Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2014

DUYÊN ANH - NGỰA CHỨNG TRONG SÂN TRƯỜNG - PHẦN 2


 

CHƯƠNG 4
KHÔNG PHẢI RIÊNG NHẬT BÁO Vương Đạo mới khai thác vụ Giáo dục thời loạn, trò xin thầy tí huyết mà, hầu như, báo chí nào cũng khai thác vụ này. Song song với tin tức nóng hổi do "bổn báo đặc phái viên" gởi về từ tỉnh X. hàng loạt phóng sự, điều tra về Học đường S.O.S., về Tình thầy duyên trò, bề buôn chữ bán nghĩa vân vân… được đăng tài.Ở những loạt phóng sự gọi là những tang thương rách nát học đường, tôi chỉ tìm thấy xuyên tạc, mạ lỵ giáo giới và những người lãnh đạo giáo dục.
Kể cũng bi đát khi Bộ Văn Hóa Giáo Dục bị chính vài ông thầy giáo sa sả luận tội và cải danh thành Bộ Võ Rừng. Với sự hậu thuẫn của báo chí. Giáo Dục biến ra võ đài đấu võ tự do. Báo chí cũng dùng chữ riêng của báo chí để lố bịch hóa Bộ Văn Hóa Giáo Dục.
Những bài báo như những nỗi buồn liên tiếp đến và đồn trú ở tâm hồn tôi, phũ phàng hơn ngựa chứng. Với tôi, không thêm ngựa chứng nhập bầy bọn ngựa chứng là sắp hết ngựa chứng. Và tôi có thể tự hào đã làm tròn bổn phận của tôi. Nhưng tôi thèm được tự hào hơn : tôi muốn nhìn thấy bốn cậu học trò Phong, Luyện, Thiện, Du ngoan ngoãn ngồi dưới bàn học, tôi tin chắc họ sẽ xuất sẵc. Bởi ngựa chứng luôn là ngựa hay nếu ta mắc nổi dây cương và ngồi trên lưng nó. Điều bắt tôi buồn liên miên la vùng đất thiêng còn sót lại của một xã hội phân hóa, mục nát đã in dấu chân thô bạo, phũ phàng. Chẳng ai thích bảo vệ vùng đất thiêng, vùng đất giáo dục, vùng đất nhiều bóng mát che chở cho niềm tin tưởng của tuổi trẻ, vùng đất nhiều trái cây ngon ngọt, nhiều hoa bướm, nhiều kỷ niệm, nhiều tình nghĩa, vùng đất tạo phẩm cách con người. Xây dựng những đổ vỡ chiến tranh thật dễ. Xây dựng những đổ vỡ của con người mới khó. Chiến tranh chỉ là cái cớ để người ta kết tội phá hoại giáo dục. Thật sự, nền giáo dục hiện tại băng rã là vì người ta nhìn nó bằng đôi mắt của kẻ tính toán giai đoạn mà giáo dục thì đòi hỏi vĩnh cửu. Khi cơ cấu giáo dục bị ví như nơi đánh võ tự do, khi những người làm giáo dục tự miệt thị cái thiên chức của mình, trách chi vùng đất thiêng chả bị xâm phạm, phóng uế. Báo chí phải chịu trách nhiệm tước đoạt niềm tin của học trò ở học đường. Một vài thầy giáo, đã ồn ào tranh đấu vô ý thức.
Tôi đã ngậm bồ hòn theo dõi những bài báo điều tra, tường thuật vụ cậu học trò tỉnh X. hành hung thầy giáo. Và tôi rất xấu hổ thấy ông thầy chạy về Sài gòn họp báo tố cáo cậu học trò, ông thầy quyết ăn thua đủ cùng cậu học trò hỗn láo. Học trò đánh thầy là chuyện không thể chấp nhận được. Song vẫn có thể tha thứ. Với kẻ thù, người ta âu yếm chiêu hồi. với học trò, người ta thiếu hẳn khoan dung, thiếu hẳn cái đức của bậc thầy. Trò đánh thầy, thầy họp báo tố cáo, đổ ngàn tội lên đầu trò rồi đòi chính quyền tỏ thái độ. Chính quyền sợ mang tiếng dung dưỡng phần tử bất hảo, truy nã cậu học trò nông nổi, vô lễ như truy nã tội đồ nguy hiểm. Cậu học trò sợ quá, trốn đi biệt. Chưa biết cậu ta trốn nơi nào, có trốn ra bưng biền để tránh khỏi sự đòi hỏi của luật pháp trừng trị xứng đáng của thầy cậu và để thực sự trở thành một tội đồ nặng ắp căm thù cuộc đời.? Tôi không bằng lòng thái độ và hành động của đồng nghiệp ở tỉnh X. Người làm nghề dạy học chẳng khác chi ngưởi huấn luyện ngựa. Để ngựa quật ngã, để ngựa đá tức là chưa đủ tài dạy ngựa. Xã hội VN hôm nay không thể dấu giếm che đậy sự tang thương, rách nát. Rách nát toàn diện. Rách nát từ những ngày Mạc đăng Dung ngu muội, dốt nát lãnh đạo và giáo huấn tự xưng mình là thần tượng tuổi trẻ. Rồi thần tượng phù du, giả hình bị đổ đạp sớm chiều. Những bài học phản bội diễn tiến không ngừng trong khoảng thời gian tối tăm nhất của lịch sử dân tộc đã khiến cho tuổi trẻ hoang mang. Từ nỗi hoang mang, tuổi trẻ trở nên bất bình thường. Và xã hội cũng bất bình thường. Cậu học trò hành hung thầy giáo ở tỉnh X. chỉ là nạn nhân của một xã hội xáo trộn bởi những âm mưu phản bội. Ông thầy cậu không hiểu cậu, không hiểu hoàn cảnh xã hội, không xét lại tư cách của ông và không độ lượng nên ông đã quên hẳn lý thuyết sư phạm. Giáo dục không đồng nghĩa với kết án. Nhà trường không phải là tòa án và thầy giáo chẳng bao giờ là ông biện lý.
Còn những vụ ghê gớm hơn, đáng kết tội hơn đã xẩy ra ở nhà trường. Thí dụ, vụ một số sinh viên một phân khoa nọ xuất bản báo miệt thị, chửi bới thầy mình thậm tệ, rồi sự việc được xếp bỏ, quên lãng. Vì các ông ông thầy không muốn ăn thua đủ với học trò, các ông thầy có lòng khoan dung, thương môn đệ như thương cuộc đời. Tôi rất tiếc những ngọn đuốc ấy đã cháy sáng mà chưa gom nổi một ngọn đuốc tỉnh X., mà chưa thắp sáng nổi thiên chức giáo dục của đồng nghiệp tỉnh X. của tôi. Có lẽ cũng chưa thắp sáng nổi thiên chức giáo dục của một sô thầy giáo ồn ào tranh đấu. Họ la hoảng giáo giới gặp màu giáo nạn. Toàn cõi Việt Nam dễ chừng, có đến cả một triệu học trò, chục ngàn thầy giáo, không đếm xuể học trò ngoan ngoãn, chăm chỉ, không kể hết thầy giáo đầy ắp lương tâm chức nghiệp. Nhưng người ta đã đếm trên đầu ngón tay những ông thầy đã sa ngã để nhục mạ giáo giới, người ta cũng kể trên đầu ngón tay những cậu học trò hành hung thầy giáo và hài tội chính quyền địa phương nhục mạ, áp bức những nhà giáo cô thế để báo động: giáo nạn, giáo nạn. Ích lợi gì đâu? Có chăng là làm phôi pha tình nghĩa thầy trò, rào dây thép gai ngăn chặn những niềm thông cảm và đẩy kẻ phạm tội ở học đường ra xã hội nghiệt ngã.
Người ta đã la hoảng, báo động ầm ỹ về những mụn ghẻ trên thân thể xã hội cùi. Người ta cứ muốn biến những mụn ghẻ ngoài da thành bệnh ung thư máu, ung thư xương… Sự la hoảng, báo động nhằm đúng lúc thủy triều chống đối chính quyền dâng lên. Và giáo dục bị chính trị, bị âm mưu chính trị lôi cuốn. Nhà giáo cũng hoan hô, đả đảo như ai. Nhà giáo toan tính gây áp lực. Chính quyền vuốt ve, an ủi, hứa hẹn bảo vệ nhà giáo. Như thế, khi làm công việc cao quý nhất là dạy học, đám học trò mơ hồ trông thấy con ngáo ộp chính quyền đứng sau lưng ông thầy của mình. Giáo dục đâu phải là giáo nạt. Mà là chinh phục tâm hồn. Học trò không thể chinh phục bằng dọa nạt. Tuổi trẻ không thể bị chinh phuc bởi dọa nạt. Những ai chủ trương dọa nạt tuổi trẻ đều là những người tưới dầu vào lửa dấy động hoặc tưới nước dập tắt nhiệt tình của tuổi trẻ. Bản chất của nhà giáo mãi mãi chỉ là âm thầm phục vụ. Giá trị của nhà giáo được thắp sáng bởi sự âm thầm đó. Nhà giáo ồn ào đấu tranh, to tiếng kể khổ, tôi nghĩ, không những không giải quyết nổi vấn đề mà còn dễ bị ngộ nhận là… thời thượng. Nhà giáo cần phài đứng trên tất cả. Nhà giáo chỉ làm công việc của muôn đời, bởi vì cho đến muôn đời, nhà giáo vẫn là nhà giáo, vẫn là bậc thầy, bất chấp mọi thay đổi dâu biển. Không thể vì vài trường hợp bất thường tạo ra bởi sự ngu muội mà la hoảng lên là giáo nạn. Chỉ khi nào sách giáo khoa bị đốt, tất cả các nhà giáo bị bắt bỏ tù, cổng trường rào dây kẽm gai, học trò bị đày biệt xứ, bấy giờ mới là giáo nạn.
Thời đại tôi đang sống là thời đại của nhiều kẻ lộng ngôn. Những kẻ lộng ngôn đã lừa gạt được khối kẻ nhẹ dạ. Đành chấp nhận. Song ở lãnh vực giáo dục, tôi không chấp nhận những kẻ lộng ngôn, ở lãnh vực giáo dục, người ta cần có tấm lòng. Kẻ lộng ngôn chỉ là những kẻ buôn bán giáo chức cho nhu cầu chính trị giai đoạn. Họ nhân danh giáo giới nhưng họ đã thắp sáng giáo giới một lần nào? Thật mỉa mai khi các bậc thầy kết án tàn nhẫn học trò hành hung mình, đòi hỏi chính quyền tỏ thái độ với học trò hỗn xược rồi lại cổ võ tinh thần bạo động, khích lệ học trò phá trường lớp, đánh hiệu trưởng, đấu tranh với "chủ trương cá mập" bóc lột học trò! Vùng đất thiêng còn sót lại của một xã hội phân hóa, mục nát, vùng đất mà chúng ta trông cậy, để từ đó, chúng ta làm lại xã hội tốt đẹp, lý tưởng đã in những dấu chân thô bạo, vì thế. Và vì thế, nỗi buồn đồn trú ở tâm hồn tôi.
Tôi sợ, rồi đây, mỗi lớp học sẽ có vài con ngựa chứng giẫm nát tình nghĩa thầy trò. Tuổi trẻ đã tìm được lý do nổi loạn. Đến thầy giáo mà còn tố cáo họp báo la lối, đòi chính quyền bắt nhốt học trò của mình thì cuộc đời còn nơi nào để bấu víu, nương tựa. Bạo động đã được khích lệ từ một số thầy giáo. Tôi mong ước danh từ giáo nạn sẽ chỉ là cơn mưa bóng mây. Rổi tạnh ngay, khô chóng, trả lại giáo dục sự im lặng, bình yên và sự tôn nghiêm tuyệt đối của nó. Riêng tôi, tôi sẽ tiếp tục kiên nhẫn, chịu đựng bọn thằng Phong. Có lẽ, ngày mai, tôi phải giải đáp những câu hỏi tàn nhẫn của con ngựa chứng đầu đàn. Thế nào nó cũng sẽ hỏi tôi rằng thầy giáo tỉnh X. đòi bắt nhốt cậu học trò dại dột làm gì.
Tôi đã sửa soạn câu trả lời .

CHƯƠNG 5
    
NGỰA CHỨNG NGỒI NGOAN NGOÃN. Đầu tóc chải gọn gàng. Không ghếch chân lên bàn học. Không hút thuốc. Không nhai kẹo cao su. Và mặc đồng phục. Lần đầu tiên tôi thấy ngựa chứng mặc đồng phục. Điều đó khiến tôi lo ngại. Tôi không tin là ngựa chứng đã dầm mình dưới dòng sông nước sạch để suy nghĩ và để hối hận. Những kẻ trót dại, hay tưởng mình làm đúng bỏ đất đứng ra đi, không thể trở về một cách dễ dàng. Cắi trớn đời thật ác độc. Nó hút cuốn kẻ sa ngã cơ hồ thỏi nam châm hút cuốn sắt vụn. Đã đi, sẽ đi mãi. Chỉ ngừng khi cái trớn đời đuối sức. Hoặc phải nổi loạn thêm một lần, bắt cái trớn đời ngưng hẳn. Nổi loạn là giao động tâm hồn cực mạnh. Ngựa chứng chưa bi giao động tâm hồn. Tôi biết những lời nói chân thành, thiết tha và tinh thần phục vụ của tôi chưa đủ khả năng làm giao động tâm hồn ngựa chứng. Chúng nó không tin tôi. Chúng nó vẫn tưởng tôi làm công việc nhai lại đạo đức trong sách vở ; vẫn tưởng tôi đóng kịch lừa gạt chúng, vẫn tưởng tôi ôn hòa vì khiếp nhược. Mọi sự ngộ nhận đều bắt nguồn ở sự mất niềm tin. Tuổi trẻ, hầu như, đã mất hết niềm tin vào cuộc sống. Cho nên, sự ngộ nhận chỉ tăng lên, lan rộng. Một hạt bụi ngờ vực cũng đủ tạo thành trận bão cát hiểu lầm. Tuổi trẻ hôm nay chống đối sự hữu lý và chống đối cả sự vô lý, nổi loạn có duyên cớ và nổi loạn không can duyên cớ. Bão cát thời tung tất cả. Thiện chí và lòng thành đều bi bão cát phủ kín. Tôi đang bị bão cát đe dọa. Ngựa chứng bình thường là ngựa chứng sửa soạn biến chứng mới. Cái tĩnh của chúng đáng sợ gấp ngàn lần cái động.
Chúng không tỏ một cử chỉ gì suốt một giờ học. Sang giờ thứ hai, ngựa chứng đầu đàn giơ tay. Tôi hỏi :
- Anh Phong muốn tôi giải đáp điều chi ?
Nó đứng dậy :
- Thưa giáo sư, giáo sư đã tìm ra kết luận cho vụ Giáo dục thời loạn, trò xin thần tí huyết chưa ạ ?
Nó nói năng lễ độ. Nhưng trong sự lễ độ của nó chứa đựng nhiều khinh miệt. Tôi nói :
- Tôi sẽ thảo luận với anh ngoài giờ học.
Nó lắc đầu :
- Ngoài giờ học là những giờ di hoang, vô quán cà phê nghe nhạc kiếm chỗ nhẩy đầm lậu vi vút và bắt ghế !
- Anh thích giải quyết ngay ?
- Dạ.
Nó bắt đầu ngạo mạn bằng ngôn ngữ thời đại :
- Dạ đi lẹ !
Đồng bọn của nó cười vang. Tôi nói :
Giáo dục thời loạn, trò xin thầy tí huyết chỉ là cái "tít" vô ý thức của một tờ bào vô ý thức. Đừng nghĩ đó là vấn đề trọng đại. Anh đã đọc loạt bài đó, anh thừa rõ, cậu học trò đâu có đánh thầy của cậu hay cầm dao đâm chém ai. Cậu ấy còn nể thầy, tuy giận thầy, nên mới nhờ bạn bè đón đường hành hung thầy. Có tí huyết nào đâu ?
Nó hỏi :
- Giáo sư bảo đừng nghĩ đó là vấn đề trọng đại. Thế tại sao ông thầy lại bù lu bù loa đòi ăn thua đủ với nó, đòi chính quyền bắt nó, họp báo mạt sát học trò thời nay đổ đốn ?
Tôi đáp :
- Bởi vì ông giáo sư tỉnh X. cũng vô ý thức.
Nó mím môi :
- Giáo sư có biết thằng học trò đó trốn khỏi tỉnh X. chưa ?
- Tôi biết
- Vậy tôi nên nghĩ gì về thầy giáo hại học trò ?
- Anh nên nghĩ riêng về ông giáo sư tỉnh X.
Tôi nói tiếp :
- Nhưng nếu tôi là anh, tôi sẽ không nghĩ gì cả.
Nó gàn giọng :
- Tại sao ?
Không khí lớp học ngộp thở. Những ánh mắt long lanh giận dữ. Trần Tâm Thành đứng tên :
- Phong, tao sẽ hạ mày. Tao chờ mày ngoài cổng trường.
Nguyễn văn Lành cũng đứng lên :
- Thưa thầy, con không học nữa, con không khiếp nhược nữa, con sẽ giết thằng Phong, để báo chí khỏi nói trò xin thầy tí huyết.
Khuôn mặt Thành cương quyết. Và khuôn mặt Lành khác lạ. Thằng Phong đứng im. Hơi run run. Thành sửa soạn dời chỗ ngồi. Tôi xua tay, điềm nhiên :
- Anh Thành, tôi không muốn tuổi trẻ của anh nặng nề trôi qua chấn song nhà tù. Anh Lang, tôi muốn anh thực hiện mộng ước thắp sáng quê hương anh. Các anh ngồi xuống.
Thành và Lành không chịu ngồi. Tôi đập tay trên mặt bàn :
- Tôi bảo ngồi xuống !
Nước mắt hai đứa ứa ra. Cả lớp đứng dậy, trừ ba con ngựa chứng :
- Thưa thầy...
Tôi trầm giọng :
- Ngồi xuống, thầy bảo các anh ngồi xuống. Hãy để anh Phong đứng vì anh ấy đang thích đứng. Mọi người có một lối đưng, một chỗ đứng. Các anh chưa cần đứng vội.
Học trò ngoan ngoãn nghe lời tôi. Mỉm nụ cười che giấu nỗi xúc động dạt dào,tôi nói :
- Cám ơn các anh.
Rồi nhìn ngựa chứng đầu đàn, tôi nhỏ nhẹ :
- Anh Phong...
Nó cũng đã ngồi xuống.
- Tại sao tôi khuyên anh không nên nghĩ gì ? Anh muốn biết, tôi sẵn sàng cho anh biết. Giản dị lắm. Nếu anh cứ soi mói những chuyện chẳng may xảy ra trong xã hội mà thời đại nào và ở đâu cũng có, tâm hồn anh sẽ không phóng khoáng. Anh đừng cắt lời tôi. Tôi không phán xét ai cả vì sợ mình sẽ bị phán xét. Anh thích phán xét người khác, anh không sợ có ngày người ta phán xét anh hay sao ? Ở đời, có những nỗi hàm oan ghê gớm, dẫu ta bị hàm oan, vẫn phải nghiến răng chịu nhục. Anh còn trẻ, còn nhiều năm bước trên đường đời. Ngoài đời, chẳng ai để phần cơm chờ đứa trẻ đi hoang ngang qua mời vô ăn đâu. Ngoài đời, chẳng ai thèm khuyên can ta. Chỉ có xua đuổi, hất hủi khi ta bơ vơ, lỡ bước. Bởi thế ta cần sống cao thượng và làm việc, cần tập sống cao thượng và làm việc. Mà sống cao thượng thì phải biết tha thứ. Tôi nói thật, anh và bạn anh không thắng nổi ý chí của tôi đâu. Anh có tìm đủ cách hạ nhục tôi cũng khó bắt tôi thù ghét các anh. Rốt cuộc, các anh thiệt thòi năm học và tâm hồn dồn ứ thêm những bất bình, xấu xa. Vất trả thù hận ra ngoài đời, anh Phong.
Nó lại đứng lên :
- Giáo sư "đấu láo" ngoài câu hỏi của tôi.
Thằng Luyện sỗ sàng :
- Xin hỏi một câu ?
Tôi nói :
- Anh hỏi đi.
Nó toét miệng cười :
- Thí dụ giáo sư bị học trò đánh nhừ đòn, giáo sư có họp báo tố cáo học trò không ?
Tôi khẽ nhún vai :
- Nhà giáo vốn cô đơn và bị bạc đãi. Chịu bạc đãi quen rồi, có bị bạc đãi bằng đòn của trò, tôi vẫn thản nhiên.
Luyện liếm mép :
- Chắc chứ ?
Trần Tâm Thành nổi giận. Nó quay xuống cuối lớp :
- Mày muốn đánh thầy à ?
- Tao chỉ hỏi.
Trần Tâm Thành nghiến răng :
- Cấm mày hỏi điều đó. Muốn hỏi thêm hãy bước qua xác tao !
Tôi gạt vội :
- Anh Thành quên những điều thầy nói rồi. Các anh cần phải sống cao thượng. Mọi việc khó khăn sẽ đều được giải quyết bằng những tâm hồn cao thượng. Chúng ta đang làm việc trong thời buổi khó khăn. Thầy hy vọng, nỗi khó khăn sẽ hết.
Ngựa chứng đầu đàn nói hai tiếng bâng quơ :
- Để xem !
Và bỏ chỗ. Đàn em của nó theo nó, dời lớp học. Nó dọa tôi. Để xem. Tôi nghĩ thế. Ngựa chứng nghênh ngang. Những con mắt hằn học trông theo. Tôi bảo học trò của tôi :
- Chúng ta nên tội nghiệp bọn nó.
Trần Tâm Thành nhăn nhó :
- Thưa thầy bọn nó cần cho uống thuốc đắng.
Tôi cười :
- Bọn nó sẽ không chịu uống hay uống vào sẽ nôn ói. Phải có lớp bột ngọt bọc lấy viên thuốc đắng. Các anh nên hiểu rằng xã hội đã mất tuổi trẻ chỉ vì xã hội thích đỡ và đàn áp sự phản kháng vô lối của tuổi trẻ. Đỡ thì được nhưng cần đỡ bằng nệm mút thật dầy. Đó là lòng độ lượng.
Tôi rút khăn thấm mồ hôi trên trán :
- Các anh đã biết đó, trường mình gần một ngàn học trò, tỉnh mình thật nhiều trường lớp mà chỉ có bốn con ngựa chứng, đâu đáng lo ngại. Miễn là các anh sống cao thượng, làm việc hăng say, tâm hồn luôn luôn hướng về cái đẹp của xã hội, bỏ ngoài tầm mắt những cái xấu xa thì bọn thằng Phong sẽ cô đơn, sẽ ân hận và chúng ta cứu rỗi được chúng nó. Thầy muốn các anh thương bọn nó như các anh thương thầy. Thù hằn không giải quyết được gì cả. Cuộc đời chỉ xây dựng bằng tình thương. Tình thương mới vĩnh cửu. Chừng các anh bỏ trường độ bước xuống cuộc đời các anh sẽ hiểu thầy nói đúng.
Nguyễn văn Lành chớp mắt :
- Thưa thầy...
Tôi nói :
- Anh khỏi lo. Bọn thằng Phong không dám hành hung thầy đâu.
- Ngộ nhỡ...
- Không có nhỡ. Và thầy không đề phòng chuyện có thể xẩy ra. Thầy giáo không nên đề phòng học trò của mình hại mình. Thôi, chúng ta tiếp tục làm việc.
Tôi tưởng học trò cửa tôi vâng lời tôi, quên những câu xấc xược của bọn ngựa chứng. Nhưng Trần Tâm Thành đã quá thương tôi. Nó nhờ anh nó dùng súng bắt bọn thẳng Phong quỳ trước một quán cà phê, tát thằng Phong tàn nhẫn và ra lệnh cho thằng Phong không được hỗn láo với tôi hoặc phải xin thôi học. Chuyện đó gây sôi nổi khắp các lớp. Lành báo tin. Khuôn mặt nó rạng rỡ. Tôi vò đầu, tức tối :
- Anh Thành thương thầy mà chính là hại thầy.
Tôi nhờ Lành gọi Thành xuống phòng của tôi. Thành lánh mặt. Mấy bữa sau, có giờ của tôi,Thành nghỉ học. Chắc nó đã nghe Lành thuật lại câu than vãn của tôi. Thành nghỉ học nhưng nó viết thư xin lỗi tôi. Nó thú nhận là nó hành động ngu dại, không giúp ích gì cho tôi cả. Tôi nhắn học trò bảo Thành cứ đi học. Ngựa chứng biệt tăm. Chúng đang nuôi thù hận. Chắc chắn, chúng đã nghĩ tôi nhờ anh của Thành dằn mặt chúng. Càng ngày, sự ngộ nhận về tôi càng lớn đối với ngựa chứng. Tôi mới thấy cái thiên chức giáo dục hôm nay thật khó khăn. Nhà giáo không những chỉ là người mở mang kiến thức cho học trò mà còn là người xoa dịu nỗi cô đơn của tuổi trẻ. Tôi chưa chán nản, song tôi thấy khó lòng chinh phục nổi ngựa chứng dù tôi đã nhập cuộc rodéo giáo dục.
Những gì sắp xẩy ra ? Tôi đang trông đợi và sẳn sàng chịu đựng.

CHƯƠNG 6
    
BUỔI SÁNG HÔM ẤY, NGỰA CHỨNG có mặt đầy đủ. Ý hẳn chúng đến trường để xem kết quả trận đòn. Ngựa chứng đã tưởng tôi đang nằm ở bệnh viện. Những trái đấm, những cú đá tàn bạo nưng thế giáng xuống, thốc lên, chắc chắn tôi phải liệt giường vài tháng. Ngựa chứng không thể hiểu tôi đã học nhu đạo, thái cực đạo, việt võ đạo và cả hồng mao nữa. Và tôi nổi tiếng là kẻ chịu đòn ở các sân tập. Thấy tôi vào lớp, mặt mày thâm quần, ngựa chứng ngạc nhiên đến rụng rời. Những người khác thì xót xa thương cảm. Nguyễn văn Lành dễ gì ngậm miệng. Nó đã rỉ tai hết cả bạn bè. Đó là phản ứng bình thường của con người nặng tình nặng nghĩa. Tôi sợ tai họa sẽ xảy ra cho ngựa chứng sau giờ học của tôi. Tôi muốn khóc. Những đôi mắt học trò lonh lanh một nỗi niềm. Họ không nói, mà họ đã nói rất nhiều.Họ gần gũi tôi, sẵn sàng đứng sau lưng tôi. Không một ai nỡ bỏ rơi tôi vì sợ hãi hay vì nghĩ rắng tôi bị đánh đập là tôi đáng bị đánh đập. Cuộc đời chẳng bao giờ giống lớp học. Ngoài cuộc đời, nếu ta bị hàm oan, bị bôi bẩn, người thân ta nhất sẽ lánh xa ta. Đôi khi còn phụ họa để miệt thị ta. Những đôi mắt dưới bàn học cũng chiếu rọi hằn học vào đám ngựa chứng. Tôi không muốn thế. Tôi nói:
- Thầy tin chắc rằng các anh vẫn nhớ lời thầy. Hãy làm việc và sống cao thượng. Thầy sẽ buồn vô cùng nếu các anh trái ý thầy. Vì, như vậy, chúng ta không còn gì để cho nhau, để dạy lẫn cho nhau. Các anh phải tin thầy. Rằng, chẳng có việc gì xẩy ra cả. Rằng, mọi việc sẽ được giải quyết bằng tình nghĩa thầy trò. Hôm nay, chúng ta học Nhất Linh, chúng ta làm quen với anh chàng lãng mạng cách mạng tên là Dũng và cô Loan, người yêu của chàng…
Trần thanh Tâm đứng dậy:
- Thưa Thầy…
Tôi hỏi:
- Anh chưa có cuốn Đoạn Tuyệt?
Nó chớp mắt:
- Con xin lỗi thầy.
- Anh chưa hề lầm lỗi.
- Con cần phải làm một chuyện gì….
- Anh chỉ nên ngồi ngoan ở chỗ của anh, chỗ của người học trò và nhìn thầy trên bục gỗ như anh đang nghĩ. Chuyện mà anh cần phải làm là hãy chăm chỉ học hành và tập sống cao thượng để dời lớp học bước xuống cuộc đời, dù trong nghịch cảnh nào đó, các anh vẫn còn giữ được đôi chút hiền lương. Đôi chút thôi. Là đủ tạo nổi một biên giới ngăn cản cái Thiện bước sang cái Ác….
Trần thanh Tâm định nói thêm, nhưng ông hiệu trưởng, ông tỉnh trưởng, ông phó nội anh và ông trưởng ty cảnh sát đã đến cửa lớp học. Ông hiệu trưởng bước vào lớp trước, ông nói:
- Ông tỉnh muốn tới thăm lớp học.
Tôi đã đoán được chuyện gì sắp xảy ra. Và tôi khó chịu nhìn ông hiệu trưởng. Lớp học yên lặng. Tôi bước ra cửa lớp mời “quan khách” vô. Học trò đứng lên chào “phái đoàn”. Nghi lễ thông thường qua nhanh. Tôi chú ý những khuôn mặt ngựa chứng. Chúng nó hốt hoảng. Ông tỉnh vào đề ngay:
- Đêm qua, giáo sư bị một bọn học sinh mất dạy hành hùng…
Tôi vội tiếp lời ông:
- Thưa đại tá, bọn hành hung tôi không phải là học sinh của tôi.
Ông ngó tôi và nói với học trò:
- Các em đã thấy rõ vết thương trên khuôn mặt khả kính của thầy các em. Các em muốn tôi dành hình phạt nào cho bọn phản thầy đó?
Ông tỉnh trưởng nhìn ông phó nội an:
- Tôi đã lưu ý ông.
Ông phó nội anh tái mặt, đứng im. Ông tỉnh hỏi:
- Em nào biết hay nghi ngờ đứa nào chủ mưu hành hung thầy các em?
Trần thanh Tâm giơ tay. Nó được phép đứng dậy. Tôi ngầm ngăn cản nó:
- Nếu anh không biết đích xác, không chứng kiến vụ người ta hành hung thầy thì đừng nghi ngờ cho bạn của anh. Thầy là người trong cuộc chứ không phải anh.
Trần thanh Tâm nói:
- Thưa đại tá, thầy con bị bọn say rượu đánh lầm.
Ông tỉnh nhíu mày:
- Tôi đành tin giáo sư và các em vậy. Nhưng, bất cứ lúc nào các em muốn loại trừ những thằng học sinh côn đồ khỏi nhà trường, các em cứ tới văn phòng tôi. Tôi sẽ bắt nhốt bọn vô giáo dục đó, dù chúng nó là con cháu tôi. Các em không lo bị trả thù. Rác rưởi cần phải được quét sạch khỏi học đường, quét khỏi tỉnh này. Du đãng, trộm cướp thì bỏ tù chứ học sinh đánh thầy giáo phải đóng chuồng nhốt chung chúng nó với thú vật.
Quay sang ông trưởng ty cảnh sát, ông tỉnh ra lệnh:
- Ông điều tra gấp vụ này.
Ông nói với tôi:
- Xin lỗi giáo sư chúng tôi đã làm rộn lớp học.
Tôi nói:
- Cám ơn đại tá đã dạy học trò của tôi một bài học thấm thía.
Ông tỉnh trưởng nhìn tôi chan chứa cảm tình:
- Giáo dục là công việc của mọi người, thưa giáo sư.
Ông bắt tay từ giã tôi. Tiễn “phái đoàn” ra khỏi cửa lớp, tôi đã ngỡ ngàng thấy hai nhân viên công lực đem sẵn còng máng ở dây lưng. Những chiếc còng sắt đó sẽ còng tay thằng Phong dính vào tay đồng bọn của nó. Ông tỉnh trưởng là người cương quyết, là người thi hành luật pháp, chắc hắn, ông sẽ dẫn bọn thằng Phong đến các trường học trong tỉnh, sẽ bắt chúng nó quỳ ở giữa các sân trường. Tưởng tượng hình phạt mà ông dành cho bọn thằng Phong, tôi bỗng rụng rời. Hình phạt không có tâm hồn. Những kết án cũng không có tâm hồn. Nên không thể hiểu sau mỗi hình phạt, kẻ chịu hình phạt sẽ ra sao. Tôi thì tôi biết rõ số phận của bọn thằng Phong sẽ khốn nạn kể từ lúc nhân viên công lực còng tay chúng nó lôi ra khỏi lớp học. Bấy giờ, không ai thương xót chúng nó nữa. Bấy giờ, có xót thương cũng đã muộn màng. Những kẻ sắp chết đuối không hy vọng tấm mảng trôi tình cờ trên dòng nước, dù là mảng mục rữa. Bọn thằng Phong sẽ trở thành bọn người nguy hiểm cùng cực cho xã hội nếu cổ tay chúng bị đeo còng ngay ở lớp học. Trường học không cưu mang chúng, thầy giáo không xót thương chúng, bạn bè không khoan dung với chúng thì cuộc đời dễ gì tha thứ chúng. Nếu bọn thằng Phong đã hiểu tương lai của chúng đang đùa rỡn với còng sắt.
Tôi trở vào lớp. Câu nói trước tiên là câu cám ơn Trần văn Thành. Cả lớp thắc mắc. Tôi giải thích :
- Ông đại tá ra lệnh cho nhân viên công lực mang còng tới. Chỉ cần anh Thành tố cáo bất cứ tên nào là nhân viên công lực còng tay lại lôi ra khỏi lớp. Trừ khi người ta ở ngoài đời thì còn có lý do biện bạch cho những lần bị còng tay. Có kẻ bị phỉ nhổ. Có kẻ được thương xót. Nhưng ở lớp học bị còng tay lôi ra là bị đẩy xuống vực thẳm.
Tôi nhìn ngựa chứng:
- Các anh có nghĩ thế không, anh Phong, anh Luyện, anh Thiện, anh Du?
Ngựa chứng đầu đàn lí nhí đáp:
- Thưa giáo sư, có ạ!
Tôi nói:
- Tôi chỉ là một nhà giáo có xuất xứ nghèo khổ và quen chịu đựng. tôi sẽ chịu đựng nỗi đau thể xác cho học trò của tôi khỏi bị đau đớn tinh thần. Tôi không bao giờ là thần tượng. Họ lầm. Thần tượng ở đấu tôi không biết chứ thần tượng ở xứ này được nặn lên rồi lại bị chính những kẻ nặn lên đạp vỡ một cách phũ phàng. Nhà giáo chỉ muốn học trò của mình nên người và không mong mỏi học trò đền ơn. Các anh không nên người là lỗi tại thầy các anh. Đó là vấn đề của lương tâm các anh một mai khi các anh có kẻ làm thầy giáo. Tôi vốn không thích học trò của tôi mang tiếng chỉ điểm viên. Khi chúng ta còn có thể duy trì được tình nghĩa và còn có hoàn cảnh sống cao thượng, chúng ta hãy duy trì và đừng sợ thua thiệt. Nhà trường không dạy tính toán thủ đoạn. Nhà trường không dạy nghề chỉ điểm, tố cáo, phản bội.
Ngựa chứng cúi gầm mặt. Quả thật, chúng nó đã cô đơn. Tôi cho học trò nghỉ học sớm. Khi tôi xuống văn phòng ông hiệu trưởng, định trách móc ông vài câu, tôi thấy ông phó nội an và ba người khách đã ngồi đó. Ông tùy phái già, bác Năm thân mến, đang bận bịu châm nước. Ông hiệu trưởng giới thiệu tôi với ba người khách. Tôi biết họ là phụ huynh của các cậu học trò Luyện, Du, Thiện. Câu chuyện bắt đầu. Ông phó nội an cám ơn tôi đã cứu thằng Phong. Những người khác nói mang ơn tôi suốt đời và họ thú nhận đã thiếu bổn phận đối với con em họ. Ông phó hứa sẽ răn dạy thằng Phong. Tôi cho họ biết đừng suy nghĩ gì cả. Thầy giáo không được phép hắt hủi, xua đuổi học trò. Tôi chỉ làm nhiệm vụ giáo dục. Họ vẫn sợ tôi thay đổi thái độ hoặc học trò của tôi ghét bỏ con em họ, sẽ tố cáo. Tôi cam kết không xảy ra chuyện tàn bạo đó, miễn là con em họ tiếp tục đến trường. Họ ngỏ ý chịu phí tổn đài thọ tôi để tôi nằm bệnh viện. Tôi từ chối. Họ ra về, mời mọc tôi đến nhà họ chơi. Tôi nhận lời. Sau đó, tôi về phòng nằm nghỉ.
Những vết đau, bây giờ, mới thấm thía. Ông già Năm đẩy cửa bước vào. Ông ái ngại hỏi tôi:
- Thầy cần gì tôi không?
Tôi đáp:
- Không, cám ơn bác.
- Tại sao thầy còn bênh vực bọn khốn nạn đó?
- Bác bảo tôi không giống ai mà.
Ông già Năm chép miệng:
- Thầy không giống ai, thiệt tình. Mà tôi nghĩ thầy nên đi dưỡng bệnh.
Tôi ngồi nhỏm dậy:
- Tôi còn khỏe.
Ông già Năm có vẻ hân hoan:
- Thấy lão phó mặt dài thườn thượt ngồi chờ thầy ở văn phòng ông hiệu trưởng để xin lỗi, tôi khoái quá!
Tôi nói:
- Tội nghiệp ông ta.
Ông già Năm đưa tay lên gãi gáy:
- Thầy Định à…..
Tôi cười:
- Chi đó, Bác Năm?
- Thầy đừng giận tôi nhé! Tôi nể nang hết sức nên mới làm phiền thầy.
- Chuyện gì đó?
- Cô Liên….
- Sao?
- Thầy đừng giận tôi nhé! Tôi thấy cô Liên khóc tôi mới động lòng nhận lời. Tôi biết thầy sẽ la tôi. Cô Liên nhờ tôi trao tận tay thầy một bức thư.
- Một bức thư.
- Dạ.
- Bác đem trả lại cô ấy đi. Bảo cô ấy muốn nói gì thì nói ở lớp học.
Ông già Năm chớp mắt, tay thọc vào túi áo bà ba:
- Tội nghiệp cổ, thầy Định…..
Tôi hất đầu:
- Vậy bác đưa đây. Đừng có nói cho ai biết, kể cả con gái bác.
Bác Năm trao bức thư cho tôi và bước vội ra ngoài. Tôi xé phong bì thư, lôi ra những tờpelure màu xanh thơm ngát mùi nước hoa Rêve d’or. Bức thư tỏ tình viết từ nhiều ngày tháng. Mỗi tuần một đoạn. Liên nói yêu tôi và đã đau khổ vì tình yêu câm nín. Nàng chứng minh nỗi đau khổ bằng những giọt nước mắt rớt xuống thư làm nhòa những chữ viết bằng bút mực. Tôi đọc xong, gấp bức thư cất tận đáy va ly của tôi. Bây giờ tôi mới thực sự bối rối. Người ta có thể chế ngự được hận thù chứ không thể ngăn cản được tình yêu của một người cho một người. Tôi có thể chiến thắng ngựa chứng nhưng sẽ chiến bại cô học trò Phan kim Liên. Chỉ còn một cách giã từ tỉnh lỵ này. Rồi tôi cũng phải lấy vợ song không thể lấy cô học trò đang học mình ở nơi mình đang dạy học. Tôi chỉ là một người, có một trái tim biết rung động. Tôi không giả dối. phủ nhận tôi yêu Kim Liên. Tôi yêu nàng lắm chứ. Khốn nỗi, không gian và thời gian không cho phép tôi tỏ tình với Liên. Tôi có nhiều ràng buộc bà giáo điều tự mình đặt ra để bắt mình phải tuân theo.
Tôi có cảm tưởng tôi sắp thua cuộc.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét