1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
V. Sự
nghiệp quốc tế đầu tiên
Tháng 8/1964 tôi đưa cả gia đình tôi qua Pháp. Sau đó ít lâu tôi được phái đoàn
Ngân hàng Thế giới (World Bank) ở Tokyo phỏng vấn và tuyển dụng làm Chánh sự vụ
ở IFC trong Ngân hàng Thế giới. Tôi rời Việt Nam tháng 2/1965 để nhận công
việc ở World Bank. Gia đình tôi ở Pháp đi theo tôi tới Washington D.C và chúng
tôi đã được sống sung sướng một thời gian. Lợi tức của tôi tăng lên đáng kể với
công việc mới, lương mỗi năm 22.000 đô-la, khỏi thuế, tương đương với 250.000
đô-la trước thuế – tính theo giá đô-la năm 2004 (vào thời điểm ấy, chiếc xe
Mercury đầy đủ tiện nghi máy móc, tôi mua chỉ với giá 2.000 đô-la thôi, bây giờ
phải hơn 25.000 đô-la).
Washington cũng đẹp hơn Sài Gòn nhiều. Tôi rất thích
công việc mới này – tôi phụ trách ngân hàng phát triển trong các quốc gia nói
tiếng Pháp. Với những kinh nghiệm cần thiết đã có sẵn và với lòng nhiệt thành,
tôi bắt đầu công việc ở IFC rất tốt dù dưới quyền một con người rất khó tánh –
Tổng giám đốc điều hành Martin Rosen đã nói và viết ra trên giấy khen khi
tôi rời chức vụ. Nhưng tôi cũng không thoát khỏi một cảm giác mơ hồ là đã rời bỏ
quê hương trong lúc khó khăn. Mỗi khi có một chính phủ mới lên cầm quyền thì từ
Sài Gòn, bạn bè và quan chức nhà nước đều nhắn tôi trở về phục vụ tổ quốc.
Tháng 9/1965 phái đoàn Việt Nam dự hội nghị thường niên IMF-IBRD đã tiếp xúc với
tôi và cho tôi biết chính phủ đang dự định mời tôi về đứng đầu Ngân hàng Trung
ương Việt Nam. Họ nói tôi phải về phục vụ đất nước vì chính phủ mới, tỏ ra có
năng lực hơn các chính phủ trước kia và Việt Nam có lẽ sẽ có được một giai đoạn
ổn định chính trị và an ninh xã hội. Họ cho biết viên Thống đốc hiện nay, vốn mới
được bổ nhiệm cách đây vài tháng, đã tỏ ra thiếu năng lực và quan tâm tới chính
trị nhiều hơn là tới công việc ngân hàng.
Tướng Nguyễn Cao Kỳ, người vừa được hội đồng tướng lãnh chỉ định làm Thủ tướng
đã sai đại sứ ở Washington Vũ Văn Thái tới gặp tôi và thuyết phục tôi về nước
giúp cho chính phủ mới. Thời gian đó chính quyền Mỹ cũng đặt quyết tâm giành
chiến thắng. Tổng thống Johnson dự định gởi 500 ngàn quân qua chiến trường Việt
Nam. Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn nói với ông là Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ cần có một
chuyên viên hàng đầu để điều hành kinh tế nhằm giúp ông ta chỉ tập trung toàn bộ
vào việc chiến đấu. Bộ Ngoại giao Mỹ và những viên phụ tá của Johnson nói với
ông rằng tôi rất nổi tiếng về việc điều hành kinh tế tài chánh ở cả trong lẫn
ngoài nước và tôi có thể đóng vai trò của người chuyên viên ấy. Tổng thống
Johnson chỉ thị cho Bộ Ngoại giao và những người phụ tá tiếp xúc tôi và thuyết
phục tôi trở về phục vụ; tôi trả lời là tôi sẽ chỉ về nếu tôi được hứa giúp những
yêu cầu cần thiết – và không giới hạn: để cải thiện tình hình kinh tế Việt Nam
ngay giữa lòng chiến tranh, tôi sẽ chỉ phục vụ quyền lợi của đất nước tôi thôi;
tôi phải có kế hoạch ổn định của riêng tôi và được tự do vạch những phương pháp
điều hành độc lập. Tôi cũng nói, chắc họ đã biết tính thẳng thắn, sự nghiêm nhặt
và những phương pháp điều hành cứng rắn của tôi. Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ
Peter Ferguson, và những tay phụ tá toà Bạch Ốc bảo đảm với tôi rằng tôi sẽ được
hoàn toàn tự do làm việc; được hỗ trợ toàn diện từ phía toà Bạch Ốc, và sẽ có tất
cả những tài nguyên cần thiết. Các sứ giả Việt Nam của tướng Kỳ cũng nói là tôi
sẽ được toàn quyền hành động trong lãnh vực của tôi và chính phủ sẽ hỗ trợ toàn
diện.
Cùng lúc đó toà Bạch Ốc đã nhắn vị Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, ông Wood, yêu cầu
để tôi đi, nhưng tôi vẫn thấy lòng do dự bởi tôi có cảm giác tướng Kỳ là một
tay cao bồi và tôi thấy mình không đủ kính trọng ông ta để làm việc dưới quyền
của ông. Đối với tôi Kỳ là một vị tướng tánh tình sôi nổi, một người mới bắt đầu
vào làng chính trị và một nhà lãnh đạo chưa có ý thức tổng quát về các vấn
đề kinh tế mà những nguyên thủ quốc gia bắt buộc phải có. Tôi không muốn cột sự
nghiệp của mình trong thời điểm khó khăn như thế này vào một chính phủ có
thể không đứng vững; tôi cần phải được thuyết phục rõ ràng là với chính phủ của
Kỳ tôi có thể làm được việc để phục vụ đất nước.
Mặc dù rất thương yêu đất nước, tôi vẫn phân vân không biết miền Nam có sống
qua được cuộc chiến tranh. Trở về nước trong một giờ phút nguy kịch như thế này
là một việc rất phiêu lưu và rất nguy hiểm và tôi không thể biết chắc là với những
sự hỗ trợ của cả hai chính phủ Việt Nam và Mỹ như vậy có làm thay đổi được gì
trong bầu không khí ảm đạm và đầy thất vọng của dân chúng; những cuộc tấn công
của du kích quân xảy ra hầu như mỗi ngày, càng lúc càng táo bạo và càng gây nhiều
thương vong, mặc dù Mỹ đã tăng cường rất nhiều nỗ lực chiến tranh. Trong đầu
tôi diễn ra một cuộc xung đột giữa ý thức về trách nhiệm và ý thức về thực tế,
giữa tình yêu đất nước và mối bận tâm về tình thế, giữa trách nhiệm đối với gia
đình và những đứa con nhỏ của tôi, với ước muốn phụng sự đất nước
và giúp đỡ dân chúng.
Quả là rất khó khăn cho tôi để quyết định. Tôi bị giằng xé giữa biết bao nhiêu
điều suy tính, tất cả đều chánh đáng như nhau. Trong lúc đó Kỳ chỉ thị cho các
sứ giả của ông mời tôi về làm một vòng quan sát để thuyết phục tôi. Tôi chấp nhận
ý kiến này; để tôi có thể nhận định về toàn bộ tình hình cùng đánh giá
năng lực lãnh đạo của Kỳ. Tôi về thăm Việt Nam và có một buổi nói chuyện rất
lâu với Kỳ. Tôi phải nói rằng mặc dù những điều không vừa ý trước kia, tôi vẫn
rất có ấn tượng về lòng tận tuỵ chân thật của Kỳ đối với đất nước, sự thông
minh và đầu óc cởi mở của ông ta đối với các vấn đề kinh tế tài chánh. Ông ta
nói với tôi là đã nghe nhiều về khả năng chuyên môn của tôi cũng như sự liêm
khiết và thẳng thắn của tôi, không những từ phía Việt Nam mà từ cả phía người Mỹ,
ông ta hoàn toàn tin tưởng nơi tôi và trông cậy vào khả năng của tôi để thực hiện
những điều tốt đẹp cho đất nước vào giai đoạn khó khăn này. Tôi phải nói rằng
sau này ông ta vẫn luôn luôn giữ lời hứa.
Sau nhiều đêm không ngủ và tham khảo ý kiến với vợ tôi, tôi quyết định về nước.
Tháng 11/1965 sau khi đưa gia đình tới thành phố Nice ở Pháp, tôi bay về Việt
Nam. Tôi được trả 600 USD mỗi tháng để cấp dưỡng cho gia đình ở Pháp, trong khi
chờ đợi tôi trở về Mỹ tiếp tục công việc ở Washington. Tôi hạ cánh xuống Sài
Gòn vào một ngày nắng đẹp, và khi tôi bước ra khỏi máy bay, tôi thấy toàn bộ
nhân viên cao và trung cấp của Ngân hàng Trung ương đang chờ đón tôi ở trong
phòng khách VIP. Khi nhìn thấy lại quang cảnh quen thuộc bao quanh phi trường,
lòng tôi đầy xúc động và tôi cảm thấy dâng lên một ý thức trách nhiệm sâu sắc.
Nguyễn Xuân Oánh, viên Thống đốc cũ đã rời ngân hàng không bàn giao công việc,
không một lời từ giã, cũng giống như cung cách của Thúc năm 1956 khi anh
ta bị Diệm sa thải. Tại sao những con người có học như Oánh và Thúc lại có thể
xử sự như vậy được. Anh ta đã để lại cho ngân hàng một đống hỗn độn. Vì đã hưởng
mùi vị quyền lực một vài ngày khi các viên tướng đang lo đánh nhau đưa anh ta
lên làm Thủ tướng tạm thời, anh ta cũng đâm ra ưa thích chính trị và
có rất nhiều tham vọng. Nhưng công việc ngân hàng thì hình như chẳng hấp dẫn gì
đối với anh ta, và dĩ nhiên sự thiếu hiểu biết cũng như thiếu kinh nghiệm trong
lĩnh vực ngân hàng làm anh ta khó lòng quản lý Ngân hàng Trung ương, sự hỗn độn
trong ngân hàng là từ đó mà ra.
Oánh điều hành Ngân hàng Trung ương như là một cơ quan tiếp tân ngoại giao
(public relations agency) và dùng nó làm một bàn đạp cho các tham vọng
chính trị. Trước khi rời ngân hàng, vào phút cuối cùng, anh ta đặt một văn
phòng đại diện ở Paris để quản lý dự trữ ngoại tệ – làm cho nhân viên cao cấp của
ngân hàng sửng sốt – rồi anh ta giao văn phòng này cho người bạn thân anh ta phụ
trách. Đây là một hành động rất bất thường, vì để ở trung ương mà quản lý thì
ít tốn kém hơn, dễ dàng hơn và hợp lý hơn. Thành lập một văn phòng ở Paris chỉ
để làm việc này là chuyện phi lý, trừ khi anh ta và bạn anh ta có một động
cơ nào khác không nói ra được, nhất là khi tất cả các sở ở trung ương đều phải
có nhân viên đại diện của sở tổng kiểm soát, mà văn phòng Paris không có
kiểm soát viên, nên nhiều người nghi ngờ rằng việc đầu tư dự trữ ngoại tệ cho đất
nước không phải là mục đích chính của họ. Nói gì thì nói, văn phòng này làm cho
ngân hàng tốn kém rất nhiều vừa về phương diện bố trí nhân viên vừa về
vấn đề tiền bạc bố trí văn phòng. Vì vậy với sự đồng ý của hội đồng quản trị,
tôi quyết định đóng cửa. Người ta cho tôi hay là cả Oánh và bạn anh ta, đều căm
tức quyết định này. Oánh thì đã sẵn ác cảm với tôi sau hai lần gặp trước đây vì
ganh ghét với sự nghiệp của tôi, và bạn anh ta cũng chẳng mấy thiện cảm sau một
thời gian ngắn làm việc dưới quyền của tôi tại Ngân hàng Việt Nam Thương tín.
Khi Ernest Lederer tới Việt Nam để thu thập dư luận, lượm lặt những tin tức đồn
đại, những chuyện ngồi lê đôi mách ở các quán bar và các tiệm cà phê – nơi những
người chống chiến tranh và phe phái đối lập gặp gỡ nhau hàng ngày – để viết một
cuốn sách nhằm làm mất uy tín chính sách Việt Nam của Tổng thống Johnson, thì
Oánh và Lê Phát Đạt, một nhân viên cũ của ngân hàng đã gặp anh ta và buộc tội
tôi gian lận trong việc xử lí dự trữ ngoại tệ, điều mà đúng ra, lại là chính mục
đích thầm kín của họ khi mở văn phòng đại diện ở Paris! Ai lại không tin một cựu
Thống đốc, và một Nghị sĩ, nhân viên cũ của ngân hàng? Nhưng cả hai người
này đều cùng nuôi lòng đố kỵ tôi, một người vì ganh tị vấn đề nghề nghiệp và
người thứ hai thì vì công việc kém, nhưng rất hống hách nên phải ra đi.
Lê Phát Đạt đã từng làm việc dưới quyền tôi, phụ trách sở ngoại vụ tại
ngân hàng. Anh ta làm việc không giỏi, anh ta thường mang hồ sơ tới gặp tôi để
xin chỉ thị và hướng dẫn cách giải quyết công việc của anh ta. Anh ta chưa bao
giờ được đào tạo về ngân hàng. Nhưng anh ta rất hống hách, đặc biệt đối với
nhân viên dưới quyền, đến nỗi một nhân viên đã cạo đầu như các nhà sư để phản đối
cách cư xử hách dịch của anh ta. Người này đi khắp ngân hàng, tới tất
cả các nơi có nhân viên tụ họp, trình diện cái đầu trọc để nhắc toàn
thể nhân viên về sự hống hách của Đạt, làm không ai nhịn cười được
khi nhìn thấy một nạn nhân bị cạo sạch đầu của Lê Phát Đạt! Mặc dù thiếu
năng lực về ngân hàng, Đạt rất nhiều tham vọng và muốn được bổ nhiệm làm Tổng
giám đốc, vì hai vợ chồng anh ta đã từng là bạn thân với vợ tôi; nhưng đối với
tôi, bạn hay không bạn, khi một nhân viên không đủ năng lực, tôi không thể
thăng chức.
Sau đó Đạt vào được quốc hội. Vào lúc đó ở Nam Việt Nam không có nền dân chủ thật
sự vì dân chủ thật sự đòi hỏi một trình độ ý thức chính trị trưởng thành ở
trong dân chúng mà người Việt Nam chưa có. Vì vậy mà Thiệu đã đưa một hệ thống
bầu cử được áp dụng ở Nam Mỹ về dùng. Không có bầu "một người một phiếu,
một ứng cử viên một phiếu" như trong một cơ cấu dân chủ thật sự. Hệ thống
được Thiệu áp dụng dựa trên một liên danh ứng cử 10 người, mà đứng đầu
thường là một chính trị gia tên tuổi. Cử tri không cần biết từng người một trên
danh sách liên danh và sẽ bầu cho cả liên danh khi họ bỏ phiếu cho người đứng đầu.
Vì vậy mà người dân đi bầu thường chỉ chọn liên danh này hay liên danh kia vì họ
biết người đứng đầu, chứ họ không nhắm bầu cho chín người còn lại vì họ không
biết; nhưng khi người đứng đầu danh sách được bầu thì chín người kia cũng theo
ông ta mà vào quốc hội. Nếu họ đều là những người đàng hoàng thì liên danh này
có thể chấp nhận được và quốc hội sẽ có những thành viên khả dĩ. Nếu không thì
chúng ta có thể thấy chất lượng của các nghị sĩ cũng như quốc hội kém cỏi như
thế nào. Thường người ta vào trong một liên danh ứng cử không phải vì các chủ
trương hay lý thuyết chính trị. Người ta vào vì tiền, vì quyền lực, vì uy tín,
vì tham vọng và thường thì vì có cơ hội làm ăn; ít khi người ta vào để phục vụ
đất nước. Trong trường hợp của Lê Phát Đạt thì được cha vợ của anh ta là người
rất xứng đáng, đứng đầu danh sách, còn Đạt là chính trị gia chưa tập sự. Cử tri
đã bỏ phiếu bầu cho cha vợ anh ta là người có tiếng tăm và anh ta cùng mấy người
kia, như một cái đuôi theo ông vào trong ngành lập pháp. Nhưng anh ta rất tự cao
và luôn luôn khoe khoang trước công chúng hay trong các nhóm riêng. Anh ta hống
hách đến nỗi anh ta trở về ngân hàng đòi hưởng quyền mua một căn nhà dành cho
các thành viên lâu năm, cái quyền không còn thuộc về anh ta nữa vì anh ta đã từ
chức! Anh ta cũng đòi được sáp nhập trở lại vào danh sách hưu bổng của
ngân hàng mà tôi đã thành lập cho các nhân viên với những điều kiện rất hậu
hĩnh, mà anh đã rút ra khỏi khi từ chức. Anh ta cứ nghĩ rằng vì là bạn của
gia đình, anh ta sẽ được ưu đãi đặc biệt. Không có một lý do nào chính đáng nào
trong các đòi hỏi của anh ta và tôi rất ngạc nhiên là anh ta dám đòi những đặc
quyền như vậy. Tuy nhiên đối với tôi, thì bạn hay không bạn, khi không có tư
cách để hưởng quyền lợi, thì đòi hỏi vô ích. Dĩ nhiên là chính tôi từ chối bởi
vì người phụ trách phần việc, viên Giám đốc hành chánh, không dám từ chối anh
ta, ngại cái tít Nghị sĩ và tính hống hách của anh ta. Và dĩ nhiên là anh ta rất
tức giận và công khai chỉ trích tôi bất cứ khi nào có cơ hội, mặc dầu quan điểm
của anh ta hoàn toàn trái luật. Một ngày kia khi anh ta biết tin là tôi
đang gởi thơ lên Tổng thống Thiệu xin từ chức để trở về lại Ngân hàng Thế
giới (World Bank), anh ta lên diễn đàn quốc hội và trước sự sững sờ của các nghị
sĩ, tố cáo việc quản lí của tôi ở ngân hàng, kê ra nào là bán nhà tự do cho
nhân viên, trợ cấp hưu bổng rộng rãi và bảo hiểm y tế rất hậu cho nhân viên, buộc
tội tôi là quản lý sai dự trữ ngoại tệ và tài sản ngân hàng. Tất cả các nghị sĩ
đều sửng sốt. Rất nhiều người tuy không yêu thương gì tôi nhưng kính trọng năng
lực và sự liêm khiết của tôi; họ cũng đều biết công tác kém cỏi của Đạt trong
ngân hàng ngày trước. Cha vợ của anh ta bị sốc đến nỗi ông đã bỏ ra khỏi phòng
họp, rồi sau đó nói cho anh ta hay là ông xấu hổ vì Đạt đã chỉ trích một cách bất
công và xấu xa một người bạn; tôi cũng được nghe một số bạn bè chung kể là vợ
anh ta cũng giận anh ta đến nỗi cô đã doạ ly dị. Tôi gọi ông già vợ anh và cho
ông hay cuộc viếng thăm của Đạt tại ngân hàng và những sự đòi hỏi vô lý của anh
ta. Tôi doạ sẽ viết thư cho Chủ tịch Thượng nghị viện về các sự đòi hỏi hống
hách của Đạt; ông già vợ anh ta xin lỗi tôi, nên tôi bỏ qua chuyện gởi thư cho
Chủ tịch Thượng viện. Đạt rất nể gia đình vợ vì chính họ tạo cho anh ta công ăn
việc làm; sau đó anh ta có nép mình đi đôi chút. Nhưng anh ta rất sung sướng
khi gặp Ernest Lederer để cùng với Nguyễn Xuân Oánh phá hại tôi. Sau khi
trốn thoát được qua Mỹ, với cái chết của cha vợ và căn bệnh nặng của người vợ,
anh ta lại chỉ trích tôi dữ dằn hơn trước, bất cứ dịp nào, bất cứ lúc nào.
Với việc tái tổ chức lại ngân hàng lần thứ hai từ trên xuống dưới, tôi khôi phục
lại được uy tín và cải thiện được tư thế của nó; đặc biệt là tôi đã nâng cao
vai trò của nó trong việc lập chính sách kinh tế tài chánh cho chính phủ. Từ đây
trở đi cho tới ngày tôi từ chức năm 1968 để trở về Ngân hàng Thế giới, Ngân
hàng Quốc gia Việt Nam đã trở nên một người cố vấn rất quan trọng đối với chính
phủ và là một tác nhân hàng đầu trong chính sách tổng quát của chính phủ trên
các lãnh vực kinh tế tài chánh, nhiều khi còn vượt cả phạm vi hoạt động và ảnh
hưởng của ngân hàng. Điều này cũng có nghĩa là tăng thêm rất nhiều hoạt động
cho ngân hàng và tăng mạnh các công việc của tôi, nhưng tôi không ngại phải
làm việc nhiều hơn và nhận nhiều trách nhiệm hơn vì ích lợi của ngân hàng
và quyền lợi của quần chúng. Nói cho cùng tôi đã chấp nhận những thiệt
thòi lớn về tài chánh khi trở về làm việc giúp đất nước, thì tôi
không ngại gì mà làm việc ngày đêm. Trong suốt thời gian này tôi được Thủ tướng
Nguyễn Cao Kỳ mời tham dự các buổi họp nội các bàn về các vấn đề kinh tế tài
chánh. Tôi cũng thường được Kỳ và các Tổng trưởng liên quan yêu cầu cho ý kiến
và đề nghị chánh sách và phương án giải quyết những vấn đề khó
khăn; chính phủ thường chấp nhận các ý kiến và các đề nghị của
tôi. Vì lý do đó tôi rất thận trọng khi làm việc và hợp tác chặt chẽ với Trần
Văn Kiện, Tổng trưởng Tài chánh, và Trương Thái Tôn, Tổng trưởng Kinh tế. Kiện
là một người rất tốt và rất dễ thương, nhưng lại quá dễ dãi. Anh ta là người của
đảng Đại Việt và được Phan Huy Quát, thủ lãnh đảng Đại Việt đưa vào chính phủ Kỳ.
Tôn là một kỹ sư nông nghiệp cũng là một người dễ thương và lịch thiệp, có quan
hệ ngoại giao rộng nhưng cũng không phải là nhà kinh tế giỏi; anh ta có thể
quán xuyến công việc thường lệ nhưng không thể hoạch định những vấn đề chính
sách. Tôi giúp Kiện và Tôn bằng mọi cách, nhiều nhất là trong việc nghiên
cứu và vạch chính sách cho họ. Đóng một vai trò tích cực trong việc hoạch định
chính sách và dành một vị trí ưu thế cho ngân hàng, tôi đã góp phần ấn định một
phương hướng tổng quát cho nền kinh tế tài chánh của đất nước.
Tôi cũng hợp tác chặt chẽ với Giám đốc cơ quan USAID Mỹ (U.S.
Aid Agency) Donald Mc Donald và Cố vấn Kinh tế của toà đại sứ Mỹ, Roy
Wherlee. Họ thích xử lý với tôi các vấn đề kinh tế tài chánh mà lẽ ra là phải
được Tôn và Kiên xử lý, bởi vì họ biết rõ ảnh hưởng của tôi đối với nội các và
các vị Tổng trưởng liên quan. Nhưng trên hết họ đánh giá cao cách làm việc của
tôi bởi vì công việc của họ được giải quyết hay quyết định dứt khoát, mau lẹ trong
khi họ không thể dễ dàng làm được như vậy với các Tổng trưởng thường
hay ngập ngừng do dự.
Để công việc được dễ dàng và thu được nhiều kết quả tốt hơn khi hợp tác với họ,
tôi duy trì sự tiếp xúc thường xuyên với các Đại sứ Mỹ, Pháp, Úc, Nhật và Trung
Hoa, chiêu đãi họ rất thịnh soạn. Về phía người Mỹ, tôi thường chiêu đãi tại
nhà tôi đại sứ Ellsworth Bunker cùng bà Bunker vợ ông – bà ta là Đại sứ Mỹ tại
Nepal. Hai ông bà Bunker cũng thường mời tôi cùng họ đi thăm xứ sở Nepal bằng
máy bay riêng của họ, nhưng tôi không có đủ thời gian cho việc này. Về sau tôi
cứ tiếc đã để mất cơ hội thăm một quốc gia mà sau này tôi sẽ đại diện tại hội đồng
quản trị Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Cùng với Đại sứ Bunker tôi cũng thường mời Robert
Komer, phó Đại sứ Mỹ đặc trách chương trình bình định và là người đại diện
không chính thức của toà Bạch Ốc ở Sài Gòn, tướng Westmoreland, tổng tư lệnh
quân đội Mỹ tại Việt Nam và sau này người kế nhiệm ông, tướng Abrams. Phòng ăn
của tôi nổi tiếng những thức ăn ngon và điều này giúp tôi rất nhiều trong các mối
quan hệ ngoại giao. Tôi cũng thường chơi tennis với Robert Komer, nhưng tôi
không tìm ra ai để cùng tôi chơi trượt ván nước.
Tôi thường nói với những người đối tác bên phía Mỹ và bộ chỉ huy quân sự Mỹ rằng
500 ngàn du khách (đó là con số lính Mỹ tại Việt Nam) lương mỗi tháng 600 USD mỗi
người, là một gánh quá nặng đối với một nền kinh tế bé nhỏ như Việt Nam nếu họ
được phép tiêu xài thả cửa trên thị trường bản địa; điều đó sẽ tạo ra một áp lực
khổng lồ trên mặt cung ứng sản phẩm và tỉ lệ lạm phát sẽ bùng nổ theo một chiều
hướng tệ hại. Tôi cực lực yêu cầu những người lính Mỹ chỉ được tiêu
xài trong phạm vi căn cứ của họ, và phải được cách li khỏi nền kinh tế Việt
Nam. Việc lính Mỹ xài quá nhiều tiền trong khi sống giữa một khối dân chúng
nghèo khổ, cùng với việc họ công tác bên cạnh những người lính Việt Nam sống một
đời cực nhọc nguy hiểm mà lương mỗi tháng chỉ 20 USD cho cả nhà gồm có tới
chín, mười người sẽ gây nên một vấn đề xã hội, chính trị hết sức đáng quan ngại.
Trong những chuyến đi thị sát ở thôn quê, tôi thường nghe lính tráng Việt Nam
so sánh đời sống của lính Mỹ với lính Việt, về việc lính Mỹ ngoài 600 USD mỗi
tháng còn có tất cả mọi tiện nghi khác như được tắm ngay trong rừng sau trận
đánh, ăn thịt ngỗng trong ngày lễ Tạ Ơn, bánh ngọt trong dịp lễ Giáng Sinh. Đó
rõ ràng là không công bằng đối với người lính Việt Nam và họ thường nói với
nhau cứ để bọn Mỹ đi đánh nhau và chết thay cho họ! Điều này là một vấn đề
chính trị kinh tế xã hội rất quan trọng, phải được chính Thủ tướng và các Tổng
trưởng có liên quan lưu tâm tới. Nhưng vì không ai muốn gánh lấy trách nhiệm
nên tôi phải gánh luôn cái gánh nặng giải quyết và đưa ra những phương án hợp
lí cho mỗi cơ quan. Điều này không phải dễ dàng, đôi khi tôi bị mắc kẹt giữa
các phe phái đối nghịch nhau.
Quân đội Mỹ và những nhân viên dân sự làm việc cho họ nhận tiền lương bằng
loại tiền MPC mà người Tàu và người Việt gọi là đô-la đỏ; họ được
khuyến cáo để những đồng đô-la xanh ở nhà, chỉ dùng đồng MPC trong các căn cứ của
họ. Việc lưu hành đồng đô-la đỏ được giới hạn trong các căn cứ Mỹ và tại các
khu quân tiếp vụ, nơi cung cấp hàng hoá và dịch vụ cho lính Mỹ; nhưng chúng tôi
không thể ngăn chặn được đồng đô-la đỏ tràn vào nền kinh tế Việt Nam qua những
cô gái bán bar và đám người làm ăn với Mỹ. Lẽ tự nhiên điều này tạo ra một khối
lượng khổng lồ nạn chợ đen, đầu cơ và làm bạc giả. Phải ngăn chặn tình trạng
này. Vì vậy mặc dù có sự phản đối của binh lính Mỹ và những nhân viên dân sự Mỹ,
tôi vẫn nói với bộ tư lệnh quân sự Mỹ nên thỉnh thoảng đổi đồng MPC một cách bất
ngờ, không báo trước. Bộ tư lệnh Mỹ tuy thường hay ngần ngại nhưng đôi khi cũng
đồng ý và tổ chức những đợt đổi tiền đô-la đỏ chớp nhoáng. Đám chợ đen, đầu cơ
và kinh doanh bất hợp pháp thường bị chưng hửng trong khi làm ăn và có thể mất
một số tiền lớn. Đó là hình phạt mà tôi muốn dùng để dân chợ đen, chợ đỏ sợ
mà tránh xa thị trường buôn bán đô-la đỏ.
Đánh hơi thấy một cơ hội lớn để kinh doanh trong một cộng đồng đông đúc người Mỹ
như vậy, một số lớn những tay kinh doanh Mỹ đã tới Việt Nam và làm giàu bằng
cách cung cấp dịch vụ cho đám lính GI Mỹ. Nhiều người trong bọn họ cung cấp
hàng chợ đen, các cuộc giải trí bất hợp pháp (thoát y vũ, mại dâm, ma tuý) bán
đồng đô-la xanh, mua đô-la đỏ và tiền Việt Nam trong các thị trường đổi
tiền bất hợp pháp; họ giàu lên rất lẹ và đồng thời gây nên nhiều xáo trộn
trong thị trường hoán đổi tiền tệ. Toà đại sứ Mỹ
không thể làm gì được để ngăn chặn những hành động bất hợp pháp tai hại như vậy.
Họ nói với tôi rằng nhân viên toà đại sứ đã trao đổi với Bộ Nội vụ, Bộ chỉ huy
Cảnh sát Quốc gia Việt Nam nhưng không bao giờ được trả lời. Nhân viên chính phủ
Việt Nam không muốn bị dính líu vào những chuyện này, có lẽ vì họ không hiểu
bao nhiêu về ảnh hưởng đối với nền kinh tế đất nước và cũng vì họ không muốn đụng
tới công việc của người Mỹ, điều có thể gây rắc rối cho đời sống và công việc của
họ mà không lợi lộc gì. Cơ quan Điều tra Hình sự (CID) của toà đại sứ Mỹ cung cấp
cho tôi một danh sách những người Mỹ và công dân các nước thứ ba có dính líu
vào các hoạt động bất hợp pháp cùng thông tin về các hoạt động của họ. Theo lệnh
của Đại sứ Mỹ, cơ quan CID đã cấp cho tôi rất nhiều thông tin hữu ích, và rất
nhiều lần, về các hoạt động mua bán ma tuý; thậm chí họ – cơ quan CID – còn mua
cho tôi cả những bản kê các trương mục bí mật ở các ngân hàng Thuỵ Sĩ và cho
tôi thông tin về số tài khoản của một vài thành viên trong chính phủ Việt Nam.
Có một Bộ trưởng bị dính vào với một trương mục thật lớn ở Thuỵ Sỹ; tôi định
đưa cho toà án để giải quyết tương tự như một người Trung Hoa ở Chợ Lớn cũng bị
bắt và đang ngồi tù. Nhưng Kỳ sợ tai tiếng cho chánh phủ, nên bảo tôi phạt thật
nặng là đủ. Tôi đưa hồ sơ cho Viện Hối đoái và anh ta bị phạt 300 %.
Sau đó cứ mỗi tháng toà đại sứ lại cung cấp cho tôi cả danh sách của những người
Mỹ tình nghi phạm tội. Khi tôi đã có đủ thông tin chắc chắn để thành lập một
cáo trạng, tôi ký một văn bản yêu cầu trục xuất những người Mỹ và những
công dân các nước thứ ba, và viên Giám đốc cảnh sát Sài Gòn-Chợ Lớn, một người
bạn quen biết từ lâu, sẵn lòng trục xuất cho tôi. Công việc này không
phải của tôi, của chánh phủ, của Bộ Nội vụ và của cảnh sát, nhưng buồn thay,
không một ai dám làm vì sợ đụng chạm đến người Mỹ, rất nguy hiểm. Nhưng đối với
tôi bảo vệ nền kinh tế của đất nước là một vấn đề rất quan trọng, tôi phải làm.
Tất cả những người bị trả lại về nước, thường không dám quay lại Việt Nam; họ tiếp
tục việc làm ăn của họ từ Hồng Kông, Singapore hay Băng Cốc, nhưng cũng có một
vài người trở lại trên những chiếc máy bay quân sự đưa những người lính GI Mỹ từ
các chương trình nghỉ ngơi giải trí trở về. Một người đặc biệt lì lợm cũng trở
lại Việt Nam theo cách này qua Pleiku và tới Sài Gòn. Y tới văn phòng người phụ
tá đặc biệt của tôi, cô Kiều Dung, một người phụ tá tuyệt vời trong ban tham
mưu của tôi; trong khi tôi đang bận tiếp khách; y đe doạ đạp cửa xông vào giết
tôi. Y hơi "xỉn" vì vậy Kiều Dung báo động được ngay cho người
phụ trách an ninh ngân hàng; người này lên tóm y giao cho Đại tá Nguyễn
Văn Luận, Giám đốc cảnh sát Sài Gòn-Chợ Lớn, một người bạn thân và bạn đi săn của
tôi. Đại tá Luận tống anh ta lên chuyến máy bay đầu tiên rời khỏi Việt
Nam và bảo anh ta đừng có bao giờ trở lại; nếu không anh ta sẽ bị tống vô
ngục. Sau sự cố này, tôi gọi điện cho toà đại sứ Mỹ yêu cầu ra lệnh cho tất cả
các chuyến bay quân sự vào Việt Nam không được nhận hành khách không có giấy tờ
hợp lệ.
Đối với các vấn đề kỷ luật tài chánh và quản lí kinh tế như vậy, tôi được sự hỗ
trợ hoàn toàn của toà đại sứ Mỹ và bộ tư lệnh quân sự Mỹ, nhưng thái độ thẳng
thắn và việc bảo vệ các quyền lợi quốc gia một cách kiên quyết của tôi đã làm bực
bội một số viên chức Mỹ và thỉnh thoảng tôi có chuyện khó khăn với họ cũng nhiều
khi như họ có chuyện với tôi. Họ thường nói với nhau tôi là một tên khốn
kiếp (son of bitch – một lối nói quen thuộc của người Mỹ) rất dai, rất lì,
nhưng cũng là một người rất tận tuỵ, một tay chuyên môn và một tay hành động có
cỡ (doer); chẳng thà làm việc với y (tức là tôi) với sự cứng rắn và hiệu quả của
y còn hơn làm việc với những người khác mềm mỏng hơn nhưng kém hiệu quả hơn nhiều.
Trong con mắt của các quan chức Mỹ tôi là một trong số ít quan chức cao cấp của
Việt Nam có khả năng quyết định mau chóng và hiệu quả, và họ luôn luôn tới tôi
bất cứ khi nào họ cần câu trả lời hoặc một quyết định mau lẹ, ngay cả trong những
trường hợp hơi ngoài quyền hạn của tôi.
Tôi cần người Mỹ hỗ trợ trong công việc bởi vì Việt Nam cần sự trợ giúp của Mỹ
để ổn định và phát triển kinh tế khi đang theo đuổi chiến tranh; nhưng tôi là một
người Việt Nam tự hào về tổ quốc mình nên tôi không chấp nhận bất cứ ai xen vào
phương thức làm việc của tôi và vi phạm pháp luật Việt Nam. Tôi có quan điểm của tôi
về quyền lợi của đất nước và tôi sẽ bảo vệ quyền lợi ấy một cách quyết liệt.
Tôi rất kiên định trong những điều mà tôi tin tưởng là tốt cho dân và đất nước
tôi và tôi chỉ đề nghị hoặc chấp nhận những biện pháp mà tôi thấy ích lợi nhất.
Những nguyên tắc không khoan nhượng này đã làm nhiều người bạn Mỹ của tôi nổi
giận. Charlie Mann là một người bạn cũ từ giai đoạn đầu tiên của chương trình
viện trợ Mỹ ở Việt Nam, đầu những năm 50. Anh ta là Giám đốc phái đoàn
USAID khi tôi trở về Việt Nam năm 1965. Chúng tôi cùng nhau làm việc trong một
bầu không khí thân thiện, nhưng Charlie không có năng lực trong lãnh vực tiền tệ;
anh thường không thích những quan điểm của tôi, nhất là quan điểm chống
phá giá đồng Việt Nam của tôi, nhưng tôi không chịu nhượng bộ vì tôi tin rằng
anh ta đương nhiên quan tâm tới quyền lợi của Mỹ hơn quyền lợi Việt Nam. Một
ngày kia anh ta tới phòng tôi và khẩn khoản yêu cầu một điểm mà tôi đã từ chối
nhiều lần trước đó. Anh ta rất giận và đã phạm sai lầm là nói ra cái mà có lẽ
anh ta luôn luôn nghĩ trong đầu: “bọn Việt Nam lúc nào cũng cứng đầu”. Tôi đứng
dậy bước về phía cửa và mời anh ta ra ngoài, không nói một tiếng. Rồi tôi gọi
điện cho phó Đại sứ Mỹ là Alexis Johnson nói rằng từ nay trở đi tôi không muốn
làm việc với Charlie Mann nữa và tôi giải thích lý do vì sao. Tôi không bao giờ
nói chuyện trở lại với Charlie; một tháng sau anh ta được thuyên chuyển về Mỹ.
Về sau khi tôi trở lại Mỹ làm việc cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF tôi cố tìm
Charlie Mann để nối lại tình bạn ngày xưa nhưng anh ta đã được thuyên chuyển
qua một nước châu Phi và tôi không bao giờ gặp lại anh nữa. Đối với tôi công việc
là công việc và tình bạn là tình bạn, không thể lẫn lộn với nhau được. Một khi
đã giải quyết xong vấn đề quan điểm, thì không nên để công việc xen vào mối
quan hệ giữa người và người.
Một câu chuyện tương tự cũng xảy ra với Roy Wherlee sau đó ít lâu. Roy là
Cố vấn kinh tế của toà đại sứ Mỹ. Chúng tôi làm việc chung với nhau rất hợp,
nhưng một ngày kia khó chịu vì tôi cứ không chịu tán đồng quan điểm của Mỹ, anh
ta đã nói một vài lời xấc xược về chính sách của nhà nước Việt Nam. Tôi cám ơn
anh ta, chào từ biệt và nói anh ta đừng bao giờ gọi điện cho tôi hay gặp tôi nữa.
Sau đó không lâu Roy được thuyên chuyển về lại Washington và rời khỏi Bộ Ngoại
giao. Sau khi tôi trở về Mỹ để tiếp tục sự nghiệp ở nước ngoài chúng tôi lại chơi
với nhau trở lại. Đối với tôi khi bảo vệ quyền lợi của quốc gia thì chúng
ta phải đứng thẳng nhưng sau khi xong công việc thì chúng ta phải trở lại bạn
bè, đó luôn luôn là cách làm việc của tôi; nhưng nhiều người không thể tách rời
công việc khỏi tình bạn, và đôi khi họ mất một người bạn hoặc một mối quan hệ tốt
vì không đồng ý về những vấn đề hoặc nguyên tắc quan trọng. Chúng ta hay có
thói quen coi bất cứ sự khác biệt quan điểm nào như là một sự đối đầu cá nhân
hay sự sỉ nhục, và nhìn người trước mặt như kẻ thù trọn đời.
Robert Komer, phó Đại sứ Mỹ phụ trách bình định và cũng là người đại diện bán
chính thức của toà Bạch Ốc ở Sài Gòn, cũng làm việc rất mật thiết với tôi; nhờ
sự hỗ trợ của anh ta mà tôi đã đạt được một vài nhượng bộ lớn mà phía Mỹ đã hứa
trước khi tôi trở lại Việt Nam (tổng số viện trợ, chương trình viện trợ đặc biệt...).
Anh ta rất thích ăn ở nhà tôi, cùng đi chơi với tôi và cũng hay đánh tennis với
tôi. Cứ mỗi năm chúng tôi lại thảo luận về chương trình viện trợ kinh tế tài
chánh thường niên, và một vài điều trở nên rất khó đồng ý với nhau, một trong
những điều ấy là mức dự trữ ngoại tệ của Việt Nam. Quốc hội Mỹ muốn hạ nó xuống
còn 200 triệu USD, lấy cớ là chương trình viện trợ cho Việt Nam vào thời điểm
đó đã quá lớn rồi. Chính quyền Mỹ và toà Bạch Ốc làm áp lực rất mạnh với chính
phủ Việt Nam để giảm nó xuống mức 250 triệu USD. Tôi thường nói cho Quốc trưởng
(Chủ tịch Uỷ ban lãnh đạo quốc gia) Nguyễn Văn Thiệu và Thủ tướng (Chủ tịch Uỷ
ban hành pháp trung ương) Nguyễn Cao Kỳ biết rõ, nước nhà cần phải có ít nhất
là 300 triệu Mỹ kim để có thể giữ cho Việt Nam được một khoảng đệm trong số dự
trữ ngoại tệ và để chánh phủ có thể có một chánh sách độc lập khi có sự khác biệt
với quan điểm của Mỹ; vì những lý do chính trị, Thiệu lẫn Kỳ đều dễ dàng nhượng
bộ về điểm này, nhưng tôi nhất định giữ vững quan điểm của tôi và từ chối
điều chỉnh chính sách của Ngân hàng Quốc gia để hạ xuống số dự trữ như chánh phủ
Hoa Kỳ muốn.
Khi Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ mời tôi về giúp chánh phủ, bên phía Hoa Kỳ cũng cố
gắng thuyết phục tôi. Tổng thống Johnson chỉ thị đại diện toà Bạch ốc và Bộ Ngoại
giao đưa tin cho tôi hay là ông sẽ gíúp đầy đủ phương tiện cho tôi làm việc, mở
rộng thêm chương trình viện trợ cho Việt Nam để giữ thế quân bình trên mặt tiền
tệ, tránh cho dân Việt Nam khỏi khó khăn, và để tiếp tục phát triển đất nước
trong vòng khói lửa.
Từ ngày chánh phủ Mỹ trợ giúp cho ngân sách Việt Nam, bắt đầu từ những năm 50,
thì bên phía Việt Nam chỉ biết nhận một cách thụ động các khoản viện trợ do
chánh phủ Hoa Kỳ cấp cho, mà không xin, đòi hỏi, thay đổi hay thương thuyết gì
hết.
Nhưng với lời hứa cuả Johnson, tôi có một ý niệm hoàn toàn khác về vấn đề nhận
viện trợ, và tôi không ngần ngại đòi hỏi thêm, hay thay đổi, trong chiều hướng
có lợi cho đất nước tôi. Tôi luôn luôn tự ý nêu ra các vấn đề, để bàn cãi và
thương thuyết chương trình viện trợ với Hoa Kỳ. Đối tác của tôi là Robert
Komer. Khi nào có sự bất đồng ý kíến, thì chúng tôi bay qua Washington để họp với
Tổng thống Johnson. Nhưng không phải vì vậy mà tôi nhân nhượng; khi cần, tôi
không ngần ngại từ chối. Cũng nhờ có số người rất ít liên hệ đến vấn đề viện trợ,
không phải đi qua nhiều trạm, nhiều bộ, nên công việc thường được giải quyết rất
mau lẹ và kết quả luôn luôn có phần tốt đẹp.
Về phía Việt Nam, tôi chẳng có ai có đủ thẩm quyền và sự hiểu biết để trình
bày, nhất là khi không có một cơ quan trung ương nào để quản trị chương trình
viện trợ. Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ thì giao hoàn toàn vấn đề cho tôi; ông chỉ
can thiệp khi ông thấy cần phải nhượng bộ Hoa Kỳ; nhưng rồi tôi cũng tìm cách
giành giật trở lại những gì ông đã chấp thuận, vì tôi thường không hay để ý đến
khía cạnh chính trị mà chỉ lo binh vực quyền lợi của đất nước.
Tôi cũng đòi chương trình PL480, vốn là một phần của toàn bộ chương trình viện
trợ, phải được hoàn toàn dành riêng cho chính phủ Việt Nam sử dụng vào việc
phát triển kinh tế thay vì để cho chính phủ Mỹ dùng cho các mục đích quân
sự hay chính trị. Hai điều này cùng với một số điều khác ít phức tạp hơn đã là
đề tài của nhiều cuộc tranh luận giữa Robert Komer và tôi tại toà Bạch Ốc trong
chuyến tôi qua thăm Washington, và cuối cùng không thể giải quyết bởi vì tôi
“giữ chặt khẩu súng" của mình.
Trong một chuyến đi Washington như vậy, chúng tôi đã tới thảo luận một lần với
Tổng thống Lyndon Johnson. Tôi rất ấn tượng về sự hiểu biết của ông đối với các
vấn đề bàn cãi và vẻ uy quyền toát ra từ con người ông, nhưng tôi vẫn giữ vững
quan điểm của tôi và không chịu nhượng bộ một khoản nào hết. Chúng tôi chấm dứt
buổi thảo luận ở đó và khi tôi đứng dậy từ giã Tổng thống Johnson, Bob Komer
nói với ông nửa đùa nửa thật: “Thống đốc Hanh rất tử tế nhưng cũng rất cứng rắn.
Mỗi khi chúng tôi thương thuyết với nhau là ổng làm cho tôi mất quần”.
Một tuần sau tôi trở lại Sài Gòn và nhận được qua Bộ Ngoại giao một công hàm của
Bùi Diễm, Đại sứ Việt Nam tại Washington, chuyển một văn kiện do
Robert Komer gởi, với tiêu đề của toà Bạch Ốc ở phía trên, đề cập những điểm đã
thảo luận tại toà Bạch Ốc. Lá thư của Bùi Diễm ủng hộ quan điểm của Bob Komer
và bày tỏ sự bất mãn về quan điểm của tôi. Tôi biết rằng anh ta cũng gởi một
công hàm như vậy tới Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ, đổ trách nhiệm việc cuộc thương
thuyết bị tắt nghẽn cho sự cố chấp của tôi.
Hình như Bob Komer đã trông vào cái oai và uy tín của Tổng thống Johnson để ép
tôi nhượng bộ, nên anh ta rất thất vọng với thái độ không khoan nhượng của tôi.
Bây giờ anh ta lại định dùng áp lực cấp trên của tôi nhằm làm mềm yếu thái độ của
tôi. Anh ta không hiểu gì tôi cả! Các quan điểm và ý kiến của tôi đâu có
nghiêng ngửa dễ dàng như vậy được. Tôi gởi lại cho Bob Komer một bức thư cũng mạnh
mẽ không kém, thông qua toà Bạch Ốc và Bộ Ngoại giao Việt Nam. Trong một lá thư
gởi cho Đại sứ Việt Nam, tôi xác định lại niềm tin của mình trong việc bảo vệ
quyền lợi đất nước và lấy làm tiếc cho quan điểm mềm yếu của ông ta và việc ông
ta đứng về phía chính quyền Mỹ. Sau đó tôi được biết Bùi Diễm đã gọi điện cho Kỳ
than phiền quan điểm và thái độ cứng rắn của tôi. Nhưng Kỳ không bao giờ nói gì
với tôi cả, cũng không than phiền thái độ của tôi.
Bây giờ tôi mới hiểu tại sao viên Đại sứ này được chính phủ Mỹ giúp, ngay cả
sau khi Nam Việt Nam bị mất. Và tôi mới hiểu được tại sao một số quan chức Mỹ
đã tìm cách ngăn chặn IMF thâu nhận tôi làm Cố vấn sau khi tôi trở lại
Washington.
Chánh phủ Mỹ hình như biết rõ họ cần dùng ai, không cần dùng ai, mua được ai,
không mua được ai. Một cựu Tổng trưởng, thích mị dân, một thời gian trước
khi miền Nam thất thủ, đã có một vài tuyên bố nảy lửa chống lại người Mỹ để
tạo tiếng tăm chống Mỹ trong lòng công chúng Việt Nam thời đó. Thế nhưng
khi anh ta qua Mỹ, anh ta đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ giới chức Mỹ
khi đi tìm việc làm. Tôi đoán được những gì đã xảy ra lúc trước chỉ là một trò
diễn kịch. Trong khi anh ta được người của USAID quan tâm nhiều như vậy
thì các viên chức Bộ Ngoại giao Mỹ và những đối tác của tôi bên phía Mỹ, cũng
như bạn bè người Mỹ của tôi ở Việt Nam, đã xây lưng lại tôi sau khi Sài Gòn thất
thủ. Một phó Tổng lãnh sự Mỹ đã từ chối không cấp visa nhập cảnh cho tôi vào Mỹ,
sau chuyến tôi về thăm Sài Gòn tháng 4/1975, ngay trước lúc Việt Nam sụp đổ –
Thiệu đã yêu cầu tôi trở về để xem có thể làm gì cho đất nước vào một thời kỳ
nguy cấp như vậy không. Viên phó lãnh sự này tên là Oh, gốc Đại Hàn, đã nói với
tôi rằng toà đại sứ không biết tôi là ai.
Tôi mong sao Đại sứ Durbrow, Đại sứ Ellsworth Bunker, các phó Đại sứ Alexis
Johnson, Palmer, Robert Komer, các Cố vấn như Roy Wherlee, Giám đốc USAID
Donald Mc Donald v.v… có thể nghe được câu trả lời ngắn ngủi này. Sau nhiều năm
làm việc với toà Bạch Ốc, các Đại sứ, phó Đại sứ Mỹ và các Cố vấn đủ hạng ở toà
đại sứ, đây quả là một câu trả lời khôi hài – đó là nói ít nhất, nó giải thích
tại sao thế giới luôn luôn nhìn các nhà ngoại giao và chính sách ngoại giao của
Mỹ một cách nghi ngờ và không thiện cảm. Họ nghĩ rằng những nhà ngoại giao Mỹ
chỉ là những con người không tình cảm và chính sách ngoại giao của Mỹ
rất ngạo mạn. Các nhà ngoại giao Mỹ không thật sự đại diện cho dân chúng Mỹ. Mọi
người trên thế giới đều yêu mến và kính trọng người dân Mỹ khi họ có dịp hiểu
hoặc sống cùng, bởi vì người dân Mỹ tốt bụng và rộng rãi; bất hạnh thay, người
dân Mỹ cũng bị ghét vì họ chỉ được biết tới qua các nhà ngoại giao Mỹ. Thế giới
bên ngoài nước Mỹ xem chính sách ngoại giao của Mỹ, như chính sách của Tổng thống
Bush chẳng hạn, là ngạo mạn và hống hách. Và chính cách đó đã đem lại cho nhân
dân Mỹ bao nhiêu điều khó khăn thảm trạng ngày nay.
Tôi phải dùng tới giấy thông hành ngoại giao của Liên Hiệp Quốc do IMF cấp để
vào nước Mỹ. Trước khi tôi rời Washington để về thăm Việt Nam trong chuyến đi
cuối cùng ấy, tôi đã nói chuyện với nha hành chánh IMF rằng tôi sắp về nước
theo lời mời của Tổng thống Thiệu, và IMF đã cho phép tôi sử dụng giấy
thông hành của Liên Hiệp Quốc bất cứ khi nào cần thiết vì họ liệu trước rằng miền
Nam Việt Nam có thể thất thủ và một tình trạng hỗn loạn cực kỳ có thể sẽ kéo
theo sau sự sụp đổ của chính quyền Việt Nam. Hành động này của IMF đã
giúp tôi thoát khỏi rất nhiều khó khăn trở ngại.
Trở lại công việc tháng 10/1967, Nguyễn Cao Kỳ đã mời tôi vào chính phủ và yêu
cầu tôi phụ trách toàn bộ các lãnh vực kinh tế, tài chánh, thương mại và kỹ nghệ,
trong lúc vẫn điều hành Ngân hàng Quốc gia và Ngân hàng Việt Nam Thương tín;
ông ta muốn tôi đảm nhiệm luôn chức chủ tịch Hội đồng Tối cao Tiền tệ, vốn lâu
nay do phó Tổng thống hoặc Thủ tướng phụ trách. Tôi sẽ nắm trong tay 4 bộ, với
4 Tổng trưởng dưới quyền giám sát của tôi, cùng với Ngân hàng Quốc gia, Ngân
hàng Việt Nam Thương tín và kiêm luôn cả chức chủ tịch Hội đồng Tối cao Tiền tệ.
Đó là trách nhiệm của một phó Thủ tướng phụ trách kinh tế tài chánh. Ông ta muốn
tôi phụ trách toàn bộ các vấn đề kinh tế tài chánh của chính phủ để ông có thể
tập trung tất cả thời gian vào cuộc tranh cử Tổng thống sắp tới.
Tôi từ chối.
Tôi không bao giờ muốn dính líu tới chính trị vì tôi luôn luôn biết rằng tôi
không đủ các tính tốt cũng như tính xấu để có thể làm một chính trị gia giỏi.
Ngoài những phẩm chất về đạo đức và chính trị, chính trị gia còn phải có những
tính xấu như có thể nói láo, có thể đóng kịch và những điều mà tánh tình của
tôi không chấp nhận được. Nhưng Kỳ cứ khẩn khoản yêu cầu tôi chấp nhận, và khi
tôi vẫn từ chối ông ta doạ “sẽ trưng dụng tôi như một người lính". Cuối
cùng tôi đành chấp nhận với hai điều kiện: tôi phải được hoàn toàn rộng tay
trong việc dọn dẹp sạch sẽ những khu vực kinh tế tài chánh cần thiết, ông ta phải
ủng hộ tôi một trăm phần trăm; và tôi sẽ từ chức ngay sau khi kết thúc cuộc bầu
cử. Trong nhiệm vụ mới, tôi phải làm việc thường xuyên hơn và sâu rộng hơn với
giới chức Mỹ; họ đều cảm thấy bằng lòng với cách sắp xếp này, bởi vì họ chỉ làm
việc với một người thôi trong các lãnh vực phi quân sự và chính trị.
Một thời gian sau khi tôi đáp lại công hàm của Bob Komer, tôi được toà đại sứ Mỹ
thông báo là anh ta sắp trở lại Sài Gòn để tiếp tục những cuộc thảo luận về các
điểm tranh cãi trước đây tại toà Bạch Ốc. Trước khi anh ta tới, tôi xuống vùng
châu thổ sông Cửu Long để khảo sát vụ lúa mùa và việc cung cấp thực phẩm cho
Sài Gòn, thời gian này đang trở nên càng lúc càng khó khăn với sự gia tăng các
hoạt động du kích. Trên thực tế tôi không muốn gặp Bob Komer và muốn để chính Kỳ
xử lý vấn đề dự trữ ngoại tệ. Nếu vì những lý do chính trị mà Kỳ muốn nhượng bộ
Komer, tôi không muốn dự phần vào đó. Ngày hôm sau, khi tôi đang lái xe dọc
theo các cánh đồng ở gần Châu Đốc, viên Tỉnh trưởng đã phóng xe rượt theo tôi để
trao tận tay một thông điệp của Kỳ: trở về Sài Gòn ngay lập tức, công việc rất
quan trọng. Tôi biết việc quái gì rồi nhưng tôi cũng phải tuân hành. Kỳ cấp cho
tôi một chiếc máy bay nhỏ và tôi bay trở về lại Sài Gòn. Khi máy bay bay qua
các cánh đồng lầy, tôi nghe tiếng súng trường và súng tiểu liên rộ lên từ phía
dưới đất nhưng may mắn máy bay không trúng đạn. Kỳ gởi một chiếc xe hơi tới
ngay phi trường để đón tôi về văn phòng Thủ tướng ngay lập tức. Kỳ và Komer
đang ở đó chờ tôi. Kỳ dẫn tôi vào một phòng khác và đề nghị tôi nhượng bộ vì những
lý do chính trị quan trọng, có lẽ để tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ trong cuộc bầu
cử sắp tới. Ông ta muốn tôi chịu giảm mức dự trữ ngoại tệ xuống còn 250 triệu
USD. Tôi nói với Kỳ là tôi không muốn nhận trách nhiệm về một quyết định như vậy
và chính ông ta phải ký bản thoả ước với Bob Komer. Tôi sẽ không công khai phản
đối, nếu như ông chịu để cho tôi đi Washington để bàn cãi lại khoản này và đòi
lại những gì sẽ mất.
Một tuần sau tôi trở lại Washington và giải quyết vấn đề thoả đáng như ý tôi muốn,
bằng một đường lối êm thắm hơn: tôi ký một thoả ước kinh tế tài chánh trọn gói
trong đó Việt Nam được cấp thêm một khoản viện trợ để lập Quỹ tái thiết và phát
triển hậu chiến là 50 triệu đô-la; đó là một nước cờ kỹ thuật để gỡ lại thoả ước
của Kỳ với mức 250 triệu đô-la. Như vậy mức dự trữ ngoại tệ của Việt Nam được
nâng lên một cách gián tiếp tới 300 triệu đô-la. Trên thực tế trong sổ sách của
Ngân hàng Trung ương, mức dự trữ ngoại tệ vẫn không thay đổi vì Quỹ phát triển
hậu chiến sẽ nằm ở trương mục dự trữ ngoại tệ trong sổ sách ngân hàng.
Khi tôi đang ở Washington thì lời đồn đại và tin tức báo chí lan truyền ở
Sài Gòn nhắc đến tên tôi như một người có thể được chọn làm Thủ tướng
cầm đầu một nội các gồm các chuyên gia. Tôi hiểu rằng một vài quan chức cao cấp
của Mỹ ở trong toà đại sứ, vốn quan tâm đến việc điều hành kinh tế nhiều hơn là
chính trị, đã đề nghị tên tôi với Đại sứ Bunker và Đại sứ Bunker đã gợi ý với Kỳ
và Thiệu mà không hỏi ý kiến tôi. Về phía Việt Nam, nhiều chính trị gia đã ngán
tới tận cổ cách điều hành nhà nước kiểu quân đội, muốn có một nội các gồm các
chuyên viên nếu như đám Tướng lãnh vẫn không chấp nhận một nội các dân sự. Tổng
thống Thiệu đã từng biết khả năng xử lí kinh tế của tôi, không phản đối ý kiến
này, nhất là từ khi ông ta chấp nhận nhường cho phó Tổng thống Kỳ lựa chọn nội
các đầu tiên. Kỳ cũng ủng hộ đề nghị của đại sứ Bunker nhưng ông ta bị đám bạn
bè bà con tác động; những người này rất có ác cảm với tôi bởi vì tôi đã dẹp vụ
nhập cảng lậu thuế xe Fatima và bởi vì những hành động quyết liệt của tôi chống
lại việc buôn bán ma tuý mà có lẽ một vài người trong họ dính tới. Bạn của Kỳ,
Bùi Diễm, mặc dù đã bị đẩy qua Washington làm Đại sứ vì không được lòng quần
chúng, vẫn còn mơ mộng được người bạn hẩu của mình đưa lên làm Thủ tướng:
anh ta nhìn thấy ở tôi một đối thủ tiềm tàng rất đáng ngại và sẳn sàng làm những
gì để phá hoại sự tiến triển của tôi, nếu có.
Còn về phía Mỹ, những người nhìn thấy ở tôi một con người hoạt động và một
chuyên viên đầy năng lực thì ủng hộ mạnh mẽ ý kiến này. Giới quân sự Mỹ vì đã từng
làm việc với tôi về các vấn đề kinh tế tài chánh (như đồng tiền MPC cho lính Mỹ,
các vấn đề kinh tế địa phương trong các vùng chiến thuật như mỏ than Nông Sơn
chẳng hạn) đều ủng hộ tôi. Nhưng những viên chức Mỹ có liên quan tới chính trị
Việt Nam hoặc có giao hảo với Bùi Diễm như Phil Habib thì chống lại. Nhưng vì
không thích thú gì chính trị nên tôi nói với Thiệu, Kỳ và Bunker rằng tôi hoàn
toàn không quan tâm tới chuyện này và tôi chỉ thích trở về làm việc ở World
Bank sau cuộc bầu cử.
Trong thời gian giữ chức vụ Thống đốc Ngân hàng Trung ương, tôi đã có nhiều đồng
minh quan trọng trong chính quyền Việt Nam bởi vì họ đánh giá cao năng lực
chuyên môn cũng như sự trung thực của tôi, sự làm việc tận tuỵ vì quyền lợi
chung, một điều mà họ hiếm thấy ở những người phục vụ công ích lúc đó, ngay giữa
lòng một cuộc chiến tranh với biết bao nhiêu là đau khổ điêu tàn, nhưng đồng thời
cũng với biết bao nhiêu cơ hội làm giàu hợp pháp và bất hợp pháp. Nhưng tôi
cũng có một số kẻ thù đố kỵ vì tính thẳng thắn không chịu thoả hiệp, sự tuân thủ
pháp luật một cách cứng rắn của tôi… Giữa đám người này có cả bạn bè và bà con
của tôi vì khi thực hiện theo đúng pháp luật, tôi coi bạn bè, kẻ thù, người
quen, kẻ lạ như nhau; nhiều người bà con ghét tôi vì tôi không cho họ việc làm
nếu họ không đủ năng lực.
Sau khi Thiệu được bầu làm Tổng thống và Kỳ làm phó Tổng thống, một buổi lễ
long trọng được tổ chức. Tổng thống Lyndon Johnson cử phó Tổng thống Hubert
Humphrey sang dự với tư cách đại diện chính thức của chính phủ Mỹ.
Khi ông ta tới phi trường Tân Sơn Nhất với chiếc Air Force Two, toàn thể nội
các được điều động ra đón tiếp. Tôi nghĩ điều này hơi lố bịch nhưng Kỳ không chịu
nghe. Tất cả các Tổng trưởng và các Tướng lãnh đứng thành hàng từ cửa phòng
khách VIP trải thảm đỏ. Hubert Humphrey, người tôi đã có hai lần tiếp xúc ngắn
ngủi ở toà Bạch Ốc, đi vào trong phòng tiếp tân dành cho VIP, sau lưng là Đại sứ
Bunker, tướng Westmoreland và các viên chức cao cấp của toà đại sứ. Ông lần lượt
bắt tay từng người, nhưng ngang tôi thì ông dừng lại, gọi tôi là Thống đốc Hanh
và nói một vài lời chúc tụng. Có lẽ ai đó đã nói nhỏ tên tôi với ông, Đại sứ
Bunker hay một người phụ tá nào đó. Đây rõ ràng là một màn trình diễn và quảng
cáo có tính chất ngoại giao, nhưng mọi người đều ngạc nhiên là tôi quen biết
Humphrey và người ta có thể thấy một thoáng ganh tị trong ánh mắt của nhiều
thành viên nội các và tướng lãnh – họ chỉ nhận được một cái bắt tay. Sau này
tôi được biết là thái độ thân thiết của phó Tổng thống Humphrey đã làm tăng
thêm những lời đồn đãi trong thành phố là tôi sẽ trở thành Thủ tướng.
Tháng 11, Thiệu và Kỳ yêu cầu tôi đại diện Việt Nam tham dự lễ đăng quang của Tổng
thống Đại Hàn Phác Chánh Hy. Sau này khi tôi đại diện Trung Hoa, Đại Hàn và Việt
Nam tại hội đồng quản trị Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tôi lại thường gặp ông ta trong
những chuyến viếng thăm Seoul, và tôi rất kính phục ông. Ông ta tỏ ra là một Tổng
thống rất giỏi, rất biết việc, mỗi khi tôi gặp ông để thảo
luận công việc giữa Hàn Quốc và IMF. Những cuộc gặp này cho thấy ông ta đã lo
chuẩn bị trước rất chu đáo mọi chuyện, mặc dù tôi chắc chắn là ông ta có rất
nhiều việc quan trọng phải làm. Ông ta rất thông minh và rất thông hiểu vấn đề
mỗi khi thảo luận và đặt những câu hỏi rất sâu sắc. Ông ta chứng tỏ là một nhà
lãnh đạo rất có năng lực và thật là một điều đáng buồn khi ông ta bị ám
sát sớm như vậy về sau. Trong khi tôi thăm viếng Seoul thì những lời đồn đại ở
quê nhà lại nổi lên một lần nữa về việc tôi sắp sửa được bổ nhiệm làm Thủ tướng.
Tên tôi xuất hiện trên nhiều tờ báo như là người có nhiều khả năng được chỉ định
làm Thủ tướng nhất trong đợt cải tổ nội các sắp tới. Đó là "nụ hôn của Thần
Chết" – nói như lời Phạm Kim Ngọc, một người bạn lâu năm, và sau này được
Thiệu đề cử làm Tổng trưởng Kinh tế; bởi vì cái thông tin được tính toán rất kỹ
này đã gợi lên rất nhiều sự ghen tuông và đố kỵ không những từ các ứng cử viên
bị thua cuộc mà từ các Tướng lãnh và viên chức cao cấp nhận ra rằng họ sẽ khó
mà nhét cho đầy túi họ vì sự cứng rắn của tôi. Khi tôi về lại Việt Nam tôi nói
với Kỳ tôi không thấy thích thú gì trở thành Thủ tướng, mà ngược lại ông ta phải
để cho tôi rời khỏi chính phủ như ông ta đã hứa; để cho tôi tập trung vào việc
điều hành hai ngân hàng và dành thời gian cho những vấn đề tài chánh quan trọng
hơn. Tôi cũng nói với Đại sứ Bunker tôi không thích việc một vài giới chức Mỹ tự
coi mình có quyền thảy những quả bóng thăm dò mà không hỏi ý tôi.
Sau khi Thiệu và Kỳ nhậm chức, Tổng thống Johnson đã kêu gọi mở những cuộc họp
thượng đỉnh giữa Mỹ và các Đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam như Đại
Hàn, Trung Hoa (lúc ấy là Đài Loan), Phi Luật Tân, Úc, Tân Tây Lan. Tôi được
Thiệu và Kỳ yêu cầu tham dự tất cả các buổi họp này ở Manila và ở Guam. Tôi chẳng
có việc gì để làm cho lắm bởi vì những cuộc họp này chủ yếu bàn về các vấn đề
quân sự chính trị và rất ít bàn tới việc phát triển kinh tế. Trong những chuyến
bay đường dài ra nước ngoài hay quay về nước, những viên chức cao cấp cũng như
các tướng lãnh Việt Nam và Mỹ ngồi chơi bài xì phé trong khi các phu nhân của họ
thì lo bàn chuyện phiếm hay khoe nhau nữ trang, xe hơi và nhà cửa. Lần đầu tiên
tôi nhận thức được các vị tướng lãnh của chúng ta và các bà vợ của họ thuộc về
loại gì. Những cảnh tượng như thế này chẳng đẹp mắt gì và cũng chẳng thú vị gì;
vì vậy tôi che mắt lại giả bộ ngủ. Rồi thỉnh thoảng tôi nghe một vị phu
nhân nào đó nói lớn, có lẽ muốn cho tôi nghe: “cái ông Hanh này lúc nào cũng ngủ;
cứ mỗi lần leo lên máy bay là ổng ngủ.” Đúng vậy, nếu có thể được, tôi muốn ngủ
hơn là nhìn thấy cảnh tượng trước mắt vừa chẳng hấp dẫn vừa không đẹp đẽ tí
nào, cho cả đôi mắt và đôi tai tôi.
Trong nhiều tháng trời tôi rất thất vọng vì sự tranh chấp giữa Thiệu và Kỳ, những
cuộc đấu đá nội bộ giữa các nhóm chính trị và quân sự, sự thiếu vắng động cơ và
lòng ham muốn chiến đấu trong các cấp lãnh đạo quân sự, sự tham nhũng trong chính
phủ và trong quân đội, và sự nản lòng của toàn thể dân chúng. Ngày nào tôi cũng
nghe có người nói về những vụ xì-căng-đan dính tới các tướng lãnh và mấy bà vợ
của họ trong đám thân cận Thiệu về việc mua bán giấy phép cho sinh viên đi du học
nước ngoài. Người ta cũng kể tôi nghe việc mua bán các chức vụ Quận trưởng, Cảnh
sát trưởng, những chức vụ sẽ đem lại một số tiền hối lộ tuỳ theo mức anh bóp cổ
được bao nhiêu từ đám thương gia Trung Hoa hoặc từ dân chúng. Người ta kể tôi
nghe chuyện các viên đại tá như vầy như vầy, phụ trách tiếp liệu đang bán dây kẽm
gai và vật liệu xây dựng ngoài chợ trời, hay bán gạo và thuốc men cho Việt cộng
qua trung gian của đám thương gia Tàu.
Trong nhiều năm quan sát tình hình tại nước Mỹ, tôi đã chứng kiến sự gia tăng mau
lẹ của phong trào chống chiến tranh giờ đây đã chiếm được sự ủng hộ của một phần
lớn dân chúng Mỹ. Quốc hội Mỹ lần lần bị ảnh hưởng bởi phong trào chống chiến
tranh Việt Nam; các Thượng nghị sĩ và Dân biểu quốc hội bắt đầu lảng xa dần
chính sách của chính quyền Johnson. Viện trợ quân sự và kinh tế cho Việt Nam bị
mất dần sự ủng hộ trong quốc hội Mỹ, và chính phủ Mỹ mỗi ngày mỗi thấy khó khăn
để đòi hỏi quốc hội thông qua các chương trình viện trợ. Khi mà chiều hướng mới
này cứ tăng dần trong những đợt tôi viếng thăm nước Mỹ, tôi nói với những người
bạn tôi ở quê nhà rằng nếu sự việc không được cải thiện, thì quyết tâm của người
Mỹ giúp Việt Nam sẽ yếu đi rất nhanh và chúng ta sẽ phải đối diện với một sự cắt
giảm mạnh mẽ số viện trợ quân sự và kinh tế. Điều này sẽ gây nên một trở ngại
nghiêm trọng cho việc chiến đấu chống lại một kẻ thù kiên cường và đầy quyết
tâm. Không có thể làm gì nhiều để đảo ngược chiều hướng này nếu như không có một
sự thay đổi toàn diện về phía chúng ta; nhưng hầu hết các người bạn tôi
cũng như quần chúng bình thường đều ngây thơ tin rằng người Mỹ sẽ không bao giờ
bỏ rơi Việt Nam; vì vậy họ cho rằng tôi là một người bi quan. Rất ít người bạn
và không có nhà lãnh đạo chính trị nào coi lời cảnh cáo của tôi là nghiêm túc.
Đa số những người còn lại thì tin rằng chẳng qua đó là một lý lẽ để tôi rút lui
khỏi chính phủ và trở về làm việc với World Bank.
Cuộc tấn công Tết Mậu Thân đầu năm 1968 của Bắc Việt đã giáng một đòn điếng người
vào sự lạc quan ngây thơ ấy. Nó đã làm suy yếu thêm quyết tâm của người Mỹ khi
phải chiến đấu trong một cuộc chiến tranh đầy mâu thuẫn cách xa bờ biển họ tới
hai mươi ngàn dặm. Nhân dịp Tết âm lịch, tôi lái một chiếc thuyền nhỏ từ Sài
Gòn đến bãi biển Vũng Tàu cách đó khoảng 100 cây số trên bờ Thái Bình Dương để
nghỉ ngơi. Tôi đem theo một người lính cận vệ và xuôi dòng sông Sài Gòn trong một
buổi chiều mưa bão và Việt cộng phục kích dọc khắp con đường. Nghe tin chuyến
đi của tôi, vị Đô đốc Mỹ phụ trách vùng biển phía Nam đã gởi cho tôi hai viên đại
uý thuỷ quân lục chiến trẻ tuổi theo hộ tống. Đó là một chuyến đi rất mệt,
nhưng chúng tôi đều sung sướng thưởng thức cuộc hành trình ngược gió từ cửa
sông Sài Gòn tới bãi biển Vũng Tàu. Khi chúng tôi tới nơi thì trời đã chiều tối,
chúng tôi thả neo ở trước ngôi nhà của một người bạn mà tôi đã mượn rồi cả đám
chúng tôi đi ra ngoài kiếm một bữa ăn tối hải sản rất ngon. Giữa đêm khuya
chúng tôi bị đánh thức bởi những tiếng nổ dữ dội của súng đại bác, súng tiểu
liên và súng cối không xa vi-la của chúng tôi bao nhiêu. Qua ra-đi-ô, chúng tôi
được biết quân đội Bắc Việt và Việt cộng đã phát động một cuộc tấn công lớn nhất
từ trước tới nay trên toàn lãnh thổ miền Nam. Tất cả chúng tôi đều rất sợ, kể cả
hai chàng đại uý thuỷ quân lục chiến Mỹ, họ không liên lạc được với bộ chỉ huy
của họ.
Rồi chúng tôi được biết là có hai thành viên khác của nội các cũng đang đi nghỉ
Tết. Viên trưởng ban tham mưu của Thiệu gọi điện cho tôi thông báo là Tổng thống
đã gởi một chiếc trực thăng để đưa chúng tôi trở lại Sài Gòn. Chuyến bay trở lại
Sài Gòn thật là đáng sợ. Từ trên cao chúng tôi có thể nhìn thấy cuộc chiến đấu
ác liệt ở dưới đất và bất cứ lúc nào chiếc trực thăng của chúng tôi cũng có thể
lãnh một tràng tiểu liên hay một phát súng ba-zô-ka. Chúng tôi hạ cánh ngay
trên nóc dinh Độc Lập và Thiệu sai xe Jeep nhà binh đưa chúng tôi về nhà. Chuyến
đi về chỗ tôi ở chỉ cách đó 6 khu nhà cũng cực kỳ nguy hiểm bởi vì các trận
đánh cũng đang rộ ra trên các khu đường chúng tôi đi. Chúng tôi thấy ở không xa
trên đại lộ Thống Nhất, toà đại sứ Mỹ đang bị du kích quân bao vây và chúng tôi
nghe tiếng nổ giòn giã của tiểu liên và đại bác.
Cuộc tấn công Tết và phản ứng của người Mỹ đã xác nhận niềm tin của tôi và tôi
quyết định từ chức để trở về công việc ở World Bank. Tôi móc nối với Bill
Diamond, người cấp trên của tôi trước đây và ông cho biết ông rất vui mừng có
tôi trở lại IFC, chỗ của tôi đang trống. Vào tháng 3/1968 sau khi cuộc chiến đã
tạm lắng, tôi gọi điện cho Thiệu và thông báo với ông ta ý muốn từ chức khỏi
Ngân hàng Trung ương Việt Nam. Thiệu hỏi ý kiến của Kỳ và cả hai đều từ chối.
Khi tôi khẩn khoản nhiều lần thì ông ta chấp nhận trên nguyên tắc nhưng cứ lề mề
cù cưa mấy tháng, nói là ông ta không tìm ra được người thay tôi. Tôi cố tìm
cách đề cử người phó của tôi là Nguyễn Văn Dõng nhưng tên của Dõng không được
chấp nhận và tới tháng 8/1968 khi cuối cùng tôi nhất quyết từ chức, thì Thiệu
chỉ chịu bổ nhiệm Dõng làm quyền Thống đốc. Vài tháng sau ông ta bổ nhiệm Lê
Quang Uyển, một người cháu của ông ta làm Thống đốc Ngân hàng Trung ương. Uyển
vừa mới tốt nghiệp ở trường học cũ của tôi một thời gian ngắn trước đó và anh
ta chỉ mới có thời gian ngắn giúp việc cho Ngân hàng Đông Dương, một
ngân hàng thương mại ở Paris. Chủ nghĩa bà con bầu bạn và quan hệ gia đình luôn
luôn đóng một vai trò quan trọng ngay giữa lòng những tình thế khó khăn và Dõng
vẫn cứ chỉ là phó.
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét