏi: “Giữa Trung Quốc và Liên Xô nước
nào có nhiều ảnh hưởng hơn đối với Hà Nội?”. Rapacki Trả lời: “Bắc
Việt Nam”. Đường lối độc lập tự chủ của Việt Nam thể hiện rõ nét trong suốt
thời gian đàm phán với Mỹ ở Pa–ri.
Sau
cuộc đàm phán với Mỹ ở Pa–ri năm 1973 tôi được đề bạt làm vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ
nên có đầy đủ điều kiện trực tiếp theo dõi và xử lý mối quan hệ của nước ta với
Mỹ sau chiến tranh.
Vào
quãng hơn một tháng sau khi giải phóng miền Nam, ta có nhờ Liên Xô chuyển cho
Mỹ một thông điệp miệng “Lãnh đạo VNDCCH tán thành có quan hệ tốt trên cơ sở
tôn trọng lẫn nhau. Trên tinh thần đó, phía VN đã tự kiềm chế trong khi giải
phóng, tạo cơ hội cho người Mỹ không bị cản trở trong việc tiến hành di tản
nhân viên của họ. Phía VN đã cố gắng làm mọi sự cần thiết để không làm xấu đi
quan hệ với Mỹ trong tương lai. Không có sự thù địch đối với Mỹ ở Việt Nam và
VN cũng không muốn thấy như vậy ở phía Mỹ”.
Ngày
12.6.75, Mỹ gửi đến Sứ quán ta ở Pa–ri bức thông điệp đáp lại: “Về nguyên
tắc, Mỹ không thù hằn gì Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Đề nghị trên cơ sở đó tiến
hành bất cứ quan hệ nào giữa hai bên (procced on this basis in any relations
between the two sides). Mỹ sẵn sàng nghe bất cứ gợi ý nào mà phía VNDCCH có thể
muốn đưa ra”. Thông điệp này do Sứ quán Mỹ ở Pa–ri gửi tới Sứ quán ta, nội dung
không nói rõ là của Bộ Ngoại giao Mỹ hay của cấp nào.
Ngày
11.7.75, ta gửi thông điệp cho Mỹ, chủ yếu nhắc lại đoạn nói về Mỹ trong Báo
cáo của Ngoại trưởng Nguyễn Duy Trinh[9] đọc
trước Quốc hội ngày 4.6.75: “Việc Chính phủ Hoa Kỳ tôn trọng các quyền dân tộc
cơ bản của nhân dân Việt Nam, từ bỏ hoàn toàn sự can thiệp vào công việc nội bộ
miền Nam Việt Nam, làm nghĩa vụ đóng góp vào việc hàn gắn vết thương chiến
tranh và công cuộc xây dựng lại sau chiến tranh ở cả hai miền Việt Nam, sẽ tạo
điều kiện thiết lập quan hệ bình thường giữa VNDCCH và Hoa Kỳ theo tinh thần
Điều 22[10] Hiệp
định Pa–ri về Việt Nam.”
Cuộc
tiếp xúc đầu tiên sau chiến tranh giữa ta và Mỹ diễn ra tại Pa–ri ngày 10.7 ở
cấp bí thư thứ nhất đại sứ quán (Đỗ Thanh–Pratt) chủ yếu bàn về vấn đề MIA[11],
cụ thể phía Mỹ xin được trao trả một số hài cốt phi công Mỹ bị bắn rơi ở miền
Bắc. Đến cuộc gặp tiếp theo ngày 5.9.75, cũng vẫn phía Đỗ Thanh và Pratt, ta
đồng ý sẽ giao cho Mỹ 3 bộ hài cốt “giặc lái”. Song mãi tới tháng 12 ta mới cho
phép một đoàn 4 hạ nghị sĩ Mỹ do Chủ tịch Ủy ban POW/MIA[12] G.V.
Montgomery dẫn đầu vào Hà Nội nhận. Đoàn này đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng
tiếp.
Sang
năm 1976, Mỹ lại thông qua Liên Xô thăm dò việc tiếp xúc với ta, song khẳng
định sẽ không thực hiện điều 21[13] của
Hiệp định Pa–ri. Công hàm ngày 26.3.76 của Henry Kissinger–lúc này là ngoại
trưởng–gửi ngoại trưởng Nguyễn Duy Trinh cảm ơn ta đã đón tiếp đoàn Montgomery
và sẵn sàng mở cuộc thảo luận về việc thiết lập mối quan hệ mới giữa hai nước. “I
believe that the interests of peace and security will benefit from placing the
past behind us and developing the basis for a new relationship between our two
countries”. Ngày 30.4 bộ trưởng ngoại giao ta gửi công hàm trả lời, nêu lại
những vấn đề tồn tại giữa 2 nước (vấn đề bồi thường chiến tranh và vấn đề người
Mỹ mất tích trong chiến tranh), trên cơ sở giải quyết 2 vấn đề đó sẽ bình thường
hoá quan hệ với Mỹ theo quy định của Điều 22 Hiệp định Pa–ri. Ta sẵn sàng xem
xét đề nghị cụ thể của Mỹ về việc mở thương lượng giữa hai bên. Ta sẽ có trả
lời không để quá lâu, song sẽ không trước khi Quốc hội Mỹ bàn về việc bỏ cấm
vận đối với Việt Nam. Gần như đồng thời với việc G. Ford[14] bác
kiến nghị của Quốc hội Mỹ yêu cầu tạm ngừng trong 6 tháng lệnh cấm vận buôn bán
với Việt Nam. Bộ ngoại giao Mỹ gửi thông điệp khẳng định sẵn sàng sớm có thảo
luận với VN, song nhận xét quan điểm ta đặt thương lượng trên cơ sở “selective
application of past agreements” là không đem lại kết quả xây dựng; vấn đề “full
accounting” về MIA sẽ là một trong những vấn đề hàng đầu của Mỹ, chỉ khi nào
vấn đề này được giải quyết “một cách cơ bản” (substantially) mới có thể có tiến
bộ thật sự tới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước chúng ta. Đề nghị VN xem
lại một cuộc họp bàn về các vấn đề tồn tại là có bổ ích hay không?
Tình
hình nhùng nhằng như vậy kéo dài cho tới khi Jimmy Carter[15] trúng
cử tổng thống thay Gerald Ford năm 1977. Chính quyền mới của đảng Dân chủ có
quan điểm chiến lược khác và thái độ đối với Việt Nam mềm mỏng hơn. Nguyên nhân
quan trọng khiến chính quyền Carter quan tâm ngay từ đầu đến việc thiết lập mối
quan hệ mới với Việt Nam là lợi ích chiến lược của Mỹ ở khu vực châu Á Thái
Bình Dương. Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, Andrew Young, đã nói rõ điều đó:
“Chúng tôi coi Việt Nam như một Nam Tư ở Châu Á. Không phải là bộ phận của
Trung Quốc hay của Liên Xô, mà là một nước độc lập. Một nước Việt Nam mạnh và
độc lập là phù hợp với lợi ích quốc gia của Mỹ” (tháng 1/1977).
Ngày
6/1/1977, thông qua Liên Xô, Mỹ lại đưa ra một kế hoạch 3 bước về bình thường
hóa quan hệ với Việt Nam:
1) Việt Nam cho biết tin về những
“người Mỹ mất tích trong chiến tranh” (MIA).
2) Mỹ chấp nhận Việt Nam vào Liên Hiệp
Quốc và sẵn sàng lập quan hệ ngoại giao đầy đủ, cũng như bắt đầu buôn bán với
Việt Nam.
3) Mỹ có thể đóng góp khôi phục lại
Việt Nam bằng cách phát triển buôn bán, cung cấp thiết bị và các hình thức hợp
tác kinh tế khác.
Ngày
3/3/1977 chính quyền Carter quyết định nới lỏng một phần cấm vận đối với ta,
cho phép tàu thuỷ và máy bay nước khác chở hàng sang Việt Nam được ghé các cảng
và sân bay của Mỹ để lấy nhiên liệu (nhưng vẫn cấm người Mỹ buôn bán với Việt
Nam, cấm tàu Mỹ đến Việt Nam, cấm tàu và máy bay Việt Nam đến cảng và sân bay
Mỹ). Ngày 9/3/1977 Mỹ cho phép công dân Mỹ được đi thăm Việt Nam, Cuba, Bắc
Triều Tiên, CPC[16] kể
từ ngày 18/3/1977.
Đến
giữa tháng 3, ta nhận tiếp đón Leonard Woodcock[17],
đặc phái viên của tổng thống Mỹ Carter, sang Việt Nam. Ngày 17/3/1977, Thủ
tướng Phạm Văn Đồng đã tiếp L. Woodcock và 4 thành viên – trong đó có Thượng
nghị sĩ Mansfield tại Chủ tịch phủ ở Hà Nội. Ngày hôm đó, đoàn Mỹ cũng đã đến
chào Ngoại trưởng Nguyễn Duy Trinh.
Sau
chuyến đi thăm mở đường này, hai bên đã thỏa thuận mở cuộc đàm phán về bình
thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ tại Pa–ri. Đoàn ta lúc đó do Thứ trưởng
ngoại giao Phan Hiền dẫn đầu, thành viên có tôi, vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ, anh Vũ
Hoàng, vụ trưởng Vụ Lãnh sự và mấy cán bộ Vụ Bắc Mỹ: a. Bùi Xuân Ninh, Cương,
Lê Mai. Anh Lê Mai khi đó là cán bộ Vụ Bắc Mỹ, làm phiên dịch cho trưởng đoàn.
Sứ quán ta ở Pháp có anh Đỗ Thanh, bí thư thứ nhất và anh Nguyễn Thiện Căn, tuỳ
viên báo chí, tham gia đoàn. Phía Mỹ do R.Holbrooke làm trưởng đoàn. Cuộc đàm
phán diễn ra khá lâu, phải qua 3 vòng đàm phán trong tháng 5, tháng 6 và
tháng 12 năm 1977. Địa điểm luân phiên ở đại sứ quán ta và đại sứ quán Mỹ tại
Pháp. Trong đàm phán vòng 1 (ngày 3–4/5/1977), lập trường của Mỹ là hai bên
thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ ngay và vô điều kiện, còn những vấn đề khác
giữa hai bên để lại giải quyết sau; Mỹ sẽ không cản Việt Nam vào Liên Hiệp
Quốc. Còn về điều 21 (của Hiệp định Pa–ri về VN), Mỹ có khó khăn về pháp luật
nên không thực hiện được, hứa sẽ thực hiện khi đã có quan hệ, bỏ cấm vận buôn
bán và xét viện trợ nhân đạo. Theo chỉ thị đã nhận trước khi đi, ta kiên quyết
đòi phải giải quyết “cả gói” 3 vấn đề: ta và Mỹ bình thường hoá quan hệ (bao
gồm cả việc bỏ cấm vận và lập quan hệ ngoại giao đầy đủ), ta giúp Mỹ giải quyết
vấn đề MIA và Mỹ viện trợ 3,2 tỷ đô–la cho Việt Nam như đã hứa hẹn trước đây.
Trở ngại lớn nhất cho việc bình thường hoá quan hệ là việc ta đòi Mỹ viện trợ
3,2 tỷ đô–la cho ta vì Quốc hội Mỹ khi đó dứt khoát không chấp nhận viện trợ
làm điều kiện cho việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Ngày 2–3/6, đàm
phán vòng 2, Mỹ nêu lại các đề nghị hồi tháng 5. Ngày 19/7/1977, tại Hội Đồng
Bảo An LHQ, Mỹ rút bỏ việc phủ quyết Việt Nam vào Liên Hiệp Quốc. Sau vòng 2,
anh Phan Hiền đã phải bay về Hà Nội báo cáo và xin chỉ thị, thực chất là đề
nghị trên nên có thái độ thực tế và đối sách mềm dẻo hơn, nhưng nghe nói cả 4
vị lãnh đạo chủ chốt[18] của
ta lúc đó đều nhất trí lập trường trên. Trước đòi hỏi kiên quyết của ta, tại
vòng 3 (19–20/12/1978), Mỹ đề nghị nếu chưa thoả thuận được về việc thiết lập
quan hệ ngoại giao đầy đủ thì có thể lập Phòng Quyền lợi (Interest section) ở
thủ đô hai nước, nhưng như vậy thì chưa bỏ cấm vận được. Sau khi có Phòng Quyền
lợi thì sẽ tuỳ tình hình mà xét bỏ cấm vận, song ta vẫn giữ lập trường cứng
nhắc đòi giải quyết “cả gói” 3 vấn đề.
Rõ
ràng năm 1977 chính quyền Carter thực sự muốn bình thường hóa quan hệ với Việt
Nam và năm 1977 đã có khả năng thực tế để ta bình thường hóa quan hệ với Mỹ
nhưng ta đã bỏ qua. Trong khi đó, theo sự xúi dục của Bắc Kinh, chính quyền
Polpot bắt đầu chiến tranh biên giới từ ngày 20 tháng 4 và đơn phương cắt đứt
quan hệ ngoại giao với ta ngày 31.12.1977.
Từ
đầu năm 1978, quan hệ giữa 3 nước lớn Mỹ–Xô–Trung bắt đầu chuyển từ hình thái
đối đầu từng đôi một sang hình thái Mỹ–Trung câu kết chống Liên Xô. Liên Xô
nhân thế yếu của Mỹ sau thảm bại ở Việt Nam ra sức tăng cường ảnh hưởng ở Á–Phi
và Mỹ la tinh bằng học thuyết “chủ quyền hạn chế” của Brejnev[19].
Tại Châu Á, Liên Xô đưa quân vào Afghanistan (1979), đồng thời thực hiện chính
sách bao vây Trung Quốc. Cũng từ năm 1978, Mỹ đẩy nhanh quá trình bình
thường hóa quan hệ với Trung Quốc (từ tháng 2/1978), khi Kissinger đi thăm Bắc
Kinh, TQ[20] và
Mỹ đã ký thoả thuận lập Cơ quan liên lạc ở thủ đô 2 nước với quy chế như một sứ
quán. Nước cờ “chơi lá bài Trung Quốc để ngăn chặn Liên Xô” của cố vấn an ninh
quốc gia Z. Brzezinski[21] đã
dần dần lấn lướt chủ trương của ngoại trưởng Cyrus Vance và R. Holbrooke là
“thúc đẩy song song việc cải thiện quan hệ với Việt Nam và Trung Quốc”. Ngày
23/8/78, trong lúc Mỹ đàm phán về bình thường hoá quan hệ với ta ở Pa–ri, ngoại
trưởng Mỹ C. Vance đã đi thăm Bắc Kinh. Cho đến khi Đặng Tiểu Bình[22] tuyên
bố “Trung Quốc là NATO phương Đông” và “Việt Nam là Cuba phương Đông”
(19/5/1978) và Brzezinski đi thăm Trung Quốc (20/5/1978) thì chính quyền Carter
đã chọn con đường bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và gác sang bên việc
bình thường hoá quan hệ với Việt Nam.
Ngày
21 tháng 8 năm 1978 Quốc hội Mỹ còn cử một đoàn 7 hạ nghị sĩ thuộc cả hai đảng
Dân chủ và Cộng hoà, do hạ nghị sĩ Dân chủ G.V. Montgomery, chủ tịch Ủy ban
POW/MIA, dẫn đầu sang Việt Nam chủ yếu để trao đổi với thứ trưởng Phan Hiền về
vấn đề tìm kiếm “người Mỹ mất tích trong chiến tranh” (MIA). Ta đã trao trả cho
Mỹ một số bộ hài cốt để tỏ thiện chí hợp tác trong vấn đề MIA. Và theo yêu cầu
của họ, tôi đã dẫn đoàn Montgomery đi miền Nam, thăm thánh thất Cao Đài và một
trại người Campuchia tị nạn chiến tranh ở biên giới Tây Ninh. Đây là lần đầu
tiên ta cho phép một đoàn Mỹ chính thức thăm thành phố Hồ Chí Minh kể từ khi
giải phóng miền Nam.
Sau
đó chừng một tháng, tôi sang Nữu–ước[23] để
tiếp tục cuộc đàm phán về bình thường hoá quan hệ với Mỹ. Cuộc đàm phán vòng 4
về bình thường hoá quan hệ Việt Nam–Mỹ không kéo dài nhiều năm 1977 ở Pa–ri.
Lần này trưởng đoàn đàm phán của ta là thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch[24].
Còn phía Mỹ vẫn là R. Holbrooke. Đến lúc này khi ta quyết định rút bỏ đòi hỏi
“Mỹ phải bồi thường chiến tranh – viện trợ 3,2 tỷ đô–la – mới bình thường hoá
quan hệ” và nhận công thức “bình thường hoá quan hệ không điều kiện” của Mỹ thì
đã muộn. Sở dĩ Mỹ tiếp tục đàm phán vấn đề bình thường hoá với ta lúc đó là chỉ
nhằm làm Việt Nam chập chững trong quan hệ với Liên Xô và trong vấn đề
Campuchia, trong khi đó Mỹ đã chuyển hướng sang phía Trung Quốc. R. Holbrooke
nói với ta: Mỹ coi trọng Châu Á; Mỹ cần bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Nhưng Mỹ lo ngại Liên Xô đặt căn cứ ở Cam Ranh.
Trong
khi chờ đợi phía Mỹ trả lời dứt khoát về vấn đề bình thường hoá quan hệ, khoảng
hạ tuần tháng 11, anh Thạch về Hà Nội trước, còn tôi vẫn ở lại Nữu ước để giữ
cầu. Ngày 30/11/1978, R. Oakley[25],
trợ lý ngoại trưởng Mỹ, trả lời sự thúc dục của tôi, còn nói: Mỹ không thay đổi
lập trường bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, nhưng phải chậm lại vì cần làm
rõ 3 vấn đề CPC, Hiệp ước Việt–Xô và vấn đề người di tản. Rồi họ trao cho tôi
tấm ảnh toà nhà của sứ quán ngay trên đường R. ở Hoa–thịnh–đốn[26],
nói là sẽ trao trả ta toà nhà đó làm trụ sở đại sứ quán, yêu cầu ta cung cấp sơ
đồ ngôi nhà cũ của tổng lãnh sự quán Mỹ tại đường Tràng Thi (?) Hà Nội.
Tôi
ở lại Nữu ước mãi tới cuối tháng 1/1979, sau khi ta đưa quân vào Campuchia giúp
bạn đánh đuổi Polpot giải phóng Nông–Pênh[27].
“Các cuộc nói chuyện Mỹ–Việt Nam về bình thường hoá đã tan vỡ do cuộc xâm lược
Campuchia của Việt Nam” (Cyrus Vance 9/1/1979). Tôi nghĩ, thực ra Mỹ đã quyết
định dứt bỏ quá trình đàm phán bình thường hoá quan hệ với ta từ khi ta tham
gia khối COMECON[28] và
ký Hiệp ước hữu nghị với Liên Xô (3/11/1978), để bắt tay với Trung Quốc chống
Liên Xô ở Châu Á–Thái Bình Dương.
Việc
Đặng Tiểu Bình đi thăm Mỹ (29–30/1/1979) đánh dấu việc bình thường hoá quan hệ
Mỹ–Trung Quốc, cũng là chính thức xếp lại việc bình thường hoá quan hệ Việt
Nam–Mỹ tới 17 năm sau. Trong khi gặp Carter ở Hoa–thịnh–đốn, Đặng Tiểu Bình đã
tỏ ý sẽ tiến công vào Việt Nam và không gặp phải phản ứng bất lợi nào từ phía
Mỹ. Theo Brzezinski, trong cuộc hội đàm với Carter hôm 29/1, Đặng yêu cầu có sự
cộng tác giữa Mỹ và TQ để chống Liên Xô. Còn Carter có phần thận trọng hơn,
đồng ý có những cuộc tham khảo chặt chẽ giữa hai nước để chặn chủ nghĩa bành
trướng của LX nhưng thận trọng tránh đề cập tới đề nghị của Đặng. Sau đó, ngày
26/2/1979, Carter có nêu 6 nguyên tắc xử sự khi Trung Quốc xâm lăng Việt Nam:
Mỹ không can thiệp trực tiếp; khuyến khích các bên tự kiềm chế; Việt Nam rút
quân khỏi Campuchia và Trung Quốc rút quân khỏi Việt Nam, cuộc xung đột không
đe dọa lợi ích trước mắt của Mỹ; không đặt lại vấn đề bình thường hoá với Trung
Quốc; quyền lợi đồng minh của Mỹ không bị đe dọa. Cũng từ đó, cuộc xung đột CPC
và quan hệ với Việt Nam đã được đặt trong khuôn khổ của mối quan giữa 3 nước
lớn Mỹ–Xô–Trung. Và cũng từ đó Mỹ gắn vấn đề quan hệ Mỹ–Việt Nam với quá trình
giải quyết vấn đề CPC.
Là
nhân chứng lịch sử và cũng là người trực tiếp tham gia các hoạt động ngoại giao
này với tư cách là vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ Bộ ngoại giao, trực tiếp tham gia đoàn
đàm phán về bình thường hoá quan hệ với Mỹ ở Pa–ri năm 1977 rồi ở Nữu ước năm
1978, tôi thật sự đau xót vì ta đã bỏ lỡ mất cơ hội củng cố thế đứng của Việt
Nam trong hoà bình để tập trung phát triển đất nước sau bao năm chiến tranh, lỡ
cơ hội san bằng khoảng cách với các nước cùng khu vực. Trong tập hồi ký của
mình (From Third world to First[29]–Từ
thế giới thứ ba đến thế giới thứ nhất). Lý Quang Diệu[30] đã
nhận xét: “Năm 1975 thành phố Hồ Chí Minh có thể sánh ngang với Băng–cốc[31].
Nhưng nay (năm 1992) nó tụt lại đằng sau tới hơn 20 năm”.
Việc
ta từ chối lời đề nghị “bình thường hoá quan hệ không điều kiện” của Mỹ, làm
cao trước việc ASEAN ngỏ ý muốn Việt Nam tham gia tổ chức khu vực này, theo
tôi, đã đưa lại những hệ quả vô cùng tai hại cho nhân dân và đất nước ta. Liệu
Trung Quốc có dám tiếp tay cho bọn diệt chủng Polpot khiêu khích ta và có dám
đánh ta năm 1979 nếu như Việt Nam sau Chiến thắng 1975 có một chiến lược “thêm
bạn–bớt thù” thực sự cầu thị hơn? Việc bình thường hoá quan hệ với Mỹ và việc
gia nhập khối ASEAN mãi ngót 20 năm sau (1995) ta mới thực hiện được một cách
khá chật vật.
Theo
tôi, tư duy đối ngoại có phần cứng nhắc của ta lúc ấy quả đã không theo kịp
bước chuyển biến của chính trị thế giới thể hiện qua sự điều chỉnh chiến lược
của các nước lớn sau sự kiện Việt Nam 1975, để dám có những quyết sách linh
hoạt kịp thời đem lại lợi ích to lớn lâu dài cho dân tộc ta. Ngược lại, việc ta
bỏ lỡ cơ hội bình thường hoá quan hệ với Mỹ lúc này đã khiến Việt Nam gần như
đơn độc trước một Trung Quốc đầy tham vọng.
Còn
với Trung Quốc, sau khi có Hiệp định Pa–ri 1973, Trung Quốc có lợi ích duy trì
nguyên trạng ở Đông Dương, nhất là việc Việt Nam chia cắt thành hai miền dưới
hai chế độ chính trị khác nhau là phù hợp với ý đồ lâu dài của họ ở Đông Nam Á.
Sau khi đi thăm Trung Quốc về, thượng nghị sĩ Mỹ K. Mansfield báo cáo trước
Quốc hội Mỹ (1/2/1975): Trung Quốc tán thành để hai nước Việt Nam tiếp tục tồn
tại. Trung Quốc cho rằng một nước Campuchia thống nhất, trung lập là điều chủ
yếu trong một Đông Dương ổn định.
Từ
1973, đã xảy ra những va chạm ở biên giới Việt–Trung. Năm 1974, Trung Quốc
chiếm ngon lành nốt phần còn lại ở quần đảo Hoàng Sa của ta. Có người cho rằng
chỉ sau khi ta ngả hẳn theo Liên Xô thì Trung Quốc mới chống ta. Song sự thật
là các hoạt động thù địch của Trung Quốc đối với Việt Nam đã xảy ra từ trước
khi Việt Nam tham gia khối SEV[32] (tháng
6/1978) và ký Hiệp ước hữu nghị với Liên Xô (tháng 11/1978). Tháng 12 năm 1975,
sau khi thăm Trung Quốc qua Pa–ri, H. Kissinger nói: Mỹ đang tính toán việc sử
dụng Trung Quốc để hạn chế ảnh hưởng của Việt Nam ở khu vực.
Nét
đặc trưng của giai đoạn 1975–78 là Campuchia trở thành tiêu điểm của sự đối đầu
giữa một bên là Trung Quốc và một bên là Việt Nam được Liên Xô ủng hộ. Sự đối
đầu ấy trở thành xung đột quân sự ngay từ tháng 5/1975 và phát triển lên thành
cuộc chiến tranh biên giới Tây–Nam nước ta. Trong khi trả lời phỏng vấn, ngày
8/1/1978 tôi đã nhận định: Điều lý thú đây là trường hợp đầu tiên của một cuộc
chiến tranh qua tay người khác giữa Liên Xô và Trung Quốc; xung đột giữa Việt
Nam được Liên Xô ủng hộ và CPC được Trung Quốc ủng hộ.
Như
vậy chỉ qua 4 năm sau khi giải phóng được đất nước, ta lại bị xô đẩy vào cuộc
chiến thảm khốc ở Campuchia, đối đầu ngay với Trung Quốc, kẻ đã từng là đồng
minh chiến lược của ta trong 30 năm chiến đấu chống xâm lược phương Tây. Sau
hai cuộc kháng chiến gian khổ, dân ta mới chỉ được hưởng mùi vị của chiến thắng
và hoà bình êm ả chưa đầy 5 năm. Vết thương chiến tranh chưa lành thì đã lâm
vào cảnh nửa hoà bình nửa chiến tranh. Chiến tranh chống Mỹ tuy gian khổ khốc
liệt song Việt Nam còn có được mặt trận nhân dân thế giới rộng lớn ủng hộ, còn
trong cuộc chiến đấu chống diệt chủng Polpot thì Việt Nam hầu như hoàn toàn cô
lập. Các nước cùng khu vực lo sợ Việt Nam sau khi “hạ xong” Campuchia sẽ phát
huy sức mạnh quân sự ra cả Đông Nam Á. Còn Trung Quốc ra sức vu khống “Việt Nam
xâm lược Campuchia và có mưu đồ lập “Liên bang Đông Dương” để làm chủ cả Lào
lẫn Campuchia, xoá mờ tính chất “chống diệt chủng” của việc Việt Nam đưa quân
vào Campuchia.
Cũng
thời gian này, do những khó khăn kinh tế–xã hội chồng chất của thời kỳ chiến
tranh chưa được tháo gỡ, lại bị bao vây cấm vận bên ngoài nên trong nước đã nảy
sinh ra tình trạng “vượt biên” trốn ra nước ngoài của một bộ phận dân chúng ở
cả miền Nam lẫn miền Bắc, tạo thêm gánh nặng về đối ngoại cho ta, bôi đen thêm
hình ảnh Việt Nam trên quốc tế. Vấn đề Campuchia và vấn đề “thuyền nhân” (boat
people) lúc đó quả là hai gánh nặng trên mặt trận đối ngoại của ta trong thập
niên 80 của thế kỷ 20.
Nửa
cuối của thập kỷ 70 này là thời gian ta chồng chất nhiều sai lầm về đối ngoại
nhất trong suốt lịch sử dựng nước sau cách mạng (từ 1945 đến nay):
- Ta không khôn
ngoan duy trì mối quan hệ cân bằng với Trung Quốc và Liên Xô, nhân tố cực kỳ
quan trọng đảm bảo thắng lợi của ta trong kháng chiến chống Mỹ.
- Bỏ lỡ cơ hội bình
thường hoá quan hệ với Mỹ, năm 1977, khi chính quyền Carter đã chủ động đề nghị
hai bên bình thường hoá quan hệ không điều kiện.
- Đánh giá sai và
không gia nhập khối ASEAN ngay từ 1976 khi cả 6 nước này đều mong muốn ta tham
gia vì lợi ích của mỗi một quốc gia và của chung khu vực.
- Dính líu sâu và
lâu vào vấn đề Campuchia.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét