Đại biểu Quốc Hội Lập Hiến
“Ngay chiều hôm ấy, tôi trở về chỗ ở của tôi , đại lộ Hoàng
Diệu Hà Nội. Từ khi tôi đi khỏi Hà Nội cách đây 3 thấng, tình hình biến chuyển
rất nhiều. Ngày 19-11 Tiêu Văn triệu tập các đảng phái bắt phải thỏa thuận với
nhau và quân đội của 3 đảng phải xáp nhập với nhau để chỉ còn 1 quân đội duy
nhất.
“Trước những thủ đoạn chính trị của Tàu, Hồ Chí Minh chỉ
còn mối bận tâm duy nhất là làm sao vứt bỏ được sự hiện diện của Tàu ở Bắc
Việt. Ông sẵn sàng thân thiện lại với người Pháp. Ông biết đầu tháng 1 Pháp có cử
đặc phái viên tới Trùng Khánh điều đình với Tưởng Giới Thạch để quân đội Pháp
thay thế quân đội Trung Hoa. Ông đợi đúng ngày bầu cử Quốc hội 6-1, làm một bản
tuyên bố được báo chí Pháp đăng lại, trong đó ông nói : ” Chúng tôi không thù
hận gì với nước Pháp và dân tộc Pháp mà chúng tôi khâm phục. Chúng tôi không
muốn cắt đứt những mối giây liên lạc đã gắn chặt hai dân tộc chúng ta… ”
“… Tháng 11-45 Cao Ủy Pháp ở Sài Gòn đưa ra sắc lệnh rút
hết những tờ giấy bạc 500 được in dưới thời Nhật Bản chiếm đóng. Nhưng quân đội
Tàu ngay khi mới tới đã thâu cướp được rất nhiều giấy bạc 500 nên đã thương
lượng được với Pháp là sắc lệnh này không có hiệu lực ở phía Bắc vĩ tuyến thứ
16… Khi từ Sầm Sơn trở về, tôi không có một đồng xu dính túi vì tuy được nuôi
ăn cho ở nhưng không có một đồng lương nào. Tôi viết thư xin mẹ tôi chút tiền
thì mẹ tôi hồi âm bằng 2 tờ giấy 500 trứ danh đó. Tôi đưa cho Phạm Văn Đồng, bộ
trưởng bộ tài chánh nhờ ông đổi giùm. Ngày hôm sau người ta đem lại cho tôi một
phong bì trong đó có 2000 đồng. Tôi tưởng là đưa lộn nên đi tới bộ Tài Chính để
trả lại Phạm Văn Đồng. PVĐ nói với tôi:
– Không có lộn đâu
– Sao! Tôi đưa một ngàn đồng mà được đưa lại tới 2000 đồng.
Ông làm tài chính như vậy thì còn lâu Việt Nam mới lấy lại được thăng bằng kinh
tế.
– Nét mặt không chút xao động, Phạm Văn Đồng trả lời tôi:
Tôi biết rõ tình trạng tài chính của ngài. Đây là một đặc ân tôi làm cho ngài.
“Một buổi tối, Hồ Chí Minh chìa cho tôi một tờ giấy và nói
với tôi:
– Thưa ngài, trong thời gian ngài vắng mặt (ở Sầm Sơn),tôi
có nhân danh ngài gửi cho Pháp một thông điệp. Tôi đọc :
” Thông điệp của Hoàng thân Vĩnh Thụy, cựu Hoàng đế Việt Nam, gửi nước Pháp….
Ký tên : Hoàng thân Vĩnh Thụy cựu Hoàng đế Bảo Đại, cố vấn
chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa. (tr148)
“… Chính phủ cử Giáp đi thanh tra các tỉnh cho đến tận biên giới Nam bộ với tư
cách bộ trưởng bộ Nội vụ. Tôi xin đi cùng nhưng không được chấp thuận. Giáp nói
với tôi:
– Một tuần nữa tôi trở về tôi sẽ báo cáo với ngài những gì
tôi thấy được.
“Một tuần sau khi tôi đang ăn trưa thì Giáp tới và nói:
– Tôi vừa về sau cuộc tuần tra.
– Mời anh ngồi cùng ăn, tôi nói.
Giáp có vẻ tư lự cúi đầu ăn không nhìn tôi. Giáp thường
ngày đã ít cởi mở nhưng bữa nay bộ mặt còn có vẻ rầu rĩ hơn. Tôi để cho ông ta
ngồi ăn không nói câu gì. Sau bữa ăn tôi mới hỏi:
– Thế nào?
– Phải thực tế, mặt vẫn cúi gầm.
– Anh muốn nói gì?
– Cái tôi muốn nói, là mình phải thích nghi với thằng Pháp.
– Không lẽ nào mình lại trở về với cuộc bảo hộ.
– Có thể chứ, nếu cần thiết.
– Tôi không hiểu nổi các anh nữa. Tôi chấp nhận độc lập với
thằng Nhật. Tôi thoái vị. Tôi ra đi để nhường chỗ cho các anh, nay các anh lại
muốn quay trở về với quá khứ.
– Mình biết làm thế nào bây giờ? Ở miền Nam tụi Pháp nó đã
phá tan bộ máy của chúng ta phải mất bao công mới xây dựng được. Nó đã lấy lại
hết. Chả bao lâu nữa nó sẽ đổ bộ ở đây. Chúng ta làm thế nào để chống lại được?
Chúng ta có quân đội nhưng không có đạn dược…
“Được thỏa tấm lòng, Giáp kể lại cuộc hành trình… (tr 149)
“Vài ngày sau, tôi mới hiểu sự bối rối của Hồ Chí Minh và ê
kíp của ông. Tôi biết giữa Chủ tịch đi cùng với Giáp và Sainteny có một cuộc
hội đàm lâu dài về vấn đề sự trở lại của người Pháp và vấn đề phân chia chủ
quyền. ” Độc Lập ” còn có nghĩa gì nữa không ? Mặc dầu còn giũ được uy quyền,
sự thay đổi thái độ của ông Hồ gặp một sự chống đối mạnh mẽ. Sự chống đối này
được sự hỗ trợ của Tàu và của những đảng mà Tàu thao túng : Đại Việt, VNQDD,
Đồng Minh… Tất cả đều đồng thanh đòi ” chính phủ Việt gian” phải ra đi vì đã
bán rẻ nền độc lập. Tôi biết các đảng phái này có bàn bạc với nhau về tôi.
“Ngày 27-1, 7 giờ sáng, điện thoại reo trong căn hộ tôi
đường Hoàng Diệu. Hồ Chí Minh kêu tôi:
– Tôi có thể tới thăm ngài ngay tức khắc được không?
Tôi trả lời được và ngay phút sau ông đã tới. Ông có vẻ rất
xuống tinh thần và ốm yếu hơn thường lệ. Ngay khi vào, ông nói ngay:
– Thưa ngài, tôi không biết làm sao nữa. Tình hình quá nguy
kịch. Tôi biết rõ người Pháp sẽ không thương thuyết với tôi. Tôi không được
lòng tin cậy của Đồng Minh. Tất cả đều thấy tôi ” đỏ ” quá. Tôi xin ngài hi
sinh lần thứ hai : lấy lại quyền hành.
– Tôi trả lời: tôi đã bỏ quyền hành và không có ý lấy lại
nó. Cụ biết, tôi không có tham vọng chính trị và tôi đã tự đặt mình trong cái
nhiệm vụ phải phục vụ một cách trung trực chính phủ Cộng hòa.
–Tôi để lại chỗ cho ngài, ông nhấn mạnh một lần nữa, tôi sẽ
là cố vấn của ngài.
– Nhưng ai sẽ trao quyền cho tôi?
– Ngài sẽ được Quốc hội tấn phong như trong mọi chế độ dân
chủ.
– Tôi có được thành lập chính phủ như tôi muốn hay tôi phải
lấy lại những bạn hữu của cụ?
– Ngài được tự do hoàn toàn, muốn lấy ai thì lấy.
– Nếu cụ thấy quyền lợi và độc lập của đất nước đòi hỏi như
vậy thì tôi sẽ không lẩn tránh. Nhưng tôi xin cụ một chút thời gian để suy nghĩ
và hỏi ý kiến các bạn bè của tôi. (tr 150)
” Ngay tức khắc tôi điện thoại cho Nguyễn Xuân Hà ( Nguyễn
Xuân Chữ? ) và Trần Trọng Kim và tôi nói:
– Tôi có một đề nghị quan trọng muốn đưa ra bàn với các
ông. Nhờ 2 ông triệu tập bạn bè, tôi sẽ đến gặp.
” Đúng 8 giờ 30, tôi tới. Tôi kể với họ về cuộc gặp gỡ với
Hồ Chí Minh và đề nghị của ông Hồ. Tôi hỏi họ:
– Các ông có nghĩ đó là cái bẫy không?
” Mọi người đều không tin và Trần Trọng Kim nói rõ thêm:
– Ai cũng biết là Việt Minh có liên lạc thường xuyên với
Sainteny và một thỏa ước với Pháp đang được sửa soạn. Nếu Hồ Chí Minh không
thiết tha ký nó thì đề nghị của ông Hồ là thành thực. Theo tôi ngài nên nhận
lời.
“Khoảng lúc 10 giờ, Hồ Chí Minh lại gọi tôi nữa và hối thúc
tôi nhận lời.
– Ngài đã gặp bạn hữu của ngài chưa ? Xin ngài đừng mất thì
giờ và đến Quốc Hội càng sớm càng hay.
“Đúng 12 giờ trưa, tôi gọi điện thoại ông Hồ và nói tôi
nhận lời.
“Trước đó tôi biết là một người thân tôi có tiếp xúc với
thiếu tá Buckley, người của Tình báo Mỹ OSS. Ông này không ngạc nhiên về đề
nghị của Chủ tịch và hứa hẹn người Mỹ sẽ đứng trung lập vì là chuyện nội bộ của
Việt Nam.
“Điện thoại lại reo đúng 13 giờ. Hồ Chí Minh yêu cầu tôi
tới gặp. Khi tới, tôi thấy rõ ràng ông đã thay đổi thái độ. Ông có vẻ đã trấn
tĩnh lại, nói hơi ngượng ngùng:
– Thưa ngài, xin ngài quên đi chuyện buổi sáng nay. Tôi
không có quyền từ bỏ nhiệm vụ vì tình thế khó khăn. Trao lại quyền hành cho
ngài bây giờ là tôi phản bội. Tôi xin lỗi đã biểu lộ sự yếu đuối vì đã nghĩ
trong những hoàn cảnh khó khăn này lại muốn trút mọi trách nhiệm lên ngài. Sở
dĩ tôi nghĩ ra đi là vì các đảng quốc gia chống đối thỏa ước mà chúng tôi đang
sửa soạn với người Pháp.
“Chuyện gì đã xẩy ra giữa 10 giờ và 13 giờ?
“Tôi không nghĩ sự quay ngoặt của ông Hồ là do được Moscou
cam đoan hỗ trợ qua phái đoàn Ba Lan, đại diện Liên Xô ở Hà Nội. Đúng hơn là vì
tướng Tiêu Văn, bị thuyết phục bởi những ” lí lẽ (vàng) kêu lẻng xẻng “(dịch
chữ Pháp arguments sonnants et trébuchants) được Việt Minh tung ra, nên đã nhờ
chủ tướng của mình là Lư Hán làm áp lực xuống những người quốc gia – đặc biệt
là VNQDD – để những người này chịu tham gia chính phủ. Như vậy nhũng người này
phải chia trách nhiệm ký thỏa ước với Pháp và Việt Minh không phải chỉ một mình
vác gánh trước công luận. (tr 151)
“Bắt đầu từ đó, Hồ Chí Minh yêu cầu tôi cùng làm việc để
thảo bản thỏa ước trứ danh đó (Hiệp định Sơ bộ 6-3). Chúng tôi gặp nhau mỗi
buổi tối trong một tuần. Theo ông Hồ, nhờ thỏa thuận với Pháp, sẽ tống khứ được
bọn Tàu. Đó là mục tiêu chính của ông Hồ : loại Tàu ra để Pháp vào thay thế.
Nhưng đồng thời cũng thao túng Tàu để Pháp chậm đến và đòi Pháp phải đưa ra tối
đa những bảo đảm.
Thời gian ở Trung Quốc và Hồng Kông năm 1946
“… Hồ Chí Minh, vừa mới được sự thỏa thuận của tất cả các
đảng phái cho Pháp trở lại, không muốn để sơ sót một thứ gì nên quyết định gửi
một phái đoàn đi gặp thống chế Tưởng Giới Thạch ở Trùng Khánh. Ông gọi tôi đến
và yêu cầu tôi, với tư cách là cố vấn tối cao của chính phủ, dẫn đầu phái đoàn
này mà thành phần là đủ mọi xu hướng. Ông có cảm tưởng là những tướng lãnh
Trung Hoa đã phản ông nên hi vọng với sự hiện diện của tôi, và trong phái đoàn
có nhiều thành phần, sẽ làm thống chế có thiện cảm với chính phủ lâm thời hơn.
Nhưng Trùng Khánh vừa mới thỏa thuận cho Pháp đổ bộ – Người báo tin này cho Hồ
Chí Minh là Sainteny – Và hơn nữa, Tưởng Giới Thạch vẫn chưa công nhận chính
phủ của chúng ta. Trong điều kiện này tôi thấy không nên nhận nhiệm vụ. Tôi
giảng giải với Hồ Chủ tịch:
– Chuyện này hơi bất trắc. Căn cứ vào chuyện vừa mới có sự
thỏa thuận giữa Trùng Khánh và Pháp, nếu Tưởng Giới Thạch không tiếp tôi thì cụ
với tôi đều mất mặt.
” Hồ Chí Minh cũng thấy đúng; nhưng vẫn giữ ý định gửi một
phái đoàn gặp Tưởng Giới Thạch mà không có tôi.
” Hôm sau, tôi vừa mới ra khỏi nhà thì gặp một tướng Trung Hoa ở cạnh nhà tôi
cùng đường Hoàng Diệu. Ông ta có vẻ biết đề nghị của Hồ Chí Minh với tôi nên
đột ngột hỏi:
– Thưa ngài, ngài không muốn qua Trung Quốc? Thật là đáng
tiếc, ngài nên lợi dụng cơ hội này, dù chỉ là để đi du lịch nước tôi…
Rồi ông ta nói , nửa bỡn cợt, nửa nghiêm trang:
– Với lũ điên , không biết cái chi có thể xẩy đến!
“Cái câu cuối cùng này khiến tôi nghĩ không phải ông ta gặp
tôi tình cờ mà là có ý đưa cho tôi lời mời của Tưởng Giới Thạch.
“… Hôm sau tôi đến Phủ Thủ tướng (Bắc bộ phủ) gặp Hồ Chí
Minh và nói:
“Cụ không cần tôi ở đây? Đã có Giáp và Đồng. Cho tôi đi qua
Trung Quốc du lịch.
– Ngài có thể đi thanh thản, ông Hồ trả lời với vẻ bằng
lòng. Ngài đừng lo ngại gì cả.
“… Tôi đi cùng với phái đoàn gồm 6 người : 4 đại diện Việt
Minh, 2 VNQDD. (tr 153)
” Ngày 16-3-46, tôi rời Hà Nội. Chiếc máy bay DC-3 cho
chúng tôi đi theo có chừng một tá sĩ quan Tàu và chở đầy những hòm lớn, chắc là
đồ ăn cắp. Tụi nhà binh này này ngồi chỗ tốt nhất trong khi phái đoàn tôi bị
đẩy xuống ngồi phía dưới gần những thùng hàng. Tôi không quen biết người nào
trong số những người cùng đi với tôi, trừ một người tôi trông mặt hơi quen
quen. Tất cả đều đi máy bay lần đầu nên không giấu được sự lo sợ… Sau 3 giờ
bay, máy bay hạ cánh xuống phi trường Côn Minh nằm ở độ cao 2000 mét. Máy bay
của chúng tôi không đi xa hơn được nữa. Chúng tôi phải đợi một tuần sau mới có
máy bay đi Trùng Khánh nên ngày 23 mới tới. Chúng tôi ở khách sạn ” Bốn mùa ”
lớn nhất thành phố. Tôi được ở một phòng rộng rãi còn 6 người đồng hành phải
chia nhau 3 phòng tồi tàn.
” Hai ngày hôm sau, tổng thư ký của Quốc Dân Đảng đưa cho
tôi giấy mời dự bữa ăn tối. Giấy chỉ mời hoàng đế Bảo Đại mà không đả động gì
đến phái đoàn. Một xe đến đón tôi ở khách sạn. Chan, thư ký QDD tới đón tôi.
Ông này là cựu sinh viên trường Dòng Tên Rạng Đông Thượng Hải nên nói rất giỏi
tiếng Pháp.
“… Tưởng Giới Thạch rất lịch thiệp. Suốt bữa ăn ông tỏ ra
rất am tường về tình hình Việt Nam. Chan làm thông ngôn cho tôi.
” Trong suốt thời gian đó, phái đoàn phải chờ hoài mà không
được tiếp. Người trưởng đoàn nhờ tôi can thiệp để được Tưởng Giới Thạch cho
tiếp kiến. Tôi cố thuyết phục Chan, thư ký Quốc Dân Đảng:
– Sự đoàn kết quốc gia đã được thực hiện ở Việt Nam. Phái
đoàn đi cùng với tôi gồm những người đại diện 2 đảng lớn đang nắm quyền. Tất cả
đều là những người bạn của Trung Quốc.
– Thưa ngài, Chan trả lời tôi, trong phái đoàn có những
người cộng sản và những người cộng sản không thể nào là bạn của Trung Quốc được…
” út cục, sau nhiều ngày chờ đợi phái đoàn cũng được tiếp.
Nhưng để không có tính cách chính thức, phái đoàn được tiếp trong một ngôi chùa
cổ ở ngoài thành phố.
“Phái đoàn trở về hoàn toàn thất vọng. Tưởng Giới Thạch chỉ
để đủ thời giờ cho phái đoàn đọc thông điệp của chủ tịch Hồ Chí Minh. Rồi, sau
lời cám ơn cụt ngủn, Tưởng Giới Thạch tuyên bố là Trung Quốc, nhờ góp phần vào
sự chiến thắng của Đồng Minh, đã có một chỗ ngồi giữa ” Tứ cường “, muốn quanh
biên giới chỉ có những nước bạn.
“Vài ngày sau, tướng Marshall, thay thế tướng Hurley, muốn
gặp tôi. Tôi tới gặp ông ở văn phòng. Ông rất chú ý đến Việt Nam và muốn chính
tôi kể lại cuộc cách mạng đã xẩy ra như sao khiến Việt Minh nắm được quyền
hành.. Tôi nhắc lại những biến cố xẩy ra hồi tháng Tám và tháng Chín năm ngoái
và nhấn mạnh vào điểm là không có những xung đột và không có khó khăn gì trong
sự thay đổi quyền hành ở Hà Nội. Tôi cũng nói là tôi đã tự rút lui để không có
đổ máu. Tôi cũng nhấn mạnh vào sự hòa hợp trong tân chính phủ do Hồ Chí Minh thành
lập và sự ông quyết tâm thực hiện độc lập và thống nhất, hai khát vọng mà cả
dân tộc Việt Nam cùng chia sẻ.
” Tướng Marshall có nhiệm vụ hòa giải Tưởng Giới Thạch và
Mao Trạch Đông, đặt tôi câu hỏi:
– Ngài nghĩ thế nào về Quốc Dân Đảng?
– Thưa Đại tướng, tôi biết rất ít và không rõ nhiều để có
thể có một phán đoán có giá trị. Nhưng tôi thấy những thủ đoạn, những mưu toan
của các tướng lãnh và của những người của họ ở Bắc Việt ngay khi họ mới tới,
thì tôi thấy chả có gì là sáng láng. Tôi sợ cả Trung Quốc đều như vậy.
“Chúng tôi chia tay nhau sau câu nói này.
“Nhiệm vụ thất bại, phái đoàn sửa soạn trở về Hà Nội. Tôi
quyết định cùng trở về. Ngày 15-4, máy bay xuống Côn Minh. May mắn hơn khi đi,
chúng tôi có ngay máy bay đi Hà Nội.
Khi chúng tôi sắp lên máy bay thì có người đưa cho tôi tin
nhắn của Hồ Chí Minh:
” Thưa ngài, mọi sự ở đây đều tốt đẹp, xin ngài cứ thư thả
ở lại. Vả lại, sự hiện diện của ngài ở Trung Quốc rất hữu ích cho chúng ta.
Đừng ngại ngùng gì cả. Khi nào tôi thấy là ngài cần về, tôi sẽ báo. Xin ngài
nghỉ ngơi cho khỏe để còn làm nhiều nhiệm vụ đang chờ đợi chúng ta. Ôm hôn thân
ái. Ký : Hồ Chí Minh. (tr 156)
” Chủ tịch không muốn tôi trở về. Tôi chào từ biệt phái
đoàn. Khi máy bay chỉ còn là một chấm nhỏ ở chân trời, tôi đứng một mình trong
căn cứ cũ của không quân Mỹ. Ngồi trên bậc cầu thang của phi trường, tôi điểm
lại tình hình : không những tôi trơ trọi một thân một mình mà còn hoàn toàn
cùng quẫn, không có một đồng xu dính túi. Vali của tôi nằm trong hầm để đồ của
máy bay, khiến tôi không có quần áo để thay và cũng không có giấy tờ hay hộ
chiếu… Tôi đọc lại câu ” Ôm hôn thân ái ” của Hồ Chí Minh mà không thể không
mỉm cười : Thật là một đại kịch gia ! Khi thì săn sóc như một người cha, khi
thì đầy trìu mến, ân cần, biết lợi dụng cái giáng điệu mảnh dẻ yếu ớt của mình,
khi thì tỏ ra đầy uy quyền. Thật là không thiếu trào phúng… Tất cả ai gần ông
lúc ban đầu đều bị nhầm, bị lừa … Người Mỹ, Sainteny, và chính tôi đây… Thật ra
sự hiện diện của tôi làm ông vướng víu. Đó là lí do tôi phải đi Sầm Sơn và bây
giờ là tôi phải lưu vong.
“Khi tôi đang trầm mình trong suy nghĩ thì có người tiến
lại gần tôi. Một người Trung Hoa mặc âu phục bằng trạc tuổi tôi. Ông ta cười và
hỏi tôi:
– Ông biết nói tiếng Pháp?
– Rất mừng có người nói chuyện, tôi trả lời: Biết chứ.
– Tôi tên là Yu, cựu luật sư ở Paris.
–Tôi cũng học ở Pháp, tên tôi là Vĩnh, sinh ở Việt Nam. Tôi
đi du lịch qua đây bị lỡ máy bay.
– Ông ở đâu ?
Thấy tôi lúng túng, ông ta hiểu tình trạng của tôi và không
ngần ngừ đề nghị:
Ông đến ở nhà tôi. Tôi là con cựu thị trưởng thành phố này.
Cha tôi mới mất cách đây ít lâu, vì vậy tôi phải về. Nhà tôi khá rộng, ông ở
thoải mái.
” … Nhờ sự rộng lượng của chủ nhà, tôi sắm được quần áo
trong một cửa hàng bán quần áo cũ của quân đội Mỹ. Tôi liền thay bộ đồ mới mua
được. Tôi ngạc nhiên trên đường về thấy lính tráng Tàu chào tôi. Khi về đến nhà
tôi mới hiểu là tôi mặc quân phục của đại tá không quân Mỹ. Cả nhà đều cười ran
và chúc mừng tôi đã lên chức.
” Có một bữa chúng tôi vào ăn ở một quán thì thấy một thanh
niên vòng tay kính cẩn chào:
– Thưa Hoàng thượng, ngài còn sống?
” Đó là một thanh niên Việt Nam thuộc Đoàn Thanh niên của
Phan Anh nên có dịp thấy tôi khi đi theo Phan Anh vào thành nội. Trước sự ngạc
nhiên của Yu tôi phải giảng nghĩa vì sao tôi phải giấu tên. Không những Yu
không bực mình mà còn mời Bùi Minh (Bùi Tường Minh?) ăn cùng. Minh nói phải
trốn khỏi Hà Nội vì hoạt động trong đảng Đại Việt…
“… Với 2 người con của tướng Long Vân, thống đốc tỉnh Vân
Nam, cả 2 đều tốt nghiệp Saint Cyr, tôi cũng cho biết tung tích của tôi và
chúng tôi họp thành một nhóm bạn hữu rất vui vẻ.
“… Tôi không nhận được tin tức gì ở Hà Nội mặc đầu tôi có
cho Hồ Chí Minh biết chỗ tôi cư ngụ. Bây giờ tôi biết chắc chắn là ông Hồ không
muốn có sự hiện diện của tôi ở Việt Nam.
“… Tháng 9 tôi nhận được lời mời của Chan, Tổng thư ký Quốc
Dân Đảng tới Trùng Khánh.. Lạ thay Yu cũng nhận được lời mời tương tự. Yu không
tỏ vẻ ngạc nhiên vì cùng học với Chan ở trường Rạng Đông Thượng Hải và thỉnh
thoảng cũng được gọi về thủ đô. Yu xin đi cùng, tôi nhận lời và 2 ngày sau
chúng tôi lấy máy bay đi Trùng Khánh.
” Chan muốn mời tôi đến nhà ở, tôi cám ơn và nói thích trở
lại khách sạn “Bốn Mùa” hơn. Tôi lợi dụng sự rảnh rỗi để tiếp tục đọc về Trung
Quốc và đi đánh quần vợt lại.
” Đầu tháng Tám, Quốc Dân Đảng báo cho tôi là có một người
đồng hương sắp tới. Hơi ngạc nhiên tôi tơi phi trường đón. Anh ta chừng 30
tuổi, hình dạng không phải là một người Việt thuần túy.
“Khi ngồi trong xe anh ta nói:
– Tôi là đại tá tình báo của quân đội Thiên hoàng, tôi có
phận sự theo dõi những hành vi của Quốc Dân Đảng. Tôi sinh ở Nhật, cha Nhật mẹ
Việt. Tôi được gửi tới ngài với danh nghĩa là thư ký của ngài;
Chuyện khá tức cười, tôi không nín được đặt câu hỏi:
– Tôi tưởng là những sĩ quan cao cấp Nhật đều tự sát theo
truyền thống võ sĩ đạo. Tại sao ông không làm?
– Thưa ngài, những sĩ quan tình báo nhận được lệnh cấm làm
hara-kiri. Họ phải tiếp tục sống và làm việc cho tương lai của Đế quốc Mặt
trời. Khi tôi làm song phận sự, tôi sẽ trở về Sài Gòn theo ngả Manille và đầu
hàng quân đội Anh.
Bắt đầu từ ngày đó, anh ta không rời tôi nửa bước.
“Chan, tôi gặp luôn luôn, nói với tôi là Tưởng Thống chế
sắp rời đô xuống Nam Kinh, rất hân hạnh mời tôi tới Nam Kinh.
“Cuối tháng Tám Tưởng Giới Thạch xuống Nam kinh. Người thư
ký ” trung thành ” của tôi cũng biến mất sau khi làm xong phận sự. Yu cũng theo
chính phủ bỏ Trùng Khánh và nài nỉ tôi đi cùng. Tôi không muốn chút nào đi Nam
kinh vì ngán thấu cổ cái bẩn thỉu của nước Tàu và thật sụ là sợ cô độc. Tôi
kiếm một nơi ẩn trú đồng thời cũng là trung tâm. Tại sao không là Hồng Kông ?
Yu đề nghị cùng đi với tôi vài ngày.
“8 ngày sau, ngày 15-9 chúng tôi bay đến Hồng Kông. (tr
161)
“.. Chúng tôi giữ 2 phòng ở một khách sạn hạng thường bên Cửu
Long. Sau 2 tuần du lịch, Yu trở về Nam Kinh, hơi thất vọng vì tôi không đi
cùng, nhưng cam đoan với tôi là sẽ được Tưởng Giới Thạch đón tiếp nếu tôi đổi
ý.
“…Tôi lại sống cô độc với chút đô la HK trong túi Yu đưa
cho tôi. Chỉ ít lâu sau tiền hết, tôi phải tìm cách sinh sống. Trong khi chờ
đợi tôi đi dạo. Phần nhiều là đi bộ, hay đi xe buýt. Nhưng tôi cảm thấy hoàn
toàn tự do. Lần đầu tiên trong đời tôi có cảm giác như vậy. Trong một bữa đi
tản bộ, tình cờ tôi thấy trước một tòa nhà có bản đề “Ngân Hàng Đông Dương”.
” Sau một chút ngần ngừ và cũng không biết tại sao tôi bước
vào. Thật tôi đúng vào ngày gặp may ! Khi vào đại sảnh, tôi thấy ông Gany, Tổng
giám đốc Ngân hàng Đông Nam Á. Ông nhận ra tôi tức khắc, rất ngạc nhiên và nói
ông mới tới Hồng Kông thanh tra và hỏi thăm tình cảnh tôi. Nói vắn tắt tôi kể
cho ông trường hợp nào tôi tới Hồng Kông và tôi không có tiền. Tôi muốn ông ấy
ứng ra cho tôi một chút. Ngay tức khắc ông ấy đưa cho tôi chừng 2000 đô la HK.
Vài ngày sau, cũng tình cờ tôi được biết hội Truyền đạo Công giáo Pháp ở Nước
ngoài. Hội này bằng lòng cho tôi vay một số tiền được bảo đảm bằng tài sản của
hoàng gia. Tôi không còn phải lo thiếu tiền nữa và tôi dọn tới khách sạn
Gloucester ở trên đường Queen’s Road…
“… Cũng ở khách sạn này, vào khoảng giữa tháng 11, bác sĩ
Phạm Ngọc Thạch tới gặp tôi. Ông là giấm đốc những đoàn thanh niên Nam bộ dưới
thời chính phủ Trần Trọng Kim, rồi làm bộ trưởng không bộ nào của chính phủ Lâm
thời tháng Tâm năm 1945 và bây giờ ông là đổng lý văn phòng của Hồ Chí Minh.
– Thưa ngài, tôi từ Quảng Châu tới. Tôi được cụ Chủ tịch
sai tôi đưa tin và gửi lời chào thân ái, đồng thời cũng xin ngài nhận vật này:
Từ trong cập ông lấy ra một cái tráp trong đó có nhiều nén vàng. Với số vàng
này tôi có thể sống được 2 tháng.
– Nhờ ông cám ơn Hồ chủ tịch. Nhưng cho tôi biết hành trình
qua Pháp của Hồ Chủ tịch.
– Hồ Chủ tịch tới Pháp ngày 21-10… Một chính phủ mới “Đoàn
kết quốc gia” được thành lập. Hồ Chủ tịch vẫn kiêm nhiệm bộ trưởng bộ Ngoại
giao. Giáp là bộ trưởng bộ Quốc phòng và Phạm Văn Đồng vẫn giữ bộ kinh tế… Và
chủ tịch vẫn muốn ngài làm cố vấn tối cao cho chính phủ.
– Xin ông cám ơn giùm tôi về sự tin cậy của chủ tịch. Kể
cho tôi những gì đã xẩy ra từ khi tôi đi Trung Quốc.
– Ngài đã biết là, để thi hành Thỏa ước 6-3, người Pháp đã
trở lại…. Chủ tịch đã gặp tướng Leclerc ở Hà Nội và Leclerc đã ưng thuận chính
phủ chúng ta đi Paris để cụ thể hóa nền độc lập và sự thống nhất nước nhà.. Một
buổi hội đàm đã diễn ra tại Đà Lạt ngày 17-4 để sửa soạn cuộc hành trình.
Nguyễn Tường Tam sẽ dẫn đầu phái đoàn , chung quanh có Giáp, Vũ Trọng Khánh,
Hoàng Xuân Hãn, Cù Huy Cận… Cũng có những người đại diện miền Nam. Rất mau
chóng, các đại biểu ta thấy ngay là người Pháp không thành thật. Những gì là sự
thật ở Hà Nội không còn như vậy ở Sài Gòn … Cuộc bàn cãi ở Đà Lạt kéo dài đến
tận ngày 11-5. Mặc dầu người Pháp không thật lòng, Chủ tịch đã đi Pháp ngày
31-5, hi vọng vào sự gặp gỡ với chính phủ Pháp. Nhưng khi tới Pháp thì chính
phủ đổ, Pháp không còn chính phủ nữa. ! Nghiêm trọng hơn hết là ngay sau ngày
Chủ tịch đi Pháp, hôm 1-6, người Pháp thành lập ở Sài Gòn một chính phủ lâm
thời Nam Kỳ với bác sĩ Thinh đứng đầu. Đó là chứng cớ sự gian dối của người
Pháp…. Sau một tháng rưỡi chờ đợi, Hồ chủ tịch quyết định trở về nước. Tuy vậy,
để chứng minh lòng thành thật và sự rộng lượng của dân tộc Việt Nam, trước khi
rời Pháp Chủ tịch đã ưng thuận ký với tổng trưởng Marius Moutet một bản đồng
tuyên ngôn thiết lập giữa Việt Nam và Pháp, một Modus vivendi (Tạm ước).
“… Tôi cám ơn bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã thuyết trình và
nói:
– Tôi thấy bản Tạm ước trù liệu có thể đến tháng 1- 47 sẽ
tiếp tục lại những cuộc bàn cãi đã bị bỏ dở ở Hội nghị Fontainebleau. Bởi vậy
tôi muốn ông nói lại với Hồ chủ tịch là tôi muốn trở về Hà Nội vào lúc đó.
– Thưa ngài, tôi nghĩ là Chủ tịch muốn ngài ở lại Hồng Kông
trong thời gian đó, vì Hồng Kông là địa điểm quan sát tốt nhất. Dầu sao chăng
nữa, Chủ tịch dặn ngài phải coi chừng bọn Pháp và những tụi Việt gian đựợc Pháp
dùng để thi hành những thủ đoạn của nó.(tr 166)
” Đối với tôi, chuyện đã rõ ràng, Hồ Chí Minh không muốn
tôi : Ông đã đẩy tôi đi khi người Pháp trở lại và giữ tôi ở xa trong khi có Hội
nghị Đà Lạt và Fontainebleau. Ông không muốn có sự hiện diện của tôi ở Hà Nội
nếu cuộc thương thuyết với người Pháp bắt đầu lại.
” Vài ngày sau, gần như cả một phái đoàn tới khách sạn
Gloucester xin được tôi tiếp kiến. Từ Quảng Châu tới là 3 thủ lãnh quốc gia, Vũ
Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam: VNQDD. Nguyễn Hải Thần: Đồng Minh Hội. Những
người này đã trốn khỏi Hà Nội từ tháng 7 để tránh bị Giáp truy hại trong lúc Hồ
Chí Minh vắng mặt. Nối tiếp sau đó là Trần Trọng Kim, cũng từ Quảng Châu tới.
Trần Trọng Kim hỏi tôi:
– Thưa ngài, ngài tính thế nào?
– Tôi đợi Hồ Chí Minh gọi tôi về.
– Xin ngài đừng về Hà Nội, nguy hiểm lắm. Tại sao ngài
không đi Nam Kinh với Quốc Dân Đảng theo lời mời của Tưởng Giới Thạch?
– Không, tôi không đi Nam Kinh. Quốc Dân Đảng coi như là
sắp tiêu tan rồi. Tưởng Giới Thạch không chống lại được áp lực của cộng sản đâu
và chẳng chóng thì chày, Mao Trạch Đông sẽ toàn thắng…
“… Tôi được giấy triệu tập của An ninh Anh. Gặp Cảnh sát
trưởng người Anh, tôi hỏi lí do. Ông ta nói : Từ ngày ngài tới Hồng Kông tháng
Mười năm ngoái, ngài thay đổi nhiều khách sạn. Chúng tôi biết ngài là ai ngay
từ đầu. Tôi nhận được lệnh phải bảo đảm an ninh cho ngài. Chúng tôi dành cho
ngài một cái biệt thự ở Repulsion Bay. Hai cảnh sát Trung Hoa mặc thường phục
sẽ túc trực bên ngài.
“… Từ khi tôi đến ở Repulssion Bay trên đảo Victoria, biệt
thự của tôi trở thành một cục nam châm thu hút khách viếng thăm. Có những khách
tới để đặt trước chỗ ngồi, có những khách tới để dò dẫm cho Pháp hay cho nước
ngoài khác… Tôi không có ảo tưởng gì khi bỗng nhiên nhận được sự quan tâm của
nhiều người : bác sĩ Phan Huy Đán, luật sư Đinh Xuân Quảng, cả 2 thuộc đảng Xã
hội, VNQDD có Trần Văn Tuyên, rồi bác sĩ Lê Văn Hoạch, phó thủ tướng chính phủ
Nam Kỳ, rồi Ngô Đình Diệm mà tôi nghi là con mắt của Mỹ…(tr 171)
“… Ngày Toàn quốc Kháng chiến 19-12 đã đẩy Việt Minh vào
một cuộc chiến tranh du kích. Theo tôi đó là cái lầm lớn nhất. Nhưng ai là
người chịu trách nhiệm?
” Giáp chắc chắn là có một phần khi sửa soạn cuộc Tổng tấn
công. Nhưng hình như phút cuối cùng Giáp hủy lệnh đánh. Cuộc tổng tấn công đã
phá hoại đường lối chính trị được ấn định từ trước và đã đưa đến một cuộc chiến
tranh quá lâu dài.
“Nếu không có ngày 19-12-1946 thì gì đã có thể xẩy ra ở Việt Nam? (tr 172)
Vài bình luận về những sự kiện kể trong những đoạn dịch
1) Bảo Đại cũng như hầu hết mọi người thời ấy, chỉ nghe đồn
chứ không biết Việt Minh là gì, Hồ Chí Minh là ai.
Người biết nhiều về Việt Minh nhất là Tạ Quang Bửu khi nói với Bảo Đại về Võ
Nguyên Giáp ở Hà Nội và Trần Văn Giầu ở Sài Gòn. Nhưng ở Huế là ai? Ông Phạm
khắc Hòe, ngự tiền văn phòng của Bảo Đại, được sai ra ngoài Thành Nội hỏi tin
tức ai là người của Việt Minh, trở về tay không. Dễ hiểu : Việt Minh chánh cống
còn ở Hà Nội, chưa kịp vào Huế. Người Việt Minh chánh cống đầu tiên vào Huế là
Trần Huy Liệu mà nếu xét kỹ lí lịch thì cũng chỉ là cựu VNQDD trở cờ. Cù Huy
Cận chỉ là kẻ theo đuôi.
2) Bảo Đại dù tây học, nhưng cũng như đa số người dân hồi
ấy, vẫn còn mê tín, tin là ông Hồ có được mệnh trời.
Hai câu sấm Trạng Trình “Bao giờ sen mọc biển Đông (Nhật), cha con nhà Nguyễn
bế bồng nhau đi”, được giảng là nhằm triều đại nhà Nguyễn và “Đụn sơn phân
giới… Nam đàn sinh thánh”, được cho là ứng vào Hồ Chí Minh. Những đồn đại về cụ
Hồ mắt sáng như sao, có 2 con ngươi… đã áp đảo tinh thần ông Bảo Đại, khiến ông
tự thấy phải thoái vị để theo đúng mệnh trời. (tr119)
3) Ngay khi mới gặp ông Hồ ở Hà Nội, Bảo Đại đã bị ông Hồ
mê hoặc như cả triệu người dân Việt thời ấy.
Gặp ông Hồ lần đầu tiên, Bảo Đại đã có ấn tượng tốt vì
phong độ nửa đạo sĩ nửa nhà nho của ông Hồ. Nhưng cũng như 99% dân chúng Việt
Nam thời đó, Bảo Đại đã bị ông Hồ mê hoặc vì 2 chữ Độc Lập và Thống Nhất. Ai
cũng như ai đều cho Độc Lập là Tất cả: là thoát khỏi vòng bị trị, là tự do, là
thống nhất, là Bác Hồ, là Nguyễn Ái Quốc, là kháng chiến theo con đường cộng
sản. Cả triệu người Việt Nam nghe theo tiếng hô Độc lập của Bác để bị dẫn vào
con đường này rồi đi lần lần tới cộng sản.
4) Bảo Đại không có thiện cảm với những người quốc gia
Được mục kích những cảnh hỗn loạn ở Hà Nội gây ra bởi những
đám quân Tàu, Bảo Đại ghét lây những người quốc gia vì những người này đã theo
quân đội Tàu trở về Việt Nam, mặc dù trong số những người này có người muốn tôn
ông làm minh chủ để đối lại với Hồ Chí Minh.
5) Bảo Đại chỉ là phát ngôn viên của ông Hồ
Mang tiếng là cố vấn tối cao, không thấy Bảo Đại đưa ra ý
kiến nào trong suốt thời gian làm cố vấn. Trái lại, những thông điệp gửi cho
các lãnh đạo nước ngoài, tuy mang tên Bảo Đại, nhưng đều do ông Hồ tự thảo. Và
khi đi cùng với ông Hồ gặp đại diện các nước Đồng Minh, những lời tuyên bố của
ông Bảo Đại cũng chỉ là những lời đã được ông Hồ mướm trước. Ông Hồ chỉ dùng
Bảo Đại như một phát ngôn viên và như một nhân chứng để khẳng định với Đồng
Minh là Bảo Đại đã tự trao quyền hành chứ không có sự cướp đoạt quyền hành. Tuy
vậy ông Hồ vẫn luôn luôn nghi ngờ Bảo Đại nên không bao giờ để cho đi một mình.
Bảo Đại trái lại vẫn luôn luôn tin tưởng vào ông Hồ, luôn luôn tỏ ra trung trực
với ông Hồ, ngay cả khi đã biết chắc mình đã bị bỏ rơi. Chứng cớ là khi Phạm
Ngọc Thạch tới Hồng Kông đưa cho mấy nén vàng, vẫn một mực hỏi khi nào được ông
Hồ gọi về. Thế mới biết sức hấp dẫn của ông Hồ mạnh đến chừng nào!
6) Đề nghị Bảo Đại thay mình là một mánh khóe của ông Hồ
khi bị chống đối về dự định ký với Pháp cho Pháp trở lại Việt Nam
Đề nghị này được Bảo Đại kể lại trong cuốn ” Rồng Nam ” (tr
150 ). Tôi không thấy có tài liệu nào nói đến. Có nhiều người cho là ông Bảo
Đại bịa ra. Tôi, ngược lại, tin là có thật vì lí do sau đây:
Để nắm trọn quyền hành trong tay, ông Hồ phải tìm cách gạt
những đảng phái quốc gia ra ngoài. Muốn vậy, phải làm sao đuổi được bọn Tàu ra
khỏi nước, khiến các lãnh tụ quốc gia từ trước tới nay vẫn dựa vào Tàu, nếu
không muốn bị thủ tiêu, chỉ còn cách bám theo Tàu, trốn khỏi Việt Nam. Vấn đề
là quân đội Tàu lấy danh nghĩa là được lệnh Đồng Minh vào Bắc Việt để giải giới
quân đội Nhật, sẽ ở ỳ không bao giờ chịu về. Muốn đuổi Tàu ra khỏi nước, chỉ có
cách là điều đình với Pháp, đem Pháp vào thay thế Tàu. Nhưng làm như vậy ông Hồ
sẽ mất mặt với toàn dân và Việt Minh sẽ mất chính nghĩa giành độc lập. Các đảng
phái Quốc gia, vì sự sống còn của mình, sẽ nhao nhao chống đối, sẽ giành được
chính nghĩa, huy động toàn dân đánh Pháp với súng ống của quân Tàu giải giới
Nhật để lại. Lực lượng Việt Minh hồi ấy thật ra cũng chả mạnh hơn gì các đảng
phái quốc gia tuy được phóng đại vì khéo tuyên truyền, sẽ chỉ còn cách chạy ra
khỏi nước. Nhưng đi đâu ? Tàu Mao thì còn quá xa ! Không có lẽ lại trốn qua
Pháp, nương tựa vào đảng Cộng sản Pháp ?
Ông Hồ thấy chỉ còn một giải pháp là đưa Bảo Đại lên thay mình. Tất nhiên là
Bảo Đại sẽ chỉ là chủ tịch bù nhìn với một nội các bù nhìn, còn mọi quyền hành
thật sự vẫn nằm trong tay “Cố vấn” Hồ Chí Minh. Trách nhiệm về chuyện ký với
Tây, đem Tây trở lại sẽ đổ lên đầu ông Bảo Đại hết ! Ngoài ra, một khi ông Bảo
Đại đã dính với ông Hồ, các đảng phái quốc gia cũng không còn có thể tôn ông
làm minh chủ thay thế ông Hồ trước mặt toàn dân được..
Ông Bảo Đại mãi về sau mới hiểu lí do vì sao có sự thay đổi
của ông Hồ : Với vàng bạc của “Tuần lễ vàng”, ông Hồ đã đút lót tướng Tiêu Văn
để viên tướng này nói với chủ tướng của mình là tướng Lư Hán làm áp lực với các
lãnh tụ quốc gia, đặc biệt là VNQDD, tham gia chính phủ Hồ Chí Minh và cùng ký
thỏa ước với Pháp. Không biết các lãnh tụ này được Tiêu Văn thí cho bao nhiêu
cây vàng. Nhưng đã tự đào hố chôn mình. Và ông Hồ thấy “Giải pháp Bảo Đại ” của
mình không cần thiết nữa!
Nhưng ông Bảo Đại vẫn bị ông Hồ gài vào cái bẫy ” Thỏa ước
6-3 ” khi được ông Hồ cho cái hân hạnh mỗi tối cùng ông thảo cái bản thỏa ước
này. Lịch sử khó mà kết tội ông Hồ đã đem Tây vào vì tự ông Bảo Đại đưa ra
chứng cớ là đã cùng ông Hồ thảo bản Thỏa ước và các đảng Quốc gia cũng há miệng
mắc quai vì bản Thỏa ước có chữ ký của Vũ Hồng Khanh.
7) Còn một nghi vấn nữa: Bảo Đại, sau khi tham dự phái đoàn
đi gặp Tưởng Giới Thạch, đã cố ý ở lại hay bị ông Hồ bỏ rơi?
Có nhiều người cho là Bảo Đại đã lợi dụng tham gia phái đoàn qua Tàu, trốn ở
lại.
Tôi thì nghĩ ông Bảo Đại đã bị ông Hồ vắt chanh bỏ vỏ:
- Nếu thật sự ông Bảo Đại muốn ở lại thì ngay khi gặp Tưởng
Giới Thạch đã xin ở lại, đã không can thiệp để phái đoàn của ông Hồ được Tưởng
Giới Thạch tiếp. Và nhất là khi gặp tướng Marshall, đã không khẳng định chính
phủ Hồ Chí Minh là chính phủ đoàn kết quốc gia được Hồ Chí Minh thành lập với ý
chí thực hiện độc lập và thống nhất, hai khát vọng của dân tộc Việt Nam và đã
không nói xấu chế độ Quốc dân đảng Tàu.
- Nếu thật sự muốn ở lại thì sao sau hơn 3 tuần ở Trùng
Khánh (Từ 23-3 đến 15-4 ), lại theo phái đoàn đi Côn Minh để đổi máy bay trở về
Hà Nội
- Chuyện sắp lên máy bay trở về Hà Nội thì nhận được tin
nhắn của ông Hồ nói ở lại, cũng khả tín. Chắc chắn là tin nhắn này đã được ông
Hồ viết từ trước và đưa cho một người thân tín trong phái đoàn để phút cuối
cùng mới đưa cho ông Bảo Đại, gây bất ngờ để ông Bảo Đại không kịp phản ứng,
không kịp nghĩ đến vợ con còn ở Việt Nam, quần áo không có, một xu dính túi
cũng không.
Chẳng qua là ông Hồ, sau khi đã lợi dụng đến tận cùng ông
Bảo Đại để làm lá chắn cho mình trước mặt Đồng Minh và đã ký được thỏa ước đem
quân Pháp vào thay thế quân Tàu, thì thấy đã đến lúc vứt vỏ vì đã vắt hết
chanh.
Kết luận
Ông Hồ đã 2 lần lầm lỡ:
Lần thứ Nhất: Ngay từ đầu năm 1946, để đuổi Tàu Quốc, ông
Hồ đã đề nghị Bảo Đại thay mình làm chủ tịch nước, điều đình với Pháp để Pháp
thay thế Tàu rồi lại trở mặt! Hậu quả : 8 năm chiến tranh chống Pháp cho Tàu và
đất nước bị chia đôi.
Lần thứ Hai nặng hơn nhiều: Đẩy Bảo Đại ra khỏi nước. Nếu
còn giữ Bảo Đại trong nước thì năm 1950 khi Mao chiến thắng tới sát biên giới,
để tránh phải phụ thuộc Tàu Cộng, ông Hồ đã có thể lấy lại cái “giải pháp Bảo
Đại” năm 1946 của mình. Không những đã rút ngắn chiến tranh Việt Pháp được 4
năm, mà cái quan trọng hơn hết là sẽ không có cuộc nội chiến kéo dài thêm 20
năm với 4 triệu người chết, với hậu quả là đất nước ngày nay thuộc quỹ đạo Tàu
không biết bao giờ mới thoát khỏi! Đó là cái tội lớn nhất của ông Hồ đối với
lịch sử.
© Phong
Uyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét