Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

HỒI KÝ BA PHÚT SỰ THẬT CỦA PHÙNG QUÁN - KỲ CUỐI


 1      2     3      4

16. Sinh Ra Trong Một Gia Đình Cách Mạng

PHỤ LỤC

NGUYỄN VẠN 

Gia đình tôi là nhà nông nghèo, bố tôi Phùng Kiểm là nhà nho, mẹ tôi Lê Thị Me là bần nông. Bố mẹ tôi vay tiền của nhà giàu, thuê ruộng ô ruộng đầm để làm ăn với giá rất rẻ, nếu may mắn được mùa thì trở nên giàu có, nhưng chẳng may bị mất mùa liên tiếp, vì lụt sớm nên ruộng bị ngập không thu hoạch được, bị vỡ nợ, phải bán hết tài sản để trả nợ. Gia đình bị bần cùng, thường bị thiếu đói. Bố tôi xin làm lính hộ lăng của nhà vua ở lăng Minh Mạng, được cấp một mẫu rưỡi ruộng công, gọi là ruộng lương điền, ruộng hạng nhất. Mẹ tôi chăm lo làm ruộng rẫy, được màu, đủ nuôi con ăn học… 

Bố tôi bị giặc Pháp bắt hai lần, bị tra tấn dã man, có lần bị địch đốt cả râu tóc, chúng bắt phải đi gọi con cháu về, nhưng bố tôi giữ vững khí tiết của một nhà nho yêu nước, kiên quyết chịu đựng, kiên quyết không khuất phục. Ông qua đời năm 1957. Hàng năm cứ đến ngày 28 tháng 5 âm lịch là ngày lễ tế âm hồn, lễ tế chiến sĩ vong trận, mẹ tôi đem xôi, gà, bánh đến cúng ở các đền âm hồn của làng… Mỗi lần cũng giỗ, mẹ tôi khóc lóc thảm thiết, cúng giỗ xong anh tôi hát vè thất thủ kinh đô, giọng ca lên bổng xuống trầm, lúc thì oán hờn giặc Pháp, lúc thì như rên n nghe mà xót xa trong lòng. Mẹ tôi thường kể chuyện lính Tây đi tập trận, phá nương rẫy sắn khoai, tự do nhổ củ đậu, hái dưa leo để ăn, đuổi bắt phụ nữ để hãm hiếp. Mẹ tôi còn kể chuyện những thằng Cò Tây bắt người nhốt vào buồng cho chó becger cắn vì không trả đủ nợ cho con mụ me Tây vợ nó… Mẹ tôi say sưa kể chuyện, vừa kể vừa chứi rủa thằng Tây… Ôi, mẹ tôi dạy cho tôi lòng yêu nước, chí căm thù giặc từ khi tôi còn bé… Anh cả tôi Phùng Văn Nguyện, học lớp đệ tam niên nội trú Trường Quốc Học, hăng hái tham gia các phong trào truy điệu cụ Phan Chu Trinh, đòi thả cụ Phan Bội Châu, tham gia các cuộc bãi khóa, xuống đường biểu tình chống chế độ thực dân Pháp năm 1926. Sau đó bị bắt giam, bị kết án 2 năm tù treo, và bị bồi thường 3 năm tiền học phí là 360 đồng bạc Đông Dương. Số tiền quá lớn, vì giá thóc hồi đó một tấn chỉ 25 đồng, bố mẹ tôi phải bán hết gia tài và phải vay thêm mới đủ 360 đồng để nộp cho thực dân Pháp. Thế là gia đình tôi lại lâm vào cảnh nghèo khó, mẹ tôi quá đau buồn, ốm rồi chết. Bố tôi bị bệnh rốt rét kinh niên, xin thôi làm lính hộ lăng nhà vua, phải trả lại một mẫu rưỡi ruộng lương điền. Nhưng nhờ có 6 suất ruộng khẩu phần (2 mẫu 4 sào) là ruộng công điền xã chia cho dân, bố tôi cố gắng lao động, cày cấy số ruộng đó để nuôi sống gia đình, nhưng vì nợ nần chồng chất nên vẫn nghèo nàn. 


Anh tôi bị quản thúc ở xã nhưng trốn vào Sài Gòn, đổi tên là Phùng Quý Đông thi đỗ vào ngạch công chức của Pháp, được bổ nhiệm làm Thông phán sớ kho bạc Sài Gòn. Sau mấy năm làm công chức Pháp, anh tôi tưởng là hết hạn tù treo rồi thì không còn gì rắc rối nên xin chuyển về Huế để lập gia đình, không ngờ bị tên cường hào Lý Hòe tố giác anh tôi can án chính trị mà trốn vào Sài Gòn đổi tên làm công chức, phạm tội "cải danh tùng dịch". Anh tôi xin chuyển vào Hội An để tránh né nhưng vẫn bị mật thám theo dõi, phải đi trốn. Định chạy sang Lào nhưng đến Đà Nẵng thì bị bắt và bị giam ở nhà lao Đà Nẵng. Sau hai tháng bị tra tấn thì chết trong lao tù. Năm 1932, khi anh tôi chết, đứa con trai duy nhất của anh chưa biết đi, mới biết bò. Sau này nó chính là Phùng Quán - Phùng Quán tham gia thiếu sinh quân…vào bộ đội vệ quốc quân Trung đoàn 101 rồi trở thành nhà văn, nhà thơ có tên tuổi, nay đã qua đời. 

Em trai tôi là Phùng Thị, sau Cách mạng tháng Tám làm Trưởng ban quân sự huyện Hương Thuỷ, tham gia Thường vụ Thành uỷ Huế, cán bộ văn phòng Liên khu uỷ 4, cán bộ Bộ Văn hóa Thông tin, nay nghỉ hưu tại thành phố Hồ Chí Minh. Cháu ruột tôi là Phùng Văn Lép (Châu), tham gia vệ quốc quân Trung đoàn 101, là liệt sĩ, anh dũng hi sinh ở chiến trường. Tôi phải nói đến người anh con bác ruột tôi thường ở với gia đình tôi là Phùng Đông, Tham mưu trưởng chi đội Trần Cao Vân, là liệt sĩ hy sinh năm 1947. 

Con trai tôi Phùng Ngọc Bích là liệt sĩ trong kháng chiến chống Mỹ, chiến sĩ E95A, hy sinh ngày 30-12- 1968… 

(Trích hồi ký "Đời người cách mạng của Nguyễn Vạn, NXB Thuận Hóa năm 2000 - trang 10,11, 12 )
1
Nguyễn Vạn, tức Lê Bốn, tên thật là Phùng Lưu, sinh năm 1916, là chú ruột của nhà văn Phùng Quán, đã nghỉ hưu) hiện đang sống tại 70 Hai Bà Trưng, Huế. Ông Phùng Lưu tham gia hoạt động cách mạng tử phong trào Dân chủ 1936-1939, thoát ly gia đình đi làm cách mạng từ tháng 5-1945 Trong 30 năm kháng chiến chống Phápt chống Mỹ, thì gần 24 năm ông chiến đấu tạt chiến trưởng quê hương Thừa Thiên - Huế. Nguyên là Khu uỷ viên Khu uỷ Thửa Thiên - Huế, Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên - Huế…


17. Yêu Đến Tận Cùng

Bảo Ngọc 

… "Cô Trâm dạy văn lớp chúng tôi có một năm, nhưng đối với riêng tôi, cô là người mẹ hiền thứ hai của tôi. Cô Trâm của chúng tôi là một người đặc biệt. Tình yêu của cô đối với chú Phùng Quán, sự chịu đựng những dị nghị, thành kiến xã hội trong suốt cuộc đời của cô thật vĩ đại không gì có thể miêu tả và so sánh nổi "… 

Trên đây là hồi ức của Bùi Việt Hà - Giám đốc Công ty SchoolNet, nguyên học sinh lớp 10I chuyên toán Trường cấp 3 Chu Văn An (Hà Nội) khoá 1970-1973 - trong cuốn sách của anh tự xuất bản kỷ niệm 30 năm ngày ra trường. Đây là lớp học sinh để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong sự nghiệp dạy văn của bà Vũ Thị Bội Trâm, bởi họ là học sinh chuyên toán nhưng học văn cũng rất hay - theo nhận xét của bà. Nhưng cũng chính lớp 10I này còn gắn với một kỷ niệm vừa buồn lại vừa vui. Bà Trâm kể: Năm ấy, tôi được Ban giám hiệu phân công dạy lớp 10 là lớp cuối cấp. Nhưng có một đồng chí trong chi bộ e ngại, nói: "Phân công như vậy thì đến phần văn học hiện đại, Phùng Quán phu nhân sẽ dạy thế nào?". Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn lúc ấy là anh Giang Văn Nguyên vẫn bảo lưu ý kiến để tôi dạy lớp 10. May mà, cái lớp 10 ấy lại đạt kết quả tốt nghiệp môn văn rất tốt. Anh Nguyên được một phen hú vía. 

Trong cuộc đời làm giáo viên văn của bà, còn nhiều "tai nạn" kiểu như thế, nhưng rồi bà vượt qua hết, để giữ (và cũng vì) cả hai tình yêu trong mình: với nghề dạy văn và với người chồng tài hoa, nhân ái. Bà bảo: Khi mà mình đã tự nguyện thì không gì có thể ngăn cản được mình vượt qua mọi khó khán thử thách. 

Vũ Thị Bội Trâm là con gái Hà Nội cổ. Đình làng họ nội ở 90 Hàng Đào, còn đình làng họ ngoại là đình Bạch Mã ở phố Hàng Buồm. Bà sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Cân trong ngôi nhà thừa kế của họ nội. Có điều lạ là bà sống cùng bố mẹ suốt 50 năm, trong đó 20 năm là "gái có chồng" hẳn hoi. Bà Bội Trâm tự nhận vợ chồng mình đích thực là ông Ngâu bà Ngâu tân thời. Chồng ở Nghi Tàm với mẹ nuôi, vợ và con ở "nhà ngoại", chỉ thứ bảy, chủ nhật mới đoàn tụ cùng nhau tại ngôi nhà nhỏ sát Hồ Tây. Cái sự lạ này là hậu quả của một sự cũng lạ, đó là việc ông Quán nên vợ nên chồng với bà Bội Trâm. 

Sau ngày tiếp quản Thủ đô, chàng Vệ quốc quân Phùng Quán từ Khu 4 về Hà Nội cùng với người bạn của mình - anh Vũ Hướng, em trai giáp Bội Trâm. Vũ Hướng đưa bạn về nhà mình, và như nhiều gia đình Hà Nội lúc đó, anh bộ đội Quán được nhận làm con nuôi.
° ° °
Tôi coi anh như một người bạn, đối xử với nhau tự nhiên, bình đẳng. Còn anh lịch sự gọi tôi bằng chị, khoe đã có người yêu cũng là người Hà Nội, là diễn viên múa của một đoàn văn công. Rồi tôi yêu anh lúc nào không hay. Đến khi anh "gặp hạn" thì tôi không thể xa anh được nữa. Mẹ tôi thương cả hai đứa, nhưng lo lắng không biết tương lai sẽ ra sao với chúng tôi. Còn bố tôi đạp xe lên tận Nghi Tàm, lấy hết can đảm nói với người có ý định làm con rể mình: Bố mẹ rất quý anh, nhưng con Trâm lấy anh thì nó khổ quá. Nói xong, cụ quay xe đạp vội đi như chạy trốn chính mình. 

Anh Quán kể lại với tôi như vậy. 

Có người ở Sở Giáo dục đến nhà khuyên gia đình không nên cho Bội Trâm lấy anh Quán vì như thế có thể bị thôi dạy học. Biết tin, tôi nói với mẹ: Con còn lành lặn, đủ mắt mũi chân tay, không cho dạy học thì con làm việc khác. Năm ấy là 1957. Hẫng hụt và ám ảnh, anh Quán đòi về Quảng Bình câu cá sinh sống. Tôi sợ quá, chỉ sợ anh chết. Phải ràng buộc vào anh để anh bỏ ý định tự sát.

Đến năm 1962, sự việc đã nhạt bớt đi, chúng tôi mới được lấy nhau. Chỉ có cơi trầu chạm ngõ và đăng ký kết hôn chứ cũng không làm đám cưới, vì anh chẳng có tư cách gì mà hỏi vợ: không gia đình, không tiền, không nhà cửa, không lương, lại cũng không thể in thiếp mời vì không ai dám in tên anh lên thiếp. Thế là tôi trở thành vợ anh mà không được làm cô dâu. Chiếc giường tân hôn là giường cá nhân mượn lại của anh Phan Vũ (anh Vũ mượn lại của xưởng phim). Khi sắp sinh con đầu lòng, tôi được phân phối 7m vải giá 14 đồng, nhưng không có tiền mua. Dịp ấy chuẩn bị Tết thiếu nhi, một anh bạn đặt anh Quán viết truyện ngắn để có nhuận bút mua tã cho con. Dù đang chửa vượt mặt, tôi vẫn phải ngồi chép truyện do anh đọc để bản thảo gửi đi mà không có chữ anh Quán. Thế là có cho con được 8 tã chéo và 4 tã vuông. 

Đau nhất cho anh Quán là lúc đón con từ tay bà ngoại. Bà nói nhỏ nhưng vẫn đủ nghe: Chẳng biết rồi có ngóc đầu lên được không? Thế là anh Quán tủi thân, 15 ngày sau mới đến lại thăm vợ con. 

Có một "nỗi khổ" nữa với người thơ mà bà Trâm phải vui vẻ vượt qua, đó là tiếp khách. Nhiều năm bị xa lánh, nhà thơ Phùng Quán từng tuyên ngôn quá lời như ông vẫn hay thế: Con bọ hung bước qua cửa nhà khi có tôi ở nhà cũng là thượng khách của tôi. Vậy nên, phải chiều ông thôi. Cho ông khỏi buồn. Lọ lạc bà rang sẵn để sáng sáng ông nhấm vài hạt trước khi uống rượu cho đỡ hại gan, nhưng chẳng khi nào tồn tại đến hôm sau. Tuy nhiên, "được hóng chuyện bạn văn thơ của chồng cũng rất thích" - bà nói thế. Bây giờ, đã 10 năm ông ra đi, nhưng bạn bè đủ mọi lứa tuổi vẫn đến với ông luôn, dù chỉ để thắp một nén nhang tỏ lòng ngưỡng mộ và thương tiếc. Bà Trâm nói vui: Tôi được hưởng nhiều lộc của anh ấy lắm! 

Còn nỗi đau muôn thuở của phụ nữ là phải chia sẻ tình yêu cho người đàn bà khác, bà Trâm cũng "Lĩnh đủ". Do chồng đã tài hoa lại hay cả nể. Cũng khối phen phải "đánh đông dẹp bắc" ghê lắm. Nhưng bà tự an ủi mình: Quan tha ma bắt. Đi với cô nào ra thơ thì cảm ơn, còn ra cái khác là "Liệu hồn". Nhưng anh Quán là người rất vị tha, nhân ái nên khó mà giận anh hay buộc anh phải giận ai. Mỗi khi tôi tức giận ai đó "xấu chơi", anh lại cười xòa, bảo: "Lỗ Tấn nói: "Trẻ con lấy khóc làm cơm, còn đàn bà lấy hận làm cơm", đúng lắm. Nhưng, em có giận anh cũng được. Anh thì chẳng hận ai, oán ai bao giờ. Làm thế mình khổ trước". Ngẫm ra, anh nói đúng. 

Tự nguyện đến với ông, bà dám chấp nhận hết thảy, vượt qua hết thảy. Tình yêu với chồng là thế - một tình yêu duy nhất. Còn tình yêu với nghề dạy học, ở bà, cũng vậy. Ban đầu, bà vào nghề bằng một sự bắt buộc: do thi hai lần không đỗ tú tài nên đi dạy học để đỡ gánh nặng cho cha mẹ, dành việc học cho 6 đứa em dưới mình. Sau đó, bà quyết học cao lên nữa, vừa đi dạy, vừa đi học, cả chính quy lẫn hàm thụ. Thi bằng đỗ tú tài. Rồi thi vào Đại học văn khoa khóa đầu tiên, đỗ. Không biết có phải do được học với toàn những người thầy nổi tiếng như Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Trần Văn Giàu…, hay do Trường Đại học Văn khoa đổi thành trường sư phạm, mà cuối cùng bà vẫn theo tiếp nghề dạy học… Dạy cấp 2, rồi đến cấp 3, từ trường Trưng Vương đến Chu Văn An, toàn những ngôi trường nức tiếng đến tận ngày nay. Nhưng tình yêu nghề đến với bà không dễ dàng. Xác định đi với nó trọn đời, mà cứ hờ hững thì không được, bà quyết tìm ra trong nghề dạy học một cái gì đó đáng yêu, để yêu. Bà lao vào công tác chủ nhiệm. Và đã tìm được niềm say mê trong đó do gắn bó nhiều với trẻ. "Đã làm giáo viên phải làm chủ nhiệm mới gọi là nhà giáo". Đến tận bây giờ, sau khi đã về hưu hai chục năm mà các thế hệ học sinh cũ vẫn nhớ cô để về thăm cô, đặc biệt là cái lớp 10I chuyên toán Chu Văn An, với nhiều cái tên nổi tiếng như Trương Gia Bình, Bùi Quang Ngọc, Bùi Việt Hà, Nguyễn Chí Quang, Nguyễn Khang v.v… Có em mời bằng được cô đến dự ngày giỗ đầu của mẹ mình với mục đích giới thiệu cô giáo mình với họ hàng. Có em lo lắng cho cô với nỗi lo của người con với cha mẹ. Làm sao cô lau dọn nổi nhà cửa khi không có người giúp việc, cô nằm giường không đệm có đau lưng không? Có em vào mạng, gọi cho cô: Cô ơi, có bài viết về chú Quán đấy, em mang về cho cô đây v.v… Sung sướng lắm, vui lắm. Chuyện nghề xen lẫn chuyện đời, cuối cùng lại quay về với nhà thơ Phùng Quán. Bà đưa tôi vào căn phòng đầy ắp những kỷ niệm về ông, toàn những kỷ vật từ Chòi-ngắm-sóng mang về căn hộ mới này, phòng 204, D3, Vĩnh Phú, Hà Nội. Trên tường là những mảnh ván gỗ đầy bút tích bạn văn, những ký họa chân dung ông do bạn vẽ tặng. Còn trong tủ kính, nào chiếc quần chống muỗi bằng bao tải bột mì do ông tự khâu lấy, đôi guốc dầy nặng chịch, chiếc bị cói chl có phecmơtuya đến hai phần ba (cũng do ông tự khâu lấy), một phần còn lại để chỗ cho cái chai rượu thò cổ lên; nào cái mũ lá, mũ cói, mũ cối; nào con dao làm bằng mảnh máy bay… Và nhiều nhất là các tác phẩm về Phùng Quán và của Phùng Quán (cả in chui lẫn in công khai sau này). Bà Trâm tâm sự: Phần lớn thời gian còn lại của cuộc đời, tôi dành cho việc sắp xếp lại di cảo của anh Quán, nhiều lắm, tập hợp lại và nếu có thể thì đem in. Cuốn "Nhớ Phùng Quán" do Nhà xuất bản Trẻ vừa ấn hành năm 2003 gây được sự chú ý của nhiều bạn đọc đã và chưa từng biết Phùng Quán. 

Chuyện của ông, kể đến bao giờ cho hết? Và, không ai khác, chỉ có bà - một cô gái Hà Nội con nhà gia giáo xưa, yêu đến tận cùng con người chân thật đến tận cùng, đến lạ kỳ ấy, mới có thể làm được 

(Báo Giáo dục & Thời đại, số 125 ngày 16-10-2004).

18. Mẩu Chuyện Vui Về Phùng Quán: ĂN VỤNG

Trong kháng chiến chống Pháp, có một thời gian Phùng Quán ở cùng đơn vị văn công với nhà thơ Thanh Tịnh. Thanh Tịnh tuy tuổi đã khá cao nhưng ông luôn vui tính, thích bông đùa, nói tếu rất hóm hỉnh. Hai người hợp tính nhau, thân quý nhau rồi thành anh em kết nghĩa. Đơn vị phân công cho hai anh em phụ trách tiết mục độc tấu, trình diễn vào những lúc sân khấu buông màn để đổi cảnh, cốt sao lấp chỗ trống cho khán giả khỏi phải chờ đợi sốt ruột. Thanh Tịnh vừa sáng tác, vừa biểu diễn tấu rất hấp dẩn, nổi tiếng một thời với bài "Lão dân quân Đông Bắc". Nhờ đó Phùng Quán cũng theo anh sáng tác một số bài tấu ca ngợi chiến công của các anh hùng dũng sĩ như bài: Đinh Công phá cầu, Đinh Công cắm chông.v.v… Có thể nói Thanh Tịnh vừa là người anh, vừa là người thầy dẫn dắt Phùng Quán vào làng thơ. 

Có một lần, Phùng Quán và Thanh Tịnh cùng nhau đi công tác. Trời sẩm tối, hai anh em tạt vào một ngôi làng để nghỉ đêm. Sau khi tnnh giấy tờ với Uỷ ban xã, hai anh em được giới thiệu đến một gia đình có nhà ở rộng rãi để ngủ đậu. Hôm ấy, nhà nọ lại có giỗ. Khi đến nơi, vừa lúc cả nhà đang ăn uống vui vẻ. Cụ chủ nhà lịch sự mời hai anh em dùng bữa. Thanh Tịnh từ chối, nói dối đã ăn rồi. Tối, chủ nhà thu xếp cho hai anh em ngủ ở trên gian thờ, giường ngủ là cái phản kê trước bàn thờ. Trên bàn thờ còn để nguyên một mâm cỗ cúng. 

Nằm được một lúc, Phùng Quán lay lay Thanh Tịnh dậy, kêu đói: "Tại anh đấy, người ta mời, còn làm khách. Đói quá, lại mệt nữa, em không ngủ được". Thanh Tịnh dậy nhìn quanh, thấy dưới gầm giường có một đống khoai lang liền bảo: "Hay em lấy vài củ khoai sống, cạo vỏ đi ăn tạm cũng được". Phùng Quán không chịu, sức trai đang thì mới lớn nhịn bữa làm sao cho nổi. Lại còn phải chịu mùi lôi kéo của thức ăn bày la liệt trên mâm cỗ ở bàn thờ. Cái đói lại càng cồn cào. Phùng Quán mạnh dạn xin với anh cho ăn. Thanh Tịnh vò đầu bứt tai nghĩ cách chiều chú em… Nghĩ mình luống tuổi rồi, đói một tí cũng không sao còn Phùng Quán vừa sức trẻ, vừa kham khổ lâu ngày… Anh bảo Phùng Quán dậy rồi cho lấy ở mỗi bát, mỗi đĩa một vài miếng Phùng Quán ăn tạm cho đỡ đói để ngủ được, ngày mai còn đi tiếp. 

Phùng Quán ăn xong, Thanh Tịnh bơi bới cho rơi vãi chút ít thức ăn xuống mâm rồi giục em đi ngủ. Sớm hôm sau, chủ nhà lên mời khách dậy uống nước. Nhìn mâm cỗ bị bới, rơi vãi, ông cụ than: con mèo nhà này đến là hư, lại ăn vụng rồi! Ô hay, nó lại vọc cả vào bát chè nữa! 

Hai anh em nhìn nhau bấm bụng cười…



1      2     3      4


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét