Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2013

BUỔI LỄ BÀN GIAO TỔNG THỐNG TẠI DINH ĐỘC LẬP -

 (giữa Tổng Thống Trần Văn Hương và Hàng Tướng Dương Văn Minh) 
LỜI CỦA PHÓNG VIÊN ĐÀI SÀI GÒN:
"Thưa quý thính giả, bây giờ là 17 giờ thiếu 5 phút, và phóng viên hệ thống truyền thanh vẫn có mặt tại phòng khánh tiết Dinh Độc Lập. Nơi đây, buổi lễ giao tổng thống Việt Nam Cộng Hòa sẽ diễn ra trong vòng năm phút tới. Bên trong phòng khánh tiết Dinh Độc Lập hiện giờ đèn sáng choang và các dân biểu, nghị sĩ, cũng như tất cả nội các xử lý thường vụ của Thủ trưởng Nguyễn Bá Cẩn hiện có mặt bên trong hội trường này.

Thưa quý vị thính giả, chúng tôi đã nhận thấy ở trên hàng ghế đầu cùng là Phó thủ tướng Trần Văn Đôn, Phó thủ tướng Nguyễn Văn Hảo, Phó thủ tướng Dương Kích Nhưỡng, quý vị cố vấn đoàn trong đoàn chính phủ. Chúng tôi cũng nhận thấy Quốc vụ khanh đặc trách hòa đàm kiêm Trưởng phái đoàn hòa đàm tại Ba Lê là ông Nguyễn Xuân Phong ngồi ở hàng ghế thứ nhì.

Phòng khánh tiết Dinh Độc Lập này là nơi xưa kia nguyên Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu vẫn thường tổ chức các cuộc họp báo, và như quý vị đã biết, ở trên cùng của phòng khánh tiết là một bức tranh diễn tả cảnh Quốc Tổ Hùng Vương hội họp các bộ tướng thời xưa. Ở hai bên bức tranh đó là quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa và quốc huy của chế độ. Đó là hình hai con rồng bay trên lá cờ Việt Nam.

Tiếp đến, chúng tôi nhận thấy là diễn đàn của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa và cách diễn đàn đó khoảng mười thước là ghế dành cho các nhân vật trong chính phủ, các nhân vật thuộc đoàn cố vấn của chính phủ và các dân biểu nghị sĩ. Chúng tôi cũng nhận thấy một số các giám sát viên thuộc giám sát viện và quý vị thẩm phán tối cao pháp viện.

Thưa quý thính giả, bên trong phòng khánh tiết Dinh Độc Lập cũng được kê khoảng gần 200 ghế và hiện giờ thì những ghế đó đã kín chỗ. Chúng tôi cũng nhận thấy một số các nhân vật được nhiều người biết tới ở trong Quốc Hội như ông Chủ Tịch Thượng Viện Trần Văn Lắm, Nghị sĩ Tôn Thất Đính, Nghị sĩ Nguyễn Văn Ân, Dân biểu Trần Văn Tuyên, Trưởng Khối Dân Tộc Xã Hội. Chúng tôi cũng nhận thấy Dân biểu Nguyễn Ngọc Nghĩa, Dân biểu Hồ Ngọc Nhuận, Dân biểu Trần Cao Đế, Dân biểu Mã Sái, Dân biểu Nguyễn Bá Lương, Dân biểu Đỗ Xuân Tứ, Nguyễn Minh Đăng, Trương Tất Thịnh, Trương Xuân Bào, Hồ Ngọc Cứ, Nguyễn Quang Phụng, Đinh Văn Đệ, Nhan Minh Trang, Nguyễn Tuấn Anh. Ở trong dãy ghế dành cho quý vị Nghị sĩ chúng tôi cũng còn nhận thấy Nghị sĩ Khế Thiện Kế, Nghị sĩ Trần Văn Đôn, Nghị sĩ Tôn Thất Đính, và Nghị sĩ Huỳnh Văn Cao.

Thưa quý vị thính giả, quang cảnh trong phòng khánh tiết Dinh Độc Lập hiện nay đông nghẹt các phóng viên nhiếp ảnh trong ngoài nước. Có đến khoảng gần 100 phóng viên nhiếp ảnh đã đứng ở phía trước cửa phòng khánh tiết, tức là đứng ở hai bên và vì thế rất khó để quan sát toàn thể hội trường.

Theo như chương trình thì lễ trao nhiệm chức Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa giữa Tổng thống đương nhiệm Trần Văn Hương và cựu Đại tướng Dương Văn Minh sẽ bắt đầu vào lúc 17 giờ ngày 28 tháng 4-1975. Nhìn qua cửa kính bên phải phòng khánh tiết, chúng tôi nhận thấy cựu Đại tướng Dương Văn Minh trong âu phục mùa xám tro đã tiến vào một trong các phòng làm việc của Dinh Độc Lập ở phía cánh trái của Dinh Độc Lập. Và giờ này thì có thêm các dân biểu và nghị sĩ vẫn còn tới để dự lễ trao nhiệm chức tổng thống Việt Nam Cộng Hòa giữa tổng thống Trần Văn Hương và tổng thống chỉ định Dương Văn Minh.
Chúng tôi vừa nhận thấy nghị sĩ Nguyễn Văn Hương và nghị sĩ Vũ Văn Mẫu vừa bước vào phòng khánh tiết. Chúng tôi cũng nhận thấy ông thẩm phán tối cao Trần Văn Tiết cũng vừa bước vào phòng khánh tiết. Nghị sĩ Nguyễn Văn Huyền sau một thời gian từ chức để phản đối chế độ, nay đã trở lại nghị trường để sinh hoạt cùng với các bạn đồng viên của ông.

Như quý vị khán giả đã biết, đất nước chúng ta đã trải qua một chuỗi dài đau thương của lịch sử, và kể từ ngày nguyên tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh rút lui khỏi Kontum và Pleiku, những chuỗi ngày đen tối tiếp theo nhau và đã đưa đến khung cảnh chính trị và quân sự rất u ám hiện tại. Như quý vị đã biết, vào thứ Hai 21 tháng 4, tức là cách đây một tuần, nguyên tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu đã từ chức cũng ngay tại phòng khánh tiết Dinh Độc Lập này, và anh bạn phóng viên của chúng tôi cũng đã trực tiếp truyền thanh hầu quý vị buổi lễ từ chức lịch sử đó. Phó tổng thống Trần Văn Hương, theo hiến pháp, đã lên đảm nhiệm chức tổng thống Việt Nam Cộng Hòa và nếu tính đến ngày hôm nay thì tổng thống Trần Văn Hương giữ chức vụ nguyên thủ quốc gia được đúng bảy ngày.

Và hôm nay là ngày 28 tháng 4, tổng thống Trần Văn Hương với sự chuẩn chấp của Quốc Hội lưỡng viện, sẽ trao quyền thổng thống Việt Nam Cộng Hòa cho đại tướng Dương Văn Minh trong một vài phút tới đây. Tổng thống Hương đã được Quốc Hội chỉ thị tìm kiếm đường lối và biện pháp vãn hồi hòa bình, mà rồi thì ông đã giao trách nhiệm đó cho Quốc Hội để tìm kiếm người thay ông có thể tìm thấy đường lối và biện pháp vãn hồi hòa bình cho miền Nam Việt Nam. Nghị quyết ngày 26 tháng 4-1975 của lưỡng viện Quốc Hội đã quyết định như vậy, và ngày hôm sau, Quốc Hội lưỡng viện một lần nữa họp khoáng đại và bỏ thăm với số phiếu đa số tuyệt đối chấp thuận thổng thống Trần Văn Hương trao quyền tổng thống Việt Nam Cộng Hòa cho đại tướng Dương Văn Minh. Nói như vậy có nghĩa là Hiến Pháp đã có một vài điều khoản không được thi hành nữa.
Trong hàng ghế dành cho nội các, thì khuất sau một chiếc camera của đài truyền hình chúng tôi cũng nhận thấy ông Tổng trưởng phát triển sắc tộc Narouet, ông Bộ trưởng phủ thủ tướng. Chúng tôi xin nhắc lại, là ở hàng ghế trên cùng chúng tôi nhận thấy Phó thủ tướng đặc trách tổng thanh tra kiêm tổng trưởng quốc phòng, trung tướng hồi hưu Trần Văn Đôn trong âu phục màu đậm. Bên cạnh ông là tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, Phó thủ tướng đặc trách sản xuất kiêm tổng trưởng canh nông và kỹ nghệ. Phó thủ tướng Hảo mặc y phục bốn túi màu xanh nước biển và bên cạnh phó thủ tướng Hảo là phó thủ tướng Dương Kích Nhưỡng đặc trách các chương trình cứu trợ và định cư.
Phía sau hàng ghế, chúng tôi nhận thấy linh mục Cao Văn Luận, chúng tôi cũng nhận thấy ông quốc vụ khanh Lê Trọng Quát, ông quốc vụ khanh Nguyễn Văn Ái, ông quốc vụ khanh Phạm Thái và ông Nguyễn Xuân Phong, quốc vụ khanh đặc trách hòa đàm kiêm trưởng phái đoàn hòa đàm.
Thưa quý thính giả, vào lúc này thì bên ngoài Dinh Độc Lập chúng tôi đã nhận thấy là trời bắt đầu mưa và Sài Gòn đang trải qua một buổi chiều u ám như hoàn cảnh hiện tại của đất nước.
Đây là phóng viên hệ thống truyền thanh Việt Nam. Tôi xin nhắc lại, là quý thính giả đang theo dõi buổi trực tiếp truyền thanh về lễ trao nhiệm chức tổng thống Việt Nam Cộng Hòa giữa tổng thống Trần Văn Hương và cựu đại tướng Dương Văn Minh.
Tổng thống Trần Văn Hương đã rời khỏi ghế ngồi của ông. Tổng thống đang tiến tới trước bục máy vi âm ở phía trước bức tranh quốc tổ và ông bắt đầu nói..."

Diễn Văn Của Tổng Thống Trần Văn Hương
trao Quyền Tổng Thống VNCH Cho Đại Tướng Dương Văn Minh
lúc 5 Giờ Chiều Ngày 28 tháng 4 Năm 1975 Tại Dinh Độc Lập
THƯA ĐẠI TƯỚNG
Thưa ông Chủ tịch Thượng Viện, thưa ông Chủ tịch Hạ Viện, thưa quý vị Nghị sĩ, Dân biểu.
Thưa quý vị,
Bữa nay là cái ngày đã từ lâu rồi quý vị phải có, mà ngày nay đã có, tức là đã đáp ứng được nguyện vọng của tôi từ lâu rồi.
Khi Tổng thống tiền nhiệm trao nhiệm vụ cho tôi, tôi vẫn biết sức già, dầu muốn dầu không, tuổi trời đã cao, sức lực đã mòn, tức nhiên là không thể nào đảm trách được một nhiệm vụ lớn lao trong khi mà nước nhà đã trải qua một buổi khó khăn vô cùng không thể tưởng tượng được. Bởi vậy cho nên trong lòng tôi vẫn mong mỏi rằng dầu thế nào cũng phải có được một người ra lãnh cái trách nhiệm này để lo cho việc nước. Gọi là cú vét phần nào, cái gì gọi là quyền lợi, cái gì gọi là danh dự của nước Việt Nam Cộng Hòa chúng ta.
Khi tôi đến trao đổi ý kiến với Đại tướng Dương Văn Minh, điểm làm tôi thắc mắc là điểm pháp lý, bởi vì nếu tự nhiên tôi đem cái quyền của tôi trao lại cho Đại tướng thì như vậy về phương diện pháp lý không hợp lý chút nào. Điểm đó tôi cùng Đại tướng đã có thảo luận. Sau khi ra ngoài lưỡng viện, tôi cũng có trình bày, và lưỡng viện sau khi thảo luận hai ngày thì tìm ra được giải pháp mà đây tôi tin là giải pháp đáp lại với chỗ mong mỏi của mọi người.
Thưa quý vị, điểm thắc mắc về pháp lý hết rồi, thì về mặt đó chúng ta không còn băn khoăn chi nữa, thì dầu muốn dầu không cái chuyện lớn lao hiện giờ không còn là chuyện pháp lý nữa, thì việc làm sao cho nước Việt Nam Cộng Hòa dẫu tình hình có khó khăn đến đâu đi nữa, thì cũng phải giữ phần nào để bảo tồn được. Nếu không toàn vẹn hết thì cũng là phần nào cái danh dự của tổ tiên chúng ta.
Thưa với Đại tướng, dù muốn dù không, một chương lịch sử đã dở qua rồi, những chương sẽ viết tới đây sẽ do nơi tay của Đại tướng. Mà bây giờ có hỏi ngay ra rằng Đại tướng sẽ viết những gì, tôi thấy là Đại tướng cũng băn khoăn, không thể trả lời. Nhưng tôi biết rằng với thiện chí của Đại tướng đã sẵn có, thế nào việc làm sau này không đến nỗi phải phụ lòng tin cậy của tất cả đồng bào, của quốc hội đã hoàn toàn đặt nơi Đại tướng. Đường đi nó có khác, nó đã khác, bởi vì triều đại đã thay đổi. Chúng ta bây giờ không nghĩ là phải luôn luôn đổ xương máu. Chúng ta không phải nghĩ là chúng ta phải đánh tới người chiến sĩ cuối cùng, viên đạn cuối cùng, khi mà còn một biện pháp nào, một giải pháp nào có thể đem lại hòa bình mà không đến nỗi tổn thương quá sức danh dự của nước nhà. Bởi vậy cho nên đường lối có lẽ là ở trong khuôn khổ đặt sẵn như thế đó.
Thưa với Đại tướng, nhiệm vụ của Đại tướng rất là nặng, khi Đại tướng ra gánh vác chuyện này, tôi thấy rõ ràng là Đại tướng chẳng những có một thiện chí không mà thôi, Đại tướng còn phải có những can trường gì mới dám đảm nhận như vậy, và tôi cũng mong mỏi thế nào cho Đại tướng thành công. Vả lại, đặt lại vấn đề, giải pháp chiến đấu để giữ giải pháp dung hòa, ôn hòa, nghĩa là quên hết tất cả những gì gọi là căm thù để đem lại trước hết sự hòa giải, hòa hợp, rồi tới hòa bình để cùng nhau sống yên, mưu đồ chuyện tái tạo nước nhà. Theo ý tôi nghĩ, con đường là con đường đó.
Thưa với Đại tướng, xóa hận căm thù không phải là căm thù đối với ở ngoài, mà tôi cũng xin phép nói là chúng ta cũng nên xóa căm thù tất cả những gì gọi là căm thù ở trong. Trước kia có lẽ những chỗ sai biệt đâm ra nếu là người Việt Nam thành thật thương nước, thì tất nhiên người đó dù muốn dù không cũng phải lo cho nước, yêu nước. Nhưng tiếc có một nỗi đồng sàng mà có nhiều khi dị mộng, cho nên nghĩ như vậy mà cái lòng nó nghĩ khác nhau. Việc làm khác nhau, nên sanh ra xích mích, sanh ra đến cái chỗ có thể gọi là căm thù, thì tôi thành khẩn yêu cầu Đại tướng bao nhiêu những việc gì có thể gọi là căm thù nội bộ, Đại tướng vui lòng ráng thế nào xóa bỏ hết. Vả lại trong bộ máy của chế độ, đều có những người phụng sự cho chế độ đó. Nếu chế độ kế tiếp mà còn nghĩ đến những việc trước, tìm ra chuyện ân oán giang hồ, gây chuyện căm thù nữa, thì những người bất kỳ ở chế độ nào, tôi nghĩ làm sao mà dám tận tâm với chế độ đó khi nghĩ đến chế độ sau này có thể trả thù trả oán.
Cái chỗ mong mỏi của tôi là như thế, và tôi cũng hết sức thành khẩn yêu cầu Đại tướng nên nghĩ về tiền đồ của nước nhà, nên nghĩ về sinh mạng, sống còn của đất nước này, làm thế nào cho việc hòa giải khởi sự trước ở trong nước này trước khi ra tới ngoài.
Còn một điểm nữa có lẽ là điểm chót. Tất nhiên là Đại tướng sẽ ráng hết sức mình mà làm, nhưng tôi cũng nhìn nhận lòng mình dẫu có thiện chí đến đâu nhưng sức mình nó có hạn. Đại tướng cũng là người, Đại tướng không phải là một vị thiêng liêng nào có phép màu cho nên chỉ phán một lời là mọi chuyện đâu đấy như ý muốn được. Tất nhiên là Đại tướng phải ráng sức, chuyện mà Đại tướng ráng sức mà thành công hay không thành công, đó là một việc tôi tưởng phần lớn không phải tùy nơi Đại tướng. Nhưng nếu Đại tướng thành tâm vì nước để lo cho nước, ráng vãn hồi hòa bình lại để dân được sống yên, làm thể nào cho máu đừng đổ, thịt đừng rơi, thì cái công của Đại tướng đối với hậu thế sẽ lưu lại đời đời. Dầu thế nào, tôi thiết nghĩ rằng không bao giờ mà đất nước này người ta có thể quên Đại tướng. Tôi xin cám ơn quý vị (vỗ tay).

Sau đây là lời phóng viên Đài Sài Gòn:
Sau khi nguyên Tổng thống Trần Văn Hương đọc bài diễn văn trao nhiệm xong, chúng tôi nhận thấy một sĩ quan đã gỡ huy hiệu Tổng thống hai con rồng bay và thay vào đó huy hiệu Tổng thống mới là hình hoa mai năm cánh. Tân Tổng thống, Đại tướng Dương Văn Minh, ngồi ở ghế giữa bên cạnh Nghị sĩ Huyền và Nghị sĩ Mẫu bắt đầu rời khỏi ghế và lên diễn đàn.

Diễn Văn Nhận Chức Của Tổng Thống Dương Văn Minh:
Thông Điệp Gửi Người Anh Em Cách Mạng Miền Nam Việt Nam
Kính thưa Tổng thống,
Kính thưa Thầy,
Qua những lời của thầy làm cho tôi rất cảm kích. Thầy đã ghi nhận tình thế quân sự cũng như mọi mặt bi đát, làm cho tôi phần nào yên tâm vì cái sự khó khăn mà tôi gặp phải. Những lời khuyên dạy của thầy hôm nay tôi sẽ ghi mãi trong lòng và thầy hãy yên tâm. Chúng tôi đã lâu nay thấy không còn giải quyết vấn đề của chúng ta bằng võ lực không, mà không có kèm theo một giải pháp chính trị nào thì không thành công. Vì đó, anh em chúng tôi đã mấy năm nay, thảo luận tìm được giải pháp chúng tôi đã chọn lựa, giải pháp hòa giải dân tộc. Nói như thế để thầy yên tâm. Nếu có hận thù thì không thể lấy hận thù ra mà trả đối với tất cả mọi ai. Chúng tôi đã chủ trương hòa giải với đối phương, không lý do nào chúng tôi không hòa giải được với anh em một nhà. Thầy cứ yên tâm. Tôi xin hứa với thầy.
Kính thưa quý vị,
Quốc hội lưỡng viện trong khi họp khoáng đại ngày 27-4-75 đã được các vị hữu trách trong chính phủ và trong quân đội tường trình đầy đủ về tình trạng nguy ngập của Việt Nam Cộng Hòa trên cả hai mặt quân sự và kinh tế. Những điều bi đát mà chúng ta được nghe người dân miền Nam Việt Nam đang phải gánh chịu từng giờ từng phút, từng phần xác và tâm hồn, đang phải trả bằng máu và bằng nước mắt. Những trách nhiệm lãnh đạo quốc gia trong những giờ phút này thật chẳng có gì là vui sướng. Tôi đã nhận vì đó không những là đòi hỏi của nhân dân, mà còn là điều kiện thiết yếu để tạo một cơ may tránh được nguy cơ sụp đổ, thực hiện ngưng bắn, mở lại hòa đàm hầu đạt đến một giải pháp chính trị trong khuôn khổ hiệp định thần hòa giải.
Với tinh thần đó, với tất cả thiện chí và ý thức trách nhiệm, với ý muốn trân trọng phục vụ đất nước và nhân dân, tôi xin nhận trách vụ Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa. Xin cám ơn Tổng thống. (vỗ tay)
Nhân dịp này tôi cũng xin thông báo cùng toàn thể quý vị và đồng bào, là tôi đã mời luật sư Nguyễn Văn Huyền, vốn Chủ tịch Thượng Viện, đảm nhiệm chức vụ Phó tổng thống (vỗ tay) và giúp tôi về vấn đề hòa đàm. Luật sư Nguyễn Văn Huyền đã chấp nhận (vỗ tay). Tôi xin long trọng giới thiệu Phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền (vỗ tay).
Tôi cũng xin thông báo cùng toàn thể quý vị và đồng bào rằng tôi đã mời Giáo sư Nghị sĩ Vũ Văn mẫu đảm nhận chức vụ Thủ tướng chánh phủ và giáo sư Vũ Văn Mẫu đã chấp nhận (vỗ tay). Xin long trọng giới thiệu Thủ tướng Vũ Văn Mẫu(vỗ tay).

TÂN TỔNG THỐNG NÓI VỚI QUỐC DÂN:
Sau đây tôi xin phép trả lời cùng đồng bào quốc dân.
Đồng bào thân mến, trong những ngày qua, trước tình thế cực kỳ nghiêm trọng, nhiều đoàn thể, tôn giáo muốn tôi đứng ra thành lập một chánh phủ mới. Tổng thống Trần Văn Hương chiếu các quyết nghị ngày 26 và 27 tháng 7-1975 của lưỡng viện Quốc Hội đã quyết định trao quyền tổng thống lại cho tôi. Tôi đã nhận trách nhiệm đó. Sứ mạng giao phó cho tôi rất là rõ rệt:
1. Đạt tới thỏa hiệp ngưng bắn càng sớm càng tốt.
2. Thương thuyết một giải pháp chính trị cho miền Nam Việt Nam trong khuôn khổ hiệp định Paris để chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình trong tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc.
Tôi sẽ thành lập một chính phủ với những nhân vật tiêu biểu cho các đoàn thể tôn giáo không xu hướng chính trị tại miền nam Việt Nam vừa có đủ khả năng và đức độ để gây lại niềm tin, vừa có một lập trường hòa giải dứt khoát để không ai có thể nghi ngờ thiện chí của mình và thiện chí hòa bình.
Tôi tin tưởng sẽ thành lập được một chánh phủ như vậy trong thời gian ngắn nhất có thể mở lại một hòa đàm với chánh phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam. Nhận lãnh trách nhiệm trong những giờ phút khẩn trương này, tôi chỉ có một ý muốn duy nhất là đóng góp phần của tôi vào sự nghiệp hòa giải của dân tộc. Tôi gọi đó là sự nghiệp của dân tộc. Vì hòa giải chỉ có thể thành tựu khi mọi đoàn thể, mỗi cá nhân dứt khoát chấp nhận con đường hòa giải và dấn bước lên con đường đó với tất cả thiện chí của mình. Đó là điều mà tình thế đang đòi hỏi nơi mỗi người chúng ta.
Những ngày sắp tới sẽ vô cùng cam go. Tôi không hứa hẹn nhiều với đồng bào, nhưng trong ngắn hạn chính phủ sẽ hết sức cố gắng và ổn định các sinh hoạt kinh tế, xã hội, cải thiện đời sống của đồng bào, cứu trợ nạn nhân chiến thuật, chính phủ bảo đảm tôn trọng các quyền tự do dân chủ được xác định căn bản bởi tuyên ngôn quốc tế nhân quyền và với điều 11 của Hiệp Định Paris.
Một trong những biện pháp đầu tiên là trả tự do cho những người bị giam giữ vì lý do chính trị và chấm dứt chế độ kèm kẹp báo chí. Quan trọng hơn hết, chính phủ hòa giải hòa hợp, và riêng tôi sẽ làm hết sức mình để đạt tới một giải pháp hợp tình hợp lý, bảo đảm quyền sống của mọi thành phần dân tộc và các quyền tự do căn bản của mọi công dân. Sự thành công của chính phủ sẽ tùy thuộc một phần lớn nơi sự bình tĩnh, sáng suốt của đồng bào, nơi sự hỗ trợ tích cực mà đồng bào sẽ dành cho chính phủ.
Tôi kêu gọi tất cả các đoàn thể tôn giáo và chính trị, hãy bỏ qua những tỵ hiềm, vượt qua những nghi kỵ, đoàn kết với nhau trong tinh thần dân tộc, để tạo thành một sức mạnh hòa bình.
Tôi sẵn sàng đón nhận mọi ý kiến, mọi sáng kiến có lợi cho hòa bình, và sẵn sàng hợp tác với mọi người có thiện chí.

GỬI QUÂN LỰC VNCH:
Anh em chiến sĩ thân mến,
Tôi đã trải qua phần lớn cuộc đời trong hàng ngũ của anh em. Hơn ai hết, tôi thông cảm tất cả những gì mà anh em đã phải gánh chịu trong những tuần lễ bi thảm vừa qua, và giờ đây trang sử cũ sắp lật qua, anh em đứng trước một nhiệm vụ mới, bảo vệ phần đất còn lại, bảo vệ hòa bình. Anh em phải giữ vững tinh thần, anh em phải giữ vững hàng ngũ, anh em phải giữ vững vị trí để hoàn thành nhiệm vụ đó (vỗ tay). Khi nào có lệnh ngưng bắn, anh em phải thi hành nghiêm chỉnh, điều hành sẽ đúng với các điều khoản các hiệp định Paris gìn giữ trật tự an ninh trên phần đất của mình, bảo vệ sinh mạng và tài sản của đồng bào, không bỏ súng, không bỏ ngũ. Trong mọi trường hợp, một cách tuyệt đối thi hành chỉ thị của cấp trên. Mọi hành vi vô kỷ luật sẽ bị nghiêm trị ngay tức khắc, giữ vững tinh thần, giữ vững hàng ngũ, tôn trọng kỷ luật và góp phần lớn vào công cuộc vãn hồi nhanh chóng hòa bình.
Tôi cũng yêu cầu các công chức, cán bộ, và lực lượng cảnh sát tiếp tục thi hành nhiệm vụ của mình và canh phòng cẩn mật, không cho ai phá hoại.

GỬI CHÍNH PHỦ CÁCH MẠNG VÀ NHỮNG NGƯỜI ANH EM Ở BÊN KIA:
Sau đây, tôi có đôi lời gửi đến Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam và những người anh em ở bên kia.
Chúng tôi thành thật muốn hòa giải. Anh em biết rõ điều đó, hòa giải đòi hỏi các thành phần dân tộc phải tôn trọng quyền sống của nhau, đó là tinh thần của hiệp định Paris. Anh em đã luôn luôn chủ trương thi hành hiệp định Paris và chúng tôi cũng đã luôn luôn chủ trương như vậy. Căn cứ trên hiệp định này, chúng ta hãy ngồi lại với nhau, để cùng nhau tìm một giải pháp có lợi nhất cho tổ quốc Việt Nam và cho nhân dân miền Nam. Để biểu dương thiện chí của đôi bên và để chấm dứt nhanh chóng sự đau khổ của binh sĩ và nhân dân, tôi đề nghị chúng ta ngưng tức khắc các cuộc tấn công lẫn nhau (vỗ tay). Tôi mong anh em chấp nhận đề nghị này và cuộc thương thảo sẽ khởi sự liền sau khi chính phủ được thành lập để hòa bình sớm được vãn hồi trên đất nước thân yêu của chúng ta.

GỬI CÁC NƯỚC BẠN:
Đối với các nước bạn, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa mong muốn duy trì mối giao hảo và hoan nghênh mọi sự giúp đỡ không điều kiện chính trị trên bình diện kinh tế và nhân đạo. Chính phủ cũng sẵn sàng thiết lập liên hệ ngoại giao với mọi quốc gia, không phân biệt ý thức hệ trên căn bản bình đẳng đồng quyền lợi và không xen vào nội bộ của nhau. Chúng tôi thiết tha kêu gọi tất cả dân tộc trên thế giới hãy tích cực hỗ trợ chúng tôi trên công cuộc văn hối hòa bình, thực hiện hòa giải hòa hợp tại miền Nam Việt Nam.

GỬI ĐỒNG BÀO:
Đồng bào thân mến,
Trong những ngày qua, đồng bào đã hoang mang lo sợ trước những diễn tiến của tình hình, nhiều người đã âm thầm ra đi. Tôi muốn nói với tất cả đồng bào, đất nước này là quê hương của chúng ta, hãy cương quyết và can đảm ở lại, giữ thân bằng quyến thuộc, mồ mả ông bà tổ tiên ở lại, để cùng với chúng tôi, cùng với tất cả những người có thiện chí, xây dựng một miền Nam mới cho các thế hệ tương lai.
Một miền Nam độc lập, dân chủ, tự do, thịnh vượng, trên đó người Việt sẽ được sống an lành với người Việt trên tình huynh đệ (vỗ tay).
Xin cám ơn đồng bào (vỗ tay).

Tiếp theo là lời phóng viên đài Sài Gòn:
Tổng thống Dương Văn Minh vừa chấm dứt bài diễn văn nhậm chức của ông. Buổi lễ bế mạc. Chúng tôi cũng nhận thấy hai vị tướng lãnh của quân lực Việt Nam Cộng Hòa là Trung tướng Đồng Văn Khuyên, Tham mưu trưởng Tổng Tham Mưu, và Trung tướng Trần Văn Minh, Tư lệnh Không Quân. Chúng tôi vừa thấy Phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền bắt tay Phó thủ tướng Dương Kích Nhưỡng, trong khi Nghị sĩ Vũ Văn Mẫu bắt tay cựu Phó thủ tướng Nguyễn Văn Hảo. Thủ tướng Mẫu cũng bắt tay linh mục Cao Văn Luận, trong khi Phó tổng thống Huyền tiếp tục chào hỏi các quý vị ở trong Nội Các cũ của Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn. Phó tổng thống Huyền cũng đang trò chuyện với nguyên Tổng thống Trần Văn Hương, tân Thủ tướng Vũ Văn Mẫu cũng tiếp tục chào hỏi các quý vị nghị sĩ, dân biểu, cũng như các quý vị ở trong Nội Các cũ.
Phóng sự chấm dứt, mưa gió bên ngoài vẫn chưa dứt.

Phóng sự của Đài Phát Thanh Sài Gòn
Nguồn : Viện Bảo Tàng San José, viết lại theo băng ghi âm.


30 THÁNG TƯ NĂM 1975 VÀ CỤ PHÓ TỔNG THỐNG NGUYỄN VĂN HUYỀN
Vũ Ánh
Luật sư, thủ lãnh luật sư đoàn, Phó tổng thống Sài Gòn, sinh tại Sóc Trăng, nguyên quán huyện Tân Trụ, tỉnh Long An.
Xuất thân trong một gia đình theo đạo Thiên Chúa lâu đời có nền nếp đạo đức. Thuở nhỏ học ở Tân An, Sài Gòn; du học Pháp từ những năm 20. Sau tốt nghiệp Cử nhân luật tại Đại học Luật khoa Đông Dương ở Hà Nội.
Sau khi về Sài Gòn tập sự, ông mở văn phòng luật sư ở Sài Gòn. Tại đây ông từng biện hộ cho các bị can chính trị như vụ Hà Huy Tập (nguyên Tổng bí thư ĐCS) hồi năm 1940 tại Sài Gòn, Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Văn Dưỡng, Phan Kiến Khương trong Phong trào hòa bình năm 1950 tại Sài Gòn. Trong thời điểm này khi vụ án Phong trào hòa bình, luật sư Nguyễn Hữu Thọ bị đưa ra tòa xét xử không đúng tôn chỉ, mục đích của Hội đồng kỉ luật luật sư, ông phản đối và rút ra khỏi Luật sư đoàn trên.
Tuy vậy, Pháp vẫn đưa vụ án ra tòa, ông cùng luật sư Lê Văn Hổ và Trương Đình Dzu nhận biện hộ không thù lao cho “bị can” Nguyễn Hữu Thọ. Trước tòa, ông khẳng định: “Ông Thọ có ảnh hưởng lớn trong dân chúng. Ông Thọ đã dùng ảnh hưởng ấy mà làm những việc phải làm mà thôi, như đưa đám trò Ơn, tìm biện pháp cho “vụ án trí thức” (...) việc bắt ông Thọ là phi pháp vì ba lẽ:
“Một là ông Thọ bị bắt sau 6 giờ tối;
Hai là không có lệnh tập nã của tòa án;
Ba là ông Thọ không bị bắt quả tang”.
Để kết luận tôi (Nguyễn Văn Huyền) cho rằng: “Đây là một vụ án sôi nổi và quan hệ nên đề nghị tòa trả tự do cho ông Thọ để đánh tan không khí u ám có thể tạo ra những việc không hay”.
Từ năm 1967, ông đắc cử vào Thượng  Quốc hội Sài Gòn và giữ chức Chủ tịch Thượng nghị viện. Đến tháng 4-1975 ông được cử là phó tổng thống đặc cách hoà đàm (thương lượng) với Mặt trận Giải phóng, nhưng thời cơ không còn nữa, ông chỉ làm Phó tổng thổng trong 3 ngày. Ngày 30-4-1975 Ông cùng nội các Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Ông mất tại Sài Gòn trong năm 1995, thọ 84 tuổi.


Lần chót tôi gặp cụ là vào khoảng 7 giờ tối ngày 28 tháng 4, 1975. Từ 8 giờ sáng ngày hôm đó, với tư cách là Phó Tổng Thống của “Big Minh,” cụ được giao nhiệm vụ vào trong trại Davis ở khu Tân Sơn Nhất, trụ sở của Ban Liên Hợp Quân Sự 4 Bên, để theo lời cụ, thương lượng với viên tướng độc nhãn Việt Cộng Hoàng Anh Tuấn, hầu tránh một cuộc đổ máu vô ích. Lúc xẩm tối 28 tháng 4, khi vừa từ đài truyền hình THVN-9 trở về thì nhận được điện thoại của Tổng Trưởng Thông Tin Lý Quí Chung là phải chuẩn bị để đón tiếp Phó Tổng Thống Nguyễn Văn Huyền và chuẩn bị sẵn một phòng vi âm để thu thanh hiệu triệu của cụ Huyền. Lý Quí Chung cho biết là cụ Huyền sẽ từ Tân Sơn Nhất đi thẳng về đài.

Tôi ra lệnh cho câu lạc bộ chuẩn bị sẵn một số khăn ướp lạnh và nước uống cho cụ trước khi cụ vào phòng vi âm, rồi gọi trưởng ban an ninh cho khám xét an ninh phòng vi âm B, tức là phòng vi âm chỉ để đón tiếp các khách VIP. Khoảng 10 phút sau, một toán an ninh từ Phủ Thủ Tướng sang để duyệt lại lần chót về an ninh trước khi cụ Huyền tới.

Vào khoảng thời gian đó, sức khỏe của Phó Tổng Thống Nguyễn Văn Huyền đã xuống rất nhiều. Trước đây, khi còn làm Chủ Tịch Thượng Nghị Viện, mỗi khi lên các bậc thềm ở trụ sở Hội Trường Diên Hồng hay cửa trước Dinh Ðộc Lập, cụ mới cần người dìu lên. Nay đi đâu cũng phải có người dìu.

Là người Công Giáo thuần thành, cụ nổi tiếng là người đạo đức, thanh liêm. Dường như, suốt cuộc đời làm chính trị, cụ không bị dính tới bất cứ một vụ tai tiếng nào về tiền bạc hay đạo đức chính trị hoặc đối xử tệ hại đối với các đồng viện hoặc đối với những người biểu lộ rõ rệt là không thích quan điểm của cụ. Thực tế, cũng khó kiếm ra một người mà ngay cả vào lúc quyền lực cao trọng như cụ mà vẫn sống một đời sống khổ hạnh. Và có lẽ trong chính giới ở Quốc Hội VNCH, cũng khó tìm một người lúc nào cũng giữ giọng ôn tồn, nhẹ nhàng nhưng có sức nặng bằng những hòn đá tảng như cụ.

Người miền Nam, tính tình hiền hòa, cởi mở, không chấp nhất, câu nệ, nhưng rất cương quyết. Có một khoảng thời gian, một số những nhân vật thân chính ở trong chính phủ cũng như Quốc Hội toan tính vận động để sửa đổi số nhiệm kỳ mà một ứng cử viên tổng thống được quyền tranh cử, cụ đã thẳng thắn chống lại âm mưu này. Nếu kế hoạch thành công, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu có quyền tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa.

Phó Tổng Thống Nguyễn Văn Huyền về đến đài phát thanh Sài Gòn trước 7 giờ tối. Người sĩ quan tùy viên dìu cụ xuống xe. Tôi tiến tới bắt tay cụ và nói: “Chúng tôi nhận được lệnh đón tiếp Phó Tổng Thống. Phó Tổng Thống khỏe chứ ạ?” Qua làn kính cận, đôi mắt cụ Huyền sáng quắc. Cụ nói: “Hổm rày cũng không được khỏe lắm. Mình làm việc ngay được chứ?” “Vâng, chúng tôi đã chuẩn bị xong.”

Tôi đi chầm chậm hướng dẫn cụ Huyền vào sân cỏ hẹp chạy dọc theo các dãy phòng làm việc. Một số nhân viên mở cửa phòng tính đi theo cụ Huyền, nhưng bị trưởng ban an ninh mời ra. Ðúng theo kế hoạch và vì vấn đề an ninh, chỉ có những người nào có phận sự mới được lại gần khu vực phòng vi âm.

Thấy như vậy, cụ Huyền nói: “Thôi cứ để họ lại gần, qua muốn bắt tay và cảm ơn giờ này họ vẫn còn ở lại.” Cụ bắt tay từng người, hỏi thăm gia cảnh và đích thân ngỏ lời cảm ơn các nhân viên và các biên tập viên. Hai “tài xế” chủ câu lạc bộ đưa cho cụ một khay gồm khăn bông nhỏ trắng phau ướp lạnh và ly nước. Cụ Huyền nói: “Thôi để vào trong phòng vi âm.” Tôi hướng dẫn Phó Tổng Thống vào phòng vi âm và kéo ghế cho cụ ngồi trước microphone, rồi dặn dò cụ, rồi sau đó để cho ngoài phòng máy thử giọng và đo âm lượng. Loại máy hiệu Ampex mà từ lâu hệ thống truyền thanh quốc gia tín nhiệm có độ trung thực gần như 100%, nên cũng không cần thử máy nhiều lần. Cụ Huyền nói: “Qua quen mấy vụ này lắm rồi, em yên tâm.” Như Tổng Thống Dương Văn Minh, cụ Huyền dùng từ “qua” làm ngôi thứ nhất.

Bài hiệu triệu của Phó Tổng Thống Nguyễn Văn Huyền dài khoảng 7 phút đồng hồ, trong đó cụ chia làm hai phần. Phần đầu cụ tường trình về cuộc thương lượng với “phía bên kia” và phần thứ hai là kêu gọi mọi người tôn trọng luật pháp, tránh hoảng loạn, tránh những hành động có thể khiến lực lượng an ninh hiểu lầm. Cụ cũng kêu gọi lực lượng quân đội và cảnh sát sát cánh để giữ an ninh trật tự và thẳng tay đối với những kẻ cướp và hôi của. Bên ngoài phòng vi âm, nhân viên tụ tập vòng trong vòng ngoài và trời bỗng đổ xuống một cơn mưa nhẹ. Tiếng cụ Huyền trong hệ thống loa kiểm soát ngoài phòng máy vẫn lồng lộng, không vấp váp và đầy tình cảm. Cuối cùng, cụ Huyền kêu gọi mọi người bình tĩnh và kiên nhẫn chờ đợi những quyết định của chính phủ. Khi cụ dứt lới, trên mắt mọi người từ trong và ngoài phòng vi âm đều đẫm nước.

Phó Tổng Thống Nguyễn Văn Huyền, rút trong túi áo chiếc khăn mù xoa trắng, chậm nước mắt. Cụ quay sang tôi và hỏi: “Trong đài hiện nay còn bao nhiêu người?” Tôi trình bày: “Thưa Phó Tổng Thống, ngay bây giờ đây chúng tôi có khoảng 40 người, những người còn ở lại làm việc tối nay dựa trên nguyên tắc tình nguyện. Hồi trưa, ông Tổng Trưởng Thông Tin nhắc lại lệnh của Tổng Thống là chỉ để lại những người cần thiết. Tôi đã cho những người không cần thiết về rồi. Số còn đứng ngoài kia họ chưa chịu rời khỏi đài.”

Phó Tổng Thống Nguyễn Văn Huyền chậm rãi, nhưng giọng đầy xúc động: “Thật tình là chúng ta tuyệt vọng rồi. Qua không biết lấy gì để cảm ơn mấy em còn ở đây cho đến giờ phút này. Ðiều mà chính phủ cần bây giờ là thương lượng để họ (VC) đừng tắm máu những người dân vô tội. Cho nên tiếng nói quốc gia bây giờ rất cần thiết. Thành phố còn tương đối yên lành, ít cướp bóc và hôi của cũng là nhờ còn có đài phát thanh. Còn đài, họ biết là chính quyền còn nên chưa dám làm bậy.”

Tôi hỏi cụ Huyền: “Cuộc thương lượng có kết quả gì không thưa Phó Tổng Thống?” Cụ trầm ngâm một chút rồi trả lời, ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa: “Lúc VNCH còn mạnh, họ cũng còn chưa chịu thỏa hiệp huống chi bây giờ. Chính phủ thì mới thành lập chưa được một ngày. Nhưng qua cũng nhịn nhục vào gặp họ chỉ để yêu cầu họ đừng tấn công bằng hỏa tiễn vào Sài Gòn, chết người thêm chi cho vô ích. Riêng qua và ông Minh thì còn kể số gì nữa, họ xử ra sao cũng được.”

Tôi hỏi cụ một câu chót: “Chúng tôi được biết, Phó Tổng Thống nhận lời’Big Minh’ rất trễ. Như vậy Phó Tổng Thống cũng biết trước là tình hình sẽ diễn tiến như hiện nay?” Cụ Huyền thẳng thắn: “Khi ông Thiệu bỏ đi, ai cũng đoán được là tình hình cuối cùng sẽ như hiện nay. Chúng tôi đứng ra nhận trách nhiệm khi biết rõ không còn phương sách nào có thể cứu vãn được. Trước khi chúng tôi quyết định, nhiều anh em đã nói, ngu dại gì mà bước vào làm việc trong hoàn cảnh này, nhưng tôi nghĩ đã là kẻ sĩ thì không thể nào thiếu trách nhiệm đến mức thời bình thì ngựa xe quyền lực, nhưng khi đất nước tan hoang thì lại bỏ đi tìm sự yên thân.”

Chờ đến khi trời dứt mưa hẳn, chúng tôi tiễn cụ Huyền ra xe. Cụ lại bắt tay từng người, mắt vẫn sáng quắc. Ðó là lần cuối cùng, tôi được gặp và nói chuyện với cụ, được biết tâm sự u uất của một người yêu nước. Khi vào trại cải tạo, chúng tôi có gặp lại một vài nhân viên đã từng được biệt phái làm việc trong văn phòng Chủ Tịch Thượng Nghị Viện VNCH. Họ cho biết cụ Huyền không bị đưa vào trại cải tạo nhưng bị quản thúc rất kỹ tại gia. Ngay cả vào chiều 29 tháng 4, sáng 30 tháng 4, 1975, cụ có nhiều cơ hội để ra đi, nhưng cụ đã từ chối. Và từ sau buổi sáng ngày 30 tháng 4 cách đây 35 năm, cụ Huyền giữ im lặng cho tới lúc qua đời. Và cũng từ đó không còn ai nhắc nhở đến cụ nữa.

Sang đến hải ngoại, tôi chỉ còn nghe thấy người ta gọi cụ Trần Văn Hương là kẻ sĩ cuối cùng của VNCH, chứ còn cụ Huyền thì thường là bị tiếng đời trách cứ vì cụ là phó của Tổng Thống Dương Văn Minh, trong khi “Big Minh” thường bị lên án là đã dâng miền Nam cho Cộng Sản.

Nhưng cá nhân, vốn là người từng học sử và đọc sử, tôi tin rằng những trách cứ bất công dành cho những nhà lãnh đạo cuối cùng của chế độ VNCH không có giá trị sử học. Vì nó không khách quan. Vì những người phán đoán còn có liên hệ đến biến cố lịch sử 30 tháng 4, 1975. Khi không còn lớp người này nữa thì thế hệ về sau sẽ truy cứu một cách độc lập những sử liệu, dùng sự đối chiếu khoa học để đưa ra các nhận xét vô tư hơn để tìm hiểu xem vì đâu, nguyên nhân nào dẫn tới sự đầu hàng vô điều kiện của VNCH chứ không phải ai là người ra lệnh đầu hàng. Một vài người đạp một căn nhà mà cột kèo chưa bị mục, nó không thể đổ. Nhưng một căn nhà cột kèo đã mục nát hết nó cũng sẽ đổ mà không cần người đạp. (V.A.)

SÀI GÒN NHỮNG GIỜ HẤP HỐI

LTG: Sau khi chúng tôi phổ biến bài “Hàng Tướng Dương Văn Minh”, nhiều độc giả đã viết thư yêu cầu nói rõ hơn về chuyện đầu hàng của Tướng Dương Văn Minh, vì các tài liệu đều viết khác nhau, nhất là tài liệu của Việt Cộng. Vì thế chúng tôi xin công bố thêm nhiều chi tiết quan trọng liên quan đến vụ đầu hàng của Tướng Dương Văn Minh, kể cả trường hợp của Tướng Nguyễn Hữu Hạnh, để làm sáng tỏ lịch sử. Một phần tài liệu trong bài này đã được công bố trong bài trước.
Nhưng chúng tôi xin nói rõ đây không phải là toàn bộ tài liệu về cuộc đầu hàng. Khi nào chúng tôi cho xuất bản cuốn “Tại sao Mỹ bỏ miền Nam?”, độc giả sẽ có tài liện đầy đủ hơn.
ooOoo
Vào tháng 4 năm 1975, Hoa Kỳ thấy tình hình miền Nam Việt Nam không còn cứu vãn được, nên đã sắp xếp cho chính quyền miền Nam đầu hàng Bắc Việt để tránh sự đổ máu quá nhiều. Biết Tướng Dương Văn Minh có liên lạc với Việt Cộng và đi theo nhóm chủ trương “hoà giải hoà hợp” giữa hai bên, Đại Sứ Martin của Mỹ đã phối hợp với Đại Sứ Merillon của Pháp thuyết phục Tướng Thiệu từ chức và lừa Tướng Dương Văn Minh ra làm hàng tướng bằng cách tạo cho ông một ảo vọng rằng chỉ có ông mới có thể nói chuyện với “phía bên kia” để hình thành một “chính phủ liên hiệp Quốc – Cộng!”
1.- Đưa tay chân và lực lượng Không Quân, Hải Quân ra khỏi Việt Nam
Thủ Tướng Tướng Trần Thiện Khiêm, một nhân viên tình báo gộc của CIA, chắc chắn đã được báo tin tình hình không còn cứu vãn được, nên ngày 4.4.1975 ông đã tìm cách “bán cái” chức Thủ Tướng cho ông Nguyễn Bá Cẩn, Chủ Tịch Hạ Nghị Viện, để chạy. Ông Cẩn không biết gì về tình hình, nên cắn câu! Ngày 14.4.1975, Chính Phủ Nguyễn Bá Cẩn ra mắt do ông Nguyễn Bá Cẩn làm Thủ Tướng, Trung Tướng Trần Văn Đôn làm Đệ Nhất Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng; Tiến Sĩ Nguyễn Văn Hảo, Đệ Nhị Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Canh Nông và Kỹ Nghệ; Kỹ Sư Dương Kích Dưỡng, Đệ Tam Phó Thủ Tướng đặc trách về Cứu Trợ và Định Cư, v.v.
Ngày 21.4.1975 Tổng Thống Thiệu bị cưởng ép phải từ chức và nhường chức Tổng Thống lại cho Phó Tổng Thống Trần Văn Hương. Mất nơi nương tựa, ngày 23.4.1975, ông Nguyễn Bá Cẩn nộp đơn xin Tổng Thống Hương cho ông từ chức Thủ Tướng.
Tối 25.4.1975 CIA đã đẩy hai tay chân bộ hạ của mình là Tướng Nguyễn Văn Thiệu và Tướng Trần Thiện Khiêm lên chiếc C-118 của Không Quân Hoa Kỳ bay đi Đài Loan. Sau đó, theo lời yêu cầu của ông Nguyễn Bá Cẩn, tối 28.4.1975 người Mỹ cũng đã đẩy ông lên một chiếc C.130 đang nổ máy với nhiều người khác đã ngồi chờ sẵn, đưa ông đi Honolulu.
Ngày 26.4.1975, khi thấy tình hình đã đi vào giai đoạn cuối, cơ quan ĐAO đã bí mật khuyến cáo Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực VNCH, ra lệnh cho Không Quân và Hải Quân rời khỏi Việt Nam để các phi cơ và chiến hạm khỏi rơi và tay địch.
Với Không Quân, vấn đề không khó khăn lắm: Chỉ cần ra lệnh cho Trung Tướng Trần Văn Minh, Tư Lệnh Không Quân, dời Sư Đoàn 5 Không Quân Tân Sơn Nhất và Sư Đoàn 3 Không Quân Biên Hòa xuống căn cứ Sư Đoàn 4 Không Quân tại Trà Nóc, ở Cần Thơ. Khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, các phi công có thể lái máy bay bay qua căn cứ Utapao của Không Quân Hoa Kỳ ở Thái Lan. Nhân cơ hội di tản này, nhiều phi công đã lái phi cơ các loại bay qua Thái Lan.
Với Hải Quân, vì lực lượng này rất cộng kềng, nên việc di tản sẽ gặp khó khăn và có thể gây hổn loạn nếu không được tổ chức chu đáo. Cơ quan DAO đã cho cựu Thiếu Tá Richard Armitage, tùy viên viên quân sự Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ, đến phối hợp với Phó Đề Đốc Chung Tấn Cang, Tư Lệnh Hải Quân, lo tổ chức, đôn đốc và theo dõi việc di tản an toàn lực lượng Hải Quân ra khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, mục tiêu của cuộc di tản được thông báo cho các thuộc quốc là đi xuống miền Tây hay Phú Quốc. Phó Đề Đốc Chung Tấn Cang mới được Tổng Thống Thiệu cử làm Tư Lệnh Hải Quân vào ngày 24.3.1975 thay thế Phó Đề Đốc Lâm Nguôn Tánh.
Chiều 26.4.1975, Đại Tá Nguyễn Xuân Sơn, Tư Lệnh Hạm Đội, đã vội báo tin này cho các hạm trưởng biết. Ông nói phải “chuẩn bị tinh thần vì có thể di chuyển về Phú Quốc.” Ngày 28.4.1975 ông đã bị mất chức.
Vào sáng sớm ngày 29.4.1975, một cuộc họp mật của tham mưu cao cấp đã được tổ chức tại Bộ Tư Lệnh Hải Quân. Phó Đề Đốc Cang cho biết rằng nếu không có một phản lệnh nào khác, toàn bộ Hạm Đội sẽ rời Bộ Tư Lệnh ở Sài Gòn vào lúc 0 giờ tối 29 rạng 30.4.1975. Các hạm trưởng chuẩn bị thi hành. Tuy nhiên, cũng có chiến hạm đã lên đường trước giờ ấn định.
Phó Đề Đốc Cang đã liên lạc với Bộ Tổng Tham Mưu và Đại Tá Thủy Quân Lục Chiến Cổ Tấn Tinh Châu, chỉ huy trưởng Đặc Khu Rừng Sát và Thủy Trình sông Lòng Tảo – Vàm Cỏ, yêu cầu giữ an ninh cho đoàn chiến hạm có thể di chuyển an toàn trên sông Sài Gòn trong vòng vài giờ để ra khơi. Các chiến đấu cơ của Hoa Kỳ cũng được phái đến để bảo vệ cho cuộc di tản này.
Lúc 5 giờ chiều 29.4.1875, Phó Đề Đốc Chung Tấn Cang tuyên bố giải tán Hải Quân VNCH, nhưng lực lượng Hải Quân vẫn giữ nguyên đội hình khi ra khơi. Tối hôm đó, khi biết được Đề Đốc Chung Tấn Cang đã giải tán Hải Quân VNCH và dẫn lực lượng Hải Quân rời khỏi Sài Gòn, Tổng Thống Dương Văn Minh đã cấp thời ra khẩu lệnh cử Hải Quân Đại Tá Nguyễn Văn Tấn hành xử quyền Tư Lệnh Hải Quân. Đại Tá Hải đã ở lại và sau khi Sài Gòn mất, ông phải đi tù.
Như vậy, người Mỹ đã giải thoát cho các tay chân bộ hạ của họ, đưa các phi cơ và chiến hạm đi, để một miền Nam  đang hấp hối lại cho Tướng Dương Văn Minh và nhóm của ông, gồm những thành phần phản chiến, luôn đòi hoà hợp hoà giải với Cộng Sản như Thích Trí Quang, Thích Thiện Minh, Vũ Văn Mẫu, Trần Ngọc Liễng, Hồ Văn Minh, Hồng Sơn Đông, Hồ Ngọc Nhuận, Dương Văn Ba, Nguyễn Hữu Chung, Lý Quí Chung, Lý Chánh Trung, v.v.
2.- Ép Phó Tổng Thống Hương trao quyền
Trong cuốn “Decent Interval”, Frank Snepp, một phân tích viên của CIA ở Saigon lúc đó, nói rằng tại miền Nam lúc đó không ai tin Hà Nội có thể chấp nhận một giải pháp chính trị khi họ đang trên đà chiến thắng. Ông Vũ Văn Mẫu cũng đã nhận ra được điều đó nên khi gặp Đại Sứ Merillon, ông đã nói với ông Đại Sứ bằng tiếng Latin rằng nếu giải pháp một chính phủ liên hiệp không thành thì xin giúp ông được ra đi!
Frank Snepp cho biết thêm:
“Khi tôi đang bận đánh máy bản báo cáo thì Polgar ở trong phòng riêng với các viên chức khác của Trạm Tình Báo (Toà Đại Sứ) thảo luận về việc chuyển giao nhanh quyền hành. Một khi Thiệu từ chức, Phó Tổng Thống Trần Văn Hương phải trao quyền hành ngay lập tức cho Minh “Lớn”, và Quốc Hội phải sẵn sàng chấp thuận sự chuyển giao, để sự chuyển giao đó có thể được thực hiện “một cách hợp hiến” (nhấn mạnh của Đại Sứ Martin) và “nhanh chóng”.
Tiếp theo, Mỹ thúc đẩy Phó Tổng Thống Trần Văn Hương trao quyền lại cho Tướng Dương Văn Minh để “thương lượng với phía bên kia”, nhưng thật sự là để tuyên bố đầu hàng. Ông Trần Văn Hương không hiểu gì về tình hình lúc đó nên tìm cách cù cưa. Ông bí mật đến gặp Tướng Minh và yêu cầu Tướng Minh làm Thủ Tướng, nhưng Tướng Minh từ chối. Tuy nhiên, CIA và một số nhân vật chính trị đã thuyết phục ông rằng về quân sự, tình hình không còn cứu vãn được, phải tìm một giải pháp chính trị. Nhưng MTGPMN chỉ chịu nói chuyện với Dương Văn Minh, chứ không chịu nói chuyện với bất cứ ai, nên ông phải trao quyền cho Dương Văn Minh ngay. Cuối cùng ông cũng đồng ý trao quyền cho Tướng Minh với điều kiện phải có sự quyết định của Quốc Hội. Nếu nói thật với ông Hương rằng trao quyền cho Dương Văn Minh để đầu hàng, chắc chắn ông không bao giờ giao. Một câu nói của ông trong bản tuyên bố trao quyền thường được nhiều người nhắc đến: “Nguyện vọng lớn lao nhất của đời tôi là được làm một hạ sĩ danh dự, chết bên cạnh các chiến sĩ.”
Ngày 26.4.1975 lưỡng viện Quốc Hội đã họp tại Thượng Viện dưới quyền chủ toạ của ông Trần Văn Lắm, Chủ Tịch Thượng Viện, để đưa Tướng Dương Văn Minh lên làm Tổng Thống. Có 136 trong số 219 nghị sĩ và dân biểu đến họp. Sau khi Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực VNCH, và Tướng Nguyễn Khắc Bình, Tổng Giám Đốc CSQG trình bày về tình hình, Quốc Hội bắt đầu thảo luận về việc trao quyền cho Tướng Dương Văn Minh. Có rất nhiều sự bất đồng về việc trao quyền, nhiều người cho rằng sự trao quyền này là bất hợp hiến. Nhưng các nhóm vận động hậu trường đã hoạt động rất ráo riết nên cuối cùng, lúc 20 giờ 54 phút, Quốc Hội đã biểu quyết chấp thuận trao quyền cho Tướng Dương Văn Minh với số phiếu 147/151.
3.- Tướng Minh nắm chính quyền
Chiều 28.4.1975, vào lúc 17 giờ 50, Tướng Dương Văn Minh đã nhận chức Tổng Thống. Lễ bàn giao được diễn ra tại Phòng Khánh Tiết của Dinh Độc Lập, có trực tiếp truyền thanh.
Đại diện Quân Lực VNCH tham dự lễ bàn giao có Trung Tướng Đồng Văn Khuyên, Tham Mưu Trưởng Liên Quân thay mặt Đại Tướng Cao Văn Viên, và Trung Tướng Trần Văn Minh, Tư Lệnh Không Quân.
Trước khi bước xuống bục để nhường chỗ cho Tướng Dương Văn Minh đọc diễn văn nhận chức, theo lời yêu cầu của Tướng Cao Văn Viên, Tổng Thống Trần Văn Hương đã công bố sắc lệnh giải nhiệm Đại Tướng Cao Văn Viên khỏi chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng.
Tướng Dương Văn Minh đã buớc lên bực, trầm tĩnh đọc bản tuyên bố đường lối của chính phủ ông là “sẽ chấm dứt chiến tranh bằng cách thương thuyết và hòa giải với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam”.
Sau nghi lễ nhận chức, Tổng Thống Dương Văn Minh đã giới thiệu ông Nguyễn Văn Huyền làm Phó Tổng Thống và ông Vũ Văn Mẫu làm Thủ Tướng.
4.- Chỉnh đốn lại Bộ Tổng Tham Mưu
Cũng trong chiều 28, Phó Đề Đốc Chung Tấn Cang, Tư Lệnh Hải Quân, đã vào Dinh Hoa Lan gặp Tướng Minh cho biết tình hình và xin cho lực lượng Hải Quân được di tản xuống Miền Tây hay ra Phú Quốc. Tướng Minh đồng ý.
Phó Đề Đốc Cang hỏi Tướng Minh có định ra đi hay không. Tướng Minh cho con gái là Dương Mai, con rễ là Đại Tá Nguyễn Hồng Đài và hai cháu ngoại lên tàu di tản với Đô Đốc Cang, còn ông và bà Minh ở lại.
Phó Đề Đốc Cang là người rất được Tướng Minh tin cậy. Chúng ta nhớ lại, sáng 1.1.1963, sau khi ra lệnh giết Đại Tá Hồ Tấn Quyền, Tư Lệnh Hải Quân, lúc 1 giờ 30, Trung Tướng Dương Văn Minh đã ra lệnh cho Trung Tá Chung Tấn Cang, một người được móc nối từ trước, đem đoàn chiến đĩnh đến chiếm Bộ Tư Lệnh Hải Quân. Chung Tấn Cang đứng trên chiếc Monitor Combat (Tiền Phong Đĩnh) do Trung Sĩ Thạch Sơn lái và ra lệnh cặp vào cầu tàu Tư Lệnh. Sau đó ông lên Văn Phòng Tư Lệnh đảm nhiệm vai trò Tư Lệnh Hải Quân. Hôm sau, 2.11.1963, Trung Tá Cang được thăng Đại Tá.
Ngay trong chiều 28.4.1975, Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng, đã ra đi cùng với Chuẩn Tướng Trần Đình Thọ, Trưởng Phòng 3 Bộ Tổng Tham Mưu (phòng hành quân).
Sáng 29.4.1975, Trung Tướng Đồng Văn Khuyên, Tham Mưu Trưởng Liên Quân kiêm Tổng Cục Trưởng Tiếp Vận, và Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô cũng biến mất.
Được tin này, Dương Văn Minh yêu cầu Trung Tướng Vĩnh Lộc làm Tổng Tham Mưu Trưởng, nhưng Tướng Lộc đề nghị giao chức này cho Trung Tướng Ngô Quang Trưởng. Tướng Minh từ chối với lý do Tướng Trưởng mới bỏ chạy khỏi Vùng I đang gây hoang mang. Cuối cùng Tướng Lộc nhận. Tướng Minh liền tạm thời chỉnh đốn lại Bộ Tổng Tham Mưu như sau:
Trung Tướng Vĩnh Lộc: Tổng Tham Mưu Trưởng.
Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh: Phụ Tá Tổng Tham Mưu Trưởng đặc trách hành quân.
Trung Tướng Trần Văn Trung: Phụ Trách về Chiến Tranh Chính Trị.
Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Chức: Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận.
Đại Tá Hồ Ngọc Nhân: Quyền Tham Mưu Trưởng Liên Quân.
Thiếu Tướng Lâm Văn Phát: Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô. Chuẩn Tướng Lê Văn Thân, Tư Lệnh Phó.
5.- Trường hợp của Tướng Nguyễn Hữu Hạnh
Ở đây cần nói thêm một số chi tiết về vụ Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh, một nhân vật có nhiều tranh luận:
Tướng Hạnh sinh năm 1923 tại ấp Phú Thuận, xã Phú Phong, quận Châu Thành, Mỹ Tho, đã từng giữ những chức vụ quan trọng trong Quân Lực VNCH như Tư lệnh phó sư đoàn 21 bộ binh tại Bạc Liêu (1967), Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn 4 và Quân Khu 4, Tư Lệnh Phó Quân Đoàn 2 và Quân Khu 2 (thời Tướng Ngô Dzu), và Tổng Thanh Tra Quân Đoàn 1 và Quân Khu 1. Năm 1974 ông về hưu sau 27 năm trong quân ngũ. Ông có hai người con gia nhập quân đội VNCH, đó là Thiếu Úy Nguyễn Hữu Tài và Thiếu Úy Nguyễn Hữu Năng: Thiếu Úy Nguyễn Hữu Tài sinh năm 1948, là phi công trực thăng, bị Việt Cộng bắn hạ và tử thương tại Vĩnh Kim. Còn Thiếu Úy Năng là tuỳ viên của ông.
Khi Đại Tá Dương Văn Minh làm Quân Trấn Trưởng Sài Gòn (1955), ông làm Tham Mưu Trường cho Tướng Minh nên rất thân với Tướng Minh. Theo ông kể lại, hôm 26.4.1975 ông nghe tin Tướng Minh đang được đưa lên làm Tổng Thống, ông liền gọi điện thoại cho Trung Tá Đẩu, Chánh Văn Phòng của Tướng Minh. Trung Tá Đẩu cho biết Tướng Minh muốn gặp ông, nhưng ông nên đến Sài Gòn vào ngày 29.4.1975.
Ngày 28.4.1975 Tướng Hạnh lên Sài Gòn, nhưng lúc 6 giờ 30 sáng 29 ông mới đến nhà Tướng Minh ở số 3 đường Trấn Qúy Cáp, Sài Gòn. Sau một thời gian ngồi chờ khá lâu, Tướng Minh thấy ông và bảo Trung Tá Đẩu làm giấy cử Tướng Hạnh đến xem xét tình hình tại Bộ Tổng Tham Mưu. Khi đến, ông không liên lạc được với Không Quân và Hải Quân. Ông chỉ liên lạc được với Tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư Lệnh Quân Đoàn 3. Tướng Toàn cho biết tình hình nguy ngập và ông muốn dời Bộ Tư Lệnh về Trường Thiết Giáp ở Gò Vấp. Sau đó, chiều 29 Tướng Toàn cũng ra đi.
Tài liệu của Việt Cộng cho biết từ năm 1970, vì bất mãn với chính quyền miền Nam chẳng những không thăng thưởng đúng với công lao của ông mà còn trù dập, Nguyễn Hữu Hạnh đã được ông Tám móc nối để trở thành cơ sở của Ban Binh Vận Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam, với bí danh S7 hoặc Sao Mai. Nhưng các tài liệu của Việt Cộng lại mô tả các hoạt động địch vận của ông như những chuyện hoang đường.
Nguyễn Hữu Hạnh đã được nhà cầm quyền CSVN tặng thưởng Huân Chương Thành Đồng và được bầu làm Ủy Viên Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, nhưng vấn đề của Tướng Hạnh còn phải được xem lại, vì Việt Cộng thường đưa ra những chuyện huyền thoại về hoạt động tình báo của họ tại miền Nam để che đậy những thất bại về tình báo của họ, như trường hợp Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Phạm Ngọc Thảo, v.v.
6.- Yêu cầu cơ quan DAO rời Việt Nam
Vào lúc 11 giờ 30, ông Vũ Văn Mẫu được Tổng Thống Dương Văn Minh chọn làm Thủ Tướng đã chính thức nhận chức tại Phủ Thủ Tướng. Vì Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn đã rời Việt Nam nên Phó Thủ Tướng Đôn thay mặt bàn giao cho tân Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu. Ngay sau đó, ông Vũ Văn Mẫu đến đài phát thanh Sài Gòn đọc công hàm của Tổng Thống Dương Văn Minh yêu cầu các nhân viên Cơ Quan Tùy Viên Quân Sự (DAO) thuộc Toà Đại Sứ Mỹ rút khỏi Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ kể từ ngày 29.4.1975. Nguyên văn công hàm đó như sau:
“Thưa ông Đại Sứ,
“Tôi trân trọng yêu cầu ông Đại Sứ vui lòng ra chỉ thị cho các nhân viên của Cơ Quan Tùy Viên Quốc Phòng DAO rời khỏi Việt Nam trong 24 giờ đồng hồ kể từ ngày 29.4.1975 để vấn đề Hoà Bình Việt Nam sớm được giải quyết.”
Mặc dầu công hàm này có đóng chữ “MẬT” ở trên, nhưng lại công bố cho cả nước biết, có lẽ để cho Hà Nội nghe!
Đại Sứ Martin liền thông báo cho Tổng Thống Minh rằng ông “đã chỉ thị như ngài yêu cầu”. Ông yêu cầu Tổng Thống Minh ra lệnh cho quân đội VNCH làm dễ dàng cho việc di chuyển các nhân viên DAO.
Ngoại Trưởng Kissinger nói rằng lời yêu cầu như vậy là để cho Mỹ có cái “danh chính ngôn thuận” ra đi.
Sau này người ta mới biết được Tổng Thống Dương Văn Minh đã gởi công hàm nói trên theo lời yêu cầu của Đại Sứ Martin!
7.- Một đêm dài vô tận
Đêm 29.4.1975, Tướng Minh vào ngũ trong Dinh Độc Lập để tránh pháo kích.
Ông Vũ Ánh, Chánh Sự Vụ Sở Thời Sự Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia, lúc đó đang ở đài phát thanh Sài Gòn, cho biết từ mồng 1 tháng tư, theo lệnh của vị Hệ Thống Trưởng cuối cùng của Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia là Thiếu Tá Nguyễn Văn Thăng (Không Quân), ông đã ăn ngủ ngay ở trong Đài Phát Thanh Saigon để ứng trực và điều động các biên tập viên làm công việc trong tình hình có biến động. Khoảng 4 giờ sáng, khi ông vừa mới chợp mắt một chút, người thư ký trực báo cho biết có điện thoại của Tổng Thống Dương Văn Minh trong văn phòng Hệ Thống Trưởng. Ông vội chạy vào. Đầu dây bên kia tiếng của Dương Văn Minh:
- Qua là Minh đây. Trong Đài ai là người cao cấp nhất vào lúc này?
- Thưa Tổng Thống, không có ai ngoại trừ tôi, một số phóng viên, biện tập viên và nhân viên kỹ thuật.
- Qua hỏi để là hỏi thôi, giờ này họ bỏ đi hết rồi. Có tin tức gì mới liên quan đến Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ trên những bản tin viễn ấn không?
Tôi đáp không, ngoại trừ một bản tin rất ngắn của hãng thông tấn UPI cho biết mọi liên lạc giữa Tòa Đại Sứ Mỹ và chính phủ Vũ Văn Mẫu bị cắt đứt…
Lúc đó, Tướng Minh chỉ còn hy vọng vào Thượng Tọa Thích Trí Quang, người hứa sẽ đưa người “phía bên kia” đến thương lượng để thành lập chính phủ liên hiệp. Thỉnh thoảng ông lại gọi điện thoại hỏi Thích Trí Quang về tình hình liên lạc với “phía bên kia” như thế nào. Trung Tướng Nguyễn Hữu Có kể lại, lúc 4 giờ 35 sáng 30.4.1975, Thích Trí Quang đã nói với Dương Văn Minh qua điện thoại:
“Thưa Tổng Thống, cũng như Tổng Thống là tôi vẫn chờ đến giờ nầy và theo tôi nghĩ có lẽ với tình thề hiện tại, trong sứ mạng của tôi, người đứng trung gian bắc nhịp cầu của thế cờ chính trị, có thể nói là chấm dứt. Với trọng trách là Tổng Thống, hơn nữa là một Đại Tướng, tôi nghĩ công việc phải nhờ vào tài quân sự của Đại Tướng, chứ giải pháp chính trị của tôi coi như chấm dứt, và từ giờ phút này nếu có chuyện gì xẩy đến thì mọi trách nhiệm đều do Tổng Thống, à quên Đại Tướng quyết định với giải pháp quân sự, mà trong lãnh vực này Đại Tướng rất rành và giỏi hơn tôi. Xin chào Tổng Thống…”
Dương Văn Minh chỉ trả lời gọn một câu: “Thầy giết tôi rồi!” và cúp máy điện thoại.
Lúc đó là 4 giờ 45 phút sáng.
Frank Snepp kể lại, sau đó Tướng Minh đi đi lại lại một cách bực dọc (nervously) trong Dinh Độc Lập trống vắng. Đoàn sứ giả đi thương lượng ở Tân Sơn Nhứt không thấy về. Có người khuyên ông nên tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, nhưng ông không đồng ý. Ông nói rất nhiều đồng bào của ông sẽ khinh ông. (Too many of his countrymen would think ill of him). Ông muốn hoản lại chuyện này cho đến khi nội các được thành lập. Khi đó ít ra những người khác phải chia xẻ sự sỉ nhục.
8.- Những giờ tuyệt vọng
Lúc 5 giờ 24 phút, Kenneth Moorefield, trợ tá của Đại Sứ Martin, người Mỹ cuối cùng ở Toà Đại Sứ Mỹ đã rời khỏi Việt Nam. Ông kể lại rằng từ cửa sổ của máy bay, ông thấy nhiều người Việt Nam di tản đang còn đợi ở sân Toà Đại Sứ ở dưới. Ông phát biểu cảm tưởng:
“Chúng tôi bay trên bầu trời Sài Gòn, tôi cố ghi trong đầu một ấn tượng cuối cùng về thành phố lúc bấy giờ. Tôi nhớ tôi nghĩ nó gióng như một vùng ngoại ô của nước Mỹ. Tất cả đều phẳng lặng và bình yên, trừ một vài đám cháy ở đàng xa.”
Lúc 8 giờ, Tướng Minh đến Phủ Thủ Tướng ở số 7 đường Thống Nhất để duyệt lại thành phần chính phủ của Vũ Văn Mẫu và xem xét tình hình. Thành phần chính phủ mới được tạm thời ấn định như sau:
Tổng Thống: Dương Văn Minh,
Phó Tổng Thống: Nguyễn Văn Huyền,
Chính Phủ Vũ Văn Mẫu:
Thủ Tướng: Vũ Văn Mẫu,
Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng: Giáo sư Bùi Tường Huân.
Phụ Tá Tổng Trưởng Quốc Phòng: Trung Tướng Nguyễn Hữu Có.
Bộ Trưởng Thông Tin: Lý Quí Chung,
Thứ Trưởng Thông Tin: Dương Văn Ba,
Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng: Thái Lăng Nghiêm,
Bộ Trưởng Tư Pháp: Trần Thúc Linh,
Tổng Giám Đốc CSQG: Luật sư Triệu Quốc Mạnh.
Giáo Sư Bùi Tường Huân, Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng của chính phủ Vũ Văn Mẫu, đã kể lui kể tới với chúng tôi nhiều lần khi cùng bị giam chung ở trại Long Thành sau ngày 30.4.1975:
Sáng 30.4.1975, khi tân Nội Các họp tại Dinh Thủ Tướng để chuẩn bị đến Dinh Độc Lập làm lễ ra mắt thì Dương Văn Minh có bảo ông và Trung Tướng Nguyễn Hữu Có, Phụ Tá Tổng Trưởng Quốc Phòng, liên lạc với Bộ Tổng Tham Mưu xem tình hình quân sự như thế nào. Tướng Có gọi điện thoại đến Văn Phòng Tổng Tham Mưu Trưởng nhưng không ai trả lời. Một lúc sau, có một người nhấc điện thoại lên. Tướng Có hỏi anh ta là ai. Anh ta trả lời anh là một Trung Sĩ làm việc trong Bộ Tổng Tham Mưu, đi ngang nghe điện thoại reo dữ quá, anh đến nhắc lên xem có chuyện gì không, vì trong Văn Phòng Tổng Tham Mưu không còn ai cả. Tướng Có nhờ anh ta ra xem xung quanh có sĩ quan nào cao cấp còn đứng đó không. Anh ta đi một vòng thì thấy có cựu Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh. Anh liền báo tin cho Tướng Có biết. Dương Văn Minh nghe được, liền bảo gọi cựu Chuẫn Tướng Hạnh đến nói chuyện với ông. Khi nói chuyện với Tướng Hạnh, Dương Văn Minh mới biết Tướng Vĩnh Lộc, Tổng Tham Mưu Trưởng đã đi lúc 5 giờ 30 sáng rồi. Tướng Lâm Văn Phát, Tư lệnh Biệt Khu Thủ Đô cũng đã biến mất. Tướng Minh yêu cầu Tướng Hạnh đến Phủ Thủ Tướng ngay.
9.- Yêu cầu “không nổ súng…”
Khoảng 9 giờ 30, khi Tướng Hạnh đến báo cáo tình hình không còn gì để hy vọng nữa, Dương Văn Minh bàn với nội các rồi quyết định đầu hàng. Ông yêu cầu đài phát thanh Sài Gòn cử ngừơi sang số 7 đường Thống Nhất để thu thanh một lời hiệu triệu rất quan trọng. Ông Vũ Ánh, Chánh Sự Vụ Sở Thời Sự Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia, đang có mặt ở đài, đã cử phóng viên Lê Phú Bổn và kỹ thuật viên Hồ Ổn đi làm công tác này.
Lời kêu gọi do Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu soạn thảo, nhưng khi Tướng Minh đọc, vì quá xúc động, bị vấp nhiều chỗ phải thu đi thu lại đến 3 lần. Lúc 10 giờ 15, cuốn băng này đã được phát trên đài phát thanh Sài Gòn. Tổng Thống Dương Văn Minh kêu gọi các lực lượng của VNCH “không nổ súng và ở đâu ở đó” để bàn giao chính quyền cho Chính Phủ Cách Mạng. Nguyên văn lời kêu gọi đó như sau:
“Đường lối chủ trương của chúng tôi là hòa giải và hòa hợp dân tộc để cứu sinh mạng đồng bào. Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hòa giải của người Việt Nam để khỏi thiệt hại xương máu của người Việt Nam. Vì lẽ đó, tôi yêu cầu tất cả anh em chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa hãy bình tĩnh, không nổ súng và ở đâu ở đó. Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ngưng nổ súng. Chúng tôi ở đây chờ gặp Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam để cùng nhau thảo luận lễ bàn giao chính quyền trong một trật tự, tránh đổ máu vô ích của đồng bào”.
Ông cũng bảo Tướng Hạnh lấy tư cách Phụ Tá Tổng Tham Mưu Trưởng đọc nhật lệnh ra lệnh cho tất cả các đơn vị còn lại buông súng. Nhật lệnh của Tướng Hạnh như sau:
“Tổng Thống đã quyết định bàn giao chính quyền. Yêu cầu các đơn vị buông súng, trực tiếp tiếp xúc với lực lượng của Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời đối diện để trao lãnh thổ. Cố gắng tránh đổ máu.”
Sau đó Tướng Minh và nội các trở về Dinh Độc Lập để đợi “phía bên kia” vào và bàn giao. Trong khi đó, các quan khách đã được mời đến Dinh Độc Lập từ 9 giờ sáng để dự lễ ra mắt chính phủ mới.
10.- Tuyên bố đầu hàng vô điều kiện
Lúc 11 giờ 30, chiếc xe tăng Cộng Sản đầu tiên loại T-54 thuộc Lữ đoàn thiết giáp 203 tiến trên đại lộ Thống Nhứt về phía Dinh Độc Lập, ủi sập một cánh cổng đã mở sẵn theo lệnh của Tướng Dương Văn Minh, sau khi bắn hai phát đại bác long trời lở đất. Tiếng chân chạy ồn ào trong đại sảnh, có tiếng đạn lên nòng, một khẩu lệnh vang lên: “Mọi người đi ra khỏi phòng ngay!” Dương Văn Minh là người bước ra đầu tiên, Thiếu Tá tùy viên Hoa Hải Đường đi bên cạnh, phía sau là Vũ Văn Mẫu, Nguyễn Văn Huyền… Nhiều bộ đội ở đầu kia đại sảnh hét to: “Mọi người giơ hai tay lên!”. Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu và đoàn tùy tùng nhất loạt tuân lệnh. Một bộ đội yêu cầu Tướng Minh chỉ cho đường đi lên “để hạ cờ ngụy quyền”. Tướng Minh bảo Lý Qúy Chung dẫn đi.
Tài liệu của Hà Nội cho biết: Lúc 11 giờ 30 ngày 30.4.1975, chiếc xe Jeep của Đại Úy Phạm Xuân Thệ, Trung Đoàn Phó Trung Đoàn bộ binh 66 thuộc Sư Đoàn 304, vọt theo xe tăng của Đại đội 4, Lữ đoàn thiết giáp 203, do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy tiến vào trước cửa Dinh Độc Lập. Trong lúc Đại đội trưởng Thận lên kéo cờ giải phóng trên nóc Dinh Độc Lập, Trung đoàn phó Thệ cùng với các cán bộ chiến sĩ của Trung đoàn xông lên gác tiến vào phòng họp nơi Tổng thống Ngụy quyền Dương Văn Minh và toàn bộ nội các có mặt đông đủ. Khi mọi người chưa kịp làm gì tiếp thì Trung Tá Bùi Tùng, Chính Ủy Lữ Đoàn Xe Tăng 203 tới. Ông Minh thấy ông Tùng người to cao thì lễ phép chào và nói:
- Thưa ông, chúng tôi đợi các ông vào lâu rồi để bàn giao chính quyền.
Trung Tá Tùng nói:
- Các ông là người bại trận. Các ông không còn gì để bàn giao mà chỉ có đầu hàng vô điều kiện.
Ông Tùng buộc Tổng Thống Dương Văn Minh và Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu đến đài phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Ông Vũ Văn Mẫu nói:
- Nếu đưa chúng tôi sang đài phát thanh Sài Gòn thì phải có xe bọc thép đưa đi, nếu không phe đối lập sẽ gây nguy hiểm cho chúng tôi.
Ông Bùi Tùng nói:
- Bây giờ không còn phe đối lập nào ở Sài Gòn nữa, mà toàn là quân giải phóng.
Khi ra sân Dinh Độc Lập để sang đài phát thanh Sài Gòn, ông Bùi Tùng ngồi xe thứ hai, còn ông Phan Văn Thệ và ông Dương Văn Minh ngồi xe đầu. Khi hai ông vào bên trong đài phát thanh thì cô coi máy ghi âm vẫn còn ngồi đó, nhưng rất sợ hãi, tay lóng cóng không thể nào điều khiển máy ghi âm được. Sinh viên phản chiến Nguyễn Hữu Thái phải mất hơn một tiếng mới tìm ra được ông Trần Văn Bảng, một kỹ thuật viên có thể vận hành máy ghi âm và đài. Bản tuyên bố đầu hàng do Chính Trị Viên Bùi Tùng thảo, ông Minh phải đọc vào máy ghi âm. Ký giả Borries Gallasch, phóng viên tờ Der Spiegel của Đức, có mặt tại phòng ghi âm lúc đó, đã kể lại rằng lần đầu tiên ông Minh chần chừ vì được yêu cầu phải đọc: “Tôi, Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn”. Ông ấy chỉ muốn đọc: “Tôi, đại tướng Dương Văn Minh…”. Họ tranh luận qua lại, nhưng Chính Trị Viên Bùi Tùng không nhượng bộ. Cuối cùng ông Minh phải đọc: “Tôi, đại tướng Dương Văn Minh, tổng thống của chính quyền Sài Gòn”.
Không biết vì bản viết tay của ông Bùi Tùng khó đọc hay vì quá xúc động, mặc dầu bản tuyên bố chỉ có vài hàng, ông Minh đọc sai nhiều lần. Đến lần thứ ba ông Minh cũng đã đọc xong bản tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Bản tuyên bố này được phát trên đài phát thanh Sài Gòn vào lúc 13 giờ 30, nguyên văn như sau:
“Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng Thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân Giải Phóng Miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn. Từ trung ương đến địa phương trao lại cho Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam”.
Liền sau đó, Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu phát biểu trực tiếp:
“Trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, tôi, Giáo sư Vũ Văn Mẫu, Thủ Tướng, kêu gọi tất cả các tầng lớp đồng bào hãy vui vẻ chào mừng ngày hòa bình của dân tộc, và trở lại sinh hoạt bình thường. Chuyên viên của các cơ quan hành chính quay trở về vị trí cũ dưới sự hướng dẫn của chính quyền Cách Mạng”.
Tiếp theo là lời Chính Ủy Bùi Tùng:
“Chúng tôi đại diện lực lượng quân Giải phóng miền Nam Việt Nam long trọng tuyên bố Thành phố Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của ông Dương Văn Minh, Tổng Thống chính quyền Sài Gòn.”
Sau đó, bộ đội đưa Tướng Dương Văn Minh và ông Vũ Văn Mẫu về lại Dinh Độc Lập.
11.- Phóng thích nhóm Dương Văn Minh
Tối 2.5.1975, Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam tổ cức buổi trả tự do cho nhóm Dương Văn Minh tại Dinh Độc Lập. Trong buổi lễ, Tướng Trần Văn Trà, Chủ Tịch Ủy Ban Quân Quản Sài Gòn, đã phát biểu:
“Trong cuộc chiến đấu lâu dài này không có ai là kẻ thắng ai là kẻ bại. Toàn quân và toàn dân Việt Nam là người chiến thắng, chỉ có đế quốc Mỹ xâm lược là kẻ chiến bại. Nhân dân Việt Nam là dân tộc duy nhất trong lịch sử nhân loại đã đánh bại quân Mông Cổ. Vào năm 1954, chúng ta đã đánh bại Pháp ở Điện Biên Phủ, và nay chúng ta đã đánh bại Hoa Kỳ, nước tự hào cho mình là hùng mạnh nhất thế giới. Đây là niềm hãnh diện chung của tất cả nhân dân Việt Nam chúng ta”.
Tướng Dương Văn Minh đáp lời:
“Ngày hôm nay, đại diện cho các anh em có mặt tại đây, tôi nhiệt liệt hoan nghênh sự thành công của Chính phủ Cách Mạng trong công cuộc vãn hồi hòa bình cho đất nước. Với kỷ nguyên mới này, tôi mong rằng tất cả anh em có mặt tại đây, cũng như các tầng lớp đồng bào, sẽ có dịp đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng đất nước… Tôi nghĩ rằng với hành động của mình, tôi đã góp phần tránh một cuộc đổ máu vô ích cuối cùng cho Sài Gòn. Đó là phần đóng góp cụ thể của tôi trong cuộc chiến đấu này. Riêng cá nhân tôi, hôm nay tôi rất hân hoan khi được 60 tuổi, trở thành một công dân của một nước Việt Nam độc lập”.
Tính lại, Dương Văn Minh đã làm Tổng Thống chỉ 36 tiếng đồng hồ: Nhận chức vào chiều 28 tại Dinh Độc Lập đến trưa 30.4.1975 đã tuyên bố đầu hàng!
Chỉ ít lâu sau, nhóm chủ trương và đòi hỏi “hoà giải hoà hợp” với Cộng Sản, kể cả Tướng Dương Văn Minh, đã phải nếm mùi đắng cay của “xã hội chủ nghĩa”.
Lữ Giang
(19.5.1975)
 HỌA SỸ ỚT, TÊN HUNG THẦN CỦA VĂN NGHỆ SỸ MIỀN NAM

Bai Viet cua Truc Giang.
Họa sĩ Ớt, tên hung thần của văn nghệ sĩ miền Nam
Trúc Giang

1* Mở bài
Sau ngày 30-4-1975, bọn Việt Cộng nằm vùng đều lòi mặt ra hết, trong đó, người hung hản nhất, gây kinh hoàng trong giới văn nghệ sĩ Sài Gòn, là họa sĩ Ớt Huỳnh Bá Thành. Tên thật là Huỳnh Thanh Tâm, bí danh là Ba Trung, làm trưởng ban “chống tình báo CIA” của Sở Công An Thành Phố Sài Gòn.

2* Khủng bố văn nghệ sĩ
Chính họa sĩ Ớt, Huỳnh Bá Thành, chỉ huy những cuộc theo dõi, bố ráp, bắt giữ, thẩm vấn và giam cầm những văn nghệ sĩ nạn nhân, bị cho là gián điệp của CIA Hoa Kỳ. Đồng thời bỏ tù những tu sĩ Phật Giáo bị gán tội phản cách mạng.
Hai vụ điển hình là, “vụ án Thập nhị tăng ni Già Lam” và “vụ án Hồ Con Rùa” hay là “Những tên biệt kích cầm bút”.

ni cô Thích Trí Hải
2.1. Vụ án “Thập nhị tăng ni Già Lam”
Ngày 30-3-1984, vào buổi sáng, Hoà thượng Thích Trí Thủ chùa Già Lam, Phú Nhuận, được mời lên văn phòng Mặt Trận Tổ Quốc, Hòa thượng được cho nghe cuộn băng ghi tiếng nói của một tăng sinh bị bắt về “tội phản động”. Tăng sinh đó khai Thượng tọa Thích Tuệ Sĩ, Thượng toạ Thích Trí Siêu và ni cô Thích Trí Hải là những người trong ban lãnh đạo của một tổ chức phản động, mưu đồ lập chiến khu gây bạo động.
[Thượng toạ Tuệ Sỹ] Thượng toạ Tuệ Sỹ
Trong khi Hòa thượng Trí Thủ ở văn phòng Mặt Trận Tổ Quốc, thì tại chùa Già Lam, hai Thượng tọa Tuệ Sĩ và Trí Siêu bị bắt. Đồng thời, ni cô Trí Hải cũng bị bắt từ Hố Nai đưa về trung tâm thẩm vấn và tạm giam ở số 4 đường Phan Đăng Lưu.
Vài ngày sau đó, Hòa thượng Trí Thủ bị chết bất đắc kỳ tử, và thông tin nước ngoài cho rằng ông bị ám sát.
Trong đợt hành quân lớn, 19 tăng, ni, cư sĩ khác cũng bị bắt, giam đến ngày 30-9-1988, (4 năm) mới đưa ra tòa xét xử.
Hai Thuợng tọa Thích Tuệ Sĩ và Thích Trí Siêu bị tòa kết án tử hình.
Hai án chung thân dành cho hai cư sĩ Phan Văn Ty và Tôn Thất Kỳ.
Hoà thượng Thích Đức Nhuận lãnh án 10 năm. Các vị khác bị từ 4 đến 15 năm.
Ngày hôm sau, 1-10-1988, báo Sài Gòn Giải Phóng loan tin, hai vị Tuệ Sĩ và Trí Siêu ngoan cố, không chịu nhận tội. Đó là “tội tán thành, ủng hộ, che chở, đùm bọc hành động phản cách mạng, lật đổ chế độ Cộng Sản”.
[Gs Trí Siêu Lê Mạnh Thát] Gs Trí Siêu Lê Mạnh Thát
Thượng tọa Thích Tuệ Sĩ và Thích Trí Siêu là hai nhà sư uyên bác nhất của Phật Giáo Việt Nam.
Thích Tuệ Sĩ, tục danh là Phạm Văn Thương, một học giả uyên bác về Phật Giáo. Là Giáo sư thực thụ của Đại học Vạn Hạnh, thông thạo tiếng Anh, Pháp, Trung Hoa, Nhật, Pali, Phạn và tiếng Đức.
Thích Trí Siêu là giáo sư, tiến sĩ, sử gia, thiền sư Lê Mạnh Thát.
Do áp lực quốc tế và sự vận động của người Việt ở nước ngoài, ngày 15-11-1988, Hà Nội phải mở phiên xử phúc thẩm để giảm hai án tử hình xuống còn 20 năm tù. Hai án chung thân giảm xuống còn 18 và 16 năm. Hoà thuợng Thích Đức Nhuận giảm xuống còn 9 năm tù.
Những cuộc bố ráp, bắt giam, thẩn vấn và kết tội là do họa sĩ Ớt Huỳnh Bá Thành trực tiếp chỉ huy.

2.2. Vụ án “Hồ Con Rùa” hay “Biệt Kích Cầm Bút”
Vụ án “Hồ Con Rùa” đưa đến việc bắt bớ văn nghệ sĩ Sài Gòn.
“Biệt kích cầm bút” là cái tên do 2 đại tá VC, Tổng và Phó Ban biên tập tuần báo Công An Saì Gòn ghép tội cho các văn nghệ sĩ miền Nam sau ngày 30-4-1975 để bắt bỏ tù họ.
Ngày 2-4-1984, một vụ nổ lớn dữ dội tại tháp Hồ Con Rùa ở ngã tư Duy Tân - Trần Quý Cáp thuộc khu vực nhà thờ Đức Bà quận 1 Sài Gòn. Báo nhà nước quy kết tội phá hoại, một người trong số chủ mưu thiệt mạng và những người khác bị bắt.
Sau vụ nổ, hơn 200 văn nghệ sĩ, nhà văn, giáo sư bị bắt đi tù. Người chỉ huy, điều động bắt bớ cũng chính là họa sĩ Ớt Huỳnh Bá Thành, bí danh Ba Trung. Những nhân vật nổi tiếng như Vũ Hoàng Chương, Doãn Quốc Sĩ, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Sĩ Tế… Đặc biệt, Nhã Ca là nhà văn nữ duy nhất có tên trong danh sách “Mười Biệt Kích Cầm Bút”(BKCB) bị cầm tù trong cuộc hành quân lớn của công an Sài Gòn.
Mười “BKCB” gồm có: Doãn Quốc Sĩ, Dương Nghiễm Mậu, Nhã Ca, Phan Nhật Nam, Thanh Tâm Tuyền, Duyên Anh, Khuất Duy Trác, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Trần Ngọc Tư và Lý Thụy Ý.
Ban đầu, những văn nghệ sĩ miền Nam bị ghép vào tội “Gián điệp”, nhưng đến năm 1988, đổi lại thành tội “Tuyên truyền phản cách mạng”.
Vụ án văn nghệ sĩ Sài Gòn được công an in thành sách, dựng thành phim mang tên “Vụ Án Hồ Con Rùa”.
Tháng 9 năm 1988, nữ sĩ Nhã Ca, chồng là nhà văn Trần Dạ Từ cùng gia đình rời VN sang Thụy Điển, nhờ sự can thiệp của Văn Bút Quốc Tế (PEN International, PEN=Poets, Essayists &Novelists) phối hợp với Ân Xá Quốc Tế và sự bảo lãnh của thủ tướng Thụy Điển Ingvar Karlsson. Từ năm 1992, bà Nhã Ca định cư ở Cali, tiếp tục viết văn, làm báo, chủ nhiệm hệ thống Việt Báo Daily News tại Hoa Kỳ.
Thật ra, có một số bài viết được gởi ra nước ngoài. Luật sư Triệu Quốc Mạnh, một tên VC nằm vùng tại Nha Cảnh Sát Đô Thành, với cấp bậc đại úy, được chỉ định là luật sư biện hộ cho các văn nghệ sĩ, Mạnh nói với các nạn nhân: “Các anh viết bài gởi ra nước ngoài, dù chỉ than thở nghèo đói cũng là bôi bác chế độ. Các anh làm cho họ đau lắm. Các anh làm cho họ đau, họ bỏ tù các anh, như vậy là huề”. Luật sư biện hộ mà nói với thân chủ của mình như thế, thì biện hộ theo cái kiểu gì đây?

3* Ớt bị thất sủng và cái chết bất đắc kỳ tử
Sau thời gian gây kinh hoàng cho giới văn nghệ sĩ, khi thiếu tướng Trần Bạch Đằng, bút danh Nguyễn Trương Thiên Lý, người đở đầu cho họa sĩ Ớt bị điều ra Bắc, và Hà Nội đưa người cài vào các cơ quan miền Nam, thì Huỳnh Bá Thành mất chỗ dựa, không còn tung hoành như trước nữa. Ớt đã từng tống tiền, bắt địa những người Hoa xin xuất cảnh ra nước ngoài, anh ta được xem như tay tổ tham nhũng, cũng giống như Năm Thạch, đại tá VC Nguyễn Văn Năm, làm giám đốc Sở công tác về người nước ngoài, số 161 đường Nguyễn Du, cấp giấy xuất cảnh cho các diện con lai, đi nước ngoài chữa bịnh và chương trình ODP, sum họp gia đình do thân nhân bảo lãnh. Năm Thạch vốn là VC nằm vùng, làm quản lý của đoàn cải lương Thanh Minh Thanh Nga. Thạch là tay ăn hối lộ trắng trợn, nên bị Hà Nội cho người vào bắt ép phải tự tử tại nhà ở đường Công Lý, và công an mở cửa cho công chúng vào xem xác chết. Ngay sau đó, vợ con bị trục xuất ra khỏi nhà để đào bới tìm vàng chôn dấu.
Huỳnh Bá Thành bị thất sủng ngay sau khi người em đã vượt biên qua Mỹ. Anh ta đến nhậu tại nhà bạn bè và tâm sự như thế, cho biết anh muốn xin qua làm việc ở Công ty Du lịch, là nơi béo bở, có thể thu hoạch được nhiều tiền trong thời kỳ đó.
Anh ta tiết lộ về cuộc đấu trí với ông Doãn Quốc Sĩ. Ông Sĩ thấy bị động, nên làm đơn xin xuất cảnh “sang Úc”. Công an lờ đi, cho cấp xuất cảnh, cho phép được gặp phái đoàn Úc để phỏng vấn, mọi việc trơn tru. Ông Doãn Quốc Sĩ chỉ còn chờ được lên danh sách chuyến bay, xem như được thoát nạn 90%, nhưng bị Ớt vây bắt trên đường ra phi trường. Chính miệng hắn kể lại trong lúc nhậu nhẹt như thế.
Sau chuyến đi công tác qua Pháp, lý do là tổ chức màn lưới gián điệp, nhưng dư luận cho rằng có mục đích về tài chánh, như chuyển tiền ra ngoại quốc chẳng hạn. Khi về VN thì bị chết bất đắc kỳ tử, và tên đàn em thân tín, chuyên thu tiền cho sếp, là trung úy Sơn, người Quảng Nam, cũng chết với lý do mờ ám. Dư luận cho rằng Ớt bị thanh toán.

4* Họa sĩ Ớt Huỳnh Bá Thành nằm vùng
Họa sĩ Ớt Huỳnh Bá Thành là một “cơ sở” (1 người) trụ cột của cụm điệp báo A10, mục đích chính là tác động vào thành phần thứ ba do tướng Dương Văn Minh lãnh đạo.

4.1. Việc thành lập cụm điệp báo A10
Trong Hiệp định Paris năm 1973 có vai trò của Thành Phần Thứ Ba, nên CSBV muốn nắm thành phần nầy để tác động, gây ảnh hưởng, lèo lái, đó là lý do thành lập cụm điệp báo A10. Ngoài ra, cụm A10 còn thâm nhập vào các tổ chức đối lập như Phong Trào Chống Tham Nhũng của Linh Mục Trần Hữu Thanh và Hội Ký giả, cũng như các dân biểu đối lập.
Tại căn cứ Cây Dầu ở Campuchia, Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc), và trùm tình báo VC Trần Quốc Hương (Mười Hương) quyết định cử Mười Thắng làm cụm trưởng cụm A10. Cái tên “A 10” lấy từ chữ An ninh (A) và 10 là Mười Thắng. A10 trực thuộc Ban An Ninh T4 (Sài Gòn-Gia Định) do Mai Chí Thọ phụ trách.
Trần Quốc Hương (Mười Hương) cho biết: “Trong căn cứ, tôi thường xuyên theo dõi và nghiên cứu báo chí đối lập, nhất là tờ Điện Tín, nên biết họa sĩ Ớt có tên là Hùnh Bá Thành là một họa sĩ có tài, thông qua các biếm hoạ mà dựng lên bản chất của nhân vật. Sau khi chỉ đạo, kiểm tra, xác minh, tôi chấp nhận đề xuất của Mười Thắng, đưa cậu Thành vào cụm A10.”
Huỳnh Bá Thành có mối quan hệ và ảnh hưởng trong giới trí thức, ký giả và các dân biểu đối lập.
Tháng 7 năm 1973, Huỳnh Bá Thành được móc nối lại trong cụm A10. Thành được kết nạp vào đảng năm 1968, nhưng do người chỉ huy bị bắt, nên mất liên lạc.
Cụm A10 gồm những người trẻ, đặc biệt là cùng gốc Quảng Nam- Đà Nẳng:
Cụm trưởng: Mười Thắng, 21 tuổi
Họa sĩ Ớt: 30 tuổi, làm việc tại báo Điện Tín, do cụu đại tá, nghị sĩ Hồng Sơn Đông làm chủ nhiệm, dân biểu Hồ Ngọc Nhuận là chủ bút.
Ngô Văn Dũng, 22 tuổi, kỹ sư nông lâm súc, nằm vùng, là phụ tá của TS Nguyễn Văn Hảo, phó thủ tướng đặc trách kinh tế.
Võ Văn, 20 tuổi, hoạt động trong lõm chính trị Bảy Hiền.
Sau khi báo Điện Tín bị đóng cửa, Họa sĩ Ớt làm việc và ở ngay trong dinh Hoa Lan, nhà của Dương Văn Minh, số 58 đường Hồng Thập Tự, quận 1 Sài Gòn.
Những tên nằm vùng tại những cơ quan: Đài phát thanh Mẹ Việt Nam thuộc Tổng cục CTCT. Luật sư Triệu Quốc Mạnh, đại úy cảnh sát tại Nha Cảnh Sát Đô Thành (CSĐT), Mạnh được Dương Văn Minh (DVM) cử làm giám đốc Nha CSĐT. Trung úy VC Huỳnh Ngọc Thắng nằm vùng trong văn phòng Trung tướng Đồng Văn Khuyên, Tổng Cục Tiếp Vận. 3 kỹ sư đện và điện tử tốt nghiệp Đại học Kỹ Thuật Phú Thọ, gồm Lương Mạnh Dũng, Bùi Sáu và Lê Ngọc Báu nằm vùng trong Phòng 7 TTM, thực chất là cơ quan tình báo kỹ thuật của Mỹ CDEC (Combine Document Exploitation Center). Họ đã cung cấp những tin tức vô cùng quan trọng.

4.2. Công tác của Huỳnh Bá Thành
1). Báo cáo tình hình và những nhân vật chính trị Sài Gòn
Từ ngày 14-3-1974 đến 2-1-1975, họa sĩ Ớt đã có 108 nhân vật được vẽ và bài viết trên báo, được xem như những báo cáo công khai cho cấp trên ở Cục R.
2). Kế hoạch sao chổi và Ngày Ký giả đi ăn mày
Ngày 22-9-1974, Tổng thống Thiệu thông qua một kế hoạch mang tên Sao Chổi, mục đích quét sạch VC nằm vùng và đối lập thân cộng. Đại úy Triệu Quốc Mạnh đánh cắp bản văn, chuyển qua cho Huỳnh Bá Thành (HBT). HBT đưa nguyên văn bản kế hoạch cho các báo đối lập đăng tải phổ biến ngày 1-10-1974. Làn sóng “căm phẩn” nổi lên, ngày 10-10-1974, hàng trăm ký giả xuống đường phản đối chính quyền, lấy tên là “Ngày ký giả đi ăn mày”.
3). Tác động chống “Chính phủ Thiệu mà không có Thiệu”
Mục đích là ngăn cản Trần Văn Hương làm Tổng thống. Trong kế hoạch đưa Dương Văn Minh (DVM) lên làm tổng thống, HBT “tác động” các dân biểu đối lập, đưa ra Bản tuyên bố, chống “chính phủ Thiệu mà không có Thiệu”. Bản tuyên bố được nhóm của HBT dịch ra tiếng Anh và Pháp, trao cho ký giả ngoại quốc, trong nước, và đại diện 40 đoàn thể tham dự buổi họp báo
ở Hạ Viện để tấn phong chức vụ tổng thống cho Trần Văn Hương. Cuộc biểu quyết bất thành. Trần Văn Hương từ chức, giao quyền lại cho Quốc hội.
4). Huỳnh Bá Thành ra mật khu nhận chỉ thị
Tháng 3 năm 1975, HBT đóng vai một người đi mua đất, vì sắp có hòa bình. Ăn mặc bảnh bao, áo kaki 4 túi, thuê xe máy cày đi vào mật khu Long Khánh để báo cáo và nhận chỉ thị của Mai Chí Thọ.
Huỳnh Bá Thành tên thật là Huỳnh Thanh Tâm, sinh năm 1942 tại làng Khái Đông, huyện Hòa Vang nay là Hòa Hải quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẳng. Chết bất đắc kỳ tử năm 1993.

5* Ba ngày làm tổng thống của Dương Văn Minh

5.1. Ngày 28-4-1974
Lúc 15 giờ ngày 28-4-1975.
Tướng Dương Văn Minh nhậm chức tổng thống. Nguyễn Văn Huyền được cử Phó Tổng thống, Vũ Văn Mẫu, Thủ tướng. Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh làm phụ tá Tổng Tham Mưu trưởng cho Trung tướng Vĩnh Lộc. Sau khi Vĩnh Lộc bỏ nhiệm sở, Tướng Hạnh lên làm Quyền Tổng TMT. GS Bùi Tường Huân làm bộ trưởng Quốc phòng, Lý Quý Chung làm Bộ trưởng Thông Tin và Huỳnh Bá Thành (hoạ sĩ Ớt) làm Thứ trưởng bộ Thông tin. Triệu Quốc Mạnh giữ chức Giám Đốc Nha Cảnh sát Đô Thành.
Giáo sư Bùi Tường Huân là giáo sư Đại học Huế, không phải là quân nhân, nắm giữ Bộ Quốc Phòng, chứng tỏ không phải là một chính phủ chiến tranh.
Lúc 17 giờ ngày 28-4-1975
Phi đội với 5 chiếc A-37 do Nguyễn Thành Trung chỉ huy, ném bom phi tường Tân Sơn Nhất.
Dân biểu Hồ Ngọc Nhuận cho biết, Tổng thống Dương Văn Minh giao cho ông nhiệm vụ đưa quân đến chiếm đài phát thanh Sài Gòn, để phòng ngừa tướng Nguyễn Cao Kỳ làm đảo chánh.
Đêm 28-4-1975
Hai đại tá phi công lái hai trực thăng phục vụ cho tổng thống, đậu trên nóc Dinh Độc Lập, đến gặp Tướng Minh, đề nghị đưa tổng thống, gia đình và ban tham mưu ra Đệ Thất Hạm Đội. Tương Minh trả lời: “Hai em có thể an lòng bay ra hạm đội. Bất cứ ai có mặt ở đây, muốn đi theo thì có thể đi. Tôi nhất quyết không đào ngũ bỏ chạy”.
Dương Văn Minh đưa gia đình đến ở nhà một người bạn của tướng Mai Hữu Xuân đường Phùng Khắc Khoan, vì sợ Nguyễn Cao Kỳ dội bom dinh Hoa Lan.

5.2. Ngày 29-4-1975
Thả tù binh Việt Cộng
Tổng thống DVM ra lịnh cho giám đốc cảnh sát đô thành Triệu quốc Mạnh, thả tù binh và tù chính trị VC, trong đó có Huỳnh Tấn Mẫm.
Yêu cầu Hoa Kỳ rời khỏi VN trong 24 giờ.
Dương Văn Minh gởi văn thư cho đại sứ Graham Martin, yêu cầu cơ quan viện trợ HK DAO rời khỏi VN trong 24 giờ.
Lúc 16 giờ, chỉ huy cảnh sát các quận ở Đô thành tan rả, do lịnh của Triệu Quốc Mạnh cho phép họ về thu xếp việc gia đình.
Một phái đoàn do LS Trần Ngọc Liễng dẫn đầu, có Linh Mục Chân Tín và GS Châu Tâm Luân, vào trại David, thông báo cho Võ Đông Giang về chủ trương “không chống cự” của chính phủ Dương Văn Minh.
LS Trần Ngọc Liễng cho biết, Dương Văn Minh đã chấp nhận đầu hàng từ trưa ngày 29-4-1975.
Chiều ngày 29-4-1975, một nhóm người, trong đó có họa sĩ Ớt, Lý Quý Chung, Phan Xuân Huy và Đoàn Mai “tác động” DVM hướng về một thành phố bỏ ngõ.
Thích Trí Quang điện thoại trực tiếp với DVM: “Còn chờ gì mà không đầu hàng”.

5.3. Ngày 30-4-1975
6 giờ sáng ngày 30-4-1975
Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh lên nắm quyền Tổng TMT, vì tướng Vĩnh Lộc bỏ ngủ.
Tướng Nguyễn Hữu Có đến báo cáo với TT/DVM về tòan bộ tình hình quân sự. Sau đó, TT/DVM, Nguyễn Hữu Hạnh và Nguyễn Hữu Có, đến phủ thủ tướng số 7 đường Thống Nhất.
Chính phủ Dương Văn Minh họp và quyết định “Không nổ súng và giao chính quyền lại cho chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam. Vũ Văn Mẫu soạn lời tuyên bố nầy.
9 giờ sáng ngày 30-4-1975
DVM đọc vào máy ghi âm.
Nguyễn Hữu Hạnh ban Nhật Lịnh cho quân đội. Tướng Hạnh gọi điện thoại cho tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lịnh Quân Khu 4, yêu cầu thi hành lịnh của tổng thống trên đài phát thanh.
9 giờ 30 sáng ngày 30-4-1975
Đài phát thanh Sài Gòn phát lời tuyên bố của TT DVM: “Đường lối của chúng tôi là hoà giải hòa hợp dân tộc. Yêu cầu tất cả anh em binh sĩ ngừng nổ súng. Ở đâu thì ở đó. Chúng tôi chờ gặp Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam VN để thảo luận về lễ bàn giao chính quyền trong vòng trật tự, tránh đổ máu vô ích cho đồng bào”.
Sau đó, từ dinh thủ tướng, Dương Văn Minh, Nguyễn Hữu Hạnh và Vũ Văn Mẫu cùng nội các đến Dinh Độc Lập chờ bàn giao chính quyền.
11 giờ 30 ngày 30-4-1975
Xe tăng CSBV vào DĐL. Duơng Văn Minh và Vũ Văn Mẫu bị đưa tới đài phát thanh để đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, do trung tá chính ủy lữ đoàn xe tăng 203, Bùi Văn Tùng viết ra.
Xe tăng cộng quân tiến vào Dinh Độc Lập
Phạm Xuân Thệ (phải) đưa Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu đến đài phát thanh
Thư đầu hàng và chấp nhận đầu hàng, do Phạm Xuân Thệ và Bùi Văn Tùng soạn
Bức ảnh lịch sử do nhà báo Kỳ Nhân chụp tại thời điểm Tổng thống Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng ở Đài phát thanh Sài Gòn
Thượng tá Quân đội Nhân dân Bùi Tín, bên phải, đang nhận sự đầu hàng của Dương Văn Minh. Người đứng cạnh ông Minh là Bộ trưởng Thông tin Lý Quí Chung, rồi đến Thủ tướng Vũ Văn Mẫu.
6* Lời tường thuật của sĩ quan cận vệ thủ tướng Vũ Văn Mẫu
Lời tường thuật của sĩ quan Nhan Hữu Hậu, cận vệ của thủ tướng Vũ Văn Mẫu về ngày 30-4-1975 tại Dinh Độc Lập.
Ngày 30-4-1975.
- “Tại phòng khách lầu 2 của Dinh Độc Lập (DĐL).
Tôi thấy GS Bùi Tường Huân, (Bộ trưởng Quốc Phòng), Vũ Văn Mẫu (Thủ tướng), Lý Quý Chung (Bộ trưởng Thông tin) và một số người khác”
- Tại phòng làm việc của Tướng DVM
Bên ngoài có chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh (Quyền Tổng TMT thay thế trung tướng Vĩnh Lộc bỏ nhiệm sở), đại tá Vũ Quang Chiêu (Chánh Võ phòng phủ tổng thống), đại tá Lê Thuần Trí (Chánh sở quân vụ), trung tá Võ Ngọc Lân.
Khoảng 12 giờ trưa ngày 30-4-1975.
Xe tăng Cộng sản vào DĐL mà không gặp sự kháng cự nào, vì 2 cửa cổng đã mở rộng từ trước. Trên tầng 2, đại tướng Minh, chuẩn tướng Hạnh (mặc quân phục), trung tá Võ Ngọc Lân và tôi (Nhan Hữu Hậu, sĩ quan cận vệ của thủ tướng Vũ Văn Mẫu) đứng chờ chuyện kế tiếp sẽ xảy ra.
Một cán binh mặc áo thun trắng, chạy thẳng lên lầu, hỏi trỏng: “Thằng Minh đâu rồi?”. Hắn hỏi như vậy 3 lần. Nhưng tướng Minh vẫn chắp tay sau đít, đi tới đi lui không trả lời.
Tôi chỉ vào ông và nói với hắn: “Tổng thống Minh đây nè”.
Tên cán binh ngó qua xong, rồi chỉ tay vào chuẩn tướng Hạnh, bảo cởi quân phục ra.
Tôi lấy áo sơ mi của tôi trao cho tướng Hạnh mặc tạm.
Sau đó…
Chúng tôi, gồm cả thành phần nội các chưa được tấn phong, bị gom lại trong phòng khách có lính canh bên ngoài. Ngoại trừ phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền dùng phương tiện riêng ra về trước khi bộ đội Cộng sản đến.
Bị nhốt một thời gian lâu, dân biểu Lý Quý Chung đến trước mặt tên bộ đội, tự giới thiệu, “tôi là thành phần thứ ba”, nhưng tên bộ đội hét lên: “Không có thành phần nào hết!. Ngồi lại kia!”
Trời đã xế chiều, bổng nhiên có tiếng súng nổ trong DĐL, liền tức thời, chúng tôi bị di chuyển xuống tầng hầm, nơi có đặt máy truyền tin, kế bên là một sân bắn, và một nhà kho trữ lương thực.
Một hồi sau, chúng tôi được lịnh trở lên phòng khách ở tầng hai, tên bộ đội giải thích: “Nhân dân vui quá nên đốt pháo ăn mừng”.
Chúng tôi bị giam cho mãi tới trưa ngày 2-5-1975. Một phái đoàn báo chí, có cả hảng truyền hình Đông Âu vào DĐL.
Suốt 2 ngày bị giam không cho súc miệng rửa mặt. Sau đó, chúng tôi được lịnh đi rửa mặt, chải đầu, vuốt sửa quần áo lại cho ngay ngắn, cho ngồi vào ghế, và được lịnh phải tươi cười để hoàn thành cuốn phim thời sự.”
Sĩ quan Nhan Hữu Hậu nhấn mạnh, khi xe tăng CSBV vào, thì 2 cửa cổng Dinh Độc Lập mở rộng. “Cộng sản đã lợi dụng đêm tối, cho đóng 2 cửa lại, rồi sau đó dàn cảnh cho xe tăng ủi sập để quay phim tuyên truyền, là hang ổ cuối cùng của ngụy quyền đã bị thanh toán”.
Họa sĩ Ớt và cụm A10 được cho là thành công trong nhiệm vụ vì không bị khám phá, nhưng thành tích thì không được biết đến một cách rộng rãi, và cũng không có ai được thưởng huy chương hay thăng chức cả. Họa sĩ Ớt mang cấp bậc đại úy sau ngày 30-4-1975.
8* Kết
Họa sĩ Ớt, một tên Việt Cộng nằm vùng, là một hung thần gây kinh hoàng cho văn nghệ sĩ miền Nam.
Có lẻ cựu đại tá, Nghị sĩ Hồng Sơn Đông, chủ nhiệm báo Điện Tín, Linh mục Trần Hữu Thanh, hội ký giả VN, và ngay cả tướng Dương Văn Minh cũng không biết được rằng mình đã bị Việt Cộng xỏ mũi, giật dây và bị lợi dụng, vô tình góp một phần lớn vào việc sụp đổ miền Nam nhanh chóng, sớm đưa dân tộc vào một chế độ độc tài tàn bạo Cộng Sản. Quý vị đã tiếp tay cho Việt Cộng.
Họa sĩ Ớt tác động vào Dương Văn Minh, nhưng có lẻ vai trò không quan trọng bằng chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh.
Về tướng Hạnh, Ban Binh vận và Địch vận của Trung Ương Cục miền Nam, đã cử người bác ruột của tướng Hạnh là Nguyễn Tấn Thành, một cán bộ VC có bí danh là Tám Vô Tư, “tiếp cận, bồi dưỡng” và giật dây, để Hạnh thuyết phục Dương Văn Minh, nếu lên làm tổng thống thì tìm cách kết thúc chiến tranh “có lợi cho nhân dân”. Vai trò của tướng Nguyễn Hữu Hạnh chỉ bắt đầu từ khi tướng Minh lên làm tổng thống, ngày 28-4-1975, ngày mà tướng Hạnh từ Cần Thơ tìm mọi cách lên Sài Gòn để gặp DVM.
Nhưng dù sao thì số phận của Việt Nam Cộng Hoà cũng đã định trước rồi, kể từ khi không còn súng đạn để bảo vệ đất nước.
Trúc Giang



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét