Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

HỒI KÝ GIỮA ĐÊM TRƯỜNG CỦA NGUYỄN THỤY LONG - KỲ 1


1       2      3 


Nhà văn Nguyễn Thụy Long sinh năm 1938 tại Hà Nội


Nhà văn Nguyễn Thuỵ Long, nổi tiếng với các tác phẩm trước năm 1975 ở Sài Gòn, vừa qua đời tại Việt Nam ngày 03/9 vừa qua.

Ông sinh năm 1938 tại Hà Nội và là tác giả của nhiều cuốn truyện ngắn hoặc tiểu thuyết nổi tiếng như: Vác Ngà Voi, Loan Mắt Nhung (từng được dựng thành phim), Chim Trên Ngọn Khô, Trong Vòng Tay Ðàn Ông.

Ngoài ra, các tác phẩm Vết Thù, Bà Chúa Tám Cửa Ngục, Ðêm Ðen, Gái Thời Loạn, Nữ Chúa, Nợ Máu, Ven Ðô, Sầu Ðời, Gió Hú...cũng được rất nhiều người đón đọc.

Trong khoảng 30 tác phẩm được xuất bản trước năm 1975 của ông, có chừng 20 tác phẩm hiện được lưu tại thư viện của Viện Ðại Học Cornell, New York.


Trong truyện "Người Xây Lò" viết mùa đông năm 2001, ông mô tả cảnh lao động thời sau 1975 và thân phận của người tù cải tạo, và bày tỏ nỗi đau của những người Việt bỏ nước ra đi.

"Như những người vượt biên bằng chiếc thuyền chỉ dài mười hai thước, mỏng manh như chiếc lá giữa đại dương, có thể bị sóng to gió lớn vùi lấp bất cứ lúc nào, không kể bọn côn đồ trên biển, bọn hải tặc Thái Lan mất nhân tính, đe dọa tính mạng, trinh tiết của phụ nữ."

"Người ta vẫn cứ ra đi, tâm niệm tất cả những người ấy đều giống nhau qua câu "tự do hay là chết".

"Đồng bào tôi đau khổ quá, như tôi vậy, bỗng nhiên mang thân tù tội, không biết ngày nào ra, dù rằng từ cái lồng nhỏ ra cái lồng lớn hơn."

Theo báo Người Việt tại California, ông Nguyễn Thụy Long học trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu, sau bỏ để vào Trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật Gia Ðịnh theo nghề bố, một họa sĩ.

Tuy nhiên sau khi thân phụ mất ông vào đời rất sớm, kể cả đi bụi “sống với tầng lớp dao búa, sống ở những nơi hạ lưu của xã hội,” như lời của chính nhà văn.

Nguyệt san văn hóa văn học nghệ thuật Khởi Hành, của chủ nhiệm, chủ bút Viên Linh, với trụ sở tại Nam California, đã trao giải “Văn Chương Toàn Sự Nghiệp” cho nhà văn Nguyễn Thụy Long vào năm 2005.

Vẫn theo Người Việt, nhà thơ Du Tử Lê, người từng gặp nhà văn Nguyễn Thụy Long tại tòa soạn báo “Sống” của Chu Tử trước 1975, nói rằng ông Nguyễn Thụy Long là người "chân thành với bằng hữu".


CHƯƠNG MỘT

Nhiều khi tôi ngạc nhiên không hiểu tại sao mình còn sống bình yên được đến ngày hôm nay, điều này chúng tôi từng nói với nhau, những người bạn đồng cảnh ngộ lúc trà dư tửu hậu. Muốn tìm hiểu phải ôn lại, nhớ lại tất cả những gì xảy ra cho mình từ sau ngày 30-4-1975, còn có thể trước nữa, nghĩa là trước ngày miền Nam bại trận với quân đội miền Bắc. Tôi không chối cãi một điều rằng tôi là người Bắc di cư 1954. Mặc dầu tôi không phải người di cư thực sự mà vào Nam trước di cư hai ba năm gì đó Tôi không đổi được giọng Bắc nên nhiều anh em bạn bè người Sài Gòn gọi tôi là Bắc kỳ di cư. Bắc kỳ di cư thì đã sao? Tôi chấp nhận. Cũng là người Việt Nam cả, tôi là người Bắc chuyển vùng. Đời sống nên dễ dãi như thế dễ chịu cho mình, cho người. 
Trước năm 1975 ở Sài gòn tôi đã hoàn thành phần nào mộng ước của mình là được làm nhà báo nhà văn. Tôi gặt hái được ít nhiều kết quả trong nghiệp báo cũng như nghiệp văn. Tôi chỉ nói thế thôi chứ không tự đánh giá mình bao giờ. Nhưng tôi hãnh diện vì nghề mình đã đeo đuổi đôi khi cuồng tín với nghiệp dĩ. Chúng tôi là người làm báo được hưởng quyền thứ tư. Nhưng phải đòi mãi có thể có chứ không bỗng dưng mà có được. 



Tôi nhớ thuở làm báo trước năm 75. Những tờ báo đứng vững được, và đám người làm báo chúng tôi sát cánh cùng nhau để có tự do trong hành nghề không phải là dễ. Cũng rất gian nan. Những tờ báo bị tịch thu, bị đục trắng khi vừa ra khỏi nhà in. Những tờ báo bị đóng cửa rút giấy phép, ký giả bị bắt bớ, bị ám sát cũng đã có, không biết lừ phía nào. Nhà báo lêu bêu từ tòa soạn này sang tòa soạn khác nhiều lắm. Có năm tôi nhảy đến ba bốn tờ báo, cũng có thể năm sáu gì đó. Nhưng vẫn vui, vẫn sống, vẫn hành nghề được 



Chế độ Ngô đình Diệm bị lật đổ, quân nhân lên cầm quyền. Chế độ quân nhân muốn báo chí vào khuôn vào phép, không được nói lên điều dở điều chướng tiêu cực của nhà nước, đặt ra một số điều lệ bắt nhà báo phải tuân theo. 



Tôi nhớ một buổi họp báo của một ông tướng cầm quyền ở phủ thủ tướng. Ông tướng họp báo nói lên điều lợi điều hại gì đó. Ra luật lệ kinh khủng lắm. Buổi họp báo chiều hôm ấy chỉ một mình ông tướng nói, chẳng một nhà báo nào đứng lên đặt câu hỏi. Rồi một nhà báo lớn tuổi, tôi nhớ là ký giả Tô Văn đứng dậy vỗ tay, lây lan sang hàng mấy chục ký giả khác cũng đứng dậy vỗ tay theo. Chấm dứt cuộc họp báo. Các nhà báo ra về trên lối đi có hai hàng lính cận vệ ghìm súng. Chúng tôi coi cuộc họp báo ấy như pha, như không có, qua sự chứng kiến của những nhà báo nước ngoài. Cuộc họp báo chỉ có thế thôi, nhưng đã nói lên thật nhiều, thực tế chẳng ký giả nào nói gì. 



Tôi đã sống qua những kỷ niệm ấy, tôi trang trọng nghề nghiệp mình. Sau năm 75, anh em đồng nghiệp của tôi xảy đàn tan nghé. Tôi còn lại trên đất nước quê hương, dù còn yêu nghề lắm nhưng không hòa nhập được. Có muốn cũng đành chịu. Lý do tại sao tôi cũng đã nói rồi nên không nói lại, tôi đành gác cây bút lên một thời gian dài, để tìm đường tự cứu sống mình và gia đình. 



Đến tuổi già hết sức lao động, chòm xóm có đưa giấy mời vào hội phụ lão, từ mấy năm nay, nhưng tôi vẫn chưa tham gia, vì tôi nghĩ tôi không có thì giờ ngồi đánh cờ với các cụ, hay đi dự những cái gọi là quan hôn tang tế gì đó trong chòm xóm. Hoặc phải viết một bài điếu văn theo đơn đặt hàng, vì tôi cũng có chút chữ nghĩa viết được ra câu ra cú, xài tàm tạm vậy. Mà đụng đến giấy búi tôi ngứa nghề kinh khủng, có lẽ cũng là cái bệnh, hoặc hình như chứng nan y. Tôi leo lên căn gác bút ọp ẹp, xuống cấp trầm trọng của tôi múa bút vung vít, chẳng có mưu đồ gì hết. Tôi múa may một mình thật cô đơn, nhưng thật là tự do. Vũ điệu cũng có thể là múa rối mà tưởng rằng mình vũ ballet. Hiểu sao cũng được. Cũng vui được tuổi già, dù cô đơn trên căn gác bút. Đêm chán viết thì đập muỗi, ngắm sao trên trời, nghĩ ngợi vẩn vơ: thương ông bạn này vừa nằm xuống, nhớ thằng bạn kia còn phải bon chen với đời. Rồi thương mình, thấy mình trẻ lại như hồi nào, hà tất phải ngồi đánh cờ với các vị bô lão, lẩn thẩn nói chuyện dở người. Xin lỗi hội phụ lão đã có lời mời gọi. Lạy các cụ ạ! Nhà cháu còn trẻ lắm, dù rằng có người đã hỏi ba đứa con nhỏ của tôi là chúng phải gọi tôi là ông nội hay ông ngoại? Tôi bị sốc" là chuyện của tôi. Tôi sinh ra chúng trong cảnh nghèo khó và muộn màng, có thế thôi. 


Nguyễn Thụy Long

Đúng thời gian đất nước mở cửa, kinh tế thị trường thì tôi bị dời khỏi ao cá, nói đúng ra tôi bị đuổi khỏi nơi ấy. Dĩ nhiên người ta có vin vào một lý do, một cái cớ nào đó và cũng nhân tiện không trả tôi mười hai tháng tiền lương khi tôi làm nghề coi ao cá mà phường còn thiếu chịu của tôi. Tôi thấp cổ bé miệng mà miệng nhà quan thì có gang, có thép. Vợ chồng con cái lếch thếch dời túp lều ao cá trên chiếc xe đạp thồ, con chó ghẻ lẽo đẽo chạy theo. 



Tôi lại hy vọng ở một cuộc đời mới, một chốn ở mới. Không lẽ trời đất bao la mà ta không có chỗ dung thân. Tôi vẫn luôn luôn nuôi một hy vọng nào đó nên mới sống dai. Kể cả những lúc thập tử nhất sinh trên giường bệnh, tôi vẫn không chán sống. Mỗi năm, giờ giao thừa leo lên căn gác bút, tự chúc thọ mình sống lâu trăm tuổi. Hãy cạn chén đắng, còn người ta muốn tính toán gì ở tôi thì cứ làm đi. Tôi lại nhớ đến một đoạn nhỏ trong Thánh Kinh của Chúa, cầu nguyện lại vườn Ghét-sê-ma-nê, sau buổi liếc ly. Cũng là lời Chúa nói với Giu đa. 


ở trên căn gác bút, tôi có thì giờ nghĩ ngợi về đời sống, về tôn giáo, xã hội, chế độ. Mặc dầu tôi không là tín đồ của một tôn giáo nào, nhưng kính trọng tất cả những thánh nhân. Trước bàn làm việc của tôi có hình của Gandhi. Những lời lẽ ấy, những tư tưởng ấy giúp cho tôi khởi sắc trở lại và tha thiết với cuộc sống, mà tôi cho là quá ngắn ngủi với một kiếp người. Tôi có thể nói thật nhiều hoặc không nói gì. Chẳng phải vì hãi sợ hay lý do gì khác. Thường thì tôi hay bông đùa với cuộc đời, vì tôi yêu đời, tha thiết với đời. Đơn giản như bốn phép tính. Cộng, trừ, nhân, chia. Một cộng một là hai, hai nhân hai là bốn, bốn chia hai được hai, hai trừ hai không được gì cả. Hết. Tức là zéro. Tôi cứ tưng tửng giữa cuộc đời, coi là nghiệt ngã thì nó nghiệt ngã, không đáng gì cả thì thôi, mặc kệ nó, không phải là chuyện cấp bách, quần áo mặc sao cũng được, nhà cửa có chỗ chui ra chui vào, cơm nước có muối mè gạo hẩm là xong. Không rượu chè, cờ bạc, hút xách. Nhu cầu cần thiết chăng, có các con tôi, chúng cần học hành để biết lấy tí chút chữ thánh hiền là quí rồi. Tôi đã từng lao động để nuôi con, cho đến ngày không còn đẩy nổi chiếc xe bán xôi vò nữa thì mới nghỉ. Trước đây, gần hai chục năm trước, sau ngày đi học tập cải tạo về, mà trả lời với Công An phường kiểu này thì mệt đó. Anh nói anh không lao động mà vẫn sống nhăn, chẳng ai tin hết. Nghiêm túc lên nào. Có làm mới có ăn, không làm mà có ăn, đích thị anh là kẻ phạm pháp, phi ăn cắp thì cũng ăn trộm, ăn cướp, nói chung là ăn... bẩn. Kẻ ăn bám xã hội hèn hạ như loài ký sinh trùng. Phải truy nguyên tróc nã cái mà anh đang hưởng thụ đến nơi đến chốn, có nguồn có gốc, theo lý thuyết tam đoạn luận. 


Bây giờ thì dễ dãi rồi, anh có thể trả lời tiền có để tiêu, để thưởng thức một tô phở xuất xứ từ Đô do người thân từ nước ngoài gửi về cho, bất kể đó là người thân hay bạn bè thương tình. Anh không bị kết tội là liên lạc với người nước ngoài nữa. Chuyện đó bây giờ bị coi là chuyện chẳng hơi sức đâu. Kể từ ngày tôi phi lao động, nằm dài chờ Chúa thu hồi hộ chiếu trên giường bệnh, nếu tôi không có bạn bè giúp đỡ lo lắng cho thì đã lận số rồi. Chưa biết lên Thiên Đàng hay xuống địa ngục. 


May mà tôi cũng chưa húp lầm cháo Lú ở bến đò sông Nại Hà để quên sạch sự đời. Lấy đâu ra tư liệu để viết Hồi Ký Viết Trên Gác Bút. Thì ra tôi vẫn còn sống, vẫn còn minh mẫn. Không như anh bạn của tôi, thi sĩ Tú Kều, nổi tiếng một thời ở Sài Gòn trước 1975. Anh đã húp lầm cháo Lú ngay khi còn sống nhăn ở thế gian. Khiến anh quên tất cả: Quên đời, quên gia đình, quên tất cả những người thân, thậm chí không biết mình là ai...Vợ anh kể rằng, anh vừa ăn cơm xong, lại đòi ăn nữa vì quên biến rằng mình vừa ăn rồi. Chứng bệnh đó, người ở thế gian, bên cõi Âu gọi là bệnh Alzheimer, tên của vị bác sĩ tìm ra chứng bệnh đó. Đi ra đường mà không ai đưa dắt là Tú Kều đi lạc, không biết đường về tổ ấm của mình. Sống cứ ngơ ngơ ngáo ngáo chẳng ra sao hết. Anh ngồi với người thân nào đó cũng như với người xa lạ. Hệt như phim Bay xuống vùng đất lạ mà tôi mới được xem trên truyền hình. Hai người phi công bị rơi ở một vùng đất xa lạ úc châu. Nhiều ngày tháng lạc lõng đói khát, khổ cực, cô đơn. Cuối cùng được trở về với thế giới văn minh. Một trong hai người trở nên điên khùng, quên hết mọi sự đời, vĩnh viễn sống trong u tối, sống như một cục thịt, một nắm xương tàn đến trọn đời. Nhưng dù muốn dù không tôi cũng phải kiểm chứng lại chuyện này, tìm xem lý do nào khiến Tú Kều lại rơi vào tình trạng ấy. Tại sao tâm hồn anh lại tê tái đến vô cảm. Thuở Tú Kều còn tỉnh táo, anh có đưa tôi đọc tập thơ anh làm trong tù, những bài thơ cay đắng phẫn nộ, những cảnh trông thấy trong những ngày tù tội dài dằng dặc. Nhà thơ yếu đuối đó được trở về sớm hơn bản án anh phải mang, không biết do ân huệ từ đâu tới. Anh người xứ Sơn Tây, từng kể chuyện quê hương anh cho tôi nghe, đọc thơ của Tản Đà, Quang Dũng. Anh đọc bài thơ Quang Dũng, ánh mắt người Sơn Tây: 


Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn 

Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng 

Sông Đáy chậm nguồn quanh Phủ Quốc 

Sáo diều se sắt thổi đêm trăng 

Bao giờ ta gặp em lần nữa 

Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa 

Đã hết sắc tàn chinh chiến cũ 


Thì có bao giờ em nhớ la 


Buồn, buồn quá đi thôi khi ngồi trước Tú Kều, một nhà thơ sinh ra ở đấl Sơn Tây, bây giờ có lẽ đã quên rồi. Rất may có một dạo, sau khi ra tù, Tú Kều đưa vợ con về thăm quê nội, còn sót lại gì trong anh không? Hãi hùng quá trước một sự trống rỗng thăm thẳm. 


Đây cũng là những gì cần trả lời cho Khanh, cháu của cậu Nhiên (lên tục của Tú Kều). Cháu viết thư về thăm hỏi cậu Nhiên, cậu Long, mơ ước một ngày về thăm quê hương được cùng cậu thăm lại xứ Sơn Tây. Cháu Khanh bé nhỏ hồi nào, thương cậu Nhiên, thương cả bạn thân của cậu Nhiên là cậu Long. Khi đó hai cậu theo đuổi nghề viết văn làm báo, nghèo lắm, và có lẽ cái nghèo, cái khốn khó ấy đeo đuổi suốt đời 


Cho đến bây giờ, sau mấy chục năm trời, sau khi Hồi Ký Viết Trên Gác Bút của tôi ra mắt độc giả ở bên ngoài quê hương, tôi nhận được thư của Khanh. Bức thư của Khanh từ nước ngoài, xứ Texas xa xôi về được địa chỉ của tôi ở ấp Đông Ba Gia Định xưa thật khó khăn, vì Khanh chỉ nhớ mài mại đến căn nhà của tôi ở đó. Thư cũng đến nơi nhưng mất một thời gian dài, công lao của người đưa thư tìm ra. Tôi biết hoàn cảnh của Khanh ở nước ngoài. Lời lâm sự của Khanh trong thư nói đến gió mưa ở xứ người và nhớ mưa Sài Gòn. Tình cậu cháu nhưng không thể coi là lãng mạn của thời mới lớn. Khanh chưa đến tuổi về hưu, nhưng cũng có cháu nội và sắp có cháu ngoại rồi. Bây giờ thì Khanh sống cô đơn trong một căn nhà ở xứ người, nhớ Sơn Tây, Sài Gòn, thèm nghe tiếng nói Việt Nam nên vẫn thường phải mở đài phát thanh Little Sài Gòn để nghe tiếng Việt. Tôi quí mến cô cháu gái như thuở nào. Tôi ngồi vào bàn viết thư hồi âm cho Khanh. Đang viết thư thì nhận được tin Trần Lê Nguyễn mất. 


Trần Lê Nguyễn là một nhà văn, đúng ra là một kịch lác gia, nổi tiếng với cuốn Bão Thời Đại của anh xuất bản từ năm 1956. Sau năm 1975 anh không còn cầm bút nữa, không đụng chạm gì đến chữ nghĩa, văn chương. Anh đi chạy chợ trời như những nhà văn nhà thơ hết thời khác. Nhưng tôi vẫn thấy anh luyến tiếc cái gì đó ở nghệ thuật, tìm lại những bức tranh sơn dầu, tranh lụa, tranh sơn mài của những họa sĩ quen tên xưa: Duy Thanh, Ngọc Dũng, Thái Tuấn, Tạ Tỵ, Nguyễn Trung. Tôi nói với anh nếu những bức tranh này phải bán đi thì tiếc thật. Anh cười, chuyện mua bán mà. Tôi làm nghề sửa xe đạp, thường hay sưu tầm đồ phụ lùng xe đạp cũ nổi danh một thời. Tôi thấy anh đi một chiếc xe đạp cũ đờ mi cuốc, có cái khung xe, cặp vành và cặp đùm quí giá quá. Tôi hỏi anh kiếm được ở đâu. Anh nói anh sưu tầm từng thứ một để ráp thành cái xe này. Anh nhắc tôi cố sưu tầm cho anh một cặp đùm hiệu Campagnelo của ý, giò đĩa hiệu Stronglight, phải "din" từ con ốc, vít. Tôi hứa với anh mà tôi không làm được trọn vẹn, vì tôi đổi nghề như cóc nhảy. Một buổi chầu gần tàn, nơi chốn chợ trời tôi với Trần Lê Nguyễn vẫn ngồi say sưa "đấu những món đồ xe đạp quí. Tôi nghe ngóng được từ người ta, bèn nói đến một cặp mừng làm bằng gỗ, dai, dẻo, cứng, nhẹ của một tay đua nổi danh thuở xa xưa, câu chuyện cứ y như chuyện "bốc phét". Cặp niềng đó vẫn còn lưu lạc trong dân gian mà tôi chưa tìm ra. Tôi nói với anh ở Đà Năng có người vẫn giữ được chiếc xe đạp của tay đua nổi tiếng trong cuộc đua Đông Dương, vượt đèo Hải Vân. Phượng Hoàng Lê Thành Các. Có một người vẫn còn giữ được đến bây giờ. Trần Lê Nguyễn thì nói với tôi về những bức tranh với nỗi đam mê, trời tối lúc nào không biết. Lúc chia tay nhau anh Nguyễn còn nói: "Nếu chúng ta còn những đam mê như thế thì khó mà hòa nhập được với nền văn minh chợ trời". Chợ trời là phải chụp giật nhau mà sống, có lời thì bán, mua rẻ bán đắt bán đồ dởm đồ giả, cần thì bóp cổ nó cho mình trúng mánh. Bán mà không tiếc, coi nghệ thuật đồ quí như pha. Phải coi bức tranh sơn dầu, tranh lụa này là miếng giẻ cũ, bức sơn mài của Nguyễn Gia Trí là một tấm ván. Nói chuyện nghệ thuật ở đây là chuyện vô ích. 


Trong một lần khác gặp lại Trần Lê Nguyễn, tôi khoe tìm lại được quyển kịch Bão Thời Đại của anh ở gánh ve chai. Anh hỏi người ta cho hay mua lại. Tôi nói mua lại. Anh lại hỏi có đắt không, bao nhiêu tiền? Tôi nói chỉ có năm đồng bạc Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Anh nói vậy thì đáng giá rồi, chỉ thế thôi, có khi hớ đấy, nếu không người ta cũng xé ra để gói xôi. Mua thế được giá cho người bán, mẹ ve chai trúng mánh. Cả cuốn sách chỉ cân nặng lối hai trăm gờ ram, bán giấy vụn giá cũng chỉ vài đồng bạc một ký lô, đủ mua một gói xôi bắp ăn ấm lòng. Tôi bỗng thấy nhói lên ở trong lòng. Con người chúng tôi nếu có được đánh giá cũng là giá "bèo" huống chi là những tác phẩm. Bức tranh sơn dầu chỉ là mảnh vải cũ, bức tranh sơn mài chỉ là tấm ván cũ. Trước đây người ta đốt đi cũng là phải. 


Theo cái lý của người ta. Tôi chẳng nói đến cái lý phải quấy ấy làm chi. 


Một ngày khác nữa, Trần Lê Nguyễn đến ngôi nhà cũ của tôi ở ấp Đông Ba xưa, xem xét căn nhà hoang của tôi, rồi biết tôi vẫn thất nghiệp, anh khuyên tôi nên nuôi chim cúi. Tôi nói tôi chẳng có kinh nghiệm gì về chim cút hết, anh rủ tôi đến nhà anh ăn sáng, căn nhà gác chật chội ở bến Chương Dương kê đầy chuồng chim cúi, đẻ trứng lia chia. 


Anh mời tôi ăn bánh mì "ớp la " trứng chim cút. Tôi đếm được mỗi đĩa trứng có sáu cái. Trong khi bà vợ anh nhặt một giỏ trứng mang xuống chợ bán mỗi ngày. Anh nói gia đình anh vẫn có thịt ăn. Anh chỉ bầy chim cút trong chuồng. Thế rồi suốt ngày hôm ấy Trần Lê Nguyễn và tôi đi lang thang, lên tận Gò Vấp, vào nhà Tô Thùy Yên để học kinh nghiệm nuôi chim cúi của nhà thơ này. Một nhà thơ mới ở tù ra và được coi là hết thời, đang chờ ra đi nước ngoài theo diện HO. 


Cái vốn liếng tù tội của Tô Thùy Yên có lẽ dư thừa còn vốn liếng kinh nghiệm nuôi chim cút của anh thì tôi không biết có từ bao giờ. Nhưng nghe nói anh cũng dầy dạn kinh nghiệm lắm. Tôi thì không theo nghề ấy, vì một lần nuôi gà bị chết toi cả bầy. Sạch luôn cả vốn liếng mà bạn bè có lòng giúp đỡ. Nói tóm lại, tôi không có tay nuôi gia cầm. 


Tôi vẫn lang thang kiếm sống qua ngày, xa lánh chợ trời mà có lần tôi đã coi là chốn gió tanh mưa máu. Tôi đi bán xôi đến lúc quị ngã vì mất sức lao động. Một cơn tai biến mạch máu não, tí nữa thì chết, nếu không chết thì cũng bán thân bất toại, tê liệt nửa người. Tôi qua khỏi cơn bệnh như có phép lạ. Bây giờ di chứng chỉ còn nói ngọng và khó khăn khi nói. Chẳng được một câu nào gãy gọn. Còn một tay chưa tê tôi bèn viết. Kệ nó muốn ra sao cũng được. 


Tôi bị tai biến mạch máu não phải nằm bệnh viện, ngoài vợ con ra tôi chỉ có bạn bè, những người bạn nghệ sĩ nghèo, góp nhặt cho tôi từng đồng để trả viện phí. Tôi mang ơn bằng hữu hoặc thân hoặc sơ. Khi đó tôi tường mình đi đứt rồi. Chỉ có những khuôn mặt bạn bè cúi xuống tôi. Tôi nhớ mãi những khuôn mặt ấy, những đôi mắt ấy không bao giờ quên được. Tôi làm sao quên được chú em bạn tù Võ Bá Yên, nguyên là huynh trường Hướng Đạo Sinh, khi khiêng tôi vào phòng cấp cứu phải mang cầm Chứng Minh Thư Nhân Dân (căn cước) để có tiền đưa tôi qua cửa ải này. Trước khi mê man, tôi còn ghi nhận được hình ảnh ấy. Nay thì Võ Bá Yên không còn nữa, chú em ấy bị nhồi máu cơ tim cũng đã chết rồi. 


Tôi đưa Yên đến phần mộ ở Bình Hưng Hòa. Tôi đã khóc. Tôi quì trong chùa cùng các sư cầu siêu cho Yên. Ôm hai đứa con nhỏ của Yên, khuyên nhủ chúng cố giúp mẹ chúng duy trì nghề bán cơm bình dân ở căn nhà cạnh chợ Cây Quéo. Bố chúng chết rồi, hàng cơm thiếu người bưng tô rửa chén, các cháu phải thay bố ngoài giờ đi học. 


Khi tôi rời bệnh viện ít ngày thì vợ tôi cũng giở dạ đẻ, đứa con út tôi hiện nay. Lúc ấy tôi không có tiền. Mẹ con nó may mắn mẹ tròn con vuông và vợ tôi chịu đoạn sản để lấy tiền thưởng đóng thay viện phí. Vậy cũng xong. Chuyện cũng như người phải bán máu mình để lấy tiền mua cơm ăn. Như cây nến tự ăn mình đề duy trì ngọn lửa. 


Mấy năm sau, tôi nghe Trần Lê Nguyễn bị bệnh. Bệnh tai biến mạch máu não như tôi đã từng bị. Anh đau khổ hơn vì bị bán thân bất toại, nói năng ngọng nghịu. Vợ anh Nguyễn phải làm thông ngôn mỗi khi đi đâu hay có người tới thăm. 


Có hôm tôi với Tú Kều đang ngồi ở quán báo của Nguyễn Kinh Châu ở đường Bà Huyện Thanh Quan thì Trần Lê Nguyễn đi xích lô đến. Anh nói chuyện với chúng tôi mà chúng tôi chẳng nghe được câu nào. Anh bị ngọng quá sức rồi. 


Một lần khác anh đi xích lô đến nhà Tú Kều, bà vợ đi cùng, hôm ấy tôi cũng có mặt. Chị Nguyễn phải thông ngôn chúng tôi mới hiểu. Nội dung anh hỏi nhà Tú Kều còn tranh không, nếu bán thì anh mua. Trời đất, anh vẫn còn nghĩ đến chuyện ấy, chuyện nghệ thuật mà anh đam mê từ mấy chục năm trước, thuở lêu bêu chợ trời. Buôn bán mà không bao giờ có lời, bán một tác phẩm mình mua được tiếc đứt ruột. Con người Trần Lê Nguyễn thế đó. 


Hôm chợ Cầu ông Lãnh cháy, ngay vào khu anh ở từ bao nhiêu năm trên đường bến Chương Dương, tôi lo lắng suốt một đêm. Sáng sớm tinh mơ tôi đạp xe xuống phía nhà anh, may quá ngọn lửa không lan đến, tôi an tâm ra về. Tin Trần Lê Nguyễn mất đột ngột đến với tôi. Khi đó là buổi chiều, sáng sớm ngày hôm sau gia đình sẽ đưa anh đến nhà thờ làm lễ rồi đưa anh lên lò thiêu Bình Hưng Hòa. Đến khi đó tôi mới biết tên thật của anh là Nguyễn Huy Tạo, sinh năm 1924, mất ngày 7-7-1999. Thế có nghĩa là anh 75 tuổi, sao mà tâm hồn anh trẻ thế. Những người đi đưa tiễn anh lần cuối cùng hầu hết là những văn nghệ sĩ chế độ cũ. Ngoài những nhà văn nhà báo mà đếm được trên đầu ngón tay, tôi thấy còn có các họa sĩ như Cù Nguyễn, Rừng, Hồ Thành Đức mới ở nước ngoài về thăm quê hương. Đưa đám anh đến tận lò thiêu Bình Hưng Hòa, có một người con trai chống gậy, tôi cứ ngỡ là con trai của anh, nhưng hỏi ra thì biết cậu đó là cháu, con trai người em trai anh. Một bài điếu văn ngắn, cảm động do Hoàng Vũ Đông Sơn đọc trước quan lài, rồi cửa lò thiêu mở, quan tài anh từ từ hạ xuống. Thôi, thế là vĩnh biệt Trần Lê Nguyễn. Tiếng khóc của người thân anh òa lên. Tôi cũng không cầm nổi nước mắt. Tấm hình của anh vẫn toe loét nụ cười 


Buổi trưa về nhà anh, trên tường tôi thấy còn nhiều bức tranh nghệ thuật. Căn nhà đó ở bến Chương Dương, trước khi anh tới cư ngụ, tôi biết nhiều họa sĩ đã đến ở đó, có cả Cù Nguyễn. Năm 1963 tôi đến đó nhờ họa sĩ Nguyễn Trung vẽ cho tấm bìa tập truyện ngắn Vác Ngà Voi, tập truyện ngắn đầu lay của tôi thuở đầu đời. Trên đường về, buổi trưa trời ập xuống một cơn mưa. Tôi bị cảm nằm liệt mất mấy ngày. Đêm nay ngồi ghi lại những dòng này trời vẫn còn mưa. Những con muỗi đói sự ướl cánh ùa đầy vào phòng. Vừa đụt mưa vừa kiếm ăn, chúng bu vào đốt tôi tơi lả. Tôi đập tan xác chúng, máu lóe trên bàn lay. 


Trong đêm trường này chỉ mình tôi còn thức, trên căn gác bút đam mê cô quạnh.


CHƯƠNG HAI

Chỉ còn sáu tháng nữa thì đến năm 2000, bước sang thế kỷ 21. Sự cố máy tính Y2K của thế giới hình như đã khắc phục được. Tôi nghe phát thanh truyền hình nói thế. Lâu nay tôi ít để ý đến tình hình trên hành tinh này, vì loài người đánh đấm, ăn thua đủ với nhau lùng tùng xòe. Địa cầu huyên náo. Tôi cũng có sự huyên náo của riêng tôi. Những bức xúc có căn nguyên, những buồn vui, những hậm hực, tôi nhả ra hết, có sao nói vậy quên luôn cả lời mẹ từng dậy: "Tránh voi chẳng xấu mặt nào" hoặc "Một điều nhịn là chín điều lành". Tôi cóc cần rồi, tôi có thể "khùng - điên - ba trợn". Tôi sợ húp nhầm cháo lú thì khổ. Tôi không muốn sống như cục thịt hoặc như một nấm xương khô. Tôi tự vả vào miệng mình, tự bới xấu mình, nhiếc móc cái thân phận bất hạnh của mình thôi. Chẳng thèm đụng chạm đến ai. Than thân chúng tôi (kể cả bạn bè): 


Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ 



Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh 



Những câu thơ này của ai, thi sĩ nào thuở có trào lưu lãng mạn, chán đời hồi đầu thế kỷ 20 trên đất nước Việt Nam, tôi nhớ tác giả là Vũ Hoàng Chương nhưng không dám chắc lắm. Xin lượng thứ cho tôi. Bạn bè tôi ai thấy mình không ở trong hoàn cảnh này cứ việc tự do phủ nhận. Tôi không kéo bè kết đảng hay làm tha hóa bất cứ ai.

° ° °
Ngày hôm nay Sài Gòn mưa từng chặp, gần như suốt ngày. Tôi nằm nhà vì cơn bệnh ập đến với tôi hơn một tuần nay. Tôi bị cao áp huyết nên máu lên xuống bất thường. Bà vợ tôi sợ nguy hiểm cho tôi, khi leo lên leo xuống trên căn gác bút, nên đề nghị tôi ở căn buồng dưới nhà, một căn phòng nhỏ có thể tránh được gió máy. Điều ấy hợp lý quá, tôi đành chấp nhận. Thôi, không ở trên căn gác bút nữa thì xuống hầm ninh chữ" vậy. Tôi gọi chỗ làm việc mới của tôi là hầm ninh chữ, cũng là bút hiệu của bạn tôi đã chết. Thi sĩ Ninh Chữ. Rảnh thì giờ tôi dọn dẹp tí chút. Mơ ước mở được cái cửa sổ để có lỗ thông gió, nhìn ngôi mả đá xưa mấy trăm năm. Nhìn thấy những con ốc sên to bằng nắm tay trẻ con mà người ta gọi là ốc ma bám trên mả đá. Tôi không còn thấy nữa vào những ngày mưa từ mấy chục năm nay. Hình như chúng đã bị tiệt chủng. Đang ngồi buồn và suy nghĩ vẩn vơ thì nhận được tờ báo Khởi Hành của Viên Linh gửi qua đường bưu điện. Tôi đọc ngấu nghiến. Tôi thấy sự hiện diện của một người bạn im hơi lặng tiếng suối bao nhiêu năm trời, nay cũng có lên anh viết về những dòng sông ở Việt Nam, con sông Đáy ở Sơn Tây làm nền cho bài viết. Người viết nói: Nhắc đến sông Đáy, nhắc đến Sơn Tây, người ta nhắc đến thơ Quang Dũng, những bài thơ của một cuộc chiến, một cuộc chiến có tiếng hát, cuộc chiến ấy đã dứt để hôm nay là cuộc chiến khác, một cuộc chiến không có tiếng hát, không có thơ.... Tại sao lại có hai cuộc chiến khác nhau? 


Giăng giăng mưa bụi qua phòng tuyến 



Hiu hắt chiều sương lạnh đất Tề.... 



Tôi đọc bài Tạp ghi của Ký Giả Lô Răng, Bạn tù Sơn La. Cảm động và buồn không chịu được Vì tôi cũng từng là người tù, từng chứng kiến những cảnh đầy đọa như thế, từng ăn đói mặc rách, từng đi đào trộm khoai sắn, biết chia nhau với bạn tù một con rết núi nướng, mơ ước một miếng cơm cháy ăn cho thơm miệng, và điếu thuốc lào đỡ vã. Điều ấy tôi đã viết chưa nhỉ? Tôi viết rồi. Thành nguyên một cuốn truyện dài kia. Tôi tin rằng không bị lỗi thời. Không gây hận thù để tuyên truyền cho một thời điểm hay giai đoạn nào đó. Tôi nghĩ đến cái lâu dài của con người với con người. Trong Bạn tù Sơn La, Ký giả Lô Răng có nhắc đến thượng tọa Thích Thanh Long (nguyên giám đốc Nha Tuyên úy Phật giáo). Cũng là một người tù. Tôi chưa từng biết vị này. Nhưng chùa mà ngài có thời gian trụ trì tôi biết, chùa Viên Giác trong ấp Đông Ba Gia Định xưa, nghĩa là rất gần với nhà tôi bây giờ. Nhắc đến nhà sư này, tôi không thể không nhớ đến bạn tôi, Lý Phật Sơn, Trần Kỳ Hùng, Trần Quang Bạch, đã khuất bóng, tôi đã viết trước đây, trong Hồi Ký Viết Trên Gác Bút. Anh đã ở trong ngôi chùa đó sau ngày 30-4-75, khi thầy trụ trì đi học tập cải tạo ngoài Bắc Việt Nam. 



Tôi với Lý Phật Sơn từng ăn chuối thay cơm ở dưới mái hiên ngôi chùa đó. Nói chuyện trời đất bông lông, nhắc lại một số bạn xưa mà tởng chừng như không bao giờ gặp lại nữa. Nghĩ đến bạn đã khuất bóng sau khi đọc bài Bạn tù Sơn La tôi bắt gặp cũng trong tờ báo ấy hai bài thơ, một của Thuyên Du, bài Chiêu Niệm, một của Nguyễn Quan Hà, Chiêu niệm Ly phật Sơn. Thì ra hai vị này là bạn thân của Lý Phật Sơn tự thuở nào, còn biết cả tên tục của Lý Phật Sơn là Trần Quang Bạch. Nhân đọc hồi ký của tôi. Tôi không thể không ghi lại những câu thơ khóc bạn, lấy ra những điều tôi ghi nhận về Lý Phật Sơn: 



Dưới mái rêu phong người tá túc 



Hôi người, người nhắm mắt không thưa 



Hỏi thầy: thầy cải tạo ra Bắc 



Hỏi Phật: Chùa hoang phế khác xưa 



(thơ Thuyên Du) 





Vắt kiệt máu xương ngọn đèn sắp tắt 



Nửa đốm linh anh leo lét đợi thời 



Thời chẳng chiều ngươi, 



Trời cao không mắt 



canh bạc nhân sinh ngươi đã thua rồi. 



Đã đến đã đi đã còn đã mật, 



Bạch ơi Bạch ơi! sao phận con người. 



(thơ nguyễn Quan Hà) 



Khoảng gần mười năm sau 1975, tôi nghe nói nhà sư trụ trì chùa Viên Giác ở ấp Đông Ba cũng là Tuyên úy Phật Giáo đã học tập cải tạo được trở về. Ngài tiếp tục tu hành tại ngôi chùa, đệ tử đến thật đông, rồi ngài cũng viên tịch thời gian ngắn sau đó. Tôi thấy đám ma của ngài đi trong ấp Đông Ba (nay là phường 7 quận Phú Nhuận) ra đường lớn, đường Chi Lăng cũ (nay là đường Phan Đăng Lưu). Đông đệ tử đi đưa tiễn. Tôi tự hỏi không biết vị sư trụ trì sau học tập cải tạo về có bị quản chế không, nghĩa là mỗi tuần, có khi hàng ngày phải dẫn xác lên phường để Công An thấy mặt, nghiêm chỉnh báo cáo về mình, trong một cuốn sổ. 



Với tôi đã từng phải ghi những trang nhật ký như thế, tốn khá nhiều giấy búi. Cuối tuần được ban cho quyền được Lao Động Xã Hội Chủ Nghĩa, như công việc quét phường, nhặt rác hoặc sai bảo linh tinh. ấy cái tính tôi cứ nói năng lẩn thẩn. Nhưng đó là sự thật, không nói điêu và cũng không có gì mờ ám. Bây giờ mỗi buổi sáng tôi có nhiệm vụ đưa thằng con trai út đi học ở trường tiểu học Đông Ba. Lần nào cũng đi qua chùa Viên Giác, tôi dừng lại mua một cái bánh tiêu hay dầu cháo quẩy cho con, trước cổng chùa có bà bán chuối, tôi nhớ bà ta đã ngồi ở đây lâu lắm rồi. Tôi không biết bạn Lý Phật Sơn của tôi đã ăn chuối của bà lần nào chưa. Hành lang chùa trống vắng. Tôi nhớ cái giường sắt của Lý Phật Sơn kê ở chỗ đó. Tôi và anh ta có bữa làm hết cả một nải chuối, ngồi nhìn kiểng chùa tiêu điều. 



Thời gian đó cũng xa xôi rồi... Những gì tôi ghi lại đều là hồi ký. Những chuyện linh tinh trong cuộc đời mà tôi nghĩ rằng với tuổi đời tôi đủ tư cách để ghi lại. Mà sao những kỷ niệm ấy lại buồn thế. Trong năm Mậu Dần vừa qua bao nhiêu chuyện để ghi lại. Nào là tiễn bạn lên đường đi định cư ở nước ngoài, đón bạn về thăm quê hương. Tiễn bạn vĩnh viễn xa lìa trần thế, lên lò thiêu hoặc xuống mồ. Đường nào cũng xuống âm phủ. 



Mỗi bước chân điều chuyển là mỗi kỷ niệm, tính ra tôi đã sống ở thành phố Sài gòn này hơn bốn mươi năm, từ khi tôi còn là một thiếu niên, nay đang về già. Cũng từ Sài gòn tôi bung ra khắp các tỉnh miền Nam Việt Nam thuở viết văn làm báo. 



Sau 30-4-1975 tôi quanh quẩn trong Sài gòn, ngoại trừ một lần lưu lạc xuống Cà Mau làm cu ly, khoảng thời gian ngắn. Một lần khác ra khỏi Sài gòn đi học tập cải tạo, tức là đi tù. Tôi học tập không tối hơn mà hình như xấu đi nhiều. Sau một thời gian bị quản chế lại còn xấu hơn nữa. Hằng triệu điều bức xúc ở trong đầu tôi, hình như không thể nào tẩy rửa sạch được. Muôn đời tôi cũng chẳng trở thành con người mới có tư duy mới để thích nghi với cuộc sống. Tôi tự ăn mình để sống, như ngọn nến ăn sáp, tiêu hao nhiên liệu của chính mình để duy trì ngọn lửa, ánh sáng, trong cái chết dần mòn. 



Tôi yêu mến Sài Gòn, yêu mến những kỷ niệm. Một ấp Đông Ba nhỏ xíu, với những kỷ niệm cỏn con. Yêu mến bạn bè, chẳng may bạn bè có điều gì tôi đến ngay dù chỉ với tấm lòng. Còn những cái lôm côm khác bỏ luốc, ai nói sao cũng được. Những lúc tôi thập tử nhất sinh, có bạn thì ngược lại, khi bạn gặp điều không may cũng có tôi. Không phải là sự tính toán, vì không tính toán gì suất cả. 



Ngồi mãi trên gác bút hay trong hầm ninh chữ này cũng chán, tôi lang thang ra ngoài xóm, nhìn những căn nhà bị giải tỏa dưới cù lao Rạch Miễu mà chán hơn. Tôi lấy xe đạp đi xa. Tôi muốn tìm đôi vỏ xe cho chiếc xe Solex già nua của tôi, mà các cửa hàng bán vỏ xe ở Sài Gòn không còn nữa, tôi đoán trúng ở Xóm Mới may ra còn. Xóm Mới nổi tiếng một thời sau ngày 30-4- 75 sản xuất vỏ xe các loại, kể cả nghề làm pháo lậu. Một thời sau khi đi học tập cải tạo về, vì miếng cơm manh áo tôi đã tham gia với những người anh em Xóm Mới làm nghề sản xuất vỏ xe lậu. Thời buổi đó thật khó khăn, cái gì không phải của nhà nước, quốc doanh đều bị coi là hàng lậu, nghề lậu, "chui". Khi đó tôi còn sức khỏe, đủ sức chịu đựng gian nan vất vả, kể cả hiểm nguy để kiếm lấy miếng ăn. Tôi không giống như con mèo ướt hay con gà chết như bây giờ. 



Xóm Mới qui tụ hầu hết là dân Bắc kỳ công giáo di cư nhà quê từ năm 1954, mộ đạo và người dân ấy có nết chịu thương chịu khó. Đất canh tác ít ỏi, chỉ đủ đất trồng thuốc lào, nên dân chúng xoay ra làm nghề buôn bán, hoặc làm công. 



Hồi trước năm 1975, Xóm Mới cũng đã làm đủ ngành nghề, trong đó có nghề làm pháo, nghề mổ hco. Khi không được chính thức làm ăn nữa thì bị coi là làm pháo lậu, thịt chui. Năm nào cũng xảy ra lai nạn vì sơ xảy. Pháo phát nổ, nhà xập người chết bị thương cũng nhiều. Nhưng rồi đâu vẫn hoàn đấy. Chẳng phải người dân Xóm Mới ngang chướng gì, hay cố tình không tuân hành luật pháp. Hay nói một cách khác là tham tiền, tham lời. Của đáng tội không phải vậy đâu. Dân Xóm Mới, dân Hố Nai Biên Hòa hay dân Cái Sắn dưới miền Tây, không đủ tư cách và điều kiện để hội nhập với chế độ mới, không làm chui làm lậu lấy gì mà sống. Chúa dậy phải đổ mồ hôi mới có được miếng ăn, Chúa chỉ cấm không được ăn cắp ăn trộm, gian dối hay lừa đảo thôi. Con chiên ngoan đạo là con chiên biết nghe lời dậy tốt lành của Chúa. Tôi chỉ thấy người dân Xóm Mới nhẫn nại, ngoan cường như loài kiến. Cái thân tôi từng lê lết xuống vùng ấy làm nghề ve chai nên rất rành. Từng chở keo, cao su lậu từ nhà máy vượt qua bao nhiêu trạm kiểm soát kinh tế lúc đêm khuya mưa gió để mang vào Xóm Mới nguyên vật liệu làm ra chiếc vỏ xe đạp, xe xích lô rất cần thiết lúc bấy giờ. 



Thuở đó mua được một chiếc vỏ xe đạp hiệu Sao Vàng hoặc vỏ xe quốc doanh nào đó thật khó khăn, anh có năn nỉ vã bọt mép ra cũng kệ anh, nếu anh không có giấy giới thiệu, không được "thủ trưởng " nào đó chứng nhận thì không bán. Mặt mấy đứa thương nghiệp cứ vác lên như mặt thớt. Bực quá anh văng tục hay chửi thề, liệu cái thần hồn nhà anh. 



Tôi là người có bệnh cận thị kinh niên, chẳng may vỡ mất một bên mát kính, làm thế nào tôi cũng không thay được tròng mất kính bể suốt nhiều năm trời. Vì tôi không là nhân viên gì hết nên không có giấy giới thiệu, chuyện đó không ai giải quyết cho. Tôi đành làm kẻ mù dở. Nhìn đời, nhìn người mờ ảo như trong cơn mê hoặc lệch lạc ráo trọi. 



Người Xóm Mới làm ra được cái vỏ xe mới tài tình chứ, đáng ra được trao huy chương vàng. Thời đó cả Xóm Mới, già trẻ, lớn bé lao vào nghề làm vỏ xe, mỗi người làm một khâu, một công đoạn, rút ra những chỉ bố từ vỏ xc hơi phế thải, nối chỉ rồi lên bồ quay, bàn căng ghép ta-lông, dán keo mang hấp, khuôn hấp chạy điện hay chạy than. Điện thường là câu trộm, phải thú thật như thế. Bị bắt, bị phạt, bị tịch thu khuôn hấp cũng nhiều, được tha cũng không ít vì lễ độ biết điều, biết nói câu thông cảm đậm đà, biết mời thuốc có cán, điếu đóm cẩn thận. Vỏ xe tung ra thị trường bán đắt như tôm tươi, và tất nhiên theo ngả buôn lậu bán chui rồi. Tôi thành thật khai báo rằng vào thời gian ấy tôi cũng đã theo người ta làm ăn kiếm sống cái kiểu này. Nếu không thì đã chết đói từ lâu rồi. 



Một buổi trưa, khi tôi còn theo nghề mua bán ve chai, lang thang xuống tận Xóm Mới kiếm ăn, tôi rao đến rát cổ nổ họng mà chẳng ai mang đồ ra bán. Một người dàn ông vẫy tôi vào nhà, nói: 



- Chẳng mua bán gì được đâu, vô đây làm bát nước chè tươi, điếu thuốc lào cho đỡ vã đã. Biết hút thuốc lào chứ? 



- Biết, cái món này tôi hẩu lắm. 



Tôi làm đến ba bi thuốc lào, say la đà, đỡ vã thật. Trong căn nhà đó tôi thấy đông người làm việc, đàn bà trẻ con ngồi kéo chỉ, nối chỉ, người khác đứng khuôn, người đàn ông khi nãy phụ trách khuôn hấp. Thì ra anh ta là chủ cơ sở. Tôi quan sát từng khâu một, tôi thấy làm ra chiếc vỏ xe chẳng mấy khó khăn. 



Anh chủ cơ sở nói với tôi: 



- Muốn làm không, nếu muốn thì ngồi xuống mà làm, tôi trả công cho, còn hơn đi rao ve chai. Không kiếm nổi bữa cơm chiều nay đâu, nhưng nếu anh làm từ giờ đến chiều, chắc chắn anh kiếm được ba chén cơm. 



- Vậy thì được, nhưng tôi làm gì bây giờ? 



Việc đầu liên anh ngồi tuốt chỉ từ cái vỏ xe cũ này ra, tôi tính công qua từng ký lô, coi người ta làm sao thì anh làm vậy. 



- Cần làm giấy tờ thủ tục gì không? 



- Khỏi, tôi chẳng cần biết tên anh thì cần biết lý lịch anh làm chi. Làm đi rồi chiều lãnh lương, ngon như óc chó. 



Tôi nhập nghề làm vỏ xe, chỉ làm vỏ xe thôi chứ không biết kinh doanh. Tôi xin thề rằng tôi đã biết thêm được một nghề nữa trong hàng chục nghề tôi đeo đuổi suốt 23 năm qua, ngoài nghề cầm bút của tôi đã bị coi là lỗi thời, phế thải. Tôi quen với sinh hoạt làm vỏ xe từng ngày. Cái kính trắng tôi đeo có một tròng mắt nên được gọi là ông mù, như tên gọi trong trại học tập cải tạo của tôi 



Tính tôi ưa phiêu lưu mạo hiểm, nên đề nghị với chủ để được chở keo mướn. Việc làm đơn giản nhưng không kém phần gian nan nguy hiểm. Khâu quan trọng nhất trong nghề làm vỏ xe là cao su, mà nghề nghiệp gọi là keo. Tôi phải lấy keo từ nhà máy cán keo ở Chợ Lớn mang về Xóm Mới. Trạm kiểm soát kinh tế giăng mắc khắp ngả đường như thiên la địa võng. Vô ý một tẹo thôi là sa lưới, mất cả chì lẫn chài. Những cuộn keo nặng hàng tạ chất lên chiếc xe đạp thồ của tôi, tôi vừa đạp xe vừa cầu Chúa cầu Phật phù hộ độ trì cho để lọt lưới. Tôi tự tìm ra những con đường xuyên xóm, xuyên sân bay Tân Sơn Nhất, qua ngả chợ Cầu về Xóm Mới, ngả kho đạn qua An Nhơn. Thường là lúc một hai giờ đêm, trời mưa to gió lớn càng tốt, một mình tôi với chiếc xe thồ chở hàng tạ hàng lậu. Cùng với lời cầu nguyện tai qua nạn khỏi, trong túi áo tôi luôn luôn có gói thuốc lá điếu có cán, thuốc lẻ thôi, để nếu không may gặp "sự cố thì hát bài "con cá nó sống vì nước, con sống vì các ông các bà, xin các đồng chí thông cảm cho". Thời gian đó tôi vừa láo vừa biết nói dối như cuội. 



Xóm Mới khi đó còn heo hút lắm, những trại lính của chế độ cũ chạy dài từ Ngã Năm Chuồng Chó đến tận An Nhơn, những nghĩa địa hoang, ruộng vườn ngả Hạnh Thông Tây, ban đêm, nhất là những đêm mưa, ễnh ương kêu y uống sao mà buồn thế. Người ta nói trắng con đường ấy có ma. Thây kệ. Hằng đêm tôi phải đi qua những ngả đó. Những trạm kiểm soát cũng ở những góc đường đó. Tôi gần như in thở đạp xe qua. Vậy mà cũng có lần có người xồ ra chiếu đèn pin vào mặt tôi, súng chĩa vào ngực. Tôi bèn hát bài con cá, hòa điệu cùng tiếng ễnh ương, rồi rất lễ độ xin thông cảm, tôi làm mặt khổ đến thảm hại. Có lẽ tôi diễn xuất cũng tài nên các cán bộ thông cảm. Nhác nhở tôi: 



- Này khắc phục nhé, lần sau mà tái phạm không tha đâu. 



Tôi vâng dạ rồi cút thẳng. Hy vọng rằng hơi thuốc có cán làm ấm lòng chiến sĩ. Nhưng tôi vẫn nghe lời ba người đó cãi nhau phía sau: 



- Đúng thằng đó rồi, hôm trước nó chạy qua cầu có con suối đầu An Nhơn rồi biến mất chứ ma quỉ gì. Quân này láo thật. 



Đúng là tôi chứ chẳng sai. Đêm hôm đó chính tôi chở keo qua chốt kiểm soát này, qua trạm được chừng chục thước, nghe tiếng hô hoán: 



- Hàng lậu, hàng lậu bắt lấy nó, đứng lại không tao bắn! 



Để bảo đảm nguyên vật liệu không hiểu sao tôi lại liều đến thế. Nhấn bàn đạp đạp bừa. Xe lao xuống dốc vun vút, ở một khúc quanh tôi lạc tay lái, thay vì qua cầu tôi lao ngay xuống con suối cạn, chỉ một cái ngã đau điếng người nhưng tôi cũng chui được vào gầm cầu. Rồi tôi nghe tiếng người tao nhao, đèn pin chiếu loang loáng: 



- Rõ ràng nó mới ở đây mà biến đi đâu nhanh thế. Ma à? 



Đèn pin chiếu xuống suối đúng ra là cống thoát nước từ khu Hoàng Mai chảy ra: 



- Hay là nó rơi xuống đây? 



- Rơi xuống thì gãy cổ sống sao nổi. Đấy, đồng chí thấy không, có gì đâu nào! 



Đèn pin chiếu ngay sát chỗ tôi nằm cùng chiếc xe đạp, nhưng không phát hiện. Rồi toán người ấy bỏ đi. Vừa đi vừa bàn chuyện ma quỉ hiện hình rồi biến mất. Tôi là một con ma, có sao đâu. 



Chuyến chở hàng lậu ấy của tôi trót lọt về đến Xóm Mới. Nhà chủ banh những cuộn keo ra, cắt cắt dán dán, vô khuôn hấp mớ hàng lúc năm giờ sáng. Lái buôn vỏ xe đã trực sẵn đầy nhà chờ lấy hàng. Tôi mệt quá vì mất gần một đêm không ngủ nghỉ, lại đau nhức cả một bên bả vai, vì cái ngã hồi đêm. Tôi lảo đảo ra đầu xóm ăn bát cháo lòng, đánh hết hai bát tiết canh mới thấy người khỏe ra. Tôi còn cần một ly cà phê, điếu thuốc nữa mới đủ đô, phục hồi sức khỏe. Tôi có tí tiền trong túi đủ nghỉ ngơi nguyên ngày. Chẳng làm giầu làm có gì nên tôi không tranh cướp vỏ xe đi bỏ mối. Dù tôi có lấy cũng được coi là ưu tiên số một. Tôi mệt mỏi quá rồi, đúng với nghĩa của nó. Tôi đạp xe ra cuối Xóm Mới, quán cà phê sát mé sông mở sớm. Ly cà phê nóng hôi hổi và thơm tho làm sao, tôi tự thường cho mình điếu thuốc có cán thơm râu, hưởng lấy không khí trong lành buổi sớm mai. Nhìn ra mặt sông xem những thuyền câu xuôi ngược hoặc đang giăng lưới. Tôi thường nghe người ta đồn rằng, trên bến sông này nhiều thuyền câu "giả dạng thường dân" làm taxi đưa người Xóm Mới ra "cá lớn" đậu ngoài biển, hoặc ếm gà ở Cần Giờ, đủ "quân số" ra biển, bỏ quê hương mà đi, kiếm ăn xứ người, nếu may mắn thoát chết, không chui vào bụng cá thì gửi "thùng " về cứu giúp gia đình còn kẹt lại trên quê hương. Chính tôi cũng mang trong lòng giấc mơ đen tối ấy. Những mong mình chính là những con người đó. Được tốt lành hay bất hạnh gửi số mệnh cho ông Trời định đoạt. Những phút giây mơ mộng đã giúp tôi sống, dù là lây lất qua những chuyến đổ hàng lậu thập tử nhất sinh như đêm qua. Một tiếng nói sau lưng làm tôi giật mình. 

Tôi mới mang chứng bệnh hãi sợ này từ khi đi học tập cải tạo về: 

- "Rê su ma " lạy Chúa tôi, có phải anh đấy không?.... 

Tôi ngẩng lên, nhân vật Đức râu, chú em ít tuổi cùng ở chung trong trại học tập với tôi. Anh ta là người ở Xóm Mới, được ra về sau tôi một thời gian ngắn. Bây giờ anh cũng là chủ cơ sở làm vỏ xe lậu, mang lên Sóng Thần", tên của một tờ báo hồi chế độ cũ tôi từng cộng tác. Đức râu cũng hẩu món văn nghệ lắm, tính nết thì bộp chà bộp chộp, nhưng không phải là người xấu. ở trong trại học tập, Đức râu từng nổi tiếng qua bài hát Nửa hồn thương đau của Phạm Đình Chương. Trong phim Chân trời tím, truyện phim của nhà văn Văn Quang. Giọng anh to, ồm ồm, đặc sệt thổ âm Xóm Mới, mang từ miền Bắc di cư vào. Anh ta hát như thế này: "Rắm mắt... cho tôi tìm một thoáng hương xưa...". 


Thật là hết ý, nhắm mắt mà anh ta cứ hát thành rắm mắt thì có chết người ta không chứ. Anh em cười cái rần, Đức râu cứ tiếp tục hát cho đến hết bài. Vui đáo để, ai yêu cầu hát là anh hát liền, râu ria cứ mọc ra tua tủa nên mới có tên là Đức râu. Thường mở đầu câu nói bằng câu "Rê su ma, lạy Chúa tôi". Anh là một con chiên ngoan đạo. Tôi thường thấy anh lần chuỗi Mân Côi lầm rầm cầu nguyện, khi ngừng lao động, dù là ít phút ngắn ngủi. Năng cầu nguyện tức là tăng thêm sức mạnh. Anh nói thế và tin thế, cũng tốt thôi khi đang ở trong một hoàn cảnh nghiệt ngã. Những nhát cuốc phăng phăng trên sỏi đá, sườn đồi tóc lửa. Mảng đất sắt cũng phải bật lên thành luống. 



Tôi chậm rãi nói: 



- Ngồi xuống đã nào, tôi bao cậu cà phê sáng nay. 



Đức râu ngồi xuống: 



- "Rê su ma, lấy Chúa tôi", anh làm gì mà có tiền, trúng mánh nào hả? 



- Chẳng mánh mung gì hết, vẫn chở keo lậu như mọi khi thôi. Đêm qua bị bể một chuyến tí chết.... 



Tôi kể cho Đức râu nghe chuyến đi hàng gian nan đêm trước. Đức râu chăm chú nghe và luôn miệng "Rê su ma ". Đôi mắt của Đức râu nhìn tôi và những tiếng "Rê su ma" của anh, tôi biết anh xót xa cho thân phận tôi lắm. Bàn tay anh đang xoa bóp nhè nhẹ trên cái vai đau của tôi. Tôi nói: 



- Tao tưởng bị gãy cổ rồi, may mà cái ngã lăn tròn, cái vai chịu đựng tất cả, nếu không chắc là đi đứt! 



- "Rê su ma " lạy Chúa tôi, em cũng đang tính nhờ anh một chuyến hàng, nhưng nghe anh nói em không dám nữa. 



- Hàng cho nhà Tốt còn chuyến được chuyến không, tao sức đâu mà đưa cho mày. Mày nhờ người khác đi, cũng nhiều tay liều mạng lắm. Vỏ hồi này bán chạy, bọn xe thồ và xích lô tín nhiệm là ăn bứt, tao không ngờ Xóm Mới lại thành công trong việc làm này... Anh thông thạo việc làm vỏ chưa? 



- Tao có thể làm được từ A đến Z. 



- Vậy tại sao anh không ra nghề, mình làm chủ lấy mình. 



- Tao có nghĩ đến chuyện đó, nhưng không có vốn để làm ăn, vả lại tao không có tài làm chủ, chỉ có khiếu làm cu li thôi. 



- "Rê su ma" anh hận đời đen bạc nên cay đắng thế thôi. Nhưng em biết rồi, anh nguyên là một nhà văn nên anh làm thế này để lấy chất liệu trong thực tế, biết đâu một ngày nào đó em lại không được đọc truyện của anh. Trong anh còn âm ỉ một đốm lửa, chưa biết lúc nào bùng lên. Em sống bên anh trong trại học tập suốt mấy năm trời, em biết chứ? 



- Thế hả, cậu có thể gia nhập ngành Công an được đấy. 



- "Rê su ma" anh nói thế thì chết nhà em mất, anh em mình cứ thành thật với nhau, với kẻ khác thì chẳng nên, không khôn khéo sao em sống được đến ngày hôm nay, em còn phơi thay thầy em trông coi cả mấy mẫu thuốc lào, mấy cái ao nuôi cá rô phi, rồi cái xưởng làm vỏ Sóng Thần của em nữa. Từ lâu em đã có ý định giúp anh mở một xưởng nữa lấy tên là Vỏ xe Sống. Vỏ xe Sống và Sóng Thần bon bon chạy khắp các ngả đường Việt Nam. 



- Con lạy bố, con sợ ở tù lắm rồi, làm ơn khẽ cái mồm một tí nào. Bố trẻ cứ hứng lên phát ngôn bừa bãi là khốn đó. Có mồm thì cắp có nắp thì đậy. 



- Xin nghe anh, nhưng cũng phải hỏi anh có ngày nào anh viết về cái Xóm Mới này không? 



- Có chứ, những ngày tao chở keo lậu cho dân Xóm Mới làm vỏ xe lậu, ghi lại những chuyến chở keo lậu, gian nan nguy hiểm không kém gì đường Trường Sơn. Tao đặt tên cho nó là đường mòn Cao Su. Cuộc chiến đấu của riêng tao, đơn độc nhưng cũng không kém vẻ hào hùng đâu. 



Buổi sáng hôm ấy tôi đã hứng chí mà bốc phét như thể với Đức râu. Đã mười lăm năm qua rồi. Mười lăm năm trong 23 năm của một đời người, hôm nay tôi mới thực hiện được lời hứa ấy khi nó đã ngấu, đã chín rục. 



Cũng buổi sáng hôm ấy tôi hứng chí nói năng lung tung, hình như về một chuyến ra đi nào đó. Bây giờ tôi không còn nhớ rõ. Nhưng cuối cùng tôi vẫn còn ở lại trên quê hương. úi chà chà, sao buổi sáng hôm ấy tôi lại hùng biện như vậy, phải chăng vì cái ngã đau suýt toi mạng đêm trước. Nên quên cả sợ, có những cơn bốc đồng thành bốc phét. Phải chăng tôi nhiễm bệnh khùng-điên-ba trợn. 



Sài Gòn bị ảnh hưởng một cơn bão rớt nên đẹp như mùa thu Hà nội. Tôi nhẩn nha đạp xe xuống Xóm Mới, từ đầu Nguyễn Kiệm qua sân "gôn" xưa, qua bệnh viện Cộng Hòa, đến Ngã Năm Chuồng Chó, thẳng đường xuống An Nhơn là nhập Xóm Mới. Tôi là người sống ở Sài Gòn mà ngạc nhiên vì sự thay đổi của Sài Gòn. Sự thay đổi đó mới có từ khi nền bao cấp cáo chung, bước sang đổi mới rồi kinh tế thị trường. Một sự giầu sang mà người ta nói là phồn vinh, nhưng là thứ phồn vinh gì đó. Chưa phải là một sự bình sản, chênh lệch nhau thấy rõ nhất từ xưa tới nay. Nếu có chút hiểu biết người ta không thể vỗ tay hay hết lời ca tụng thành quả kinh tế phát triển tốt đẹp. Cứ chờ đợi rồi biết ngay thôi. 



Với tôi mỗi bước chân di chuyển trong thành phố Sài Gòn xưa là mỗi kỷ niệm, dấu ấn đậm nét dĩ vãng. Thường thì không mấy tốt đẹp, bệnh viện Cộng Hòa xưa, nay là bệnh viện 175. Buổi chiều ngày 30-4-75, tôi chứng kiến hàng hàng lớp lớp thương bệnh binh của quân đội chế độ Cộng Hòa bị lùa ra khỏi bệnh viện, thằng mù cõng thằng què, thằng đổ ruột đựng trong bao ni lông ôm bên hông. Tôi không theo dõi kỹ nên không biết số phận họ ra sao, cũng không biết họ bị lùa ra khỏi bệnh viện rồi đi đâu, vì bệnh viện Cộng Hòa không còn là chỗ nằm dưỡng bệnh cho họ nữa. Nhưng khách quan mà nói tôi thấy thê thảm quá. Một chút mủi lòng trong cái xô bồ của thời thế. 



Cái xóm trước bệnh viện Cộng Hòa xưa, nay mọc lên những căn nhà khang trang buôn bán tấp nập. Trại lính kéo dài từ Ngã Năm Chuồng Chó đến An Nhơn đã bị phá đi, mọc lên một khu thương mại, cả bên ngả Hạnh Thông Tây cũng vậy. 



Xóm Mới nhỏ bé cũng khác xưa nhiều lắm. Dĩ nhiên là nhà cửa mọc lên, xây cất kiểu cọ đàng hoàng. Nhà thờ cũng nhiều và khang bang hơn trước. Dòng sông xưa, nay cũng có một cây cầu xi măng bắc qua, xe vận tải hạng nặng chạy được. Quán cà phê xưa, bên bờ sông tôi từng ngồi mỗi buổi sáng tinh mơ không còn nữa. Con đò dọc trên dòng sông đã triệt tiêu luôn ý nghĩ vẩn vơ của tôi mơ ước một lần nào đó đưa mình ra cửa biển, nhưng thực tế cũng có đấy. Không riêng gì dòng sông này mà nhiều dòng sông Việt Nam khác đã chảy ra biển, cũng đã từng mang theo nhiều con người ra đi. Có những nguồn tin mất tích và cũng có tin được hồi âm. Có hợp rồi tan, tan rồi hợp như truyền thuyết Lạc Long Quân, Âu Cơ. 



Suốt buổi sáng hôm ấy tôi rong chơi ở Xóm Mới. Tìm lại những kỷ niệm xưa, rất rõ nét trong tôi thời làm vỏ xe lậu. nhưng lại rất mơ hồ trong thực tế. Tôi không thể nào tìm mua được chiếc vỏ xe Solex vừa lỗi thời vừa cũ rích của tôi. Một món đồ đáng để vào viện bảo tàng. Hỏi một người làm vỏ xe cũ thì được biết khuôn hấp dó không còn nữa, người ta đã nấu chảy nó ra làm khuôn bánh xe Honda Dream rồi. Tôi từng thấy có đám trẻ con ùa ra xem chiếc xe của tôi, đôi mắt chúng nhìn chiếc xe quái dị. Chúng có nhìn thấy chiếc xe này bao giờ đâu. Đơn giản vì đương thời của chiếc xe Solex chúng chưa ra đời. Nên chiếc xe Solex chẳng là gì cả đối với chúng. Tôi buồn cười khi nghĩ đến câu nói của anh Tây già đóng tuồng quảng cáo cho tủ lạnh Electronic trên ti vi: 



Bốn mươi năm vẫn chạy tốt! 



Tôi chạnh lòng nghĩ đến thân phận tôi, như thân phận một số bạn bè cầm bút của tôi thuở nào. Tưởng là chìm đắm vĩnh viễn trong quên lãng, người ta muốn thế. Có người đã nói vào mặt tôi: 



- Anh đừng tưởng bảnh, mười năm người ta không quên anh thì hai mươi năm. 



Phải chăng tôi hai mươi ba năm mới hồi sinh, một giấc ngủ đông quá dài của loài gấu. Tôi có nghề làm vỏ xe, tôi có thể tái sinh được cái vỏ xe cũ rích của tôi, bằng cách này hay cách khác để chạy thêm được một khúc đường dài nữa. Tôi sẽ chạy suốt con đường hồi ký cho đến khi nó "xúm bã chè". Cũng trong ngày hôm ấy tôi đi qua một nhà thờ trong xóm đạo. Tôi nghe thấy bài kinh "lậy cha ": 



Lậy Cha chúng con ở trên Trời 

Chúng con nguyện danh cha cả sáng 


Nước Cha trị đến, ý cha thể hiện 


dưới Đất cũng như trên Trời. 


Xin Cha cho chúng con 

lương thực hàng ngày và cha nợ chúng con. 

Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ 

Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. 


A men! 


Lại là những ngày rong chơi trong thành phố. Sài Gòn đang ảnh hưởng một cơn bão. Ninh Thuận, bão đánh chìm xuống, tốc nhà, người chết. Nước sông Tiền sông Hậu dâng cao. Cả một vùng rộng lớn ở Đông Nam á bị đe dọa. Tôi nghĩ đến tập kịch Bão Thời Đại của Trần Lê Nguyễn vừa nằm xuống, mà anh đã viết cách dây bốn mươi năm.


CHƯƠNG BA

Đã từ lâu rồi, cư dân Sài Gòn, không kể Bắc, Trung, Nam, lâu ngày bỗng nhiên gặp nhau. Thế rồi tay bắt mặt mừng, thăm hỏi nhau, cuối cùng phải có sự hỏi han về chính thân phận của nhau:

-Thế nào lâu nay ông làm gì?

Tức là một câu hỏi dành riêng cho công ăn việc làm của anh. Câu trả lời của người hóm hỉnh, thất nghiệp kinh niên rất tiêu cực:

- Làm thinh?

Chỉ một chúi sững sờ, nhưng rồi sẽ hiểu ngay thôi, người bạn được trả lời bèn cười xòa, sự đời cay cú thế đó. Động từ làm thinh được coi như là công việc nghề nghiệp, danh từ. Nghề gì lại là nghề làm thinh. Làm thinh để mà sống. Anh sống thế nào thì mặc kệ anh, sự sống quí giá như thế đấy Ngược lại câu khẩu hiệu mà người dân Sài Gòn nào cũng được nghe từ hơn hai mươi năm trước: Lao động là vinh quang, Lang thang là chết đói. Hai chữ làm thinh phản bác thẳng vào câu khẩu hiệu có tính cách đe dọa kia. Như một câu gắt gỏng quen thuộc của cụ cố trong tác phẩm Số Đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng: Biết rồi khổ lắm nói mãi! Người nhận được câu trả lời chẳng thèm bực mình khi được người bạn trả lời như thế còn lấy làm thú vị khoái trí. Hiểu hoàn cảnh bạn rất rõ, vặn vẹo bạn theo kiểu tam đoạn luận chỉ vô ích mà thôi, chỉ cần hai chữ đã nói lên tất cả, có biết bao nhiêu người làm thinh mà sống mãi. Chẳng chết thằng Tây nào suất cả. Người kia bèn hỏi bạn:

- Còn anh?

- Cũng làm thinh như anh.

- Bậy nào!

- Tôi có là nhà giáo thật, nhưng mất dậy rồi nên vô lương. Hớp không khí mà sống. Chúng ta đồng hội đồng thuyền hiểu nhau quá mà.

Hai nhà trí thức hết thời, đồng nghiệp làm thinh chơi chữ với nhau một lát rồi "giung giăng giung giẻ " dắt nhau đi. Cái lắt léo của ngôn ngữ Việt Nam nó thế đấy!

Tôi tiếc là hai chục năm qua tôi không ghi lại được biết bao nhiêu bài đồng dao, bao nhiêu là từ quái dị, bao nhiêu câu vè câu thơ, những chuyện tiếu lâm thời đại, truyền tụng trong dân gian. Đó là sở trường của người Việt Nam. Chính tôi cũng bị nhiễm những từ ấy mà không biết. Tôi từng dùng hàng ngày. Có thể đột xuất hoặc cố ý. Tôi đã từng trả lời ai đó hỏi tôi làm nghề gì. Tôi trả lời làm thinh cho yên. Cho đỡ sốt ruột, đỡ phải nói quanh co mất thì giờ, sự thành thật là đáng quí: "Báo cáo anh lâu nay tôi làm thinh. ". Thế có phải là ngắn gọn không nào. Con người tôi vốn dĩ đã nhiều sai trái rồi, mà càng nói thì càng sai. Tốt hơn hết dù có không câm cũng nên nói ít đi. Tôi có thú vui riêng của tôi, đời sống riêng, cứ việc tưng tưng giữa cuộc đời.

Tôi đang ở trong cuộc đời mà nhớ Sài Gòn da diết. Nhớ từng góc phố, từng con đường, nhở hình bóng từng người bạn đi qua trong đời tôi. Người tình xa, người tình gần, nhớ tuốt luốt. Người còn sống và người đã chết. Dĩ nhiên phải có giới hạn với tôi, tôi không thù không ghét ai cả. Anh em như thể tay chân. Những kỷ niệm đó giúp tôi có thể viết hồi ký được. Tôi nhạy cảm nên dễ đau xót, khi nghe tin một người bạn tôi ở nơi xa nằm xuống vì chứng bệnh nan y. Mừng vui khi nghe bạn thành công, dù tôi chẳng ăn cái giải gì.

Thời tiết Sài Gòn mùa mưa mùa nắng đều gợi nhớ đến những kỷ niệm, xót xa có, mừng vui cũng có vậy. Nhiều khi tôi lẩn thẩn tự đếm xem những người bạn của mình ở Sài Gòn đã bao nhiêu người nằm xuống bao nhiêu người đã ra đi, bao nhiêu người còn phải bon chen trong đời sống. Mỗi bước chân di chuyển là mỗi kỷ niệm. Những kỷ niệm đó trong sáng thôi, chẳng hại ai, nói chung là vô hại. Mỗi bước chân đi là gợi nhớ dĩ vãng. Bước chân càng chậm chạp càng gợi nhở sâu đậm hơn. Tôi đã có những bước chân như thế trong hai mươi năm qua. Vâng, từng góc phố, từng con đường. Nhớ những người quen, những người bạn, những người thoắt hiện và thoắt biến khỏi cuộc đời, những người đi xa rồi lại trở về

Trong ngày đưa đám Trần Lê Nguyễn, tôi gặp lại họa sĩ Hồ Thành Đức, sau đó gặp lại họa sĩ Bé Ký, vợ anh Đức. Lại có dịp đi lên trung tâm Sài Gòn nghĩ đến chị Bé Ký trên những con đường tôi đã đi qua trước đây. Con đường Tự Do xưa, đường Lê Lợi, hai con đường ở trung tâm thành phố Sài Gòn, khách nước ngoài ở nhiều. Sau những năm di cư 1954. Một hình ảnh đập vào mắt tôi nhiều nhất là hình ảnh nữ họa sĩ Bé Ký. Khi ấy chị chưa được gọi là họa sĩ mà chỉ là một thiếu nữ còn ít tuổi, sống bằng nghề bán tranh, những bức tranh "hàng chợ", cũng vẽ trên lụa trên nhung, bàng phấn tiên hay sơn dầu, nhưng quả thật không mấy có tính cách nghệ thuật. Những đường nét vụng về của các tay thợ vẽ vẽ cảnh chiều tà, con đò lênh đênh giữa dòng. Mái tranh nghèo tỏa khói lam có mục đông cưới trâu trở về làng, cánh đồng và cánh cò bay, đại khái như thế, v.v...và v. v....

Bé Ký ngày đó còn rất trẻ, có lẽ tuổi chỉ trên dưới hai mươi, nhưng người chị nhỏ bé, tóc bỏ xõa, quần áo bà ba giản dị, tay ôm xấp tranh đi bán dạo trên những đường phố quen thuộc. Chị trông thật đơn giản, như những cô gái bán tranh, bán đồ lưu niệm khác ở Sài Gòn thuở ấy. Thu nhập kinh tế chắc cũng không nhiều. Nhưng những ghi nhận của chị trên đường phố chắc hẳn phải phong phú lắm cho sự nghiệp hội họa của chị sau này. Tôi là người yêu hội họa, đã từng mơ ước đeo đuổi hội họa, nhưng không thành công, nên không dám lạm bàn sâu. Ngắm tranh của Bé Ký chỉ biết tranh chị đẹp, đường nét đơn sơ và rất sống động, gần gũi với những cảnh diễn ra hằng ngày trên đường phố. Một chút đòi thường được ghi nhận qua hội họa, mà ai cũng nhìn ra ngay qua tranh của chị.

Tôi chưa từng biết tên thật của chị, cho đến bây giờ cũng vậy. Tôi chỉ biết họa sĩ Bé Ký chính là cô gái bán tranh dạo trên đường phố. Lần đầu tiên tôi xem chị triển lãm tranh ở Alliance Francaise. Bé Ký, nữ họa sĩ Bé Ký. Vẫn con người đơn giản như thế, có hơn chút xíu chăng là chiếc áo dài Việt Nam, một chút phấn thoa mặt, khi chị đứng ở phòng triển lãm cùng với quan khách, người xem tranh. Báo chí khi đó nói về tài năng hội họa của chị nhiều, như một hiện tượng. Tôi chỉ nhớ được chừng đó thôi, thành ra nói về chị cũng thật đơn giản. Tôi không thể có cái sâu sắc của người trong nghề hay chú tâm theo dõi, nghiên cứu. Một thời gian sau, tôi nghe tin chị Bé Ký và họa sĩ Hồ Thành Đức kết hôn, tấm thiệp hồng của đôi vợ chồng ấy chỉ có tên họa sĩ này tự thành hôn với họa sĩ kia, không có tên bố mẹ, hoặc bậc bề trên nào của hai người làm chủ hôn. Thật đơn giản hơi có chút sách mé của người nghệ sĩ.

Thời tôi làm xuất bản ở Sài Gòn, đúng ra là tự in lấy sách của mình. Tôi đến nhà đôi vợ chồng Bé Ký, Hồ Thành Đức nhờ vẽ bìa. Căn nhà đó tôi nhớ là trong con hẻm đường Trường Tấn Bửu, nhà cửa còn lụp xụp lẩm. Cũng là xưởng vẽ của vợ chồng Hồ Thành Đức - Bé Ký. Chị luôn luôn say mê với nghiệp hội họa của mình. Tôi nhớ câu chị nói:

- Tôi nhìn đâu cũng thấy những đường nét biến thành những bức tranh, miếng giẻ rách vứt ở cuối nhà kia hoặc khoảng vôi quét nham nhở trên tường tôi cũng nhìn thấy có những đường nét của một bức tranh. Tôi muốn vẽ, nó có hình tượng...

Bây giờ tôi nhớ và ghi lại những lời này, tôi tin rằng mình không nhớ sai.

Sau 30-4-75, tôi gặp lại vợ chồng Hồ Thành Đức, Bé Ký. Tôi lại đến thăm vợ chồng nhà ấy, nhưng ở một căn nhà khác trên đường Phan Thanh Giản cũ ở Dakao, nay là đường Điện Biên Phủ. Vẫn là để xem những bức họa và hỏi thăm nhau.

Khi ấy vợ chồng Hồ Thành Đức mới đi thăm miền Bắc về. Chị Bé Ký vẽ một bức tranh thật to rộng, có lẽ bức phác họa cho tranh sơn mài. Tôi nhớ nội dung bức tranh là đám cưới ở thôn quê Việt Nam thuở xa xưa. Có những đứa trẻ tóc để trái đào giăng dây ngang đường cô dâu chú rể đi qua. Tinh thần phong tục rất Việt Nam, có chút phiền nhiễu đó, nhưng chẳng ai buồn lòng. Cái phiền nhiễu cần có trong tình nghĩa lứa đôi tôi nhìn thấy nụ cười ở cô dâu chú rể và tất cả mọi người. Ngọt ngào như khi đọc một bài về phong tục Việt Nam của Toan ánh. Vì là bức phác họa nên chưa có màu sắc. Khi có màu sắc rồi tôi nghĩ cũng rất đơn giản như những bức tranh khác của chị đã từng sáng tác.

Nói về tranh Bé Ký, tôi hoàn toàn nói trong trí nhớ từ hơn hai mươi năm trước, thực tình cho đến nay tôi chưa được xem thêm một bức tranh nào của người họa sĩ đường phố ấy. Hai vợ chồng họa sĩ Hồ Thành Đức - Bé Ký lên đường sang Hoa Kỳ rồi.

Tôi gặp lại họ trước ngày lên đường được một buổi, không có dịp hàn huyên nhiều. Tôi chỉ biết chúc các bạn tôi thành công trong nghiệp hội họa. Khối người mơ ước trong ngành nghề mình từng đeo đuổi mà không được thành công đấy. Sự xót xa ấy mới cay đắng làm sao. Biết nói gì đây, coi như không nói gì hết, làm thinh. Nhưng khổ lắm, tôi làm sao làm thinh được

Tôi còn thấy quá nhiều, quá nhiều kỷ niệm chưa nói tới, ở thân phận tôi, thân phận bằng hữu ở khắp mọi nơi, những người bạn đã nằm xuống trên quê hương mà số phận đã an bài, ở ngay trong thành phố này. Những người vẫn còn sống, họ sống thế nào, ra sao? Tôi biết khá rõ đấy ở từng góc phố, từng con đường. Ra khỏi nhà là gặp dĩ vãng, gặp kỷ niệm, ai cũng vậy cả thôi chẳng riêng mình tôi. Chỉ khác nhau là làm thinh và không làm thinh thôi.

Thú vui của người lớn tuổi là nhớ lại kỷ niệm, dĩ vãng. Tôi cũng vậy và còn bày đặt viết hồi ký, dù tôi chẳng là cái thá gì, cũng chẳng một chút mưu đồ gì. Chiếc xe đạp và chiếc xe solex vẫn cứ đưa tôi đi. Tốc lực càng chậm tôi càng nhớ nhiều. Kìa, tôi nhìn thấy hình ảnh đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc, Minh Đăng Khánh. Cơn khùng điên bất thường của thi sĩ Bùi Giáng trên đường phố. Những người đó đã nầm xuống rồi.

Quán rượu Mười Hai Bến Nước ở đường Trương Minh Giảng, bạn tôi, nhà văn Dương Hùng Cường ngồi ngất ngưởng ly rượu thuốc khề khà chuyện trời đất. Anh đã "đút bóng " trong nhà tù số 4 Phan Đăng Lưu, tức Chi Lăng xưa. ở góc đường Ngô Quyền, Vĩnh Viễn miệt Chợ Lớn kia, nhà văn Lê Xuyên đã ngồi bán thuốc lá lẻ suốt hai mươi năm trời. Người ta đã quên anh, nhưng cũng có người chưa quên anh.

Khi gặp anh, anh nói với tôi được một câu, nghe mà chán chường:

- Gặp cậu, tớ mới nhớ ra mình là Lê Xuyên. Nhớ anh em gọi mình là chú Tư Cầu.

Tôi đã toan ngừng viết hồi ký sau hai tập hồi ký đã viết rồi. Nhưng tôi như cái xe bị đứt thắng cứ tuồn tuột trôi đi, lại đang đổ dốc, con dốc dài...

Ngày mai tôi đi xe đò lên Bảo Lộc, thăm bạn thi sĩ Tú Kều. Tôi ngồi trước người bạn bị bệnh quên, bệnh Alzheimer, đến độ không còn nhớ mình là ai. Nhưng có điều duy nhất anh không quên anh là thi sĩ. Theo như chị Phượng, vợ anh, nói lại như thế.

Đó là điều mừng, tôi phải tới thăm anh xem thực hư ra sao. Buổi tiếp xúc này tôi phải đế ngấu trong tôi, lên men rồi tôi mới viết được.

1       2      3 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét