Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

HỒI KÝ ĐẠI HỌC MÁU CỦA HÀ THÚC SINH - KỲ 8

1      2      3      4      5      6      7      8      9       10      11      12      13      14

CHƯƠNG BA MƯƠI SÁU

Vĩnh bị đuổi về trại ngay ngày hôm sau. Anh bị đuổi về trại đi lao động lúc chưa đi hết được một vòng trại bệnh, nhất là cơn đau trong người chỉ mới lắng xuống chưa có một hy vọng nào khỏi hẳn.

Buổi sáng, sau lúc điểm danh và khám bệnh, tên y sỹ Việt cộng rờ rờ mó mó vài cái vào lưng Vĩnh rồi ra lệnh phát cho anh 5 viên Vitamin C, đồng lúc nhỏ nhẹ bảo anh.

- Thôi nhé, hôm nay xuất viện về trại sinh hoạt chung với anh em nhé. Sỏi thận anh nếu có cũng nhỏ thôi, từ từ rồi nó trôi xuống bàng quang tiểu ra ngoài là hết. Nói rồi hắn lật lật mấy tờ giấy trước mặt, ơ hờ dặn Vĩnh thêm vài câu. Khi đi lao động, nếu gặp cỏ Sam hoặc dây Nhãn Lồng nhớ thu hoạch về nấu uống nhé. Uống mấy thứ ấy lợi tiểu tốt lắm.

Biết mình vẫn còn có thể đau vật vã trở lại, nhưng tên y sỹ đã nói thế nên Vĩnh đành đem theo mấy lời khuyên của hắn trở về trại.

Mới xa cảnh cũ có hai ngày hai đêm, trở về đã có một số thay đổi.

B2 hiện tại đã biến thành nhà 2 đội 17. Các nhà viên cũng thay đổi gần hết. Vĩnh trở về trại đúng giờ cơm chiều nên đụng độ ngay với những nhân vật mới. Lúc này guitarist Nhan Quang Minh đã lên làm nhà trưởng. Bính, Hóa, Kim... đã chuyển hết sang các nhà khác đội khác. Vĩnh được bổ sung vào tổ 5. Tổ trưởng là Hoàng Văn Ân tự Ân xệ. Tổ 5 người ngoại trừ Ý là người cũ còn thì toàn là những người mới. Những người mới này cũng có thể là những người Vĩnh từng quen mặt trên Trảng Lớn như: Võ Hữu Hiệp, trung úy khóa 27 Thủ Đức sỹ quan quân nhu; Vũ Duy Dương, trung úy khóa 2/68 Thủ Đức một đại đội trưởng của SĐ9BB; Bùi Duy Hạ, trung úy khóa 4/69 Thủ Đức (có vợ là một vũ nữ sexy nổi tiếng Sài Gòn một dạo); Trương Hồng (gốc Tàu), Hải quân thiếu úy (Trước 75 từng trốn sang Hồng Kông nhưng sau đó bị dẫn độ về trao trả cho VNCH, hiện đang trong tình trạng nửa điên nửa tỉnh)... Những người hoàn toàn mới hiện ở cùng tổ như: Phạm Xuân Huy, trung úy khóa 2/68 Thủ Đức sỹ quan P2/TTM; Đặng Minh Tuấn, trung úy khóa 2/68 Thủ Đức sỹ quan nhảy toán (Anh chàng này trông hao hao một anh Tây thực dân nên râu ria có chiều rậm rạp nhất trong anh em)...

Tổ 5 của Vĩnh hiện có những nhân vật như thế. Nhưng dù mới hay cũ cuối cùng cũng đều là bạn nhau cả. Hiện tại Vĩnh chỉ gặp tí phiền hà là đang phải nằm giữa hai nhân vật nổi tiếng của nhà 2 đội 17. Thiếu úy Trương Hồng, kẻ tịnh khẩu từ ngày nhập trại tù và tính tình rất khó chịu. Dẫu rằng chỗ nằm của mỗi người chỉ có hai gang tay rộng, nhưng nhất định anh ta không bao giờ cho phép người nằm cạnh được kê cái mép chiếu đè lên trên cái mép chiếu của anh ta. Người thứ hai là ông Đáp tự Inoxidable, người ở bẩn và làm biếng về tất cả mọi mặt vào hạng vô địch! Tuy nhiên cái cảm giác khó chịu ấy dần dần cũng tan đi! Vĩnh đã tìm được cái thú thưởng thức lén những bức danh họa của Hải quân thiếu úy Trương Hồng. Mỗi khi đi lao động về, ngoài giờ cơm nước, Hồng lặng lẽ ngồi vẽ những chiếc Boeing hoặc những chiếc thương thuyền với đầy đủ chi tiết và giống không tưởng tượng được. Đã có lần Vĩnh nghĩ nếu tay này được theo học những lớp đào tạo kỹ sư design các kiểu máy bay và tàu bè thì nhất định hắn phải đậu thủ khoa. Có lần Vĩnh phát hỏi Hồng: Ông vẽ những kiểu tàu bè máy bay ấy làm gì vậy? Nghe hỏi, Trương Hồng giật bắn mình và vội gấp quyển vở lại. Hắn nhìn Vĩnh với tất cả sự bực bội, tuồng như một người đã bị một người khác thô bạo lôi anh ta ra khỏi giấc mơ tuyệt vời của mình. Dĩ nhiên Vĩnh chỉ nhận được một thái độ yên lặng đầy khinh bỉ của Hồng. Nhưng rồi một lần, Vĩnh đã khám phá ra giấc mơ của người tù nằm bên cạnh. Vào một buổi sáng, vì sơ hở nào đó, Hồng đã để rơi quyển vở gia bảo của anh ta nơi đầu chỗ nằm. Vĩnh lượm được và vội mở ra xem. Ngay đầu quyển vở, một hàng chữ được kẻ sắc và đẹp như co chữ in Vendom 16. Hàng chữ viết rằng: Hỡi Boeing! Hỡi những du thuyền! Bao giờ chúng mày chở tao ra khỏi thế giới này!?

Vĩnh vội vàng gấp quyển vở lại và nhét vào đống đồ đạc đặt trên kệ đầu chỗ nằm của Hồng. Vĩnh thoáng chút ngậm ngùi. Anh đã tìm ra được một phần nỗi ẩn ức sâu kín của người bạn tù nổi tiếng vì tịnh khẩu. Từ đó, anh cố gắng hết sức không làm phiền gì đến Hồng nữa, dù là chỉ để mép chiếu của mình chạm vào mép chiếu của bạn.

Vài ngày sau đó, theo cái đà cải tổ của trại về các mặt, các đội được lệnh tuyển một người đau yếu và biết qua nghề y tá. Người này được lao động tại trại với nhiệm vụ phụ giúp ban quân y trại lo sức khỏe cho các đội viên khai bệnh. Trong vụ này, Vĩnh may mắn hội đủ cả hai điều kiện và được đội 17 biểu quyết cho làm công tác y tá đội.

Đời tù khổ sai kể từ đây coi như được chút nhàn nhã.

Mỗi ngày, khi tiếng kẻng báo thức nổi lên, trong lúc anh em đánh răng súc miệng, Vĩnh cầm quyển sổ đi qua các nhà ghi tên những người khai bệnh trong ngày. Danh sách khai bệnh sẽ được làm thành hai bản, một nộp cho quân y trước giờ khám bệnh, một nộp cho đội anh nuôi. Chưa cần biết quân y chuẩn mạch định bệnh ra sao, đội anh nuôi cứ việc cắt khẩu phần cơm độn khoai trong ngày của người bệnh cái đã. Thay vào đó sẽ cấp phát cho người khai bệnh mỗi bữa một bát cháo!

Đó là chuyện của nhà bếp, riêng nhiệm vụ của Vĩnh còn phải làm tiếp tục là nổi lửa nấu một ấm nước sôi luộc kim và ống chích. Việc này Vĩnh có quyền làm ngay tại phòng ngủ của anh. Những người khai bệnh có thuốc chích, hoặc giả được quân y phát cho một mũi Atropine nếu đau bụng, một mũi émitine nếu còn kiết lỵ lai rai, hoặc mội mũi B1 nếu chứng phù thũng vẫn còn làm đôi chân mập ú và nặng chình chịch; thì cứ việc đem thuốc đến cho Vĩnh. Vĩnh sẽ làm tròn nhiệm vụ của một anh y tá chích thuốc không thù lao.

Thường thường công tác chích choác cho những bệnh nhân trong đội cũng lai rai hết cả buổi sáng. Khi không còn con bệnh nào đến nhờ chích nữa, Vĩnh lo rửa sạch hai cái ống chích bằng nước sôi và mài lại hai cái kim được Trên giao phó quản lý và xử dụng. Mỗi lần lôi đồ nghề ra xử dụng hay cất nó đi, Vĩnh không tránh khỏi một cảm giác sợ hãi. Hai cái ống chích thuộc loại "Mỹ ngụy" dùng một lần rồi bỏ, tuy nhiên, nhờ Cách mạng vào, hai cái ống chích ấy đã và đang được kéo dài tuổi thọ không biết đến bao giờ nữa. Ngày nay, vì luộc đi luộc lại, cái ống nylon đã ngả màu vàng cạch trông như hai điếu thuốc cẩm lệ vấn hơi to. Lớp cao su bọc đầu bơm của ống chích bên trong cũng đã lão hóa, do đó, mỗi lần bơm thuốc cho bệnh nhân, Vĩnh phải rất cẩn thận thuốc mới không vọt ngược về phía sau. Riêng hai cây kim, vì bị mài đi mài lại trên một miếng đá hoa, giờ nó chỉ còn phân nửa chiều dài so với chiều dài cũ của nó. Đã lắm lần đang chích kim bị tắc, Vĩnh lại phải lấy kim ra, dùng một mẩu dây thép lõi lấy từ một đoạn dây điện thoại dã chiến để thông kim. Thê thảm hơn, ấy là khi chích cho bệnh nhân! Vì không có rượu cồn cũng không có bông, Vĩnh phải lấy một miếng áo thung dùng làm compress, chấm tí thuốc đỏ chùi kim và lau sạch chỗ da thịt của bệnh nhân trước khi đâm mũi kim vào; ấy thế nhưng có lẽ nhờ mát tay, không ai bị áp-xe cả.

Dù nhiệm vụ hiện tại so với anh em lao động bên ngoài hơi kém vinh quang, nhưng Vĩnh đã cố gắng hết sức để không bị một nhân vật tiến bộ nào ganh tị hay chê trách. Với nhiệm vụ chích cho anh em, dĩ nhiên Vĩnh có thể biết rất rõ ai trong đội là người có nhiều thuốc men nhất. Quả không khó gì trong việc gây cảm tình với một anh bệnh nhân có nhiều thuốc. Và khi cảm tình đã có, việc xin xỏ họ một viên thuốc, một tí dầu nóng cho người đang cần mà không có, đã trở nên rất dễ dàng. Vĩnh lặng lẽ chơi chiến thuật bới anh nhà giàu đắp cho anh nhà nghèo trên mặt thuốc men, một thứ luôn luôn hiếm và quý trong tù cải tạo.

Tuy nhiên với Nguyễn Văn Bông 1 một anh chàng đồng bệnh sạn thận với Vĩnh bên nhà 3 coi như rất khó áp dụng chiến thuật này. Hắn có cả nửa bao cát thuốc đủ loại. Mỗi loại một ít. Từ dầu nóng Con Hổ đến hủ Bi (tuy đã quá hạn!) hắn đều có trong tay. Nhưng xin cho anh em thì không bao giờ thành công cả. Nếu nhìn qua hiện tượng, người ta có thể chê trách Bông thiếu tình đồng đội; nhưng nếu đi sâu vào một khía cạnh tâm lý nào đó của Bông, người ta sẽ thông cảm ngay. Phải nói rằng hắn mang bệnh sưu tập thuốc Tây trong tù. Vĩnh không rõ xưa kia Bông có bị cái bệnh này không? Anh đoán có lẽ là không. Căn bệnh này chỉ có thể đã xuất hiện khi Bông phải chứng kiến quá nhiều cái chết rùng rợn trong tù do không có thuốc men chữa trị mà ra. Từ đó, mỗi đợt quà gia đình gửi vào. Bông nhịn ăn tất cả mọi thứ. Hắn lân la gạ gẫm với mọi người để đổi đồ ăn lấy thuốc Tây. Giá cả trao đổi với anh em cũng rất phải chăng. Hắn có thể vui vẻ đổi 3 điếu Vàm Cỏ lấy một viên Aspirine, hoặc 5 thìa súp đường cát lấy 10 viên B1 loại 200mgs. Trụ sinh hắn có thể trả cao hơn, chẳng hạn hắn có thể đổi một lọ mắm ruốc xào xả riềng ớt lấy 5 viên Néomycine. Cứ thế, sau vài lần quà cáp được gia đình gửi vào, Bông đã sở hữu được một số thuốc Tây đáng kể...

Mỗi sáng sớm trước khi đi lao động, hoặc mỗi buổi trưa trở về trại nằm vật ra thở chờ tổ trực lãnh cơm về phát, Vĩnh quan sát và thường tìm ra nhiều hiện tượng khá vui trong anh em. Tỉ dụ trước kia khi còn nằm cạnh anh chàng trung úy hải quân Phạm Kim, trưa nào Vĩnh cũng thấy Kim nằm tại chỗ mà không ngủ. Kim luôn luôn cầm một quyển vở kê sát mặt. Vĩnh để ý thấy có lúc Kim nháy mắt với trang giấy cười khúc khích, có lúc bỉu môi như giận hờn, có lúc thầm thì như tỏ tình với trang giấy. Vĩnh thắc mắc quá sức. Thằng này điên rồi sao? Hay là hắn đã quán chán chê con người và cảnh lao tù nơi đây, quay ra say đắm và trò chuyện với quyển vở của hắn? Sự tò mò một hôm đã buộc Vĩnh moi quyển vở của Kim ra xem. Sau cùng, anh phát hiện ra trong quyển vở ấy một chuyện lạ lùng vào hàng đệ nhất kim cổ. Kim đã cắt một ô vuông trên một trang giấy. Hắn vẽ rồng vẽ phượng quanh ô vuông đó. Đàng sau ô vuông cắt thủng trên trang giấy Kim đặt cái gì? Hắn đã đặt tấm ảnh bà xã hắn vào đó. Thế là hắn đã có một khung ảnh lồng chân dung vợ trong quyển vở. Vĩnh cười phá lên khi biết bạn mình hằng bao tháng ngày qua, trưa nào cũng thủ thỉ với người... trong tranh. Chao ôi, lãng mạn đến thế là cùng!

Hoặc giả trường hợp ông Inoxidable! Mỗi phần cơm ông lãnh, ông luôn luôn để ra vài thìa và đem phơi khô. Chiều về, ông lấy mấy thìa cơm phơi khô đó đổ vào một cái bao cát và nhét dấu trong túi quần áo. Chẳng ai hiểu ông ta để dành cơm độn khoai phơi khô làm gì. Nếu một tay khỏe mạnh như Đặng Xuân Bính, Nguyễn Văn Ý... thì người ta còn có thể nghi ngờ là tích trữ lương thực cho một âm mưu vượt ngục. Nhưng ông Đáp nhất định không thể nào là một người có âm mưu trốn trại được. Ông ta đau xương sống đi hết muốn nổi, nói gì đến chuyện trốn trại vượt ngục. Vậy ông ta tích trữ lương thực phơi khô làm gì, khi mà khẩu phần hàng ngày có ăn nhiều gấp ba lần cũng chưa no? Chuyện này chỉ có Trời biết...

Riêng anh chàng Bông cũng tạo ra những hoạt cảnh thật vui mà không sáng tối nào Vĩnh không được thưởng thức. Ngày hai lần, khi mở mắt và trước khi đi ngủ, anh ta lôi đống thuốc Tây ra đếm từng viên, từng loại. Vĩnh có cảm tưởng như Bông sợ có ma quỷ nào đó đã lén nhập vào bị của anh để uống mất những viên thuốc đó. Nhưng điều quan trọng với Vĩnh hiện tại là làm sao khiến Bông chia xẻ tí thuốc đó cho nhiều anh em đang cần thiết.

Một hôm Bông lên cơn đau sạn thận. Hắn cũng lăn lộn, cũng rên xiết y như Vĩnh trước đây. Đồng bệnh tương lân, Vĩnh tìm mọi cách để giúp hắn đi viện, vì anh đã biết rằng ít nhất trên bệnh xá hắn cũng được lụi đại vào thận một mũi thuốc quái quỷ gì đó làm cho cơn đau qua nhanh. Vĩnh đến thăm Bông tại chỗ nằm của hắn vào một buổi sáng. Hắn đang gào la tự do vì các bạn đã đi lao động, không còn ai ở nhà để sợ phải phiền hà. Dặn dò và giúp đỡ Bông vài việc, nhất là việc phải tiếp tục la hét cho thật dữ dội khi thấy tên cán bộ quân y xuất hiện. Sau đó, Vĩnh chạy đi báo quân y. Một lúc quân y theo Vĩnh xuống chẩn bệnh tại chỗ.

Bước vào phòng, Vĩnh hơi hoảng vì Bông đã nằm nín khe. Mặc dù mồ hôi mồ kê vã ra như tắm nhưng rõ ràng cơn đau đã qua đi; và như thế, hy vọng đi viện sẽ rất ít. Vĩnh chồm tới bên cạnh Bông, nhắc khẽ: Rên đi! Bắt đầu rên và sửa soạn la hét lên chứ!

Khổ nỗi Bông quá thật thà và không biết cách đóng kịch cho đúng lúc. Tuy nhiên đã nhất quyết giúp Bông đi viện, Vĩnh phải tìm ra một phương cách. Trong lúc tên quân y lấy ra một mũi Atropine sửa soạn chích thì Vĩnh thò tay vào lưng Bông tìm vị trí hai quả thận. Anh dùng sức mạnh ấn một ngón tay vào quả thận bên trái của Bông. Một tiếng thét vang lên: Ối trời ơi! Đau quá trời ơi! Vĩnh ấn thêm mấy cái nữa. Bông dẫy như một con tôm tươi và tiếp tục la hét. Ối trời ơi! Chết tao mất, Vĩnh ơi! Ối trời ơi đau quá Vĩnh ơi! Vĩnh cúi xuống nhỏ nhẹ an ủi.

- Hét nữa đi, hét cho to vào. Đi viện có thuốc chích lại được nghỉ lao động. Mày không hét tao sẽ bóp nát quả thận mày.

Nói rồi Vĩnh nhấn thêm vào lưng cu cậu vài ba đòn nhất dương chỉ nữa. Bông cứ thế mà la hét và dẫy lên như đĩa phải vôi. Kết quả tên quân y cho kêu tổ trực khênh Bông lên bệnh xá gấp.

Ba ngày sau Bông trở về trại, hý hửng nói với Vĩnh.

- Trên viện ăn sướng quá mày nhỉ. Có cơm trắng và cá kho.

- Và có một mũi thuốc đâm vào thận.

- Ừ, tao ghê quá. Nhưng đúng dịp chúng nó được mua đồ, tao mua được một bịch mắm ruốc, một ký đậu phộng và nửa ký đường. Tao sẽ biếu ông ký chích một ít lấy thảo.

Từ đó, túi thuốc của Bông vơi dần. Vĩnh nghiễm nhiên biến thành một cái cầu bắc giữa người có thuốc và người cần thuốc trong anh em. Nhưng nếu có người xấu miệng, Vĩnh vẫn hân hoan mang cái tiếng "mượn đầu heo nấu cháo", hoặc "của người phước ta".

Sau lần đầu tiên đi viện về, Vĩnh được giữ cái "phông xông" thoải mái như thế. Thoải mái hơn nữa là mỗi buổi chiều bên những người bạn mới nhưng giờ đã biến thành cũ, Vĩnh ngồi uống với họ một bát nước "nhãn lồng" hoặc một bát nước Hà Thủ Ô bàn những chuyện thăm nuôi sắp đến.

Bạn cũ, mới lúc này hay ngồi với nhau gồm Tiến, Kim, Ấn xệ, Huy, Ý, Dương và Tuấn râu.

Tiến vẫn cái tật ba hoa hài hước, nhưng hiện nay nó đã được anh em đặt cho cái tên mới gọi là Tiến Dế. Sở dĩ Tiến có cái tên này vì gần đây cu cậu phát minh ra một nghề mới để chữa bệnh nghiện thuốc của anh em. Nếu vô địch đô vật VNCH Vương Đắc Vọng hoặc trung úy dù tử thủ Đỗ Duy Tích đề ra châm ngôn "bất cứ sinh vật nào ngọ nguậy được trên mặt đất đều ăn được cả", thì Tiến cũng sáng tác ra một câu châm ngôn mới: Thuốc mua, thuốc xin hay thuốc lượm đều hút sướng như nhau! Do đó, mỗi khi được đi lao động trên trung đoàn, nó thường lén lút mở một cuộc hành quân khắp mọi xó xỉnh để lượm những mẩu thuốc lá thừa của bọn cán bộ trung đoàn vứt bừa bãi trên mặt đất. Tiến thu thập và bỏ những mẩu thuốc đó vào một cái bao nylon. Khi trở về trại, nó ngồi tách những mẩu thuốc thừa đó thành một nắm thuốc vụn. Kế đó, Tiến đi xin nước điếu của anh em, ngâm thuốc vào nước điếu rồi cầu kỳ đem thuốc ra phơi sương... Những trò góp nhặt hơi bẩn thiểu ấy dù sao đều được anh em đánh cho chữ đại xá, vì chính nhờ đó, đêm đêm cả bọn có tí khói phì phà với nhau bên những bát nước dây nhãn lồng thơm thơm để bàn chuyện... vượt ngục.

Và câu chuyện vượt ngục từ đó bắt đầu nhen nhúm mạnh mẽ trong tâm hồn anh em. Nhất là khi ông già lờ vờ Phạm Xuân Huy gốc tu xuất và lành như cục đất, phát ngôn rằng: Vượt ngục là một bài toán dễ ợt, nhưng nếu không quyết tâm, lạng quạng đến lúc xuống lỗ cũng chưa giải ra!

Khi câu chuyện vượt ngục được đưa ra bàn thì nhóm của Vĩnh chỉ thu lại còn có 6 người. Vĩnh, Huy, Ý, Dương, Tuấn râu và Phạm Điểu.

Nhiệm vụ của Vĩnh lúc này là ở nhà, ngoài những giờ chích thuốc cho anh em, phải uốn hai trăm cái móc làm bằng sợi thép gai có chiều dài chừng một gang tay. Những móc sắt này sẽ dùng để nâng những lớp concertina dầy đặc thả chung quanh trại, dọn đường cho những người vượt ngục chui ra. Bên cạnh nhiệm vụ ấy Vĩnh còn nhiều nhiệm vụ khác. Từ việc trao đổi và tích trữ thuốc Tây, muối, nhất là mì chính (bột ngọt) để dùng làm thuốc cầm máu đến việc se dây thừng, thuổng một con dao phay của nhà bếp để cất dấu vào một nơi an toàn. Nói chung về mặt "tiếp vận" Vĩnh phải lo từ A đến Z.

Sau nhiều lần bàn thảo, mọi người đồng ý đợi qua đợt thăm nuôi sẽ trốn. Ai cũng hy vọng sẽ biết thêm được tin tức của xã hội bên ngoài để chuyến vượt ngục sẽ có một nơi đến chắc chắn hơn, và nhất là có được thuốc men cũng như những món ăn bồi dưỡng của gia đình đem vào. Riêng Vĩnh, Vĩnh nghĩ đến cái địa bàn bỏ túi mà anh nhớ anh còn để trong một ngăn kéo bàn giấy ở nhà...

Khi những cơn mưa tầm tã tháng Mười kéo đến, thì Vĩnh cũng bị chấm dứt công tác y tá đội. Anh bị chấm dứt công tác vì tên quân y không đồng ý cái kiểu làm việc của Vĩnh: Cho khai bệnh quá nhiều.

Vĩnh trở ra ngoài đi lao động với mọi người đúng dịp trại vừa mở một chiến dịch thi công mới, chiến dịch đào hào chung quanh trại cải tạo An Dưỡng. Với lập luận của bọn cán binh trại, Cách mạng phải thực hiện công tác càng sớm càng tốt nhằm bảo vệ các cải tạo viên chặt chẽ hơn, an toàn hơn; tránh những việc đáng tiếc có thể xảy ra nếu một ngày nào đó, nhân dân bên ngoài trại không kềm chế được sự căm phẫn "Mỹ ngụy", sẽ tràn vào trại để đòi nợ máu...

Công tác đào hào được thực hiện quy mô hơn cả công tác đào ao trước kia. Hầu như đến 90 phần trăm nhân số của các trại được đổ vào công tác này. Đường hào có chiều rộng 4 mét, chiều sâu 3 mét và bao bọc cả 4 trại vào giữa.

Suốt ngày cùng với anh em đào xới những lớp đá ong khô cứng, Vĩnh và các bạn không buồn vì cực nhọc mà buồn vì thấy rằng đường hào rộng như vậy làm sao có thể vượt qua cho những kẻ trốn trại? Dưới sự đốc thúc ngày đêm của bọn cai tù, đường hào mỗi ngày mỗi sâu. Nhưng trước khi đường hào bao quanh các trại tù của An Dưỡng thực sự hoàn tất, thì những cuộc trốn trại liên tiếp xảy ra. Trong thời gian này trại 3 trốn nhiều nhất vì vị trí nằm gần vòng đai phi trường Biên Hòa. Tuy nhiên đa số đều thất bại, bị bắt trở lại và chịu đủ mọi cực hình tra khảo. Để dằn mặt tất cả những kẻ âm mưu trốn trại, bọn cai tù đã trói những người trốn trại bằng dây thép gai trên đường dẫn họ trở về trại thụ hình. Thường khi về tới trại, tội nhân chẳng mấy ai còn trông ra dáng con người nữa. Bầm dập, máu me và lê lết như những con vật bị một đàn hổ đói săn bắt và sắp tới giờ bị chúng xé thịt.

Dù tình trạng như thế, ông già Huy vẫn một mực thúc hối đám Vĩnh phải quyết định ra đi sớm. Anh lý luận: Nếu để cho đường hào thành hình thì có tháp cánh cũng không bay ra được... Tuy nhiên lời thúc hối của Huy không được anh em đồng ý. Tỷ lệ thất bại đã quá cao trong tổng số những người trốn trại, đã khiến cả toán rất cần thì giờ nghiên cứu lại vấn đề. Tại sao họ thất bại? Có thực bên ngoài dân bắt họ trao lại cho công an địa phương trên đường đáo thoát như bọn cán bộ trại tuyên bố hay không? Hay họ bị bắt bởi những toán vệ binh đóng chốt bên ngoài? Không thể được! Chuyện trốn trại không thể làm bừa bãi mà xong được, vì thất bại là chết. Những cuộc xử tử người trốn trại từ Trảng Lớn về tới đây đã xảy ra quá nhiều lần. Làm ẩu không nghiên cứu ăn đạn kiểu đó đau lắm!

Người trầm tỉnh và nhiều kinh nghiệm mưu sinh thoát hiểm nhất trong đám là Nguyễn Văn Ý cũng không đồng ý với Huy. Ý nói: Ráng nhẫn nhục ăn cơm tù một thời gian nữa rồi tính. Tôi chưa muốn làm liệt sỹ lúc này.

Trong đám, mọi người đều tin tưởng vào sự dẫn đường của Ý. Vùng đồi núi Biên Hòa là vùng hoạt động của anh trước kia. Và trục lộ dẫn về miền Phú Cường Bình Dương cũng chỉ mình anh có thể đi tới. Do đó, không ai bàn tính gì thêm nữa.

Phải thú thực khi thấy Huy đã nghe lời Ý, Vĩnh rất mừng. Anh không thể nói được anh là một người quá can đảm, khi nhìn thấy những cực hình các bạn trốn trại đã và đang chịu đựng. Dẫu biết rằng ở tù Cộng sản mà không tự cứu mình thì không ai có thể cứu mình được cả, nhưng cứ nhớ lại hình ảnh Ngô Nghĩa bị xử bắn mà anh được chứng kiến, hình ảnh của Nguyễn Xuân Dung bị bắn thủng như tổ ong và còn nhiều người khác nữa nằm vắt xác trên hàng rào trại, hình ảnh những con vật người bị trói bằng dây thép gai, bị báng súng đánh vỡ xương sọ, gẫy xương sống ngay trước mắt bao nhiêu người, bị bắn trọng thương ngoài đồng trống và cứ để mặc cho ruồi bu kiến đậu... Những hình ảnh ấy đã ăn sâu vào óc Vĩnh và không khỏi không làm anh rùng mình, rùng mình rồi sợ, sợ rồi muốn buông xuôi cho xong một kiếp người tù tội. Đồng lúc ấy, cái máu lính trong người Vĩnh lại nổi lên dày vò anh. Nó chửi anh, chửi cái thằng năng tri bất năng hành trong anh là thằng hèn hạ; chửi cái thằng văn nghệ trong anh là thằng đốn mạt, chỉ biết rên la mà không bao giờ đám làm một cái gì để thoát khỏi cái cảnh đày đọa này.

Người lính trong anh đã bao đêm lên tiếng chửi anh thậm tệ, và để phản ứng lại, Vĩnh không biết làm cách nào hơn là lại viết. Anh viết trong óc anh và anh hát khe khẽ cho người lính trong anh nghe tâm trạng thực của mình.

Về đây tôi nằm lắng nghe tôi Hồ như linh hồn cũng nghe vơi Về đây nhen nhúm trong lòng tôi Lửa diêm sâu chín tầng bóng tối

Về đây nghe vật vã cơn mơ Làm xanh tôi tiềm thức năm xưa Về đây đôi vó câu nằm chơi Buồn thay cho cánh hồng im lời

Người về đây gối đất Đêm hoang vu trong đầu Nằm lắng tai nghe cuộc đời Lắng nghe sa mạc dần lan trong cơn mơ thôi

Về đây nghe buồn quá thân trai Bại binh sao chẳng chết theo ai Về đây đêm tối như trùng vây Nằm nghe non nước gọi u hoài...

Những dằn vặt trong lòng cộng với bệnh tật tiếp tục âm ỉ trong người. Vĩnh gầy như một xác lá. Ngày lao động quần quật, đêm về không biết làm sao hơn là lại quây quần với anh em, hút những hơi thuốc lượm lặt của Tiến, uống tí nước cỏ dại dưới cái tên đẹp đẽ "nhãn lồng" mà Kim hoặc Hóa lượm lặt ngoài rừng đem về, nghe Phạm Xuân Huy mỉa mai chế độ, nhìn Tuấn râu lầm lũi thổi lửa trong cái lò nho nhỏ để luôn luôn bảo đảm anh em có nước sôi nấu Hà Thủ Ô nhấm nháp thay cà phê với nhau, lắng nghe Vũ Duy Dương nói về cái lò võ quyền Anh của võ sư Kid Humsey mà nó từng theo học, và nghe Kim châm chọc Dương. Hồi còn bé ở Ông Tạ moa sợ nhất thằng Dương. Sao vậy? Nó dân du đãng nổi tiếng không biết à? Không! Trời ơi, hồi đó moa hãi nó không thua gì moa hãi chó dữ. Đi học gặp nó mà kên kên không cúi đầu xuống, nó đi ngang nhà vác đá ném vỡ cửa kính như chơi...

Khi dãy nhà thăm nuôi đã dựng xong nơi khu đất nằm ở góc trại 4, thì ở các trại, các căng tin cũng thành hình. Những căng tin thành hình để cho người ta một lần nữa thấy rằng từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, Cộng sản luôn luôn làm rùm beng y như những gánh sơn đông mãi võ, quảng cáo cho những món thuốc... giả của mình. Dù trước khi các căng tin được mở, Vĩnh không được nghe tên cán bộ quản giáo lên lớp, vì lúc đó anh nằm bệnh xá, nhưng qua các bạn còn ở lại trại, Vĩnh biết rằng bọn cán bộ các trại đã gom tù lên hội trường nói về sự quan tâm của Cách mạng đối với các cải tạo viên, rằng thì là việc thực hiện các căng tin là một chiếu cố đặc biệt của Cách mạng nhằm giúp các cải tạo viên có thêm phương tiện bồi dưỡng trong học tập. Ai cũng đinh minh chữ bồi dưỡng được dùng ở đây là bồi dưỡng thể xác, có nghĩa là chúng sẽ mở câu lạc bộ, dù sẽ bán giá cắt cổ, nhưng bọn tù vẫn còn có thể mua sắm thêm tí thực phẩm, bất cứ loại thực phẩm nào, miễn ăn cho no sau những tháng ngày lê lết đói. Thế nhưng khi căng tin thành hình thì mọi người đều ngã ngửa. Căng tin không phải là câu lạc bộ bán đồ ăn như mọi người tưởng. Căng tin của Việt cộng là một cái lều tranh nhỏ, bên trên là một mái tranh tròn che mưa nắng, dựng trên một cây cột lớn. Trên cột ấy, bọn tù đóng một cái khung gỗ để đính hai tờ báo, một tờ Nhân Dân và một tờ Sài Gòn Giải Phóng!

Dù là tâm trạng chung ai cũng muốn biết tin tức bên ngoài, thế nhưng sau khi đọc báo, thứ báo chí toàn những thứ tin tức kiểu "anh hùng công an tay không bắt cướp" hoặc "lần thu hoạch vụ mùa vừa qua xã A đã vượt chỉ tiêu"... Những cái tin như thế, cuối cùng chỉ mua được thêm một số câu chửi thề của người đọc, nhất là người đọc lại là những tên tù có đủ lý do nhất để không bao giờ tin được những mẩu tin của một bọn bồi bút đã và đang hùa theo bọn độc tài đảng trị, liên tiếp đưa ra những luận điệu tuyên truyền lừa bịp dân chúng, cũng như lừa bịp thế giới. Đọc xong hai tờ báo rồi, tên nào cũng thở dài và phát ngôn linh tinh như nhau: Mẹ kiếp, tưởng bồi dưỡng cái gì, hóa ra lại được bồi dưỡng thêm một số khẩu hiệu nữa!

Do đó, ai cũng thất vọng về cái gọi là căng tin trong tù. Và người thất vọng nhất ấy là ông già Thanh. Ông Thanh là trung úy đại đội trưởng thiết giáp diễn tập trường Thiết Giáp QLVNCH. Ông người miền Nam, già nhưng giỡn và diễu cũng thuộc hạng cao thủ. Vì gẫy mất hai cái răng cửa, nên khuôn mặt ông lúc nào cũng mang một vẻ hơi hề. Tuy nhiên, sau ngày đầu tiên căng tin được khai mạc bằng một cái lều tranh treo hai tờ báo, ông già Thanh trở về phòng và nằm vật xuống như một cái mền rách. Ông vừa nhận ra ảnh con gái ông được đăng nơi trang nhất của báo Sài Gòn Giải Phóng với hàng chữ thật to: Em Nguyễn Thị Cẩm, 15 tuổi, thanh niên xung phong thuộc huyện Thủ Đức được bình bầu cá nhân xuất sắc nhất trong cuộc thi công thủy lợi do Ủy Ban Nhân Dân Cách Mạng huyện tổ chức đợt vừa qua...

Trong lúc ai cũng có trong lòng một mối buồn và một nỗi ưu tư không cách gì giải nổi, ông Thanh buồn vì chả hiểu con gái ông tình nguyện hay bị bắt buộc trở thành một thứ anh hùng lao động xã hội chủ nghĩa, ông Huy buồn vì anh em chưa một lòng cùng ông giải bài toán vượt ngục trong giai đoạn khó khăn hiện tại, Vĩnh buồn vì những dằn vặt trốn trại hay xuôi tay chịu kiếp tù đày!? Bông buồn vì thấy bịch thuốc Tây của mình giờ đây đã vơi mất quá nửa, và hầu như ai cũng buồn khi hiểu ra ý nghĩa của chữ căng tin mà Cách mạng xử dụng...thì tự dưng có người mừng vui phát điên lên vì được thả!

Bùi Duy Hạ, bạn cùng khóa của Vĩnh được thả trong đợt này. Hắn đi một vòng chào tất cả các bạn vào một buổi sáng trước giờ xuất quân đi lao động. Hạ lôi tất cả mọi thứ hắn có, từ cái mũ làm bằng giấy bồi, từ những manh quần đùi may bằng bao cát cho đến mùng mền chăn chiếu; nghĩa là tất cả những gì hắn có trong cái tài sản thuộc loại cái bang trong tù, hắn đều tặng lại cho bạn bè mỗi người một thứ. Riêng Vĩnh được hắn tặng cho 10 viên Vitamin C loại 50mgs với lời dặn dò: Mày hãy uống mỗi viên với hai lon gô nước. Lợi tiểu vô cùng. Hy vọng mày uống hết 10 viên này sạn trong thận mày sẽ trôi ra ngoài hết. Cứ yên tâm, tao sẽ ghé nhà mày, mô trả tình trạng và nhu cầu hiện tại của mày với vợ con và ông bà già mày. Trong những lần thăm nuôi tới, chắc chắn mày sẽ có nhiều thuốc men để chữa trị...
--------------------------------
1
Bông bị bắn chết trên hàng rào thép gai trại K.5 Suối Máu vào năm 1978 trong một chuyến vượt ngục bất thành.

CHƯƠNG BA MƯƠI BẢY

Lại thêm một lần biên chế nữa vào hạ tuần tháng 10 năm 76. Lần biên chế này nhằm hai mục đích: Thứ nhất quân bình lại nhân số giữa 4 trại với nhau. Thứ hai hóa giải một số vấn đề mà bọn chỉ huy trại hằng nơm nớp lo sợ. Đó là sự quen thuộc đường đi nước bước trong trại để móc nối với nhau tìm cách trốn trại. Bọn cán bộ trại đã thực sự hoảng hốt trước những cuộc vượt ngục liều lĩnh của bọn tù. Chúng không hiểu tại sao với hệ thống đường hào, với thép gai dầy đặc, với mìn râu thả đầy chung quanh, bọn tù vẫn có nhiều kẻ trốn thoát? Tệ hơn, bọn tù đã phá vỡ một biện pháp mới nhất được ban chỉ huy trại đưa ra gần đây, biện pháp ấy là các nhà phải cắt người canh gác hai cửa ra vào hàng đêm. Mỗi cửa ngồi một người, mỗi người gác một ca hai tiếng. Tất cả những ai rời phòng lúc ban đêm để đi tiêu đi tiểu đều phải có phép và có sự canh phòng của người gác nhà.

Khi lệnh này được thi hành, bọn tù đã xì xào bàn tán đủ chuyện. Ngoài việc bàn tán về tính chất khôi hài bắt tù gác tù, mọi người cũng bàn tán thật nhiều về việc sức khỏe bị suy giảm trầm trọng với tình trạng ngày lao động quần quật, cơm ăn thua chó; đêm về lại còn phải chong mắt ngồi gác trước cửa phòng. Dù sao thì sự than thở của bọn tù An Dưỡng cũng không phải kéo dài quá lâu. Sự việc tù phải canh gác tù được chấm dứt ngay khi nhà 5 đội 17, hai tay gác cửa phòng thuộc ca từ 2 tới 4 giờ sáng rủ nhau trốn mất. Tệ hại hơn, hai tay này lại thuộc hàng chức sắc cấp tổ trưởng và tổ phó. Bọn tù, để ăn chắc việc canh gác phải được dẹp bỏ, đã tung ra đủ luận điệu mỉa mai. Nào là "đỉnh cao trí tuệ loài người" đôi khi cũng rất kém thông minh. Nào là giao trứng cho ác... Bọn cán bộ trại cay đắng lắm, nhưng có lẽ sau nhiều giờ chúng ngồi thảo luận gù lưng, chúng đã thấy rằng bắt tù canh gác tù là chuyện lợi bất cập hại, thượng sách vẫn là dẹp luôn chuyện này sau khi lôi bọn tù lên hội trường lên lớp một mách: Các anh thấy đấy, hành động trốn trại của đồng bọn các anh rõ ràng đã đánh đổ tất cả lòng tin yêu của Cách mạng muốn đặt để nơi các anh. Như thế này thì việc cải tạo năm năm, mười năm, hai mươi năm hay lâu hơn nữa sẽ không phải là chuyện vô lý. Rồi các anh sẽ thấy...

Mặc cho bọn cán bộ hăm he, bọn tù rất lấy làm khoái trá khi thấy Cách mạng đã lỡ một đường binh. Và càng khoái trá hơn khi biết được việc thăm nuôi đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 20 tháng 10 tới đây bằng một sự kiện tuyệt vời. Sự kiện ấy là tất cả tù cải tạo được đồng loạt nghỉ lao động lên hội trường học về chính sách thăm nuôi, và ngay sau đó lại được lệnh khẩn trương viết thư về gia đình với mọi sự thông báo rõ ràng kể cả thông báo địa chỉ của mình.

Rồi thì sáng ngày 19 tháng 10, tất cả các trại viên được lên lớp một lần cuối ôn lại chính sách và nội quy thăm nuôi. Trên căn bản, chính sách và nội quy thăm nuôi cũng không khác chính sách nội quy nhận quà là bao nhiêu. Chỉ có vài đặc điểm được chính trị viên nhắc đi nhắc lại và bọn tù buổi chiều về phòng phải họp tổ để cùng nhai lại với nhau.

Để thể hiện lòng khoan hồng độ lượng của Cách mạng, Đảng và nhà nước đã cho phép gia đình của những cải tạo viên phấn đấu tốt, có nhiều biến chuyển tốt trong quá trình học tập cải tạo vào thăm viếng và tặng quà.

Để đền ơn Cách mạng, và cũng để tự bảo vệ quyền lợi được thăm viếng, những lần khác nữa, các cải tạo viên phải triệt để chấp hành những quy định sau đây.

1. Triệt để chấp hành mọi mệnh lệnh của các cán bộ hướng dẫn trong cuộc thăm viếng. 2. Triệt để động viên thân nhân và gia đình, sau thăm viếng trở về, tích cực ủng hộ chính quyền địa phương trong công cuộc thực hiện chính sách cải tạo toàn miền Nam. 3. Triệt để đề cao cảnh giác trước mọi luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của bọn tàn quân tâm lý chiến ngụy còn ngoan cố, tiếp tục chống phá Cách mạng, mượn dịp thăm viếng đem vào trại. 4. Các cải tạo viên hoàn toàn chịu trách nhiệm và sẽ bị xử lý nếu vi phạm các mặt sau đây:

a. Tuyên truyền với thân nhân, nói xấu chính sách cải tạo đang được áp dụng tại trại. b. Hủ hóa với phụ nữ hoặc có những hành động luyến ái phản văn minh văn hóa dân tộc. c. Nghiêm trị tại chỗ nếu bị bắt quả tang có những hành động liên hệ gián điệp. d. Các cải tạo viên hoàn toàn trách nhiệm về thái độ bất kính của thân nhân và gia đình đối với các cán bộ và chiến sỹ điều hành khu thăm viếng.

Những điểm chính giáo viên lên lớp chỉ có thế. Nhưng chiều hôm ấy, dưới sự trụ trì của quản giáo Hồng, nhà 2 đội 17 vẫn phải ngồi gù lưng thảo luận đi, thảo luận lại những điểm chính của bài học thăm viếng. Sau một đêm ngủ dậy, quả thực sáng ngày 20 tháng 10 năm 76, lần đầu tiên người ta ghi nhận được một niềm vui to lớn trong nội bộ lũ tù. Niềm vui ấy lớn hơn cả cái tin tên đại đồ tể Mao Trạch Đông đã về chầu Karl Marx Lenin vào tháng trước. Nó có thể tương đương với tin thằng con Hà Nội đã phản bố Trung Quốc ra mặt sau lần Lê Duẩn đi Nga về.

Thăm nuôi! Chao ôi tuyệt vời. Sau 481 ngày tình nguyện đút đầu vào rọ để thưởng thức mùi vị của kiếp thú người, để hiểu được thiên đường Cộng sản méo tròn ra sao, để thông cảm được người dân miền Bắc đã thống khổ đến độ nào dưới sự thống trị của Cộng Sản, để chia xẻ nổi hờn căm ngất trời của những người chiến sỹ vô danh nhảy Bắc thời cố tổng thống Diệm bị bắt giữ mà không ai biết đến và không ai can thiệp cho, để thấy được cái xã hội Cộng sản là một cái hộp sắt kín bưng như thế nào, để trắc nghiệm lại độ chính xác những câu nói của các danh nhân về chế độ Cộng sản ra sao, và nhất là để biết được trọng lượng chính xác của một hạt cơm...

Bảy giờ sáng lệnh khung đưa xuống cho tất cả nghỉ lao động. Những tiếng reo hò tở mở vang lên khắp nơi. Tiếng reo hò như một bệnh dịch lan sang tất cả các trại 1,2,3,4. Ngoài cổng trại ban kiểm soát và hướng dẫn thăm nuôi đã thiết lập xong ngay tại nhà trực ban, nơi dùng để kiểm soát nhân số lao động đi và về hàng ngày. Quản giáo Dương rỗ, tên cán bộ gốc miền Nam, ngồi ghế trực chính.

Dù chưa biết mình sẽ có tên hay không, ai ai cũng lo tắm rửa sạch sẽ và khoác lên người bộ quần áo tương đối lành lặn nhất. Vĩnh chẳng là thánh, thế nên anh cũng hòa chung nhịp tim hồi hộp với những nhịp tim của mọi người. Anh lẩm bẩm ôn lại cái "chương trình nghị sự" mà anh đã thiết lập trong óc mấy ngày nay với người nhà nếu như anh được thăm. Mười lăm phút thăm nuôi anh biết chắc sẽ qua nhanh lắm. Cứ để cho người nhà khóc lóc, rồi cà kê dê ngỗng những chuyện không cần thiết, chắc chắn anh sẽ không thể hỏi han được gì về những chuyện mà tất cả mọi thằng tù đều muốn han hỏi ở thân nhân. Bên cạnh cái chương trình nghị sự đó, anh cũng không quên thiết lập thêm một cái "bản thực đơn", gồm những món ăn cần thiết nhất để gia đình biết đường mà cung cấp cho anh trong lần tới sao cho "có chất lượng và đạt yêu cầu".

Quản giáo Hồng bước vào nhà 2, cà kê dê ngỗng với vài tay về chuyện thăm nuôi, nổi hứng góp ý với bọn tù làm cách nào để đạt yêu cầu trong việc xin xỏ này kia kia nọ, rồi lên lớp tại chỗ bài học thế nào là hữu ái với nhau, thế nào là tình nghĩa chia xẻ cơm áo khi gặp cảnh khó trên đường đời... Để kết thúc cái tâm sự ngang xương với bọn tù, quản giáo Hồng nửa đùa nửa thật: Khi làm bản thu hoạch bài học về chính sách thăm nuôi, anh nào cũng cam kết nghe xôm tựu lắm, ấy thế rồi để mà xem, tôi cá với các anh sẽ không thiếu anh vi phạm nội quy thăm nuôi đâu đấy. Đội nào không biết chứ đội này ai âm mưu gì tôi đã biết cả. Nhưng đã quán triệt thẳng thắn với các anh nhiều lần rồi, cá nhân tôi không cần biết tư tưởng các anh thế nào, tôi chỉ cần các anh đừng nói bậy, làm bậy là đủ. Anh nào vi phạm tôi sẽ thẳng tay trừng trị và đừng bao giờ còn hy vọng tôi dễ dãi...

Quản giáo Hồng còn nói nhiều nữa nhưng là vì giờ tự do, ai muốn nghe thì nghe, bằng không vẫn có thể lẩn chỗ khác. Vĩnh thấy Bùi Vịnh và đám bạn của hắn gồm Phước tự George, Chế Chàng Sáng (anh chàng lai Tàu có bộ râu quai nón độc nhất vô nhị trên trái đất, vì... râu chỉ mọc một bên má), Đại 101 và vài tay khác nữa kéo nhau ra giếng giữa sân tắm. Tù tắm còn sợ ai! Thế nên cả đám chuổng cời đứng giữa trời giữa đất kéo nước xối ào ào. Khốn cho cả đám, chỗ giếng tắm của đội 17 lại chiếu thẳng ra cổng trại, nơi có quản giáo Dương, kẻ có mối thù thâm căn cố đế với bọn tù "ngụy" đang ngồi nơi nhà trực ban và nhìn thấy. Trong lúc cả bọn đang vừa tắm vừa tán chuyện ầm ỷ, quản giáo Dương thình lình bỏ phòng trực lao tới. Hắn chống nạnh và đứng chửi tưới hột sen: Chúng mày học tập cải tạo bao lâu rồi? Tao là cán bộ trực ban, đầu tắt mặt tối lo cho chúng mày sửa soạn thăm viếng. Chúng mày lại lấy cớ tắm rửa để dí c... vào mặt tao. Chúng mày là lũ vô giáo dục. Nhân danh cán bộ trực ban tiểu đoàn, tao sẽ lấy tên và cấm chúng mày ra gặp thân nhân kỳ này.

Cả bọn đang vui vẻ tắm với nhau, đang hồ hởi phấn khởi bàn đến chuyện ăn chuyện uống có thể xảy ra trong chiều nay; bỗng nhiên gặp họa từ trời rơi xuống, ai cũng điếng hồn. Vì quản giáo Dương xuất hiện nhanh quá, không ai kịp mặc quần áo. Những người trong nhà đứng nhìn ra vừa tội nghiệp vừa buồn cười cho mấy ông bạn tù. Buồn cười nhất là Bùi Vịnh. Những tay khác vì nhanh chân, khi thấy quản giáo Dương hầm hầm xuất hiện, họ đã nhảy ngay đến những cái phuy đặt rải rác quanh giếng để dấu đi một phần thân thể. Bùi Vịnh vốn chậm chạp, khi ngó lại thì không còn cái phuy nào cả, anh đành đứng yên tại chỗ và giơ tay bụm lấy chim! Tuy nhiên cái cảnh buồn cười ấy lại không làm cho quản giáo Dương buồn cười, mà chỉ làm cho hắn tăng thêm cơn giận. Hắn trực tiếp hỏi Bùi Vịnh.

- Mày tên gì?

- Dạ Vịnh. Bùi Vịnh.

- Nhà mấy đội mấy?

- Dạ nhà 2 đội 17.

Quản giáo Dương bỗng mỉm cười ác độc. Hắn thốt nói.

- A, cái đội của đồng chí Hồng đây mà. Một bọn chậm tiến khó cải tạo! Nói đoạn hắn hét Bùi Vịnh. Mày bỏ tay ra và giơ cao lên tao coi.

Thân tù, Bùi Vịnh không thể nào làm được cái gì khác hơn là tuân lệnh. Anh đứng giữa sân, hai tay giơ cao, tồng ngồng như một con vượn. Tên Dương lừ một ánh mắt khinh bỉ rồi chửi. Mày có thấy mày dơ dáng dạng hình không? Mày phải nhớ rằng mày thua một con vật xét trên mặt tư cách. Vì con vật nó còn có cái đuôi, nó biết dùng cái đuôi để che dấu đi những cái không đáng khoe ra. Mày nhìn lại mày coi...

Trong khi quản giáo Dương đang chửi mắng mấy thằng tù tắm truồng thậm tệ thì quản giáo Hồng hình như nóng mặt. Hồng từ nhà 2 bước ra phía giếng, không cần để ý đến sự có mặt của Dương, hắn hét mấy thằng tù đang lâm nạn.

- Mặc quần áo đi vào trong nhà tôi nói chuyện!

Quản giáo Dương nhìn Hồng uất ức ra mặt, nhưng có lẽ đã quá rõ tính Hồng nóng nảy, lại mang quân hàm trung úy trong khi hắn chỉ là chuẩn úy, hắn đành hậm hực bỏ đi một nước. Khi thấy Dương bỏ đi rồi, Hồng quay lại đám tù cười cười nói một câu không ai ngờ.

- Muốn tắm nữa thì cứ tắm đi. Nhưng đừng tắm truồng trước mặt nó. Thằng ấy nó mất vợ về tay ngụy các anh đấy. Cứ giơ b... ra trước mặt nó, nó thấy lẫm liệt, nó lại liên tưởng đến chuyện xưa và đâm uất lên.

Nói rồi quản giáo Hồng cũng bỏ đi. Đám Bùi Vịnh thoát chết, có tiên tổ sống lại bảo tắm nữa cũng không dám tắm. Anh nào anh nấy vội vàng khoác quần áo lên người chuồn êm về nhà.

Mười giờ sáng thì hệ thống loa trong trại 1 vang lên, loan báo đợt đầu tiên được ra khu thăm viếng tiếp thân nhân đã chờ sẵn từ sáng sớm. Vĩnh, Tiến, Hóa, Kim, Huy, Ý và cả Phạm Điểu cùng ngồi với nhau bên hiên nhà uống nước nhãn lồng, trò chuyện nhưng hầu như tâm trí đã dồn cả về cái loa. Sau khi loa xướng một hồi, phát ra nhiều cái tên xa lạ, bỗng nhiên nhà 2 vang lên những tiếng reo hò, cộng chung với những tiếng hò reo đã có sẵn và thường xuyên vang lên ở các nhà khác, khi họ nghe thấy một người trong nhà có tên được thăm nuôi, có nghĩa là còn sướng hơn được trúng vé số độc đắc.

- Thằng Tuấn có tên rồi!

Loa vẫn đọc. Lại có nhiều tiếng la nữa.

- Thằng Vĩnh nữa kìa! Trời ơi, cả ông Inoxidable nữa kìa...

Cứ thế, mỗi một tên quen thuộc lại được anh em trong cùng nhà chào mừng bằng những tiếng reo hò tở mở và đầy chân thành.

Vĩnh đã nghe thấy tên mình. Anh cố làm ra vẻ bình tĩnh, lừng khừng tuồng như còn tiếc cái ly nhãn lồng chưa uống hết.

Giọng Tiến cất lên sôi nổi và mừng rỡ.

- Đứng lên mày. Vẽ trò ngượng nghịu.

Vĩnh đứng lên và nhìn các bạn một lượt.

- Thôi xin chia buồn với các quan anh. Đàn em xin vô phép lên thiên đàng trước.

Giọng ông già Huy chen vào sặc mùi tiếu lâm.

- Nhưng đừng quên rà cái hỏa ngục của bà xã xem sao nghe chưa.

Giọng Hóa cũng đầy sung sướng.

- Ông Huy, ông đã cho nó một cái bao nylon bọc ngón tay trỏ chưa?

Cả bọn cười phá lên với nhau. Riêng Vĩnh, phải thú thật anh mừng kinh khủng. Anh chạy vào nhà hồi hộp kiểm lại lá thư được viết bằng một nét chữ cực nhỏ, cuộn thành một cục to chỉ bằng ngón tay trái, được nhét chặt trong một cái lỗ đục dưới đáy chiếc guốc anh đang đi. Vĩnh không thể không lo âu khi tưởng tượng nếu lá thư trái nội quy bị khám phá ngoài trại kiểm soát. Nhà trưởng Nhan Quan Minh đã lên tiếng thúc hối tập họp những người nhà 2 được thăm nuôi, khiến Vĩnh không có thì giờ nhớ ra thêm một điều gì nữa. Anh chạy ra cửa. Trên vuông sân chạy dọc theo mặt tiền các nhà thuộc đội 17, những người của các nhà khác đã xếp hàng chỉnh tề đợi nhà trưởng hướng dẫn ra cổng trại 1 chịu sự khám xét. Vĩnh nhảy ngay vào hàng. Nhà 2 hiện tại mới có 4 người có tên: Vĩnh, ông Đáp, Tuấn phi công và Minh chuột. Vĩnh và Tuấn đi tay không. Riêng ông Đáp và Minh chuột thì mỗi người trên tay đều cầm một cái bao cát tương đối nặng. Trong lúc chờ lệnh quản giáo cho ra ngoài cổng, tiếng xướng tên trên loa vẫn đều đều: Nguyễn Văn Tâm, nhà 3 đội 17. Lê Thanh Nhàn, nhà 1 đội 16. Nguyễn Tường Lan, nhà 5 đội 15...

Trong lúc chờ đợi, Vĩnh cũng cố lắng tai nghe xem có thằng bạn nào khác được may mắn như mình không. Loa vẫn đều đều gọi tên: Trần Thanh Tú, nhà 3 đội 17. Hồ Chí Minh... Xướng tới đây bỗng nhiên tiếng loa im bặt. Bọn tù đang lắng tai nghe đều ngạc nhiên. Ủa, sao tự dưng lại có tên Hồ Chí Minh trong này? Thế rồi qua hệ thống loa, người ta nghe thấy những tiếng lịch kịch lục cục rồi đôi ba giọng nheo nhéo như cãi nhau. Sau cùng cũng nổi lên một tiếng lẩm bẩm nghe thật rõ: Bố láo bố lếu. Dám lấy tên Bác mà đặt...

Trong các trại mọi người đều nhanh chóng hiểu ngay vấn đề. Thì ra có một anh chàng nào đó trùng tên với bác Hồ vĩ đại nhà chúng nó, khiến chúng nó cáu. Một lúc tiếng loa xướng tiếp: Trần Văn Giàu, nhà 2 đội 14...

Tên Hồ Chí Minh bị bỏ rơi lưng chừng. Mọi người đều tặc lưỡi tội nghiệp cho anh bạn xấu số nào đó, nạn nhân của sự đặt tên "bố láo bố lếu" của đấng sinh thành ra anh.

Nơi dãy ghế kê bên hông nhà 2 bỗng một người đứng phắt dậy la làng khi loa xướng đến tên Phạm Kim nhà 2 đội 17. Vĩnh chưa kịp quay lại tỏ một dấu hiệu chia mừng thì Kim đã phóng nhanh vào nhà. Cái dáng dấp nặng nề của một con gấu nơi Kim bỗng nhiên biến mất. Hắn nhảy, hắn reo như thể vừa bị một tay nào đó găm vào đít một cái kim.

Tích tắc sau đó đội ngũ nhà 2 đã tăng thêm một mạng. Rồi thì quản giáo Hồng và nhiều quản giáo khác xuất hiện cùng một lượt. Danh sách ra thăm đợt đầu coi như khóa sổ, đợi đợt kế tiếp. Mọi người được hướng dẫn ra cổng để được khám xét. Vĩnh nhìn anh em. Người nào trông cũng tươm tất và hớn hở hơn mọi ngày. Có người đi tay không, có người tay xách túi vai mang bị, thậm chí có cả người đem theo quang gánh. Lần đầu thăm nuôi chưa ai có kinh nghiệm, thành thử tập thể biến mất đi cái đồng dạng cố hữu hàng ngày của nó.

Ra tới cổng trại, tất cả đụng ngay gương mặt hầm hè của quản giáo Dương. Các quản giáo khác sau khi bàn giao số người, họ phủi tay trở về trại. Quản giáo Dương bắt đầu một màn lên lớp.

- Để thể hiện lòng khoan hồng của Cách mạng, chính sách thăm viếng đã được thực hiện ngày hôm nay. Mọi yêu cầu của Cách mạng các anh đều đã được quán triệt qua nội quy học tập. Tranh thủ thời gian, nhân danh thủ trưởng trại, chính trị viên trại, ban chỉ huy và ban quản giáo trại, tôi quán triệt sơ bộ vài điểm trong kiểm tra như sau.

- Thứ nhất, tuyệt đối ngăn cấm mọi cải tạo viên nhận, chuyển thư từ, tư liệu hoặc bất cứ một hiện vật gì ra ngoài hay vào trại cho những cải tạo viên khác.

- Thứ hai, tuyệt đối chấp hành nội quy quy định trong thăm viếng.

- Thứ ba, tuyệt đối không được liên hệ linh tinh ngoài khu thăm viếng và rời chỗ đã được quy định.

- Thứ tư, tuyệt đối phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những hành động sai trái của thân nhân ngoài khu thăm viếng.

- Thứ năm, khi về trại, phải tuyệt đối chấp hành nội quy khám xét các quà tặng đã được quy định cụ thể trong nội quy học tập.

- Thứ sáu, khi về trại, cấm mọi hành động tuyên truyền hoặc bình luận những tin tức xuyên tạc, có thể được nghe thấy từ bọn xấu len lỏi vào khu thăm viếng dưới hình thức thân nhân của các cải tạo viên.

- Thứ bảy, mọi vi phạm nội quy thăm viếng đều bị xử lý theo pháp lệnh của nhà nước.

Lên lớp xong bảy điểm, quản giáo Dương bắt bọn tù xếp hàng tư và ngồi chờ đợi khám xét.

Những tên vệ binh trong ban an ninh trại lần lượt kêu tên từng người. Những người được gọi tên phải đứng lên và vệ binh tiến tới khám xét tại chỗ. Có những người giản dị được thoát qua cuộc khám xét một cách tương đối nhanh chóng. Có những người lẩm cẩm cỡ như ông Đáp hoặc Minh chuột, đã làm anh em bực mình vì những món đồ họ đem theo, đã không được đem ra còn bị làm nhục. Chẳng hạn trong cái bao cát của ông Đáp, khi bị mở ra, không riêng bọn giám thị trại mà ngay cả những bạn tù cũng ngạc nhiên. Trong bao cát ấy đựng đầy những cơm phơi khô.

Tên quản giáo Dương thấy cơm gạo nhào đến hỏi với giọng giận dữ.

- Anh ăn cắp gạo ở đâu?

Đáp vội vàng cải chính.

- Thưa anh đâu phải gạo. Đó là cơm phơi khô.

- Anh đem cơm phơi khô ra ngoài làm gì?

Trước bao đôi mắt vừa ái ngại vừa thắc mắc của mọi người, Đáp trả lời.

- Dạ mỗi ngày tôi để dành một hai thìa cơm, phơi khô. Tôi muốn giúp đỡ gia đình chút ít.

Bạn bè vừa ngượng vùa thương. Nhưng quản giáo Dương không thương. Hắn trợn đôi mắt trắng dã và hét.

- Bôi nhọ chế độ đến thế là cùng. Anh tưởng chính quyền địa phương bỏ chết đói vợ con anh à? Nói rồi hắn ra lệnh. Đem túi cơm khô vào ngồi trong nhà kiểm soát kia! Nhân danh Cách mạng tôi ra lệnh anh làm tự kiểm tại chỗ và cấm thăm nuôi kỳ này.

Ông Đáp vừa buồn đau vừa tuyệt vọng. Ông cầm túi bao cát đựng cơm khô để dành của mình bước vào trạm gác, thất thểu như kẻ mất hồn. Chuyện ông Đáp vừa xong thì đến chuyện Minh chuột. Tuy nhiên trong cái túi bao cát của Minh chuột không có cơm phơi khôi, mà là mấy chục con dao cau, được làm bằng những cọng đai kẽm trước đây người ta dùng để chằng các kiện hàng lớn. Minh đã tranh thủ những giờ nghỉ ngơi, tìm những đai kẽm về cắt, rèn, mài và chế thành những con dao cau bén ngót. Gia đình anh trước đây buôn trầu cau. Anh muốn biếu mẹ anh một ít những con dao cau để cụ dùng hoặc bán tùy ý. Thế nhưng chính những con "dao cau hiếu nghĩa" đã làm cho anh không được gặp mặt mẹ anh trong lần thăm nuôi này. Anh cũng bị lôi vào phòng kiểm soát với đủ "tang vật" để làm bản tự kiểm. Cũng có một số những bạn khác, tuy không bị giữ lại, nhưng bị tịch thu tất cả những vòng nhẫn gương lược... Nói tóm, tất cả những đồ thủ công chế tạo trong tù với mục đích tặng người nhà đều bị quản giáo Dương ra lệnh tịch thu.

Sau khi cuộc khám xét kết thúc, quản giáo Dương chợt quay nhìn Tuấn phi công của nhà 2 đội 17. Hắn nhíu mày một chút rồi ngoắc Tuấn lại.

- Anh kia, phải khi nãy anh lợi dụng tắm rửa để dí b... vào mặt cán bộ trực ban phải không?

Tuấn giật thót mình phải vội đính chính.

- Thưa không, không phải tôi.

Quản giáo Dương bỗng nổi giận đùng đùng.

- Mày lại khinh tao đến thế kia à? Mày cho tao mù hẳn?

Nói rồi quản giáo Dương chỉ tay vào nhà kiểm soát và hét. Tao cấm mày thăm kỳ này không vì tội tắm rửa, mà vì tội ngoan cố không nhận tội. Vào kia làm tự kiểm.

Ai cũng biết Tuấn oan, và riêng Tuấn, anh uất quá hóa phát cười. Quản giáo Dương thấy anh cười càng nổi giận hơn. Hắn hét: Mày cười cái gì hả thằng ngụy kia?

Tuấn hết cười nhưng xẵng giọng trông thấy.

- Tôi đâu có nói anh mù. Tôi chỉ muốn nói anh lầm người rồi. Tôi chẳng hề tắm hay rửa gì sáng nay cả.

Quản giáo Dương tức điên lên. Hắn một mặt ra lệnh cho bọn vệ binh bắt đầu hướng dẫn bọn tù ra khu thăm viếng, một mặt quầy quả bước theo Tuấn vào phòng kiểm soát.

Khi Vĩnh đi theo các bạn trong đội hình hàng tư tiến ra con lộ chạy dọc hông trại 1 để về khu thăm nuôi, anh nghe thấy những tiếng hét của quản giáo Dương còn văng vẳng vọng theo từ nhà kiểm soát.

- Mày là phi công hả? Mày biết mày đã bắn hạ bao nhiêu con em Cách mạng không?

- Tôi chưa hề bắn ai. Tôi ngồi trên máy bay có thấy ai đâu mà bắn!

- Mày ngoan cố phải không? Mày nói lại coi, mày có bắn không?

- Không. Tôi không bắn. Ngồi trên máy bay tôi chỉ bấm nút thôi...

CHƯƠNG BA MƯƠI TÁM

Khu thăm nuôi nằm ngay góc trại 4. Nó gồm mấy dãy nhà tranh vách ván được tù dựng lên gần đây. Trước mặt nó là con đường chính trải nhựa chạy từ cổng trại An Dưỡng và chấm dứt phía cuối bệnh xá.

Khi đám tù được thăm của trại 1, trong đó có Vĩnh, vừa tới gần khu vực thăm nuôi, thì thân nhân đã chờ sẵn đứng dọc theo hàng rào ngăn khu thăm nuôi với con lộ từ trại 1 dẫn ra. Như mọi người, Vĩnh vừa đi vừa nhìn những người đứng đón ấy. Anh biết chắc trong đám người ấy có thân nhân anh. Những người khác chắc chắn cũng biết như vậy. Tuy nhiên, thật lạ lùng! Khi đám tù của trại 1 đi hết dãy hàng rào, tiến tới ngã ba lộ chính, rẽ phải để bước tới trước cổng trại thăm nuôi, hầu như chẳng mấy ai nhận được ra ai. Hình như chỉ có một hai người đứng trong hàng rào nhận ra người thân của mình. Họ gọi ơi ới vài tiếng tắc nghẹn rồi rú lên khóc với nhau.

Bước vào cổng trại, theo đúng thủ tục, người trưởng toán thăm nuôi cũng là một tên tù, phải so hàng anh em, ra lệnh bỏ nón mũ xuống trước khi hô nghiêm nghỉ, điểm danh nhân số và trình diện tên vệ binh phụ trách khu thăm nuôi. Khi cuộc điểm danh báo cáo vừa chấm dứt thì những thân nhân đã chạy ào ra vây chung quanh. Tù và người thân giờ này đã có thể nhìn ra nhau, nhìn ra nhau qua một màn sương mỏng của nước mắt và tủi hờn. Những tiếng khóc rưng rức của những người vợ trẻ, những tiếng kêu gào ối con ơi con ơi của những bà mẹ già, những thái độ ngỡ ngàng xa lạ của bầy con thơ khi nhìn thấy cha anh; tất cả hòa lại với nhau thành một quang cảnh lạ lùng mà tuồng như trước đó chưa ai trải qua bao giờ.

- Anh ấy đây rồi!

Vĩnh nghe thấy một giọng nói thật quen rú lên bên cạnh. Anh ngoái lại. Bà kế mẫu của anh mắt đỏ hoe, giọng nghẹn ngào, chạy tới níu lấy vai Vĩnh. Vĩnh xúc động quá, ôm chặt lấy bà. Bà vừa nói không ra tiếng, vừa đưa tay rờ rẫm vai anh, cánh tay anh, vừa cuống quýt lôi anh đi. Hà nó trong nhà. Nó giữ chỗ ngồi và canh đồ đạc.

Một tiếng thét thốt nhiên vang lên. Tiếng thét của tên vệ binh.

- Chưa ai được rời hàng. Tôi nhắc lại, chưa ai được rời hàng. Yêu cầu tất cả thân nhân của các cải tạo viên trở vào nhà thăm ngồi đợi. Vĩnh vội vàng đẩy nhẹ bà kế mẫu ra, nói nhỏ.

- Mợ vào trong ngồi chờ con. Đừng khóc lóc.

Bà kế mẫu nhất định không vào nhà. Bà chỉ đứng lùi ra sau vài bước như để xem con bà còn phải trải qua những ô nhục nào khác nữa.

Tiếng tên vệ binh lại cất lên, cất lên giữa bao tiếng kêu gọi ơi ới, tiếng khóc của người lớn lẫn trẻ em.

- Trước khi vào nhà thăm gặp thân nhân, tôi quán triệt sơ bộ các anh rằng thì là phải có thái độ thăm nuôi nghiêm túc. Cấm mọi luyến ái phản văn hóa dân tộc. Cấm mọi cử chỉ bú mồm bú môi. Cấm...

Sau khi nhắc nhở một loạt những cái cấm, tên vệ binh tiếp. Theo quy định, các anh phải ngồi đúng hàng ghế dành cho các cải tạo viên. Mười lăm phút thăm chính thức được tính từ lúc các anh ngồi vào vị trí. Khi có lệnh của cán bộ thông báo hết giờ thăm, phải nhanh chóng giải phóng mọi tình cảm quyến luyến, nhanh chóng tiếp thu quà cáp và ra địa điểm tập họp khẩn trương. Mọi sai trái sẽ bị xử lý tại chỗ.

Sau đó mọi người được tan hàng. Lúc này cảnh nháo nhào mới thực sự xảy ra. Thôi thì đủ thứ níu kéo, đủ thứ kêu gào la khóc. Vĩnh lặng lẽ chạy đến ôm lấy vai bà kế mẫu. Hai mẹ con bước vào nhà thăm. Vợ anh lúc này đang đứng nơi cửa. Không khóc nhưng thật ngậm ngùi. Cả ba kéo nhau vào chỗ ngồi. Hai người ngồi nơi hàng ghế đối diện. Vĩnh ngồi nơi hàng ghế dành cho tù. Trước khi nói chuyện, anh thả mắt quan sát một vòng. Căn phòng thăm có ba dãy bàn ghế, mỗi dãy dài chừng mười thước. Mặt bàn rộng chừng mười thước rưỡi. Nơi đầu mỗi dãy bàn có một cái ghế đẩu. Trên mỗi ghế đẩu đều có một thằng vệ binh ngồi lõ mắt quan sát mọi người. Quan sát xong, Vĩnh quay lại hai người thân. Anh nhìn vợ rồi nhìn mẹ. Ai cũng rươm rướm nước mắt. Anh tính nói nhưng một anh bạn ngồi cạnh đã nói giùm câu nói ấy với vợ con anh ta.

- Đã bảo đừng khóc. Khóc trước mặt kẻ thù nó khinh chung cả đám!

Vợ anh bây giờ mới lên tiếng.

- Các con chúng đòi đi nhưng ông nội không cho đi. Thôi để lần tới...

Bà kế mẫu của anh chen vào. Giọng đầy e ngại.

- Nghe nói anh phù thũng và kiết lỵ. Hết chưa?

- Hết rồi mợ ạ.

Bà lắc đầu.

- Gầy quá đi thôi! Gầy quá đi thôi!

Vợ anh bỗng nói.

- Ngoài quà, cả họ góp gửi cho anh cả tiền đây. Trong này có câu lạc bộ không?

Vĩnh bỗng thương xót cho người ở nhà. Trời ơi, không hiểu làm cách nào để nói cho họ biết rằng nơi đây là trại tù, tù khổ sai Cộng sản. Nơi đây không phải là quân trường Quang Trung, hoặc Thủ Đức, Nha Trang hay Đà Lạt... Nghĩ thế nhưng anh cũng phải gật đầu.

- Có, có câu lạc bộ.

- May quá, vậy kỳ này anh có tiền, ráng dè xẻn mua thêm thức ăn tẩm bổ. Đừng rượu chè thức khuya nghe anh.

Nghe vợ nói, Vĩnh cười cũng không xong mà mếu cũng không nổi. Anh chỉ biết gật đầu. Vì đã dự trù câu chuyện để không phí thì giờ, anh vào đề ngay.

- Bây giờ mợ và em để anh hỏi những cái cần thiết, đừng nói lung tung nữa, phí thì giờ lắm! Cậu có khỏe không.

- Khỏe.

- Các con ra sao?

- Lớn tướng. Khoa và Nguyên đều đi học cả rồi. Thằng Khoa sang ở với ông nội. Thằng Trung hơi gầy và giống con gái lắm.

- Tốt. Ăn uống thế nào. Có độn không?

Nghe hỏi, vợ anh liếc nhìn mẹ anh. Bà kế mẫu bỗng ngắt ngang.

- Trong này anh cứ lo thân anh, giữ gìn sứckhỏe. Đừng lo gì cho người ở nhà cả. Thừa no, thiếu đủ.

Vĩnh vẫn không an tâm, vẫn hỏi.

- Tụi nhỏ có được ăn cơm, ăn thịt không?

Nghe cật vấn, bà kế mẫu của anh khẳng định.

- Người lớn thì có độn. Nhưng con nít thì dứt khoát không ai để cho nó phải ăn độn.

Nghe trả lời, Vĩnh yên tâm. Anh lại hỏi.

- Tụi con cái anh Túy và chú Sơn như thế nào?

- Cũng thế.

- Mợ à. Có tin tức gì của anh Túy và chú Sơn không? Chú Môn ra sao? Cậu Tín nữa? Còn tụi thằng Hùng thằng Thái chúng ra sao hả mợ?

Vợ anh len vào trả lời thay cho bà cụ đang bận bóc một cái bánh dầy đậu.

- Anh Túy bị lôi ra Bắc lâu rồi. Cả nhà không có tin. Chú Sơn thì bị giam ở Katum. Cô Nguyệt có đi thăm rồi. Còn chú Môn cậu Tín thì không biết giam ở đâu. Hùng, Thái giờ đôi mươi cả rồi. Nhà đang lo cho các chú ấy thoát nghĩa vụ...

Bà kế mẫu đã bóc xong cái bánh. Bà đưa cho Vĩnh, thúc hối.

- Ăn đi, con ăn cái bánh này đi. Mợ có mua cả bánh dầy giò nữa. Cứ nhẩn nha. Vĩnh liếc nhìn tên vệ binh đang kín đáo quan sát mọi người. Nó vừa ngó xuống đồng hồ tay. Vĩnh sốt ruột vì thấy mình chưa hỏi xong những câu hỏi cần thiết. Anh khoa tay.

- Mợ cứ để đó chút nữa con ăn. Con cần nhiều cái khác hơn cần ăn lúc này.

Bà kế mẫu nghe vậy nhưng vẫn thúc Vĩnh ăn. Vĩnh đành cầm lấy cái bánh, hỏi tiếp bằng giọng ngắn gọng.

- Đây là những điều con muốn biết nhất. Mợ và em trả lời cho đúng sự thật nếu biết, bằng không nhớ đừng nói gì nhiều. Thứ nhất có thật ở Sài Gòn được rải truyền đơn kêu gọi đứng lên lật đổ Cộng sản và truyền đơn được ký tên thống chế Nguyễn Cao Kỳ và đại tướng Ngô Quang Trưởng hay không?

Hai người nghe xong đều ngơ ngác. Mãi lúc sau bà kế mẫu anh mới thều thào.

- À, trước đây cũng có nghe đồn như thế. Nhưng nghe đồn truyền đơn được rải đâu mãi vùng Tây Ninh, chứ không phải ở Sài Gòn.

- Họ hàng nhà mình có ai được tận mắt nhìn thấy truyền đơn không?

Vợ anh bỗng len vào.

- Ôi Sài Gòn thì có hàng triệu thứ tin đồn, hơi đâu anh bận tâm cho mệt.

Biết là cả hai người không nắm vững chuyện này, Vĩnh hỏi câu khác.

- Những vùng quanh Sài Gòn có đụng độ không?

- Đụng độ là sao?

- Thì quân mình về phá rối.

Mẹ anh như hiểu ra, bà vội nói.

- Thì cũng nghe đồn thôi chứ có ai thấy gì đâu!

- Thôi được. Bây giờ con hỏi một câu nữa. Hệ thống công an của tụi nó ở Sài Gòn hoạt động có mạnh không? Con muốn nói nếu con trốn về nhà liệu có lẩn khuất sống nổi không?

Đến đây thì cả mẹ lẫn vợ của Vĩnh đều tái mặt. Mẹ anh trợn mắt.

- Chết! Chết! Không được đâu. Bây giờ họ tổ chức khu phố chặt chẽ lắm. Mười nóc gia lại có một công an khu vực. Lại còn có tổ trưởng tổ phó khu phố. Họp hành, học tập, kiểm thảo, tố giác hàng đêm. Con làm bậy là chết đấy.

Nghe mẹ trả lời, Vĩnh không thể không ngao ngán. Tuy nhiên anh cũng hỏi vớt vát câu nữa.

- Mợ có tin rằng trong rừng như Bình Dương, Tây Ninh chẳng hạn, có quân ta đóng trong đó không?

Ý nghĩ trốn trại của Vĩnh vừa bộc lộ khi nãy thực sự đã làm bà cụ hoảng, thành thử cụ lắc đầu nguầy nguậy.

- Mợ không thể trả lời anh được, vì thật sự mợ không biết gì. Còn phải lo kiếm sống chứ!

Vĩnh quay sang vợ.

- Em có nghe đài VOA và BBC không?

- Thỉnh thoảng thôi anh. Với lại em đâu có thì giờ.

- Vậy em có nghe người ta đồn rằng Trần Văn Đôn đã lập chính phủ lưu vong tại Pháp, em có nghe thấy không?

Vợ anh bỗng nói một câu không ngờ.

- Thôi anh ơi. Hơi đâu anh tin những chuyện như vậy! Bọn giá áo túi cơm ấy đến giờ này mà anh vẫn còn tin tưởng hay sao?

Vĩnh hơi bực. Anh tính cự vợ một câu rằng chuyện này không phải là chuyện tin tưởng hay không tin tưởng. Tuy nhiên, nghĩ sao anh lại dằn lòng xuống.

Anh nhìn vợ một thoáng và thấy thương cảm đầy lòng. Anh nói một câu như để an ủi.

- Thôi quên mấy chuyện đó đi. Chỉ vì anh sốt ruột thôi. Bên gia đình em thế nào? Ông Hanh ông Minh ông Thủy ra sao?

- Anh Hanh chị Mỹ đi thoát trước 30 tháng Tư rồi. Anh Minh anh Thủy đi trình diện theo dạng y dược sỹ giờ này vẫn chưa về...

Vĩnh đang tính hỏi thêm vài câu nữa thì tiếng kẻng vang lên. Mấy tên vệ binh ngồi trên ghế đều đồng loạt đứng phắt dậy. Một tên nói lớn: Giờ thăm viếng đã hết. Yêu cầu tất cả các cải tạo viên ra địa điểm tập họp trở về trại. Yêu cầu các thân nhân ở nguyên trong phòng...

Vĩnh đứng lên như mọi người. Anh giúp tay hai người thân thu đồ đạc quà cáp vào hai cái giỏ lớn và trước khi chia tay, anh nói.

- Lần sau nếu có được thăm, mợ đừng đi nữa. Mợ ở nhà cho khỏe nhưng nhớ cho thằng Hùng nó lên thăm con. Anh quay sang vợ nói nhỏ. Em bảo chú Hùng chịu khó nghe VOA và BBC, lần sau vào báo cáo cho anh biết tin tức của thế giới liên quan tới nước mình. Nhớ nhé!

Nói thì nói thế, thực tế hai người có đang nghe anh đâu. Người nào cũng nghẹn ngào, rươm rướm nước mắt và thốt không nên lời. Anh cố mỉm cười trấn an.

Trong lúc người ta kéo nhau ra cửa, sự lộn xộn ấy giúp Vĩnh cúi xuống rút được lá thư dấu trong chiếc guốc dưới chân và nhét thật nhanh vào túi áo vợ. Anh dặn khẽ vợ đọc kỹ và làm đúng những lời anh dặn trong thư. Coi chừng chúng nó xét. Trường hợp bị xét, thủ tiêu ngay lá thư không anh tiêu tùng.

Rồi thì cuối cùng cũng phải chia tay. Vĩnh bước ra địa điểm tập họp. Anh thoáng thấy Kim đang đứng nấp sau một cái connex gần đó. Anh nhìn thấy đứng tựa cái connex là một phụ nữ còn rất trẻ. Vĩnh đoán đó là vợ Kim. Họ đang xoắn lấy nhau như hai cái rễ cây cổ thụ. Vĩnh tính kêu lớn một tiếng để ghẹo, nhưng rồi nghĩ làm như vậy có vẻ hơi vô ý thức, lại có thể nguy hiểm cho bạn, Vĩnh lẳng lặng xách hai cái giỏ bước đến chỗ tập họp. Ngoài vuông sân khu thăm nuôi lại vang lên cái điệp khúc của tiếng khóc và tiếng kêu gọi lẫn nhau. Cả mẹ và vợ anh lúc này đều khóc. Họ tiến tới sát người anh và dặn dò đủ thứ chuyện. Vĩnh ngó vợ lòng bồi hồi thương cảm. Bỗng nhiên anh tự trách mình sao lòng chai đá! Suốt cuộc thăm viếng, dù ngắn ngủi, anh vẫn chưa nói được với vợ một câu trìu mến. Hay là mình quá hèn nhát? Hèn nhát đến độ không dám hôn vợ mình một cái?

Ngoài cổng trại thăm đã thấy xuất hiện nhiều đội hình tù cải tạo khác. Họ đang được hướng dẫn bước vào khu thăm nuôi. Tên vệ binh phụ trách hướng dẫn tù của trại 1 đã hò hét bắt người đại diện tập họp anh em cho khẩn trương. Rồi thì những người thân bị xua đuổi dạt ra xa. Đội hình trại 1 được thiết lập mau chóng không thiếu một ai. Tiếng hô hoán, tiếng điểm danh, tiếng báo cáo lại vang lên. Vĩnh không sao tránh khỏi cảm giác ngượng ngùng khi thấy mẹ và vợ chầm chầm ngó anh đang làm những động tác chào kính và tuân lệnh thật đốn mạt của kẻ thua trận! Bỗng dưng anh thấy trong lòng đau đớn, đau lắm; cái đau của một vết thương vô hình một lần nữa lại rách ra và hành hạ anh kịch liệt. Chao ôi, đời một chiến binh! Một chiến binh hèn hạ, thua trận và không dám tự sát như những chiến hữu khác.

Thốt nhiên anh quay lại phía vợ, nói lớn.

- Thôi, lần sau có đi thăm, tuyệt đối đừng cho các con vào đây nghe em.

Đôi mắt vợ anh rực lên một nét thắc mắc, nhưng không hỏi. Khi bước ra cổng trại trong đội hình hàng tư, Vĩnh không ngoái lại thêm một lần nào nữa. Hai tay xách nặng, anh lầm lũi đi theo các bạn như một kẻ đã mất hết cảm giác. Anh chẳng nhìn rõ cảnh vật chung quanh. Khu thăm nuôi với những tiếng động của loài người đích thực đã dần dần xa hẳn. Kim đi gần anh và hình như nó cũng có cùng một tâm trạng. Nói chung ai cũng thế. Ai cũng đang rơi vào một tình trạng muốn tự hỏi rằng sao cuộc thăm viếng không vui, không thỏa mãn như giấc mộng của hơn một năm qua. Mười lăm phút đã nói được gì? Tại sao mình quên điều này, quên điều nọ? Toàn những điều tối cần thiết mà lại quên.

Khi đoàn tù được thăm lần đầu về tới lãnh vực trại 1, thì bên trong trại, bạn bè đã đứng dọc hàng rào như để chào mừng. Những tiếng gọi, tiếng chọc ghẹo vang lên ầm ỷ.

- Tân, làm ăn gì được không mày?

- Coi thằng Bình kìa tụi mày. Mặt đầy son môi, vai ướt sũng nước mắt... em dzợ nó.

- Ê, Công ngủ! Giơ cao ngón tay trỏ lên mày. Sao không lấy bao nylon bọc lại? Trời ơi để khơi khơi thế kia bay cha nó mất mùi!

Bên trong thì vui nhộn, bên ngoài không ai trả lời. Vĩnh thốt nhiên phát cười. Rõ thật người ngoài cười nụ người trong khóc thầm! Chút nữa đây chúng mày sẽ được thăm, rồi sẽ được hiểu tại sao có những đám ma trong lòng.

Bọn vệ binh áp tải về đến cổng trại 1 thì bàn giao lại cho ban kiểm soát. Lại chào kính, lại hô hoán, lại điểm danh báo cáo. Tuy nhiên sau màn này, mọi người còn phải trải qua một màn kiểm soát tại chỗ tất cả các phẩm vật được gia đình tiếp tế.

Đầu tiên một tên quản giáo lên giọng nhắc nhở một cách nghiêm khắc.

- Tất cả thư từ tiền bạc nhận được của thân nhân phải được để trước mặt. Thư sẽ được kiểm duyệt và tiền bạc quý kim sẽ phải làm thủ tục lưu ký. Ai dấu diếm coi như vi phạm luật pháp nhà nước và bị trừng trị theo đúng mức độ vi phạm.

Mọi người tuân lệnh đặt thư và tiền bạc trước mặt, ngay trên đất. Vĩnh không có thư. Anh chỉ có 100 đồng tiền mới. Đây là một vi phạm, vì theo như nội quy đã được học tập, mọi cải tạo viên chỉ có quyền nhận của gia đình mỗi kỳ 20 đồng. Lúc này kẹt quá, Vĩnh liếc quanh tìm chỗ dấu. Dấu đâu bây giờ? Sau cùng Vĩnh nẩy ra một ý nghĩ "được ăn cả, ngả về không". Anh cầm mớ tiền vốn đã được vợ anh cuộn lại thật nhỏ, chằng dây thung cẩn thận quăng nhanh vào một đống cỏ rác nằm ngay cửa cổng trại 1. Nếu không ai nhìn thấy và lượm được, chút nữa đây khi những màn kiểm soát thăm viếng chấm dứt, chiều đến anh có thể tản bộ đến gần cổng và thu lại trăm bạc đó không mấy khó khăn. Giải quyết được vấn đề dấu tiền rồi, Vĩnh bình thản bày tất cả mọi thứ trong hai cái giỏ lớn ra trước mặt.

Hơn mười thằng vệ binh được lệnh ra khám xét. Hai thằng khác làm nhiệm vụ kiểm tiền và lần lượt ghé thăm từng người tịch thu những lá thư để trước mặt, sau khi hỏi tên tuổi, tổ, đội với lời hứa hẹn sẽ được các quản giáo đội hoàn trả nếu thư có nội dung đúng quy định. Riêng tiền, tất cả được bỏ ngay vào túi nếu là 20 đồng. Số còn lại trại sẽ lưu giữ và cho ký tên ký thác tại chỗ.

Vĩnh nhìn sang Kim đứng bên cạnh. Nó ngó anh bằng ánh mắt cầu cứu. Vĩnh biết Kim chậm chạp, chắc đang điên đầu không biết làm cách nào dấu tiền. Vĩnh khỏi khẽ.

- Nhiều tiền không?

Kim gật đầu. Vĩnh hỏi luôn. Đâu rồi?

Kim ngó dáo dác rồi chỉ nhanh lên miệng. Khi hiểu ra Vĩnh cố nhịn cười. Chắc hẳn cu cậu hiện đang ngậm trong mồm vài trăm bạc không chừng. Mà như thế thì vừa nguy hiểm vừa có thể... ứ hơi mà chết. Vĩnh nói khẽ.

- Tôi dấu được rồi. Tìm cách thẩy tiền qua đây tôi dấu hộ cho.

Sau khi nhìn ngang liếc dọc, Kim làm bộ cúi xuống đống đồ đạc và nhả vội khỏi miệng một bọc nylon. Nó quan sát chung quanh. Mấy tên vệ binh còn lo kiểm soát những người khác. Kim yên tâm đá mớ tiền sang cho Vĩnh. Vừa lúc ấy tên quản giáo Dương xuất hiện ngay cạnh Vĩnh. Vĩnh điếng hồn. Gói tiền của Kim hiện đang nằm giữa trời giữa đất. Quản giáo Dương ngó Vĩnh đăm đăm. Sau cùng hắn hỏi vu vơ.

- Sáng nay tao nhớ hình như mày cũng tắm truồng ngoài giếng phải không?

Vĩnh vội lắc đầu.

- Thưa anh tôi đâu có tắm rửa gì.

- Mày đội mấy?

Muốn đánh tan mối nghi ngờ của thằng chó đẻ, chỉ có cách duy nhất nói dối cho xong chuyện. Nó tin thì thoát cái tai kiếp vào phút cuối này. Bằng nó biết mình bố láo thì thây kệ, muốn ra sao thì ra. Vĩnh đáp ngay.

- Dạ tôi đội 14.

Kim đang lo cái vụ gói tiền, lại thấy Vĩnh dám nói dối thằng quản giáo đa sự nhất của trại 1, nó hốt hoảng ra mặt. Cũng may, quản giáo Dương tin lời Vĩnh. Hắn ngó xuống nhìn qua những món ăn của Vĩnh rồi lắc đầu.

- Ăn cho lắm vào chỉ tổ thêm phản động. Nói xong hắn quay trở lại nhà kiểm soát. Vĩnh nhìn theo, anh thấy Tuấn, Minh, Đáp và vài ba tay nữa vẫn cúi đầu trên những mảnh giấy làm bản tự kiểm.

Nhanh như máy Vĩnh xàng xê một bước và gói tiền của Kim đã văng vào đống đồ ăn hỗn độn của Vĩnh. Vĩnh cầm gói tiền quăng nhanh vào đống rác.

Vừa lúc ấy, tên vệ binh khám đồ đã đến cạnh Kim.

- Sao, tiền và thư đâu?

Kim hiên ngang.

- Dạ tôi không có một xu teng nào.

Tên vệ binh hơi cáu với lối trả lời hơi thiếu nghiêm túc đó. Nó giở giọng ngay.

- Ăn nói cho nghiêm túc. Xu teng là cái gì? Tôi còng đầu anh bây giờ.

Kim vội thấp giọng. - Thưa anh tôi không có tiền và thư. Tôi chỉ có quà.

- Chắc không?

- Dạ chắc.

- Khám thấy thì sao?

- Thưa anh cứ khám cho. Đồ đạc của tôi chỉ có từng này.

Bắt già bắt non một lúc, sau cùng tên vệ binh cũng chỉ khám qua vài lọ mắm ruốc, ít cân lạp xưởng, dăm gói thuốc thơm, ít cân đường... rồi bỏ sang người khác.

Mọi người được lệnh thu đồ vào bao và được phép nhập trại trở về phòng. Vĩnh xách hai giỏ quà lên đi theo anh em. Khi vượt qua cổng trại, anh kín đáo ngó hai gói tiền vẫn nằm phơi thây trên đống rác.

Khi mọi người đã vào hẳn trong trại thì bạn bè mới túa ra. Dù có buồn chín ruột cũng phải cười nói với mọi người. Hóa, Tiến, Huy, Dương, Ý, Tạc và một lô bạn bè khác nhào tới khênh tiếp những gói quà của Vĩnh và Kim về nhà.

Sau những màn trả lời đủ thứ loại câu hỏi của các bạn, kết thúc dĩ nhiên là một chầu ăn uống tập thể. Bao nhiêu đồ ăn tươi như gà quay, thịt quay bánh hỏi, bánh ú bánh tét, cam vân vân và vân vân của Kim và Vĩnh đều được anh em thành khẩn kính cẩn lôi ra bày một bàn bên hông nhà. Ăn, uống, cười, tán thôi thì đủ chuyện. Nhà nào cũng có người được thăm, nên nhà nào cũng có cảnh tụ tập ăn uống. Hết ăn uống tới màn hút sách. Bánh thuốc lào Vĩnh Bảo của Vĩnh được chiếu cố tận tình. Những cái điếu cầy thay phiên nhau rú lên xồng xộc. Thân cũng như không thân, ai cũng nhào vào bấu một bi để chơi một phát. Thuốc xiện mấy khi được chơi. Nhưng chơi rồi không thiếu anh bật ngửa, xùi bọt mép và mắt trắng dã vì say.

Vĩnh để mặt cho các bạn ăn hút tiếp tục, anh mò ra cổng và lấy lại được hai gói tiền. Anh quay vào nhà thu vén lại mớ đồ khô được gia đình tiếp tế. Tiến và Hóa cũng mò theo. Rồi Kim nữa. Anh trả cho Kim gói tiền của nó. Xong đâu đấy, anh ngả lưng xuống nền nhà cho đỡ mệt.

Tiến bỗng hỏi.

- Vụ truyền đơn ra sao?

Vĩnh ngao ngán.

- Không biết gì cả! Hình như chỉ là tin đồn.

- Còn vụ Trần Văn Đôn ra sao?

- Cũng tin đồn nốt!

Kim bỗng len vào.

- Moa nghe bà xã moa nói rằng thật sự đã có những lực lượng trở về. Ông Kỳ tự phong thống chế hay thống soái gì đó.

Hóa cầm lấy một quả chanh mân mê trên tay, giọng ngao ngán chơi luôn một câu vè.

Sân Khấu có Hùng Cường Chính trường có Râu Kẽm

Mẹ bố chúng mày sao chúng mày dễ tin đến thế!

Chẳng ai lưu tâm đến câu phá ngang của Hóa. Tiến thúc Kim.

- Kệ nó. Mày nói tiếp đi. Vợ mày nói sao nữa?

- Thì đại để ông Kỳ nắm chính phủ. Ông Trưởng nắm quân lực. Các đảng phái cũng nổi lên đánh đấm tùm lum hết. Nhất là vùng tam biên. Nhiều vùng kinh tế mới đã bị bỏ hoang vì quân quốc gia Việt Miên phối hợp hành quân đánh phá dữ lắm. Đặc biệt những vùng thuộc hai giáo phái Hòa Hảo và Cao Đài thường xuyên có những cuộc bạo động chống đối. Áp lực quốc tế cũng chẳng vừa gì. Rất có nhiều hy vọng tụi nó sẽ phải trải chiếu hoa mời mình rời trại về đoàn tụ với gia đình cuối năm nay.

Vĩnh không muốn nghe nữa. Thực tâm anh cũng nóng ruột ghê gớm. Nếu không nóng ruột anh đã chẳng hỏi gia đình. Tuy nhiên sau khi thăm, sau khi nhìn thấy tận mắt sự mỏi mệt của người nhà, anh vẫn linh tính thấy rằng giờ trọng đại chưa thể xảy ra. Không có gì làm căn cứ vững chắc cho linh tính của anh, tuy nhiên anh vẫn thấy bi quan thật nhiều. Thôi cứ để tối nay, sau nhiều đợt thăm nuôi, sẽ có muôn ngàn nguồn tin khác nhau, Vĩnh dặn lòng, rồi sẽ thu nhập và gạn lọc xem sao! Nghĩ rồi Vĩnh vươn vai đứng lên. Anh muốn đi tắm, muốn xả hết những băn khoăn, bực bội, nhớ thương, hồ nghi, tin tưởng trên người mình xuống các cống rãnh cho nhẹ nhỏm tâm hồn. Anh muốn được hưởng một buổi chiều thật cô độc. Nằm nhớ đến những đứa con trai, những đứa con trai khốn khổ của anh đã phải sinh ra trong thời mất nước do sự đớn hèn của cha anh.

Ông Đáp, Minh chuột và Tuấn phi công chợt xuất hiện nơi cửa. Ba nét mặt đám ma. Họ trở về chỗ nằm, ngồi vật xuống bên cạnh sự thăm hỏi và chia buồn của anh em. Riêng Vĩnh, Vĩnh kềm lòng thật dữ mới không phát lên một câu nói chia vui. Và rồi trên đường ra giếng, anh bỗng thấy mình vẫn còn may, ấy là lũ nhỏ không đi thăm, không thấy bố nó phải giở nón, phải đứng nghiêm, phải dạ dạ vâng vâng trước mặt quân thù...

CHƯƠNG BA MƯƠI CHÍN

Ngày thăm đầu tiên đã qua đi, những ngày kế tiếp người được thân nhân vào thăm không còn được thảnh thơi nằm nhà chờ đợi mình được gọi tên như những người được thăm vào ngày đầu tiên nữa. Tất cả phải trở lại hiện trường lao động. Mỗi trại đều được lập một tổ trực đặc biệt, có trách nhiệm thông báo tin được thăm viếng đến tận hiện trường cho những người được thăm. Khi được thông báo, anh cải tạo viên sẽ được quản giáo cho ngừng tay vinh quang để trở về trại sửa soạn ra gặp thân nhân...

Hiện tại, kế hoạch chung của ban chỉ huy trại cải tạo An Dưỡng là dồn sức tù vào công tác biến rừng thành ruộng. Một giải rừng hoang sình lầy đầy mìn bẫy nằm giữa trại An Dưỡng và phi trường Biên Hòa là hiện trường lao động hiện tại của hầu hết tù An Dưỡng.

Trời Biên Hòa lúc này đã có những trận mưa dầm dề liên tu bất tận. Lao động dưới nắng đã khổ. Lao động dưới mưa còn khổ trăm bề hơn. Hàng ngàn tù, tay cuốc tay xẻng, dưới sự đốc thúc của bọn vệ binh, phải lao vào những khu rừng rậm đầy rắn rết, muỗi mòng và nhất là mìn bẫy từng được rải khắp chung quanh vòng đai phòng thủ phi trường Biên Hòa trước kia. Công tác phá rừng với sức người và hai bàn tay không đã làm tốn không biết bao nhiêu xương máu của những kẻ sa cơ thất thế.

Đội 17 hiện có công tác phụ trách kéo những thân cây lớn đã được anh em đốn ngã. Những thân cây này nhiều khi có đường kính hơn nửa thước tây và dài cả 20 thước phải kéo qua địa thế gồ ghề những gò mối, bụi rậm và ao tù làm cực khổ vô cùng. Những thân cây này được kéo thẳng về khối mộc nằm gần bệnh xá cho khối mộc khai thác. Nhà 2 đội 17 và nhiều nhà khác có cùng công tác, chỉ việc kéo với chỉ tiêu 8 cây mỗi ngày, kéo một đoạn đường rừng dài năm trăm thước và kéo dọc con đường chính của căn cứ vào tới trại mộc quãng 1 cây số.

Kéo cây dưới mưa, một hành khúc thê thảm. Những tiếng động rầm rầm, những lời hò hét, những hình nhân ốm yếu rách bươm rạp người trên những sợi thừng căng thẳng... Thỉnh thoảng những bầy chim bay tán loạn trong một khóm rừng mưa; một con thỏ vụt chạy dù chẳng còn ai có sức để nghĩ đến chuyện đuổi bắt; những con rắn trầm tĩnh bò trên một nhánh cây uốn cong những thớ thịt láng bóng, tuồng như trêu ngươi lũ tù khát thèm đang nghĩ đến một đĩa rắn xào lăn của một miền Tây xưa cũ...

Hôm nay mưa lớn. Đám Vĩnh kéo một thân cây ít ra cũng nặng cả tấn. Ra tới con lộ chính, mọi người được phép nghỉ chân ít phút lấy sức. Dù trời mưa, nhưng người vào thăm từ hướng cổng trại vẫn tiến vào đều đều. Họ đi từng hai ba người. Đa số đàn bà với những giỏ quà nặng nề trên vai trên tay. Mọi người đều ướt như chuột lột và ngó nhau cũng bằng những con mắt ướt mèm... Trong những ánh mắt ấy hàm chứa đủ mọi thứ tình cảm mà những người vào thăm dành cho bọn tù. Có ánh mắt e dè thương cảm, có ánh mắt trách cứ mà bao dung, có ánh mắt cảnh giác nhìn những thằng vệ binh đứng tránh mưa trong những lùm cây; nhưng quan trọng nhất là những ánh mắt dặn dò: Này, chút kéo cây đi qua chỗ này, nhớ để ý nơi những bụi cỏ rậm bên lề đường nhé... Và rồi những toán kéo cây trong ngày hầu như ai cũng lượm được bên lề đường một quả cam, một đòn bánh tét, một vài cục đường hoặc một gói thuốc lá. Tất cả đều được bọc sẵn trong những bao nylon...

Vĩnh mới được thăm nên dĩ nhiên anh và các bạn thân của anh không háo hức lắm chuyện mắt trước mắt sau để lượm quà nhét vào người. Nhưng những anh chàng chưa được thăm nuôi thì khác. Dù rằng ai cũng được nếm tí đồ tươi trong những ngày qua do sự chia sớt của bạn bè, nhưng do cái tâm lý thông thường, bỗng dưng nhận được một món quà đầy tình nghĩa bỏ lại ven đường vẫn là một cái khoái trá tuyệt vời cho những người chưa được thăm nuôi. Bọn vệ binh thoạt đầu không biết nhưng dần dần chúng khám phá ra lối "liên hệ gián điệp" của bọn tù do cái sự nghỉ dọc đường quá nhiều.

Nạn nhân đầu tiên bị vồ tại chỗ là Võ Hữu Hiệp, nhà phó nhà 2 đội 17. Trong lúc cả nhà đang ra sức kéo một cây cổ thụ lết trên đường mưa, Hiệp nhanh mắt nhìn thấy hai quả cam. Nó thả vội tay khỏi sợi thừng và nhào tới lượm hai quả cam một cách rất mất cảnh giác. Thằng vệ binh lẽo đẽo theo sau chợt thấy một thằng tù nhào xuống vệ đường lượm một cái gì. Hắn vội vã phóng tới chĩa súng hét to.

- Cả toán này đứng lại!

Tiếng hét dĩ nhiên bắt cả toán phải dừng lại. Những người đi thăm trước sau tò mò dừng chân đứng lại. Tên vệ binh bỗng quay lại, chỉ mặt "nhân dân" hét lớn.

- Mấy người đó đứng lại luôn. Nhân danh Cách mạng, tôi kiểm tra tại chỗ sự liên hệ gián điệp với Cải tạo viên.

Bỗng nhiên nghe một loạt từ ngữ đao to búa lớn, những người đi thăm cũng tá hỏa như bị sét đánh trúng đầu. Có người sợ liên lụy vội vã lẩn nhanh Nhưng tên vệ binh đời nào để cho bọn "gián điệp" chạy thoát. Hắn giơ súng bắn cái đùng. Mọi người đều xanh máu mặt và đứng chết dí tại chỗ.

Tên vệ binh bắn xong phát súng thị uy, nhào ngay tới cạnh Võ Hữu Hiệp.

- Mày vừa nhặt tài liệu gián điệp gì bên lề đường?

Chẳng riêng Hiệp mà mọi người đều thất kinh. Hiệp ú ớ.

- Không, thưa anh tôi không nhặt gì cả.

Một báng súng phang ngay vào mặt Hiệp mà không ai có thể tiên liệu trước được. Trán của Hiệp tích tắc có ngay một quả ổi to tướng. Trời đã dứt mưa. Những giọt mưa trên mặt người giờ đã bị thay thế bằng những giọt máu và mồ hôi. Hiệp thấy kẻ thù đánh tàn bạo quá, vội nói chữa. Không, tôi không nhận tài liệu gì cả. Tôi thấy hai quả cam rơi trên đường nên cúi nhặt thôi.

Tên vệ binh vẫn cho rằng hắn bị bọn tù qua mặt nên cơn giận vẫn đùng đùng.

- Tao thấy rõ ràng mày cầm lên một cái bao thư ướt mèm.

Thốt nhiên một bà già tiến nhanh tới. Bà cụ cất giọng vừa run vừa giận.

- Tôi là nhân dân đây. Tôi sẽ làm chứng. Tôi sẽ thưa anh lên tới trung ương Đảng cái tội đánh oan người giữa ban ngày.

Tên vệ binh không ngờ bị một bà cụ thình lình xáp tới tấn công. Dù sao nghe thấy hai chữ "nhân dân", nhất là ba chữ "trung ương Đảng", tên vệ binh cũng có vẻ chùn bước. Hắn quay lại gắt.

- Bà già kia! Tôi thay mặt Đảng trừng trị kẻ phản động, bà là nhân dân lương thiện, sao can dự vào việc này?

Bà già cũng chẳng vừa gì. Bà quạt lại.

- Sao chú bảo tôi không can dự? Tự dưng chú bắn súng lên oai, bắt chúng tôi đứng lại rồi nạt nộ như ông tướng Quảng Lạc. Bà cụ nói đoạn đặt cái giỏ trái cây trên tay xuống, tiếp: Bây giờ chú muốn gì chú nói tôi nghe. Hai quả cam khi nãy là tôi cho mấy anh cải tạo. Chú muốn ăn cam thì cứ bảo tôi cho, sao ghen tức đi đánh người ta? Đánh người thất thế mà anh hùng à?

Tên vệ binh bị quạt một trận cũng nổi điên. Nhân dân và cán bộ đâm ra cãi nhau kịch liệt. Chỉ bọn tù là kẹt vì chẳng rõ trâu bò húc nhau số phận ruồi muỗi này sẽ ra sao? Hiện tại thằng vệ binh có vẻ đã lép vế vì có thêm năm bảy cái miệng nhân dân nhảy vào nhập cuộc. Tên vệ binh cáu quá nhưng nói không lại, hắn đành quay lại đám tù nhà 2 đội 17 và hách dịch lên tiếng.

- Toán trưởng đâu?

Không ai trả lời. Hắn lại hỏi.

- Tôi hỏi các anh, toán trưởng của toán này đâu?

Võ Hữu Hiệp ngần ngại lên tiếng.

- Thưa anh nhà trưởng có công tác khác. Tôi là nhà phó.

Tên vệ binh trố mắt kinh ngạc.

- Anh là nhà phó?

- Vâng.

Hắn bỗng lắc đầu ngao ngán.

- Thôi chết rồi. Lãnh đạo mà thế này thì cái nhà của anh chắc hẳn... Tên vệ binh nói không dứt câu thì ngừng lại. Có lẽ hắn đã nhận ra những giọt máu đang rỉ xuống trên trán Hiệp, và cũng nhận ra ánh mắt căm hờn của "nhân dân" đứng quanh quất đang ngó hắn. Hắn chợt tiếp. Hai quả cam đâu, đưa coi!

Hiệp moi trong người ra hai quả cam và đưa cho tên vệ binh. Ai cũng tin rằng để thỏa mãn cơn giận, thằng vệ binh có thể ném bỏ hai quả cam là xong chuyện. Tuy nhiên, thằng vệ binh không giải quyết vấn đề giản dị như thế. Hắn khoa súng đuổi người thăm nuôi đi. Khi vài người đã vội vã bỏ đi cho kịp giờ thăm con em họ, hắn quay lại Hiệp, ra lệnh.

- Lần này tha, nhưng tôi bắt anh ăn hết hai quả cam tại chỗ. Ăn thật nhanh để không phí thì giờ lao động của cả toán.

Không làm được gì khác hơn là tuân lệnh, Hiệp bóc vội hai quả cam và trợn trạo nuốt vào bụng. Xong công tác trừng trị, tên vệ binh lên lớp với cả nhà.

- Phải nhớ, mọi hành động không đúng chỗ trong xã hội đều bị coi như phản động. Thái độ lượm lặt của ăn dọc đường của anh Hiệp là một thái độ bội nhọ chế độ. Điều ấy không khác nào anh nói xấu chế độ trước mặt nhân dân, rằng anh bị bỏ đói. Điều ấy cũng chứng tỏ rằng bản chất ngụy của các anh không thể cải tạo một năm, hai năm, năm năm, mười năm mà hết được. Cả đời may ra! Cứ thử tưởng tượng xem. Mới hai năm cải tạo mà gặp quả cam đã không cầm lòng được, Cách mạng thả các anh lúc này liệu xã hội có thể tồn tại không? Bản chất như thế thì gặp đàn bà là hiếp, gặp của là cướp đâu có lạ lùng gì.

Cả nhà 2 đứng tê tái với nhau. Vĩnh thấy mình không vui cũng chẳng buồn. Anh đứng nhìn trời nhìn đất, lan man nhớ đến câu chuyện của Henrich Boll anh từng đọc: Nạn nhân của bộ mặt vui tươi, nạn nhân của bộ mặt sầu thảm! Biết đến bao giờ anh mới có dịp viết thêm một câu chuyện giản dị hơn mà cay đắng không kém: Nạn nhân tập thể của một quả cam!

Tên vệ binh lên lớp một lúc rồi như nhớ ra đã có quá nhiều toán khác qua mặt, hắn nói một câu cuối: Lần này tôi nghiêm trọng cảnh cáo anh Hiệp và nghiêm trọng nhắc nhở cả toán về khuyết điểm vừa qua. Tái phạm sẽ bị xử lý thích đáng. Bây giờ, đi!

Cả nhà 2 lại ỳ ạch lấy đà, ỳ ạch dô ta kéo lê cái cây đi cho hết đoạn đường khổ giá. Đi qua khu thăm nuôi, đi qua bao ánh mắt thương cảm của những người đi thăm, bọn Vĩnh kéo thân cây về phía khối mộc nằm bên dưới khu bệnh xá.

Một tiếng gọi cất lên trong hàng rào bệnh xá.

- Vĩnh!

Vĩnh vừa kéo cây vừa ngoái lại nhìn. Phạm An Toàn đang đứng bên trong giơ tay vẫy vẫy. Anh lại chợt nhìn thấy nơi cái connex dùng làm nhà xác đặt gần bờ giếng bệnh xá có đông người tụ tập. Vĩnh hỏi Toàn.

- Chuyện gì vậy?

- Ông già Diêu chết rồi.

- Diêu nào?

- Ông già đau gan ấy.

Con dốc trước mặt bệnh xá khiến cả bọn phải ngừng tay kéo để thở. Vĩnh được dịp liên hệ linh tinh với Toàn nhiều hơn một chút. Anh ngó quanh đề phòng thằng vệ binh. Hắn đang ngồi trên một khúc cây lớn bên kia đường lẩm bẩm chửi thề gì đó. Vĩnh hỏi Toàn.

- Phải ông già đòi ăn trứng không?

- Ừ.

- Trước khi chết có được ăn trứng không?

- Bác sỹ có cho một hột gà nhưng vừa để lên môi thì ổng trợn trắng đi luôn.

Vĩnh không hỏi gì nữa. Đoàn người đã bắt tay vào việc kéo cây. Vĩnh nắm chặt sợi dây lấy hết sức cùng các bạn kéo thân cây đi. Lúc đi qua cái connex nằm trong hàng rào, Vĩnh thấy vài tay tù đang lấy một cái chăn dạ nhà binh - có lẽ tài sản của người quá cố - bọc xác ông già Diêu lại. Họ làm việc trong yên lặng và ngậm ngùi. Vĩnh loáng thoáng nghe thấy một người nào đó trong đám liệm xác đọc khẽ kinh Lạy Cha. Đời buồn bã làm sao! Ông già Diêu khốn khổ kia ơi! Thôi ông hãy hân hoan ra đi ông nhé. Khổ giá nặng hãy để bọn trẻ chúng tôi vác tiếp cho ông. Ông cứ đi và đừng ngoái nhìn, nhưng nếu có linh thiêng, ông hãy phù trợ cho những người bạn già khác đang lâm nạn như ông, nếu có trăm tuổi, cũng đừng tiếp tục trăm tuổi trong trạng huống như ông: Đến chết cũng chưa ăn được cái trứng gà mơ ước...

Đám kéo cây của nhà 2 đội 17 đã vượt qua khu bệnh xá. Khối mộc xuất hiện dưới một mái tôn rộng. Những thân cây to lớn xếp từng đống bên nhau. Tù thợ mộc đang ra công kéo cưa lừa xẻ với những lưỡi cưa cá mập tưởng như có thể nặng hơn cả sức nặng của những tên tù ốm đói đang điều khiển nó.

Vĩnh theo các bạn kéo cây xếp vào đống cây đã cao như một cái núi. Công tác này nặng nhọc và nguy hiểm hơn cả công tác kéo cây. Lạng quạng cây đè chỉ có nước lấy đũa mà gắp xương tan thịt nát.

Sau khi nhà phó Hiệp ghi sổ giao cây cho khối mộc xong xuôi, cả nhà 2 lại lầm lũi so hàng trở về cánh rừng...

Trên đường về mới thảnh thơi làm sao! Dù rằng sau cơn mưa trời gai lạnh, cái lạnh vào quãng 4 giờ chiều, nhưng ai cũng thấy sung sướng vì chỉ tiêu sắp hết. Một chuyến chót nữa, cây thứ 8, sẽ chấm dứt một ngày "lao động vinh quang". Vĩnh vừa đi vừa nhìn hai bên đường. Một tràng những tiếng gào thét bất chợt vang lên từ dãy connex nằm bên trong hàng rào của ban chỉ huy trại 4. Vĩnh và mọi người bàng hoàng lắng tai nghe. Kim lúc này đã bước lên đi gần Vĩnh. Nó thều thào: Ban chỉ huy trại 4 đó. Nghe nói nhiều thằng nằm connex lắm. Thằng Trụ biên chế từ Trảng Lớn lên đây vẫn nằm connex chờ xử đại hình, không rõ nó có nằm trong mấy cái connex kia không?

Vĩnh không trả lời Kim, nhưng Kim nhắc lại làm anh nhớ đến Nguyễn Ngọc Trụ. Trụ mang cấp bậc trung úy, giảng viên kinh tế chính trị của trường võ bị và chiến tranh chính trị Đà Lạt. Vì anh là cháu của nhà báo Dzoãn Bình, nên khi mới gặp nhau ở L4T1 Trảng Lớn, anh đã nhập ngay vào nhóm Vĩnh trong những lần tán gẫu đêm đêm. Trụ mang kiến thức của một nhà chính trị kinh tế sắp sửa trình luận án tiến sĩ. Do đó, những câu chuyện anh nói thường cnhững lập luận rất vững vàng về thời sự. Chiều chiều đi lao động về Trụ thường khoác lên người cái áo bốn túi kiểu cậu ấm Nhã đã sờn vai, bò qua khối 10 gặp Vĩnh và Kim tán dóc. Sau đó một thời gian ngắn Vĩnh và Kim bị biên chế sang L4T3, Trụ ở lại T1 và lâm đại họa sau đợt học tập chính trị tháng 12 năm 75. Trụ bị bắt giam connex vì những lời phát biểu của anh trên hội trường khi anh bị ban chỉ huy trại chỉ đích danh lên phát biểu cảm tưởng trước tập thể. Dĩ nhiên Vĩnh không có mặt trong buổi phát biểu của L4T1, nhưng qua bạn bè kể lại, theo đó, Trụ đã nhân cơ hội bị lôi lên phát biểu, chửi thẳng mặt bọn cán bộ trại.

Sự phát biểu như thế đã khiến bọn cán bộ trại điên lên và bịt mồm còng tay anh ngay trên hội trường. Sau đó anh bị nhốt connex cho đến ngày bị xử tử. Suốt thời gian đó anh bị bỏ đói thê thảm. Đã có lần đi lao động qua dãy connex nằm ngoài rào L4T1, Vĩnh thấy anh bị vệ binh lôi ra khỏi connex. Anh nhìn Trụ cả một lúc lâu mới nhận ra cái xác bèo nhèo xanh mét và teo như một cái xác ướp của Trụ.

Trụ bị nhốt liên tiếp từ tháng 12 năm 75 đến tháng 7 năm 76 thì được chuyển về An Dưỡng cùng đợt với Vĩnh. Lên An Dưỡng anh bị tiếp tục nhốt connex nhưng không ai biết ở đâu.

Giờ đây, nghe tiếng la hét của một người nào đó phát ra từ dãy connex, Vĩnh không tin đó là tiếng gào thét của Trụ. Nhốt từ đó đến nay họa chăng có là khổng tượng, còn nếu là người thì...

Nhà 2 vẫn chậm rãi hàng tư tiến lên. Mọi người đều nghe thấy tiếng thét vang dội. Tiếng thét bất chợt thay chỗ cho những câu nói, những câu nói của một loại người nếu không điên thì cũng đã mất bình thường.

- Trời ơi! ngạn ngữ chúng mày nói đúng lắm. Người ta có thể ăn nửa bữa, ngủ nửa giấc, nhưng không thể yêu nửa trái tim và đi nửa đường chân lý. Mẹ cha chúng mày! Thế sao chúng mày lại cấm tao đi hết đường chân lý của tao? Tao nói lại. Tao là Mẫn. Tao là giáo chủ tôn giáo liên hiệp. Chính tao là nhà giải phóng của chúng mày đây, hỡi lũ quỷ đỏ không biết ăn năn xám hối. Tao nhắc lại. Tao là Mẫn, giáo chủ...

Những câu gào thét của một người tù không tỉnh như đâm vào óc mọi người. Tên vệ binh hình như đã quá quen với lời chửi rủa gào thét này, hắn chỉ lẳng lặng vừa đi theo đám tù vừa huýt gió một bài hát.

Khi nhà 2 vượt qua khu thăm nuôi, mọi người, kể cả những người đến thăm muộn màng đứng đợi trong khu thăm, đều nghe thấy tiếng gào thét tiếp tục vang lên.

-... Những nhà giải phóng đích thực của con người thường cuối cùng chết về tay con người. Tao biết, tao biết đều đó. Spartacus, Jesus, Lincoln, Gandhi, Martin Luther King... Chúng mày, hỡi loài quỷ đỏ, hãy cho tao, tân giáo chủ tôn giáo liên hiệp thế giới biết giờ khắc tao chịu nạn!...

Giọng Kim lại thầm thì.

- Ông giáo chủ này thế nào cũng ăn đạn.

- Được ăn đạn đã là phúc...

Khi tiến tới bìa rừng, Vĩnh thấy những đội kéo cây khác đang uể oải lăn từng cây lên mặt đường nhựa. Người nào cũng lấm lem và mệt mỏi. Nước phèn trong những ao tù của rừng hoang làm những ống quần vàng úa. Chân người khập khễnh như không còn muốn dính vào mặt đất. Những người đã được thăm nuôi như Vĩnh và Kim còn chút hứng khởi với ý nghĩ chiều về chắc chắn sẽ có tí mì, tí nui, tí chà bông, tí lạp xưởng bày ra ăn với nhau. Nhưng những người chưa thăm nuôi không thể có cái niềm vui nhỏ bé ấy. Một ngày sắp tàn là thêm một lần xác hồn rũ rượi.

Trong khi sửa soạn tiến vào rừng cây thì hàng trăm tù đứng rải rác ngoài bìa rừng bỗng nghe như tim mình nhói lên vì mấy tiếng nổ. Những tiếng nổ từ sâu trong rừng cây làm chim muông bay tán loạn. Rừng chiều âm u lại vừa sau cơn mưa mù, không ai có thể nhìn thấy chuyện gì xảy ra trong đó. Tiếp theo mấy tiếng nổ là những tiếng la hét báo động và những tiếng chạy rào rào bất kể gai góc của người trong rừng.

Lũ vệ binh bên ngoài vội vàng chĩa súng đứng trong thế thủ. Bọn tù tự động ngồi xuống tại chỗ theo đúng nội quy đã quy định cho tình trạng này. Một vài tay tác chiến nhà nghề đã có thể đưa ra ngay một nhận xét.

- Một mìn râu, hai đầu đạn M.79.

Một người khác.

- Ít lắm 3 con!

- Không, rừng rậm lại đứng tụ vào một công tác đồng loạt chắc nặng hơn nhiều. Mươi con không chừng!

Tuy nhiên sự thắc mắc của người bên ngoài không lâu lắm. Bên trong đã có kẻ chạy ra tới bìa rừng, mặt mũi hớt hải báo tin.

- Nổ M.79! Dính đông lắm.

Tên vệ binh của đội 17 thấy có tù chạy ra báo tin vội xách súng chạy lại.

- Này anh kia chạy đâu đấy?

- Báo cáo anh nổ M.79. Nhiều người bị thương.

- Quản giáo anh đâu?

- Dạ không biết nữa. Chạy lung tung hết.

Vừa lúc đó trong rừng có thêm nhiều người khác chạy ra. Người nào xuất hiện mặt mày cũng lấm lem bùn lầy. Một tay quản giáo trong đám lên tiếng.

- Này đồng chí vệ binh. Đồng chí lên viện mượn mấy cái băng ca có được không?

Tên vệ binh giẫy nẩy.

- Đâu được. Đồng chí muốn đi thì đi. Tôi không trách nhiệm chuyện y tế.

Trong lúc hai bên còn cãi nhau thì tù trong rừng đã kéo nhau ra đầy nghẹt. Kỳ này có cả những người bị thương. Lần lượt trước sau, những người bị thương được anh em đưa ra nằm trên lề đường. Bọn quản giáo và vệ binh đều túa lại xem vì tò mò chứ tuyệt nhiên không vì phản ứng cấp cứu.

Vĩnh không rời khỏi hàng ngũ được, nhưng anh vẫn có thể thấy rất rõ 6 người nằm ngồi trên lề đường với máu me bê bết đầy người.

Một người trong đội 17 bỗng la lên.

- Chết mẹ thằng Long nhí đội 14 kìa!

Nghe thấy nói đến Long nhí đội 14, tim Vĩnh nhói lên một cái thật mạnh. Anh cố nhìn kỹ một người nằm bất tỉnh trên lề đường, một ống quần đầy máu từ bắp chân trở xuống. Một vài tay tù cùng đội của những người bị nạn được phép đến gần tìm cách cầm máu. Anh chàng nằm bất tỉnh có lẽ nặng nhất. Vĩnh nhìn kỹ hơn nữa và nhận ra đó là Long nhí thật. Trời đất ơi! Vĩnh buột miệng kêu lên. Nhìn cái chân của nó cong queo, dù dính đầy sình và máu, Vĩnh vẫn có thể đoán được chân nó đã gãy hoàn toàn. Vĩnh xúc động quá. Vừa tối hôm qua nó mò sang tìm Vĩnh xin ít mắm ruốc, giờ đây nó đã ra nông nỗi này! Không biết nó sống hay chết.

Ít phút sau đó, do lệnh của bọn quản giáo, 6 người bị nạn đều được khênh thẳng lên bệnh xá. Và hàng trăm tù lao động trong rừng đều được lệnh thu quân sớm hơn mọi ngày nửa tiếng.

Trong lúc tập họp điểm danh để báo cáo nhân số trước khi quay về trại, một tiếng nổ khác từ sâu trong rừng lại vang lên. Tiếng nổ không còn làm cho ai chú ý vì họ biết chắc chẳng còn anh em nào trong đó. Khi các đội hình đã báo cáo nhân số xong và sửa soạn cất bước thì một người dẫn một con trâu từ trong rừng hớt hải chạy ra. Người ấy dẫn trâu chạy thẳng về phía đội hình của Vĩnh. Tên vệ binh hình như quen mặt người chăn trâu, hắn vội cất tiếng hỏi.

- Cái nhà anh Hạ kia, sao cho trâu về chuồng muộn vậy?

Người được gọi là Hạ vội báo cáo.

- Báo cáo anh tôi suýt chết vì bò đạp phải mìn...

Tên vệ binh ngắt lời.

- Sao?

- Dạ bò đạp phải mìn nổ. Một con què cẳng nằm trong rừng. Tôi và con trâu này còn sống chạy ra đây...

Tên vệ binh khoa tay tuồng như không có ý kiến và trách nhiệm. Người được gọi là Hạ hình như cũng biết việc báo cáo của anh ta với tên vệ binh trại 1 là không đúng chỗ, kẹt phải báo cáo vậy thôi. Tuy nhiên, trên khuôn mặt mờ mờ nằm dưới cái nón lá rách bươm của anh rõ ràng đang hằn lên nét lo sợ... Anh chàng chăn trâu không nói thêm nữa. Anh vội vã lớn giọng tắc tắc vài tiếng, khoa ngọn roi đuổi con trâu lên lề đường để hướng về phía trại 4. Đúng lúc ấy cái nón của anh bật ra phía sau và Vĩnh đã nhận ra người chăn trâu là ai. Nó là Bùi Duy Hạ, bạn anh, kẻ đã hân hoan tặng mọi thứ đồ đạc lại cho anh em tuần trước để ra về theo như lệnh của ban chỉ huy trại 1. Vĩnh bàng hoàng gọi giật một tiếng.

- Hạ!

Hạ quay người lại. Nó nhận ngay ra Vĩnh trong đội hình.

- Mày hả Vĩnh?

- Sao...

- ĐM. Lầm rồi mày ơi. Tao đâu có được về. Tao được điều sang tổ chăn bò của hậu cần trại An Dưỡng. Chăn một trâu một bò...

- Trời đất ơi!

- Ừ, rầu lắm. Mới chết một con bò trong rừng rồi. Tao tiêu dzên luôn là cái chắc.

Đội hình đã bắt đầu đi. Vĩnh cố ngoái lại.

- Tao thăm rồi. Cần gì không?

- Mày tìm cách nói với mấy thằng bạn tao cho đồ kỳ rồi, hãy trả lại tao mùng mền chăn chiếu lon cóng linh tinh để tao dùng. Ngủ không mùng muỗi cắn quá!

CHƯƠNG BỐN MƯƠI

Trong khi công tác biến rừng thành ruộng trồng lúa trong kế hoạch gọi là "tiến lên sự tự túc thực phẩm của trại" vẫn tiến hành, thì Vĩnh lại một lần nữa phải ngưng tham dự công tác vinh quang ấy. Chứng sạn thận trở lại hoàn hành và làm anh bí tiểu hai ngày trời. Công tác mà nhà trao phó cho Vĩnh trong lúc đau ốm nằm tại trại là thu hoạch phân tươi để cung cấp cho đội rau xanh. Công tác này cũng nằm trong kế hoạch "phấn đấu tiến lên việc tự túc rau xanh" của cả trại.

Ngày hai lần, sáng và trưa, Vĩnh phải cùng một vài bạn tù già bệnh trong đội, trang bị đầy đủ đồ nghề còn hơn một anh mũi thung chuyên nghiệp gắp xia, để nhào tới dãy cầu tiêu nằm sát hàng rào phía đông trại 1 dành giật phân tươi với những tay già bệnh của các đội khác. Chỉ tiêu cho mỗi người trong ngày là 4 thùng phân lớn, mỗi thùng có dung tích quãng 20 ga-lông.

Công việc này không nặng nhọc nhưng có lẽ mang đầy đủ nhất bi kịch tính của xã hội mới. Thứ nhất, phải dành giật nhau cả đến những thứ cặn bã của con người. Thứ hai, sự đòi hỏi của chỉ tiêu luôn luôn vượt quá mức cung của bọn tù - những kẻ được ăn với khẩu phần của chuột mà vì nhu cầu "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc" lên xã hội chủ nghĩa đã bắt họ phải sản xuất ra những đống phân của những con voi!

Ông già có biệt hiệu lơ vơ lờ vờ Phạm Xuân Huy đạp nhằm một mảnh chai trong rừng gây một vết cắt lớn nơi bàn chân trái được nghỉ làm việc nhà với Vĩnh. Phạm Xuân Huy là một người bạn tốt, thật tốt. Anh từng là cựu chủng sinh một đại chủng viện và anh em ruột của anh đều là những linh mục công giáo. Hơn bốn mươi tuổi, được trang bị đạo đức và kiến thức đầy đủ, Huy chống Cộng một cách cụ thể nhất trong điều kiện hiện tại là thương yêu, an ủi, chia xẻ và giúp đỡ bạn bè từ vật chất đến tinh thần một cách vô điều kiện. Trong bất cứ khổ dịch nào, sau khi làm hết chỉ tiêu của mình anh lại lân la sang người yếu ốm để làm giúp một tay. Nhờ anh, rất nhiều anh em đau yếu, trong đó có Vĩnh tránh được tình trạng bị bọn quản giáo mạt sát hoặc bắt về làm tự phê tự kiểm gây phiền hà cho cả nhà vì cái tội không đạt chỉ tiêu.

Khi những tiếng kẻng báo thức vào lúc 5 giờ rưỡi sáng đua nhau rền vang khắp trại An Dưỡng, toán hốt phân nhà 2 gồm Vĩnh, anh Huy và ông Đáp chưa có quyền đánh răng xúc miệng như mọi người. Ba người phải bằng một tốc độ nhanh nhất phóng ra nơi tập trung đồ nghề lao động đàng sau phòng. Vì những thùng chứa phân đã được để sẵn phía sau dãy cầu từ đêm hôm trước, nên mỗi người chỉ cần chụp lấy một cái "phễu" rồi chạy đua ra dãy cầu tiêu với nhiều anh bạn của các nhà khác đội khác.

Cầu tiêu của trại 1 An Dưỡng có thể cũng tương tự như mọi cầu tiêu của các trại tù Cộng sản khác trên toàn quốc. Nó có mục tiêu chính không nhằm để phục vụ một trong tứ khoái của con người, mà là một nơi góp phần tích cực phục vụ nền kinh tế xã hội xã hội chủ nghĩa. Cầu tiêu gồm hai dãy bục gỗ cao một thước và trống thiên trống địa. Bên trên bục gỗ có khoét lỗ đủ rộng cho chất cặn bã của con người rơi xuống những thùng phuy cưa đôi đặt hứng phía dưới. Để phân được ròng, phía trước các lỗ đều có máng xối nhỏ dùng dẫn nước tiểu sang một thùng phuy khác.

Buổi sáng sau khi kẻng báo thức vang lên, non một ngàn tù của trại 1 thay nhau viếng thăm "lăng Bác". Một nghìn tù với 50 lỗ cầu nên họ phải xếp hàng rất nghiêm túc. Mỗi người một cái lon guigoz hoặc một cái chai đựng nước rửa cầm tay xếp hàng đứng đợi trông thật văn minh văn hóa!

Nhưng văn minh văn hóa hơn thì phải nói đến những anh hốt xia như Vĩnh. Vậy bọn hốt xia như Vĩnh hành động ra sao? Khi vác phễu (đồ hốt và hứng phân có cán dài quãng thước rưỡi) chạy tới xí phần được một cái thùng nào có phân nhiều nhất, người hốt phân sẽ múc lấy múc để đổ nhanh vào thùng của mình đã đặt sẵn từ đêm hôm trước. Khi phân đã cạn phải chạy ngay sang thùng khác. Thường có nhanh tay lắm cũng chỉ lấy kịp hai thùng là cao. Sau khi hàng ngũ những anh hốt phân đã dàn hàng ngang đều khắp những dãy cầu và bắt đầu thất nghiệp vì lượng phân đã cạn nhưng chưa đạt chỉ tiêu, họ phải đứng tại chỗ, nâng phễu lên gần đít người đang ngồi bên trên làm công tác phục vụ nền kinh tế xã hội xã hội chủ nghĩa. Đến giai đoạn này thì người hốt phân bắt đầu được hưởng những lời chửi ngọt ngào của bạn bè.

- Tiên sư cha mày! Hạ cái phễu quỷ quái của mày xuống thấp giùm chút đi.

- Ối trời đất ơi! Từ từ rồi múc dưới thùng. Người ta ỉa mà cứ dí cái quỷ ấy vào sát đít ai ỉa cho nổi! - Ý mèng ơi thằng khốn nạn! Mày ủi cái phễu dính đầy cứt vào đít tao rồi!...

Những anh hùng hốt phân trong tù, để đạt được chỉ tiêu và không bị kiểm thảo gây phiền toái cho cả nhà, mỗi ngày đều bị chửi những câu tương tự như vậy. Cũng vui thôi!

Sau khi khu cầu tiêu không còn người nữa, nếu ai đã đạt được chỉ tiêu 4 thùng thì cứ việc đậy nắp lại, lấy dây kẽm chằng cho chặt và lôi ra chỗ quy định bàn giao cho đội phụ trách xử dụng; riêng những anh chậm tay chưa đạt chỉ tiêu, phải lôi từng thùng dưới hầm cầu ra và nạo kỹ càng như người ta nạo... sái thuốc phiện!

Riêng nhà 2 công tác này chỉ là công tác chính của ông Inoxidable. Vĩnh và anh Huy chỉ làm nó như một công tác đột xuất. Thế nhưng sang tới ngày thứ hai, trong lúc Vĩnh vẫn chưa đạt nổi ba thùng thì anh Huy coi mòi đã rất thiện nghệ. Anh lấy đầy 4 thùng trong chớp mắt và lấy giùm luôn cho Vĩnh một thùng còn thiếu. Có lần vừa lấy phân vừa nghe bạn bè ngồi bên trên chửi bới, anh Huy đã hỏi Vĩnh.

- Này Vĩnh, tôi với ông đồng họ Phạm, chẳng hiểu có giây mơ rễ má gì với Thủ Phạm không? (Thủ Phạm: chữ tắt tù cải tạo hay dùng để gọi thủ tướng Phạm Văn Đồng). Nếu chẳng may có bà con, một ngày nào đó mình vồ được Thủ Phạm ông sẽ tính sao?

- Tính sao là sao?

- Trả thù hay tha?

- Trả thù chứ, thả thế quái nào được.

- Thế ông tính trả thù bằng cách nào?

- Ô hay, ông dân phòng Nhì hẳn phải nhiều sáng kiến hơn tôi chứ.

Huy cười.

- Đến ông mà còn ngộ nhận tôi! Tôi thề với ông dù là sỹ quan P2/TTM, bảy năm lính tôi chưa giết một con kiến. Ông tin không?

- Tin.

- Vậy ông là tay viết lách, giàu tưởng tượng, hãy nói tôi nghe cách trả thù của ông.

- Tôi chấm dứt hoàn toàn sự tưởng tượng rồi. Tôi sẽ hiện thực. Hiện thực cho đến ngày tôi chết.

- Thì trả thù một cách... hiện thực vậy. Cách nào?

- Mắt trả mắt, răng trả răng.

- Dở!

- Dở?

- Ừ.

- Vậy anh trả thù cách nào?

- Tôi sẽ không bắt Thủ Phạm ăn như súc vật, ở như súc vật, làm việc như súc vật, đấu tố nhau như súc vật. Tôi sẽ tạo mọi điều kiện sống tuyệt vời nhất cho hắn sống. Tôi sẽ cho hắn sống trong một biệt thự tân lập được trang bị đầy đủ nhất Việt Nam. Sơn hào hải vị. Mọi tiểu đội gái đẹp hầu hạ ngày đêm. Được đọc mọi loại sách báo đặc biệt. Được xem những băng tần truyền hình hoặc phim ảnh cũng đặc biệt. Nhưng...

Câu chuyện anh Huy kể bỗng thấy hấp dẫn, Vĩnh ngừng tay hỏi.

- Nhưng tất cả những phim ảnh và sách báo ấy đều có một đề tài nói về đời sống của chúng ta hiện nay?

Anh Huy mỉm cười, một nụ cười thật lạ lùng và bí ẩn mà từ trước Vĩnh chưa hề thấy trên khuôn mặt anh. Anh gằn giọng.

- Không. Tất cả gái hầu đều ở truồng. Tất cả sách báo đều là Play Boy, Pent House... và TV, phim ảnh đều là những phim sex. Hắn chỉ được ăn ngon mặc đẹp, chỉ được xem, nhìn và đọc. Tuyệt nhiên hắn sẽ không được hưởng một cái gì thêm nữa...

Vĩnh ngẩn ngơ một thoáng trước cái ý nghĩ trả thù lạ thường của anh Huy. Vĩnh nhìn anh. Anh đã quay lại với mấy thùng phân và yên lặng làm việc như trước. Thái độ của anh Huy làm cho Vĩnh có cảm giác anh vừa thoát qua một cuộc mộng du khác thường...

Vĩnh không được san xẻ những cảm giác hào hứng trong nghề hốt phân lâu hơn năm ngày. Căn bệnh sạn thận một lần nữa lại vật Vĩnh lè lưỡi và như một người may mắn nhất trong những người may mắn, Vĩnh lại được đi viện một lần nữa.

Sau khi hưởng một mũi thuốc vào thận như lần trước, Vĩnh còn được vào nước biển. Chính nhờ chai nước biển quốc doanh này mà Vĩnh có hy vọng nằm lâu. Anh bị sốc nước biển gần chết. Trước đây Vĩnh từng nghe nói đến việc Việt cộng dùng nước dừa tươi thay cho nước biển để tiếp trực tiếp vào máu những người bị thương nặng. Câu chuyện ấy có vẻ hơi hoang đường. Nhưng câu chuyện Vĩnh và một số bệnh nhân ở An Dưỡng được vào nước biển kiểu Việt cộng thì hoàn toàn không hoang đường chút nào. Sau khi bị sốc, Vĩnh ngủ thiếp gần một ngày trời. Khi thức dậy vào quãng 3 giờ chiều ngày hôm sau, không hiểu vì lý do gì, mặt Vĩnh sưng bụ lên như người bị phỏng nước. Những người nằm bên cạnh trông thấy hoàn cảnh của Vĩnh đều lắc đầu sợ hãi. Khi tỉnh dậy, Vĩnh thấy Cường đã ngồi bên cạnh mình. Nguyên một cẳng chân của Cường gần như đã ung thối hoàn toàn, và khi ra khỏi mùng, nó đều phải quấn quanh cẳng chân một miếng vải mùng đề phòng ruồi bu.

Cường đang ngồi cạnh Vĩnh, với một ly nước trên tay. Thấy Vĩnh mệt mỏi thức giấc, nó hỏi.

- Mệt không?

Vĩnh không trả lời chỉ hỏi lại.

- Tao ngủ lâu chưa?

- Từ chiều hôm qua.

- Không hiểu tụi nó chích cái gì cho tao mà kinh khủng quá.

- Chích gì đâu! Nước biển của Cách mạng đấy. Mày bị sốc gần chết không nhớ sao?

Sau đó, hỏi ra Vĩnh mới biết nước biển ở đây là thế nào.

Nước biển ở bệnh xá này có hai loại và chỉ được dùng trong trường hợp thật đặc biệt. Loại thứ nhất là loại "tồi tệ" của Mỹ ngụy để lại, chỉ được dùng cho người Cách mạng. Thản hoặc có dùng cho tù cũng chỉ được dùng trong một trường hợp đại giải phẫu mà thôi. Loại thứ hai là loại "dân tộc". Loại này được pha bằng đường bột Glucose với nước cất do tù tự làm lấy trong bếp bệnh xá. Việc cất nước này thật rùng rợn. Khi được lệnh chế nước biển, anh chàng Tính xuống bếp lấy cái nồi kho cá rửa sạch. Anh đổ đầy nước và bắc lên bếp nấu sôi. Bên trên cái nồi sẽ được đậy bằng cái vung đặc biệt có hai tầng cũng do Tính sáng chế. Nước từ tầng trên của nắp sẽ chảy theo vòi dẫn xuống một cái chai. Khi đã có nước cất, tên y sỹ Việt cộng sẽ trao cho Tính một trọng lượng đường Glucose cần thiết để pha vào chai nước cất. Cũng đề phòng nước đường bị tù lấy uống, tên y sỹ thường ra lệnh pha ít nước và nhiều đường để vào cho nhanh. Vĩnh bị sốc gần chết chính vì hôm qua độ đường Glucose đã được pha quá cao!

Vĩnh uể oải ngồi dậy. Anh muốn đi tiểu tiện. Lưng đau ê ẩm, Vĩnh cố gắng rời khỏi giường và tiến ra phía cửa sau của căn phòng. Anh đi qua mấy giường bệnh khác. Vì đang mùa thăm nuôi, hầu như ai cũng rình rang những túi đồ ăn được gia đình tiếp tế để ngay đầu chỗ nằm. Vĩnh mò xuống bếp. Bệnh xá phát cơm sớm nên đầu bếp Toàn đang sửa soạn đồ nghề phát cơm cho tù bệnh. Thấy Vĩnh, Toàn lên tiếng.

- Sao đau hoài vậy cha?

- Sao khỏe hoài vậy má?

Vĩnh không nói thêm. Anh lách người qua một khung cửa hẹp sau bếp và tiến ra dãy cầu tiêu nằm sát rào trại 4. Vĩnh vừa đứng tiểu một cách khó khăn, vừa ngó lung sang trại 4. Giờ này đang giờ lao động. Những anh bệnh ốm nằm nhà đang kín đáo sửa soạn những món ăn gia đình tiếp tế cho bữa chiều. Khu nhà bếp trại 4 khói bay mù mịt. Tổ anh nuôi có vẻ rất bực mình vì những người bệnh nằm nhà đã bu quanh bếp để nấu ké những lon gô đồ ăn.Thỉnh thoảng những tiếng la hét chửi bới, những tiếng cãi vả ầm ầm lại vang lên.

- Dẹp, dẹp, dẹp. Đá đổ hết bây giờ!

- Nấu nhờ tí mà.

- Nhờ cái đếch! Chảo cơm của cả trại có tí than để chín, mấy cha cào hết ra ngoài để nấu linh tinh thế kia, cơm sống chúng nó lao động về chửi sói đầu chúng tôi à?

- Trời đất ơi, sao mày tàn bạo quá vậy? Tao già rồi. Tao có tí nui nấu ăn sao mày đá đổ của tao?

- Trời ơi, cháy! Cháy cái nồi nhôm của ai rồi kìa!

Trong lúc đang ngó cái hoạt cảnh xảy ra bên bếp trại 4, một hoạt cảnh tương tự ở bất cứ bếp tù nào dưới chế độ quân quản, thì một tiếng nói nho nhỏ chợt cất lên bên tai Vĩnh.

- Phải tác giả Dạo Núi Mình Ta đây không?

Vĩnh quay phắt lại. Anh không nhận ra người đối diện vì cái mũ lưỡi trai đội xùm xụp trên đầu của anh ta. Người đối diện chợt mỉm cười. Anh ta tháo cái mũ xuống. Vĩnh chợt khẽ reo lên.

- Động Đình Hồ!

Người đối diện vẫn mỉm cười, một nụ cười mệt mỏi dù vóc dáng anh ta vẫn to gấp rưỡi Vĩnh. Anh nói.

- Lưu đầy ngộ cố tri.

Vĩnh gài cúc quần và bước ra khỏi cầu tiêu.

- Ông nằm đây à?

Nhà thơ Động Đình Hồ tức họa sỹ Nguyễn Hữu Nhật, người đang đứng đối diện với Vĩnh không trả lời câu hỏi. Anh ta nắm lấy tay Vĩnh, nói.

- Sắp tới giờ phát cơm rồi. Mình ra cái băng ghế kia ngồi nói chuyện.

Hai người tiến tới cái băng ghế kê ngoài sân gần bờ giếng và ngồi xuống bên nhau. Vĩnh hỏi.

- Ông đau ra sao? So với hồi tôi gặp ông ở tòa soạn Khởi Hành mấy năm trước không sút bao nhiêu...

Nhật cười.

- Coi vậy chứ tôi sút nhiều lắm. Ít nhất cũng trên mười ký.

Hai người ngồi chuyện trò. Vĩnh được Nhật cho biết anh được biên chế từ L3T5 Trảng Lớn về đây. Anh cũng cho biết thời ở L3T5 anh có cùng tổ với phóng viên Dương Phục, có gặp các anh Khuất Duy Trác, anh Đỗ Tiến Đức tác giả Má Hồng...Riêng Vĩnh, Vĩnh cho Nhật biết anh chưa từng gặp một anh em văn nghệ sỹ nào cả, ngoại trừ gần đây có Nguyễn Chí Kham nhắn tin cho biết là hắn đang ở trại 2, bên cạnh có cả nhà báo Dzoãn Bình; tuy nhiên đến ngày hôm nay Vĩnh vẫn chưa được gặp.

Chiều ấy ăn cơm xong, Vĩnh và Nhật lại ra đầu hồi nhà ngồi to nhỏ với nhau. Nhật cho Vĩnh biết nhiều tin tức sinh hoạt của anh em văn nghệ bên ngoài. Chẳng hạn nhà báo Uyên Thao đã vào bưng. Nhà văn Mai Thảo bị bắt vào khám Chí Hòa và đã anh dũng cắt gân máu tự tử để phản đối chế độ. Nguyễn Hải Chí vừa ra khỏi đề lao an ninh quân đội đã được Cách mạng hỏi thăm sức khỏe ngay. Ông Vi Huyền Đắc cáo bệnh già yếu nằm nhà. Ông Bùi Giáng bị đánh gần chết trên chung cư Minh Mạng vì lượm một bộ quân phục VNCH có lon trung tá mặc vào đi hiên ngang giữa đường. Bọn Cộng sản bắt cởi ra. Ông cãi vả ỏm tỏi và sau cùng bị chúng nện cho một trận nên thân...

Nhật kể lại nhiều chuyện kiêu hùng của anh em văn giới bên ngoài với giọng đầy kiêu hãnh khiến Vĩnh cảm thấy tự hổ. Sau cùng Nhật than thở.

- Chỉ có mình là hèn, hèn quá.

Vĩnh cũng ngậm ngùi.

- Mình hèn thật. Kết thúc một đời chiến binh bằng cái ô nhục đi nộp mạng này, muôn đời khó rửa.

Bỗng nhiên như nhớ ra chuyện gì, Nhật lên tiếng.

- À, tôi còn nghe ông Võ Phiến chạy được ra Phú Quốc, tàu trục trặc sao đó, không chạy thoát nên bị chúng vồ ngoài đó. Chẳng rõ sống chết ra sao...

Vĩnh hoàn toàn không biết tí gì về những chuyện này nên không thể góp bàn. Qua câu chuyện, Vĩnh biết Nhật cũng đã được bà Vinh vào thăm. Vợ chồng đều trong làng văn chắc sẽ biết được đủ chuyện. Vĩnh tin những chuyện Nhật nói có thể đúng.

Câu chuyện lại lan man qua đời sống ở đây. Những tháng ngày trầm luân khổ ải. Vĩnh ngậm ngùi nhìn ra vuông sân trại bệnh đã loang lổ một màu nắng chiều. Nếu không có những tiếng động ầm ĩ giờ sinh hoạt về chiều bên trại 4, quang cảnh ở đây sẽ đúng là một quang cảnh chết. Nhật bỗng ngâm khe khẽ một câu thơ.

Đứng không yên, ngồi không yên; Mà nằm thì sợ triền miên nỗi buồn...

Nghe câu thơ hay quá, Vĩnh hỏi.

- Ông có còn làm thơ đều được nữa không?

Nhật uể oải.

- Lâu lâu thôi. Dù hồn thơ chưa chết nhưng dường như nó bị đông đặc. Lâu lắm mới xón được một tí. Tôi mới làm được một vài đoạn đọc ông nghe chơi và xin cho biết ý.

- Thơ tình hay thơ gì?

- Muốn hiểu sao cũng được.

Nói đoạn Nhật ngâm.

Nếu phải chờ em mà hóa đá Thì anh cũng đợi hết đời anh Chỉ sợ ngày sau thành núi biếc Nghìn năm chẳng thấy dấu chân em...

Ngâm xong bốn câu, Nhật bỗng yên lặng. Vĩnh thúc.

- Tiếp đi chứ. Thú lắm. Thú vô cùng. Ông cứ yên tâm. Tôi hiểu cái em ở đây là cái em gì. Chẳng thể là một cái em huê tình đâu.

Dù được sự khuyến khích của bạn nhưng Nhật không ngâm tiếp nữa.Anh nói.

- Buồn quá. Ông có bài thơ nào lửa lửa một chút ngâm cho tôi nghe với.

Vĩnh thoáng nghĩ về thái độ của Nhật. Anh đoán chừng dù là bạn, trong hoàn cảnh này Vĩnh vẫn chưa đủ điều kiện để chứng minh với Nhật rằng sự moi ruột của anh ta ra cho Vĩnh xem không phải là một điều không nguy hiểm. Nghĩ thế, Vĩnh đồng ý ngay.

- Tôi sẽ đọc cho ông nghe một bài thơ của tôi. Tôi đang tính phổ nhạc nhưng chưa phổ xong. Nghe nhé. Đây là bài có tựa Tên Tiều Phu Quẫn Trí.

Nó đoạn Vĩnh lấy giọng đọc khẽ cho Nhật nghe bài thơ của anh.

Tên tiều phu quẫn trí Một sớm mai vào rừng Thuốc lào say bung khói Rồi cầm cái rìu lên.................

Khu rừng xưa đã cấm Là quế cam hàng hàng Chim nhiều năm đã sống Hạnh phúc cháu và con.................

Vĩnh đọc hết bài thơ rồi mà Nhật vẫn ngồi yên. Mãi một lúc sau anh mới lên tiếng.

- Tôi chịu cái ví von này lắm. Bây giờ tôi mới thấy cái tuyệt vời của Nhân Văn Giai Phẩm. Từ Ông Bình Vôi đến Con Ngựa Già Của Chúa Trịnh. Ông thấy không? Cách sơn đả ngưu tuyệt đến thế là cùng...

Màn đêm đã bắt đầu buông xuống. Hai người đồng ý quay vào trong lấy tí trà đun nước pha uống với nhau. Khi lon trà đã nấu xong, Nhật lại chạy về giường lấy ra mấy tán đường. Hai người ngồi nhâm nhi nói chuyện gẫu chờ giờ điểm danh của trại bệnh. Bỗng nhiên Nhật chỉ tay sang cái nền nhà xi măng nằm ngay góc trại bệnh tiếp giáp với cái giếng của trại 4, nói.

- Hồi tụi mình chưa biên chế về đây, trên cái nền nhà xi măng kia đã tắm máu anh em ta rất nhiều.

Vĩnh ngạc nhiên.

- Sao lại tắm máu? Có vụ tàn sát tập thể ở đây nữa sao?

- Hiện tượng thì chỉ là một tai nạn, nhưng bản chất thì đúng là một cuộc tắm máu tập thể.

Tiếp theo, Nhật kể cho Vĩnh biết trên cái nền nhà ấy cách đây hơn một năm, vào một buổi chiều muộn màng như thế này, một số anh em tù ngồi ăn cơm với nhau. Bỗng nhiên từ bên ngoài hàng rào có một kẻ lạ ném vào vuông sân một vật gì. Kế đó là một tiếng nổ đinh tai nhức óc. Bọn tù đang ăn cơm thốt nhiên biến thành những đống thịt bầy nhầy. Người chết cả chục, người bị thương cả mấy chục. Sau vụ nổ ấy, bọn chỉ huy trại cũng cho điều tra và tuyên bố rằng: Sở dĩ có tiếng nổ gây sát hại nhiều người là vì trong bọn cải tạo có kẻ lượm được lựu đạn ngoài khu lao động, đem về trại với ý đồ xấu xa. Do sự bất cẩn, lựu đạn phát nổ giữa khu ăn cơm của cải tạo viên trại 4, gây thiệt hại nặng nề về nhân mạng...

Tiếng thét điểm danh của trợ y Tính đã cất lên qua các dãy nhà của trại bệnh. Trước khi đứng lên trở về phòng, Nhật còn cho Vĩnh biết.

- Nhạc sỹ Minh Kỳ và một lô bác sỹ phe ta đã thọ tử trong lần bị ném lựu đạn ấy!

1      2      3      4      5      6      7      8      9       10      11      12      13      14

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét