Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

HỒI KÝ ĐẠI HỌC MÁU CỦA HÀ THÚC SINH - KỲ 10

1      2      3      4      5      6      7      8      9       10      11      12      13      14

CHƯƠNG BỐN MƯƠI SÁU

Những ngày giữa tháng 5 năm 77 bỗng dưng các công tác có quy hoạch lớn được ngưng lại. Bọn tù được lệnh ở nhà sửa sang doanh trại, vét cống vét rãnh, vét giếng hoặc chỉ luân phiên tưới rau xanh ngoài các khu canh tác. Cũng có nhiều đội bị lôi lên các ban chỉ huy trại làm tạp dịch cho cán bộ. Những công tác này đã số chỉ là vét hầm cầu, quét dọn hoặc khuân gạo vào kho hậu cần, xuống thực phẩm khỏi các xe tiếp tế của khung hoặc sửa bếp, đóng bàn ghế...

Nhà 2 đội 17 có nhiệm vụ thực hiện một đường mương dài, dẫn từ nhà bếp ban chỉ huy trại 4 ra thửa ruộng nằm phía sau. Vĩnh và các bạn tay cuốc tay xẻng hùng hục đào mương dưới sự giám sát và canh phòng rất ơ hờ của một tên vệ binh. Vĩnh vừa cuốc vừa nhìn tên vệ binh. Nó trẻ quá, tuổi chỉ độ 17 là cùng. Trong bộ quân phục bèo nhèo và hơi rộng, thân thể nó coi mòi chẳng mập mạp hơn bọn tù bao nhiêu. Tệ hơn thế, nước da nó xanh mét như người đã phải chịu đựng chứng sốt rét nhiều năm không đủ thuốc chữa. Hàm răng vẫn là một hàm răng hô. Đôi mắt kèm nhèm như một người từng có thời kỳ bị đau mắt hột. Dáng dấp thằng vệ binh rõ ràng là một bằng chứng cụ thể về một con người đã bị một sức nặng vô hình đè bẹp từ thời còn măng sữa, và đã phải khắc phục quá sớm hết gian khổ này đến gian khổ khác để tiến tới... thành công đúng như lời Bác và Đảng đã từng ép uổng chịu đựng.

Nó ngồi trên một đống gạch vỡ, súng để ngang đùi ngó trời ngó đất và không thèm ngó ngàng gì đến bọn tù đang đào đường mương.

Giọng tổ trưởng Trần Bình cất lên đốc thúc anh em.

- Ráng lên mấy ông. Đào vòng đi. Tránh mấy cái cột điện có đế xi măng bằng không sẽ gãy cuốc hết.

Vĩnh quăng cái cuốc sang một bên, tiện tay cầm lấy cái xẻng và chống dưới đường mương đứng thở. Anh nhìn Trần Bình và thấy thương hắn. Bình cũng dân Hải quân như Vĩnh. Hắn mang cấp bậc trung úy đoàn viên. Anh ruột của Bình là Trần Công Quốc, cựu Hải quân thiếu tá khóa 12 Nha Trang và cũng là dân biểu quốc hội. Quốc thành dân biểu chính nhờ anh em Hải quân vận động cho rất nhiều trong thời gian tranh cử. Nhưng không ai ngờ Trần Công Quốc đã phản bội ngay khi làm dân biểu. Những đêm nằm bên nhau tâm sự, chính Trần Bình đã tiết lộ hết sự thật cho Vĩnh nghe. Theo Bình kể, Quốc đã chứa điện đài của Việt cộng trong nhà. Đã cưu mang trong tư thất ông dân biểu một bầy gián điệp địch mà cầm đầu là một trung tá Cộng sản từ Bắc vào...

Đợt thăm tháng Mười, ông anh vào thăm ông em. Ông anh, ông em cãi nhau một trận kịch liệt. Ông em hỏi.

- Bây giờ Cách mạng chiêu đãi anh chức vụ gì?

Ông anh buồn buồn nói.

- Chức vụ gì đâu. Họ cho trở về làm nghề gõ đầu trẻ là may rồi!

Bình không nhận tí quà nào của ông anh phản bội trong lần thăm ấy!

Tên vệ binh thình lình đứng dậy nhìn mặt trời và ra lệnh.

- Thôi mấy anh nghỉ tay uống nước đi. Cũng 10 giờ rồi đấy. Tôi cho các anh nghỉ tối đa, nhưng coi chừng mấy thằng quản giáo đấy.

Vĩnh và các bạn đều kinh ngạc với thái độ và lời nói đầy thân mật của tên vệ binh trẻ tuổi. Tất cả bò lên khỏi đường mương, tụm lại với nhau dưới mái hiên một dãy cầu tiêu của bộ đội ngồi uống nước nghỉ ngơi.

Vĩnh kiếm một chỗ riêng biệt, ngồi tựa lưng vào một phuy nước lôi cái ống sáo tre trong người ra và dùng một cái đinh chặt nham nhở dũa những lỗ sáo.

Tên vệ binh bỗng xà xuống bên cạnh và Vĩnh thực sự ngẩn người khi nghe nó hỏi bằng một ngôn ngữ không ngờ.

- Anh biết làm sáo hả? Em cũng thích sáo lắm cơ!

Vĩnh ngước mắt nhìn nó dò xét. Nét mặt nó thành thật quá, ngây thơ quá nhưng Vĩnh không biết làm sao trả lời.

Tên vệ binh lại tiếp. Thế anh có biết thổi sáo không?

Vĩnh cười khẽ.

- Tôi làm sáo được thì phải biết thổi sáo chứ.

Tên vệ binh thả mắt nhìn về phía văn phòng ban chỉ huy trại.

- Em biết thổi sáo từ hồi mười tuổi lúc còn chăn trâu ở quê nhà. Nhưng em lại không biết làm sáo. Em yêu âm nhạc lắm anh ạ.

Lối nói chuyện của tên vệ binh làm Vĩnh đâm tò mò.

- Quê anh ở đâu? Sao lại chăn trâu? Chứ không đi học à?

- Quê em ở Hà Nam Ninh anh ạ. Làng em nhỏ lắm. Em mồ côi cha từ bé. Mẹ em làm việc cho hợp tác xã nông nghiệp, nhờ đó em được chăn trâu cho hợp tác xã...

Vĩnh ngạc nhiên quá, bật hỏi.

- Thế việc chăn trâu của hợp tác xã không có quy mô lớn à?

- Làm gì có quy mô anh! Cả hợp tác xã chỉ có hai mươi đôi. Con em các xã viên đạt danh hiệu lao động tiên tiến được giao trâu mà chăn và được hưởng thêm 12 cân khoai bằng nếu là gạo thì 6 cân... Em bỏ học sớm lắm để lao động giúp đỡ mẹ em. Mẹ em bị lao mà cứ phải tranh thủ làm thêm ngày nghỉ khổ lắm.

Quả thực Vĩnh không sao tránh khỏi bùi ngùi. Chao ôi, trên căn bản con người, thế hệ thanh niên ngoài Bắc nào đã được sống như một kiếp người! Vĩnh lại hỏi.

- Anh đi bộ đội lâu chưa?

Tên vệ binh ngó Vĩnh buồn thảm.

- Lâu rồi anh ạ. Em bị bắt nghĩa vụ từ hồi mười bốn. Năm nay em mười tám. Em chẳng biết mẹ em có ai đắp mộ cho không!?

- Ủa, thế mẹ anh mất rồi à?

Tên vệ binh hơi ngẩng cao cổ như đang cố nuốt vào bụng một hòn bi.

- Uất hận lắm anh ơi. Vừa giải phóng xong thì mẹ em mất. Người trong hợp tác xã có đánh giây thép cho đơn vị em lúc còn đóng ở Tây Ninh. Thế nhưng chúng nó dấu biệt. Chúng không muốn cho em về phép. Sau này người làng vào Nam tìm gặp được em. Người ấy là ông chú em. Ông chú em cho biết mẹ em đã mất và hợp tác xã có đánh hai lần giây thép báo tin. Em khóc muốn mù mắt. Chú em giao lại cho em một cái rương giờ còn để đầu giường. Trong rương chỉ có ít thước ka-ki Nam Định mẹ em để dành cộng với mấy cái quần sờn gối của bố em ngày xưa. Chú em cũng giao cho em một gói nhỏ bảo đó là tiền của mẹ em để dành. Được 204 đồng anh ạ. Em cầm tiền mà khóc mùi. Em biết đó là vốn liếng cả đời lao động của mẹ em...

Vĩnh nói khẽ.

- Thôi mẹ anh mất rồi, để yên cho mẹ anh yên nghỉ. Mẹ góa con côi, anh buồn đau nhiều quá mẹ anh không chết yên đâu.

Tên vệ binh nhìn Vĩnh đăm đăm. Mắt nó đỏ hoe.

- Quên sao được anh! Em đâu có muốn đi bộ đội. Sau hiệp định Paris nó bắt nghĩa vụ trên quy mô lớn. Làng em đâu còn thanh niên. Đi trước sốt cả rồi. Nhưng vì chỉ tiêu của trên, làng bắt cả những đứa 13, 14 tuổi như em đem nộp về tỉnh cho đủ số. Làng em giờ này chắc chỉ còn những ông già bà cả. Con gái cũng bắt nghĩa vụ luôn. Họ nói là chỉ vào Nam tiếp quản thôi, không đánh đấm gì hết. Nhưng thực tế đánh gần chết anh ạ!

Câu chuyện của tên vệ binh bỗng dưng Vĩnh được nghe một cách quá thình lình, khiến anh không biết phải đối đáp ra sao. Một lúc Vĩnh cố lái sang vấn đề khác.

- Đời sống anh thế nào?

- Thế nào là thế nào anh?

- Thì ở trại này này, sống thoải mái không?

- Thoải mái là thoải mái với mấy thằng có tuổi Đảng kìa. Tụi em nào có đặc quyền đặc lợi gì đâu. Có hơn là hơn các anh tí chút thôi. Hơn ở chỗ gần đây không phải ăn cơm độn và mỗi bữa đều có tí chất tanh, chất đường và cả chất mỡ...

Vĩnh lại ngó tên vệ binh. Đôi mắt của nó rõ ràng không ẩn một nét dối trá nào. Anh khai thác thêm.

- Tôi thấy quân đội các anh sống thương nhau lắm mà. Bình đẳng nữa. Mọi người đều gọi nhau anh anh em em.

Tên vệ binh bỗng đẩy cái súng ra khỏi đùi, trợn mắt.

- Anh lầm hiện tượng với bản chất rồi! Chúng nó quan liêu còn hơn phong kiến.

Vĩnh bỗng cười cười và nói chận.

- Thế anh có biết phong kiến quan liêu thế nào không mà dám đem so sánh?

Tên vệ binh có vẻ hơi ngượng.

- Ừ thì Đảng dạy phong kiến quan liêu thì biết phong kiến quan liêu thôi. Em đâu biết gì hơn.

- Vậy các đồng chí chỉ huy quan liêu thế nào mà anh than quá thế?

- Ối dào! Hôm nọ em mang bát cơm ra trước ban chỉ huy ngồi ăn một mình cho mát, chẳng may đánh rơi mấy hạt cơm xuống đất, thằng thủ trưởng nó chửi em như tát nước rồi nó bắt em cởi áo bộ đội ra lau sạch cái nền đất trước phòng của nó. Em ức lắm mà vẫn phải chấp hành lệnh.

- Tôi...

Vĩnh tính ngắt lời nhưng tên vệ binh không chịu. Nó vẫn ào ào kể.

- Anh để em kể hết cho anh nghe. Em yêu nhạc lắm. Em thấy anh tranh thủ giờ giải lao để làm ống sáo tức là anh cũng phải yêu nhạc ghê lắm. Từ ngày vào đây thú thật em chết mê chết mệt với nhạc vàng trong này. Chao ôi sao mà hay quá anh ạ. Dù em phải học ngày học đêm chính sách chống văn hóa đồi trụy nô dịch của Mỹ ngụy, nhưng sao em vẫn chẳng thấy nó đồi trụy nô dịch chỗ nào cả. Em chỉ thấy nó hay thôi. Mà hay thì em cứ bảo rằng hay. Em còn biết thằng thủ trưởng và thằng chính trị viên chúng nó cũng tàng trữ trong phòng cả đống băng nhạc vàng chứ bộ không sao! Phần em, sau nhiều đêm tính toán, em quyết định dùng số tiền để lại của mẹ em ra chợ trời Biên Hòa mua một cái cát-xét và bốn cuộn băng nhạc vàng. Em đưa về trại và dấu nghe một mình. Nhưng rồi có lẽ mấy thằng bạn trong Đoàn 1 nó báo cáo em, nên thằng chính trị viên nó biết, nó gọi em cảnh cáo. Kệ nó! Nó nghe nhạc vàng được, nó đọc truyện chưởng được thì em cũng cứ nghe nhạc vàng xem đã chết ai! Thấy em không chấp hành nghiêm chỉnh lời cảnh cáo, tụi nó tịch thu mất của em một băng nhạc vàng Thanh Thúy. Cho tụi nó tịch thu, em còn tới ba cuốn băng khác. Nhưng không ngờ lần sau chẳng những tụi nó tịch thu cả ba cuốn băng còn lại mà còn tịch cả máy và đuổi em ra khỏi Ban Quân Y trại nữa!

Vĩnh hết ý kiến với câu chuyện kể quá thành thật của tên vệ binh. Nhưng anh biết an ủi nó cái gì bây giờ. Bọn "tụi nó" chỉ tịch thu của một đồng chí thấp cổ bé họng một cái cassette và vài cuốn băng nhạc thôi, chứ tụi nó tịch thu cạn tầu ráo máng của cả đất nước này đến tận cùng xương máu rồi, ai an ủi cái đất nước lầm than này đây!? Nghĩ thế Vĩnh chỉ nói khẽ.

- Thôi mất cái này anh mua cái khác.

Tên vệ binh vội đứng lên vì thấy một thằng quản giáo đang trờ tới.

- Trời ơi! Lương em trừ tất cả cơm nước linh tinh mỗi tháng chỉ còn 5 đồng nhét túi. Đi một cuốc xe lam ra Biên Hòa là hết nhẵn. Đến kiếp sau họa may mới mua nổi cái khác...

Nói rồi tên vệ binh vội vã lớn tiếng với mọi người. Thôi, yêu cầu các anh trở lại lao động, giải lao xong rồi...

Vĩnh trở lại với cuốc với xẻng. Anh Huy đứng bên cạnh đùa khẽ.

- Này, tớ ghi nhận hết đấy. Cậu thủ thỉ tuyên truyền phản động cái gì với thằng vệ binh nhóc tì ấy đấy? Liệu hồn không bị "phản phúc" vỡ mặt đấy nhé!

Quản giáo Thừa bước tới phía bọn Vĩnh đang đào mương vừa lúc những tiếng kẻng bất thường từ nhà kiểm soát nơi cổng trại vang lên. Mọi người hơi ngơ ngác vì tiếng kẻng khua lên lúc chưa tới 11 giờ. Lúc này Vĩnh mới nhận thấy nhiều toán tạp dịch khác như toán kéo nước cho nhà bếp bộ đội, toán sửa mái nhà cho ban chỉ huy, toán sửa bàn ghế cho bọn hậu cần, toán chuyển phân trong cầu tiêu cán bộ ra ao rau muống gần khu chuồng bò... đều đã nghỉ tay và tập họp đội hình. Quản giáo Thừa chợt ngoắc tổ trưởng Trần Bình ra lệnh.

- Này anh Bình! Ngưng tay công tác cho anh em tập họp về trại.

Cả đám cố dấu sự vui mừng trong lòng, vội vã tập trung cuốc xẻng vào một góc rồi ra tập họp. Tổ trưởng Bình sau khi điểm danh, cất tiếng báo cáo.

- Báo cáo anh tổ đào mương 10 người tập họp đủ!

- Thôi được, bây giờ cho anh em về trại. Khẩn trương lên!

Từ ban chỉ huy trại 4 về tới trại chỉ băng qua một con đường. Bọn Vĩnh vừa đi vừa bàn tán.

- Chuyện gì mà được nghỉ đột xuất vậy nhỉ?

Một người lên tiếng.

- Chuyện gì! Chẳng lẽ thống chế Nguyễn Cao Kỳ và đại tướng Ngô Quang Trưởng đã tiến vào Sài Gòn? ĐM. được nghỉ thì cứ sướng cái đã!

Về tới phòng Vĩnh nằm vật ra thở. Chung quanh anh các tổ khác hầu như đã về trước từ hồi nào. Họ đang bu vào hút thuốc lào rổm và bàn tán việc được nghỉ lao động sớm.

- Đám thằng Thừa nó nói đúng đấy. Tao nghi được thả một mớ không chừng! Lúc này nghe đồn áp lực quốc tế dữ lắm. Nghe phong thanh có nhiều phái đoàn Hồng Thập Tự và Liên Hiệp Quốc đã ghé thăm nhiều trại cải tạo ngoài miền Trung.

- Nhiều ít không cần, miễn sao có người được thả thì mới hy vọng cánh cửa trại tù từ từ được mở rộng hơn.

Nghe anh em bàn tán mà Vĩnh đau đầu. Mấy ngày nay anh bị bệnh nhức đầu hành hạ. Nghe mấy vụ này còn khiến đau đầu hơn nữa. Cái vụ được thả... sang trại nuôi trâu bò của thằng Hạ mấy tháng trước còn rành rành trước mắt, có lãng mạn cách mấy thì Vĩnh cũng không thể tin được nữa. Chim bị bắn hụt cả trăm lần rồi sao vẫn nhiều anh cứ bị mắc hợm! Vĩnh moi mấy viên thuốc bổ mà ông học trò của anh đã tặng cho uống một viên, xong anh lại nằm xuống suy nghĩ vẩn vơ. Ngay lúc ấy Nguyễn Chí Kham từ ngoài dáo dác bước vào. Anh tiến đến chỗ Vĩnh nằm và nói khẽ.

- Vĩnh, ra ngoài này nói chuyện.

Vĩnh chồm dậy đi theo Kham ra ngoài sân. Hai người tiến tới khoảng trống gần bếp đội 18. Vĩnh hỏi.

- Chuyện gì vậy?

- Chưa biết à?

- Biết gì đâu!

- Trưa nay cả trại sẽ lên hội trường học bài gì đó, sau đấy sẽ rất nhiều người được thả.

- Chắc không?

- Lấy gì làm chắc, nhưng chính tôi nghe thấy thằng Lê Bá Lý nó nói như thế.

- Thằng Lê Bá Lý đâu có phải thằng Lê Duẩn.

Kham lắc đầu.

- Thì chỉ biết vậy thôi. Tôi báo cho ông vui. Vả lại thằng Lý nó bảo với nhà trưởng của tôi rằng ít lắm cũng thả một phần ba. Không biết mình có đẻ bọc điều không!?

- Ông Dzoãn Bình thế nào?

- Ông ấy cũng hý hửng lắm.

Vĩnh lại hỏi.

- Có liên lạc với Nguyễn Hữu Nhật không?

Kham bỗng giẫy nẩy.

- Thôi chết tôi quên mất! Hôm qua Nhật nhờ người chuyển cho ông một lá thư. Tôi để quên ở nhà mất rồi.

- Thôi được. Chút tôi theo ông sang đó lấy. Hắn còn ở trại 2 hả?

- Tôi không biết. Lá thư được chuyển từ bệnh xá. Tôi nghe phong thanh hắn làm khối mộc, bào gỗ bị trật đường bào, dằm gỗ xẻ rách cả bàn tay phải đi nằm bệnh xá.

Sau đó Vĩnh theo Kham đến đội của anh ta, tuy nhiên Vĩnh chỉ đứng xa xa vì đội của Kham có thằng Lê Bá Lý quá hắc ám, anh không muốn gây phiền hà cho bạn và cả cho mình.

Một lúc sau Kham chạy ra, mặt mày hớt hải.

- Chết rồi ông ơi. Ông Dzoãn Bình vừa có lệnh thu quần áo chăn mùng và cơ động chờ lệnh.

- Có người nào khác nữa không?

- Không, chỉ mình ông ấy thôi.

- Lạ nhỉ! Lâu lắm rồi mới có vụ biên chế lẻ tẻ như thế này. Lạ nhỉ! Ông ấy đâu?

- Ông ấy trong nhà đang sửa soạn đồ đạc.

- Tôi vào được không?

Kham ngần ngại.

- Không nên, thằng Lê Bá Lý nó khó lắm. Kẹt đấy!

- Thôi được, ông nói với Dzoãn Bình có tôi muốn gặp ông ấy. Có gì ông ấy chạy qua đội tôi.

Nói rồi Vĩnh nhận lá thư cuộn nhỏ của Nhật gửi và quay gót về nhà. Lá thư viết.

Tôi bị thương ở tay nằm viện 4 ngày rồi. Hai ngày nay trên bệnh xá thiên hạ đồn vụ thả ghê lắm. Các bác sỹ Cách mạng ở đây cũng úp mở cho biết trong số bệnh nhân có quá trình học tập lao động tốt cộng với lời đề nghị yếu kém sức khỏe của quân y trại sẽ được thả trong nay mai. Phần ông thế nào? Có khỏe không? Tôi chịu bài Mộng Về lắm. Hát đã thuộc lòng. Có cách gì chuyển cho tôi ít bài nữa. Tôi có đường dây Tây.

Thân. ĐĐH

Vĩnh xé nhỏ lá thư của Nhật nhét vào túi. Anh không quan tâm lắm đến nội dung của lá thư. Hiện tại bên trại này đang có cả núi tin đồn nghe không hết, nghe thêm làm chi tin đồn ở bệnh xá. Còn chuyện đưa thêm cho Nhật ít bài nhạc nữa để "Tây"2 là điều không thể. Chưa phải lúc. Vả lại, nói cho cùng Vĩnh không đủ can đảm liều mạng vì mấy bản nhạc chưa đâu vào đâu.

Nghĩ thế nhưng Vĩnh cũng viết vài chữ trả lời và tính chuyện chuyển cho Nhật khi có thể.

Đang loay hoay viết thư thì ông Dzoãn Bình xuất hiện nơi cửa gọi lớn.

- Vĩnh! Vĩnh! Ra đây cái coi.

Vĩnh choàng dậy chạy ra cửa.

- Nghe nói anh có thể bị lôi đi đâu phải không?

- Ừ, tôi đang lo đái ra máu đây. Tự dưng khi nãy thằng quản giáo đội nó tìm tôi và ra lệnh thu vén đồ đạc cơ động chờ lệnh của khung. Lo quá ông ạ. Không biết nó lôi tôi đi đâu đây!

Vĩnh đành an ủi.

- Cá nằm trốc thớt, lo làm gì cho nó tổn thọ. Kệ mẹ nó anh! Đi chỗ khác thay đổi không khí không chừng lại đạt yêu cầu hơn.

Dzoãn Bình trông có vẻ buồn lắm. Nhưng có lẽ vì chưa có một cái gì xác đáng để mà than thở nên anh im lặng, móc túi lôi ra một gói giấy nhỏ xíu.

- Chả biết chút nữa đây ra sao. Thôi thì cũng đành kệ mẹ nó. Tới đâu thì tới. Tôi nghe cậu đang bị chứng đau đầu hành hạ. Tụi nhỏ kỳ thăm vừa rồi chúng nó có đem vào cho tôi 20 viên Cervotonique. Tôi để dành 10 viên, chia cho cậu 10 viên. Nói rồi Dzoãn Bình vỗ vai Vĩnh. Ráng giữ sức khỏe nghe "thi sởi". Cái đầu là quan trọng nhất. Ráng tỉnh táo. Tôi tin cậu sẽ...

Dzoãn Bình chẳng nói hết câu. Anh bỏ tay khỏi vai Vĩnh và lầm lũi quay đi.

Cơm trưa xong thì tất cả được lệnh tập trung lên hội trường. Tin đồn đã có một phần nào đúng. Hơn một ngàn tù của trại 4 dồn hết lên một hội trường chật hẹp, được tù đắp nền đất và khênh luôn ba dãy nhà cũ có chiều dài 5m X 8m ráp dính vào nhau từ ngày Vĩnh vừa được biên chế sangđây. Diện tích không chứa nổi số tù nên bọn quản giáo đã cho phép một số đông xếp hàng ngồi ngoài hiên để lắng nghe một "thông cáo quan trọng" của chính sách cải tạo đầy khoan hồng và nhân đạo của nhà nước Cộng sản.

Một giờ trưa, sau những thủ tục ổn định chỗ ngồi, sau những bài phát hát đại loại "Như Có Bác Hồ Trong Ngay Vui Đại Thắng", sau những nghiêm những nghỉ, bọn quản giáo và cán bộ khung đã ngồi đầy trên những hàng ghế kê trước mặt bọn tù. Trước mặt chúng có một cái bàn, trên bàn có một cái radio cải tiến thành máy vi âm với năm sáu cái loa lớn giăng khắp đó đây. Tên chính trị viên mang quân hàm thượng úy ngồi trước cái máy radio cải tiến và bắt đầu lên lớp.

- Hôm nay khung cho các anh nghỉ lao động, tập họp tại hội trường để nghe một thông cáo quan trọng. Yêu cầu trước mặt các anh phải tuyệt đối trật tự, giữ yên lặng và lắng nghe tốt thông cáo. Trời tháng này có nóng, hội trường ta có chật, yêu cầu các anh khắc phục nghe cho tốt.

Sau khi ngoái lại để hội ý sơ qua với thằng thủ trưởng ngồi ghế phía sau, tên chính trị viên trở lại với bọn tù: Vậy thì là thế này. Như các anh đã biết, sau ngày đất nước ta toàn thắng đế quốc Mỹ, toàn thắng bọn tay sai ngụy quân ngụy quyền, chính quyền Cách mạng đã phát huy truyền thống anh hùng và bao dung của người xưa, chỉ đánh kẻ chạy đi, không bao giờ đánh người chạy lại, đã tạo điều kiện quy các anh về đây học tập cải tạo, mong các anh sớm trở nên người lương thiện, phục vụ xã hội, phục vụ nhân dân, phục vụ Cách mạng sau này...

Tên chính trị viên khởi đầu bằng bài học mà bọn tù trong gần hai năm qua đã nghe cả 1.001 lần. Do đó, dù sốt ruột không rõ thông cáo quan trọng là thông cáo gì, bọn tù chỉ dùng thì giờ quay ngang quay dọc bàn tán nho nhỏ cho quên cái nóng đang phủ trùm trong hội trường. Mãi cho đến khi có vài tay báo động rằng: Nghe kìa! Họ đọc thông cáo... thì hầu hết mọi người mới chú ý trở lại. Bên trên, tên chính trị viên vẫn vuốt mồ hôi lên lớp.

- Có vào thì phải có ra. Cách mạng luôn luôn trước sau như một. Ngày mai đây, một số đông đảo các cải tạo viên đã học tập tốt, lao động tốt, có những chuyển biến lớn trong tư tưởng, đã tạo được nhiều thành tích xuất sắc trong quá trình học tập cải tạo vừa qua, sẽ được Cách mạng cho về đoàn tụ với gia đình. Việc xét thả này sẽ chứng minh với những kẻ xấu, những kẻ vẫn yếu lòng tin không chịu phấn đấu học tập cải tạo thấy rằng sự xuyên tạc về chính sách cải tạo của nhà nước ta là hoàn toàn sai trái...

Đối với Vĩnh, nghe thế là đủ rồi! Đến lúc này ít ra cũng đã phải 3 giờ rưỡi chiều. Vĩnh ngó qua cửa sổ hội trường ra ngoài vuông sân xi măng chan chứa nắng nằm gần dãy nhà của đội 13. Thốt nhiên Vĩnh giật mình. Rõ ràng Dzoãn Bình đang ngồi trên sân nắng với cái túi chăn mùng quần áo và đợi một điều gì đó. Anh ta ngồi thu mình dưới nắng, trên đầu đội cái nón cối rách cũ không còn vải bọc mà chỉ còn lớp bần bên trên trong trông tàn tạ quá sức tưởng tượng.

Dzoãn Bình bị lôi đi đâu? Tại sao chỉ đi có một mình? Ngồi lẻ loi ngoài sân nắng chờ một quyết định cho vận mệnh mình chẳng biết từ đâu đưa tới, anh ta đang nghĩ ngợi gì? Vĩnh rất muốn nhưng vô phương chạy ra ngồi với bạn.

Một lúc sau đó Dzoãn Bình bị hai tên vệ binh từ cổng trại bước vào và dẫn đi mất. Vĩnh còn nhớ như in cái địa chỉ của anh Dzoãn Bình, nhưng làm cách nào báo tin cho gia đình anh biết?

Dưới sức nóng của tháng Năm, ngồi trong hội trường với đủ thứ vấn đề quay cuồng trong đầu, óc Vĩnh như muốn vỡ tung. Anh tính đóng một vở kịch ngất xỉu để được về nhà nằm. Nhưng vở kịch chưa kịp thực hiện thì những tiếng hô hoán đã nổi lên. Những bài hát kế tiếp cho Vĩnh biết giờ lên lớp sắp chấm dứt...
--------------------------------
1
Đoàn: Cán binh miền Bắc trên thực tế rất chia rẽ, do sự chênh lệch về quyền lợi giữa người chưa được nhập Đoàn, nhập Đảng với những người đã được gia nhập. Qua một thời gian ở bộ đội, thanh niên hội đủ điều kiện mới được đề bạt nhập Đoàn. Trở thành đảng viên đòi hỏi phải có một thời gian phấn đấu tốt trong Đoàn.
2
Tây: Tiếng lóng trong tù dùng để ám chỉ đi hoặc chuyển một cái gì ra ngoại quốc. Thí dụ vợ anh Nam "Tây" rồi có nghĩa là vợ anh Nam đã vượt biên rồi. Hoặc xừ Bắc đã "Tây" được vài bài thơ có nghĩa là xừ Bắc đã chuyển ra ngoại quốc được vài bài thơ..

CHƯƠNG BỐN MƯƠI BẢY
Vĩnh cố tin những người bị lôi đi khỏi trại vào dịp cuối tháng Năm năm 1977 vừa qua là được thả về đoàn tụ gia đình. Nhưng kiểm điểm lại những người quen biết ra đi, Vĩnh thấy niềm tin của mình không có căn cứ vững chắc.

Nguyễn Hữu Nhật, sỹ quan CTCT phủ tổng thống.
Nguyễn Chí Kham, sỹ quan biệt phái đài phát thanh Huế.
Dzoãn Bình (ra đi trước hai ngày và đi lẻ loi một thân một mình) là ký giả của VNTTX.
Vương Đắc Vọng, sỹ quan CTCT BCH/PB.
Huỳnh Công Cẩn, sỹ quan tùy viên của ông số 2 Cục ANQĐ.
Nguyễn Văn Lộc, sỹ quan Ban Trận Liệt P2/TTM.
Nguyễn Văn Tâm tự Tâm Đen, sỹ quan TC/CTCT.
Trần Văn Đại, đơn vị 101...

Bên trên chỉ là những người quen biết hoặc ở chung với Vĩnh từ những ngày đầu. Còn hàng trăm người của trại 4 (chưa kể trại 1, 2, 3) ra đi và đều thuộc diện Chiến Tranh Chính Trị, An Ninh Quân Đội, Cục Trung Ương Tình Báo, Cảnh Sát Đặc Biệt, Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, Quân Báo, Biệt Cách, 101); thậm chí cả những tay bị nhốt connex cũng bị lôi ra tống lên xe Molotova, trong đó có cả tay Mẫn, người từng xưng mình là Giáo Chủ Tôn Giáo Liên Hiệp Thế Giới...

Những thành phần ấy có lý gì chúng đem thả! Nhưng không đem thả thì đem đi đâu? Trong cái hộp sắt kín bưng là trại cải tạo, người ta chỉ có thể đặt câu hỏi mà không có cách gì tìm được câu trả lời chính xác.

Sau chuyến một số đông ra đi đó, trại 4 được củng cố lại. Một số nhà trống được sửa sang cấp tốc. Các công tác lớn vẫn bị đình chỉ. Bọn tù được điều đồng vào những việc đào thêm giếng, làm thêm hệ thống đường mương, trồng thêm cột đèn, đắp thêm bếp và sửa sang lại tất cả các nhà cửa...

Trong giai đoạn này, chẳng hiểu một số người tìm đâu ra một nguồn tin mới, theo đó tù cải tạo trại An Dưỡng trong một tương lai ngắn sẽ được đưa đi hết, thay vào đó, An Dưỡng sẽ biến thành một trại lính đặt dưới quyền xử dụng của sư đoàn 5 hay 7 gì đó của Cộng sản. Sư đoàn này sẽ có nhiệm vụ phòng vệ cho toàn vùng Biên Hòa và đặc biệt cho phi trường Biên Hòa. Cũng theo nguồn tin này thì hiện nay phi trường Biên Hòa đang bị đe dọa. Mỹ có thể từ Đệ Thất Hạm Đội bay vào đánh phá bất cứ lúc nào.

Nguồn tin như khơi lại những biến cố từ mùa Xuân năm ngoái, khi các kho đạn trên toàn miền Nam bỗng nhiên phát nổ, lại được đưa ra bình luận một cách kịch liệt...

Trong lúc cả trại đang sinh hoạt với không khí như vậy, Phạm Xuân Huy và Nguyễn Văn Ý quyết định gấp rút tiến hành việc vượt ngục. Những thứ cần thiết tối thiểu cho cuộc vượt ngục như muối, dao găm, dây dù, thực phẩm khô... vẫn được Ý lưu giữ rất cẩn thận. Mặc dù Ý rất thông thạo vùng này, nhưng Vĩnh vẫn không yên tâm lắm khi anh chưa nhận được cái địa bàn từ gia đình đưa vào. Huy thì thúc hối ngày đêm rằng: Anh em phải quyết định khi trận mưa đầu mùa tháng Sáu bắt đầu đổ xuống. Theo ý kiến của các bạn, bằng mọi cách Vĩnh phải khai bệnh nằm nhà để hoàn tất vài vật dụng cần thiết cho cuộc vượt ngục. Ngoài ra anh còn phải nghiên cứu nhiều hơn các dãy hàng rào và đường hào chạy quanh bên phải đường biên trại 4. Nếu vượt được những dãy thép gai chằng chịt, người vượt ngục sẽ ra được tới đường hào. Vượt được đường hào vào mùa mưa có chiều sâu 4 mét ngập nước và thép gai không phải là chuyện dễ, nhất là trong đám lại có Vũ Duy Cường, cựu võ sỹ quyền Anh nhưng hoàn toàn không biết bơi.

Sau khi hưởng ứng lời cố vấn của Nguyễn Văn Ý, Vĩnh dùng ống chích lấy máu trong gân tay bơm vào một cái hũ Péniciline có bỏ muối để dành. Ngay tối hôm ấy, giữa cuộc họp nhà thường nhật, Vĩnh lên một cơn ho rũ rượi và máu trong miệng văng khắp cùng trước mặt mọi người. Nhà trưởng Nhan Quang Minh vội đứng lên và chạy lại đỡ lấy thằng bạn tù gầy còm. Những tiếng xầm xì, những lời thương xót, những giọng thúc hối đi kêu quân y vang dội cả nhà...

Sau lần ho ra máu ấy, dù không được đi viện, nhưng Vĩnh được nằm nhà nghỉ ngơi đúng như sự dự liệu của những tay âm mưu vượt ngục.

Trong vòng một tuần lễ, Vĩnh đã làm xong mọi việc được cả toán trao phó: Ăn cắp thêm muối của nhà bếp, chế 200 cái móc sắt, se được 50 thước dây làm bằng sợi bao cát và nhất là thuổng được một con dao phay của hậu cần trại. Tất cả lại được đem ra gần hàng rào đào đất chôn dấu. Dù sao đào dấu mấy thứ vật dụng đó còn dễ, đào chôn dấu thực phẩm mới khó. Ý và Huy đã giao cho Vĩnh đủ loại thực phẩm khô: gạo xấy, cơm phơi khô, bột ngọt, đường, bánh men... Vĩnh không biết làm sao chôn dấu. Những thứ ấy tổng cộng phải trên 15 kgs. Muốn chôn dấu an toàn phải chia làm nhiều túi nhỏ, và những túi nhỏ ấy phải cần có nhiều bao nylon tốt bọc thật kín, bằng không sẽ hư hỏng hết. Nhưng nếu chia làm nhiều túi nhỏ, chôn nhiều chỗ, lúc vượt rào làm sao lấy kịp, nhất là lấy trong đêm tối!?

Mỗi buổi sáng, sau khi cả trại đã đi lao động, Vĩnh ra sân tập họp với tổ bệnh để xuống bếp nhận công tác đặc biệt dành cho những người bệnh nặng hoặc mãn tính. Sau cái màn giả ho lao, Vĩnh thấy tiếc là từ trước đã không nghĩ ra việc này. Quả thực trong tù Cộng sản, nếu muốn giả bệnh không gì dễ ăn bằng giả bệnh ho lao, nhưng phải ho ra máu. Lý do bệnh xá trong tù không có quang tuyến X và bác sỹ quân y của Cộng sản toàn bọn "phấn đấu" 1 mà thành. Có thể sự giả bệnh này sẽ đem đến cho "kịch sỹ" một chút cô đơn, ấy là dù muốn dù không nhiều anh em cùng tổ cùng đội tìm cách xa lánh. Sự kiện này, "kịch sỹ" (hay người bệnh) không tìm ra lý do trách cứ. Đời sống nơi đây lúc nhúc như thú vật, một mầm bệnh cảm cúm thông thường cũng có thể gây thành một cái dịch lớn; huống hồ gì cái mầm bệnh ho lao! Hơn nửa tháng qua, thủ vai người tù ho lao ra máu, Vĩnh cũng được nếm đủ mùi thế thái nhân tình như ai. Đã không thiếu những người chơi thật thân với Vĩnh từ những ngày đầu đi tù, giờ đây gặp anh, họ tránh như tránh hủi! Trừ đám bạn dự trù vượt ngục với Vĩnh biết rõ anh giả lao, còn thì đa số đều tin rằng Vĩnh lao thật. Không tin sao được khi suốt ngày Vĩnh lom khom như một cụ già, đi nghiêng nghiêng như người chỉ còn một lá phổi; những cơn ho húng hắng, hết húng hắng đến xù xụ và nhiều khi bò ra nhà ho đến đỏ mặt tía tai. Bạn bè chung quanh càng khiếp Vĩnh trong giai đoạn này là anh chàng Bùi Vịnh. Vịnh nằm sát Vĩnh. Biết Vịnh sợ lây, anh tìm cách chọc Vịnh bằng cách đêm đêm, thỉnh thoảng lại quay sang Vịnh ho vài cái. Một đêm kia, lúc mọi người đều ngủ cả, Vĩnh quay sang Vịnh họ một tràng như pháo nổ. Bùi Vịnh có lẽ nhịn nhiều quá chịu không thấu, cu cậu ngồi choàng dậy hét ầm ỷ.

- Ối trời ơi là trời ơi! Yêu cầu nhà trưởng cho tôi đi chỗ khác ngủ, ra cầu tiêu cũng được. Thằng Vĩnh đêm nào cũng nhè mặt tôi ho năm bảy phùa thế này thì đời tôi đến tàn mất thôi...

Cả phòng đang ngủ nghe Bùi Vịnh la trời đều bật dậy và cằn nhằn. Họ không nằm cạnh Vĩnh, không hưởng những cú họ vào mặt như Bùi Vịnh nên dĩ nhiên có đầy đủ quyền lên tiếng thương xót và bênh vực Vĩnh...

Nhiệm vụ hiện nay của một người ho lao ra máu như Vĩnh là xuống bếp ngồi lựa khoai sùng. Công tác thường bắt đầu từ 8 rưỡi, nhưng đến 10 giờ dù xong hay chưa xong, những bao khoai vẫn phải đem ra giếng rửa để các anh nuôi cho độn vào những chảo cơm vừa cạn. Nói lựa cho vui, trên thực tế những bao khoai ấy đã trải qua đôi ba lần lựa rồi. Nó được lựa từ trên hậu cần trung đoàn, rồi hậu cần tiểu đoàn, đến khi giao cho bếp tù thụ hưởng thì khoai đã hoàn toàn ở vào tình trạng:

Khoai sùng lựa bảy còn ba,
Lựa hai còn một vẫn ra khoai sùng!

Vĩnh ngồi trước bếp với mấy ông bạn bệnh, tay lựa khoai nhưng mắt vẫn nhìn đăm đăm về phía cầu tiêu trại. Gần nửa tháng nay Vĩnh đã nhìn, đã suy nghĩ và đã tính toán đủ chuyện.

Sáu người cùng trốn trại một lượt. Đây có thể là một con số trốn trại kỷ lục từ trước đến nay tại trại An Dưỡng nếu như nó xảy ra và thành công. Nhưng làm sao thành công đây?

Rồi thì cuối cùng thực phẩm lẫn thuốc men cũng đã được đem chôn và đánh dấu kỹ càng. Sau những lần thảo luận, anh em đều quyết định sẽ trốn bằng đường hào khi những trận mưa vào trung tuần tháng Sáu đổ xuống. Càng gian nan càng dễ thoát! Đó là một lập luận đúng. Trong lúc chờ đợi ngày N giờ G, Ý nảy ra ý kiến bắt Vĩnh dạy Anh Văn cho mọi người trong toán. Ý lý luận rằng trên con đường vạn dặm đi tìm kháng chiến, ai biết đâu một ngày nào đó cả bọn lại chẳng lạc sang mãi tận Thái Lan!? Và việc sang tới đó rồi mà phải nói bằng tay coi không văn minh tí nào; do đó, việc Vĩnh phải làm siêng dạy Anh Văn cho anh em là chuyện rất nên làm. Từ đó từng đêm, ngoài việc "nhật tu" cho cái lệnh hành quân do Nguyễn VănÝ thảo bằng mồm, cả bọn còn phải kiếm một góc tối tương đối an toàn để Vĩnh lên lớp các bài học What is this? What is that!

Một buổi sáng tháng Sáu gai gai lạnh do hậu quả của một cơn mưa dầm đêm hôm trước, như thông lệ, khi tiếng kẻng báo thức lôi mọi người ra sân tập họp điểm danh trước khi được phép ra giếng đánh răng xúc miệng, thì nhà 3 báo cáo vắng mặt Nguyễn Văn Ý. Tiếp đó nhà 4 báo cáo vắng mặt Vũ Duy Dương và nhà 1 báo cáo vắng mặt Phạm Xuân Huy. Cả đội nháo nhào như lâm cảnh cháy nhà. Đội trưởng Uyên, đội phó Hiệp và các nhà trưởng tức tốc gặp nhau hội ý và cùng quyết định đi báo quản giáo cho kịp thời.

Vĩnh đứng trong hàng nhà 2 mà run rẩy chân tay. Trời ơi! Vĩnh không thể ngờ được sự thể diễn ra ngoài dự trù như vậy. Tất cả mọi kế hoạch trốn trại đã từng bàn thảo với nhau bỗng trở về óc Vĩnh với đầy đủ mọi chi tiết. Tại sao họ ra đi mà không báo cho Vĩnh, Điểu và Tuấn lấy một lời!?

Vĩnh không tránh khỏi sự rung động khi nghe rõ cái giọng nửa đực nửa cái của Võ Hữu Hiệp báo động nhà trưởng Nhan Quang Minh.

- Anh kiểm lại nhà anh xem còn thằng Vĩnh không? Mất nó nữa là đủ bộ đấy!

Vĩnh cố lấy lại bình tĩnh để ứng phó với biến cố ngoài dự tưởng trước mặt. Khi bọn vệ binh đi theo mấy tay quản giáo từ khung chạy xuống đội 17, Vĩnh sực nhớ ra một điều quan trọng: Tuyệt đối phải thủ tiêu mọi dấu vết mà bọn cán bộ có thể dùng làm bằng chứng quy tội Vĩnh có dính líu trong vụ này. Nhưng thủ tiêu cái gì bây giờ? Vĩnh bỗng lạnh mình nhớ tới việc bọn cán bộ sẽ lục lạo kiểm kê mớ quần áo mùng mền của những người trốn trại. Chao ôi, nếu thế thì nguy to! Vĩnh biết chắc trong đống đồ đạc của Huy không có gì, nhưng trong đống đồ đạc của Dương có quyển vở ghi nhạc lý mà Vĩnh từng chép ra để chỉ cho một số anh em. Thế nhưng quyển vở này cũng không nguy hại bằng hai quyển vở viết tay đầy ngữ vựng và văn phạm Anh Văn của Vĩnh đưa cho Ý. Hiện nó rất có thể đang nằm trong đống chăn mùng mền của Ý. Vĩnh hy vọng trước khi ra đi, Ý và Dương đủ bình tĩnh để thủ tiêu bút tự của Vĩnh, tránh lưu lại những phiền phức nguy hiểm cho anh.

Đội 17 được lệnh tan hàng và trở về nhà ngồi tại chỗ, chờ đến khi có lệnh mới. Ngoài sân, bọn quản giáo và vệ binh dẫn vài tay chức sắc đi quan sát phạm vi đội 17 như để tìm tòi một cái gì. Giọng một quản giáo cất lên.

- Anh Uyên đội trưởng đi một vòng các đội khác xem sao. Có thể ba anh ấy mới sáng sớm đã đi liên hệ linh tinh chăng?

Giọng Uyên.

- Dạ tôi đã đi hai ba lần rồi.

Một quản giáo khác.

- Thôi được. Trước khi báo cáo lên trên, tôi muốn các nhà cho người đi mò các giếng xem sao đã. Nhỡ người ta rơi xuống...

Tên quản giáo nói tới đây chợt ngừng lại vì có lẽ hắn thấy lời đề nghị của mình hơi khôi hài. Chả lẽ cùng lúc cả ba thằng tù cải tạo cùng rơi xuống và chết chìm dưới giếng?

Vĩnh ngồi trong nhà thấp thỏm lo lắng. Tuấn ở cùng nhà, ngồi một góc lâu lâu đưa mắt nhìn Vĩnh như chia xẻ mối lo lắng. Dù sao, Tuấn râu cũng có nhiều lý do để an tâm hơn trong tình trạng hiện tại. Từ buổi đầu bàn chuyện trốn trại, Tuấn vẫn luôn luôn giữ đúng bản tính lặng lẽ của anh ta. Anh hạn chế tối đa việc la cà công khai với đám Vĩnh và chỉ gặp nhau khi thật cần thiết. Hầu như hiện nay chẳng ai nghi ngờ Tuấn có dính líu với đám trốn trại. Nhưng riêng với Vĩnh ở nhà 2 và Điểu ở nhà 1 thì khác. Khi Dương, Ý và Huy vắng mặt trong lần điểm danh khi nãy và đã được báo cáo trốn trại, thì hầu như cả bạn lẫn bọn ăng ten, dù chưa nói ra, nhưng ai cũng biết "tụi nó một băng với nhau".

Nghĩ tới những quyển vở, Vĩnh không cho phép anh ngồi yên nữa. Bằng mọi giá, Vĩnh phải tìm biết xem nó còn nằm trong đống đồ đạc của Dương và Ý hay không? Nếu còn, nó phải được thủ tiêu kịp thời. Vĩnh xin phép nhà phó đi tiêu. Anh luồn qua phía cửa sau nhà 3 với hy vọng gặp được Ân Xệ, người từng là tổ trưởng cũ của Vĩnh và hiện nay được làm trực phòng nhờ bệnh sa ruột của nó. Ân là bạn của bọn Vĩnh. Không rõ trước kia Ân có từng là học trò của anh Huy không, mà mọi người đều thấy Ân gọi anh Huy bằng thầy một cách rất kính trọng.

Vừa lách qua một dãy thùng phuy kê sau nhà 3 Vĩnh đã nghe gọi.

- Vĩnh!

Vĩnh quay phắt người lại. Anh thấy Ân đang loay hoay bên đống rác sau nhà. Vĩnh mừng quá.

- Trời ơi tao đang mong gặp mày đây.

Như hiểu ý, Ân ngoắc Vĩnh lại gần, nói khẽ.

- Tao biết mày đang lo đái ra máu. Nhưng cứ bình tĩnh. Vĩnh sốt ruột vào đề luôn.

- Nhà mày chúng nó đã xét đồ thằng Ý chưa?

Ân đáp.

- Từ khi báo cáo mất Ý, thằng nhà trưởng tao đã cho lệnh tao lôi đồ đạc nó xuống kiểm kê liền. Tao thấy nó có một quyển tự điển Anh Việt và hai quyển vở viết đầy chữ, tao dấu luôn.

Nghe Ân nói Vĩnh mừng còn hơn chết sống lại. Anh hỏi.

- Mấy quyển vở đâu rồi?

- Tao dấu trong sắc tao...

Vĩnh dặn dò ngay.

- Thôi được, chuyện dài lắm. Tao sẽ nói với mày sau. Bây giờ trước khi trở về phòng để tụi nó không nghi, tao dặn mày một điều. Hai quyển vở Anh Văn ấy toàn là chữ của tao. Mày dấu biệt nó đi. Chúng nó mà vớ được hai quyển vở ấy trong sắc thằng Ý thì giờ này chắc tao mềm mình rồi.

Nói xong không đợi Ân trả lời, Vĩnh lẳng lặng quay trở về phòng, và dù còn biết bao chuyện rắc rối chưa ngờ tới được, Vĩnh vẫn thở ra một hơi dài nhẹ nhỏm.
--------------------------------
1
Phấn đấu: Trong quân đội CSVN, những nhãn hiệu bác sỹ hoặc kỹ sư không bao hàm một căn bản trí thức cho người mang nhãn hiệu hay chức vụ ấy. Bác sỹ quân y là một y tá có trình độ lớp 3, phấn đấu thực tế 5 năm trở thành bác sỹ... Do đó, bác sỹ, kỹ sư của quân đội CSVN đa số đều đọc không thông và viết không thạo!

CHƯƠNG BỐN MƯƠI TÁM

Điểu đã bị lôi lên ban chỉ huy trại vào buổi sáng kế tiếp. Vĩnh được lệnh nằm tại phòng, khỏi phải đi lao động và chờ khung gọi làm việc. Vĩnh nằm nhà và lần đầu tiên trong hai năm qua, lần này Vĩnh thấy mình thực sự rối trí. Hiện tại, Vĩnh hoàn toàn tin tưởng sự cứng rắn của Điểu. Nó nhỏ con nhưng là người lì bậc nhất mà Vĩnh từng thấy trong tù Cộng sản. Chắc chắn Điểu sẽ ngậm miệng không khai bậy. Lạy trời như vậy! Và riêng Vĩnh, ngay bây giờ, đặt trên căn bản Dương Ý Huy đi thoát và Điểu ngậm miệng, Vĩnh phải có ngay một kế hoạch thoát hiểm. Nhưng thoát bằng cách nào?

Vĩnh nằm trong phòng lắng nghe những người bạn già làm tạp dịch ở nhà bàn tán về những người trốn trại. Anh nôn nao cả người. Thoạt đầu Vĩnh thầm trách đám Dương Ý Huy đã quá bạc với đám anh, ra đi mà không cho nhau biết một lời; nhất là Ý, người mà Vĩnh tin tưởng nhất lại là người vô tình nhất! Đã chẳng nghĩ tới bạn bè, lại cũng không hề nghĩ tới việc thủ tiêu đi mớ giấy tờ có nét chữ của Vĩnh từng giao cho anh ta. May mà Ân lấy được, bằng không giờ này chắc chắn Vĩnh đã khốn nạn hơn thế này nhiều. Tuy nhiên hiện nay, qua cơn bối rối, cũng như mọi người, Vĩnh cầu nguyện cho đám bạn bè được đi thoát. Đồng lúc, một nỗi tự tin khác thường lại trở về với Vĩnh. Anh biết rõ anh sẽ phải đối đầu với tụi chỉ huy trại một cách vô cùng gay go nhưng anh tin anh sẽ thoát hiểm, trừ khi số đã tận.

Đầu tiên Vĩnh lục lọi tìm lại cái ống chích cũ. Ta phải giờ trò ho lao trở lại, và kỳ này phải hung hăn hơn kỳ trước. Nghĩ thế, Vĩnh làm mọi cách và ngay trưa hôm ấy, khi xuống nhà bếp tiếp tổ trực của nhà 2 chia cơm chia canh, trước mắt mọi người, Vĩnh lên một cơn ho rũ rượi. Anh ho đến độ gẫy cụp người lại như một con tôm. Thau nước muối của cả nhà bị Vĩnh đánh đổ xuống đất. Anh ho đến ngã dúi vào thau cơm nóng phỏng cả một bên tay. Bạn bè nhào lại tính chuyện đỡ đần Vĩnh qua cơn ho, nhưng rồi những búng máu trong miệng Vĩnh bắt đầu phun ra phì phì khiến không còn ai dám tiến lại gần. Cuối cùng, Vĩnh được khênh trở về phòng và được trực phòng chạy báo quân y. Ít phút sau, cả một phái đoàn trên khung xuống quan sát hiện tượng ho ra máu của Vĩnh. Phái đoàn gồm quản giáo Thừa, chính trị viên và đáng ngạc nhiên thay, tay quân y lại chính là anh chàng vệ binh mới hôm nào còn tâm sự với Vĩnh rằng anh ta bị tịch thu máy cassette...

Sau khi quân y xem xét, Vĩnh được quyết định cho đi viện với tình trạng khẩn cấp. Tên chính trị viên trợn mắt phản đối.

- Tên này chưa cho đi đâu được trong lúc này. Phải đợi khung gọi làm việc đã.

Tay quân y hình như nhớ mặt Vĩnh. Trong đôi mắt hắn rực lên một nét thông cảm lạ thường. Vĩnh đang thắc mắc tự hỏi chẳng hiểu lý do nào đang là một vệ binh bị trù gần chết, hắn bỗng nhiên trở thành quân y tiểu đoàn, thì giọng tên quân y đã nổi lên, đầy cứng rắn và quyết liệt.

- Thưa đồng chí chính trị viên, vì chức năng quân y tiểu đoàn, tôi bắt buộc phải cho anh này đi viện khẩn trương. Nếu đồng chí từ chối, khung sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về cái chết của người bệnh và tôi sẽ phải báo cáo đầy đủ chi tiết lên trên.

Tên chính trị viên có vẻ cáu tiết với tay quân y trẻ tuổi, nhưng thấy nó quyết liệt quá, đành chịu. Sau khi tên chính trị viên và quản giáo đội bỏ đi, tên quân y nhìn Vĩnh rồi nói với người trực nhà.
- Anh coi chừng anh này. Tôi về lấy thuốc cầm máu tiêm cho anh ấy rồi mới tính chuyện cho đi viện được.

Quả tình Vĩnh không lường nổi số anh may mắn đến thế. Đang nằm ho húng hắng cho đều nhịp tang thương thì Vĩnh bỗng giật mình đánh thót. Tên chính trị viên đã trở lại với hai thằng vệ binh tay lăm lăm hai khẩu AK. Vừa bước vào tới cửa, tên chính trị viên đã hỏi ngay người trực nhà.

- Đồng chí quân y đâu.

Trực nhà đáp.

- Báo cáo anh quân y bảo tôi canh chừng anh Vĩnh, anh ấy về khung lấy thuốc cầm máu.

Tên chính trị viên cằn nhằn.

- Cầm với lại chẳng cầm. Thằng này chắc lại phải hạ tầng công tác cho ra khỏi ngành một lần nữa mới được. Nói rồi hắn xoay sang Vĩnh đang nằm trên nền nhà. Hắn tiếp: Anh kia, ngồi dậy nổi không?

Vĩnh đưa đôi mắt mệt nhọc nhìn hắn và nghĩ bụng lúc này cần phải kịch hơn lúc nào hết. Nghĩ vậy, Vĩnh bắt đầu lên cơn ho trở lại. Chỉ tiếc hiện Vĩnh không còn cách nào ho ra máu được nữa. Thế nhưng dù có ho đến đâu, tên chính trị viên vẫn mặc. Hắn xoay sang hai tên vệ binh.

- Hai đồng chí xốc nách đưa lên khung cho tôi.

Thế rồi Vĩnh bị dựng đứng dậy, bị xốc nách và bị lôi một mạch về phía ban chỉ huy trại.

Vừa bước lê trên đường Vĩnh vừa cố giữ nhịp độ những cơn ho cho thêm phần thê thảm. Riêng tên chính trị viên và hai tên vệ binh không ai thèm nói một lời. Chúng chỉ lẳng lặng lôi Vĩnh băng qua con đường để bước sang phạm vi ban chỉ huy trại 4. Vừa tới cổng, tên chính trị viên vượt lên một mình và đi thật nhanh vào một dãy nhà tranh trước mặt. Vĩnh muốn quan sát một chút nên anh giả bộ lên cơn ho thật dữ dội. Hai tên vệ binh dìu anh đi dĩ nhiên không lấy gì làm thoải mái cho lắm. Thấy Vĩnh ho một phần trông thê thảm quá, một phần cũng sợ lây, chúng đồng ý cho anh ngồi tựa vào vách một căn nhà nhỏ nằm kế một dãy connex để nghỉ lấy sức.

Một tên nói.

- Ngồi yên đây nghỉ nghe chưa! Đợi lệnh vào làm việc với đồng chí an ninh nghe chưa.

Nói đoạn hai tên vệ binh cũng nhanh chân bước vào căn nhà tranh trước mặt.

- Anh Vĩnh!

Thốt nhiên Vĩnh giật mình vì một tiếng gọi rất khẽ phát ra từ trong căn nhà nhỏ mà anh ngồi dựa lưng vào vách. Vĩnh ngó qua kẽ hở những miếng ván vách và anh hoảng hồn nhận ra Phạm Điểu, người bạn nhỏ gốc Quảng Nam vô cùng cương trực mà anh đã quen biết từ những ngày đầu trình diện ở Lê Quang Định. Điểu đang ngồi chồm hổm trên mặt đất, hai tay bị trói giật cánh khỉ...

- Mày hả Điểu? Có sao không?

Điểu quay nhìn sang dãy connex, rồi quay lại nhìn Vĩnh.

- Nó đánh bạo lắm anh Vĩnh. Anh coi chừng đó nghe.

- Nói thật cho tao biết, mày nói thế nào về tao để tao biết đường tính.

Điểu cựa quậy trong chỗ ngồi một chút như để cho máu huyết chạy đều hơn. Vĩnh cố nhìn xem mặt mày nó có xây xát bầm dập lắm không. Tuy nhiên, bên trong căn nhà quá lụp xụp, sự tăm tối khiến Vĩnh khó có thể nhìn rõ nét mặt Điểu. Anh chợt tiếp. Mày ngồi xích lại đây phải dễ nói chuyện không?

- Đâu được anh! Bộ anh không thấy hai chân tôi bị nó cùm vào cây cột đóng ngay dưới chân hay sao?
Vĩnh cố quan sát dưới chân Điểu và nhận ra cái cọc được đóng sát xuống mặt đất. Hai chân Điểu có hai cái còng móc vào một khoen sắt dính liền với cây cọc. Giọng Điểu vẫn thều thào. Anh yên tâm. Tui không đả động gì tới anh hết mặc dù tụi nó hỏi về anh nhiều lắm. Tôi chỉ nói khơi khơi có liên hệ ăn uống với đám anh Huy thôi. Tui nói tui con bà Phước không ai thăm viếng, mấy anh có nhiều đồ ăn, tui chơi với mấy anh để kiếm ăn thôi.

Vĩnh chưa tin lắm vẫn hỏi gằn.

- Chắc không mày?

- Chắc!

- Tao chỉ muốn biết chắc để dựa vào đó mà đánh lạc hướng tụi nó. Hai thằng trống đánh xuôi kèn thổi ngược vỡ mặt cả đám.

Điểu vẫn nói khẽ.

- Trơi ơi bộ tui không hiểu sao! Sức tui vậy chứ nó đánh ba ngày chưa chết. Sức anh nó đá một đá có đường đi thăm Bác. Tui không hại anh đâu anh Vĩnh ơi.

Vĩnh vừa tính nói thêm thì một thằng vệ binh cầm súng từ trong dãy nhà tranh bước ra. Nó ngó Vĩnh, hỏi.

- Khỏe chưa? Làm việc với cán bộ được chưa?

Vĩnh ra dáng thểu não.

- Dạ tôi đỡ ho rồi anh.

- Vậy thì đi!

Vĩnh kín đáo thò một bàn tay vào trong kẽ vách ra dấu trấn an Điểu rồi uể oải đứng lên. Trong lúc đi theo tên vệ binh, Vĩnh vừa mừng vừa lo. Mừng là anh cảm thấy vở kịch mình đang đóng đã suông sẻ theo đúng dự trù, ít lắm là đến lúc này; nhưng lo là không hiểu chúng nó sẽ xử trí với anh ra sao? Nếu đánh, nó sẽ đánh bằng kiểu cách nào? Nhớ lại lần bị bọn an ninh trên Trảng Lớn đập một trận do cái vụ không khai báo nghề viết lách Vĩnh vẫn còn nhợn. Dù sao hồi ấy mới vào tù, 50 kgs xương da ăn đòn tương đối còn chịu nổi. Ngày nay sau hai năm tù, Vĩnh chỉ còn trơ một bộ xương khô với đủ thứ bệnh trong người, lãnh một trận đòn đường xuống tuyền đài co mòi không lấy gì làm dài cho lắm.

Tên vệ binh dẫn Vĩnh bước qua ngưỡng cửa. Căn phòng hiện ra trước mắt không có gì nhiều hơn một nền đất được nện thật cứng. Một cái bàn dài với hai hàng băng ghế kê hai bên. Sâu bên trong, gắn trên vách ván một lá cờ đỏ sao vàng và bên trên lá cờ ấy có một tấm ảnh Hồ Chí Minh được lộng kiếng đàng hoàng. Vĩnh ngước nhìn lá cờ và tấm ảnh. Lá cờ còn rất mới, duy tấm ảnh đã cũ, mọi màu sắc đều đã biến thành một màu vàng ố, tuồng như đã bị ngâm trong nước tiểu nhiều ngày.

Dừng chân nơi ngưỡng cửa, Vĩnh còn thấy nơi khung cửa phía sau thấp thoáng dăm ba thằng bộ đội. Chúng đứng bàn tán nho nhỏ với nhau. Chưa kịp lắng tai xem chúng đang làm gì, Vĩnh đã bị tên vệ binh đẩy vào một căn phòng nằm bên trái căn phòng giữa.
- Ngồi xuống góc nhà đó!

Tên vệ binh ra lệnh và Vĩnh đảo mắt thật nhanh quan sát căn phòng cùng lúc ngồi xuống đất. Căn phòng này cũng như mọi căn phòng khác: Nền đất, vách ván, mái tranh... sản phẩm của sức lao động tù cải tạo. Nơi đây không có dấu hiệu gì cho thấy là một căn phòng đặc biệt để thẩm cung của bọn an ninh. Nó chỉ có một cái bàn nhỏ, đàng sau cái bàn là một cái giường có chiếu và chăn màn gấp tương đối ngăn nắp. Trên mặt bàn để dăm ba tập hồ sơ, một cái điếu cầy và một cái cóng sữa làm gạt tàn... Tên vệ binh thấy Vĩnh đã ngồi yên nơi một góc phòng, nó tiếp. Tốt! Giờ ngồi yên đó đợi đồng chí thủ trưởng vào làm việc.

Nói đoạn nó quay ra ngoài. Giờ Vĩnh mới đoán ra được có lẽ đây là phòng ngủ kiêm phòng làm việc của tên thủ trưởng. Nghĩ xong Vĩnh lại thấy vô lý. Thằng thủ trưởng cớ gì phải lo vụ này? Nhiệm vụ của tụi an ninh chứ! Thế nhưng Vĩnh không có thì giờ để thắc mắc nhiều hơn. Anh vội vàng ôm lấy ngực húng hắng một tràng ho khi nhác thấy bóng một cái áo xanh vừa xuất hiện nơi phòng ngoài. Đúng thằng thủ trưởng rồi!

Thằng thủ trưởng bước vào phòng. Hắn nhìn Vĩnh đang húng hắng ho với một nét e ngại rồi lên tiếng hỏi.

- Sao, nghe nói ho ra máu hả?

Vĩnh vờ vịt.

- Vâng, tôi bị lao lâu rồi thưa anh. Sáng nay lại ra máu nữa.

Tên thủ trưởng bước lại giường và ngồi xuống. Hắn nhìn một mảnh giấy trên bàn rồi nhíu mày. Kế hắn ngó Vĩnh với một ánh mắt khác lạ.

- Có thực anh ho ra máu không?

Vĩnh đủ khôn ngoan để không trả lời câu hỏi. Anh ngước nhìn tên thủ trưởng và cố gắng hết sức tạo cho ánh mắt mình một cái nét vừa ngây thơ vừa kinh ngạc; một cái nét sao cho tên thủ trưởng phải hiểu rằng câu hỏi của hắn là một trong những câu hỏi ngớ ngẩn nhất trên đời! Có lẽ tên thủ trưởng đã đọc được câu trả lời trong ánh mắt Vĩnh. Hắn cúi xuống lục trong đống giấy tờ như tìm một cái gì đó, miệng đổi giọng dọa dẫm. Tội anh nặng lắm anh có biết không? Anh đã đồng lõa và giúp phương tiện cho những tên phản động trốn trại. Khung hiện đã nắm vững ai tổ chức và ai chỉ đạo vụ này. Tôi bảo thẳng cho anh biết, anh là một trong những tên đạo diễn.

Vĩnh nghi ngờ có cái gì hơi trục trặc trong vụ này, do đó chính tên thủ trưởng đã gọi anh lên làm việc mà không đẩy anh sang ban an ninh. Dù nghĩ vậy nhưng việc cấp thiết là Vĩnh phải đóng sao cho vai kịch được nhịp nhàng, chuẩn xác và không thể có một hành động hay lời nói nào dư thừa trong lúc này. Thốt nhiên trong đáy lòng Vĩnh nổi lên một cảm trạng chua xót lạ thường. Vì đâu ta lại phải trở thành một thứ kịch sỹ đê tiện như thế này? Thế nhưng nỗi niềm tự ngượng của Vĩnh không có quá nhiều thì giờ để phát triển. Bản năng tự cứu để sinh tồn lúc này mạnh hơn. Nó càng mạnh hơn khi tên thủ trưởng đập một tay lên bàn, nói lớn. Thằng Điểu khai hết cho an ninh rồi. Đây là một phương án trốn trại có thể nói quy mô nhất từ trước đến nay. Chính thằng Điểu đã cung cấp một danh sách 17 người trong đó có anh. Nói đoạn tên thủ trưởng vỗ vào một trong mấy tờ giấy trên bàn, tiếp. Đây, danh sách tôi đã có đủ cả. Anh liệu mà khai.

Vĩnh hoàn toàn không nao núng tí nào về lời dọa non dọa già của tên thủ trưởng. Anh chỉ đang nghĩ cách làm sao ho được một trận cho ra trò là có thể hóa giải nhiều chuyện trong lúc này. Thằng thủ trưởng thấy Vĩnh húng hắng ôm lấy ngực, hắn vẫn lờ đi và tiếp tục. Tôi cũng báo cho anh biết, ba thằng trốn trại Dương Ý Huy đã bị nhân dân bắt ngay ngoài rào trại và sắp bị giải về đây...

Hắn nói gì thây kệ hắn, mọi cái Vĩnh đều coi như những lời lẽ chận đầu không đáng để lưu tâm sợ hãi. Và rồi như dự tính, Vĩnh bắt đầu lên một cơn ho. Cơn ho mỗi lúc một dữ dội cho đến lúc anh cụp người xuống trên nền đất...

Tên thủ trưởng coi bộ cũng ngán kẻ ho lao. Hắn nói. Nếu muốn được Cách mạng chiếu cố chữa trị, anh cứ thành thật khai báo hết với tôi đi. Anh đóng vai trò gì trong tổ chức này? Ba thằng Dương Ý Huy trốn và dù đã bị bắt lại, Cách mạng vẫn muốn biết chúng nó tính trốn đi đâu? Ai sẽ giao liên chỉ đạo? Ai sẽ tiếp nhận? Mục đích gì? Trong trại ngoài anh ra còn ai có chân trong tổ chức này?...

Dù đang cố rống lên những cơn ho nhưng tai Vĩnh vẫn nghe rất rõ từng câu của thằng thủ trưởng. Vĩnh bỗng ngước mắt lên. Anh lấy giọng khàn đục nhưng không kém cả quyết.

- Anh nhìn tôi xem. Nếu như anh có dự mưu trốn trại, có bao giờ anh chọn một người bạn đồng hành ho lao và đau yếu như tôi không? Lôi tôi theo để cõng tôi rồi chôn tôi dọc đường à?

Tên thủ trưởng lộ vẻ ngỡ ngàng trước câu trả lời thật rõ ràng của Vĩnh. Trong lúc hắn không biết xử trí ra sao thì Vĩnh lại bắt đầu lên một cơn ho khác. Để thêm phần ghê gớm, Vĩnh nhổ cả trên nền đất... Tên thủ trưởng có vẻ ớn sợ. Hắn không buồn hỏi thêm và quay ngay ra ngoài. Một lúc sau, Vĩnh thấy tên quân y trẻ tuổi bước vào và hậm hực nhìn Vĩnh.

- Tôi đã bảo anh nằm yên tại phòng, tôi đem thuốc xuống tiêm rồi cho đi viện. Tại sao anh đi theo ho làm gì?

Vĩnh không thể hiểu được tại sao mới tuần trước tên quân y trẻ tuổi này còn hoàn toàn là một người thất thế lẻ loi và đầy uất ức vì mặc cảm bị trù trong đơn vị, tại sao hôm nay nó lại ngang bướng và tỏ ra nhiều quyền hành như thế này? Hay là chúng nó cũng đang kịch với mình?

Nghĩ thế nhưng Vĩnh vẫn trả lời.

- Báo cáo anh, chính trị viên bắt tôi đi thì tôi phải đi. Vả lại chính trị viên cũng nói chưa làm việc xong chưa được đi viện. Tôi làm sao được!

Tên quân y có vẻ rất bực mình. Nó lẩm bẩm mấy lời hăm he gì đó rồi bỗng nhiên nghiêm khắc bảo Vĩnh.

- Nằm xuống đó. Cứ nằm lăn trên đất và co quắp người lại cho tôi. Rên ho càng nhiều càng tốt. Tôi sẽ cho khênh anh sang viện ngay. Và tôi sẽ báo cáo bỏ bố chúng nó.

Vĩnh đi từ kinh ngạc này sang kinh ngạc khác. Tuy nhiên thấy chú lỏi quân y có vẻ quá tốt với mình, và đang cố buộc mình đóng thêm một tí kịch do chính chú đạo diễn, Vĩnh đành nằm lăn xuống đất cho khỏe.

Tên quân y bỏ đi và chỉ vài phút sau nó trở lại với cả thủ trưởng, chính trị viên và quản giáo đội.

Vĩnh sung sướng nằm nghe chúng đấu tranh sai trái nhau, cuối cùng anh mừng hơn nữa lúc biết chắc thằng thủ trưởng đã cho phép quân y khênh thẳng anh sang khu bệnh xá của tù.

Nằm trên cáng lại do quân y khiêng, Vĩnh vừa húng hắng ho vừa cố suy nghĩ chuyện tiến thoái sắp đến. Khi đi ngang qua căn nhà tranh đầu dãy connex, Vĩnh lén nhìn qua khung cửa sổ vào trong nhưng tuyệt nhiên không còn thấy Điểu ở đó.

Vĩnh được khênh đến trước văn phòng khu bệnh xá mới của tù, thì những đội lao động ngoài các hiện trường quanh căn cứ đã bắt đầu thứ tự hàng tư trở về các dãy trại cho giờ ăn trưa. Như hai lần trước, thủ tục nhập trại không có gì quá nhiêu khê. Trợ y Tính ghi tên, tuổi, trại, đội, tổ vào sổ; hỏi han dăm câu rồi chờ bác sỹ đến khám. Trong lúc chờ đợi, bệnh nhân cứ việc ngồi tại chỗ trong phòng nhận bệnh. Kể từ lúc trợ y Tính ghi tên vào sổ, hai tên quân y trại 4 coi như hết trách nhiệm và rút lui. Vĩnh ngồi ngó ra những dãy cột điện mới trồng chạy từ con đường nhựa vào con đường mới đắp trước mặt khu bệnh xá. Những dãy cột điện này là kết quả lao động của toán thợ điện Lê Văn Tần... Xa xa cái trạm gác cao ngất gần góc trại 4 vẫn đứng sừng sững trong trưa nắng. Những họng súng AK có gắn lưỡi lê nhọn hoắt từ trên trạm gác chỉa ra cả bốn phía. Những đoàn người từ các hiện trường lao động phía Bắc lần lượt chui qua chân trạm gác trở về trại. Vĩnh chợt nhớ hai đêm trước, ba người bạn thân thiết của anh đã đi theo đường hào nằm ngay bên chân trạm gác và vượt thoát ra ngoài. Giờ họ ở đâu? Trên đường đi của họ có gì trục trặc không? Nhớ lại lời đe dọa ban nãy của tên thủ trưởng, rằng ba người đã bị nhân dân bắt giữ, Vĩnh chỉ mỉm cười.

Đang suy nghĩ lan man, thì tên bác sỹ Việt cộng bước vào. Hắn nhìn Vĩnh bằng một ánh mắt có nhiều ác cảm rất bất thường trước khi cất tiếng hỏi han về bệnh trạng. Cái gì chứ khai về bệnh lao thì Vĩnh đã quá rành, rành đến độ một bác sỹ Việt cộng cũng sợ... không muốn đứng gần anh thêm một giây phút nào nữa. Sau cùng, hắn bước ra ngoài dặn dò trợ y Tính. Vĩnh không nghe rõ lắm, nhưng cũng hiểu được quá bán những điều tên bác sỹ nói.

- Tên này đang bị điều tra vì có dính líu với bọn trốn trại bên trại 4, thuộc thành phần không tốt và cần phải có biện pháp canh phòng ngày đêm... Cho nó sang nằm khu cách ly 1...

Vĩnh chỉ nghe có thế nhưng anh lại cảm thấy may, may ở chỗ anh biết chắc thằng chính trị viên trại 4 đã có lời gửi gấm anh đặc biệt nơi đây; và như thế, Vĩnh sẽ cẩn thận hơn để không tỏ lộ một hành động nào sơ hở hầu mối nghi ngờ của chúng có dịp tăng thêm.

Khi trại bệnh phát cơm thì Vĩnh cũng được dẫn xuống khu cách ly. Khu cách ly là một căn nhà lá nền đất rất nhỏ nằm cạnh dãy trại bệnh thường chừng 50 thước. Trong căn nhà này chỉ có ba cái phản gỗ cong queo vì sức nóng của những tháng vừa qua. Tính quăng cái túi đồ của Vĩnh lên một tấm phản rồi nói.

- Đây là khu cách ly. Anh là người thứ hai vào nằm đây. Trước có một tay bị cùi nhưng biên chế đi đợt tháng Năm vừa qua rồi. Cũng dặn anh trước, nằm khu này cấm ngặt không được bén mảng sang khu trại thường bên kia. Cấm không được xuống bếp của trại bệnh, không được dùng giếng của trại bệnh trừ cái giếng của khu cách ly ngay bên hông nhà... Mỗi bữa sẽ có người xuống lấy lon cóng của anh và lên bếp nhận phần ăn cho anh. Nhớ đừng liên hệ linh tinh với anh em trại bệnh thường nghe. Bác sỹ bắt được đuổi về ngay ráng chịu...

Vĩnh ơ hờ nghe Tính dặn dò. Khi Tính bỏ đi, lòng vừa buồn vừa lo, Vĩnh ra ngoài thềm ngồi ngó quanh. Bây giờ anh mới nhận ra nhà cách ly có rào ba phía chung quanh. Phía trước không rào vì có vuông sân dài mút sang phía trại bệnh thường đối diện. Vĩnh đi vòng ra lối sau căn nhà cách ly quan sát. Trước mặt anh là những thửa đất rộng bát ngát đang được khai quang. Phía trước mặt là hướng phi trường Biên Hòa, phía trái là khu ruộng lúa mà đám Vĩnh đã đổ bao nhiêu mồ hôi nước mắt vào đó, phía phải vẫn là rừng hoang... Vĩnh nhìn kỹ hơn và phát hiện ra có nhiều, rất nhiều trạm gác rải rác khắp đó đây. Những trạm gác này thực ra không đúng là những trạm gác, mà là những cái chòi lụp xụp như những cái chòi của phường chăn vịt thường thấy trên con đường đi miền Tây. Những cái chòi như thế hẳn là không thiếu một thằng vệ binh nằm nghêu ngao nhưng có trang bị đầy đủ súng ống.

Chừng 2 giờ trưa Phạm An Toàn mới tới lấy lon cóng của Vĩnh đi nhận hộ phần ăn trưa. Hình như Toàn đã được thông báo trước về tình trạng hiện tại của Vĩnh nên hắn có vẻ rất thủ thế và hà tiện lời nói với anh. Một cách khinh khỉnh, hắn bỏ lon guigoz cơm canh của Vĩnh ngoài thềm đất, nói vọng vào trong nhà.

- Ăn rồi rửa sạch để ngoài thềm phơi nắng cho chết vi trùng nghe cha. Đừng trốn nghe cha nội. Rầu anh em lắm đó.

Vĩnh giận sôi máu. Anh muốn nhảy ra cửa cắn rách lỗ tai thằng chó đẻ, hoặc ít lắm cũng phải chửi thề một câu thật tục tĩu cho bõ ghét. Thế nhưng Vĩnh đã dằn được cơn nóng xuống. Anh chậm rãi bước tới thềm nhà cầm lon cơn lên và cất lời từ tốn.

- Cám ơn bạn.

Vĩnh chưa kịp nói thêm một câu gì khác thì cả anh lẫn Toàn đều giật mình hướng về con đường nhựa phía góc trại 4. Nơi ấy, những tiếng súng chỉ thiên thay nhau nổ vang giữa trời trưa nắng. Thế rồi trong một chớp mắt, Vĩnh có cảm giác như tim anh mới vừa trúng một phát đạn. Không, không phải thế, đúng hơn, anh vừa bị một thằng khổng lồ vô hình tung vào giữa mặt một quả đấm nặng ngàn cân. Vĩnh muốn té dúi người xuống, và chỉ vài giây trôi qua, quả thực Vĩnh không còn đứng vững được nữa. Anh ngã bệt xuống thềm đất, lon cơm trên tay rơi vãi khắp nơi. Riêng Phạm An Toàn cũng đã hiểu ra chuyện gì. Hắn vùng chạy về phía văn phòng trại bệnh gần chỗ có những tiếng súng nổ.

Vĩnh định thần nhìn cho kỹ hơn. Thật hay mơ đây? Trên con đường nhựa từ hướng khu canh tác phía Bắc dẫn đến góc trại 4, cả chục thằng vệ binh đang đấm, đá, chửi, xô, đẩy, phang báng súng lên đầu lên cổ ba người khác. Những người này, trông dáng đi lom khom của họ. Vĩnh thừa biết họ đang bị trói bằng một thế trói tuyệt kỹ của Việt cộng: Trói hai đầu ngón tay trỏ kéo chằng ra sau gáy. Hai sợi thừng (hoặc dây dù) sẽ được từ sau lưng luồn qua háng để kéo ngược lên và buộc thật chặt trên cổ. Người bị trói lúc nào cũng ở thế gập người lại để hai sợi dây được hưởng một độ chùng tối thiểu, bằng không nó sẽ tự động xiết chặt vào hai hòn dái bên dưới.

Ba hình nhân khốn khổ hiện đang xuất hiện trước mắt Vĩnh không ai khác hơn là Dương, Ý và Huy.

Vĩnh quay vào trong và vật mình xuống tấm phản. Đầu óc anh quay mòng mòng. Trước mắt Vĩnh hiện ra một cuộn chỉ thời gian thật lớn. Cuộn chỉ ấy đã được kéo ra, kéo ra... Và cho đến nay, cả miền Nam đã được hưởng hết năm thứ hai sống với thiên đường Cộng sản: Dĩ nhiên chẳng ai ngây thơ như cái cậu bé trong chuyện cổ tích Cuộn Chỉ Thần, sống cho đã một kiếp "độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc" rồi lại mưu đồ quấn lại cuộn chỉ... Với riêng đám Vĩnh, đến ngày hôm nay, dĩ nhiên cũng chẳng thể quấn lại cuộn chỉ, mà còn đang lâm vào một tình trạng quá ngặt nghèo: Mớ chỉ thời gian hai năm đã tháo ra giờ lại rối tung không mong gì gỡ nổi...

Vĩnh thiếp vào giấc ngủ mệt mỏi. Anh mơ màng thấy thằng Phạm An Toàn đứng bên cạnh thằng chính trị viên, đang lén lút theo dõi anh qua những kẽ hở trên vách ván...
--------------------------------
1
Sau hai năm thiết lập hệ thống cải tạo quy mô ở miền Nam, mãi đến tháng 4 năm 1977 bệnh xá của trại An Dưỡng mới có một căn nhà riêng dành cho những người bị tứ chứng nan y nằm. Căn nhà này gọi là nhà cách ly.

TRẠI SUỐI MÁU
8/77 - 9/78
CHƯƠNG BỐN MƯƠI CHÍN
Trại Suối Máu tọa lạc tại quận Tam Hiệp tỉnh Biên Hòa. Trước năm 1975, nó là trại giam phiến cộng của chính phủ VNCH. Đây là một trại tù chính trị tương đối có nhiều huyền thoại ở miền Nam. Qua sự kể lại của chính những sỹ quan quân cảnh coi tù tại đây trước kia, Vĩnh được biết nhiều chuyện khá lý thú. Chẳng hạn xưa kia, vị linh mục tuyên úy của trại tù này có lẽ đã là vị tuyên úy bận nhất nước vào mỗi buổi sáng chủ nhật của ông. Sau giờ lễ, có khi ông phải nán lại ngôi thánh đường nho nhỏ để liên tục làm lễ rửa tội cho hàng chục "đồng chí" bừng tỉnh sau cơn hôn mê, hạ quyết tâm ly khai búa liềm để quay về với Thánh Giá. Vẫn theo mấy ông quân cảnh, trại này cũng là trại cho đếm lịch khá nhiều đối với những thằng đội lốt trí thức, nhà văn nhà báo, nhưng ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản. Thế nhưng chuyện ly kỳ hơn chính là chuyện mà cả miền Nam đều biết: Một số "đồng chí" đã được các đồng chí bạn giải phóng sớm hơn mọi người cả năm sáu năm. Trong thời gian bị giam cứu, họ đã ăn đạn 122 ly của chính người anh em từ ngoại thành Sài Gòn câu vào!

Trại Suối Máu hiện tại có năm khu trại chính đánh số thứ tự từ K.1 đến K.5 (Còn một K nữa là K.30, tức khối mộc, có chừng 40 người chuyên làm nghề mộc; K này nằm chung chỗ với khu bệnh xá). Năm khu trại này trước kia dùng để nhốt các đàn anh tướng tá. Sau một thời gian, tướng tá đều lần lượt được đưa ra Bắc thăm lăng bác không biết đến bao giờ mới có dịp trở về, thì đến lượt các quan bạn dân được đưa đến đây tạm trú. Rồi thì người anh em bạn dân cũng được cách mạng đày đi tứ tán khắp bốn phương trời, để nhường chỗ lại cho bọn tù trại An Dưỡng di chuyển sang vào một ngày trung tuần tháng Tám năm 1977.

Trong năm K chỉ có K.1, K.2 và K.3 là những khu trại cũ, có nghĩa là có nền xi măng; và dù ngày nay cộng sản không cho tù nằm giường nằm sạp như thời chế độ Sài Gòn, bọn tù vẫn còn được đêm đêm ngả lưng trên những nền xi măng tương đối sạch sẽ. K4 và K.5 thì khác. Đây là hai khu trại mới được dựng lên sau này do chính công tù đổ ra, để lấy chỗ che nắng che mưa bằng sườn gỗ, vách tôn, mái tôn và nền đất. Do những điều kiện vật liệu như thế, hai K.4 và K.5 bỗng nhiên đạt đúng tiêu chuẩn nhà ở kiểu văn minh văn hóa của CSVN: Ẩm thấp và nóng nực!

Từ cổng dẫn vào con đường chính đầy dẫy những trạm gác. Đặc biệt, các trạm gác này đều ngày đêm chĩa súng máy vào các K như lúc nào cũng sẵn sàng nhả đạn. Ngôi thánh đường nhỏ của trại Suối Máu ngày nay đã bị bọn cộng sản dùng làm phòng ngủ và tường được đục lỗ châu mai. Từ những lỗ châu mai này, những họng súng đại liên đen xì cũng đều được chĩa sang phía các K với tư thế sẵn sàng. Chao ôi, xưa Chúa vào thành Jerusalem nổi giận đùng đùng vì bọn thu thuế và bọn lái buôn đã biến đền thờ Chúa thành nơi buôn bán trao đổi; ngày nay không biết Chúa giận đến đâu khi bọn quân dữ thời mới đã biến đền thờ Chúa thành ổ súng máy và quần áo phơi mắc khắp cùng trong lòng nhà thờ!?

Chưa hết! Trại Suối Máu còn là một trại rất khó trốn, dù rằng nó nằm lọt giữa trục lộ giao thông từ Biên Hòa xuống Tam Hiệp và phía sau nó là con đường sắt ngày một lần vang lên tiếng rầm rập của đoàn xe hỏa Thống Nhất. Có thể nói từ sau 30 tháng Tư năm 1975 đến nay, các viên chức sỹ quan chế độ cũ bị nhốt nơi đây chưa mấy người trốn thoát. Và đã trốn mà không thoát thì chỉ có hai cái chết: Một chết vì mìn rải đầy phía ngoài hàng rào trại. Hai chết vì đòn đập trong những dãy connex kê sát rào chạy dọc theo con lộ phía sau bệnh xá và K.4; hoặc những dãy connex nằm ngay trước hàng rào các K.1, K.2, K.3 và K.5.

Trại Suối Máu với ưu và khuyết điểm như thế, đã mở rộng vòng tay đón gần bốn nghìn tù của trại An Dưỡng.

Lọt vào K.5, Vĩnh mất vài bạn cũ. Tiến đã rơi vào K.3, Hóa K.1... K.5 chỉ còn lại Tạc, Kim, Huy, Ý, Dương, Ân xệ, Điểu và Tuấn râu.

Sau lần chuyển trại từ An Dưỡng sang, Huy, Ý và Dương tiếp tục bị nhốt thêm một tháng trong connex và được thả ra dịp 2 tháng 9 năm 1977. Đây quả là một phép lạ vì không ai, kể cả Vĩnh, có thể ngờ họ được thả... Nhất là Ý, người đã can đảm tự nhận là kẻ tổ chức và đạo diễn cuộc vượt ngục vừa qua.

Ba người vượt ngục bị bắt chịu cực hình là chuyện dĩ nhiên. Và sự cuồng chân bỏ trại đi chơi xa một chuyến để đánh đổi bằng hai cái răng cửa của Phạm Xuân Huy, bằng ghẻ chốc cùng mình của Vũ Duy Dương và bằng chứng phù thủng chữa mãi không dứt của Ý, nghĩ cho cùng không đắt lắm. Có đen chăng là đen cho Điểu và Vĩnh thôi. Cả hai đã chẳng hề có dịp biết được cách trại An Dưỡng một cây số về hướng Bắc có sông hay có biển, có núi hay có non, có bạn hay có thù... mà vẫn phải ăn đòn như ai! Thằng Điểu ăn đòn cũng phải đi, vì nó dân QuảngNam hay cãi; đàng này Vĩnh đã phải sử dụng tối đa nghệ thuật kịch mà vẫn không thoát hiểm được. Anh đã phải để lại cho thằng an ninh trại 4 An Dưỡng một cái răng nanh lảng nhách!

Cái đen của Vĩnh chẳng vì ba thằng bạn nằm connex khai ra. Không! Ý, Huy, Dương và cả Điểu nữa, đều vô cùng thương Vĩnh. Trước sau như một, họ đã thống nhất bằng một lời khai về Vĩnh như sau: Anh Vĩnh không hề biết gì về kế hoạch trốn trại. Chơi với anh chỉ để học thêm âm nhạc của anh ấy mà thôi. Anh ấy yếu như sên, anh ấy... vân vân và vân vân. Nói chung, những lời khai của các bạn dành cho Vĩnh đều đạt yêu cầu, nếu không thế thì cầm bằng không lâu sau đó, đám mả tù của trại An Dưỡng hẳn đã có thêm một cái rồi! Vĩnh ăn đòn, khốn thay, lại chính vì anh chàng Phạm An Toàn.

Buổi trưa hôm ấy, lúc nhìn thấy Ý, Huy và Dương bị bắt lại, Vĩnh tính toán và quyết định tìm mọi cách để chứng tỏ mình đang lao nặng. Lao nặng sẽ có hai cái lợi. Lợi thứ nhất sẽ giúp cho Vĩnh mạnh miệng lập luận rằng không bao giờ những người trốn trại lại muốn rủ rê một người lao nặng đi theo. Lợi thứ hai là tụi nó ớn, tụi nó đỡ kêu tới kêu lui. Nghĩ thế, Vĩnh lục túi đồ lôi ra cái sơ-ranh nhựa ăn cắp được của thằng quân y hồi còn làm y tá cho đội. Vĩnh tí toáy chơi lại bài bản cũ. Rút máu ở gân tay...

Đen cho Vĩnh vì ngay lúc ấy Phạm An Toàn bước vào nhìn thấy cảnh tượng nó khẽ rú lên.

- Chích xì-ke hả cha?

Vĩnh tái tê cả người. Rành rành thằng Toàn đã nhìn thấy anh đang lụi kim vào gân tay. Nói thật mình rút máu ra giả lao cũng chết, mà nói dối chích xì-ke cũng chết. Nghĩ thế, Vĩnh bấm bụng nói liều.

- Chán đời quá Toàn ơi! Tôi muốn... chết! Tôi muốn bơm oxy vào máu... Xì-ke xì-cút gì đâu!...

Toàn trố mắt nhìn Vĩnh. Có lẽ lúc ấy Vĩnh kịch hơi tệ nên nó không tin. Nó chìa tay ra.

- Ông đưa cái ống chích cho tôi. Ông nằm ngủ đi.


Không hiểu sao thốt nhiên Vĩnh nổi sùng.

- Không đưa!

Phạm An Toàn chợt mỉm môi lại. Nó tính nói một cái gì nhưng rõ ràng nó đã ngưng lại kịp lúc. Sau cùng nó lạnh lùng bảo Vĩnh.

- Không đưa cũng được. Không sao...

Chỉ nói thế rồi Toàn quay đi. Vĩnh ngả người trên tấm phản nóng hầm. Đầu óc anh rối như tơ vò. Từ ngày khôn lớn, Vĩnh luôn tự tin mình tháo vát và có đủ khả năng tìm cách hóa giải nhiều khó khăn từng gặp phải; thế nhưng lần này anh cảm thấy cầm bằng cái thua. Anh bí, hoàn toàn bí, không biết cách nào giải nổi thế kẹt trước mặt.

Chiều hôm ấy quả nhiên thằng an ninh của trại 4 sang tận khu cách ly để tìm Vĩnh, đi theo hắn còn một thằng vệ binh súng AK lăm lăm trên tay. Mọi tính toán của Vĩnh sai bét. Thằng an ninh xông luôn vào phòng. Chẳng có một dấu hiệu nào cho thấy hắn sợ bị lây bệnh lao cả. Hắn đứng trong phòng trợn đôi mắt trắng dã nhìn Vĩnh đang ngồi trên sạp.

- Đâu, xì ke ma túy của mày dấu đâu?

An ninh trại mò tới tận khu cách ly là biết chắc Phạm An Toàn đã báo cáo mọi chuyện, thế nhưng khi nghe hắn hỏi Vĩnh vẫn thất kinh. Chao ôi, đời oan khiên đến thế là cùng. Hơn ba mươi năm sống ở đời, Vĩnh chưa một lần được nhìn thấy xì ke để có thể biết rõ hình dáng nó ra sao! Khi thì nghe nói nó giống sợi thuốc rê, khi thì nghe nói nó giống bột ngọt... Chiều nay tự dưng bị chụp mũ chích xì ke, lại đang bị thằng an ninh trại trông hung tợn như một con chó dữ gầm gừ cật vấn; dù hoảng hốt nhưng Vĩnh vẫn cố bình tĩnh trả lời.

- Báo cáo anh tôi đâu có xì ke...

Tên an ninh hình như biết trước câu trả lời của Vĩnh, hắn lạnh tanh ra lệnh.

- Thu hết đồ đạc đi theo đồng chí vệ binh trở về ban an ninh trại!

Tối hôm ấy Vĩnh bị trả thẳng về trại 4 mà không được trả về bệnh xá. Những câu trả lời lẩm cẩm của Vĩnh đã làm cho bọn an ninh lộn tiết lên đầu. Chúng nện cho Vĩnh mấy cái báng súng vào mặt. Một nửa cái răng nanh hàm trên bên trái đã mãi mãi ở lại trại An Dưỡng. Nhưng điểm tai hại chưa hẳn ở chỗ mất cái răng nanh, điểm tai hại là chúng kết tội Vĩnh lợi dụng bệnh lao được nằm cách ly để tiếp tục sử dụng xì-ke ma túy, một căn bệnh xã hội của miền Nam...

Những ngày sau đó, để tiện theo dõi, đội phó Võ Hữu Hiệp đã chỉ định đích danh Vĩnh ngày hai buổi sau khi đi lao động về, phụ trách bưng phần ăn nuôi Ý, Huy và Dương đang nằm trong connex. Dĩ nhiên trước khi rời cổng trại, Vĩnh bị xét rất kỹ, nhưng dù kỹ thế nào, Vĩnh vẫn có cách tiếp tế đều đều cho ba người bạn lâm nạn bữa thì cục đường, bữa thì một viên Vitamin C, bữa thì một viên Vitamin B.1... Cũng nhờ dịp này, Vĩnh càng tin hơn ở câu nói "nhất ẩm nhất trác giai do tiền định". Nếu trước đây ba người bạn lôi anh đi theo để thất bại chỉ vì bị mấy thằng bé chăn trâu chăn bò đi báo công an địa phương, lúc chúng phát hiện ra ba người lạ mặt lởn vởn trong một vườn bưởi ở quận Tân Uyên... thì giờ này Vĩnh ra sao nhỉ? Liệu anh có đứng nổi trước những trận tra khảo liên tu bất tận mà bọn chúng đã dành cho Ý, Huy và Dương hay không? Dương to và đen như một con gấu, ấy thế mà giờ đây nó không cầm nổi một lon guigoz nước trên tay. Anh Huy còn tệ hơn. Lần đầu đưa cơm cho Huy, Vĩnh xanh máu mặt khi nhận mãi mới ra được người bạn già. Chao ôi, trông anh không còn ra dáng con người nữa. Anh xuất hiện nơi cửa connex, người gù hẳn xuống như bị rút gân lưng. Trên đầu anh quấn mấy vòng giẻ rách, máu và đất còn dính lấm tấm trên viền giải băng. Thấy Vĩnh, anh Huy cố nhếch môi cười. Vĩnh thất kinh nhận thấy sau làn môi tím bầm, mấy cái răng cửa của anh đều biến mất. Tên vệ binh có súng đi theo đứng ngay sau lưng không cho phép hai người trò chuyện. Vĩnh đặt phần cơm nước xuống trước mặt anh Huy và nháy mắt ra hiệu cho anh biết có món đặc biệt trong mấy cọng rau muống. Lúc rời nhà bếp, Vĩnh đã nhét vào một cọng rau hai viên Vit B.1. Thế rồi cửa connex đóng sập lại sau khi Vĩnh đã đọc được trong ánh mắt anh Huy một câu nói: Cứ yên tâm! Tụi này rất kín miệng.

Tuy nhiên, người chịu cực hình nhiều nhất vẫn là Ý. Một phần Ý tự nhận là người đầu tầu, một phần Ý là dân Biệt Động thứ thiệt, thành thử chúng ghét và chúng nhốt riêng trong một connex nằm lẻ loi trên ngọn đồi trọc giữa khu thăm viếng và trại 4. Lẽo đẽo đi theo thằng vệ binh lên đưa cơm cho Ý, Vĩnh phải vuốt mồ hôi nhiều lần dưới trời nắng gắt. Khi cửa connex mở ra, Ý xuất hiện xanh như một tàu lá. Anh nằm khoanh tròn dưới sàn connex sét rỉ, hai tay bị còng ngược ra sau lưng nên thế nằm của anh coi thật khổ sở. Tên vệ binh trao chìa khóa cho Vĩnh để mở còng cho Ý. May mắn thay, vì trời nắng gắt, tên vệ binh đã đi xuống chân đồi tìm một bóng cây và cho phép Vĩnh được ngồi đợi Ý ăn uống xong sẽ thu lon cóng về luôn.

Lúc chiếc còng được mở ra, Vĩnh không khỏi hết hồn. Đây không phải cái còng số 8 thường thấy trước kia. Đây là một loại còng đặc biệt do bọn an ninh trại vẽ kiểu và bắt ban rèn của trại thực hiện. Còng là một cặp ống sắt khuyết, có chiều dày quãng năm phân. Một cặp khoen được hàn dính vào hai mép khuyết của ống sắt. Hai chiếc còng dính vào nhau bằng một sợi xích dài chừng mười phân. Người bị còng có cổ tay to như Ý thật là khốn nạn. Khi tháo còng ra cho bạn, Vĩnh không thể ngờ được Ý tê liệt đến độ đó. Hai bắp tay sưng phù nhưng hai cổ tay thì teo lại do bởi còng xiết quá lâu. Được tháo ra, cả hai ba phút sau Ý mới cử động nổi bàn tay. Trong tình trạng như thế mà chúng cứ còng miết ngày đêm làm sao chịu thấu!? Vĩnh quan sát bạn kỹ hơn. Mới hai ngày hai đêm bị còng nhốt connex và bị tra khảo, Ý xanh mét và tuồng như đã mất đi một nửa trọng lượng của thân thể. Thưong bạn quá, Vĩnh nói.

- Đừng cử động! Để tôi đút cho ông ăn.

Ý thều thào.

- Nóng quá ông ạ. Có cách gì ông dội cho tôi miếng nước vào người không?

Vĩnh quay vội ra ngoài. Anh có đem theo cả nửa sô nước để tiếp tế cho người bị nhốt. Vĩnh đổ nước ra cái lon guigoz để dành cho Ý uống (tiêu chuẩn nước uống cho người bị nhốt connex dứt khoát một ngày chỉ được một lon guigoz. Người đi nuôi ăn có muốn để lại cho bạn nhiều hơn cũng không được vì vệ binh chỉ cho để lại trong connex một cái lon duy nhất mà thôi!). Còn bao nhiêu nước Vĩnh chầm chậm dội từ đầu Ý dội xuống. Ý sướng như được lên thiên đàng. Nước vào người khiến Ý tỉnh hẳn lại.

Vĩnh hỏi.

- Nện dữ không?

- Kinh lắm ông ơi!... Ông, Tuấn và Điểu có sao không?

- Tuấn không sao. Chỉ có Điểu và tôi dính tí đuôi sao Chổi thôi. Nhưng tôi lại dính vì vụ khác. Vụ ông từng xúi tôi trước kia đấy! Cũng may...

Vĩnh tính nói "cũng may không bị dính chung vào vụ vượt ngục của các ông", nhưng nghĩ sao Vĩnh bỏ lửng câu nói.

Ý vừa chậm rãi nhai vừa hỏi.

- Ông tiếp xúc được với anh Huy và thằng Dương chưa?

- Rồi. Gặp hết rồi. Còn sống cả. Ông cứ yên tâm.

- Không khí ở trại như thế nào?

Quả thực Vĩnh rất âu lo cho số phận của riêng Ý. Vì Ý nhận là đầu mối, do đó bọn cai tù lên án anh rất nặng trên hội trường ngày hôm qua. Chúng cho anh là kẻ đại nguy hiểm và do đó đã nhốt anh vào chỗ riêng biệt là trên ngọn đồi trọc nắng cháy này. Bọn thẩm cung Ý cũng không phải là bọn an ninh trại 4, mà là bọn an ninh từ trung đoàn xuống làm việc. Biết thế nhưng trong hoàn cảnh này, Vĩnh không muốn làm cho bạn âu lo. Anh trấn an.

- Ông yên tâm. Rồi sẽ tai qua nạn khỏi cả...

Thế rồi thấm thoát đã hơn một tháng qua, kể từ ngày mấy ngàn tù của trại An Dưỡng ba lô quả mướp lội bộ từ trại An Dưỡng qua trại Suối Máu, Vĩnh lại được sinh hoạt bình thường trở lại với Ý, Huy và Dương. Những khi ngày tàn, ngồi quây quần hút thuốc lào với nhau, cả bọn vẫn không hiểu nhờ sức siêu hình nào mà mọi người đều được tai qua nạn khỏi thật; đặc biệt là Ý, chuyện anh được cột xử bắn như nhiều người trước đó quả là một chuyện phi thường.

Bây giờ đây, cả năm người, Ý, Huy, Dương, Điểu và Vĩnh đều được nhét chung vào tổ 1 đội 17 (vẫn đội 17!) nhà 1.

Nhà 1 là dãy nhà nằm sát bên cánh phải của hội trường. Nhà 1 (cũng như bảy dãy nhà kế tiếp, mỗi dãy cách nhau chừng năm thước và kết thúc bằng dãy nhà bếp. Phía sau dãy nhà bếp là hàng rào thép gai giăng chằng chịt để chia cách K.5 với K.4) được lợp tôn, vách tôn và nền đất. Nhà có chiều dài mười lăm thước và rộng năm thước, dùng làm chỗ ngủ cho ba đội 15, 16 và 17 với tổng số 120 người. Nhà trưởng hiện nay là một tay đại úy bác sỹ. Tổ trưởng hiện nay cũng dân Hải quân, Nguyễn Thanh Sơn, hải quân trung úy, nằm bên phải Vĩnh. Một lần nữa, nằm bên trái Vĩnh là anh chàng hải quân thiếu úy nửa điên nửa tỉnh Trương Hồng. Nằm san sát tiếp theo còn có Võ Tấn Bảo Hùng, trung úy công binh, kẻ đang say mê nghiên cứu khoa châm cứu. Kế Hùng là anh Huy. Cùng tổ nhưng nằm phía đối diện còn có Ý, Dương, Nguyễn Đình Tạc, Điểu...

Nhà 1 dù sao không khí dễ thở vì có anh chàng bác sỹ nhà trưởng tương đối dễ tính. Anh ta nằm mút phía đầu nhà, chỗ gần với vườn cây và nằm cạnh anh chàng Phạm Xuân Đồng - một người điên có lẽ nổi tiếng nhất trại tù cải tạo Suối Máu. Do bản tính lè phè, hồ như ông nhà trưởng này chẳng thèm tiếp xúc với một nhà viên nào. Cần việc gì, anh ta chỉ gặp riêng tổ trưởng hoặc đội trưởng.

Vì trại Suối Máu không có nhiều đất đai chung quanh, do đó công tác lao động hoặc tăng gia sản xuất cũng không đòi hỏi quá nhiều công tù. Trại này từ trước đến giờ, đúng ra, chỉ là trại chuyển tiếp. Do đó, khi được đưa về đây, bọn tù cảm thấy như tự dưng được hưởng một thời gian... dưỡng sức. Tuy nhiên dưỡng sức không có nghĩa là không lao động. Lao động của nhà 1 hiện tại được hưởng chế độ cách nhật. Công tù chỉ được dùng vào việc tưới cây, hoặc lên ít luống khoai trên giải đất nằm bên trong hàng rào và chạy dọc theo con đường Biên Hòa - Tam Hiệp bên ngoài. Cũng có một số được điều động làm đủ thứ công việc linh tinh trên ban chỉ huy trại như xuống xe gạo, xuống xe khoai sắn, sửa nhà sửa cửa cho bọn vệ binh hoặc dọn dẹp vệ sinh nơi khu ăn ở của quản giáo...

Nhưng đây là công việc của những người "tốt", vì họ còn được vác cuốc ra gần lề đường, nhìn dòng đời trôi qua cho đỡ thèm thương nhớ; riêng đám Vĩnh không được như vậy. Do ảnh hưởng lần trốn trại vừa qua, kể cả người trốn lẫn người bị nghi ngờ đồng lõa, Ý, Huy, Dương, Điểu và Vĩnh được lệnh không đi lao động bên ngoài trại. Công tác lao động của năm người chỉ là tạp dịch bên trong trại, mà việc chính là quét hội trường, phụ ông bác sỹ già Phạm Văn Triển chăm sóc vườn thuốc Nam, tức thuốc dân tộc, nằm sát góc trại cổng K.5, gồm dăm cây húng quế, tía tô, ít bụi xả, mươi gốc cây Sống Đời... Công tác phụ là tuần hai lần phải xách nước ra rửa sạch hai dãy cầu tiêu nằm cách hội trường một khoảng sân đủ để chơi bóng chuyền.

Vì Y, Huy và Dương mới được thả khỏi connex đứng không muốn vững, do đó lúc ban đầu được chia công tác, hầu như Vĩnh và Điểu cáng đáng hết mọi việc. Phải cả nửa tháng tĩnh dưỡng, ba người bạn mới lại sức để nhảy vào nhập cuộc và tiếng cười bắt đầu hồi phục.

CHƯƠNG NĂM MƯƠI

Quả thực cả năm khu trại nơi đây đã bị cộng sản lợi dụng sức chứa một cách quá đáng. Những dãy nhà san sát với nhau, chung quanh lại không có đất đai, thành thử khi hết giờ lao động, trại luôn luôn ở trong tình trạng chật cứng. Có thể nói trên thế giới ngày nay, nơi có mật độ cao nhất phải là trại tù cộng sản Suối Máu Biên Hòa. Đã nhiều lần hơn một nhóm người từng kín đáo bàn thảo với nhau chuyện nổi lửa đốt trại tù, nhưng rồi tính tới tính lui, ý định táo bạo ấy phải dẹp bỏ vì một lý do thật giản dị: Tù sẽ chết trước và chết thê thảm như một lũ chuột mắc kẹt trong hang lửa không lối thoát. Chính vì lý do chật chội như vậy, ngoài việc sử dụng chính thức, hội trường còn là nơi được nhiều người chiếu cố dùng làm chỗ mắc võng ngủ trưa hoặc ngồi làm những món thủ công lưu niệm...

Giữ cho hội trường và vuông sân phía trước lúc nào cũng sạch sẽ, do đó, đã khiến cả năm người đầu tắt mặt tối như ai. Mở mắt dậy, sau khi anh em đã đi lao động, bọn Vĩnh đầu tiên lo quét dọn những khoảng đất trống chung quanh hội trường. Kế đó đi rửa cầu tiêu. Kế nữa đi tưới vườn thuốc Nam cho ông bác sỹ Triển. Sau cùng, bọn Vĩnh mới cùng xúm lại quét hội trường khi ông Triển đã khám bệnh xong.

Ông bác sỹ Triển tuổi đã lục tuần nhưng còn nhanh nhẹn và trông khá đẹp lão. Ông được ban chỉ huy trại cho phụ trách y tế khám bệnh cho tù đâu từ hồi tướng tá còn ở đây. Vĩnh còn nhớ những ngày đầu mới về, thấy một ông già ăn mặc sạch sẽ, đầu luôn luôn có cái nón lá, mỗi sáng ra đứng trước vọng gác K.5 lột nón và gỡ kính 1 báo cáo tên vệ binh để xin phép lên ban y tế trại nộp danh sách tù bệnh mà thấy thương ông! Vĩnh không biết nhiều về ông, chỉ nghe anh em người nói ông từng là chỉ huy trưởng tổng y viện Cộng Hòa, người nói ông từng là thượng nghị sỹ... Riêng Vĩnh, Vĩnh chỉ biết hiện tại ông là một bác sỹ già, khám bệnh mỗi sáng cho tù K.5 trên hội trường, tác giả của hàng chục vụ áp-xe và gần đây ông đang nghiên cứu về thuốc Nam với khu vườn le ngoe vài ba cây cỏ như đã nói bên trên. Sự chẩn bệnh và cho thuốc của ông Triển đã trở thành một giai thoại ở K.5 Suối Máu. Anh em tù đã đặt cho ông một cái tên mới: Ông bác sỹ "Sống Đời" 2. Sở dĩ ông có cái tên này vì đau bụng toa thuốc sẽ là 2 lá Sống Đời 1 lá Tía Tô 3 lá Xả; nhức đầu sẽ là 2 lá Sống Đời 1 lá Tía Tô 4 lá Xả; phong thấp sẽ là 4 lá Sống Đời 3 lá Tía Tô 1 lá Xả vân vân và vân vân.

Việc không có thuốc tây trong trại tù cộng sản, mà nếu có thì chỉ vài loại kháng sinh cái giả cái quá hạn, uống vào làm dị ứng và chích vào làm áp-xe, đã biến một ông bác sỹ tây học nhiều tuổi nghề thành một ông lang băm. Và ông lang băm bất đắc dĩ của thời đại Hồ Chí Minh này cũng lắm phen điên đảo vì không bảo vệ nổi cái tài sản lang băm bất đắc dĩ của mình, ấy là bảo vệ cái vườn thuốc "dân tộc" được trên giao phó quản lý, chăm bón và sử dụng phục vụ tập thể. Nay mất một gốc Tía Tô, mai mất nguyên một cụm Xả, mốt mất hẳn đi mấy nhánh Sống Đời... Đời tù tội không thịt không cá không cả rau tươi, nên lâu lâu chôm chỉa được tí rau thơm chấm nước muối ăn với sắn độn cơm cũng tăng khẩu vị thật nhiều.

Thường thường bác sỹ Triển khám bệnh từ tám rưỡi đến chín rưỡi là xong. Bọn Vĩnh vào hội trường sắp xếp lại bàn ghế và khởi sự quét dọn. Rác trong hội trường luôn luôn nhiều hơn rác ngoài sân, đặc biệt nếu như đêm hôm trước có một phim hay, chẳng hạn phim Hoàng Tử và Người Nghèo của Ba Lan, hoặc một trận đấu bóng... thì sáng ra bọn Vĩnh hốt rác mệt nghỉ. Công tác mỗi sáng được hoàn tất nhanh nhất cũng phải vào quãng mười một giờ.

Từ sau lễ quốc khánh 2 tháng 9 của chúng nó vừa qua, rác trong hội trường đỡ hẳn vì bọn cán bộ trại đã ra lệnh cấm ngặt không ai được lên hội trường ngủ, làm thủ công dù ban trưa hay ban tối. Lệnh này ảnh hưởng đến cả các tổ đan giỏ. Các tổ này cũng phải di chuyển xuống làm việc nơi vuông sân sau bếp gần lò làm đậu hũ và lò nướng bánh mì.

Việc cấm đoán này cũng có nguyên do của nó. Số là trước ngày 2 tháng 9, bọn cán bộ khung lôi một anh tù có nghề điêu khắc ra, cung cấp vật liệu và buộc anh khắc một cái thủ cấp Hồ Chí Minh để thờ trên hội trường. Một khi hội trường suốt ngày đêm đã có sự hiện diện cái bản mặt của bác thì phải khác hơn, phải được sử dụng nghiêm túc hơn, ngoại trừ một người - người ấy là Phạm Xuân Đồng.

Phạm Xuân Đồng nằm cùng một nhà với Vĩnh. Dưới mắt nhiều người Đồng là một tên điên, điên từng cơn. Và riêng với bác sỹ Triển hoặc anh Huy thì Đồng là cái rắc rối của mọi người. Nhưng riêng với Vĩnh, Đồng là một tên tù cải tạo tuyệt vời nhất! Không tuyệt vời sao được khi bao nhiêu người khác trong thời gian ở tù, nếu không bộc lộ ra ngoài cái bản tính đê tiện, đấu tố nhau, tranh ăn nhau, tố giác nhau - và sự hèn hạ đê tiện ấy hình như có độ tăng theo cấp số nhân khi tuổi đời tăng theo cấp số cộng; hoặc diễn tả một cách thơ mộng hơn một tí thì "càng cao danh vọng càng to lớn... hèn!" - thì cũng đều là bọn nín thở qua sông, nhũn nhặn như con chi chi với bọn cai tù. Lâu lâu có vài ba người bừng tỉnh tìm cách vượt ngục thì lại đều thất bại kiểu Ý, Huy và Dương. Riêng Phạm Xuân Đồng thì khác. Vĩnh chẳng thể xác quyết Đồng điên hay không điên, chỉ biết anh là người duy nhất trong hơn hai năm tù vừa qua, dám chửi tận mặt bọn cán bộ và đã hai lần trốn thoát K.5 về nhà thăm mẹ ở Biên Hòa. Cảnh mẹ góa con côi, tội nghiệp bà cụ, vì vô phương kế bảo vệ che dấu con, và để tránh cho nó chết thảm, bà lại phải đem con giao nộp cho công an địa phương để mong nó được sống. Thế là, hai lần trốn thoát đều bị trả lại trại cải tạo cả hai. Đồng dĩ nhiên ăn no nê những trận đấm đá từ cổng vào tới connex.

Thật ra, có những lúc Đồng tỏ ra mất bình thường rõ ràng. Chẳng hạn mỗi buổi sáng vào giờ bác sỹ Triển khám bệnh, Đồng mò lên hội trường, đứng kè kè bên cạnh ông Triển và ra lệnh cứ như một bác sỹ thứ thiệt ra lệnh cho một y tá.

- Anh Triển. Mài kim đi! Kim cùn thế kia đem chích cho nhân dân tôi cùm anh đấy!

Hoặc giả.

- Anh Triển. Anh già và tay run thế kia, tôi thả anh về liệu anh còn đủ sức chích cho vợ anh không?

Những lúc như thế bác sỹ Triển chỉ điên lên và xua Đồng như xua ruồi. Đồng cũng chẳng cự nự. Anh bỏ ra đứng ngắm cái thủ cấp Hồ Chí Minh một lúc rồi oang oang.

- Tưởng ai, hóa ra lại cái thằng chết tiệt này!

Ai cũng điếng hồn vì câu nói báng bổ của Đồng. Trong lúc vài người chạy tới nhà 1 báo nhà trưởng lôi Đồng về thì Đồng vẫn tiếp tục. Xã hội ta không duy tâm, tại sao lại phải làm hình tượng thằng chết tiệt này để bắt mọi người thờ? Tôi rành nó quá. Nó là thằng bạn học cũ của tôi. Tôi, nó và đức tổng giám mục Nguyễn Văn Bình đều là bạn học...

Một người chợt khẽ hỏi Đồng.

- Biết tượng ai đấy không mà dám nói nhảm vậy?

Nghe hỏi Đồng trợn mắt.

- Thằng Hồ Chí Minh chớ ai! Tôi lạ gì nó. Nó học Taberd với tôi và cùng động viên khóa 5/70 Thủ Đức. Tôi giỏi tôi ra chuẩn úy. Nó xà bát quá nên rớt ra trung sỹ...

Nghe Đồng rống lên và công khai gọi Hồ Chí Minh bằng thằng giữa hội trường ai cũng rét và không ai dám hỏi gì nữa. Những lúc như thế nhà trưởng nhà 1 thường xuất hiện và ưu ái xách lỗ tai lôi Đồng về phòng như người anh lớn xách lỗ tai thằng em nghịch dại. Cũng may, Đồng sẵn sàng đập lộn với bất cứ ai dù anh gầy như con mắm và cận thị nặng, nhưng với riêng tay bác sỹ nhà trưởng Đồng sợ một phép. Tay nhà trưởng thường áp dụng một hình phạt duy nhất đối với Đồng là lôi Đồng về chỗ nằm, bắt nằm sấp mặt xuống đất, hai tay vòng lên sau gáy, mỗi khi Đồng gây chuyện đánh người hoặc nói nhảm nhí.

Lúc đầu, do cái tính vui vẻ hay đùa giỡn, anh Huy bỗng nhiên biến thành nạn nhân và là người sợ Phạm Xuân Đồng vào bậc nhất. Hôm ấy, Huy ngồi soạn lại mớ quần áo rách của anh. Bỗng nhiên một tấm ảnh từ trong một quyển vở rơi ra ngoài. Vừa lúc ấy Phạm Xuân Đồng đi qua. Đồng lượm tấm ảnh lên và xà xuống chỗ anh Huy một cách thân mật. Thấy Đồng tỉnh táo, Huy quàng vai Đồng và chỉ vào tấm ảnh, hỏi.

- Biết ai đây không?

Đồng cười một cách rất tự nhiên.

- Tôi với anh là anh em. Anh là Phạm Xuân Huy còn tôi là Phạm Xuân Đồng, vậy làm sao mà tôi không biết người này!?

Huy thấy Đồng hôm nay không điên tí nào, lại có vẻ dễ thương nữa, liền hỏi tiếp.

- Vậy chứ ai đấy? Nói coi!

Đồng tỉnh bơ.

- Anh không nhớ thật à? Tôi với anh ngủ với nó bao nhiêu lần rồi mà anh nỡ quên sao?

Huy hoảng hốt và chấm dứt ngay việc trò chuyện với Đồng. Anh giật lại tấm ảnh vợ anh và cất ngay vào túi. Nhưng khổ một nỗi là từ đó, trong cái óc hỗn mang của Đồng, Đồng luôn luôn nhớ tới Huy và gặp Huy ở đâu cũng cất tiếng hỏi. Phạm Xuân Huy! ảnh con mụ vợ của hai ta đâu rồi?

Từ dạo ấy, gặp Đồng là Huy trốn mất. Người ta chẳng thể đánh đập một người bạn mất bình thường nếu không muốn nói là nửa tỉnh nửa điên. Và người ta lại càng không thể đi cãi nhau với Đồng.

Nhưng bọn vệ binh không phải là ông bác sỹ Triển, là anh Phạm Xuân Huy hay đám lao động hội trường. Trong hơn hai năm tù, có lẽ Đồng là người bị bọn vệ binh đánh đập công khai nhiều nhất. Điển hình vào một đêm quãng mười giờ tối, khi mọi người đã rúc vào chỗ nằm ru giấc ngủ thì phía ngoài bờ giếng trước hội trường gần khu vườn thuốc Nam nổi lên những tiếng huỳnh huỵch. Lẫn với những tiếng huỳnh huỵch ấy là tiếng chửi của Đồng.

- ĐM. mày tao đếch sợ. Ngon bỏ súng đánh tay đôi đi!...

Nhà 1 nằm ngay sát hội trường và có một đầu hồi nhìn ra phía giếng nước nên người nằm trong nhà nghe rất rõ. Ai cũng đoán biết Đồng đang bị mấy thằng vệ binh gác cổng đánh bằng báng súng. Vài người lên tiếng yêu cầu nhà trưởng ra can thiệp nhưng nhà trưởng không dám. Chừng năm phút sau, một thằng vệ binh xuất hiện ngay cửa nhà 1 sát chỗ nằm của nhà trưởng. Nó lên giọng hách dịch.

- Nhà trưởng nhà phó đâu?

Nhà trưởng vội lên tiếng.

- Có tôi đây.

- Cho người ra khênh thằng Đồng vào. Đêm hôm lần mò ra cổng trại đánh què cẳng nằm ngoài kia.

Thông thường không ai phạm những nội quy tương tự như Đồng. Và giả như có phạm thì chắc chắn đã bị tống cổ vào connex tức thì. Riêng Đồng thì cả bộ chỉ huy K.5 đều đã rõ mặt rõ tên, và mỗi thằng vệ binh ít ra cũng từng năm lần bảy lượt đánh đập Đồng. Việc nhốt Đồng vào connex đã nhàm quá. Chúng bực chúng đánh cho bõ ghét chứ tuyệt nhiên không thèm nhốt nữa. Đêm nay cũng tương tự nhiều lần trước đó, Đồng mò ra cổng chẳng biết làm gì, bị vệ binh nạt nộ, Đồng đứng chống nạnh nạt lại và lên tiếng thách vệ binh đánh tay đôi. Thằng vệ binh cáu sườn, và dù biết rõ Đồng mất bình thường, nó vẫn kêu thêm hai ba thằng nữa vác súng nện Đồng ngã sấp ngã ngửa ngoài bờ giếng. Dù bị đánh đau, Đồng cứ luôn miệng chửi và thách vệ binh đánh tay đôi. Khi nhà trưởng ra bế Đồng vào, thân thể Đồng đã nhão ra và mặt mày sưng phù. Anh em kẻ đến bôi dầu xoa bóp cho Đồng, kẻ ra ngoài tìm lại cái kính cận cho anh. Tuy nhiên, chỉ năm bảy phút sau Đồng lại sức ngay. Không ai có thể tưởng tượng được Đồng gầy còm mà lại có một sức chịu đựng dẻo dai đến thế. Vừa bầm dập vì đòn đập đó, ít phút sau đã tỉnh lại và vùng dậy đi từ đầu phòng tới cuối phòng, thái độ hầm hầm tức giận và miệng nói huyên huyên.

- Chúng nó là một lũ hèn. Chúng nó đánh hội đồng tao. Tao thách đánh tay đôi mà không thằng nào dám nhận lời. Quân đội cách mạng như con c... Tao đâu thèm trốn trại. Tao mà trốn thằng Hồ già cũng không giữ nổi tao. Tao chỉ buồn đái. Ra tới giếng chẳng lẽ tao đái xuống giếng. Bộ điên à? Giếng để ỉa chứ đâu để đái! Tao bước thêm vài bước nữa là tới trạm gác của nó; tiện, tao đái luôn vào cột trạm gác. Tao đang đái làm sao nó cấm tao được? Thằng bố láo bố lếu. Nó không biết rằng tao là bạn học trường Taberd với bác Hồ của nó...

Đồng vừa đi vừa nói lảm nhảm cho đến lúc nhà trưởng chịu không nổi, lại phải dùng uy la hét Đồng, xách lỗ tai anh, bắt anh về chỗ và dùng lại hình phạt y như những lần trước: Nằm sấp mặt xuống đất, hai tay vòng ra sau gáy...

Khi Đồng đã chịu phép rồi, cả phòng lại im vắng trở lại. Những sự kiện xảy ra quanh Đồng không thể không bắt Vĩnh ghi nhận và suy nghĩ đến thân phận Phạm Xuân Đồng. Ai có thể khẳng định Đồng điên thật hay điên giả? Nếu điên giả thì Đồng quả nhiên là thiên tài. Nhiều khi rõ ràng Đồng nửa đùa nửa thật để chửi ngay mặt quản giáo Tú, quản giáo của nhà 1, rằng hắn là một thằng ngu. Vĩnh cũng nhớ có lần tên đại úy trưởng trại vào thanh tra và đi qua nhà 1. Thấy hắn, Đồng bỗng trỗi dậy chào hỏi rất vui vẻ. Tên trưởng trại thừa biết Đồng mất bình thường, nhưng thấy Đồng chào hỏi vui vẻ cũng tỏ thái độ thân mật với anh.

- Sao, anh Đồng? Lúc này có gì hồ hởi phấn khởi không?

Đồng trả lời ngay.

- Buồn thấy cha thấy mẹ đây. Có gì mà hồ hởi với không hồ hởi!

Tên trưởng trại nhíu mày.

- Ô hay! học tập cải tạo thì phải hồ hởi phấn khởi chứ, sao lại buồn?

Nghe tên trại trưởng nói vậy, Đồng trợn mắt cãi ngay.

- Này, tôi hỏi thật anh nhá. Nếu bỗng dưng có người vô cớ lột lon anh và bắt giam anh lại chẳng biết bao giờ mới thả anh ra, thì bản thân anh liệu có hồ hởi phấn khởi nổi không?

Tên trại trưởng chẳng ngờ bị Đồng bắt bẻ. Trong lúc hắn chưa biết xử trí ra sao thì Đồng làm luôn. Vậy thì muốn tôi vui, muốn tôi hồ hởi phấn khởi thì cứ trả ngay lon lại cho tôi. Trước đây tôi thiếu úy, hơn hai năm rồi giờ này tôi phải là trung úy. Yêu cầu các anh trả lon trung úy cho tôi và cho tôi truy lãnh tất cả số lương hơn hai năm qua.

Đến đây như bị bóng nhập, Đồng bắt đầu hét. Trả đây! Trả lon tao đây! Đồ chó chết! Trả đây...

Tên trại trưởng biết Đồng lại lên cơn, hắn chuồn êm khỏi cửa.

Hiện tại Đồng không chịu nằm trong nhà nữa. Sau lần anh dùng lưỡi lam cắt rách dương vật máu ra đầm đìa vì anh lập luận "Giải phóng đã làm thất nghiệp cả đến cái này của tao thì tao cắt bỏ nó cho đỡ nặng háng", Đồng đem võng ra mắc trên dãy hầm cầu tiêu cũ, nằm sát phía trong vườn thuốc Nam của ông bác sỹ Triển. Bên trên Đồng căng một tấm poncho che mưa nắng. Nhà trưởng đã năm bảy lần lôi cổ anh vào nhà nhưng chứng nào vẫn tật nấy. Anh bảo anh không thích nằm trong nhà vì "bọn trong nhà hôi thối hơn cả cái hầm phân anh mắc võng bên trên".

Chính vì chuyện Phạm Xuân Đồng ra hầm cầu ngủ mà đám lao động hội trường đâm vất vả. Bọn Vĩnh nhận được lệnh phải chuyển tất cả phân nơi những hầm cầu cũ ra khu canh tác cách cổng K.5 chừng một trăm thước. Dù rằng chỉ cách một trăm thước nhưng vừa đào vừa gánh hết hai hầm phân để lại từ thời các quan tướng tá cũng khiến năm người mệt ứ hơi ba ngày trời.

Xong vụ phân, bác sỹ Triển lại có thêm tí đất để mở mang vườn thuốc dân tộc của ông. Bọn Vĩnh lại phải giúp ông lên luống, tỉa ươm, cấy trồng... Phạm Xuân Đồng vẫn không buông tha mọi người. Suốt ngày anh ra vườn chống nạnh đứng xem đám Vĩnh trồng cây, miệng luôn luôn cằn nhằn bác sỹ Triển đã chiếm miếng đất này của anh.

Hai tháng đầu tiên sống nơi K.5, chuyện vui buồn và lao động của Vĩnh hầu như chỉ gắn liền với từng đó sự kiện và nhân vật: Hội trường, vuông sân, dãy cầu tiêu, cái bàn thờ có thủ cấp bằng đất sét của Hồ Chí Minh, Phạm Xuân Huy, Nguyễn Văn Ý, Vũ Duy Dương, Phạm Văn Triển, Phạm Xuân Đồng, bệnh điên, vườn thuốc Nam, cái giếng... Những cái đó bám sát lấy Vĩnh cho đến cuối tháng Mười, vào dịp làm bản tự khai lần thứ hai ở Suối Máu, tiếp theo là một đợt học tập chính trị dự trù kéo dài mười ngày thì Vĩnh quyết định đi nằm viện. Vĩnh lại giở trò cũ. Lần này thì Vĩnh không gặp tí khó khăn nào, vì người khám và đề nghị cho anh đi viện là bác sỹ Triển.
--------------------------------
1
Đối với bọn cán binh CSVN, bất cứ loại kính nào, dù râm, cận hay viễn đều được đánh giá như một thứ trang sức. Và khi trình diện chúng thì dứt khoát không được đeo đồ trang sức! Do vậy, tù phải tháo kính cầm tay.
2
Cây Sống Đời là một loại thân thảo hay dùng trong thuốc Nam, chỉ được nhắc nhở đến nhiều sau năm 1975. Hình như nó trông giống một cây kiểng, lá giống lá mận như to, dày và xanh hơn. Bọn tù không rõ dược tính ra sao, chỉ biết nó có vị chua như lá me. Và chính vì vị chua này, cây Sống Đời luôn luôn bị tù bẻ trộm...

1      2      3      4      5      6      7      8      9       10      11      12      13      14

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét