Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

HỒI KÝ ĐẠI HỌC MÁU CỦA HÀ THÚC SINH - KỲ 6

1      2      3      4      5      6      7      8      9       10      11      12      13      14

CHƯƠNG HAI MƯƠI SÁU

Cái Tết đầu tiên trong tù đã qua đi và dần dần xa mãi. Những lời chửi bới Phạm Văn Dự, một trung úy đại đội trưởng Địa Phương Quân của vùng 4, đã cho anh em ăn một bữa cơm nếp sống nhăn sống nhở vào trưa mùng 1 Tết cũng đã phai dần trong trí nhớ mọi người. Tiếng gào la suốt ngày đêm của Tỷ và Non, những tiếng thét rùng rợn phát ra đêm đêm từ những dãy connex kê dọc con lộ trước mặt L4T1, L4T2 dần dà cũng không còn gây nổi xúc động trong lòng mọi người nữa.

Bên ngoài xã hội cuộc bầu cử 24 tháng 5 năm 1976 cũng hết dư âm. Những cảnh gù lưng học tập thảo luận về cuộc bầu cử thống nhất đất nước trên mọi mặt ấy cũng chẳng còn được ai nhắc nhở tới. Còn bên trong trại tù, Xuân qua rồi Hạ đến, mùa khô rồi lại mùa mưa, thêm được một hai lần nhà gửi quà vào...; lũ tù cải tạo hầu như đã mất hết những hy vọng hão huyền là học tập tốt, lao động tốt, cải tạo tốt sẽ được Cách mạng tha về. Vả lại biết thế nào là tốt? là đạt yêu cầu?

Gandhi nói cuộc đời luôn luôn thỏa mãn đủ cho nhu cầu con người, nhưng sẽ không bao giờ thỏa mãn đủ cho lòng tham của con người... Lòng tham ấy là lòng tham vật chất, có nghĩa là cụ thể mà còn khó đến thế; huống chi trong trường hợp này, lòng tham của cộng sản lại đòi hỏi tới những thứ trừu tượng như cái tốt, cái tiến bộ nơi... đối phương của chúng!

Đã không biết bao nhiêu người cứng họng trước câu hỏi bất thần và vô cùng đểu cáng của tên thủ phó Môn. Hắn hay chận tù lại giữa đường, hỏi khơi khơi.

- Này anh kia! Anh cho tôi biết anh tiến bộ được bao nhiêu phần trăm rồi?

Dĩ nhiên chẳng ai trả lời được dù đó là một câu hỏi giản dị. Thường sau khi hỏi câu hỏi ấy, tên Môn thừa biết bọn tù sẽ ú ớ như nhau. Thế là hắn lại có dịp lên lớp một lô tiêu chuẩn trong xã hội mới cho những ai muốn tự đánh giá mình đã tiến bộ trong lao động đến mức nào. Nào là đã dám thọc hai tay vào đống cứt chưa? Đã hết nhớ nhà chưa? Đã thật sự ý thức được việc đi học tập cải tạo là nghĩa vụ chưa? Đã nhận thức được hoàn toàn tội lỗi trong quá khứ của mình đối với Đảng, với Tổ quốc và với nhân dân chưa? Đã có can đảm đấu tranh sai trái, tố giác những hành động phản Cách mạng còn tồn tại trong tập thể cải tạo viên chưa? Đã thỏa hiệp được với tư tưởng mình vì mọi người, mọi người vì mình chưa?

Những tiêu chuẩn ấy thực sự cũng có một số đạt được, đặc biệt tiêu chuẩn đấu tranh sai trái, mạnh dạn tố giác...

Một ngày đẹp trời tháng Sáu, tên Môn thủ phó trại sau khi đi phép một tháng ngoài Bắc về, hắn cho tập họp cả trại lại sinh hoạt ngoài trời một buổi. Trong buổi sinh hoạt ấy hắn tuyên bố.

- Tám năm tôi đi C 1 chiến đấu, về lại thủ đô lần này thấy khác hẳn. Cái gì cũng to, cũng rộng, cũng đẹp hơn. Thật đúng như lời Bác dạy, cả thủ đô đều "đẹp như công viên, sạch như bệnh viện".

Câu chuyện lan man một hồi, từ việc "thủ đô đẹp như công viên, sạch như bệnh viện" hóa thành "... thú thật thủ đô ta không giàu có bằng miền Nam. Tôi cũng đã có dịp ghé thăm căn cứ Long Bình tỉnh Biên Hòa. Cũng ghé thăm cả Đà Lạt nữa. Tôi đồng ý cái kho Long Bình của ngụy lớn thật. Nội quân phục của ngụy lấy đem phát cho quân đội ta dùng mười năm nữa chưa hết. Đà Lạt là một thành phố nhỏ mà cũng có đến bốn năm hệ thống điện toán IBM. Trong khi thủ đô ta hình như chỉ có một hệ thống do các đồng chí Liên Sô bố trí...

Chung quanh bọn tù đều ngẩn ngơ vì lời nói mỗi lúc mỗi thêm "phản động" của tên Môn. Riêng Môn, với tinh thần đi xa về nói phét cứ thao thao bất tuyệt đủ chuyện trên trời dưới đất.

Kết thúc những chuyện cà kê, hắn quay sang chuyện gia đình hắn. Người ta đi phép thì vui, với giọng buồn buồn hắn kể. Tôi đi phép không buồn cũng không vui! Các anh biết không. Tôi đi phép một tháng. Số ngày đi đường vừa đi vừa về đã hết nửa tháng. Nửa tháng ở nhà chỉ để đi thăm hàng xóm láng giềng, trồng thêm cho mẹ già được mấy gốc mướp, dăm luống sắn khoai và đêm xuống thì... đi đái đi ngủ!

Bọn tù cười rần rần. Tên thủ phó Môn cũng phấn khởi tí đỉnh cho cái khôi hài có kết quả của chính mình. Hắn nói luôn. Chứ không đi đái đi ngủ thì làm gì bây giờ? Nửa tháng trời đi phép chẳng được gặp mặt vợ ngày nào! Khổ quá, bà ấy lại đi công tác xa đúng dịp tôi về phép. Hắn ngao ngán tắc lưỡi. Cũng tốt thôi! Coi như thế là vợ chồng tôi chưa có dịp gặp mặt nhau suốt chín năm qua. chẳng biết bao giờ tôi lại mới được đi phép nữa!

Vài ngày sau đó cả trại nhốn nháo vì tin đồn thủ phó Môn bị hạ tầng công tác. Cái lon trung úy quân đội nhân dân anh hùng của hắn hình như cũng bay luôn. Một số anh em đi lao động trên bộ chỉ huy trung đoàn đã thấy hắn làm anh nuôi 2, cũng vã mồ hôi đứng xới những chảo cơm nóng hổi như ai... Trước ngày Môn hoàn toàn rời khỏi chức vụ trại phó trại L4T3, hắn đã lồng lộn đi xuống các khối để âm thầm truy lùng một cái gì không ai rõ. Chỉ thấy nét mặt hắn đỏ gay như một con gà lôi, miệng có tí rượu và gặp ai cũng lẩm bẩm: Đồ phản phúc! Đồ phản phúc! 3

Một tuần lễ kế nữa thì câu chuyện bị hạ tầng công tác của tên Môn đã được sáng tỏ. Lệnh cho một ngày nghỉ lao động được ban ra. Tù cải tạo trại L4T3 được dồn lên hội trường để nghe chính ủy trung đoàn xuống nói chuyện. Rồi thì cả trại tập họp trên hội trường như những lần trước đó vào lúc 8 giờ sáng. Mãi 8 rưỡi tên chính ủy mới xuống tới. Chính ủy trung đoàn có khác! Hắn ăn mặc quân phục rất chỉnh tề. Cái quân hàm trung tá đỏ rực rỡ trên cổ áo trận màu cứt ngựa. Con người hắn trông cũng có khác với những cán bộ cấp thấp. Dù trông còn rất trẻ nhưng hắn bệ vệ hơi sớm, vừa béo lại vừa lùn, nét mặt bóng bẩy với dáng đi nhanh nhẹn chứng tỏ một kẻ rất no cơm ấm cật. Lúc hắn được hai tên vệ binh hộ tống bước vào gần tới cửa hội trường, tên thủ trưởng và tên chính trị viên Thảo của trại từ trong hội trường bương bả chạy ra đón tiếp và chào kính rất long trọng.

Trông cung cách khúm núm của thuộc cấp đối với thượng cấp người ta phải hoàn toàn xét lại câu khẩu hiệu của Cộng sản: Quân đội nhân dân giản dị, liêm khiết, chống quan liêu...

Ít phút sau tên trung tá chính ủy trung đoàn đã đứng trước máy vi âm trên sân khấu. Hắn kiêu hãnh đưa đẩy vài câu chuyện về đời sống tập thể, về quyền lợi của cải tạo viên, về "tình nghĩa" giữa cán bộ khung và cải tạo viên... Ba hoa một lúc hắn mới đi vào đề tài chính. - Gần đây bộ chỉ huy trung đoàn có ghi nhận được một hiện tượng khá đặc biệt, do đó, hôm nay tôi xuống nói chuyện với các anh em cải tạo trại ta về hiện tượng đó. Thứ nhất để giúp anh em quán triệt vấn đề, củng cố niềm tin hơn nữa, tuyệt đối hơn nữa vào đường lối khoan hồng cải tạo trước sau như một của Cách mạng. Thứ hai để nhắc nhở anh em rằng xã hội ta là xã hội công bằng nhất, thưởng phạt phân minh nhất và dứt khoát công ai làm nấy hưởng, tội ai làm nấy chịu.

Tên chính ủy nói tới đây bỗng đổi giọng, hỏi. Trại ta ai cầm càn nhỉ?

Tên Thảo vội nhảy ra gọi lớn xuống dưới.

- Anh Hóa, anh Hóa đâu?

Bên dưới một người đứng lên.

- Anh Hóa cầm càn đấy hả? Anh lên đây, lên đây bắt nhịp cho anh em hát một bài coi nào.

Hóa lầm lũi tiến lên sân khấu. Anh đứng ở một góc sân khấu nhìn xuống mọi người và đề nghị.

- Hôm nay anh em cùng hát bài Cách mạng Mùa Thu. Các anh thuộc hết cả chứ?

Hỏi xong không đợi trả lời, Hóa vung tay lên và miệng hát bắt nhịp: Một mùa Thu hai một...

Bên dưới đồng loạt cất tiếng hát... Một mùa Thu năm xưa Cách mạng tiến ra, đất Việt bừng nguồn sống, thanh niên tung gông phá xiềng...

Khi bài hát chấm dứt, ngay cả tên chính ủy cũng vỗ tay thật nồng nhiệt. Hắn nói.

- Bài này hay đấy nhỉ! Các anh tự biên tự diễn đấy hả?

Nhiều người bên dưới ngạc nhiên. Đây là một hành khúc nổi tiếng của Phạm Duy soạn hồi kháng chiến, tại sao tên chính ủy trung đoàn không hề biết? Nhưng nếu quan sát kỹ một tí vào nguyên tắc dùng cho mặt trận tuyên truyền của Cộng sản, người ta sẽ không còn phải ngạc nhiên.

Trên mặt trận văn hóa (và đối với Cộng sản nó đồng nghĩa với mặt trận tuyên truyền), Cộng sản khác Quốc gia (ít nhất là quốc gia Việt Nam) ở chỗ chúng vô cùng cẩn trọng trong việc xử dụng tác giả và tác phẩm. Trong xã hội Cộng sản dứt khoát không thể tìm ra được hạng văn nghệ sỹ chân trong chân ngoài. Cái kiểu đứng núi này trông núi nọ, hoặc xanh vỏ đỏ lòng với chúng, hoặc viết lách lập lờ đánh lận con đen như một số thằng văn thi nhạc sỹ ở miền Nam trước kia ắt không còn chỗ đội nón tức thì. Cũng nằm trong cái chiều hướng cực kỳ cẩn trọng ấy, trên hệ thống phát thanh của Cộng sản, sau 30 tháng Tư, người miền Nam lắng nghe mãi để tìm thấy những cái tên quen thuộc như Văn Cao (trừ bài quốc ca nhưng đã có tin đồn sẽ thay đổi nay mai), Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Doãn Mẫn... nhưng hầu như rất hiếm hoi được nghe thấy nhạc của những nhạc sỹ Cách mạng gốc trí thức tiểu tư sản này; thay vào đó toàn là những cái tên lạ hoắc như Xuân Hồng, Huy Du... Không phải những lớp nhạc sỹ đàn anh kia không cúc cung tận tụy phục vụ Đảng, nhưng vì với đường lối vô sản chuyên chính của Cộng sản, những người gọi là cũ, có tí dây mơ rễ má với... thuốc phiện, với cô đầu, tim óc từng trải qua một thời văn hóa Phú Lang Sa phản động, thì giả như có quá cần, chúng cũng chỉ xử dụng tí đỉnh trong buổi giao thời. Tới lúc chúng đã đào tạo được một thế hệ mà chúng gọi là thế hệ trí thức xã hội chủ nghĩa, thì lớp cũ coi như xong, coi như một mớ rác và sẽ bị quăng vào cái thùng rác của lịch sử. Nếu như vì một lý do ngoại lệ nào đó chưa thể quăng hết vào thùng rác lịch sử được, những văn nghệ sỹ lớp cũ cũng chỉ được "đóng góp đền ơn Cách mạng" một cách vô cùng khiêm tốn, và việc các tác phẩm của họ được nhà nước phổ biến rộng rãi tuyệt nhiên không bao giờ xảy ra.

Đó là với những người cũ vì lý do này lý do nọ ở lại miền Bắc để phục vụ chế độ Cộng sản, nói chi một người như Phạm Duy, một thiên tài của đất nước nhưng trên thực tế nền văn nghệ Cộng sản đã khai tử ông từ hai chục năm qua, kể từ khi chúng gắn cho ông bản án "phản bội kháng chiến!".

Trên sân khấu, tên chính ủy trung đoàn cất tiếng hỏi nhưng thực ra hắn cũng chẳng quá quan tâm đến bài hát. Khen ngợi vài câu lấy lệ, hắn chuyển sang mục chính. Hắn nói.

- Hôm nay, mục tiêu của buổi lên lớp là vấn đề tin đồn về đồng chí Môn, người từng là phó thủ trưởng của trại ta.

Trước hết, tôi khẳng định với các anh đồng chí Môn không hề bị hạ tầng công tác như những tin đồn đại phản động của một số kẻ xấu trong tập thể cải tạo ở đây. Đồng chí Môn ra đi là do yêu cầu công tác của Cách mạng. Xưa các anh từng là quân sự cả, các anh thừa biết đời chiến binh có đứng yên một chỗ mãi bao giờ. Thế cho nên nói rằng đồng chí Môn vì tuyên bố này nọ, mất phương hướng, sai đường lối vân vân và vân vân mà bị hạ tầng công tác là hoàn toàn không bao giờ có. Trên có ghi nhận rằng đồng chí Môn cũng có một điểm yếu nhỏ, ấy là đã nói với các anh nhiều điều chưa nên nói, vì các anh trình độ gác ngộ Cách mạng còn thấp, chưa hiểu chủ nghĩa Cộng sản bao nhiêu, nghe những điều ấy có thể dễ dàng chao đảo, dễ dàng nảy sinh nhiều ý nghĩ ngang trái về chính nghĩa của Cách mạng... Trên cũng công nhận những lời nói của đồng chí Môn trong một dịp sinh hoạt gần đây có gây vài hiểu lầm không tốt về Cách mạng cho một số cải tạo viên còn non trẻ về mặt tri thức xã hội chủ nghĩa.

Cà kê dê ngỗng một hồi, tên chính ủy nói xa xôi rằng thì là việc đấu tranh sai trái, báo cáo những kẻ xấu trong thời gian học tập cải tạo là một nghĩa vụ và một minh chứng cho sự tiến bộ của cải tạo viên, tuy nhiên hắn yêu cầu tự hậu, đừng một cải tạo viên nào để cho sự tiến bộ của mình vượt xa hơn hàng rào trại...

Rồi thì buổi lên lớp để nghe đồng chí chính ủy trung đoàn...đính chính vụ đồng chí Môn bị hạ tầng công tác vì tội... đi xa về nói phét cũng chấm dứt. Vĩnh về phòng nằm nghỉ và nghĩ ngợi vẩn vơ. Thấm thoát mà đã một năm xa nhà đi tù Cộng sản. Năm lần làm bản tự khai lý lịch. Ba lần chuyển trại. Bốn lần khám đồ. Hai lần suýt chết vì bệnh và ba lần nhận quà gia đình qua đường bưu điện. Thằng chết vì bệnh hoặc vì tai nạn trong lúc đi lao động khổ sai không đếm hết. Thằng cưa chân cưa tay vì bị mìn bị lựu đạn không nhớ xuể. Những vụ tự tử, vượt rào bị bắn hạ, những vụ chửi bới xỏ xiên Bác và Đảng bị bọn ăng ten báo cáo và bị đem nhốt bỏ đói bỏ khát trong connex... thì nhiều quá. Với khối óc tương đối chịu nhớ như của Vĩnh mà rồi tên tuổi họ cũng dần dần phai nhạt, y hệt như anh và bao nhiêu chiến hữu khác đang bị thế giới Tự Do quên lãng dần!

Hiện tại điều nổi bật nhất là tất cả đang phải đối mặt với những quần thảo của kẻ thù, khi sự tự ti mặc cảm của chúng như những vết thương tới thời kỳ căng mủ. Hậu quả của một anh chàng tiến bộ vượt bực nào đó, đã lên tâu trên bộ chỉ huy trung đoàn và hạ gục được một cán bộ loại trung kiên của Đảng, nhất định sẽ gây nhiều tác hại mới trong nội tình trại L4T3. Ấy là chưa kể đến mối thù của tên thủ trưởng từ dạo hắn bị phanh phui trước "dư luận" một trang nhật ký rất phản động của hắn.

Gần một năm qua, việc lao động chân tay thực sự đã trở thành quen nếp. Lắm anh đã hiên ngang dùng tay không hốt cứt, cũng như đã có lắm anh đi ngang chuồng lợn trung đoàn, mắt trước mắt sau hốt nhẹ một miếng cháy trong máng ăn của lợn dấu vào trong áo. Đang lao động ngoài đồng ngoài ruộng, xảy thấy một con thỏ dại dột rong chơi không đúng chỗ, hàng trăm tên tù cải tạo như những xác chết bừng sống dậy, kẻ tay cuốc người tay xẻng hò hét vang trời và cùng phóng chạy như những thằng điên để dí bắt một con thỏ to không quá nắm tay. Mặc cho lũ vệ binh nổ súng ầm ầm, mặc cho lời chửi rủa của lũ quản giáo, thịt thỏ vẫn trên hết! Đập, chộp, chém, chụp... thôi thì đủ mọi thứ động tác thô bạo được đem ra xử dụng miễn sao xác con thỏ không may kia lọt được vào tay mình. Đã không thiếu cảnh nhiều anh chẳng được ăn thịt thỏ, lại còn bị xẻng cuốc của những anh em khác xơi mất của mình một mảng da đầu hoặc một miếng thịt vai...

Đói! Đói lắm! Thèm mỡ thèm đường ghê gớm lắm. Thiếu mỡ thiếu đường nên vóc dáng bọn tù ngày mỗi teo lại. Mắt thụt vào, hai gò má nhô ra, hàm răng như có triển vọng nở lớn hơn. Kinh khủng nhất là hai bàn chân. Chẳng những "gót son nay đã lấm bùn" mà chân người nào người nấy đều sần sùi, nứt nẻ y chang bàn chân của những người làm ruộng Việt Nam chuyên nghiệp. Lắm lúc buồn ngồi nhìn bàn chân, Vĩnh thấy xót xa lạ thường. Biết bao giờ còn được cái cảnh ngồi cởi đôi giày saut ra, ngả người trên ghế bành, nhìn thằng con 4 tuổi sớm biết nịnh bố lăng xăng chạy đến tháo bí tất cho bố... Bàn chân trắng xanh vì bị bó trong giày suốt ngày. Đưa tay xuống bẻ bão ngón chân nghe rốp rốp. Một mùi hôi hôi thoang thoảng bốc lên - cái mùi mà bà vợ nào cũng la làng nhưng hầu như chẳng có bà nào lại không muốn được độc quyền mà... ngửi! Bàn chân như thế bây giờ hết rồi, hết vĩnh viễn. Cuộc đổi đời thê thảm nhất lịch sử Việt Nam này, Vĩnh chua chát nghĩ, đã làm thay đổi tất cả kể cả cái bàn chân con người. Một ý nghĩ khác chợt len vào ý nghĩ ngậm ngùi trên khiến Vĩnh thấy thống khoái hơn: Tất cả công cuộc cải tạo gọi là vĩ đại của chủ nghĩa Cộng sản, rốt cuộc chỉ có khả năng cải tạo nổi một cái gót chân ta!

Cơm trưa xong, mọi người lại sửa soạn đi lao động. Lúc này bọn cai tù đã khởi sự phát huy cao độ việc xử dụng tù vào những công tác phục dịch cho chúng. Phong thái của những chủ nhân ông đang có trong tay một bọn nô lệ đã hiện hình rõ rệt. Ngoài những công tác lao động có chấm công để báo cáo lên trên, chúng còn xử dụng tù vào những công tác hầu hạ chúng nữa. Chả hiểu đã có anh nào nửa đêm được gọi lên văn phòng đấm lưng cho các quan quản giáo hay chưa; chứ việc kín nước, rửa bát, lau chùi bàn ghế, dọn dẹp bếp núc, khuân gạo vào kho, thái rau nấu cám cho lợn, hốt cứt trong cầu tiêu... nói tóm tất cả những công tác của riêng hậu cần trại giờ tù ngụy cáng đáng hết. Mất dạy nhất là hai khâu: Kín nước cho chúng tắm và rửa bát cho chúng ăn cơm!

Tổ A.3 khốn khổ về vụ kín nước. Thực ra công việc này không nặng. Mười người, mỗi ngày chỉ kéo nước từ giếng lên đổ đầy chừng 30 cái phuy đặt đàng sau bếp hậu cần của ban chỉ huy trại là coi như đạt chỉ tiêu công tác; nhưng nhục thì nhục quá! Mình lầm lũi kéo nước, gánh nước đổ vào phuy dưới trời mưa nắng, trong khi ấy chúng đứng xối nước ào ào tắm với nhau, luôn miệng chửi bới "ngụy" là bọn khinh lao động chân tay, bọn quan liêu, bóc lột và lâu lâu lại quay ra xài xể: Này thằng kia! Lại giếng đàng kia múc đi. Giếng này cạn rồi nước đục quá! Hoặc: Này thằng kia! Đổ nước rồi xách thùng ra múc tiếp. Mày nhúng tay vào phuy nước làm gì vậy? Tính bỏ mắt mèo hại bố chúng mày đấy phỏng?...

Trưa nay tổ A.3 của Vĩnh vẫn tiếp tục công tác kín nước cho các quan quản giáo, các quan vệ binh có nước tắm và các quan anh nuôi có nước làm cơm.

Đặng Xuân Bính vừa múc vừa nói với Vĩnh.

- Không biết bao giờ nó bắt mình nấu cơm cho nó ăn nhỉ?

-.....

- ĐM. nó, tao mà được rớ vào chảo cơm của tụi nó...

Bính không nói hết câu. Anh nhìn trời nhìn đất. Vĩnh biết hắn uất lắm. Anh cười cho bạn vui.

- Thì làm đếch gì được nó!?

Bính ném luôn cái gầu xuống giếng. Vĩnh giật mình hỏi hắn. Sao vậy? Sao lại ném luôn gầu xuống giếng vậy?

Bính hậm hực.

- Mẹ bố nó, tao không đánh thuốc độc giết được hết cả ổ nhà nó thì tao sẽ xuống giếng...

Vĩnh không tránh khỏi sự kinh ngạc.

- Làm gì? Tính tự tử chăng?

Bính cáu.

- Làm gì à? Tao sẽ có cớ xuống giếng. Tao sẽ đái dưới đó, ỉa dưới đó, tao sẽ kỳ dái kỳ nách dưới đó, tao sẽ gỡ ghẻ dưới đó rồi múc lên cho chúng nó ăn, chúng nó uống, chúng nó tắm...

Vĩnh cố nén cười trước cái ý nghĩ trả thù thật trẻ con của bạn. Anh nhớ hình như anh cũng đã có lần có những ý nghĩ tương tự. Một đêm kia Vĩnh nằm mơ thấy một bà tiên hiện đến. Bà nhìn Vĩnh và nói.

- Này, "ngụy" con đáng thương kia! Ta thấy con hận thù Cộng sản từ trong bụng mẹ hận thù ra. Ta cũng biết con đã phải bỏ quê cha đất tổ chạy vào Nam, hy vọng một ngày nào trở lại đất Bắc mà vồ chúng nó. Không ngờ con lại bị chúng nó theo vào tới đây mà vồ đem nhốt vào rọ. Ta thương con, sẽ cho con một điều mơ ước nhưng với điều kiện!

Vĩnh thấy e ngại vội hỏi.

- Thưa tiên cô...

- Không, ta là tiên bà. Ta cũng đã có tí... cầm chơi rồi!

- Dạ vâng, thưa tiên bà, thế tiên bà cho con điều kiện gì? Có nguy hiểm lắm không?

Tiên bà ngẫm nghĩ.

- Nguy hiểm thì cũng chả có gì gọi là nguy hiểm, duy có điều khi lời ước của con vừa bắt đầu được thực hiện thì kể từ giây phút ấy, con sẽ phải vĩnh viễn biến thành một... Lâm Bình Chi!

Nghe tiên phán Vĩnh giãy nảy.

- Ấy ấy! Sao tiên bà lại nỡ chơi ác với con đến thế? Ngặt nghèo với con đến thế!? Nói đoạn Vĩnh đành xuống nước năn nỉ. Chẳng hay tiên bà có thể đặt cho con một điều kiện nào khác được không? Kể cả điều kiện được chết tức thì sau khi con thực hiện xong lời ước.

Tiên bà nghiêm khắc lắc đầu.

- Không! Điều kiện của ta cũng rất... trước sau như một. Ngươi có chịu thì cho ta biết, bằng không ta biến đây!

Mẹ bố cái mụ tiên này, Vĩnh rủa thầm trong bụng. Mụ là tiên mà còn biết bắt tí chồng... cầm chơi cho đỡ buồn. Mình là đồ phàm phu tục tử, lại gốc văn nghệ tiểu tư sản chính hiệu, mụ ấy lại buộc mình phải chịu một điều kiện... mất dế thì sống làm chó gì nữa! Tuy nhiên sợ mất dịp may bằng vàng là được gặp tiên, Vĩnh đành xuống giọng sau khi đã tính toán thật kỹ, dù sự tính toán ấy chỉ có hy vọng năm mươi phần trăm thắng năm mươi phần trăm thua.

- Thưa tiên bà...

- Sao?

- Con xin chấp nhận điều kiện của tiên bà nhưng con cũng khấu đầu xin tiên bà cũng chịu cho con một điều kiện để hai bên không ai bị thiệt thòi.

Tiên bà bỗng cười thật hiền hậu.

- Gớm, rõ mồm mép nhà văn nhà báo! Người ta đã thương đã hiện đến ban cho một lời ước, không hoan hỉ mà nhận lại còn đặt điều kiện ngược... Nhưng thôi cũng được, để phúc cho các tiên cô tiên cậu, với lại cũng nể tình con... bụ bẫm, đẹp trai, ta chấp nhận đấy. Điều kiện gì nói đi.

Vĩnh mừng hú. Bà tiên chợt nghe thấy vài tiếng động chung quanh. Bà liếc ra ngoài chấn song thật nhanh rồi quay lại giục Vĩnh: Nói quàng quàng đi! Hình như có mấy thằng vệ binh gác đêm sắp đi qua đấy! Nghe tiên báo động, Vĩnh vội nói.

- Trước hết con xin nói lời ước của con. Con xin được phép biến hình bay ra Hà Nội.

- Chỉ Hà Nội thôi đấy nhé!

- Thưa vâng, chỉ Hà Nội thôi. Con có thể xâm nhập bất cứ nhà ai con muốn. Con có khả năng bóp cổ chết hết những đứa con muốn bóp. Vì một lý do nào đó, con chưa bóp cổ được những kẻ con muốn bóp, điều kiện của tiên bà coi như... xù. Con được an toàn trở về đây và cái ấy vẫn hiên ngang lẫm liệt như thường. Chẳng hay tiên bà thấy điều kiện của con thế nào?

Trán tiên bà hơi nhăn lại ra dáng suy nghĩ khá lung. Một lúc tiên bà nói.

- Thôi cũng được. Trên nguyên tắc thì ta thuận cho như thế. Nhưng ta cũng muốn biết con bóp cổ những thằng nào? Và ngoài vấn đề bóp cổ, nhớ lời ta, rằng thì là trong suốt thời gian vạn lý tầm thù, con sẽ không có một khả năng tâm và sinh lý nào để mà... Tiên hơi ngẫm nghĩ như tìm lời. Để mà chẳng hạn như ăn uống, nghỉ ngơi, chơi bời, nhậu nhẹt... đồng ý?

- Thưa vâng, con xin lãnh ý tiên bà hoàn toàn. Con chỉ muốn biến hình ra Bắc bóp cổ chết năm thằng thôi. Thằng Duẩn, thằng Chinh, thằng Đồng, thằng Giáp và thằng Thọ.

- Thọ có đến mấy Thọ lặng. Phải nói rõ Thọ nào.

- Thưa Lê Đức Thọ.

Tiên ngẫm nghĩ tí chút rồi tắc lưỡi gật đầu.

- Thôi được, ta đồng ý!

Tiên vừa dứt lời thì Vĩnh đã thấy mình đứng giữa Ba Đình. Anh lần mò tìm đến tư dinh Lê Duẩn. Hắn đã sang Nga ăn mày. Thật phí công! Như không để mất thì giờ, Vĩnh lồng lên đi tìm nhà mấy thằng còn lại. Ba nhà kế tiếp Vĩnh được biết thằng thì đi gãi gáy bên Tây, thằng thì đi quỳ lạy bên Phi, lại có cả thằng sang du hí cuối tuần bên Hồng Kông... Nói chung bốn thằng ấy vẫn còn may, chưa chết thê thảm vì tay Vĩnh. Nhà cuối cùng Vĩnh đến là nhà thằng Phạm Văn Đồng. Mẹ kiếp, thủ tướng có khác! Tư thất nó rộng như gồm đủ tam cung lục viện. Vĩnh đi tham quan một vòng. Lũ nữ tì mặt mũi coi cũng đặng, duy chỉ vì sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, bắp cẳng bắp tay và hông đứa nào đứa đó nẩy nở khủng khiếp quá, chỉ nhìn thôi cũng muốn nhợn thịt mỡ đến ba niên!...

Một lúc sau đó Vĩnh có mặt ở một căn phòng thơm phức. Đúng là phòng phụ nữ, hơn thế, phải là phòng của gái tơ. Vĩnh đảo mắt nhìn quanh. Anh phát hiện ra một thiếu nữ đang nằm phơi phới trên một chiếc giường Hồng Kông êm ả và ngủ say như chết. Thì ra đó là con gái út của Phạm Văn Đồng. Thật là béo bở! Rồi chuyện gì sẽ xẩy ra đêm ấy? Một mối tình bất hủ của Trọng Thủy Mỵ Châu tái diễn! Hay vì quá hận thù, Vĩnh vác... cà nông bắn tan xác đứa con gái của kẻ đại thù?

Thưa không có chuyện gì xảy ra cả!

Điều kiện của bà ấy đã hiệu nghiệm: Ngươi sẽ không có một khả năng tâm và sinh lý nào...

Vĩnh đứng yên lắng nghe thân thể mình không có gì... chuyển động. Rõ ràng anh đang là một Lâm Bình Chi trước con gái của kẻ đại thù...

- Hai thằng kia! Chúng mày bàn tán nhỏ to với ý đồ gì đấy? Tính bỏ thuốc độc xuống giếng hại Cách mạng đấy à?

Một tiếng thét rùng rợn cất lên sau lưng làm Vĩnh choàng tỉnh. Bính lầm lì quay lại.

- Báo cáo anh tôi đánh rơi gầu!

Thằng vệ binh vừa xuất hiện mắng mỏ hai người, nghe thấy câu báo cáo của Bính, nó chửi thề.

- ĐM. rơi gầu thì xuống lấy lên, đợi bố trẻ chúng mày xuống lấy cho chúng mày nữa sao? Đừng có giở trò nơ vơ nờ vờ trốn tránh lao động, đánh bỏ mẹ đấy!

Vĩnh chưa biết tính sao thì đã nghe một cái ầm. Để tránh cơn giận, Bính nhảy luôn xuống giếng. Cũng may giếng rộng, nước nhiều nên Bính không sao cả. Vĩnh ngó xuống tai còn nghe văng vẳng tiếng nói của tên vệ binh lúc nó bỏ đi: Mẹ bố chúng mày, tù mãn đời thôi các con ạ. Toàn đồ phản phúc!

Vĩnh nhìn xuống giếng, hỏi lớn.

- Sao ẩu vậy cha?

Bên dưới không có tiếng trả lời. Bên trên nhìn xuống, Vĩnh thấy Bính đang dạng chân trên hai thành giếng trèo lên. Sợi dây gầu nó buộc vào cổ. Thốt nhiên Vĩnh nghe thấy tiếng nước chảy ồ ồ, âm thanh giống như một vòi nước nhỏ đang rót vào một thùng nước lớn.

Vĩnh lại nhìn xuống. Rõ ràng Bính đang vạch cụ Hồ đái xuống giếng...

Buổi chiều đi lao động về, tin Tỷ và Non được thả ra, đồng lúc những trại chung quanh cũng đều thả những người "tội nhẹ" ra khỏi các connex. Tin ấy chỉ một lúc sau đã thành sự thật vì ai cũng thấy Tỷ Non được anh em dìu về phòng như dìu hai xác chết xanh mướt. Tiếp theo hiện tượng thả người trong connex ra, những lời bàn Mao Tôn Cương lại bắt đầu nổi lên ầm ỉ. Nào là áp lực của Thế Giới Tự Do, đặc biệt của Mỹ đã hiệu nghiệm. Nào là Mỹ đã đồng ý viện trợ hơn 3 tỷ Mỹ Kim tái thiết cho Hà Nội, đổi lại Hà Nội phải thả hết tù chính trị, hoặc áp dụng quy chế tù binh cho các cải tạo viên hiện nay. Nhiều người đi xa hơn nữa với những cái tin như Mỹ đã đồng ý trao trả lại cho ngân khố Việt Nam 17 tấn vàng Nguyễn Văn Thiệu từng đem theo khi hắn đào ngũ và đào tẩu khỏi Việt Nam, hoặc mới tuần qua Hà Nội đã trao cho Mỹ hơn 100 sỹ quan QLVNCH từ cấp đại tá trở lên và những sỹ quan này hiện đã được định cư tại Mỹ có thư về gia đình đàng hoàng... Thôi thì đủ thứ tin đồn lại đồng loạt nổi lên mà không ai biết từ đâu và cũng không rõ vì sao. Dù cố dặn lòng bình tĩnh, Vĩnh và các bạn vẫn bị cuốn hút vào những tin đồn ấy không cách gì cưỡng lại.
--------------------------------
1
Đi C: Vào Nam.
2
Anh nuôi: người phụ trách nấu ăn cho một đơn vị sống tập thể.
3
Phản phúc: Phản phúc trình, có nghĩa báo cáo ngược, người dưới báo cáo hành động sai trái của người trên lên một thượng cấp cao hơn (theo nghĩa của Việt cộng dùng)

CHƯƠNG HAI MƯƠI BẢY

Tất cả hố to kỳ này. Mọi suy diễn chủ quan của mọi người về việc các trại đồng loạt thả người ra khỏi các connex là vì áp lực của thế giới Tự Do, vì Mỹ đã chịu chi tiền tái thiết, vì 17 tấn vàng Thiệu đem theo đã bị CIA lừa lấy lại trao cho ngân khố Hà Nội... đều sai bét bè be!

Tất cả chỉ vì... chuyển trại.

Lệnh chuyển trại ban ra quá gấp rút và thình lình. Một cuộc khám đồ quy mô tại các trại được thực hiện trong cùng một buổi sáng đầu tháng Bảy. Bọn quản giáo vệ binh thẳng tay vứt bỏ cái gia sản góp nhặt của bọn tù. Lon cóng, dao kéo, búa kìm... những thứ mà mười thằng tù thì hết chín thằng đều thu nhập để đầy trong những sắc cá nhân hầu có chút phương tiện xử dụng trong đời sống hàng ngày. Vĩnh chẳng có gì để phải lo âu hay bực dọc. Gia sản của anh, nếu có, chỉ là những pô ảnh tuyệt vời mà anh đã chụp được, nhưng chụp được bằng óc và tích trữ nó trong tim. Chỉ có thần chết mới tịch thu được những món đó. Nhưng ông thầy xuất Nguyễn Thành Đính thì khác. Ông ta vẫn bận rộn với những món đồ quốc cấm của ông như những lần kiểm tra khám đồ trước đó. Một lần nữa, Đính lại hốt hoảng tìm cách dấu đi quyển Kinh Thánh, cỗ tràng hạt và tượng Thánh Giá nhỏ xíu.

Vừa thu đồ đem bày ngoài sân Vĩnh vừa quan sát chung quanh. Anh thừa biết cũng có lắm tay đang bối rối tìm cách thủ tiêu những trang nhật ký, những bài văn bài thơ của họ viết trong những lúc không lấy gì làm "kính yêu" Bác và Đảng cho lắm. Sau màn khám đồ là màn tập trung tất cả các dụng cụ sản xuất lại để kiểm kê. Nói chung mọi "tài sản" của nhà nước đều phải đúc kết lại phẩm lượng và báo cáo đầy đủ cho quản giáo khối. Riêng bếp núc nồi niêu xoong chảo được lệnh để nguyên như cũ.

Ngày 13 tháng 7 năm 1976, hầu như tất cả các tù cải tạo ở Trảng Lớn đều được lệnh "cơ động" tại trại, có nghĩa là nghỉ lao động, hành trang sắp sẵn và ngồi chờ lệnh tối hậu của khung xem mình sẽ phải làm gì. Vào quãng 10 giờ sáng thì quản giáo Cư đem danh sách những người được chuyển trại xuống khối. Ai cũng hồi hộp chờ đợi. Sau khi khối trưởng Trai đọc danh sách Vĩnh thấy mình có tên. Gần hai mươi phần trăm người của khối hai ra đi và dĩ nhiên chẳng ai biết sẽ đi về đâu! Thả ư? Không thể được. Vì danh sách ra đi toàn những thứ Nhảy Dù, Biệt Động, Thủy Quân Lục Chiến, 101, Lôi Hổ, Biệt Cách Dù, An Ninh Tình Báo, Chiến Tranh Chính Trị... Toàn những thứ dữ!

Thế mình có dữ không nhỉ? Vĩnh lẩn thẩn tự hỏi rồi tự trả lời. Không, mình hiền khô đấy chứ! Nhưng hiền khô tại sao lại được vinh dự nằm chung với danh sách những người hùng của chế độ cũ? Rồi đây chúng sẽ đưa mình đi đâu? Rừng thiêng nước độc? Phú Quốc hay Côn Sơn? Lào Kay hay Việt Bắc? Có thánh thần biết được!

Vĩnh ngồi dựa lưng vào túi hành trang trong một góc nhà. Anh chẳng buồn nhìn những xao động chung quanh. Lòng Vĩnh hiện đang mang tâm trạng y hệt của một cậu học sinh đệ thất, bãi trường với nguyên sự xúc động phải xa bạn xa bè. Vĩnh ngồi nhớ lại thằng Điểu người Quảng Nam ngang tàng ương ngạnh (và có lẽ cũng là người Quảng duy nhất thù ghét sự... cãi nhau). Thằng Tiến thông minh dí dỏm. Thằng Hóa lù đù nhưng thâm ra phết. Thằng Kim bị thịt lúc nào cũng toa toa moa moa và trông lếch tha lếch thếch. Thằng Ứng ít nói nhưng rất tha thiết một ngày về. Bác sỹ Tuyên với câu than bất tử trên môi "điên cha nó cả người!". Bác sỹ Đỉnh với vóc dáng nhanh nhẹn của một anh thầu khoán hơn là của một y sỹ. Thằng Bính đái xuống giếng ăn của quản giáo... Rồi ông già Chuân nghiến răng và keo kiệt từng điếu thuốc. "Chị Hào" thút thít khóc như con gái. Ông Thiệu mù chữ. Thằng Dự người thì lùn mà trình độ nói dóc thì cao, dám nhận trách nhiệm trước tập thể để làm những việc mà nó không bao giờ biết làm... Trong trí hồi tưởng của Vĩnh cũng nổi lên những hình ảnh cái chết quằn quại của Đặng Đình Tùng vì 16 viên Chloroquine để phản đối sự nhục mạ của tên quản giáo khối, cái chết tan nát của Nguyễn Xuân Dung, cái chết thê thảm của Phương, của nhiều người khác nữa mà Vĩnh chẳng thể nhớ tên. Xa hơn là hình ảnh Ngô Nghĩa bên L2, người tử tội nhưng mãi cho đến lúc bị lôi ra bãi bắn và bị bịt mắt mới biết mình bị xử bắn!...

Trong cuộn phim quay ngược qua trí nhớ Vĩnh, lạ một điều là những hình ảnh ác độc, bẩn thỉu, đê tiện của bọn cai tù lẫn bọn chó săn tự nguyện cứ dính vào nhau như những tấm phim hư và anh không còn nhìn thấy nó quá rõ rệt. Dù sao, mỗi đời người vẫn có hai nơi để nhớ nhất: Nơi người ta sinh ra và nơi người ta chịu đựng khổ nhục. Trong những con người của hoàn cảnh khổ nhục kéo dài 13 tháng nơi đây, Nguyễn Thành Đính là người ghi đậm nét nhất trong lòng Vĩnh...

... Đính ơi, đêm ấy tao ngủ ngon lắm. Bao giờ tao quên được giấc ngủ khi mày đưa xà bông Dial cho tao tắm, đưa thuốc muỗi cho tao bôi trị ghẻ? Và làm sao tao quên được cái tình bạn kỳ lạ ở mày? Quả thực chỉ có thần chết mới làm tao quên được những săn sóc của mày. Cái đùi gà còn dính lông. Miếng lòng heo bùi béo. Những miếng vỏ cây Đại già.. Tao còn nhớ rõ lắm Đính ạ. Tao còn nhớ rõ hình ảnh mày lúc mày bước vào nộp mạng nơi sân trường Lê Quang Định với dáng người tầm thước, khỏe mạnh, trầm tĩnh và tay xách valise. Ôi, có lẽ một triệu tù nhân Việt Nam vào giai đoạn ấy chỉ có mày là người duy nhất xách valise vào tù. Tao là người đầu tiên phát chửi xéo mày khi mày nhập vào tổ ăn 10 người trong đó có tao: Mẹ kiếp! Đi tù mà như đi du lịch.

Nhưng ngay đêm đó tao đã là bạn của mày và mày đã là bạn của tao. Chúng ta nằm trên hai cái ghế băng kê gần lan can nhìn sang phía lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt đang chìm trong mưa. Ta đã nói với nhau những gì đêm đó? Lúc ấy bên chúng ta không còn vợ, còn con, còn đàn em dại nữa. Cái mặt nạ lạnh tanh, chịu đựng một cách bình tĩnh mà gần hai tháng qua chúng ta phải đóng kịch trong địa vị làm chồng, làm cha, làm anh để trấn an những người thân trong gia đình bây giờ đã rơi xuống. Còn đợi gì nữa mà không để cho hai giòng lệ vong quốc rơi rụng cho nhẹ nhỏm tâm hồn?

Đính ơi, mày có công nhận là tao đánh hơi tài không? Nghe cái giọng Bùi Chu mộc mạc chân chất của mày, nhìn sự ngăn nắp khi mày mở valise lấy ra cái điếu cày nhỏ xíu, sửa lại cho ngay ngắn cây thánh giá tí ti gắn nơi một góc nắp valise, tao dọ dẫm phán ngay.

- Xưa tu ở đâu?

Mày thật như đếm.

- Dòng Đồng Công Thủ Đức.

- Ồ! Tao có học nội trú ở đó gần hai niên khóa hồi mới vào Nam. Nhưng sao mày xuất?

- Vì lòng tao không đủ rộng để làm cha tất cả. Tao chỉ có thể làm cha một vợ ba con thôi!

- Ra thế.

Đính ơi, tao chúa ghét những tay tu xuất. Tao không dám vơ đũa cả nắm, nhưng tao có thể cả quyết chín mươi chín phần trăm những tay tu xuất đếch thế nào là bạn tao được. Cái gàn dở ấm ớ nửa đời nửa đạo của họ tao chịu không nổi! Không ngờ một phần trăm còn sót lại lại chính là mày.

Mười ba tháng đồng cam cộng khổ.

Rồi giòng đời lại sắp chia rẽ chúng ta.

Mày là trung úy truyền tin, dù gì cũng là thứ "nhẹ tội" với chúng nó, nên có lẽ vì vậy mày được (?) ở lại. Tao thứ dữ, dù chính tao đang tự hỏi chả hiểu sao tao có dữ thật không, chỉ biết mình sắp bị (?) lôi đi cùng đợt với đủ mặt anh hùng hảo hán, với cả những bác tài xế, chú thợ sơn, anh lơ xe hiền khô nhưng chỉ kẹt vì cái tội rất ư là mập mờ: CIA.

Một cái đập mạnh vào vai làm Vĩnh choàng tỉnh. Bác sỹ Đỉnh xà xuống bên cạnh Vĩnh. Anh ta nhếch mép khoe hàm răng hơi mất trật tự, cười vui vẻ.

- Gì mà ngồi buồn thế ông? Biên chế loanh quanh đây thôi.

Vĩnh gãi cằm.

- Nội phải xa các ông cũng đủ làm tôi buồn rồi.

Đỉnh nhấc cái điếu cày lên miệng kéo chơi.

- Mới ngày nào ông tập cho tôi hút thuốc lào dưới bếp, say tí nữa đâm cha nó đầu vào bếp. Tụi nó chụp tôi không kịp giờ này chắc đã thành Cẩm Nhung rồi. Bây giờ hút rành như một anh nông dân chính hiệu lại không có nổi bi thuốc đãi nhau khi chia tay.

Vĩnh không trả lời được gì. Bác sỹ Đỉnh ngẫm nghĩ một thoáng, sau cùng anh ta nói nhỏ: Tại sao lại không hy vọng chúng nó thả các ông trong đợt này nhỉ?

- Thả cái con khỉ! Nó đã nói chuyển trại ông không nghe sao?

- Thì ông cứ giả thử như vậy đi. Đỉnh nói đoạn thò tay vào túi quần lôi ra một mẩu giấy nhỏ, anh tiếp. Này Vĩnh, nói thực tôi quý ông nhất khối. Sau này mà gặp lại ông chắc thú lắm. Cứ giả thử trời thương, chúng đem các ông về thả ở căn cứ Sóng Thần lấy tiếng chơi với quốc tế, ông chịu khó mò sang quận 8 bảo cho vợ tôi biết tôi đang ở đây. Vợ tôi tên là Trang, cũng dân trường nhạc đấy. Ông cất cái địa chỉ của tôi vào đáy sắc nhá!

Mặc dù thấy sự lạc quan của Đỉnh hơi tếu, nhưng để vui lòng bạn, Vĩnh cũng cầm lấy mảnh địa chỉ nhét vào túi áo.

Đỉnh vừa lui gót thì một lô anh em cùng tổ kéo đến. Tổ A.3 có ba người ra đi kỳ này: Vĩnh, Sanh và Bính. Nhớ ngày nào Vĩnh còn là người bị anh em ghét nhất trong tổ do cái tật hay chửi xéo của anh. Ở giai đoạn đầu không bực sao được khi ban ngày đi lao động quần quật, chỉ vì một hạt muối, một lưng cơm, chỉ vì hơn kém nhau một thước đất cuốc, một gốc cây trồng; đêm về anh em đưa nhau ra mổ xẻ, đấu tranh, phê bình, kiểm thảo như thù hận nhau từ mấy kiếp. Lắm lúc họ còn đốt đèn lên để đấu tố nhau, để vạch áo cho kẻ thù xem lưng nhau! Những chuyện như thế đã khiến Bính đập lộn với Trợ và suýt tí nữa thằng Hải ăn của Vĩnh một xẻng bay lỗ tai vì nó đấu Vĩnh ngay giữa hiện trường lao động:... Anh chưa tiến bộ. Anh cố ý chai lười lao động. Đang lao động thì anh đi ỉa. Ỉa gì đến nửa tiếng đồng hồ? Anh chỉ kiếm cớ chui vào bụi ngồi tránh nắng thôi. Thử hỏi cả nước mỗi người đi lao động đều ăn gian của nhà nước nửa tiếng đồng hồ như anh, nhân lên thì đất nước này thiệt thòi bao nhiêu thế kỷ để phát triển?...

Vĩnh chẳng hiểu vì đâu sau này tự dưng anh em đâm ra quý Vĩnh, quý một cách đặc biệt. Anh đoán có lẽ vì anh liên miên đau ốm, đau thật chứ không phải đau giả như anh em nghi ngờ buổi ban đầu. Thứ nữa, anh là người duy nhất trong trại bị bọn an ninh kêu lên kêu xuống vì vụ viết lách ngày xưa...

Bây giờ thì những người cùng tổ đang vây lấy Vĩnh. Vĩnh hiểu họ đang ái ngại thật nhiều cho tương lai của anh. Qua cái danh sách của những người ra đi, không nói ra nhưng họ vẫn tin rằng Vĩnh sẽ phải đi về một nơi tối tăm hơn, đày đọa hơn, ngày về nếu có cũng xa xôi hơn và nhất là với riêng Vĩnh, một kẻ đau ốm kinh niên, ngày về coi mòi khó mà có được. Cùng với những lời khuyên, họ trấn an, họ dấm dúi cho Vĩnh một ít muối, một cục đường, tí thuốc rê. Đặc biệt hơn, Quách Tứ tặng cho Vĩnh cái áo treillis mà anh rút thăm trúng hồi Trung thu. Anh nói: Đừng lo lắng nhiều quá đau ốm thì khổ. Biết đâu nhờ yếu đuối ông lại được về trước bọn tôi. Mai sau nếu tôi gặp lại ông Quách Tấn chú tôi, tôi sẽ nói với ông ấy rằng có ông ở bên cạnh tôi hơn một năm ở Trảng Lớn này...

Vĩnh không tránh khỏi ngậm ngùi trước tình chiến hữu của các bạn. Cả một đoạn đường dài đã đi qua, giờ ngồi nhìn lại mới cho anh thấy rằng trừ vài thằng cốt thú đội lốt người, kỳ dư chẳng ai "tiến bộ" cả, chẳng ai có thể bỏ anh em mà chạy theo Cộng sản cả. Có chăng tất cả chỉ mang thân phận của những kẻ gặp cơn đại hồng thủy, chẳng còn ai cứu nổi ai; và vì thế, họ phải mạnh ai nấy bơi để tự cứu lấy mình. Có người bơi đúng cách, có người bơi sai cách. Có người còn giữ được chút sáng suốt, cố gắng bơi mà không níu lấy ai. Cũng có người thiếu tự tin, yếu bóng vía níu quàng níu xiên lấy những người khác trong cơn hoảng hốt, mà không hề biết rằng làm như thế chỉ có bầy kên kên đang bay trên đầu là đắc chí, vì ở cuối ghềnh kia, nó chắc chắn sắp được rỉa rói thêm một xác chết nữa...

Bốn giờ chiều những hồi kẻng đinh tai nhức óc từ các trại thuộc trung đoàn 4 dưới bí số L4 đưa nhau rền vang. Đến lúc này Vĩnh mới chợt nhớ ra những tiếng kẻng, nhớ ra để nỗi hãi hùng trong lòng lan nhanh như bóng chiều tà. Trời ơi! Anh không ngờ mình đã đi hết một đoàn đường Núi Sọ thời mới dài cả 13 tháng trời dưới sự giục giã của những tiếng kẻng. Mỗi ngày đời sống của lũ tân nô lệ thời đại Hồ Chí Minh bị chi phối bằng 13 tiếng kẻng: Kẻng báo thức, kẻng tập họp đi lao động, kẻng xuất cổng trại, kẻng dứt lao động buổi sáng, kẻng ăn trưa, kẻng nghỉ trưa, kẻng hết giờ nghỉ trưa, kẻng tập họp đi lao động buổi chiều, kẻng dứt lao động buổi chiều, kẻng cơm chiều, kẻng tắt lửa bếp, kẻng tập họp điểm danh họp khối buổi tối và kẻng ngủ. Ngoài 13 tiếng kẻng cố định ấy, đôi khi còn nhiều tiếng kẻng bất thường khác thường làm cho mọi người đứng tim hơn như kẻng báo động có người trốn trại, đặc biệt tiếng kẻng như chiều nay, tiếng kẻng như đưa tiễn những linh hồn ở tầng đầu địa ngục xuống tầng thứ hai, sâu hơn, nóng hơn và xa xôi trần gian hơn.

Vĩnh cố gắng hăng hái đứng dậy. Quách Tứ cầm giúp cái tay nải của Vĩnh bước ra cửa với nhiều người khác. Khối trưởng Trai và các bạn đều lần lượt bắt tay Vĩnh và những người sắp ra đi. Bác sỹ Tuyên đứng một góc nhà mắt rưng rưng. Vĩnh đi thẳng ra chỗ tập họp ngoài sân. Anh nhận ra phía trước các khối bạn cũng đều diễn ra cái cảnh nhốn nháo và bùi ngùi như nhau. Bây giờ Vĩnh mới sực nhớ đến những người bạn thân thiết ở các khối khác. Chà! Mình bậy quá. Khi nãy không chạy đi một vòng xem ai đi ai ở và chia tay những thằng ở lại cho phải lẽ... Giờ đã tập họp mất rồi, có muốn cũng chẳng kịp nữa!

Vừa tập họp xong thì một đoàn xe Molotova đã ầm ầm tiến vào cổng trại. Bọn quản giáo và bọn vệ binh súng ống tua tủa chạy về các khối. Mười phút sau những người ra đi tuần tự bước về phía những chiếc xe đã được chỉ định. Vĩnh nhìn sang phía khối 4 và anh thấy Đặng Thế Tiến cũng tay xách nách mang như mình. Không rõ Hóa và Tạc ra sao...

Nguyễn Tất Ứng từ phía khối 1 phóng về phía Vĩnh, đi theo hắn là Bùi Công Kiện của khối 3. Ứng chỉ đứng nhìn Vĩnh bùi ngùi. Tên bạn trẻ đồng quân chủng Bùi Công Kiện nhảy tới ôm lấy Vĩnh. Nó nói.

- Xin Chúa và Mẹ Maria phù trợ ông cách riêng. Nó nghẹn ngào. Hãy tin có ngày mình gặp lại. Nói đoạn nó bỏ Vĩnh ra và lầm lũi đi thẳng.

Ứng tần ngần tìm lời.

- Nếu giả như mày được thả, về hôn thằng Nguyên cho tao một cái... Mày muốn nói gì với tao không?

Vĩnh ngó bạn cười cười.

- Mày cứ làm tao như là Zarathustra không bằng ấy!

Sức bình tĩnh của hai đứa có lẻ chỉ đến đó thôi. Cả hai ôm lấy nhau rồi buông nhau ra lập tức. Ứng không nói thêm một lời nào. Hắn bước đi thật nhanh như chạy trốn.

Lúc Vĩnh trèo lên xe, một chút nữa anh ngã ngửa vì có người níu lấy cái túi đeo trên vai anh. Vĩnh vội nhảy ngược xuống khỏi tấm bửng xe. Anh ngoái lại. Đính đang đứng sát người anh. Đôi mắt nó cũng đỏ hoe. Nó không nói không rằng, dúi một bịch khá lớn vào cái túi đeo của Vĩnh. Nó nói vội trong sự ồn ào chung quanh.

- Đi bình an! Xin Chúa quan phòng mày cách riêng.

Nói đoạn Đính lùi vào đám đông đứng hai bên tiễn đoàn người ra đi đang lần lượt leo lên xe.

Trên những nẻo đường đêm, ngồi trong lòng chiếc Molotova chật như nêm cối, mặc cho anh em bàn tán đủ chuyện, Vĩnh chỉ muốn làm sao ngủ được một giấc. Anh sực nhớ đến cái bịch mà Đính đã nhét vào túi của mình. Vĩnh loay hoay tìm một thế ngồi cho vững vàng và thoải mái. Anh chậm rãi moi cái bịch ra. Trong cái bịch được gói cẩn thận bằng giấy dầu, anh thấy Đính gửi theo cho anh một gói muối hột và một gói ớt khô. Vĩnh buồn buồn nghĩ bụng. Chắc lại toáy của kho hậu cần đây! Tội nghiệp, một ông thầy xuất ngoan đạo chỉ vì thương bạn đã phạm điều răm thứ 7 của Chúa! Khi xem bịch muối, Vĩnh chợt chú ý đến một cái hộp nhỏ gò bằng tôn thật xinh xắn. Anh cầm cái hộp lên ngắm nghía rồi mở ra xem. Cây Thánh Giá bé tí quen thuộc của Đính nằm yên trong hộp, chèn chung quanh cây Thánh Giá là năm đồng bạc mới...

Hòn đá lòng Vĩnh cứ thế ứa lệ suốt một đêm dài...

TRẠI AN DƯỠNG
7/76 - 8/77
CHƯƠNG HAI MƯƠI TÁM

Cả lũ luống cuống như gái về nhà chồng. Không, đúng hơn như lũ tân binh quân dịch đang thất kinh dưới sự hò hét của một cán bộ quân trường: Đi thẳng vào phòng. Cấm nhìn ngang liếc dọc. Chập chờn gần hàng rào các anh vệ binh bắn bỏ. Liên hệ linh tinh bắn bỏ...

Vĩnh vừa bước theo anh em vào phòng vừa cố ngoái nhìn kẻ đang hò hét. Hơn một năm xa cách ánh điện, bỗng dưng rơi vào một môi trường có đầy những ngọn điện 200 watts, đôi mắt người ta không vì thế mà được sáng hơn, ngược lại tối hơn, tối sầm là đàng khác. Ánh đèn sáng quá làm Vĩnh chỉ nhìn ra được kẻ hò hét như một quả dưa hấu. Vâng, chỉ nhìn thấy cái trán hói bóng nhẵn của hắn.

Vào tới trong nhà, Vĩnh và đám tù từ Trảng Lớn lên đều hơi ngỡ ngàng và e dè. Sạch và ngăn nắp quá! Quả thế, nếu so với cảnh phòng ngủ cũ trên Trảng Lớn, đây 10 Trảng Lớn chỉ 3 cao lắm là 4. Nền nhà được lau bóng lộng. Kệ để đồ đạc đầu chỗ nằm cũng gọn ghẽ và được đóng chặt vào vách theo một khuôn khổ nhất định. Đặc biệt hơn, trên vách đầu mỗi chỗ nằm đều có dán trên tuổi từng người. Bên dưới bảng tên còn một mảnh giấy kê khai một danh sách gì đó. Vĩnh đứng lại ở một góc phòng, cố nhíu mắt đọc mảnh giấy. Dù sao anh cũng chỉ đọc được một hàng chữ lớn nhất: Hạ Quyết Tâm...

Dọc theo lối đi giữa nhà có những khẩu hiệu được lồng trong khung gỗ hẳn hòi, được treo dưới những đà ngang bằng hai sợi xích sắt nhỏ trông rất trang trọng. Khẩu hiệu buồn nôn nhất mà Vĩnh vừa đọc phải vẫn là khẩu hiệu: Chủ Nghĩa Mác-Lênin Bách Chiến Bách Thắng!

Bốn giờ sáng nhảy xuống khỏi xe, bọn tù Trảng Lớn xếp hàng nháo nhào theo sự thúc hối của bọn cai tù cũ và mới. Trời tối, thêm mệt mỏi, chẳng còn ai nhìn ra ai, mạnh hàng nào đứng hàng đó. Thế rồi sau khi được đếm đủ số trong cuộc bàn giao giữa bọn cai tù cũ mới, những đội hình tù bị cắt tùm lum và được dẫn vào các dãy nhà sáng đèn gần khu tập họp. Vĩnh nhìn quanh 12 đứa vừa bị dồn vào phòng B2. Anh mừng thầm vì nhận thấy có đến mấy khuôn mặt quen thuộc. Ngoài Bính cùng tổ cùng khối cũ còn có cả Hóa và Kim ở khối 3 nữa.

Chưa kịp lên tiếng gọi nhau, quả dưa hấu ban nãy đã lại xuất hiện nơi ngưỡng cửa. Bây giờ Vĩnh đã quen với ánh điện. Anh nhìn kỹ quả dưa hấu ấy. Hắn to con, ăn mặc rất lành lặn, đầu hói láng, mặt chữ điền, đôi mày hơi xếch tạo một nét phi ma cô cũng là ma cạo. Hai tay áo hắn xắn cao, để lộ hai cánh tay rắn chắc có lông đen mướt như tay của một thằng Ấn Độ. Quả dưa hấu cất giọng miền Nam, vừa ồm ồm vừa hung tợn. Vĩnh nghĩ thầm trong bụng: Mẹ kiếp sao Việt cộng lại có thằng to con, trông hung hăng y chang mấy thằng công an chìm thế này?

Nơi ngưỡng cửa quả dưa hấu bắt đầu nói.

- Tôi tự giới thiệu, tôi là Chúc, đội trưởng đội 5. Đội 5 là một trong năm đội của trại 1. Đội 5 xử dụng và trách nhiệm bảo quản năm gian nhà, đánh số từ B1 đến B5. Trước hết, tôi thay mặt Cách mạng lên lớp quán triệt cơ sở với các anh, ở đâu không biết, nhưng đã đến đây các anh phải tuyệt đối chấp hành nội quy quy định của trại và đội này. Mọi sai trái sẽ bị nghiêm trị. Sơ bộ như thế để các anh nắm vững vấn đề. Ngày mai các anh được học nội quy sẽ rõ hơn chi tiết. Trước khi tôi xếp chỗ cho các anh, tôi...

Hắn chưa dứt câu thì một cánh tay mới đến đã vội vã lên tiếng hỏi.

Thưa anh quản giáo...

Tên Chúc trợn mắt ra oai. Hắn gằn giọng.

- Tôi bảo trước để anh đó và các anh khác cùng rõ. Khi tôi chưa nói dứt, cấm ngặt các anh ngắt ngang. Đó là phép lịch sự tối thiểu và cũng là nguyên tắc tôn trọng sự phát biểu của người khác. Lần này tôi bỏ qua, lần sau sẽ nâng cao quan điểm. Hắn ngẫm nghĩ tí chút rồi thấp giọng hơn, hắn nói. Cũng nói trước để các anh rõ luôn thể, tôi không phải là quản giáo, tôi cũng là cải tạo viên, chỉ thay mặt quản giáo.

Nói đoạn tên Chúc đảo mắt một vòng tuồng như đo lường phản ứng của lũ tù mới đến. Vĩnh nhìn Bính, nói khẽ.

- Tiên sư cha nhà nó, suốt lúc đến giờ tao cứ tưởng nó là cháu bác Hồ!

Đôi mắt Đại Hàn của Bính như muốn rách toạc ra. Nó giơ tay gãi hàm râu nham nhở dưới cằm, hừm khẽ một tiếng.

- Cứ để nó huênh hoang. Quen nước quen cái tao thề sẽ quại thằng này một trận vỡ mặt.

Tưởng Bính chỉ nói thế thôi, ai dè nó vội vã giơ tay: Tôi có ý kiến!

Tên đội trưởng Chúc nhăn mặt như uống phải dấm.

- Tôi chưa giải quyết vấn đề của anh kia, anh chưa được hỏi!

Bính nổi cáu, nó bổ luôn.

- Tụi tôi là người mới đến, xin nhắc anh Chúc, dù anh là cái gì đi nữa cũng yêu cầu anh bớt cái bệnh hách xì xằng giùm cho.

Trong lúc Chúc ngỡ ngàng không ngờ bị mấy thằng tù mới đến dám phản pháo thẳng mặt như vậy, thì Bính càng có vẻ lớn giọng hơn. Tôi xin nhắc nhở anh đội trưởng, chúng ta đều là cải tạo. Anh 13, 14 tháng rồi phải không? Tụi này cũng trên năm cả! Giúp nhau thì giúp, yêu cầu đừng có thái độ tù cha tù con trong này...

Câu nói báng bổ của Bính đã thật sự làm cho tên đội trưởng xanh máu mặt. Đám tù cũ ngồi trong phòng từ đầu đến giờ cũng nín khe. Vĩnh đọc được trên vài nét mặt gà mái những nét rạng rỡ.

Ngoài dự trù của tất cả, Chúc bỗng dịu giọng hỏi Bính.

- Xin lỗi anh tên là gì nhỉ?

- Bính. Đặng Xuân Bính.

Tên đội trưởng hơi nháy nháy con mắt, tuồng như cái tên của Bính nhắc nhở hắn đến một cái tên nào khác coi mòi khủng khiếp lắm. Hắn càng dịu giọng hơn.

- Xin lỗi anh Bính nhé. Anh nói thế thì oan cho tôi. Anh thấy đấy, tập thể mà không có trật tự làm sao điều động cho nhanh chóng được. Nếu tôi có gì sai trái, gây ngộ nhận xin đấu tranh sau. Tôi chỉ lập lại những huấn thị của quản giáo. Hắn giơ tay gãi mũi, tiếp. Anh có ý kiến gì xin cho biết?

Bính thấy địch thủ đầu hàng nhanh chóng, nó cũng chẳng làm tới, chỉ nói ngắn gọn.

- Tôi nghĩ anh bạn khi nãy muốn hỏi anh cũng chỉ vấn đề vệ sinh mà thôi, vậy đi tiêu đi tiểu phải đi chỗ nào?

Chúc thấy Bính đã dịu nên hắn có vẻ yên tâm, dù trong đôi mắt hắn, Vĩnh vẫn đọc ra được một cái nét gì thật tiểu nhân nguy hiểm. Hắn đáp.

- Vấn đề này là quan trọng tôi chưa kịp nói thì các anh đã vội hỏi đấy thôi. Tôi không rõ ở trại cũ các anh ra sao, riêng trại này từ lúc kẻng báo 8 giờ tối, tức kẻng tắt đèn, các anh muốn đi tiêu đi tiểu, vừa khi bước ra khỏi cửa phải la lớn câu nói như thế này: Báo cáo anh vệ binh tôi xin phép đi ỉa! Hoặc: Báo cáo anh vệ binh tôi xin phép đi đái! Từ phòng ra tới cầu tiêu cầu tiểu, cứ mỗi năm bước lại phải lập lại câu báo cáo một lần. Để bảo đảm sinh mạng và để vệ binh không lầm lẫn với những kẻ xấu âm mưu trộm cắp hoặc trốn trại, lệnh này phải được mọi người tuyệt đối chấp hành nghiêm chỉnh cho đến khi kẻng báo thức 5 giờ rưỡi sáng. Ổn định chỗ ngủ xong, tôi sẽ chỉ thị người hướng dẫn các anh ra cầu tiêu cầu tiểu.

Thấy cà kê nhiều cả hai bên - đội trưởng và lũ tù mới nhập trại - đều chẳng có lợi lộc gì, tên đội trưởng Chúc ngoắc ngoắc hai ba tay tù cứ tọa thị trong phòng từ đầu đến giờ bước lại gần hắn. Vĩnh để ý thấy mấy tay này có vẻ rất kính sợ Chúc. Thằng nào mặt mày cũng lấm la lấm lét lúc tiếp chuyện với đội trưởng.

Bính quay nói với Vĩnh.

- Tụi ở đây thú nhận có vẻ hiền quá. Còn thằng hói kia đúng là thằng già dái non hột.

Vĩnh chưa kịp trả lời bạn thì đội trưởng Chúc đã lên tiếng.

- Giới thiệu với các anh đây là 4 tổ trưởng của nhà này. Mỗi tổ có 10 người. Tiêu chuẩn mỗi B phải có 5 tổ, vị chi mỗi nhà chứa 50 người. Trên bổ sung thêm 12 người, như vậy nhà ta hơi chật. Tuy nhiên trước mắt yêu cầu các anh tránh mọi ta thán. Ăn nhiều nằm chẳng bao nhiêu. Ta khắc phục sắp xếp rồi mọi việc cũng tốt thôi. Từ trước tôi là đội trưởng nhưng vẫn ngủ ở nhà này. Bây giờ thêm 12 anh, tôi sẽ đi chỗ khác ngủ. Tôi sẽ chia...

Chúc chưa nói hết câu thì Hóa đã lên tiếng.

- Đề nghị anh Chúc chúng tôi mới đến có 12 người, anh cứ chia cho chúng tôi một phần năm diện tích nền nhà. Chúng tôi sẽ là một tổ mới và cùng chịu chật một chút với nhau.

Không nói ra nhưng cả đám mới đến đều hiểu thâm ý của Hóa. Không khí trại này nghe ghê quá. Bài học Bó Đũa phải được ứng dụng tối đa.Thằng Chúc là thằng gian ác thấy rõ, không đoàn kết để nó áp dụng chính sách "chia để trị" là chết cả đám. Về phần Chúc, hắn thấy bọn mới đến coi mòi cứng đầu nên cũng ngại. Hắn ngẫm nghĩ đề nghị của Hóa một chút rồi như thấy rằng đụng bọn này chẳng lợi lộc gì, tốt nhất là nhịn một bước để rà đường xem sao sẽ tính sau. Nghĩ thế, Chúc ra bộ vui vẻ ngay.

- Xin lỗi anh vừa đề nghị tên gì nhỉ?

- Hóa.

- Cám ơn anh Hóa. Tôi thấy đề nghị của anh đáp ứng tốt yêu cầu trước mắt của chúng ta. Vậy bây giờ tranh thủ thời gian, tôi tạm đề nghị anh Bính làm tổ trưởng và anh Hóa làm tổ phó tổ mới, giúp chúng tôi giải quyết nhanh chỗ ngủ cho các anh em, vậy các anh em mới đến có nhất trí không?

Sợ hai thằng phải gió lại giở trò em chả em chả, phiền chung cho cả đám, Vĩnh vội lên tiếng thúc giục: Chịu đại đi còn chờ gì nữa!? Sau cùng Bính và Hóa đành chấp nhận vì những lời thúc giục kế tiếp của anh em mới đến cất lên sau lưng họ. Mười lăm phút sau đó tất cả đã có chỗ ngả lưng. Chỗ nằm của mỗi người trên nền xi măng được chùi bóng lộng đo vừa đúng hai gang tay rưỡi.

Tên đội trưởng Chúc hình như còn phải quan tâm đến 4 gian nhà khác nữa, hắn ngoắc Bính đi theo để chỉ chỗ tiêu tiểu cho anh em. Lúc Bính trở về, Vĩnh đã thoải mái ngả lưng trên chỗ nằm của mình, bên phải có Hóa bên trái có Kim. Có hai thằng bạn nằm hai bên, đời tù như thế là vững như bàn thạch.

Bọn mới đến quen thói Trảng Lớn, ăn tục nói phét ầm ầm. Bính nghe anh em hơi ồn, vội nhắc nhở: Mới năm giờ sáng, mấy ông khe khẽ cho anh em cũ họ ngủ. Sáng mai họ còn đi lao động.

Chung quanh Vĩnh nhiều người mệt mỏi đã nằm vật xuống ngủ. Cùng lúc ấy bên ngoài sân những câu hô hoán cứ lần lượt vang lên.

- Báo cáo anh vệ binh tôi xin phép đi ỉa. - Báo cáo anh vệ binh tôi xin phép đi đái.

- Báo cáo anh vệ binh tôi xin phép đi ỉa.

Cứ thế, những câu báo cáo của bọn mới đến từ các đội các nhà khác cứ thay nhau rền vang ngoài sân trại, cho đến lúc bên trong mọi người đều giật mình vì một tiếng lên đạn đâu đó ngoài hàng rào, kèm theo là một câu chửi độc địa: ĐM. chúng mày ỉa thì ăn đi, báo cáo báo chồn gì lắm thế?

Những tiếng báo cáo sau đó im bặt. Hóa thở dài.

- Chắc thằng vệ binh ngồi gác bị phá giấc ngủ!

Vĩnh chẳng trả lời bạn. Anh ngó qua kẽ hở đầu chỗ nằm. Ngoài sân ánh điện sáng trưng. Anh biết rõ anh đang ở đâu. Đây là trại An Dưỡng cũ, nơi dành cho các quân nhân QLVNCH về nghỉ ngơi một thời gian sau những đợt trao trả tù binh. Nơi đây họ được hưởng những quy chế bồi bổ đặc biệt, được điều chỉnh lại giấy tờ trước khi trở về đơn vị tiếp tục cuộc đời chiến binh. Xưa đã có lần Vĩnh vào thăm trại này.Trại rộng lắm, thế nên dù biết hiện tại anh và các bạn đang nằm tại trại An Dưỡng, tọa lạc gần phi trường Biên Hòa, nhưng anh không thể cả quyết mình đang nằm tại vị trí nào của trại; nhất là sau hơn một năm, trại An Dưỡng đã bị bao nhiêu ngàn tù, do những cái lệnh bất nhất của lũ cai tù ngu dốt, cứ phá đi làm lại, làm lại phá đi... thì trại An Dưỡng hiện nay, nhất định không còn mang được bộ mặt của trại An Dưỡng ngày xưa nữa!

Dưới ánh điện, Vĩnh còn nhìn thấy nhiều luống rau nằm dọc hàng rào trại. Sát với trại này hình như còn nhiều trại khác nữa. Cảnh lạ lại nhìn dưới ánh điện đêm khiến Vĩnh khó có thể phân biệt được cảnh trí thật nơi đây. Lúc trỗi dậy bước ra sân đi tiểu, điều nổi bật nhất mà Vĩnh ghi nhận được là mọi thứ trong ngoài đều có vẻ ngăn nắp trật tự hơn trại Trảng Lớn. Những luống rau thẳng tắp. Những miệng giếng thật lớn, có bờ giếng đắp bằng bao cát đàng hoàng. Hai bên thành giếng trồng hai cậy cột lớn, bắc ngang hai cây cột ấy là một đà ngang và trên đà ngang đó gắn thật nhiều ròng rọc... Nhìn phớt qua những cái có thể nhìn, cộng với vẻ thuần phục của hầu hết các trại viên nơi đây, dù chỉ với thằng đội trưởng, Vĩnh đã có thể tạm khẳng định rằng anh em ở đây vất vả hơn ở trại Trảng Lớn về nhiều phương diện.

Khi trở về chỗ nằm thì Hóa lại đi đâu mất. Một lúc sau nó quay về và lôi Vĩnh dậy.

- Có thuốc lào ngon. Ngồi dậy làm một hơi đi. Điếu đâu?

Nghe thấy thuốc lào Vĩnh ngồi dậy ngay. Một lúc sau, hai thằng đều bật ngửa ngoài hàng ba vì say thuốc. Vĩnh ngồi dựa lưng vào vách nhìn ra phía những luống rau, hỏi thều thào.

- Bạn mày là thằng nào mà điệu quá vậy?

Hóa say quá trả lời không nổi, chỉ lắc đầu. Mãi lúc sau nó mới thều thào.

- À... à... tụi ở đây mới được nhận quà tuần rồi. Coi mòi còn no. Thằng ấy xưa kia là cảnh sát ở Mỹ Tho. Nó là ủy viên an ninh ở xã tao. Thời ấy tao làm phân chi khu trưởng.

- Khai thác được gì không?

- Nó bảo ở đây ít quân đội và hầu hết là đồng nghiệp của nó. Từ trước đến nay kỷ luật rùng rợn lắm. Chức sắc là vua...

Hóa chưa nói dứt câu thì những tiếng kẻng báo thức đã đua nhau rền vang khắp mọi nơi. Một ngày mới nơi một trại tù mới của đám Vĩnh đã bắt đầu!...

CHƯƠNG HAI MƯƠI CHÍN

Hơn một trăm tù mới được bổ sung cho trại 1, được gài vào năm đội. Đội 5 có lẽ được gài nhiều nhất, vì từ B1 đến B5, B nào cũng thấy có người mới. Những dãy A, C, D và E ít hơn. Và như thế, xét theo tâm lý thông thường, những anh chàng bị gài một cách lẻ loi vào các đội khác chắc phải buồn và cô độc lắm! Nhưng dù ở đội nào, 8 giờ sáng tất cả lại được gặp nhau trên hội trường. Hội trường ở đây quả không "hùng vĩ" như hội trường bên Trảng Lớn, vì nó không do mồ hôi nước mắt của bọn tù dựng lên; nó là một dãy nhà tiền chế - có thể là dãy nhà kho trước kia - của Mỹ kiến tạo để lại.

Bọn quản giáo ở đây trông văn minh hơn bọn quản giáo ở Trảng Lớn. Thằng nào quân phục cũng thẳng nếp và có quân hàm trên cổ đàng hoàng. Tuy nhiên chúng có vẻ quan liêu và ác độc hơn. Cái cảm giác ấy khiến người mới đến thấy rằng, sở dĩ chúng quan liêu hơn chính vì thái độ quá khúm núm của các trại viên nơi đây; và ác độc hơn có lẽ vì trại này là trại nhốt toàn công an cảnh sát của chế độ cũ, một đối tượng mà chúng đã phải đặt thành vè:

Quân nhân công chức thì tha, Công an cảnh sát lóc da bêu đầu!

Tất cả lại được gặp nhau trên hội trường. Những người cũ trước khi đi lao động có xầm xì rằng số mới tới còn được biên chế nữa chứ chưa ổn định tại trại này. Tin đồn dù sao cũng làm anh em rêm mình. Nó mà phân tán mỏng thêm nữa chắc buồn lắm!

Khi mọi người lên tới hội trường đã có sẵn một lô quản giáo trên đó. Các đội trưởng, trong đó có đội trưởng Chúc, đều tỏ ra rất bận rộn với lũ tù mới. Chúc luôn miệng hét: Anh ngồi đây. Anh kia, ngồi yên chỗ đó.

Trên hệ thống loa của hội trường giọng một tên cai tù đã nổi lên: Thôi nhé, ổn định đi nhé! Các anh ổn định chỗ ngồi xong chưa?

Bên dưới chỉ có những tiếng "thưa rồi" của các đội trưởng. Nghe đáp, tên cán bộ cũng với cái giọng thì thì mà mà như trăm ngàn thằng cán bộ khác của tân chế độ, bắt đầu lên lớp.

-... Thế thì nà hôm nay tôi nhân ranh quản ráo đại riện khung trại 1, hân hoan chào mừng các anh mới từ Trảng Nớn biên chế về đây để tiếp tục học tập cải tạo.

Bên dưới nhìn lên giờ Vĩnh mới nhận ra hắn bị liệt mất một tay, tay trái. Vì liệt một tay nên người hắn đứng không thẳng, lúc nào cũng như có khuynh hướng sắp đổ sang một bên.

Bên trên sân khấu, ba hoa một hồi tên quản giáo thụt lùi vài bước tới trước một tấm bảng đen được dựng trên giá đàng hoàng. Hắn giơ tay kéo tấm vải xanh sang một bên, để lộ tấm carbon trắng viết chữ đỏ thật đẹp. Bên dưới bọn tù mới đến đều nghĩ bụng: Chà! Ở đây "văn minh văn hóa" thật! Công này cũng do mấy ông cải tạo viên đẻ ra đây thôi.

Tên quản giáo sau khi mở tấm vải ra, hắn kéo máy vi âm lại gần, rồi chỉ từng chữ trên tấm carbon và nói lớn.

- Bản nội quy của trại ta, hắn nói, gồm 4 mục chính: Ăn ở, học tập, lao động và đấu tranh sai trái. Tôi sẽ lần lượt đi vào các điểm của từng mục.

Hơn một tiếng đồng hồ ê a, tên quản giáo liệt một tay đi hết 38 điểm trong bản nội quy. Nội dung của nó cũng chẳng khác gì bản nội quy ở Trảng Lớn. Ăn ở thì phải vệ sinh có văn minh văn hóa. Học tập phải thành khẩn nghiêm túc. Lao động phải tích cực, đảm bảo đạt chỉ tiêu, đạt chất lượng, đúng kỹ thuật và kỷ luật, luôn phấn đấu nâng cao năng suất. Đấu tranh sai trái phải thẳng thắn, không bao che, không kiêng nể...

Kết thúc buổi lên lớp luôn luôn là một bài hát. Một tên đội trưởng nhảy lên sân khấu bắt nhịp một bài hát. Không may cho hắn, bài hát này bọn tù từ Trảng Lớn lên chưa ai được nghe bao giờ. Hắn hoảng hốt bắt bài khác. Cũng lạ tai nốt! Mãi đến bài thứ ba bên dưới mới chấm dứt tình trạng ngậm tăm. Mọi người lục đục hát theo. Đó là bài Giải Phóng Miền Nam, một bài hát của Huỳnh Minh Siêng mà nhiều người nói rằng đó là tên thứ hai của Lưu Hữu Phước.

Lúc theo các bạn bước ra sân Vĩnh mới có dịp quan sát tất cả sự vật chung quanh trại 1. Đúng như nhận xét lúc khuya của anh, nơi đây tổ chức doanh trại có vẻ quy mô hơn Trảng Lớn nhiều. Những đống gỗ thông, những cột điện gỗ ngâm dầu đen xì, những tấm tôn xếp thành từng chồng... cho thấy trại đang nằm trong một kế hoạch kiến thiết mới. Qua một lớp rào đơn chạy suốt từ đầu sân này tới đầu sân tận cùng của trại, bị cắt đứt bởi một cái hào lớn, Vĩnh thấy có nhiều người đứng lơ mơ bên vùng đất bên kia hàng rào. Bên đó cũng có những dãy nhà như bên này, cũng có những miệng giếng rộng bên trên treo hàng loạt ròng rọc.

Bính chợt đập vào vai Vĩnh.

- Thằng Sanh kìa!

Vĩnh nhìn qua hàng rào thấy Sanh đang đứng một mình nhìn trời nhìn đất có vẻ buồn lắm. Vĩnh phát kêu hơi lớn tiếng.

- Sanh.

Sanh quay phắt lại. Nó ngó chung quanh rồi tiến tới gần hàng rào, hỏi Vĩnh.

- Tụi mày được ở bên đó hết hả?

- Ừ. Mày trại mấy?

- Trại 2. Có mình tao với thằng Vinh thôi. Thằng Vinh tổ 10 ấy. Buồn đéo chịu được Vĩnh ơi!

- Chứ bên này vui à? Cho biết tình hình sinh hoạt bên đó được không?

- Hắc ám lắm.

- Học nội quy chưa?

- Chưa. Giờ nó cho đi tắm rửa. Chiều lên lớp. Bên mày sao?

- Vừa ở hội trường ra. Bên đó mày có nghe tin đồn là sẽ có biên chế nữa không?

- Cái gì?

- Mày có nghe nói sẽ có chuyển trại nữa không?

- À, có. Mà không. Tao chỉ nghe nói còn nhiều đợt Trảng Lớn đưa về đây nữa.

Thấy có nhiều tay cũ cứ đứng trố mắt nhìn những kẻ mới đến tự do "liên hệ linh tinh", Bính vội kéo tay Vĩnh và nói lớn với Sanh.

- Giữ liên lạc với tụi tao nghe mày. Cũng chỗ này, chiều chiều...

Nói đoạn cả hai bước theo những người khác trở về phòng.

Đội trưởng Chúc đã đợi mọi người trước vuông sân của B1. Vĩnh đứng nhìn quanh. Ở đây tranh thủ trồng cây nhớ Bác ghê thật! Trước mỗi dãy nhà đều có những giàn bầu giàn mướp leo xanh rờn. Đứng nơi đây, Vĩnh có thể quan sát khá rõ ràng con lộ chạy bên hông B1. Đúng con lộ ấy, đêm hôm qua đám Vĩnh được xe Molotova thả xuống. Như vậy cổng trại 1 sẽ nằm phía sau những dãy nhà kế tiếp của đội 5 này. Lề phía bên kia của con lộ là một dãy hào sâu. Bên ngoài dãy hào sâu đó là những cuộn concertina thả chằng chịt chạy mút lên tới các trại kế tiếp mà Vĩnh nghĩ đó là các trại 2, 3, 4... Nhìn những luống rau muống trồng gần hàng rào mới ghê hồn. Đất ở đây xấu quá, tệ hơn cả đất ở căn cứ Trảng Lớn. Đất trồng rau mà lởm chởm toàn đá ong đỏ au được đập vụn. Tuy nhiên những cọng rau muống vẫn mập ú. Nó mập chẳng nhờ đất mà nhờ tù ở đây áp dụng đúng bài học: Nhất nước nhì phân tam cần tứ giống! Phân được chơi tối đa. Trên những luống rau Vĩnh thấy phân rác trộn phân người được rải lền khên. Ruồi bâu trên những luống rau như rải đậu đen... Nhớ tới cái mùa kiết lỵ năm trước ở Trảng Lớn Vĩnh không khỏi rùng mình.

Đội trưởng Chúc cho mọi người tập họp. Vì trong bụng đã hơi gờm cái đám tù mới đến, thành thử hắn chỉ vắn tắt.

- Theo Trên, sáng nay cho các anh nghỉ ngơi tắm rửa và làm vệ sinh cá nhân. Tôi chỉ yêu cầu các anh triệt để chấp hành nội quy. Anh nào liên hệ linh tinh bị ghi nhận hay bị quản giáo bắt gặp hoàn toàn tự chịu trách nhiệm. Riêng các anh tổ trưởng các tổ mới lập theo tôi xuống bếp. Tôi sẽ hướng dẫn cách thức lãnh cơm nước cho anh em...

Chúc chỉ nói vài điều như vậy rồi cho tan hàng. Vĩnh trở về phòng. Dù thật buồn ngủ nhưng hôm nay vẫn là một ngày thoải mái trong đời cải tạo, ấy là không phải đi lao động và được thong dong tắm rửa ngay buổi sáng. Một lúc sau cả bọn kéo nhau ra giếng tắm. Tổ mới người mới, gầu và dây đều chưa có nhưng biết mượn ai bây giờ? Vĩnh lại chạy trở về phòng. Mỗi phòng đều có một người trực nhà. Người trực ở phòng Vĩnh là một ông già. Tên ông ta là Tấn. Ông già lắm, tuổi cũng phải xấp xỉ sáu mươi. Từ sáng sớm Vĩnh đã thấy ông có nhiều thiện cảm với đám mới đến. Chưa có dịp để nghe ông nói, nhưng nhìn ánh mắt và sự dặn dò thân mật của ông với đám Vĩnh, Vĩnh nghĩ rằng ông ta sẽ rất sẵn sàng giúp đỡ những chuyện lặt vặt cần thiết lúc này.

- Bác Tấn!

- Gì đấy ông?

- Bác có gầu múc nước không?

Ông Tấn hơi ngẫm nghĩ.

- Tôi chỉ có một cái gầu nhỏ xíu múc nước lau nhà. Gầu lớn... Ông hơi lưỡng lự. Thôi được, ông tiếp. Để tôi mượn tạm của mấy tổ đi lao động. Các ông dùng xong để lại chỗ cũ. Ở đây họ khó chịu lắm. Mượn mà không hỏi sinh chuyện tức thì!

Nói đoạn ông Tấn bước ra sau nhà. Vĩnh lẽo đẽo bước theo. Ông dẫn Vĩnh đến cái bếp nhỏ của phòng dựng sát hàng rào phía sau. Vĩnh kinh ngạc. A! Ở đây đỡ quá, có chế độ "bếp mẹ bếp con" 1 nữa chứ! Nghĩ thế Vĩnh lên tiếng hỏi ngay.

- Ở đây họ cho mình nấu nướng linh tinh hả bác?

Ông Tấn lúi húi tìm một cái gầu gò bằng tôn xếp ngăn nắp bên hông bếp.

- Bếp cơm của cả trại là dãy nhà tôn dưới kia các ông biết rồi. Gần đây trại họ cho mỗi nhà được dựng một cái bếp nhỏ để cải tạo hâm đồ ăn thức uống hoặc nấu những món gia đình gửi vào. Tuy nhiên cũng nhiêu khê lắm. Đe dẹp hoài. Trực nhà phải lo vệ sinh cái bếp con này còn hơn lo chỗ nằm của mình. Họ đi kiểm tra thấy dơ một tí là đe dẹp. Mà dẹp bếp là lỗi của trực nhà. Anh em nó lôi ra trước tập thể đấu tố có mà... bỏ xác! Vĩnh không chú ý lắm đến lời ta thán của ông Tấn. Anh tò mò.

- Nhà gửi vào đồ khô thì cần gì nấu nướng?

- Nhưng nếu không có bếp con lấy gì luộc khoai!? Ở đây bộ chỉ huy họ bán khoai cho cải tạo.

- À ra thế!...

Vĩnh tính nói thêm một cái gì nhưng lại thôi. Dù sao có bếp cũng lợi rồi.

Ông Tấn lựa một cái gầu và một sợi dây tốt nhất đưa cho Vĩnh, dặn dò.

- Dùng xong ông nhớ móc vào chỗ cũ, dây tháo ra, cuộn lại và móc trên đinh cho khô. Đừng quăng bừa ra đó họ về họ chửi tôi chết!

Vĩnh cám ơn và cầm cái gầu bước đi. Anh nhìn cái gầu mà hết hồn. Nó không phải là một cái gầu, mà là một cái thùng gò bằng tôn có dung tích ít ra cũng gấp đôi cái thùng dầu hỏa hiệu con gà. Thứ này có đại lực sỹ cũng không kéo nổi. Vĩnh ngoái lại hỏi.

- Gầu lớn quá làm sao múc bác?

- À, cũng dặn ông. Ở đây cái gì cũng chơi tập thể, kể cả kéo nước. Gầu này phải tối thiểu ba tay xúm lại mới kéo nổi. Ông cứ móc dây vào ròng rọc mà kéo. Trai trẻ như các ông hai người cũng thừa sức...

Nghe nói "trai trẻ như các ông" mà Vĩnh buồn cười. Tuổi anh mới ba mươi nhưng những trận đau thập tử nhất sinh của năm qua đã biến anh thành một cái xác biết đi, trông còn thê thảm hơn ông Tấn, một ông lão lục tuần. Nghĩ thế nhưng Vĩnh chẳng nói gì. Anh cầm cái gầu và thong thả bước về phía giếng nước. Tiếng bác Tấn bỗng hỏi với theo. Trông ông quen lắm. Hồi xưa ở đâu?

Vĩnh đứng lại.

- Ở đâu là sao bác?

- À, nhà cửa ấy. Gia đình ở đâu?

- Tôi ở khu Ông Tạ. Còn bác?

- Tôi à? Tôi cũng ở gần đấy đấy. Ở cư xá sỹ quan Chí Hòa.

Vĩnh hơi ngẫm nghĩ.

- Bác già quá rồi, sao vào đây?

Ông Tấn nhìn quanh một vòng. Khi biết rõ không có ai khác, ông thều thào.

- Cả họ nhà tôi đi cải tạo ông ạ! Tôi là cựu thiếu úy Bảo An Đoàn, giải ngũ gần hai chục năm rồi. Hai thằng con lớn của tôi một thằng trung tá một thằng thiếu tá. Trong đám cháu nội ngoại của tôi cũng có ba thằng cấp úy. Bị gom trọn ổ!

Vĩnh không biết nói sao, chỉ cười buồn.

- Bác già mà kiểu cách và giọng nói còn nhiều nhà binh tính lắm. Thôi thì cũng ráng cải tạo cho vui. Thế nào bác cũng về sớm hơn tụi này. Đừng lo gì bác ạ.

Ông Tấn gật gù rồi quay vào trong nhà, quay trở lại với nhiệm vụ cây chổi của ông ta. Vĩnh xách gầu ra giếng. Đám ngoài đó đã có kẻ mượn được gầu múc nước rồi. Nhiều tay đang bu lấy một sợi dây kéo một gầu nước to tướng. Vĩnh đứng nhìn. Cái hoạt cảnh này khiến anh nhớ đến những phim La Mã, có những kẻ nô lệ xếp từng hàng dài, mệt mỏi bấu lấy một sợi dây thừng to để kéo những vật nặng lên một đỉnh cao nào đó...

Bính chạy lại cầm sợi dây tiếp Vĩnh. Nó nắm một đầu dây buộc vào khúc cây đóng ngang chiếc thùng. Loay hoay mãi nó buộc không xong. Vĩnh ngứa mắt.

- Đưa đây!

- Dây to quá tao buộc còn sợ sút, tay mày như cái se điếu thế kia...

Vĩnh cười.

- Nút dây là một kỹ thuật của Hướng Đạo và Hải Quân. Tao gồm đủ hai cái đó. Đâu cứ phải người chiếm giải nhì kéo tay như mày mới buộc chặt được nút dây.

Bính cười cười rồi trao đầu dây cho Vĩnh, nói vu vơ.

- Công nhận thằng Đính nó khỏe thật. Roi roi mà sao gân tay nó cứng quá! Giờ này chắc tụi nó đinh minh bọn mình đang nằm đảo hay một chỗ nào đó trong dãy Trường Sơn...

Vĩnh vừa buộc dây, vừa hỏi.

- Mày có biết tại sao tụi nó đưa bọn mình về ngay Biên Hòa này không?

- Con nít nó cũng biết. Cỡ tao nó đem vào Trường Sơn khác nào thả cọp về rừng về rú. Tao sợ rồi đây chúng còn cất kỹ mình vào khám Chí Hòa nữa không chừng! Mẹ kiếp, nằm trong đó coi như gặm một mối căm hờn trong cũi sắt!

Vĩnh đã buộc xong một đầu dây vào thùng. Anh đứng lên cầm đầu dây kia xỏ vào một trong những chiếc ròng rọc treo bên trên miệng giếng. Giữa những tiếng kéo nước và xối nước ầm ầm, anh nói khẽ như để cho chính mình nghe.

- Nơi đây tháp cánh cũng khó bay thoát! Và nếu như Mỹ có giở lại cái trò Sơn Tây thì một sư đoàn không quân chưa chắc vào nổi!...

Cái gầu vừa được thả xuống thì một đám khác ùa vào ké. Những thùng nước cứ thế thay nhau kéo lên và lũ tù cứ ào ào tắm gội. Vĩnh vừa tắm vừa ngó quanh. Anh không thấy Tiến và Hóa đâu cả, chỉ có ông xã xệ Phạm Kim đang lúi húi như tìm một cái gì ngoài bờ mương. Bỗng nhiên Bính chỉ tay ra ngoài hàng rào.

- Tụi nó lao động về kìa!

Vĩnh dõi mắt nhìn theo. Từ xa, lẩn khuất sau những bụi cỏ lau, cỏ cứt lợn cao quá đầu người, sau những gò mối đã hóa đá ong, Vĩnh thấy từng đoàn người xếp hàng ngay ngắn đang tiến về phía trại. Theo sau những đoàn người ấy dĩ nhiên có vệ binh vác súng hộ tống và quản giáo đi kèm. Vĩnh thấy lòng mình chẳng buồn cũng chẳng vui. Anh chỉ thắc mắc không hiểu sau những bụi rậm khuất mắt kia là đâu. Những nông trường bát ngát? Hay những nền nhà Mỹ? Hay những bãi mìn đầy cỏ hoang và sình lầy chạy dọc theo vòng đai phi trường Biên Hòa?

Nắng giờ này đã thấy gắt. Nắng Biên Hòa chẳng thua gì Trảng Lớn. Đứng xối nước ào ào mà còn thấy nóng. Bỗng dưng Vĩnh lại nhớ đến thân phận của những người cùng chuyển trại về đây, nhưng họ đã không được bước lên xe thoải mái như anh và nhiều người khác, mà là bước lên những chiếc xe đặc biệt có xích sắt nơi chân và còng nơi tay. Những người ấy là Tỷ và Non, xa hơn tí nữa là Nguyễn Ngọc Trụ của trại L4T1. Còn bao nhiêu người như thế nữa? Vĩnh không thể biết rõ vì anh cũng chỉ là một thằng tù dưới chế độ Cộng sản, có nghĩa là nhiều chuyện xảy ra ngay khối đội bên cạnh mà vẫn không hề có dịp hay biết! Tin tức về những người khác trại, ngay cả khác khối khác đội cũng chỉ có thể biết được nhờ ở một sự may mắn tình cờ. Dù sao trước khi rời Trảng Lớn Vĩnh cũng đã được nhìn thấy nhiều người, trong đó có Tỷ và Non, bị cùm chân tay dẫn lên những chuyến xe đặc biệt; những người bạn ấy bây giờ ở đâu? Đang nằm trong một connex? Hay đang bị tra khảo nơi một phòng an ninh nào đó của những khu trại mới?

Ông Tấn bỗng xuất hiện với cây chổi còn cầm trên tay. Ông nhìn Vĩnh nói lớn.

- Họ lao động về rồi. Ông trả cái thùng về chỗ cũ giùm đi không sinh chuyện kẹt cho tôi lắm!

Vĩnh vội vã kéo thùng tháo dây và xách thùng trả về chỗ cũ. Mười phút sau những đoàn tù đi lao động đã trở về tới con lộ. Đám Vĩnh bước ra đầu hồi của nhà B1 đứng nhìn. Ai cũng mong mình nhận diện ra một người quen. Đám tù lao động về trông bê bết và mệt mỏi. Có lẽ họ đã trải qua một buổi sáng "vinh quang" cật lực! Thùng, cuốc, leng, xẻng, dây, gậy... Tất cả tạo thành một đoàn quân hỗn độn, rã rời. Tiếp theo là những tiếng hô hoán điểm danh, tiếng báo cáo nhân số, tiếng hăm dọa, tiếng chửi rủa... Rồi thì các đội hình tù xếp hàng dài tít cũng lần lượt tan ra, không khác nào những kẻ nô lệ thốt nhiên được buông khỏi một chuỗi xiềng xích vô hình. Họ lầm lũi, xiêu vẹo tìm lối trở về phòng!

Vĩnh quay trở lại B2. Đứng nghĩ ngợi vu vơ dưới giàn mướp xanh rờn, có những quả mướp đã già quắt queo chen lẫn những quả mướp căng dài đương độ nhưng không ai hái - đúng hơn không ai dám hái dù cho chính tay họ vun xới trồng lên - Vĩnh nhìn xuống căn nhà tôn tiền chế dùng làm nhà bếp và nơi phát cơm. Lạ nhỉ! Tụi quản giáo ở đây hời hợt thật. Bọn tù mới đến giờ này cũng chưa biết quản giáo đội mình là ai. Chả nhẽ chúng nó trao quyền cho đội trưởng lớn đến độ hoàn toàn thay mặt chúng khống chế bọn tù hay sao?

Đang nghỉ ngợi thì Kim từ cửa sau vòng ra đập vào vai Vĩnh.

- Moa vừa gặp một tay lao động về. Lũy trông giống hệt tay trung úy hay tường thuật đá banh trên vô tuyến truyền hình trước đây.

Vĩnh ngao ngán.

- Tưởng gì lạ chứ hắn hiện diện nơi đây là một cần thiết hiển nhiên. Thân mình đây chẳng đang là một trái banh hay sao? Đời đá lên đá xuống cũng cần có sự hiện diện của một tay tường thuật nhà nghề lắm chứ!

Những tiếng khua bát khua đũa ầm ĩ chợt vang lên đây đó làm Vĩnh thấy đói cồn cào. Vĩnh chợt thấy vui vui. Anh hồi tưởng lại những cảm giác phải chịu sự điều độ thời thơ ấu học trong một trường nội trú. Giờ cơm nào cũng thấy vui khi người ta đói. Từ trong phòng B2 nổi lên những tiếng thúc hối người trực phòng xuống bếp nhận cơm.

Đây là giờ bận bịu của bác Tấn. Phần cơm của trên 50 người thực tế không phải là nhẹ. Bác chỉ là người trực chính. Những người trực phụ trong ngày, có nhiệm vụ theo bác xuống bếp nhận và khuân phần cơm rau về cho cả phòng, thường ít khi hiện diện đủ để theo bác xuống bếp nhận phần ăn. Họ là những người mới đi lao động về, do đó cũng cần tắm rửa như ai trước bữa ăn.Thường thường bác lại phải đứng giữa phòng kêu gọi sự tình nguyện thêm của một vài anh đã tắm rửa xong.

Vĩnh mới đến, chẳng nề hà gì mà không tình nguyện theo bác xuống bếp tham quan một chuyến. Dù sao việc chia cơm chia rau ở đây khác xa Trảng Lớn. Ở đây tập thể hóa mọi việc, kể cả việc kéo nước tắm; nhưng ăn thì... cá thể! Điều ấy có nghĩa là tổ trực nhận cơm về phân phối lại cho các tổ, các tổ sẽ phân đều cho các tổ viên và sau đó mạnh ai nấy kiếm một chỗ ngồi ăn. Có anh cầm ca cơm ra một gốc cây ngồi nhai, có anh về chỗ ngủ nằm nhai, cũng có từng nhóm hai ba người ngồi ăn với nhau nơi một góc hè... Khi xuống tới bếp, Vĩnh đứng quan sát tổ chức của bếp. Ở đây cũng khác Trảng Lớn. Tổ nấu bếp là một tổ thường trực do chính đội trưởng bổ nhậm. Một khi đội trưởng quyền uy như ở đây, tổ anh nuôi nghiễm nhiên biến thành những ông vua con. Họ chia gì lấy đó. Kêu ca bị chụp mũ... phản động như chơi.

Đội B2 gồm năm mươi hai người nhận một máng cơm gồm mười thau và hai phần lẻ. Thau cơm ở đây chỉ bằng hai phần ba thau ở Trảng Lớn. Nhìn qua "chất lượng" đã đói trông thấy. Mỗi B còn được phát một thau rau muống già cỗi và một đĩa nước muối pha nước màu giả làm nước mắm. Phần cơm rau sau khi được khênh về đội, được cân đo chia chác tỉ mĩ, mỗi người được hơn một bát cơm độn khoai (Trại An Dưỡng khởi sự việc ăn độn), ít cọng rau muống và hai thìa nước muối.

Vĩnh cầm phần cơm rau đựng trong một cái lon guigoz ra ngồi dưới giàn mướp. Vừa nhẩn nha nhai, Vĩnh vừa ngó sang phía tòa nhà xây cao và rộng như một cái hăng-ga. Phía sau tòa nhà ấy là những cánh đồng khoai mì bát ngát.

Một giọng nói chợt cất lên bên cạnh Vĩnh.

- Ở đây mọi thứ trông đều có vẻ khoa học hiện đại tiên tiến, chỉ trừ việc ăn là lạc hậu!

Vĩnh ngoái lại. Hóa đang ngồi xuống cạnh anh với một nụ cười thật tươi trên môi, tuy nhiên tươi hơn phải nói là cái lạp xưởng đỏ au nướng cháy cạnh đang nằm trên một cái nắp guigoz của Hóa.

- Đâu vậy?

- Anh bạn cò cho.

- Tốt nhỉ!

Hóa ngồi xuống, cầm cái lạp xưởng lên xé đôi. Hắn bỏ một nửa vào lon cơm độn của Vĩnh.

- Tao vừa nghe đồn đợt quà thứ tư gửi lên Trảng Lớn cho mình đã tới. Tụi nó có lẽ sẽ chuyển tiếp nay mai.

Vĩnh ậm ừ với chút băn khoăn. Đến thẳng trại còn thất lạc, chuyển tiếp kiểu này lấy gì làm bảo đảm! Kỳ quà tới đây nếu có, Vĩnh biết chắc anh sẽ có khá nhiều thuốc tây vì đã nói rõ với gia đình trong một lá thư trước khi rời Trảng Lớn.

Đang chậm rãi tận hưởng tí cơm độn khoai với nửa cái lạp xưởng Hóa cho, Vĩnh giật bắn mình vi một bàn tay thô bạo chụp mất miếng lạp xưởng của anh. Tiến đang đứng lù lù trước mặt, tay cầm lon cơm, tay cầm miếng lạp xưởng giơ lên miệng như dọa sẽ nuốt hết và cười hềnh hệch.
--------------------------------
1
Bếp mẹ bếp con: Dưới chế độ quân quản chiều về tù cải tạo chưa bị nhốt vào phòng, do đó đa số đều chế những cái bếp nho nhỏ đặt ngoài sân dùng nấu nướng mấy thứ rau cỏ kiếm được khi đi lao động trong ngày để ăn cho no thêm. Bọn cai tù dùng từ ngữ bếp mẹ bếp con để phân biệt bếp nấu cơm cho cả trại và những cái bếp "cá thể" như vừa nói.

CHƯƠNG BA MƯƠI
Gần một tuần lễ sau bọn Vĩnh đã hoàn toàn làm quen được với nếp sống mới thì một hiện tượng mới lại xảy ra. Từng đợt Molotova lần lượt kéo đến đổ những đám tù mới khác xuống con lộ bên hông trại.

Buổi trưa lao động về, Vĩnh cùng các bạn đứng nơi một góc sân quan sát sự việc. Bọn vệ binh và quản giáo cũ mới lồng lộn chạy tới chạy lui để điểm danh và bàn giao cho nhau. Bọn tù thì mệt mỏi, rũ rượi, ngơ ngác và cuống cuồng... Hoạt cảnh này y hệt hoạt cảnh đã xảy ra cho đám Vĩnh một tuần lễ trước đây!

Nhẩm đếm, Vĩnh thấy trại 1 ít lắm cũng được bổ sung thêm hai trăm tù mới tới. Anh nói với các bạn đứng bên cạnh.

- Lấy chỗ đâu cho họ ở nhỉ?

Một tay trả lời vu vơ.

- Hội trường nhét 300 thằng vẫn đủ.

- Nhưng chỉ có thể tạm thời thôi chứ!

- Dĩ nhiên. Có gì vĩnh viễn trong các trại cải tạo đâu. Muốn mục xương à?

Một tiếng gọi lớn của Hóa làm Vĩnh ngoái lại.

- Vĩnh!

- Gì thế?

Hóa chìa ra cho anh xem một cái bao cát. Bên trong Vĩnh thấy một đống cỏ xanh xanh.

- Ông dân Hướng Đạo có biết rau này không?

Vĩnh quan sát rồi lắc đầu.

- Chịu!

- Mấy thằng Nam Kỳ gọi là Rau Đắng, xơi được.

Vĩnh cầm lên một chút quan sát. Hình thù của lá rau nhỏ tí ti và có màu xanh đậm.

- Ăn được không đấy cha? Chơi vào cứng lưỡi cả đám thì bỏ mẹ!

Hóa nhún vai.

- Đỡ phải phát biểu!

Nói đoạn Hóa lại lôi bên dưới bao cát ra một mớ cỏ khác.

- Gì nữa đây?

- Tụi nó bảo là cải cúc rừng. Nấu lên thơm như mùi cải cúc nhưng ăn nhiều ngứa cổ vì nó có lông. Mấy tay cò quen biết thu hoạch được ngoài bờ suối cho một ít. Cái này có thêm tí tôm khô nữa thì có lý lắm!

Vĩnh đang bận tâm theo dõi đám mới đến xem có ai quen không, nên anh không chú ý lắm đến mớ rau cỏ Hóa thu hoạch được. Anh chỉ trả lời.

- Hình như me xừ Kim còn để dành được tí tôm khô. Ông chạy hỏi nó xem sao.

Nói rồi kệ Hóa muốn đi đâu thì đi, Vĩnh tiếp tục đứng quan sát những người mới đến. Anh đang thất vọng vì chẳng thấy ai quen thì một tiếng reo khẽ cất lên cạnh anh: Ồ! Trảng Lớn lên nữa kìa! Đúng rồi, L4T3 kìa!

Vĩnh chạy lại gần một chiếc Molotova vừa thả một số tù xuống gần cổng nằm phía sau dãy nhà mang chữ D. Vĩnh vừa nhận ra được vài tay ở khối 2 trước đây: Ông già Đang, Huỳnh Công Cẩn, Nguyễn Hồng Bình...

Kim đang đứng gần Vĩnh. Nó cũng vừa nhận ra vài tay trong khối cũ của nó.

- Vĩnh hả? Tụi Trảng Lớn ông ơi. Tôi vừa nhận ra mấy thằng cùng khối. Thằng Toàn, thằng Hỷ... Hình như còn nhiều nữa...

Vậy là chắc chắn Trảng Lớn đã có đợt chuyển trại thứ hai. Và tin đồn sẽ có sự thay đổi toàn diện ở trại này có thể đúng.

Giờ chia cơm đã tới nên Vĩnh và mọi người phải trở về phòng. Hiện tại Vĩnh, Hóa và Kim ăn cơm chung với nhau. Bữa cơm hôm nay được trang trí thêm với lon canh cải cúc rừng nấu tôm khô và một mớ rau đắng chấm với nước muối. Vĩnh vừa ăn vừa suy nghĩ. Chẳng lẽ chúng dẹp căn cứ Trảng Lớn? Vài tháng trước đây Vĩnh từng nghe đồn Cộng Sản sẽ tái xử dụng căn cứ Trảng Lớn như một bộ tư lệnh cho sư đoàn 5 của chúng, nhằm mục đích phòng thủ vùng Tây Ninh vì nơi biên giới Việt Miên đã có một "cái gì đó". Tin đồn này rất có thể đúng vì những tháng sau cùng ở Trảng Lớn, bọn cai tù đã dồn nhiều phần trăm công tù vào việc khai hoang lên luống khoai lang khoai mì; đồng thời dựng thêm rất nhiều lán mới kiểu nền đất mái tranh trong phạm vi bộ chỉ huy trung đoàn... Ôn lại những việc đã làm, Vĩnh thấy rõ ràng Việt cộng đã bắt tù biến căn cứ Trảng Lớn thành một địa điểm có một căn bản tiếp vận tự túc, mà nói theo ngôn ngữ của chúng là có một cơ sở hậu cần tự cung tự cầu.

Khác với mọi lần, bữa cơm chẳng ai nói với ai điều gì. Hóa cố gắng nuốt vào bụng mớ cải cúc rừng của hắn. Lắm khi Vĩnh có cảm tưởng Hóa đang cố nuốt cho trôi xuống bụng từng miếng... da chó còn đầy lông! Vĩnh không thể nuốt nổi thứ rau đầy lông ấy. Anh chan tí nước vào lon cơm độn khoai - thứ cơm tù khốn khổ mà có muốn lùa cho xong bữa cũng không lùa được vì sự lởm chởm của nó! Riêng Kim thay vì ăn cải cúc rừng, nó ngồi nhai ngấu nghiến từng gắp lớn rau đắng chấm nước muối. Lâu lâu nó lại nói: Phải phát huy các ông ạ. Rau đắng chấm nước muối ngon như xà-lát soong trộn dầu dấm vậy!

Bữa trưa ăn xong thì cũng vừa lúc những anh em mới tới được lùa vào hội trường của trại 1. Vĩnh rửa vội bát đũa cất vào kệ đầu chỗ nằm rồi mò lên hội trường. Đông quá. Ít ra cũng phải 200 mạng. Họ nằm ngồi ngổn ngang trong hội trường. Vĩnh nhìn quanh và nhận ra Cẩn. Anh phóng nhanh về phía bạn. Cả hai thấy nhau mừng ra mặt. Cẩn lên tiếng trước.

- Lại gặp ông nữa rồi.

Vĩnh xà xuống ngồi cạnh bạn.

- Sao? Đám còn lại đi đợt ông nhiều không?

- Nhiều lắm, quá nửa trại. Từ hôm các ông đi có hai đợt khác nữa đi theo rồi mới tới tụi tôi. Họ có về đây không?

- Không. Đợt này là đợt thứ hai từ Trảng Lớn được chuyển về đây.

- Nếu thế chắc chắn có một số đã bị đưa đi Bắc và một số đi Côn Sơn hay Phú Quốc gì đó! Riêng lần chuyển trại này tôi biết còn nhiều L khác nữa cũng được đưa lên đây.

- Tụi thằng Đính ra sao?

- Đi trước tôi một đợt. Đợt ấy nghe đồn đưa về Bình Dương. Có thuốc không cho xin một bi. Trước khi tôi đi có nhiều thằng đã được lãnh quà. Tôi chưa được lãnh. Danh sách những người có quà đọc trước khối có cả tên ông.

Vĩnh không nói gì thêm. Anh chạy trở về nhà kiếm cho Cẩn bi thuốc. Một lúc vĩnh quay trở lại.

Cẩn vừa kéo xong bi thuốc. Hắn ngả lưng xuống nền nhà, thều thào trong hơi khói: Nghe nói quốc tế họ làm dữ lắm, đòi thăm viếng các trại cải tạo, thành thử có thể có một số trại phải đóng cửa để chứng minh nhà tù ở Việt Nam không quá nhiều...

Vĩnh ngẫm nghĩ.

- Cái đó chưa đủ yếu tố khẳng định, tuy nhiên cá thể trên 50 phần trăm Trảng Lớn được giải tán.

Cẩn đã ngồi lên. Lúc này ông già Đang đã nhận ra Vĩnh. Ông ta xáp lại. Vẫn cái giọng chậm rãi hiền lành, ông nói.

- Ông Vĩnh đấy à? Trái đất tròn nhỉ!

Vĩnh cười.

- Nhưng đâu có tròn bằng bi thuốc lào, phải không bác Đang?

Ông già cười thật tươi.

- Ông lúc nào cũng thế!

Nụ cười của ông Đang chợt như tươi hơn nữa khi Vĩnh chìa ra cho ông một bi thuốc sau cùng anh còn để dành trên vành tai.

- Hút đi bác Đang. Hút cho say để thằng Dung...

Ông Đang cầm lấy cái điếu. Ông nhét bi thuốc vào nỏ rồi ngẫm nghĩ.

- Tội nghiệp nó. Kỳ quà vừa rồi nó lại có tên nữa. Như thế là vợ con nó vẫn chưa hề hay biết gì! Cuối cùng chỉ béo mấy thằng bộ đội.

- Bác có tìm cách thông báo cho gia đình nó không?

Ông Đang kéo xong bi thuốc, lùng bùng trả lời.

- Ông cũng rõ tôi rất ngại bị liên lụy. Nhưng kỳ thư trước đây hai tháng tôi có viết xa xôi để gia đình tôi thông báo cho gia đình nó. Kiểu này chắc lũ con tôi chúng đọc thư mà không hiểu ý!

Thốt nhiên Vĩnh thấy thương ông già Đang kinh khủng. Vợ ông chết trước ngày mất nước có mấy tháng. Gà trống nuôi 9 đứa con. Đùng một cái ở tù không biết ngày nào ra! Vĩnh vội tìm lời an ủi ông.

- Thôi thì như thế bác cũng đã cố gắng làm tròn nghĩa vụ với người bạn quá cố. Tụi nhỏ ở nhà chúng đọc mà không hiểu chẳng phải lỗi ở bác. Lần sau biên thư nếu muốn tụi nhỏ chúng hiểu bác hãy mời tôi làm cố vấn. Đánh Morse là nghề của tôi mà!

Chuyện vãn qua lại một lúc Vĩnh lại phải quay về khối vì những tiếng kẻng trưa vừa giục giã vang lên. Mười phút sau đó đội trưởng Chúc từ cổng trại hộc tốc chạy vào các B thông báo: Tất cả ngưng lao động chiều nay. Biên chế toàn trại!

Vào lúc 2 giờ trưa thì bọn quản giáo và vệ binh đã vào đầy trong sân trại. Vĩnh nhìn sang phía hàng rào trại bên cạnh, anh thấy bên đó cũng nhộn nhịp như bên này. Muốn gặp Sanh hết sức mà không thấy nó bén mảng ra hàng rào. Vĩnh nghĩ bụng chắc bên đó và các trại khác cũng cùng tình trạng. Anh tính nhẩm cứ mỗi trại thêm 200 người thì lấy chỗ đâu mà nhét. Chắc chắn sẽ phải có một số lớn lên đường đi về một nơi nào khác nữa. Ai và đi đâu? Câu hỏi ấy vẫn luôn luôn là một câu hỏi vô phương trả lời trong đời tù cải tạo.

Tin chuyển trại vừa tung ra thì tiếp theo đó là một màn khám đồ kiểu mới khiến Vĩnh và các bạn không khỏi hoảng hốt. Ở đây chúng khám đồ độc địa hơn cảnh bày chợ trời trên Trảng Lớn. Đùng một cái, tất cả mọi người bị đuổi ra khỏi phòng xếp hàng ngoài sân. Quản giáo, vệ binh và đội trưởng lần lượt ghé thăm từng nhà.

Nhà B1 đã khám xong giờ đến lượt nhà B2. Đội trưởng Chúc thật hăng hái lôi hết đồ đạc của từng người đặt xuống nền nhà. Sau đó hắn bước ra cửa xướng tên người bị khám. Người bị khám bước vào nhà để chứng kiến cảnh khám đồ của mình. Tất cả mọi thứ được lục tung dưới những đôi mắt cú vọ của hai tên vệ binh và tên quản giáo. Những quyển tự điển Anh Pháp, những quyển vở ghi chép, những vật bén nhọn, những ống chích, những lon cóng vượt quá ba cái... đều bị tịch thu và xếp vào một đống. Lần biên chế và khám đồ hôm nay Vĩnh bị tịch thu một cỗ tràng hạt bằng bạc, kỷ vật của người anh cả tặng cho trước khi anh đi tù theo diện cấp tá. Vĩnh cũng mất luôn cây Thánh Giá nhỏ xíu mà Đính gửi theo cho anh trong lần rời khỏi Trảng Lớn.

Khi các B đã khám đồ xong, và lúc những đồ đạc bị tịch thu được đội trưởng và vài tay đội viên trực khác dồn hết lên mấy chiếc xe cải tiến đẩy lên khung, thì lệnh nói rõ ai đi ai ở được thực sự ban ra. Những tờ danh sách được đem vào từng nhà đọc lớn. Danh sách cho thấy hầu hết thành phần cảnh sát bị đem đi.

Ba giờ rưỡi chiều thì chín mươi phần trăm anh em cảnh sát đã ba lô quả mướp lên đường. Không khí trong trại nháo nhào và vội vã. Vĩnh quan sát thấy ở đây họ chia tay nhau gọn như một nhát kiếm. Không mấy ai tỏ ra ngậm ngùi cho ai, tuồng như họ cũng chán mặt nhau lắm rồi, chỉ mong sao đừng thấy nhau lần nữa! Không có cảnh bịn rịn, không hề thấy ai dấm dúi cho ai cái gì dù một cái ghế gỗ, kể cả những cái bao cát, cái lọ chao không, cái gầu múc nước... đều được gồng gánh mang đi.

Bác Tấn cũng ra đi trong chuyến này. Vĩnh mới quen nhưng quý bác thật nhiều. Anh nắm tay bác. Bác Tấn có vẻ ngậm ngùi. Bác nói với giọng Khàn khàn.

- Lạ quá, tôi cũng lính tại sao họ không cho tôi ở với các ông nhỉ? Ở với các ông tôi cảm thấy khỏe khoắn lạ thường.

Vĩnh cười an ủi bác ta.

- Mới một tuần chung đụng bác còn lạc quan đấy. Ở lâu với nhau sợ rồi bác cũng phát điên đầu !

Bác Tấn hơi ngẫm nghĩ.

- Nhưng đỡ hơn chứ. Dù gì các ông cũng thẳng thắn. Máu nhà binh mà! Tôi thích nếp sống bực nhau thì co cẳng chân hạ cẳng tay đàn ông hơn. Nhòm nhòm ngó ngó rồi làm những trò vớ vẩn tôi ghét lắm...

Bác bỏ lửng câu nói nhưng Vĩnh hiểu. Dù sao bác có kinh nghiệm về tập thể nơi đây nhiều hơn Vĩnh, và câu bác nói "dòm dòm ngó ngó rồi làm những chuyện vớ vẩn" Vĩnh hoàn toàn hiểu ý. Vĩnh nắm chặt tay bác lần nữa.

- Thôi chúc bác đi bình yên và sớm được về với lũ cháu nhỏ. Chúng nó chắc nhớ ông nội ghê lắm!

Nước mắt rưng rưng, bác Tấn xốc lại cái túi trên vai. Vĩnh vừa thương vừa buồn cười khi thấy lưng đã vác nặng, tay bác vẫn không quên cầm theo cây chổi được bện bằng cỏ lau thật chặt...

Khi những người được biên chế đã leo hết lên những chiếc Molotova đậu dọc theo con lộ, thì một lớp người khác cũng gồng cũng gánh từ trại 2 tiến sang trại 1. Họ vượt qua một khoảng trống không biết bị cắt từ lúc nào nơi hàng rào ngăn đôi hai trại. Vĩnh đứng đếm. Không nhiều lắm, chừng trên trăm người. Tiến lại gần hơn Vĩnh phát hiện ra họ toàn là dân Trảng Lớn, cùng biên chế lên đây với anh từ đợt trước, trong đó có cả Sanh...

Tất cả cũng được dồn vào hội trường. Những cảnh tay bắt mặt mừng lại diễn ra giữa những người từng quen biết nhau. Trong lúc ấy thì mấy tay đội trưởng của các đội A, B, C, D hối hả chạy lên hội trường. Họ hò hét bắt tất cả thu xếp đồ đạc gọn ghẽ thứ tự vì trong vài phút tới sẽ có quản giáo xuống nói chuyện. Ít phút sau quản giáo xuống thật. Dẫn đầu đám quản giáo vẫn là tên quản giáo bị liệt một tay mà gần tuần nay Vĩnh ít khi gặp dù hắn đang xử lý chức vụ quản giáo của cả hai đội A và B.

Lũ chúng kéo vào hội trường. Tuồng như không có thì giờ để ý đến quang cảnh bừa bộn trước mặt, tên liệt tay lên ngay sân khấu và tiến tới trước máy vi âm, nói.

- Tôi thay mặt ban chỉ huy trại 1 nhiệt liệt chào mừng các anh cải tạo viên mới nhập trại. Hiện tại trại ta đang có nhiều vấn đề cần giải quyết, thế nên tôi yêu cầu các anh tuyệt đối yên lặng nghe tôi đọc danh sách biên chế các anh về các nhà mới. Các anh đội trưởng cũng lắng nghe cho kỹ để bố trí tốt các đội viên của mình về đúng nhà quy định. Cơ bản là nghe rõ làm nhanh để giải phóng sớm hội trường.

Nói đoạn tên quản giáo nâng lên gần mắt một tờ danh sách và đọc lớn.

Khi bản phân phối người cho các đội các nhà đã được đọc xong, bọn quản giáo trao quyền lại cho các đội trưởng và quầy quả bỏ đi.

Vài cái tên quen thuộc đã lọt vào B2.

Vĩnh và các bạn cũ trở về phòng trước. Anh đứng dưới giàn mướp trĩu trái ngó những người mới đến lũ lượt gồng gánh để vào các phòng theo sự hướng dẫn của các đội trưởng. Đến lúc này Vĩnh nhận thêm ra được vài người nữa. Nguyễn Văn Ý, tổ A.5 khối 2 Trảng Lớn. Vũ Duy Dương, anh chàng rỗ chằng rỗ chịt, từng là môn đệ của võ sư Kid Humsey, một trong những đại đội trưởng của sư đoàn 9BB và là người của khối 1 Trảng Lớn. Còn một số nữa nhưng Vĩnh không biết tên.

Khi những người mới đến đã vào hết các phòng Vĩnh mới trở về chỗ nằm. Trong phòng anh hiện tại quá bán là người của L4T3 trước đây. Một số khác cũng từ Trảng Lớn lên nhưng họ hoàn toàn lạ mặt đối với Vĩnh. Có lẽ họ từ các L khác như Cẩn đã nói.

Các tổ mới được thành lập ngay. Và những người cùng tổ với Vĩnh hiện tại gồm Đặng Xuân Bính, Nguyễn Văn Hóa, Phạm Kim, Nguyễn Văn Ý, Vũ Duy Dương, Trần Văn Hỷ, Võ Hữu Hiệp, Đặng Đình Hồng, Vĩnh và Phạm An Toàn. Anh chàng sau cùng này chính là kẻ ở cùng khối với Hóa và Kim trên Trảng Lớn trước đây, cựu thiếu úy trợ y, có giọng nói nửa đực nửa cái và có lần Nguyễn Thành Đính đã cả quyết hắn ghé thăm bếp khối 2 vào đêm giao thừa năm rồi. Sự ghé thăm ấy đã làm cho khối 2 mất biến hơn hai thau cháo lòng...

Bạn cũ chẳng có gì phải thủ thế. Chỉ một lúc sau từng nhóm đã kéo nhau ra giếng tắm ào ào. Đám mới đến có nhiều người đã được nhận quà gia đình từ Trảng Lớn. Đám Vĩnh chẳng có gì nhưng vẫn được ăn ké, hút ké đủ thứ.

Trong phòng, nhóm bạn cũ từ Trảng Lớn đều kéo đến chỗ Vĩnh tán gẫu. Tiến, Hóa, Tạc, Kim, Ý... Đủ thứ chuyện được đem ra kể, rồi đối chiếu, rồi suy luận. Nhìn quanh thấy nhóm nào cũng thế. Vĩnh ngó sang một nhóm đối diện với chỗ nằm của anh. Họ toàn dân lạ mặt nhưng ăn nói rất bạo. Một tay ngồi tựa vào vách, tay xoa bàn chân sưng phồng và than thở.

- Mẹ nó! Có đôi dép râu phút cuối lại bị thuổng mất. Đi đôi guốc phồng cha nó cả chân!

Nghe câu than thở Vĩnh chợt nhận ra mặt tay này lúc hắn khập khễnh trên một đôi guốc cao thấp không đều vác đồ từ hội trường về phòng. Có lẽ ngoài Kim, Vĩnh chưa thấy tay nào luộm thuộm hơn hắn.

Người bạn ngồi cạnh tay vừa than thở lên tiếng trách cứ.

- Mày cà chớn! Đôi dép cũng không giữ được. Có đôi sơ-cua cho mày mượn cũng để mất mất một chiếc!

Trong lúc mọi người đang tán gẫu thì đội trưởng Chúc lại xuất hiện. Đội trưởng lúc này trông không còn vẻ hung hăng như thủa bọn Vĩnh mới đến nữa. Có thể hắn đã cảm nhận được một cách đau đớn rằng quyền uy trong tù không phải là thứ vững bền; vả lại giờ đây dù thế nào, Chúc cũng đã rơi vào cái thế thiểu số trong khi bọn mới đến thằng nào trông cũng như gấu...

Chúc dịu giọng thông báo.

- Yêu cầu tất cả các bạn tắm rửa, sắp xếp đồ đạc cho gọn ghẽ. Lệnh quản giáo tất cả các nhà phải tiến hành bầu xong nhà trưởng và các tổ trưởng trước giờ cơm chiều.

Một người lên tiếng hỏi.

- Ủa, có đội trưởng rồi, bầu nhà trưởng làm gì?

Chúc gượng gạo trả lời.

- Trên hủy bỏ chế độ đội trưởng. Các anh cứ biết thế thôi.

Nói đoạn Chúc bỏ sang phòng khác. Dù sao thì việc bầu bán không phải là việc thích thú trong tù, ngoại trừ những tay thực sự có máu bon chen trong người. Nhìn qua phong thái của đám mới lẫn đám cũ trong B2 có thể nói hơi khó tìm ra được một kẻ có máu bon chen "chức sắc" nơi đây. Hơn thế, nếu không có một động lực thúc đẩy, chắc chắn chiều nay B2 không cách gì có được một nhà trưởng.

Vĩnh nhìn qua nhân số trong phòng. Tất cả 50 người. L4T3 chiếm đến ba phần năm. Anh nảy ra một ý kiến và nói nhỏ với Hóa.

- Ông lên tiếng bán cái cho mấy tay bên kia đi!

Kim giẫy nẩy khi nghe được lời đề nghị của Vĩnh với Hóa. Nó cằn nhằn.

- Mình chưa biết họ ra sao, trao quyền khơi khơi cho họ khốn nạn cả đám. Moa chỉ khoái các toa làm để moa thoải mái thôi...

Nghe Kim thủ thỉ, Vĩnh cũng thấy thương nó.

Trong anh em Kim dĩ nhiên là người bạn tốt. Nhưng với Cộng sản nó sẽ không tốt tí nào. Vóc dáng thì cồng kềnh chậm chạp, lao động thì lơ vơ lờ vờ và làm biếng thuộc loại vô địch. Anh em đã phải đặt cho nó cái tên là "người thợ vịn". Dựng sườn nhà ư? Nó chỉ đặt tay vào mấy thanh gỗ. Kéo nước tưới cây ư? Nó chỉ níu lấy sợi dây và lết thết đi theo những bước chân nặng nề bấu vào đất của anh em. Hốt cứt ư? Đầu tiên cu cậu lôi ra một cái khăn quấn quanh đầu để bịt mũi bị miệng như một kiếm sỹ bí mật...

Quả thực nếu không có anh em bên cạnh đỡ đần, Kim rất dễ lãnh búa với bọn quản giáo về sự "tiêu cực trong sinh hoạt cải tạo" của nó. Bù lại, Kim tương đối tốt bụng với anh em. Có cái gì ăn được cũng chia chác với các bạn. Mặc dù bản tính hơi... nhát gan nhưng lại rất liều lĩnh trong vấn đề nấu nướng linh tinh. Rảnh lúc nào là nó tìm cách nấu nướng lúc đó, dù rằng nó nấu nướng dở nhất thế giới và chưa bao giờ Vĩnh ăn được một món gì do Kim nấu mà thấy ngon miệng! Không nhạt quá thì cũng mặn quá, không có cát trong mì thì cũng phải có sâu trong rau.

Thế nên nghe Vĩnh đề nghị bán cái chức nhà trưởng cho đám lạ mặt, Kim giẫy nẩy cũng phải.

Đang bàn tính thì tên quản giáo què tay chợt xuất hiện. Hắn nhìn quanh hỏi.

- Ở đây sao? Bầu bán gì chưa?

Vài tiếng đáp lộn xộn.

- Dạ chưa!

Tên quản giáo có vẻ ngạc nhiên.

- Các anh quân sự cả, bầu ra một nhà trưởng và một nhà phó mà suốt lúc đến giờ làm không xong việc!

Nhìn qua một vòng và có lẽ nhận thấy chẳng tên tù nào có vẻ hào hứng với việc bầu bán, nên hắn đề nghị luôn. Ở đây có anh nào tổ trưởng cũ không?

Người tổ trưởng cũ còn sót lại chỉ có mình Bính. Biết có chạy cũng chẳng thoát, Bính đành phải giơ tay.

- Có tôi!

Tên quản giáo đề nghị luôn.

- Vậy để tranh thủ có người đại diện đi giao ban chiều nay, tôi đề nghị anh Bính làm nhà trưởng luôn. Các anh có nhất trí không?

Dĩ nhiên chẳng ai phản đối. Chức sắc trong tù chỉ có ba loại phải đem lưng ra gánh gồng. Một điên, hai hèn hạ, ba không may. Bính thuộc vào hạng không may.

Một tên cao hứng vỗ tay. Những tiếng vỗ tay khác nhảy vào góp vốn. Đặng Xuân Bính ngượng ngịu đứng lên làm lễ... đăng quang. Tên quản giáo trước khi bỏ đi còn nói thêm: Tôi cho nhà trưởng toàn quyền chọn một nhà phó. Sau đó hai anh trụ trì công tác bầu ra 5 tổ trưởng và 5 tổ phó.

Trước giờ cơm chiều, khi những chiếc Molotova cuối cùng rời con lộ chạy theo lối cổng trại số 1, để lại những lớp bụi đỏ bám trên những cây gòn khô cằn, bám trên những dàn mướp xanh tươi, bám trên những mái tôn thấp tè của những dãy phòng ngủ chật chội... để đem những anh em Cảnh sát về một nơi không ai biết; thì trại 1, ở tất cả các nhà đã hình thành một cơ cấu mới. Riêng B2 có Đặng Xuân Bính làm nhà trưởng, Huỳnh Công Cẩn làm nhà phó, Nguyễn Văn Hóa tổ trưởng tổ 1 với Hỷ làm tổ phó...

1      2      3      4      5      6      7      8      9       10      11      12      13      14

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét