Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

HỒI KÝ ĐẠI HỌC MÁU CỦA HÀ THÚC SINH - KỲ 13

1      2      3      4      5      6      7      8      9       10      11      12      13      14

CHƯƠNG SÁU MƯƠI MỐT

Những ngày cuối năm Tây lịch 1978, không khí trại Hàm Tân nhộn nhịp hẳn lên. Hầu như mọi tin tức về sự căng thẳng quân sự vùng biên giới Việt-Hoa và Việt-Miên bọn tù đều nắm vững hết. Giai đoạn này, nếu bình tâm mà xét, có lẽ là một giai đoạn bi hài nhất trong suốt quá trình lịch sử mấy ngàn năm của Việt Nam. Không bi hài sao được, khi mà hầu như cả nước, vì hận thù một chủ nghĩa và một bọn người đồng chủng có chính sách cai trị bạo tàn, đều cùng mong có một thế lực nào khác, dù thế lực ấy là bọn Tàu có mối thù nghìn đời với dân tộc, kéo đến đập tan cái bọn đồng chủng tàn bạo vô nhân kia đi, rồi sau đó ra sao thì ra, cùng chết hết một lượt cũng được!
Trong cái không khí ấy, Vĩnh và mấy người bạn thân cận lần lượt được gia đình lên thăm.

Ở đây chuyện thăm viếng khác nhiều với chuyện thăm viếng dưới chế độ quân quản. Thằng quân quản phải nói rằng nó hơi "văn nghệ", do đó chuyện thăm viếng của tù nó tổ chức tùy hứng, trồi sụt rất là bất thường! Có khi thì ba tháng được thăm một lần, có khi buồn buồn nó để đến năm tháng mới cho viết thư về nhà báo tin được phép lên thăm. Dưới chế độ công an, việc thăm viếng được quy định rõ ràng trong nội quy: "Bất cứ phạm nhân nào không vi phạm nội quy đều được trại cho phép gia đình lên thăm và tiếp tế nhu yếu phẩm thuốc men cần thiết mỗi hai tháng một lần". Dù sao, do cái mỗi hai tháng một lần ấy, bọn tù ở trại Hàm Tân đã mất dần đi cái cảm trạng sung sướng được gia đình lên thăm và tiếp tế. Trừ những anh nhà giàu, còn những anh nhà nghèo sau đôi ba lần thăm, tự nhận xét thấy bao quà mỗi ngày mỗi teo nhỏ lại và vợ con cha mẹ mặt mũi lần thăm thứ ba xanh hơn lần thứ hai, lần thứ tư nhợt nhạt hơn lần thứ ba... thì bắt đầu thấy việc thăm viếng của gia đình không còn vui nữa. Anh cải tạo có gốc quân nhân công chức bắt đầu tìm cách can khéo sự thăm viếng quá đều đặn của gia đình!

Dù sao đối với Vĩnh đây là lần thăm đầu ở Hàm Tân, do đó Vĩnh vẫn được hưởng nguyên vẹn cái cảm trạng sung sướng. Thêm nữa, tính Vĩnh thích quan sát và ghi nhận, vì vậy lần thăm đầu có thêm một lý do cho anh nôn nóng tận tình.

Như tất cả mọi gia đình khác, khi nhận được thư báo thăm, gia đình Vĩnh phải chạy đủ mọi loại giấy tờ ở địa phương; từ giấy phép đi đường, giấy phép xin miễn thuế những món quà đem theo, giấy phép thăm nuôi phạm nhân... Nói tóm chỉ nội vụ giấy phép thôi, gia đình đã phải bỏ hết công ăn việc làm chạy tới chạy lui cả tuần lễ. Sau khi có giấy phép lại phải chạy khắp bà con lối xóm hỏi đường hỏi xá, và khi vấn đề đường xá xe cộ đã nắm vững, gia đình bắt đầu một chuyến đi thăm bằng một buổi sáng tinh sương. Rồi thì qua nhiều nẻo đường đất nước, thường thường người nhà từ Sài Gòn lên tới khu thăm viếng của trại Hàm Tân vào lúc giữa trưa.

Tuy nhiên, để vào được tới khu thăm không phải là chuyện dễ ăn. Từ đường nhựa, nơi xe đò thả xuống, thân nhân phải thi nhau gồng gánh những bao quà nặng nề (nếu nghèo phải hà tiện tiền bạc, không thuê những trẻ em gánh thuê ngồi đầy ngoài quốc lộ), vào tới khu thăm. Từ ngoài ngã ba quốc lộ vào tới khu thăm cũng xa hơn một cây số. Hơn một cây số ấy không phải là không vất vả với con đường đất mưa ướt trơn trượt. Nhưng rồi có cực nhọc mấy, cuối cùng người đi thăm và quà cáp cồng kềnh đều vào tới khu thăm cả. Sau những màn khai báo, trình khám... người đi thăm được vào ngồi nơi phòng đợi. Một anh trật tự có nhiệm vụ nhận danh sách từ tên công an trực khu thăm đem về trại để thông báo kịp thời tới người có tên thăm nuôi. Công việc này anh chàng trong ban trật tự chỉ phải làm hai lần trong một ngày, lần thứ nhất vào lúc bảy giờ sáng, lần thứ hai vào lúc một giờ trưa. Nói tóm danh sách những người được thăm phải được đưa vào trình giám thị trực trại trước giờ tập trung đi lao động. Do điểm này, nếu người nhà đến được khu thăm vào trước mười hai giờ trưa, thì có rất nhiều hy vọng được gặp thân nhân sau hai giờ trưa và trở về Sài Gòn kịp trong ngày. Còn nếu đến khu thăm nuôi mười hai giờ trưa, cầm bằng người đi thăm phải ngủ lại ngoài khu thăm để chờ các đợt thăm sáng ngày hôm sau. Nhưng việc phải ngủ lại đêm ngoài khu thăm không chỉ xảy ra cho những bà con ở các tỉnh xa đi thăm mà ngay người ở Sài Gòn cũng vẫn bị kẹt ngủ lại cả đêm là chuyện thường.

Mặt khác, tuy những thủ tục trên đã hoàn tất êm xuôi nhưng chưa chắc gì phút cuối đã được gặp thân nhân, tỷ như Ban Giám Thị thông báo ra khu thăm nuôi rằng, trong hai tháng qua, phạm nhân A đã vi phạm nội quy nên Ban Giám Thị đã quyết định cấm thăm kỳ này...

Trong lần thăm đầu, dù sao Vĩnh đã được suôn sẻ mọi bề, điều ấy có nghĩa là Vĩnh đã được ra gặp thân nhân vào lúc hai rưỡi trưa ngày 22 tháng 12 năm 1978. Quang cảnh khu thăm nơi đây cũng chẳng khác mấy với quang cảnh khu thăm của An Dưỡng và Suối Máu. Cũng từng đó thủ tục tập họp, báo cáo nhân số, giở nón chào kính... Trong phòng thăm, hai bên người thăm lẫn người được thăm, đều phải ngồi vào một dãy bàn có mặt bàn rộng đến độ vói tay hết sức cũng chẳng chạm được tay nhau. Đã thế, đôi bên còn phải ngồi thăm hỏi nhau trước đôi mắt cú vọ của tên cán bộ trực. Hai mươi phút thăm qua cái vèo. Người về nước mắt đầm đìa, người quay trở lại trại tù lòng cũng nặng như những bao tải quà kéo lê trên đất!

Lúc trưa tập họp ra khu thăm mọi người đi đều có hàng có lớp, bây giờ trở về, dù bực mình tới đâu, tên công an đi theo cũng không làm cách nào khác hơn được. Kẻ thì đi trước, người đi sau; kẻ ngồi lại thở dốc bên những bao quà đồ sộ, người gánh chạy nhanh đến độ tên công an chỉ sợ hắn chạy luôn vào khu rừng khoai mì chập chùng hai bên đường... Kỳ thăm này Vĩnh được khá nhiều đồ tiếp tế. Một bao tải đầy mì vắt và bánh mì khô. Bao tải kia đựng đủ thứ đồ khô. Đã vậy, Vĩnh còn phải kéo thêm một cái làn có đủ loại chai lọ đựng mắm đựng tương, đựng chao đựng mỡ... Với từng đó quà, sức gì Vĩnh gánh nổi! Thế nên quang gánh đem theo Vĩnh đều cho người khác mượn. Anh áp dụng chiến thuật kéo lê từng chặng. Cứ kéo bao số một chừng hai mươi thước anh lại trở lại kéo bao số hai. Hết hai bao lại kéo tới cái làn. Với lối kéo này rất dễ làm cho thằng công an đi theo lộn tiết lên đầu, nhưng không kéo như thế làm sao giải quyết được vấn đề? Sau mấy lần cự nự, cuối cùng tên công an bỏ mặc Vĩnh trên đường. Nó quầy quả đi theo những người phía trước - những người ấy có kẻ đã bỏ Vĩnh xa đến mấy trăm thước.

Vừa đi vừa kéo, Vĩnh vừa cố gắng quan sát hai bên đường. Anh thấy vườn khoai mì ở đây mênh mông bát ngát không thua gì vườn khoai mì trên trại An Dưỡng. Nếu mình lẩn vào đây, Vĩnh chợt nghĩ, thì liệu chúng nó có tìm ra mình không? Thế rồi Vĩnh lại nghĩ tiếp. Nhưng lẩn vào đây rồi mình sẽ làm được gì nữa? Liệu sức mình ngày nay sống nổi không nếu trải qua một đêm ngủ bờ ngủ bụi dưới gió núi mưa bưng? Một người bạn tù già kéo bao quà của ông ta vào lề đường ngồi thở dốc tưởng như một người sắp hết hơi. Vĩnh chợt thấy đau nhói trong tim óc. Ta hơn gì người bạn già kia!? Vài chục cân quà kéo không muốn nổi còn nói chi đến chuyện nghìn dặm ra đi!

Đoạn đường từ khu thăm vào đến trại quãng một cây số. Lết lê trên quãng đường non tiếng đồng hồ, rốt cuộc Vĩnh cũng về hội trường - nơi phải bày ra mọi thứ cho cuộc khám xét tỉ mỉ - với đôi ba tay già lão bệnh hoạn khác.

Như mọi người, Vĩnh bày tất cả mọi thứ lên những hàng băng ghế để cho trật tự có cán bộ đi theo đến khám. Ngoài gạo là đồ "quốc cấm" và đã bị chận giữ ngay ngoài khu thăm, kỳ dư hầu như tù được nhận tất cả. Chỉ có một món duy nhất tù trại Hàm Tân luôn luôn thấp thỏm sợ mất là món cà phê. Dù rằng nội quy không có mục cấm đoán món cà phê, nhưng trên thực tế cà phê thường bị cán bộ tịch thu. Đúng ra, gần đây việc tịch thu hoặc không tịch thu cà phê được cán bộ thả nổi; điều ấy có nghĩa là tùy lượng cà phê tích trữ dùng cho các cán bộ giám thị còn nhiều hay ít. Nếu lượng cà phê của chúng đã vơi, chúng sẽ ra lệnh cho bọn trật tự khám xét quà cáp nơi hội trường thẳng tay tịch thu với lý do cà phê là nguồn gốc của mọi sự tụ tập, bàn tán chuyện phản động và trốn trại. Khi nào lượng cà phê tịch thu đã đủ dùng, chúng lại cho tù được phép nhận.

Số Vĩnh hơi xui. Hôm nay nhằm ngày các quan giám thị cần cà phê nên một cân cà phê của Vĩnh được cách mạng chiếu cố và quốc hữu hóa tại chỗ! Sự mệt nhọc quá đáng khiến Vĩnh không còn bụng dạ đâu để mà tiếc của. Anh thu đồ thật nhanh vào bao bị và khởi sự kéo từng bao một về phòng.

Giờ lao động trại vắng tanh. Bước vào nhà, Vĩnh chỉ thấy một hai tay ốm bệnh nằm nghỉ. Dù sao họ không quên lên tiếng thăm hỏi Vĩnh một cách thân mật hơn ngày thường, và kết thúc mấy câu hỏi thăm bâng quơ là câu: Có bi nào xiện xiện làm một bi chơi?

Rồi như mọi người được thăm, Vĩnh lần lượt mở tất cả mọi thứ đồ ăn thức uống bày ra sạp. Đồ khô bỏ vào một bao. Tất cả những đồ ăn đã nấu chín đều bỏ vào nồi hoặc chia ra một ít phần nhỏ để sẵn sàng đem biếu một số bạn bè lúc họ đi lao động về. Ngoài đám bạn ở cùng tổ cùng đội ăn chung với nhau, Vĩnh còn một số bạn bè khác không thể không nhớ đến. Người đầu tiên phải nhớ là Vũ Duy Báu, cựu phó quận hành chánh hiện ở bên nhà 4. Anh là người đã giúp đỡ và chia xẻ cho Vĩnh thật nhiều thứ kể cả một tình bạn chân thành... Lại còn mấy việc rắc rối khác nữa Vĩnh cũng phải lo toan, giả dụ những món đồ của anh Khoan do gia đình anh ta nhờ gia đình Vĩnh chuyển vào. Anh ở mãi nhà 11 gần ban y tế. Chuyển được cho anh mấy đòn bánh tét và ký tôm khô này cũng ná thở!

Sửa soạn đâu vào đó xong, Vĩnh vòng ra sau dãy nhà nhóm bếp và hâm lại tất cả những món ăn để sửa soạn một bữa ăn linh đình chung với các bạn lúc họ đi lao động về. Khi việc nấu nướng đã xong, Vĩnh khoan khoái trở về chỗ nằm hút thuốc vặt và trò chuyện với mấy người cũng vừa được thăm như anh chiều hôm nay.

Nhà 5 hôm nay có hai người nữa được thăm. Luật sư Lê Quốc Việt và bác sỹ Anh. Hai ông này đều giới trí thức khoa bảng nhưng tính tình khác nhau một trời một vực.

Ông Anh trước kia là thiếu tá y sỹ. Ông ở Hàm Tân trước bọn Vĩnh. Hơn nửa năm trước, ông đã mất đi cái công việc nhàn nhã là làm y sỹ chữa bệnh cho tù nơi đây để trở về đội đi lao động chân tay như mọi người. Lần thăm hôm nay là lần thăm "ân xá" của ông sau hơn nửa năm ông bị cấm thăm. Chuyện cấm thăm của bác sỹ Anh không vì ông trốn trại, cũng chẳng vì ông vi phạm nội quy; ông bị cấm thăm vì ông đã bợp tai cô con gái cưng của ông ngoài khu thăm và nhất định từ chối không chấp nhận ông con rể cách mạng. Số là, chả hiểu ở nhà bàn khôn tính dại ra sao, cô con gái rượu của ông đã đồng ý lấy một anh thượng úy Việt cộng để noi cái gương nàng Kiều bán mình chuộc cha. Một ngày đẹp trời, cô con gái dẫn chồng lên thăm bố. Sau màn giới thiệu, ông bố trợn trắng con mắt ngó ông thượng úy của tân chế độ mắt trắng môi thâm đang ngồi cạnh con gái mình. Ông bố vội vàng đứng lên, tiện tay nựng nhẹ vào má cô con gái chí hiếu một cái tát nổ đom đóm và lễ phép nói.

- Từ đây xin bà thượng úy đừng gọi tôi là bố!

Cái tát lịch sử ấy đã đem bác sỹ Anh trở lại trại tức thì. Sau màn "đấu lý" với Ban Giám Thị, ông Anh được đưa vào nằm cachot để tâm sự với chuột, gián, muỗi, cùm và đói khát một thời gian. Sau đó, thành tích tẩy chay con rể cách mạng của ông được đọc trước trại với biện pháp xử lý của cách mạng là cấm thăm một thời gian.

Riêng ông luật sư Việt trẻ trung hơn ông bác sỹ Anh nhưng tính tình thì rất kỹ. Dù anh Huy và Ý ghét cay ghét đắng ông, nhưng Vĩnh vẫn coi ông như một người bạn. Ông cũng tỏ ra thích Vĩnh và hay lân la đến chỗ Vĩnh nằm hút ké điếu thuốc và kiếm chuyện tán gẫu. Dù gì, nói chuyện với ông luật sư Việt, Vĩnh vẫn cảm thấy mình học hỏi được một số điều nơi ông, đặc biệt về phương diện luật pháp, ấy là chưa nói tới việc Vĩnh còn được nghe ông kể về những nhân vật tăm tiếng trong giới luật ông từng tiếp xúc sau 30 tháng Tư. Chẳng hạn việc luật sư Trần Văn Tuyên đã không chịu ra đi mà ở lại vì lý do nào; bà luật sư Đại bị xỉ vả trong cư xá sỹ quan Chí Hòa ra sao; trí thức Sài Gòn đã phải tham dự những cuộc biểu tình hô hoán ủng hộ chế độ ra sao sau ngày mất đất mà trong đó ông ta có tham dự... Luật sư Việt đã gửi hết những chuyện này vào trí nhớ của Vĩnh với một kết luận (và luôn luôn như thế!): Trước họng súng tất cả là bầy cừu!

Những lúc nghe luật sư Việt nói thế, Vĩnh lại đùa.

- Nếu vì lý do gì bầy cừu có súng, ông có sẵn sàng cầm súng để khỏi phải làm cừu nữa không?

Ông Việt nói tỉnh khô.

- Ông đã đọc Mario Puzzo chưa nhỉ? Nhân vật Don Corleone trong The Godfather đã nói với con trai thế nào về khả năng của một luật sư nhỉ? -... con đừng quên, với cái cặp dưới nách, một thằng luật sư nó có thể đánh cướp một món hàng mà dù con có cả một tiểu đoàn trang bị súng ống ngập tới răng chưa hẳn đã làm nổi... Nói tới đây luật sư Việt lại cười cười. Trong công cuộc cướp lại Tự Do, chả nhẽ ông chỉ muốn tôi cầm một khẩu súng như mọi người lính khác trong cùng một tiểu đoàn?

Biết có nói gì đi nữa cũng khó mà cãi lại một... thầy cãi, do đó Vĩnh cũng chỉ cười cười với ông ta và đó cũng chính là lý do ông luật sư Việt không thể nói chuyện với ai khác ngoài Vĩnh! Tệ hơn, khi ông kẹt hạt muối cục đường, ông Việt cũng không thể chạy đâu ra ngoại trừ nơi Vĩnh. Sở dĩ như vậy vì ông Việt là người trước sau như một, trung thành tuyệt đối với khẩu hiệu Tâm Tam Vô y như một số mấy ông tá già ở trại Suối Máu: Vô chung chạ, vô mời mọc và vô chia xẻ! Điều ấy có nghĩa là "tới bữa xoay đầu vào vách ngồi nhai một mình", và cũng có nghĩa là "những món gia đình cung cấp cho ta, ta có quyền hưởng đủ 101 phần trăm!".

Một khi những người vừa được thăm xúm lại hút thuốc và trò chuyện, thì câu chuyện dứt khoát sẽ xoay quanh những tin tức mà cá nhân đã thu thập được. Mỗi người một tin, nhưng nguồn tin phong phú nhất dù sao vẫn xuất phát từ ông luật sư Việt. Theo ông Việt, tình hình biên giới Hoa-Việt rất căng thẳng. Riêng bọn Pon-pot thường xuyên vượt biên giới tấn công vào các khu kinh tế mới và nhiều lúc đã ra tay tàn sát không chừa cả chó mèo. Dân chúng trước đây bị đày đi kinh tế mới, giờ lũ lượt kéo nhau về Sài Gòn và nằm la liệt trên các lề đường. Cũng có những lời bàn tán của dân Sài Gòn, theo đó thế nào Hà Nội cũng phải đổ quân sang chiếm đóng Miên nếu muốn vãn hồi được tình hình biên giới. Từ sự kiện này, người ta đã nghi ngờ rằng các vụ tàn sát người Việt Nam nơi các vùng kinh tế mới biên giới chưa chắc gì đã do bọn đồ tể Pon-Pot gây ra, mà tác giả lại rất có thể là chính bọn cán binh CSVN, mục đích tạo ra một cái cớ để sửa soạn dư luận cho một cuộc tiến chiếm Miên.

Hết chuyện chiến sự, ông Việt lại xoay sang chuyện tù. Ông nói gia đình ông cho biết tù Chí Hòa mấy lúc gần đây được di chuyển đi rất nhiều. Ngày nào cũng có dăm ba chuyến Molotova chở tù ra khỏi khám lớn và đi về nhiều phương hướng khác nhau. Trại Hàm Tân rất có thể trong tương lai rất ngắn sẽ tiếp nhận một số tù nữa. Riêng cái tin này thì Vĩnh đã nghe Nguyễn Tú Cường nói từ lâu, đến nay vẫn chưa thấy gì lạ.

Trong lúc mấy người ngồi nói chuyện thì ngoài sân anh em tù lao động đã bắt đầu trở về. Vuông sân trống và rộng mênh mông mỗi lúc mỗi đông người từ ngoài kéo vào. Vĩnh vội vàng xách cái bao cát bên trong để hai đòn bánh tét, nửa ký tôm khô, mấy viên thuốc cảm và một cây kem đánh răng của anh Khoan lên. Vĩnh cẩn thận bước qua cửa, ngó trước ngó sau để phòng trật tự rồi chuồn ra ngoài sân. Vĩnh đứng canh chừng đội 51 mới vào tới cổng trại. Vĩnh bám sát tức thì, nhưng khi đội về tới sát hàng rào phòng 11, Vĩnh mới xáp lại được gần anh Khoan và trao cái bao cát cho anh ta.

Khi trở về phòng thì anh em đã chia cơm chia canh xong. Rồi thì giờ điểm danh đến, tù lại hàng hai lần lượt chui vào chuồng. Cửa khóa. Trong cái phòng chật ních và đầy mùi ẩm mốc, mùi mồ hôi, mùi phân người bốc lên; lờ mờ dưới ánh điện vàng cạch yếu ớt, bọn tù ở tất cả các nơi bắt đầu ngồi nhai khẩu phần của mình.

Đến ngày hôm nay thì Vĩnh đã có thể khẳng định rằng khẩu phần ở trại Hàm Tân tệ nhất so với các trại mà Vĩnh đã đi qua. Nơi đây chỉ chiều thứ Bảy được phát mỗi người hai chén bo bo, còn được gọi là Cao Lương theo mỹ từ cộng sản. Những ngày khác khẩu phần duy nhất là mỗi bữa tù được phát một chén đầy khoai mì lát nấu nhừ. Khoai mì này là loại khoai già, được xắt cả vỏ và phơi khô lâu ngày. Vì để cả vỏ, và lại được phơi khô, do đó khi nấu lên khoai mì mang một màu tím than quắt queo như đống cứt chó bị dầm mưa dãi nắng nhiều ngày với một mùi vị vừa hôi mốc vừa nhầm nhậm đắng như có lộn một hai vị thuốc Bắc. Được phát kèm với bát khoai mì ân huệ của bác và đảng ấy là ít cọng rau muống, hoặc một tí bí ngô, hoặc một tí củ cải kho nước muối. Tất cả sự dinh dưỡng của chế độ lao tù nơi đây chỉ có thế và có thế!

Người không được thăm nuôi hay chưa được thăm nuôi, hoặc giả không có bạn bè được thăm, ngày này qua ngày khác chỉ được nhai từng đó thứ và nuốt vào bụng từng đó thứ. Riêng đám Vĩnh chiều nay phải khác hơn nhiều! Bữa tiệc bày ra chiếm hết ba bốn chỗ nằm. Vì theo đúng truyền thống của đội 17 gần đây, ai được thăm đều có nghĩa vụ chia xẻ, ít nhất đối với những anh em trong cùng tổ. Do đó cả tổ không ai từ chối mỗi khi có dịp đụng chén đụng đũa này. Đó là màn ăn mặn. Màn thứ hai luôn luôn phải là màn trà nước (có tí bánh kẹo càng tốt) và thuốc lá thuốc lào. Màn này được mở rộng rãi hơn để đón tiếp cả những người sơ nhất nằm quanh chỗ mình. Tuy nhiên khi tới màn này thì Vĩnh buộc phải rút về chỗ nằm để mặc anh em muốn làm gì thì làm. Một phần để tránh bị chửi bới (bọn Vĩnh hiện đang nằm tầng trên) nếu nhỡ có người sơ sẩy đổ nước điếu xuống tầng dưới; một phần Vĩnh muốn tránh chuyện bị cật vấn những tin tức mà chính anh cũng chẳng biết hơn ai. Nhưng dù cho có về chỗ nằm, cuối cùng anh Huy cũng mò tới nằm bên cạnh. Vĩnh sửa soạn tinh thần để trả lời những câu "phỏng vấn" của anh, nhưng ngược với dự đoán của Vĩnh, anh Huy không hỏi gì về những tin tức bên ngoài xã hội cả. Anh chỉ nói nhỏ với Vĩnh một chuyện.

- Khi chiều đi lao động, quản giáo gọi tôi vào nhà lô làm việc. Hắn hỏi lung tung. Từ chuyện đám Hòa Danh Tuyến hòa nhạc vàng mỗi đêm, đến việc Dũng và Thương vẫn ăn cơm chung với nhau, tuy nhiên điều làm tôi lưu ý nhất là nó hỏi về ông. Nó nói nghe anh em bảo ông giỏi nhạc lắm mà tại sao không hề thấy ông đàn địch ca hát với đám Hòa Danh Tuyến bao giờ. Nó còn hỏi có phải ông là sỹ quan chiến tranh chính trị không?

- Vậy anh trả lời sao?

- Tôi chỉ nói mỗi một điều. Một người ho lao như anh Vĩnh, lại không có cả khu cách ly mà nằm nghỉ ngơi mà vẫn phải đi lao động như mọi người thì chẳng còn thơ nhạc nào quyến rũ được anh ấy nữa cả. Riêng việc anh ấy có phải là sỹ quan CTCT hay không thì tôi hoàn toàn không biết. Đó là sự thật!

Vĩnh không khỏi không nghĩ ngợi. Anh nằm nhớ lại những lần quản giáo Phú kêu anh vào nhà lô nói chuyện sách báo, rồi có lần ban giám thị trại kêu anh lên văn phòng làm việc cũng hỏi những câu chuyện bâng quơ như thế về một vài người khác. Tụi nó tính cái chuyện khỉ gì đây? Vĩnh tự hỏi và chưa nghĩ ra câu giải đáp.

Giọng anh Huy lại nổi lên. Mấy ngày nay tôi thấy đám me-xừ Hòa và Tuyến bắt đầu không ăn cơm với nhau nữa. Mấy cu cậu cũng đều đã lần lượt bị giám thị kêu làm việc...

Tự dưng Vĩnh buột miệng.

- Coi chừng bị ly gián đấy!

Anh Huy gật đầu liền.

- Đúng! Mục đích tôi nói chuyện với ông là để báo cho ông biết mà bình tĩnh. Dù ngày mai nó kêu ông lên để hỏi về tôi, hoặc ngày mốt nó kêu Điểu lên để hỏi về Ý...

Vĩnh ngồi lên sửa soạn một điếu thuốc. Anh nhìn anh Huy và cương quyết.

- Tụi mình tan sòng thế nào được. Thôi làm bi thuốc cái đã!

Vừa lúc ấy một tiếng hét vang lên từ phía dưới. Tiếp theo là một lon nước hắt ngược lên trên. Vĩnh nhìn sang chỗ luật sư Việt nằm cách anh bốn người. Việt bị ướt hết chăn mùng mền vì lon nước ở dưới hắt lên. Tuy nhiên, hình như anh ta không bận tâm lắm chuyện bị hắt nước. Việt đang lúng túng với một mớ lon cóng ngay đầu chỗ nằm của ông ta. Người bên dưới đã thò đầu lên. Vĩnh nhận ra ông Mão VNTT. Ông thò đầu lên với nét mặt thật tức giận. Ông chửi đổng.

- Mẹ tiên sư có thì đổ vào họng hết đi. Nước mắm nước muối sao đổ lên đầu người ta!?

Ai chứ ông Mão và ông Việt cãi nhau thì cả phòng này đã chán nghe rồi. Một anh già và một anh xồn xồn quanh năm cãi nhau vì những chuyện thật trẻ con. Đã có lần hai vị suýt tí nữa thì thượng cẳng chân hạ cẳng tay nhau. Hôm nay, chả hiểu dấm dúi san qua xẻ lại thế nào, ông luật sư Việt ở tầng trên đánh đổ nước mắm xuống đầu ông Mão ở tầng dưới. Khu Vĩnh nằm mọi người đều hồi hộp chờ nghe hai ông đấu lý với nhau. Nhưng có lẽ còn quá bận bịu với mấy lọ nước mắm và mấy keo chao đựng mỡ, ông Việt cứ lờ đi trước những lời xỉa xói của ông Mão. Vĩnh nằm nghĩ ngợi vẩn vơ, thỉnh thoảng nhìn về phía ông Việt và không khỏi buồn cười lúc thấy ông ta quẹt tay trên sạp gỗ rồi đưa ngón tay lên miệng mút. Có lẽ một giọt nước mắm nào đó vừa rơi xuống sạp. Bỗng dưng Vĩnh sực nhớ hồi chiều lúc anh đem thức ăn ra sau bếp hâm lại. Ông Việt cũng đem hâm vài món của ông. Trong lúc hâm thức ăn, thỉnh thoảng ông lại cầm lên một keo chao đựng mỡ, múc ra một thìa nhỏ, đảo mắt ngó quanh một vòng rồi húp một cái chụt. Thấy ông húp những thìa mỡ sống ngon lành làm Vĩnh đã thầm bái phục trong lòng. Giờ thấy ông lại quẹt một giọt nước mắm rơi trên sạp và đưa lên miệng mút, Vĩnh đã hiểu ra nguyên do vì đâu anh Huy và Ý lại ghét ông thậm tệ đến thế!

CHƯƠNG SÁU MƯƠI HAI

Đúng sáng ngày 25 tháng 12 năm 1978, trại tù Hàm Tân xảy ra một cuộc tổng biên chế. Những dãy nhà tù trước đây còn nhiều chỗ trống đều bị dồn cho đủ số người quy định. Người nhà này bị lôi qua nhà khác, đội nọ bị đổi qua đội kia... Thậm chí có một số được điều qua phân trại B và một số từ phân trại B lại được đưa về phân trại A. Dãy nhà 1, dãy duy nhất nằm lẻ loi, sát ngay cổng trại và không có hàng rào vây quanh, chỗ ngủ cho đám trật tự và một số hình sự thân tín của Ban Giám Thị, cũng có một số bị lôi đi và một số được đưa đến. Nói tóm đây là một cuộc cải tổ nội bộ quy mô nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, một điểm đặc biệt đáng ghi nhận là những đội thuộc khu 1 và 2 dường như không có gì thay đổi quan trọng. Chỉ một vài người bị lôi đi và một vài người khác được bổ sung vào. Căn bản là đâu vẫn nằm yên đấy! Sau khi ổn định nơi ăn chốn ở, bọn giám thị cho tất cả nghỉ luôn lao động buổi chiều và lên hội trường nghe giám thị trực nói chuyện. Ngược hẳn với lối nói mập mờ của bọn quân quản, bọn công an thường nói thẳng thừng với bọn tù về những diễn biến sẽ xảy ra mà chúng xét rằng cần phải có một thông báo cụ thể. Giả dụ chúng thẳng thắn gọi tù là tù, là can phạm; chúng không mập mờ gọi tù là cải tạo viên như bọn quân quản trước đây. Cũng thế, hôm nay chúng thẳng thắn tuyên bố rằng, sở dĩ chuyện biên chế lại các nhà đội là vì trại cần một số phòng cho một số đông can phạm các nơi sẽ gửi đến nay mai. Lời tuyên bố của tên giám thị trực làm cho mọi người đều thấy rằng những tin đồn từ trước đến nay quả không phải là vô căn cứ. Và Vĩnh phải công nhận cái tin Nguyễn Tú Cường cho cả tháng trước đây hoặc của Lê Quốc Việt mới hai ba ngày trước không phải là tin thất thiệt.

Dù trải qua một ngày xáo trộn, và lỗ tai mọi người đều đã nghe đủ lời răn đe của tên giám thị trực về cái gọi là "cấm mọi tụ tập làm việc tôn giáo mê tín dị đoan...", nhưng lễ Giáng Sinh vẫn là lễ Giáng Sinh, một cái lễ mà tinh thần của nó gần như đã vượt ra ngoài phạm vi hạn hẹp của một tôn giáo, mà đã biến thành một biểu tượng cho sự yên ổn tinh thần, sự cứu rỗi chung cho con người. Vì lẽ đó, hầu như không tên tù nào ngày hôm nay lại không để lòng hướng về lễ Giáng Sinh.

Riêng với những anh em công giáo, ngay sau khi trở về nhà, họ đã tái liên lạc với nhau để chia công tác tổ chức Lễ Giáng Sinh dưới nhiều hình thức khác nhau tùy theo điều kiện hiện tại. Nói chung, tất cả đều tìm cách xưng tội và dự "lễ đi". Kẻ lo nấu nướng một vài món ăn đặc biệt để sẵn trong phòng, khi chiều xuống bị lùa vào chuồng, họ sẽ tụ tập ăn mừng lễ với nhau.

Trong khu 2 (nhà 4 và 5) không có linh mục, nhưng bên khu 3 (nhà 6 và 7) có cha Bộ. Mặc dù ai cũng biết trong thời điểm như thế này mấy linh mục bị theo dõi sát nhất, nhưng các cha vẫn rất khôn ngoan để thực hiện được sứ mệnh linh mục của họ. Sau màn móc nối qua lại của anh Huy, một số chừng hai mươi anh em công giáo của hai nhà 4 và 5 kéo ra sau bếp nhà 5, sát dãy cầu tiêu, tản mát mỗi người một nơi nhưng ai cũng hướng về dãy hàng rào bên nhà 6. Bên ấy, cha Bộ đang đứng chờ mọi người một cách kiên nhẫn. Khi anh Huy nói xong vài điều với anh em về cách thức xưng tội tập thể, anh quay sang ra dấu cho cha Bộ biết. Bên kia hàng rào, nét mặt vị linh mục như nghiêm hẳn lại. Ông thầm thì đọc lời giải tội và để kết thúc, ông giơ tay làm một dấu Thánh Giá hướng về phía những người đứng bên này hàng rào. Sau khi được giải tội tập thể đúng như sự sắp xếp của anh Huy, anh em cứ hai người một đi tới đi lui dọc theo hàng rào. Phía bên kia cha Bộ cũng đi như thế với hai người bạn đi hai bên. Đây là lúc mọi người đang tham dự Thánh Lễ do cha Bộ cử hành phía bên kia hàng rào. Vì để tránh sự nghi ngờ của bọn trật tự và bọn giám thị, các cha "chế" ra phương pháp làm "lễ đi" như thế này.

Rồi thì "lễ đi" cũng chấm dứt. Buổi chiều đã thực sự bắt đầu buông xuống. Việc đi lại chưa cấm hẳn nhưng trên thực tế đã bị hạn chế thật nhiều vào những lúc gần đây. Do vậy, khi đi lao động về, trừ khi có việc phải xuống bệnh xá hoặc đi lãnh cơm lãnh nước dưới bếp chính của trại, anh em chỉ lẩn quẩn trong phạm vi hàng rào của từng khu để tránh phiền phức bị trật tự nghi ngờ theo dõi hoặc bị giám thị trại chận hỏi. Vì lý do ấy, sau khi "lễ đi" chấm dứt bọn Vĩnh cũng chẳng ra sân trại làm gì. Anh em trở lại chỗ nằm lôi ra những cái gì có thể nấu ăn được đem ra sau bếp nhóm lửa nấu nướng. Để ăn mừng ngày Giáng Sinh trong tù, nếu là người đã được thăm nuôi thì sẽ có được một nồi mì, hoặc nui tương đối ngon lành với đủ gia vị như mỡ, nước mắm, hành khô, bột ngọt, tiêu ớt. Nếu tệ hơn thì có nồi bột Bích Chi quấy chung với mấy cục đường làm chè. Bằng nếu là con bà phước, hoặc lâu rồi không được thăm nuôi, người muốn ăn mừng lễ chẳng còn cách nào khác hơn là đem đổ phần khoai mì được cấp phát của mình vào nồi, xin xỏ anh em thêm một vài vắt mì khô, một chút nước mắm để có được một nồi xà bần tương đối đặc biệt hơn mọi ngày.

Riêng đám Vĩnh vì anh mới được thăm, do đó ăn uống có vẻ xôm trò. Điểu và Dương kiếm củi, anh Huy nhóm lửa, Cường sai vặt, Ý và Vĩnh lo nấu. Chỉ mười lăm phút sau một nồi mì vĩ đại với đầy đủ gia vị thơm phức đã hoàn tất. Kèm với nồi mì còn một nồi đậu xanh nấu với đường cát... Anh Huy vội vàng lấy lon cóng múc ra một ít đem biếu những nơi cần biếu, đặc biệt là các cha ở các dãy nhà khác. Sau đó tất cả được đem vào đặt nơi chỗ nằm chờ giờ tập họp.

Sau khi vào chuồng, trong lúc ngồi ăn với nhau, bọn Vĩnh mới có thì giờ bàn đến những thay đổi trong ngày. Đối với đội 17, điều thay đổi quan trọng nhất là việc đội trưởng Đặng Xuân Hùng đã được điều sang làm đội trưởng đội khác. Sự ra đi của Hùng đã khiến anh em thấy lời nói của Hùng quả "rất có trọng lượng" đối với Ban Giám Thị. Chính Hùng đã từng than thở: Mai mốt tôi xin đi đội khác. Ở đội này các ông bựa quá, chịu không nổi. Nấn ná mãi ở đây có ngày mang họa lây!

Hùng đi Mai Văn Lễ được đôn lên làm đội trưởng, đồng lúc một nhân vật khác được điều đến làm đội phó. Người đội phó mới này hiện tại chưa ai biết rõ anh ta là gì, thuộc thành phần nào và tính tình ra sao. Chỉ thấy từ chiều đến giờ anh xuất hiện như một người đã khá lớn tuổi, quãng 48 hoặc 49; vóc người cao lớn, dáng đi hơi gù với một nét mặt thật trầm tĩnh...

Trong lúc ăn anh Huy nhìn về phía người đội phó mới (anh ta đang lặng lẽ trải chiếu trên chỗ anh nằm) hỏi bâng quơ.

- Thằng cha ấy chắc to tuổi hơn tôi. Không biết cỡ nào mà lại được đem vào đội này làm đội phó!?

Không ai phụ họa, anh Huy lại tiếp. Tên gì không biết?

Cường với bản tính thích chứng tỏ biết hết mọi chuyện, vừa múc mì ra bát vừa trả lời.

- Thứ dữ đó. Chả tên Thuận. Trước từng là đội trưởng đội 20. Không biết vì lý do gì mất chức một thời gian. Hôm nay lại được điều về đây làm đội phó.

Vĩnh chỉ lắng nghe nhưng không góp ý kiến. Ăn uống xong như mọi người, Vĩnh sắp xếp lại chỗ nằm có một chút thay đổi của mình. Số phận đưa đẩy, ông Trương Hồng điên điên khùng khùng lại một lần nữa đưa đến nằm sát bên Vĩnh. Thấy Vĩnh, hắn chỉ liếc xéo một cái rồi thôi, rồi quay trở lại với bức vách trên đầu chỗ nằm như một người đang ngồi thiền.

Vĩnh nằm nhìn qua cửa sổ có chấn song sắt. Cũng như đêm hôm qua, đêm nay bọn công an gác đêm bồng súng đi tới đi lui và thỉnh thoảng nhìn vào phòng qua các cửa sổ như để quan sát một cái gì. Thực ra chúng chỉ có mục đích khám phá và ngăn chặn kịp thời những ai chúng nghi ngờ đang ngồi tụ tập "làm những việc tôn giáo mê tín dị đoan".

Nơi cửa sổ gần dãy cầu tiêu cuối phòng chợt có một tiếng hét từ ngoài hắt vào.

- Này anh kia! Làm cái gì đấy? Làm việc mê tín hả?

Tiếng một người từ bên trong trả lời.

- Tôi có làm gì đâu! Tôi đang bắt rệp mà!

Giọng bên ngoài hơi hách dịch hơn một chút nữa.

- Bắt rệp ngồi xích ra ngoài. Cấm ngồi quay mặt vào vách như vậy nghe chưa!

Sau câu ra lệnh ấy trong phòng không còn ai nghe thấy gì thêm nữa. Có lẽ tên công an gác đêm đã bỏ đi chỗ khác.

Vĩnh ngồi bật dậy và bắt đầu lôi chăn mùng mền ra. Một ngày bận rộn khiến Vĩnh và hình như nhiều người khác nữa đã quên phéng đi một công tác quan trọng không thể không hoàn tất trước khi đi ngủ. Công tác bắt rệp.

Vào quãng nửa đêm cả trại thình lình thức giấc vì những tiếng động ngoài sân, tiếp theo là tiếng súng nổ ròn rã vang lên khắp nơi. Bọn tù đều chồm tới những khung cửa sổ nhìn ra ngoài. Đang lúc ấy cửa nhà 5 bật mở. Bọn công an súng ống ập vào và bắt tất cả hạ mùng. Kế nữa những người nằm tầng trên phải xuống hết tầng dưới cho một cuộc điểm danh bất thường.

Xưa kia chuyện báo động nửa khuya ở Trảng Lớn hay An Dưỡng là chuyện thường. Tuy nhiên từ ngày về đây, đây là lần đầu tiên xảy ra việc này khiến ai cũng thầm thắc mắc. Chuyện gì đây? Trốn trại chăng? Nhưng trốn bằng cách nào khi ở đây đêm đến đều bị nhốt kín trong phòng như thế này?

Vài phút sau, tù nhà 5 đều ngã ngửa vì quả thực có trốn trại, và cho thấy riêng nhà 5 đã có ba người trốn, một người của đội 45, hai người của đội 13. Bọn giám thị sau khi biết chắc nhà 5 biến mất ba người, chúng cho lệnh các đội trưởng trong nhà đi cùng với chúng tìm xem những người trốn trại đã thoát ra ngoài bằng cách nào. Sau cùng, chúng khám phá ra một khung cửa sổ có những song sắt bị cưa đứt.

Khi bọn giám thị lui gót và trật tự khóa cửa phòng lại như cũ, hầu như cả nhà không còn ai ngủ được. Đám vượt ngục đều là anh em gốc Hòa Hảo, từng được chuyển từ miền Tây lên sau đợt Vĩnh không quá tuần lễ. Thường ngày họ đều là những người lao động rất hăng, ít tỏ lộ những hành vi chống đối và rất đoàn kết với nhau. Không ai ngờ đúng vào nửa đêm ngày 25 rạng ngày 26 của tháng Tây lịch cuối cùng năm 78, họ hè nhau trốn một lượt đến năm người như thế, và nhất là trốn được một cách êm ru.

Tuy không nói ra nhưng ai cũng thầm lo cho thân phận những người trốn trại. Dân vốn gốc ở đây mà nhiều anh còn thất bại, huống chi họ là dân miền Tây, phong thổ địa dư nơi đây đều lạ, làm sao mưu sinh thoát hiểm cho nổi!

Qua cơn lục soát tìm kiếm, điểm danh báo cáo... cả trại lại chìm dần vào sự yên lặng của đêm tối. Quãng ba giờ sáng, một lần nữa Vĩnh và nhiều người đều giật mình thức giấc; lần thức giấc này hoàn toàn không vì những tiếng súng nổ, không vì những tiếng chân chạy mà vì những tiếng huỳnh huỵch vang lên từ phía cổng trại, bò vào tới giữa sân trại và lần lượt tiếng huỳnh huỵch ấy lết tới phía bệnh xá cuối trại. Vĩnh nhìn ra sân qua chấn song sắt. Dù đã quá quen với cái cảnh này, Vĩnh vẫn không khỏi không xúc động. Ngoài sân, một chuỗi năm người bị trói vào nhau như một lũ tù dây, đang lê lết bò trên sân trại. Đi theo họ là một bầy công an súng ống đầy đủ. Xa xa còn có vài anh chàng trật tự đi theo. Riêng bọn công an quả như một bầy chó dữ đang ùa theo cắn xé năm người bị trói. Đoàn người ấy cuối cùng biến mất nơi góc bệnh xá và dãy nhà số 11.

Trong phòng ai cũng bần thần cả người. Thế là bị bắt rồi! Những tiếng thầm thì cứ liên tục nổi lên. Vĩnh không bàn thảo với ai. Anh cứ ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ. Thình lình một cái đầu đen thui xuất hiện phía bên ngoài, la lớn vào trong khiến Vĩnh giật bắn mình.

- Xầm xì gì đấy? Ngủ đi không ông tấn cho cả đám một trận bây giờ!

Mặc tên công an từ ngoài đe dọa, bên trong anh em vẫn xầm xì bàn tán đến hiện tượng vừa xảy ra. Tên công an cáu quá, hét. Các đội trưởng đội phó đâu? Bắt tất cả đi ngủ xem nào!

- Thôi đi ngủ đi. Mấy người ấy chắc chắn bị nhốt cachot hết rồi. Cachot ở đây muỗi và chuột ghê gớm lắm...

Một tiếng nói thầm bên tai Vĩnh làm Vĩnh giật mình ngoái lại. Hóa ra đội phó Nguyễn Văn Thuận đã chồm tới chỗ Vĩnh tự lúc nào để ngó qua cửa sổ chỗ anh nằm. Vĩnh nhún vai không biết trả lời ra sao. Dưới ngọn đèn điện nhợt nhạt, Vĩnh cố bắt thêm đôi ba chục con rệp nữa mới mắc màn và chui vào ngủ trở lại.

Tuy nhiên chẳng cách gì Vĩnh ngủ trở lại được. Những biến cố xảy ra trong ngày Giáng Sinh nơi đây, thực ra chả mới lạ gì, thế mà nó vẫn có một ảnh hưởng trầm trọng đến suy nghĩ của Vĩnh. Vĩnh nằm cố nhớ lại những câu thơ, những đoạn nhạc đã viết ra trong đầu. Lẩm nhẩm một lúc Vĩnh lại thấy phát buồn cười. Ta đang cố làm một việc tuyệt vọng. Thơ nhạc sẽ làm được gì ích lợi trong hoàn cảnh này? Ấy là chưa kể... Bỗng nhiên Vĩnh nhớ đến cặp mắt của tân đội trưởng Mai Văn Lễ khi chiều, lúc hắn ngó anh và Ý quàng vai nhau đi tới đi lui ngoài hàng rào để tham dự cuộc "lễ đi" do cha Bộ làm bên kia hàng rào nhà 6 và 7. Rõ ràng đôi mắt ấy là một đôi mắt theo dõi kín đáo. Và nếu không chủ quan, Vĩnh có thể khẳng định gần đây Lễ đã chiếu những ánh mắt tương tự như thế vào đám ăn cơm chung của Vĩnh rất nhiều lần! Nếu như Vĩnh không "có tật" thì cũng chẳng lấy gì đáng để giật mình, đàng này, Vĩnh tự biết mình có một tật rất nặng, ấy là tật đêm hôm tí toáy làm thơ và viết nhạc trong mùng. Chuyện này những người bạn thân của anh đều rõ và có lên tiếng khuyên can, tuy nhiên, nếu không viết ra để sau đó học thuộc lòng vào bụng, thì chắc chắc Vĩnh sẽ quên hết và không cách gì nhớ nổi. Thế nên dù biết rằng nằm viết ra giấy là điều cực kỳ nguy hiểm nhưng Vĩnh không có cách nào khác hơn.

Dù sao sự cảnh giác của Vĩnh rất cao. Những tháng ngày qua anh thủ thật kỹ, không bao giờ để một dấu tích chữ nghĩa nào trong đồ đạc đầu giường cả. Viết được cái gì ra, Vĩnh cố học thuộc lòng ngay và thủ tiêu vào hầm cầu trước khi ngày rạng. Đã hơn một lần trong lúc đi lao động, đồ đạc của Vĩnh đã bị giám thị và trật tự lôi xuống khám xét. Ở đây, việc khám xét nhiều khi không cần áp dụng đồng loạt như ở dưới chế độ quân quản. Nếu một người bị ăng ten báo cáo lên trật tự hoặc giám thị trại về một việc đáng nghi ngờ nào đó, trong lúc người ấy đi lao động, ở nhà chúng tự động lôi hết đồ đạc xuống "kiểm nghiệm". Sơ hở để lộ một chứng tích của "tư tưởng phản động" chết tươi như chơi!

Hết chuyện thơ chuyện nhạc, chuyện lo âu về đôi mắt của đội trưởng Lễ, Vĩnh lại nhớ đến những tin đồn mà vốn đã nhiều phen anh tích cực muốn loại bỏ nó ra khỏi đầu óc. Những đêm khó ngủ trí óc sẽ là miếng mồi ngon cho móng vuốt của sự hồi tưởng!

Theo tin đồn, tình hình đất nước coi mòi rất lộn xộn. Những chuyện đánh đấm hoặc căng thẳng giữa những vùng biên giới với các nước láng giềng chắc chắn đã là sự thật trăm phần trăm. Thốt nhiên Vĩnh thấy thật hoảng hốt khi tưởng tượng tới cái cảnh một ngày nào Việt Nam tràn ngập hình ảnh "đoàn quân Tàu ô đi, sao mà ốm thế!". Dù chưa hình dung ra sự nguy hại trong việc xung đột giữa bố con chúng nó lần này ra sao, Vĩnh vẫn linh tính thấy rằng mối bang giao giữa hai nước đã thật sự cáo chung. Tự biết mình không phải là một chính trị gia, Vĩnh không lường được (và cũng chẳng có hơi sức đâu mà lường) đến những hậu quả lâu dài sau này; mà, cũng như đa số những người đang nằm trong vòng rào trại tập trung cải tạo, Vĩnh phải ưu tư nhiều đến số phận của ngay chính mình. Điều giản dị trước mắt để ai cũng có thể thấy, rằng nếu không có chiến tranh Việt-Miên hay Hoa-Việt sẽ xảy ra, thì số phận của bọn Rau Răm Ở Lại này tương đối còn có nhiều hy vọng sống còn; bằng ngược lại, Việt Nam một lần nữa rơi vào cơn lốc của máu lửa, kể cả thế giới Tự Do, ai còn có thì giờ đâu mà nhìn ra một cọng rơm trôi dạt giữa giòng nước lũ!

Bỗng dưng Vĩnh lại muốn trỗi dậy để viết một cái gì; đúng hơn, Vĩnh chợt tha thiết thèm được cầm bút viết trên giấy một cái gì. Cảm giác này không khác lắm một người ghiền nặng thèm một hơi thuốc vào lúc nửa đêm trời trở lạnh. Không có thì cũng không chết nhưng chắc chắn nó sẽ ray rứt, sẽ trăn trở và khó mà ru được giấc ngủ.

... Trời đất ơi ăn khoai mì nóng quá!
Từ giải phóng vô đây... ăn khoai mì dài dài...

Một tiếng hát cất lớn trong đêm thâu làm Vĩnh giật mình, nhưng anh cũng nhận ra được đó là giọng Nguyễn Công Danh. Danh là tay thường hòa nhạc với đám Hòa, Tuyến. Hắn gầy như con mắm, tính tình cũng ngang như cua. Theo Danh khai báo, hắn từng là chuẩn úy BĐQ, đào ngũ và nghiện ma túy. Hàng ngày đi lao động, buồn miệng hắn lại rú lên mấy câu hát nhại theo bài Miền Đông Đất Đỏ. Giọng hát khởi sự rú lớn rồi nhừa nhựa tan dần như một người hết hơi khiến Vĩnh biết rằng Danh đã hát câu hát ấy trong cơn mơ.

Một cơn gió thật lạnh vào lúc rạng sáng thổi qua cửa sổ. Vĩnh co người lại trong chăn. Thốt nhiên anh tiếc một giấc ngủ ghê gớm. Đêm trường thế là đã sắp hết. Một ngày Giáng Sinh buồn thảm và có khá nhiều biến chuyển đáng nhớ đã qua đi. Nhật ký tù của Vĩnh có thêm một trang gửi vào trong tiềm thức. Hình ảnh của một ngày lao động sắp đến lại đầy tràn trong tâm trí Vĩnh với nỗi buồn thảm và xót xa. Bỗng dưng, một ý nghĩ pha trộn giữa sung sướng mặc cảm tội lỗi nảy ra trong đầu Vĩnh, ấy là Vĩnh thấy mình, ít ra sáng mai đây, vẫn còn được "đỡ khổ" (!) hơn năm anh bạn đạo Hòa Hảo vừa trốn trại thất bại đêm qua. Họ đang ra sao và sẽ ra sao? Hình phạt phải chăng vẫn như thông thường? Có nghĩa là vào trước giờ tập họp đi lao động buổi sáng, trước 1.600 tù ngồi xếp hàng theo từng đội hình trên sân chờ điểm danh xuất trại đi lao động, bọn trật tự sẽ khênh ra trước sân cái bục thuyết trình để trên hội trường. Tên giám thị trực sẽ xuất hiện với một bản án trên tay. Hắn sẽ tuyên đọc bản án trước mọi người với nội dung như sau.



LỆNH BẮT GIAM.

Vào lúc... giờ ngày... tháng... năm..., các can phạm Nguyễn Văn X, Lê Văn Y... hiện ở tại tổ... đội... nhà... đã can tội trốn trại với ý đồ phản động đen tối.

Chiếu nghị quyết của Ban Giám Thị trại cải huấn Hàm Tân, nay tuyên bố:

Các can phạm X và Y sẽ bị:

- Giam hầm tối hai tháng.
- Cấm thăm viếng sáu tháng.
- Cùm hai chân.
- Hạ khẩu phần ăn còn chín cân mỗi tháng.

Ngoài ra, hình phạt trên có thể tăng giảm tùy mức độ ăn năn hay ngoan cố không chịu hối cải của các can phạm.

Ban Trật Tự trại chiếu thi hành lệnh này kể từ ngày ký.

Thay mặt Ban Giám Thị
Trại cải huấn Hàm Tân
Cán bộ giám thị trực.
Ký tên.

Tiếng kẻng báo thức cho Vĩnh biết đã tới giờ anh phải tranh thủ hạ mùng mền thực mau, để có thì giờ bắt giết thêm được mớ rệp nào hay mớ rệp đó!

CHƯƠNG SÁU MƯƠI BA

Đầu tháng Giêng năm 1979, trại Hàm Tân trải qua một cuộc học tập và thảo luận về việc "thủ đô Nam Vang được giải phóng khỏi tay bọn đồ tể Pon-Pot và Ieng-Xary". Trong lần học tập này, Ban Giám Thị trại cũng hân hoan loan báo.

- Việt Nam và Kampuchea là hai nước anh em xã hội chủ nghĩa, vì thế chúng ta không bao giờ được phép để hai nước phải rơi vào tình trạng môi hở răng lạnh. Nhờ đảng, nhờ nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và nhờ nhân dân Việt Nam tích cực giúp đỡ, ngày nay nước Kampuchea anh em đã thực sự thoát khỏi bàn tay diệt chủng của bọn đồ tể phản bội Pon-Pot và Ieng-Xary, được hưởng hòa bình tự do no ấm và hạnh phúc thực sự. Cũng như nước ta khi mới giải phóng, nước Kampuchea anh em hiện gặp một số khó khăn mà cơ bản là những khó khăn về kinh tế. Do vậy, trong tình thân ruột thịt thắm thiết, tình láng giềng tối lửa tắt đèn, Đảng nhà nước và nhân dân ta đã quyết định thắt lưng buộc bụng để có cái chi viện trợ giúp nước anh em trong cơn khó khăn. Hạt gạo hạt muối bây giờ ta lại phải cắn làm ba làm tư... Ban Giám Thị trại nêu rõ vấn đề để các anh em phạm nhân đừng lấy làm thắc mắc khi khẩu phần tinh bột của trại ta từ nay sẽ có giảm sút chút ít!...

Tin nhân dân Kampuchea được "thực sự độc lập tự do, ấm no hạnh phúc" bỗng nhiên mờ hẳn đi trước tin khẩu phần tù bị cắt giảm khi ngày Tết ngày nhất vừa tới nơi. Những lời bàn Mao Tôn Cương tha hồ có dịp nổi lên. Và những lời bàn ấy còn nổi lên dữ dội hơn khi vào ngày 17 tháng 2 năm 1979, Trung cộng tiến quân cấp quân đoàn đánh vào các tỉnh biên giới dưới chiêu bài "dạy cho CSVN một bài học".

Bạch thư tố giác "chính sách bá quyền Trung Quốc và chủ nghĩa Sô-vanh của bọn phản động và phản bội" được Hà Nội ấn hành và tuyên truyền rùm beng đến tận cái xó xỉnh tù Hàm Tân này. Bọn tù một lần nữa được lôi lên hội trường để nghe cán bộ đảng khởi sự tố khổ người anh em Trung quốc vĩ đại, đồng thời cũng là bố nuôi của chúng trong suốt quá trình cuộc chiến tranh ăn cướp miền Nam tự do.

Trong văn chương bình dân Việt Nam có nhiều kiểu chửi thật tuyệt vời, từ chuyện chửi gà chửi qué đến chuyện chửi chó chửi mèo; nhưng có lẽ đây là câu chuyện chửi nghe sướng nhất mà cả nước lần đầu được nghe, ấy là chuyện thằng con Hà Nội chửi bố Trung Quốc. Thôi thì hết xẩy! Thế giới tự do bỗng dưng không tốn một xu teng mà có ngày được cả một tập tài liệu đầy đủ nhất về những cái lươn lẹo, đểu cáng, những cái bất lương, bịp bợm, lưu manh... đã xảy ra trong suốt quá trình cuộc giao du của bọn anh em ruột thịt nhà cộng sản.

Bọn tù, mới đầu nghe cha con chúng nó đánh nhau, rồi chửi nhau, rồi công khai vạch áo cho người xem lưng thì cũng lấy làm khoái. Tuy nhiên nghe riết, nghe cả tuần lễ bắt đầu đâm nhợn. Khi tụi nó khen nhau mình cũng phải nhắm mắt nhắm mũi mà khen để tránh tội phản động. Khi tụi nó chửi nhau mình cũng phải nhắm mắt nhắm mũi mà chửi kẻo mang tội Việt gian!

Nhưng cuộc chửi bới dù có dài đến đâu cũng có lúc phải chấm dứt. Lần lên lớp sau cùng, tên tổng giám thị trại kết luận.

- Đất nước ta mấy mươi năm chịu đựng gian khổ, vừa thoát ra khỏi sự thống trị bạo tàn của bè lũ Mỹ ngụy, cả nước đang như một con bệnh vừa phục hồi và khởi sự bắt tay vào công cuộc tái thiết đất nước, xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa trên cả hai miền Nam Bắc, thì bọn phong kiến nghìn đời, bọn phản bội chủ nghĩa xã hội, tức bọn bành trướng Bắc Kinh, đã chạy theo lợi nhuận được đế quốc Mỹ chia chác, trở mặt xua quân đánh phá và xâm chiếm lãnh thổ biên giới miền Bắc nước ta. Tội ác của chúng đã phạm với nhân dân ta như lá trên rừng, như nước biển Đông. Mặc dù chúng đã bị quân dân ta quyết liệt đánh đuổi và đã dành lại từng tấc đất quê hương, nhưng thiệt hại chúng để lại đã không phải là nhỏ.

Bọn tù bên dưới đều ngồi phỗng ra nghe cán bộ đảng tả oán. Rồi thì, cũng như lần trước, gần 1.600 tù đều hoảng hốt ra mặt với câu kết luận. Trọng tâm tái thiết và cấp dưỡng hiện nay của chính phủ ta là các cơ sở vật chất bị hư hoại, cũng như đồng bào sống ở các tỉnh biên giới bị bọn bành trướng Bắc Kinh tiến công khiến mất mùa đói kém. Để tích cực đóng góp vào chiến dịch lá lành đùm lá rách của nhà nước đưa ra trong giai đoạn hiện tại, trại ta sẽ nhất trí giảm khẩu phần ăn của mỗi người xuống thêm một chút nữa...

Rốt cuộc, xét cho cùng, số phận tù đúng là "khóc cười theo vận nước nổi trôi". Nhà nước cười mình cũng bị thắt ruột mà nhà nước khóc mình cũng bị buộc bụng.

Bọn tù ai cũng than thở. Mới đầu năm đến nay chưa quá hai tháng mà nhà nước đã cười và khóc hai lần, chả hiểu hết quý đầu nhà nước còn phải cười khóc mấy phen nữa!?

Khi vãn tuồng trời lại đổ mưa tầm tã. Có người đội mưa chạy về phòng, cũng có người tà tà ngồi lại với nhau trong hội trường đợi mưa tạnh. Bên cạnh những cái điếu cày, anh em kẻ thầm thì bàn tán, người cao giọng nói xa nói xôi. Thụy kỳ chung, mọi người từ trẻ đến già, ai cũng lấy làm khôi hài cho chuyện bố con nhà cộng sản Tàu Việt đánh nhau.

Ông Đại móm, người từng giữ chức phó quản đốc trại cải huấn Đà Lạt, thường có lối Kiều lẩy thật duyên dáng trong những lúc đấu láo với bọn trẻ, xà tới hút nhờ điếu thuốc. Sau khi ngửa cổ nhả một hơi khói no nê, ông đảo mắt quan sát một vòng; lúc biết chắc chẳng có tay trật tự hay giám thị nào, ông mới cười khẩy đọc luôn một câu thơ.

Từ trong gian khổ bước ra,
Vươn vai một cái rồi ta... đi vào!

Cả bọn chả hiểu câu thơ ấy ông lượm được ở đâu, hay trong lúc ngồi nghe cán bộ đảng tả oán, ông đã cao hứng sáng tác ra; nhưng trong hoàn cảnh này, bỗng dưng được nghe một ông già chịu chơi đọc một câu thơ mỉa mai chế độ có tầm đại pháo ấy ai cũng thích thú.

Một anh chàng trẻ tuổi cười lên tiếng.

- Khẩu phần bớt nữa chỉ ông Đại mừng!

Ông già Đại lại nhe hai hàm răng toàn lợi của ông ra cho mọi người thưởng lãm, rồi ông cười đáp.

- Đúng đấy. Các cậu còn trẻ cái gì cũng nhai được. Thằng già này dẫu được cách mạng nuôi ăn rất đầy đủ sơn hào hải vị, gan trời trứng trâu, nhưng chắc có ngày chầu ông bà vì bệnh chết đói!

Nghe ông Đại than thở Vĩnh mới sực nhớ ra cái thảm cảnh gần đây của những ông già yếu răng hoặc đã rụng gần hết răng như ông Đại. Thực ra gọi là thảm cảnh cũng không lấy gì làm quá đáng. Từ đầu năm đến nay, chẳng những tù bị giảm khẩu phần tinh bột (còn độ 300 grs mỗi ngày!), mà ngay loại tinh bột cũng bị thay đổi. Trước kia tinh bột chính trại Hàm Tân cấp phát cho tù là khoai mì lát. Và dù ai cũng biết thứ thực phẩm này không ngon lành bổ béo gì, mà còn có thể có mầm mống nguy hại cho đường tiêu hóa, vì nó còn cả vỏ; nhưng trên phương diện nhét cho đầy bụng, thì món khoai mì lát hầm tương đối già trẻ còn có thể tiếp thu được một cách dễ dàng như nhau. Gần đây, món thực phẩm này chỉ còn được cấp phát vào bữa trưa, còn bữa chiều cấp phát ngô (bắp).

Người bạn khi nãy nói đùa rằng khẩu phần càng sút giảm càng làm ông Đại mừng cũng có lý do của anh ta. Ngô, món thực phẩm mới là một món ăn rùng rợn! Bọn tù đều kinh ngạc không hiểu nổi nguồn gốc của những hạt ngô to như đốt ngón tay, cứng như sỏi, mày của nó dai và dày như thứ nylon tốt từ đâu mà ra. Nga? Tiệp Khắc? Ba Lan?... Không ai biết được! Chỉ biết khi những bao ngô được nhận từ kho hậu cần về, anh em trong đội anh nuôi vội vàng đổ hết vào những dãy thùng phuy đặt sau bếp. Họ đổ vôi và nước vào ngâm suốt đêm. Sức nóng hầm của vôi sống có thể làm rục xương một con bò nhưng đã chịu thua trước những hạt ngô của phe xã hội chủ nghĩa! Lúc khẩu phần ngô được phát đến tay bọn tù, nó không phải là những hạt ngô bung mềm mại, mà vẫn cứng như đá và lỳ lợm nằm ngủ trong lớp mày dày như áo giáp. Vì những hạt ngô bung như thế, ngoài bọn trẻ dám ngồi nhẫn nha nhai... cả đêm cho hết khẩu phần, kỳ dư các cụ cỡ ông Đại thì đành phải đầu hàng vô điều kiện. Vô điều kiện!

Vĩnh hút xong mấy điếu thuốc đứng lên nhìn ra trời mưa. Kết thúc một chuỗi ngày nhồi sọ chính trị bằng một chiều mưa lòng bỗng lạnh và trống khôn cùng! Đời sống tuyệt mù khốn quẫn, thụ động và chán chường. Thốt nhiên Vĩnh lại nhớ đến những dặn lòng, những tính toán, những an ủi chính mình từ những ngày đầu tiên đi tù: Ta sẽ trở thành một phóng viên chiến trường hậu chiến! Và cho tới nay Vĩnh đã "làm phóng viên" được gần 45 tháng. Bốn mươi lăm tháng số phận của cả triệu tù nhân như những hòn đá rơi xuống vực sâu, âm u, biền biệt và có cơ mất tích luôn...

Người ra đi thì biệt vô âm tín, người ở lại thì tù tội chung thân. Thốt nhiên một câu thơ của Lưu Vân trôi qua đầu làm Vĩnh cóng lạnh.

... Có những người không sinh ra cùng một ngày,
Mà chết cùng một giờ...

Chả nhẽ số phận giống nòi Việt Nam thê thảm đến thế sao?

Vĩnh lại xà vào những đám đông kiếm thêm bi thuốc. Hội trường lúc này đã vơi thêm nhiều người. Những tiểu ban chuyên môn đã bắt đầu làm việc trở lại nơi những dãy bàn cuối hội trường. Vĩnh để ý thấy nhà thơ Ninh Chữ, trưởng ban kiêm luôn nhân viên duy nhất của Ban Thống Kê đang ngồi ghi ghi chép chép trên một đống hồ sơ. Nơi căn phòng bên cánh trái sân khấu, dịch giả kiêm thầy đồ Nguyễn Quốc Hùng, đương kim trưởng ban Ban Trật Tự trại Hàm Tân cũng đang ngồi duyệt xét một đống giấy tờ trên mặt bàn...

Cơn mưa bây giờ đã ngớt. Mới bốn giờ chiều mà trời đã âm u tối. Vĩnh phóng chạy thật nhanh ra ngoài sân. Anh men theo hàng hiên hội trường, rồi men theo hàng hiên bếp trại. Gặp một đôi người quen mặt đứng trong bếp nhìn ra. Ông trung tá Sâm - người giờ đây đã phải đi nạng vì chân trái của ông đã hoàn toàn bại xụi - thấy Vĩnh kêu ơi ới. Vĩnh trả lời cho qua chuyện và hứa sẽ cho ông một ít mỡ rồi phóng băng qua vuông sân chạy về nhà.

Vừa chui vào chỗ nằm Vĩnh đã nhận ngay ra vẻ xôn xao nơi một số anh em. Anh Huy xà tới bên Vĩnh, nói ngay.

- Cha Bộ bị bắt rồi!

Vĩnh nhìn anh, hỏi lại.

- Bị bắt là sao?

- Nằm cachot rồi!

Quả thực lòng Vĩnh không xúc động lắm khi nghe tin cha Bộ bị tụi nó tống vào cachot. Nhưng anh Huy thì khác. Anh có lẽ là người ở vào thế hệ cuối cùng của những người công giáo Việt Nam xem cha là Chúa. Đụng tới cha là đụng tới Chúa. Cái tinh thần này một phần đã tạo thành cá tính đặc thù của những người công giáo Việt Nam, đặc biệt ở những người công giáo di cư năm 1954.

Tuy thế Vĩnh vẫn hỏi để biết cho rõ chuyện.

- Mà sao vậy? Khi nãy tôi mới gặp ngài ngồi trên hội trường mà!?

- Thì vậy. Nhưng sau khi tan hàng về phòng, Trật Tự đem lệnh Giám Thị xuống còng dẫn nhốt cachot rồi.

Câu chuyện được anh Huy tiếp tục kể, theo đó Vĩnh được biết rằng cha Bộ bị nhốt cachot vì ngài đã hơi quá lạc quan trước viễn tượng sụp đổ của Hà Nội. Trong lúc đi lao động, ngài đã công khai tuyên bố với anh em cùng đội rằng, 30 tháng Tư tới đây ngài sẽ về dâng lễ tạ ơn chung cho mọi người tại nhà thờ Bình Triệu. Khổ cho ngài, đội trưởng Minh của ngài, một con chiên ngoan đạo và nghe nói hình như cũng từng một thời ở chủng viện, một chức sắc kỳ cựu của trại, có cái đầu sói bóng lộng, đã vì chức năng đội trưởng mà báo cáo câu nói phản động của vị linh mục lên Ban Giám Thị.

Cha Bộ, liên tiếp mấy ngày qua đã nghỉ lao động và được gọi lên trình diện giám thị trực để trả lời về những câu thẩm cung của cách mạng.Hôm nay cha mới bị cùm vào khu biệt giam do bởi câu xác nhận của cha: Chính tôi đã nói câu ấy!

Vĩnh ngồi lắng nghe anh Huy kể tự sự. Sau cùng anh hằn học kết luận.

- Tôi không ngờ thằng Minh nó lại Judah như thế! Đến cha mà nó cũng...

Rồi thì trước khi bỏ đi, anh nói câu cuối. Chúng nó khám đồ của cha lấy mất hộp đựng Mình Thánh Chúa rồi. Tuần trước tôi mới chuyển cho cha gần một trăm bánh thánh. Cha giữ giờ mất cả. Khổ quá!

Vĩnh mệt mỏi ngả người xuống sạp gỗ. Vào giờ này anh em đã bắt đầu sửa soạn nồi niêu và những thực phẩm cho việc nấu nướng ban chiều. Những người "nghèo" thì nằm khoèo chờ khẩu phần ngô bung xã hội chủ nghĩa hiện đã có cái tên mới là ngô "Vỏ Nguyên Giáp", tức ngô còn nguyên lớp mày cứng như cái áo giáp bọc ngoài.

Chiều nay Vĩnh chẳng lý gì tới chuyện bếp núc. Tất cả giao khoán cho đám Ý, Huy và Điểu lo. Anh nằm nghĩ ngợi với một cái đầu trống rỗng. Hình ảnh ông luật sư Lê Quốc Việt vẫn như mọi chiều xuất hiện trong tầm nhìn của Vĩnh. Ông đang rón rén chiết ra khỏi keo chao tí mỡ, rón rén múc ra khỏi lọ tí mắm ruốc, rón rén moi ra khỏi bao vắt mì rồi rón rén bưng nồi chạy ra sau bếp với mấy thanh củi nhỏ kẹp nơi nách. Hoặc hình ảnh của đội trưởng Lễ. Trong lúc ngồi sắp xếp những cái cần cho một cuộc nấu nướng, đôi mắt hắn vẫn đảo nhanh chung quanh như sợ có kẻ thình lình đánh vào gáy mình... Cũng nằm nơi đây, trong bóng chiều nhá nhem đang đổ xuống khung cửa sổ còn ướt nước mưa, có lúc Vĩnh nghe thấy những bước chân chạy rầm rập phía ngoài, những tiếng la hét báo động.

- Mưa nữa!

- Chạy!

- Coi chừng đổ cái nồi!

- Kéo mớ củi vào! Kéo mớ củi vào! Ướt hết!

Đó là những tiếng la hét của những người đang tranh thủ thời gian còn lại của buổi chiều để nấu một nồi mì, một nồi nui hay bất cứ cái gì mà họ có thể nấu được, để nhét cho đầy bụng trong bữa ăn tối. Cũng có lúc đầu óc Vĩnh lại trôi dạt về phía hội trường, lại nghe rõ mồn một tiếng tố khổ "người anh em ruột thịt Trung quốc" của tên tổng giám thị. Cũng có lúc Vĩnh nhìn sang phía đối diện với cái đầu tỉnh táo hơn. Anh thấy ông đội phó Thuận, người mà ngày nay Vĩnh đã biết rõ hơn về tiểu sử, rằng ông có bút hiệu Châu Sơn khi soạn sách giáo khoa Việt văn và bút hiệu Thái Vị Thủy khi cao hứng làm thơ. Quả thật ở với nhau một thời gian rồi, ấy thế mà Vĩnh chưa có dịp nào trò chuyện với ông đội phó cả. Ông xuất hiện trong đội 17 này như một người thật cô đơn. Hàng ngày ông lao động vừa phải, hình như pha chút mệt mỏi; từ ngày ông về đây, phải thú nhận ông chưa hề làm một điều gì phật lòng anh em cả. Thế nhưng ông vẫn cô đơn và anh em vẫn chưa ai bắt chuyện tâm tình với ông. Có lẽ đây là sự công hiệu của những cái tin do những người cũ nơi đây bắn qua: Coi chừng, tổ sư bồ đề đấy!

Vĩnh nằm nhìn ông Thuận. Quả trong lòng Vĩnh không hề có tí ác cảm nào với ông. Rất có thể Vĩnh chưa bị đứt tay nên chưa thấy xót? Nhưng Vĩnh biết chắc chắn một điều, đối với ông đội phó ít khi nấu nướng linh tinh, không chơi thân với ai, rất chịu khó đọc sách cách mạng và rất năng ghi chép những gì hay đọc được trong sách, Vĩnh chả hề có một cảm giác e ngại nào. Chưa tiện dịp để mà bắt chuyện với nhau đấy thôi.

Nhớ tháng trước, lúc trại còn cho mượn sách đọc, trưa nào đi lao động về ông Thuận cũng xếp hàng đứng chờ người kéo xe chở sách đi qua để mượn cho bằng được vài cuốn. Đội 17 hình như chỉ có ba người thường mượn sách đọc. Người thứ nhất là ông Thuận. Người thứ hai là anh Huy. Người thứ ba là người điên Trương Hồng. Cũng có đôi lần Vĩnh tự nhủ, muốn đánh cộng sản phải hiểu rõ cộng sản về cả hai mặt tri và hành của chúng. Sống dưới nách chúng tức nghiễm nhiên được hấp thụ kiến thức về sự hành của chúng; còn muốn biết chúng tri cái gì thì không gì bằng siêng đọc sách của chúng viết. Biết thế, nhưng trưa đi lao động về, phải nối đuôi nhau xếp hàng dưới trời nắng, chờ cái xe cải tiến chở đầy sách đi tới trước hàng rào nơi khu mình ở, để ghi tên mượn được quyển sách, vài ba lần khiến Vĩnh phát mệt và đâm chán. Chỉ có ba vị trên của đội 17 là trung thành với việc đọc sách mà thôi. Gần đây, việc xếp hàng mượn sách đã chấm dứt, vì ban giám thị trại đã thông báo rằng: cách mạng cho các anh mượn sách đọc nhằm bồi dưỡng tinh thần các anh về mặt tư tưởng của xã hội mới; nhưng qua theo dõi và nghiên cứu, Ban Giám Thị thấy rằng hầu như những người năng mượn sách không đọc với tinh thần học hỏi, mà đã đọc với tinh thần bới lông tìm vết, tìm những cái sơ hở của các tác giả cách mạng để đặt điều xuyên tạc công kích...

Từ ngày cách mạng hoảng hốt cấm không cho tù đọc cả sách do chính cách mạng viết ra, ông Thuận càng năng ghi chép hơn nữa. Đã nhiều lần Vĩnh dặn lòng sẽ bắt tay anh già xồn xồn này xem anh ta nghiên cứu gì về Mác-Lê mà ghê thế!?

Rồi thì buổi chiều đã thật sự ập xuống. Mưa đã tạnh hẳn. Ngoài sân trại, những người trực lãnh phần ăn cho các đội từ bếp chạy về với những thau ngô vàng au. Bóng những chiếc áo vàng của bọn giám thị có trật tự đi theo đã chập chờn đó đây. Chúng kiểm soát ngoài khu bếp, hò hét vài ba anh tù nấu nướng sai chỗ quy định, hoặc chận hỏi một người mà chúng tình nghi đang tìm cách liên hệ linh tinh với một người khác nhà khác đội ngoài sân.

Tiếng kẻng tắt lửa và tập họp điểm danh đã vang lên. Nồi mì to tướng của đám Vĩnh đã được anh Huy khệ nệ khuân vào đặt ngay chỗ nằm của anh. Vĩnh ngó sang khu nhà 2 và 3. Bên đó họ điểm danh xong và từng cặp từng cặp đang nối đuôi nhau lặng lẽ chui vào chuồng trước nhiều cặp mắt cú vọ của bọn cai tù và trật tự. Một tiếng la lớn ngay ngoài cửa nhà 5 cất lên. Vĩnh nhận ra khuôn mặt quen thuộc của anh chàng trật tự. Anh phóng vào phòng, du người lên tầng trên xem có ai còn nằm nướng hay không, miệng hét inh ỏi.

- Ra hết! Ra hết!Ốm đau gì cũng phải ra điểm danh hết!

Câu hét quen thuộc ấy nghe đã nhàm nhưng chẳng ai mà không tuân theo. Vĩnh rời khỏi bục nằm và nối đuôi anh em ra ngoài vuông sân bên hông phòng...
CHƯƠNG SÁU MƯƠI BỐN

Cái Tết thứ tư trong tù cộng sản đã qua đi thật nhanh. Những cơn mưa lũ theo đó cũng thưa dần và mất hẳn. Cảnh bì bõm lao động dưới mưa, hoặc trước giờ về được vùng vẫy dưới con suối cuồn cuồn chảy không còn nữa. Sự nhàn hạ của những đội rau xanh mấy tháng qua chỉ cần chăm bón tí đỉnh, không cần nghĩ tới việc gánh nước tưới rau mà rau vẫn xanh tốt, đã chấm dứt hoàn toàn.

Mùa nắng đến, mà cao điểm vẫn luôn luôn là tháng Tư, bọn tù bắt đầu lè lưỡi cả đám! Nước suối gần như khô cạn, chỉ còn lại những vũng nước tù lớn nhỏ không đều và biến thành vũng bùn tức thì khi có một người nào đó nhảy xuống. Những vũng nước như thế bị lũ tù khai thác triệt để. Tinh sương đội anh nuôi đã phải dậy sớm ra suối quẩy nước về cho công tác nấu ăn. Trong ngày, các đội rau xanh nằm xa hạ lưu con suối (chỗ có nhiều nước) phải ghé quẩy nước lên tưới rau. Chiều về cả ngàn tù nhảy xuống gạn từng lon guigoz lấy cái rửa mặt và rửa chân tay.

Với điều kiện thiếu nước dùng như thế; trại Hàm Tân liên tiếp tháng vừa qua còn phải nhận thêm gần 500 tù từ các nơi đổ về. Họ gồm nhiều loại và từ nhiều nơi khác nhau. Loại đầu tiên là các phục quốc quân mà một trong những lãnh tụ từng bị sa cơ thất thế ở Rừng Lá trước đây, bị đem về nhốt Chí Hòa và giờ được chuyển tiếp về Hàm Tân là cha Nguyện, một linh mục 31 tuổi. Loại thứ hai gồm thêm một loạt các viên chức hành chánh và các vị chức sắc của giáo hội Hòa Hảo từ miền Tây chuyển lên. Loại thứ ba gồm hình sự và tù vượt biên bị bắt trở lại. Loại thứ tư là thành phần tư sản mại bản. Ông vua kẽm gai tức tỉ phú Hoàng Kim Quy, ông Khai Trí... bị chuyển về Hàm Tân cũng vào đợt này. Ngoài ra, trong số mới lên còn có một số tù trại Suối Máu. Vĩnh đã nhận ra một người bạn là anh thợ rèn Mai Mạnh Liêu.

Hiện tại, phân trại A Hàm Tân với tổng số tù lên tới 2.000 được chia thành 50 đội. Tất cả những dãy nhà trống trước đây giờ đã chật hết.

Riêng về công tác lao động hiện nay phân trại A có những công tác chính như sau:

1. Tiếp tục công trình xây dựng những dãy nhà tù đang dang dở.
2. Xây thêm hệ thống nhà ăn nhà ở cho cán bộ trại.
3. Tiếp tục khai quang sâu về hướng Tây Bắc của trại để lấy diện tích trồng lạc (đậu phọng).

Ba công tác chính này, theo như một buổi lên lớp để quán triệt tầm quan trọng của nó, tên giám thị trưởng trại đã tiết lộ rằng "đây là những công tác được trên quy hoạch và khoán cho trại ta phải thực hiện xong trong vòng 12 tháng. Những báo cáo thành quả sẽ được chính đồng chí Đào Lưỡng kiểm tra từng quý một...".

Vì bị trên đốc thúc, bọn giám thị và quản giáo trại Hàm Tân đã tích cực sử dụng một số lượng tù tối đa cho ba công tác xây dựng và sản xuất nói trên. Trại Hàm Tân hiện nay đang biến thành một nông trường và công trường tập thể có lẽ "nhộn nhịp" nhất nước.

Đội 17 hiện đang nằm trong thành phần các đội làm khổ dịch bên nông trường trồng lạc. Đạo quân khổ dịch này gồm mười hai đội. Chín đội phụ trách việc khai quang lên luống và ba đội còn lại lo việc tách, phơi và gieo lạc. Để cho công bình, mấy công tác này được các đội xoay vòng. Tuần trước đội 17 đã lên luống, tuần này, do vòng xoay, được làm công tác tách, phơi và gieo tương đối nhàn hạ.

Từ sáng sớm, ngay khi rời cổng trại, các đội tách lạc đã tiến sang những dãy kho hậu cần trại. Họ khênh những bao lạc giống còn cả vỏ ra những vị trí quy định ngồi tách. Để tránh việc ăn vụng làm thất thoát "của cải vật chất xã hội chủ nghĩa", những đội tách lạc được chia làm thành từng tổ và cứ vài tổ lại có một công an vệ binh đi tới đi lui kiểm soát. Khi số lượng lạc đã đủ chỉ tiêu, tổ tách lạc đem đổ ra sân gạch phía sau bộ chỉ huy phơi. Nắng tháng Tư chỉ cần hai nắng là hột lạc đã quắt queo và đủ điều kiện cho vào kho trở lại, chờ những luống mới được khai quang và được cán bộ kiểm tra chấp nhận đủ điều kiện để gieo trồng.

Vĩnh thăng trầm chung với các bạn trong những chuỗi ngày trồng lạc này. Càng ngày Vĩnh càng hiểu tại sao hơn hai mươi năm miệng tuyên truyền inh ỏi, tay dí súng vào lưng người, bọn lãnh tụ miền Bắc vẫn không tài nào lôi được một nửa đất nước phía trên ra khỏi cảnh cơ hàn.

Chỉ nội cái việc tổ bóc lạc nơi mà Vĩnh làm việc sáng nay thôi, cũng đã cho thấy mỗi người có khả năng đẻ ra nhiều cách đánh cắp hoặc ăn vụng lạc giống của "nhà nước cộng sản"!. Điển hình là anh Huy, người bạn già thân mến của Vĩnh. Anh Huy không bao giờ chủ trương đánh cắp để đem lạc về trại. Điều này nguy hiểm vì trước khi về được tới phòng, mọi người phải trải qua ít ra cũng ba lần khám xét. Anh chủ trương ăn tại chỗ, ăn càng nhiều càng tốt vì theo anh "lạc là thực phẩm tốt nhất trần gian vì nó gồm đủ cả ba chất đạm béo và đường!".

Có lần Vĩnh khẽ đùa anh.

- Người ta bảo ăn lạc sống nhiều sẽ bị hôi nách!

Anh cười bảo nhỏ vào tai Vĩnh.

- Cả thế giới này cộng sản đã làm hôi nách gần phân nửa. Hôi nách thêm một người nữa không chết ai!

Nói rồi anh lại tiếp tục bóc lạc với đôi mắt luôn luôn nhìn ngang liếc dọc. Vì cả tổ mười người chẳng ai mà không tìm cách ăn vụng, do đó chẳng ai thèm để ý tới ai. Họ bóc lạc rồi ném hột vào cái rá để kế bên. Anh Huy cũng làm như vậy. Nhưng khi cảm thấy an toàn, anh Huy thò tay xuống rá lạc bốc lên một nắm cho vào mồm.

Đó mới là ăn lạc tại chỗ. Nhiều người khác lại có những cách đem lạc về trại mới tài. Trong lúc bọn công an sơ hở, họ dồn lạc vào một cái bao nylon đem theo. Vào giờ giải lao, họ sẽ đem ra giấu một nơi đã được hẹn hò trước với một người bạn lao động ở một "bộ môn" khác, thí dụ lao động trong đội mộc chẳng hạn. Anh bạn này dĩ nhiên khi về trại sẽ không bị khám xét như những người đang công tác trong những đội trồng lạc. Khi "tan sở", anh bạn đi qua chỗ hẹn sẽ hiên ngang bê nó về nhà mà không một giám thị nào khám phá ra được. Lối trộm lạc này có lẽ là cách làm tiêu hao lớn nhất đối với kho lạc giống của bọn giám thị trại.

Từ ngày làm công tác trồng lạc đến nay, không thiếu anh bị bắt quả tang, bị đánh gãy răng, trào máu họng tại chỗ, cũng có anh nằm cachot cả tháng vì tội danh phá hoại sản xuất; nhưng dù thế nào, việc thất thoạt lạc giống vẫn không tài nào tránh khỏi. Số lượng lạc giống mỗi ngày bị tống vào và được tích trữ trong những cái bụng đói meo không phải là nhỏ. Nói tóm, từ khi hạt lạc còn nằm trong vỏ cho đến khi được đem ra gieo, số lượng lạc bị tù ăn sống nuốt tươi có thể lên tới hai phần mười, chưa kể khi tồn kho, một số lượng lớn khác bị ngay các cán bộ hậu cần đánh cắp đem bán ra ngoài cho dân chúng quanh vùng dùng làm hạt giống cho riêng họ.

Về phía anh em lên luống gieo hạt cũng thế. Họ có trăm phương ngàn kế để nếu không ăn cắp được lạc thì cũng có cách phá hoại; miễn sao vốn của chúng xuất ra phải tốn gấp năm gấp bảy dự tính họ mới hả dạ!

Hiện nay, những đội gieo hạt đã bắt đầu chịu thua trong việc ăn lạc. Bọn cán bộ trại, để bảo quản hạt giống, đã được trung ương chỉ thị cho ngâm lạc vào dầu hôi trước khi phát ra cho tù khai thác trồng tỉa. Để trả đũa, bọn tù chỉ còn cách phá hoại bằng việc quăng hạt giống xuống suối hoặc "lạm gieo", có nghĩa là mỗi lỗ đáng ra chỉ bỏ hai tới ba hạt giống, họ bốc cả nắm quăng xuống và lấp đất lại.

Hành động dại dột này chiều nay đã khiến một đội trồng lạc dính búa nặng nề. Một tên cán bộ có lẽ từ trung ương xuống thanh tra, đã bới và lôi lên một mớ lạc giống từ một lỗ trên luống. Hắn đưa mớ lạc ra trước mặt mấy tên giám thị gộc của trại. Tai họa thế là ầm ầm xảy ra cho cùng một lúc mười hai đội trồng lạc. Tất cả được lệnh tập họp tức khắc. Rồi chuyện gì đến phải đến. Nguyên một tổ dính líu đến mấy cái luống có những lỗ lạm gieo bị kết tội phá hoại sản xuất, bị dẫn giải về thẳng khu cachot. Số còn lại bị lên lớp tại chỗ bài học thế nào là cần kiệm liêm chính và thế nào là mình vì mọi người mọi người vì mình.

Để kết thúc bài học, tên cán bộ nói.

- Không phải trên không biết tới những bản năng thấp kém của con người, ấy là làm mà không được hưởng thì không làm, hoặc làm nhưng với tinh thần phá hoại. Tôi nói để các anh nghe, các anh nhìn vấn đề phát triển đất nước như thế là nhìn chưa xa hơn lỗ mũi. Tại sao các anh không nghĩ rằng nếu ta tích cực gieo trồng và thu hoạch tốt vụ lạc năm nay, ta có thể đổi được lạc lấy gạo từ các vùng khác, và bữa ăn của chính các anh sẽ được cải thiện? Các anh mà trồng lạc với tinh thần như vậy sẽ cả đời ăn sắn cùng ngô thôi!

Bài học cũ rích ấy bị nhai đi nhai lại cả tiếng đồng hồ. Vĩnh lẳng lặng đứng ngó trời ngó đất. Bên kia bờ suối, cách nông trường lạc không quá hai trăm thước là nông trường bắp. Những đội thu hoạch bắp đang được nghỉ giải lao. Họ nằm ngồi ngổn ngang khắp mọi nơi. Đây đó những cái bếp kê bằng dăm ba hòn đá dùng nấu nước cho tù lao động uống, nhả những cụm khói nhạt lên bầu trời hực lửa tháng Tư. Vĩnh không muốn để ý tới trời tới đất, mà chỉ để ý đến đám bạn tù bên đó. Họ thật sung sướng. Giờ nghỉ ngơi, người nào cũng cầm trên tay cả bó thân bắp tươi và rúc đầu vào bếp nướng. Vĩnh từng có lần được đi thu hoạch bắp tươi như vậy. Dẫu rằng không được ăn bắp tươi nhưng những thân cây bắp thì tự do. Sau khi thu hoạch hết bắp và khuân ra nơi quy định cho hậu cần, bọn tù được tự do thu hoạch thân cây bắp. Đem những thân cây này nướng trên ngọn lửa rồi ngồi nhai với nhau thú vị vô cùng. Phải nói nó thơm và ngọt không thua gì món mía hấp của người miền Nam hay bán ngoài phố vào những đêm Sài Gòn lạnh. Giờ đây những người bạn bên đó đang được hưởng cái thú nhai thân cây bắp nướng, trong lúc Vĩnh và các bạn bên này bờ suối đang bành lỗ tai nghe chửi. Ngay lúc ấy một ý nghĩ khôi hài không rõ rệt nẩy ra trong đầu Vĩnh và nếu không cầm giữ kịp thời, chắc Vĩnh đã phát cười to tiếng...

Bài học đạo đức cách mạng chấm dứt cùng với những tiếng kẻng tập trung điểm danh vang lên từ các gian nhà lô. Một số đội đã bị cấm tắm. Và suối cũng làm gì có nước mà tắm! Riêng đội 17 được quản giáo Phú lầm lỳ dẫn theo con đường nhỏ chạy bên hông trại mộc lên thượng nguồn con suối. Anh em thấy vậy ai cũng mừng. Giờ này, quả chỉ đi lên thượng nguồn hoặc mò xuống hạ nguồn may ra mới có tí nước trong để mà tắm. Nhưng ít khi nào quản giáo Phú dẫn lên tới đó trừ những ngày hắn thấy vui vui chuyện gì trong lòng. Vừa bị tổ trác cả đám, chả nhẽ quản giáo Phú lại thấy vui? Nhưng rõ ràng hắn đang dẫn đội 17 lên thượng nguồn con suối...

Trên con đường từ suối trở về địa điểm tập trung điểm danh trước khi nhập trại, Vĩnh may mắn hết sức gặp lại được người bạn cũ từ Suối Máu lên. Mấy ngày nay Vĩnh biết anh ta đã được chuyển lên đây nhưng chưa làm sao có dịp trò chuyện. Người bạn này là Mai Mạnh Liêu. Hiện Liêu đang nằm trong đội 48, đội có nhiều anh em cũng mới được chuyển từ miền Tây lên.

Gặp nhau cả hai đều mừng hú. Trong đời tù Hàm Tân, chỉ có một thời gian và địa điểm chỗ điểm danh nhập trại sau một ngày lao động là giúp bọn tù được liên hệ với nhau dễ nhất. Dẫu rằng bọn Trật Tự thường chạy tới chạy lui kiểm soát, nhưng cũng khó mà bắt được. Lúc đội 48 và đội 17 cùng đến địa điểm tập họp và anh em đã kiếm chỗ ngồi nghỉ chân, Vĩnh nháy Liêu lết sang ngồi cạnh nhau gần những đống gạch to tướng, xếp phía trước dãy nhà ngủ của mấy ả công an.

Liêu gặp Vĩnh cũng mừng lắm. Vẫn vóc dáng to lớn trẻ trung, vẫn mái tóc bạc hơi sớm, hắn đập vai Vĩnh cười cười.

- Mừng quá! Thế là mày chưa chết!

Vĩnh nhìn quanh một vòng, hỏi vào vấn đề ngay.

- Từ Suối Máu lên hả? Đông không?

- Có khoảng ba mươi thằng đợt này thôi.

- Anh em dưới đó ra sao?

Liêu nhăn mặt, khoa tay.

- Chuyện dài chuyện dài. Sẽ nói hết cho mày nghe sau.

Nói đoạn Liêu nhìn quanh. Quang cảnh nơi đây có lẽ còn lạ mặt lắm với hắn. Vĩnh lại hỏi.

- Chắc lạ lắm hả? Đến đây là nếm mùi công an nhân dân rồi...

Liêu không nhìn Vĩnh mà nhìn vào dãy nhà tranh gần ngay đống gạch, nơi có vài đồng chí gái công an đi ra đi vào. Vĩnh giải thích. Mấy con đượi ấy là nữ công an cán bộ cả đấy. Lạ lắm hả?

Liêu lắc đầu.

- Lạ gì! Mày tưởng Suối Máu còn quân quản à? Cũng đổi sang chế độ công an từ tháng Mười năm rồi.

Một lô những đội hình khác lại nối đuôi nhau từ phía suối tiến về địa điểm tập họp. Hầu hết những người ấy Vĩnh đều đã nhẵn mặt vì ngày nào cũng thấy nhau nơi địa điểm này. Kìa cái đội 18 toàn những tay già, thế nào cũng tiến đến chiếm chỗ ngồi cạnh hàng rào để có nơi tựa lưng. Vĩnh nhận ra một lô khuôn mặt cả cũ lẫn mới. Từ ông Lê Sáng Vovinam, ông nhà báo già Lam Giang, ông bác sỹ "cầu Thị Nghè"... đến những người mới tới nhưng thiên hạ biết đến ngay vì tiếng tăm ngày cũ của họ, chẳng hạn ông Khai Trí, nhất là ông cựu tỉ phú Hoàng Kim Quy. Ông Khai Trí tóc và bộ râu quai nón của ông đã bạc phơ. Ông Hoàng Kim Quy đi lao động luôn luôn đem theo cái bình nhựa loại bốn lít đựng nước uống. Trên cái bình không hiểu ông kiếm đâu ra tí sơn, đã kẻ nguyệch ngoạc một hàng chữ: Hoàng Kim Quy, 78 tuổi...

Sau đội 18 là đội 23 lâm sản. Cái đội này luôn luôn dẫn đầu bằng một anh chàng có chiều cao vượt hẳn mọi người một cái đầu. Và trên đường về, mỗi người luôn luôn có vài cái măng đeo ngang hông hoặc vắt ngang vai. Thường thường đi sau là đội canh tác có ông nhạc sỹ Nhật Bằng làm đội trưởng. Đội nay gánh gồng nhiều nhất. Thường họ gánh thẳng về trại những cái thùng chứa phân để lấy phân cho ngày kế tiếp. Chẳng ai nói ra nhưng Vĩnh và các bạn thừa biết trong những cái thùng đựng phân ấy thế nào cũng có kẻ giấu một quả bầu, một quả bí hoặc vài quả đậu bắp... Điều này hơi dơ bẩn một tí nhưng nó là một cách duy nhất để thoát qua được sự kiểm soát của Ban Trật Tự hoặc giám thị trực...

Liêu ngồi nhìn quang cảnh này mà không nói một câu gì.

Vĩnh đành hỏi.

- Lạ lắm hả?

- Lạ gì! Đâu thì cũng thế. Có điều ở đây tao thấy nhiều nhân vật nổi tiếng quá.

- Mày thương họ?

Liêu cười.

- Thương mẹ gì! Có điều tao thấy ở đây có nhiều điều kiện để giúp người ta dễ trở thành một triết nhân. Như hiện tại tao đang nằm giữa hai người, người bên phải tao là triệu phú kiêm chủ phòng trà Đêm Màu Hồng, kiêm dân biểu Trần Quý Phong; người bên trái tao là một thằng hình sự loại đâm cha chém chú. Thế nhưng tao chỉ có thể xin được mấy hạt muối từ thằng hình sự!

Vĩnh thấy giờ điểm danh nhập trại đã bắt đầu cho những đội hình đứng phía bên trên, anh vội vàng đứng lên và cắt lời bạn.

- Mày đã được viết thư về gia đình chưa?

- Rồi. Có thể cuối tháng này tao được thăm.

- Tao muốn hỏi mày nhiều chuyện về bạn bè ở Suối Máu lắm... Mày hiện làm công tác gì?

- Công tác gì là sao?

- Thì lao động ấy mà.

- À! Tao đang đập đá. Đội tao đập đá cung cấp cho công trường xây nhà tù.

Ngẫm nghĩ tí chút rồi Liêu đứng lên. Trước khi chạy nhanh về đội hình của hắn, hắn nói nhỏ.

- Mày có biết vụ Suối Máu nổi loạn không? Bạn bè mình bị bắt tùm lum hết. Giờ sống chết chưa biết ra sao. Để có dịp tao kể cho mày nghe.

Nói rồi Liêu đứng lên chạy về phía đội 48 của hắn. Vĩnh cũng đứng lên trở về với đội 17. Cái tin vừa rồi của Liêu làm Vĩnh ngầy ngật cả người. Thốt nhiên anh nhớ tới một góc nhà thuộc dãy cách ly trên bệnh xá Suối Máu, nhớ tới khuôn mặt của một người bị rỗ hoa, khuôn mặt của Phạm Ngọc Đông, một người bạn Hải quân từng hỏi Vĩnh nơi bệnh xá rằng ở đây ông có quen thân với ai không? Bên K.30 như thế nào? Làm loạn nổi không?...

Những đội đầu tiên đã hàng hai bước vào cổng trại. Vĩnh từ từ tiến theo mọi người. Anh nghe thấy đủ thứ chuyện bàn tán. Thật lạ, chiều nào cũng thế, cứ đang ngồi với nhau chờ điểm danh nhập trại thì mọi người hầu như đều thừ ra như những xác chết, hoặc có chuyện trò cũng chỉ có tính chất riêng lẻ và lặng lẽ giữa hai ba người với nhau; nhưng cứ hễ bắt đầu điểm danh cho nhập trại, thì y như rằng cả ngàn cái miệng bắt đầu nhao nhao lên bàn đủ thứ chuyện với nhau. Họ làm như đây là những giây phút cuối còn nói được, vì khi bước qua cánh cổng kia không khác nào như người Do Thái bị đẩy vào phòng hơi ngạt; nơi đấy chỉ còn một tí thần trí quằn quại để đón lấy cái chết thầm câm, ngoài ra chẳng còn hơi sức đâu thị phi chuyện trần gian nữa! Trong những câu chuyện ấy, có những chuyện nói về tai họa của các đội trồng lạc trưa nay, có những chuyện về con suối cạn khô, có những lời than thở của kẻ đau răng không cách nào chữa trị, có những câu nguyền rủa bọn y tế làm khó làm dễ nhau...

Rồi thì đội 17 cũng lần lượt hai người một tiến vào cổng trại. Như các đội trồng lạc khác, đội 17 tiến hẳn sang cánh trái của sân trại và dừng lại so hàng chờ Trật Tự đến khám. Tất cả các lon gô đem theo uống nước đều bị mở nắp để sẵn dưới chân, áo mưa cũng bỏ nằm dưới đất. Vĩnh làm theo anh em như cái máy. Anh nhìn ra giữa sân, nơi ấy, ông trưởng ban trật tự Nguyễn Quốc Hùng đang đứng bất động như một bức tượng. Hai tay ông để ra sau đít và quan sát từng người tiến vào cổng trại. Thỉnh thoảng ông chỉ một anh tù, nạt.

- Gài cúc áo lại!

Hoặc.

- Tại sao lúc bước qua cổng không bỏ nón chào cán bộ?

Đội 17 đã được khám xét xong. Dĩ nhiên chẳng có ai bị phiền hà gì. Lạc giống có lấy thì cũng đã được cất yên trong bao tử, có đâu để cho Trật Tự khám xét lấy lại được!

Trên đường về phòng, Nguyễn Tú Cường reo khẽ bên tai Vĩnh và anh Huy như báo một tin chiến thắng.

- Tụi nó thua tôi rồi. Chúng ta sẽ có ít nhất một ký lạc sống để đâm với muối ăn khoai.

Nói đoạn Cường phóng chạy nhanh về phía nhà 2. Có lẽ hắn đã móc ngoặc được một tay nào đó làm bên đội mộc, và áp dụng chiến thuật "đem con bỏ chợ", tức ăn cắp lạc giống bỏ vào nơi bí mật có hẹn hò trước. Người đội khác đi qua sẽ lấy đem về.
CHƯƠNG SÁU MƯƠI LĂM

Vào đầu tháng Năm đội 17 được chuyển công tác, một công tác mới thật nặng nề và cực khổ, ấy là công tác khênh đá từ chân núi bên kia bờ suối về công trường xây cất nhà ăn ở cho ban chỉ huy trại.

Cứ hai người một, người trước người sau khênh một cái ki trên chất một trọng lượng đá xanh nặng không dưới bảy tám chục ký.

Vĩnh và anh Huy bắt cặp đi với nhau. Đoạn đường dài hơn hai cây số dưới trời nắng cháy da cháy thịt, hai người lầm lũi nối gót những người khác băng qua những địa thế khác nhau, vượt qua con suối, vượt qua vuông sân lát gạch, đổ đá thành đống nơi công trường đang xây cất dở dang. Mỗi ngày, chuyển đá theo lối con thoi, Vĩnh tính thầm mỗi người phải khênh nặng một đoạn đường tổng cộng hai mươi cây số và chuyển được trên hai tạ đá xanh. Công việc này quả quá nặng so với hai bát ngô "Vỏ Nguyên Giáp", khẩu phần hàng ngày của mỗi người. Do công việc quá nặng, ngay đội trưởng Mai Văn Lễ, vừa trẻ vừa khỏe vừa to con đến thế mà cũng xọp hẳn người xuống.

Vĩnh thì khỏi nói. Anh chỉ còn da bọc xương. Hàng ngày nín thở lấy hết sức đi dưới sức trì nặng nề của ki đá, Vĩnh cố hướng đầu óc mình đến một cái gì có màu xanh của hy vọng. Nhưng rồi không thể! Những cơn khát cháy cổ làm Vĩnh muốn lả người đi. Anh Huy cũng chẳng hơn gì. Mới mấy tháng trước anh còn là một người trung niên khỏe mạnh, giờ trông hóm hém như một ông già. Thế nhưng có lẽ anh Huy không mệt mỏi bằng Vĩnh. Anh có hai thói quen trong lúc lao động nặng. Có khi anh lầm lỳ như một hòn đá, vừa đi vừa lẩm bẩm như đang đọc kinh cầu nguyện; bằng không, anh hớn hở nói lên những ước ao của mình. Những khi Vĩnh muốn ngất đi vì mệt, muốn vứt mẹ nó ki đá xuống và ngồi bệt bên vệ đường cho nó khỏe, thì anh Huy vẫn hăng hái cất bước, miệng huyên thuyên nói.

- Ông biết giờ này tôi ước ao điều gì nhất không?

-.....!

- Tôi ước ao một chai 33 ướp thật lạnh. Tôi sẽ cầm thật chặt nó trong tay để nghe hơi lạnh chuyền dần lên tới xương bả vai. Sau đó, tôi mở nút và ngửa cổ đổ nó vào họng. Đổ một hơi không ngừng nghỉ...

Mặc anh Huy lẩm bẩm vừa đi vừa cầu nguyện hoặc vừa đi vừa ước ao chai bia, Vĩnh vẫn cố gắng đeo theo những hình ảnh nẩy ra trong đầu. Hình ảnh sau cùng đã kết nên một ý nhạc mới. Vĩnh dặn lòng sẽ viết một bài nhạc, hoặc ít ra một bài thơ ghi nhận về cơn khát ghê gớm trong thời gian khuân đá cho công trường xây cất ở trại tù Hàm Tân này...

Quản giáo Phú có lẽ cũng thông cảm phần nào cho nổi cực khổ của bọn tù dưới tay. Hắn có vẻ tương đối thả nổi cho đội 17 trong giờ nghỉ giải lao được lâu hơn các đội khác dăm bảy phút. Những khi ngồi lẩn khuất trong đám đông, dưới bóng mát của một cái nhà lô, Vĩnh hay ngó ra ngoài khu xây cất. Đám tù được sử dụng vào nghề mộc, nghề hồ coi vậy chứ không lấy gì làm khỏe. Họ leo trèo, họ trộn hồ, họ chuyển gạch, họ xây, họ cưa, họ xẻ... họ cũng vất vả trăm đường dưới sự đốc công của bọn giám thị trại.

Ý bỗng vỗ vai Vĩnh và chỉ ra đám người đang trộn hồ, nói.

- Me xừ mập mập kia kìa, ông thấy không? Nghe nói hình như hắn là con trai ông Lương Trọng Tường đấy. Là đại úy.

Vĩnh mệt mỏi.

- Ông Lương Trọng Tường cũng chết chứ nói gì đến con trai ông Lương Trọng Tường!

Ý moi trên lỗ tai xuống một bi thuốc, chia cho Vĩnh một nửa, nói.

- Ai chả biết thế, nhưng nghe thằng Thương nó bảo tay ấy rành vùng này lắm. Tôi tính lân la hỏi thăm xem sao.

Vĩnh hoàn toàn không có ý kiến gì về vụ này. Anh xoay ngang kiếm cái điếu hút nhờ bi thuốc của Ý vừa trao cho. Hút xong Vĩnh lại ngồi nhìn quanh quất với một cái đầu trống rỗng không ngờ.

Anh chợt nghe lõm được một câu chuyện thật lý thú do đám người đội hình sự cùng hành nghề khiêng đá như đội 17, đang kể cho nhau nghe. Một giọng nói.

-... nhưng chỉ có vậy mà đập nguyên cái chai xì dầu lên đầu nó thì hơi nặng. Nằm cachot kỳ này cầu cả tháng...

Một giọng khác.

- Thế cũng đáng. Thằng ấy cà chớn lắm, chuyên môn chọc ghẹo người khác. Thằng Hùng tính lại cọc!

Thì ra câu chuyện mấy người ấy kể cho nhau nghe như thế này. Bên nhà 1, nơi ngủ nghê của đám Trật Tự và một số hình sự, chiều hôm qua đã xảy ra một vụ đánh lộn giữa hai người chơi rất thân với nhau. Việc đánh nhau được mô tả là nặng vì có đổ máu. Nguyên do cũng vì một sự đùa giỡn không đúng chỗ của một người. Hai người ban nãy, một người có gia đình còn một người "con bà phước". Nhưng dù điều kiện sống có khác nhau, họ vẫn chơi thân với nhau. Anh có gia đình thường nhận được thư nhà, và mỗi lần mở thư đọc, thằng bạn hay đùa giỡn của anh lại xà đến chọc ghẹo.

- Thư con vợ già hả? Có gì dâm dâm đọc nghe chơi mày!

Chiều hôm qua người có gia đình lại nhận được thư. Anh chui vào chỗ nằm mở thư ra đọc. Đọc một lúc mặt anh tái lại, kế đó ngồi thừ ra như một xác chết. Người bạn của anh ta, như mọi lần, lại xà đến chọc ghẹo bằng câu nói quen thuộc.

- Thư con vợ già hả? Có gì dâm dâm đọc nghe chơi mày!

Lần này thì câu chọc ghẹo thân mật ấy được trả lời bằng một cái chai xì dầu phang thẳng cánh lên đầu. Anh bạn chọc ghẹo lăn đùng chết giấc! Còn người đánh thì bị trật tự lôi lên giám thị, sau đó bị tống cổ vào cachot tức thì.

Tai nạn xảy ra thực ra là một cái vận không may cho cả hai người từng chơi thân với nhau. Anh chọc ghẹo bạn nào biết rằng bạn mình hôm nay đâu phải đang đọc những lá thư của vợ hay của mèo, mà anh ta đang đọc thư Mẹ; ác hơn, trong lá thư ấy mẹ anh lại báo tin cho anh biết rằng, con vợ anh ở nhà nó đã mua để dành cho anh cùng một lượt đến mấy cái sừng tê giác!

Giờ giải lao chấm dứt, các đội trưởng nhanh chóng đứng lên và thúc anh em trở lại lao động. Vĩnh lại cầm ki lên và bước theo anh Huy sau khi nhấp nhấp thêm một miếng nước. Đi bên cạnh Vĩnh và anh Huy lúc này là ông đội phó Nguyễn Văn Thuận. Ông Thuân đi cặp với Hòa "nhảy dù" vì hai người có chiều cao tương đương nhau. Lúc này ông tương đối không còn bị anh em cô lập nữa. Dĩ vãng ông đã làm gì ở trại này không còn ai để ý tới. Trước mắt, ông đang là một người mệt mỏi, mệt cả thể xác và tinh thần, điều ấy đủ để Vĩnh xích lại gần ông và chuyện trò thân mật. Và có lẽ, nếu không chủ quan, Vĩnh có thể nói rằng cả đội 17 chỉ có Vĩnh là người mà ông Thuận tỏ ra "quý" cũng như sẵn sàng đưa chuyện văn chương chữ nghĩa ra luận với nhau trong những lúc nhàn rỗi, hoặc ngay cả những lúc lao động để hy vọng làm ngắn lại khoảng thời gian dài cực nhọc. Đây cũng là dịp cho Vĩnh tìm hiểu thêm về nhân vật này, về cả những điều thường ngày ông ghi ghi chép chép. Ông mong sau này, khi mà điều kiện cho phép, ông sẽ lại soạn sách giáo khoa, nhưng là một bộ sách giáo khoa được viết bằng một ý thức mới, làm sao để tạo ra những thế hệ nhiều thiên tài hơn nhân tài và nô tài. Ông cũng nói với Vĩnh, theo ông, tài trên đời có ba hạng. Hạng nhất là thiên tài, gồm những người có óc sáng tạo, có đảm lược và khí phách, thí dụ những nhà giải phóng đích thực, những văn nhân thi sỹ đích thực, các khoa học gia, các nhà kinh tế chính trị; hạng nhì là nhân tài, chẳng hạn thành phần sinh ra chỉ để đi làm thầy giáo cô giáo, làm ông quan tòa, ông bác sỹ; hạng thấp nhất theo ông là hạng nô tài, loại cũng có học cao hiểu rộng nhưng tài chỉ đến đi làm cố vấn, thầy dùi cho thiên hạ, hoặc cũng có quyền cao chức trọng nhưng tài chỉ đi làm tay sai cho ngoại bang (Loại này thì cả hai miền Nam Bắc trong suốt cuộc chiến tranh gọi là Quốc-Cộng vừa qua có quá nhiều!).

Thường trong lúc đi khuân đá, nghe ông Thuận luận về cuộc đời, một phần nào Vĩnh cũng thấy quên đi gánh nặng trên tay và đường dài dưới chân. Nhưng anh Huy thì khác. Rõ ràng đến hôm nay anh vẫn có vẻ thủ thế tối đa với ông Thuận. Đặc biệt hôm nay, để trả lời cho một câu mỉa mai xa xôi của anh Huy dành cho ông, ông Thuận đã luận rằng: Các ông có biết luật Cái Bang không nhỉ? Một tên ăn mày một khi được bầu lên hàng trưởng lão, để hợp thức hóa, hắn phải đi qua một hàng ăn mày dàn chào bằng đờm dãi nhổ trên người... Nói tới đây ông Thuận nhìn anh Huy, tiếp. Ông Huy cũng đồng ý với tôi sau 30 tháng Tư, nội thành phần bị đi học tập cải tạo thôi, xét rộng rãi ra chỉ quãng năm mươi phần trăm đáng sống và đáng hy vọng... sau này thôi, ông đồng ý không? Anh Huy chỉ cười cười mà không trả lời. Ông Thuận tiếp. Ông không trả lời nhưng tôi biết một phần nào ông cũng nghĩ như thế. Cái số lượng thối nát và đê tiện lớn lắm, có cách triệt tiêu đi được tôi cũng không ngần ngại gì mà không triệt tiêu...

Nghe ông Thuận luận, Vĩnh lại nhớ có lần ông đã nói với riêng Vĩnh. Biến cố 30 tháng Tư chưa hẳn là không may cho tiền đồ đất nước. Nhờ biến cố này, cái lớp vỏ lở lói của miền Nam đã tự nhiên được hớt quăng bỏ sang Anh sang Pháp sang Mỹ. Tôi không dám nói một trăm thằng di tản bỏ chạy đều là hạng tồi tệ cả. Nhưng rồi ông xem, Anh Pháp Mỹ vân vân sẽ khốn nạn với bọn đó. Chúng nó sẽ đem cái lối sống giành giựt, quấy hôi bôi nhọ, đạp lên nhau mà sống, nham nhở bẩn thỉu, bè phái sang các nước đó và sống như thế cho đến ngày chúng nó chui xuống mồ. Nhưng thôi kệ chúng nó. Các nước tự do đã đón cái lớp vỏ lở lói ấy thì ráng mà chịu. Nhưng chúng ta, những người ở lại, chúng ta bắt đầu phải có cái nhìn đúng đắn về cái khối quốc gia của mình. Liệu những thằng ở lại có đáng sống hết không? Có đáng tin cẩn cho một công cuộc trọng đại ở tương lai không? Riêng tôi nghĩ là không. Vậy thì muốn làm đại sự phải có sự thanh lọc hàng ngũ ngay từ khởi thủy. Nói thì nói vậy. Người như ông như tôi làm sao cầm dao giết người được. Nhưng có thằng nào nó làm giùm công việc ấy tôi cũng chẳng từ...

Quả thực nghe ông Thuân lý luận Vĩnh thấy cũng hay, nhưng không khỏi không lạnh mình. Anh nghĩ là buồn quá, phẫn quá ông nói chơi cho vui thôi. Riêng anh Huy chỉ cười khẩy. Hố sâu giữa hai người đã sâu lại càng sâu thêm. Rồi thì để tránh chuyện hai anh già có thể đôi co, Vĩnh đẩy mạnh cái ki thúc anh Huy nhanh chân vượt qua mặt mấy cặp đi phía trước.

Ông Thuận bỗng trở thành một vết hằn trong trí nhớ Vĩnh. Ông ta là một nhà giáo? Hay một nhà chính trị? Hay một tay có tài quỷ biện? Hình như ông là tất cả những thứ đó. Ông cũng còn là người từng nói nhiều cho Vĩnh nghe về nhóm Duy Dân, về cả nhóm Hàn Thuyên của cụ Nguyễn Đức Quỳnh... Dù sao, Vĩnh biết chắc một điều, Vĩnh chưa rút ra được một ưu điểm nổi bật nào nơi ông Thuận để mà học hỏi. Ông ta tỏ ra quý Vĩnh, Vĩnh quý lại...

Khi chuyến khuân đá lần thứ tư trong ngày sắp về tới đích, có nghĩa là đám Vĩnh sắp sửa vượt qua cây cầu bắc ngang con suối, thì có nhiều loạt đạn từ sâu trong rừng buông vẳng ra. Tiếng đạn xa lắm, tuồng như được bắn mãi bên vùng phân trại A. Cả bọn hơi ngơ ngác tí đỉnh về loạt đạn nổ, nhưng rồi ít phút sau đó, tất cả lại trở về với thực tế, lầm lũi đi hết đoạn đường khổ nạn.

Giọng một người lên tiếng vu vơ.

- Mấy giờ rồi không biết?

Không ai trả lời. Vĩnh nhìn mặt trời và ước lượng giờ này cũng phải ba giờ chiều. Còn lâu mới hết một ngày lao lực.

Khi đội 17 đổ loạt đá lần thứ tư vào nơi quy định thì bỗng nhiên quản giáo Phú cho nghỉ. Đội trưởng Lễ và đội phó Thuận nhận lệnh dẫn anh em ra ngồi dọc theo bên hông xưởng mộc có nhiều bóng mát. Một lúc sau nữa, Vĩnh và các bạn nhận thấy rằng không riêng đội 17 mà tất cả các đội khênh đá đều được lệnh nghỉ. Không cần biết vì sao được nghỉ, bọn Vĩnh tìm cách chạy vào xưởng mộc xin xỏ những thanh củi vụn và ngồi bó lại từng bó. Đời tù chứ củi vẫn cần như thường. Chiều về ai cũng phải tranh thủ nấu nướng tí đỉnh, thiếu củi là cả một vấn đề. Trung lúc đang thi nhau lượm lặt củi vụn của trại mộc thì quản giáo Phú lại xuất hiện. Hắn ngó đồng hồ tay, ngẫm nghĩ tí chút rồi bảo đội trưởng Lễ cho tập họp. Đội 17 tập họp thật nhanh, vì ai cũng biết quản giáo Phú có nhiều cái cao hứng bất ngờ. Nhiều lúc vui vui chuyện gì, tù vừa lao động được hai tiếng hắn đã cho tập họp và dẫn đi tắm. Sau khi tập họp, mọi người biết rằng hôm nay quản giáo Phú lại cũng cao hứng và sẽ dẫn cả đội đi tắm thật xa, không phải thượng nguồn mà xuống mãi hạ nguồn, nghĩa là dưới cả khu canh tác rau xanh, nơi có những vực sâu và nước đầy quanh năm. Trên con đường đi xuống hạ nguồn con suối, trước nhiều cặp mắt thèm thuồng của anh em các đội khác, đội 17 bước những bước thật nhanh và thật vui. Ai cũng có cảm giác sung sướng là hôm nay sẽ được tắm một trận thả giàn, bù cho những ngày "tắm búng" vừa qua dưới mấy vũng nước bùn nơi chân cầu.

Đoàn người đi theo con đường dọc bờ suối. Những cây tre được cắm từ mùa mưa vừa rồi, dùng để ngăn cách khu trại đang ở với khu công trường xây cất giờ đã xanh um và khó mà chui lọt qua được. Nhìn những lớp hàng rào thiên nhiên này, Vĩnh mới nhận ra cái lợi hại của lối phòng thủ mà Việt Cộng áp dụng. Thực chẳng có loại hàng rào thép gai nào bền vũng cho bằng những lớp tre gai kia!

Vượt qua khu nhà tù đang xây cất là tới khu ao rau bát ngát, nơi mà đội đã tham dự và đổ bao công sức để hoàn thành từ dạo mới đến. Đây đó những gốc buông bị đốn ngã đã mục rữa dưới nắng mưa. Những lớp nấm lâu ngày không ai thu nhặt mọc trắng theo những bẹ buông. Vĩnh bỗng nhìn quanh tìm Lê Văn Tầm.

Vượt qua khu ao là tới khu rau xanh. Nơi đây có đến ba đội phụ trách. Rau xanh đủ loại mọc xanh ngát một vùng. Nhưng tù làm gì được ăn những thứ rau tươi ngon ấy!

Khi xuống gần hạ nguồn con suối. Vĩnh đã nhận ra khu nghĩa trang bên kia bìa rừng với những ụ đất nằm ngổn ngang chẳng ai biết được đó là những phần mộ hay gò mối. Rồi thì cái guồng nước bằng gỗ do tù thiết lập để dẫn nước lên khu canh tác đã hiện ra. Không khí nơi đây bỗng mát hẳn. Tiếng nước suối ồ ồ chảy làm ai cũng thấy khoan khoái. Những bước chân như bước nhanh hơn. Khi đội tiến đến chỗ nước sâu nhất, quản giáo Phú cho phép dừng chân để sửa soạn tắm.

Giòng suối hạ nguồn bỗng ầm ầm như có địa chấn. Lũ tù trần truồng thay nhau nhào lặn và vẫy vùng cho thỏa những ngày qua. Hôm nay thì Vĩnh phải vui chung với cái vui của mọi người. Nhưng rồi chỉ một lát, có nhiều người bỏ ngay cái vui tắm rửa khi họ phát hiện ra trên bờ suối có những bụi Càng Cua hấp dẫn. Một số đông tức khắc bỏ con suối và bò lên hái rau. Nơi đây rất gần bìa rừng. Dù thông cảm cách mấy, quản giáo Phú và hai công an vệ binh đi theo vẫn phải cảnh giác tối đa. Thấy có nhiều người leo lên bờ suối bên kia hái rau, quản giáo Phú kêu đội trưởng Lễ ra lệnh cho họ phải quay trở lại. Nhưng lệnh thì lệnh, chỉ một lát sau đó bọn tù ốm đói lại bò lên bờ suối và chạy tứ tán tìm hái rau với hy vọng chiều về sẽ có một bữa rau sống thật đạt chất lượng.

Vì bệnh phổi, Vĩnh không chịu được cái lạnh buổi chiều ngâm mình lâu dưới suối. Anh lên bờ sớm nhất và mặc quần áo tìm chỗ có nắng ngồi... run. Dãy núi, nơi bắn đá và là nguồn cung cấp đá cho công trường xây cất của trại như nhìn thấy ngay trước mặt. Câu thơ nhen nhúm trong đầu từ trưa lại nổi lên trong trí nhớ Vĩnh. Anh nhẩm lại cho thuộc lòng.

... Gánh đá đôi vai người
Ngày đi rồi ngày tới
Chất mãi cho thêm dầy
Ngục thất nhốt ta thôi...

Buổi tắm suối khá đặc biệt chấm dứt khi những đội canh tác đã thấp thoáng tập họp đội hình trên con đường đất ngoằn ngoèo chạy dọc bờ suối. Đội 17 được lệnh lên bờ sửa soạn tập họp điểm danh. Như mọi ngày, đội trưởng Lễ nhanh chóng mặc quần áo trước nhiều người và quay lại kêu gọi anh em.

Người sau cùng đã đứng vào hàng. Lễ bắt đầu đi dọc đội hình hàng hai và đếm. Quản giáo Phú chậm chạp và lơ đãng thả bước trên con đường đất hướng về phía trại. Hai tên vệ binh cũng lơ đãng đứng ôm súng nhìn trời nhìn đất. Đội trưởng Lễ đếm một lần từ hàng đầu đến hàng cuối. Đếm thêm lần nữa. Anh nhăn mặt, ngó dáo dác rồi lại đếm thêm một lần nữa. Đội phó Thuận nhận ra sớm nhất nét mặt hơi đổi khác của đội trưởng Lễ. Ông lên tiếng hỏi.

- Gì thế?

Lễ vẫn yên lặng và bắt đầu đi dọc đội hình đếm lần thứ năm. Sự bình tĩnh của Lễ biến ngay sau khi anh đã kiên nhẫn đếm hết lần thứ năm. Anh thốt kêu lên như một người thình lình bị bắn trúng một phát đạn vào bả vai.

- Chết mẹ rồi!

Cả đội bắt đầu tin rằng đã có một kẻ chơi trò Bướm Vượt Ngục. Chẳng hiểu sao Vĩnh ngó ngang dọc tìm ngay Ý và Huy. Anh thở phào, một cái thở phào khó định nghĩa. Mấy người bạn của anh vẫn còn nguyên cả đấy và họ cũng đang ngó dáo dác như anh.

Đội trưởng Lễ thốt quay xuống bờ suối, hỏi lớn. Còn ai dưới đó không? Lên điểm danh ngay!

Đến lúc này thì mọi người đều đã tự tìm ra được người vắng mặt là ai. Đó là Dũng, Dũng nhỏ, Dũng hình sự và là bạn của Thương của Tân Dân.

Đội trưởng Lễ cũng mau chóng tin rằng Dũng đã trốn trại. Anh vừa chạy lui về hướng quản giáo Phú, miệng vừa gọi inh ỏi.

- Dũng! Dũng! Tập họp! Tập họp!

Quản giáo Phú và hai tên vệ binh đã nghe biết tự sự. Chúng phóng tới phía đội 17 hỏi nhanh vài tiếng với mọi người rồi phóng chạy hết xuống suối. Được nửa đường, nghĩ sao quản giáo Phú lại chạy lui về phía đội trưởng Lễ, hỏi lớn.

- Khi nãy có thấy nó tắm không?

Lễ vội đáp.

- Báo cáo cán bộ có. Chính tôi thấy anh ấy nhặt rau càng cua nữa. Không biết có chết đuối không!?

Hai tên công an vệ binh vác súng chạy dọc bờ suối để lùng bắt kẻ mà chúng tin rằng đã trốn trại. Riêng Phú đã lấy lại bình tĩnh. Hắn thở dài.

- Chết đuối cái gì! Trốn mất rồi chứ chết đuối cái gì! Quản lý nhau mà như thế kỳ này cấm cả đội tắm một tháng cho biết tay!

Nói rồi Phú rút K.54 bên hông bắn lên trời ba phát. Bắn xong, Phú gọi lớn về phía hai tên vệ binh. Đồng chí Tịnh đồng chí Phẩm ơi! Thôi dẫn đội về. Để các đồng chí an ninh hiện trường làm việc của họ!

Rồi thì đội 17 được lệnh cất bước trở về trại. Trong hàng, đủ thứ giả thiết được đặt ra để thầm thì với nhau. Vĩnh liếc nhìn Thương. Nó vẫn bơ đi như không có chuyện gì xảy ra. Vĩnh thầm phục thằng nhỏ can đảm. Chả bù cho Vĩnh. Hồi Dương Ý Huy trốn ở An Dưỡng, anh mất bình tĩnh rõ ràng. Vĩnh bỗng thấy ngượng cho sự hèn nhát của chính mình. Rồi Vĩnh lại nghĩ tới Dũng. Nó trốn đi đâu? Bằng cách nào? Sao nó liều thế? Chả ai thấy Dũng sửa soạn một cái gì! Không đem theo thực phẩm, quần áo, thuốc men làm sao băng rừng nổi? Thằng ấy quá tam ba bận, thế nào lần này nó cũng thoát!

Vĩnh cố gắng không tham dự những lời bàn chung quanh. Anh chỉ cầu sao cho Dũng nó thoát. Nó là một trong những thằng nhỏ dễ thương nhất mà Vĩnh từng gặp trong tù. Lại can đảm nữa. Đảo mắt một vòng về hậu cảnh rừng rú của trại Hàm Tân trước khi đội hình bắt vào con đường mòn để xuyên qua những gian nhà tranh, nơi làm việc của các đội đan tre, Vĩnh vẫn không tránh khỏi cái linh tính kỳ cục, theo đó kỳ này Dũng vẫn chưa thoát được!

Những tiếng súng vang lên trong bìa rừng. Chẳng riêng Vĩnh mà chắc nhiều người khác đều cảm thấy như cơn đau tim thình lình bộc phát. Buổi chiều đổ xuống thật nhanh. Những tiếng súng vẫn nổ nhưng thưa thớt dần.

Vĩnh và các bạn về tới cổng trại và lại ngồi nối vào những hàng người đã ngồi từ trước, chờ điểm danh cho nhập trại. Những tiếng thăm hỏi của các đội khác đều hướng cả vào đội 17. Thốt nhiên tim Vĩnh như ngừng đập hẳn khi một người nói với một người khác.

- Vậy là hôm nay phân trại A và phân trại B đều có thằng tếch. Thằng bên phân trại B bị bắn chết rồi. Không rõ thằng bên này có may mắn hơn không!?

Một giọng khác.

- Nghe nói thằng nào cũng thứ dữ cả. Thằng bên kia nghe đâu từng là phóng viên của một tờ báo lớn ở Sài Gòn thủa trước...

1      2      3      4      5      6      7      8      9       10      11      12      13      14

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét