Trước khi bắt đầu tôi rất đắn đo, vì muốn ghi lại sự kiện trung
thực ít nhất cũng là trung thực với tôi về những gì mà tôi biết và những gì mà
tôi làm, tất nhiên là khó tránh khỏi những đụng chạm đến quí vị, đặc biệt là với
cựu Đại Tướng Trần Thiện Khiêm, cựu Đại Tướng Cao Văn Viên, và cựu Đại Tướng
Nguyễn Khánh.
Riêng với cựu Đại Tướng Khiêm và cựu Đại Tướng Viên, là hai vị
mà tôi luôn ghi nhớ nghĩa ân. Tôi không có một thân nhân hay một bạn bè nào
quen biết khi vào quân ngũ tháng 05/1954. Tháng 11/1961, đang trong trách nhiệm
Trưởng Ban hành quân/Phòng 3 Sư Đoàn 21 Bộ Binh, tôi được Đại Tá Tư Lệnh Sư
Đoàn 21 Bộ Binh, kiêm Tư Lệnh Khu Chiến Thuật Hậu Giang, cử giữ chức Chánh Văn
Phòng. Tháng 10 năm 1965, tôi được Thiếu Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, cử giữ chức Chánh Văn Phòng. Nhờ vậy mà tôi có nhiều
cơ hội tiếp xúc với nhiều vị Tướng Lãnh, nhiều giới chức trong các cơ quan Lập
Pháp, Hành Pháp, Tư Pháp, học hỏi được những căn bản trong tổ chức và quản trị.
Thế hệ chúng ta đã học nhiều bài học quí báu từ trong lịch sử,
và vận dụng vào bổn phận công dân trong trách nhiệm bảo vệ quốc gia. Rồi đây,
những thế hệ sau chúng ta, cũng cần đến lịch sử mà thế hệ chúng ta sẽ là một phần
quan trọng trong đó, và quí vị là thành phần quan trọng hơn hết trong giai đoạn
lịch sử 1954 - 1975.
Lịch sử một dân tộc không thể tự nhiên mà có. Muốn có được lịch
sử, tôi nghĩ, sau chặng đường phục vụ quốc gia dân tộc, mỗi người trong bất cứ
lãnh vực nào của xã hội, cần viết lại trên giấy trắng mực đen về những hiểu biết
xác thực của mình trong từng phạm vi trách nhiệm lúc đương thời, và viết với một
trạng thái tâm hồn thật bình thản. Từ đó, những nhà viết sử gom góp lại, chọn lọc,
phân tách, đánh giá, và tạo nên những dòng sử qua từng giai đoạn thăng trầm của
đất nước. "Tiếng thơm muôn đời hay lời sỉ nhục lưu mãi trong sử sách, truyền
mãi trong dân gian", không phải người này tạo cho người kia, hay ngược lại,
mà mỗi người trong xã hội -nhất là những vị giữ chức vụ lãnh đạo- tự tạo cho
chính mình qua những nghĩ suy, những phương tiện diễn đạt, và trong những môi
trường hành động.
Tôi không dám nghĩ đây là một sử liệu, nhưng tôi cố gắng ghi
chép đúng theo trí nhớ của tôi, để các sử gia may ra tham khảo được đôi điều
trong khoảng thời gian nghiêng ngã của đất nước, mà thuở đó, quyền lực nằm
trong tay quí vị lãnh đạo . So với ấn bản lần 1, lần 2, và lần 3, ấn bản lần 4
này có vài sắp xếp lại về cách trình bày và bổ túc thêm một số chi tiết, vì
1.600 trang giấy học trò mà tôi lén lút viết lại trong thời gian bị giam ở trại
tập trung Nam Hà trên đất Bắc, lén lút gởi về gia đình cất giữ, và khi đoàn tụ
với gia đình tôi vẫn tiếp tục viết, đến nay tôi đã nhận đầy đủ từ Việt Nam gởi
sang. Cùng với những sự kiện mà cựu Đại Tướng Trần Thiện Khiêm, Thủ Tướng từ
năm 1970 đến năm 1975, và cựu Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân
Lực Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1965 đến năm 1975, hai vị cho tôi biết thêm nhân
khi vợ chồng tôi đến Virginia hồi đầu tháng 9 năm 2003 và những năm sau đó,
thăm hai vị và gia đình.
Xin quí vị vui lòng, và trân trọng kính chào quí vị.
Houston, Texas, Hoa Kỳ.
Viết xong ngày 15 tháng 8 năm 1994.
Bổ túc lần 1, mùa Thu 1995.
Bổ túc lần 2, mùa Thu 1998.
Bổ túc lần 3, mùa Đông 2001-2002.
Bổ túc lần 4, mùa Đông 2003-2004.
Bổ túc lần 5, mùa Đông 2005-2006.
Bổ túc lần 6, mùa Xuân 2007.
Bổ túc lần 7, mùa Hè 2009.
Duyệt lại, mùa Đông 2010.
Cựu Đại Tá Phạm Bá Hoa
*****
Lời nói đầu
Trong bối cảnh quốc tế sau thế chiến thứ hai 1939-1945, do ảnh
hưởng lớn lao của hai siêu cường Hoa Kỳ với Liên Xô, đã tạo thành khối các quốc
gia Tự Do và khối các quốc gia Cộng Sản. Bên cạnh đó là những quốc gia nhỏ về
thế lẫn lực, cố ngồi lại với nhau và hình thành khối thứ ba thường gọi là khối
Trung Lập.
Trong khung cảnh gia đình, mức thu nhập hằng tháng hằng năm
không đủ chi tiêu dù là tối thiểu, phải nhờ đến sự giúp đỡ của thân nhân thân
quyến hay bạn bè bằng hữu. Mà khi nhờ vả thì ít hay nhiều cũng phải chịu ảnh hưởng
của người ấy về mặt này mặt khác. Với hình ảnh đó ở cấp bậc quốc gia cũng vậy,
còn cộng thêm những phức tạp về chính trị quốc gia quốc tế nữa. Xin nhớ rằng,
trong bang giao quốc tế không có vấn đề tình cảm mà chỉ có vấn đề quyền lợi quốc
gia là trên hết. Vì vậy, khi đã vay mượn hay xin xỏ của nước nào, phải chịu ảnh
hưởng về những sinh hoạt của nước đó đối với quốc gia mình, thậm chí có những
chính sách của họ không liên hệ đến mình mà mình vẫn phải ủng hộ, và khi đã chịu
ảnh hưởng thì ý nghĩa của Trung Lập không còn nữa.
Khi nhìn nhận như vậy, rõ ràng là các quốc gia trong khối thứ ba
nói trên không có khả năng Trung Lập. Do đó mà sự hình thành của khối thứ ba
này chẳng qua là gượng ép, nếu không nói là do sức ép từ thế lực bên ngoài để
tăng thêm thế chính trị cho họ. Tôi muốn nói đến một thế đứng chính trị: “hoặc
khối Tự Do hoặc khối Cộng Sản”. Còn tuyên bố Trung Lập mà quốc gia chỉ trông
vào viện trợ hay trợ giúp nhân đạo để tồn tại, đó là tính chất dối trá trong
lãnh đạo đối với đồng bào, và khi lãnh đạo dối trá thì không xứng đáng lãnh đạo
đồng bào của họ nữa. Lãnh đạo cộng sản Việt Nam là một trong những nhóm lãnh đạo
đó.
Việt Nam Cộng Hòa chúng ta đứng hẳn vào khối Tự Do do Hoa Kỳ
lãnh đạo. Đó không phải là cách chọn lựa lý tưởng, nhưng khi phải chọn lựa giữa
hai điều xấu, ta phải chọn điều xấu ít. Nhưng chịu ảnh hưởng những chính sách của
Hoa Kỳ là một việc, mà bản lãnh chính trị của những vị lãnh đạo Việt Nam Cộng
Hòa trong việc tận dụng tối đa những chính sách đó vào mục đích tăng thêm hay
ít ra cũng phải bảo vệ quyền lực và lợi ích quốc gia, lại là việc khác. Đó là cốt
lõi của lãnh đạo.
Lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa chúng ta kể từ giữa năm 1954, đã lần
lượt trong tay các vị: Ông Ngô Đình Diệm, Trung Tướng Dương Văn Minh, Trung Tướng
Nguyễn Khánh, Kỹ sư Phan Khắc Sửu, Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Giáo sư Trần
Văn Hương, và Đại Tướng Dương Văn Minh (lần hai). Nhiệt tình của những vị lãnh
đạo trên đây đối với quốc gia dân tộc dù nhiệm kỳ của hai vị sau cùng cộng lại
chỉ hơn một tuần lễ, đều đáng được ca ngợi, nhưng vị nào đã để lại tiếng thơm
muôn đời hay lời sỉ nhục lưu mãi trong sử sách, truyền mãi trong dân gian, xin
tùy quí vị quí bạn. Xa hơn nữa là phán xét của lịch sử.
Với quyển sách này, tôi xin ghi lại những lệnh mà tôi nhận, những
việc mà tôi làm, và những gì mà tôi nghĩ, qua những lệnh và những việc làm đó
trong các biến cố chính trị từ năm 1963 đến cuối năm 1966. Rồi năm cuối cùng của
cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, ngày mà lãnh
đạo nước cộng sản Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chiếm trọn Việt Nam Cộng Hòa chúng
ta, ký ức và tài liệu mà tôi ghi chép lúc đương nhiệm, còn lưu giữ được đôi điều.
Vì giới hạn trong phạm vi trách nhiệm nên không có được tính cách tròn vẹn của
mỗi biến cố, nhưng hy vọng là nội dung này có khả năng giùp quí vị quí bạn nhận
ra những nét trung thực khi lần theo mỗi sự kiện trong từng biến cố.
Cũng xin nói thêm rằng, tôi chưa từng viết văn, cũng không biết
viết văn, nên văn chương ở đây rất luộm thuộm. Kính mong quí vị quí bạn vui
lòng xem nội dung quyển sách này như là một chuyện kể, nhớ đâu kể đó.
Và bây giờ kính mời quí vị quí bạn vào chuyện kể . . .
Kính thưa quí vị,
Trước khi bắt đầu tôi rất đắn đo, vì muốn ghi lại sự kiện trung
thực ít nhất cũng là trung thực với tôi về những gì mà tôi biết và những gì mà
tôi làm, tất nhiên là khó tránh khỏi những đụng chạm đến quí vị, đặc biệt là với
cựu Đại Tướng Trần Thiện Khiêm, cựu Đại Tướng Cao Văn Viên, và cựu Đại Tướng
Nguyễn Khánh.
Riêng với cựu Đại Tướng Khiêm và cựu Đại Tướng Viên, là hai vị
mà tôi luôn ghi nhớ nghĩa ân. Tôi không có một thân nhân hay một bạn bè nào
quen biết khi vào quân ngũ tháng 05/1954. Tháng 11/1961, đang trong trách nhiệm
Trưởng Ban hành quân/Phòng 3 Sư Đoàn 21 Bộ Binh, tôi được Đại Tá Tư Lệnh Sư
Đoàn 21 Bộ Binh, kiêm Tư Lệnh Khu Chiến Thuật Hậu Giang, cử giữ chức Chánh Văn
Phòng. Tháng 10 năm 1965, tôi được Thiếu Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, cử giữ chức Chánh Văn Phòng. Nhờ vậy mà tôi có nhiều
cơ hội tiếp xúc với nhiều vị Tướng Lãnh, nhiều giới chức trong các cơ quan Lập
Pháp, Hành Pháp, Tư Pháp, học hỏi được những căn bản trong tổ chức và quản trị.
Tôi biết có những vị gần như mai danh ẩn tích từ khi đến Hoa Kỳ
sau ngày đất nước vào tay cộng sản 30/04/1975, nhưng tôi xin phép được nhắc đến
quí vị trong tập sách, và tôi chỉ nói đến quí vị ở khía cạnh quí vị là những vị
lãnh đạo Quốc Gia, lãnh đạo Quân Lực, chớ tôi không nói đến những riêng tư của
quí vị. Tôi xin tôn trọng phần riêng tư đó. Về những gì tôi viết vào đây, có thể
có sự kiện nào đó mà quí vị cho là không chính xác, nhưng theo tôi, tôi thấy đã
đủ thận trọng trong cách nhìn của tôi khi viết những trang sách nhỏ này. Biết
đâu, có những điều mà tôi nói lên được sự thật liên quan đến quí vị mà nhiều chục
năm qua chính quí vị cũng chưa biết đến, và cũng có thể tôi làm sáng tỏ được điều
gì đó đối với dư luận dù rằng quí vị cho là có hay không có cũng chẳng sao.
Thế hệ chúng ta đã học nhiều bài học quí báu từ trong lịch sử,
và vận dụng vào bổn phận công dân trong trách nhiệm bảo vệ quốc gia. Rồi đây,
những thế hệ sau chúng ta, cũng cần đến lịch sử mà thế hệ chúng ta sẽ là một phần
quan trọng trong đó, và quí vị là thành phần quan trọng hơn hết trong giai đoạn
lịch sử 1954 - 1975.
Lịch sử một dân tộc không thể tự nhiên mà có. Muốn có được lịch
sử, tôi nghĩ, sau chặng đường phục vụ quốc gia dân tộc, mỗi người trong bất cứ
lãnh vực nào của xã hội, cần viết lại trên giấy trắng mực đen về những hiểu biết
xác thực của mình trong từng phạm vi trách nhiệm lúc đương thời, và viết với một
trạng thái tâm hồn thật bình thản. Từ đó, những nhà viết sử gom góp lại, chọn lọc,
phân tách, đánh giá, và tạo nên những dòng sử qua từng giai đoạn thăng trầm của
đất nước. "Tiếng thơm muôn đời hay lời sỉ nhục lưu mãi trong sử sách, truyền
mãi trong dân gian", không phải người này tạo cho người kia, hay ngược lại,
mà mỗi người trong xã hội -nhất là những vị giữ chức vụ lãnh đạo- tự tạo cho
chính mình qua những nghĩ suy, những phương tiện diễn đạt, và trong những môi
trường hành động.
Tôi không dám nghĩ đây là một sử liệu, nhưng tôi cố gắng ghi
chép đúng theo trí nhớ của tôi, để các sử gia may ra tham khảo được đôi điều
trong khoảng thời gian nghiêng ngã của đất nước, mà thuở đó, quyền lực nằm
trong tay quí vị lãnh đạo . So với ấn bản lần 1, lần 2, và lần 3, ấn bản lần 4
này có vài sắp xếp lại về cách trình bày và bổ túc thêm một số chi tiết, vì
1.600 trang giấy học trò mà tôi lén lút viết lại trong thời gian bị giam ở trại
tập trung Nam Hà trên đất Bắc, lén lút gởi về gia đình cất giữ, và khi đoàn tụ
với gia đình tôi vẫn tiếp tục viết, đến nay tôi đã nhận đầy đủ từ Việt Nam gởi
sang. Cùng với những sự kiện mà cựu Đại Tướng Trần Thiện Khiêm, Thủ Tướng từ
năm 1970 đến năm 1975, và cựu Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân
Lực Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1965 đến năm 1975, hai vị cho tôi biết thêm nhân
khi vợ chồng tôi đến Virginia hồi đầu tháng 9 năm 2003 và những năm sau đó,
thăm hai vị và gia đình.
Xin quí vị vui lòng, và trân trọng kính chào quí vị.
Houston, Texas, Hoa Kỳ.
Viết xong ngày 15 tháng 8 năm 1994.
Bổ túc lần 1, mùa Thu 1995.
Bổ túc lần 2, mùa Thu 1998.
Bổ túc lần 3, mùa Đông 2001-2002.
Bổ túc lần 4, mùa Đông 2003-2004.
Bổ túc lần 5, mùa Đông 2005-2006.
Bổ túc lần 6, mùa Xuân 2007.
Bổ túc lần 7, mùa Hè 2009.
Duyệt lại, mùa Đông 2010.
Cựu Đại Tá Phạm Bá Hoa
*****
Lời nói đầu
*****
Trong bối cảnh quốc tế sau thế chiến thứ hai 1939-1945, do ảnh
hưởng lớn lao của hai siêu cường Hoa Kỳ với Liên Xô, đã tạo thành khối các quốc
gia Tự Do và khối các quốc gia Cộng Sản. Bên cạnh đó là những quốc gia nhỏ về
thế lẫn lực, cố ngồi lại với nhau và hình thành khối thứ ba thường gọi là khối
Trung Lập.
Trong khung cảnh gia đình, mức thu nhập hằng tháng hằng năm
không đủ chi tiêu dù là tối thiểu, phải nhờ đến sự giúp đỡ của thân nhân thân
quyến hay bạn bè bằng hữu. Mà khi nhờ vả thì ít hay nhiều cũng phải chịu ảnh hưởng
của người ấy về mặt này mặt khác. Với hình ảnh đó ở cấp bậc quốc gia cũng vậy,
còn cộng thêm những phức tạp về chính trị quốc gia quốc tế nữa. Xin nhớ rằng,
trong bang giao quốc tế không có vấn đề tình cảm mà chỉ có vấn đề quyền lợi quốc
gia là trên hết. Vì vậy, khi đã vay mượn hay xin xỏ của nước nào, phải chịu ảnh
hưởng về những sinh hoạt của nước đó đối với quốc gia mình, thậm chí có những
chính sách của họ không liên hệ đến mình mà mình vẫn phải ủng hộ, và khi đã chịu
ảnh hưởng thì ý nghĩa của Trung Lập không còn nữa.
Khi nhìn nhận như vậy, rõ ràng là các quốc gia trong khối thứ ba
nói trên không có khả năng Trung Lập. Do đó mà sự hình thành của khối thứ ba
này chẳng qua là gượng ép, nếu không nói là do sức ép từ thế lực bên ngoài để
tăng thêm thế chính trị cho họ. Tôi muốn nói đến một thế đứng chính trị: “hoặc
khối Tự Do hoặc khối Cộng Sản”. Còn tuyên bố Trung Lập mà quốc gia chỉ trông
vào viện trợ hay trợ giúp nhân đạo để tồn tại, đó là tính chất dối trá trong
lãnh đạo đối với đồng bào, và khi lãnh đạo dối trá thì không xứng đáng lãnh đạo
đồng bào của họ nữa. Lãnh đạo cộng sản Việt Nam là một trong những nhóm lãnh đạo
đó.
Việt Nam Cộng Hòa chúng ta đứng hẳn vào khối Tự Do do Hoa Kỳ
lãnh đạo. Đó không phải là cách chọn lựa lý tưởng, nhưng khi phải chọn lựa giữa
hai điều xấu, ta phải chọn điều xấu ít. Nhưng chịu ảnh hưởng những chính sách của
Hoa Kỳ là một việc, mà bản lãnh chính trị của những vị lãnh đạo Việt Nam Cộng
Hòa trong việc tận dụng tối đa những chính sách đó vào mục đích tăng thêm hay
ít ra cũng phải bảo vệ quyền lực và lợi ích quốc gia, lại là việc khác. Đó là cốt
lõi của lãnh đạo.
Lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa chúng ta kể từ giữa năm 1954, đã lần
lượt trong tay các vị: Ông Ngô Đình Diệm, Trung Tướng Dương Văn Minh, Trung Tướng
Nguyễn Khánh, Kỹ sư Phan Khắc Sửu, Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Giáo sư Trần
Văn Hương, và Đại Tướng Dương Văn Minh (lần hai). Nhiệt tình của những vị lãnh
đạo trên đây đối với quốc gia dân tộc dù nhiệm kỳ của hai vị sau cùng cộng lại
chỉ hơn một tuần lễ, đều đáng được ca ngợi, nhưng vị nào đã để lại tiếng thơm
muôn đời hay lời sỉ nhục lưu mãi trong sử sách, truyền mãi trong dân gian, xin
tùy quí vị quí bạn. Xa hơn nữa là phán xét của lịch sử.
Với quyển sách này, tôi xin ghi lại những lệnh mà tôi nhận, những
việc mà tôi làm, và những gì mà tôi nghĩ, qua những lệnh và những việc làm đó
trong các biến cố chính trị từ năm 1963 đến cuối năm 1966. Rồi năm cuối cùng của
cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, ngày mà lãnh
đạo nước cộng sản Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chiếm trọn Việt Nam Cộng Hòa chúng
ta, ký ức và tài liệu mà tôi ghi chép lúc đương nhiệm, còn lưu giữ được đôi điều.
Vì giới hạn trong phạm vi trách nhiệm nên không có được tính cách tròn vẹn của
mỗi biến cố, nhưng hy vọng là nội dung này có khả năng giùp quí vị quí bạn nhận
ra những nét trung thực khi lần theo mỗi sự kiện trong từng biến cố.
Cũng xin nói thêm rằng, tôi chưa từng viết văn, cũng không biết
viết văn, nên văn chương ở đây rất luộm thuộm. Kính mong quí vị quí bạn vui
lòng xem nội dung quyển sách này như là một chuyện kể, nhớ đâu kể đó.
Và bây giờ kính mời quí vị quí bạn vào chuyện kể . . .
*****
Ngày 06/05/1963, Đổng Lý văn phòng Phủ Tổng Thống gởi công điện
yêu cầu các địa phương không được treo cờ Phật Giáo ngoài khuôn viên chùa, theo
đúng tinh thần Dụ số 10 ngày 6/8/1950.
Ngày 08/05/1963, đại lễ Phật Đản, nhưng cơ quan chánh quyền tại
Huế cấm các chùa cũng như gia đình Phật tử không được treo cờ Phật Giáo. Đông đảo
Phật tử đến trước đài phát thanh Huế để nghe chương trình phát thanh của vị
lãnh đạo Phật Giáo địa phương, nhưng chương trình đó không thực hiện. Thế là
đám đông trước đài phát thanh biến thành cuộc mít tinh lên tiếng phản đối, gây
mất trật tự nơi đây. Thiếu Tá Đặng Sỹ, Phó Tỉnh Trưởng Nội An chỉ huy Cảnh Sát
với Quân Đội đến vãn hồi an ninh trật tự. Trong tình hình rối ren đó, một tiếng
nổ lớn gây thiệt mạng 7 thiếu nữ từ 12 đến 19 tuổi chết tại chỗ và một số bị
thương. Chánh quyền địa phương cho là cộng sản gây ra nhưng không trưng dẫn được
bằng chứng.
Vài ngày sau đó, Thượng Tọa Thích Tịnh Khiết, vị lãnh đạo tối
cao của Phật Giáo đã gởi bản Tuyên Ngôn lên chánh phủ, trong đó, Phật Giáo đòi
được hưởng chế độ ngang hàng với Thiên Chúa Giáo. Chánh phủ đã bắt giam nhiều
chức sắc lãnh đạo của Phật Giáo tại nhiều nơi, nhất là tại Huế.
Ngày 11/06/1963, Thượng Tọa Thích Quảng Đức, trụ trì ngôi chùa ở
Quận Phú Nhận tỉnh Gia Định, đến ngồi ngay ngã tư đại lộ Lê Văn Duyệt với đường
Phan Đình Phùng, trung tâm thủ đô Sài Gòn, trước ống kính của rất nhiều
nhà báo Việt Nam và ngoại quốc. Rồi sau đó, lần lượt thêm bảy tám vụ tự thiêu nữa
tại các tỉnh. Không khí chính trị sôi sục với những cuộc mít tinh biểu tình của
đông đảo sinh viên học sinh, đồng bào -nhất là đồng bào Phật tử- lác đác có cả
quân nhân viên chức và cảnh sát nữa. Nhiều phóng viên báo chí truyền thanh truyền
hình ngoại quốc -nhất là Hoa Kỳ- đến Việt Nam ghi nhận và đánh giá tình hình.
Trước khi hết giờ làm việc chiều ngày 20 tháng 8 năm 1963, Thiếu
Tướng Trần Thiện Khiêm, Tham Mưu Trưởng Liên Quân, gọi tôi vào văn phòng:
“Tối nay, chú với mấy chú văn phòng làm việc tại đây. Chú cho mấy
chú luân phiên về dùng cơm rồi trở lại ngay. Chú cần hỏi gì thêm
không?”
“Có cần ngủ lại đây không, thưa Thiếu Tướng?”
“Có thể không cần. Sẽ có lệnh sau”
Đây là lần đầu tiên kể từ khi cầm quyền ngày 7/7/1954, Tổng Thống
Ngô Đình Diệm ra lệnh Bộ Tổng Tham Mưu ban hành lệnh thiết quân luật trong phạm
vi Quân Trấn Sài Gòn để Cảnh Sát cùng mật vụ bao vây các chùa, tìm bắt Thượng Tọa
Thích Trí Quang, vị sư được xem là lãnh đạo Phật Giáo. Nhưng Thượng Tọa Trí
Quang đã vượt rào vào khuôn viên tòa đại sứ Hoa Kỳ và được phép tạm trú nơi
đây.
Thế là, từ đòi hỏi trong bản Tuyên Ngôn không được giải quyết, đến
các vụ tự thiêu để phản đối chánh phủ, rồi đến vụ nhà cầm quyền vây bắt hụt Thượng
Tọa Thích Trí Quang, dần dần đẩy Phật Giáo đến cuộc tranh đấu vừa ôn hòa vừa bạo
động tại hầu hết các tỉnh miền Trung và một số tỉnh miền Nam, đã làm cho tình
hình chung của Việt Nam Cộng Hòa trở nên tệ hại hơn hết, kể từ sau Hiệp Định
Đình Chiến Genève tháng 7 năm 1954.
Đó là phản ứng quyết liệt của giáo hội Phật Giáo và nhiều Phật tử
trên toàn quốc.
Với một tình hình như vậy, đã làm cho hầu hết các nước trong khối
Tự Do, kể cả Hoa Kỳ là quốc gia ủng hộ Tổng Thống Ngô Đình Diệm mạnh mẽ nhất, đều
phản đối chính sách tôn giáo trong hành động đàn áp bắt giữ các chức sắc Phật
Giáo và Phật tử Việt Nam. Trước dư luận quốc nội lẫn quốc tế, Tổng Thống Ngô
Đình Diệm khó mà biện minh chính sách kỳ thị tôn giáo, cho dù lệnh cấm treo cờ
Phật Giáo cũng như lệnh dùng bạo lực trực tiếp hay không trực tiếp do Tổng Thống
ban hành cũng vậy. Vì thuở ấy, quyền lực rất lớn trong tay hai em của Tổng Thống
là ông Ngô Đình Nhu "Cố Vấn Chính Trị", và ông Ngô Đình Cẩn "Cố
Vấn Chỉ Đạo Miền
Trung".
Ông Ngô Đình Diệm, được Quốc Trưởng Bảo Đại mời về Việt Nam vào
giữa năm 1954 và nhận chức Thủ Tướng ngày 7 tháng 7 năm 1954.
(Thủ Tướng Ngô Đình Diệm)
Cựu Hoàng Đế Bảo Đại là vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn, đã bị
Việt Minh cộng sản cưỡng bách thoái vị từ mùa thu năm 1945.
Ngày 5/6/1948, trên chiến hạm Duguay Trowin của Pháp trong vịnh
Hạ Long, Ông cùng một số chính khách đại diện cho 3 miền Nam Trung Bắc Việt
Nam, chứng kiến ông Bollaert Cao Ủy Toàn Quyền Pháp tại Đông Dương (gồm 3 nước:
Việt Nam, Cam Bốt, và Lào) với Thiếu Tướng Nguyễn Văn Xuân, chánh phủ Nam Kỳ Quốc,
ký tên bản Hiệp Ước công nhận Việt Nam là quốc gia thống nhất và độc lập trong
khuôn khổ Liên Hiệp Pháp. Danh xưng Việt Nam là “Quốc Gia Việt Nam”.
Ngày 8/3/1949, tại điện Élysée (Paris) Tổng Thống Pháp là ông
Auriol với ông Bảo Đại ký Hiệp Ước chánh thức hóa Hiệp Ước vịnh Hạ Long ngày
5/6/1948, đồng thời Pháp sẽ thành lập cho Việt Nam một quân đội quốc gia.
Ngày 25/4/1949, cựu Hoàng Đế Bảo Đại từ Pháp trở về Việt Nam.
Ngày 1/7/1949, thành lập chánh phủ của một quốc gia thống nhất. Với chức vụ cao
nhất nước cho dù bị giới hạn quyền hành, nhưng ông đã không tận dụng thực dân
Pháp để vừa xây dựng quốc gia non trẻ vừa chống lại chủ nghĩa cộng sản đang bắt
rễ tại Việt Nam, mà ông lại sống trên đất Pháp nhiều thời gian hơn là có mặt
trên quê hương Việt Nam đầy sóng gió!
Ngày 21/1/1950, Quốc Trưởng Bảo Đại cử ông Nguyễn Phan Long
thành lập chánh phủ, và ngày 4/2/1950 Hoa Kỳ công nhận quốc gia Việt Nam. Ngày
15/5/1950, Quốc Hội Pháp ban hành Luật thành lập Quân Đội Quốc Gia Việt Nam với
60.000 quân do Pháp trang bị và chỉ huy.
Ngày 23/12/1950, Việt Nam-Pháp-Hoa Kỳ cùng ký “Hiệp Ước Hỗ Tương
Phòng Thủ & Viện Trợ Quân Sự” cho Việt Nam. Danh xưng của quân đội là “Quân
Đội Quốc Gia Việt Nam”.
Ngày 28 và 30/04/1955, Quốc Trưởng Bảo Đại từ thành phố Cannes
(Pháp) gọi Thủ Tướng Ngô Đình Diệm sang nhận lệnh, nhưng Thủ Tướng không thi
hành. Có vẻ như Thủ Tướng trông chờ quyết định của đại hội chính trị do ông
Nguyễn Bảo Toàn tổ chức trong ngày 29/4/1955 với sự tham dự của 18 đảng phái
chính trị và 20 nhân sĩ Việt Nam. Đại hội kết thúc với quyết định: “(1)Truất phế
quốc Trưởng Bảo Đại. (2) Giải tán chánh phủ hiện tại. (3) Ủy nhiệm ông Ngô Đình
Diệm thành lập chánh phủ. (4) Tổ chức tổng tuyển cử”.
Ngày 23/10/1955, Thủ Tướng tổ chức cuộc trưng cầu dân ý với mục
đích người dân có “đồng ý hay không đồng ý” truất phế Quốc Trưởng. Kết quả, người
dân đồng ý truất phế Quốc Trưởng Bảo Đại. Ba ngày sau đó, 26/10/1955, chánh phủ
ban hành Hiến Ước Lâm Thời, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm tuyên bố Việt Nam theo chế
độ Cộng Hòa, và ông trở thành Tổng Thống. Từ đó, danh xưng quốc gia Việt Nam là “Việt
Nam Cộng Hòa”, và danh xưng của quân đội là “Quân Đội Việt Nam Cộng
Hòa”.
Tiếp theo là bầu cử Quốc Hội Lập Hiến vào ngày 4/3/1956 với 123
vị Dân Cử để soạn thảo Hiến Pháp. Ngày 26/10/1956, ban hành Hiến Pháp và hủy bỏ
Hiến Ước Lâm Thời. Đây là lần đầu tiên, Việt Nam có một văn bản Luật cao nhất,
qui định chế độ chính trị cùng với toàn bộ cơ cấu sinh hoạt quốc gia. Từ năm
1957, ngày 26 tháng 10 được chọn là Ngày Quốc Khánh Việt Nam Cộng
Hòa.
Theo qui định trong Hiệp Định Đình Chiến ngày 20/07/1954 tại
Genève, Thụy Sĩ, ngày 15/03/1956, quân đội viễn chinh Pháp hoàn toàn rút khỏi
Việt Nam. Từ đó, Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa thật sự toàn quyền
chỉ huy quân đội .
Tổng Thống Ngô Đình Diệm, trong những năm đầu cầm quyền, với sự ủng
hộ mạnh mẽ của Hoa Kỳ, đã được nhiều quốc gia trên thế giới công nhận và thiết
lập bang giao. Ông đã ổn định được cuộc sống cho non một triệu người từ miền Bắc
chạy trốn chế độ cộng sản trước khi chúng tiến vào các thành phố trên đất Bắc
theo Hiệp Định đình chiến Genève ngày 20/07/1954. Hiệp Định này chia đôi Việt
Nam tại vĩ tuyến 17 mà trên địa thế là sông Bến Hải với cầu Hiền Lương. Từ vĩ
tuyến 17 trở lên Bắc là nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa theo chế độ độc tài do đảng
cộng sản Việt Nam cai trị. Từ vĩ tuyến 17 trở xuống Nam là nước Việt Nam Cộng
Hòa theo chế độ dân chủ tự do. Tổng Thống Ngô Đình Diệm cũng đã cải thiện được
tình hình kinh tế xã hội trong mức độ khả quan.
Về quân sự. Với sự cố vấn của phái bộ quân sự Hoa Kỳ, quân đội
đã được tổ chức lại và phát triển từ cấp Tiểu Đoàn lên cấp Trung Đoàn, Sư Đoàn,
Quân Đoàn, trên căn bản quân đội trong chiến tranh qui ước. Mọi dụng cụ chiến
tranh trang bị cho quân đội, đều do Hoa Kỳ cung cấp.
Về chính trị. Ông đã thành công đáng kể trong nỗ lực ôn hòa lẫn
sử dụng võ lực trong mục đích đem lực lượng võ trang của Bình Xuyên, của Hòa Hảo,
và Cao Đài về hợp tác hoặc giải thể. Lực lượng võ trang Phật Giáo Hòa Hảo và
Cao Đài, là hai lực lượng chống cộng sản quyết liệt.
Đó là sự thành công bước đầu không ai phủ nhận được. Nhưng, dần
đần về sau, chế độ dưới quyền Tổng Thống, trong một mức độ nào đó, đã thể hiện
tính cách "gia đình trị", bởi vì ngoài Tổng Thống ra, còn có:
Thứ nhất, em trai Ngô Đình Nhu trong chức vụ Cố Vấn Chính Trị,
và vợ ông Nhu là bà Trần Lệ Xuân, rất nhiều quyền lực trong tay, một phần có thể
là Tổng Thống Diệm vẫn còn độc thân nên vị trí của bà trong một mức độ nào đó,
như đệ nhất phu nhân.
Thứ nhì, em trai Ngô Đình Cẩn trong chức vụ không hề có trong tổ
chức quốc gia là Cố Vấn Chỉ Đạo Miền Trung, ông sống độc thân. Là người không
có văn bản bổ nhiệm nhưng lại có toàn quyền đối với các tỉnh duyên hải miền
Trung, đặc biệt là các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên/Huế, Quảng Nam Đà Nẳng, Quảng
Tín, và Quảng Ngãi. Quyền lực của ông có thể ví bằng "vị sứ quân" của
5 tỉnh này.
Thứ ba, anh trai Ngô Đình Thục, Giám Mục địa phận Vĩnh Long, và
từ năm 1960 là Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Huế. Tuy là chức sắc lãnh đạo trong
tôn giáo, nhưng tiếng nói của ông ảnh hưởng rất lớn đối với công việc chánh quyền
mà các em của ông nắm giữ.
Thứ tư, em trai Ngô Đình Luyện, Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Anh
quốc, được xem là người ít dính dáng đến những điều tệ hại mà các anh của ông
gây ra trên quê hương Việt Nam.
Khi viết lại đoạn trên đây tôi vẫn hiểu rằng, anh em thân thuộc
với Tổng Thống, (hay Thủ Tướng, Bộ Trưởng, Tướng Lãnh, ..v..v.. ), tự đó không
phải là cái tội, vì vị lãnh đạo không bổ nhiệm người này cũng phải bổ nhiệm người
khác. Chỉ khi nào, người thân thuộc đó lợi dụng quyền lực người thân đã bổ nhiệm
mình mà ngang nhiên hành động vi phạm luật pháp, lúc đó là có tội. Khi tội trạng
phơi bày, người đó có bị luật pháp trừng phạt như bất cứ người công dân nào
khác hay không, đó là vấn đề cần được đánh giá đúng mức.
Tổng Thống Ngô Đình Diệm và hai em của ông là Ngô Đình Nhu và
Ngô Đình Cẩn, đã lần lượt loại trừ một số nhà chính trị đối lập qua những hành
động trong khuôn khổ luật pháp lẫn ngoài luật pháp.
Rồi đến những lời lẽ cứng rắn của bà Trần Lệ Xuân -em dâu ông- tại
các diễn đàn quốc tế cũng như quốc nội, đặc biệt là trong thời gian xảy ra cuộc
đàn áp Phật Giáo nhiều nơi trên toàn quốc. Bà đã nhiều lần chỉ trích công
khai với vẻ miệt thị và tàn nhẫn về những vụ tự thiêu của các nhà sư phản đối
chánh quyền.
Những sự kiện đó đã đưa người dân từ ủng hộ chánh phủ lúc đầu, dần
dần trở nên bất mãn, đến mức căm thù chế độ mà Tổng Thống Ngô Đình Diệm là người
trách nhiệm chính, vì Tổng Thống là người lãnh đạo quốc gia.
Vậy, sự kiện giải tán Phật Giáo ngày 08/05/1963 dẫn đến sự kiện
7 Phật tử chết cùng với một số bị thương, và những hành động tệ hại tiếp theo,
là nguyên nhân quốc nội dẫn đến cuộc đảo chánh ngày 01/11/1963. Tôi nói
"nguyên nhân quốc nội", vì theo tôi, còn có "nguyên nhân quốc tế"
nữa.
Ngày 01 tháng 11 năm 1963, ngày lễ "Các Thánh" (All
Saints), quân đội được nghỉ buổi sáng. Khoảng 7 giờ sáng, chuông điện thoại nhà
tôi reo:
“Đại Úy Hoa tôi nghe”.
“Chú đến nhà tôi ngay”.
“Vâng. Tôi đến ngay, thưa Thiếu Tướng”.
Đó là Thiếu Tướng Trần Thiện Khiêm, Tham Mưu Trưởng Liên Quân
Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. Nhà tôi và nhà ông cùng ở trong khuôn viên trại Trần
Hưng Đạo -tức Bộ Tổng Tham Mưu- cách nhau khoảng vài trăm thước. Ông ở khu nhà
lầu, tôi ở khu nhà trệt.
“Chào Thiếu Tướng”.
“Chú lấy ghế ra sân với tôi”.
Hoàn toàn khác lạ với mỗi lần tôi đến nhận lệnh, nên tôi nghĩ
ngay đến một vấn đề gì đó phải là quan trọng lắm, bởi thường khi chỉ ngồi trong
nhà. Thiếu Tướng Khiêm và tôi cùng ngồi ở góc sân sát hàng rào:
“Chú nghe đây. Lệnh mà tôi sắp cho chú là lệnh tối mật, nếu chú
tiết lộ thì chú bị đứt đầu trước tôi. Chú không được nói với bất cứ ai, kể cả vợ
chú và chú Có. Chú nghe rõ chưa?”
“Tôi nghe rõ, thưa Thiếu Tướng”.
Chú Có mà Thiếu Tướng Khiêm vừa nói là Trung Úy Nguyễn Hữu Có,
sĩ quan tùy viên của Thiếu Tướng Khiêm từ năm 1960. (Trung Úy Có nói ở đây,
trùng họ tên lẫn chữ lót với Đại Tá Nguyễn Hữu Có lúc ấy).
“Hôm nay, tôi và một số vị Tướng Lãnh đảo chánh ông Diệm, và những
việc sau đây chú phải làm xong trong buổi sáng. Thứ nhất, đây là danh sách mời
dùng cơm trưa tại câu lạc bộ (Bộ Tổng Tham Mưu). Thức ăn do chú sắp xếp.
Nhớ, các vị được mời phải có mặt tại câu lạc bộ đúng 12 giờ hoặc trước đó chút
ít. Thứ nhì, đây là danh sách mời họp tại phòng họp số 1 (tầng trệt trong
tòa nhà chánh). Yêu cầu các vị này có mặt tại phòng họp chậm nhất là trước
1 giờ trưa. Đúng 1 giờ, chú cho lệnh Quân Cảnh khóa cửa lại và không ai được ra
vào bất cứ vì lý do gì khi chưa có lệnh tôi. Cả hai danh sách này, nếu chú
không liên lạc được với bất cứ ai hoặc có gì trở ngại thì chú trình ngay cho
tôi. Đến đây chú rõ chưa?”
“Vâng. Tôi rõ, thưa Thiếu Tướng”.
“Và thứ ba. Chú tổ chức an ninh chu đáo khuôn viên bộ Tổng Tham
Mưu, bằng cách sử dụng Đại đội 1 Quân Cảnh (của Tổng Tham Mưu) và các
thành phần an ninh của Tổng Hành Dinh (Tổng Tham Mưu). Tất cả các cổng
đóng lại, tuyệt đối không được mở, riêng cổng chánh, bất cứ ai ra hay vào đều
phải trình tôi. Lệnh của tôi xong, chú có gì cần hỏi không?”
“Thưa Thiếu Tướng, lý do mời họp tôi phải nói thế nào để không bị
ngờ vực?”
“Tùy chú. Nhớ, chỉ một chút sơ hở là chú đứt đầu đó. Thôi, chú
vào văn phòng làm việc đi”.
Khuôn viên trại Trần Hưng Đạo có các cổng số 1 hướng ra giao lộ
Võ Tánh và đường Ngô Đình Khôi (sau đó đồi thành đường Cách Mạng 1/11), cổng số
2 và số 5 hướng ra đường Võ Tánh, cổng số 10 hướng ra đường Ngô Đình Khôi, cổng
số 3 và số 4 hướng ra đường Võ Di Nguy.
Đảo chánh, đây là lần thứ hai tôi nghe thấy trong đời binh nghiệp.
Lần thứ nhất, xảy ra vào nửa đêm về sáng ngày 11/11/1960, lúc đó tôi đang học
tham mưu tại Trường Đại Học Quân Sự, tọa lạc trong khuôn viên bộ Tổng Tham Mưu.
Nhóm lãnh đạo cuộc đảo chánh thất bại vì không được sự ủng hộ của các vị Tư Lệnh
đại đơn vị. Đại Tá Trần Thiện Khiêm, Quyền Tư lệnh Quân Khu 5 kiêm Tư Lệnh Sư
Đoàn 21 Bộ Binh, đưa quân của Sư Đoàn 21 từ Sa Đéc và quân của Sư Đoàn 7 Bộ
Binh từ Mỹ Tho lên Sài Gòn đẩy lui lực lượng đảo chánh. Đại Tá Nguyễn Chánh Thi
-Tư Lệnh Nhẩy Dù- và các sĩ quan trong thành phần lãnh đạo đảo chánh, đã dùng
phi cơ vận tải quân sự C.47 bay sang Nam Vang -thủ đô Cam Bốt- xin tị nạn chính
trị.
Lần đảo chánh này, dù muốn hay không muốn, tôi cũng phải can dự
cho dù là can dự như một sĩ quan thừa hành tin cậy. Lệnh tối mật mà tôi vừa nhận
quả là bất ngờ và phải thi hành trong thời gian cấp bách, với lại dù diễn đạt
như thế nào đi nữa thì tôi cũng là người chịu ơn Thiếu Tướng Trần Thiện Khiêm,
cho nên tôi không hề nghĩ cũng như không kịp nghĩ đến điều sắp thi hành là sai
hay đúng, và nên hay không nên làm. Bởi Thiếu Tướng Khiêm không hề biết tôi,
ngược lại tôi cũng chưa một lần phục vụ dưới quyền ông, đến khi ông về nhận chức
Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh tại Bến Kéo tỉnh Tây Ninh vào đầu tháng 02 năm 1960,
thay thế Trung Tá Trần Thanh Chiêu bị cách chức sau vụ Trung Đoàn 32 Bộ Binh bị
quân cộng sản đột kích lúc 3 giờ sáng ngày 29/01/1960 tại Trãng Sụp, cách tỉnh
lỵ Tây Ninh khoảng 6 cây số về phía bắc, gây tổn thất nhân mạng với 23 quân
nhân chết, gần 20 quân nhân bị thương, và 1 xe dodge 4x4 bị cộng sản lấy chở đầy
xe vũ khí trong kho. Lúc đó, tôi đang là Trung Úy, trưởng ban hành quân/Phòng 3
Sư Đoàn.
Vài tháng sau đó, Sư Đoàn được lệnh Tổng Thống Ngô Đình Diệm
chuyển xuống Quân Khu 5, hoạt động an ninh vùng Đồng Tháp Mười. Bộ Tư Lệnh Sư
Đoàn trở lại nơi đồn trú cũ là quận lỵ Sa Đéc. Đến giữa năm 1960, Đại Tá Khiêm
được Tổng Thống cử giữ chức Quyền Tư Lệnh Quân Khu 5 tại Cần Thơ (thay Đại Tá
Nguyễn Văn Y chuyển về trung ương) kiêm Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh tại Sa Đéc.
Tháng 4 năm 1961, lãnh thổ quân sự được tổ chức lại thành 3 Vùng Chiến Thuật do
3 Quân Đoàn trách nhiệm:
“Quân Đoàn I/Vùng I Chiến Thuật tại Đà Nẳng, bao gồm 5 tỉnh cực
bắc duyên hải. Quân Đoàn II/Vùng II Chiến Thuật tại Plei ku, bao gồm các tỉnh
Cao Nguyên và các tỉnh duyên hải phía nam. Quân Đoàn III lâm thời/Vùng III Chiến
Thuật tại Sài Gòn, bao gồm các tỉnh vùng đất chuyển tiếp miền nam và trọn
vùng đồng bằng Cửu Long”.
Những tháng cuối năm 1961, tôi được thăng cấp Đại Úy và được cử
giữ chức Chánh văn phòng Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh mà vị Tư Lệnh là Đại Tá Trần
Thiện Khiêm. Sư Đoàn đã chuyển sang đồn trú tại Cần Thơ và trách nhiệm Khu 33
Chiến Thuật, cũng gọi là Khu Chiến Thuật Hậu Giang. Ngày 06/12/1962, Đại Tá Trần
Thiện Khiêm thăng cấp Thiếu Tướng, đồng thời được cử giữ chức Tham Mưu Trưởng
Liên Quân/Bộ Tổng Tham Mưu, thay Thiếu Tướng Nguyễn Khánh lên Plei Ku nhận chức
Tư Lệnh Quân Đoàn II/Vùng II Chiến Thuật. Chức vụ "Tham Mưu Trưởng Liên
Quân" là chức vụ mới thành lập, trước đó chỉ là Tham Mưu Trưởng/Bộ Tổng
Tham Mưu. Ngày 17/12/1962, tôi thuyên chuyển theo Thiếu Tướng Khiêm về Bộ Tổng
Tham Mưu, và từ ngày đó, tôi giữ chức Chánh văn phòng Tham Mưu Trưởng Liên
Quân. Vì vậy mà tôi thi hành nhiệm vụ tối mật này một cách tích cực.
Trở lại việc thi hành lệnh của Thiếu Tướng Khiêm. Đầu tiên, tôi
gọi Trung Úy Nguyễn Hữu Có và các nhân viên vào văn phòng. Trung Úy Có có trách
nhiệm liên lạc với quản lý câu lạc bộ lo bữa ăn trưa. Tiếp đó là điện thoại đến
Đại Đội 1 Quân Cảnh (trong khuôn viên Bộ Tổng Tham Mưu):
“Tôi, Đại Úy Hoa đây. Anh cho tôi nói chuyện với Trung Úy Phụng,
Đại Đội Trưởng (Nguyễn Thúc Phụng)”.
“Vâng. Đại Úy chờ một chút”. Hạ sĩ quan trực trả lời.
“Chào Đại Úy, tôi Phụng đây. Đại Úy đang ở đâu đó?”
“Chào anh. Tôi đang ở văn phòng. Anh Phụng à, trong vòng 3 tiếng
đồng hồ tới đây, anh có thể tập trung tất cả anh em hay ít nhất cũng là tối đa
quân số của Đại Đội được không?”
“Dạ được”.
“Vì vấn đề an ninh trong trại Trần Hưng Đạo hôm nay, anh phải cố
gắng hết sức nghe anh. Khi tập họp xong hoặc chậm lắm là 10 giờ 30, anh điện
thoại lại tôi để nhận lệnh chi tiết. Anh có gì cần hỏi thêm không?”
“ Có chuyện gì vậy Đại Úy?”
“Lệnh của Thiếu Tướng như vậy chớ tôi không biết gì hơn anh đâu.
Thôi nghe. Anh lo phần anh, tôi còn vài việc khác nữa. Chào anh”.
Tôi mời Thiếu Tá Nguyễn Văn Luông, Chỉ Huy Phó Tổng Hành Dinh/Tổng
Tham Mưu đến văn phòng. Năm 1958, Thiếu Tá Luông là Trung Đoàn Trưởng Trung
Đoàn 35 Bộ Binh/Sư Đoàn 12 Khinh Chiến, đồn trú tại Kon Tum. Lúc đó, tôi là
Trung Úy, trưởng ban 3 kiêm trưởng ban 5 Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn này. Thì ra Thiếu
Tá Luông đã nhận lệnh của Thiếu Tướng Khiêm rồi, nhưng tôi vẫn nói thêm vài chi
tiết về an ninh:
“Thưa Thiếu Tá, với Đại Đội 1 Quân Cảnh, tôi đã điện thoại cho
Trung Úy Phụng rồi. Xin Thiếu Tá đúng 1 giờ trưa, đóng tất cả các cổng lại và
đưa lực lượng bảo vệ đến bố trí ngay lúc đó. Cổng số 2, 3, 4, 5, và 10, tuyệt đối
không mở cho đến khi có lệnh. Riêng cổng số 1, lệnh của Thiếu Tướng Tham Mưu
Trưởng là bất cứ giới chức nào muốn ra hay vào, xin Thiếu Tá hoặc trưởng toán
Quân Cảnh điện thoại vào tôi và chờ tôi trình Thiếu Tướng”.
“Vấn đề an ninh tòa nhà chánh, anh lo hay tôi lo?”
“Thưa Thiếu Tá, tôi trách nhiệm. Để cho rõ ràng, an ninh trong
phạm vi trại Trần Hưng Đạo thì Thiếu Tá trách nhiệm, riêng phạm vi tòa nhà
chánh thì tôi trách nhiệm. Về lực lượng, xin Thiếu Tá cho tôi 2 chiếc Thiết
Giáp AM/M8 lên tăng cường cho tôi cùng với 2 tổ đại liên đặt trên nóc tòa nhà
chánh. Xin nhắc lại, tất cả mọi việc chỉ được thực hiện ngay trước lúc 1 giờ
trưa. Xin Thiếu Tá vui lòng chỉnh lại đồng hồ để có giờ thống nhất. Thiếu Tá
còn cần gì không?”
“Để tôi về lo ngay cho kịp. Chào anh nghe”.
“Dạ, chào Thiếu Tá”.
Lần lượt tôi điện thoại các vị trong danh sách 1, tức là danh
sách mời dùng cơm nhưng thật ra là quí vị trong nhóm đảo chánh, mà hầu hết các
vị này đều biết trước. Kế tiếp, tôi mời các vị trong danh sách 2, tức danh sách
mời họp nhưng thật ra sẽ bị giữ để cách ly với cuộc đảo chánh. Vì trục trặc với
hai vị trong danh sách 2, tôi điện thoại đến Thiếu Tướng Khiêm:
“Trình Thiếu Tướng, tôi Hoa đây. Tôi đã điện thoại xong, nhưng
có trở ngại là không liên lạc được với Đại Tá Huỳnh Hữu Hiền -Tư Lệnh Không Quân-
và Đại Tá Hồ Tấn Quyền -Tư Lệnh Hải Quân- Theo người nhà của hai vị ấy cho biết,
thì Đại Tá Hiền đang trên không trình Sài Gòn-Đà Lạt, tôi có dặn người nhà trên
đó khi Đại Tá Hiền đến nơi thì điện thoại về tôi gấp. Còn Đại Tá Quyền thì người
nhà nói có lẽ đã đi lễ nhà thờ, nhưng tôi gọi đến nhà thờ Đức Bà nhờ người tìm
mà không gặp. Tôi sẽ cố gắng nhưng không chắc là tôi sẽ thực hiện được, thưa
Thiếu Tướng”.
“Chú ráng tìm hai ổng, phần tôi, tôi cũng tìm cách liên lạc”.
“Vâng. Chào Thiếu Tướng”.
Đến đây xin mở ngoặc để nói thêm về Đại Tá Hồ Tấn Quyền. Tối
ngày 06/09/2003, trong lúc dự tiệc cưới tại Washington DC, vợ chồng tôi ngồi
chung bàn với cựu Trung Tướng Ngô Quang Trưởng và cựu Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại.
Bỗng dưng ông Thoại nhắc đến vụ 01/11/1963, vì sau ngày Đại Tá Quyền bị giết
ông nghe người nhà Đại Tá Quyền nói là có một sĩ quan nào đó ở Tổng Tham Mưu điện
thoại mời Đại Tá Quyền đi họp không biết điều đó có đúng không? Vì nếu đúng thì
có thể Đại Tá Quyền không bị giết nếu ông ấy đi họp, dù rằng tối hôm ấy tôi được
biết nếu có đi họp cũng bị cách ly với cuộc đảo chánh, nhưng cách ly có thể
thoát chết.
Thế là tôi lên tiếng:
“Thưa Anh, người mời Đại Tá Quyền hôm ấy là tôi. Người cầm ống
nói là phụ nữ đã trả lời cho tôi là Đại Tá Quyền có thể đã đi nhà thờ Đức Bà,
nhưng sau đó tôi đã hai lần điện thoại đến nhà thờ nhưng không tìm thấy Đại Tá
Quyền”.
“Chưa đến giờ đi lễ nên Đại Tá Quyền vào sân tennis với tôi”. Anh
Thoại quay hẳn sang tôi và tiếp:
“Khi ông Lực, sĩ quan tùy viên, đến mời Đại Tá Quyền lên Thủ Đức
dự tiệc mừng sinh nhật của Đại Tá Quyền do anh em Hải Quân tổ chức trên đó, có
lẽ thấy Đại Tá Quyền chần chừ nên ông Lực nói tiếp: Đại Tá ráng đi vì anh em muốn
dành cho Đại Tá sự bất ngờ nên không trình trước với Đại Tá. Rồi Đại Tá Quyền
có vẻ nễ nang nên lên xe đi. Và sau đó thì bị ông Lực giết chết. Nếu như người
nhà điện thoại đến sân tennis báo tin Tổng Tham Mưu mời đi họp, rất có thể là Đại
Tá Quyền không bị giết như vậy”.
Xin đóng ngoặc. Trở lại hoạt động trong văn phòng tôi.
Điện thoại reo: “Đại Úy Hoa tôi nghe”.
“Phụng đây Đại Úy. Tôi tập trung Đại Đội xong rồi, Đại Úy có lệnh
gì cho tôi?”
“Cám ơn Anh, và đây là chi tiết: Ngay bây giờ, anh sẳn
sàng tại chổ 3 Tiểu Đội và tôi sẽ điều động công tác trong chốc lát. Điều quan
trọng là 3 Tiểu Đội này phải di chuyển ngay tức thì khi có lệnh. Phần còn lại của
Đại Đội, anh liên lạc với Thiếu Tá Luông, Tổng Hành Dinh/Tổng Tham Mưu để nhận
lệnh. Anh cần biết gì thêm không?”
“Dạ không Đại Úy”.
“Xin anh đừng rời xa điện thoại nghe anh Phụng. Chào anh”.
Chuẩn bị bữa ăn hôm nay, Trung Úy Nguyễn Hữu Có chu toàn trách
nhiệm mặc dù anh không biết tại sao lại có bữa ăn bất thường này. Bữa ăn trưa
hôm nay rất quan trọng, nhưng không quan trọng về thực khách mà quan trọng ở điểm
là ngụy trang cho buổi họp mặt tối mật của các vị trong nhóm lãnh đạo đảo chánh
quân sự. Tôi nói ngụy trang, vì trong vòng 3 tuần lễ trước ngày này, Thiếu Tướng
Trần Thiện Khiêm thường có những buổi tối đi đâu đó mà tôi không biết chính xác
mặc dù hệ thống liên lạc đặc biệt giữa tôi tại nhà, với toán cận vệ trên xe
theo sau xe Thiếu Tướng mỗi khi ra khỏi nhà, chúng tôi giữ liên lạc thường
xuyên nhưng vẫn không bám sát được vị trí của ông. Điển hình trong một tối, xe
bắt đầu rời nhà Thiếu Tướng Khiêm, tôi được thông báo và mở máy liên lạc ngay.
Một lúc sau:
“Hồng Hà. Hồng Hà. Bắc Bình gọi. Trả lời”.
“Hồng Hà tôi nghe 5/5. Có gì cho tôi. Trả lời”.
“Tôi dừng xe ở đường 45 (ám danh của đường Kỳ Đồng), Bông
Hồng đã có xe khác đón nhưng không rõ đi dâu, tôi chỉ được lệnh chờ tại chỗ.
Nghe rõ trả lời?”
“Tôi nghe 5/5. Thi hành lệnh. Giữ liên lạc với tôi. Trả lời”.
“Nghe rõ”.
Xin giải thích. Chữ "trả lời" ở cuối mỗi câu khi liên
lạc vô tuyến là điều qui định khi học về Truyền Tin trong trường quân sự. Chữ
này cũng có nghĩa "đến đây là hết câu". Hồng Hà là danh hiệu của tôi.
Bắc Bình là danh hiệu của toán an ninh. Và Bông Hồng là danh hiệu của Thiếu Tướng
Khiêm. Tất cả chỉ dùng trong hệ thống liên lạc an ninh này mà thôi.
Một buổi tối khác. Thiếu Tướng Khiêm cũng đi một cách bí mật như
vậy, trong lúc tôi tự đặt ra những giả thuyết và phân tách để tìm giả thuyết có
thể chấp nhận được về hoạt động bất thường đó, thì chuông điện thoại nhà tôi
reo:
“Đại Úy Hoa, tôi nghe”.
“Trung Tá Đường đây, tôi có gọi đằng tư dinh Thiếu Tướng Khiêm để
ông Cố Vấn (Ngô Đình Nhu)nói chuyện với Thiếu Tướng nhưng không gặp. Ông Cố
Vấn bảo tôi nói với anh và anh trình lại Thiếu Tướng Khiêm rằng, tình hình Sài
Gòn lúc này phức tạp lắm, bọn Việt Cộng tung những tổ đặc công vào nội thành,
chuyên ám sát các tướng lãnh và các sĩ quan cao cấp. Ông Cố Vấn dặn Thiếu Tướng
không nên ra khỏi nhà sau giờ làm việc. Đó là lệnh, anh rõ chưa?”
“Thưa Trung Tá, tôi rõ”
.
“Chào anh”.
Đó là Trung Tá Phạm Thư Đường, Chánh văn phòng ông Cố Vấn Ngô
Đình Nhu. Đến giờ phút này (tức giờ phút nhận lệnh của Trung Tá Đường) thì tôi
hiểu rằng, chẳng phải ông Cố Vấn lo cho những người dưới quyền, mà chính là ông
muốn theo dõi những người dưới quyền ông có hành động gì có thể "phản trắc"
đối với anh em Tổng Thống hay không, vì tình hình ngày càng tồi tệ thêm và tự
nó đã lung lay chiếc ghế cầm quyền của Tổng Thống lẫn của ông Cố Vấn. Cũng vì vậy
mà trong thời gian xảy ra sự đối đầu của Phật Giáo với Chánh Phủ, dư luận từ
các nhà chính trị đối lập nói về kế hoạch Bravo 1 của ông Cố Vấn Nhu, theo đó
ông Cố Vấn Nhu dự định thực hiện cuộc đảo chánh giả để phát hiện và triệt tiêu
những ai chống đối chế độ, không phải là không có cơ sở.
10 phút trước 1 giờ 00, tôi nhắc Thiếu Tá Luông chuẩn bị đóng
các cổng cùng lúc với việc điều động lực lượng tăng cường cho các cổng. Mặt
khác, tôi kiểm lại các vị trong danh sách 2. Và cho đến lúc này, vẫn còn thiếu
Đại Tá Huỳnh Hữu Hiền và Đại Tá Hồ Tấn Quyền.
Ngay lúc trước 1 giờ 00, tình hình trong trại Trần Hưng Đạo nói
chung và tòa nhà chánh nói riêng, như
sau:
Tất cả các cổng số 1, 2, 3, 4, 5, và 10, đều đóng lại và lực
lượng canh gác được tăng cường trước sự ngạc nhiên của các quân nhân thường trực.
Chi Đội Thiết Giáp bố trí đằng sau tòa nhà chánh và 2 khẩu đại liên đã sẳn sàng
trên sân thượng.
Bãi đậu xe hai bên hông tòa nhà chánh, mỗi bên có 1 Tiểu Đội
Quân Cảnh túc trực. Tiểu Đội Quân Cảnh thứ 3, tập trung an ninh tầng lầu 2, bên
cánh phải (tính từ trong tòa nhà chánh nhìn ra võ đình trường), nơi đó là văn
phòng Thiếu Tướng Trần Thiện Khiêm, Tham Mưu Trưởng Liên Quân, cũng là bản
doanh của quí vị lãnh đạo đảo chánh.
Trong phòng Thiếu Tướng Khiêm, rất đông các vị trong danh sách mời
ăn trưa sau khi xong ở câu lạc bộ, như: Trung Tướng Dương Văn Minh, Trung Tướng
Trần Văn Đôn, Quyền Tổng Tham Mưu Trưởng vì Đại Tướng Lê Văn Tỵ đang dưỡng
bệnh, Thiếu Tướng Trần Thiện Khiêm, cùng các vị Tướng Tôn Thất Đính, Trần
Tử Oai, Lê Văn Kim, Mai Hữu Xuân, ..... Đại Tá Đỗ Mậu -Giám Đốc Nha An Ninh
Quân Đội- Đại Tá Dương Ngọc Lắm, Đại Tá Nguyễn Văn Quan, ......
Trong khi đó, văn phòng tôi và văn phòng Trung Úy Có, các
sĩ quan tùy viên và hạ sĩ quan cận vệ, kẻ ngồi người đứng chật cả phòng, vì mỗi
vị Tướng ít nhất cũng có 3 hay 4 người đi theo, nhất là trong tình hình này.
Đúng giờ G, tức 1 giờ trưa ngày 01 tháng 11 năm 1963. Cửa phòng
họp số 1 đóng lại, 2 Quân Cảnh đứng gác bên ngoài. So với danh sách "mời họp"
vẫn còn thiếu Đại Tá Hiền và Đại Tá Quyền. Hướng Lữ Đoàn Phòng Vệ Phủ Tổng Thống
(góc đường Thống Nhất-Cường Để-Hồng Thập Tự) và khu vực Phủ Tổng Thống -tức
dinh Gia Long- súng bắt đầu nổ.
Trong văn phòng Thiếu Tướng Khiêm -bản doanh của Hội Đồng Quân
Nhân Cách Mạng- âm thanh ồn ào hẳn lên cùng với sự đi lại nhiều hơn, do các vị
điện thoại ra lệnh đơn vị này cơ quan khác, chen lẫn với bàn thảo tình hình.
Một lúc sau, tôi vào trình Thiếu Tướng Khiêm:
“Thưa Thiếu Tướng, tôi thấy giữ Đại Tá Viên (Cao Văn Viên, Tư Lệnh
Lữ Đoàn Nhẩy Dù) dưới phòng họp không tiện lắm. Xin Thiếu Tướng cho phép
tôi đưa Đại Tá Viên lên ngồi ở văn phòng tôi và tôi chịu trách nhiệm”.
“Được rồi. Chú đưa Đại Tá Viên lên phòng chú đi”.
Tôi quen biết chưa nhiều với Đại Tá Cao Văn Viên, nhưng do bà Trần
Thiện Khiêm nói lại, theo đó thì Thiếu Tướng Khiêm, Thiếu Tướng Khánh, và Đại
Tá Viên rất thân nhau, nhất là khi ba vị này là sĩ quan cấp úy và cùng chiến đấu
ở mặt trận Na Sản trên đất Lào trong hàng ngũ quân đội Liên Hiệp Pháp. Và ba
gia đình này cũng thân nhau từ đó, vì có nhiều thời gian sống chung nhau ở Hà Nội
trong khi các ông cùng ở mặt trận. Do đó, tôi thấy cần giúp Thiếu Tướng Khiêm
tránh điều khó xử đối với người bạn thân của ông bằng cách "giải
thoát" Đại Tá Viên ra khỏi phòng "tạm giữ". Nguyên nhân chỉ là vậy.
Đại Tá Cao Văn Viên, năm 1960, đang giữ chức Tham Mưu Trưởng
Tham Mưu Biệt Bộ/Phủ Tổng Thống, lúc đó là Trung Tá. Ngay sau cuộc đảo chánh
ngày 11/11/1960, ông được thăng cấp Đại Tá và nhận chức Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhẩy Dù
đang khuyết, vì Đại Tá Nguyễn Chánh Thi đã chạy sang Cam-Bốt tị nạn chính trị
khi đảo chánh thất bại. Cũng vì vậy mà ông (Đại Tá Viên) bị xếp vào thành phần
tín cẩn của Tổng Thống Diệm, và bị giữ chân trong phòng họp số 1 cách ly với cuộc
đảo chánh đang diễn tiến.
Đến đây xin mở dấu ngoặc để nói thêm về cựu Đại Tướng Cao Văn
Viên. Cũng nhân dịp dự tiệc cưới ngày 06/09/2003 nêu trên, tôi có đến nhà thăm
cựu Đại Tướng Trần Thiện Khiêm, sau đó dùng cơm tối với cựu Đại Tướng Cao Văn
Viên tại nhà người bạn. Cựu Đại Tướng Viên nói rằng:
“Những điều Anh (tức tôi) nói về cuộc đảo chánh
01/11/1963 trong quyển sách của Anh về tôi là đúng, nhưng có những điều khác mà
Anh chưa biết”.
“Rất đúng, thưa Đại Tướng. Tôi chỉ viết lại những gì mà tôi biết
thôi, cho nên câu chuyện không tròn trịa được”. Tôi trả lời, và cựu Đại Tướng
Viên nói tiếp:
“Trước khi Anh mời tôi lên ngồi văn phòng Anh, có người xuống gọi
tôi lên văn phòng gặp ông Minh (tức Trung Tướng Dương Văn Minh, cấp bậc
lúc bấy giờ), để nghe ổng nói là ổng đảo chánh Tổng Thống Diệm, rồi ổng hỏi
tôi nghĩ sao? Tôi trả lời là chuyện lớn như vậy mà bây giờ Trung Tướng mới nói
với tôi thì tôi đâu có quyết định được. Lúc ấy sĩ quan cận vệ của ông Minh lăm
le khẩu súng về phía tôi như sẳn sàng bắn tôi. Tôi cũng nhắc lại với Anh là trước
đó, tôi với một ông Đại Tá mà tôi giấu tên (theo tôi biết, đó là Đại Tá Lê
Quang Tung, Chỉ Huy Trưởng Sở Khai Thác Địa Hình, tên gọi ngụy trang của cơ
quan mật vụ) cùng gọi lên gặp Trung Tướng Minh, nhưng vừa ra khỏi phòng họp
thì ổng bị còng tay dẫn đi và đã bị giết sau đó. Còn tôi cũng bị còng nhưng mới
còng một tay thì Thiếu Tướng Đính (Tôn Thất) chợt thấy, ổng bảo tháo
còng ra, và sĩ quan đó dẫn tôi lên gặp ông Minh như tôi vừa nói. Tiếp đến mới nối
vào chuyện của Anh mời tôi lên ngồi ở văn phòng Anh”.
Đến đây là hết lời kể của cựu Đại Tướng Cao Văn Viên. Tôi xin tiếp
lời của một nhân chứng khác cũng liên quan đến sự kiện này. Tối 18/05/2005, tại
Houston, tôi dùng cơm với anh Trịnh Bá Lộc từ Arkansas đến thăm thành phố này.
Trong bữa ăn đó còn có cựu Đại Tá Lê Thuần Trí, và cựu Trung Tá Hoa Hải Đường.
Qua những câu chuyện trao đổi, trong đó có nói đến cuộc đảo chánh ngày
01/11/1963. Lúc ấy, anh Lộc là Đại Úy, sĩ quan tùy viên của Trung Tướng Dương
Văn Minh. Và đây là lời trao đổi giữa tôi với anh Trịnh Bá Lộc.
Khi tôi thuật lại lời kể của cựu Đại Tướng Viên lúc ông bị còng
tay, anh Lộc nói:
“Đại Tướng Cao Văn Viên bị còng tay ngay trước mặt Trung Tướng
Minh, và tôi đứng bên cạnh. Lúc ấy đang đứng bên ngoài cửa văn phòng của Tổng
Tham Mưu Trưởng, tức là trên tầng lầu 2 chớ không phải ở tầng trệt. Đúng như Đại
Tướng Viên nói là ông bị Quân Cảnh mới còng một tay(trên tầng 2), và chính
Trung Tướng Minh ra lệnh tháo còng ra”.
“Vậy anh có biết ai ra lệnh còng tay không?” Tôi hỏi.
Anh Lộc đáp:
“Chính tôi cũng thắc mắc điều này, vì tôi hoàn toàn không biết
ai ra lệnh”.
Với lời của anh Lộc, sự kiện nho nhỏ này trở thành cái
“gút”. Vì cựu Đại Tướng Viên nói là ông bị còng tay sau khi ra khỏi “phòng tạm
giữ” ở tầng trệt của tòa nhà chánh Bộ Tổng Tham Mưu, và Thiếu Tướng Đính ra lệnh
mở còng, trong khi anh Lộc nói Đại Tướng Viên bị còng tay ở tầng lầu 2 và Trung
Tướng Minh ra lệnh mở còng. Sự kiện tuy nhỏ, nhưng không rõ là vị nào nhớ đúng,
vì một vị là “nạn nhân” còn vị kia là “nhân chứng”. Tôi sẽ cố gắng tìm hiểu
thêm về sự kiện này.
Anh Lộc còn kể lại mẫu chuyện ngắn vào những ngày cuối của tháng
04/1975, theo đó thì lá đơn của Đại Tướng Viên gởi Tổng Thống Trần Văn Hương
xin giải ngũ mà tôi bổ túc vào “Lời nói cuối”.Xin đóng ngoặc.
Khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ sau, điện thoại reo:
“Đại Úy Hoa tôi nghe”.
“Thưa Đại Úy, có Thiếu Tá Trần Cửu Thiên vô phòng Tổng Quản Trị
lãnh huy chương, và bây giờ xin ra cổng”.
Đó là lời của trưởng toán Quân Cảnh ở cổng số 1. “Anh chờ
tôi đầu máy”.
Tôi vào trình Thiếu Tướng Khiêm nhưng Trung Tướng Dương Văn Minh
ra lệnh cho tôi một cách lạnh lùng:
“Anh đem vô nhốt luôn cho tôi”.
“Vâng”.
Xin nói thêm. Tất cả các vị trong Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng đều
có mặt trong phòng Thiếu Tướng Khiêm, nên mỗi khi tôi trình điều gì với Thiếu
Tướng Khiêm, các vị khác đều nghe. Do vậy mà Trung Tướng Minh ra lệnh giữ Thiếu
Tá Thiên trong khi Thiếu Tướng Khiêm chưa có phản ứng.
Một lúc sau, tôi gặp Thiếu Tá Thiên trong phòng vệ sinh có Quân
Cảnh đi kèm, ông Thiên trừng mắt với tôi và không nói một lời cho dù tôi chào
ông đến hai lần. Thiếu Tá Thiên rất được sự tín nhiệm của Tổng Thống Ngô Đình
Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu sau khi Thiếu Tá Thiên được đánh giá là xây dựng
thành công "khu trù mật" Vị Thanh-Hỏa Lựu thuộc tỉnh Phong Dinh (lúc
bấy giờ chưa thành lập tỉnh Chương Thiện). Thiếu Tá Thiên là đảng viên đảng Cần
Lao Nhân Vị mà ông Cố Vấn Nhu là lãnh tụ. Vì vậy mà Thiếu Tá Thiên -trong một
chừng mực nào đó- đã xem thường ngay cả với Đại Tá Khiêm khi Đại Tá Khiêm đang
là Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh/kiêm Khu 33 Chiến Thuật, chỉ vì Đại Tá Khiêm
không phải là đảng viên, cũng không phải là tín đồ Thiên Chúa Giáo.
Lúc 3 giờ chiều, điện thoại tôi reo: “Đại Úy Hoa tôi nghe”.
“Tôi là Hiền đây anh Hoa. Anh trình Thiếu Tướng xem bây giờ tôi
đến còn kịp họp không?”
“Xin lỗi, Đại Tá đang ở đâu đó?”
“Tôi đang ở Bộ Tư Lệnh Không Quân”.
Đấy là Đại Tá Huỳnh Hữu Hiền, Tư Lệnh Không Quân.
“Xin Đại Tá vui lòng chờ đầu máy, tôi vào trình ngay”.
Tương tự như khi tôi trình với Thiếu Tướng Khiêm về trường hợp
Thiếu Tá Thiên, trình xong, Thiếu Tướng Khiêm chưa có phản ứng thì Trung
Tướng Minh ra lệnh:
“Kêu qua nhốt luôn”
“Vâng”.
Tôi báo cho Quân Cảnh phụ trách cổng số 1, mở cổng, và hướng dẫn
Đại Tá Hiền vào phòng họp, gọi cho đúng là "phòng tạm giữ".
Đến lúc này thì điện thoại tôi reo liên hồi, hết ông Tỉnh Trưởng
này đến vị Tỉnh Trưởng khác, hỏi thăm tình hình tại thủ đô ra sao? Nhóm đảo
chánh có những vị nào? Có địa phương nào gọi về ủng hộ chưa? Các vị Tư Lệnh
Quân Đoàn Sư Đoàn có ủng hộ không? ..v..v.. Tất cả những câu hỏi, tôi nghĩ, chắc
là các ông ấy có mục đích tìm hiểu thêm tình hình, để các vị ấy quyết định ủng
hộ Tổng Thống Ngô Đình Diệm hay ủng hộ Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng. Thế thôi.
Do vậy mới có thêm nhu cầu chuyển ngay các bản văn của địa phương ủng hộ Hội Đồng
sang đài phát thanh Sài Gòn để loan tin kịp thời. Thế là tôi có thêm đường giây
điện thoại trực tiếp với đài phát thanh và hầu như tất cả những bản văn ủng hộ
Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng của nhiều vị Tỉnh Trưởng, đều do tôi gợi ý. Và khi
vị ấy đồng ý là tôi chuyển đến đài phát thanh qua điện thoại luôn. Nghĩa là từ
lúc ông Tỉnh Trưởng đồng ý ủng hộ đến khi loan tin trên làn sóng, chỉ trong
vòng 3 đến 5 phút.
Bất cứ biến cố nào cũng có người ủng hộ, người thì không, đó là
lẽ đương nhiên. Trường hợp đảo chánh đang diễn tiến cũng vậy. Theo lệnh Thiếu
Tướng Khiêm, tôi chuyển đến Truyền Tin:
“Hệ thống kiểm thính sẽ "chận bắt" trên làn sóng vô
tuyến, các công điện gởi về Phủ Tổng Thống và trình lên văn phòng Tham Mưu Trưởng
Liên Quân ngay. Còn trên hệ thống điện thoại viễn liên ngang qua tổng đài điện
thoại Cộng Hòa trong khuôn viên bộ Tổng Tham Mưu, phải thu băng các cuộc đàm
thoại, ghi chép lại và trình lên vào mỗi đầu giờ”.
Bây giờ xin mời quí vị quí bạn cùng tôi rời bộ Tổng Tham Mưu để
lên Biên Hòa, theo chân Sư Đoàn 5 Bộ Binh, lúc ấy Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu là Tư
Lệnh. Những tin tức về hoạt động của Sư Đoàn này liên quan đến ngày đảo chánh
01/11/1963, do Đại Tá Lộ công Danh –lúc ấy là Thiếu Tá, trưởng phòng 3 Sư Đoàn
5 Bộ Binh- kể lại cho chúng tôi nghe vào năm 1981, khi bị giam chung ở trại
tập trung tù chính trị Nam Hà, tỉnh Hà Nam Ninh, miền bắc Việt Nam. Chuyện kể
như thế này:
"Khoảng trung tuần tháng 10 năm 1963, Đại Tá Thiệu đã làm
cho bộ tham mưu Sư Đoàn, nhất là các sĩ quan Phòng 2 Phòng 3 rất ngạc nhiên. Lệnh
hành quân ban hành trong thời gian thật ngắn, bộ tham mưu phải vất vả lắm mới
thi hành xong những công tác tham mưu trong việc điều động 1 Trung Đoàn Bộ Binh
cùng với Pháo Binh, Thiết Giáp, và Công Binh Chiến Đấu. Khi tất cả sẳn sàng để
sáng mai hành quân, thì Đại Tá Thiệu ra lệnh ngưng cuộc hành quân này và lập tức
điều động lực lượng sang vùng khác.
Tuần lễ sau đó, lại chuẩn bị một cuộc hành quân khẩn cấp để rồi
đến giờ chót lại thay đổi vùng hành quân, cũng là khẩn cấp! Chính Phòng 2 -phụ
trách tình báo- cũng không hiểu vì sao lại chuyển vùng hành quân mà Phòng 2
chưa ghi nhận sự hiện diện một lực lượng nào của quân cộng sản ở đó cả.
Ngày 30 và 31/10/1963, lại chuẩn bị hành quân vào căn cứ Bời Lời.
Đây là một căn cứ quan trọng của quân cộng sản, cho nên lực lượng tham dự gần 2
Trung Đoàn Bộ Binh, 1 Tiểu Đoàn Pháo Binh, lực lượng Thiết Giáp và Công Binh.
Đêm 31 tháng 10 rạng ngày 01/11/1963, lệnh của Đại Tá Tư Lệnh cho chuyển toàn bộ
các đơn vị xuống hành quân vùng Phước Tuy (trên đường Sài Gòn-Vũng Tàu). Bộ
tham mưu muốn điên đầu vì những thay đổi mà chính các sĩ quan trách nhiệm điều
động và yểm trợ hành quân, cũng không sao hiểu nổi.
Sáng 01/11/1963, các đơn vị, thay vì di chuyển về hướng Vũng Tàu
như lệnh hành quân đã định, lại được lệnh dừng quân ở ngã ba xa lộ Biên Hòa-Sài
Gòn-Vũng Tàu, chờ lệnh mới.
Đến 1 giờ trưa, lệnh mới được ban hành: Theo đó, các đơn vị chuyển
hướng về Sài Gòn. Ngoài lực lượng của Sư Đoàn 5 Bộ Binh, còn có một lực
lượng Thiết Giáp xuất phát từ Trung Tâm Huấn Luyện Vạn Kiếp (đồn trú ở Bà Rịa)
cùng tiến quân. Vào buổi chiều thì bản doanh Sư Đoàn và 1 bộ chỉ huy Trung Đoàn
đặt tại trường đại học sư phạm, đại lộ Cộng Hòa, trong khi lực lượng của Sư
Đoàn đã chiếm giữ các vị trí ấn định trong phạm vi thủ đô Sài Gòn.
Lại mời quí vị, chúng ta dành thêm chút thì giờ xuống Quân Đoàn
IV tại Cần Thơ, nhưng trước khi xuống Cần Thơ, đến ngã ba Trung Lương mời quí vị
tạt vào Mỹ Tho quan sát Sư Đoàn 7 Bộ Binh tại đây. Tư Lệnh Sư Đoàn là Đại
Tá Bùi Đình Đạm. Sư Đoàn phụ trách Khu 41 Chiến Thuật gồm 6 tỉnh bờ bắc Sông Tiền
là Kiến Hòa, Kiến Phong, Kiến Tường, Định Tường, Gò Công, và Long An, gồm cả Đồng
Tháp Mười. Vì Đại Tá Đạm được xem là thành phần tín cẩn của Tổng Thống Ngô Đình
Diệm, nên Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng đưa Đại Tá Nguyễn Hữu Có từ Sài Gòn xuống
Mỹ Tho, khống chế Đại Tá Đạm với mục đích cầm chân Sư Đoàn tại chỗ.
Xong, chúng ta cùng xuống Cần Thơ, bản doanh Bộ Tư Lệnh Quân
Đoàn IV. Trung Tá Huỳnh Văn Tồn đã xuống bộ tư lệnh Quân Đoàn IV/Vùng IV Chiến
Thuật, với nhiệm vụ thuyết phục Thiếu Tướng Huỳnh Văn Cao ủng hộ Hội Đồng Quân
Nhân Cách Mạng nhưng không thành công, ông áp dụng biện pháp dự liệu trước là
uy hiếp Thiếu Tướng Cao án binh bất động.
Năm 1962, Đại Tá Huỳnh Văn Cao là Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh tại
Mỹ Tho, được thăng cấp cấp Thiếu Tướng ngày 05/12/1962, trước Thiếu Tướng Trần
Thiện Khiêm một ngày dù rằng hai Sắc Lệnh thăng cấp cùng một ngày ký. Điều đó
có nghĩa là Thiếu Tướng Cao thâm niên hơn Thiếu Tướng Khiêm một ngày, và trong
quân đội vấn đề thâm niên là rất quan trọng về mặt chỉ huy. Không có gì khó hiểu
khi biết rằng Thiếu Tướng Cao là đảng viên đảng Cần Lao trong khi Thiếu Tướng
Khiêm vừa là khác tôn giáo vừa là người ngoài đảng.
Quân Đoàn IV được thành lập ngày 01/01/1963, và Tổng Thống Diệm
cử Thiếu Tướng Cao giữ chức Tư Lệnh Quân Đoàn này từ ngày ấy.
Xin mời sang Sa Đéc quan sát hoạt động của Sư Đoàn 9 Bộ Binh. Đại
Tá Bùi Dzinh, Tư Lệnh Sư Đoàn và Tư Lệnh Phó là Trung Tá Đoàn Văn Quảng. Trung
Tá Quảng trách nhiệm khống chế Đại Tá Dzinh và giữ chân Sư Đoàn tại chỗ. Năm
1961 và 1962, Trung Tá Quảng là Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 21 Bộ Binh trong khi Đại Tá
Trần Thiện Khiêm là Tư Lệnh. Do vậy mà lệnh của Thiếu Tướng Khiêm được Trung Tá
Quảng thi hành một cách tích cực. Nhưng theo cựu Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa, thì
trách nhiệm khống chế Đại Tá Bùi Dzinh án binh bất động Sư Đoàn 9 Bộ Binh là do
cựu Đại Tá Nhan Minh Trang -lúc đó là Thiếu Tá- theo lệnh Hội Đồng Quân Nhân
Cách Mạng từ Sài Gòn xuống Sa Đéc thi hành.
Đại Tá Bùi Dzinh và Đại Tá Trần Thiện Khiêm cùng học lớp
"chỉ huy tham mưu" tại Hoa Kỳ năm 1959, cùng trở về Việt Nam và cùng
nhận chức tại Sư Đoàn 21 Bộ Binh vào đầu tháng 02/1960, khi Trung Tá Trần Thanh
Chiêu bị cách chức. Đại Tá Khiêm Tư Lệnh, Đại Tá Bùi Dzinh Tư lệnh Phó kiêm
Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn. Đại Tá Bùi Dzinh, rất được Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn
Nhu tín nhiệm. Sư Đoàn 9 Bộ Binh thành lập tại Qui Nhơn, và Tổng Thống Diệm cử
ông vào chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn này. Sau đó, Sư Đoàn 9 Bộ Binh được lệnh chuyển
toàn bộ vào hoạt động vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Bây giờ mời quí vị trở về Bộ Tổng Tham Mưu.
Trước 5 giờ chiều một chút, tôi trình nhắc Thiếu Tướng Khiêm về
trường hợp Đại Tá Quyền -Tư Lệnh Hải Quân- Thiếu Tướng Khiêm cho biết là Đại Tá
Quyền đã bị sĩ quan tùy viên của ổng bắn chết trên Thủ Đức rồi.
Lúc 5 giờ chiều: “Đại Úy Hoa tôi nghe”.
“Chào anh Hoa. Tôi là Đại Úy Bằng đây. Anh mời Thiếu Tướng Khiêm
tiếp chuyện với Tổng Thống”.
Đại Úy Bằng là sĩ quan tùy viên của Tổng Thống Diệm, thường trực
ở văn phòng Phủ Tổng Thống.
“Vâng. Anh chờ tôi đầu máy”.
Tôi vào trình Thiếu Tướng Khiêm và nhấc ống nói trao cho ông:
“Mời Thiếu Tướng tiếp chuyện với Tổng Thống”.
Thiếu Tướng Khiêm chưa kịp nhận ống nói thì Trung Tướng Minh chụp
lấy ngay. Tôi không nghe Tổng Thống Diệm nói gì mà chỉ nghe Trung Tướng Minh:
“Chúng tôi chỉ chấp nhận cho ông đi ngoại quốc như một người
bình thường”.
“........................”
“Không”.
Tiếp đó, Trung Tướng Minh nói với các vị có mặt trong phòng Thiếu
Tướng Khiêm sau khi ông dằn ống nói xuống vị trí:
“Ổng đòi đi như một Tổng Thống, tôi không đồng ý”.
Lúc đó trong phòng im phăng phắc, chừng như cách giải quyết của
Trung Tướng Minh đem lại niềm suy nghĩ cho các vị ấy thì phải. Tôi nhìn vào
thái độ của các vị mà suy đoán như vậy.
Điện thoại lại reo và đầu giây bên kia vẫn là Đại Úy Bằng mời
Thiếu Tướng Khiêm tiếp chuyện với Tổng Thống. Tôi lại vào:
“Trình Thiếu Tướng, Tổng Thống muốn nói chuyện với Thiếu Tướng”.
Cũng như lúc nảy, Trung Tướng Minh chụp ống nói lên, rồi đặt xuống
máy: “Không cần nói chuyện với ổng”
Tôi trở ra phòng và trả lời Đại Úy Bằng:
“Rất tiếc là Trung Tướng Minh cắt đường giây rồi. Chào anh”.
Khoảng 6 giờ chiều. Một buổi họp ngay trong phòng Thiếu Tướng
Khiêm, cũng là bản doanh của Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng. Ngoài các vị có mặt ở
đây từ lúc trưa, tôi thấy có thêm Trung Tá Mai của Không Quân (dường như là Đỗ
Khắc Mai) mà mấy phút trước đây Quân Cảnh cổng số 1 điện thoại cho tôi biết. Buổi
họp ngắn gọn này quyết định:
"Không Quân phải chuẩn bị càng nhiều phi tuần khu trục càng
tốt, nếu đến 7 giờ sáng mai (2/11/1963) mà ổng (Tổng Thống Diệm) chưa
đầu hàng thì đánh bom xuống dinh Gia Long trong khi Thủy Quân Lục Chiến và Thiết
Giáp sẳn sàng xung phong ngay sau khi Không Quân chấm dứt đánh bom".
Phải nói rằng, lúc bấy giờ trên nét mặt các vị biểu hiện ít nhiều
lo âu, bởi bên đảo chánh với dấu hiệu thành công chưa nhiều, trong khi bên bị đảo
chánh cũng chưa có dấu hiệu gì nhiều về sự thất bại, tuy chưa có vị Tư Lệnh đại
đơn vị nào lên tiếng ủng hộ Tổng Thống.
Thiếu Tướng Đỗ cao Trí, Tư Lệnh Quân Đoàn I/Vùng I Chiến Thuật
ở Đà Nẳng, đã có công điện ủng hộ Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng ngay từ đầu. Thiếu
Tướng Nguyễn Khánh, Tư Lệnh Quân Đoàn II/Vùng II Chiến Thuật ở Plei Ku, có thể
là lúc đầu còn chần chừ nhưng sau đó thì có công điện ủng hộ Hội Đồng Quân Nhân
Cách Mạng. Thật sự nếu ông có chần chừ cũng đúng thôi, vì dù sao thì ông cũng
được Tổng Thống Ngô Đình Diệm tín nhiệm khi đưa ông từ Tư Lệnh Quân Khu 5 về giữ
chức Tham Mưu Trưởng/Tổng Tham Mưu, và trong cuộc đảo chánh của Đại Tá Nguyễn
Chánh Thi ngày 11/11/1960, Thiếu Tướng Nguyễn Khánh hoàn toàn ủng hộ Tổng Thống.
Đến Quân Đoàn III/Vùng III Chiến Thuật là Thiếu Tướng Tôn Thất Đính, đang trong
thành phần Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng rồi. Còn Thiếu Tướng Huỳnh Văn Cao đang
bị khống chế tại bộ tư lệnh Quân Đoàn IV/Vùng IV Chiến Thuật. Đại Tá Huỳnh Hữu
Hiền, Tư Lệnh Không Quân, và Đại Tá Cao Văn Viên, Tư Lệnh Nhẩy Dù, đang bị giữ
tại tòa nhà chánh. Đại Tá Hồ Tấn Quyền đã bị giết lúc trưa.
Xem chừng Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu, lần này không có
nhiều cơ may như lần bị Đại Tá Nguyễn Chánh Thi đảo chánh cách đây 2 năm, nhưng
dù sao thì Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng cũng chưa đủ yếu tố để lạc quan về sự
thành công của mình. Có lẽ cũng vì vậy mà Thiếu Tướng Khiêm bảo tôi đích thân
lái xe về nhà đón vợ và 2 con ông, đưa đến nhà riêng của Thiếu Tướng Lê Văn Kim
trên đường Võ Di Nguy, gần khu nghĩa trang giáp ranh với cổng số 3 của bộ Tổng
Tham Mưu, tạm vắng mặt tại nhà. Khu này tương đối vắng vẻ. Khi xe trên đường đến
nhà Thiếu Tướng Kim, bà Khiêm hỏi tôi:
“Chú Hoa, chú biết ai làm đảo chánh không?”
“Dạ biết. Nhiều vị lắm, có Trung Tướng Minh, Trung Tướng Đôn,
Thiếu Tướng Đính, Thiếu Tướng Kim, Thiếu Tướng Xuân, .... đông lắm”.
“Nếu có ai hỏi thì chú đừng nói có "nhà tôi" nghe
chú”.
“Vâng”.
Thật ra thì Thiếu Tướng Khiêm không cho gia đình biết những gì
mà ông và các vị khác cùng làm, cho nên bà Khiêm tỏ ra âu lo dự phòng của người
đàn bà bình thường vậy thôi.
Trở lại tình hình tại văn phòng, và lúc này vào khoảng giữa đêm.
“Đại Úy Hoa tôi nghe”.
“Trung Tá Minh đây em”
Đó là Trung Tá Nguyễn Văn Minh mà các bạn ông thường gọi là
"Minh đờn", Tỉnh Trưởng tỉnh An Giang. Là một vị Tỉnh Trưởng rất được
lòng Tổng Thống và ông Cố Vấn. Tôi quen biết với Trung Tá Minh nhiều là trong
thời gian tôi giữ chức chánh văn phòng Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh tại Cần Thơ.
Trung Tá Minh có tiếng là sĩ quan xử sự rất khéo với cấp trên và "chơi ngọt"
với cấp dưới, nếu như cấp dưới đó là thân cận với cấp trên của ông. Dạo đó, cứ
mỗi khi ông xuống Cần Thơ là y như rằng, ông ghé cho tôi tí tiền còm kèm theo
câu "em cầm lấy uống cà phê chơi" mà tôi có bao giờ uống cà phê đâu.
“Thưa Trung Tá, dường như Trung Tá chưa có công điện ủng hộ Hội
Đồng phải không?”
“Tình hình đến giờ ra sao rồi em?”
“Trung Tá theo dõi đài phát thanh thì rõ vì tất cả những tin tức
đó là chính xác. Bây giờ tôi thử đọc bản văn ủng hộ Trung Tá nghe, nếu Trung Tá
đồng ý thì tôi chuyển sang đài phát thanh ngay, chỉ vài phút sau đó là Trung Tá
nghe công điện ủng hộ của Trung Tá và tỉnh An Giang phát đi trên làn sóng đài
Sài Gòn”.
Thế là tôi đọc bản văn luôn, và Trung Tá Minh đồng ý ủng hộ Hội
Đồng Quân Nhân Cách Mạng.
Đến khoảng 3 giờ sáng (2/11/1963), Truyền Tin mang vào công điện
của ông Tỉnh Trưởng Lâm Đồng (nay là ấn bản lần thứ 4 mà tôi vẫn không nhớ tên
ông). Công điện này gởi Phủ Tổng Thống với nội dung:
"... Quân Dân Cán Chánh tỉnh Lâm Đồng nguyện ủng hộ Tổng Thống
và gia đình, chống lại cuộc đảo chánh của bọn phản loạn.."
Tôi mang vào trình Thiếu Tướng Khiêm. Xem xong, ông trao cho
Trung Tướng Minh, lướt qua nội dung, ông lại đưa cho Thiếu Tướng Đính và kèm
theo khẩu lệnh:
“Toa" kiếm người thay thằng này đi”.
Sở dĩ Trung Tướng Minh trao cho Thiếu Tướng Đính vì tỉnh Lâm Đồng
thuộc Quân Đoàn III/Vùng III Chiến Thuật mà Thiếu Tướng Đính đang là Tư Lệnh.
Vài ngày sau đó, ông Tỉnh Trưởng Lâm Đồng, người gởi công điện
nói trên, sau khi từ văn phòng Trung Tướng Khiêm (Thiếu Tướng Khiêm thăng cấp
Trung Tướng chiều 02/11/1963) trở ra, ông hỏi tôi với vẻ khó chịu:
“Tôi có gởi công điện ủng hộ Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng mà tại
sao tôi bị cách chức. Anh có biết lý do không?”
“Dạ không thưa Thiếu Tá. Nhưng tôi biết là quí vị trong Hội Đồng
Quân Nhân Cách Mạng có xem công điện Thiếu Tá gởi về Phủ Tổng Thống, do hệ thống
Truyền Tin/Tổng Tham Mưu "chận bắt" tất cả những làn sóng như vậy”.
Ông quày quả ra khỏi phòng mà chẳng buồn chào trả lại. Thật
ra thì đến gần sáng ngày 02/11/1963, ông có công điện ủng hộ Hội Đồng, nhưng điều
đó đã quá trễ. Trong cuộc sống, biết nhận đúng thời cơ là tốt nhất, vì hành động
sớm quá hay muộn quá, thường là không mang lại kết quả tốt, đôi khi chuốc lấy
nguy hại là khác.
Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị giết.
Khoảng 5 giờ sáng ngày 02/11/1963, điện thoại reo trong khi tôi
đang bận cuộc đàm thoại khác nên Thiếu Tướng Khiêm nhấc ống nói sau mấy lượt
chuông reo, và qua cuộc nói chuyện ngắn của Thiếu Tướng Khiêm với các vị có mặt,
tôi biết đầu giây bên kia là người thân cận của Tổng Thống, nhưng chưa nghe nội
dung. Ngay tức thì, các vị gọi nhau vào họp thật nhanh, tiếc là tôi ngồi phòng
ngoài nên chỉ nghe lõm bõm mà thôi dù rằng cửa ngăn giữa phòng tôi với phòng
Thiếu Tướng Khiêm mở thường xuyên từ lúc 1 giờ trưa hôm qua.
Do công việc đòi hỏi tôi ra vào văn phòng Tham Mưu Trưởng Liên
Quân một cách nhanh chóng nên tôi phải sang ngồi ở phòng sĩ quan tùy viên, vì
phòng này khi mở cửa thì nhìn thẳng vào bàn viết của Thiếu Tướng Khiêm, nơi
đang là bản doanh của Hội Đồng Quân Nhân cách Mạng. Nghe Trung Tướng Dương Văn
Minh ra lệnh, tôi mới biết là một phái đoàn do Thiếu Tướng Mai Hữu Xuân dẫn đầu
sẽ vào nhà thờ Cha Tam trong vùng Chợ Lớn đón Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố
Vấn Ngô Đình Nhu về Bộ Tổng Tham Mưu. Lúc ấy tôi trông thấy vài vị sĩ quan cấp
tá đi vô đi ra phòng Tham Mưu Trưởng Liên Quân, nhưng không rõ những vị này có
được cử trong phái đoàn hay không.
Một lúc sau, Thiếu Tướng Trần Thiện Khiêm gọi tôi:
“Chú theo dõi khi đoàn xe đón Tổng Thống và ông Cố Vấn về đến
thì hướng dẫn xe đậu ở sân vận động cạnh tòa nhà chánh, cho Quân Cảnh gác chung
quanh và không cho bất cứ ai đến gần. Xong, chú lên trình tôi”.
“Vâng”
Trong thời gian chờ đợi, các vị bàn thảo với nhau chung quanh vấn
đề cách giải quyết Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu sao cho ổn vì sợ phật lòng
khối Thiên Chúa Giáo lẫn Phật Giáo. Ngay lúc đó, ngoài cửa phòng tôi có một người
xin gặp tôi và nói là ông được lệnh mang quần áo đến đây để Tổng Thống và ông Cố
Vấn đi ngoại quốc. Tôi ngờ rằng lệnh đó xuất phát từ Trung Tướng Đôn, vì ông là
người hậu thuẫn mạnh mẽ ý kiến đưa Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu xuất ngoại,
được hiểu là "lưu vong". Tôi vào trình với Thiếu Tướng Khiêm về chuyện
có người đem quần áo đến cho Tổng Thống và ông Cố Vấn. Trình xong tôi không
theo dõi được nữa, vì phải xuống lầu đón đoàn xe sắp vào cổng Bộ Tổng Tham Mưu.
Theo hướng dẫn của tôi, chiếc Thiết Vận Xa M113 vào vị trí, và một
tiểu đội Quân Cảnh bao quanh. Tôi trở lên văn phòng:
“Trình Thiếu Tướng, Thiết Vận Xa chở Tổng Thống và ông Cố Vấn đã
vào sân vận động và có Quân Cảnh bảo vệ”.
“Mình xuống đi”.
Đó là lời Trung Tướng Dương Văn Minh. Nói xong, ông đứng lên
trong khi Thiếu Tướng Trần Thiện Khiêm nét mặt không vui:
“Các "toi" xuống đi, thấy ổng dù sao "moi"
cũng bùi ngùi!”
Tuy nói vậy, nhưng khi các vị rời khỏi phòng thì Thiếu Tướng
Khiêm cũng từng bước theo sau, và tôi là người tháp tùng sau cùng. Khi xuống đến
bậc thang chót ở tầng trệt thì Thiếu Tướng Khiêm đứng lại, vì các vị đã dừng
chân hành lang bên ngoài, lúc ấy có Thiếu Tướng Xuân và một sĩ quan nữa mà tôi
không thấy rõ là vị nào, đang trình bày gì đó với các vị. Bỗng các vị cùng quay
vào, Thiếu Tướng Khiêm ngạc nhiên:
“Việc gì vậy?”
“Hai ổng chết rồi”.
Trung Tướng Minh trả lời ngắn ngủn. Tất cả trở lên lầu.
Lúc bấy giờ, người Mỹ, từ phòng nhỏ ngay phía sau tấm vách ngăn
với bàn làm việc của Thiếu Tướng Khiêm bước ra, Trung Tướng Minh cho ông ta biết
là ông Diệm và ông Nhu đã chết rồi. Rõ ràng là người Mỹ này tỏ ra bực tức, và một
lúc sau ông ta ra về.
Người Mỹ mà tôi vừa nói, tôi không biết tên. Ông ta có vóc dáng
trung bình, mặc thường phục, có mặt tại phòng Thiếu Tướng Khiêm từ trưa hôm qua
(01/11/1963), nhưng ông ta chỉ ở trong phòng nhỏ đó mà không bước ra phòng các
vị Tướng lãnh trong Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng làm việc dù chỉ cách vài bước
đi. Ông ta có xách cái cặp bình thường như những cái cặp mà các vị Tướng Lãnh
thường xách theo khi đi làm. Về sau tôi nghe nói đó là Trung Tá Conein, cũng có
người nói là ông Lansdale. Tôi vẫn không xác định được là ai, nhưng rõ ràng là
cuộc đảo chánh lật đổ Tổng Thống Diệm được một số vị Tướng Lãnh Việt Nam thực
hiện dưới bàn tay đạo diễn của Hoa Kỳ hay ít ra cũng được Hoa Kỳ đồng ý. Cho dù
thế nào đi nữa, chúng ta cũng nhận ra được sự kiện ông Ngô Đình Diệm "lên
ngôi" là do Hoa Kỳ từ đằng sau, và cũng bởi Hoa Kỳ mà ông Diệm bị "hạ
bệ". Nhưng liệu có phải Tổng Thống Hoa Kỳ John F. Kennedy ra lệnh cho vị
Tướng Lãnh nào đó của đất nước Việt Nam khốn khổ này giết chết Tổng Thống của họ
không? Hay cái chết của Tổng Thống Diệm không có trong dự định của Hoa Kỳ khi họ
buộc phải thay người lãnh đạo Việt Nam cho phù hợp với chiến lược Domino đang
thực hiện? Ôi, chính trị!
Tôi xin mở ngoặc để viết vào đoạn này những lời mà cựu Đại Tướng
Trần Thiện Khiêm cho tôi biết vào tối 21/10/2003, liên quan đến cuộc đảo chánh
ngày 01/11/1963. Ông nói:
“Về việc chú thắc mắc không biết người Mỹ tham dự đảo chánh là
ông Conein hay Lansdale, Anh cho chú biết đó là Trung Tá Conein, ổng cũng cùng
nhóm với ông Lansdale. Anh nói thêm với chú, ông Conein là trưởng toán sĩ quan
Hoa Kỳ đã từng nhẩy dù xuống miền Bắc hồi năm 1945 để giúp ông Hồ đánh Nhật.
Lúc đó ai là kẻ thù của Nhật là bạn của Hoa Kỳ. Về phía Hoa Kỳ, ông ta là người
biết nhiều về ông Hồ và Việt Minh cộng sản thời đó. Bây giờ Anh nói về cuộc đảo
chánh (01/11/1963). Trước ngày đảo chánh, Anh (tức cựu Đại Tướng Khiêm) nói
như một điều kiện liên quan đến Tổng Thống Diệm rằng: “phải để Tổng Thống bình
yên và xuất ngoại”. Lúc đó Trung Tướng Dương Văn Minh đồng ý, Thiếu Tướng Lê
Văn Kim cũng đồng ý. Sở dĩ Anh nói với Trung Tướng Minh và Thiếu Tướng Kim, vì
hai ông này là hai nhóm riêng chớ không phải là một nhóm đâu nghe chú. Khi biết
ông Diệm bị giết cùng với ông Nhu, Đại Tá Quyền (Hồ Tấn Quyền) bị giết, Đại Tá
Tung (Lê Quang Tung) cũng bị giết, đến em của ông Tung là Lê Quang Triệu cũng bị
lừa rồi giết chết. Ông Viên (Cao Văn Viên) thì bị còng tay. Họ hành động lén
nên Anh với chú ngồi trên lầu có hay biết gì đâu. Mấy ổng ngồi bên phòng của Đại
Tướng Tỵ rồi quyết định với nhau.” (Lúc ấy Đại Tướng Lê Văn Tỵ dưỡng bệnh
ngoài Vũng Tàu, Trung Tướng Trần Văn Đôn Quyền Tổng Tham Mưu Trưởng)
Ngưng một chút, ông tiếp:
“Chú thấy chưa? Nhóm ông Minh với nhóm ông Kim độc ác quá! Ông
Diệm gọi điện thoại bảo cho xe đến đón, tức là ổng đầu hàng rồi, tại sao lại giết
người đầu hàng? Trước đó, ông Minh ông Kim đồng ý với Anh là để ông Diệm
bình yên và lưu vong, tại sao lại giết? Cho nên từ đó Anh bất mãn với ông Minh
ông Kim”.
Xin mở ngoặc nhỏ. Tôi nghĩ: “Có lẽ vì sự chia phe chia nhóm này
mà khi cử Trung Tướng Trần Thiện Khiêm đi Seoul, Đại Hàn, dự lễ nhậm chức của Tổng
Thống Pak Chung Hi (Phác Chánh Hi), để rồi ra quyết định cử Trung Tướng Khiêm
giữ chức Tư Lệnh Quân Đoàn 3 khi Trung Tướng Khiêm còn ở Tokyo chăng?” Lại
thêm chút ánh sáng về sự kiện này. Nhân khi cựu Đại Tướng Khiêm từ Houston (Ông
chuyển từ Virginia xuống cư trú ở Houston từ giữa năm 2005) lên Virginia hồi
tháng 07/2005 thăm cựu Đại Tướng Viên vì sức khỏe của ông có phần suy yếu. Khi
nhắc lại sự kiện Trung Tướng Khiêm bị cử sang Quân Đoàn 3, cựu Đại Tướng Viên
nói:
“Cũng vì việc anh giúp tôi trở lại Lữ Đoàn Nhẩy Dù mà anh bị mấy
ảnh (có lẽ ám chỉ Trung Tướng Minh, Trung Tướng Đôn, …) đẩy qua Quân
Đoàn 3 đó”.
Cựu Đại Tướng Khiêm nói tiếp với tôi:
“Có điều là Anh không rõ tại sao Hoa Kỳ loại Tổng Thống Diệm?”
“Thưa Anh, có lúc Em nghĩ: phải chăng Tổng Thống Diệm không đồng
ý cho quân bộ chiến Hoa Kỳ lập căn cứ trên đất Việt Nam trong chiến lược Domino
làm bức tường quân sự ngăn chận cộng sản tràn xuống Đông Nam Á mà Tổng Thống Diệm
bị loại chăng?”
“Điều này Anh có nghĩ đến, nhưng không biết có còn gì nữa không?
Còn việc chú nêu nghi vấn Trung Tướng Minh có phải là người ra lệnh giết ông Diệm
ông Nhu không, chú nghĩ coi nếu hổng phải ổng thì ai dám ra lệnh đó”.
“Tất nhiên là em nghĩ như vậy, nhưng đây là vấn đề lịch sử, khi
em chưa nắm được bằng chứng xác thực về điều em đã nghĩ, thì em không dám khẳng
định mà chỉ nêu nghi vấn sau khi phân tách một số sự kiện liên quan thôi. Chính
Trung Tướng Trần Văn Đôn trong quyển Việt Nam Nhân Chứng, cũng nêu nghi vấn như
vậy Anh Tư”. (bà Khiêm thứ tư nên những cộng sự viên chung quanh thường gọi
như vậy).
Những điều mà cựu Đại Tướng Khiêm nói không phải chỉ có thế, và
tôi sẽ bổ túc vào những bài những đoạn liên quan trong cuộc Chỉnh Lý ngày
30/01/1964, cuộc “Biểu Dương Lực Lượng” ngày 13/09/1964 dẫn đến sự kiện ông và
gia đình lưu vong, đến cuộc “Đảo Chánh” ngày 19/02/1965 dẫn đến sự kiện Đại Tướng
Nguyễn Khánh lưu vong sang Hoa Kỳ tá túc nhà Đại Tướng Khiêm.
Vẫn trong dấu ngoặc này, tôi thuật thêm một đoạn ngắn trong lúc
nói chuyện với cựu Đại Tướng Khiêm sau khi ông và gia đình du lịch Pháp quốc về
lại Houston hồi đầu năm 2007. Nhân lúc vui vẻ, tôi hỏi:
“Thưa anh Tư. Hồi đảo chánh 01/11/1963, bắt đầu từ phía Hoa Kỳ
hay từ phía Việt Nam mình anh Tư?”
“Từ phía Hoa Kỳ”.
“Vậy ai là người nối vào Việt Nam mình anh Tư?”
“Ông S.”.
“Ông ấy nối vào ai vậy anh Tư?”
“Nối vào anh, nhưng anh thấy việc lớn quá nên giới thiệu với
Trung Tướng Minh (Dương Văn)”.
Thưa quí vị, cựu Đại Tướng Khiêm có nói tên đầy đủ của người Mỹ
này, nhưng ông không muốn tôi nêu tên ông ta dù ông S. đã chết rồi. Do vậy tôi
chỉ có thể viết tên ông ta vào đây với mẫu tự đầu mà thôi. Trong năm 1963, tôi
có dịp nói chuyện với ông S. này trong những lúc ngồi chờ vào gặp Thiếu Tướng
Khiêm. Ông ta trong ngành tình báo tại tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn, và nói tiếng
Pháp sành sỏi. Xin đóng ngoặc.
Với câu chuyện ngắn trên đây giúp tôi nghĩ, có lẽ từ vị trí quan
trọng của cựu Đại Tướng Khiêm lúc ấy nên ông đưa điều kiện với Trung Tướng
Dương Văn Minh và Thiếu Tướng Lê văn Kim, theo đó ông tham gia đảo chánh nhưng
phải để Tổng Thống Ngô Đình Diệm lưu vong. Tôi nói “vị trí quan trọng” vì lẽ
lúc ấy cựu Đại Tướng Khiêm đang giữ chức Tham Mưu Trưởng Liên Quân, và là người
mà tình báo Hoa Kỳ móc nối đầu tiên vào cuộc đảo chánh lật đổ Tổng Thống Diệm.
Liệu nguyên nhân chính dẫn đến cuộc đảo chánh này là do kế hoạch
của chánh phủ Hoa Kỳ, hay bắt nguồn từ cuộc đàn áp Phật Giáo của Tổng Thống Ngô
Đình Diệm? Tôi nghĩ, nếu không có sự kiện đàn áp Phật Giáo thì Hoa Kỳ cũng bằng
cách nào đó để thực hiện cuộc lật đổ, vì nếu không thì mục tiêu thiết lập căn cứ
quân sự trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa không thực hiện được, và như vậy có
nghĩa là một "mắt xích" trong chiến lược Domino của họ không hoàn
thành.
Phải chăng sự mâu thuẫn giữa chánh phủ với Phật giáo ngày càng tệ
hại, lại là cơ hội thuận lợi cho Hoa Kỳ nhập cuộc theo cách của họ? Và cho dù
thế nào đi nữa, rõ ràng là họ đã thành công.
Giả thuyết rằng, nếu cuộc đảo chánh không phải bắt nguồn từ Hoa
Kỳ, thì liệu quí vị Tướng Lãnh Việt Nam có tự mình quyết định đảo chánh để đem
lại sự bình đẳng giữa hai tôn giáo lớn nói riêng, và ổn định tình hình nội bộ
nói chung không? Tôi nghĩ, chắc là không. Vì thực hiện một cuộc đảo chánh, đã
khó, nhưng được hay không được Hoa Kỳ ủng hộ là điều khó hơn, vì cho dù
có thành công mà không được Hoa Kỳ ủng hộ thì sớm muộn gì cũng bị đồng đội lật
đổ. Còn nữa, nếu lật đổ thành công rồi, mà chưa chuẩn bị một sách lược lãnh đạo
vừa chống cộng sản vừa xây dựng quốc gia, thì quí vị cầm quyền sẽ bị bối rối với
những kế hoạch vá víu trong khi tình hình đòi hỏi mục tiêu và đường lối thực hiện
phải rõ rệt, dứt khoát, và thực hiện ngay.
Vậy, vị Tướng nào đã ra lệnh giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm và
ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu, và ai là người xuống tay giết hai ông? Hoặc giả là so
dự nhầm lẫn nào đó giữa người ra lệnh với người nhận lệnh? Theo bác sĩ Huỳnh
Văn Hưởn, Y Sĩ trưởng bệnh xá Tổng Tham Mưu lúc ấy (về sau có lúc là Tổng Trưởng
Y Tế), người phụ trách khám nghiệm và lau vết thương cho hai ông, thì cả hai
ông vừa bị bắn vừa bị đâm bằng lưỡi lê. Hai trong số ít người liên quan trực tiếp
đến cái chết của ông Diệm và ông Nhu là Trung Tướng Mai Hữu Xuân và Thiếu Tá
(đã thăng cấp) Nguyễn Văn Nhung, cả hai đã chết rồi. Chỉ còn lại cựu Đại Tướng
Dương Văn Minh và cựu Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa, là hai vị có tiếng nói chính xác
hơn hết. Chữ "trực tiếp" mà tôi dùng ở đây có nghĩa là người ra lệnh
giết, người giết, hoặc người nghe thấy người ra lệnh hay trông thấy người giết.
Và liệu cựu Chuẩn Tướng Phan Hòa Hiệp có thể là nhân chứng chính xác nữa trong
vụ này không?
Xin mở ngoặc. Tôi bổ túc đoạn trên vào tháng 10/2003, thì
cựu Đại Tướng Dương Văn Minh đã từ trần trước đó mấy tháng. Vậy, nhân chứng còn
lại là cựu Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa. Nhưng năm 2006, cựu Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa
đã xuống tóc vào chùa tu học. Xin đóng ngoặc.
Nếu như Trung Tướng Dương Văn Minh ra lệnh giết thì tại sao khi
tôi trình đoàn xe đón Tổng Thống và Cố Vấn về đến, ông lại gọi các vị có mặt
cùng xuống gặp hai vị ấy, vì chính ông phải biết việc gì xảy ra rồi chớ? Hoặc
cũng có thể là Trung Tướng Minh đã ra lệnh giết nhưng vẫn ra vẻ như không
hay biết gì về cái chết của hai ông ấy? Chính trị mà! Trong số các vị có mặt
trong phòng Thiếu Tướng Khiêm, tôi không trông thấy nét mặt, cử chỉ, hay thái độ
của vị nào biểu lộ một chút gì khác thường giữa các vị với nhau trước khi lần
lượt bước xuống thang lầu để gặp Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô
Đình Nhu. Hoặc là không ai ra lệnh giết, hoặc là vị nào đó quá kín đáo chăng?
Khi đoàn xe rời nhà thờ Cha Tam trở về Bộ Tổng Tham Mưu trên chiếc
M113 chở ông Diệm và ông Nhu chỉ có Đại Úy Nguyễn Văn Nhung và vài quân nhân
trách nhiệm trên chiếc Thiết Vận Xa này. Thiếu Tá Dương Hiếu Nghĩa ngồi xe Jeep
cùng với Đại Úy Phan Hòa Hiệp (cấp bậc trong lúc đảo chánh). Đại Úy Hiệp cho biết
như vậy. Sở dĩ tôi nói đến Thiếu Tá Nghĩa là vì có dư luận cho rằng Thiếu Tá
Nghĩa cùng ngồi trên chiếc Thiết Vận Xa M113 với Đại Úy Nhung.
Nếu thật sự Thiếu Tá Nghĩa cùng ngồi trên chiếc Jeep với Đại Úy
Hiệp, điều đó cũng chưa đủ yếu tố để loại trừ giả thuyết Thiếu Tá Nghĩa không
phải là sát thủ, vì có lúc đoàn xe phải dừng trước cổng xe lửa chắn ngang đường
khi xe lửa chạy qua. Đó là khoảng thời gian tuy ngắn ngủi nhưng cũng đủ cho một
sát thủ ra tay. Nhưng cũng không thể căn cứ vào đây mà cho rằng Thiếu Tá Nghĩa
là một trong hai sĩ quan đã giết Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu, vì
Thiếu Tá Nghĩa là một sĩ quan bộc trực, thẳng tính, rất nhiệt tâm với nhiệm vụ
trong binh chủng Thiết Giáp, và chưa hề có tai tiếng gì trước biến cố chính trị
này. Đồng ý rằng, Thiếu Tá Nghĩa là một sĩ quan rất can đảm, và khi lâm trận
thì vị chỉ huy này không nương tay với kẻ thù, nhưng giết một người không phải
là kẻ thù mà người đó lại là một Tổng Thống hay Cố Vấn của Tổng Thống, thì điều
đó không phải là điều mà Thiếu Tá Nghĩa hành động như một sát thủ. Nhưng những
lý lẽ trên đây cũng chưa đủ để loại trừ giả thuyết "Thiếu Tá Nghĩa là một
trong hai sĩ quan thi hành lệnh giết Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu".
Và đối với tôi, Thiếu Tá Nghĩa vẫn là một nghi vấn nhưng mức độ thấp hơn nghi vấn
đối với Đại Úy Nhung. Tôi có lý lẽ khi tôi đặt nghi vấn như vậy.
Với Đại Úy Nhung. Chính xác là Đại Úy Nhung ngồi trên chiếc thiết
vận xa M113 chở Tổng Thống và Cố Vấn. Đại Úy Nhung, ít ra là hai lần trước biến
cố chính trị này, khi đến văn phòng tôi anh khoe rằng, mỗi lần anh giết một người
thì anh khắc lên báng súng của anh một vạch. Anh đưa báng súng cho tôi xem, lúc
ấy có năm vạch khắc theo chiều thẳng đứng ở bên trái báng súng. Căn cứ vào lời
nói và dấu tích trên báng súng, tôi cho rằng Đại Úy Nhung là một sĩ quan đã từng
giết người nếu không nói là thông thạo thì cũng là quen tay. Xin nói thêm, hành
động giết người và hành động bắn chết địch quân ở chiến trường là hai hành động
khác nhau. Nhưng như vậy cũng chưa thể kết luận Đại Úy Nhung là sát thủ
trong trường hợp này, vì không trông thấy tận mắt và cũng không nghe chính Đại
Úy Nhung tự nói về sự kiện đó.
Nhưng nhìn vào khía cạnh khác, tôi có nghi vấn cao nhất về Đại
Úy Nguyễn Văn Nhung với cái chết của Tổng Thống Diệm và Cố Vấn Nhu. Đại Úy
Nhung là sĩ quan tùy viên của Trung Tướng Dương Văn Minh, mà tùy viên thì luôn
luôn có mặt bên cạnh vị Tướng của mình. Trong trường hợp này, Thiếu Tướng Mai Hữu
Xuân cùng đoàn tùy tùng có nhiệm vụ đến nhà thờ Cha Tam (trong Chợ Lớn) đón Tổng
Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu về Bộ Tổng Tham Mưu, Đại Úy Nhung không có lý do
gì để có mặt trong thành phần này cả. Nếu cho rằng, Đại Úy Nhung tự ý tháp tùng
để sau này khoe với bạn bè là anh đã góp mặt trên đoàn xe lịch sử đó đi nữa thì
tại sao Đại Úy Nhung -và chỉ một mình Đại Úy Nhung- được ngồi trên chiếc Thiết
Vận Xa M113 chở Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu? Sự kiện này phải được Thiếu
Tướng Xuân chỉ định hay ít ra cũng là đồng ý. Và liệu có phải Thiếu Tướng Xuân
tự mình ra lệnh cho Đại Úy Nhung hay là thi hành theo lệnh của Trung Tướng
Minh? Tôi nói như vậy vì chỉ có Trung tướng Minh -người đứng đầu nhóm lãnh đạo
đảo chánh- mới có thẩm quyền ra lệnh cho Thiếu Tướng Xuân mà thôi. Với lại Đại
Úy Nhung là sĩ quan tùy viên của Trung Tướng Minh thì không vị Tướng nào dám sử
dụng Đại Úy Nhung trong nhiệm vụ giết Tổng Thống và Cố Vấn được. Vậy, Đại Úy
Nhung có mặt trong đoàn xe "lịch sử" này và một mình ngồi trong xe chở
Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu, phần chắc là do lệnh của Trung Tướng Dương
Văn Minh.
Nếu chính xác là Trung Tướng Minh ra lệnh cho sĩ quan tùy viên của
mình là một thành viên trong đoàn xe lịch sử này thì lệnh đó có mục đích gì, chẳng
lẽ cho Đại Úy Nhung đi theo chơi? Suy đoán như vậy nghe không ổn chút nào.
Nhưng đến đây cũng chưa thể quả quyết rằng Đại Úy Nhung là người hạ sát Tổng Thống
Diệm và ông Cố Vấn Nhu bằng súng và lưỡi lê, vì đây là vấn đề lịch sử nên không
thể kết luận thủ phạm khi chưa đủ chứng cớ chính xác, mà đương sự đã chết rồi.
Thôi thì để anh yên nghỉ!
Đến đây, tôi có câu chuyện ngắn. Hai mươi tám năm sau, vào giữa
tháng 11/1991, tôi và một số bạn có dịp dùng cơm tại nhà cựu Đại Tá Nguyễn Linh
Chiêu (Orange County, nam California) mà tôi thường gọi ông là "đại
ca", vì ông lớn tuổi hơn tôi và thâm niên hơn tôi nhiều. Hôm ấy "đại
ca" tôi thuật lại câu chuyện có liên quan đến câu tự hỏi của tôi nêu
trên. Chuyện như thế này:
Đầu năm 1991, nhân chuyến ông sang Paris dự lễ cưới của vị Tướng
đã một thời là Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội quốc gia Việt Nam trong khuôn khổ
quân đội Liên Hiệp Pháp, "đại ca" tôi tổ chức bữa ăn thân mật sau khi
được cựu Đại Tướng Dương Văn Minh và cựu Trung Tướng Trần Văn Đôn nhận lời. Mục
đích của bữa ăn là anh Chiêu -bạn thân của hai vị cựu Tướng Lãnh thực khách- muốn
giúp hai vị làm hòa nhau mà tình bạn giữa hai ông đã rạn nứt từ sau cuộc đảo
chánh 01/11/1963. Theo anh Chiêu thì mục đích đã đạt được, và trong không khí
vui vẻ đó, anh có nêu câu hỏi với cựu Đại Tướng Minh:
“Anh có thể cho biết câu "mission accomplie" mà anh
Xuân (tức Thiếu Tướng Mai Hữu Xuân) trình với anh hôm 02/11/1963 có nghĩa
như thế nào không?”
“Nhiệm vụ hoàn thành thì báo cáo hoàn thành. Có vậy thôi”
Anh Chiêu chưa chịu thua và hỏi lại, thì cựu Đại Tướng Minh nói:
“Anh hiểu sao thì hiểu”
Câu trả lời đúng là hiểu sao thì hiểu. Hết câu chuyện.
Cũng vào cuối năm 1991, người bạn mới quen của tôi ở San Jose,
tiến sĩ sử học Hoàng Ngọc Thành, lúc ấy đang viết cuốn "Những Ngày Cuối
Cùng Của Tổng Thống Ngô Đình Diệm", tôi có cung cấp cho ông một số dữ kiện
cần thiết theo yêu cầu của ông. Ông nói rằng, ông được đọc một tài liệu mà cựu
Đại Tướng Minh viết theo lệnh của nhà cầm quyền cộng sản (sau tháng 4/1975),
theo đó, cựu Đại Tướng Minh nhận là ông đã ra lệnh giết Tổng Thống Diệm và ông
Cố Vấn Nhu. Nghe thì nghe vậy nhưng thật ra tôi cũng không hiểu là bằng cách nào
mà ông bạn tôi xem được tài liệu đó nữa. Với tôi, những gì mà người chiến sĩ chống
cộng sản cho dù người đó là một Tổng Thống hay một sĩ quan bình thường, phải viết
theo lệnh của cộng sản trong trại tập trung hay tại cơ quan của chúng, và viết
dưới sự hướng dẫn của những tên gọi là cán bộ Công An cho đến khi chúng chấp nhận
mà chúng gọi là "đạt yêu cầu", thì không thể xem đó là chính xác được.
Vì vậy mà theo tôi, không nên căn cứ vào đó để kết luận cựu Đại Tướng Dương Văn
Minh là người ra lệnh giết Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu, cho dù ông có
khai thật với cộng sản cũng vậy. Nhưng dù thế nào đi nữa, với tôi, cựu Đại Tướng
Minh vẫn là vị duy nhất mà tôi đặt nghi vấn cao nhất về người đã ra lệnh giết Tổng
Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu.
Cuối năm 1993, nhân đến nhà người bạn cùng khóa với tôi để thăm
một vị Tướng trước kia phục vụ tại Phòng 7 Bộ Tổng Tham Mưu, và nhân lúc câu
chuyện xoay quanh cuộc đảo chánh ngày 01/11/1963, bạn tôi nói rằng: "Tôi
có người bạn thân, trước kia thường chơi quần vợt với Đại Tướng Minh, một hôm Đại
Tướng Minh có nói là trước khi chết, ông để lại tập hồi ký cho các con ông. Nếu
đúng như vậy thì câu trả lời chính xác chỉ có được khi cựu Đại Tướng Minh an giấc
ngàn thu chăng? Năm 2003, cựu Đại Tướng Dương Văn Minh từ trần, nhưng tôi
không rõ là ông có để lại cuốn nhật ký như lời bạn tôi đã nói hay không”.
Đến cựu Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa, năm 1998 định cư tại tiểu bang
Washington. Theo tôi, anh Nghĩa là một trong những nhân chứng của cuộc đảo
chánh ngày 01/11/1963 nói chung, và có thể là nhân chứng duy nhất trong vụ giết
Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu nói riêng. Tôi với anh là bạn thân từ năm
1961 khi anh đang là Quận Trưởng quận Bình Minh tỉnh Vĩnh Long. Khi vào tù,
chúng tôi bị giam chung “lán trại” giữa rừng già Yên Bái, ăn chung mâm, ngủ sát
cạnh nhau trên vạt giường làm bằng cây chổm trong nhiều năm liền. Có những lúc
nhắc đến ngày 01/11/1963, tôi cố gắng tìm hiểu những nghi vấn về cái chết của Tổng
Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu, nhưng không bao giờ anh hé môi nửa lời về
điều đó.
Tôi biết anh Nghĩa có nói với Trung Úy Đồng, Phòng 3 Tiểu khu
Vĩnh Long khi anh là Tỉnh Trưởng tỉnh này, theo đó, "anh biết người giết
ông Diệm và ông Nhu, nhưng chưa thể nói được". Tôi tin lời anh Nghĩa,
nhưng không biết là lúc nào anh mới nói được. Bởi vì chưa thể nói được, có
nghĩa là sẽ nói chớ không phải không nói.
Dưới đây là bài viết của cựu Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa, anh gởi tặng
tôi một bản do cựu Đại Tá Nhan Minh Trang trao lại. Được sự đồng ý của anh
Nghĩa qua đường giây điện thoại vào đầu tháng 11/1998, tôi xin trích phần liên
hệ đến cái chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu đưa vào
ấn bản lần thứ 3 vào tháng 12 năm 1998. Với hy vọng phần trích đăng này sẽ góp
phần làm sáng tỏ thêm những tin tức về cái chết có tầm vóc lịch sử của hai vị
lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa, đã một thời tạo nên tiếng vang quốc nội lẫn quốc tế
trong những năm 50 và 60. Tiếng vang tốt hay không tốt, hoặc cả hai, điều đó
tùy quí độc giả.
Phần trích thuật bắt đầu.
"Tôi có dịp đến Houston khoảng tháng 07/1995, được người bạn
tặng cuốn "Đôi Dòng Ghi Nhớ"của anh Phạm Bá Hoa, cựu Đại Tá Quân
Lực Việt Nam Cộng Hòa. Không như "Lời Trần Tình" quá khiêm nhường của
anh, quyển sách tuy không chánh thức là một sử liệu, nhưng nó đóng góp rất nhiều
cho các sử gia, vì anh được ở vào một vị trí rất quan trọng trong guồng máy
hành chánh và quân sự trong một giai đoạn lịch sử 1960-1968. Những sự việc mà
anh ghi lại thật là trung thực, rất đầy đủ từng chi tiết, cũng như anh đã phân
tách sự việc rất vô tư, khách quan. Trong quyển sách, anh nói không ít về cái
chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm".
"Về sự việc lịch sử này, đã có rất nhiều người -kể cà người
Mỹ- hỏi tôi từ sau ngày 02/11/1963 cho tới giờ này. Ai cũng muốn biết rõ chi tiết
của sự việc đã xảy ra trên chiếc Thiết Vận Xa trong đoàn xe mà cá nhân tôi có
trách nhiệm an ninh hộ tống hôm đó. Tác giả quyển "Đôi Dòng Ghi Nhớ"
chỉ nêu lên một số dữ kiện, một số suy luận, một số giả thuyết, và nghi vấn
chung quanh sự việc nói trên, mà không hề có ý xác quyết ai là người đã ra lệnh
và ai là người đã thi hành lệnh giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô
Đình Nhu. Đây là điểm hoàn toàn khác biệt với một vài quyển hồi ký khác đã được
xuất bản mà tôi có dịp đọc".
"Liên quan đến sự việc này, tôi muốn nói đến vài quyển hồi
ký mà tác giả đã có nhận xét thiếu chính xác, có khi còn sai lạc hẳn. Sự việc
cũng không được phân tách cho đúng lý đúng tình. Có tác giả đã kể lại sự việc
mà chính mắt tác giả không mục kích được, tai cũng chỉ nghe lõm bõm diễn tiến
mà người thuật cũng không phải người trong cuộc. Hoặc là viết theo một số dữ kiện
do quá nhiều người thuật lại theo cái nghe được hay theo lập luận một chiều. Đặc
biệt là cựu Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi, tác giả " Việt Nam, Một Trời Tâm
Sự", ông đã dựa trên lời khai nguyên văn của Đại Úy Nguyễn Văn Nhung (đúng
ra là Thiếu Tá vì lúc bị bắt là ngày 30/01/1964, anh Nhung đã thăng cấp Thiếu
Tá rồi. PBH) mà ông được đọc sau ngày "Chỉnh Lý 30/01/1964", nên
sự việc đó ông viết rất chính xác. Nói rất rõ là ai thi hành lệnh giết Tổng Thống
và giết bằng cách nào..."
"Sáng ngày 02/11/1963, Trung Tướng Dương Văn Minh chỉ định
Thiếu Tướng Mai Hữu Xuân và Đại Tá Dương ngọc Lắm, vào nhà thờ Cha Tam trong Chợ
Lớn "đón họ" về đây (Họ, tức Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu.
Về đây, tức về Bộ Tổng Tham Mưu. PBH). Tôi có mặt tại chỗ, vì tôi cùng
Trung Đội Thiết Vận Xa vừa từ dinh Gia Long về tới, và trình Trung Tướng Minh
là Tổng Thống và ông Cố Vấn không có trong dinh Gia Long. Do đó, tôi nhận lệnh
của Trung Tướng Minh tiếp tục cho Trung Đội Thiết Giáp hộ tống Thiếu Tướng Xuân
và Đại Tá Lắm vào nhà thờ Cha Tam "đón họ" (nguyên văn của Trung
Tướng Minh). Như vậy, tôi được biết Thiếu Tướng Xuân nhận lệnh trực tiếp của
Trung Tướng Minh, nhưng tôi không biết là Thiếu Tướng Xuân có nhận lệnh mật gì
của Trung Tướng Minh không. Cũng ngay lúc đó, tôi được Đại Tá Nguyễn Văn Quan
-bạn thân của Trung Tướng Minh- cho biết, trong khi tôi xuống dinh Gia Long thì
ông Diệm và ông Nhu đã bí mật vào trong Chợ Lớn, và hiện ở nhà thờ Cha Tam. Từ
nhà thờ, hai ông đã liên lạc điện thoại với các Tướng Lãnh. Ngay sau đó, Hội Đồng
Quân Nhân Cách Mạng quyết định dứt khoát, ít nhất là số phận của ông Ngô Đình
Nhu, bằng mọi cách phải diệt trừ hậu họa. Thiếu Tướng Xuân, Đại Tá Quan, Đại Tá
Lắm, Đại Tá Đỗ Mậu, ... đều có mặt trong cuộc thảo luận để lấy quyết định có
tính cách lịch sử nói trên, cùng với Trung Tướng Dương Văn Minh, Thiếu Tướng Trần
Thiện Khiêm, Thiếu Tướng Lê Văn Kim, Phạm Xuân Chiểu. ..v..v.."
"Tôi cũng được Đại Tá Quan cho biết thêm rằng, Trung Tướng
Minh, người chỉ huy cuộc đảo chánh, đã nhanh chóng đưa ra quyết định rất dứt
khoát để Hội Đồng lấy quyết định chung. Các vị hiện diện lúc đó, không ai góp
thêm ý kiến gì. Lúc đó im lặng được xem là đương nhiên chấp thuận đề nghị của Trung
Tướng Minh. Thật ra, từ 11 giờ đêm 01/11/1963, trong lúc tình hình chưa ngã ngủ
hẳn, các Tướng Lãnh đã có bàn bạc riêng với nhau trước về số phận của ông Ngô
Đình Nhu rồi. Riêng đối với Tổng Thống Ngô Đình Diệm thì hầu hết đều tán thành
cho Người (viết hoa) đi ra ngoại quốc, không thấy vị nào phát biểu khác hơn. Do
đó, khi Thiếu Tướng Xuân nhận lệnh đi đón Tổng Thống là ông biết mình sẽ phải
làm gì rồi, ít nhất là đối với ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu. Còn đối với Tổng Thống
thì lúc bấy giờ tôi hoàn toàn không biết là Thiếu Tướng Xuân có nhận được mật lệnh
gì thêm từ Trung Tướng Dương Văn Minh hay không."
"Đoàn xe khởi hành từ Bộ Tổng Tham Mưu khoảng 6 giờ sáng.
Hai xe Quân Cảnh dẫn đầu, xe Jeep của tôi và Đại Úy Phan Hòa Hiệp, kế đó là xe
Jeep Thiếu Tướng Xuân rồi xe Đại Tá Lắm, và đoàn xe hộ tống gồm Trung Đội Thiết
Vận Xa 5 chiếc (4 xe đi đầu có bộ binh tùng thiết, và xe sau cùng là của Trung
Đội Trưởng). Tôi xin nói rõ thêm. Tôi thấy không có dự trù xe nào chở Tổng Thống
và ông Cố Vấn Nhu, nên tôi có hỏi Thiếu Tướng Xuân trước khi khởi hành, thì ông
nói nhanh và cộc lốc "không cần". Tôi nghĩ, chắc là ông đã có phương
cách rồi nên không muốn chúng tôi quấy rầy làm mất luồng suy tính của ông trong
lúc ông có mission (nhiệm vụ) quá đặc biệt, có lẽ đặc biệt hơn bao giờ hết
trong cuộc đời Cảnh Sát Công An của ông.
“Trước khi khởi hành, tôi và Đại Úy Hiệp nhìn thấy Đại Úy Nhung
ngồi trên một trong bốn chiếc thiết vận xa sau xe Jeep chúng tôi. Đại Úy Hiệp hỏi
tôi về sự hiện diện của vị sĩ quan bộ binh lạ mặt này. Tôi giải thích sơ qua,
đó là Đại Úy Nhung, sĩ quan tùy viên của Trung Tướng Dương Văn Minh, và có xác
nhận với Đại Úy Hiệp rằng: "Đại Úy Nhung có hỏi tôi để được cùng đi với
Trung Đội Thiết Vận Xa. Tôi nghĩ, có lẽ Đại Úy Nhung có nhiệm vụ gì đó do Trung
Tướng Minh đích thân giao cho, nên tôi không tiện hỏi vì không liên quan gì đến
nhiệm vụ an ninh hộ tống của chúng mình".
"Tôi không muốn nói rõ với Đại Úy Hiệp, nhưng cá nhân tôi
đã biết là Đại Úy Nhung được Trung Tướng Minh sai đi theo đoàn xe để thi hành quyết
định của Hội Đồng. Quyết định liên quan đến ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu. Quyết định
này đã được chuyển thành lệnh và được Trung Tướng Minh trao cho Đại Úy Nhung
thi hành. Vì chắc chắn Trung Tướng Minh không còn thấy ai hơn người sĩ quan cận
vệ thân tín này để thi hành một công tác đặc biệt, khó khăn và quan trọng nói
trên. Tôi dùng danh từ "mật" là vì nếu Trung Tướng Minh có dặn dò điều
gì với Đại Úy Nhung thì không một ai trong Hội Đồng nghe thấy được. Và nếu có
ra lệnh cho Đại Úy Nhung thi hành quyết định công khai của Hội Đồng, về một
mình ông Cố Vấn Nhu hay cho cả hai ông, thì cũng không một ai trong Hội Đồng
nghe thấy được. Nhưng tôi khẳng định là Trung Tướng Minh có sai Đại Úy Nhung -tức
là đã ra lệnh cho Đại Úy Nhung- và lệnh được đưa ra theo quyết định của Hội Đồng
Quân Nhân Cách Mạng. Ít nhất là liên hệ đến ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu. Tôi xin
nói rõ lại một lần nữa, là chỉ liên quan đến ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu. Vì nếu
Trung Tướng Minh không ra lệnh thì không còn ai trong Hội Đồng có đủ thẩm quyền
để ra lệnh đặc biệt này? Cũng như nếu không sai Đại Úy Nhung, thì tại sao
Đại Úy Nhung lại phải nói với tôi cho anh được ngồi trên chiếc thiết vận xa để
được cùng đi vào Chợ Lớn?"
"Nhưng tôi cũng xác định là dù có sai Đại Úy Nhung hay ra lệnh
cho Đại Úy Nhung, Trung Tướng Minh cũng là sai mật hay dặn dò mật mà thôi. Như
vậy là đến đây, chúng ta không còn thắc mắc gì về người nào đã ra lệnh và lệnh
xuất phát từ đâu. Đại Tá Dương Ngọc Lắm, chắc chắn phải biết rõ mật lệnh mà
Trung Tướng Minh đã giao cho Thiếu Tướng Xuân. Vì nếu không thì tại sao đích
thân ông đến gặp tôi để dặn dò tôi trước khi đoàn xe khởi hành:
"Nè, mấy người đừng có nói gì bậy bạ nghe".
"Tôi cũng biết chắc chắn ngay từ lúc bàn thảo kế hoạch sơ
khởi trước tháng 11 năm 1963, các vị Tướng Tá trong nhóm lãnh đạo đảo chánh đã
có dự trù một giải pháp dứt khoát đối với ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu. Sự dự trù đã
trở thành quyết định từ sau 1 giờ trưa ngày 01/11/1963. Đó là truy tố ra tòa và
xử ngay trong nước, không cho ra ngoại quốc. Tôi xin lặp lại, sơ khởi là như vậy.
Nhưng theo lời Đại Tá Nguyễn Văn Quan (không phải Đại Tá Đặng Văn Quang.
PBH) nói với tôi, lúc khuya rạng sáng ngày 02/11/1963 khi chưa được tin Tổng Thống
và ông Cố Vấn rời khỏi dinh Gia Long, đa số trong Hội Đồng không còn ý đưa ông
Cố Vấn Nhu ra tòa nữa, mà nhất quyết phải trừ hậu họa bằng mọi cách. Rõ ràng là
như vậy. Lúc bấy giờ tình hình chưa ngã ngũ. Dinh Gia Long chưa chiếm được, lực
lượng phòng vệ Phủ Tổng Thống chưa buông súng đầu hàng, vì cũng chính ông Cố Vấn
được qui trách cho mọi xáo trộn trong nước, làm mất lòng Dân Quân Cán Chánh,
... "
"Riêng đối với Tổng Thống Ngô Đình Diệm, tuy chưa có quyết
định dứt khoát, nhưng qua trao đổi ngoài hành lang thì đa số các vị trong Hội Đồng
có ý tán thành một giải pháp ôn hòa. Đó là, để ổng ra ngoại quốc một mình như một
dân thường, không được hưởng lễ nghi quân cách của một Tổng Thống. Biện pháp
này coi như là một ân huệ đối với Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Tuy nhiên, theo lời
Đại Tá Quan xác nhận lại với tôi, thì Trung Tướng Minh vẫn còn im lặng, chưa có
ý kiến".
"Khi được biết Tổng Thống và ông Cố Vấn đã bí mật rời khỏi
dinh Gia Long, thì tình hình thật sự có thay đổi trong chiều hướng bất lợi cho
hai ông. Khi còn chưa rõ hai ông ở đâu thì Hội Đồng có phần lo âu, vì dù đảo
chánh có thành công mà hai ông chạy thoát được thì tình hình chính trị ra sao
đây? Chẳng những không có sự ổn định trong tương lai, mà sẽ có một sự chia rẽ
có thể dẫn tới tranh chấp quyền lực, nếu không muốn nói là nội chiến ngay tại
miền nam Việt Nam! Và nỗlực chống cộng sản sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Nhất
là đến giờ này, Tướng Huỳnh Văn Cao ở Vùng IV Chiến Thuật chưa chịu tuyên bố
chánh thức trên đài phát thanh đứng về phía Hội Đồng, mặc dầu được yêu cầu nhiều
lần. Vùng IV có 3 Sư Đoàn Bộ Binh được kềm giữ trong thế án binh bất động nhờ
công của Thiếu Tá Nhan Minh Trang, Thiếu Tá Huỳnh Văn Tồn, và Đại Tá Nguyễn Hữu
Có".
"Do đó, từ quyết định ôn hòa, đã có một số không ít thành
viên trong Hội Đồng bắt đầu tỏ thái độ cứng rắn và quyết liệt hơn, nhất là
Trung Tướng Dương Văn Minh, linh hồn của cuộc đảo chánh. Ông không muốn thấy
ngày 11/11/1960 tái diễn (11/11/1960 là ngày Đại Tá Nguyễn Chánh Thi
đảo chánh thất bại phải vượt thoát lưu vong. PBH). Chúng ta phải thấy được
trách nhiệm nặng nề của người chỉ huy cuộc hành quân đảo chánh lúc bấy giờ, mới
biết được mức độ lo âu nóng ruột của Trung Tướng Dương Văn Minh như thế nào. Từ
đó mới thấy thái độ của Trung Tướng Minh qua đề nghị của Trung Tướng để Hội Đồng
lấy quyết định về trường hợp cá nhân của ông Ngô Đình Nhu, dứt khoát, không thể
do dự hay yếu mềm được."
"Có người nói là trước khi đoàn xe khởi hành, Trung Tướng
Minh đứng trên lầu tòa nhà chánh Bộ Tổng Tham Mưu, hướng về Thiếu Tướng Xuân
hay Đại Úy Nhung, đưa ra hai ngón tay (ý nói là cả hai người), nhưng
tôi xác nhận là hoàn toàn không trông thấy. Tôi biết rõ tính trầm tĩnh và suy
tính chính chắn của Trung Tướng Minh, nên tôi chắc chắn là ông không bao giờ có
hành động vào phút chót quá lộ liễu như vậy. Nếu có ra lệnh, chắc chắn ông đã
có đắn đo suy tính kỹ càng trước rồi, và ông đã phải dặn dò ngay Đại Úy Nhung
chớ không bao giờ ông lại ra lệnh để cho người ta thấy dễ dàng như vậy."
"Tôi xin mở thêm dấu ngoặc ở đây. Trước khi khởi hành, tôi
có ghé ngang bộ chỉ huy Thiết Giáp hành quân đặt trên chiếc bán xích xa đậu
cạnh tòa nhà chánh, báo cho Trung Tá Nguyễn Văn Thiện biết về hướng đi và nhiệm
vụ của tôi. Tôi tuyệt đối không nói thêm điều nào, vì Trung Tá Thiện không phải
là thành viên của nhóm đảo chánh. Trung Tá Thiện là cán bộ nòng cốt của đảng Cần
Lao, là người tín cẩn của Tổng Thống và ông Cố Vấn, nên bị giữ ở phòng họp từ
trưa hôm qua(01/11/1963). Tôi xin với Trung Tướng Minh cho tôi lãnh ông ra
và tôi hoàn toàn trách nhiệm. Được chấp thuận, và Trung Tá Thiện chỉ huy Thiết
Giáp trong cuộc hành quân này. Sau đảo chánh, ông được thăng cấp Đại Tá và giữ
nguyên chức vụ Chỉ Huy Trưởng binh chủng Thiết Giáp."
"Đoàn xe đến nhà thờ Cha Tam, Đại Úy Hiệp giúp tôi lo bố
trí an ninh. Tôi đến gặp Thiếu Tướng Xuân và Đại Tá Lắm để nhận lệnh. Cả hai
ông, không ai chịu vào nhà thờ để gặp Tổng Thống và ông Cố Vấn. Tôi không rõ tại
sao, dù đó là nhiệm vụ của hai ông, và bảo tôi đại diện Hội Đồng vào mời Tổng
Thống và ông Cố Vấn ra xe là được rồi. Tôi vào nhà thờ qua cổng nhỏ bên mặt cổng
chánh. Nhưng khi bước vào khỏi cổng khoảng 10 thước, tôi sực nhớ là mình vào một
cơ sở tôn giáo không nên mang theo vũ khí. Tôi vội trở ra cổng, cởi súng lục
trao cho tài xế của tôi. Lúc này người dân chung quanh thấy có việc lạ,
tò mò đứng lố nhố đầy cả ngã ba trước rào sắt của nhà thờ. Binh sĩ cũng không gắt
gao cho lắm, và chắc chắn bây giờ người dân đã biết được là Tổng Thống và ông Cố
Vấn Nhu đang ở trong nhà thờ này."
"Tôi lại bước vào nhà thờ lần thứ hai, không súng, và vẫn một
mình. Tôi không nhìn lại phía sau, nhưng nghĩ bụng là anh em Thiết Giáp ở ngoài
rào sắt, chắc cũng đã bố trí theo dõi và an ninh cho tôi, vì biết rằng, tôi vào
đây không một tấc sắt trong tay. Tôi mạnh dạn bước tới, rẽ về tay mặt. Đi tới
khoảng 20 thước thì thấy từ phía dãy nhà bên hông phải của nhà thờ có 4 người
đi về hướng tôi. Đó là Tổng Thống Ngô Đình Diệm tay cầm gậy, ông Cố Vấn Ngô
Đình Nhu, và 2 người mặc thường phục. Tôi nghĩ bụng, một trong hai người mặc
thường phục có xách chiếc cặp da phải là Đỗ Thọ, tùy viên của Tổng Thống. Người
thứ tư tôi không biết. Mãi sau này tôi mới biết là Đại Úy An, sĩ quan cận vệ của
Tổng Thống. Tôi nghĩ, chắc là Tổng Thống đã được Hội Đồng báo trước rồi, nên
khi nghe thấy xe tới nhà thờ là Tổng Thống đi ra. Tôi đứng lại. Chờ. Nhưng vẫn
không để ý xem hai sĩ quan này có võ trang hay không. Và khi Tổng Thống đến còn
cách tôi khoảng 3 thước, tôi đứng nghiêm lại, đưa tay lên mũ, chào đúng lễ nghi
quân cách, và giữ nguyên tư thế đứng nghiêm đó, tôi nói: "Thưa Tổng Thống,
chúng tôi có lệnh của Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng đến đây mời Tổng Thống và
ông Cố Vấn về Bộ Tổng Tham Mưu. Có Thiếu Tướng Mai Hữu Xuân đại diện cho Hội Đồng,
đang đứng trước cửa chờ Tổng Thống".
"Tổng Thống đứng lại nghe tôi trình bày và có nói một câu
ngắn mà tôi nghe không rõ. Sau đó, Đại Úy Đỗ Thọ bảo tôi đi trước, Tổng Thống sẽ
theo sau. Nhưng tôi đứng nép qua một bên, mời Tổng Thống đi trước ra hướng cổng
nhỏ bên phải. Cả 4 người qua hết rồi, tôi mới lững thững bước theo sau, cách xa
độ 3 thước. Dù sao, trong cương vị sĩ quan, tôi vẫn bắt buộc phải giữ lễ độ đối
với Tổng Thống dù đang trong hoàn cảnh này. Và đi sau cũng có thể là một hành động
phản ứng đề phòng tự nhiên của tôi, chớ hoàn toàn không có ý gì khác. Tôi đinh
ninh rằng, Thiếu Tướng Xuân đã phải có mặt trước cổng để hướng dẫn Tổng Thống
lên xe về Tổng Tham Mưu, vì đó là nhiệm vụ của ông. Đến cổng rào, vì là cổng nhỏ
bên hông nên 4 người phải tuần tự qua cổng. Tổng Thống đi trước, đến Đại Úy Thọ,
rồi mới đến ông Cố Vấn, và Đại Úy An. Tôi là người thứ 5 ra khỏi cổng sau
cùng".
"Ngay lúc bấy giờ, tôi chợt thấy có chiếc Thiết Vận Xa đậu
ngay cổng nhỏ này, cánh cửa sau xe mở rộng, gác nằm xuống sát mặt lề đường. Tôi
thấy Thiếu Tướng Xuân và Đại Úy Nhung đã có mặt tại chỗ. Không có Đại Tá Lắm.
Thiếu Tướng Xuân bảo Đại Úy Đỗ Thọ trao cho ông chiếc cặp da của Tổng Thống mà
Đại Úy Thọ đang xách. Ông Xuân xách chiếc cặp đi ngay, không nói lời nào khác
ngoài việc khoác tay ra lệnh cho Đại Úy Thọ và Đại Úy An đi theo ông".
"Đại Úy Nhung hướng về phía Tổng Thống và ông Cố Vấn Nhu,
nói như ra lệnh:
"Mời hai ông lên".
“Vừa nói vừa chỉ vào cửa Thiết Vận Xa đã mở. Lúc này Tổng Thống
và ông Cố Vấn đứng cách cửa Thiết Vận Xa khoảng 1 thước. Tổng Thống không nói lời
nào, chưa có một phản ứng nào về thái độ kém nhã nhặn của người sĩ quan mà ông
chưa hề biết mặt. Tổng Thống còn đang tần ngần, sững sờ, thì ông Cố Vấn Nhu đã
lên tiếng với vẻ mặt bất bình:
“Tại sao lên xe này? Không còn xe nào khác hay
sao?”
“Không có. Vì lý do an ninh, tình hình đang hỗn loạn. Dân chúng
đang muốn giết hai ông đó. Hai ông phải lên xe này để được bảo vệ”.
"Đại Úy Nhung có vẻ bực bội vì câu hỏi với giọng kẻ cả, nên
vừa trả lời vừa đưa tay ra dấu như có ý đẩy hai người vào Thiết Vận Xa. Nhìn
qua nhìn lại không thấy Thiếu Tướng Xuân đâu cả. Đại Úy Thọ và người sĩ quan cận
vệ cũng không thấy có mặt. Tổng Thống hỏi:
“Thiếu Tướng Mai Hữu Xuân đâu? Gọi Thiếu Tướng đến gặp tôi”.
“Thiếu Tướng Xuân đã lên xe đi trước rồi”. Đại Úy Nhung vừa trả
lời vừa giục hai ông vào xe. Sau phút ngập ngừng, hai ông phải bước vào xe.
"Tôi vẫn còn đứng cách đó vài bước bên cạnh cổng nhỏ nhà thờ,
nhìn thấy cảnh Thiếu Tướng Xuân đầu trần, không nhìn thẳng Tổng Thống. Thiếu Tướng
đã đưa tay nhận lấy chiếc cặp da từ tay Đại Úy Thọ, xong là bước đi luôn về hướng
xe của ông, không quên ra lệnh cho Đại Úy Thọ cùng người sĩ quan cận vệ theo
ông, để mặc cho Đại Úy Nhung đối đáp với Tổng Thống ra sao tùy ý. Tôi cũng nhìn
thấy được gương mặt thẩn thờ, ngạc nhiên của Tổng Thống, vẻ bất bình cau có của
ông Cố Vấn Nhu, và thái độ nóng nẩy của Đại Úy Nhung. Tôi theo dõi được những
câu trao đổi ngắn ngủi nhưng mất bình tỉnh của ông Cố Vấn với Đại Úy Nhung,
cũng như sự im lặng chịu đựng của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Tôi còn chứng kiến
được cảnh hai người lặng lẽ bước vào xe, còn nghe Đại Úy Nhung bảo họ cúi đầu
xuống. Đợi cho hai ông vào xe xong, Đại Úy Nhung mới bước vào sau cùng. Và cửa
xe từ từ dựng đứng lên, đóng kín lại. ... "
"Ngay lúc bấy giờ, tôi mới kịp nhận ra là trong Thiết Vận
Xa không còn một binh sĩ Thiết Giáp nào, ngoại trừ tài xế và phụ tài xế ngồi
phía trước. Lúc Đại Úy Nhung bước vào xe, thì rõ ràng tôi chỉ thấy có 3 người
trong xe. Đó là Tổng Thống, ông Cố Vấn, và Đại Úy Nhung. Sau này hỏi ra tôi mới
biết, trưởng xa và xạ thủ đã được Đại Úy Nhung yêu cầu tạm qua xe khác. Tôi bước
xuống lòng đường, đi bộ lại gặp Thiếu Tướng Xuân, tôi báo cáo tình hình sau
cùng, và đề nghị với Thiếu Tướng cho đoàn xe khởi hành về Bộ Tổng Tham
Mưu".
"Tôi bước về xe Jeep của tôi, ra lệnh cho đoàn xe nổ máy và
chuẩn bị lên đường. Thứ tự các xe như cũ: Xe Jeep của tôi và Đại Úy Hiệp đi sau
2 xe Quân Cảnh dẫn đường, kế đó là xe Thiếu Tướng Xuân, xe Đại Tá Lắm, theo sau
là 4 Thiết Vận Xa đi liền nhau, trong đó, chiếc thứ 3 chở Tổng Thống và ông Cố
Vấn với Đại Úy Nhung, tiếp theo là xe chở bộ binh tùng thiết (tức là bộ
binh tháp tùng ngồi trên xe Thiết Giáp), sau cùng là xe Trung Đội Trưởng.
Đoàn xe đang đi trên đường Hồng Thập Tự, qua khỏi nhà bảo sanh Từ Dũ phải dừng
lại cổng xe lửa vì sắp có xe lửa chạy qua. Thời gian đoàn xe dừng lại đây khoảng
hơn mười phút, chợt tôi nghe có mấy tiếng súng nổ phía sau, vào khoảng giữa
đoàn xe. Tôi cho quay đầu xe Jeep lại, chạy dọc theo đoàn xe để xem việc gì đã
xảy ra. Đến ngang chiếc Thiết Vận Xa chở Tổng Thống và ông Cố Vấn, tôi thấy Đại
Úy Nhung ngồi trên nóc xe và hướng về phía chúng tôi, đưa một ngón tay cái lên
làm hiệu (được hiểu là mọi việc tốt đẹp). Tôi vội hỏi: “Tiếng súng nổ ở
đâu?”
"Đại Úy Nhung đưa tay chỉ vào trong xe mà không nói gì. Tôi
quay đầu xe lại, tiếp tục trở lên đầu đoàn xe. Lúc đó xe lửa cũng vừa qua xong,
cổng chắn ngang đã mở, đoàn xe chúng tôi tiếp tục chạy hướng về Bộ Tổng Tham
Mưu. Để được biết rõ ràng hơn, tôi có hỏi Trung Đội Trưởng Thiết Giáp, việc gì
đã xảy ra mà có tiếng súng nổ trên chiếc Thiết Vận Xa thứ 3. Tôi được trả lời:
“Phụ tài xế xe thứ 3 có báo cáo cho tôi biết, tiếng súng đó do
ông Đại Úy bộ binh ngồi trong xe bắn chết Tổng Thống và ông Cố Vấn rồi”.
Cả tôi và Đại Úy Hiệp đều nghe biết sự việc này qua hệ thống
truyền tin Thiết Giáp trên xe chỉ huy của chúng tôi, nhưng tôi vẫn chưa có báo
cáo gì về Tổng Tham Mưu vào lúc đó, cả với bộ chỉ huy Thiết Giáp cũng vậy.
Riêng tôi, tôi không biết tại sao cả hai ông đã bị bắn chết. Vì cho tới giờ
này, cũng như các Tướng Tá thành viên khác của Hội Đồng, tôi vẫn biết là Hội Đồng
dù chưa có quyết định nào dứt khoát cho trường hợp của Tổng Thống Ngô Đình Diệm,
nhưng gần như đã có một sự hiểu ngầm qua trao đổi ý kiến ngoài hành lang
bán chánh thức giữa các thành viên của Hội Đồng, thì Tổng Thống được cho xuất
ngoại như một người dân bình thường".
"Gặp Trung Tướng Minh và các vị Tướng Lãnh ngay lối vào tòa
nhà chánh, Thiếu Tướng Xuân báo cáo ngắn gọn rằng:
“Mission accomplie (nhiệm vụ hoàn thành)”.
"Trầm ngâm và đăm chiêu, Trung Tướng Minh chưa nói một lời
nào sau báo cáo của Thiếu Tướng Xuân, thì Thiếu Tướng Khiêm (Trần Thiện
Khiêm) ngay sau đó hỏi nhỏ:
“Việc gì đã xảy ra?”
“Hai ổng đã chết rồi”.-
"Trung Tướng Minh trả lời ngắn gọn như vậy. Ngay lúc này,
tôi có mặt tại chỗ, và chợt hiểu. Thì ra câu "nhiệm vụ đã hoàn thành" (mission
accomplie) cũng có nghĩa là hai ổng đã chết rồi. Rất là rõ ràng. Trung Tướng
Minh nói xong, tất cả đều không có một câu hỏi nào khác nữa và cùng nhau trở
lên văn phòng, không đi ra chỗ Thiết Vận Xa đậu nữa. Tôi cũng đi theo".
" Bước vào đây tôi mới thấy Đại Úy Nhung đã có mặt ở văn
phòng của Tham Mưu Trưởng rồi, tức là văn phòng mà Trung Tướng Minh và các Tướng
Tá trong Hội Đồng đang tạm sử dụng. Lúc bấy giờ, tôi mới biết thêm là Đại Úy
Nhung đã lên đây trước và báo cáo với Trung Tướng Minh trước khi có người lên
đây trình đoàn xe đón Tổng Thống đã về đến Tổng Tham Mưu. Đại Úy Nhung chỉ báo
cáo riêng cho Trung Tướng Minh mà thôi, và chắc chắn là kín là mật, nên các Tướng
Tá trong Hội Đồng, kể cả Thiếu Tướng Khiêm cũng chưa hay biết được việc gì đã xảy
ra. Do đó, khi Trung Tướng Minh cùng các Tướng Tá trong Hội Đồng cùng đi xuống
sân vận động dự trù để gặp Tổng Thống và ông Cố Vấn, thì chưa ai biết được việc
gì đã xảy ra cho Tổng Thống cả. Vừa đến tầng dưới thì gặp ngay Thiếu Tướng Xuân
từ ngoài sân bước vào, hớn hở báo cáo (công khai) với Trung Tướng Minh là nhiệm
vụ đã hoàn thành".
"Để trả lời câu hỏi: "Việc gì đã xảy ra của Thiếu Tướng
Khiêm", Trung Tướng Minh mới buông gọn một câu: "Hai ổng đã chết rồi".
Tôi đã kín đáo nhận xét thái độ của các thành viên trong Hội Đồng ngay tại hành
lang tầng dưới của tòa nhà chánh Bộ Tổng Tham Mưu, ngay sau khi Thiếu Tướng
Xuân báo cáo, và sau đó Trung Tướng Minh trả lời ngắn gọn cho Thiếu Tướng
Khiêm. Thoạt đầu, tất cả đều có vẻ vui (có lẽ khi biết là đã đón hay bắt
được Tổng Thống và ông Cố Vấn về đây rồi. PBH), vì ai cũng nghĩ rằng phe đảo
chánh ta đã nắm chắc phần thắng 100% mà không còn sợ hậu họa gì nữa, vì
hai ông không chạy vuột ra khỏi thủ đô để còn mưu tính chuyện gì khác đâu. Và
câu "mission accomplie" cũng được các Tướng Tá trong Hội Đồng hiểu là
đã bắt được hai ông về rồi. Đến lúc nghe Trung Tướng Minh trả lời cho Thiếu Tướng
Khiêm là cả hai đều đã chết hết rồi thì phần đông đều có vẻ sững sốt, ngạc
nhiên, đến độ không nói được một lời nào. Vì cứ y theo quyết định, thì cùng lắm
cũng chỉ một mình ông Cố Vấn Nhu mà thôi, tại sao lại là hai người? Ai cũng
nghĩ là Tổng Thống sẽ được Hội Đồng cho đi ra ngoại quốc, bây giờ tại sao lại
như vậy? Phải giải thích thế nào đây? Riêng Trung Tướng Minh rất là trầm tỉnh,
không nói một lời nào với Thiếu Tướng Xuân dù là một lời khen hỏi ủy lạo, chỉ
vài lời ngắn gọn cho câu hỏi của Thiếu Tướng Khiêm thôi".
"Sau đó vài hôm, tôi có dịp gặp lại Thiếu Tá Nhung (đã
được thăng cấp. PBH). Để hết thắc mắc, tôi có gặn hỏi lại sự việc đã xảy
ra như thế nào trong chiếc Thiết Vận Xa, thì Thiếu Tá Nhung vừa cười vừa trả lời
cho tôi một cách gọn gàng như đã không có chuyện gì quan trọng xảy ra:
“Một người cũng vậy, mà hai người cũng vậy thôi. Hai người cũng
khó khăn lắm, nhưng chắc ăn hơn”.
“Nhưng làm gì có lệnh cho hai người?” Tôi gợi ý hỏi thêm.
“Vì ông Diệm chống cự lại sau khi ông Nhu bị tôi đâm chết, nên
tôi phải thanh toán luôn. Có lệnh cũng được, mà không có lệnh cũng vậy thôi.
Cho nó chắc ăn. Lúc đó đâu có đợi lệnh được anh”.
"Thiếu Tá Nhung cũng cho tôi biết là anh đã sử dụng dao găm
cá nhân của anh, và sau đó bồi thêm cho mỗi người một viên đạn ân huệ. Tôi còn
nhớ mãi những câu đối đáp này mồn một, không bao giờ quên. Nhưng không bao giờ
dám hé môi nửa lời ... Bí mật quốc gia chăng? Cũng có thể là như vậy, vì Hội Đồng
họp báo có tiết lộ điều gì rõ ràng đâu. Cũng không có giải thích điều gì, và
cũng không có trả lời bất cứ câu hỏi nào có liên quan đến sự việc này".
"Kết luận. Tôi xin tạm mượn một câu trích nguyên văn của cựu
Trung Tướng Trần Văn Đôn trong quyển Việt Nam Nhân Chứng: Tuy lúc đó tôi không
nghĩ đến chuyện giết hai ông Diệm Nhu, sau này nhìn lại các sự kiện, tôi cho rằng
người nào đó ra lệnh giết này, quả là một người thấy xa. Ông ta không phải ngu
dại gì khi làm chuyện đó. Nhưng theo tôi, xét cho cùng, người nào đó cho dù có
thấy xa, có ngu dại hay có khôn ngoan gì thì cũng không phải là người thực sự
có quyền chủ động, và không thể chủ động gì trong sự việc này. Lý do rất đơn giản
và rất dễ hiểu là lúc nào cũng có một bàn tay lông lá của người phù thủy với
chiếc đũa thần, luôn luôn có mặt bên cạnh ... đứng trong bóng tối".
Hết phần trích dẫn.
Trở lại phòng Thiếu Tướng Trần Thiện Khiêm. Sau một lúc bàn thảo
và viết viết sửa sửa, một bản Thông Cáo được hoàn chỉnh, liền đưa sang đài phát
thanh công bố cho toàn dân biết là Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng đã thành công
trong mục tiêu lật đổ chế độ độc tài gia đình trị của họ Ngô. Đồng thời cũng
loan tin vắn tắt rằng, Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu đã tự sát.
Ngay trong buổi sáng hôm nay (02/11/1963), Bộ Tổng Tham Mưu với
hằng trăm phóng viên báo chí truyền thanh truyền hình trong nước ngoài nước,
cùng với những vị hoạt động chính trị, ra vào tòa nhà chánh rất nhộn nhịp. Những
chiếc xe bóng lộn chạy vào chạy ra như "con thoi" vậy. Hội Đồng Quân
Nhân Cách Mạng ra lệnh thả tất cả tù chính trị dù có án hay chưa có án. Hải
Quân được lệnh ra trại tù Côn Sơn đón các tù nhân chính trị về thủ đô, dĩ nhiên
là không có tù chính trị cộng sản.
Buổi chiều (02/11/1963), trong buổi lễ đơn giản ngay trong phòng
Thiếu Tướng Tham Mưu Trưởng Liên Quân, Trung Tướng Dương Văn Minh, nhân danh Chủ
Tịch Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, thăng cấp Trung Tướng cho các vị: Thiếu Tướng
Trần Thiện Khiêm, Thiếu Tướng Tôn Thất Đính, Thiếu Tướng Lê Văn Kim, Thiếu Tướng
Mai Hữu Xuân, thăng cấp Thiếu Tướng cho Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu và Đại Tá Nguyễn
Hữu Có, cùng nhiều vị cấp Tướng cấp Tá khác.
Trung Tướng Minh ra lệnh mở cửa phòng họp số 1 và các vị bị giữ
từ trưa hôm qua được ra về, nhưng đa số các vị này sau đó không còn ngồi lại
chiếc ghế tại nhiệm sở của mình mà phải ngồi những chiếc ghế mà báo chí thường
gọi là "ngồi chơi xơi nước", hoặc ngồi ghế ở nhà riêng của quí vị ấy.
Đến tối, hằng trăm sinh viên học sinh bị bắt giam trong cuộc
tranh đấu cho Phật Giáo, sau khi ra khỏi nhà tù đã vào tòa nhà chánh Bộ Tổng
Tham Mưu, mang theo đủ thứ thức ăn, nào bánh mì thịt, bánh tây, bánh ngọt, thịt
quay, giò chã, cháo cá cháo thịt, .... đãi tất cả những ai có mặt tại đây, từ
anh tùy phái, thư ký, đến cận vệ, tùy viên hay chánh văn phòng, và các vị Tướng
Lãnh, một bữa ăn rất ý nghĩa trong một không khí thật vui. Phần tôi đã một ngày
đêm không chợp mắt và cũng chẳng có thì giờ ăn uống mặc dù vợ tôi có gởi thức
ăn vào cho tôi. Giờ đây công việc không đến nỗi vất vả nên thật ngon miệng.
Trong khi Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng cùng với các nhân vật
chính trị và tôn giáo, thảo luận về thành phần chánh phủ thay thế chánh phủ sụp
đổ, thì thi hài ông Diệm và ông Nhu được đưa sang bệnh xá Tổng Tham Mưu, tọa lạc
bên kia đường gần như đối diện với tòa nhà chánh Tổng Tham Mưu, để làm các thủ
tục trước khi tẩn liệm và mai táng. Khai tử của hai ông làm tại quận Tân Bình,
tỉnh Gia Định, ngang cổng số 2 trại Trần Hưng Đạo, tức Bộ Tổng Tham Mưu. Nghề
nghiệp trên tờ khai tử của ông Diệm thì tôi không được đọc, nhưng của ông Nhu
ghi là "quản thủ thư viện".
Trung Tướng Trần Văn Đôn ra lệnh cho Trung Tá Nguyễn Văn Luông
(vừa thăng cấp) tìm mua hai quan tài tốt nhất, nhưng tìm cả Sài Gòn chỉ có một
cái tốt nhất và cái còn lại được xem là tốt nhì. Dĩ nhiên cái tốt nhất dành cho
cố Tổng thống Ngô Đình Diệm. Theo yêu cầu của bà Trần Trung Dung, cháu gái gọi
ông Diệm ông Nhu là cậu ruột, đưa hai quan tài đến quàn tại bệnh viện Saint
Paul trên đường Phan Thanh Giản. Biết được tin đó, học sinh sinh viên vì phẫn uất
trong tù đày khi tham gia đấu tranh cho sự công bằng tôn giáo, nên dự định đánh
cắp quan tài của hai ông. Tin tức này đến tai bà Dung, Bà vội vả xin Hội Đồng
Quân Nhân Cách Mạng chuyển trở vào Bộ Tổng Tham Mưu. Sau cùng, hai quan tài được
an táng tạm trong khuôn viên trại Trần Hưng Đạo, cạnh chùa An Quốc.
Lễ an táng vị nguyên thủ quốc gia và vị cố vấn của ông ngay sau
khi bị lật đổ, thật là thê thảm! Phải cử hành lúc nửa đêm để tránh những đụng
chạm xô xát với học sinh sinh viên. Trong bóng đêm mù mịt, dưới ánh đèn pha loại
nhỏ, ánh sáng chỉ đủ cho công việc hạ huyệt hai quan tài. Có mặt lúc đó, gồm vị
linh mục người Pháp, ông bà Trần Trung Dung (một thời là Bộ Trưởng Phụ Tá Quốc
Phòng dưới quyền Tổng Thống Diệm), Trung Tá Nguyễn Văn Luông (trưởng ban mai
táng), tôi, và một số quân nhân của Tổng Hành Dinh/Tổng Tham Mưu phụ trách an
táng. Xong, một biên bản được thiết lập, và toàn bộ hồ sơ được ghép thành một tập
dày cùng với hình ảnh từ lúc tẩn liệm đến khi hoàn thành hai ngôi mộ. Hai ngôi mộ
thật bình thường. Tôi có giữ một hồ sơ này, nhưng cuối cùng cũng phải thiêu hủy
sau ngày chế độ tự do Việt Nam Cộng Hòa chúng ta sụp đổ 30/04/1975.
Chánh phủ Nguyễn Ngọc Thơ được Trung Tướng Dương Văn Minh, với
tư cách Chủ Tịch Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, chức năng Quốc Trưởng tấn phong,
trong khi nhiều nhân vật từng được ông Diệm và ông Nhu tin cẩn bị bắt giữ. Ông
Nguyễn Ngọc Thơ, trong ngành hành chánh, là Đốc Phủ Sứ thời Pháp cai trị,
nguyên là Phó Tổng Thống của Tổng Thống Diệm, nhưng ông được mời thành lập
chánh phủ có lẽ nhờ vào thành tích khôi phục nền kinh tế trong những năm trước
đó, với lại ông cũng chưa bị tai tiếng gì trong dư luận. Tân chánh phủ có màu sắc
dân sự dù là có vài vị Tướng Lãnh nắm giữ Bộ Quốc Phòng và Bộ An Ninh (tức Bộ Nội
Vụ cũ), nhưng thực chất lãnh đạo quốc gia vẫn là Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng
mà Trung Tướng Minh là Chủ Tịch, hành sử chức năng Quốc Trưởng.
Những ngày tiếp theo, các chính khách vẫn ra vào Bộ Tổng Tham
Mưu tuy không nhộn nhịp như những ngày đầu, nhưng tòa nhà chánh lúc nào cũng có
khách dân sự -nói chung- vào gặp Trung Tướng Minh hoặc Trung Tướng Khiêm.
Chiều ngày 03/11/1963, Đại Tá Đặng Văn Quang, sau khi được điều
chỉnh từ Đại Tá tạm thời thành Đại Tá thực thụ, ông nói với Trung Tướng Khiêm:
- một -
*****
Ngày 06/05/1963, Đổng Lý văn phòng Phủ Tổng Thống gởi công điện
yêu cầu các địa phương không được treo cờ Phật Giáo ngoài khuôn viên chùa, theo
đúng tinh thần Dụ số 10 ngày 6/8/1950.
Ngày 08/05/1963, đại lễ Phật Đản, nhưng cơ quan chánh quyền tại
Huế cấm các chùa cũng như gia đình Phật tử không được treo cờ Phật Giáo. Đông đảo
Phật tử đến trước đài phát thanh Huế để nghe chương trình phát thanh của vị
lãnh đạo Phật Giáo địa phương, nhưng chương trình đó không thực hiện. Thế là
đám đông trước đài phát thanh biến thành cuộc mít tinh lên tiếng phản đối, gây
mất trật tự nơi đây. Thiếu Tá Đặng Sỹ, Phó Tỉnh Trưởng Nội An chỉ huy Cảnh Sát
với Quân Đội đến vãn hồi an ninh trật tự. Trong tình hình rối ren đó, một tiếng
nổ lớn gây thiệt mạng 7 thiếu nữ từ 12 đến 19 tuổi chết tại chỗ và một số bị
thương. Chánh quyền địa phương cho là cộng sản gây ra nhưng không trưng dẫn được
bằng chứng.
Vài ngày sau đó, Thượng Tọa Thích Tịnh Khiết, vị lãnh đạo tối
cao của Phật Giáo đã gởi bản Tuyên Ngôn lên chánh phủ, trong đó, Phật Giáo đòi
được hưởng chế độ ngang hàng với Thiên Chúa Giáo. Chánh phủ đã bắt giam nhiều
chức sắc lãnh đạo của Phật Giáo tại nhiều nơi, nhất là tại Huế.
Ngày 11/06/1963, Thượng Tọa Thích Quảng Đức, trụ trì ngôi chùa ở
Quận Phú Nhận tỉnh Gia Định, đến ngồi ngay ngã tư đại lộ Lê Văn Duyệt với đường
Phan Đình Phùng, trung tâm thủ đô Sài Gòn, trước ống kính của rất nhiều
nhà báo Việt Nam và ngoại quốc. Rồi sau đó, lần lượt thêm bảy tám vụ tự thiêu nữa
tại các tỉnh. Không khí chính trị sôi sục với những cuộc mít tinh biểu tình của
đông đảo sinh viên học sinh, đồng bào -nhất là đồng bào Phật tử- lác đác có cả
quân nhân viên chức và cảnh sát nữa. Nhiều phóng viên báo chí truyền thanh truyền
hình ngoại quốc -nhất là Hoa Kỳ- đến Việt Nam ghi nhận và đánh giá tình
hình.
Trước khi hết giờ làm việc chiều ngày 20 tháng 8 năm 1963, Thiếu
Tướng Trần Thiện Khiêm, Tham Mưu Trưởng Liên Quân, gọi tôi vào văn phòng:
“Tối nay, chú với mấy chú văn phòng làm việc tại đây. Chú cho mấy
chú luân phiên về dùng cơm rồi trở lại ngay. Chú cần hỏi gì thêm
không?”
“Có cần ngủ lại đây không, thưa Thiếu Tướng?”
“Có thể không cần. Sẽ có lệnh sau”
Đây là lần đầu tiên kể từ khi cầm quyền ngày 7/7/1954, Tổng Thống
Ngô Đình Diệm ra lệnh Bộ Tổng Tham Mưu ban hành lệnh thiết quân luật trong phạm
vi Quân Trấn Sài Gòn để Cảnh Sát cùng mật vụ bao vây các chùa, tìm bắt Thượng Tọa
Thích Trí Quang, vị sư được xem là lãnh đạo Phật Giáo. Nhưng Thượng Tọa Trí
Quang đã vượt rào vào khuôn viên tòa đại sứ Hoa Kỳ và được phép tạm trú nơi
đây.
Thế là, từ đòi hỏi trong bản Tuyên Ngôn không được giải quyết, đến
các vụ tự thiêu để phản đối chánh phủ, rồi đến vụ nhà cầm quyền vây bắt hụt Thượng
Tọa Thích Trí Quang, dần dần đẩy Phật Giáo đến cuộc tranh đấu vừa ôn hòa vừa bạo
động tại hầu hết các tỉnh miền Trung và một số tỉnh miền Nam, đã làm cho tình
hình chung của Việt Nam Cộng Hòa trở nên tệ hại hơn hết, kể từ sau Hiệp Định
Đình Chiến Genève tháng 7 năm 1954.
Đó là phản ứng quyết liệt của giáo hội Phật Giáo và nhiều Phật tử
trên toàn quốc.
Với một tình hình như vậy, đã làm cho hầu hết các nước trong khối
Tự Do, kể cả Hoa Kỳ là quốc gia ủng hộ Tổng Thống Ngô Đình Diệm mạnh mẽ nhất, đều
phản đối chính sách tôn giáo trong hành động đàn áp bắt giữ các chức sắc Phật
Giáo và Phật tử Việt Nam. Trước dư luận quốc nội lẫn quốc tế, Tổng Thống Ngô
Đình Diệm khó mà biện
minh chính sách kỳ thị tôn giáo, cho dù lệnh cấm treo cờ Phật
Giáo cũng như lệnh dùng bạo lực trực tiếp hay không trực tiếp do Tổng Thống ban
hành cũng vậy. Vì thuở ấy, quyền lực rất lớn trong tay hai em của Tổng Thống là
ông Ngô Đình Nhu "Cố Vấn Chính Trị", và ông Ngô Đình Cẩn "Cố Vấn
Chỉ Đạo Miền Trung".
Ông Ngô Đình Diệm, được Quốc Trưởng Bảo Đại mời về Việt Nam vào
giữa năm 1954 và nhận chức Thủ Tướng ngày 7 tháng 7 năm 1954.
(Thủ Tướng Ngô Đình Diệm)
Cựu Hoàng Đế Bảo Đại là vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn, đã bị
Việt Minh cộng sản cưỡng bách thoái vị từ mùa thu năm 1945.
Ngày 5/6/1948, trên chiến hạm Duguay Trowin của Pháp trong vịnh
Hạ Long, Ông cùng một số chính khách đại diện cho 3 miền Nam Trung Bắc Việt
Nam, chứng kiến ông Bollaert Cao Ủy Toàn Quyền Pháp tại Đông Dương (gồm 3 nước:
Việt Nam, Cam Bốt, và Lào) với Thiếu Tướng Nguyễn Văn Xuân, chánh phủ Nam Kỳ Quốc,
ký tên bản Hiệp Ước công nhận Việt Nam là quốc gia thống nhất và độc lập trong
khuôn khổ Liên Hiệp Pháp. Danh xưng Việt Nam là “Quốc Gia Việt Nam”.
Ngày 8/3/1949, tại điện Élysée (Paris) Tổng Thống Pháp là ông
Auriol với ông Bảo Đại ký Hiệp Ước chánh thức hóa Hiệp Ước vịnh Hạ Long ngày
5/6/1948, đồng thời Pháp sẽ thành lập cho Việt Nam một quân đội quốc gia.
Ngày 25/4/1949, cựu Hoàng Đế Bảo Đại từ Pháp trở về Việt Nam.
Ngày 1/7/1949, thành lập chánh phủ của một quốc gia thống nhất. Với chức vụ cao
nhất nước cho dù bị giới hạn quyền hành, nhưng ông đã không tận dụng thực dân
Pháp để vừa xây dựng quốc gia non trẻ vừa chống lại chủ nghĩa cộng sản đang bắt
rễ tại Việt Nam, mà ông lại sống trên đất Pháp nhiều thời gian hơn là có mặt
trên quê hương Việt Nam đầy sóng gió!
Ngày 21/1/1950, Quốc Trưởng Bảo Đại cử ông Nguyễn Phan Long
thành lập chánh phủ, và ngày 4/2/1950 Hoa Kỳ công nhận quốc gia Việt Nam. Ngày
15/5/1950, Quốc Hội Pháp ban hành Luật thành lập Quân Đội Quốc Gia Việt Nam với
60.000 quân do Pháp trang bị và chỉ huy.
Ngày 23/12/1950, Việt Nam-Pháp-Hoa Kỳ cùng ký “Hiệp Ước Hỗ Tương
Phòng Thủ & Viện Trợ Quân Sự” cho Việt Nam. Danh xưng của quân đội là “Quân
Đội Quốc Gia Việt Nam”.
Ngày 28 và 30/04/1955, Quốc Trưởng Bảo Đại từ thành phố Cannes
(Pháp) gọi Thủ Tướng Ngô Đình Diệm sang nhận lệnh, nhưng Thủ Tướng không thi
hành. Có vẻ như Thủ Tướng trông chờ quyết định của đại hội chính trị do ông
Nguyễn Bảo Toàn tổ chức trong ngày 29/4/1955 với sự tham dự của 18 đảng phái
chính trị và 20 nhân sĩ Việt Nam. Đại hội kết thúc với quyết định: “(1)Truất phế
quốc Trưởng Bảo Đại. (2) Giải tán chánh phủ hiện tại. (3) Ủy nhiệm ông Ngô Đình
Diệm thành lập chánh phủ. (4) Tổ chức tổng tuyển cử”.
Ngày 23/10/1955, Thủ Tướng tổ chức cuộc trưng cầu dân ý với mục
đích người dân có “đồng ý hay không đồng ý” truất phế Quốc Trưởng. Kết quả, người
dân đồng ý truất phế Quốc Trưởng Bảo Đại. Ba ngày sau đó, 26/10/1955, chánh phủ
ban hành Hiến Ước Lâm Thời, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm tuyên bố Việt Nam theo chế
độ Cộng Hòa, và ông trở thành Tổng Thống. Từ đó, danh xưng quốc gia Việt Nam là “Việt
Nam Cộng Hòa”, và danh xưng của quân đội là “Quân Đội Việt Nam Cộng
Hòa”.
Tiếp theo là bầu cử Quốc Hội Lập Hiến vào ngày 4/3/1956 với 123
vị Dân Cử để soạn thảo Hiến Pháp. Ngày 26/10/1956, ban hành Hiến Pháp và hủy bỏ
Hiến Ước Lâm Thời. Đây là lần đầu tiên, Việt Nam có một văn bản Luật cao nhất,
qui định chế độ chính trị cùng với toàn bộ cơ cấu sinh hoạt quốc gia. Từ năm
1957, ngày 26 tháng 10 được chọn là Ngày Quốc Khánh Việt Nam Cộng
Hòa.
Theo qui định trong Hiệp Định Đình Chiến ngày 20/07/1954 tại
Genève, Thụy Sĩ, ngày 15/03/1956, quân đội viễn chinh Pháp hoàn toàn rút khỏi
Việt Nam. Từ đó, Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa thật sự toàn quyền
chỉ huy quân đội .
Tổng Thống Ngô Đình Diệm, trong những năm đầu cầm quyền, với sự ủng
hộ mạnh mẽ của Hoa Kỳ, đã được nhiều quốc gia trên thế giới công nhận và thiết
lập bang giao. Ông đã ổn định được cuộc sống cho non một triệu người từ miền Bắc
chạy trốn chế độ cộng sản trước khi chúng tiến vào các thành phố trên đất Bắc
theo Hiệp Định đình chiến Genève ngày 20/07/1954. Hiệp Định này chia đôi Việt
Nam tại vĩ tuyến 17 mà trên địa thế là sông Bến Hải với cầu Hiền Lương. Từ vĩ
tuyến 17 trở lên Bắc là nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa theo chế độ độc tài do đảng
cộng sản Việt Nam cai trị. Từ vĩ tuyến 17 trở xuống Nam là nước Việt Nam Cộng
Hòa theo chế độ dân chủ tự do. Tổng Thống Ngô Đình Diệm cũng đã cải thiện được
tình hình kinh tế xã hội trong mức độ khả quan.
Về quân sự. Với sự cố vấn của phái bộ quân sự Hoa Kỳ, quân đội
đã được tổ chức lại và phát triển từ cấp Tiểu Đoàn lên cấp Trung Đoàn, Sư Đoàn,
Quân Đoàn, trên căn bản quân đội trong chiến tranh qui ước. Mọi dụng cụ chiến
tranh trang bị cho quân đội, đều do Hoa Kỳ cung cấp.
Về chính trị. Ông đã thành công đáng kể trong nỗ lực ôn hòa lẫn
sử dụng võ lực trong mục đích đem lực lượng võ trang của Bình Xuyên, của Hòa Hảo,
và Cao Đài về hợp tác hoặc giải thể. Lực lượng võ trang Phật Giáo Hòa Hảo và
Cao Đài, là hai lực lượng chống cộng sản quyết liệt.
Đó là sự thành công bước đầu không ai phủ nhận được. Nhưng, dần
đần về sau, chế độ dưới quyền Tổng Thống, trong một mức độ nào đó, đã thể hiện
tính cách "gia đình trị", bởi vì ngoài Tổng Thống ra, còn có:
Thứ nhất, em trai Ngô Đình Nhu trong chức vụ Cố Vấn Chính Trị,
và vợ ông Nhu là bà Trần Lệ Xuân, rất nhiều quyền lực trong tay, một phần có thể
là Tổng Thống Diệm vẫn còn độc thân nên vị trí của bà trong một mức độ nào đó,
như đệ nhất phu nhân.
Thứ nhì, em trai Ngô Đình Cẩn trong chức vụ không hề có trong tổ
chức quốc gia là Cố Vấn Chỉ Đạo Miền Trung, ông sống độc thân. Là người không
có văn bản bổ nhiệm nhưng lại có toàn quyền đối với các tỉnh duyên hải miền
Trung, đặc biệt là các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên/Huế, Quảng Nam Đà Nẳng, Quảng
Tín, và Quảng Ngãi. Quyền lực của ông có thể ví bằng "vị sứ quân" của
5 tỉnh này.
Thứ ba, anh trai Ngô Đình Thục, Giám Mục địa phận Vĩnh Long, và
từ năm 1960 là Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Huế. Tuy là chức sắc lãnh đạo trong
tôn giáo, nhưng tiếng nói của ông ảnh hưởng rất lớn đối với công việc chánh quyền
mà các em của ông nắm giữ.
Thứ tư, em trai Ngô Đình Luyện, Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Anh
quốc, được xem là người ít dính dáng đến những điều tệ hại mà các anh của ông
gây ra trên quê hương Việt Nam.
Khi viết lại đoạn trên đây tôi vẫn hiểu rằng, anh em thân thuộc
với Tổng Thống, (hay Thủ Tướng, Bộ Trưởng, Tướng Lãnh, ..v..v.. ), tự đó không
phải là cái tội, vì vị lãnh đạo không bổ nhiệm người này cũng phải bổ nhiệm người
khác. Chỉ khi nào, người thân thuộc đó lợi dụng quyền lực người thân đã bổ nhiệm
mình mà ngang nhiên hành động vi phạm luật pháp, lúc đó là có tội. Khi tội trạng
phơi bày, người đó có bị luật pháp trừng phạt như bất cứ người công dân nào
khác hay không, đó là vấn đề cần được đánh giá đúng mức.
Tổng Thống Ngô Đình Diệm và hai em của ông là Ngô Đình Nhu và
Ngô Đình Cẩn, đã lần lượt loại trừ một số nhà chính trị đối lập qua những hành
động trong khuôn khổ luật pháp lẫn ngoài luật pháp.
Rồi đến những lời lẽ cứng rắn của bà Trần Lệ Xuân -em dâu ông- tại
các diễn đàn quốc tế cũng như quốc nội, đặc biệt là trong thời gian xảy ra cuộc
đàn áp Phật Giáo nhiều nơi trên toàn quốc. Bà đã nhiều lần chỉ trích công
khai với vẻ miệt thị và tàn nhẫn về những vụ tự thiêu của các nhà sư phản đối
chánh quyền.
Những sự kiện đó đã đưa người dân từ ủng hộ chánh phủ lúc đầu, dần
dần trở nên bất mãn, đến mức căm thù chế độ mà Tổng Thống Ngô Đình Diệm là người
trách nhiệm chính, vì Tổng Thống là người lãnh đạo quốc gia.
Vậy, sự kiện giải tán Phật Giáo ngày 08/05/1963 dẫn đến sự kiện
7 Phật tử chết cùng với một số bị thương, và những hành động tệ hại tiếp theo,
là nguyên nhân quốc nội dẫn đến cuộc đảo chánh ngày 01/11/1963. Tôi nói
"nguyên nhân quốc nội", vì theo tôi, còn có "nguyên nhân quốc tế"
nữa.
Ngày 01 tháng 11 năm 1963, ngày lễ "Các Thánh" (All
Saints), quân đội được nghỉ buổi sáng. Khoảng 7 giờ sáng, chuông điện thoại nhà
tôi reo:
“Đại Úy Hoa tôi nghe”.
“Chú đến nhà tôi ngay”.
“Vâng. Tôi đến ngay, thưa Thiếu Tướng”.
Đó là Thiếu Tướng Trần Thiện Khiêm, Tham Mưu Trưởng Liên Quân
Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. Nhà tôi và nhà ông cùng ở trong khuôn viên trại Trần
Hưng Đạo -tức Bộ Tổng Tham Mưu- cách nhau khoảng vài trăm thước. Ông ở khu nhà
lầu, tôi ở khu nhà trệt.
“Chào Thiếu Tướng”.
“Chú lấy ghế ra sân với tôi”.
Hoàn toàn khác lạ với mỗi lần tôi đến nhận lệnh, nên tôi nghĩ
ngay đến một vấn đề gì đó phải là quan trọng lắm, bởi thường khi chỉ ngồi trong
nhà. Thiếu Tướng Khiêm và tôi cùng ngồi ở góc sân sát hàng rào:
“Chú nghe đây. Lệnh mà tôi sắp cho chú là lệnh tối mật, nếu chú
tiết lộ thì chú bị đứt đầu trước tôi. Chú không được nói với bất cứ ai, kể cả vợ
chú và chú Có. Chú nghe rõ chưa?”
“Tôi nghe rõ, thưa Thiếu Tướng”.
Chú Có mà Thiếu Tướng Khiêm vừa nói là Trung Úy Nguyễn Hữu Có,
sĩ quan tùy viên của Thiếu Tướng Khiêm từ năm 1960. (Trung Úy Có nói ở đây,
trùng họ tên lẫn chữ lót với Đại Tá Nguyễn Hữu Có lúc ấy).
“Hôm nay, tôi và một số vị Tướng Lãnh đảo chánh ông Diệm, và những
việc sau đây chú phải làm xong trong buổi sáng. Thứ nhất, đây là danh sách mời
dùng cơm trưa tại câu lạc bộ (Bộ Tổng Tham Mưu). Thức ăn do chú sắp xếp.
Nhớ, các vị được mời phải có mặt tại câu lạc bộ đúng 12 giờ hoặc trước đó chút
ít. Thứ nhì, đây là danh sách mời họp tại phòng họp số 1 (tầng trệt trong
tòa nhà chánh). Yêu cầu các vị này có mặt tại phòng họp chậm nhất là trước
1 giờ trưa. Đúng 1 giờ, chú cho lệnh Quân Cảnh khóa cửa lại và không ai được ra
vào bất cứ vì lý do gì khi chưa có lệnh tôi. Cả hai danh sách này, nếu chú
không liên lạc được với bất cứ ai hoặc có gì trở ngại thì chú trình ngay cho
tôi. Đến đây chú rõ chưa?”
“Vâng. Tôi rõ, thưa Thiếu Tướng”.
“Và thứ ba. Chú tổ chức an ninh chu đáo khuôn viên bộ Tổng Tham
Mưu, bằng cách sử dụng Đại đội 1 Quân Cảnh (của Tổng Tham Mưu) và các
thành phần an ninh của Tổng Hành Dinh (Tổng Tham Mưu). Tất cả các cổng
đóng lại, tuyệt đối không được mở, riêng cổng chánh, bất cứ ai ra hay vào đều
phải trình tôi. Lệnh của tôi xong, chú có gì cần hỏi không?”
“Thưa Thiếu Tướng, lý do mời họp tôi phải nói thế nào để không bị
ngờ vực?”
“Tùy chú. Nhớ, chỉ một chút sơ hở là chú đứt đầu đó. Thôi, chú
vào văn phòng làm việc đi”.
Khuôn viên trại Trần Hưng Đạo có các cổng số 1 hướng ra giao lộ
Võ Tánh và đường Ngô Đình Khôi (sau đó đồi thành đường Cách Mạng 1/11), cổng số
2 và số 5 hướng ra đường Võ Tánh, cổng số 10 hướng ra đường Ngô Đình Khôi, cổng
số 3 và số 4 hướng ra đường Võ Di Nguy.
Đảo chánh, đây là lần thứ hai tôi nghe thấy trong đời binh nghiệp.
Lần thứ nhất, xảy ra vào nửa đêm về sáng ngày 11/11/1960, lúc đó tôi đang học
tham mưu tại Trường Đại Học Quân Sự, tọa lạc trong khuôn viên bộ Tổng Tham Mưu.
Nhóm lãnh đạo cuộc đảo chánh thất bại vì không được sự ủng hộ của các vị Tư Lệnh
đại đơn vị. Đại Tá Trần Thiện Khiêm, Quyền Tư lệnh Quân Khu 5 kiêm Tư Lệnh Sư
Đoàn 21 Bộ Binh, đưa quân của Sư Đoàn 21 từ Sa Đéc và quân của Sư Đoàn 7 Bộ
Binh từ Mỹ Tho lên Sài Gòn đẩy lui lực lượng đảo chánh. Đại Tá Nguyễn Chánh Thi
-Tư Lệnh Nhẩy Dù- và các sĩ quan trong thành phần lãnh đạo đảo chánh, đã dùng
phi cơ vận tải quân sự C.47 bay sang Nam Vang -thủ đô Cam Bốt- xin tị nạn chính
trị.
Lần đảo chánh này, dù muốn hay không muốn, tôi cũng phải can dự
cho dù là can dự như một sĩ quan thừa hành tin cậy. Lệnh tối mật mà tôi vừa nhận
quả là bất ngờ và phải thi hành trong thời gian cấp bách, với lại dù diễn đạt
như thế nào đi nữa thì tôi cũng là người chịu ơn Thiếu Tướng Trần Thiện Khiêm,
cho nên tôi không hề nghĩ cũng như không kịp nghĩ đến điều sắp thi hành là sai
hay đúng, và nên hay không nên làm. Bởi Thiếu Tướng Khiêm không hề biết tôi,
ngược lại tôi cũng chưa một lần phục vụ dưới quyền ông, đến khi ông về nhận chức
Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh tại Bến Kéo tỉnh Tây Ninh vào đầu tháng 02 năm 1960,
thay thế Trung Tá Trần Thanh Chiêu bị cách chức sau vụ Trung Đoàn 32 Bộ Binh bị
quân cộng sản đột kích lúc 3 giờ sáng ngày 29/01/1960 tại Trãng Sụp, cách tỉnh
lỵ Tây Ninh khoảng 6 cây số về phía bắc, gây tổn thất nhân mạng với 23 quân
nhân chết, gần 20 quân nhân bị thương, và 1 xe dodge 4x4 bị cộng sản lấy chở đầy
xe vũ khí trong kho. Lúc đó, tôi đang là Trung Úy, trưởng ban hành quân/Phòng 3
Sư Đoàn.
Vài tháng sau đó, Sư Đoàn được lệnh Tổng Thống Ngô Đình Diệm
chuyển xuống Quân Khu 5, hoạt động an ninh vùng Đồng Tháp Mười. Bộ Tư Lệnh Sư
Đoàn trở lại nơi đồn trú cũ là quận lỵ Sa Đéc. Đến giữa năm 1960, Đại Tá Khiêm
được Tổng Thống cử giữ chức Quyền Tư Lệnh Quân Khu 5 tại Cần Thơ (thay Đại Tá
Nguyễn Văn Y chuyển về trung ương) kiêm Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh tại Sa Đéc.
Tháng 4 năm 1961, lãnh thổ quân sự được tổ chức lại thành 3 Vùng Chiến Thuật do
3 Quân Đoàn trách nhiệm:
“Quân Đoàn I/Vùng I Chiến Thuật tại Đà Nẳng, bao gồm 5 tỉnh cực
bắc duyên hải. Quân Đoàn II/Vùng II Chiến Thuật tại Plei ku, bao gồm các tỉnh
Cao Nguyên và các tỉnh duyên hải phía nam. Quân Đoàn III lâm thời/Vùng III Chiến
Thuật tại Sài Gòn, bao gồm các tỉnh vùng đất chuyển tiếp miền nam và trọn
vùng đồng bằng Cửu Long”.
Những tháng cuối năm 1961, tôi được thăng cấp Đại Úy và được cử
giữ chức Chánh văn phòng Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh mà vị Tư Lệnh là Đại Tá Trần
Thiện Khiêm. Sư Đoàn đã chuyển sang đồn trú tại Cần Thơ và trách nhiệm Khu 33
Chiến Thuật, cũng gọi là Khu Chiến Thuật Hậu Giang. Ngày 06/12/1962, Đại Tá Trần
Thiện Khiêm thăng cấp Thiếu Tướng, đồng thời được cử giữ chức Tham Mưu Trưởng
Liên Quân/Bộ Tổng Tham Mưu, thay Thiếu Tướng Nguyễn Khánh lên Plei Ku nhận chức
Tư Lệnh Quân Đoàn II/Vùng II Chiến Thuật. Chức vụ "Tham Mưu Trưởng Liên
Quân" là chức vụ mới thành lập, trước đó chỉ là Tham Mưu Trưởng/Bộ Tổng
Tham Mưu. Ngày 17/12/1962, tôi thuyên chuyển theo Thiếu Tướng Khiêm về Bộ Tổng
Tham Mưu, và từ ngày đó, tôi giữ chức Chánh văn phòng Tham Mưu Trưởng Liên
Quân. Vì vậy mà tôi thi hành nhiệm vụ tối mật này một cách tích cực.
Trở lại việc thi hành lệnh của Thiếu Tướng Khiêm. Đầu tiên, tôi
gọi Trung Úy Nguyễn Hữu Có và các nhân viên vào văn phòng. Trung Úy Có có trách
nhiệm liên lạc với quản lý câu lạc bộ lo bữa ăn trưa. Tiếp đó là điện thoại đến
Đại Đội 1 Quân Cảnh (trong khuôn viên Bộ Tổng Tham Mưu):
“Tôi, Đại Úy Hoa đây. Anh cho tôi nói chuyện với Trung Úy Phụng,
Đại Đội Trưởng (Nguyễn Thúc Phụng)”.
“Vâng. Đại Úy chờ một chút”. Hạ sĩ quan trực trả lời.
“Chào Đại Úy, tôi Phụng đây. Đại Úy đang ở đâu đó?”
“Chào anh. Tôi đang ở văn phòng. Anh Phụng à, trong vòng 3 tiếng
đồng hồ tới đây, anh có thể tập trung tất cả anh em hay ít nhất cũng là tối đa
quân số của Đại Đội được không?”
“Dạ được”.
“Vì vấn đề an ninh trong trại Trần Hưng Đạo hôm nay, anh phải cố
gắng hết sức nghe anh. Khi tập họp xong hoặc chậm lắm là 10 giờ 30, anh điện
thoại lại tôi để nhận lệnh chi tiết. Anh có gì cần hỏi thêm không?”
“ Có chuyện gì vậy Đại Úy?”
“Lệnh của Thiếu Tướng như vậy chớ tôi không biết gì hơn anh đâu.
Thôi nghe. Anh lo phần anh, tôi còn vài việc khác nữa. Chào anh”.
Tôi mời Thiếu Tá Nguyễn Văn Luông, Chỉ Huy Phó Tổng Hành Dinh/Tổng
Tham Mưu đến văn phòng. Năm 1958, Thiếu Tá Luông là Trung Đoàn Trưởng Trung
Đoàn 35 Bộ Binh/Sư Đoàn 12 Khinh Chiến, đồn trú tại Kon Tum. Lúc đó, tôi là
Trung Úy, trưởng ban 3 kiêm trưởng ban 5 Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn này. Thì ra Thiếu
Tá Luông đã nhận lệnh của Thiếu Tướng Khiêm rồi, nhưng tôi vẫn nói thêm vài chi
tiết về an ninh:
“Thưa Thiếu Tá, với Đại Đội 1 Quân Cảnh, tôi đã điện thoại cho
Trung Úy Phụng rồi. Xin Thiếu Tá đúng 1 giờ trưa, đóng tất cả các cổng lại và
đưa lực lượng bảo vệ đến bố trí ngay lúc đó. Cổng số 2, 3, 4, 5, và 10, tuyệt đối
không mở cho đến khi có lệnh. Riêng cổng số 1, lệnh của Thiếu Tướng Tham Mưu
Trưởng là bất cứ giới chức nào muốn ra hay vào, xin Thiếu Tá hoặc trưởng toán
Quân Cảnh điện thoại vào tôi và chờ tôi trình Thiếu Tướng”.
“Vấn đề an ninh tòa nhà chánh, anh lo hay tôi lo?”
“Thưa Thiếu Tá, tôi trách nhiệm. Để cho rõ ràng, an ninh trong
phạm vi trại Trần Hưng Đạo thì Thiếu Tá trách nhiệm, riêng phạm vi tòa nhà
chánh thì tôi trách nhiệm. Về lực lượng, xin Thiếu Tá cho tôi 2 chiếc Thiết
Giáp AM/M8 lên tăng cường cho tôi cùng với 2 tổ đại liên đặt trên nóc tòa nhà
chánh. Xin nhắc lại, tất cả mọi việc chỉ được thực hiện ngay trước lúc 1 giờ
trưa. Xin Thiếu Tá vui lòng chỉnh lại đồng hồ để có giờ thống nhất. Thiếu Tá
còn cần gì không?”
“Để tôi về lo ngay cho kịp. Chào anh nghe”.
“Dạ, chào Thiếu Tá”.
Lần lượt tôi điện thoại các vị trong danh sách 1, tức là danh
sách mời dùng cơm nhưng thật ra là quí vị trong nhóm đảo chánh, mà hầu hết các
vị này đều biết trước. Kế tiếp, tôi mời các vị trong danh sách 2, tức danh sách
mời họp nhưng thật ra sẽ bị giữ để cách ly với cuộc đảo chánh. Vì trục trặc với
hai vị trong danh sách 2, tôi điện thoại đến Thiếu Tướng Khiêm:
“Trình Thiếu Tướng, tôi Hoa đây. Tôi đã điện thoại xong, nhưng
có trở ngại là không liên lạc được với Đại Tá Huỳnh Hữu Hiền -Tư Lệnh Không
Quân- và Đại Tá Hồ Tấn Quyền -Tư Lệnh Hải Quân- Theo người nhà của hai vị ấy
cho biết, thì Đại Tá Hiền đang trên không trình Sài Gòn-Đà Lạt, tôi có dặn người
nhà trên đó khi Đại Tá Hiền đến nơi thì điện thoại về tôi gấp. Còn Đại Tá Quyền
thì người nhà nói có lẽ đã đi lễ nhà thờ, nhưng tôi gọi đến nhà thờ Đức Bà nhờ
người tìm mà không gặp. Tôi sẽ cố gắng nhưng không chắc là tôi sẽ thực hiện được,
thưa Thiếu Tướng”.
“Chú ráng tìm hai ổng, phần tôi, tôi cũng tìm cách liên lạc”.
“Vâng. Chào Thiếu Tướng”.
Đến đây xin mở ngoặc để nói thêm về Đại Tá Hồ Tấn Quyền. Tối
ngày 06/09/2003, trong lúc dự tiệc cưới tại Washington DC, vợ chồng tôi ngồi
chung bàn với cựu Trung Tướng Ngô Quang Trưởng và cựu Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại.
Bỗng dưng ông Thoại nhắc đến vụ 01/11/1963, vì sau ngày Đại Tá Quyền bị giết
ông nghe người nhà Đại Tá Quyền nói là có một sĩ quan nào đó ở Tổng Tham Mưu điện
thoại mời Đại Tá Quyền đi họp không biết điều đó có đúng không? Vì nếu đúng thì
có thể Đại Tá Quyền không bị giết nếu ông ấy đi họp, dù rằng tối hôm ấy tôi được
biết nếu có đi họp cũng bị cách ly với cuộc đảo chánh, nhưng cách ly có thể
thoát chết.
Thế là tôi lên tiếng:
“Thưa Anh, người mời Đại Tá Quyền hôm ấy là tôi. Người cầm ống
nói là phụ nữ đã trả lời cho tôi là Đại Tá Quyền có thể đã đi nhà thờ Đức Bà,
nhưng sau đó tôi đã hai lần điện thoại đến nhà thờ nhưng không tìm thấy Đại Tá
Quyền”.
“Chưa đến giờ đi lễ nên Đại Tá Quyền vào sân tennis với tôi”. Anh
Thoại quay hẳn sang tôi và tiếp:
“Khi ông Lực, sĩ quan tùy viên, đến mời Đại Tá Quyền lên Thủ Đức
dự tiệc mừng sinh nhật của Đại Tá Quyền do anh em Hải Quân tổ chức trên đó, có
lẽ thấy Đại Tá Quyền chần chừ nên ông Lực nói tiếp: Đại Tá ráng đi vì anh em muốn
dành cho Đại Tá sự bất ngờ nên không trình trước với Đại Tá. Rồi Đại Tá Quyền
có vẻ nễ nang nên lên xe đi. Và sau đó thì bị ông Lực giết chết. Nếu như người
nhà điện thoại đến sân tennis báo tin Tổng Tham Mưu mời đi họp, rất có thể là Đại
Tá Quyền không bị giết như vậy”.
Xin đóng ngoặc. Trở lại hoạt động trong văn phòng tôi.
Điện thoại reo: “Đại Úy Hoa tôi nghe”.
“Phụng đây Đại Úy. Tôi tập trung Đại Đội xong rồi, Đại Úy có lệnh
gì cho tôi?”
“Cám ơn Anh, và đây là chi tiết: Ngay bây giờ, anh sẳn
sàng tại chổ 3 Tiểu Đội và tôi sẽ điều động công tác trong chốc lát. Điều quan
trọng là 3 Tiểu Đội này phải di chuyển ngay tức thì khi có lệnh. Phần còn lại của
Đại Đội, anh liên lạc với Thiếu Tá Luông, Tổng Hành Dinh/Tổng Tham Mưu để nhận
lệnh. Anh cần biết gì thêm không?”
“Dạ không Đại Úy”.
“Xin anh đừng rời xa điện thoại nghe anh Phụng. Chào anh”.
Chuẩn bị bữa ăn hôm nay, Trung Úy Nguyễn Hữu Có chu toàn trách
nhiệm mặc dù anh không biết tại sao lại có bữa ăn bất thường này. Bữa ăn trưa
hôm nay rất quan trọng, nhưng không quan trọng về thực khách mà quan trọng ở điểm
là ngụy trang cho buổi họp mặt tối mật của các vị trong nhóm lãnh đạo đảo chánh
quân sự. Tôi nói ngụy trang, vì trong vòng 3 tuần lễ trước ngày này, Thiếu Tướng
Trần Thiện Khiêm thường có những buổi tối đi đâu đó mà tôi không biết chính xác
mặc dù hệ thống liên lạc đặc biệt giữa tôi tại nhà, với toán cận vệ trên xe
theo sau xe Thiếu Tướng mỗi khi ra khỏi nhà, chúng tôi giữ liên lạc thường
xuyên nhưng vẫn không bám sát được vị trí của ông. Điển hình trong một tối, xe
bắt đầu rời nhà Thiếu Tướng Khiêm, tôi được thông báo và mở máy liên lạc ngay.
Một lúc sau:
“Hồng Hà. Hồng Hà. Bắc Bình gọi. Trả lời”.
“Hồng Hà tôi nghe 5/5. Có gì cho tôi. Trả lời”.
“Tôi dừng xe ở đường 45 (ám danh của đường Kỳ Đồng), Bông
Hồng đã có xe khác đón nhưng không rõ đi dâu, tôi chỉ được lệnh chờ tại chỗ.
Nghe rõ trả lời?”
“Tôi nghe 5/5. Thi hành lệnh. Giữ liên lạc với tôi. Trả lời”.
“Nghe rõ”.
Xin giải thích. Chữ "trả lời" ở cuối mỗi câu khi liên
lạc vô tuyến là điều qui định khi học về Truyền Tin trong trường quân sự. Chữ
này cũng có nghĩa "đến đây là hết câu". Hồng Hà là danh hiệu của tôi.
Bắc Bình là danh hiệu của toán an ninh. Và Bông Hồng là danh hiệu của Thiếu Tướng
Khiêm. Tất cả chỉ dùng trong hệ thống liên lạc an ninh này mà thôi.
Một buổi tối khác. Thiếu Tướng Khiêm cũng đi một cách bí mật như
vậy, trong lúc tôi tự đặt ra những giả thuyết và phân tách để tìm giả thuyết có
thể chấp nhận được về hoạt động bất thường đó, thì chuông điện thoại nhà tôi
reo:
“Đại Úy Hoa, tôi nghe”.
“Trung Tá Đường đây, tôi có gọi đằng tư dinh Thiếu Tướng Khiêm để
ông Cố Vấn (Ngô Đình Nhu)nói chuyện với Thiếu Tướng nhưng không gặp. Ông Cố
Vấn bảo tôi nói với anh và anh trình lại Thiếu Tướng Khiêm rằng, tình hình Sài
Gòn lúc này phức tạp lắm, bọn Việt Cộng tung những tổ đặc công vào nội thành,
chuyên ám sát các tướng lãnh và các sĩ quan cao cấp. Ông Cố Vấn dặn Thiếu Tướng
không nên ra khỏi nhà sau giờ làm việc. Đó là lệnh, anh rõ chưa?”
“Thưa Trung Tá, tôi rõ”
.
“Chào anh”.
Đó là Trung Tá Phạm Thư Đường, Chánh văn phòng ông Cố Vấn Ngô
Đình Nhu. Đến giờ phút này (tức giờ phút nhận lệnh của Trung Tá Đường) thì tôi
hiểu rằng, chẳng phải ông Cố Vấn lo cho những người dưới quyền, mà chính là ông
muốn theo dõi những người dưới quyền ông có hành động gì có thể "phản trắc"
đối với anh em Tổng Thống hay không, vì tình hình ngày càng tồi tệ thêm và tự
nó đã lung lay chiếc ghế cầm quyền của Tổng Thống lẫn của ông Cố Vấn. Cũng vì vậy
mà trong thời gian xảy ra sự đối đầu của Phật Giáo với Chánh Phủ, dư luận từ
các nhà chính trị đối lập nói về kế hoạch Bravo 1 của ông Cố Vấn Nhu, theo đó
ông Cố Vấn Nhu dự định thực hiện cuộc đảo chánh giả để phát hiện và triệt tiêu
những ai chống đối chế độ, không phải là không có cơ sở.
10 phút trước 1 giờ 00, tôi nhắc Thiếu Tá Luông chuẩn bị đóng
các cổng cùng lúc với việc điều động lực lượng tăng cường cho các cổng. Mặt
khác, tôi kiểm lại các vị trong danh sách 2. Và cho đến lúc này, vẫn còn thiếu
Đại Tá Huỳnh Hữu Hiền và Đại Tá Hồ Tấn Quyền.
Ngay lúc trước 1 giờ 00, tình hình trong trại Trần Hưng Đạo nói
chung và tòa nhà chánh nói riêng, như
sau:
Tất cả các cổng số 1, 2, 3, 4, 5, và 10, đều đóng lại và lực
lượng canh gác được tăng cường trước sự ngạc nhiên của các quân nhân thường trực.
Chi Đội Thiết Giáp bố trí đằng sau tòa nhà chánh và 2 khẩu đại liên đã sẳn sàng
trên sân thượng.
Bãi đậu xe hai bên hông tòa nhà chánh, mỗi bên có 1 Tiểu Đội
Quân Cảnh túc trực. Tiểu Đội Quân Cảnh thứ 3, tập trung an ninh tầng lầu 2, bên
cánh phải (tính từ trong tòa nhà chánh nhìn ra võ đình trường), nơi đó là văn
phòng Thiếu Tướng Trần Thiện Khiêm, Tham Mưu Trưởng Liên Quân, cũng là bản
doanh của quí vị lãnh đạo đảo chánh.
Trong phòng Thiếu Tướng Khiêm, rất đông các vị trong danh sách mời
ăn trưa sau khi xong ở câu lạc bộ, như: Trung Tướng Dương Văn Minh, Trung Tướng
Trần Văn Đôn, Quyền Tổng Tham Mưu Trưởng vì Đại Tướng Lê Văn Tỵ đang dưỡng
bệnh, Thiếu Tướng Trần Thiện Khiêm, cùng các vị Tướng Tôn Thất Đính, Trần
Tử Oai, Lê Văn Kim, Mai Hữu Xuân, ..... Đại Tá Đỗ Mậu -Giám Đốc Nha An Ninh
Quân Đội- Đại Tá Dương Ngọc Lắm, Đại Tá Nguyễn Văn Quan, ......
Trong khi đó, văn phòng tôi và văn phòng Trung Úy Có, các
sĩ quan tùy viên và hạ sĩ quan cận vệ, kẻ ngồi người đứng chật cả phòng, vì mỗi
vị Tướng ít nhất cũng có 3 hay 4 người đi theo, nhất là trong tình hình này.
Đúng giờ G, tức 1 giờ trưa ngày 01 tháng 11 năm 1963. Cửa phòng
họp số 1 đóng lại, 2 Quân Cảnh đứng gác bên ngoài. So với danh sách "mời họp"
vẫn còn thiếu Đại Tá Hiền và Đại Tá Quyền. Hướng Lữ Đoàn Phòng Vệ Phủ Tổng Thống
(góc đường Thống Nhất-Cường Để-Hồng Thập Tự) và khu vực Phủ Tổng Thống -tức
dinh Gia Long- súng bắt đầu nổ.
Trong văn phòng Thiếu Tướng Khiêm -bản doanh của Hội Đồng Quân
Nhân Cách Mạng- âm thanh ồn ào hẳn lên cùng với sự đi lại nhiều hơn, do các vị
điện thoại ra lệnh đơn vị này cơ quan khác, chen lẫn với bàn thảo tình hình.
Một lúc sau, tôi vào trình Thiếu Tướng Khiêm:
“Thưa Thiếu Tướng, tôi thấy giữ Đại Tá Viên (Cao Văn Viên, Tư Lệnh
Lữ Đoàn Nhẩy Dù) dưới phòng họp không tiện lắm. Xin Thiếu Tướng cho phép
tôi đưa Đại Tá Viên lên ngồi ở văn phòng tôi và tôi chịu trách nhiệm”.
“Được rồi. Chú đưa Đại Tá Viên lên phòng chú đi”.
Tôi quen biết chưa nhiều với Đại Tá Cao Văn Viên, nhưng do bà Trần
Thiện Khiêm nói lại, theo đó thì Thiếu Tướng Khiêm, Thiếu Tướng Khánh, và Đại
Tá Viên rất thân nhau, nhất là khi ba vị này là sĩ quan cấp úy và cùng chiến đấu
ở mặt trận Na Sản trên đất Lào trong hàng ngũ quân đội Liên Hiệp Pháp. Và ba
gia đình này cũng thân nhau từ đó, vì có nhiều thời gian sống chung nhau ở Hà Nội
trong khi các ông cùng ở mặt trận. Do đó, tôi thấy cần giúp Thiếu Tướng Khiêm
tránh điều khó xử đối với người bạn thân của ông bằng cách "giải
thoát" Đại Tá Viên ra khỏi phòng "tạm giữ". Nguyên nhân chỉ là vậy.
Đại Tá Cao Văn Viên, năm 1960, đang giữ chức Tham Mưu Trưởng
Tham Mưu Biệt Bộ/Phủ Tổng Thống, lúc đó là Trung Tá. Ngay sau cuộc đảo chánh
ngày 11/11/1960, ông được thăng cấp Đại Tá và nhận chức Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhẩy Dù
đang khuyết, vì Đại Tá Nguyễn Chánh Thi đã chạy sang Cam-Bốt tị nạn chính trị
khi đảo chánh thất bại. Cũng vì vậy mà ông (Đại Tá Viên) bị xếp vào thành phần
tín cẩn của Tổng Thống Diệm, và bị giữ chân trong phòng họp số 1 cách ly với cuộc
đảo chánh đang diễn tiến.
Đến đây xin mở dấu ngoặc để nói thêm về cựu Đại Tướng Cao Văn
Viên. Cũng nhân dịp dự tiệc cưới ngày 06/09/2003 nêu trên, tôi có đến nhà thăm
cựu Đại Tướng Trần Thiện Khiêm, sau đó dùng cơm tối với cựu Đại Tướng Cao Văn
Viên tại nhà người bạn. Cựu Đại Tướng Viên nói rằng:
“Những điều Anh (tức tôi) nói về cuộc đảo chánh
01/11/1963 trong quyển sách của Anh về tôi là đúng, nhưng có những điều khác mà
Anh chưa biết”.
“Rất đúng, thưa Đại Tướng. Tôi chỉ viết lại những gì mà tôi biết
thôi, cho nên câu chuyện không tròn trịa được”. Tôi trả lời, và cựu Đại Tướng
Viên nói tiếp:
“Trước khi Anh mời tôi lên ngồi văn phòng Anh, có người xuống gọi
tôi lên văn phòng gặp ông Minh (tức Trung Tướng Dương Văn Minh, cấp bậc
lúc bấy giờ), để nghe ổng nói là ổng đảo chánh Tổng Thống Diệm, rồi ổng hỏi
tôi nghĩ sao? Tôi trả lời là chuyện lớn như vậy mà bây giờ Trung Tướng mới nói
với tôi thì tôi đâu có quyết định được. Lúc ấy sĩ quan cận vệ của ông Minh lăm
le khẩu súng về phía tôi như sẳn sàng bắn tôi. Tôi cũng nhắc lại với Anh là trước
đó, tôi với một ông Đại Tá mà tôi giấu tên (theo tôi biết, đó là Đại Tá Lê
Quang Tung, Chỉ Huy Trưởng Sở Khai Thác Địa Hình, tên gọi ngụy trang của cơ
quan mật vụ) cùng gọi lên gặp Trung Tướng Minh, nhưng vừa ra khỏi phòng họp
thì ổng bị còng tay dẫn đi và đã bị giết sau đó. Còn tôi cũng bị còng nhưng mới
còng một tay thì Thiếu Tướng Đính (Tôn Thất) chợt thấy, ổng bảo tháo
còng ra, và sĩ quan đó dẫn tôi lên gặp ông Minh như tôi vừa nói. Tiếp đến mới nối
vào chuyện của Anh mời tôi lên ngồi ở văn phòng Anh”.
Đến đây là hết lời kể của cựu Đại Tướng Cao Văn Viên. Tôi xin tiếp
lời của một nhân chứng khác cũng liên quan đến sự kiện này. Tối 18/05/2005, tại
Houston, tôi dùng cơm với anh Trịnh Bá Lộc từ Arkansas đến thăm thành phố này.
Trong bữa ăn đó còn có cựu Đại Tá Lê Thuần Trí, và cựu Trung Tá Hoa Hải Đường.
Qua những câu chuyện trao đổi, trong đó có nói đến cuộc đảo chánh ngày
01/11/1963. Lúc ấy, anh Lộc là Đại Úy, sĩ quan tùy viên của Trung Tướng Dương
Văn Minh. Và đây là lời trao đổi giữa tôi với anh Trịnh Bá Lộc.
Khi tôi thuật lại lời kể của cựu Đại Tướng Viên lúc ông bị còng
tay, anh Lộc nói:
“Đại Tướng Cao Văn Viên bị còng tay ngay trước mặt Trung Tướng
Minh, và tôi đứng bên cạnh. Lúc ấy đang đứng bên ngoài cửa văn phòng của Tổng
Tham Mưu Trưởng, tức là trên tầng lầu 2 chớ không phải ở tầng trệt. Đúng như Đại
Tướng Viên nói là ông bị Quân Cảnh mới còng một tay(trên tầng 2), và chính
Trung Tướng Minh ra lệnh tháo còng ra”.
“Vậy anh có biết ai ra lệnh còng tay không?” Tôi hỏi.
Anh Lộc đáp:
“Chính tôi cũng thắc mắc điều này, vì tôi hoàn toàn không biết
ai ra lệnh”.
Với lời của anh Lộc, sự kiện nho nhỏ này trở thành cái “gút”. Vì
cựu Đại Tướng Viên nói là ông bị còng tay sau khi ra khỏi “phòng tạm giữ” ở tầng
trệt của tòa nhà chánh Bộ Tổng Tham Mưu, và Thiếu Tướng Đính ra lệnh mở còng,
trong khi anh Lộc nói Đại Tướng Viên bị còng tay ở tầng lầu 2 và Trung Tướng
Minh ra lệnh mở còng. Sự kiện tuy nhỏ, nhưng không rõ là vị nào nhớ đúng, vì một
vị là “nạn nhân” còn vị kia là “nhân chứng”. Tôi sẽ cố gắng tìm hiểu thêm về sự
kiện này.
Anh Lộc còn kể lại mẫu chuyện ngắn vào những ngày cuối của tháng
04/1975, theo đó thì lá đơn của Đại Tướng Viên gởi Tổng Thống Trần Văn Hương
xin giải ngũ mà tôi bổ túc vào “Lời nói cuối”.Xin đóng ngoặc.
Khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ sau, điện thoại reo:
“Đại Úy Hoa tôi nghe”.
“Thưa Đại Úy, có Thiếu Tá Trần Cửu Thiên vô phòng Tổng Quản Trị
lãnh huy chương, và bây giờ xin ra cổng”.
Đó là lời của trưởng toán Quân Cảnh ở cổng số 1. “Anh chờ
tôi đầu máy”.
Tôi vào trình Thiếu Tướng Khiêm nhưng Trung Tướng Dương Văn Minh
ra lệnh cho tôi một cách lạnh lùng:
“Anh đem vô nhốt luôn cho tôi”.
“Vâng”.
Xin nói thêm. Tất cả các vị trong Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng đều
có mặt trong phòng Thiếu Tướng Khiêm, nên mỗi khi tôi trình điều gì với Thiếu
Tướng Khiêm, các vị khác đều nghe. Do vậy mà Trung Tướng Minh ra lệnh giữ Thiếu
Tá Thiên trong khi Thiếu Tướng Khiêm chưa có phản ứng.
Một lúc sau, tôi gặp Thiếu Tá Thiên trong phòng vệ sinh có Quân
Cảnh đi kèm, ông Thiên trừng mắt với tôi và không nói một lời cho dù tôi chào
ông đến hai lần. Thiếu Tá Thiên rất được sự tín nhiệm của Tổng Thống Ngô Đình
Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu sau khi Thiếu Tá Thiên được đánh giá là xây dựng
thành công "khu trù mật" Vị Thanh-Hỏa Lựu thuộc tỉnh Phong Dinh (lúc
bấy giờ chưa thành lập tỉnh Chương Thiện). Thiếu Tá Thiên là đảng viên đảng Cần
Lao Nhân Vị mà ông Cố Vấn Nhu là lãnh tụ. Vì vậy mà Thiếu Tá Thiên -trong một
chừng mực nào đó- đã xem thường ngay cả với Đại Tá Khiêm khi Đại Tá Khiêm đang
là Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh/kiêm Khu 33 Chiến Thuật, chỉ vì Đại Tá Khiêm
không phải là đảng viên, cũng không phải là tín đồ Thiên Chúa Giáo.
Lúc 3 giờ chiều, điện thoại tôi reo: “Đại Úy Hoa tôi nghe”.
“Tôi là Hiền đây anh Hoa. Anh trình Thiếu Tướng xem bây giờ tôi
đến còn kịp họp không?”
“Xin lỗi, Đại Tá đang ở đâu đó?”
“Tôi đang ở Bộ Tư Lệnh Không Quân”.
Đấy là Đại Tá Huỳnh Hữu Hiền, Tư Lệnh Không Quân.
“Xin Đại Tá vui lòng chờ đầu máy, tôi vào trình ngay”.
Tương tự như khi tôi trình với Thiếu Tướng Khiêm về trường hợp
Thiếu Tá Thiên, trình xong, Thiếu Tướng Khiêm chưa có phản ứng thì Trung
Tướng Minh ra lệnh:
“Kêu qua nhốt luôn”
“Vâng”.
Tôi báo cho Quân Cảnh phụ trách cổng số 1, mở cổng, và hướng dẫn
Đại Tá Hiền vào phòng họp, gọi cho đúng là "phòng tạm giữ".
Đến lúc này thì điện thoại tôi reo liên hồi, hết ông Tỉnh Trưởng
này đến vị Tỉnh Trưởng khác, hỏi thăm tình hình tại thủ đô ra sao? Nhóm đảo
chánh có những vị nào? Có địa phương nào gọi về ủng hộ chưa? Các vị Tư Lệnh
Quân Đoàn Sư Đoàn có ủng hộ không? ..v..v.. Tất cả những câu hỏi, tôi nghĩ, chắc
là các ông ấy có mục đích tìm hiểu thêm tình hình, để các vị ấy quyết định ủng
hộ Tổng Thống Ngô Đình Diệm hay ủng hộ Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng. Thế thôi.
Do vậy mới có thêm nhu cầu chuyển ngay các bản văn của địa phương ủng hộ Hội Đồng
sang đài phát thanh Sài Gòn để loan tin kịp thời. Thế là tôi có thêm đường giây
điện thoại trực tiếp với đài phát thanh và hầu như tất cả những bản văn ủng hộ
Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng của nhiều vị Tỉnh Trưởng, đều do tôi gợi ý. Và khi
vị ấy đồng ý là tôi chuyển đến đài phát thanh qua điện thoại luôn. Nghĩa là từ
lúc ông Tỉnh Trưởng đồng ý ủng hộ đến khi loan tin trên làn sóng, chỉ trong
vòng 3 đến 5 phút.
Bất cứ biến cố nào cũng có người ủng hộ, người thì không, đó là
lẽ đương nhiên. Trường hợp đảo chánh đang diễn tiến cũng vậy. Theo lệnh Thiếu
Tướng Khiêm, tôi chuyển đến Truyền Tin:
“Hệ thống kiểm thính sẽ "chận bắt" trên làn sóng vô
tuyến, các công điện gởi về Phủ Tổng Thống và trình lên văn phòng Tham Mưu Trưởng
Liên Quân ngay. Còn trên hệ thống điện thoại viễn liên ngang qua tổng đài điện
thoại Cộng Hòa trong khuôn viên bộ Tổng Tham Mưu, phải thu băng các cuộc đàm
thoại, ghi chép lại và trình lên vào mỗi đầu giờ”.
Bây giờ xin mời quí vị quí bạn cùng tôi rời bộ Tổng Tham Mưu để
lên Biên Hòa, theo chân Sư Đoàn 5 Bộ Binh, lúc ấy Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu là Tư
Lệnh. Những tin tức về hoạt động của Sư Đoàn này liên quan đến ngày đảo chánh
01/11/1963, do Đại Tá Lộ công Danh –lúc ấy là Thiếu Tá, trưởng phòng 3 Sư Đoàn
5 Bộ Binh- kể lại cho chúng tôi nghe vào năm 1981, khi bị giam chung ở trại
tập trung tù chính trị Nam Hà, tỉnh Hà Nam Ninh, miền bắc Việt Nam. Chuyện kể
như thế này:
"Khoảng trung tuần tháng 10 năm 1963, Đại Tá Thiệu đã làm
cho bộ tham mưu Sư Đoàn, nhất là các sĩ quan Phòng 2 Phòng 3 rất ngạc nhiên. Lệnh
hành quân ban hành trong thời gian thật ngắn, bộ tham mưu phải vất vả lắm mới
thi hành xong những công tác tham mưu trong việc điều động 1 Trung Đoàn Bộ Binh
cùng với Pháo Binh, Thiết Giáp, và Công Binh Chiến Đấu. Khi tất cả sẳn sàng để
sáng mai hành quân, thì Đại Tá Thiệu ra lệnh ngưng cuộc hành quân này và lập tức
điều động lực lượng sang vùng khác.
Tuần lễ sau đó, lại chuẩn bị một cuộc hành quân khẩn cấp để rồi
đến giờ chót lại thay đổi vùng hành quân, cũng là khẩn cấp! Chính Phòng 2 -phụ
trách tình báo- cũng không hiểu vì sao lại chuyển vùng hành quân mà Phòng 2
chưa ghi nhận sự hiện diện một lực lượng nào của quân cộng sản ở đó cả.
Ngày
30 và 31/10/1963, lại chuẩn bị hành quân vào căn cứ Bời Lời. Đây là một căn cứ
quan trọng của quân cộng sản, cho nên lực lượng tham dự gần 2 Trung Đoàn Bộ
Binh, 1 Tiểu Đoàn Pháo Binh, lực lượng Thiết Giáp và Công Binh. Đêm 31 tháng 10
rạng ngày 01/11/1963, lệnh của Đại Tá Tư Lệnh cho chuyển toàn bộ các đơn vị xuống
hành quân vùng Phước Tuy (trên đường Sài Gòn-Vũng Tàu). Bộ tham mưu muốn điên đầu
vì những thay đổi mà chính các sĩ quan trách nhiệm điều động và yểm trợ hành quân, cũng không sao hiểu nổi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét