Về đến sứ quán ở Bắc
Kinh thấy đông nhộn khác cái thoáng vắng hôm trước. Giữa vườn cây lê cây táo
trơ trụi mùa đông, những đống cao lù lù như cây rơm phủ kín ni lông xanh, ni
lông xám. Hỏi mới biết đấy là những núi đồ đạc mới đưa về, để trong nhà không
có chỗ, phải chất ra giữa trời. Bắc Kinh đương mưa tuyết, mưa cả đêm. Những
mảng băng đầu mùa bám ngoài ni lông, khi tuyết rơi nhiều, băng xụt xuống như
bùn trắng nhão quanh chân các gò đống đồ đạc.
Người
về ở đông kín các phòng chiêu đãi sở, khắp cả nhà cơ quan làm việc. Xe lửa
Matxcơva về Hà Nội bị cắt lưng chừng, giữa khi qua Cát Lâm trên Đông Bắc. Sứ
quán phải thuê xe lên đón. Cán bộ và sinh viên đi công tác, về phép, về hết
hạn, người và hành lý đưa cả về đây. Tạm ở, đợi bao giờ lại có đường có tàu thì
chưa biết.
Quang cảnh ngổn ngang như đồn bốt, như cái nhà
đương xây cất vá víu. Ngoài cổng, chốt đóng mấy lần cửa. Trong nhà, cả khách và
cơ quan được chia thành tổ, phòng khi bất trắc. Hàng ngày, cả cơ quan cũng như
khách mỗi người mỗi việc gọn ghẽ đâu vào đấy chẳng khác quân sự hoá. Ba hôm,
nhà bếp đi mua gạo một lần về cơm nước cả trăm con người. Phức tạp, phấp phỏng,
nỗi buồn mất tiền của tôi hoà vào cái lo này, tan mất.
Tự dưng tôi cũng cộng
với đám khách chờ không biết khi nào có tàu hoả, có máy bay. Dần dà, hàng tuần
qua rồi và đếm từng ngày nhớ lại, cứ thấy gian nan dài dài. Tôi quen Quyền Sinh
ở chuyến ấy, Quyền Sinh giám đốc du lịch Sài Gòn, đi hội nghị quốc tế du lịch ở
Beclin về.
Bỗng được tin đột ngột
đường bay Bắc Kinh- Hà Nội đã được nối lại. Chưa biết nối thử hay nối thật, chỉ
chắc chắn ngày kia có chuyến Hà Nội đầu tiên.
Cái may và vui nữa, tất
cả khách đọng lại ở đây mấy lâu đã đăng ký và mua vé được về chuyến TU 134 này.
Nhưng vẫn còn hồi hộp, quá lo rồi đâm quẩn quanh, từ nay tới ngày kia còn có
bất thường nữa không. Biết thế nào, những cái rớp. Và thời gian trôi qua trong
những trận mưa tuyết ngoài vườn lúc đậm lúc nhạt, mờ mừ.
Lại một lo lắng khác.
Nhiều người phải lo, hầu hết đều là khách đi tàu hoả, nhiều người công tác dài
ngày, có khi đã đi học năm bảy năm, hành lý mang theo về cũng bề bộn, không
phải như tôi hai mươi cân theo qui định đi máy bay. Thế là cả nhà bỗng hoá cái
chợ. Đem cái gì, còn để lại xếp đống giữa vườn, ôi thôi, bao giờ mới lại lấy đi
tiếp được.
Đóng va li thử, mặc
thử, rồi lại bỏ ra, xếp lại, lại mặc lại. Đống đồ lều ủ trong băng tuyết ngoài
kia vẫn cao lừng lững. Nhưng cuối cùng cũng xong. Mỗi người bỗng phổng lên
thành ông hộ pháp, may mà trời đã lạnh. Bởi vì quấn đồ đạc vào người và xách
hai tay không phải cân, thôi thì lụa vải, cả bàn là, cả quạt tai voi tháo cánh,
cả máy khâu không chân gấp vuông nhét bụng nhét lưng được tất. Tôi không nhìn
mà cũng không muốn nhìn, chỉ thấy người lên được máy bay rồi ngồi ềnh xuống,
nhưng rồi ai cũng đứng lên, đi đàng hoàng và xuống ga Nam Ninh ăn cơm hẳn hoi.
Đến Nội Bài, máy bay vào đỗ ngay trước phòng làm thủ tục nhập cảnh. Không phải
trèo leo lên xe xuống ngựa gì nữa, nhác trông ai cũng phì nộn mà ung dung, đĩnh
đạc. Bởi vì đã về được tới nhà, sức bật vô biên!
Nhớ mãi một cam go sau
cùng ở Nam Ninh, bữa cơm sân bay, chẳng có gì đáng nhớ thế mà nhớ. Như mọi khi
phiếu ăn cầm kèm vé. ở sứ quán, Quyền Sinh mải xếp đồ đạc, để rơi phiếu ăn lúc
nào không biết.
Mọi người đã vào phòng
ăn. Quyền Sinh mất vé ngồi ngoài hiên, các túi xách lỉnh kỉnh xung quanh.
Tôi hỏi, Quyền Sinh
chép miệng: “Mất vé! Mà cũng sắp đến Hà Nội rồi". Tôi nói: “Cứ vào với tớ,
không sao ăn bữa tạm biệt cũng hay". Tôi nói cứng, thật trong bụng nửa tin
nửa không. Nhưng niềm tin mơ hồ mà mạnh hơn, bởi suốt chuyến đi, những người
hải quan khám rồi lại không khám, cử chỉ nhỏ bé thân thương ấy, dẫu đương cơn
sóng gió mà đối với nhau có trước có sau.
Chúng tôi ngồi vào bàn.
Người nhà bàn tới. Người ấy bước đến một mình, tôi mừng thầm. Tôi giơ vé ăn của
tôi với cả mấy đồng nhân dân tệ vét túi nữa, lại đưa kèm chiếc vé máy bay không
có phiếu ăn của Quyền Sinh. Người nhà bàn cười, xoè tay ra hiệu bảo chúng tôi
ngồi. Rồi anh bưng khay đến hai chai bia Xin Tao. Lát sau, mỗi người một bát mì
vằn thắn hảo hạng.
Tôi nhớ thế, nhưng hôm
vừa rồi mở sổ tay xem lại đoạn nhật ký chuyến đi Mông Cổ 1979, lại thấy ghi: ăn
sân bay Nam Ninh. Uống nốt chai vôtka Mông Cổ với Quyền Sinh”. Có lẽ chai bia
thì mang về âu là nhớ lẫn lộn lúc đương vui. Người nhà bàn ấy cao hứng, quên cả
thu vé ăn của tôi. Những cốc bia, cốc rượu đã trút đi bao nhiêu lo toan vặt
vãnh, tủn mủn.
Mamađu Triôp Điôp người
Sênêgan. Điôp là giáo viên. Điôp viết kịch, làm thơ, làm công tác xã hội và ăn
lương dạy học. Điôp thường đi dự Đại hội các nhà văn á Phi với tư cách uỷ viên
chấp hành. ở cái cộng đồng bé nhỏ của thành phố Đaka, Điôp cũng là một nhân vật
cứng cựa. Có khi Điôp đưa tôi một bài thơ tiếng Pháp đã đăng báo. Tôi đem về Hà
Nội, nhưng chưa báo nào nhận dịch đăng.
Điôp hơn bốn mươi tuổi,
có thể là một người đàn ông đẹp theo mẫu châu lục ấy. Mỗi sáng, Điôp bôi dầu
bóng nhẫy lên mặt. Tóc Điôp xoăn từng đám như những con ốc bươu bám quanh đầu.
Trên khuôn mặt đen bóng, lòng trắng con mắt và hàm răng óng ánh, thế là anh ta
làm dáng đấy- Điôp cưòì. Mỗi khi Điôp nói chuyện về Việt Nam cứ như lẫn cổ tích
với bây giờ. Bởi vì, Điôp đã được nghe nhiều chuyện và đã tưởng tượng về Việt
Nam từ thuở ấu thơ. Nước Sênêgan thuộc địa Pháp cũng như Việt Nam, cho nên biết
bao chuyện của lính khố đỏ, lính chào mào ở xứ An Nam đâu đâu sang và lính “mặc
váy” người Sênêgan đã đến Đông Dương, họ khoác những cái áo choàng trắng, các
cụ ta gọi là Tây đen mặc váy. Điôp lấy làm lạ tôi biết lãnh tụ khởi nghĩa ở Marốc,
ở Sênêgan tên là Apđen Krim, lại có tên mà lính khố đỏ An Nam gọi là giặc Mạc
Đình Kim.
Chú tôi làm ruộng xưa
nay chỉ biết có cái chợ Nghệ rồi phải bắt lính khố đỏ sang Pháp rồi sang châu
Phi đánh nhau với Mạc Đình Kim. Đi dẹp giặc nhưng ở lính mà không biết cầm
súng, chỉ giữ chân cắt cỏ ngựa, vào vườn bới trộm khoai tây. Chú tôi bảo rằng
nước Pháp đồng trắng nước trong, nước Sênêgan có khoai tây giàu hơn nước Pháp,
cho nên nước Pháp phải đi cướp nước Sênêgan, nước An Nam ta. Điôp và tôi cười
ha ha những chuyện ngày xửa ngày xưa của chúng tôi. Tôi kể với Điôp ở nước tôi
ai cũng làm thơ, không biết chữ cũng làm thơ. Mỗi người khố đỏ đều làm những
bài thơ kể đời lính từ khi bước xuống tàu thủy chạy sang Tây. Điôp càng lạ hơn.
Nhưng rồi nghe tôi kể nhiều chuyện nữa thì Điôp reo lên: “Dân tộc Việt Nam văn
hoá cao nhất thế giới". Không phải chỉ vì những chuyện thơ, mà nhiều
chuyện khác đã khiến Điôp có ý nghĩ ấy. Tôi kể chuyện về chiến dịch biên giới
phía bắc 1950, cả nghìn lính binh đoàn Tabo của Pháp bị bắt làm tù binh trong
rùng núi Đông Khê, Thất Khê. Có nhiều lính da đen, thể nào cũng có người
Sênêgan.
Tôi kể: “Mày biết
không, tao đã trông thấy một buổi chiều trời rét mưa phùn dưới chân núi cạnh
đồn Đông Khê vừa bị bộ đội tiêu diệt, chủ tịch Hồ Chí Minh ra đứng bên đường
nhìn đoàn tù binh đi qua. Người đã cởi áo sơ mi đương mặc quàng lên vai một tù
binh da đen cởi trần đi trong mưa. Người tù binh được áo sơ mi chắc không bao
giờ biết ông già cho áo là ai".
Điôp nghe im lặng. Rồi
Điôp thở dài:
- Tao sẽ nói tên với
mày về mấy người trong họ Mamađu của tao, một người bác, một anh họ và mấy
người trong làng phái đi lính sang Đông Dương. Ghi vào sổ tay đi, rồi mày cũng
có thể gặp, hay là họ đã chết rét cái năm ấy rồi.
ở thủ đô Bon nước Tây
Đức tôi cũng đã gặp những người Sênêgan, người Marôc sang làm culi, làm gác cửa
khách sạn hay hỏi thăm tôi về ông nội, về chú bác đi lính Pháp đã mất tích bên
Đông Dương năm xưa.
Trên máy bay nhìn xuống
phía đông Địa Trung Hải, sóng bủa lên ngang núi. Những mũi đá nhô ra như trăm
nghìn đầu cá sấu khổng lồ đương húc ra doạ lại mép nước trắng xoá, như ôm lấy
những cột đá phế tích Pompêi kỳ quan thế giới.
Máy bay đỗ hai mươi
phút ở Itămbơn. Sân bay xa thành phố, nhưng các nhà ga châu âu trang nhã, không
ngợp bãi cỏ như những sân bay dã chiến giữa cỏ tranh như Luang Prabang, như
Điện Biên Phủ. Tôi nhặt vài quyển sách bỏ túi: truyện trinh thám Sas và Thám tử
Megrê chăng bẫy của G. Simơnông, khách vứt lại trên ghế. Vào quầy sách, trên
giá bày bán tiểu thuyết Nỗi buồn của A. Môravia- nhà văn hiện đại ý tôi vẫn ưa
đọc.
Loại sách bỏ túi, giá
một đô la rưỡi. Không có tiền lẻ cô hàng sang đổi ở quầy khác. Lát sau, quay
về, vẫn chưa đổi được tờ năm đô la của tôi mà tiếng loa đã báo giờ máy bay cất
cánh.
Về Matxcơva, Marich bảo
tôi:
- Tôi chưa được đến sân
bay Itămbơn nước Thổ, nhưng đã nghe nổi tiếng mánh khoé các hàng quán ở đấy lấy
cắp tiền khách. Ông là người khách khù khờ thứ bao nhiêu triệu rồi đấy.
Đến lúc xuống sân bay
cảng Saiit thì tôi ngồi suông. Không phải vì còn bực mình, ta đã đần độn nên bị
hố thì còn bực bội nỗi gì, mà chỉ băn khoăn thương cái túi tiền eo hẹp đếm từng
đồng của người đi xa.
Lại mơ bao giờ đến sân
bay Bắc Kinh, dẫu cho thời tiết chính trị thế nào và trong thắt lưng lép kẹp
đến đâu cũng uống tự nhiên được cốc nước chè thơm nóng đậy nắp tử tế. Nhớ đời
cái chuyến máy bay hãng Hà Lan đi Libăng, lại đi với Hoàng Trung Thông. Cô
chiêu đãi viên đẩy đến cái xe lanh canh những chai cốc màu sắc đẹp mắt.
Xe chờ các thứ uống
không mất tiền, nhưng trên máy bay các hãng qui định khác nhau. Hoàng Trung
Thông đã trông thấy chai Mácten.
Hoàng Trung Thông trỏ
chai rượu. Cô phục vụ nhấc chai, đặt ly trên thành xe. Nhưng cô chưa rót. Cô
nói, Hoàng Trung Thông cũng võ vẽ tiếng Anh, nhưng có lẽ mùi Macten đã át cả,
chỉ thấy anh gật gật. Cô hàng, tay vẫn nghiêng chai rượu, tay kia bật ngón làm
hiệu đếm tiền và trong cặp môi hồng dịu của cô thánh thót rơi ra hai tiếng “đô
la". Ông bạn rượu cực nhanh trí, quay mặt lại cắt nghĩa cho tôi: “Rượu thì
bán, chỉ nước giải khát mới gratuit". Thông đã tán ra rất đầy đủ, mà tôi
không nghe cô ấy nói.
Từ lần ấy, đến trước
quầy nước giải khát nào dưới đất hay trên trời tôi cũng xem ngắm kỹ. Nhưng ở
sân bay cảng Saiit này thì không phải băn khoăn, không có xe được đẩy đến. Cuối
phòng, quầy rượu lớn Tôi ngồi lặng yên như một người không thèm nhạt gì cả.
Điôp bảo tôi giữ hộ cái
cặp rồi biến đi. Không nhìn thấy nó ở quán rượu. Điôp cũng không phải tay rượu,
mặc dầu trong các cuộc dạ hội anh hoa chân múa tay, múa may hăng đến lăn đùng
ra trên sàn như người quá chén rồi lại đứng lên đánh trống. Điệu múa lăn thế,
Điôp không say.
Chao ôi, nhớ lại một
chuyện ngẩn ngơ- một kỷ niệm khi mới cầm bút, tôi đã viết về cảng này, vâng,
cảng Sait mơ hồ, tôi nào đã biết Sait ở xứ sở nào.
Ngày ấy tôi vớ ở đâu
được một quyển lịch năm Anmanach của nhà xuất bản Haxet. Tập lịch mấy trăm
trang có đủ chuyện tò mò, ly kỳ và tranh vui, truyện vui, thơ và quảng cáo, các
thứ đọc giải trí. Về sau, kiểu sách lịch này ở ta hàng năm cũng làm bắt chước,
như Niên lịch thông thư của Nguyễn Văn Vĩnh. Và năm 1946, Tết âm lịch đầu tiên
sau cách mạng, chúng tôi làm báo Cứu Quốc cũng cho in một quyển niên lịch tương
tự thế, tên là Lịch Cứu Quốc. Định sẽ mỗi năm ra một quyển. Rồi kháng chiến...
Tôi bấy giờ khoảng mười
sáu mười bảy tuổi, đã thôi học, chưa đi đâu khỏi làng, chưa biết cái xe đạp,
mới được ngồi cái tàu điện vào thành phố. Đọc quyển lịch năm của nhà Haxet, tôi
tưởng tượng ra một câu chuyện hoang đường: có một chàng thanh niên kia thất
vọng vì tình, lang thang xuống làm tàu biển rồi đi biệt xứ. Giữa đại dương mênh
mông, anh gặp khách đi tàu là người đồng hương, anh đã kể câu chuyện tình đau
khổ đã khiến anh phải cất bước giang hồ.
Tôi chẳng còn nhớ cái
lệ sử của nhân vật ấy, nhưng tôi vẫn nhớ trong truyện tôi đã tả tỷ mỉ những hải
cảng mà con tàu đại dương đã ghé ăn hàng, đón khách.
Cảng Madrat, cảng Sait,
cảng Macxây... Những công viên, những tên phố, tiếng chuông nhà thờ, các cửa
hàng, hiệu ăn... Chuyện như thật, mà toàn sự thật nhờ quảng cáo và bảng chỉ dẫn
khách du lịch tôi đọc được trong quyển lịch năm của nhà Haxet, biết bao nơi mà
đến bây giờ tôi cũng chưa khi nào được tới.
Dưới truyện, tôi ghi:
Trung Nha, mùa thu... và truyện ngắn ấy tôi đặt tên là Những chuyện khó hiểu –
khó hiểu thật. Tôi gửi báo, cả một mặt trang phụ trương văn chương báo hàng
ngày Đông Pháp đã đăng. Mấy năm sau tôi mới viết các truyện ngắn Nước lên, Bụi
ô tô, Một đêm sáng giăng suông và những truyện loài vật trong đó có Con dế
mèn...
Cảng Sait! Cảng Sait
vào Hồng Hải đây. Tôi chẳng biết gì về nơi xa lạ này ngoài câu chuyện ngây ngô
nửa thế kỷ trước. Trước mắt, nước thuỷ triều ban ngày rút xa xa, mặt bãi lổn
nhổn đá sỏi xám quanh những gốc chà là dại rũ rượi. Một lá cờ Anh trên ống khói
một tàu vào cảng. Sân bay gần cầu cảng, trên sườn tàu và thân máy bay, chữ ả
rập rối loạn màu sơn xanh thẫm. Địa đầu châu á châu Phi với những tiềm năng dầu
lửa và kim cương, bề ngoài đều cằn cỗi, hoang dại, như cảng Sait đây.
Điôp và tôi đi Adi
Ababa. Máy bay tạt xuống Đông Phi, dưới kia đại dương ấn Độ lại mịt mờ. Điôp
ngủ gật gưỡng.
Tôi hỏi:
- Lúc nãy mày đi đâu?
Điôp choàng tỉnh, cười
nhe hàng răng trắng nhả:
- ở sân bay anh có để ý
những đứa con gái đứng cửa phòng khách.
Tôi cũng cười:
- Tao không thích môi
chúng nó bôi màu nghệ.
Tôi lại hỏi:
- Mất bao nhiêu?
- Một đô. Chưa bằng một
góc giá tiền thật cuốn Moravia của anh
Điôp diễu tôi. Tôi đã
thấy ở sân bay Karachi, ở Cairô bọn gái điếm hóng khách “đi tàu nhanh, chúng nó
da dẻ ngăm ngăm, môi màu hoa hiên, màu vàng nghệ”. ở Sait thì môi vàng sẫm, da
đen nhãy, người đẹp theo gu từng vùng.
Ađi Ababa, cả nửa thế
kỷ loạn lạc. Trước chiến tranh thế giới lần thứ hai, thành phố đã đẫm máu trong
súng đạn xâm lược của phát xít ý. Vua Haliê Hatsiê lưu vong, khi trở về nước
thì chết già chết đói giữa những thế lực chính trị và bộ tộc kình chống nhau.
Chỉ mới tạm yên được ít lâu nay..
Tôi ở khách sạn Hintơn
Ađi, đầu giường đặt một quyển Kinh Thánh ba thứ tiếng. Phòng ăn hiện đại lộng
lẫy, người ta phải làm cho đượm vẻ man rợ bằng mái lá cọ, cột cây cổ thụ xù xì
và ghế gỗ nguyên cả vỏ. Nhưng cái hoang sơ thật thì ở ngoài kia, trên tầng lầu
nhìn ra cửa sổ trông ra thấy còn dữ dội hơn nhiều.
Tít tắp xa trước mặt,
chồng chất chập trùng những xóm bi đông, rợn lên xám ngắt như sóng đất. Nghe
ánh ỏi tiếng trẻ con đá bóng hò hét ở đâu vang động.
Những trái ngược này đã
thấy ở Sait, ở Ađen, ở Dibuti hai bên Hồng hải mỗi lần đi qua. Quang cảnh đâu
đâu cũng tương tự, bãi lầy lội khi nước triều xuống, tường nhà đoan cao như
pháo đài và những lô cốt cả trăm năm còn đấy. Địa đầu các châu lục, nơi qua lại
những mưu lược, những tội ác, khi đổ máu, khi phẳng lặng ngỡ là bình yên. Hầu
như một phần gốc gác văn hoá văn minh của nhân loại phát tích trên nửa trái đất
đã nảy sinh quanh nơi này, thế mà vạn triệu năm ở đây vẫn xác xơ, hiu quạnh,
vẫn ngã ba, ngã năm những giàu sang và cái nghèo khó chen nhau. Con chim sẻ
trong hốc lô cốt, những đàn hải âu lượn trên cửa biển, chúng nó có cộng đồng xã
hội như con người, tiếng kêu tiếng hót có nghe được nhau không, cả nghìn đời có
giống nhau không.
Cũng như ở Ađi Ababa
này sang Trung Cận Đông, vào châu Phi, ở đây hay ở Bâyrut, ở Batđa, những cao
ốc Hintơn A, Hintơn B, những xóm liều, chỗ nào cũng người đông như ruồi quanh
đống vỏ hộp đi nhặt về nạo lấy cái thừa thãi người ta vứt đi.
Các thành phố Trung Phi
mà A. Moravia tới chẳng khác Ađi Ababa ở Đông Phi, cái muôn thuở trong cái hỗn
độn hôm nay.
Đây là giữa thành phố
Libơrơ. Cửa hàng, cửa hàng, cửa hàng. Nhà trọc trời cao ngất, lại vửa phải, lại
bé nhỏ, kỳ quặc như những cái hòm đã mở toang hết các ngăn, lại những cái chỏm
cao ba ngọn, những cái hộp bằng thuỷ tinh, bằng sắt, đôi chỗ nhô ra một hàng
hiên giả vờ xiêu vẹo, như ở Nữu ước. Chúng tôi đương đi trong những công trình
kiến trúc siêu hiện đại và siêu, siêu, siêu hiện đại thế nhưng mà chỉ bước thêm
hai bước, ba bước là đã vào đến cửa rừng, rừng thật.
Thành phố không rộng
không thẳng như đường phố ở nước Mỹ, nhìn phía nào cũng thấy những cánh rừng
bao quanh như đại dương mà các toà nhà là ốc đảo cô đơn, trong ấy chỉ có người
châu âu tấp nập, nhốn nháo vớt mọi công việc và mua bán” (Đi chơi châu Phi- A.
Moravia 1993)
Tôi đến nước Tandania
cũng dự kỷ niệm 100 năm ngày sinh G. Nêru danh nhân ấn Độ được ủy ban á Phi của
quốc tế làm mít tinh tưởng nhớ ở châu Phi.
Không phải cuộc họp của
giới văn học, nhưng gặp nhà văn của nhiều nước: nhà thơ Mukecgi của ấn Độ,
Adimôp LiênXô, Atsadoula của Afganixtan, Mamađou Triôp Điôp của Sênêgan, Alex
La Guma Nam Phi. Alex đi thay E. Sêbai tổng thư ký Hội Nhà văn á Phi.
Sêbai cũng là bộ trưởng
văn hoá Ai Cập. Tháng trước Sêbai bị bọn khủng bố chính trị bắn chết ở Cairô, ở
Hà Nội tôi đọc tin đã biết. Các nhà văn làm chính trị ở các nước đương phát
triển gặp lắm hiểm nghèo.
Diện mạo châu Phi có
những nét khác các lục địa- những vệt trắng dài đến ngút mắt, không biết sa mạc
hay rừng cằn cỗi về vệt kẻ dài hoà vào chân mây. Qua Kênia, hiện lên vùng trời
nước đảo Dandiba nổi như con đồi mồi khổng lồ, bên này dải đất Tanika viền một
khơảng tuyết trắng phau giữa trong xanh không gợn mây. Đột ngột như cái đầu bạc
khổng lồ của một ông già ngồi tư lự giữ thinh không, đấy là niềm tự hào của
châu Phi, đỉnh núi cao hạng nhất thế giới, núi Kilimangiarô. Quanh núi viền
những vùng rừng xanh li ti mà thoạt nhìn, nắng và băng nghìn năm đọng đỉnh núi
loá trắng không nhận ra được.
Châu Phi có hai con
sông lớn, Nin Xanh bắt nguồn từ hồ Victoria nước Su đăng, Nin Trắng thì ngọn
nước từ các thung lũng chân núi Kilimangiarô này.
Khách sạn Kilimangiarô
trên bờ biển trông vào chỏm núi Kilimangiarô hùng vĩ. Nhưng đấy lâ ở chân trời
xa thẳm, còn xung quanh thành phố- lại như A. Moravia đã ký hoạ những nhà và
đường ở nước Cônggô, những ngăn kéo hộp xi măng chồng lên giữa rừng, giữa cát
trắng, giữa những xóm bi-đông mà sự sống thoi thóp đôi lúc inh ỏi vọt lên tiếng
hò hét của đám trẻ chơi đá bóng.
May thay, cái sân
thượng nhà mười tầng đã cho tôi hoang tưởng tôi đương chơ vơ ở một ốc đảo sa
mạc trông ra thấy đỉnh Kilimangiarô đột lên ngang trời châu Phi, dưới chân tuôn
ra ngọn nguồn sông Nin Trắng chảy về Ai Cập.
E. Hêminuây đã viết
truyện Kilimangiarô. Con người cầm bút viết nhiều đi nhiều này cũng có thể vào
hộ khẩu châu Phi. Cuộc đời và sáng tác của ông gắn bó nhiều với những vùng đất
quanh Kilimangiarô.
Năm 1954, Hêminuây đi
săn ở rừng nước Kênia, trong sáu tháng hai lần rơi máy bay lên thẳng mà không
chết. Sau đó ông về Kêtinga dựng lều bạt lên làm trại viết giữa ốc đảo và ở đấy
suốt năm.
Năm 1999 này, kỷ niệm
100 năm sinh E. Hêminuây.
Cuốn tiểu thuyết tự
truyện sau cùng của E. Hêminuây 850 trang sẽ được xuất bản. Ông viết tác phẩm
này rải rác từng mảng, ở nhiều nơi. Phần cuối xong ở bang Idhahô nước Mỹ.
Rồi cũng ở đấy, E.
Hêminuây đã bắn hai phát súng vào miệng, tự sát. Mấy năm qua, có vài phần trong
sáng tác đã được ra mắt bạn đọc, nhưng đây là lần in đầy đủ nhất.
Các tác phẩm của E.
Hêminuây đều pha trộn tự thuật, hổi ký và sáng tác. Nhà văn cố ý không phân
biệt rạch ròi các thể loại này khi cầm bút. Ông đã từng nói: “Những tác phậm
hay đều có một điểm chung, ở đấy sự thật còn hơn cả thực tế". Có lẽ cũng
là châm ngôn viết của ông.
ở tác phẩm sau cùng, có
một nhân vật đáng yêu. Cô Đơba mười tám tuổi người bộ lạc Vakamba. Có thể xem
nhân vật ấy là người yêu, là vợ tác giả, là người thật và người trong mộng,
Đơba đã cùng ông đi khắp các cuộc săn bắn và ở rừng. Đến bây giờ báo chí, các
nhà nghiên cứu văn học vẫn tranh luận cô Dơba có thật hay không. Nhưng với bút
pháp thể hiện như E. Hêminuây đã từng nói, bí ẩn ấy thiết tưởng không bao giờ tìm
ra được.
Hêminuây quyến luyến
nhất với vùng Tanganika và Kênia có ngọn Kilimangiarô. Hêminuây sáng tạo tung
hoành nhưng lại yêu kỷ niệm cụ thể ở trang viết ông đã lấy tên núi mà đặt cho
truyện.
Khi về Cu Ba, nhà ông ở
ngoại ô La Havana, trên đồi Phinga Vigia, ở đấy trông xuống bãi biển. 1952,
Hêminuây viết truyện ông già và biển cả tại đây, trên cái bến hoang vắng này,
cái bến và nghị lực những con người được miêu tả trong sáng tác tuyệt vời này
đã đưa ông vào giải thưởng văn học Nôben. Tôi đã có lần đến thăm nhà Hêminuây
trên đồi Phinsa Vigia. Người ta kể ông hay lên cái chòi cuối vườn, nhìn ra bể,
tưởng như Hêminuây đã ngồi viết trong chòi, đôi lúc ngẩng mặt lên trước trời
nước mênh mang.
Kalimangiarô, câu
chuyện một người bị tai nạn máy baý nằm đợi chết trên lưng núi. Người hấp hối
chiêm bao chập chờn thấy mình bay qua đỉnh núi với người yêu. Sự sáng tạo đã
buộc sự từng trải của người cầm bút vào vùng đất vùng núi đã có những kỷ niệm
sống chết. Ta hiểu thêm những miếng nước đầu nguồn hư ảo và hiển nhiên ở mỗi
chữ của ông.
Trên sân thượng này
nhìn lên ngọn Kilimangiarô trọc lốc phủ băng trắng trong nắng chang chang, tôi
có cái tò mò ngẩn ngơ thử đoán xem nhà văn cho cái máy bay lên thẳng bị rơi
trên ngọn nước đã được ông đặt ở quãng nào. Đoán mơ màng thôi, chứ từ đây vào chân
núi những một trăm ba mươi cây số.
Tôi đương nhìn về núi
Kilimangiarô từ thành phố Đaét Salam thì được đọc báo có những tin kỳ lạ. Một
người Việt Nam, một phụ nữ Việt Nam vừa lập kỷ lục trèo lên Kilimangiarô. Hãng
tin RFI đã phát đi: 9 giờ 30 sáng 7 tháng mười một, một phụ nữ úc gốc Việt, cô
Nguyễn Thu Hương đã leo tới mỏm cao nhất đỉnh Kilimangiarô. Cùng đi với cô có
kỹ sư hàng hải Geri. Hành trình liền sáu ngày đêm. Những người dân tộc Maxai
khiêng vác đồ đạc và dẫn đường hai nhà leo núi lên theo phía thung lũng Maxam.
ở đây cũng người làm nên kỳ tích mà không bao giờ được kể đến, những người
Maxai cũng như người Xecba bên dãy núi Himalaya châu á cả đời chuyên nghề mang
vác, dẫn đường các nhà du lịch leo núi lập kỷ lục đến chóp núi mà không khi nào
được cắm cờ chụp ảnh phát đi thế giới.
Tin điện miêu tả lúc ấy
đỉnh Kilimangiarô trời nắng, có mây trắng bay qua trong tuyết rơi. Lác đác, cây
thạch anh, cây lôbêli trồi ra trong tảng băng. Một đàn gà gô trắng. Những con
gà gô chưa biết sợ người, đã được đứng chụp ảnh chung với cô Nguyễn Thu Hương
và bạn đồng hành.
Đêm giã từ Tandania
trong rừng dứa dưới bãi biển, có cuộc vui nhộn của làng chài tiễn khách. Không
biết làng chài hay làm nghề đánh chão. Hàng ngày, không thấy lưới thấy thuyền,
chỉ từng đám đàn ông, đàn bà xúm xít tước xơ thân dừa ra đánh thành những cuộn
chão chồng cao hơn đầu người.
Chão dừa neo buộc
thuyền bè đi biển không bị hà ăn, mòn xác xơ cũng không đứt. Trong đêm, các
làng chão ven bãi sôi nổi trống và người rập rờn nhảy.
Từng đám mấy chục cô
gái đứng thành hàng. Những khuôn mặt đen nhoáng đương múa lưỡi, những cái đầu
lưỡi trong miệng thò ra uốn éo múa lên nhấp nhoáng quấn quít đỏ như ánh lửa.
Tiếng trống rồn rập, những chàng trai cởi trần lăn trên cát như làn sóng. Không
phải một Điôp múa lăn mọi khi, mà cả trăm Điôp đương cuồn cuộn. Năm trước, ở
Tân Đêli ngắm thần Lửa thần Nước nghệ sĩ đứng múa bụng cả giờ trên sân khấu đã
thấy hãi công phu điêu luyện, bây giờ ngốt lên nghệ thuật bốc lứa cá trăm con
người, hầu như mọi đàn ông đàn bà trong làng đều biết chơi đánh lưỡi, lăn mình.
Tiếng trống dồn dập, thoắt biến thoắt hiện, lại thấy nhô ra một trăm chàng Điôp
cởi trần ôm tang trống, đánh trống bằng những cùi tay, những bàn tay. Dãy trống
kê vòng quanh người người lăn lượn, mặt trống cùi tay và những ngọn lưỡi rừng
rực lên giữa bãi cát, lửa củi, lửa người.
Các nhà nghiên cứu sự
phát triển của xã hội loài người đã công bố một số liệu phân tích: châu Phi
đương đuổi và đuổi kịp mọi mặt châu á. Những dị dạng, những kỳ lạ, không gì
khuất phục được sức mạnh từ ngọn núi Kilimangiarô đến những con người đồng bằng
sông Nin lên có lẽ là đây.
Tôi lại có dịp với
Mamađu Triô Điôp đến bang Tây Băng Gan rồi lên nghỉ trên cao nguyên Đacgiơlinh
biên giới nước Nêpan chân núi Hymalaya. Cùng đi có nhà thơ Tây Băng Gan
Kecmugi. Kecmugi đã hai lần đến Việt Nam. Tôi đã đưa Kecmugi thăm Hoà Bình lên
một làng Dao ở Tu Lý gần Toàn Sơn. Anh ăn thịt gà, chấm nậm bìa- nước ở lòng bò
vắt ra, như mọi người trong làng. Trong khi, một lần khác cũng đến núi ấy, nhà
văn Xevun ở nước cộng hoà Trung á và Marich thì không dám đụng đến các món dân
dã này.
Tôi và Điôp ở buồng cửa
trông sang nhau. Tôi vừa đọc một tờ báo đăng tin một nước, không nhớ Camơrun
hay Marôc, không phải Sênêgan, ông tổng thống mới được bầu có tên trùng với
Điôp. Tôi kể, thì Điôp nói: “Họ Mamađu nhà tôi ở nhiều nước, nhất là ở Trung
Phi và cũng lạ lắm, nhiều người làm tổng thống, cũng nhiều người điên. “- Mày
đương làm quan to hay mày đương điên?
- Tôi a, có lẽ tôi
đương cả hai.
- Cả hai là Liên Xô hay
Mỹ?
Điôp cười, không nói.
Cũng không phải không có lý Mặt trận nào thì Liên xô Và Mỹ cũng đều có người
của họ. Có thể thế này có thể thế kia. Phải tính chứ, mỗi lần Điôp đến sứ quán
Liên Xô ở Đacca nhận giấy mời và vé máy bay đi nước ngoài. Không là bình
thường. Vlat ở Hội nhà văn Liên Xô làm đối ngoại về châu Phi đã kể tôi nghe
những mưu mẹo tranh thủ lắt léo đầu làm việc này đuôi lại sang kết quả khác,
không ngay thẳng bao giờ.
Buổi sáng, vào phòng
tắm, Điôp hun tóc rồi mới rửa mặt. Điốp đánh từng que diêm, nhìn vào gương hơ
cho tóc quăn lên. Tay xoe khéo đã có cỡ thoảng mùi khét, nhưng không hẳn tóc
cháy. Rồi tóc Điôp cuộn thành búi, thành cục tới đỉnh đầu. Làm đẹp những hôm
long trọng, đầu Điốp xoắn ốc kỹ lưỡng và hai hàm răng trắng rợn.
Điốp cho tôi một mẩu rễ
cây, như rễ cây duối, để cọ răng. Dễ cây swek này tôi đã thấy bán ở chợ
Casablanca, như cau khô đánh răng. Đám rễ ấy Điốp bỏ trong cặp, đem tử nhà đi.
Lúc thong thả một mình và trước khi đi ngủ, Điốp cầm một mảnh rễ cọ răng.
Điốp cắt nghĩa cho tôi
hiểu vẻ đẹp trai gái.- Nhìn thấy nhau, là khuôn mặt đen bóng, hàm răng trắng và
đôi mắt loáng như gương. Đấy là những màu nổi nhất, nhận ra nhau trước nhất từ
xa trên mặt người thanh niên châu Phi. Tranh dân gian châu Phi khi nào vẽ người
cũng có hai mắt to choán nửa mặt, con ngươi và lòng trắng mắt mới tình tứ sao-
Điôp bình luận thế.
ở Đácgiơlinh tôi cũng
gặp lại Ôta. Nhà văn Nhật này viết tiểu thuyết, nhưng tôi biết Ôta bởi Ôta năm
ấy ở Tôkiô là thành viên một tổ chức phản đối Mỹ xâm lược Việt Nam. Ôta đến
Việt Nam có công việc khác nhưng vì Ôta là nhà văn nổi tiếng nên Ôta cũng là
khách của chúng tôi.
Còn công tác của Ôta
đến Hà Nội thì thật xa lạ với bút mực. Tổ chức nhân dân Nhật chống Mỹ xâm lược
Việt Nam của Ôta hoạt động sâu rộng, được sự ủng hộ của các giới và có tác động
trong binh lính Mỹ. Lính Mỹ đánh nhau ở Việt Nam được thưởng phép thường về
nghỉ ở Băng Cốc, ở Hồng Kông, ở Nhật. Tổ chức của Ôta bắt mối được với nhiều
lính Mỹ đã chán nản không muốn trở lại chiến trường. Những đứa này tìm cách ở
lại Nhật, mỗi ngày một đông. Tổ chức của Ôta giúp họ trốn, đã bi mật nuôi giữ
nhiều người. Ôta sang Việt Nam có ý hỏi ta có việc gì cần đến bọn Mỹ đào ngũ
này, như viết tài liệu, phát thanh...
Đấy là những việc Ôta
giao thiệp với những cơ quan khác, và rồi Ôta có được việc không, tôi không
biết. Nhưng Ôta là khách, tôi đã trò chuyện văn chương với Ôta và gặp Ôta đến
tận hôm tiễn. Ôta uống nhiều, khen Lúa Mới ngon đậm hơn rưọu sakê.
Tôi có cảm tưởng là
người Nhật lặng lẽ và nghiêm túc trong mọi công việc. Như các nhà văn Nhật
thường gặp ở hội nghị, kể cả Kauabata nhà văn có tiếng . Họ ít nói, đi thành
bọn và vào phòng ăn hay mang theo thức ăn mua sẵn ở Nhật. Họ đã biếu tôi những
hộp dưa cải muối, lạc muối. Những thói quen và sinh hoạt giản dị này tôi đã
quen biết từ những năm kháng chiến ở Tuyên Quang, cơ quan tôi có Nguyễn An Nghệ
Shoisi Aki. Khi Nhật hàng Đồng Minh, anh sinh viên kinh tế Aki đã chạy ra với
Việt Minh ở Nghệ An rồi Aki được đưa ra Việt Bắc ở với chúng tôi. Nhưng Ôta thì
khác. Ôta mơ màng lảo đảo ra tận sân bay. Hôm sang Nội Bài suýt lỡ chuyến bay.
Sân bay dã chiến cánh đồng Nội Bài, máy bay Mỹ hàng ngày đến bom bắn. Cả đài
chỉ huy bay đã bị bom huỷ- ngày nay hãy còn đứng sừng sững cái cột loang lở trơ
trọi như một chứng tích thời chiến. Có lẽ vì sân bay Gia Lâm đã hư hại nặng,
cho nên ở Nội Bài cứ sáng sớm và chập tối chớp nhoáng những chuyến bay dân sự.
Nhà đợi bay chỉ mấy
mảnh tôn, vách gỗ dán. Mỗi hôm, khi vàng mặt trời, những chiếc TU 154 cả ngày
ẩn ở đâu được xe tải kéo ra đậu trước nhà đợi, khách lật đật lên rồi máy bay
lao vút lên vòm trời xâm xẩm, trông lại thành phố đã sáng đèn.
Ôta lẩn thẩn ra ruộng
một lúc, không biết ngồi nôn hay đi vệ sinh. Chúng tôi phải ra dắt, chỉ là Ôta
quanh quẩn ngoài bãi cỏ không nhớ lối vào. Ôta nằm trên cái ghế dài trong nhà
đợi. Ôta ngủ luôn. Ai cũng lo, chốc nữa có lẽ phải cõng anh ra máy bay. Rắc rối
quá, khi đó chưa có cái xe bậc lên xuống, mà chỉ có thang sắt ngoặp vào bụng
tàu bay cho khách bíu bước lên.
Nhưng, như là linh
tính, tiếng động cơ máy bay nổ ngoài sân thì Ôta ngồi dậy. Một bà khách Pháp
đương ngồi rũ ra, mắt nhắm, bây giờ cũng ngẩng mặt.
Hành khách ra sân bay
thời ấy, phụ nữ cũng uống rượu- tôi đã trông thấy các bà đầm Rumani mặt đỏ tưng
bừng. Máy bay Mỹ sắp ném bom sân bay, cả lên trên trời kia cũng có thể gặp nó,
cái rượu cũng làm cho ta lẫn lộn nhãng đi đôi chút. Một người Tây, một người
Nhật loạng choạng bước ra. Anh lái xe và tôi xốc vai Ôta, đủn Ôta bám vào thang
sắt, Ôta như bò lên, những cô chiêu đãi viên người Nga ra kéo vào khoang từng
vị khách. Trời vừa chạng vạng tối.
Lần này, gặp Ôta ở
Đacgiơlinh, Ôta tiều tụy hẳn. Vẻ người nhầu nát vì rượu, thân hình to lớn mà
hốc hác nhợt nhạt. Được mấy hôm, rồi cả ba nhà văn Nhật về Canquitta trước.
Không biết họ có việc phải về hay bởi Ôta yếu không chịu được cái lạnh núi cao.
ở Đacgiơlinh, ô tô hai
mươi cây số trên núi trong rừng ra mới gặp sân bay. Tôi đi tiễn Ôta tận nơi.
Ôta quàng vào vai tôi cái đài Natiônan nhỏ hơn bàn tay và khổng nói gì. Đến lúc
ra máy bay, Ôta nước mắt đẫm trên má ôm tôi rồi giơ tay: Hà Nội! Hà Nội!
Từ bấy tới nay không
gặp lại. Chẳng biết có còn sống không.
Chỉ có Điôp vẫn như
thường, răng trắng nhởn nhơ.
Điôp không rượu, chỉ ăn
khoẻ. Ngày nào cũng đi chùa. Điôp bảo ở Sênêgan không có chùa, hỏi ở Việt Nam
có chùa, phải không? Người Tây Tạng chạy sang Đacgiơlinh đã nhiều năm, họ ở
trong chùa đông đúc. Đacgiơlinh giáp giới Tây Tạng với Nêpan và ở sườn núi.
Điôp lạ mắt, cái gì cũng muốn biết. Có hôm, Điôp bảo tôi: “Chúng ta nên leo một
chuyến lên Hymalaya, xem trên ấy có gì mà người ta thích lên chết ở trên
ấy".
Điôp vào những ngõ hẻm
có người Xecba trú ngụ. Người Xecba bé nhỏ, nhanh thoăn thoắt, chuyên đi vác đồ
đạc và dẫn đường cho khách du lịch và người leo núi Hymalaya. Điôp thường chỉ
quen bốn phía sa mạc phẳng đến chân trời, thấy những khác thường ngày thì háo
hức. Tôi đã thuộc tính Điôp, nhiều cái lạ không trả lời được.
Điôp hỏi:
- Những người Sênêgan
về bảo bên Đông Dương nhiều nước lắm, phải không?
- Nhiều lắm, nước suối,
nước sông, nước giếng, nước mưa...
- Trời ơi, ở Đacca, cả
năm chưa chắc đã được trận mưa. Khi có mưa, cả châu Phi chạy ra nhảy múa trong
mưa.
- Huế, Đà Lạt biết chứ?
- Biết trên bản đồ.
- Những nơi này có khi
mưa cả tháng, mấy tháng.
- Ôi chao, tôi có thể
đến Huế, đến Đà Lạt được không?
- Được chứ, Eptuchenkô
vừa đến Hà Nội. Bây giờ đương ở Cu Ba hay ở Mỹ đấy.
- Thằng ăn mày Điôp ví
sao được với Eptuchenkô!
ở Đacgiơlinh đi, nhớ
Điôp, một nhà văn chưa có tác phẩm mà tôi gần gũi nhiều trong các chuyến đi,
con người như một pho tượng hồn nhiên và đau khổ.
Cái gì, ở đâu cũng khác
Sênêgan. Điôp là người như thế nào? Không biết anh thế nào, nhưng tôi tưởng như
tôi có thể biết. Một tiểu trí thức, tầng lớp gần dưới đáy đông đảo nhất châu
Phi. Anh không muốn ra đồng kéo cày với con ngựa, nhưng anh là ai đứng đây thì
anh cững không tự biết, hay là biết mà như không.
Người có đôi chút chữ
nghĩa như anh thì đi lính dễ có cơ hội đổi thay nhất, sẽ lả tướng tá, là tổng
thống lúc nào không biết chừng. Nhưng anh ghét vào lính và anh buồn nỗi thấy ở
đâu cũng hơn Sênêgan. ở Sênêgan không có hội nhà văn, anh cũng chưa biết anh sẽ
là nhà thơ, nhà viết kịch hay nhà gì, bốn mươi hai tuổi rồi mà tất cả còn ở
trước mặt. Anh ra nước ngoài bởi được mời, mỗi lần về có khi vui hơn, có khi
buồn hơn, lo hơn và lại ngày ngày bước vào cái lớp tiểu học chữ Pháp của anh.
Tôi đi Cu Ba dự hội
nghị phong trào đoàn kết á Phi Mỹ la tinh. Vẫn như chuyến trước đã đến Cu Ba, ở
Matxcơva sang Buđapet xuống Tuyni rồi Sênêgan, bỏ châu âu lại đằng sau lưng,
chỉ thấy xanh thẫm. Angiê, Tuyni bên biển, thành phố trắng nhạt trong bóng tường
đá và vòm lá chà là. Xa xa, những đồn điền bậc thang trên đồi ô liu. Như vẫn ở
khách sạn En Riadh, tiếng sòng ỳ oàm vào những hang hốc cửa sổ suốt đêm.
Đến Sênêgan, máy bay đỗ
lâu hơn một tiếng ở Đacca trước khi bay dài trong một đêm khác thường qua Đại
Tây dương. ở Matxcơva tôi đã gửi điện cho Điôp ra đón gặp một chút chơi. Sân
bay trong ánh điện, những cây chà là, chùm hoa chín vàng xuộm, chà là họ nhà
hoa cau, hoa dừa. Ngoài trời tối đen, tiếng sóng rào rào như mép biển ngay kia.
Điôp ra sân bay với vợ
và một con nhỏ. Tôi hỏi vợ làm gì. Điôp nói vợ ở nhà. Tôi hình dung những người
đàn bà đội những cành bạch đàn khô, tay dắt con cừu chiều đi ngoài rừng vào
trong phố. Lúc này Điôp giống người chăn cừu về, đương vui, sắp lăn ra múa như
lên cơn.
Tôi tặng Điôp một chiếc
đĩa Bát Tràng treo, trong lòng đĩa vẽ in chú bé cưỡi trâu, tóc để trái đào.
Nhưng Điôp thích nhất, hớn hở nhất tôi đem đã cho Điôp một số báo Văn Nghệ đã
dịch in một bài thơ của Mamađu Triôp Điôp.
Điôp lật đi lật lại
trang báo rồi đưa lên môi hôn... chữ Mamađu... Điôp... và kêu lên: Tên tôi...
Tên tôi... Mamađou... Điôp... chữ Việt Nam, chữ Việt Nam, tôi đọc được ngay...
chữ Việt... Hà Nội...
Điôp bảo vợ:
- Tôi sẽ đi Việt Nam.
Con tôi sẽ cưỡi con trâu như thằng bé này.
Vợ Điôp bảo tôi:
- Điôp đã kể nhiều lần,
ở Hà Nội đã in thơ của anh ấy, rồi sẽ in kịch, diễn kịch nữa. Điôp có tiền bản
quyền, sang sống ở Việt Nam. Điôp đi ngay chuyến này với anh, có được không?
Ba chúng tôi cùng cười.
Chỉ có chú bé ngơ ngẩn nhìn ánh đèn ngoải xa lóng lánh.
Chốc mà đã ra mười mấy
năm rồi.
Chương XXI
Tôi lại về xóm Đồng.
Chẳng phải vì thế nào.
Mỗi người đều có thói quen, nếp nghĩ, sinh hoạt, đi đứng... Tôi hay nhẩm lại
những nơi tôi thèm đến mà chưa khi nào được đặt chân, càng thèm: huyện Sông Mã
ở Sơn La, đảo Phú Quốc ngoài biển Đông... Tôi lại về xóm Đồng, cuốn sách người
đã đến đoạn ấy, bây giờ xem tiếp.
Mỗi khi trở lại những
nơi đã từng đến, tôi hay nhớ lại kỷ niệm từ thuở bé. Năm nào cũng vậy, tháng
mười giỗ ông tôi lại thấy bà Bống về. Người lớn bảo bà ở tận trên ngược, bà là
em ông tôi, bà quảy về một gánh những bó sắn, củ mài và đôi gà trống. Trên
ngược đây là huyện Lập Thạch. Nhưng thuở ấy Lập Thạch với tôi đã là rừng xanh
núi đỏ xa xôi tận đâu và tôi cũng không bao giờ biết tại sao bà em ông tôi lại
phải đi lấy chồng xa thế. Hàng năm, bà Bống về với họ hàng ăn giỗ ông tôi, lại
khiến tôi cảm thương tình máu mủ ruột thịt. Và sau này, lại một điều trông thấy
đã khiến tôi nghĩ đến sự thăm hỏi và tình nghĩa.
Năm ấy, chúng tôi ở
Phia Biooc tỉnh Bắc Kạn, trên núi những làng Dao Dỏ. Tết đến, từng đoàn người,
cả trẻ con, khăn chít và váy áo đỏ rực rỡ, đeo túi.
Tôi hỏi: “Đi đâu?”. Bà
con nói: “Đi chơi tết với người trong họ". Người trong họ ở các núi tận
trên Cao Bằng hay dưới Thái Nguyên, có khi đi rừng mấy ngày mới tới. Nhưng mà
năm nào cũng đi, không hề quản ngại.
Tình nghĩa cũng trong
lẽ sống tự nhiên, khi nào nhớ những chuyện trên tôi cũng thấy một niềm vui đầm
ấm rồi lại bùi ngùi.
Cảm thấy đã quên mặt,
quên tên nhiều người. Thế mà vẫn nhớ cái hôm tôi buộc cây hóp làm cột dây đồng
vào thân cây cau, ông Ngải ngồi trong nhà lim him mắt, tay cầm cái galen to
bằng trôn bát “cứ nói eo éo như con ma nói". Hoàng Trung Thông- tôi nghe
Trần Lê Văn kể, thỉnh thoảng gặp, Thông hay hỏi: “Dạo ấy mình thế nào” Tổ
trưởng Thông ngại những chuyện lố lăng gì chăng hay là anh cũng vẫn nhơ nhớ
những ngày ấy.
Tôi đi xe hàng, không
đáp tàu thuỷ và không mang theo xe đạp như hai lần trước. Bạn bè hay đi bảo bây
giờ xó xỉnh nào cũng nhan nhản xe ôm, tội gì mà chen chúc ô tô hàng, còn khiêng
cái xe trâu để mà chết a. Mà từ thị xã xuống Thái Ninh thì cũng chẳng mấy bước
đường.
Phố xá Thái Bình đã
nhiều cái khác xưa. Những lần trước trông chỉ loi thoi vài ba ngôi nhà, gió
thổi rào rạt cuốn rối lên những búi cỏ tranh. Từ ngày hoang vắng ấy, nhưng có
cái hay là đã sẵn vết đường bằng phẳng dễ cho những đại lộ sắp mở, đương dọn cỏ.
ở đây mấy năm nay đã
lên thành phố giữa những bước tiến giằng co. Một dạo, vô số xe và máy với
chuyên gia nước ngoài đổ về khoan dò dầu khi khắp một miền ven biển. Báo Nhân
Dân đã đăng ảnh một mũi khoan có khói và dầu (hay nước) phụt toé lên. Thật thì
đã tìm được khí. Nhà máy sành sử Tiền Hải chạy điện lấy từ khi khoan này. Nhưng
ai tầng qua lại Nam Định, Thái Bình đã biết tử thuở xa xưa ngày trước có nơi ở
vườn, ở ruộng chọc lỗ xuống, trong đất nhả ra hơi nóng ngùn ngụt. Có thể bắc
bếp thổi cơm, cả thui chó được. Người ta đã làm như thế. Giờ mới biết đấy là
khí, rồi sẽ có ét xăng, rồi mở mang khai thác qui mô. Những người hay đọc báo
nói rằng Thái Bình sắp giàu đến nơi, nước ta sẽ nhiều mỏ dầu khổng lồ như
Brunây, như Trung Đông.
Thế là Thái Bình được
gấp rút xây đón đầu một thành phố công nghiệp. Giữa những bãi lau sậy ngập đầu
nguy nga nhô lên các nhà trụ sở uỷ ban, nhà thư viện, nhà bảo tàng đã lên tường
cao cao, cái khách sạn năm tầng cho chuyên gia và khách du lịch được khánh
thành trước tiên. Dưới bãi Đồng Châu quanh năm nước xuộm đỏ các cửa sông đổ ra
biển, nhưng đất bồi màu mỡ, nhiều nhà nuôi vịt, chiều đến, người ta đi nhặt
trứng vịt đẻ trên cát, đội hàng thúng về.
Bây giờ đồ sộ ngôi nhà
nghỉ Công Đoàn. Mọi cơ ngơi đã huy hoàng nhưng vẫn là cái sự hóng. Cho nên
nhiều công trình còn dang dở. Đường xuống Đồng Châu sẽ tráng lệ còn đợi, chưa
nâng cấp, ô tô chạy chồm chồm trên ổ trâu. Cái nhà bảo tàng giữa thị xã chẳng
biết bao giờ mới xây tiếp, tường nhoe nhoét vôi vữa, những lỗ cửa chưa có
khung, như cái hàm răng móm.
Thành phố vẫn đương đợi
vận hội. Dù sao, không đến nỗi “Cao Biền dậy non” như Xuân Hoà, Xuân Mai, những
thị trấn vệ tinh tưởng tượng quanh Hà Nội.
Thái Bình không bị đứt
đoạn, mà chuyển đoạn quang cảnh hôm nay hiện ra vẻ nhộp nhịp cũng em em mấy phố
Sinh Từ, phố Hàng Lọng náo nhiệt hàng hoá trên Hà Nội. Đường Cầu Bo qua cổng
tỉnh sang Nam Định không còn nhà vách đất lợp phibrô xi măng xám, đã nhấp nhô
những nhà một tầng mái ngói, mái bằng.
Trước cửa thừng ni lông
chăng, vắt từng đệp quần áo loang lổ đủ các màu trên đòi, đòn ngang nối liền
với những chiếc bàn, những cánh phản phủ tấm nhựa đỏ trên bày tú ụ bánh kẹo gói
bọc giấy bóng nhấp nhoáng, Tết trung thu ngày trước cũng không được như thế.
Phố “siđa", lại phố “quân khu” và choáng lộn bánh kẹo lạ mắt rối mắt như
Hà Nội lan xuống dưới này đông như chợ. Người trong làng kéo lũ ra, đi xem, đi
sắm. Anh kia trả tiền rồi đến đứng tựa lưng vào gốc cây tụt quần cũ xỏ quần mới
vào rồi bước ra, người nọ ngắm người kia, vỗ tay cười hê hê như được bạc. Rồi
lại tạt sang các bàn kẹo bánh xanh đỏ đến hoa mắt.
Đầu cần Bo, mấy nhà lá
hàng cơm chứa trọ năm trước đã lên nhà gạch cả. Không còn cái gậy tre chống tấm
phên cửa lên, mà buông phất phơ một rèm vải hoa, lụa trứng sáo, ở trong đi ra
một cô mặt mũi nhẹ nhõm, kẹp tóc. Cô chào: "Mời bác vào nghỉ hàng nhà
cháu” Cô này hẳn ở trong làng mới ra, chỉ mai kia thì mắt xanh mỏ đỏ tới nơi.
Vẫn bến tàu, nhưng người không đeo vai cái tay nải, cái bọc mà hàng chục gánh
nối nhau đi một dãy. Mụ nọ khoác cái túi giả da bóng nhoáng hộc tốc chạy xuống
chỉ trỏ tốp người gánh thúng bọc lá chuối khô đặt dọc lòng tàu, trên boong, cả
khoang lái Đấy là những thúng trứng vịt lộn từ vùng biển lên. Tàu thuỷ thì mất
một ngày đường nhưng của hàng hoa không lo bị xô đẩy dễ vỡ như gác nóc lên xe
tải.
Cả chuyến tàu ngược Phà
Đen chở trứng vịt lộn. Mụ đeo túi, áo kếp trắng viền đăng ten, môi son phơn
phớt, đương cau có chỉn diết gióng, lại cười cợt bả lả. Kiểu người này năm
trước mộc mạc hơn, đã gặp ở Cầu Bo, ở Hải Dương, tôi tưởng như bọn đây là con
cái chúng họ xuôi ngược nối nghiệp. Ông bạn tôi quanh năm ngồi xó hàng nước,
nghe hóng đủ chuyện, chẳng cần đi đâu mà mách đúng cho tôi. Chỗ nào bây giờ
cũng lắm giống xe ôm. ở Hà Nội chỉ có xe máy ôm, dưới này vô khối xe đạp ôm nữa.
Cái xe hàng vừa vào bến, đã cả chục xe máy, xe đạp ôm xô đến hỏi bác về đâu, xe
đạp giá mềm, cam đoan chạy suốt, không bán khách... mời bác, mời...
Một thanh niên áo xắn
tay kẻ carô tím, đội mũ lưỡi trai. Trông vạm vỡ khoẻ mạnh, tôi đã ưng ý. Chợt
nghĩ lại ngại. Đường xa, mấy chục cây số đồng vắng, nó lực lưỡng thế kia mà
trấn thì mình bỏ đời. Nhưng nghĩ lại, thấy là tôi cũng lẫn lộn thời sự. Hồi này
khách bỏ thuốc mê, khách giết lái cướp xe ôm nhiều lắm. Tôi bèn chọn anh tài
chắc chắn ấy. Anh ta rõ cẩn thận. Anh lấy dưới yên một khúc dây da quấn quanh
bụng tôi rồi mắc hai đầu móc xích xuống đệm ghế. “Đây an toàn, bác ạ. Tha hồ
ngủ gật, có ngã cũng không văng ra được. ở bên Đức, bước lên xe là cài dây an
toàn, đội mũ bảo hộ, luật đi đường thế, không thì phải phạt ngay". Nhớ
rồi, tôi đã thấy bên thành phố Quảng Châu, chẳng biết khách ngồi đèo có buộc
dây an toàn thế này không, nhưng người lái, người đằng sau đều đội mũ bảo hộ,
nom như hai cái đầu con dế mèn tròn bóng. Tôi bằng lòng sự cẩn thận mà tôi nghĩ
nhân lên là có tính hiện đại, tính quốc tế của anh tài này.
Anh lái có vẻ vui
chuyện. “Tên cháu là Khế, khách quen gọi là Khế ôm. Bác vào đến đầu phố huyện
hỏi Khế ôm, trẻ con cũng chỉ nhà Khế ôm đúng ngay".
Tôi hỏi:
- Cháu đã sang Đức à?
- Bốn năm.
- Cháu ở tỉnh nào, Béc
Lin a?
- Không ạ, Lai Xích.
- Cháu ở quận nào dưới
Lai Xích?
Tôi buột miệng hỏi câu
ấy để làm gì. Anh lái có trả lời hay không, tôi không nghe. Đán, con trai tôi
đã ở Lai Xích, đã chết ở Lai Xích, tôi đã có lần tới Lai Xích, tôi vẫn nhớ địa
chỉ, cả số nhà, phố, quận...
Một lúc lâu, tôi không
nói được.
- Bác đã đến Lai Xích
rồi a?
- Chưa, cháu ạ.
Khế nói:
- Bác mà đến Lai Xích
thì bác phải mê. Nhà ga xe lửa mái lợp to bằng trăm cái chợ Bo mà cấm thấy một
cái rác. Tài chưa!
Tôi hỏi Khế chuyện khác.
- Đi bốn năm rồi về?
- Cháu chẳng thiết ở
đâu cả. Cháu sốt ruột về nhà. Mẹ thì già. Vợ còn con nhỏ. Hết hạn lao động mà
lại không còn nước dân chủ Đức nữa mới chán chứ. Cháu về thẳng. Khối đứa trốn ở
lại.
Đương khoái chuyện, Khế
kể:
- Tổ cháu có sáu đứa ở
lại, cả bọn con gái. Tìm việc bên ấy chẳng khó. Nhổ cỏ cũng ra cái ăn. Nhưng
chúng nó thích đi buôn. Chúng nó bảo đi buôn kiếm tiền nhanh.
- Buôn thế nào?
- Buôn đi bán lại vớ
vẩn ấy mà. Đứng đường bán thuốc lá, thấy công an thi lủi. Dễ ợt!
- Đầm với đìa, bác ơi!
Sẵn quá, bọn đầm lười như quỉ, chỉ nằm ườn bắt thằng bồ nuôi.
- Buồn cười nhỉ!
- Cơm nhà, cơm nhà,
cháu cứ là cơm nhà...
Khế cao hứng, ngêu ngao:
- Ta về ta tắm ao ta.
Dù yrong dù dục ao nhà vô tư, có phải không bác?
Xa xa, đã trông thấy
bóng đen những thanh sắt trên cống Trà Linh. Xóm Đồng kia rồi. Mặt cỏ vệ đê
cống Bắc phẳng mờ, đến gần nữa, hoa cỏ may trắng như hơi sương. Mỗi khi nghĩ
đến đồng quê, tôi lại cảm giác như thuở bé, mong mãi chưa thành người lớn, ký
ức dừng lại, xóm làng ở đâu cũng chẳng khác, mà khác cũng cứ nhớ ngày xưa thế.
Mấy nóc nhà lèo tèo và
cây đa chợ Thượng không còn. Một trường tiểu học, dãy nhà quây trong bốn phía
tường gạch quét vôi vàng. Trơ trọi không một bóng cây. Tôi nói:
- Đến nơi rồi. Tôi
xuống làng bên chân đê kia.
Khế hỏi:
- Làng bác ở đấy à? Bác
về quê chơi.
- Không, tôi thăm người
quen.
Rồi tôi dặn Khế:
- Tôi vào làng, nếu
chẳng gặp người quen thì tôi lại nhờ cháu cho về tỉnh ngay. Bằng như gặp được
thì ta tính sau. Có khi mai mới về cũng nên. Giá cháu cũng ở lại, mai đưa tôi
về thì vui quá.
Khế sốt sắng:
- Bác cho cháu đi cùng
xuống làng. Để xem thế nào.
Khế dắt xe đi với tôi.
Xóm Đồng ngay kia. Cái mà tôi nhận ra, ấy là mặt nước con sông nhỏ cong cong
quanh xóm. Còn những khoanh tre thì đã bị phát quang. Cái xóm trọc lốc, giống
nhiều nơi bây giờ. Có điều ngạc nhiên mà không lạ đối với tôi, ở nơi nước ngọt
nước lợ tít mù thế này mà các đầu xóm cắm biển cũng đánh số xóm l, xóm 3 như ở
Cầu Giấy, ở Nghĩa Đô đất Kẻ Chợ. Lổm nhổm bát úp cao thấp, không một mái lá,
một tường đất, nhà nhà mái bằng, nhà tầng, nhấp nhô tường xám xi măng. Vẫn lối
ấy vào xóm, nhưng đã mất hai bờ rào ô rô và những cây xương rồng, bụi duối, mà
so le trồi ra thụt vào những góc tường, ba người cùng đi thì đụng vai nhau.
Tôi bỡ ngỡ đôi chút khi
nhớ chỗ ấy là một cái ao. Bây giờ mọc lên nếp nhà hai tầng, dưới sân trên giại
bể có dàn trầu không, cồng sắt khoá. Tôi đương vào ngõ nhà ông Ngải mà cứ vừa
quen vừa lạ. Cái nhà vẫn trong kia, nhưng không vách đất mà tường lên vàng khè.
Đầu nhà trổ ra vườn chỗ áv đặt chõ nước đái, chúng tôi đã làm hố ủ phân xanh,
ngoài kia những cây chè khẳng khiu. Bây giờ xi măng trát phẳng, mất cả mấy cây
cau lùn đằng trước. Nhưng dòng sông vẫn thấp thoáng sau bờ rào búi hóp. Cái
chuôm thả vịt còn nhưng chỉ như vũng nước bên chân tường.
Trên bờ chuôm, lạ lùng
chưa, vẫn đám tre lép phờ phạc chết khô. Không phải, những cây tre vào mùa hanh
hao đều xơ xác vậy, búi tre đã bề thế ra thành một vòm tre hẳn hoi. Ô hay, ai
như ông Ngải. Như mấy chục năm nay, từ hôm ăn bữa thịt vịt rắn cắn rồi tôi lên
tỉnh. Có phải chỉ là một cảm tưởng, một mong mỏi eái bóng. Không, ông Ngải đấy,
ông Ngải tựa lưng vào bờ tre, hai chân duỗi. ống chân tóp như cái ống giang
ngày Tết chẻ lạt gói bánh chưng và nước da ông Ngải trời hanh nhờ nhờ mốc trắng.
Ngày trước, ông ngồi
búi tre thường cầm con dao chẻ lạt vót nan đan rổ rá, cái đăng, cái lờ. Khi này
ngồi im. Một bức tranh tĩnh vật: chân tường, mặt đất, một búi tre lưa thưa, một
ông lão không có tuổi, một chuôm nước cạn.
Pho tượng phật nhịn ăn
gày giơ xương trên chùa Tây Phương, đấy là ông Ngải. Cái nước da vẫn nhờn nhợt
như một ông Phan Khôi- nhận xét hay hay ngộ nghĩnh của Phùng Quán hãy còn đây.
ở nhà ông Ngải, tôi còn thấy cả chân tay, mình mẩy ông Ngải cũng bềnh bệch ít
bắt nắng. Ngày ấy và bây giờ, ông Ngải vẫn thế, ngót hay là hơn bốn mươi năm đã
qua, dễ thường ông Ngải có hàng trăm tuổi. Người Mông ở trên núi cao, nhiều cụ
không nhớ tuổi. Lắm cụ ở trong làng như ông Ngải cũng không nhớ, cứ thong dong
ngày trời tháng bụt mênh mông thế. May ra, có cụ bảo tao sinh năm con mèo, năm
con gà thì con cháu còn tính được. Ông Ngải da bọc xương, mặt trắng nhọt, lại
càng hệt ông Phan Khôi hơn. Ông Phan Khôi nằm trong đất từ 1959, cái năm lần
đầu tiên tôi ở Thái Ninh về. Không lẽ ông Ngải là ông Phan Khôi, ông Phan Khôi
dưới suối Vàng mới lên ngồi đây sao.
Nhẽ ra tôi cũng chẳng
rõ ông Phan Khôi mất bao giờ. Tôi mà biết cũng chẳng vì cơn cớ gì. Hồi ấy, nhà
tôi thuê ở đầu ngõ cuối đường Bà Triệu cửa sổ trông chếch ra phố chính. Buổi
sáng, chợt thấy đi qua ngoài đường một cái xe tang một ngựa phủ vải đen. Sau
xe, có mấy người khăn trắng bước theo. Tôi nhận ra có chị Hằng Phương. Chị Hằng
Phương là cháu gọi ông Phan Khôi bằng cậu. Tôi liên tưởng đoán chắc đám ma ông
Phan Khôi. Ông đã ngoài bảy mươi, ốm đã lâu, từ độ dọn lên ở gác trong một nhà
phố Thuốc Bắc. Ngày tháng chạp cuối năm âm u, đám ma lạnh lẽo ra ngoại ô ngoài
ngã tư chợ Mơ.
Tôi vốn thích đọc Phan
Khôi, dù vẫn biết đã nhiều năm ở cùng cư quan ông chẳng coi tôi là cái đinh.
Viết báo, tạp văn, ngòi
bút Phan Khôi sắc đọng, ngang như cua mà đọc lại chịu, như ăn gừng cay. Phó Chi
Ngô Tất Tố là phó lý, phó cối cãi nhau văng gạch vào mặt; Ngô Đức Kế, Phạm
Quỳnh thì chữ nghĩa trang trọng cân đối; Hoài Thanh là nhà thơ viết lý luận...
Đọc Phan Khôi ngang ngạnh vẫn muốn đọc.
Cái ông gia trưởng này
cũng không một bề, mà ông không nổi nóng khi tôi cãi với ông, có khi lại hăng
hái biện luận là khác. Ông khó hiểu mà dễ hiểu, vừa người lớn lại vừa chất
chưởng trẻ con. Vừa khờ lại cũng khoái được đưa lên mây. Ông không để mắt đến
tôi nhưng ông cũng hãi tôi chứ. Cũng như ông không biết tôi lắm lúc cũng cho
ông như con trẻ. Thật vui.
Ông ra tắm ngoài suối.
Hồi ấy anh Trần Ngọc Danh đã mất. Tố Hữu bảo lên đưa chị Thái Thị Liên về cơ
quan. Chị Liên với cháu Hà từ Quặng trên Chiêm Hoá xuôi sông Lô. Chị ở tạm với
chúng tôi trước khi sang công tác ở đoàn Văn Công bên kia sông. Chị đã học nhạc
ở Tiệp Khắc. Ông Phan Khôi chúa chùm tiếu lâm. Chị Liên cũng được một mũi. Suốt
ngày, cái gian nhà chỗ ông “con, cây, cục, cái này” cứ chốc lại om lên tiếng
cười. Ông Phan Khôi bước vào, lưng trần còm nhom, khăn mặt ướt vắt vai. Ông nói:
- Tư Mã Thiên mỗi khi
nhớ là đã bị thiến thì rùng mình, toát mồ hôi. Tôi bây giờ mà trông thấy đàn bà
được mắt thì có một luồng điện chạy suốt sống lưng. Ông kia bị người ta cắt,
còn tôi là đồ bỏ, điện toát ra ngoài.
Mọi người lại cười rầm
lên khi ông kết luận “Tôi cũng là cái xác thuốc hết thuốc. Võ Tắc Thiên vứt ra
vườn". ấy là lúc vui, nhưng cũng có lúc khác, tôi giở trò cật vấn ông. Tôi
hỏi:
- Cái năm 1945, ở Quảng
Nam, có phải ông suýt bị bắt rồi anh Hoàng Hữu Nam cứu ông ra Hà Nội?
- Anh là Việt Minh thì
anh phải biết việc ấy, hỏi tôi làm gì
- Tôi nghe nói.
Ông chừng mắt:
- Không biết thì đừng
mở miệng.
Tôi chỉ muốn hỏi ông.
- Thì hỏi nữa đi.
- Ra Hà Nội, ông đến 80
Quán Thánh ở với Nguyễn Tường Tam.
- Thì đến xem chúng nó
làm ăn thế nào.
- Ông bị bắt ở báo Việt
Nam, ông lại được bàu làm Trung ương Việt Nam quốc dân Đảng.
- Bao giờ chứ? Ai bảo
anh thế? Anh làm mật thám à?
- Tôi làm phóng viên
báo Cứu Quốc. Báo có đăng tin
Thế là tôi đã khơi được
nguồn cơn. Ông đăm đăm mắt rồi thở dài:
- Kể anh nghe. Anh nói
tôi mới biết, chớ tôi có họp hành với họ bao giờ. ở ít ngày, nhìn ra mặt thật
chúng nó. Chè chén, hám chức trong Chính phủ liên hiệp lắm, lại làm ra bộ. Cái
hôm bị bắt ở báo Việt Nam là tôi đã định đi, nhưng chưa tìm được chỗ ở. Tôi
mang tiếng là ghét con cháu, con cháu không ưa tôi tôi xung khắc không nhìn mặt
con cả tôi là Phan Thao. Không phải, không phải vì nó cộng sản, tôi không là
cộng sản. Tôi chỉ ghét sự nhờ vả con cháu. Cái hôm Phan Thao ở trong Nam ra,
trước khi nó đi nhận công tác, đã về đây ở với tôi cả tháng, anh biết đấy. Anh
có thấy cha con tôi cãi nhau không? Nói láo. ở trong kia ra, tôi đến Quan Thánh
còn vì lẽ nữa, tôi không muốn nhờ cậy Phan Bôi quá. Sau cái việc ở báo Việt
Nam, tôi về Cầu Giấy ở nhờ ông Tú Mỡ. Anh bảo nó cải tổ Quốc dân đảng tháng
mấy? Tôi đi khỏi đã lâu rồi.
- Ông về ở nhà ông Tú
Mỡ, ông làm bài ca dao “đốt nhà” tiêu thổ kháng chiến, ác lắm. Tôi không nhớ...
- Anh biết lắm thế! Tôi
nhớ tôi cũng không đọc cho anh nghe...
Ông Phan Khôi mất rồi,
mất lâu rồi, mà da dẻ như ông Phan Khôi nào vẫn ngồi tựa bụi tre lép kia.
Năm trước sang sân bay
Gia Lâm, tôi tiễn ông đi Trung Quốc dự kỷ niệm năm sinh Lỗ Tấn, máy bay ấy ghé
Côn Minh rồi mới lên Bắc Kinh. Cà vạt màu đỏ thậm dưới bộ râu lưa thưa. Tướng
ông giống một học giả Nhật Bản, vẻ phương đông mà hiện đại. Tri thức của ông
xứng đáng ra thế giới kỷ niệm Lỗ Tấn lắm chứ.
Lúc này thì tôi quên
những hoang dã ngang ngược của ông ở Việt Bắc, ông đau dạ dày phải mổ cấp cứu.
Thể lực đuối, lại trọng bệnh giữa rừng, ông không chết nhờ nơi bác sĩ Tôn Thất
Tùng trên Chiêm Hoá mới nhận được máu khô ngoại viện. Khi ông bình phục, chủ
tịch Hồ Chí Minh gửi mừng ông bộ quần áo lụa.
Hoạ vô đơn chí, ông
thường kể chuyện vui “trời đánh ông cũng không chết” là cũng có sự thực của nó.
Hồi ở Phú Thọ, đêm mưa sấm sét dữ dội, ông trông thấy một con sét hòn xanh lẹt
ngoằng giữa nhả. Mà ông không việc gì. Tôi nghe ông kể chuyện ấy, nhưng việc
này thì tôi chứng kiến. ở Tuyên Quang dự lớp chỉnh huấn, buổi sáng ông ngồi
trước lán. Một cành cổ thụ to như cột nhà gẫy rơi ngay trước hai chân ông duỗi
ra sưởi nắng. Rồi về Hà Nội, ông viết bài Ông năm Chuột.
Tôi cũng không gần ông
liền năm, tuổi tác lại chênh đến ngót ba con giáp. Tôi biết ông ương bướng, mà
cũng không phải chỉ thế, ông vốn trọng công việc. Khi đương tập kết ông được
mời vào khu 5 nói chuyện kháng chiến thắng lợi với đồng bào ở Bình Định, Quảng
Ngãi lúc ta chuyển quân ra Bắc. Ông đi ngay. Và mỗi khi tôi nhờ việc, nhờ viết
bài, ông làm đến nơi đến chốn. Tôi đã cậy ông so sánh các bản dịch tiểu thuyết
Mặt trời trên sông Tang Càn của Đinh Linh, ông soát và viết báo cáo nhận xét
cẩn thận, kỹ lưỡng.
Ông thích nói tiếu lâm
chọc cười, cũng như không biết giận, tưởng như ông cốt nói ngang hơn, to tiếng
vặc lại, chỉ vì ông không để bụng lâu. Chao ôi, không ương bướng thì đã không
phải là Phan Khôi, cái câu giễu “Lý luận Phan Khôi” mà các báo Phong Hoá, Ngày
Nay đã đặt cho ông chẳng đã thành tiếng thuở nào.
Tôi lại mơ màng rồi,
trông cái ông Ngải không biết chữ mà lại hoá ra học giả Phan Khôi một bồ chữ
sao được.
Ông Ngải ngồi như đống
đất, thế mà ông nghiêng tai, lối nghe của người ngễnh ngãng, ông đã đánh hơi
được có người đi tới.
- Ai thế?
Tôi gọi to.
- Ông Ngải!
- Ai...
- Cán bộ Tư chào...
Tôi chưa dứt câu, ông
Ngải đã run run gối đứng lên.
- Anh Tư đấy à?
Ông lão lại nghếch mặt
hỏi:
- Có anh Quán đấy phải
không?
Ông lão nghe rất thinh.
Khế cười ngặt nghẽo:
- Khế ôm đây, cụ tổ ạ.
- Anh Quán...
Tôi nói:
- Anh Quán mất rồi.
- ối sao thế?
- Giỗ đầu, giỗ hết rồi.
- Khốn khổ
Ông Ngải nắm cánh tay
áo tôi. Tôi đỡ ông ngồi xuống, lại tựa vào bờ tre. Ông Ngải bảo tôi, như ngày
trước, như mọi khi: “Anh ra vườn ngắt mấy cái lá chè". Rồi ông hỏi: “Anh
vẫn uống nước chè vò chứ?
Mảnh vườn chỉ còn một
luống đất. Không biết chỗ nào cái hố phân xanh ngày xưa. Nhưng tôi vẫn nhớ bài
học hái chè ông Ngải dạy. Bỏ lá già, tôi ngắt một ôm lá đương bỡi. Bên bờ tre,
Khế đã đun nồi nước.
Rồi Khế vò chè, luộc
chè, đổ nước cho ngấm. Như ở nhà chú và cả đất Thái Bình này đều biết món chè
vò.
Để ý kỹ, búi tre xác xơ
nhưng đã lan ra thành hũm vững chắc trông như trong cái hang có ổ mái lợp những
tàu cau, xung quanh táp phên vách, trên đặt một giát giường to hơn cái mâm
chõng, như túp nhà trẻ con dựng chơi đình chùa.
Tôi hỏi:
- Ông vẫn ngủ trong bụi
tre à?
Ông lão đương ủ hai bàn
tay xù xì trên mặt cái ấm vừa sưởi để xem chừng hơi nóng mà biết chè chín đến
đâu. Tôi hỏi lại rõ từng tiếng, ông Ngải mới à à ừ ừ: “Ngủ ngoài này chứ ở cái
nhà trong kia thì chết ngạt chẳng ra bộ gì. Thế các anh bây giờ...”. Tôi hiểu ý
ông Ngải hỏi anh em chúng tôi dạo ấy. Tôi kể: tổ trưởng Thông mất rồi, anh Chu
Ngọc đã được sang nước Tiệp Khắc ấy mà, cũng ốm chết rồi. Cả tổ còn anh Trần Lê
Văn, anh Hoàng Cầm và tôi. Ông Ngải trầm ngâm nhm ra rồi nói: “ ở ngoài tỉnh hại
người lắm. Anh Quán còn ít tuổi, khoẻ mạnh thế mà cũng đi rồi. Tội nghiệp, ở
tỉnh làm quái gì! ”
Trên cành tre tay tre
vẫn cái bát đàn, thêm chiếc ca nhôm, cả ống điếu cày treo lủng lẳng. Chắc vẫn
có người qua lại, ghé ngồi. Ông Ngải nói: “được", rồi bảo Khế rót nước
trong ấm đất ra bát.
- Người ta miếng giầu
làm đầu câu chuyện, tôi cả đời chỉ có miếng nước". Ông Ngải tưởng tôi vẫn
uống chè vò như ông.
Đã lâu, một lần tôi đi
Hà Tnh về làng có uống chè vò bây giờ mới lại được nhắp, nước nóng vào đến đâu
thấy chát ngọt lìm lịm đến đấy. Nhớ những tinh mơ ông Ngải dậy từ gà gáy uống
hết hai ấm vại chè vò mặc cả nhà ăn cơm đèn rồi ông xách cuốc ra ruộng, lòng
không dạ đói đến quá trưa mới về, đeo một giỏ ếch nhái, cá cua sau lưng. Trông
ông lão vẫn phảng phất đồng áng bờ bụi thế. Hai con mắt toét nhèm viền vải tây
điều đã sụp xuống ti hí. “Lúc nào tôi cũng thấy trời sắp tối, anh ạ".
Nhưng ông nhìn bằng tai, cái tai ông dở điếc mà vẫn nghe ra tiếng người, mấy
người và tiếng chó, tường lắm.
Ông Ngải đưa tôi vào
trong nhà. Tôi trông thấy trên giường thờ ảnh cu ốc, mặt trang nghiêm, đội mũ
cát sao vàng.
Ông Ngải nói:
- Cái thằng ốc lại mải
đi theo anh Quán tập dân quân rồi. Cả bà nó nhà tôi cũng đi chơi với nó. Mẹ con
nhà mày ạ, có anh Tư về chơi.
Tôi bấm Khế ra sân.
Tôi ở lại, sớm mai về.
Nếu cháu ở lại được...
- Để cháu xem.
- Bây giờ cháu lên trên
Cống mua thẻ hương, tìm đâu được con gà. Tôi cúng cậu ấy, cả bà cụ...
Khế nổ máy xe, đi ngay.
Tôi rút nén hương trên bàn thờ rồi lấy diêm châm cái đèn hoa kỳ. Tôi đã đến
nhiều nhà thấy trên bàn thờ ảnh và tryuền thần chân dung các chiến sĩ. Tôi cứ
tưởng như không phải người đã khuất. Anh ấy ốm đau gì đâu, cái ảnh lại trẻ đẹp
thế kia, ý nghĩ ngây dại thường trở lại trong tôi.
Nhà ông Ngải chỉ khác
cái mái bằng và tường xây để mộc, giường phản vẫn tuềnh toàng thế. Nhà kín
bưng, ẩm mốc. ở trong làng bây giờ cứ đua nhau nhà tầng, nhà gác, có người méo
mặt vì ganh nhau làm nhà.
Ông Ngải thắp nén hương
rồi lại lò dò ra ngồi bụi tre. Ông Ngải nói:
- Xóm này nhà ngói, mái
xi măng hết. Bữa ăn bữa nhịn, cũng lên nhà tây. Anh Quán mà về thì không kiếm
ra đất bức vách ủ phân.
- Thời buổi mới, đâu
cũng ăn nên làm ra, ông ạ. ối người đi vay lãi, bán lúa từ lúc vào đòng để làm
nhà. Chỉ khác ngày xưa lý trưởng, phó lý giầu có bây giờ chủ tịch, bí thư, xà
đội, dạo trước còn chân chủ nhiệm, kế toán nữa cũng trộm cắp mà nên giàu có cả.
à anh biết chủ nhiệm Sự...
- Ông ghét ngói hoá, bê
tông hoá nên ra nằm đây.
- Có mà hoá điên hoá
rồ. Hồi còn thằng Tây tôi đã sợ cái hầrn lô cốt. Tôi không chịu được ở nhà hầm,
tôi mà ở trong nhà hầm ấy thì tôi chết đã lâu.
- Sao ạ?
- Suốt ngày nắng nung
sân xi măng, mái xi măng, đêm vẫn oi như trong chảo rang. Tôi làm thằng kéo vó,
ra đây chui vào cái lều vó cạn. Chẳng nắng gió nào động được lông chân. Chân mễ
tôi kê cao cho con hổ mang, hổ lửa lấy đường đi, tôi nằm trên. Chỉ có thằng rắn
ráo thì đợi nó leo lên, tôi tóm cổ. Thịt rắn ráo ngon hơn thịt gà. Anh chưa
được ăn nhỉ?
Tôi rụt rè hỏi về ốc.
Nhưng ông Ngải nói như đương chuyện với ma:
Nó tập bắn súng gỗ với
anh Quán. Rồi đến dạo ngày đêm máy bay ngoài bể vào, bay ngang mặt đê.
Đến mùa nước có đứa đồn
máy bay Mỹ sắp phá đê cho cả tỉnh chết đuối. Các làng lên đê đặt ụ súng bắn cho
nó không dám xuống thấp, bắn súng thật.
Cả đêm cũng đòm đòm.
ấy thế mà thời buổi tàu
bay tàu bò lại kiếm ăn được. Chuyện này cô Hến về đã kể cho nghe. Chặp tối, đàn
máy bay chúng nó đi ném bom về qua ném xuống hàng trăm cái vỏ thùng hết dầu.
Đầu tiên tưởng nó ném xăng đốt làng. Ra xem mới biết cái thùng rỗng, thế là vớ
bở. Thôi thì làm nồi, lảm vại, làm thùng, làm muôi, bán đồng nát, bán cân cho nhà
mậu giũa làm lược, làm hình máy bay đồ trẻ con chơi...
Thanh niên ca cẩm: ngày
nào cũng bắn mà cấm nhặt được thằng Mỹ nào. Rồi có đợt tuyển quân.
Thế là đi, ốc cũng
theo. Nhà con một, xã cho miễn. Nhưng ốc bảo làm tiểu đội trưởng dân quân thì
phải đi với quân, đi ít lâu xem sao rồi về thôi mà. Được một năm rưỡi, giữa
tháng tám nhận được giấy báo hy sinh ở mặt trận phía Nam. Một năm sau thì mẹ
cũng mất.
Cô Hến kể:
- Bố em bảo thôi thì
nằm xuống ở đâu cũng là nằm. Bố em hãi cả ai nhắc đến, bố em sợ nghe ai nói
thương binh liệt sĩ. Nhưng chúng em không yên lòng. Giải phóng rồi, nhà em đi
tìm mộ. Đeo một tay nải thẻ hương, tối nào cũng thắp một nén khấn, rồi c thế
đi. Run rủi thế nào lên núi Trường Sơn đến khu mộ liệt sĩ Thái Bình có hơn một
nghìn ngôi đã bốc về đấy. Dò hết một ngày, tàn nén hương thì gặp mộ anh, rõ
ràng cả quê quán, cả tên ở nhà, tên lúc đi bộ đội. Nhà em đã lấy giấy rập khuôn
đá bia đem về tạc hệt cái bia ở núi Trường Sơn trong kia.
Trên bàn thờ, sau tấm
ảnh ốc, một tấm đá bia khắc dòng chữ: Liệt sĩ Kiên Cường tức Lại Văn ốc hy sinh
ngày...
Ngày trước, có lần ông
Ngải đã kể như tâm sự với tôi ông vào hợp tác sớm vì ông tin ở Chính Phủ, con
ông lớn lên trông vào hợp tác, chứ vợ chồng già rồi chết rồi, con cái biết nhờ
cậy ai. Nhưng bây giờ ông Ngải không nói chuyện ốc, có nói thì cứ như ốc vẫn
đứng đâu đấy trong nhà.
Tiếng xe máy xè xè
ngoài đê. Khế về. Con gà trống, thẻ hương buộc trên túi trước tay lái. Tôi bảo
Khế:
- Bây giờ cháu về...
Khế nói:
- Cháu ở lại với bác.
- Nhà mong thì sao?
Cháu đã vào uỷ ban gọi
nhờ điện thoại, nhà cháu yên chí rồi.
Ông Ngải bỗng nói góp:
- Xã này có điện mồm
rồi, chưa có điện đèn. Chỉ nghe nói mà tôi đã ghê cái điện đèn. Thấy bảo có nơi
mắc điện bẫy chuột bãy cá, điện chạy sang người giật chết nhiều người lắm.
Khế đã nhanh nhẹn bắc
bếp ngoài bờ ao đun nước làm gà. Tôi vào đặt thẻ hương lên giường thờ, thắp nén
hương mới. Ông Ngải lại đã ngồi ngoài búi tre.
Cả ngày ông quanh quẩn
đấy. Ông đem ra cái áo bộ đội- chắc áo của ốc để nhà, ông mặc thêm vào.
Trời chiều đã se lạnh.
Tôi đỡ ông xỏ tay áo, lộ mảng xương sườn gồ ghề. Bao nhiêu năm rồi, ông Ngải
ngồi bên búi tre lép, ngày ngày mọi việc trôi qua như dòng sông quanh ngoài
chân tre. Tôi cũng đã móm mất cả một hàm răng rồi mà ơ hay, ông lão vẫn còn
răng cửa như ngày trước, buổi chiều vàng mùa lúa, mùi rơm mùi thóc mới, con
trâu kéo đá. Không biết có còn cái sân trâu kéo đá không. Nhưng vẫn đây, cái
búi tre cổ thụ búi tre thấp lè tè đốt thẳng không gai, búi tre trâu cọ lưng
nhẵn thín trông ra miếng ruộng xuống bờ sông, bàn tay ông Ngải đã cuốc nên.
Cũng đồng đất ấy, nhưng chẳng ai nhắc đến thời hợp tác xã. Người đòi hay tránh
cái đau, cái hèn kém cả đến trong ăn nói cũng kiêng những tiếng thô, tiếng bỗ
bã.
Một con trâu vào xóm.
Đường ngõ vướng tường và nhà cao, chân trâu bước âm âm rời rạc như tiếng chày
giã bèo. Rồi ló ra con trâu đi, một bé cưỡi trâu, một người đàn bà vai vác như
cái sào, như cây mía, một bé quảy gánh cỏ rảo bước như chạy. Ông Ngải không
nhìn ra, nhưng nói:
- Mẹ con nhà nó.
Nói rồi ông ngước mặt:
- Anh Tư về chơi, mẹ
Hến à!
Cô Hến ngả nón. Cô Hến
chỉ bé sắt người lại còn thì vẫn như trước, cứ hao hao mà không khác mấy.
- Anh mới về. Mấy chục
năm rồi...
- Năm nay cô bao nhiêu
tuổi, cứ trừ đi khoảng mười lăm năm thì là bấy nhiêu lâu.
- Tính làm gì cho già
người. Trông anh vẫn thế, bố em mà không gọi tên. em vẫn nhận ra.
- Cô với cháu đi làm
đồng về. Thằng bé cưỡi trâu này ngày trước nằm võng phải không?
- Em vào trong xóm mua
chuối.
- Có lần tôi đi với vợ
chồng cô khiêng buồng chuối xuống chợ Diêm.
- Anh nhớ dai quá.
Nhưng bây giờ không khó nhọc thế nữa. Em đi các nhà có chuối, được giá thì mua
để đấy Đến hẹn có xe công nông về chở xuống Diêm.
Mà cũng không phải bán
chợ, đem xuống tàu hết. Làm sao mà các nước người ta ăn chuối xanh khoẻ thật
lực bao nhiêu cũng bỏ vào tàu tải đi bằng hết.
- Thế thì cô là lái
chuối.
- Lèo lái chẳng ra sao,
có điều cũng đỡ vất. Nhưng thừa người lại thiếu việc. Không còn gian dối như
cái hồi hợp tác năm xưa cứ bầy việc ra để gãi công điểm.
Tôi hỏi:
- Anh Toàn nhà cô đâu?
- Đấy thừa người thiếu
việc là cái tích ấy. Nhà em đi bộ đội về, cả nhà em với ông, bác ốc liệt sĩ vẫn
được tính, có mấy sào mẫu ruộng, con trâu với cái máy đập thuê nó nuốt sạch
việc, nửa năm làm nửa năm chơi nhong nhóng. Báo cáo với anh, nhà em lên Hà Nội
làm xế lô. Có khi anh gặp mà không nhận ra thôi. Đến mùa thì về đỡ đần việc
nhà. Cày cuốc ra hạt gạo, thì đồng tiền lại hiếm Chẳng đạp cái xế lô thì đào
đâu ra tiền làm nhà, trát sân, lại tiêu pha cho các cháu đi học. Thằng nhớn
cũng thôi học rồi, chưa đến tuổi tuyển quân, đương đòi xuống Diêm làm cửu vạn,
dưới ấy bây giờ còn vui hơn Hà Nội. Cả làng, cả vùng kéo ra Diêm bốc vác, có
nguời sắm xe máy chuyển hàng cho nhanh. Để nhà em về, chuyến này chúng em tính.
Có khi nhà em cũng về làm dưới Diêm cho gần gũi cửa nhà, anh nhỉ?
Cô Hến lại kể:
- Nhà em bảo em lên ở
Hà Nội. Giàu có nhà quê không bằng ngồi lê Kẻ Chợ, vẫn đồn thế mà. Người hèn
đớn cũng kiếm được, không mất bữa. Gánh đồng nát mà lãi quan viên. Nhà em bảo
thế, em cũng đã lên xem sao.
Rồi cô Hến cười rúm mặt
lại:
- Chưa nổi phiên chợ em
phải nhảo về. Kệch đến ngày xuống lỗ
- Thủ đô đấy, mà cô chê
a?
- Mỗi tối thuê cái
chiếu nằm gầm cầu, có tiền bạc của nả thì gối đầu, giắt lên ngực. Bốn bên lủng
củng người nằm, nói anh bỏ lỗi, nó đéo nhau huỳnh huỵch rồi lại chửi nhau, quát
nhau to tiếng hơn ô tô chạy ngoài đường. Cả đêm không tải nào chợp mắt, ăn cơm
lại oẹ ra, ốm đến nơi. Thế là cút ngay. Thuê kẹo em cũng không bao giờ dám lên
Hà Nội nữa.
- Anh ấy ở Hà Nội cả
năm, cả tháng thì sao!
- Có cái chiếu nằm tơ
hơ không màn mùng, muỗi như chấu. Em bảo cho nhà em ở trên ấy tha hồ vơ váo con
nào cũng được. Nói ra nặng thế chứ nhà em hiền lành, vài ba tháng lại đem tiền
về, cả quần áo các con cũng lo tươm tất. Tội nghiệp, anh Quán còn trẻ, khéo chỉ
bằng tuổi nhà em, thế mà đã mất, ốm thế nào ạ?
- Sau này chú ấy để
râu, lọm khọm lắm.
- Để râu thì để râu,
trẻ thì vẫn trẻ chứ.
ở sân sau, con trâu
giẫm đứt cái mành mành che chuồng xí, hai con cô Hến hí hoáy buộc lại, xong rồi
ra xúm quanh anh Khế ôm. Khế đã nhanh lại khéo tay. Khế làm gà, cô Hến vo lẻ
gạo nấu cơm nếp. Đun bếp lá tre, một mình Khế tay dao tay thớt làm cả.
Tôi khen thì Khế bảo: “
ở bên Tây cháu cũng chân bếp núc, những thằng lười đi làm về thuê mình làm.
Cũng kiếm thêm tí ti".
Ông Ngải bước vào trong
nhà. Mới biết lúc nãy ông mặc thêm cái áo bộ đội không phải vì chiều gió heo mà
ông mặc áo cho tề chỉnh. Ông lấy thẻ hương, rút hai nén cắm lên bình rồi vái,
lẩm nhẩm khấn, lại nói như nhắn:
- Anh Tư về chơi, có
mâm cơm cúng. Mẹ con nhà mày về ăn với cả nhà.
Mọi người đã vào mâm.
Ông Ngải ngồi tựa lưng vào tường, nhìn ơ hờ. Cô Hến nói: “Ông em dạo này có
chứng nghẹn, mắt lại kém, cứ vừa ăn vừa thở, lâu mới xong bữa". Ông Ngải
cầm đũa. Ông và miếng cơm, nhai mãi. Quả là ông hay nghẹn. Cô Hến đã mua về một
lẻ rượu. Ông Ngải vẫn không rượu như ngày trước.
Còn tôi, đụng đến rượu
thì phải có sự thế nào, chẳng vui cũng chẳng cơn cớ gì mà uống, tôi và Khế cũng
chỉ đểnh đoảng một chén. ánh cái đèn phao treo sáng cả gian nhà, bữa chén buồn
buồn.
Ông Ngải nói:
- Có anh về tôi vui
không biết nói thế nào cho hết, không ăn được mà cái lưng không cho ngồi lâu.
Hai ông cháu cứ cơm rượu tự nhiên, tôi phải đi ngả lưng.
Sang canh tôi dậy nấu
nước thì anh ra uống với tôi.
Ngày trước hôm nào anh
cũng uống chè sớm. Rồi anh có nghiện không? ừ mà rượu Tây rượu Tàu, chứ nghiện
đâu cái nước chè nhà quê!
Cô Hến nói:
- Đêm nay giở gió, ông
không được ra ngoài bụi. Mà nhà có khách, ai lại nằm bờ ao. Ông em lẩn thẩn
lắm, cứ bảo ra ngoài ấy dễ ngủ.
Ông Ngải nói:
- Hay là bố con anh ra
với tôi. Cái lá chuối khô, ấm hơn chăn bông.
Cô Hến lại bảo ông Ngải:
Cháu nó giải lá chuối
phản trong nhà rồi. Cả chỗ nằm cho hai ông con anh Tư.
Ông Ngải ngồi im rồi
đứng dậy, nhưng ông không ra búi tre mà sang cái phản bên. ổ lá chuối khô hai
thằng cháu đã ôm vào từ lúc nào.
Tôi nói:
- Ông Ngải này!
Ông Ngải sột soạt cựa
quậy trong ổ lá. Tôi ghé xuống:
Có cái quà biếu ông.
Ông có nhớ hôm tôi buộc cọc dây galen lên cây cau ông nghe galen nói eo éo, cái
này còn hơn galen nhiều.
- à!
Tôi lấy trong ba lô ra
chiếc đài National bằng bàn tay chạy điện chạy pin đều được, mà nhà văn Nhật
Ôta đã cho tôi hôm chia tay ở Đacgiơlinh. Tôi cũng dùng từ ngày ấy, cái đài vẫn
tốt. Từ lúc Ôta cho đài, không hiểu liên tưởng thế nào tôi đã nghĩ có thể rồi
một ngày tôi đem về biếu ông Ngải. Xuống đây, cũng có phần trong ngụ ý việc vui
ấy.
Ông Ngải nghiêng đầu
lên. Tôi nói thong thả lại câu vừa rồi và giơ cái đài. Ông Ngải lắc đầu.
- Tôi không... tôi quên
cả rồi.
Cô Hến nói:
- Ngày trước ông cháu
mê galen nghe suốt đêm. Sau có cái đài chạy pin, rồi ông cháu đem bổ đài ra bóc
vỏ làm đóm.
Khế hỏi ngơ ngẩn:
- Lạ nhỉ, đài hát vui
lắm.
Cô Hến rầu rầu:
- Cứ nhở nghe nói đến
thương binh liệt sĩ ông cháu tắt đài ngay. Ông cháu sợ.
Có một bóng người lù lủ
dật dờ vàò. Tiếng thều thào:
- Anh Tư về chơi, còn
nhớ tôi không? Sự, thằng Sự đây mà...
Tôi reo lên:
- Anh Sự! Quên thế nào
được. Mạnh khoẻ chứ. Định sáng mai sang anh.
- Không mạnh, cũng
không khoẻ. Sang tôi nhé.
Sự ngồi ghé vào ánh
đèn. Trông rõ một bộ xương run run ngồi. Chưa thấy người nào gầy vêu vao nhường
này. Tôi hỏi nửa thật nửa đùa:
- Lo nghĩ sao mà rạc cả
người thế? Chị ấy với các cháu thế nào?
- Tôi phải cái chứng
ho, ho bệnh anh ạ. Trông anh cũng già, chúng mình già cả rồi. Chóng quá Thôi đã
khuya, anh đi nghỉ chả mệt. Mời anh sáng mai, anh với cậu này sang bên tôi rượu
cháo lòng. Ông Ngải nữa, mời ông. Ngoài đầu xóm có nhà mổ lợn lòng sốt ăn được.
Không đọi tôi trả lời,
Sự lại lù đù về. Bước lẩy bẩy mà cái cách ăn nói “dứt điểm” vẫn nóng như lửa.
Cô Hến nói:
- Không phái bác ấy ốm,
mà bác ấy nghiện đấy.
- Nghiện cái gì?
- Thuốc phiện ạ, nặng
lắm. Bác gái thấy để ở ngoài Diêm không tiện vì khách khứa, buôn bán ra vào. Mà
nghiện ngập thì ở làng nước còn thông cảm chứ ngoài Diêm người ta bắt đi cai
rồi.
- Nhà bác Sự ra ở Diêm
rồi sao?
Cô Hến kêu lên:
- ấy chết, từ nãy quên
kể, nhà bác Sự bây giờ giàu nhất vùng chứ lại chả nhất làng. Bác gái với cái
Soi, đảm lắm. Hai mẹ con buôn hàng tàu đỗ ở ngoài bể. Mối lái các nơi về cất
hàng lúc nào cũng đầy nhà khảch. Đủ thứ, xe máy, đồng hồ, tủ lạnh, buôn cả người
nữa. Nhà em mà bỏ xế lô cũng phải ra xin việc nhà ấy. Con Soi diện mốt ăn đứt
gái Hà Nội kia. Sáng mai anh sang chơi, bác Sự tốt bụng mời thật đấy. Nhà trong
này cũng sang hơn cả nhà chủ tịch. Điện thoại nói chuyện bắt vào tận tai, sướng
chưa!
Nhưng rồi cô Hến chép
miệng:
- Nứt đố nổ vách thế mà
con cái hỏng ráo. Hai thằng con trai thì ngồi ăn cơm nhà đá. Còn cái Soi ra
ngoài tàu ngủ với trăm thằng, cả mẹ nó...
- Già mõ ra rồi.
- Bà lão cũng chẳng tha
thằng nào. Có thế mới giàu như điên.
Tôi tặc lưỡi:
- Những nhà có của ở
đâu cũng thế.
Trong ổ lá chuối, ông
Ngải đã nằm im từ lâu. Ông vẫn quen ngủ sớm hay là ông trằn trọc trong im lặng.
Khuya rồi, tôi quá giấc
cũng không chợp mắt được. Quả nhiên, ông Ngải đã ra ngồi uống nước từ lúc gà
chưa gáy. Mọi thứ chè vò, ấm bát các cháu đã sắp sẵn. Thói quen đã khoẻ hơn cả
nỗi già nua. Ông Ngải vẫn một mình một bóng in trên vách. Tôi ra với ông lại
bởi không ngủ được. Đã lâu mới lại được nếm cái vị chè vò chát mà đậm giọng.
Ngày trước thì ông đã chuyện ran rỉ, nhưng bây giờ chỉ lặng im.
Nhà anh Sự khang trang
thật, không còn lù lù đống cây rơm ở góc sân. Năm gian mái ngói âm dương, sân
lát gạch hoa từ thềm ra tận bờ ao, cổng xây hai cột trụ như cổng đình. Tôi đã
nhắc là hôm qua anh Sự mời ông Ngải sang ăn sáng. Ông lắc đầu “Cả đời có ăn
sáng bao giờ. Anh biết đấy. Anh kiếu hộ tôi".
Trong nhà, gian giữa,
bộ ghế xa lông bóng cánh gián. Trên mặt tủ chè, đặt chiếc choé đồng sáng
nhoáng. Gian bên trống hốc, mọi cái sang trọng lẫn với lạnh lẽo, tựa như cái
nhà không người. Lạ là trông thấy máy điện thoại kia, nhưng không thấy đài,
vắng tiếng nói tiếng hát rộn rã mà các nhà hợm của hay mở cả ngày. Có lẽ bởi
người nghiện sợ tiếng ồn. Trên cái sập gụ; Sự quấn chăn chùm đầu, đương hi hoáy
nạo sái. Anh đẩy cái gối, mời tôi nằm bên chiếu. Đã lâu mới lại trông thấy cái
bàn đèn kiểu cách cấu kỳ. Năm mới giải phóng, vào Sài Gòn, Điều rủ tôi đi tiệm
hút ở chợ Cũ. Tôi đã toan đi, rồi lại thôi, bởi vì nhớ có lần Nguyễn Tuân đem
ra Hà Nội cái gối đầu lấy ở một tiệm hút, vẫn cái gối sành trắng hếu, rỗng
ruột, trong nhét cái giẻ lau đen xỉn, trước kia đã thấy những cái gối lạnh rợn
mắt này trong tiệm hút chui rúc ở Hà Nội, ở Chợ Lớn, ngõ Sầm Công cũng như
đường Cây Mai, tôi ghê ghê lợm giọng.
Rồi ông Nguyễn cũng vứt
cái gối ấy ngoài hiên, chỗ chai lọ đồng nát. Dẫu ở nhà ông Hy Chả Cá, cái bàn
đèn riêng gọn ghẽ, rồi lên vùng cao, chiếc dọc tẩu làm bằng đốt hóp đá, tôi
cũng không để ý, nhưng bàn đèn của Sự thì chưa được thấy ở đâu. Chiếc khay gỗ
đen tuyền, chụp đèn pha lê xanh nhạt, cái dọc tẩu khảm trai lấp lánh, những cái
tiêm, cái nạo, cái khoe bằng kền bằng bạc nhoang nhoáng. Các thứ đồ lề của làng
bẹp khác mắt này chắc phải chuốc tận các tổ hút lò hút bên Ma Cao, Hồng Kông
mới có được
Tôi bảo Sự:
- Để tôi tiêm cho.
Sự cười, miệng mếu nhợt
nhạt như rách ra.
- Anh cũng biết tiêm
thuốc a?
Thật tôi cũng chỉ trông
người ta tiêm, thấy chẳng phức tạp gì. Tôi hơ thuốc rồi vê lại, nghiêng vào
ngọn đèn vun thành cục nướng xèo xèo bên lỗ nhĩ rồi đưa miệng dọc tẩu sang cho Sự.
Sự nói:
- Mời anh hút trước.
- Vui với anh thôi, tôi
không hút.
Cũng không ép tôi thêm,
Sự gò lưng đến rụt cổ, cong hai vai kéo điếu thuốc rồi ngồi lên, chiêu ngụm
nước hãm bát nước chè vò đặc sánh.- “Anh tiêm được đấy. Biết tiêm mà không hút,
ừ, tôi phải học anh, nhưng tôi đắm đuối quá rồi, anh ạ. Sáng ngày ra tôi kéo
sáu điếu cả thuốc cả sái mới mở được mắt. Tôi đã bảo cả rồi, các thứ ăn uống
đều làm bên kia, sắp mang sang.”
Tôi hỏi Sự về những
người, những việc tôi còn nhớ. Tôi không động câu nào về nhà anh. Nguồn cơn
buôn bán giàu có; tại sao vướng vào vòng nghiện ngập; anh có còn là đảng viên
không. Tôi e Sự khó nói hay là tôi ngại. Có lẽ cả hai.
- Ông Dũng trong làng
hồi này thế nảo?
- Ra tỉnh mở hàng cơm
một dạo. Chết đã lâu rồi.
- Lại thắt cổ à?
- ốm bệnh già thôi.
- Cậu Quốc...
- Đại uý Quốc. Rồi cậu
ấy đi bộ đội thiết giáp. Xe tăng vào chiếm dinh Độc Lập đấy.
Nói câu ấy, Sự nhô vai,
cổ nổi gân đũa, hăng lên như khoe chiến công của mình.
- Bây giờ làm hội Cựu
chiến binh, chủ tịch xã kiêm bí thư đảng uỷ...
Chỉ hỏi qua loa mà ra
bao nhiêu chuyện và đời người khác nhau. Nếu ở lại đây vài hôm, vào trong làng,
gặp lại những cô Dăm, cô Vĩnh thì chắc đêm nào cũng còn mất ngủ nữa.
Tôi nhận ra Sự nói vẫn
sang sảng, anh Sự bẹp tai mà làm như vẻ ta đây. Tôi không hào hứng chuyện đồng
ruộng và làng xóm, tôi hỏi chuyện khác.
Nghe ngoài Diêm đương
xây cảng lớn, tàu nghìn tấn vào được. Anh có hay xuống Diêm chơi không?
Sự chau mặt:
- Không! Xuống làm chó
gì!
Một cô bé quảy một gánh
hai cái thúng con con bước vào. Một bên nồi cháo đương sôi bốc trắng kẽ vung,
bắc trên cái bếp dầu vặn nhỏ lửa. Quang bên kia, cái mâm đậy lồng bàn- “Mày
giái chiếu rời dọn ra". Đã gọn gàng cả, hai đĩa to đủ cả lòng, dồi gan, cổ
hũ... Cái rổ con xếp mở húng chó, mùi tàu, quả chanh và mấy quả ớt chín vàng
bên bát mắm tôm. Chai rượu trắng đã đặt đầu mâm với đũa bát tình tươm. Con bé
không phải người nhà hàng, nó được thuê cơm nước hầu ông bẹp Sự.
Tiếng xe máy xình xịch
vào đầu xóm.
Sự lẩm bẩm, không nhìn
ra.
- Mẹ con nó về. Tôi đã
điện thoại bảo có anh sáng nay sang chơi.
Vào trong ngõ, một cái
đrim màu mận chồm thẳng qua bậc cổng. Người đàn bà cưỡi ghì như hiếp cái xe. Cứ
như những chuyện cô Hến nói thì tôi đoán nó là cái Soi, chứ làm sao tôi nhận ra
con bé ngày trước đứng ơ mặt nhìn nghe cái galen ở nhà ông Ngải và con bé xúc
thóc trộm hợp tác, mấy mẹ con suýt đánh nhau với bố. Nó đã cứng tuồi, nhưng ăn
mặc như trẻ trung đương thì. Một cô “tiếp thị” đúng mốt, áo thụng tám túi, đeo
cái túi xách hai ngăn. Tóc cắt vét tém, bôi son môi, quầng mắt xanh, váy bò cỡn
trên đầu gối, thừa ra nửa bắp chân trên đôi giày da nâu đế cao. Đằng sau, ngồi
một bà béo ục ịch, chắc mụ Sự đây. Mụ cũng sấy tóc cũn, quần phăng đen, sơ mi
hồng dài tay, mặt bự phấn, cổ đeo dây chuyền vàng to như cái xích mèo. Nước hoa
đã phả vào nhà thơm sực nức.
Hai mẹ con bước vào,
như không trông thấy bố Sự ngồi đấy. Tiếng cười khành khạch và một câu chào
hàng:
- ối kìa anh Tư. Vẫn
thế, trẻ ra đấy.
- Tôi không nhận được
chị.
- Cái thời mỡ màng theo
con gà ngày mùa nhặt thóc đã đút bếp rồi, anh ơi!
Mụ hỏi:
- Xe anh để đâu, ngoài
đình à? Khéo nó tháo mất..
- Để bên ông Ngải. Các
cháu nhà cô Hến cẩn thận, đã chằng cả cuộn chão vào hai bánh. Chú lái của tôi
đây.
Tưởng cái ô tô hóa ra
cái xe ôm, thế là mọi chuyện đểnh đoảng dần rồi nhạt thếch. Cái Soi ngồi bên sa
lông, chốc lại vóng sang giục mẹ: “Nhanh lên! Nhanh lên! ”, chẳng giữ ý khách
lạ. Mụ Sự cũng không để mắt đến mâm cháo. Có lẽ vì tôi và mụ câu chuyện chẳng
còn ăn nhập gì. Mụ nói: ” Sáng nay khách tôi ngoài tàu hẹn. Có thong thả thì
mời anh ra Diêm chơi". Rồi cười rung má, đá mắt nhìn Khế ôm. Mụ nói lửng,
ỡm ở không vẻ mời mọc, hiểu sao thì hiểu.
ấy thế mới là đời bây
giờ. Tôi nghĩ chua chát. “Thằng Sự còn mấy hơi mà chặt cổ thằng nào nữa, chuyện
cổ tích lắm lắm rồi".
Cái Soi vùng vằng cứ ra
nổ máy xe. Tôi không thể còn đầu mối nào chắp được chuyện những cái cô Dăm, chị
Sự, cô Vĩnh năm xưa nói “chúng em như con gà, ngày mùa thì gà béo” với mụ Sự bự
rự son phấn này. Đến lúc tôi trông thấy mụ ngồi, đôi dép đặt lên cái vấu sau
xe, chỗ gót chân mụ còn hằn vết sẹo khía đen nẻ miếng thì tôi gật gù khoan
khoái như đã được an ủi là tìm ra cái dấu nối rồi.
Sự ngồi yên, hai con
mắt như lồi ra. Khi tiếng xe đã lên trên đê, Sự văng một câu dõng dạc:
- Đồ đĩ rạc!
Sức lực gân cổ Sự dồn
cả vào câu chửi sau lưng ấy. Rồi rót rượu, nói:
- Mời anh nhắm tự
nhiên. Nồi cháo sôi cạn cả.
Bữa chén cụt hứng, đâm
loãng hẳn.
Tôi về, ông Ngải đã ra
ngồi bên búi tre lép đan rỏ. Hai thằng cu nhà Hến đã đi kéo riu tép. Con trâu
lên trên mặt đê gặm cỏ. Rỗi rãi, trâu được thả đi ăn từ sớm. Xóm làng bày ra
những trái ngược, nhưng cũng dễ cắt nghĩa. Chỉ không biết rồi mai kia sẽ thế
nào.
Tiếng gọi nghé văng
vẳng trong cánh đồng.
Nghé ơi... nghé ơ...
Chân đi thon thót
Vọt chẳng bén lưng
Bé ăn chơi dưng
Lớn phải đi cày
Đi cho đến bờ đẽo lại
Đập rợ vào lưng, là vặt
bước vào
Đi cho thẳng đườig cày,
cho ngay đường bừa
Chân đi tai nghe, dạ
nhớ lâý
Chớ đi quàng, phải đòn
Nghé ơ...
Bốn phía phẳng lặng
đồng không. Chẳng trông thấy ai gọi nghé. Chỉ là tai tôi phảng phất tưởng nhớ
mà thôi.
Chương
XXII
Đường về tỉnh, bây giờ
mới để ý xe của Khế len lỏi giữa những xe máy, xe tải xuôi ngược, che đậy bịt
bùng. Chốc cái bạt lại tốc lên. Những tủ lạnh, quạt điện, máy khâu, các máy móc
gì nữa, quần áo vải len sặc sỡ. Thấy nói ngoài khơi biển Diêm Điền có một cái
chợ trời, tàu các nước chở hàng lậu đến đậu từng đám. Hàng trăm thuyền ra rút
hàng suốt đêm.
Cái năm tôi qua thành
phố Đaét Salam nước Tandania, trên vỉa hè người đứng bán từng đống xống áo cũ,
hết mốt. Tôi về đã viết một bài báo chễ riễu châu âu đương mở mang công nghiệp
tống phế thải sang thị trường châu á, châu Phi. Nhưng ở Việt Nam không thèm
những cái bần mắt ấy. Bây giờ thì những cái bẩn mắt ấy tràn khắp chợ thì quê
ta.
Viết đến đây, tôi vẫn
đương ở Đà Lạt. Tháng chín, thành phố cao nguyên mưa và lạnh. Tôi không đem
theo áo ấm, cháu My xuống chợ mua cho ông cái áo bludông vải xám có dọc kẻ đen
như áo tù. Tôi đương mặc cái áo ấm cu người mới ta ấy và ngồi viết. ở đây nhiều
người đã phất lên, cũng như mụ Sự kia béo mầm chỉ nhờ những cái ôi thối của
thiên hạ. Lại những tình cờ, phải chăng. Những sa sút của Sự, ngày tàn tạ của
Vêrônica, cái chết của Madari, bước đường phiêu bạt không thể định trước của
Platôn Thành, ông Ngải vẫn ngồi ở búi tre lép, không biết đến bao giờ.
Đường tấp nập đông, khi
trở về bao giờ cũng ngỡ như nhanh hơn. Chẳng mấy lúc đã qua phố huyện.
Khế tự dưng hỏi tôi-
câu hỏi như kết luận những quan sát của Khế từ hôm qua.
Bác là nhà báo à?
- Ừ
- Nhà cháu ngày trước
cũng có người đăng báo, bác biết không?
- Tôi biết thế nào
được!
- Bài báo Bà ký Đường
ấy mà!
Tôi giật mình, nhúc
nhích cả sợi dây chằng ngang lưng. Cái truyện ngắn của Nguyễn Khắc Mẫn đăng báo
Ngày Nay, một chuyện có thật. Tác giả đã đi hát ả đào phố huyện Vũ Tiên đầu
tỉnh. Nhà hát bà ký Đường được tiếng không phải vì sang, vì người đẹp hát hay
mà vì nó không giống kiểu các nhà hát khác.
Ông ký làm sư lục lộ,
kém mắt, bị mất việc. Ông ký về mở nhà hát, làm kép đàn, bà ký và cô con gái
hát. Nhà hát bà ký Đường không nuôi đào rượu hầu hạ ôm ấp khách. Không có chầu
mặn chè chén và khách ngủ lại đêm. Hát chầu chay xong, chi tiền rồi- khách ra
về. Được tiếng mà lại vắng khách, cái nhà hát còm cõi ấy.
Ông Dương một ta giỏi
võ làng tôi, chủ xe ôtô con thỏ Mỹ Mâm thuê đứng chùm du côn tranh khách đường
Thái Bình- Hà Nội. Chúng tôi hay xuống chơi với ông, có khi dăm bứa nửa tháng.
Tôi kể ông nghe cái truyện ngắn Bà ký Đường. “ừ, có cái nhà hát bà ký Đường.
Chỉ nghe hát suông rồi cút, chán bỏ mẹ. Chúng mày muốn đi thì tao cho đi".
Ông Dương bảo thế.
Rồi tôi được rõ hơn lai
lịch nhà hát này cũng không phải chỉ một màn “chán bỏ mẹ", như ông chùm du
côn làng tôi nói khinh thế. Hát cô đầu phố phủ, phố huyện ở đâu cũng tẻ nhạt-
dẫu sao cũng chỉ là nơi chốn ăn chơi cò con của mấy ông chánh lý có việc quan,
những đám kiện cáo bên nguyên bên bị có máu mặt lên công đường và những dịp sưu
thuế. ở Vũ Tiên, đất này có nghề nhà trò hát cứa đình cửa đền, đến mùa đám thứ
thì đi hát thờ, có khi gặp dịp vào hát trong dinh quan bố, quan thương, quan
án. Đã tàn tạ rồi, nhưng còn giữ lề. ả đào Vũ Tiên vẫn có nếp, còn kiêng: hoa
là huê, lễ là lỡi, liễu thì hát là lão... còn giữ hơi giữ tiếng con nhà nòi họ
Tam, họ Ngàn tử xưa nghề hát.
Chúng tôi được lang võ
sư Dương dẫn đến nhà hát bà ký Đường. Đúng như Nguyễn Khắc Mẫn đã tả trong cái
truyện ngắn. Nhà phố huyện, vườn thưa hai bên bờ rào. Mái ngói, vách dứng chát
vôi cát. Có hai gian, gian ngoài làm nhà hát. Ông ký khoảng trong ngoài năm
mươi, người gầy kheo khư, cổ lộ hầu, áo the khăn xếp. Ông ngất ngư nghiêng ngả
cả người vớt hai bàn tay khô đét nắn phím gảy tửng tửng cây đàn đáy ba dây. Võ
sư Dương kể lão ký Đường nghiện nặng, trước làm cai phu sở đạc điền ca đát,
người ta gọi tôn lên chân ký lục. Nhà hát tiêu sơ thế này đào đâu ra tiền mua
thuốc ty, lão chỉ nuốt sái, càng gầy rộc, mà lại hay ghen, bởi vì bà ký Đường
còn mẽ người, bà vấn khăn sa tanh bỏ tóc đuôi gà, ngồi xếp thẻ hai đầu gối quần
lĩnh. Tiếng hát khi thánh thót khi dịu dàng trong khổ phách mau thưa. Chúng tôi
đã cơm rượu từ chiều ngoài hàng ở bến xe, như mọi khi. Tôi không biết cầm roi
chầu, nhưng cũng nghe biết ông Dương say cứ gõ tom chát loạn xạ. Cả nhà có ba
người đều phục dịch vào hầu chát. Cô con gái vừa đun nước, lại mời nước. Cô mặc
áo the nâu, cô còn nhỏ nên vấn khăn lượt chưa bỏ đuôi gà. Cô hát hàng hoa nhẹ
nhàng đỡ mẹ những bài dễ, khi mới khai trống chầu, nào Bầu trời cảnh bụt... nào
Hồng hồng Tuyết tuyết... Cô bé chừng mười ba mười lăm tuổi, người mỏng như cái
đóm, lại có cái tên ngồ ngộ, cô Thẹn.
Tôi cũng chỉ đi “che
tàn” theo ông du côn cho biết, nhớ đâu được cái nhà hát sài đẹn này. Tối hôm ấy
ông Dương cũng chỉ đánh trống nghe hai ba bài rồi kéo chúng tôi về. Bây giờ
bỗng dưng nghe nói tên “bà ký Đường”, lại đương về qua Vũ Thư rồi...
- Bà ký Đường là thế
nào với Khế?
- Bà cháu, ông ạ. Bà
cháu mất đã lâu, cháu cũng không biết mặt.
- Mẹ cháu tên là Thẹn,
phải không?
- ối giời ôi! Sao ông
biết tên cúng cơm của mẹ cháu, sao...
Mặc cho anh chàng cứ
kêu giời rồi sao... sao. .., tôi không trả lời. Có gì mà trả lời, những chuyện
nhà trò cô đầu đã xếp xó, như tuổi cậu này bấy giờ còn ở trên trời dưới âm phủ
mô tê nào, biết đâu được.
Chao ôi, lại một tình
cờ giữa đường...
Về đến thị xã, Khế ôm
nhất định chưa nhận tiền công tôi trả mà nằng nặc “mời bác vào nhà cháu... mời
ông... Ông ở chơi với bà cháu, với vợ chồng cháu, mai hẵng về. Mà bây giờ đã
trưa rồi, ông cũng đến đi tìm nhà trọ chứ đi đâu".
Khế đoán đúng, tôi đã
tính ra cầu Bo lại vào những cái hàng cơm chứa trọ trên bến. Thế là tôi theo
Khế về nhà ở phố huyện cũ. Có lẽ vẫn chỗ cái nhà hát bà ký Đường năm xưa mà tôi
không thể nhận ra.
Khế sắm nắm đi, lúc đèo
lúc dắt, hớn hở ra mặt.
Tôi cũng chẳng có kỷ
niệm gì ở đất này, chuyện “bà ký Đường” thì vì Khế nói đến mà nhớ. Có lẽ mỗi
khi qua Vũ Hiên, Thư Trì lại nhớ anh bạn vong niên Vũ Đình Cự nhà vật lý chất
rắn cự phách đã cùng anh em trổ tài hiện đại kết hợp với thủ công phá thuỷ lôi
Mỹ thả vây cảng Hải Phòng. Chẳng biết anh chàng đã lấy vợ chưa, hay không. Và
tôi nhớ bài thơ Xuân Diệu vàng ngời những vườn hoa ngâu chín làng Thuận Vi.
Biết đâu Khế chẳng nghĩ
ráng mẹ Khế gặp tôi thì có thể hai cụ đã thế nào với nhau ngày trước.
Ôi, tôi lại nhớ chuyện
Hoàng Trung Thông viết bài giai thoại trên báo Văn Nghệ về Hoàng Trung Thông và
Nguyễn Tuân sang chơi Lỗ Khê huyện Đông Anh.
Lỗ Khê, một làng nghề ả
đào. Nguyễn Tuân hỏi thăm một danh ca có tiếng ngày trước hát ở Khâm Thiên,
người làng này. Bà con nói cụ nhà trò ấy mất rồi.
Đêm ấy trời sầm sập
mưa, Nguyễn Tuân uống rượu gõ chiếc đũa vào lưng cái bát làm trống cầm chầu và
Nguyễn Tuân hát, nước mắt ứa ra. Hoàng Trung Thông đã viết lại cảnh ấy. Bạn đọc
có thể ngậm ngùi với người đãng tử một thuở đưong khóc cố nhân.
Nguyễn Tuân bảo tôi:
- Tao có nhân nghì nhân
ngãi gì với bà ấy đâu.
Biết thì hỏi thăm vậy.
Nghe chuyện bả bị bắt lúc cải cách ruộng đất, bả đã thắt cổ chết thì tao nghĩ
thương cho một cái tài hát kiếm được ít tiền tậu mấy sào ruộng lại phải chết vì
cái tài ấy. Thương là thương thế!
Tôi hỏi:
- Hoàng Trung Thông
không biết như ông?
- Nó biết. Nó cùng nghe
mọi chuyện với tao. Nhưng nó viết thế thôi. ấy đấy!
Hai chữ “ấy đấy” ai
hiểu thế nào thì mặc lòng.
Cái nhà của một người
đi kiếm tiền ở nước ngoài về như Khế có đầu óc thu vén thật chỉn chu. Nhà một
tầng- giàn hoa ti gôn đỏ hây trên đầu tường phủ xuống trước cửa, phảng phất
dáng một căn nhà nghỉ ngoại ô Beclin- hay là tôi tưởng tượng ra thế, nhưng dẫu
sao cũng là một gian phong quang, nhẹ nhõm được mắt.
Dắt xe vào giữa sân,
Khế nói to:
- Bà ơi! Có khách.
Một bà lão ngồi cái
chõng trong nhà ngước mặt ra. Cái nhìn của một người kém mắt, nghe cũng là
nhìn, như ông Ngải.
- Ai thế?
- Chào cô Thẹn
Bà lão đứng lên, nghẹn
ngào, mếu máo:
- Ông nào...
Trong khi Khế dựng xe
vào tường hoa, hỏi mẹ:
- Nhà con trưa nay có
về không?
- Có, nó vừa ra chợ.
Rồi Khế nói bô bô, như
mọi việc đã xếp đặt cả.
- ối giời ơi, từ hôm
qua đi với ông, con sướng quá. Các cụ ngày xưa cũng lắm chuyện chứ chẳng chơi.
Thế nào con cũng phải giữ ông ở lại đây xơi cơm với bà cháu, với vợ chồng cháu.
Mai con lai bố về tận đầu ngõ trên Hà Nội. Con phải bảo nhà con về sớm làm con
vịt đánh chén mới được.
Rồi Khế vào trong nhà,
nhấc điện thoại, gọi ríu rít.
Tôi nắm tay bà lão, đốt
ngón tay lạnh ngắt- cái cô bé đun nước, mời nước, hát hàng hoa tiếng e é chua
như mèo rên ngày xưa đây. Hàm răng móm làm cho môi và cằm rúm trũng xuống. Nước
mắt bà lão chảy ra, không biết cái nước chết lưu niên ở hai con mắt lòa lúc nào
cũng ràn rụa nhợt nhạt trên mí, hay là nước mắt. Cô Thẹn ấy nhỏ thó, gày rạc,
cái bóng ngày xưa ngồi sau lưng bà ký Đường đợi hát đỡ mẹ, tiếng đàn đáy lắc
lư.
Cô Thẹn ngày ấy đây. Bà
lão vẫn nắm tay tôi cất giọng phều phào, rè rè:
Đến bây giờ mới thấy đây
Mà lòng đã chắc những
ngày một hai
Câu Kiều này, đầu mùa
đông 1959, Nguyễn Đình Thi đã ghi sổ lưu niệm bảo tàng L. Tôn Tôi trong điền
trang Jasnaia Poliana ở Tu La.
Mỗi khi mơ màng lại cái
chuyến về Thái Bình này, là thật hay chiêm bao. Hai câu lẩy Kiều tình nghĩa kia
đã thấy ở Tu La hay đã nghe cô Thẹn, bà cụ Thẹn nghẹn ngào.
HẾT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét