Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

HỒI KÝ CỦA GIÁO SƯ NGUYỄN ĐĂNG MẠNH - KỲ 3

1      2      3      4           6      7      8      Kỳ Cuối
PHẦN HAI – Hoạt động nghiên cứu, phê bình văn học. Một số thành tựu

Chương IV: Từ dạy học đến nghiên cứu, phê bình văn học
            Tôi bắt đầu nghiên cứu phê bình văn học từ khi được giữ lại trường đại học làm cán bộ giảng dạy (1960)
            Như đã nói, hồi ấy chúng tôi coi đại học là một cái gì thiêng liêng lắm. Vì thế được dạy đại học là danh giá lắm. Ấy là được làm cái công việc của những Trần Đức Thảo, Đặng Thai Mai, Nguyễn Mạnh Tường… kia mà! Tâm lý những người như chúng tôi lúc bấy giờ rất lo lắng. Người nào cũng ngầm hứa với mình phải quyết tâm, cố chí vươn lên. Nghĩa là phải học, phải đọc, phải nghĩ, phải tìm hỏi các bậc đàn anh, hỏi bất cứ ai hiểu biết hơn mình để chiếm lĩnh cho được kiến thức ở tầm cao. Không xấu hổ. Có gì mà xấu hổ! Vả lại người ta có khinh mình thì cũng có oan ức gì đâu: đào tạo ba năm ở trong nước, nam nhân lại dạy nam nhân, đúng là “cơm chấm cơm”, có người gọi là phổ thông cấp bốn! Vậy mà cũng dạy đại học! Thương cho cái nước mình! Nghèo và dốt. Đến cái thứ mình mà cũng dạy đại học! Thương nước và thương mình! Vậy thì phải cố, vượt lên được chút nào hay chút ấy.

            Hồi ấy chúng tôi rất kính sợ những người được học ở đại học nước ngoài, được nghe những giáo sư Tây, giáo sư Tầu giảng bài. Như Lê Huy Tiêu, Bùi Văn Ba, Trần Xuân Đề, Phan Hữu Nghệ, Phan Huy Luận ở Trung Quốc về, như Từ Đức Trịnh, Nguyễn Văn Giai ở Liên Xô về. Từ Đức Trịnh đang học dở dang ở đại học Liên xô thì phạm kỷ luật, bị đuổi về nước, dạy văn học Nga Xô viết ở Đại học Sư phạm Vinh. Trần Gia Linh, học đại học cùng khoá với tôi, cũng được điều vào Vinh dạy Văn học Nga Xô Viết. Anh nói trịnh trọng trước một hội nghị khoa văn: “Tôi học suốt đời cũng không hết chữ của anh Trịnh”. Nguyễn Văn Giai cũng tốt nghiệp đại học Liên Xô. Ngó vào phòng riêng của anh, thấy một bộ Puskin toàn tập gáy da chữ vàng xếp kín cả một ngăn giá sách. Sợ quá! Uyên bác quá! Anh đeo kính cận nặng, thường đi đi lại lại trước sân khu nhà tập thể, đầu ngẩng cao, bộ mặt đăm chiêu. Hẳn là đang suy nghĩ điều gì to tát, sâu sắc lắm.
            Đến khi lớp phó tiến sĩ đầu tiên ở Liên Xô về nước như Nguyễn Tài Cẩn, Nguyễn Đức Nam, Tôn Gia Ngân, Nguyễn Văn Hạnh, Hoàng Ngọc Hiến… thì chúng tôi không phải chỉ nể trọng mà còn coi như những đại trí thức. Chúng tôi thường gọi là những ông “phó nghè”. Họ thuộc đẳng cấp khác hẳn, mình không thể vươn tới được.
            Tôi nhớ trong một cuộc hội nghị khoa học ở Đại học tổng hợp Hà Nội vào đầu những năm 60 thế kỷ trước, anh Đinh Gia Khánh có đọc một bài nghiên cứu về văn học dân gian. Đọc xong, anh rụt rè hỏi anh Nguyễn Tài Cẩn:“Thưa anh, như thế có thể gọi là khoa học được không ạ?” Cũng giống như thế, trong một cuộc hội thảo khoa học bàn về phương pháp luận nghiên cứu văn học, của Đại học sư phạm Vinh, lúc đó sơ tán ở Quỳnh Lưu, anh Bùi Văn Nguyên, sau khi đọc xong một báo cáo khoa học, cũng hỏi anh Nguyễn Đức Nam: “Thưa anh, như thế có thể gọi là phương pháp luận được không ạ?”
            Coi đại học là thiêng liêng, khoa học là một cái gì rất cao xa, đồng thời tự thấy mình là hèn kém, theo tôi, đấy là một trạng thái tâm lý rất có ích cho những cán bộ trẻ mới bước vào hoạt động khoa học như chúng tôi. Không biết các anh cùng lứa với tôi ở Đại học Sư phạm hay Đại học tổng hợp Hà Nội có tâm lý ấy không, nhưng những thế hệ trẻ của ngày hôm nay thì rất khác. Hầu như không có tâm lý ấy nữa. Họ coi đại học chẳng có gì ghê gớm cả. Nhiều sinh viên được
giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy đã từ chối. Khoa học cũng vậy, ai làm chẳng được. Ông Hoàng Ngọc Hiến nói, dắt con bò sang Liên Xô nó cũng đỗ phó tiến sĩ kia mà! Anh Hiến thường có lối nói hết sức cực đoan như thế. Nhưng nhìn vào sự thật, thấy quả cũng có nhiều trường hợp khiến người ta thấy lời anh Hiến không phải hoàn toàn vô căn cứ: phó tiến sĩ, tiến sĩ ở Liên Xô, ở Đức về hoặc ở các trường đại học lớn ở Trung Quốc, quả có một số chẳng giỏi giang gì thật, thậm chí rất kém nữa.
            Thế là sinh ra hiện tượng coi thường tuốt. Gần đây, hàng năm, riêng khoa văn Đại học Sư phạm Hà Nội cứ sản xuất đều đều hàng trăm thạc sĩ, hàng chục tiến sĩ, phần nhiều đều đạt điểm xuất sắc cả. Khoa học vì thế càng bị coi rẻ. Tâm lý này càng được bơm to thêm bởi thói đố kỵ của khá nhiều tay trong giới làm báo gần đây, do học hành dở dang nên muốn nhân đây cào tất cả những người có học hàm, học vị đại học vào cái mặt bằng chung của sự dốt nát, dốt hơn cả những người không qua đại học. Vũ Hạnh đã nói như thế khi cho rằng Trần Mạnh Hảo không học đại học là một sự may của anh ta.(1)
            Tâm lý này hết sức nguy hại. Thực ra khoa học vẫn là khoa học nếu là khoa học thật. ấy là con đường rất vinh quang nhưng đầy khó khăn, lắm chông gai. Tâm lý coi đại học là thiêng liêng, khoa học là khó khăn có thể làm cho một số người nản lòng, nhụt chí, mất tự tin. Nhưng nếu như ai đó có đủ bản lĩnh, đủ ý chí, đủ say mê để đi vào con đường này, thì tôi tin rằng thế nào cũng sẽ đạt được một cái gì thật sự có giá trị. Tất nhiên đạt đến mức độ nào còn tuỳ tài, tuỳ sức của mỗi người. Mà xét đến cùng, khoa học chỉ cần đến những con người có bản lĩnh, có ý chí, có sự say mê thực sự đối với nó mà thôi. Nó cần gì đến những kẻ chỉ muốn thành đạt dễ dãi để dùng những mánh khoé này khác, tạo ra thứ khoa học rởm, bằng cấp rởm…(2)
(1)  Lời giới thiệu cuốn Văn học – phê bình, nhận diện (Hầu chuyện các giáo sư) của Trần Mạnh Hảo. Nxb văn học 1999.
(2) Gần đây, do một số người (giáo sư Hoàng Xuân Sính, Hoàng Ngọc Hiến) sang Mỹ tìm hiểu  đại học về cho biết, tôi mới vỡ lẽ ra rằng, té ra ở Mỹ cũng có rất nhiều tiến sĩ rởm, viện sĩ rởm, có khi còn nhiều hơn ở nước ta.(hơn ba nghìn trường đại học, chỉ có khoảng một trăm trường có chất lượng và độ bảy trường có tầm cỡ quốc tế. Nhiều luận án tiến sĩ không đáng điểm 0 (zéro) – bà Hoàng Xuân Sính nói thế. Nhưng khác với ta, họ không sử dụng loại bằng cấp rởm. Ở nước ta thì không phân biệt gì cả.
            Tôi muốn là anh chàng Julien Sorel của Stendhale với cái ý chí quyết liệt muốn vươn lên kia. Tự thấy mình chỉ là một kẻ tầm thường, như Julien ở đẳng cấp thứ ba vậy thôi, nhưng quyết tấn công vào dinh luỹ của những đẳng cấp cao hơn. Anh chàng nhà quê, con ông thợ xẻ ở thị trấn Verrières phải làm sao chinh phục được cả những tiểu thư kiêu kỳ, đài các nhất Paris.
            Nhưng phải nói cho đầy đủ rằng, sở dĩ tôi hăng hái lao vào nghiên cứu khoa học, trước hết và trực tiếp nhất còn vì sự thúc bách của nghề dạy học. Tôi rất yêu nghề dạy học. Hạnh phúc nhất của đời tôi là được làm cái nghề mình yêu thích. Lâu lâu không được lên lớp, buồn lắm. Tôi vẫn định nghĩa, nghề dạy học là nghề được nói. Nhà nước tổ chức những lớp học, tập hợp thanh thiếu niên lại nghe mình nói hàng ngày. Tôi thường dẫn câu văn này của Nam Cao trong truyện Lang Rận: “Nói, trao đổi những ý nghĩ, những nỗi lòng, có lẽ là cái tật chung của loài người. Không được nói thì khổ lắm.”
            Điều thú vị là với nghề dạy học, người nghe mình nói lại là một đối tượng hết sức lý tưởng, tức là những thanh niên có văn hoá, tâm hồn trong sáng. Họ có nhiệm vụ đi học, nghĩa là đến lớp chỉ để được nghe thầy nói. Cho nên bây giờ đây, mỗi lần lên lớp, tuy tuổi đã cao, dạy học đã hơn nửa thế kỷ, tôi vẫn rất hào hứng, náo nức.
            Nhưng không phải ngay từ những ngày đầu dạy học, tôi đã yêu nghề. Muốn yêu nghề, điều kiện quan trọng nhất là phải dạy tốt. Nghĩa là bài giảng phải hấp dẫn học trò. Mới lên lớp, (1951) kinh nghiệm chuyên môn chưa có, kiến thức còn nghèo nàn, nông cạn, dạy hay làm sao được! Vì thế hồi ấy, mỗi lần lên lớp, tâm trạng tôi rất nặng nề, chưa cảm thấy hứng thú gì. Bài giảng hay trước hết phải có nội dung hay, nghĩa là có ý mới, ý riêng, chính xác và sâu sắc. Đối với đại học, yêu cầu này càng cao. ở cấp học này mỗi bài giảng phải là một công trình nghiên cứu thật sự. Tất nhiên trong cách truyền đạt cũng có một số thủ thuật này khác tạo thêm sự hấp dẫn. Nhưng đó chỉ là những yếu tố rất phụ, không thay thế được nội dung khoa học của bài giảng.
            Như vậy là, soạn bài giảng và nghiên cứu khoa học là hai công việc luôn luôn đi sóng đôi với nhau trong cuộc đời người giáo viên đại học. Vì lẽ đó, với tôi, bắt đầu dạy đại học cũng là bắt đầu nghiên cứu, phê bình văn học.
            Ở đại học, tôi được phân công dạy văn học Việt Nam giai đoạn 1930-945 ở Sư phạm Hà Nội, dạy giai đoạn văn học này có ba người: anh Nguyễn Trác, anh Hoàng Dung, anh Nguyễn Hoành Khung. Nhưng ở Sư phạm Vinh, chỉ có một mình tôi. Mà phải soạn nhanh, soạn gấp, dạy ngay. Vất vả thật đấy, nhưng chính nhờ thế mà tôi chiếm lĩnh được văn học giai đoạn này khá nhanh. ở lại đại học giữa năm 1960, năm 1961 mới bắt đầu lên lớp, vậy mà năm sau (1962 ), tôi đã tham gia viết giáo trình chính thức với các anh ở Hà Nội (Giáo trình Lịch sử Văn học Việt Nam 1930 – 1945 Tập V) Nxb Giáo dục in năm (1963). Đến 1973 thì được giao làm chủ biên viết lại giáo trình này. Từ văn học 1930 – 1945, tôi mở rộng dần đối tượng nghiên cứu sang thời kỳ sau cách mạng Tháng Tám, và đến cuối những năm 80 thì được giao làm chủ biên bộ giáo trình Lịch sử văn học Việt nam 1945 – 1975 (hai tập ) Nxb Giáo dục in năm 1989.
            Giai đoạn văn học 1930 – 1945 có một hiện tượng đặc biệt: sự xuất hiện hàng loạt cây bút tài năng, có cá tính, phong cách độc đáo. Vì thế tôi đặc biệt tập trung nghiên cứu các nhà văn này. Những công trình nghiên cứu của tôi phần lớn là những tiểu luận về họ: Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Tô Hoài, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hoài Thanh, Hoàng Cầm..vv… Tiếp tục theo hướng ấy, tôi nghiên cứu các nhà văn sau cách mạng như Nguyễn Đình Thi, Quang Dũng, Chính Hữu, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Nguyên Ngọc, Nguyễn Thi, Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, Trần Đăng Khoa.
            Ngoài ra còn có điều này nữa khiến tôi say mê nghiên cứu khoa học: tôi hình như có cái máu thích tìm tòi khám phá, cho nên bắt đầu ở lại đại học (1960) ngoài việc nghiên cứu để giảng dạy, tôi lao luôn vào việc tìm hiểu và giải quyết các vấn đề đặt ra lúc bấy giờ về hai ông Nguyễn Tuân và Vũ Trọng Phụng. Phải nói rằng đây là hai đối tượng tôi nghiên cứu sớm nhất và say mê hơn cả. Từ Vinh phóng ra Hà Nội, suốt ngày bám lấy các thư viện (thư viện quốc gia, thư viện khoa học xã hội, thư viện của viện văn, viện sử…) hăm hở đọc các ông ấy từ sách đến các bài báo. Hồi Pháp thuộc, các nhà văn như Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố..vv… thường đăng bài trên đủ các thứ báo với những bút danh khác nhau, kể cả những tờ báo nhỏ của địa phương như Tuần lễ, Thanh Nghệ Tĩnh tân văn chẳng hạn… Đọc và ghi hết. Rồi chạy đi hỏi những người có quen biết Nguyễn Tuân và Vũ Trọng Phụng như Đồ Phồn, Như Phong, Vũ Đình Liên, Lưu Trọng Lư, Tô Hoài, Kim Lân, Nguyên Hồng, Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Lương Ngọc, Trần Minh Tước… Lại hỏi các bậc đàn anh trong giới lý luận phê bình, nghiên cứu văn học về các khái niệm liên quan đến Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng như khái niệm phong cách, chủ nghĩa tự nhiên… Rồi tìm ảnh hưởng của các nhà văn Pháp đến hai ông này như André Gide, Paul Morand, Emile Zola… Tiếng Pháp, tôi có giỏi giang gì đâu, nhưng cũng cố đọc một số tác phẩm của các nhà văn này. Đọc cả Nietzsche (Zarathousta) vì thấy có liên quan đến cái ngông của Nguyễn Tuân..vv… Nghiên cứu Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng để làm gì? Viết báo, viết sách về hai vị này rất khó. Vì hồi ấy người ta quy cho các ông này lắm tội lắm: Văn Nguyễn Tuân thì phù phiếm, có người còn gọi là văn cô đầu thuốc phiện, đùa cợt với chính trị, lắm cái rớt… Vũ Trọng Phụng, thì sau vụ Nhân văn, bị quy là chống cộng, tự nhiên chủ nghĩa, chỉ có tài xỏ xiên, Giông tố thì ăn cắp kịch Lôi Vũ của Tào Ngu, một vị uỷ viên bộ chính trị (Hoàng Văn Hoan) đã phán như thế. Đúng là tôi cứ thích húc vào những đối tượng phức tạp như vậy, chả để làm gì cả. Yêu cầu dạy học không có, chương trình môn văn từ phổ thông đến đại học hồi ấy đều tránh các nhà văn này như những vùng cấm địa. Nếu có nhắc đến đôi chút thì cũng chỉ để lên án mà thôi. Sau vụ Nhân văn, không ai nghĩ đến chuyện viết sách về các ông này. Viết báo còn khó, nói gì viết sách. Tôi nhớ, lúc ấy có một anh bạn xui tôi thế này: cậu dại lắm, muốn viết báo, viết sách thì phải nghiên cứu những cây bút cách mạng như Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Sóng Hồng, Lê Đức Thọ, Xuân Thuỷ..vv… hay các nhà văn hiện thực tiến bộ như Ngô Tất Tố, Nam Cao chứ. Như ông Phan Cự Đệ, ông Hà Minh Đức đấy thôi, cứ in sách tơi tới.
            Tôi nghe ông bạn, quay sang nghiên cứu thơ Hồ Chí Minh. Lập tức đăng bài liên tiếp: Mong manh áo vải hồn muôn trượng, Những bài thơ quên mình của Bác, Cuộc đời cách mạng thật là sang ! Vài suy nghĩ nhỏ về một phong cách lớn, Đọc văn chính luận của Hồ Chí Minh, Trần mà như thế kém gì tiên, Pác Bó       hùng vĩ..vv… Và cuốn chuyên luận đầu tiên của tôi được xuất bản là cuốn Mấy vấn đề về quan điểm và phương pháp tìm hiểu, phân tích thơ Hồ Chủ Tịch. (Đại học Sư phạm in nội bộ năm 1978, Nxb Giáo dục in năm 1981). Nhưng trong đời nghiên cứu văn học của tôi, tôi có kinh nghiệm này: khi anh nghiên cứu nghiêm túc một đối tượng nào thực sự có giá trị, thì trước sau thế nào cũng được dùng đến, ít ra thì bản thân anh cũng nhờ đó mà trưởng thành lên. Đối tượng càng khó khăn, phức tạp thì thành công càng vang dội, ảnh hưởng càng xa rộng.
            Năm 1968, chị Thiếu Mai, hồi ấy làm ở Tạp chí văn học, đặt tôi viết về ký chống Mỹ của Nguyễn Tuân. Tôi đã vận dụng những gì từng nghiên cứu về sự nghiệp của nhà văn này vào việc tìm hiểu những bài ký chống Mỹ của ông. Một bài phê bình mà nền tảng là sự đào sâu vào qui luật vận động tư tưởng và phong cách của nhà văn từ ngọn nguồn thời “tiền chiến” của ông. Bài này được Hoài Thanh đánh giá rất cao. Ông đưa cho anh Cao Huy Đỉnh bài viết vừa duyệt xong và nói: “ Phê bình văn học hiện đại phải viết như thế này này”. Bài phê bình đầu tiên này của tôi tuy bị lãnh đạo hồi ấy cho là có vấn đề quan điểm, nhưng đến năm 1980, thời thế đổi thay, chính nhờ bài ấy mà tôi được giao làm Tuyển tập Nguyễn Tuân và đến năm 2000 thì làm Nguyễn Tuân toàn tập (Nxb Văn học). Công trình của tôi về Nguyễn Tuân không chỉ được đọc trong nước. Nó còn được in lại ở Pháp và Canada. Và riêng đối với Nguyễn Tuân tôi được ông đặc biệt tin cậy.
            Về Vũ Trọng Phụng, bài tiểu luận công phu và đắc ý nhất của tôi là bài Mâu thuẫn cơ bản trong thế giới quan và trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng, cũng viết năm 1968, nhưng đến 1971 mới được đăng trên Tạp chí văn học. Đây cũng là một bài tiểu luận được viết trên cơ sở nghiên cứu toàn bộ sự nghiệp của nhà văn được nghiền ngẫm từ mười năm trước. Hoài Thanh cũng thích bài này, tuy Vũ Đức Phúc không tán thành về quan điểm. Chế Lan Viên cũng đánh giá cao. Hôm ấy gặp anh ở trụ sở Hội nhà văn (65 Nguyễn Du), anh chạy ra bắt tay tôi và khen bài viết rất hay. Bài này cũng lập tức bị phê phán về quan điểm, nhưng đến năm 1987, đất nước đổi mới, tôi lại được giao làm Tuyển tập Vũ Trọng Phụng (Nxb Văn học) và đến năm 1999 thì làm Vũ Trọng Pụng toàn tập (Nxb Hội nhà văn ).
            Vậy là cuối cùng, hai ông nhà văn phức tạp và “có vấn đề” nhất kia lại chính là những người đã giúp tôi khẳng định được vị trí chắc chắn của mình trong giới nghiên cứu, phê bình văn học.
            Từ cuối những năm 60 sang những năm 70, 80 của thế kỷ trước, tôi viết liên tục, đầy hào hứng, từ viết báo đến viết sách. Viết ngày, viết đêm. Đúng là có những đêm tôi không hề chợp mắt. Hồi ấy đời sống hết sức khó khăn. Cán bộ khoa văn Sư phạm Hà Nội chủ yếu sống tập trung ở hai dẫy nhà lá, nền đất, vách đất gọi là K2, K3. Cả gia đình tôi sống chen chúc trong một gian nhà vẻn vẹn có mười mấy mét vuông. Nước khan hiếm. Sáng sớm mọi người lục tục đem xô, đem chậu ra xếp hàng hứng nước ở một cái vòi công cộng. Tôi mượn được một gian bên cạnh của một anh bạn có nhà ở Hà Nội, để trống, ngồi viết từ chập tối cho đến khi nghe tiếng xô, chậu loảng xoảng ở vòi nước thì mới buông bút, xách xô chạy vội ra xếp hàng. Năm ấy ( 1973 ) vì làm việc quá sức lại không có gì bồi dưỡng, tôi đã bị lao phổi phải nằm ở bệnh viện A gần năm tháng. Năm 1980, được giao làm Tuyển Tập Nguyễn Tuân, tôi cũng rất ham hố. Phải viết sao cho xứng đáng với Nguyễn Tuân, nghĩ thế, tôi miệt mài viết đêm viết ngày. Bài Tựa Tuyển Tập chỉ có 70 trang mà tôi viết tới 6 tháng – tất nhiên cũng có viết xen vào vài bài báo nhỏ nữa. Sáu tháng ngồi cặm cụi hầu như không rời ghế, tôi bị xuống máu chân. Hôm ấy, chợt nhìn xuống chân, thấy phù hẳn lên, tôi hoảng quá.
            Thời gian từ khoảng 1970 đến 1985, tôi còn hai lần bị chảy máu dạ dày. Một lần ở Sài Gòn, một lần ở Hà Nội. Nhưng ra viện, tôi lại viết, viết liên tục không ngừng không nghỉ. Ngay trong những ngày nằm viện tôi cũng tranh thủ viết. Không viết thì cũng đọc sách vở, tài liệu và suy nghĩ trăn trở để chuẩn bị viết.
Vì sao có sự miệt mài, hăm hở như thế  ?
            Tôi cho rằng có hai nguồn động viên chính: một là được học sinh, sinh viên yêu quý, hai là được nhiều nhà văn khuyến khích.
            Như trên đã nói, hai công việc dạy học và nghiên cứu phê bình có quan hệ với nhau. Nhưng nói cho chặt chẽ hơn thì hai công việc ấy chỉ quan hệ với nhau về nội dung khoa học chứ không hẳn đồng nhất về phương pháp và hình thức diễn đạt. Không ít người nghiên cứu thì tốt, viết cũng hay, nhưng dạy thì không hấp dẫn. Ngược lại có nhiều người dạy thì hấp dẫn nhưng viết lại rất nhạt – vì văn viết và văn nói rất khác nhau, vả lại đối tượng thuyết phục cũng không hoàn toàn là một.
            Tất nhiên trước hết phải có nội dung tốt đã. Nội dung tốt có nghĩa là phải có ý mới, ý riêng, chính xác và sâu sắc. Đối với sinh viên đại học, ý mới, ý riêng phải vượt lên trên tầm tư duy của họ – ý mới mà chỉ ngang tầm tư duy của học trò thì tuy họ cũng có thể thích nhưng chưa thể thoả mãn về nhận thức. Tôi đã thấy có nhiều cán bộ giảng dạy thích phô bầy những tài liệu mới lạ, vì biết rằng sinh viên không có điều kiện đọc được. Như thế đâu phải là vượt tầm sinh viên, chẳng qua chỉ vì họ không có điều kiện đọc được những tư liệu ấy mà thôi. ở đại học, bài giảng hay nhất là làm sao, trên cùng một tư liệu, một văn bản, thày và trò đều được đọc, được biết, mà phát hiện ra những điều mà trò dù có nghĩ cũng không nghĩ ra được. Vì tầm hiểu biết và nhất là tầm tư duy khoa học của họ thấp hơn. Dạy đại học gần nửa thế kỷ, tôi nghiệm thấy, sinh viên rất chờ đợi ở người thầy những phát hiện tầm cỡ như thế. Tất nhiên tôi không nói những loại sinh viên lười biếng, chả chịu học hành gì. Trên đời, con người ta có nhiều thứ khoái cảm, trong đó có một thứ khoái cảm rất trí tuệ khi đầu óc được soi sáng bởi một ý tưởng nào đó có ý nghĩa năng tầm nhận thức của mình lên một bước mới. Đó thường là những ý khái quát chính xác, sâu sắc, kết quả của một phương pháp tư duy mới mẻ, khoa học.
            Tôi cho rằng đến lớp chỉ nên trình bày những ý tưởng như thế mà thôi. Những nội dung khác của bài giảng tuy cũng quan trọng, nhưng vì sinh viên tự mình hiểu được, nên chỉ cần hướng dẫn họ tự tìm tài liệu mà đọc. Tất nhiên, những ý tưởng sâu sắc, mới mẻ nói trên, phải diễn đạt sao cho sinh viên hiểu được, nếu không thì làm sao họ có thể hưởng được các khoái cảm nói trên.
            Có người cho rằng, có những chân lý cao siêu, không thể diễn đạt giản dị, dễ hiểu được đối với học trò. Trong phạm vi hiểu biết của tôi, tôi không tin như      thế. Nếu anh thực sự hiểu được thì thế nào cũng có cách làm cho người khác hiểu được – người khác ở đây là sinh viên đại học chứ đâu phải loại người vô học.
            Cuối năm học 2003 – 2004, cán bộ khoa văn Đại học Sư phạm Hà Nội đưa nhau lên tận Tam Đảo để tổng kết năm học. Hôm ấy, tôi phát biểu thế này: Cán bộ giảng dạy đại học có thể chia làm ba loại: một là giảng rất rõ ràng, rành mạch những chân lý giản đơn, muôn thủa, ai cũng biết cả rồi. Nghĩa là bài giảng không làm cho sinh viên khôn thêm lên một tý nào. Hai là diễn đạt quá tối tăm rắc rối, không ai hiểu gì cả, kể cả người giảng cũng không hiểu mình nói gì. Đây là loại không thích nói những điều thông thường ai cũng biết, nhưng những điều mới lạ, độc đáo lại không nghĩ ra, bèn dùng lối khoe chữ nghĩa rắc rối, khoe đọc sách này sách khác, tiếng Tây tiếng Tầu đủ cả, tung ra một mớ hoả mù khái niệm có vẻ uyên bác, cao siêu, thực chất đầu óc rỗng không. Loại một tuy tầm thường, nhưng đứng đắn. Loại hai phải gọi đích danh là lừa bịp, là bất lương trong giới đại học. Còn loại ba là những thầy giáo thực sự giỏi và trung thực. Họ truyền đạt cho học trò một cách dễ hiểu những điều mới lạ, sâu sắc. Họ thực sự là những nhà khoa học, đồng thời là những nhà sư phạm lương thiện. Họ nghĩ ra nhiều điều mới mẻ sâu sắc và hiểu rõ những điều mới mẻ sâu sắc ấy, nên có cách diễn đạt cho học trò hiểu được.
            Có lẽ từ tuổi thanh niên, công tác ở Ban tài chính tỉnh đảng bộ Thái Nguyên (1949), tôi đã được giao nói chuyện về văn học với nhiều đối tượng, nên nói năng cũng quen. Sau này, làm nghề dạy học, ( dạy cấp II từ 1951, dạy đại học từ 1960 ), tôi cũng rút được một số kinh ngiệm.
            Kinh ngiệm của tôi là phải có một vốn từ phong phú mới có thể diễn đạt được đích đáng những điều mình phát hiện.Trong lời giảng, những từ đích đáng sẽ gây ấn tượng rất sâu trong tâm trí sinh viên. Hai là, dù bài giảng có hay ho thế nào, khi mở đầu cũng không nên tạo cho sinh viên tâm thế chờ đợi một điều gì to tát, ghê gớm cả. Đừng có khoa trương hùng biện, cứ làm cho họ có tâm lý bình thường để chuẩn bị tiếp thu một bài giảng bình thường. Như thế khi nghe thày nói những điều không bình thường, nghĩa là sâu sắc, mới mẻ, khoái cảm của họ sẽ tăng lên gấp bội. Ba là không chỉ trình bầy các chân lí đã phát hiện được, mà cần chỉ ra con đường đã dẫn dắt tư duy của mình tới những chân lý đó. Bốn là trong một lớp học thế nào cũng có một vài sinh viên xuất sắc nhất được bạn bè nể trọng. Nội dung khoa học của bài giảng phải nhằm vào đối tượng ấy, nhưng cách diễn đạt thì phải làm sao cho cả lớp hiểu được.
            Với những kinh nghiệm trên đây, tôi đã có nhiều giờ dạy thành công và nói chung, được sinh viên hâm mộ.
            Vào lớp, tôi rất ít khi kiểm tra sự có mặt của sinh viên xem có đầy đủ hay không. Một phần vì tính tôi dễ dãi. Phần khác, tôi nghĩ, điều quan trọng là bài giảng của anh có hấp dẫn hay không. Nếu hấp dẫn thì tự khắc họ sẽ đến đông đủ, việc gì phải kiểm tra. Vả lại có mặt mà không thích nghe thì có mặt làm gì – có mặt thế có khác gì để chịu một hình phạt. Những chuyên đề của tôi dạy cho các lớp đại học, cao học, khi kết thúc, sinh viên thường nài tăng thêm giờ, thêm buổi, nghĩa là họ chưa thấy chán. Đấy là một nguồn động viên lớn khiến tôi dạy học say mê, hào hứng.
            Nguồn động viên lớn thứ hai của tôi là sự khuyến khích của giới sáng tác. Trong hoạt động nghiên cứu, phê bình văn học, đối tượng viết, nhất là cách diễn đạt có khác với giảng dạy văn học. ở đây, mỗi bài viết là một cuộc đối thoại với những tài năng văn học, trong đó có những cây bút bậc thầy. Nếu trong giảng dạy, nội dung khoa học của bài giảng phải nhằm đáp ứng trước hết loại sinh viên xuất sắc, thì trong nghiên cứu phê bình, khi lập ngôn, lập ý, phải nghĩ đến những đối tượng cao nhất trong giới cầm bút như Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hoài Thanh, Tô Hoài, hay Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc… Mỗi bài viết phải là một nỗ lực quyết liệt nhất nhằm đạt tới bậc thang giá trị cao nhất, tất nhiên tuỳ theo tài sức của mình. Phải viết thế nào để sau này có muốn viết lại như thế cũng không thể được. ở đây, đúng ra còn có chuyện cảm hứng. Không có cảm hứng thì cũng khó viết được cái gì là văn thực
sự. Nhưng cảm hứng là gì? Theo tôi, đó là sự gặp gỡ, sự đồng cảm giữa đối tượng viết, giữa nội dung các tác phẩm được đề cập đến với chính tư tưởng của mình, nghĩa là với những ước mơ, những kinh nghiệm sống, những yêu, ghét, cả những căm thù của mình chứa chất, nung nấu không biết từ bao giờ. Chẳng hạn khi tôi viết về “niềm căm uất không nguôi” của Vũ Trọng Phụng đối với cái xã hội ông gọi là “vô nghĩa lý” ngày trước, thì tôi quả cũng có chen vào đấy niềm căm uất của chính bản thân mình đối với những kẻ xỏ xiên, đểu giả, phản trắc vẫn còn không ít trong xã hội ta hôm nay. Khi tôi ca ngợi câu thơ Xuân Diệu “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”, thì thật tình tôi cũng có gửi vào lời bình luận của mình niềm khao khát hướng tới cái đẹp vừa trần thế, trần tục, đầy tính sắc dục, vừa trinh trắng, tinh khiết của hình tượng thơ, đồng thời không che dấu thái độ khinh bỉ đối với những cây bút phê bình đạo đức giả nào đó từng phê phán là “thiếu lành mạnh” một trong những câu thơ tuyệt vời nhất, lành mạnh nhất của nền thi ca Việt Nam hiện đại.
            GS Đặng Đức Siêu có lần nói với tôi, anh đã chảy nước mắt khi đọc bài “Thương tiếc nhà văn Nguyên Hồng” của tôi, (đăng trên báo Nhân dân, khi nhà văn vừa qua đời.) .Vâng – tôi cũng nói với anh rằng, bản thân tôi cũng chảy nước mắt khi viết những dòng thương tiếc ấy: “Nguyên Hồng đã sống hơn sáu mươi năm, đã viết hơn bốn mươi năm, ai biết được ông đã đổ ra bao nhiêu nước mắt cho đời và cho nghệ thuật ? Bây giờ nằm dưới ba thước đất, nguồn nước mắt ấy, liệu có bao giờ khô cạn được chăng?” Tôi từng viết rất nhiều về Nguyễn Tuân, nhưng lần nào cũng rưng rưng xúc động khi nói đến tấm lòng tha thiết của ông đối với tiếng nói dân tộc, đến thái độ nâng niu trân trọng của ông đối với những giá trị văn hoá nghệ thuật cổ truyền trên đất nước này và những gì tạo nên cảnh sắc và hương vị độc đáo của quê hương mình, từ cành đào ngày Tết, dò hoa thuỷ tiên nở đúng đêm giao thừa, đến cây bàng, cây sấu hết sức bình dị quen thuộc trên hè phố Hà Nội; từ tấm bánh chưng ngày Tết, hạt cốm làng Vòng bọc lá Sen, đến bát phở có hương và vị riêng của Hà Nội…
            Thơ Hoàng Cầm không phải bài nào tôi cũng thích. Có khá nhiều bài tôi cho là giả, là gượng. Nhưng tôi thật sự cảm động khi đọc được của ông những vần thơ như gợi lên được linh hồn ngàn năm của đồng quê Kinh Bắc. Chẳng hạn như bài Lá Diêu Bông. Tôi đã không cầm nổi nước mắt khi viết những dòng này: “Lá Diêu Bông là gì? Có cái gì trên đời này gọi là lá Diêu Bông? Vậy thì tìm đâu cho thấy lá Diêu Bông? Nhưng chính cái ý nghĩa mơ hồ của nó và cái âm hưởng của nó sao cứ văng vẳng như là tiếng gọi, tiếng kêu, tiếng khẩn cầu của ai đó trên cánh đồng trống vắng của một buổi chiều đông bị gió đồng thổi bạt đi thành ra càng trở nên xa vắng hơn và nghe mơ hồ như là tiếng gió “gió quê vi vút gọi”.
            Có phải là linh hồn của đồng quê ta cất lên thành tiếng đó không? Có phải là linh hồn của các thôn nữ ngày xưa, của những cô Tấm, những Ngọc Hoa, Cúc Hoa, những Xuý Vân đến chết vẫn còn vương vấn trên mảnh đất này với niềm khao khát yêu thương đó chăng? Hay là chính linh hồn ta đó, hoà cùng linh hồn đất nước, cất lên thành tiếng gọi thiết tha trên đồng chiều bạt gió: Diêu Bông hời!… ới Diêu Bông!…”
            Những dòng này, tôi viết cho Hoàng Cầm, viết về thơ Hoàng Cầm, hay viết cho mình, viết về lòng mình, thật khó phân biệt.
            Nói về cách diễn đạt thì văn nghiên cứu phê bình khác hẳn với lời thầy giảng trên lớp. Một đằng để nghe, một đằng để đọc. Lời nói gió bay, vì thế, nhiều câu nhiều chữ trong bài giảng cứ phải nhắc đi nhắc lại để khắc sâu vào đầu óc học trò. Sinh viên rất khó chịu khi chưa kịp hiểu câu trước đã phải đuổi theo câu sau của thày. Ngược lại, người đọc rất chán khi bài viết cứ lặp đi lặp lại một ý “ biết rồi khổ lắm nói mãi”. Văn viết phải rất súc tích. Nếu viết nửa câu mà người đọc hiểu được rồi thì chỉ viết nửa câu. Kỵ nhất là lời văn cứ tãi ra một cách thừa thãi. Và cái gì cũng giảng giải làm như người đọc là những học trò của mình vậy.
            Viết phải có văn, có nghệ thuật, giống như đàn bà phải có trang sức. Nhưng đừng có làm văn một cách lộ liễu để trở thành một lối uốn éo, một thứ trang trí hoa lá cành. Nhiều khi cũng phải dùng hình ảnh. Nhưng hình ảnh của văn nghiên cứu phê bình khác với hình ảnh trong văn sáng tác. Hình ảnh của văn nghiên cứu, phê bình phải đạt được cùng một lúc hai chức năng: một là chuyển tải tình cảm cảm xúc thẩm mỹ, hai là diễn đạt được những khái niệm, những phạm trù, những quy luật phản ánh bản chất của đối tượng nghiên cứu, phê bình. Vì nghiên cứu phê bình còn là chuyện khoa học, chuyện tư duy trừu tượng. Ngoài ra, cũng như văn sáng tác, văn nghiên cứu phê bình cũng phải có giọng điệu, cũng phải tạo được không khí. Tuỳ theo nhu cầu này mà chọn từ, đặt câu cho thích hợp. Nói chung văn phê bình gần với văn sáng tác hơn, hành văn phóng túng hơn. Có khi phải dùng từ thật chính xác, có khi lại phải dùng những khái niệm mơ hồ. Có khi phải đặt câu ngắn, có khi phải viết câu dài. Để tạo giọng điệu, có khi phải viết những câu thiếu thành phần ngữ pháp, giống như khẩu ngữ vậy – “khẩu ngữ là máu của câu văn xuôi”, có một nhà nghiên cứu phê bình văn học đã nói như vậy. Biết dùng khẩu ngữ, đúng lúc, đúng chỗ, câu văn sống động hẳn lên.
            Viết văn ai chả muốn viết cho hay. Nhưng tự đánh giá văn mình có dễ đâu. Dễ chủ quan lắm, “Văn mình vợ người” mà. Ngay những nhà văn lớn cũng không dám chủ quan về chuyện này. Chủ quan nhất thường lại là những cây bút trẻ. Có lần giảng bài ở trường viết văn Nguyễn Du, Xuân Diệu đã mở đầu thế này: “Trên đời, có ba loại người kiêu ngạo nhất, một là đứa trẻ lên ba, cái gì nó cũng đòi, nó đòi cả ông trăng trên trời, hai là những cô gái đẹp, ba là những nhà văn trẻ”. Hiện nay đang xuất hiện nhiều cây bút trẻ có thể gọi là đại kiêu ngạo. Nhưng các nhà văn đàn anh lại thường khiêm tốn. Cứ phải đợi xem phản ứng của độc giả mới biết văn mình có xem được hay không. Trong tiểu thuyết Anna Karinine của L.Tolstoi’, tôi nhớ có chi tiết này: một danh họa nọ triển lãm tranh. Ông rất hồi hộp chờ đợi ý kiến đánh giá của bọn quý tộc đến xem, tuy vẫn biết bọn này chẳng hiểu gì lắm về nghệ thuật.
            Thế đấy, muốn hiểu văn mình thế nào cũng phải soi vào dư luận độc giả. Ai chả muốn được khen. Độc giả tầm thường khen cũng thích. Tất nhiên được loại độc giả cao cấp khen thì khoái hơn nhiều và mới biết được cái giá thật của văn mình.
            Ông Hoài Thanh có lần nói với Hoàng Ngọc Hiến: “Nguyễn Đăng Mạnh viết thì thông đấy, nhưng phiêu lưu”. Ông nhận xét tôi phiêu lưu là phải, vì từ sau cách mạng, ông viết quá thận trọng, thậm chí muốn phủ nhận cả tập Thi nhân Việt Namnổi tiếng của mình. Còn tôi thì luôn luôn bị uốn nắn, phê phán. Nhưng được ông khen “viết thông” không dễ đâu. Tôi biết ông rất chú ý đến văn khi duyệt bài.
            Năm 1972, tôi viết bài Sức sống của ngòi bút Nguyễn Thi, Nguyễn Khải rất thích. Bài này được giải thưởng của Tạp chí Văn nghệ quân đội. Hồi ấy có lẽ cách ăn mặc và bộ dạng của tôi rất nhếch nhác. Không biết Nguyễn Khải nghĩ thế nào mà lại nói với Vương Trí Nhàn: “ấy cứ nhếch nhác thế mới viết được”.
            Tô Hoài, Nguyên Ngọc thì cho tôi là người viết phê bình có phong cách, nắm được cái “tạng” riêng của mỗi cây bút. Hồ Dzếnh thì cho tôi có khả năng nhận ra được cái thần của mỗi nhà văn. Hồi Nguyễn Minh Châu còn sống, tôi cũng hay đến anh. Anh nói với tôi: “Anh cứ tiếp tục viết như thế đi, chúng tôi ủng hộ anh”.
            Trong đời viết văn làm sách của tôi, tôi sướng nhất là được nhận những lời khích lệ của Xuân Diệu và Nguyễn Tuân.             Tôi đến Xuân Diệu luôn vì biết anh rất quý tôi. Anh nói: “ Mình có bốn người thân quý nhất: Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Trung Thông và Nguyễn Đăng Mạnh.” . Rất tiếc là khi còn sống, Xuân Diệu chỉ mới đọc có hai bài viết ngắn của tôi, một bài viết về tập thơ “Tôi giàu con mắt” và một bài chân dung, nhan đề “Xuân Diệu và niềm khát khao giao cảm với đời.” Anh Văn Hồng ở nhà xuất bản Kim Đồng cho tôi biết, Xuân Diệu đọc bài này và đã khóc, vì cho tôi rất hiểu mình.
            Sau bài viết ấy ít lâu (năm 1985), tôi có đến Xuân Diệu để mời anh nói chuyện với một lớp sinh viên đặc biệt gọi là lớp 5C, học năm năm (các lớp khác chỉ học bốn năm.) . Anh nói về bài tôi viết về anh, cho là tôi viết sâu sắc: “Mạnh ít đến mình mà hiểu mình rất sâu. Đọc bài viết của cậu, người ta sợ gặp cậu đấy, vì cậu sẽ đưa người ta vào bài viết. Nhiều điều mình nói đã lâu mà sao Mạnh còn nhớ được, như mình nói về bài Bản đồ huyện Ý Yên. Đúng là bài thơ trung bình cần đến nhà phê bình, mình có nói thế. Nhưng đáng lẽ phải nói bài trung bình của nhà thơ lớn. Chứ bài trung bình của nhà thơ thường thì phân tích làm gì. Huy Cận đọc và khen bài này. Chắc Mạnh cũng thấy có nhiều người khen bài này chứ!”
            Lúc ấy có một người khách trẻ vẫn có mặt trước khi tôi đến – Xuân Diệu bảo là cháu. Tôi đoán anh này chắc có hẹn gì đó với Xuân Diệu, nên nói: “Chắc anh có việc bận?” Xuân Diệu nói: “Không, mình đang đợi Mạnh đến, đang mong gặp Mạnh.” Rồi anh vào buồng tìm một cái gì đó. Khi trở ra, anh kéo tôi ra nói chuyện riêng ở phòng ngoài. Anh lại nói tôi viết rất sâu về anh, không có ai viết sâu hơn. Đúng là tri âm tri kỷ. Rồi anh nói vòng vo rào đón để chuẩn bị tặng tôi một cái gì đó để tôi nhận mà không phải chối từ lôi thôi: “ Mình quý Mạnh, không phải vì Mạnh viết về mình đâu, chắc Mạnh hiểu không phải như vậy – Anh đẩy về phía tôi cái đồng hồ đeo tay đựng trong một cái hộp nhỏ vuông có nắp bằng mica – mình giữ những cái này mà đến lúc chết đi thì người ta bảo là thằng ngu, nên cần phải gửi ở người thân làm vật kỷ niệm. Xưa Tản Đà vào Nam kỳ, Diệp Văn Kỳ có biếu ông một nghìn bạc Đông Dương. Một nghìn bạc Đông Dương to lắm! Hồi ấy chỉ một xu một quả trứng gà thôi mà. Anh con Tản Đà nói, cha tôi nhận ngay mà không cám ơn gì cả, ngông thế, nhận một cách tự nhiên như là mình có quyền nhận, chẳng cần cám ơn ai hết, và người cho cũng không muốn nghe lời cám ơn khách sáo làm gì. Tản Đà sướng thật! Mình thì không xứng với Diệp Văn Kỳ, nhưng Mạnh thì đúng là Tản Đà.”
            Ôi! Anh ví von gì mà kỳ thế! Chắc ý anh muốn nói, tôi nhận mà không cần cám ơn anh, còn món quà của anh thì bằng sao được một nghìn bạc Đông Dương của Diệp Văn Kỳ.
            Lúc ấy Tuyển Tập Xuân Diệu mới in tập I. Tập này tuyển thơ, Hoàng Trung Thông đề tựa. Anh đề nghị tôi giới thiệu cho anh một người khác đề tựa tập II, tuyển văn xuôi. Tôi giới thiệu một người bạn cùng dạy khoa Văn Đại học Sư phạm với tôi mà Xuân Diệu cũng có quen biết. Nhưng anh ngồi nghĩ một lúc rồi bảo: “Anh ấy chưa connu.” Và anh nói thẳng: “Thôi, Mạnh viết cho mình”. Rất tiếc khi Tuyển Tập Xuân Diệu, tập II xuất bản (1987) thì anh đã qua đời (cuối năm 1985 ) .
            Về Nguyễn Tuân thì hồi dạy ở Đại học Sư phạm Vinh, tôi có được gặp một lần. Năm 1967, khoa Văn trường Vinh có giao cho tôi đi mời Nguyễn Tuân vào nói chuyện với cán bộ và sinh viên về ký chống Mỹ. Nhưng sau đó khá lâu tôi không tiếp xúc với ông nữa. Không có lý do gì, đến ông rất ngại. Mãi đến năm 1980, được giao làm Tuyển Tập Nguyễn Tuân, tôi mới có cớ đến ông. Hoá ra ông có đọc bàiCon đường Nguyễn Tuân đi đến bút ký chống Mỹ của tôi đăng
báo từ năm 1968, và khi ông Lý Hải Châu, Giám đốc nhà xuất bản Văn học, đề nghị hai người làm tuyển tập Nguyễn Tuân là Vũ Ngọc Phan và tôi thì ông Tuân đã chọn tôi.
           Khi tôi viết xong bài Tựa Tuyển Tập, anh biên tập viên Lê Khánh thấy dài quá, đề nghị tôi rút ngắn lại, tôi không chịu, anh bèn đưa cho Nguyễn Tuân, định lấy cái uy của Nguyễn Tuân bắt tôi cắt bớt bài viết. Khi tôi đến Nguyễn Tuân để nghe ông góp ý, ông mời tôi uống rượu. Suốt buổi, ông không nói gì về bài Tựa của tôi. Tôi đoán ông chưa đọc nên xin phép đi về. Lúc ấy ông mới lấy bản thảo bài Tựa ra và nói vắn tắt: “Tôi không có ý gì khác. Nhà xuất bản bảo tôi đề nghị anh rút ngắn lại, nhưng anh yên tâm, tôi đã nói với họ rồi, có nhà văn đơn giản người ta viết ngắn cũng được, nhưng có nhà văn phức tạp, người ta phải viết dài.” Rồi ông tự tay cho cái bản thảo vào cái túi xách khá nhếch nhác của tôi (loại túi của đàn bà đi chợ mua miếng thịt, mớ rau ) – một cử chỉ thân mật ít có của Nguyễn Tuân. Ông còn nói với tôi muốn đến ông lúc nào cũng được, không cần báo trước, miễn là đến từ mười giờ trở đi. Trước đó ông thường đi dạo mấy vòng ngoài phố, 10 giờ thì về ăn cơm.
            Từ đó tôi đến ông luôn, tất nhiên mỗi lần đến vẫn phải tìm một cái cớ nào đấy, vì tôi vẫn nghĩ, mình có là bạn bè gì của ông mà đến chơi. Có một lần ông nói với tôi thế này: “Một buổi sáng nọ, tôi bước ra cửa thì thấy có hai cháu nữ sinh đứng ở hành lang. Hỏi có việc gì thì nói là sinh viên đại học ở Thanh Xuân (ông không nói là ở trường Đại học Tổng hợp) được thầy Phan Cự Đệ hướng dẫn làm luận văn tốt nghiệp về Nguyễn Tuân, vì thế xin đến gặp để tìm hiểu. Tôi nói với các cháu, hãy đến Nhà xuất bản Văn học, hỏi địa chỉ anh Nguyễn Đăng Mạnh, anh ấy sẽ nói cho biết.” . Vậy là tôi được giao làm “đại diện toàn quyền” cho ông rồi còn gì ! ít ngày sau, quả nhiên có hai cô sinh viên đại học tổng hợp Văn tìm đến tôi ở Đồng Xa. Hoá ra một cô là con ông Phạm Hựu, Giám đốc nhà xuất bản Khoa học xã hội, còn một cô là con chị Đặng Thanh Lê, cán bộ giảng dạy khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội.
            Từ xưa đến nay, ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước trên thế giới, những người sáng tác thường không ưa giới phê bình. Riêng tôi thuộc vào số người viết phê bình ít bị các nhà sáng tác ghét hơn cả. Tất nhiên cũng có người ghét. Nhưng ít thôi. Thí dụ như Hồ Phương. Trong một bài báo gọi là “Dòng sông và rều rác” (Công an thành phố Hồ Chí Minh. 10 – 1- 1996), anh cho cuốn sách của tôi Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn (bị Trần Mạnh Hảo đánh) có “tác hại (…) còn lớn và tệ hơn tác hại của ba cuốn Sex về ái tình éo le và bạo lực đang còn la liệt trên các vỉa hè, quán sách khắp nước”. Đây là cuốn tới hôm nay đã được tái bản đến lần thứ tư và đã được nhận giải thưởng khoa học Nhà nước. Không biết Hồ Phương có đọc không và nghĩ thế nào mà lại viết như thế, chắc là nhắm mắt theo Trần Mạnh Hảo. Đúng là một đầu óc đen tối, thô bỉ và rất vô trách nhiệm. …Tôi nhớ hồi 1987, có dịp cùng đi với Hồ Phương sang Cămpuchia. Hồi ấy quân ta còn đóng bên ấy. Anh Nguyễn Chí Trung có mời một số người sang bồi dưỡng nhà văn quân đội Cămpuchia: Trần Quốc Vượng, Hoàng Ngọc Hiến, Thu Bồn, tôi và Hồ Phương. Chỉ có một lớp học thôi nên chúng tôi được đưa sang lần lượt từng người một, từ Sài Gòn (doanh trại quân đội số 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm) sang PhNôm Pênh, khi về lại ở 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ở đây, chúng tôi  ăn ở bếp ăn quân đội. Không hiểu sao hồi ấy cái gì cũng rập theo Tầu. Phòng ăn có ba dãy bàn phân theo cấp bậc, cắm biển Đại táo, Trung táo, Tiểu táo. Tôi và Hồ Phương được ăn ở bàn tiểu táo, nghĩa là tiêu chuẩn cao nhất. Tuy vậy thức ăn chẳng có gì. Hồi ấy đời sống cán bộ cũng như quân đội còn thiếu thốn, khó khăn lắm. Tôi không phải là lính nhưng cũng rất thông cảm với lính – họ còn phải ăn theo tiêu chuẩn thấp hơn (đại táo). Hồ Phương là sĩ quan quân đội, hình như đại tá, trung tá gì đó, bây giờ được phong thiếu tướng rồi, mà ăn nói rất thiếu văn hóa. Anh nói với tôi: “Chúng nó cho chúng mình ăn như cho chó ăn vậy.” Đúng là tâm địa rất xấu và độc ác nữa. Vậy mà cứ mở mồm ra là nói nhân văn, nhân đạo.
            Vũ Quần Phương chắc cũng không ưa tôi. Trong cuộc hội thảo về lý luận phê bình văn học ở Tam Đảo, anh ta ủng hộ Trần Mạnh Hảo, phê phán tôi là tiểu khí và hãnh tiến. Đúng là ăn nói vu vơ chẳng có căn cứ gì. Bây giờ Hảo đã trở cờ, không biết có còn dám bênh Hảo nữa không? Vũ Hạnh chắc cũng không ưa tôi. Khi anh đề tựa cuốn Hầu chuyện các giáo sư của Trần Mạnh Hảo mà cho rằng, Hảo không qua đại học là một điều may mắn của anh ta, thì chắc anh cho tôi là đại học rởm, giáo sư rởm. Còn Trần Mạnh Hảo thì tôi cho anh ta chẳng ghét gì tôi, tuy viết hàng loạt bài xuyên tạc quy chụp tôi tới tấp. Bởi con người này viết có vì chân lý, có vì yêu hay ghét gì ai đâu, mà chỉ xuất phát từ nhu cầu cá nhân. Lúc cần đến Đảng thì nịnh Đảng, lúc cần theo Tây thì nịnh Tây, quay 180 độ như không.
Một người cũng hay phê phán tôi, phê phán rất quyết liệt nữa, là anh Trần Thanh Đạm. Anh cho tôi là đổi mới cực đoan, quá khích, còn tôi thì cho anh là đầu óc bảo thủ thâm căn cố đế rất khó hiểu ở một con người có văn hoá như anh. Anh viết một bài phê phán tôi khinh bạc cả cách mạng, khinh bạc hơn cả Nguyễn Tuân: “Đối với hơn 30 năm hy sinh chiến đấu của dân tộc và của văn nghệ dân tộc, cụ Nguyễn Tuân chưa bao giờ và không thể có cái giọng khinh bạc như của anh Mạnh.(1)

            Lập luận của anh Đạm có một mâu thuẫn: Câu trên anh viết: “Thế hệ trẻ rất thông minh, sáng suốt, biết phân biệt lẽ phải, điều hay với những gì trái lại”; Câu dưới anh lại thừa nhận tôi “có uy tín và tác dụng” hơn anh rất nhiều đối với giáo viên, sinh viên: “Tôi (Trần Thanh Đạm ) đã gặp nhiều thày giáo, nhiều sinh viên mang dáng dấp tư tưởng và phong cách của anh (Nguyễn Đăng Mạnh), là “đồ đệ” của cả điều hay lẫn chỗ dở của anh”. Vậy thì họ rất ngu chứ sao lại cho là “thông minh, sáng suốt” được !
            Một điều cũng lạ là tuy phê tôi rất ác, nhưng tiếp xúc với tôi, anh vẫn tỏ cảm tình nồng nhiệt. Rất khó hiểu. Hay vì anh là người Huế  “Sơn bất cao, thuỷ bất thâm…”?
            Nhớ hồi 1979, tôi có tặng anh tập tiểu luận, phê bình văn học đầu tiên của tôi, cuốn Nhà văn, tư tưởng và phong cách. Sau đó ít lâu, tôi vào Sài Gòn, bị chảy máu dạ dày phải vào cấp cứu ở bệnh viện, anh có đến thăm. Anh tặng tôi mấy câu thơ, có thể xem là cảm đề cuốn sách của tôi:
Đọc anh nhớ lúc anh nằm viện,
Một lần ngoài đó, một lần đây;
     Những dòng ta viết cho người khác,
Ai biết bên trong máu thấm đầy.
Gần 30 năm đã trôi qua kể từ ngày ấy, giờ tôi vẫn nhớ và vẫn biết ơn anh về bốn câu thơ ấy.
            Về các nguồn động viên đối với tôi trong nghiên cứu phê bình văn học, tôi còn phải kể đến nguồn này nữa: Cảm tình của nhiều học sinh phổ thông trên nhiều vùng đất nước. Họ không hề học tôi và gặp tôi bao giờ, nhưng vì đọc sách của tôi (ngoài sách nghiên cứu phê bình tôi còn viết sách giáo khoa phổ thông trung học và nhiều sách bồi dưỡng học sinh về môn văn), họ viết thư thăm hỏi tôi, lời lẽ rất thắm thiết và đầy ngưỡng mộ(1). Thư nào cũng mong mỏi tôi trả lời.
Nhưng tôi cứ lần lữa rồi cuối cùng chẳng trả lời ai cả. Chắc các em cho tôi là coi thường mình. Không, tôi không coi thưòng ai cả nhất là những người có cảm tình với tôi – vì khi mới tập sự viết sách tôi đã từng bị có người khinh và rất thấm thía điều đó. Chẳng qua là tôi có bệnh lười viết thư, kể cả viết thư cho người thân trong gia đình. Nhưng biết bệnh mà không sao chữa được. Tôi rất biết ơn những bức thư kia. Đó là những lời động viên hồn nhiên, vô tư, chân thật nhất, giúp tôi phấn khởi trong hoạt động nghiên cứu phê bình văn học.
(1) Trao đổi ý kiến với giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh về cuộc “nhận đường” của văn học hôm
qua và hôm nay. Sài Gòn giải phóng, 11 – 6 – 1995.
            Tính cho đến hôm nay, tôi đã nhận được 32 lá thư gửi từ các nơi như Thái Bình, Hải Dương, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Bắc Giang, Hoà Bình, Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Qui Nhơn, Phú Yên, Vĩnh Long, Đà Lạt.



Chương V: Những bước thăng trầm của công cuộc đổi mới và những vụ “đánh
                đấm”, “qui kết, chụp mũ” của cánh bảo thủ và cơ hội chủ nghĩa.
            Năm 1986, nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ VI chính thức phát động công cuộc đổi mới đất nước. Đời sống văn nghệ chưa bao giờ vui đến thế. Lúc nào cũng như sống trong hội hè. Đúng là không có gì sướng bằng dân chủ thật sự, được tự do nghĩ và nói thực sự.
           Trần Độ lên thay Hà Xuân Trường phụ trách Ban văn hóa văn nghệ trung ương. Hai ngày 6 và 7 tháng 10 năm 1987, tổng bí thư Đảng Nguyễn Văn Linh gặp gỡ các văn nghệ sĩ (số 4 Nguyễn Cảnh Chân). Lần đầu tiên giới văn nghệ sĩ được nghe những lời phát biểu đầy tính kích động tự do dân chủ ở một ông tổng bí thư Đảng Cộng Sản. Nào là “cởi trói”, “hãy tự cứu lấy mình”, “không bẻ cong ngòi bút”, “nhìn thẳng vào sự thật, nói thẳng sự thật”, “giờ không phải là lúc bón phân cho lúa, phải nhổ cỏ cho lúa có sức mọc lên”, “hồi phụ trách bí thư ở Sài Gòn, tôi đã làm chui nhiều việc đấy. Những anh em dưới quyền tôi sợ quá mỗi khi có Trung ương về thăm. Tôi nói với họ: Các anh cứ làm, nếu phải đi tù, tôi vào tù với các anh”, “hãy giải phóng cho con chim văn nghệ bay cao”..vv…
            Những lời lẽ và khẩu khí ấy khiến mọi người không còn nghi ngờ gì ở chủ trương đổi mới thật sự của Đảng. Ông Nguyễn Văn Linh đích thị là Goócbachốp của Việt Nam rồi – chúng tôi lúc đó đều đinh ninh như thế.
            Buổi trưa, tổng bí thư ngồi cùng bàn ăn với anh em, mỗi người một bát phở. Buổi tối lại cùng ngồi xem phim Tướng về hưu (Nguyễn Huy Thiệp) và Chuyện tử tế(Nguyễn Khải). Hai ngày liền, ông Linh chỉ nói mấy câu mở đầu còn để cho anh chị em tha hồ phát biểu tự do. Toàn phê phán lãnh đạo làm nhiều chuyện thậm vô lý. Chẳng hạn Ái Vân thuật chuyện anh chị em sân khấu khổ cực như thế nào. Cấp phát thì cấp áo, không cấp quần, tất rách không có để thay, khi biểu diễn phải đứng thế nào để che được phía chân đi tất rách. Trong khi người này biểu diễn trên sân khấu thì người khác bán trà chén ở cửa rạp. Ca sĩ Xuân Thanh xưng hô bác cháu với ông Linh, vừa nói vừa khóc: “Đi thi quốc tế, lãnh đạo không cho đi sớm để chuẩn bị, không cho tiền để bồi dưỡng bà giáo Liên Xô tập luyện cho. Nhưng khi được giải thì thu hết tiền.” Hoạ sĩ Nguyễn Thụ tố cáo: “Sang Liên Xô triển lãm tranh, tranh bán được, tiền bị thu hết.” Trường hợp Nguyên Ngọc cũng tương tự. Anh được nhận giải thưởng quốc tế Á Phi (Đất nước đứng lên), tiền thưởng cũng bị thu hết, không bớt cho lấy một xu để chiêu đãi những người đến chúc mừng. Anh lại nói, hồi lãnh đạo Văn nghệ ở quân khu 5, cứ vài tháng anh lại phải lên Cục chính trị lĩnh tư tưởng về cho anh em viết.
             Hết tư tưởng lại đi lĩnh chuyến khác, y như lĩnh tiền hay lĩnh gạo vậy. Phạm Thị Thành thì nói về chuyện duyệt kịch. Mỗi lần duyệt, chị không quan tâm gì đến hội đồng chuyên môn, mà chỉ chăm chú theo dõi một ông to đầu nào đấy vui chân tạt vào xem. Ông ta gật gù là yên trí lớn, ông ta lắc đầu là hỏng bét. Tào Mạt, sau Cách mạng tháng Tám đã là huyện uỷ viên. Nhưng anh không đi tiếp con đường chính trị mà chuyển sang làm văn nghệ. Anh nói, nếu cứ làm chính trị, anh là người tiến bộ, nhưng chuyển sang làm Văn nghệ thì bị coi là phức tạp. Nguyễn Khắc Viện thì nói về những cái án văn nghệ gọi là “xét lại” “phản động” “gây rối”, phạm nhân văn nghệ sĩ phải chịu hình phạt suốt đời. Hồ Ngọc thì lên án lãnh đạo biến văn nghệ thành thứ văn tuyên truyền phục vụ chính trị… Vui nhất là cuộc xung đột giữa Dương Thu Hương và Nguyễn Đình Thi. Hương bảo Thi là đồ hèn, trí thức hèn hạ, đã tự nhận là hạt bụi. Thi thì cho Hương là lưu manh, nhà văn đã đến lúc bị lưu manh hoá. Anh nói: “Đúng, tôi hay nói hạt bụi, giọt nắng, giọt lửa. Nhưng có hiểu gì không – anh gào to – tôi nói nhà văn là hạt bụi có tư tưởng.” Thực ra anh đã không nhắc lại đầy đủ lời anh phát biểu ở đại hội nhà văn lần thứ ba: “hạt bụi lấp lánh tư tưởng của các anh” (vừa nói vừa chỉ tay lên chủ tịch đoàn). Ý kiến này chẳng qua cũng là học theo câu nói của một nhà văn Pháp: “con người là cây sậy có tư tưởng.”. Tôi cũng phát biểu rất thẳng thắn và thoải mái, đại ý rằng, “tôi đã từng được gặp một ông to, không to bằng anh Linh đâu (ý nói Tố Hữu), tôi thấy ông ấy cứ nói liên miên, chỉ lo ban phát chân lý chứ không nghe quần chúng nói. Nay anh Linh nói ít, để anh em nói nhiều, nội điều đó thôi cũng là rất mới rồi. Về lãnh đạo văn nghệ, tôi cho “lãnh đạo khinh bỉ sâu sắc văn nghệ sĩ”, và dùng lối chăn vịt, “lãnh đạo văn nghệ theo lối chăn vịt đàn.”, “con người mà bị khinh bỉ mãi thì tự nhiên cũng thấy mình nhỏ bé lại, cũng hèn kém. Biết tôn trọng con người thì con người tự thấy mình cao lớn hơn.” Tôi lại ví văn nghệ như con chim. “Nhốt lại nó không hót hay hót không ra gì . Thả nó ra nó hót hay hơn, nhưng lại sợ nó bay mất…”
            Còn nhiều người phát biểu nữa như mấy anh đạo diễn điện ảnh, Nguyễn Quang Sáng, Lưu Quang Vũ, Anh Đức…, nhưng tôi không còn nhớ. Hồi đó giá có băng ghi âm ghi lại, giờ mở ra nghe thì thật thú vị. Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu không thấy nói gì. Về lý luận phê bình văn học, tôi là người duy nhất được dự cuộc gặp mặt này.
            Trần Độ gọi cuộc gặp gỡ này là “Hội nghị Diên Hồng của văn nghệ.” Sau cuộc gặp Nguyễn Văn Linh, đời sống văn học nghệ thuật còn sôi nổi và vui hơn nữa với những cuộc tranh luận rất dân chủ trên báo Văn nghệ của Nguyên Ngọc và những cuộc hội thảo rất thẳng thắn chuẩn bị cho nghị quyết 05 của Bộ chính trị về văn nghệ tổ chức thường xuyên ở Ban văn hóa Văn nghệ của anh Trần Độ. Tôi nhớ anh Nguyễn Minh Châu nói, nhà văn Việt Nam cả ba thế hệ đều hèn. Trước Cách mạng là nhà văn nô lệ; từ 1945 đến 1975 là nhà văn – lính, rất sợ cấp trên; sau 1975 là nhà văn đói nên cũng hèn. Anh lại nói Thánh Gióng ngày xưa đánh xong giặc thì bay lên trời. Bây giờ các ông đánh xong giặc lẽ ra cũng phải biến đi để người khác quản lý đất nước. Như anh Độ, anh cũng nên thôi đi thì phải. Đấy, hồi ấy cứ ăn nói thoải mái như thế nên rất vui.
            Cánh đổi mới thường tụ họp với nhau, vừa nhậu vừa trao đổi những suy nghĩ của mình. Ngoài Bắc có Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu, Xuân Cang, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Đăng Mạnh, Ngô Thảo, Văn Tâm, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Dư Thị Hoàn, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Quang Thân, Trần Quốc Vượng, Hồ Ngọc Đại..vv… Trong Nam thì có Thu Bồn, Nguyễn Duy, Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Quang Sáng, Trần Hữu Tá, Lê Ngọc Trà, Phan Đắc Lập…vv… Hoàng Phủ Ngọc Tường mỗi lần vào Sài Gòn cũng nhập vào nhóm này. Trần Mạnh Hảo một thời gian đóng vai đổi mới, thỉnh thoảng cũng đưa vợ đến tụ tập ở chỗ Thu Bồn.
            Ở Khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi cũng hăng hái đứng ra tổ chức nhiều cuộc hội thảo rất vui về thời sự văn học, về đổi mới giảng dạy văn học, về cải cách chương trình và sách giáo khoa, thu hút được khá nhiều cây bút cấp tiến trong trường, ngoài trường như Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Văn Hạnh, Nguyên Ngọc, Nguyễn Kiên, Nguyễn Trọng Oánh, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn, Hồ Ngọc Đại, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Dư Thị Hoàn… Nguyễn Khải hồi này được ông Trần Độ triệu ra Hà Nội để chuẩn bị Đại hội nhà văn lần thứ IV. Anh cùng Nguyên Ngọc hoạt động rất hăng hái, hô hào văn nghệ sĩ nói thẳng nói thật.
            Nhưng chẳng bao lâu, thế cờ bị lật ngược. Nguyên Ngọc mất chức Tổng biên tập báo Văn nghệ. Nguyễn Khải thấy động, lặn biến vào Nam. Tố Hữu nắm lại lá cờ Văn nghệ. Trần Độ mất chức (1989). Tố Hữu phê phán bản Đề cương văn hoá văn nghệ của Nguyên Ngọc ở hội nghị nhà văn đảng viên. Nguyễn Đình Thi trở lại cùng với cánh bảo thủ chuẩn bị Đại hội nhà văn lần thứ IV. Cánh đổi mới bị đánh dồn dập: Lê Ngọc Trà, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyên Ngọc, Nguyễn Đăng Mạnh, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Huy Thiệp, Văn Tâm, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh bị tước giải thưởng. Hội đồng chung khảo phải viết bài sám hối (riêng Nguyên Ngọc và Lê Ngọc Trà không chịu).
            Bọn bảo thủ và cơ hội chủ nghĩa nổi lên, ngày càng làm mưa làm gió. Trong Nam có Chế Lan Viên, Bảo Định Giang, Anh Đức, Vũ Hạnh, Diệp Minh Tuyền, Mai Quốc Liên, Trần Thanh Đạm, Hoàng Nhân, Phạm Tường Hạnh, Trần Trọng Đăng Đàn… Ngoài Bắc có Hà Xuân Trường, Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Hoàng Trung Thông, Đông Hoài, Hồ Phương, Bùi Bình Thi, đám Văn nghệ quân đội, Thành Duy, Lưu Trọng Lư, Nông Quốc Chấn, Hoàng Xuân Nhị,
Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Phương Lựu, Nguyễn Văn Lưu, Vũ Quần Phương, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Hữu Thỉnh, Hồng Diệu… Cánh này rất có thế lực vì đằng sau có Lê Đức Thọ, Nguyễn Đức Bình, Trần Trọng Tân, Nguyễn Văn Linh … giờ lại xoay ra chửi Dương Thu Hương và Nguyễn Khắc Viện.
            Vào cuối những năm 80, hai lực lượng cấp tiến và bảo thủ, cơ hội, từ chỗ tương đương về thế và lực, chuyển dần đến chỗ cánh bảo thủ hầu như làm chủ trận địa. Lãnh đạo về sau dùng cả đến bọn lưu manh, đầu gấu trong văn nghệ như Nguyễn Văn Lưu, Trần Mạnh Hảo…
            Vì những lẽ đó, từ cuối những năm 80, đặc biệt là từ đầu những năm 90, tình hình văn học xuống cấp ngày càng nghiêm trọng, nhất là về lý luận, phê bình.
            Kết thúc thập kỷ 80, có một sự kiện văn học rất vui không thể không nói đến: Đại hội nhà văn lần thứ IV. Tôi nhớ, trên giường bệnh, Nguyễn Minh Châu có nói thế này, giá Đại hội làm luôn từ 1986, 1987, thì bọn bảo thủ chỉ có quỳ lậy. Chuẩn bị đại hội kéo dài quá, giờ thì bọn bảo thủ lại nổi lên rồi… Tuy vậy Đại hội nhà văn lần thứ IV tổ chức vào năm 1989 cũng vẫn rất vui, rất sôi nổi. Đây là đại hội đầu tiên và duy nhất tính cho đến ngày hôm nay, được triệu tập toàn thể hội viên. Đại hội thể hiện một sự phân hoá rất quyết liệt. Từ chuyện to đến chuyện nhỏ, rất nhỏ, thậm chí lặt vặt nữa, đều nổ ra xung đột, không thể hoà giải với nhau được. Chuyện to như vụ bãi chức Tổng biên tập báo Văn nghệ của Nguyên Ngọc, chuyện đánh giá tình hình văn học những năm 1987,1988 là khởi sắc hay tiêu cực do buông lỏng lãnh đạo, vụ Bùi Minh Quốc, Hà Sĩ Phu mắc nạn ở Đà lạt, vụ Nguyễn Văn Hạnh đọc thư Trần Độ, việc bầu Tổng thư ký Hội nhà văn trực tiếp hay gián tiếp…, chuyện nhỏ thì như việc bầu chủ tịch, thư ký đoàn và ban kiểm phiếu, chuyện kiểm phiếu, đếm phiếu sao cho tránh được gian lận…
            Sự phân hoá diễn ra cả trong giờ nghỉ. Ngồi uống cà phê hay bia bọt với nhau ở căng tin cũng phe nào ngồi riêng với phe ấy. Ai ngồi nhầm chỗ lập tức bỏ đi ngay.
            Hội nghị kéo dài tới 11 ngày, thỉnh thoảng lại dừng lại để họp riêng đảng viên. Nhưng họp đảng viên cũng thế thôi. Những đại biểu thuộc phái cơ hội chủ nghĩa lên diễn đàn thường bị la hét hay vỗ tay đuổi xuống như Mai Ngữ, Anh Đức, Hoàng Xuân Nhị… Trần Bạch Đằng trong chủ tịch đoàn bị Dương Thu Hương đuổi vì không phải phiên mình điều khiển cũng khệnh khạng ra giải thích theo phái bảo thủ – theo Nguyễn Trọng Tín, đây là trường hợp không thể có đối với ông “vua không ngai” này ở Miền Nam.
            Cuộc xung đột có khi còn diễn ra ở hậu trường Đại hội bằng những lời đe doạ dùng đến cả bạo lực. (Có đại biểu đề nghị chủ tịch đoàn bảo vệ mình vì có kẻ đe doạ hành hung ). Một số đại biểu thuộc cánh bảo thủ quá hoảng hốt, buổi tối chạy đến kể lể khóc lóc, cầu cứu Lê Đức Thọ (Bác Sáu à, bác Sáu ơi, Nhà ta nó phá tan rồi còn đâu.” Nguyễn Duy).
            Sự phân hoá hai phe nói trên trong Đại hội đã được Nguyễn Duy mô tả rất vui trong một bài vè gọi là “Đại hội nhìn từ gần” (tự nhại lại tên bài thơ Tổ quốc nhìn từ xa của anh). Dưới đây, trích vài đoạn:
Thủa trời đất nổi cơn Đại hội,
Khách làng văn lắm nỗi truân chuyên;
Xanh kia thăm thẳm từng trên,
Vì ai xuyên tạc cho nên nỗi này.
Trống Hà Thành lung lay bóng nguyệt,
Sương Ba Đình mù mịt thức mây;
Mấy lần nghị quyết trao tay,
Đêm đêm bàn bạc định ngày khai trương…
(…)
Ngôn luận chiến ào ào sấm nổ
Tưởng cơ đồ sụp đổ đến nơi
Bác Sáu à, bác Sáu ơi
Nhà ta nó phá tan rồi còn đâu.
Trang giấy trắng một màu quan ải,
Oan khiên này biết giãi cùng ai;
Giận hờn mấy kẻ đơn sai
Văn đàn bỗng hoá võ đài phải chăng ?
(…)
Nguyễn Khải lặn mất tăm đâu đó
Chính Hữu chờ sóng gió qua mau
Bùi Bình Thi rút ván cầu
Phạm Tiến Duật ẩn mình đâu mất rồi
Chàng Hữu Thỉnh dở cười dở khóc
Ngọc Tú nàng rứt tóc vò tai
Đỗ Chu tế ngựa vòng ngoài
Gặp ai cũng hỏi rằng ai nhớ mình
(…)
Nguyễn Văn Hạnh một mình một ngựa
Phá vòng vây ở giữa sa trường
Không lùi bước chẳng tạt ngang
Đã vì đồng đội gian nan xá gì
Biết cứu nạn lắm khi mắc nạn
 Tâm huyết nhiều mất mạng như chơi
(…) Đại hội bỗng chia làm hai phái,
 Phái vui tươi và phái hầm hầm;
Chúng ta cùng bạn làng văn,
Cớ sao mặt cứ gằm gằm khó coi…
(…) Mai ngữ sử dao găm súng lục,
Mắt Liên Nam đục đục điên điên,
Thu Bồn nộ khí xung thiên,
 Bỗng đâu một trận Mai Liên ào ào.
 Thu Hương nổ pháo tầm cao,
 Tường Hạnh hụt một đường đao bất ngờ,
 Trần Độ vắng mặt bao giờ,
Phất phơ để lại một tờ tâm thư.
Nguyễn Văn Hạnh dịch ngôn từ,
Đoàn chủ tịch cũng ậm ừ cho qua…
(…)
Anh Đức mặt vênh vênh véo véo
Mắt đăm đăm liếc xéo hội trường…
(…)
Thuỳ Mai nước mắt lưng tròng
Cõng Bùi Minh Quốc khỏi vòng hiểm nguy…
(…)
Buổi bế mạc chấp hành ra mắt,
Chín người đà đứng sắp hàng ra,
Tổng thư ký của hội ta:
Tướng công họ Vũ tên là Văn Ngan…
            Đại hội nhà văn lần thứ IV có thể coi là ngày hội lớn, cuộc vui lớn cuối cùng của phe cấp tiến. Đại hội càng về cuối chầu, càng nhạt. Với sự sắp đặt, điều khiển hội nghị một cách khôn khéo mềm dẻo, vừa đánh vào chỗ yếu của phe cấp tiến (không có tổ chức chặt chẽ, thiếu cương lĩnh đàng hoàng, không có mưu mẹo gì cả, mải vui chơi, chủ quan mất cảnh giác…), vừa dựa vào quyền thế của lãnh đạo chóp bu, kết thúc Đại hội, phe bảo thủ về cơ bản đã giành được thắng lợi.
            Nguyễn Khải cho là do sự chèo chống rất khôn khéo của Nguyễn Đình Thi. Anh nói với tôi khi kết thúc Đại hội: “ở nước này chỉ có hai người biết làm chính trị là Lê Đức Thọ và Nguyễn Đình Thi”.
            Hãy trở lại với những trận đánh đấm, qui chụp ngày càng bừa bãi và trắng trợn của phe cơ hội bảo thủ đối với phái cấp tiến, từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước. ở đây – vì là hồi ký của tôi – nên tôi chủ yếu chỉ nói về những trường hợp liên quan đến tôi mà thôi.
            Tôi là một trong số những người bị đánh đấm qui chụp nhiều nhất. Mà không phải chỉ bị đánh từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) với tội danh “đổi mới cực đoan”, “phủ nhận văn học cách mạng, phủ nhận quá khứ”, “đối lập tư tưởng chính trị với tư tưởng nghệ thuật”, “khinh bạc hơn cả Nguyễn Tuân”, “hạ thấp thơ Hồ Chí Minh và loại Tuyên ngôn độc lập ra khỏi sách giáo
khoa”…
            Bài viết đầu tiên của tôi bị phê phán là bài Con đường Nguyễn Tuân đi đến bút ký chống Mỹ  (Tạp chí Văn học số 8 – 1968 )
            Như đã nói, bài này ông Hoài Thanh rất thích. Nhưng ông đã bị Trường Chinh triệu lên để phê bình vì bài viết quá đề cao Nguyễn Tuân. Là một nhà lãnh đạo rất cẩn trọng, Trường Chinh dặn Hoài Thanh không nói lại với tôi vì sợ “anh ấy hoang mang”.
            Nhưng Hoài Thanh vẫn nói lại với tôi. Hôm ấy gặp ông ở một cuộc họp ở Viện khoa học giáo dục, sau khi thuật lại ý kiến Trường Chinh, ông nói: “Theo tôi một bài phê bình không nhất thiết phải nói toàn diện. Nhưng anh đã gặp rủi: bài của anh ra đời cùng một lúc với bài Tình rừng của Nguyễn Tuân đăng trên Văn nghệ.
            Bài Nguyễn Tuân của tôi liên quan đến bài Vũ Trọng Phụng ( “Mâu thuẫn cơ bản trong thế giới quan và trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng”) viết cùng năm ấy (1968).
            Tôi đưa bài này cho ông Hoài Thanh, lúc đó ông sống với bà Bền ở Trần Quốc Toản. Hoài Thanh đồng ý đăng. Nhưng liền sau đó ông bị điều sang phụ trách báo Văn nghệ. Vũ Đức Phúc thay ông phụ trách thư ký toà soạn Tạp chí văn học. Anh Phúc sai Phong Lê gọi tôi đến gặp anh ở Viện Văn học. Anh nói: “Bài Nguyễn Tuân của anh có thể làm mất huân chương của tạp chí chúng tôi đấy”. Anh từ chối không đăng tiếp bài Vũ Trọng Phụng nữa. Tôi đã tranh luận với anh một chập. Tôi nhớ anh Phúc nói rất quyết liệt, xùi cả bọt mép. Và cứ chuyện nọ sọ chuyện kia. Nghĩa là không thể tranh luận với anh được. Chẳng hạn tôi nói, anh Như Phong cho biết Vũ Trọng Phụng rất thích thơ Tố Hữu  đăng báo công khai thời Mặt trận dân chủ Đông Dương). Vũ Đức Phúc nói: “Như Phong lúc đó chưa phải đảng viên”. Đúng là lý lẽ chẳng đâu vào đâu cả. Trong khi tôi và anh Phúc tranh luận thì Phong Lê quanh quẩn rót nước mời khách. Tôi hỏi: “Anh Phong Lê, ý kiến anh thế nào?” Phong Lê vội lảng: “Chuyện này tôi không rõ, tuỳ các anh”.
Nhân đây, xin nói một chút về Vũ Đức Phúc.
            Vũ Đức Phúc có lẽ là một sản phẩm đặc biệt của một thời – cái thời mà quan điểm giai cấp được vận dụng một cách rất thô thiển. Tôi vẫn tin Vũ Đức Phúc là người chân thật và thẳng thắn, nhưng chân thật, thẳng thắn một cách rất máy móc, cứng nhắc và thô bạo. Chẳng thế mà Xuân Diệu gọi anh là cái “xe tăng mù”. Có lần nhà thơ nói với tôi: “Vũ Đức Phúc cứ ném ra những ý kiến rất thô như quăng ra những thanh củi vậy.”
Hôm ấy tranh luận với Vũ Đức Phúc tôi mới thấy nhận xét của Xuân Diệu không ngoa ngoắt chút nào. Đại khái anh nói về Thiếu quê hương của Nguyễn Tuân thế này: “Sao lại kêu “thiếu quê hương”! Lại còn đòi đi Mỹ theo đám múa Xuân Phả và định cho em đi lính thợ sang Tây. Yêu nước gì Nguyễn Tuân! Nguyễn Tuân là absence d‘humanisme. Ghét gia đình. Đối với những đàn bà hiền dịu lại ghét. Không thương vợ con. Chơi bời như thế nhất định làm khổ vợ con. Nói Nguyễn Tuân kênh kiệu chưa đủ. Phải nói là không nhân đạo, không yêu nước gì cả. Còn vì sao ông ấy đi theo Cách mạng thì là vấn đề phải suy xét. Vang bóng một thời tả Huế, mỹ hoá bọn bịp bợm trên Sông Hương. Bọn ấy là lũ bóc lột, lừa đảo, truỵ lạc, không đẹp, không tao nhã như Nguyễn Tuân viết đâu…”. Còn đây là ý kiến của anh về Vũ Trọng Phụng: “Hà Nội báo là tờ báo chống Hải Triều. Vậy mà Vũ Trọng Phụng đã viết ở đó. Vũ Trọng Phụng là loại dân nghèo lưu manh hoá vùng ngoại ô (làng Mọc). Vũ Trọng Phụng ca tụng Quỳnh, Vĩnh như là trí thức hạng nhất.”
Anh cho tôi đánh giá quá cao Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê.
            Anh cũng không tán thành ý kiến của tôi nêu ra mâu thuẫn cơ bản trong thế giới quan Vũ Trọng Phụng gồm hai nhân tố: tư tưởng bi quan định mệnh chủ nghĩa và tâm trạng phẫn uất đối với xã hội. Anh nói: “Hai mặt mâu thuẫn đều tiêu cực cả thì không biện chứng. Nhưng triết lý không quan trọng bằng tư tưởng chính trị. Vũ Trọng Phụng là chống cộng, là phản động. Còn Chủ nghĩa duy vật của Vũ là duy vật hưởng lạc, là Freud”.
Đấy Vũ Đức Phúc là như thế đấy!
            Tất nhiên anh từ chối không đăng bài Vũ Trọng Phụng của tôi, tuy ông Hoài Thanh đã duyệt và cho in.
            Nhưng đến năm 1971, nhân gặp nhau ở trụ sở báo Văn nghệ, nghe Nguyễn Đình Thi nói về Vỡ bờ, không hiểu sao anh lại bảo tôi đưa bài Vũ Trọng           Phụng cho anh.
            Nhưng anh nói: “Tôi đăng bài này với điều kiện, sau đó có bài uốn nắn lại, anh có đồng ý không ?” Tôi đồng ý. Năm 1971, bài tôi đăng số trước thì số sau có bài uốn nắn lại của Nguyễn Đức Đàn.
            Năm 1980, tôi được giao làm Tuyển tập Nguyễn Tuân. Hồi ấy có quan niệm làm tuyển tập là một cái gì ghê gớm lắm: Chỉ được phép làm tuyển tập Hồ Chí Minh hay các lãnh tụ cao cấp của Đảng, chí ít phải là Tố Hữu. Còn các nhà văn dù lớn đến đâu cũng chỉ được làm sau khi chết. Mà phải là nhà văn không có “vấn đề” gì, như Ngô Tất Tố, Nam Cao… Nhưng ông Lý Hải Châu giám đốc nhà xuất bản Văn học quyết định làm tuyển tập các nhà văn còn sống, thuộc tầm cỡ lớn, trước hết là Nguyễn Tuân. Lý Hải Châu từng là một nhà tình báo cách mạng hoạt động ở Sài Gòn, đã từng bị bắt và kết án tử hình, nhưng may trốn thoát được ra Bắc nhờ hiệp định Genève. Ông là một trí thức, rất đạo đức và có bản lĩnh. Ông cứ quyết định làm Tuyển tập Nguyễn Tuân đầu tiên, mặc cho Hoài Thanh và Hoàng Trung Thông can ngăn.
            Tôi thì mừng quá, vì nghiên cứu Nguyễn Tuân mãi, giờ mới được dùng đến. Ngoài việc tuyển lựa tác phẩm Nguyễn Tuân, tôi lo viết bài giới thiệu sao cho thật tốt. Nguyễn Tuân chọn tôi chứ không chọn Vũ ngọc Phan, vậy tôi phải viết sao cho xứng đáng với sự tín nhiệm của ông. Mà người đọc bài Tựa trước hết là chính Nguyễn Tuân. Viết cho Nguyễn Tuân đọc đâu có dễ. Tôi dự kiến viết bài gồm ba phần: I. Quan điểm sáng tác II Quá trình sáng tác III Phong cách nghệ thuật
            Viết phần đầu cứ tắc lại mãi. Tôi đến Xuân Diệu than phiền với anh. Xuân Diệu nói: “Viết tắc giống như bị táo bón. Nhưng táo bón còn hơn tháo dạ. Viết văn cũng vậy”. Và anh truyền kinh nghiệm cho tôi: “ Chỗ nào tắc, cứ bỏ đấy viết sang phần khác rồi quay lại sau, sẽ viết được. Vẽ cũng thế. Vẽ người đâu cứ phải vẽ từ đầu xuống. Vẽ từ đít lên cũng được chứ. Đánh đồn cũng vậy, có thể đánh tung thâm thẳng vào hầm Đờ Cát chứ không cứ phải đánh lần lượt từ ngoài vào”.
            Tôi nghe Xuân Diệu, viết nhảy cóc sang phần hai, phần ba, sau đó mới quay lại phần một và thấy quả là trôi chảy thông thuận.
            Tuyển tập làm xong, nhiều người khen. Lý Hải Châu, Nguyễn Tuân, Lê Khánh ( biên tập viên) đều vừa lòng. Anh Nguyễn Văn Bổng hồi đó làm tổng biên tập báo Văn nghệ, tổ chức một cuộc hội thảo về Tuyển tập Nguyễn Tuân ở trụ sở báo (17 Trần Quốc Toản). Hôm ấy có mặt Nguyễn Tuân, Lý Hải Châu, Xuân Diệu, Tế Hanh, Phạm Hổ, Từ Sơn, Ngọc Trai, Lê Khánh và tôi. Tuyển tập in ra được Trương Chính, Quang Huy viết bài khen, nhưng bị Phan Cự Đệ phê phán, cho là quá đề cao Nguyễn Tuân trước Cách mạng mà chưa chú ý đúng mức đến tác phẩm của nhà văn sau Cách mạng. Anh Lý Hải Châu rất tín nhiệm tôi. Tập tiểu luận phê bình văn học đầu tiên của tôi do nhà xuất bản Tác phẩm mới in năm 1979 ( Nhà văn, tư tưởng và phong cách ), anh cho tái bản ngay năm 1983, bổ sung vào đấy bài giới thiệu Tuyển tập Nguyễn Tuân.
            Tập sách này được nhận giải thưởng về lý luận phê bình của Hội nhà văn năm 1985 (giải thưởng văn học 4 năm: 1941 – 1944). Hôm họp hội đồng lý luận phê bình để xét giải thưởng, tôi vẫn bị anh Phan Cự Đệ phê phán và bác bỏ. Chị Ngọc Trai, thư ký hội đồng thuật lại với tôi như thế. Hội đồng có 6 người: Hà Xuân Trường, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Nguyễn Đức Nam, Lê Đình Kỵ, Hoàng Trung Thông. Lê Đình Kỵ ở trong Nam không ra. Hoàng Trung Thông thì ốm đang nằm bệnh viện. Phan Cự Đệ tự đi phát và thu phiếu điều tra dư luận.
            Kết quả Đệ, Đức nhiều phiếu tán thành hơn cả, thứ hai là Hà Xuân Trường. Ngọc Trai cũng phát phiếu điều tra về mấy cuốn sách của Đức, Đệ, Hà Xuân Trường, nhưng chị cho biết, họ cho rằng chỉ hỏi về mấy cuốn sách ấy thì họ không trả lời.
            Ngọc Trai đề nghị đưa vào giải thưởng mấy cuốn của Nguyễn Đăng Mạnh, Nhị Ca và Thành Duy. Phan Cự Đệ và Hà Minh Đức bác đi. Đệ rất quyết liệt, cho sách của tôi là sách tái bản không hợp lệ. Hà Xuân Trường chủ tịch hội đồng tán thành đề nghị của Ngọc Trai thêm hai cuốn của Nguyễn Đăng Mạnh và Nhị Ca, còn cuốn của mình thì xin rút. Mọi người nhất trí, bỏ phiếu 100%. Phan Cự Đệ lại hội ý với Hà Minh Đức đề nghị sách của Nguyễn Đăng Mạnh xếp
xuống loại B vì lý do, nếu anh Hoàng Trung Thông có mặt, chắc không tán thành, vì anh từng nói với Đệ bài Nguyễn Tuân có vấn đề. Chính Hữu phó tổng thư ký Hội nhà văn có mặt hôm ấy gạt đi. Ngọc Trai mang phiếu đến bệnh viện lấy ý kiến của Hoàng Trung Thông. Thông cũng tán thành và nói không hề có ý kiến gì về bài Nguyễn Tuân trong Tuyển tập cả. Chỉ nói bài viết từ xưa của anh Mạnh từng bị Vũ Đức Phúc phê phán… Nhưng chuyện qua lâu rồi… Thế mà sau hội nghị, Phan Cự Đệ lại là người viết thư riêng cho tôi báo tin mừng tôi đã được giải thưởng.
            Vào năm 1983, tôi còn bị đánh một trận nữa. người ta đánh một bài viết của tôi chưa hề được công bố.
            Hồi ấy cuộc xung đột ta với Tầu ở biên giới còn nóng hổi. Anh Nguyên Ngọc vừa ở chiến trường ra, được đề bạt làm bí thư đảng đoàn Hội nhà văn, chủ trương làm một cuộc cách mạng trong đời sống văn học, đặc biệt là chống Maoít. Hôm ấy nhân có một cuộc họp của giới lý luận phê bình văn học ở trụ sở báo Văn nghệ, Nguyên Ngọc và Nguyễn Khải đến hô hào chúng tôi dũng cảm nói sự thật, đảm bảo không sợ bị “tai nạn lao động”.
            Một số người phát biểu hưởng ứng, trong đó có Hoàng Ngọc Hiến và tôi. Thấy ý kiến nghe được, anh Từ Sơn ở báo Văn nghệ đề nghị viết thành bài để đăng báo.
            Bài của Hiến chính là bài “hiện thực phải đạo” nổi tiếng, được coi như mở đầu cuộc đổi mới văn học. Bài đăng được ít lâu thì bị phê phán quyết liệt cùng với bản Đề cương của Nguyên Ngọc. Vì thế bài của tôi đã lên khuôn vội rút về. Nhưng nhiều người cứ đồn bài này còn táo tợn hơn cả bài của Hiến, và lời đồn đại này cứ lan rộng mãi. Hoàng Trung Thông lúc bấy giờ là Viện trưởng viện văn học phát biểu trong một cuộc hội nghị ở Viện, nói tôi đã đối lập tư tưởng chính trị với tư tưởng Văn nghệ.
            Chuyện này tôi chẳng quan tâm làm gì nếu không liên quan đến kỳ phong học hàm phó giáo sư của tôi lúc bấy giờ. Hồi ấy, người đăng ký phong học hàm, trước khi được đưa ra bầu bán về chuyên môn, phải thông qua đảng uỷ của cơ quan công tác về tư tưởng. Trường hợp của tôi trở thành gay go vì tiếng đồn về bài viết của tôi đã vang đến đảng uỷ trường đại học Sư phạm và đảng bộ khoa  văn. Hoàng Dung, tổ trưởng chuyên môn và bí thư liên chi đảng, tỏ ra có trách nhiệm, cho người đi dò hỏi một số nhân vật công tác ở các cơ quan văn hoá của Đảng như ban văn hoá văn nghệ Trung ương, Viện văn học, báo Văn nghệ… Anh còn cho người đến trụ sở Văn nghệ đề nghị cho đọc biên bản cuộc họp về lý luận phê bình để xem tôi đã phát biểu như thế nào…
            Thấy tình hình có vẻ nguy, tôi bèn lấy bản thảo bài viết của mình đưa cho anh Phạm Quý Tư đọc (lúc này anh Phạm Quý Tư là hàng xóm của tôi, cùng ở tầng năm, nhà B2, khu tập thể cán bộ giảng dạy Đại học Sư phạm Hà Nội). Anh Tư là hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chủ tịch Hội đồng khoa học trường, đồng thời là đảng uỷ viên. Anh Tư cẩn thận, đưa cho chị Trần Thị Thục Nga, bí thư đảng uỷ trường đọc nữa. Rất may là các vị kết luận: không có vấn đề quan điểm gì cả. Anh Tư còn khen bài viết hay. Anh hỏi tôi có yêu cầu gì không. Tôi nói, nếu chuyện đồn đại diễn ra ở đâu đó thì cứ mặc kệ không quan tâm làm gì. Nhưng nếu vấn đề được đưa ra bàn ở đảng uỷ, thì anh là người đã đọc, anh cứ phát biểu như anh vừa nói với tôi. Chuyện phong của tôi vì thế trở thành xuôn xẻ.
            Sau này biết chuyện, nhiều người đề nghị cho đọc bài ấy, nhưng tôi từ chối. Việc đọc văn, hiểu văn lắm chuyện lắm. Nếu có động cơ xấu thì càng rách việc. Năm 1984, tôi được phong phó giáo sư.
            Sau Đại hội Đảng lần thứ Sáu (1986), đất nước bắt đầu đổi mới, người đánh tôi đầu tiên vẫn là Phan Cự Đệ. Nguyên là tôi có viết một bài nhan đề là “Phê bình văn học trong tình hình mới” đăng trên Văn nghệ năm 1987. Phan Cự Đệ liền viết trên Văn nghệ quân đội một bài phê phán tôi “phủ nhận văn học Cách mạng”, “phủ nhận quá khứ”. Giọng điệu có vẻ ôn tồn nhưng qui kết rất nặng.Tôi bực lắm, vì từ lâu vốn đã không ưa Phan Cự Đệ từ con người đến cách viết.
Hồi ấy, như đã nói, Nguyễn Khải được anh Trần Độ gọi ra để chuẩn bị đại hội nhà văn lần thứ IV. Sau bài anh Đệ phê phán tôi ít lâu, Nguyễn Khải có tổ chức một cuộc họp lý luận phê bình văn học ở 65 Nguyễn Du. Tôi nhớ hôm ấy có mặt rất đông: Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Nguyễn Đức Nam, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Văn Hạnh, Thiếu Mai, Phong Lê, Ngọc Trai, Lê Thị Đức Hạnh..vv… Nguyễn Khải điều khiển cuộc họp. Tôi ngồi gần Đệ.Tôi nói với Nguyễn Khải: “Anh Khải này, anh là người lắm chữ, tôi thì ít chữ, tôi không biết gọi anh Đệ thế nào. Xin anh tìm cho tôi một chữ nào đấy, còn tôi thì chỉ biết gọi anh Đệ là thằng đểu”.
            Không khí cuộc họp trở nên căng thẳng. Hoàng Trung Thông và Nguyễn Văn Hạnh ngồi cùng một cái ghế tựa dài với tôi. Nguyễn Văn Hạnh ngồi giữa. Hoàng Trung Thông chồm người qua Nguyễn Văn Hạnh nói với tôi: “Anh Mạnh này, tôi không bao giờ đọc anh Đệ đâu nhé.” Tôi nghĩ bụng, chính anh đã đề tựa cho cuốnNhà văn Việt Nam hiện đại của Đệ, sao lại nói là không đọc . Đệ ngồi im không nói gì. chờ cho vài người phát biểu xong, anh mới nói, đại ý khoe có một bài viết gì đó đã được dịch đăng trên một tạp chí của Liên Xô (lúc này Liên Xô chưa sụp đổ)
            Tôi lại bồi thêm một đòn nữa: “Không biết Liên Xô đánh giá anh thế nào, chứ tôi đánh giá anh rất kém, viết chẳng hay ho gì đâu”. Lúc ấy chắc bộ dạng tôi dữ dội lắm. Cuộc họp kết thúc, Hà Minh Đức nói với tôi: “Ông Đệ ông ấy thần kinh vững lắm. Chứ tôi bị anh nói thế, tôi không chịu được. Tôi đau tim mà!”
            Tôi để ý, khi diễn ra cuộc xung đột giữa tôi với Phan Cự Đệ, không có ai bênh Đệ cả, tuy lúc ấy có đủ mặt giới lý luận phê bình và một số anh sáng tác, cấp tiến có, bảo thủ có. Hiện tượng này chứng tỏ hồi ấy (1987), cánh đổi mới đang ở thế áp đảo.
            Tôi thấy Hà Minh Đức nói rất đúng, Đệ quả là một tay thần kinh vững. Hôm ấy, cuộc họp tan, anh vẫn bắt tay tôi, coi như không có chuyện gì xảy ra.
            Nhưng đừng tưởng anh đã chịu thua tôi đâu. Đầu năm 1989, anh lại đăng trên Nhân dân một bài tiếp tục phê phán ý kiến của tôi trong bài viết năm 1987, đồng thời còn móc lại những ý kiến của tôi phát biểu trước Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh để lên án. Và đến năm 2000 thì nổ ra vụ luận án tiến sĩ của Trần Hạnh Mai. Anh đã tấn công tôi quyết liệt. Số là luận án của Mai, cán bộ giảng dạy khoa văn Đại học Sư phạm Hà Nội, do tôi hướng dẫn, sau khi bảo vệ ở Hội đồng cơ sở (1998) được Bộ đưa cho anh Đệ phản biện kín. Luận án viết về “Sự nghiệp phê bình văn học của Hoài Thanh”. Tôi và Mai chủ trương phản bác ý kiến cho rằng, trước Cách mạng Tháng Tám, Hoài Thanh hoàn toàn viết theo quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật. Đệ cho như thế là sai lầm căn bản. Anh viết hẳn trong bản nhận xét phản biện “Trần Hạnh Mai đã theo quan điểm đổi mới cực đoan của Nguyên Ngọc, Nguyễn Đăng Mạnh.” Và anh gọi Mai đến đề nghị chữa luận án theo ý anh, lại nói để yên lòng cô nghiên cứu sinh: người hướng dẫn không có trong hội đồng bảo vệ nên không sợ.
            Trần Hạnh Mai không nghe. Cô nghĩ bụng, không bảo vệ thì thôi chứ không thể phản lại thầy và chân lý. Thế là Đệ báo cáo lên Ban tư tưởng văn hóa trung ương, coi như một vấn đề thuộc quan điểm chính trị cần có ý kiến của cơ quan Đảng. Rất may là về sau, Ban Tư tưởng văn hóa lại gửi luận án của Mai cho Viện Văn học hỏi ý kiến. Viện ủng hộ Mai và cuộc bảo vệ cấp Nhà nước được tiến hành suôn sẻ (năm 2000). Luận án được đánh giá xuất sắc.
            Buổi bảo vệ kết thúc, tôi phát biểu với tư cách người hướng dẫn. Tôi nói: “Thông thường khi bảo vệ thành công luận án, nghiên cứu sinh cám ơn người hướng dẫn. Nhưng hôm nay tôi làm ngược lại, tôi xin cám ơn Hạnh Mai đã giữ vững lập trường của mình. Tôi cũng xin cám ơn giáo sư Phan Cự Đệ. Nhờ có anh mà tôi mới biết được, một cô gái có vẻ yếu đuối như Trần Hạnh Mai mà té ra lại có bản lĩnh vững vàng như thế.”
            Cuộc bảo vệ tuy thế, do Phan Cự Đệ, đã bị trì hoãn lại đến hơn tám tháng. Sau cuộc bảo vệ này, một lần nữa tôi lại thấy Đệ đúng là thần kinh rất vững. Anh gặp tôi luôn, thường do cùng ở chung trong một hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ nào đấy. Anh vẫn bắt tay tôi và trò chuyện rất thân mật. Năm 1995 tôi còn bị một đòn phê phán nữa khá quyết liệt. Đòn của Trần Thanh Đạm. Điều này tôi đã kể ở trên rồi, ở đây chỉ nói thêm về nội dung của vấn đề mà thôi.
            Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của Tạp chí Văn học do Phạm Xuân Nguyên thực hiện, tôi cho rằng từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945, văn học Việt Nam có ba cuộc nhận đường. Lần thứ nhất ngay sau Cách mạng và trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Lần thứ hai, sau Điện Biên Phủ, hoà bình được lập lại trên miền Bắc. Lần thứ ba, sau 1975. hai lần trước, tôi cho là không khó khăn lắm, vì chỉ là nhận thức nhiệm vụ chính trị của Văn nghệ sĩ, mà chính trị lúc bấy giờ thực chất chỉ là yêu nước, chống xâm lược rất dễ thông suốt. Văn nghệ sĩ vốn rất yêu nước, nên dễ dàng giác ngộ về điều này, họ sẵn sàng hy sinh tất cả, từ tài sản, tính mạng đến cả bản thân nghệ thuật cho cuộc kháng chiến.
            Nhưng cuộc nhận đường thứ ba này thì rất phức tạp vì đây mới là cuộc nhận đường của bản thân văn học nghệ thuật với hàng loạt câu hỏi: Văn nghệ là gì? Chức năng của văn nghệ? Tiêu chí giá trị tác phẩm văn nghệ? Văn nghệ và chính trị? Văn nghệ và hiện thực?..vv… Những câu hỏi không dễ trả lời. Viết bài trên Sài Gòn giải phóng, Trần Thanh Đạm cho tôi là không hiểu gì cả, lại dám khinh bạc Cách mạng. Con đường cứu nước đầy gian khổ, bao nhiêu văn nghệ sĩ đã hy sinh, một số đã phải bỏ cuộc, vậy mà lại nói là đơn giản, dễ dàng.
            Không biết vô tình hay cố ý, anh đã đánh tráo khái niệm. Tôi nói nhận đường, tức nhận ra con đường cứu quốc không khó, chứ có nói con đường ấy là dễ dàng đâu, là không phải hy sinh xương máu, không phải trường kỳ gian khổ đâu. Giặc đến nhà, phải đánh đuổi nó đi, anh cho là điều khó hiểu lắm hay sao? Nhưng thôi, bắt bẻ anh làm gì. Bài viết của anh đầy mâu thuẫn logích. Nhưng điều khó hiểu hơn nhiều là bản chất con người anh là thế nào nhỉ? Nguyễn Khải có lần hỏi tôi như thế, tôi cũng chịu.
            Từ cuối những năm 80 cho đến nay, tôi còn bị nhiều người phê phán: Phan Trọng Luận, Nguyễn Văn Lưu, Đỗ Minh Tuấn, Lê Tuấn Anh, Hồ Phương, Trần Mạnh Hảo. Tôi không kể hết ra đây làm gì, chỉ xin nêu một số trường hợp có ấn tượng khó quên hơn cả.
            Trước hết là Phan Trọng Luận với vụ Tuyên ngôn độc lập. Năm 1989, tôi được giao chủ biên biên soạn lại chương trình và Sách giáo khoa PTTH môn văn (gọi là chương trình và SGK cải cách giáo dục) .
            Phương châm cải cách của tôi là: Chương trình văn phải đích thực là chương trình văn. Lúc ấy tôi quan niệm Văn theo nghĩa chặt chẽ và hiện đại: Văn là văn hình tượng, văn nghệ thuật, văn mỹ thuật (belles lettres), tác động đến người đọc trước hết về tình cảm, cảm xúc thẩm mỹ thông qua hình tượng nghệ thuật. Vì thế khi xây dựng chương trình về văn thơ Hồ Chí Minh, tôi chỉ chọn vào phần giảng văn những tác phẩm văn thơ hình tượng hay văn thơ nghệ thuật mà thôi. (Vi hành, Mộ, Tảo giải, Vãn cảnh, Tân xuất ngục học đăng sơn, Nguyên Tiêu, Báo Tiệp, Cảnh khuya…). Tuyên ngôn độc lập không thuộc loại văn nghệ thuật, tôi chuyển sang chương trình tập làm văn, về thể nghị luận chính trị (chứ không hề bỏ ra ngoài chương trình).
            Vì chương trình cũ có giảng văn Tuyên ngôn độc lập, nên thấy sách giáo khoa mới không có, nhiều người tưởng tôi loại ra khỏi chương trình và có phản ứng khá ồn ào.
            Thực ra chương trình cải cách giáo dục đã loại bỏ nhiều tác phẩm trong chương trình cũ như Sống như Anh của Trần Đình Vân, Buổi sáng của Nguyễn Thị Ngọc Tú và đưa vào nhiều tác phẩm từng bị phê phán trước kia, như Tờ Hoa của Nguyễn Tuân, Tây Tiến của Quang Dũng và nhiều bài Thơ mới lãng mạn. Nhưng Tuyên ngôn độc lập là của Hồ Chí Minh. Đụng đến Hồ Chí Minh là chạm đến chỗ nhạy cảm nhất của người Việt Nam, nên lập tức ầm ĩ như đổ trời. Mai Thúc Lân đưa chuyện vào Quốc Hội. Hà Xuân Trường suy diễn: họ đưa ra ngoài chương trình học Tuyên ngôn độc lập chắc sẽ tiến tới loại bỏ cả Hịch tướng sĩ văn của Trần Quốc Tuấn và Bình ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Phạm Tường Hạnh thì la lối (Nhân dân 10 – 1995) “bỏ không học Tuyên ngôn độc lập thì còn nói gì giáo dục chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh cho thế hệ trẻ”. Không khí “báo động” này lại được bọn cơ hội chủ nghĩa trong giới làm báo kích động thêm lên làm cho càng trở nên căng thẳng. Chuyện đến tai ông cố vấn Phạm Văn Đồng. Ông tuy đã già lắm rồi, mắt gần như loà, vậy mà vẫn muốn có ý kiến về mọi việc quốc gia đại sự và vẫn hăng hái biên soạn sách này sách khác. Ông cho gọi tôi lên để góp ý kiến với ông về vấn đề văn hoá mà ông đang chuẩn bị viết, nhân tiện hỏi tôi về chuyện Tuyên ngôn độc lập. Tôi nói như đã viết ở trên: không loại ra khỏi chương trình, chỉ xếp vào đúng chỗ của nó thuộc thể văn chính luận. Ở trường học phải thế mới khoa học. Ông không có ý kiến gì, chỉ vung tay nói lớn: “Bài văn hay lắm! hay lắm!”
            Còn anh Việt Phương có mặt hôm ấy thì nói: “ở nhà trường phải khoa học. Anh Mạnh anh ấy nói đúng đấy.”
            Nhưng Phan Trọng Luận thì viết bài phê phán gay gắt, quy kết tư tưởng nặng nề. Đánh hơi được khuynh hướng của lãnh đạo, Luận lập tức hưởng ứng ngay.
            Công chúng nhiều người không hiểu gì cả nên có phản ứng. Phan Trọng Luận là thành viên của Hội đồng ngữ văn, không phát biểu trong hội đồng mà lại viết báo phê phán. Mà anh thừa biết đâu phải loại ra khỏi chương trình. Đây chỉ là sự chuyển chỗ của tác phẩm từ môn giảng văn nghệ thuật đến môn tập làm văn về thể nghị luận, chính luận mà thôi. Tôi cho như vậy là thiếu trung thực. Trong một cuộc họp của Hội đồng ngữ văn, tôi đã nói thẳng như thế với Phan Trọng Luận. Luận nổi nóng cãi lại. Anh Hoàng Tuệ hồi đó là chủ tịch Hội đồng can không được, đành tuyên bố giải tán cuộc họp.
Thực ra Phan Trọng Luận vốn từ lâu đã không ưa tôi.
            Năm 1988 tôi có viết một bài trên báo Văn nghệ “Vài suy nghĩ về đổi mới tư duy trong giảng dạy văn học”. Trong bài này tôi cho rằng, phương pháp giảng dạy tức môn giáo học pháp, không phải không cần, nhưng trong tình hình hiện nay, điều quan trọng hơn là phải hiểu được bài văn đã. Phải giải quyết nội dung thì mới có cái mà truyền đạt chứ. Lâu nay nội dung ý nghĩa của bài văn thường bị chính trị hoá, nhiều người coi tiêu chí cao nhất để đánh giá tác phẩm văn học là tiêu chí chính trị. Phân tích tác phẩm họ thường suy diễn bừa bãi theo lối xã hội học dung tục hay biến ngôn ngữ nghệ thuật thành ngôn ngữ chính trị trực tiếp, giá trị văn chương không được coi trọng. Nghĩa là có rất nhiều vấn đề cần giải quyết xung quanh việc phân tích, thẩm định tác phẩm như những giá trị văn chương.
Phan Trọng Luận bèn xui một giáo viên phổ thông thân cận với anh (Vũ Dương Quỹ) viết bài phê phán tôi không hiểu tầm quan trọng của giáo học pháp. Thực tình thì tôi không coi thường bộ môn khoa học này nhưng quả có coi thường những người dạy môn học này. Không có kinh nghiệm dạy văn cụ thể nên toàn lý thuyết suông, phát biểu những nguyên lý chung chung vô bổ. Có lần tôi đã nói toạc ra như thế khi trả lời học viên một lớp gọi là cốt cán cấp II (lớp bồi dưỡng giáo viên cấp II giỏi lên trình độ đại học). Cô Bích Ba, trưởng lớp, trịnh trọng đứng lên hỏi tôi khi bài học kết thúc: “Thưa thầy, thầy dạy văn đã lâu năm, vậy kinh nghiệm của thầy làm thế nào để dạy văn cho tốt.” Tôi trả lời ngắn gọn: “Muốn dạy văn cho tốt, theo kinh nghiệm của tôi, không nên học giáo học pháp.”
            Cách ăn nói giật gân như thế tất được truyền bá nhanh chóng và rộng rãi, và các vị giáo học pháp rất căm ghét, trong đó có Phan Trọng Luận là người tự phong là giáo sư đầu ngành về môn học này.
            Nhưng người tập trung đánh tôi nhiều nhất là Trần Mạnh Hảo. Muốn hiểu hiện tượng Trần Mạnh Hảo, cần thấy y không phải là kẻ đơn độc và xuất hiện ngẫu nhiên, mà tiêu biểu cho một xu hướng cơ hội chủ nghĩa trong đời sống văn học của đất nước do một lực lượng cầm quyền tạo ra, đặc biệt là từ khi có phong trào Đổi Mới.
Lực lượng này có nhu cầu dẹp phong trào đổi mới, đòi dân chủ thật sự mà họ gọi là cực đoan, quá khích. Họ dẹp báo Văn nghệ của Nguyên Ngọc, họ cách chức Trần Độ, họ xoá bỏ giải thưởng trao cho tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, cấm phim Hà Nội trong mắt ai của Trần Văn Thuỷ, chèo Bài ca giữ nước của Tào Mạt, vở Em đẹp dần trong mắt ai của đoàn kịch Hà Nội…, Họ phê phán Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Trọng Oánh, Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài…, tập truyện Bi kịch nhỏ của Lê Minh Khuê, đánh Lê Ngọc Trà, Hoàng Ngọc Hiến, Văn Tâm, Nguyễn Đăng Mạnh…, xoá bỏ Trường viết văn Nguyễn Du do Khái Vinh, Phạm Vĩnh Cư, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyên Ngọc phụ trách..vv…
            Họ cần có những “thợ đánh” giỏi. Họ tìm được Phan Cự Đệ, Trần Thanh Đạm, Hoàng Nhân, Mai Quốc Liên, Hồng Diệu, Nguyễn Văn Lưu, Hồ Phương,    Vũ Quần Phương, Hữu Thỉnh, Trương Vĩnh Tuấn..vv… Tuy thế vẫn chưa có ai đáp ứng được đầy đủ nhu cầu “đánh dẹp” của họ.
            Phải nói nghề “đánh đấm” này xem ra khá hấp dẫn với loại người cơ hội chủ nghĩa, vì nếu khôn ngoan ra có thể tiến thân rất nhanh chóng… Nhưng hành nghề này cũng không đơn giản. Phải có một số điều kiện chủ quan:
- Hoàn toàn vứt bỏ lương tâm, cắt hết mọi “dây thần kinh xấu hổ”
            – Có biệt tài dối trá, xỏ xiên, bịa đặt, nguỵ biện.
            – Có khả năng diễn đạt giáo hoạt, hấp dẫn (tất nhiên đối với loại công chúng văn hoá thấp)
            – Thất nghiệp, nhàn rỗi, được nuôi dưỡng đầy đủ để có thể ngày ngày tiêu thì giờ bằng cách sản xuất ra thật nhiều những “văn bản đánh đấm” cung cấp cho nhu cầu chống đổi mới, chống dân chủ.
            Trần Mạnh Hảo xuất hiện đã đáp ứng tuyệt vời những điều kiện ấy. Cho nên không phải ngẫu nhiên mà những Nguyễn Đức Bình, Nguyễn Hữu Thọ, rồi Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh… đã vồ lấy anh ta như một của quý. Họ thừa biết đây là một tên đầu gấu, nổi tiếng phản bội (phản chúa, phản đảng, phản vợ, phản bạn, phản chủ, “phản thơ”, “phản phê bình”), từng bị khai trừ đảng vì viết Ly Thân, nhưng trước mắt có thể dùng làm tay sai đắc lực. Nguyễn Hữu Thọ đã nói thẳng như thế với anh em biên tập tạp chí Thế giới mới ở Sài Gòn (Nguyễn Khắc Hoan đã kể lại như thế với Nguyên Ngọc). Nguyễn Khoa Điềm cũng vậy. Điềm vào Đại học Sư phạm Hà Nội nói chuyện với cán bộ, sinh viên khoa Văn, ngang nhiên đánh giá Trần Mạnh Hảo là “trong sáng” và “dũng cảm”.
            Cho nên bài của Hảo toàn đăng trên báo lớn: Nhân dân, Quân đội nhân dân, An ninh quốc gia, Văn nghệ… Y được đám Văn nghệ quân đội ca tụng, được nhận rất nhiều giải thưởng của Hội Nhà văn, được đưa vào chương trình vô tuyến. Nhiều người viết bài tranh luận lại với Hảo bị báo chí từ chối. Nguyễn Hữu Sơn tập hợp một số bài viết tranh luận với Hảo, in ở Nxb Hải Phòng. Nhà xuất bản này đã bị phê bình, cảnh cáo.
            Hảo viết bài đánh nhiều người, nhưng đánh tôi nhiều hơn cả. Về chuyện tôi bị đánh dồn dập như thế, có người, như Hoàng Ngọc Hiến, giải thích là do sự chỉ đạo của Nguyễn Khoa Điềm. Anh nói: “Vì Nguyễn Khoa Điềm đã đích thân đến tận nhà mời cậu vào Hội đồng lý luận phê bình của Hội nhà văn mà cậu nhất quyết từ chối, nên hắn chỉ đạo Hảo đánh cậu chứ sao! Điềm lên làm tổng thư ký Hội nhà văn, lại là trung ương uỷ viên, đã hạ cố đến nhà riêng của hội viên mà lại bị từ chối, như thế là cậu coi thường anh ta, xúc phạm anh ta rồi còn gì!”
Sau Đại hội nhà văn lần thứ 5 (1995), đúng là Nguyễn Khoa Điềm và Ma Văn Kháng có đến tôi (ở ngõ 68, Quan Hoa). Điềm nói đại ý, tôi được giới lý luận phê bình và sáng tác tín nhiệm, vậy muốn mời tôi làm chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình. Lúc ấy tôi dứt khoát từ chối vì, một là thấy danh sách uỷ viên Hội đồng do Điềm dự kiến có những tay bảo thủ cơ hội chủ nghĩa tôi rất ghét, hai là có nhiều người thuộc phái cấp tiến khuyên tôi không tham gia, như Nguyên Ngọc, Nguyễn Quang Thân, Lê Ngọc Trà. Vả lại đã từng phụ trách Hội đồng lý luận phê bình sau Đại hội nhà văn lần thứ 4, tôi thấy Hội đồng này thực chất không có vai trò gì, bị vô hiệu hoá ngay cả đến việc kết nạp hội viên và tặng giải thưởng (về lý luận phê bình).
            Nhưng có phải vì thế mà Điềm căm ghét và trả thù tôi hay không thì lúc ấy tôi không tin. Tôi vẫn nghĩ, Điềm làm gì đến nỗi tiểu nhân như thế. Nhưng thôi, hãy trở lại chuyện Trần Mạnh Hảo.
            Lần đầu tiên tôi biết Hảo là do Hữu Thỉnh. Hữu Thỉnh buộc phải tổ chức một cuộc trao đổi về tiểu thuyết Ly Thân. Thỉnh nói riêng với tôi nương nhẹ khi phát biểu để đỡ tội cho Hảo.Té ra giữa Hữu Thỉnh và Hảo đã có quan hệ thân tình rất lâu rồi.
            Ở Đại hội nhà văn lần thứ IV và lần thứ V, Hảo ngồi cạnh tôi, nói chuyện rất thân mật. Y còn tặng sách tôi và chép thơ vào sổ tay tôi. Tôi thường được mời vào Sài Gòn công tác. Hảo có lần tìm đến thăm tôi ở một căn hộ trong chung cư 21 Lý Tự Trọng, nơi ở của con trai tôi, có thời gian công tác ở Thế giới mới (Hiện tôi còn giữ hai tấm ảnh chụp với Hảo ở căn hộ này.) . Mỗi lần vào Sài Gòn, tôi thường được gọi đến nhậu ở “dinh cơ” Thu Bồn. Nhiều lần tôi thấy Hảo cũng có mặt ở đấy cùng với vợ. Lúc ấy Hảo đóng vai cấp tiến.
            Vậy mà vào đầu nhưng năm 90, Hảo trở cờ, đánh vào phái cấp tiến từng nhậu với y ở chỗ Thu Bồn.
            Lúc đầu những bài trở cờ của Hảo đăng ở báo Công an Thanh phố Hồ Chí Minh. Con trai tôi hỏi Hảo: “Sao anh lại viết như thế?”, Hảo trả lời: “Chú mày phải cho anh kiếm bát cháo chứ!”. Nghe nói, vợ hắn quốc tịch Pháp, thường buôn thuốc tây từ Paris về Sài Gòn. Hắn cần trở cờ để giúp vợ dễ dàng giao thiệp với Công an, với Hải quan. Anh Đức đã bầy cho hắn mẹo ấy và chỉ đạo hắn đánh vào cánh đổi mới. Đúng là hắn đã chừa ra không đụng đến bọn cơ hội bảo thủ như Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Anh Đức, Bảo Định Giang, Trần Thanh Đạm, Hữu Thỉnh, Vũ Quần Phương, Phương Lựu..vv…
           Hảo đánh vào hầu hết những bài viết của tôi, từ sách chuyên luận (Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn) đến sách giáo khoa, từ bài viết về Hồ Chí Minh, về Văn học giai đoạn 1945 – 1975, bài Tổng quan văn học Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử đến bài viết về Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Nguyên Hồng, Hoài Thanh..vv…
            Tất nhiên tôi chẳng kể lại làm gì những bài viết mà những người có học hành hẳn hoi và đứng đắn đều thấy là vừa ngu vừa đểu. Tôi chỉ ghi lại một trường hợp, do sử dụng Hảo mà nhiều nhân vật trong bộ máy quản lý văn hoá, giáo dục của ta trở thành trò cười.
            Năm 1977, báo Nhân dân đăng một bài của Hảo phê phán bài viết của tôi trong sách giáo khoa Cải cách giáo dục lớp 12. ấy là các bài Nguyễn ái Quốc – Hồ Chí Minh và Khái quát về Văn học Việt Nam từ 1945 đến 1975. Đại khái y cho tôi phủ nhận giá trị văn chương của văn thơ Hồ Chí Minh khi cho rằng, đối với Hồ Chí Minh, sáng tác văn thơ trước hết là hành vi chính trị và đưa ra luận điểm phân biệt thơ của Người làm hai loại: một là thơ tuyên truyền chính trị trực tiếp giống như những bài ca, bài vè nhằm vào đại chúng văn hoá thấp, hai là thơ nghệ thuật làm để giải trí cho mình hay một số cán bộ cao cấp gần gũi với mình, thường viết bằng chữ Hán. Còn về bài Khái quát văn học 1945 – 1975 thì cho là tôi phủ nhận văn học Cách mạng.
            Nguyễn Đức Bình tán thành bài viết này. Ông triệu tập một hội nghị gồm nhiều vị quản lý văn hoá văn nghệ như Trần Hồng Quân, Phạm Minh Hạc, Nguyễn Hữu Thọ, Hà Xuân Trường, Đặng Hữu, Nông Quốc Chấn, Hữu Thỉnh…
            Tất cả đều nhất trí vất bỏ hai bài viết của tôi và tìm người viết thay. Điều đáng chú ý là tất cả các vị có mặt trong cuộc họp này không có ai làm công tác nghiên cứu văn học, không có ai nghiên cứu về văn thơ Hồ Chí Minh cả. Các ý kiến đều được viết ra, nghĩa là có văn bản. Anh Hà Bình Trị, thư ký của hội nghị, có gửi cho tôi một số bản chụp.
            Đọc các ý kiến này mới biết những ông lãnh đạo văn hoá như Nguyễn Đức Bình, Hữu Thọ, Hà Xuân Trường, Nông Quốc Chấn, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, cứ tưởng trình độ nhận thức cũng khá, hoá ra không phải. Cũng y như lý lẽ của Trần Mạnh Hảo vậy thôi. Mà đều rất chủ quan, toàn nói giọng khẳng định không chút dè dặt những điều rất nông cạn, hời hợt ( Chỉ có Nguyễn Đình Thi có tỏ ra dè dặt – anh không dự hội nghị nhưng có gửi thư đến. Anh đề nghị việc xem xét, sửa chữa sách giáo khoa nên mời các nhà chuyên môn trao đổi với các giáo sư soạn sách.)
            Trình độ văn hoá, trình độ nhận thức thấp tất đẻ ra lối lãnh đạo văn hoá một cách thô bạo. Chẳng hiểu gì cả mà dám can thiệp sâu vào chuyên môn, lại dựa theo ý kiến một tên vô lại. Và họ khinh bỉ trí thức đến thế là cùng: không mời tôi và bất cứ một nhà nghiên cứu văn học nào đến để tham khảo ý kiến. Mà không phải không có những thông tin khác. Giáo sư Hoàng Như Mai và giáo sư Lê Trí Viễn có phản ứng trên báo. ngoài ra có một số bài nói lại khá cặn kẽ về Trần Mạnh Hảo và về vấn đề Tuyên ngôn độc lập trong chương trình PTTH ccgd của Đỗ Ngọc Thống, Đặng Lưu, Hồ Quốc Hùng, Nguyễn Gia Phong… Lại có cả một bản tường trình cặn kẽ của Nhà xuất bản Giáo dục chung quanh vị trí của bài Tuyên ngôn độc lập trong sách giáo khoa từ tiểu học, phổ thông cơ sở đến phổ thông trung học để thấy chưa có bài văn nào được học quá nhiều như thế.
            Nhưng mặc, họ vẫn tin ở Trần Mạnh Hảo hơn (tuy Hữu Thọ là học trò của giáo sư Hoàng Như Mai .)
            Ít lâu sau, tôi được ông Trần Hồng Quân, bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo mời đến gặp sau giờ làm việc. Tôi đến nơi thì đã thấy mặt Trần Hồng Quân, Đỗ Bình Trị, Vũ Quốc Anh, Nguyễn Như Ý, và một thư ký riêng của ông Quân.
            Trần Hồng Quân phổ biến cho tôi về nhận định và cách sử lý hai bài viết của tôi trong sách giáo khoa. Sau đó hỏi tôi có ý kiến gì không.
            Tôi nói, nếu anh gọi tôi đến chỉ để phổ biến như thế thì tôi chả có ý kiến gì, còn nếu anh hỏi tôi như một nhà nghiên cứu văn học thì tôi sẽ nói. Quân mời tôi nói.
            Buổi ấy tôi phát biểu rất thẳng thắn và quyết liệt, đại khái như sau: Các anh khinh thường sự nghiệp văn học của Hồ Chí Minh quá, chả cần nghiên cứu gì cũng hiểu được. Thực ra các anh chẳng hiểu gì. Nếu gọi tôi đến, tôi giảng cho các anh nghe 15 phút các anh sẽ hiểu ra ngay.
            Tôi lại nói, việc bỏ bài viết của tôi khỏi sách giáo khoa làm thiệt thòi cho hai đối tượng: một là Hồ Chí Minh, hai là giáo viên, học sinh. Hồ Chí Minh thiệt vì từ nay sẽ bị hiểu sai, đánh giá sai. Giáo viên học sinh thiệt vì từ nay không được dạy và học một bài viết chính xác, khoa học. Còn tôi thì chẳng thiệt hại gì. Vì tiêu chuẩn phong phó giáo sư, giáo sư người ta không tính điểm cho sách giáo khoa phổ thông.
            Tôi nói tiếp, càng sôi nổi hơn: hiện nay chúng ta đang ra sức chống nhiều tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, Trần Mạnh Hảo là một tệ nạn nguy hại hơn nhiều vì hắn làm cho trí thức mất tin tưởng ở Đảng… Hôm ấy, tiễn tôi ra xe, Vũ Quốc Anh bảo tôi: “Anh Quân nói, anh Mạnh anh ấy phát biểu đúng đấy”.
Nhân đây xin kể một chuyện vui.
            Đầu năm 1996, ở Pác Bó, Cao Bằng, người ta tổ chức lễ kỷ niệm rất to ngày Bác Hồ về Pác Bó ( 2/ 1941). Tôi và nhiều cán bộ nghiên cứu khoa học được mời lên dự. ở Pác Bó người ta xây dựng một ngôi đền thờ Bác Hồ. Mọi người lên Pác Bó thường vào đền dâng hương. Tôi tới thắp hương và khấn (cho vui thôi ): “Cháu viết về Bác cũng nhiều, và viết cũng khá. Vậy mà Bác không phù hộ cháu, để chúng nó đánh cháu như thế!”
            Dịp ấy giáp Tết âm lịch. Tôi vừa về đến nhà thì có biên tập viên Tạp chí Cộng Sản đến đặt viết bài về văn thơ Hồ Chí Minh để đăng vào dịp kỷ niệm sinh nhật cụ Hồ. Bài viết của tôi nhan đề: “Một sự nghiệp văn học lớn, phong phú, đa dạng” Nội dung lặp lại những luận điểm hệt như trong sách giáo khoa (Tạp chí Cộng Sản 19/5/1996 ) Bài này được dịch ra nước ngoài trong Sciences Sociales cùng năm ấy.
Cụ Hồ thế mà thiêng thật!
            Hai bài viết của tôi trong sách giáo khoa Cải cách giáo dục lớp 12, tuy đã bị thay bằng bài của anh Hà Minh Đức, nhưng nhiều giáo viên nói với tôi vẫn dạy theo bài cũ.
            Bây giờ lại cải cách chương trình và sách giáo khoa một lần nữa. Hai bài của tôi lại được lấy lại. Không biết các ông Nguyễn Đức Bình, Nguyễn Hữu Thọ, Hà Xuân Trường, Hữu Thỉnh có còn phản đối nữa không? Gần đây bộ mặt Trần Mạnh Hảo thế nào, ai nấy đều rõ cả, chả cần nói làm gì. Chỉ thương cho những vị chót dùng Hảo, chót tin Hảo.
            Nghe nói Hảo lúc này lại có nhu cầu khác, nhu cầu này đòi hỏi phải chửi Đảng thật ác. Và Hảo thấy cần phải trở cờ lần nữa, trở cờ ngược lại. Đối với Hảo thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên, vì y vốn có máu phản bội. Nhưng thật tội cho những người dùng Hảo. Đúng là Bá Kiến dùng Chí Phèo, cuối cùng trở thành nạn nhân của hắn.
            Nhớ hồi nào, khi Hảo bắt đầu đánh tôi, tôi gọi điện cho Nguyễn Khoa Điềm (lúc ấy anh chưa vào Bộ chính trị) rằng sao Đảng lại dùng Trần Mạnh Hảo. Đảng dùng một kẻ như thế thì tôi thương Đảng lắm. Lúc đó tôi nhớ Điềm đã trả lời tôi: “Anh nói thế người ta khó tiếp thu lắm”
            Bây giờ không biết Điềm có còn nhớ cú điện thoại đó không ? Hẳn là anh phải thừa nhận tôi đã nói đúng.
            Đây là một bài học đau đớn đối với nhiều nhà lãnh đạo văn hoá giáo dục. Họ đã bị Hảo lỡm cho một vố thật đau. Một bài học cần rút ra: dùng người phải chú ý đến nhân cách, đến cái tâm, cái đức của anh ta. Đừng chỉ có tin vào lời phát ngôn. Phát ngôn tiến bộ mà nhân cách kém thì đích thị là cơ hội chủ nghĩa. Nhưng nói cho vui thế thôi, chứ mục đích không tốt thì dùng người tốt sao được! Người tốt nào lại đi làm tay sai cho họ chứ?
            Cuối cùng tôi phải nói đến bố con Lê Xuân Đức, Lê Tuấn Anh. Cuộc đời tôi chưa bao giờ gặp phải loại người bỉ ổi đến thế.
            Lê Tuấn Anh là sinh viên khoa văn Đại học Sư phạm Hà Nội. Bố là Lê Xuân Đức dạy trường chuyên văn Lam Sơn Thanh Hoá. Đức nhờ chạy chọt được cho con gái Hà Trọng Hoà, bí thư tỉnh uỷ Thanh Hoá, thi đỗ học sinh giỏi và vào được đại học, Hoà trả công, đề bạt y làm phó chủ tịch Hội văn nghệ Thanh Hoá, rồi đại biểu quốc hội. ở đây, hắn lại chạy được một chân ở Vụ báo chí hay giáo dục gì đó của quốc hội.
            Khi Lê Tuấn Anh còn là sinh viên, Lê Xuân Đức còn ở trường Lam Sơn Thanh Hoá, tôi có lần được mời vào dự trại bồi dưỡng giáo viên. Tối nào Lê Xuân Đức cũng đem nem và rượu đến khách sạn nơi tôi ở, mời nhậu. Y còn mời tôi tới nhà chiêu đãi.
            Vậy mà khi là đại biểu quốc hội, con được giữ lại làm cán bộ giảng dạy, lập tức hắn trở mặt. Tôi nhớ trong một kỳ hội trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Nguyễn Khoa Điềm vốn là sinh viên cũ, đang học ở Nguyễn Ái Quốc, đến dự. Tôi ngồi cùng Nguyễn Khoa Điềm nghe sinh viên đọc thơ, Lê Xuân Đức không biết từ xó xỉnh nào chồm tới bắt tay Nguyễn Khoa Điềm. Tôi ngồi bên cạnh, hắn lờ đi coi như không quen biết. Hắn cũng lặp lại một cử chỉ như thế khi tôi đang ngồi với Nguyễn Văn Hạnh, lúc đó là thứ trưởng Bộ giáo dục. Hắn từ một hàng ghế xa, chạy lại bắt tay Hạnh và lờ tôi đi.
            Tất nhiên được Đức bắt tay thì có danh giá gì đâu. Tôi nêu chi tiết này chẳng qua vì nó thể hiện rất rõ bản chất con người Lê Xuân Đức. Thảo nào khi tôi vào Thanh Hoá, giáo viên trường Lam Sơn gọi hắn là Xuân tóc đỏ. Lê Tuấn Anh khi còn là sinh viên, thường chạy đến tôi luôn, tỏ ý hâm mộ và sẵn sàng phục vụ tôi khi tôi cần đến. Nhưng đến khi được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy thì hắn đã viết bài phê phán tôi với giọng điệu rất hỗn.
            Thì ra bố con Lê Xuân Đức, Lê Tuấn Anh đã đánh hơi được con đường tiến thân kiểu Nguyễn Văn Lưu, Trần Mạnh Hảo.
            Theo Chu Văn Sơn, bạn từ thời học sinh phổ thông của anh, thì từ khi Lê Tuấn Anh còn nhỏ, bố là Lê Xuân Đức đã bồi dưỡng cho cậu con trai thứ tâm lý “vĩ cuồng.” Do một tai nạn ngẫu nhiên ảnh hưởng tới não bộ, tâm lý vĩ cuồng càng phát triển, trở thành bệnh hoạn thật sự. Tuấn Anh học giỏi, có tham vọng lớn, nhưng quá nôn nóng được nổi danh, lại sẵn có cái gien Xuân tóc đỏ của bố, nên đã cùng bố đi theo con đường cơ hội chủ nghĩa bất chấp đạo lý làm người. Tuấn Anh đã viết liền hai bài rất dài đăng trên Quân đội nhân dân tháng 4 năm 1995 phê phán tôi đã hạ bệ thơ văn Hồ Chí Minh.( bài Đọc thơ Bác, thời nay và Bàn về cách đánh giá thơ văn Hồ Chí Minh trong Sách giáo khoa 12 – ký tên Nguyễn Ngọc Châu )
            So với cách viết của Trần Mạnh Hảo, Lê Tuấn Anh xuyên tạc, qui chụp có vẻ tinh vi hơn, nghĩa là xảo quyệt hơn, khoe kiến thức một cách kín đáo hơn. Nhưng mục đích cũng thế thôi: đánh vào cánh đổi mới. Không phải ngẫu nhiên mà dưới đầu đề Đọc thơ Bác, thời nay, hắn nói tôi, trước công cuộc đổi mới, viết về thơ Bác rất tốt, nhưng từ khi đổi mới đã chạy theo phong trào, hạ bệ Hồ Chí Minh.
            Do một cơn vĩ cuồng nổi lên khi chưa đạt được “chí lớn”, Tuấn Anh đã nhảy lầu tự tử trong thời gian làm nghiên cứu sinh ở Nga. Nếu Tuấn Anh còn sống, có lẽ Trần Mạnh Hảo phải gọi bằng cụ. Tôi thật buồn vì có một học trò như thế. Nhưng nghĩ lại thấy cũng còn may, may hơn Đức Chúa Giê Su rất nhiều. Chúa Giê Su có mười ba học trò thì có một kẻ phản bội. Tôi có hàng nghìn học trò, một kẻ phản bội thì có nghĩa lý gì đâu – vì thế có người cho tôi là có cung học trò trong lá số tử vi. Giê su bị phản bội đến nỗi phải chết. Tôi bị Lê Tuấn Anh phản bội, chẳng những không chết mà uy tín cũng chẳng sứt mẻ gì.
            Lê Tuấn Anh chết rồi, bố Lê Xuân Đức vẫn cố vớt vát danh vọng cho đứa con bất hạnh. Y đề nghị tặng giải thưởng lý luận phê bình của Hội nhà văn cho một tập bài viết của Lê Tuấn Anh. (vì thấy sách của Trần Mạnh Hảo đã được nhận giải thưởng). Và, không biết dùng cách nào y đã lôi kéo được khá nhiều “trí thức” tới hội thảo về sự nghiệp của Lê Tuấn Anh ở Thư viện quốc gia Hà Nội và viết bài ca ngợi. Đáng chú ý là bài của ông giáo sư Mai Quốc Liên đăng trên Văn nghệ Trẻ, đánh giá Lê Tuấn Anh là một “nhà bác học trẻ” và nêu vấn đề chúng ta phải làm gì để xứng đáng với người thanh niên tài năng xuất chúng này.
            Anh Nguyễn Xuân Đức, chuyên viên ở Ban văn hoá tư tưởng Trung ương nói với tôi: “Những lời lẽ Mai Quốc Liên ca ngợi Lê Tuấn Anh chỉ thấy ở bài Điếu văn của ông Lê Duẩn ca ngợi Bác Hồ.”
            Nhưng nghĩ đi, nghĩ lại, thấy Lê Tuấn Anh thật đáng thương. Giá cậu ta có một ông bố tử tế thì đâu đến nỗi. Có lần cậu ta đã theo ông bác là Hoàng Tiến Tựu đến tôi và một lần khác, nhờ người chuyển thư xin lỗi tôi. Nghĩa là cũng có những giây phút ăn năn hối hận. Nhưng chắc rồi lại bị ông bố cuốn vào con đường danh lợi nên lương tâm lại tắt ngấm.
            Anh Nguyễn Hải Hà tổ trưởng tổ văn học nước ngoài của khoa văn Đại học Sư phạm Hà Nội mà Lê Tuấn Anh là tổ viên, đã khuyên nên cho cậu nghỉ ngơi để điều trị bệnh. Nhưng Lê Xuân Đức không nghe, vẫn tiếp tục khuyến khích con lao vào giành giật danh và lợi để đến nỗi học hành quá căng thẳng khiến bệnh tình tái phát (trước cuộc nhảy lầu ở Nga, Tuấn Anh đã có một lần lao đầu vào xe lửa xuýt chết ).
            Có lẽ vì tôi luôn luôn bị qui chụp chính trị như thế, nên có những chuyện đồn đại thất thiệt cả ở nước ngoài.
            Đầu tháng 3 năm 1993, một ngày mưa gió ướt át. Tôi lúc ấy còn ở Đồng Xa. Bỗng có một cô nhân viên phòng văn thư Hội Nhà văn lặn lội tới đem giấy mời và thư riêng của anh Chính Hữu, phó tổng thư ký Hội nhà văn. Giấy mời đến dự cuộc nói chuyện của đoàn nhà văn Thuỵ Điển, sau đó nghe đọc thơ của các nhà thơ Việt Nam và Thuỵ Điển. Địa điểm 65 Nguyễn Du, 9 giờ sáng thứ Năm 4 – 3 – 1993.
            Còn thư riêng của anh Chính Hữu thì cho biết “Đoàn nhà văn này (nhà văn Thuỵ Điển ) sang có mang theo một danh sách những nhà văn nói là bị bắt, và họ muốn tìm hiểu thực hư – Đáng tiếc là trong danh sách ấy có tên anh!!”
            Hôm ấy đến gặp mấy ông Thuỵ Điển ở trụ sở Hội Nhà văn, tôi được Ban chấp hành giới thiệu với đủ mọi danh hiệu cao quý: đảng viên, giáo sư, nhà giáo ưu tú..vv… Tôi hỏi tin tôi bị bắt ở đâu ra. Họ nói đọc trên một tờ báo ở Hồng Kông.
            Một điều lạ là tất cả những người có trong danh sách bị bắt đều không có ai bị bắt cả: Trần Huy Quang, Phùng Quán, Nguyễn Duy, Nguyễn Minh Châu (đã chết ), Nguyễn Đăng Mạnh.



1      2      3      4           6      7      8      Kỳ Cuối

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét