Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

HỒI KÝ NHỮNG NĂM THÁNG LƯU ĐÀY TRONG NGỤC TÙ CỘNG SẢN CỦA DUYÊN ANH - KỲ 5


1      2           4      5      6      7     8

CHƯƠNG 16

Đầu tháng 10, tôi bị gọi ra. Thời gian này, đề lao chỉ còn cho nhận quà hai tuần một lần. 1 C- 1 đã nhiều thay đổi. Người cũ đổi phòng. Người mới nhập phòng. Vài anh được thả, lệnh tha đọc tại chỗ. Nhân vật của 1 C-1 bây giờ là Bí thư của thủ tướng Trần Văn Hương. Thêm ông giáo sư trường nữ Sương Nguyệt Ánh bị học trò tố cáo phản động. Đám tư sản mại bản Chợ Lớn đã từ các nhà tù thành phố về tập trung tại 2 C-1. Có mặt vua kẽm gai Hoàng Kim Quy. Tôi được đưa vào phòng chấp pháp đầu khu C-l. Công an chấp pháp số 8 tự giới thiệu.




- Gọi tôi là Hai Nghiêm.


Lần đầu tiên một chấp pháp xưng bí danh. Bí danh Hai Nghiêm, một bí danh hãi hùng. Hai Nghiêm đã cho nhiều anh em của tôi vào cachot nếm các kiểu còng, xích. Hai Nghiêm đang chiếu cố tôi. Hắn ta dân Quảng Bình, ăn mặc luộm thuộm, có cái xe đạp cũ rích dựng trước cửa phòng. Kinh nghiệm nhà tù Cộng sản dạy tôi bài học này. 
Một công an miền Bắc vào Saigon vẫn giữ tác phong miền Bắc là một công an còn nguyên “phẩm chất cách mạng”. Và tù nhân nên lo sợ. Bài học này nữa: Tất cả công an ở những vùng bị không lực Mỹ oanh tạc, đều trút thù hận xuống tù nhân tư tưởng, tù nhân chính trị miền Nam. Hai Nghiêm hội đủ hai bài học của chính sách học tập cải tạo của Cộng sản.

- Hôm nay, anh làm việc với tôi.

Tôi đã bẽ bàng nghe hai tiếng làm việc. Thôi rồi, tôi sắp viết tự khai. Hai Nghiêm pha ấm trà Thái Nguyên. Hắn ta hút thuốc rê. Móc gói thuốc và giấy vấn, hắn hỏi tôi:

- Anh biết hút thuốc rê chứ?

- Biết

- Vậy tự do vấn mà hút.

Tôi vấn thuốc. Hai Nghiêm đã rót trà. Nâng ly của mình trước, hắn bảo tôi:

- Uống đi, anh Duyên Anh.

Sau tuần trà tù, Hai Nghiêm nhìn tôi, gật gù:

- Trường hợp của anh là trường hợp đáng nghiên cứu.

Hai Nghiêm đặt lên bàn tờ Chỉ Đạo do Bộ quốc phòng xuất bản năm 1960 số đăng truyện ngắn đầu tay của tôi: Hoa thiên lý. Hắn lật từng trang và ngưng lại dí ngón tay xuống cái slogan đóng khung “Tố Cộng là yêu nước”. Rồi lật tiếp đến trangHoa thiên lý.

- Giàn thiên lý của mẹ anh còn nguyên ở làng Trường An. Mẹ anh đã chết, không phải chết vì héo hắt thương nhớ anh. Mà chết vì bom Mỹ năm 1969, anh biết chứ?

- Tôi biết, bố tôi cho tôi biết.

- Thằng Mai Thảo viết bài cổ võ dội bom lên miền Bắc. Nó hò hét “dội bom lên đầu chúng nó”. Anh cũng cổ võ dội bom xuống đầu mẹ anh.

- Tôi không cổ võ.

- Anh chống Cộng sản. Các anh ăn lương Mỹ chống Cộng sản. Thằng Nguyễn Mạnh Côn đã công khai viết mỗi bài viết thuê nó nhận bao nhiêu tiền. (Anh Côn đã viết, đã đăng báo trước 1975. Anh ta rất hãnh diện nói thật, tất cả những điều cần dấu điếm, những điều người khác sợ hãi. Thí dụ anh ấy hiên ngang viết anh ấy nghiện thuốc phiện. Cộng sản đã dầy công nghiên cứu văn học Sàigòn. Họ rõ chúng tôi từng chi tiết vụn vặt).

- Tôi không ăn lương chống Cộng.

- Thế anh mới nguy hiểm. Những thằng chống Cộng tự nguyện như thằng Dương Nghiễm Mậu, thằng Phan Nhật Nam, thằng Thanh Tâm Tuyền, thằng Doãn Quốc Sĩ và anh toàn là những thằng nguy hiểm. Các anh đã phá hại Đảng, đã huyễn hoặc nhân dân bằng sự tự nguyện của các anh. Nhân dân không tin bọn chống Cộng lãnh lương nhưng tin các anh. Các anh đầu độc tư tưởng nhân dân.

Tôi là thằng chống Cộng nguy hiểm? Thế mà, trước 1975 thiếu gì đứa làm nghề viết báo miệt thị tôi chống Cộng thô bỉ vì ngôn ngữ sống sượng của tôi đã lố bịch Bác của chúng nó. Tôi nhớ năm 1969, năm Hồ Chí Minh “băng hà”, trên mục Phù Thế của báo Công Luận, tôi định viết loạt bài dài, nhan đề Cây đại thụ đổ gục , bọn Lê Hiền nói nhỏ nói to: Thằng Duyên Anh mà dám viết về chủ tịch Hồ Chí Minh ư? Tôi chán quá, cúp ngang loạt bài này.

- Cái giọng hài hước đểu cáng của anh đã khiến nhân dân khinh nhờn lãnh tụ. Anh sâu sắc lắm, anh chia đối tượng mà tuyên truyền. Bình dân thì anh trào phúng. Trí thức thì anh nghiêm chỉnh. Con nít thì anh đá giò lái, phục kích những câu đối thoại ác độc.

Hai Nghiêm kết tội tôi nặng quá. Tôi đã “đi” chấp pháp bẩy lần, “bẩy chữ” của ‘Vành ngoài” đã quen, mặc kệ Hai Nghiêm nguyền rủa. Hắn ta có quyền. Vì hắn ta chiến thắng. Tôi chiến bại. Tự nhiên, tôi nhớ nhân vật Trần Cung của La Quán Trung. Bạn đọc Tam Quốc Chí chứ? Trần Cung chê Tào Tháo gian ác, bỏ lỡ cơ hội giết Tào Tháo, ra đi. Tưởng phò ai, lại phò Lã Bố là thằng chỉ ham rượu và gái, và phản thầy. Rốt cuộc, Trần Cung bị Tào Tháo sát hại. Chuyện có khác nhiều với chúng tôi. Những Lã Bố di tản qua Mỹ phè phỡn. Chúng tôi chống Cộng ở lại vào tù, nghe Cộng sản chửi rủa.

- Anh vô sản mà ngu dốt chống giai cấp của anh. Anh chống bố anh, chống các em của anh.

Chán chưa? Cộng sản cứ nằng nặc gắn lên tôi nhãn hiệu vô sản. Như tất cả những tên công an, chấp pháp đầy thủ thuật, Hai Nghiêm châm thêm nước cho tôi và chuyển đoạn:

- Anh biết Mai Thảo ở đâu không?

- Không!

- Nó nằm ở Chí Hòa. 1 Vì nó trốn nên nó không được hưởng quy chế như các anh.

Câu này rất thấm thía về mặt khôi hài đen.

- Anh Duyên Anh.

- Tôi nghe rõ.

- Anh nói thật nhé?

- Tôi nói thật.

- Ở miền Nam anh phục nhất ai?

Đang nói về Mai Thảo, Hai Nghiêm rẽ sang chuyện khác cái rụp. Tôi chới với, phải thú nhận là tôi không kịp chuẩn bị câu trả lời:

- Tôi không phục ai cả.

- Anh có thể trả lời anh phục một người.

- Không, tôi không phục ai.

- Có.

- Không.

- Đinh Xuân Cầu!

Hai Nghiêm mỉm cười:

- Thần tượng của anh.

Tôi lặng người. Hai Nghiêm nhả khói thuốc:

- Kể ra, Đinh Xuân cầu xứng đáng là mẫu người hùng của anh. Thằng này bị bắt cứ ngoan cố khai cái tên giả. Chúng tôi biết tỏng, mặc kệ xem nó đóng kịch bao lâu. Chúng tôi còng tay, xích chân nó cho đến hôm chúng tôi mời đồng chí Trưởng trại Lý Bá Sơ vào thăm nó. Lúc ấy nó mới chịu nhận nó là Đinh Xuân cầu, thần tượng chống Cộng của anh.

Tôí nín thinh.

- Thằng Đinh Xuân Cầu ngạo mạn lắm. Tôi làm việc với nó. Bị bắt mà còn xấc láo nói: “Tôi không làm thủ tướng thì ai làm thủ tướng”! Cái mặt thằng Cầu mà đòi làm thủ tướng à? Anh Duyên Anh này, thằng Trương Phiên đang nằm ở khu B.

Hắn hất hàm:

- Lá cờ Bảo Quốc nó ra sao?

Tôi đáp:

- Tôi chưa hề thấy.

Hai Nghiêm gằn giọng:

- Đó là cờ bịp. Cả lũ các anh bị bịp. Từ Đinh Xuân Cầu, Nguyễn Thiện Ngọ, Hà Tường Các, Nguyễn Đan Quế, Nguyễn Tiến Hỷ bị bịp.

Hai Nghiêm dẫn tôi sang khu B. Đến trước cửa một phòng giam, hắn gọi:

- Trương Phiên.

Trương Phiên “có” thật lớn. Ông ta chạy ra cưa. Tôi đã nhận diện Trương Phiên. Tôi còn thấy Nguyễn Mạnh Côn nữa. Anh ta đã lại từ Sở Công An về đề lao Gia Định. Gặp tôi, Trương Phiên giật mình. Quả nhiên, Trương Phiên là tên bịp, một đạo diễn tài ba của vở kịch Chống Cộng cuối mùa. Tôi đau điếng. Những gì tôi cố dấu đã bị lật tẩy. Hai Nghiêm đưa tôi về khu C. Tôi phải làm lại tự khai từ năm mười tuổi đến ngày tôi bị bắt. Hai Nghiêm chỉ yêu cầu thế. Hai Nghiêm không hành hạ tôi như chấp pháp số 7. Tôi viết tự khai tại phòng của Hai Nghiêm đúng giờ giấc hành chính. Mất nửa tháng mới xong. Vào ngày chấm dứt tự khai, Hai Nghiêm cho vợ tôi gặp tôi ở phòng của hắn. Hắn ngồi giám sát. Thấy tôi hốc hác, hai tay ghẻ lở kềnh càng, vợ tôi đã khóc. Tôi bảo đừng khóc, vợ tôi vẫn khóc. Các con tôỉ ngồi đợi ngoài cổng. Vợ tôi xin Hai Nghiêm “cho các cháu gặp bố chúng”, Hai Nghiêm từ chổi. Hắn nói hắn mời vợ tôi đến làm việc. Đây không phải là chỗ thăm nuôi và hắn không dám qua mặt lãnh đạo của hắn. Hai Nghiêm chỉ cho tôi nhận thuốc lá và không được đem về phòng. Tôi gặp vợ tôi hơn mười phút. Mười phút ngắm nghía dung nhan tiều tụy của vợ để mường tượng sự ngơ ngác của ba đứa con mất bố, tôi muốn điên lên. Tôi không được cầm tay vợ tôi và quên hỏi nồi cháo thịt chiều 8-4 có bị khét. Sự chống Cộng tự nguyện của tôi đã phải trả giá não nề. Tại sao tôi phải chống Cộng nhỉ? Vì tôi chống Cộng, tôi đã chống đủ thứ để chính nghĩa chống Cộng sáng tỏ. Và vì thế, Cộng sản không tha quốc gia không dung. Tội nghiệp thay là người cầm bút có chính kiến!

Tôi về phòng, tâm hồn bấn loạn. Cái đòn tình cảm của Hai Nghiêm đã xoáy vào tim tôi những mũi kiếm nhọn hoắt. Buổi chiều, Hai Nghiêm đem cho tôi ba gói thuốc Vàm Cỏ. Hắn chia ra đưa dần. Ngay sáng hôm sau hắn gọi tôi ra, pha trà mời tôi uống, lấy thuốc của vợ tôi cho tôi hút.

- Anh có vẻ trách tôi? Hắn mở đầu câu chuyện.

- Tôi không có quyền trách móc ai. Có lẽ, tôi đã trách móc tôi làm phiền vợ con tôi. Nhưng tôi tin rằng vợ con tôi sẽ hiểu sự vinh nhục trong đời sống.

- Anh nên nhớ là chỉ có Trưởng phòng chấp pháp của Sở mới đủ khả năng cho phép vợ con anh thăm anh khi anh đang làm việc. Tôi mời vợ anh tới với tư cách nhân chứng để anh gặp vợ anh.

- Cám ơn anh.

- Tôi hứa với anh, làm việc xong, tôi cho anh gặp vợ con anh thoải mái.

- Cám ơn anh.

- Anh tin tôi chứ?

- Tôi sẽ tin.

- Phải, anh sẽ tin.

Hai Nghiêm đưa tôi về phòng. Câu chuyện buổi sáng ngắn ngủi. Buổi trưa, hắn gọi tôi ra, mời tôi uống trà và ăn kẹo Hà Nội.

- Cần kết thúc hồ sơ của anh.

Hắn nói và căn cứ vào những câu, những đoạn trong Tự khai ngót 30 trang vắn tắt cuộc đời tôi từ năm mười tuổi đến ngày tôi bị bắt mà hẳn đã gạch dưới đỏ chói, Hai Nghiêm thẩm vấn tôi. Hẳn bắt đầu ở đoạn tôi lưu lạc Saigon. Hai Nghiêm hỏi thật kỹ chuỗi ngày tôi hoạt động với Duy Dân trên Ban Mê Thuột. Tôi thú thật tôi chưa tuyên thệ, mới chỉ là cảm tình viên. Tuy nhiên tôi rất mê thơ của Lý Đông A, những bài tùy bút chan chứa tình yêu nước. Hai Nghiêm không ngắt lời tôi. Hắn cũng chẳng thèm ghi chép. Sau đó là đoạn đời văn chương báo chí. Và kết thúc ở những ngày tôi theo Đinh Xuân Cầu chống Cộng hoàng hôn. Hai Nghiêm không truy nã những nơi và những người dung dưỡng tôi. Đúng một tuần lễ, tôi trả lời hàng trăm câu hỏi của Hai Nghiêm. Tôi đợi hắn tống tôi vào cachot. Nhưng hắn bỏ rơi tôi. Cuối tháng 10, Hai Nghiêm gọi tôi ra.

- Bản tự khai anh làm việc với tôi là bản tự khai quyết định thời gian anh cải tạo, anh thấy cần bổ sung không?

- Không.

- Anh không ân hận chứ?

- Không,

Hai Nghiêm đọc cho tôi nghe những trang hắn thẩm vấn tôi. Tôi ngạc nhiên vô cùng. Hắn đã chửi tôi như tát nước vào mặt. Hắn lừng danh cứng rắn với anh em tôi. Và hắn đã lập một cái hồ sơ thật nhẹ nhàng về tội trạng của tôi. Đảng của Hai Nghiêm chỉ thị hắn hay Thượng Đế của tôi đã nhập vào linh hồn Hai Nghiêm? Hắn đề nghị cho tôi đi lao động cải tạo một thời gian. Hai Nghiêm đưa tôi đọc lại. Rồi bảo tôi ký tên vào mỗi trang hắn viết. Cuối cùng, hắn ghi ngày, tháng, năm và ký tên hắn. Bạn biết không, với tù nhân, chấp pháp là Thượng Đế. Hai Phận nói thế. Chấp pháp đủ quyền hành đề nghị bạn nằm tù dài hạn hay ngắn hạn, tống bạn vào cachot hay lôi bạn ra, còng bạn hay không còng bạn. Chấp pháp còn có quyền nhốt cả quản giáo và cai ngục. Ở đề lao Gia Định, cai ngục không dám đánh tù nhân vì sợ chấp pháp.

- Anh không phải làm việc nữa. Hồ sơ của anh đã kết thúc. Chúng ta có thể mạn đàm thoải mái.

Hai Nghiệm pha ấm trà mới.

- Những kẻ chống Cộng quả quyết rằng người Cộng sản thiếu lương tâm. Điều này không tuyệt đối đâu. Bởi vì cả những kẻ chống Cộng sản cũng vẫn thiếu lương tâm. Tôi có chút cảm tình với anh nhờ tôi đã đọc truyện Đại dương trong lòng con ốc nhỏ của anh. Tôi vốn con nhà nghèo, bố tôi giống hệt người bố ở truyện của anh. Giá anh chi viết loại truyện đó. Anh còn cơ hội làm lại.

Mạn đàm trời trăng mây gió chán, Hai Nghiêm nói:

- Nếu đề nghị của tôi được lãnh đạo chấp thuận, anh sẽ đi lao động 3 năm tính từ hôm anh bị bắt.

Hai Nghiêm cười:

- Ba năm không dài chứ?

Tôi đáp:

- Vâng, không dài nếu thật sự chỉ là ba năm.

Hai Nghiêm nhìn tôi:

- Cái nguyện vọng anh viết cuối tự khai không thể thoả mãn.

Tôi đã viết: Nếu được tha sớm, tôi xin viết cuốn sách tố cáo những tổ chức, những lãnh tụ phản động bịp để khỏi còn ai vào tù vì tội phản động, mất tiền, mất tình 2

- Tại sao?

- Anh ngây thơ lắm. Chúng tôi cần những thằng chống Cộng bịp để bắt những thằng chống Cộng lương thiện, những thằng như Nguyễn Thiện Ngọ, Nguyễn Đan Quế, Phan Vô Kỵ và bọn sinh viên, học sinh bất mãn chế độ...
° ° °
 Nhưng hồ sơ chưa kết thúc. Trung tuần tháng 11, tôi bị gọi ra làm việc. Lại làm việc. Ở phòng Haỉ Nghiêm.

Hai nhân vật đợi tôi. Một người đeo kính trắng gọng vàng, cao ráo, mặt mũi sáng sủa. Rất trí thức. Hắn ăn mặc như dân Saigon. Hai Nghiêm giới thiệu: “Đây là đồng chí Phó Giám Đốc ở sở Công An thành phố”. Một người tóc hoa râm, khuôn mặt phong trần, trán cao, mắt sáng, ăn mặc giản dị. Hai Nghiêm giới thiệu: “Đây là đồng chí ở Viện Kiểm Sát Nhân Dân, từ Hà Nội vào”. Tôi đụng độ thứ dữ. Hai Nghiêm cung kính chào hai đồng chí lãnh đạo và rời phòng. Phó giám đốc Sở Công An nói:



- Anh sẽ làm việc với cán bộ trung ương một thời gian.


Tôi nói:

- Hồ sơ của tôi đã kết thúc.

Phó giám đốc nói:

- Vụ này ngoài hồ sơ.

Phó giám đốc bắt tay cán bộ trung ương ra về. Còn tôi với... trung ương và tôi gọi hắn là chấp pháp Hà Nội.Tôi mơ hồ thấy chuyện gì bất ổn cho tôi. Chấp pháp Hà Nộí mời tôi ngồi.

- Tôi công tác lưu động, sẽ chỉ làm phiền anh vài ngày thôi.

A, chấp pháp Hà Nội nhã nhặn quá. Chức tước càng lớn càng lịch sự.

- Đảng và Nhà Nước có khuyết điểm là giam giữ các anh. Chuyện này ngoài ý muốn, sẽ giải quyết nhanh. Mong anh thông cảm.

Tôi im lặng. Ông ta – tôi không thể thiếu nhã nhặn với người nhã nhặn – hỏi tôi:

- Anh điểm tâm chưa?

- Thưa ông chưa.

- Gọi tôi bằng anh,

- Nếu ông cho phép.

- Tại sao không? Rồi anh sẽ trở về và chúng ta sẽ gặp nhau.

- Cám ơn anh.

- Sao điểm tâm muộn thế?

- Vì phải chờ nước sôi.

Tôi kể tình trạng sinh hoạt của tù nbân. Ông ta bảo tôi về phòng đem mì ra. Quản giáo khúm núm trước mặt cán bộ trung ương. Tôi mang ca nhựa đựng mì vụn và cái muỗng nhựa, ông ta lôi từ ba-lô cái ấm nấu nước cắm điện và gói trà. Ăn mì xong, tôi được quản giáo dẫn đi rửa ca muỗng, rửa mặt, rửa tay. Tôi... de luxe quá.

- Nhà không gửi đồ nhôm à?

- Đề lao cấm kim khí.

Sau tuần trà, chấp pháp Hà Nội vào việc:

- Yêu cầu của tôi là anh viết tất cả những lần anh tiếp xúc với anh em văn nghệ Hà Nội vào. Các anh đã đến đâu, ăn uống chỗ nào, trao đổi chuyện chi. Vân vân... Anh không chịu bất cứ một trách nhiệm gì về những lời khai của anh cả.

Tôi hỏi:

- Tại sao anh chọn tôi?

Chấp pháp Hà Nội đáp:

- Vì anh em văn nghệ Hà Nội vào Saigon, khi về đều viết tự kiểm. Họ nhắc tên anh và nhiều anh em khác. Tôi được giao công tác này. Và tôi đã làm phiền các anh em văn nghệ Saigon ngoài đời, bây giờ, tới lượt làm phiền anh em bị tạm giữ. Mong anh giúp đỡ tôi.

Chấp pháp Hà Nội, cán bộ gộc của Viện Kiểm Sát Trung Ương, một cơ quan ngồi trên công an, muốn tôi viết tự khai. Ông ta đã tế nhị "làm phiền” tôi. Văn Nghệ chế độ miền Nam hay văn nghệ chế độ miền Bắc đều không khá, kể cả những anh đã “lột người” như Xuân Diệu. Nó bắt tự khai, ta đành tự khai. Nó không tin tự kiểm “phe ta”. Nó muốn đối chiếu tự khai “phe địch”. Tự khai hay tự kiểm đều bố láo cả, với nhà văn. Huỳnh Bá Thành nhận xét đúng: “Bọn nhà văn là bọn biết dấu diếm những gì cần dấu diếm trong đầu óc chúng”. Anh em chẳng dại gì khai thật. Ta ngu sao khai thật. Vậy thì tôi đã viết những lần gặp gỡ một số nhà văn trẻ Hà Nội tìm gặp tôi, những buổi ăn uống và nhứng câu chuyện văn chương. Tuyệt nhiên không đả động gì đến chính trị, bất mãn hay phản kháng. Chấp pháp Hà Nội khác hẳn tên chấp pháp sổ 7. Ông ta hỏi tôi mấy giờ ăn cơm trưa, mấy giờ ăn cơm chiều. Luôn luôn, ông ta dục tôi về phòng trước bữa ăn và luôn luôn, pha tặng tôi ấm trà đổ vào ca nhựa cho tôi mang về. Sang hôm thứ hai, ông ta hỏi:

- Anh muốn nhờ tôi việc gì không?

- Việc gì, thưa anh?

- Việc thuộc phạm vi tình cảm.

- Trại đã cấm cà-phê. Nếu có thể, anh ghé qua nhà tôi ở sổ 225 Bis đường Công Lý cũ, bảo vợ tôi mua cho nửa kỷ cà-phê.

- Dễ thôi.

Buổi sáng ngày thứ ba, ông ta đưa tôi gói cà-phê:

- Tôi đã qua nhà anh rồi ngại không dám vào. Một cán bộ vào nhà một nhà văn bị tạm giữ sẽ xẩy ra nhiều dị nghị cho cả hai. Tôi mua tặng anh hai lạng.

Tôi nói:

- Tôi xin phép gửi lại tiền anh.

Ông ta lắc đầu:

- Anh quên tôi là cán bộ và anh là người bị tạm giữ. Trên tất cả vẫn là con người.

Tôi đã làm việc với ông Mai Chí Thọ. Bây giờ, với cán bộ Viện Kiểm Sát Nhân Dân. Tôi thấy cả hai đều ngọt ngào. Và tôi cũng hiểu, càng ngọt ngào càng đáng sợ. Nhưng tôi bằng lòng sự ngọt ngào. Ít ra, tôi đỡ phải khinh bỉ họ đã cậy quyền bắt tôi và át giọng tôi. Người chấp pháp miền Nam đã dạy tôi rằng, ở tù không tin ai cả.

- Cám ơn anh.

Lúc quản giáo dẫn tôi về phòng, ông ta chỉ thị: “Tôi cho phép anh Vũ Mộng Long đem cà-phê vào”. Buổi chiều, tôi chấm dứt bản tự khai. Ông ta không đọc, không chấp pháp mà cất vào ba-lô.

- Thế là xong rồi, anh Duyên Anh ạ!

Ông ta bưng ly trà mời tôi:

- Anh tin tôi đi, mọi việc sẽ tốt đẹp.

Giọng ông ta trầm xuống.

- Đất nước ta còn thiếu nhiều nhân tài, mọi mặt. Anh là một nhân tài của đất nước. Anh cố gắng giữ gìn súc khỏe để mai này phục vụ đất nước.

Ông ta đứng dậy, bắt tay tôi:

- Giữ gìn sức khoẻ.

Tôi bắt tay ông ta. Lần đầu tiên và là lần duy nhất người của Đảng bắt tay tù nhân, chúc sức khoẻ tù nhân. Tôi nói:

- Cám ơn anh câu nói “Trên tất cả là tình người”. Cám ơn anh câu chúc "‘Cố gắng giữ gìn sức khoẻ để mai này phục vụ đất nước”. Tôi rất mong, rất thèm phục vụ đất nước, mai này...

Ông ta chào từ biệt tôi lần cuối. Từ đó, trên đường tù, tôi không còn được gặp người nào như ông ta nữa.
--------------------------------
1
Mai Thảo vẫn trốn cho tới ngày vượt biên. Hai Nghiêm tung hỏa mù. Tôi bán tín bán nghi.
2
Ở cuốn Trại Tập Trung, độc giả sẽ biết rõ tên tuổi những lãnh tụ bịp này và sẽ ngậm ngùi cho sự nhiệp chống Cộng.

CHƯƠNG 17

Hai lạng cà-phê của chấp pháp Hà Nội tặng, uống vừa hết thì quản giáo gọi ra làm việc. Tôi chưa hết làm việc. Hồ sơ của tôi chưa kết thúc. Tôi có nhiều hồ sơ. Mỗi chấp pháp là một hồ sơ chăng? Và mỗi hồ sơ là một thời gian lao động cải tạo chăng? Chấp pháp số 10 đón tôi ở đầu khu C-1 và dẫn tôi sang khu B. Hắn ta dân Bắc kỳ, khuôn mặt lạnh lùng. Gói thuốc Vàm Cỏ và hộp quẹt đẩy sát chỗ tôi, chấp pháp số 10 nói:



- Anh hút thuốc đi rồi chúng ta làm việc.


- Tôi tưởng hồ sơ đã kết thúc.

- Bổ sung hồ sơ.

Hắn cười:

- Một sự làm việc hoàn toàn mới. Anh cần đổi không khí. Không viết tự khai nữa. Anh chán viết tự khai hả?

Tôi đáp:

- Anh thừa hiểu điều này.

Hắn nhìn tôi ranh mãnh:

- Anh có trí nhớ tốt lắm. Bản tự khai nào của anh cũng giống nhau, không sai từng dấu chấm. Anh viết... hấp dẫn vô cùng!

Nỗi khổ tự khai của một nhà văn bị còng tay vào tù ngục đã làm người Cộng sản thích thú. Tạp chí Nghệ Thuật Công An, số ra tháng 4-1981, cùng chiến dịch tái tổng càn quét ảnh hưởng văn hoá Mỹ Ngụy trên các đài truyền thanh, truyền hình, báo chí nhà nước và các buổi học tập ở đại học, trung học, phường, khóm, đã rao rêu: “Duyên Anh viết tự khai nhiều nhất. Nó viết tốn cả bó bút Bic và hàng ngàn tờ giấy”. Người Cộng sản bắt tôi viết ngày viết đêm, viết đói, viết mệt lả, dại khờ về quá trình 50 tác phẩm của tôi. Họ bắt tôi tóm tắt cốt truyện, ghi lại các nhân vật tiểu thuyết, nói rõ cá tính của nhân vật. Rồi bắt tôi phê bình tôi. Phê bình xong, họ bắt tôi trung thực tự kiểm viết theo cảm hứng nào, nhằm mục đích gì, nhận tiền Mỹ bao nhiêu. Một mặt, họ bảo tôi nguy hiểm, chống cộng tự nguyện. Một mặt, họ bảo tôi viết ăn lương CIA. Nghĩ mà bẽ bàng cho cái thân phận tôi. Bẽ bàng hơn, hôm nay, Cộng sản chưa ngớt nhục mạ tôi, có phần họ còn nhục mạ nghiệt ngã gấp bội, sau khi, tôi đã trả lời họ, trả lời một cách ngạo nghễ “Thế giới đã đọc sách của tôi”. Nhưng khi ấy không ít những thằng ngu, những con tôm, mắt mờ vì đố kỵ, hồn đục vì ganh ghét, nhận mình là quốc gia, chụp mũ Cộng sản lên đầu tôi. Tôi chiến đấu bằng chữ nghĩa. Chữ nghĩa sừng sững không thèm chối cãi. Những kẻ chiến đấu bằng mồm dễ chối cãi nhất. Những tên núp xó tối sủa bậy càng dễ chối cãi. Chúng sẽ cúi mặt: Tôi đâu có chữ để viết. Những tên núp xó tối sủa bậy đó đây, vẫn nhiều. Chúng tiếp tay Cộng sản hạ gục uy tín của những tài năng chống Cộng sản, những thủ đoạn vặt của ngụy quốc gia, đã hết hiệu quả. Tôi đã dẫm lên những hèn mọn của chúng, đi mãi không bao giờ mệt mỏi, cùng dân tộc tôi chiến đấu cho ngày mai hạnh phúc đoàn tụ, thương yêu, tự do, dân chủ.

- Chúng ta bắt đầu nhé?

- Tùy anh.

- Tôi hỏi, anh trả lời.

- Được.

- Trả lời thôi.

- Được.

- Nguyễn Cao Kỳ gọi anh làm chủ bút báo Chí Trai của Bộ Thanh Niên Ngụy?

- Không.

- Ai?

- Đỗ Tiến Đức.

Đố Tiến Đức là bạn hàn vi của tôi thuở di cư Nhà Hát Tây, Saigon. Năm 1964 cãi nhau với Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Tú, tôi bỏ Bộ Thanh Niên. Thời Nguyễn Tấn Hồng làm tổng trưởng, Đỗ Tiến Đức làm Giám đốc. Anh ta mời tôi giữ chức chủ bút tạp chí Chí Trai. Bị một ông nhà văn công cán ủy viên “bỏ nhỏ” chi đó, Đổng lý Trần Đỗ Cung, “vua cơm heo” gọi về Bộ trách báo ra chậm và hỏi tôi “có nghiện thuốc phiện” không. Tôi nổi giận trả lời: Tôi làm việc với Đỗ Tiến Đức và chỉ cần biết Đỗ Tiến Đức. Và tôi trả lại chức chủ bút cho Đỗ Tiến Đức. Từ đó, tôi không thèm dính dáng đến nhà nước nữa. Nhà nước động đến tài của tôi, phải chi thật nặng. Tôi lấy tác quyền của Nguyễn Văn Hảo 2 triệu viết vẩn vơ trong Hình ảnh kỉnh tế Việt Nam, còn đòi trả lại tiền lấy lại bài xé đi vì cố vấn Nguyễn Cao Hách ghi nhận xét lên bài của tôi. Tôi lấy tác quyền 2 triệu làm đặc san Cách Mạng Xanh cho Nguyễn Văn Hảo. Chính Nguyễn Xuân Nghĩa trả trước 1 triệu. Vì chưa kịp phát hành Cách Mạng Xanh thì Ban Mê Thuột thất thủ, Ngày Nông Dân bị hủy bỏ, nên Nguyễn Văn Hảo vẫn nợ tôi 1 triệu.Tôi đã trả tác quyền một bản nhạc in báo cho Phạm Duy 50 ngàn, một bài thơ cũ của Hà Huyền Chi 5 ngàn, một bài tạp ghi cũ của ký giả Lô-Răng 40 ngàn. Vân vân... Thời kỳ này, giá biểu viết phơi-ơ-tông nhật báo một tháng 15 ngàn. Ông nhà văn công cán ủy viên huyết thống cách mạng tưởng là gì ghê gớm. Cải tạo ở Kà Tum về sớm, ông ta viết một bài “vĩ đại” trên tạp chí Đứng Dậy của Nguyễn Ngọc Lan ca ngợi cách mạng tưng bừng, ông ta sắp sang Mỹ đấy. Chắc chắn, ông ta sẽ quên “Giáng sinh ở Kà Tum".

- Chủng tôi sẽ hỏi Đỗ Tiến Đức.

- Anh cứ hỏi.

- Minh Vồ khai anh nắm hết tuần báo Con Ong. Đúng chứ?

- Đúng.

- Anh viết bài ký tên nó?

- Đúng.

- Nhất định đúng, văn của anh dễ nhận và Minh Vồ viết lý lịch mình không nổi. Miền Nam có nhiều chủ báo lạ nhi? Tự do thật, tự do ngu dốt.

- Anh hỏi và tôi trả lời.

- Tôi được bình luận, anh thì không.

- Anh có đủ quyền hành.

- Anh thích thi sĩ nào?

- Hoàng Anh Tuấn.

- Tại sao?

- Vì nó làm thơ xong là vất đi.

- Anh đã viết trong cuốn Lứa tuổi thích ô mai. Anh không thích thi sĩ cách mạng?

- Tôi chưa đọc.

- CIA đỡ đầu anh viết cuốn Điệu ru nước mắt hả?

- Không ai đỡ đầu cả.

- Không có CIA đỡ đầu mà anh dám viết bạo và được xuất bản à?

- Do Sở Phối Hợp Nghệ Thuật cho phép.

- Do CIA

- Cũng được, tùy anh.

- Anh nhận tiền của ai viết Bò sữa gặm cỏ cháy?

- Của nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng.

- Anh âm mưu “trồng người” chống chúng tôi. Cuốn này nguy hiểm nhất, ác độc nhất.

Nguy hiểm nhất, ác độc nhất đối với Cộng sản, Bò sữa gặm cỏ cháy của tôi. Thế mà nó đã bị om ở Phủ tổng thống mấy tháng, bị tự ý kiểm duyệt. Và chẳng đứa nào của chính phủ Nguyễn Văn Thiệu đọc cả. Tôi nhớ buổi tiếp tân của Nhã Ca ở Trung tâm Văn Bút Việt Nam nói về cuốn Vi ơi, bước tới mà Barry Hilton sẽ dịch sang Anh Ngữ. Bấy giở, Phủ đặc trách văn hóa được trao vào tay nhà khuyến lệ cổ ca Đỗ Văn Rỡ. Linh mục Thanh Lãng đã nồng nhiệt giới thiệu tôi với ông già Đỗ Văn Rỡ. Ông ta đưa cho tôi tấm danh thiếp, mời tôi ghé Phủ của ông ta đàm đạo văn hóa. Tôi bèn hỏi: “Thế ngài đã đọc cuốn sách nào của tôi chưa”? Rất thành thật, nhà văn hóa đáp: “Chưa!” Tôi bèn gửi lại nhà văn hóa cái danh thiếp của ông ta. Làm văn hóa mà chỉ biết khuyến lệ cổ ca Nam phần thì hỏng quá! Rốt cuộc, nhà văn vào tù. Và tôi viết Bò sữa gặm cỏ cháy cho... Cộng sản đọc. Để họ kết án tôi nặng nề.

- Anh yên tâm, Nguyễn Văn Thiệu không đọc đâu.

- May là nó không đọc. May là nó coi thường tác dụng mãnh liệt của văn nghệ. Nếu không, chúng tôi còn phải hy sinh nhiều nữa, gian khổ nhiều nữa. Thằng Thiệu ngu. Anh cũng ngu. Anh giai cấp vô sản lại viết sách dạy ngụy quyền huấn luyện nhi đồng thành giai cấp tiểu tư sản.

Một sự làm việc hoàn toàn mới của chấp pháp số 10 đấy. Nó chửi rủa tôi ngu. Mà tôi không dám chửi lại nó. Mà ai dám chửi lại nó, ở địa vị một tù nhân như tôi? Tôi có thể viết, hôm nay, những trang rất hào hùng của người quốc gia trong ngục tù Cộng sản. Ở tiểu thuyết thôi và chỉ xẩy ra với bầy sư tử lãng mạn. Cá nhân tôi, lặng thinh nghe chúa ngục Cộng sản chửi mình, không lạy nó đừng chửi mình, đã khá rồi. Cứ ba hoa nói phét mình chửi lại, mình ăn thua đủ thì không khá. Và mình sẽ xấu hổ, nếu mình còn liêm sỉ. Lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh đã thú nhận ở tù, ông bị dắt đi như trâu bò. Tôi đã hân hạnh gặp những người Cộng sản trung kiên bị nhốt tại quân lao Nha Trang, hồi ông Lê Khánh làm tỉnh trướng Khánh Hòa. Nhân vụ giáo sư Trần Vinh Anh bị một thí sinh tú tài đâm chết. Tôi phải đóng vai ủy viên Quân đoàn 2 vào thăm quân lao để phỏng vấn mấy cậu học trò tạm nhốt ở đây. Vậy thì ông ủy viên rởm thăm một phòng nhốt Cộng sản. Tù nhân Cộng sản đứng nghiêm răm rắp. Ủy viên rởm vẫy tay chào. “Anh em ngồi xuống”. Cộng sản ngoan ngoãn ngồi. “Anh em đang làm gì vậy”? Lãnh tụ tù Cộng sản đáp: “Thưa, chúng tôi đang học tập chính nghĩa quốc gia ạ”! Phải biết sau 30-4-75, vị lãnh tụ tù này sẽ nói phét đấu tranh trong ngục tù Mỹ Ngụy dường nào. Tôi là nhà văn. Tôi trung thực. Tôi viết đúng vì, có lần, theo sự đổi đời, tôi đã đứng nghiêm trong một nhà giam chào đón một cán bộ trung ương. Và Trưởng phòng của tôi đã nói: “Thưa chúng tôi đang học tập cái thế tất thắng của cách mạng ạ”! Bạn ơi, ở tù nào cũng khổ. Ở tù Cộng sản khổ hơn, dĩ nhiên. Bạn phải nhịn nhục cả những đứa không đáng gì. Theo tôi, biết nhịn những kẻ mạt hạng mới là thái độ anh hùng, thái độ kẻ cả. Bạn đừng hy vọng, ở tù Cộng sản, bạn được bầy tỏ lòng can đảm với Trường Chinh, Phạm Văn Đồng. Ở tù Cộng sản chỉ có một cách chết là chết dưới lỗ chân trâu. Những ai muốn tìm cho mình một cách chết xứng đáng với sự chịu đựng thống khổ, đều khước từ cái chết ở lỗ chân trâu. Và muốn thế, người ta phải thẩm thấu triết lý sống chết, phải soi sáng trí tuệ vào oan khiên, phải hiểu tận cùng rằng “có một thời im lặng và một thời lên tiếng”, phải biết “xếp tàn y lại để dành hơi”.

Chấp pháp số 10 khoái “bình luận”. Hắn chuyên chế... bình luận.Thằng này ham chửi rủa.

- Anh đã gài mìn?

- Tôi đâu biết gài mìn.

- Chính anh gài mìn khúc đường Trung Lương – Cai Lậy. Anh bịa đặt, đổ vạ cho Cộng sản hại dân lành.

Hắn muốn đề cập cuốn Hưng Mập.

- Anh đầu độc tâm hồn thiếu nhi nông thôn.

Tôi nhiều tội quá. Mỗi cuốn sách của tôi là một trọng tội. Tôi có cảm tướng, chấp pháp số 10 bổ xung chấp pháp số 7. Một đứa bắt tôi viết, một đứa bắt tôi nói. Tôi bị chấp pháp số 10 quần thảo năm ngày về sách rồi về báo. Hắn chửi tôi kỹ nhất thời gỉan tôi cộng tác với nhật báo Xây Dựng.

- Những tờ báo có tiếng nói là những tờ báo chống cộng có trọng lượng. Xây Dựng có hậu thuẫn rõ rệt. Nó đã tạo đoàn kết thiên chúa giáo vụ Đặng Sĩ. Nó đã lãnh đạo vụ đuổi cổ thằng Cabot Lodge. Rồi nó cấu kết với hết Kỳ Loan lại cấu kết với Thiệu Bình.

Tôi không tin nhật báo Xây Dựng có trọng lượng ghê gớm thế. Nhưng cá nhân ông chủ nhiệm của nó, linh mục Nguyễn Quang Lãm, là người thích bám nhà cầm quyền. Như một số linh mục Bùi Chu, Phát Diệm, kẻ khoái làm giầu như ông Trần Đức Huynh, kẻ ham chính trị như ông Hoàng Quỳnh, ông Lãm mê giật giây thống trị và làm đảo điên thống trị. Bước đầu mon men làm quen nhà cầm quyền của ông Lãm là mấy chai rượu lễ nhờ ông Minh Vồ biếu ông Tổng giám đốc cảnh sát quốc gia Phạm Văn Liễu. Ông Liễu không ưa cần Lao nhân vị cách mạng đảng, không ưa cố đạo, ông đã cho tôi uống hết. Ông Lãm chống ông Liễu, ông Thi và nhờ vậy, rất thân với ông Loan, ông Kỳ. Vụ Mậu Thân 1968, nhà ông Lãm có máy truyền tin do ông Loan cấp để theo rõi báo cáo tình hình. Ông Kỳ, ông Loan thất thế, ông Lãm tìm đường đến ông Thiệu, ông Bình. Bị chê, ông ta chống Thiệu dữ dội. Ông Lãm đã xúi dục hàng Giáo Phẩm chống ông Phan Huy Quát, ông Bùi Diễm, ông Lãm đã gài Mặc Giao vào quốc hội. Vân vân.... Không oanh liệt như linh mục Thanh Lãng có quyền chỉ định Tổng trưởng, nhưng ông Lãm đã là con lươn của chính trường Saigon một thuở. 1-5-1975, ông xuất bản nhật báo Xây Dựng 2 trang chửi gỡ Nguyễn Văn Thiệu lập công với Cộng sản. Bị cấm ngay, cả hai ông Lãng và Lãm đều không bị Cộng sản bắt. Chỉ có bọn đã viết báo Xây Dựng bị nằm tù, bị viết tự khai, bị hạch hỏi về báo của ông Nguyễn Quang Lãm.

- Báo Xây Dựng trả anh nhiều tiền lắm, phải không?

- Báo nhà chùa và báo nhà chúa bóc lột nhất nước.

- Tôi không tin nó bóc lột anh.

- Tùy anh. Tôi đã từng bỏ Xây Dựng sau một lần tranh đấu lương tháng 13 cho anh em thất bại.

- Anh đã lĩnh lương tháng... 14?

- Tháng 20. Không có nhà văn nào “ăn khách” mà không biết yêu sách chủ báo. Tôi yêu sách đúng công lao của tôi, tôi không để bị bóc lột.

- Báo nào anh lĩnh lương nhiều nhất?

- Công Luận.

- Bao nhiêu mỗi tháng?

- Hai trăm ngàn, tiền giá năm 1968.

- Cả công viết hồi ký bố láo cho thằng Đính?

- Phải.

Quay tôi tít con mòng mòng về văn, về báo, hắn hỏi tội tôi viết bình luận ở Đài Saigon giáo dục Cảnh Sát công lộ thời Phạm Văn Liễu.

- Bao nhiêu tiền một bài đọc 5 phút?

- Năm ngàn.

- Anh viết bao nhiêu bài?

- Bốn.

- Tại sao nghỉ?

- Vì ông Phạm Văn Liễu kêu đắt và vì tôi không chịu ký tên Ổi, tên Xoài lĩnh tiền.

- Tại sao?

- Tôi bán bài đọc trên đài phát thanh, không bán tin tức mật.

- Liễu cho anh những gì?

- Cái máy đánh chữ Remington trước khi ông ta tử chức.

Vụ giao du với Phạm Văn Liễu, Phạm Huy sảnh, Nguyễn Hoàng Đạt, tôi không khai mà chấp pháp số 10 biết rõ ngọn ngành. Tôi biết người khác đã khai. Cho nên, những gì đã trở thành sự kiện, bạn đừng hòng dấu diếm công an, bất cứ công an của chế độ nào. Bạn chỉ có thể dấu kỹ tư tưởng và ước mơ của bạn.

Sau mười ba ngày làm cái chong chóng trước gió chấp pháp số 10, tôi bị bỏ rơi. Hai Phận thay đổi vài sinh hoạt ở các phòng giam C-1. Hắn bắt tù nhân điểm danh hai lần một ngày. Có hàng ngàn chuyện xẩy ra giữa các tù nhân. Vì khốn quẫn. Vì tù túng. Vì dồn nén. Vì bệnh hoạn. Vì tuyệt vọng. Toàn là những “chuyện buồn nhỏ nhặt liệu mà quên”. Tù nhân “con bà phước” – những người không được thân nhân tiếp tế thực phẩm, thuốc men – được phát một bộ quần áo tù may bằng vải sô và... một cái hột gà tươi duy nhất! Thế thôi, đã đủ kèn cựa và bóng gió sỉ nhục nhau.

Thấm thoát, tôi nằm đề lao Gia Định đã 6 tháng. Đầu năm 1977, hai phần ba văn nghệ sĩ và ký giả giam nhốt rải rác các phòng bốn khu được tập trung tại khu A học tập một tháng để được thả về ăn Tết. Vào thời gian này, tự nhiên, điều tôi mong muốn đã tới: Tôi bị tống vào cachot khu B không lý do báo trước. Tôi thích được biệt giam. Tôi chán sống chung đụng với tù nhân ô hợp đủ tội trạng. Nhưng hạnh phúc đời tù thật ngắn ngủi với tôi. Được đúng hai tuần, tôi ra phòng tập thể 5 C-2. Ở đây, tôi gặp Đoàn Kế Tường và linh mục Thiên, Dòng Chúa Cứu Thế. Ở đây, tôi biết, đối diện phòng tôi là cachot nhốt luật sư Vũ Đăng Dung, thủ lãnh luật sư đoàn Huế. Cạnh luật sư Dung là cachot nhốt một tử tù vụ đánh cướp nhà băng quốc doanh gây sôi nổi ở đại lộ Hàm Nghi. Ở đây, tôi biết Võ Long Triều, Nguyễn Ngọc Tân (Bẩy Bốp, Phạm Thái) học tập cải tạo trở về đã bị bắt lại và đang nằm chung với hai cuốn tự điến Như Phong, Lâm Văn Thế. Nguyễn Ngọc Tân cũng là... tự điển Đại Việt, người Xứ ủy miền Nam này đã ra Hà Nội làm việc ở căn nhà phố Hàng Quạt, nơi Hồ Chí Minh viết Tuyên Ngôn Độc Lập 2-9-1945; người Xứ ủy này đã chiến đấu tại chiến khu Nam Ngãi, đã bị lưu đầy thời ông Diệm. Tôi ở 5 C-2 có bốn ngày, được Hai Phận vĩ đại “giáo dục” một bài học nhân vụ linh mục Phạm Minh Thiện "làm lễ” trưa chủ nhật với đám con chiên bị ngay con chiên ghẻ tố cáo.

- Trong tù không có thánh, chẳng có thần. Thần tượng của các anh là chấp pháp. Nói cho các anh rõ, Chúa Giêsu nằm tù, tôi cũng còng tay tống cổ vào cachot.

Hai Phận biểu diễn quyền uy Cộng sản. Bạn cần suy nghĩ câu nói của Hai Phận vĩ đại. Và bạn sẽ nhận diện những vị anh hùng tù ngục Cộng sản thoát ra ngoại quốc ồn ào. Một trong những vị anh hùng phét lác ấy là Đoàn Văn Toại, người đã làm... kiến nghị và lấy chữ ký của hàng trăm tù nhân!

Bốn ngày ở 5 C-2 chưa quen hết tù nhân, tôi bị trở lại 1 C-1. Rồi vừa mới treo xong hành lý, tôi lại được gọi: “Vũ Mộng Long, chuẩn bị rời phòng. Khẩn trương”. Tôi sang 3 C-2 với Nguyễn Hữu Miên. Ở đây, tôi gặp nhóm Trịnh Hùng Dần, Thịnh, Dũng cận và Mai Viết Dũng vượt biên đường bộ bị bắt tại Quảng Trị. Các bạn trẻ kể tôi nghe những nhà tù dọc quốc lộ số 1. Ở đây tôi gặp người anh kết nghĩa Khai Trí. Ở đây, thú vị nhất, tôi gặp Lê Xuyên và Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh. Chức sắc của 3 C-2 nghiêm chỉnh, đúng ý Nội quy. 3 C-2 không có can phạm hình sự. Đa số là can phạm vượt biên. Khu C-2 bí hơn C-1. Tường xây sát khít mái tôn, bít kín lối vào của dưỡng khí. Thời gian này, đề lao tiếp nhận thêm can phạm từ các quận gửi tới. Con số tù nhân ở mỗi phòng trên 50. 50 ổ bánh mì trong lò. 50 con cá mòi trong hộp sắt.

Tôi được an ủi nhiều nhờ nằm cạnh Lê Xuyên. Tác giả Rặng trâm bầu đã nằm đề lao Gia Định thời cách mang Nhân Vị. Anh bị ông Diệm bắt về tội Đại Việt và tuần báo Tự Quyết. Người quốc gia bắt nhốt người quốc gia. Cần Lao bắt nhốt Đại Việt. Bây giờ, Cộng sản bắt nhốt hết. Ra tù cách mạng Nhân Vị, Lê Xuyên viết Chú Tư Cầu trên nhật báo Saigon Mai sau chính biến 1960. Anh nổi tiếng từ đó. Và từ đó, anh mưu sinh bằng nghề văn, nghề báo, rời bỏ chính trị. Lê Xuyên hiền lành, thành thật, ít nói và... nhút nhát, khác hẳn những sôi nổi tình dục trong tiểu thuyết của anh. “Văn là người”, câu này không đúng với trường hợp Lê Xuyên. Nó đã chẳng đúng với trường hợp Vũ Trọng Phụng. Nó không đúng với nhiều nhà văn Việt Nam. Lê Xuyên dạy tôi bài học này: “Công việc là công việc. Bất cứ công việc nào, ở bất cứ đâu, một là không thèm làm, khước từ nó đến nơi đến chốn hoặc là làm việc đến nơi đến chốn. Đứng nghĩ ai giao phó công việc, hãy nghĩ việc làm. Việc nhỏ, việc bị cưỡng bức làm chu đáo sẽ làm nổi những việc lớn, những việc tự nguyện”. Lê Xuyên đã trung thành với lời anh nói. Anh là người thư ký toà soạn mẫn cán nhất, gương mẫu nhất Việt Nam: Đến sớm, về muộn, bám sát toà soạn. Anh là người tù biết sống đời tù: Thà ngồi bó gối dựa lưng, không nằm ngủ; trực sinh lau rửa cầu tiêu sạch nhất phòng. Kẻng báo thức sáng, Lê Xuyên dậy giũ chiếu đợi trực sinh quét bục nằm. Rồi anh tắm gội. Và ngồi bó gối. Lê Xuyên chỉ nằm vào giờ ngủ, dẫu không ai bắt anh ngồi- Anh vấn thuốc rê bằng giấy báo, hút liên miên. Người tù thản nhiên Lê Xuyên không bao giờ thở dài, không hề nôn nóng ngày thăm nuôi. Nhận quà sớm, anh bảo “Vợ tôi thắng bài bữa nay”. Nhận quà muộn, anh bảo “Vợ tôi thua bài bữa nay”. Luôn luôn, chú Tư Cầu nhận quà vào giờ chót.

- Nó bắt anh làm việc chưa, Lê Xuyên?

- Nó quên tôi rồi.

Tôi kể cho Lê Xuyên nghe chuyện làm việc của tôi. Anh lắc đầu:

- Ông bị... sao vàng chiếu kỹ. Từ ngày bị bắt, nó chưa gọi tôi lần nào.

- Tự khai?

- Chưa.

- Chụp hình, lăn tay?

- Một lần, bên Sở. Nó bảo tôi viết lý lịch. Thế thôi.

Lê Xuyên không thắc mắc. Cuối tháng 1-1977, tôi tạm biệt anh, chuyển phòng. Cuối tháng 9- 1981, hay tin tôi được tha, vợ chồng Lê Xuyên đến thăm tôi. Hỏi chuyện cũ, anh kể:

- Ngày các ông sang Chí Hoà, tôi biết. Sau ngày đó, Hai Nghiêm gọi tôi ra. Nó hỏi tôi: “Anh viết bao nhiêu cuốn sách”? Tôi nói tổng số. Nó dọa tôi: “Mỗi cuốn sách của anh là 2 năm tù, anh về suy nghĩ đi”! Tôi về. Hôm sau, tôi nhận Giấy ra trại.Ông thấy ly kỳ chưa?

Ly kỳ thật. Nhưng đó là chuyện 1981. Chúng tôi đang ở 3C-2 tháng 1 năm 1977. Người buồn bã đến rã rượi là Nguyễn Viết Khánh, nguyên Tổng thư ký Việt Tấn Xã, chuyên viên bình luận thời sự quốc tế. Anh ta đã cai thuốc phiện từ lâu và hút lại từ 1-5-1975 và yêu cô học trò báo chí. Anh giã từ cả Phù Dung tiên nữ lẫn người tình cuối đời mà vào tù cởi trần mặc xà lỏn, ăn cơm hẩm với canh rau muống già nấu với muối. Nguyễn Viết Khánh người không bao giờ sang được nước Mỹ, vẫn cay cú cái danh sách nhà văn, nhà báo xin di tản lập tại Usis Saigon đã lọt vào tay Sở Công An. Và Hai Nghiêm đã cầm danh sách đó, chỉ mặt từng nhà văn nhà báo mà hắn làm việc mà kết tội tay sai của CIA. Để quên rã rượi, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh “quay phim” cho anh em nghe. Nghề này của Hoàng Anh Tuấn 1. Anh Khánh đọc nhiều truyện khoa học giả tưởng, anh kể rất hấp dẫn. Với tôi, anh thuật những kỷ niệm, những cuộc tình của anh ở Nhật, ở Saigon.

Người sầu não vẫn là Khai Trí Nguyễn Văn Trương. Anh ta gửi mua cả quầy chuối treo sát tường. Vốn cao lớn và hơi hơi gù, anh ta giống con gấu. Khai Trí dựa lưng vào tường, quầy chuối trên đầu anh, chân anh duỗi dài, tav anh chống bục nằm. Sức nóng của phòng giam làm chuối mau chín. Và chuối đã lần lượt rụng xuống bụng anh khi anh nhắm mắt. Cái nghĩa của phù ảo được sáng tỏ ở đây. Chuối rụng mà trái sầu vẫn xanh. Vương Khải vào tù. Thạch Sùng vào tù. Thiên hạ còn kèn cựa nhau, còn bước qua xác nhau làm giầu, chẳng bao giờ nghĩ cái bất ngờ 30-4-1975 không hứa hẹn chỉ một lần trong đời sống.

Người ta đã thả hai phần ba nhà văn, nhà báo bị bắt trong chiến dịch 2-4-1976 về ăn Tết Giải Phóng năm thứ hai. Những người còn nằm lại:

Doãn Quốc Sĩ
Như Phong
Lê Xuyên
Nguyễn Mạnh Côn
Trịnh Viết Thành
Tô Ngọc
Đằng Giao
Trần Dạ Từ
Nguyễn Hải Chí
Hồ Văn Đồng
Thái Thủy
Mặc Thu
Thanh Thương Hoàng
Mộc Linh
Duyên Anh
Thế Viên
Nguyễn Sĩ Tế
Nguyễn Viết Khánh
Mai Đức Khôi

Cùng với tin vui này, nhóm Trịnh Hùng Dần và Nguyễn Hữu Miên đi lao động cải tạo. Chế độ bắt thêm Hoàng Hải Thủy, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Thụy Long. Thủy có mặt ở cachot khu B. Toàn có mặt ở 4 C-2. Long bị nhốt ở nơi khác. Tôi lại bị tống về 1 C-1. Bây giờ, 1 C-1 hoàn toàn mới với các tù nhân mới tôi chưa từng ở chung phòng. I C-1 với tôi nhiều duyên nợ. Về 1 C-1 lần này, tôi gặp gỡ nhiều khuôn mặt. Hoàng tử cachot đề lao là Dương Đức Dũng, trung úy, sĩ quan báo chí Quân đoàn 4, khước từ diện học tập cải tạo, thành lập nhóm chống cách mạng với Đoàn Kế Tường, Lương Việt Cương, có cụ Phan Vô Kỵ cố vấn. Nhóm bị Đỗ Hữu Cảnh, luật sư, bạn thân của Dương Đức Dũng lùa vào với Mai Chí Thọ trọn ổ.

Dũng kể cho tôi nghe những cachots, những kiểu còng anh ta đã chịu đựng. Anh ta biết” tôi là... Bộ trưởng (!) của “nội các” Đinh Xuân Cầu". Tôi không muốn làm anh ta thất vọng nên im lặng chuyện tôi bị Trương Phiên bịp. Ngoài Dương Đức Dũng là vô số sinh viên, học sinh can tội phản động. Được sống với họ rất thú vị. Tôi chợt nẩy mầm mơ ước viết về họ, mai này. Những Đặng Cơ Bản, Ngô Tỵ, Nguyễn Hữu Trí, Nguyễn Khánh Long, Hoàng Sơn Trường, Đinh Cường... Tôi nằm cạnh nhà tỷ phú Phạm Quang Khai với ông cháu không thích ông bác chúa tầu. Có thêm “giáo sư” hồi chánh Phạm Thành Tài và người Cộng sản nằm vùng mất phẩm chất Nguyễn Văn Nha ở 1 C-1.

Thời gian này, Doãn Quốc Sĩ đã chuyển cachot. Cachot số 1 khu C-l nhốt Nguyễn Việt Hưng. Từ cachot 1 đến cachot 7 dành riêng cho can phạm vụ Vinh Sơn. Ali Hùng nằm cachot số 3. Đinh Xuân Cầu bị xích chân, còng tay “trụ trì” cahot số 8.

Tôi ăn Tết Giải Phóng năm thứ hai tại 1C-1. Năm ngoái, các bạn trẻ kể, ngày mồng một, đề lao cho phép tù nhân đi các khu chúc tụng nhau. Các bạn trẻ đã ôm đàn guitare hát những bản chính huấn 2 nuôi chí phục hận. Rút kinh nghiệm, năm nay, khu nào gặp khu ấy và cấm đàn, cấm hát, cấm chào cờ... Cửa gió cachot mở hết. Vệ binh ôm súng canh ở đầu khu. Tù nhân được tự do trò chuyện 10 phút. Tôi đã lợi dụng lúc ồn ào, tấp nập, “mừng tuổi” ông Đinh Xuân Cầu 10 đồng và cho ông ta biết tôi đã gặp mặt Trương Phiên, ông Cầu xin lỗi tôi. Ông bảo Trương Phiên đã được thả và quả là nó đã bịp nhiều người. Tôi lại có phen đi chống Cộng với một anh ngây thơ và một thằng bịp trong hoàng hôn chống Cộng. Từ đấy, tôi nghi ngờ tất cả những hạng lãnh tụ chống Cộng già nua. Ở bất cứ nơi nào họ tá túc trên trái đất, họ nên chấm dứt cái “sứ mạng” của họ đi. Họ đã trải dài cái “sứ mạng” mọc rêu của họ ròng rã mấy chục năm, rốt cuộc, Đất đã ủng và Nướcđã tù. Họ đầy rẫy mặc cảm thua kém Cộng sản và đầy rẫy tội lỗi, tội ác với dân tộc, nên rút vào bóng tối. Cuộc chiến đấu tiêu diệt chủ nghĩa Cộng sản giải thoát quê hương hôm nay phải là của tuổi trẻ, của sư tử sừng sững, không mảy may tự tị mặc cảm khi đương đầu kẻ thù, không mảy may tội lỗi với tổ quốc. Phải để mặt trời tuổi trẻ đốt cháy dĩ vãng bệnh hoạn, mở đường tương lai cho dân tộc. Và tuổi trẻ cần phóng lên phía trước, cần nắm chặt vận mệnh đất nước mình. Giờ cáo chung của lãnh tụ già đã điểm hồi 10 giờ ngày 30 tháng 4 năm 1975. Tuổi trẻ không đuợc phép để bị lãnh tụ khốn kiếp lửa gạt niềm tin, bịp bợm thiện chí. Tuổi trẻ phải biết phóng lên bầu trời những tín hiệu chống Cộng mới. 1986 năm trước, Jesus đã phán: “Cỏ dại chỉ phá hại mùa màng. Thì nhổ hết lên mà đốt để có mùa gặt hái tốt”. Cỏ dại chính là bọn lãnh tù già nua chống Cộng của nước Việt Nam. Họ không có kinh nghiệm gì cả. Kinh nghiệm của họ là chạy dài chạy dài, chạy dài từ 1945 đến 1975. Những kẻ chưa một lần thắng, không có quyền nói kinh nghiệm thua, Nhưng có một thứ kinh nghiệm bịp! Đã đến lúc tuổi trẻ làm mũ đội lên đầu mình chưa? Hay vẫn cứ thích làm guốc cho lãnh tụ cỏ dại?

Tôi về phòng nằm dài suy nghĩ về sự “xin lỗi” của ông Đinh Xuân cầu. Tôi bỗng khen tôi có mấy câu thơ hay trong bài thơ dài mà tôi không nhớ hết. Đại ỷ của bài thơ 3 “Thằng bé tôi nhà quê, mong Tết để có nhiều tiền mừng tuổi. Thằng bé mặc quần áo mới lên đình chơi xuân. Gặp chiếu bầu cua tôm cá. Nhập cuộc. Bị cò mồi dụ vào cửa của nó. Thằng nhỏ rồi cháy túi. Thằng bé lớn lên, học đòi làm chính trị. Bị cò mồi vét cạn niềm tin. Tôi khen tôi để vỗ về tôi:

Tổ guốc mình đó em

Anh đi làm lịch sử

Với bọn cò mồi hèn

Thấy thiên đường đổ vỡ
Anh còn gì đâu em
Anh còn gì cho em
Cái “Còn gì” chỉ là niềm bất mãn chung thân tạo ra những ngộ nhận khiến vàng vọt tâm sự, hắt hiu đời mình.
--------------------------------
1
Hoàng Anh Tuấn giết thì giờ bằng cách kể lại những phim anh đã coi cho các bạn trẻ nghe.
2
Những bài ca của Cục Chính Huấn Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
3
Đăng trên báo Sống số Tết 1965.

CHƯƠNG 18

Ba ngày Tết, các tù nhân nguy hiểm ở cachot được “giải phóng” xiềng xích. Nguyễn Việt Hưng, tướng Phục Quốc Nguyễn Việt Hưng, thường đứng dán mặt vào ô cửa nói chuyện với chúng tôi. Các bạn trẻ của 1C-1 đấu ào ào, bất chấp Nội quy. Ổng Hưng hỏi thăm tôi chuyện “nội các” Đinh Xuân Cầu khiến tôi tê tái. Ở đề lao Gia Định, tất cả can phạm phản động đều quý mến ông Đinh Xuân Cầu. Chuyện Hai Nghiêm mỉa mai ông “Mặt anh mà đòi làm thủ tướng à?” đã thành giai thoại ở đề lao. Ông Cầu đang nằm tại 7C-2, vào cachot vì Sao giò trốn trại. Sau ba ngày Tết, Nguyễn Việt Hưng bị máng chân vào cùm ở ngay tường, ông ta phải nằm ngửa suốt ngày đêm, trừ hai bữa ăn. Tù nhân vụ Vinh Sơn có người nhái AIi Hùng thổi sáo tuyệt diệu. Về khuya, Ali Hùng trổ tài Trương Lương. Tiếng sáo của anh ta buồn não nuột. Cả khu C-1 thức nghe anh ta thổi sáo. Trong hơi sáo sầu của Ali Hùng, chợt nổi lên một giọng nữ gai góc từ khu B vọng sang “Báo cáo cán bộ phòng 4 có người bệnh nặng”, tưởng chừng nhạc thiều âm ty. Tôi đã sống những phút giây hãi hùng và kỳ ảo đó. Nghĩa đời không phải ở đấy. Nhưng ở đấy, người ta tìm thấy nghĩa đời.



Hạ tuần tháng 2-1977, Toà án Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh xử vụ Vinh Sơn. Sáng sớm, mỗi tù nhân được phát một ổ bánh mì rồi bị xích chân còng tay đưa tới Tòa án. Buổi chiều được dẫn về. Nguyễn Việt Hưng, Ali Hùng, linh mục Nguyễn Vãn Nghị, linh mục Nguyễn Văn Chức, thiếu tá Tiếp và hai người tôi không biết tên ở cachot 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 đã hầu toà ba ngày liên tiếp. Buổi chiều cuối cùng của phiên tòa chung thẩm, khi trở lại cachot Nguyễn Việt Hưng dơ ba ngón tay rồi dùng gan bàn tay chặt lên gáy mình, ông ta báo tin có ba tù nhân bị xử tử. Vài hôm sau, bẩy tù nhân vụ Vinh Sơn chuyển cachot. Chúng tôi hết được nghe Ali Hùng huýt sáo đêm khuya. Bẩy cái cachots dành cho tù nhân mới mà hai cái là nơi “ngự trị” của hai nữ hoàng cachot Hoàng Thị Nga và Ngô Thị Lan. Doãn Quốc Sĩ, hình như, ở cachot số 9. Tôi lại bị gọi sang khu A làm việc với chấp pháp số 11, người Thanh Hoá.


Chấp pháp số 11 yêu cầu tôi bổ sung bản tự khai liên hệ với văn nghệ sĩ Hà Nội. Hắn muốn biết ngoài tôi còn anh em nào thù tạc văn nghệ sĩ Hà Nội không và tôi nghe thấy gì do anh em khác kể lại. Bản tự khai bổ sung rất ngắn. Vì tôi không biết, không nghe, không thấy. Chấp pháp số 11 nhã nhận. Hắn không hạch hỏi. Tôi viết buổi sáng là xong. Buổi chiều hắn mạn đàm:

- Anh Duyên Anh, tại sao anh giao du nhiều mà chỉ khai có một bạn thân.

- Tôi ít bạn.

- Tại sao?

- Vì tôi ưa viết báo công kích, không ai thích thân với tôi.

Câu trả lời của tôi hợp lý quá. Chẳng còn gì nhảm hơn là khai hết tên bạn bè để làm phiền họ, nhỡ họ bị công an chiếu cố. Mà thực ra, bạn thân đúng nghĩa trước 1975, tôi chỉ có một người. Là Đặng Xuân Côn. Ngày Đặng Xuân Côn vượt biên, tôi bị hạch hỏi, bị quay chóng mặt- Như ngày Nhật Tiến vượt biên, dù đã được tha, Nguyễn Đình Toàn vẫn bị gọi lên Sở Công An viết... tự khai.

Chấp pháp số 11 không yêu cầu gì thêm, hỏi vẩn vơ hai ba câu rồi nói chuyện văn nghệ... tiền chiến. Tôi làm việc với hắn vỏn vẹn một ngày. Bất thình lình, 1C-1 bị giải tán. Từng nhóm, từng nhóm, tù nhân khăn gói quả mướp chuyển tới các phòng ở khắp đề lao. Tôi vào tuốt 7C-1, phòng giam tăm tối và hôi hám. Vì cần tiến nhanh, tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa nên ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh đã xây cái chuồng heo tại góc sân sát vỉa hè Phan Đăng Lưu, sát tường sau 7C-1. Tù nhân tha hồ hít thở phân tiểu heo cách mạng, hương thơm của chủ nghĩa ưu việt. Tôi “tái ngộ” vua cachot Đoàn Kế Tường ở đây. Ở đây, đầy đủ mặt phản động. Già có cụ Cao Văn Diên, cụ Trần Văn Liễu, cụ Nguyễn Văn Thông. Trẻ có Hoàng Sơn Trường, Đinh Cường, Nguyễn Hữu Trí. Tư sản mại bản có Đỗ Bá Thúc đã từng làm Thứ trưởng thời Diệm và dạy ở trường Luật. Linh mục Phạm Minh Thiện cũng về 7C-1 “họp đàn”. Ngoài phản động còn có vài tù nhân vượt biên, vài cảnh sát đặc biệt trốn trình diện. Sĩ quan mới phải trình diện. Riêng an ninh quân đội, cảnh sát đặc biệt, hạ sĩ quan cũng phải trình diện học tập cải tạo. Và Phủ trung ương tình báo thì anh gác cổng, anh bưng nước đều... tình báo hết. Ra đi lâu về. Hoặc ra đi không về. Trưởng phòng tên Nguyễn Văn Mâu do Hai Phận chỉ định. Tôi đã có tí chức tước: Thư ký tù, chuyên viết biên bản các buổi họp cuối tuần và lập danh sách mua hàng chợ.

Hai Phận sáng tạo kiểu điểm danh mới. Ngày hai lần, sáng và chiều, hắn bắt tù nhân ra xếp hàng đôi ngay ngắn. Trưởng phòng hô “nghiêm” rồi báo cáo:

- Báo cáo ông Trưởng khu, phòng 7 hiện diện 56 người đủ.

Hai Phận vĩ đại hất tay:

- Được.

Chúng tôi lần lượt dơ tay đọc số, đọc tên và vào phòng. Hai Phận mở cuộc thi đua vệ sinh, ngăn nắp cho tù nhân. Khẩu hiệu của hắn: “Bỏ cờ trắng, vượt cờ xanh, giành cờ đỏ”. Điểm danh cũng được tính điểm thi đua. Tù nhân thi đua ở tù! Nhờ màn thi đua nên có cuộc họp trưởng phòng toàn khu. Thư ký đi ghi chép biên bản. Tôi được gặp Mặc Thu Nguyễn Viết Khánh, Thanh Thương Hoàng và được biết anh em của tôi đã “họp đàn” hết tại đề lao Gia Định, Đủ mặt. Lúc này, Hai Phận vĩ đại thống lãnh lưỡng khu C-1, C-2. Chúng tôi có một tháng thi đua. Phái đoàn trưởng phòng tham quan các phòng và... chấm điểm. Tù chấm điểm tù. 7C-1 cầm cờ trắng hạng bét vì toàn mùi phân heo và mùi ghẻ mủ. Hai Phận chửi chúng tôi ăn ở bẩn thỉu. Hắn ví chúng tôi với heo và ra lệnh cho chúng tôi “phải khắc phục mùi phân heo”!

Năm 1977 có hai biến cố. Biến cố thứ nhất: Toàn dân ăn độn. Biến cố này được dân gian đánh dấu bằng lời ca số 2 của ca khúc Miền Đông đất đỏ:

Ai đã qua miền Đông đất đỏ


Xem xe chở vào thành phố khoai mì

Cả khoai lang và rồi thì khoai bí

Dân mình xếp hàng mua kí về ăn

......

Tổ quốc ơi!
Ăn khoai mì ngán quá
Từ giải phóng đến nay
Ta ăn độn dài dài
Từ giải phóng đến nay
Ta ăn độn bằng khoai...

Hai Phận “triệu tập” một phiên họp “đột xuất”. Các trưởng phòng và thư ký đi phó hội. Hai Phận buồn bã nói:

- Trung Quốc nó đòi nợ, ta phải trả nợ nó, ta không thèm khất nợ, ta trả hết, trả khẩn trương. Do đó, từ mai, các anh sẽ ăn độn. Các anh khắc phục ăn khoai, ăn sắn nhé! Cũng đầy đủ vi-ta-min. Đấy, gà nó ăn ngô béo ra phết. Lợn nó ăn khoai thịt vẫn ngon.


Chúng tôi không dám cười. Hai Phận đau đớn:

- Người ta cứ bảo đất miền Nam tốt, làm không ăn có, ném thóc giống rồi nhắm mắt chờ mùa gặt. Thế mà từ giải phóng, hết hạn hán lại lụt lội...

Hai Phận vò đầu bứt tóc.

- Trời hại ta, trời cũng theo đế quốc Mỹ!

Tôi thấy Hai Phận đích thực vĩ đại hơn Hồ Chí Minh vĩ đại. Hắn trấn an chúng tôi:

- Nhưng ta đã có mỏ dầu hỏa ở Tiền Hải, Thái Bình. Mỏ ngay trên đất, không cần giàn khoan, không cần nhà máy lọc...

Biết rồi, khổ lắm, nói mãi. Hai Phận đã dạy bài này bên Sở Công An. Hắn dạy lại.

Hai Phận, tinh hoa của cộng sản đấy. Chúng tôi đã được học tập cải tạo tư tưởng như thế với những ông thầy như thế. Sau buổi họp “chuẩn bị tư tưởng” ăn sắn, ăn khoai, chúng tôi ăn sắn, ăn khoai thay cơm. Tại sao Hai Phận phải “triệu tập” cuộc họp “đột xuất”? Vì đề lao Gia Định là đề lao kiểu mẫu của thành phố. Chế độ muốn làm dáng dân chủ trong nhà tù. Đã xẩy ra một lần cơm đầy thóc, nhiều phòng... tuyệt thực. Tù nhân phản đối: Chúng tôi không giống gà. Chấp pháp phê bình quản giáo, thay đổi một trưởng khu. Họ sợ giữa thành phố, tù nhân nổi loạn sẽ tạo tiếng xấu cho cách mạng.

Biến cố thứ hai: Nổ kho đạn ở Long Bình. Tù nhân sung sướng, tưởng chừng sắp xô gục cửa ngục mà ra. Cả buổi chiều, hành lang vắng bóng công an. Đạn nổ ầm ầm. Nhưng đâu lại vào đó. Đạn ngưng nổ, ước mơ của tù nhân tắt lịm. Ngoài đời, dân gian cũng tuyệt vọng không kém. Những tù nhân “to tiếng bàn luận” vụ nổ bị làm kiểm điểm, bị cúp thăm nuôi. 7 C-1 bình yên nhờ “lãnh tụ” Đoàn Kế Tường bảo anh em “im lặng” nghe đạn nổ. Sinh hoạt đề lao bình thường.

Thêm một sáng tạo ăn. Nghe đồn Đức Giáo Hoàng bán đấu giá vương miện lấy tiền mua bột mì tặng tù nhân chính trị Việt Nam. Đề lao xây lò bánh mì. Bánh mì đề lao thiếu bột nổi. Ăn nóng thì rát họng, ăn nguội thì mỏi răng. Để đến ngày mai thì y hệt cái giầy tã. Bèn đề xuất bánh tầm bì không bì heo. Rồi bánh cuốn. Rồi mì sợi nấu với nước muối. Mì sợi bị chê, đề lao trở về cơm hẩm. Tiêu chuẩn ca đầy ngọn chì còn lưng ca.

Đúng dịp cơm tù bị bớt để trả nợ chiến tranh giải phóng, Doãn Quốc Sĩ ra cachot sau 11 tháng “thiền” trong bóng tối. Anh về 6C-1 ở chung với Thái Thủy. Tôi bị đuổi qua 3C-1. Thời gian ở 7C-1, Đoàn Kế Tường tả cho tôi nghe các cachots anh đã nằm, các hình phạt anh đã chịu. Hồi ở 5C-2, tôi đã chứng kiến Đoàn Kế Tường chửi quản giáo Hùng kẽm gai. (Hùng mở cửa cho cơm vào phòng. Một tù nhân thấy thùng canh rau muống già, ngao ngán nói: “Lại canh kẽm gai”. Hùng bắt bẻ. Tù nhân tặng nó biệt danh Hùng kẽm gai). Hùng kẽm gai báo cáo Hai Phận. Hai Phận đến tận phòng hỏi:

- Đứa nào dám chửi cán bộ cách mạng dã man?

Đoàn Kế Tường đáp:

- Không có đứa nào cả. Tôi đây. Nội quy cấm ông ăn nói lỗ mãng.

Hai Phận nổi giận:

- Nội quy của ai?

- Của nhà tù. Tôi đọc cho ông nghe: “Can phạm gọi cán bộ là anh xưng tôi. Cán bộ gọi can phạm là anh xưng tôi”.

- Anh dám chửi cán bộ.

-Tôi chửi luôn chế độ dã man!

Hai Phận bắt Đoàn Kế Tường ra làm việc. Vị anh hùng đề lao Gia Định, người nằm cachot bị ra phòng tập đã đập cửa hò hét xin trở lại cachot, đâu ngán cachot.

Tù nhân ở C-2 phục chàng quá. Hai Phận làm việc xong, đưa chàng về. Hắn cho chàng gặp vợ con. Hắn cho chàng khiêng đồ ngày thăm nuôi. Hắn cho chàng chế thuốc ở Y Tế. Chàng nóng tính đánh nhau với ai, kẻ bị chàng đánh đi kỷ luật, chàng bình yên.

- Đang là anh hùng, em trở thành “ăng-ten” anh ạ! Cộng sản thâm hiểm thật.

Cộng sản thâm hiểm, dĩ nhiên. Hạ gục uy tín vị anh hùng, tạo mâu thuẫn để tín đồ bôi bẩn thần tượng rồi bỏ rơi thần tượng. Lúc ấy, thần tượng đã nhào, anh hùng đã hèn mọn! Thay vì người ta “học tập" thủ đoạn cộng sản, người ta chỉ nghị luận “ăng-ten”. Người ta khó mà khôn lớn, dẫu nằm tù cộng sản suốt đời.

Đến 3C-1, tôi gặp cụ Đỗ Văn Lựu, nhạc phụ của tướng Phạm Văn Phú. Vị đại tá Ngự Lâm Quân này, thời còn đeo lon trung úy, đã đóng ở tô giới Thượng Hải, đã có những trang tình sử với các kiều nữ Tô Châu. Trung thành với Bảo Đại, cụ Lựu chống Ngô Đình Diệm, bị Diệm bỏ tù. Hôm nay, cụ vào tù cộng sản về tội phản động, về tội phó thủ tướng chính phủ Liên Bang Đông Dương. 1 Tôi gặp Hoàng Mạnh Hùng, tiến sĩ, giáo sư đại học Bách Khoa. Tôi gặp Ngô Tỵ, Nguyễn Khánh Long. Tôi gặp Tổng giám đốc nhà phát hành Nam Cường. Tôi gặp Đặng Hải Sơn. Tôi gặp nhóm bạn trẻ Song Vĩnh. Tôi gặp cụ Nguyễn Đồng chăn bò làng Song Vĩnh bỗng trở thành đại phản động. Trưởng phòng 3C-1 là gã Việt cộng gốc Quảng Nam. Tôi quên họ của hắn, chỉ nhớ hắn tên Đoan. Hắn vào tù vì tội tham nhũng. Đoan tập kết trở về. Trong số các trưởng phòng tôi biết, Đoan là thằng khốn nạn nhất. Giữa hắn và tù nhân có một sự cách ly ngấm ngầm. Chúng tôi không nói chuyện với hắn. Đoan cấu kết với tên Ba, can tội vượt biên. Không khí 3C-1 căng thẳng. Hắn bắt chúng tôi thay phiên nhau đọc báo Nhân Dân và phát biểu cảm tưởng những gì mình thu hoạch. Giờ đọc báo, Đoan quan sát các tù nhân có ngủ gục. Hắn yêu cầu ngồi nghiêm chỉnh nghe báo Đảng. Những giờ hành chính, tù nhân không được nằm.

Các bạn trẻ 3C-1 thường tụ tập quanh tôi nghe “quay phim” Đông Chu Liệt Quốc, Hán Sở Tranh Hùng. Và tôi bị Đoan báo cáo là tuyên truyền phản cách mạng, bị Hai Phận gọi ra nạo dũa tơi bời. Không sao, bù lại tôi gặp Nguyễn Văn Quả, 2 binh nhì Thủy quân Lục chiến, hiền như đất, nói ngọng níu lưỡi mà dám làm phản động có đại liên, có tổ chức. Tôi yêu những người như Quả biết mấy. Đi chiến đấu là để chiến đấu. Thế thôi. Khác hẳn những ông sư đoàn trưởng Phục Quốc Quân vốn đeo lon hạ sĩ, trung sĩ của quân lực Việt Nam Cộng Hòa. A, tôi còn gặp Quang dù (anh ta bảo anh ta là đại úy), người thấp, ngực đầy lông, chân mang thương tích, nắm chức vụ Tư lệnh Lực Lượng Kháng Chiến thủ đô. Anh em quen gọi đùa Quang dù là ông Đô trưởng. Đô trưởng rất ham nói, dẫu nói nhăng nói cuội, và rất dễ chọc giận. Anh ta bị quân báo bắt, bị nhốt ở Tô Hiến Thành, bị đánh sưng phổi. Vài hôm quen với 3C-1, Hoàng Mạnh Hùng 3 sang chỗ tôi tâm sự còm:

- Trước ngày bị bắt, tôi định đi gặp ông?

- Làm gì?

- Mời ông xuất ngoại với chúng tôi.

- Để làm gì?

- Chiến đấu!

A, lại thêm một người mời tôi chống cộng vào lúc “trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn.”

- Chừng đi gặp ông thì hay tin ông đã bị bắt.

- Và ông cũng bị bắt.

- Không ngờ gặp ông tại phòng này.

Hoàng Mạnh Hùng du học ở Mỹ về. Anh ta đã từ chối không nhận chức thứ trưởng Văn hóa Giáo dục của chính phủ Thiệu. Quốc gia cực đoan như Duy Dân, anh ta xếp các chính phủ Việt Nam từ sau 1945 là ngụy quyền. Để tiện phân biệt, anh ta chia hai: Hà Nội phỉ quyền, Saigon ngụy quyền. Anh ta muốn chiến đấu cho một chính quyền. Và như thế, cần thiết cuộc chiến đấu phải mới, thật mới với tư tưởng mới và lãnh đạo mới. Tôi đồng ý. Chúng tôi trở thành thân. Tôi bắt đầu sống bằng ước mơ ở 3C-1. ít nhất còn một người hiểu giá trị tung hoành của ngòi bút của tôi. Tôi kể cho Hoàng Mạnh Hùng nghe “nội các” Đinh Xuân cầu. Anh ta nói:

- Cộng sản đã lưu manh hoá thị dân miền Bắc và cả nông dân miền Bắc nữa. Mỹ và ngụy quyền đã lưu manh hóa thị dân miền Nam, bây giờ, thêm cộng sản. Chúng ta phải nghĩ đến nông dân miền Nam còn chân thật mà chiến đấu. Và phải quên những thứ Trương Phiên, Bùi Ngọc Phương nhan nhản cuộc sống hôm qua, hôm nay. Tôi chỉ còn tin đám trẻ. Ông đã đi nhiều phòng giam, chắc ông đã rõ, đám trẻ hào sảng và nhiệt tình vô cùng. Họ không biết thở đài.

Tôi ghi nhận điểm son chói lọi này.

- Tại sao trước 1975 ông không tìm tôi.

- Tôi ngại!

- Ngại gì?

- Ông cao ngạo bỏ mẹ đi ấy, tìm ông sợ bị ông đồng hoá với bọn bẩn, ông chửi mất mặt. Nhiều người ghét ông vì ông cao ngạo!

- Ngộ nhận cả, ông ạ!

Chưa ai gặp tôi nói chuyện có ý nghĩa cho cuộc đời phải thất vọng về tôi hết. Người ta không gặp tôi rồi bảo tôi cao ngạo! Một lần, người ta đề nghị tôi vào ban giám khảo văn chương toàn quốc, tổng trưởng Ngô Khắc Tinh nói: “Đừng đừng, ông ta nhận không sao nhưng ông ta từ chối, ông ta sẽ chửi bới um sùm.” Toàn tưởng tượng rồi ghim thành kiến xấu. Lại một lần, có ông tướng hồi hưu muốn ra nhật báo, nhờ người kiếm tôi làm chủ bút. Tôi đặt vấn đề lương: 200 ngàn một tháng. Đáng lẽ 150 ngàn thôi. Chủ nhiệm một tuần báo đi làm thuê cho chủ nhiệm một nhật báo phải 200 ngàn. Ông tướng đồng ý. Tôi đòi trả trước 5 tháng lương. Tại sao? Vì nhỡ báo ông xuất bản được hai tháng, cao hứng ông dẹp tiệm hay cạn vốn ông dẹp tiệm, tôi mất tiếng cần gỡ tiền. Làm báo phải chịu đựng, ít nhất, sáu tháng. Ông tướng lắc đầu và bảo tôi cao ngạo. Quyền lợi hợp lý mà cũng cao ngạo à? Thêm lần nữa, ông Nguyễn Văn Bé xuất bản nhật báo Thách Đố mời tôi viết vài mục. Tôi đòi 200 ngàn một tháng, đưa trước một tháng và sẽ viết từ số 2 nếu báo của ông ta đúng lập trường tôi đã đồng ý với ông ta. Ông Bé lôi tên tôi quảng cáo om sòm. Báo Thách Đố ra số 1. Đó là nhật báo đốn mạt, tôi không viết. Đem tên tuổi tôi quảng cáo đã đủ 200 ngàn. Chưa kể tôi sẽ kiện Thách Đố để Tô Văn viết bài ký tên tôi. Có gì đâu mà cao ngạo?

- Tôi nghĩ thế.

- Bây giờ ông còn thấy tôi cao ngạo không?

- Không, với tôi.

- Dĩ nhiên là với những người đừng để tôi coi thường, bất cứ nơi chốn nào. Tôi yêu và phục tất cả những người tài năng, những người có tâm hồn. Tôi ít học, có dốt nhưng không ngu. Nói chuyện với tôi vài câu là, hoặc tôi yêu mến, hoặc tôi khinh bỉ. Tôi không cao ngạo. Ai sống có chính kiến cũng đều giống tôi. Tôi không thích làm hòn bi với triết lý ba phải. Tôi chỉ có thể là nghệ sĩ là chiến sĩ mà không thể là chính khách hay chính trị gia. Tôi không thích làm vừa lòng mọi người. Với tôi, thiện và ác rõ rệt, xấu và đẹp phân minh, dối và thật sáng tỏ. Sự lầm lẫn của tôi là yêu ai thì yêu hết mình, ghét ai thì ghét hết mình. Tôi bằng lòng sự lầm lẫn đó và trung thành suốt đời với sự lầm lẫn đó. Bởi tôi không cần ai bỏ phiếu cho tôi.

- Người ta sẽ dùng ông như một kẻ châm lửa cho một phong trào.

- Ai là người ta?

- Tuổi trẻ có tâm hồn.

- Tôi rất mong được hầu hạ những người ấy. Những người ấy có quyền cưỡi lên lưng tôi. Tôi tình nguyện làm con ngựa già nhẫn nại. Những thằng lãnh tụ khụ khị thì đừng hòng. Chúng nó có gì hơn tôi? Và chúng nó cứ ghét tôi, cứ bảo tôi cao ngạo. Tôi phục vụ cho tương lai, không cho dĩ vãng.

Tháng 6-1977, một số bạn trẻ rời đề lao đi lao động cải tạo, một số bị chuyển phòng vì chống tên Đoan. 3C-1tiếp nhận người mới, có Nguyễn Văn Mẫn bộ đội đào ngũ (anh này đã ở với tôi tại 6C-1, 7C-1) và Lê Văn Nhân, trưởng phòng thương nghiệp. Anh Nhân “30 năm đời ta có Đảng,” tập kết năm 1954, về Nam năm 1975. Anh quê Rạch Giá, hồi hương giữ chức trưởng phòng thương nghiệp thành phố Hồ Chí Minh. Vợ anh người Hà Nội, cháu nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Muốn loại bỏ thành phần tập kết, chế độ lấy lý do anh ở nhà lầu, đi xe Fiat (của gia đình ở Saigon cho), chụp lên đầu anh ta cái mũ “mất phẩm chất cách mạng”, tịch thu thẻ Đảng, khai trừ anh ta ra khỏi Đảng rồi tống anh vào nhà tù. Khi khép cửa phòng lại, Hai Phận nói với anh ta:

- Bây giờ anh đã trở thành kẻ thù của Đảng, của nhân dân, anh hết là đồng chí của chúng tôi. Anh được đối xử như mọi can phạm.

Tình nghĩa và tình cảm cộng sản đó. Những anh chị cộng sản làm dáng, làm cảnh, vừa tích cực hoạt động Hội vừa nhẩy đầm nên suy nghĩ. “Ba mươi năm đời ta có Đảng” vẫn nằm tù. Thì cái thứ cộng sản dây máu ăn phần... về quê thăm nước ra cái gì nhì? Anh Nhân có vẻ khoái tôi. Tôi thì méo mó nghề nghiệp cứ thích “phỏng vấn” can phạm Việt cộng.

- Thật sự anh can tội chi?

- Chiến chinh đã tàn, cung nỏ đốt cháy. Đấy, tội của tôi. Chúng nó muốn người Bắc nắm mọi chức vụ.

- Bác Hồ dạy “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” mà?

- Ổng nằm hòm kính rồi.

- Anh tin ai nữa?

- Hết, tôi không tin ai nữa. Có mỗi thứ để tin là Đảng, Đảng chơi quá nặng tin ai bây giờ?

Cùng với anh Nhân, một đảng viên trung kiên cũng vô cachot đối diện 3C-1. Anh này tối ngày chỉ hát hai bài và mỗi bài hai câu:

Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng

Lời bác nay thành chiến thắng huy hoàng...



........


Chưa có hôm nào đẹp như hôm nay
Đất nước thanh bình lòng ta mê say

- Thằng ấy dân tập kết như tôi, anh Nhân nói.



Dân tập kết, giám đốc công ty xuất khẩu thảm Trương Văn Loan nằm ở 5 C-l, chủ nhiệm công ty ăn uống quốc doanh nằm ở 4C-1, vân vân. Anh Nhân thường để dành miếng cháy bữa chiều làm điểm tâm sáng sau. Lúc anh nhai cháy, anh nhìn tôi, nghẹn ngào hát: Chưa có hôm nào đẹp như hôm nay. Hoàng Mạnh Hùng bảo, cuộc chiến đấu mới cần mở rộng cho những Lê Văn Nhân tham dự. Họ đã thấm đòn cộng sản, họ sẽ phóng lên tuyến đầu. Tôi đồng ý. Nhưng sự đồng ý của tôi, sự gần gũi những người cộng sản đã “trở thành kẻ thù của Đảng, của nhân dân” đã làm khó chịu những người quá khích. Họ không muốn nhìn kẻ bị cộng sản khu trừ như một con người, con người đang khốn khổ như những con người trong ngục tù cộng sản, con người đang khao khát chiến đấu phục hận. Cái nhìn xa không giống cái nhìn gần. Cận thị và viễn thị khác nhau. Không giống và khác nhau tạo thành bất đồng quan điểm. Khi quan điểm bị nâng lên, sự bất đồng thay đổi triệu chứng. Cái triệu chứng khốn kiếp nhất là bôi bẩn nếu chưa quyền bính, là tàn sát nếu có quyền bính, Con người muốn sống đích thực với lòng mình thật khó. Nó sẽ cô đơn khôn cùng. Để thoát khỏi cô đơn, nó phải toa rập với đám đông thường là mê muội, độc đoán, ngu xuẩn. Thế thì con người chọn cái đích thực phải căng ra mà hứng những mũi tên tẩm thuốc độc. Hơn bất cứ ai, nghệ sĩ sáng tạo cần thiết cô đơn. Bởi vì, từ trong nỗi cô đơn, anh sẽ soi sáng được chân lý, anh sẽ dâng hiến cho đời sống những ý nghĩa mầu nhiệm về con người, về cuộc đời. Tôi bắt đầu chê bỏ thứ tiểu thuyết mua vui của các chuyên viên phơi-ơ-tông. Loại penilletonistes rỗng tuếch tư tưởng xem chừng đã lạc hậu ỏ cái thế lưu vong của chúng ta. Không thể réo gọi thời đại bằng nước mắt những cuộc tình lẩm cẩm. Cũng dễ hiểu thôi, loại này trăm năm chưa biết cô đơn là cái gì. Những kẻ ồn ào dễ a dua, toa rập. Họ cần có im lặng và bóng tối để truy nã bản thân mình.


3C-1 cho tôi nhiều suy nghĩ. Một trong những suy nghĩ của tôi là trường hợp ông Nam Cường. Vợ ông nằm vùng làm tới chức Phường trưởng. Ông vẫn đi tù. Trường hợp thứ hai không đáng suy nghĩ nhưng cũng nên nhắc: Ông Tư Bôn, giám đốc Việt Nam tổng phát hành, cậu ruột của Mai Văn Bộ, tê liệt ở đề lao Gia Định. Bộ vào thăm mà không thể xin cho cậu mình được tha. Bạn sẽ có một định nghĩa nào về tình cảm cộng sản?
--------------------------------
1
Sẽ viết chi tiết về Chính Phủ Liên Bang Đông Dương ở phần ba.
2
Năm 1978, Quả ra tòa cùng tổ chức, lãnh án 25 năm, bị đưa sang Chí Hòa.
3
Đã có mặt tại Santa Ana, California, USA.

1      2           4      5      6      7     8

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét