Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2014

CÀNG ĐỔI MỚI CÀNG GIẬT LÙI

Phạm Trần - Một loạt Hội nghị, Hội thảo, Cuộc họp về ba mũi nhọn “Đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa”, được đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức từ giữa năm 2013 nhằm thu góp thành tích 30 năm Đổi mới 1986-2016 cho Đại hội đảng XII, đã không tìm được lối thoát nào cho số phận nổi trôi vô định hướng của người dân và đất nước.

Việc này đã được chứng minh qua các cuộc thảo luận từ Trung ương về Địa phương với các bài phát biểu không có gì mới, nhằm khoe thành tích là chính và những hứa hẹn không có sức bẩy cho tương lai.

Tỷ dụ như ngay tại phiên họp đầu tiên ngày 25/09/2013 tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Ban chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận-thực tiễn qua 30 năm Đổi Mới (1986-2016), cũng chỉ nói chung chung những việc ai cũng đã biết từ năm 2011 khi ông Trọng lên cầm quyền: “Việc tổng kết tập trung vào các vấn đề cục diện thế giới và khu vực, những biến động gần đây và tác động đến Việt Nam, dự báo tình hình sắp tới; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam; giải quyết các vấn đề xã hội trong tình hình mới; bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; hội nhập quốc tế, đường lối và chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam; đổi mới hệ thống chính trị; xây dựng Đảng cầm quyền-đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng; việc giải quyết 8 mối quan hệ lớn đã đề ra tại Đại hội XI của Đảng.”

Vậy “8 mối quan hệ” này là gì?

Đó là:

1. Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị

“Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ của toàn Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; không dao động trong bất cứ tình huống nào. Kiên định đường lối đổi mới, chống giáo điều, bảo thủ, trì trệ hoặc chủ quan, nóng vội, đổi mới vô nguyên tắc.

Khẩn trương triển khai cụ thể hóa, thể chế hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XI. Gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn các nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt và phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội.”

2. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận

“Tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, làm sáng tỏ một số vấn đề về đảng cầm quyền, về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta và những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình đổi mới, không ngừng phát triển lý luận, đề ra đường lối và chủ trương đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước; khắc phục một số mặt lạc hậu, yếu kém của công tác nghiên cứu lý luận.... 

Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng, tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, cổ vũ động viên các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng... đối thoại trực tiếp với nhân dân, chủ động nắm bắt, đánh giá, dự báo diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và có biện pháp giải quyết kịp thời. Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta; khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên...”

3. Rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân

“Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, lâu dài của cán bộ, đảng viên, của các chi bộ, tổ chức đảng và các tầng lớp nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, thực sự là một tấm gương về phẩm chất đạo đức, lối sống. Cán bộ cấp trên phải gương mẫu trước cán bộ cấp dưới, đảng viên và nhân dân.

Cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Tổ quốc, trước Đảng và nhân dân, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Các tổ chức đảng tạo điều kiện để đảng viên công tác, lao động có năng suất, chất lượng, hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng.

Triển khai thực hiện tốt Quy chế dân vận trong hệ thống chính trị; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác vận động nhân dân. Định kỳ lấy ý kiến nhận xét của nhân dân về tư cách, đạo đức của cán bộ, đảng viên. Xử lý nghiêm mọi cán bộ, đảng viên vi phạm về trách nhiệm, phẩm chất đạo đức, lối sống.”

4. Tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị

“Tiếp tục xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và mô hình tổ chức của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Sớm tổng kết việc thực hiện sáp nhập một số ban, bộ, ngành trung ương để có chủ trương phù hợp. Kiện toàn, nâng cao chất lượng các cơ quan tham mưu, đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu, nhất là ở cấp chiến lược.

Tổng kết, đánh giá đúng thực trạng, đề ra các giải pháp củng cố và đổi mới mô hình tổ chức, phương thức hoạt động của các tổ chức đảng, nhất là của đảng đoàn, ban cán sự đảng. Tập trung chỉ đạo, củng cố những tổ chức đảng yếu kém; kịp thời kiện toàn cấp ủy và tăng cường cán bộ ở nơi có nhiều khó khăn, nội bộ mất đoàn kết. Coi trọng đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, tổ chức đảng, chất lượng tự phê bình, phê bình trong sinh hoạt đảng.

Thật sự phát huy dân chủ trong sinh hoạt đảng, từ sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy ở cơ sở đến sinh hoạt Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương; đồng thời giữ nghiêm kỷ luật trong Đảng. Thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ. Chống quan liêu, bè phái, cục bộ, địa phương, lối làm việc vô nguyên tắc, vi phạm kỷ luật, vi phạm dân chủ.”

5. Kiện toàn tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên

“Tập trung củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, tạo chuyển biến rõ rệt về chất lượng hoạt động của các loại hình cơ sở đảng, nhất là tổ chức đảng trong các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Kiện toàn tổ chức của hệ thống chính trị, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cấp ủy viên, trước hết là bí thư cấp ủy. Thực hiện trẻ hóa, tiêu chuẩn hóa, tăng cường bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ theo chức danh cán bộ cơ sở.

Đổi mới, tăng cường công tác quản lý, phát triển đảng viên, bảo đảm chất lượng đảng viên theo yêu cầu của Điều lệ Đảng. Xây dựng các tiêu chí, yêu cầu cụ thể về tư tưởng chính trị, trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức, lối sống của đảng viên đáp ứng yêu cầu giai đoạn cách mạng mới; phát huy tính tiền phong gương mẫu, chủ động, sáng tạo của đội ngũ đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những người không đủ tư cách đảng viên...”

6. Đổi mới công tác cán bộ, coi trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ

“Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ công tác cán bộ. Thực hiện tốt Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đổi mới tư duy, cách làm, khắc phục những yếu kém trong từng khâu của công tác cán bộ. Xây dựng và thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; trọng dụng những người có đức, có tài. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; khắc phục tình trạng chạy theo bằng cấp. Làm tốt công tác quy hoạch và tạo nguồn cán bộ, chú ý cán bộ trẻ, nữ, dân tộc thiểu số, chuyên gia trên các lĩnh vực; xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Đánh giá và sử dụng đúng cán bộ trên cơ sở những tiêu chuẩn, quy trình đã được bổ sung, hoàn thiện, lấy hiệu quả công tác thực tế và sự tín nhiệm của nhân dân làm thước đo chủ yếu. Không bổ nhiệm cán bộ không đủ đức, đủ tài, cơ hội chủ nghĩa. Thực hiện nghiêm quy chế thôi chức, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Kịp thời thay thế cán bộ yếu kém về phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, uy tín giảm sút. Có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tội, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy huân chương...”

7. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát

“Các cấp ủy, tổ chức đảng phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo Điều lệ Đảng. Tập trung kiểm tra, giám sát việc chấp hành Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước; việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, chế độ công tác, thực hiện dân chủ trong Đảng, giữ gìn đoàn kết nội bộ; việc thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp; việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, nhất là những vụ án nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội; kiểm tra, giám sát việc tuyển dụng, quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, đề bạt, bố trí, sử dụng cán bộ. Chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu tổ chức đảng, nhà nước, mặt trận và các đoàn thể nhân dân các cấp trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải phối hợp chặt chẽ với công tác thanh tra của Chính phủ, công tác giám sát của Quốc hội và các cơ quan hành pháp, tư pháp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân theo đúng chức năng và thẩm quyền của mỗi cơ quan...”

8. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng

“Tập trung rà soát, bổ sung, điều chỉnh, ban hành mới, xây dựng đồng bộ hệ thống các quy chế, quy định, quy trình công tác để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị. Khắc phục tình trạng Đảng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, tôn trọng nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đổi mới phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ trung ương đến địa phương, cơ sở. Thực hiện tốt chế độ lãnh đạo tập thể đi đôi với phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo và trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đảng, đảng viên, cấp ủy viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Đổi mới cách ra nghị quyết, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết của Đảng. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong Đảng, khắc phục tình trạng rườm rà, bất hợp lý về thủ tục, giảm bớt giấy tờ, hội họp; sâu sát thực tế, cơ sở; nói đi đôi với làm.”

(Trích Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng)

THỰC TẾ TRƯỚC MẮT

Đó là những điều đảng nêu ra với đảng viên như những cam kết phải làm để xây dựng đảng, giữ vững niềm tin trong nhân dân. Nhưng từ sau Hội nghị Trung ương 2 (từ ngày 04 đến ngày 10-7-2011) đến Hội nghị Trung ương 8 (từ 30/9 đến ngày 9/10/2013), đảng CSVN đã chỉ làm cho tình hình rối ren thêm trên mọi lĩnh vực.

Vế đối nội, đảng đã “đầu hàng” trước quốc nạn tham nhũng, lãng phí. Vô số lớn cán bộ, đảng viên tiếp tục mất phẩm chất, đạo đức suy đồi, hăng hái tham gia vào phong trào cưỡng chế đất của dân để bán cho tư nhân, nhà đầu tư lấy lời gấp chục lần hơn giá tiền bồi thường cho dân.

Đảng tiếp tục bất lực trong chủ trương làm sạch hàng ngũ, kỷ luật những người đứng đầu cơ quan, tổ chức đã gây thiệt hại cho ngân quỹ quốc gia và vi phạm nghiêm trọng quyền làm chủ của người dân.

Bằng chứng thất bại thi hành Nghị quyết Trung ương 4 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” (họp từ 26 đến ngày 31 tháng 12 năm 2011) là một tỷ dụ khác. Nhưng nghiêm trọng hơn là bằng chứng Ban Chấp hành Trung ương đảng “không kỷ luật” nổi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Trung ương 6, mặc dù ông Dũng đã bị Bộ Chính trị thống nhất đề nghị “chịu một hình thức kỷ luật” vì đã có những việc làm gây hậu quả nghiêm trọng!

Chính Chủ tịch Nhà nước Trương Tấn Sang đã thừa nhận ông thuộc nhóm thiếu số tại Hội nghị Trung ương 6 nên Ban Chấp hành Trung ương đảng đã không thể thống nhất với đề nghị của Bộ Chính trị muốn có một hình phạt kỷ luật đối với một Ủy viên Bộ Chính trị, không ai khác hơn là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Trước Hội nghị Trung ương 6 tháng 10/2012, ông Sang từng nói: “Tôi đã nhiều lần chia sẻ chân tình với cử tri, nếu chống tham nhũng không thành công thì việc thực hiện nghị quyết trung ương 4 - một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay - đang rất được nhân dân trông đợi sẽ không thể thành công được. Anh không thể nói trước nhân dân rằng mình không suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, trong khi lại tham nhũng, tiêu cực và do vậy, dân cũng sẽ không thể tin bộ máy được trong sạch. Chống tham nhũng thành công thì những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống chắc hẳn sẽ tốt dần lên.” (Phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ, 23/06/2012)

Ông còn nói thêm trong cay đắng: “Nhiều cử tri TP. HCM đã nói thẳng với tôi "một số cán bộ có ăn (hối lộ) thì cũng ăn vừa phải thôi. Ăn hết như thế thì còn đâu để nhân dân ăn", nghe thật xót xa, đau đớn và xấu hổ. Do vậy, nhất định phải làm trong sạch Đảng, trong sạch bộ máy nhà nước, không còn cách nào khác.”

Khi đã nói đến “bất lực vĩnh viễn” trong công tác chống tham nhũng trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì cũng nên đọc lại Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI), kết thúc ngày 15/05/2012, về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Kết luận nhìn nhận rằng: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, nhất là trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý ngân sách; thu thuế, phí; quản lý, sử dụng vốn, tài sản trong doanh nghiệp nhà nước; tín dụng, ngân hàng; công tác cán bộ; quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp..., gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.” 

Hội nghị Trung ương 5 (từ ngày 07 đến 15-5-2012) cũng đã nói rõ: “Nguyên nhân cơ bản của những hạn chế, yếu kém nêu trên là: Không ít cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực hiện tốt trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. 

Vai trò của nhiều chi bộ, tổ chức cơ sở đảng còn mờ nhạt; một số cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành, kể cả cấp Trung ương, chưa nêu gương về đạo đức, lối sống, giảm sút sức chiến đấu và thiếu kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực vẫn còn sơ hở, bất cập; một số quy định thiếu nhất quán, thiếu chặt chẽ, vẫn còn tình trạng "xin - cho". Tổ chức và hoạt động của cơ quan, đơn vị chuyên trách về phòng, chống tham nhũng chưa đủ mạnh, có mặt chưa hợp lý.” 

Về mặt an ninh, bảo vệ dân, Bộ Công an đã che giấu đến lộ liễu nhiều vụ bắt người vô cớ, nhất là đối với những người dân đấu tranh ôn hòa cho quyền làm người và các quyền tự do. Nhiều đồn công an có người dân bị tra tấn đến chết cũng không bị điều tra cho ra manh mối và chỉ có rất ít nhân viên công an bị đưa ra tòa vì đã phạm tội giết người, ấy là chưa nói đến chuyện bồi thường cho nạn nhân.

Vì có quá nhiều việc đảng nói mà không bao giơ làm hay nói một đường làm một nẻo nên nghĩa tình “liên hệ máu thịt” giữa dân và đảng ngày một mờ nhạt. Cũng đã có một số không nhỏ đảng viên đã “âm thầm bỏ đảng” qua các hình thức bỏ họp, không khai báo với nơi cư trú mới.

Một số trường hợp công khai bỏ đảng nổi tiếng như cố Luật sự Lê Hiếu Đằng, Tiến sỹ Nhà báo tự do Phạm Chi Dũng, Nhà báo nổi tiếng 82 tuổi đời, 55 tuổi đảng Tống Văn Công và Nhà Ngoại giao Đặng Xương Hùng, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thụy Sỹ đã xin tị nạn chính trị vì đảng đi sai đường đã nói lên một điều: Đảng CSVN càng ngày càng sai lầm và những người lãnh đạo đảng này càng ngày càng đi ngược lại quyền lợi của quốc gia và dân tộc.

Hiến pháp mới, thông qua ngày 28/11/2013, tiếp tục “luật hóa” Cương lĩnh lạc hậu lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh làm nền tảng xây dựng đất nước để cho đảng được độc quyền “lãnh đạo toàn xã hội” như ghi trong Điều 4 là bước đi tụt hậu xa rời thực tế đòi hỏi dân chủ và quyền bầu cử tự do của dân.

Cũng chính vì đảng đã mất tín nhiệm trong dân mà tình trạng đảng viên “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang lan nhanh, ăn sâu cả trong hàng ngũ quân đội là điều rất nguy khốn cho đất nước, nếu xảy ra cuộc xâm lăng mới của Trung Cộng.

Về mặt xóa bỏ “chủ nghĩa cá nhân”, “học và làm theo tấm gường đạo đức Hồ Chí Minh” đã phát động từ năm 2007 vẫn chưa nhích lên được bước nào. Chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, gây bè kết phái, che giấu tội phạm cho nhau vẫn còn đầy rẫy và tinh vi hơn bao giờ hết.

Các cơ quan Thanh tra Nhà nước, Thanh tra đảng, nhiệm vụ giám sát của Mặt trận Tổ quốc và của Quốc hội đối với công tác xây dựng đảng, làm sạch đội ngũ cán bộ, bảo vệ quyền lợi của dân vẫn còn “nằm trên giấy”.

ĐỐI NGỌAI SỢ TÀU

Về phượng diện đối ngoại, những hành động ngăn cấm dân tưởng niệm 74 chiến sỹ Việt Nam Cộng Hòa hy sinh trong trận chiến chống Trung Cộng xâm lược chiếm quần đảo Hoàng Sa 19-1; Không cho dân truy điệu gần 40.000 quân và dân 6 tỉnh cực bắc đã hy sinh trong cuộc chiến chống xâm lăng của 600.000 quân Trung Cộng 17-2; Không tổ chức tưởng nhớ 64 chiến sỹ hy sinh trong cuộc chiến chống quân Trung Cộng ở Gạc Ma (Trường Sa) 14-3 chỉ có thể kết luận: Nhục nhã và hèn hạ trước quân thù.

Rồi đến việc để cho các Công ty của Trung Cộng được ưu tiên trúng thầu rẻ các dự án kinh tế quan trọng, nhất là trong lĩnh vực điện, sản xuất hàng hóa tiêu dùng và để cho hàng ngàn công nhân Trung Hoa tự do vào Việt Nam cướp việc làm của người dân Việt Nam, lấy vợ Việt Nam, lập làng, phố chợ như chỗ không có chủ còn là một bằng chứng khác cho thấy lãnh đạo đảng và nhà nước CSVN đã bị lệ thuộc vào Trung Cộng.

Việc nhà nước không ngăn chận được hàng hóa Trung Cộng nhập lậu vào Việt Nam và tình trạng Thương lái Tầu ra vào Việt Nam như đi chợ với nhiều mánh khóe phá hoại kinh tế Việt Nam cũng đã được báo chí trong nước nói đến nhiều lần mà hầu như không lọt vào tai Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì kể cũng lạ!

Đảng CSCVN cũng đã tự ý, không thông qua Quốc hội, để cho Trung Cộng được ưu tiên tham gia xây dựng 2 dự án kinh tế chiến lược Bauxite trên Tây Nguyên, làm chủ hàng ngàn mẫu rừng dọc biên giới Việt-Trung và quản thủ nhiều vùng chiến lược ven biển Việt Nam. Bằng chứng người Tầu sống đông như kiến ở Nghệ An-Thanh Hóa đã nói lên một lệ thuộc nguy hiểm khác đến nền an ninh và sự vẹn toàn lãnh thổ của Việt Nam, trong khi nhà nước đã bất lực trước đe dọa chiếm chủ quyền biển đảo Việt Nam của Trung Hoa ở Biển Đông.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương và Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) với Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì “dù tổng mức điều chỉnh hai dự án Tân Rai, Nhân Cơ lần lượt lên tới hơn 15.400 tỷ đồng và 16.800 tỷ đồng (tăng 3.800 tỷ đồng-4.300 tỷ đồng), hiệu quả của hai dự án trong những năm đầu chưa cao. Mức lỗ ở các đơn vị lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.”

Báo VNEXPRESS (ngày 18/03/2014) viết tiếp: “Dự án bắt đầu hoạt động từ tháng 9/2013. Sau thời gian chạy thử, nhà máy tại Tân Rai dự kiến lỗ 258 tỷ đồng trong năm đầu. Con số lũy kế đến năm 2015 là 460 tỷ và dự án dự kiến có lãi từ năm 2016. 5 năm sau đó, nhà máy này sẽ có lãi khoảng 870 tỷ đồng, theo tính toán của chủ đầu tư. Còn với dự án tại Nhân Cơ, số lỗ được ghi nhận trong 6 năm đầu dự kiến là gần 3.000 tỷ (từ 2015 đến 2020).”

Trong khi đó thì hàng triệu nông dân vẫn còn thiếu ăn, sống kém xa dân thành phố. Sự chênh lệch giàu nghèo, giáo dục và văn hóa đã đưa đến tình trạng thiếu ăn, đôi khi rất nghiêm trọng cho người dân và trẻ em người dân tộc ở vùng cao.

Tại cuộc họp của Bộ Chính trị ngày 14/3 (2014) về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định: “Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết cũng đã bộc lộ một số hạn chế, yếu kém: Tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp đang có xu hướng chậm lại. Chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh của nhiều loại sản phẩm hàng hóa còn thấp; quy mô nhỏ lẻ, manh mún, năng suất chưa cao; có một số sản phẩm nông nghiệp đang trong tình trạng khủng hoảng thừa; an toàn thực phẩm vẫn là vấn đề bức xúc; thu nhập và mức sống của khu vực nông thôn còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn cao; hệ thống hạ tầng nông thôn, nhất là các vùng miền núi vẫn còn lạc hậu, chậm được cải thiện; ô nhiễm môi trường ở nông thôn còn chậm được khắc phục và có xu hướng gia tăng; sử dụng tài nguyên đất đai, rừng, biển còn kém hiệu quả...”

Như vậy thì sau gần 30 năm Đổi mới nhưng đang đi “giật lùi” trong nhiều lĩnh vực, nhân dân Việt Nam đã được “cơm no áo ấm toàn vẹn” chưa, hay tuy đất nước đã thống nhất mà lòng người hãy còn li tán, đất nước vẫn chậm tiến và giấc mơ “không gì quý hơn độc lập-tự do” của ông Hồ Chí Minh ngày nào hãy còn xa xôi lắm.

(03/014)


Phạm Trần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét