Ngày 7 tháng Năm, 1954, Việt Minh đã chiến thắng quân đội
Pháp trong trận Điện Biên Phủ. Việt Nam bị chia đôi theo vĩ tuyến 17 và Tổng
Thống Dwight D. Eisenhower hứa sẽ trợ giúp Thủ Tướng Ngô Đình Diệm xây dựng một
lực lượng quân sự chống lại phiá cộng sản. Đến tháng Bẩy năm 1954, Hoa Kỳ đã có
342 cố vấn quân sự trong miền nam Việt Nam. Nhóm Cố Vấn Quân Viện (Military
Assistance Advisory Group – MAAG). Mới đầu, cơ quan này chỉ chú trọng đến vấn
đề phản tuyên truyền, những luận điệu tuyên truyền bôi nhọ chính quyền Ngô Đình
Diệm từ phiá cộng sản.
Đến năm 1961, miền Bắc đã
dựng nên Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, thường được gọi là Việt Cộng, phát động
chiến tranh Giải Phóng trong miền nam. Tổng Thống Kennedy được sự ưng thuận của
Quốc Hội, gia tăng viện trợ kinh tế, quân sự cho người đã trở thành Tổng Thống
VNCH Ngô Đình Diệm. Sự gíup đỡ này nhằm gia tăng khả năng chống xâm nhập của
Việt Cộng qua vài chương trình, trong đó có chương trình phát triển canh tác
trên vùng cao nguyên.
Sự thật, chương trình này để che dấu một hoạt động bí mật
do cơ quan Trung Ương Tình Báo CIA phác họa ra, nhằm mục đích thâu thập tin tức
về các hoạt động của du kích cộng sản trong khu vực, và sự xâm nhập của quân đội
Bắc Việt vào vùng rừng núi cao nguyên, dọc theo biên giới. Sau khi nghiên cứu,
đánh giá các nguồn tin tức, cơ quan CIA sẽ xây dựng một đơn vị Dân Sự Chiến Đấu,
tuyển mộ từ các sắc dân thiểu số (đồng bào Thượng).
Những toán A, Lực Lượng Đặc
Biệt Hoa Kỳ được trao cho nhiệm vụ bí mật của cơ quan tình báo CIA. Phòng
Nghiên Cứu Hỗn Hợp trong nhóm Cố Vấn Quân Viện Hoa Kỳ (MAAG) sẽ yểm trợ, cung cấp
phương tiện huấn luyện cho sắc dân thiểu số qua kế hoạch Lực Lượng Dân Sự Chiến
Đấu. Tài liệu này là phần đầu trong hai bài viết về Lực Lượng Dân Sự Chiến Đấu
do người Hoa Kỳ tổ chức. Phần đầu sẽ nói về việc xây dựng, phát triển
(1961-1967), phần thứ hai sẽ nói về LL/DSCĐ (CIDG) trong kế hoạch Việt Nam Hóa
(1968-1971), khi lực lượng này được chuyển giao cho Biệt Động Quân QLVNCH.
Tại sao có lực lượng Dân Sự
Chiến Đấu? Thứ nhất, cơ quan CIA tin rằng, với một lực lượng võ trang bao gồm sắc
dân thiểu số sẽ làm cho chính quyền miền Nam tăng thêm khả năng chống xâm nhập
của địch vào những khu vực hẻo lánh. Thứ hai, nhóm sắc dân thiểu số đông đảo nhất
là người Thượng, họ bị chính quyền “không màng đến”, coi như những “công dân hạng
ba (hạng bét)”, nên rất dễ bị cộng sản tuyên truyền, xúi dục, và tuyển mộ. Hơn
nữa, sự kiểm soát của địch trên vùng cao nguyên cũng là một điều đáng lưu ý.
Đến năm 1961, sự xâm nhập của
địch là một một mối đe dọa cho chính quyền Ngô Đình Diệm và quân đội VNCH.
Chính quyền miền Nam yêu cầu sự trợ giúp của phòng Nghiên Cứu Hỗn Hợp và cho
phép người Hoa Kỳ tiếp xúc với những người lãnh đạo sắc dân Rhade. Sau đó cơ
quan này sẵn sàng huấn luyện quân sự, trang bị cho người Rhade, nếu họ tuyên thệ
trung thành với chính quyền miền Nam, và tổ chức việc phòng thủ xóm làng (buôn,
bản Thượng).
Ngôi làng đầu tiên được chọn
là Buôn Enao trong tỉnh Darlac, sau này gọi là “Thí Nghiệm Buôn Enao”. Theo một
sắc lệnh của Tổng Thống (Hoa Kỳ), việc này đặt dưới quyền quản trị độc nhất của
phòng Nghiên Cứu Hỗn Hợp, không lệ thuộc vào quân đội VNCH cũng như cơ quan Cố
Vấn Quân Viện (MAAG). Trong tháng Mười năm 1961, hai người Hoa Kỳ, David A.
Nuttle, một viên chức trong cơ quan Dịch Vụ Tình Nguyện Thế Giới (International
Voluntary Services), đã làm việc tại Việt Nam từ năm 1959 trong những dự án
nông nghiệp, người kia là Trung Sĩ Paul F. Campbell, Quân Y Lực Lượng Đặc Biệt,
thuộc Liên Đoàn 1 LLĐB/HK đến buôn Enao.
Trung sĩ Campbell kể lại lần
đầu tiên gặp gỡ những vị “trưởng lão” trong làng: “Nuttle giải thích cho họ rằng,
chương trình nhằm cải thiện đời sống của đồng bào Thượng, việc làm rẫy, trồng
tiả, y tế. Chúng tôi sẽ đến những làng mạc như Buôn Enao để huấn luyện, chỉ dẫn
việc bảo vệ xóm làng, không cho người lạ vào trong làng. Ngăn ngừa Việt Cộng và
cả quân đội VNCH”. Chuyện này sẽ “tự lập, tự cường”, những người dân làng sẽ đứng
lên bảo vệ xóm làng của mình.
Sau hai tuần lễ “thương
thuyết”, và trung sĩ Campbell biểu diễn tài chữa bệnh cho dân làng rất thành
công, những vị “trưởng lão” ưng thuận và tuyên thệ trung thành, để bắt đầu công
việc tổ chức phòng vệ ngôi làng (Village Defense Program, VDP). Những người Thượng
xây một hàng rào chiến lược bao quanh làng và đào hầm trú ẩn cho người già, đàn
bà và trẻ con, đề phòng Việt Cộng tấn công. Họ xây cất một khu huấn luyện, một
bệnh xá và tổ chức đường giây lấy tin tức, theo dõi những sự di chuyển của địch
trong khu vực, và báo động khi bị tấn công.
Đến giữa tháng Mười Hai năm
1961, “thí nghiệm Buôn Enao” hoàn toàn xong xuôi. Thêm năm mươi (50) đàn ông từ
làng kế cận được huấn luyện như một lực lượng an ninh di động để bảo vệ Buôn
Enao và khu vực lân cận. Sau khi hoàn tất ngôi làng “thí điểm đầu tiên”, vị tỉnh
trưởng Darlac cho phép phát triển ra thêm bốn mươi buôn Thượng Rhade khác trong
đường bán kính 15 cây số từ tâm điểm Buôn Enao và “ép buộc” vị trưởng làng, phó
trưởng làng phải thụ huấn quân sự.
Chương trình “Phòng Vệ Xóm
Làng” (VDP) phát triển quá nhanh, trong khoảng thời gian từ tháng Tư cho đến
tháng Mười năm 1962, thêm hai trăm (200) buôn Thượng khác được “đoàn ngũ hóa”.
Đến cuốn năm 1962, “chuyện làm ăn coi bộ khấm khá”, chính quyền miền Nam trao
trách nhiệm chương trình này cho vị tỉnh trưởng Darlac với chỉ thị bao gồm thêm
những bộ lạc người Jarai và Mnong.
Câu chuyện về Buôn Enao làm
tăng thêm các hoạt động của Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ trong miền Nam. Lực Lượng
Đặc Biệt Việt Nam (LLĐB) được huấn luyện thêm. Những nhiệm vụ mới này đòi hỏi
có thêm những toán A LLĐB/HK trong thời gian phục vụ sáu (6) tháng tại Việt Nam
và thành lập Bộ Chỉ Huy LLĐB/HK tại Việt Nam. Đến giữa tháng Chín năm 1962, Đại
Tá George C. Morton, trưởng ngành Chiến Tranh Đặc Biệt, phòng 3 (Hành Quân), bộ
chỉ huy Quân Viện (MACV) cùng với bẩy mươi hai (72) quân nhân LLĐB đến từ căn cứ
Fort Bragg, tiểu bang North Carolina thành lập bộ chỉ huy C với bốn toán A
trong Saigon. Đến tháng Mười Một, phần còn lại của bộ chỉ huy đến làm việc. Bộ
chỉ huy C lúc đó có mười bốn sĩ quan và bốn mươi ba binh sĩ LLĐB.
Đại Tá Morton ra lệnh cho Trung Tá Eb Smith đem theo mười tám
binh sĩ ra Nha Trang, thiết lập căn cứ hành quân LLĐB (Special Force Operation
Base, SFOP), để sau đó sẽ di chuyển toàn bộ chỉ huy C ra khỏi Saigon. Từ vị trí
“trung tâm” miền nam Việt Nam, Đại Tá Morton chỉ huy, điều hành 530 chiến sĩ
LLĐB (HK) gồm có bốn bộ chỉ huy B và hai mươi tám toán A/LLĐB, rải rác trong khắp
miền nam Việt Nam
Cùng với đà phát triển, Nhóm Cố Vấn Quân Viện (MAAG) được sắp xếp lại trở thành
Bộ Tư Lệnh Quân Viện tại Việt Nam (MACV). Sự phát triển này tạo nên hai việc
thay đổi lớn: MACV sẽ cố vấn và trợ giúp chính quyền miền Nam, tổ chức việc huấn
luyện, quân trang quân dụng, và chương trình “Phòng Vệ Xóm Làng” (VDP) trở
thành Lực Lượng Dân Sự Chiến Đấu (LL/DSCĐ - CIDG).
Trong tháng Hai năm 1962, phòng Nghiên Cứu Hỗn Hợp (CSD) có nhiệm vụ điều hành
LL/DSCĐ, theo dõi các đơn vị LLĐB/HK phục vụ trong lực lượng này, và phối hợp
các hoạt động của lực lượng DSCĐ với cơ quan MACV. Đến tháng Năm 1962, phòng
Nghiên Cứu Hỗn Hợp nhận lãnh nhiệm vụ trang bị, hoạt động của LL/DSCĐ, còn Lực
Lượng Đặc Biệt Việt Nam thuộc về quân đội VNCH. Đó là những thay đổi nhỏ trong
sự làm việc chung giữa Hoa Kỳ và VNCH.
Vào ngày 23 tháng Bẩy năm 1962, bộ Quốc Phòng (HK) ban hành quyết định 57 An
Ninh Quốc Gia. Theo quyết định này, cơ quan Trung Ương Tình Báo CIA sẽ bàn giao
tất cả những hoạt động bán quân sự (như LL/DSCĐ) bí mật cho bộ tư lệnh Quân Viện
Hoa Kỳ tại Việt Nam (MACV). Quân đội Hoa Kỳ sẽ phải lo vấn đề yểm trợ tiếp vận
cho Lực Lượng Dân Sự Chiến Đấu. Bộ Quốc Phòng vẫn nắm giữ quyền bổ nhiệm vị chỉ
huy trưởng LLĐB/Hoa Kỳ tại Việt Nam. Quân đội Hoa Kỳ có nhiệm vụ, mềm dẻo, hiệu
quả trong việc thiết lập ngân khoản để điều hành LL/DSCĐ.
Trong kế hoạch Trở Lại (Switchback), nhiệm vụ của LL/DSCĐ thay đổi đôi chút. Việt
Cộng là mục tiêu chính, nhưng không được tuyển mộ thêm sắc dân thiểu số (dân số
họ vốn đã ít). Kế hoạch Trở Lại (Switchback) này phải được hoàn tất vào ngày 1
tháng Bẩy năm 1963. Lúc đó quân Mũ Xanh, LLĐB Hoa Kỳ đã huấn luyện quân sự đầy
đủ cho các trại DSCĐ, lực lượng xung kích, tiếp ứng (Mobile Strike Force – Mike
Force) để làm trở ngại cho sự xâm nhập, bành trướng của quân đội Bắc Việt và Việt
Cộng trong những khu vực xa xôi hẻo lánh, miền nam Việt Nam.
Những thành quả đạt được trong chương trình “Phòng Vệ Xóm Làng” (VDP) và Lực Lượng
Dân Sự Chiến Đấu (CIDG) từ tháng Năm 1962 đến tháng Mười 1963 gần như biến mất,
vì những biến cố quân sự, chính trị xẩy ra trong miền nam. Cuộc đảo chánh ngày
1 tháng Mười Một năm 1963, đưa đến cái chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và người
em trai của ông ta, ông cố vấn Ngô Đình Nhu. Biến cố lớn này là động lực thúc đẩy
cơ quan Quân Viện MACV và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thay đổi theo tình thế.
Trước đó, Tổng Thống Diệm không đồng ý cơ quan MAAG/MACV và cấp chỉ huy trong
quân đội miền Nam nhúng tay vào công việc huấn luyện của LLĐB/HK, cũng như
LL/DSCĐ.
Ngày 5 tháng Giêng năm 1964, chính quyền “quân đội”, dựa vào kế hoạch Trở Lại
(Switchback), không chấp thuận LLĐB/VN biệt lập, đặt dưới sự chỉ huy, kiểm soát
của QL/VNCH. Cơ quan MACV được quyền hành rộng rãi, nhanh chóng kiểm soát
LLĐB/HK, các đơn vị Mũ Xanh Hoa Kỳ bị đặt dưới quyền chỉ huy của các sĩ quan
cao cấp, cố vấn Hoa Kỳ trên các vùng chiến thuật thuộc cơ quan MACV.
Đại Tá Theodore Leonard được chỉ định thay thế Đại Tá Morton làm chỉ huy trưởng
LLĐB/HK tại Việt Nam. Vị chỉ huy trưởng mới, Đại Tá Leonard thẩm định và xác định
lại vai trò của LLĐB/HK, và tập trung quyền chỉ huy, điều hành chương trình Dân
Sự Chiến Đấu. Vấn đề chỉ huy LLĐB/HK tại Việt Nam trực thuộc bộ tư lệnh Quân Viện
Hoa Kỳ (MACV).
Trong nhiệm vụ mới được trao phó cho LL/DSCĐ, cơ quan MACV muốn biên giới nam
Việt Nam phải được phòng ngự bằng những trại biên phòng LLĐB, tuyển mộ từ “lính
đánh thuê” sắc dân Nùng. LL/DSCĐ được tổ chức lại theo kiểu chính quy, thành những
đơn vị tác chiến (Strike Forces) để giảm bớt gánh nặng cho QL/VNCH. Sự thay đổi
trong vấn đề điều hành, quản trị và sự kỳ thị dân tộc thiểu số của giới chức thẩm
quyền Việt Nam gần như “bóp chết” LL/DSCĐ. Ngày 19 tháng Chín năm 1964, năm trại
DSCĐ (LLĐB) gần Ban Mê Thuột nổi loạn, chống lại chính quyền miền Nam. Tọa lạc
trên vùng II chiến thuật, Ban Mê Thuột được coi như “Thủ Đô” của người Thượng.
Sau mười ngày, cuộc nổi loạn kết thúc, khi các cố vấn Hoa Kỳ đứng ra làm trung
gian, khuyến cáo giới chức, thẩm quyền VNCH rằng, có lợi cho cả đôi bên, nếu
chính quyền VNCH công nhận một ít “quyền” của họ. Cuộc nổi loạn tạm thời chấm dứt
mà phần cuối, nhiều vấn đề vẫn chưa tìm ra câu trả lời. Lực Lượng Đặc Biệt phải
chấp nhận thực tế: cơ quan MACV không thích những lực lượng “ngoại lệ”; người
Việt coi thường các sắc dân thiểu số, người Thượng; các trại DSCĐ biên phòng sẽ
bị phá bỏ nhanh chóng cũng như khi chúng được xây dựng. Khi vấn đề nội bộ của
quốc gia lung lay, quân Việt Cộng gia tăng các hoạt động. Bộ Quốc Phòng và cơ
quan MACV nhận định rằng, nhiệm vụ của LLĐB trong tương lai và luật lệ làm việc
(gia nhập DSCĐ) ở Việt Nam phải được quy định rõ ràng.
Ngày 1 tháng Mười năm 1964, bộ Quốc Phòng chấp thuận, đưa 1297 quân nhân Mũ
Xanh thuộc Liên Đoàn 5 LLĐB (cả một đơn vị) từ căn Fort Bragg đến Nha Trang
thay thế nhiệm vụ cho LLĐB/HK tại Việt Nam. Các quân nhân Mũ Xanh đang phục vụ
tại Việt Nam (674 người) sẽ nhập vào liên đoàn 5/LLĐB Hoa Kỳ. Các quân nhân
LLĐB/HK sẽ phải phục vụ một năm tại Việt Nam, kỳ hạn sáu tháng trước đây sẽ hết
hiệu lực kể từ ngày 1 tháng Năm, 1965.
Nhiệm vụ mới của liên đoàn 5/LLĐB hoa Kỳ gồm có: Cố vấn cho cơ
quan MACV về việc thiết lập (xây dựng), cũng như bỏ rơi (đóng cửa) các trại
biên phòng LLĐB; xây dựng thêm trại LLĐB mới, cố vấn cho bộ tư lệnh LLĐB Việt
Nam; và nếu nhu cầu cần thiết, sẽ huấn luyện cho các đơn vị LLĐB/VN và LL/DSCĐ.
Trong nhiệm vụ mới này, liên đoàn 5/LLĐB Hoa Kỳ thiết lập bốn bộ chỉ huy C, mười
hai bộ chỉ huy B, và bốn mươi tám toán A LLĐB vào tháng Hai, năm 1965.
Thời gian đầu, sự hiện diện của liên đoàn 5/LLĐB Hoa Kỳ chỉ có ảnh hưởng chút
ít đến các toán A LLĐB (biên phòng) hoặc các đơn vị xung kích (Strike Force)
DSCĐ. Lực Lượng Đặc Biệt vẫn tiếp tục nhiệm vụ cố vấn, yểm trợ LL/DSCĐ trong
khi các đơn vị xung kích bảo vệ các làng mạc của dân tộc thiểu số.
Trong dịp Tết vào cuối năm 1964, tình thế chiến trường tại Việt Nam có nhiều biến
chuyển. Các đơn vị chính quy cấp lớn Việt Cộng bắt đầu xuất hiện, tấn công, gây
tổn thất cho các đơn vị VNCH. Do đó, liên đoàn 5/LLĐB Hoa Kỳ phải tái xác định
lại nhiệm vụ “chống xâm nhập” vào tháng Giêng năm 1965. Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ
tuyên bố sẽ gửi những đơn vị lớn, trang bị tối tân qua Việt Nam trong mùa Xuân
để đánh đuổi quân cộng sản. Trong khi chờ đợi các đơn vị cấp lớn Hoa Kỳ đến và
bắt đầu hoạt động, Đại Tướng William C. Westmoreland, tư lệnh, bộ tư lệnh MACV
ra lệnh “LLĐB và các đơn vị bán quân sự (LL/DSCĐ) phải đảm nhận nhiệm vụ tấn
công trong vai trò người thợ săn ‘Lùng và Diệt’ địch quân”.
Với đà gia tăng xâm nhập của Việt Cộng và quân đội từ miền Bắc vào. Thay vì
giúp đỡ chính quyền miền Nam tự phát triển quân đội và đảm nhận vai trò phòng vệ,
những tướng lãnh cao cấp trong quân đội Hoa Kỳ đã đưa vào chiến trường Việt
Nam, những đơn vị chiến đấu lớn, tiếp tay với quân đội VNCH. Cơ quan MACV dự định
sẽ “chính quy hóa” LL/DSCĐ, chuyển một số đơn vị DSCĐ chọn lọc qua Điạ Phương
Quân, và sẽ hoàn tất vào ngày 1 tháng Giêng (đầu năm) 1967. Tiếp theo là kế hoạch
đưa hết quân Mũ Xanh LLĐB về lại Hoa Kỳ (Tướng Westmoreland tính chuyện ‘Chiến
Tranh Quy Ước’). Các đơn vị xung kích DSCĐ sẽ không còn nhiệm vụ bảo vệ xóm
làng nữa mà sẽ phải tấn công địch quân trên các chiến trường trong miền nam Việt
nam.
Trong giai đoạn chuyển tiếp này, bộ tư lệnh MACV nhận định rằng, cán bộ LLĐB/HK
chỉ huy DSCĐ rất giỏi về lấy tin tức, lùng và diệt địch, và có thể tự lực chiến
đấu. Những khả năng này là một cây kiếm hai lưỡi của LLĐB và đơn vị xung kích
DSCĐ. Những tin tức tình báo tác chiến thâu thập được được phân tích để gia
tăng hiệu năng, củng cố thêm sức mạnh cho LL/DSCĐ. Nhu cầu lấy tin tức về sự
xâm nhập của quân đội Bắc Việt gia tăng trong khoảng thời gian từ năm 1965 đến
năm 1968, việc phòng vệ các làng người dân tộc thiểu số giảm đi.
Các đơn vị DSCĐ được quân Mũ Xanh LLĐB Hoa Kỳ chỉ huy vẫn tiếp tục chạm trán với
địch quân. Được trực thăng yểm trợ, bắt đầu từ tháng Năm 1966, LL/DSCĐ trở nên
di động, tiếp ứng nhanh chóng. Là một đơn vị xung kích lưu động (Mobile Strike
Force – Mike Force), chiến sĩ DSCĐ phải đi hành quân thường xuyên, làm đơn vị tấn
công hoặc tiếp ứng cho các trại biên phòng, khi các trại này bị tấn công. Đến
tháng Chín năm 1966, LLĐB/HK thiết lập thêm hai mươi hai trại LLĐB mới, và tăng
số trung đội trinh sát DSCĐ từ ba mươi tư lên bẩy mươi ba. Bộ tư lệnh Quân Viện
MACV ra lệnh cho LĐ5/LLĐB/HK thiết lập trường huấn luyện “Recondo” (Trinh Sát Cảm
Tử - Recondo School) ở Nha Trang. Trường này huấn luyện khóa học mười hai ngày
“chiến tranh VN” cho tất cả các quân nhân LLĐB Hoa Kỳ mới qua Việt Nam và khóa
Viễn Thám cho quân nhân từ các đơn vị tác chiến gửi về.
Với sự thành công, đạt được nhiều kết quả trong năm 1966, đặc biệt trong các trận
đột kích ban đêm, Tuớng Westmoreland ra lệnh cho Đại Tá Francis J. Kelly, chỉ
huy trưởng liên đoàn 5/LLĐB Hoa Kỳ xem xét lại việc xử dụng các toán A LLĐB
trên toàn lãnh thổ miền nam Việt Nam và đưa ra những kế hoạch hàng năm để phối
hợp với các vị tư lệnh vùng chiến thuật.
Chuyện “xét lại” này được bộ tư lệnh MACV đưa ra bản hướng dẫn: Mỗi toán A LLĐB
và các trại biên phòng phải hoạt động tối đa trong nhiệm vụ trao phó. Những
toán A LLĐB có thể được thay thế bằng cách hoán chuyển đơn vị xung kích DSCĐ
sang quân đội VNCH. Phối hợp làm việc với các cố vấn trưởng tại các quân đoàn
và phiá Việt Nam Cộng Hòa. “Chỉ nói đơn giản, nhiệm vụ chúng tôi là trợ giúp để
người Việt Nam tự giúp đỡ họ”. Trong tháng Tám năm 1966, Đại Tá Kelly cho biết,
nếu số quân nhân LLĐB/HK cắt giảm, LLĐB/VN sẽ phải điền khuyết vào để đảm nhận
vai trò.
Đến năm 1967, bộ tư lệnh Quân Viện MACV đưa ra một chương trình, nhưng không có
thời khóa biểu nào đề ra để chấm dứt chiến tranh. Chỉ nói đến việc tăng cường
quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam và sự phát triển đáng kể của QL/VNCH. Tuy nhiên, Đại
Tá Kelly vẫn đệ trình lên một chương trình về LL/DSCĐ và đã được các vị cố vấn
trưởng Quân Đoàn, cũng như các Tướng tư lệnh vùng chiến thuật chấp thuận.
Chương trình này trình bầy kế hoạch thay thế hoàn toàn LLĐB Hoa Kỳ vào cuối năm
1971.
Không may cho cả Hoa Kỳ và quân đội VNCH, phiá Bắc Việt cũng có một... kế hoạch
riêng của họ. Kế hoạch dài hạn của cơ quan MACV xụp đổ vào tháng Giêng năm 1968
khi quân cộng sản tổng tấn công nhân dịp Tết (Mậu Thân).
Theo tài liệu: Veritas
Vol.5, No.4, 2009. Trang: 19, 20, 24-27
Dallas, Texas Feb.11,
2010
Vũ đình Hiếu
LỰC LƯỢNG DÂN SỰ CHIẾN ĐẤU
NHỮNG NĂM SAU (1968 – 1971)
QUÂN LỰC VNCH TIẾP NHẬN LL/DSCĐ Nhiệm vụ chính yếu của liên đoàn
5 LLĐB Hoa Kỳ trong hai năm rưỡi cuối cùng là bàn giao hoàn toàn Lực Lượng Dân
Sự Chiến Đấu (CIDG) cho QL/VNCH. Quan niệm về Việt Nam Hóa là trọng điểm chiến
lược của quân đội Hoa Kỳ trong hai năm 1968, 1969 nên cũng không có gì mới lạ
cho liên đoàn 5 LLĐB. Tuy nhiên LLĐB/VN vẫn chưa huấn luyện đầy đủ phần chuyên
môn cho quân nhân LLĐB/VN, có lẽ vì sự tham chiến với những đơn vị cấp lớn của
quân đội Hoa Kỳ, làm cho trận chiến có vẻ quy ước, trận điạ chiến hơn là một trận
chiến tranh ngoại lệ.
Dầu thế nào chăng nữa, liên đoàn 5 LLĐB/HK đã ra lệnh, đẩy mạnh
nhiệm vụ chiến đấu vào tay quân đội VNCH. LLĐB/HK chỉ có nhiệm vụ giúp đỡ miền
nam chiến thắng. Kết qủa thắng hay bại nằm trong tay người Việt Nam mà một phần
qua sự chiến đấu của sắc dân thiểu số, đồng bào Thượng đang phục vụ trong Lực
Lượng Dân Sự Chiến Đấu.
Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ vẫn tiếp tục chiến đấu cho đến ngày họ
trở về Hoa Kỳ. Trong khoảng thời gian chuyển tiếp này, họ vẫn xây dựng thêm các
tiền đồn biên phòng mới và sửa sang, tu bổ những trại cũ để chuẩn bị bàn giao
cho QL/VNCH.
Những kế hoạch chuyển giao LL/DSCĐ cho Việt Nam Cộng Hòa thực ra
đã có từ đầu năm 1964. Tuy nhiên, tình hình chiến sự trở nên nặng nề hơn từ sau
trận tấn công Tết Mậu Thân 1968, làm cho những đơn vị chính quy VNCH chưa thể đảm
trách nhiệm vụ biên phòng cho đến năm 1970. Trong năm 1969, bộ Tổng Tham Mưu
QL/VNCH và bộ tư lệnh Quân Viện (MACV) nhìn thấy sự phát triển và đồng ý rằng,
QLVNCH đã có thể gánh vác trách nhiệm biên phòng, ngăn chặn đường tiếp tế, xâm
nhập của Bắc Việt vào miền nam Việt Nam.
Mặc dầu các trại LLĐB nội điạ vẫn tiếp tục được chuyển giao cho
QL/VNCH (Điạ Phương Quân) khi tình hình an ninh trong khu vực trách nhiệm của
trại đã được bình định. Nhiệm vụ của LLĐB/HK thâu gọn lại. Đến năm 1970, chương
trình Dân Sự Chiến Đấu có thể được coi như kết thúc. Một tiểu ban trong bộ tư lệnh
Quân Viện (MACV) được triệu tập vào ngày 20 tháng Ba năm 1970 để tìm một giải
pháp kết thúc chương trình Dân Sự Chiến Đấu một cách êm thắm.
Tiểu ban này khuyến cáo, tất cả các trại LLĐB (DSCĐ) còn lại phải
được bàn giao cho QL/VNCH (binh chủng Biệt Động Quân) trong khoảng thời gian từ
tháng Tám cho đến tháng Mười hai năm 1970. Vấn đề bàn giao các trại biên phòng
này bao gồm việc đồng hóa các dân sự chiến đấu trở thành quân nhân trong
QL/VNCH. Một hệ thống tiền đồn biên phòng do các tiểu đoàn Biệt Động Quân Biên
Phòng đảm trách được dựng lên để thay thế Lực Lượng Dân Sự Chiến Đấu. Binh chủng
LLĐB/VN sẽ phụ giúp Biệt Động Quân trong việc cải tuyển nhân sự để các dân sự
chiến đấu gia nhập quân đội VNCH. (sắc dân thiểu số, đồng bào Thượng không bị
ràng buộc bởi luật động viên. Họ được tự do trở về với xóm làng, bản Thượng của
họ nếu mốn). Cho tới giai đoạn cuối, LLĐB/VN cùng với quân Mũ Xanh LLĐB/HK khuyến
khích, giải thích cho các dân sự chiến đấu về quyền lợi khi gia nhập QL/VNCH.
Do đó đa số họ được chuyển qua Biệt Động Quân.
Năm 1970, cường độ chiến tranh có vẻ giảm xuống. QL/VNCH và Hoa
Kỳ mở những cuộc hành quân qua đất Miên nhằm phá hủy các căn cứ điạ, hậu cần của
địch. Đặc biệt trong vùng III chiến thuật, có sự tham dự của LL/DSCĐ và kết qủa
áp lực của địch nơi các trại biên phòng giảm đi rất nhiều.
Cũng trong năm 1970, ngoài quân khu I, quân đội Bắc Việt và Việt
Cộng vẫn tạo áp lực. Bộ chỉ huy C1 (đại đội C, liên đoàn 5 LLĐB/HK) ngoài Đà Nẵng
vẫn chịu trách nhiệm về các hoạt động LLĐB ngoài vùng I và trại LLĐB Tiên Phước
(A-102, TĐ77/BĐQ/BP) được chấm điểm là đơn vị xuất sắc nhất trong vùng chiến
thuật năm 1970. Trong thời gian khoảng hai hoặc ba tháng, LL/DSCĐ Tiên Phước loại
khỏi vòng chiến 50, 60 địch quân mỗi tháng mà chỉ bị tổn thất nhẹ.
Trong khoảng thời gian đó, một buổi sáng sớm, trại LLĐB Mai Lộc
(A-101, đóng cửa không chuyển qua BĐQ/BP) bị đặc công của địch tấn công, lọt
vào bên trong căn cứ phá hủy nhiều công sự phòng thủ trước khi bị LL/DSCĐ trú
phòng đẩy lui. Ít lâu sau khi căn cứ Mai Lộc bị tấn công, trại LLĐB Thường Đức
(A-109, TĐ79/BĐQ/BP) bị địch bao vây, pháo kích bằng súng cối. Quân đội Bắc Việt
bao vây căn cứ 60 ngày nhưng sau đó phải rút lui, tiền đồn biên phòng đứng vững.
Đến tháng Mười, địch quay trở lại tấn công nhưng bị đẩy lui để lại 74 xác chết.
Trong thời gian một tuần lễ, quân đội Bắc Việt mở ba trận tấn công lớn nhưng
không thành công với tổn thất 150 quân.
Năm 1970, trên vùng cao nguyên, thuộc quân đoàn II, địch quân
thường bao vây các trại LLĐB. Các hoạt động LLĐB trong vùng II chiến thuật do bộ
chỉ huy C2 (đại đội B, liên đoàn 5 LLĐB/HK) đảm trách. Trại LLĐB Bu Prang
(A-236, TĐ89/BĐQ/BP) bị vây hãm 45 ngày cho đến cuối năm 1969 đã được sửa sang,
tái thiết với các công sự phòng thủ hoàn toàn ngầm dưới mặt đất. Trại LLĐB Dak
Seang (A-245, TĐ90/BĐQ/BP) bị bao vây kể từ 6 giờ 45 phút sáng ngày 1 tháng Tư
năm 1970. Sau đó địch quân đã tỏ vẻ nhất quyết san bằng căn cứ Dak Seang, bộ
tư lệnh quân đoàn II vội vàng đưa Biệt Động Quân cùng với Lực Lượng
Xung Kích Tiếp Ứng (Mobile Strike Force, Mike Force cũng thuộc LLĐB) lên đánh
giải vây cho tiền đồn biên phòng này.
Biệt Động Quân cùng đơn vị tiếp ứng gây tổn thất nặng nề cho các
đơn vị chính quy Bắc Việt, trung đoàn 28, trung đoàn 66 và trung đoàn 40 Pháo
Binh. Mười hai ngày sau khi tấn công căn cứ Dak Seang, địch quân chuyển hướng tấn
công qua bao vậy trại LLĐB Dak Pek (A-242, TĐ88/BĐQ/BP). Địch chỉ pháo kích vào
căn cứ và xử dụng đặc công và bị đẩy lui.
Cuộc hành quân qua Miên, QL/VNCH giải cứu và đưa về nhiều Việt
kiều. Đó cũng là một vấn đề cho chính phủ VNCH. Một số làng được xây cất trong
tỉnh Phước Long dành cho Việt kiều hồi hương vì tỉnh này đất đai trù phú lại ít
dân cư. Những ngôi làng này được xây cất gần trại LLĐB Bu Prang và Đức Lập
(A-239, TĐ96/BĐQ/BP). Các trại biên phòng và đơn vị LLĐB trong lãnh thổ quân
khu III trực thuộc bộ chỉ huy C3 (đại đội A, liên đoàn 5 LLĐB/HK). Trong cuộc
hành quân vượt biên, một số đại đội DSCĐ thuộc hai trại LLĐB Dức Huệ (A-325,
TĐ83/BĐQ/BP) và Trà Cú (A-316, TĐ64/BĐQ/BP). Các đại đội DSCĐ này tấn công các
căn cứ huấn luyện của địch bên Miên và khám phá nhiều kho vũ khí, quân dụng, hậu
cần của địch trong tháng Năm, 1970.
Trước đó, vào đầu năm 1970, lực lượng Xung Kích Lưu Động (Mobile
Strike Force) quân đoàn III đã gây tiếng vang, khám phá và tịch thu được một
kho vũ khí lớn của địch. Lực lượng Xung Kích hành quân lục soát trong chiến khu
D gần khu vực rừng Rang Rang, một căn cứ điạ kiên cố, chắc chắn của địch đã
khám khá ra kho vũ khí đó, gồm 450 khẩu súng trường SKS, 1034 đạn súng cối 82
ly, 130 hỏa tiễn 122 ly và gần 200 tấn đạn dược đủ loại. Các trại LLĐB khác,
Katum (A-375, TĐ84/BĐQ/BP), Tống Lê Chân (A-334, TĐ92/BĐQ/BP) và Bù Đốp (A-341,
TĐ97/BĐQ/BP) bị địch quấy rối, pháo kích bằng súng cối thường xuyên. Nặng nhất
là trại Katum, có ngày bị pháo kích hơn 300 quả đạn súng cối. Sau cuộc hành
quân qua Miên, cũng như trên quân đoàn II, tình hình các trại LLĐB tạm yên.
Các trận đánh dưới vùng IV chiến thuật do LLĐB đảm trách, xử dụng
những phương tiện do LLĐB phát triển thích hợp trong vùng đồng bằng Cửu Long có
nhiều kênh rạch, sông ngòi. Đại đội xung kích thuộc bộ chỉ huy C4 (đại đội D,
liên đoàn 5 LLĐB/HK) xử dụng những loại thuyền máy, thuyền bay trong các cuộc
hành quân rất hiệu quả. Các trận chạm súng với địch thuờng xẩy ra trong khu vực
Thất Sơn, khi đại đội xung kích kết hợp với các đơn vị xung kích thuộc hai trại
LLĐB Ba Xoài (A-421, TĐ94/BĐQ/BP), Vĩnh Gia (A-149, TĐ93/BĐQ/BP) mở cuộc hành
quân tảo thanh. Trại LLĐB Ba xoài và căn cứ Chi Lăng (toán B LLĐB) đều bị địch
tấn công nhưng thất bại. Nói chung trên bốn vùng chiến thuật, vùng IV vẫn yên ổn
nhất.
Các hoạt động dân sự vụ trong chương trình Dân Sự Chiến Đấu là một
khiá cạnh rất quan trọng trong cuộc chiến. Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ đã bọc lộ
sự quyết tâm đối với người dân miền nam Việt nam.
Bảng tóm lược các hoạt động dân sự vụ do liên đoàn 5 LLĐB/HK đã
thực hiện trong khoảng thời gian 1964 – 1970 cho biết, họ đã thực hiện 49902
chương trình trợ giúp kinh tế, 34334 chương trình giáo dục, 35468 chương trình
phát triển đời sống, 10959 chương trình y tế, cung cấp 14934 phương tiện di
chuyển, giúp đỡ 479568 người tỵ nạn, đào 6436 giếng nước, sửa chữa 1949 cây số
đường xá, xây cất 129 nhà thờ, 272 cái chợ, 110 trạm xá khám bệnh, 398 hố chứa
rác, xây 1003 lớp học, và 672 chiếc cầu.
Trên lãnh vực quân sự, danh từ “cuốn gói” được xử dụng để chấm dứt
hay không còn khả năng sẵn sàng tác chiến (làm việc) nữa. Khi liên đoàn 5
LLĐB/HK nhận được lệnh “cuốn gói”, lúc đó họ đã sẵn sàng sau mười năm tham chiến
tại Việt Nam.
Đến ngày 1 tháng Sáu năm 1970, chỉ còn lại 38 trại Dân Sự Chiến
Đấu. Những trại nội điạ khác đã được chuyển giao cho Điạ Phương Quân hoặc đóng
cửa. Bộ Tổng Tham Mưu QL/VNCH và bộ tư lệnh Quân Viện (MACV) quyết định chuyển
giao các trại biên phòng còn lại cho Biệt Động Quân với thời hạn chót phải hoàn
tất là ngày 31 tháng Mười Hai năm 1970. Những trại LLĐB (DSCĐ) tương đối an ninh,
dễ tiếp tế trong mùa mưa được chuyển giao trước, sau đó mới đến các trại nằm xa
xôi, trong khu vực thường xuyên có các hoạt động của địch. Riêng trại Mai Lộc
đóng cửa (bỏ) nên số còn lại chuyển qua BĐQ là 37 trại.
Trong giai đoạn chuyển tiếp, liên đoàn 5 LLĐB/HK sẽ quay trở về
Hoa Kỳ ngày 31 tháng Ba năm 1971 nên vẫn tiếp tục yểm trợ cho 37 trại biên
phòng. Khi đã chuyển giao cho Biệt Động Quân, quân số của liên đoàn 5 LLĐB/HK
giảm xuống, gây trở ngại rất lớn trong vấn đề yểm trợ tiếp vận cho các trại Biệt
Động Quân Biên Phòng. Bộ chỉ huy BĐQ QL/VNCH không có đủ số cố vấn Hoa Kỳ cho
các trại biên phòng vừa mới nhận lãnh. Để “gỡ” cho BĐQ, các toán A LLĐB/HK được
lệnh để lại toán cố vấn 3 người trong các trại biên phòng cho đến khi các toán
cố vấn BĐQ được đưa ra căn cứ.
Chương trình chuyển giao các trại DSCĐ cho Biệt Động Quân tiến
hành rất êm xuôi. Một phần vì toán A LLĐB/VN ở lại trại, vị sĩ quan trưởng trại
trở thành tiểu đoàn trưởng Biệt Động Quân. Ông ta đã am tường, quen thuộc với nếp
sinh hoạt, điều hành căn cứ, vùng hành quân, khu vực trách nhiệm.
Dallas, Texas March 8th 2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét