Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

HỒI KÝ NGUYỄN HỮU HẠNH - PHẦN 1

Lời giới thiệu 

1    2    3    4    5    6    7    8    9    10

Ông Nguyễn Hữu Hanh nguyên giữ những địa vị quan trọng về kinh tế, tài chánh trong chính quyền Việt Nam Cộng hoà cũng như trên trường quốc tế: 
  • Cố vấn kinh tế, tài chánh cho Tổng thống Ngô Đình Diệm, 1955-1962 
  • Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, 1955-1962  
  • Tổng giám đốc Ngân hàng Khuếch trương SOFIDIV, 1963-1965 
  • Chánh sự vụ (Division chief) Ngân hàng Thế giới (World Bank), 1965 
  • Chủ tịch Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thương tín, 1955-1960 
  • Chủ tịch Ngân hàng Việt Nam Thương tín, 1955-1968 
  • Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, 1965-1968 
  • Tổng uỷ coi 4 bộ Kinh tế, Tài chánh, Thương mại, Kỹ nghệ, 1967-1968 
  • Hội viên 1955-1968 và Chủ tịch Hội đồng Tối cao Tiền tệ và Tín dụng, 1967-1968 
  • Quản trị viên  phụ khuyết (Alternate executive director) Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), 1968-1975 
  • Cố vấn Sở Ngân hàng Trung ương-Quỹ Tiền tệ Quốc tế (Advisor, Central Bank Service Department, IMF), 1975-1981.
Cuốn hồi ký này thật ra được viết cho các con của ông. Từ sự thúc giục của nhiều người vì một số sự kiện lịch sử quan trọng được đề cập tới, hồi ký này đã được ấn hành cách đây trên một năm, với hai ấn bản độc lập Việt ngữ và Anh ngữ. Trong ấn bản lần đầu, để tránh đụng chạm, trừ tên những nhân vật ai cũng biết như Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ... tên các nhân vật bị đụng chạm được thay đổi. Từ đóng góp của nhiều người, rằng giá trị sử liệu của hồi ký sẽ mất mát khi tên nhân vật bị thay đổi, trong bản hiệu đính này tên thật được khôi phục. Một số nhận định thời sự cũng được thêm vào.

Khi làm công việc đánh dấu cho bản hiệu đính, tôi không khỏi có một số nhận xét:
Qua cảnh sống thanh bạch, qua những suy tính, lo toan cho cuộc sống lúc xế chiều, mà tôi được chứng kiến tận mắt, của một người có trên 27 năm đảm trách những địa vị công quyền về kinh tế, tài chánh cao nhất trong nước và những chức vị khá cao trên trường quốc tế, mà chưa có ai khác của Việt Nam Cộng hoà cùng một lúc kiêm nhiệm trong một quãng thời gian dài như vậy; tôi nghĩ ông Nguyễn Hữu Hanh đã thi hành trách nhiệm một cách liêm khiết. Chỉ cần một chút tư tâm khi thi hành công vụ thì ông Hanh không có cái lo toan mà ông đang có bây giờ.
Từ năm 1977, ông Hanh được chính quyền Việt Nam tìm gặp và mời về giúp xứ sở, ông đã mất rất nhiều thời giờ đắn đo, suy nghĩ. Có lẽ do kinh nghiệm sống, làm việc chung với những nhân vật ở thượng tầng kiến trúc trong nhiều môi trường khác nhau, văn hoá khác nhau, ông thấy sự thật của lãnh tụ khác với sự thật của quần chúng, thấy tính tương đối của nhiều việc, thấy sự an sinh, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam là quan trọng hơn những chế độ, thể chế chính trị tiếp nhau đi qua; và rồi ông đặt quyền lợi của dân tộc lên trước những danh từ, nhãn hiệu, thành kiến khi lấy quyết định về giúp Việt Nam vào năm 1991. Bất bình với IMF, ông Hanh về hưu sớm từ năm 1981 để tư doanh. Sau đó, ông nhận được nhiều lời mời tư vấn cho Liên Hiệp Quốc, IMF và World Bank trong việc giúp Việt Nam. Vì có những ý kiến riêng của mình về hệ thống ngân hàng của đất nước, nên thay vì làm việc cho Việt Nam trong khuôn khổ những tổ chức trên, ông bỏ tiền túi 4 lần về quê hương từ 1991 tới 1994 để làm công việc tham vấn vô vị lợi cho chính quyền, với tâm nguyện nhằm giúp đỡ đồng bào quá khốn khổ. Nhưng rồi ông thấy do tình hình chính trị trong nước, việc ông làm không thể thành tựu nên năm 1994, ông đành bỏ nửa chừng, không tiếp tục nữa.
Ngay trong lời nói đầu của hồi ký, ông Hanh viết: “Tôi muốn được hoàn toàn tự do khi kể lại các sự kiện đúng như tôi đã chứng kiến, tôi muốn đánh giá các nhân vật đúng như tôi đã nhận định, và mô tả các hoàn cảnh xã hội và chính trị đúng như tôi đã quan sát”.
Nhưng khi đọc hồi ký này, điều làm tôi lưu ý là ông Hanh đã có nhận xét nghiêm khắc về lãnh đạo Việt Nam Cộng hoà, ông đã dứt áo ra đi; ông cũng chỉ trích chính sách của Mỹ qua những biến cố thời sự gần đây, thế mà ông chỉ nói sơ qua về những việc ông làm cho nhân dân Việt Nam qua sự trung gian của chính quyền trong 4 chuyến làm việc tại Việt Nam. Được huấn luyện từ buổi đầu sự nghiệp về cách nhận xét người, khả năng phán đoán của ông còn được tập dượt, cọ xát ở những chức vụ điều hành trong nhiều năm dài, làm sao ông lại không thấy, không đánh giá, phê phán những lãnh đạo mới của Việt Nam sau những lần tiếp xúc, làm việc với họ; lại không nhận định về Việt Nam hiện nay trong những lãnh vực sở trường của ông?

Câu trả lời của ông Hanh: Ông chỉ gặp những cấp lãnh đạo chính quyền mới ở Việt Nam trong một thời gian rất ngắn ngủi, không thể nào có ý kiến một cách chính xác, ông cũng không có đủ cơ hội, thời giờ để nhận xét, theo dõi, vì những ý kiến, đề nghị cuả ông không được áp dụng. Trái lại, đối với các cấp lãnh đạo Việt Nam Cộng hoà ngày trước, ông làm việc, sống cùng với họ trong 13 năm liên tiếp, nên ông mới có thể nhận xét. Ngay cả đối với lãnh đạo miền Nam, ông cũng không nghe, không dùng những tin đồn không căn cứ, những lời chỉ trích không nền móng, như tin đồn về các ông Thiệu, Kỳ... Ông phải  biết chắc chắn, có bằng chứng tai nghe mắt thấy, mới xét đoán.

Ngoài ra, từ năm 1973 ông Hanh đã cảnh cáo “Tôi đã bỏ nhiều tháng để nghiên cứu và phân tích các sai lầm của các nước thuộc thế giới thứ ba, cứ chộp lấy tất cả các loại viện trợ tài chánh và chấp nhận tất cả các khoản vay, mà không xem xét tới giá phải trả ngày mai và ảnh hưởng của hai vấn đề đó trên vấn đề nợ nước ngoài trong tương lai", “tôi phân tích hoàn cảnh thê lương của một số nước vay mượn hoặc nhận viện trợ không đáng, quá nhiều”. Những điều này tức thì gợi cho tôi vụ PMU 18 mà quan chức chỉ riêng của một ngành giao thông vận tải mua phung phí hàng trăm xe hơi để cho mượn và để phơi bụi; ăn chơi, cờ bạc trác táng hàng mấy triệu đô la chỉ trong 1, 2 tháng bằng tiền mượn nước ngoài mà con cháu chúng ta sẽ phải trả.

Xin chân thành cảm ơn ông Nguyễn Hữu Hanh đã cho tôi hân hạnh được đóng góp vào việc gia tăng kiến thức về  một giai đoạn lịch sử Việt Nam, có dịp suy ngẫm về nguyên tắc chính trực mỗi khi dính líu tới quyền lợi của công chúng. 

Lê Anh Dũng

*





Kính gởi thân phụ và thân mẫu
  
Câu chuyện về cuộc đời tôi xin đề tặng cho cha tôi, ông Nguyễn Hữu Lư, và mẹ tôi, bà Thân Thị Quỳnh Trân, những người đã cam chịu những hy sinh to lớn để cho sáu đứa con của mình được học hành đến nơi đến chốn hơn.

Cha mẹ chúng tôi đã nuôi dạy chúng tôi theo nền giáo huấn truyền thống của Khổng giáo. Cha mẹ đã đào tạo tôi nên một con người chính trực. Tất cả những khuyết nhược của tôi đều do hoàn cảnh xã hội, không dính líu gì đến gia đình tôi.
Tôi mang ơn song thân tất cả mọi chuyện trong đời: những kết quả tốt trên con đường học vấn trong và ngoài nước, những thành công trên con đường sự nghiệp ở trong nước và trên thế giới, những chức vụ mà tôi nắm giữ trong chính quyền và trong giới kinh doanh quốc tế, sự kính trọng mà tôi dành được ở người khác nhờ lòng trung thực của mình, cũng như sự thù ghét mà tôi đã gây ra bởi sự cứng rắn tuân thủ những nguyên tắc chính trực mỗi khi dính líu tới quyền lợi của công chúng.

Gởi các con tôi 

Để các con khỏi vướng vào cuộc chiến tranh khổ đau và huỷ diệt, ba bắt buộc phải gởi các con ra nước ngoài từ khi các con còn rất nhỏ, mới có từ một tới tám tuổi.
Để theo đuổi sự nghiệp phục vụ đất nước mà ba coi như là mục tiêu tối thượng của đời mình, ba đã phải sống xa các con.
Những năm tháng sống như vậy thì dù ba có thành công trong sự nghiệp đến đâu, cũng không phải là những năm tháng hạnh phúc nhất của đời ba. Ba chỉ muốn được sống với các con, bởi ba thương các con và nhớ các con hết sức; ba luôn luôn tìm cách đi thăm các con bất cứ khi nào có dịp.
Giờ đây chỉ khi về hưu ba mới thật sự hạnh phúc vì có được điều ba mong ước hơn cả – được sống bên cạnh các con.
Lời cảm tạ
Tôi xin được gởi lời cám ơn tới những bạn bè thân như anh Đoàn Thêm, chị Vũ Gia Kiều Dung, anh Phạm Kim Ngọc… đã từng khuyến khích tôi xuất bản cuốn sách này từ năm 1984, và cám ơn tất cả những ai quan tâm tới những gì tôi đã làm và kể lại trong hồi ký này.
   
Nguyễn Hữu Hanh
Santa Barbara, tháng Năm 2004

*





Mục lục

Lời nói đầu
Tại sao tôi không muốn xuất bản sách trong hai mươi ba năm qua

I. Thời thơ ấu 
Quãng đời êm đẹp ở Việt Nam những năm 30–40; Buổi giao thời giữa nề nếp truyền thống đang mất dần và cuộc sống mới; Nền giáo huấn ngàn xưa: Khổng giáo và Phật đạo; Sợi dây vô hình nhưng hùng mạnh giữa con và cha mẹ; Lần đầu tiên gặp gỡ Tổng thống tương lai của Việt Nam; Buổi va chạm đầu tiên với ách thống trị thực dân
II. Thời trung và đại học     
Những năm tháng chiến tranh: Nhật chiếm đóng và máy bay Đồng minh oanh tạc đất nước; Con đường đại học bị gián đoạn vì chiến tranh và tàn phá; Trận đói khủng khiếp vì chiến tranh; Trường quân sự. Chiến đấu chống quân Pháp tái xâm lược; Giúp Việt Minh thành lập lực lượng bộ đội địa phương; Tình bạn với hai người lính Nhật theo kháng chiến Việt Nam; Qua Paris tiếp tục việc học
III.  Sự nghiệp đầu tiên 
Phó giám đốc sở tín dụng Ngân hàng Trung ương ba nước Đông Dương; Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam; Cố vấn kinh tế tài chánh cho Tổng thống Ngô Đình Diệm; Cố gắng trình bày sự thật cho Tổng thống, chống lại đám cận thần xu nịnh; Thành lập Ngân hàng Thương tín, Ngân hàng Khuếch trương, Công ty bảo hiểm, Công ty sản xuất giấy; Xem dáng mặt: nhận diện khách có thể không tốt trong vấn đề vay mượn; Thương thuyết với Bộ trưởng Tài chánh Pháp Antoine Pinay; Thoả ước kinh tế tài chánh tiền tệ với nước Pháp; Tình bạn lâu dài với Pinay; Phản kháng Ngô Đình Nhu, người em quyền uy của Tổng thống Diệm
IV.  Bước vào Khu vực tư 
Thành lập Ngân hàng Khuyếch trương Kỹ nghệ SOFIDIV; Đời sống nông trại: Những mẩu chuyện kỳ thú về săn thú rừng; Đám tang phụ thân theo lễ nghi truyền thống
V. Sự nghiệp quốc tế đầu tiên 
Bị gọi về nước; Chánh sự vụ Ngân hàng Thế giới: sự nghiệp quốc tế đầy hứa hẹn; Về nước theo lời mời của chính phủ: Thống đốc Ngân hàng Quốc gia; Làm việc với Tổng thống Lyndon Johnson và các Đại sứ Mỹ; Làm việc với các Thủ tướng, Bộ trưởng và Thống đốc ngân hàng các nước châu Á và châu Âu
VI. Tận tuỵ trong công việc 
Tổng uỷ viên Kinh tế Tài chánh, phụ trách bốn bộ Tài chánh, Kinh tế, Thương mại và Kỹ nghệ; Gánh vác trách nhiệm hạ giá đồng tiền quốc gia: thành công vang dội; Ván bài xì phé với đám thương gia buôn gạo Trung Hoa: thắng lớn; Ngăn chặn đám thương gia tham lam Đại Hàn mưu toan xâm nhập; Đòi hỏi chính phủ Đại Hàn đáp ứng tương xứng; Chống tham nhũng và buôn lậu
VII.  Sự nghiệp quốc tế lần hai 
Quản trị viên phụ khuyết hội đồng quản trị Quỹ Tiền tệ Quốc tế; Bất đồng ý kiến với cách làm việc của các tổ chức quốc tế; Vụ kiện Ernest Lederer về tội vu khống và nhục mạ
VIII.  Sự nghiệp quốc tế lần ba 
Cố vấn ngành chương trình hổ trợ kỹ thuật của IMF; Về hưu sớm
IX. Chính sách ngoại giao của Mỹ 
Những đường lối tiếp cận ngoại giao sai lầm; Chính sách ngoại giao của Mỹ trên thế giới: đâu phải chính sách tốt đẹp nhất

Kết 
Đôi dòng tâm sự

*





Lời nói đầu

Có nhiều người bạn biết tôi đã sống một cuộc sống đặc biệt và một sự nghiệp cũng đặc biệt thú vị, đã gợi ý tôi kể lại chuyện đời mình.
Tôi luôn luôn từ chối vì tôi không muốn có thêm một cuốn sách nữa vào trong đống sách của đám người thuộc chính quyền Sài Gòn cũ. Tôi đâu cần đến một cuốn sách để tự biện bạch như họ, và tôi cũng không muốn viết ra những sự thật nửa vời hay những sự thật bóp méo để biện minh cho hành vi quá khứ hay cho thái độ hiện tại.
Nhưng năm đứa con tôi, vốn sống xa cách tôi đã lâu, lại tha thiết muốn biết sự nghiệp cũng như mối quan hệ của tôi với những nhân vật danh tiếng trên thế giới như thế nào. Vì vậy mà bản thảo đầu tiên, tôi chỉ viết riêng cho gia đình tôi và đặc biệt là cho năm đứa con tôi: tôi muốn mình hoàn toàn chân thật, không một lời nói dối. Tôi muốn được hoàn toàn tự do khi kể lại các sự kiện đúng như tôi đã chứng kiến, tôi muốn đánh giá các nhân vật đúng như tôi đã nhận định, và mô tả các hoàn cảnh xã hội và chính trị đúng như tôi đã quan sát.
Trong hơn hai mươi ba năm qua, tôi không có ý định xuất bản cuốn sách của mình, tôi vẫn cứ bị giằng co giữa những tư tưởng đối nghịch và những suy nghĩ trái ngược nhau: tôi muốn kể lại một mảng lịch sử Việt Nam bởi vì tôi biết rất nhiều điều bí mật, nhưng mảng lịch sử này lại mang đến cho tôi quá nhiều chuyện buồn và quá ít chuyện vui. Tôi đã chứng kiến quá nhiều những con người thiếu tư cách, và quá ít những con người thật sự đáng kính trọng. Ngay cả khi viết sắp xong bản thảo thứ hai này, tôi cũng chưa rõ mình có còn muốn xuất bản nó hay không.
Cần phải nói rằng nếu như tôi đã được sống một cuộc đời thú vị, thì đó hoàn toàn là do may mắn và những cơ hội ngẫu nhiên. Tôi sinh ra vào đúng thời điểm, khoảng đâu hai mươi năm trước khi đất nước được độc lập; lớn lên trong những ngày tháng cuối cùng của một nếp sống đang mất dần và những giá trị truyền thống đang tàn lụi.
Tôi vào đại học khi những trường học ưu tú nhất ở nước Pháp lần đầu tiên được phép mở cửa đón sinh viên thuộc địa. Và khi bước chân vào đời lần đầu tiên, tôi đã may mắn được làm việc dưới quyền một viên thanh tra tài chánh người Pháp sáng chói, trẻ trung và tài năng, có khuynh hướng xã hội, đầu óc phóng khoáng và rất có cảm tình với đất nước Việt Nam.
Khi miền Nam Việt Nam bắt đầu có phần nào độc lập và lãnh tụ phe Quốc gia Ngô Đình Diệm về nước, tôi đã được một số người vô tư không phe nhóm – cả Pháp lẫn Việt – giới thiệu với ông Diệm như là một chuyên viên giỏi nhất và trẻ tuổi nhất, và ông đã yêu cầu tôi làm cố vấn kinh tế tài chánh cho ông, khi ông trở thành Tổng thống của Việt Nam Cộng hoà.
Sau khi giành được độc lập, Nam Việt Nam là một quốc gia mới được hình thành, cần phải thiết lập những cơ chế mới, những tổ chức mới. Tôi được giao phó những chức vụ chuyên môn quan trọng để hỗ trợ cho các chính trị gia mới được bổ nhiệm vào các tổ chức được cải tạo lại từ thời thuộc địa cũ và thành lập các cơ chế tài chánh ngân hàng mới. Ngoài những công việc thường lệ, tôi phải xử lý những vấn đề kinh tế tài chánh quan trọng nhất, và do đó cũng là những vấn đề hấp dẫn nhất. Vì những bộ liên quan (như Tài chánh, Kinh tế, Ngoại giao…) hầu hết đều do những chính trị gia không có kiến thức chuyên môn cầm đầu, nên tôi cũng được giao trách nhiệm điều khiển những cuộc thương thuyết đầu tiên về các vấn đề tài chánh tiền tệ với các nước Đồng minh mới và cũ của Việt Nam như Mỹ, Nhật, Pháp...
Và như vậy, tôi có được biết bao nhiêu là cơ hội tham dự vào những công việc quan trọng nhất của một quốc gia mới hình thành, học hỏi và thu thập được những kinh nghiệm quý giá trong các lãnh vực tiền tệ, kinh tế và tài chánh. Tôi sẵn sàng gánh vác thêm trọng trách, nhận thêm nhiệm vụ và tìm kiếm mọi cơ hội nhằm phục vụ đất nước để học hỏi thêm.
Ở nước ngoài, tôi có may mắn gặp và quen biết nhiều nhà lãnh đạo lớn trên thế giới, những người có cảm tình với đất nước Việt Nam hoặc có dính líu tới tương lai và sự sống còn của Việt Nam. Một vài người, như Thủ tướng Pháp Antoine Pinay, đã trở thành bạn bè cố cựu của tôi và vẫn còn tiếp tục giúp tôi sau khi tôi từ giã chính trường.
Khi Việt Nam gia nhập các định chế quốc tế thì tôi đang có một tư thế thuận lợi. Vì đã từng ở trong các cơ quan tài chánh quan trọng nhất của quốc gia và do đó có được những kinh nghiệm chuyên môn và kỹ thuật cần thiết, năm 1965 tôi được mời giữ một chức vụ cao trong Ngân hàng Thế giới (World Bank) – người Việt Nam đầu tiên và duy nhất giữ chức Chánh sự vụ trong World Bank ngay bước đầu tiên.
Nói tóm lại, tôi đã gặp rất nhiều may mắn trong suốt cuộc đời sự nghiệp. Thế nhưng tôi cũng trải qua biết bao thăng trầm do việc tuân thủ một cách cứng rắn những nguyên tắc đạo đức, chẳng hạn như sự trung thực và liêm chính, mỗi khi dính líu tới quyền lợi của đất nước. Tôi đã được sinh ra và nuôi dưỡng trong niềm tin rằng xã hội loài người chỉ tốt đẹp lên khi một số người trong chúng ta coi lợi ích của cộng đồng hay của đất nước chẳng khác gì quyền lợi của chính mình.
Nhưng bất hạnh thay trong suốt cả sự nghiệp lâu dài ấy, tôi nhận thấy rất ít người thật sự lưu tâm tới quyền lợi chung. Hầu hết thời gian, người ta không dành cho quốc gia hay dân tộc, mà dành cho gia đình họ, quyền lợi riêng của họ, cái ta của họ, và trên hết là túi tiền của họ. Tình trạng này không chỉ xảy ra trên đất nước tôi mà, lạ lùng thay, nó cũng có ở những cơ quan quốc tế có uy tín nhất, những nơi được coi là quy tụ những con người ưu tú nhất, thế nhưng bất hạnh thay cũng là nơi mà tánh tham lam ích kỷ chi phối mạnh nhất, và các phẩm chất chính trực và năng lực chuyên môn thường bị gạt ra rìa bởi những toan tính chính trị và âm mưu tranh giành quyền lực; và cũng là nơi mà quyền lợi của các cường quốc thường xuyên lấn áp quyền lợi của các nước thuộc thế giới thứ ba, ngược lại những lời họ rêu rao là cổ xuý và bảo vệ cho quyền lợi của các nước nhược tiểu.
Sau khi đã rời khỏi mọi chức vụ, giờ đây nhìn lại tôi bắt đầu nghi ngờ rằng sự tận tuỵ với lý tưởng phục vụ nhân dân, cũng như tư cách đạo đức và lòng trung thực, vốn là động cơ thúc đẩy tôi dám đứng thẳng, miệt mài làm việc trong bao năm ròng, phải chăng là sai lầm, không đúng chỗ và không đúng lúc.
Trở về Việt Nam làm việc dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm vào những năm 50, tôi đã đem hết sức ra phục vụ nhân dân, đôi khi quên cả bản thân mình. Thế nhưng sự tận tâm ấy không được lòng ai, ngoài ông Diệm và vài ba người nữa. Ngay cả gia đình ông Diệm và đám người thân cận của ông cũng khó chịu với thái độ cứng rắn của tôi khi xử lý những vấn đề công ích. Trong khi có biết bao nhiêu người sẵn sàng đổ xô tới phục vụ để lấy lòng họ, thì tôi lại từ chối giúp họ trong những vụ làm ăn riêng tư. Và tôi đã bắt đầu tạo cho mình những kẻ thù giấu mặt.
Và khi tôi hy sinh sự nghiệp tốt đẹp ở Ngân hàng Thế giới, từ bỏ một chỗ làm ngon lành với lương bổng hậu, để theo lời mời của chính phủ Sài Gòn, trở về Việt Nam nhận lấy một lô công việc và trách nhiệm nặng nề, đeo đuổi lý tưởng về một cuộc trường chinh gian khổ góp phần cứu lấy đất nước, bằng cách đảm nhiệm phần lớn việc lãnh đạo kinh tế và tài chánh nhằm quét sạch nạn tham nhũng và hối lộ trong chính quyền Sài Gòn, thì đó có lẽ cũng là một sai lầm lớn. Sau một loạt các cuộc đảo chính và phản đảo chính, chính quyền càng ngày càng thối nát, xã hội Sài Gòn và các thành phố lớn càng ngày càng sa đoạ; những viên tướng đầy quyền uy, những vị Tư lệnh vùng, những viên Tỉnh trưởng, và đặc biệt là những bà vợ của họ, bỏ mặc quyền lợi quốc gia mà chỉ cố tìm cách vơ vét cho đầy túi. Điều này làm cho quân đội thất vọng và chán nản, làm cho quần chúng căm ghét và khinh bỉ; nó tiêu huỷ mọi ý chí chiến đấu còn sót lại trong binh lính và nhân dân. Miền Nam tựa như một trái cây chín rữa chỉ chờ ngày rụng dưới giông bão.
Điều mỉa mai cay đắng là để đền đáp lại những nỗ lực chống tham nhũng của mình, chính tôi lại bị những kẻ dính líu, và bị tôi trừng phạt, buộc tội hối lộ và tham nhũng! Khi tôi ngăn chặn vụ nhập lậu “xe hơi Fatima”, tôi đã tạo ra cho mình một lô kẻ thù, và đám này đã buộc tội tôi là bảo vệ quyền lợi cho con buôn xe hơi. Khi tôi từ chối không cấp tiền hưu bổng và quyền mua nhà cho một người vốn là cựu nhân viên Ngân hàng Quốc gia và là một tân nghị sĩ Quốc hội, vì những thứ này chỉ dành cho nhân viên Ngân hàng Quốc gia, mà ông ta thì đã từ chức rồi, nhân vật này đã lập tức lợi dụng vị thế mới của mình, lên diễn đàn Quốc hội gay gắt chỉ trích tôi bằng đủ mọi lời dối trá. Khi tôi đóng cửa một văn phòng Ngân hàng Quốc gia ở Paris vì bất hợp lệ, không đúng với nghiệp vụ của một Ngân hàng Trung ương và tốn kém vô ích, chưa kể có thể có những mục đích bất chính ở sau lưng, thì con người đã mở văn phòng ấy, vốn không hề có một kinh nghiệm hay hiểu biết về Ngân hàng Trung ương, đã lên án tôi đủ thứ tội trên đời. Những loại vu khống như vậy không phải là chuyện hiếm trong những năm tôi làm việc dưới chế độ Sài Gòn.
Tôi làm gì được đây? Chúng ta đang sống trong một xứ sở “tự do” (!) và ai muốn làm gì nói gì cũng được, dù trái với lương tâm. Điều hay nhất tôi có thể làm là bỏ ra ngoài tai mấy chuyện đó, hy vọng rằng ở ngoài cuộc đời lớn rộng, có những người tôn trọng lẽ phải, sáng suốt, sẽ nhận ra ai phải ai trái, ai đáng khen và ai đáng trách.
Năm 1968, lòng đầy ngao ngán, tôi xin rút lui khỏi mọi chức vụ trong chính phủ và Ngân hàng Quốc gia. Điều thúc đẩy tôi quyết định rời bỏ đất nước và quay trở về Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhiều hơn cả là sự thiếu năng lực và tình trạng tham nhũng tràn lan của chính phủ và quân đội Sài Gòn, sự suy đồi của xã hội tại các thành phố lớn. Đối với tôi, số phận đất nước này đã được an bài: ngoại trừ một phép lạ, Nam Việt Nam không còn cơ cứu vãn.

Những năm tiếp theo đó ở nước Mỹ, tôi lại càng thêm ngao ngán và tuyệt vọng. Ngoài một số thành tích sáng chói của sinh viên Việt Nam và một vài thành công đáng kể của các chuyên gia Việt Nam trẻ tuổi, thì cộng đồng người Việt di tản đã gây nên tai tiếng xấu xa trong cái xã hội đã dung dưỡng họ: bên cạnh những người đang cố gắng làm lụng để nuôi nấng con cái, một số người di tản lại đem qua đây những thói xấu cũ, lừa đảo và chôm chỉa bất cứ khi nào có dịp. Không phải chỉ có những người nghèo khổ phải sống bằng tiền trợ cấp, mà cả những tầng lớp trên (bác sĩ, dược sĩ, những người môi giới cổ phần, mua bán bất động sản v.v…). Một ngày nọ tại Westminster, bang California, người ta trông thấy tám mươi vị bác sĩ và dược sĩ Việt Nam bị còng tay dẫn đi sau một toán cảnh sát Mỹ. Xấu hổ thay cho cộng đồng người Việt chúng ta ở đây, và xấu hổ lây cho cả quê hương đất nước chúng ta bên kia nữa!
Có đôi khi tôi cảm thấy tuyệt vọng với cộng đồng người Việt trên đất Mỹ, những người tự xưng là đại diện cho đất nước tôi và cho dân tộc tôi bên quê nhà. Đâu rồi bốn ngàn năm văn hiến mà họ rêu rao là cội nguồn của họ? Đâu rồi đức hạnh và phẩm chất cao quý của cha ông và của những lớp người đi trước mà họ cho rằng mình thừa hưởng? Phải chăng xã hội chúng ta đã suy đồi đến nỗi tư cách đạo đức và lòng trung thực ngày nay quá hiếm hoi, và những con người đáng kính quá ít?

Năm 1991, khi tôi về thăm lại Việt Nam lần đầu tiên sau chiến tranh, tôi đau lòng trông thấy nhân dân sống trong những điều kiện nghèo nàn và khốn khổ. Tôi muốn giúp đỡ đồng bào tôi, dù có những trở ngại chính trị và những hy sinh tài chánh về phía tôi. Tôi đã về thăm quê hương bốn lần, theo lời mời của Thủ tướng chính phủ Việt Nam lúc ấy, bằng tiền túi của mình, nhằm cố gắng góp phần cải cách và xây dựng lại đất nước. Nhưng những điều kiện của đất nước lúc đó chưa thích hợp cho những nỗ lực như vậy, và năm 1994 tôi đành phải chấm dứt mọi kế hoạch. Sau khi thấy không giúp được xứ sở trong bốn chuyến về nước, tôi hy vọng dùng cuốn sách của tôi, để trao kinh nghiệm  nghề nghiệp, chuyên môn, cho dân, cho nước nhưng tiếc thay, bức thành kiểm duyệt quá cao nên chuyện này cũng không thành.

Khi người ta không hiểu đâu là điều lợi, đâu là điều hại cho đất nước, thì bất cứ điều gì cũng là quốc cấm cả!

Tôi phải thành thực thú nhận rằng nếu hôm nay tôi phải làm lại những gì tôi đã làm trong những năm 50 và 60 của thế kỷ qua, tôi không dám chắc mình còn đủ can đảm để duy trì sự thẳng thắn, lòng trung thực và tận tuỵ như xưa, khi đối diện với ngần ấy sự vô tâm, thói ích kỷ và tệ tham nhũng.

Quả là buồn khi phải đi đến một kết luận như vậy.
Tôi cố tự thuyết phục mình rằng ở sâu trong lòng người dân Việt vẫn còn những đức tính và giá trị truyền thống, được lưu truyền qua hàng ngàn năm văn hoá, thử thách và chiến đấu – một điều mà tôi đã được thấy trong đời, nhất là ở thôn quê xa đô thị.  

Đó là điều duy nhất còn cho tôi niềm tin vào đồng bào và quê hương đất nước.
Ghi chú: Riêng đối với Quỹ Tiền tệ Quốc tế, theo phép lịch sự và lòng trung thành đối với Quỹ, trước khi xuất bản cuốn sách này lần đầu trong bản tiếng Anh, Brushing the World Famous và bản tiếng Việt, Làm việc với các nhân vật danh tiếng thế giới, tôi đã gởi thơ cho ông Tổng Giám đốc xin phép, và kèm theo thơ, tất cả những chương tôi đã viết về Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Ông biết là tôi nói đúng, không sai, nên ông lúng túng, trả lời cũng hơi tế nhị, mà không trả lời cũng không nhã nhặn lắm, nên ông im lặng.

Nguyễn Hữu Hanh
Santa Barbara, Tháng Năm 2004

*

  



I. Thời thơ ấu
  
Tôi sinh ngày 10 tháng 11 năm 1923 tại cố đô Huế trong ngôi nhà của bên ngoại, vì mẹ tôi muốn sinh đứa con đầu lòng tại quê bà hơn là tại ngôi nhà đầu tiên của chúng tôi ở Quảng Trị, cách Huế quê hương bà chừng 60 cây số.
Cha tôi vốn rất gắn bó với làng quê của ông, nơi ông nội tôi đang sống; trong bất cứ chuyện gì cha tôi cũng nghiêng về phía gia đình và làng xã ông. Ông cư trú và dạy học ở Quảng Trị, cách làng Đại Hoà chúng tôi khoảng 12 cây số. Quan điểm của ông là việc làng lo trước, việc nước lo sau. Mỗi tháng ông đi bộ ít nhất một lần về thăm cha mẹ. Sau này ông đi bằng xe đạp, khi ông dành dụm đủ tiền sắm một chiếc xe đạp mua từ bên Pháp, một chiếc hiệu Saint Étienne mà ông cưng quý suốt đời. Thời đó, xe đạp và xe kéo là hai loại phương tiện di chuyển cá nhân duy nhất ở Việt Nam. Xe hơi riêng hiếm đến nỗi có thể đếm trên đầu ngón tay.
Thay vì làm khai sinh cho tôi đúng ngày sinh ở Huế, cha tôi đã chờ cho tới dịp về thăm làng mới đăng ký trước bạ cho tôi ở làng ông. Vì vậy mà ngày và nơi sinh chính thức của tôi là 15 tháng Ba năm 1924 tại làng Đại Hoà, tổng An Dạ, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, thay vì mồng Mười tháng Mười Một năm 1923 tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên.
  
Sau này mẹ tôi kể lại rằng khi tôi chào đời, cha tôi đã vào Huế thăm bà và khi cô y tá bế đứa bé cho ông xem, ông đã lóng ngóng ôm đứa nhỏ vào hai cánh tay dài ngoằng của ông và hôn con, nuớc mắt chảy dài xuống hai gò má. Đoạn ông quay lại nói với mẹ tôi: “Tôi muốn cho con được học hành tử tế hơn tôi, nhưng tôi chỉ là một tên thầy giáo nghèo xác, làm sao lo nổi cho con vào học đại học Hà Nội hay đại học Pháp!”. Ông đã từng được nhận vào trường đại học Hà Nội, nhưng không được học, vì ông nội tôi không chịu chu cấp cho ông học thêm nữa. Thế nhưng ông nội tôi, vốn là một vị quan trong triều về hưu, lại rất giàu; chỉ có điều ông tập trung mọi sự hào phóng vào ba người con trai con đời vợ trước, còn cha tôi là con của bà vợ kế. Và về sau, ông nội tôi cũng chỉ để lại toàn bộ gia sản cho ba người con vợ lớn của ông.
Tuổi thơ tôi dính mắc với đủ thứ bịnh: quai bị, sởi, hen suyễn, vàng da v.v... Cha tôi hết sức thương tôi vì tôi là đứa con đầu lòng và là con trai trưởng. Truyền thống gia đình Việt Nam đặc biệt coi trọng con trai trưởng, bởi người trưởng nam sẽ là người gánh vác công chuyện gia đình và lo toan việc thờ cúng tổ tiên; anh được giáo huấn đầy đủ các tiêu chuẩn về đạo đức và cách xử thế ở đời để tới phiên anh, anh sẽ dạy lại cho mấy đứa em, cha mẹ anh sẽ không cần phải lo nữa, họ trông cậy anh đảm trách việc đó. Cha tôi đã dạy dỗ tôi rất nghiêm khắc trên nền đạo đức và triết lý của Khổng giáo và Phật giáo. Ông không dạy mấy em tôi như vậy; ông giao việc đó cho mẹ tôi. Mẹ tôi vốn tánh rộng rãi khoan hoà, không theo sát đạo lý cặn kẽ như cha tôi. Thuở trước, truyền thống giáo huấn theo Khổng giáo rất hữu hiệu. Nhưng kể từ thế hệ tôi, phương pháp này bắt đầu kém hiệu quả, vì trong xã hội hiện đại, em út không còn kính trọng anh chị như thuở xưa, đặc biệt là khi chúng tôi qua sống bên châu Âu hay Mỹ, nơi cha mẹ đối xử với tất cả con cái y hệt như nhau. Thế nhưng cha tôi không bao giờ thay đổi cung cách của ông. Sau này, khi tôi trở về Việt Nam làm việc, ông thường vào Sài Gòn thăm tôi bốn năm lần mỗi năm, ở với tôi một thời gian để bàn chuyện gia đình, nhưng không hề làm vậy với các em tôi.
Khi tôi còn nhỏ, cha tôi thường dắt tôi theo những chuyến đi săn hay đi câu của ông. Những chuyến đi này thường dài từ 40 tới 50 cây số lội bộ, leo núi, băng rừng, ngủ giữa đồng rộng, trên sườn đồi hay cạnh bờ sông – không lều trại, không túi ngủ, chỉ có ít tấm chiếu lát và mền thô.
Đi câu thú vị vô cùng vì phong cảnh thiên nhiên thường xinh đẹp và sông suối thường đầy cá. Dòng nước chảy xuyên qua các khe suối hay đổ xuống những con thác nhỏ, hay nước trong các con sông uốn trôi lững lờ giữa đồng cỏ xanh, đều rất sạch, trong vắt, không một chút bợn nhơ hay ô nhiễm. Chúng tôi câu bằng những cái cần thô sơ làm từ cành tre nhỏ chặt ngay trong rừng, nhưng bao giờ cũng thành công vì lũ cá trong rừng chẳng biết gì hơn ngoài thức ăn và những miếng mồi mà mẹ thiên nhiên dành cho chúng.
Tại những địa điểm mà cha tôi biết rất rõ, chúng tôi chặt một ít tre rồi dầm xuống nước; sáng hôm sau chúng tôi có thể nhìn thấy từng đàn cá đang xúm xít rỉa lá tre dưới làn nước trong veo, làm cho bụi tre chỉ còn trơ cành và gốc. Thế rồi chúng tôi liệng xuống một thỏi nhỏ thuốc nổ, chờ nó nổ và lũ cá ngất ngư rồi, chúng tôi lao xuống nước tóm những con cá bị thương nhưng vẫn còn quẫy rất dữ, đôi khi làm chúng tôi bị thương không ít.
Mỗi khi cảm thấy khúc sông nào đó có nhiều cá hanh trắng quý hiếm, cha tôi hái một số lá non từ một loại cây leo đặc biệt về nhồi thành bánh. Sau đó chúng tôi giăng lưới bắt tôm dưới bờ sông lên, thận trọng nhét một viên nhỏ thứ bánh đó vào trong bụng con tôm còn sống rồi thả chúng lại xuống sông. Rồi thì, lạnh run trong cái lạnh buổi sáng sớm, chúng tôi trùm mền hay chiếu lát, kiên nhẫn ngồi trên bờ, chờ cho tới khi những con cá hanh trắng nổi dật dờ trên mặt nước. Sau khi ăn phải những con tôm kia khoảng nửa giờ, lũ cá hanh bị say thuốc, bắt đầu trồi lên mặt nước, phơi bụng bơi lòng vòng, và chúng tôi bơi ra tóm lấy chúng trước khi chất thuốc hết hiệu lực.
Chúng tôi kho cá nấu cơm ăn ngay tại chỗ cắm trại, đó là những bữa ăn ngon nhất trong đời tôi. Chúng tôi san sẻ thức ăn với những người đi cùng đường; phần nào không đem về được cho mẹ tôi, chúng tôi cho những người dân tộc thiểu số ở các làng bên, hay cho dân xóm vạn ven sông. Đôi khi chúng tôi nhóm một cụm lửa lớn bên bờ sông để hun khói mớ cá bắt được trước khi đem về nhà.
Đi săn thì không thú vị bằng vì cha tôi chỉ sắm nổi một khẩu súng săn nhỏ, ca-líp 16; các loại thú săn thường là gà gô, trĩ, gà rừng, thỏ rừng, thỉnh thoảng vài con hươu nhỏ. Với một khẩu súng nhỏ như vậy, chúng tôi không dám vào sâu trong rừng, nơi lợn lòi và cọp không phải là trò chơi của chúng tôi.
Cha tôi rất thích đi du lịch đây đó. Trong những ngày tháng ấy, những lần đi tắm biển là cả những chuyến viễn hành, vì chúng tôi thường phải đi bộ từ nhà ra bãi biển. Đâu có đủ xe đạp cho tất cả mọi người. Có đôi khi chúng tôi kiếm tiền thuê một chiếc thuyền, một chiếc tam bản – cái tên gọi từ tiếng Trung Quốc có nghĩa là ba tấm ván – dài khoảng 6 mét, có mái khoang che bằng tre nứa.
Thời gian ấy chúng tôi còn sống ở Quảng Trị. Bãi biển gần nhất là Cửa Việt nằm cách khoảng 16 cây số nên chúng tôi thường phải ra đi từ 4 giờ sáng. Chúng tôi đem theo thức ăn, và dùng bữa dưới bóng râm của những cây fi-lao, một loại cây thông, cao, lá nhỏ và dài như kim, reo vi vu trong làn gió biển nghe rất êm tai. Lá fi-lao không có mũi nhọn như lá thông nên có thể nằm ngủ trên đám lá dưới gốc fi-lao êm hơn nằm dưới gốc thông. Bao giờ chúng tôi cũng dừng chân ở một làng chài để mua hải sản, món tuyệt nhất là sò huyết, một loại sò nhỏ, vỏ sậm đầy lông, khi nướng trên lửa than sẽ mở miệng và cho ra một chất nước màu đỏ như huyết, ăn rất ngon.
Cửa biển thứ hai, xa hơn, là Cửa Tùng, nằm ở vĩ tuyến 17, sau này chia đôi Việt Nam thành hai miền Nam, Bắc. Cửa Tùng cách nhà chúng tôi khoảng 60 cây số nên chúng tôi thường thuê thuyền tam bản để đi. Bốn, năm người chúng tôi chiếm khoang chính rộng khoảng 3 mét và dài 5 mét, khoang kia nhỏ hơn dành cho gia đình chủ thuyền, với 4 người – cặp vợ chồng và hai con nhỏ. Khoang thuyền chỉ đủ chỗ để ngồi hoặc nằm chứ không đứng được, vì nó chỉ cao khoảng mét hai tính từ sàn lên mái khoang. Thế nhưng tất cả mọi người ăn, ngủ, giặt giũ và mọi thứ linh tinh ở trên đó. Chúng tôi xuống sông tắm rửa mỗi khi dừng thuyền lại để nghỉ ngơi hay ngắm cảnh. Thuyền lướt đi theo nhịp đẩy mái chèo mà người chủ thuyền hoặc vợ anh ta chèo với những động tác hết sức uyển chuyển, theo tiếng hò khoan nhặt của họ.
Trong tất cả những bãi biển đẹp trên thế giới mà tôi từng đặt chân tới trong nhiều năm du lịch khắp nơi, thì không nơi nào có thể sánh được Cửa Tùng và Đại Lãnh ở miền Nam Việt Nam, với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ của nó. Tôi chỉ sợ việc phát triển đất nước có thể làm mất đi vẻ đẹp của hai chốn này, vì người ta thường có khuynh hướng huỷ hoại tất cả mọi thứ bởi chính lòng ham muốn phát triển thêm và làm đẹp thêm những cảnh quan vốn xinh đẹp ấy.
Cũng tại Cửa Tùng tôi được thưởng thức ba món ăn mà tôi không hề gặp ở nơi nào khác:

Ốc gạo, một loại ốc nhỏ rất sạch, màu vàng, sống trong cát ở cửa sông, có vỏ tròn, lớn cỡ một hột đậu phụng bự. Luộc ốc bằng nước sôi xong, chúng tôi dùng gai cây chanh lể ốc ra nhấm nháp, sau khi đã khươi miếng vảy che miệng ốc đi – thịt chúng mềm, đậm đà, hết sức thú vị.

Cá mó, một loại cá thân lép có đủ thứ màu sáng, ngó rất buồn cười, nhưng thịt ngon tuyệt vời.

Và hải sâm tươi mà chúng tôi đi lượm buổi sáng sớm giữa các khe đá khi triều xuống. Loài này mỗi khi nhặt lên lại tiết ra một chất nước đặc ngộ nghĩnh màu đỏ, nhưng khi nấu với nấm rơm thì ăn ngon hơn bất cứ loại hải sâm khô nào, dù đắt tiền, ở các tiệm ăn.
Bao giờ tôi cũng lò dò theo cha tôi trong những chuyến đi câu ấy, lúc thì vùng vẫy bơi lặn trong nước sông, lúc thì lang thang chân trần trên bãi biển, đến nỗi trượt chân té ngã giữa các tảng đá. Một hôm ở Cửa Tùng chúng tôi chứng kiến một sự cố vừa buồn cười vừa tội nghiệp. Cùng đứng câu với chúng tôi ở một vùng nước cạn trên bãi là hai người đàn ông và một người đàn bà. Đàn ông thường chỉ đóng khố, và mấy cái khố thường rách tả tơi, ngoài ra họ không mặc thêm gì khác. Họ không hề ngượng khi phơi bày thân thể dưới mấy cái khố rách nát. Người dân nghèo hay tận dụng tất cả mọi thứ, kể cả giẻ rách. Thỉnh thoảng họ lại lặn xuống nước để bắt cua hay tôm hùm bằng tay không. Sáng hôm đó, một người đàn ông lặn xuống nước, và thình lình tôi trông thấy anh ta vọt lên khỏi mặt nước la hét, một con cua dính cứng ở dương vật. Anh ta lê từng bước đi chậm chạp, bộ dạng đau đớn và kỳ cục rất buồn cười, với con vật độc ác đung đưa giữa hai chân. Chúng tôi cười đến nỗi chảy cả nước mắt và thắt cả bụng. Cha tôi vội lao tới giúp anh ta, nhưng ông cũng đang cười rũ đến nỗi ông không gỡ con cua ra được. Cuối cùng ông lượm một cục đá đưa cho người đàn ông, anh ta cố lết tới ngồi dạng chân trên một tảng đá. Nhưng anh ta đau quá không cử động nổi nên anh ta nhờ cha tôi đập giùm, và cha tôi đã đập con cua, nhưng suýt chút nữa ông cũng bị nó kẹp. Con cua quờ quạng rớt xuống, nhưng cái càng của nó vẫn cứ kẹp ở chỗ cũ và cha tôi phải đặt người đàn ông nằm xuống trên mặt đá để đập dập nó ra. Sự cố này dường như kéo dài vô tận, và người đàn ông kia chắc phải đau khủng khiếp vì gương mặt anh ta tái xanh tái tím.
Gia đình tôi rất nghèo nên đối với tôi, đồ chơi là thứ xa xỉ dành cho đám bà con giàu có của tôi ở kế bên nhà. Bắt chước bọn trẻ con hàng xóm, tôi tự tạo lấy đồ chơi cho mình: một chiếc xe tăng làm bằng một trục chỉ trống, với một que tre và mấy cọng thun làm bộ máy nổ, lực đẩy được cung cấp bởi cọng thun xoắn lại và dầu nhớt bôi trơn là sáp đèn cầy; một cái ná làm bằng một nạng cây hình chữ Y với hai sợi dây cao su và một miếng da giày cũ.
Nhưng có những ngày tôi buồn bã không biết làm gì, sau mấy trò bắn bi hay ném xu. Một hôm tôi đứng sau cánh cửa chờ cha tôi đi đánh tennis trở về. Tôi vừa chơi với tấm lưới trên khung cửa vừa ngóng chừng bóng dáng chiếc xe đạp của ông xuất hiện cuối con đường. Khi ông bước vào nhà, ông bắt gặp tôi đang thọc cây vào tấm lưới cửa, và ông dùng cây vợt tennis nện một cú lên đầu tôi.

Đau hết sức. Đó là lần đầu tiên ông đánh tôi và cũng là lần đầu tiên tôi giận ông, dù chỉ vài ba phút, bởi tôi luôn luôn thương và kính trọng ông vô cùng.
Ngày hôm sau, ông mua cho tôi một món quà, như để bày tỏ tình thương và lòng hối hận, món đồ chơi đầu tiên và duy nhất mà tôi được tặng trong thời thơ ấu – một con chuột máy. Món tiền này là cả một sự hy sinh của ông; tôi quý con chuột đến nỗi tôi đã gìn giữ nó nguyên vẹn trong hơn mười năm, không phải như một món đồ chơi, mà như một kỷ vật cha tôi để lại, và như một kỷ niệm về lần bị phạt đầu tiên.
Mặc dù nghèo, cha mẹ tôi lại rất giàu lòng trắc ẩn. Nhiều học sinh nghèo được cha mẹ tôi nuôi ăn ở: họ là anh em tôi. Hầu hết họ là người tốt, về sau đều trở nên những con người xứng đáng. Một số trong họ tham gia cách mạng và không bao giờ quên ơn cha tôi. Hầu hết bọn họ đều coi mình là thành viên trong gia đình và cư xử như con cái trong nhà. Cũng giống như vậy, những người học trò cũ của cha tôi đều suốt đời quý trọng ông và thương yêu ông như cha của họ.
Năm 1930, cha tôi được thuyên chuyển về Huế, làm hiệu trưởng một trường học gần hoàng thành cũ. Chúng tôi sống trong khu vực Đại Nội, gần Hồ Tịnh Tâm danh tiếng, một khu nghỉ mát của hoàng gia, nơi ngày xưa các hoàng đế tới ngắm hàng triệu bông sen trong hồ… Nhà chúng tôi ở trước một cái hồ nhỏ và chúng tôi vẫn thường ra đó câu cá mỗi ngày, sau giờ tan trường và trước bữa ăn tối – thời gian được coi là lúc cá ăn mồi nhiều nhất.
Khi mùa mưa tới, toàn bộ khu vực này chìm dưới nước, hai anh em tôi tha hồ có chuyện vui; vì nước dâng lên rất bất ngờ, chảy từ nơi này qua nơi khác, tràn ngập các con đường, nên lũ cá cũng lớ ngớ lội qua mặt đường, tìm một chỗ nấp an toàn. Chúng tôi đứng chờ sẵn trên đường, đuổi theo và đập chúng bằng gậy hoặc bằng dao. Chúng tôi cũng đi tới các khu nghĩa trang, nơi các nấm mộ cũng đang ngập nước, và những con chim mỏ nhát, một loại chim mỏ dài, quá mệt mỏi vì phải bay trong mưa bão, muốn tìm một chỗ khô ráo để nghỉ, đã hạ cánh đậu trên các ngôi mộ. Khi đêm xuống, chúng tôi khoác áo tơi, đội nón lá, cùng với các người anh em khác hì hục lội trong làn nước lụt từ ngôi mộ này qua ngôi mộ khác để tóm cổ lũ mỏ nhát – có khi tới 15-20 con trong một đêm. Đuổi bắt cho được chim mỏ nhát từ ngôi mộ này sang ngôi mộ khác rất cực, nhưng vui, và chén lũ chim nướng thì tuyệt cú mèo!
Năm tôi sáu tuổi, cha tôi gởi tôi trọ học ở một nơi cách nhà chừng 10 cây số. Ông thầy ở đó cho tôi cùng ba tên học trò nhỏ khác ăn, ở, học hành, và cai quản luôn công việc của chúng tôi sau giờ học. Thức ăn rất tệ, kỷ luật hà khắc và hình phạt bị khẻ thước trên đầu ngón tay là chuyện thường xuyên. Mỗi ngày, sau sáu giờ học tập ở trường, về nhà chúng tôi còn phải chúi đầu vào học thêm bốn tới năm tiếng nữa. Tôi nhớ nhà và cha mẹ đến nỗi một hôm, sau buổi học, bỗng dưng một cảm giác kỳ lạ xâm chiếm lòng tôi và tôi bỏ trốn, chạy một mạch về nhà. Đó là một chuyến đi khủng khiếp và dài dằng dặc đối với một đứa nhỏ sáu tuổi – chạy bộ một quãng đường dài 10 cây số. Về tới nhà tôi mới hay mẹ tôi bịnh rất nặng phải chuyển vào bệnh viện. Đây là lần đầu tiên tôi nhận thức ra rằng có một mối liên kết vô hình nhưng hùng mạnh giữa cha mẹ và con cái, bất chấp thời gian và khoảng cách: khi một tai nạn hay một biến cố quan trọng xảy ra cho một đứa con, hoặc cho cha hay mẹ, thì cha mẹ hay đứa con sẽ có linh cảm rằng vừa mới xảy ra một điều gì đó quan trọng trong gia đình.
Năm tôi bảy tuổi, tôi được nhận vào học trường tiểu học Paul Bert – cái tên được đặt để tưởng niệm viên toàn quyền thực dân Pháp – cách nhà tôi khoảng 3 cây số, cha tôi làm hiệu trưởng ở đó. Lẽ ra tôi đã vào đây từ năm ngoái, nhung chưa đủ tuổi, nên đành phải học tư ở ngoài – thời đó bảy tuổi mới bắt đầu được học lớp Năm – lớp đầu tiểu học. Ngày ngày tôi đi bộ đến trường, đem theo sách vở và bữa ăn trưa gồm có cơm nắm và muối mè hay muối đậu. Tôi ở lại trường suốt ngày, và cứ đến buổi trưa, tôi lại ngửi thấy cái mùi muốn nôn mửa mà tôi ghét cay ghét đắng của thịt chó nướng từ một tiệm ăn Bắc Kỳ ngoài trời, gần bờ sông Hương. Vì vậy mà ngày nào tôi cũng phải tìm cách ăn giữa hai giờ học để tránh cái mùi thịt chó cứ theo ám bữa cơm trưa của tôi. Và đó cũng là lý do vì sao lớn lên tôi rất ghét món thịt cầy, vốn là món ăn khoái khẩu của một số dân miền Bắc. Thật khôi hài khi một mùi hôi như vậy lại cận kề con sông Hương – “con sông của hương thơm”.
Nhắc tới chó, tôi phải nói rằng tôi luôn luôn ghét chó, bởi hồi nhỏ tôi đã bị chó cắn tới ba lần và cứ mỗi lần như vậy tôi lại phải chịu hai mươi mốt mũi kim tiêm vào bụng để ngừa bịnh dại – những mũi kim tiêm đau khủng khiếp, đau hơn ta tưởng rất nhiều. Sau này, trong thời gian sống ở Mỹ, có một đêm khi tôi đang chạy thể dục chầm chậm trong một sân trường gần nhà, thì từ trong một bụi rậm, một con chó đen to lớn xồ tới cắn vào cánh tay phải tôi. Thật rùng rợn khi trong một đêm trời rất tối và rất yên tĩnh, bỗng có một vật gì đen ngòm và to lớn bất thình lình nhảy xổ lên anh và cắn anh! Mỗi khi tôi đến thăm một người em hay một người bà con, nhìn thấy họ vuốt ve con chó cưng của họ, tôi không thể sờ vào nó hay giả bộ thích nó được. Bất cứ khi nào nó liếm tay tôi, tôi đều rùng mình và cảm thấy một luồng sóng run rẩy chạy dọc xương sống…
Năm 1935 cha tôi được thuyên chuyển vào Quảng Nam, một tỉnh kề cận Huế ở phía Nam, giữ chức chánh thanh tra học đường, phụ trách tất cả các trường trong tỉnh. Ông cư trú ở Điện Bàn, ngay tại uỷ ban quận. Dưới quyền ông là tám mươi tám trường tiểu và trung học, rải dài từ biên giới Lào tới bờ biển Thái Bình, một diện tích chừng 80 cây số chiều dọc và 200 cây số chiều ngang. Với chiếc xe đạp cũ, ông quyết định mỗi năm phải ghé thăm mỗi trường ít nhất hai lần, và mỗi lần như vậy thanh tra từng lớp học (mỗi trường năm lớp). Ông thường khởi hành lúc 4 hoặc 5 giờ sáng và trở về nhà khoảng 6 –7 giờ tối, đem theo cơm nguội cùng muối mè hay muối đậu. Có khi ông ở lại qua đêm tại nhà một người bạn, hay ngủ trên một cái ghế dài ở một trường nào đó. Ông là người sống giản dị nhưng tận tuỵ với bổn phận và công việc đến nỗi tất cả các giáo viên đều thương và quý ông. Ông đi xe đạp trong một thời gian dài và nhiều đến nỗi sau này trong bài điếu văn đọc tại đám tang ông, một người bạn của ông, cũng là một giáo viên, nói rằng có lẽ cha tôi đã đi tới 4 vòng bao quanh trái đất trên chiếc xe đạp cũ kỹ duy nhất của ông. Ông làm việc có lương tâm và chăm chỉ đến nỗi năm nào ông cũng được cấp trên khen ngợi, tán dương và khen thưởng. Tên ông luôn luôn đứng ở hàng đầu trong danh sách đề bạt hằng năm.
Anh em tôi học ở Vĩnh Điện, cách nhà 6 cây số, đi bộ. Thời gian đó chúng tôi chưa có giày dép gì cả, gia đình tôi vẫn còn rất nghèo và cha mẹ tôi chưa đủ sức mua giày cho bất cứ ai trong nhà trừ cha tôi. Chúng tôi cuốc bộ trên con đường quốc lộ 1, lúc bấy giờ đã được tráng nhựa. Khi trời nắng nóng, nhựa hắc ín mềm ra và nóng bỏng; và bàn chân chúng tôi đau nhức sau 6 cây số cuốc bộ về nhà. Mỗi năm có hơn sáu tháng mưa, khi trời mưa giữa trưa thì nước bốc hơi và không khí đầy hơi nóng hết sức ngột ngạt. Chúng tôi vẫn khoác những cái áo tơi và nón lá chúng tôi từng mang khi đi bắt chim mỏ nhát ở Huế. Chúng tôi đi học từ sáng sớm và ở lại trường suốt ngày. Khoảng giữa 11 giờ rưỡi và 2 giờ trưa, chúng tôi chơi hoặc học bài trong sân chơi của nhà trường. Bữa ăn trưa của chúng tôi là cơm vắt với muối mè hay muối đậu.
Chính trong khoảng thời gian này tôi gặp vị Tổng thống tương lai của Việt Nam, ông Ngô Đình Diệm, lần đầu tiên. Anh trai của ông, Ngô Đình Khôi, là Tổng đốc tỉnh Quảng Nam, mà Vĩnh Điện là tỉnh lỵ. Người con duy nhất của Khôi, Ngô Đình Huân, rất gần gũi với cha mình. Cũng như ông Diệm, cả hai đều là người Thiên Chúa giáo cuồng nhiệt và triệt để chống cộng.
Ngô Đình Diệm là một thành viên của Viện Cơ mật dưới triều vua Bảo Đại vào những năm 30. Ông là người nhiệt thành theo chủ nghĩa quốc gia và đã từ chức vì bất đồng ý kiến với viên Khâm sứ Pháp, người giám sát tất cả mọi hành động của triều đình Huế. Những quan điểm quốc gia của ông không làm vừa lòng thực dân Pháp nên Bảo Đại phải để ông đi. Diệm vào Quảng Nam ở với anh của ông là Khôi, trồng hoa, nuôi chim quý và chơi phong lan. Cha tôi cũng nuôi chim và trồng hoa phong lan và cái thú vui chung này đã tạo nên một mối quan hệ thân thiết giữa ba người. Khôi và Diệm quý cha tôi vì sự thanh liêm và năng lực của ông. Cha tôi thường ghé thăm họ ngày chủ nhật, và lúc nào cũng dắt tôi theo. Cả ba người cùng nhau ngắm hoa và bầy chim xinh xắn mà họ nuôi dưỡng. Đôi lúc họ thảo luận chính trị, nhưng hạ giọng nói rất nhỏ và liếc nhìn chung quanh như coi chừng bọn mật báo viên hay điểm chỉ được gài trong đám nhân viên hay đầy tớ của họ. Một đôi khi cha tôi bận việc, ông sai tôi xuống phố đưa hoa và chim cho ông Diệm, và ông này thường xoa đầu tôi như để khen thưởng. Việc này sẽ rọi một ít ánh sáng lên cuộc gặp gỡ sau này giữa tôi và ông Diệm.
Ngô Đình Khôi và con trai ông ta có một kết cuộc bi thảm vào năm 1945 khi cộng sản lật đổ chính quyền ở Quảng Nam. Nhân danh quần chúng nhân dân, họ lập toà án quân sự và kết án tử hình Khôi. Khi họ dẫn ông ta ra sân bắn, con trai ông là cậu Huân nắm lấy áo cha mình kéo lại. Những người cán bộ cộng sản quát tháo và đánh anh ta, Khải nói chẳng thà anh ta chết với cha, và họ bắn cả hai người.
Một vài ngày trước đó, ông Diệm đã trốn ra Bắc với hy vọng tới được lực lượng quốc gia đóng ở ngoài ấy để đi tìm sự giúp đỡ của quân đội Nhật Bản. Nhưng hình như ông không tiếp xúc được với bộ chỉ huy quân đội Nhật nên phải trốn tránh, nhưng rồi vẫn bị bắt và giải ra Hà Nội. Ông được thả ra theo lệnh của ông Hồ Chí Minh – ông Hồ coi Diệm là một người quốc gia yêu nước.
Vào thời gian ấy tôi bắt đầu làm quen với môn quần vợt – tennis. Cha tôi là một trong những người Việt Nam đầu tiên chơi tennis vào những năm đầu thập niên 20 ấy. Đầu tiên ông gia nhập một câu lạc bộ ở Quảng Trị do chính người Việt Nam thành lập, vì cái Club Sportif (câu lạc bộ thể thao) chỉ dành riêng cho người Pháp, tương tự như việc phân biệt chủng tộc giữa người da đen và da trắng ở Mỹ trước những năm 60. Vĩnh Điện vốn ở xa các thành phố lớn, không hề có câu lạc bộ lẫn sân quần vợt. Cha tôi đã tự mình xây một cái sân “đất nện” với sự góp sức của những người “anh em” của tôi. Nhưng đất ở đây không phải loại đất đỏ, mềm và mịn như ở các sân đất châu Âu hay Mỹ. Khi khô nó cứng như xi-măng, còn khi ướt nó mềm và trơn trượt. Lưới là một tấm rào đan bằng tre. Chúng tôi chơi bằng những cái vợt cắt từ các tấm ván, không hề có lưới đan mặt vợt, còn bóng là những quả bóng xài rồi được vất bỏ tại các sân quần vợt ở Faifo (Hội An), một thành phố cách nhà tôi chừng 10 cây số, mà lũ trẻ nhặt bóng ở câu lạc bộ đem bán lại. Nhưng chúng tôi rất hãnh diện về cái sân của mình. Nhiều nhà vô địch môn quần vợt đã tới chơi bóng với chúng tôi, vì cha tôi vốn là người hào phóng và mẹ tôi là một đầu bếp cừ khôi và cũng là một bà chủ nhà duyên dáng hiếu khách. Tôi đã học đánh tennis với những cái vợt gỗ như vậy và đã thu hoạch cái thói quen chơi bóng tệ hại từ đó.
Sau khi xong bậc tiểu học, tôi được cha tôi gởi ra Huế để theo học trung học đệ nhất cấp ở trường Khải Định (đặt theo tên vua Khải Định). Tôi ở ký túc xá của nhà trường: khoảng 100 học sinh ngủ trên hai dãy giường gỗ cứng, không nệm, dưới một cái mùng. Thức ăn dở kinh khủng còn kỷ luật thì nghiêm khắc. Tới giờ ăn, chúng tôi được dọn ăn, cứ bốn tên một bàn với ba hoặc bốn dĩa đồ ăn. Bọn tôi còn trẻ và đứa nào cũng háu ăn. Khi một dĩa thức ăn vừa được bày ra trên bàn, ba tên kia lập tức gắp lấy món ăn bỏ vô chén của mình, trên bàn hầu như không còn gì cả. Tôi là đứa ăn chậm – tới giờ này cũng vậy – nên tôi vừa và xong miếng cơm đầu tiên thì trên bàn đã hết sạch. Hầu hết thời gian tôi đều rời bàn với cái bụng trống, và tôi phải tìm cách trốn ra ngoài – sau giờ học mọi cánh cửa đều bị khoá – để mua bánh mì ở một bà bán hàng vốn rất am hiểu tình cảnh của những tên học trò ăn chậm như tôi. Đó là một mục chi tiêu lớn trong ngân sách còm cõi hàng tháng của tôi, và tôi đành phải hy sinh những mục khác.
Trường Khải Định là một trường hỗn hợp trai gái học chung, nên có một nữ sinh cứ mỗi buổi sáng trên đường tới lớp lại đi băng ngang sân chơi của chúng tôi. Cô rất dễ thương và rất xinh đẹp và tôi cảm thấy yêu cô, lần đầu tiên trong đời. Nhưng vì rụt rè, không bạo gan như đám con trai sành sỏi, tôi không bao giờ dám nói chuyện với cô. Về sau tôi nghe cô đã vào tu viện và trở thành một nữ tu.
Năm 1941 tôi tốt nghiệp với thứ hạng cao, cha mẹ tôi thưởng tôi bằng cách cho đi nghỉ hè ở Đà Lạt, một nơi nghỉ mát ở cao nguyên, với người chú của tôi – chú Tân. Đà Lạt là một nơi nghỉ mát rất đẹp do thực dân Pháp xây dựng dành riêng cho người Pháp. Người Việt Nam không được sống ở đây nếu không được phép. Những người Việt Nam từ tỉnh khác muốn lên đây phải có giấy thông hành – “passport”, hay thẻ căn cước. Vào thời gian ấy, chỉ có một con đường để lên Đà Lạt – một con đường hẹp chạy vòng vèo qua các cánh rừng, và một đường sắt có răng cưa cho xe lửa.
Tôi về Quảng Trị, quê tôi, để xin cấp thẻ căn cước, và chính nơi đây lần đầu tiên tôi nếm mùi cay đắng với nền hành chánh độc tài của thực dân. Vừa đặt chân đến Quảng Trị, tôi đi ngay tới toà thị chính để nộp đơn xin cấp thẻ căn cước. Tôi đang đi bộ một mình ở một bên đường, thì thình lình từ phía bên kia, tôi nhìn thấy một viên thiếu uý Pháp chạy ào về phía tôi, và, cực kỳ đáng sửng sốt, hắn xáng cho tôi một bạt tai vào mặt.
“Mày không biết tao hả”, hắn hỏi. “Tao là sếp garde indigène toàn thị xã này mà mày lại dám không chào tao! Lần sau thấy tao thì lo mà chào, dù ở xa cũng phải chào. May mà tao thấy mày là dân ngoài thành phố, không thì tao đã tống mày vô tù rồi!”
  
Tôi sôi lên vì tức giận và căm thù, nhưng làm sao được? Tôi chỉ cần nói một tiếng là hắn tống cổ tôi vô tù ngay lập tức. Và nếu tôi vẫn khăng khăng đòi công lý, hắn không những chỉ tống tôi vô tù, mà còn vu tôi là cộng sản và sẽ cho tôi tiêu luôn, không bằng cách này thì bằng cách khác. Sau này tôi biết đó là cách đối xử mà người dân Việt Nam ở các tỉnh lẻ phải gánh chịu mà không kêu ca vào đâu được. Thời gian đó tại các thuộc địa của Pháp, viên chức Pháp có quyền hành tuyệt đối, và người Pháp muốn làm gì cũng được. Không hề có luật lệ trong cách đối xử với người dân bản xứ! Sự cố này đã có một tác động sâu xa tới tình cảm của tôi đối với người Pháp và ách thống trị thực dân, đối với đất nước và đồng bào Việt Nam của tôi. Một quyết định hình thành trong đầu tôi, một lời hứa long trọng với chính mình: tôi sẽ dốc tất cả sức lực để tống cổ bọn Pháp ra khỏi đất nước.
Sau khi thi đậu tú tài một ở năm áp chót cấp trung học – theo lối giáo dục Pháp, với thứ hạng cao, tôi được thưởng nguyên một bộ veston: trong đầu óc tôi, tôi đã thành người lớn! Một lần nữa tôi được lên Đà Lạt ở nhà chú Tân tôi. Tôi cũng được mời dạy toán cho hai cô con gái của viên Thống đốc Pháp ở Đà Lạt. Điều này đã cho tôi có một tư thế đặc biệt, và rất nhiều người nhìn tôi một cách thán phục và thèm thuồng, nhất là đám con gái.

Chính tại Đà Lạt tôi đã gặp mối tình đầu tiên trong đời, một tình yêu thật sự, đó là một cô gái dịu dàng xinh đẹp người Huế, cô con gái lớn của một nhà thầu rất giàu. Tôi cũng được mời dạy toán cho cô và cô em gái của cô. Rồi cả hai đều yêu tôi, nhưng tôi chỉ yêu người chị, và cô cũng đáp lại mối tình của tôi. Cô em gái vốn ít bị cha mẹ để ý xét nét nên được tự do hơn, cố hết sức làm tôi chú ý tới mình, nhưng lòng tôi chỉ hướng về người chị, cô dịu dàng hơn và cũng xinh đẹp hơn. Thế nhưng mối tình của chúng tôi không bao lâu phải chấm dứt lúc cha cô biết gia đình tôi rất nghèo và cấm cô không được gặp tôi nữa, khi mùa hè đã hết và những giờ học toán đã xong. Phần tôi, vì lòng tự ái, tôi cũng nhất định quên cô, khi tôi nghe câu chuyện đó, mặc dầu tôi luôn luôn yêu cô. Sau này tôi được biết mẹ cô hết sức tiếc nuối khi bà biết tôi đã tốt nghiệp trường đại học thương mại danh tiếng nhất Paris, thủ đô nước Pháp, và tôi đã giữ những chức vụ cao trong chính quyền và trong những tổ chức quốc tế.
   
1    2    3    4    5    6    7    8    9    10

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét