Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2013

HỒI KÝ KHÔNG TÊN CỦA TÊN ĂN CƠM QUỐC GIA THỜ MA CỘNG SẢN LÝ QUÝ CHUNG - KỲ 1

     2      3      4      5      6

Lý Quí Chung (1940-2005), bút danh Chánh Trinh, là một nhà báo, và cũng là một dân biểu và nghị sĩ đối lập dưới thời chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Ông từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin trong chính phủ tồn tại 2 ngày của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa cuối cùng Dương Văn Minh. Ông mất ngày 3.3.2005 tại Sài Gòn.

Thân thế

Ông sinh năm 1940 tại Mỹ Tho (Tiền Giang), nhưng hầu hết thời thơ ấu của ông theo gia đình về Biên Hòa ở từ 3 đến 12 tuổi (1943 - 1952), nơi cha ông làm công chức cho cơ quan hành chánh tỉnh.

Giống như cha mình ông rất yêu chuộng thể thao. Mẹ ông đặt nhiều hy vọng vào tương lai của ông, nên sau khi ông học được 2 năm trường Việt, được chuyển sang trường Pháp học. Không hài lòng với trường này sau 2 năm học bà cho ông lên học nội trú trường Chasseloup Laubat tại Sài Gòn bắt đầu niên học 1951-1952, lớp 8ème (nay là lớp 5). Năm 1954 sau Hiệp định Genève, trường Albert Sarraut từ Hà Nội chuyển vào Sài Gòn sát nhập vào trường Chasseloup Laubat. Để có đủ lớp học cho học sinh từ Hà Nội vào, trường hủy bỏ chế độ nội trú, mẹ ông chuyển ông lên Đà Lạt vào học nội trú tiếp lại trường Lycée Yersin. Sau khi lấy tú tài I tại đây, năm 1959 ông trở về học tại trường Chasseloup Laubat, lúc bấy giờ đã đổi tên thành trường Jean Jacques Rousseau (bây giờ là trường Lê Quý Đôn), để lấy tú tài II ban Triết.


Sau khi tốt nghiệp trung học ông thi tuyển vào Học viện Quốc gia Hành chánh, học khóa 10 (1963), khóa cuối cùng do Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm chủ tọa lễ khai giảng. Tuy nhiên, ông cảm thấy mình không thích hợp với ngành này cho lắm, và thường bỏ học la cà ở một số tòa soạn các tờ báo, nơi mà ông có viết bài cộng tác. Trong hai năm cuối trung học, ông đã có bài đăng trên báo thể thao Đuốc Thiêng, bắt đầu từ các bài dịch từ các báo và các tạp chí Pháp. Cũng vì mê say làm báo mà ông đã bị ở lại lớp năm đầu, rồi bỏ học luôn.

Bắt đầu từ những bài báo về thể thao, từ môi trường báo chí, Chung được tiếp cận với đời sống chính trị Sài Gòn, ông đã đi vào con đường hoạt động chính trị, vì " bức xúc trước những bất công, những việc làm phi dân chủ, độc tài của chính quyền Sài Gòn. Rồi phẫn nộ trước sự can thiệp thô bạo của chính quyền Mỹ vào nội bộ của Việt Nam và sự áp đặt các ý muốn và quyền lợi của họ lên đất nước Việt Nam."

Theo nghiệp báo chí

Khởi đầu từ tờ "Đuốc Thiêng", ông được ông Thiệu Võ, chủ nhiệm tờ báo kiêm phụ trách trang thể thao của tờ "Tiếng Dội Miền Nam", mời vào tờ báo sau làm việc. Sau đó khi được 21 tuổi, ông được ông Phan Như Mỹ rủ về cùng phụ trách phần thể thao cho tờ báo Buổi Sáng. Ông cũng được ông Mỹ giới thiệu viết bài cho tờ báo tiếng Pháp “Journal d’ Extrême Orient”. Nhưng chính tại tờ Thanh Việt của ông Tô Yến Châu mới là ông khởi đầu học nghề phóng viên. Sau cuộcđảo chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963, khi được phép xuất bản tờ Bình Minh, ông bầu Ứng kéo cả ê kíp Thanh Việt về làm. Đây là lần đầu tiên ông ăn lương phóng viên và hành nghề phóng viên đúng nghĩa.

Sau khi Thượng Hội đồng Quốc gia chỉ định ông Trần Văn Hương làm Thủ tướng vào ngày 29 tháng 10 năm 1964, ông được cha ông khuyến khích xin ra tờ Sài Gòn Tân Văn. Mặc dù chưa đủ tuổi (25), ông (24) vẫn được cấp giấy phép. Tiền làm tờ báo, là do cha ông, nhưng có lẽ do nhiều bạn bè của cha ông trong Hội Liên trường góp lại, một tổ chức chính trị trá hình của một số trí thức miền Nam dựa vào lá bài Trần Văn Hương. Nhưng tờ này chỉ tồn tại 4 tháng, lâu hơn chính phủ của Trần Văn Hương một tháng.

Sau khi tờ Sài Gòn Tân Văn bị đóng cửa, ông trở lại làm tổng thư ký tòa soạn cho tờ Bình Minh của ông Võ Văn Ứng, lúc này tờ báo không còn ra hàng ngày nữa mà chỉ ra hàng tuần.

Vào năm 1965 khi đang làm cho tờ Bình Minh, Chung có viết loạt bài vận động sự thành lập một đại học ở miền Tây. Kỹ sư Võ Long Triều, người tự đứng ra phối hợp các cuộc vận động, mời ông nhập nhóm và tham gia các cuộc hội thảo tổ chức ở Cần Thơ để gây áp lực với chính quyền. Khi Thủ tướng Kỳ (lúc đó đang muốn lôi kéo trí thức miền Nam) mời Võ Long Triều vào nội các của mình với tư cách Bộ trưởng Thanh niên, thì Chung được Triều cho làm giám đốc Nha tác động tâm lý. Nhờ vậy mà Chung lúc đó đang trốn quân dịch, được cấp giấy tạm hoãn 4 tháng.
Nhờ tham dự vào liên danh của Võ Long Triều, lúc đó vừa là người đứng đầu một tập hợp chính trị có tên Phong trào Phục hưng Miền Nam (PTPHMN) trong cuộc bầu cử quốc hội lập hiến năm 1966, Chung trở thành dân biểu quốc hội lúc mới tròn 26 tuổi (một trong 7 người thuộc liên danh này). Ông tiếp tục làm dân biểu 3 nhiệm kỳ liên tiếp: 1966-1967, 1967-1971 và 1971-1975 cho tới ngày đất nước thống nhất. Sau đó nhờ sự tiếp tay của dân biểu Phan Xuân Huy, đơn vị Đà Nẵng, ông được bầu làm trưởng khối Dân tộc, gồm 3 thành phần: các dân biểu Phục hưng miền Nam, các dân biểu Phật giáo và một số dân biểu độc lập. Khối Dân tộc trở thành khối dân biểu đối lập đầu tiên trong quốc hội Sài Gòn, do lập trường chống chính quyền quân sự và chống chiến tranh.

Tác phẩm

Hồi ký không tên[2] Nhà xuất bản Trẻ,

Nhận định

"Dù tờ báo Sài Gòn Tân Văn không phải là một thành công nghề nghiệp đối với tôi, nhưng mặt nào đó, tờ báo đã cung cấp cho tôi một “mảnh đất” đầu tiên hết sức quí giá để đi sâu vào cái nghề mà chỉ có thực tiễn mới dạy cho mình những bài học sâu sắc nhất. Mặt khác, tờ Sài Gòn Tân Văn cũng chỉ ra cho tôi thực tế đầu tiên gắn báo chí với đấu tranh xã hội và dân chủ. Từ tờ báo Sài Gòn Tân Văn cho đến mãi sau này, tôi luôn coi nghề báo không thể tách rời các cuộc đấu tranh cải tiến xã hội, bảo vệ dân chủ và lẽ phải. Một nhà báo dứt khoát phải là một trí thức dấn thân."
Lý Quí Chung (Chánh Trinh, 01.09.1940-03.3.2005) là một nhà báo lão luyện, một chủ bút độc lập quả cảm, đồng thời lại là một dân biểu, một nghị sĩ của chế độ cũ, sớm lựa chọn con đường đối lập ở nghị trường miền Nam trước 1975 đương đầu chống lại chính quyền Nguyễn Văn Thiệu.
Với ngần ấy vị trí, ông là một nhân vật có điều kiện nhìn sâu vào bên trong bộ máy chính quyền Sài Gòn do Mỹ dựng lên. Từ góc nhìn của ông, những sự kiện, biến động chính trị - xã hội, cũng như một số góc khuất trong chính trường Sài Gòn từ 1965 đến 1975 được phản ánh sinh động trong quyển hồi ký này. Và nhất là, ông đã cho người ta được hiểu thêm những đóng góp khác nhau của nhiều người Việt yêu nước cho ngày toàn thắng.
Hồi ký là một góc nhìn, một góc nhớ của một người, cho nên nếu có những phân tích, đánh giá mang tính chủ quan thì cũng là điều có thể chấp nhận của một thể loại. Với hồi ký liên quan đến lịch sử thì cũng thế, dù không phải là biên niên sử các sự kiện mà người viết được chứng kiến, thì điều quan trọng nhất vẫn là tôn trọng đúng dòng chảy lịch sử chung của cả dân tộc. Còn những cái nhớ, cái ghi về những chi tiết, quan hệ riêng tư, sau 30 năm còn lại bao nhiêu, chính xác li ti đến mức nào, xét cho cùng cũng là việc mà người đọc nên “rộng rãi” khi đọc.
Nhà xuất bản Trẻ xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Nhà Nghiên Cứu TRẦN BẠCH ĐẰNG ĐỌC HỒI KÝ LÝ QUÝ CHUNG

Tên tuổi Lý Quí Chung không xa lạ gì với giới trí thức TP. HCM và miền Nam, bây giờ càng gần gũi hơn với những người hâm mộ bóng đá qua các bài viết mà anh ký tên Chánh Trinh.

Vào tuổi 64, anh viết hồi ký - Hồi ký không tên. “Không tên” nhưng vẫn “có tên” bởi mọi hồi ký đều do một người, một nhóm người nhớ lại và ghi chép những gì mà đời mình đã trải qua, đương nhiên kèm theo suy nghĩ về thế sự, nhân tình và, không loại trừ, tâm sự. Tập hồi ký có mặt rất nhiều tên mà tôi hiểu tác giả chọn tên cho tập hồi ký này đã hàm ý khái quát “số thành” của những cái tên được thể hiện trong dòng chảy của năm tháng, những cái tên hóa thân vào sự kiện – mà không ít sự kiện nằm trong một quá trình chuyển động dữ dội của Sài Gòn và miền Nam, của Việt Nam – đặc biệt 15 năm (1960-1975) đất nước ta đối mặt với Mỹ, đối mặt trên chính trường, trên chiến trường. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả và Nhà xuất bản đề nghị tôi viết lời giới thiệu tập hồi ký này, bởi hầu hết sự kiện cùng nhân vật được nhắc trong hồi ký, bản thân tôi có biết, có tiếp xúc, thậm chí, về sự kiện, có chịu trách nhiệm với cương vị - trong thời gian ấy – người phụ trách phong trào cách mạng Thành phố Sài Gòn. Cho nên, những gì anh Lý Quí Chung kể lại, ít nhiều tôi hiểu – hiểu cả phần chiều sâu. Tuy nhiên, đọc lại hồi ký, tôi vẫn cảm ơn tác giả đã hệ thống, không theo logic hình thức mà bằng “chuỗi” diễn tiến của tình thế và tác giả giúp tôi nhớ lại quá khứ chưa xa lắm song chưa phải người trong cuộc nào cũng đánh giá chính xác. Giá trị lớn nhất của hồi ký là tác giả “kể chuyện” một cách giản dị, rõ ràng, “lớp lang”, dù chỉ thông qua thực tế thu hẹp liên quan đến cá nhân mình. Có thể còn một số điều cần trao đổi thêm với tác giả, chủ yếu chung quanh hiện tượng và bản chất của một số sự kiện, song đó là thu nhận của tác giả trong một thân phận cụ thể - Lý Quí Chung không thuộc một gia đình truyền thống cách mạng, hay có chân trong đội ngũ quần chúng trỗi dậy từ Cách mạng Tháng Tám, hay nằm trong tầng lớp bị áp bức bóc lột thậm tệ, càng không phải là… “một Việt Cộng nằm vùng”. Anh “đại diện”- nếu hiểu chữ “đại diện” theo nghĩa chẳng do ai bầu mà là sự đương nhiên – cho lớp trung gian của xã hội, “trung gian” cả về kinh tế lẫn chính trị.
Lý Quí Chung sinh năm 1940. Anh vào đời đúng lúc đất nước ta vừa dứt được ách đô hộ của Pháp, đang đứng trước sự đe dọa của đô hộ Mỹ. Anh Chung, trong tuổi sinh viên, tiếp cận với những năm cuối cùng của chế độ Ngô Đình Diệm và trải dài suốt cuộc chiến tranh khốc liệt vào bậc nhất của Việt Nam, cho đến tận ngày 30-4-1945. Độ dài của hiện thực chiến tranh tuy gói gọn ở anh Chung có 15 năm, song lại đúng vào lúc lịch sử đặc quánh những nội hàm rất tiêu biểu.
Trước đây, tôi chưa gặp anh, song đã biết tiếng anh trong hai trường hợp mà tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ. Trường hợp thứ nhất, tôi đọc trên báo Tiếng Dội bài của nhà báo vốn rất quen thuộc với tôi là Trần Tấn Quốc – người được giới báo chí Sài Gòn vào những năm 60 suy tôn là “đại trưởng lão” trong làng báo – viết một bài nói về các nhà báo trẻ ở Sài Gòn, đặc biệt đánh giá cao Lý Quí Chung, khi ấy Lý Quí Chung ký tên là Nguyễn Lý. Ông Quốc viết, đại ý: Làng báo Sài Gòn xuất hiện nhiều cây viết tài năng và ông cảm thấy mình khó sánh kịp, bởi “cái bóng đồ sộ của Nguyễn Lý” – tôi nhớ câu này và chữ “cái bóng đồ sộ” theo cách nhìn của ông. Tôi biết Trần Tấn Quốc khi ông còn mang trên Trần Chí Thành, từng hoạt động cộng sản lâu năm, bị tù Côn Đảo, một nhà báo trí thức khá kiêu kỳ đã đánh giá Lý Quí Chung như thế và điều đó khiến tôi suy nghĩ. Trường hợp thứ hai, trên báo Tiếng Nói Dân Tộc, Lý Quí Chung có viết một bài xã luận nói về Quốc hội Sài Gòn, anh là dân biểu: Rất xấu hổ khi làm “cây kiểng” cho chế độ Nguyễn Văn Thiệu.
Tất nhiên, tôi còn đọc những tờ báo mà Lý Quí Chung hoặc cộng tác hoặc làm chủ bút, tôi đọc khá nhiều. Bấy giờ, tức vào những năm 60 và đầu những năm 70, báo chí Sài Gòn khá nổi bật trong đấu tranh chống Mỹ và chế độ Nguyễn Văn Thiệu. Nhiều tờ báo đăng bài của các dân biểu đối lập, nhất là nhóm Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận, Hồ Văn Minh, Dương Văn Ba, Nguyễn Văn Binh, Lý Chánh Trung, Nguyễn Ngọc Lan… Báo chí đối lập là hiện tượng độc đáo của Sài Gòn trong suốt hai cuộc kháng chiến, tôi chỉ nói báo chí công khai, trong khi báo chí nửa công khai, nhất là của sinh viên, học sinh và các hội đoàn, thì gần như “tràn ngập lãnh thổ”. Những tờ báo do các dân biểu đối lập “chịu trận” quy tụ rất đông số trí thức có tinh thần dân tộc. Lý Quí Chung có mặt trên các bài xã luận với phong cách riêng. Anh không “dữ dội” như Nguyễn Ngọc Lan – khi Nguyễn Văn Thiệu phản đối khẩu hiệu chống Mỹ cứu nước của Mặt trận Giải phóng, Nguyễn Ngọc Lan bấy giờ còn là linh mục, đã “hiến kế” cho tổng thống, đảo ngược khẩu hiệu của Mặt trận Giải phóng thành “chống nước, cứu Mỹ” – cũng không mang tính chất nghiên cứu như linh mục Trương Bá Cần về thành tựu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, cũng không “chua” và “sát rạt” như Tư Trời Biển (Ngô Công Đức). Anh Chung nhạy bén ở khía cạnh thời sự.
Sau ngày đất nước thống nhất, tôi gặp anh Lý Quí Chung thường hơn, và gần đây, gặp trong một vài cuộc hội thảo về bóng đá. Do vậy, ở một chừng mực nào, tôi hiểu anh. Anh đã sống dưới chế độ cách mạng ngót 30 năm, dài hơn thời gian chạm mặt với chế độ cũ, nếu tính chỗ xuất phát từ một Lý Quí Chung 20 tuổi. Không có gì đặc biệt khi trong tập hồi ký hoặc nói thẳng hoặc ẩn chứa ưu tư của một trí thức trước thời cuộc, song Lý Quí Chung hướng về phía trước, hướng về những khám phá, hướng về nghĩa vụ. Tôi cho rằng tập hồi ký là nỗ lực của Lý Quí Chung để tự hiểu mình, tự đặt mình trong vận nước và, thật đáng quý, tự vượt qua chính mình. Ở cái tuổi 64, cái “ngộ” ấy chắc chưa viên mãn, song nó là cái nền cho một hồi ký khác – tôi hy vọng sẽ viên mãn hơn.
Thật ra, giới lớp trí thức Sài Gòn như Lý Quí Chung, “phơi phới sống với chế độ mới” là chuyện không thể có, tức không thể đòi hỏi. Rồi đây độc giả sẽ còn đọc nhiều hồi ký nữa của nhiều nhân vật có mặt lúc này lúc khác giữa lòng Sài Gòn. Những tư liệu ấy – nếu được đọc với sự phê phán và lòng bao dung – sẽ thêm cho pho sử hiện đại nước ta các khía cạnh không phải là không thú vị.
Cách mạng Việt Nam đa dạng. Góp vào bức tranh đa dạng ấy những đường nét riêng, tôi xem đó là cống hiến của Lý Quí Chung.
Với xác tín như thế, tôi giới thiệu Hồi ký không tên của Lý Quí Chung.
8-2004
T.B.Đ

 LỜI NÓI ĐẦU



Hồi ký này ghi lại những sự kiện và những tháng ngày đáng nhớ trong cuộc đời tôi – chủ yếu từ năm 1963 đến năm 1975 (phần hai từ 1975 đến 2004 được tóm lược). Tôi cố gắng tìm một cái tên đặt cho hồi ký này. Nhưng nghĩ mãi không ra. Hồi ký cũng là cuộc đời của mình. Đặt tên cho cuộc đời mình, điều ấy quả thật không dễ dàng. Cho nên tôi xin phép không đặt tên vậy!
Người Việt Nam chúng ta rất thích kể chuyện và nghe kể chuyện. Lâu ngày gặp nhau thường hay hỏi: “Có gì nghe kể không?”. Tôi cũng là một trong số ấy. Cuộc đời tôi chẳng làm được chuyện gì “đại sự”, nhưng 40 năm làm báo và có tham dự vào một số sự kiện đất nước có lẽ cũng có nhiều điều để kể.
Thật ra mỗi cuộc đời là một thế giới riêng, là một cuốn tiểu thuyết đầy những tình tiết hấp dẫn. Không hẳn phải là bậc danh nhân hay những con người có cuộc sống lẫy lừng mới có chuyện kể về đời mình.
Tôi không có tham vọng viết lại lịch sử miền Nam Việt Nam trước 1975. Khoảng thời gian tôi lớn lên và hoạt động tại Sài Gòn, từ thập niên 60 cho đến khi kết thúc chiến tranh (tháng Tư 1975) là một thời kỳ đầy biến động phức tạp. Miền Nam là một bức tranh có đủ màu sắc, từ sáng đến tối, màu này chồng lên màu kia, sự kiện này che lấp sự kiện kia, chi tiết này chen lẫn chi tiết nọ. Thật không dễ dàng nắm hết “cái thần” của bức tranh ấy nếu chúng ta chỉ có một cái nhìn đơn giản. Những chuyện kể của tôi xuất phát từ chỗ đứng và sự cảm nhận của riêng cá nhân tôi do đó chắc chắn không tránh khỏi sự hạn chế. Nếu những điều tôi ghi lại trọng “Hồi ký” này có thể giúp người đọc hiểu rõ thêm về một số sự kiện xảy ra tại miền Nam trước 1975 thì đó là hơn sự mong mỏi của tôi. Còn nếu có điều chi thiếu chính xác, tôi rất mong nhận được những phản hồi và góp ý.
Đây chỉ là chuyện kể của một người, nhớ đến đâu kể đến đó.

 CHƯƠNG 1: TUỔI THƠ BÊN DÒNG SÔNG ĐỒNG NAI

Tôi sinh năm 1940 tại Mỹ Tho (Tiền Giang) nhưng chỉ ở đấy đến năm 3 tuổi thì cùng gia đình đến sống tại Biên Hòa (Đồng Nai). Cha tôi làm công chức, do có mâu thuẫn với tỉnh trưởng Mỹ Tho, nên có lệnh đổi lên Bà Rá. Thời Pháp, địa danh này ở miền Đông dành để “lưu đày” các công chức vô kỷ luật. Trên đường di chuyển lên Bà Rá ngang qua Biên Hòa, cha tôi được viên tỉnh trưởng ở đây giữ lại do được đánh giá là một công chức có trình độ (cha tôi học Collège Mỹ Tho, đậu Diplôme và rất giỏi tiếng Pháp).
Tuổi thơ của tôi ở Biên Hòa – từ 3 đến 12 tuổi (1943 - 1952)- trải qua khá êm đềm mặc dù đây là một giai đoạn đầy biến động của đất nước. Sự kiện lịch sử Pháp theo chân quân đội Anh đánh chiếm lại các tỉnh miền Đông để lại trong ký ức của tôi – hồi đó mới 5 tuổi – những hình ảnh tuy không rõ ràng và lớp lang, nhưng được giữ lại mãi cho đến sau này. Tôi còn nhớ không khí chuẩn bị rộn ràng, không hề sợ hãi, của người dân Biên Hòa cùng với lực lượng Việt Minh nhằm chống lại sự tấn công của quân Pháp. Lần đầu tôi được thấy cây tầm vông vạt nhọn, vũ khí tiêu biểu cho những ngày đầu kháng chiến chống Pháp tại miền Nam. Tôi cũng tham gia lần đầu tiên và là lần duy nhất cắt dán những lá cờ đỏ sao vàng dùng gắn trên ngực cho thanh thiếu niên trong khu phố của tôi. Lá cờ đỏ sao vàng in một dấu ấn đậm nét trong ký ức tuổi thơ của tôi mặc dù tôi không hiểu ý nghĩa chính trị của nó vào thời điểm ấy. Nhưng cái không khí chung quanh dành cho lá cờ đỏ sao vàng đủ khiến cho thằng bé con trong tôi cảm nhận được lá cờ tượng trưng cho một điều gì đó hết sức đặc biệt đối với mọi người. Tôi không nhỡ rõ lúc đó cha tôi làm gì và ở đâu (trước đó ông vẫn là công chức ở tỉnh) nhưng tôi lại nhớ mình không hề bị cha ngăn cản làm theo những người lớn tham gia Việt Minh…
Khi những người kháng chiến ở thành phố Biên Hòa không thể ngăn trở người Pháp theo chân quân đội Anh tái chiến tỉnh nhà, nhiều người đã phải “chạy giặc”, tức là rời thành phố chạy về các vùng nông thôn để tránh quân Pháp và Anh. Mẹ tôi đưa tôi và em gái tôi mới một tuổi “chạy” khỏi thành phố Biên Hòa trên một chiếc ghe chài chất đầy các thứ vật dụng giường, tủ, bàn, ghế, mùng mền như dọn nhà. Ghe đi đến đâu cũng thu hút sự tò mò của người dân sống dọc hai bên sông. Họ đổ xô ra xem. Chiếc ghe khá to thả xuôi theo con sông Đồng Nai không biết đi đến đâu. Mẹ tôi lúc ấy mới 23 tuổi (mẹ sinh tôi lúc 17 tuổi), ăn mặc theo thị thành, đẹp một cách đài các, đứng một mình trên ghe ngơ ngác, tay bồng em gái tôi. Cảnh ấy không khác gì một bức tranh siêu thực! Cha tôi không “tản cư” cùng với vợ và các con vì hướng tản cư đi sâu vào vùng Việt Minh kiểm soát. Cái gốc công chức làm cho chính quyền do Pháp cai trị khiến ông lo ngại. Ông ở lại thành phố, lẩn trong giới người Hoa mà ông quen biết.
Khi ghe đi qua làng Tân Vạn, một bà chủ lò lu giàu có tại đây thương cảm tình cảnh của mẹ tôi với hai đứa con nhỏ đã gọi ghe lại và cho gia đình tôi tá túc trong cơ sở lò lu của bà. Căn nhà xưa của bà tọa lạc giữa một khu đất rộng lớn, bốn bề bao bọc bởi một hàng rào cao khoảng hơn hai mét được dựng lên với những cái lu bị thải ra vì kém chất lượng hoặc nứt bể. Bà cho mẹ tôi ở một căn nhà nhỏ nằm một góc khu đất gần hàng rào, khá sáng sủa. Tình cảnh một người phụ nữ đẹp, không có mặt chồng, ở một mình với hai đứa con không thể không gây chú ý nhiều người trong làng. Có một nhân vật thế lực ở địa phương thường rón rén đến sát hàng rào nhìn trộm mẹ tôi qua những lỗ hở của những cái lu bể. Tôi là người phát hiện đầu tiên chuyện đó và liền chạy đi “mét” mẹ tôi. Chính bà chủ lò lu cho người lấp các lỗ hở trên hàng rào. Lò lu (nơi để lu vào nung) đối với tuổi thơ của tôi quả là một cái hang khổng lồ. Nó không khác hang động của 40 tên cướp trong truyện thần thoại Alibaba. Mỗi khi có máy bay của Tây đến dội bom, mọi người đều chạy vào núp trong hầm lò. Gia đình tôi luôn nhớ ơn lòng tốt của bà chủ lò ở Tân Vạn.
Khi Pháp tái lập lại guồng máy cầm quyền đô hộ của họ tại Biên Hòa, ông tỉnh trưởng cũ thuyết phục cha tôi trở lại làm việc ở tòa bố (tòa hành chánh của tỉnh). Về giai đoạn ấy, sau này hình như cha tôi có giải thích không rõ ràng lắm, đại khái như: “Làm công chức gần như là cái nghề của ba”.
Dù ông làm công chức cho Pháp rồi lần lượt cho các chính quyền Sài Gòn trong gần suốt đời ông, nhưng cứ mỗi khi nói về kháng chiến, về một số bạn bè của ông thời học trường Collège Mỹ Tho đã đi theo cách mạng, ông luôn tỏ ra kính trọng và hãnh diện. Mãi khi tôi đã lớn, thỉnh thoảng tôi vẫn nghe cha tôi nhắc về họ.
Tôi không hề có ý định vẽ lại một chân dung khác của cha tôi mà cuộc đời làm công chức đã gắn liền với guồng máy cai trị Sài Gòn thời Pháp cho đến các chính quyền do Mỹ dựng lên sau này. Ông đã từng làm quận trưởng, phó tỉnh trưởng hành chánh ở nhiều tỉnh, quận (Thủ Đức, Long Thành thuộc tỉnh Biên Hòa, Tiểu Cần thuộc tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Củ Chi, Tân Uyên…) và sau cùng làm phó đô trưởng hành chánh Sài Gòn (1970-1972); nhưng ông vẫn là một công chức thuần túy, chưa bao giờ tham gia chính trị như một chính khách. Thời Ngô Đình Diệm ông không vào đảng Cần Lao, thời Nguyễn Văn Thiệu, ông từ chối gia nhập đảng Dân Chủ để củng cố địa vị của mình. Ngay từ nhỏ, tôi đã nghe ông hơn một lần nói:
“Không phải ai cũng có thể chọn con đường đi của mình. Đôi khi hoàn cảnh đặt mình ở bên này hay bên kia. Nhưng cái chính là dù ở đâu, mình cũng ráng lo cho dân là tốt rồi”. Tất nhiên một suy nghĩ như thế là gần như phi chính trị; nhưng cha tôi tin thật lòng mình điều ông nghĩ và ông cố gắng hành động như ông quan niệm.
Thế nhưng chính cái quan niệm phi chính trị ấy của cha tôi đã sớm gieo vào đầu tôi một ý thức nào đó về trách nhiệm công dân, một cuộc sống không thể thờ ơ với những gì xảy ra chung quanh mình. Bởi nghĩ cho cùng, cách giải thích và biện minh của cha tôi về “hoàn cảnh” của ông, cũng là sự trăn trở của một người trí thức có lòng yêu nước, nhưng thật sự không “yên tâm” với sự lựa chọn bất đắc dĩ của mình.
Rồi sau đó ông rất thanh thản đón ngày quân giải phóng vào Sài Gòn, vui vẻ gặp lại bạn bè cũ từ Hà Nội trở về (như ông Trần Thanh Xuân, Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam hay ông Cao Tấn Bổ công tác tại Văn phòng Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, xưa kia là bạn học chung với ông). Dù là công chức cao cấp của chế độ cũ, nhưng cha tôi không bị đi học tập cải tạo tập trung. Vì từ năm 1973 cha tôi đã bị cách chức Phó đô trưởng hành chánh Sài Gòn và bị chế độ Thiệu cho về hưu sớm do các hoạt động chống chế độ của con trai ông. Lúc bấy giờ tôi đang làm dân biểu Hạ nghị viện, thuộc khuynh hướng chính trị đối lập, gần như ngày nào cũng “xuống đường” hoặc có lời phát biểu chống chế độ Sài Gòn trên diễn đàn quốc hội hay trên báo chí. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và tay chân ông nhiều lần tìm cách trực tiếp hoặc gián tiếp buộc cha tôi gây áp lực với tôi đứng về phe họ hay ít ra phải ngưng các hoạt động chống họ. Nhưng biết rõ thái độ chính trị của tôi, cha tôi luôn tìm cách né tránh các yêu cầu của họ. Có một lần đại tá Đỗ Kiến Nhiểu, đô trưởng Sài Gòn Chợ Lớn, cấp trên trực tiếp của cha tôi, đặt thẳng vấn đề ông ta muốn gặp tôi để bàn một số việc. Cha tôi thừa biết Đỗ Kiến Nhiểu muốn bàn chuyện gì (không có chuyện gì khác hơn là yêu cầu con mình ngưng chống chế độ Thiệu) nhưng thật khó thối thoát. Ông cũng thấy trước rằng nếu để con mình gặp và từ chối lời đề nghị gì đó của đại tá Nhiểu thì tình thế càng căng hơn. Cuối cùng cha tôi nảy ra một ý kiến: cuộc hẹn định 8 giờ sáng nhưng tôi sẽ đến văn phòng Đô trưởng tại Tòa Đô vào lúc 7 giờ 30. Dĩ nhiên vào giờ đó Đỗ Kiến Nhiểu chưa đến. Tôi chỉ cần viết vài chữ cho biết mình đã đến và bận họp Quốc hội nên phải đi ngay, không thể chờ ông ta. Dù sao đó chỉ là kế hoãn binh. Phe ông Thiệu không thể chấp nhận duy trì ở cương vị Phó đô trưởng một người có con trai hoạt động chống họ một cách tích cực. Khi cha tôi bị cách trức (1973), ông nói với tôi như thông báo một việc biết trước thế nào rồi cũng đến: “Tụi nó cho ba nghỉ rồi!”. Cha tôi mất năm 1991 mà không kịp được nhìn thấy những đổi thay tốt đẹp sau này của đất nước.
Cái máu say mê thể thao của tôi thừa hưởng từ cha tôi. Từ những năm 14-15 tuổi, tôi đã đọc thường xuyên các báo thể thao của Pháp như L’Equipe, Mirroir Sprint (chuyên về xe đạp) v.v… Các báo này ba tôi đặt mua dài hạn ở nhà sách Albert Portail (nay là nhà sách Xuân Thu, đường Đồng Khởi). Tôi nhớ có lần cha tôi đưa tôi lên Sài Gòn xem đấu quần vợt tại Xẹc Tây (Cercle Sportif Saigonnais – bây giờ là Cung văn hóa Lao động). Đó là khoảng năm 1953-1954, lúc đấu thủ huyền thoại Võ Văn Bảy vừa nổi lên. Trận đấu diễn ra trên sân số 4 gần hồ bơi của Xẹc. Đối thủ của anh Bảy là tay vợt người Úc nổi tiếng thế giới. Thế mà anh Bảy chơi rất ngang ngửa. Cha tôi là người ủng hộ anh Bảy một cách sung sướng. Thế nhưng ngồi gần cha tôi có một vị khán giả cứ thỉnh thoảng lại nói: “Thằng Úc nó thả cho anh Bảy đó, chứ làm gì anh Bảy kiếm được một jeu (tiếng Pháp: một ván)”. Lúc đầu cha tôi làm như không nghe, nhưng vị khán giả kia cố tình lặp lại cho lọt vào tai cha tôi nhận định của ông ta. Thế là cha tôi nổi nóng lên, quay sang nói thẳng vào mặt ông ta “Sao ông tự ti mặc cảm đến như thế. Võ Văn Bảy chơi hay thật chứ đâu được thả”. Rồi hai người cãi nhau quyết liệt và thách nhau ra ngoài để “giải quyết”. Khi hai người sắp đánh nhau, tôi lo sợ khổ tâm vô cùng, không biết phải bênh vực cha mình thế nào đây. Chẳng lẽ nhảy vào tiếp tay cho cha tôi đánh lại cái ông khán giả kia? Rất may, có một công chức cao cấp thuộc đàn anh của cha tôi đi ngang qua, thấy cha tôi đang đứng thủ thế, liền can thiệp: “Phát, mày làm cái gì kỳ vậy”. Thế là cuộc đấu... võ giữa hai người được ngăn chặn kịp lúc!
Thật không thể tưởng tượng, 25 năm sau cũng tại Xẹc Tây, lúc này có tên là Nhà Văn hóa Lao động, cha tôi lại suýt đánh nhau lần thứ hai cũng tại sân quần vợt. Lần này ông đi xem cháu nội của ông, tức con trai lớn của tôi – Lý Quí Hùng – thi đấu với anh Võ Văn Bảy ở giải toàn thành, hình như lúc đó là năm 1979. Hùng thi đấu khá xuất sắc và lấy được của anh Bảy mấy jeu. Người ngồi kế bên cha tôi lần này là bác sĩ Nguyễn Phước Đại, cũng là một người say mê quần vợt. Tôi rất thân với bác sĩ Đại, nhưng cha tôi và ông Đại lại chưa từng gặp mặt nhau. Ông Đại bình luận mấy bàn thắng của Lý Quí Hùng là do…” cha nó (tức là tôi) mua chuộc anh Bảy”! Cha tôi ngồi kế bên liền lên tiếng: “Xin lỗi ông, cha của thằng Hùng không bao giờ làm chuyện đó”. Bác sĩ Đại đáp trả lại: “Làm sao ông biết cha thằng Hùng bằng tôi”. Cha tôi bình tĩnh nói lại: “Chắc chắn tôi phải biết cha của thằng Hùng hơn ông, đơn giản tôi là cha của cha thằng Hùng”. Lúc này hai người suýt choảng nhau. May mà có một người quen biết cả hai cản ngăn kịp.
Mẹ tôi là một phụ nữ suốt đời vì chồng con. Hồi trẻ bà được xem là người phụ nữ đẹp nhất Biên Hòa. Những năm tôi hoạt động chính trị đối lập, mẹ tôi luôn tỏ ra chia sẻ và hỗ trợ. Bà rất hãnh diện về lập trường độc lập và đối lập của con trai mình trong Quốc hội và trên báo chí. Mẹ tôi dư biết các hoạt động chống chế độ của tôi tất yếu sẽ dẫn tới kết cuộc cha tôi sẽ bị cách chức. Rất yêu chồng nhưng không bao giờ bà ép buộc con trai mình đầu hàng hay bỏ cuộc.
Thời trẻ cha tôi rất mê đánh bạc và thường vắng nhà. Chuyện học hành của tôi hoàn toàn do mẹ tôi lo. Bà đặt tất cả tình thương và hy vọng vào đứa con trai trưởng. Bà muốn tôi trở thành bác sĩ. Cha mẹ tôi có tất cả tám người con. Tôi có sáu em gái và một em trai cũng là đứa em út trong nhà. Về đường học vấn của tôi, công sức mẹ bỏ ra rất nhiều, nhưng thẳng thắn mà nói bà không nhận được sự đền đáp như ý nguyện. Tôi chưa bao giờ là một học sinh giỏi hoặc chuyên cần. Khi cha tôi còn là một thư ký quèn ở Biên Hòa, mẹ tôi quyết tâm đưa tôi vào học trường Pháp ở tỉnh nơi chỉ dành cho con Tây và con công chức cao cấp trong tỉnh. Theo suy nghĩ của mẹ tôi, trường Nguyễn Du mà tôi theo học (đến lớp tư, tức lớp hai hiện nay) dạy kém. Trường Pháp ở Biên Hòa do bà vợ của ông chánh thanh tra giáo dục ở tỉnh tổ chức. Bà là người Việt Nam nhưng có quốc tịch Pháp. Chánh thanh tra là ông Trần Bá Chức, trước kia là giáo sư trường Collège Mỹ Tho và là thầy cũ của cha tôi. Có lẽ nhờ mối quan hệ này mà tôi được đặc biệt nhận vào học trường Tây. Tôi còn nhớ cái tên Tây mà bà hiệu trưởng đặt cho tôi: Charles.
Trường Việt tôi học lôi thôi, sang trường Pháp cũng không khá. Tôi chỉ mê tắm sông Đồng Nai và đá banh trên đồng ruộng sau mùa gặt. Các gốc rạ chĩa lên thật cứng và bén, các lỗ chân trâu đầy trên mặt ruộng như những cái bẫy lúc nào cũng có thể làm lọi chân các cầu thủ chân đất tí hon, nhưng những hiểm nguy này vẫn không ngăn trở bọn trẻ chúng tôi quần quật suốt ngày với quả banh nhựa. Ngay từ lúc ấy tôi đã tỏ ra có năng khiếu bắt gôn. Bạn bè gọi tôi là “gôn Tịnh”, tên của một thủ môn huyền thoại cùng thời với những Trương Tấn Bửu, Guichard, Tốt, Cúi…
Sông Đồng Nai đã cướp đi lần lượt nhiều mạng sống của bạn bè tôi thời thơ ấư, bản thân tôi cũng suýt chết mấy lần. Một lần vì trốn người nhà ra gọi về, tôi lặn xuống núp dưới cây cầu ván và bị kẹt dưới cây cầu suýt chết ngộp. Một lần khác thi nhau lặn qua đáy một chiếc ghe lớn, do nước chảy mạnh làm lạc hướng nên hụt hơi mà vẫn không trồi được đầu qua phía bên kia ghe! Nhưng bọn nhóc chúng tôi không hề sợ hay hờn dỗi con sông Đồng Nai. Các buổi trưa, dù nắng hay mưa, bọn tôi không bao giờ lỡ hẹn với nó. Nơi chúng tôi tắm có một cây đa thật to, tán phủ cả một đoạn sông trông vừa hùng vĩ vừa bí hiểm như trong rừng châu Phi. Chính ở đây bọn nhóc chúng tôi thường đóng vai người rừng Tarzan, với những pha đu cây (là rễ chằng chịt của cây đa) tung người ra xa rồi buông rơi xuống nước một cách ngoạn mục.
Mẹ tôi cuối cùng cũng phát hiện ra hai năm học trường Tây ở tỉnh của tôi chẳng đến đâu. Tôi đen thui như người Campuchia vì cả ngày ở dưới sông hoặc rượt bóng trên đồng. Nhưng mẹ tôi không chịu nhìn nhận sự yếu kém này là do con mình mà lại cho rằng do nhà trường thiếu sâu sát và chăm sóc. Thế là mẹ tôi lại nghĩ đến một trường Tây khác ở tận Sài Gòn! Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu xuất phát từ đâu mẹ tôi lại có ý nghĩ đưa tôi lên Sài Gòn học trường Chasseloup Laubat, trường trung – tiểu học Pháp lớn nhất toàn Đông Dương lúc đó chỉ dành cho con em người Pháp hoặc “quan lớn người Việt”. Trường này là nơi Thái tử Norodom Sihanouk (nay là Quốc vương Campuchia) từng học nội trú hồi nhỏ. Nhiều con em hoàng tộc Lào cũng được gởi đến học ở đây. Ý nghĩ của mẹ tôi quá táo bạo, gần như không tưởng vào lúc đó bởi cha tôi chỉ là một công chức cấp tỉnh bình thường. Nhưng cuối cùng mẹ tôi cũng thực hiện được ước vọng của mình. Một người bạn cũ của cha tôi làm trong tòa đại sứ Pháp ở bộ phận văn hóa đã giúp mẹ tôi. Tôi hoàn toàn không có tiêu chuẩn vào học trường này – về trình độ Pháp văn và cả về vai vế xã hội thời đó.
Tôi vào học nội trú trường Chasseloup Laubat bắt đầu niên học 1951-1952, lớp 8ème (nay là lớp 5). Tôi còn nhớ tên bà giáo là Fabiani, một người gốc Corse. Tôi học nội trú vì gia đình không có ai ở Sài Gòn (gia đình tôi luôn luôn di chuyển theo cha tôi đến các tỉnh, quận, những nơi cha tôi đến làm việc). Vào nội trú, giường ngủ của tôi ở cạnh giường ngủ một “ông hoàng – con” Campuchia tên là Sisowath Charia. Chúng tôi trở thành bạn thân, sau này cũng có nhiều lần gặp nhau lại tại Phnom Pênh và Sài Gòn. Năm đầu vào Chasseloup Laubat, tôi vật lộn với tiếng Pháp vô cùng khổ sở. Cái vốn tiếng Tây tôi học ở Biên Hòa không được bao nhiêu, lại trả cho thầy gần hết. Tôi còn nhớ những ngày đầu đang học bị chột bụng, tôi không biết phải nói thế nào bằng tiếng Pháp để xin phép thầy ra khỏi lớp… Thế là tôi phải “thuê” thằng bạn ngồi cạnh dạy cho tôi một câu tiếng Tây học thuộc lòng. Có khi trả cho nó bằng tiền, có khi trả bằng phần ăn tráng miệng. Nhưng nhờ qui định học sinh phải ở luôn trong trường, thứ Bảy hoặc Chủ nhật mới được ra bên ngoài chơi, và nhờ trường cấm triệt để không được nói tiếng Việt – ngay trong lúc sinh hoạt bình thường như giờ ra chơi, giờ ăn – nên không bao lâu tiếng Pháp của tôi cũng khá lên.
Một tuần chúng tôi được ra phố chiều thứ Bảy và Chủ nhật. Nhưng không phải thứ Bảy, Chủ nhật nào cũng được phép ra phố. Nếu bị phạt ½ PS (Privation de sortie – truất phép được ra)- truất nửa phép – học sinh nội trú đó không được cha mẹ hoặc người thân rước ra chiều thứ Bảy, sáng Chủ nhật mới được ra. Còn lãnh trọn cái PS thì ở lại trường cả thứ Bảy và Chủ nhật để chép bài phạt! Ngày Chủ nhật bị ở lại trường được “surveillant” (giám thị) dắt đi “promenade” (đi dạo) ở sân Richaud (nay là sân Phan Đình Phùng) nằm sát bên trường. Những dịp này các học sinh bị phạt hy vọng có một an ủi: được phép của giám thị cho gọi xe mì dạo lại xơi một trận đã thèm. Không phải ông “surveillant” Tây nào cũng dễ tính và gật đầu nói “oui” (đồng ý). Có khi ông ta chẳng nói gì, nhưng nhìn chỗ khác làm lơ là coi như “oui”. Thời đó trong bọn học sinh người Việt, đứa nào cũng mê mì, vì một tuần ăn đồ Tây hết sáu ngày, chỉ có ngày thứ Tư mới có “repas vietnamien” (cơm Việt Nam). Nhưng cũng phải nói rằng cách đây 50 năm, mì bán dạo trên xe đẩy, rao gõ cóc cóc là ngon nhất! Tiếng mì gõ trên các đường xung quanh trường nhiều đêm làm bọn học sinh nội trú chúng tôi nằm trên giường thèm quá, không sao ngủ được.
Cái thú chính yếu khi được phép ra khỏi trường chiều thứ Bảy và Chủ nhật là đi xem xi nê. Thời đó các rạp thịnh hành nhất là Nam Quang, Long Thuận (nằm sát tòa soạn báo Sài Gòn Tiếp Thị hiện nay), Majestic (sát khách sạn Cửu Long hiện trở thành nhà hàng Maxim). Nhưng rạp chiếu phim mới nhất, chiếu phim màu Technicolor trên màn ảnh rộng (lúc đó gọi là écran panoramique) thì chỉ có rạp Olympic trên đường Chasseloup Laubat (bây giờ là đường Nguyễn Thị Minh Khai). Lúc đó rạp Olympic hiện đại và ăn khách nhất. Tôi mê các tài tử như Errol Flynn, Gene Kelly, Stewart Granger, Victor Mature, Deborath Kerr, Ava Gardner… Những bộ phim như “Samson và Dalila”, “Scaramouche” hay “Ba người lính Ngự lâm” (Les Trois Mousquetaires) bây giờ nhớ lại vẫn thấy hay. Sau này, có nhiều bộ phim làm lại tác phẩm của nhà văn Alexandre Dumas, nhưng với tôi, phim “Ba người lính Ngự lâm” hay nhất vẫn là bộ phim do Gene Kelly đóng cùng với Lana Turner. Có lẽ cái gì đến với mình lần đầu, lúc tuổi thơ, vẫn là đẹp nhất chăng? Lúc đó đi xem xi nê còn có cái thú sưu tập các tờ programme (chương trình) in nhiều màu trên giấy láng, rất đẹp. Mỗi phim mới, ở tất cả các rạp đều có tờ programme mới. Những ngày bị phạt ở lại trường, lấy chồng chương trình ra xem lại, thấy thích thú không kém gì được đi xem xinê!
Năm 1954, sự kiện Điện Biên Phủ rồi Hiệp định Genève diễn ra, trường Albert Sarraut từ Hà Nội chuyển vào Sài Gòn sát nhập với Chasseloup Laubat. Trường không đủ lớp để chứa tất cả học sinh từ Hà Nội vào, nên hủy bỏ chế độ nội trú để mở thêm lớp học. Mẹ tôi không cho tôi học tiếp tại đây vì sợ rằng học ngoại trú, giữa Sài Gòn nhiều “cạm bẫy” tôi sẽ sớm hư hỏng! Mẹ tôi chuyển lên Đà Lạt vào học nội trú tiếp lại Lycée Yersin.
Sự kiện Điện Biên Phủ và Hiệp định Genève đối với một thằng bé 14 tuổi đang học trường Tây dĩ nhiên không để lại được bao nhiêu trong ký ức. Tuy nhiên, ngoài chuyện…chuyển trường từ Sài Gòn lên Đà Lạt, tôi vẫn nhớ cái không khí bất thường của Sài Gòn trong những ngày Pháp hấp hối ở Điện Biên Phủ. Những ánh mắt lo âu của người Pháp và cả những người Việt thân Pháp. Mặc dù cha tôi là công chức nhưng tôi không thấy ông âu lo. Có lẽ do ông luôn không chịu gắn số phận của ông với số phận của người Pháp. Lúc đó cha tôi đang làm quận trưởng quận Tiểu Cần (Trà Vinh). Như mọi kỳ nghỉ hè, tôi rời nội trú về nhà. “Nhà” của gia đình tôi lúc đó là nơi cha tôi đang làm việc. Cha tôi nhận nhiệm sở ở đâu thì cả gia đình dời theo đến đó. Cả gia đình đi theo cha tôi từ tỉnh này sang tỉnh nọ. Nhưng tôi nhớ năm 1954 tôi không về thẳng được quận Tiểu Cần mà cùng gia đình tạm ở lại tỉnh lỵ Trà Vinh. Vì Tiểu Cần được chọn làm nơi tập kết ra Bắc của quân đội Việt Minh trong tỉnh theo Hiệp định Genève.
Tôi rất thích đọc báo, báo Việt và cả báo Pháp do cha tôi thường mua về. Từ lúc đó tôi đã thuộc những cái tên như De Lattre de Tassingy, Cogny, Salan, Navarre, De Castries… không khác lắm mười, mười lăm năm sau quen thuộc với những cái tên như Haig, Maxwell Taylor, McNamara, Westmoreland… Bây giờ nhắc lại những cái tên tướng lĩnh Pháp – Mỹ ấy, thật lạ lùng nó vang vọng trong tôi cùng một âm hưởng, như thể họ đều cùng thời, dù họ đến đây trước hay sau hàng chục năm, có mặt ở hai cuộc chiến khác nhau. Họ như những lá bài của một bộ bài. Những lá bài trong cùng một canh bạc thảm hại. Có một điều oái oăm là lúc đó tôi chỉ biết được Điện Biên Phủ và tên vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp – một cách sơ lược thôi – nhờ xem báo Paris Match, nhưng ngược lại tôi biết tường tận chiến thắng Austerlitz của Napoleon vì học sử của… Pháp. Trong trường Chasseluop Laubat tôi được học lịch sử nước Pháp thay lịch sử Việt Nam. Có ai đã so sánh Austerlitz của Napoléon với Điện Biên Phủ của Võ Nguyên Giáp chưa? Hai cuộc chiến ở hai thời đại khác nhau, đúng là khó sánh, nhưng tôi vẫn thấy Điện Biên Phủ vĩ đại hơn, còn về sự chính nghĩa thì Austerlitz không có cơ sở nào để so sánh với Điện Biên Phủ. Điện Biên Phủ là niềm tự hào chung của mọi tầng lớp người Việt Nam. Đó là chiến tích tầm vóc thế giới của dân tộc Việt Nam. Khi tôi bắt đầu vẽ tranh năm 1990, rất tự nhiên, một trong những cảm hứng đầu tiên của tôi là Điện Biên Phủ. Bức tranh sơn dầu khổ lớn có tên “Điện Biên Phủ trong ký ức của người Pháp” theo thể loại “mix media” của tôi đã ra đời (bức tranh này hiện Công ty sơn mài Lam Sơn sở hữu).
…Rời Chasseloup Laubat lên trường Yersin Đà Lạt học tiếp, tại đây tôi đã có những năm tháng đẹp nhất thời học sinh của mình (1954- 1959). Bây giờ thỉnh thoảng nhớ lại tôi vẫn thấy lòng mình xao xuyến. Cho đến sau này, tối nằm vào giường trước khi ngủ, thỉnh thoảng tôi vẫn cố gắng nhớ lại một đoạn nào đó thời mình học ở Đà Lạt, nhớ lại từng gương mặt bạn bè, từng góc trường, góc phố Đà Lạt, như thể xem lại một đoạn phim cũ mà mình yêu thích. Nhà trường nằm trên một ngọn đồi, có sân bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, điền kinh. Có cả phòng tập thể dục thể thao rộng thoáng trong nhà dành cho các môn bóng bàn, thể dục dụng cụ v.v… Khác với trường Chasseloup Laubat xây vuông vức như một trại lính, kiến trúc của trường Yersin thuộc loại đẹp và độc đáo nhất Việt Nam và có thể là cả Đông Nam Á. Nó là một loại campus như các trường đại học ở Mỹ - Úc. Tòa nhà chính của trường hình vòng cung theo phong cách La Mã, với một nóc cao như vọng chuông nhà thờ, đứng từ chợ Đà Lạt cũng nhìn thấy. Niềm say mê thể thao đến với tôi cũng từ những năm tháng sống ở môi trường này. Tôi là vận động viên đại diện trường ở các môn bóng đá (thủ môn), điền kinh (nhảy cao), bóng rổ. Trường Yersin còn dạy tôi những bài căn bản về môn vẽ, chất lượng tương đương với một trường chuyên ngành mỹ thuật. Với vốn liếng ban đầu ấy, 30 năm sau tôi đi vào hội họa khá thuận lợi.
Tôi làm quen, yêu thích rồi mê bộ môn khiêu vũ cũng từ trường này. Nhiều chục năm sau tôi vẫn không quên được buổi đi “nhảy đầm” lần đầu ở vũ trường Dancing Đà Lạt! Sau thời gian tập tành trong câu lạc bộ ở trường, một chiều thứ Bảy, tôi mạnh dạn đi “trắc nghiệm” ở một vũ trường ngoài phố những gì mình mới học được.
Cái buổi ban đầu khiêu vũ trong dancing hồi hộp không thể tả. Nhạc trỗi lên, tim tôi đập trong lồng ngực còn mạnh hơn dàn trống của ban nhạc. Đầu nóng ran vì phải cố gắng nhận ra cho được bản nhạc thuộc điệu nào. Bolero, Slow, Tango hay Cha Cha Cha? Cùng lúc hai chân của tôi ở dưới bàn thử di chuyển theo nhịp điệu của nhạc một cách kín đáo để khi ra sàn nhảy không bị bỡ ngỡ. Dù vậy, khi cùng cô vũ nữ bước ra “piste” (sàn nhảy), tôi không tránh khỏi lúng túng và run rẩy vì xúc động. Trước đó tôi chưa bao giờ ôm trong tay mình một cô gái, nhất là giữa “piste” nhảy. Đúng lúc bị “chới với”, tôi nghe bên tai mình: “Anh cứ bình tĩnh. Để em dìu cho”. Cô vũ nữ đoán biết “người khách” của cô – một cậu thiếu niên 17-18 tuổi – mới đi nhảy ở dancing lần đầu. Tôi thầm cảm ơn cô vũ nữ mà tuổi nhất định lớn hơn tôi, nhưng vẫn gọi tôi ngọt xớt bằng anh. Mãi sau này tôi vẫn nhớ cái giọng nói hết sức dịu dàng ấy.
Những tối thứ Bảy được phép ra khỏi trường, cùng một số bạn bè đi “nhảy đầm” ở ngoài phố là những kỷ niệm được nhớ mãi. Rời dancing lúc hai, ba giờ sáng để về nhà trọ, trời Đà Lạt lạnh cắt da nhưng mặc ấm đầy đủ, cái lạnh ấy lại dễ chịu vô cùng. Ánh đèn trên các cột điện dọc đường không đủ sức lấn vào làn sương mù dày đặc chỉ tỏa được một vừng sáng nhẹ trông từ xa tưởng chừng như những chiếc đèn lồng treo lơ lửng trên cao, làm cảnh vật Đà Lạt vào lúc gần sáng càng thêm lãng mạn. Ra khỏi dancing chúng tôi thường đi bộ, nói chuyện thoải mái trên con đường vắng tanh và đến tận lò bánh mì để mua những chiếc bánh ra lò đầu tiên và nóng hổi.
Trong các học sinh nội trú ở trường Yersin Đà Lạt, tôi là đứa có ít tiền nhất khi ra phố. Cha mẹ tôi không dư dả gì, mặt khác mẹ tôi không muốn cho con mình xài nhều tiền. Có những hôm ra phố, trong túi chỉ có mấy đồng, vừa đủ mua vài trái bắp nướng. Trái bắp bỏ trong túi áo mưa làm ấm hai bên đùi. Cái mùi thơm bắp nướng, hơi ấm trong chiếc áo mưa là những cảm giác thuộc về một thời niên thiếu không thể nào quên. Rồi những lần “faire le mur” (trốn ra khỏi trường) để ăn “phở ga”, tức cửa hàng phở ở gần nhà ga xe lửa Đà Lạt nằm ngay dưới chân đồi của trường Yersin. Sao mà mùi phở ga thơm như thế, còn dĩa rau lại tươi xanh hấp dẫn không đâu sánh bằng.
Đậu xong Tú tài phần 1, tôi luyến tiếc rời thành phố Đà Lạt, để trở về Sài Gòn học nốt phần 2. Thành phố Đà Lạt trong tâm hồn tôi thời niên thiếu thay đổi quá nhiều theo thời gian. Trở lại Đà Lạt những năm sau này tôi không còn gặp lại Đà Lạt của mình xưa kia. Một trong những nỗi buồn khổ tâm của tuổi già là phải chịu đựng một hình ảnh ký ức thân thương nào đó của mình nay bị biến dạng.
Khi tôi trở lại trường Chasseloup Laubat thì trường này đã đổi tên thành Jean Jacques Rousseau (1959). Rất hiếm học sinh theo học ở trường Pháp trước kia học cả hai trường ở miền Nam – nhất là dưới đủ ba cái tên khác nhau – như tôi: Chasseloup Laubat, Yersin DaLat rồi Jean Jacques Rousseau (tên mới của Chasseloup Laubat). Trường Jean Jacques Rousseau nay là trường Lê Quí Đôn.
Về Sài Gòn, đúng như trước kia mẹ tôi từng lo ngại, việc học hành của tôi trở lại lôi thôi. Tôi kết thúc thời gian học ở Đà Lạt với bằng Tú tài 1 Pháp loại “mention Assez bien” tức hạng khá.
Cái môn khiêu vũ mà tôi say mê ở trên Đà Lạt suýt nữa làm hỏng năm cuối cùng của tôi tại Jean Jacques Rousseau. May mắn, do trường không còn chỗ để nhận vào ban Toán (section Math Elem), tôi đành chọn vào ban Triết (section Philosophie) học không “nặng” và không cần chuyên cần như ban Toán, lại phù hợp với tôi hơn. Nhờ thế tôi ì ạch đậu xong Baccalaureat 2ème Partie vào năm 1960. Tôi còn nhớ tôi thi viết môn Philo với đề tài “Le doute” (Sự hoài nghi) khá tốt. Còn ở phần thi Oral (vấn đáp) đầu đề là “Le temps” (Thời gian). Nếu năm đó mà tôi không đậu Tú tài 2 thì có lẽ mãi mãi tôi không bao giờ đậu do tôi quá ham chơi. Trong lớp Philo có một lần giáo sư công bố điểm và thứ hạng kỳ thi tam cá nguyệt cho học sinh, khi đọc đến tên học sinh đứng hạng nhì là tôi, ông tỏ ra kinh ngạc: sao trong lớp ông lại có một học sinh lạ hoắc, ông không hề biết mặt. Lý do đơn giản tôi thường “cúp cua” các tiết học hoặc có mặt trong lớp thì lén nằm ngủ đâu đó ở cuối lớp vì tối qua đi chơi quá khuya!
Khi tôi vào đại học, mẹ tôi vẫn không quên mơ ước ban đầu của bà là muốn tôi theo học ngành y khoa. Nhưng một năm học PCB (physique, chimine, biologie – các môn lý – hóa - sinh) để chuẩn bị thi vào y khoa đủ chứng minh với bản thân tôi rằng con đường khoa học không phải là con đường thích hợp với mình.
Cuối cùng, để tránh bị gọi quân địch, tôi thi tuyển vào Học Viện Quốc Gia Hành Chánh (HVQGHC). Cả ngàn người dự thi từ Huế vào Sài Gòn, chỉ lấy 100 (trong 100 này lại dành trước 50 cho Huế và miền Trung). Thế nhưng tôi trúng tuyển hạng 99. Khi chen lấn xem kết quả, tôi vẫn tưởng mình rớt. Đến khi nhận giấy báo đậu gửi tận nhà mới hay mình đậu. Khóa tôi vào học là khóa 10 (1963), khóa cuối cùng có Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) Ngô Đình Diệm chủ tọa lễ khai giảng. Đây là lần đầu tôi được nhìn thấy ông Diệm ở một khoảng cách rất gần khi ông bước xuống xe và từ ngoài cổng trường đi vào giữa hai hàng sinh viên được trường tổ chức đứng chào đón ông. Trước đây tôi chỉ nhìn thấy ông trên màn ảnh khi đi xem xinê. Ở Sài Gòn lúc đó, trước khi chiếu phim truyện, rạp nào cũng phải chiếu “Thời sự Việt Nam”, trong đó hầu như luôn luôn có sự xuất hiện của Tổng thống Diệm, khi thì đi kinh lý tỉnh này, khi đi kinh lý tỉnh kia. Thường khi hình ảnh của ông vừa hiện lên thì phần đông khán giả phải cố gắng lắm mới nín cười được vì sợ gặp rắc rối với cảnh sát chìm ở đâu cũng có, kể cả trong rạp hát. Người ông Diệm rất thấp, khá tròn, bụng lại to, nhưng khi di chuyển lại rất nhanh, hai cánh tay như đang bơi dưới nước khiến ông có một dáng dấp và tướng đi rất hài. Ông luôn mặc bộ com-lê màu trắng. Tôi không ngờ lần nhìn thấy ông Diệm lần đầu tiên bằng xương bằng thịt ở buổi khai trường tại HVQGHC cũng là lần cuối cùng. Chỉ ít tháng sau, ông bị lật đổ và bị phe đảo chánh giết chết cùng với người em trai là Ngô Đình Nhu.
HVQGHC không gây cho tôi sự thú vị nào. Tôi không có ý định theo nghiệp cha tôi, trở thành phó đốc sự, đốc sự, để làm quận trưởng hay phó tỉnh trưởng. Lúc này tôi bắt đầu mê nghề báo nên “cúp” các giờ học ở HVQGHC để la cà ở một số tòa soạn báo trên đường Phạm Ngũ Lão mà tôi có viết bài cộng tác. Thật ra ở hai năm cuối trung học, tôi đã có bài đăng trên báo thể thao Đuốc Thiêng của nhà báo thể thao nổi tiếng Sài Gòn là Thiệu Võ. Lúc đầu là những bài dịch từ các báo và tạp chí Pháp như L’Equipe, Mirroir Sprint. Các hiểu biết của tôi về thể thao thế giới được tích lũy là nhờ tiếp cận với các loại báo ấy. Niềm say mê thể thao cũng từ cha tôi truyền sang. Ông còn truyền cho tôi cả tinh thần mã thượng trong thể thao lẫn trong quan hệ với mọi người – kể cả với người đối địch mình.
Bút danh đầu tiên tôi ghép tên cha với tên mình: Phát Chung. Ngoài ra tôi còn có bút danh ghép họ tôi với họ vợ - Nguyễn Lý – ký trên các bài phóng sự những năm 1963-1965. Bút danh sau 1975 thì ghép tên các con tôi: Chánh Trinh, Trung Dũng. Bút danh cũng là mạng sống nghề nghiệp và chính trị của mỗi người viết văn, viết báo. Do đó người ta thường chọn tên những người mà mình yêu thương nhất để ghép thành bút danh
CHƯƠNG 2:  CHẬP CHỮNG VÀO NGHÈ LÀM BÁO

Tôi không hề được chuẩn bị để đi vào nghề báo. Lúc đầu tôi viết báo chỉ vì quá yêu thể thao. Từ môi trường báo chí, tôi được tiếp cận với đời sống chính trị Sài Gòn, biết bức xúc trước những bất công, những việc làm phi dân chủ, độc tài của chính quyền Sài Gòn. Rồi phẫn nộ trước sự can thiệp thô bạo của chính quyền Mỹ vào nội bộ của Việt Nam và sự áp đặt các ý muốn và quyền lợi của họ lên đất nước Việt Nam. Tôi đi vào con đường hoạt động chính trị là như thế. Tôi cũng không hề được chuẩn bị hoặc được ai, tổ chức nào dẫn dắt. Thực tế cuộc sống và các diễn biến thời cuộc của đất nước điều chỉnh dần dần các hoạt động và thái độ chính trị của tôi, mỗi ngày thấy rõ hơn con đường mà mình nên chọn.

Những năm 60, Sài Gòn chưa có trường báo chí nên những ai muốn theo ngành này không có điều kiện để học hỏi chính qui. Riêng trường hợp của tôi, từ nhỏ theo học trường Pháp, tiếng Việt không thông thạo vì trong trường tiếng Pháp được coi là tiếng mẹ đẻ, tiếng Việt là môn sinh ngữ 1, còn Anh văn sinh ngữ 2, nên việc theo đuổi nghề viết báo với tôi càng không dễ dàng. Tôi còn nhớ bài báo đầu tiên tôi gởi cho tuần báo Đuốc Thiêng viết về cuộc đua Vòng quanh nước Pháp. Thời đó là những năm tháng huy hoàng của các cua rơ Louison Bobet (Pháp), Bahamontes (Tây Ban Nha), Fausto Coppi (Ý). Để viết một bài báo thể thao, tôi tham khảo các báo Pháp như L’Equipe, Mirror Sprint và tốn hai, ba chục tờ giấy pơluya vì phải viết đi viết lại nhiều lần, vừa viết vừa xem các bài báo của các nhà báo viết trên báo Việt, xem người ta dùng từ như thế nào, có khi phải “ăn cắp” cả câu của họ rồi sửa lại cho phù hợp chuyện của mình. Hai năm hì hục như thế, tôi mới viết suôn sẻ, được mời cộng tác chính thức và được phân công tường thuật các trận bóng đá trên sân Cộng Hòa (nay là sân Thống Nhất).
Thời đó ông Thiệu Võ là một tượng đài trong làng báo thể thao Sài Gòn (từ những năm 50 cho đến những năm 70). Cả miền Nam mê say các bài phê thuật của ông. Văn phong của ông bay bướm. Các tên tuổi lớn thể thao đều được ông phong cho họ những biệt danh đầy ấn tượng, gắn luôn với tên tuổi họ cả đời đồng thời được độc giả và giới thể thao công nhận. Chẳng hạn ông gọi nhà vô địch xe đạp Đông Dương Lê Thành Các là “Phượng Hoàng” do sở trường của cua rơ tài giỏi này là “leo đèo” và “bay” trên các đỉnh núi. Còn thủ môn Phạm Văn Rạng, từng là tuyển thủ châu Á là nhà “Lưỡng thủ vạn năng”. Cua rơ xe đạp miền Bắc lừng danh Vũ Văn Thâm – đối thủ số 1 của Lê Thành Các – được ông gọi là “Con Hùm Xám”. Cặp tiền đạo xuất sắc của đội bóng Cảnh sát Sài Gòn những năm 50 – hữu nội Lê Hữu Đức và tả biên Nguyễn Văn Tư – một người ông phong là “Chiếc Đầu Vàng”, còn một người là “Mũi Tên Vàng”. Khi mới vào làng báo thể thao, tôi cộng tác với báo Đuốc Thiêng của ông, nên chịu ảnh hưởng văn phong của ông là điều khó tránh. Nói về “chỗ đứng” của ông trong làng báo thể thao nói riêng và cả làng báo Sài Gòn nói chung có một dẫn chứng cụ thể: trước đó và mãi sau này trong lịch sử báo chí Sài Gòn, chưa từng có chuyện một tờ báo hàng ngày nào nêu trên trang đầu, ngay dưới manchette (tên tờ báo) chức danh “Giám đốc thể thao” như đã xảy ra với tờ Tiếng Dội Miền Nam, một tờ báo có nhiều độc giả và có uy tín trong giới nghệ thuật và trí thức (Giải thưởng cải lương Thanh Tâm do tờ báo này khởi xướng). Dưới manchette tờ báo, bên trái là tên chủ nhiệm kiêm chủ bút Trần Tấn Quốc, bên phải là tên Giám đốc thể thao Thiệu Võ. Lúc này ông Thiệu Võ vừa phụ trách trang thể thao của tờ Tiếng Dội Miền Nam đồng thời là chủ nhiệm tờ Đuốc Thiêng.
Tôi không thể quên lần đầu tôi được ông nhắn tin trên báo Đuốc Thiêng đến gặp ông “để trao đổi về sự hợp tác” tại tòa soạn của Tiếng Dội Miền Nam ở đường Gia Long (nay là Lý Tự Trọng). Không khí của tòa soạn Tiếng Dội Miền Nam rất nghiêm trang, bày biện như trong một công sở, không thấy ai nói chuyện cười đùa, khác hẳn tòa soạn các báo Sài Gòn bấy giờ luôn rất ồn ào náo nhiệt. Tôi rón rén bước vào gặp ông Thiệu Võ ngồi bệ vệ sau một cái bàn to để nhận số tiền nhuận bút đầu tiên trong cuộc đời làm báo của mình. Sau này, dù cộng tác với ông khá lâu trên tờ Đuốc Thiêng (khoảng gần hai năm) nhưng tôi rất ít có dịp nói chuyện thân mật với ông. Ông rất ít khi tiếp xúc với các đồng nghiệp trẻ. Cũng có một thực tế trước năm 1975, trong giới báo chí luôn có một khoảng cách khá lớn giữa các ký giả kỳ cựu và các nhà báo trẻ. Vào những năm 60, không dễ gì một phóng viên trẻ thấy bút danh mình được ghi đầy đủ dưới bài báo của mình.
Tôi may mắn khi gia nhập làng báo Sài Gòn còn được tiếp cận và học hỏi với một nhà báo thể thao kỳ cựu khác: ông Phan Như Mỹ (có anh trai là Phan Ngươn Đang tập kết ra miền Bắc và đã từng là Hội trưởng Hội bóng đá của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa). Ông làm việc chính thức ở Việt Tấn Xã nhưng cộng tác thêm cho báo Buổi Sáng phụ trách trang thể thao báo này. Tờ Buổi Sáng cũng là một tờ chuyên về kịch trường và thể thao do ông Tam Mộc tức Mai Lan Quế làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với tờ Tiếng Dội Miền Nam. Tờ báo này có một phụ trang trào phúng cuối tuần rất nổi tiếng có tên “Giỏ vịt”. Ông Tam Mộc tự mình đảm trách phụ trang này và lấy bút danh là Tám Móc. Mục ăn khách nhất của trang này là “Lá thư Ba Ếch”. Đây là những cảm nghĩ hàng tuần của một nông dân miền Tây về những chuyện xảy ra quanh ông ở dưới quê và cả những chuyện ở trên Sài Gòn. Mặc dù tôi mới vào nghề nhưng ông Mỹ không ngần ngại mời tôi chuyển sang báo Buổi Sáng cùng ông lo trang thể thao. Được cùng ông “đứng trang” một tờ báo lớn nhưBuổi sáng là một vinh dự quá lớn đối với một cây viết mới 21 tuổi như tôi. Chính ông cũng là người giới thiệu tôi với tờ báo Pháp “Journal d’ Extrême Orient” viết bài thể thao trực tiếp bằng tiếng Pháp cho tờ báo này. Nhà báo Phan Như Mỹ có lối viết khác hẳn cây viết Thiệu Võ. Không có sự bay bướm trong các bài báo của ông. Câu ngắn, đơn giản nhưng đi sâu cụ thể vào trận đấu; các bài phê thuật bóng đá của ông theo phong cách hiện đại. Nghề làm báo thông tấn đã ảnh hưởng phong cách viết báo thể thao của ông. Với ông, tôi đã học bài học vỡ lòng của báo chí: giá trị của một bài báo trước hết ở lượng thông tin. Tôi ngưỡng mộ ông Thiệu Võ nhưng người thầy đầu tiên của tôi chính là nhà báo Phan Như Mỹ.
Còn một nhà báo kỳ cựu nữa cũng ảnh hưởng vào cuộc đời viết báo của tôi. Đó là ông Nguyễn Kiên Giang, lúc ấy là Chủ tịch Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt. Trong một lần tiếp xúc với ông tại Hội quán bóng bàn Nam Việt ở đường Bùi Chu, nay là đường Tôn Thất Tùng (hội quán này của thầy Năm Nghiệp, cha của hai nhà vô địch bóng bàn miền Nam Trần Quang Nhụy và Trần Kim Ngôn), tôi được ông khuyên: “Em có ăn học nên đi theo nghề báo rất thuận lợi”. Rồi ông nói bằng tiếng Pháp: “Le journalisme mène à tout” (Nghề báo dẫn đến mọi ngả). Lúc đó tôi vừa đỗ Tú Tài 2 và đang theo học ở HVQGHC. Lời khuyên này lại khớp với tâm lý tôi đang chán học ở HVQGHC. Chán vì như đã nói, tôi không có ý định đi theo nghề công chức như cha mình và chán vì chính chương trình học cũng rất chán. Tôi chỉ đến trường một, hai ngày một tuần và nhất là ngày trường phát phụ cấp hàng tháng (học ở trường này có ăn lương). Ngay năm đầu tôi bị ở lại lớp và qua năm sau tôi rời trường vĩnh viễn, không chút luyến tiếc.
Trong năm đầu học HVQGHC tôi đã có điều kiện viết lách, lui tới với một số tờ báo khác. Đầu tiên là tờ Thanh Việt do Tô Yến Châu chủ trương biên tập qui tụ các nhà báo, nhà văn, nhà thơ như Tam Đức, Kiên Giang Hà Huy Hà, Tô Nguyệt Đình cộng tác. Đây cũng là nơi tôi khởi đầu học nghề phóng viên. Từ lãnh vực thể thao, tôi bắt đầu tập viết sang các lãnh vực khác. Tòa soạn báo Thanh Việt nằm trên đường Phạm Ngũ Lão. Con đường này có rất nhiều tòa soạn báo và nhà in. Tạp chí Phổ Thông của nhà thơ Nguyễn Vỹ cũng ở trên con đường này. Phần đông các cộng tác viên của báo Thanh Việt rất ít khi được trả nhuận bút. Tờ báo rất nghèo nhưng anh em sống với nhau rất vui. Khi gom được tiền bán báo thì ưu tiên để mua giấy in và trả cho thợ sắp chữ. Các cộng tác viên “ruột” được anh Tô Yến Châu gần như ngày nào cũng kéo đi ăn trưa: một cách trả nhuận bút khá độc đáo! Tại tòa báoThanh Việt, tôi sẵn sàng làm bất cứ việc gì tòa soạn cần, từ tiếp tay sửa morát cho đến đi lấy thông báo hoặc lấy tin “xe cán chó” ở các bót cảnh sát. Đây cũng là cách học nghề, tiếp cận với nghề rất tốt, bởi một nhà báo càng biết đầy đủ các khâu trong tờ báo càng có lợi.
Bây giờ nhớ lại những năm tháng đầu tiên vào làng báo, tôi luôn cảm ơn các nhà báo đàn anh ấy. Dù cuộc sống của họ phần nhiều rất khó khăn, điều kiện làm báo rất cực nhọc, giấy in chạy mua từng ngày – nhưng những người mà tôi có cơ hội đầu tiên làm việc chung trong cuộc đời báo chí của mình đều không để cho các thế lực tiền bạc và chính trị mờ ám trong nước và ngoài nước mua chuộc. Rất nhiều những nhà báo này từng tham gia kháng chiến thời chống Pháp. Cái môi trường ban đầu ấy đã tạo cho một thanh niên như tôi, chưa hiểu nhiều thực trạng báo chí miền Nam lúc đó, kể cả những ngóc ngách về chính trị, đã có được sự hòa nhập khá tốt, ít lệch lạc với nghề nghiệp mà sau này mình gắn bó suốt đời. Cũng cần nói rõ, từ năm 1954, sau hiệp định Genève, nhiều thành phần chống cộng ở miền Bắc ồ ạt di cư vào miền Nam. Nhiều đảng phái chống cộng mọc lên như nấm. Làng báo Sài Gòn cũng không tránh khỏi sự xâm nhập rồi tràn ngập những người làm báo theo khuynh hướng chống cộng. Không bao lâu, thêm một tổ chức báo chí ra đời, cạnh tranh với Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt, đó là Nghiệp đoàn ký giả Việt Nam, tập hợp chủ yếu các nhà báo chống cộng từ miền Bắc vào. Hàng loạt tờ báo chống cộng do người Bắc di cư đứng ra thành lập, phần nhiều được sự tài trợ của chính quyền Diệm, kể cả cơ quan tình báo Mỹ (CIA). Từ năm 1954 cho đến tháng 4 -1975, làng báo Sài Gòn phân làm hai phe rõ rệt.
Tờ báo Thanh Việt, trong những lúc khó khăn, thỉnh thoảng có nhận được sự giúp đỡ tài chánh của ông Võ Văn Ứng, tức bầu Ứng, một nhà Mạnh Thường Quân thể thao ở Sài Gòn. Ông ở trong Ban chấp hành, có lúc là Chủ tịch Tổng cục bóng tròn (bây giờ gọi là Liên đoàn Bóng Đá). Ông cũng là chủ nhân nhà thuốc Đông y nổi tiếng Võ Văn Vân nằm ở góc đường Phạm Ngũ Lão – Nguyễn Thái Học. Tôi quen biết ông bầu Ứng từ dạo làm báo Thanh Việt. Khi xảy ra cuộc đảo chánh ngày 1 – 11 – 1963, chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ, trung tướng Dương Văn Minh lên làm Quốc trưởng, ông bầu Ứng là người đầu tiên được chính quyền mới cấp giấy phép ra báo. Tờ báo có tên Bình Minh. Ông bầu Ứng có được đặc quyền này do trước đây ông có mối quan hệ rất đặc biệt với ông Dương Văn Minh. Thời trẻ, ông Ứng là bầu của đội bóng Thủ Dầu Một (Bình Dương), còn ông Minh là thủ môn đội này và tình bạn thể thao giữa họ kéo dài qua năm tháng.
Khi được phép xuất bản tờ Bình Minh, ông bầu Ứng kéo cả ê kíp Thanh Việt về làm. Tại đây, lần đầu tiên tôi ăn lương phóng viên và hành nghề phóng viên đúng nghĩa. Một trong những bài phóng sự đầu tiên của tôi khi tập sự làm phóng viên là tường thuật vụ “Tòa án Cách mạng Sài Gòn” (tức tòa án của phe đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm) xét xử cố vấn Ngô Đình Cẩn, em út trong dòng họ Ngô, sau khi hai người anh của ông đều bị phe đảo chính giết. Lúc ông Ngô Đình Diệm còn là tổng thống, ông Cẩn hùng cứ ở miền Trung như một lãnh chúa. Thế lực của Ngô Đình Cẩn còn lấn cả chính quyền trung ương, vào tận miền Nam. Chẳng những ông cho quân càn quét, tiêu diệt các phần tử cộng sản và thân cộng tại Huế và miền Trung, mà còn tổ chức các đoàn gọi là “Đoàn công tác đặc biệt miền Trung” vào tận Sài Gòn và miền Nam để truy lùng những người cộng sản trốn chạy vào đây.
Theo nhà báo Mỹ Zalin Grant, ba ngày sau khi hai người anh của mình – Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu – bị giết chết, ông Ngô Đình Cẩn xin tị nạn chính trị trong tòa tổng lãnh sự Mỹ tại Huế. Từ Huế, ông Cẩn được đưa vào Sài Gòn trên một máy bay Mỹ có một phó lãnh sự Mỹ, một thiếu tá Mỹ đi theo. Ngoài ra còn có hai quân cảnh Mỹ bảo đảm an ninh. Khi đến Sài Gòn, ông Cẩn được giao cho Lou Conein, một nhân viên CIA đảm trách liên lạc giữa đại sứ Cabot Lodge và nhóm tướng lãnh đảo chính Diệm. Nhưng sau đó đại sứ Lodge ra lệnh giao Cẩn cho các tướng lãnh đảo chính. Mặc dù sau này tướng Trần Văn Đôn có kể rằng Lodge yêu cầu đối xử với Cẩn đàng hoàng, đúng theo pháp luật, nhưng ngay việc Lodge giao sinh mạng của ông Cẩn cho những người vừa giết hai người anh của ông thì đủ hiểu trách nhiệm của đại sứ Lodge trong cái chết sau này của ông Cẩn như thế nào. Từ đây người ta cũng thấy rõ ra vai trò đích thực của Cabot Lodge, bàn tay của người Mỹ trong cái chết của Diệm – Nhu. Như vậy Lodge dính líu đến cả ba cái chết của ba anh em nhà Ngô.
Tôi vẫn nhớ thái độ của ông Cẩn trước tòa án rất ngạo mạn. Ông chẳng quan tâm gì đến diễn tiến phiên tòa, chẳng chú ý tới các lời buộc tội ông. Ông mặc bộ đồ bà ba lụa màu trắng, mắt nhắm nghiền như ngủ qua suốt các phiên xử; nhiều lúc còn có cử chỉ tỏ vẻ khinh khi các tướng tá đang ngồi xử mình. Có lẽ vì những tướng tá này đã từng khúm núm, xin xỏ hoặc chịu ơn mưa móc của ông trước đây. Các tướng tá, các công chức cao cấp ở Sài Gòn và các tỉnh phía Nam có địa vị quan trọng trong chính quyền họ Ngô mỗi năm đều phải kéo nhau ra Huế ít nhất hai lần: Một lần chúc Tết và một lần mừng sinh nhật ông Cố vấn. Nghe nói phần đông những người vào gặp ông Cẩn, khi trở ra đều đi thụt lùi! Ông tỏ ra coi khinh những người ngồi xử ông như thế. Và ông không có một phản ứng hay xúc động gì khi ông bị tòa tuyên án tử hình.
Với tư cách phóng viên báo Bình Minh, tôi có mặt tại khám Chí Hòa trong ngày hành quyết Ngô Đình Cẩn. Địa điểm thi hành án ở phía sau khám, nằm bên trong bức tường kiên cố. Cột hành quyết dựng tại một bãi đất trống thường ngày được sử dụng như sân bóng chuyền. Các nhà báo theo dõi cuộc hành quyết được sắp xếp đứng cách đó chứng 50 mét, gần một cái miếu.
Đúng giờ hành quyết, ông Cẩn xuất hiện từ một cửa nhỏ bên hông khám đường nhìn thẳng ra bãi đất trống, ông nằm trên một cái băng ca được bốn người khiêng. Nhiều ngày trước đó sức khỏe của ông suy sụp không phải vì sợ mà do bệnh tiểu đường trở nặng. Từ cửa hông này đến cột hành quyết khoảng 30 mét. Khi chiếc băng ca rời cửa hông được vài mét thì ông Cẩn cố gắng ngồi chồm dậy, đòi bước xuống đất. Lúc đầu các nhà báo không ai hiểu gì cả, có người vội vàng đoán ông Cẩn có cử chỉ hoảng hốt khi đối đầu với cái chết. Nhưng sau đó mới biết ông Cẩn muốn rời cái băng ca để tự mình đi đến cột hành quyết! Những người khiêng ông được lệnh dừng lại. Ông bước xuống một cách khó khăn. Vì quá yếu, ông không thể tự đi một mình, nên có hai người nách ông hai bên. Cảnh tượng thật bất ngờ và căng thẳng, khiến giới báo chí và những người có trách nhiệm theo dõi đều im bặt.
Sau khi bị trói chặt vào cột hành quyết và lúc sắp sửa bị bịt mắt bằng một băng vải đen thì ông ta phản ứng. Ông nhất định không để bịt mắt, muốn được nhìn tận mắt cuộc hành quyết mình. Nhưng những người thi hành án giải thích với ông rằng luật lệ không được phép cho họ làm khác. Người ta vẫn bịt mắt ông và một loạt súng kết liễu mạng sống của người thứ ba và là em út trong dòng họ Ngô từ sau cuộc đảo chính 1-11-1963.
Bài tường thuật của tôi nhấn mạnh hai điểm: Ông Cẩn không sợ cái chết và tỏ vẻ khinh khi những người xử ông tại tòa án. Tôi cũng có nói đến yếu tố tín ngưỡng – gia đình của ông Cẩn theo đạo Công giáo – đã giúp ông đón nhận cái chết một cách bình thản đáng kinh ngạc.
Bản án tử hình và cuộc hành quyết Ngô Đình Cẩn đã chứng minh cái chết của Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu trước đó cũng nằm trong chủ trương nhất quyết loại cả ba anh em từng nắm quyền sinh sát tại miền Nam. Thực tế chính trị của tình hình miền Nam lúc đó cho thấy nếu ba anh em họ Ngô vẫn sống thì trước sau gì họ cũng có cơ hội phục hồi quyền lực vì gia đình họ Ngô có hai thế lực rất lớn hỗ trợ: tòa thánh Vatican và hơn một triệu người Bắc di cư đang nắm những vị trí then chốt trong guồng máy nhà nước và quân đội, kể cả các điểm huyết mạch của kinh tế miền Nam.
Bị lật đổ ngày 1-11-1963, qua ngày hôm sau hai ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu chấp nhận đầu hàng phe đảo chính sau khi chạy khỏi dinh Gia Long và trốn tại Nhà thờ Cha Tam (Nhà thờ St Francis Xavier) ở Chợ Lớn. Nhưng sau đó cả hai đều bị bắn chết trên chiếc thiết vận xa M113 trên đường được áp tải về Tổng tham mưu (gần Tân Sơn Nhất). Theo John S. Bowman, chủ biên quyển “The Vietnam War day by day”, hai người trực tiếp giết hại ông Diệm và Nhu là thiếu ta Dương Hiếu Nghĩa và đại úy Nguyễn Văn Nhung, theo lệnh của trung tướng Dương Văn Minh, lúc đó đứng đầu phe đảo chính.
Nhà báo Mỹ Stanley Karnow, mà tôi đã từng gặp tại Sài Gòn trước năm 1975 khi ông phỏng vấn tôi, đã ghi lại trong quyển sách đoạt giải báo chí Pulitzer của ông (có tựa đề “Vietnam – A history”) ba cuộc trao đổi giữa ông Ngô Đình Diệm với trung tướng Trần Văn Đôn, một trong những tướng lãnh cầm đầu đảo chánh, và với ông Henry Cabot Lodge, đại sứ Mỹ tại Sài Gòn trước khi hai anh em họ Ngô bị giết như sau:
Dù dinh Gia Long đã bị phe đảo chánh bao vây, nhưng hai anh em vẫn còn bình tĩnh, nhất là ông Nhu vẫn tin rằng sẽ có một cuộc “phản – đảo chánh” mang mật hiệu Bravo 1 và Bravo 2 sẽ khai diễn và sẽ “bóp vỡ từ trong trứng” cuộc đảo chánh của phe tướng lãnh nổi loạn. Các kế hoạch Bravo 1 và Bravo 2 của ông Nhu được giao cho tướng Tôn Thất Đính, bấy giờ là Tổng trấn Sài Gòn – Gia Định, thực hiện. Tai họa cho hai anh em Diệm, Nhu là tướng Đính lại nằm trong nhóm tướng lãnh cầm đầu cuộc đảo chánh.
Lúc đầu, ông Diệm vẫn hy vọng rằng cuối cùng cuộc phản loạn này cũng kết thúc như cuộc đảo chánh bất thành ngày 11-11-1960. Ông đã chủ động gọi tướng Trần Văn Đôn.
Ông Diệm: Tướng lãnh các anh đang làm gì vậy?
Tướng Đôn: Thưa cụ, chúng tôi đã đề nghị với cụ nhiều lần rằng cụ cần cải cách chính sách theo nguyện vọng của nhân dân. Bây giờ đã đến lúc quân đội phải đáp lại nguyện vọng của nhân dân. Mong cụ hiểu chúng tôi.
Ông Diệm: Tại sao chúng ta không ngồi lại với nhau nói chuyện? Chúng ta sẽ bàn về cái mạnh và cái yếu của chế độ, và tìm ra con đường củng cố lại chế độ.
Tướng Đôn: Có lẽ đã quá trễ để bàn luận việc đó, thưa cụ.
Ông Diệm: Chưa bao giờ là trễ, do đó tôi mời tất cả các anh đến dinh cùng bàn vấn đề, vạch ra một giải pháp được cả đôi bên chấp nhận.
Tướng Đôn: Thưa cụ, tôi phải hỏi lại ý kiến những người khác xem sao.
Vào lúc 4 giờ 30 chiều 1-11-63, ông Diệm gọi điện thoại cho đại sứ Mỹ Cabot Lodge.
Ông Diệm: Một đơn vị quân đội làm loạn và tôi muốn biết thái độ của nước Mỹ ra sao.
C. Lodge: Tôi không nắm được thông tin đầy đủ về chuyện này để trả lời tổng thống. Tôi có nghe tiếng súng nổ nhưng không rõ các sự kiện xảy ra. Vả lại bây giờ là 4 giờ 30 sáng tại Washington, do đó chính phủ Mỹ không thể bày tỏ một quan điểm nào đó vào lúc này.
Ông Diệm: Nhưng ông phải có một số ý kiến rõ rệt chứ. Dù sao, tôi cũng là quốc trưởng. Tôi đã cố gắng làm tròn trách nhiệm của tôi. Tôi muốn hành xử vào lúc này điều mà trách nhiệm và ý thức đúng đắn đòi hỏi ở tôi. Tôi tin vào bổn phận của mình trước hết.
C. Lodge: Chắc chắn ngài đã làm đúng bổn phận của mình. Như tôi đã nói với ngài sáng nay thôi, tôi ngưỡng mộ sự dũng cảm và sự đóng góp to lớn của ngài cho đất nước của ngài. Không ai có thể phủ nhận những gì mà ngài đã làm. Nhưng bây giờ tôi âu lo cho sự an toàn thân thể của ngài. Tôi có một báo cáo cho biết những người chịu trách nhiệm tình hình hiện nay sẵn sàng cấp cho ngài và em của ngài giấy thông hành an toàn (safe-conduct) rời khỏi nước nếu ngài từ chức. Ngài có nghe nói về việc này?
Ông Diệm: Không (dừng một lúc) Ông có số điện thoại của tôi chứ.
C. Lodge: Vâng. Nếu ngài cần đến tôi liên quan đến vấn đề an toàn sinh mạng của ngài thì ngài hãy gọi tôi…
Ông Diệm: Tôi đang cố gắng thiết lập lại trật tự.
Đến 6 giờ 30 cùng ngày, ông Diệm gọi lại tướng Đôn, nhưng được tướng Đôn thông báo sự khước từ của phe lãnh đảo chánh. Họ đòi hỏi hai anh em ông Diệm phải rời khỏi nước. Ông Diệm đồng ý nhưng đặt một điều kiện: phe đảo chánh phải chấp nhận cho ông một “đặc ân”.
Ông Diệm: Tôi là một tổng thống dân cử của quốc gia. Tôi sẵn sàng từ chức công khai, và tôi cũng sẵn sàng rời khỏi nước. Nhưng tôi yêu cầu các ông dành cho tôi các nghi thức danh dự ra đi của một tổng thống.
Tướng Đôn: (Suy nghĩ một lúc) Thật sự, tôi phải nói rằng chúng tôi không thể thỏa mãn yêu cầu của cụ về điểm này.
Ông Diệm: Thôi được. Cảm ơn.
Có dư luận ở Sài Gòn cho rằng tướng Dương Văn Minh là người ra lệnh giết hai anh em ông Diệm. Nhiều nhà báo nước ngoài có mặt lúc đó cũng nghĩ như thế. Người được giao nhiệm vụ thực hiện lệnh kết liễu sự sống của hai ông Diệm và Nhu là tướng Mai Hữu Xuân, một người thân cận nhất của tướng Minh. Còn thiếu tá Dương Hiếu Nghĩa và đại úy Nguyễn Văn Nhung là hai người trực tiếp hạ sát ông Diệm và ông Nhu. Sau này có dịp làm việc gần gũi với ông Dương Văn Minh tại Dinh Hoa Lan, nhiều lần tôi có ý định hỏi thẳng ông chung quanh cái chết của hai anh em ông Diệm. Nhưng đây là điểm rất tế nhị trong cuộc đời chính trị của ông, chưa bao giờ ông đề cập trở lại chuyện này với bất cứ ai, nên tôi do dự không dám hỏi.
Làm việc với ông Minh, tôi nhận thấy ông là con người quyết đoán, không do dự trong các chọn lựa chính trị của mình, và khi đã chọn lựa thì nhất quyết đi đến cùng. Tuy nhiên có một chi tiết trong tường thuật của nhà báo Mỹ Stanley Karnow trong quyển Vietnam – A historymà tôi cho là hư cấu. Karnow kể rằng trước khi nhóm tướng tá (Mai Hữu Xuân, Dương Hiếu Nghĩa, Nguyễn Văn Nhung) rời bộ tổng tham mưu đi thực hiện lệnh kết liễu hai anh em ông Diệm, tướng Dương Văn Minh có đưa lên hai ngón tay hướng về những người này để ra hiệu giết cả hai! Cử chỉ của ông Minh được Stanley Karnow mô tả theo kiểu “cao bồi Mỹ” rõ ràng không đúng với bản chất và tính cách ông Minh mà tôi biết khá rõ.
Theo hồi ký của cựu tướng Đỗ Mậu của chính quyền Sài Gòn thì đã có một cuộc bàn luận giữa các tướng lãnh lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm mà người chủ trì là tướng Dương Văn Minh. Tướng Mậu có chứng kiến cuộc bàn luận quyết định số phận của Diệm – Nhu. Ông là người duy nhất không tán đồng giết hai anh em nhà Ngô.
Trở lại những ngày đầu tôi vào nghề sau bài phóng sự về cuộc hành quyết ông Ngô Đình Cẩn.
Ngày 29-10-1964, ông Trần Văn Hương, cựu giáo sư trường Collège Mỹ Tho, trước đây từng làm Đô trưởng Sài Gòn – Chợ Lớn, được Thượng Hội đồng quốc gia chỉ định làm thủ tướng (Thượng Hội đồng cũng chỉ định ông Phan Khắc Sửu làm Quốc trưởng). Tuy về mặt danh nghĩa chính Thượng Hội đồng gồm 17 thành viên dân sự chỉ định Quốc trưởng và Thủ tướng nhưng tất cả đều do bàn tay quyền lực của tướng Nguyễn Khánh đứng phía sau phù phép. Sau nhiều cuộc đảo chính hụt nhằm vào ông ta, Nguyễn Khánh lùi ra sau nhưng vẫn là người nắm quyền hành lúc bấy giờ. Đây là chính phủ thứ 7 được thành lập kể từ khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ. Sở dĩ tôi đề cập đến chính phủ Trần Văn Hương là vì dưới chính phủ này lần đầu tiên tôi được cấp giấy phép đứng tên chủ nhiệm một tờ báo hàng ngày! Lúc tôi mới 24 tuổi, chưa đủ tuổi theo luật định (25 tuổi) để đứng tên xuất bản một tờ báo. Nhưng Bộ Thông tin vẫn phải cấp giấy phép vì có sự can thiệp đặc biệt của chính Thủ tướng. Ông Thủ tướng Trần Văn Hương là thầy của cha tôi khi cha tôi còn học ở trường Collège Mỹ Tho. Số trí thức miền Nam là học trò của ông Hương lúc đó rất đông. Để hỗ trợ thầy cũ của mình trong cuộc tranh giành và củng cố quyền lực, các cựu học sinh Collège Mỹ Tho tập hợp trong một tổ chức ái hữu lúc đầu gồm riêng học sinh trường mình. Nhưng sau đó, tổ chức này mở rộng ra thành Hội Liên Trường, kết nạp cả cựu học sinh các trường như Collège Cần Thơ, Pétrus Ký và Chasseloup Laubat. Trong thực tế, đây là một tổ chức chính trị trá hình của một số trí thức miền Nam dựa vào lá bài Trần Văn Hương. Một số khá đông hội viên có khuynh hướng đố kỵ người Bắc di cư.
Trong bối cảnh đó, tôi được cha tôi khuyến khích xin ra tờ Sài Gòn Tân Văn. Chính vì vậy mà dù không đủ tuổi, tôi vẫn được cấp giấy phép. Tiền làm tờ báo, cha tôi bảo do cha tôi bỏ ra. Nhưng có khả năng do nhiều bạn bè của ông trong Hội Liên trường góp lại.
Quá khứ của ông Trần Văn Hương, khi tham chính lần đầu với chức vụ Đô trưởng Sài Gòn – Chợ lớn, đã được nhiều người truyền lại là trong sạch. Người ta kể mỗi ngày ông đi làm bằng xe đạp (do đó ông được mệnh danh “Đô trưởng xe đạp”). Là một người thầy của cha mình và lại là một chính khách có tiếng tăm tốt, ông Hương dễ dàng nhận được sự ủng hộ, thậm chí là sự ngưỡng mộ của một nhà báo vừa còn quá trẻ vừa non kinh nghiệm như tôi. Cuối tháng 1 -1965, sau ba tháng ngồi ghế Thủ tướng, ông Hương bị tướng Nguyễn Khánh và quân đội “hất” xuống, người thay ông là bác sĩ Phan Huy Quát. Phe quân đội đưa ông Hương ra Vũng Tàu, giam lỏng ông trong một biệt thự.
Tờ báo Sài Gòn Tân Văn của tôi sống lâu hơn chính phủ Trần Văn Hương chỉ đúng một tháng! Chính phủ Phan Huy Quát ngồi chưa “nóng đít” thì phải đối đầu với một cuộc binh biến ngày 19-2-1965. Một trong những sĩ quan cầm đầu phe quân đội đảo chính là đại tá Phạm Ngọc Thảo. Nhưng phe đảo chính đã không bắt được tướng Nguyễn Khánh như kế hoạch đề ra khi tấn công vào Tổng tham mưu. Nhờ sự tiếp tay của tướng Không quân Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Khánh (người thật sự nắm quyền lực) chạy thoát lên Đà Lạt. Chính phủ ông Quát sau hai ngày tan rã quay trở lại!
Tờ báo Sài Gòn Tân Văn của tôi là tờ báo duy nhất tiếp tục xuất bản trong hai ngày binh biến và Sài Gòn không có chính phủ; thêm nữa còn có bài tường thuật rõ Tổng trưởng Bộ Thông tin – thiếu tướng Linh Quang Viên – trốn phe đảo chính chui lên trần nhà và khi phe đảo chính vào nhà lục soát thì từ trên trần nhà ông rơi xuống đất, bị phe đảo chính tóm gọn. Phóng viên viết tin như thế, trong bối cảnh hỗn loạn lúc đó, thật khó kiểm tra thật hư thế nào. Lẽ đương nhiên khi chính phủ Phan Huy Quát giành lại chính quyền và tướng Viên trở lại Bộ Thông tin thì quyết định đầu tiên của ông ta là đóng cửa và thu hồi giấy phép xuất bản của tờSài Gòn Tân Văn. Lý do chính thức: tờ báo đã không nộp lưu chiểu khi phát hành trong hai ngày 19 và 20-2-1965. Thực tế dù có muốn tôn trọng luật báo chí, hai ngày đó cũng chẳng biết phải nộp lưu chiểu ở đâu vì cả Bộ Thông tin đều trốn biệt!
Nhớ lại kinh nghiệm đầu tiên làm chủ báo, tôi thấy mình còn non tay quá. Không phải riêng chuyện một mình phá rào ra báo trong hai ngày Sài Gòn không có chính phủ khiến cho tờ báo bị đóng cửa, mà ngay cả cách làm báo, tổ chức tờ báo, nói theo bây giờ là nghiệp vụ của tôi lúc đó còn rất sơ sài. Nội dung của tờ Sài Gòn Tân Văn chỉ có một mục đáng nhớ là bức tranh liên hoàn “Anh Tám Sạc Ne” xuất hiện hàng ngày trên trang nhất. Tác giả tranh liên hoàn này là nhà báo Cát Hữu. Ông từ Hà Nội vào Sài Gòn năm 1954 theo đợt sóng di cư. Tuy nhiên ông không nhập theo các nhà báo di cư chống cộng như Tô Văn, Chu Tử, Đặng Văn Sung, Nghiêm Xuân Thiện… Ông là một trong những nhà báo thế hệ cũ có bằng tú tài Pháp (Bachelier). Vào thời đó nhà báo có đỗ tú tài như Cát Hữu rất hiếm. Nghe đâu thời trẻ Cát Hữu đi kháng chiến chống Pháp và từng là thầy giáo Pháp văn của một đảng viên cộng sản cao cấp. Theo tôi, kể từ sau hai nhân vật hí họa Lý Toét – Xã Xệ, nhân vật Tám Sạc Ne của Cát Hữu là thành công nhất. Anh Tám Sạc Ne là một phu đạp xích lô, mang râu cá chốt, nhậu ba xi đế và bàn chuyện thế sự một cách thâm thúy! Dù tác giả là người Bắc nhưng nhân vật Tám Sạc Ne chính cống Nam Bộ, Sạc Ne là tên một con đường chính – Boulevard Charner – ở trung tâm Sài Gòn (đường Nguyễn Huệ bây giờ), thời trước chưa cấm xe xích lô đạp.
Cát Hữu để sẵn tại tòa soạn một bình mực tàu, một cây viết ngòi lá tre, mỗi sáng đến lấy một mảnh giấy trắng đâu đó và thực hiện tranh của ông không quá 15 phút. Vẽ xong, ông xẹt qua tiệm hút thuốc phiện cuối đường Phạm Ngũ Lão làm vài điếu. Nhà báo Tam Đức, thư ký tòa soạn của báo tôi cũng thế, xẹt qua tiệm hút sáng một cữ, chiều một cữ. Khi còn là phóng viên tập sự, được tòa soạn giao nhiệm vụ đến tiệm hút lấy bài của các ký giả đàn anh, nhiều lần tôi được các bác, các chú khuyến khích làm thử một điếu “để viết bài thêm bay bổng”. Nhưng tôi luôn lễ phép từ chối mặc dù thời đó nhiều nhà báo lớn đều làm bạn với ả phù tiên!
Dù tờ báo Sài Gòn Tân Văn không phải là một thành công nghề nghiệp đối với tôi, nhưng mặt nào đó, tờ báo đã cung cấp cho tôi một “mảnh đất” đầu tiên hết sức quí giá để đi sâu vào cái nghề mà chỉ có thực tiễn mới dạy cho mình những bài học sâu sắc nhất. Mặt khác, tờSài Gòn Tân Văn cũng chỉ ra cho tôi thực tế đầu tiên gắn báo chí với đấu tranh xã hội và dân chủ. Từ tờ báo Sài Gòn Tân Văn cho đến mãi sau này, tôi luôn coi nghề báo không thể tách rời các cuộc đấu tranh cải tiến xã hội, bảo vệ dân chủ và lẽ phải. Một nhà báo dứt khoát phải là một trí thức dấn thân.
Tờ Sài Gòn Tân Văn có khoảng 7 – 8 ngàn độc giả. Vấn đề tích cực nhất lúc đó được đặt ra trên mặt báo Sài Gòn Tân Văn là vận động dư luận áp lực với chính phủ Sài Gòn thành lập một trường Đại học ở miền Tây. Tôi viết một loạt bài tố cáo chính phủ Sài Gòn cố tình không mở trường Đại học ở miền Tây với ý đồ duy trì vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong tình trạng lạc hậu về chính trị và dân trí để dễ dàng cai trị. Vào thời điểm này, một số trí thức như giáo sư Lý Chánh Trung, nhà kinh tế Nguyễn Văn Hảo, giáo sự Phạm Hoàng Hộ, kỹ sư Võ Long Triều, anh Hồ Ngọc Nhuận, giáo sư Châu Tâm Luân cũng lên tiếng trên báo chí và tổ chức nhiều cuộc hội thảo để tăng áp lực đối với chính phủ Sài Gòn thành lập Đại học miền Tây. Tôi cũng có dịp xuống tận Cần Thơ tham gia một số cuộc hội thảo. Cuộc vận động này cuối cùng đạt kết quả khi nhận được sự đồng tình của thiếu tướng không quân Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ tịch Ủy ban hành pháp trung ương, một chức danh cầu kỳ tương đương với Thủ tướng. Khi nắm quyền thủ tướng, ông Kỳ nhanh chóng nhận ra đây là chỗ có thể thu phục cảm tình của trí thức miền Nam, cân bằng lại dư luận phần đông cho rằng chính phủ Kỳ nghiêng về người Bắc di cư và chèn ép người Nam. Người bị tố cáo có chủ trương kỳ thị là đại tá Nguyễn Ngọc Loan, tổng giám đốc cảnh sát, cánh tay mặt của Nguyễn Cao Kỳ.
Cuộc đấu tranh thành lập Đại học miền Tây là cuộc dấn thân đầu tiên của tôi vào một hoạt động xã hội – chính trị ngoài báo chí. Chỗ đứng tự nhiên của tôi, ngay từ lúc đó trong làng báo là đối nghịch với chính quyền. Phải chăng do tôi đã từng ủng hộ ông Trần Văn Hương rồi ông bị truất quyền nên tôi chọn thái độ đối lập lại các chính phủ kế tiếp? Không hẳn thế. Câu trả lời ở một lẽ khác: Không khí ở Sài Gòn những năm đó rất dị ứng với các chính phủ do các tướng lãnh quân đội dựng lên. Tướng tá Sài Gòn hầu hết nằm trong tay người Mỹ, phần nhiều lại tham nhũng, tất nhiên không được lòng dân. Thái độ ngạo mạn của các viên chức và tướng tá Mỹ đối với những người Việt Nam hợp tác với họ càng làm cho chính quyền Sài Gòn càng mất uy tín. Báo chí đối lập (đôi khi cả báo chí theo chính quyền) mỉa mai gọi các đại sứ Mỹ là “quan thái thú”, “quan toàn quyền”. Hình ảnh đại sứ Mỹ Henry Cabot Lodge (thời chế độ Ngô Đình Diệm) mặc áo dài khăn đóng chẳng những không làm cho ông gần được với người dân Sài Gòn mà trái lại bị coi như một minh họa đậm nét về vai trò “quan thái thú” thật sự của ông ta. Các tuyên bố của Nguyễn Khánh, Nguyễn Cao Kỳ đòi oanh tạc miền Bắc đều gặp sự phản ứng gay gắt ngay cả trong thành phần người Sài Gòn bình thường không thiên cộng.
Trong không khí và bối cảnh ấy, đối nghịch lại chính quyền Sài Gòn cũng là thái độ hiển nhiên đối với nhiều người ở miền Nam, trong đó có tôi. Nhưng đi xa hơn nữa, chọn cho mình một thái độ chính trị dứt khoát trên bình diện toàn cục của cuộc chiến ở Việt Nam, đối với một thanh niên như tôi, vừa bước vào đời khá đơn độc sau thời gian dài bị “nhốt” trong các trường nội trú, quả thật là khó. Tôi tiến tới từng bước, mò mẫm, quan sát, tìm hiểu, lúc đúng lúc sai phải tự điều chỉnh rồi lại bước tới. Một quá trình hết sức gian nan nhưng cũng hết sức hứng thú vì lúc đó động cơ chi phối các hành động và thái độ chính trị của tôi đều xuất phát từ lòng yêu nước rất hồn nhiên, từ ý muốn được đứng về phía đa số nhân dân, không bị người dân coi mình là “tay sai Mỹ” hay “gia nô” của một chính quyền không được lòng dân.
Sau khi tờ Sài Gòn Tân Văn bị đóng cửa, tôi trở lại làm tổng thư ký tòa soạn cho tờ Bình Minh của ông Võ Văn Ứng, lúc này tờ báo không còn ra hàng ngày nữa mà chỉ ra hàng tuần.
Sau cuộc đảo chính hụt ngày 19-20 tháng 2-1965, qua ngày 21-2, Nguyễn Khánh bị Hội đồng Quân lực do hai tướng Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ chi phối, truất quyền và buộc lưu vong với danh nghĩa “đại sứ lưu động”. Một thời kỳ quyền lực mới xuất hiện với sự nổi lên của hai nhân vật rất khác nhau về tánh tình, luôn ngấm ngầm kình chống nhau và tìm cách loại bỏ nhau nhưng vẫn phải dựa vào nhau để tồn tại cho đến khi nào Washington quyết định chọn một!
Chính vào thời điểm này, đại sứ Mỹ Maxwell Taylor thông báo cho Thủ tướng Phan Huy Quát biết Mỹ đang chuẩn bị 3500 thủy quân lục chiến đầu tiên trực tiếp tham chiến tại miền Nam. Nhưng ba ngày sau, Sứ quán Mỹ tại Sài Gòn đưa ra “đề nghị” buộc chính phủ Quát phải ra tuyên bố “yêu cầu” chính phủ Mỹ gửi thủy quân lục chiến sang Việt Nam. Dĩ nhiên lời “yêu cầu” của chính phủ Quát trước khi công bố đã được Hội đồng Quân lực, mà Chủ tịch là trung tướng Nguyễn Văn Thiệu thông qua, mặc dù trên danh nghĩa người lãnh đạo cao nhất lúc đó vẫn còn là quốc trưởng Phan Khắc Sửu! Ngày 8-3-1965, các đơn vị thủy quân lục chiến đầu tiên thuộc Lữ đoàn 9 thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ lên bãi biển Đà Nẵng. Sau này trong hồi ký của mình, ông Bùi Diễm lúc đó là cố vấn của thủ tướng Quát có kể lại rằng thái độ ban đầu của ông Quát là không tán đồng đề nghị của Mỹ đưa quân tham chiến trực tiếp ở miền Nam. Ông Quát cho rằng sự hiện diện của quân đội Mỹ sẽ không thuận lợi cho cuộc chiến chống Cộng của người Việt Nam. Tôi không có điều kiện để phối kiểm lại điều tiết lộ này của ông Bùi Diễm. Nhưng một thủ tướng Sài Gòn chống lại một chiến lược lớn của Mỹ ở Việt Nam và Đông Nam Á là điều không tưởng. Các cuộc xung đột giữa Công giáo và Phật giáo trên đường phố Sài Gòn không được quân đội vãn hồi trật tự, trái lại nhắm mắt làm ngơ. Người ta hiểu đã đến lúc quân đội có ý định “cất” chính quyền dân sự theo ý muốn của Washington để phục vụ cho đường lối tham chiến trực tiếp của Mỹ tại Việt Nam. Cuộc xung đột giữa ông Phan Khắc Sửu đóng vai trò quốc trưởng với thủ tướng Quát chỉ thêm một cái cớ để lật đổ chính phủ dân sự lúc này.
Ngày 19-6-1965, thiếu tướng không quân Nguyễn Cao Kỳ được Hội đồng Quân lực bổ nhiệm vào chức vụ Chủ tịch Ủy ban hành pháp trung ương, tương đương chức vụ thủ tướng. Còn Nguyễn Văn Thiệu là Chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia, tương đương Quốc trưởng.
Lúc này tình hình chính trị ở Sài Gòn rất rối ren, đặc biệt các cuộc xung đột giữa Công giáo và Phật giáo. Mặt khác chính quyền Sài Gòn hầu như mất sự kiểm soát miền Trung nằm trong ảnh hưởng của trung tướng Nguyễn Chánh Thi. Nguyễn Văn Thiệu khôn khéo núp sau “vai trò tượng trưng” Chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia, đẩy Nguyễn Cao Kỳ ra phía trước nhận trách nhiệm giải quyết tất cả các thứ rối ren. Thiệu nghĩ rằng Kỳ sẽ tiêu ma uy tín và lún lầy trong tình hình trước mắt. Vậy là ông ta không cần ra tay cũng loại được Kỳ.

CHƯƠNG 3: CHUYẾN XUẤT NGOẠI ĐẦU TIÊN VỚI TƯ CÁCH NHÀ BÁO


Quyền hành vô tay, Nguyễn Cao Kỳ hành xử một cách hết sức mạnh bạo. Lúc này các tướng lãnh thế hệ trước, có ảnh hưởng ngay sau ngày đảo chính chế độ Diệm đã lần lượt bị loại ra khỏi sân khấu chính trị miền Nam. Trước khi tướng Nguyễn Khánh đi làm “đại sứ lưu động”, thật sự là lưu vong tại Mỹ, thì trung tướng Trần Thiện Khiêm ngày 4-10-1964 cũng đã lên đường thực hiện “chuyến viếng thăm thiện chí” một số nước châu Á vô thời hạn (ông bắt đầu cuộc sống lưu vong khá dài hạn tại Đài Loan). Ban lãnh đạo “Tam đầu chế” do Nguyễn Khánh dựng lên cuối tháng 8 -1964 gồm ông ta, tướng Khiêm và tướng Dương Văn Minh chỉ tồn tại ngắn ngủi. Sau Nguyễn Khánh và Trần Thiện Khiêm, đến lượt tướng Dương Văn Minh bắt buộc rời Sài Gòn và sống lưu vong tại Thái Lan.
Nhân vật Nguyễn Cao Kỳ lúc đầu được người Mỹ xem như một nhân vật lãnh đạo trẻ và triển vọng trong nhóm tướng tá mà báo chí Mỹ và Pháp gọi là “Les jeunes Turcs” (Lực lượng trẻ đang lên). Nhưng sau đó tướng Kỳ mất dần sự tự tin tưởng của Tòa Bạch Ốc. Nguyễn Cao Kỳ ăn nói bộc trực và khá bạt mạng. Với những ai có cơ hội gần gũi ông, có thể nhận ra khía cạnh thẳng thắn trong con người của ông. Nhưng so sánh với Nguyễn Văn Thiệu bình tĩnh, tính toán và nhiều mưu mô, Nguyễn Cao Kỳ bị người Mỹ đánh giá là hời hợt và bốc đồng trong các tuyên bố và hành động. Ông dễ để lộ ra nhiều sơ hở cho đối thủ khai thác. Nguyễn Văn Thiệu là tướng làm chính trị, có một đời sống kín đáo hơn, ăn nói kỹ lưỡng từng lời, còn Nguyễn Cao Kỳ vừa võ biền lại “nặng phần trình diễn”. Mỹ nhận ra họ khó “nắm” Kỳ hơn Thiệu. Với Kỳ, họ phải đối đầu trước nhiều bất trắc hơn. Chính vì vậy cuối cùng Mỹ chọn Nguyễn Văn Thiệu đưa vào vai trò tổng thống chứ không phải Nguyễn Cao Kỳ. Đó là một mối hận không bao giờ phai của Kỳ đối với người Mỹ.
Tôi có một số lần gặp cả hai người nhưng không đi xa hơn mối quan hệ công khai và chính thức giữa một nhà báo và sau đó một dân biểu Quốc hội với những người đang nắm quyền. Riêng Nguyễn Cao Kỳ, khi ông không còn chức vụ nào nữa, hoàn toàn bị Mỹ và Nguyễn Văn Thiệu loại ra khỏi guồng máy quyền lực, tôi có dịp gặp lại ông một cách tình cờ một buổi trưa (năm 1974) tại CLB Xẹc Tây, tức CSS (Cercle Sportif Saigonnais, nay là Cung Văn hóa Lao Động). Lúc đó tôi đang chơi tennis ở sân số 1. Ông Kỳ vào Xẹc cũng với ý định đánh tennis. Chính ông Kỳ gợi ý với tôi đấu một set. Ông Kỳ chơi quần vợt trước tôi khá lâu; tôi chỉ bắt đầu tập đánh từ năm 1971 tại CLB CSV (Cercle Sportif Vietnamien, nay là CLB Hồ Xuân Hương). Trận đấu thách thức ấy có cá độ, tôi thắng với tỷ số 6-3. Ông vui vẻ ra lệnh cho các đàn em không quân bắt độ theo ông gom tiền thanh toán trận thua ấy.
Trở lại giai đoạn Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ tịch Ủy ban hành pháp (thủ tướng) có lắm chuyện để kể khi ông mới nhậm chức. Chính phủ Kỳ là chính phủ duy nhất tại Sài Gòn đã ra quyết định đóng cửa tất cả các báo ngày (lúc đó Sài Gòn có khoảng 40 tờ báo ngày). Đây là lần đầu tiên Sài Gòn trải qua những ngày không có báo!
… Khi Kỳ cho báo chí xuất bản lại thì chỉ có 12 tờ được cấp phép. Ông Kỳ hô hào “thắt lưng buộc bụng” và chống tham nhũng nhưng đàn em của Kỳ nắm ty cảnh sát ở các quận Sài Gòn – Chợ Lớn là những con cá mập hối lộ và tham nhũng. Mặc dù thế, tướng Kỳ vẫn muốn mình nổi bật trong vai trò chống tham nhũng. Ông đã chọn một mục tiêu cho ý đồ của mình: đó là Tạ Vinh, một doanh nghiệp người Hoa giàu có nổi tiếng ở Chợ Lớn. Theo chính phủ của Kỳ thì Tạ Vinh phạm tội ăn gian sắt thép ở một công trình xây dựng cho quân đội Mỹ mà Tạ Vinh đã trúng thầu. Sắt thép ăn bớt này được Tạ Vinh tuồn ra chợ đen.
Một “pháp trường cát” dựng tại bờ tường trụ sở hỏa xa, nằm bên hông bùng binh chợ Sài Gòn được chính phủ Kỳ quảng cáo như một biểu tượng chống tham nhũng. Chính tại đây Tạ Vinh bị đem ra hành quyết.
Tướng Kỳ chống tham nhũng nhưng mỉa mai thay, ông lại bị chính báo chí Mỹ tố cáo nằm trong danh sách các tướng tá Sài Gòn trước 1975 có tham gia vào buôn bán ma túy. Để thanh minh dư luận tố giác này, trong cuốn hồi ký mới nhất của mình (Buddha’s Child – Đứa con cầu tự), ông Kỳ kể rằng ông có một người chị ruột lớn hơn ông 10 tuổi, một “con cừu ghẻ” trong gia đình, tên là Nguyễn Thị Lý, rời Việt Nam sang sống tại Lào từ sau Thế chiến thứ hai. Tại đây, Thị Lý trở thành một tay buôn bán ma túy”. Ông Kỳ nói: “Chính do người chị này mà có dư luận cho rằng Thị Lý và tôi cùng hợp tác buôn bán ma túy”. Ông Kỳ kể tiếp rằng trong thời kỳ ông làm thủ tướng, chị ông có trở về Sài Gòn và đại tá Nguyễn Ngọc Loan, tổng giám đốc cảnh sát, nắm được tin này đã tìm đến phòng trọ của Thị Lý để kiểm tra, lục xét, nhưng không thấy gì! Có một thực tế là trái ngược với nhiều tướng lãnh Sài Gòn giàu có khi di tản ra nước ngoài, tướng Kỳ trải qua một cuộc sống thường thiếu thốn tiền bạc… Nhưng, điều đó có đủ chứng minh sự trong sạch của ông chăng?
Đầu tháng 10-1965, giám đốc Sở báo chí của Bộ thông tin là Hoàng Nguyên cho tôi biết trong danh sách các nhà báo được mời tham gia chuyến thăm chính thức sắp tới của Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương đến Đại Hàn (tức Nam Triều Tiên) có tên tôi. Chuyến viếng thăm này của Nguyễn Cao Kỳ nằm trong cuộc vận động của chính phủ Sài Gòn tìm kiếm sự ủng hộ của các nước đồng minh trong khu vực.
Chưa bao giờ đi ra nước ngoài, cơ hội này đối với tôi thật hấp dẫn. Tôi có hỏi giám đốc báo chí Bộ Thông tin tại sao tôi được chọn vào danh sách này và được ông ta tiết lộ hết sức bất ngờ: Thủ tướng Kỳ bảo Nha báo chí phải mời “cái anh ký giả Nguyễn Lý hay viết bài chống tôi”. Lúc đó tôi ký bút danh Nguyễn Lý trên các bài xã luận và phóng sự của mình trên tờ Bình Minh và thường chỉ trích chính phủ Kỳ. Bút danh Nguyễn Lý kết hợp họ của tôi và họ của vợ tôi.
Nhưng ngay lập tức tôi sực nhớ mình đang trong tình trạng “không hợp lệ quân dịch”! Lúc ấy lệnh gọi quân dịch còn đích danh từng người. Một buổi trưa đầu năm 1965, tôi ngồi trước sân nhà của cha mẹ tôi ở đường Nguyễn Minh Chiếu (nay là Nguyễn Trọng Tuyển) thì có một người đến tìm gặp Lý Quý Chung. Tôi hỏi lại có việc gì không và được trả lời “Có lệnh gọi Lý Quý Chung nhập ngũ”. Dĩ nhiên tôi nói rằng Lý Quý Chung không có ở nhà và từ chối nhận giấy triệu tập! Thế là từ đó tôi bị liệt vào thành phần “không hợp lệ tình trạng quân dịch”, tức trốn lính. Khi tôi vào Học viện Quốc gia hành chánh (1963), tôi được hưởng quyền miễn quân dịch trong suốt thời gian theo học tại đây. Nhưng qua năm 1964 nghỉ học, đương nhiên tôi sẽ bị gọi nhập ngũ năm 1965! Trong năm 1965, tôi vẫn sử dụng tấm thẻ sinh viên màu vàng 3 sọc đỏ của HVQGHC để đối phó với các cuộc chận xét bắt quân dịch trên đường phố. Lá bùa hộ mệnh ấy không còn hiệu quả nữa khi bước vào năm 1996. Về mặt giấy tờ chính thức, hồ sơ ở quân đội và cảnh sát, thì tên tôi bất hợp pháp ngay từ đầu năm 1965. Do đó vào thời điểm tôi được ghi tên vào danh sách ký giả đi Nam Triều Tiên (tháng 10 -1965) trên nguyên tắc tôi không thể lọt qua khâu làm thủ tục ở Tổng Nha Cảnh sát Đô thành. Lúc đầu vì sợ lộ chuyện trốn quân địch, tôi có ý định bỏ cuộc. Nhưng sau đó tôi dò hỏi và biết được các ký giả tháp tùng theo thủ tướng sẽ được cấp thông hành công vụ, có nghĩa làm thẳng thủ tục ở Bộ Ngoại giao chứ không qua Tổng nha Cảnh sát. Như thế có khả năng tôi không bị lộ.
Chuyến đi Nam Triều Tiên là chuyến xuất ngoại đầu tiên trong cuộc đời tôi. Nhưng đó cũng là một chuyến xuất ngoại nhớ đời. Phái đoàn chính phủ Việt Nam Cộng hòa viếng thăm chính thức Nam Triều Tiên theo lời mời của thủ tướng nước này. Tháp tùng đoàn có phó thủ tướng (tướng Nguyễn Hữu Có) và các phu nhân cùng một số thành viên nội các. Điều không thể tưởng tượng về chuyến đi này là: Một phái đoàn cấp cao quốc gia nhưng đi đứng rất tự do và vô trật tự. Các sĩ quan đi theo “phò” chủ tướng Nguyễn Cao Kỳ đều thuộc binh chủng không quân, bạn bè thân thiết cũ hoặc đàn em tâm phúc của ông ta cho nên bất kể vấn đề tôn ti trật tự trong đoàn.
Khi chiếc Caravelle vừa rời khỏi sân bay Tân Sơn Nhất một lúc thì đoàn tháp tùng ngồi phía sau máy bay gần ngay một dòng sòng bài bửu chơi bằng đô la Mỹ. Có lúc phu nhân của Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ - bà Đặng Tuyết Mai cũng rời phòng VIP tham gia cuộc vui một cách rất tự nhiên. Các sĩ quan không quân cao cấp đều là bạn của hai vợ chồng bà. Nhưng cứ ra một lúc thì bà Kỳ lại bị ông Kỳ gọi vào! Phải nhìn nhận rằng ông Nguyễn Cao Kỳ khi trở thành Thủ tướng rất ít thay đổi trong đối xử với bạn bè cũ của ông thời hàn vi.
Tôi cũng được mời tham gia sòng bạc lưu động trên cao mấy ngàn mét ấy. Tôi chỉ mang theo khoảng 250 USD, do vợ gom góp từ đủ thứ tiền, kể cả mượn của cha mẹ. Thế mà khi máy bay còn 25 phút đến Hán Thành (tức Seoul) thì tôi chỉ còn vỏn vẹn 30 USD! Tôi chuẩn bị tinh thần tham quan Đại Hàn một cách lành mạnh và khắc khổ. Nhưng may mắn đã trở lại với tôi. Khi còn 10 phút nữa máy bay đáp xuống Seoul, tôi thắng lại gần đủ số tiền đã thua.
Trong những ngày viếng thăm chính thức Nam Triều Tiên của phái đoàn chính phủ Sài Gòn, người được báo chí và dư luận nước này chú ý không phải là nhân vật chính Nguyễn Cao Kỳ mà là vợ của ông. Tôi còn nhớ hình ảnh bà Kỳ mặc chiếc áo dài màu xanh “turquois” (ngọc lam) đứng bên cạnh chồng tại sứ quán Sài Gòn ở Seoul trong cuộc tiếp tân chính thức đẹp làm sao! Không đề cập các mặt khác, nói về sắc đẹp, bà Tuyết Mai là một hoa khôi (trước khi trở thành vợ của Nguyễn Cao Kỳ, bà đã là một hoa khôi trong hàng ngũ nữ tiếp viên hàng không Air Việt Nam). Tuy nhiên sắc đẹp của bà không được người dân Sài Gòn và miền Nam ngắm nhìn một cách bình thường và thiện cảm. Bà Tuyết Mai không can thiệp vào các công việc của chồng và cũng không bị tai tiếng hối lộ tham nhũng như các bà vợ tướng tá khác. Nhưng cách bà xuất hiện – có lẽ theo ý chồng – như một siêu người mẫu hay một diễn viên điện ảnh, trước công chúng giữa lúc đất nước chìm trong khói lửa đã gây nên sự dị ứng, thậm chí gây “sốc” đối với số đông. Hình ảnh bà Kỳ từng mặc bộ đồ phi công, quần áo liền nhau, màu vàng nghệ chói lọi như một thứ thời trang cao cấp đi bên cạnh chồng cũng ăn mặc như thế, không được người dân Sài Gòn chấp nhận.
Trong chuyến đi Nam Triều Tiên, có một sự việc liên quan giữa ông Kỳ và tôi mà đến bây giờ tôi vẫn không quên: khi quân đội Mỹ đưa toàn chính phủ Sài Gòn tham quan bằng trực thăng một điểm cao ở khu vực Bàn Môn Điếm (sát ranh giới Nam – Bắc Triều Tiên), thời tiết ở đây lạnh dưới 0 độ, nhưng tôi chỉ mặc một áo len bên trong và một áo vét bên ngoài, do đó không đủ để chống lại cái rét dữ dội. Lúc mọi người dừng lại trước một lều đóng quân của Mỹ để uống trà ngoài trời, hai hàm răng của tôi đánh lập cập thành tiếng không sao kềm lại được. Tướng Nguyễn Cao Kỳ đứng cách tôi chừng hai mét đột nhiên quay lại hỏi tôi: “Nhà báo không mang theo pardessus à?”. Tôi trả lời: “Thưa không”. Trước khi đi tôi vẫn nghĩ Nam Triều Tiên lạnh cũng ngang Đà Lạt mà thôi! Ông Kỳ lại quay sang nói với viên sĩ quan tùy viên của mình: “Cậu hãy lấy cái pardessus dư của tôi cho nhà báo mặc”. Tôi hết sức bất ngờ. Lúc đó tôi chỉ là một nhà báo mới vào nghề vô danh. Chắc chắn ông Nguyễn Văn Thiệu sẽ không có một cử chỉ như thế. Nhưng cũng cần hiểu thêm con người của Kỳ đầy những mâu thuẫn: sự chân thành chen lẫn với những cuộc trình diễn kiểu diễn viên kịch; một mặt muốn sắm vai người hùng kiểu Lương Sơn Bạc nhưng cách nói năng đao to búa lớn và kiểu ăn mặc lập dị lại tạo cho ông một hình ảnh không nghiêm túc. Ông đã tự chế cho mình một kiểu áo mặc riêng, nửa lai Ấn Độ nửa lai Trung Quốc thời Mao Trạch Đông! Ngày 15-7-1965, trong một lúc cao hứng Nguyễn Cao Kỳ tuyên bố với một tờ báo tiếng Anh rằng một trong những “thần tượng” của ông là Adolf Hilter, tên độc tài Đức quốc xã bị cả thế giới nguyền rủa! Nhưng sau đó ông gặp sự phản ứng kịch liệt trong nước và quốc tế, ông Kỳ đã nói lại là ông chỉ ngưỡng mộ Hilter ở cách Hilter đoàn kết được dân tộc Đức!
Hãy trở lại chuyến đi có lắm chuyện để kể của phái đoàn chính phủ Nguyễn Cao Kỳ tại Nam Triều Tiên. Sau mấy ngày viếng thăm chính thức, đoàn chuẩn bị sáng hôm sau lên đường trở về nước. Nhưng chiều tối trước khi giã từ Seoul, một số sĩ quan cao cấp thân thuộc của ông Kỳ đã tìm gặp bà Kỳ “đề đạt nguyện vọng của nhiều người trong đoàn” muốn ở lại Seoul thêm một ngày để có thời gian “shopping”. Từ “shopping”, tôi được nghe lần đầu đời mình trong dịp này. Ông Kỳ tán đồng ngay. Sáng hôm sau thủ tướng Nam Triều Tiên đến khách sạn Chosun cổ kính với mục đích tiễn đưa đoàn của Thủ tướng Sài Gòn về nước đành ra về và hôm sau phải tiễn lại. Tại Sài Gòn, việc phái đoàn Nguyễn Cao Kỳ ở lại Seoul thêm một ngày không thông báo kịp đến các đoàn ngoại giao nên phòng VIP ở sân bay Tân Sơn Nhất đầy nghẹt các đại sứ ra đón phái đoàn theo đúng thủ tục ngoại giao. Vợ tôi cũng ra đón hụt! Chẳng ai hiểu chuyện gì đã xảy ra bên Seoul.
Đi shopping ở Seoul, tôi mua ít trà sâm và một cái đồng hồ hiệu Seiko lúc đó rất mốt. Chiếc đồng hồ này sẽ có riêng một “lịch sử” của nó.
Đoàn rời Seoul đúng ngày lễ Song thập của Đài Loan. Tôi nhớ rất rõ ngày này vì rằng khi máy bay sắp sửa vào không phận Đài Loan trên đường về Sài Gòn, ở khoang sau nhóm sĩ quan tùy tùng lại “kiến nghị” với bà Kỳ đoàn nên đáp xuống Taipei chơi, vì hôm nay là lễ Song thập (tức Quốc Khánh) của Đài Loan. Bà Kỳ thấy có lý và vào phòng VIP năn nỉ chồng. Khoảng một phút sau, ông Kỳ xuất hiện trước cửa phòng VIP và thông báo với đoàn: “Đoàn ta sẽ dừng lại Taipei một hôm”. Thế là tại Sài Gòn, các đoàn ngoại giao có mặt tại phi trường Tân Sơn Nhất lại lũ lượt kéo nhau ra về một lần nữa vì thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ lại dời ngày về. Và vợ tôi lại đón tôi hụt lần thứ hai.
Tại Taipei, khi được phái đoàn thủ tướng Việt Nam Cộng hòa thông báo từ trên máy bay cuộc viếng thăm đầy bất ngờ, chính phủ Đài Loan không thể không lúng túng. Vì đúng vào ngày lễ lớn của mình, Đài Loan không còn chỗ trong các khách sạn sang trọng để đón khách ở hàng quốc gia. Rốt cuộc họ đã phải khẩn trương dồn khách ở một số khách sạn để dành chỗ cho đoàn của chính phủ Sài Gòn! Thật không thể tưởng tượng phái đoàn của một chính phủ lại có thể bất chợt ghé nơi này nơi khác như một tay du lịch ba- lô.
Chưa hết. Sáng hôm sau các đoàn ngoại giao Sài Gòn lại được thông báo dời ngày đón thủ tướng lần thứ ba vì rằng khi cả đoàn đã ngồi vào máy bay chuẩn bị rời phi trường Taipei thì phát hiện chiếc Caravelle bị trục trặc bộ phận xăng. May mà sự cố này được phát hiện kịp thời nếu không thì không biết chuyện gì xảy ra!
Máy bay phải cần một ngày để sửa chữa. Thế là đại diện chính phủ Đài Loan lại phải rước trở đoàn vào thành phố Taipei và lại dồn khách của họ lần nữa để có chỗ dành cho đoàn của ông Kỳ tá túc thêm một đêm. Sáng hôm sau, máy bay sửa chữa xong, đoàn mới về đến Sài Gòn.
Chuyến đi ra nước ngoài lần đầu của tôi là như thế và đây cũng là dịp đầu tiên tôi tiếp cận với ông Nguyễn Cao Kỳ. Cuộc tiếp cận này để lại trong tôi một kỷ niệm khó quên vì cử chỉ đẹp của ông nhưng mặt khác lại là một sự thất vọng lớn đối với một nhân vật đang là đại diện một chính phủ.
Với tôi và nhiều người Sài Gòn lúc đó vẫn tiếp tục ảo tưởng vào ông Trần Văn Hương để có một chính phủ đại diện miền Nam một cách đàng hoàng. Một số người cho rằng ông Hương sở dĩ không làm được việc ở cương vị thủ tướng (cuối năm 1964) là do sự cố tình gây khó khăn của tướng Nguyễn Khánh. Nhiều người trí thức miền Nam coi ông Hương là một nhân vật trong sạch, ngay thẳng, không màng danh lợi. Dù ông Hương đã bị Nguyễn Khánh lật đổ và quản thúc trong một biệt thự tại Vũng Tàu, nhưng các học trò của ông trong Hội Liên Trường vẫn nuôi hi vọng đưa ông trở lại chính trường. Tôi cũng nghĩ không có một lựa chọn nào khác. Từ Nam Triều Tiên trở về, tôi cùng một người bạn đi ra Vũng Tàu tìm cách thăm ông. Tôi mang biếu cho ông những gòi trà sâm mua từ Seoul và nhân dịp này cảm ơn ông đã tạo điều kiện cho tôi xuất bản tờ Sài Gòn Tân Văn (đã bị chính phủ Phan Huy Quát đóng cửa). Lần tiếp xúc đầu tiên ấy với ông Hương gây cho tôi một ấn tượng mạnh mẽ. Ông có một nghệ thuật chinh phục người đối diện một cách khá dễ dàng. Giọng nói Nam Bộ của ông mộc mạc, thân tình. Đối nghịch lại thân hình cục mịch và một cái bụng rất to, nặng nề như một con gấu là những cử chỉ nhỏ nhẹ, tình cảm và một nụ cười rất hiền lành. Trong khi nói chuyện thỉnh thoảng ông phải hỏi lại vì nghe không rõ. Ông cho biết ông bị bệnh lãng tai sau thời gian bị Tây (Pháp) bắt nhốt khi ông hoạt động chống Pháp. Về cái bệnh lãng tai của ông Hương, mãi sau này tôi mới khám phá ra rằng tai ông bị nghễnh ngãng một cách có chọn lọc: ông nghe rất bình thường nếu câu chuyện chẳng có gì làm ông bất bình; nhưng sẽ nghễnh ngãng ngay khi ông không muốn nghe một nội dung nào đó mà ông không hài lòng.
Cuối cuộc viếng thăm ông tại Vũng Tàu hôm đó, một sự kiện bất ngờ xảy ra khiến cho tôi vô cùng xúc động: ông bảo tôi hãy cởi chiếc đồng hồ tôi đang đeo trên tay ra và liền đó ông tháo chiếc đồng hồ trên tay ông và mang vào tay tôi. Một cuộc trao đổi vật kỷ niệm vô cùng vinh dự cho tôi. Khi tôi rời khỏi biệt thự, nơi ông Hương bị quản thúc, gặp lại người bạn ngồi ngoài ô tô chờ tôi thì mới hiểu rằng đây không chỉ đơn thuần là một cuộc trao đổi “vật lưu niệm” vì cái đồng hồ Seiko tôi vừa mua ở Seoull giá không bằng 1 phần 10 so với cái đồng hồ của cựu thủ tướng Trần Văn Hương. Người bạn của tôi là một thầu khoán, rất sành điệu về các loại đồng hồ, nói cho tôi biết ông Hương đã đeo vào tay tôi chiếc Rolex giá nhiều trăm đô la! Thì ra ngoài cử chỉ trao đổi kỷ niệm đây còn là một cách kín đáo biếu cho tôi một món quà khá đắt tiền. Nhưng với tôi giá trị lớn nhất của chiếc đồng hồ đó vẫn là vật kỷ niệm từ một người mình từng ngưỡng mộ.
Sau đó nhiều lần tôi trở ra Vũng Tàu thăm ông, tránh cho ông bớt cảnh cô độc bởi ít người dám đến gặp ông trong tình trạng biệt thự bị canh gác, những người lui tới đều bị chụp ảnh. Có khi tôi ra cùng vợ và đứa con trai đầu lòng của tôi. Vợ tôi nấu cho ông ăn cái món mắm và rau mà ông rất thích. Có lần thằng con trai lớn của tôi, Lý Quí Hùng, lúc đó khoảng 4 tuổi, nằm chung với ông Hương trên cái võng to (được người thân đặt đan đặc biệt cho ông) đưa tay rờ vào bụng ông và hỏi: “Ông ơi sao cái bụng ông to quá?” thì được ông Hương trả lời một cách rất hài hước làm thằng nhỏ khoái chí: “Ông nuốt trong bụng một con chó”. Vào thời điểm ấy, ông Hương mê hoặc cả ba thế hệ trong gia đình tôi: cha tôi, tôi và con tôi. Nhưng rồi những diễn tiến của sân khấu chính trị những năm sau này sẽ làm lộ ra một Trần Văn Hương rất khác với những gì giới trí thức Sài Gòn nghĩ về ông và chờ đợi ở ông. Thần tượng “Ông già gân” – người ta yêu mến gọi ông như thế những năm 1964-1965 – khi sụp đổ, đã gây thất vọng sâu sắc trong nhiều người trí thức miền Nam: “Ông già gân” thật sự chẳng gân gì!
Khi trở về Sài Gòn, tôi lại phải đối diện với thực tế không hợp pháp về tình trạng quân dịch của mình. Từ khu dân cư đông đúc ở Cầu Chong, Tân Định, mỗi ngày tôi đi ô–tô–buýt đến chợ Bến Thành, rồi từ đây đi bộ đến tòa soạn báo Bình Minh trên đường Nguyễn Thái Học. Chiều về cũng bằng ô–tô–buýt. Phương tiện ô –tô–buýt thường tránh được các chốt cảnh sát chặn xét giấy tờ quân dịch. Nhưng có một lần xe chạy ngang chợ Tân Định thì bị chặn lại. Cảnh sát rằn ri ào lên và đứng bít cả hai cửa lên xuống. Hành khách được lệnh bước ra khỏi xe từng người một, cảnh sát nhìn mặt từng hành khách, ai còn ở tuổi quân dịch thì bị xét giấy tờ. Tôi nghĩ trong bụng hôm nay mình hết cửa thoát rồi. Làm thế nào nhắn tin cho vợ mình biết đây nếu bị bắt?
Nhưng khi đến lượt tôi bước xuống xe thì không hiểu sao không một nhân viên cảnh sát nào ra hiệu tôi đứng lại để xét hỏi. Thế là tôi cứ bước xuống xe rồi nhắm thẳng hướng chợ Tân Định đi càng lúc càng nhanh, với sự hồi hộp có thể bị gọi lại bất cứ lúc nào. Tôi vẫn không hiểu tại sao mình lại thoát khỏi cuộc chặn xét hết sức gắt gao đó. Có lẽ trên chuyến xe ô–tô–buýt ấy chỉ có mỗi mình tôi là thắt cà vạt một cách trịnh trọng, không có dáng vẻ gì là một kẻ trốn quân dịch chăng? Cái thói quen đi làm thắt cà vạt, dù trong túi đôi khi không còn một đồng nào – đã cứu tôi?
Năm 1965 ấy đặc biệt hết sức khó khăn đối với cái gia đình nhỏ bé của tôi. Trước đó, khi còn ở chung với cha mẹ tôi trong một biệt thự trên đường Nguyễn Minh Chiếu (Phú Nhuận) thì hầu như chúng tôi chẳng tốn kém gì riêng, thêm nữa đồng lương của tôi ở báo Bình Minhrất khá. Nhưng cuộc sống chung không kéo dài suôn sẻ vì mẹ tôi không hài lòng với cô dâu mà bà đã bị con trai mình áp đặt phải cưới. Sự thiếu khéo léo và tế nhị của tôi trong vai trò làm con và làm chồng cũng góp thêm phần căng thẳng. Cha mẹ tôi không đồng ý chút nào việc tôi bỏ học nửa chừng tại Học viện quốc gia hành chính và lấy vợ. Thế là cơn giận dữ của mẹ tôi đổ trút lên vợ tôi. Mẹ tôi cho rằng làm vợ mà không khuyên lơn được chồng, để chồng bỏ học đi làm báo là không làm tròn vai trò làm vợ! Trong con mắt của mẹ tôi, thủ phạm làm tôi hư hỏng – cãi cha mẹ lấy vợ sớm, không đi Pháp để học thành tài, bây giờ lại bỏ học đại học nửa chừng – chính là vợ tôi. Bà không thể chấp nhận việc một cô gái nào đó bên quận Tư - một quận lao động – đột nhiên xuất hiện và “bắt sống” thằng con trai trưởng của bà (!)
Vợ tôi dù cố gắng làm tròn bổn phận làm dâu nhưng vẫn không thuyết phục được mẹ tôi. Cha mẹ tôi rất phong kiến: con trai có lỗi hay bê bối việc gì, ông bà không la rầy con trai mình mà lại gọi con dâu lên hỏi tội. Có những lúc cha tôi giận tôi không chịu xuống nhà ăn cơm nằm luôn trên lầu, vợ tôi phải thay tôi lên xin lỗi ông, có khi phải quỳ lạy ông mới hết giận và xuống ăn cơm! Dĩ nhiên tối đến khi chỉ còn hai vợ chồng trong phòng, vợ tôi không thể tiếp tục nén nhịn những đau khổ và ấm ức phải òa khóc. Lúc ấy tôi mới 23, còn vợ tôi 22, nhưng chúng tôi đã có một đứa con trai và vợ tôi đang mang thai đứa thứ hai.

 CHƯƠNG 4: NGƯỜI  VỢ TỪ THUỞ SINH VIÊN


Không thể kéo dài tình hình này, nửa đêm một ngày cuối năm 1964 tôi lén đưa vợ con rời khỏi nhà cha mẹ, sang Tân Định tạm ở chung với mẹ vợ trong khi chờ thuê một nơi nào đó.
Nơi cuối cùng hai vợ chồng tôi thuê được là một căn phòng nhỏ khoảng 12 mét vuông, trong một căn nhà có một gác gỗ xóm lao động Cầu Phong (Tân Định). Căn nhà này nằm sát kinh Nhiêu Lộc nước đen ngòm, bùn lầy, mùi hôi thối xông lên nồng nặc. Khi mới đến nơi này, tôi không tưởng tượng được rằng mình có thể ở lại đây.
Nhưng vợ chồng tôi không có lựa chọn nào khác vì thu nhập của tôi ở báo Bình Minh đột ngột bị cắt phân nửa. Từ 16 trang, báo rút xuống còn 8 trang do số phát hành sụt giảm, tiền lương của nhân viên cũng bị giảm theo. Nhưng kể cũng lạ, khi đã sống được ở nơi này rồi thì không còn nghe thấy mùi hôi thối nữa. Cái mũi con người ta luôn phải thích nghi với môi trường sống một cách tài tình.
Thời điểm này tôi rất khó khăn về tiền bạc. Có hôm, tiền đi xe ô-tô-buýt cũng không có, tôi phải thập thò ở đầu cầu thang gỗ năn nỉ mượn tiền cô con gái nhỏ của bà chủ nhà. Đứa con thứ hai của chúng tôi sinh ra (Lý Quí Dũng) bị suy dinh dưỡng. Một lần nó bị bệnh nặng nhưng trong nhà không có tiền đi bác sĩ. May mắn hôm đó một người bạn gái thân của vợ tôi tình cờ đến thăm và đem cầm sợi dây chuyền đang đeo để cho vợ chồng tôi mượn.
Có lúc tôi có ý định đưa vợ con trở về nhà cha mẹ vì thấy vợ con cực khổ quá nhưng vợ tôi cương quyết không chịu, nhất định tạo dựng cho được cuộc sống tự lập. Quỳnh Nga (tên vợ tôi) không hề than van cuộc sống khó khăn và đồng lương ít ỏi của chồng. Yêu nhau năm tôi còn học ban Philo ở trường Jean Jacques Rousseau, tức chưa đậu Tú tài 2 và lấy nhau khi tôi chưa có một nghề ngỗng gì, rõ ràng nàng chuẩn bị tinh thần để đối đầu trước cuộc sống đầy khó khăn khi chọn tôi làm chồng.
… Tôi gặp Quỳnh Nga lần đầu khi đi xem cuộc đấu bóng bàn quốc tế tại Nhà Kiếng, lúc đó là trụ sở của Tổng liên đoàn Lao công (tổ chức công nhân của chế độ Sài Gòn) trên đường Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám). Buổi tối đó có mặt Quỳnh Nga là cháu của nhà vô địch Mai Văn Hòa (gọi Mai Văn Hòa bằng chú). Khi gia đình của Quỳnh Nga còn ở Kompong Cham, Mai Văn Hòa được cha của Quỳnh Nga nuôi ăn học và tập đánh bóng bàn. Trước khi trở thành vô địch miền Nam, Mai Văn Hòa đã từng vô địch Nam Vang (Campuchia). Trong buổi xem bóng bàn tại nhà Kiếng, tôi đi chung với một người bạn cùng lớp và chính người bạn này đầu tiên tìm cách làm quen với Quỳnh Nga, chứ không phải tôi, mặc dù trong lòng tôi cũng rất muốn được làm quen nàng. Không có tiền nhiều trong túi, không có ô tô như thằng bạn, tôi tự thấy mình thua trước trong cuộc chạy đua này. Quỳnh Nga không có sắc đẹp kiểu rực rỡ, thu hút ngay ở cái nhìn đầu tiên, mà nàng đẹp một cách tự nhiên, nhẹ nhàng. Sau vài lần đi theo người bạn sang chơi bên nhà của Quỳnh Nga ở quận Tư, tôi càng mến nàng, nhất là ở tánh tình rất giản dị và thẳng thắn của nàng. Sự phô trương của người bạn tôi, con trai một của một gia đình giàu có ở Sài Gòn – mỗi lần đến nhà Quỳnh Nga đều tự lái xe hơi hiệu Mercedes, sẵn sàng tặng nàng những món quà đắt tiền như nhẫn hạt xoàn – vẫn không “lung lạc” được Quỳnh Nga. Nàng dứt khoát từ chối các món quà bất thường của bạn tôi. Thái độ ấy của nàng càng làm rung động con tim tôi.
Lần đầu tôi “bạo gan” mời Quỳnh Nga đi xem chiếu bóng ở rạp Majestic trên đường Catinat (bây giờ là Đồng Khởi), trong túi tôi chỉ đủ tiền xe taxi và tiền mua hai chiếc vé. Cha mẹ tôi thuộc gia đình khá giả nhưng ông bà rất khắt khe trong việc cho tiền con cái. Sau này khi đã yêu nhau, tôi có kể lại cho Quỳnh Nga nghe về “tình hình tài chính” của tôi ở buổi đi chơi lần đầu tiên ấy. Nàng cười và nói với tôi: “Trong đầu em lúc đó cũng có thoáng qua thắc mắc sao anh ấy không mời mình đi uống nước hay ăn kem sau khi xem chiếu bóng nhỉ?”. Khi đã thành vợ chồng rồi, vợ tôi mới biết vào thời điểm mới quen nhau, trước mỗi tối đi chơi và mời nàng ăn nhà hàng, tôi đều lén lấy trong tủ rượu của cha tôi một chai rượu ngoại rồi đem bán ở Chợ Cũ. Tủ rượu của cha tôi vơi đi hai phần ba thì cũng vừa lúc tôi và Quỳnh Nga trở thành chồng vợ!
Con đường đi đến chồng vợ của chúng tôi thật vô cùng gay go. Ban đầu, cả mẹ của Quỳnh Nga và cha mẹ tôi đều chống đối, mỗi bên có lý do khác nhau. Lý do về phía cha mẹ tôi trước hết là vấn đề môn đăng hộ đối, thêm nữa ông bà không muốn con mình lấy vợ quá sớm không tập trung vào việc học hành. Với riêng mẹ tôi, việc bà mất quyền chọn cô dâu đầu tiên là cả một sự thất vọng và đau khổ. Còn về phía mẹ của Quỳnh Nga, làm sao bà vui vẻ được khi người con trai muốn làm rể của bà chưa có nghề ngỗng gì. Vả lại bà cũng không biết rõ gia thế chàng rể như thế nào, ngoại trừ nghe phong thanh cha mẹ cậu ta nhất quyết không chịu chấp nhận con gái mình làm dâu. Quỳnh Nga lúc đó đã đi làm – thư ký hành chánh ở Tổng nha Thanh niên (sau đó tại Tòa Đô Chính). Nàng là một trong hai nguồn thu nhập chính của gia đình. Nguồn thu nhập kia từ mẹ nàng, làm công nhân may thêu ở khách sạn Caravelle. Người anh lớn thất nghiệp ở nhà, còn ba em trai đều còn nhỏ đang đi học. Cha của Quỳnh Nga, Nguyễn Bá Linh, là một nhà báo từng cộng tác với tờ Sài Gòn Mới nhưng đã mất khi Quỳnh Nga được khoảng 10 tuổi. Nếu Quỳnh Nga đi lấy chồng, nhất là lấy một anh chàng sinh viên như tôi, thì gia đình sẽ mất một trong hai nguồn thu nhập. Bà còn âu lo không biết con gái mình sẽ có cuộc sống ra sao với cậu sinh viên vô nghề này! Nhưng mẹ vợ tôi là một người phụ nữ không hẹp hòi tính toán, bà sống trải lòng với mọi người, luôn hy sinh cho con cái. Do đó dù không hài lòng về tôi nhưng rốt cuộc mẹ của Quỳnh Nga vẫn không nỡ cự tuyệt tôi vì bà rất thương con gái mình. Bà làm lơ để tôi lui tới nhà khá tự do. Thế là có tuần tôi ở bên nhà Quỳnh Nga đến bốn, năm ngày, bất chấp sự cấm đoán của cha mẹ tôi. Bấy giờ tôi đã thật sự yêu nàng và quyết tâm cưới nàng làm vợ - dù không được cha mẹ tán đồng và cũng không biết hai đứa sẽ sống bằng thu nhập nào khi lấy nhau. Lúc đó thường trong túi tôi chỉ đủ tiền đưa nàng đi xem hát hoặc ăn bò vò viên!
Lúc này cha tôi đang làm Phó tỉnh trưởng hành chính ở tỉnh Ba Xuyên (tức Sóc Trăng). Khi về Sài Gòn hay tin tôi vẫn đeo đuổi Quỳnh Nga và ở luôn bên đó, ông tức giận đi xe hơi xang quận Tư tìm địa chỉ nhà Quỳnh Nga với ý định trực tiếp áp lực với mẹ của Quỳnh Nga không để tôi lui tới nữa. Có lần Quỳnh Nga ngồi trong nhà, núp sau cửa sổ nhìn ra đường, sợ run lên khi thấy chiếc ô tô chở cha tôi chạy qua chạy lại năm, bảy lần, nhưng vẫn không dừng lại. Tôi nói với Quỳnh Nga: “Cha anh sẽ không vào đâu. Ông không có lý do chính đáng để xông vào nhà em tìm gặp anh hoặc gặp mẹ em. Anh là con trai chứ đâu phải con gái đâu mà mắng vốn”. Nhưng thực tế cha tôi nghĩ rằng con trai mình đã bị “một cô con gái sành sỏi” rù quến và ông tự thấy phải ra tay cứu con. Chuyện không thể tưởng tượng đã xảy ra ít ngày sau đó: cha tôi vào tận nơi làm việc của Quỳnh Nga (ở Tòa đô chính) và gặp xếp của nàng là trung tá Phước, phó đô trưởng nội an để “tố cáo” rằng nữ nhân viên của ông ta đã “dụ dỗ con trai tôi”! Trung tá Phước là người quen biết với cha tôi. Để không làm phật lòng bạn mình, ông ta đã cho gọi Quỳnh Nga vào phòng làm việc và trước mặt cha tôi, ông đã nhẹ nhàng “hỏi tội” nàng cho có lệ: “Sao cháu lại dụ dỗ con trai của bác Phát?”. Tan giờ làm, gặp tôi đến rước, Quỳnh Nga khóc sướt mướt, kể lại chuyện vừa xảy ra và nói: “Cha anh đã làm nhục em ngay tại cơ quan. Em đâu còn mặt mũi nào để tiếp tục đi làm?”
… Dù tôi nài nỉ cách mấy và nói rõ tánh tình, con người của Quỳnh Nga xứng đáng như thế nào, cha mẹ tôi vẫn nhất quyết không chịu cho tiến hành lễ cưới. Nhưng ngược lại mẹ của Quỳnh Nga vẫn chấp nhận tôi như một chàng rể tương lai và đã tổ chức một bữa cơm đạm bạc ra mắt gia đình. Và từ đó tôi được coi như con rể chính thức của gia đình Quỳnh Nga. Thế là tôi đành triển khai kế hoạch tổ chức cuộc sống riêng. Đầu tiên, tôi cố gắng tìm cho mình một công việc: tôi đi cùng Quỳnh Nga đến một số trường tư thục xin vào dạy môn Pháp văn. Các nơi đều từ chối vì cái bằng Tú tài Pháp còn mới toanh của tôi chưa có gì bảo đảm về khả năng đứng lớp. Tôi đánh liều thuê phần trước một căn phố gần nhà Quỳnh Nga để trực tiếp mở lớp luyện Pháp văn dành cho người lớn. Ngày khai giảng có khoảng 10 người đăng ký nhưng dạy được nửa tháng chỉ còn ba người theo học! Lúc này Quỳnh Nga cũng vừa nghỉ việc ở sở làm theo yêu cầu của tôi. Lý do: tôi không thể chịu đựng lâu hơn cái tình trạng có quá nhiều người đàn ông trong sở làm đeo đuổi nàng đến tận nhà. Trong số đó có một trung tá chiều nào cũng đến nhà Quỳnh Nga “trồng cây si”. Tôi bực bội vô cùng nhưng không biết cách nào để loại hắn. Nghĩ mãi tôi mới tìm ra một cách: chờ đúng lúc hắn tới và vừa ngồi vào ghế xa–lông ở nhà Quỳnh Nga, tôi từ ngoài bước vào chào hắn một cách đầy tự tin. Rồi tôi đi thẳng vào trong buồng và một lát sau trở ra với bộ đồ pyjama, ung dung đến ngồi xuống ghế bên cạnh hắn. Tôi xử sự như mình là chủ trong nhà và là chồng sắp cưới của Quỳnh Nga. Sau đó tôi mới gọi Quỳnh Nga đang còn ở phía nhà sau: “Em ơi rót trà cho khách”.
Kể từ chiều hôm sau, không còn thấy “cây si” đến mọc giữa nhà Quỳnh Nga nữa!
Và rồi chuyện khó tránh giữa nam nữ yêu nhau tự do đã xảy ra. Một buổi sáng đầu năm 1962 trong nhà chỉ còn lại hai chúng tôi, Quỳnh Nga sợ sệt nói với tôi “Em đã có…”. Tôi không hoảng hốt nhưng lúng túng không biết phải lo cho Quỳnh Nga như thế nào đây trong những ngày sắp tới. Suy nghĩ mãi tôi thấy chỉ còn một nước là thử về nói thật với cha mẹ xem sao.
Giận con cãi lời mình tự quyết định việc chọn vợ, nhưng khi nghe mình sắp sửa có cháu nội, cả hai ông bà đều dịu giọng. Mẹ tôi bảo xin lỗi cha tôi để ông đồng ý tổ chức đám cưới. Tôi đã xin lỗi và quì lạy cha tôi. Sau đó quyết định tiến hành đám cưới rất mau chóng vì Quỳnh Nga đã có thai gần một tháng. Đám cưới được tổ chức khá lớn, lần lượt tại hai nơi: ở Sài Gòn, nhà riêng của gia đình tôi và ở Sóc Trăng, nơi cha tôi đang làm phó tỉnh trưởng.
Thời đẹp nhất và cũng gay go nhất trong đời – tôi đã sống với Quỳnh Nga (từ 1961 đến 1985). Khi không còn là vợ chồng nữa, do những bất đồng phát sinh trong cuộc sống chung không thể giải quyết, chia tay nhau nhưng chúng tôi vẫn kính trọng nhau và tất cả đã diễn ra khá êm đẹp. Chúng tôi hứa với nhau vẫn là bạn tốt của nhau. Thời gian đã chứng minh đúng như thế. Dù sau này vì hoàn cảnh đặc biệt, tôi phải đi thêm hai bước nữa (người vợ thứ hai của tôi – Cúc Phượng – mất vì bệnh) nhưng giữa tôi và Quỳnh Nga luôn giữ một quan hệ rất tốt đẹp và tình nghĩa với nhau. Quỳnh Nga vẫn duy trì một sự quan tâm đặc biệt đối với tôi và giáo dục các con (bốn trai, một gái) luôn yêu thương và chăm sóc cha của chúng. Nhờ vậy dù cuộc hôn nhân thứ nhất không được trọn vẹn, nhưng những dằn vặt, mất mát tình cảm cũng được giảm thiểu tối đa cho cả hai phía, nhất là cho các con.
Quỳnh Nga là một mẫu phụ nữ khá đặc biệt, không coi nặng đồng tiền và danh vọng. Gắn bó với chồng, nàng gắn bó với cả lý tưởng của chồng, sẵn sàng chấp nhận mọi bất trắc và hy sinh. Trong thời kỳ hoạt động chính trị đối lập của tôi, có những lúc nhà riêng bị cảnh sát chìm theo dõi và bao vây ngày đêm, nàng bình tĩnh chịu đựng mà không hề thở than. Sau tờSài Gòn Tân Văn là tờ báo đầu tiên tôi làm chủ nhiệm do cha tôi tài trợ, các tờ báo sau đó tôi xuất bản đều do tiền của hai vợ chồng vay mượn. Mỗi khi chính quyền Thiệu ra lệnh đóng cửa một tờ báo tôi bỏ tiền ra làm là coi như thêm một lần trắng tay, nợ nần lại chồng chất. Khi tự khai thác một tờ báo, tôi mượn trước các nhà phát hành một số tiền, tiền mua giấy để in báo cũng được trả chậm có khi năm, bảy số, còn tiền nhà in được “gối đầu” ít nhất hai, ba kỳ in. Do đó vốn bỏ ra cũng không bao nhiêu, thế nhưng với khả năng tài chính và cái sức của chúng tôi lúc đó thì mỗi khi báo bị đóng cửa là cả vấn đề gay go. Nhưng chẳng bao giờ nàng than van hay hỏi tôi làm báo như thế để làm gì. Quỳnh Nga chỉ biết một điều là chồng mình hành động vì một lý tưởng nào đó, chắc chắn là đẹp, không nhằm làm giàu hay thu lợi riêng, nhưng được bạn bè thân thiết ủng hộ, những người chung quanh và độc giả tán đồng. Có lần, khi tôi làm tờ Tiếng Nói Dân Tộc (1966), nửa chừng hết tiền mua giấy để tiếp tục in báo, đầu óc căng lên chưa biết tính sao, thì vợ tôi đưa ra ý kiến: Hãy bán chiếc ô tô FIAT 125 (do một người bạn vừa giúp mua trả góp không đầy hai tháng), để có tiền mua giấy. Tờ Tiếng Nói Dân Tộc là tờ báo duy nhất trong các tờ báo tôi bỏ tiền ra làm có hi vọng phất lên. Có thể Tết năm đó (1967) sẽ là cái Tết tốt đẹp cho tờ báo và nhất là cho anh em công nhân sắp chữ. Khi tôi xuống phòng sắp chữ theo dõi việc lên trang, anh xếp typô nói với tôi bằng giọng gần như van nài: “Anh Chung ơi, tờ báo đang bán rất chạy, anh ráng “dịu giọng” cho qua cái Tết này để anh em tránh lận đận”. Nhưng số phận khắc nghiệt đã định sẵn, không làm sao né tránh hay “dịu giọng”, một sự kiện chính trị xảy ra buộc tờ báo phải nói lên chính kiến của mình. Đó là vụ án Châu–Hồ-Trúc. Cả ba đều bị tòa án của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu kết án tử hình. Hai người – dân biểu Trần Ngọc Châu và nhà báo dân biểu Hoàng Hồ - bị coi là hoạt động cho cộng sản, còn người thứ ba, cũng là dân biểu, anh Phạm Thế Trúc, bị ghép tội “phản quốc” vì đã đốt hình nộm Nguyễn Văn Thiệu trong một cuộc biểu tình phản chiến ở Tokyo bên Nhật. Tôi phản đối sự kết án của tòa án chính quyền Sài Gòn và trong một bài báo tôi đặt vấn đề: đất nước đang bị chia đôi, vậy Tổ quốc ở đâu và họ đã phản lại Tổ quốc nào?
Chính phủ Nguyễn Văn Thiệu đã trả lời câu hỏi của tôi một cách rất đơn giản: đóng cửa tờ báo Tiếng Nói Dân Tộc khi chỉ còn không đầy một tháng là Tết đến! Tôi chẳng than phiền gì cái quyết định của chính phủ Thiệu vì nó nằm trong luật chơi của chính trường. Đối đầu với thế lực cầm quyền là đương nhiên phải hứng chịu những đánh trả của nó. Biết trước những hậu quả ấy nhưng tôi vẫn không cưỡng lại được cái xu thế phải đứng về phía người dân – phần đông chống chính quyền Thiệu, chống lại chính sách can thiệp của Mỹ tại Việt Nam. Cái xu thế ấy chảy trong huyết quản tôi như thể một dòng thác. Nó cuốn trôi các toan tính riêng tư và quyền lợi cá nhân, mặc dù lúc ấy tôi không ý thức được rõ ràng dòng thác ấy sẽ đưa mình đến đâu.
Nhưng khi gặp lại các anh em sắp chữ, tôi thấy xót xa vô cùng. Tết này họ không có những món tiền thưởng kha khá để mang về cho gia đình. Với vợ tôi, hình như nàng đoán trước những bất trắc luôn chực chờ các hoạt động của chồng nên nàng không tỏ ra bất ngờ mà ngược lại nàng còn tán đồng lập trường của chồng. Cái xe FIAT 125 bay mất, tôi không tiếc nó, nhưng nhiều năm sau này tôi vẫn tự hỏi mình có thể chọn một thái độ nào khác mềm dẻo hơn để vẫn giữ vững lập trường, tránh được cho anh em công nhân sắp chữ một cái Tết khó khăn, lại đồng thời duy trì được lâu dài hơn một công cụ đấu tranh cho dân chủ và hòa bình?
Suốt 10 năm chồng làm dân biểu Quốc hội, Quỳnh Nga vẫn sống và sinh hoạt rất giản dị, thời gian của nàng chủ yếu dành cho chồng con, cái thú đam mê duy nhất của nàng là quần vợt. Nàng vẫn là nàng, chẳng thay đổi bao nhiêu so với cô gái mà tôi quen biết ở bên quận Tư ngày nào. Nàng không se sua và tụ tập với các bà, các cô thuộc xã hội trưởng giả Sài Gòn. Chiếc áo dài vẫn luôn là cách ăn mặc quen thuộc của nàng.
Mỗi khi tôi làm chủ nhiệm một tờ báo hoặc thuê manchette một tờ báo nào đó tiếp tục làm báo, Quỳnh Nga đều đảm nhận vai trò người quản lý của tờ báo. Trong quan hệ với các ký giả làm việc với chồng, Quỳnh Nga luôn tạo được tình cảm thân thiết, gắn bó. Cái cảnh cảnh sát hùng hổ đến bao vây nhà in và tòa soạn tịch thu báo, phá tung các bản kẽm mỗi khi tờ báo có bài chống chính phủ, chẳng xa lạ đối với nàng. Tinh thần của nàng không hề bị lung lạc. Mỗi khi biết báo sắp sửa bị tịch thu, nàng tổ chức tuồn báo ra ngõ sau nhà in để bán vớt vát phần nào (báo bị tịch thu thường bán rất chạy!)
Là một người trực tính nên tính cách của Quỳnh Nga cũng khá đặc biệt. Nàng thường hành động theo bản năng và sở thích cá nhân, đôi khi bất kể những ràng buộc hay khuôn phép chung nên làm tôi nhiều phen cũng phải điên đầu. Tôi không thể quên được những chuyện xảy ra trong chuyến tham dự Hội liên hiệp các đại biểu dân cử châu Á (APU) năm 1967 tổ chức tại Bangkok. Vợ các dân biểu nghị sĩ dự hội nghị cũng được mời tháp tùng. Lúc đó Quỳnh Nga đang mang thai đứa con gái (Lý Quỳnh Kim Trinh) một tháng. Ngày đầu thành viên các đoàn (có cả cựu Thủ tướng Nhật Kisi bấy giờ là Thượng nghị sĩ) được Nhà Vua Thái Lan và Hoàng hậu mời dự tiếp tân tại Hoàng cung. Các đoàn đều xuất phát từ khách sạn đúng giờ, duy chỉ có vợ tôi chậm trễ mặc dù tôi liên tục thúc hối nàng. Nàng không chịu hiểu rằng dự buổi tiếp tân – “reception” – của Nhà Vua hoàn toàn khác các “reception” bình thường mà khách có thể đến trễ cũng không sao. Còn lại chỉ hai vợ chồng tôi, xe cảnh sát Thái dẫn đường phải chạy trên tuyến ngược chiều để hạn chế sự trễ nải. Khi chúng tôi vào Hoàng cung thì thành viên các đoàn đã đứng xếp hàng đâu đó ngay ngắn nhưng nhà vua và hoàng hậu vẫn chưa xuất hiện vì ban nghi lễ còn chờ chúng tôi! Đứng vào hàng, tôi như người mọc đầy gai. Nhưng sau đó khi buổi tiệc bắt đầu, khách mau chóng quên đi cái lỗi quá cỡ của hai vợ chồng tôi. Chiếc áo dài màu xanh turquoise (ngọc lam) vừa vặn thân hình rất thon thả của Quỳnh Nga đã trở thành trung tâm của sự chú ý đầy thiện cảm.
Trong chuyến đi Bangkok còn xảy ra một chuyện tày trời khác: Vợ tôi vốn không thích ăn đồ Tây, mà các món ăn chiêu đãi trong suốt mấy ngày ở Bangkok đều là đồ Tây. Nàng đang ốm nghén nên càng thèm ăn các món Việt Nam. Do đó khi cả đoàn dự Hội nghị được đưa đi tham quan khu Chợ Nổi (Floating market), lúc chiếc thuyền máy đưa chúng tôi đi chạy ngang một chiếc ghe bán hủ tiếu, thế là cơn thèm ăn ở người đang ốm nghén không làm sao kềm chế được. Nàng nhất định yêu cầu chiếc thuyền máy dừng lại cho nàng ăn hủ tiếu, bất kể bị cả đoàn bỏ lại đàng sau. Sống với nhau biết tính ý, tôi đành chiều nàng thôi. Chuyện này may không bị đoàn phát hiện!
Còn khi nàng nổi cơn ghen lên thì chẳng coi trời đất ra gì, dù đang dự buổi tiếp tân tại một sứ quán đi chăng nữa. Lần đó chỉ vì một cái bắt tay với một nữ chính khách duyên dáng nhưng hơi lả lơi, nàng đã buộc tôi phải rời sứ quán ra về tức khắc “nếu không sẽ bùng nổ chuyện không tốt lành” vì “tôi không thể kềm chế lâu được”. Cái tính ghen tuông của Quỳnh Nga nổi tiếng trong giới bạn bè, nhưng thẳng thắn mà nói lỗi ấy do tôi. Nếu tôi là một người đàn ông nghiêm túc, không yếu lòng với phụ nữ, không tái đi tái lại “tội lỗi” đối với vợ, thì chắc chắn Quỳnh Nga vẫn giữ được sự thùy mị, dịu dàng thời con gái. Lấy vợ lúc còn quá trẻ, sự tò mò về phụ nữ còn đầy ắp khát khao, cho nên dù rất yêu vợ, tôi vẫn không thể giữa được sự thủy chung đúng nghĩa với vợ mình. Khi chia tay nhau sau 25 năm chung sống, tôi đã nhận trách nhiệm sự gãy đổ về mình, dù rằng chưa bao giờ trong suốt thời gian chung sống với Quỳnh Nga tôi lại có một cuộc sống chung song song với ai khác. Đó chỉ là những cuộc tình lãng mạn, những dan díu ngắn ngủi nhưng không thể đi xa hơn giới hạn mà tôi cố gắng đặt ra, bởi mình là người đã có vợ và vợ mình chẳng có lỗi lầm gì cho mình đối xử tệ bạc. Tôi may mắn, trong tình cảm riêng tư, đã gặp những phụ nữ luôn ý thức về hoàn cảnh người đàn ông mà họ đang yêu để biết tự kiềm chế và dành cho nhau những cảm nghĩ tốt dù đã chia tay. Tôi không bao giờ coi những quan hệ đó là những chiến tích, mà coi đó là những rung động con tim mình không né tránh được, trách nhiệm thuộc về mình.
Và khi chính mình không gương mẫu, tôi thấy khó hướng dẫn, khuyên can vợ cái đúng cái sai trong cuộc sống chung. Cứ thế, những căng thẳng cứ nổ ra, những mâu thuẫn phát sinh, sự tương kính cũng giảm dần để rồi vẫn còn yêu nhau nhưng không thể tiếp tục chung sống với nhau được nữa. Cuộc tình lý ra có thể kéo dài một đời thật đẹp với biết bao nhiêu kỷ niệm, đành kết thúc sau 25 năm! Hôm chúng tôi chia tay nhau, tôi đặt lên hai má nàng hai cái hôn đầy tình cảm biết ơn, bởi vì cuộc đời tôi trong 1 phần 4 thế kỷ sống với nàng, hơn phân nửa sự nghiệp gây dựng lên là do công lao của nàng. Tôi rời khỏi nhà mang theo cho riêng mình “sự nghiệp tinh thần” mà cả hai đã cố gắng xây đắp và chẳng để lại gì đáng giá cho nàng. Vào cái năm 1985 còn đầy khó khăn ấy, gia đình tôi tay trắng hoàn toàn.
Thế nhưng, một mình bươn chải, từ một người phụ nữ nội trợ, nàng cùng các con dần dần thoát qua các giai đoạn hết sức khó khăn ấy để cuối cùng rất thành đạt trong ngành kinh doanh nhà hàng ở TP. HCM. Nàng vẫn là một phụ nữ mà tôi rất kính trọng.

 CHƯƠNG 5: CON ĐƯỜNG TÌNH CỜ ĐI VÀO CHÍNH TRỊ

Trở lại những năm tháng đầu tiên rời gia đình – sống riêng đầy khó khăn ở bên kinh Nhiêu Lộc nơi nước đen xì hôi hám, đứa con thứ nhì bị bệnh không có tiền đưa đi bác sĩ – bản thân tôi ở trong tình trạng trốn quân dịch, may mắn một lần thoát khỏi lưới cảnh sát – dù như thế, nhưng thời kỳ đó thật sự không hoàn toàn đen tối. Trốn quân dịch, nhưng tôi cũng đã có dịp đi tận Seoul (Nam Triều Tiên). Và cũng ở trong tình trạng không hợp lệ quân dịch, tôi lại được mời làm giám đốc Nha tác động tâm lý của Bộ Thanh niên Thể thao! Chuyện khó tin ấy xảy ra như thế này: Năm 1965, tôi đang làm tổng thư ký tòa soạn báo Bình Minh, tôi có viết loạt bài vận động sự thành lập một đại học ở miền Tây. Tôi chỉ trích nội các Nguyễn Cao Kỳ cố tình không thành lập đại học tại miền Tây để tiếp tục duy trì khu vực đồng bằng sông Cửu Long ở tình trạng dân trí thấp, hạn chế sự phát triển dân chủ. Cùng lúc này có một nhóm trí thức miền Nam tên tuổi như Phạm Hoàng Hộ, Nguyễn Văn Trường, Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Hảo, Hồ Ngọc Nhuận, Hồ Văn Minh, Võ Long Triều cũng mở cuộc vận động mạnh mẽ đòi thành lập đại học miền Tây (ban đầu chưa xác định tên Đại học Cần Thơ). Người tự đứng ra phối hợp các cuộc vận động này là kỹ sư Võ Long Triều. Chính anh đã mời tôi nhập nhóm và tham gia các cuộc hội thảo tổ chức ở Cần Thơ để gây áp lực với chính quyền. Võ Long Triều là người Công giáo, có hậu thuẫn từ Tòa Tổng giám mục, thêm nữa lúc bấy giờ anh là một gương mặt trí thức trẻ miền Nam có khá nhiều uy tín, nên Nguyễn Cao Kỳ chọn anh làm đầu cầu để với tới giới trí thức miền Nam mà phần đông dị ứng phong cách “cao bồi” của ông và đồng thời không ủng hộ lập trường hiếu chiến của “nội các chiến tranh” mà ông đứng đầu. Thủ tướng Kỳ (chức vị chính thức lúc đó gọi là Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương) mời Võ Long Triều vào nội các của mình với tư cách Bộ trưởng Thanh niên (chức danh chính thức là Ủy viên Thanh niên). Để lấy lòng người dân miền Nam, Thủ tướng Kỳ cũng ra quyết định thành lập Đại học Cần Thơ.
Khi ông Võ Long Triều trở thành Bộ trưởng, qua trung gian đại tá Lê Quang Hiền (anh ruột của liệt sĩ Lê Quang Lộc), ông mời tôi tham gia Bộ này, lúc đầu ở cương vị phó giám đốc Nha thể thao, nhưng tôi từ chối. Sau ông lại mời tôi vào chức vụ giám đốc Nha tác động tâm lý. Cái tên Nha này nghe rất “xôm” nhưng thực chất là phụ trách tuyên truyền và báo chí. Nha này có sẵn trong sơ đồ tổ chức của Bộ Thanh niên từ trước khi ông Triều về làm Bộ trưởng.
Ngày đầu tiên tôi vào làm ở Bộ Thanh niên, đại tá Hiền đến tận nhà rước tôi bằng xe Mercedes. Cả xóm nghèo bên kinh Nhiêu Lộc tò mò ào ra xem. Trước khi nhận lời làm ở Bộ Thanh niên, tôi có ý về nhà hỏi ý kiến cha tôi. Ông vẫn chưa hết giận về chuyện tự ý lấy vợ của tôi và nhất là việc nửa đêm tôi đem vợ con trốn ra ở riêng. Không quay lại nhìn tôi, tiếp tục đọc báo, ông nói: “Có thằng điên mới mời mày làm giám đốc!”. Với ông, đó là một chuyện khó tin, vì trong con mắt của ông, tôi còn là một thằng thanh niên hư hỏng. Phần khác, bản thân ông từ tỉnh trở về Sài Gòn không tìm được cái ghế giám đốc dù ngạch trật của ông ngang với một Đốc phủ sứ (ngạch bậc cao nhất của công chức Sài Gòn trước đây). Thế mà “ông con” lại được ai đó mời làm giám đốc một Nha hẳn hòi – làm sao tin nổi!
Trong thực tế việc làm giám đốc của tôi ở Bộ Thanh niên suýt nữa không thành. Tôi vẫn đang trong tình trạng bất hợp lệ về quân dịch. Khi Bộ trưởng Võ Long Triều ký xong quyết định bổ nhiệm tôi, ông mới biết tình hình này. Ông có hơi trách tôi đã không cho ông hay trước. Nhưng thật sự mục đích chính của tôi khi nhận làm giám đốc là muốn hợp thức hóa tình trạng quân dịch của mình. Tôi xử sự như thế với người tin tưởng mình là không đúng nhưng đây là cơ hội gần như duy nhất để gỡ bỏ thế bí của tôi. Cũng nên nói rõ thêm lý do tôi “trốn quân dịch”: hoàn toàn không do sợ cầm súng ra chiến trường mà là sợ chết một cách vô nghĩa. Vào năm 1964, chiến trường miền Nam chưa ác liệt. Tôi mê làm báo, không muốn niềm say mê của mình bị gián đoạn, đó là một lý do. Nhưng lý do lớn hơn là tôi không tìm thấy trong chuyện cầm súng bảo vệ chế độ Sài Gòn một mục đích lý tưởng, một ý nghĩa nào để dấn thân.
… Nếu biết trước tôi không hợp lệ tình trạng quân dịch, rất có thể ông Triều đã không mời tôi tham gia Bộ Thanh niên. Còn khi đã lỡ rồi (đã có quyết định bổ nhiệm) nên ông phải tìm cách hợp thức hóa tình trạng của tôi. Ông Triều có quan hệ khá thân với đại tá Nguyễn Đình Vinh, đổng lý văn phòng Bộ Quốc phòng (lúc này, Bộ trưởng Quốc phòng là trung tướng Nguyễn Hữu Có). Nhờ sự can thiệp của đại tá Vinh với đại tá Bùi Đình Đạm, giám đốc Nha động viên, tôi được cấp giấy tạm hoãn quân dịch một khóa (khóa mà tôi không trình diện) và phải trình diện ở khóa tới. Và như thế coi như tôi được hợp thức tình trạng quân dịch bất hợp lệ trước đây của tôi. Nếu diễn tiến các sự việc bình thường, tôi phải nhập ngũ trong bốn tháng tới. Điều tôi không thể nào ngờ là cái giấy hoãn dịch ấy, đến đúng lúc đã giúp tôi có một bước ngoặt hết sức quan trọng trong cuộc đời mình.
Ngày 6-6-1965, Ủy ban lãnh đạo quốc gia, một định chế do quân đội lập ra gồm các tướng lãnh, đứng đầu là trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, đóng vai quốc trưởng (còn thiếu tướng Kỳ, chủ tịch Ủy ban hành pháp trung ương, đóng vai trò thủ tướng) dưới sức ép của Mỹ buộc phải tuyên bố tổ chức Quốc hội lập hiến. Sắc lệnh tổ chức bầu cử do tướng Kỳ ký hai tuần sau đó, ấn định ngày bầu cử là 11-9-1966. Ý đồ của Mỹ là tạo ra một nền tảng pháp lý và dân chủ do chính quyền Sài Gòn, từ đó sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam, núp dưới chiêu bài theo yêu cầu của chính quyền Sài Gòn, cũng có cơ sở pháp lý với quốc tế.
Cả ông Thiệu và ông Kỳ đều hiểu rằng đây cũng là lúc Washington sẽ chọn chính thức – trong hai người, ai sẽ đứng đầu miền Nam vì tiếp theo cuộc bầu Quốc hội lập hiến, sẽ là cuộc bầu cử tổng thống. Người Mỹ được chọn ra ứng cử sẽ đương nhiên đắc cử vào vị trí này. Cuộc chạy đua giành ảnh hưởng và gây thế lực giữa hai người đã diễn ra ngay sau khi ngày bầu cử Quốc hội lập hiến được công bố. Ông Thiệu và ông Kỳ đều muốn rằng đa số dân biểu trong quốc hội sắp tới là người của mình. Do đó cả hai phía đều tung ra tay chân để tập hợp lực lượng, đưa người ra ứng cử vào quốc hội.
Từ khi lên làm thủ tướng, ông Kỳ tìm cách lấy thêm hậu thuẫn ở cánh trí thức miền Nam để lấp vào chỗ yếu nhất của mình. Ông là người miền Bắc di cư vào Nam năm 1954. Người làm trung gian đắc lực cho ông Kỳ trong ý đồ này là kỹ sư Bộ trưởng Thanh Niên Võ Long Triều. Chính ông Triều đã “thầy dùi” cho thủ tướng Kỳ ký quyết định thành lập Đại học Cần Thơ. Tôi cũng đã chứng kiến một nỗ lực khác của Kỳ, qua trung gian ông Triều, nhằm lôi kéo trí thức miền Nam vào chính phủ của ông ta. Thời gian này tôi đang làm giám đốc ở Bộ Thanh niên. Ông Triều thay mặt thủ tướng Kỳ mời một nhóm trí thức miền Nam như Âu Trường Thanh, Nguyễn Văn Trường, Khương Hữu Diểu, Âu Ngọc Hồ, Nguyễn Văn Bông, Trương Văn Thuấn đến nhà riêng của tướng Kỳ nằm trong một khu đặc biệt ở sân bay Tân Sơn Nhất. Tôi cũng có mặt trong cuộc gặp gỡ này. Ông Nguyễn Cao Kỳ xuất hiện trong bộ đồ bay phi công. Sau khi nâng ly và có vài lời thăm hỏi xã giao với khách, ông Kỳ đi thẳng vào mục đích cuộc gặp gỡ. Đầu tiên ông than phiền cụ ngoại trưởng Trần Văn Đỗ già quá, đi họp với Mỹ ở Honolulu (đầu tháng 2 năm 1966) mà ho sù sụ, do đó ông muốn trẻ hóa nội các. Ông cũng muốn đính chính một cách cụ thể nội các của ông không phân biệt Nam Bắc bằng cách muốn mời nhiều người miền Nam tham gia chính phủ của ông. Đến đây nhìn những vị khách ngồi trước mặt mình, ông Kỳ nói: “Tôi chính thức mời tất cả quý vị có mặt ở đây tham gia chính phủ. Quí vị cần trả lời đồng ý là tôi bổ nhiệm”. Ngay lúc đó không ai trả lời “đồng ý” với ông Kỳ. Nhưng sau đó, nội các của ông Kỳ cũng “kéo” được bốn người miền Nam tham gia: Âu Trường Thanh (Bộ trưởng tài chánh), Trương Văn Thuấn (Bộ trưởng giao thông), Nguyễn Văn Trường (Bộ trưởng giáo dục), Trương Thái Tôn (Bộ trưởng kinh tế), không kể Võ Long Triều được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Thanh niên trước đó. Tướng Kỳ tha thiết mời ông Nguyễn Văn Bông, đang là Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh, làm bộ trưởng tại Phủ tướng nhưng ông Bông từ chối. Có thể tướng Kỳ không biết hoặc biết nhưng phớt lờ, sở dĩ ông Bông không quan tâm tới lời mời của ông là vì chính ông Bông đang nuôi tham vọng giành lấy chức vụ thủ tướng của tướng Kỳ. Hơn nữa còn phải hiểu khuynh hướng chính trị của ông Bông gần với trung tướng Thiệu hơn là thiếu tướng Kỳ. Có lẽ trên thế giới chưa có một thủ tướng nào mời người tham gia nội các một cách độc đáo như thế!
Trở lại cuộc chạy đua giành ảnh hưởng trong quốc hội lập hiến giữa hai tướng Thiệu, Kỳ, phía nào cũng tìm cách đưa người của mình ra ứng cử. Ông Triều là một trong những đầu mối tập hợp quân cho tướng Kỳ. Dĩ nhiên khi làm việc này, ông Triều cũng nhằm củng cố cho mình một hậu thuẫn riêng có thể mặc cả có lợi cho mình trên sân khấu chính trị sắp tới. Theo tôi hiểu, người tài trợ cho các ứng cử viên dân biểu được ông Triều tập hợp chính thức là tướng Kỳ chứ không ai khác. Rất có thể ông Kỳ đã lấy tiền từ quỹ đen (caisse noire) dành cho thủ tướng để chi. Trong số những người được ông Triều đưa vào danh sách ứng cử có tôi. Nhưng trong kế hoạch ban đầu của ông Triều, tôi chỉ đóng vai người lót đường trong một liên danh ứng cử mà người đứng đầu là ông Nguyễn Bá Nhẫn, một người bạn thân của ông Triều, đang là tổng cục trưởng Tổng cục tiếp liệu.
Thể thức bầu cử Quốc hội lập hiến, theo liên danh tỷ lệ, tiến hành như sau: chẳng hạn như đơn vị tôi ra ứng cử là đơn vị 3 Sài Gòn gồm các quận 4, 6, 7, 8, có khoảng 250 ngàn cử tri bầu 5 dân biểu. Như vậy trên lý thuyết 1 dân biểu đại diện cho 50 ngàn cử tri. Mỗi liên danh ứng cử gồm 5 người. Nếu có liên danh nào lấy được tất cả 250 ngàn phiếu thì giành trọn 5 ghế dân biểu về mình, cũng có nghĩa cả 5 người trong liên danh đều trúng cử. Điều đó trong thực tế không thể xảy ra. Liên danh về đầu khó đoạt hơn 2 ghế, bởi muốn đoạt 2 ghế phải giành ít nhất từ 75 ngàn phiếu trở lên (3 ghế phải trên 125 ngàn phiếu). Các liên danh kế tiếp thường chỉ đoạt số phiếu 50 ngàn trở xuống và giành tối đa 1 ghế. Do đó gần như chỉ có người đứng đầu liên danh mới hi vọng đắc cử. Trong liên danh của ông Nguyễn Bá Nhẫn, gồm 5 người, tôi đứng thứ hai sau ông. Tôi không có tham vọng chính trị và cũng chưa ý thức được vào quốc hội để làm gì nên bình thản chấp nhận vai trò “người lót đường” theo yêu cầu của ông Võ Long Triều, lúc đó vừa là người đứng đầu một tập hợp chính trị có tên Phong trào Phục hưng Miền Nam (PTPHMN). PTPHMN qui tụ một số trí thức trẻ miền Nam, phần nhiều là nhà giáo – học trò cũ của các giáo sư Lý Chánh Trung và Nguyễn Văn Trường. Ông Triều và ông Trung đều là người Công giáo và là bạn thân thiết với nhau trong thời điểm đó. Tôi cũng có tham gia phong trào này lúc ban đầu. Các liên danh do ông Triều thúc đẩy ra ứng cử tại Sài Gòn và một số tỉnh miền Tây đều trương bảng hiệu PTPHMN. Phong trào này không đề ra một cương lĩnh chính trị rõ ràng, chủ yếu chỉ đề cao tình yêu nước chung chung, và kêu gọi góp sức phục hưng các giá trị truyền thống của miền Nam Việt Nam. Với sự hỗ trợ tích cực phía sau của thủ tướng Kỳ, ông Triều và những người bạn thân thiết của ông như Hồ Văn Minh, Hồ Ngọc Nhuận, Hoàng Ngọc Tuệ, Đỗ Ngọc Yến, Trần Văn Ngô còn thành lập một phong trào hoạt động xã hội có tên là “Phong trào phát triển quận 8”. Phong trào này nhằm hô hào chính quyền và dân chúng góp tay biến các khu ổ chuột thành những khu dân cư khang trang.
Chỉ còn không đầy một tuần hết hạn nộp đơn ứng cử thì xảy ra một sự kiện hoàn toàn bất ngờ: ông Nguyễn Bá Nhẫn thông báo cho ông Triều quyết định rút tên của ông. Lý do chính thức ông Nhẫn nêu ra thật hết sức lạ: mẹ ông không đồng ý cho ông tham gia chính trị. Thật hư thế nào không thể biết được. Nhưng hậu quả là thời gian còn lại quá cận kề, ông Triều chỉ còn cách yêu cầu tôi thay ông Nhẫn, tức đôn tên tôi lên và tìm thêm một người bổ sung vào vị trí độn (tôi mời một nhà báo Hoa văn có quốc tịch Việt Nam bổ sung cho đủ danh sách năm người). Việc ông Nhẫn rút lui, với tôi như một thứ định mệnh: nó làm thay đổi dòng chảy của đời tôi. Từ lãnh vực báo chí, tôi bước sang lãnh vực chính trị một cách hết sức tình cờ! Kết quả liên danh của tôi về thứ ba với khoảng 40 ngàn phiếu (được một ghế) sau liên danh của dược sĩ La Thành Nghệ (có trên 75 ngàn phiếu giành 2 ghế) và liên danh của Văn Công Đính, một cựu nghị viện Hội đồng thành phố (được trên 50 ngàn phiếu cũng chỉ được 1 ghế). Liên danh về thứ tư của một giáo viên, ông Nguyễn Văn Sâm, giành chiếc ghế dân biểu cuối cùng của đơn vị Sài Gòn. Vào thời điểm này rất ít ai biết tôi, vì tôi còn quá trẻ, chưa từng tham gia hoạt động chính trị, thời gian hoạt động báo chí cũng ngắn ngủi – nên đạt vị trí thứ ba trên năm liên danh là khá lắm rồi. Nếu cuộc bầu cử này không theo thể thức liên danh tỷ lệ thì chắc chắn tôi không có chút hi vọng nào. Mục đích của thể thức liên danh tỷ lệ nhằm thành lập một quốc hội làm Hiến pháp với sự tham gia của đại diện nhiều đảng phái và khuynh hướng chính trị khác nhau, dĩ nhiên ngoại trừ những người cộng sản. Cuộc tham gia vào chính trường miền Nam của tôi bắt đầu như thế - không do tôi chủ động và với quá nhiều tình cờ không thể tưởng tượng (nhưng hầu như đều thuận lợi cho tôi).
Thế là trong vòng không đầy một năm, từ một sinh viên bỏ học dở dang, trốn quân dịch, mới tập tễnh với nghề viết báo, tôi trở thành giám đốc ở Bộ Thanh niên rồi bây giờ là dân biểu Quốc hội! Lúc đó tôi tròn 26 tuổi.
Khi tôi làm giám đốc Nha tác động tâm lý tại Bộ Thanh Niên, dưới quyền tôi có hai chánh sự vụ (tương đương với trưởng phòng hiện nay, cả hai đều tốt nghiệp Học viện quốc gia hành chánh. Một người tốt nghiệp khóa 3 (anh Nguyễn Dõng )và một người tốt nghiệp khóa 6 (anh Đỗ Tiến Đức). Tôi cũng học trường này nhưng lại bỏ ngang; khóa học của tôi là khóa 10, lúc tôi làm giám đốc, khóa của tôi vẫn còn một năm nữa mới tốt nghiệp! Làm thế nào để hai người thuộc thế hệ đàn anh rất xa mình, tốt nghiệp trước mình từ 4 đến 7 năm, lại chấp nhận cộng tác dưới quyền mình – quả thật không đơn giản. Tôi còn nhớ ngày đầu tiên tôi đến bộ Thanh niên để nhận nhiệm vụ, anh Đỗ Tiến Đức (sau này làm giám đốc Trung tâm điện ảnh quốc gia ở Sài Gòn) đã đưa tôi đi giới thiệu với các nhân viên trong Nha với một thái độ gần như thiếu kính trọng đối với tôi – một cấp trên vừa nhỏ tuổi đời, lại học dưới ông quá xa. Tôi bình tĩnh và phớt lờ như chẳng thấy gì cả. Nhưng liền sau đó tôi cho mời cả hai ông chánh sự vụ vào phòng tôi và nhấn mạnh cho hai ông rõ chức vụ giám đốc của tôi được Bộ trưởng trao là nhiệm vụ chính trị (fonction politique) chứ không phải một chức vụ thuần về hành chính. Về mặt điều hành hành chính của Nha, hai ông vẫn là những người chịu trách nhiệm chính; các văn bản và đề xuất do hai ông trình ký phải có chữ ký tắt của một trong hai người, chịu trách nhiệm trước về mặt quy cách hành chính.
Một thời gian sau có lệnh tổng động viên, mỗi cơ quan chỉ được giữ lại một người ở tuổi quân dịch thuộc diện gọi là “tối cần thiết”. Ông Đỗ Tiến Đức xin gặp tôi để biết số phận của ông ra sao. Ông trình bày với tôi nếu ông không được tôi xếp vào loại nhân viên “tối cần thiết” thì cho ông biết sớm, để ông “chạy” một nơi khác có thể giữ ông lại khỏi đi quân dịch. Tôi trả lời: “Ông Đức yên tâm. Người được xếp vào loại tối cần thiết ở Nha này là ông, chứ không ai khác”. Khi bước vào phòng tôi, tôi nghĩ ông Đức đang chờ đợi nhận một câu trả lời như thế bởi ông chưa quên được thái độ của ông trong ngày đầu ông giới thiệu tôi với nhân viên của Nha như thế nào.
Tại Nha tôi điều hành còn có một tạp chí chuyên đề thanh niên do nhà văn Lê Tất Điều phụ trách. Tôi đã từng đọc và thích thú một số tác phẩm của Lê Tất Điều nên khi gặp anh trực tiếp tại Bộ Thanh niên tôi không giấu giếm tình cảm của mình dành cho anh.
Cũng chính trong thời gian tôi cộng tác với ông Triều tại Bộ Thanh niên – thể thao, bóng đá Việt Nam đạt đỉnh cao ở Đông Nam Á: đoạt danh hiệu vô địch Merdeka, một giải có qui mô tương đương với Tiger Cup sau này. Tôi có tham dự buổi chiêu đãi của Bộ Thanh niên dành cho đoàn quân chiến thắng mà cầu thủ nổi bật là Tam Lang. Nhưng cần nói ngay, vai trò về mặt nhà nước của Bộ Thanh niên đối với bóng đá lúc đó hoàn toàn khác. Sinh mệnh của làng bóng đỉnh cao hoàn toàn nằm trong tay của Tổng cụ bóng tròn, một tổ chức 100% xã hội hóa.

Khi tôi vào Quốc hội sau đó, hành trang chính trị của tôi hầu như chẳng có gì, vì tôi chưa từng trải qua một ngày học luật và chưa từng có những hoạt động chính trị đúng nghĩa. Tuy nhiên phải nói rằng thời gian hòa nhập vào làng báo trong 3 năm (từ 1963 đến 1966) cũng giúp tôi có một số hiểu biết về tình hình đất nước và hình thành bước đầu thái độ chính trị của mình. Lập trường của tôi trong Quốc hội ở những ngày đầu tiên là sự khẳng định lại quan điểm chính trị mà mình đã từng phát biểu trên báo chí. Dù đây là một Quốc hội làm hiến pháp nhưng tôi nghĩ trước hết nó phải là diễn đàn của dân và vì dân và tiếng nói quan trọng nhất đối với một dân biểu trên diễn đàn Quốc hội vào thời điểm đó nhất thiết phải là tiếng nói đấu tranh cho dân chủ và công bằng, tiếng nói đòi chấm dứt chiến tranh, chống lại sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam.



     2      3      4      5      6

2 nhận xét:

  1. THẰNGCHA NÀY THÌ TÔI KHÔNG GHÉT CHO BẰNG THẰNG vũ văn mẫu. THẰNG NÀY CŨNG LÀ 1 THẰNG GIÁN TIẾP GIẾT ANH HÙNG TỬ SĨ QLVNCH VÀ LÀM NƯỚC MẤT NHÀ TAN ĐÂY. THẰNG NÀY LÀ TỘI ĐỒ THIÊN CỔ. AI BIẾT TIN THẰNG NÀY Ở ĐÂU KHÔNG? (vn)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. ông ấy ở VIỆT NAM, mày về mà đánh giày cho ông ấy???

      Xóa