Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

BÀI VIẾT VỀ VĂN HÓA NGƯỜI VIỆT CỦA DU HỌC SINH NHẬT GÂY BÃO FACEBOOK

Nhân Hoàng - Trên Facebook cá nhân, danh hài độc thoại Dưa Leo và blogger Robbey chia sẻ bài viết về văn hóa con người Việt Nam của một bạn du học sinh Nhật khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Nội dung bài viết như sau:
Việt Nam – nhà giàu và những đứa con chưa ngoan

Tôi đang là một du học sinh Nhật, có hơn 4 năm sinh sống tại Việt Nam. Với ngần ấy thời gian, tôi đã kịp hiểu một đạo lý giản đơn của người Việt: “Sự thật mất lòng”. Song không vì thế mà tôi sẽ ngoảnh ngơ trước những điều chưa hay, chưa đẹp ở đây. Hy vọng những gì mình viết ra, không gì ngoài sự thật, như một ly cà phê ngon tặng cho mảnh đất này, tuy đắng nhưng sẽ giúp người ta thoát khỏi cơn ngủ gục - ngủ gật trước những giá trị ảo và vô tình để những giá trị thật bị mai một.
Tôi có một nước Nhật để tự hào
Tôi tự hào vì nơi tôi lớn lên, không có rừng vàng biển bạc. Song, “trong đêm tối nhất, người ta mới thấy được, đâu là ngôi sao sáng nhất.” Thế đấy, với một xứ sở thua thiệt về mọi mặt, nghèo tài nguyên, hàng năm gánh chịu sự đe dọa của hàng trăm trận động đất lớn nhỏ lại oằn mình gánh chịu vết thương chiến tranh nặng nề, vươn lên là cách duy nhất để nhân dân Nhật tồn tại và cho cả thế giới biết “có một nước Nhật như thế”.
Tôi tự hào vì đất nước tôi không có bề dày văn hiến lâu đời nên chúng tôi sẵn sàng học hỏi và tiếp nhận tinh hoa mà các dân tộc khác “chia sẻ”. Từ trong trứng nước, mỗi đứa trẻ đã được học cách cúi chào trước người khác. Cái cúi chào ấy là đại diện cho hệ tư tưởng của cả một dân tộc biết trọng thị, khiêm nhường nhưng tự trọng cao ngời.
Tôi tự hào vì đất nước tôi được thử thách nhiều hơn bất kỳ ai. Khi thảm họa động đất sóng thần kép diễn ra, cả thế giới gần như “chấn động”. Chấn động vì giữa hoang tàn, đổ nát, đói khổ và biệt lập, người ta chỉ nhìn thấy từng dòng người kiên nhẫn xếp hàng nhận cứu trợ và cúi đầu từ tốn cảm ơn. Không có cảnh hôi của, lên giá, cướp bóc, bạo lực nào diễn ra giữa sự cùng khổ. Chỉ chưa đầy một năm sau khi hàng loạt thành phố bị xóa sổ hoàn toàn, sự sống lại bắt đầu hồi sinh như chưa từng có biến cố nào đã xảy ra. Thế đấy, không có những thành tích to lớn để nói về nước Nhật nhưng thương hiệu “made in Japan”, là thương hiệu uy tín vượt trên mọi khuôn khổ, tiêu chuẩn khắt khe, được toàn cầu tôn trọng nhất mà tôi từng biết.
Bạn cũng có một nước Việt để tự hào
Nói Việt Nam là một “nhà giàu”, quả là không ngoa. Giàu tài nguyên, giàu truyền thống, giàu văn hóa… Nhưng con cháu của nhà giàu, sẽ phải đối mặt với những vấn đề nan giải của nhà giàu. Và không phải ai cũng biết cách sống có trách nhiệm trong sự giàu có ấy.
Thật đáng tự hào nếu bạn được lớn lên ở một đất nước được thiên nhiên ưu đãi với rừng vàng biển bạc. Đáng xấu hổ nếu xem đó là khoản thừa kế kếch xù, không bao giờ cạn. Thật tiếc đó lại là những gì tôi thấy. Tại các thành phố, chỉ cần nhà mình sạch sẽ là được, ngoài phạm vi ngôi nhà, bẩn đến đâu, không ai quan tâm. Ở các nhà máy, nếu không biết dồn rác thải ở đâu, họ sẽ cho chúng ra ngoài đường, sông suối, biển cả vì đó là “tài sản quốc gia” – đã có quốc gia lo, không phải việc của mỗi người dân. Tại một đất nước mà 80% dân số sống bằng nghề nông, đất đai, nước ngầm hầu như đã bị nhiễm độc, đến nỗi, người ta nói vui trong năm nữa thôi sẽ là thời đại của ung thư vì ăn gì cũng độc, không ít thì nhiều, không thể khác. Vì sao nên nỗi?
Thật đáng tự hào vì Việt Nam có 4000 năm văn hiến. Thật xấu hổ nếu 4000 năm văn hiến chỉ là một chương trong sách lịch sử chứ không được thể hiện trong cách hành xử đời thường. Thật buồn vì đó cũng là điều tôi thấy mỗi ngày.
Hãy chỉ cho tôi thấy rằng tôi đã sai nếu nói: Người Việt không biết xếp hàng, xếp hàng chỉ dành cho học sinh tiểu học; người Việt không biết tự hào về người Việt, nếu không thì Flappy Bird đã không phải chết yểu đau đớn; người Việt chửi hay còn hơn hát, cứ xách ba lô ra tới thủ đô một chuyến thì sẽ được mục sở thị; người Việt vẫn còn luyến tiếc văn hóa làng xã, giai cấp nếu không phải thế thì họ đã không đứng thẳng người chửi đổng và cúi rạp mình trước quyền lực bất công mà chẳng dám lên tiếng; người Việt có đôi mắt siêu hạng nhất vì nhìn đâu cũng thấy cơ hội để mánh mun, lọc lừa.
Tôi chưa từng thấy đất nước nào mà các bậc mẹ cha dạy dỗ con cháu cố gắng học hành để sau này là bác sỹ, phi công, thuyền trưởng… mà xuất phát không vì đam mê mà vì phong bì nhiều, đút lót dễ, giàu sang mấy hồi… Vì đâu nên nỗi?
Người Việt có một nền di sản độc đáo, một nguồn sức mạnh vô cùng to lớn, ai cũng nhìn thấy, chỉ có người Việt là không thấy hoặc từ chối nhìn thấy. Vì sao nên nỗi?
Tôi đang nhìn thấy một thế hệ, họ không còn biết phải tin vào điều gì, thậm chí còn không dám tin vào chính mình. Là một người Việt – khó lắm! Thật vậy sao?
THƯ DU HỌC SINH NHẬT GỬI VIỆT NAM: ĐỌC MÀ NGHE ĐAU ĐÁU LÒNG!
(NLĐO) – “Hãy uống ly cà phê đắng của người bạn Nhật, ta sẽ sáng suốt hơn nhiều”; “Đọc, nghe mà đau đáu trong lòng. Biết bao giờ thanh thiếu niên Việt Nam mới nhận thức được như vậy” – đó là những nhận xét của độc giả sau khi đọc bài viết "Dậy sóng với thư du học sinh Nhật gửi Việt Nam".
Sau khi Báo Người Lao Động Online đăng bài Dậy sóng với thư du học sinh Nhật gửi Việt Nam, rất nhiều bạn đọc gửi ý kiến thể hiện quan điểm cả đồng tình lẫn phản đối về bức thư này.
Ly cà phê đắng nhưng rất ngon!
Đa số ý kiến bình luận thể hiện quan điểm bênh vực người viết, cho rằng bức thư du học sinh Nhậtrất hay và ý nghĩa, lý luận, dẫn chứng thuyết phục và đặt ra câu hỏi đau đáu, câu cảm thán xoáy sâu vào nhân cách người Việt.
Là một trong những người bình luận đầu tiên, bạn có tên Mai Công Lại viết: “Đúng là uống một ly cà phê đắng nhưng rất là ngon. Cảm ơn bạn!”.
“Không phải chỉ có bạn mới viết nổi những dòng này nhưng có lẽ những dòng này do bạn viết ra có sức thuyết phục hơn chúng tôi những người Việt. Tôi rất xấu hổ vì không thể bác bỏ những điều bạn nêu ra. Cảm ơn bạn”, bạn đọc tên Hùng viết.
“Đọc, nghe mà đau đáu trong lòng. Biết bao giờ thanh thiếu niên Việt Nam mới nhận thức được như vậy. Chắc sẽ còn lâu lắm..”, một bạn đọc ngậm ngùi.
Nhiều bạn đọc cho rằng những điều được đề cập trong lá thư không có gì mới mẻ, thậm chí người Việt nào cũng biết điều đó nhưng lại không dám thừa nhận, không dám hành động để xóa bỏ nó.
Bên cạnh những dòng cảm ơn đến tác giả bức thư, nhiều bạn đọc thể hiện thái độ đồng cảm với những quan điểm nêu ra và tức giận trước những thói xấu hiện hữu trong con người, xã hội Việt Nam.
Bạn đọc Nguyễn Thường Xuân cay đắng viết: “Vì đâu nên nỗi”, câu hỏi như nhát dao khứa vào mỗi trái tim chúng ta. Đọc bài viết, ai cũng nhận thức vấn đề được đưa lên là chính xác và quá chuẩn nhưng ra tay để thay đổi nó thì không phải ai cũng sẵn sàng. Ai có trách nhiệm về sự thay đổi này, trong lúc nền giáo dục nước nhà lúc nào cũng đang có vấn đề, cải cách mãi vẫn giậm chân tại chỗ... Những hạn chế hàng ngày hàng giờ tác động vào các tầng lớp xã hội, nhất là khủng hoảng niềm tin. Có người còn kêu lên rằng: Ở cái thời nay muốn làm một người tốt thật khó”.
Lý giải tình trạng xuống cấp đạo đức, văn hóa trong bộ phận người Việt hiện nay, một bạn đọc viết: “Văn hóa con người phải được hình thành ngay từ lúc còn thơ ấu, khi mới bắt đầu đi học và được nuôi dưỡng trong suốt quá trình còn ngồi trên ghế nhà trường và trở thành máu thịt trong cơ thể mỗi người. Sống trong một cộng đồng có văn hóa, những người thiếu văn hóa cũng sẽ được cảm hóa để trở thành người có văn hóa. Và nhân tố chính để tạo ra văn hóa con người của mỗi đất nước chính là chương trình và nội dung giáo dục của đất nước đó. Chúng ta cũng cần xem lại có khiếm khuyết gì không trong nội dung sách giáo khoa để tìm hiểu vì sao số người thiếu văn hóa ở Việt Nam ngày càng nhiều, cho dù hầu hết người dân đều được phổ cập giáo dục 12/12. Có mâu thuẫn không, khi có trình độ văn hóa lại vẫn thiếu văn hóa?”.

Thư du học sinh Nhật gửi Việt Nam: Đọc mà nghe đau đáu lòng!

Lòng tự tôn chúng ta đâu rồi?
Bên cạnh những ý kiến khen, đồng tình với bức tâm thư, nhiều bạn đọc cho rằng đây chỉ là cái nhìn phiến diện của một du học sinh chỉ có thời gian ngắn ngủi ở Việt Nam.
Sau khi đọc lá thư, bạn Nguyễn Thao bức xúc: “Bức tâm thư chẳng có gì mới cả. Chỉ buồn rằng rất nhiều người Việt trẻ vội vã gật đầu thừa nhận cái rụp những tính xấu của người Việt mà không biết phản biện. Dễ dàng thỏa hiệp thế sao? Tự tôn của chúng ta đâu rồi? Chẳng lẽ bạn chỉ biết gật đầu khi ai đó chê bạn xấu, mà chẳng biết bảo vệ bản thân rằng mình cũng có những điểm tốt hay sao. Chỉ biết nghe người khác nói, gật gù tán thưởng tâm lý số đông mà chẳng tìm cho mình được một hướng thay đổi nào”.
Bạn đọc nickname Xích Lô cho rằng bức thư du học sinh Nhật chỉ là một mảng màu trong bức tranh đa sắc. Đồng ý kiến trên, bạn đọc tên Tuấn thể hiện sự lạc quan: “Bạn người Nhật nói đúng nhưng chưa đủ. Vẫn có không ít người Việt sống có lý tưởng, có niềm tin đấy chứ…”
Thậm chí, nhiều người mặc dù đồng tình với tác giả bức tâm thư nhưng vẫn thể hiện tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc trong từng dòng bình luận: “Tôi là công dân Việt Nam. Việc tự tôn dân tộc hay nói cách khác là việc ca ngợi đất nước và con người Việt Nam là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi công dân Việt… Chúng tôi cũng có quyền hãnh diện với bạn bè quốc tế rằng đất nước chúng tôi có những con người làm nên lịch sử và góp vào những trang sử hào hùng của nhân loại. Nhưng tiếc thay, những cái quyền, bổn phận và trách nhiệm ấy cứ dần dần bị mai một bởi những giá trị sống cứ bị tàn phá…. Tôi rất chia sẻ và xin cảm ơn bạn về những “oán than” vô cùng chân thật của bạn… Sự thật mất lòng, tôi chỉ mong sao Người Việt chúng tôi sau khi đọc được bức tâm thư của bạn sẽ cảm nhận nó một cách tích cực nhất để thay đổi nhận thức và hành vi...”.

Bạn đọc Nguyen Long: “Tôi tìm mãi mà không có link gốc của bức tâm thơ được cho là của du học sinh Nhật nào đó. Nhưng không quan trọng nữa rồi, dù người viết là chính blogger nọ hay một người Việt nào đó mà không phải là từ người Nhật thì điều quan trọng là nó phản ánh hiện thực xã hội Việt Nam. Đây là những tính cách làm hạn chế sự vươn lên của nước Việt. Những tính cách có từ lâu đời mà tác giả gọi là “văn hóa làng xã” và nó được dịp phát tán trong một xã hội ngày càng coi trọng các giá trị ảo do kim tiền mang lại”.
Bạn đọc Duy dc: “Thật sự đây là một bức thư của một người Việt có trách nhiệm chứ không phải người Nhật. Nhưng ai viết thì điều đó cũng không quan trọng. Họ đã viết đúng và mỗi chúng ta cần xem lại mình!”
Một bạn đọc khác: “Có lẽ đã đến lúc ta phải nhìn nhận vào sự thật này và chấp nhận nó để học hỏi nhiều hơn nữa về cách sống, cách làm giàu và cách có trách nhiệm với cái chung của đất nước. Chứ sống theo chủ nghĩa cá nhân nhiều quá, cứ vơ vét và làm giàu cho bản thân mà không biết đến đất nước mình ngày mai sẽ ra sao là nguy to. Hãy uống ly cà phê đắng của người bạn Nhật, ta sẽ sáng suốt hơn nhiều...!”.


L. Thoa


1 nhận xét:

  1. Đây là di sản 100 năm trồng người của Tên cán bộ cộng sản đệ tam quốc tế Hồ chí minh.
    Độc-Lập hay Tay sai?
    Tôi năm nay 71 tuổi, đang sống ở nước ngoài, xin đóng góp vào loạt bài của Đặng Chí Hùng về cái gọi là độc lập của HCM.
    Trải qua dòng lịch sử nước nhà, các vua của đất nước ta, ai cũng phải chịu nhục có lẽ là quỳ gối để tiếp nhận chiếu chỉ của vua Tàu phong vương cho mình. Sau đó sứ-gỉa Tàu về nước. Vua quan ta họp nhau bàn luận, tổ chức việc cai trị ra sao thì không hề phải thông báo, chứ chẳng có chuyện phải xin phép vua Tàu. Đó là sự thực được trình bày rõ ràng qua các sách sử của nước nhà.
    1/ Trái lại HCM phải trình cho Liên-Xô (LX) chương trình “Cải cách ruộng đất”. Một chương trình hoàn toàn thuộc về nội trị của đất nước! Trước khi thực hiện thì gởi người qua Tàu để học cách làm. Cứ tạm coi là đi tu nghiệp về chuyên môn, có thể chấp nhận được. Nhưng trong khi thực hiện thì có các cố vấn Tàu và phải xin phép. Việc bà Cát Hanh Long bị giết vì HCM không thể xin được khi cố vấn Tàu phán: “Cọp đực, cọp cái đều ăn thịt người”, là một bằng cớ về việc làm tay sai, không có thực quyền.
    2/ Trong khi bộ chính trị của đảng cộng sản VN họp hành để thảo luận về các chương trình làm việc, một việc hoàn toàn thuộc về nội bộ của đảng mình. HCM đã mời La Quý Ba, cố vấn Tàu tham dự (Ai biết rõ ngày giờ + địa điểm sảy ra việc này xin bổ túc dùm). Đây là một bằng chứng khác về việc làm tay sai.
    3/ Thực chất của cái gọi là “Nghĩa vụ quốc tế” chính là làm tay sai cho LX. Khi thế giới phân chia thành hai khối Tư-bản và Cộng-Sản. LX muốn bành trướng vùng ảnh hưởng của mình, thì chỉ thị cho đàn em cung cấp xương máu, anh cả chỉ cung cấp vũ-khí mà thôi!


    Trả lờiXóa