Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

UCRAINE CHÌM NGẬP TRONG NỢ NẦN, VIỆT NAM THÌ KHI NÀO MỚI BỊ LỘ?

Nguyễn Hữu Quý

1. Từ thực trạng Ukraine

Ngày 30.3.2014, báo An ninh Thủ đô, trong bài viết tựa đề “Ucraine chìm ngập trong nợ nần”(1), cho biết:
“… Ai sẽ trả lương hưu? Ukraine đang rất cần tiền. Ngân sách đã cạn kiệt trong khi năm 2014 nước này cần khoảng 6 tỷ USD để trả nợ. Tới đây khi EU và Mỹ có trợ giúp thì vẫn không thể nào đủ để giải quyết các vấn đề kinh tế hiện nay của Ukraine.
Theo tờ Washington Post, ngân khố của Ukraine chỉ còn lại vỏn vẹn 500.000 USD trong khi đó, các khoản nợ của nước này lại lên đến hàng tỷ USD!”.
“… Bên cạnh các khoản nợ từ việc đi vay còn có các khoản nợ bắt nguồn từ việc không thanh toán nhập khẩu. Hiện, không ai biết chính xác bao nhiêu doanh nghiệp của nước này nợ lương người lao động. Còn với các khoản nợ nước ngoài thì chỉ tính riêng trong năm ngoái đã tăng trên 20,2%. Tính đến ngày 31-12-2013, tổng nợ nước ngoài của Ukraine là 140 tỷ USD, chiếm khoảng 80% GDP”.
Ukraine có diện tích 603.700 km2 (kể cả bán đảo Crimea là 26.100 km2), dân số (2012) là 44,85 triệu người (trong đó Crimea là 2,04 triệu). Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, thì “đây vẫn là một trong những quốc gia có thu nhập bình quân thấp nhất châu Âu”.
Cũng vì sự khủng hoảng ở Ukraine, mà người theo dõi về Ukraine ở Việt Nam được biết, cựu tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych có một tòa lâu đài như là một bảo tàng, trong khuôn viên rộng khoảng 140 ha ở ngoại ô thủ đô Kiev, và một tòa lâu đài khác đang được xây dựng ở bên bờ Biển Đen.
Còn với quan chức hàm Bộ trưởng thì sao?
Theo báo Dân trí đăng tải ngày 24.3.2014 (2): “Cảnh sát Ukraine đã tịch thu 42 kg vàng và khoản tiền mặt 4,8 triệu USD trong cuộc lục soát căn hộ của cựu Bộ trưởng năng lượng Ukraine Eduard Stavytsky”.
Chẳng biết ông cựu Bộ trưởng này, trước khi làm Bộ trưởng ông giàu cỡ nào, nhưng với thời gian làm Bộ trưởng chỉ khoảng 1 năm thôi mà có số tài sản như vậy thì quả là khủng khiếp:
“Sự nghiệp của ông Stavytsky đã nở rộ dưới thời Tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovych. Ông Stavytsky được bổ nhiệm làm bộ trưởng năng lượng hồi tháng 12/2012. Báo chí Ukraine miêu tả ông Stavytsky là một thành viên trong nhóm thân cận của Yanukovych”.
2. Liên hệ với Việt Nam
Hiện nay, kinh tế Việt Nam gần như hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc, với khoảng vài trăm nghìn doanh nghiệp phá sản trong các năm từ 2011 đến 2013, hàng hóa (hàng tiêu dùng, máy móc, nguyên liệu cho sản xuất…) của Việt Nam bây giờ chủ yếu nhập về từ Trung Quốc. Việt Nam ngày nay là thị trường tiêu thụ của Trung Quốc, xuất sang Trung Quốc chủ yếu là tài nguyên thô và mặt hàng nông sản, v.v. Trong khi người Tàu nổi tiếng thế giới về giỏi khoản hối lộ, họ đang làm điên đảo cả thế giới, thì rõ ràng, các bộ ngành ở Việt Nam khi làm việc với họ (TQ) thì trở thành kẻ (hay tập thể) tham ô, nhận hối lộ; và chắc chắn các Bộ trưởng người Việt còn tham lam hơn ông Bộ trưởng người Ukraine như đã nói trên. Sau đây là thử nhìn trong một vài lĩnh vực:
(1) Ban quản lý Khu công nghiệp Vũng Áng, Hà Tĩnh, cho tập đoàn Formosa Đài Loan (TQ đã mua lại) thuê đất với diện tích 33 km2 (đất liền và mặt biển cảng Vũng Áng), tổng số tiền cho thuê là 96 tỷ đồng, trong thời hạn là 70 năm(3); tính ra là 41,56 đồng/m2/năm; nếu ăn một bát phở bình dân, giá khoảng 30.000 đồng, thì phải cho thuê 722 m2 đất mới đủ tiền ăn một bát phở bình dân đó. Rõ ràng, cho thuê với giá như cho không như vậy, lại ở vị trí chiến lược… thì phải được cái gì chứ?! Việc này thì phải hỏi Bí thư và Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh (thời điểm đó) thì mới biết được.
(2) Với đất mặt biển, KCN mà giá cho thuê còn rẻ như vậy, thì thử hỏi, 10 tỉnh đã cho các công ty nước ngoài thuê trồng rừng thời hạn 50 năm (chủ yếu là Trung Quốc và Đài Loan thuê; các tỉnh gồm: 07 tỉnh biên giới Việt-Trung (Điện Biên, Lai Châu, Lao Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh), và 03 tỉnh Biên giới Việt-Lào (Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam), thì giá cho thuê chắc là phải rẻ hơn ở Vũng Áng. Các vị cho thuê cũng phải được cái gì chứ? Không có lẽ các vị vô tư không nhận tiền hối lộ từ họ?
(3) Vụ Tập đoàn tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC), hối lộ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN), đang xôn xao dư luận, với số tiền 80 triệu yên (16,40 tỷ VNĐ), thực ra đây là số tiền rất nhỏ, so với số tiền mà “Dự án đã ký hiệp định vay JICA lần 1 với giá trị 4,683 tỷ yên (960 tỷ VNĐ) cho công tác thiết kế kỹ thuật và hỗ trợ đấu thầu” (4) (chỉ riêng tiền thiết kế kỹ thuật và hỗ trợ đấu thầu đã là hàng nghìn tỷ). Vậy thì, cách đây mấy năm, người ta ham Dự án Đường Sắt cao tốc, với mức chi phí “nghiên cứu” lập dự án là 7 tỷ USD (5) thì đâu có gì lạ (?!).
Nếu dự án Đường sắt Cao tốc mà được Quốc hội thông qua, thì có lẽ, đây sẽ là dự án có số tiền tư vấn thiết kế khủng khiếp nhất tại Việt Nam từ trước đến nay, và tất nhiên, chỉ cần 10%-20% trong số đó, tức khoảng 1 tỷ USD để hối lộ, lại quả… thì sẽ có bao nhiêu người có tiền gửi ở nước ngoài và chuẩn bị định cư ở nước ngoài?
Lại liên tưởng đến vụ án liên quan đến ông tướng công an Phạm Quý Ngọ, chẳng phải là bên A (trong Dự án di dời chuyển đổi công năng cảng Sài Gòn), nhưng bằng cách nào đó, mà bà Trương Mỹ Lan (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát – TP HCM) buộc phải thông qua Dương Chí Dũng, để hối lộ ông ta 1 triệu USD, nếu đúng như vậy, thì quả là ông ta quá tài! Phải chăng, chỉ bằng một vài cú điện thoại hù dọa… là bà Lan buộc phải chi ra 1 triệu USD để vừa giữ an toàn, tránh phiền phức và vừa được việc?
(4) Việt Nam hiện có 60% các doanh nghiệp khai thác mỏ ở miền Bắc là do Trung Quốc đứng phía sau; 90% các công trình trọng điểm quốc gia với số vốn hàng chục tỷ USD do Trung Quốc trúng thầu; “Biếu không cho nước ngoài mỏ than tốt nhất”(6); những việc làm giúp người Trung Quốc như vậy, không có lẽ không được tỷ nào bỏ vào túi?
Vân vân…
3. Nợ nước ngoài của Việt Nam là bao nhiêu, và bao giờ mới… bị lộ?
Nước Ukraine, như đã dẫn chứng nói trên, “Tính đến ngày 31-12-2013, tổng nợ nước ngoài của Ukraine là 140 tỷ USD, chiếm khoảng 80% GDP”, từ một nền quân sự hùng mạnh, chỉ đứng sau Nga khi Liên Xô sụp đổ, để rồi giờ đây, cùng với nạn tham nhũng, nền quốc phòng Ukraine như sụp đổ, và đã buộc phải mất toàn bộ bán đảo Crimea, có diện tích bằng 4,32% diện tích lãnh thổ về nước Nga. Thử hỏi, nếu tại thời điểm này, Trung Quốc ra tay xâm lược Trường Sa, lại bị ràng buộc bởi “tình hữu nghị” với “phương châm 16 chữ vàng và quan hệ 4 tốt”, thì liệu rằng, Việt Nam có giữ được trọn vẹn Trường Sa như hiện trạng?
Không ai đảm bảo cho việc Trung Quốc không đánh chiếm Trường Sa trong những năm tới, thậm chí ngay trong năm 2014 này!
Rõ ràng, Ukraine là bài học rất gần, có nhiều điểm tương đồng (lòng Dân bất an, tham nhũng, khai thác tài nguyên bán thô, quản lý yếu kém, bên cạnh là nước lớn bành trướng…) đối với Việt Nam.
Đến thời điểm này, “Theo số liệu công bố của Bộ Tài chính, tại 31/12/2012, tỷ lệ nợ công là 57,3% GDP”(7) (báo Dân trí ngày 24.3.2014). Thực ra, con số thống kê của Việt Nam chưa bao giờ là con số thật. Nhiều người dự đoán, nợ công của Việt Nam phải gần bằng hoặc hơn GDP của Việt Nam, tức là vào khoảng 100-120 tỷ USD.
Dù muốn hay không, từ thực trạng của nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua, cũng phải nói rằng, kinh tế Việt Nam đang trên đà sụp đổ. Nếu Đảng cộng sản Việt Nam không biết dựa vào Nhân Dân để thay đổi, thì khoảng 2-4 năm nữa thôi, Việt Nam sẽ thay đổi cả thể chế chính trị này, khi đó toàn bộ tổng nợ nước ngoài mới có điều kiện minh bạch.
Rõ ràng, dù rất muốn che dấu, nhưng đã đến lúc không thể che dấu được nữa, một khi “Đã đến mức vay để chi tiêu, vay để trả nợ”(8), như báo Tuổi trẻ cảnh báo từ hồi tháng 10/2013, thì không còn nhiều cơ hội để cứu vãn cho cả hệ thống chính trị hiện nay.
30.3.2014

Nguyễn Hữu Quý

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét