Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

HỒI KÝ NGUYỄN HỮU HẠNH - PHẦN CUỐI

1    2    3    4    5    6    7    8    9    10
IX. Chánh sách ngoại giao Hoa Kỳ
Đầu thập niên 50, khi tôi bắt đầu tiếp xúc với những ngân hàng lớn của nước Mỹ ở New York, như ngân hàng America, ngân hàng City Bank, ngân hàng Chase Manhattan Bank, ngân hàng Hannover Bank, tôi đã gặp khá nhiều nhân viên trẻ trong ban điều hành, trước đây đã từng làm việc ở các cơ quan OSS (Office of Security Service), tiền thân của CIA trước và trong cuộc thế Chiến thứ II; họ đã được gởi tới Trùng Khánh ở miền Nam Trung Quốc và tới miền Bắc Việt Nam để quan sát tình hình quân sự và chính trị tại các vùng này, cũng như mối quan hệ giữa lãnh tụ quốc gia Tưởng Giới Thạch, lãnh tụ Trung cộng Mao Trạch Đông, phong trào Việt Minh.
Chúng tôi thường nói chuyện với nhau rất thân mật và rất lâu trong đêm khuya, trong ánh sáng mờ mờ của một căn phòng ấm cúng tại một tiệm ăn ở New York, nơi đó những người như McClelland, Hank Sperry, John De Loin… kể tôi nghe về những ngày tháng họ sống trong rừng giữa những người du kích… Chúng tôi rất sung sướng khi gặp nhau và nói chuyện với nhau, bởi vì họ chưa hề gặp lại một người Việt Nam nào từ khi họ ra khỏi những vùng rừng núi xa xôi ấy; và tôi cũng chưa hề gặp một người nào đã từng trải qua những rối rắm khôn xiết về chính trị ở những vùng này trong cuộc chiến tranh. Một vài người trong bọn họ đã kể tôi nghe mối quan hệ của họ với các du kích quân Việt Nam của nhóm cộng sản cũng như của nhóm quốc gia, cuộc sống gian khổ của người du kích, những nỗi thống khổ cay đắng của họ, những sự hy sinh to lớn của họ cho đất nước; những người Mỹ trẻ tuổi này đã thường thảo luận rất nhiều với các cán bộ của quân du kích, về những lời yêu cầu được giúp đỡ thuốc men và lương thực. Những cán bộ của quân du kích đã hỏi những người bạn Mỹ của tôi tại sao chính phủ Mỹ không chịu giúp đỡ các nhà lãnh đạo của họ, chiến đấu chống lại người Pháp, trong khi ai cũng biết dân Mỹ luôn luôn chống lại chế độ thực dân và sự thống trị của nước ngoài. Những người bạn Mỹ của tôi cho tôi biết là họ đã gởi rất nhiều báo cáo về Washington, ủng hộ việc đối thoại và giúp đỡ các nhóm Việt Nam chống Pháp. Nhưng Tổng thống Eisenhower vẫn lo ngại Việt Nam sẽ quá gần gũi với một nước Trung Hoa đang có nguy cơ trở thành cộng sản, hơn là bận tâm tới chính sách chống thực dân của Hoa Kỳ. Vào lúc đó chánh phủ Mỹ đâu có biết được sự kình địch sau này giữa Trung Quốc và Liên Xô và họ sợ nước Mỹ có thể sẽ phải đương đầu với hai cường quốc nếu như Mỹ nhúng tay vào Việt Nam.

Vì đã từng nghe những sự hy sinh của các chiến sĩ du kích trong cuộc chiến đấu chống lại quân đội thực dân Pháp và về sự nghiệp chống ách thống trị Pháp suốt mấy chục năm của dân tộc Việt Nam, tôi không thể nào tránh khỏi cái cảm giác rằng cả tôi nữa, lẽ ra cũng phải tham gia cuộc chiến đấu ấy như tôi đã làm trong các năm 1945 – 1946 ở Việt Nam. 

Nhưng những người bạn ấy, những nhân viên ngân hàng đã từng sống trong rừng với các chiến sĩ du kích lúc ấy, lần lần biến mất bởi phong trào chống cộng McCarthy ở nước Mỹ trong những năm 50, hoặc bởi họ đã thay đổi nghề nghiệp, chỉ trừ một người mà trong một khoảng thời gian sau đó vẫn luôn luôn giúp tôi gởi thư và tiền về Việt Nam cho những người bà con của tôi, nhanh hơn là cách gởi bình thường vốn phải mất tới 2 hoặc 3 tháng mới tới nơi.
  
Ông Foster Dulles, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ lúc đó, là người chống cộng kịch liệt, rất cứng rắn, không khoan nhượng. Ông ta không bao giờ chịu thoả hiệp hay nhân nhượng; đó cũng chính là đường lối ngoại giao của nước Mỹ, ngay từ lúc đó và về sau. Người dân Mỹ vốn có lòng tốt và thẳng thắn, tính chất này cũng được thể hiện trong quan niệm ngoại giao của Mỹ. Nhưng bởi vì người Mỹ rất thẳng thắn, tánh tình rất cứng rắn, không hay thay đổi, nên chính sách ngoại giao của Mỹ cũng vậy. Qua nhiều thập niên, nước Mỹ trở thành nước phát triển nhất, thịnh vượng nhất thế giới, người dân Mỹ cũng trở nên tự hào và chính sách của nước Mỹ cũng trở nên chính sách kiêu ngạo nhất thế giới. Khác với chính sách của châu Âu, chính sách ngoại giao của Mỹ có một lý lịch và một lịch sử ngắn hơn nhiều. Điều này cũng là một trở ngại cho sự mềm dẻo uyển chuyển. Lịch sử của nước Mỹ không có những truyền thống lâu dài về ngoại giao như ở châu Âu với Metternich, Richelieu, Bismarck … nếu không thì với một chút linh hoạt trong chính sách và nền ngoại giao, nước Mỹ đã có thể dẫn Việt Nam tới hoàn cảnh như Nam Tư của Tito, Ba Lan của Walessa và Tiệp Khắc của Havel. Việt Nam bị kẹt cứng giữa hai khối cường quốc và không ai trên sân khấu thế giới có đủ quyền lực và đủ quan tâm để thay đổi tình thế cho Việt Nam, mở ra một con đường giải quyết mới có thể đem lợi ích cho Việt Nam và cho nhiều quốc gia khác… Năm 1954 khi nước Pháp sắp sửa bị đánh bại ở Điện Biên Phủ, Pháp đã yêu cầu Mỹ sử dụng bom nguyên tử để đánh bạt quân đội Bắc Việt đang bao vây Điện Biên Phủ, nhưng Eisenhower từ chối, vì sợ Pháp tái chiếm lại thuộc địa, nhiều hơn là quan tâm tới tính mạng con người. Cho nên đôi khi một sự thay đổi nhỏ và một hành động tích cực hơn có thể tạo ra một bản đồ chính trị mới có thể thay đổi vận mệnh của Việt Nam. Nhưng tôi không thể biết chắc là lúc đó miền Nam Việt Nam có thể dàn xếp được với miền Bắc một lối sống chung có thể tồn tại được lâu dài như Nam và Bắc Triều Tiên sau Bàn Môn Điếm hay không.

Từ tháng 10/1965, khi Tổng thống Johnson quyết định dốc toàn lực cho cuộc chiến tranh, thì chiến lược trên cả hai mặt trận ngoại giao và quốc phòng đều sanh ra do dự, và việc chỉ đạo chiến tranh trở nên lúng túng, không lường trước được. Dù không phải là một nhà chiến lược quân sự, tôi cũng có thể tưởng tượng được là anh không thể chiến đấu với hai tay bị trói quặt sau lưng. Chính sách Việt Nam của nước Mỹ không được thực hiện chỉ ở toà Bạch Ốc hay ở Bộ Ngoại giao. Có rất nhiều cơ quan tham dự vào việc định hình một chính sách và người ta có thể thấy rằng nếu có một chính sách chủ yếu thì cũng có nhiều ý kiến khác chen chân vào chánh sách đối xử với Việt Nam.

Bây giờ nếu ta nhìn khắp thế giới, có bao nhiêu quốc gia ưa thích chính sách ngoại giao của Mỹ, và bao nhiêu người dân Mỹ được thế giới ưa thích. Và trong chính quyền Mỹ có bao nhiêu nhà lãnh đạo, ngoài Clinton và Carter, được nổi tiếng ở ngoài nước Mỹ? Còn trong quốc hội Mỹ thì có thể tỉ lệ này khá hơn nhưng chắc cũng không bao nhiêu. Ở bên ngoài người ta biết người dân Mỹ chính thống rộng rãi và dễ thương, nhưng “người Mỹ” được đại diện qua các nhà ngoại giao ưa phô trương, khinh miệt người khác, không được thế giới bên ngoài thương yêu. Một số chính phủ Mỹ hống hách ngạo mạn như chính phủ Bush chẳng hạn, chỉ có thể thu được sự khinh miệt của thế giới bên ngoài, dù Mỹ là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, có lòng rộng rãi giúp đỡ viện trợ nhất và một quốc gia dân chủ nhất.

Một điểm đặc biệt nữa cũng cần phải chú ý: những nhà ngoại giao Mỹ gốc thế giới thứ ba như Đại Hàn, Trung Quốc, Nhật Bản, Phi Châu… thường tự cao và hống hách hơn cả người Mỹ chính thống, vì họ muốn tỏ ra họ “Mỹ” hơn cả người Mỹ. Điều này không phải chỉ có ở ngành ngoại giao Mỹ, nó cũng đúng với những nhà ngoại giao Pháp, với chính quyền thực dân Pháp hay những chính quyền thực dân Bỉ, Anh Quốc hoặc Hà Lan. Tôi đã quan sát thấy tình trạng đó trong thời kỳ Việt Nam còn là thuộc điạ của Pháp và sau này, ở Indonesia, ở vùng biển Ca-ri-bê, ở Phi châu. Khi một chánh phủ bố trí nhân viên ngoại giao có gốc gác từ các nước đang phát triển, thì những các cơ quan ngoại giao Âu Mỹ nghĩ rằng dân chúng địa phương sẽ thích họ. Nhưng đó là một quan niệm sai lầm. Chánh sách ngoại giao không thể nào thành công khi chánh phủ gởi những nhân viên này ra nước ngoài để làm một công việc đòi hỏi sự tiếp xúc nhiều với dân chúng địa phương, trừ khi họ đã được huấn luyện trước về mặt tâm lý và tinh thần liên quan đến thói mặc cảm tự tôn của họ.

Cho nên bây giờ, mặc dầu Hoa Kỳ là nước phát triển nhất, mạnh nhất thế giới, người Mỹ không thể mong nước họ được lòng người hay được yêu thương nhất trên thế giới. Họ chỉ có thể mong rằng Hoa Kỳ được thế giới biết đến nhiều nhất vì nước Mỹ hiện đại hơn những nước khác; văn hoá và lối sống Mỹ cũng có rất nhiều ảnh hưởng ở nước ngoài; và thế giới bên ngoài thường có khuynh hướng hay bắt chước những gì mang tính chất Mỹ (kẹo sing-gôm, Coca Cola, hăm-bơ-gơ, bánh rán…). Thế nhưng chính sách Mỹ ở Trung Đông và ở Iraq thì không được lòng người bên ngoài nước Mỹ, đặc biệt là tại các nước Ả Rập, thế giới Hồi giáo và ngay cả ở Âu châu và Á châu. Luôn luôn đó là một điểm kẹt trong quan hệ của nước Mỹ với thế giới bên ngoài. Mới đây theo một cuộc thăm dò dư luận thì ở các quốc gia Ả Rập và ở thế giới Hồi giáo, 90% dân chúng ghét Mỹ. Ta đừng nên quên Hồi giáo là khối tôn giáo lớn nhất trên thế giới và cũng là khối tôn giáo tăng nhanh nhất. Đó là điều mà người Mỹ luôn luôn phải nhớ trong đầu, và tất cả mọi chính quyền dù là Cộng hoà hay Dân chủ đừng bao giờ quên rằng đó có thể là hạt giống hay mầm mống cho cuộc chiến thế giới thứ ba ngày mai.

Có một điểm mà nhân dân, chính phủ và các nhà ngoại giao Mỹ phải luôn luôn ghi nhớ, một sự thật muôn đời mà chúng ta không được phép quên: “Không một dân tộc nào trên thế giới, dù văn minh hay không văn minh, dù còn hoang dã tới đâu hay hiện đại tới đâu, giàu nhất hay nghèo nhất, lại muốn đất nước mình bị xâm lược và chiếm đóng, dù ý chí của kẻ đến chiếm đóng có tốt bao nhiêu đi nữa.”

Nếu chúng ta có thể tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý rộng khắp thế giới, chúng ta sẽ thấy rằng 100% dân chúng sẽ chống lại việc xâm lược và chiếm đóng của một dân tộc khác, đặc biệt là dân da trắng từ châu Âu và Mỹ. Nhật Bản đã học được bài học này với những nước láng giềng ở châu Á, mặc dù họ đã chọn ngọn cờ “Khối Thịnh vượng chung châu Á” trong những năm 40. Từ những thời đại xa xưa nhất, từ thời nguyên thuỷ của loài người, không ai ưa bị xâm lược và chiếm đóng. Hãy nhìn lại lịch sử nhân loại và ta sẽ thấy sự thật muôn đời này. Chủ nghĩa thực dân và sự chiếm đóng của nước ngoài luôn luôn để lại một vị cay đắng trong miệng con người, và một chất độc chết người ở trong đầu óc họ. Những dân tộc bị xâm lược và chiếm đóng luôn luôn nghi ngờ rằng những kẻ chiếm đóng có ý định đen tối: tìm kiếm tài sản báu vật, khai thác tài nguyên đất nước, tìm kiếm dầu và quặng mỏ là nền tảng của chủ nghĩa thực dân…

Đừng nói chuyện tự do, đừng nói chuyện tự quyết, đừng nói chuyện truyền bá văn minh. Đừng nói chuyện dân chủ. Không ai tin anh đâu. Họ biết rằng anh chỉ được cái miệng.

Nước Mỹ luôn luôn rêu rao nó không hề có ý định thực dân, nhưng Mỹ luôn luôn quên mất sự thật muôn thuở ấy, bởi vì nước Mỹ nhiều khi bị lãnh đạo bởi những chính trị gia tham lam ngông cuồng hoặc các chánh phủ kiêu ngạo và hống hách. 

Người Mỹ phải tự hỏi lấy chính mình: “Chúng ta có muốn bị xâm lược không? Chúng ta có muốn bị chiếm đóng không? Nếu chúng ta không muốn, thì tại sao chúng ta lại xâm lược những đất nước khác, chiếm đóng những quốc gia khác? Nếu chúng ta không muốn vậy tại sao chúng ta lại chia trái đất ra làm hai, một cho chúng ta và một cho thế giới bên ngoài?”.

Khi chánh phủ Bush đánh vào và chiếm đóng Iraq, một mình hay gần như một mình, mặc dầu các nước Đồng minh Âu châu chống đối, và Liên Hiệp Quốc không đồng ý, thì có phải đây là một chánh sách ngoại giao ngạo mạn, kiêu ngạo không? Rồi sau khi đã mất vào chiến tranh hàng trăm tỷ Mỹ kim với hàng ngàn binh sĩ bị tử vong và hàng trăm ngàn dân Iraq bị giết, chánh phủ Bush phải kêu gọi cầu cứu Liên Hiệp Quốc và đồng minh Âu châu vào giúp, thì Hoa Kỳ có mất mặt không? Các nhà lãnh đạo Mỹ đã quên lịch sử và số phận của đoàn quân viễn chinh đế quốc Anh Cát Lợi hồi trước sao? Sau khi đánh vào và chiếm đóng Iraq 15 năm, và mất hàng ngàn binh sĩ bị tử vong, chánh phủ Anh phải rút quân về và Thủ tướng Winston Churchill năm 1945 phải thốt ra lời than thở: “Tôi rất hối hận đã cho quân vào chiếm đóng Iraq”. Với số binh sĩ tử vong hàng ngàn và dân chúng Iraq bị tiêu diệt hàng trăm ngàn, Hoa Kỳ đang đi theo số phận của Anh Cát Lợi trước đây.

Và chúng ta không nên quên một quy luật của thiên nhiên được thừa nhận và tôn trọng bởi tất cả các tôn giáo trên thế giới: “Không có một vụ giết người nào là không phải trả giá, không có một vụ ám sát nào được quyền làm, không có một vụ diệt chủng nào mà khỏi chịu tội. Những ai làm những chuyện này đều sẽ phải trả, không bằng cách này thì bằng cách khác; nếu họ chưa kịp trả thì con cái họ hay cháu chắt họ phải trả; nếu thế hệ hiện tại chưa trả, thì thế hệ kế tiếp và những thế hệ trong tương lai sẽ phải trả.”

Nhưng trong chính trị, vấn đề nhức nhối là nếu ta xét một khoảng thời gian chừng một thế kỷ so với vĩnh cửu thì chỉ là khoảnh khắc của một giây đồng hồ, thì thường thường kẻ tội phạm không trả nhưng những người vô tội nối tiếp về sau lại phải trả!


Kết

Sau 30 năm làm việc cho dân tộc và phụng sự đất nước, ngày nay, tôi không khỏỉ ngồi ngẫm nghĩ lại những gì tôi đã gặp trong khi thi hành phận sự ở trong và ngoàì nước.

Tôi đã được nuôi dưỡng bằng những giá trị truyền thống kết tinh qua bao nhiêu thế kỷ hào hùng, và nhân hậu của tổ tiên, trên nền tảng của những tư tưởng vĩ đại của phương Đông, và tình thương vô tận của dân tộc.

Trong câu chuyện kể lại quãng đời đã trải qua, biết bao nhiêu lần tôi buồn rầu trông thấy những giá trị ấy hầu như biến mất, không còn dấu vết ở một số người, đặc biệt ở những con người được coi là thuộc tầng lớp thượng lưu, tinh hoa nhất của xã hội, trong lúc tính trung hậu thuỷ chung lại chỉ còn được tìm thấy ở nơi dân nghèo, chất phác ở thôn quê.

Trên trường quốc tế, tôi cũng chán nản, nhìn thấy bao nhiêu sự lầm lẫn của công chức người ngoại quốc, ở những địa vị cao cấp nhất, đại diện cho những xã hội ưu tú nhất của thế giới, đã có những tư cách và hành động kém cỏi, không khác gì những viên chức các nước hậu tiến, chỉ vì tham lam tranh nhau quyền lợi cá nhân, riêng tư, ít khi nghĩ đến quyền lợi chung của nhân loại.

Tất cả đạo giáo trên thế giới đều có mục đích cao xa, thay đổi con người, đào tạo ra một con người có tình thương nhiều hơn, có đức hạnh cao hơn. Nhưng qua những năm 47, tôi vào đại học và chen chúc với xã hội Pháp, rồi đến các năm 50, qua Mỹ để học hỏi “đời sống dân chúng Mỹ” – the American Way of Life – và lăn lộn bao nhiêu năm với xã hội Mỹ, tôi thấy rõ, xã hội ở Âu châu, ở Mỹ châu, cũng như ở nước nhà, đã thay đổi nhiều từ đó và bây giờ tư cách con người bất cứ ở xã hội nào cũng kém thua ngày xưa nhiều.

Tôi không khỏi tự hỏi loài người sẽ đi đến đâu?

N.H.H.
Santa Barabara, Tháng Năm 2004


Lời ghi chú

Toàn bộ tiền bán sách Câu chuyện đời tôi (ấn bản đầu) đều được đóng góp vào quỹ của Hội Việt học. Tuy nhiên, xin lưu ý độc giả sách được xuất bản từ đầu năm 2004, nên có hơi khác với sách trên mạng talawas, nhưng không bao nhiêu. Xin liên lạc với ông Lân Minh Lê 15355 Brookhurst St, Suite 222. Westminster, CA 92683, USA. Email: Bandieuhanhvvh@yahoo.com

1    2    3    4    5    6    7    8    9    10

1 nhận xét:

  1. Sách in năm 2004. Tác giả không thấy cảnh thuyền nhân?
    Không biết đảng CSVN tuyển lựa đoàn viên thuôc loại Tam Đại Bần Cố nông?

    Độc-Lập hay Tay sai?
    Tôi năm nay 71 tuổi, đang sống ở nước ngoài, xin đóng góp vào loạt bài của Đặng Chí Hùng về cái gọi là độc lập của HCM.
    Trải qua dòng lịch sử nước nhà, các vua của đất nước ta, ai cũng phải chịu nhục có lẽ là quỳ gối để tiếp nhận chiếu chỉ của vua Tàu phong vương cho mình. Sau đó sứ-gỉa Tàu về nước. Vua quan ta họp nhau bàn luận, tổ chức việc cai trị ra sao thì không hề phải thông báo, chứ chẳng có chuyện phải xin phép vua Tàu. Đó là sự thực được trình bày rõ ràng qua các sách sử của nước nhà.
    1/ Trái lại HCM phải trình cho Liên-Xô (LX) chương trình “Cải cách ruộng đất”. Một chương trình hoàn toàn thuộc về nội trị của đất nước! Trước khi thực hiện thì gởi người qua Tàu để học cách làm. Cứ tạm coi là đi tu nghiệp về chuyên môn, có thể chấp nhận được. Nhưng trong khi thực hiện thì có các cố vấn Tàu và phải xin phép. Việc bà Cát Hanh Long bị giết vì HCM không thể xin được khi cố vấn Tàu phán: “Cọp đực, cọp cái đều ăn thịt người”, là một bằng cớ về việc làm tay sai, không có thực quyền.
    2/ Trong khi đảng cộng sản VN họp hành để thảo luận về các chương trình làm việc, một việc hoàn toàn thuộc về nội bộ của đảng minh. HCM đã mời đại diện Tàu tham dự (xin ai biết rõ việc này bổ túc dùm). Đây là một bằng chứng khác về việc làm tay sai.
    3/ Thực chất của cái gọi là “Nghĩa vụ quốc tế” chính là làm tay sai cho LX. Khi thế giới phân chia thành hai khối Tư-bản và Cộng-Sản. LX muốn bành trướng vùng ảnh hưởng của mình, thì chỉ thị cho đàn em cung cấp người, anh cả chỉ cung cấp vũ-khí.

    Trả lờiXóa