Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

HỒI KÝ TRẠI TẬP TRUNG CẢI TẠO CỦA DUYÊN ANH - KỲ 5



1      2      3      4     5     6


CHƯƠNG 18

Chưa có triệu chứng « nổ » của tù nhân về từ Hà Nam Ninh. Anh em vẫn tự do tắm giặt, nấu nướng, đi lại « linh tinh ». Anh em tự do nhổ rào trại đun bếp. Anh em tự do sang khu B truyện trò ngoài hàng rào. Trực trại chỉ thị tổ vệ sinh kiếm củi cho Hà Nam Ninh. Trật tự cả hai khu đều khép nép khi gặp Hà Nam Ninh. Trần Trọng Thanh lên bệnh xá nằm cả ngày. Cung củ đậu, lợi dụng tình chiến hữu, hết sang nhà này đấu láo lại sang nhà khác đấu láo. Anh ta rất khớp Hà Nam Ninh. Vì Hà Nam Ninh nhiều trung tá ở các binh chủng dữ dằn. Có một đại tá nhảy dù nữa. Nhưng Hà Nam Ninh không hẳn chỉ toàn sĩ quan quân đội mà con viên chức cao cấp chế độ cũ, phản động và đảng phái trình diện học tập cải tạo. Ra Bắc, chẳng phải là tù nhân tối quan trọng. Ở Nam, chẳng phải là tù nhân tầm thường. May rủi cả. Trưởng ty Dân vận và chiêu hồi, nhạc sĩ Vũ Thành An, ra Bắc. Tổng trưởng thông tin và chiêu hồi Hồ văn Châm ở Nam. Dân biểu Nguyễn văn Cung ra Bắc. Chủ tịch Hạ viện Nguyễn Bá Lương ở Nam. Những nhà văn quân đội ra Bắc. Những nhà văn dân sự « biệt kích văn nghệ » ở Nam. Nhà văn « biệt kích văn nghệ » Dương Nghiễm Mậu về nhà sau 11 tháng tù. Nhà văn quân đội Duy Lam hôm nay vẫn ở trại trừng giới Phú Khánh.



Một điều Hà Nam Ninh cảm thấy tủi nhục và phẫn nộ là thấy thiếu tá nhảy dù Cung củ đậu xun xoe theo sau trung sĩ công an trực trại, nhâng nhâng cầm xâu chìa khóa, đóng và mở cửa hai lần tập họp điểm danh. Sự phẫn nộ đã không trút vào Cung củ đậu mà lại trút vào một tên trật tự tù nhân hình sự khu B. Tên này bị vây đánh ở bệnh xá, sau đúng một tuần Hà Nam Ninh về Z30 D và một số người đã được gặp vợ con, đã nhận quà thăm nuôi. Vũ Xuân Thông cũng đã gặp thân nhân. Chàng có tin buồn : thân mẫu vừa qua đời. Thông buồn bã ra mặt. Chàng mong gặp mẹ sau nhiều năm xa cách. Chàng đã về thật gần mẹ. Nhưng mẹ chàng vội khuất núi. Vài người chỉ có em hay chị dẫn con thăm bố. Vợ đã phụ tình từ lâu, gia đình viết thư ra Bắc đã nói dối vợ vẫn thủy chung. Trung úy Thọ, người bạn tuổi nhỏ của tôi gặp vợ và cha già. Chuyện vui buồn chưa dứt bùi ngùi và ngậm ngùi thì một nửa Hà Nam Ninh chuyển khu. Ba đội vào K2 K3. Hai đội sang khu B. Năm đội bên khu B qua khu A. Ngay buổi tối hôm chuyển khu, chuyển K, Hà Nam Ninh còn lại khu A, tỏ thái độ.

Một nhà hát. Bốn nhà hát theo. Trước hết, họ hát những bản hùng ca do anh em của họ sáng tác. Rồi họ hát chính huấn ca. Cái lâu đài âm thanh này đã khiến tù nhân cả K1 ngưng hút thuốc là, ngưng chuyện trò. Tôi nghĩ thế. Vì, ở nhà của tôi (bây giờ tổ vệ sinh sống chung với đội rau xanh khu B mới sang), các cửa sổ khoang trên, khoang dưới kín mít. Tù nhân chờ đợi phản ứng của cai tù. Z30 D K1 không có phản ứng. Quản giáo, vệ binh, trực trại đứng gần các nhà nghe hát. Hà Nam Ninh chỉ hát, không reo hò, không hô khẩu hiệu. Họ hát đến khi kẻng báo ngủ thì ngưng hẳn. Sáng hôm sau, tập họp điểm danh bình thường. Các đội cũ đi lao động. Các đội Hà Nam Ninh ở nhà, tư do như hôm vừa tới. Mỗi chiều, vệ binh, lần lượt, dẫn từng đội ra suối tắm giặt. Nước bơm vào hồ không kịp. Xuất trại, Đội trưởng báo cáo. Ai đội nón, mũ đều lật khi qua điếm canh.

Ngày 25 tháng Chạp năm Thân, dương lịch 1981, Z30 D tuyên bố kết quả xổ số chào mừng Tết Con Gà. 300 tù nhân của 3 K được « thần tài » chiếu cố. Tất cả tụ tập ở hội trường K1 chờ làm thủ tục về xum họp gia đình. Chưa lần nào tù nhân được tha đông như lần này. Người ta phóng ra một tin phấn khởi : tù cũ sắp về hết nhường chỗ cho tù miền Bắc bồi dưỡng rồi về luôn. Tiến bộ vượt mức ! Tiến bộ, tôi chợt nhớ bài « lên lớp » của phó giám thị Phúc :

- Đáng lẽ các anh về từ lâu. Chúng tôi giữ các anh ích lợi gì ? Các anh lao động không đủ nuôi các anh, các anh nắm vững hơn ai. Sở dĩ, các anh còn cải tạo vì vợ con các anh ở nhà đã tiến bộ vượt mức. Chính vợ con các anh viết thư yêu cầu chúng tôi giữ các anh lại, giáo dục các anh để các anh tiến bộ ngang mức vợ con các anh thì khi về các anh mới thích nghi đời sống xã hội chủ nghĩa !

Bài « lên lớp » đã làm tù nhân « chửi » vợ con mình quá xá. Cộng sản còn có nghệ thuật cù không cười. 300 tù nhân được tha kỳ này chắc đã được vợ con ô kê tiến bộ. Đặc biệt, cận Tết, họ đỡ bị … bóc lột lao động thêm. Bộ nội vụ đã giáng một đòn cân não. Hà Nam Ninh chới với con số 300 tù nhân được tha. Trung úy Thọ tìm tôi :

- Nó lọc hay quá, anh ạ !

- Lọc gì ?

- Lọc người.

- Ra sao ?

- Nó lọc từ Hà Nam Ninh trước ngày về đây. Biên chế đội rồi mới chuyển trại. Các ông cầu an, lừng khừng đã sang khu B và vô K2 cả.

- Còn lại là chống đối à ?

- Chống đối và chống chống đối.

- Thâm hiểm ghê nhỉ ?

- Vâng. Nó cho hai quan điểm đối nghịch sống chung. Cộng sản mà ! Anh Thông bị kẹt.

- Sao ?

- Anh ở giữa hai quan điểm.

- Còn cậu ?

- Em không dám lên tiếng nữa. À, anh này …

- Gì ?

- Phản ứng của nó ra sao khi Hà Nam Ninh hát nhạc chính huấn.

- Tôi không gần gũi nó, không thể biết. Nhưng tôi biết chắc điều này : cộng sản sẽ trấn áp qua giai đoạn kiên trì. Nhìn lại vụ nó nuốt Kampuchia đi ! Nó chuẩn bị dư luận thật chín muồi, kiên trì chịu đựng mọi ngang ngược của Pol Pot, Iang Sary. Cho đến khi giải phóng Kampuchia là chân lý, nó mới thôn tính Kampuchia.

- Tại sao anh không làm chính trị ?

- Tại sao tôi phải làm chính trị ? Mà cậu đề cập chính trị ở đâu ?

- Ngoài đời.

- Không, ngu sao làm chính trị. Đem tư tưởng chính trị của mình chỉ đạo bọn làm chính trị mới khôn. Tôi không làm chính trị song, tôi có thái độ chính trị như thái độ viết. Cả hai nằm trong thái độ sống của tôi.

- Em sẽ làm gì ?

- Ở đâu, bao giờ ?

- Ở đây, bây giờ.

- Xếp tàn y lại để dành hơi. Hỏi mãi, sốt ruột !

Buổi chiều ngày 27 tháng Chạp năm Thân, một đội Hà Nam Ninh xuất trại ra suối tắm. Nội quy ghi rõ điều khoản này : « Trại viên xuất trại và nhập trại phải báo cáo cán bộ và bỏ nón mũ khi ra và vào cổng ». Tôi đã ở trại lao cải Sa Ác và Rừng Lá, tôi thấy điều khoản này được tù nhân triệt để thi hành. Một vài người không thèm đội nón mũ. Để khỏi chấp hành nội quy. Sa Ác còn quái ác bắt tù nhân cận thị gỡ kính xuất nhập trại. Điều này không có trong nội quy nhưng nằm ở câu « Trại viên phải triệt để tuân hành mệnh lệnh và chỉ thị của cán bộ … ». Một tù nhân Hà Nam Ninh đã cố tình không gỡ mũ ra khi vào trại. Cán bộ trực trại, lúc ấy, chưa đến điếm canh. Vệ binh trên vọng gác thay thế. Vệ binh yêu cầu gỡ nón sau khi báo cáo nhập trại. Tù nhân này nhất định không gỡ nón. Vệ binh lên đạn. Để cảnh cáo tù nhân « ngoan cố », vệ binh ngắm đống đá chất cao ngoài cổng trại, cách chỗ đội tập họp báo cáo nhập trại khoảng 2 thước bấm cò. Viên đạn làm một mảnh đá dội ngược văng mạnh vào cánh tay một tù nhân. Anh này bèn nằm lăn ra. Vệ binh bắn chỉ thiên 3 phát báo động. Trực trại, quản giáo, vệ binh kéo đến. Y tá được gọi ra băng bó vết thương ngoài da. Đội Hà Nam Ninh được yêu cầu vào trại.

Thay vì về nhà, họ xếp hàng đôi, ngồi giữa sân tập họp lao động. Bốn đội Hà Nam Ninh khác cũng ra ngồi tỏ tình đồng đội. Khi các đội cũ của khu A lao động về, Hà Nam Ninh yêu cầu họ cùng ngồi. Ai thích thì ngồi, ai không thích thì thôi. Không có sự cưỡng bức. Một nửa tham dự. Một nửa về nhà lấy cơm, chia cơm. Số người tham dự không ăn cơm. Tù hình sự tham dự rất ít. Đại diện của Hà Nam Ninh yêu cầu trực trại mời ban giám thị tới giải quyết vấn đề. Trực trại hứa chuyển đạt lời yêu cầu rồi gấp sổ trực, rời điếm canh. Nắng tắt rất nhanh. Chiều nay không không có kẻng báo điểm danh. Trật tự K1 đã lỉnh hết sang khu B. Cung củ đậu cũng biến luôn. Ở khu B, cơm canh lĩnh khẩn trương và đem vào nhà chia. Các cửa khóa sớm. Vệ binh tăng cường canh phòng, tuần tra. Khu B kể như bất động. Chẳng ai dám xô tường ra cả, dù xô mạnh là tường đổ.

Bóng tối đã trùm Z30 D K1. Đèn các nhà đã lên. Vệ binh trên chòi sát cổng đã xuống và rút đi. Lực lượng võ trang bảo vệ trại làm thành hai vòng vây chung quanh trại, phía ngoài hàng rào. Ban giám thị không đến. Cuộc đấu tranh bắt đầu. Cuộc đấu tranh với lý do đơn giản như đã kể ở trên. Thoạt đầu, bọn tù nhân hình sự trộm cắp xông vào phòng trật tự lục soát đồ đạc và tịch thu đường, thuốc rê, thuốc lào, trong khi, Hà Nam Ninh cùng tù nhân cũ hát vang nhạc chính huấn. Tù hình sự, dưới sự lãnh đạo của tên Lâm Quyền, đạp cổng hội trường, tiến vô sách động 300 tù nhân vừa trúng số, chuẩn bị về nhà ăn Tết, ra tham dự Đêm Không Ngủ. Tâm trạng 300 người này thật não nề. Ra không được, ở lại không xong. Ra thì có thể bị nằm tù nữa. Mà ở thì có thể bị … ăn đòn tranh đấu. May sao, có một người trong số 300 người đứng lên hô hào đoàn kết chiến đấu chống Cộng Sản. Vậy là một nửa người miễn cưỡng ra, một nửa người ở lại, tản mạn tại chân hàng rào suốt đêm. Nhiều người núp ở bệnh xá, bếp bệnh xá. Lâm Quyền tự phong chức trưởng ban hành động, đến từng nhà dọa nạt và lùa « nhân dân » ra tranh đấu. Nhạc chính huấn vẫn rền vang. Ban giám thị không tới.

Khoảng 22 giờ, ô pạc lơ trại oang oang :

- Chú ý, anh em trại viên chú ý … Đây là tiếng nói của cán bộ giáo dục trại cải tạo Thủ Đức Z30 D. Anh em lắng nghe tôi đọc vài điều trong nội quy

Tù nhân hát thật lớn, át cả tiếng nói của cán bộ giáo dục. Nhưng hắn cứ đọc nội quy. Đọc xong, hắn nói :

- Một trại viên vi phạm nội quy, kéo theo hàng trăm trại viên vi phạm nội quy. Ban giám thị yêu cầu những trại viên vừa được tha, về ngay hội trường chuẩn bị hành lý để sáng mai nhận Giấy ra trại thật sớm. Về hay không là do sự quyết định của các anh.

Đại diện Hà Nam Ninh yêu cầu tù nhân vừa trúng số về hội trường gấp. Họ chỉ đợi có thế. Một người duy nhất ngồi lại. Người này trung thành với lời hô hào « đoàn kết chiến đấu ».

- Chú ý, anh em trại viên chú ý … Ban giám thị sẽ giải quyết vấn đề vào ngày mai. Yêu cầu anh em về nhà ngủ. Chúng tôi cam kết không có hình phạt trả thù.

Z30 D cứ đem nội quy ra nói. Và nói một cách bình tĩnh. Khi ấy, lực lượng võ trang từ Hàm Tân đã đến tăng cường. Trong này, nhạc chính huấn hăng say hơn. Tù nhân hình sự pha nước chanh, nấu chè cho mọi người ăn uống. Thuốc lào rít ròn rã. Tôi bỏ về từ lúc này, không còn hứng thú đứng và đi xem nữa. Nhưng tôi không ngủ. Cái răng khôn nhổ hôm qua còn đang hành tôi nhức nhối. Tôi nằm nghe những lời yêu cầu tù nhân giải tán, ai về nhà nấy ngủ, mai đi lao động. Về khuya, nhạc chính huấn ngưng hát tập thể. Chương trình chuyển sang mục văn nghệ Đêm Không Ngủ. Đơn ca không đàn đệm. Những ca khúc bêu riếu lính « Một trăm em ơi … », những ca khúc sến do bọn tù hình sự vô lại ông ổng hát đã làm hại anh em Hà Nam Ninh. Đấu tranh vô tổ chức nó mau tàn. Gần sáng, rã đám. Ai về nhà nấy, đúng yêu cầu của Z30 D, tuy hơi muộn.

Và đó, từ nguyên do, diễn tiến đến kết thúc của cái gọi là « nổi loạn ở nhà tù Hàm Tân ».

Sáng sớm hôm sau, cửa các nhà bị khóa chặt. Không có điểm danh. Không có lao động. 300 tù nhân được tha khẩn trương rời hội trường sang K2. Ở đấy họ sẽ làm mọi thủ tục ra trại. Người tù được tha ngồi lại tham dự Đêm Không Ngủ cũng sang K2 luôn. Trật tự vẫn lưu vong. Chỉ có tổ vệ sinh bên ngoài quét dọn sân trại và đổ rác. Không khí Z30 D căng thẳng. Khu B nằm nhà hết. Một vài nhà hò hét, vỗ tay. Khu A thì hoàn toàn im lặng. Buổi trưa, tổ vệ sinh phải khiêng cơm, canh cho từng nhà. Cửa mở. Cơm canh vào là khép chặt, khóa kỹ. Xế trưa, các cửa nhà đội cũ mở. Trật tự đã về đủ. Quản giáo các đội đến phát giấy cho đội làm tự kiểm. Quán giáo hướng dẫn viết tự kiểm. Tự kiểm nhận khuyết điểm tham dự Đêm Không Ngủ vì bị cưỡng bức và lên án một số người chủ mưu vô danh. Không một ai được viết ngoài cái ý đó. Ngày 29 tháng Chạp, mọi chuyện kể như đã qua. Cửa nhà Hà Nam Ninh mở tung. Miễn lao động toàn trại. Đi lại tự do. Nước bơm đầy hồ. Không ai bị kỷ luật cả. Ngay buổi sáng, một phái đoàn của bộ nội vụ đến thăm viếng anh em Hà Nam Ninh. Phái đoàn chuyện trò thân mật và hỏi anh em có cần đề xuất gì không. Tuyệt nhiên, phái đoàn không đề cập chuyện mới xảy ra.

Vũ Xuân Thông tìm tôi :

- Đêm qua anh đi đâu ?

- Tôi đứng xem, đến màn chè cháo, tôi về ngủ. Thế nào, thất bại hay thành công ?

- Theo anh ?

- Các ông đánh giá Cộng Sản thấp quá. Kinh nghiệm Hà Nam Ninh đâu ? Lý do thành công ở Hà Nam Ninh là chống đối nhốt tù nhân dưới hầm đá mà không đọc quyết định thi hành kỷ luật và do bầy sư tử lãng mạn và quả cảm lãnh đạo. Lý do thất bại ở Z30 D là chống gỡ nón và do “lãnh tụ” Lâm Quyền sách động đấu tranh. Tại sao ông dở thế ?

- Em bị theo cái đà xoay.

- Sao không chỉ các ông chơi ? Ông biết thằng Lâm Quyền can tội gì không ?

- Tội gì ?

- Ông đi hỏi cả trại, ai cũng biết tội nó. Nó chọc thủng vách nhà tắm cho bạn nó coi xi nê chị nó tắm. Vé mỗi lần vài đồng. Chị nó tố cáo nó với công an và yêu cầu cho nó đi cải tạo.

- Bỏ mẹ !

- Z30 D thật sự coi thường các ông rồi. Nó sắp ra tay rồi đấy. Rồi ông coi.

- Phái đoàn bộ nội vụ biết điều lắm.

- Đó là cái lỗ miệng Cộng Sản. Tôi gửi lời chê đầu óc lớn của các ông. Các ông không nghe tôi. Họa hổ thành khuyển.

Vũ Xuân Thông bỏ về. Người hùng của tôi chưa có vợ, dù rất đẹp trai và nhiều tài. Sáng sau, 30 tháng Chạp, điểm danh trễ hơn thường lệ. Nắng đã lên, kẻng vẫn chưa báo. Lại có chuyện gì chăng ? Có chuyện thật. Vũ Xuân Thông và 4 người khác xách hành lý rời Z30 D. Tôi đoán Thông và 4 đầu óc lớn ra đi. Về sau, tôi biết Vũ Xuân Thông về Chí Hòa. Có lẽ, hiện nay, Thông còn nằm ở trại trừng giới Phú Khánh.

Không có vấn đề gì cho anh em Hà Nam Ninh ở lại khu A và khu B. Ba ngày Tết thật êm ả. Ngày nào trung úy Thọ cũng sang nhà tôi, leo lên chỗ góc khoang trên của tôi hút thuốc lào và tâm sự. Thọ rủ thêm vài sĩ quan trẻ khác.

- Kết thúc chưa, anh Duyên Anh ?

- Chưa.

- Em thương anh Thông quá.

- Tôi cũng vậy.

- Anh Thông tình cảm lắm. Anh ấy bị một thằng đảng phái cáo già giật giây. Nó dùng tình cảm, dùng luôn cái bị thăm nuôi lúc nào cũng đầy của nó làm xao xuyến nhiều anh em “con bà phước”. Anh Thông ở Bắc không ai thăm nuôi cả.

- Lính chiến lại hào sảng, đâu biết tham nhũng. Đa số sĩ quan tác chiến, tôi thấy đều “con bà phước” hoặc bị thăm nuôi lép kẹp. Những thằng tham nhũng, thối nát, ở tù vẫn phây phây. Chúng nó thừa tiền mua cai tù nên chúng nó nhàn hạ. Còn được tha sớm nữa.

- Anh biết phái đoàn bộ nội vu hỏi thằng đảng phái ma đầu cần gì, nó trả lời sao không ?

- Không.

- Nó xin một thùng rác cho phòng. Nó biểu dương nồng nhiệt trại Z30 D. Còn anh Thông, anh yêu cầu không có trả thù người cải tạo, dù phái đoàn không đề cập chuyện Đêm Không Ngủ.

- Đó là lý do Thông ra đi ?

- Lý do phụ thôi. Anh Thông và 4 người kia bị ghim từ Hà Nam Ninh. Anh nói vụ này chưa kết thúc, liệu còn những gì xảy ra ?

- Nó sẽ làm các cậu xâu xé nhau.

- Cách nào ?

- Tôi không biết. Có lẽ, cậu sẽ không ở khu A lâu đâu.

- Em sẽ chuyển trại ?

- Chuyển K hoặc khu

- Anh có lời nào khuyên em thêm ?

- Một người công an chấp pháp Nam bộ tập kết ở sở công an thành phố Hồ chí minh khuyên tôi, ở tù Cộng Sản đừng tin ai, đừng dại dột chết ở lỗ chân trâu. Một người cai tù ở Chí Hòa khuyên tôi, đừng chống cán bộ quản giáo, vệ binh vì chúng nó không có quyền bắt, không có quyền tha, nhưng có quyền hành hạ và dồn mình vào chỗ chết. Cậu suy nghĩ lời người ta khuyên tôi.

- Cám ơn anh.

Mồng 5 Tết, tù nhân Hà Nam Ninh K1 tập họp hết ở hội trường nghe giám thị Mạnh “lên lớp”. Đây là bài lên án nặng nề Đêm Không Ngủ. Bài này được phát thanh cho cả trại nghe.

- Ai cho phép các anh vi phạm nội quy ? Ai cho phép các anh hát nhạc chính huấn ? Ai cho phép các anh tụ tập âm mưu nổi loạn ? Ai cho phép các anh sách động đấu tranh trong nhà tù ? Việt Cộng nổi loạn trong nhà tù, các anh tàn sát hết, các anh đâu có tha. Các anh nổi loạn, Việt Cộng chúng tôi không tàn sát các anh. Đó là chính sách nhân đạo và khoan hồng của đảng và nhà nước đối với người học tập cải tao…

Giám thị mạnh lên lớp gần ba tiếng đồng hồ. Cuối cùng là câu kết luận:

- Các anh, ai muốn lao động thì được lao động, ai không muốn lao động thì ở nhà. Từ nay, trại không tha thứ một hành động vi phạm nội quy nặng hay nhẹ.

Ngay buổi trưa, 5 đội Hà Nam Ninh khu A bị xào xáo, biên chế lung tung thành 5 đội mới. 3 đội sang khu B. 2 đội chuyển sang 2 căn nhà nằm sau phòng trật tự, sát hàng rào trại. Z30 D K1 vận dụng 2 đội dựng một hàng rào tre cách ly 2 đội Hà Nam Ninh với các đội khác. Thêm hàng rào kẽm gai giữa hai nhà. Đội xây cất xây bức tường gạch chia đôi hồ nước. Một cái cổng có giây xích và khóa chặt. Hai căn nhà của hai đội Hà Nam Ninh biến thành khu kỷ luật tập thể. Tù nhân không được ra ngoài hàng rào, không được nhận quà thăm nuôi, không đi lao động, không tắm giặt hàng ngày. Nước sẽ vào đủ xối cầu tiêu. Một tuần tắm hai lần bằng vòi nước đẩy vô, giới hạn thời gian. Bật lửa, diêm bị tịch thu. Điếu cày bị tịch thu luôn. Sự trả thù bắt đầu…

CHƯƠNG 19


Tổ vệ sinh lo chở cơm, nước uống và nước xối cầu tiêu cho hai đội kỷ luật Hà Nam Ninh. Nguyễn văn Hải và tôi được trật tự giao công tác này. Trung úy Thọ thoát lưới đợt đầu. Tôi nói thoát lưới đợt đầu vì sự tầm tù chưa chấm dứt. Mỗi ngày một tù nhân bị gọi ra. Tù nhân này lên ban giám thị làm tự khai và « làm việc ». Rồi tù nhân này trở về, chuẩn bị hành lý khẩn trương rời phòng. Anh ta qua khu B. Liền đó, hai ba tù nhân Hà Nam Ninh khu B sang khu A, vô nhà kỷ luật. Sự ngờ vực lẫn nhau khởi sự cùng với sự sợ hãi. Hôm nay, một tù nhân bị gọi ra. Anh ta về, nhà không ai bị gọi, cũng không ai đến. Hôm sau, vài người khu B qua. Tù nhân bị gọi ra hôm qua hoảng hốt. Rồi Lâm Quyền vào nhà kỷ luật. Lâm Quyền ra « làm việc ». Mười hai người tù Z30 D cũ khuân hành lý vào nhà kỷ luật. Lâm Quyền bị chuyển trại. Ra vô, vô ra liên tiếp một tháng, Z30 D đã lọc đủ tù nhân « tích cực » trong vụ nổi loạn đêm 27 tháng Chạp. Nhiều tù nhân tình nguyện ra « làm việc ». Để chứng minh mình oan, chỉ có cách tố cáo những người « tích cực » chống đối. Sau thời gian « tầm thù » và phân loại mức độ « nguy hiểm », Hà Nam Ninh còn 40 người chịu hình phạt kỷ luật vô thời hạn, vì không đọc quyết định, Z30 D cũ có 20 người. Các đội Hà Nam Ninh đã có số riêng từng đội và đã đi lao động sản xuất. Họ lao động tích cực hơn tù nhân Thanh Nghệ Tĩnh và Z30 D cũ. Khu nhà kỷ luật coi như ổn định. Bây giờ Cung củ đậu có thể tác yêu tác quái.


Đền ơn Cung củ đậu chế ngự Hà Nam Ninh, trại cho anh ta ngủ với vợ hai ngày hai đêm. Vợ Cung củ đậu là cô vũ nữ xếch-xi. Tội nghiệp cho cô ta, Cung củ đậu hành lạc tả tơi, về trại khoe cùng khắp. Khu A, tù nhân già thì nể, tù nhân trẻ thì sợ Cung củ đậu. Anh ta được khám xét hành lý tù nhân nên biết hết tù nhân có những món gì. Ở Z30 D K1 không có hoạt cảnh … tổng vệ sinh. Tù nhân đi lao động, trực trại dẫn trật tự vào nhà, lục tung hành lý của tù nhân mà kiểm tra, loại bỏ và tịch thu. Tổ vệ sinh làm công việc kéo xe cải tiến đậu trước nhà. Hễ lục soát xong, vệ sinh quét dọn nhà và chở đồ loại bỏ đem đốt. Tù nhân đi lao động về phải cất xếp đồ đạc của mình bị lục bừa bãi. Những tù nhân lưu cữu, đồ đạc còn gì loại bỏ ? Những bó đũa mài vót bằng gỗ mun công phu, trực trại tịch thu, sợ tù nhân dùng đũa chọc mắt, chọc tai nhau ! Những cái plaques làm bằng inox tỉ mỉ, trực trại tịch thu gởi về cho em, cho tình nhân, sợ tù nhân « mua bán đổi chác »! Những tượng Phật, tượng Chúa khắc nghệ thuật, trực trại cho trật tự tịch thu. Những kinh sách tôn giáo bị loại bỏ. Những bản nhạc không có lời bị xé nát. Những thư từ viết khó hiểu bị giữ lại « nghiên cứu ». Vệ sinh thường lén giữ kinh sách tôn giáo, không đốt, đem về tìm đúng « đương sự » mà hoàn trả. Cung củ đậu « nắm vững » tù nhân và những món hàng quý. Và anh ta bắt địa kiểu xin xỏ khá nhiều kem đánh răng Close Up, xà phòng thơm Camay, quần xà lỏn, áo thun, xì líp Mỹ … Tôi cũng bị Cung củ đậu bắt địa cái kính lão đắt tiền. Thiên thần mũ đỏ Cung củ đậu nhảy các « xô » hủ tíu, mì, tôm khô, mỡ, lạp xường … Ngày nào cũng có người nhận quà thăm nuôi và ngày nào Cung củ đậu cũng enjoy với … anh em. Cung củ đậu bắt địa thuốc lá State Express 555 để cống cán bộ trực trại, chấp pháp. Anh ta không nghiện thuốc lá thuốc lào. Tôi đã nghe Cung củ đậu bô bô kể chuyện lính nhảy dù ăn gan Việt Cộng cho tù nhân và cả cai tù nghe. Anh ta tự thú anh ta cũng đã ăn gan người xào hành tây ! Đến đây thì không còn gì đáng nói về thiên thần ghẻ Cung củ đậu. Anh ta đã làm ô uế hai tiếng nhảy dù mà tôi hằng ngưỡng mộ yêu mến. Bây giờ, tôi viết về thằng vô lại Cung củ đậu. Nó dọa đánh hết người này đến người khác. Nó hung hăng, phách lối. Nạn nhân khốn khổ của Cung củ đậu là chú bé tên Cường, can tội vượt biên, mẹ đã là « tài pán » của Maxim Sài gòn. Cung củ đậu còn sắm vai công an chấp pháp, gọi tù nhân nó ghét lên phòng trật tự « làm việc » và viết tự kiểm. Khi Hà Nam Ninh bị dẹp, Cung củ đậu trở thành hung thần. Nó chửi bới trật tự Phú già, đòi đánh trung úy Nhẫn nấu bếp phục vụ bệnh nhân, đì trung úy Hanh nhảy dù đến nỗi trung úy Hanh, hỗn danh Hanh thịt chó, hiền lành, ít nói, phải sang nhà kỷ luật. Chỉ vì trung úy Hanh khinh bỉ thiếu tá Phạm Đình Cung, chỉ vì trung úy Hanh xấu hổ thấy thiếu tá Cung củ đậu vênh váo cầm xâu chìa khóa, khoanh tay đứng sau tên trung sĩ công an trực trại.

Bằng thủ đoạn lọc người, Z30 D đã gây kinh hoàng cho tù nhân Hà Nam Ninh. Tù nhân nào cũng nơm nớp sợ hãi, hôm nào đó, mình sang nhà kỷ luật. Do đó, khi Z30 D thành lập ban văn nghệ phối hợp giữa nghệ sĩ tù nhân và nghệ sĩ cai tù, những tay vĩ cầm, lục huyền cầm Y pha nho, ca sĩ và múa sĩ và viết hòa âm của Hà Nam Ninh « đăng ký » hăng hái nhất và được tuyển chọn sớm nhất. Có một hải quân trung úy đã theo con tàu Việt Nam Thương Tín từ đảo Guam về … trình diện học tập cải tạo. Vị trung úy này trở thành vũ sư dạy các cai tù công an trai và gái nhảy múa. Z30 D, những kẻ ca ngợi Hà Nam Ninh hết lời, những kẻ đốc xúi Hà Nam Ninh « nổ », những kẻ hoan hô Hà Nam Ninh đánh tù nhân trật tự, sau khi viết tự kiểm lên án « bọn chủ mưu vô danh » lại đã là những kẻ chửi bới Hà Nam Ninh « chọc cứt không thành lỗ », Hà Nam Ninh khiếp nhược lao động tích cực, Hà Nam Ninh tầm thường xin vào ban văn nghệ, Hà Nam Ninh hèn mọn, « ăng ten », tố cáo lẫn nhau để chạy tội, để thoát vào nhà kỷ luật. Chẳng còn ai nhắc nhở Vũ Xuân Thông và 4 người Hà Nam Ninh về Chí Hòa địa ngục. Chẳng còn ai biết đến, ở nhà kỷ luật, 40 tù nhân Hà Nam Ninh bị trừng phạt ra sao. Người ta vẫn hoan hỉ gặp vợ con, nhận quà thăm nuôi và enjoy vui vẻ. Cuộc đời nó thế, bên ngoài và trong tù. Cái thành ngữ Bạc như dân, bất nhân như lính đã là chân lý.

Đầu tháng 4-1981, một người trong nhà kỷ luật được gọi ra thăm gặp gia đình. Tù nhân này không ra. Anh ta không dám ra vì sợ trở vào nhà cũ. Trực trại đến tận nhà dẫn anh ra gặp gia đình. Lãnh quà cáp về, anh ta yêu cầu được ngồi tại phòng trật tự và xin « làm việc » với cán bộ. Anh ta nói thẳng, nếu anh bước vào nhà kỷ luật, anh sẽ bị đánh chết. Tại sao ? Anh ta đã phản bội « anh em ». Chỉ những kẻ phản bội mới được « ân huệ » thăm gặp gia đình. Anh ta giải thích một cách tội nghiệp thế. Để bảo đảm an ninh cho tù nhân này, ban giám thị cho anh chuyển K. Trực trại vào tận nhà kỷ luật đem hành lý của anh ra cho anh. Z30 D ban ân huệ hãi hùng chưa ? Người tù khốn khổ này không tố cáo ai cả nhưng cả nhà kỷ luật đã lên án anh ta. Tù nhân ở nhà kỷ luật hết sợ kỷ luật, họ bắt đầu sợ ân huệ … thăm gặp gia đình ! Và họ đề phòng nhau ráo riết. Điều sợ hãi nhất là bị gọi ra « làm việc » rồi trở lại nhà.

Nguyễn văn Hải và tôi, ngày tám lần, 14 chuyến chở cơm, nước sôi, nước xối cầu vào hai nhà kỷ luật. Hai nhà cách biệt, không được đứng sát rào kẽm gai biên giới nói chuyện và nhìn nhau, mỗi nhà một cái cổng ở hàng rào tre. Cửa nhà, ban ngày mở, ban đêm khóa. Cổng thì chỉ mở khi xe cơm nước ra vào, ra. Lịch trình vệ sinh phục vụ hai nhà kỷ luật :
Sáng : Cơm điểm tâm, nước sôi. Một chuyến. Lấy thùng đựng cơm và nước sôi đem trả nhà bếp. Một chuyến. Chở một xe hai phuy nước xối cầu tiêu. Một chuyến.
Trưa : Cơm, thức ăn trưa. Một chuyến. Lấy thùng đựng cơm và thức ăn đem trả nhà bếp. Một chuyến.
Chiều : Cơm, thức ăn chiều. Một chuyến. Lấy thùng đựng cơm và thức ăn đem trả nhà bếp. Một chuyến.

Bẩy chuyến một ngày cho một nhà. Hai nhà là 14 chuyến. Sau nửa tháng, vòi nước lớn không ròng đến nhà kỷ luật nữa, chúng tôi còn phải chở 10 phuy nước cho mỗi nhà, thứ tư và 10 phuy, thứ bảy để tù nhân kỷ luật tắm giặt. Thoạt đầu, trật tự mở cổng và khóa cổng và kiểm soát sự liên hệ giữa vệ sinh và tù kỷ luật. Được một tháng, ông già Phú giữ chìa khóa và phụ trách cổng hai nhà kỷ luật. Ông ta giao cho tôi khóa, mở. Xong thì trả lại ông ta. Ông già Phú không theo dõi như Cung củ đậu. Chúng tôi thủ kỹ, chờ anh em khiêng cơm nước xuống là kéo xe ra ngay. Chở nước tắm, nước xối cầu vô, chúng tôi ra ngoài cổng đợi anh em múc hết đổ vào hồ trong nhà mới vô kéo xe đi. Thủ quá kỹ khiến trật tự tin chúng tôi. Và chúng tôi có thể giúp anh em vài việc lặt vặt.


Có một con chào mào miền Bắc, đít đỏ, hót rất hay. Nó cũng bị kỷ luật theo chủ. Chủ nó, một tù nhân Hà Nam Ninh. Anh ta nuôi nó từ khi nó chưa vỡ bọng cứt. Nó từ cái cóng bơ ra cái lồng tre nhỏ do chủ nó đan. Cửa lồng mở. Con chào mào tự do bay xa rồi lại nhớ lối trở về. Nó không biết mưu sinh. Nên nó đói. Tôi thương con chào mào, đi xin chuối, bóc vỏ liệng đi rồi lén chở theo cơm, vất vào lồng của nó. Mỗi trái chuối, nó sống được vài ngày. Để hót cho tù nhân kỷ luật đỡ buồn. Chủ nó muốn tặng tôi cả chào mào lẫn lồng, tôi thích lắm mà không dám nhận. Sau này, trật tự Trần Trọng Khánh gửi vợ đem về Sài gòn. Nó bị chuyển … trại. Cái lồng bị tịch thu ! Người tù Hà Nam Ninh mất nguồn an ủi. Anh ta thương con chào mào, khóc nửa buổi, anh em nói nhỏ với tôi thế.

Từ khi một tù nhân Hà Nam Ninh được gia đình thăm gặp và xin chuyển trại, không có gì mới xảy ra cho hai nhà kỷ luật. Ở tù Cộng Sản, không bị ăn đòn cai tù mà thường bị ăn đòn của tù nhân, ăn đòn oan uổng. Trung úy Thọ kể với tôi rằng, hai năm đầu ở trại lao cải miền Bắc không có thăm gặp, chỉ nhận quà theo đường Bưu điện. Tin tức miền Nam mù tịt. Nhưng tất cả nuôi hy vọng « Phục Quốc » lớn lắm. Bất ngờ, một hôm có vị trung tá được vợ ở Sài gòn ra thăm gặp. Anh em kỳ vọng tin tức miền Nam, thứ vitamine T (tức là tin rỉ tai) cần thiết để sống đời tù. Vitamine T của các trại lao cải miền Nam là tin tức của đài BBC Luân Đôn. Tù nhân gặp vợ con, câu đầu tiên là hỏi « BBC có nói gì về Việt Nam » không. Vợ con nói những tin tức vẩn vơ, tù nhân vào trại « sáng tạo » thành tin tức thê thảm cho Cộng Sản. Ở những nơi chốn đau khổ, con người thường dối gạt chính mình để an ủi người khác. Tôi nhớ hồi chiến tranh biên giới Hoa – Việt, một tù nhân ra gặp vợ con, khi về, anh em hỏi Trung quốc tiến quân đến đâu rồi, tù nhân nọ đáp : « Chúng nó rút hết, rút hết », đã khiến anh em hy vọng Trung quốc « giải phóng » buồn thiu. Tin tức đài BBC Luân Đôn thường bị suy diễn rất ly kỳ. Đài BBC tiên đoán thời tiết cho người đi biển ngầm ý khuyên thuyền nhân không nên vượt biển vào thời gian sóng gió bất trắc, được thân nhân hiểu sai và được tù nhân tiếp thu vội. Nên Vitamine T bổ … tai và bổ tim như vầy : đài BBC bảo không cần vượt biên nữa, sắp thay đổi ở Việt Nam ! Vị trung tá ở Hà Nam Ninh quá thật thà. Anh em nóng lòng muốn biết « phục quốc » hoạt động ra sao, ông ta đã trả lời : « Vợ tôi bảo không có phục quốc gì cả »! Thế là ông trung tá ăn đòn hội chợ. Vì làm vỡ … niềm tin. Đây là tội « ăng tin », đau hơn tội « ăng ten »! Người tù nhân ngay thẳng ở nhà kỷ luật, được gặp vợ con, không dám trở về. Bởi đã có kinh nghiệm « ăng tin » ở Hà Nam Ninh. Bạn đã hiểu nhà tù Cộng Sản chưa ?

Tôi nói tiếp hai căn nhà kỷ luật của Z30 D, K1. Tù nhân sống mòn mỏi ở đó mà đếm từng giọt thời gian. Đô mi nô, cờ tướng, kinh sách, thư từ, giấy bút, diêm thuốc, ống điếu, đàn sáo, ca coóng, muỗng nhôm, giây thép … bị tịch thu đốt bỏ hết. Tinh thần họ căng thẳng. Thỉnh thoảng, Z30 D còn kéo căng thần kinh của họ bằng cách đem thư gia đình của họ vào đọc tên người gửi, người nhận rồi tuyên bố : « Thư của các anh bị xé bỏ, vì các anh bị kỷ luật. Chúng tôi đã duyệt thư, nội dung là vợ con các anh đang gặp nhiều khó khăn ». Tù nhân muốn điên lên. Chưa đủ, Z30 D đọc tên những người vợ con đến thăm nuôi, rồi tuyên bố : « Các anh bị kỷ luật, trại đã mời vợ con các anh về. Các anh đã làm tốn nước mắt của vợ con các anh vô ích ! ». Sự nhân đạo và khoan hồng của Cộng Sản đó. Nhưng cậu Đoàn văn Toại đã biểu dương sự khoan hồng và nhân đạo này bằng cách bịa đặt tù nhân lập kiến nghị và ký kiến nghị trong đề lao Gia Định còn khe khắt hơn trong nhà kỷ luật tập thể Z30 D và các trại trừng giới. Tù nhân ở hai nhà kỷ luật K1 và Z30 D thèm nước … tắm hơn thèm cơm. Hễ trời có vẻ muốn mưa, cửa nhà khóa chặt ngay. Không sợ tù nhân trốn trại, mà không thích tù nhân tắm mưa thoải mái. Các ca, xô nhựa hứng nước mái nhà cũng bị dẹp.

Để cho kỷ luật thấm thía mùa nắng, Z30 D thêm mục tưới cây, tưới cỏ chung quanh hai nhà kỷ luật. Tưới tối đa nước. Chúng tôi lại phải kéo nước còng lưng tưới cây, tưới cỏ trước mắt tù nhân kỷ luật. Tôi biết có nhiều hũ, nhiều bình, nhiều ca nhựa dấu kỹ ở các gốc cây, bụi cỏ, xó hè … Chúng tôi đã tháo hoa sen, rót nước vào hũ, bình, ca. Tôi không quên mình đã bị Tư Long cúp nước khốn khổ ở khu FG, Chí Hòa.

o O o


Sau vụ Hà Nam Ninh, có thêm hai đợt tù nhân trúng xổ số nữa. Bấy giờ là tháng 7-1981. Sáu mươi tù nhân đã trải qua 5 tháng kỷ luật vì những « đầu óc lớn » họ còn tin tưởng người Mỹ. Nước Mỹ đã có 3 tổng thống từ 30-4-1975. Gerald Ford tuyên bố bán cái « Lịch sử đã sang trang ». Jimmy Carter hò hét, phất lia ngọn cờ Nhân quyền. Ronald Reagan, tay chống Cộng chuyên nghiệp số 3 sau Goldwater và Nixon. “Au Vietnam, rien de nouveau”! Các nhà tù, các trại tập trung khổ sai lao động mà đa số tù nhân là sĩ quan quân lực VNCH, là sĩ quan cảnh sát, là sĩ quan tình báo, là các viên chức, nghị sĩ, dân biểu trong các cơ cấu quốc gia, là “đồng minh” của Mỹ; phần còn lại là tù nhân Việt Nam cùng lý tưởng với Mỹ, chiến đấu cho dân chủ, tự do sau 30-4-1975, không có gì mới cả. Tuyệt nhiên không có gì mới cả. Ngọn cờ nhân quyền của Jimmy Carter chỉ là ngọn cờ giấy. Chỉ là cái mỏ con ó. Và tù nhân đã chán chường con ó.

Con ó bảo mỏ mình thôi nhọn quắt
Và con gấu khoe chân mình cùn nanh vuốt
Nhưng loài người vẫn bị mổ mắt, vẫn bị cấu cào
Ta thì vẫn nằm dài trong những đề lao

Khi Jimmy Carter phất cờ Human Rights, Sài gòn có nhiều người Việt Nam phất theo. Những người này bị Cộng Sản còng tay bằng Iron made in USA viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa bởi chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ. Tôi không tin người Mỹ từ ngày tôi cầm bút, tôi không mảy may hy vọng người Mỹ cứu dân tộc tôi sau khi đã dâng hiến dân tộc tôi, như miếng mồi, tận miệng Cộng Sản. Tôi muốn quên người Mỹ như quên con quái vật trong chiêm bao. Nhưng tôi vẫn phải nhớ người Mỹ qua hình ảnh chiếc còng made in USA đã còng tay, còng chân tôi từ nhà tôi đến các nhà tù, các trại tập trung. Còng made in USA ám ảnh tôi. Tôi đã nghĩ một bài diễn văn không bao giờ được đọc trước Quốc hội Hoa Kỳ, những ngày tôi nằm ở FG Chí Hòa. Bài diễn văn này tôi viết ở trại tị nạn Pulau Bidong.

“Thưa quý vị nghị sĩ và dân biểu Mỹ, đại diện cho lương tâm của hai trăm mười sáu triệu nhân dân Hiệp chủng quốc,

Thật là một hân hạnh lớn lao cho tôi, được vào tòa nhà thiêng liêng này và được thưa chuyện với những con người cao cả của nước Mỹ, những con người sắp trở thành, sẽ trở thành những vĩ nhân không những của riêng nước Mỹ mà còn của cả thế giới, những con người mà tay dơ cao biểu quyết hay buông thấp khước từ là một nửa trái đất no hay đói, chiến tranh hay hòa bình, thắng hay bại, hạnh phúc hay đau khổ, bỏ nước chạy trốn như bầy vịt hay ở lại sống đoàn viên. Chính quý vị, những người đầy phép tích, đầy quyền uy, lương tâm của hai trăm mười sáu triệu dân Mỹ, đã vung cánh tay thần tiên, biến quê hương Việt Nam của chúng tôi thành một đại dương nước mắt. Tôi phải thành thật bày tỏ tấm lòng cảm phục của tôi với quý vị, những nhà ảo thuật đổi trắng thay đen trứ danh bậc nhất từ thuở có nền ảo thuật trên hoàn cầu. Tôi càng cảm phục hơn về tấm lòng trắc ẩn của quý vị, lương tâm của nước Mỹ, đã chẳng thèm lý tới hàng ngàn bộ xương của các chiến sĩ anh dũng Hoa kỳ không bao giờ biết thua trận còn nằm ngổn ngang đó đây ở bờ bụi Việt Nam. Sau hết, tôi vinh tôn sự khiêm tốn của quý vị, sự hiếu hòa tối đa của quý vị, những con bồ câu hiền lành hơn cả bồ câu, những chú nai ngoan hơn cả nai, đã tình nguyện thua trận ở Việt Nam mà chẳng cần đau xót, nhục nhã, xấu hổ. Theo tinh thần Đông phương, quý vị đã đạt rồi, đã là chính nhân quân tử rồi vậy. Và theo tinh thần nhà Phật, quý vị đã ngộ. Thua cái đáng thua ấy là thắng. Thắng cái không đáng thắng ấy là thua. Quý vị thông hiểu nghĩa sinh sát của nhà Phật một cách sâu sắc. Những anh lính Mỹ khù khờ, đần độn chết khốn nạn ở Việt Nam là đáng đời. Vì trót dại đòi thắng, thắng nữa, thắng mãi. Những ông đại sứ cuốn cờ chạy bán sống bán chết cũng là những anh mê muội, xuẩn ngốc, cao ngạo, sống ở phương Đông mà không thèm nghiên cứu triết lý sống của cổ nhân Đông phương. Một lần nữa, nhân danh người Việt Nam chống Cộng Sản không cần bàn tay quý vị dơ lên tụt xuống quyết định số phận của dân tộc tôi, tôi xin biểu dương quý vị, lương tâm của nước Mỹ, người khổng lồ đã hoan hỉ thua chú tí hon.

Thưa quý vị,

Tôi trốn khỏi ngục tù Cộng Sản sang đây không phải để xin quý vị thương xót ban cho chút hạnh phúc định cư tại Mỹ, xin được nhập quốc tịch Mỹ. Cũng không sang đây để, bắt chước ông Thân Bao Tư, người nước Sở, quỳ gối giữa sân Tòa Bạch Ốc, xin quý vị đem quân sang lần nữa giải phóng chúng tôi. Tôi sang đây chỉ để trình bày một vấn đề liên quan tới lương tri của hai trăm mười sáu triệu nhân dân Mỹ. Sau đó, tôi sẽ trở về quê hương tôi, sẽ vào tù nữa. Ngục tù đối với chúng tôi nó còn đơn giản hơn tự do, dân chủ đối với quý vị. Cách đây mấy năm, ông Gerald Ford, vị tổng thống bất hủ của lịch sử hiện đại Hoa kỳ, nhìn cái quyền uy cuối cùng của nước Mỹ ở Việt Nam rơi vào tay quân Cộng Sản, đã thản nhiên tuyên bố với nhân dân Mỹ, quân đội Mỹ và thế giới rằng, lịch sử đã sang trang. Lịch sử thua trận ở Việt Nam của người Mỹ không hề biết thua trận đã sang trang, sang rất vội vàng. Mọi bí ẩn của nó, đời sau sẽ rõ. Chúng tôi không phàn nàn gì cả. Một cô gái quê lên tỉnh gặp tú bà, sở khanh, chỉ biết trách mình ngu ngơ khờ khạo. Thế thôi. Lẽ phải luôn luôn nằm trong tay những kẻ táng tận lương tâm. Tôi chẳng có gì phải hậm hực. Người Mỹ rút khỏi Việt Nam để lại rất nhiều cặn bã. Cộng Sản nó bảo quý vị đưa chúng tôi về thời kỳ đồ đá. Nó bài trừ ảnh hưởng văn hóa đồi trụy và tư tưởng của quý vị rất kỹ. Chiến dịch và chiến dịch. Việc của nó không ăn nhằm gì tới tôi cả. Cả những đứa trẻ con lai Mỹ đen, Mỹ trắng còn vất vưởng ở Sài gòn, ngày đi ăn xin, lượm giấy vụn, đêm họp nhi đồng, nhận Hồ Chí Minh là bác, cũng không ăn nhằm gì tới tôi. Cái đáng nói, đối với chúng tôi, những người trực diện chống đối Cộng Sản không cần nhận quý vị là đồng minh, là những cái còng made in USA mà khi cuốn gói khỏi Việt Nam, quý vị đã quên không di tản.

Thưa quý vị,

Tôi xin phép quý vị để được nói đôi chút về sự liên hệ của chúng tôi với người Mỹ và những cái còng. Vâng, người Mỹ, chúng tôi, kẻ thù, còng khóa chỉ là những con đô-mi-nô tội nghiệp. Lục ngũ phải dính với ngũ tứ, ngũ tứ phải dính với tứ tam vân vân… Cái chủ thuyết domino thật trứ danh. Nó là trò chơi của tư tưởng. Nó có luật giết bò, gài triệt, triệt buộc… Dĩ nhiên, nó còn có cả gian lận, chạy làng nữa. Chúng tôi vốn đôn hậu, hồn nhiên, ngây thơ và nồng nhiệt. Theo tiếng gọi tân biên cương và quyền sống con người trên trái đất của cố tổng thống Kennedy, chúng tôi lớn lên, phóng tầm mắt nhìn sang nước Mỹ như nhìn hạnh phúc của dân tộc mình sau một trăm năm buồn tủi. Cái lý tưởng tự do, dân chủ của Hiệp Chủng Quốc đã hấp dẫn thế hệ chúng tôi, đã thúc dục chúng tôi móc trái tim dâng hiến sự nghiệp xây dựng tự do, dân chủ. Như những chiến sĩ Mỹ đã anh dũng hy sinh tại Việt Nam, chúng tôi không cần tiết kiệm xương máu. Cho tới phút này, hình ảnh người lính thủy Mỹ cuối năm 1954 vẫn là hình ảnh ngoại nhân đẹp nhất đối với chúng tôi. Chúng tôi đã nhìn chính sách của nước Mỹ ở Việt Nam như đã nhìn lính thủy Mỹ thật thà, dễ thương xuất hiện trên vỉa hè Sài gòn năm xưa. Bất hạnh cho chúng tôi là chính sách của quý vị đã không giống hình ảnh người lính thủy cuối năm 1954, càng khác xa chính sách của quý vị ở ngay nước Mỹ. Chúng tôi già nua trong nỗi thất vọng và những dâu biển của thời thế do quý vị tạo ra trên quê hương chúng tôi. Tôi vẫn để dành những giọt nước mắt khóc những người lính Mỹ bỏ xác tại Việt Nam. Hôm nay, tôi xin được khóc thương họ trước mặt quý vị, vì tôi biết quý vị đã quên họ. Nước mắt cho những con người chết cho lý tưởng giả dối và cho sự lừa gạt của con người trên trái đất. Nhưng quý vị, quý vị luôn luôn cao cả, luôn luôn là ngọn đuốc sáng biểu tượng lương tri của dân tộc Hoa kỳ, luôn luôn là thứ quyền uy vô địch kể từ nhân loại có quyền uy.

Thưa quý vị,

Bây giờ, tôi xin trở lại chuyện những cái còng viện trợ Mỹ. Xin thưa với quý vị rằng, tháng năm nằm trong cachot của Cộng Sản, tôi chợt nhớ hai bàn tay thân hữu nắm chặt lấy nhau gắn bó tình nghĩa viện trợ Mỹ các nước trên thế giới. Cái emblème quý vị chọn lựa thật là thấm thía. Bàn tay của quý vị lớn, khỏe, quý vị bắt chặt, siết chặt thân hữu các nước nhỏ thì các nước nhỏ chỉ có trợn mắt, lè lưỡi mà thôi. Ý nghĩa thấm thía nữa là hai bàn tay trao và nhận viện trợ hôm nay, sẽ là hai bàn tay còng và bị còng ngày mai. Ở Việt Nam, Cộng Sản chơi rất bẩn. Nó cứ còng chúng tôi bằng còng Mỹ. Nó hô hào tận diệt mọi tàn tích của đế quốc Mỹ nhưng nó đã “nuôi dưỡng” còng Mỹ. Tôi không hiểu tại sao kỹ nghệ và văn minh chế còng của Cộng Sản tối tân hơn của Mỹ mà nó lại suy tôn còng Mỹ quá đáng thế. Đó là vấn đề tôi phải bơi thuyền gỗ, lênh đênh trên mặt đại dương, đương đầu với bao nhiêu hiểm nguy để sang nước Mỹ phỏng vấn quý vị, sau nhiều năm luân lạc khắp các đề lao, các trại tập trung. Tôi phải bán cái nhẫn kỷ niệm cuối cùng mới đủ tiền mua vé xuống thuyền trốn khỏi Việt Nam. Như những thuyền nhân bất hạnh khác, tôi bị hải tặc hãm hiếp bảy lần, bị đói khát mười ngày ròng rã và, sau hết, trầy bả vai, nhỏ máu mắt mới vô được nước Mỹ thiên đường. Để lên Thiên Đường, quý vị linh mục chỉ cần làm sáng danh Chúa. Để vào nước Mỹ, quý vị linh mục cần có thân nhân ruột thịt ở Mỹ làm ở RMK, Pacific hay… đi lính ! Tôi vô thiên đường Mỹ nhờ dạy học dưới chế độ quý vị bảo trợ. Nhưng tôi sẽ trở về quê hương đau khổ của tôi như Lưu Thần, Nguyễn Triệu đã trở về quê hương trần thế lầm than sau một lần dại dột cất bước lên thiên thai. Người trên thiên thai trái tim bằng gỗ, không biết rung động, không biết yêu, không biết xấu hổ. Tôi hy vọng quý vị sẽ chẳng làm tôi tiếc rẻ cái trinh tiết còn lại đã bị ô uế trên mặt biển, khi trở lại Việt Nam.

Thưa quý vị,

Chúng tôi, khi bị còng dính chùm với nhau, đã bàn cãi sôi nổi về những biểu quyết của quý vị về ngân sách, tài khoản viện trợ cho Việt Nam. Bạn tôi bảo, quý vị toàn là những người xuất thân từ Harvard, từ Yale, từ Cornell, từ Darmouth…, những nơi quy tụ tinh hoa của trí thức, những nơi mà trí tuệ nước Mỹ sẽ tỏa khắp năm châu, mở đường khai lối tự do, dân chủ cho loài người. Những người cao cả như quý vị không thể, không bao giờ biểu quyết chấp thuận viện trợ dùi cui và còng cho bọn thống trị độc tài, phát-xít bản xứ. Bạn tôi bảo, quý vị chỉ chấp thuận cho chính phủ Mỹ viện trợ thuốc DDT giết muỗi, thuốc khai quan giết cây, hại rừng, tàn sát môi sinh, bom đạn giết người, lựu đạn mửa, khói cay đàn áp tuổi trẻ xuống đường học tập dân chủ và chính sách tham nhũng riêng cho lũ tướng tá thống trị bù nhìn vơ vét mồ hôi của dân, xương máu của lính. Không bao giờ quý vị chấp thuận viện trợ dùi cui và còng. Trí tuệ nhà nước Mỹ không bao giờ là dùi cui và còng. Bạn tôi bảo thế. Và chúng tôi hoàn toàn đồng ý. Thế nhưng, tại sao dùi cui và còng Mỹ lại ngổn ngang khắp đất nước Việt Nam ? Chẳng lẽ chính phủ Mỹ dám qua mặt Quốc hội ? Những cái dùi cui Mỹ viện trợ đã giáng xuống nhiệt tình và lòng tự phụ của tuổi trẻ Việt Nam ra sao, quý vị đã đọc trên báo chí Mỹ. Còn những cái còng Mỹ viện trợ thì để còng tay Cộng Sản và còng luôn cả tay những người chống Cộng Sản, đồng thời cũng chống luôn tập đoàn thống trị quân phiệt ngu dốt và ăn cắp. Nếu từ trước tới nay, quý vị chưa hiểu bí mật của còng Mỹ thì, bây giờ, quý vị đã hiểu tại sao những người trí thức chân chính bản xứ không ưa người Mỹ.

Thưa quý vị,

Có hàng ngàn vấn đề cần đặt ra để thắp sáng lương tri dân tộc Mỹ nhưng, rất tiếc, không thuộc phạm vi bài diễn văn của tôi hôm nay. Tôi sang đây không làm công việc than vãn, trách móc hay cầu cạnh. Lịch sử, như ông Ford nói, đã sang trang. Người Mỹ không thích lần dở quá khứ, không thích phục hồi dĩ vãng. Những kẻ còn ôm cái ảo tưởng bám chân người Mỹ về giải phóng quê hương, thâu tóm quyền bính cũ là những kẻ xuẩn ngốc đang chiến đấu với hư mộng. Chúng tôi khẳng định với quý vị rằng, chúng tôi không cần người Mỹ trở lại Việt Nam. Một lần đã đủ chua xót. Hãy để chúng tôi yên lặng ngồi liếm vết thương và làm lại quê hương chúng tôi. Lịch sử đã sang trang, thật sự đã sang trang rồi. Hiện tại là khởi sự những trang lịch sử mới của dân tộc chúng tôi chiến đấu cô đơn với Cộng Sản, chiến đấu bằng trái tim, không bằng súng đạn Hoa kỳ. Có một thứ quyền trên cả nhân quyền và thần quyền. Đó là quyền hy vọng. Chúng tôi hy vọng sẽ loại bỏ Cộng Sản như tổ tiên chúng tôi đã loại bỏ quân thù truyền kiếp. Nhưng, trước khi dấn thân vào sự quyết liệt, tôi tưởng nên gỡ nốt cái móc làm sự sang trang của lịch sử hiện đại Hoa kỳ thiếu suông sẻ. Vâng, tôi xin tiếp tục đề cập cái còng Mỹ. Còng Mỹ, nói rõ rệt, còng chế tạo tại Mỹ, do Mỹ viện trợ cùng với bột DDT, sữa hết chất béo, phó mát thừa, quần áo cũ, thuốc khai quang, bom đạn và cố vấn lãnh đạo đàn áp, đã còng tay còng chân những người Việt Nam đối lập các chế độ ở nước tôi do quý vị nặn ra rồi đạp đổ. Những người Việt Nam bị còng Mỹ siết chặt đều là những người nghe răm rắp tiếng thúc dục tranh đấu cho lý tưởng tự do, dân chủ của người Mỹ vĩ đại Kennedy. Còng Mỹ được trao cho đầy tớ Mỹ để nó phản bội lý tưởng của vĩ nhân Mỹ. Rốt cuộc, tình nghĩa Mỹ trao gửi Việt Nam đã bị còng luôn ! Nghĩ cũng buồn.

Thưa quý vị,

Càng buồn hơn, còng Mỹ đang được Cộng Sản trao cho cái sứ mạng còng tay, còng chân những người Việt Nam chống Cộng Sản một mình, những người Việt Nam còn say mê lý tưởng tự do, dân chủ, còn nhìn ông Kennedy như ngọn đuốc soi đường. Có lẽ, quý vị phải mở cuộc điều tra tường tận về con số còng chính xác viện trợ cho Việt Nam hai mươi năm trước. Nhiều người quá khích cho rằng, người Mỹ rút khỏi Việt Nam, để lại toàn bộ còng, khóa, dùi cui là có mục đích xấu xa. Tôi không tin thế. Thật lòng, tôi không tin thế. Luôn luôn, tôi nhìn dân tộc Mỹ qua các văn hào Mỹ, các vĩ nhân Mỹ. Tâm hồn đích thực của dân tộc Mỹ là tâm hồn Lincoln. Ngoài tâm hồn ấy là chính sách của Mỹ đối xử với các nước nhỏ. Tôi yêu dân tộc Mỹ, người Mỹ và thù ghét chính sách Mỹ ở nước tôi như tôi thù ghét còng Mỹ đã siết chặt chân tay tôi, bạn bè tôi, đồng bào tôi ! Còng Mỹ đang siết chặt chân tay đồng bào tôi và chẳng biết đến ngày nào nó mới chịu nghỉ mệt. Dân tộc Mỹ và quý vị, chắc chắn, không bao giờ muốn dân tộc Việt Nam bị Cộng Sản còng chân tay, tống vào tù ngục bằng còng Mỹ. Bởi thế, thân gái dặm trường, tôi phải chịu nhục nhã trên đường bôn tẩu, sang tận đây để tường trình quý vị những cái còng viện trợ Mỹ còn ngổn ngang khắp các nhà tù, đề lao, trại tập trung của Cộng Sản. Tôi không dám làm công việc tra vấn lương tâm quý vị vì tôi hiểu lịch sử sang trang vội quá nên quý vị cũng quên nhanh quá và nhiều chuyện quý vị chưa kịp nhớ. Vậy, tôi sang đây nhắc quý vị rằng, quý vị cần phải thu hồi toàn bộ còng của quý vị về Mỹ. Thu hồi bằng cách nào, đó là nhiệm vụ, là bổn phận, là lương tâm của quý vị, nằm trong chiến thuật, chiến lược mà tôi không nên biết, không nên hỏi. Người Mỹ đã lên cung trăng đem đá xuống trần gian, người Mỹ sẽ sang Việt Nam mang hết còng Mỹ về nước. Chúng tôi tin tưởng quý vị thừa khả năng.

Thưa quý vị,

Khi những cái còng Mỹ viện trợ Việt Nam còn do Cộng Sản dùng để siết chân tay những người Việt Nam chống Cộng Sản cô đơn, những người Việt Nam chân chính, quả cảm, quyết thắp sáng ngọn đuốc lý tưởng tự do, dân chủ thì lịch sử hiện đại của Hoa kỳ hai mươi năm can thiệp ở Việt Nam chưa sang trang. Khi ấy, quốc hội Mỹ nên đeo một chiếc còng vào cổ tay cầm bó đuốc của Nữ thần Tự do và hoán chuyển thế đứng cho nữ thần yêu dấu. Và, chính phủ Mỹ cũng nên treo một chiếc còng lớn lên đài Tưởng Niệm Chiến Sĩ Hoa kỳ bỏ mình vì lý tưởng tự do, dân chủ ở Việt Nam. “Bởi vì, còng Mỹ còn hoạt động tại các ngục tù Việt Nam là người Mỹ còn có mặt tại Việt Nam. Và vết ô nhục phản bội còn hằn trên lương tâm quý vị, hằn trên lương tri dân tộc Hoa kỳ; còn là lưỡi lê dơ bẩn cắm xuống mồ các vĩ nhân Mỹ, đâm vào trái tim những người lính anh hùng Mỹ đã chiến đấu, đã đổ mồ hôi và máu, đã hiến dâng tuổi trẻ của mình cho ngọn cờ dân chủ và hạnh phúc loài người…”

Bài diễn văn này do cô giáo Nga đọc ở cachot khu A đề lao Gia Định thời gian cô bị còng made in USA còng dính chùm cô với hai cô Lan và Nhi. Nó ở chương thứ năm của Sỏi đá ngậm ngùi 1. Tôi không tin Mỹ cứu tù nhân cải tạo, cứu dân tộc tôi. Tôi chỉ muốn bắt họ sang Việt Nam thu nhặt hết còng Mỹ đem về Mỹ. Cái ảo tưởng Mỹ cứu, Mỹ sẽ can thiệp chuyện Việt Nam đã đưa vô số người vào tù Cộng Sản và đưa vô số tù nhân vào nhà kỷ luật của trại tù. Nằm buồn tênh ở nhà kỷ luật, vẫn còn tù nhân hỏi tôi: “Có nghe BBC nói gì về vụ này không ?” Chẳng muốn để anh ta tuyệt vọng, tôi đáp: “Yên chí, họ sẽ nói”. Những thằng ngu đưa dân tộc của chúng nó vào ngục tù Cộng Sản, rồi đổ vạ Mỹ không dạy mình giữ nước, không viện trợ đều đều. Thêm những thằng ngu tin tưởng Mỹ cứu, đưa bạn tù của chúng nó vào nhà kỷ luật chịu đựng trăm đắng nghìn cay một cách lãng nhách.
--------------------------------
1
Nam Á – Paris, 1985.
CHƯƠNG 20


Về Tổ vệ sinh đâm ra vất vả. Đủ các « khâu » lao động. Chở cơm, nước sôi cho hai nhà kỷ luật xong, Hải và tôi song ca … vệ sinh hành khúc, tức là đi đổ thùng ở cầu tiêu bệnh xá. Chúng tôi thay máng cầu mới, quét rửa sạch sẽ rồi khiêng máng phân đầy nhóc đem đổ xuống hố ngoài vườn rau phía sau hội trường. Rồi đổ phân cachot. Trật tự mở cửa cachot mỗi sáng sớm, tù nhân bị kỷ luật bê hộp đựng đạn đại liên ra. Tù nhân đã tiêu tiểu vào đó. Chúng tôi đổ phân và rửa hộp. Tôi có một truyện ngắn, nhan đề Khúc rẽ cuộc đời. Đời tôi đã rẽ nhiều khúc. Tôi không ngờ có thêm khúc rẽ xuống hầm phân ở Sa Ác, khúc rẽ hốt phân ở Rừng Lá. Tôi tự tặng tôi hỗn danh thứ ba : Long đổ thùng ! Đổ thùng, dẫy cỏ sân trại, buộc hàng rào, quét dọn điếm canh, đổ rác các nhà là những việc linh tinh. Tôi thích thú công việc chở nước tắm cho hai nhà kỷ luật và tưới cây. Hải và tôi cố gắng kéo xe, đẩy xe thật êm cho nước khỏi trào ra. Một ca nước rất quý. Chúng tôi tự do đi lại trong khu vực khu A. Những buổi trưa, tôi thường vào hội trường nằm ngủ. Nằm suy nghĩ thì đúng hơn. Tôi đã sống ở Z30 D, K1 được 16 tháng. Phó giám thị Phúc đã quên tôi. Ông ta chưa gọi tôi “làm việc” lần thứ hai. Tôi vào Sa Ác với Nguyễn Mạnh Côn, Nguyễn Mạnh Côn chết. Tôi ra Rừng Lá với Hồ Hữu Tường, Hồ Hữu Tường chết. Về Z30 D, ông Tường trụ trì bệnh xá, viết sách thuốc dân tộc. Ông bị bệnh cổ chướng, bụng chương phình. Người ta chở ông ra bệnh viện Phan thiết. Rồi tha ông. Thân nhân ông đưa ông về Sài gòn. Vài hôm sau, ông Hồ Hữu Tường chết 1. Đám tang ông cũng âm thầm như đám tang Vũ Hoàng Chương. Vợ tôi kể, ngoài Nhã Ca tiễn đưa Hồ Hữu Tường một quãng đường đến nơi yên nghỉ cuối cùng của ông, tuyệt nhiên không thết một khuôn mặt văn nghệ lớn, nhỏ, tiền bối, hậu bối nào khác hiện diện. Tôi rất sung sướng biết vợ tôi đã theo ông Hồ Hữu Tường đến tận huyệt và ném xuống quan tài Phi Lạc một nắm đất.


Đôi khi, vắt tay lên trán, nhắm mắt truy nã bản thân mình, tôi thấy cái sự nghiệp văn chương của tôi sao mà khổ sở thế, mà cô đơn thế, mà oan khiên lắm thế, mà ngộ nhận nhiều thế. Ngày tôi bước xuống hầm phân vục đầy xô phân bằng hai bàn tay trần, ròi nhung nhúc, ròi bò lên cả cánh tay tôi là ngày tôi thấy rõ niềm bí ẩn nhỏ của đời sống. Và tôi có cảm tưởng tôi mang vóc dáng một nhân vật cổ tích tội nghiệp nhất. Tôi nghĩ đến cô Tấm. Tôi nghĩ đến trái thị. Và tôi nghĩ đến trái đắng thơm nồng trong niềm bí ẩn của đời sống. Cái thật, cái tốt và cái đẹp, ở bất cứ không gian và thời gian nào, đều phải trả giá nước mắt, mồ hôi và máu. Tôi có bài thơ Trái thị làm ở Z30 D, thời gian khiêng cứt, hốt cứt.

Ngày xưa cô Tấm ngời nhan sắc
Thật thà như đếm chả thù ai
Cô thương điều xấu yêu điều ghét
Chung hết tâm tư với mọi người

Có nhiều đứa ác hờn ghen Tấm
Đầy đọa Tấm rồi giết Tấm oan
Tấm hóa thành chim thành trái thị
Cuối cùng thành công chúa nhân gian

Em ạ, anh là cô Tấm xưa
Lòng anh chứa chất cả hư vô
Anh đi với tháng dài năm rộng
Mơ nỗi niềm chưa ai ước mơ

Anh cũng bị chôn dưới vực sâu
Trước khi sặc nước mắt cơ cầu
Và cũng thành chim thành trái thị
Ngạo nghễ lên đời chói ngọc châu

Em, cổ tích này anh tặng em
Hãy nghe hãy truyền kể nghìn năm
Nghìn năm trái thị còn xanh mộng
Chỉ úa điêu ngoa héo dối gian 2

Nhưng cổ tích Tấm Cám có đoạn kết trả thù tàn bạo quá. Thật sự tôi yêu Thạch Sanh và đoạn kết cổ tích Thạch Sanh. Vậy tôi đã làm thêm bài thơ Lời Thạch Sanh, cũng vào thời gian tôi khiêng cứt, hốt cứt ở Z30 D.

Ôi, nhớ làm chi vụ lấp hang
Phiến thù đâu dễ bặt cung đàn
Ta ngồi trong tối so giây lại
Nghe rõ hồn ta nhập thế gian

Đốm lửa nào đây mới nhúm nhen
Bóng ta in mặt nước thần tiên
Cái gì xa lắm nhưng gần lắm
Chưa phải hư vô vẫn ảo huyền

Ta biết lòng ngươi rã rượi rồi
Về đâu chiều bủa khói mù khơi
Hồi chuông cáo phó sao buồn thế
Giọt nước mắt còn ta khóc ai

Hãy đi hãy đi hỡi Lý Thông
Ta vút lên đời như mũi tên
Mũi tên cổ tích thèm bay lượn
Chuyện cũ xong rồi ta đã quên 3

Từ vỡ lòng cay đắng đến vàng ửng ngậm ngùi, cuộc phiêu lưu tìm ý nghĩa cho đời sống – không tìm niềm bí ẩn của đời sống – tôi đã nghe thấy hương vị thơm nồng của trái thị. Với tôi là trái đắng. Tưởng chừng trái đắng đã thành hình từ đóa cổ thụ Sa Ác. Sa Ác: Rơi vào chỗ chết. Tôi không chết nghĩa là tôi còn sống. Tôi còn sống nghĩa là tôi tồn tại bằng những đóa hoa trên đỉnh ngọn tuổi tôi. Với nhà văn, đóa hoa cổ thụ là tác phẩm. Nhưng tôi vẫn trung thành với ý nghĩ cũ, ngày tôi rời bỏ Sở công an thành phố: “Nỗi thống khổ đầu tay của tôi là một thử thách nhẹ so với nỗi thống khổ của các văn hào thế giới. Nỗi thống khổ mà các nhà văn lẫy lừng của nhân loại đã trực diện, đã đương đầu, đã kiên nhẫn chịu đựng, đã phấn đấu im lặng ví như trái núi. Nỗi thống khổ tôi đang ngậm chỉ là cái móng tay. Cái móng tay chớ vội ồn ào khi trái núi nín thinh, bình thản liếm máu trên vết thương của mình mà cống hiến cho đời sống những ý nghĩa tuyệt vời về tình yêu và hạnh phúc”. Không đáng gì phải ồn ào về nỗi khổ, khi nhận mình là nghệ sĩ sáng tạo. Với nghệ sĩ sáng tạo, sự quan trọng không phải là trợn mắt, nghiến răng, vung trái đấm tố khổ, nhân khổ mà là suy tư từ nỗi khổ, suy tư từ kinh qua nỗi khổ. Để khám phá niềm bí ẩn của nỗi khổ. Để cô đọng nỗi khổ thành chất khổ, thành tinh túy của nỗi khổ mà thể hiện trong tác phẩm. Bằng ý nghĩ đó, tôi Cám ơn ngục tù.

Cám ơn em nhé ngục tù
Nhờ em giải đoán giấc mơ tuyệt vời
Nhờ em dẫn xuống vực đời
Chỉ con đường lạ lên trời hư vô

Lửa nào nổi cuộc phần thư
Cũng thiêu luôn cả cái xưa phận mình
Bây giờ anh mới biết anh
Nỗi đau tiền kiếp đóng đinh làm người

Thân anh nghe sắp rã rời
Với hồn anh nữa ngậm ngùi phù du
Cám ơn em nhé ngục tù
Cám ơn em lớp sương mù huyền vi

Nhờ em anh đến anh đi
Nhờ em anh ở anh về nhẹ tênh. 4

Như tôi đã viết Gọi là thay lời tựa ở Nhà tù, cuốn 1 của bộ hồi ký ngục tù của tôi: “Không ai thích vào tù, dù chết trong tù sẽ thành liệt sĩ hoặc ra khỏi tù sẽ thành dũng sĩ. Linh mục cũng sợ tù. Các nhà cách mạng càng sợ tù hơn. Bởi thế, ngục tù không bao giờ là thành tích vĩ đại để khi thoát khỏi nó, người ta vỗ ngực khoe khoang, người ta quảng cáo nó như một món hàng thương mại, người ta xử dụng nó như một phương tiện bước vào chính trường. Như những người thật thà với chính mình, tôi rất sợ hãi tù đày. Tôi ở lại Việt nam vì vụng về trong mưu toan chạy trốn. Tôi không bao giờ ở lại để làm chứng nhân lịch sử cả. Công việc phi thường này dành cho người khác. Tôi ở lại và tôi bị bắt bỏ tù. Tôi đành ở tù”. Làm sao hơn được? Cũng đành thôi. Cũng đành, bạn ta ơi, Dương Nghiễm Mậu! Ở tù là chuyện cũng đành thì an ủi mình bằng cuộc phiêu lưu bất đắc dĩ, cuộc phiêu lưu định nghĩa Hạnh phúc và đau khổ.

Theo anh nhẹ bước phiêu du
Đi thăm địa ngục thâm u chín từng
Nghe xa thăm thẳm mịt mùng
Nghe gần hiu quạnh xoi mòn thịt xương

Nâng ly mật đắng Diêm vương
Uống say tới tận cuối đường cuộc chơi
Theo anh lên ngọn đỉnh trời
Hái hoa Thượng uyển thả trôi suối hồn

Nghe xa hạnh phúc đầu nguồn
Nghe gần ân ái thơm nồng Đào nguyên
Hôn em, ôi đóa môi mềm
Ôm em ôm cả niềm tin Địa đàng 5

Thế đó, những năm tĩnh ở các nhà tù Sở công an, đề lao Gia định, khám lớn Chí Hòa; những năm động ở các trại tập trung khổ sai lao động Sa Ác TH6, Rừng Lá Z30 D không bao giờ là thành tích huy hoàng, là “sự nghiệp” của tôi. Nó bình thường. Nó tầm thường như huyết tâm ở bọn vô lại khạc trúng gấu quần tôi, như ngộ nhận nghiệt ngã của người đời, của thói đời chụp bủa quanh tôi. Cái không bình thường, đối với tôi, là sự sáng tạo nghệ thuật không mệt mỏi, là sự khám phá không ngừng những niềm bí ẩn của đời sống, là sự đóng góp tài năng còm cõi của mình cho sự thắp sáng tổ quốc và hạnh phúc dân tộc. Đến hôm nay tôi mới biết noi gương Trần Dần:

Tôi có thể mắc nhiều
tội lỗi
Chẳng bao giờ quá ngu đi
mắc tội nằm
Han rỉ
khác gì cái chết
Chết con tim chẳng còn dám
đau thương
Chết khối óc
chẳng còn dám nghĩ
Nếu
tôi chửa đến ngày thổ huyết
Phổi tôi còn xâu xé mãi
lời thơ
Tôi có thể mặc thây
ngàn tiếng chửi tục tằn
Trừ tiếng chửi
“Sống không sáng tạo” 6

Phải, “tôi có thể mặc thây ngàn tiếng chửi tục tằn” của bọn vô lại. Bọn này “mắc tội nằm, tội han rỉ, tội chết con tim, tội chết khối óc” nên đâm ra sợ hãi những người sáng tạo. Chúng nó không dám chửi tôi “sống không sáng tạo”. Ai dám chửi tôi “sống không sáng tạo”?

Đầu tháng 8-1981, Z30 D ban ân huệ cho hai nhà kỷ luật đi tắm suối. Sáu mươi tù nhân ôm quần áo dơ, bình nhựa, xô nhựa xuất trại. Ở nhà, trực trại dẫn trật tự vào kiểm tra hành lý. Lại thêm một thủ đoạn mới. Người ta nghĩ rằng tù nhân bị kỷ luật vô thời hạn là tù nhân bị dồn vào chân tường, cần thiết đề phòng phản ứng đột xuất. Cảnh giác cao là châm ngôn Cộng sản. Cảnh giác bất cứ ai, bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào. Vậy cho tù nhân đi tắm suối thỏa thuê, tù nhân hoan hỉ, tù nhân tưởng tượng sắp mãn hạn kỷ luật, còn mình thảnh thơi lục lọi, khám xét.

Như thường lệ, Hải và tôi kéo xe đậu trước cửa nhà. Nhà 1 không còn gì để tịch thu, loại bỏ. Sang nhà 2, tôi ngồi ngay cửa. Nhà này toàn tù nhân Hà Nam Ninh. Trật tự khám xét tận tình. Cung củ đậu được phép đeo giây chuyền vàng tây có thánh giá. Nó cởi trần, mặc quần xà lỏn Đài Loan mà nó chỉa của một tù nhân. Từ khoang trên, nó liệng xuống sàn nhà xi măng một vật gì đó gây tiếng kêu. Trực trại, gã trung sĩ công an, tên Chiến di đế giép râu lên vật đó. Một miếng đá mỏng ! Miếng đá không vỡ. Tôi lén vồ nhanh miếng đá bỏ vội vào túi áo tù trước ngực. Cung củ đậu liệng thêm cái thánh giá đẽo và mài nhẵn bằng gỗ lim. Trực trại Chiến lại di đế giép râu lên. Tôi lại lén vồ dấu đi. Là kẻ vô tôn giáo, nhưng tôi đã xúc động mạnh khi chứng kiến Cung củ đậu ném Thánh giá và cai tù Chiến di đế giép râu lên thánh giá. Quân dữ trong Tân Ước chắc cũng ngang ngược như thế này. Miếng đá và Thánh giá gỗ lim là hai vật còn sót lại sau nhiều lần khám xét. Xe cải tiến của chúng tôi chỉ mang đi đốt vài bộ quần áo rách, một số bị cói.

Ra chỗ đốt đồ loại bỏ, tôi móc túi ra xem miếng đá. Đó là miếng đá dày 50 ly, chiều ngang 4 phân, chiều dài 6 phân 50, có khoan một lỗ nhỏ đề luồn giây đeo. Một mặt, hình Đức Mẹ Maria được khắc thật công phu. Khuôn mặt Đức Mẹ nổi lên trong cái vòng tròn trũng xuống. Quanh vòng tròn là những nét khắc diễn tả ánh sáng từ khối óc của Đức Mẹ tỏa ra. Một mặt khắc con thuyền lênh đênh trên sóng cả, cột buồm là Thánh Giá. Dưới thuyền khắc bốn chữ trong Thánh Kinh: Này con là đá… Dưới nữa là hai chữ Lưu Niệm. Có thể gọi miếng đá này là Mề đay Đức Mẹ Maria. Tôi ngồi bần thần một lúc. Nguyễn văn Hải hỏi:

- Anh nghĩ gì vậy ?

- Người tù và đức tin.

Tôi đưa Hải xem cái mề đay Đức mẹ. Anh ta khen đẹp và hỏi tôi:

- Anh lượm lúc nào ?

- Lúc thằng Chiến di giép râu lên. Thằng Cung đã liệng mạnh, mề đay không vỡ. Thăng Chiến di mạnh, mề đay vẫn không vỡ. Miếng đá quá mỏng, cậu thấy chưa ?

- Em thấy.

Tôi lấy lại cái mề đay, bỏ vào túi.

- Này Hải, cậu hình tưởng người tù tuyệt vọng ở Sơn La, ở Lào kay hay ở Yên Bái đi. Qua bến đò Khô Lâu là kể như hết đường về. Cậu lại hình tưởng người tù mài đá phẳng lì, mỏng và kiên nhẫn ngồi khắc hình Đức Mẹ, con thuyền, Thánh giá… Đức tin của anh ta vững mạnh khôn cùng. Chính đức tin của anh ta đã giữ nguyên vẹn cái mề đay đá. Đá mỏng không vỡ vì đức tin dày. Đức Mẹ Maria thật sự ở cái mề đay đá này.

Đến lượt trung úy Nguyễn văn Hải bần thần.

- Tôi còn lượm được thứ nữa.

- Cái gì ?

- Thánh giá mài bằng gỗ lim.

Tôi lôi Thánh giá khỏi túi.

- Tặng cậu.

Tôi cho Hải cái Thánh giá đã bị quân dữ dí giép râu lên. Chúng tôi về. Tôi đến hồ nước của bếp bệnh xá tắm gội. Tôi không quên dùng bản chải đánh răng chà rửa sạch cái mề đay đá. Kể chuyện cho trung úy Nhẫn nấu bếp bệnh xá, anh ta nói:

- Anh sẽ được hưởng nhiều ân sủng của Đức Mẹ.

Ân sủng của Đức Mẹ, tôi không bao giờ nghĩ tới. Vì tôi ngoại đạo. Hành động lén nhặt miếng đá của tôi chẳng có toan tính chi cả. Tôi cũng không hiểu tại sao, hôm đó, tôi phản ứng tự nhiên và hồn nhiên thế. Tôi cất dấu cái mề đay Đức mẹ, khó lòng trả lại người tù nhân chủ nhân của công trình tay chân và tim óc ấy. Anh ta khắc “Này con là đá” nhưng “chìa khóa nước Trời” không ban cho anh ta. Anh ta nằm nhà kỷ luật.

Cuối tháng 8-1981, phó giám thị Phúc gọi tôi “làm việc”. Thời gian này, vợ con tôi đã được cấp Giấy thông hành xuất ngoại. Trước đó, tôi phải làm giấy cam kết “không được khiếu nại chuyện vợ con sang Pháp, không được đòi theo vợ con sang Pháp”. Tin tức về sự can thiệp của Amnesty International rất lờ mờ, tuy nhiên, gia đình tôi vẫn nhận đều đặn mỗi tuần một gói quà gửi đường Bưu điện của các ông Jacques Provendier, Émile Le Brizaut ở Bretagne, Pháp, và bà Christa Bremer, kịch sĩ, ở Brême, Tây Đức thay phiên nhau tặng. Thầy Thích Nhất Hạnh cũng gửi thuốc và tiền về giúp đỡ gia đình tôi và tất cả gia đình các nhà văn bị cầm tù. Ông bà Auguste Ablason ở Ermont, Pháp, còn dám làm giấy khai sinh nhận vợ tôi là con gái và bảo lãnh cho vợ con tôi “về Pháp đoàn tụ gia đình”. Thêm vào nữa là linh mục Chân Tín và vợ chồng Nguyễn Ngọc Lan, những người tôi chống đối ra mặt trước 1975, dạy học các con tôi, giúp đỡ và bênh vực vợ con tôi. Còn tất cả bạn thân của gia đình tôi đều ngoảnh mặt ! Con nuôi của tôi, nhân vật Ái Nhi trong Cây leo hạnh phúc, thì lừa tiền bạc và chửi rủa vợ con tôi. Đủ các thứ bìm leo lên dậu đổ. Cái sàng hoạn nạn đã đãi tình nghĩa. Lọt hết. Còn lại vài hạt bất ngờ, những hạt ngọc mà ta đã không mong ở trên đời.

Phó giám thị tiếp đãi tôi nồng nhiệt như hôm đầu tiên tôi đến Z30 D. Trà Thái nguyên. Thuốc lá Phù Đổng.

- Cơ hội về xum họp gia đình của anh đã rất thuận lợi rồi đó.

- Cám ơn cán bộ.

- Chị ấy và các cháu sang Pháp chưa ?

- Chưa.

- Khi chị và các cháu sang Pháp, anh ở đâu ?

- Có lẽ tôi về Bắc sống với bố tôi.

- Tốt thôi. Anh sẽ về.

Ông ta nhấn mạnh:

- Anh sắp về.

Và chậm rãi:

- Nhưng luôn luôn tâm niệm rằng đảng và nhà nước khoan hồng. Đảng và nhà nước tha anh. Ngoài ra, không một thế lực ngoại quốc nào đủ khả năng can thiệp cho anh được tha cả.

- Tôi hiểu

- Anh có điều gì phê bình sự điều hành của trại không ?

- Thưa cán bộ, không.

- Tại sao không ?

- Tù nhân chỉ chấp hành, không được phê bình.

Phó giám thị Phúc cười:

- Lãnh đạo của chúng tôi nhận xét anh không sai. Anh khôn lắm. Hơn cả khôn nữa cơ, anh biết nín thở qua cầu. Khác quan thì chúng tôi thành công vì anh đã lao động tốt, chấp hành nội quy nghiêm. Chủ quan thì chúng tôi thất bại vì anh không chịu thể hiện con người thật của anh.

Tôi bắt đầu nể nang phó giám thị Phúc. “Nó lú nhưng chú nó khôn”. Ông ta hỏi:

- Thật sự, anh muốn về chưa ?

Tôi đáp:

- Ai ở tù lâu mà không muốn về.

- Tôi hỏi anh thôi.

- Tôi rất muốn về.

- Thế là đủ rồi. Bây giờ, một câu hỏi khác, câu hỏi mà tôi biết anh không thành khẩn trả lời nhưng tôi vẫn cứ hỏi.

- Tôi sẽ thành khẩn

- Tôi tin là không.

- Xin cán bộ thử hỏi.

- Anh còn thù hận chúng tôi không ?

- Không.

- Dễ dàng nhỉ !

- Tôi sinh ra không để thù hận ai cả.

- Anh đã thù Cộng sản ?

- Và tôi đã nằm tù khá lâu.

- Chưa lâu đâu. Anh phải nằm tù gấp 10 lần tội của một tên đại tá ngụy ác ôn. Nhưng anh sắp về, đảng và nhà nước khoan hồng tội ác của anh, cho là anh vẫn còn thù hận Cộng sản. Anh uống nước nữa đi …

Câu chuyện chuyển sang đề mục nghề nghiệp tương lai của tôi. Uống hết ấm trà móc câu Thái Nguyên, phó giám thị Phúc bảo tôi về trại. Ông ta tặng tôi gói Phù Đổng chưa bóc và tiễn tôi ra cuối hành lang. Người ta đã bảo tôi có « cơ hội thuận lợi về sớm » từ 17 tháng trước. Chắc chắn, cái « sắp về » sẽ kéo dài thêm 17 tháng nữa để « làm việc » lần thứ ba. Ngày 2-9-1981, Z30 D, K1 loan báo xổ số có văn nghệ chào mừng quốc khánh. Toàn thể tù nhân K1 tập họp ở hội trường, trừ hai nhà kỷ luật và cachot. Tổ vệ sinh đã quét dọn hội trường từ sáng sớm. Bàn ghế, máy móc kê sẵn. Kỳ này có những ba danh sách trúng số. Danh sách giữ bí mật tối đa, ngay trật tự Trần Trọng Thanh cũng không biết. Tôi vẫn nghĩ rằng, nếu được tha, tôi sẽ về lặng lẽ, không chung danh sách tù nhân cải tạo. Và tôi tự xếp tôi vào loại không mua vé số không thể trúng xổ số. Tôi đi quét sân, không vô hội trường. Trực trại Chiến bắt tôi vào tham dự văn nghệ liên hoan mừng 2-9.

Mở đầu chương trình xổ số lao cải, anh cán bộ giáo dục chơi bài Tuyên ngôn độc lập mở nước Việt nam dân chủ Cộng hòa, độc lập – tự do – hạnh phúc, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam, vẫn độc lập – tự do – hạnh phúc. Tù nhân nghe Tuyên ngon độc lập thì bẽ bàng không thể tả nổi. Tuyên ngôn độc lập chấm dứt, ban nhạc hòa tấu bản Đàn Ta lư rất giật. Giật như ghẻ bôi thuốc xanh vậy. Tiếp theo là đọc danh sách tù nhân trúng số đợt nhất. Rồi văn nghệ giúp vui. Đơn ca, song ca, tốp ca. Đọc danh sách tù nhân trúng số đợt nhì. Tôi ngồi vỉa hè cuối hội trường đấu láo với trung úy Thọ và y tá Ninh thay thế bác sĩ Nhơn đã về. Bỗng Thọ đập mạnh đầu tôi :

- Có tên anh.

Tôi nói :

- Đừng đùa.

Ninh cầm tay tôi, giật mạnh :

- Anh có tên.

Tôi vẫn nói :

- Đùa dzai, mấy chú !

Tôi đứng dậy. Anh em ngồi trong hội trường quay xuống nhìn tôi, vẫy tay lia lịa, cười toe toét. Thì ra tôi đã trúng số. Tôi cũng trúng số. Tôi trúng số chung mới đúng là tôi hưởng sự khoan hồng, nhân đạo của đảng và nhà nước, “không một thế lực ngoại bang nào đủ khả năng can thiệp” cho tôi được tha cả. Chào mừng tôi, trung úy Thọ lột ngày bộ quần áo tù Z30 D mới phát. Tôi còn trần xì cái xà lỏn. Đợi nghe hết danh sách đợt ba, “phen” của tôi, những bạn tù thiếu may mắn kỳ xổ số này, chê văn nghệ phụ diễn, “bắt cóc” tôi về nhà. Một màn kịch chia gia tài tù diễn ra. Tôi bị lột nhẵn nhụi và trở thành “con bà phước”, vô sản chính thống. Cái mùng và cái mền của tôi, nay tôi phải mượn lại vì đã bị “xí”. Tôm khô, lạp xường, hủ tiếu, mì vụn, bột ngọt đi hết. Thuốc tây, thùng thiếc bay luôn. Bèn ăn phõ chờ ngày về. Cung củ đậu đến chậm, chửi um lên. Rốt cuộc nó cũng vồ được tuýp thuốc đánh răng Colgate vừa xài hai bữa.
--------------------------------
1
Thân nhân ông Tường đăng cáo phó trên báo Sài gòn giải phóng
2
Thơ tù, Nam Á – Paris, 1984
3
Thơ tù, Nam Á – Paris, 1984
4
Thơ tù, Nam Á – Paris, 1984
5
Thơ tù, Nam Á – Paris, 1984
6
Trần Dần, Hãy đi mãi
CHƯƠNG 21


Ân sủng của Đức Mẹ, như trung úy Nhẫn nói, tôi vừa được hưởng. Anh Nhẫn bảo tôi sẽ được hưởng nhiều ân sủng của Đức Mẹ 1. Còn người tù mài đá khắc hình Đức Mẹ thì sao ? Tôi cầu nguyện Đức Mẹ ban ân sủng cho anh ta hơn tôi. Anh ta mới xứng đáng. Được tha thì cũng vui nhưng cảm giác sung sướng đã nguội. Giá tôi trúng số sớm hơn ba năm, tôi sẽ sung sướng lắm. Hạnh phúc của tôi luôn luôn tới vào lúc xế chiều. Cái gì tôi trông đợi, đều đến. Nhưng chậm, thật chậm. « Chậm bước tiên phong muộn chiến trường ». Bây giờ, tôi chờ cầm Giấy ra trại. Tôi có thì giờ suy nghĩ câu hỏi của phó giám thị Phúc : « Anh còn thù hận chúng tôi không »? Tôi đã trả lời « Không ». Và ông ta nói chắc nịch « Anh đã thù hận Cộng Sản ». Tôi không thể thành khẩn cho ông ta biết rằng tôi còn tiếp tục thù hận chủ nghĩa Cộng Sản và lãnh tụ Cộng Sản cùng những tham vọng mù quáng của họ. Thù hận và muốn hủy diệt. Nhưng con người sống trong dòng nghịch lũ Cộng Sản, theo dòng hay bị cuốn theo dòng, tôi không tìm ra lý do gì để thù hận cả. Những cộng cụ của chủ nghĩa và lãnh tụ Cộng Sản, những con người bị Cộng Sản tước đoạt nhân tính và lương tri, tôi thương xót họ hơn là thù hận họ. Bổn phận và nghĩa vụ của bất cứ ai nhận mình là con người nhân bản chống mọi chủ nghĩa phi nhân, phi luân là phải thức tỉnh lương tri và cải hoán nhân tính cho họ, những người bị chủ nghĩa và lãnh tụ Cộng Sản mê hoặc, sai khiến, làm cho ngu dốt, độc ác; chứ không được phép cổ xúy tàn sát họ hay tàn sát họ. Như Constantin Virgil Gheorghiu chống những kẻ chống phát xít tàn bạo hơn phát xít, tôi cũng chống những kẻ chống Cộng Sản tàn bạo hơn Cộng Sản. Người ta nhân danh cái Thiện chống cái Ác để cái Thiện thăng hoa lên ngọn đỉnh Thiện. Người ta không thể nhân danh cái Thiện chống cái Ác để vinh tôn một cái Ác mới tồi tệ hơn cái Ác cũ. Nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ không phải là sát nhân. Công việc này dành cho văn công, thi công, nghệ công cộng sản. Thế thì sự cổ võ chém giết bừa bãi, man rợ « thề phanh thây uống máu quân thù » là sự gian dối, sự bất lương trí thức của nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ. Và nữa, xét cho cùng, hạnh phúc của con người và nghệ thuật của cuộc đời không tạo dựng bằng thù hận. Người nghệ sĩ Thạch Sanh là biểu tượng tâm hồn Việt Nam đích thực, thuần khiết.


Tôi muốn nhân danh thi sĩ Việt Nam bị chủ nghĩa Cộng Sản bắt giam gửi một Thông điệp mới :

Khi cái còng siết chặt tay anh
phải hiểu sự thật đã chảy máu
phải hiểu tự do hằn lên những vết cào cấu
Và thi ca lún ngập lưỡi dao.
Lúc ấy anh bắt đầu
viết thông điệp mới cho sự tra tấn
cho nhà lao
cho cai tù.

Hãy tội nghiệp sự tra tấn
vì nó không có trái tim
không có hơi thở không có nước mắt
không có đớn đau.
Hãy thương xót nhà lao
vì nó không có tình ái
nó không hiểu nó ngu hay nó dại
nó ngàn năm bóng tối mịt mù.

Hãy tha thứ cai tù
vì nó trơ trơ thân máy
nó ngang qua
nó trở lại
nó vô tri như ngục đá đêm già.

Gửi tặng sự tra tấn một bông hoa
để nó biết da thịt dù tan nát
nhưng con người vẫn đứng trên hình phạt
vẫn đứng hoài và tồn tại vô cùng.
Gửi tặng nhà lao một miếng nhớ nhung
để nó tương tư cuộc đời bao la rộng mở
cuộc đời chẳng hề khóa chặt cửa
giam nhốt ai ca hát giữa đường.
Gửi tặng cai tù chút xíu tâm hồn
để nó thèm thuồng rung động
nó sẽ biết buồn và nó khóc
nó sẽ vui và nó cười
nó sẽ khao khát làm người.

Và đó là thông điệp mới
của thi sĩ Việt Nam viết từ oan khiên vời vợi
gửi đi khắp ngục tù thế giới
gửi xuống huyệt sâu
và gửi cả lên trời 2

Tôi sẽ trung thành với thông điệp này trọn vẹn cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của tôi. Và với lập trường dứt khoát: hủy diệt chủ nghĩa Cộng Sản và lãnh tụ Cộng Sản, cứu rỗi con người. Lập trường của tôi sẽ dẫn tôi đến những hệ lụy, sẽ đưa tôi vào cô đơn. Nhưng cần gì. Nhà văn không phải là bọn ồn ào hò hét đầu đường, góc phố. Nhà văn làm ra tư tưởng. Và tư tưởng chế ngự hết, bao trùm gọn cả thời đại mê sảng, thời của chó sủa và luôn cả thời của chó câm.

Tôi tiếp tục làm công việc thường nhật của tôi trong khi chờ đợi ngày về. Đổ phân, hốt phân, quét sân trại, dọn cỏ và chở cơm nước cho hai nhà kỷ luật. Người ta đã nhìn tôi bằng cặp mắt khác từ đêm cả trại xem vô tuyến truyền hình hồi tháng 7-1981. Đêm đó, thứ trưởng Văn hóa của nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam xuất hiện trên màn ảnh nhỏ, nghiêm khắc phê bình thầy cô và học trò các trường miền Nam về sự chưa gột sạch ảnh hưởng văn hóa và tư tưởng đồi trụy của Sài gòn cũ. Có đoạn đề cập tới tôi, đại ý:

Miền Nam đã được giải phóng 6 năm rồi, thế mà ảnh hưởng văn hóa và tư tưởng đồi trụy của chế độ phản động cũ vẫn còn. Học trò vẫn viết lưu bút, lưu niệm cuối năm học bằng thứ văn chương ướt át, lãng mạn, mơ mộng. Một số thầy cô đã không có biện pháp ngăn chặn, lại bắt chước lưu niệm, lưu bút linh tinh. Tôi không hiểu tại sao, đến hôm nay, đa số thầy cô và học trò các trường phía Nam còn say mê tiểu thuyết của Duyên Anh, Nhã Ca, Mai Thảo… 3

Tôi ngồi xem giật mình. Nhiều bạn tù có vẻ lo ngại “đường về xa lắm người ơi” của tôi. Hôm sau, thấy tôi từ xa, đã oang oang lời an ủi của bạn tù:

- Duyên Anh, 5 năm bốc cứt vẫn còn thơm !

- Duyên Anh, chữ nghĩa đang nhẩy hăng đấy !

- Duyên Anh, cứ bốc cứt đi !

Thì vẫn bốc cứt đấy chứ. Con gái tôi thăm nuôi tôi cho biết một chiến dịch mới đánh nát ảnh hưởng các nhà văn “có máu mặt” Sài gòn kéo dài ba tháng, từ tháng 4 đến tháng 7-1981, phụ họa cuốn Những tên biệt kích trong mặt trận văn hóa tư tưởng miền Nam. Nhật báo Nhân Dân tặng tôi một bài “xã luận”. Cơ quan trung ương của đảng Cộng Sản Việt Nam mà chơi thì nặng lắm, khó về. Vợ tôi nghe phường phát thanh bài này đâm ra tuyệt vọng. Tuần báo Tuổi trẻ đập tôi kỹ nhất. Nó vẽ tôi giống boong, ngồi luộc nồi nước Tuổi Ngọc bằng củi thanh, thiếu niên ! Thằng nhóc họa sĩ, tên Vũ, sau này đi Liên xô vung vít, lại là bạn của con tôi mới ghê. Radio, télé, báo đảng, báo đoàn… đánh tôi túi bụi. Mà tôi bận đổ phân, hốt phân không biết gì cả. Nhưng tôi đã trúng số. Lồng cầu đảng ngừng ở 6 số 2-9-1981. Ngày mở nước đấy. Tôi có chút kỷ niệm Sa Ác. Về niên lịch. Chả là ông Phạm Thái Ất tỏ ra thuộc Sử và nhớ ngày tháng vanh vách, tôi mới dở trò “đố vui để chọc”.

- 19-3 là ngày gì ?

- Sinh nhật Hồ chủ tịch.

- 19-8 là ngày gì ?

- Tổng khởi nghĩa.

- 16-8 là ngày gì ?

Ông Phạm Thái Ất suy nghĩ một lát rồi đoán tầm bậy. Cuối cùng, ông ta chịu thua, hỏi tôi:

- Ngày gì ?

- Ngày này mà không biết thì chết rồi.

- Ngày gì ?

- Sinh nhật ông Vũ Mộng Long !

Bạn tù cười ầm. Tôi nói:

- Bây giờ hỏi đứng đắn. 7-7 là ngày gì ?

- Chí sĩ Ngô Đình Diệm về nước chấp chánh.

- 23-10 ?

- Trưng cầu dân ý truất phế Bảo Đại.

- 30-4 ?

- Mất nước.

- 8-4 ?

- Phật Đản.

- Nghĩ lại đi.

- Bụt sinh cá đẻ mà !

- Sai.

- Vậy 8-4 là ngày gì ?

- Ngày ông Vũ Mộng Long bị bắt bỏ tù ?

Bạn tù lại cười ầm. Ông Phạm Thái Ất khen tôi “hài hước” giỏi. Đó là kỷ niệm Sa Ác tôi sắp đem về nhà. Kỷ niệm Rừng Lá vỏn vẹn hai câu chuyện tiếu lâm nghe kể.

Chuyện thứ nhất

Đội nông nghiệp trồng khoai, trồng sắn, trồng ngô mãi cũng chán. Đất khai thác nhiều nó mệt, thu hoạch bết bát. Một tù nhân đề nghị quản giáo:

- Cán bộ ơi, tại sao mình không trồng xa lát.

Quản giáo:

- Sẽ nghiên cứu trồng Xa nát.

Tù nhân:

- Nếu trồng xa lát, mình nên trồng thêm cây bíp tếch cán bộ ạ !

Quản giáo:

- Sẽ nghiên cứu trồng nuôn cây bíp tếch một nượt !

Chuyện thứ hai

Kẻng báo ngủ đã điểm. Vệ binh đi tuần quanh nhà. Một tù nhân cao hứng:

- Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc.

Vệ binh nghe thấy, la hét:

- Anh nào vừa mới nói quỷ Nam, vua Bắc đấy ?

Im lặng. Vệ binh :

- Anh nào ? Quỷ Nam, vua Bắc, vua Nam, quỷ Bắc nà cái nghĩa ní gì ?

Im lặng. Vệ binh :

- Anh nào vừa nói ?

Im lặng. Vệ binh tức giận :

- Đội trưởng đâu ?

Đội trưởng :

- Có.

Vệ binh :

- Anh nào vưa nói ninh tinh náo nếu thế ?

Đội trưởng :

- Anh Trần Bình Trọng đấy, cán bộ ạ !

Vệ binh :

- Bảo anh Trần Bình Trọng sáng mai nàm kiểm điểm nộp cán bộ trực trại nhé !

Hai mẩu chuyện tiếu lâm lao cải trên, có thể là bịa đặt, có thể là không bịa đặt. Bịa đặt hay không bịa đặt thì cũng chỉ mục đích nói lên sự ngu dốt của cai tù, những ông thầy của trường học cải tạo xã hội chủ nghĩa. Ông Hồ Chí Minh nói : « Trồng cây mất 10 năm, trồng người phải mất 100 năm ». Những con người ông Hồ chí Minh và chủ nghĩa Cộng Sản của ông đã trồng từ năm 1950 là năm Cộng Sản Việt Nam quy định thành phần, giai cấp và thực sự chuyên chế ra sao ? Ba mươi năm trồng người, chủ nghĩa Cộng Sản và lãnh tụ vĩ đại của nó chỉ gặt được một thế hệ thanh niên ngu dốt đói khổ. Đói khổ nên môi thâm, người lùn tì. Ngu dốt nên ngọng nghịu đòi trồng cây bíp tếch và bắt Trần Bình Trọng viết tự kiểm. Người ta sẽ thù hận chủ nghĩa và lãnh tụ Cộng Sản hay thù hận những con người bị Cộng Sản và lãnh tụ làm cho đói khổ, ngu dốt ? Câu hỏi đặt ra cho lương tri những người chống Cộng Sản chân chính và cả bất chính nữa.

Với tôi, kỷ niệm lao cải như vậy ít quá, còn Những thứ sẽ mang về.

Mang về một chiếc mũ
Đã giãi nắng dầm mưa
Trầy vai câu chuyện cũ
Chảy máu sự nghiệp xưa

Mang về bộ quần áo
In dấu tù lem nhem
Z30 D, TH6
TCT, CTXM

Mang về đôi giày tã
Đế mòn vẹt đường dài
Băng rừng sâu núi cả
Đi hết kiếp lưu đày

Mang về chiếc lược nhôm
Bao nhiêu ngày mài dũa
Bao nhiêu là thương nhớ
Lược sẽ làm vui gương

Mang về thêm cái trâm
Gọt từ rễ giáng hương
Để em cài lên tóc
Và để tóc em thơm 4

Và những thứ sẽ đem vào tác phẩm 5. “Kiểm soát lại có khi còn thiếu sót”. Hẳn nhiên, thiếu sót rất nhiều. Nhưng mà tôi không đem nhà tù ra đời sống thì ngàn vạn thứ lẩm cẩm, vẩn vơ chẳng thèm nhớ, chẳng thiết đem về. Tôi có thể Giã từ đề lao rồi đấy.

Giã từ em nhé, đề lao
Giã từ lối hẹp dẫn vào xà lim
Giã từ em, giã từ em
Những ngày mòn vẹt những đêm vẹt mòn
Giã từ tay xích chân còng
Giã từ hồi kẻng úa lòng héo gan
Giã từ em, giã từ em
Tâm hồn song sắt trái tim cai tù
Giã từ củ sắn bắp ngô
Chén cơm Đại Mễ, bo bo sượng mày
Giã từ án phạt khổ sai
Gỡ bom, san núi, hạ cây, phá rừng
Giã từ cuốc xẻng đắp đường
Giã từ gánh nước đầy thùng oằn vai
Giã từ sước máu mây gai
Giã từ thù hận rạc rài đớn đau
Giã từ em nhé, đề lao
Giã từ tha thiết với bao chân tình
Mai anh làm chuyến viễn hành
Nhờ em nên mới trưởng thành biết chưa
Giã từ em, thế đã vừa
Sáu năm cuộc rượu say sưa tỉnh rồi
Anh về với đất với trời
Với hoa với lá với đời khác xưa
Anh về với nắng với mưa
Với cây với cỏ đong đưa tuyệt vời
Anh về ấm áp tình người
Buồm căng gió lạ trùng khơi dạt dào
Giã từ em nhé, đề lao
Cám ơn cay đắng nghẹn ngào em cho 6

Ngày 11-9-1981 tôi cầm Giấy ra trại. Tôi đã cho nhân vật của tôi phát triển cảm tưởng của người trí thức bị cưỡng bách lao động ở trại tập trung. Bây giờ, tôi mượn cảm tưởng đó làm cảm tưởng của tôi. “Bài học thứ nhất của lao động dạy tôi cảm thông với người lao động, kính trọng họ và hiểu thấu giá trị của lao động chân tay. Dĩ nhiên, Cộng Sản đã không hề dạy tôi bất cứ điều nào trong nhà tù, ngoài trại tập trung. Họ chỉ dọa nạt, trừng phạt, dụ dỗ và bắt làm việc giống hệt bọn chủ nhân nô lệ hành xử quyền uy của mình. Bài học thứ hai của lao động tôi tự dạy tôi từ những giọt mồ hôi trí thức, còn dạy tôi niềm tự tin tuyệt vời: Tôi có thể làm được những công việc mà trước đây tôi tưởng không bao giờ tôi có thể làm được. Lao động đã thắp sáng kiến thức của tôi. Nó là dòng nước luân lưu đưa đẩy tư tưởng con người xuôi ngược. Nó làm long lanh trí tuệ, làm trong suốt tâm hồn, rạng ngời ý nghĩ. Trí thức của chúng ta cứ nằm trong tháp ngà, cứ trùm mền hưởng thụ, đâm ra lười biếng, sợ khó, sợ khổ. Nên, khi đụng vào nghịch cảnh của đời sống thì không dám đương đầu, thì ngớ ngẩn và hèn mọn. Với Cộng Sản, lao động là hình phạt trả thù chúng tôi. Nhưng, với tôi, lao động là một chương dài trong văn phạm của đời tôi”.

Vẫn mượn cảm tưởng ra trại, lần này của chú bé Vũ trong tác phẩm Đồi Fanta: “Không thèm quay lại, tôi nhìn thẳng, bước mạnh, bước nhanh về phía trước mặt. Dĩ vãng đau thương, tăm tối hay dĩ vãng huy hoàng rực rỡ thì cũng chỉ để hồi tưởng, ở một tuổi nào đó. Người già sống cho những ngày sắp tới. Người trẻ sống cho những ngày sẽ tới. Chẳng ai dại dột bám lấy quá khứ mà rên rỉ, tiếc nuối. Tương lai mới quyến rũ con người vì người ta không nhìn rõ tương lai, người ta mải mê tìm kiếm niềm bí ẩn của nó, niềm bí ẩn khôn cùng của đời sống chứa chan mời gọi. Tôi mang ý nghĩ đó về nhà.

Hàng khuynh diệp hai bên đường đã khá cao và xanh mướt. Con đường thẳng tắp, hun hút. Nắng sớm nhảy múa, reo vui trên lá cây. Gió đàn đong đưa tình tự. Con chim chích chòe nghệ sĩ véo von trên ngọn đỉnh cao điệu hát buồn rầu thơm ngát tiễn đưa. Tôi hít một hơi đẫy đà cái hương vị tự do của trời đất. Tâm hồn tôi dạt dào cảm xúc. Tôi đã trông thấy, sờ mó được những gì gọi là mơ hồ, trừu tượng. Tôi đã hiểu thế nào là hạnh phúc, thế nào là đau khổ. Cám ơn năm năm oan nghiệt của tôi. Tôi không cần hằn học với nó, rên xiết vì nó”.

Và, sau hết, cảm tưởng ra trại của cô Lan trong tác phẩm Sỏi đá ngậm ngùi:

“Bước qua cổng trại, tay xách cái bị cói, đi một quãng, tôi nhìn lại hàng rào giây kẽm gai, nơi chị Nga đã chết treo tay trên đó. Giã từ ngục tù nhỏ, tôi vô ngục tù lớn. Gió sớm mát rượi. Tôi lững thững bước. Văng vẳng đâu đó những lời ca mượt mà theo nhạc đệm của muôn loài chim êm ái:

Tôi ca ngợi tôi
Ngụp giữa biển đời
Sóng gầm bão nổi
Tôi vẫn là tôi
Tôi vẫn là người…

Tôi mỉm cười. Dưới những tầng địa ngục, tôi đã lên đời chói lọi. Tôi vẫn là tôi. Tôi vẫn là người…”
Ivry sur Seine, 1-8-1987
--------------------------------
1
Khi về nhà tôi nhờ linh mục Chân Tín làm phép miếng đá cho tôi. Và tôi được cứu rỗi nhiều chuyến vượt biên thất bại. Rồi tôi thành công đều nhờ hưởng ân sủng của Đức Mẹ. Ở Pulau Bidong, lúc tôi chưa nhận tiền của vợ con, có người mua chiếc mề đay Đức Mẹ 500 đô la, tôi không bán. Đức Mẹ dẫn tôi đến linh mục Jean Mais và sư huynh Trần văn Nghiêm. Cả hai đều dịch sách cho tôi theo tinh thần tông đồ. Và sách của tôi Belfond xuất bản hết. Trước khi viết một cuốn sách mới, tôi đều thắp nến tạ ơn Đức Mẹ của tôi. Và tôi viết rất nhanh.
2
Thơ tù, Nam Á – Paris, 1984
3
Đã đề cập ở Nhà Tù
4
Thơ tù, Nam Á – Paris, 1984
5
Kinh nghiệm tù đầy của tôi được thể hiện ở Một người tên là Trần văn Bá, Sỏi đá ngậm ngùi, Bầy sư tử lãng mạn, Đồi Fanta, Một tù binh Mỹ ở Việt Nam. 3 cuốn trên đã do Nam Á Paris xuất bản. 2 cuốn sau sẽ xuất bản ấn bản Việt ngữ cùng lượt với ấn bản Pháp ngữ.
6
Thơ tù, Nam Á – Paris, 1984

1      2      3      4     5     6

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét