Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

HỒI KÝ CỦA GIÁO SƯ NGUYỄN ĐĂNG MẠNH - KỲ 8

1      2      3      4           6      7      8      Kỳ Cuối

Chương XIV.  Nguyên Hồng
            Bài nghiên cứu văn học đầu tiên của tôi là bài viết về Nguyễn Hồng. ấy là một chương trong giáo trình Lịch sử văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945, viết chung giữa Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm Vinh, xuất bản năm 1963.
            Thỉnh thoảng tôi có gặp Nguyễn Hồng, thường ở trụ sở Hội nhà văn (65 – Nguyễn Du), đôi khi ở báo Văn Nghệ (17 Trần Quốc Toản). Nguyễn Hồng cũng đến tôi mấy lần, khi ở nhà K2, khi ở nhà B2 khu tập thể cán bộ Đại học Sư phạm Hà Nội. Có lần ông ở cả ngày, ăn với gia đình tôi hai bữa cơm.
            Trông bộ dạng Nguyễn Hồng, không ai nghĩ là một nhà văn. Mặt đen sạm, để râu dài. áo cánh màu xanh chàm, bốn túi, mũ lá, dép lốp xỏ cả hai quai hậu, đi xe đạp thiếu nhi Liên Xô, mất cả chắn xích lẫn chẵn bùn, đèo đằng sau một bị cói vừa đựng tài liệu, vừa đựng một chai rượu cuốc lủi, kèm theo mấy thanh giang chẻ lạt.
            Lần thứ nhất, ông đến tìm tôi khi tôi ở khu nhà lá thuộc dãy nhà K2, chung quanh toàn là cán bộ giảng dạy văn học mà không ai biết dó là nhà văn Nguyên Hồng. Họ cứ nghĩ là một ông phụ huynh học sinh ở quê ra xin xỏ gì đó cho con đang học vợ tôi. Ông dắt xe vào khu nhà tập thể, hỏi thăm đúng vào thằng con tôi đang đá bóng ở đầu dãy nhà. Nó không thèm dẫn ông về nhà, mà cứ đứng từ xa chỉ chỏ.
            Nhưng nghe chị Ngọc Trai nói về Nguyên Hồng mới thật thương. Ngọc Trai từng ở với Nguyên Hồng trong một lớp bồi dưỡng nhà văn tại Quảng Bá. ấy là lớp học của một số cây bút trẻ chuẩn bị đi B. Ngọc Trai phụ trách quản trị. Nguyên Hồng phụ trách chuyên môn. Học viên đi B được hưởng tiêu chuẩn ăn cao hơn. Ngọc Trai và Nguyên Hồng không đi B nên không được hưởng tiêu chuẩn ấy. Vì thế ăn chung một chế độ, Ngọc Trai và Nguyên Hồng phải góp thêm tiền. Nguyên Hồng quyết định ăn nửa suất cơm. Ngọc Trai    khuyên thế nào cũng không nghe.
            Bữa ăn, học trò thương thày cứ chia cho Nguyên Hồng cả suất như mọi người. Nguyên Hồng không bằng lòng: “Lại có đứa nào ăn gian đây! Tao có nửa suất mà sao lại như mọi người?” Ngọc Trai bàn hai người ăn chung, Nguyên Hồng không nghe. Nguyên Hồng rất đạo đức và gương mẫu. Sáng dạy ông tập thể dục. Cũng đeo gạch vào balô chạy, rồi tập đi. Ngọc Trai khuyên
không nghe.
            Nguyên Hồng đi liên hệ công tác với Vụ Tổ chức Trung ương. Ngọc Trai đề nghị liên hệ ôtô. Nguyên Hồng cũng không nghe, cứ đi xe đạp, vì cho là gần, ngay Bách Thảo thôi mà. Còn người ta coi thường vì có vẻ lúi xùi thì không lo. Ông nói: “Khinh trọng là do nhân cách của mình chứ! Nguyên Hồng đi xe đạp cùng Ngọc Trai. Buồn cười lắm. Xe không có chuông. ông vừa đi vừa hô bọn trẻ con trên đường: các cháu cho bác đi nhờ nào, xe đạp đây!… cứ thế suốt dọc đường.
            Nguyễn Tuân rất bực với Nguyên Hồng: “Này sao anh lại tự làm khổ mình như vậy, anh có đến nỗi nào!”. Nguyên Hồng nói: “Anh khác, tôi khác, tôi làm sao giống như anh được! Người ta có số cả. Số tôi nó thế!”
            Có lẽ số Nguyên Hồng thế thật. Sống cũng khổ, chết cũng khổ. Khi Nguyên Hồng chết, nhà còn có năm bơ gạo, một con gà nhỏ. Trong túi còn đúng 20 đồng. Hàng xóm cho vay cỗ quan tài. Nguyên Ngọc báo anh em lên đưa ma, nói, Nguyên Hồng nghèo lắm đấy, không có gì thết đãi đâu.
Chưa làm điếu văn vội, Nguyên Ngọc trước hết lo chạy lên tỉnh, lên huyện, lên đảng uỷ xã bàn với họ cho tiền, cho lợn, cho gạo để làm ma. Hôm đưa ma Nguyên Hồng, tôi không lên được. Ngô Thảo có tả quang cảnh đám ma thật là tội nghiệp: xe tang từ trên đồi đi xuống dốc, phải hò nhau đẩy trở lại làm phanh. Phường kèn toàn là thương binh cụt tay cụt chân (phải là thương binh mới được vào hội kèn, ăn công điểm của hợp tác xã).
            Nguyên Hồng có người con cả là Hồng Hà (Nguyên Hồng sinh Hồng Hà khi gia đình ông ở bãi Phúc Xá, bờ sông Hồng) dạy tiếng Anh ở Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, cũng ở gần khu nhà ở của cán bộ khoa Văn Đại học sư phạm chúng tôi. Một lần biết ông đang ở chỗ Hồng Hà, tôi đến thăm. Không thể tưởng tượng được nhà ở của một cán bộ giảng dạy đại học mà lại khốn khổ đến thế. Như một cái lều vịt, dựng trên một bãi rác, sau lưng là một dãy nhà xí, cái nào cũng mất cửa.
            Nguyên Hồng đang ngồi uống rượu. ông nhắm rượu với một đĩa rau củ cải luộc (ngọn rau, lá rau chứ không phải củ cải). Vậy mà ông cũng nhắm nháp ra vẻ đắc ý lắm. Nguyễn Đình Thi còn nói với tôi, có lần còn bắt gặp ông nhắm rượu với cơm nguội. ấy là cái hồi ông phụ trách trại bồi dưỡng nhà văn trẻ ở Quảng Bá – người ta thường gọi đùa là ông Đốc Hồng. Ông dặn mọi người, sau 10 giờ tối, ông đóng cửa phòng, làm việc riêng, không tiếp khách. Hôm ấy, Nguyễn Đình Thi có việc gì đó khẩn cấp cần gặp ông. Anh đẩy cửa phòng Nguyên Hồng sau 10 giờ tối, thấy ông đang nhắm rượu với cơm nguội. Nguyễn Đình Thi cười: “Đấy, nhà văn Việt Nam ăn chơi như thế đấy!” Trở lại chuyện tôi đến thăm Nguyên Hồng ở nhà Hồng Hà. Ông nói: “Chỗ này giống hệt như nơi ngày xưa tôi viết Bỉ vỏ. Chỗ viết Bỉ vỏ như thế nào? – Đây, ông viết trong lời Tựa cuốn tiểu thuyết: “Bỉ vỏ đã viết xong trên một cái bàn kê bên khung cửa trông ra vũng nước đen ngầu bọt của một bãi đất lấp dở dang và một chuồng lợn ngập ngụa phân tro. Bỉ vỏ đã viết xong trong một căn nhà cứ đến chập tối là ran lên tiếng muỗi và tiếng trẻ con     khóc…”
            Trò chuyện với Nguyên Hồng, tôi mới biết ông bị tù từ tuổi thiếu niên. Ông có một người chú dượng thường ức hiếp, hành hạ vợ, tức là một bà cô của           ông. Ông tức quá, rút dao đâm ông này và bị đưa đi trại cải tạo trẻ con hư (đâu như ở Bắc Giang).
            Lần thứ hai ông bị tù vì tham gia phong trào thanh niên dân chủ của Đảng cộng sản cuối thời kỳ mặt trận dân chủ Đông Dương (1936 – 1939) ông bị bắt về tội tàng trữ tài liệu cộng sản, giam ở Căng Bắc Mê, Hà Giang.
            Không phải ngẫu nhiên mà ông hay viết về nhà tù: Bà Vỷ, Khói ken nếp và xà lim, phóng sự Tù trẻ con, Tù đàn bà, Tiểu thuyết Bỉ vỏ, Cơn bão đã đến…
            Thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương, Nguyên Hồng rất hăng hái hoạt động. Ông cùng Như Phong tích cực viết cho các báo chí tiến bộ như Thế giới, Mới, Người mới. Rất phục những chiến sĩ cộng sản trong nhóm Tin tức, muốn sáng tác theo khuynh hướng tả thực xã hội chủ nghĩa. Sau khi viết Bỉ vỏ, Những ngày thơ ấu, ông có vị trí khá nổi nên có quan hệ với Mười Cúc, Nguyễn Thiện Chân. Lê Quang Hoà, Bùi Vũ Trụ… Ông say mê đọc Le Travail, Rasssemblement, Bạn dân, Thời thế. Đọc Gorki, L.Tolstoi, La Resurrection, Voyage à Moscou của Henri Barbusse, sách của Hải Triều viết về ba nhà văn cách mạng. Đọc Ngục Kontum của Lê Văn Hiến, Một ngày ngàn thu của Tôn Quang Phiệt… Rất mê Tuyên ngôn của Đảng cộng sản (b) Liên Xô. Ngày 1.5.1938, ông đi nghe Trần Huy Liệu diễn thuyết ở Đấu Xảo. Phan Bôi có mở một lớp Mác xit, ông có dự cùng với Trần Quang Huy, Đào Duy Kỳ, Nguyễn Hữu Dụng, Thành Ngọc Quảng, Nguyễn Thường Khanh, Như Phong, Đào Văn Trường, Trần Đình Chi. Lớp mở ở Phạm Phú Thứ. ông nói, nghe giảng chán bỏ mẹ, đọc sách thú hơn. Ông nhớ có đọc một cuốn sách vẽ Gorki như con gà ủ các nhà văn trẻ…
            Lúc ấy ông tự coi mình đích thực là cộng sản rồi. Ông quyết chuyển đề tài viết về giai cấp vô sản. Ông viết về công nhân, về thợ mỏ, về phu đồn điển: Một quả đấm, Đến cây số 13, Người đàn bà Tầu, Đẹp, Những giọt sữa…Ông đi vào mỏ Vàng Danh và viết Thanh niên trong bụi đen… Tinh thần lúc ấy hết sức lạc quan tin tưởng. Ông viết Nắng mới (Đăng trên báo Người mới) với tinh thần ấy.
Năm 1939, thực dân bắt đầu khủng bố.
            Tháng 9 – 1939, ông bị bắt. Lý do: tàng trữ tài liệu cộng sản. Đó là cuốn Tự chỉ trích của Nguyễn Văn Cừ. Lúc bị bắt, ông đọc câu thơ Tố Hữu và rất lấy làm tự hào:
Tôi sẽ cười như kẻ sẵn lòng tin Giữ trinh bạch linh hồn trong bụi bẩn.
            ở Căng Bắc Mê, Tô Hiệu mở lớp huấn luyện về lý luận. Dự lớp có Tô Quang Đẩu, Ngô Minh Loan, Hồ đen, Trần Các, Tô Dĩ, Phan Bôi, Xuân Thuỷ, Nguyên Hồng. Ông nói, chúng tôi hát rất hồn nhiên, rất say sưa, say lý tưởng, sống cứ như trong mơ…
            Trong tù có những hình ảnh rất đẹp. Ông nhớ hình ảnh chị Bùi Đình Đổng bụng chửa, ung dung vào xà lim với chồng, dắt theo đứa con lên ba. Đẹp nhất là hình ảnh Tô Hiệu, áo cổ lọ, mũ nồi, ngực dẹt, tiếng khàn khàn vì bị tra tấn, làm việc say mê chuẩn bị cho lớp huấn luyện. Ai dự lớp huấn luyện coi như không được tha.
            Trong tù, có tin Liên Xô ký hiệp ước với Đức. Lúc ấy, vấn đề đặt ra là: Lý tưởng và lòng tin? Không có lòng tin thì làm sao chống lại được sức mạnh của đế quốc hết sức ghê gớm lúc bấy giờ.
            Nhưng nghe Tô Hiệu giảng bài, sức thuyết phục còn hơn cả sách vở. Cái feu, cái ánh sáng ở con người Tô Hiệu rất thuyết phục! Lớp học mỗi ngày giảng ba buổi. Giờ khác thì soạn bài, ghi trên giấy cuốn thuốc lá, thuốc lào, giấy gói bánh khảo. Tô Hiệu viết từ 9 giờ tối đến 2 giờ đêm… Sáng đi làm cỏ vê thì chuyển tài liệu cho các trại.
            Vợ chồng Bùi Đình Đổng và Tô Hiệu, sau này được Nguyên Hồng dùng làm nguyên mẫu cho mấy nhân vật cách mạng của ông trong bộ tiểu thuyết Cửa biển.
            ở tù ra, Nguyên Hồng lấy vợ. Chả quen biết gì nhau đâu, chỉ nhờ mối lái mà lấy nhau. Đám cưới không có chú rể. Người ta đưa dâu về nhà chồng ở xóm Cấm, Hải Phòng, nhưng chú rể, tuy đã ra tù, vẫn phải chịu chế độ quản thúc ở Nam Định.
            Nguyên Hồng rất giầu tình cảm, rất dễ xúc động, hay khóc. Các con hay cười bố về chuyện này. Mẹ ông chết năm 1973, ông thương khóc như mưa như gió, dữ dội quá, làm cho vợ ông sợ quá, phát ốm. Lúc sống, mẹ con hay gắt nhau, thế mà lúc chết thì khóc như thế. Hôm tôi lên Nhã Nam ăn một trăm ngày Nguyên Hồng, bà Nguyên Hồng nói với tôi như vậy.
            Ông Hoài Thanh cho biết, Nguyên Hồng có lúc đang nói trên diễn đàn hội nghị, bỗng dừng lại: “Các đồng chí cho tôi khóc một lúc đã”. Hoài Thanh có vẻ nghi ngờ sự chân thật của Nguyên Hồng, vì thấy có một cái gì không bình thường trong cách biểu hiện cảm xúc của ông. Thực ra chính vì ông có một trái tim khác thường – một trái tim lớn. Cho nên trong suốt cuộc kháng chién 9 năm, đi đâu ông cũng cõng balô tập bản thảo tiểu thuyết Sống mòn dày cộp của Nam Cao. Mùa hè ông có thể ngồi quạt cho các bạn bè ngồi viết văn. Trước cái chết oan ức và vô cùng thảm khốc của Lan Khai, ông gửi cho vợ Lan Khai những dòng chữ như viết bằng máu:
Sống lầm than, chết cũng lầm than
Viết mọi rợ, chết vì mọi rợ.
Một ngọn đèn xanh, hai dòng lệ đỏ…
            Kim Lân còn chứng kiến Nguyên Hồng vừa viết văn vừa khóc. Khóc nức nở. Vừa đấm lưng vừa khóc. Thương cả nhân vật do mình hư cấu ra. Trong Cửa biển, có nhân vật tên là Gái Đen, phu bến tầu Hải Phòng. Người rất tốt, gia đình có truyền thống yêu nước, nhưng lấy nhầm phải một thằng phản bội cách mạng, có mang với nó. Đau khổ quá, lúc trở dạ đẻ, cô quằn quại, vật vã, đẻ xong thì chết. Ngồi viết ở Đồi Cháy, Nhã nam, đến chỗ Gái Đen chết, ông vừa khóc vừa chạy xuống bếp, nói với cô con gái đang nấu cơm: “Con ơi, Gái Đen chết rồi!”. Hôm ở trụ sở báo Văn nghệ, thuật lại chuyện này, ông cũng khóc.
            Nói chuyện với ông, tôi rất ngại. Vì ông khóc mà mình chẳng thấy xúc động gì cả, y như thằng không có tình cảm. Mà nhìn người đàn ông râu ria ngồi khóc, trông rất tội.
            Giầu lòng thương người nên Nguyên Hồng quan niệm chủ nghĩa hiện thực không tách rời tình cảm đối với nhân dân lao động. Cho nên ông không thoả mãn với chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng. Ông không thích Mạnh Phú Tư, Tô Hoài, cho là nhạt, không có tâm huyết, thiếu tình người. Ông thích Hồ DZếnh, đánh giá cao Am cu li xe của Thanh Tịnh là vì thế. Nguyên Hồng cho tả thực xã hội (hồi ấy người ta không nói hiện thực mà nói tả thực) phải gắn bó với người lao động nghèo khổ, yêu thương và có trách nhiệm với người cùng khổ. Vì thế, ông cho Nguyễn Công Hoan không phải là tả thực. Cũng vì thế mà trong thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương, chịu ảnh hưởng của phong trào cộng sản, ông bắt ngay lấy học thuyết giai cấp. Ông tự thấy không phải không có tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc, nhưng say giai cấp hơn. Đây là chỗ khác với phần lớn các cây bút tiểu tư sản đương thời. Họ nhậy cảm với vấn đề dân tộc, còn chuyện giai cấp thì rất khó “vào”.
            Nguyên Hồng thì say giai cấp. Ông viết Người đàn bà Tầu (1939), ca ngợi tinh thần quốc tế của giai cấp vô sản.
            Người đàn bà Tầu, ông coi đấy là một bước rẽ của mình về tư tưởng và nghệ thuật.
Nhưng cũng là bước rẽ vào nhà tù – ông nói với tôi như vậy.
            Lần thứ hai, Nguyên Hồng tìm đến tôi, khi gia đình tôi đã chuyển lên ở nhà B2, tầng năm. Lần này ông ở lại với gia đình tôi cả ngày Thông thường người uống rượu, thích thuốc lá, trà tầu. Nguyên Hồng đi đâu cũng xách theo chai rượu, nhưng không hút thuốc lá, uống trà tầu. Trời
nóng ông chỉ xin một cốc nước lạnh.
            Hôm ấy đứa con gái tôi mới học lớp một. Nó đi học về, phàn nàn là cô giáo bắt làm một bài tập kể tên các loài chim có ích. Nguyên Hồng đã gợi ý giúp nó làm bài tập ấy.
            Tôi nhớ lần gặp ấy, Nguyên Hồng có nói một câu mới nghe có vẻ vô lý, nhưng nghiệm ra thấy rất đúng: “Thày giáo Mạnh này, bọn văn xuôi chúng tôi rất dại, chỉ có bọn làm thơ là khôn”.
            Sự thật quả có thế. Mấy ông văn xuôi thường hay bị đánh: Nguyễn Tuân (Phở, Tình rừng, Tờ hoa…), Nguyên Hồng (Con hổ ở Suối Cát), Nguyễn Huy Tưởng (Một ngày chủ nhật), Tô Hoài (Mười năm, Dế mèn phiêu lưu ký), Nguyễn Thành Long (Cái gốc), Nguyễn Khải (Đối mặt), rồi Phùng Quán, Trần Dần, Nguyên Ngọc, Nguyễn Dậu, Hà Minh Tuân… Còn bọn làm thơ, phần lớn là quan chức cao cấp, được Đảng tín nhiệm: Tố Hữu, Huy Cận, Chế Lan Viên,
            Xuân Diệu, Chính Hữu, Nguyễn Đình Thi. Thế hệ sau là Bằng Việt, Hữu Thỉnh, Vũ Quần Phương, Nguyễn Khoa Điềm, Trần Đăng Khoa… Tất nhiên có ngoại lệ, nhưng không nhiều. Phần lớn đúng như Nguyên Hồng nói. Trong hoàn cảnh của chính thể ta, tôi cho Nguyên Hồng là người cứng cỏi hơn cả, bản lĩnh hơn cả. Hồi anh Nguyễn Đình Nghi đến thăm tôi, tôi có
tặng anh cuốn Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, trong đó có bài Nguyễn Đình Thi như tôi biết. ở bài này, tôi có ý chê Nguyễn Đình Thi thiếu dũng khí. Nguyễn Đình Nghi đọc sách và phôn cho tôi, ý nói nên thông cảm với giới văn nghệ dưới chính thể này. Anh nói, anh là con ông Thế Lữ, nên được tiếp xúc nhiều với giới nhà văn. Anh biết, chẳng ai có dũng khí được đâu, kể cả Phan Khôi, Nguyễn Tuân.
            Đúng thế thật. Nguyễn Tuân vẫn được tiếng là ngang bướng, vậy mà tôi nghe nói, có lần ông vừa uống rượu vừa khóc: “Tôi được như thế này là vì biết sợ”.
            Nguyên Hồng không sợ. Hồi ông phụ trách thư ký toà soạn tuần báo Văn, tờ báo bị quy là Nhân Văn ngóc đầu dậy, ông không chịu, không cho mình là sai. Ông từ chối kiểm thảo, từ chối đi thực tế cải tạo tư tưởng, trong khi hầu hết đều tự kiểm thảo và đi thực tế: Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn      Khải, Tô Hoài đi Tây Bắc, Điện Biên, Huy Cận đi vùng mỏ, Đào Vũ đi nông thôn…v.v
            Nguyên Hồng không đi. Ông khinh tuốt, cho tất cả chúng nó đều hèn. “Tao đéo chơi với chúng mày nữa” – ông tuyên bố thế và bỏ ra ngoài biên chế, đưa cả gia đình lên Nhã Nam, trở lại Đồi Cháy, nơi ông sơ tán thời khángchiến chống Pháp. Ông đã phải trả giá rất đắt cho thái độ cứng cỏi này. Đang có nhà cửa, việc làm ở Hà Nội mà lại bỏ đi như thế, ở thời bao cấp, là một hành vi hết sức dũng cảm, thậm chí liều lĩnh. Lên Nhã Nam, một phiếu gạo của ông (13 cân rưỡi) nuôi 9 người: một vợ và 7 con bé lắt nhắt. Lại còn mẹ ông nữa lúc ấy còn sống. Đói theo nghĩa đen! Vợ đi chăn bò cho hợp tác xã, mùa đông phải gặm một con cá mắm khô cho đỡ rét. Các con thì mò cua bắt ốc. Ăn ngô ăn khoai thay cơm.
            Hôm cúng 100 ngày Nguyên Hồng (Nguyên Hồng mất ngày 2.5.1982, một trăm ngày là 10.8.1982), tôi có lên dự cùng với Nguyễn Xuân Sanh và Vương Trí Nhàn.
            Này đây là Đồi Cháy, ấp Cầu Đen đây. Nơi từng hội tụ một số gia đình văn nghệ sĩ thời kháng chiến chống Pháp: Ngô Tất Tố, Kim Lân, Nguyên Hồng, Tạ Thúc Bình, Trần Văn Cẩn. Ngày xưa không biết quang cảnh thế nào, còn giờ đây chỉ có căn nhà của Nguyên Hồng. Nhà lợp ngói, tường đất (gọi là tường trình). Một cái bếp. Trên chái nhà thấy còn treo một cái bàn thấp, nhỏ, gỗ tạp, giống như một cái kỷ nhưng rất thô sơ. Nguyên Hồng thường đặt bàn lên giường ngồi viết, hoặc đem ra gốc cây khế góc sân, giải chiếu ngồi làm việc. Khoảng 9, 10 giờ sáng ngày 2.5.1982 – bà Hồng kể – Nguyên Hồng đang làm việc ở gốc khế, xoay ra vác đất đắp vào chân tường nhà bếp. Tường xi măng mà không có móng, sợ chuột đào đổ, nên phải đắp đất cho vững. Bà Hồng bảo thuê thợ, ông không nghe. Trời mưa lất phất. Ông thấy mệt, giải chiếu nằm nghỉ ở bờ tre. Bà Hồng dìu về nhà ngang, sau lên nhà trên. Ông tắt thở khoảng 2 giờ chiều. Trước khi chết chỉ đập đập tay xuống giường có vẻ bực bội, nói với vợ, gọi cho Hội nhà văn. Bà Hồng thở dài “Ông ấy cả đời chả bao giờ được sướng. Uống rượu chả có gì nhắm cũng khề khà. Trông dáng dấp như anh cụ li xe ngồi nhắm rượu ở vỉa hè. Túng thiếu thế, nhưng có tiền (tiền sách) là cúng ngay cho xã để xây dựng trường học (300 đồng)”.
            Tôi thấy trong nhà có một cái tủ ọp ẹp, không có khoá, mở ra thấy chất đầy bản thảo của Nguyên Hồng. Tôi tìm thấy một cuốn nhật ký. Đọc mấy trang, thấy hoàn cảnh gia đình Nguyên Hồng hồi ấy thật bi đát. Tôi có ghi được mấy đoạn:
            21.4.1968. Nhà tôi đi lĩnh ngô về thì bị hen. Tôi lại phải làm cơm… 24.4.1968. Sáng tôi đi chợ Nhã Nam mua dây khoai cho lợn ăn bữa cuối cùng. Khoai lang bán 11 đồng một gánh, tôi không dám mưa. Mua thêm chục mớ rau muống để về cấy. Tôi đến hàng chị Lương xem ra làm sao, nhưng không mua được gì cả. Tôi đã bắt đầu viết bản thảo ba “Đôi chim tan lạc và anh bộ đội”.
            26.4.1968. Tôi sang huyện. Mua đôi dép cho Thư 5đ5 và bé Diệu cái bàn chải đánh răng. Xin mua được 3 thếp giấy và 2 cân dầu. 28.4.1968. Nhà tôi trả trâu. Cái Nhã cắt cỏ, cái Thế đi chăn lần cuối cùng: “Trâu ơi! Tao giả mày, tao nhớ mày lắm!”. Nó tần ngần mãi khi đưa trạc
cho cái Hạnh.
            Mẹ tôi đi xin cơm cho con mèo mướp. Vợ tôi nhá ngô cho các gà con. Tôi giằm ngô, những hột nở mềm nhất cho mèo ăn.
            Chủ nhật trống rỗng. Bầu Hội đồng nhân dân tỉnh. Nhã bắt được 40 con cua. Nhã nấu canh cua với rau khoai lang. Tôi nhắm rượu với mấy con cua con xào tỏi… Thư, Nhã làm đất trồng rau dền. Bãi rau muống đã hái được. 29.4.1968. Cái Diệu khoe “Nhà cái Quỳnh sắp nhịn đói, nhà ta nhịn đói đã từ lâu rồi!”. Hôm nhà tôi ốm, nó cũng khoe với các bạn Quỳnh, Các :”Bu tao sắp chết rồi!”
Nhà tôi rên lên: “Phải, tao sắp chết rồi đây”
            Tình cảnh Nguyên Hồng như thế mà không ai dám cứu. Hội nhà văn, Tỉnh uỷ Bắc Giang, Hội Văn nghệ Hải Phòng đều sợ, không dám hỏi han gì đến.
            Nhưng hoàn cảnh như thế mà Nguyên Hồng vẫn viết, hết Cửa biển (4 tập, mỗi tập 500 trang) lại Núi rừng Yên Thế. Lao động như thế, ăn uống như thế, ông sống được đến ngoài 60 tuổi kể cũng giỏi!.
            Bản lĩnh Nguyên Hồng như thế nên Nguyễn Tuân rất phục. Khi Nguyên Hồng mất, người ta làm lễ viếng ở 51 Trần Hưng Đạo. Nguyễn Tuân phát biểu, vừa nói vừa khóc. Ông còn nói với chị Ngọc Trai: “Người ta cứ bảo tôi bướng, chứ tôi bướng sao bằng Nguyên Hồng!”
            Chính trong lễ viếng Nguyên Hồng hôm ấy, chị Lê Minh, phụ trách mục Văn nghệ trên báo Nhân dân, đặt tôi viết một bài về Nguyên Hồng. Tôi viết một hơi bài Thương tiếc nhà văn Nguyên Hồng, lấy chuyện mau nước mắt của ông làm lời kết: “Bây giờ nằm dưới ba thước đất, nguồn nước mắt ấy liệu có bao giờ khô cạn được chăng?”.
            Nguyên Hồng, trong sinh hoạt, có nhiều cái hết sức nhếch nhác. Xem Cát bui chân ai của Tô Hoài thì đủ rõ. Nhưng có lẽ chưa bao giờ ông lâm vào tình trạng nhục nhã, ê chề như trường hợp kể sau đây.
            Tôi có một anh bạn thân tên là Trần Văn Lộc. Lâu ngày quá, giờ tôi không còn nhớ đã quen Lộc trong trường hợp nào và từ bao giờ. Hồi xưa anh học Sư phạm trung cấp ở Khu học xá Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc). Sau lại về học tiếp ở Đại học Sư phạm Hà Nội. Có một hồi không hiểu sao anh lại tự sát nhưng cứu được. Tôi đến thăm anh ở bệnh viện, anh ôm lấy tôi khóc ồ ồ, rất tội.
            Trần Văn Lộc là em ruột Trần Văn Nhung. Hồi Nhật đảo chính Pháp ở Hà Nội (9.3.1945), Trần Văn Nhung theo Nhật đánh Pháp và bị tử thương. Thời gian học ở khu học xá Nam Ninh, Lộc bị bệnh sa ruột (gọi là sa đì) phải vào chữa ở bệnh viện Nam Ninh. Đúng lúc ấy, Nguyên Hồng cũng sang điều trị tại đấy, và cũng bị bệnh ấy. Bị bệnh này thì phải giải phẫu. Giải phẫu thì phải làm vệ sinh cẩn thận, trước hết phải cạo hết lông ở quanh dương vật rồi bôi thuốc sát trùng.
            Nguyên Hồng lên bàn mổ trước. Mấy cô y tá Trung Quốc trẻ trung, hồng hào, trắng trẻo, làm công việc này một cách rất tỉ mỉ, cẩn thận, nên kéo dài rất lâu. Nguyên Hồng hoảng quá. Phải làm sao át đi những ý nghĩ bậy bạ. Ông bèn nghĩ đến đất nước đang có chiến tranh, khói lửa mịt mù, nhân dân cực khổ. Nhưng không sao át được. Cái ấy dần dần cương lên. Nhưng cô y tá cứ tiếp tục công việc một cách tỉ mỉ kỹ lưỡng. Cuối cùng một việc “quốc sỉ” đã xẩy ra, nó vọt vào áo của cô y tá. Cô gái cứ coi như không có chuyện gì, thản nhiên lau chùi đi và tiếp tục công việc của mình.
            Giải phẫu xong, Nguyên Hồng về phòng, kể nỗi nhục nhã này với Trần Văn Lộc.
Lộc sợ quá, vội buông màn, tự làm vệ sinh trước.
            Con người này quá giầu xúc cảm, lại giầu tưởng tượng. Xuân Diệu nói Nguyên Hồng có năng khiếu của một nhà văn lớn là thế. Nhưng lý trí yếu, không làm chủ được. Nguyên Hồng có 7 con. Vợ cứ đẻ sòn sòn. Xuân Diệu thì rất ghét người đẻ nhiều, vô kế hoạch. Đi đâu ông cũng tuyên truyền sinh đẻ có kế hoạch. Ông bực với Nguyên Hồng: “Sao đẻ nhiều thế?”. Nguyên Hồng có câu trả lời rất lạ: “Vì vợ tôi nó xấu”. Xuân Diệu kể với tôi chuyện này, và nói anh không hiểu được ý nó muốn nói gì.
            Tôi nghĩ chắc là không làm chủ được cảm xúc, không làm chủ được bản năng thế thôi.
            Nhưng Nguyên Hồng có mấy ông con thật không ra gì. Luôn oán bố. Bố chết rồi vẫn thù oán. Tô Hoài nói với tôi như vậy. Đang yên đang lành ở Hà Nội, đùng đùng đưa cả nhà lên cái quả đồi sỏi đá heo hút, khiến vợ con đói khát, phải mò cua bắt ốc, ăn khoai ăn sắn. Nhưng bố chết rồi vẫn còn thù oán thì quá tệ. Mà cái lý do ông bỏ biên chế, bỏ Hà Nội, phải nói là rất đáng phục chứ! Hồi Hải Phòng tổ chức một cuộc hội thảo về Nguyên Hồng nhân ngày giỗ đầu của ông (Nguyên Hồng vốn là chủ tịch Hội Văn nghệ Hải Phòng), người ta cho xe đón Hồng Hà (anh con cả của Nguyên Hồng) đi dự. Anh ta không đi.
            Vào khoảng 1986, 1987, tôi có biên soạn cuốn Nguyên Hồng, con người và sự nghiệp. Tôi nói với Hồng Hà về bảo mẹ kể lại những kỉ niệm về bố        rồi viết lại cho tôi một bài để đưa vào tập sách. Anh ta không làm. Thế mà sinh thời, Nguyên Hồng từng làm một bài thơ dài rất thống thiết: “Hồng Hà, con ơi!”
            Tôi lo lắng cho cái tủ không khoá ở Nhã Nam dựng các bản thảo, nhật kí của Nguyên Hồng, nay có còn không?
            Nguyên Hồng còn có một người con trai khác tên là Giang vẫn ở Nhã Nam. Hôm tôi lên thăm mộ Nguyên Hồng, có gặp Giang. Anh ta không nói gì về sự nghiệp của bố mà cứ khuyên tôi nghiên cứu Tản Đà. Mà cứ nói đi nói lại mấy lần. Trong khi đó, chưa có ai sưu tầm tài liệu để làm Toàn tập Nguyên Hồng.
Đúng là Nguyên Hồng chết rồi vẫn khổ!
Láng Hạ 30.12.2007.



Chương XV.  Nam Cao
            Năm 1963, tôi có về làng Đại Hoàng, quê Nam Cao, cùng với Nguyễn Hoành Khung. Lúc ấy ông bà thân sinh Nam Cao hãy còn sống. Tôi đã được uống rượu với ông cụ, được ăn cam Đại Hoàng. Tôi còn được gặp cô Hồng con Nam Cao và một ông em của Nam Cao. Một nông dân tên là Đạt. Tôi về Đại Hoàng để tìm hiểu những nguyên mẫu nhân vật của tác phẩm Nam Cao, vì biết ông hay dùng nguyên mẫu. Hồi ấy tôi có hướng dẫn một            sinh viên tên là Bạch Văn Hợp làm luận văn sau đại học (tức luận văn thạc sĩ sau này), đề tài là: “Từ nguyên mẫu đến nhân vật truyện của Nam Cao”. Chí Phèo không phải là người cùng thời với Nam Cao. Đó là một nhân vật truyền thuyết của làng. Ngày xưa có một anh Chí Phèo, làm nghề mổ lợn, giỏi bắt phèo nên người ta gọi là Chí Phèo. Anh ta thường uống rượu say, đi trên đường làng, chửi trời chửi đất lung tung, trẻ con chạy theo hàng đàn. Chí Phèo không đâm chém ai cả. Còn Bá Kiến thì có nguyên mẫu tên là Bá Bính, gần giống như Bá Kiến: bóc lột dân, dâm ô, cướp cả vợ bố, ngủ với con dâu. Cũng có bốn vợ. Tôi có ghi lại mấy câu vè về Bá Bính của dân Đại Hoàng (dân Đại Hoàng hay làm vè, Nam Cao gọi là trần ngôn):
Nam Sang nhất tổng Cao Đà
Có thằng Bá Nghị tên là sọc nhăng
Ông mà lại hoá ra thằng
Khôn ngoan nhất mực, nói năng ai tày
 Bốn đời lý trưởng trong tay
Bao chiếm điền thổ xưa nay đã nhiều
Thuế tháng năm nhà nghèo cùng khổ
Mày lại còn lạm bổ lạm thu
Mang về xây dựng cơ đồ
Lắng tai ta sẽ bảo cho ân cần
(Theo ông Trần Doãn Chấn)
            Nghe nói vợ ba Bá Bính bị ta thủ tiêu vì hay ra vào đồn giặc, người ta cho là Việt gian. Còn vợ tư Bá Bính thì lúc chúng tôi về Đại Hoàng, vẫn còn sống.
            Chí Phèo và Bá Bính chẳng liên quan gì đến nhau cả. Bá Bính chẳng bị ai đâm chém, còn sống mãi sau cách mạng tháng Tám, và có chân trong Hội Liên Việt.
            Như vậy là truyện Chí Phèo hư cấu nhiều, nhất là nhân vật Chí Phèo. Nam Cao đã bịa ra vụ án mạng Chí Phèo giết Bá Kiến và tự sát. Ông đã sáng tạo ra một tính cách độc đáo.
Nhưng truyện Nam Cao đã trở thành sự thật đối với thế hệ trẻ làng Đại Hoàng. Tôi có đến xem bài viết về lịch sử làng Đại Hoàng trình bầy trên một tờ giấy lớn đặt ở trụ sở uỷ ban xã, do một học sinh lớp 7 soạn. Anh ta ghi luôn nhân vật truyện của Nam Cao vào lịch sử: “Xưa có một địa chủ cường hào tên là Bá Kiến…”
            Trong truyện Chí Phèo, Nam Cao nói làng Vũ Đại lắm bè phái do kiểu đất “Quần ngư tranh thực”. Điều này có thật.
Người làng còn nhớ 5 phe cánh:
1. Cánh Bá Bính (Tên thật là Trần Duy Bính)
2. Cánh Nhất Hợp.
3. Cánh Bát Ngọ (tên là Trần Thế Ngọ). Còn có một người thật thuộc cánh này tên là Năm Ngọ.
4. Cánh Lý Bật.
5. Cánh Bát Tụ.
            Còn Thị Nở có người nói có, có người nói không. Cô Hồng, con Nam Cao, thì nói dứt khoát: “ông ấy bịa”.
            Hôm ấy tôi thử hỏi một ông người làng gặp giữa đường có biết Nam Cao là ai không? Ông nói: “Biết chứ! Nam Cao là một cán bộ trung ương” -
            Nghĩa là một ông quan cách mạng to. Ông nông dân này nghĩ thế, chắc vì thấy nhiều người về thăm, trong đó có cả ông Tây bà đầm đi xe tu bin. Mới biết người dân Việt Nam chỉ trọng quan lại, chứ nhà văn thì là cái quái gì! Ngay ở nhà Nam Cao, tôi thấy có mấy bức ảnh Nam Cao chụp với gia đình, bị để mốc và hoen ố hết. Những di vật ấy thì có giá trị gì mà giữ!
            Xem cảnh làng Đại Hoàng thì thấy hệt như cảnh làng Vũ Đại trong truyện Nam Cao: Làng Đại Hoàng nhất thôn nhất xã (xã chỉ có một thôn). Đất vườn nhiều hơn ruộng lúa. Lúa của làng chỉ đủ để nấu cháo hồ vải. Đàn ông không biết đi cày. Đàn bà không biết đi cấy. Dân làng làm vườn là chính (gọi là “bòn vườn”): trồng trầu, trồng cam, trồng chuối, trồng dâu:
Cây trồng cau chuối rườm rà
Cam cam, bưởi bưởi, na na, hồng hồng… (…)
Đất thơm là đất trồng trầu
Bãi bồi là đất trồng dâu cứu bần…
            Đại Hoàng có nghề dệt vải. Vào làng cứ nghe ran ran tiếng lách cách dệt cửi. Truyện Nam Cao cũng hay nói đến nghề dệt, thợ dệt (Dì Hảo, Một bữa no…)
Người nhiều khôn khéo cũng nhiều
Dệt thoi thoi múa, thi diều diều lên
(Vè Đại Hoàng)
            Đại Hoàng cũng như làng Vũ Đại, nằm bên bờ một con sông gọi là sông Châu Giang (Gió sông thổi lên vườn chuối nhà Chí Phèo, Thị Nở gọi là “mát như quạt hầu”)
            Tìm hiểu Nam Cao nhất thiết phải gặp Tô Hoài. Ông là một nhà văn hiếm hoi gần gũi và am hiểu Nam Cao rất sâu. (Tô Hoài có một bà dì tên là Phượng (nguyên mẫu nhân vật Oanh trong Sống mòn của Nam Cao) lấy chồng làng Đại Hoàng (ông giáo Bao, nguyên mẫu của nhân vật Đích trong Sống mòn). Bà Phượng phụ trách trường Tiểu học tư thục Công Thành ở Bưởi. Nam Cao dạy ở đó. Bà Phượng giới thiệu Nam Cao dạy tiếng Pháp cho Tô Hoài.
            Nam Cao ở nhà Tô Hoài, cùng ngủ chung một giường, đắp chung một cái chăn. Tô Hoài chưa vợ. Nam Cao có vợ rồi nhưng vợ ở quê. Đêm đêm họ tâm sự với nhau đủ chuyện.
            Theo Tô Hoài, Nam Cao cũng có đủ mọi thói xấu trên đời. Nhưng giầu lòng thương người và rất ngây thơ, cả tin.
           Có một lần hai người đi chơi gái. Họ tìm đến một nhà trọ. Phòng hết. Có một gái điếm nói nhường cho họ phòng ngủ. Nhưng khi họ vào ngủ thì cô gái điếm kia vào nằm chen ngay vào giữa. ả than thở về số phận như thế nào đó, Nam Cao rất xúc động, trong khi đó ả vẫn sờ soạng và cắn tai Tô Hoài… Nhưng Nam Cao có một điều đặc biệt là hay xấu hổ về những thói xấu của mình, về những chỗ tầm thường phàm tục của mình. Chỗ hơn đời, hơn người của ông chính là chỗ đấy.
            Tô Hoài kể cho tôi nghe một chuyện  tôi cho là rất có ý nghĩa. Trước 1950, biên giới phía Bắc nước ta còn bị tụi Pháp chiếm giữ. Con đường số 4 từ Cao Bằng đi Lạng Sơn, Tây kiểm soát. Nó đóng nhiều đồn bốt dọc đường, thường cho xe cơ giới có vũ trang đi lại để kiểm soát và đặt lính phục kích ở những lối tắt qua đường. Vì thế cán bộ ta đi công tác qua đường số 4 rất nguy hiểm. Những đoàn cán bộ muốn qua con đường này phải tập trung ở một khu rừng gần đó (chỗ Thất Khê), chờ một trinh sát viên đi thăm dò, nếu không có phục kích, anh ta về báo, các đoàn mới được lệnh vượt nhanh qua đường. Tô Hoài nói, khi có lệnh xuất phát, tâm lý chung của mọi người là không ai muốn đi đầu. Vì đã chắc gì không có phục kích. Trinh sát làm sao nắm chắc được tình hình một trăm phần trăm! Nếu có phục kích thì anh đi đầu hẳn là toi. Một lần Tô Hoài và Nam Cao phải đi công tác qua đường số 4. Nam Cao cũng nhát như ai. Khi có lệnh vượt đường, Tô Hoài để ý thấy Nam Cao mặt tái, người run. Nhưng ông nhất quyết đi đầu. Vừa run vừa đi đầu. Tôi kết luận, Nam Cao bề ngoài lạnh lùng, ít nói, nhưng bên trong thì sôi sục, luôn đấu tranh tư tưởng để tự vượt lên bản thân mình. Xét ra ý nghĩa tư tưởng của truyện Nam Cao là thế: dạy cho người ta biết xấu hổ, hay nói cách khác, muốn lay tỉnh ở con người ý thức về nhân phẩm, nhân tính. Không phải chỉ nhân vật trí thức, ngay thằng Chí Phèo cũng đấu tranh tư tưởng để trở lại làm người lương thiện. Chí Phèo chết như một người khao khát trở lại làm người.
Nguyên Hồng, Kim Lân đều rất phục Nam Cao.
            Lần đầu Kim Lân gặp Nam Cao ở nhà Nguyễn Huy Tưởng, phố Lò Đúc. Ông thấy Nam Cao rất khiêm tốn, tự thấy minh tầm thường. Lắm mặc cảm. Có vẻ lạnh nhạt. Không thích vồ vập ai.
            Đến kháng chiến chống Pháp thì có thời gian họ ở với nhau. Nam Cao tỏ ra kính trọng mọi người, phục mọi người, chỉ thấy mình là xoàng. Nhưng có một lần, uống rượu với thịt trâu chết. Kim Lân bốc lên hát tuồng. Như Phong rút súng lục đùa dí vào cổ người khác. Còn Nam Cao thì lớn tiếng: “Tao đéo phục thằng Goocki”. Té ra con người này cũng không hẳn chỉ có khiêm tốn đâu ! Nam Cao chỉ phục Sêkhốp, cho Goocki ồn ào quá.
            Bản thảo của Nam Cao viết rất sạch sẽ. Nhưng không quý bản thảo của mình. Bản thảo Sống mòn nhờ có Nguyên Hồng giữ mới còn, giữ trong suốt cuộc kháng chiến, đến khi hoà bình lập lại mới giao cho Hội văn nghệ. Tên truyện vốn là Chết mòn. Khi in, Xuân Thuỷ đề nghị sửa là Sống mòn.
Nam Cao nhát. Rất sợ máy bay. Kim Lân cho biết như thế. Mỗi lần có máy bay, ông chạy vội xuống hầm, chui chui, nấp nấp, rất tội. Thế mà ông đã bị giặc bắt và đem ra bắn.
            Hồi ấy Nam Cao vào Thanh Hoá dự một hội nghị về văn nghệ. Hội nghị kết thúc, lẽ ra ông trở về Việt Bắc theo đường số 6. Nhưng ông lại muốn đi vào vùng địch, tạt về thăm làng mình nghe nói đã thành làng du kích. Ông có nguyện vọng viết về làng Vũ Đại đứng lên đánh giặc. Đã viết được mấy chục trang nhưng tự thấy không ra gì nên vất đi. Ông cho là vì thiếu thực tế, nên nhân dịp này về làng để tìm thực tế. Ông đi theo một đoàn cán bộ tuyên truyền thuế nông nghiệp, đóng vai một anh y tá hay cán bộ Bình dân học vụ gì đó. Họ đi bẩy cái thuyền nan, vì lúc đó vùng chiêm trũng Ninh Bình, Hà Nam nước trắng băng. Nam Cao cùng mấy cán bộ lãnh đạo ngồi chiếc thuyền đầu. Vừa ghé đến làng Vũ Đại thì sa lưới bọn Commandos. Đoàn đã được thông báo đêm ấy chúng đã rút đi rồi, hoá ra có một toán đóng ở lại. Thật không may cho Nam Cao!
            Không biết lúc viết Chí Phèo, Chết mòn (tức Sống mòn), Nam Cao đã tới hay đã nghe nói có một cái làng thật tên là Vũ Đại hay chưa. Làng này thuộc tỉnh Ninh Bình, giáp với Hà Nam, kề ngay đường số 1 (nay thuộc xã Gia Xuân, huyện Gia Viễn). Chẳng lẽ lại có một sự trùng hợp ngẫu nhiên một cách kì lạ thế sao giữa một cái tên làng trong truyện hư cấu với một cái tên làng có thật – cũng không xa làng Đại Hoàng của Nam Cao bao nhiêu. Một sự kì lạ nữa là Nam Cao lại bị bắt ở đúng cái làng mang cái tên ấy và bị bắn chết ở đó. Mà sao ông lại đi trên cái thuyền đầu? Các thuyền sau họ đều chạy thoát cả. Số mệnh xui nên thế, hay là lại do cái tính cách “vừa run vừa đi đầu” như cái hồi vượt đường số 4 với Tô Hoài năm nào?
            Mà lẽ ra Nam Cao có thể chưa bị thủ tiêu, nếu như đêm ấy không có chuyện một người trong đoàn cán bộ bị bắt bỏ trốn mà không thoát. Bắt được mấy cán bộ Việt Minh ở làng Vũ Đại, bọn Commandos đưa tất cả qua đường số 1 sang giam ở nhà thờ Mưỡu Giáp cách làng chừng vài ba trăm mét. Do cuộc trốn chạy thất bại của anh cán bộ kia, chúng đem tất cả ra bắn ngay tại cánh đồng Mưỡu Giáp trước cửa nhà thờ. Đó là vào một đêm tháng 11 – 1951, Nam Cao mới 36 tuổi.
            Như đã nói, viết truyện, Nam Cao hay dùng nguyên mẫu. Hầu như toàn bộ nhân vật trong Sống mòn đều có nguyên mẫu cả, và hầu hết đều là người làng Đại Hoàng: nhân vật Oanh, nguyên mẫu là Phượng, một bà dì của Tô Hoài. Chồng của Oanh là Đích, nguyên mẫu của Đích là giáo Bao, người Đại Hoàng. San nguyên mẫu là Trần Đức Phấn, hồi Pháp thuộc từng đăng lính sang Tây, sau 1945 xung phong theo đoàn quân Nam tiến. 1954, tập kết ra Bắc, đóng lon trung tá, có thời gian phụ trách điện ảnh quân đội. Mô (anh công đánh trống trường), nguyên mẫu là Trần Văn Đa, sau cách mạng xung phong đi phát triển kinh tế miền núi ở Phú Thọ. Bá Kiến, nguyên mẫu là Trần Duy Bính. Liên vợ giáo Thứ, nguyên mẫu là Trần Thị Sen vợ Nam Cao. Còn giáo Thứ, nguyên mẫu là tác giả Trần Hữu Tri, tức Nam Cao. Sách viết xong năm 1944. Nhưng mãi đến 1956 mới in được. Trong một bài viết về Nam Cao, Nguyễn Đình Thi cho rằng do tác phẩm phê phán hiện thực như thế nào đấy nên kiểm duyệt thời Pháp không cho xuất bản. Thực ra không phải. Có hai lý do: một là khoảng năm 1940 – 1945, do chiến tranh, giấy khan hiếm. Cuốn tiểu thuyết của Nam Cao lại khá dầy mà tác giả chưa phải là một tên tuổi ăn khách lắm. In ra, các nhà xuất bản sợ bán không được. Hai là tác phẩm viết quá sát sự thật về toàn những người quen biết trong làng mình. Vì thế sách in ra cũng ngại. Ông nói với Tô Hoài, đại ý là phải đợi cho các nguyên mẫu kia “tịch” hết cả đi rồi mới in được.
            Năm 1956, khi sách được xuất bản, hầu hết các nguyên mẫu đều còn sống cả, chỉ duy có nguyên mẫu của nhân vật giáo Thứ, tức Nam Cao, thì không còn nữa.
            Nam Cao có một tập nhật ký. Tô Hoài giao cho Hà Minh Đức. Trong cuốn sách HMĐ viết về Nam Cao, in năm 1960, 1961 gì đó (Nam Cao, nhà văn hiện thực xuất sắc), anh có trích vài đoạn trong cuốn nhật kí này.
            Cuốn nhật ký ấy nay ở đâu ? Chắc vẫn trong tay HMĐ. Có của quý, cứ giữ độc quyền, mà không biết dùng, thật phí. Giống như có gươm báu mà không biết dùng. Giữ làm gì!
Láng Hạ, tháng 11 – 2007.



Chương XVI.  Tô Hoài
            Tôi tiếp xúc với Tô Hoài rất sớm. Từ những năm 60 của thế kỉ trước. Nhưng mãi đến năm 2000, tôi mới viết được một bài về ông. Tôi trước sau vẫn thế, khi viết về một nhà văn nào đó mà chưa hiểu tư tưởng chi phối một cách có hệ thống sự nghiệp sáng tác của ông ta, thì tôi không thể viết được. Về Tô Hoài, tôi cứ nghĩ mãi không biết tư tưởng của ông là gì. Nhiều tác phẩm của ông tôi thích, nhưng không tìm ra một tư tưởng chung. Tư tưởng Nguyên Tuân là lòng yêu nước, tinh thần dân tộc gắn với những giá trị văn hoá cổ truyền của đân tộc; Nam Cao là nỗi đau đớn trước tình trạng con người không giữ nổi nhân tính, nhân phẩm vì miếng cơm manh áo và cái chất hèn, chất nô lệ đã thấm vào trong máu không biết từ kiếp nào. Xuân Diệu là niềm khát khao giao cảm hết mình với cuộc đời trần thế này… Còn tư tưởng Tô Hoài là gì? Tôi lúng túng quá! Trong khi đó, Xuân Diệu có lần nói với tôi: “Tô Hoài nó chẳng có có tư tưởng gì cả. Nguyễn Đình Thi còn có tư tưởng, chứ Tô Hoài chẳng tư tưởng gì”. Tôi lại càng hoang mang. Một nhà văn cỡ như Tô Hoài mà không có tư tưởng! Vô lý quá!.
            Hồi tôi biên soạn cuốn Tổng tập văn học Việt Nam tập 30A, 30B (1979, 1980), tôi có đến Tô Hoài mấy lần (ở Đoàn Nhữ Hài). Tôi có một anh bạn tên là Phan Ngọc Thu, phụ trách trung tâm nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn của Đại học Đà Nằng. Anh đứng ra tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn cho các giáo viên PTTH chuyên văn ở miền Trung, miền Nam. Anh thường mời tôi và Tô Hoài vào giúp. Vì thế, tôi có dịp gặp Tô Hoài nhiều lần, khi ở Đà Nẵng, khi ở Bến Tre hay Long Xuyên…
            Tôi để ý thấy Tô Hoài, ở đâu cũng thế, mua hết các báo chí hàng ngày để đọc.Cả báo trung ương và báo địa phương. Đọc cả những tin vặt vãnh linh tinh. Ông rất chăm đọc báo, nhưng không thích xem ti vi và phim ảnh, dù là phim Vợ chồng A Phủ do ông soạn kịch bản.
            Ở khách sạn Long Xuyên có một cái núi non bộ lớn, người ta nuôi cá, nuôi khỉ, nuôi bồ nông, cò, vạc… Cứ xích chân, xích cổ vào hòn giả sơn. Tôi thấy Tô Hoài cứ đứng hàng giờ quan sát các con vật và thỉnh thoảng lại phát hiện ra một điều gì lạ ở chúng, như chân con vạc nó thế nào đấy, hay con khỉ lại biết chơi trò thủ dâm…
Thì ra Tô Hoài thích quan sát tỉ mỉ, phát hiện những cái lạ ở người hay những con vật tầm thường quen thuộc quanh ta. Cho nên ông viết nhiều về phong tục của người dân Nghĩa Đô, quê ông. Và trong thời kháng chiến chống Pháp, công tác ở Viêt Bắc, ông thích viết về phong tục độc đáo của những dân tộc H’ Mông, Mán… Phong tục, theo tôi, chính là những chuyện lạ đời thường của các dân tộc. Ông phát hiện người H’mông sinh hoạt có nhiều cái rất Tây: Váy áo như đầm. Gọt khoai, gọt củ, quay ngược lưỡi dao vào trong. Ăn bánh bột ngô để nguội hàng tuần như người Tây ăn bánh mì, dùng thìa gỗ hoặc bốc, không dùng đũa. Theo đạo tin lành. Ông đọc sách của Sabina nói người H’mông đi từ phương Tây, qua Đông Âu, Bắc á rồi bị dồn xuống phương Nam. Thuyết của Tầu thì cho người H’mông vốn ở vùng sông Dương Tử di cư xuống. Tô Hoài cho thuyết của Tây đúng hơn. Người Mèo rất khái tính, bị xúc phạm là tự tử (bằng lá ngón). Nhà có con gái đẹp, thanh niên kéo đến quấy nhiễu đông quá, có khi ông bố đem súng ra bắn để giải tán. Thời Tây, công sứ Châtel thi hoa hậu chỉ thi con gái dân tộc thiểu số như gái Hmông, gái Mường, gái Mán… Tô Hoài, ở Hà Giang, đã gặp hai người đàn bà từng thi hoa hậu ở Hà Nội thời Pháp thuộc. Người Mán khi ăn xong, cả nhà tắm nước nóng rồi lại mặc quần áo cũ và đi đất. Về chuyện chợ tình Sa Pa, Tô Hoài cho biết, sự thực, đối với người Mèo, người Mán, chợ là nơi ăn chơi, nơi gặp gỡ người quen, trong đó có chuyện trai gái. Nay ta biến thành chợ tình. Rất nhảm!
            Tô Hoài hay tả kỹ loài vật và cũng thấy ở chúng có lắm “phong tục” lạ như người vậy thôi. Sở trường tả loài vật, ở Tô Hoài, xét ra cũng nằm trong cảm hứng phong tục. Mà hình như về phương diện này, ông cũng chẳng phân biệt người hay vật. Trong tập truyện O chuột, ông viết về toàn loài vật quanh ta, nhưng lại xen vào đó một truyện về người (Cu Lặc). Truyện này Nguyễn Minh Châu rất thích. Ông kể chuyện Cu Lặc không khác gì con vật. Vợ chồng gặp nhau, lấy nhau do bản năng tình dục.Và họ bỏ nhau vì cả hai đều ăn khoẻ quá, không sống nổi với nhau được.
            Tô Hoài khác với phần lớn văn nghệ sĩ, không ngại làm những công việc sự vụ hành chính, những công việc vặt vãnh chẳng “văn chương” chút nào. Ông nhận đủ việc, từ đại biểu quốc hội, chấp hành Hội nhà văn trung ương, chủ tịch Hội văn nghệ Hà Nội, đến tổ trưởng khu phố. Việc gì cũng làm. Cũng đi tuần tra ban đêm, cũng đôn đốc “triệt để chó”, cũng đến từng gia đình kiểm tra hố xí hai ngăn… Về hưu, ông không sinh hoạt chi bộ ở cơ quan Hội nhà văn như hầu hết các nhà văn cao tuổi khác, mà sinh hoạt với chi bộ địa phương. Và ông không muốn người ta biết mình là nhà văn. Vì ông thích nói chuyện với mọi người như một người thường nói chuyện với người thường về những chuyện thường.
            Tôi để ý đến cặp mắt của ông: nhỏ, dài và hẹp. Gọi là mắt ti hí. Mắt như thế là tinh quái lắm. Cái gì cũng biết, không gì qua mắt được. Mà toàn phát hiện những điều ngộ nghĩnh, buồn cười ở người ta và diễn đạt bằng một vài từ rất gọn và đích đáng. Người nào bị phát hiện ở khía cạnh ấy lập tức trở thành tầm thường. Ngay – danh nhân, vĩ nhân cũng vậy. Thí dụ, ông cho Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh chỉ là một tập thơ kêu oan. Kể ra cũng đúng:
Ta người ngay thẳng lòng trong trắng
Lại bị tình nghi là Hán gian
            (Đường đời hiểm trở)
Hôm nay xiềng sắt thay giây trói
Mỗi bước leng keng tiếng ngọc rung
 Tuy bị tình nghi là gián điệp
 Mà như khanh tướng vẻ ung dung
              (Đi Nam Ninh)
            Những bài thơ như thế thì đúng là thơ kêu oan. Nhưng coi Nhật kí trong tù chỉ là tập thơ kêu oan thì quả là đã tầm thường hoá tập thơ của cụ Hồ.
            Phạm Tiến Duật khi nói thì đúng là khua môi múa mép, ông gọi là thằng lái trâu. Còn Chế Lan Viên thì ông gọi là thằng “nặc nô” của Đảng. Ông phát hiện Huy Cận ngày nào cũng ra trụ sở Hội Liên hiệp văn nghệ (51 Trần Hưng Đạo), tuy chả có việc gì cả, chỉ cốt được ăn một bát phở miễn phí. Huy Cận rất tham, đi đâu cũng vơ vét, càm cắp. Tô Hoài kể chuyện, một lần ông và Nguyên Ngọc tình cờ gặp Huy Cận ở sân bay quốc tế Mạc Tư Khoa. Tự nhiên Cận lân la đến vỗ vai nói chuyện thân mật với Nguyên Ngọc. Tô Hoài vội bấm Nguyên Ngọc lảng đi: “Này nó sắp gạ ông xách đồ cho nó đấy!”. Quả nhiên, sau đấy Huy Cận hai tay xách hai cái cặp nặng, lại buộc giây kéo một cái thùng giấy lệt xệt đằng sau. Buồn cười nhất là ông phát hiện Nguyễn Xuân Sanh sở dĩ bị Tố Hữu ghét, vì chỉnh huấn, chuyển biến nhanh quá, không đúng quy luật – đấu tranh tư tưởng thì phải lâu dài gian khổ chứ! Còn Hoàng Cầm thì hồi bị tù, hết hạn người ta cho ra, lại xin ở lại thêm để viết nốt bản kiểm thảo. Ông cho biết Thợ Rèn sở dĩ nổi tiếng là vì lúc đầu người ta tưởng là Cụ Hồ, là bút danh của Cụ Hồ. Thanh Tịnh thì ai đến chơi cũng đem đồ cổ ra khoe. Nhưng theo Tô Hoài, ông ta cứ tán ra thế thôi, chứ nhiều cái ông ta bê ở Bát Tràng về. Bùi Giáng thì rất mê Kim Cương, chỉ ước khi chết, được Kim Cương đái lên mồ… Trương Tửu là tay huênh hoang thế thôi, thực chất chỉ là trôtkit mồm… Mấy ông Chế Lan Viên, Hoài Thanh, Đồ Phồn, Huyền Kiêu thì tự thấy trước cách mạng có tội nên ra sức nịnh đảng…
            Có những chuyện có lẽ chỉ có Tô Hoài mới đi kể với người khác. Vì là chuyện rất nhếch nhác, rất bẩn. Mà là chuyện của bản thân ông. Tôi nhớ hồi ở khách sạn Traphaco, Đà Nẵng, tự nhiên ông kể với tôi chuyện ấy. Chứ tôi có hỏi đâu, có biết đâu mà hỏi: “Hồi hoạt động Văn hoá cứu quốc ở Hà Nội, bị lộ, nó bắt bốn người: Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Hữu Đang, Như Phong và đưa về Nam Định xử. Vì Vũ Quốc Uy bị bắt ở Nam Định khai ra. Nguyễn Đình Thi, Như Phong, gia đình có tiền chạy án nên được tha. Tôi và Nguyễn Hữu Đang nhờ thế cũng được tha. Trước khi thả ra, nó giam chúng tôi ở nhà lao Nam Định, bốn thằng giam chung một phòng. Ngồi buồn tình, bốn thằng tụt quần ra thi cái ấy xem cái của thằng nào to. Của Thi dài đuỗn ra như quả chuối tiêu, được nhất, Nguyễn Hữu Đang nhì, nhưng Đang không chịu vì Đang cho của mình ngắn hơn nhưng to hơn. Tô Hoài và Như Phong bét.
            Đấy, gặp Tô Hoài một hai buổi là biết đủ mọi thứ chuyện linh tinh như thế. Và nghe ông nói một chập, thấy con người ta, nói chung đều tầm thường cả thôi, đều là người thường vậy thôi. Mà cuộc đời không có ai là thần thánh thì cũng vui, thì càng vui chứ sao! Tôi chắc Tô Hoài nghĩ như thế. Vì khi kể những chuyện ấy, ông có vẻ lấy làm thú vị.
            Nhận xét văn của người khác, Tô Hoài cũng thường phát hiện rất tinh những nhược điểm. Thí dụ, văn Anh Đức là thứ văn cải lương, có lúc viết anh hùng là “hùng anh”. Nguyễn Khải xây dựng nhân vật theo lối ghi chép rất sáng tạo, nhưng văn Nguyễn Khải vậy mà chưa thoát được lối biền ngẫu. Nguyễn Đình Thi là anh sinh viên, rất xa đời sống, nên mắt không chọc thủng được tờ giấy để nhìn vào hiện thực. Thi tả cảnh chùa có cây bạch đàn. Xưa làm gì có bạch đàn ở chùa! Thơ Bùi Giáng, theo ông cũng là một thứ thơ Bút Tre. Thơ Hoàng Cầm thì là thứ vàng mã trang kim. Một thứ thơ trang sức hoa lá cành, sơn son, giát vàng, thực chất không có gì. Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức viết văn học sử, tuy có tài liệu đấy, nhưng không có hồn. Lưu Trọng Lư giờ hết thời rồi. Tài năng cũng chỉ có một thời thôi. Thơ Huy Cận và thơ Tố Hữu giờ chỉ còn là thơ thù tạc. Vậy mà Huy Cận cứ tuyên bố: “Chưa bao giờ tôi sáng tác dồi dào như bây giờ”… Tô Hoài biết rõ cả lai lịch Bút Tre. Bút Tre tên thật là Đặng Văn Đăng, sáng tác trước cả Tô Hoài, ký tên Lục Y Lang, Chàng áo xanh, có bằng tú tài Tây. Bút Tre định lăng xê một kiểu thơ sử dụng rộng rãi enjambement, chứ không phải anh vô học làm thơ… Tô Hoài đọc cả những cây bút trẻ. Ông cho bọn này có học. Viết được. Nhưng thiếu một cái gì đó. Thiếu chữ của riêng mình, thiếu phong cách. Hồ Anh Thái, viết mới đấy. Nhưng rắc rối, khó hiểu. Chưa thấy hay. Bọn trẻ nói chung rất kiêu ngạo. Nguyễn Huy Thiệp giỏi viết cái ác. Phạm Thị Hoài rất trí thức, đồng thời lại muốn dân dã…
            Một điều lạ là Tô Hoài biết cả những chuyện đời tư, rất riêng tư, thậm chí cả những chuyện thầm kín của người ta một cách rất cụ thể. Biết có đầu có đuôi, có ngành có ngọn, nói ra vanh vách. Ông nói, do phụ trách đảng uỷ văn nghệ nên biết nhiều chuyện, nhất là qua những đợt kiểm tra đảng. Một vài ví dụ: Ngân Giang từng lấy nhiều chồng, có nhiều con. Hồi kháng chiến ở vùng tự do dinh tê vào thành. Giải phóng Hà Nội là viên chức lưu dung. Vì thế có mặc cảm, nên hay khoe mình đã tham gia kháng chiến. Anh Thơ lấy một bác sĩ tên là Vịnh, người miền Nam tập kết, công tác ở bênh viện Việt Xô. Bà Trường và Nguyễn Đình Thi làm mối. Anh Thơ có thời gian vào Nam, làm tập thơ Quê chồng. Sau lại bỏ ra Hà Nội. Chồng theo ra và chết ở Hà Nội. Hồi kháng chiến Anh Thơ định lấy Tây địch vận. Hồi ấy có phong trào phụ nữ xung phong lấy hàng binh làm địch vận cho ta. Sau có người theo chồng sang Pháp, tự hào là đã tham gia công tác cách mạng, như diễn viên múa Thuý Cẩm… Lấy Tây cũng là hy sinh vì nước, như Chiêu quân cống Hồ trong truyện cổ…
            Anh Thơ viết hồi ký bịa ra nhiều chuyện cụ thể như thật. Vì có mặc cảm mình xấu nên cứ bịa ra là mình ngày xưa rất đẹp, lắm người mê, như Nguyễn Bính chẳng hạn. Tô Hoài nói : “Bà ấy mà mê Nguyễn Bính, chưa chắc Bính đã xúc động gì. Bính nó có hàng trăm gái theo ấy chứ. Anh Thơ lúc trẻ cũng xấu, lợi hở như miếng thịt trâu. Tính thì đồng bóng. Sang Liên Xô với Nguyễn Văn Bổng, Thanh Tịnh, lại hỏi thăm Goocki, tưởng ông ấy còn sống. Anh Thơ mà đẹp thì chết với tôi rồi!”.
            Nguyễn Bính xấu giai thế mà lắm vợ. Bính là con một ông có Hán học, phụ trách trạm ngựa. Nhà khá nhưng sa sút. Giống gia đình Nam Cao. Vì thế Trúc Đường là anh thì được học hành tử tế (như Nam Cao), còn Bính thì không được học mấy.
            Bính vào Nam, từ trước 1945. Năm 1954, không có tiêu chuẩn tập kết  vẫn cứ ra Bắc. Trước khi ra Bắc có lấy một người vợ đẻ ra cô con gái nay phụ trách Sở Giáo dục Bến Tre. ở Hà Nội, Tố Hữu bầy ra tờ báo tư nhân Trăm hoa giao cho Bính. Bính làm trái ý Tố Hữu, bị phê phán, Bính bực mình bỏ đi Nam Định. Bính có hai vợ chính thức. Hiện cả hai đều làm bảo tàng lưu niệm Nguyễn Bính.
            NTNT trước dạy học ở Sơn Tây, có mối tình đầu với Nguyễn Quang Sáng, Sáng giúp T viết văn. T có lần tặng Sáng một bó hoa bảo là vừa tự tay hái ở vườn về. Sáng xem hoa thấy không có cuống, cắm tăm, tức lắm, tìm T, tát cho một cái. T hay viết nhật ký, Chánh là chồng, bắt được, lộ hết chuyện bồ bịch. NTTH lắm lúc chất vấn mẹ: “Con là con ai? Con Nguyễn Quang Sáng, Thu Bồn, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Văn Bổn, Xuân Trình… hay ông Chánh? H cũng đã có hai đời chồng. (có lẽ Nguyễn Thị Ngọc Tú- Ngọc chú)

            PTTN cũng có hai đời chồng. Sau yêu một bồ nhí, có cưới hẳn hoi, nhưng sau nó bỏ. Không có con. (Tôi hỏi Tô Hoài: “Dương Thu Hương bảo tôi, YN thì mê Nguyễn Đình Thi, còn PTTN thì mê Tô Hoài , có đúng thế không?” Tô Hoài nói: “Cô ấy xấu, tôi không thích”.
(có lẽ Phan Thị Thanh Nhàn- Ngọc chú)
            Bạch Diệp lấy Xuân Diệu. Vì cao tuổi mới lấy chồng nên thiết thực và cảnh giác. Đám cưới tổ chức to nhưng không đăng kí kết hôn. Xuân Diệu chắc do thủ dâm nhiều nên bất lực. Như gà nhẩy lên là tuột ngay. Bạch Diệp bỏ luôn, sau có lấy chồng khác nhưng không có con.
            Nguyễn Đình Thi lấy vợ sớm, có ba con, hai trai, một gái: Lễ, Chính, Như. Thi ở gửi rể. Vợ chết, gia đình vợ định gả cô em tên là Nghĩa cho. Nhưng cô này bị sốt ác tính chết. Hoà bình lập lại, Thi cần có vợ, định nhằm con gái cụ Ngô Tất Tố hay cô Hồng con Nam Cao. Sau người ta làm mối lấy bà Trường, nhưng không có con. Thi nam tính mạnh, người đen, nói chuyện có duyên, đàn bà thích. Nhưng Thi là tay bạc tình, ngủ với cô này đã nghĩ đến cô khác. Gia đình Nguyễn Đình Thi như cái địa ngục. Thi hay bồ bịch, còn bà Trường thì ghen ghê gớm. Gia đình cụ Ngô Tất Tố cũng thế, cụ sống với hai bà vợ suốt ngày xung đột…
            Chế Lan Viên trước cách mạng, có thời gian dạy học ở Đà Nẵng. Có một nữ sinh tên là Giáo rất mê. Giáo nhà giầu, gia đình không cho lấy Chế Lan Viên. Cô cứ đến ở với Chế Lan Viên, mãi đến cách mạng tháng Tám mới cưới. Hoà bình lập lại ở miền Bắc, hai vợ chồng sống ở Hà Nội. Chế Lan Viên ốm, phải sang chữa ở Trung Quốc. Giáo ngoại tình với một tay làm mi báo tên là Quang. Chế Lan Viên chữa bệnh về, biết chuyện nhưng định bỏ qua. Hai vợ chồng đêm nằm đắp chung chăn, nói chuyện. Giáo nói, cái đầu của em thì thuộc về anh, nhưng thân mình em thì thuộc về Quang. Vậy là họ không trở lại với nhau được. Sau Chế Lan Viên lấy Vũ Thị Thường, cán bộ phụ nữ, quê Thái Bình, đã quá lứa lỡ thì. Thường xui Chế vào Sài Gòn ở, một là Thường có bà con di cư ở trong ấy, hai là vì vợ cũ của Chế hay đến bám quấy nhiễu, xin tiền… Đúng là chẳng có chuyện gì dấu ông được. Ông biết cả chuyện Lưu Trọng Lư túng tiền, ăn cắp xe đạp của Chế Lan Viên bán; Học Phi thì hủ hoá nhiều quá, biết tội nên xin đi B. Còn Trần Huyền Trân thì sở dĩ bị khai trừ, vì lấy vợ nghệ sĩ, hai vợ chồng cứ dắt nhau đi lang thang biểu diễn, không sinh hoạt đảng. Lê Văn Trương thuộc thế hệ đàn anh của ông, nhưng ông có đến nhà. Ông rất sợ, vì trên bàn Lê Văn Trương có bầy hai cái đầu lâu. Lê Văn Trương, Đinh Hùng thích chơi đầu lâu. Lê Văn Trương tiêu sài rất hoang vì viết khoẻ, có tiền. Ông quen cả hai tay nhà văn tên là Hiến và Hồng viết thuê cho Lê Văn Trương vì túng tiền. Tô Hoài không thích văn Lê Văn Trương nhưng thích nhân vật người hùng của Lê Văn Trương. Triết lý sức mạnh của Lê Văn Trương là do Trương đọc bản dịch Nietzsche của Phạm Ngọc Khuê. Khuê và Trương Tửu là trốtkit…
            Về vụ Nhân văn – Giai phẩm, thế mà không phải ai cũng biết rõ. Tô Hoài thì nắm được từ gốc đến ngọn. Theo Tô Hoài, đó thực chất là một vụ án chính trị, nhưng vì quàng vào một số nhà văn nên người ta cứ tưởng là một vụ án văn chương. Nhân sai lầm của cải cách ruộng đất và ta chuẩn bị cải tạo tư sản ở Hà Nội, hai thằng Tây, một là Tổng giám mục ở nhà thờ Hà Nội tên là Dudley, hai là tay tuỳ viên văn hoá của Sứ quán Pháp tên là Durand Fischer, bèn xúi giục mấy ông đảng xã hội: Hoàng Văn Đức, Đỗ Đức Dục, Vũ Đình Hoè đòi ngang quyền với đảng Lao động. Fischer có liên hệ với Nguyễn Hữu Đang, Thuỵ An, Minh Đức (Trần Thiếu Bảo). Lúc này tư nhân ra báo không phải xin phép (hồi ấy ta vẫn còn theo chế độ của Pháp). Ta bắt ba người có dính đến Pháp là Đang, An và Bảo. Còn hai thằng Tây thì ra lệnh trục xuất khỏi Việt Nam sau một tuần lễ. Còn Hoàng Văn Đức, Đỗ Đức Dục, Vũ Đình Hoè thì lặng lẽ cho thôi thứ trưởng. Chuyện có thế thôi, có thể tổng kết rõ ràng, nhưng chẳng có ai làm cả. Bây giờ sửa sai thì cứ lặng lẽ kết nạp lại vào Hội nhà văn và tặng giải thưởng Nhà nước cho mấy ông Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng Cầm… Cho nên vụ án vẫn mù mờ chưa mấy người hiểu rõ.
            Tổng chỉ huy chống nhân văn là Hoàng Văn Hoan. Tố Hữu chỉ là người thừa hành.
            Ta có một trại giam tù chính trị ở Quảng Bạ (Hà Giang). Có người bị giam suốt đời ở đó như Chu Bá Phượng. Còn Nguyễn Hữu Đang thì bị giam 15 năm. Khi ra tù, phụ cấp cho 40 đồng một tháng. Đang khi ra tù không hề biết có cuộc chiến tranh chống Mỹ và sự kiện giải phóng miền Nam 30.4.1975. Đúng là Tô Hoài cái gì cũng biết. Mà toàn thiên về phía mặt trái của cuộc đời, mặt trái của người đời.
            Những hiểu biết tỉ mỉ, thóc mách như thế, ông cứ nhẩn nha, đều đều kể lại với tôi. Có lẽ vì ông thấy tôi khoái những chuyện ấy và ông cũng thích kể những chuyện ấy.
            Vậy là đã rõ. Tôi bèn viết bài Tô Hoài với quan niệm con người là con người. Tôi cho rằng tư tưởng chi phối mọi tác phẩm củaTô Hoài là thế. Nghĩa là trên đời này chẳng có ai là thần thánh gì hết. Cho nên Tô Hoài có cảm hứng đặc biệt viết về đời thường, người thường, chuyện thường. Cứ đều đều một giọng sành sỏi lọc lõi, cố che dấu một nụ cười tinh quái, có phần khinh bạc. Tô Hoài có lúc còn chủ trương viết những chuyện chẳng cần có chuyện, càng nhạt càng hay – có lần ông nói với tôi như vậy và tự thấy là một thuyết kì quặc của mình. Nhưng ông từng nghĩ như thế. Mỹ học của Tô Hoài là như vậy chăng?
            Tất nhiên trong thời chiến tranh, ông không thể không phải khuôn theo xu hướng chung của nền văn học cả nước, nghĩa là phục vụ chính trị, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng. Nhưng ngay thời ấy, đôi khi ông cũng cho xen vào ít nhiều khía cạnh “người thường” ở những nhân vật anh hùng. Như nữ cán bộ cách mạng Hai Tâm đa dâm, lẳng lơ trong tiểu thuyết Mười năm chẳng hạn. Tác phẩm này vì thế đã từng bị phê phán kịch liệt. Thậm chí dân Hà Đông còn kéo đến phản đối tác giả, cho là ông đã bôi nhọ người quê mình.
            Còn những tác phẩm như Truyện Tây Bắc, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ, Kim Đồng, Vừ A Dính, Miền Tây thì đúng là chuyện anh hùng. Nhưng ông tự đánh giá chỉ có những trang tả cảnh miền núi là đáng kể, ngoài ra không có gì đặc sắc. Cảnh chiến đấu viết không bằng cảnh phong tục.
            Nhưng truyện Tô Hoài viết sau 1975, nhất là sau 1986, mới thực sự là Tô HoàiChiều chiều, Cát bụi chân ai, Ba người khác, Giấc mơ ông thợ dìu... Chuyện đời thường, người thường nổi trội hẳn lên. Nhưng thường mà vẫn lạ mới là vănTô Hoài. Phát hiện những cái lạ trong những chuyện vặt vãnh đời thường chính là chỗ sắc sảo, lọc lõi, tinh quái của ông. Vì thế tôi gọi Tô Hoài là “Nhà văn của chuyện lạ đời thường”.
            Nhớ hồi ông làm nhóm trưởng nhóm nghiên cứu một đề tài khoa học (đề tài “Văn hoá và phát triển”), có Hoàng Ngọc Hiến, Vương Trí Nhàn, Ngọc Trai tham gia. Hoàng Ngọc Hiến kể rằng, ông đưa Ngọc Trai vào chẳng qua là để tổ chức những bữa liên hoan cho tốt, vì Ngọc Trai người Huế, nấu ăn rất giỏi. Mỗi lần họp nhóm, Hiến để ý thấy ông tỏ ra khó chịu khi anh đến đúng giờ. Rút kinh nghiệm, lần sau anh đến muộn, quả nhiên thấy ông tươi vui hẳn lên. Đúng ông rất ghét quan trọng hoá. Đến đúng giờ tức là quan trọng hoá. Chắc hẳn, ông nghĩ, làm khoa học ở cái nước này là chỉ làm chơi, cốt tiêu tiền nhà nước cho vui thôi mà. Có gì quan trọng đâu!
            Đối với chuyện viết văn, Tô Hoài cũng không hề quan trọng hoá: Viết văn khó, nói thế thì đúng, nhưng nói là một nghề đặc biệt khác thường thì không phải. Cũng như các nghề khác thôi, như làm ruộng, làm mộc, làm rèn hay chài lưới vậy thôi. Ông không tán thành tác phong tài tử, viết phải đợi có cảm hứng. Tại sao không làm như các nghề bình thường khác vẫn làm! Không hứng cũng cứ viết. Còn viết hỏng, bỏ đi, lại là chuyện khác.
            Mà nghề văn đâu phải là nghề khổ nhất. Nguyễn Vỹ làm thơ: “Nhà văn Annam khổ như chó”. Nguyễn Vỹ có bằng tú tài, hắn có khổ gì lắm đâu !
            Nhiều nghề khác khổ hơn chứ!.
            Nhưng đã là nghề thì phải học nghề. Nhiều anh viết chưa có nghề. Phải chuyên môn hoá, thành nghề hẳn hoi. Đừng viết nhiều thể văn khác nhau. Làm chơi thì được, như thỉnh thoảng ông có làm thơ. Nhưng làm thật thì không nên. Về mặt học thì Tô Hoài rất chịu khó. Cái học nhà trường của ông không nhiều, nên ông phải gắng tự học. Ông học tiếng Pháp Nam Cao. Ông có
bà dì tên là Phượng dạy trường Tiểu học tư thục Công Thành ở dốc Tam Đa. Nam Cao cũng dạy ở đấy. Bà Phượng (nguyên mẫu của nhân vật Oanh trong Sống mòn) giới thiệu Nam Cao dạy tiếng Pháp cho Tô Hoài. Lúc ấy trò đã có tên tuổi rồi, mà thày thì chưa.
            Hồi Pháp thuộc, đọc thư viện lớn ở Tràng Thi, phải có bằng thành chung (diplôme). Tô Hoài chỉ mới học hết cấp tiểu học. Ông đến Vũ Ngọc Phan nhờ giới thiệu với thư viện Hà Nội để đọc sách. Vũ Ngọc Phan có một biệt thự ở Thái Hà ấp. Phan nói cứ đến đọc sách ở thư viện riêng của ông, ông hướng dẫn cho. Tô Hoài thành ra rất thân với gia đình Vũ Ngọc Phan, nhiều khi cùng ăn cơm với gia đình. Nhà Vũ Ngọc Phan cũng gần nhà cụ Lê Dư -Sở Cuồng là bố vợ của Phan. Mấy chị em Hằng Phương, Hằng Huân, Hằng Phấn… con cụ Lê Dư đều rất đẹp. Các cô ngồi xe nhà đi học, bao nhiêu thằng bám theo. Bọn Đinh Hùng ghen với Tô Hoài về cái số may mắn của ông. Nhưng lúc bấy giờ Tô Hoài chỉ là một chàng trai nhà quê, mặc áo dài thâm, đi guốc, ăn thua gì! ở nhà Vũ Ngọc Phan, Tô Hoài đọc được nhiều tiểu thuyết Pháp.
            Ông cũng chịu khó đọc tác phẩm của các nhà văn khác, đọc cả sách lý luận phê bình, sách văn học sử, đọc từ Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Nguyễn Đăng Mạnh đến Phong Lê, Trần Hữu Tá, đọc cả Văn Giá… Đọc và có nhận xét hẳn hoi.
            Đến thời kháng chiến, lên Tây Bắc, để hiểu người Hmông, ông học tiếng H’mông. Một lần đi cùng vợ chồng A Phủ từ Phù Yên lên Điện Biên, ông vừa đi vừa học tiếng H’mông. Ông còn đọc nhiều sách nghiên cứu về các dân tộc Hmông, Mán, sách về tục ngữ Mường… Nguyễn Tuân cũng đi Tấy Bắc, nhưng theo Tô Hoài, chủ yếu là đi xem vườn hoa cây cảnh, còn ông mới đi sâu nghiên cứu các dân tộc, tuy bên cạnh đó cũng có thú giang hồ, xê dịch, thú exotique chẳng kém gì Nguyễn Tuân.
            Ông đặc biệt rất chú ý học chữ. Ông chê nhiều người viết văn bây giờ thiếu chữ và dùng chữ rất ẩu. Nhiều chữ họ không hiểu. Làm văn thì phải học chữ. Có cách học và chịu khó thì lúc nào cũng học được. Ngôn ngữ Việt Nam rất phong phú về những từ tế nhị như những từ chung quanh chuyện ăn, uống, chết… Ông cho nên biên soạn một cuốn từ điển về từ ngữ các nghề nghiệp. Ông thấy tiếng Việt ta có chữ “ăn nằm” rất hay, tránh nói thô. Ông phân biệt “mồm” với “miệng”. Nói “miệng’ sang hơn nói “mồm”. Cờ nhà chùa thì phải gọi là cờ “điều” chứ không phải là cờ đỏ, sơn đen thì phải gọi là sơn “then”, quần đen thì phải gọi quần “thâm”… Ông khoe học được một từ nghề nghiệp mới: “thầy dìu”. Thầy dìu là thầy dạy khiêu vũ, dìu dắt (entrainer) người tập khiêu vũ.
            Theo ông “tai vách mạch rừng” vốn là “tai vách mạch dứng”. Còn “run như cầy sấy”, Xuân Diệu cho đúng ra phải là “run như cây sậy” . Nhưng Tô Hoài cho thế là Tây nói chứ không phải ta nói…
Có một chuyện rất vui là, vào những năm 60 của thế kỉ trước, Phạm Văn Đồng có đề xướng một cuộc vận động gọi là “Gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt”. Ông triệu tập một số nhà văn, nhà ngôn ngữ đến trao đổi về vấn đề này. Tô Hoài không được mời vì bịcoi làviết sai tiếng Việt, sai ngữ pháp, nghĩa là vi phạm vào sự trong sáng của tiếng Việt (!). Chính Tô Hoài nói cho tôi biêt chuyện này)
Tô Hoài chủ trương chỉ viết về cái gì đích thân mình có sống, có quan sát được, viết bằng thực tế và tình cảm của mình, không thích viết những cái chỉ nghe người khác kẻ lại. Một đầu óc rất tỉnh táo, chỉ tin ở sự thể nghiệm của bản thân mình. Ông đi cải cách ruộng đất bốn lượt, từng làm đội phó phụ trách toà án. Vậy mà ông kết luận trái hẳn với đường lối giai cấp của Đảng ở nông thôn:
“Cơ sở cách mạng trước 1945 phải là trung nông trở lên, chứ dựa vào bần cố nông, nó đói, nó “bán” cách mạng ngay”.
            Viết văn, Tô Hoài không băn khoăn về chuyện thể loại, chỉ cốt nói được rõ ràng ý định của mình. Nhưng tôi thấy dù viết tiểu thuyết, truyện ngắn hay ký, dù viết về đề tài gì, tác phẩm của ông cũng có tính chất hồi ký, tự truyện – Hình như ông có một thói quen có thể gọi là tư duy – hồi cố hay cảm hứng hồi tưởng.
            Tô Hoài nói, ông tán thành quan niệm của A. Maurois rằng sự thật của quá khứ khi hồi tưởng lại không tách biệt với cái hiện tại – quá khứ, hiện tại lẫn vào nhau như là đồng hiện vậy. Tôi đọc bài ký Ông già ở Agra, thấy đúng như thế. Tôi rất thích tác phẩm này của ông. (André Maurois đề tựa cuốn Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust, có câu: “Sự cặp đôi cảm giác hiện tại với kỉ niệm sống lại đối với thời gian, cùng chính là kính hội tụ đối với không gian”).
           Tô Hoài cho viết truyện thì phải lấy nhân vật làm gốc. Chữa văn là chữa nhân vật. Thừa hay thiếu cũng là từ nhân vật. Ông tán thành kinh nghiệm của Fadéev: “Viết một câu, rồi câu thứ hai, câu thứ ba cùng đều đều như câu đầu tiên tức là tuột dần vào một thứ tẻ nhạt khó chịu. Phải tránh đặt câu giống nhau, phải làm sao cho câu văn nổi bắp, nổi gân lên”. Phải viết sao cho người ta đọc văn mình, đọc đi đọc lại, vẫn thấy hay. Có truyện đọc lần đầu thấy hay. Đọc lại không thấy hay nữa. Văn phải đọc đi đọc lại, phải thử đi thử lại mới đáng tin.”
            Tô Hoài đi nhiều, xê dịch còn hơn cả Nguyễn Tuân. Trước cách mạng tháng Tám, ông đã đi khắp Bắc Trung Nam. Vừa đi vừa viết. Bài gửi về cho nhà Tân Dân, và nhận nhuận bút qua bưu điện. Ông cho biết, truyện Trăng thề viết ở Dầu Tiếng…
            Nhưng ông cho rằng, mỗi người có một quê hương. Đi khắp nơi để lại càng hiểu sâu hơn quê hương mình. Vậy là thực tế tự nhiên và những vui buồn của quê hương ông vẫn là nguồn chất liệu chính đã bồi đắp nên tâm hồn các nhân vật của ông và những trang viết của ông. Ông vẫn là nhà văn của Nghĩa Đô, của sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức – Ông là Tô Hoài.
            Tô Hoài còn có một trí nhớ tuyệt vời. Ông lên Đà Lạt viết Chiều chiều, không đem theo một tài liệu nào hết. Viết xong về nhà mới kiểm tra lại tư liệu. Ông không thích trực tiếp nói tình cảm của mình, muốn nói tình cảm qua những cái mình mô tả.
            Có người xui ông viết tiếp Dế mèn phiêu lưu ký. Ông nói, tôi không viết. Tôi không dại như Lưu Trọng Lư, viết Tiếng thu II, Tiếng thu III, chẳng ra gì cả. Đúng là Tô Hoài rất tỉnh. Nhìn người khác hay nhìn mình đều rất tỉnh. Tỉnh đối với mình, không dễ đâu!.
            Tô Hoài quê ở làng Cát Động, huyện Thanh Oai, Hà Đông. Nhưng sinh ở Nghĩa Đô. Mãi đến năm 20 tuổi mới về quê nội. Mà cũng chỉ thỉnh thoảng thôi. Ông thân sinh bỏ đi Sài Gòn biền biệt từ khi ông còn nhỏ. Nhà có khung cửi. Ông cũng biết dệt. Nghĩa Đô có nghề dệt lĩnh, dệt lụa và làm giấy. Ông lớn lên trong cảnh tàn tạ của làng quê. Nghề dệt, nghề giấy đều lụi dần. Năm đói (1945) người chết la liệt. Nội thành được phát bông gạo. Nghĩa Đô thuộc ngoại thành nên tuy chỉ cách có một con đường mà cả làng chết đói – người ta chỉ phát bông gạo tới Thuỵ Khuê thôi.
            Đấy, quê hương, nơi đi về của kí ức ông là như thế. Cho nên truyện củaTô Hoài nói chung là buồn. Chuyện nhà, chuyện cửa, chuyện làng xóm đều buồn. Toàn kí ức buồn. Mà kí ức tuổi thơ bao giờ cũng sâu đậm và lâu bền nhất. Bản thân ít được học. Lang thang lêu lổng, bắt chim, đúc dế… Lớn lên, có thời gian làm anh bán hàng cho hiệu giầy Ba ta, mỗi tháng đâu được dăm, sáu đồng. May mà có nghề làm văn, làm báo là cái nghề không cần vốn liếng gì, cũng chẳng cần bằng cấp để bám vào. Nhưng cũng như Nguyên Hồng, Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân…, Tô Hoài thuộc loại nhà văn lăn lộn với đời. Có thể nói là “rất bụi”, khác hẳn với cánh viết văn, làm báo sang trọng như Nhất Linh, Khái Hưng, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Lương Ngọc hay có trí thức như Nguyễn Tuân, Đoàn Phú Tứ, Thạch Lam, Hoài Thanh… hoặc ăn lương viên chức, lương giáo học như Nguyễn Công Hoan, Bùi Hiển… Thời trước, loại làm văn làm báo như thế, xã hội viên chức nền nếp, sạch sẽ rất khinh bỉ, cho là loại vô học, vô nghề nghiệp… Nhưng cuộc sống như thế lại là cái vốn liếng độc đáo của họ mà các cây bút kia không có.
            Tô Hoài là nhà văn của đời thường, người thường, chuyện thường, và ông cũng thích sống như một người thường. Mình là gì mà cao đạo! Mà cần gì phải cao đạo! Cho nên đời cho hưởng cái gì, hưởng cái đó, không chê – chắc ông nghĩ thế !.
            Về mặt này, ông cũng chẳng dấu tôi điều gì. Và tôi cũng tranh thủ hỏi ông một cách thoải mái:
- Gái H’mông thế nào?
- Anh đã biết mùi đầm bao giờ chưa?
- Hồi cải cách ruộng đất, cán bộ hủ hoá thoải mái. Anh thì sao? – Nguyễn Khải cho tôi biết, anh có chuyện với L.M. Có đúng không? Tô Hoài trả lời cũng rất thoải mái:
- Gái H’mông nguy hiểm lắm! Nó ngủ với cán bộ, hôm sau đi khoe cả làng, cả bản. Nhiều anh bị kỷ luật, có anh bị xử bắn vì chuyện ấy.
- Tây đầm nó quần nhau, đùa nhau rất mệt. Ta không chịu nổi. Lính tập, bồi bếp ở bên Tây, dính với đầm, sợ lắm!
            Tôi có lần sang Rumani, có một cô phục vụ đòi hỏi ghê quá. Mình phải xin giấy chứng nhận huyết áp cao mới thoát được.
- Hồi cải cách ruộng đất ấy à: có! có!
- Chuyện ấy sao Nguyễn Khải nó biết được nhỉ? Tay N.D chồng L. M có lần mắng vợ: “Đi mà ở với thằng Tô Hoài !”.
            Tô Hoài rât thích bia rượu. Thỉnh thoảng tôi tìm đến ông, ông hay rủ uống bia. Ông yếu bụng nên cũng hay uống rượu mạnh. Ly rượu mạnh ông chỉ làm một hơi.
            Tô Hoài nay đã cao tuổi. Sức khoẻ xem chừng ngày càng xuống. Tiểu đường thời kì thứ hai. Huyết áp không ổn định. Lại bị gút.
            Ông là một pho từ điển sống về giới nhà văn, về đời sống muôn mặt, về kinh nghiệm viết văn. Ông là một kho chữ nghĩa… Người như thế bây giờ là của hiếm lắm đấy!
            Một trong những may mắn của đời tôi là được tra cứu vào cuốn từ điển Tô Hoài. Không biết đến bao giờ mới khai thác hết được. Mà ông thì tuổi đã cao, tôi cũng tuổi đã cao.
Láng Hạ. 9. 6. 2007.



Chương XVII.  Thanh Tịnh
            Tôi quen Thanh Tịnh từ hồi làm Tổng tập văn học Việt Nam, tập 30A, 30B. Tôi tuyển một số truyện ngắn của ông trong tập Quê mẹ. Ông cứ cám ơn tôi mãi về chuyện này.(Năm 1982, Thanh Tịnh tặng tôi tập thơ của ông. Ông ghi lời đề tặng: “Kính tặng anh Nguyễn Đăng Mạnh quý mến với lòng biết ơn chân thành”). Thực ra đó là do chất lượng các tác phẩm của ông. Tôi rất thích tập truyện Quê mẹ. Ông viết rất hay về những người đàn bà nhà quê hiền lành, chất phác ở một vùng sông nước miền Trung. Văn của ông thường ẩn dấu một nụ cười hóm hỉnh kín đáo và rất nhân hậu.
            Ông sống độc thân ở một căn phòng trên tầng hai của khu nhà trụ sở tạp chí Văn nghệ quân đội, số 4 Lý Nam Đế. Trong phòng, ông bầy la liệt các thứ đồ cổ: bát, đĩa, ấm chén, lọ, ngựa sành, tượng phỗng, lư, đỉnh, kỷ, đôn, chậu, không kể tranh ảnh… Có cả mấy viên gạch cổ mới đem ở Liễu Đôi về.
            Ông còn chỉ tôi xem xác ướp một con kỳ đà rất lớn treo ngang trên chiếc gương ở phòng toilette… Không biết ông kiếm đâu ra được những của ấy. Ông giảng cho tôi nghe, con kỳ đà có khả năng dùng răng giữ thuyền rất chắc, như một cái neo sắt ệây… Ông chỉ vào những bát đĩa, ấm chén, bình hoa… giảng, đĩa này là thời Lý, bát này là thời Trần, bình này là thời Lê… Tôi chẳng hiểu gì về đồ cổ. Tô Hoài thì cho ông bịa ra, tán ra thế thôi, chứ nhiều bát đĩa của ông là lấy ở Bát Tràng về…
            Thanh Tịnh vốn là một hướng dẫn viên du lịch thời Pháp. Ông có bằng guide du lịch cao cấp đào tạo ở Angkor, Căm – pu – chia. Sau cách mạng Tháng Tám, ông đưa một đoàn du lịch từ Huế ra Hà Nội và dự hội nghị văn hoá toàn quốc rồi bị nghẽn không trở về được, vì đúng vào lúc cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Vậy là ra đi tay không, vợ con bỏ lại hết ở Huế. Ông có lệ, hễ có khách đến chơi, cần trò chuyện riêng, ông lại đốt một nén hương. Ngửi thấy mùi hương, biết có khách, người ta không đến quấy ông nữa.
            Nghe ông nói chuyện, tôi cũng biết được một ít về kiến thức chuyên môn của ngành du lịch:  Thời Pháp có hai cấp đào tạo hướng dẫn viên du lịch (guide touriste). Một là cấp xứ (Đồng Dương gồm 5 xứ: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Miên, Lào). Cấp này phải có bằng Thành Chung (diplôme). Hai là cấp toàn Đông Dương. Phải có bằng tú tài. Thi tuyển ở Angkor. Thanh Tịnh thuộc cấp thứ hai này.
            Quan sát một phong cảnh phải xác định point touristique. Thí dụ, đứng ở quầy bán hoa trông sang Bách hoá tổng hợp mà nhìn hồ Hoàn Kiếm là point touristique tốt nhất, bao quát được toàn cảnh, cả các di tích.
            Lại có saison touristique. Thí dụ lăng Minh Mệnh thì xem vào mùa thu, mai vàng nở đẹp. Lăng Tự Đức thì xem vào mùa hè, sen nở trong các hồ. Lại           còn temps touristique: cảnh này thì xem ban đêm, cảnh kia xem buổi chiều…
            Thanh Tịnh cũng thích nói chuyện lịch sử, chuyện cổ sử. Và tôi để ý, thấy ông thích những lời nói hay, những cách diễn đạt thông minh, thú vị. Ông nói, Hoàng Minh Giám hay Phan Anh có đưa sang Pháp mấy mũi tên đồng của ta có từ thế kỉ thứ ba trước công nguyên. Lúc ấy người Âu Châu vẫn còn là con vượn có đuôi. Tên không bắn bằng cung, ná, mà bằng súng bắn đi hàng loạt như những viên đạn nhọn. Không phải tên bịt đồng mà là đạn hình mũi tên có
ngạnh. Hiện nay chưa hiểu bắn bằng cái gì, súng gì. Lại có đạn đá nữa. Boris Polévoi nói: “Một dân tộc đúc đạn đồng chống giặc là một dân tộc quyết chiến. Nhưng khi họ ngồi đẽo những viên đạn đá để đánh giặc thì thôi, kẻ thù chỉ có đi về.”
            Ông lại dẫn một câu nói rất hay của nhà sư Thích Thiện Tâm hay Thích Thiện Minh: “Con người ta khi ra đời khóc để cho người khác cười. Bác Hồ khi từ giã cõi đời, đã cười để người ta khóc. ở vùng Đông á này chỉ có hai người cười cho người ta khóc, là Thích ca và Hồ Chí Minh”.
Ông nói muốn sửa một câu trong năm điều Bác Hồ dạy:
                                 “Yêu Tổ quốc, Yêu gia đình “
            Như thế hơn là yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. Đồng bào nằm trong Tổ quốc rồi. Còn gọi cha mẹ là đồng bào à!
           Ông phê phán cuốn Búp sen xanh của Sơn Tùng, giải thích tên cụ Hồ là Côn, Côn là cá quý, ngọc quý. Không đúng. Ba anh em cụ Hồ tên là Cung, Khiêm, Thanh. Cung là cung kính, Khiêm là khiêm tốn, Thanh là trong, là giản dị. Một hệ thống như thế mới đúng chứ! Cách giải thích củaThanh Tịnh xem ra có lý hơn.
            Ông có vẻ tán thưởng câu nói của một người nước ngoài: “Hồ Chí Minh, tên giả, ngày sinh giả, ngày mất giả, chỉ có lòng yêu Tổ quốc là có thật”.
            Ông kể chuyện vợ chồng Charlie Chaplin thăm Huế. Họ nói về cái nón Huế. Người Tây có parasol, parapluie, paravent. Cái nón thì có đủ cả: che mưa, che nắng, che gió. Nó lại là cái quạt, tạo ra gió nữa. Bà vợ thêm: nó còn che             được sự thẹn thùng của cô gái Huế.
            Ông rất khoái khi khái quát được đặc điểm của ba thế hệ người một cách ngắn gọn và dùng toàn vần đ:
- Trẻ đi đàn.
- Lớn đi đôi.
- Già đi độc.
            Sự khái quát này chắc có liên hệ đến số phận của bản thân ông. Vì có chuyên môn hướng dẫn du lịch, nên mỗi khi có khách nhà văn nước ngoài sang thăm, cần đi tham quan đâu đó, ông lại được Hội nhà văn nhờ giúp. Không phải chỉ vì ông biết cách giới thiệu những đền đài, thắng cảnh một cách ngọn ngành đâu ra đấy, mà còn vì ông cũng biết đối đáp với khách văn và biết khôn khéo tháo gỡ những trường hợp khó xử. Về mặt này Thanh Tịnh cũng láu lỉnh, tinh quái ra trò.
            Một lần ông đưa B. Polévoi đi thăm đền Bà Triệu (Thanh Hoá). Xem phía ngoài xong rồi, Polévoi muốn vào xem hậu cung có tượng Bà Triệu. Thanh Tịnh nói với bà tự xin vào trước xem thế nào. Ông thấy mấy tay dân công đang nằm ngủ, cởi trần, phơi slip ngay trong hậu cung. Tởm quá! Không thể để Polévoi vào được. Ông nói với nhà văn Nga: “Người Việt Nam chúng tôi có lệ “kính như thần tại”, nghĩa là kính trọng thần như lúc còn sống. Bà Triệu là con gái, chưa chồng, nếu là bà Polévoi thì mới vào được. Mà chỉ rằm, mồng một mới mở cửa.”
            Về sau Polévoi đi thăm đền Hai Bà Trưng. Ông đem ba bó hoa, tặng hai bà hai bó, còn một bó thì nhờ hai bà đi thăm và tặng bà Triệu hộ.
            Thanh Tịnh ở ngoài Bắc, không lấy vợ. Ông vẫn chung thuỷ với bà ở trong Nam. Sau 1975, ông trở về, vợ ông đã lấy chồng khác, con ông thì đi ngụy quân, cũng không tha thiết gì với ông cả. Ông lại quay trở về Hà Nội, sống độc thân ở số 4 Lý Nam Đế như cũ. Ông có câu thơ cám cảnh thân phận của mình:
Ra đi mấy chục năm trường,
Ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân
            Cuộc đời buồn thế mà ông hay nói chuyện vui, nói đùa. Có lẽ chính vì đời buồn quá nên ông phải cố cười cho quên đi.
            Ông đùa ngay với nỗi đau của mình. Khi về quê, người ta bảo ông về làng mà ở. Ông nói: “Bây giờ nhà thờ tổ không còn, nhà ở cũng không, “nhà tôi” cũng không, đã thành “nhà” người ta mất rồi!”
            Ông đọc cho tôi nghe một vế câu đối, không biết do ông đặt ra hay người ta thách ông. Vế câu đối chưa có ai đối lại được: “Nhà văn, nhà báo, nhà   giáo, nhà thơ, cả bốn nhà đều không nhà ở”. Thanh Tịnh đúng là làm bốn “nhà” ấy mà không có nhà cửa gì.
            Ngồi với ông hôm ấy (19.9.1982) ở 4 Lý Nam Đế, ông kể tôi nghe nhiều chuyện vui. Tôi còn nhớ mấy chuyện như sau:
            – Trong tập Những người thích đùa có một truyện không được dịch. Có một anh muốn tự tử, dùng nhiều cách mà không chết được, vì mua phải toàn đồ rởm: dao rởm, thuốc độc rởm, giây thừng thắt cổ rởm. Có người mách cho một cách chết ngay, chết chắc chắn: đọc báo Nhân dân liền ba ngày.
- Có người thắc mắc đến chất vấn Võ Văn Kiệt: “Sao Thanh Nga trước 1975 đóng vai chống Cộng mà nay lại cho đóng vai Bà Trưng? Võ Văn Kiệt trả lời: “Hay là mời bà Nguyễn Thị Thập, Nguyễn Thị Định đóng vậy?”
 -Ở khu phố ông người ta bắt được một thằng chuyên ăn cắp xe đạp. Họ bắt nó biểu diễn mở các thứ khoá. Các loại khoá ngoại tốt nhất nó đều mở được hết. Hỏi nó: “Khoá nào mày thấy khó mở nhất, không mở được?”. Nó nói: “Khoá Việt Nam. Vì xe khoá rồi vẫn đứng nhìn. Mà chính chủ nó cũng không mở được. Phải dỗ mạnh xe mấy cái mới mở được”.
            – Anh có biết thế nào là “chủ nghĩa xã hội khoa học” không? Khoa học thì phải thí nghiệm. Khoa học khác thì thí nghiệm trên loài vật. Còn “chủ nghĩa xã hội khoa học” thì thí nghiệm trên loài người.
            – Một lần ông đưa mấy nhà văn Tây đi du lịch. Họ nghĩ ra cái trò thi kể chuyện tiếu lâm, xem chuyện nước nào hay hơn. Thanh Tịnh kể chuyện này: “Ngày xưa đàn bà vừa đẻ con, vừa phải cho con bú, vất vả quá, trong khi thằng chồng chả phải làm gì, chỉ đi chơi. Các bà kiện lên Ngọc Hoàng đòi cho xử công bằng. Ngọc Hoàng bèn lấy vú đàn bà lắp cho đàn ông. Chồng phải cho con bú. Nhưng thằng đàn ông ham đi chơi lang thang. Con đói không được bú, khóc ghê quá. Các bà không chịu được, lại kêu với Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng bèn lấy lại vú ở thằng đàn ông lắp lại cho đàn bà. Từ đó thằng đàn ông cứ trông thấy vú đàn bà là nó nhìn chằm chằm và đòi chộp lấy. Vì vú của nó, nó đòi lại”. Mấy ông Tây phục quá, đành chịu thua.
            Vì tính hay đùa vui, lại biết làm thơ, nên hồi kháng chiến chống Pháp, Thanh Tịnh thường trổ tài làm những bài vè rất vui gọi là độc tấu, vừa kể vừa làm điệu bộ, tựa như một thứ kịch vui chỉ có một vai độc diễn. Trường Chinh, Tố Hữu khen lắm, tác dụng tuyên truyền chính trị rất tốt. Thời kháng chiến, bộ đội ngồi trên bãi cỏ, quanh đống lửa trại mà xem độc tấu Thanh Tịnh thì thú lắm. Rất vui mà chẳng cần phông màn, trang phục gì cả.
            Giờ chiến tranh đã đi qua, Thanh Tịnh sưu tập tác phẩm in thành một tập thơ. Ông tặng tôi. Đọc chán quá! Vè chứ đâu phải thơ, đâu phải nghệ thuật.Một thứ vè chỉ có giá trị tuyên truyền nhất thời, không phải nghệ thuật thì làm sao có giá trị lâu dài! Trong cuốn Chủ nghĩa Mác và văn hoá Viêt Nam, Trường Chinh nói: tuyên truyền cao đến một mức nào đó thì tuyên truyền trở thành nghệ thuật. Làm gì có chuyện ấy! Tuyên truyền cao đến như độc tấu của Thanh Tịnh thì cũng vẫn chỉ là tuyên truyền.
            Thanh Tịnh là một trong những nạn nhân bi thảm nhất của lý luận văn nghệ Trường Chinh.
            Hồi ấy, độc tấu Thanh Tịnh bị Đoàn Phú Tứ chê là bồi bút, cu-li bút, hạ thấp nghệ thuật, thành thằng hề. Thanh Tịnh trả lời, nếu có thể làm cho dân, cho lính trong kháng chiến được vui thì tôi sẵn sàng làm hề, loại hề bét nhất, mười lần hề cũng được!Nói thế không sai, thậm chí còn thể hiện nhiệt tình yêu nước, nhiệt tình kháng chiến rất cảm động của Thanh Tịnh. Nhưng không nên chỉ làm vè. Phải làm nghệ thuật nữa chứ. Cụ Hồ làm thơ tuyên truyền nhưng đồng thời cũng làm thơ nghệ thuật. Ông cụ phân biệt rất rõ tuyên truyền và nghệ thuật.
            Hồi ấy, Trường Chinh khen độc tấu Thanh Tịnh là loại khinh binh, loại xung kích, và ra sức cổ vũ.
            Đúng là lòng yêu nước của Thanh Tịnh thì thật cảm động. Nhưng ông không tỉnh táo.
Thanh Tịnh qua đời dễ đã hơn mười năm rồi.
            Không biết cái kho đồ cổ của ông nay còn không? Không biết người ta có giữ cái phòng ông ở làm lưu niệm không?
Láng Hạ 10.6.2007



Chương XVIII. Nguyễn Đình Thi
            Tôi đã viết hai bài thuộc dạng chân dung văn học về Nguyễn Đình Thi: bài Nguyễn Đình Thi như tôi biết và bài Từ lần gặp ấy, tôi đã hiểu thêm Nguyễn Đình Thi.
            Nay tôi kể thêm mấy mẩu chuyện khác về anh.
Nguyễn Đình Thi từ thời thơ ấu đến bài thơ Đất nước. Người ta thường nói Nguyễn Đình Thi sinh ở Luang Prabang (Lào). Nhưng chính Nguyễn Đình Thi lại nói với tôi, anh sinh ở Phongxalỳ. Anh nói rất cụ thể, hồi ở với tôi tại Đà Nẵng (tháng 7.2000)
            Bố anh là một nhân viên bưu điện sơ cấp bị điều sang Lào, phụ trách một trạm bưu điện ở Phong xa lỳ. ở đây ông lấy con gái một Việt kiều vốn là một đầu bếp, người Đông Thái, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Ông này trốn sang Lào vì có dính vào vụ Hà Thành đầu độc. Dân ở đây rất lạc hậu, một dân tộc thiểu số của Lào gọi là Phù Nọi. Dân Phù Nọi ăn cả đất. Thi từng bắt chước họ ăn đất.
            Phong xa lỳ là một khu vực quân sự (territoire militaire). Toàn lính là lính, lính Tây, lính ta, khố xanh, khố đỏ, và tù chính trị. Xa nước, nên từ nhỏ Nguyễn Đình Thi hay nghĩ về đất nước, hay tưởng tượng về đất nước. Nhưng đất nước trong tâm trí cậu bé là thế: một đám tù chân xiềng tay xích, lính giải đi làm cỏ vê hàng ngày.
            Thi lên 6 tuổi, bố thấy con sắp thành dân Phù Nọi đến nơi, muốn đưa anh về nước. Rất may, năm 1930, bố anh được điều về Việt Nam. Mẹ anh thường cưỡi ngựa. Bà cưỡi ngựa, đi hàng trăm cây số. Bóng bà đi ngựa leo dốc còn in mãi trong trí nhớ anh sau này – anh nói đó l à một hình ảnh rất thơ. Gia đình anh về nước, đi từ Phong xa lỳ, qua Luang Prabang, Tà Khẹt, về Hà Nội. Lần đầu nhìn cái ôtô, anh gọi là cái nhà biết đi. Lúc đầu gia đình ở Hà Nội, phố Bạch Mai. Sau đi Hải Phòng, rồi lại trở về Hà Nội. Anh tự thấy là một chú nhãi Hà Nội, thuộc đủ ngõ ngách, phố xá của Hà Nội. Gia đình Nguyễn Đình Thi không phải trí thức. Không biết chữ Hán. Coi như ngoại đạo đối với văn học. Trong đám sách vở nghèo nàn của bố, anh chỉ được đọc và nhớ có một câu thơ của Bà huyện Thanh Quan: “Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi”. Sau này ngẫm lại cuộc đời mình, anh thấy đời anh cũng chỉ là “Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi”. Ngoài ra có được đọc bản dịch Những người khốn khổ của V. Hugo. Cảm động nhất là đoạn Jean Valjean tìm Cosette. Cosette trong đêm tối mù mịt, xách xô nước, tự nhiên thấy nhẹ bỗng đi.
            Té ra Jean Valjean xách hộ. Anh nghĩ, suốt đời chỉ mong xách hộ xô nước cho một đứa bé nhà nghèo.
            Anh biết rất ít văn học Việt Nam. Mãi sau này mới đọc Đoạn tuyệt, Nửa chừng xuân. Đến ba mươi tuổi mới đọc Tam quốc, Thuỷ hử. Không biết chữ Hán, không biết Thơ mới, không biết Tự lực văn đoàn. Không cảm được cái hay của ngôn từ chữ Hán. Không thích “Viễn phố” bằng “bến xa”, nghe gợi nhiều hơn, không thích “lâm tuyền”, thích nói “suối xa”.
Cho nên làm thơ ngoài luồng Thơ mới, ngoài luồng Tự lực văn đoàn, cảm thấy thế nào cứ làm như thế, điếc không sợ súng.
            (Nghe tôi nói lại lời Nguyễn Đình Thi như thế, Nguyên Ngọc không tin, cho là Thi nói dối. Nguyên Ngọc dứt khoát không tin ở sự thật thà của Nguyễn Đình Thi).
Nguyễn Đình Thi rất thích cảnh rừng núi – anh nói thế – vì anh đã ở Phong xa lỳ, nên về sau lên Việt Bắc thấy quen thuộc như đã biết từ bao giờ rồi. Mẹ Nguyễn Đình Thi là một người đàn bà rất đảm. Khi gia đình ở Hải Phòng, bố anh lại bị điều vào Sài Gòn (Chợ Lớn). Bà không theo vào. Bà mở một xưởng làm kẹo bột. Về Hà Nội cũng làm kẹo.Đi kháng chiến, bà trồng hẳn một quả đồi sắn. Nguyễn Đình Thi nói “Bà ghê lắm, giỏi lắm!” (Thế mà hình như bà mù chữ ).
            Ở Hải Phòng, anh chứng kiến Nhật đổ bộ. Anh nói: “Nhục lắm! Nó đi đâu cũng ra hiệu hỏi nơi nào có đĩ”. Anh lớn lên vào lúc cuộc đại chiến thứ hai. Nhật vào. Phong trào Việt Minh. Thời thế đặt ra những câu hỏi lớn. Nguyên Hồng gọi là “thời kỳ đen tối” (1940- 1945). Theo Nguyễn Đình Thi, đây là thời kỳ trắng đen, thật giả lẫn lộn. Vì thế dễ lầm lẫn (Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân đã lầm lẫn), phải suy nghĩ tợn. Suy nghĩ về đời, về đất nước, về sự sống, về chân lý, về đường đi… Cho nên Nguyễn Đình Thi thích đọc và viết triết học. Anh viết Kant năm 1942, lúc 18 tuổi. Tiếp đó là nhạc. Mãi sau mới làm thơ và viết văn.
            Như thế là Nguyễn Đình Thi đi từ triết đến nhạc rồi mới đến thơ văn. Thơ văn có cấu trúc nhạc. Ông bố Nguyễn Đình Thi ngày xưa có chơi đàn nguyệt, đàn bầu. Còn anh thì tự học nhạc chỉ bằng một cái đàn mandoline và một cuốn nhạc phổ thông. Có một buổi học nhạc một mục sư. Nói chung là tự học.
            Từng chứng kiến cảnh mất nước từ ở Lào, rồi cảnh Nhật vào Hải Phòng, đến hiệp định 6/3 lại chứng kiến Pháp kéo vào từ Hải Phòng, theo             đường số 5 (Trường Chinh giao nhiệm vụ cho Nguyễn Đình Thi đi đả thông đồng bào hai bên đường số 5: không đón tiếp, mặc nó, nhưng không gây sự). Vì thế, được làm chủ đất nước, sướng lắm – “Trời xanh đây là của chúng ta! Núi rừng đây là của chúng ta!”. Hồi học trường Bưởi, Nguyễn Đình Thi thích nằm ngửa ở sân trường nhìn trời xanh không biết chán. Sau này nhớ lại: “Trời xanh đây là của chúng ta!”.
            Kháng chiến, Nguyễn Đình Thi có chuyện buồn: hai người thân mất (vợ và cô em vợ – định gả cho Thi), cộng thêm nỗi đau đất nước bị dày xéo:
            “Ôi những cánh đồng quê chảy máu Giây thép gai đâm nát trời chiều”
            Anh nói, tám năm kháng chiến mới viết được hai câu ấy. Khắp nơi giặc chăng giây thép gai: Hành quân ở Bắc Giang, nhìn lên đồi cao thấy giây thép gai in trên nền trời đỏ như máu.
Hành quân liên miên, đi ngày, đi đêm. Toàn đi bộ, một ngày có khi 50 cây số, từng qua vùng thượng Lào: “Ngày nắng cháy, đêm mưa dội”, cứ thế đi dưới trời mưa.
            Vì thường hành quân đêm nên có hai hình ảnh rất ấn tượng đối với anh: lửa và sao. Lửa đốt sưởi lúc nghỉ chân. Không phải đèn mà lửa:
Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh
Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây
Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh
Sưởi ấm lòng chiến sĩ dưới ngàn cây.
(Nhớ)
            Đến chiến dịch Điện Biên Phủ, lính đi trong chién hào ngập nước có khi tới ngực. Mặt mũi đen nhẻm vì chỉ có bùn và khói súng, cười răng trắng xoá, từ bùn vụt lên: “Rũ bùn đứng dậy sáng loà”. Nguyễn Đình Thi nói: “Nguyễn Tuân rất thích hình ảnh này. Còn chị Mộng Tuyết gặp anh lần đầu, kêu lên: “A, anh rũ bùn đứng dậy sáng loà đấy à!”
            Bài thơ Đất nước làm ở Việt Bắc từ 1948. Ghép hai bài thơ kháng chiến với nhau. Sau bẵng đi đến 1955 mới làm tiếp ở Thái Nguyên – xã Phú Minh, bên sông Cầu (làm tiếp bài thơ Đất nước và bắt đầu viết tiểu thuyết Vỡ bờ)
            Anh nói, bài Đất nước kết cấu theo âm nhạc. Chủ âm a từ mở bài, thân bài đến kết bài:
Tôi nhớ những ngày thu đã xa…
(…) Xiềng xích chúng bay không khoá được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
(…) Nước Việt Nam từ máu lửa,
Rũ bùn đứng dậy sáng loà.
1. Nguyễn Đình Thi tập viết tiểu thuyết.

            Năm 1968(20.11.1968), Nguyễn Đình Thi có một cuộc nói chuyện với cán bộ và sinh viên khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội. Lúc ấy tôi còn dạy ở Đại học Sư phạm Vinh. Nhân ra Hà Nội, tôi đến nghe ghé.
            Nguyễn Đình Thi nói về những ngày đầu anh tập viết truyện, viết tiểu thuyết. Anh nói, con đường vào nghề văn của anh là đi từ ngọn xuống gốc – con đường không thuận. Bắt đầu viết từ năm 1942. Viết sách khảo cứu trước. Vào Việt Minh, bắt đầu biết chủ nghĩa Mác, học được gì viết nấy: viết tiểu luận, viết về ca dao…, vẫn làm lý luận trước. Khác với con đường của Nguyên Hồng, Tô Hoài, từ vốn sống thực tế mà sáng tác. Thực ra, anh nói, nếu không có cách mạng thì cũng có thể đi từ gốc đến ngọn, viết theo vốn sống tự nhiên của mình. Song vừa vào nghề đã gặp cách mạng, cách mạng yêu cầu phải có vốn sống về quần chúng cơ bản, về nông thôn. Do xuất thân gia đình viên chức tiểu tư sản, toàn ở thành thị, lúc bé lại ở Lào, về nước chỉ đi học, vốn sống về quần chúng công nông không có gì. Thành ra phải có cả một quá trình đi theo cách mạng, về nông thôn, vào bộ đội, vốn sống phải thu nhặt dần dần, từ 1942 đến 1955, chín năm phấn đấu mới viết được cuốn tiểu thuyết đầu tay: cuốn Xung kích.
            Những năm kháng chiến, tại chiến khu Việt Bắc, Nguyễn Đình Thi ở chung với mấy ông lãnh đạo văn nghệ: Tố Hữu, Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao. Anh thử viết một truyện ngắn, viết xong mời mấy vị đàn anh đến đọc cho nghe. Họ ngồi quanh bếp lửa nhà sàn. Đọc xong thấy các vị chẳng nói gì, chỉ liếc nhau, tủm tỉm. Biết là hỏng rồi. Các vị ngại chê nên không nói gì. Lại thử lần nữa. Vẫn thất bại. Buồn quá. Làm mấy bài thơ thì bị phê bình. Viết văn cũng bị chê. Chủ yếu do viết không hay, không sâu – anh tự thấy như thế. Thi biết nhược điểm của mình. Tuy cũng tiếp xúc với thực tế, nhưng không sao nhớ được những chi tiết cụ thể của đời sống (nói như Tô Hoài, con mắt anh không sao chọc thủng được tờ giấy. Nghĩa là cứ bị sách vở che khuất). Mà văn xuôi thì rất cần chi tiết. Anh nghĩ cách khắc phục. Anh cho rằng cơ thể con người ta là một thể thống nhất. Nếu tay ghi lại thì óc cũng lưu giữ được. Lần này anh đi theo chiến dịch Trung du (cuối 1950, đầu 1951). Anh hạ quyết tâm phải thành công. Nếu lại thất bại thì bỏ nghề, xin công tác khác. Anh đi với tiểu đoàn 29 (tiểu đoàn Lũng Vài), tiểu đoàn này đánh công kiên, tức đánh đồn, rất giỏi – đánh công kiên là khó nhất. Mở chiến dịch Trung du là lần đầu ta đánh công kiên. Anh đem theo rất nhiều sổ tay để ghi chép. Vừa đi vừa ghi chép, ghi la liệt như máy.Anh nói, nếu có ai nhìn anh vừa hành quân vừa ghi ghi chép chép thì chắc buồn cười lắm. Cái gì cũng ghi: lá nguỵ trang đầy đường. Có ba con bò gặm cỏ ở bờ đê. Một cái vạc nước sôi sùng sục trên ba tảng đá… ghi tuốt. Lúc bao vây đồn giặc, anh cũng đào một hố công sự bên cạnh anh chỉ huy (Thái Dũng, Tây gọi là Commandant manchot – quan tư cụt tay). Pháo chưa nổ. Im lặng hầu như tuyệt đối. Anh lắng nghe và ghi: tiếng gà gáy ở một xóm xa, tiếng gió thổi, tiếng mõ, tiếng chó sủa ở một làng tề… Khi bộ đội bắt đầu rót pháo, anh nhổm lên quan sát đồn giặc bốc lửa ra sao rồi thụp xuống ghi. Xung kích vào đồn, anh chạy theo và ghi những gì nhìn thấy. Ghi mò nguệch ngoạc – chưa nhập tâm thì cứ phải ghi hết – anh nghĩ thế. Tất nhiên vẫn chưa đủ. Trận đánh kết thúc, anh theo bộ đội ra ngoài đồng xem họ tập trận để ghi các động tác lăn lê bò toài, cách ném lựu đạn thế nào… Phải hiểu cả các loại vũ khí và cách tổ chức của quân đội. Điều này không được viết ra vì phải giữ bí mật. Không được viết, nhưng vẫn phải biết, vẫn phải ghi để có sens du réel, phải có sens du réel mới viết được. Các cuộc họp tổng kết kinh nghiệm củachiến dịch cũng phải dự và ghi. Sinh hoạt của bộ đội mình nói chung là họp, anh ghi thành hẳn một cuốn sổ về các cuộc họp. Nhưng chỉ biết một trận đánh, một đơn vị chưa đủ. Đằng sau tiểu đoàn 29 mà anh bám sát, chẳng những có cả một chiến dịch mà còn có cả một xã hội nữa.
            Chiến dịch Trung du kết thúc, trên giao cho anh viết một bài tường thuật. Nhân tìm hiểu để viết bài này, anh có được cái nhìn bao quát cả trận đánh   và cả cái nền rộng rãi đằng sau trận đánh.
Khi thấy đã tạm đủ rồi, anh trở về, nói dối các vị đàn anh là đi công tác (người ta không tin mình viết được, nên nói đi sáng tác thì ngượng, ngồi ở nhà sáng tác trước mặt mọi người lại càng ngượng), kì thực anh tìm đến ở nhờ nhà một đồng bào ở chân núi Tam Đảo để viết. ấy là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của anh: cuốnXung kích.
            Anh dự định viết một truyện vừa. Sắp xếp một loạt bức tranh những đám đông. Muốn biểu hiện chiến tranh nhân dân, phải tả những đám đông. Nhân vật chính nói chung đều phỏng theo người thực. Thí dụ, chính trị viên cụt tay là Thái Dũng, vốn là một ông giáo, chỉ huy tiểu đoàn 29. Promotype của Kha là một anh học sinh ở Hải Phòng, trẻ, có tài, chưa vợ con, vẫn có tính học sinh. Nhân vật Sản thì có nhiều nguyên mẫu góp vào: Thái Dũng, một anh công nhân ở Hải Phòng và một anh khác vốn là học sinh trường cơ khí (école pratique) phụ trách chính trị viên tiểu đoàn 29. Có một nhân vật phụ mà thành công hơn cả nhân vật chính: chú bé Luỹ. Một em bé đi lính tự nhiên đem lại một cái gì rất cảm động cho bộ đội ta.
            Mở đầu chương một, anh nói, mình tìm cách sút gôn mà loay hoay mãi không được. Sau mới nghĩ ra:Đưa luôn vào cảnh hành quân của bộ đội, dân công. Thế là trót lọt – Viết một mạch ba tuần lễ, xong.
            Viết xong, rất hồi hộp. Đọc thử cho bộ đội nghe. Họ thích nhất cảnh bộ đội cởi truồng lội suối, cảnh dân công, bộ đội đối đáp nhau. Thích hơn các đoạn tả đánh nhau. Vậy là tả đánh nhau không đạt lắm. Tả sinh hoạt khá hơn vì gần với tâm trạng mình hơn. Tuy vậy vẫn không tự đánh giá được, thấy vẫn cần phải đưa cho ai đó đọc. lần này không dám đưa cho mấy vị đàn anh trong nghề nữa. Các vị khó tính quá. Anh chủ trương trước hết đưa cho những người mà anh gọi là “nhà văn một nửa”. Người đầu tiên là Xuân Thuỷ. Xuân Thuỷ cho là được, chỉ chê một số chỗ chưa đúng ngôn ngữ quần chúng. Thí dụ, đoạn tả bộ đội dân công đi lại qua cầu chen chúc nhau, có một cô dân công mắng một anh bộ đội sờ soạng mình: “Cái anh này sao lại cứ sờ sờ vào người ta như thế!”. Xuân Thuỷ nói, đàn bà người ta không nói như vậy. Và ông chữa cho là: “Đồ phải gió, chân với tay”. Mắng mà vẫn nội bộ. Câu trước là do Nguyễn Đình Thi bịa ra, thô quá! Anh nói, vậy là văn chương mà thô hơn quần chúng. Tiếp theo anh đưa cho cụ Lành. Ông Lành khuyên cho mấy đoạn: đoạn tả hành quân và chi tiết anh đại đội trưởng ngồi tính giờ, ghi vào nắm tay. Tố Hữu còn thêm cho một chi tiết: Sản nói với Kha trước khi Kha tắt thở: “Tao hôn mày” để biểu hiện tình cảm một cách văn minh.
            Cuối cùng anh đưa cho Trường Chinh. Trường Chinh khen có tính đảng: tả đúng chiến tranh nhân dân, có sự phối hợp giữa chi bộ quân đội và cấp uỷ đảng địa phương, như thế là ở đâu cũng có đảng lãnh đạo. Nguyễn Đình Thi nói, thực ra lúc viết, anh không có ý thức như vậy. Đây là ý thức của một ông          lãnh đạo đảng. Ngoài ra cũng có người phê tả thương vong hơi nhiều, e không có lợi, sợ ảnh hưởng đến tư tưởng quân đội (ý kiến này là của một cán bộ chính trị trong quân đội).
Trường Chinh giục in luôn để phục vụ kịp thời.
            Thành công này đã làm cho Nguyễn Đình Thi tin tưởng. Anh viết tiếp Vào lửa, Mặt trận trên cao, Vỡ bờ.
            Thực ra tiểu thuyết không phải chỗ mạnh của Nguyễn Đình Thi: Tô Hoài, Nguyễn Khải trước sau vẫn cho Nguyễn Đình Thi không viết được tiểu thuyết.
            Năm 1970 tôi có được nghe Nguyễn Đình Thi nói về tiểu thuyết Vỡ bờ (ở trụ sở báo Văn nghệ). Anh nói Vỡ bờ tập I, anh còn viết dưới cái cánh che           chở của ông Tolstoi già. Tập II đã thoát được cái cánh ấy. Thực ra Vỡ bò tập II rất dở. Tập I còn đỡ hơn. Mới biết dù thông minh đến đâu, con người ta cũng khó đánh giá đúng văn của mình – “văn mình – vợ người” – văn mình bao giờ chả hay.
2. Vịt giời và vịt nhà.
            Nguyễn Đình Thi có lần ví mình như con vịt. Bơi được một tí, bay được mấy mét và chạy lạch bạch dưới đất. Một ví von có ý tự trào về sự nghiệp của mình. Tôi chắc anh đã suy nghĩ nhiều về sự ví von này. Vì nó rất đúng với thành tựu nghệ thuật của anh và có hàm ý mỉa mai, cay đắng. Nhưng sự ví von này còn che dấu một ý khác. Anh nói, không chỉ có nghĩa khiêm tốn đâu, nếu là con vịt giời thì nó bay cao, bay xa lắm đấy.
            Theo tôi, sự ví von này chứa đựng một mâu thuẫn có thực trong cuộc đời nghệ thuật của anh.
            Một thanh niên trí thức, tuổi trẻ, tài cao. Mười tám tuổi đã viết sách triết học. Rồi soạn nhạc, làm thơ. Lại lớn lên đúng vào một thời kì lịch sử đầy bão táp, chẳng những chứng kiến mà còn đích thân tham gia vào những sự kiện trọng đại có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh của đất nước: Phong trào Việt Minh, Cách mạng tháng Tám, cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Một con người như thế, gặp thời thế như vậy, tất nhiên có nhiều ước vọng lớn, muốn bay cao, bay xa, thật cao, thật xa.
            Nhưng tổng kết cuộc đời mình, anh để lại được những gì? Nhạc một ít, thơ một chút, kịch dăm vở, tiểu thuyết mấy cuốn, lý luận vài tập. Nói đa tài thì đa tài thật. Nhưng chẳng tài nào được đẩy đến nơi đến chốn, được phát huy đến tột đỉnh. Cho nên có lần Xuân Diệu nói với tôi: “Không biết nên gọi Nguyễn Đình Thi là nhà gì nhỉ”.
            Vì sao vậy? Có phải anh không chịu phấn đấu đâu. Trái lại thế. Không phải ngẫu nhiên mà anh đã tổng kết đời mình bằng câu thơ rất buồn của Bà huyện Thanh Quan: “Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi”.
            Giải thích tình trạng này, tôi cho rằng chính những tìm tòi suy nghĩ của anh đã khiến anh luôn luôn đi chệch ra khỏi đường ray chính thống, và vì thế luôn luôn bị phê phán, bị huýt còi. Một con người suốt đời đi theo đảng mà luôn luôn va vấp với đường lối văn nghệ của đảng. Một con đường nghệ thuật quả là không thông thuận.
            Tôi cho rằng một trong những người hiểu sâu sắc Nguyễn Đình Thi là Nguyễn Khoa Điềm.
            Cuối năm 1982, nhân ra Hà Nội học Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Khoa Điềm có đến thăm tôi (Đồng Xa, ngày 21.11.1982). Anh đánh giá rất cao Nguyễn Đình Thi mà anh cho có thể trở thành một trí tuệ lớn của thời đại. Anh nói: “Thời nay, cái quyết định là trí thức, là trí tuệ, chứ không phải kinh nghiệm thực tế. Từ 1930 đến nay, các nhà văn ta chỉ đi từ thực tế, rồi dùng tài, dùng tâm mà viết. Chưa có trí tuệ lớn để tổng kết: “Đã đến lúc cần có một nhà văn có trí tuệ như thế. Người đó là Nguyễn Đình Thi chăng?”
Và Điềm có một so sánh giữa Nguyễn Đình Thi và Huy Cận. Anh nói:
            “Huy Cận chỉ đứng ngoài thực tế mà phản ánh và triết lý. Triết lý ngày xưa của Lửa thiêng còn gây được một cái gì mênh mông, rộng xa. Triết lý bây giờ của Huy Cận chả có nội dung gì cả”. Anh khẳng định: “Nguyễn Đình Thi thì khác. Anh muốn triết lý như một người trong cuộc”.
            Đúng thế, Nguyễn Đình Thi tham gia cách mạng, vừa đi vừa tìm đường, “nhận đường”. Một con người thực sự nhập cuộc. Trước 1945, hai lần nếm cơm tù đế quốc. Đến kháng chiến, gia nhập bộ đội, dự nhiều trận đánh. Thời chống Mỹ, vào Nam, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Cũng vào cuối năm 1982 (Đại học Sư phạm Hà Nội, ngày 19.11.1982), tôi được nghe Nguyễn Đình Thi kể rất tỉ mỉ về những nếm trải của anh cùng bộ đội, nhân dân trong những ngày gian khổ nhất: Ăn đói, mặc rét (ở Thái Nguyên, gặp Tố Hữu. Trời rét. Tố Hữu lấy cái áo dạ của mình khoác cho, nhưng sau phải trả lại vì không được phép mặc áo cấp phát của cán bộ Trung ương). Nhiều phen hút chết vì bom mìn, vì kiết lỵ. Anh nói, có phải được chết oai phong gì đâu, mà chết dấm chết dúi trong bờ trong bụi. Dọc đường Trường Sơn, bao nhiêu nấm mồ vô danh. Tự thấy mình may mắn, còn được sống mà viết. Nhiều cái chết rất thảm: chết vì đói rét, chết vì cây đổ, chết vì rắn độc… Anh tự thấy mình cũng chẳng dũng cảm gì, vậy mà từng phải sống những giây phút hết sức căng thẳng, giữa cái sống cái chết ranh giới chỉ là một sợi tóc. Nhưng vì thế mà càng thương, càng kính phục nhân dân mình. Anh kể chuyện hôm giải phóng Sài Gòn, anh đi cùng một số đồng bào từ Mỹ Tho vượt qua sông Cửu Long, quãng Bến Tre, rồi băng qua lộ 4. Có nhiều chị phụ nữ địu con. Trạm trưởng cũng là một nữ. Khi qua sông, các chị vẫn đùa nhau một cách rất hồn nhiên: “Này người yêu của mày nó đang nằm lòi ruột ra kia kìa!” Qua lộ 4 là qua cửa tử. Vì đồn địch chỉ cách có trăm mét. Chẳng có ai bảo vệ cả, vì không phải cán bộ to. Một giao liên đón, anh ta quan sát xem địch có phục kích không, rồi vẫy tay một cái, thế là chạy thục mạng. Nguyễn Đình Thi đau dạ dày, ôm bụng chạy. Đằng sau các chị địu con chạy sòng sọc… Địch mà biết, nó chỉ lia một băng là chết hết.
            Nguyễn Đình Thi không như ai kia, chỉ đứng ngoài cuộc, nấp cho kín mà vỗ tay ca ngợi nhân dân anh hùng.
            Từ thực tế ấy anh suy nghĩ về dân tộc, về nhân dân, về con người, về văn học nghệ thuật. Về sự hi sinh không bờ bến của quân đội và nhân dân mình. Hy sinh không cần ai biết đến, không cần Tổ quốc ghi công. Anh nói, viết được sự thật này, chết không uổng. Có thực tế, anh lại có tri thức, đọc rộng, hiểu nhiều. Tôi đã từng được nghe anh nói về tiểu thuyết Pháp, tiểu thuyết Nga, về thơ Baudelaire, thơ Tagore, về tư tưởng của Nguyễn Trãi, về thơ ca, vũ đạo, điêu khắc của Việt Nam, về nền văn hoá rất cao của dân tộc ta nên có thể tồn tại được bên cạnh hai nền văn hoá lớn là Trung Quốc và Ấn Độ. Như vậy là tư duy của anh không bị bó hẹp trong một cái khuôn văn hoá chật hẹp nào.
            Những ý nghĩ của anh, vì thế, không giáo điều, không hẹp hòi, máy móc. Nhưng chính vì thế mà chệch ra khỏi đường lối văn nghệ của đảng. Về điểm này, một lần nữa tôi lại thấy Nguyễn Khoa Điềm hiểu rất đúng về Nguyễn Đình Thi. Có điều hồi ấy anh phải diễn đạt một cách dè dặt, cho đúng khuôn phép: “Nguyễn Đình Thi có chỗ chông chênh, song anh muốn nói một cái gì về chủ nghĩa nhân văn, với một tầm nhìn lâu dài, tạo ra những giá trị tư tưởng lâu dài. Cái thiên hướng đó chưa nhịp nhàng với xã hội hiện nay nên bị đánh giá sai đi, bị hiểu lầm”.
            Tôi thì nói thẳng, những suy nghĩ tìm tòi của anh chính vì không hẹp hòi, máy móc, giáo điều nên thường chệch ra ngoài đường lối văn nghệ của đảng.
            Trước hết là thơ. Anh chủ trương một lối thơ không phụ thuộc vào vần điệu bên ngoài, vần điệu ngoài tai, chỉ cần nhịp điệu bên trong. Không phải cứ hết vần là hết thơ. Thơ không vần vẫn là thơ dân tộc. Anh nói, đúng là âm thanh của ngôn ngữ có khả năng miêu tả được sự vật. “Xè xè nấm đất bên đường”, “xè xè” là tả cái gì thấp. “Nhưng thơ hiện đại nên bớt “xè xè” đi, càng bớt được nhiều càng tốt”. Anh muốn thơ thực sự là lời nói bằng thứ ngôn ngữ bình thường giản dị nhất. Anh đề cao thơ trí tuệ, thơ tư tưởng. Thơ tất nhiên phải có tình cảm, nhưng tư tưởng phải sâu sắc, sáng rõ, còn tình cảm thì nên kín đáo. Anh nói, “thơ của ta, tư tưởng thường mù mờ , tình cảm thì lộ liễu”. Quan niệm của anh có thể mở ra một cuộc cách mạng về thơ ca phù hợp với thời đại. Ngày nay ai nấy đều thấy như thế. Nhưng hồi ấy (1948, 1949) anh đã bị phê phán kịch liệt. Vì trái với đường lối văn hoá dân tộc, khoa học, đại chúng hiểu theo nghĩa thô thiển nhất. Có kẻ còn tỏ ra phẫn nộ, như Lưu Trọng Lư, hò hét muốn đuổi anh ra khỏi vương quốc thơ ca.
            Về tiểu thuyết thì cuốn Xung kích coi như trót lọt. Nhưng đến Vỡ bờ thì sinh chuyện. Anh ném ra cô Phượng, một nhân vật tư sản khá phức tạp nhưng có cảm tình với cách mạng. Anh muốn nói cách mạng tháng Tám là cuộc cách mạng của toàn dân tộc, trong đó có giai cấp tư sản. Anh rất tâm đắc với nhân vật này, một nhân vật được sống thật là mình. Nhưng người ta cho anh đi theo dòng tiểu thuyết Tự lực văn đoàn. Cô Phượng là nhân vật Tự lực văn đoàn. Lôi thôi trầy trật nhất là kịch. Hầu như vở nào cũng bị phê phán. Tôi đã được nghe anh than phiền về chuyện này ở Đà Nẵng (31.7.2000). Anh nói kịch của anh kết cấu theo diễn biến tình cảm hơn là theo xung đột kịch. Đúng là kịch của anh, do đó, giầu chất thơ. Tôi cho rằng kịch của Nguyễn Đình Thi là kịch tư tưởng, có thiên hướng về chủ nghĩa nhân văn. Một lối kịch tượng trưng thường dùng biểu tượng tượng trưng để ném ra tư tưởng này khác.
            Kịch như thế là trái hẳn với đường lối văn nghệ của Trường Chinh: văn nghệ phải phục vụ chính trị (hồi ấy chủ nghĩa nhân văn cũng bị phê phán vì cho là thuộc phạm trù ý thức hệ tư sản), chủ đề phải rõ ràng, không được dùng biểu tượng hai mặt.
Cho nên Con nai đen bị cấm diễn. Hoàng Văn Hoan chê chủ đề không rõ. Ông ta nói, ta đang đói. “Dân đói thì như nồi nước sôi. Phải thận trọng!”
            Nguyễn Trãi ở Đông quan thì cho là ám chỉ Trung ương họp. Người ta còn đặt vấn đề: Sao không viết Nguyễn Trãi ở Lam Sơn, Nguyễn Trãi anh hùng, Nguyễn Trãi chiến thắng, mà lại viết Nguyễn Trãi bị cầm tù. Còn nhân vật cô Câm thì muốn nói gì? ức mà không nói được? Thâm lắm đấy! Tác phẩm này cũng bị cấm. Thực ra lúc bấy giờ anh muốn nêu vấn đề trí thức. “Thời ấy nổi lên mấy vở kịch về trí thức: Kịch Khuất Nguyên là trí thức và vấn đề trong đục; Kịch Galilée là trí thức và vấn đề chân lý; Nguyễn Trãi ở Đông quan là trí thức và vấn đề dân tộc”.
            Đến Giấc mơ anh muốn đưa ra một vở kịch thật hiện đại: một anh thương binh ngất đi, mơ thấy nhiều cái chết: cái chết của Tần Thuỷ Hoàng, cái chết của Cléopâtre, cái chết của Chử Đồng tử, cái chết của anh thương binh. Vở kịch có một cuộc đối thoại với một gã lái buôn. Nó đi đâu cũng đem theo cái bàn tính và tay nải tiền. Cái gì nó cũng mua được hết, nhưng cuối cùng không mua được khóm tre của anh thương binh. Kịch rắc rối, lại pha huyền thoại như thế tất nhiên cũng không được chấp nhận.
            Rừng trúc thì viết theo lối cổ điển thôi, nhưng có gài một chủ đề có ý nghĩa nhân văn (bên cạnh chủ đề đoàn kết đánh giặc) đặt vào lời Chiêu Thánh:
            “Việc nước là quan trọng, nhưng việc của con người cũng không là nhỏ”. Còn Hoa và Ngần thì đề cập đến chuyện một cô gái, chồng đi chiến trường đã báo tử. Nhưng khi cô yêu người khác thì chồng lại trở về. Trong chiến tranh, nội dung kịch như thế tất nhiên cũng không được diễn.
            Thật ra nếu những tác phẩm trên của Nguyễn Đình Thi đạt tới phẩm chất nghệ thuật cao, là những kiệt tác, thì không ai có thể phủ nhận được, không gì giết chết được. Có chôn xuống đất đen thì nó cũng sẽ đội đất chui lên. Như Giông tố, Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, như Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân…
            Nhưng tất cả chỉ mới là những thử nghiệm. Nếu anh cứ tiếp tục thử nghiệm thì rồi có thể có lúc sẽ đạt tới độ chín, và biết đâu đấy, có thể tạo được những tác phẩm chẳng những có giá trị lâu dài mà còn mở ra được mội thời đại mới cho nền văn nghệ Việt Nam hiện đại.
            Ấy là nói giả thiết thế thôi. Sự thật thì Nguyễn Đình Thi đã chùn bước. Anh sợ – Dương Thu Hương thì nói thẳng: Nguyễn Đình Thi là thằng hèn, một trí thức hèn, từng ví mình như hạt bụi (chị nói trong cuộc gặp mặt của Nguyễn Văn Linh với văn nghệ sĩ – 10.1987).
            Không rõ bản thân Nguyễn Đình Thi có thấy mình là hèn hay không, chỉ biết có lần , trong một buổi nói chuyện ở Đại học Sư phạm Hà Nội, anh tự cho là người luôn luôn bị lỡ tàu.
            Hôm ấy anh nêu lên ý kiến của Goethe về sự xuất hiện những tác phẩm lớn. Goethe nêu lên ba điều kiện:
            – Dân tộc có gì lớn để viết ?
 - Có thiên tài để viết không?
- Thiên tài có được viết ở thời kì sung sức nhất không? Hay cứ bị lỡ tầu hoài.
Thì ra anh hiểu lỡ tầu là như thế.
            Nhưng liệu anh có phải là thiên tài không? Và tàu nó không đợi anh, hay anh không dũng cảm bước lên tàu ?
3. Chuyện con cua và con ếch.
            Năm 1983, Hà Xuân Trường thay Trần Độ làm trưởng ban văn hoá văn nghệ Trung ương. Nguyễn Văn Hạnh tiếp tục ở lại một thời gian làm phó cho Hà Xuân Trường. Các vị tổ chức một cuộc hội thảo trong ba ngày về văn học nghệ thuật. Cuộc hội thảo tập hợp rất đông văn nghệ sĩ thuộc các ngành nghệ thuật khác nhau. Nguyễn Đình Thi có đến dự. Hôm ấy tôi được chứng kiến Nguyễn Đình Thi sợ Tố Hữu như thế nào. Ba ngày liền các đại biểu tự do đăng kí phát biểu. Hôm đầu, tôi hỏi Nguyễn Đình Thi có phát biểu không. Anh nói không. Nhưng đến buổi cuối cùng, anh lại nói.
            Giới văn nghệ nói chung rất phục Nguyễn Đình Thi (trừ bọn viết văn). Anh lại có thuật nói hấp dẫn. Anh bước lên, đứng trước cái bàn có phủ khăn. Đứng im, không nói gì. Mọi người im phăng phắc chờ đợi. Tưởng như con muỗi vo ve cũng nghe thấy. Bỗng anh bước ra khỏi cái bàn, vung tay hỏi hội nghị: “Chúng ta đang làm cái gì thế này?” Mọi người ngơ ngác tự hỏi: họp ba ngày, không biết mình làm cái gì nhỉ ? Càng cảm phục và chờ đợi. Thi vung tay nói lớn: “Chúng ta đang làm một nền văn nghệ lớn. Và chúng ta cũng lớn!”
            Đúng lúc ấy Tố Hữu đi vào. Hà Xuân Trường theo sau. Tố Hữu ăn mặc xuềnh xoàng, áo sơ mi bỏ ra ngoài quần. Người nhỏ bé.
            Nguyễn Đình Thi đang hùng hồn bỗng cụt hứng, xìu hẳn lại, không nói được nữa.
            Tố Hữu ngồi ngay ghế đầu, vẫy tay nói với Thi: “Anh cứ nói tiếp đi!”. Nhưng Thi chỉ nói lý nhí mấy câu gì đó không nghe rõ, rồi bỏ đi xuống. Tôi hình dung con cua đang giơ hai càng một cách hiên ngang như muốn thách thức với cả trời đất. Con ếch tới, vỗ nhẹ vào mai một cái, con cua vội co dúm người lại. Nguyễn Đình Thi là con cua, Tố Hữu là con ếch.
            Thảm hơn nữa là sau đó, khi Tố Hữu phát biểu, Thi thỉnh thoảng lại đế vào một câu để tỏ ra rất tán thưởng ý kiến của Tố Hữu. Một thái độ nịnh hót rất lộ liễu. Lưu Trọng Lư cũng thế. Rất tội!
            Nguyễn Đình Thi là một trí thức, đọc rộng, biết nhiều – lại có nhiều trải nghiệm trong thực tế và có quan hệ với các cấp trung ương, những ông lãnh đạo đảng và quản lý nhà nước. Vì thế anh có nhiều ý kiến ngược dòng chính trị, có tầm khái quát khá táo bạo. Nhưng cứ phải giấu đi, cứ phải ngậm miệng.
Trong vở kịch Nguyễn Trãi ở Đông Quan, anh đưa ra một nhân vật mắc bệnh câm. Cô Câm. Chắc hẳn anh muốn nói cái khổ của anh trí thức, của bản thân mình: biết đủ thứ, muốn nói mà không nói được.
            Nhưng tâm lý con người ta là thế, khi trong bụng có lắm ý kiến lấy làm tâm đắc, thì thế nào cũng có lúc phát ra chỗ này chỗ khác.
            Tôi đã được nghe khá nhiều ý kiến như thế của Nguyễn Đình Thi. Chẳng hạn những ý kiến như thế này:
            “Tổng bí thứ Đảng là ông vua cộng với ông Thánh, là Hoàng đế cộng với giáo hoàng. Phong kiến nó tách ra làm hai. Cộng sản chỉ có một, nên đẻ ra Staline và Mao Trạch Đông. Vua thì phải giết kẻ kế cận. Mao, Staline đều chặt đầu kẻ ngang mình. Hồ Chí Minh cũng được thờ như ông thánh, nhưng không tự nhận là thánh, không giết kế cận. Đấy là chỗ may cho dân tộc mình”. “Ta hiện nay có tình trạng người có quyền không biết chuyên môn. Kẻ có năng lực thì không có quyền. Kẻ biết không được nói. Kẻ nói thì không biết”. “Trong chiến tranh, văn học cứ phải đánh trống thổi kèn. Toe, toe, toe, tiến lên! Phải lên giây cót. Không lên giây cót là mất nước ngay. Văn học vì thế là văn học tuyên truyền, đánh trống thổi kèn. Phê bình thì đánh giá lẫn lộn, cái hay bảo dở, cái dở bảo hay, làm sai lạc hết tiêu chuẩn”.
            “ Văn nghệ sĩ như đám cung nữ, múa hát cho vua xem. Còn phê bình là lũ hoạn quan, lũ thái giám, chuyên bảo vệ các cung nữ”. “Ta không được nói cái nhỏ, không được nói bóng tối, không được nói đời tư. Con người đối diện với mình là rất văn học. Nhưng ít được nói đến. Vì
thế văn học trào phúng không phát triển được”.
            “Đường lối văn nghệ có thể sai, nhưng sáng tác vẫn có thể có sáng tạo do gắn với đời sống. Còn lý luận phê bình thì phụ thuộc hơn vào đường lối.
            Đường lối sai ảnh hưởng đến lý luận phê bình.
            Người sáng tác có tài vẫn tìm cách khơi được dòng để sáng tạo. Có đièu kiện thì nói thẳng, không có điều kiện thì nói quanh co, song vẫn nói được, nếu có tài và gắn với đời sống”.
            “Phê bình kém vì chỉ có một cái đầu được nghĩ thôi. Không ai được nghĩ. Tự do không có. Không phải phê bình kém mà vì phê bình không được nghĩ và nói theo cái đầu của mình. Hiện nay chỉ có phê bình đề tài, không phê bình tác phẩm”.
            “Văn học cho đến nay, về phương diện phản ánh chiến tranh vẫn còn ở dạng hồi ký. B. Polévoi, Simonov cũng thế thôi. Viết về chiến tranh phải có gan viết về cái chết. Người anh yêu nhất chết. Và cái chết phải vượt ra ngoài vấn đề chiến tranh. Không dám nói cái tình trong chiến tranh thì kể bao nhiêu sự kiện cũng không hay ho gì. Phải lùi xa mà phản ánh hiện thực, và phải có tầm nhân loại. Mà nhà văn ta sợ không dám khái quát ở tầm cao, tầm trung ương”. “Có hai cái gây ra drame và tạo cho nhân vật một destinée: tình yêu và lí tưởng. Tiểu thuyết ta không dám đặt ra vấn đề gì cả. Vì hai vấn đề trên phải tránh. Thành ra nói như sách, nói theo đáp án định sẵn”.
            Những ý kiến như thế cứ “thòi” ra chỗ này chỗ khác, hoặc trong những cuộc nói chuyện ở đâu đó, hoặc dùng lối biểu tượng hai mặt để “xì” ra một cách bóng gió trong tác phẩm của mình (chủ yếu là kịch).
            Thành ra Tố Hữu rất ghét Thi. Vì Tố Hữu là tay thông minh, thừa biết Thi thực bụng nghĩ gì. Vả lại những ý kiến kể trên của Thi, thế nào chẳng có thằng tâu với Tố Hữu. Ghét nhưng vẫn dùng. Vì Thi biết sợ. Lãnh đạo ngại nhất là thằng không biết sợ. Sai không sao, ngại nhất là thằng bướng. Thằng bướng thì phải diệt ngay (như Nguyên Ngọc chẳng hạn)
            Nguyễn Đình Thi sợ Tố Hữu có lẽ còn do nguyên nhân khác: Từ rất trẻ anh đã được ngồi ghế cao: Lãnh đạo văn hoá cứu quốc, Tổng thư kí hội nhà văn, Hội văn nghệ, Đại biểu quốc hội khi mới ngoài 20 tuổi. Thi không quen ngồi dưới đất. Một tính cách dở dang: vừa muốn làm nghệ sĩ, vừa muốn làm quan. Đã muốn làm quan, đã muốn có ghế và giữ ghế thì tất phải sợ cấp trên – cấp trên trực tiếp là Tố Hữu.
            Hoàng Ngọc Hiến thì cho rằng, Nguyễn Đình Thi chắc có một cái vết gì đấy trong lý lịch nên sợ. Những tay nịnh hót đảng, lên gân lên cốt về chính trị, nói chung là đều có vết gì đó trong lý lịch như Hoàng Xuân Nhị, Lê Văn Thiêm, Chế Lan Viên, Hoài Thanh, Nam Mộc, Phan Ngọc…
            Năm 2000, tôi vào Sài Gòn. Một buổi sáng tôi ngồi uống cà phê với anh Nguyễn Hoài Thanh (Cán bộ giảng dạy Đại học Sư phạm Sài Gòn) ở một cái quán vỉa hè đường Nguyễn Du, thấy Nguyễn Đình Thi đứng ngay gần đấy. Anh đứng trông ra đường, chắc đang đợi xe đến đón đi đâu đó. Tôi gọi anh và mời anh uống cà phê. Nguyễn Hoài Thanh nói: “Trông Bác vẫn trẻ lắm!”. Nguyễn Đình Thi nói:       “Tôi lúc trẻ người ta bảo là già, lúc già người ta lại khen là trẻ”. Hỏi anh về sức khoẻ, anh nói bị tuần hoàn não.
            Khi anh ốm nặng (2004) tôi có đến thăm. Hôm ấy anh vừa được uống cổ linh chi, một thứ thuốc quý hiếm, được coi là thần dược. Người khoẻ lại hẳn.
            Chân tay co duỗi thoải mái. Anh thử biểu diễn cho tôi xem, có vẻ vui và tin tưởng lắm. Chị Tuệ Minh chăm sóc anh. Anh nói nhỏ với tôi: “Anh đến thăm tôi thế này là quý hoá lắm!” Rồi anh giới thiệu tôi với chị Tuệ Minh. Vậy mà chỉ mấy ngày sau, anh qua đời.
            Về sáng tác và nhất là về con người Nguyễn Đình Thi, kẻ khen không ít, người chê cũng nhiều.
            Điều ấy chắc anh biết rõ. Nhưng anh không bao giờ thanh minh, không bao giờ tự bào chữa.
            Hoàng Ngọc Hiến cho đó là một chỗ rất được của Nguyễn Đình Thi.
Láng Hạ, ngày 1.1.2008




Chương XIX. Nguyễn Khải
            Nguyễn Khải khác hẳn Nguyên Ngọc. Thiết thực, không phiêu lưu mạo hiểm, không muốn chết, không muốn đi tù. Anh tự nhận luôn là thằng hèn cho người ta khỏi phải bàn tán lôi thôi.
            Sau cuộc hội nghị nhà văn đảng viên, bản đề cương của Nguyên Ngọc bị Tố Hữu đánh, Nguyễn Khải vốn nhất trí với Nguyên Ngọc trong vụ này, nên sợ quá. Anh nói thẳng với Nguyên Ngọc: “Tao nhát lắm, chưa đánh đã khai. Cho tao chạy đi thôi, mày thông cảm, đừng khai tao ra nhé”.
            Nguyễn Khải rất thiết thực và tỉnh táo, vậy mà cũng có lúc mê muội. Tôi gọi là dại – tôi đã viết như thế về Nguyễn Khải trong bài Dại khôn Nguyễn Khải. Mới biết cái danh, cái lợi cũng dễ mê hoặc lắm. Hồi được gọi ra Hà Nội để chuẩn bị Đại hội nhà văn lần thứ tư (Trần Độ, Nguyễn Văn Hạnh dự định sắp đặt Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc làm chánh, phó Thư kí Hội Nhà văn). Nguyễn Khải xem ra cũng hăng hái lắm. Anh nói với tôi y như là sẽ làm Tổng thư ký đến nơi: Anh phẩy tay “Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên thì phế cả đi! Còn về lý luận phê bình thì anh phụ trách cho tôi. Nhưng ta phải khôn khéo, đổi mới nhưng phải khôn khéo. Trần Độ cứng quá, cứ ỉa ra đấy cho người ta phải dọn. Chính trị ghê gớm lắm, không đùa được đâu! Nếu cần quỳ xuống lậy, ta cũng phải quỳ”.
            Trong bài viết về Nguyễn Khải, tôi có nhắc đến chi tiết này, cho là một cái dại của anh và hạ một câu: “Bây giờ nghĩ lại, xấu hổ chết được!”. Tôi tưởng anh giận tôi, hoá ra anh lại thích thú. Thích vì thấy hiểu mình quá. Tôi rất quý cái thành thực ấy của Nguyễn Khải. Có một cô nghiên cứu sinh tên là Tuyết Nga làm luận án về Nguyễn Khải. Cô tìm gặp anh để tìm hiểu. Anh đưa cô xem bài viết của tôi, nói là cứ đọc bài này là hiểu anh. Và anh cầm bài viết đọc luôn cho cô ta nghe. Đến chỗ “Bây giờ nghĩ lại xấu hổ chết đi được!”, anh đỏ bừng mặt và cười hô hố – Cô nghiên cứu sinh kể lại với tôi như vậy. Trong bài viết nói trên, tôi có nói đến một bậc đàn anh trong nghề dạy tôi phải đào nhiều hang. Ta là con chuột, lấp hang này, ta chui hang khác. Đó là Đinh Gia Khánh. ở bài này, tôi dẫn câu Nguyễn Khải nói, có một nhà văn, trước 1975, chẳng có tư tưởng gì cả. Đấy là Nguyễn Minh Châu. Đúng là trước 1975, tiểu thuyết Nguyễn Minh Châu cũng chỉ là minh hoạ đường lối, tư tưởng của đảng. Sau 1975 mới có tư tưởng. Tư tưởng Nguyễn Minh Châu đặt ở nhân vật Khúng trong Khách ở quê ra và Phiên chợ Giát. Tôi cũng dẫn lời anh chê một nhà thơ viết hồi ký, đọc lúc đầu có không khí, sau chẳng thấy có tư tưởng gì. Đó       là A T (Hồi ký Từ bến sông Thương). Tôi còn dẫn ra câu anh nói về một giáo sư danh tiếng mà đọc (hồi ký) cũng chả thấy có tư tưởng gì. Đó là ĐTM. Như vậy là đọc văn hay viết văn, Nguyễn Khải rất chú ý đến tư tưởng của tác phẩm. Nhưng ở anh, có một mâu thuẫn: một mặt muốn phát biểu tư tưởng riêng, vì ý nghĩa của văn chương là ở đấy. Nhưng mặt khác lại muốn sống yên ổn với đời nên chỉ có thể mạnh dạn nửa vời, mạnh dạn trong một khuôn khổ nào đấy thôi. Chính trị ghê gớm lắm, không đùa được đâu, chắc anh luôn luôn tự dặn mình như thế. Vả lại nghĩ đi nghĩ lại, anh không thể quên công ơn của cách mạng đối với mình. Từ một cậu bé con rơi con vãi, sinh ra đã bị khinh bỉ, bị lăng nhục, sau cách mạng trở thành nhà văn có danh, có lợi đủ cả. Cũng phải biết điều một chút chứ!.
            Thông minh và tỉnh táo, Nguyễn Khải luôn có ý thức về thân phận của mình, về cái giá trị của mình đối với đời. Anh kể chuyện, hồi anh là đại biểu quốc hội, đi ôtô từ Ba Đình về nhà khách. Đến chỗ đường tàu, xe phải dừng lại cùng một số đồng bào đi xe đạp, xe máy. Anh nhìn xuống, thấy rợn người: có một tay đang nhìn lên anh, cặp mắt đầy căm thù. Anh nghĩ mình cũng chỉ là loại nghị gật, vô tích sự, thằng ăn hại, dân nó khinh ghét là phải.
Chiến thắng 30.4.1975, anh đi vào Nam. Gặp Nguyên Ngọc, Nguyễn Trọng Oánh. Anh cảm thấy Ngọc và Oánh nhìn mình như muốn nói: “ Mình chiến đấu gian khổ bao lâu không thấy mặt nó đâu, bây giờ chiến thắng rồi, nó vào. Rồi nó sẽ viết nhiều, viết hay hơn mình cho mà xem!”. Nguyễn Khải nói:
“Biết thân phận thế, tôi cứ ngồi len lén, không dám nói năng gì”.
            Mà cái tài của Nguyễn Khải là thế thật, có cần đi thực tế gì đâu. Trước 1975, anh chỉ ngồi ở ngoài Bắc mà viết về HoàVang chiến đấu như thật. Cho nên có ai đó đã làm vè giễu anh:
Anh đi anh lại về ngay,
Hoà Vang cũng ở ngoài này đó em.
            Khoảng đầu những năm 80 của thế kỉ trước, Nguyễn Khải đưa gia đình vào Sài Gòn. Lúc đầu xem chừng sinh hoạt còn khó khăn. Anh ở quận Bốn (448B/9, phường 18, Nguyễn Tất Thành) tôi có đến thăm. Nói chuyện với tôi,   thấy anh cứ nhấp nhổm chạy ra chạy vào: gia đình bán giải khát và cho thuê điện thoại. Có khách đến, phải chạy vội ra phục vụ. Mấy năm nay thì khá hơn rồi. Anh có người con (Nguyễn Khải Hoàn ) kinh doanh nhà đất, kiếm được. Nhưng nhà cứ mua đi bán lại, nên anh cứ phải chuyển chỗ ở luôn. Mỗi lần tôi vào Sài Gòn, lại thấy anh ở một chỗ khác. Biết tôi vào Sài Gòn, thế nào anh cũng mời đến uống rượu.
            Đến Nguyễn Khải, lúc nào cũng có rượu. Anh nói, bây giờ rượu Tây sẵn, nghĩ thương ông Nguyễn Tuân. Ngày xưa mỗi lần họp, thấy ông lấy ra một cái bi đông rượu, rót vào cái nắp, mời vị này, vị khác. Nay rượu Tây đầy ra đấy, ông không còn để mà uống.
            Nói chuyện với Nguyễn Khải, tôi không ngờ hồi mới vào Sài Gòn, loại văn nghệ sĩ cỡ Chế Lan Viên, Nguyễn Khải mà khổ đến thế: “Vũ Thị Thường nói, đi đường chỉ mong nhặt được tiền ai đó đánh rơi. (Hệt như câu nói của Hoàng Ngọc Hiến hồi ấy: “Đi đường thấy có một đồng xu rơi cũng phải nhặt. Kiếm đâu ra một xu bây giờ!”)
            “Chế Lan Viên ở quận Tân Bình chỉ thèm ăn một bữa ngon, phải ra tận quán bà luật sư Huỳnh Ngọc Đại để được bà ấy đãi một bữa cơm Tây. Ai mời, đâu mời cũng đi. Chỉ để kiếm bữa ăn thế thôi, và xách về một chai nước mắm hay mấy cân gạo nó cho. Nguyễn Khải cùng đi với Chế Lan Viên. Một thằng làm thơ, một thằng viết ký, một ca sĩ đi theo hát. Tôi gọi là hai kép, một cô đầu cùng đi kiếm bữa ăn và ngồi nghe mấy tay giám đốc dốt nát vào đấy ba hoa. Nó có tiền nên hai nhà văn cứ phải gật gù nghe nó dạy dỗ”.
Nguyễn Khải có nhiều ý kiến rất táo bạo:
            “Đảng không bao giờ coi trọng trí thức, biến trí thức như Hoàng Xuân Nhị thành hèn hạ. Mà bị nó khinh. Tôi từng gặp Hoàng Xuân Nhị ở nhà Tố Hữu. Tố Hữu không thèm nói chuyện với ông ta, cứ để cho ông ta ngồi một mình. Tóc bạc phơ. Tố Hữu chỉ nói với tôi là một thằng còn rất trẻ. Trần Đức Thảo thì bị biến thành một thằng thần kinh. Sang Pháp, bao nhiêu Việt kiều mời đến, không đến, cứ ở Đại sứ quán, tuy bị nó khinh như chó.
            Thuỵ An thì bị tù. Trong tù đi lao động, ngã vào dây thép gai, bị mù một mắt. Nay vẫn ở Sài Gòn, sống rất khổ. Không đi Pháp vì là con gái lớn phải ở lại nuôi mẹ già…”
            “Chúng ta thuộc lứa người bị bỏ phí cả một thời trai trẻ để học theo một cái lý thuyết vớ vẩn, chả nghĩ ra được cái gì, chẳng làm ra được cái gì trong giới hạn của chủ nghĩa Mác – Lê – một thứ triết học của người cầm quyền. Mà có hiểu Mác – Lê thực đâu. Toàn nghe lãnh tụ nói và nói theo. Trong cái khung của một ý thức hệ, còn ai nghĩ ra được cái gì nữa. Chủ nghĩa Mác thành ra một thứ tôn giáo. Tin mà không hiểu. Bao người hy sinh vì cái lý thuyết vớ vẩn ấy. Chủ nghĩa xã hội toàn đẻ ra những con người quái gở như Mao Trạch Đông, Staline, Pônpốt, rồi Nguyễn Chí Trung…, toàn lũ điên”. “ Ta có một thời cứ tin tưởng ở cái không có. Như tin ở chủ nghĩa xã hội”.
            “Chính trị và quan điểm giai cấp trùm lên tất cả. Con người không có tình bạn. Bạn bè mà có vấn đề chính trị là không được quan hệ”. “Chủ nghĩa xã hội nếu không thay đổi thì con người thành mọi rợ, rừng rú. Từ ăn, ỉa, mặc, ở… Sợ quá!”
            Nguyễn Khải nói về uy quyền ghê gớm của Lê Đức Thọ một thời. Anh chứng kiến Sáu Bắc (Lê Đức Thọ) tiếp Sáu Nam (Lê Đức Anh). Hôm ấy, Thọ gọi một số văn nghệ sĩ đến hỏi chuyện. Thọ đang tiếp khách. Bọn Khải phải ngồi đợi ở phòng bên cạnh. Lát sau, khách ra về. Hoá ra khách là lê Đức Anh. Nguyễn Khải thấy Lê Đức Anh đi ra, cứ đi giật lùi, giật lùi ra mãi giữa sân mới dám quay đít lại. Thọ tiếp chúng tôi. Đúng lúc ấy thấy Phạm Hùng đi sang. Hùng đề nghị gặp Thọ một lát. Thọ phẩy tay: “Để lúc khác nhé, giờ đang bận tiếp khách văn chương”. Thọ coi Hùng chẳng là cái gì, tuy Hùng lúc đó là thủ tướng, thay Phạm Văn Đồng ”.
“Nói chung cộng sản coi văn nghệ sĩ như rác. Lê Duẩn coi Tố Hữu cũng chỉ như một con hát. Nhưng lại sợ văn nghệ. Vì chỉ dùng tuyên truyền, dùng nước bọt mà giành được nước. Chỉ nói, có làm gì đâu. Nói đủ cả, chẳng làm gì. Thí dụ, cứ nói phê bình tự phê bình mà chưa bao giờ phê bình tự phê bình cả. Có dám nói thật đâu mà phê bình tự phê bình. Chỉ toàn đào tạo gia nhân, đầy tớ, bọn nịnh hót. Sợ văn học cũng vì thế. Vì văn nó nói sự thật, nó lật tẩy. Rất sợ biểu tượng hai mặt. Chỉ đề cao văn tuyên truyền, đề cao vè. Thật ra bọn nhà văn nói chung nhát, không dám chống chế độ đâu!”. “ Chế Lan Viên một thời, dựa thế Tố Hữu cũng hách lắm. Tô Hoài gọi là thằng nặc nô của đảng. Hồi chỉnh huấn văn nghệ sĩ, Chế Lan Viên làm tổ trưởng, nói với Nguyễn Tuân: ông tưởng ông to lắm à? Tôi phụ trách ông kia mà! Họp chấp hành, ý kiến Chế Lan Viên là quyết định. Thí dụ, ban chấp hành bàn có nên kết nạp Phan Quang không? Mọi người chờ ý kiến của Chế Lan Viên. Chế lan Viên đi đái vào, nói: “Thằng Thép Mới nó còn ở ban chấp hành được thì thằng Phan Quang sao không cho vào hội được!”. Ai cũng gọi là thằng tuốt; Thằng Nguyễn Đình Thi, thằng Tô Hoài, thằng Hoàng Trung Thông, chẳng sợ ai cả. Không thể đối đáp kịp mồm Chế Lan Viên. Phải về nhà mới nghĩ ra cách bác lại, nhưng hôm sau, không còn lý do để tranh cãi nữa, vì lão ấy lại nói chuyện thân mật”.
            “Nhưng Chế lan Viên chết rất khổ. Vũ Thị Thường phục vụ rất mệt. Gần chết hay quát tháo vợ con. Vũ Thị Thường nói chỉ thèm được ngủ, khi Chế lan Viên chết, việc đầu tiên là ngủ bù một giấc, dạy mới có sức mà khóc”.
            Nguyễn Khải có một ưu điểm là có óc liên tài thật sự. Rất phục người tài. Tôi đã được nghe anh phục Đỗ Chu như thế nào khi Chu mới xuất hiện. Đối với Nguyễn Huy Thiệp lại càng phục hơn nữa.
            Anh nói: “Kim Lân là con đẻ của đất Kinh Bắc. Đỗ Chu cũng thế. Trẻ con có học hành gì đâu mà viết rất hay: Thung lũng cò, Hương cỏ mật… Vợ nhặt của Kim Lân thì văn tuyệt hay. Con người Kim Lân rât thích. Hồn nhiên, chân thật, tiếp xúc không phải ý tứ gì. Có Kim Lân, mình cũng bớt lố bịch, cứ lấy ông ta làm chuẩn. Nguyễn Tuân còn điệu bộ, làm dáng. Tôi rất ghét uốn éo, điệu bộ. Rất ghét cái ông Vũ Kỳ bắt chước Cụ Hồ: áo bà ba, đi guốc mộc tiếp khách.
            Muối của rừng, Thiệp viết rất giỏi. Hêminhuê viết Ông già và biển cả còn dài dòng. Thiệp viết cực ngắn. Đi săn, trang bị đầy đủ. Cuối cùng cởi truồng trở về. Lại còn bị lũ khỉ giễu cợt. Không có vua có cái chi tiết bố chồng dòm con dâu tắm. Sợ quá!
            Nhưng bây giờ xem ra hết tài rồi. Viết tiểu thuyết “Tuổi 20 yêu dấu”, rồi truyện võ hiệp, thành ngòi bút khác mất rồi.
            Ma Văn Kháng là dân Hà Nội, viết về dân tộc thiểu số cứ xôm cốp bên ngoài thế thôi. Phải viết về dân tộc mình, về cái mình thuộc, mình am hiểu chứ. Tô Hoài thì rất tinh quái, rất hóm. Nguyễn Đình Thi đẹp trai, hấp dẫn gái, thế mà toàn ăn của thừa. Mình phải ăn từ bếp lên chứ! Này, có lần tôi đến LM gọi cửa mãi, thấy đi ra, khuy ngực xốc xếch. Bên trong thấy có Tô Hoài.” Nguyễn Khải cho kết quả của Đại hội nhà văn lần thứ 7 là tốt: “Ban chấp hành như thế là khác trước rồi. Trước đây, vào chấp hành, thằng nào cũng để kiếm chác một cái gì đó: một chỗ dựa, một chỗ có tiền, một suất đi nước ngoài… Giờ bọn Vàng Anh, Hồ Anh Thái nó chẳng cần gì! Đừng hòng Hữu Thỉnh, Nguyễn Khoa Điềm bảo được nó. Nó không nghe đâu!”.
            Nguyễn Khải cho viết văn là phải có tư tưởng. Vì thế anh chịu khó đọc sách, gần đây hay đọc triết. Hình như có một bậc thánh hiền nào đó nói rằng,             đọc sách mà không nghĩ thì vô dụng, nghĩ mà không đọc sách thì nghĩ lung tung rất nguy hiểm. Nguyễn Khải chịu đọc và chịu nghĩ.
            Một lần tôi đến anh, thấy anh đặt trên bàn cuốn “Tinh thần pháp luật ” của Montesquieu. Anh nói: “Lâu nay chúng ta chỉ đi bên cạnh nền văn minh nhân loại. Nói thế là đủ hiểu. Chẳng biết gì. Phủ nhận tất cả những cái gọi là phi vô sản. Bây giờ mình mới được đọc những Montesquieu, Voltaire, Rousseau…
            Đọc triết học phương Đông từ Cao Xuân Huy, Nguyễn Hiến Lê… đến khi đọc bản dịch của Hoàng Ngọc Hiến, cuốn “Bàn về tính hiệu quả”, mới ngộ ra được. Phải nhìn từ xa, tuân theo quy luật tự nhiên. Gò ép nó, cải tạo nó là hỏng. Liên Xô cứ đòi uốn nó, cải tạo nó. Cải tạo sao được con người. Con người không thể cải tạo được. Bây giờ đấy: đủ cả mafia rất ghê gớm”.
            Hoàng Ngọc Hiến dịch triết rất hay mà chả thấm được triết. Cứ tức tối, căm thù. Tôi rất quý Hoàng Ngọc Hiến, nhưng đọc bài của Hiến (có lẽ là bài trên Talawas) tôi không thích nữa.
            Về điểm này, tôi chưa thật hiểu rõ ý của Nguyễn Khải. Tôi nhớ ông Tolstoi già trong Chiến tranh và hoà bình có luận về tình yêu của con người và tình yêu của Thượng đế. Khi yêu bằng tình yêu của con người thì có thể từ yêu thương chuyển sang thù ghét, còn tình yêu của Thượng đế thì có thể thương yêu cả kẻ thù, thậm chí cảm thấy vui sướng khi thương yêu kẻ thù. Ăngđré Bôncônxki, trong giờ phút hấp hối, đã thấy mình bỗng có được tình yêu đó. Anh ta vui sướng khi thấy mình thương cả Anatole là kẻ tình địch
của mình.
            Nguyễn Khải muốn có thứ tình yêu cao cả đó chăng, mà anh gọi là thái độ triết học?
Điều đó có phải là một điềm gở ở anh không?
            Tôi gặp Nguyễn Khải lần cuối cùng ngày 24.7.2007 (cùng với Hồ Quốc Hùng). Tất nhiên khi anh mất rồi mới biết đấy là lần cuối cùng: Thật không ngờ! Tôi cứ tưởng sẽ còn nhiều lần được gặp anh. Anh với tôi cùng sinh một năm (1930), nhưng anh còn sinh sau tôi tới chín tháng (tôi sinh đầu năm – tháng ba, anh sinh cuối năm – tháng chạp).
            Anh đi đâu về. Trông thấy anh, tôi bấm bụng cười thầm vì chợt nghĩ đến nhận xét rất đúng nhưng rất tục của Đỗ Chu hồi nào: “Răng hơi hô, trông lúc nào cũng như hớn hở, đi ngực ưỡn, hai tay ve vẩy, trông như con đàn bà nứng l”.
            Nhưng bây giờ thì anh có vẻ yếu rồi, chống ba toong, cao lênh khênh, đi lòng khòng.
            Anh vẫn nói nhiều. Nào chuyện tướng tình báo Phạm Xuân ẩn, kho tài liệu giúp anh viết về chính quyền Sài Gòn, nào chuyện cải cách ruộng đất xoá sạch thành tích cách mạng, chuyện Chế Lan Viên chết rất khổ. Khổ mà rất khí khái, không xin xỏ gì hết, tuy Tố Hữu, Hà Xuân Trường đến thăm luôn, chuyện Nguyễn Tuân, chuyện Nguyễn Huy Thiệp, chuyện Cụ Hồ và tướng Giáp rất giỏi nín nhịn…
            Anh nói đang viết một bài gọi là sự hình thành một bút pháp. Từ thực tế sáng tác của mình mà viết. Xưa đã thấy người nông dân cần có tầm mắt nhìn xa vượt ra khỏi sự hẹp hòi của hợp tác xã. Nhưng vượt ra bằng cách nào chưa biết. nay mới thấy có điều kiện: kinh tế thị trường giải phóng cho nông dân… Anh nói rất nhớ Hà Nội. Thèm không khí Hà Nội. Vào Sài Gòn anh chẳng chơi với một bạn mới nào. Ra Hà Nội bây giờ cũng lại chỉ đến những bạn cũ đã già. Không nói chuyện với đám trẻ được. “Người ta nói sáu mươi tuổi thì tính năm, bẩy mươi tính tháng, tám mươi tính ngày… Tôi muốn sống lâu để xem thời thế ra sao. Lịch sử do con người làm ra, làm sao biết trước được!”
            Tôi nhớ lại ngày xưa anh đã có một câu nói gở rất thiêng về Nguyễn Tuân. Anh khen Nguyễn Tuân đẹp lão và nói: “Đẹp lão thế là sắp sửa đấy!”.
            Ba ngày sau Nguyễn Tuân qua đời.
Bây giờ anh nói bẩy mươi tuổi tính tháng. Anh nói ngày 24.7.2007.
Năm tháng sau, ngày 15.1.2008, nghe tin anh qua đời. Đúng là tuổi bẩy mươi tính tháng.
            Ngay sau khi Nguyễn Khải mất, tôi có anh bạn (Hoàng Dũng) trong Nam ra Hà Nội, nói Nguyễn Khải chết không có đất chôn.Đúng ra là không được chôn ở nghĩa địa Sài Gòn (tại Thủ Đức), phải đưa lên nghĩa địa Củ Chi rất xa. Tiêu chuẩn được chôn ở Thủ Đức, ngoài những ông thành uỷ viên hay trung ương uỷ viên không kể, phải có 65 năm tuổi đảng. Trần Duy Châu, nguyên hiệu phó Đại học Sư phạm Sài Gòn, khi chết mới có 58 tuổi đảng, không đủ tiêu chuẩn, phải đưa đi Củ Chi. Nguyễn Khải tất nhiên cũng phải đưa đi Củ Chi.
            Võ Văn Kiệt thấy thế chắc lấy làm xấu hổ, nên can thiệp. Ông tuyên bố nhường suất chôn ở Thủ Đức của ông cho Nguyễn Khải.

Láng Hạ 23.1.2008.



1      2      3      4           6      7      8      Kỳ Cuối

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét