Công du Nam Hàn (South Korea)
Đầu tháng 12/1963, Trung Tướng Trần Thiện Khiêm gọi tôi vào văn
phòng:
“Chú thích đi du lịch không?”
“Rất thích, nhưng chưa có cơ hội thưa Trung Tướng”.
“Bây giờ có rồi. Chú liên lạc sang văn phòng Trung Tướng Đôn (Trần
Văn Đôn, Tổng Trưởng Quốc Phòng) làm thủ tục đi Đại Hàn (South Korea) với tôi”.
Không ngờ là cơ hội tốt đến với tôi trong hoàn cảnh đang vui,
nên tôi xúc tiến ngay. Sau đó, tôi mới biết đây là phái đoàn thay mặt chánh phủ
sang Đại Hàn (Nam Triều Tiên) dự lễ nhậm chức của Tổng Thống Pak Chung Hi vào
ngày 17 tháng 12 năm 1963 tại thủ đô Seoul. Phái đoàn chánh thức gồm: (1) Ông
Phạm Đăng Lâm, Tổng Trưởng Ngoại Giao, Trưởng phái đoàn. (2) Trung Tướng Trần
Thiện Khiêm, Tham Mưu Trưởng Liên Quân, thành viên. (3) Thiếu Tướng Nguyễn Văn
Thiệu, Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh, thành viên. (4) Đại Tá Linh Quang Viên, Bộ Quốc
Phòng, thành viên. (5) Và tôi, Thiếu Tá Phạm Bá Hoa, Chánh Văn Phòng Tham Mưu
Trưởng Liên Quân, thành viên.
Ngoài ra còn có gia đình của Trung Tướng Khiêm và gia đình của
Thiếu Tướng Thiệu, thêm Đại Úy Nguyễn Hữu Có, sĩ quan tùy viên của Trung Tướng
Khiêm, và Đại Úy Nhan Văn Thiệt, sĩ quan tùy viên của Thiếu Tướng Thiệu.
Trong nhóm đi đầu là Đại Tá Linh Quang Viên, và tôi. Chúng tôi rời
Sài Gòn ngày 08/12/1963, dừng lại Tokyo 5 ngày chuẩn bị nơi ăn chốn ở cho hai
gia đình của Trung Tướng Khiêm và Thiếu Tướng Thiệu, sẽ ngoạn cảnh và mua sắm
trong khi chờ các vị dự lễ bên Seoul trở lại. Chúng tôi đến Seoul trưa ngày
13/12/1963 khi nhiệt độ nơi đây xuống đến 5 độ dưới không độ C. Tạm thời chúng
tôi ở khách sạn Bando tại trung tâm thủ đô Seoul. Với sự giúp đỡ của tòa đại sứ
Việt Nam Cộng Hòa tại đây, chúng tôi hoàn thành công tác chuẩn bị: Đại Tá Viên
đã xong bản tường trình về tình hình chính trị trước và sau ngày bầu cử Tổng Thống
Đại Hàn. Và tôi đã có đầy đủ tin tức cũng như chương trình chi tiết trong ngày
lễ, cùng những ngày sau đó dành cho phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa.
Cũng qua những buổi thuyết trình ngắn của tòa đại sứ, chúng tôi
hiểu thêm đôi nét về cựu Tổng Thống Lý Thừa Vãng trong thời gian lãnh đạo quốc
gia này. Theo đó, nếu so với bà Ngô Đình Nhu nặng về chính trị, thì hoạt động của
bà Lý Thừa Vãng nghiêng về kinh tế, và khách sạn Bando là một trong rất nhiều
cơ sở kinh doanh của đệ nhất phu nhân họ Lý. Khi ông Lý Thừa Vãng lưu vong, Đại
Tướng Pak Chung Hi nhân danh quân đội lên cầm quyền. Ông có vị Cố Vấn phảng phất
ông Ngô Đình Nhu lúc đương thời, đó là ông Kim Jong Pil. Vì vậy mà khi Đại Tướng
Pak Chung Hi chánh thức tuyên bố ứng cử Tổng Thống, ông Cố Vấn của Đại Tướng
Pak Chung Hi đã theo khuyến cáo của Hoa Kỳ, xuất ngoại để trấn an dư luận như
là ông không dính dáng đến chính trị, nhưng thật ra ông đã chuẩn bị xong công
tác tổ chức bầu cử trước khi xuất ngoại. Sau đó, cuộc bầu cử đã diễn tiến như dự
định và Đại Tướng Pak Chung Hi đắc cử. Ông Kim Jong Pil lại trở về Seoul, vẫn
trong chức vụ Cố Vấn.
Phần chánh của phái đoàn đến phi trường Kimpo, thủ đô Seoul,
trưa ngày 17/12/1963, tức là ngày Đại Hàn cử hành lễ nhậm chức Tổng Thống của Đại
Tướng Pak Chung Hi. Cả phái đoàn đầy đủ được hướng dẫn lên khu Walker Hill cách
Seoul khoảng 8 cây số về phía bắc, một khu thắng cảnh rất đẹp của Đại Hàn, chỉ
dành cho khách ngoại quốc để thu ngoại tệ. Cả một vùng rừng núi được biến thành
khu du lịch với những khách sạn, nhà hàng, các khu giải trí với nhiều môn khác
nhau, xây dựng bên các sườn núi mà hầu hết là nhìn xuống sông Hàn (Han river) uốn
khúc dưới chân. Vào mùa này, nước sông Hàn đóng băng trắng xóa, trông rất đẹp.
Đến nơi, vừa mang hành lý vào phòng là Trung Tướng Khiêm gọi
tôi:
“Mấy giờ bắt đầu lễ vậy chú?”
“Dạ 3 giờ chiều, thưa Trung Tướng”.
Ông nhìn đồng hồ:
“Ngay bây giờ, chú chạy đi tìm mua cho tôi "cặp lon 3
sao", vì trong cặp tôi chỉ có "3 sao" cho một bên áo thôi”.
“Vâng”.
Chẳng hiểu Đại Úy Nguyễn Hữu Có ở Tokyo, khi chuẩn bị hành lý
cho "sếp" lại gấp gáp thế nào mà chiếc áo đại lễ của Trung Tướng
Khiêm chỉ có một bên 3 ngôi sao, nghĩa là thiếu 3 ngôi sao cho cầu vai
bên kia (cấp hiệu Trung Tướng biểu hiện bằng 3 ngôi sao mỗi bên cầu vai).
Nhận lệnh của Trung Tướng Khiêm là như vậy, nhưng tôi chưa biết
phải làm sao mua cho kịp. Chợt nhớ anh sĩ quan Công Binh tại Bộ Quốc Phòng Đại
Hàn, Thiếu Tá Choi, sĩ quan tùy viên cho phái đoàn chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa
và anh ta trình diện Đại Tá Linh Quang Viên tại sân bay trước khi phái đoàn
chánh thức đến. Ra phòng khách, tôi nói với anh về nhu cầu gấp rút đó và hy vọng
anh ta giúp tôi được.
Anh ta hỏi: “Anh sẳn sàng chưa?”
“Sẳn sàng”.
Thế là chúng tôi lên xe của phái đoàn có cắm cờ Việt Nam Cộng
Hòa và cờ Đại Hàn, do xe Cảnh Sát của Đại Hàn dẫn đường chạy xuống Seoul. Quanh
co một lúc, cả hai xe đậu ngoài đường cái, tôi theo Thiếu Tá Choi trên con đường
hẽm vào gian hàng nhỏ ơi là nhỏ nằm sâu trong con đường thưa vắng người qua lại.
Mua ngay "cặp lon 3 sao" mà không cần trả giá. Chúng tôi về đến
Walker Hill vừa vặn cùng phái đoàn lên xe xuống Seoul dự lễ.
Seoul chiều ngày 17 tháng 12 năm 1963, đang trong thời tiết 5 độ
dưới không độ C. Bầu trời u ám bao trùm thủ đô, một thành phố toàn cây trụi lá
giữa mùa đông xám xịt. Quan khách của 25 quốc gia và viên chức của quốc gia sở
tại, ngồi chật cả khán đài không mái che ngay trước tòa nhà Quốc Hội. Lễ nhậm
chức của Tổng Thống Pak Chung Hi cử hành đúng 3 giờ chiều trong một không khí
không được trang nghiêm khả dĩ tương xứng cho buổi lễ quan trọng này. Một phần
vì thời tiết quá lạnh, một phần do dân chúng tham dự không nhiều, và phần khác
là có một số người tập trung bên kia đường hô hào chống đối một cách lạc lỏng,
họ cáo buộc cuộc bầu cử vừa rồi là gian lận. Cảnh Sát chỉ đứng sát lòng đường để
giữ trật tự mà không có hành động nào với nhóm người biểu tình.
Ngay sau lễ, các phái đoàn được hướng dẫn đến nhà hát xem trình
diễn văn nghệ cổ truyền của Đại Hàn. Rồi buổi dạ tiệc trọng thể, tổ chức trong
khuôn viên dinh Tổng Thống mừng ngày trọng đại của Đại Hàn Dân Quốc, khoản đãi
các phái đoàn đại diện 25 quốc gia. Đại Hàn Dân Quốc là tên gọi của quốc gia
phía nam của Triều Tiên theo chế độ dân chủ tự do, trong khi quốc gia phía bắc
theo chế độ cộng sản độc tài, ranh giới giữa hai quốc gia này là vĩ tuyến 38.
Khi chiến tranh thế giới lần thứ hai chấm dứt (năm 1945), cũng là lúc ba quốc
gia trên thế giới bị chia đôi: Đó là Đức Quốc chia làm hai quốc gia theo chiều
Đông Tây, Triều Tiên và Việt Nam chúng ta chia làm bốn quốc gia theo chiều Nam
Bắc.
Riêng hoàn cảnh chính trị của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) có
khác so với Việt Nam Cộng Hòa và Đại Hàn Dân Quốc về địa lý, nhưng hoàn cảnh
chính trị là cùng chống chiến tranh ý thức hệ cộng sản, có lẽ vì vậy mà những
ngày sau đó, phải thừa nhận là chánh phủ Đại Hàn đã dành cho phái đoàn Việt Nam
Cộng Hòa chúng ta và phái đoàn Trung Hoa Dân Quốc, sự đón tiếp rất nồng hậu gần
như riêng biệt trong số 25 phái đoàn quốc tế tham dự. Tổng Thống Đại Hàn -theo
lời của Bộ Ngoại Giao Đại Hàn- chỉ tiếp phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa và phái
đoàn Trung Hoa Dân Quốc. Khi tiếp phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa, Tổng Thống Pak
Chung Hi nói tiếng Đại Hàn và ông Tổng Trưởng Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa nói
tiếng Pháp. Tôi rất ngạc nhiên về điều này, vì theo thông thường ông phải nói
tiếng Việt Nam. Thông dịch buổi tiếp kiến là hai thanh niên Đại Hàn, một nam một
nữ.
Quốc gia thứ 3 có hoàn cảnh chính trị giống nhau là Cộng Hòa
Liên Bang Đức, nhưng có thể do địa lý và văn hoá mà phái đoàn Cộng Hòa Liên
Bang Đức không nằm trong chương trình riêng biệt nói trên chăng, mặc dù phái
đoàn này cũng có mặt trong lễ nhậm chức?
Trước khi rời Seoul, mỗi thành viên trong phái đoàn chúng ta được
chánh phủ Đại Hàn tặng 2 thùng trái cây tươi (bôm và nho) do Đại Hàn sản xuất
bước đầu về kỹ nghệ trong nông nghiệp. Đây là chính sách quan trọng trong sách
lược quốc gia của Đại Hàn Dân Quốc -theo lời ông Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Đại
Hàn- từ sau cuộc chiến tranh 1950-1953.
Trở lại Tokyo ngày 20/12/1963. Đêm 24/12/1963, phái đoàn được
ông Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa và phu nhân tại Nhật Bản, khoản đãi phái đoàn tại
nhà riêng. Trong khi trò chuyện, bỗng mọi thứ trong nhà đều rung chuyển nhè nhẹ,
ly tách chén dĩa lắc lư kêu leng keng trong vài chục giây đồng hồ. Ông Đại Sứ
Nghĩa (xin lỗi là tôi không nhớ họ) nhìn thấy nét ngạc nhiên của phái đoàn nên
ông lên tiếng trấn an:
“Khu vực chúng ta đang ngồi vừa bị động đất nhẹ nên không hư hại
gì. Mời quí vị xem tivi sẽ rõ”.
Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi cảm nhận được đôi chút về động
đất.
Ngày 25/12/1963, tôi với Đại Úy Nhan Văn Thiệt -tùy viên của Thiếu
Tướng Thiệu- rời Tokyo trở về Sài Gòn vì hết tiền. Ông Phạm Đăng Lâm, Tổng Trưởng
Ngoại Giao, cũng rời Tokyo ngày ấy, nhưng ông chưa về Việt Nam mà còn đi thăm
quốc gia nào đó.
Về đến Sài Gòn là tôi vào văn phòng ngay, vì chánh văn phòng Tổng
Tham Mưu Trưởng gọi tôi vào gặp Trung Tướng Trần Văn Đôn dù hôm nay là ngày nghỉ.
“Thưa Trung Tướng, tôi vừa về đến”.
“Anh ngồi đi. Công du có vui không?”
“Rất vui, thưa Trung Tướng”.
“Anh có hay tin về chức vụ mới của Trung Tướng Khiêm chưa?”
“Dạ chưa, thưa Trung Tướng”
“Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng đã cử Trung Tướng Khiêm giữ chức
Tư Lệnh Quân Đoàn III/Vùng III Chiến Thuật rồi”.
“Thưa Trung Tướng, trường hợp này hồ sơ Trung Tướng Khiêm bàn
giao cho vị nào để tôi chuẩn bị cho kịp?”
“Trung Tướng Khiêm bàn giao cho Trung Tướng Kim (Lê Văn Kim).
Anh chuẩn bị cần thiết để Trung Tướng Khiêm khi về đến là bàn giao ngay và sang
nhận Quân Đoàn III”.
“Lệnh này Trung Tướng Khiêm có biết chưa, thưa Trung Tướng?”
“Tôi chắc là chưa, nhưng dù sao thì anh cũng nên trình với Trung
Tướng Khiêm khi anh đón ổng. Mà hôm nào Trung Tướng Khiêm về?
“Rạng sáng ngày 1 tháng 1 (1964) về đến, thưa Trung Tướng”.
“Anh liên lạc với chánh văn phòng Trung Tướng Kim và chánh văn
phòng Trung Tướng Đính để thu xếp chương trình lễ bàn giao. Mọi việc đều diễn
tiến trong phạm vi nội bộ thôi. Anh có điều gì cần hỏi nữa không?”
“Dạ không. Tôi sẽ thi hành, thưa Trung Tướng”.
Tôi rất thắc mắc là tại sao không chờ Trung Tướng Khiêm về hãy
đưa ra quyết định này. Phải chăng Trung Tướng Dương Văn Minh cử Trung Tướng Trần
Thiện Khiêm vào phái đoàn công du ngoại quốc để các vị ở nhà không gặp trở ngại
khi quyết định như vậy? Trung Tướng Khiêm có nói với tôi rằng, ông là một trong
rất ít vị (nếu tôi nhớ không lầm là 4 vị) vị lãnh đạo cuộc đảo chánh ngày
01/11/1963), với lại chỉ riêng những lệnh tối mật mà Trung Tướng Khiêm chỉ thị
cho tôi vào sáng sớm ngày đảo chánh, cũng đủ nói lên vị trí quan trọng của ông
đến mức nào trong cuộc đảo chánh đó. Sao lại xử sự như vậy? Bởi đây là một cách
mà trong giới cầm quyền thường nửa đùa nửa thật là "hạ tầng công
tác". Dù đúng hay không đúng thì rõ ràng là từ chức vụ Tham Mưu Trưởng
Liên Quân tại Bộ Tổng Tham Mưu đến chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn, nhìn từ bên ngoài
là xuống một bậc rồi còn gì!
Tôi chuẩn bị bàn giao, kể cả xin lệnh thuyên chuyển 6 nhân viên
văn phòng sang Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III, đồn trú trong khuôn viên trại Lê văn
Duyệt, tọa lạc đường Lê văn Duyệt, Quận 3 Sài Gòn (về sau là bản doanh Bộ Tư Lệnh
Biệt Khu Thủ Đô).
Tuy Trung Tướng Khiêm đã dặn tôi và nhắc lại một lần trước khi
tôi rời Tokyo ngày 25/12/1963, khi ông và gia đình về đến Tân Sơn Nhất, chỉ một
mình tôi cùng mấy nhân viên trong tư dinh đón mà thôi, vì ông cho rằng đây chẳng
qua là chuyện gia đình chớ không phải là phái đoàn công du trở về. Chính vì vậy
mà ông chọn chuyến phi cơ về đến thủ đô khi Sài Gòn còn chìm trong giấc ngủ.
Đúng 3 giờ sáng ngày 01/01/1964, Trung Tướng Khiêm, Thiếu Tướng
Thiệu và hai gia đình về đến. Phi cơ dừng hẳn lại. Tắt máy. Tôi ra tận cầu
thang đón ông. Chỉ vài bước rời khỏi cầu thang:
“Xin Trung Tướng đi chậm một chút vì tôi có nhận lệnh của Trung
Tướng Đôn, thưa Trung Tướng”.
“Chuyện gì vậy?”
“Trung Tướng có được tin gì về lệnh cử Trung Tướng giữ chức Tư Lệnh
Quân Đoàn III chưa?”
“Chưa. Mà ai nói với chú vậy?”
“Dạ, Trung Tướng Đôn”.
“Dạ ngay khi tôi về đến Sài Gòn. Và Trung Tướng Đôn có nói là
công tác bàn giao sau khi Trung Tướng về đến. Tôi đã chuẩn bị hồ sơ bàn giao
xong rồi thưa Trung Tướng”.
Trung Tướng Khiêm đứng hẳn lại và im lặng một lúc:
“Dạ không”.
“Sáng mai tôi gặp mấy ổng”.
Trung Tướng Khiêm nhìn vào nhà ga bên khu vực dành riêng cho các
nhân vật quan trọng:
“Ai đón mà đông vậy?”
“Dạ các vị Trưởng Phòng/Tổng Tham Mưu. Tôi xin lỗi Trung
Tướng, vì các vị ấy nói quá nên tôi không thể nói dối ngày giờ Trung Tướng về.
Với lại tôi nghĩ là không nên cứng nhắc quá với các vị "tay phải tay trái"
của Trung Tướng, e không có lợi”.
Đi được mấy bước, bà Khiêm quay lại:
“Chú Hoa. Bộ có chuyện hả?”
Tôi thuật tóm tắt cho bà Khiêm nghe, bà có ý trách:
“Sao mấy ổng kỳ vậy?”
“Tôi cho là điều không bình thường, dù rằng Trung Tướng Đính cần
giảm bớt chức vụ Tư Lệnh Đoàn III để chu toàn chức vụ Tổng Trưởng An Ninh”.
“Chú biết ai thay "nhà tôi" không?”
“Dạ Trung Tướng Kim”.
Bà Khiêm buột miệng: “Họ hàng với ông Đôn rồi”.
Sáng ngày 02/01/1964, Trung Tướng Khiêm từ phòng Trung Tướng Đôn
trở về, ông gọi tôi:
“Chú tổ chức bàn giao chức vụ Tham Mưu Trưởng Liên Quân với chức
vụ Tư Lệnh Quân Đoàn III ngay chiều nay. Không có ai chủ tọa hết”.
Lời nói và giọng nói của ông cho phép tôi suy đoán là ông đang tức
giận.
“Vâng. Tôi thi hành ngay thưa Trung Tướng”.
Ngay chiều hôm ấy, Trung Tướng Khiêm bàn giao cho Trung Tướng Lê
Văn Kim tại Bộ Tổng Tham Mưu, sau đó sang Quân Đoàn III nhận quân kỳ tiêu biểu
chức vụ Tư Lệnh từ tay Trung Tướng Tôn Thất Đính. Cả hai lễ bàn giao đều tổ chức
trong văn phòng mỗi nơi một cách nhanh chóng.
Từ ngày Trung Tướng Trần Văn Đôn nhận chức Tổng Trưởng Quốc
Phòng kiêm Tổng Tham Mưu Trưởng (02/11/1963), giờ làm việc trong quân đội được ấn
định từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều, được nghỉ nửa giờ để ăn trưa tại chỗ, nhưng
tại văn phòng chúng tôi thông thường là phải đến 6 giờ chiều mới ra về.
Trung Tướng Khiêm khá xông xáo trong công tác đi thăm các đơn vị,
các tiểu khu trực thuộc, nhưng theo cách nhìn của tôi thì ông không bộc lộ hết
nhiệt tình như lúc giữ chức Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh. Xin đừng nghĩ rằng, nét
nhìn của tôi bị ám ảnh bởi quyết định từ chức vụ Tham Mưu Trưởng Liên Quân/Bộ Tổng
Tham Mưu đến Tư Lệnh Quân Đoàn III của Trung Tướng Khiêm mà có, vì tôi là sĩ
quan tham mưu đặc biệt dưới quyền trực tiếp của Trung Tướng Khiêm từ năm 1960,
nên tôi khá quen với thái độ cũng như cử chỉ của ông trong những lúc vui buồn,
suy tư, hay tức giận.
Khoảng từ trung tuần tháng 01/1964, tức là nửa tháng sau ngày nhận
chức Tư Lệnh Quân Đoàn III, Trung Tướng Khiêm (tại Sài Gòn) với Trung Tướng
Nguyễn Khánh (tại Đà Nẳng), rất thường liên lạc nhau qua điện thoại viễn liên,
và rõ ràng là Trung Tướng Khánh khích Trung Tướng Khiêm trong việc phục hồi
danh dự vì bị thuyên chuyển mà không được biết trước.
Trung Tướng Khiêm là người ít nói, không thích tiếp xúc với các
cơ quan truyền thông, cũng chẳng thích phô trương, và con đường chính trị -theo
tôi- cũng không phải là hướng đi của ông, nên tôi không nghĩ là ông dễ dàng bị
Trung Tướng Khánh dẫn đến một cuộc chính biến nữa để gọi là phục hồi danh dự
cho ông, đành rằng ông đang buồn phiền và chắc là buồn phiền về vấn đề ấy.
Nhưng tôi lầm, vì cuộc đảo chánh quân sự lại xảy ra khá đột ngột.
Ngày gần cuối tháng 01/1964, Trung Tướng Khánh từ Đà Nẳng điện
thoại bảo tôi cho xe đón ông trong căn cứ Không Quân Tân Sơn Nhất (thường thì
đón ông bên nhà ga dân sự) và tuyệt đối không cho ai biết là ông về Sài Gòn.
Tôi trình Trung Tướng Khiêm và dùng xe của Trung Tướng Khiêm đi đón Trung Tướng
Khánh. Lúc ấy đã hết giờ làm việc trong ngày. Sau đó, hai vị cùng ngồi chung xe
đi đâu đó mà tôi không rõ vì xe an ninh không được chạy theo như lệ thường. Điều
này làm cho tôi tự hỏi:
"Liệu có cuộc đảo chánh nữa hay không, vì sự vắng mặt bất
thường này giống như những ngày cuối tháng 10/1963 vậy?"
Mờ tối ngày 29/01/1964, sau khi từ bộ tư lệnh Quân Đoàn III về đến
nhà, Trung Tướng Khiêm gọi tôi đến nhà ông ngay. Vào cửa, tôi thấy bàn ăn đã sẳn
sàng nhưng gia đình ông chưa người nào ngồi vào bàn, ông chỉ tôi ngồi đối diện
ông ngay trong phòng khách, và ông ra lệnh:
“Việc này đối với chú là lần thứ hai. Tôi muốn nói là chú
biết việc gì phải làm. Chú mà hé môi với bất cứ ai trước khi thực hiện thì chú
bị đứt đầu nghe chưa”.
“Vâng”.
Trong một thoáng thật nhanh tôi liên tưởng đến sự đi đâu đó của
hai vị giống như trước ngày 01 thàng 11 năm ngoái (1963). "Đảo chánh nữa
chăng, vì Trung Tướng Khiêm vừa nói đây là lần thứ hai?" Ông tiếp:
“Vào sáng sớm mai, tôi + Trung Tướng Khánh + và Đại Tá Viên (Cao
Văn), lật đổ nhóm ông Minh ông Đôn, vì các ông này có kế hoạch đưa
Việt Nam đến trung lập, mà trung lập thì sớm muộn cũng vào tay cộng sản. Chú rõ
chưa?”
“Dạ rõ”.
“Sau giờ này, chú điều động xe truyền tin hành quân của Quân
Đoàn về đậu sau nhà chú. Nhà chú có chỗ kín đáo hông?”
“Dạ có. Sau nhà tôi là vườn chuối, tôi đốn bớt vài cây cho xe
vào và sẽ thực hiện khi trời tối. Bên trái nhà tôi là Thiếu Tá Đào Ngọc Thọ (phòng
4/Bộ Tổng Tham Mưu), và bên phải là gia đình Thiếu Tướng Thiệu(Tư Lệnh Sư
Đoàn 5 Bộ Binh). Mình ở Quân Đoàn, hệ thống liên lạc hành quân là chuyện
bình thường, chắc chẳng ai quan tâm đâu, thưa Trung Tướng”.
“Đích thân chú phải lên máy liên lạc trực tiếp với Thiếu Tướng
Thiệu (ở Biên Hòa) và Thiếu Tướng Có (Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh ở
Mỹ Tho). Làm như vậy để biết chắc là mình giữ liên lạc được với hai ổng
thôi, và khi liên lạc được rồi chú phải giữ máy thường trực cho tôi. Công tác
này phải xong trước 2 giờ sáng. Nếu có gì trở ngại, chú trình tôi ngay. Chú rõ
chưa?”
“Dạ rõ”.
“Chú gọi chú Có sang ngủ nhà chú đêm nay. Chú Có không được quyền
biết trước công tác này. Chú với chú Có đem xe truyền tin đến sân nhà Trung Tướng
Khánh (sát bên phải cổng số 1 Tổng Tham Mưu) trước 3 giờ sáng, nhưng
không nên sớm quá. Đúng 3 giờ sáng, Đại Tá Viên và Tiểu Đoàn Dù vào cổng số 1.
Chú đón tại cổng, mời Đại Tá Viên vào nhà ông Khánh, và hướng dẫn Tiểu Đoàn lên
bố trí chung quanh tòa nhà chánh. Phần an ninh trại Trần hưng Đạo, chú với
Trung Tá Luông tổ chức như lần trước. Chú cần hỏi gì thêm không?”
“Dạ không”.
“Chú chỉnh đồng hồ theo đồng hồ tôi đây. Trung Tá Luông sẽ nhận
lệnh sau”.
Sau khi rời khỏi nhà Trung Tướng Khiêm, tôi sang Bộ Tư Lệnh Quân
Đoàn, mời Đại Uý Truyền Tin (dường như là Đại Uý Nguyễn Hữu Phụng) lên văn
phòng:
“Trung Tướng Tư Lệnh vừa ra lệnh cho tôi, đêm nay Trung Tướng cần
giữ liên lạc thường trực với Sư Đoàn 5 Bộ Binh, để theo dõi cuộc hành quân vào
căn cứ Hố Bò (của cộng sản), vì có tin là một tên quan trọng của chúng vừa
đến nơi đây (tôi bịa ra tin này). Ngay bây giờ, anh có thể cho anh em trên chiếc
xe AN/GRC 26 chuẩn bị di chuyển sang nhà tôi bên Tổng Tham Mưu”.
“Tôi cho lệnh chuẩn bị ngay. Khi xong, xe đến đây chờ lệnh Thiếu
Tá”.
Cũng phải mất nửa tiếng đồng hồ dọn đường, chiếc xe truyền tin mới
vào được vị trí. Lúc đó tối lắm rồi, tôi trợ giúp anh em truyền tin dựng cột
antenne vì liên lạc xa. Đại úy Nguyễn Hữu Có vừa đến và tiếp tay, nên công tác
chuẩn bị cho hệ thống liên lạc hành quân được nhanh chóng. Đại úy Có không thấy
tôi nói lý do sự có mặt xe này tại đây nên cũng không hỏi, vì thật ra giữa
chúng tôi hiểu nhau về những vấn đề bảo mật, nếu một bên không nói thì bên kia
không bao giờ hỏi. Nhóm hành quân chúng tôi chẳng ai ngủ được cả, vì ăn khuya
xong là bắt tay vào việc lên máy gọi Sư Đoàn 5 và Sư Đoàn 7. Lúc 00 giờ 30 ngày
30/01/1964:
“Cửu Long gọi Đồng Nai. Trả lời”.
“Đồng Nai nghe 5/5. Có gì cho Đồng Nai. Trả lời”.
“Giới chức của Cửu Long cần gặp thẩm quyền Đồng Nai trên máy. Trả
lời”.
“Rõ. Xin chờ đầu máy.... “
“Hoa đó hả? Tôi đây”. Đó là tiếng nói của Thiếu Tướng Nguyễn
Văn Thiệu.
“Thưa Đại Bàng, Đại Bàng tôi chỉ cần biết có liên lạc là tốt rồi.
Tôi xin phép ngưng. Trả lời”.
“Được rồi”.
Cửu Long là danh hiệu Quân Đoàn III. Đồng Nai là danh hiệu Sư
Đoàn 5 Bộ Binh. Đại Bàng có nghĩa là vị Tư Lệnh.
Đến Sư Đoàn 7 Bộ Binh, hai anh chuyên viên luân phiên gọi liên tục
mà cứ như gọi vào khoảng không mù mịt của đêm khuya vì chẳng nghe tăm hơi đầu
kia gì cả.
Đang rầu thúi ruột! Bỗng dưng, đài của Sư Đoàn 7 Bộ Binh “nhảy
vô” và lúc đó gần 2 giờ sáng rồi. Sau khi tôi liên lạc với Thiếu Tướng Nguyễn Hữu
Có, cả 3 đài trên hệ thống đặc biệt này giữ máy thường trực. Xin nói rõ thêm,
Sư Đoàn 7 Bộ Binh thuộc Quân Đoàn IV, nên không có trong hệ thống liên lạc thường
trực của Quân Đoàn III. Nhưng giữa các vị thu xếp trước, nên Sư Đoàn 7 Bộ Binh
vào hệ thống đặc biệt này. Dĩ nhiên là tôi phải "ngụy tạo lý do" để
giải thích cho các anh chuyên viên, vì sao mà Sư Đoàn 7 Bộ Binh tăng phái cho
Quân Đoàn III trong cuộc hành quân đặc biệt từ hôm nay. Đơn giản, là vùng hành
quân dọc theo liên ranh Quân Đoàn III và Quân Đoàn IV. Thế thôi.
Điện thoại trình Trung Tướng Khiêm xong, tôi ngồi luôn trên xe
truyền tin như là ngồi chơi với các anh chuyên viên, nhưng thật ra là tôi ngăn
chận những liên lạc đến bất cứ nơi nào khác, vì lúc nảy có một anh thắc mắc về
sự có mặt của Sư Đoàn 7 Bộ Binh trong hệ thống này. Lúc gần 3 giờ, nhóm chúng
tôi di chuyển lại nhà Trung Tướng Nguyễn Khánh, tạm gọi là "bản doanh nhóm
lãnh đạo đảo chánh". Kể ra thì tên gọi đó cũng không sai. Trước khi rời
nhà, tôi mới cho Đại úy Nguyễn Hữu Có biết công việc đã làm từ đêm qua và đang
làm tiếp. (hai ông cùng tên Nguyễn Hữu Có, nhưng một là Đại Úy và một kia là
Thiếu Tướng)
“Sao đảo chánh hoài vậy Anh?” Vợ tôi hỏi.
“Anh cũng hổng biết. Chỉ biết Trung Tướng (Khiêm) nói là Trung Tướng
Dương Văn Minh có kế hoạch trung lập, mà trung lập thì gần tới cộng sản rồi
Em”.
“Ghê vậy!”
Đúng 3 giờ sáng ngày 30 tháng 01 năm
1964. Đại Tá Cao Văn Viên và Tiểu Đoàn Nhẩy Dù lặng lẽ qua cổng số 1 Tổng
Tham Mưu với nhiệm vụ sẳn sàng tác chiến, nếu như có đơn vị nào đó kháng cự lại. Một lu`c sau, Đại Tá Viên vào nhà Trung Tướng Khánh.
Nhớ lại cuộc đảo chánh ngày 01/11/1963, Đại Tá Cao Văn Viên, Tư
Lệnh Nhẩy Dù, bị xếp vào những nhân vật thân tín của Tổng Thống Ngô Đình Diệm
nên bị Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng cách ly với Lữ Đoàn. Ngày 02/11/1963, Tổng
Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu bị giết, các vị bị cách ly từ hôm trước được trả tự
do nhưng hầu hết đều bị cách chức. Đại Tá Cao Văn Viên cũng trong số các vị bị
cách chức. Ngày hôm sau bà Cao Văn Viên điện thoại tôi:
“Chú Hoa. Trung Tướng của chú (ý nói Trung Tướng Trần Thiện
Khiêm) có hứa với chị là sẽ xin với Trung Tướng Minh (Dương Văn Minh) cho
Đại Tá (Cao Văn Viên) trở về chức vụ Tư Lệnh Nhẩy Dù để lấy lại danh
dự, và 24 tiếng đồng hồ sau đó Đại Tá sẽ đệ đơn từ chức. Chị nhờ chú theo dõi
diễn tiến ra sao rồi cho chị biết ngay nghe chú”.
“Vâng”.
Ngưng một chút, bà tiếp: “Mà chú thấy có hi vọng không?”
“Em thì chưa biết gì về việc này, nhưng theo em nghĩ, với vị trí
hiện nay của Trung Tướng (Khiêm) trong Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng,
hi vọng là Trung Tướng thực hiện được lời hứa với chị”.
Và rồi Đại Tá Cao Văn Viên trở về chức vụ cũ, nhưng sau đó ông
có xin từ chức Tư Lệnh Nhẩy Dù hay không thì tôi không biết, nhưng rõ ràng là
ông vẫn trong chức vụ Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhẩy Dù.
Các đơn vị an ninh thuộc Tổng Hành Dinh/Tổng Tham Mưu đã vào vị
trí. Trung Tá Nguyễn Văn Luông đi lúc nào tôi không rõ, nhưng chắc chắn là đi rồi.
Nhiệm vụ của Trung Tá Luông cùng với toán Quân Cảnh, Nhẩy Dù, An Ninh Quân Đội,
.... đi bắt những vị Tướng mà Trung Tướng Khiêm với Trung Tướng Khánh cho là có
kế hoạch trung lập. Đó là các vị: Trung Tướng Trần Văn Đôn. Trung Tướng Tôn Thất
Đính. Trung Tướng Mai Hữu Xuân. Trung Tướng Lê Văn Kim. Và Thiếu Tướng Nguyễn
Văn Vỹ.
Riêng Trung Tướng Dương Văn Minh thì tôi không rõ là có
tên trong danh sách bị bắt hay không. Trước lúc bình minh, tại bản
doanh -nhà Trung Tướng Khánh- có mặt: Trung Tướng Trần Thiện Khiêm, Trung Tướng
Nguyễn Khánh, Đại Tá Cao Văn Viên, một người Việt Nam dáng vấp trung bình về
chiều cao lẫn chiều ngang, và một người Mỹ mặc quần tây dài áo sơ-mi tay ngắn.
Anh chàng Mỹ này không phải là người có mặt trong cuộc đảo chánh ngày
01/11/1963 trước đây. Nói cách khác, người Mỹ này không phải Trung Tá Conein.
Căn cứ theo lần đảo chánh đó, tôi tin chắc rằng, người Mỹ này là gạch nối giữa
nhóm đảo chánh với giới chức thẩm quyền Hoa Kỳ tại Sài Gòn. Thậm chí, có thể là
đại diện của cơ quan tình báo trung ương Hoa Kỳ từ Mỹ sang. Mà cho dù là gạch nối
hay đại diện đi nữa, cũng là bằng chứng một sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với
cuộc đảo chánh ngày 01/11/1963, và cuộc đảo chánh hôm nay 30/01/1964.
Chỉ cần ba nhân vật, một ít lực lượng, với một người Hoa Kỳ quyền
thế, cuộc đảo chánh diễn tiến thật êm thấm vì chỉ cần bắt 5 vị Tướng nói trên
là xong. Êm thấm đến nỗi tôi tin rằng, người dân Sài Gòn và ngay cả nhiều cơ
quan đơn vị quân đội, không hề biết gì về một biến cố quan trọng vừa xảy ra, nếu
như đài phát thanh Sài Gòn vẫn phát đi chương trình bình thường. Năm vị
Tướng bị bắt, đã đưa ra phi trường Tân Sơn Nhất, và nơi đến là Đà Nẳng. Trung
Tướng Khánh đã chỉ thị ngoài đó đón và đưa về nơi giam giữ. Người bị bắt thứ 6
là Thiếu Tá Nguyễn Văn Nhung -tùy viên của Trung Tướng Dương Văn Minh- người mà
tôi đặt nghi vấn cao nhất “đã đâm và bắn Tổng Thống Ngô Đình Diệm với ông cố vấn
Ngô Đình Nhu”, thì bị đưa lên trại Hoàng Hoa Thám -tức doanh trại Lữ Đoàn Nhẩy
Dù- và giữ tại đó. Tại đây, Thiếu Tá Nhung buộc phải viết tờ khai về những
gì đã làm liên quan đến cái chết của Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu. Sau
ngày đảo chánh 30/01/1964, tôi cũng không biết gì về nội dung trong tờ khai đó.
(mãi đến năm 1998, qua bài báo của cựu Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa, tôi mới biết
chính xác là Thiếu Tá Nhung đã giết hai ông ấy. Được cựu Đại Tá Nghĩa đồng ý
qua điện thoại, tôi đã bổ túc phần đó trong ấn bản lần 3 vào cuối năm 1998).
Vài hôm sau, Lữ Đoàn Nhẩy Dù cho biết là Thiếu Tá Nhung đã thắt
cổ tự tử. Mẫu tin đơn giản đó liệu có mấy người tin? Bởi Đại Tá Cao Văn Viên được
xem là người thân tín của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ông bị giữ trong ngày
đảo chánh 01/11/1963, nhưng sau đó nhờ Trung Tướng Khiêm mà ông được trở lại chức
vụ Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhẩy Dù, do vậy mà cho dẫu Thiếu Tá Nguyễn Văn Nhung có chết
một cách bình thường cũng là điều mà dư luận khó chấp nhận, huống chi đây là
tin Thiếu Tá Nhung thắt cổ! Căn cứ theo lời viết trong tờ khai, Thiếu Tá Nhung
khai là anh đâm ông Ngô Đình Nhu bằng lưỡi lê, Tổng Thống Ngô Đình Diệm chống cự
khi ông Nhu bị anh đâm chết, nên anh đâm Tổng Thống Diệm luôn. Sau đó, Thiếu Tá
Nhung bắn mỗi vị một phát súng mà anh Nhung gọi là “phát súng ân huệ”.
Cứ theo luật pháp thông thường trong xã hội, giết người phải đền
tội là chuyện phải đến thôi. Chuyện phải đến trong hoàn cảnh là như vậy, nhưng
Thiếu Tá Nhung có đáng chết hay không lại là vấn đề khác. Có điều lạ là tôi
không thấy dư luận đặt nghi vấn: "Thiếu Tá Nguyễn Văn Nhung chết là do
chính ông tự tử, hay ông chết do bị giết rồi tạo cảnh như là chính ông tự tử? Nếu
Thiếu Tá Nhung bị giết thì ai là người ra lệnh giết? Ai là người thi hành lệnh
đó? Và lệnh giết Thiếu Tá Nhung có đúng hay không"? Nếu cho rằng, giết
người mà không do phán quyết của tòa án là sai, thì Thiếu Tá Nhung giết Tổng Thống
Diệm với ông Cố Vấn Nhu là sai, và người giết Thiếu Tá Nhung cũng là sai. Tôi
nghĩ, nếu truy tố Thiếu Tá Nhung ra tòa án quân sự trong tình hình lúc bấy giờ
cầm chắc là bản án tử hình đến với anh. Nếu hành động minh bạch như vậy, sẽ cho
thấy nhóm lãnh đạo đảo chánh tôn trọng luật pháp chớ không áp dụng "luật
giang hồ" theo kiểu tam-đoạn-luận: “Giết người thì bị người (khác) giết.
Anh đã giết người. Anh phải bị người (khác) giết”.
Đến đây tôi xin mở ngoặc để ghi lại lời thuật của ba vị nói về
cái chết của Thiếu Tá Nguyễn Văn Nhung. Trước hết là lời của cựu Thiếu Tá Lâm
Sanh Kim, định cư tại San Jose, California. Anh đồng ý cho tôi đưa vào trang
sách này qua e-mail lúc 2 giờ 31 phút chiều ngày 06/03/2004. Đây là lời viết của
cựu Thiếu Tá Lâm Sanh Kim:
“Vào thời điểm 01/11/1963, tôi là Trung Úy, Trưởng Ban An Ninh
Căn Cứ Hoàng Hoa Thám/Lữ Đoàn Nhẩy Dù, thời Đại Tá Cao Văn Viên làm Tư Lệnh Lữ
Đoàn này. Thiếu Tá Nguyễn Văn Nhung bị giữ tại trại Cãi Hối do Phân Đội 204
Quân Cảnh Nhẩy Dù phụ trách. Tôi được lệnh thẩm vấn Thiếu Tá Nhung và Thiếu Tá
Nhung khai rằng, khi đoàn xe chạy đến cổng xe lửa trên đường Hồng Thập Tự, tôi
xin lệnh Thiếu Tướng Mai Hữu Xuân về việc ông Diệm và ông Nhu, thì được Thiếu
Tướng Mai Hữu Xuân trả lời bằng câu tiếng Pháp “Feu tous les deux” (bắn cả
hai).
“Đây là câu trả lời được ghi lại trong ký ức tôi. Luôn tiện tôi
xin đưa ra dữ kiện về việc Thiếu Tá Nhung tự tử để quí vị phán xét. Trước khi
tôi bắt đầu thẩm vấn, Thiếu Tá Nhung xin phép tôi điện thoại về nhà để nhắn nhủ
vợ con yên tâm. Trên nguyên tắc thì người đang bị thẩm vấn không được liên lạc
ra ngoài, nhưng tôi muốn tạo tình cảm thuận lợi cho công tác lấy lời khai nên
tôi đồng ý. Thẩm vấn xong, tôi giao lại Phân Đội 204 Quân Cảnh Nhẩy Dù. Đến
sáng hôm sau được báo là Thiếu Tá Nhung đã treo cổ. Tôi đến nơi trông thấy Thiếu
Tá Nhung treo cổ bằng sợi giây giày loại giày cao cổ, có để lại mấy chữ ở bìa
trắng của tờ báo như sau: “Em ở lại nuôi các con, bọn Diệm sống lại rồi. Cây viết
Parker 51 nắp vàng, còn nằm trên tờ báo. Tôi thuật lại đây để quí vị tùy nghi
xét đoán, nếu không thì có nhiều người suy đoán trật quá xa sự thật. Tối thiểu,
chúng ta cũng phải căn cứ trên các dữ kiện tôi nêu trên có thể kết luận Thiếu
Tá Nhung tự vận hơn là bị giết.”
Hết phần trích dẫn trên trang e-mail về lời thuật của cựu Thiếu
Tá Lâm Sanh Kim, và xin tiếp lời thuật của cựu Trung Tá Phạm Ngọc Khanh qua điện
thoại. Cựu Trung Tá Phạm Ngọc Khanh, định cư tại San Francisco, California.
Trong cuộc đảo chánh 30/01/1964, anh là Đại Úy sĩ quan tùy viên của Đại Tá Cao
Văn Viên. Giữa năm 2001, sau khi đến Washington DC thăm cựu Đại Tướng Cao Văn
Viên trở về, anh điện thoại cung cấp cho tôi một số tin tức liên quan đến sức
khoẻ và cuộc sống hằng ngày của vị Tướng đã từng là Tổng Tham Mưu Trưởng liên tục
gần 10 năm. Nhân đó, anh thuật cho tôi nghe mẫu tin Thiếu Tá Nhung tự tử sau cuộc
đảo chánh ngày 30/01/1964. Lời thuật như sau:
“Cái hôm Thiếu Tá Nhung chết, lúc đó còn sớm lắm, điện thoại từ
sĩ quan trực Lữ Đoàn Nhẩy Dù gọi đến tư dinh báo cáo là Thiếu Tá Nhung đã tự tử,
và đưa vào bệnh xá của Lữ Đoàn rồi”.
Đại Úy Khanh trình cho Đại Tá Viên, và Đại Tá Viên ra lệnh:
“Nói với sĩ quan trực (Lữ Đoàn) gọi bác sĩ cứu được gì thì cứu”.
Theo lời Đại Úy Khanh thì lúc ra lệnh đó, Đại Tá Viên không có vẻ
gì bất ngờ trước cái tin chết người như vậy, nhất là người chết lại là người mà
dư luận đặt nghi vấn, thậm chí còn quả quyết anh ấy đã giết Tổng Thống Ngô Đình
Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu nữa. Điều này cho phép chúng ta suy đoán có thể
là Đại Tá Viên biết trước về cái chết của Thiếu Tá Nhung. Nhưng nếu biết trước,
thì liệu Đại Tá Viên có liên quan gì? Bởi vì cái tin Thiếu Tá Nhung tự tử có thể
là thật, cũng có thể là không thật. Không thật, vì có thể cái chết đó là do dàn
dựng cho Thiếu Tá Nhung, cũng có thể là do áp lực dẫn đến chính Thiếu Tá Nhung
phải tự tử. Điều này vẫn còn trong bóng tối.
Cũng liên quan đến vụ này, vị thứ ba là cựu Đại Tướng Trần Thiện
Khiêm trong cuộc điện đàm vào tối ngày 21/10/2003, khi nói đến cái chết của Thiếu
Tá Nguyễn Văn Nhung, ông nói với tôi là ông nghe nói một số quân nhân Nhẩy Dù
đã vì tức giận việc Thiếu Tá Nhung giết Tổng Thống Diệm, nên ra tay giết Thiếu
Tá Nhung.
Xin đóng ngoặc.
Thật tình tôi không có bằng chứng để quả quyết là ai ra lệnh giết,
nhưng điều mà cựu Đại Tướng Khiêm nghe nói lại, dường như chưa đủ sức thuyết phục
người đọc lẫn người nghe. Quí vị có suy nghĩ gì về sự kiện này không?
Với lời thuật của cựu Thiếu Tá Lâm Sanh Kim, đối chiếu với lời
thuật của cựu Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa mà tôi được phép đăng trong chương nói về
cuộc đảo chánh ngày 01/11/1963, thì nghi vấn về người ra lệnh giết Tổng Thống
Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu, trở nên phức tạp. Tôi xin ghi lại những
lời đó sau đây:
“Theo lời của cựu Đại Tá Nghĩa, sau ngày đảo chánh 01/11/1963,
ông gặp Thiếu Tá Nhung và hỏi điều ông thắc mắc là tại sao giết cả hai ông, thì
Thiếu Tá Nguyễn Văn Nhung trả lời một cách tỉnh bơ rằng:
“Một người hay hai người cũng vậy thôi. Hai người thì khó khăn một
chút, nhưng chắc ăn hơn. Vì ông Diệm chống cự lại sau khi ông Nhu bị tôi đâm chết,
nên tôi phải thanh toán luôn. Có lệnh cũng được, mà không có lệnh cũng vậy
thôi. Cho nó chắc ăn. Lúc đó đâu có đợi lệnh được”.
Theo lời thuật của cựu Thiếu Tá Lâm Sanh Kim, thì đầu năm 1964
anh là Trung Úy, sĩ quan An Ninh của căn cứ Lữ Đoàn Nhẩy Dù, anh được lệnh thẩm
vấn Thiếu Tá Nguyễn Văn Nhung, và anh ghi nhận lời khai của Thiếu Tá Nhung như
sau:
“ ... Khi đoàn xe chạy đến cổng xe lửa trên đường Hồng Thập Tự,
tôi xin lệnh Thiếu Tướng Mai Hữu Xuân về việc ông Diệm và ông Nhu, thì được Thiếu
Tướng Mai Hữu Xuân trả lời bằng câu tiếng Pháp “feu tous les deux” (bắn cả hai)
. .
Vậy, ai là người ra lệnh giết Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu?
Trung Tướng Dương Văn Minh, hay Thiếu Tướng Mai Hữu Xuân, hay cả hai vị?
Theo cựu Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa, với lời của Thiếu Tá Nguyễn
Văn Nhung đã nói trực tiếp với ông (tức cựu Đại Tá Nghĩa), thì nghi vấn của tôi
về người ra lệnh giết Tổng Thống Diệm với ông Cố Vấn Nhu là Trung Tướng Dương
Văn Minh (cấp bậc lúc đảo chánh). Nhưng theo lời khai của Thiếu Tá Nguyễn Văn
Nhung trước mặt cựu Thiếu Tá Lâm Sanh Kim, thì Thiếu Tướng Mai Hữu Xuân đã ra lệnh
cho ông (tức Thiếu Tá Nhung) giết chớ không phải Trung Tướng Dương Văn
Minh.
Cho đến bây giờ là tháng 03/2004, tức sau khi e-mail của cựu Thiếu
Tá Lâm Sanh Kim với nội dung thuật lại lời khai của cố Thiếu Tá Nguyễn Văn
Nhung, tôi vẫn giữ nguyên nghi vấn Trung Tướng Dương Văn Minh ra lệnh cho Đại
Úy Nguyễn Văn Nhung (cấp bậc lúc đảo chánh) giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm với
ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu, vì Trung Tướng Dương Văn Minh là vị lãnh đạo cuộc đảo
chánh ngày 01/11/1963. Trong chức vụ và quyền hạn của Trung Tướng Dương Văn
Minh, chỉ có ông mới đủ thẩm quyền ra lệnh cho Đại Úy Nhung giết Tổng Thống Diệm
với ông Cố Vấn Nhu, chớ không thể nào Thiếu Tướng Mai Hữu Xuân trong trách nhiệm
thay mặt Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng -theo lời của cựu Đại Tá Dương Hiếu
Nghĩa- lại tự ý ra lệnh này được.
Cứ thử nêu một giả thuyết là Trung Tướng Minh có giao quyền rộng
rãi cho Thiếu Tướng Xuân tùy cơ ứng biến với Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu
đi nữa, thì từ khi đoàn xe rời nhà thờ Cha Tam chạy đến cổng xe lửa dừng lại chờ
xe lửa chạy ngang, đã có việc gì xảy ra đâu mà Thiếu Tướng Xuân đến nỗi phải “ứng
biến” bằng cái lệnh “bắn cả hai” như Thiếu Tá Nhung khai với sĩ quan an ninh
căn cứ Hoàng Hoa Thám là Trung Úy Lâm Sanh Kim lúc ấy? Một giả thuyết như vậy
không có sức thuyết phục, vì lệnh “bắn cả hai” là bắn Tổng Thống với Cố Vấn của
Tổng Thống, tính cách quan trọng của cái lệnh này ở cấp quốc gia chớ không phải
cái lệnh bắn giết địch quân ở chiến trường.
Tôi có hai giả thuyết về lời khai của Thiếu Tá Nguyễn Văn Nhung:
Thứ nhất. Hoặc lời khai đó là thật, nghĩa là Thiếu Tướng Mai Hữu
Xuân được Trung Tướng Dương Văn Minh giao cho cái quyền rộng rãi đó để tùy tình
hình mà giải quyết. Nhưng trên đường về Bộ Tổng Tham Mưu trong một “tình hình
hoàn toàn yên tỉnh” mà Thiếu Tướng Xuân lại ra lệnh “bắn cả hai” thì hành động
đó có thể xem là lạm dụng quyền được giao. Như vậy, phải chăng bắt nguồn từ
nguyên nhân hận thù nào đó của Thiếu Tướng Mai Hữu Xuân đối với Tổng Thống Ngô
Đình Diệm? Nhưng nếu do thù hận riêng tư mà Thiếu Tướng Xuân dám ra lệnh giết
chết Tổng Thống và Cố Vấn của Tổng Thống, quả là ông liều lỉnh. Liều lỉnh vì cấp
trên của ông là Trung Tướng Dương Văn Minh còn đó, cho dù ông có là bạn thân của
Trung Tướng Minh đi nữa, không chắc ông dám liều đến như vậy.
Thứ hai. Hoặc lời khai đó do Thiếu Tá Nguyễn Văn Nhung tự bịa ra
để khai khi bị thẩm vấn. Nhưng tại sao lại bịa ra? Rất có thể là Thiếu Tá Nguyễn
Văn Nhung muốn bảo vệ Trung Tướng Dương Văn Minh, vị Tướng mà Thiếu Tá Nhung
đang là cận vệ. Giả thuyết này có vẻ không vững, bởi lúc Thiếu Tá Nhung cung cấp
lời khai này chỉ ba tháng sau ngày Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô
Đình Nhu bị giết, mà trong dư luận chưa nghe loan truyền về cái lệnh giết Tổng
Thống và ông Cố Vấn là công hay tội, thì khó mà nói là Thiếu Tá Nhung đổ tội
cho Thiếu Tướng Xuân qua lời khai của ông. Rốt lại, chỉ còn giả thuyết oán ghét
hay thù hận của Thiếu Tá Nhung đối với Thiếu Tướng Xuân thôi. Trong cuộc sống,
cũng có những sự kiện xảy ra mà không thể dựa trên những dữ kiện bình thường để
suy đoán phần kết luận. Nói nôm na là nghịch lý. Phải chăng trường hợp này là
như vậy?
Trở lại cái chết của Thiếu Tá Nguyễn Văn Nhung. Theo lời của cựu
Thiếu Tá Lâm Sanh Kim mô tả khi đến phòng giam nhìn thấy thi hài Thiếu Tá Nhung
trong tình trạng thắt cổ bằng sợi giây giày loại giày cao cổ. Đây là loại giày
mà quân nhân sử dụng khi mặc quân phục tác chiến. Giá mà cựu Thiếu Tá Kim mô tả
rõ thêm là khi bị ông thẩm vấn thì Thiếu Tá Nhung mặc quân phục gì, có thể có
thêm tin tức cần thiết. Sở dĩ tôi nêu điều này vì cuộc Chỉnh Lý (cũng là một loại
đảo chánh) thực hiện lúc nửa đêm về sáng, năm vị Tướng và Thiếu Tá Nguyễn Văn
Nhung bị bắt trong khi cư dân Sài Gòn còn chìm trong giấc ngủ, thì liệu các vị
có thì giờ mặc quân phục không? Thôi thì tạm thời chấp nhận Thiếu Tá Nhung mặc
quân phục tác chiến lúc bị bắt đưa về giam tại Phân Đội 204 Quân Cảnh Nhẩy Dù.
Vì nếu Thiếu Tá Nhung không mặc quân phục tác chiến tức là không đi giày cao cổ,
vấn đề lại thêm rắc rối và phải quay trở lại đào sâu thêm nữa để làm sáng tỏ về
cái chết của Thiếu Tá Nhung, vì không đi giày cao cổ thì sợi giây giày thắt cổ
Thiếu Tá Nhung từ đâu ra?
Nửa đêm về sáng ngày 30/01/1964, Thiếu Tá Nguyễn Văn Nhung bị bắt
đưa về căn cứ Lữ Đoàn Nhẩy Dù là sự thật. Thiếu Tá Nguyễn Văn Nhung trải qua cuộc
thẩm vấn tại Lữ Đoàn Nhẩy Dù là sự thật. Thiếu Tá Nguyễn Văn Nhung chết trong
tình trạng thắt cổ là sự thật. Nhưng Thiếu Tá Nhung chết trong tình trạng thắt
cổ, thì những dữ kiện trên đây chưa đủ để khẳng định điều đó là sự thật. Tôi có
hai giả thuyết:
Thứ nhất. Chính Thiếu Tá Nguyễn Văn Nhung tự thắt cổ. Nhưng ông
tự thắt cổ là do ông hối hận, do bị áp lực, hay do ông muốn làm một anh hùng vì
ông đã giết Tổng Thống với Cố Vấn trong khi không ai làm được, ông bị bắt nhưng
ông không muốn bị làm nhục, đã dẫn đến quyết định như vậy? Giả thuyết hối hận
không vững, vì luật pháp cũng như dư luận có buộc tội đâu. Giả thuyết do bị áp
lực, hoặc giả thuyết ông muốn làm anh hùng, có thể lắm.
Thứ hai. Không phải chính Thiếu Tá Nguyễn Văn Nhung tự thắt cổ.
Vậy, ai đã thắt cổ Thiếu Tá Nhung? Người thắt cổ Thiếu Tá Nhung là do chính người
đó, hay người đó nhận lệnh của người nào khác nữa? Tôi không có dữ kiện nào về
giả thuyết này, mong vào những nhà viết sử, theo thời gian sẽ thu thập được nhiều
dữ kiện làm sáng tỏ vấn đề.
Cuối cùng, tôi vẫn đặt nghi vấn cao nhất và duy nhất là Trung Tướng
Dương Văn Minh, người ra lệnh giết chết Tổng Thống Ngô Đình Diệm với ông Cố Vấn
Ngô Đình Nhu.
Nay thì Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu, và
Thiếu Tá Nguyễn Văn Nhung, ba con người này đã vào lòng đất tối tăm mù mịt, hay
đang bay lượn trên những tầng mây cao với những nàng tiên xinh đẹp, thôi hãy để
các vị yên nghỉ! Và nếu như hai con người nào đó "đã ra lệnh giết Tổng Thống
Ngô Đình Diệm, giết ông cố vấn Ngô Đình Nhu, và ra lệnh giết Thiếu Tá Nhung nếu
có, còn sống trên cõi đời này mà còn chút lương tâm, tôi tin là hai con người
đó, đã và đang còm cõi với nỗi khổ riêng của họ! Năm 2003, Đại Tướng Dương Văn
Minh, người mà tôi đặt nghi vấn cao nhất là người ra lệnh giết Tổng Thống Diệm
với ông Cố Vấn Nhu, đã vào giấc ngủ ngàn thu! Xin cắm một nén hương trước mộ
ông, với lời nguyện hương linh ông sớm siêu thoát vào cõi vĩnh hằng xa xôi nào
đó, hay cõi đó cũng quanh quẩn trong cõi tạm trần ai này để nhìn cuộc sống tinh
thần của những người một thời cùng ông vừa đánh địch vừa đánh bạn!
Thêm nữa, theo lời của cựu Đại Tướng Trần Thiện Khiêm cho tôi biết
vào tối 21/10/2003, thì nguyên nhân dẫn ông vào cuộc đảo chánh này là vì Trung
Tướng Dương Văn Minh đã đồng ý với ông (tức Thiếu Tướng Khiêm, cấp bậc lúc đảo
chánh) trong cuộc đảo chánh ngày 01//11/1963, là chỉ giải quyết ông cố vấn Ngô
Đình Nhu, còn Tổng Thống Ngô Đình Diệm phải được bình yên và xuất ngoại, nhưng
sau đó Trung Tướng Minh đã ra lệnh giết luôn Tổng Thống Diệm làm cho ông bất
mãn. Cũng do bất mãn đó mà Trung Tướng Khiêm (cấp bậc trong cuộc đảo chánh
30/01/1964) đồng ý với Trung Tướng Khánh lật đổ Trung Tướng Minh và những vị Tướng
thân cận của Trung Tướng Minh. Vậy là suy đoán của tôi trong quyển Đôi Dòng Ghi
Nhớ từ ấn bản 1 đến ấn bản 3, về nguyên nhân Trung Tướng Trần Thiện Khiêm trực
tiếp trong cuộc đảo chánh 30/01/1964, chỉ đúng một nửa.
Tôi có dịp dùng cơm với cựu Đại Tướng Cao Văn Viên vào tối ngày
06/09/2003 tại Virginia, nhưng tôi cảm thấy không nên hỏi những gì liên quan đến
cái chết của Thiếu Tá Nguyễn Văn Nhung, vì gần như phần lớn thời gian trong bữa
ăn kéo dài 3 tiếng đồng hồ, cựu Đại Tướng Viên cho tôi biết thêm vài sự kiện, đồng
thời ông giải thích một số sự kiện về những gì tôi viết về ông trong quyển “Đôi
Dòng Ghi Nhớ” của tôi, nhưng cần giải thích thêm để sự kiện được rõ ràng. Ông
cũng giải thích về những sự kiện mà những tác giả khác đã nói về ông. Trong đó,
có vẻ ông không bằng lòng tác giả Nguyễn Tiến Hưng, vì có những sự kiện mà ông
nói là ông Hưng tưởng tượng hoàn toàn.
Xin đóng ngoặc, và mời quí vị trở lại bản doanh cuộc đảo
chánh.
Khoảng 7 giờ sáng, Đại Tá Nguyễn Chánh Thi đến bản doanh. Một
lúc sau, Thiếu Tá Nguyễn Huy Lợi -cùng nhóm lưu vong với Đại Tá Thi trong vụ đảo
chánh 11/11/1960 thất bại- và nhiều sĩ quan khác cũng đến. Đại Tá Thi bước vội
đến Thiếu Tá Lợi đang đứng bên ngoài nhà, và sau một lúc lời qua tiếng lại, Đại
Tá Thi bốp một phát vào mang tai Thiếu Tá Lợi. Thiếu Tá Lợi đỏ mặt và trong tư
thế sẳn sàng bốp lại, nhưng nghĩ sao đó, Thiếu Tá Lợi quay lưng bỏ đi. Đại Tá
Thi vào nhà, có vẻ như để chứng minh ông đúng:
“Thằng khốn nạn đó nó coi thường tôi”.
Lời lẽ này đúng hay không chỉ có quí vị trong nhóm lưu vong mới
biết, nhưng hành động như vậy, tự Đại Tá Thi làm giảm phong cách của một sĩ
quan cao cấp trong quân đội.
Sau một lúc thảo luận, viết rồi sửa, sửa rồi viết. Một bản
Tuyên Cáo được phát đi trên làn sóng đài phát thanh Sài Gòn. Đại ý nội
dung cho rằng, Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng thành lập trong cuộc đảo chánh ngày
01/11/1963, đã có kế hoạch đưa nước Việt Nam đến trung lập, mà
trung lập thì trước sau gì cũng vào tay cộng sản. Hội Đồng
Quân Nhân Cách Mạng thành lập hôm nay, sẽ truy tố các vị đó
ra tòa trong thời gian sớm nhất.
Khoảng 10 giờ sáng, điện thoại reo: “Thiếu Tá Hoa tôi nghe”.
“Em mời Trung Tướng Khiêm nói chuyện với Trung Tướng Minh nghe
em”.
Đó là lời của Trung Tá Đỗ Kiến Nhiễu, chánh văn phòng của Trung
Tướng Minh. Năm 1955, ông là Thiếu Tá, Tiểu Đoàn Trưởng của tôi (Tiểu Đoàn 510
Khinh Quân), nên ông thường gọi tôi bằng em. Xe của Trung Tướng Minh và Trung
Tá Nhiễu đã vào cổng lúc hơn 9 giờ.
“Xin Trung Tá chờ đầu máy”.
“Mời Trung Tướng tiếp chuyện với Trung Tướng Minh”.
Tôi bước đến ghế bố mà Trung Tướng Khiêm đang nằm vì ông bị cảm,
tôi trao ống nói cho ông, nhưng:
“Chú nói với Trung Tướng Minh là tôi đang mệt và cần nghỉ ngơi.
Tôi sẽ gọi lại sau”.
Quả thật là Trung Tướng Khiêm đang mệt, ông bị khàn tiếng. Từ
lúc bắt đầu cuộc đảo chánh, Trung Tướng Khiêm là người ra chiều suy nghĩ âu lo
và theo dõi chặt chẻ diễn tiến "cuộc hành quân bắt cóc các vị Tướng".
Đến khi các vị đó lên phi cơ quân sự đi Đà Nẳng, ông nằm dài trên ghế bố. Dù sự
thật là như vậy, nhưng chắc gì Trung Tướng Minh tin như vậy. Và rồi Trung Tướng
Minh có thể nghĩ rằng, Trung Tướng Khiêm đã bắt hết các vị Tướng thân cận của
ông rồi, nên khước từ nói chuyện với ông cũng nên. Tôi thì không nghĩ như vậy.
Tuy Trung Tướng Khiêm chưa phải là vị Tướng xuất sắc của chiến trường hay nơi
bàn giấy, nhưng ông có một tình cảm chân thành của một con người đối với cấp
trên, với bạn bè, và nhất là với các cộng sự viên xa gần lớn nhỏ của ông. Tôi
đã chứng kiến nhiều lần khi ông niềm nở bắt tay những đồng đội thuộc Tiểu Đoàn
3 Việt Nam, đơn vị mà có lần Trung Tướng Khiêm rất vui vẻ khi ông nói với tôi
là ông rất nhiều cảm tình. Những đồng đội trước kia dưới quyền của Trung Tướng
Khiêm tại Tiểu Đoàn này, đến những năm 60, phần lớn là Thượng Sĩ hay Thượng Sĩ
Nhất.
“Thưa Trung Tá, Trung Tướng Khiêm bị cảm và khàn cổ. Thể nào
Trung Tướng Khiêm cũng gọi lại Trung Tướng Minh khi sức khỏe cho phép”.
Nói thì nói vậy, nhưng khoảng 30 phút sau thì Trung Tướng Khiêm
điện thoại nói chuyện với Trung Tướng Minh. Theo lời ông thuật lại với Trung Tướng
Khánh và Đại Tá Viên, tôi biết là Trung Tướng Minh cần gặp ông với Trung Tướng
Khánh để thảo luận một số vấn đề cần thiết. Vấn đề gì thì tôi không biết, nhưng
tôi nghĩ chỉ quanh quẩn về việc các vị bị bắt thôi, chớ chẳng việc nước việc non
gì đâu. Bởi sự thể đã đâu vào đó rồi. Nhưng nếu Trung Tướng Khánh ở vị trí
Trung Tướng Minh hiện tại, thì Trung Tướng Khánh không nói chuyện êm thấm nhẹ
nhàng vậy đâu, bởi Trung Tướng Khánh vốn là không ôn hòa, nhất là trong tình cảnh
đó.
Sau một lúc thảo luận to nhỏ với người Mỹ đã có mặt từ sớm,
Trung Tướng Khánh mời Trung Tướng Khiêm và Đại Tá Viên vào bàn họp. Một số sĩ
quan quan tâm hay hiếu kỳ, đang đứng lóng ngóng trong nhà để theo dõi tin tức,
được mời ra sân. Tại sân, khá đông sĩ quan các quân binh chủng, cùng một số
phóng viên báo chí. Tuy không đông, không nhộn nhịp như cuộc đảo chánh
01/11/1963, nhưng cũng chật sân trước. Lúc bấy giờ trong nhà Trung Tướng Khánh,
chỉ có Trung Tướng Khánh, Trung Tướng Khiêm, Đại Tá Viên, người Việt Nam có vẻ
là thân tín của Trung Tướng Khánh, một viên chức Hoa Kỳ, và tôi. Trung Tướng
Khánh lên tiếng trước như là người chủ tọa:
“Thôi, mọi việc xong rồi. Bây giờ thì anh Khiêm làm đi”.
Trung Tướng Khiêm, tay phải gỡ kiến xuống và tay trái lau kiến,
đó là những động tác biểu hiện sự suy nghĩ của ông. Tiếp đó, ông xoay qua Đại
Tá Viên, vừa cười vừa nói:
“Phần tôi đến đây là đủ rồi. Tôi không thích chính trị đâu, hay
là anh Viên nhận đi”.
Đại Tá Viên với nụ cười không hết miệng như lúc nào, ông nói:
“Thôi. Hai anh tính với nhau đi, ai làm cũng được mà. Tôi không
thích lao vào chính trị đâu. Phần tôi đến đây là xong. Tôi muốn ở Lữ Đoàn Dù với
anh em của tôi”.
Đại Tá Viên lớn tuổi hơn hai vị kia, nhưng ông rất cẩn thận
trong cách xưng hô với mọi người, ngay cả với cấp dưới cũng vậy, chớ không nhất
thiết là chỉ cẩn thận với hai vị này.
“Các "toa" không nhận thì "moa" đành nhận
thôi”.
Nói xong, Trung Tướng Khánh cười khoan khoái. Trung Tướng Khánh
nói nhận ở đây, là nhận chức Chủ Tịch Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, tức Quốc
Trưởng, và kiêm luôn chức Thủ Tướng. Vậy là chức vụ của Trung Tướng Khánh nhiều
bằng chức vụ của Trung Tướng Minh với ông Đốc Phủ Sứ Nguyễn Ngọc Thơ trước đây
cộng lại. Trung Tướng Khánh đồng ý giữ Đại Tá Viên trong chức vụ Tư Lệnh Lữ
Đoàn Nhẩy Dù. Mời Trung Tướng Khiêm giữ chức Tổng Tưởng Quốc Phòng kiêm Tổng
Tham Mưu Trưởng Quân Đội, nhưng Trung Tướng Khiêm không nhận. Ông muốn ở lại chức
vụ Tư Lệnh Quân Đoàn III. Dĩ nhiên là chính ông "muốn" chớ không phải
ông "bị" như cách đây tròn 1 tháng. Buổi họp chọn vị đứng đầu quốc
gia và đứng đầu chánh phủ tạm ngưng, vì Trung Tướng Khánh phải lên tòa nhà
chánh họp báo.
Lúc đó là 2 giờ chiều, tại tầng trệt tòa nhà chánh. Rất đông
phóng viên báo chí truyền thanh truyền hình trong nước lẫn ngoại quốc. Trên bàn
chủ tọa, Đại Tá Cao Văn Viên ngồi cạnh Trung Tướng Nguyễn Khánh, còn Trung Tướng
Khiêm vắng mặt vì bệnh. Chuẩn Uý Nguyễn Ngọc Linh là thông dịch. Chuẩn Uý Linh
tốt nghiệp khóa 12 (hoặc 13) Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Ông là chủ một trường
Anh ngữ khá nổi tiếng tại Sài Gòn. Sinh viên sĩ quan khóa này có một số khá
đông tốt nghiệp đại học mà báo chí thường gọi là "thành phần khoa bảng".
Tổng quát thì Trung Tướng Khánh cho rằng, một số Tướng Lãnh
trong nhóm đảo chánh 01/11/1963, đã âm mưu đưa nước Việt Nam đến trung lập, mà
trung lập là thời kỳ chuyển tiếp đến chế độ cộng sản. Và âm mưu này phải phá vở
từ trong trứng, nếu không, nó sẽ là một sỉ nhục các chiến sĩ và đồng bào đã ngã
xuống cho ngọn cờ quốc gia chống cộng. Đồng thời, dân tộc Việt Nam phải chịu sự
thống trị của cộng sản và lệ thuộc Trung Cộng như hằng ngàn năm trong lịch sử.
Do vậy, mà nhóm của ông đứng lên làm cuộc "chỉnh lý" hôm nay....
Sau đó, ông trả lời những câu hỏi của báo chí. Phần lớn những
câu hỏi đều xoay quanh điều mà ông nói là âm mưu trung lập Việt Nam. Tôi không
nhớ hết nguyên văn câu hỏi và trả lời, nhưng những điều dưới đây là tôi tóm tắt
theo trí nhớ (đoạn này tôi viết lại lúc trong tù):
“Nhóm lãnh đạo chỉnh lý gồm những ai?”
“Nhóm lãnh đạo của chúng tôi gồm 3 người: Tôi, Trung Tướng Trần
Thiện Khiêm, và Đại Tá Cao Văn Viên”.Vừa nói ông vừa chỉ Đại Tá Viên.
“Xin Trung Tướng cho biết những bằng cớ về âm mưu trung lập?”
“Hội Đồng chúng tôi sẽ truy tố các vị đó ra tòa theo luật định.
Toà án sẽ căn cứ vào những bằng cớ để phán quyết”.
“Các vị Tướng đó nghe nói đã bị bắt, có đúng không? Nếu đúng,
thì các vị đó bị giữ ở đâu?”
“Đúng. Các vị đó được giữ ở nơi an toàn trong khi chờ ra tòa”.
“Nhóm Chỉnh Lý có thành lập chánh phủ dân sự như nhóm đảo chánh
trước đây hay không?”
“Chúng tôi thành lập chánh phủ quân sự, nhưng cũng là tạm thời”.
“Hiến Chương tạm thời bao giờ được thay đổi?”
“Sẽ được thay bằng Hiến Pháp khi Quốc Hội được bầu lên trong một
tình hình ổn định”.
“Hàm râu của Trung Tướng cắt theo kiểu đó có nghĩa gì?”
Dường như bị bất ngờ, Trung Tướng Khánh đưa tay vuốt chòm râu cụt
ngủn kèm theo nụ cười kéo dài khá lâu, chắc là để tìm câu trả lời trước câu hỏi
này.
“Mỗi quân nhân chúng tôi thường có cái gì đó để kỷ niệm cho
riêng mình. Hàm râu của tôi cũng không ngoài ý nghĩa đó”.
Và cuộc họp báo chấm dứt, nhưng điều mà các phóng viên thắc mắc
liên quan đến bằng chứng về kế hoạch trung lập của các vị Tướng bị bắt, thì
Trung Tướng Khánh trả lời rất mơ hồ, khiến họ tỏ vẻ không hài lòng. Mà thật ra
ngôn ngữ trong chính trị, không nhất thiết một với một là hai như trong ngôn ngữ
của các ngành sinh hoạt khác, cho nên có hài lòng hay không hài lòng cũng vậy
thôi.
Trước bữa ăn tối, Trung Tướng Khánh, Trung Tướng Khiêm, và Đại
Tá Viên, thảo luận với một số vị dân sự và hành chánh để thành lập chánh phủ.
Tôi xin phép chạy về nhà vì con tôi lên cơn nóng, nên không theo dõi được
phần thảo luận chi tiết. Sau đó Trung Tướng Khiêm gọi tôi trở lại "bản
doanh" gấp:
“Chú sang bộ tư lệnh Quân Đoàn nói với Đại Tá Mạnh (Nguyễn Văn Mạnh)
Tham Mưu Trưởng, chuẩn bị để sáng mai tôi bàn giao cho Thiếu Tướng Lâm Văn
Phát. Còn mấy chú cũng chuẩn bị bàn giao văn phòng rồi trở về Tổng Tham Mưu với
tôi”.
“Trung Tướng đã nhận lời với Trung Tướng Khánh?”
“Không có người nên tôi phải nhận thôi. Tôi coi Bộ Quốc Phòng và
Bộ Tổng Tham Mưu luôn. Tôi ngồi ở văn phòng mà trước kia Đại Tướng Tỵ ngồi đó.
Chú sắp xếp lại cho tôi. Phần chú, chú làm chánh văn phòng cả hai bên, nghĩa là
Bộ Quốc Phòng và Tổng Tham Mưu. Thôi, chú chạy qua Quân Đoàn lo cho kịp. Nhớ bảo
Đại Uý Tuấn về lại Tổng Quản Trị luôn”. (Đại úy Nguyễn văn Tuấn, về sau là Đại
Tá, Giám Đốc Nha An Ninh Hành Chánh khi Đại Tướng Trần Thiện Khiêm làm Thủ Tướng)
“Chào Trung Tướng, tôi đi ngay”.
Sáng 31/01/1964, bàn giao xong, tôi và các quân nhân văn phòng dọn
về lại văn phòng Tổng Tham Mưu Trưởng. Vẫn trên tầng lầu, nhưng khác phòng.
Trung Tướng Khiêm nhận hai chức vụ của Trung Tướng Trần Văn Đôn nhưng không có
bàn giao, vì Trung Tướng Đôn đã bị bắt từ hôm qua. Cùng lúc, Thiếu Tướng Nguyễn
Văn Thiệu nhận chức Tham Mưu Trưởng Liên Quân, cũng không có bàn giao vì Trung
Tướng Lê Văn Kim cũng bị bắt rồi. Tôi nhận bàn giao của Thiếu Tá Đặng Văn
Hoa, gồm văn phòng Tổng Trưởng Quốc Phòng và văn phòng Tổng Tham Mưu Trưởng.
Việt Nam chúng ta chịu ảnh hưởng gần như hoàn toàn về kinh tế và
quân sự của Hoa Kỳ, dĩ nhiên là về mặt chính trị cũng vậy. Nói rõ hơn trong các
biến cố chính trị, nhóm nào được Mỹ ủng hộ thì phần thắng có thể trong tầm tay.
Ủng hộ thì có thể có nhiều cách, nhưng sự có mặt của một người Mỹ trong cuộc đảo
chánh 01/11/1963 và cuộc đảo chánh lần này, là biểu hiện rõ nhất. Với cuộc đảo
chánh 30/01/1964, giữa bộ ba lãnh đạo đảo chánh (chỉnh lý, chỉ là một loại ngôn
ngữ chính trị) với Hoa Kỳ, liệu bên nào là bên khởi xướng? Điều đó tôi không
rõ, nhưng chắc chắn là ba vị này đã tiếp xúc ít nhất là 2 lần với Hoa Kỳ, kể từ
lúc tôi đón Trung Tướng Khánh về đến Sài Gòn.
Nhìn từ góc độ cá nhân. Liệu có phải cuộc đảo chánh bắt nguồn từ
"cái hận của Trung Tướng Trần Thiện Khiêm" khi cử ông vào phái đoàn
công du Đại Hàn mà ông tưởng như phần thưởng, để rồi cử ông vào chức vụ
Tư Lệnh Quân Đoàn III trong khi ông công du ngoại quốc chưa về? Xin nhớ rằng,
Trung Tướng Khiêm là một trong những vị nòng cốt lãnh đạo cuộc đảo chánh
01/11/1963, vì trong chức vụ Tham Mưu Trưởng Liên Quân nếu ông không tham gia
thì cuộc đảo chánh cũng không dễ gì thực hiện được. Và cũng liệu có phải là từ
"cái hận" của Đại Tá Viên khi bị tách khỏi Lữ Đoàn Nhẩy Dù trong cuộc
đảo chánh 01/11/1963 không? Nếu không phải là "những cái hận" đó, thì
tại sao trong buổi họp chọn người lãnh đạo ngay sau khi đảo chánh thành công,
Trung Tướng Khiêm nói "phần tôi đến đây là đủ rồi", và tại sao Đại Tá
Viên cũng nói "phần tôi đến đây là xong rồi". Cả hai vị có cùng câu
nói tương tự nhau là bao hàm ý nghĩa rằng "tôi không thích chính trị"
hoặc "tôi không thích lao vào chính trị", để rồi Trung Tướng
Khánh "đành" nhận cả hai chức vụ cao nhất nước? Hãy để câu trả lời
chính xác cho cựu Đại Tướng Trần Thiện Khiêm và cựu Đại Tướng Cao Văn Viên.
Nếu chấp nhận giả thuyết "hai cái hận" nói trên là
nguyên nhân, thì theo tôi, hành động phục hận của Trung Tướng Khiêm và Đại
Tá Viên mới là "động lực", mà động lực không cũng chưa đủ, vì phải có
"ngòi nổ" để phát nổ nữa chớ. Trung Tướng Khánh là mẫu người nhiều
tham vọng, và đây đúng là "ngòi nổ" để đẩy động lực kia nổ máy. Tôi
muốn nói là Trung Tướng Khánh đã khai thác cái hận của Trung Tướng Khiêm với Đại
Tá Viên bằng cách khích hai vị ấy phục hận. Cũng chưa đủ, phải có "lửa"
châm ngòi nổ nữa chớ. Tôi cho rằng Hoa Kỳ là ánh lửa châm ngòi. Như vậy, nếu
đúng là phục hận thì Hoa Kỳ cũng có nguyên nhân nào đó chớ chẳng lẽ Hoa Kỳ giúp
đảo chánh chỉ để hai vị phục hận riêng tư sao? Chắc chắn là không.
Nhìn vào một góc độ khác, góc độ chính trị ngoại giao. Liệu
có phải Hoa Kỳ muốn loại trừ những Tướng lãnh cầm quyền mà trước đó có tiếng là
thân Pháp ra khỏi chính trường Việt Nam không? Chắc trong chúng ta, lứa tuổi
chào đời thập 20, 30, không ai quên là Pháp rất không bằng lòng hành động của
Hoa Kỳ góp phần đẩy nước Pháp đến việc ký kết Hiệp Định Đình Chiến Genève
20/07/1954 với Việt Minh cộng sản, dẫn đến sự kiện nước Pháp thua trận và đoàn
quân viễn chinh của Pháp hoàn toàn rút khỏi Việt Nam tháng 03/1956. Tổng Thống
Pháp quốc, Tướng Charles De Gaulle, vào đầu thập niên 1960, trong chuyến viếng
thăm Cambodge, ông cổ võ chính sách trung lập cả ba nước Việt Nam, Cam Bốt, và
Lào. Quan niệm trung lập của ông De Gaulle, chẳng khác nào xúi ba nước trên bán
đảo Đông Dương vào ảnh hưởng cộng sản, điều đó có nghĩa là vực Việt Nam Cộng
Hòa (cùng với Cam Bốt và Lào) ra khỏi ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Phải chăng đây cũng
là cách phục hận của Pháp đối với Mỹ? Lúc ấy, Tổng Thống Ngô Đình Diệm phản ứng
mạnh mẽ về lời tuyên bố đó của Tổng Thống Pháp.
Liên quan đến đoạn trên đây, cựu Đại Tướng Khiêm nói với tôi
trong cuộc điện đàm tối 21/10/2003, như sau:
“Tôi không biết tại sao mà Mỹ lại bỏ rơi ông Minh nữa”.
Tôi nói với ông về nét nhìn của tôi như đoạn viết ở trên. Ông
nói:
“Điều chú nói có lý lắm, nhưng có thể còn điều gì đằng sau đó nữa”.
Nhưng mà thưa các bạn, với câu nói ngắn ngủi của cựu Đại Tướng
Khiêm trên đây, cộng với nguyên nhân mà Trung Tướng Khánh (cấp bậc lúc đảo
chánh) đã tuyên bố trong buổi họp báo cách nay 39 năm sau khi đảo chánh thành
công (30/01/1964), theo đó thì Trung Tướng Dương Văn Minh và các vị trong Hội Đồng
Quân Nhân Cách Mạng thành lập ngày 01/11/1963, có kế hoạch đưa Việt Nam đến
trung lập, có thể làm quí vị suy nghĩ nếu quí vị muốn đào sâu thêm về con người
dẫn đến sự kiện ngày 30/01/1964.
Nhìn sang góc độ khác nữa, góc độ chính trị nội bộ. Liệu có phải
năm vị Tướng vừa bị bắt kia, thật sự có kế hoạch trung lập Việt Nam hay không
vì Trung Tướng Khánh với quyền uy cao nhất nước, đã nói với báo chí là sẽ đưa
các vị đó ra tòa (?). Tôi chấm hỏi trong ngoặc đơn như vậy vì tôi nghi ngờ lời
ông. Tôi nghi ngờ vì chen lẫn trong lúc ba vị thảo luận thành lập chánh phủ,
Trung Tướng Khánh có nói sẽ ra lệnh cho Trung Tá Cao (Albert Nguyễn Cao) và Thiếu
Tá Nhiêu (Lê Văn Nhiêu) -sĩ quan tình báo- truy tìm tài liệu về "kế hoạch
trung lập". Câu nói đó cho tôi hiểu đôi chút là khi bắt các vị Tướng bị
cáo buộc "trung lập", thì trong tay các vị đảo chánh chưa có bằng chứng
gì trung lập hết, hoặc nếu có cũng chưa đủ để đưa các vị ấy ra tòa.
Năm 1994, khi tôi viết lại đoạn này thì cựu Đại Tướng Trần Thiện
Khiêm sống ở Washington D.C. một cách lặng lẽ, không tiếp xúc với ai liên quan
đến chính trị. Trong khi cựu Đại Tướng Cao Văn Viên thì đi sâu vào thiền, cũng ở
Washington D.C. và cuộc sống càng ẩn dật hơn cựu Đại Tướng Khiêm nữa. Điều đó
đúng trong thời gian ấy.
Ngày 06/09/2003, vợ chồng tôi lên Virginia thăm ông bà cựu Đại
Tướng Khiêm, nhận thấy ông và gia đình ông vẫn trong cuộc sống ẩn dật tuy là
trong căn nhà khá rộng. Buổi tối cùng ngày, tôi và hai người bạn nữa đến đón cựu
Đại Tướng Viên từ một gian phòng nhỏ trong building khang trang, về nhà anh chị
Lý Thanh Tâm dùng cơm tối. Anh Lý Thanh Tâm, một cựu sĩ quan ngành Tổng
Quản Trị. Anh Chị Lý Thanh Tâm, là người giúp cựu Đại Tướng Viên rất nhiều việc
trong những năm gần đây. Trong bữa ăn này, tôi thấy sức khoẻ của ông rất kém
nhưng sự minh mẫn không sa sút bao nhiêu, tôi không hỏi ông về thiền vì sức khoẻ
của ông như vậy ông không thể ngồi thiền được nữa. Có một điều thật dứt khoát
là ông không thể tham gia vào những vấn đề chính trị, đơn giản là sức khỏe của
ông trong tình trạng sút kém đến mức khó mà hình dung được nếu không trông thấy
ông.
Xin giải thích thêm về cựu Đại Tướng Cao văn Viên. Trong cuộc đảo
chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm ngày 01 và 02/11/1963, lúc ấy ông là Đại Tá, bị Hội
Đồng Quân Cách Mạng cách ly khỏi chức vụ Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhẩy Dù và bị cách chức
sau khi Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng đảo chánh thành công. Nhưng bà Cao Văn
Viên nhờ Trung Tướng Trần Thiệm Khiêm (cấp bậc lúc bấy giờ) vì hai vị là bạn
thân, vận động với Trung Tướng Dương Văn Minh và Đại Tá Viên được trở lại chức
vụ Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhẩy Dù, dĩ nhiên vị sĩ quan thay thế ông mấy ngày phải chuyển
sang đơn vị khác. Tháng sau đó, trong một cuộc hành quân trực thăng vận (chuyển
quân bằng phi cơ trực thăng đổ ngay tại chiến trường) dọc biên giới Việt
Nam-Cam Bốt thuộc quận Hồng ngự, tỉnh Kiến Phong. Cuộc hành quân này đã đánh
nhau dữ dội với quân cộng sản từ bên trong lãnh thổ Cam Bốt xâm nhập vào, với sự
yểm trợ của Pháo Binh, Thiết Giáp, và Không Quân, Nhẩy Dù đã chiến thắng nhưng
chấp nhận số thương vong đáng kể. Trong số bị thương có Đại Tá Viên, ông và những
thương binh khác được đưa về Tổng Y Viện Cộng Hòa điều trị. Chiều hôm đó, Trung
Tướng Nguyễn Khánh với chức năng Quốc Trưởng, cùng với Trung Tướng Trần Thiện
Khiêm, Tổng Trưởng Quốc Phòng kiêm Tổng Tham Mưu Trưởng, vào tận giường bệnh
trao gắn cấp bậc Thiếu Tướng cho Đại Tá Cao Văn Viên. Đây là thăng cấp mặt trận.
Đến đây là hết phần giải thích.
Một hôm, Trung Tướng Khiêm gọi tôi vào văn phòng, tôi thấy ông
có vẻ như có điều gì quan trọng, ông nói:
“Chú phải biết là ngoài Bộ Quốc Phòng và Bộ Tổng Tham Mưu, tôi
còn là cố vấn cho Trung Tướng Khánh nữa, nên tôi không có thì giờ nhiều như trước
đây. Vì vậy mà chú phải thận trọng khi thu xếp chương trình tiếp khách hằng
ngày của tôi để tôi có thì giờ nghiên cứu nhiều vấn đề. Chú hiểu ý tôi chớ?”
“Vâng. Tôi hiểu”.
“Dù muốn hay không muốn, tôi cũng phải dính dáng đến chính trị.
Đó là điều không thích hợp với tôi”.
“Vâng. Tôi hiểu”.
Ngưng một chút, ông tiếp:
“Chú liên lạc Phòng Tổng Quản Trị (Tổng Tham Mưu) làm
lệnh thuyên chuyển Đại Úy Đặng Văn Châu về văn phòng (Tổng Tham Mưu Trưởng), làm
thông dịch viên khi cần”.
Đại Úy Đặng Văn Châu là chánh văn phòng Tỉnh Trưởng Vĩnh Long,
lúc ấy Trung Tá Lê Văn Phước là Tỉnh Trưởng. Sau ngày 01/11/1963, Trung Tá Phước
bị cách chức và giải ngũ. Thế là Đại Úy Châu về văn phòng tôi. Trong văn phòng
Tổng Tham Mưu Trưởng có các sĩ quan sau đây: (1) Tôi. (2) Đại Úy Nguyễn Hữu Có
sĩ quan tùy viên luôn luôn đi theo Trung Tướng Khiêm. (3) Đại Úy Nguyễn Tinh Tú
sĩ quan tùy viên tại tư dinh. (4) Đại úy Đặng Văn Châu thông dịch viên. (5) Trước
ngày đảo chánh còn có Đại Uý Trần Thiện Ngươn, anh của Trung Tướng Trần Thiện
Khiêm, nhưng sau ngày đảo chánh anh thuyên chuyển đơn vị khác vì văn phòng dư
sĩ quan theo ấn định trong bảng cấp số. Thật ra Trung Tướng Khiêm chỉ sử dụng Đại
Úy Châu thông dịch trong trường hợp tiếp các phóng viên báo chí ngoại quốc,
không phải ông không nói được Anh ngữ, nhưng vì nhà báo ngoại quốc thường hỏi
những câu hóc búa, thành ra ông cần cái khoảng thời gian thông dịch để chuẩn bị
câu trả lời.
Vài tuần sau ngày trở lại Bộ Tổng Tham Mưu, Trung Tướng Khiêm bảo
tôi viết chi phiếu xuất 100.000,00 đồng cho nhà thờ Martino tu sửa những hư hỏng,
vì ảnh hưởng trong cuộc chạm súng giữa lực lượng tấn công với lực lượng phòng vệ
Phủ Tổng Thống trong ngày 01/11/1963. Tập chi phiếu này tôi nhận bàn giao ngày
31/01/1964 từ Thiếu Tá Đặng Văn Hoa, chánh văn phòng Tổng Trưởng Quốc Phòng.
Lúc ấy, số tiền trong quỹ mật còn 36.000.000,00 đồng.
Lần thứ nhì, tôi cũng được lệnh viết chi phiếu 100.000,00 đồng cấp
cho Trung Tá Nguyễn Văn Luông, Chỉ Huy Trưởng Tổng Hành Dinh/Tổng Tham Mưu,
trong dịp Trung Tá Luông cưới vợ cho con. Tôi nghĩ, ngoài công tác bắt những vị
Tướng khởi đầu cũng là kết thúc cho cuộc đảo chánh ngày 30/01/1964 ra, không có
nguyên nhân nào khác để Trung Tá Luông được phần thưởng này cả. Cho Trung Tá
Luông để cưới vợ cho con, tôi nghĩ, đó chỉ là cái cớ hơn là nguyên nhân.
Trong số những sĩ quan bị bắt sau cuộc đảo chánh ngày 01/11/1963
đang giữ tại Nha An Ninh Quân Đội, có Trung Tá Nguyễn Văn Minh, và Trung Tá
Nguyễn Khắc Bình, là hai trong số những vị tôi quen biết khá nhiều. Trung Tá
Minh, Tỉnh Trưởng An Giang trong khi Đại Tá Trần Thiện Khiêm (cấp bậc lúc bấy
giờ) Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh kiêm Tư Lệnh Khu 33 Chiến Thuật (còn gọi là Khu
Chiến Thuật Hậu Giang). Trung Tá Bình, khi còn tổ chức Quân Khu, ông là Tham
Mưu Trưởng đệ ngũ Quân Khu đồn trú tại Cần Thơ. Tháng 04/1961, khi giải thể tổ
chức Quân Khu để thành lập Khu Chiến Thuật với Vùng Chiến Thuật, Sư Đoàn 21 Bộ
Binh từ Sa Đéc di chuyển sang Cần Thơ đồn trú ngay trong doanh trại Quân Khu vừa
giải thể, và Thiếu Tá Bình (cấp bậc lúc bấy giờ) giữ chức Tham Mưu Trưởng Sư
Đoàn 21 Bộ Binh. Do mối liên hệ công tác đó đã dẫn đến thân tình giữa Đại Tá
Khiêm với hai vị.
Cũng xin nói thêm đôi nét về Thiếu Tá Nguyễn Khắc Bình. Từ Sư
Đoàn 21 Bộ Binh, Thiếu Tá Bình được Tổng Thống Ngô Đình Diệm bổ nhiệm vào chức
vụ Tỉnh Trưởng Định Tường. Theo lời Đại Uý Nguyễn Hữu Tài hồi năm 1964 -anh của
Thiếu Tướng Nguyễn Hữu Có- thì sáng ngày 01/11/1963, Thiếu Tá Bình mang một
phúc trình mật từ Mỹ Tho lên Sài Gòn để trình Tổng Thống Ngô Đình Diệm về những
dấu hiệu của một cuộc đảo chánh, nhưng Thiếu Tá Bình bị Đại Tá Có (cấp bậc lúc
bấy giờ) chận bắt.
Bà Nguyễn Văn Minh và bà Nguyễn Khắc Bình, sau nhiều lần đến nhà
tôi nhờ tôi trình với Trung Tướng Khiêm xin cứu xét giúp cho hai ông được tự
do. Trung Tướng Khiêm có vẻ phân vân, chưa quyết định. Lần trình bày thứ nhì của
tôi cùng với đơn của hai bà, Trung Tướng Khiêm phê dòng chữ trên hai đơn đó:
“Nha An Ninh (Quân Đội) cứu xét rộng rãi”.
Sau đó, Trung Tá Minh và Thiếu Tá Bình được tự do. Chưa có quyết
định gì về Trung Tá Minh, nhưng Thiếu Tá Bình được thuyên chuyển về văn phòng Tổng
Tham Mưu Trưởng, và Trung Tướng Khiêm giao trách nhiệm cho Thiếu Tá Bình khai
thác đống hồ sơ của đảng Cần Lao, mà Trung Tướng Trần Văn Đôn đã cho chở
đầy một xe vận tải quân sự GMC từ Phủ Tổng Thống về tòa nhà chánh Tổng Tham Mưu
từ ngày 02/11/1963, và tôi cho mang lên để ở tầng lầu trên cùng.
Vài tháng sau đó, Thiếu Tá Nguyễn Khắc Bình được thăng cấp Trung
Tá. Trong khi Trung Tá Nguyễn Văn Minh vẫn cấp bậc cũ, nhưng ông có cái may
khác. Trung Tá Minh lần đầu tiên đến văn phòng tôi kể từ sau ngày được tự do,
ông vẫn giữ thông lệ chơi ngọt với tôi nên phần “uống cà phê chơi” của tôi lần
này là con búp bê sản xuất “bên Tây” rất đẹp.
Xin nhắc lại là khi ông làm Tỉnh Trưởng An Giang, tôi là chánh
văn phòng Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh đồn trú tại Cần Thơ, cứ mỗi lần ông đến Cần
Thơ họp là y như rằng, Trung Tá Minh tặng tôi cái phong bì mà bên trong là
200,00 đồng (Việt Nam) kèm theo lời nói của ông:
“Em cầm lấy uống cà phê chơi” dù ông biết rằng tôi không quen uống
cà phê.
Sau đó thỉnh thoảng ông tạt vào văn phòng tôi chơi. Một hôm
Trung Tá Minh nhờ tôi trình Trung Tướng Khiêm, cho ông thuyên chuyển đến Sư
Đoàn 21 Bộ Binh và ông bằng lòng nhận bất cứ nhiệm vụ gì ở đó. Ông giải thích
thêm:
“Em biết hông, theo thầy tướng số, nếu Anh được về hướng đó sẽ
có nhiều cơ hội thăng tiến hơn. Em ráng giúp Anh nghe
Hoa”.
Trong khi chờ quyết định của Trung Tướng Khiêm, Trung Tá Minh
cho tôi thêm thông tin liên quan đến ông, rằng Đại Tá Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ
Binh đồng ý cử ông vào chức vụ Chỉ Huy Trưởng Lữ Đoàn Cà Mau. Và rồi Trung Tá
Minh thành công bước đầu, tức là ông được Trung Tướng Khiêm chấp thuận thuyên
chuyển đến Sư Đoàn 21 Bộ Binh. Và bước thứ hai:
“Hoa à! Em ráng giúp Anh lần nữa nghe. Lần này là em thu xếp cho
Anh chiếc phi cơ L19, và điều cần là anh phi công với phi cơ có mặt tại sân VIP
đúng 7 giờ sáng -không sớm cũng không muộn- và đừng tắt máy. Anh sẽ lên phi cơ
ngay. Anh nói nhỏ em nghe: ông thầy tướng số nói nếu như Anh đi đúng như vậy và
đúng về hướng Sư Đoàn 21 thì tương lai Anh sẽ lên tột đỉnh trong quân đội đó
em. Ráng nghe Hoa”.
Trước khi ra về, ông đưa tôi cái phong bì tặng anh phi công, và
phần “uống cà phê chơi” của tôi cũng là một phong bì.
Xin giải thích. Trung tuần tháng 12 năm 1962, ngay sau khi Thiếu
Tướng Trần Thiện Khiêm (thăng cấp Tướng ngày 06/12/1962) bàn giao Sư Đoàn 21 Bộ
Binh cho Đại Tá Bùi Hữu Nhơn, thì Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn cùng các đơn vị yểm trợ trực
thuộc, di chuyển đến nơi đồn trú mới là Bạc Liêu, vì Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn IV sẽ
thành lập từ ngày 01/01/1963 đồn trú tại trại Lý Thường Kiệt trong tỉnh lỵ Cần
Thơ. Còn phi cơ L19 là loại phi cơ sử dụng quan sát từ trên không, và hướng dẫn
Pháo Binh hoặc phi cơ khu trục tác xạ. Trường hợp cần thiết, sử dụng chở một sĩ
quan hay Tướng Lãnh công tác. Còn Lữ Đoàn Cà Mau là tên gọi một đơn vị chiến
thuật do Sư Đoàn 21 Bộ Binh thành lập cho nhu cầu ổn định tình hình tỉnh An
Xuyên (Cà Mau là tỉnh lỵ), gồm Trung Đoàn 32 Bộ Binh (trực thuộc Sư Đoàn 21 Bộ
Binh) và Pháo Binh với Thiết Kỵ (Thiết Giáp Kỵ Binh).
Vài tuần sau ngày Trung Tá Nguyễn Văn Minh nhận nhiệm vụ tại Lữ
Đoàn Cà Mau, ông điện thoại về tôi:
“Hoa à! Anh đang có một việc liên quan đến tòa án và họ có giấy
gọi Anh về Sài Gòn để trả lời một số câu hỏi. Em ráng nói với chánh văn phòng Bộ
Tư Pháp là đơn vị Anh đang hành quân, khi xong thì Anh về trình diện. Em ráng
giải quyết càng sớm càng tốt nghe em”.
“Mà chuyện gì vậy Trung Tá? Liệu có ghê gớm lắm hông?”
“Không quan trọng đâu em. Chẳng qua là sự việc chưa rõ ràng thôi
mà”.
“Được. Tôi sẽ cố gắng nhưng không hứa chắc chắn nghe Trung Tá,
vì tôi chưa hiểu đầu đuôi ra sao”.
Sau khi liên lạc với chánh văn phòng ông Tổng Trưởng Tư Pháp,
tôi mới biết Trung Tá Nguyễn Văn Minh đang là một trong những nghi can về cái
chết của mấy nhân vật chính trị đã bị thủ tiêu ở tỉnh An Giang mà lúc ấy Trung
Tá Minh là Tỉnh Trưởng. Chánh văn phòng Bộ Tư Pháp cho biết là ông Tổng Trưởng
thuận dời lại đến khi Trung Tá Minh chấm dứt hành quân. Tôi cũng không hiểu là
bằng cách nào mà chỉ trong thời gian ngắn sau đó, Trung Tá Nguyễn Văn Minh đã vận
động ra sao mà từ đó tôi không nghe thấy gì về vụ này nữa. Khi viết lại những
dòng này, tôi tự hỏi: có phải là tôi đã chen chân vào vụ án đó hay không nữa?
Thật lòng là tôi chỉ nói đúng theo yêu cầu của Trung Tá Minh chỉ xin dời ngày
trình diện của ông thôi.
Về ông thầy tướng số tử vi đã giải lá số tử vi của Trung Tá Nguyễn
Văn Minh hay dở ra sao thì tôi không rõ, nhưng có điều là sau cuộc chiến Mùa Hè
Đỏ Lửa tháng 04/1972, có dư luận ngay trong Bộ Tổng Tham Mưu là Trung Tướng
Nguyễn Văn Minh (ông đã thăng cấp khá nhanh) có hi vọng thay thế Đại Tướng Cao
Văn Viên trong chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng.
Xin trở lại Bộ Tổng Tham Mưu.
Đầu tháng 04 năm 1964, một Sắc Lệnh do Trung Tướng Nguyễn Khánh
ký, nâng danh xưng Bộ Tổng Tham Mưu thành Bộ Tổng Tư Lệnh. Và một Sắc Lệnh
khác, nâng danh xưng Quân Đội thành Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bao gồm:
Lục Quân, Không Quân, Hải Quân, Địa Phương Quân, và Nghĩa Quân. Vậy là, Bộ Tổng
Tham Mưu, từ bấy giờ có danh xưng là Bộ Tổng Tư Lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng
Hòa. Vị đứng đầu tức Trung Tướng Trần Thiện Khiêm là Tổng Tư Lệnh
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, nhưng bên trên còn có vị Tổng Tư Lệnh Tối Cao trong
chức năng Quốc Trưởng, chính vị Tổng Tư Lệnh Tối Cao này mới có thẩm quyền
tuyên chiến.
Trung tuần tháng 04/1964, Hội Đồng Tướng Lãnh mà nòng cốt là
Trung Tướng Nguyễn Khánh, Chủ Tịch Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng với chức năng
Quốc Trưởng, kiêm Thủ Tướng, Trung Tướng Trần Thiện Khiêm, Tổng trưởng Quốc
Phòng kiêm Tổng Tư Lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, và Thiếu Tướng Cao Văn
Viên, Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhẩy Dù, lên Đà Lạt họp để giải quyết năm vị Tướng bị bắt
giữ từ ngày 30/01/1964, vì các vị này bị cáo buộc là “chủ trương trung lập hoá
Việt Nam và sẽ truy tố ra tòa” mà Trung Tướng Khánh đã tuyên bố trong buổi họp
báo chiều ngày 30/01/1964 tại tòa nhà chánh Bộ Tổng Tham Mưu, sau khi đảo chánh
thành công. Kết quả trong tinh thần hòa giải (?), xem như các vị Tướng bị cáo đều
không có tội nhưng không được giữ những chức vụ quan trọng trong quân đội. Thật
ra không hòa giải cũng không được, vì đâu có bằng chứng gì để truy tố ra tòa.
Hòa giải xong, các vị có mặt gồm “nguyên cáo lẫn bị cáo” ôm nhau vui vẻ và “ăn
nhậu linh đình”, có cả sự “giúp vui” của những cô gái ngay tại biệt thự chọn
làm nơi hội họp. Các cô này được phi cơ C47 đưa từ Sài Gòn lên.
Sở dĩ Hội Đồng Tướng lãnh họp tại Đà Lạt là vì sau khi năm vị Tướng
bị bắt ngày 30/01/1964 đưa ra giữ ở Đà Nẳng, nhưng do thiếu tiện nghi sinh hoạt
nên Trung Tướng Nguyễn Khánh chấp nhận lời yêu cầu của năm vị mà chuyển lên Đà
Lạt giam trong một biệt thự với những tiện nghi sinh hoạt tốt hơn. Trong thời
gian giam giữ các vị tại Đà Nẳng, Trung Tướng Trần Thiện Khiêm chỉ thị tôi
trách nhiệm thanh toán chi phí, nhưng khi chuyển lên Đà Lạt thì văn phòng Phủ
Thủ Tướng trách nhiệm.
Về hòa giải giữa các vị Tướng Lãnh. Xin quí vị quí bạn lùi lại
tháng 03 đến đầu tháng 04/1964. Đại Tá Nguyễn Cao (có tên Pháp là Albert Cao),
Trung Tá Lê Văn Nhiêu, hai vị này thuộc Phủ Thủ Tướng, và Trung Tá Nguyễn Khắc
Bình văn phòng Tổng Tham Mưu Trưởng, ba sĩ quan này đã phục vụ nhiều năm trong
ngành tình báo quân sự, tạo thành một toán công tác tình báo đặc biệt. Theo lệnh
của Trung Tướng Nguyễn Khánh, ba vị sĩ quan này truy tìm chứng cớ để kết tội
năm vị Tướng bị cáo buộc “chủ trương trung lập”. Đến ngày kết thúc, Trung Tá
Bình sau khi từ phòng Trung Tướng Trần Thiện Khiêm bước ra, anh nói với tôi:
“Anh biết hông, tụi tôi truy lục các hồ sơ ở An Ninh Quân Đội, Tổng
Nha Cảnh Sát, rồi bên Phủ Đặc Ủy Tình Báo, và hầu hết các tòa soạn báo chí,
nhưng không tìm ra bất cứ một chứng cớ nào liên quan đến chủ trương trung lập của
mấy ông Tướng bị bắt cả”.
“Vậy các vị Tướng bị cáo chủ trương trung lập chẳng qua là cái cớ
cho cuộc “Chỉnh Lý” (Trung Tướng Nguyễn Khánh gọi như vậy, thật ra cũng là
đảo chánh thôi), còn nguyên nhân nằm ở đâu?”
“Tôi cũng tự hỏi như anh vậy”.
“Khi anh trình kết quả này, Trung Tướng (Trần Thiện Khiêm) có
nói gì hông Anh?”
“Không”.
Vậy, nguyên nhân nằm ở đâu? Tôi nghĩ, nguyên nhân ở người Mỹ có
mặt trong buổi sáng ngày 30/01/1964 tại nhà Trung Tướng Nguyễn Khánh, đây cũng
là bản doanh của các vị lãnh đạo đảo chánh. Phải chăng Hoa Kỳ muốn loại trừ hẳn
những Tướng lãnh cầm quyền mà trước đó bị cáo buộc là thân Pháp ra khỏi chính
trường Việt Nam không?
Nếu đúng như vậy thì rõ ràng là Hoa Kỳ thực hiện mục tiêu theo từng
bước: Bước một, lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm vì Tổng Thống Diệm không đồng ý
để Hoa Kỳ thiết lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa trong chiến
lược Domino của Hoa Kỳ, nhằm tạo một hàng rào ngăn chận mặt Nam của Trung Hoa cộng
sản. Tổng Thống Diệm đã nhìn thấy thế chính trị Việt Nam Cộng Hòa bị tổn thương
trong bối cảnh chính trị quốc tế nếu có mặt quân bộ chiến Hoa Kỳ trong cuộc chiến
này.
Sau khi lật đổ Tổng Thống Diệm, trao cờ vào tay Trung Tướng
Dương Văn Minh và các vị Tướng thâm niên phất tạm. Bước hai, Hoa Kỳ “bật đèn
xanh” cho Trung Tướng Trần thiện Khiêm, Trung Tướng Nguyễn Khánh, và Đại Tá Cao
Văn Viên, giành lấy cờ từ tay các vị Tướng bị cáo buộc thân Pháp để phất tiếp.
Chính sách của Hoa Kỳ, năm 1954 đẩy Pháp đến chỗ chia đôi đất nước Việt Nam,
năm 1956 đã góp phần không nhỏ trong việc đẩy quân đội Liên Hiệp Pháp rút
khỏi Việt Nam Cộng Hòa, và năm 1964 đẩy luôn các vị Tướng bị cho là thân Pháp
ra khỏi chánh quyền lẫn quân đội. Thuận lý chớ?
Trở lại vấn đề nội tình Việt Nam. Trong hướng cố gắng tạo chiến
công để có tiếng vang về khả năng lãnh đạo, Trung Tướng Nguyễn Khánh lệnh cho
Trung Tướng Đỗ Cao Trí, Tư Lệnh Quân Đoàn II/Vùng II Chiến Thuật, tổ chức cuộc
hành quân qui mô vào mật khu Đỗ Xá, nằm sâu trong vùng rừng già giáp ranh 2 tỉnh
Kon Tum và Quảng Ngãi. Lực lượng hành quân vào tận sào huyệt Đỗ Xá, phá hủy nhiều
vũ khí đạn dược và toàn bộ cơ sở tiếp vận (mà cộng sản gọi là hậu cần), nhưng
không diệt được lực lượng của chúng. Tuy vậy, một phần lực lượng tham dự hành
quân qui mô đó cùng với bộ chỉ huy hành quân của Trung Tướng Trí, được đưa về
thủ đô Sài Gòn tham dự cuộc duyệt binh diễn binh tại công trường Lam Sơn, ngã
tư đại lộ Nguyễn Huệ với đại lộ Lê Lợi. Nhiều quân nhân được thăng cấp mặt trận
và ân thưởng huy chương, mà theo tôi là vượt trên mức thành tích đạt được. Sở
dĩ có sự kiện như vậy vì Trung Tướng Nguyễn Khánh muốn tỏ ra chánh phủ do ông
lãnh đạo có khả năng tạo được thành tích.
Trung tuần tháng 07/1964, ban hành Sắc Lệnh thiết lập cấp Chuẩn
Tướng trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Những cấp bậc Tướng Lãnh từ trước đến
lúc bấy giờ là Thiếu Tướng biểu tượng bằng 2 ngôi sao mỗi bên ve áo hay cầu vai
trên áo, Trung Tướng 3 ngôi sao, Đại Tướng 4 ngôi sao, và Thống Tướng 5 ngôi
sao. Cấp Chuẩn Tướng mới thiết lập được qui định là 1 ngôi sao mỗi bên ve áo
hay cầu vai trên áo. Ngay sau đó là Sắc Lệnh thăng cấp Chuẩn Tướng cho 9 Đại
Tá, và Trung Tướng Trần Thiện Khiêm được thăng cấp Đại Tướng, dĩ nhiên là do
Trung Tướng Nguyễn Khánh nhân danh Chủ Tịch Hội Đồng Quân Lực (cải danh của Hội
Đồng Quân Nhân Cách Mạng)), với chức năng Quốc Trưởng, ký ban hành. Như vậy, có
phải là Đại Tướng Khiêm thăng cấp nhanh quá chăng? Vì ngày 06/12/1962 ông từ Đại
Tá thăng cấp Thiếu Tướng do công vụ, ngày 02/11/1963 thăng cấp Trung Tướng do
tham gia trong nhóm lãnh đạo đảo chánh 01/11/1963, ngày 15/07/1964 thăng cấp Đại
Tướng không do nguyên nhân nào cả, trừ khi Trung Tướng Khánh muốn vị Tổng Tư Lệnh
phải là cấp bậc 4 sao như dự trù cấp bậc lý thuyết trong bảng cấp số Bộ Tổng Tư
Lệnh. Nhưng liệu khi Trung Tướng Khánh quyết định thăng cấp Tướng cho một số vị
là do nhu cầu công vụ, hay đằng sau quyết định đó còn có nhu cầu nào khác?
Sở dĩ tôi nêu câu hỏi đó cho tôi, vì sau ngày trao gắn cấp Tướng
cho các vị vừa vinh thăng, thì Trung Tướng Khánh cho triệu tập Đại Hội Đồng
Quân Lực tại ngôi biệt thự màu trắng ở Vũng Tàu, nơi mà cư dân Vũng Tàu thường
gọi là “bạch dinh”, để thông qua bản “Hiến Chương” thay thế cho Hiến Ước Lâm Thời
sau khi bãi bỏ Hiến Pháp đệ nhất Cộng Hòa. Đại Hội Đồng Quân Lực sau khi được bổ
sung một số vị mới thăng cấp Tướng, nâng tổng số gần 40 thành viên. Và rồi Đại
Hội Đồng Quân Lực thông qua bản Hiến Chương, đồng thời bầu Trung Tướng Nguyễn
Khánh vào chức Chủ Tịch Việt Nam Cộng Hòa. Vậy, theo quí vị, có phải là Trung
Tướng Khánh “mua chuộc” hay một ý nghĩa nào đó tương đương với mua chuộc các
thành viên trong Đại Hội Đồng Quân Lực, nhất là đối với các vị vừa mang những
ngôi sao mới toanh trên ve áo?
Tôi chưa kịp đọc bản Hiến Chương này, nhưng qua báo chí cũng như
những bản tuyên bố của những tổ chức chính trị, cáo buộc Trung Tướng Khánh là độc
tài khi soạn thảo Hiến Chương và điều khiễn Đại Hội Đồng Quân Lực bầu ông vào
chức vụ Chủ Tịch với rất nhiều quyền hành. Thế là ngay sau ngày Hiến Chương được
thông qua tại Vũng Tàu mà báo chí thường gọi là “Hiến Chương Vũng Tàu”, các tổ
chức chính trị, tôn giáo, mà khởi đầu là sinh viên xuống đường mít tinh biểu
tình, cáo buộc Trung Tướng Nguyễn Khánh là độc tài, đòi hủy bỏ Hiến Chương Vũng
Tàu, và đòi Trung Tướng Nguyễn Khánh từ chức.
Một hôm, tôi mang hồ sơ của Đại Tướng Trần Thiện Khiêm đến Phủ
Thủ Tướng ở số 7 đại lộ Thống Nhất, để trình tận tay Trung Tướng Thủ Tướng Nguyễn
Khánh đúng lúc đoàn biểu tình vừa dừng trước cổng và hô to:
“Đả đảo Nguyễn Khánh! Đả đảo Nguyễn Khánh!”
Lúc bấy giờ, Trung Tướng Khánh từ trong Phủ Thủ Tướng bước ra dưới
sự bảo vệ của hàng rào cận vệ võ trang chống biểu tình. Khi đoàn biểu tình
trông thấy ông thì họ lại hô to:
“Đả đảo Nguyễn Khánh! Đả đảo Nguyễn Khánh!”
Lúc ấy tôi không thể tưởng tượng được là Trung Tướng Thủ Tướng
Nguyễn Khánh cũng giơ tay lên và cũng hô to:
“Đả đảo Nguyễn Khánh! Đả đảo Nguyễn Khánh!”
Bỗng dưng đoàn biểu tình trở nên im lặng. Tôi nghĩ là đoàn biểu
tình quá bất ngờ về hành động của Trung Tướng Khánh làm cho họ mất đối thủ, vì
chính ông cũng đả đảo ông thì còn ai để đoàn biểu tình đả đảo nữa. Và rồi Trung
Tướng Khánh chen vào đoàn biểu tình cười nói huyên thuyên chẳng khác một thành
viên nhiệt tình trong đoàn biểu tình vậy. Phải công nhận phản ứng của Trung Tướng
Khánh rất cao tay, chớ không phải ông quên ông là Trung Tướng Thủ Tướng Nguyễn
Khánh đâu quí vị à!
Cuối cùng Trung Tướng Khánh tuyên bố hủy bỏ Hiến Chương mới công
bố mấy ngày trước đó. Thế là thủ đoạn chính trị của ông đối với Đại Hội Đồng
Quân Lực quá dễ, nhưng với lực lượng chính trị và tôn giáo thì ngược lại. Một
bên có quân có súng nhưng phục tùng, một bên khác không súng nhưng lại có một sức
mạnh nếu không nói là phi thường thì sức mạnh đó cũng đủ đập tan chiếc ghế Chủ
Tịch Việt Nam Cộng Hòa của Trung Tướng Nguyễn Khánh.
Đúng là quân nhân phải chấp hành kỷ luật một cách triệt để,
nhưng đó là nhiệm vụ quân sự thuần túy, còn trường hợp thông qua bản Hiến
Chương tại Vũng Tàu thì không thể coi là nhiệm vụ quân sự mà là nhiệm vụ chính
trị, và cao hơn nữa là nhiệm vụ lãnh đạo quốc gia. Vậy, quyền quyết định thông
qua hay không thông qua bản Hiến Chương, các vị thành viên Đại Hội Đồng Quân Lực
phải tự mình quyết định lá phiếu của mình chớ! Nhưng rồi bản Hiến Chương đã
thông qua dễ dàng, điều đó có nghĩa là các vị đã đồng ý nội dung cho dù từ
trong thâm tâm quí vị rất có thể là không phải như vậy. Nếu đúng như vậy thì
quí vị đã không thực hiện được vai trò thành viên của tập thể lãnh đạo quốc gia
rồi còn gì, và quí vị phải chịu chung lỗi lầm sai trái khi đồng tình với Trung
Tướng Khánh trong nội dung bản Hiến Chương bị cáo buộc là độc tài.
Hội Đồng Quân Lực thu hẹp vội vã họp tại Trung Tâm Hành Quân/Bộ
Tổng Tư Lệnh để tìm giải pháp cho sự khủng hoảng, nhưng suốt ngày vẫn không
thành công. Cuối cùng, giải pháp lãnh đạo bởi ba người mà báo chí gọi là “tam đầu
chế”, gồm: Đại Tướng Trần Thiện Khiêm, Trung Tướng Dương Văn Minh, và Trung Tướng
Nguyễn Khánh. Rốt cuộc cũng chỉ có Trung Tướng Khánh nắm quyền, vì Đại Tướng
Khiêm với Trung Tướng Minh, hoặc không đủ thủ đoạn đối phó với Trung Tướng
Khánh, hoặc không muốn dấn thân vào chính trị. Và dù muốn hay không muốn, hai vị
cũng phải chịu chung trách nhiệm về lỗi lầm của Trung Tướng Khánh trong giải
pháp “tam đầu chế”.
Nhưng vấn đề không dừng ở đây, vì Trung Tướng Khánh tự thấy chiếc
ghế quyền lực của ông thực sự lung lay, thế là Trung Tướng Khánh nhắm thẳng vào
Đại Tướng Trần Thiện Khiêm mà ông cho là nguyên nhân, là người đứng đằng sau mọi
hình thức chống đối ông. Tôi nhận định như vậy vì có một người không có tên
trong tổ chức quân đội, trong tổ chức hành chánh, hay bất cứ tổ chức hoặc cơ
quan nào của chánh phủ, nhưng lại là người có thế lực chỉ vì ông là em vợ của
Trung Tướng Nguyễn Khánh, tên của ông là Phạm Quang Tước. Những tháng trước đó,
ông Tước thường đến văn phòng tôi với vài món lặt vặt tặng tôi. Mỗi khi gặp
tôi, ông nói chuyện huyên thuyên về mọi chuyện, trong khi tôi nghe rất ít vì
luôn bận việc của văn phòng Bộ Quốc Phòng và văn phòng Bộ Tổng Tư Lệnh. Nhưng từ
sau ngày Trung Tướng Khánh buộc phải thỏa mãn yêu sách của giới chính trị hủy bỏ
Hiến Chương, cũng là hủy bỏ chức Chủ Tịch mà ông đã được bầu, thì ông Tước cũng
lạnh nhạt với tôi. Rồi từ lạnh nhạt đến xem tôi là kẻ thù cũng chỉ vài bước
thôi, và vài bước đó đã qua khi ông Tước nói với tôi:
“Đại Tướng của anh phải cẩn thận đó, nếu cứ lấn tới nữa thì tánh
mạng không an toàn đâu”. Nói xong là ông đi ngay mà chẳng cần chào hỏi như trước
nữa.
Đại Tướng Khiêm rất buồn Trung Tướng Khánh, nhưng vì ông ít nói
nên tôi không nghe ông phân bua, cũng chẳng buồn giải thích với những người
chung quanh. Hoặc có thể là Đại Tướng Khiêm xem thường Trung Tướng Khánh mà
không cần thanh minh chăng? Nếu đúng vậy, thì Đại Tướng Khiêm áp dụng câu “im lặng
cũng là khinh bỉ”.
Sau ngày Chỉnh Lý 30/01/1964 -cũng là hay là đảo chánh- vài tuần,
Trung Tướng Khiêm (cấp bậc lúc bấy giờ) gọi tôi vào văn phòng:
“Chú xuống nhà Trung Tướng Minh (Dương Văn) nhận vàng
đem về cất, rồi liên lạc xem cơ quan nào giữ thì giao cho người ta”.
“Thưa Trung Tướng (cấp bậc lúc bấy giờ), tôi chưa rõ
công tác này. Xin Trung Tướng cho biết tôi sẽ trình như thế nào với Trung Tướng
Minh?”
“Chú cứ nói là tôi bảo chú xuống nhận vàng là được rồi”.
Sở dĩ phải hỏi lại là vì có bao giờ tôi nhận cái lệnh tương tự
như vậy đâu, bây giờ nghe nói nhận vàng một cách quá nhẹ nhàng nên hỏi để biết
mình không nghe lầm. Tôi đến tư dinh Trung Tướng Dương Văn Minh mà nơi đây báo
chí thường gọi là "dinh hoa lan". Chờ một lúc, sĩ quan tùy viên đưa
tôi vào văn phòng Trung Tướng Minh. Lại chờ một lúc nữa. Với thái độ vui vẻ, vừa
bước vào phòng là Trung Tướng Minh đưa tôi cái túi xách và nói luôn:
“Anh mở ra xem và đếm lại coi có đủ 10 kí không, rồi mang về đưa
Trung Tướng Khiêm”.
Đó là cái túi xách màu xanh, cũ mèm, bên ngoài có chữ "Air
Việt Nam". Đếm xong:
“Thưa Trung Tướng, trong túi này có 10 thoi nhưng không biết có
phải là 10 kí hay không thì tôi không rõ”.
“Anh cứ mang về trình Trung Tướng Khiêm chớ có cân đong đo
đếm gì đâu mà anh sợ”.
“Vâng. Chào Trung Tướng”.
Vừa vào văn phòng Trung Tướng Khiêm là tôi mở túi ra để trình
ông xem, nhưng ông không xem mà nói:
“Chú nhận rồi thì cất trong tủ sắt đi, cơ quan nào nhận giữ thì
chú giao cho người ta”.
“Vâng”.
Theo tôi biết, số vàng này do Trung Tướng Đỗ Cao Trí -lúc
giữ chức Tư Lệnh Quân Đoàn I- tịch thu của ông Ngô Đình Cẩn ở Huế, đem vào Sài
Gòn giao cho Trung Tướng Minh. Bây giờ Trung Tướng Minh giao lại Trung Tướng
Khiêm. Xin nhắc lại là sau cuộc đảo chánh lật đổ và giết chết Tổng Thống Ngô
Đình Diệm, ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu, và ông Cố Vấn Chỉ Đạo Miền Trung Ngô Đình Cẩn
(bị tòa kêu án tử hình và thi hành bản án sau đó chẳng bao lâu), Hội Đồng Quân
Nhân Cách Mạng thành lập "Ủy Ban Tịch Thu Tài Sản Gia Đình Họ Ngô",
do Trung Tướng Lê Văn Kim giữ chức Chủ Tịch. Đã có Ủy Ban đó, nhưng không biết
tại sao số vàng này lại "vòng vo lưu lạc" như vậy nữa, kể cả mấy
tháng nay nó nằm trong tủ sắt ngay sau lưng tôi.
Khi mối giao hảo giữa Trung Tướng Khánh với Đại Tướng Khiêm căng
thẳng, Đại Tướng Khiêm hỏi tôi:
“Chú còn giữ mấy kí vàng đó không?”
“Dạ còn thưa Đại Tướng”.
“Bao nhiêu vậy?”
“Dạ 10 kí vàng thoi”.
“Chú liên lạc xem cơ quan nào nhận thì giao cho người ta, giữ
hoài mất công lắm”.
“Vâng. Ngày mai tôi xuống Ngân Hàng Quốc Gia hỏi xem nơi
đây có biết không, thưa Đại Tướng”.
Tôi đến Ngân Hàng Quốc Gia, mới biết đây là cơ quan nhận số tài
sản đã tịch thu của gia đình anh em Tổng Thống Ngô đình Diệm do Ủy Ban Tịch Thu
Tài Sản Gia Đình Họ Ngô bàn giao. Sau khi được ông Giám Đốc giải thích thủ tục
giao nhận, tôi hẹn hôm sau mang đến.
Sáng hôm sau, tôi lững thững xách cái túi Air Việt Nam vào. Khi
ông Giám Đốc thấy cái túi cứ tưởng tôi đi ngang chợt ghé chớ không nghĩ là 10
kí lô vàng bên trong, vì cái túi quá cũ chẳng ai thèm lượm nếu chợt thấy nó bên
đường. Khi biết vàng bên trong, ông Giám Đốc quá sức ngạc nhiên:
“Thiếu Tá đi với ai?”
“Một mình tôi thôi mà”.
“Sao Thiếu Tá liều mạng quá vậy. Dễ chết lắm đó!”
“Đi một mình đâu có ai để ý mà chết. Nếu bên cạnh tôi có thêm
Quân Cảnh hay nhân viên nào đó đi theo thì kẻ gian cho là tôi mang thứ gì quí
giá bên trong nó sẽ theo chân ngay. Lúc ấy mới là lúc dễ chết đó ông Giám Đốc.
Nói cho vui nghe, chương trình của trường quân sự cao cấp chúng tôi có dạy về
"9 nguyên tắc chiến tranh", trong đó có nguyên tắc "bất ngờ"
mà chúng tôi không bao giờ quên ứng dụng nó, như trường hợp này chẳng hạn”.
Chúng tôi cười xòa và bắt tay vào việc. Thủ tục giấy tờ xong,
ông Giám Đốc hướng dẫn tôi xuống tầng hầm của Ngân Hàng Quốc Gia. Ôi chao! Mặt
bằng của tầng hầm này có lẽ rộng hơn mặt bằng của tầng trệt thì phải, và tôi
nghĩ là nó nằm ngay dưới mặt đường "Bến Chương Dương" nữa đó. Đi một
vòng rộng lớn, xem các bà các cô đếm bạc. Nhân viên đếm bạc toàn mặc áo blouse
trắng không túi. Đến chỗ cân trọng lượng:
“Số vàng này cân hả ông Giám Đốc?”
“Cân chớ. Cân cho biết bao nhiêu để ghi vào biên bản thôi Thiếu
Tá”.
“Trời ơi! Hồi tôi nhận từ tay Trung Tướng Minh (Dương Văn
Minh) tôi chỉ đếm đủ 10 thoi là mang về trình "sếp" chớ có cân
lượng gì đâu”.
Tôi được giải thích là cái cân này rất nhạy và rất chính xác. Một
hột cát bé xíu là cân hoạt động rồi. Lần lượt cân từng thoi một, bù qua sớt lại
vừa đủ 10 kí. Xong, đến trước một cái tủ thật lớn, hai nhân viên ngân hàng cùng
tra hai chìa khóa vào và cùng mở một lúc. Lại cùng mở thêm cánh cửa bên trong nữa,
một cái thúng lớn chứa đầy vàng lá óng ánh, ông Giám Đốc nói:
“Đây là 42 kí lô vàng lá do Ủy Ban Tịch Thu Tài Sản Gia Đình Họ
Ngô bàn giao tháng trước đó Thiếu Tá”.
Thế là 10 thoi vàng này đổ vào cái thúng đó luôn.
“Như vậy là xong rồi hả ông Giám Đốc?”
“Xong rồi Thiếu Tá”.
Câu chuyện 10 kí lô vàng thoi đến đây là hết. Xin mời trở lại đoạn
cuối của cuộc đảo chánh không đổ máu ngày 30/01/1964.
Vậy là Trung Tướng Dương Văn Minh, với chức Chủ Tịch Hội Đồng
Quân Nhân Cách Mạng hành sử chức năng Quốc Trưởng từ 02/11/1963 đến 29/01/1964,
đó là thời gian quá ngắn để vị lãnh đạo thể hiện khả năng và bản lãnh của mình,
nhưng với câu mà ông nói với những vị Tướng Lãnh trong Hội Đồng Quân Nhân Cách
Mạng tại tòa nhà chánh Bộ Tổng Tham Mưu vào chiều ngày 02/11/1963, tức ngay sau
khi lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm thành công:
“Các “toa” còn cần gì “moi” không để “moi” còn đi đánh tennis?”
Quả thật là ông thiếu trách nhiệm của người lãnh đạo quốc gia
ngay sau cuộc đảo chánh với biết bao vấn đề đặt ra, chỉ riêng phần ổn định nhân
sự trong các tổ chức trung ương sau cuộc khủng hoảng chính trị đã là vấn đề
quan trọng hàng đầu, vì nhân sự bao giờ cũng chiếm đến 50% trong mọi thành công
hay thất bại. Thêm nữa, dân chúng thì hoang mang trong khi cộng sản lợi dụng
tình hình xáo trộn trong nội bộ để gia tăng áp lực quân sự tại nhiều nơi. Ấy vậy
mà Trung Tướng Minh tỏ ra nhàn nhã, chừng như ông giao khoán công việc quốc gia
cho Chánh Phủ Nguyễn Ngọc Thơ và Tổng Trưởng Quốc Phòng kiêm Tổng Tham Mưu Trưởng
Quân Đội, để ông đi đánh tennis thì phải!
Lẽ dĩ nhiên không nên căn cứ vào mỗi câu nói trên mà đưa ra nhận
xét về vị lãnh đạo quốc gia, nhưng trong 3 tháng cầm cờ lãnh đạo trong tay, rõ
ràng là Trung Tướng Dương Văn Minh đã không thể hiện bất cứ khả năng hay bản
lãnh của vị Tướng lãnh đạo quốc gia. Chẳng những thế, cả Chánh Phủ cũng lúng
túng trong chính sách Ấp Chiến Lược thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm để lại.
Trên cương vị Tướng Lãnh trong quân đội, quân đội đòi hỏi phải
có một kiến thức quân sự vững chắc để biết đánh và biết thắng địch, phải có một
nghệ thuật lãnh đạo chỉ huy để quân sĩ tin tưởng, tôn trọng, và nhiệt tình thi
hành nhiệm vụ. Nhưng khi vị Tướng trên cương vị lãnh đạo quốc gia, vị Tướng đó
cần có thêm bản lãnh và thủ đoạn chính trị để lãnh đạo toàn dân, để đương đầu với
kẻ thù đang xâm lăng đất nước, để đương đầu với những thử thách quốc tế, nhất
là với các quốc gia Đồng Minh, trong trách nhiệm bảo vệ tổ quốc và phát triển
dân giàu nước mạnh.
Đồng ý rằng, Trung Tướng Dương Văn Minh rất được lòng của nhiều
thành phần trong xã hội, nhưng tôi nghĩ, cảm tình này là do bản tính hiền hòa vốn
có của ông, chớ không do tài năng bản lãnh của vị lãnh đạo quốc gia. Nhưng chẳng
lẽ vị lãnh đạo quốc gia chỉ cần trang bị có ngần ấy thôi sao?
Vậy, Trung Tướng Dương Văn Minh, theo quí vị, là vị Tướng thích ứng
đến mức nào trong vai trò lãnh đạo quốc gia?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét